Bổn nhân của ngũ ấm, đó là vọng tưởng.

Ngũ ấm bổn nhân, đồng thị vọng tưởng.
Cái gì là bổn nhân của ngũ ấm? Đó là vọng tưởng. Nếu quí vị quán chiếu thật sâu vào vọng tưởng quí vị sẽ thấy nó không có thực thể riêng biệt. Thực ra mẹ của vọng tưởng là năm uẩn. Từ năm uẩn mà có vọng tưởng. Nương nơi chơn mà vọng sanh khởi.

 

1. Vọng tưởng kiên cố thứ nhất: Sắc thân

Nguyên nhân ban đầu của thân thể quí vị là do cái tưởng của cha mẹ sanh ra. Bằng cánh nào mà quí vị có được cái thân hiện tiền? Cái thân ấy do đâu mà có? Có là do mọi thứ tưởng nơi cha mẹ quí vị. Trong kinh gọi là tưởng nhưng thực ra chính là tình. Nói rõ ràng hơn là một thứ xúc cảm. Vì loài noãn sanh do tưởng sanh ra, loài thai sanh do tình sanh ra.

Vì cha mẹ đã khởi cả tình lẫn tưởng nên mới có chuyện nam nữ. Tuy nhiên khi quí vị đang ở trong dạng thân trung ấm, nếu quí vị không khởi nên cái tình yêu mến mẹ và ghét cha, hoặc ghét mẹ và yêu thương cha, thì thân quí vị không thể hiện hữu được. Chính quí vị cũng vậy, mới ngay trong giai đoạn thân trung ấm thôi, mà quí vị đã có niệm tưởng về tình rồi.

Vì niệm tưởng về tình ấy, nên thân trung ấm của quí vị nhập vào thai người mẹ. Nếu quí vị không có niệm tưởng về tình ấy, thì quí vị không thể nhập thai và quí vị không thể có thân này. Nếu quí vị không có tình tưởng, thì thân tuyệt đối không thể nào hiện hữu. Làm sao mà có thể ra đời được.

Sinh mạng của quí vị có được là do nơi tưởng.Niệm tình tưởng ấy đã truyền sự sống đến cho quí vị. Nguyên nhân để quý vị có mạng sống là do các tình tưởng tương giao với nhau mà thành. Nếu quí vị không có niệm tưởng nào thì sự sinh tử sẽ chấm dứt. Khi tưởng ấm tiêu dung thì quý vị sẽ rời xa tất cả điên đảo mộng tưởng. Khi mọi vọng tưởng đều tiêu trừ rồi thì việc sanh tử nơi quí vị cũng chấm dứt luôn. Tại sao quí vị phải chịu trải qua sanh tử? Đơn giản là chỉ vì quí vị có quá nhiều vọng tưởng. Khi một niệm vọng tưởng dừng, thì niệm khác lại dấy lên giống như sóng, vọng tưởng sinh khởi kế tiếp nhau vô cùng tận, và nó khiến cho sinh mạng tương tục. Sắc thân hiện nay của quí vị, được gọi là vọng tưởng kiên cố thứ nhất.

 

2. Vọng tưởng hư minh thứ hai: Cảm Thọ

Hãy tưởng tượng chính mình đang đứng trên bờ dốc cao dựng đứng; chỉ cần nói và nghĩ về điều ấy thôi cũng đủ làm cho lòng bàn chân quí vị thấy rờn rợn và tê nhức rồi. Quí vị cảm thấy rất khó chịu như thể cẳng chân không nâng đỡ nổi cái thân và có cảm giác muốn té. Nếu quí vị đi trên bờ đá cao và nhìn xuống dưới vực sâu không đáy, thì lòng bàn chân của mình sẽ có cảm giác như tê cứng lại. Mặc dù quí vị không có nguy cơ bị té mà quí vị cũng có cảm giác như thể mình sắp bị rơi vậy. Cảm giác này sở dĩ xuất hiện trong mình là do vọng tưởng.

Khi mới sinh ra đời, quí vị bẩm thụ được sắc thân có hình và thể. Nên hiện tại quí vị theo đuổi những cảm thọ dễ chịu và khước từ những cảm giác khó chịu. Quí vị thích những thứ thuận lợi cho mình (thuận ích) và không ưa những gì tổn hại cho mình (vi tổn ).

Hai thứ cảm thọ, hai thứ vọng tưởng ấy thúc bách nơi thân quí vị , là lớp vọng tưởng thứ nhì. Đặc điểm của nó là hư minh. Hư nghĩa là không có thực. Đây là loại vọng tưởng thứ nhì.

 

3. Vọng tưởng hư minh thứ ba: Niệm tưởng

Khi niệm tưởng sinh khởi, nó có thể sai sử thân quí vị. Tại sao quí vị vừa khởi niệm thân liền theo niệm tưởng ấy mà hành động một cách tương ứng ngay liền? Ngay khi vừa khởi niệm thân quí vị liền muốn tương ứng ngay với vật tượng mà quí vị vừa tưởng ra. Tại sao hành động của thân lại hợp nhất với niệm tưởng?

Nhất niệm bất sanh toàn thể hiện, Lục căn hốt động bị vân già.”

Một niệm không sanh khởi, thể tánh toàn chân hiển bày. Sáu căn vừa động, chân tánh liền bị mây mờ che phủ. Nếu quí vị giữ cho mình được nhất tâm, thì thể tánh chân thật sẽ hiển bày. Cái dụng lớn vô biên của chân tánh là Như Lai tạng . Đó là của báu vốn có trong nhà của quí vị. Đó là quê hương xán lạn rộng khắp, là mặt mũi từ khi cha mẹ chưa sanh ra, khi sáu căn chỉ vừa dấy khởi một niệm rất vi tế, thì thân tâm liền bị vây phủ bởi mây mù.

Nếu hành giả tu tập đạt đến mức không còn một niệm tưởng nhỏ nhít nào nữa, thì quỷ thần không thể nào đến gần người ấy được nữa. Nếu như một niệm không sinh, thì chẳng có niệm diệt đi. Nếu quí vị không thể ngăn ngừa đừng cho niệm sanh khởi, thì quí vị không thể nào ngăn cản được niệm ấy diệt đi. Đây là điểm rất quan trọng. Nếu quí vị hiểu được quy luật này, thì trong tâm quí vị không còn vọng tưởng, thể tánh toàn chân hiển bày. Nhưng khi sáu căn vừa động, tâm quí vị liền bị vây phủ bởi mây mù ngay.

Khi thức là tưởng tâm, khi ngủ là chiêm bao, nên niệm tưởng lay động vọng tình của quí vị. Tính chất của nó là dung thông. Dung thông có nghĩa là cùng tác động lẫn nhau. Tưởng ấm vẫn hoạt động dù quí vị ngủ hay thức nên gọi tưởng ấm là “dung thông.” Có nghĩa hợp tác hỗ tương với nhau. Đây là vọng tưởng thứ ba và nó có liên quan với tưởng ấm.

 

4. Vọng tưởng hư minh thứ tư: Hành Ấm

Tiến trình chuyển hóa không ngừng. Ngày đêm tương tục với nhau. Đó là hành ấm , trôi chảy không ngừng như sóng gợn lăn tăn trên mặt nước. Khi niệm trước dừng, niệm sau liền sanh khởi. Khi niệm ấy qua đi, niệm kia liền đến. Nó sanh rồi diệt liên tục nhau.

Quá trình trao đổi và chuyển hóa này không bao giờ chấm dứt. Nó vận hành liên tục, không hề ngừng nghỉ. Sự chuyển biến liên tục ngày đêm, móng tay dài ra, tóc bạc, khí lực suy giảm, da nhăn. Nó còn chính xác hơn cả đồng hồ. Nếu quí vị không lên giây đồng hồ thì đồng hồ nó sẽ đứng máy. Nhưng nếu quý vị không lên giây” tiến trình chuyển hóa vật chất” ấy nó vẫn hoạt động như thường, trừ phi quí vị chết đi.

Tiến trình chuyển hóa theo đuổi quý vị suốt ngày đêm. Từ khi thiếu niên đến tráng niên, cho đến tuổi già cả đến lúc chết. Chết rồi lại tái sinh, rồi lại phải chết quí vị trải qua vô số lần sanh tử như vậy mà không hề biết rõ được nguyên lý này, vẫn cứ bước đi một cách rất hồ đồ đến suốt đời suốt kiếp. Mê mờ lúc sinh ra cho đến luôn cả lúc ra đi. Đó là những chi tiết về loại vọng tưởng từ hành ấm phát sanh.

Hành ấm hoạt động liên tục, nhưng sự nhiễu động vi tế ấy không dễ gì nhận ra. Nó bí ẩn mà mờ mịt, quí vị khó nhận ra được. Đây là loại vọng tưởng thứ tư liên quan với hành ấm.

 

5. Vọng tưởng hư minh thứ năm: Thức Ấm

Cuối cùng nơi chỗ sáng suốt tinh thuần lặng yên không dao động ấy là thường, thì thân quí vị chẳng thoát ra khỏi sự thấy nghe, hiểu biết.

Lúc này, quí vị sẽ cảm thấy sáng suốt, tinh thuần, trong lặng, không diêu động. Nếu quí vị cho đây là trạng thái thường hằng, thì những việc thấy nghe hiểu biết lẽ ra có trong thân quí vị.

Nếu nó thật sự tinh thuần, chân thật, thì nó đã không có các tập khí và vọng tưởng. Tập khí và vọng tưởng lẽ ra đã không sanh khởi.

Thí dụ như quí vị thấy một vật kỳ quái, nhưng sau nhiều năm, quí vị chẳng nhớ chẳng quên gì đến vật ấy nữa cả. Nếu quí vị nói rằng mình đã quên việc ấy, có nghĩa là quí vị vẫn còn một vài hồi ức về sự kiện đã xảy ra. Nhưng mà ở đây chẳng có việc nhớ quên gì về sự việc đó nữa cả.

Nhưng rồi sau đó bỗng nhiên thấy lại vật lạ ấy, quí vị liền nhớ lại vật ấy một cách rõ ràng không sót một chi tiết nào cả. Khi quý vị bỗng dưng thấy lại vật ấy, thì quí vị sẽ hồi tưởng lại làm sao mình biết được vật ấy, mình đã gặp vật này trong quá khứ và làm sao nó xuất hiện. Quí vị sẽ chẳng quên một chi tiết nào cả.

Làm sao mà ông có thể theo dõi được sự huân tập của từng niệm từng niệm ở trong tánh chất tinh thuần, sáng suốt không diêu động ấy.

Ở trong trạng thái trong suốt không diêu động ấy, có sự huân tập tiếp diễn liên tục trong từng niệm từng niệm, làm sao theo dõi được việc ấy? Làm sao người ta có thể hồi tưởng lại được mọi sự kiện?

Trước khi thấy lại vật ấy, quí vị không gợi lại nó, nhưng một khi quí vị đã gặp nó, quí vị tự động nhớ đến nó liền. Điều này chứng tỏ cho dù quí vị có tạm thời quên nó, nhưng thức thứ tám vẫn nhớ. Đó là lý do tại sao khi quí vị thấy vật ấy lại, quí vị liền nhớ ngay. Nó đã được lưu giữ trong thức thứ tám một cách tự nhiên.

Trạng thái yên tĩnh trong lặng, không diêu động đã được miêu tả ở trên không thực sự hoàn toàn tĩnh lặng. Như dòng nước chảy quá nhanh nên ở trên bề mặt thấy như yên lặng. Khi nhìn kỹ vào đó như thể không có sóng và nước chảy. Vì nước chảy quá nhanh nên không thấy được, chứ không phải là nước không chảy.

Vì không có sóng nên quí vị không thể thấy được nước đang trôi. Nhưng như thế không có nghĩa là không có sự trôi chảy. Nước vẫn chảy, nhưng quí vị không thấy vì không có sóng. Nếu không có vọng tưởng trong thức ấm , thì sẽ chẳng có ai bị ảnh hưởng và huận tập bởi vọng tưởng và tập khí.

Cho nên những khả năng thấy nghe hiểu biết của quí vị hiện nay đã xâu kết biết bao nhiêu tập khí hư vọng

Sự hoạt động của sáu loại tánh biết: thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, giác đều kết lại với nhau qua những tập khí rất vi tế, như một xâu chuỗi hạt. Những tập khí này rất nhỏ nhiệm và khó phát hiện ra.

====================

Năm loại ấm trên: sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm , hành ấm , thức ấm là do năm vọng tưởng tạo thành. Do đó nên năm thứ vọng tưởng này cũng phát sanh.

Nay quí vị muốn biết tầm mức sâu cạn từng lĩnh vực của năm ấm. Quí vị cần phải biết phạm vi của từng ấm sâu hay cạn, nó giống như cái gì? Ở đâu là giới hạn của chúng?

  1. Sắc và không là biên giới của sắc ấm
  2. Xúc và ly là biên giới của thọ ấm .
  3. Nhớ và quên là biên giới của tưởng ấm.
  4. Diệt và sanh là biên giới của hành ấm,
  5. Đứng lặng và hiệp với đứng lặng (với minh giác) thuộc về biên giới của thức ấm.

Cội nguồn của năm ấm này sanh khởi trùng điệp. Ngũ ấm sanh khởi từng lớp hỗ tương tuần hoàn với nhau, cùng hỗ trợ cho nhau. Sự sanh khởi hoại diệt hoại diệt xảy ra như thế nào? Một khi sắc chất biến mất, thì ấm trở thành không, nó sanh khởi từ thức, và sự hoại diệt bắt nguồn từ khi hình sắc tiêu trừ. Sanh Diệt là gì ?

Sanh, do thức ấm mà có.
Diệt, từ sắc ấm mà trừ.

Quí vị nên hiểu được quy luật này rõ ràng rồi. Khi quí vị đã ngộ đạo rồi thì phương pháp tu tập mà quí vị đã áp dụng xưa nay đều được ngưng lại. Cả ý niệm về ngộ cũng tiêu mất luôn. Nếu quý vị hiểu được nguyên lý này, thì ngay cả khái niệm liên quan đến Ngộ cũng tiêu dung.