A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa – Quyển 9 – Tập 288-Hết

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

QUYỂN 9 – Tập 288 – 289(Hết)

Liên Trì đại sư chùa Vân Thê soạn sớ sao
Pháp sư Cổ Đức diễn nghĩa
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Minh Tiến – Huệ Trang – Đức Phong

— o0o —

Tập 288

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang sáu trăm lẻ chín:

 

(Sao) Hựu hữu vị “Nam-mô a di đà đa bà dạ”, thử vân “quy mạng Vô Lượng Thọ”.

()又有謂南無阿彌陀多婆夜,此云皈命無量壽。

(Sao: Lại có bản chép là “nam-mô a di đà đa bà dạ”, cõi này dịch là “quy mạng Vô Lượng Thọ”).

Chú ngữ là tiếng Phạn phiên âm, có nghĩa là “quy mạng Vô Lượng Thọ Phật”, tức là “quy mạng A Di Đà Phật”. “Quy mạng” (皈命) cũng có nghĩa là “quy y”.

 

(Sao) Đa tha già đa dạ, tức “đa tha a già độ”, thử vân Như Lai.

()多他伽多夜,即多他阿伽度,此云如來。

(Sao: “Đa tha già đa dạ” (Tathāgatāya) tức “đa tha a già độ”, cõi này dịch là Như Lai).

Phiên âm có đôi chút sai khác, nguyên văn tiếng Phạn như nhau, người dịch khác nhau, đạo tràng dịch kinh cũng khác nhau, danh từ, thuật ngữ chẳng có tiêu chuẩn thống nhất. Câu này dịch sang tiếng Hán là Như Lai.

 

(Sao) “Đá địa dạ tha”, tân dịch vân “tha đích dã thát”, cựu vân “đát điệt tha”. Điệt, âm điệt, tức địa dạ nhị hợp dã. Thử vân “tức thuyết chú viết”, tự hậu phương thị mật ngữ.

()哆地夜他,新譯云他的也撻,舊云怛絰他。絰,音迭,即地夜二合也。此云即說咒曰。自後方是密語。

(Sao: “Đá địa dạ tha” (Tadyathā): Phiên âm theo lối tân dịch là “tha đích dã thát”, cựu dịch là “đát điệt tha”. Chữ Điệt () đọc là Điệt (), tức là Địa và Dạ đọc dính lại, cõi này dịch là “liền nói chú rằng”, từ đấy trở đi là mật ngữ).

[Nguyên văn] tiếng Phạn vẫn là cùng một chữ. Một chữ mà có vài cách phiên âm khác nhau, do người phiên dịch phiên âm khác nhau, nhưng ý nghĩa đều như nhau. Sau chữ “đá địa dạ tha” tức là từ “a di rị đô bà tỳ” trở về sau chính là mật chú. Do vậy có thể biết: Trong mười bốn câu chú ngữ, ba câu đầu là hiển thuyết, những câu sau đó mới là mật chú.

 

(Sao) Nhiên thần chú tùng cổ bất phiên, lược hữu ngũ ý.

()然神咒從古不翻,略有五意。

(Sao: Nhưng thần chú từ xưa chẳng dịch, nói đại lược thì có năm ý).

Có năm ý nghĩa [khiến cho] cổ nhân chẳng dịch chú ngữ, chỉ phiên âm, không dịch ý nghĩa. Trong phần trước, chúng tôi cũng đã nói với quý vị ý nghĩa của mỗi câu. Thật ra, chú này vẫn có ý nghĩa, trọn chẳng phải là hoàn toàn không có ý nghĩa[129]. Chú ngữ hoàn toàn chẳng có ý nghĩa cũng có, loại này vẫn chiếm số lượng rất lớn trong các mật chú.

 

(Sao) Nhất, như vương mật chỉ, vật vọng tuyên truyền, đản nghi khâm phụng cố.

()一、如王密旨,勿妄宣傳,但宜欽奉故。

(Sao: Một là như mật chỉ của vua, chớ tuyên truyền bừa bãi, chỉ nên kính cẩn phụng hành).

Giống như ý chỉ bí mật của đế vương xưa kia, quý vị chỉ chiếu theo đó mà làm, chẳng cần hỏi han ý nghĩa như thế nào, cứ y giáo phụng hành là được rồi. Thần chú giống như mật chỉ của Như Lai, chẳng cần hỏi ý nghĩa là gì, chỉ cần thật thà niệm, tam mật tương ứng là được rồi!

 

(Sao) Nhị, hoặc nhất ngữ quảng hàm đa nghĩa, như Tiên Đà Bà cố.

(Diễn) Tiên Đà Bà giả, thị Phạn ngữ, hữu diêm, thủy, mã, khí, tứ danh. Duy hữu trí thần nãi năng biện thức, như vương thực thời, hô Tiên Đà Bà, tắc tri yếu diêm. Như vương tẩy quán, hô Tiên Đà Bà, tắc tri yếu thủy. Như vương tác chúng vụ thời, hô Tiên Đà Bà, tắc tri yếu khí. Như vương xuất du, sách Tiên Đà Bà, tắc tri yếu mã.

()二、或一語廣含多義,如僊陀婆故。

()仙陀婆者。是梵語。有鹽水馬器四名。惟有智臣乃能辨識。如王食時。呼仙陀婆。則知要鹽。如王洗盥。呼仙陀婆。則知要水。如王作眾務時。呼仙陀婆。則知要器。如王出游。索仙陀婆。則知要馬。

(Sao: Hai là một chữ bao hàm rộng rãi nhiều nghĩa, như Tiên Đà Bà.

Diễn: Tiên Đà Bà là tiếng Phạn, tương ứng với tên gọi của bốn thứ là muối, nước, ngựa và vật dụng, chỉ có kẻ bầy tôi có trí mới có thể phân biệt. Như khi vua ăn, gọi Tiên Đà Bà, biết là cần muối. Như vua tắm gội, kêu Tiên Đà Bà, liền biết là cần nước. Như vua làm các việc, gọi Tiên Đà Bà, liền biết là vua cần vật dụng. Như vua xuất du, đòi Tiên Đà Bà, biết là muốn có ngựa).

Tiên Đà Bà (Saindhava) là tiếng Phạn. Trong chữ này bao hàm rất nhiều ý nghĩa, trong phần chú giải sau đó có nói. Trong tình huống nào, nói chữ này thì có ý nghĩa là gì. Tình hình đó không phải chỉ là trong tiếng Phạn mới có, trong ngôn ngữ của Trung Hoa cũng có. Muốn thật sự hiểu rõ ý nghĩa, không chỉ là phải xét xem âm đọc như thế nào, chữ Hán có rất nhiều chữ “phá âm”[130], mà còn phải xét xem sự biểu lộ qua ngữ khí thì mới thật sự suy lường ý nghĩa của nó.

 

(Sao) Tam, hoặc thử phương sở vô, như Diêm Phù Đề cố.

()三、或此方所無,如閻浮提故。

(Sao: Ba, hoặc là do phương này không có, như Diêm Phù Đề[131] vậy).

 Ở Ấn Độ có, tại Trung Hoa chẳng có. Thí dụ như Trung Hoa là xứ ôn đới, Ấn Độ là nhiệt đới, trong miền nhiệt đới có khá nhiều loại động thực vật mà Trung Hoa chẳng có.

 

(Sao) Tứ, hoặc thuận cổ văn, như A Nậu Bồ Đề cố.

()四、或順古文,如阿耨菩提故。

(Sao: Bốn là thuận theo cổ văn như A Nậu Bồ Đề).

 Thuận theo lệ cổ không dịch. Chữ A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề có thể phiên dịch, nhưng do thời cổ chẳng dịch, mà dùng cách phiên âm, sau đấy mới giải thích thêm.

 

(Sao) Ngũ, hoặc tôn trọng, phi Đường ngôn khả đối, như Bát Nhã cố.

()五、或尊重,非唐言可對,如般若故。

(Sao: Năm là hoặc do tôn trọng, chẳng có tiếng Hán tương ứng để diễn tả trọn vẹn ý nghĩa, như chữ Bát Nhã).

Đây là thuộc loại “tôn trọng chẳng dịch”.

 

(Sao) Nhất vân: Diệc khả cưỡng phiên.

()一云:亦可強翻。

(Sao: Có người nói: Cũng có thể miễn cưỡng phiên dịch).

“Nhất vân” là lại có một cách nói khác nữa, chú cũng có thể miễn cưỡng dịch ra.

 

(Sao) Ký vị chi cưỡng, hạt nhược dĩ chi.

()既謂之強,曷若已之。

(Sao: Đã nói là miễn cưỡng, cần gì phải làm vậy?)

 Nếu đã miễn cưỡng, cần gì phải làm? Chúng ta biết: Dài nhất trong các bài thần chú là thần chú Lăng Nghiêm trích từ kinh Lăng Nghiêm. Từ xưa đến nay, kinh Lăng Nghiêm đã có hơn một trăm vị chú giải, mỗi vị chú giải đều chẳng dịch nghĩa chú Lăng Nghiêm, chỉ giới thiệu đơn giản, khái lược. Chỉ riêng pháp sư Từ Vân Quán Đảnh đời Thanh là dịch nghĩa thần chú Lăng Nghiêm. Cổ nhân có vị dịch nghĩa thần chú, có vị không dịch. Không dịch vẫn chiếm đa số.

 

(Sớ) Kinh chú tương liên, chánh Hiển Mật viên thông nghĩa.

()經咒相聯,正顯密圓通義。

(Sớ: Kinh và chú liên quan với nhau, chính là ý nghĩa Hiển Mật viên thông).

 Chú Vãng Sanh không thuộc về bộ kinh này, vì sao ghép vào đây? Liên Trì đại sư muốn dạy chúng ta: Hiển và Mật là viên dung, thông đạt, chẳng có chướng ngại. Kinh là chú hiển thuyết, chú là kinh mật thuyết, phương thức biểu đạt khác nhau, nội dung chẳng hai, chẳng khác. Nội dung của phần dịch nghĩa chú Vãng Sanh xác thực là nhằm dạy chúng ta hãy niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, chỉ thú giống hệt như kinh Di Đà. Đại sư làm cách này, đúng là khổ tâm tốn sức! Chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề tánh tình bất định, thay đổi thất thường, nay thích điều này, mai ưa điều khác, niệm Phật chẳng thật thà. Thấy kẻ khác tham Thiền, bèn mong tĩnh tọa tham Thiền. Thấy người ta học Mật, cũng muốn niệm chú, tu học như vậy sẽ chẳng thành tựu! Không chỉ là niệm Phật chẳng tốt đẹp, mà bất luận tu học pháp môn nào, cũng đều chẳng thể học tốt đẹp được! Đại sư làm cách này, không gì chẳng nhằm dạy chúng ta khăng khăng một mực thật thà niệm Phật. Sau mỗi đoạn Sớ Sao, đều có phần đàm luận xứng tánh. Phần xứng tánh ấy thuộc về Thiền Tông, nhằm bảo rõ với chúng ta: Có đoạn nào, câu nào trong kinh Di Đà chẳng phải là thượng thượng Thiền? Chẳng cần phải tu Thiền nữa. Chẳng phải là quý vị đã học Mật rồi đó ư? Chú Vãng Sanh là vô thượng mật chú; ở đây, chúng ta cũng có chú ấy. Vì thế, chỉ là một dụng ý, một mục tiêu, nhằm dạy chúng ta nhận biết rõ ràng hết thảy các pháp môn, thật thà niệm Phật. Thật thà niệm Phật, chẳng có ai không thành tựu! Cổ đức bảo pháp môn này là “vạn người tu, vạn người đến” chẳng giả!

 

(Sao) Tường trần bỉ quốc, y chánh trang nghiêm, tín, hạnh, nguyện môn, như kinh sở minh, thị chi vị Hiển.

()詳陳彼國,依正莊嚴,信行願門,如經所明,是之謂顯。

 (Sao: Nói cặn kẽ y báo và chánh báo trang nghiêm trong ấy, các môn Tín, Hạnh, Nguyện được giảng rõ trong kinh, đó gọi là Hiển).

“Trần” là trần thuyết (陳說: tường thuật, giải thích), nói rõ tường tận, cặn kẽ trạng huống trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Y” (依) là trạng huống nơi hoàn cảnh sống. “Chánh” (正) là nói đến A Di Đà Phật, cũng như trạng huống tu học tại Tây Phương của những người từ mười phương vãng sanh đến thế giới Tây Phương, đều nói rất rõ ràng, rất minh bạch. Nhất là chúng ta hợp ba kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật và kinh Di Đà lại để xem, sẽ mười phần liễu giải trạng huống trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Chỉ có thật sự liễu giải, thật sự hiểu rõ, tín tâm của chúng ta mới sanh khởi. Tín tâm chẳng thể sanh khởi chính là vì chẳng hiểu rõ trạng huống trong Tây Phương cho mấy. Nghe nói [cõi ấy] tốt đẹp, rốt cuộc là thật hay giả? Kẻ ấy ôm nỗi nghi hoặc, tín tâm chẳng thanh tịnh. Nhất định là phải hiểu rõ ràng, nhất định phải hiểu minh bạch, tín tâm bèn thanh tịnh.

Có tín tâm, có nguyện vọng mạnh mẽ, nguyện sanh về Tịnh Độ, nguyện thấy Di Đà. Nguyện này hết sức trọng yếu, có Tín, có Nguyện thì mới thật sự chịu làm, đó là có Hạnh. Hạnh là dùng niệm Phật làm Chánh Hạnh. Kinh Vô Lượng Thọ từ phẩm ba mươi hai tới phẩm ba mươi bảy dạy chúng ta đoạn ác tu thiện, trì giới niệm Phật, đó là Trợ Hạnh. Tam Phước và [nhân hạnh của] chín phẩm trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật cũng thuộc loại Trợ Hạnh. Chánh Trợ song tu, quyết định được vãng sanh. Kinh đã nói rõ ràng về Tín, Nguyện, Hạnh cho chúng ta. Đó gọi là Hiển Giáo, hết sức rõ rệt.

 

(Sao) Tuân Phật bí sắc, đản trì thử chú, tức đắc vãng sanh, thị chi vị Mật.

()遵佛祕敕,但持此咒,即得往生,是之謂密。

(Sao: Tuân theo sắc lệnh bí mật của đức Phật, chỉ trì chú này, liền được vãng sanh, đó gọi là Mật).

Trong Mật, điều kiện trọng yếu nhất là tín tâm tuyệt đối, tuyệt đối chẳng thể có mảy may nghi hoặc nào! Trong Hiển Giáo, có nghi hoặc vẫn chẳng sao, kinh giáo có thể giúp quý vị giải quyết [nỗi nghi hoặc ấy]. Trong Mật Giáo mà có nghi hoặc thì không được rồi, quyết định chẳng thể thành tựu, phải là có tín tâm tuyệt đối. Vì sao? Trong chú chẳng có giải thích, đức Phật nói như thế nào, quý vị bèn thật thà trì chú, dùng phương pháp này.

“Đản trì thử chú, tức đắc vãng sanh” (Chỉ trì chú này, liền được vãng sanh), giống như trong kinh đã nói: Quý vị có thể trì chú Vãng Sanh ba mươi vạn lần, chắc chắn được vãng sanh. Từ xưa đến nay, xác thực là có không ít người thấy kinh dạy như vậy, họ cũng niệm, sau khi đã niệm đủ ba mươi vạn lần, chẳng có hiệu quả! Do nguyên nhân gì? Kẻ ấy chẳng có tín tâm tuyệt đối, vừa niệm vừa hoài nghi, làm thử xem, ba mươi vạn lần rốt cuộc là giả hay thật? Kẻ ấy chẳng có chân tâm, dùng cái tâm “thử xem” để niệm chú, niệm ba mươi vạn lần, hay ba trăm vạn lần cũng chẳng được! Khuyết điểm là do cái tâm “thử xem”. Thử xem có linh hay không, kết quả là chẳng linh. Do đó, cái tâm trì chú chớ nên giả dối, chớ nên [dùng cái tâm] thăm dò, chớ nên dùng cái tâm suy đoán. Người trì chú, nói tới thật thà, chúng ta thường nói “thật thà niệm Phật”, còn phải thật thà hơn người niệm Phật thì mới được. Hễ có mảy may chẳng thật thà, ba mươi vạn lần đều là niệm uổng công, chẳng thể thành tựu, đạo lý ở chỗ này. Chẳng phải là chú không linh!

Như trong Liễu Phàm Tứ Huấn đã nói, ông ta (Viên Liễu Phàm) đã nêu tỷ dụ “vẽ bùa, niệm chú”. Biết vẽ bùa, sẽ vẽ được một đạo bùa linh ứng; chẳng biết cách vẽ bùa, sẽ bị quỷ thần chê cười. Bùa vẽ như thế nào sẽ linh? “Thành tắc linh” (Có lòng thành, ắt linh thiêng). Tiêu chuẩn của Thành là gì? Trong Độc Thư Bút Ký (bút ký đọc sách), ông Tăng Quốc Phiên đã định nghĩa chữ Thành như sau: “Một niệm chẳng sanh thì gọi là Thành”. Trong tâm chẳng có ý niệm nào, đó là Thành. Trong tâm có một niệm thì chẳng thành. Kẻ vẽ bùa ấy, lúc bình thời phải luyện tập, luyện rất thuần thuộc; đối với mỗi đạo bùa, hễ hạ bút liền vẽ một mạch. Không thông thuộc, vẽ tới chỗ nào đó rồi lại dấy lên ý niệm suy nghĩ trong chốc lát [phải vẽ tiếp như thế nào, đạo bùa ấy] sẽ chẳng linh. Người ấy hạ bút liền vẽ một mạch thì sẽ vẽ đạo bùa ấy thành công. Chẳng có một vọng niệm nào, đạo bùa ấy sẽ linh. Hễ dấy lên một vọng niệm, sẽ chẳng linh. Do đó, chẳng biết vẽ bùa, sẽ bị quỷ thần cười cợt. “Chẳng biết vẽ bùa” là khi vẽ bùa có xen lẫn ý niệm trong ấy.

Cùng một đạo lý như vậy, niệm chú có người niệm linh ứng, có người niệm chú, âm đọc cũng chẳng sai một chữ nào, thế mà chẳng linh! Cùng một đạo lý: Hễ thành sẽ linh. Chư vị phải biết: Chú càng dài càng khó, vì thời gian dài, dễ dấy lên vọng tưởng. Hễ vọng tưởng nẩy sanh, chú ấy sẽ không linh. Vì thế, cổ nhân nói: “Niệm kinh chẳng bằng niệm chú, niệm chú chẳng bằng niệm Phật”. Trong bốn chữ A Di Đà Phật, chẳng có một vọng tưởng thì được, rất dễ dàng làm được, [cho nên niệm Phật sẽ] linh! Vì thế, tôi khuyên mọi người dùng pháp Thập Niệm để tu trì, đối với mười câu A Di Đà Phật, thời gian chỉ cần một phút, nhiếp tâm dễ dàng. Trong mười câu Phật hiệu, chẳng có một vọng niệm, thời gian công khóa tuy ngắn ngủi, nhưng linh ứng. Quý vị niệm Phật, mỗi ngày niệm mấy ngàn câu, mấy vạn câu, trong ấy có vọng tưởng, có tạp niệm, sẽ chẳng linh! Vì thế, đối với cách Thập Niệm này, quý vị hãy thật sự khéo niệm, chừng một, hai tuần, sẽ cảm nhận hiệu quả. Do nguyên nhân nào? Đạo lý ở ngay chỗ này! Thời gian ngắn ngủi, dễ nhiếp tâm, phù hợp “tịnh niệm tiếp nối”, phù hợp “nhiếp trọn sáu căn”, phù hợp tiêu chuẩn ấy. Vì thế, hiệu quả hết sức rõ rệt. Trì chú, niệm Phật, phải hiểu bí quyết trọng yếu ở trong ấy.

 

(Sao) Hiển giả, hiển thử mật dã; mật giả, mật thử hiển dã.

()顯者,顯此密也;密者,密此顯也。

(Sao: Hiển là hiển lộ bí mật này, Mật là ẩn mật hiển pháp này).

 Hiển Mật viên dung là cùng một chuyện, một phương pháp, đức Phật dùng hai phương thức bất đồng để biểu đạt: Một đằng là hiển thuyết, một đằng là mật thuyết.

 

(Sao) Kiêm trì tắc song mỹ tất cụ, đơn cử diệc giao nhiếp bất di, cố viết Viên Thông.

()兼持則雙美畢具,單舉亦交攝不遺,故曰圓通。

(Sao: Trì cả hai ắt đẹp đẽ, trọn vẹn cả đôi đường, chỉ nêu riêng một pháp thì pháp này dung nhiếp pháp kia chẳng sót. Vì thế nói là Viên Thông).

“Kiêm trì”: Nay chúng ta đều chọn dùng phương pháp này. Niệm xong kinh Di Đà bèn niệm ba biến chú Vãng Sanh, có Hiển, có Mật. Đó gọi là “kiêm trì”. Đấy là “song mỹ”, “tất cụ”, chẳng có mảy may thiếu khuyết nào! “Đơn cử” là chỉ niệm kinh, hoặc chỉ niệm chú cũng đều được! Niệm kinh là Hiển, trong Hiển có Mật. Tuy chẳng niệm chú, nhưng mật nghĩa đều ở trong kinh. Chỉ trì chú Vãng Sanh cũng được, tuy là Mật, hiển kinh cũng ở trong mật nghĩa. Vì Mật là Mật của Hiển, Hiển là Hiển của Mật. Do vậy, quý vị chỉ trì một loại, ý nghĩa vẫn là viên mãn. Đó mới gọi là Viên Thông.

Viên Thông là từ ngữ trong kinh Lăng Nghiêm. Trong Hoa Nghiêm, câu này được gọi là Vô Ngại. Vô ngại bèn viên thông; có chướng ngại sẽ chẳng thông, sẽ chẳng viên. Trong kinh Hoa Nghiêm, Thanh Lương đại sư nói là “tứ vô chướng ngại pháp giới”, Viên Thông là pháp giới vô chướng ngại. Pháp giới vô chướng ngại là cảnh giới sở chứng của Như Lai và các vị đại Bồ Tát. “Đại Bồ Tát” là bậc Địa Thượng Bồ Tát trong Viên Giáo, [nói Viên Thông] là nói tới [cảnh giới] sở chứng của các Ngài. Kinh Hoa Nghiêm nói “Lý vô ngại, Sự vô ngại, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”. Kinh Lăng Nghiêm dùng hai chữ Viên Thông để nói trọn hết.

 

(Sớ) Tuy vân giao nhiếp, nhi chuyên trì danh hiệu, do thắng trì chú, diệc thắng dư chú, diệc thắng nhất thiết chư dư công đức.

()雖云交攝,而專持名號,猶勝持咒,亦勝餘咒,亦勝一切諸餘功德。

(Sớ: Tuy nói là “nhiếp lẫn nhau”, nhưng chuyên trì danh hiệu vẫn thù thắng hơn trì chú [Vãng Sanh], mà cũng thù thắng hơn các chú khác, cũng thù thắng hơn hết thảy các công đức).

Trong đoạn khai thị này, nói thật ra, nếu Liên Trì đại sư chẳng giảng cho chúng ta rõ ràng, minh bạch như vậy, thật sự là chúng ta chẳng biết danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn. Danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn, chúng ta cũng thường nghe, cũng thường thấy trong chú sớ của các vị tổ sư nói kiểu này, rốt cuộc là chẳng thể nghĩ bàn như thế nào, chẳng biết! Trong đoạn này, Liên Trì đại sư đã nêu bày chẳng thể nghĩ bàn như thế nào, chẳng thể nghĩ bàn đến mức độ nào, đúng là khó có! Chúng ta có thể gặp gỡ, thật sự là có đại phước báo. Từng câu dưới đây đều nhằm giải thích [vì sao chư Phật, Bồ Tát, lịch đại tổ sư đặc biệt ca ngợi pháp trì danh].

 

(Sao) Thiên tán trì danh dã.

()偏讚持名也。

(Sao: Đặc biệt ca ngợi trì danh).

“Tán” là tán thán (讚歎). Trong tất cả hết thảy các pháp môn, tám vạn bốn ngàn pháp môn, hoặc vô lượng pháp môn, chư Phật Như Lai, tổ sư đại đức đặc biệt tán thán “trì danh”, lại còn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật, đạo lý ở chỗ nào? Rốt cuộc vì sao phải tán thán như vậy?

 

(Sao) Dĩ chú vân: “Tụng tam thập vạn biến, tắc kiến A Di Đà Phật”.

()以咒云:誦三十萬遍,則見阿彌陀佛。

(Sao: Do trong kinh văn giảng về chú Vãng Sanh đã nói: “Tụng ba mươi vạn lần, sẽ thấy A Di Đà Phật”).

Chú Vãng Sanh phải niệm ba mươi vạn lần thì mới thấy A Di Đà Phật.

 

(Sao) Nhi trì danh, tắc nhất nhật nhất tâm, tức Phật hiện tiền cố.

()而持名,則一日一心,即佛現前故。

(Sao: Nhưng trì danh thì một ngày nhất tâm, Phật bèn hiện tiền).

 Chú Vãng Sanh chẳng bằng Phật hiệu; đối với Phật hiệu, chí tâm xưng danh một ngày, một đêm, A Di Đà Phật bèn hiện tiền, bèn đắc nhất tâm bất loạn. Chú Vãng Sanh còn phải niệm ba mươi vạn lần, Phật mới hiện tiền, chứng tỏ chú chẳng bằng Phật hiệu. Liên Trì đại sư nói lời này chẳng phải là nói tùy tiện, mà đều là có kinh điển để làm căn cứ. Niệm ba mươi vạn lần chú Vãng Sanh phải tốn thời gian rất dài. Niệm câu Phật hiệu này một ngày một đêm vượt trỗi ba mươi vạn lần chú Vãng Sanh. Đó là chỗ thua kém của chú Vãng Sanh.

 

(Sao) Hựu chú vân: “Trú dạ lục thời, các tụng tam thất biến, năng diệt Ngũ Nghịch đẳng tội, nhi trì danh, tắc chí tâm niệm Phật nhất thanh, tức diệt bát thập ức kiếp sanh tử trọng tội cố.

()又咒云:晝夜六時,各誦三七遍,能滅五逆等罪。而持名,則至心念佛一聲,即滅八十億劫生死重罪故。

(Sao: Chú lại nói: Ngày đêm sáu thời, mỗi thời tụng hai mươi mốt lần, có thể diệt các tội như Ngũ Nghịch v.v… Nhưng trì danh thì chí tâm niệm Phật một tiếng liền diệt trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử).

Niệm chú Vãng Sanh còn phải “trú dạ lục thời, các tụng tam thất biến” (ngày đêm sáu thời, mỗi thời tụng hai mươi mốt biến), “tam thất” là hai mươi mốt biến. “Trú dạ lục thời” (Ngày đêm sáu thời), mỗi thời niệm hai mươi mốt lần, một ngày đêm niệm sáu lượt. Ngày ba thời: Sơ nhật phần niệm một lần, trung nhật phần niệm một lần, hậu nhật phần niệm một lần. Ban đêm cũng thế, sơ dạ phần niệm một lần, trung dạ phần niệm một lần, hậu dạ phần niệm một lần, thì mới “năng diệt Ngũ Nghịch đẳng tội” (có thể diệt tội như Ngũ Nghịch v.v…). “Trì danh” là thành tâm niệm một câu A Di Đà Phật liền “diệt bát thập ức kiếp sanh tử trọng tội” (diệt trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử). Chú chẳng bằng Phật hiệu, trong kinh đức Phật có nói điều này. Có người không niệm Phật mà muốn niệm chú, có cách nào? Chẳng có cách nào hết! Chúng ta chỉ đành nói là mỗi người có nhân duyên riêng.

Trong ấy, điều then chốt là Thành, tức chân thành. Đó là nhân. Phật hiện tiền, diệt tội Ngũ Nghịch, đó là quả. Trong ấy còn có duyên. Nếu chẳng có duyên, quả chẳng thể hiện tiền. Chúng ta mỗi ngày không chỉ niệm một câu Phật hiệu, [thế mà] Phật cũng chẳng hiện tiền. Do duyên cớ gì? Đương nhiên, điều thứ nhất là do cái nhân chẳng chánh đáng, duyên khuyết thiếu. Duyên là gì? Kinh nói “thiện nam tử, thiện nữ nhân”, đó là duyên. Chúng ta thật sự là thiện nam tử, thiện nữ nhân, lại có thành tâm, sẽ linh. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, đức Phật đã giảng về tiêu chuẩn thiện rất rõ ràng, rất minh bạch, chính là Tịnh nghiệp Tam Phước. Đấy là tiêu chuẩn của thiện. Phải thật sự làm được điều thiện nhân thiên, tức là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện nghiệp”, phải thật sự làm được! Hằng ngày niệm Phật suông [không tu điều phước thứ nhất trong Tịnh nghiệp Tam Phước] sẽ vô dụng, chẳng được coi là “thiện nam tử, thiện nữ nhân”, phải làm được! Đó là nhân thiên thiện. Nhị Thừa thiện thì còn phải thêm ba điều, “thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi”, sẽ là thiện nam tử, thiện nữ nhân theo Tiểu Thừa.

Pháp môn này và kinh điển này là pháp của Đại Thừa Bồ Tát. Không chỉ là pháp Đại Thừa, cổ đại đức dạy chúng ta: Pháp môn này là Đại Thừa của Đại Thừa, là Nhất Thừa của Nhất Thừa, là pháp môn vô thượng chân thật bậc nhất. Tiêu chuẩn thiện của nó càng cao hơn; vì thế, còn phải thêm vào: “Phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”. Những điều này chúng ta đều làm được, dùng cái tâm chân thành để niệm câu Phật hiệu, xác thực là niệm một tiếng Phật hiệu “diệt trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử”, vãng sanh Tịnh Độ sẽ là thượng thượng phẩm vãng sanh.

Có những người thoạt trông dường như rất ngu si, như người đồ đệ làm thợ vá nồi của pháp sư Đế Nhàn. Ông ta chẳng biết chữ, chẳng có kiến thức, trung niên xuất gia. Lão pháp sư dạy ông ta niệm một câu A Di Đà Phật. Người ta niệm ba năm, biết trước lúc mất, đứng vãng sanh. Ông ta chưa từng học Tam Phước, cớ sao có thể vãng sanh thù thắng như vậy? Nói thật ra, đối với mười một điều trong Tam Phước, ông ta thảy đều làm được, thảy đều trọn đủ, nhưng quý vị hỏi ông ta, ông ta sẽ chẳng thốt nên lời, không biết! Đó là người như cổ nhân đã bảo “ngu không ai bằng”. Tuy ông ta ngu ngơ, điều gì cũng chẳng biết, nhưng chúng ta chẳng bằng ông ta! Ông ta tâm địa thanh tịnh, thiện lương, so sánh từng điều trong tiêu chuẩn ấy, ông ta thảy đều trọn đủ. Nghe lời thầy, [vì thế] “phụng sự sư trưởng” ông ta làm được. Thầy dạy ông ta làm như thế nào, ông ta giảm bớt một chút cũng chẳng có, cứ thật thà làm theo, vâng theo một trăm phần trăm, thứ gì cũng làm được, cho nên duyên của ông ta đầy đủ. Tâm địa chân thành, trừ câu A Di Đà Phật ra, ý niệm gì cũng đều chẳng có, nhân đầy đủ! Ông ta nhân duyên đầy đủ, quả báo hiện tiền, quả báo thù thắng khôn sánh. Chúng ta nhất định phải hiểu điều này. Nếu không, chúng ta sẽ cảm thấy: Sao mà có người niệm thì linh, có kẻ niệm chẳng linh? Rốt cuộc người niệm linh ứng thì có phải là người đó rất may mắn hay không? Có phải là người ấy rất hên hay không? Chẳng phải vậy! Mảy may vận hên cũng chẳng có! Vì thế, sau khi đã hiểu rõ lý luận và chân tướng sự thật, chúng ta bèn biết phải tu như thế nào! Do đó, Tam Phước hết sức trọng yếu. Đấy là nói niệm danh hiệu A Di Đà Phật mạnh mẽ hơn niệm chú Vãng Sanh.

 

(Sao) Nhị, thắng dư chú giả.

()二、勝餘咒者。

(Sao: Hai là thù thắng hơn các chú khác).

“Dư chú” là những chú khác. Hết thảy các chú do đức Phật đã nói trong bốn mươi chín năm, kể cả chú Đại Bi, chú Lăng Nghiêm, chú Chuẩn Đề v.v… đều chẳng sánh bằng danh hiệu A Di Đà Phật.

 

(Sao) Chuyên trì danh hiệu, tức đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú.

()專持名號,即大神咒、大明咒、無上咒、無等等咒。

(Sao: Chuyên trì danh hiệu, chính là đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, chú không có gì sánh bằng).

Danh hiệu A Di Đà Phật là “đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, chú không có gì sánh bằng”, vì sao?

 

(Sao) Dĩ thập niệm tiện đắc vãng sanh, nhất sanh tiện đắc bất thoái, oai linh bất trắc, tư danh đại thần.

()以十念便得往生,一生便得不退,威靈不測,斯名大神。

(Sao: Do mười niệm bèn được vãng sanh, trong một đời bèn đắc Bất Thoái, oai linh chẳng lường được, nên gọi là “đại thần”).

Nhìn từ những ý nghĩa được bao hàm trong danh tự thì sáu chữ hồng danh chẳng thẹn gọi là “đại thần chú”! “Thập niệm vãng sanh” là nguyện thứ mười tám trong bốn mươi tám nguyện. Nguyện thứ mười tám nói: Kẻ tạo tác Ngũ Nghịch, Thập Ác, lâm chung gặp thiện hữu khuyên người ấy niệm Phật, do một niệm hoặc mười niệm bèn có thể vãng sanh. Chú nào có thể sánh bằng một câu Phật hiệu? Dẫu các thần chú khác cũng có năng lực ấy, nhưng “nhất sanh tiện đắc Bất Thoái” (trong một đời bèn đắc Bất Thoái), đại khái là chẳng thể tìm thấy trong các chú khác. Sanh về thế giới Tây Phương, dẫu là hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư cũng chứng trọn vẹn ba món Bất Thoái, điều này chẳng thể tìm thấy trong tất cả hết thảy các thần chú. Đây là nói rõ ràng, nói minh bạch cùng chúng ta: “Trì chú chẳng bằng niệm Phật”.

Bao nhiêu kẻ mê đắm nơi thần chú, chẳng biết danh hiệu có công đức thù thắng, chẳng nhận biết giá trị, chẳng nhận thức! Thật sự nhận biết rõ ràng, nhận biết minh bạch, thật sự là chẳng dễ dàng! Chẳng phải là người có đại phước đức, đại thiện căn, đại nhân duyên, làm sao quý vị có thể hiểu rõ cho được? Kinh Di Đà chẳng dài, Sớ Sao chẳng ngắn. Giảng bộ Sớ Sao to như vậy một lượt, khá khó khăn! Thiện căn, phước đức, và nhân duyên chẳng phải là ai nấy đều trọn đủ, họ làm sao hiểu nổi? Chẳng hiểu sự thù thắng của danh hiệu. “Oai linh bất trắc” (Oai linh chẳng lường), [nói tới sự] oai đức linh cảm là nói tới mười niệm vãng sanh, bất thoái ngay trong một đời. Đó là đại thần chú.

 

(Sao) Dư khả lệ tri cố.

()餘可例知故。

(Sao: Đối với những điều khác, cứ phỏng theo đó suy ra sẽ biết).

Những điều khác, đại sư tỉnh lược. Trong phần tiểu chú, pháp sư Cổ Đức có bổ sung.

 

(Diễn) Dư khả lệ tri giả, nhất tâm bất loạn, đoạn vô minh, kiến tự tánh, đại minh chú dã.

()餘可例知者,一心不亂,斷無明見自性,大明咒也。

(Diễn: “Những điều khác cứ phỏng theo đó, suy ra mà biết”: Nhất tâm bất loạn, đoạn vô minh, thấy tự tánh, tức là đại minh chú).

“Minh” là minh tâm kiến tánh. Chư vị hãy lắng lòng suy nghĩ cặn kẽ. Nếu trong quá khứ hoặc hiện tại, quý vị học Mật đôi chút, Thượng Sư Nhân Ba Thiết (Rinpoche) dạy quý vị mấy bài chú, quý vị cũng thọ trì hằng ngày, sáng tối đều niệm chú, có phải là tâm quý vị ngày càng sáng suốt hơn hay chăng? Nếu chúng ta càng niệm, tâm càng hồ đồ, càng niệm càng phiền não, càng niệm càng vô tri, chú ấy chẳng linh, xác thực là chẳng bằng một câu danh hiệu!

Để thành tựu công đức nơi danh hiệu, bí quyết trọng yếu là chuyên tinh. Danh hiệu dễ trì, nó rất ngắn, [niệm] câu ấy dễ dàng, nên gọi là “dị hành đạo” (易行道: đạo dễ hành). So sánh các thứ khác với Phật hiệu, chúng đều gọi là “đạo khó hành”, chẳng dễ dàng như cách này. “Dị” (易) là gì? Dễ dàng nhiếp tâm. Cũng có nghĩa là khi chúng ta luyện tập, niệm Phật là thực hiện công phu, trì chú cũng là luyện công phu, đọc kinh cũng là đang hành công phu. Điều khẩn yếu nhất trong luyện tập công phu là nhiếp tâm. Nhiếp tâm là như Đại Thế Chí Bồ Tát đã dạy: “Nhiếp trọn sáu căn”. Chúng ta có thể nhiếp hay không, đó là vấn đề! Càng đơn giản, ngắn gọn, càng tinh yếu, càng dễ nhiếp tâm. Chư vị nhất định phải hiểu: Nói Lý thì phải tỉ mỉ, càng cặn kẽ càng tốt. Chúng ta phải thật sự hiểu rõ ràng, phải hiểu minh bạch; tu hành thì càng đơn giản càng hay, đơn giản mới là dễ dàng. Hành chớ nên phức tạp, chớ nên rất khó, chớ nên ham nhiều!

Một câu Phật hiệu đúng là phải thật thà niệm. Thật sự thật thà niệm, dẫu quý vị chẳng thể đắc nhất tâm bất loạn, quyết định là công phu thành phiến chẳng có vấn đề gì! Nếu quý vị đắc công phu thành phiến, trước mắt sẽ có đại thọ dụng, đạt được lợi ích chân thật nơi Phật pháp. Rốt cuộc công phu thành phiến có ưu điểm gì? Có những lợi ích gì?

1) Thứ nhất là phiền não nhẹ nhàng. Phiền não chưa đoạn; hễ đoạn được, sẽ là nhất tâm bất loạn. Chưa đoạn, nhưng nhẹ bớt, chẳng nặng nề như trước kia.

2) Thứ hai, vọng niệm bớt đi. Có vọng niệm, nhưng chẳng nhiều như trước kia.

3) Thứ ba, trí huệ tăng trưởng, người bỗng dưng thông minh. Trước kia, đối với người, đối với sự, đối với vật, đều hồ đồ, mờ mịt, nay bèn hiểu rõ, chẳng hồ đồ.

4) Thứ tư, pháp hỷ sung mãn. Bất luận khi nào, bất luận nơi nào, trong tâm hoan hỷ, pháp hỷ. Pháp hỷ chính là chất dinh dưỡng thù thắng nhất mà chúng ta nhấn mạnh trong đạo lý dưỡng sanh, nó thật sự  có  thể

khiến cho quý vị giữ mãi vẻ thanh xuân, chẳng già, chẳng bệnh.

Thật sự có thể đạt được, đạt được công phu thành phiến, tiền đồ lại còn là một bầu quang minh. Phàm phu rất đáng thương, chẳng biết sanh từ đâu đến, chết không biết đi về đâu? Hồ đồ, mờ mịt đến, hồ đồ, mờ mịt mà đi. Đáng thương! Quý vị đạt được công phu thành phiến, bèn hiểu rõ ràng, minh bạch, tiền đồ là một bầu quang minh, làm sao có thể giống [như cũ] được? Đại minh chú đấy nhé! Dẫu trong một đời này, chúng ta chẳng đạt được nhất tâm bất loạn, nhất tâm bất loạn xác thực là chẳng dễ dàng, nó là công phu bậc cao, nhưng công phu thành phiến thì chúng ta nhất định có thể đạt được. Đến khi chúng ta vãng sanh, Phật đến tiếp dẫn. Phật quang vừa chiếu, ngay lập tức, một chút công phu thành phiến của chúng ta được nâng lên thành nhất tâm bất loạn. Đó là do Phật lực gia trì. Nếu chúng ta đắc Sự nhất tâm bất loạn, Phật quang vừa chiếu bèn nâng lên thành Lý nhất tâm bất loạn. La Thập đại sư phiên dịch bộ kinh này, dịch thành “nhất tâm bất loạn”, hoàn toàn chẳng dịch sai! Nhưng phải hiểu: Trong kinh điển bằng tiếng Phạn, chẳng nói ý nghĩa “nhất tâm bất loạn”, bản dịch của Huyền Trang đại sư ghi là “nhất tâm hệ niệm”, chẳng phải là nhất tâm bất loạn. Nhưng nhất tâm bất loạn, xác thực là khi vãng sanh, do Phật lực gia trì, khiến cho công phu của quý vị tăng cao hơn. Vì thế, cũng chẳng thể nói Ngài dịch theo ý nghĩa ấy là dịch sai. Do “đoạn vô minh, thấy tự tánh”, nên câu A Di Đà Phật chính là đại minh chú.

 

(Diễn) Vãng sanh bỉ quốc, cứu cánh thành Phật, vô thượng chú dã.

()往生彼國究竟成佛,無上咒也。

(Diễn: Vãng sanh cõi ấy, rốt ráo thành Phật là vô thượng chú).

 Sở dĩ mật chú có thể hấp dẫn người khác là vì nó đề xướng “tức thân thành Phật” (thành Phật ngay trong thân này), cho nên mọi người đều như ong vỡ tổ kéo đến! Thành Phật ngay trong một đời là thành Phật gì vậy? Thật sự tu thành công trong Mật Tông, chiếu theo Mật pháp để thật sự tu hành, thành Phật ngay trong một đời, chính là thành Tạng Giáo Phật, tương đương với A La Hán của Tiểu Thừa, còn cách biệt Đại Thừa Bồ Tát một khoảng to lớn, chẳng phải là một vị Phật viên mãn rốt ráo. Trong Ấn Quang Đại Sư Văn Sao, Ấn Quang đại sư đã giảng chuyện này rất nhiều. Ấn Quang đại sư là Đại Thế Chí Bồ Tát ở Tây Phương tái lai, làm sao có thể sai lầm cho được? Thành Phật há dễ dàng như vậy sao? Chẳng có chuyện may mắn đâu nhé!

Để thành Phật, phải phá Trần Sa phiền não, phải đoạn Vô Minh phiền não. Nói cách khác, bất luận quý vị dùng công phu gì, bất luận tu học pháp môn nào, nếu chẳng đoạn phiền não, chắc chắn là chẳng thể chứng quả. Nếu có kẻ nào bảo “chẳng đoạn phiền não, vẫn có thể chứng quả”, đó là gạt người, chẳng có lẽ ấy! Chẳng đoạn phiền não, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đó gọi là “đới nghiệp vãng sanh”. Pháp môn này cũng nói rành mạch: Chỉ mang theo nghiệp cũ, chẳng mang theo nghiệp hiện hành. Đừng nghĩ [đã là] đới nghiệp vãng sanh, [vậy thì] cứ liều mạng tạo nghiệp, chẳng sao hết, trong tương lai vẫn có thể vãng sanh. [Nghĩ như vậy], quý vị đã lầm lẫn quá đỗi. Mang theo nghiệp cũ, chẳng phải là mang theo nghiệp mới. “Đới” (帶) là mang theo nghiệp quá khứ, chẳng thể mang theo nghiệp hiện tại, như vậy thì mới có thể vãng sanh. Người niệm Phật đông đảo, người vãng sanh ít ỏi, vì sao họ chẳng thể vãng sanh? Họ đã hiểu lầm “đới nghiệp”, cứ nghĩ hiện tiền tạo nghiệp vẫn có thể mang theo, sai mất rồi!

Chúng ta tham Thiền, hoặc là học Giáo, hoặc là trì chú, đều phải đoạn Kiến Tư phiền não thì mới có thể thành tựu. Nay chúng ta hãy suy ngẫm, có thể đoạn Kiến Tư phiền não hay không? Không chỉ là đoạn, mà đè nén nó còn chẳng được, quý vị còn có hy vọng thành tựu hay chăng? Mọi người phải hiểu rõ lý này, biết chân tướng sự thật, mới biết chuyện này thật khó! Đừng nói là chúng ta gặp khó khăn, [ngay cả] A La Hán cũng gặp khó khăn, Bồ Tát cũng khó khăn. Nói thật thà, ngay như Văn Thù và Phổ Hiền Bồ Tát cũng đều lắc đầu, khó lắm! Khó thì làm như thế nào? Niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.

Vài hôm trước, có người kể với tôi, đạo tràng nọ trong quá khứ niệm A Di Đà Phật, nay chẳng niệm A Di Đà Phật, đổi thành niệm Tỳ Lô Giá Na Phật. Tôi nói: “Niệm Tỳ Lô Giá Na Phật cũng tốt! Thật sự có thể đến chỗ Tỳ Lô Giá Na Phật, Văn Thù và Phổ Hiền lại khuyên họ niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ”. Vấn đề là họ có thể đến chỗ Tỳ Lô Giá Na Phật hay không? Đây là một vấn đề lớn. Hàng phục phiền não chẳng được, quý vị còn mong đến đó (đến thế giới Hoa Tạng của Tỳ Lô Giá Na Phật) hay chăng? Phải thật sự đề cao cảnh giác chuyện này. Sáng tối, khi thức dậy vào buổi sáng, trước khi đi ngủ vào buổi tối, hãy suy nghĩ cho nhiều: Thị phi, nhân ngã, tham, sân, si, mạn của chúng ta, chẳng có thứ nào có thể buông xuống được! Nói cách khác, ngay cả niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới mà còn có chướng ngại, huống hồ [tu tập] những pháp môn khác? Đó gọi là “tâm chẳng thanh tịnh”. Tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh. Nay chúng ta nói theo thực tại: Mục tiêu bậc nhất, mục tiêu duy nhất của chúng ta chỉ có mục tiêu này. Hễ có thể làm thông suốt điều này, bèn cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, những điều khác đều chẳng cần nghĩ tới! Đối với những điều khác, quý vị nghĩ xem, nói thật thà, đều là vọng tưởng! Nếu quý vị chẳng tin, hãy suy nghĩ cặn kẽ: Quý vị có buông thị phi, nhân ngã xuống được chưa? Tiếng tăm, lợi dưỡng, quý vị có buông xuống hay không? Tham, sân, si, mạn, quý vị đã buông xuống hay chưa? Nếu những thứ ấy thảy đều chẳng buông xuống, chẳng phải là quý vị đang si tưởng, đang dấy vọng tưởng ư? Ngoại trừ thật thà niệm Phật, còn có con đường nào để có thể đi được nữa? Thật sự nghĩ thông suốt, suy nghĩ rành rẽ, sẽ buông xuống vạn duyên. Đó là thật sự nghĩ thông suốt, thật sự nghĩ minh bạch.

Vào lúc tuổi già, Liên Trì đại sư bảo: “Tam Tạng mười hai bộ, nhường cho người khác ngộ”, đã nghĩ thông suốt! Nghĩ thông suốt, các pháp môn khác đều chẳng được, mà cũng chẳng thể thành tựu, các vị muốn gì, bèn nhường cho quý vị điều ấy. Lão nhân gia lúc tuổi già, một câu A Di Đà Phật, một quyển kinh A Di Đà. Đấy là người thật sự nghĩ thông suốt, thật sự giác ngộ, Ngài mới làm như thế. Nếu còn thấy phải học, phải tu những kinh luận, pháp môn khác, tức là trong tâm còn so đo, người ấy vẫn chưa nghĩ thông suốt, vẫn chưa hiểu rõ ràng. Nếu người ấy thật sự hiểu rõ, thật sự nghĩ thông suốt, nhất định sẽ giống như Liên Trì đại sư, nhất định giống như Văn Thù và Phổ Hiền. Vì thế, cầu sanh Tịnh Độ là mục tiêu duy nhất của chúng ta. Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới bèn bảo đảm! A Di Đà Phật là ông chủ lớn của công ty bảo hiểm, [chúng ta] quyết định thành Phật ngay trong một đời. “Thành Phật” ở đây chính là thành một vị Phật viên mãn rốt ráo, “tức thân thành Phật” của Mật Tông chẳng thể sánh bằng! Do vậy, một câu “Nam-mô A Di Đà Phật” xác thực là “vô thượng chú”, làm sao có thể coi thường cho được?

 

(Diễn) Chứng Vô Sanh Nhẫn, hồi nhập Sa Bà, phổ độ chúng sanh, vô đẳng đẳng chú dã.

()證無生忍,回入娑婆,普度眾生,無等等咒也。

(Diễn: Chứng Vô Sanh Nhẫn, quay trở lại Sa Bà, phổ độ chúng sanh, chính là chú không có gì sánh bằng).

“Vô đẳng đẳng”, thưa cùng chư vị, chính là vô thượng của vô thượng. “Vô thượng” thì há còn có gì hòng sánh bằng nó ư? Chẳng có gì có thể sánh bằng nó thì mới là vô thượng của vô thượng. Chẳng có gì bình đẳng với nó, chẳng có gì ngang hàng với nó. Vì sao? “Chứng Vô Sanh Nhẫn”. Khi nào sẽ chứng Vô Sanh Nhẫn? Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới bèn chứng Vô Sanh Nhẫn, trong tất cả hết thảy các kinh luận và pháp môn đều chẳng có điều này. Vì chiếu theo pháp môn và kinh luận bình thường để nói, Vô Sanh Nhẫn [tối thiểu] là sở chứng của Thất Địa Bồ Tát, [hay nói chi tiết hơn] sẽ là [sở chứng của] Thất Địa, Bát Địa, và Cửu Địa. Thất Địa Bồ Tát là hạ phẩm Vô Sanh Nhẫn, Bát Địa là trung phẩm, Cửu Địa là thượng phẩm. Lên cao hơn nữa là Tịch Diệt Nhẫn. Thập Địa Bồ Tát là hạ phẩm Tịch Diệt, Đẳng Giác Bồ Tát là trung phẩm, Phật là thượng phẩm. Vì sao chúng ta hễ được sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới bèn là Vô Sanh Nhẫn Bồ Tát? Kinh Di Đà có nói, mà kinh Vô Lượng Thọ cũng là nói như thế. Sanh về thế giới Tây Phương chính là A Bệ Bạt Trí Bồ Tát. A Bệ Bạt Trí là Vô Sanh Nhẫn Bồ Tát. Đây chẳng phải là do chúng ta tu được, mà là do bổn nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì quý vị, khiến cho quý vị tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, thần thông, đạo lực và trí huệ của quý vị bằng với Thất Địa Bồ Tát; do Phật lực gia trì, chẳng phải là chính mình có! Chẳng phải do chính mình tu được, điều này chẳng dễ hiểu!

Ví như quý vị tốt số, đầu thai vào gia đình phú quý, cha quý vị đại phú, đại quý. Khi quý vị đi học, chính mình chẳng kiếm ra tiền, nhưng hoàn cảnh sống tốt đẹp nhất, ra khỏi cửa đi xe tốt nhất. Những thứ đó là của cha quý vị, chẳng phải là của quý vị, có ý nghĩa như thế đó. Chúng ta tới cõi ấy, tất cả hết thảy sự hưởng thụ đều là hưởng thụ từ A Di Đà Phật, có ý nghĩa như thế ấy! Đợi đến khi chính mình đã đoạn Kiến Tư phiền não, đoạn Trần Sa Hoặc, đoạn Vô Minh, vô minh còn phải đoạn hơn ba mươi phẩm, [lần lượt chứng đắc các địa vị] Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng. Khi đã đạt đến Thất Địa, tức là đã đoạn ba mươi bảy phẩm vô minh, khi ấy, [sự hưởng thụ] là của chính quý vị. Khi quý vị chưa đạt đến mức độ ấy, [hết thảy thọ dụng trong Tây Phương Cực Lạc thế giới] là do Phật lực gia trì. Cũng giống như khi chính bản thân quý vị đã có năng lực, làm việc trong xã hội, cũng có thể kiếm tiền, hết thảy những gì quý vị thọ dụng là của chính mình, chẳng phải dựa dẫm vào cha nữa! Khi quý vị chẳng có năng lực ấy, hoàn toàn dựa dẫm cha, bèn có lợi ích như thế đó. Trong các thế giới chư Phật khác, chẳng có sự tốt đẹp này. Do vậy, [nếu ở trong các thế giới khác], quý vị đang trong giai đoạn tu học sẽ rất khổ sở, chẳng thể hưởng thụ tốt đẹp dường ấy! Vì vậy, sự thù thắng của thế giới Tây Phương chẳng có bất cứ thế giới Phật nào có thể sánh bằng! Chúng ta ắt phải hiểu điều này thì tín tâm của chúng ta mới thanh tịnh, mới kiên định, nguyện lực mới thật sự khẩn thiết. Chẳng thể không đến cõi ấy! Đây là nói đến sự thù thắng trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, đồng thời đều đạt được, đạt được ngay trong một đời!

“Hồi nhập Sa Bà”: Chúng sanh trong thế giới này sở dĩ chẳng thể thoát khỏi tam giới là do tình quá nặng, bị tình làm hại. Tình nặng nề, chẳng thể liễu sanh tử, chẳng thể thoát khỏi tam giới. Đã xuất gia mà vẫn còn vương vấn tục gia, đó là sai lầm lớn nhất! Những nỗi vướng mắc, lo âu ấy đều là “dấy vọng tưởng”. Đối với thân nhân, đối với con cháu của quý vị, quý vị có thể giúp đỡ hay không? Giúp chẳng được, chỉ lo lắng suông! Thật sự mong giúp đỡ họ, hãy bảo họ thật thà niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Thật sự thật thà niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, người ta vừa thấy bèn nói: “Đó là quyến thuộc của Bồ Tát”. Chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần chiếu cố, còn chu đáo hơn chính mình chiếu cố! Há có quyến thuộc của Bồ Tát chẳng được hộ pháp thiện thần chiếu cố? Chẳng có chuyện ấy! Đó là thật sự chiếu cố. [Chính mình] chẳng chiếu cố [người thân] mà thật ra có khá nhiều Phật, Bồ Tát, thiện thần chiếu cố. Bản thân chúng ta một lòng một dạ nghĩ tới họ (người nhà, quyến thuộc), Phật, Bồ Tát cũng chẳng chiếu cố, mà thiện thần cũng chẳng chiếu cố. Không chỉ là chẳng chiếu cố họ, mà ngay cả bản thân ta cũng chẳng có ai chiếu cố. Đó mới là thua thiệt to tát! Kẻ ngu trong thế gian rất nhiều, chẳng hiểu chân tướng sự thật này, thật sự đáng thương!

Tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, được sự gia trì thù thắng khôn sánh của A Di Đà Phật, quý vị có thể lập tức trở lại thế giới Sa Bà; khi đó, quý vị có thể chiếu cố người nhà, quyến thuộc. “Hồi nhập Sa Bà”, câu này nhằm đặc biệt nói với những chúng sanh nặng tình với thế giới Sa Bà. Thật ra, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị tâm khai ý giải, tức là “đại triệt đại ngộ” như Thiền Tông thường nói, tâm lượng sẽ khác hẳn hiện tại. Tầm nhìn mở rộng đến hư không pháp giới, nguyên lai, trong mười phương thế giới có khá nhiều người nhà, quyến thuộc của ta, chẳng phải [chỉ vỏn vẹn] mấy người ở chỗ này, quý vị có thể đồng thời giúp đỡ họ.

“Hồi nhập Sa Bà”: Trở về thì có lìa khỏi A Di Đà Phật hay không? Chẳng lìa khỏi! A Di Đà Phật ở ngay cạnh quý vị. Thế giới Sa Bà cũng có quý vị, quý vị hóa thân tới đó. Đến thế giới Tây Phương bèn có năng lực hóa thân trăm ngàn ức giống như Thích Ca Mâu Ni Phật, tự tại lắm! Trong mười phương thế giới, đối với những người quý vị quen biết, có quan hệ, hoặc là người nhà, quyến thuộc của quý vị, quý vị đều có thể hóa ra vô lượng vô biên thân, đáng nên dùng thân gì để đắc độ [bèn hiện thân ấy], giống hệt như Quán Thế Âm Bồ Tát “phổ độ chúng sanh”. Do vậy, câu danh hiệu này là “vô đẳng đẳng chú”, quý vị phải nên tin tưởng. Vì lẽ đó, danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn. Sau khi chúng ta đọc đoạn này, mới hiểu: Đúng là chẳng thể nghĩ bàn!

 

(Sao) Vấn: Chuẩn Đề công đức chí quảng, chí đại, như hà đản trì Phật danh nhi năng thắng bỉ?

()問:準提功德至廣至大,如何但持佛名而能勝彼。

(Sao: Hỏi: Chú Chuẩn Đề có công đức tột bậc rộng lớn, cớ sao chỉ trì danh hiệu Phật mà có thể trỗi vượt chú ấy?)

Tại Trung Hoa, từ xưa tới nay, người trì chú Chuẩn Đề rất đông. Quý vị thấy thiền sư Vân Cốc dạy cư sĩ Liễu Phàm, chẳng dạy ông ta niệm Phật, mà dạy ông ta niệm chú Chuẩn Đề. Nêu ra một câu hỏi như thế, vì sao danh hiệu cũng có thể trỗi vượt thần chú Chuẩn Đề?

 

(Sao) Đáp: Chuẩn Đề nhân địa Bồ Tát, Di Đà quả vị Như Lai, trì Chuẩn Đề ký hữu thần công, niệm Di Đà ninh vô diệu ứng?

()答:準提因地菩薩,彌陀果位如來,持準提既有神功,念彌陀寧無妙應。

(Sao: Đáp: Chuẩn Đề là Bồ Tát còn đang tu nhân, Di Đà là quả vị Như Lai. Trì chú Chuẩn Đề đã có công đức thần diệu, há lẽ nào Di Đà chẳng có cảm ứng mầu nhiệm?)

Lời đáp rất hay. Chuẩn Đề Bồ Tát[132] thuộc về Mật Tông. Chuẩn Đề Bồ Tát trong Mật Tông là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát, là Bồ Tát còn đang tu nhân, chẳng phải là quả địa Phật.

 

(Sao) Thị cố kinh vân: Trì lục thập nhị ức Hằng hà sa Bồ Tát danh hiệu, bất như nhất xưng Quán Thế Âm Bồ Tát, kỳ phước chánh đẳng.

()是故經云:持六十二億恆河沙菩薩名號,不如一稱觀世音菩薩,其福正等。

(Sao: Vì thế, kinh nói: “Trì danh hiệu của sáu mươi hai ức Hằng hà sa Bồ Tát, chẳng bằng xưng danh hiệu Quán Thế Âm một tiếng, hai phước ấy như nhau”).

Danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn. Niệm một câu Quán Thế Âm bằng niệm danh hiệu của sáu mươi hai ức Hằng hà sa các vị Bồ Tát bình phàm.

 

(Sao) Hựu vân: Trì vô lượng vô số Quán Thế Âm Bồ Tát danh hiệu, bất như nhất xưng Địa Tạng Bồ Tát, kỳ phước chánh đẳng, huống Như Lai hồ?

()又云:持無量無數觀世音菩薩名號,不如一稱地藏菩薩,其福正等,況如來乎。

(Sao: Lại nói: “Trì vô lượng vô số danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, chẳng bằng niệm một tiếng Địa Tạng Bồ Tát, hai phước ấy bằng nhau”, huống hồ [xưng danh] Như Lai ư?)

Quý vị niệm A Di Đà Phật thì danh hiệu của mười phương ba đời hết thảy chư Phật và danh hiệu của hết thảy Bồ Tát đều được bao gồm trọn hết, chẳng cần dấy vọng tưởng nữa! Niệm một danh hiệu này chính là [tất cả các danh hiệu] thảy đều niệm hết, chẳng sót một [danh hiệu] nào! Quý vị niệm danh hiệu khác thì niệm danh hiệu này, bèn sót danh hiệu kia, bỏ sót quá ư là nhiều! Vì thế, đấy mới là thật sự hiểu rõ danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn. Chúng ta gặp gỡ pháp môn này, biết chân tướng sự thật này, đó gọi là thật sự “đáng mừng rỡ”.

Đoạn thứ ba tiếp theo đây là “trì danh hiệu A Di Đà Phật vượt trỗi hết thảy các pháp môn khác”. Hôm nay, tôi giảng tới chỗ này.

 

Tập 289

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang sáu trăm mười một.

 

(Sao) Tam, diệc thắng chư dư công đức giả, lục độ vạn hạnh, pháp môn vô lượng, nhi chuyên trì danh hiệu, tắc chủng chủng công đức, nhiếp vô bất tận, dĩ bất xuất nhất tâm cố, như tiền văn trung quảng thuyết.

()三、亦勝諸餘功德者,六度萬行,法門無量,而專持名號,則種種功德,攝無不盡,以不出一心故,如前文中廣說。

(Sao: Ba, cũng thù thắng hơn các công đức khác. Lục Độ, vạn hạnh, pháp môn vô lượng, nhưng chuyên trì danh hiệu thì các thứ công đức đều được nhiếp trọn chẳng hết, do chẳng ra ngoài nhất tâm, như trong phần kinh văn trước đã nói rộng rãi).

Đây là Liên Trì đại sư đã chỉ ra cho chúng ta biết chỗ thù thắng chẳng sánh bằng thứ ba của pháp môn Niệm Phật. Trong phần trước đã nói: Điều thù thắng thứ nhất là niệm Phật thù thắng hơn trì chú Vãng Sanh; điều thù thắng thứ hai là nói rõ niệm Phật còn thù thắng hơn trì hết thảy các thần chú, tức là hết thảy các thần chú đều chẳng sánh bằng [danh hiệu Phật]. Nay trong đoạn thứ ba này, đại sư dạy chúng ta: Danh hiệu A Di Đà Phật siêu thắng vô lượng vô biên pháp môn. Không chỉ là các loại pháp môn do Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong bốn mươi chín năm đều chẳng sánh bằng công đức và lợi ích của một câu thánh hiệu A Di Đà Phật, mà cho đến vô lượng vô biên pháp môn do mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai đã vì hết thảy chúng sanh tuyên thuyết cũng chẳng thể vượt ra ngoài sáu chữ hồng danh này. Vì thế, một câu Phật hiệu thật sự là pháp môn đại tổng trì của hết thảy chư Phật trong tận hư không khắp pháp giới. Khi chúng ta đã [học tập] viên mãn Di Đà Sớ Sao, [do Sớ Sao] đã hiển thị công đức của danh hiệu chẳng còn sót, thật sự giãi bày trọn hết, chúng ta mới nhận biết pháp môn này rõ ràng, mới thật sự hiểu lợi ích do trì danh niệm Phật.

“Lục độ vạn hạnh, pháp môn vô lượng”, hai câu này bao quát trọn hết tất cả hết thảy các pháp môn, Đại Thừa bao gồm Tiểu Thừa. Lục Độ là tổng cương lãnh của toàn thể pháp Đại Thừa. “Pháp môn vô lượng”, vô lượng vô biên pháp môn, Lục Độ vạn hạnh của Bồ Tát bao gồm trọn hết. “Chuyên trì danh hiệu”, “danh hiệu” là nói về danh tự A Di Đà Phật. Hãy chú trọng một chữ Chuyên, chữ này hết sức trọng yếu. Nay chúng ta chẳng đạt được các thứ lợi ích và công đức của Niệm Phật, vấn đề là đối với chữ Chuyên, chúng ta làm chẳng đủ, thậm chí còn chưa hề làm! Chỉ cần lắng lòng phản tỉnh một phen, sẽ biết điều này, [sẽ nhận thấy: Chẳng đạt được lợi ích và công đức do trì danh] cũng là do “xen tạp” như Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát đã nói. Chúng ta niệm Phật xen tạp quá nhiều thứ, xen tạp vô lượng vô biên pháp thế gian. Vướng mắc, bận tâm là xen tạp, còn xen tạp khá nhiều Phật pháp! Vì thế, công đức và lợi ích của việc trì danh chẳng thể hiển lộ được!

Nếu chúng ta có thể chuyên, bỏ sạch hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, chuyên trì danh hiệu, công đức và lợi ích ấy sẽ hết sức rõ rệt. Lại còn trong một thời gian rất ngắn, đã thấy hiệu quả. Ngắn đến mức độ nào? Trong kinh này, đức Phật đã nói: “Hoặc một ngày, hoặc hai ngày”, tối đa là bảy ngày liền thấy hiệu quả. Nếu quý vị hỏi: “Thật ư? Có thể ư?” Xác thực là thật, xác thực là có thể. Từ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và Vãng Sanh Truyện, chúng ta đã thấy những tấm gương như vậy, đã thấy sự thật ấy. Chúng ta chớ nên không hiểu rõ, chớ nên không phản tỉnh sâu xa, vì “xen tạp” và “chẳng chuyên” đã gây tổn hại quá nghiêm trọng.

Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta luân hồi sanh tử trong lục đạo, chẳng thể thoát lìa. Trong cái nhìn của chư Phật, Bồ Tát, chúng ta thật sự đáng gọi là “kẻ đáng thương xót”, mê mẩn trong tam giới lục đạo. Tam giới lục đạo giống như mê cung, đích xác là thời thời khắc khắc mong thoát ra, nhưng chẳng tìm thấy cửa nẻo hoặc đường lối, vĩnh viễn xoay chuyển trong ấy. Tuy đức Phật đã nói rõ ràng, nói minh bạch, nếu quý vị mong thoát ra, hãy là “một môn, chuyên tinh”. Chúng ta nghe lời này đã nhiều, cũng thấy quá nhiều, nhưng chưa hề thực hiện! Nghe nhiều, xem nhiều, mà vẫn giống y hệt như cũ, chẳng khởi tác dụng, chính mình nhất định phải nghiêm túc thực hiện!

Vào thời cổ, chúng ta thấy những gương rõ rệt nhất, trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và Vãng Sanh Truyện đều có ghi chép [những tấm gương ấy]. Pháp sư Oánh Kha đời Tống niệm Phật ba ngày bèn vãng sanh, “nhược nhất nhật, nhược nhị nhật, nhược tam nhật”, chẳng sai! Ba ngày bèn thành công, có thể thấy kinh nói “từ một ngày cho đến bảy ngày” chẳng phải là gạt người. Đó là thật sự buông xuống, triệt để buông xuống, nhất tâm chuyên niệm. Thông thường, kẻ bình phàm niệm Phật, từ truyện ký, chúng ta thấy từ nửa năm đến ba năm đại khái đều thành tựu. Vì vậy, trong quá khứ, đã từng có người hỏi tôi, vì họ đọc Vãng Sanh Truyện, [nhận thấy] những người niệm Phật nói chung là niệm ba năm đều vãng sanh, bèn nói: “Cớ sao lại khéo phù hợp như vậy? Chẳng lẽ là họ niệm Phật ba năm, thọ mạng đã hết ư?” Chẳng thể nào có chuyện phù hợp vừa khéo như vậy được! [Họ chất vấn]: “Chẳng có chuyện phù hợp khéo léo như vậy, cớ sao niệm ba năm đều vãng sanh cả rồi?” [Thật ra], do ba năm công phu đã thành tựu, những người ấy có thể vãng sanh. Họ cũng có thể chẳng vãng sanh [ngay lập tức như thế], chúng ta nghĩ: “Hễ có thể chưa vãng sanh, bèn chẳng ra đi”. Người ta là hễ có thể vãng sanh, bèn vãng sanh ngay lập tức. Vì sao? Hai thế giới chẳng thể sánh tầy! [Đối với người thật sự niệm Phật], chẳng thể vãng sanh thì đành chịu, chứ thật sự có cách đi gặp Phật [lẽ nào bỏ lỡ cơ hội]. Đối với sự thù thắng trang nghiêm do sanh về thế giới Cực Lạc, chẳng cần nói chi khác, chỉ nói một chuyện thôi: Tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị có năng lực trăm ngàn ức hóa thân, tự tại lắm! Quý vị có năng lực ấy. Do vậy, người ta công phu thành tựu bèn đi ngay lập tức, chẳng muốn trì hoãn thêm một giờ, một khắc nào trong thế giới này!

Phàm những kẻ vẫn chẳng muốn ra đi cho lắm, [nguyên do là vì] vẫn mê hoặc, điên đảo y hệt như cũ, không nỡ lìa khỏi hoàn cảnh xấu ác này, vẫn muốn ở trong cái vò nhuộm để được nhuộm màu thêm vài ngày nữa! Đó là tình huống thật sự của người niệm Phật chẳng có công phu xác thực thành tựu. Đã thành tựu mà vẫn chưa ra đi, vẫn ở lại trong thế gian này, đó là do bi tâm đặc biệt của người ấy. Vì sao có thể vãng sanh mà chưa vãng sanh? Người ấy phải ở lại đây để độ chúng sanh, giúp đỡ người khác, tiếp dẫn đại chúng. Nhưng tiếp dẫn đại chúng thì phải có duyên, có người thành tựu nào mà chẳng có tâm từ bi? Người đã thành tựu, chính mình có thể vãng sanh, cớ sao chẳng mang thêm mấy người đi vãng sanh? Do chẳng có duyên! Duyên là gì? Tôi khuyên quý vị, quý vị chịu nghe, đó là “có duyên”. Tôi khuyên quý vị, quý vị không tin tưởng, tức là chẳng có duyên. Chẳng có duyên thì vãng sanh, chẳng có lý do gì để ở trong thế gian này nữa! Hễ có duyên, người ấy có lý do để ở trong thế gian này thêm mấy năm nữa. Có duyên thì nhất định phải ở lâu hơn. Chẳng có duyên, bèn sớm có ngày gặp Phật, bèn sớm có ngày đến thế giới Tây Phương, thân cận A Di Đà Phật.

Do vậy, hễ chuyên thì chuyên tinh sẽ có lợi ích chẳng thể nghĩ bàn. Chúng ta chẳng thể chuyên, tức là chẳng triệt để buông xuống. Chẳng thể triệt để buông xuống là vì còn chưa thể thấy thấu suốt. Nói cách khác, còn chưa hiểu rõ tình huống nơi hai thế giới. Nếu chúng ta hiểu triệt để, rành mạch thế giới Tây Phương và thế giới Sa Bà, sẽ khác hẳn. Triệt để hiểu rõ, quyết định chẳng nhiễm hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian. Vì sao? Quý vị đã hoàn toàn chứng thực lời đức Phật dạy trong kinh Kim Cang. Đức Phật nói: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Quý vị còn có gì chẳng thể buông xuống? Hai câu ấy không chỉ là nói về pháp thế gian, Phật pháp cũng là hư vọng! Kinh Kim Cang chẳng nói: “Phàm tất cả pháp đều là hư vọng, ngoại trừ Phật pháp”, chẳng nói kiểu ấy. Hết thảy Phật pháp do đức Phật đã giảng trong thế gian cũng là pháp hữu vi. Vì thế, pháp thế gian và xuất thế gian thảy đều phải buông xuống. Sau khi đã buông xuống, chân tâm hiển lộ. Hễ còn mảy may chưa thể buông xuống, sẽ là chướng ngại, toàn là phiền phức. Chướng ngại gì vậy? Chướng ngại tự tánh, chướng ngại bổn tâm. Học Phật thì mục đích cuối cùng và nguyện vọng lớn nhất là thành Phật. Thành Phật là gì? Minh tâm kiến tánh, tâm tánh hiển lộ viên mãn thì là Phật, là vị Phật rốt ráo viên mãn, hiển lộ viên mãn rốt ráo, trong ấy chẳng có mảy may chướng ngại!

Đại Thừa Phật pháp thường nói: “Chỉ cần trừ vọng, chẳng cần cầu chân”. Ý niệm cầu Chân vẫn là vọng niệm, cho nên chẳng cần cầu. Chúng ta cầu sanh Tịnh Độ, đó là nguyện. Trong công phu hằng ngày, chúng ta chẳng có ý niệm này, thật thà niệm một câu Phật hiệu đến cùng, vì sao quý vị niệm? Niệm để cầu sanh Tịnh Độ! Đừng nên vừa niệm, vừa mong cầu sanh Tịnh Độ. Vừa niệm vừa có chướng ngại trong ấy, cái tâm đó rất khó thanh tịnh. Chúng ta nói là công phu rất khó thành phiến, chẳng dễ gì đắc nhất tâm bất loạn. Do vậy, phải phân biệt rành rẽ giữa Nguyện và Cầu. Có nguyện, chẳng có cầu, tâm bèn thanh tịnh. Trong Đại Thừa, bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật và nguyện của hết thảy chư Phật, Bồ Tát thường được quy nạp thành Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Tứ Hoằng Thệ Nguyện là tổng nguyện, là cương lãnh trong đại nguyện của chư Phật, Bồ Tát. Có nguyện, chớ nên có cầu, như vậy thì mới có thể thật sự thực hiện lời Phổ Hiền Bồ Tát đã dạy: “Hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”. Hằng thuận và tùy hỷ đều là tâm thanh tịnh, tùy duyên chứ chẳng phan duyên. Phan duyên là đã khởi tâm động niệm. Tùy duyên thì chẳng khởi tâm, không động niệm, tự nhiên thành tựu.

“Chủng chủng công đức, nhiếp vô bất tận” (Các thứ công đức nhiếp trọn chẳng sót): Các thứ công đức, không chỉ là công đức của vô lượng các pháp môn do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói. Trên thực tế, nó bao gồm công đức của hết thảy chư Phật Như Lai. Vì sao? “Dĩ bất xuất nhất tâm cố” (Do chẳng ra ngoài nhất tâm). Câu này có ý nghĩa rất sâu, lại rất chân thật. Do vậy, mọi người đừng nghĩ: Công đức tu học của chính mình quá ít, đến ngày nào thì mới có thể thành tựu? Thật vậy! Nếu chúng ta đắc nhất tâm, công đức của quý vị là vô lượng vô biên. Vì sao là vô lượng vô biên? Hết thảy chư Phật Như Lai là nhất tâm, quý vị cũng là nhất tâm. Tâm quý vị và tâm hết thảy chư Phật là một cái tâm, quyết định chẳng có phân biệt, chẳng có giới hạn. Quý vị ngẫm xem: Công đức do hết thảy chư Phật đã tu từ vô lượng kiếp đến nay đều biến thành công đức của chính mình. Chuyện là như vậy đó!

Nhưng quý vị phải biết, nếu quý vị đã mê, mê đến tận cùng, tâm của kẻ mê và tâm ta là cùng một cái tâm, tất cả tội nghiệp do kẻ mê gây tạo đều biến thành tội nghiệp của ta. Chư vị ngẫm xem, có phải là đạo lý này hay chăng? Có phải là sự thật này hay chăng? Trong kinh Đại Thừa đã dạy: “Một chính là hết thảy, hết thảy chính là một”. Ý nghĩa này sâu rộng lắm! Đó là chân tướng sự thật. Do đó, chúng sanh mới có cộng nghiệp. Quý vị đã giác ngộ, dần dần buông bỏ mê hoặc, ngộ tánh mỗi ngày tăng thêm, quý vị quay đầu, tức là trong cộng nghiệp xuất hiện biệt nghiệp, đạo lý là như thế đó. Do vậy, mê hay ngộ là then chốt thật sự, là then chốt của khổ hay lạc, là then chốt của thăng hay đọa, là then chốt của thánh hay phàm; chúng ta nhất định phải hiểu điều này.

Trong tất cả hết thảy các pháp, quý vị có thể chọn lựa pháp môn Niệm Phật, trong hết thảy các kinh, quý vị chọn lựa kinh A Di Đà. Đó là thật sự giác ngộ, triệt để giác ngộ, rốt ráo giác ngộ, chư Phật Như Lai đều tán thán. Nếu quý vị chẳng tin, hãy xem kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Phu nhân Vi Đề Hy ở trong thế gian này hứng chịu khổ sở, gặp phải tai nạn, mong cầu giải thoát, cầu cứu Thích Ca Mâu Ni Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng dạy bà ta, chỉ đem tình trạng trong hết thảy các cõi Phật triển hiện cho bà ta trông thấy, giống như chúng ta xem TV trong hiện thời vậy. Đức Phật dùng thần lực, biến hiện các cõi Phật trước mặt để bà ta có thể trông thấy. Sau khi đã xem trọn hết, bà ta chọn lựa thế giới Cực Lạc, Thích Ca Mâu Ni Phật hoan hỷ, vui mừng, bà chọn chẳng sai tí nào! Một vị Phật hoan hỷ, hết thảy chư Phật đều hoan hỷ. Một vị Phật đã tán thán, hết thảy chư Phật đều tán thán, đã chọn lựa đúng rồi! Một niệm giác thật sự chẳng thể nghĩ bàn, thật sự tuyệt diệu. Vì đã luân hồi vô lượng kiếp, đời này quý vị đã chọn đúng pháp môn, quyết định vượt thoát. Lại còn thành Phật viên mãn ngay trong một đời, khó có ngần ấy, thù thắng ngần ấy! Bất cứ pháp môn nào, dẫu quý vị chọn một pháp môn mà quý vị có đủ năng lực để tu học, chẳng thể thành Phật ngay trong một đời. Chư vị ắt phải hiểu điều này!

Mật Tông nói “nhất sanh thành Phật” (thành Phật ngay trong thân này) chính là thành Tạng Giáo Phật. Năng lực của vị Phật ấy chẳng khác A La Hán cho mấy! Mọi người đọc Ấn Quang Đại Sư Văn Sao, [sẽ thấy] Ấn Quang đại sư đã giảng rất rõ ràng. Tổ Ấn Quang là Tây Phương Đại Thế Chí Bồ Tát hóa thân, lời lão nhân gia nói chính là lời Đại Thế Chí Bồ Tát nói. Đại Thế Chí Bồ Tát là Tịnh Tông Sơ Tổ. Chúng ta đọc Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương của kinh Lăng Nghiêm, [sẽ thấy] Ngài thật sự chuyên, chuyên tới cùng cực. Từ sơ phát tâm mãi cho đến khi thành Phật, Ngài dùng phương pháp gì? Chính là một câu A Di Đà Phật, chuyên đến mức cùng cực. Chúng ta còn phải niệm kinh A Di Đà, Ngài thì ngay cả kinh A Di Đà cũng chẳng cần, chỉ là một câu A Di Đà Phật, từ sơ phát tâm cho đến khi thành Vô Thượng Đạo. Sau khi đã thành Vô Thượng Đạo, đến mười phương thế giới giáo hóa chúng sanh, Ngài vẫn dùng pháp môn này để tự hành, hóa độ người khác, vĩnh viễn không thay đổi! Từ hết thảy các kinh, chúng ta đã thấy: Lão nhân gia xác thực đúng là bậc nhất. Chuyện này đáng để chúng ta học tập theo, đáng cho chúng ta bắt chước. Chúng ta gặp gỡ bậc thiện tri thức như vậy mà nếu vẫn chẳng tin tưởng, đúng là ngu si đến cùng cực, đúng là Nhất Xiển Đề như kinh đã nói. Nhất Xiển Đề là chẳng có thiện căn. Gặp gỡ bậc đại thiện tri thức như vậy mà vẫn chẳng thể tin nhận, phụng hành!

Do đó, phải hiểu: Ở đây, đã nêu ra lý thuyết căn bản, [tức là] nhất tâm! Nhất tâm bao hàm nghĩa lý sâu rộng vô tận. Chúng ta và Phật có cùng một tâm; chúng ta cùng hết thảy chúng sanh là một tâm. Chúng ta và địa ngục A Tỳ cũng là một tâm. Nhân, duyên, quả của mười pháp giới chẳng có thứ gì không trọn đủ. Quả báo nào sẽ dấy lên hiện hành, xác thực là chẳng phải do người khác quyết định, mà là do chính mình. Tùy thuộc chính quý vị chọn lựa như thế nào. Sự chọn lựa ấy là duyên, nhân bèn được viên mãn. Ở đây, đại sư chẳng nói cặn kẽ ý nghĩa này, nhưng trong các phần trước đã nói quá nhiều.

Hôm nay chúng tôi hết sức hoan hỷ, Sớ Sao giảng lần này là lần thứ ba. Chúng tôi bắt đầu giảng từ năm Dân Quốc 73 (1984), năm nay là năm Dân Quốc 83 (1994) mới viên mãn. Nói thật ra, hoàn toàn chẳng phải là thật sự giảng Sớ Sao mất mười năm, mà là trong mười năm ấy, cứ gián đoạn rồi lại tiếp tục. Thời gian chúng tôi ở trong nước rất ít, thời gian ở ngoại quốc rất dài. Trong thời gian ấy, chúng tôi đã giảng xen lẫn kinh Vô Lượng Thọ, Quán Kinh, giảng những kinh luận khác, cuối cùng đến hôm nay, chúng tôi giảng Sớ Sao lần thứ ba viên mãn. Tuy nửa bộ sau chẳng nói cặn kẽ, nếu giảng cặn kẽ, tôi nghĩ có thể giảng đến bốn trăm buổi, nay chúng tôi thấy là hai trăm tám mươi chín buổi giảng, tốt lắm! Giảng lần thứ hai, chúng tôi có băng thâu âm, giảng tới ba trăm ba mươi sáu lượt. Lần thứ ba, đối với nửa bộ sau, tuy chẳng nói cặn kẽ, nhưng kinh nghĩa và tinh hoa đều được nêu ra. Người hiện thời thích tinh giản, chẳng thích rườm rà, cho nên cũng hết sức phù hợp nguyện vọng của mọi người, càng tinh giản càng tốt. Chúng tôi rút gọn thời gian, toàn bộ trọng điểm yếu nghĩa của kinh đều nắm được, đều giữ vững. Trong đoạn khai thị tiếp theo, chúng ta đọc xong, chẳng có ai không cảm động. Liên Trì đại sư đặt niềm kỳ vọng nơi chúng ta, rát miệng buốt lòng khuyên dạy, có thể nào chẳng cảm kích ư?

 

(Sao) Nguyện tịnh nghiệp đệ tử, chuyên kỳ tín, bất nhị kỳ tâm.

()願淨業弟子,專其信,不二其心。

(Sao: Nguyện hàng đệ tử tu tập Tịnh Nghiệp, hãy chuyên nhất tín tâm, chớ có hai lòng).

Tu Tịnh nghiệp có thể thành tựu trong một đời hay không; đây là then chốt: Phải “chuyên kỳ tín” (lòng tin chuyên nhất), chớ nên tam tâm nhị ý. Có thể chuyên tín, chuyên nguyện, tự nhiên buông xuống vạn duyên. Sáng nay, có một vài vị lão bằng hữu đến gặp tôi, hỏi tôi có viết nhật ký hay không, hỏi tôi có đem sự tích tu học và hoằng pháp ghi lại hay chăng, để trong tương lai lưu lại một bộ truyện ký cho người đời sau. Tôi bảo họ: Tôi chẳng có nhật ký, mà cũng chẳng có bút ký. Bất cứ khi nào giảng kinh, giảng xong đều chẳng biết đến nữa. Không chỉ là giảng kinh xong bèn chẳng biết, mà tôi bước xuống bục giảng, cũng không biết là trong một tiếng rưỡi trên bục giảng đã nói những gì! Nhớ những thứ ấy để làm gì? “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, những thứ hư vọng mà còn phải nghiêm túc ghi lại, chúng ta mong đạt công phu thành phiến sẽ khó lắm! Nhưng người thế gian ưa chuộng chuyện này! Do ưa thích chuyện này, nên chẳng ra khỏi tam giới, chẳng vượt thoát luân hồi, chỗ nào cũng chấp trước, mong mỏi biểu hiện thành tích. Chúng ta có thành tích nào? Trong tâm thứ gì cũng đều chẳng có, đó là thành tích. Tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh, tâm địa sạch làu. Đó là thành tích. Nay tôi nghe nói có chẳng ít người chép lại băng thâu âm của tôi, còn có một số người phát tâm chỉnh lý để trong tương lai in thành sách. Đó là chuyện của họ, chẳng liên can gì đến tôi. Chúng ta phải là tâm địa thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần, sớm có ngày thấy A Di Đà Phật. Trừ chuyện này ra, thế gian này chẳng có gì đáng cho chúng ta mong muốn, chẳng có gì để chúng ta mong cầu.

 

(Sao) Như kinh vân: “Thiết hữu nhất pháp, quá ư Niết Bàn, diệc sở bất cố”.

()如經云:設有一法,過於涅槃,亦所不顧。

(Sao: Như kinh nói: “Giả sử có một pháp, vượt trỗi Niết Bàn, cũng chẳng đoái hoài”).

Đây là kinh nêu ra một tỷ dụ. Niết Bàn là Phật quả viên mãn rốt ráo. Kinh nói giả thiết, đức Phật nói nếu còn có một pháp môn còn thù thắng hơn cực quả của Như Lai, chúng ta nghe xong sẽ như thế nào? Chúng ta nghe xong vẫn chẳng cần! Chuyên đến mức độ này! Hiện thời, lũ bình phàm chúng ta sai sót ở chỗ này! Người ta bảo quý vị: “Còn có pháp hay hơn pháp Niệm Phật, thành tựu còn nhanh chóng hơn niệm Phật”. Tâm bị động ngay lập tức, chẳng cần A Di Đà Phật nữa, theo kẻ đó học pháp môn khác! Gió thổi, cỏ rạp, tín tâm dao động như vậy; kẻ tu học kiểu đó, bất luận tu học pháp môn nào cũng đều chẳng thể thành tựu. Do vậy, quyết định chẳng lay động. Đức Phật đến khuyên quý vị, Thích Ca Mâu Ni Phật đến trước mặt quý vị khuyên bảo: “Ta còn có một pháp môn hay hơn pháp môn niệm A Di Đà Phật”, chúng ta nghe xong bèn như thế nào? “Cám ơn Thích Ca Mâu Ni Phật, con nay niệm A Di Đà Phật đến cùng, chẳng mong đổi sang pháp môn khác”. Phải có tín tâm như vậy thì mới có thể thành công.

 

(Sao) Thiền Tông tri thức, hữu giáo nhân đản trì thoại đầu, nhất thiết bất tác.

()禪宗知識,有教人但持話頭,一切不作。

(Sao: Bậc tri thức trong Thiền Tông có vị dạy người khác chỉ giữ câu thoại đầu, chẳng làm hết thảy những chuyện khác).

Vị đại đức Thiền Tông như vậy chính là thiện tri thức chân chánh. Ngài “giáo nhân đản trì thoại đầu” (dạy người khác chỉ trì câu thoại đầu). Các vị phải xem rõ chữ này. Thiền Tông là “tham” thoại đầu; ở đây, chẳng phải là Tham, mà là Trì. “Trì thoại đầu” là gì? “Thoại đầu” [ở đây] là A Di Đà Phật, “trì thoại đầu” là trì danh niệm Phật. Thoại đầu chẳng cần tham, cứ chăm chỉ trì là được rồi. Quý vị thấy chữ chủ yếu [trong câu nói trên đây] là Trì, quý vị thấy chữ ấy rất có ý vị![133] Chẳng cần tham cứu, cứ thật thà niệm Phật là được rồi! Đấy chính là gọi người tham Thiền quay về, bảo họ hãy thật thà niệm Phật. “Đản trì thoại đầu” là thật thà niệm Phật. “Nhất thiết bất tác”: Chẳng cần tham cứu nữa, chẳng cần tham Thiền, cứ thật thà niệm Phật sẽ thành tựu.

 

(Sao) Cố tri nguyên nghiệp dư môn giả, thượng đương cải tu Niệm Phật.

()故知原業餘門者,尚當改修念佛。

(Sao: Vì thế biết kẻ vốn chuyên tu tập các môn khác hãy còn nên đổi sang tu Niệm Phật).

Đây là nói rõ những vị đại đức thật sự, những vị giác ngộ chân chánh, thật sự hiểu rõ. Nói thật ra, chỉ có một môn này là có thể thành tựu ngay trong một đời. Những pháp môn khác tuy tu tập, chỉ là gieo thiện căn mà thôi, mong liễu sanh tử, thoát tam giới ngay trong một đời này sẽ chẳng thể được! Đó gọi là thiện tri thức thật sự. Trước kia, quý vị tham Thiền, niệm chú, trì giới, hay học Giáo, toàn bộ đều khuyên quý vị hãy quay về thật thà niệm Phật, buông xuống những gì đã học trong quá khứ.

“Nguyên nghiệp dư môn giả” (Kẻ vốn chuyên tu tập những pháp môn khác), “nghiệp” (業) là tu học. Vốn tu học những pháp môn khác đều “cải tu Niệm Phật” (đổi sang tu Niệm Phật). Từ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục ta thấy chuyện này rất nhiều, các vị tổ sư trong Tịnh Tông cũng thị hiện như vậy. Quý vị thấy Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư là bậc đại đức trong Thiền Tông, Ngài từ Thiền Tông quay lại chuyên tu Tịnh Độ, chuyên hoằng dương Tịnh Độ, biến thành tổ sư của Tịnh Độ Tông, là tổ sư đời thứ sáu của Tịnh Độ Tông. Ngẫu Ích đại sư chẳng bộc lộ thân phận, không biết Ngài là vị nào? Từ truyện ký của Ngài, chúng ta thấy Ngài từ tông Thiên Thai quay lại. Ngài học Thiên Thai, đến tuổi già, chuyên tu Tịnh Độ, chuyên hoằng dương Tịnh Độ. Lão nhân gia viết Di Đà Kinh Yếu Giải, cuối sách có một bài Bạt ngắn, trần thuật quá trình Ngài viết Yếu Giải, viết xong trong chín ngày! Tổ Ấn Quang tán thán: “Dẫu cổ Phật tái lai để viết chú giải kinh Di Đà, cũng chẳng thể hay hơn tác phẩm này được!” Đấy là tán thán đến tột đỉnh. Chúng ta biết tổ Ấn Quang là Đại Thế Chí Bồ Tát tái lai. Đại Thế Chí Bồ Tát tán thán như vậy, Ngẫu Ích đại sư là người nào? Chúng tôi suy đoán: Nếu chẳng phải là A Di Đà Phật, nhất định là Quán Thế Âm Bồ Tát tái lai. Nếu không, chẳng thể giải thích hay như vậy! Ý nghĩa trong kinh Di Đà đều được Ngài chỉ ra, chú giải hoàn toàn chẳng dài, đơn giản, trọng yếu, ngắn gọn, thế mà ý nghĩa của từng câu, từng chữ trong kinh đều được chỉ ra, xác thực là chẳng dễ dàng! Vì thế, chúng tôi nói: Trong các bản chú giải kinh Di Đà qua các thời đại, Yếu Giải xác thực là bậc nhất.

Liên Trì đại sư là thầy của Ngẫu Ích đại sư, nhưng Ngẫu Ích đại sư và Liên Trì đại sư chẳng hề gặp mặt. Ngài Ngẫu Ích kính ngưỡng, hâm mộ tổ Liên Trì. Ngẫu Ích đại sư tu học pháp môn Tịnh Độ, Liên Trì đại sư đã vãng sanh, Tổ đọc sách của Liên Trì đại sư, tự mình phát nguyện làm học trò của Liên Trì đại sư, làm tư thục đệ tử. Có thể thấy là Ngài ngưỡng mộ Liên Trì đại sư, nhất định là Ngài đọc rất nhuần nhuyễn Sớ Sao và Diễn Nghĩa, tuyệt đối không chỉ là đọc một lần. Vì thế, Ngài tán thán Sớ Sao “rộng lớn, tinh vi, sâu xa”. Đúng như vậy đó! Khuyên người khác hồi tâm chuyển ý, chuyên tin Tịnh Tông, chuyên tu Tịnh Tông thì Sớ Sao hay lắm, Sớ Sao giảng giải mọi khía cạnh. Nếu đã tin tưởng Tịnh Độ, hy vọng quyết định được vãng sanh ngay trong một đời này, Yếu Giải hay lắm. Sách Yếu Giải đơn giản, trọng yếu, ngắn gọn, giúp quý vị quyết định được vãng sanh ngay trong một đời này. Đó là chỗ khác biệt giữa Sớ Sao và Yếu Giải.

 

(Sao) Hà huống nguyên niệm Phật nhân, nãi biến kỳ sở thủ, nhi phục tha thượng, tâm hoài nhị lộ, chí bất quy nhất, vân hà tam-muội, nhi đắc thành tựu?

()何況原念佛人,乃變其所守,而復他尚,心懷二路,志不歸一,云何三昧,而得成就?

(Sao: Huống hồ kẻ vốn niệm Phật, lại thay đổi điều vâng giữ, lại noi theo pháp khác, lòng ôm ấp hai nẻo, chí chẳng quy nhất, làm sao thành tựu tam-muội cho được?)

Mấy câu ở đây đã [vạch ra] điều đáng kiêng dè nhất của người niệm Phật. Vì sao niệm Phật chẳng thể đắc công phu thành phiến? Vì sao chẳng thể đạt được cái tâm thanh tịnh? Vì sao chẳng thể vãng sanh? Ở đây, đại sư bằng một lời đã nói toạc ra. Chúng ta phải thường ghi nhớ trong tâm, phải thường dùng điều này để phản tỉnh, kiểm điểm. Nếu chúng ta phạm phải khuyết điểm này, niệm Phật sẽ chẳng có hy vọng vãng sanh! Người ta học pháp môn khác, đến cuối cùng còn buông xuống, quay về chuyên niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tịnh Độ. Chúng ta vốn niệm A Di Đà Phật, nghe người khác nói nhăng nhít mấy câu, bèn vứt bỏ chuyện niệm Phật của chính mình để hành pháp môn khác. Sai mất rồi! Lầm lẫn quá đỗi! Đó là “tâm hoài nhị lộ, chí bất quy nhất” (tâm ôm ấp hai đường, chí chẳng quy nhất). Huống hồ người hiện thời không chỉ là “tâm hoài nhị lộ”! Trong tâm có đến mười con đường, tám con đường, trăm con đường, ngàn con đường, [là chuyện] thường thấy, “hai con đường” kể ra còn khá lắm! Nhưng quý vị phải hiểu, hai con đường thì cũng chẳng thể thành tựu, huống chi nhiều? Điều này nhằm nói rõ: Nếu chúng ta thật sự mong vãng sanh trong một đời này, thật sự mong vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, nhất định là phải y giáo phụng hành.

Còn có một hạng người ăn nói thoạt nghe cũng rất có đạo lý, họ nói như thế nào? Họ nói như thế này: “Người niệm Phật đúng là chẳng có một tí cảm tình nào! Người nhà, quyến thuộc, con cái đều chẳng cần đến. Cứ nhất tâm niệm A Di Đà Phật vãng sanh, quá ích kỷ, quá lạnh lùng, tàn khốc!” Nghe ra cũng rất có đạo lý, thật ra là “dường như đúng, nhưng hoàn toàn sai bét!” Chúng ta ở trong tam giới lục đạo bị nghiệp lực làm chủ tể, bản thân còn khó giữ gìn, quý vị có thể giữ nổi người nhà, quyến thuộc, con cháu hay không? Quý vị có thể chiếu cố họ được chăng? Oan uổng dụng tâm, chẳng có năng lực! Quý vị thường ghim trong lòng, bất quá là một đống phiền não to đùng mà thôi, chắc chắn là chẳng thể giải quyết vấn đề. Do đó, cách nghĩ và cách nhìn của họ đã sai bét, chẳng thấy sự thật!

Chuyên tâm niệm Phật, nhất tâm cầu vãng sanh, từ nhà quý vị nẩy sanh một vị Bồ Tát, hoặc sanh ra một vị Phật, trong Phật môn thường nói “một đứa con thành Phật, tổ tiên chín đời sanh lên trời”. Do vậy, người nhà, quyến thuộc của quý vị được chư Phật, Bồ Tát hộ niệm, có long thiên thiện thần chiếu cố. Bản thân chúng ta mong chiếu cố họ, chẳng thể chiếu cố nổi! Phật, Bồ Tát, thần hộ pháp thật sự có thể chiếu cố, người thế gian không hiểu điều này. Người thế gian ngu si, chẳng trông thấy! Chúng ta thường nghe những lời ấy, trong tâm hiểu rõ, chẳng bị họ lay động. Họ chỉ thấy một mặt, chẳng thấy mặt khác. Một người tu hành có thành tựu, cả nhà, cả họ sẽ được hưởng phước của người ấy. Từ xưa đến nay, nếu chư vị quan sát cặn kẽ, sẽ thấy đấy là sự thật, quý vị đều có thể chính mắt trông thấy.

Chúng tôi nêu ra một thí dụ nông cạn, dễ hiểu nhất. Trong Niệm Phật Luận, Đàm Hư đại sư có nói tới chuyện vãng sanh của vị nữ cư sĩ họ Trương thuộc chùa Trạm Sơn ở Thanh Đảo. Bà ta có hai đứa con nhỏ, đứa lớn mới mười tuổi, đứa nhỏ đương nhiên càng bé hơn. Bà có chồng, cuộc sống hết sức kham khổ. Vào thời đó, chồng bà là phu kéo xe, làm việc ở bến tàu. Mỗi ngày nhọc nhằn kiếm được một chút tiền để cả nhà sống qua một ngày. Ngày nào chẳng đi làm, ngày ấy chẳng có cơm ăn. Sống cuộc đời khổ sở như vậy. Bà ta học Phật, tham dự hội Niệm Phật ở chùa Trạm Sơn, mỗi tuần đều đến tham dự. Gia cảnh nghèo khổ như vậy, trong Niệm Phật Đường, đương nhiên cũng chẳng có ai coi trọng bà ta. Bà làm tạp vụ trong Niệm Phật Đường, rửa chén trong nhà bếp, làm việc này. Quý vị thấy bà ta niệm Phật thành công, vãng sanh tự tại lắm, tiêu sái lắm! Biết trước lúc mất, ngồi vãng sanh. Trước khi vãng sanh mấy tiếng đồng hồ, còn dặn dò chồng, giao phó mấy đứa con thơ. Bà ta vãng sanh, thật sự buông xuống. Con còn thơ bé dường ấy mà vãng sanh, có phải là nhẫn tâm hay không? Bà ta ra đi như thế, vãng sanh trong tình hình ấy, các vị ngẫm xem, các đồng tu thuộc Niệm Phật Đường tại chùa Trạm Sơn có ai chẳng chiếu cố các con của bà? Con bà ta ngay lập tức có phước báo, đó gọi là thật sự chiếu cố. Thấy mẹ của mấy đứa trẻ ấy niệm Phật thành tựu như vậy, chẳng có một ai không hoan hỷ, chẳng có ai không tận tâm tận lực giúp đỡ, chiếu cố bà ta. Đấy là thật sự thông minh, thật sự có trí huệ, thật sự có thể chiếu cố gia đình, chiếu cố con cái. Vì thế, chí hướng chuyên nhất hết sức trọng yếu. Chí chẳng chuyên nhất, tam tâm nhị ý, chẳng thể thành tựu Niệm Phật tam-muội.

“Niệm Phật tam-muội” là nói chung; Lý nhất tâm bất loạn, Sự nhất tâm bất loạn, và công phu thành phiến, đều gọi là Niệm Phật tam-muội. Trong Niệm Phật tam-muội, công phu có cạn hay sâu sai khác. Nông cạn nhất là công phu thành phiến; có thể niệm đến thành phiến, chắc chắn vãng sanh, nắm chắc vãng sanh. Theo như chúng tôi thấy, rất nhiều người biết trước lúc mất, ra đi rất tự tại, lìa thoát [Sa Bà] rất tiêu sái, đứng mất, ngồi mất. Nếu quý vị hỏi: Rốt cuộc họ niệm đến mức độ công phu nào? Chín mươi chín phần trăm là công phu thành phiến. Công phu thành phiến loại giỏi, nếu chúng ta chia công phu thành phiến thành chín phẩm, ba phẩm thượng có thể đạt tới sanh tử tự tại. “Tự tại” là muốn đi khi nào bèn vãng sanh khi ấy, muốn trụ thêm trong thế gian này bao nhiêu năm nữa, quyết định chẳng bị trở ngại. Chuyện này chẳng phải là đã đạt nhất tâm bất loạn; [đã đạt] nhất tâm bất loạn thì đương nhiên là càng tự tại. Công phu thành phiến bèn có thể đạt tới cảnh giới này, cho thấy mỗi người chúng ta đều có thể làm được chuyện này. Nếu nói “nhất tâm bất loạn” thì chẳng phải là mỗi người chúng ta đều có thể làm được. Công phu thành phiến thì ai nấy đều có thể làm được. Đó gọi là “vạn người tu, vạn người đến”. Nếu chẳng chiếu theo phương pháp này, chúng ta nửa tin, nửa ngờ, có lúc niệm Phật, có lúc trì chú, có khi lại tu những pháp môn khác, suốt một đời này chỉ gieo một tí thiện căn nơi Phật môn, chẳng thể khởi tác dụng.

 

(Sao) Trực chí vô thường, không vô sở hoạch.

()直至無常,空無所獲。

(Sao: Thẳng cho đến khi vô thường, trắng tay, chẳng đạt được gì).

“Vô thường” là đến ngày chết. Mãi cho đến lúc chết, quý vị chẳng đạt được gì! Nói cách khác, cuộc đời quý vị vẫn bị nghiệp lực chi phối y như cũ. Sanh tử có mạng, đại hạn xảy đến, vẫn y như cũ lưu chuyển theo nghiệp lực. Đó gọi là “không vô sở hoạch” (trắng tay, chẳng đạt được gì).

 

(Sao) Võng tư kỷ quá, phản khởi báng ngôn. Ô hô mậu tai!

()罔思己過,反起謗言,嗚呼謬哉。

(Sao: Chẳng nghĩ đến lỗi mình, ngược ngạo thốt lời phỉ báng. Ôi chao, lầm lạc thay!)

Đại sư cảm thán, người niệm Phật ấy đến lúc lâm chung, vua Diêm La sai tiểu quỷ đến bắt, người ấy vẫn chẳng phục, vẫn báng bổ Phật: “Các ngươi coi đó! Ta suốt đời làm chuyện tốt, luôn niệm Phật, [thế mà] chẳng thể vãng sanh, vẫn phải đến chầu Diêm Vương. Phật lừa ta, kinh pháp chẳng linh”, báng Phật, báng Pháp! Kẻ ấy chẳng biết chính mình tu học chẳng đúng lý, đúng pháp, tạo thành khuyết điểm, vẫn cứ báng Phật, báng Pháp, tội càng thêm tội!

 

(Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh không, thị bạt nghiệp chướng nghĩa; tự tánh hữu, thị đà la ni nghĩa; tự tánh bất hữu bất không, thị sanh Tịnh Độ nghĩa.

(Diễn) Tự tánh Không, tức Không Như Lai Tạng. Sở vị “nhất không, nhất thiết không”. Vô Giả, vô Trung, vô bất không dã. Tự tánh Hữu, tức bất không Như Lai Tạng. Sở vị “nhất giả, nhất thiết giả”. Vô Không, vô Trung, vô bất Giả dã. Tự tánh bất hữu, bất không, tức không bất không Như Lai Tạng. Sở vị “nhất trung, nhất thiết trung”. Vô Không, vô Giả, vô bất Trung dã.

()稱理,則自性空,是拔業障義;自性有,是陀羅尼義;自性不有不空,是生淨土義。

()自性空。即空如來藏。所謂一空一切空。無假無中無不空也。自性有。即不空如來藏。所謂一假一切假。無空無中無不假也。自性不有不空。即空不空如來藏。所謂一中一切中。無空無假無不中也。

(Sớ: Xứng Lý, tự tánh Không là ý nghĩa dẹp trừ nghiệp chướng, tự tánh Hữu là ý nghĩa đà la ni. Tự tánh chẳng Có, chẳng Không là ý nghĩa sanh Tịnh Độ.

Diễn: Tự Tánh Không, tức Như Lai Tạng cũng là Không. Đó gọi là “một thứ là Không, hết thảy đều là Không”. Chẳng có Giả và chẳng có Trung thì cũng chẳng có cái “chẳng phải là Không”. Tự Tánh Hữu tức là Như Lai Tạng chẳng phải là Không. Đó gọi là “một thứ là Giả, hết thảy đều là Giả”. Chẳng có Không và chẳng có Trung thì cũng chẳng có “chẳng phải là Giả”. Tự Tánh chẳng Có, chẳng Không, chính là Như Lai Tạng không mà chẳng không, đó gọi là “một thứ là Trung, hết thảy đều là Trung”. Chẳng có Không, chẳng có Giả thì chẳng có “không phải là Trung”).

Mấy câu này nói hết sức viên mãn. Tự tánh xác thực là Không. Nói cách khác, trong Chân Như bản tánh, lấy đâu ra nghiệp chướng? Có thể thấy là nghiệp chướng vốn là Vô. Vốn là vô, nhất định là có thể dẹp trừ, nhất định là có thể đoạn sạch. Tự tánh là Có thì quyết định có thể chứng đắc. Đà la ni là Tổng Trì, pháp môn Đại Tổng Trì của hết thảy chư Phật Như Lai là gì? Chính là câu “Nam-mô A Di Đà Phật”, chúng ta quyết định có thể chứng đắc. Không là nói theo Thể, Có là nói theo Tướng; “chẳng phải Có, chẳng phải Không” là nói theo Dụng. Nói theo Dụng, há có lẽ nào chẳng sanh Tịnh Độ? Đoạn Sao dưới đây đã dùng ý nghĩa của Thiền Tông để nói.

 

(Sao) Mịch tâm liễu bất khả đắc, nhất thiết nghiệp chướng, thùy vi căn bản?

(Diễn) Mịch tâm liễu bất khả đắc giả, Nhị Tổ tham Sơ Tổ, thời đương long Đông, tích tuyết chí tất, kiên lập bất động. Sơ Tổ vấn dục cầu hà sự? Nhị Tổ viết: “Khất sư vị ngã an tâm”. Sơ Tổ viết: “Tương tâm lai, vị nhữ an”. Nhị Tổ vân: “Mịch tâm liễu bất khả đắc”. Cái dĩ đắc tâm không, dĩ đáo giác tâm sơ khởi, tâm vô sơ tướng địa vị dã.

()覓心了不可得,一切業障,誰為根本?

()覓心了不可得者。二祖參初祖。時當隆冬。積雪至膝。堅立不動。初祖問欲求何事。二祖曰。乞師為我安心。初祖曰。將心來為汝安。二祖云。覓心了不可得。蓋已得心空。已到覺心初起。心無初相地位也。

(Sao: Tìm tâm trọn chẳng thể được, căn bản của hết thảy nghiệp chướng là gì?

Diễn: “Tìm tâm trọn chẳng thể được”: Nhị Tổ tham yết Sơ Tổ, nhằm lúc trời đang giữa Đông, tuyết ngập đến gối, [Nhị Tổ] đứng vững, bất động. Sơ Tổ hỏi: “Muốn cầu chuyện gì?” Nhị Tổ thưa: “Xin thầy an cái tâm cho con”. Sơ Tổ bảo: “Ông lấy cái tâm ra đây, ta sẽ an cho ông”. Nhị Tổ thưa: “Tìm tâm trọn chẳng thể được”. Do vậy đã được tâm không, đã đạt đến địa vị giác tâm mới dấy lên, tâm chẳng có tướng ban đầu).

“Tâm” chính là ba tâm như kinh Kim Cang đã nói, tức là quá khứ tâm, hiện tại tâm và vị lai tâm. “Tam tâm bất khả đắc” (Ba tâm trọn chẳng thể được), lấy đâu ra nghiệp chướng? Thật vậy! Nay vì sao có nghiệp chướng? Quý vị hiểu lầm, dấy vọng tưởng trong ấy, cứ ngỡ ba tâm thật sự có thể đạt được, tưởng ba tâm thật sự có! Đó chính là mê hoặc, điên đảo, tạo thành nghiệp chướng. Ba tâm xác thực là chẳng có. Do vậy có thể biết: Nghiệp chướng giống như mây trôi, chẳng phải là thực tại. Nhưng khi quý vị mê, nó khởi tác dụng, mây trôi thật sự che khuất mặt trời, xác thực là đã mê mờ bản tánh. Một niệm giác, nghiệp chướng bèn rỗng không, nghiệp chướng chẳng còn nữa. Một niệm mê, nghiệp chướng bèn hiện tiền. Chân tâm tự tánh, một niệm giác, chân tâm tự tánh là có. Một niệm mê, chân tâm tự tánh vẫn có, nó chẳng thuộc về mê hay ngộ. Nghiệp chướng thuộc về mê ngộ, khi mê thì có, lúc ngộ chẳng có. Vì thế, nó là giả, chẳng phải là thật. Ở đây, đại sư hỏi một câu: Gì là căn bản?

 

(Sao) Tức tâm vô sở bất cụ, nhất thiết công đức, hà phất tổng trì?

(Diễn) Tức tâm vô sở bất cụ giả, sở vị tự thể hữu đại trí huệ quang minh nghĩa cố, biến chiếu pháp giới nghĩa cố, chân thật thức tri nghĩa cố. Tự tánh thanh tịnh nghĩa cố, thường lạc ngã tịnh nghĩa cố, thanh lương bất biến tự tại nghĩa cố, cụ túc như thị quá ư Hằng sa bất tư nghị Phật pháp, nãi chí mãn túc vô hữu sở thiểu nghĩa cố, danh vi Pháp Thân Như Lai chi Tạng dã.

()即心無所不具,一切功德,何弗總持?

()即心無所不具者。所謂自體有大智慧光明義故。遍照法界義故。真實識知義故。自性清淨義故。常樂我淨義故。清涼不變自在義故。具足如是過於恒沙不思議佛法。乃至滿足無有所少義故。名為法身如來之藏也。

(Sao: Tâm không gì chẳng trọn đủ, hết thảy công đức có gì chẳng được tổng trì?

Diễn: “Tâm không gì chẳng trọn đủ” nghĩa là nói tới ý nghĩa tự thể có quang minh đại trí huệ, ý nghĩa chiếu khắp pháp giới, ý nghĩa chân thật hay biết, ý nghĩa tự tánh thanh tịnh, ý nghĩa thường, lạc, ngã, tịnh, ý nghĩa trong mát, chẳng biến đổi, tự tại, có chẳng thể nghĩ bàn Phật pháp vượt trỗi số cát trong sông Hằng như thế, cho đến trọn đủ, chẳng có nghĩa nào thiếu sót. Đó gọi là Pháp Thân Như Lai Tạng).

Đây là nói tự tánh chẳng có hình tướng. Khi nó khởi tác dụng, bèn có thể hiện hết thảy tướng. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều do chân tâm bản tánh biến hiện. Các nhà khoa học hiện thời nói rất hay: Hết thảy các tướng đều là hiện tượng dao động. Hiện tượng dao động là chẳng thật, là giả, giống như kinh Kim Cang đã nói: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, “hết thảy các pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, ý nghĩa hết sức gần gũi. Các nhà khoa học đã nhìn thấy chân tướng sự thật này, [các tướng] là giả, chẳng thật, về căn bản là chẳng tồn tại. Vì thế, tướng là huyễn hóa, là huyễn tướng, chẳng phải là chân tướng. Mười pháp giới là do mức độ mê hay ngộ sai biệt khác nhau mà biến hiện cảnh giới bất đồng. Mê ít, ngộ nhiều, bèn hiện ra tứ thánh pháp giới. Mê nhiều, giác ít, bèn hiện ra lục phàm pháp giới. Hoàn toàn là mê, chẳng giác thì là A Tỳ địa ngục pháp giới. “Tức tâm vô sở bất cụ” (Tâm không gì chẳng trọn đủ): Bổn tâm vốn sẵn trọn đủ mười pháp giới, do mê hay ngộ mà hiện. “Nhất thiết công đức”: Trên từ chư Phật cho tới dưới là ác đạo chúng sanh đều được bao gồm. Đó là Tổng Trì.

 

(Sao) Đương tổng trì nhi bất lập tiêm trần.

()當總持而不立纖塵。

(Sao: Trong tổng trì chẳng lập một mảy trần).

Điểm này chính là nguyên tắc chỉ đạo cao nhất trong sự tu dưỡng của chúng ta, vì chúng ta hiểu sự thật là “Tướng có, Thể không”. Thể là Không, Tâm Kinh bảo là Sắc Không, “Sắc hữu, Tánh không” (Sắc có, Tánh không). Do vậy, có thể thọ dụng, chứ chẳng thể chiếm hữu, cũng có nghĩa là “chớ nên chấp trước”. Thọ dụng: Chư Phật, Bồ Tát thọ dụng rất tự tại! Do chẳng có chấp trước, cho nên các Ngài tự tại. Nay chúng ta đối với sự thọ dụng bèn khởi chấp trước, khuyết điểm ở chỗ chấp trước, chẳng phải là nói thọ dụng [có khuyết điểm]. Có thể thọ dụng, cái đáng sợ là chấp trước. Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Chỉ vì vọng tưởng, chấp trước, mà chẳng thể chứng đắc”. Có thể thấy: Chớ nên có vọng tưởng, chớ nên có chấp trước. Vậy thì trong mười pháp giới, quý vị sẽ thọ dụng tự tại, giống như chư Phật, Bồ Tát du hý thần thông trong chín pháp giới, rộng độ chúng sanh.

 

(Sao) Hữu thị tức Không chi hữu.

()有是即空之有。

(Sao: Hữu là cái Có chính là Không).

Hữu là Không.

 

(Sao) Vô căn bản nhi xuất sanh vạn pháp.

()無根本而出生萬法。

(Sao: Chẳng có căn bản mà sanh ra vạn pháp).

Chẳng có căn bản. Hết thảy vạn pháp “pháp nhĩ tự nhiên” (pháp tự nhiên là như vậy) biến hiện ra, chẳng cần phải truy cứu. Truy cứu chẳng ra! Chỉ có từ trong cảnh Định rất sâu, vừa nhìn bèn hiểu rõ ngay, tuyệt đối chẳng phải là do nghiên cứu, thăm dò mà có thể lần mò tìm được chân tướng. Làm như vậy, vĩnh viễn chẳng tìm thấy chân tướng. Nhất định là phải từ công phu định lực, tâm thanh tịnh, cảnh giới ấy bèn hiển lộ rành mạch, rõ ràng!

 

(Sao) Không thị tức Hữu chi không.

()空是即有之空。

(Sao: Không là cái Không chính là Có).

“Không” chẳng phải là Ngoan Không (cái Không trơ trơ). Không chẳng phải là Vô, chẳng phải là thứ gì cũng đều chẳng có, mà là “tức Hữu chi Không” (cái Không chính là Có).

 

(Sao) Tức Hữu tắc Bất Không, tức Không tắc Bất Hữu, Bất Không Bất Hữu, duy thị nhất tâm, bất việt nhất tâm, thị danh Tịnh Độ.

(Diễn) Đương tổng trì nhi bất lập tiêm trần giả, Diệu Hữu tức thị Chân Không dã. Cố Hữu thị tức Không chi hữu. Vô căn bản nhi xuất sanh vạn pháp giả. Chân Không tức thị Diệu Hữu dã. Cố Không thị tức Hữu chi không. Tức Hữu tắc Bất Không, thị như thật Bất Không dã. Tức Không tắc Bất Hữu, thị như thật Không dã. Nhi như thật Bất Không, dữ như thật Không, bất ly nhất Chân Như tâm, nhi nhất Chân Như tâm, chánh thị Tịch Quang Tịnh Độ. Cố viết duy thị nhất tâm, thị danh Tịnh Độ.

()即有則不空,即空則不有,不空不有,惟是一心,不越一心,是名淨土。

()當總持而不立纖塵者。妙有即是真空也。故有是即空之有。無根本而出生萬法者。真空即是妙有也。故空是即有之空。即有則不空。是如實不空也。即空則不有。是如實空也。而如實不空。與如實空。不離一真如心。而一真如心。正是寂光淨土。故曰唯是一心。是名淨土。

(Sao: Tức là Có thì chẳng phải là Không, chính là Không thì chẳng phải Có, chẳng phải Có, chẳng phải Không, chỉ là nhất tâm, chẳng ra ngoài nhất tâm, bèn gọi là Tịnh Độ.

Diễn: “Trong tổng trì chẳng lập mảy trần”: Diệu Hữu chính là Chân Không. Vì thế, Hữu chính là “cái Hữu tức là Không”. “Vô căn bản mà xuất sanh vạn pháp”: Chân Không chính là Diệu Hữu. Vì thế, Không chính là “cái Không tức là Có”. “Hữu chính là chẳng Không” là như thật Bất Không. “Không chính là chẳng Có” là như thật Không. Nhưng Như Thật Bất Không và Như Thật Không đều chẳng lìa khỏi một tâm Chân Như, cái tâm Chân Như chính là Tịch Quang Tịnh Độ. Vì thế nói “chỉ là nhất tâm, gọi là Tịnh Độ”).

Trưởng giả Duy Ma bảo chúng ta: “Tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh”. Đoạn này có thể dùng để giải thích câu kinh văn ấy, [tức câu] “tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh” là gì, ý nghĩa bèn hết sức viên mãn. Chúng ta thật sự hiểu rõ, thật sự minh bạch, lập tức đối với chính mình và hoàn cảnh sống của chính mình, quan niệm ngay lập tức thay đổi. “Quan” là cách nhìn, “niệm” là cách nghĩ. Cách nhìn và cách nghĩ của chúng ta ngay lập tức thay đổi, bèn nhập Phật tri Phật kiến. Cách nghĩ và cách nhìn của chúng ta hoàn toàn tương đồng với Phật và các vị đại Bồ Tát, đó gọi là “nhập Phật tri kiến”. Chớ nên xem nhẹ kinh Di Đà, cảnh giới cao nhất của Thiền Tông là “nhập Phật tri kiến”. Kinh Pháp Hoa nói rõ ràng hơn: “Khai thị ngộ nhập Phật chi tri kiến” (Khai thị ngộ nhập tri kiến của Phật), chẳng thuận tiện như kinh Di Đà. Chẳng dễ dàng như câu Phật hiệu! Đối với câu Phật hiệu này, Đại Thế Chí Bồ Tát nói: “Chẳng cậy vào phương tiện, tự được tâm khai”. Hễ tâm khai, bèn nhập Phật tri kiến.

Ba hàng cuối của lời Sao văn tự không nhiều, nghĩa lý đúng là rốt ráo viên mãn, càng đọc càng có ý vị, càng thấu hiểu, càng chân thật, có thể giúp chúng ta thành tựu Niệm Phật tam-muội trong một thời gian ngắn ngủi. Vì thế, ba hàng này cần phải đọc mấy lượt, tham cứu tường tận. Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa giảng lần thứ ba đến đây đã viên mãn, cảm ơn chư vị đồng tu.

 

 

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa

Trọn Bộ (Hết)

 

(Hoàn thành cảo bản ngày 24 tháng 05 năm 2015)

Tái giảo duyệt lần thứ nhất ngày 16 tháng 12 năm 2015

 

“Hoan nghênh ấn tống – công đức vô lượng”

Thay lời tri ân và hồi hướng

 

Kể từ khi khởi sự chuyển ngữ phần thứ nhất của bài giảng này vào tháng 11 năm 2011, đến nay đã gần bốn năm, chúng con mới chuyển ngữ xong bộ Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa này tuy nguyên tác chỉ gồm 289 buổi giảng. Trong gần suốt bốn năm ấy, các liên hữu Minh Tiến, Đức Phong, Huệ Trang, Trịnh Lộc, và Vạn Từ đã không tiếc công phí sức giảo duyệt, góp ý sửa chữa, nhất là sư huynh Đức Phong đã tốn rất nhiều công sức trình bày, ấn tống và lưu thông. Cũng xin chân thành cảm tạ những đạo hữu gần xa đã khích lệ chúng con có đủ quyết tâm thực hiện công việc này. Nhìn lại bản dịch, chúng con hết sức hổ thẹn vì thế học lẫn đạo học đều quá kém cỏi, không thể chuyển ngữ lưu loát, mạch lạc, nêu bật văn phong trang trọng, ưu nhã của Tổ, chẳng thể diễn giải trong sáng, rõ ràng những diệu nghĩa do Tổ chỉ dạy, cũng như chẳng thể hiện được phong cách giảng giải rất độc đáo của Hòa Thượng Tịnh Không. Do sự ngu độn của chính mình, chẳng biết đã có bao nhiêu ý nghĩa đã bị hiểu lầm, dịch sai, đến nỗi hoàn toàn tương phản với ý tổ, ý thầy. Chắc chắn là công chẳng được mấy, tội lỗi vô biên. Chúng con chân thành sám hối, ngưỡng mong sẽ có bậc cao minh thương xót phủ chính. Nhất là khi đọc đến phần cuối của bài giảng, Hòa Thượng có nói việc phiên dịch kinh sách không chỉ là một vài người có thể thực hiện được, càng thêm hổ thẹn, đau xót muôn phần. Chỉ xuất phát từ lòng tham pháp, tiếc pháp, mong muốn chia sẻ phần nào pháp nhũ mà chúng con liều lĩnh làm chuyện quá phận này. Chỉ mong dịch phẩm thô vụng này có thể giúp đỡ các đồng tu lãnh hội phần nào diệu nghĩa Tịnh Độ và dốc lòng trân quý bảo điển A Di Đà Kinh. Nếu việc làm liều lĩnh, quá phận này có chút công đức nào, đều xin hồi hướng về thầy, tổ, quá khứ hiện tại sư trưởng, phụ mẫu, lịch đại tổ tiên, các vị thiện hữu Đức Phong, Minh Tiến, Huệ Trang, Trịnh Lộc, Vạn Từ, các đồng tu niệm Phật khắp mười phương pháp giới, hết thảy hữu tình chúng sanh đều cùng được ân triêm Phật quang, phiền não tiêu trừ, cùng hội ngộ nơi An Dưỡng Quốc.

 

Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa đê đầu, hòa-nam bái bạch.

[1] Đây là chủ trương của Nhật Liên, sáng tổ Nhật Liên Tông (Tân Pháp Hoa Tông) của Nhật Bản. Nhật Liên Tông chủ trương niệm tựa đề kinh (NamuMyohoRengeKyo), không niệm Phật (trong Lập Chánh Hộ Quốc Luận, Nhật Liên cực lực đả kích Thiền, Chân Ngôn, Tịnh Độ và Thiên Thai, kết án các pháp môn ấy là những cách tu hành vô ích, khiến cho hành nhân đọa lạc, dẫn đến tình trạng suy vong của Nhật Bản vào thời ấy), không thờ tượng Phật, chỉ niệm đề mục kinh là đủ. Họ thờ Gohonzon Daimoku (Ngự Bổn Tôn Đề Mục), tức là một bản viết tay của chính Nhật Liên, viết bằng chữ Hán, chính giữa đề Nam-mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, chung quanh đề danh hiệu của chư Phật, như Đa Bảo Như Lai, Thích Ca Mâu Ni Phật, Thập Phương Chư Phật, Thượng Hạnh Bồ Tát, Tịnh Hạnh Bồ Tát, Vô Biên Hạnh Bồ Tát, An Lạc Hạnh Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát… các vị hộ pháp như A Tu La Vương, Nhật Thiên, Đại Phạm Thiên, tứ long vương, các vị Thanh Văn như Xá Lợi Phất, Ca Diếp… các vị tổ sư như Thiên Thai Trí Giả đại sư, Long Thọ Bồ Tát.., các vị minh vương như Ái Nhiễm Minh Vương, Bất Động Minh Vương… Cách hành trì trong Nhật Liên Tông (cũng như trong các chi phái về sau như Nhật Liên Chân Tông, Sáng Giá Học Hội v.v…) chủ yếu là trì niệm đề mục kinh, hiếm khi trì nguyên vẹn bộ kinh Pháp Hoa như Thiên Thai Tông của Nhật Bản. Thông thường, trong thời khóa, họ chỉ đọc hai phẩm là phẩm Phương Tiện và Như Lai Thọ Lượng.

[2] Ở đây, chữ “trung hạ” chỉ trung phẩm hạ sanh vì theo Quán Kinh, cả chín phẩm chỉ riêng hạ phẩm trung sanh là không nói đến hoa sen, nguyên văn chỉ chép: “Văn thử sự dĩ, tầm tức mạng chung, thí như tráng sĩ khuất thân tý khoảnh, tức sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, kinh thất nhật dĩ, ngộ Quán Thế Âm, cập Đại Thế Chí văn pháp hoan hỷ, đắc Tu Đà Hoàn, quá nhất tiểu kiếp, thành A La Hán” (Nghe chuyện ấy rồi, ngay đó mạng chung, ví như trong khoảnh khắc tráng sĩ co duỗi cánh tay, liền sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, qua bảy ngày, gặp Quán Thế Âm và Đại Thế Chí, nghe pháp hoan hỷ, đắc Tu Đà Hoàn, sau một tiểu kiếp, thành A La Hán).

[3] Tu từ (修辭) hoặc nói đầy đủ là “tu sức văn từ” (修飾文辭: sửa chữa, gọt giũa sao cho văn chương bóng bẩy, đẹp đẽ), tức là các biện pháp mỹ hóa văn chương nhằm tăng cường tác dụng truyền đạt, nhấn mạnh những điều muốn biểu đạt, tăng cường mỹ cảm hòng tạo ấn tượng sâu đậm cho người đọc, gây ấn tượng lôi cuốn, thu hút người đọc. Các biện pháp tu từ thường sử dụng nhất là tỷ dụ, ẩn dụ, chuyển hóa (tức là nhân cách hóa sự vật hoặc hình tượng hóa một vấn đề), khoa sức (nói khoa trương), phúng thích (châm biếm), chiết tự, đối ngẫu. Thể loại đối ngẫu tạo ấn tượng rất mạnh, như trong Bình Ngô Đại Cáo có những cặp đối ngẫu thật hùng hồn như: “Dẫu cường nhược có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có… Nướng dân đen trên lửa hung tàn, vùi con đỏ dưới hầm tai vạ. Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo”, “voi uống nước, nước sông phải cạn; gươm mài đá, đá núi cũng mòn… ngẫm thù lớn, há đội trời chung; căm giặc nước, thề không cùng sống…”

[4] Tên gọi này ghép từ hai chữ Hima (tuyết) và Ālaya (chỗ trú ẩn), có nghĩa là “vùng tuyết đọng”. Đỉnh cao nhất trong rặng núi là đỉnh Everest (tên gọi vinh danh nhà quan trắc địa chất George Everest của Anh, nhưng công trình đo đạc thật sự được tiến hành dưới sự hướng dẫn của Andrew Waugh). Andrew Waugh đã đề nghị chọn tên này vì có quá nhiều tên gọi địa phương đối với đỉnh núi này như Chomolungma (thánh mẫu) trong tiếng Tây Tạng, người Nepal gọi là Deodungha hoặc Sagarmāthā.

[5] Bạch Hào gọi đầy đủ là Mi Gian Bạch Hào Tướng (Ūrna-lakṣana) là sợi lông trắng, cuộn tròn, trong suốt, tỏa sáng như viên ngọc nằm giữa hai chân mày đức Phật, ngay phía trên sống mũi. Khi kéo thẳng ra, Bạch Hào dài đến tám thước (có thuyết nói lúc sơ sanh, Bạch Hào dài năm thước, đến khi thành đạo, dài một trượng năm thước). Do vậy, để biểu thị tướng này, người ta thường cẩn một viên ngọc tròn hoặc thủy tinh lóng lánh vào giữa hai chân mày các tượng Phật. Kinh Ưu Bà Tắc Giới cho biết: “Lúc còn là Bồ Tát, Ngài đã từng trong vô lượng đời tuyên thuyết chánh pháp, thuyết pháp chân thật bất hư, nên có được tướng bạch hào”. Mỗi khi thuyết đại pháp, đức Phật thường phóng quang từ tướng Bạch Hào, kinh chép là “phóng bạch hào quang”, nên chúng ta thường lẫn lộn “hào quang” với “viên quang” (vầng quang minh bao quanh đầu đức Phật).

[6] Tứ Minh tôn giả (960-1028), tức là ngài Tri Lễ. Vị này quê quán ở huyện Tứ Minh (nay là huyện Cẩn, tỉnh Chiết Giang), là một vị tổ sư trong tông Thiên Thai. Do Sư thường trụ tích tại Bảo Ân Viện núi Tứ Minh tu lễ sám bốn mươi mấy năm nên người đương thời gọi Ngài là Tứ Minh tôn giả hoặc Tứ Minh đại sư. Cùng với ngài Tuân Thức, Sư được coi là nhân vật chủ chốt lãnh đạo phái Sơn Gia, thường bút chiến với các vị thuộc hệ thống Sơn Ngoại như pháp sư Ngộ Ân, Hồng Mẫn, Nguyên Thanh, Trí Viên, Khánh Chiêu v.v… xoay quanh những ý kiến bất đồng về những luận điểm trong tác phẩm Kim Quang Minh Huyền Nghĩa Phát Huy Ký của ngài Ngộ Ân (vì trong tác phẩm ấy, ngài Ngộ Ân chủ trương bộ Kim Quang Minh Huyền Nghĩa Quảng Bổn tuy ghi tác giả là ngài Trí Khải, nhưng là một tác phẩm mạo danh tổ sư. Đồng thời chủ trương chân tâm quán, coi cảnh được quán là chân tâm, tức Chân Như). Ngài Tri Lễ bèn viết Phù Tông Thích Nạn để đả phá luận thuyết ấy. Danh từ Sơn Gia có ngụ ý những người theo quan điểm của ngài Tri Lễ và Tuân Thức mới là Thiên Thai Chánh Tông, còn những kẻ theo quan điểm của ngài Ngộ Ân bị biếm nhẽ là Sơn Ngoại, tức những kẻ còn ở ngoài cửa, chưa thâm nhập giáo nghĩa Thiên Thai.

[7] Sát Đế Lợi (Kṣatriya) là một trong bốn chủng tánh (Varna) tại Ấn Độ, có nghĩa là cai trị, đặc quyền, thống lãnh, bao gồm những người cai trị và tướng lãnh quân sự, về sau được dùng với nghĩa rộng để chỉ giai cấp quý tộc. Sát Đế Lợi ở đây có nghĩa là một vị vua. Chữ Vương (Rājā) vốn là danh xưng của tù trưởng cai trị bộ tộc thời tiền Veda.

[8] Bồ Tát Xử Thai Kinh, có tên gọi đầy đủ là Bồ Tát Tùng Đâu Suất Thiên Giáng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ Kinh, gồm ba mươi tám phẩm, do ngài Trúc Phật Niệm dịch trong niên hiệu Hoằng Thỉ nhà Diêu Tần. Kinh dạy về cảnh giới của Nhất Sanh Bổ Xứ Đẳng Giác Bồ Tát khi từ cung trời Đâu Suất giáng sanh vào thai mẹ, đồng thời bao gồm rất nhiều giáo nghĩa và phương pháp tu chứng của Bồ Tát.

[9] Trưởng giả Giải Thoát là vị thiện tri thức thứ năm, trụ tại thành Trụ Lâm. Vị này dạy Thiện Tài đồng tử môn Phổ Nhiếp Nhất Thiết Phật Sát Vô Biên Toàn Đà La Ni. Do nhập môn giải thoát này, trưởng giả có thể thấy chư Phật nhiều như số vi trần trong mười phương, thấy các thứ trang nghiêm quang minh, thần thông, biến hóa của chư Phật, thấy hết thảy các pháp trợ đạo, hạnh xuất ly thanh tịnh của chư Phật. Cũng thấy các Ngài thị hiện thành Đẳng Chánh Giác, chuyển pháp luân, các sự giáo hóa mà chẳng rời khỏi chỗ mình, có thể xuất nhập các môn giải thoát trang nghiêm vô ngại của chư Như Lai.

[10] Ngũ Bất Hoàn Thiên là năm tầng trời trên cùng trong Đệ Tứ Thiền Thiên, là nơi ở các bậc thánh nhân từ Tam Quả trở lên, bao gồm Vô Phiền Thiên (Avṛha), Vô Nhiệt Thiên (Atapa), Thiện Kiến Thiên (Sudṛśa), Thiện Hiện Thiên (Sudarśana) và Sắc Cứu Cánh Thiên (Akaniṣṭha, A Ca Ni Trá Thiên).

[11] Do cõi trời này có bốn vị thiên vương (Đa Văn, Trì Quốc, Quảng Mục và Tăng Trưởng) ở bốn phía nên gọi là Tứ Vương Thiên (cõi trời có bốn vị vua).

[12] Khi Di Lặc Phật thị hiện thành Phật trong thế giới Sa Bà, Ngài ngồi dưới cội cây Long Hoa thị hiện thành Chánh Giác. Cây ấy có cành rất to, cuồn cuộn như những con rồng vươn tỏa khắp nơi, cây trổ hoa sáng ngời, kết thành quả chi chít cũng tỏa sáng, nên gọi là cây Long Hoa. Ngài chuyển pháp luân ba lần, lần lượt độ những người tu hành Lục Độ, những người tu Ngũ Giới, và cuối cùng độ vô lượng chúng sanh hữu duyên cùng thành Phật, nên gọi là Long Hoa Tam Hội. Nói cách khác, hội thứ nhất độ hàng Bồ Tát, tương đương với hội Hoa Nghiêm, hội thứ hai độ phàm phu tu Ngũ Giới, Thập Thiện, nghe pháp chứng nhập thánh vị, tương đương với các thời A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã, và hội cuối cùng tương đương với thời Pháp Hoa-Niết Bàn.

[13] Chiết Giang và Giang Tô là hai tỉnh kế cận nhau. Nước Việt thời Chiến Quốc là đất phong của hậu duệ con thứ vua Thiếu Khang nhà Hạ. Vua nước này có họ là Tự. Sử chép vị vua đầu tiên của nước Việt là Tự Vô Dư, vua cuối cùng là Tự Vô Cương. Lãnh thổ nước Việt bao gồm các huyện Chư Kỵ, Đông Dương, Nghĩa Ô và Thiệu Hưng của tỉnh Chiết Giang hiện thời, kinh đô là Cối Kê. Nước Việt hùng mạnh nhất dưới thời Việt vương Câu Tiễn, nhưng sau đó bị nước Sở tiêu diệt vào năm 334 trước Công Nguyên.

Nước Ngô thời Chiến Quốc (còn gọi là Câu Ngô, Công Ngô v.v…) đã tồn tại từ đời Thương. Xét theo nguồn cội người sáng lập quốc gia này, thì Châu Thái Vương có ba người con là Thái Bá, Trọng Ung và Quý Lịch. Quý Lịch sanh ra Cơ Xương (Châu Văn Vương) rất có tài trí; vì thế, Châu Thái Vương muốn truyền ngôi cho Quý Lịch. Thấy vậy, Thái Bá và Trọng Ung bèn giả vờ đi hái thuốc, trốn xuống huyện Đương Đồ ở phía Nam sông Dương Tử, lập ra nước Ngô. Thoạt đầu nước Ngô đóng đô ở Mai Lý (thuộc huyện Vô Tích), sau chuyển sang Cô Tô. Nước Ngô bị diệt vong bởi Việt vương Câu Tiễn dưới đời Ngô vương Phù Sai.

Theo truyền thuyết, tổ tiên vua nước Tần là Tần Phi Tử (họ Doanh) do khéo nuôi ngựa nên được Châu Hiếu Vương phong cho đất Tần (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc). Mãi đến đời Tần Tương Công vào năm 770 do hộ tống Châu Bình Vương có công nên Tần Tương Công mới được phong tước Bá, nước Tần mới chính thức là một nước chư hầu. Tây An (thuộc tỉnh Thiểm Tây) chính là kinh đô Trường An lừng danh, tức là kinh đô của bốn triều đại Châu, Tần, Hán, Đường.

Lãnh thổ nước Yên trải dài từ phía Bắc tỉnh Sơn Đông cho đến hết bán đảo Liêu Đông. Thành phố Bắc Kinh có tên cổ là Yên Kinh, chính là kinh đô của nước Yên thời Chiến Quốc. Sau khi Châu Vũ Vương diệt Trụ, đã phong đất Yên (vùng phụ cận Bắc Kinh và Hà Bắc hiện thời) cho người cùng họ là Triệu Công (Cơ Tử Khắc). Vùng này vốn có tên gọi là Yên Sơn, nên mới gọi là nước Yên.

 

[14] “Tăng ích thọ giới” có nghĩa là tuy có thể vào giới đàn, được truyền thọ các giới, nhưng người thọ giới do thiếu tư cách thọ giới (do phạm tội, hoặc chẳng chí tâm cầu giới, hoặc do tâm chẳng chánh đáng cầu giới, như vì muốn có tiếng tăm mà thọ giới, do cầu lợi mà xin thọ giới, do bị ép thọ giới v.v…), nên chẳng đắc giới. Do sám hối, lần thọ giới ấy chỉ nhằm tạo cái nhân thù thắng để người ấy có thể thật sự đắc giới trong tương lai hay trong đời mai sau, nên gọi là “tăng ích thọ giới”. Như trong bài Phật Thuyết Phạm Võng Kinh Giảng Lục, pháp sư Huệ Tăng đã nói: “Nếu phạm thập giới, hãy nên dạy kẻ ấy sám hối. Ý nói kẻ ấy đã từng thọ Bồ Tát giới mà hủy phạm, hoặc đã thọ tỳ-kheo giới hoặc Sa Di giới, Ngũ Giới v.v… mà vi phạm, phá Căn Bản Giới, ắt phải trịnh trọng sám hối. Đối trước mười phương chư Phật, Bồ Tát, dập đầu kính lễ, một dạ khẩn cầu, phơi bày tội ác, thề chẳng tái phạm. Khi sám hối, ắt phải thấy tướng hảo, như được chư Phật xoa đỉnh đầu, hoặc thấy quang minh, thấy hoa v.v… các thứ tướng linh dị, cát tường, thì mới chứng tỏ là đã được thọ giới lại. Nếu phạm tội Thất Giá, sẽ chẳng được thọ giới trong đời này, mà được tăng ích thọ giới. Sau khi đã sám hối, có thể tạo thành cái nhân thù thắng để được thọ giới trong đời sau”.

[15] Theo kinh Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo, muốn chiêm nghiệm xem tội nghiệp đã tiêu diệt đến đâu sau khi sám hối, có thể dùng Mộc Luân Tướng để quan sát. Mộc Luân Tướng là những phiến gỗ to bằng ngón tay út, dài chừng một tấc (trong hệ thống thước đo cổ của người Hoa), bốn mặt gọt vuông vức, hai đầu trên dưới vót nhọn, để có thể di chuyển khi đặt trong lòng bàn tay, do vậy gọi là Luân. Mộc Luân gồm có mười chín khối. Kinh dạy: “Nương vào tướng ấy, có thể phá hoại tà kiến, lưới nghi của chúng sanh, chuyển hướng chánh đạo, đạt đến chỗ an ổn, nên gọi là Luân”. Luân tướng ấy có ba loại sai biệt. Một là luân tướng có thể hiển thị các nghiệp chủng thiện ác sai biệt trong đời quá khứ, loại này gồm mười luân tướng. Loại thứ hai là luân tướng có thể hiển thị những nghiệp đã tích tập lâu mau trong quá khứ, loại luân này gồm ba khối. Ba là luân tướng có thể hiển thị thọ báo sai khác trong ba đời; loại này gồm có sáu luân tướng. Nếu muốn quan sát thiện ác sai biệt, hãy khắc gỗ thành mười luân, trên mỗi luân ấy, viết hạng mục của Thập Thiện nơi một mặt. Nơi mặt đối diện viết hạng mục đối ứng của Thập Ác… Đối với ba luân tướng thuộc loại thứ hai, lần lượt viết Thân, Khẩu, Ý, đối với mặt đối diện không viết chữ bèn vạch một vạch to đậm đến tận rìa của mặt luân ấy, rồi lần lượt vẽ các vạch mỏng và ngắn trên mặt kế tiếp, kế đến là vạch to đậm dài trên mặt kế đó v.v… Vạch dài đậm biểu thị tích tập đã lâu (hiện thời, luân tướng thường dùng vạch màu đỏ tượng trưng cho thiện nghiệp, màu đen tượng trưng cho ác nghiệp). Loại thứ ba thì đối với mỗi luân, chỉ viết chữ ở ba mặt, chẳng hạn luân thứ nhất là “một, hai, ba”, luân thứ hai là “bốn, năm, sáu” v.v…

[16] Đông Đô chính là thành phố Lạc Dương thời Đường. Danh xưng này bắt nguồn từ thời Tây Châu. Châu Thành Vương đóng đô tại Cảo Kinh (tức là Trường An sau này, nay là thành phố Tây An). Vua lại lấy Lạc Ấp làm kinh đô, đặt tên là Đông Đô vì Lạc Ấp ở phía Đông của Cảo Kinh.

[17] Gọi là “giáo võng” vì giáo nghĩa có quá nhiều danh tướng, thuật ngữ phức tạp, người học sẽ dễ dàng sa đà trong danh tướng như mắc vào trong lưới chẳng thoát ra được nên gọi là “giáo võng” (lưới giáo).

[18] Bộ kinh này có tên gọi đầy đủ là Phật Bổn Hạnh Kinh, còn gọi là Phật Sở Hạnh Tán do ngài Mã Minh biên soạn, được Đàm Vô Sấm dịch sang tiếng Hán dưới thời Bắc Lương, gồm năm quyển. Tác phẩm này dùng thể loại thi ca nhằm tuyên dương những hạnh tích trong cuộc đời đức Phật nhằm hiển dương giáo nghĩa Đại Thừa.

[19] Thích Ca Phương Chí là một loại sách gần như tiểu sử của Thích Ca Mâu Ni Phật, do ngài Đạo Tuyên luật sư soạn vào đời Đường, ghi rõ những sự kiện trong cuộc đời đức Phật.

[20] Ceylon là tên gọi áp đặt của người phương Tây đối với xứ này. Thời cổ, dân bản xứ gọi đảo quốc này là İlankai, Laṃkā hoặc Lankapura, hoặc Sinhala (theo tên gọi của một vương triều cổ trên đảo này). Người Bồ Đào Nha đã gọi xứ này là Ceilão, khi viết theo âm đọc trong tiếng Anh bèn trở thành Ceylon (một số nhà nghiên cứu cho rằng chữ Ceylon bắt nguồn từ chữ Eelam trong tiếng Tamil. Từ chữ này sinh ra các biến thể như Eezham, Cilam, Chilam, Cheralam, I’la, E’lu, Seeha’la, rồi thành Cerantivu trong cổ ngữ Malayalam). Quốc gia này phải mang tên gọi là Ceylon cho mãi đến năm 1972 mới chính thức đổi tên theo tiếng địa phương là Sri Lanka (Śrī Laṃkāva, đảo cát tường, đảo thánh thiện).

[21] Thất Kim Sơn là bảy rặng núi lớn bao quanh núi Tu Di. Những núi ấy đều do chất vàng tạo thành nên có tên như vậy. Tính từ trong ra ngoài, lần lượt là Du Kiện Đạt La (Yugajdhara), Y Sa Đà La (Īsādhara), Khiết Địa Lạc Ca (Khadiraka), Tô Đạt Lê Xả Na (Sudarśana), Át Thấp Phược Yết Noa (Aśvakarna), Tỳ Na Đát Ca (Vintaka), Ni Dân Đạt La (Nimindhara). Cứ giữa hai lớp núi là một biển nước mặn. Ngoài ra, bao quanh bảy núi báu ấy là rặng núi Thiết Vi Kim Cang (Cakkavāḷa).

[22] Đại Vũ tên thật là Tự Văn Mạng. Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên, ông là cháu năm đời của Hoàng Đế, là con trai của ông Cổn (con trai út của Chuyên Húc). Vua Nghiêu đã phong cho Cổn đất phong gần Tung Sơn. Ông Cổn được giao nhiệm vụ trị thủy (ngăn ngừa lũ lụt), nhưng thất bại, nên bị vua Thuấn xử tử. Khi trưởng thành, Vũ tiếp tục công việc của cha và trị thủy thành công sau suốt mười ba năm không ngừng nỗ lực. Do vậy, có rất nhiều truyền thuyết về Đại Vũ, như truyền thuyết Đại Vũ đã cắt ngang sườn núi bằng một nhát rìu, tạo thành Tam Môn Hiệp ở đầu sông Dương Tử. Vua Thuấn đã truyền ngôi cho ông, và ông trở thành hoàng đế lúc năm mươi ba tuổi, đóng đô tại An Ấp (nay là huyện Hạ, tỉnh Sơn Tây), lập ra nhà Hạ. Ông là người đầu tiên đã chia Trung Nguyên thành chín châu và cho đúc cửu đỉnh nhằm xác lập vương quyền của hoàng đế. Khi con ông lên nối ngôi đã đổi họ thành Hạ và xưng là Hạ Hậu Khải; do đó, sử thường gọi thị tộc Hạ là Hạ Hậu Thị. Nhà Hạ truyền đến đời Lý Quý (Hạ Kiệt) thì do vua vô đạo, u mê, nên bị Thành Thang diệt trừ, lập ra nhà Thương.

[23] Tứ Thiên Hạ là danh xưng khác để gọi Tứ Đại Bộ Châu.

[24] Lục Dục Thiên chính là Tha Hóa Tự Tại Thiên, vì đây là tầng trời thứ sáu trong Dục Giới Thiên, nên gọi là Lục Dục Thiên.

[25] Tam Hiền Bồ Tát là các địa vị Bồ Tát thuộc Thập Trụ, Thập Hạnh và Thập Hồi Hướng. Thập Thánh Bồ Tát là từ Sơ Địa cho đến Thập Địa.

[26] Thật ra, trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nói tới rất nhiều điều chẳng thể nghĩ bàn của A Di Đà Phật. Năm điều được hòa thượng Tịnh Không nhắc tới ở đây chỉ là năm điều đại lược về công đức chẳng thể nghĩ bàn của A Di Đà Phật: “Một là vượt thoát tam giới theo chiều ngang, chẳng đợi phải đoạn Hoặc. Hai là sanh về Tây Phương liền trọn đủ bốn cõi, chẳng phải do chứng từ từ. Ba là chỉ trì danh hiệu, chẳng cần phải dùng tới các phương tiện Thiền, Quán. Bốn là lấy bảy ngày làm hạn, chẳng cần đến nhiều kiếp, nhiều đời, nhiều năm tháng. Năm là trì danh hiệu một vị Phật liền được chư Phật hộ niệm, chẳng khác gì trì danh hiệu của hết thảy chư Phật”.

[27] “Vu” (巫) là những người làm nghề đồng cốt, phù thủy, còn gọi là “thần côn” (神棍), thường làm bùa, làm phép, triệu hồn, ếm đối. Câu này có ý nói những gã đồng cốt tay mơ gặp phải thầy phù thủy cao tay ấn thứ thiệt đành ngậm tăm, chẳng dám thi thố pháp thuật gì!

[28] “Đại thời đại” là nói đến thời gian tính bằng kiếp, chẳng phải là khoảng thời gian ngắn ngủi mấy chục năm, hoặc mấy trăm năm.

[29] Bát Quái lại có hai loại Tiên Thiên và Hậu Thiên, quẻ số và ý nghĩa giống nhau, chỉ khác phương vị. Hiện thời lưu hành phổ biến là Hậu Thiên Bát Quái. Trong Hậu Thiên Bát Quái, Ly ở phía Nam, còn trong Tiên Thiên Bát Quái, Ly ở phương Đông. Xét theo Quái Tượng lẫn Ngũ Hành, Ly đều là Hỏa. Do Ly có đặc tính là sáng, nên các vật biểu thị bởi quẻ Ly đều ngụ ý ấy. Chẳng hạn, Quái Tượng của Ly là lửa, thuộc về Hỏa trong Ngũ Hành. Trong thân thể, Ly ứng với mắt. Trong động vật ứng với chim Trĩ (loài chim có màu sắc rực rỡ, thích đậu trên cao)…

[30] Đây là nói về hình tượng của quẻ Ly. Quẻ Ly gồm có hai vạch liền ở ngoài cùng (vạch liền thuộc về Dương), một vạch đứt ở chính giữa là Âm. Do đó, nói một Âm sáng ngời giữa hai Dương.

[31] “Tượng” (象) ở đây là thuật ngữ được dùng trong kinh Dịch. Đối với mỗi quẻ (Quái, 卦), trong sáu mươi bốn quẻ của kinh Dịch (gồm có ba vạch đứt hoặc nối liền (đơn quái), hoặc sáu vạch như thế (phức quái)), mỗi một vạch như vậy được gọi là Hào (爻). Các nhà Dịch học quan niệm mỗi hào, mỗi quái đều có ý nghĩa biểu thị một sự vật nào đó trong vũ trụ. Sự vật được biểu thị bởi Hào sẽ được gọi là Tiểu Tượng (hoặc Hào Tượng), sự vật được biểu thị bởi một Quái sẽ gọi là Đại Tượng (hoặc Quái Tượng). Trong phần Hệ Từ Truyện, có giảng: “Tại thiên thành Tượng, tại địa thành hình” (ở trên trời là Tượng, dưới đất là hình). Chẳng hạn, quái tượng của quẻ Càn là trời, quái tượng của quẻ Khôn là đất, quái tượng của quẻ Chấn là sấm, quái tượng của quẻ Tốn là gió, quái tượng của quẻ Khảm là nước v.v…

[32] Bất khả thuyết có thể hiểu theo hai ý nghĩa:

1) Là một con số lớn thời cổ Ấn Độ, nếu tính từ Câu Chi là 10.000.000 (mười triệu) thì Câu Chi lần Câu Chi là một A Dữu Đa, A Dữu Đa lần A Dữu Đa là một Na Do Tha, cứ tính lần lượt như thế đến con số thứ một trăm mười tám là Bất Khả Lượng Chuyển lần Bất Khả Lượng Chuyển sẽ là một Bất Khả Thuyết. Cụ thể, con số này là sau số 1, sẽ bao gồm 4.652.297.985.247.205.555.163.324.710.981.206.016 con số 0. Tuy rất lớn, vẫn là hữu hạn!

2) Không thể diễn tả được, vượt ngoài khả năng mô tả bằng ngôn ngữ, không có cách nào sánh ví được để hình dung, bèn nói là Bất Khả Thuyết.

[33] Mười giới trọng nói ở đây chính là mười giới trọng theo kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, bao gồm sát sanh, trộm cướp, dâm dục, vọng ngữ, bán rượu, rêu rao lỗi của tứ chúng, tự khen mình chê người, bỏn xẻn (keo kiệt, đã chẳng bố thí lại còn mắng chửi người xin bố thí), giận hờn không chịu sám hối, và hủy báng Tam Bảo.

[34] Trương Tăng Diêu (张僧繇) người xứ Ngô Trung (nay là Tô Châu, tỉnh Giang Tô) là một họa sĩ nổi tiếng thời Lương, được phong làm Thị Lang cho Vũ Lăng Vương (tức Tiêu Kỷ, con trai thứ tám của Lương Vũ Đế), chưởng quản mọi việc hội họa của triều đình. Hai con trai của ông (Thiện Quả và Nho Đồng) cũng là họa sĩ nổi tiếng thời ấy. Tăng Diêu sở trường vẽ tranh tôn giáo, nhất là thể loại bích họa, đặc biệt là tranh chân dung. Phong cách vẽ tượng Phật của ông trở thành một trường phái riêng được người đời gọi là Trương Gia Dạng (cách thức vẽ tranh của họ Trương). Nhiều bức vẽ của ông được chọn làm mẫu để đắp hay khắc tượng. Ông còn giỏi vẽ rồng, chim ưng, hoa cỏ, sơn thủy v.v… Tranh vẽ rồng của ông được khen là sống động như thật. Do vậy có truyền thuyết: Tăng Diêu vẽ bốn con rồng tại chùa An Lạc ở Kim Lăng, khi vừa điểm nhãn cho hai con, chúng bèn hóa thành rồng thật bay lên trời, chỉ còn sót lại hai con chưa kịp vẽ mắt. Các bức họa nổi tiếng của ông còn giữ được cho đến hiện thời là Lương Vũ Đế Tượng (hình Lương Vũ Đế), Hành Đạo Thiên Vương Đồ, Ngũ Tinh Nhị Thập Bát Tú Đồ v.v…

[35] Ngài Bảo Chí không rõ năm sinh và mất chánh xác, thường được coi là sống từ năm 418 đến năm 514 đời Lương. Ngài thường được gọi là Chí Công Thiền Sư, hay Chí Công Tổ Sư. Ngài cùng với Đạt Ma Tổ Sư và Phó Đại Sĩ được sử truyện tôn xưng là “Lương đại tam đại sĩ” (ba vị đại sĩ đời Lương). Năm bảy tuổi, Ngài y chỉ, xuất gia với pháp sư Tăng Kiệm tại Tử Kim Sơn. Sau khi xuất gia, Ngài trụ tại chùa Đạo Lâm, chuyên tâm Thiền Quán. Người đương thời thường nói phẩm đức, tu trì và ngôn ngữ của Ngài chẳng kém vị danh tăng đương thời là ngài Phật Đồ Trừng, lại có nhiều chuyện thần dị. Sư đến đi vô ngại, không ở nơi cố định nào, có thể mấy ngày chẳng ăn mà sắc mặt vẫn như thường. Sư hay đề thơ tặng cho người khác, hoặc nói những câu khó hiểu, đến khi xảy ra chuyện mới biết Ngài nói dự ngôn. Thoạt đầu, Lương Vũ Đế cho Sư là kẻ “yêu ngôn hoặc chúng” (dùng lời lẽ yêu dị mê hoặc quần chúng), sai người nhốt vào ngục, nhưng hằng ngày vẫn thấy Sư la cà khắp phố. Vào ngục xem, vẫn thấy Sư nằm yên trong ấy. Về sau, Lương Vũ Đế tặng Sư một khu vườn, yêu cầu Sư ở yên trong đó, sai người vây chặt, nhưng vẫn thấy Sư hiện diện tại các ngôi chùa Long Quang, Kế Tân, Hưng Hoàng, Tịnh Danh v.v… Sau khi lên ngôi, sau nhiều lần hỏi đạo, Lương Vũ Đế nhận biết Sư là một vị thiện tri thức thật sự, bèn tôn Ngài làm quốc sư, hết sức sùng tín. Ngài và Phó Đại Sĩ được coi là những vị đi tiên phong nhằm mở đường cho tổ Đạt Ma đại khai Thiền học tại Trung Hoa về sau này. Lương Hoàng Sám có tên gọi là Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp do Ngài biên soạn nhằm siêu độ phi tử Hy Thị của Lương Vũ Đế. Có sách chép Sư tịch năm Thiên Giám mười ba, thọ chín mươi sáu tuổi. Vua sai lập chùa Khai Thiện cạnh mộ Sư, ban tặng thụy hiệu là Quảng Tế Đại Sư. Các đời sau lần lượt tôn xưng Ngài là Diệu Giác đại sư, rồi Đạo Lâm Chân Giác Bồ Tát, Từ Ứng Huệ Cảm Đại Sư.

[36] Hồ Bà Dương là hồ lớn thứ hai trong Ngũ Đại Hồ của Trung Quốc (năm cái hồ lớn chứa nước ngọt đó lần lượt có tên là Bà Dương, Động Đình, Thái Hồ, Hồng Trạch và Sào Hồ). Hồ Bà Dương nhận nước của năm con sông là Cám, Phủ, Tín, Nhiêu, Tu. Hồ rộng đến 162.000 km2. Chỗ sâu nhất đến 25,1 mét, độ sâu bình quân là 8,4 mét. Giữa hồ có bốn mươi mốt hòn đảo, hòn đảo lớn nhất mang tên Liên Hồ Sơn.

[37] Cờ xí (kỳ xí) là tên gọi chung các loại cờ, nhưng có phân biệt đôi chút. Các loại cờ có bề ngang và bề rộng gần bằng nhau, to bản, treo dọc trên cột cờ, hoặc treo ngang lồng vào cán cờ, thì gọi là Kỳ (旗). Một đặc điểm nữa là Kỳ thường có nhiều màu (thường là màu của ngũ hành), ghi đại tự (thường là một chữ, như tên gọi của vương triều như Tống, Đường, Tề, hoặc tên gọi của đất phong như Bảo Định, hoặc chức tước như chữ Soái). Loại hẹp và dài, luôn treo dọc thì gọi là Xí (幟). Xí có thể ghi nhiều chữ nhằm ca ngợi, hoặc để trống, hoặc có thêu vẽ một phù hiệu hoặc biểu tượng. Xí thường không có tua viền trong khi Kỳ thường viền đuôi nheo chung quanh. Thời cổ còn một loại cờ nữa chuyên dùng để biểu hiện uy quyền, kết bằng đuôi trâu và lông chim gọi là Tinh (旌). Tùy theo cấp bậc quyền lực mà quy định số Tinh được cắm trên xe, cũng như đài chỉ huy. Cũng giống như Tinh là Tiết (節), nhưng Tiết biểu thị người được nhà vua trao quyền, thường được cầm hoặc rước cùng với các thứ binh khí tượng trưng quyền lực khác như phủ việt. Thoạt đầu, Tiết cũng là đuôi trâu buộc vào cán gỗ, về sau, trở thành hình thức kết nhiều quả cầu bằng tơ, cán có hình đầu rồng, treo chuông đồng v.v… Về sau, hễ nói đến các loại cờ quạt nói chung dùng trong nghi lễ hay trang trí, người ta thường gọi chung là “tinh kỳ” hoặc “kỳ xí”, không còn gọi tách bạch như thời cổ.

[38] San Định Ký là gọi tắt của Hoa Nghiêm Lược Sớ San Định Ký do ngài Huệ Uyển soạn vào đời Đường. Thật ra tác phẩm này do ngài Pháp Tạng khởi xướng: Sau khi Tân Hoa Nghiêm (Bát Thập Hoa Nghiêm được dịch xong), ngài Pháp Tạng viết chú thích, nhưng chỉ chú giải được hai phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm và Thập Định thì đã thị tịch, ngài Huệ Uyển bèn viết tiếp. Ngài Huệ Uyển san định những phần do ngài Pháp Tạng viết, đồng thời đề xướng giáo nghĩa “hai loại Thập Huyền Môn”.

[39] “Diệu diệu văn tâm” chính là chân tâm hoặc tự tâm. Trong bài giảng Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương, lão pháp sư Tịnh Không đã nói: “Nhĩ căn tiếp xúc thanh trần là Thỉ Giác. Mắt thấy sắc, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân chạm xúc trần, ý đối pháp trần, hễ một thứ giác, hết thảy đều giác, phải hiểu đạo lý này. Vì thế, quý vị biết dùng một căn thì cả sáu căn đều biết dùng, sẽ đạt được gì? Diệu diệu văn tâm. Nhất định là khi đã đạt đến mức xoay trở lại cái Nghe để nghe nơi tánh, cái Nghe nghe nơi tự tánh ấy chính là tánh của Thỉ Giác trong tự tánh, mà cũng là Thỉ Giác và Bổn Giác hợp nhất. Không chỉ là Bổn Giác diệu, mà Thỉ Giác cũng diệu. Bổn Giác là tâm, Thỉ Giác cũng là tâm. Vì thế gọi là Diệu Diệu Văn Tâm. Chữ Diệu thứ nhất là Thỉ Giác, chữ Diệu thứ hai là Bổn Giác, cả hai đều diệu!”

[40] Theo Bát Thập Hoa Nghiêm, năm mươi ba vị thiện tri thức là: Tỳ-kheo Đức Vân, tỳ-kheo Hải Vân, tỳ-kheo Thiện Trụ, đại sĩ Di Già, trưởng giả Giải Thoát, tỳ-kheo Hải Tràng, ưu-bà-di Hưu Xả, tiên nhân Tỳ Mục Cù Sa, bà-la-môn Thắng Nhiệt, đồng nữ Từ Hạnh, tỳ-kheo Thiện Kiến, đồng tử Tự Tại Chủ, ưu-bà-di Cụ Túc, cư sĩ Minh Trí, trưởng giả Pháp Bảo Kế, trưởng giả Phổ Nhãn, vua Vô Yếm Túc, vua Đại Quang, ưu-bà-di Bất Động, ưu-bà-di Biến Hành, trưởng giả Dục Hương, thuyền sư (thuyền trưởng) Bà Thi La, trưởng giả Vô Thượng Thắng, tỳ-kheo-ni Sư Tử Tần Thân, cô gái Bà Tu Mật Đa, cư sĩ Bệ Sắt Chi La, Quán Tự Tại Bồ Tát, Chánh Thú Bồ Tát, Đại Thiên Thần, địa thần An Trụ, chủ dạ thần Bà San Bà Diễn Để, chủ dạ thần Phổ Đức Tịnh Quang, chủ dạ thần Hỷ Mục Quán Sát Chúng Sanh, chủ dạ thần Phổ Cứu Chúng Sanh Diệu Đức, chủ dạ thần Tịch Tĩnh Âm Hải, chủ dạ thần Thủ Hộ Nhất Thiết Thành Tăng Trưởng Oai Lực, chủ dạ thần Khai Phu Nhất Thiết Thụ Hoa, chủ dạ thần Đại Nguyện Tinh Tấn Lực Cứu Hộ Nhất Thiết Chúng Sanh, chủ thần vườn Lâm Tỳ Ni là Diệu Đức Viên Mãn, cô gái Thích Ca Cù Ba, Phật mẫu Ma Da phu nhân, vương nữ Thiên Chủ Quang, đồng tử sư Biến Hữu, đồng tử Thiện Tri Chúng Nghệ, ưu-bà-di Hiền Thắng, trưởng giả Kiên Cố Giải Thoát, trưởng giả Diệu Nguyệt, trưởng giả Vô Thắng Quân, bà-la-môn Tối Tịch Tĩnh, đồng tử Đức Sanh, đồng nữ Hữu Đức, Di Lặc Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, và Phổ Hiền Bồ Tát.

[41] Kinh Dịch dùng chữ Truyện (傳) với ý nghĩa chú giải phần chánh kinh. Hệ Từ (繫辭) có nghĩa là lời lẽ gắn liền với từng quẻ một. Đây là phần chú giải tổng quan về toàn thể kinh Dịch, tương đương với phần Khái Luận trong các bộ chú giải sau này.

[42] Chữ Trở này có nhiều cách đọc (đúng ra, khi đọc tên sông hoặc họ người (như Thư Cừ Mông Tốn, vua nước Bắc Lương thời Ngũ Đại Thập Quốc) thì phải đọc thành Thư hoặc Tự, khi đọc thành âm Trở thì có nghĩa là ngăn trở. Trở Thủy là tên một con sông bắt nguồn từ tỉnh Hồ Bắc, chảy theo phía Đông Nam, đến Tương Dương bèn hợp lưu với sông Chương Thủy, tiếp tục xuôi về Nam đến Giang Lăng thì đổ vào Trường Giang (Dương Tử Giang). Con sông này hay gây lụt lội.

[43] Ngũ Viên, tự là Tử Tư, là tướng quốc nước Ngô thời Xuân Thu. Ông vốn là người nước Sở, cha là Ngũ Xa (giữ chức Thái Phó nước Sở). Ngũ Xa làm thái phó dạy học thái tử Kiến (con trai Sở Bình Vương Hùng Khí Tật). Về sau, Sở Bình Vương lấy Bá Doanh nước Tần làm thiếp thì say đắm Bá Doanh, lại nghe lời gièm pha của Phí Vô Cực, đày thái tử Kiến ra huyện Thành Phụ gần biên giới. Về sau, Phí Vô Cực vu cáo thái tử Kiến làm phản, Sở Bình Vương gọi Ngũ Xa đến hỏi ý. Do Ngũ Xa thẳng thắn khuyên can, ông bị vua bắt giam vào ngục, lại bị buộc viết thư gọi hai con là Ngũ Thượng và Ngũ Viên về Sở. Ngũ Viên khôn ngoan chẳng quay về, nên thoát nạn. Sau đó, vua Sở giết chết Ngũ Xa và Ngũ Thượng. Sau thời gian lưu lạc, có lúc phải đi ăn xin, ông đến nước Ngô được tướng quốc nước Ngô là công tử Quang tin dùng. Ông đã bàn mưu tính kế giúp công tử Quang chiếm ngôi, trở thành vua Ngô Hạp Lư sau này. Khi trở thành Tướng Quốc, ông đã đem quân Ngô về đánh Sở, chiếm cứ Dĩnh Đô, đào xác Sở Bình Vương lên đánh ba trăm roi để trả mối thù giết cha. Khi Hạp Lư chết trận, ông tiếp tục phù tá Phù Sai (con Hạp Lư) và đánh bại nước Việt nhằm báo thù nước Việt đã bắn trọng thương Hạp Lư trước đó. Phù Sai nghe lời xu nịnh của Bá Hy cho nước Việt giảng hòa, bắt Việt Vương Câu Tiễn sang làm nô lệ. Ngũ Tử Tư chủ trương diệt cỏ tận gốc, nhưng Phù Sai không nghe. Do thái tể Bá Hy gièm pha, Ngô Phù Sai buộc Ngũ Tử Tư tự tử, ông đã nói: “Hãy móc mắt ta treo trên cửa thành phía Đông để ta được thấy giặc Việt vào tiêu diệt nước Ngô”. Quả nhiên mười năm sau, Câu Tiễn diệt Ngô và bắt Phù Sai phải tự sát ngay, chứ không cho làm nô lệ, dù Phù Sai hết sức van xin.

[44] Đây là lời can gián vua Ngô Phù Sai của Ngũ Viên (Ngũ Tử Tư) sau khi vua Ngô đánh bại Việt Vương Câu Tiễn. Câu Tiễn bại trận, dùng tiền bạc mua chuộc các đại thần nước Ngô để xin được làm nô lệ tại nước Ngô mười năm ngõ hầu Ngô đừng diệt quốc nước Việt, chỉ biến Việt thành chư hầu. Tham đắm mỹ nữ và của cải dâng cống, cũng như nghe lời sàm nịnh của Bá Hy, Phù Sai đã chấp thuận để yên nước Việt. Ngũ Tử Tư cảnh tỉnh Phù Sai về hiểm họa Việt sẽ diệt Ngô trong tương lai bằng những lời lẽ trên đây.

[45] Đây là nhóm sáu vị tỳ-kheo thường kéo bè kéo đảng, quấy phá Tăng đoàn, làm những hành vi trái nghịch giới luật. Thật ra, họ thị hiện nghịch hạnh để đức Phật có dịp chế giới. Tên sáu người ấy là Nan Đà (Nanda), Bạt Nan Đà (Upananda), Ca Lưu Đà Di (Kālodāyin), Xiển Na (Chanda, còn phiên âm là Xa Nặc), A Thuyết Ca (Aśvaka), và Phất Na Bạt (Punarvasu).

[46] Bắc Thần là tên gọi khác của Bắc Cực Tinh (Polaris Star, Pole Star, Guiding Star). Chỉ có người ở Bắc bán cầu mới thấy được ngôi sao này. Hiện thời Bắc Cực Tinh chính là ngôi sao Alpha Ursa Minoris trong chùm sao Tiểu Hùng (Ursa Minor). Thật ra ngôi sao này là cả một chòm sao, bao gồm một ngôi sao chính gọi là Umi Aa, và bốn phụ tinh gọi là alpha Umi B, alpha Umi Ab, alpha Umi C và alpha Umi D. Sao này được gọi tên như vậy vì nó dùng để định vị phương hướng trong hàng hải hoặc lữ hành trên sa mạc từ thời cổ, và được nhiều dân tộc biết đến. Nền văn hóa Hy La gọi nó là Stella Polaris (ngôi sao phương Bắc), hoặc Cynosura (sao đuôi chó), người Ấn gọi nó là Dhruva Tara (định tinh)…

[47] Bốn quan niệm điên đảo là bốn thứ chấp trước về Thường và Vô Thường của chúng sanh: Một là chấp vạn pháp luôn thường hằng (Thường Kiến). Hai là chấp trước vạn pháp đều vô thường, không có đời sau, không có nhân quả v.v… (Đoạn Kiến). Ba là chấp vạn pháp là thường mà cũng là vô thường. Bốn là chấp vạn pháp chẳng phải là thường, chẳng phải là vô thường.

[48] Bốn tướng ở đây chính là thành, trụ, hoại, diệt.

[49] Bát Tự Tại Ngã có hai cách hiểu:

  1. Theo kinh Đại Niết Bàn thì Bát Tự Tại Ngã chính là tám đặc tánh tự tại nơi Ngã trong Tứ Đức của Như Lai:

1) Có thể thị hiện một thân thành nhiều thân.

2) Có thể thị hiện một thân nhỏ như vi trần mà đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới.

3) Hiện thân to lớn có thể nhẹ nhàng đến nơi xa xôi nhất.

4) Hiện thân thường sống trong vô lượng chủng loại chúng sanh.

5) Có thể sử dụng các căn lẫn nhau không trở ngại, như dùng mắt để nghe, dùng tai để nếm v.v… Mỗi căn trọn đủ tác dụng của năm căn kia.

6) Đạt được Vô Đắc Tưởng trong hết thảy các pháp.

7) Nói nghĩa của một bài kệ trải qua vô lượng kiếp.

8) Thân trọn khắp các nơi giống như hư không.

  1. Sách Pháp Giới Thứ Đệ lại nói Bát Tự Tại là:

1) Có thể hiện nhỏ, tức là dùng sức biến hóa khiến cho thân chính mình và những pháp khác đều cực nhỏ như tiểu vi trần.

2) Có thể hiện lớn, tức là dùng sức biến hóa khiến cho thân mình và mọi người, mọi vật đều to lớn đầy ắp hư không chẳng ngăn ngại lẫn nhau.

3) Có thể hiện nhẹ, tức là dùng sức biến hóa khiến cho thân mình, mọi người, vạn pháp, thế giới v.v… đều nhẹ như lông hồng.

4) Có thể tự tại, tức là chuyển hóa tự tại từ nhỏ sang lớn, dài sang ngắn, nhẹ sang nặng và ngược lại tự tại vô ngại.

5) Có thể làm chủ, tức là có thể tự biến hóa thành thân lớn nhỏ, nhưng tâm chẳng phân biệt, chấp trước, hàng phục và nhiếp thọ hết thảy.

6) Có thể đến nơi xa, tức là có thể biến hóa đến bất cứ nơi xa xôi nào.

7) Có thể động, tức là có thể biến hóa khiến cho đại địa sáu thứ chấn động hoặc mười tám thứ chấn động.

8) Tùy ý, tức là tự tại biến hóa một thân thành nhiều thân, nhiều thân thành một thân, đi xuyên qua tường vách, núi non, chuyển biến tứ đại như biến đất thành nước, lửa v.v…

[50] Thiên Tử Cán sách Luận Ngữ chép: “Nhan Uyên vị nhiên thán viết: Ngưỡng chi di cao, toản chi di kiên, chiêm chi tại tiền, hốt yên tại hậu, Phu Tử tuần tuần nhiên dụ nhân, bác ngã dĩ văn, ước ngã dĩ lễ, dục bãi bất năng, ký kiệt ngô tài, như hữu sở lập trác nhĩ, vị do dĩ dã” (Nhan Uyên cảm thán nói: “Học vấn của thầy ta càng dõi nhìn càng cảm thấy cao ngất, càng dùi mài nghiên cứu, càng cảm thấy sâu dầy. Vừa trông thấy đằng trước, bỗng dưng đã ở đằng sau. Thầy hướng dẫn chúng ta từng bước một, khiến cho kiến thức của ta thêm phong phú, dùng lễ nghi để ước thúc chúng ta, nếu chẳng học theo Ngài sẽ chẳng thể có thành tựu. Ta đã dốc trọn toàn lực, vẫn cảm thấy dường như có một quả núi cao sừng sững trước mắt, chỉ cảm thấy chẳng biết tiến lên như thế nào). Chúng tôi dịch đoạn này theo cách diễn giải của trang nhà Trung Quốc Triết Học Thư Điện Tử Hóa Kế Hoạch (ctext.org).

[51] Trong Hán ngữ, Ấp chỉ một khu vực quần cư lớn (không có nghĩa là một phần nhỏ của một làng, một xóm như trong tiếng Việt). Ấp có thể mang ý nghĩa thành thị, đô thành, quận, huyện v.v… Theo Thuyết Văn Giải Tự, chữ Ấp (邑) thuộc loại Hội Ý, phía trên là chữ Vi (囗), mang ý nghĩa cương vực, phía dưới là chữ Ba (巴), tức là biến thể của hình người đang quỳ. Do vậy, Ấp mang ý nghĩa một khu vực quản lý. Thời Xuân Thu Liệt Quốc, đất được thiên tử phong cho chư hầu thường gọi là Ấp. Đoàn Ngọc Tải khi chú giải sách Thuyết Văn đã chỉ rõ: “Tả Truyện phàm xưng nhân viết đại quốc, phàm tự xưng viết Tệ Ấp, cổ quốc Ấp thông xưng” (Trong sách Tả Truyện, khi nói về nước của người khác đều gọi là Đại Quốc, hễ nói về nước mình bèn bảo là Tệ Quốc. Thời cổ, các nước đều gọi chung là Ấp). Vì thế, sau này, khi các quan to hoặc đại thần, được vua phong đất (tức là được quyền quản trị, thâu thuế các hộ dân cư sống trong vùng đất phong ấy, thường gọi là “ăn lộc”) thì vùng đất phong ấy thường gọi là “thái ấp”. Ý nghĩa thứ hai của chữ Ấp là chỉ thủ đô của đất nước, như khi nhắc đến kinh đô của nhà Thương thường gọi là Thương Ấp, tuy danh xưng chánh thức là Triều Ca. Về sau, nhằm phân biệt rõ, nơi thiên tử đang trị vì gọi là Đô, kinh đô cũ gọi là Ấp. Dần dần, chữ Ấp được chỉ chung các thành thị. Thành thị lớn gọi là Đô, thành thị nhỏ gọi là Ấp. Về sau, chỉ riêng kinh đô gọi là Đô, thành thị lớn hoặc nơi giữ vai trò quản lý cả khu vực thì gọi là Thành, các khu vực nhỏ hơn gọi là Ấp.

[52] Xuân Thu là một bộ biên niên sử từ thời Tiên Tần (trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa), chép về lịch sử nước Lỗ từ năm đầu thời Lỗ Ẩn Công (722 trước Công Nguyên) cho đến năm thứ mười bốn đời Lỗ Ai Công (481 trước Công Nguyên), tức là trải khắp mười hai đời vua nước Lỗ. Đây là một bộ biên niên sử sớm nhất tại Trung Hoa. Sở dĩ có tên gọi là Xuân Thu vì thời đó, đa phần các sự kiện quan trọng, các đại lễ được tiến hành vào hai mùa Xuân và Thu, nên từ ngữ Xuân Thu dần dần được dùng để chỉ chung các sách vở ghi chép các sự kiện quan trọng của một đất nước vào thời đó. Theo truyền thống, kinh Xuân Thu được coi là do Khổng Tử trước tác, nhưng theo các nhà nghiên cứu, với khối lượng sự kiện được ghi trong ấy, tác phẩm này phải là công trình biên soạn và chỉnh lý của nhiều người, tuy mỗi sự kiện được ghi rất vắn tắt chỉ vài dòng.

[53] Kinh Dịch bản hiện thời được gọi là Châu Dịch, vì theo truyền thống, người Hoa cho rằng có ba loại kinh Dịch: Liên Sơn (連山, tương truyền do Phục Hy và Thần Nông trước tác vào đời Hạ), Quy Tàng (歸藏, được sáng tác vào thời Hoàng Đế), và Châu Dịch. Hai loại đầu đã thất truyền. Châu Dịch được coi là công trình trước tác, chỉnh lý và hoàn thiện bởi Châu Văn Vương. Phần này được gọi là Kinh; sau đó, hậu nhân chú giải thêm vào các phần Dịch Truyện, Thoán Truyện, Tượng Truyện, Hệ Từ Truyện, Văn Ngôn Truyện, Tự Quái Truyện, Tạp Quái Truyện…

[54] Vĩnh Bình là niên hiệu của Hán Minh Đế (Lưu Trang) từ năm 58 đến năm 75. Lưu Trang là con trai thứ tư của Hán Quang Vũ Đế (Lưu Tú, người tái lập nhà Hán sau khi diệt Vương Mãng).

[55] Đại Dữ (Dự) Sơn (大嶼山: núi đảo lớn), còn gọi là Đại Hào Đảo (大濠島), thuộc quần đảo Vạn Sơn, tên xưa kia là Lạn Đầu (爛頭. Do đó trong tiếng Anh hòn đảo này thường được gọi là Lantau Island). Đây là một hòn đảo lớn nhất trong các hòn đảo thuộc lãnh thổ Hong Kong, nhưng do địa hình lẫn giao thông bất tiện, mật độ dân cư khá thấp. Trong quá khứ, hòn đảo này có rất nhiều tên gọi như Đại Khê Sơn, Đại Dụ Sơn, Đại Ngư Sơn, Đại Dữu Sơn, Nam Đầu Đảo, Lạn Đầu Đảo, Truân Môn Đảo, Đại Hào Sơn, Đại Hào Đảo, Cương Châu v.v…

[56] Trong lịch sử Trung Hoa, có hai nước Lỗ, một là Tây Lỗ tồn tại vào các triều đại Hạ và Thương, nhưng không được ghi chép nhiều, ngoại trừ một số ít dữ liệu ít ỏi, vụn vặt, sơ lược trong Giáp Cốt Văn. Nước Lỗ thứ hai (sử thường gọi là Đông Lỗ) được kiến lập sau khi Châu Công Cơ Đán (em Châu Vũ Vương Cơ Phát) phù tá Châu Thành Vương dẹp tan cuộc phản loạn do Vũ Canh (con trai Trụ Vương) xướng suất. Để thưởng công cho bầy tôi, Châu Thành Vương (Cơ Tụng) đã chia đất đai thuộc con cháu nhà Ân Thương thành nhiều phần, một phần phong cho con trưởng của Châu Công là Cơ Bá Cầm, tạo thành nước Lỗ. Nước Lỗ truyền được hai mươi lăm đời, tồn tại khoảng tám trăm năm. Kinh đô là Khúc Phụ. Lãnh thổ nước Lỗ nằm ở phía nam Thái Sơn, tức là toàn bộ phía Nam tỉnh Sơn Đông, một phần nhỏ các tỉnh Hà Nam, Giang Tô và An Huy hiện thời. Nước Lỗ bị Sở Khảo Liệt Vương (Hùng Nguyên) diệt quốc vào năm 256 trước Công Nguyên dưới đời Lỗ Khoảnh Công (Cơ Thù).

[57] Nước Tề là một trong những nước chư hầu hùng mạnh thời Xuân Thu Chiến Quốc, lãnh thổ bao gồm toàn bộ miền Bắc tỉnh Sơn Đông, Đông Nam tỉnh Hà Bắc và Đông Bắc tỉnh Hà Nam, kinh đô là Lâm Truy. Nước Tề vốn là đất phong của Khương Thượng (Khương Tử Nha). Sau khi diệt Trụ, Châu Vũ Vương (Cơ Phát) đã phong cho Khương Thượng đất Doanh Khâu (tức là Lâm Truy sau này). Khương Tử Nha siêng năng cai trị, phát triển công thương nghiệp, đổ công dốc sức khai thác muối, biến Tề thành một đại quốc, Sử thường gọi thời kỳ này là Khương Tề. Nước Tề cực thịnh dưới thời Tề Hoàn Công (Khương Tiểu Bạch). Tề Hoàn Công từng xưng bá, cai quản tất cả chư hầu thời ấy, nhiều lượt triệu tập chư hầu lập minh thệ cũng như dẫn liên quân chư hầu chinh phạt các nước phản loạn. Về già, Hoàn Công bệnh nặng, các con tranh nhau giành ngôi, xây tường nhốt kín đến nỗi Tề Hoàn Công chết đói. Những cuộc đấu đá quyền lực liên tiếp đã đẩy nước Tề vào cuộc nội chiến, khiến cho thế lực của Tề suy yếu rất nhanh. Vào khoảng năm 391 trước Công Nguyên, quyền thần là Tướng Quốc Điền Hòa đày vua Tề Khang Công (Khương Đại) sang một hải đảo, tự lập làm vua, xưng hiệu là Tề Thái Công, chánh thức xưng hầu, nhưng vẫn giữ quốc hiệu là Tề, Sử gọi giai đoạn này là Điền Tề. Nước Tề bị Tần Thủy Hoàng diệt quốc dưới thời Tề Vương Điền Kiến (năm 221 trước Công Nguyên). Sau đó, Tần Thủy Hoàng chia nước Tề thành hai quận là Tề Quận và Lang Da Quận.

[58] Cha Khổng Tử là Khổng Hột (Ngột), tự là Thúc Lương (nên Sử thường gọi là Thúc Lương Ngột, 叔梁纥) làm quan đại phu tại Trâu Ấp nước Lỗ. Do vợ cả của Thúc Lương Ngột là Thí Thị chỉ sanh chín người con gái, Thúc Lương Ngột bèn lấy thêm vợ kế, sanh được một trai là Mạnh Bì (孟皮), có tật ở chân, không thể kế thừa gia nghiệp được. Đến năm bảy mươi hai tuổi, Thúc Lương Ngột lại lấy bà Nhan Trưng Tại (颜征在) mới mười tám tuổi, sanh ra Khổng Tử. Do trước đó, hai vợ chồng từng cầu con tại núi Ni Khâu, nên đặt tên con là Khổng Khâu, đặt tên tự là Trọng Ni.

[59] Chữ 惡 ở đây dùng như một thán từ hoặc nghi vấn từ, phải đọc là Ô, không đọc là Ác hay Ố.

[60] Thiên Trúc là từ ngữ cổ để gọi Ấn Độ. Danh xưng này đã có từ thời Hán, trong phần Đại Uyển Truyện của Sử Ký Tư Mã Thiên có ghi thêm một cách đọc khác là Thân Độc. Cả hai âm này đều phát xuất từ tiếng Phạn Sindhu (tức sông Indus hiện thời, kinh Hoa Nghiêm gọi sông này là “Tín Độ hà”). Theo các nhà nghiên cứu, do các thương nhân Ba Tư đọc trại Sindhu thành Hinduš hoặc Indu. Khi Alexander đại đế chiếm lãnh Ấn Độ, đã gọi sông này là Indos dựa theo cách phát âm của người Ba Tư, dần dà cư dân địa phương cũng sử dụng cách phát âm này. Do đó, từ đời Đường trở đi, trong thư tịch Trung Hoa, Thiên Trúc còn được phiên âm là Hiền Đậu, Càn Đốc, Quyên Đốc v.v… Danh xưng Ấn Độ được nhắc tới lần đầu trong sách vở Trung Hoa là do ngài Huyền Trang ghi trong Đại Đường Tây Vực Ký. Ngài viết: “Danh xưng Thiên Trúc được bàn luận nhiều lẽ, nói theo lối xưa là Thân Độc, hoặc là Thiên Trúc, nay căn cứ trên âm đọc chính thức, hãy nên đọc là Ấn Độ”.

[61] Thiện Đạo đại sư sinh năm 613 (nhằm năm Đại Nghiệp thứ chín đời Tùy Dượng Đế), tịch năm 681 (tức năm Vĩnh Long thứ hai đời Đường Cao Tông), tức là sống qua hai triều đại Tùy và Đường, trải bốn đời vua. Lúc mới xuất gia, Tổ dốc sức nghiên cứu các bộ kinh Pháp Hoa, Duy Ma v.v… Vào năm Trinh Quán thứ mười lăm (641) đời Đường Thái Tông, tổ Thiện Đạo đến chùa Huyền Trung tại Tây Hà, nghe tổ Đạo Xước giảng kinh Quán Vô Lượng Thọ bèn chuyên tâm dốc ý nơi Tịnh Độ. Ngài Huệ Năng sinh năm 638 (tức năm Trinh Quán 12 đời Đường Thái Tông), tịch năm 713 (năm Khai Nguyên đời Đường Huyền Tông). Lục Tổ Huệ Năng gặp sư Ấn Tông nhằm vào năm Nghi Phụng nguyên niên (675) đời Đường Cao Tông.

[62] Trong nguyên văn của bộ Sớ Sao, tổ Liên Trì chia phần này thành ba tiểu đoạn: Văn Trì (nghe và thọ trì), Lợi Ích và Khuyến Tín (khuyên tin tưởng).

[63] Đây là phẩm vị thứ sáu trong phần Thập Hồi Hướng.  Trong  kinh  Bát  Thập  Hoa

Nghiêm, phẩm thứ hai mươi lăm là phẩm Thập Hồi Hướng (kéo dài từ quyển 23 đến quyển 33). Pháp hội này được giảng trong cung trời Đâu Suất. Trong pháp hội ấy, Kim Cang Tràng Bồ Tát nương vào oai thần của Tỳ Lô Giá Na Phật (Pháp Thân Phật) và mười phương chư Phật, nói ra mười phẩm vị Hồi Hướng là: 1) Cứu hộ nhất thiết chúng sanh ly chúng sanh tướng hồi hướng, 2) Bất hoại hồi hướng, 3) Đẳng nhất thiết chư Phật hồi hướng, 4) Chí nhất thiết xứ hồi hướng, 5) Vô tận công đức tạng hồi hướng, 6) Nhập nhất thiết bình đẳng thiện căn hồi hướng, 7) Đẳng tùy thuận nhất thiết chúng sanh hồi hướng, 8) Chân Như tướng hồi hướng, 9) Vô phược vô trước giải thoát hồi hướng, 10) Nhập pháp giới vô lượng hồi hướng. Phần kinh văn trích dẫn trên đây xuất phát từ địa vị Hồi Hướng thứ sáu (Nhập nhất thiết bình đẳng thiện căn hồi hướng).

 

[64] Chín đại hành tinh (tính từ hành tinh gần mặt trời nhất) là Thủy Tinh (Mercury), Kim Tinh (Venus), Địa Cầu, Hỏa Tinh (Mars), Mộc Tinh (Jupiter), Thổ Tinh (Saturn), Thiên Vương Tinh (Uranus), Hải Vương Tinh (Neptune), và Diêm Vương Tinh (Pluto). Hiện thời, Diêm Vương Tinh không được công nhận là một hành tinh.

[65] Thành ngữ Quán Chỉ (觀止) xuất phát từ sách Tả Truyện. Theo đó, công tử nước Ngô là Quý Trát đi sứ nước Lỗ. Sau khi xem biểu diễn nhạc Thiều Tiêu, đã cảm thán: “Quán chỉ tai! Nhược hữu tha nhạc, ngô bất cảm thính dĩ”. Các nhà chú giải giảng câu nói ấy có nghĩa là: “Tuyệt diệu thay! Nếu có loại nhạc khác, ta chẳng dám nghe nữa”. Do vậy, từ ngữ Quán Chỉ được dùng để chỉ những gì hay khéo đến mức độ tuyệt diệu, không còn gì có thể sánh bằng. Quý Trát tên thật là Cơ Trát, là con út của vua Ngô vương Thọ Mộng (do vậy thường gọi là Quý Trát). Ông là người nổi tiếng hiền tài, nên vua cha muốn truyền ngôi cho. Ông liền xin cha hãy truyền ngôi cho anh cả là Chư Phàn rồi bỏ trốn. Đến khi Thọ Mộng chết, Chư Phàn lại tìm đến, khuyên ông lên ngôi vua, nhưng ông cương quyết cự tuyệt. Do vậy, Chư Phàn đành phải lên ngôi vua, lập sẵn di chúc truyền ngôi cho Quý Trát. Khi Chư Phàn chết, người anh kế của Quý Trát là Dư Tế vẫn muốn tôn Quý Trát lên làm vua, nhưng Quý Trát vẫn từ chối. Vua buộc ông phải nhận đất phong là Diên Lăng. Khi Dư Tế chết, do Quý Trát vẫn từ chối vương vị, ngôi vua phải truyền cho em Dư Tế là Dư Muội. Khi Dư Muội chết, triều thần lại muốn tôn Quý Trát lên làm vua, nhưng ông lại từ chối. Do vậy, ngôi vua nước Ngô phải truyền một người con thuộc dòng thứ của Thọ Mộng là Vương Liêu. Con trai của Dư Muội là công tử Quang không phục bèn mưu sát Liêu, lên làm vua, tức là Ngô vương Hạp Lư (cha của Phù Sai).

[66] “Thiết Thụ” ở đây không phải là cây bằng sắt, mà là tên một loài cây có tên khoa học là Cycas Revoluta, ta thường gọi là cây Vạn Tuế. Cây này còn được gọi bằng các danh xưng Tô Thiết, Bích Hỏa Tiêu, Phượng Vĩ Tiêu, Phượng Vĩ Tùng hoặc Phượng Vĩ Thảo.

[67] Xin lưu ý, ở chỗ này, không phải là hòa thượng Tịnh Không nói sai. Tuy bản dịch kinh Di Đà của ngài Cưu Ma La Thập thường ghi là “Diêu Tần Tam Tạng pháp sư Cưu Ma La Thập phụng chiếu dịch”, nhưng thật ra vương triều lớn nhất thời đó tại Trung Hoa là nhà Tấn (Sử thường gọi là nhà Đông Tấn). Diêu Tần, còn gọi là nhà Hậu Tần, chỉ chiếm lãnh địa bàn tỉnh Thiểm Tây và một phần các tỉnh lân cận, trong khi lãnh thổ Đông Tấn chiếm gần như hai phần ba lãnh thổ Trung Hoa. Đồng thời tồn tại với nhà Hậu Tần còn có các quốc gia Tây Tần, Hậu Lương, Tây Yên, Bắc Ngụy và Hậu Yên. Nhà Hậu Tần chỉ tồn tại từ năm 384 đến năm 417, gồm ba đời vua, trong khi nhà Tấn kéo dài từ năm 266 đến năm 420 với hoàng đế khai quốc là Tấn Vũ Đế (Tư Mã Viêm). Tư Mã Viêm đã truất phế Tào Nguyên Đế (Tào Hoán), tức vị vua cuối cùng của nhà Tào Ngụy do Tào Phi (con trai Tào Tháo sáng lập) để lập ra nhà Tấn. Năm 420 là năm quyền thần Lưu Dụ ép vua Tấn Cung Đế (Tư Mã Đức Văn) thoái vị, lập ra nhà Lưu Tống, nhà Tấn thật sự diệt vong. Kinh Di Đà được dịch tại kinh đô Trường An nước Tần trong niên hiệu Hoằng Thỉ của Diêu Tần Cao Tổ Hoàn Hoàng Đế (Diêu Hưng), nên ghi quốc hiệu là Diêu Tần. Nếu xét theo niên đại toàn cõi Trung Hoa thì có thể nói là kinh dịch vào đời Đông Tấn.

[68] Ngũ Bất Phiên là năm nguyên tắc phiên dịch do ngài Huyền Trang đề ra, tức là khi dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán, nếu gặp năm trường hợp sau đây, sẽ chỉ phiên âm, không dịch nghĩa:

1) Bí mật bất phiên: Như các chữ trong Đà La Ni, vì là từ ngữ bí mật có ý nghĩa thậm thâm chẳng thể nghĩ bàn, nên chẳng phiên dịch. Nếu chỉ nhìn vào mặt văn tự để phiên dịch, sẽ trở thành ngô nghê, đánh mất vô lượng nghĩa thẳm sâu của chú ngữ.

2) Hàm đa nghĩa bất phiên: Nếu một danh từ có quá nhiều ý nghĩa thì chẳng dịch. Như danh xưng Bạc Già Phạm (Bhagavān) bao hàm sáu ý nghĩa “tự tại, xí thịnh, đoan nghiêm, danh xưng, cát tường, tôn quý”, nên chẳng dịch nghĩa.

3) Thử vô bất phiên: Những từ ngữ nói đến các sự vật chẳng có ở Trung Hoa bèn chẳng dịch, ví dụ chim Ca Lăng Tần Già, cây Diêm Phù Đề v.v…

4) Thuận cổ bất phiên: Tuân theo cổ lệ chẳng dịch nghĩa, như A Nậu Bồ Đề (Anubodhi: Vô Thượng Bồ Đề), chẳng phải là không thể dịch nghĩa, nhưng từ thời cổ đến nay, các vị dịch sư thời cổ chỉ dịch âm, nên nay tuân theo lệ ấy, không dịch.

5) Sanh thiện cố bất phiên (Tôn trọng bất phiên): Như Bát Nhã gợi lên sự tôn trọng, sanh khởi thiện căn, nên không dịch. Chứ nếu chỉ dịch là trí huệ thì sẽ bị hiểu lầm là trí huệ thông thường của thế gian.

[69] Nguyên văn “vị cực ư Trà”: Trong mẫu tự Phạn văn, có năm mươi hai mẫu tự, chữ Trà (kṣa) là mẫu tự cuối cùng, nên “‘vị cực ư Trà’ là địa vị đã đạt đến chữ Trà, sau đó không còn gì nữa”. Vì thế, “vị cực ư Trà” thường được dùng làm thành ngữ để diễn tả địa vị cao tột, tối hậu, không còn gì có thể cao hơn được nữa.

[70] Quẻ này có tên gọi đầy đủ là Địa Sơn Khiêm, gồm quẻ Khôn (ba vạch đều đứt) ở trên và quẻ Cấn (vạch trên cùng liền, hai vạch dưới đó đều đứt) ở dưới, ý nghĩa nguyên thỉ là dưới đất có núi. Do núi cao ngất, mà lại ở dưới mặt đất, nên biểu thị ý nghĩa khiêm tốn.

[71] Cao Tề còn gọi là Bắc Tề (nhằm phân biệt với triều đại Nam Tề (còn gọi là Tiêu Tề) thuộc Nam Triều do Tiêu Đạo Thành sáng lập ở phương Nam). Nhà Cao Tề tồn tại rất ngắn, trước sau chỉ kéo dài hai mươi bảy năm (550-577). Khi nhà Bắc Ngụy (còn gọi là Nguyên Ngụy, do Thác Bạt Khuê sáng lập) bị suy yếu vì nội loạn, Ngụy Hiếu Vũ Đế (Nguyên Tu) bị quyền thần Cao Hoan chèn ép, đã lầm lẫn bỏ trốn sang Quan Trung nương cậy quân phiệt Vũ Văn Thái, để rồi hoàn toàn bị Vũ Văn Thái giật dây. Cao Hoan bèn lập Nguyên Thiện Kiến lên ngôi tức là Ngụy Hiếu Tĩnh Đế. Từ đó, lãnh thổ Bắc Ngụy bị tách làm hai, Sử gọi phần đất do Vũ Văn Thái nắm quyền kiểm soát là Tây Ngụy, còn lãnh thổ do Cao Hoan khống chế gọi là Đông Ngụy. Sau khi Cao Hoan mất, con trai là Cao Trừng (521-549) lên thay, toan cướp ngôi của Ngụy Hiếu Tĩnh Đế, nhưng bị ám sát chết. Em Cao Hoan là Cao Dương lên thay, đã ép vua phong cho mình làm Tề Quận Vương. Hai tháng sau, Cao Dương lại ép vua xuống chiếu gia phong là Tề Vương. Năm 550, Cao Dương bức Ngụy Hiếu Tĩnh Đế thoái vị, Cao Dương lên ngôi, trở thành Văn Tuyên Đế, đổi quốc hiệu thành Tề. Tuy chiếm được vùng đất trù phú, kinh tế phát triển nhất ở Đông Bắc Trung Hoa, nhưng do các vua nhà Bắc Tề hung bạo, ham hưởng lạc, nên vương triều này chẳng tồn tại lâu dài. Tề Hậu Chủ (Cao Vĩ) u mê, nghe lời sàm tấu, giết hại công thần. Triều chánh hoàn toàn do bọn đại thần Hòa Sĩ Khai, Triệu Ngạn Thâm v.v… và tay chân của Hồ Thái Hậu là Hồ Trường Xán chi phối. Khi Bắc Châu Vũ Đế (Vũ Văn Ung) tấn công Bắc Tề, Tề Hậu Chủ vẫn chẳng thèm quan tâm. Cho đến khi quân Bắc Châu vây hãm kinh đô nhà Cao Tề, Tề Hậu Chủ hốt hoảng trốn chạy để rồi bị bắt dễ dàng. Vua Bắc Châu đã hạ nhục Tề Hậu Chủ bằng cách sai ông ta múa hát làm trò cho quân lính xem, sau đó lôi ra chém.

[72] Thành Duy Thức Luận (Vijñāptimātratāsiddhi) là một bộ luận chánh yếu trong Duy Thức Học, do ngài Huyền Trang biên soạn. Ngài đã lấy tư tưởng của Thế Thân Bồ Tát trong Duy Thức Tam Thập Tụng làm luận điểm chính yếu, đồng thời tập hợp ý kiến chú giải, diễn giảng bộ luận ấy của mười vị đại sư (chủ yếu là dùng thuyết của ngài Hộ Pháp) để biên soạn thành bộ luận này.

[73] Tác phẩm này có tên gọi đầy đủ là Bát Thức Quy Củ Tụng do ngài Huyền Trang biên soạn, và được coi là tinh tủy của Pháp Tướng Duy Thức Tông. Trong tác phẩm này, Ngài đã dùng bốn mươi hai bài kệ theo lối bảy chữ để hệ thống hóa những tinh nghĩa trong Duy Thức Học.

[74] Gelug-pa (đôi khi viết là dGe-lugs-pa) là một trong bốn đại phái của Phật giáo Tây Tạng. Phái này được sáng lập bởi đại sư Tsong Khapa. Do tu viện đầu tiên của phái này là Ganden, nên hiện thời Ganden được coi là tổng bản sơn. Đứng trước tình hình các phái Cổ Mật (Nyingma-pa), Bạch Giáo (Kargyu-pa), và Hoa Giáo (Sakya-pa) không chú trọng giới luật, chỉ chú trọng học Mật pháp, mà không vun bồi vững chắc cơ sở Hiển Giáo, dẫn đến những cách tu tập chẳng đúng pháp, thậm chí xen tạp tà thuật và ma thuật; đại sư bèn đặc biệt nhấn mạnh những nguyên tắc chánh yếu của Đại Thừa, đặc biệt đề cao thuyết tánh Không của Trung Quán, đồng thời đòi hỏi tăng sĩ phải tuân thủ giới luật, không được có vợ con, không được sử dụng pháp “song tu” để hành trì Mật Tông. Trước khi chuyên tu Mật pháp, các tăng sĩ thuộc phái Gelug-pa phải học Nhân Minh Học, Bát Nhã Trung Quán, Luật Học, Câu Xá, Trung Quán Trang Nghiêm Luận, Hiện Quán Trang Nghiêm Luận, và nhất là bộ Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Luận. Do tăng sĩ thuộc phái này đội mũ vàng trong khi các phái như Cổ Mật, Hoa Giáo, Bạch Giáo đội mũ đỏ, hoặc nhiều loại mão màu sắc khác nhau, người ta thường gọi phái Gelug là Hoàng Mạo Phái (phái mũ vàng), hoặc gọi tắt là Hoàng Giáo. Đôi khi còn gọi theo phiên âm là Cách Lỗ Phái.

[75] Đây là một bộ luận giải thích quá trình tu chứng của Đại Thừa. Đại sư Tông Khách Ba đã dựa theo luận điểm trong bộ Bồ Đề Đạo Đăng Luận (Bodhi-pathapradīpa) của luận sư A Để Sa (Atisha) kết hợp với những ý kiến chú giải của các vị đệ tử của ngài Atisha để soạn thành bộ luận ấy. Theo đó, căn tánh của người học Đại Thừa được chia thành ba hạng là hạ sĩ, trung sĩ, thượng sĩ. Đối với mỗi hạng căn tánh, bộ luận này giải thích tỉ mỉ tiến trình chẳng thể thiếu sót trong tu học; đồng thời nhấn mạnh: Người học Mật mà không có cơ sở liễu giải Hiển Giáo vững chắc, giữ vững giới luật, sẽ khó thể thành tựu trong Mật Giáo. Bộ luận này được lưu truyền và học tập mạnh mẽ tại các vùng chịu ảnh hưởng văn hóa Phật giáo Tây Tạng như Khang Tạng, Cam Túc, Thanh Hải, Mông Cổ; nhưng mãi cho đến năm 1931, pháp sư Pháp Tôn (1902-1980) sau khi học luận này tại thủ đô Lạp Tát (Lhasa) vào năm 1931 của Tây Tạng, đã dành ra bốn năm miệt mài phiên dịch, và cho đến mùa Đông năm 1935 mới hoàn thành bản dịch tiếng Hán.

[76] Lang nha bổng (狼牙棒) là một thứ binh khí thời cổ, có thể tạm dịch là “chùy gai”. Nó có hình gậy dài, phần chùy to có hình trụ, cán cầm nhỏ hơn, thuôn dài, thường làm bằng gỗ cứng, dài khoảng bốn năm thước Tàu. Phần nối giữa cán và chùy thường làm bằng sắt. Chung quanh phần chùy, đóng rất nhiều đinh sắt lởm chởm như răng sói, nên gọi là Lang Nha Bổng (gậy răng sói). Loại vũ khí này chỉ thấy tại Trung Hoa từ đời Tống trở đi, có lẽ du nhập từ các sắc dân du mục ở phía Bắc biên cương Trung Hoa. Tác dụng chính của nó là đập vỡ vũ khí và áo giáp của địch thủ, đồng thời gây thương tích nghiêm trọng cho địch nhân.

[77] Thù () là một đơn vị đo lường của cổ Trung Hoa, rất nhỏ. Theo quy định, một lượng là hai mươi bốn thù. Một lượng thời cổ chừng 30g, trong khi tại Đại Lục hiện thời là quy định là 31.7g, còn tại Hương Cảng và Đài Loan là 37.5g, khác với Lạng (theo cách cân đo phổ biến) ở miền Bắc Việt Nam là 100g (trong khi đó một lạng vàng (lượng vàng, một cây vàng) vẫn chỉ tối đa là 37.5g). Theo đó, cái áo sáu thù chỉ nặng 7.5g, rất nhẹ!

[78] Sảnh (廳) là một cơ quan chính phủ được thiết lập từ cuối đời Thanh để chuyên trách một sự vụ quan trọng nào đó trong quân đội. Sau khi chính quyền Dân Quốc thành lập, Sảnh trở thành cơ quan đặc trách sự vụ trong một tỉnh, gần giống như khái niệm Ty tại miền Nam trước năm 1975, chẳng hạn Giáo Dục Sảnh, Cảnh Sát Sảnh, Dân Chánh Sảnh, Thẩm Phán Sảnh v.v… Do một tỉnh của Trung Hoa rất to, nên Sảnh Trưởng có quyền hạn rất lớn.

[79] Khảo Thí Viện là cơ quan giám sát việc thăng thưởng, tuyển mộ nhân viên chánh phủ. Khảo Thí Viện bao gồm bốn bộ:

1) Khảo Tuyển Bộ (chuyên đảm trách việc thi cử để tuyển lựa nhân viên, hoặc sát hạch xem các nhân viên trong các ngành có hội đủ tiêu chuẩn để đảm nhiệm chức vụ ấy hay không).

2) Thuyên Tự Bộ (đảm trách vấn đề xét duyệt lương bổng, hưu trí, thăng thưởng, giáng chức, tưởng lệ, cảnh cáo v.v…)

3) Ủy Viên Bộ (đảm bảo các chánh sách về quyền lợi, pháp chế, quy định đối với nhân viên chánh phủ được tuân thủ đúng mức, đồng thời nghiên cứu, xem xét hòng cải tiến những điều luật chưa hợp lý trong chánh sách).

4) Giám Lý Ủy Viên Hội (giám sát quỹ hưu bổng).

Cơ chế này được thiết lập dựa trên lý luận Ngũ Quyền Phân Lập của Tôn Văn. Theo đó, ngoài ba ngành chính của một quốc gia là Hành Pháp, Tư Pháp và Lập Pháp, còn lập thêm hai viện là Khảo Thí Viện và Giám Sát Viện để bảo đảm ba ngành Hành Pháp, Tư Pháp và Lập Pháp khống chế lẫn nhau phỏng theo cơ cấu giám sát theo hiến pháp Hoa Kỳ.

[80] Chúng tôi tạm dịch chữ “bộ hài” (步鞋). “Bộ hài” là các loại giày thoải mái như giày sneaker của Mỹ chẳng hạn, không phải loại giày trịnh trọng dùng với lễ phục.

[81] Hà Thế Lễ (1906-1998, tên thoạt đầu là Robert Hotung Jr., sau khi từ bỏ quốc tịch Anh, mới đổi sang tên tiếng Hoa là Hà Thế Lễ) là con trai thứ ba của nhà đại tư bản Hà Đông Tước Sĩ ở Hương Cảng. Hà Thế Lễ là tướng lãnh cao cấp trong quân đội Quốc Dân Đảng, đồng thời kế nghiệp cha kinh doanh rất thành công. Trong quân đội, ông từng giữ chức thượng tướng lục quân, từng làm Tham Mưu Trưởng, và là Ủy Viên Trung Ương Đảng của Quốc Dân Đảng. Hà Đông Tước Sĩ tên thật là Robert Hotung (1862-1956), lả con của ông Charles Henry Maurice Bosnman (người Hòa Lan gốc Do Thái, lấy tên tiếng Hoa là Hà Sĩ Văn, nên Hà Đông Tước Sĩ lấy họ Hà). Do được hoàng gia Anh phong tước Knight nên thường được gọi là Sir Robert Hotung và dịch sang tiếng Hoa thành Hà Đông Tước Sĩ. Hà Đông Tước Sĩ phu nhân được nói ở đây là bà Trương Tĩnh Dung (Clara Cheung Lin Kok, pháp hiệu Trương Liên Giác) vợ thứ hai của Hà Đông Tước Sĩ. Bà vợ đầu là Margaret Mark (Mạch Tú Anh) không có con, phải nhận cháu làm con nuôi. Bà Mạch Tú Anh và Trương Tĩnh Dung là chị em bạn dì.

[82] Lộc Lô chính là cái trục quay thường gắn trên miệng giếng để có thể kéo gàu nước từ giếng sâu lên cho đỡ tốn sức. Về sau, những cái gì có thể xoay vòng đều có thể gọi là Lộc Lô, như cái bàn xoay để nặn đồ sứ của thợ gốm cũng gọi là Lộc Lô.

[83] Quái Tượng (卦象) là hình tượng tổng quát, tức là một sự vật cụ thể trong thiên nhiên, được biểu thị bởi một quẻ. Chẳng hạn Quái Tượng của quẻ Càn là Trời.

[84] Thập Triền (十纏) là mười món phiền não phát sanh từ Tam Độc, nói đầy đủ là Vô Tàm (無慚: không biết tự hổ thẹn), Vô Quý (無愧: không biết xấu hổ đối với người khác), Tật (嫉: ganh ghét), Xan (慳: keo kiệt), Hối (悔: hay nghi ngờ, hối tiếc), Thùy Miên (睡眠: ngủ nghê), Điệu Cử (掉舉: lao chao), Hôn Trầm (昏沉), Sân Phẫn (瞋忿: giận dữ), và Phú (覆: giấu giếm). Nếu xét theo bản chất, những phiền trược này đều xuất phát từ tham, sân, si, ngạo mạn, nên sách Diễn Nghĩa mới nói là mười món Tư Hoặc tham, sân, si, mạn.

[85] “Bốn tâm” ở đây là tham, sân, si và đẳng phần. “Đẳng phần” (等分) nghĩa là tham, sân, si cùng khởi lên một lúc.

[86] Tứ Không chính là bốn cõi trời thuộc Vô Sắc Giới Thiên bao gồm Không Vô Biên Xứ  Thiên (Ākāśānantyāyatana), Thức Vô Biên Xứ Thiên (Vijñānānantyāyatana), Vô Sở Hữu Xứ Thiên (Ākiṃcanyāyatana), và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên (Naivasaṃjñānā Saṃjñāyatana). Tứ Thiền Thiên bao gồm chín tầng trời thuộc Sắc Giới Thiên là Vô Vân (Anabhraka), Phước Sanh (Puṇyaprasava), Quảng Quả (Bṛhatphala), Vô Phiền (Atapa), Vô Nhiệt (Avṛha), Thiện Kiến (Sudarśana), Thiện Hiện (Sudṛśa), Sắc Cứu Cánh (Akaniṣṭha), cộng thêm Vô Tưởng Thiên (Asaññasatta).

[87] Theo từ điển Phật Học, các loại Mạn ấy được mô tả như sau:

1) Ngã Mạn: Chấp trước thân tâm do Ngũ Uẩn hòa hợp giả tạm là Ngã và Ngã Sở. Do vậy, kiêu ngạo, tự đại.

2) Mạn: Đối với kẻ chẳng bằng ta, bèn khinh rẻ. Đối với kẻ bằng ta, tuy thừa nhận, vẫn cứ khinh rẻ họ.

3) Quá Mạn: Đối với kẻ bằng ta, vẫn cứ tự hào họ thua kém ta rồi khinh rẻ họ.

4) Mạn Quá Mạn (Quá Quá Mạn): Dẫu đối phương hơn hẳn ta, chẳng thừa nhận, cứ ngược ngạo nói ta ưu việt hơn kẻ đó quá nhiều.

5) Tăng Thượng Mạn: Kẻ tu hành chưa đắc mà bảo là đắc, chưa chứng mà khoe là đã chứng.

6) Ty Liệt Mạn: Cam chịu thua kém người khác. Đối với kẻ trỗi hơn mình, bèn tự nhủ: “Hơn ta thì sao?”, thiếu hẳn ý chí “thấy người hiền bèn mong được bằng”.

7) Tà Mạn: Đối với Mạn khởi lên tà kiến, chính mình chẳng có đức mà ngược ngạo nói: “Phật, Bồ Tát bất quá cũng là như vậy mà thôi!” Thậm chí chẳng tin nhân quả, hủy báng Tam Bảo.

[88] Chúng tôi dịch đoạn này theo cách diễn giải của pháp sư Viên Anh trong bộ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa. Pháp sư Viên Anh giảng: “Nhữ kiến hư không: Nêu lên cái Không để biểu thị Tứ Đại như Địa Đại v.v… nêu lên Kiến để biểu thị năm món như Kiến Tinh (cái thấy trong trẻo, sáng suốt, tinh thuần, tức là tánh Thấy) v.v… Riêng nêu ra Kiến và Không vì hai thứ này đều trọn khắp mười phương thế giới, tướng trạng của chúng liên kết chặt chẽ hư vọng, dễ nhận biết. ‘Không Kiến bất phân’: Đồng thời cùng trọn khắp, chẳng thể tách rời, chỗ nào là giới hạn của Không? Chỗ nào là giới hạn của Kiến? Hai câu này nói lên cái Thể của Trược. ‘Hữu Không vô Thể, hữu Kiến vô Giác’: Nếu chỉ có Không mà chẳng có Kiến, thì cái Không sẽ chẳng có cái Thể để được. Bởi lẽ, chẳng có Kiến thì lấy gì để nêu tỏ cái Thể của Không? Nếu chỉ có Kiến mà chẳng có Không, thì Kiến sẽ chẳng có cái được Giác, tức là chẳng có Trần để hiển lộ Căn. ‘Tương chức vọng thành’: Do Kiến và Không đan xen lẫn nhau, như từng sợi ngang, từng sợi dọc [trong một tấm vải], đan bện chặt chẽ, chẳng tách rời. Kiến và Không đã là như vậy thì Kiến và Sắc cũng vậy. Nhãn Căn đã là như vậy thì các căn khác cũng vậy. Căn và Trần phối ứng với nhau, vẩn đục chân tánh, che lấp diệu minh, nên trở thành cái tướng của Kiếp Trược”.

[89] Pháp sư Viên Anh giảng: “Nhữ thân hiện đoàn, Tứ Đại vi Thể: Hai câu này nói tới cái Thể của Kiến Trược. Nghĩa là cái thân hiện tại của các ông do gom góp Tứ Đại giả hợp, dùng chúng làm tự Thể. Đã có thân tướng, bèn có sáu căn. Do từ một cái tinh minh (chân tánh bổn tâm) chia ra, mà thành thấy, nghe, hay, biết v.v… lục tinh (sáu thứ tinh minh, tức chân tánh khởi tác dụng qua đặc tánh của sáu căn). Vốn là một tinh minh, do bị Tứ Đại đất, nước, gió, lửa ngăn ngại, bèn trở thành sáu căn, chia thành sáu thứ hòa hợp. Vốn chẳng bị ngăn ngại, mà thành có ngăn ngại. Mắt chỉ có thể thấy, cho đến thức chỉ có thể biết. Tứ Đại đất, nước, gió, lửa vốn là vật vô tri, có thể chuyển biến thành giác tri. ‘Toàn’ () là xoay chuyển, tức là chúng bị lục tinh xoay chuyển, chuyển cái chẳng có giác tri thành có giác tri. ‘Đan xen hư vọng mà thành’: Tri và vô tri, đan kết chặt chẽ với nhau, cũng như từng sợi ngang, sợi dọc [trong một tấm vải], đan bện chặt chẽ, chẳng tách rời, nhiễu loạn chân tánh, hư vọng tạo thành tướng Kiến Trược, tổng cộng là sáu mươi hai món Kiến, lấy Thân Kiến làm đầu”.

[90] Pháp sư Viên Anh giảng: “Hựu nhữ tâm trung, ức thức, tụng tập, ý nói: Trong cái tâm sáu thức vọng tưởng, nghĩ nhớ cảnh duyên quá khứ, nhớ kỹ chẳng quên. Nhận biết, nắm giữ cảnh được duyên (sở duyên cảnh) trong hiện tại, đắm nhiễm chẳng bỏ, ôn luyện cảnh vị lai để chuẩn bị tính toán. Hai câu này nêu ra cái Thể của Phiền Não Trược. ‘Tánh phát tri kiến, dung hiện lục trần’: Tánh chính là cái tánh có thể tưởng của sáu thức, nương vào sáu căn, phát khởi sáu thứ vọng tưởng thấy, nghe, ngửi, nếm, hay, biết. Năm thứ đầu là đồng thời ý thức, vì sanh khởi cùng một lúc với năm thức. Còn Biết là độc đầu ý thức (chẳng cùng sanh khởi với năm thức kia). Nêu ra hai chữ Tri Kiến là đã bao gồm cả sáu thức. ‘Dung’ là do tưởng tướng trạng của sáu trần, mà hiện ra có sáu trần cảnh. ‘Ly trần vô tướng, ly giác vô tánh’: Nếu sáu thức lìa khỏi cảnh giới sáu trần, thì các trần để cho thức duyên vào đã mất, cái thức có tác dụng duyên theo các trần ấy cũng bị mất đi. Vì thế, chẳng có thức tướng để có thể được. Nếu sáu trần lìa khỏi vọng giác của sáu thức, thì chủ thể để chấp giữ chẳng sanh, đối tượng được chấp giữ cũng là không, chẳng có tánh của trần nữa. ‘Tương chức vọng thành’: Vọng giác và vọng trần đan xen lẫn nhau, cũng như sợi ngang và sợi dọc, đan bện chặt chẽ, chẳng tách rời. Vì thế, duyên trần tưởng niệm, tham luyến chẳng ngưng nghỉ, tạo thành tướng của Phiền Não Trược”.

[91] Căn Bản Phiền Não là tham, sân, si, mạn, nghi và bất chánh kiến. Bất Chánh Kiến thật ra bao gồm năm loại lợi sử (tức Thân Kiến, Biên Kiến, Tà Kiến, Kiến Thủ Kiến và Giới Thủ Kiến).

[92] Đại Tùy Phiền Não gồm Bất Tín, Giải Đãi, Hôn Trầm, Điệu Cử (lao chao), Phóng Dật (buông lung), Thất Niệm (không giữ được chánh niệm), Tán Loạn và Oa Tri (hiểu biết lệch lạc, tà vạy).

Trung Tùy Phiền Não gồm: Vô Tàm và Vô Quý (Tàm và Quý đều là hổ thẹn, Tàm là tự thẹn, Quý là hổ thẹn đối với người khác).

Tiểu Tùy Phiền Não gồm: Phẫn, Hận, Não, Phú (giấu diếm), Cuống (dối trá), Siểm (dua nịnh), Kiêu, Hại, Tật (ganh ghét), Xan (keo kiệt).

[93] Pháp sư Viên Anh giảng: “Tri kiến thường mong ở trong thế gian: Do phàm phu không ai chẳng là tham sống, sợ chết. Vì thế, nương vào cái tri kiến từ Ngã Chấp, thường muốn ở mãi trong thế gian. Đã tròn một trăm tuổi, vẫn mong sống đến một trăm hai mươi tuổi. Đấy là nói theo cái tâm. Hiềm rằng Hành Ấm dời chuyển khít khao, nghiệp vận thường thúc đẩy, chẳng có chút tự do nào, bỏ mạng chỗ này, sanh sang chỗ kia, cõi nước đổi dời. Đó là nói theo cái thân. ‘Đan xen mà hư vọng tạo thành’: Thân hư vọng, tâm hư vọng, thường đổi dời mà muốn giữ mãi, đan xen lẫn nhau, cũng như từng sợi ngang, sợi dọc, đan bện chặt chẽ, chẳng tách lìa, nhiễu loạn chân tánh, hư vọng tạo thành tướng của Chúng Sanh Trược”.

[94] Pháp sư Viên Anh giảng: “Món Trược này nương vào Thức Ấm, tức là nói đến thức thứ tám. Thức thứ bảy thuộc về Hành Ấm, thức thứ sáu thuộc về Tưởng Ấm. Bởi lẽ, xét theo phía chúng sanh, thức thứ tám là ‘đến trước, đi sau, làm ông chủ’. Thọ mạng và thức thức tám có mối quan hệ liên đới. Người sống mà thức thứ tám chưa lìa khỏi thì thọ mạng chưa tận. Thức thứ tám rời khỏi thân thể, thọ mạng liền chấm dứt. Vì thế, Mạng Trược nương vào Thức Ấm. ‘Cái Thấy và cái Nghe của ông tánh vốn chẳng khác’: Cái Thấy, Nghe, Hay, Biết của các ông chính là Kiến Tinh, Văn Tinh v.v… nơi các căn, chẳng phải là sự thấy nghe từ sáu thức. Chúng vốn là một Thể, chẳng phải là khác tánh. ‘Các trần cách biệt’: ‘Các trần’ chỉ sáu trần sáng, tối, động, tĩnh v.v… Các căn hòa hợp với Trần, mỗi mỗi đều mở bày. Do vậy, cách lìa Nhất Thể, trở thành lục tinh (sáu cái trong suốt, tinh túy), không gì chẳng dường như là khác tánh. Nhưng xét theo tánh để luận, sáu tác dụng vốn là cùng một Thể, là chuyện trong cùng một nhà. Tri giác thông tỏ lẫn nhau, là tương đồng, chẳng khác. Nếu xét theo Dụng để luận định, một Thể đã trở thành sáu tác dụng, không gì là chẳng có đây kia, chống trái lẫn nhau, tức là sai khác, chẳng đồng. ‘Đồng và dị mất chuẩn định’, ‘đan xen mà hư vọng tạo thành’: Đối với chuẩn định thì đồng chẳng phải là nhất định đồng, mà dị thì chẳng phải là nhất định dị. Vì thế nói là ‘đồng và dị mất chuẩn định’. Một đồng, một dị, đan quyện vào nhau, cũng như sợi ngang xen lẫn sợi dọc, đan bện chặt chẽ chẳng tách rời, nhiễu loạn chân tánh, hư vọng tạo thành tướng của Mạng Trược”.

[95] Ngũ Phước được nói trong thiên Hồng Phạm của sách Thượng Thư (kinh Thư) bao gồm: Thọ, Phú (giàu có), Khang Ninh (mạnh khỏe), du hảo đức (ưa chuộng đức hạnh), khảo mạng chung (chết an lành, chẳng bị chết ngang trái, chết đột ngột, hoặc chết vì tai nạn, thiên tai).

[96] Do các giới đều là mở rộng của Ngũ Giới, nên hễ trì Ngũ Giới tốt đẹp, sẽ là trì trọn vẹn các giới. Do hiện thời, có rất nhiều người thích thọ giới thật nhiều, nhất là một số Phật tử coi chuyện thọ Bồ Tát Giới hay Thập Thiện như một thành tích để khoe khoang, gặp nhau, cứ thường hỏi: “Anh (chị) đã thọ Bồ Tát Giới hay chưa? Tôi thọ giới Bồ Tát đã lâu lắm rồi”.

[97] Tân Trúc là một thành phố ở Đông Bắc Đài Loan, có tên gọi thân mật là Phong Thành do có rất nhiều gió, thuộc huyện Tân Trúc. Tại Tân Trúc, có trường đại học quốc lập Thanh Hoa nổi tiếng. Khu Tân Trúc Khoa Học Công Nghiệp Viên tập trung hơn 400 công ty kỹ thuật cao cấp, chiếm đến 10% tổng sản lượng quốc gia.

[98] Bách phi: Thông thường, Bách Phi được giải thích như sau, đối với Tứ Cú, mỗi câu lại bao gồm Tứ Cú, nên bốn lần bốn hợp thành mười sáu câu. Mười sáu câu ấy phối hợp với ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) thành 16×3=48 câu. Bốn mươi tám câu ấy, mỗi câu ấy lại phối hợp với vị khởi (chưa dấy lên) và dĩ khởi (đã dấy lên), cho nên 48×2=96 câu, cộng với Tứ Cú ban đầu, thành một trăm câu. Do các quan điểm chấp trước ấy đều là vọng huyễn, so đo hư vọng, cho nên gọi chung là Bách Phi.

[99] Vị này có pháp hiệu đầy đủ là Đức Sơn Tuyên Giám (782-865), người xứ Giản Châu, họ Châu. Xuất gia từ bé, chuyên nghiên cứu Luật Tông, sau học Thiền theo Bắc Tông. Khi nghe nói về thiền phái Nam Tông của tổ Huệ Năng, Sư cho đó là lý lẽ của bọn cuồng huệ, phá hoại thánh giáo, nên đi về phương Nam, toan biện bác, chiết phục họ. Sau khi được bà lão chỉ điểm, Sư dẹp hết tâm ngạo mạn, đến tham học với thiền sư Long Đàm Sùng Tín ở quận Phong Dương, ngộ đạo. Về sau, Sư dạy Thiền chuyên dùng gậy đánh để giúp học trò khai ngộ nên trong nhà Thiền có từ ngữ “Đức Sơn bổng” (gậy Đức Sơn).

[100] La-sát (Rākṣasa) là một loại quỷ dữ, thích ăn thịt người. Nam la-sát thân hình xấu ác, to lớn, hung dữ, răng nhọn, móng tay sắc như vuốt chim ưng, mắt đỏ, tóc đỏ, thích uống máu người. La-sát nữ xinh đẹp, thường dụ dỗ đàn ông háo sắc để ăn thịt.

[101] Tướng Phần (相分): Đối tượng được nhận thức của Thức, nên còn gọi là Sở Thủ Phần (所取分), tức là đối tượng được nhận biết của Tâm Vương, thuộc về Sắc pháp.

Kiến Phần (見分): Chính là chủ thể có tác dụng nhận biết Tướng Phần (thường được diễn tả bằng từ ngữ Chiếu Tri, 照知), còn gọi là Năng Thủ Phần (能取分). Tướng Phần bao gồm Tâm pháp, tức là tám tâm vương và năm mươi mốt tâm sở.

Tự Chứng Phần (自證分): Chính là bản thể của Kiến Phần.

Chứng Tự Chứng Phần (證自證分): Chính là trí huệ Bát Nhã trong bản tánh.

[102] Bộ chú giải này có tên gọi đầy đủ là Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh Sớ do ngài Huệ Chiểu (?-714) soạn vào đời Đường, căn cứ theo bản dịch kinh Kim Quang Minh của ngài Nghĩa Tịnh. Lập luận trong bản chú giải chủ yếu dựa theo lập trường Tam Thừa và Ngũ Tánh của Pháp Tướng Tông để luận định, nhấn mạnh tính chất hộ quốc của kinh này giống như kinh Nhân Vương Hộ Quốc vậy.

[103] Sách Tử Bất Ngữ còn có tên là Tân Tề Hài, là một loại tiểu thuyết bút ký do Viên Mai viết vào đời Thanh, gồm có hai mươi bốn quyển. Về sau lại có tục bản gồm mười quyển nữa. Sách hoàn thành vào năm Càn Long 53 (1788). Tên sách dựa theo một câu nói của Khổng Tử trong Luận Ngữ: “Tử bất ngữ, quái lực, bột loạn, thần quỷ” (Khổng Tử chẳng nói những chuyện kỳ dị, bạo lực, bạo loạn, quỷ thần). Đúng như tên gọi, sách sưu tập những câu chuyện kỳ quái cũng như các hiện tượng kỳ lạ mà tác giả có dịp chứng kiến, hoặc do các quan lại địa phương trình báo.

[104] Tương tự, Duyệt Vy Thảo Đường Bút Ký cũng thuộc loại đoản thiên bút ký ghi chép những chuyện kỳ quái dưới đời Thanh. Sách do Kỷ Hiểu Lam (Kỷ Quân) viết từ năm Càn Long 54 (1789) cho đến năm Gia Khánh thứ ba (1798). Sách này được Phật môn Trung Hoa đánh giá cao hơn bộ Tử Bất Ngữ vì sưu tập nhiều câu chuyện liên quan đến nhân quả báo ứng, có tác dụng khuyến thiện trừng ác rất tốt. Phạm vi câu chuyện lại rộng hơn Tử Bất Ngữ, ngoài những vùng đất thông thường tại Trung Hoa, sách còn chép cả những câu chuyện tại vùng biên cương như Ô Lỗ Tề Mộc (Urumqi), Y Ninh (tên gọi tiếng Hán của thành phố Ghulja vùng Tân Cương), Điền Kiềm (Quý Châu), hoặc những vùng đất rất xa như Nam Dương (Indonesia)…

[105] Xích (尺) là một khối gỗ nhỏ, thường làm bằng gỗ cứng, dùng để vỗ xuống bàn tạo tiếng động, gây chú ý. Do nó là một khối gỗ nhỏ, hình hộp chữ nhật, có thể nắm gọn trong bàn tay, nên còn gọi là “thủ xích”. Trong Phật môn, nó thường được để trơn, hoặc có khắc chữ Hồng (Hum) bằng tiếng Phạn, hay khắc ba chữ Phạn “Án Á Hồng” trên lưng. Các loại xích dùng trong các pháp hội Trai Đàn Chẩn Tế, Thủy Lục, hoặc Diệm Khẩu đôi khi được sơn son thếp vàng, có khắc hoa văn chung quanh. Trước khi dùng, vị chủ pháp phải niệm mật chú, quán tưởng gia trì để tẩy tịnh. Trong khi đó, Xích dùng để tuyên pháp ngữ trong giảng đường hoặc pháp hội thông thường sẽ không được sơn phết hoặc khắc vẽ cầu kỳ, thường là nhỏ hơn loại xích dùng trong Trai Đàn một tí. Trong các công đường phủ huyện, khi thẩm án, nhằm tạo hiệu quả oai nghiêm và nhanh chóng ổn định quần chúng, vị quan ngồi xử án cũng có một khối xích lớn hơn loại dùng trong Phật môn, khi gõ xuống bàn sẽ tạo nên âm thanh vang dội, khiến cho công chúng kinh sợ, im thin thít. Do vậy, khối gỗ ấy còn được gọi là Tỉnh Mộc, Hướng Mộc, hoặc Kinh Đường Mộc (những tên gọi này đều nhằm diễn tả hiệu quả của tiếng vang to mạnh đột ngột khiến quần chúng hoảng hồn, im bặt, không dám hó hé).

[106] Kiền chùy (có thuyết nói là phiên âm từ tiếng Phạn cổ) là từ ngữ dùng để chỉ chung các loại pháp khí dùng để gõ đánh làm hiệu lệnh như chuông, trống, mõ, bang (mõ dài hình con cá), linh, khánh v.v…

[107] Phó đại sĩ (497-569), tên thật là Phó Hấp, tự Huyền Phong, hiệu là Thiện Huệ đại sĩ, là người huyện Nghĩa Ô, Vụ Châu, sống vào thời Nam Bắc Triều. Ngài cùng với tổ Đạt Ma và Bảo Chí Công được người đời gọi là Lương Đại Tam Đại Sĩ (ba vị đại sĩ đời Lương). Ngài còn có các mỹ hiệu Hành Ngư đại sĩ, Song Lâm đại sĩ, Đông Dương đại sĩ, Ô Thương cư sĩ. Theo Tục Cao Tăng Truyện, Ngài thị hiện thân phận cư sĩ, mưu sinh bằng nghề đánh cá, ẩn cư tại núi Vân Hoàng, tự xưng là Song Lâm Thụ Hạ Đương Lai Giải Thoát Thiện Huệ đại sĩ, chứng đắc Thủ Lăng Nghiêm tam-muội, tuyên dương tín ngưỡng Di Lặc, có nhiều sự tích thần dị. Nghe danh, Lương Vũ Đế vời Ngài đến hỏi đạo, qua một phen vấn đáp, vua hết sức tôn trọng, kính mến. Vua đã vì Ngài sáng lập chùa Song Lâm. Cách giảng kinh của Ngài độc đáo, chứa đầy Thiền cơ. Vì thế, hai vị Bảo Chí Công và Phó đại sĩ được coi là người dọn đường cho tổ Đạt Ma hoằng dương Thiền pháp tại Trung Hoa.

[108] Biên địa ngục: Các địa ngục ở ngoài địa ngục A Tỳ.

[109] Lưỡng Ngạn: Chỉ Đài Loan và Trung Hoa Đại Lục.

[110] Tam vô tánh: Chính là từ ba phương diện để quan sát hết thảy các pháp, bất cứ pháp nào cũng đều có đủ ba tánh. Nhằm phá chấp trước quan niệm về ba tánh, đức Phật lại nói ra ba vô tánh, tức là:

1) Tướng vô tánh: Nhằm đối trị Biến Kế Khởi Chấp Tánh, giảng rõ hết thảy các hiện tượng vốn là hư vọng, chẳng có thật tánh.

2) Sanh vô tánh: Nhằm đối trị Y Tha Khởi Tánh, hết thảy các pháp đều do duyên tụ mà sanh, duyên tán là diệt, hoàn toàn chẳng phải là thật sự diệt. Sanh và diệt là hiện tượng huyễn vọng, chớ nên chấp trước, chẳng cần phân biệt.

3) Thắng nghĩa vô tánh: Thắng Nghĩa là chân thật nghĩa, cũng chính là Đệ Nhất Nghĩa Đế, là tánh đức thuần thiện, thuần tịnh. Hễ tâm ta dấy lên một niệm, Đệ Nhất Nghĩa Đế sẽ biến thành A Lại Da Thức, đó gọi là mê hay ngộ chỉ trong một niệm.

[111] Hoàng Cực Kinh có tên gọi đầy đủ là Hoàng Cực Kinh Thế Thư do Thiệu Ung (Thiệu Khang Tiết) viết vào đời Tống. Nội dung bao gồm những tiên đoán suy diễn dựa theo Dịch Số, nhất là do chiêm nghiệm Hà Đồ Lạc Thư, đồng thời trình bày những quan điểm triết học, xã hội được diễn giải theo Dịch Lý của chính Thiệu Ung. Ông quan niệm các diễn biến lịch sử sẽ xảy theo chu kỳ và đề ra khái niệm “nguyên, hội, vận, thế”, cứ hết một Nguyên lịch sử sẽ tái diễn. Theo đó, cứ ba mươi năm là một Thế, mười hai Thế là một Vận, ba mươi Vận là một Hội, mười hai Hội là một Nguyên. Như vậy một Nguyên là 12x30x12x30=129.600 năm. Cũng từ khái niệm này, Đạo giáo diễn dịch thành các khái niệm Thượng Nguyên, Trung Nguyên, Hạ Nguyên, rồi dẫn đến khái niệm Hạ Nguyên Mạt Thế, thế giới tận diệt trong các giáo phái Bạch Liên Giáo, Trai Giáo, Minh Lý, Minh Sư, hoặc Nhất Quán Đạo sau này.

[112] Tỷ Lượng là sự nhận biết, phán đoán các hiện tượng dựa trên sự hiểu biết, kiến thức tích lũy của chính mình.

[113] Để giải thích quẻ Thuần Càn (純乾), phần Quái Từ của kinh Dịch đã dùng bốn chữ “nguyên, hanh, lợi, trinh” để hình dung. Theo Khổng Dĩnh Đạt, Nguyên (元) nghĩa là khởi đầu, Hanh (亨) là thông suốt, Lợi (利) là hòa hợp, Trinh (貞) là ngay thẳng, bền vững. Nói rộng hơn, phẩm đức của Càn là có tánh chất Thuần Dương, tự nhiên có thể dùng dương khí sanh khởi vạn vật, nó thông suốt, khiến cho vạn vật hài hòa (được diễn tả bằng chữ Lợi), lại có thể khiến cho vạn vật sanh trưởng đúng lẽ (Hanh), tồn tại bền vững (Trinh).

[114] Trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, tập 12, kinh văn số 368 mang tựa đề Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sanh Tịnh Độ Thần Chú có chú thích “xuất tự Tiểu Vô Lượng Thọ Kinh”. Như vậy có lẽ là ngoài hai bản kinh Di Đà như chúng ta biết, hãy còn có một bản kinh Di Đà nữa, trong ấy, đức Phật nói chú này, nhưng bản kinh thứ ba này đã bị thất truyền.

[115] Sau khi Tưởng Giới Thạch (tên thật là Tưởng Trung Chánh, tên hồi bé là Thụy Nguyên, tự là Giới Thạch), mất vào ngày 05 tháng 04 năm 1975, bộ Giáo Dục Đài Loan đã mở cuộc thi sáng tác ca khúc kỷ niệm ông dành cho các học sinh trung học hát trong các buổi lễ. Cuối cùng ca khúc được chọn có phần nhạc do Lý Trung Hòa viết, lời ca do Trương Linh viết. Sau khi Lý Đăng Huy lên làm Tổng Thống, bài hát này không còn được lưu hành trong nhà trường nữa, nhưng vẫn được sử dụng trong các buổi lễ của Quốc Dân Đảng.

Trương Linh (1919-1979), tên tự là Kiếm Phân, hiệu Vô Tranh Cư Sĩ, người huyện Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam. Ông từng giữ chức vụ Phó Kinh Lý trong Ngân Hàng Đài Loan, và dạy học tại các trường đại học Đông Ngô và Minh Truyền. Ông khéo viết câu đối nên có mỹ hiệu là Liễn Vương (vua câu đối), đã từng phát nguyện cúng dường các chùa một vạn câu đối. Tuy rất có tiếng tăm trong giới Phật giáo vì viết nhiều, giảng diễn nhiều, niềm tin của ông không được tinh thuần, vẫn mang nặng tính cách trình diễn, phô trương. Vào năm 1972, khi vợ mất, cụ đã từng nhờ đồng cốt cầu cơ để nói chuyện với linh hồn vợ, sau đó, soạn tác phẩm Tiên Thất Sanh Tây Ký (ký sự vãng sanh Tây Phương của bà vợ quá cố) nhằm gián tiếp khoe khoang chính mình đã tụng chú Vãng Sanh đến ba mươi vạn biến, cũng như khẳng định bà vợ đã vãng sanh.

[116] Vở bài tập được gọi là “tác nghiệp bạ” (作業簿), làm bài tập bèn gọi là “tác nghiệp” (作業). Hòa Thượng chơi chữ ở chỗ này, thuở nhỏ đi học phải làm bài tập là “tác nghiệp”, bước chân vào xã hội, do công việc, do các mối quan hệ, do mưu sinh v.v… tạo nghiệp vô biên, đều là “tác nghiệp”. Vì thế mới nói là một mực tác nghiệp đến chết vẫn chưa xong.

[117] Trầm Gia Trinh (1913-2007), sanh ở Hàng Châu, quê ở huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang. Cụ là một doanh nhân rất thành công tại Trung Hoa và Mỹ, đồng thời là một đại cư sĩ Phật giáo, đã có công lao to lớn trong việc truyền bá Phật giáo tại vùng Nữu Ước. Năm 1937, cụ tốt nghiệp trường đại học giao thông Thượng Hải về ngành điện cơ, làm việc trong Tư Nguyên Ủy Viên Hội (ủy hội Tài Nguyên) của chánh quyền Quốc Dân Đảng. Cụ được chánh quyền Dân Quốc giao phó công tác làm đại diện liên lạc với công ty Siemens của Đức tại Berlin để mua sắm thiết bị. Sau khi trở về nước, cụ đảm nhiệm chức vụ công trình sư tại công xưởng điện Trung Ương ở Côn Minh (Vân Nam). Do đầu óc thực tiễn và tháo vát, cụ đã thành lập nhiều công ty cá nhân rất thành công, đồng thời có đủ tiền để bảo trợ giáo sư Tạ Dục Tấn nghiên cứu chế thành công thuốc trị bạch hầu tại Trung Hoa. Năm 1950, do sang Ấn Độ, quen biết giáo sư Trương Trừng Cơ, hai người trở thành bạn tâm giao và tích cực cộng tác với nhau trong việc hoằng dương Phật pháp. Năm 1952, cụ dời gia đình sang Luân Đôn, sau đó di cư sang Mỹ. Khi đến Mỹ, toàn bộ tài sản tích lũy trước đó đã bị tiêu mất trong thời chiến tranh Quốc Cộng tại Hoa Lục, cả gia đình phải sống chen chúc trong một căn apartment nhỏ hẹp. Không nản lòng, cụ mày mò tìm cách chế tạo tủ kem và các máy móc làm kem. Sau đó, thành lập công ty Tín Dụng Đại Tây Dương, thành công ký kết thương vụ thuyền vận tải với Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu kinh doanh ngành vận chuyển. Nhận lời mời của Roger Kyes (phó tổng giám đốc hãng General Motors thời ấy), cụ cùng với bạn hữu thành lập công ty vận chuyển, thành công ký kết thương vụ chuyên chuyển dầu cho Đài Loan. Cụ thành lập liên tiếp nhiều công ty, nổi tiếng nhất là công ty vận chuyển GATC của Hoa Kỳ, trở thành nhà đại tư bản. Tuy rất thành công trong kinh doanh, kể từ năm 1960, cụ vẫn dành nhiều thời gian để vận động và xúc tiến thành lập Mỹ Quốc Phật Giáo Hội, Thế Giới Tôn Giáo Nghiên Cứu Viện, và Dịch Kinh Viện. Năm 1965, cụ và vợ cùng đứng tên mua đứt một tòa cao ốc lớn ở Nữu Ước, quyên tặng cho hội Phật giáo Mỹ Quốc để tạo lập chùa Đại Trang Nghiêm. Trước đó, ba vị pháp sư Nhân Tuấn, Thánh Nghiêm và Mẫn Trí đã xướng suất ý tưởng lập tự viện tại Nữu Ước, nhưng mãi cho đến khi được vợ chồng cụ quyên tặng tòa cao ốc, xúc tiến các thủ tục pháp lý, cũng như bảo trợ tài chánh, chùa Đại Trang Nghiêm mới xây dựng thành công. Cụ đã tiên phong trong việc computer hóa các tài liệu kinh điển Phật giáo, cũng như dùng CD để bảo tồn hình chụp các văn bản quý. Cụ đã hợp tác với pháp sư Ấn Thuận thành lập Dịch Kinh Viện tại Phước Nghiêm Tinh Xá, dịch kinh Đại Bảo Tích sang tiếng Anh và xuất bản tại Nữu Ước.

[118] Ở đây, trong nguyên bản, người ghi lại lời giảng đã chép sai chỗ này! Người sáng lập nhà Lưu Tống là Lưu Dụ (劉裕), không phải là Lưu Dự (劉豫).

[119] Cầu Na Bạt Đà La (394-468) là một vị pháp sư Đại Thừa xuất thân từ vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha). Sư thuộc dòng Bà La Môn, do đọc Tạp A Tỳ Đàm Tâm Luận bèn quy y Phật pháp. Ngài tinh thông giáo nghĩa Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa. Do Ngài hoằng dương Đại Thừa, nên còn có mỹ hiệu là Ma Ha Diễn (Đại Thừa). Ngài đã từng sang tận Tích Lan để học pháp. Ngài đến Trung Hoa năm 435 cùng với pháp sư Cầu Na Bạt Ma (Gunavarma). Cả hai vị đều được Tống Văn Đế (Lưu Nghĩa Long) dùng lễ quốc sư đối đãi. Ngài dịch rất nhiều bản kinh, trong đó nổi tiếng nhất là kinh Lăng Già, và do vậy, Ngài được tôn xưng là thỉ tổ của những vị giảng sư về kinh Lăng Già. Tổ Bồ Đề Đạt Ma là học trò của Ngài. Ngoài kinh Lăng Già, một bộ kinh khác do Ngài dịch đặc biệt được người học Giáo tại Trung Hoa hâm mộ, nghiên cứu và chú sớ khá nhiều là bộ Thắng Man Sư Tử Hống Nhất Thừa Đại Phương Tiện Phương Quảng Kinh.

[120] Nam Bắc Triều là thời kỳ lịch sử phức tạp nhất trong lịch sử Trung Hoa kéo dài từ năm 420 đến năm 589, kể từ khi Lưu Dụ soán ngôi nhà Đông Tấn, lập ra nhà Tống, cho đến khi nhà Tùy diệt nhà Trần của Nam Triều vào năm 589. Do Trung Hoa lúc ấy bị chia thành hai triều đại song song giữa hai miền Nam và Bắc nên gọi là Nam Bắc Triều. Nam Triều bao gồm bốn triều đại Tống (do Lưu Dụ sáng lập), Tề (do Tiêu Đạo Thành sáng lập), Lương (do Tiêu Diễn sáng lập), Trần (do Trần Bá Tiên sáng lập) nối tiếp nhau. Bắc Triều bao gồm Bắc Ngụy (do Thác Bạt Khuê sáng lập, còn gọi là nhà Nguyên Ngụy), Đông Ngụy (do Nguyên Thiện Kiến (chắt của Thác Bạt Khuê) sáng lập. Thật ra, nhà vua là con rối trong tay quyền thần Cao Hoan), Tây Ngụy (do Nguyên Bảo Cự sáng lập, thật ra cũng là một con rối khác do quyền thần Vũ Văn Thái điều khiển. Cả hai nhà Ngụy này đều do Bắc Ngụy tách ra), Bắc Tề (do Cao Dương sáng lập) và Bắc Châu (do Vũ Văn Giác sáng lập) lần lượt cai trị miền Hoa Bắc. Nói cách khác, Tề và Châu chính là hai nước Đông Ngụy và Tây Ngụy bị quyền thần soán vị rồi đổi tên. Thật ra, Ngũ Hồ Loạn Hoa là giai đoạn trước thời kỳ này, khi các dân tộc ngoài biên cương vào Trung Hoa sáng lập ra mười sáu nước lớn nhỏ, Sử gọi chung là thời Ngũ Hồ Thập Lục Quốc. Trong các triều đại thời Nam Bắc Triều, các dòng họ Thác Bạt (đến đời vua Ngụy Hiến Văn Đế (Thác Bạt Hoành) bèn đổi họ Thác Bạt thành Nguyên), Vũ Văn, và Cao đều thuộc sắc tộc Tiên Ty.

[121] Giang Nam là từ ngữ chỉ chung miền Nam Trung Hoa kể từ bờ Nam của Trường Giang (sông Dương Tử), đôi khi còn được gọi không chánh xác là Mân Việt (tuy Mân Việt chỉ là một phần của Giang Nam). Nói chung, từ ngữ Giang Nam chỉ các tỉnh Nam Trung Hoa, chủ yếu là phần lãnh thổ thuộc trung và hạ lưu Trường Giang, bao gồm phía Nam tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, phía Nam tỉnh An Huy, Giang Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc, Phước Kiến, không kể các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông và Quảng Tây. Hiểu theo nghĩa rất hẹp, Giang Nam chỉ bao gồm phía Nam tỉnh Giang Tô, phía Bắc Chiết Giang và phía Nam sông Hoàn, tức là vùng lưu vực sử dụng tiếng Ngô, bao gồm Tô Châu, Thường Châu, Tùng Giang, Gia Hưng, Hồ Châu, Hàng Châu, Thiệu Hưng, Ninh Ba, Huy Châu v.v… Trong thời Nam Bắc Triều, lãnh thổ nhà Lưu Tống rộng nhất, phía Bắc đến tận bờ Nam của Hoàng Hà, phía Tây đến rặng Tuyết Sơn của Tứ Xuyên, phía Nam bao gồm Quảng Đông, Vân Nam, Quảng Tây, Bắc Bộ Việt Nam (đến tận ranh giới nước Lâm Ấp).

[122] Lưu Dụ (363-422), tự là Đức Dư, biệt danh Đức Hưng, tiểu tự là Ký Nô, người huyện Bành Thành. Để tăng oai thế, ông tự xưng là cháu đời thứ hai mươi hai của Sở Vương (Lưu Giao, em ruột Hán Cao Tổ Lưu Bang). Tuy gia cảnh bần hàn, học thức rất kém, chỉ biết đọc nhấp nhem vài chữ, nhưng Lưu Dụ là người thông minh, quả quyết. Ông đầu quân dưới trướng của tướng Tôn Vô Chung, lập nhiều công lao, dễ dàng chiếm được lòng tin cậy của tướng nhà Tấn là Lưu Kính Tuyên, lần lượt thăng tiến rất nhanh. Cuối cùng trở thành quyền thần của nhà Đông Tấn, nhất là khi giúp vua Tấn diệt phản thần Hoàn Huyền. Do tham vọng, ông tìm cách giết chết Tấn An Đế (Tư Mã Đức Tông), đưa em trai Tấn An Đế (Tư Mã Đức Văn) lên ngôi, tức Tấn Cung Đế, để dễ bề khống chế. Cuối cùng, năm 420, ông ép Cung Đế nhường ngôi cho mình làm hoàng đế, đổi quốc hiệu là Tống, đặt niên hiệu là Vĩnh Sơ, nhưng Lưu Dụ chỉ làm vua được hai năm thì mất.

[123] Tống Văn Đế (407-453) làm vua từ năm 424 đến năm 453, tên thật là Lưu Nghĩa Long, tên hồi bé là Xa Nhi, là con trai thứ ba của Tống Vũ Đế (Lưu Dụ). Ông được tôn lên làm vua sau khi Tống Thiếu Đế (Lưu Nghĩa Phù, con trưởng của Lưu Dụ) bị bá quan phế truất.

[124] Thân Độc là phiên âm của Sindhu (tức sông Indus hiện thời); đó là tên cổ bằng tiếng Phạn của Ấn Độ. Do thời cổ, chữ Độc và Trúc đọc gần giống nhau, nên thường viết trại chữ Thân Độc thành Thiên Trúc. Cổ thư đôi khi phiên âm chữ này thành Hiền Đậu, Quyên Đốc, hoặc Kiền Đốc do mô phỏng chữ Hindu là cách đọc trại âm chữ Sindhu thành Hinduš của người Ba Tư. Tới khi người Hy Lạp xâm chiếm Ấn Độ, họ lại đọc trại chữ Hindu lần nữa thành chữ Indos, và cư dân bản xứ cũng chấp nhận cách gọi này. Từ đó mới hình thành tên gọi India khi người Anh biến Ấn Độ thành thuộc địa.

[125] Thông Lãnh chính là vùng cao nguyên thuộc bổn địa Pamir. Đây là một nơi bắt buộc phải đi qua khi từ Trung Hoa sang Ấn Độ vào thời cổ. Theo cổ thư, do vùng cao nguyên này trồng nhiều hành nên gọi là Thông Lãnh (蔥嶺: rặng củ hành). Pamir là vùng núi phát xuất sơn mạch chính của nhiều rặng núi nổi tiếng tại châu Á như Hy Mã Lạp Sơn, Hưng Đô Khố Thập Sơn (Hindu Kush), Thiên Sơn, Côn Luân Sơn, Khách Lạt Côn Luân Sơn (Karakoram) v.v… nên được gọi là “xương sống của châu Á” hoặc “mái nhà thế giới”. Vùng này hiện thời chủ yếu thuộc tỉnh Gorno Badakhshan của nước Tajikistan (Çumhurii Toçikiston, còn phiên âm là Tháp Cát Khắc Tư Thản), một phần thuộc về nước Kyrgyzstan (Cát Nhĩ Cát Tư), A Phú Hãn, và một phần thuộc vùng Tân Cương của Trung Hoa.

[126] Tân Cương có tên gọi chính thức hiện thời là Tân Cương Duy Ngô Nhĩ Tự Trị Khu (Xinjiang Uyghur Autonomous Region), bao gồm toàn bộ vùng đất gọi là East Turkestan (Đông Đột Quyết) thời cổ. Đây là một tỉnh nằm ở phía Tây Bắc Trung Hoa, thủ phủ là Ô Lỗ Mục Tề (Ürümqi), có diện tích chiếm đến một phần sáu lãnh thổ Trung Hoa. Tỉnh này chính là địa bàn của nhiều vương triều cổ, thường gọi chung là Tây Vực, như Nhục Chi, Lâu Lan (Nhu Nhiên, Thiện Thiện), Nhược Khương, Ô Xá, Tây Dạ, Tử Hợp, Tiểu Uyển, Tinh Tuyệt, Thả Mạt, Vu Điền, Nhung Lô, Cừ Lặc, Quy Tư, Sớ Lặc, Úy Đầu, Cao Xương v.v… Tên gọi Tân Cương được đặt ra khi vua Càn Long sai tướng dẹp tan các cuộc nổi dậy của dân Hồi và Mông Cổ, sát nhập vùng đất này vào bản đồ của đế quốc Đại Thanh. Chính quyền Hoa Lục gọi vùng này là Duy Ngô Nhĩ Tự Trị Khu vì người Uighur (Duy Ngô Nhĩ) chiếm đa số ở vùng này.

[127] Ngài Cầu Na Bạt Ma (Gunavarman, 367-431), Hán dịch là Công Đức Khải, là người xứ Kế Tân, thuộc dòng dõi hoàng tộc, thông minh, mẫn tiệp. Năm mười bốn tuổi, Sư đã nổi danh tài hoa xuất chúng, nhưng đức hạnh hết sức nghiêm cẩn. Từ bé, mẹ của Sư thích ăn thịt rừng, Sư can gián: “Phàm những thứ có sanh mạng, không loài nào chẳng ham sống. Tàn hại sanh mạng không phải là phẩm đức của người có lòng nhân”. Bà mẹ tức giận, quát: “Nếu đắc tội với thần linh, tao sẽ chịu tội thay cho mày!” Sư nín lặng. Một hôm, do chiên nấu, dầu văng lên tay, Sư bị bỏng, bèn bảo mẹ: “Mẹ hãy thay con chịu đựng nỗi đau khổ này”, bà mẹ nạt: “Đau khổ trên thân mày, tao chịu thay sao được?” Sư bèn đáp: “Nỗi khổ nhỏ trước mắt mà còn chẳng chịu thay được, huống hồ nỗi khổ trong tam đồ?” Bà mẹ nghe nói, giật mình, tỉnh ngộ, từ đó thôi sát sanh. Năm hai mươi tuổi, Sư xuất gia, thọ giới, tinh thông chín bộ kinh, đặc biệt là Tứ A Hàm. Sư chuộng Luật, tinh tường luật điển, đồng thời tinh thông Thiền pháp. Năm Sư ba mươi tuổi, quốc vương qua đời, không có người kế tự, quần thần suy cử Sư lên ngôi. Ba lượt thỉnh cầu Sư đều từ chối. Để khỏi bị ép lên ngôi, Sư trốn sang nước Sư Tử, hoằng dương Phật pháp nơi đó. Sau đấy, Sư lại sang Java hoằng pháp, được quốc vương nước ấy sùng mộ. Khi vua đánh trận bị thương, Sư tụng chú vào nước sai người đem rửa vết thương, thương tích bèn lành. Sau đó, Sư đáp ứng lời thỉnh cầu đi truyền pháp các nơi, ngồi thuyền của thương nhân Trúc Nan Đề, thuận gió đến Quảng Châu. Tống Văn Đế nghe tin, cấp tốc sai người thỉnh Sư lên Kiến Khang (Nam Kinh). Trên đường, đi qua núi Hổ Thị, thấy hình thế giống núi Kỳ Xà Quật, Sư bèn xin vua đổi tên núi thành Linh Thứu Sơn, lập chùa tại đó. Khi Sư trụ nơi đó, lập Thiền Thất cách chùa chính mấy dặm. Gõ chuông tại chùa chính, trong Thiền Thất chẳng thể nghe tiếng, nhưng hễ gõ chuông đều thấy Sư đến. Có lần mưa giông dữ dội, Sư đến mà thân mình chẳng ướt chút nào. Có lần đường sá lầy lội, thảo hài của Sư vẫn chẳng nhuốm bẩn chút nào. Ngài dịch các bộ kinh luận như Bồ Tát Thiện Giới, Tạp Tâm Kinh, Tứ Phần Yết Ma, Ưu Bà Tắc Ngũ Giới Luận Lược, Ưu Bà Tắc Nhị Thập Nhị Giới v.v… cũng như giảng giải kinh Pháp Hoa và phẩm Thập Địa của kinh Hoa Nghiêm.

[128] Đây chỉ là diễn tả ý nghĩa ‘phải đọc chữ “南無” thành Nam-mô’, chứ không phải nhìn vào mặt chữ rồi đọc theo âm Quan Thoại hiện thời thành Nán-wú (tức Nam-vô). Chữ “Nã Ma” (拿摩) có âm đọc là Ná-mó gần giống chữ Nam-mô. Do nhìn theo mặt chữ, có người đã giải thích quàng xiên “nam-vô A Di Đà Phật” là nước Nam không có Phật A Di Đà!

[129] Theo các cổ đức, chú luôn có ý nghĩa, nhưng ý nghĩa ấy quá súc tích, quá sâu xa, chẳng thể diễn tả bằng ngôn ngữ được, vượt ngoài tầm hiểu biết và cảnh giới của phàm phu. Lama Govinda từng nói: Nếu giải thích tỉ mỉ từng ý nghĩa trong một chữ Aum thì dù có nói cả đời vẫn không thể trọn hết.

[130] “Phá âm tự” (破音字) chính là những chữ khi để phân biệt những ý nghĩa khác nhau, phải đọc khác nhau. Thí dụ phổ biến thường được nêu ra để minh họa chữ Phá Âm là chữ “不”. Nó có các âm đọc là Bất, Phầu, Phủ, Phi và Phu tùy theo ngữ cảnh. Chẳng hạn khi dùng với ý nghĩa trợ từ nêu nghi vấn, phải đọc là Phủ, như trong kinh Kim Cang, đức Phật hỏi tôn giả Tu Bồ Đề: “Tu Bồ Đề! Ư nhữ ý vân hà? Khả dĩ thân tướng kiến Như Lai phủ?” (須菩提!於意云何?可以身相見如來不?: này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao, có thể dùng thân tướng để thấy Như Lai hay chăng?). Dùng chữ này với ý nghĩa phủ định thì đọc là Bất như “bất sanh, bất diệt”. Khi dùng với ý nghĩa mô tả trạng thái lưỡng lự thì đọc là Phầu như “đương phục như thử phầu?” (當復如此不: sẽ lại như thế hay chăng?). Một âm nữa là Phi khi diễn tả ý nghĩa to lớn (theo Thiều Chửu), như “phi hiển tai Văn Vương mưu” (不顯哉文王謀: mưu lược của Văn Vương to lớn rõ rệt thay!) Tuy thế, có tác giả giải thích chữ “不” trong trường hợp này không có nghĩa gì, chỉ là trợ từ làm tăng ngữ khí cho câu nói mạnh mẽ hơn. Âm cuối cùng là Phu, có nghĩa là cuống hoa, như kinh Thi có câu: “Thường lệ chi hoa, ngạc phu vĩ vĩ” (常棣之華,鄂不韡韡: hoa cây thường lệ, cuống, đài rạng rỡ).

[131] Diêm Phù Đề (Jambud) là một loại cây. Theo thần thoại Ấn Độ, chính giữa thế giới này, có một vùng rừng toàn là cây Diêm Phù, lá cây rụng xuống biến thành một loại vàng rất quý gọi là vàng Diêm Phù Đàn. Địa cầu này được gọi tên theo loài cây ấy, tức Diêm Phù Đề Châu.

[132] Chuẩn Đề Bồ Tát (Cundhi, thường được dịch là Thanh Tịnh hoặc Minh Giác. Tên Ngài còn được phiên âm là Chuẩn Nê, Tôn Nê, hoặc Tôn Na, nhưng danh xưng Chuẩn Đề phổ biến nhất). Ngài còn có danh xưng Thiên Nhân Trượng Phu Quán Âm, Chuẩn Đề Phật Mẫu v.v… mật hiệu là Tối Thắng Kim Cang, hoặc Hàng Phục Kim Cang, là một trong sáu tôn Quán Âm chánh yếu của Đông Mật (Thánh Quán Âm, Thiên Thủ Quán Âm, Mã Đầu Quán Âm, Thập Nhất Diện Quán Âm, Chuẩn Đề Quán Âm và Như Ý Luân Quán Âm). Ngài là bộ mẫu của Liên Hoa Bộ, xuất sanh bảy câu-chi (bảy ức) đức Thế Tôn, nên còn có danh xưng là Thất Câu Chi Phật Mẫu Chuẩn Đề. Ngài được tạc tượng dưới nhiều hình thức, từ hai tay, bốn tay, cho đến mười tám tay, nhưng hình tượng được thờ phổ biến nhất là mười tám tay (biểu thị mười tám pháp bất cộng). Ngoại trừ hai tay kết ấn Chuẩn Đề đặt trước ngực, các tay còn lại lần lượt cầm các món pháp khí hoặc kết ấn, nếu kể từ dưới lên, bên phải sẽ là kết ấn Thí Vô Úy, trí huệ kiếm, xâu chuỗi, thiên diệu quả (quả báu cõi trời), phủ việt (búa lệnh), thiết câu (móc sắt), kim cang xử, tràng hoa báu. Bên trái lần lượt là tràng báu Như Ý, hoa sen, tháo bình (bình xối để rửa tay), dây quyến sách (thòng lọng), pháp luân, pháp loa (ốc, tù và), hiền bình, rương kinh Bát Nhã. Mỗi món pháp khí đều có ý nghĩa biểu pháp. Chẳng hạn, thiên diệu quả có đến một vạn hạt, biểu thị chủng tử của vạn hạnh thiện pháp thành tựu viên mãn, phủ việt biểu thị sự chẻ tan, phá trừ hết thảy vô minh, chướng ngại, phiền não. Dây quyến sách trói bắt các ác ma, biểu thị sự hàng phục các tâm thái tham, sân, si, mạn của chúng sanh v.v…

[133] Trong tu học, người hành Thiền thường được dạy “tham thoại đầu”, nhưng ở đây lại nói bậc tri thức trong Thiền Tông dạy hành giả “trì thoại đầu” tức là niệm Phật, nói cách khác, nhà Thiền vẫn dạy hành nhân niệm Phật.