Kinh Viên Giác – Chương Phổ Hiền

Chương Phổ Hiền

— o0o —

Kinh Văn: Ư thị Phổ Hiền Bồ-tát tại đại chúng trung, tức tùng tòa khởi, đảnh lễ Phật túc, hữu nhiễu tam táp, trường quì xoa thủ nhi bạch Phật ngôn:

– Đại bi Thế Tôn, nguyện vị thử hội chư Bồ-tát chúng, cập vị mạt thế nhất thiết chúng sanh tu Đại thừa giả, văn thử Viên giác thanh tịnh cảnh giới vân hà tu hành. Thế Tôn, nhược bỉ chúng sanh tri như huyễn giả, thân tâm diệc huyễn, vân hà dĩ huyễn hoàn tu ư huyễn?

Nhược chư huyễn tánh nhất thiết tận diệt, tắc vô hữu tâm, thùy vị tu hành, vân hà phục thuyết tu hành như huyễn? Nhược chư chúng sanh bản bất tu hành, ư sanh tử trung thường cư huyễn hóa, tằng bất liễu tri như huyễn cảnh giới, linh vọng tưởng tâm vân hà giải thoát?

Nguyện vị mạt thế nhất thiết chúng sanh tác hà phương tiện tiệm thứ tu tập, linh chư chúng sanh vĩnh ly chư huyễn. Tác thị ngữ dĩ, ngũ thể đầu địa, như thị tam thỉnh chung nhi phục thủy.

Việt Văn: Khi ấy Phổ Hiền Bồ tát ở trong đại chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, đi nhiễu quanh Phật ba vòng, đảnh lễ chân Phật, chắp tay quỳ gối bạch Phật rằng:

-Xin đại bi Thế Tôn vì các Bồ Tát trong hội này và tất cả chúng sanh đời mạt pháp, người tu đại thừa khai thị cảnh giới trong sạch của Viên Giác này nên tu hành như thế nào? Bạch Thế Tôn! Nếu chúng sanh ấy đã biết thế giới như huyễn, thân tâm cũng huyễn, tại sao lại dùng huyễn để tu huyễn?

Nếu các tánh huyễn đều diệt hết thì chẳng có tâm, vậy còn ai tu hành? Tại sao lại nói tu hành như huyễn? Nếu những chúng sanh vốn chẳng tu hành thường chịu sanh tử nơi huyễn hoá, thì chẳng biết ấy là cảnh giới như huyễn, làm sao khiến tâm vọng tưởng được giải thoát?

Xin Thế Tôn vì tất cả chúng sanh đời mạt pháp chỉ dạy nên dùng phương tiện nào để tu tập theo thứ lớp, lìa hẳn các huyễn. Ngài Phổ Hiền Bồ Tát nói xong, năm vóc gieo sát đất, đảnh lễ thưa thỉnh ba lần như vậy.

Giảng: Đại ý đoạn này là Ngài Phổ Hiền Bồ Tát hỏi Phật:
1. Nếu tất cả chúng sanh biết các pháp đều như huyễn thì cần gì phải tu, vì nó là huyễn. Tại sao còn dùng cái huyễn (thân tâm) tu pháp như huyễn làm gì?
2. Nếu chúng sanh chấp là huyễn mà không tu, thì vẫn ở mãi trong sanh tử luân hồi, làm sao được giải thoát?

Chương trước Bồ-tát Văn-thù tượng trưng cho Căn bản trí, Ngài hỏi về nhân địa tu hành của chư Phật. Chương này tới Bồ-tát Phổ Hiền thưa hỏi. Ngài Phổ Hiền thường gọi là Đại Hạnh Phổ Hiền, theo kinh Hoa Nghiêm thì Phổ Hiền tượng trưng cho Sai biệt trí. Sai biệt trí là trí tùy duyên giáo hóa chúng sanh, tùy duyên dựng lập công hạnh.

Bồ-tát Phổ Hiền nêu lên bốn câu hỏi. Trước hết Ngài hỏi đức Phật:

  1. Các Bồ-tát trong hội và tất cả chúng sanh đời sau tu theo Đại thừa nghe đến cảnh giới Viên giác thanh tịnh làm sao tu hành?
  2. Nếu chúng sanh biết các pháp như huyễn, thân tâm cũng huyễn, làm sao dùng huyễn tu huyễn?
  3. Nếu tất cả tánh huyễn đều diệt hết, thì không có (thân) tâm. Vậy ai tu hành, sao lại nói tu hành như huyễn?
  4. Nếu các chúng sanh vốn chẳng tu hành, thường ở trong sanh tử huyễn hóa, chưa từng rõ biết cảnh giới như huyễn, làm sao dẹp tâm vọng tưởng để giải thoát?

Bồ-tát Phổ Hiền nêu lên bốn câu hỏi ấy và xin đức Phật dạy phương tiện thứ lớp tu tập, để cho chúng sanh hằng lìa các huyễn. Bồ-tát Phổ Hiền hỏi về chi tiết tu hành, khi hiểu được chi tiết rồi thì mới ứng dụng tu. Vì nghe Phật nói thân tâm đều huyễn hết nên sanh nghi “Phật nói thân huyễn tâm huyễn thì ai tu? Nếu không tu thì cam chịu ở mãi trong sanh tử sao? ” Bởi vì có nhiều người nghĩ thân huyễn, tâm huyễn, cảnh huyễn thì cho nó huyễn luôn chớ tu làm chi. Tu là khi nào nó thật, thật phải thật quấy thật xấu thật tốt, thì mới bỏ cái quấy tu cái phải, bỏ cái xấu tu cái tốt… Đã không tu lại còn phóng túng bởi vì huyễn thì còn gì để sợ mà tránh tội lỗi. Như vậy sẽ có các thói hư do cái biết như huyễn phát sanh, nên ngài Phổ Hiền nêu lên câu hỏi để Phật giải thích.

 

Kinh Văn: Nhĩ thời Thế Tôn cáo Phổ Hiền Bồ-tát ngôn:

– Thiện tai, thiện tai! Thiện nam tử, nhữ đẳng nãi năng vị chư Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh tu tập Bồ-tát như huyễn tam-muội, phương tiện tiệm thứ linh chư chúng sanh đắc ly chư huyễn. Nhữ kim đế thính, đương vị nhữ thuyết.

Thời Phổ Hiền Bồ-tát phụng giáo hoan hỷ cập chư đại chúng mặc nhiên nhi thính.

Việt Văn: Bấy giờ Phật bảo Phổ Hiền Bồ Tát rằng:

-Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Ngươi kheó vì các Bồ Tát và chúng sanh đời mạt pháp, hỏi Như Lai về phương tiện và thứ lớp tu tập chánh định như huyễn của Bồ Tát, khiến cho chúng sanh được lìa các huyễn. Nay ngươi hãy lắng nghe, ta sẽ vì ngươi mà thuyết .

Lúc ấy Phổ Hiền Bồ Tát và đại chúng hoan hỷ vâng lời Phật dạy, im lặng mà nghe.

Giảng: Văn Thù và Phổ Hiền là hai vị Đại Bồ Tát, Ngài Văn Thù tiêu biểu cho đại trí. Ngài Phổ Hiền tiêu biểu cho đại hạnh. Có Đại trí (căn bản trí) mới phá trừ được căn bản Vô minh. Có Đại hạnh mới hoàn thành được công hạnh của Phật. Người tu hành lúc nào cũng phải đủ cả Trí và Hạnh. Có “Trí” mới phá đưọc Vô minh và thấu rõ chơn lý. Có “Hạnh” mới đạt được chơn lý, hoàn thành quả Phật.
Đoạn này Phật khen Ngài Phổ Hiền Bồ Tát, vì chúng sanh mà hỏi pháp tu “Như Huyễn Tam Muội”.
Chúng ta quán các vật đều hư huyễn; nhưng có khi lại thấy là thiệt, như thế chưa được “như huyễn tam muội”. Bao giờ đi đứng nằm ngồi bất luận giờ phút nào hay nơi nào cũng đều thấy các pháp hoàn toàn hư huyễn, như thế là chúng ta được pháp “Như Huyễn Tam Muội”.

 

Kinh Văn: Thiện nam tử, nhất thiết chúng sanh chủng chủng huyễn hóa, giai sanh Như Lai Viên giác Diệu tâm, do như không hoa, tùng không nhi hữu, huyễn hoa tuy diệt, không tánh bất hoại. Chúng sanh huyễn tâm hoàn y huyễn diệt, chư huyễn tận diệt giác tâm bất động, y huyễn thuyết giác, diệc danh vi huyễn, nhược thuyết hữu giác do vị ly huyễn thuyết vô giác giả, diệc phục như thị. Thị cố huyễn diệt, danh vi bất động.

Việt Văn: Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh đủ thứ huyễn hoá đều sanh nơi diệu tâm Viên Giác của Như Lai, ví như hoa đốm từ hư không mà có, hoa đốm dù diệt, tánh hư không chẳng hoại, huyễn tâm của chúng sanh dù theo huyễn diệt, các huyễn diệt hết, bản giác chẳng động. Do Huyễn nói Gíac, giác cũng là huyễn, nếu nói Có Giác vẫn chưa lìa huyễn, nói không Có Giác thì cũng như thế, nên nói các huyễn diệt hết gọi là bản giác chẳng động.

Giảng: Hoa đốm là dụ cảnh vật, hư không là dụ Viên Giác. Đại ý đoạn này là nói các pháp giả dối hư huyễn giữa này, đều sanh trong Viên Giác (chơn tâm). Các pháp hư huyễn diệt mà tâm Viên Giác không diệt. Cũng như cá choa đốm sanh trong hư không, các đốm có diệt mà hư không không diệt.

Bởi đối với vọng huyễn mà nói “Viên Giác” nên Viên Giác cũng trở thành vọng huyễn, vì còn ở trong vòng đối đãi vậy. Đến cảnh giới này, nếu nói “có Viên Giác” thì chưa rời vọng huyễn đã đành, mà nói là “không Viên Giác” thì cũng chẳng rời được vọng huyễn. Thế nên, các vọng huyễn (có và không) đều phải bị diệt hết rồi, mới gọi là Viên Giác.

Phật lặp lại ý trước cho chúng ta khỏi phân vân. Ngài nói tất cả chúng sanh và cảnh vật huyễn hóa (tâm huyễn cảnh giới huyễn) đều sanh từ nơi Diệu tâm Viên giác Như Lai chứ không ở đâu. Ngài ví thân tâm cảnh giới như hoa đốm trong hư không, từ hư không mà có, tuy hoa đốm diệt mà hư không không hoại. Cũng thế thân tâm cảnh vật huyễn hóa tuy mất mà tánh giác diệu tâm không mất.

Nghe qua chúng ta thấy hình như Viên giác lưu xuất ra các huyễn, vậy là nó lưu xuất ra vô minh phải không? Tức là có một cái giác để sanh vô minh. Chỗ này không rõ dễ hiểu lầm. Cũng như có phải hư không sanh hoa đốm không? Vì mắt nhặm thấy hoa đốm, chớ không phải hư không sanh hoa đốm. Cũng như vậy tánh giác không sanh vô minh mà tại mê tánh giác nên vô minh dấy lên. Bởi tánh giác không sanh vô minh nên khi vô minh hết mà tánh giác vẫn còn. Như vậy, tánh giác là nhân địa mà chúng ta tu hành. Ngài xác định: Tâm huyễn của chúng sanh lại y nơi pháp huyễn mà diệt. Pháp huyễn tâm huyễn diệt hết thì tánh Viên giác bất động.

Tôi lấy ví dụ ngồi thiền để giảng đoạn này cho quý vị hiểu. Khi chúng ta ngồi thiền thấy vọng tưởng dấy lên là giả dối. Khi lặng xuống thì tâm hằng giác tròn đầy lặng lẽ chớ đâu có mất. Nếu tâm hằng giác mà mất thì lúc đó chúng ta đâu có biết vọng tưởng lặng. Ngài chỉ cho chúng ta thấy rõ khi tâm huyễn diệt rồi thì tâm hằng giác bất động hiện tiền. Nếu y huyễn mà nói giác cũng gọi là huyễn nữa. Ví dụ như vọng tưởng dấy lên chúng ta khởi “biết vọng tưởng”; “vọng tưởng” là huyễn, nhưng “cái biết vọng tưởng” cũng huyễn luôn. Nếu nói “có giác” vẫn chưa lìa huyễn, còn nói “không giác” cũng lại như thế, cho nên pháp huyễn diệt gọi là bất động. Tôi nhắc lại: Khi chúng ta ngồi thiền, vọng tưởng dấy lên, chúng ta “biết nó là huyễn”, “cái biết huyễn” đó hơn “cái huyễn” một phần rồi, nhưng chúng ta chấp “cái biết huyễn” đó là thật thì chúng ta cũng còn kẹt trong huyễn nữa. Như vậy, “vọng tưởng” lặng thì “cái biết vọng tưởng” cũng phải buông luôn, buông hết thì tâm như như bất động. Tâm bất động đó mới là thật, chứ còn dấy niệm quán cũng chưa được.

 

Kinh Văn: Thiện nam tử, nhất thiết Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh ưng đương viễn ly nhất thiết huyễn hóa hư vọng cảnh giới. Do kiên chấp trì viễn ly tâm cố, tâm như huyễn giả diệc phục viễn ly, viễn ly vi huyễn diệc phục viễn ly, ly viễn ly huyễn diệc phục viễn ly, đắc vô sở ly, tức trừ chư huyễn. Thí như toản hỏa, lưỡng mộc tương nhân, hỏa xuất mộc tận, khôi phi yên diệt. Dĩ huyễn tu huyễn diệc phục như thị. Chư huyễn tuy tận bất nhập đoạn diệt.

Việt Văn: Thiện nam tử! Tất cả Bồ Tát và chúng sanh đời mạt pháp nên xa lìa tất cả huyễn hoá, những cảnh giới hư vọng do vọng tâm cố chấp mà sanh. Nay xa lìa vọng tâm, cái tâm năng lìa cũng là huyễn, cũng phải xa lìa. Có sự xa lìa cũng là huyễn cũng phải xa lìa. Có sự xa lìa để lìa vẫn là huyễn, cũng phải lìa luôn, lìa rồi lại lìa nữa, đến chỗ chẳng có sở lìa mới dứt hẳn các huyễn. Ví như dùi cây lấy lửa, hai cây chà xát vào nhau, lửa ra thì cây cháy thành tro, khói diệt tro bay, đất chỗ nơi đốt vốn chẳng động; vậy dùng huyễn tu huyễn cũng như thế, các huyễn diệt hết nhưng chẳng phải đoạn diệt.

Giảng: Này Thiện nam! Tất cả các vị Bồ Tát và chúng sanh đời sau, cần phải xa lìa các việc như sau:
1. Xa lìa các cảnh giới huyễn hóa hư vọng. Nhưng còn cái “Tâm biết xa lìa”.
2. Cái “Tâm biết xa lìa” đó cũng là huyễn, nên cũng xa lìa luôn.
3. Cái “xa lìa” đó cũng là huyễn, nên cũng phải xa lìa.
4. Cái “lìa cái xa lìa” cũng là huyễn nên cũng phải xa lìa luôn.
5. Phải không còn cái gì để “xa lìa” nữa, như thế mới gọi là trừ được các huyễn.
Tỷ như người kéo lấy lửa, dùng hai miếng củi tre cọ xát nhau; cọ cho đến khi lửa phát ra, trở lại cháy hai miếng tre; cháy đến lúc củi hết, lửa tàn tro bay, bấy giờ chỉ còn đất trống.
Dùng “cái huyễn” tu các “pháp huyễn” cũng thế. Khi các huyễn diệt hết rồi, không phải là đoạn diệt mà lúc bấy giờ tánh Viên Giác tự hiện bày.

Đại ý đoạn này nói: Người tu hành trước hết phải lìa các huyễn cảnh, sau lìa huyễn tâm; lìa cho đến không còn cái gì để lìa nữa, thế mới là lìa được hết các huyễn. Lúc bấy giờ cái phi huyễn là “Viên Giác Tánh” hiện ra. Như thế thì “Viên Giác Tánh” không phải là đoạn diệt. Như người kéo lửa (dụ cho tu như huyễn) ban đầu dùng hai miếng củi tre cọ nhau (dụ cho tâm và cảnh), khi lửa phát ra trở lại cháy hết củi đến lúc lửa tàn tro bay (tâm cảnh đều hết), bấy giờ chỉ còn đất trống (dụ cho Viên Giác).

 

Kinh Văn: Thiện nam tử, tri huyễn tức ly, bất tác phương tiện, ly huyễn tức giác, diệc vô tiệm thứ. Nhất thiết Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh, y thử tu hành, như thị nãi năng vĩnh ly chư huyễn.

Việt Văn: Thiện nam tử! Biết huyễn tức là lìa, chẳng lập phương tiện; lìa huyễn tức là giác, cũng chẳng thứ lớp. Tất cả Bồ Tát và chúng sanh đời mạt pháp theo đó tu hành, như thế mới được lìa hẳn các huyễn.

Giảng: Phật dạy người biết được các pháp là hư huyễn thì không còn cố chấp và tham luyến các pháp nữa, tức là lìa được các huyễn rồi, chớ không có phương pháp tu tập nào khác. Câu này giống như câu trong Kinh Lăng Nghiêm: “Giác mê, mê diệt” (Giác ngộ được cái mê, thì cái mê ấy hết). Cũng như người khi biết mình là chiêm bao, thì không còn chiêm bao nữa.
Lìa được các vọng huyễn, tức thì “Viên Giác” hiện bày, thế nên không có lớp lang từng bực. Dụ như khi ánh sáng đến, thì cái tối liền diệt; tối vừa diệt thì sáng vừa hiện, không có lớp lang tuần tự chi hết. Đoạn trước Ngài Phổ Hiền có hỏi thức lớp tu pháp môn như huyễn thế nào. Đến đoạn này Phật trả lời đã xong.

 

Kinh Văn:  Nhĩ thời Thế Tôn dục trùng tuyên thử nghĩa nhi thuyết kệ ngôn:

Việt Văn: Lúc ấy Thế Tôn muốn giảng lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:

Phổ Hiền nhữ đương tri                     Phổ Hiền ngươi nên biết,
Nhất thiết chư chúng sanh                Tất cả các chúng sanh.
Vô thủy huyễn vô minh                    Vô thủy huyễn vô minh,
Giai tùng chư Như Lai                       Đều nương tâm Viên Giác,

Viên giác tâm kiến lập                       Của Như Lai kiến lập.
Du như hư không hoa                       Ví như những hoa đốm,
Y không nhi hữu tướng                     Nương hư không có tướng.
Không hoa nhược phục diệt              Hoa đốm nếu diệt rồi,

Hư không bản bất động                    Hư không vốn chẳng động,
Huyễn tùng chư giác sanh                 Huyễn từ bản giác sanh,
Huyễn diệt giác viên mãn                  Huyễn diệt giác viên mãn.
Giác tâm bất động cố                        Bản giác vốn chẳng động,

Nhược bỉ chư Bồ-tát                          Như tất cả Bồ Tát,
Cập mạt thế chúng sanh                   Và mạt pháp chúng sanh.
Thường ưng viễn ly huyễn                Thường nên xa lìa huyễn,
Chư huyễn tất giai ly                         Các huyễn thảy đều lìa,

Như mộc trung sanh hỏa                   Như dùi cây lấy lửa,
Mộc tận hỏa hoàn diệt                      Cây hết lửa cũng diệt.
Giác tắc vô tiệm thứ                          Giác vốn chẳng thứ lớp,
Phương tiện diệc như thị.                  Phương tiện cũng như thế.