Bồ Tát Phổ Hiền

Phổ – Thể tính cùng khắp là Phổ.
Hiền – tùy duyên thành đức
Đó là nguồn gốc danh hiệu của Bồ Tát Phổ Hiền

Bồ-tát Phổ Hiền giáo hóa hết thảy chúng sinh, không chỉ hóa độ chúng hữu tình mà tất cả hoa cỏ cây cối thuộc giống vô tình Ngài cũng đều độ hết, làm cho hữu tình và vô tình đều đồng viên Chủng trí, đồng thành Phật đạo, nên gọi là “Phổ Hiền”. Ngài còn muốn hóa độ tất cả hoa cỏ cây cối; quý vị xem, hạnh nguyện như thế rộng lớn biết bao! Thông thường chúng ta chỉ biết hóa độ con người, độ những loài có sinh mệnh, còn Bồ tát thì muốn độ đến cả những loài không có sinh mệnh. Hai chữ “Bồ-tát” lại có thể phiên dịch là “chúng sinh có tâm đạo rộng lớn”. Vì Bồ-tát cũng là một chúng sinh, chẳng qua đạo tâm của Ngài rộng lớn; Bồ-tát còn gọi là “người công khai” vì Bồ-tát làm việc gì cũng công khai, không có tâm ích kỷ, không có tâm tự lợi, không có tâm ganh ghét, không có tâm chướng ngại.

Hạnh nguyện mà Bồ-tát Phổ Hiền phát ra trong khi tu  hành là rất lớn, vì thế nên gọi là Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ-tát. Đạo truyền khắp vũ trụ gọi là Phổ; Đức đồng với bậc Thánh cao tột nhất gọi là Hiền (Đạo biến vũ trụ viết phổ, Đức lân cực thánh viết hiền). Ý nói đạo của Ngài truyền khắp vũ trụ, đức hạnh của Ngài tương đồng với bậc Thánh cao nhất.

Nếu ai muốn trọn nên công đức của Phật, thời phải tu mười điều hạnh nguyện rộng lớn. Đó là:
Nhất giả lễ kính chư Phật
Nhị giả xưng tán Như Lai
Tam giả quảng tu cúng dường
Tứ giả sám hối nghiệp chướng
Ngũ giả tùy hỷ công đức

Lục giả thỉnh chuyển Pháp luân
Thất giả thỉnh Phật trụ thế
Bát giả thường tùy Phật học
Cửu giả hằng thuận chúng sinh
Thập giả phổ giai hồi hướng.

 

Nhất giả lễ kính chư Phật: Một là kính lễ chư Phật. Hạnh nguyện thứ nhất là kính lễ chư Phật, chẳng phải chỉ là đảnh lễ Đức Phật Thích Ca hay Phật A-di-đà mà một lễ là tất cả lễ; một Phật là hết thảy Phật. Đảnh lễ một vị Phật chính là đảnh lễ tất cả các đức Phật, đảnh lễ tất cả các đức Phật chính là đảnh lễ một vị Phật. Đảnh lễ tất cả Phật mà không chấp tất cả Phật, đảnh lễ một Phật cũng không chấp vào một Phật, đó là thực hành “thật tướng bình đẳng lễ”. Dù là lễ hết thảy Chư Phật hay một vị Phật nhưng cũng không chấp vào tướng ấy. Không nên nói: “Lần này công đức của mình thật lớn, mình đã lễ nhiều Phật như thế, người khác tu không thể bì kịp mình”. Lễ Phật không nên chấp vào tướng, đó gọi là “kính lễ Chư Phật”.

 

Nhị giả xưng tán Như Lai: Hai là xưng tán Như Lai. Chúng ta tán thán Phật thì tự tính của chúng ta sẽ sinh công đức. Sinh công đức gì? Tự tính của mỗi người chúng ta đều có linh quang, quý vị tán thán Phật thì linh quang của tự tính sẽ xuất hiện chiếu phá si ám của tự thân. Nhờ công đức tán thán Phật, vô hình trung quý vị sẽ không tạo tội nghiệp, không khởi vọng tưởng. Vọng tưởng của quý vị giảm đi một phần thì ánh sáng trí tuệ đã hiển lộ nhiều thêm một phần. Vì sao người tu đạo sợ khởi vọng tưởng? Chính là vì điểm này. Quý vị vừa khởi vọng tưởng thì tự tính của quý vị giống như bị quét lên một lớp đen; nếu không khởi vọng tưởng thì ánh sáng tự tính của quý vị sẽ được hiển bày càng lúc càng sáng. Lúc tán thán Phật là trong lòng quý vị hoan hỷ với Phật, vui mừng với Phật là hòa hợp vào ánh sáng trí tuệ của Phật nên ánh sáng tự tính của quý vị cũng sẽ được hiển lộ. Hoặc là xưng tán.

A-Di-Đà Phật thân kim sắc,
Tướng hảo quang-minh vô đẳng-luân,
Bạch hào uyển-chuyển ngũ Tu-di,
Cám mục trừng thanh tứ đại hải,
Quang trung hóa Phật vô số ức,
Hóa Bồ-tát chúng diệc vô-biên,
Tứ thập bát nguyện độ chúng-sanh,
Cửu phẩm hàm linh đăng bỉ ngạn.

 

Tam giả quảng tu cúng dường: Ba là rộng tu cúng dường.  “Rộng” là rộng lớn, “tu” thì phải thực hành, thực hành cúng dường một cách rộng lớn. Cúng dường có rất nhiều loại như: Đem thân cúng dường, đem tâm cúng dường, đem thân tâm để cúng dường. Thế nào là đem thân cúng dường? Giống như hai chúng đệ tử xuất gia của Phật là những người đem thân cúng dường Chư Phật, đem thân làm Phật sự, đem thân tu hành Phật pháp. Những vị này không chỉ đem thân cúng dường mà có thể nói là còn đem tâm cúng dường, dụng tâm chân thật tu hành Phật pháp, ngày ngày lạy Phật, tụng kinh, bái sám, niệm niệm chẳng quên, luôn hoan hỷ tu hành Phật pháp, đem hết thân tâm cúng dường Chư Phật. Lại như đa phần những cư sĩ tại gia tranh thủ lúc rảnh đến chùa dâng hương lễ Phật, đó cũng gọi là đem thân tâm cúng dường. Hoặc có người bận suốt, không có thời gian đến chùa, mỗi ngày ở nhà dụng tâm thành kính dâng hương lễ Phật, thực hành phép quán tưởng lễ Phật, đó cũng gọi là đem thân tâm cúng dường. Hoặc là có người do nhiều hoàn cảnh khác nhau như đường sá xa xôi thì cũng có thể dùng cách đem thân và tâm cúng dường như thế. Hoặc có người cúng dường hương hoa; hoặc có người thắp sáng đèn, nến cúng dường Phật; hoặc có người cúng dường trái cây, y phục mới… có vô số cách cúng dường như thế.

Cúng dường vốn có mười loại, từ mười loại cúng dường biến thành một trăm loại, một trăm loại biến thành một nghìn loại, một vạn loại cúng dường, đó gọi là rộng tu cúng dường. Chúng ta đối trước một vị Phật cúng dường, nên quán tưởng sự cúng dường biến khắp pháp giới vô lượng vô biên Chư Phật. Trước mỗi một vị Phật đều có thân ta ở đó tác pháp cúng dường. Quý vị quán tưởng như thế gọi là cúng dường khắp cả pháp giới. Cúng dường pháp giới thì thành tựu công đức như pháp giới, thành tựu công đức pháp giới thì đạt được trí tuệ như pháp giới, đạt được trí tuệ pháp giới thì viên thành quả vị như pháp giới. Do đây, rộng tu cúng dường chính là cúng dường bằng tất cả khả năng của mình. Quý vị có bao nhiêu năng lực đều tận dụng hết để cúng dường Phật, cúng dường Pháp, cúng dường Tăng. Bồ-tát Phổ Hiền đã tu tập hạnh môn như thế, Ngài tu hạnh cúng dường Tam Bảo một cách rộng lớn.

 

Tứ giả sám hối nghiệp chướng: Bốn là sám hối nghiệp chướng: “Sám” là ăn năn lỗi trước, cải đổi những lỗi lầm trước đây; “hối” là chừa bỏ lỗi sau, từ nay về sau không tái phạm những lỗi lầm ấy nữa. Cho nên sám hối có thể nói là những lỗi đã sinh làm cho nó đoạn diệt, những việc ác chưa sinh không cho nó sinh khởi và cũng có thể nói là những việc thiện đã sinh làm cho nó tăng trưởng, những việc thiện chưa sinh khiến nó phát sinh. Những việc thiện đã sinh khiến cho nó tăng trưởng mãi không dứt, những việc thiện chưa sinh khiến cho nó sinh mãi không ngừng. “Nghiệp” có rất nhiều loại, nghiệp chướng là một trong tam chướng. Tam chướng là nghiệp chướng, báo chướng và phiền não chướng. Nay nói sám hối nghiệp chướng cũng chính là sám hối báo chướng, sám hối phiền não chướng.

Nghiệp chướng quy kết lại có ba loại là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Nghiệp do thân tạo là nghiệp giết hại, nghiệp trộm cắp và nghiệp dâm dục. Sát sanh, nói một cách cụ thể là giết hại những loài vật lớn; nói sâu một tí là giết hại những loài vật nhỏ nhít như con kiến, con muỗi, con ruồi…, đó cũng gọi là giết. Ngoài việc giết hại những loài lớn, bé ra còn có giết bằng ý niệm. Sao gọi là giết bằng ý niệm? Tuy quý vị không có giết thật sự nhưng trong tâm của quý vị đã khởi ý niệm giết, nếu y cứ vào tánh giới thì đã phạm giới sát rồi. Tự tính vốn không giết hại, nhưng trong tâm quý vị đã khởi niệm giết thì đối với giới Bồ-tát xem như đã phạm giới. Quý vị khởi lên một niệm giết, nhân giết, duyên giết, cách thức giết, nghiệp giết, đó đều gọi là phạm giới.

Trộm cắp cũng như thế. Trộm lớn là xâm chiếm đất nước của người khác, trộm nhỏ là lấy tài sản nhà người và trộm nhỏ hơn nữa là lấy một cây kim, một sợi chỉ, một ngọn cỏ, một cái cây của người. Nói chung, những gì người ta không cho mà mình tự lấy đều gọi là trộm.

Nghiệp dâm dục cũng có lớn có nhỏ, có thô có tế, cho đến trong tâm khởi một niệm dâm dục thì ở nơi tự tính đã không thanh tịnh rồi.

Ý có ba điều ác là tham, sân, si; có nghiệp do tâm tham tạo nên, có nghiệp do tâm sân tạo nên, nghiệp do tâm si tạo nên. Miệng có bốn điều ác là nói lời thêu dệt, nói lời dối gian, nói lời hung ác, nói lời đâm thọc. Vô số hành vi đều là nơi tạo ra nghiệp tội. Nay chúng ta đều phải phát tâm sám hối, nguyện những tội lỗi đã tạo từ nay về sau không dám làm nữa, đoạn dứt hẳn; những điều ác chưa làm thì không để cho nó phát sinh. Đó gọi là sám hối nghiệp chướng. Cách thức sám hối như thế nào? Đối trước Phật thành khẩn tha thiết, thống thiết rơi lệ, bi ai cầu xin sám hối. Quý vị thật tâm sám hối thì nghiệp chướng tự sẽ tiêu trừ.

 

Ngũ giả tùy hỷ công đức: Năm là tùy hỷ công đức: “Tùy” nghĩa là thuận theo hay theo cùng, “hỷ” là hoan hỷ, “công” là công đã lập được, “đức” là đức hạnh đã làm. Tùy hỷ cũng có thể gọi là người khác vui theo những công đức mình đã làm, cũng có thể nói là mình vui theo những công đức mà người khác đã làm. Quý vị muốn sám hối nghiệp chướng nhất định phải tùy hỷ công đức, muốn vun trồng vô vàn công đức thì phải sám hối nghiệp chướng của mình. Nếu nhất thời nghiệp chướng chưa thể tiêu trừ thì nên tạo thêm công đức, cho nên nói tùy hỷ công đức cũng chính là sám hối nghiệp chướng, sám hối nghiệp chướng cũng chính là tùy hỷ công đức. Đã như thế sao lại còn phân nguyện thứ năm là tùy hỷ công đức? Vì nguyện thứ tư là chuyên về sám hối nghiệp chướng, quý vị muốn sám hối nghiệp chướng nên đồng thời thực hiện tùy hỷ công đức ở nguyện thứ năm. Tùy hỷ công đức đã bao hàm cả việc làm hết thảy điều thiện. Tất cả những công đức lành, quý vị nên tùy hỷ; tất cả những việc tội nghiệt lỗi lầm, quý vị không nên làm.

Thế nào là tùy hỷ công đức lành? Như có người đề nghị làm một việc có lợi ích cho mọi người, làm việc tốt gọi là thiện. Thế nào là lập công? Công nghĩa là cộng vậy, tức những việc công cộng; việc chung của mọi người, những việc như thế quý vị nên làm nhiều một chút. Quý vị xem chữ công () là chữ công () của công việc, lại thêm vào bên cạnh một chữ lực (), ý nói quý vị phải ra sức, đặc biệt khi làm những việc chung, quý vị nên làm hết sức mình. Hiện nay những việc chung đa phần đều do chính phủ làm. Thí như sửa cầu, bồi lộ… đều là những chỗ để lập công. Những việc quý vị làm đem đến lợi ích cho mọi người đều gọi là công. Công là những việc làm còn được lưu lại và thường mọi người có thể nhìn thấy được. Khi làm một việc chung thường có lưu lại một biểu tượng khiến mọi người nhìn vào đều biết việc đó là do ai làm, giống như quý vị xây dựng một số phòng học cho một ngôi trường nào đó thì tên của quý vị sẽ được khắc lên cổng trường, đó gọi là lập công.

Đức: Hạnh có được ở nơi tâm gọi là đức. Những việc quý vị làm khiến trong lòng quý vị sinh hoan hỷ, đó chính là đức. Thường quý vị lập công, mọi người đều sẽ biết, nhưng với đức hạnh thì mọi người không hẳn biết được. Đức có phân hiển đức và mật đức. Hiển đức là công việc quý vị làm khiến cho mọi người đều rất vui mừng và đều biết đến một cách rõ ràng. Mật đức là việc quý vị làm đem đến lợi ích cho mọi người, nhưng thường mọi người không hề biết. Như người có thần thông âm thầm theo giúp đỡ tất cả chúng sinh, nhưng mọi người đều không hề biết, đó chính là mật đức.

Tùy hỷ công đức là tự mình làm việc tốt nên khiến cho người khác cũng phát tâm làm theo, đó gọi là người khác tùy hỷ công đức của mình; người khác làm việc tốt, quý vị biết được nên cũng đem sức của mình trợ giúp họ, đó gọi là mình tùy hỷ công đức của người khác. Tùy hỷ công đức không chỉ tùy hỷ chính mình mà còn tùy hỷ người khác, cho đến tùy hỷ theo tất cả các công đức lành mà chúng sanh trong pháp giới đã làm với tâm hoan hỷ, hễ là việc lành quý vị đều nên giúp làm.

Tùy hỷ công đức còn có tùy hỷ công đức của Phật, công đức của Bồ-tát, công đức của Thanh Văn, Duyên Giác, tùy hỷ hết thảy công đức của chúng sinh. Thế nào gọi là tùy hỷ công đức của Phật? Thí như quý vị giảng kinh, thuyết pháp, giáo hóa chúng sinh, đó là tùy hỷ công đức của Phật. Quý vị đề xướng dạy người thực hành sáu độ, muôn hạnh, thực hành Bồ-tát đạo, đó là tùy hỷ công đức của Bồ-tát. Quý vị đề xướng dạy người tu Mười hai nhân duyên, đó là tùy hỷ công đức của Duyên Giác. Quý vị dạy cho mọi người đều biết tu pháp Tứ đế, đó là tùy hỷ công đức của Thanh Văn. Quý vị tùy hỷ trời, người tu ngũ giới, thập thiện, đó gọi là tùy hỷ công đức của trời và người. Giảng về tùy hỷ công đức thì vô cùng vô tận, nay tôi chỉ lược giảng đại ý như thế.

 

Lục giả thỉnh chuyển Pháp luân: Sáu là thỉnh chuyển pháp luân. Pháp luân là gì? “Luân” nghĩa là chiết phục. Bánh xe pháp này có thể nhiếp phục thiên ma ngoại đạo, làm cho chính pháp tồn tại lâu dài. Sau khi Phật thành đạo, ba lần chuyển bánh xe pháp Tứ đế độ năm vị Tỳ-kheo, đó gọi là chuyển pháp luân. Thỉnh Phật, Bồ-tát, Thanh Văn, Duyên Giác, La-hán thuyết pháp, thỉnh pháp sư thuyết pháp đều gọi là thỉnh chuyển pháp luân. Giống như chúng ta mỗi ngày giảng kinh, có hai vị cư sĩ hay pháp sư ra trước thỉnh pháp, đó là hạnh nguyện thỉnh chuyển pháp luân thứ sáu của Bồ-tát Phổ Hiền. Thỉnh chuyển pháp luân có lợi ích gì? Trên thế giới này nếu có người chuyển pháp luân thì ma vương không dám xuất hiện, nếu không có người chuyển pháp luân thì ma vương sẽ xuất hiện trên thế gian. Đó là một điểm, lại còn nếu hiện tại quý vị thỉnh pháp thì công đức của việc chuyển pháp luân này đều nhờ sự thỉnh pháp của quý vị mà được thành tựu, quý vị có được công đức chuyển pháp luân rồi thì trí tuệ sẽ khai mở. Lại nữa, thỉnh chuyển pháp luân cũng chính là tùy hỷ công đức. Vì quý vị thỉnh pháp sư giảng pháp cho mọi người nghe, đem đến lợi ích cho mọi người thì trong việc làm đó đã có sự tùy hỷ công đức. Thế nên mười hạnh nguyện lớn này luôn có sự liên kết với nhau, như quý vị muốn sám hối thì phải tùy hỷ công đức, muốn tùy hỷ công đức thì phải thỉnh chuyển pháp luân. Thỉnh chuyển pháp luân là một cách tùy hỷ công đức lớn nhất.

Không chỉ giảng kinh thuyết pháp mới gọi là chuyển pháp luân mà hễ làm bất kỳ việc có liên quan đến Phật giáo cũng đều gọi là chuyển pháp luân. Giống như in ấn bản kinh này cho mọi người xem cũng gọi là chuyển pháp luân. Quả Tiền đề nghị cho ghi lại bài giảng cũng là chuyển pháp luân; nay máy ghi âm đang ghi lại pháp âm cũng gọi là chuyển pháp luân; quý vị phiên dịch kinh điển cũng gọi là chuyển pháp luân. Những người đang ghi chép ở đây, ghi chép rõ ràng sau này sẽ giảng lại cho mọi người nghe, đó là đang chuẩn bị chuyển pháp luân. Chúng ta tụng kinh, lạy kinh cũng là chuyển pháp luân. Hễ quý vị ở trong Phật giáo, làm những việc lợi ích cho Phật giáo đều gọi là chuyển pháp luân. Quý vị xem mấy chữ Hoa trước mặt chúng ta cũng là đang chuyển đại pháp luân. Mỗi tối chúng ta giảng kinh cũng là chuyển pháp luân; ban ngày ngồi thiền cũng là chuyển pháp luân. Tất cả các cách trên đều là một dạng của chuyển pháp luân. Hiện nay chúng ta ở đây nghe pháp cũng là đang chuyển pháp luân, chỉ cần quý vị hiểu rõ, đó chính là thỉnh chuyển pháp luân. Nếu quý vị không hiểu rõ, cảm thấy công việc này quá vất vả, quá cực khổ thì đó là sợ chuyển pháp luân.

 

Thất giả thỉnh Phật trụ thế: Bảy là thỉnh Phật trụ thế: Phật ra đời, trụ ở đời, sau cùng nhập Niết-bàn. Lúc Phật ở đời, thế gian giống như có ánh mặt trời, khắp nơi đều sáng rỡ; Phật nhập Niết-bàn, thế giới trở nên tăm tối. Vì thế Bồ-tát Phổ Hiền mới phát đại nguyện thỉnh Phật thường trụ ở đời, đừng vào Niết-bàn. Phật luôn toại nguyện cho chúng sinh, nếu tất cả chúng sinh đều thỉnh Phật ở đời thì ngài sẽ không nhập Niết-bàn. Nếu không có chúng sinh nào thỉnh Phật ở đời thì sau khi hoàn thành việc giáo hóa những chúng sinh đáng được giáo hóa, Ngài sẽ vào Niết-bàn, nên nguyện thứ bảy của Bồ-tát Phổ Hiền là thỉnh Phật ở đời.

 

Bát giả thường tùy Phật học: Tám là thường học theo Phật: Bồ-tát Phổ Hiền lại phát nguyện luôn theo bên Phật học Phật pháp. Phật pháp mênh mông, nhưng chúng ta học Phật pháp đừng nên sợ nhiều. Chúng ta học Phật pháp càng nhiều thì trí tuệ càng lớn. Như Tôn giả A-nan, vì sao sức ghi nhớ của ngài tốt như vậy? Nên nói: “Phật pháp như biển lớn, chảy vào tâm A-nan” (Phật pháp như đại hải, lưu nhập A-nan tâm). Vì sao Phật pháp lại giống như nước ở trong biển lớn, tất cả đều chảy vào tâm Tôn giả A-nan? Vì Tôn giả A-nan đời đời kiếp kiếp đều chú trọng đa văn nên sức ghi nhớ của Ngài mới được tốt như thế. Trong ý nghĩa “thường học theo Phật” còn bao hàm ý nghĩa không nên giải đãi, lười biếng, hôn trầm; phải chuyên cần tu giới, tuệ, định, dứt hẳn tâm tham, tâm sân, tâm si. Nếu quý vị có thể chuyên cần tu tập giới, định, tuệ, dứt hẳn tham, sân, si, đó chính là thường học theo Phật.

 

Cửu giả hằng thuận chúng sinh: Chín là hằng thuận chúng sinh: Chữ “hằng” này ý nghĩa tương đương với chữ “thường”, chính là thường hằng không thay đổi. “Thuận” là thuận nương, nương vào cảnh giới chúng sinh. Chúng sinh đều điên đảo, thế có phải quý vị sẽ thuận theo sự điên đảo của chúng sinh? Chúng sinh căn bản không có tri thức, nếu quý vị thuận theo những chúng sinh không có tri thức ấy, chẳng phải cũng cùng đi trên con đường ngu si sao? Hằng thuận chúng sinh là thuận theo tập quán của chúng sinh để cứu họ ra khỏi dòng chảy ngược, đó gọi là hằng thuận. Vì sao nói cứu chúng sinh ra khỏi dòng chảy ngược? Vì chúng sinh đều là điên đảo, điên đảo chính là chảy ngược dòng. Giống như nước chảy xuôi về Đông, quý vị bơi thuyền đi ngược lại từ Đông lên Tây, đó gọi là ngược dòng. Nếu quý vị thuận theo chúng sinh thì không thể thành Phật, quý vị nếu muốn thành Phật thì không thể thuận theo chúng sinh. Thế Bồ-tát Phổ Hiền sao lại thuận theo chúng sinh? Đó là Ngài muốn từ trong dòng ngược đưa chúng sinh xuôi về dòng thuận, cứu họ ra khỏi dòng ngược. Nên nói: “ngược dòng chảy lục trần của phàm phu vào dòng Pháp tính của Thánh nhân” (Nghịch phàm phu lục trần lưu, nhập Thánh nhân Pháp tính lưu), đó gọi là hằng thuận chúng sinh. Nếu không như thế, quý vị thuận theo chúng sinh, họ vui thích tạo nghiệp, lẽ nào Bồ-tát như quý vị lại tạo tội theo họ? Chúng sinh còn mê hoặc, do mê hoặc nên tạo nghiệp, tạo nghiệp thì phải chịu quả báo (khởi hoặc, tạo nghiệp, thọ báo). Thế quý vị cũng khởi mê hoặc theo chúng sanh, tạo nghiệp và chịu quả báo? Đó chẳng phải là đã biến thành chúng sinh rồi ư?

Hằng thuận chúng sinh là thường giáo hóa chúng sinh không hề nhàm chán, làm cho chúng sinh bỏ mê về giác, xa lìa đường mê đạt đến giác ngộ, thế nên hằng thuận chúng sinh cũng chính là tinh tấn ba-la-mật, tinh tấn ba-la-mật là không không hề phiền chán chúng sinh tạo tội. Chúng sinh tạo ra rất nhiều tội nghiệp, Phật cũng không ghét bỏ họ, sẽ không thốt lên: “Ô! ông là chúng sinh tạo nhiều tội nghiệp như thế,  ta sẽ không độ ông, để ông đọa địa ngục!”. Phật không có tâm như thế. Dù chúng sinh có tạo tội nghiệp, Phật cũng chỉ dùng một tâm từ bi, hỷ xả để cứu độ họ. Đó là chân chính tinh tấn ba-la-mật.

Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn đang hành đạo Bồ-tát, có một kiếp Ngài ở trên núi tu hạnh bố thí tinh tấn ba-la-mật. Có một lần, trời đổ tuyết lớn trong nhiều ngày, tất cả cảnh vật trên núi đều chìm trong biển tuyết. Có một con hổ mẹ dẫn theo một chú hổ con đi tìm mồi nhưng chẳng có. Mắt nhìn chú hổ con đói sắp chết, hổ mẹ cũng đói đi không nổi. Đức Phật Thích-ca-mâu-ni nhìn thấy, bèn nghĩ: “Ta nguyện đem thân mình bố thí cho hổ ăn, nguyện chúng sau khi ăn thịt ta xong phát tâm Bồ-đề, thành đạo vô thượng”. Phát nguyện rồi, Ngài liền cởi bỏ y phục, nhảy xuống bên cạnh con hổ làm mồi cho chúng ăn. Đó là bố thí ba-la-mật, cũng là tinh tấn ba-la-mật, vốn là một phần của hằng thuận chúng sinh. Phật hằng thuận chúng sinh là như thế, còn chúng ta hằng thuận chúng sinh thì phải giáo hóa họ, không thể nói: “Bồ-tát Phổ Hiền nói phải hằng thuận chúng sinh nên có chúng sinh hút chích, tôi cũng hút chích theo họ; có chúng sinh nhậu nhẹt, tôi cũng nhậu nhẹt theo; có chúng sinh làm việc mê lầm, tôi cũng làm chút việc mê lầm như họ”, đó không phải là hằng thuận chúng sinh. Hằng thuận chúng sinh là đưa chúng sinh ra khỏi đường mê, cảm hóa chúng sinh đến với chúng ta, cùng chúng ta tu đạo, đó mới là hằng thuận chúng sinh. Quý vị không nên hiểu lầm “hằng thuận chúng sinh” là cùng chạy đua với chúng sinh, chạy mãi đến nỗi quên mất nhà mình, chẳng biết đâu là quê hương của mình.

 

Thập giả phổ giai hồi hướng: Mười là hồi hướng khắp cả. “Phổ” là cùng khắp, “giai” là hoàn toàn. “Phổ giai hồi hướng” là tất cả những việc làm được đều xin hồi hướng. Hồi hướng đến ai? Hồi hướng đến Chư Phật. Những công đức làm được mỗi ngày đều hồi hướng về Chư Phật. Vì thế nên nói:

Nguyện đem công đức này
Trang nghiêm cõi nước Phật
Trên đền bốn ân nặng
Dưới cứu khổ ba đường

Nếu có ai thấy nghe
Đều phát tâm bồ-đề
Hết một báo thân này
Đồng sinh nước Cực Lạc.

Đó chính là hồi hướng. Hồi là quay lại, là xoay vào bên trong; hướng là hướng ra bên ngoài. Trước phải quay lại, sau đó mới có thể hướng ra bên ngoài. Hồi hướng về đâu? Mỗi mỗi chúng ta đều từ phàm phu hướng đến thánh nhân, tức là từ chúng sinh hướng đến Chư Phật. Hồi phàm hướng thánh, đó là hồi hướng; hồi chúng sinh hướng Phật; hồi sự hướng lý; hồi tiểu hướng đại; hồi tự hướng tha, đó đều là hồi hướng.

Thế nào gọi là hồi tự hướng tha? Thí như chúng ta làm những việc tốt, rồi đem công đức của những việc làm ấy hồi hướng cho bạn bè của mình, khiến họ phát tâm Bồ-đề, thành vô thượng đạo, đó gọi là hồi tự hướng tha. Hồi sự hướng lý là ta làm công việc ấy tuy có hình tướng, nhưng ta phải hướng đến lý của nó, lý vốn vô hình, đem công đức hữu hình hồi hướng khắp pháp giới vô cùng tận. Hồi tiểu hướng đại là trước đây mình tu học pháp Tiểu thừa, nay không tu pháp Tiểu thừa nữa mà đổi lại tu theo pháp Đại thừa, đó gọi là hồi tiểu hướng đại.

Lại ví như chúng ta ngày ngày giảng kinh là bố thí pháp, đó là sự bố thí thù thắng hơn tất cả các sự bố thí khác, có thể nói là công đức còn lớn hơn đem bảy báu bố thí cùng khắp tam thiên đại thiên thế giới. Công đức ấy tuy lớn như thế nhưng bản thân tôi không cầu, mà nguyện đem công đức giảng kinh, thuyết pháp, chuyển đại pháp luân để trang nghiêm tịnh độ của chư Phật trong mười phương. Trên báo đáp công ơn của trời đất, quốc vương, cha mẹ, thầy tổ; dưới cứu tế sự khổ não trong ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu như có ai có duyên gặp được pháp hội giảng kinh này, nghe được pháp này nên mau chóng phát tâm Bồ-đề, đợi sau khi báo thân trong hiện tại này hết, chúng ta sẽ cùng vãng sinh về cõi nước Cực Lạc. Đây chính là hồi hướng. Nguyện thứ mười của Bồ-tát Phổ Hiền là hồi hướng khắp cả, tất cả những công đức có được Ngài đều hồi hướng đến chư Phật.