Kinh Pháp Hoa – Phẩm Thần Lực Của Như Lai

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ Tát Pháp

Phật Sở Hộ Niệm

Phụng chiếu dịch: Diêu Tần Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập

Giảng Giải: Hoà Thượng Tuyên Hoá

— o0o —

Phẩm Thần Lực Của Như Lai

Thần là tự tại lực, chẳng tạo làm thêm. Thần ở đây thuộc về bên trong, lực thuộc bên ngoài. Vì bên trong có thần, nên bên ngoài có lực, nếu chẳng có thần thì chẳng có lực. Như Lai là một trong mười hiệu của Phật. Như là tĩnh, lai là động. Như cũng là tịch mặc, lai cũng là năng nhân. Năng nhân tức là làm được việc nhân từ của Phật. Tịch mặc tức là thành tựu tự tại thần lực của Phật. Thần lực của Như Lai, tức là thần thông diệu dụng không thể nghĩ bàn của Phật.

Ví như trong kinh này có nói, Ðức Phật Thích Ca phân thân mười phương, đó là thần lực của Như Lai. Như Lai Ða Bảo đến pháp hội chứng minh Kinh Pháp Hoa, đó là thần lực của Như Lai. Bồ Tát từ dưới đất vọt lên, đó là thần lực của Như Lai. Phẩm Pháp Sư Công Ðức, sáu căn hổ tương sử dụng, đó là thần lực của Như Lai. Cho nên, thần lực của Như Lai vô lượng vô biên, nói theo nghĩa rộng thì, hết thảy tất cả đều là thần lực của Như Lai thành tựu.

 

Nhĩ thời, Thiên thế giới vi trần đẳng Bồ Tát Ma Ha Tát, tòng địa dũng xuất giả, giai ư Phật tiền nhất tâm hợp chưởng, chiêm ngưỡng tôn nhan. Nhi bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! ngã đẳng ư Phật diệt hậu, Thế Tôn  phần thân sở tại quốc độ diệt độ chi xử, đương quảng thuyết thử Kinh.”

Bấy giờ, số đại Bồ Tát nhiều như hạt bụi của ngàn thế giới, từ dưới đất vọt lên, đều ở trước đức Phật, một lòng chắp tay chiêm ngưỡng tôn nhan của Phật, mà bạch Phật rằng : Ðức Thế Tôn ! Chúng con đợi sau khi Phật diệt rồi, chỗ đức Thế Tôn phân thân ở các cõi nước diệt độ rồi, chúng con sẽ rộng nói kinh này.

Sau khi Ðức Phật nói xong Phẩm Bồ Tát Thường Bất Khinh, thì có các vị đại Bồ Tát, nhiều như hạt bụi của ngàn thế giới, từ dưới đất vọt lên cùng đến ở trước Ðức Phật, một lòng chắp tay chiêm ngưỡng tôn nhan của Ðức Thế Tôn mà nói với Phật rằng : ‘’Ðức Thế Tôn ! Chúng con đợi tương lai, khi Phật vào Niết Bàn rồi, sau khi phân thân của đức Thế Tôn ở bất cứ cõi nước nào diệt độ rồi, chúng con sẽ rộng nói bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa này.’’ Các vị đại Bồ Tát từ dưới đất vọt lên, trong quá khứ đều là đệ tử của Ðức Phật Thích Ca, hiện tại đến hội Pháp Hoa làm ủng hộ chúng, để ủng hộ đạo tràng.

 

Sở dĩ giả hà? Ngã đẳng diệc tự dục đắc thị chân tịnh đại pháp, thọ trì, độc tụng, giải thuyết, thư tả, nhi cúng dường chi.“

Tại sao ? Vì chúng con cũng muốn tự mình được chân tịnh đại pháp, thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép, cúng dường kinh này.

 Vì sao ? Bởi vì chúng con cũng muốn chính mình đắc được chân tịnh đại pháp này, tức cũng là pháp quyền thật không hai. Chúng con muốn thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép và cúng dường truyền bá kinh này.

 

Nhĩ thời Thế Tôn , ư Văn Thù Sư Lợi đẳng vô lượng bách Thiên vạn ức cựu trụ Ta Bà thế giới Bồ Tát Ma Ha Tát, cập chư Tỳ kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà tắc, Ưu Bà di, Thiên, Long, dạ xoa, Càn thát bà, A Tu La, Ca Lâu La, khẩn na la, Ma hầu la già, nhân phi nhân đẳng, nhất thiết chúng tiền. hiện đại thần lực, xuất quảng trường thiệt thượng chí phạm thế.

Bấy giờ, đức Thế Tôn ở trước tất cả đại chúng Văn Thù Sư Lợi, vô lượng trăm ngàn vạn ức đại Bồ Tát, xưa kia trụ ở thế giới Ta Bà, và các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, trời, rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, người, chẳng phải người, hiện sức đại thần thông, bày tướng lưỡi rộng dài lên đến cõi trời Ðại Phạm.

Lúc đó, Ðức Thế Tôn ở trước tất cả đại chúng Bồ Tát Văn Thù, vô lượng trăm ngàn vạn ức các Bồ Tát xưa kia, đều trụ ở thế giới Ta Bà và tất cả Tỳ Kheo Tỳ Kheo Ni, tất cả cư sĩ nam, cư sĩ nữ, trời rồng tám bộ chúng, người, và chẳng phải người, hiện ra sức đại thần thông, phô bày tướng lưỡi rộng dài lên đến sắc giới cõi trời Ðại Phạm.

 

Nhất thiết mao khổng phóng ư vô lượng vô số sắc quang, giai tất biến chiếu thập phương thế giới. Chúng bảo thụ hạ, sư tử tọa thượng chư Phật, diệc phục như thị, xuất quảng trường thiệt, phóng Vô Lượng Quang.

Tất cả lỗ chân lông, đều phóng ra vô lượng vô số màu sắc quang minh, chiếu soi khắp mười phương thế giới. Chư Phật ngồi trên tòa sư tử dưới các cây báu, cũng lại như thế, bày tướng lưỡi rộng dài, phóng ra vô lượng quang minh.

Trên thân của Phật, mỗi lỗ chân lông đều phóng ra vô lượng vô số màu sắc quang minh, trong mỗi thứ quang minh, lại hiện ra đủ thứ màu sắc, chói sáng rực rỡ. Thứ màu sắc quang minh đó, chiếu soi khắp hết thảy mười phương thế giới. Chư Phật (phân thân của Phật Thích Ca) ngồi trên tòa sư tử dưới cội bồ đề, cũng bày tướng lưỡi rộng dài như thế. Trên thân của chư Phật, mỗi lỗ chân lông, cũng phóng ra vô lượng vô biên màu sắc quang minh, hổ tương chiếu soi.

 

Thích Ca Mâu Ni Phật cập bảo thụ hạ chư Phật hiện thần lực thời, mãn bách Thiên tuế. Nhiên hậu hoàn nhiếp thiệt tướng. Nhất thời khánh khái, câu cọng đàn chỉ, thị nhị âm thanh, biến chí thập phương chư Phật thế giới, địa giai lục chủng chấn động.

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, và chư Phật ở dưới cây báu, đều hiện thần lực trọn trăm ngàn năm, sau đó mới nhiếp tướng lưỡi lại, đồng thời phát ra tiếng cười nói nhỏ nhẹ, và tiếng gảy móng tay. Hai âm thanh đó, vang đến khắp thế giới của chư Phật trong mười phương, mặt đất đều sáu thứ chấn động.

Ðức Phật Thích Ca và chư Phật ở dưới cội bồ đề, hiện thần lực trọn trăm ngàn năm, sau đó mới nhiếp tướng lưỡi lại. Mười phương chư Phật đồng thời phát ra tiếng cười nói nhỏ nhẹ, và tiếng gảy móng tay. Tiếng cười nói nhỏ nhẹ gọi là ý, tiếng gảy móng tay là âm ý. Nếu người nhập định, lỗ tai kia gảy móng tay ba cái, thì người đó có thể xuất định.

Hai âm thanh đó, vang truyền khắp thế giới của chư Phật trong mười phương. Mặt đất của mỗi thế giới đều sáu thứ chấn động. Chấn, hống, kích (thuộc về tiếng), động, dũng, khởi (thuộc về hình). Trong mỗi thứ chấn động, lại có ba thứ hiện tượng đó là động, biến động, đẳng biến động. Cộng lại hết thảy là mười tám thứ chấn động, tức cũng là cảnh giới: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, sáu căn hổ tương sử dụng, biểu thị sáu căn, sáu trần, sáu thức, mười tám giới.

 

Kỳ trung chúng sanh, Thiên, Long, dạ xoa, Càn thát bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn na la, Ma hầu la già, nhân phi nhân đẳng, dĩ Phật thần lực cố, giai kiến thử Ta Bà thế giới, vô lượng vô biên bách Thiên vạn ức chúng bảo thụ hạ, sư tử tọa thượng chư Phật; cập kiến Thích Ca Mâu Ni Phật cọng Đa Bảo Như Lai, tại bảo tháp trung, tọa sư tử tọa;

Chúng sinh ở trong đó, trời, rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A tu la, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, người, chẳng phải người, nhờ thần lực của Phật, nên đều thấy thế giới Ta Bà này. Ở dưới vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức các cây báu, đều có chư Phật ngồi trên tòa sư tử, và thấy đức Phật Thích Ca Mâu Ni, với đức Ða Bảo Như Lai, ngồi trên tòa sư tử ở trong bảo tháp.

Chúng sinh ở trong đó, có chư thiên, loài rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bàn, A tu la, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, người, ác quỷ. Nhờ đại oai thần lực không thể nghĩ bàn của Phật Thích Ca, nên họ đều nhìn thấy thế giới Ta Bà. Ở dưới vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức các cây báu, đều có tòa sư tử, trên mỗi tòa sư tử đều có Phật ngồi ở đó. Lại thấy Phật Thích Ca Mâu Ni, và Ðức Ða Bảo Như Lai, đều ngồi trên tòa sư tử ở trong bảo tháp, nhìn thấy rõ ràng.

 

Hựu kiến vô lượng vô biên bách Thiên vạn ức Bồ Tát Ma Ha Tát cập chư Tứ Chúng, cung kính vây quanh Thích Ca Mâu Ni Phật. Ký kiến thị dĩ. giai đại hoan hỉ, đắc vị tằng hữu.

Lại thấy vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức vị đại Bồ Tát, và hàng bốn chúng cung, kính vây quanh đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Họ thấy như vậy rồi, thảy đều đại hoan hỷ được chưa từng có.

 Họ lại thấy vô lượng vô biên đại Bồ Tát, từ dưới đất vọt lên, và tất cả bốn chúng đều cung kính vây quanh Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni. Sau khi họ nhìn thấy như vậy rồi, thì thảy đều sinh tâm đại hoan hỷ nói : ‘’Chúng ta chưa bao giờ thấy qua cảnh giới này, thật là không thể nghĩ bàn.’’

 

Tức thời chư Thiên, ư hư không trung, cao thanh xướng ngôn: “qua thử vô lượng vô biên bách Thiên vạn ức a tăng kì thế giới, hữu quốc danh Ta bà, thị trung hữu Phật danh Thích Ca Mâu Ni, kim vi chư Bồ Tát Ma Ha Tát thuyết Đại thừa Kinh, danh Diệu Pháp Liên Hoa, giáo Bồ Tát Pháp. Phật sở hộ niệm. Nhữ đẳng đương thâm tâm tùy hỉ, diệc đương lễ bái cúng dường Thích Ca Mâu Ni Phật.

Lúc đó, chư Thiên ở trong hư không lớn tiếng xướng lên rằng : Qua đây vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức A tăng kỳ thế giới, có cõi nước Ta Bà, trong đó có vị Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Hôm nay vì các đại Bồ Tát nói kinh đại thừa, tên là Diệu Pháp Liên Hoa, pháp giáo hóa Bồ Tát, được Phật hộ niệm. Các vị nên thâm tâm tùy hỷ, cũng nên lễ lạy cúng dường đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Lúc đó, chư thiên ở trong hư không lớn tiếng nói : ‘’Xin đại chúng chú ý ! Qua đây có vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức A tăng kỳ thế giới, có cõi nước tên là Ta Bà. Trong cõi nước đó, có Phật ra đời hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni. Hiện tại, vì vô lượng vô biên đại Bồ Tát, diễn nói kinh đại thừa tên là Diệu Pháp Liên Hoa. Vì diệu pháp này thanh tịnh như hoa sen. Hoa sen sinh ở trong bùn mà chẳng nhiễm, hoa quả đồng thời rất thanh minh thần Thánh, cho nên lấy hoa sen làm tên kinh. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là vua trong các kinh. Bộ kinh này, là pháp giáo hóa đại Bồ Tát, bộ kinh này được mười phương chư Phật hộ niệm. Nếu hay thọ trì bộ kinh này, thì được mười phương chư Phật hộ niệm, mà đắc được cảnh giới trí huệ như biển. Các vị đại chúng nên thâm tâm tùy hỷ công đức, cũng nên lễ lạy cúng dường Phật Thích Ca Mâu Ni, thì chắc chắn có công đức vô lượng.’’

 

Bỉ chư chúng sanh, văn hư không trung thanh dĩ. hợp chưởng hướng Ta Bà thế giới tác như thị ngôn:

“Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật!  Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật !”

 Các chúng sinh đó, nghe tiếng nói ở trong hư không rồi, đều chắp tay hướng về thế giới Ta Bà mà nói rằng:

Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật!  Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật!

Các chúng sinh đó, nghe tiếng nói ở trong hư không rồi, đại chúng đều chắp tay lại hướng về thế giới Ta Bà mà nói rằng: ‘’Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật ! Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật !‘’

 

Dĩ chủng chủng hoa, hương, anh lạc, phan cái, cập chư nghiêm thân chi cụ, trân bảo diệu vật, giai cộng dao tán Ta Bà thế giới.

Đem các thứ hoa, hương, chuỗi ngọc, phan lọng, và các thứ đồ nghiêm thân, châu báu vật quý giá, đều từ xa rải xuống thế giới Ta Bà.

Sau đó, họ dùng các thứ hoa, các thứ hương, các thứ chuỗi ngọc, các thứ phan lọng và các thứ mũ hoa, y tốt, đồ trang sức thân thể, với các châu báu vật quý, từ xa rải xuống thế giới Ta Bà.

 

Sở tán chư vật. Tùng thập phương lai, thí như vân tập, biến thành bảo trướng, biến phước thử gian chư Phật chi thượng. Vu thời thập phương thế giới, thông đạt vô ngại, như nhất Phật thổ.

Các thứ vật rải xuống đến từ mười phương, giống như mây tụ lại, biến thành màn báu, che khắp phía trên các đức Phật. Lúc đó, mười phương thế giới thông đạt vô ngại như một cõi Phật.

Các thứ vật rải xuống thế giới Ta Bà từ mười phương thế giới đến, giống như mây tụ lại biến thành màn báu, che khắp phía trên các Ðức Phật ở thế giới Ta Bà. Lúc đó, mười phương thế giới đều thông đạt vô ngại, hợp thành một thế giới. Một thế giới và mười phuơng thế giới chẳng có phân biệt, thông đạt với nhau chẳng có chướng ngại.

 

Nhĩ thời, Phật cáo thượng hàng đẳng Bồ Tát Đại chúng: “Chư Phật thần lực như thị, vô lượng vô biên, bất khả tư nghị, nhược ngã dĩ thị thần lực, ư vô lượng vô biên bách Thiên vạn ức a tăng kì kiếp, vi chúc lũy cố, thuyết thử Kinh công đức, do bất năng tận.”

Bấy giờ, đức Phật bảo đại chúng thượng hạnh Bồ Tát : Thần lực của chư Phật như thế, vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn. Nếu ta dùng thần lực đó, trong vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức A tăng kỳ kiếp, vì chúc luỹ nói công đức của kinh này, thì không thể nói hết được.

Lúc đó, Phật Thích Ca Mâu Ni bảo đại Bồ Tát ở trong thượng hạnh Bồ Tát, cũng có thể nói Phật bảo đại chúng Bồ Tát từ dưới đất vọt lên : ‘’Sức tự tại thần thông của chư Phật, như sức thần thông vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn vừa nói ở trên. Nếu ta dùng sức thần thông ấy, trong vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức A tăng kỳ kiếp thời gian, ta vì tất cả chúng sinh chúc lũy. Dạy bạn làm việc gì đó là chúc, việc làm chẳng nhàm chẳng mệt mỏi là chúc lũy. Khiến cho các Ngài truyền bá Kinh Pháp Hoa, giải nói Kinh Pháp Hoa, công đức đắc được, ta không thể nói hết được.

 

Dĩ yếu ngôn chi, Như Lai nhất thiết sở hữu chi Pháp, Như Lai nhất thiết tự tại thần lực, Như Lai nhất thiết bí yếu chi tạng, Như Lai nhất thiết thậm thâm chi sự, giai ư thử Kinh tuyên thị hiển thuyết. Thị cố nhữ đẳng ư Như Lai diệt hậu, ưng nhất tâm thọ trì, độc tụng, giải thuyết, thư tả, như thuyết tu hành.

Tóm lại, hết thảy tất cả pháp của Như Lai, tất cả thần lực tự tại của Như Lai, tất cả việc thâm sâu của Như Lai, đều diễn nói hiển bày ở trong kinh này. Bởi thế, sau khi Như Lai diệt rồi, các ông nên một lòng thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép, theo như pháp mà tu hành.

Nói tóm lại, hết thảy tất cả pháp của Như Lai, tất cả thần lực tự tại của Như Lai, tất cả tạng bí yếu của Như Lai, tất cả việc thâm sâu của Như Lai, đều diễn nói ra ở trong Kinh Pháp Hoa, chỉ bày cho các vị. Nói rõ hiển bày ra, chẳng giống như lúc trước giữ gìn diệu pháp. Hiện tại nói toạc ra hết, vì muốn cho các vị biết pháp thật tướng của đại thừa.

Ðức Phật Thích Ca nói : ‘’Vì lẽ đó, cho nên sau khi Như Lai diệt độ rồi, các ông nên chuyên tâm nhất chí để thọ trì Kinh Pháp Hoa này.’’ Bất cứ là đọc tụng, hoặc vì người giải nói, hoặc biên chép, đều phải y theo đạo lý nói ở trong Kinh Pháp Hoa mà tu hành.

 

Sở tại quốc độ, nhược hữu thọ trì, độc tụng, giải thuyết, thư tả, như thuyết tu hành, nhược Kinh quyển sở trụ chi xử, nhược ư viên trung, nhược ư lâm trung, nhược ư thụ hạ, nhược ư tăng phường, nhược bạch y xá, nhược tại điện đường, nhược sơn cốc khoáng dã, thị trung giai ưng khởi tháp cúng dường.

Dù ở trong cõi nước nào, nếu có người thọ trì đọc tụng, giải nói biên chép, theo như trong kinh nói mà tu hành. Hoặc nơi nào có kinh này, hoặc ở trong vườn, hoặc ở trong rừng, hoặc ở dưới cây, hoặc ở phòng Tăng, hoặc ở nhà cư sĩ, hoặc ở trong Phật điện, hoặc ở hang núi khoáng dã, đều nên xây tháp cúng dường.

Bất cứ cõi nước nào, nếu như có người thọ trì, đọc tụng giải nói, biên chép kinh này, y chiếu theo đạo lý nói trong Kinh Pháp Hoa mà tu hành, thì có công đức không thể nghĩ bàn, đắc được cảnh giới sáu căn dụng với nhau.

Bộ Kinh Pháp Hoa này ở chỗ nào, bất cứ là ở trong vườn, hoặc ở trong rừng, hoặc ở dưới gốc cây lớn, hoặc ở trong phòng của chư Tăng ở, hoặc ở trong nhà của cư sĩ, hoặc ở trong điện Phật, hoặc ở trong hang núi, hoặc ở nơi khoáng dã, đều nên xây tháp để cúng dường. Tóm lại, phàm là nơi nào có Kinh Pháp Hoa, đều phải khởi tâm cung kính lễ lạy, hoặc chắp tay, hoặc đảnh lễ, đó là lễ nghi mà Phật tử nên biết.

 

Sở dĩ giả hà? Đương tri thị xứ, tức thị đạo tràng, chư Phật ư thử đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, chư Phật ư thử chuyển vu Pháp luân, chư Phật ư thử nhi Bát Niết Bàn.

Tại sao ? Nên biết nơi đó tức là đạo tràng. Chư Phật từ nơi đó mà đắc được quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác, chư Phật từ nơi đó mà chuyển bánh xe pháp, chư Phật từ nơi đó mà vào Niết Bàn.

Tại sao chỗ nào có Kinh Pháp Hoa, thì nên xây bảo tháp cúng dường ? Nên biết nơi đó là đạo tràng thành đạo của Như Lai. Mười phương chư Phật từ Kinh Pháp Hoa, mà đắc được quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Mười phương chư Phật từ Kinh Pháp Hoa mà chuyển bánh xe pháp, mười phương chư Phật từ Kinh Pháp Hoa mà vào Niết Bàn, chứng được thường lạc ngã tịnh bốn đức Niết Bàn.

 

Nhĩ thời Thế Tôn  dục trọng tuyên thử nghỉa, nhi thuyết kệ ngôn:

Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn thuật lại nghĩa này, bèn nói bài kệ rằng :

Lúc đó, Ðức Phật từ bi muốn tường thuật lại nghĩa lý ở trên vừa nói, bèn dùng kệ để nói.

 

Chư Phật cứu thế giả,                          Các Phật, đấng cứu thế
Trụ ư đại thần thông,                           Trụ trong thần thông lớn
Vi duyệt chúng sanh cố,                      Vì vui đẹp chúng sanh
Hiện vô lượng thần lực,                       Hiện vô lượng thần lực:

Bổn hoài của chư Phật là cứu đời, độ tất cả chúng sinh lìa khổ được vui. Chư Phật trụ ở sức đại thần thông, mới có thể cứu độ chúng sinh, nếu giống như một số người, thì dùng phương pháp gì để cứu độ chúng sinh ? Vì muốn khiến cho tất cả chúng sinh, được an vui cứu kính, cho nên mới hiện vô lượng sức thần thông.

 

Thiệt tướng chí phạm Thiên,                Tướng lưỡi đến Phạm Thiên
Thân phóng vô số quang.                    Thần phóng vô số quang
Vi cầu Phật đạo giả,                             Vì người cầu Phật đạo
Hiện thử hy hữu sự.                             Hiện việc ít có này

Chư Phật hiện tướng lưỡi rộng dài đến cõi trời Phạm Thiên. Thân của chư Phật phóng ra vô lượng màu sắc quang minh, vì chúng sinh cầu Vô thượng Phật đạo, mới hiện ra việc ít có như thế.

 

Chư Phật khánh khái thanh.                 Tiếng tằng hắng của Phật
Cập đàn chỉ chi thanh.                         Cùng tiếng khảy móng tay
Châu văn thập phương quốc,               Khắp vang mười phương cõi
Địa giai lục chủng động.                      Ðất đều sáu món động

Tiếng chư Phật cười nói nhỏ nhẹ và tiếng gảy móng tay, hai thứ âm thanh này tuy rất nhỏ, song có thể vang khắp mười phương cõi nước, mặt đất của các nước đều phát sinh sáu thứ chấn động.

Tiếng cười nói và tiếng khảy móng tay, là cảnh cáo chúng sinh đừng “túy sinh mộng tử” (sống say chết mộng), phải mau tỉnh ngộ, thọ trì Kinh Pháp Hoa. Bằng không, thì thời gian chẳng chờ đợi, trong nháy mắt thì vô thường đã đến. Lãng phí một đời, chẳng biết khi nào mới có cơ hội đọc tụng kinh này. Cổ đức có nói :

‘’Thân người khó được nay đã được
Phật pháp khó nghe nay đã nghe;
Thân này đời này không độ,
Còn đợi khi nào mới độ thân này !’’

 

Dĩ Phật diệt độ hậu,                             Sau khi Phật diệt độ
Năng trì thị Kinh cố,                            Người trì được kinh này
Chư Phật giai hoan hỉ,                         Các Phật đều vui mừng
Hiện vô lượng thần lực.                       Hiện vô lượng thần lực

Sau khi Phật vào Niết Bàn, vì hay thọ trì Kinh Pháp Hoa này, cho nên mười phương chư Phật đều sinh tâm hoan hỷ. Do đó, hiện ra vô lượng sức thần thông.

 

Chúc lũy thị Kinh cố,                           Vì chúc lụy kinh này
Tán mỹ thọ trì giả,                               Khen ngợi người thọ trì
Ư vô lượng kiếp trung,                        Ở trong vô lượng kiếp
Do cố bất năng tận.                              Vẫn còn chăng hết được

Ðức Phật chúc lũy tất cả Bồ Tát, và tất cả chúng sinh phải thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép, truyền bá kinh này, khen ngợi người thọ trì Kinh Pháp Hoa, trải qua vô lượng vô biên cũng khen ngợi chẳng hết được.

 

Thị nhân chi công đức,                        Công đức của người đó
Vô biên vô hữu cùng.                          Vô biên vô cùng tận
Như thập phương hư không,               Như mười phương hư không
Bất khả đắc biên tế.                              Chẳng thể đặng ngằn mé

Người thọ trì Kinh Pháp Hoa này, được công đức chẳng có bờ mé, cũng chẳng cùng tận. Công đức đó vĩnh viễn tồn tại, giống như mười phương hư không tìm chẳng được bờ mé.

Có người nói : ‘’Tức nhiên hư không chẳng có bờ mé, vậy công đức mà chúng ta thọ trì Kinh Pháp Hoa đại khái cũng chẳng có !‘’ Bạn hiểu được gì cũng chẳng có, thì hiểu được gì cũng đều có. Ðây chẳng phải nói tựa như hư không gì cũng chẳng có, mà là nói tựa như hư không chẳng có bờ mé, là tỉ dụ vô cùng vô tận. Trong chân không vốn có diệu hữu, bạn nhìn chẳng thấy diệu hữu thì cho rằng chẳng có. Kỳ thật là có, bất quá bạn chẳng minh bạch mà thôi.

 

Năng trì thị Kinh giả,                           Người trì được kinh này
Tức vi dĩ kiến ngã.                               Thời là đã thấy ta
Diệc kiến Đa Bảo Phật,                        Cũng thấy Phật Ða Bảo
Cập chư phần thân giả,                        Và các Phật phân thân

 

Hựu kiến ngã kim nhật,                       Lại thấy ta ngày nay
Giáo hóa chư Bồ Tát.                           Giáo hóa các Bồ tát

Nếu người hay thọ trì Kinh Pháp Hoa, thì thấy được chân thân của Phật trong quá khứ, cũng thấy được Phật Ða Bảo đã diệt độ trong quá khứ, và tất cả Phật phân thân của ta. Lại thấy ta hiện tại ở trong bảo tháp giáo hóa hết thảy các Bồ Tát.

 

Năng trì thị Kinh giả,                           Người trì được kinh này
Lệnh ngã cập phần thân,                      Khiến ta và phân thân
Diệt độ Đa Bảo Phật,                           Phật đa bảo diệt độ
Nhất thiết giai hoan hỉ.                         Tất cả đều vui mừng

Người hay thọ trì Kinh Pháp Hoa, hay làm cho ta và chư Phật phân thân của ta, cùng với Phật Ða Bảo diệt độ từ lâu, đều sinh tâm đại hoan hỷ. Bởi vì người đó tinh tấn đọc tụng, giải nói, biên chép, truyền bá kinh này.

 

Thập phương hiện tại Phật,                  Mười phương Phật hiện tại
Tinh quá khứ vị lai,                             Cùng quá khứ vị lai
Diệc kiến diệc cúng dường,                 Cũng thấy cũng cúng dường
Diệc lệnh đắc hoan hỉ.                         Cũng khiến đặng vui mừng

Mười phương chư Phật hiện tại, và quá khứ vị lai chư Phật cũng thấy được, cũng cúng dường, cũng khiến cho chư Phật ba đời, đều được hoan hỷ.

 

Chư Phật tọa đạo tràng,                       Các Phật ngồi đạo tràng
Sở đắc bí yếu Pháp.                             Pháp bí yếu đã đặng
Năng trì thị Kinh giả,                           Người trì được kinh này
Bất cửu diệc đương đắc.                      Chẳng lâu cũng sẽ đặng

Mười phương chư Phật ngồi ở bồ đề đạo tràng, ngộ được tạng pháp bí yếu. Người thọ trì Kinh Pháp Hoa này, tương lai chẳng bao lâu, cũng sẽ đắc được pháp bí yếu của chư Phật.

 

Năng trì thị Kinh giả,                           Người trì được kinh này
Ư chư Pháp chi nghĩa.                         Nơi nghĩa của các pháp

 

Danh tự cập ngôn từ.                           Danh tự và lời lẽ
Nhạo thuyết vô cùng tận,                     Ưa nói không cùng tận
Như phong ư không trung,                  Như gió trong hư không
Nhất thiết vô chướng ngại.                  Tất cả không chướng ngại

Người hay thọ trì Kinh Pháp Hoa, đối với nghĩa lý của chư Phật thuyết pháp, như danh từ và lời lẽ ở trong kinh, đều đắc được cảnh giới nhạo thuyết vô ngại biện tài. Giống như gió ở trong hư không, chẳng bị vật gì làm chướng ngại được.

 

Ư Như Lai diệt hậu,                             Sau khi Như Lai diệt
Tri Phật sở thuyết Kinh,                       Biết kinh của Phật nói
Nhân duyên cập thứ đệ,                       Nhơn duyên và thứ đệ
Tùy nghĩa như thật thuyết,                   Theo nghĩa nói như thật

Sau khi Phật vào Niết Bàn, phải hiểu kinh điển của Phật nói, nhân duyên và thứ lớp. Tùy thuận nghĩa lý trong kinh, giải nói như thật, không thể làm trái ngược tâm ý của Phật. Cổ đức có nói :

‘’Y văn giải nghĩa tam thế Phật oan
Ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết.’’

Do đó đủ biết, đối với nghĩa của kinh không thể hiểu lầm, phải nên cẩn thận.

 

Như nhật nguyệt quang minh,             Như ánh sáng nhựt nguyệt
Năng trừ chư u minh.                          Hay trừ các tối tăm
Tư nhân hàng thế gian,                        Người đó đi trong đời
Năng diệt chúng sanh ám.                   Hay dứt tối chúng sanh

Giống như ánh sáng của mặt trời mặt trăng, hay chiếu sáng phá trừ tất cả những nơi tối tăm. Người thọ trì Kinh Pháp Hoa ở trong thế gian hành đạo, thì sẽ trừ sạch tâm đen tối của chúng sinh. Ðen tối ở trong tâm là gì ? Tức là vô minh. Vì vô minh nên ngu si, có ngu si thì có phiền não. Cho nên Phật pháp là pháp bảo phá vô minh. Phá vô minh rồi thì chẳng còn ngu si, trí huệ sẽ hiện tiền. Có trí huệ thì hiểu rõ sự lý, mới không làm việc điên đảo. Cho nên sau khi Ðức Phật đắc đạo dưới cội bồ đề rồi, Ngài bèn nói : ‘’Hết thảy chúng sinh đều đầy đủ trí huệ đức tướng của Như Lai, song vì vọng tưởng chấp trước nên không chứng đắc.’’

 

Giáo vô lượng Bồ Tát,                         Giáo vô lượng Bồ tát
Tất cánh trụ nhất thừa.                         Rốt ráo trụ nhứt thừa
Thị cố hữu trí giả,                                Cho nên người có trí
Văn thử công đức lợi.                          Nghe công đức lợi này

Giáo hóa vô lượng Bồ Tát, khiến cho họ phát tâm bồ đề, hành Bồ Tát đạo, rốt ráo trụ ở một thừa, tức là thành Phật. Bởi thế, phàm là người có trí huệ, nghe được thọ trì Kinh Pháp Hoa, có công đức lợi ích như thế, nên siêng năng thọ trì.

 

Ư ngã diệt độ hậu,                               Sau khi ta diệt độ
Ưng thọ trì tư Kinh.                             Nên thọ trì kinh này
Thị nhân ư Phật đạo,                           Người đó ở Phật đạo
Quyết định vô hữu nghi.                     Quyết định không có nghi.

Ðức Phật nói với đại chúng trong pháp hội rằng : ‘’Sau khi ta diệt độ rồi, mọi người nên thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa này, kinh này là kinh thành Phật. Người thọ trì Kinh Pháp Hoa này, thì sẽ trụ ở trong Phật đạo hoàn toàn chẳng còn nghi ngờ, tương lai chắc chắn sẽ thành Phật.’’