Không biết mình trong mộng ?

Người ở trong mộng, vừa làm quan, vừa phát tài, vừa có vợ đẹp, cảm thấy đời người rất là mỹ mãn, khi tỉnh dậy thì vẫn không có gì cả.

Khi chúng ta nằm mộng, chẳng biết là đang nằm mộng. Ở trong mộng, vừa thăng quan, vừa phát tài, vợ đẹp thiếp xinh, con cái đầy nhà, đời sống vinh hoa phú quý, hưởng thọ vui sướng, cảnh giới trong mộng như là thật, không biết rằng đó là mộng. Họ ở trong mộng rất là tuyệt vời, nếu có người nói với họ rằng: “Bạn đang nằm mộng! Đó chẳng phải là thật, đều là giả”, thì người đó nhất định không tin. Đợi khi họ tỉnh mộng rồi, chẳng cần ai nói với họ đó là mộng, họ cũng biết là đã nằm mộng. Cho nên nói thế gian giống như mộng, nhưng mộng chẳng phải là thế gian, cũng chẳng phải lìa thế gian, mộng cũng chẳng phải trời dục giới, cũng chẳng phải trời sắc giới, cũng chẳng phải trời vô sắc giới, vì nó là mộng, mộng chẳng sinh, cũng chẳng diệt. Cảnh giới của mộng chẳng phải nhiễm ô, chẳng phải thanh tịnh, nhưng có lúc ở trong mộng lạy Phật, tụng Kinh, ngồi thiền, đó là mộng thanh tịnh. Có lúc ở trong mộng nhảy đầm, uống rượu, ca hát, đó là mộng nhiễm ô, nhưng mộng đều có sự thị hiện.

Mộng có năm thứ:

  1. Vì thân thể không điều hoà, nếu khí nóng nhiều, thì ở trong mộng sẽ thấy lửa, hoặc mộng thấy màu đỏ.
  2. Nếu khí lạnh nhiều, thì ở trong mộng sẽ thấy nước, hoặc mộng thấy màu trắng.
  3. Nếu khí gió nhiều, thì ở trong mộng sẽ thấy bay, hoặc mộng thấy màu đen, đó là hiện tượng sinh lý.
  4. Lại mộng thấy sự việc, nhiều khi do suy nghĩ nhớ tưởng, do đó: “Ngày nghĩ việc gì, thì đêm nằm mộng thấy”.
  5. Hoặc dự cảm mộng, muốn khiến cho biết việc tương lai, do đó: “Dự điềm cảm ứng”. Năm thứ mộng này đều không sự thật, mà là vọng kiến.

Đời người một giấc mộng
Chết đi mộng một giấc
Trong mộng thấy giàu sang
Tỉnh mộng vẫn nghèo sơ.

Ngày ngày đang nằm mộng
Không biết đó là mộng
Trong mộng nếu không tỉnh
Uổng thay một giấc mộng.

Vì mộng chẳng có biến đổi, chẳng có tự tánh, do hư vọng mà sinh, hư vọng mà diệt. Nếu chấp trước mộng tốt, chấp trước mộng không tốt, sẽ sinh ra sự chấp trước. Mộng là lìa khỏi tự tánh, vì bản tánh của mộng là hư vọng, cho nên trong mộng hiện ra đều không thật tại. Mộng và mộng chẳng có sự phân biệt với nhau. Mộng là do tưởng phân biệt mà có, đến lúc mộng giác ngộ thì mới biết tất cả là vô thường, là hư vọng. Mộng chẳng giác ngộ, cảm thấy là chân thật, con người từ lúc sinh đến lúc chết, một đời hồ đồ, chẳng có tỉnh táo, nếu chẳng phải đang nằm mộng, vậy thì đang làm gì?

Người chân chánh minh bạch Phật pháp, thì đắc được đại trí huệ, lúc đó, trong mộng tỉnh dậy, quay đầu nhìn lại, thì con người tại thế gian nhiều khổ quá, khổ khổ não não, tranh tranh náo náo, một ngày đến tối, tuý sinh mộng tử, chẳng biết tu hành, đợi đến lúc sắp chết thì, thật là đáng thương xót

Bồ Tát liễu thế Pháp
Nhất thiết giai như mộng
Phi xứ phi vô xứ
Thể tánh hằng tịch diệt

Phật tử nên tu hành pháp môn như mộng nhẫn, cho nên biết tất cả đều như mộng. Nếu nói mộng là thật, vậy nó đang ở chỗ nào? Chẳng có một chỗ nào có thể tìm được nó. Nếu nói nó chẳng có chỗ nào, nhưng ở trong mộng giống như có chỗ, tự nhiên hiện ra cảnh giới. Phải biết rõ thể tánh của mộng là hằng thường tịch diệt, tức cũng là bổn lai chẳng có.

Cảnh giới của mộng là không chân thật, cho nên đừng chấp trước, nhưng có lúc ở trong mộng có thể biết trước sự việc tương lai sẽ xảy ra, đây là mộng biết trước, vấn đề này sẽ nói sau. Hiện tại đang nói về mộng hư vọng không thật, do đó: “Đời người như mộng”, nếu nhìn đời người như mộng không chân thật, thì còn có gì để lưu luyến? Lại còn có gì để chấp trước? Lại còn có gì mà nhìn không thấu? Lại còn có gì buông xả chẳng đặng?

Cảnh giới của mộng, nắm bắt không thể được, xả bỏ không thể được. Muốn đem mộng ra nhìn xem, chẳng thể đem ra được. Muốn đừng nằm mộng cũng không được. Tuy nhiên mộng là giả, nhưng hay khiến cho tâm của bạn lay động. Hiện tại chúng ta đang nằm mộng, nhưng mình không tin đang nằm mộng. Như có người nói:
– “Ông ơi! Ông đang nằm mộng!”
Lúc đó bạn tuyệt đối không tin, bèn nói:
– “Tôi đang làm việc kiếm tiền, tôi đi học để có kiến thức. Những gì tôi làm đều là chân thật, sao lại nói tôi đang nằm mộng”. Đợi khi bạn tỉnh mộng, không cần người khác nói bạn đang nằm mộng, thì chính bạn cũng biết là đang nằm mộng.

Mộng này khi nào mới có thể tỉnh? Khi bạn tu hành, tu đến chỗ chẳng còn sự chấp trước, chẳng còn vô minh, chẳng còn vọng tưởng, chẳng còn phiền não, thì lúc đó bắt đầu tỉnh, quay đầu nhìn lại, nguyên lai là đang nằm mộng ban ngày! Do đó:
“Biển khổ vô biên, quay đầu là bờ”!
Đời người trước khi giác ngộ, đều là đang nằm mộng ban ngày. Có người nói với bạn, bạn sẽ không tin. Đợi khi bạn tỉnh, không có ai nói với bạn, thì bạn cũng sẽ tin. Chúng ta người tu đạo, tức là tu giác ngộ. Giác ngộ rồi, thì sẽ hiểu tất cả đều như mộng. Lúc đó, không còn điên đảo, không còn tham luyến vui năm dục hồng trần. Tất cả đều nhìn thủng, buông xả đặng, minh tâm kiến tánh, tức thân thành Phật.

 

Chư Pháp vô phân biệt,
Như mộng bất dị tâm,
Tam thế chư thế gian,
Nhất thiết tất như thị.

Tất cả các pháp đều không phân biệt, giống như mộng, chẳng có hai dạng. Tất cả thế gian trong ba đời, hết thảy tất cả, đều giống như cảnh giới mộng, chẳng có thể tánh chẳng thật.

 

Mộng thể vô sanh diệt
Diệc vô hữu phương sở
Tam giới tất như thị
Kiến giả tâm giải thoát.

Bản thể của mộng là chẳng sinh chẳng diệt, cũng chẳng có phương nào và xứ sở nào. Dục giới, sắc giới, vô sắc giới, đều đang nằm mộng. Nếu có tư tưởng và kiến giải như vậy, thì thường trụ chân tâm, tánh tịnh minh thể, sẽ đắc được giải thoát, mà không bị sáu căn sáu trần lay chuyển.

Chúng ta nghe kinh phải chú ý, phải phân tích lý, mới có sự thọ dụng. Bằng không, bất cứ nghe bao nhiêu lần kinh, cũng không thể đắc được lợi ích của pháp. Giống như ở trước có nói: “Thai do tình mà có, noãn do tưởng mà sinh, thấp do hợp mà cảm, hoá nhờ ly mà ứng”. Cảnh giới này, tức là bị tình ái trói chặc, như thế thì sẽ không được tự tại. Biết rõ sự việc chẳng đúng, vẫn cứ đi làm, do đó: “Minh tri cố phạm”, hành vi này không thể tha thứ được.

Lão Tử nói: “Thiên hạ đều biết, điều tốt là tốt, mà vẫn làm ác”. Người thiên hạ đều biết tốt đẹp là tốt, nhưng chẳng làm điều tốt đẹp, mà đi làm việc ác. Lại nói: “Thiện là thiện, mà chẳng làm thiện”. Người thiên hạ đều biết việc thiện là tốt, nhưng chẳng chịu làm việc thiện. Đây là mao bệnh mà một số người hay phạm, biết rõ niệm Phật có thể vãng sinh về thế giới Cực Lạc phương tây, nhưng không chuyên tâm niệm Phật.

 

Mộng bất tại thế gian
Bất tại phi thế gian,
Thử nhị bất phân biệt,
Đắc nhập ư nhẫn địa.

Cảnh giới của mộng, tại thế gian tìm chẳng được. Nhưng lìa thế gian đi tìm mộng, cũng tìm chẳng được. Cho nên nói mộng cũng chẳng tại thế gian, cũng chẳng tại xuất thế gian. Hai sự tư tưởng này không cần phân biệt. Nếu có sự phân biệt, thì có thức tâm, có vọng tưởng, có sự chấp trước. Nếu chẳng có sự phân biệt, thì có trí huệ, được giải thoát, được tự tại, lúc đó bèn chứng nhập pháp môn như mộng nhẫn.

 

Thí như mộng trung kiến
Chủng chủng chư dị tướng,
Thế gian diệc như thị,
Dữ mộng vô sái biệt.

Ví như cảnh giới thấy ở trong mộng, hoặc là tướng đẹp, hoặc là tướng xấu, hoặc là tướng thiện, hoặc là tướng ác, có đủ thứ tướng khác nhau. Pháp thế gian cũng như thế, chẳng khác gì đối với mộng. Tức nhiên là như thế, còn phải chấp trước làm gì? Sao lại nhìn không thấu? Sao lại buông bỏ không đặng? Sao lại phải khổ não? Nói thẳng là tự mình làm phiền mình.

 

Trụ ư mộng định giả,
Liễu thế giai như mộng,
Phi đồng phi thị dị,
Phi nhất phi chủng chủng.

Thấu hiểu về mộng thì có thể trụ ở trong định mộng, thân ở trong mộng mà biết là mộng. Như vậy thì sẽ thấu hiểu tất cả pháp môn thế gian, đâu chẳng có gì mà không phải là mộng. Mộng và thế gian cũng chẳng phải giống nhau, cũng chẳng phải chẳng giống nhau. Cũng chẳng phải một, cũng chẳng phải nhiều. Tại sao phải nói như vậy? Vì dạy bạn đừng chấp trước. Cảnh giới của Kinh Hoa Nghiêm là viên dung vô ngại. Giống tức là khác, khác tức là giống; một tức là nhiều, nhiều tức là một.

 

Chúng sanh chư sát nghiệp,
Tạp nhiễm cập thanh tịnh,
Như thị tất liễu tri
Dữ mộng giai bình đẳng.

Chúng sinh do khởi hoặc, tạo nghiệp, thọ báo, cho nên có nghiệp nhiều như cõi nước hạt bụi. Có nghiệp tạp nhiễm, có nghiệp thanh tịnh. Bất cứ là nghiệp tạp nhiễm, hoặc là nghiệp thanh tịnh, Bồ Tát đều hoàn toàn thấu rõ biết được, với mộng là bình đẳng, chẳng có sự khác biệt.

Các vị thiện tri thức! Tức nhiên biết là mộng, tại sao mộng hoài không tỉnh? Còn mê mờ hồ đồ nằm mộng, phải hồi quang phản chiếu, tự hỏi mình: “Mỗi ngày những gì mình làm, là nghiệp tạp nhiễm nhiều? Hay là nghiệp thanh tịnh nhiều?” Có người nói: “Tôi ở trên thế giới này, nhận thức chẳng rõ ràng, không biết gì là nghiệp tạp nhiễm? Cũng không biết gì là nghiệp thanh tịnh”. Hiện tại hãy nói nó cho rõ ràng. Hằng ngày cứ vọng tưởng pháp tài sắc danh ăn ngủ năm dục, đó tức là nghiệp tạp nhiễm. Hằng ngày cứ tu hành pháp tín tấn niệm định huệ, đó tức là nghiệp thanh tịnh.

 

Bồ Tát sở hạnh hành
Cập dĩ chư đại nguyện,
Minh liễu giai như mộng,
Dữ thế diệc vô biệt.

Hạnh môn của Bồ Tát tu hành, và phát ra tất cả đại nguyện, thấu rõ biết được đều là mộng, chẳng có thật tại. Và tất cả pháp hữu vi thế gian, đều như nhau, cũng chẳng phân biệt. Phàm là có sự phân biệt, thì không thể nhẫn được.

 

Liễu thế giai không tịch,
Bất hoại ư thế Pháp,
Thí như mộng sở kiến,
Trường đoản đẳng chư sắc.

Tuy Bồ Tát biết rõ tất cả thế gian đều là không tịch, nhưng vẫn không hoại nơi pháp thế gian. Giống như những gì thấy trong mộng, có các sắc dài ngắn khác nhau.

 

Thị danh như mộng nhẫn,
Nhân thử liễu thế Pháp,
Tật thành vô ngại trí,
Quảng độ chư quần sanh.

Bởi nguyên nhân đó, cho nên gọi là như mộng nhẫn. Bồ Tát nhờ đó mà thấu hiểu pháp thế gian sớm sẽ thành tựu trí huệ vô ngại. Trí vô ngại tức là Phật trí, thông đạt cảnh giới tự tại. Có vô ngại trí rồi, thì mới rộng độ tất cả chúng sinh, khiến cho họ phát bồ đề tâm, tu vô thượng đạo.

Mười bài kệ ở trên là kệ như mộng nhẫn