Lục Đại Minh Chú

Quán Âm Linh Cảm Chơn Ngôn

Án ma ni bát di hồng, ma hắt nghê nha nạp, tích đô đặt ba đạt, tích đặt ta nạp, vi đạt rị cát, tát nhi cáng nhi tháp, bốc rị tất tháp cát nạp, bổ ra nạp, nạp bốc rị, thưu thất ban nạp, nại ma lô kiết, thuyết ra da , tá ha.

Trì tụng lục đại minh chú, Án ma ni bát di hồng (Om mani padme hum), là một việc rất tốt. Tuy vậy, khi tụng chú cần phải nhớ nghĩ đến ý nghĩa của lời chú, vì sáu âm này mang ý nghĩa thâm sâu quảng đại vô cùng.

OM [Án], Âm thứ nhất là tổng hợp của ba mẫu tự A, U và M, tượng trưng cho thân khẩu ý ô nhiễm của người tụng chú, đồng thời cũng tượng trưng cho thân khẩu ý thanh tịnh của Phật đà. Có thể nào chuyển thân khẩu ý ô nhiễm thành thân khẩu ý thanh tịnh được không? Hay đây là hai phạm trù hoàn toàn tách biệt? Tất cả chư Phật đều từng là chúng sinh, nhờ bước theo đường tu nên mới thành đấng giác ngộ; Phật Giáo không công nhận có ai ngay từ đầu đã thoát mọi ô nhiễm, mang đủ mọi tánh đức. Thân khẩu ý thanh tịnh đến từ sự tách lìa trạng thái ô nhiễm, chuyển hóa ô nhiễm thành thanh tịnh. Chuyển hóa bằng cách nào? Phương pháp tu được nhắc đến qua bốn âm kế tiếp.

MANI tiếng Phạn là Mâu Ni, dịch là “trí tịch,” tức là dùng trí huệ để làm sáng tỏ tất cả các đạo lý, và do đó đạt đến trạng thái tịch diệt vô sanh. Lại có thể dịch là “ly cấu,” nghĩa là rời xa tất cả bụi bặm dơ bẩn. Cho nên được gọi là ngọc báu, tượng trương cho phương tiện, là tâm bồ đề, vì chúng sinh mà nguyện phát tâm từ bi, đạt giác ngộ. Cũng như viên ngọc quí có khả năng xóa bỏ cảnh nghèo, tâm bồ đề cũng vậy, có khả năng xóa bỏ sự bần cùng khó khăn trong cõi luân hồi và niết bàn cá nhân. Như ngọc như ý có khả năng chu toàn mọi ước nguyện của chúng sinh, tâm bồ đề cũng vậy, có khả năng chu toàn mọi ước nguyện chúng sinh.

PADME  vốn nên đọc là “Bát Đặc Di,” dịch là “quang minh viên giác”; cũng dịch là “liên hoa khai,” tức là diệu tâm của Bồ tát Quán Thế Âm, diệu tâm ấy viên mãn đầy đủ, vô ngại. Liên Hoa Khai nghĩa là hoa nở sen tụ, tượng trưng cho trí tuệ. Hoa sen từ bùn mọc lên nhưng lại không ô nhiễm vì bùn. Tương tự như vậy, trí tuệ có khả năng đặt người tu vào vị trí không mâu thuẫn ở những nơi mà người thiếu trí tuệ đều sẽ thấy đầy mâu thuẫn. Có nhiều loại trí tuệ, trí tuệ chứng vô thường, trí tuệ chứng nhân vô ngã (con người không tự có một cách độc lập cố định), trí tuệ chứng tánh không giữa các phạm trù đối kháng (nói cách khác, giữa chủ thể và khách thể) và trí tuệ chứng sự không có tự tánh. Mặc dù có nhiều loại trí tuệ, nhưng chính yếu vẫn là trí tuệ chứng tánh Không.Trạng thái thanh tịnh có được là nhờ sự kết hợp thuần nhất giữa phương tiện và trí tuệ, được thể hiện qua âm cuối.

HUM có nghĩa là “xuất sanh” —tất cả mọi thứ đều có thể được sanh ra từ chữ “Hồng” nầy. Lại có nghĩa là “ủng hộ”. Khi quý vị niệm chữ nầy thì liền cảm ứng chư hộ pháp thiện thần đến trợ giúp, che chở cho quý vị. Lại còn có nghĩa là “tiêu tai, quý vị có tai nạn gì, tụng chữ nầy liền được tai qua nạn khỏi. Lại cũng có nghĩa là “thành tựu”, bất luận quý vị cầu nguyện điều gì, đều có thể được thành tựu như ý. Âm này ứng vào trạng thái bất nhị, không thể phân chia. Trong hiển thừa, phương tiện và trí tuệ bất nhị có nghĩa là phương tiện ảnh hưởng trí tuệ, và trí tuệ ảnh hưởng phương tiện. Trong mật thừa, sự hợp nhất này ứng vào một niệm tâm thức trong đó phương tiện và trí tuệ đồng loạt hiện hành. Nói về chủng tự của năm vị Thiền Phật, HUM là chủng tự của Bất Động Phật [Akshobhya], sự đứng yên không gì có thể lay chuyển nổi.

Om mani padme hum [Án ma ni bát di hồng], có nghĩa là dựa vào đường tu kết hợp thuần nhất phương tiện và trí tuệ mà người tu có thể chuyển hóa thân miệng ý ô nhiễm của mình thành thân khẩu ý thanh tịnh của Phật. Thường nói người tu không thể tìm Phật ở bên ngoài, tất cả mọi nhân tố dẫn đến giác ngộ đều sẵn có từ bên trong. Đức Di Lạc Từ Tôn có dạy trong bộ Tối Thượng Đại Thừa Mật Luận (Uttaratantra) rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tánh trong tâm. Chúng ta ai cũng mang sẵn trong mình hạt giống thanh tịnh, cốt tủy của Như Lai (Tathatagarbha – Như lai tạng), đó là điều cần nuôi nấng phát triển đến mức tột cùng để bước vào địa vị Phật đà.