Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thăng Lên Ðỉnh Núi Tu Di

Kinh Hoa Nghiêm

Đại Phương Quảng Phật

giảng giải

Phẩm Thăng Lên Ðỉnh Núi Tu Di

Hòa Thượng TUYÊN HÓA
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Ðịnh

— o0o —

Phẩm Thứ 13

Núi Tu Di nằm chính giữa bốn đại châu (Ðông Thắng Thần Châu, Nam Thiệm Bộ Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Bắc Câu Lư Châu), dùng kim cang làm nền móng. Trong biển có tám vạn bốn ngàn do tuần. Phía ngoài núi Tu Di là biển Hương Thủy (biển nước thơm), bao bọc núi Tu Di. Có bảy tầng biển Hương thủy chảy chung quanh, có bảy tầng núi vàng bao bọc. Phía ngoài núi vàng của tầng thứ bảy thì có biển nước mặn. Phía ngoài của biển nước mặn thì có núi Thiết Vi.

Diện tích tầng thứ hai là tám ngàn do tuần. Diện tích của tầng thứ ba là bốn ngàn do tuần. Diện tích của tầng thứ tư là hai ngàn do tuần. Lại có bốn thứ màu sắc, đó là: Màu vàng, màu bạc, màu kim cang, màu lưu ly.

Trời Tứ Thiên Vương ở lưng chừng giữa núi Tu Di. Trời Ðao Lợi ở trên đỉnh núi Tu Di. Ðỉnh núi này đều là nơi người trời và bậc Thánh nhân ở. Vì chưa lìa khỏi đất, cho nên gọi là địa cư Thiên.

Tu Di dịch là Diệu Cao. Từ hai chữ diệu cao mà nhìn, thì tòa núi này khả hữu khả vô (có thể có, có thể không). Lúc nhìn thấy thì chẳng thấy đỉnh của nó; lúc chẳng thấy thì núi vẫn sừng sững. Tại sao ? Vì là diệu cao ! Ðỉnh núi đó ngoài các vị tiên và Thánh nhân dùng thần thông mới đến được đỉnh, còn các phàm phu chẳng đến đỉnh được. Vì nó là cảnh giới diệu không thể tả, cho nên gọi là núi Diệu Cao.

Phật Thích Ca Mâu Ni, từ Điện Phổ Quang Minh thăng lên đỉnh núi Tu Di, để vì chư Thiên mà diễn nói diệu pháp của kinh Hoa Nghiêm. Song Ngài chẳng động tòa ngồi, vẫn ngồi ở dưới cội bồ đề nhập định. Ở trong định phóng quang minh, gia bị cho các Bồ Tát đại biểu diễn nói, phẩm Thăng Lên Ðỉnh Núi thuộc về thứ mười ba.

 

Nhĩ thời, Như Lai uy thần lực cố, thập phương nhất thiết thế giới, nhất nhất tứ thiên hạ Diêm-phù-đề trung, tất kiến Như Lai tọa ư thụ hạ, các hữu Bồ Tát thừa Phật thần lực nhi diễn thuyết Pháp, mị bất tự vị hằng đối ư Phật.

Bấy giờ, do oai thần lực của Như Lai, mười phương tất cả thế giới, mỗi mỗi tứ Thiên hạ trong cõi Diêm Phù Đề, đều thấy Như Lai ngồi dưới cội bồ đề, đều có Bồ Tát nương thần lực của Phật mà diễn nói pháp, hết thảy đều cho rằng mình luôn ở trước Phật.

Giảng: Khi nói xong hội thứ hai thì Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni hiện ra đại oai thần lực. Trong mười phương vô lượng vô biên thế giới, trong cõi Nam Diêm Phù Ðề (Nam Thiệm Bộ Châu của một tứ thiên hạ (bốn đại châu), mười phương thế giới chúng sinh, đều thấy Phật ngồi dưới cội bồ đề thành Chánh Đẳng Chánh Giác. Bên thân của mỗi vị Phật, đều có vô lượng vô biên Bồ Tát, nương đại oai thần lực của Phật, để diễn nói tất cả các pháp. Mỗi vị Bồ Tát và tất cả chúng sinh, đều nói như vầy: ‘’Phật luôn đối diện với mình mà nói pháp.’’ Ðây cũng giống như mặt trăng: Chúng sinh ở bốn hướng đông tây nam bắc, đều nói mặt trăng ở trước họ, chiếu sáng họ.

Ví như thuyền chạy ở trong biển. Thuyền chạy về hướng đông, thì cảm thấy mặt trăng đi theo họ để chiếu sáng họ. Thuyền chạy về hướng tây, thì cảm thấy mặt trăng đi theo họ để chiếu sáng họ. Thuyền đậu tại chỗ, thì cảm thấy mặt trăng trụ ở trong hư không để chiếu sáng họ. Chúng sinh cõi Nam Diêm Phù Ðề, cảm thấy Phật đang ở trước họ để vì họ nói pháp. Chúng sinh cõi Nam Diêm Phù Ðề trong mười phương thế giới, cũng đều nghĩ như thế.

 

Nhĩ thời, Thế Tôn bất ly nhất thiết Bồ-đề thụ hạ, nhi thượng thăng Tu-Di, hướng Đế Thích điện.

Bấy giờ, đức Thế Tôn chẳng lìa khỏi dưới tất cả cội bồ đề, mà thăng lên đỉnh núi Tu Di, hướng về cung điện của trời Đế Thích.

Giảng: Khi đó, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni chẳng lìa khỏi dưới tất cả cội bồ đề, vẫn an nhiên nhập định. Pháp thân của Phật dùng pháp giới làm thể tướng, hay ở khắp mọi nơi. Cho nên chẳng động bổn tòa, mà thăng lên đỉnh núi Tu Di, hướng về cung điện của trời Ðế Thích.

 

Thời, Thiên đế thích tại diệu thắng điện tiền dao kiến Phật lai, tức dĩ thần lực trang nghiêm thử điện, trí phổ quang minh tạng sư tử chi tọa, kỳ tọa tất dĩ diệu bảo sở thành

Bấy giờ, trời Đế Thích ở trước điện Diệu Thắng, xa trông thấy đức Phật đến, bèn dùng thần lực, trang nghiêm cung điện đó, trang trí tòa sư tử Phổ quang minh tạng. Tòa đó đều dùng diệu báu làm thành.

Giảng: Lúc đó, trời Ðế Thích ở trước điện Diệu Thắng, xa trông thấy Phật Thích Ca Mâu Ni đến, bèn dùng sức thần thông để trang nghiêm điện Diệu Thắng. Trang trí tòa sư tử Phổ Quang Minh Tạng. Tòa đó dùng tất cả diệu báu làm thành.

 

Thập thiên tằng cấp huýnh cực trang nghiêm, thập thiên kim võng di phước kỳ thượng, thập thiên chủng trướng,thập thiên chủng cái châu hồi gian liệt, thập thiên tăng ỷ dĩ vi thùy đái, thập thiên châu anh chu biến giao lạc, thập thiên y phục phu bố tọa thượng, thập thiên Thiên Tử, thập thiên Phạm Vương tiền hậu vi nhiễu, thập thiên quang minh nhi vi chiếu diệu.

Có mười ngàn tầng cấp, rất đẹp trang nghiêm. Mười ngàn lưới vàng, giăng che phía trên. Mười ngàn thứ màn, mười ngàn thứ lọng, bày trí chung quanh. Mười ngàn lụa thêu thòng rũ khắp nơi. Mười ngàn chuỗi châu báu xen kẽ khắp bốn phía. Mười ngàn y phục phô bày khắp trên tòa. Mười ngàn Thiên tử, mười ngàn Phạm Vương vây quanh trước sau. Mười ngàn quang minh chiếu sáng.

Giảng: ‘’Mười‘’ là bắt đầu vô lượng số, biểu thị ý nghĩa trùng trùng vô tận. Cảnh giới của kinh Hoa Nghiêm tức là trùng trùng vô tận, vô tận trùng trùng, diệu không thể tả. Tòa sư tử đó có mười ngàn tầng cấp trùng trùng vô tận, rất trang nghiêm đặc biệt thù thắng lại có mười ngàn lưới vàng trùng trùng vô tận, để giăng che ở phía trên tòa sư tử. Lại có mười ngàn thứ màn báu, lại có mười ngàn thứ lọng báu, bày bố trí khắp chung quanh. Lại có mười ngàn lụa thêu thòng rũ xuống, để làm đồ trang sức. Lại có mười ngàn chuỗi châu báu trùng trùng vô tận, xen kẽ nhau khắp bốn phía. Lại có mười ngàn thứ y phục phô bày trên tòa báu. Lại có mười ngàn vị Thiên tử và mười ngàn vị Phạm Vương vây quanh trước sau Ðức Phật. Lại có mười ngàn ánh sáng trùng trùng vô tận, từ các báu phóng ra để chiếu sáng tòa sư tử.

 

Nhĩ thời, Đế Thích phụng vì Như Lai phu trí tọa dĩ, khúc cung hợp chưởng, cung kính hướng Phật nhi tác thị ngôn: thiện lai Thế Tôn! thiện lai Thiện-Thệ! thiện lai như lai, ưng, chánh đẳng giác! duy nguyện ai mẩn, xứ thử cung điện!

Bấy giờ, trời Đế Thích vì Như Lai trang trí tòa xong rồi, cúi mình chắp tay cung kính, hướng về đức Phật mà bạch rằng: Thiện lai đức Thế Tôn ! Thiện lai đức Thiện Thệ ! Thiện lai đức Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác. Xin nguyện Ngài thương xót mà vào cung điện này.

Giảng: Lúc đó, trời Ðế Thích vì Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni trang trí tòa sư tử xong rồi, bèn khom mình chắp tay, biểu thị thân cung kính. Mặt mày tươi cười cung cung kính kính, khẩn khẩn thiết thiết hướng về Ðức Phật, đây là biểu thị ý cung kính. Mà bạch rằng, là biểu thị miệng cung kính. Thân miệng ý đều thanh tịnh, mà nói với đức Phật: ‘’Thế Tôn ! Ngài đến đúng thời, thật là đúng lúc. Ðấng Thiện Thệ Ngài đã đến, thật hợp thời, Ðức Như Lai đã đến. Hiện tại con cầu xin Ðấng Chánh Đẳng Chánh Giác thương xót, phát tâm đại từ bi vào điện Diệu Thắng, để vì chư Thiên diễn nói diệu pháp của Kinh Hoa Nghiêm Ðại Phương Quảng Phật.’’

 

Nhĩ thời, Thế Tôn tức thọ kỳ thỉnh, nhập diệu thắng điện. Thập phương nhất thiết chư thế giới trung, tất diệc như thị.

Bấy giờ, đức Thế Tôn thọ nhận lời thỉnh cầu, đi vào điện Diệu Thắng. Trong mười phương tất cả thế giới, cũng đều như thế.

Giảng: Lúc đó, đức Phật thấy trời Ðế Thích rất thành khẩn thỉnh cầu Ngài trụ ở Ðiện Diệu Thắng, bèn thọ nhận lời thỉnh cầu của trời Ðế Thích, vào điện Diệu Thắng, thăng lên tòa sư tử. Trong mười phương hết thảy thế giới trong mỗi cõi Diêm Phù Ðề, Ðức Phật Thích Ca dưới cội bồ đề đều cùng nhau thăng lên đỉnh núi Tu Di, nhận lời thỉnh cầu của trời Ðế Thích mà vào điện Diệu Thắng.

 

Nhĩ thời, Đế Thích dĩ Phật thần lực, chư cung điện trung sở hữu nhạc âm tự nhiên chỉ tức, tức tự ức niệm quá khứ Phật sở chủng chư thiện căn nhi thuyết tụng ngôn:

Bấy giờ, Đế Thích nương thần lực của đức Phật, trong các cung điện, hết thảy âm nhạc đều tự nhiên ngừng lại. Liền tự nghĩ nhớ ở chỗ chư Phật quá khứ, trồng các căn lành mà nói kệ rằng.

Giảng: Lúc đó, trời Ðế Thích nương đại oai thần lực của Phật, ở trong hết thảy cung điện, tất cả tiếng âm nhạc đều tự nhiên im bặt. Lúc đó, trời Ðế Thích hồi tưởng lại nhân duyên trong quá khứ, đã từng ở chỗ đạo tràng của chư Phật, gieo trồng tất cả căn lành, bèn dùng kệ để nói rõ nhân duyên đời quá khứ.

 

Ca-diếp Như Lai cụ đại bi                         Ca Diếp Như Lai đủ đại bi
chư cát tường trung tối vô thượng,           Trong những cát tường vô thượng nhất
bỉ Phật tằng lai nhập thử điện                   Phật đó từng vào cung điện này
thị cố thử xứ tối cát tường.                        Thế nên nơi này cát tường nhất.

Ca Diếp dịch là “ẩm quang”, vì Ngài hay che lấp tất cả ánh sáng. Hết thảy ánh sáng đều chẳng sáng bằng ánh sáng của Ngài; đó là ánh sáng nơi thân Ngài. Lại hay che khuất tất cả tà quang, đó là bi quang của Ngài. Vị Phật đó đầy đủ đại bi quang minh, ở trong tất cả việc cát tường là cát tường vô thượng nhất. Phật Ca Diếp đó, trong quá khứ đã từng vào điện Diệu Thắng, để vì chư Thiên diễn nói Hoa Nghiêm pháp lớn. Do nhân duyên đó, nên nói đạo tràng điện Diệu Thắng này là cát tường nhất.

 

Câu Na Mâu Ni kiến vô ngại                     Câu Na Mâu Ni thấy vô ngại
chư cát tường trung tối vô thượng,           Trong những cát tường vô thượng nhất
bỉ Phật tằng lai nhập thử điện,                  Phật đó từng vào cung điện này
thị cố thử xứ tối cát tường.                        Thế nên nơi này cát tường nhất.

Câu Na Mâu Ni dịch là “kim tịch”, kim có quang minh, tịch là vô ngại. Chỗ thấy của vị Phật đó, chẳng có chướng ngại. Trong tất cả việc cát tường, là cát tường vô thượng nhất. Vị Phật Câu Na Mâu Ni đó, đã từng vào trong điện Diệu Thắng, để vì chư Thiên diễn nói Kinh Hoa Nghiêm. Do nhân duyên đó, cho nên nói điện Diệu Thắng là đạo tràng cát tường nhất.

 

Ca la cưu đà như kim sơn,                        Ca La Cưu Đà như núi vàng
chư cát tường trung tối vô thượng,           Trong những cát tường vô thượng nhất
bỉ Phật tằng lai nhập thử điện                   Phật đó từng vào cung điện này
thị cố thử xứ tối cát tường.                        Thế nên nơi này cát tường nhất.

Ca La Cưu Đà dịch là “phiền não đã đoạn sạch”. Thân thể của vị Phật đó, như là núi vàng, vàng thì thanh tịnh, núi thì chẳng động. Trong tất cả việc cát tường là cát tường vô thượng nhất. Vị Phật Ca La Cưu Ðà, trong quá khứ đã từng vào điện Diệu Thắng để vì chư Thiên diễn nói Kinh Hoa Nghiêm. Vì nhân duyên đó, cho nên nói điện Diệu Thắng là đạo tràng cát tường nhất.

 

Tỳ xá phù Phật vô tam cấu                         Phật Tỳ Xá Phù sạch ba cấu
chư cát tường trung tối vô thượng,           Trong những cát tường vô thượng nhất
bỉ Phật tằng lai nhập thử điện,                  Phật đó từng vào cung điện này
thị cố thử xứ tối cát tường.                        Thế nên nơi này cát tường nhất.

Tỳ Xá Phù dịch là “biến nhất thiết tự tại”. Vị Phật đó chẳng có ba cấu. Ba cấu tức là nghiệp hiện tại, hạt giống quá khứ, tập khí thuở xưa. Cũng có thể nói thân miệng ý ba nghiệp thanh tịnh, chẳng có một chút nhiễm bụi. Vị Phật Tỳ Xá Phù trong quá khứ đã từng vào điện Diệu Thắng, để vì chư Thiên diễn nói Hoa Nghiêm pháp lớn. Do nhân duyên đó, cho nên nói đạo tràng điện Diệu Thắng cát tường nhất.

 

Thi-Khí Như Lai ly phân biệt,                  Thi Khí Như Lai lìa phân biệt
chư cát tường trung tối vô thượng,           Trong những cát tường vô thượng nhất
bỉ Phật tằng lai nhập thử điện                   Phật đó từng vào cung điện này
thị cố thử xứ tối cát tường.                        Thế nên nơi này cát tường nhất.

Thi Khí dịch là “trì kế”. Vị Phật đó như minh châu trong búi tóc, lìa khỏi tất cả sự phân biệt, đầy đủ đại trí huệ, chiếu thấu các pháp thật tướng. Ngài đến nơi nào thì nơi đó cát tường. Như Lai Thi Khí đó đã từng vào điện Diệu Thắng, để vì chư Thiên diễn nói Hoa Nghiêm pháp lớn. Do nhân duyên đó, cho nên điện Diệu Thắng là cát tường nhất.

 

Tỳ bà Thi Phật như mãn nguyệt               Phật Tỳ Bà Thi như trăng rằm
chư cát tường trung tối vô thượng,           Trong những cát tường vô thượng nhất
bỉ Phật tằng lai nhập thử điện,                  Phật đó từng vào cung điện này
thị cố thử xứ tối cát tường.                        Thế nên nơi này cát tường nhất.

Tỳ Bà Thi có bốn ý nghĩa, đó là: Tịnh quán, thắng quán, thắng kiến, biến kiến. Giống như mặt trăng tròn trí đầy, đây là biến kiến tức là thấy khắp. Phá sạch hoặc hết, đây là tịnh quán. Vừa tròn và tịnh, đây là thắng quán thắng kiến. Vị Phật đó như đêm trăng rằm, chiếu khắp tất cả. Ngài đến nơi nào thì nơi đó cát tường. Vị Phật Tỳ Bà Thi đó, trong quá khứ đã từng vào điện Diệu Thắng, để vì chư Thiên diễn nói Hoa Nghiêm pháp lớn. Do nhân duyên đó, cho nên điện Diệu Thắng là cát tường nhất.

 

phất sa minh đạt đệ nhất nghĩa,                Phất Sa thấu rõ đệ nhất nghĩa
chư cát tường trung tối vô thượng,           Trong những cát tường vô thượng nhất
bỉ Phật tằng lai nhập thử điện,                  Phật đó từng vào cung điện này
thị cố thử xứ tối cát tường.                        Thế nên nơi này cát tường nhất.

Phất Sa dịch là “Tăng thịnh”, tức cũng là nghĩa lý thù thắng. Vị Phật đó minh bạch thông đạt đạo lý đệ nhất nghĩa. Ðệ nhất nghĩa, tức là trước một niệm chưa sinh. Nếu có một niệm thì chẳng phải đệ nhất nghĩa.

Một ngày nọ, Bồ Tát Văn Thù hỏi Ngài Duy Ma Cật rằng:

– ‘’Gì là đệ nhất nghĩa‘’?

– Ông Duy Ma Cật im miệng chẳng nói.

Do đó có câu:

‘’Bất nhị pháp môn hưu khai khẩu
Đệ nhất nghĩa đế mạc vong đàm.’’

Một khi nói ra tức là đệ nhị. Ðệ nhất nghĩa đế là một câu cũng chẳng có. Trong những cát tường là vô thượng cát tường nhất. Vị Phật Phất Sa đó, trong quá khứ đã từng vào điện Diệu Thắng, để vì chư Thiên diễn nói diệu pháp Kinh Hoa Nghiêm. Do nhân duyên đó, cho nên điện Diệu Thắng là cát tường nhất.

 

Đề xá Như Lai biện vô ngại,                       Đề Xá Như Lai biện vô ngại
chư cát tường trung tối vô thượng,           Trong những cát tường vô thượng nhất
bỉ Phật tằng lai nhập thử điện,                  Phật đó từng vào cung điện này
thị cố thử xứ tối cát tường.                        Thế nên nơi này cát tường nhất.

Ðề Xá dịch là “độ thuyết”. Muốn độ thoát tất cả chúng sinh, thì phải thuyết pháp nói giáo. Vị Phật đó khéo về nói pháp, cho nên biện tài vô ngại. Trong tất cả những việc cát tường, là cát tường vô thượng nhất. Vị Như Lai Ðề Xá trong quá khứ, đã từng vào điện Diệu Thắng, để vì chư Thiên diễn nói diệu pháp của Kinh Hoa Nghiêm. Do nhân duyên đó, cho nên điện Diệu Thắng là cát tường nhất.

 

Ba-đầu-ma Phật tịnh vô cấu,                     Phật Ba Đầu Ma tịnh vô cấu
chư cát tường trung tối vô thượng,           Trong những cát tường vô thượng nhất
bỉ Phật tằng lai nhập thử điện,                  Phật đó từng vào cung điện này
thị cố thử xứ tối cát tường.                        Thế nên nơi này cát tường nhất.

Ba Ðầu Ma dịch là “hoa sen đỏ”, thân tâm của vị Phật đó, thanh tịnh giống như hoa sen, chẳng có nhiễm bụi bặm. Trong những việc cát tường, là cát tường vô thượng nhất. Vị Phật Ba Ðầu Ma đó, trong quá khứ đã từng vào điện Diệu Thắng, để vì chư Thiên diễn nói diệu pháp kinh Hoa Nghiêm. Do nhân duyên đó, cho nên điện Diệu Thắng là cát tường nhất.

 

Nhiên Đăng Như Lai đại quang minh,      Nhiên Đăng Như Lai đại quang minh
chư cát tường trung tối vô thượng,           Trong những cát tường vô thượng nhất
bỉ Phật tằng lai nhập thử điện,                  Phật đó từng vào cung điện này
thị cố thử xứ tối cát tường.                        Thế nên nơi này cát tường nhất.

Nhiên Ðăng Như Lai lúc ban đầu phát tâm, thì thân phóng quang minh giống như đèn sáng. Về sau, đời đời kiếp kiếp, tu phước tu huệ. Khi tu hạnh Bồ Tát thì, siêng tu sáu độ, rộng hành vạn hạnh. Trong mỗi một đời, thân đều phóng đại quang minh, cho nên gọi là Nhiên Ðăng Như Lai. Vị Phật đó, chẳng những có đại quang minh, mà còn đầy đủ trí huệ. Ngài là vị Phật thứ ba trong kiếp Hiền, Ngài đã từng thọ ký cho Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong những việc cát tường là cát tường vô thượng nhất. Vị Phật Nhiên Ðăng đó, đã từng vào điện Diệu Thắng, để vì chư Thiên diễn nói diệu pháp Kinh Hoa Nghiêm. Do nhân duyên đó, cho nên điện Diệu Thắng là cát tường nhất.

Ða số các vị Phật đều dùng đức lập tên. Giống như Phật Thích Ca, dịch là “Năng nhân tịch mặc”. Năng nhân tức là động, tịch mặc tức là tĩnh. Năng nhân, khắp giáo hóa tất cả chúng sinh, có từ bi hỷ xả bốn tâm vô lượng. Tịch mặc tức là thường lạc ngã tịnh bốn đức Niết Bàn.

 

Như thử thế giới trung, Đao Lợi Thiên Vương dĩ Như Lai thần lực cố, kệ tán thập Phật sở hữu công đức. Thập phương thế giới chư thích Thiên Vương, tất diệc như thị tán Phật công đức.

Như trong thế giới này, vua trời Đao Lợi do nhờ nương thần lực của Như Lai, dùng kệ khen ngợi hết thảy công đức của mười vị Phật. mười phương thế giới, các vua trời Đế Thích cũng đều như thế, khen ngợi công đức của Phật.

Giảng: Trong thế giới Ta Bà, vua trời Ðao Lợi tức cũng là trời Ðế Thích, nương đại oai thần lực của Phật, dùng kệ để tán thán khen ngợi công đức của mười vị Phật. Hết thảy vua trời Ðao Lợi trong mười phương thế giới cũng đều giống như trời Ðế Thích ở cõi Ta Bà, dùng kệ để khen ngợi công đức của mười vị Phật.

 

Nhĩ thời, Thế Tôn nhập diệu thắng điện, kết già phu tọa. Thử điện hốt nhiên quảng bác khoan dung, như kỳ Thiên Chúng chư sở trụ xứ. Thập phương thế giới, tất diệc như thị.

Bấy giờ, đức Thế Tôn vào điện Diệu Thắng ngồi kiết già, thì điện đó bỗng nhiên rộng lớn vô cùng, như chỗ ở của các chư Thiên. Mười phương thế giới cũng đều như thế.

Giảng: Lúc đó, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni tiến vào điện Diệu Thắng, ngồi kiết già phu trên tòa sư tử làm bằng các báu phổ quang minh tạng. Lúc đó, điện Diệu Thắng bỗng nhiên rộng lớn vô cùng, có thể dung nạp hết thảy các Thiên chúng đến lắng nghe Phật Thích Ca Mâu Ni diễn nói diệu pháp của kinh Hoa Nghiêm Ðại Phương Quảng Phật. Trong mười phương thế giới, hết thảy trời Ðao Lợi điện Diệu Thắng cũng đều như thế.