Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Địa 3

Kinh Hoa Nghiêm

Đại Phương Quảng Phật

giảng giải

Phẩm Thứ 26

Hòa Thượng TUYÊN HÓA
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Ðịnh

— o0o —

Phẩm Thập Địa 3

Đệ Tam Địa – Phát Quang Địa

 

Phật tử đắc văn thử địa hạnh                         Phật tử được nghe công hạnh này
Bồ Tát cảnh giới nan tư nghị,                         Cảnh giới Bồ Tát khó nghĩ bàn
Mị bất cung kính tâm hoan hỉ,                       Thảy đều cung kính lòng hoan hỷ
Tán hoa không trung vi cúng dường,             Rải hoa hư không để cúng dường.

Giảng: Các vị Phật tử nghe được pháp môn tu hành Ly cấu địa, cùng với hết thảy đủ thứ cảnh giới của Bồ Tát Ly cấu địa, đây thật là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Chúng sinh chẳng có ai không cung kính, đều sinh khởi tâm đại hoan hỉ, do đó, ở trong hư không rải xuống các thứ hoa đẹp, để cúng dường chúng đại Bồ Tát trong pháp hội.

 

Tán ngôn: Thiện tai Đại sơn vương                Khen rằng: lành thay đấng Ðại Sĩ
Từ tâm mẫn niệm chư chúng sanh,                Lòng từ thương xót các chúng sanh
Thiện thuyết trí giả luật nghi Pháp                 Khéo nói luật nghi của trí giả
Đệ nhị địa trung chi hành tướng.                    Và hành tướng trong đệ nhị địa.

Giảng: Đại chúng trong pháp hội đều khen ngợi rằng : “Các vị đại Bồ Tát không thể nghĩ bàn ! Các Ngài vĩ đại giống như núi chúa Tu Di ! Các Ngài dùng tâm từ bi để thướng xót nhớ tưởng chúng sinh, pháp mà các Ngài nói với chúng sinh, đều là pháp của bậc Thánh có đủ đại trí huệ mới nói được. Như nhiếp thiện pháp giới, nhiếp luật nghi giới, nhiếp chúng sinh giới, ba thứ nhiếp tịnh giới nầy. Còn có pháp môn tu hành nên biết ở trong địa thứ hai, cùng với các phương pháp hành Bồ Tát đạo như thế nào ?”

 

Thị chư Bồ-tát vi diệu hạnh                            Ðây diệu hạnh của chư Bồ Tát
Chân thật vô dị vô sái biệt,                              Chơn thiệt không lạ không sai biệt.
Vi dục lợi ích chư quần sanh                           Vì muốn lợi ích các quần sanh
Như thị diễn thuyết tối thanh tịnh.                 Diễn nói như vậy rất thanh tịnh.

Giảng: Hạnh môn vi diệu của Bồ Tát tu hành, là chân thật chẳng có chút hư nguỵ nào, chẳng có thật tướng khác biệt nào. Vì muốn lợi ích tất cả chúng sinh, cho nên hiện tại diễn nói pháp môn chân đế rất thanh tịnh.

 

Nhất thiết nhân Thiên cung dưỡng giả           Tất cả Nhơn, Thiên đến cúng dường
Nguyện vi diễn thuyết đệ tam địa,                  Mong được nghe giảng đệ Tam địa
Dữ Pháp tướng ứng chư trí nghiệp,               Những trí hạnh cùng pháp tương ưng
Như kỳ cảnh giới hy cụ xiển!                           Cảnh giới như vậy mong nói đủ.

Giảng: Các Bồ Tát được tất cả phàm phu và chư Thiên cúng dường, xin Ngài Bồ Tát Kim Cang Tạng, tiếp tục nói pháp môn tu học của địa thứ ba, cùng với Phật pháp tương ưng, trí huệ đạo nghiệp tối thượng, và cảnh giới chứng nhập địa thứ ba. Xin Ngài diễn nói rõ ràng, cụ thể, để cho đại chúng lắng nghe.

 

Đại tiên sở hữu thí giới pháp,                          Phật có tất cả pháp: thí, giới,
Nhẫn nhục tinh tấn thiền trí tuệ,                    Nhẫn nhục, tinh tấn, thiền, trí huệ.
Cập dĩ phương tiện từ bi đạo,                         Cùng với phương tiện đạo từ bi
Phật thanh tịnh hạnh nguyện giai thuyết!      Phật hạnh thanh tịnh xin nói hết.

Giảng: Đức Phật viên mãn : Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, các pháp môn Ba la mật, cùng với phương tiện từ, bi, hỉ, xả, Phật đạo vô thượng, và phạm hạnh thanh tịnh của Phật, nguyện lực không thể nghĩ bàn .v.v… đều thỉnh cầu Ngài – Bồ Tát Kim Cang Tạng vì chúng tôi nói rõ.

 

Giải thoát nguyệt phục thỉnh ngôn:               Giải Thoát Nguyệt Bồ Tát lại thưa:
Vô úy đại sĩ Kim Cương tạng,                         Mong Kim Cang Tạng đại Bồ Tát
Nguyện thuyết thú nhập đệ tam địa               Giảng nói tiến vào đệ Tam địa
Nhu hòa tâm giả chư công đức!                      Tất cả công đức của bực này.

Giảng: Lúc đó, Bồ Tát Giải Thoát Nguyệt lại đại biểu cho đại chúng pháp hội, hướng về Bồ Tát Kim Cang Tạng thỉnh pháp : Bồ Tát Kim Cang Tạng đại vô úy ! Đại Sĩ Kim Cang Tạng đầy đủ tâm từ bi, tâm nhu hoà, tích tụ đủ thứ căn lành công đức ! Chúng tôi đều cầu mong Ngài vì đại chúng diễn nói, phải tu hành như thế nào mới có thể chứng nhập vào quả vị địa thứ ba ?

 

Nhĩ thời, Kim Cương tạng Bồ Tát cáo giải thoát nguyệt Bồ Tát ngôn:  Phật tử! Bồ-Tát Ma-ha-tát dĩ tịnh đệ nhị địa, dục nhập đệ tam địa, đương khởi thập chủng thâm tâm. Hà đẳng vi thập? sở vị: thanh tịnh tâm, an trụ tâm, yếm xả tâm, ly tham tâm, bất thoái tâm, kiên cố tâm, minh thịnh tâm, dũng mãnh tâm, quảng tâm, Đại tâm. Bồ Tát dĩ thị thập tâm, đắc nhập đệ tam địa.

Bấy giờ, Bồ Tát Kim Cang Tạng bảo Bồ Tát Giải Thoát Nguyệt rằng : Phật tử ! Đại Bồ Tát đã tịnh Địa thứ hai, muốn vào Địa thứ ba, phải khởi mười thứ tâm thâm sâu. Những gì là mười ?
Đó là : Tâm thanh tịnh, tâm an trụ, tâm nhàm xả, tâm lìa tham, tâm bất thối, tâm kiên cố, tâm minh thạnh, tâm dũng mãnh, tâm rộng, tâm lớn. Bồ Tát nhờ mười tâm nầy vào được Địa thứ ba.

Giảng: Lúc đó, Bồ Tát Kim Cang Tạng bèn bảo Bồ Tát Giải Thoát Nguyệt và các vị Bồ Tát nói : “Các vị đại đệ tử của Phật ! Đại Bồ Tát tu hành Bồ Tát đạo tích tập đủ thứ căn lành, các Ngài đã tịnh trị địa thứ hai, như nay muốn tiếp tục tu học địa thứ ba, thì phải phát mười thứ tâm thâm sâu. Tâm thâm sâu tức là phát tâm thâm nhập hơn so với trước, cầu Phật pháp cao sâu hơn, trồng Phật nhân căn lành lớn hơn, phát tâm tin kiên cố hơn. Mười thứ tâm thâm sâu là :

1. Tâm thanh tịnh : Chân tâm chánh tri chánh kiến, chẳng có ô nhiễm.

2. Tâm an trụ : Tức là chẳng bị cảnh giới chuyển tâm tin, chẳng bị ngoại đạo dụ hoặc mà lay động.

3. Tâm nhàm xả : Nhàm lìa tâm tham nhiễm.

4. Tâm lìa tham : Tức nhiên đã sinh nhàm chán đối với tâm tham dục tạp nhiễm, thì hẳn nhiên xả bỏ lìa khỏi hẳn tâm nhiễm ô bất tịnh.

5. Tâm bất thối : Tâm siêng cầu Phật đạo, tinh tấn tu học, vĩnh viễn không thối chuyển.

6. Tâm kiên cố : Tâm tin kiên cố, chắc chắn không nghi ngờ đối với pháp của Phật nói, không sinh tơ hào sự hoài nghi.

7. Tâm minh thạnh : Tâm có trí huệ thông minh, hay tinh tấn chuyên cần hướng thượng, chẳng có ngu si và vô minh.

8. Tâm dũng mãnh : Tâm dũng mãnh tinh tấn, tơ hào không thối lùi.

9. Tâm rộng : Tâm rộng rãi hay bao dung người nhường người, và cung kính khiêm hoà.

10. Tâm lớn : Có tâm nguyện lớn, tâm từ bi xả mình vì người, cứu người độ đời, phát tâm tu học Phật pháp đại thừa, độ khắp tất cả chúng sinh. Bồ Tát phát mười thứ tâm thâm sâu nầy, sẽ tiến vào địa thứ ba.

 

Phật tử! Bồ-Tát Ma-ha-tát trụ đệ tam địa dĩ, quán nhất thiết hữu vi pháp như thật tướng. sở vị: vô thường, khổ, bất tịnh, bất an ẩn, bại hoại, bất cửu trụ, sát-na sanh diệt, phi tùng tiền tế sanh, phi hướng hậu tế khứ, phi ư hiện tại trụ.

Phật tử ! Đại Bồ Tát trụ Địa thứ ba rồi, quán tất cả pháp hữu vi như thật tướng. Đó là : Vô thường, khổ, bất tịnh, không an ổn, bại hoại, không trụ lâu, sát na sinh diệt, chẳng theo phía trước sinh, chẳng hướng phía sau diệt, chẳng trụ ở hiện tại.

Giảng: Các vị đại đệ tử của Phật ! Đại Bồ Tát đã chứng nhập vào địa thứ ba rồi, nương theo pháp của đức Phật dạy tu học, quán sát tất cả pháp hữu vi – tức là tất cả pháp thế gian vận tác, đều trái với tướng chân như thật tướng. Tất cả sự vật thế gian đều vô thường, sinh diệt biến hoá, hư nguỵ không có chủ. Phàm phu suốt ngày lao tâm mệt sức, chạy theo truy cầu, đều thống khổ mà không thể đắc được khoái lạc chân thật. Tất cả đều là nhiễm ô, không thanh tịnh, không an ổn, phiêu bạt vô định, chẳng có nơi nào có thể lưu lại lâu dài. Tất cả sự vật, chẳng có thứ gì trụ lâu mà không hoại. Do đó “Người có hưng suy, vật có bại hoại”, vạn sự vạn vật không thể trụ tồn tại vĩnh viễn, càng không thể trụ lâu dài.

Khoảnh khắc sinh ra, khoảnh khắc liền tiêu diệt, đó gọi là “sát na sinh diệt”. “Chẳng theo phía trước sinh, chẳng hướng phía sau diệt, chẳng trụ ở hiện tại”, là chỉ pháp hữu vi mà nói, nói rõ phía trước (là đã sinh) phía sau (tương lai liền diệt), đều là đoạn tuyệt mà không thường trụ. Nhìn từ góc độ thô cạn, thì vì có trước sau liên tục. Trên thật tế pháp hữu vi tựa hồ vĩnh viễn không đoạn tuyệt : Phía trước là phía trước, phía sau là phía sau. Chưa từng theo phía trước sinh, cũng không cách chi hướng về phía sau diệt, càng không thể trụ lại ở hiện tại. Đó gọi là ba đời duyên sinh, đều là biến đổi sinh diệt vô thường, tức là đạo lý nầy.

 

Hựu quán thử pháp vô cứu, vô y, dữ ưu, dữ bi, khổ não đồng trụ, ái tăng sở hệ, sầu Thích chuyển đa, vô hữu đình tích, tham, nhuế, si hỏa sí nhiên bất tức, chúng hoạn sở triền, nhật dạ tăng trưởng, như huyễn bất thật.

Kiến như thị dĩ, ư nhất thiết hữu vi bội tăng yếm ly, thú Phật trí tuệ, kiến Phật trí tuệ bất khả tư nghị, vô đẳng vô lượng, nan đắc vô tạp, vô não Vô ưu, chí vô úy thành, bất phục thoái hoàn, năng cứu vô lượng khổ nạn chúng sanh.

Lại quán pháp nầy không thể cứu, không chỗ nương, ở chung với lo, buồn, khổ não, ràng buộc với thương ghét, sầu thảm càng nhiều, không lúc nào ngừng tích tụ. Lửa tham sân si thiêu đốt không ngừng, các hoạn nạn trói buộc, ngày đêm tăng trưởng, như huyễn không thật.

Thấy như vậy rồi, nơi tất cả hữu vi càng thêm nhàm lìa, hướng về trí huệ của Phật. Thấy trí huệ của Phật không thể nghĩ bàn, không gì bằng, vô lượng, khó được, không tạp, không não, không lo, đến được thành không sợ hãi, không lùi lại nữa, hay cứu vô lượng chúng sinh khổ nạn.

Giảng: Chứng nhập vào địa thứ ba – Bồ Tát Phát quang địa, lại tiếp tục quán sát tất cả pháp hữu vi thế gian, đều là vô thường; không thể cứu người thoát khỏi sinh già bệnh chết, trong quá trình sinh tồn càng không thể khiến cho con người có chỗ nương tựa. Năm dài tháng nhiều đều ở chung với lo lắng, đau buồn, gian khổ, phiền não. Thương và ghét ràng buộc với nhau, khiến cho con người buồn lo, chẳng có lúc nào ngừng tích tập. Lửa vô minh tham dục, sân hận, ngu si thiêu đốt không ngừng. Chúng sinh bị những thứ nầy trói buộc, thống khổ ngày đêm tăng trưởng. Kỳ thật, những thứ phiền não, khổ độc nầy đều do tâm tạo, do nghiệp lực chiêu cảm, như huyễn, như hoá, chẳng có chân thật.

Bồ Tát quán sát những cảnh giới nầy rồi, đối với tất cả pháp hữu vi thế gian, càng sinh khởi tâm nhàm chán xa lìa, mà hướng về cầu trí huệ thù thắng của Phật. Bồ Tát biết rõ trí huệ của Phật không thể dùng tư tưởng của phàm phu để dò được, trí thế gian không thể bằng được, không cách chi tư lường được, càng không dễ gì đắc được. Trí huệ của Phật thanh tịnh không tạp nhiễm, thanh lương tự tại không có nhiệt não, không có sầu lo, chỉ có thường lạc. Như vậy đến được cảnh giới không sợ hãi, thì vĩnh viễn không còn thối lùi vào dòng sinh tử nữa. Không trụ sinh tử, mà hay cứu độ vô lượng chúng sinh khổ nạn, làm đại Phật sự, chuyển nghiệp quá pháp hữu vi thành vô vi.

 

Bồ Tát như thị kiến Như Lai trí tuệ vô lượng lợi ích, kiến nhất thiết hữu vi vô lượng quá hoạn, tức ư nhất thiết chúng sanh sanh thập chủng ai mẩn tâm.

Hà đẳng vi thập? sở vị: kiến chư chúng sanh cô độc vô y, sanh ai mẩn tâm. kiến chư chúng sanh bần cùng khốn phạp, sanh ai mẩn tâm. kiến chư chúng sanh tam độc hỏa nhiên, sanh ai mẩn tâm. kiến chư chúng sanh chư hữu lao ngục chi sở cấm bế, sanh ai mẩn tâm. kiến chư chúng sanh phiền não trù lâm hằng sở phước chướng, sanh ai mẩn tâm. kiến chư chúng sanh bất thiện quan sát, sanh ai mẩn tâm. kiến chư chúng sanh vô thiện pháp dục, sanh ai mẩn tâm. kiến chư chúng sanh thất chư Phật Pháp, sanh ai mẩn tâm. kiến chư chúng sanh tùy sanh tử lưu, sanh ai mẩn tâm. kiến chư chúng sanh thất giải thoát phương tiện, sanh ai mẩn tâm. Thị vi thập.

Bồ Tát thấy trí huệ Như Lai vô lượng lợi ích, thấy tất cả hữu vi vô lượng tội lỗi hoạn nạn như vậy, liền ở nơi tất cả chúng sinh, sinh ra mười thứ tâm thương xót. Những gì là mười ?

Đó là : Thấy các chúng sinh cô độc không chỗ nương tựa, mà sinh tâm thương xót. Thấy các chúng sinh bần cùng khốn khổ thiếu thốn, mà sinh tâm thương xót. Thấy các chúng sinh bị ba độc thiêu đốt, mà sinh tâm thương xót. Thấy các chúng sinh bị giam nhốt ở trong lao ngục các cõi, mà sinh tâm thương xót. Thấy các chúng sinh luôn bị che lấp chướng ngại trong rừng rậm phiền não, mà sinh tâm thương xót. Thấy các chúng sinh không khéo quán sát, mà sinh tâm thương xót. Thấy các chúng sinh không ưa thích pháp lành, mà sinh tâm thương xót. Thấy các chúng sinh mất đi các Phật pháp, mà sinh tâm thương xót. Thấy các chúng sinh theo dòng sinh tử, mà sinh tâm thương xót. Thấy các chúng sinh mất phương tiện giải thoát, mà sinh tâm thương xót. Đó là mười.

Giảng: Bồ Tát nghĩ như vầy : Trí huệ của Như Lai đối với chúng sinh có vô lượng đại lợi ích. Tất cả pháp hữu vi thế gian đối với chúng sinh, có vô lượng tội ác, khiến cho chúng sinh thọ hoạ hoạn, vì nó không cứu kính, nhiễm ô. Do đó, Bồ Tát đối với tất cả chúng sinh, sinh ra mười thứ tâm thương xót. Những gì là mười ?

1. Nhìn thấy tất cả chúng sinh đều cô độc, xa lìa Phật và sự giáo hoá của Phật, trong tâm chẳng có chỗ nương tựa, mà sinh tâm thương xót.
2. Thấy chúng sinh tham cầu không nhàm chán, mà đắc được chỉ là bần cùng khốn khổ, do đó mà sinh tâm thương xót.
3. Bồ Tát nhìn thấy chúng sinh bị ba độc – tham, sân, si, lửa độc vô minh thiêu đốt làm cho điên đảo, chỉ biết muốn nhiều ham nhiều, mà sinh tâm thương xót.
4. Bồ Tát nhìn thấy chúng sinh sinh mạng của họ có tham, có lậu, sinh tử liên tục, mà các cõi tam giới giống như lao ngục, nhốt họ tơ hào không được tự do, càng không có cách gì được giải thoát, Bồ Tát do đó mà sinh tâm thương xót.
5. Bồ Tát lại nhìn thấy chúng sinh luôn luôn bị chướng ngại che đậy trong rừng rậm phiền não, không thể thoát ra khỏi được, mà sinh tâm thương xót.
6. Bồ Tát nhìn thấy chúng sinh không biết quán sát phân biệt thiện ác, chẳng có thiện tri thức hướng dẫn, càng chẳng có cơ duyên nghe pháp, do vậy mà sinh tâm thương xót.
7. Bồ Tát nhìn thấy chúng sinh chẳng có chí nguyện tu học pháp lành, do đó mà sinh tâm thương xót.
8. Bồ Tát nhìn thấy chúng sinh chẳng biết quay về nương tựa Phật pháp, mất đi cơ hội thọ Phật giáo hoá, mà sinh tâm thương xót.
9. Bồ Tát nhìn thấy chúng sinh theo dòng nghiệp sinh tử, luân hồi trong sáu nẻo không ngừng, mà sinh tâm thương xót.
10. Bồ Tát nhìn thấy chúng sinh chẳng biết tìm cầu Phật pháp, chứng được bồ đề, càng không thể được tự tại rốt ráo, chỉ luôn chạy theo dòng sinh tử biến đổi, gặp tà kiến tri thức, mất đi hạnh tin chánh tri chánh kiến, và mất đi pháp môn phương tiện giải thoát, do đó mà sinh tâm đại thương xót. Đó là mười thứ tâm thương xót của Bồ Tát trụ Phát quang địa, phát sinh đối với tất cả chúng sinh.

 

Bồ Tát như thị kiến chúng sanh giới vô lượng khổ não, phát đại tinh tấn, tác thị niệm ngôn: thử đẳng chúng sanh, ngã ưng cứu, ngã ưng thoát, ngã ưng tịnh, ngã ưng độ. ưng trước thiện xứ, ưng lệnh an trụ, ưng lệnh hoan hỉ, ưng lệnh tri kiến, ưng lệnh điều phục, ưng lệnh Niết-Bàn.

Bồ Tát thấy cõi chúng sinh vô lượng khổ não như vậy, phát sinh mười đại tinh tấn, bèn nghĩ như vầy : Những chúng sinh nầy tôi phải cứu, tôi phải giải thoát, tôi phải thanh tịnh, tôi phải độ, tôi phải đặt họ nơi an lành, phải khiến cho họ an trụ, phải khiến cho họ hoan hỉ, phải khiến cho họ có tri kiến, phải khiến cho họ được điều phục, phải khiến cho họ được Niết Bàn.

Giảng: Bồ Tát thấy cõi chúng sinh, có nhiều khổ não như vậy, bèn phát tâm dũng mãnh, tinh tấn tu học Phật đạo, phát ra mười đại tinh tấn :

1. Tôi nhất định phải cứu họ ở trong sự cô độc khổ sở, khiến cho họ trên nương từ tôn, dưới lợi hàm thức.

2. Phải khiến cho họ giải thoát ra khỏi bần cùng khốn khổ, làm cho họ biết đủ, và lìa bỏ tâm tham dục.

3. Tôi phải khiến cho họ thấu rõ phương pháp tịnh trị ba độc, làm cho họ đạt đến nơi mát mẻ.

4. Tôi phải tiếp dẫn họ thoát khỏi sự ám chướng dày đặc, thấy được ánh sáng quang minh.

5. Tôi phải cứu họ ra khỏi lao ngục sinh tử, khiến cho họ diệt trừ được lửa độc tham, sân, si, từ bỏ tất cả quả khổ, được chân chánh thanh tịnh.

6. Tôi phải hướng dẫn họ biết rõ thị phi, bỏ ác theo thiện, khiến cho họ an trụ lâu dài ở trong thế giới của Phật giáo hoá.

7. Khiến cho họ đắc được khoái lạc chân thật.

8. Khiến cho họ xả bỏ tất cả tập khí ác thuở xưa, mà đắc được chánh tri chánh kiến.

9. Khiến cho họ thân tâm được điều phục, phát tâm đại thừa cầu vô thượng bồ đề.

10. Khiến cho họ đắc được phương tiện giải thoát, cùng với vui Niết Bàn tịch tĩnh.

 

Bồ Tát như thị yếm ly nhất thiết hữu vi, như thị mẫn niệm nhất thiết chúng sanh, tri nhất thiết trí trí hữu thắng lợi ích, dục y Như Lai trí tuệ cứu độ chúng sanh. Tác thị tư tánh: thử chư chúng sanh đọa tại phiền não đại khổ chi trung, dĩ hà phương tiện nhi năng bạt tế, lệnh trụ cứu cánh Niết Bàn chi lạc?

Bồ Tát nhàm lìa tất cả pháp hữu vi như vậy, thương xót tất cả chúng sinh như vậy, biết trí Nhất thiết trí thù thắng lợi ích. Muốn nương vào trí huệ Như Lai để cứu độ chúng sinh. Bồ Tát suy nghĩ : Các chúng sinh đó, đoạ ở trong khổ lớn phiền não, dùng phương tiện gì để được cứu độ, khiến cho họ trụ nơi an vui Niết Bàn rốt ráo !

Giảng: Bồ Tát thấy tất cả pháp hữu vi trên thế gian, đều đầy dẫy tội ác, tà kiến, cho nên Ngài từ bỏ pháp thế gian. Nhưng Bồ Tát không lo cho riêng mình. Ngài nghĩ đến chúng sinh tối tăm vô tri, bèn sinh tâm từ bi thương xót chúng sinh. Ngài biết chỉ có Phật pháp, mới có đủ công đức thù thắng, mới có thể ban cho chúng sinh lợi ích đặc biệt nhất. Ngài bèn nương tựa vào Phật pháp, dùng trí huệ tối thượng của Phật, để cứu độ hết thảy chúng sinh trong sáu nẻo. Ngài lại suy nghĩ như vầy : “Những chúng sinh nầy, đã bị đoạ vào trong biển khổ lớn của phiền não, tôi phải dùng pháp môn phương tiện nào để cứu độ họ ? Mới có thể khiến cho những chúng sinh đó đắc được an vui Niết Bàn chân thật viên mãn rốt ráo ?”

 

Tiện tác thị niệm: dục độ chúng sanh lệnh trụ Niết-Bàn, bất ly vô chướng ngại giải thoát trí. Vô chướng ngại giải thoát trí, bất ly nhất thiết pháp như thật giác. Nhất thiết pháp như thật giác, bất ly vô hành vô sanh hạnh tuệ quang. Vô hành vô sanh hạnh tuệ quang, bất ly Thiền thiện xảo quyết định quan sát trí. Thiền thiện xảo quyết định quan sát trí, bất ly thiện xảo đa văn.

Bồ Tát như thị quan sát liễu tri dĩ, bội ư chánh pháp cần cầu tu tập, nhật dạ duy nguyện văn Pháp, hỉ Pháp, lạc Pháp, y Pháp, tùy pháp, giải Pháp, thuận Pháp, đáo Pháp, trụ pháp, hành Pháp.

Bồ Tát bèn nghĩ : Muốn độ chúng sinh khiến cho họ trụ Niết Bàn, không lìa trí giải thoát vô chướng ngại. Trí giải thoát vô chướng ngại, không lìa tất cả pháp giác ngộ như thật. Tất cả pháp giác ngộ như thật, không lìa khéo léo đa văn.

Bồ Tát quán sát biết như vậy rồi, đối với chánh pháp càng thêm siêng năng tu tập. Ngày đêm chỉ muốn nghe pháp, vui với pháp, ưa thích pháp, nương theo pháp, tuỳ thuộc vào pháp, hiểu rõ pháp, thuận theo pháp, đến với pháp, trụ nơi pháp, hành theo pháp.

Giảng: Bồ Tát lại nghĩ như vầy : “Nếu muốn độ những chúng sinh nầy, khiến cho họ trụ ở trong lý thể thật tế Niết Bàn, phải giáo hoá họ minh bạch trí huệ giải thoát không chướng ngại, mới chân chánh lìa khổ được vui. Muốn thấu rõ trí huệ giải thoát không chướng ngại, thì không thể lìa khỏi tất cả pháp của Phật nói ; đối với pháp của Phật nói, phải biết như thật, giác như thật, hành như thật, mới có thể lìa tất cả khổ, mới có thể bỏ mê về giác, hưởng tất cả khoái lạc chân thật. Chân chánh biết tất cả pháp như thật, giác như thật, hành như thật, thì không thể lìa khỏi Phật pháp, tu học tất cả hạnh môn và còn phải chứng được cảnh giới thanh tịnh vô sinh pháp nhẫn, mới có thể phát ra ánh sáng trí huệ. Ánh sáng trí huệ vô sinh nầy, là từ công phu thiền định mà ra, từ không chấp trước nương tựa, ra vào trong định huệ vô ngại mà đắc được. Dùng trí huệ nầy, quán sát tất cả lý sự thế xuất thế gian. Diệu quán sát trí tự tại nầy, không thể lìa khỏi đa văn. Ý nghĩa khéo léo đa văn, nghĩa là không chấp lấy tướng nghe. Chỉ có đa văn mới có thể phát trí huệ thù thắng giống như Phật”. Bồ Tát suy nghĩ như vậy, quán tưởng thấu rõ như vậy rồi, càng tăng thêm nỗ lực, dũng mãnh tinh tấn, chuyên cần tu học chánh pháp của Phật nói. Chỉ nguyện được nghe Phật pháp, được nghe rồi hoan hỉ đặc biệt. Nương theo pháp tu hành, tuỳ thuận Phật pháp, độ tất cả chúng sinh. Thấu rõ Phật pháp, dùng để giáo hoá tất cả chúng sinh. Thuận theo các pháp thật tướng, đạt đến pháp rốt ráo bờ bên kia, trụ pháp Niết Bàn, hành pháp vô uý.

 

Bồ Tát như thị cần cầu Phật Pháp, sở hữu trân tài giai vô lận tích, bất kiến hữu vật nan đắc khả trọng, đãn ư năng thuyết Phật Pháp chi nhân sanh nan tao tưởng. Thị cố, Bồ Tát ư nội ngoại tài, vi cầu Phật Pháp tất năng xả thí. Vô hữu cung kính nhi bất năng hành, vô hữu kiêu mạn nhi bất năng xả, vô hữu thừa sự nhi bất năng tác, vô hữu cần khổ nhi bất năng thọ.

Nhược văn nhất cú vị tằng văn Pháp, sanh đại hoan hỉ, thắng đắc tam thiên đại thiên thế giới mãn trung trân bảo.

Bồ Tát siêng cầu Phật pháp như vậy, hết thảy châu báu tiền tài đều không sẻn tiếc. Không thấy có vật nào quý giá khó có được, chỉ có thể nói Phật pháp đối với người sinh ý tưởng khó gặp. Do đó, Bồ Tát đối với nội ngoại tài, vì cầu Phật pháp, đều xả thí được. Không có sự cung kính nào mà không làm được, không có sự kiêu mạn nào mà không xả được, không có thừa sự nào mà không làm được, không có sự cần khổ nào mà không thọ được.

Nếu nghe một câu pháp nào mà chưa từng nghe, bèn sinh đại hoan hỉ, còn hơn là trong ba ngàn đại thiên thế giới đầy dẫy châu báu.

Giảng: Bồ Tát tinh tấn siêng năng như vậy, thâm nhập nghiên cứu Phật pháp, đối với vật ngoài thân và hết thảy tất cả châu báu tiền tài quý giá, chẳng có một chút gì mà không xả bỏ được. Ngài tự nghĩ như vầy : “Trên thế gian chẳng có một vật gì quý giá, chẳng có một vật gì khó tìm khó cầu, chỉ có người giảng chánh pháp của Phật, mới khó gặp khó thấy”. Cho nên Bồ Tát vì cầu Phật pháp vô thượng, đối với nội tài (đầu mắt tuỷ não), ngoại tài (đất nước, vợ con, châu báu) của mình, đều rộng thực hành bố thí tờ hào không giữ lại. Ngài rất cung kính đối với chư Phật, không có cử chỉ hành động nào không thành khẩn, biết thời biết phận. Đối với bất cứ người nào cũng đều không có chút tâm kiêu ngạo tự cao tự đại, tuỳ thời đều hoà nhan duyệt sắc. Cúng dường thừa sự chư Phật, chưa từng nói là khổ sở, hoặc một lời oán trách nào. Cũng chưa từng nói có việc gì đó làm không được; bất cứ việc gì lớn nhỏ thô tế, đều đích thân đi làm không giải đãi. Nếu như nghe được một câu Phật pháp, mà trước kia chưa từng nghe qua, thì Ngài rất hoan hỉ mãn nguyện vô cùng, còn hơn là đắc được ba ngàn thế giới đầy dẫy châu báu.

 

Nhược văn nhất kệ vị văn chánh Pháp, sanh đại hoan hỉ, thắng đắc Chuyển luân Thánh Vương vị. Nhược đắc nhất kệ vị tằng văn Pháp, năng tịnh Bồ Tát hạnh, thắng đắc đế Thích Phạm Vương vị trụ vô lượng bách thiên kiếp.

Nhược hữu nhân ngôn: Ngã hữu nhất cú Phật sở thuyết pháp, năng tịnh Bồ Tát hạnh. Nhữ kim nhược năng nhập Đại hỏa khanh, thọ cực đại khổ, đương dĩ tướng dữ.

Bồ Tát nhĩ thời tác như thị niệm: Ngã dĩ nhất cú Phật sở thuyết pháp, tịnh Bồ Tát hạnh cố, giả sử tam thiên đại thiên thế giới Đại hỏa mãn trung, thượng dục tùng ư phạm thiên chi thượng đầu thân nhi hạ, thân tự thọ thủ, huống tiểu hỏa khanh nhi bất năng nhập! nhiên ngã kim giả vi cầu Phật Pháp, ưng thọ nhất thiết địa ngục chúng khổ, hà huống nhân trung chư tiểu khổ não!

Nếu nghe một bài kệ chánh pháp chưa từng nghe, Bồ Tát sinh tâm đại hoan hỉ, còn hơn là được ngôi Chuyển luân thánh vương. Nếu được nghe một bài kệ mà chưa từng nghe, mà có thể thanh tịnh Bồ Tát hạnh, còn hơn được ngôi Đế Thích Phạm Vương, trụ vô lượng trăm ngàn kiếp.

Nếu có người nói : Tôi có một câu pháp của Phật nói, có thể thanh tịnh Bồ Tát hạnh, nếu Ngài có thể vào hầm lửa lớn thọ khổ, thì tôi sẽ cho Ngài.

Bấy giờ, Bồ Tát nghĩ như vầy : Tôi nhờ một câu pháp của Phật nói, để thanh tịnh Bồ Tát hạnh. Giả sử trong ba ngàn đại thiên thế giới đầy lửa lớn, tôi còn muốn từ cõi trời Phạm Thiên nhảy xuống, để lấy bài kệ, hà huống là hầm lửa nhỏ mà không vào được. Hiện tại tôi vì cầu Phật pháp, phải thọ tất cả các sự khổ địa ngục, hà huống các khổ não nhỏ trong thế gian.

Giảng: Giả sử được nghe một bài kệ chánh pháp mà trước kia chưa từng nghe. Bài kệ có câu chữ nhất định : Bốn câu làm một bài kệ, mỗi câu bốn chữ, năm chữ, hoặc bảy chữ .v.v… không giống nhau. Bài kệ có lúc dùng để thuật lại những gì đã nói ở trước, đúc kết lại ý nghĩa đã nói ở trước. Có lúc, dùng để khen ngợi đức hạnh của bậc Thánh nhân. Trong tâm Bồ Tát lập tức sinh khởi tâm đại hoan hỉ, sự hoan hỉ đó còn vui mừng hơn là được ngôi Chuyển luân thánh vương. Giả sử được một bài kệ mà trước kia chưa từng nghe qua, có thể trợ giúp thấu hiểu nghĩa lý trong quá khứ chưa từng hiểu biết, khiến cho minh bạch chân chánh; hoặc trợ giúp thanh tịnh hạnh của Bồ Tát tu, khiến cho hạnh giải viên mãn, thì lúc đó trong tâm Bồ Tát rất vui mừng, còn hơn là được ngôi Đế Thích Phạm Vương. Dù Đế Thích Phạm Vương có thể hưởng phước báo vô lượng trăm ngàn kiếp, Bồ Tát thà bỏ ngôi Đế Thích Phạm Vương để nghe chánh pháp.

Các vị có cơ hội nghe Phật pháp, đây là điều khó được, đều do trong đời quá khứ đã trồng xuống hạt giống căn lành. Dù đã may mắn được nghe Phật pháp, vẫn còn phải biết thọ dụng như thế nào; hay thọ dụng được giống như uống được cam lồ, nếm được thức ăn ngon; nếu không thọ dụng được, sẽ cảm giác thiếu mùi vị, thậm chí cảm giác mệt mỏi nhàm chán. Đây có nghĩa là hằng ngày nghe, cũng không biết thế nào là Phật pháp chân chánh ? Không biết sự quý giá và diệu dụng của Phật pháp, cũng giống như không nghe. Bồ Tát xem nhẹ tiền tài, xả bỏ ngôi vua, mà kính Phật trọng pháp. Nếu có người nói : “Tôi có một câu pháp mà Phật đã nói trong quá khứ, có thể trợ giúp bạn thanh tịnh hạnh môn tu học của Phật Bồ Tát, giả sử hiện tại bạn vì cầu pháp, mà dám nhảy vào hầm lửa lớn, thọ thống khổ khó nhẫn chịu được, thì tôi nhất định sẽ truyền cho bạn”. Bồ Tát nghe lời đó rồi, tâm nghĩ : “Vì đắc được một câu pháp mà Phật đã nói trong quá khứ, có thể trợ giúp tôi tịnh trị, viên mãn hạnh môn của Bồ Tát tu, dù trong ba ngàn thế giới đều đầy dẫy hầm lửa lớn, tôi cũng muốn từ trên cõi trời Đại Phạm Thiên nhảy xuống, để đổi lấy câu Phật pháp đó ! Hà huống hiện tại chỉ là một hầm lửa nhỏ, sao lại không dám nhảy vào ? Chỉ cần đắc được Phật pháp, dù phải vào địa ngục thọ các thống khổ, tôi cũng cam tâm tình nguyện, hà huống chỉ là những khổ não nhỏ ở nhân gian, vì cầu Phật pháp, tôi thà xả bỏ mạng sống của mình !”

 

Bồ Tát như thị phát cần tinh tấn cầu ư Phật Pháp, như kỳ sở văn quan sát tu hành. Thử Bồ Tát đắc văn Pháp dĩ, nhiếp tâm an trụ, ư không nhàn xứ tác thị tư tánh: Như thuyết tu hành nãi đắc Phật Pháp, phi đãn khẩu ngôn nhi khả thanh tịnh.

Phật tử! thị Bồ-tát trụ thử phát quang địa thời, tức ly dục ác bất thiện pháp, hữu giác hữu quán, ly sanh thiện lạc, trụ sơ Thiền. diệt giác quán, nội tịnh nhất tâm, vô giác vô quán, định sanh thiện lạc, trụ đệ nhị Thiền. ly hỉ trụ xả, hữu niệm chánh tri, thân thọ lạc, chư Thánh sở thuyết năng xả hữu niệm thọ lạc, trụ đệ tam Thiền. đoạn lạc tiên trừ, khổ hỉ ưu diệt, bất khổ bất lạc, xả niệm thanh tịnh, trụ đệ tứ Thiền.

Bồ Tát phát tâm chuyên cần tinh tấn cầu Phật pháp như vậy. Như chỗ đã được nghe, đều quán sát tu hành. Bồ Tát đó được nghe pháp rồi, nhiếp tâm an trụ, nơi chỗ vắng suy nghĩ : Như theo lời Phật dạy tu hành, thì mới đắc được Phật pháp, chứ chẳng phải miệng nói mà được thanh tịnh.

Phật tử ! Khi Bồ Tát đó trụ tại Phát quang địa nầy, bèn lìa pháp dục ác bất thiện. Có giác, có quán, lìa sinh hỉ lạc, trụ sơ thiền. Diệt giác quán, bên trong tịnh nhất tâm, không giác, không quán, định sinh hỉ lạc, trụ đệ nhị thiền. Lìa hỉ, trụ xả, có niệm, chánh tri, thân thọ lạc, các bậc Thánh đã nói, hay xả bỏ có niệm thọ lạc, trụ đệ tam thiền. Đoạn lạc, trước hết trừ khổ, diệt mừng lo, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, trụ đệ tứ thiền.

Giảng: Bồ Tát đó phát tâm chuyên cần tinh tấn vì cầu Phật pháp như vậy, thà xả bỏ tài vật, đất nước, mạng sống. Y theo Phật pháp Ngài đã nghe được, thâm nhập nghiên cứu, cung hành thực tiễn, thiết thực tu hành. Bồ Tát nghe được chánh pháp vô thượng rồi, thu nhiếp tâm tán loạn, an nhiên tự tại trụ nơi thanh tịnh, nơi chẳng có người qua lại, bèn suy nghĩ : Y chiếu theo phương pháp tu hành của Phật nói, mới có thể chứng được cảnh giới của Phật pháp. Tu học tất cả hạnh môn của Bồ Tát, chẳng phải nói ngoài miệng, mà không thật tế thâm nhập thể nghiệm, thì sẽ đạt đến cảnh giới thanh tịnh của Bồ Tát.

Các vị đệ tử của Phật ! Bồ Tát trụ tại địa thứ ba – Phát quang địa, đều đã lìa khỏi tất cả phiền não, lỗi lầm hoạ hoạn của năm dục, dứt trừ hẳn mười điều ác và trí huệ bất thiện, trừ sạch năm cái : Tham, sân, thuỵ miên, trạo cử, nghi pháp, và tất cả tà tri tà kiến. “Có giác có quán” : Bồ Tát biết được sự tổn hại của các điều ác đối với tâm tánh, và nhân quả tạo nghiệp, tiến tới phương pháp quán sát suy gẫm xa lìa, tu hành cầu chứng. Tức biết trừ sạch ác tri thức tham, dục, mười điều ác, đắc được thanh tịnh, do đó mà khởi tâm đại hoan hỉ, thân tâm vui mừng, đắc được vui khinh an mát mẻ của sự giải thoát, an nhiên tự tại trụ nơi “Trời sơ thiền ly sinh hỉ lạc địa”. Ý nghĩa chữ “sơ” là bước thứ nhất từ dục giới hướng thượng tiến nhập vào, nơi lìa dục giới gần nhất. “Sơ thiền” là giai đoạn thứ nhất của công phu tu thiền. “Diệt giác quán” : Diệt trừ tất cả tư tưởng ác, lìa khỏi phiền não chướng, khiến cho trong tâm được thanh tịnh. Tức đã trừ khử tất cả tư tưởng ác, liền được “định”.

Lúc nầy sinh ra niềm vui hỉ duyệt tự tại, an nhiên trụ đệ nhị thiền. Đây gọi là “Định sinh hỉ lạc địa”, tại sao gọi là “định sinh” ? Vì đã đạt đến cảnh giới “thù thắng tịch tĩnh” của “tâm ngừng giác quán”.

Tiến một bước nữa cũng lìa hỉ, chẳng chấp vào xả, không mất chánh niệm, mà có chánh tri, thân tâm thư thái, thọ vui khinh an. Cảnh giới nầy chỉ có đệ tử Phật chân chánh, mới có thể thọ nhận chánh pháp của chư Phật nói, hay xả bỏ sự ràng buộc “hữu, niệm, thọ, lạc”. Được chân chánh giải thoát thắng lạc, an nhiên trụ nơi đệ tam thiền. Nhờ hay xả “có niệm”, nên gọi “Ly hỉ diệu lạc địa”.

Đến được cảnh giới Ly hỉ diệu lạc địa rồi, tiến tới một bước tất cả “lạc” (vui) cũng đoạn trừ, lại tiến tới trừ khử đi “khổ, vui, lo, diệt”, các thứ tâm lý. Lúc nầy “Không khổ không lạc”, không động, không thọ, bất cứ cảnh giới nào lay chuyển, cho đến niệm cũng xả bỏ, nên gọi là xả niệm thanh tịnh. Bồ Tát thân tâm thư thái, an trụ nơi tứ thiền, “Xả niệm thanh tịnh địa”.

 

Siêu nhất thiết sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, bất niệm chủng chủng tưởng, nhập vô biên hư không, trụ hư không vô biên xứ. Siêu nhất thiết hư không vô biên xứ, nhập vô biên thức, trụ thức vô biên xứ. siêu nhất thiết thức vô biên xứ, nhập vô thiểu sở hữu, trụ vô sở hữu xứ. siêu nhất thiết vô sở hữu xứ, trụ Phi hữu tưởng Phi vô tưởng xứ. đãn tùy thuận Pháp cố, hành nhi vô sở lạc trước.

Vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không nhớ các thứ tưởng, vào vô biên hư không, trụ hư không vô biên xứ.

Vượt qua tất cả hư không vô biên xứ, vào vô biên thức, trụ thức vô biên xứ.

Vượt qua tất cả thức vô biên xứ, vào vô thiểu sở hữu, trụ vô sở hữu xứ.

Vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, trụ phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ. Nhưng vì tuỳ thuận pháp hành, mà không chấp trước sự vui thích.

Giảng: Bồ Tát đạt đến cảnh giới trời tứ thiền, đó thật là :

“Một niệm không sinh toàn thể hiện,

Sáu căn hốt động bị mây che”.

Lúc nầy vượt qua khỏi tất cả sắc và tưởng, tức cũng là lìa khỏi hết thảy “chướng”. Cho đến pháp đối đãi cũng chẳng còn, là tuyệt đối, cho nên chẳng còn tưởng. Niệm cũng diệt mất, không nhớ tưởng gì hết, do đó :

“Tâm dừng niệm bặc phú quý thật
Tư dục dứt sạch giàu sang thật”.

Tâm an hư không định, thọ lợi ích vô thượng. Đến cảnh giới nầy, thân tâm và hư không dung mà làm một, không người không ta, cho đến thái không cũng không có, nên nói “Trụ hư không vô biên xứ”, dùng làm y chỉ. Tiến thêm một bước “Vượt qua tất cả hư không vô biên xứ” : Lìa hư không vô biên xứ. Trụ không chỗ trụ, xứ không xứ sở, tuy nói là trụ hư không vô biên xứ, kỳ thật đã vượt ra ngoài hư không. Ngoài hư không lại như thế nào ? Người chưa đến cảnh giới nầy, không cách chi thuyết minh. Tức là trong Kinh nói :

“Trong không có thân tâm,
Ngoài không có thế giới,
Quét tất cả pháp, lìa tất cả tướng”.

Tứ Không Xứ là : Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Tiến vào vô biên thức, thức cũng vô biên. Hư không chẳng còn, nhưng vẫn còn thức, có thức mới chưa hoàn toàn không, cho nên nói vào vô biên thức, trụ vô biên thức xứ. Lại vượt qua thức vô biên xứ, tiến vào cảnh giới vô sở hữu. Ở trước nói là Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, hiện tại nói là Vô sở hữu xứ. Trong cảnh giới nầy, gì cũng chẳng còn nữa – niệm cũng vô niệm, thức cũng vô thức, không cũng chẳng không, cho đến chút chấp trước cũng chẳng còn nữa, cho đến nhớ về thân, tâm, của chính mình cũng đều không, sao lại còn phiền não gì nữa ? Cho nên nói Bồ Tát vượt qua tất cả vô sở hữu xứ (hết thảy mọi nơi), trụ vào phi hữu tưởng (chẳng có tưởng), phi vô tưởng (chẳng không tưởng), phi tưởng phi phi tưởng xứ (không tưởng không không tưởng). Tức chẳng phải có tưởng, cũng chẳng phải không tưởng, đã vượt qua có không. Song, Bồ Tát vẫn tuỳ thuận vào bản thể của tất cả chánh pháp, việc làm, không có chút chấp trước nào của kẻ phàm phu và của người tiểu thừa, tức không lay chuyển giữa hữu, ái, vị, cũng không vui thích chấp pháp ở trong cảnh giới Tứ thiền, Tứ không.

 

Phật tử! thử Bồ Tát tâm tùy ư từ, quảng đại vô lượng bất nhị, vô oán vô đối, Vô chướng vô não, biến chí nhất thiết xứ, tận Pháp giới, hư không giới, biến nhất thiết thế gian. Trụ bi, hỉ, xả diệc phục như thị.

Phật tử ! Tâm của Bồ Tát nầy tuỳ nơi từ, rộng lớn vô lượng không hai, không oán, không đối, không chướng, không não, đến khắp tất cả mọi nơi, tận pháp giới hư không giới, khắp tất cả thế gian. Trụ bi hỉ xả, cũng lại như thế.

Giảng: Bồ Tát Kim Cang Tạng lại gọi một tiếng : “Các vị đại đệ tử của Phật ! Bồ Tát chứng được địa thứ ba, Ngài chỉ có một tấm lòng từ bi, vào từ tâm tam muội, toàn tâm dạy dỗ chúng sinh, khiến cho tất cả chúng sinh đắc được niềm vui chân chánh của pháp. Tâm của Ngài khoát nhiên, cho nên Ngài duyên vô lượng cảnh – tức là vận dụng từ, bi, hỉ, xả, bốn tâm vô lượng. Lúc nầy, thiền duyệt, pháp hỉ chẳng một chẳng hai, không có gì khác biệt. Trong tâm của Ngài chẳng có kẻ oán người thân, cũng không đối trị, quét trừ tất cả chướng che, cũng hoá trừ hết thảy phiền não. Ngài có thể dọc cùng tam tế, ngang khắp hư không, đạt đến vô lượng thế gian không thể đếm biết được. Tâm từ như vậy, tâm bi, tâm hỉ, tâm xả cũng rộng lớn, vô ngại, vô lượng, không hai như thế, khắp cùng tất cả mọi nơi, tất cả thế gian. Bồ Tát nầy cũng hộ niệm chúng sinh giống nhau, cứu khổ chúng sinh giống nhau, ban vui, mãn nguyện tâm từ cứu tế.

 

Phật tử! thử Bồ Tát đắc vô lượng thần thông lực, năng động Đại địa. dĩ nhất thân vi đa thân, đa thân vi nhất thân, hoặc ẩn hoặc hiển. Thạch bích sơn chướng, sở vãng vô ngại, do như hư không. ư hư không trung già phu nhi khứ, đồng ư phi điểu. Nhập địa như thủy, lý thủy như địa. Thân xuất yên diệm, như Đại hỏa tụ. phục vũ ư thủy, do như đại vân. Nhật nguyệt tại không, hữu đại uy lực, nhi năng dĩ thủ môn mạc ma xúc. kỳ thân tự tại, nãi chí phạm thế.

Phật tử ! Bồ Tát nầy được vô lượng sức thần thông, có thể chấn động đại địa. Dùng một thân làm nhiều thân, nhiều thân làm một thân, hoặc ẩn, hoặc hiển. Đá tường núi ngăn che, qua lại vô ngại, giống như hư không. Ở trong hư không, ngồi kiết già mà đi, giống như chim bay. Vào đất như vào nước, đi trên nước như đi trên đất. Thân phun khói lửa, như đám lửa lớn. Lại mưa nước xuống, giống như mây lớn. Mặt trời mặt trăng ở trong hư không, có oai lực lớn, mà có thể dùng tay rờ đụng bưng nắm. Thân của Ngài tự tại cho đến Phạm Thiên.

Giảng: Bồ Tát Kim Cang Tạng lại gọi một tiếng, các vị đại đệ tử của Phật ! Bồ Tát tu chứng đến địa thứ ba, Ngài đã đắc được vô lượng sức thần lực diệu dụng – sáu thứ thần thông, đều đã đầy đủ:

  1. Thiên nhãn thông.
  2. Thiên nhĩ thông.
  3. Thần túc thông.
  4. Tha tâm thông.
  5. Túc mạng thông.
  6. Lậu tận thông.

Ngài có thể khiến cho đại địa chấn động – sáu thứ chấn động là :

1. Động. 2. Dũng. 3. Khởi. 4. Chấn. 5. Hống. 6. Kích.

Ba cái trước thuộc về tướng, ba cái sau thuộc về thanh. Ngài lại có thể dùng một thân Bồ Tát, biến hoá thành nhiều thân Bồ Tát. Lại có thể dùng nhiều thân Bồ Tát, tụ về làm một. Do đó : “Một làm nhiều, nhiều làm một. Nhiều không ngại một, một không ngại nhiều. Một nhiều vô ngại, có không vô ngại, hay ẩn hay hiển, ẩn hiển vô ngại”. Dù đá tường núi cứng chắc, cũng không thể chướng ngại Ngài qua lại, vì Ngài đã đạt đến cảnh giới thân tâm như hư không. Ngài có thể ở trong hư không ngồi kiết già mà đến đi tự như, không cần bất cứ công cụ giao thông nào, phương tiện tự tại giống như chim bay.

Ngài có thể đi vào trong lòng đất, dễ dàng giống như đi vào nước. Ngài lại có thể đi trên nước, an ổn giống như đi trên đất bằng. Ngài lại có thể từ trong thân phun ra lửa, từ xa trông giống như đám lửa lớn cháy. Và trong thân có thể phun ra rất nhiều nước, giống như mưa xuống, nhìn lại giống như đám mây dày đặc trên bầu trời. Mặt trời và mặt trăng lơ lửng ở trong hư không, Ngài cũng có oai lực thần diệu, có thể tuỳ ý dùng tay rờ rẫm nắm lấy. Thân tâm của Ngài an nhiên tự tại, tuỳ ý biến hoá tự do, đến đi nơi Phạm Thiên và khí thế gian, không có gì mà không làm được, không có chỗ nào mà không đến được.

 

Thử Bồ Tát thiên nhĩ thanh tịnh qua ư nhân nhĩ, tất văn nhân, Thiên nhược cận nhược viễn sở hữu âm thanh, nãi chí văn nhuế, manh dăng đẳng thanh diệc tất năng văn.

Bồ Tát nầy thiên nhĩ thanh tịnh hơn tai người, đều nghe hết thảy âm thanh trời người, hoặc gần, hoặc xa, cho đến những tiếng muỗi mòng cũng đều nghe được.

Giảng: Bồ Tát Tam địa có thiên nhĩ thông thanh tịnh không nhiễm, cơ năng nghe hơn tai người phàm phu, cao diệu không cách chi nói ví dụ được. Không màng là ở nhân gian, hoặc trên trời, hoặc xa không bờ mé, hoặc gần ở trước mắt, không màng là âm thanh lớn nhỏ, Ngài đều nghe rất rõ ràng. Thậm chí tiếng con muỗi, tiếng con mòng, tiếng những côn trùng nhỏ, Ngài cũng đều nghe rất rõ ràng.

 

Thử Bồ Tát dĩ tha tâm trí, như thật nhi tri tha chúng sanh tâm. sở vị: hữu tham tâm, như thật tri hữu tham tâm. ly tham tâm, như thật tri ly tham tâm. Hữu sân tâm, ly sân tâm, hữu si tâm, ly si tâm, hữu phiền não tâm, vô phiền não tâm, tiểu tâm, quảng tâm, Đại tâm, vô lượng tâm, lược tâm, phi lược tâm, tán tâm, phi tán tâm, định tâm, phi định tâm, giải thoát tâm, phi giải thoát tâm, hữu thượng tâm, vô thượng tâm, tạp nhiễm tâm, phi tạp nhiễm tâm, quảng tâm, phi quảng tâm, giai như thật tri. Bồ Tát như thị dĩ tha tâm trí tri chúng sanh tâm.

Bồ Tát nầy dùng tha tâm trí, biết tâm chúng sinh như thật. Như là có tâm tham, thì biết có tâm tham như thật. Lìa tâm tham, thì biết lìa tâm tham như thật. Có tâm sân, lìa tâm sân. Có tâm si, lìa tâm si. Có tâm phiền não, không có tâm phiền não. Tâm nhỏ, tâm rộng, tâm lớn, tâm vô lượng, tâm lược, tâm không lược, tâm tán, tâm không tán, tâm định, tâm không định, tâm giải thoát, tâm không giải thoát, tâm hữu thượng, tâm vô thượng, tâm tạp nhiễm, tâm không tạp nhiễm, tậm rộng, tâm không rộng, đều biết như thật. Bồ Tát dùng tha tâm trí biết tâm chúng sinh như vậy.

Giảng: Bồ Tát đệ tam địa có tha tâm trí, giống như tha tâm thông. Tha tâm trí huệ nầy, vốn ai ai cũng đều có, chỉ là không thể hiện ra, hoặc hiện ra không rõ ràng. Nếu hay tu hành, trừ khử sạch tâm nhiễm ô, thì tự nhiên tha tâm trí sẽ hiện tiền. Bồ Tát do có tha tâm trí, cho nên biết hết thảy tâm chúng sinh. Chỗ Ngài biết là bản thể chân thật, chẳng phải là huyễn tượng tựa thị mà phi. Giống như những chúng sinh có “tâm tham”, thì Bồ Tát biết rõ họ tham cái gì. Một đời tham tài, thì khổ cực suốt đời, cuối cùng vì tài mà chết. Một đời tham sắc; thấy sắc đẹp thì chẳng tiếc mạng sống, tiền tài, danh vọng, bất chấp thủ đoạn, theo đuổi không bỏ, cuối cùng chết vì sắc. Một đời tham danh; đi đâu cũng muốn nổi danh, tự mình quảng cáo, đến đâu cũng cổ suý tài năng mỹ đức của mình, mua danh chuộc tiếng khen, kết quả ai ai trông thấy cũng sinh sợ, mà xá dài bỏ chạy. Cuối cùng, chẳng cầu được danh tốt, ngược lại làm cho vất vả một đời. Còn có người một đời tham ăn; loại người này nghe nói đến thức ăn ngon, thì cổ họng phát ngứa, rủ rê bạn bè tụ lại ăn uống, cuối cùng vì do tham ăn mà chết. Giống như gần đây có vị Tăng tên là Tô Mạn Thù chết do tham ăn. Còn có người suốt đời tham ngủ, loại người nầy rất buồn cười, họ chẳng tham tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, mà chỉ thích ngủ. Bất cứ ở đâu họ cũng đều ngủ ngon lành, đứng hoặc ngồi cũng đều ngủ thoải mái. Hồ đồ ngủ cho đến chết, việc thiên hạ đều bỏ ngoài đầu. Những thứ mao bệnh tham nầy, Bồ Tát đều biết rõ, cũng đối trị được tốt lành. Có những chúng sinh ; ban đầu khởi lòng tham mà không biết chán, về sau gặp bậc thiện tri thức bèn giác ngộ, từ đó về sau không còn tham nữa. Bồ Tát cũng biết rõ ràng tập tánh của những chúng sinh đó, cho nên nói : “Có tâm tham biết có tâm tham như thật, lìa tâm tham biết lìa tâm tham như thật”.

Có những chúng sinh “tâm sân” rất nặng ; thấy bất cứ người nào, bất cứ việc gì, họ cũng đều không hài lòng, không thuận mắt, toàn thân giống như trang bị đầy hoả dược đúng thời bèn phát nổ – nóng giận rất lớn làm cho mọi người sợ ! Song, hốt nhiên khi họ giác ngộ rồi, thì họ sẽ thay đổi, dần dần “lìa tâm sân”, Bồ Tát cũng sẽ biết.
Có những chúng sinh “ngu si” ; việc gì cũng cho rằng đúng, làm chuyện điên đảo, không rõ thị phi, ngu muội vô tri, một khi gặp được bậc thiện tri thức khai thị, thì theo thiện như nước chảy, “lìa khỏi ngu si”. Lại có những chúng sinh, việc gì cũng phiền não, suốt ngày phiền não, không buông bỏ đặng, ở đâu cũng không như ý, do đó mà phiền não được chết đi sống lại. Nếu như một khi giác ngộ, biết tất cả đều là hoa trong không trăng dưới nước, thì họ sẽ lìa bỏ phiền não, “tâm không phiền não” sẽ an nhiên tự tại.

Còn có những chúng sinh “tâm nhỏ” : Suốt đời việc gì họ cũng tiểu tâm cẩn thận, cũng có thể nói lượng tâm nhỏ, khí lượng hẹp hòi. “Tâm rộng” : Chúng sinh nầy một đời lớn mà hoá, cây thô lá lớn, không tính toán so đo. “Tâm lớn” : Rộng rãi đại lượng không tính toán so đo. “Tâm vô lượng” : Tức là tâm không thể nào tính lường. “Tâm lược” : Tâm đơn giản, không cân nhắc tính toán. “Tâm không lược” : Tâm không đơn giản. “Tâm tán” : Tâm tán loạn không tập trung. “Tâm không tán” : Tâm không tán loạn, tức là tâm định. “Tâm định” : Tâm không tán loạn mà có định lực, như như bất động. “Tâm không định” : Tâm tán loạn chẳng có định lực. “Tâm giải thoát” : Tâm tự do tự tại đã nhìn xuyên thủng buông bỏ. “Tâm không giải thoát” : Tâm không tự do mà bị ràng buộc. “Tâm hữu thượng” : Tức là tâm của tất cả Bồ Tát phát ra. “Tâm vô thượng” : Là tâm Phật, tâm cao thượng nầy không có gì sánh bằng. “Tâm tạp nhiễm” : Tức là tâm phàm phu, có sự nhiễm ô. “Tâm không tạp nhiễm” : Tâm chẳng có sự nhiễm ô mà là thanh tịnh, tức cũng là tâm của bậc Thánh. “Tâm rộng” : Tâm trạng vô cùng rộng rãi. “Tâm không rộng” : Tức là tâm lượng hẹp hòi. Ở trên là đủ thứ tâm tánh khác nhau của chúng sinh, Bồ Tát Ngài đều thấu hiểu rõ ràng thanh tịnh. Bồ Tát dùng tha tâm trí, biết tâm tánh của chúng sinh như thật, tuyệt đối không phỏng đoán.

 

Thử Bồ Tát niệm tri vô lượng tú mạng sái biệt, sở vị: Niệm tri nhất sanh, niệm tri nhị sanh, tam sanh, tứ sanh, nãi chí thập sanh, nhị thập, tam thập, nãi chí bách sanh, vô lượng bách sanh, vô lượng thiên sanh, vô lượng bách thiên sanh, thành kiếp, hoại kiếp, thành hoại kiếp, vô lượng thành hoại kiếp, ngã tằng tại mỗ xứ, như thị danh, như thị tính, như thị chủng tộc, như thị ẩm thực, như thị thọ mạng, như thị cửu trụ, như thị khổ lạc. Ngã ư bỉ tử, sanh ư mỗ xứ, tùng mỗ xứ tử, sanh ư thử xứ, như thị hình trạng, như thị tướng mạo, như thị ngôn âm. Như thị quá khứ vô lượng sái biệt, giai năng ức niệm.

Bồ Tát nầy nhớ biết vô lượng túc mạng khác nhau. Đó là : Nhớ biết một đời, nhớ biết hai đời, ba đời, bốn đời, cho đến mười đời, hai mươi, ba mươi, cho đến trăm đời, vô lượng ngàn đời, vô lượng trăm ngàn đời.

Kiếp thành, kiếp hoại, kiếp thành hoại, vô lượng kiếp thành hoại. Tôi từng ở trong xứ đó, tên như vậy, họ như vậy, chủng tộc như vậy, ăn uống như vậy, thọ mạng như vậy, ở lâu như vậy, khổ vui như vậy. Tôi chết ở đó, sinh vào xứ nọ. Từ xứ nọ chết, sinh vào nơi kia. Hình trạng như vậy, tướng mạo như vậy, tiếng nói như vậy. Quá khứ vô lượng khác biệt như vậy, thảy đều nghĩ nhớ hết.

Giảng: Trong tâm niệm của vị Bồ Tát nầy, biết được rất nhiều sự việc trong quá khứ, trong đời quá khứ, vận mạng đời đời kiếp kiếp khác nhau. Sự việc một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, trăm đời, vô lượng trăm đời, vô lượng ngàn đời, vô lượng trăm ngàn đời, thảy đều thấy rõ như chỉ bàn tay. Sự việc thế gian kiếp thành, kiếp hoại, kiếp thành hoại, vô lượng số kiếp thành hoại, Ngài đều biết rõ. Như tôi đã từng sinh ra tại nơi nào, tên là gì, họ gì, sinh vào dòng dõi gì, tôi ở đó ăn uống gì, tôi đều nhớ hết. Tôi chết ở đó, lại sinh vào chốn nào, chết ở đâu, rồi lại sinh vào chỗ nào, hình trạng thuở xưa của tôi ra sao, tướng mạo như thế nào, tiếng nói như thế nào ? Những sự việc như vậy trong quá khứ, không thể tính đếm được số thời gian, cảnh giới hiện ra khác nhau, tôi đều nhớ rõ hết, rõ ràng như ở trước mắt.

 

Thử Bồ Tát Thiên nhãn thanh tịnh qua ư nhân nhãn, kiến chư chúng sanh sanh thời, tử thời, hảo sắc, ác sắc, thiện thú, ác thú, tùy nghiệp nhi khứ. Nhược bỉ chúng sanh thành tựu thân ác hành, thành tựu ngữ ác hành, thành tựu ý ác hành, phỉ báng hiền thánh. Cụ túc tà kiến cập tà kiến nghiệp nhân duyên, thân hoại mạng chung, tất đọa ác thú, sanh địa ngục trung.

Nhược bỉ chúng sanh thành tựu thân thiện hạnh, thành tựu ngữ thiện hạnh, thành tựu ý thiện hạnh, bất báng hiền thánh, cụ túc chánh kiến. Chánh kiến nghiệp nhân duyên, thân hoại mạng chung, tất sanh thiện thú chư Thiên chi trung. Bồ Tát Thiên nhãn giai như thật tri.

Bồ Tát nầy thiên nhãn thanh tịnh, hơn mắt người thường. Thấy các chúng sinh, khi sinh, khi chết, sắc tốt, sắc xấu, hướng về đường lành, hướng về đường ác, tuỳ theo nghiệp mà đi. Nếu chúng sinh đó thành tựu hạnh ác của thân, thành tựu hạnh lời nói ác, thành tựu hạnh ác của ý, phỉ báng Thánh hiền, đầy đủ tà kiến, và nhân duyên nghiệp tà kiến. Khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạ vào đường ác, sinh vào trong địa ngục.

Nếu chúng sinh đó thành tựu hạnh lành của thân, thành tựu hạnh lành của lời nói, thành tựu hạnh lành của ý, không phỉ báng Thánh hiền, đầy đủ chánh kiến, nhân duyên nghiệp chánh kiến. Khi thân hoại mạng chung, sẽ sinh vào đường lành ở cõi trời. Thiên nhãn của Bồ Tát đều biết như thật.

Giảng: Vị Bồ Tát đệ tam địa nầy tu hành, Ngài cũng tu chứng được thiên nhãn thông, quán sát được sự vật vi tế rất xa, không giống như phàm phu chỉ có thể nhìn thấy cảnh tượng trước mắt, vì thiên nhãn thanh tịnh hơn mắt của người thường. Ngài nhìn thấy được hết thảy chúng sinh, sinh như thế nào, chết như thế nào, là sắc tốt, hay là sắc xấu, sinh vào đường lành, hay là sinh vào đường ác ? Đó là tuỳ thuộc vào nghiệp nhân của chính chúng sinh, tự tạo ra mà chiêu cảm, Bồ Tát đều nhìn thấy rất rõ ràng. Nếu như chúng sinh đó đã từng phạm hạnh ác của thân, tức là tội sát sinh, trộm cắp, tà dâm, khi nghiệp ác của họ chín mùi, thì sẽ theo nghiệp ác mà đi vào đường ác. Nếu thành tựu nghiệp lời nói ác, vì họ đã từng phạm tội nói hai lưỡi, chửi mắng, thêu dệt, nói dối. Hoặc thành tựu nghiệp ác của ý, vì họ đã từng phạm nghiệp ý tham, sân, si. Hoặc họ đã từng phỉ báng Thánh hiền, vì trong đầu họ đầy dẫy tà tri tà kiến. Do tà tri tà kiến tạo ra nghiệp ác, đến khi mạng sống của họ hết, thì phải đoạ vào đường ác, sinh vào trong địa ngục thọ khổ.

Nếu như chúng sinh đó không phạm tội lỗi : Sát sinh, trộm cắp, tà dâm, thì họ sẽ thành tựu nghiệp lành của thân. Chẳng tạo ra khẩu nghiệp, thì thành tựu nghiệp lành của lời nói. Chẳng tạo ra nghiệp của ý, thì sẽ thành tựu nghiệp lành của ý. Không phỉ báng Thánh hiền, một đời đều đầy đủ chánh kiến. Do chánh tri chánh kiến, đến khi mạng chung, thì nhất định sẽ sinh vào đường lành, được sinh về cõi trời hưởng phước trời, hoặc sinh vào gia đình giàu sang phú quý ở nhân gian, làm bậc vua chúa. Những sự việc ở trên, Bồ Tát dùng thiên nhãn của Ngài, đều thấy rất rõ ràng, mà còn đúng như thật.

 

Thử Bồ Tát ư chư Thiền tam muội, Tam Ma Bát Để năng nhập năng xuất, nhiên bất tùy kỳ lực thọ sanh, đãn tùy năng mãn  Bồ-đề phần xứ, dĩ ý nguyện lực nhi sanh kỳ trung.

Bồ Tát nầy nơi các thiền tam muội, Tam ma bát đề, có thể nhập, có thể xuất, nhưng không tuỳ theo sức thiền định mà thọ sinh, chỉ tuỳ theo có thể viên mãn nơi bồ đề phần, dùng ý nguyện lực mà thọ sinh trong đó.

Giảng: Vị Bồ Tát nầy ở trong tam muội tứ thiền tứ vô lượng, hoặc ở trong pháp môn chỉ quán Tam ma bát đề, có thể nhậm vận tự tại tuỳ ý mà nhập, tuỳ ý mà xuất. Ngài không dùng sức thần thông của Ngài đi thọ sanh, Ngài cũng không lựa chọn nơi tịnh uế, mà là tuỳ theo có thể viên mãn nơi bồ đề phần, dùng nguyện lực thuở xưa mà Ngài đã phát ra, để tuỳ ý thọ sinh. Bồ Tát thọ sinh, là vì viên mãn nguyện lực của Ngài, chứ không phải bị nghiệp lực ràng buộc mà thọ sinh.

 

Phật tử! thị Bồ-tát trụ thử phát quang địa, dĩ nguyện lực cố, đắc kiến đa Phật. sở vị: kiến đa bách Phật, kiến đa thiên Phật, kiến đa bách thiên Phật, nãi chí kiến đa bách thiên ức na-do-tha Phật. Tất dĩ quảng đại tâm, thâm tâm, cung kính tôn trọng, thừa sự cúng dường, y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thang dược, nhất thiết tư sanh tất dĩ phụng thí, diệc dĩ cúng dường nhất thiết chúng tăng, dĩ thử thiện căn hồi hướng A-nậu-đa-la tam-miệu-tam Bồ-đề.

Phật tử ! Bồ Tát nầy trụ Phát quang địa, do nhờ nguyện lực, nên thấy được nhiều vị Phật : Thấy nhiều trăm vị Phật, thấy nhiều ngàn vị Phật, thấy nhiều trăm ngàn vị Phật, cho đến thấy nhiều trăm ngàn ức Na do tha vị Phật.

Đều dùng tâm rộng lớn, tâm thâm sâu, cung kính tôn trọng, thừa sự cúng dường. Y phục, thức ăn uống, toạ cụ, thuốc thang, tất cả đồ tư sanh, thảy đều dâng cúng. Cũng cúng dường lên tất cả chúng Tăng. Đem căn lành nầy, hồi hướng về Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Giảng: Phật tử ! Bồ Tát Kim Cang Tạng lại gọi một tiếng các vị đệ tử của Phật ! Khi vị Bồ Tát nầy trụ tại Phát quang địa, nhờ nguyện lực thuở xưa Ngài đã phát ra, có thể thấy được rất nhiều vị Phật : Thấy được trăm vị Phật, ngàn vị Phật, trăm ngàn vị Phật, thậm chí thấy được nhiều trăm ngàn ức Na do tha vị Phật. Bồ Tát thấy được nhiều vị Phật như vậy, Ngài đều dùng tâm rộng lớn sâu dày, tâm thâm sâu khẩn thiết, cung kính lễ tán, tôn trọng chư Phật, thừa sự cúng dường chư Phật. Như y phục tốt đẹp, thức ăn uống thượng hạng, toạ cụ ngồi thích hợp, thuốc men quý hay, tất cả phẩm vật dùng hàng ngày, đem hết khả năng bố thí cúng dường. Đồng thời cũng đem những vật tư sanh cúng dường hết thảy Tăng chúng. Đủ thứ căn lành công đức đó, đều hồi hướng về Vô thượng chánh đẳng chánh giác, hy vọng chúng sinh sớm thành Phật đạo.

 

Ư kỳ Phật sở, cung kính thính pháp, văn dĩ thọ trì, tùy lực tu hành.

Thử Bồ Tát quán nhất thiết pháp, bất sanh bất diệt, nhân duyên nhi hữu. kiến phược tiên diệt, nhất thiết dục phược, sắc phược, hữu phược, vô minh phược giai chuyển vi bạc. ư vô lượng bách thiên ức na-do-tha kiếp bất tích tập cố, tà tham, tà sân cập dĩ tà si, tất đắc trừ đoạn, sở hữu thiện căn chuyển canh minh tịnh.

Ở chỗ các vị Phật đó, cung kính nghe pháp, nghe rồi thọ trì, tuỳ sức mình mà tu hành. Bồ Tát nầy quán tất cả pháp không sinh, không diệt, do nhân duyên mà có.

Trước hết diệt sự ràng buộc cái thấy, thì tất cả ràng buộc ham muốn, ràng buộc về sắc, ràng buộc các cõi, ràng buộc vô minh, đều càng mỏng dần. Ở trong vô lượng trăm ngàn ức Na do tha kiếp, do không tích tập, nên tà tham, tà sân và tà si, đều được dứt trừ. Hết thảy căn lành càng thêm trong sáng thanh tịnh.

Giảng: Bồ Tát tại đạo tràng của chư Phật, cung kính chuyên tâm nhất ý lắng nghe Phật pháp, nghe rồi y chiếu theo điều nghe được mà thực hành. Nếu chỉ nghe mà không thực hành, thì chẳng có ích gì. Thọ là thọ nơi tâm, ghi nhớ không quên; trì là trì nơi thân, thân thể lực hành. Cung hành thực tiễn, thì mới có ích. Tu hành không nên miễn cưỡng, tuỳ sức tuỳ phần, thành thật tu hành thì mới tốt.

Vị Bồ Tát tại Phát quang địa nầy, Ngài quán sát tất cả pháp do duyên mà sinh, do duyên mà diệt, các pháp do nhân duyên mà sinh, do nhân duyên mà diệt, chẳng có một tự thể nào, cho nên là không sinh không diệt. Phàm phu có rất nhiều tà tri tà kiến, “sự thấy” đó như ràng buộc tâm trí con người giống như sợi dây thừng trói buộc, khiến cho thấy sự vật không rõ ràng, thấy lý không chánh, cho nên gọi là “ràng buộc cái thấy”.

Nhưng trước hết tại chánh tri chánh kiến phải diệt sự ràng buộc của cái thấy, thì những cái khác như ràng buộc về ham muốn, ràng buộc về sắc, ràng buộc về các cõi, ràng buộc về vô minh .v.v… đều tiêu diệt theo tà kiến, ngày càng sẽ mỏng dần, sẽ bớt đi. Trải qua vô lượng trăm ngàn ức Na do tha kiếp thời gian, thì những sự ràng buộc về cái thấy .v.v… sẽ không tiếp tục tăng nữa, ngược lại dần dần sẽ giảm bớt, lúc đó sẽ không còn sinh khởi tâm tham, sân, si nữa. Những thứ thô hoặc, tế hoặc ở trên, lâu dần sẽ dứt trừ, hết thảy căn lành, ngày càng trong sáng thanh tịnh, càng tăng thêm nhiều.

 

Phật tử! thí như chân kim thiện xảo luyện trì, xưng lượng bất giảm, chuyển canh minh tịnh. Bồ Tát diệc phục như thị, trụ thử phát quang địa, bất tích tập cố, tà tham, tà sân cập dĩ tà si, giai đắc trừ đoạn, sở hữu thiện căn chuyển canh minh tịnh.

Phật tử ! Ví như vàng thật, rèn luyện khéo léo, thì cân không giảm, mà càng thêm trong sáng thanh tịnh. Bồ Tát cũng lại như thế. Do trụ ở Phát quang địa không tích tập, nên tà tham, tà sân và tà si, thảy đều dứt trừ, hết thảy căn lành càng thêm trong sáng thanh tịnh.

Giảng: Bồ Tát Kim Cang Tạng lại gọi một tiếng các vị đại đệ tử của Phật ! Bồ Tát tu hành giống như luyện vàng thật. Thợ vàng dùng các phương pháp khoa học để rèn luyện vàng, khiến cho thành vàng ròng. Tuy qua sự rèn luyện nhiều lần, nhưng phân lượng vàng vẫn không giảm bớt, ngược lại màu sắc của vàng càng thêm trong sáng thuần tịnh. Bồ Tát tu hành cũng như vậy, khi Ngài trụ ở Phát quang địa, chưa từng có tâm niệm tham dục, tâm sân hận, và tư tưởng ngu si, vì Ngài đã dứt trừ ba độc. Hết thảy căn lành, tuỳ theo sự công phu tu hành, ngày càng tăng trưởng, phát ra ánh sáng trí huệ.

 

Thử Bồ-tát nhẫn nhục tâm, nhu hòa tâm, hài thuận tâm, duyệt mỹ tâm, bất sân tâm, bất động tâm, bất trược tâm, vô cao hạ tâm, bất vọng báo tâm, báo ân tâm, bất siểm tâm, bất cuống tâm, vô thâm bí tâm, giai chuyển thanh tịnh.

Bồ Tát nầy về tâm nhẫn nhục, tâm nhu hoà, tâm hoà thuận, tâm vui đẹp, tâm không sân, tâm không động, tâm không trược, tâm không cao hạ, tâm không mong báo đáp, tâm báo ân, tâm không xiểm nịnh, tâm không dối, tâm không thâm hiểm, đều càng thanh tịnh.

Giảng: Vị Bồ Tát nầy rộng tu cúng dường, tích tập tất cả căn lành, công đức ngày càng viên mãn. Về công phu nhẫn nhục thành tựu đặc biệt, một số người không thể nhẫn được, mà Ngài nhẫn thọ được, cho nên thành tựu “tâm nhẫn nhục”. Người khác dùng thái độ cang cường đối với Ngài, lăng nhục Ngài, ngược lại Ngài dùng thái độ nhu hoà để đối đãi, khiến cho họ vui phục, vì Ngài có một thứ “tâm nhu hoà”. “Tâm hoà thuận” : Bồ Tát đối với bất cứ ai cũng đều hoà khí, chẳng có chút lời lẽ hành vi nào thô bạo, làm cho người khác thêm ác cảm đối với Ngài, Ngài đều hoà thuận với mọi người, không sinh sân hận. “Tâm vui đẹp” : Bồ Tát biết tâm tánh chúng sinh, đều hoan hỉ nghe lời hay đẹp, cho nên khi Ngài giáo hoá người, thì cũng nói lời hay đẹp, khiến cho họ vui mà tiếp thọ. “Tâm không sân” : Vì Bồ Tát chẳng có tâm cang cường, tức là thân thọ ác của người khác, Ngài cũng hay tha thứ cho người khác, không khởi tâm sân hận. “Tâm không động” : Không màng gặp bất cứ cảnh giới gì, phú quý vinh nhục đều không lay động, vì Ngài đã không còn tâm tham. “Tâm không trược” : Bồ Tát tu tập đủ thứ căn lành, tư tưởng hành vi của Ngài đều rất thanh tịnh, không có chút tâm nhiễm ô nào phát sinh, cho nên Ngài Ngài không có chút phiền não nào cả, tâm của Ngài thanh tịnh không ô trược. “Tâm không cao thấp” :

Bồ Tát đối đãi với hết thảy chúng sinh đều một luật bình đẳng, vì từ lâu Ngài đã lìa kiêu mạn, thì tự nhiên sẽ không khinh thị người khác. “Tâm không mong báo đáp” : Bồ Tát bố thí bất cứ thứ gì, chưa từng mong người khác đền đáp, thậm chí quên luôn người thọ nhận. Người xưa có nói rằng : “Thi ân bất cầu báo, tức là hạnh lành của Bồ Tát”. “Tâm báo ân” : Bồ Tát thọ bất cứ ân huệ của ai, không nhớ bao nhiêu quý tiện, Ngài nhất định phải báo đáp. “Tâm không xiểm nịnh” : Bồ Tát chân thật tu hành, ở trong tâm mắt của Ngài chẳng có tư tưởng quyền quý thế lực, càng không cố ý đi xiểm nịnh những người giàu sang có quyền có thế. Vì Ngài bình đẳng đối đãi người, cho nên không có tâm niệm tham dục. “Tâm không dối” : Bồ Tát không tham đồ danh văn lợi dưỡng, lại không xí cầu y phục tốt, thức ăn ngon, cho nên Ngài không dùng thủ đoạn dối trá hoặc lường gạt người. “Tâm không thâm hiểm” : Bồ Tát dùng tâm chánh trực đối đãi người, làm việc quang minh lỗi lạc, không có sự che giấu, cho nên Ngài không cần dùng tâm thâm hiểm để xử sự. Ở trên là những tâm chánh thành và những tâm không chánh đáng, tốt thì ngày càng hoàn thiện tốt đẹp hơn, tà thì ngày càng tiêu mất, cho nên trí huệ quang minh của Bồ Tát, cũng càng ngày trong sáng thanh tịnh hơn.

 

Thử Bồ Tát ư tứ nhiếp trung, lợi hành Thiên đa. Thập Ba la mật trung, nhẫn Ba-la-mật Thiên đa. dư phi bất tu, đãn tùy lực tùy phần.

Phật tử! thị danh Bồ Tát đệ tam phát quang địa.

Bồ Tát nầy trong bốn pháp nhiếp, thiên nhiều về lợi hành. Trong mười Ba la mật thiên nhiều về nhẫn nhục Ba la mật. Ngoài ra các môn khác thì tuỳ sức tuỳ phần mà tu hành.

Phật tử ! Đó gọi là Bồ Tát Phát quang địa thứ ba.

Giảng: Vị Bồ Tát nầy giáo hoá chúng sinh, trong bốn pháp nhiếp, phần nhiều thời gian dùng một phương pháp “lợi hành”. Trong mười Ba la mật, phần nhiều thời gian tu pháp môn “nhẫn nhục Ba la mật”. Ngoài ra ba thứ pháp nhiếp kia, và chín Ba la mật kia, chẳng phải là không tu hành, nhưng chỉ tuỳ sức lực và duyên phận mà làm. Các vị đệ tử của Phật ! Những gì vừa nói ở trên là quá trình thực tế của Bồ Tát phát quang địa thứ ba tu học.

 

Bồ-tát trụ thử địa, đa tác tam thập tam thiên Vương, năng dĩ phương tiện, lệnh chư chúng sanh xả ly tham dục. Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, như thị nhất thiết chư sở tác nghiệp, giai bất ly niệm Phật, bất ly niệm Pháp, bất ly niệm Tăng, nãi chí bất ly niệm cụ túc nhất thiết chủng, nhất thiết trí trí.

Bồ Tát trụ địa nầy, phần nhiều làm Thiên chủ cõi trời Tam Thập Tam. Hay dùng phương tiện khiến cho các chúng sinh xả lìa tham dục. Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, tất cả các việc làm như vậy, đều không lìa niệm Phật, không lìa niệm Pháp, không lìa niệm Tăng, cho đến không lìa niệm đầy đủ trí nhất thiết chủng trí.

Giảng: Khi Bồ Tát tại địa vị nầy, tuỳ thời có thể làm Thiên chủ cõi trời Tam Thập Tam (trời Đao lợi). Ngài dùng các thứ phương pháp phương tiện để giáo hoá chúng sinh, khiến cho họ đều có thể xả lìa tâm tham dục hư vọng. Giáo hoá chúng sinh, lợi dụng bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, bốn pháp nhiếp nầy. Bồ Tát làm tất cả nghiệp thiện như vậy, chưa bao giờ lìa niệm từ bi của Phật và đủ thứ công đức của Phật; không lìa niệm Phật pháp vi diệu thâm sâu vô thượng; không lìa niệm mười phương các hiền Thánh Tăng chân tu thật học; không lìa niệm cầu đầy đủ trí huệ nhất thiết chủng và đại trí huệ trong trí huệ.

 

Phục tác thị niệm: Ngã đương ư nhất thiết chúng sanh trung vi thủ, vi thắng, vi thù thắng, vi diệu, vi vi diệu, vi thượng, vi vô thượng, nãi chí vi nhất thiết trí trí y chỉ giả.

Nhược cần hành tinh tấn, ư nhất niệm khoảnh, đắc bách thiên tam muội, đắc kiến bách thiên Phật, tri bách thiên Phật thần lực, năng động bách thiên Phật thế giới, nãi chí thị hiện bách thiên thân, nhất nhất thân bách thiên Bồ Tát dĩ vi quyến thuộc. Nhược dĩ Bồ Tát thù thắng nguyện lực tự tại thị hiện, qua ư thử số, bách kiếp, thiên kiếp nãi chí bách thiên ức na-do-tha kiếp bất năng số tri.

Lại nghĩ rằng : Trong tất cả chúng sinh, tôi sẽ là thượng thủ, là thắng, là thù thắng. Là diệu, là vi diệu. Là thượng, là vô thượng, cho đến là người y chỉ trí nhất thiết trí.

Hoặc siêng hành tinh tấn, trong khoảng một niệm, đắc được trăm ngàn tam muội. Thấy được trăm ngàn vị Phật. Biết thần lực của trăm ngàn vị Phật. Có thể chấn động trăm ngàn thế giới của Phật. Cho đến thị hiện trăm ngàn thứ thân, mỗi mỗi thân có trăm ngàn Bồ Tát dùng làm quyến thuộc. Nếu dùng nguyện lực thù thắng của Bồ Tát, thì tự tại thị hiện, còn hơn số trên. Trăm kiếp, ngàn kiếp, cho đến trăm ngàn ức Na do tha kiếp, không thể biết được.

Giảng: Bồ Tát lại nghĩ như vầy : Tôi phải ở trong chúng sinh, làm người lãnh đạo của họ, năng lực trí huệ thắng hơn người khác, phải có biểu hiện đặc thù. Các việc cầu tốt, cầu hoàn mỹ nhất, vô thượng nhất. Lại phải làm người lãnh đạo có trí huệ nhất trong hết thảy chúng sinh. Bồ Tát lại chuyên cần tinh tấn, có thể trong một niệm, đắc được trăm ngàn tam muội, có thể thấy được trăm ngàn vị Phật, biết được sức thần thông của trăm ngàn vị Phật, có thể chấn động trăm ngàn thế giới của Phật, cho đến có thể biến hoá thị hiện trăm ngàn hoá thân, mỗi hoá thân, lại có trăm ngàn vị Bồ Tát làm quyến thuộc của Ngài. Nếu dùng sức đại nguyện thù thắng của Bồ Tát đã phát ra thuở xưa, thì còn có thể vượt qua số mục đã nói ở trên. Dù dùng một trăm kiếp, một ngàn kiếp, thậm chí trăm ngàn ức Na do tha kiếp thời gian, cũng không thể nào tính đếm biết được rõ ràng các thứ thần thông biến hoá của Bồ Tát.

 

Nhĩ thời, Kim Cương tạng Bồ Tát dục trọng tuyên kỳ nghĩa nhi thuyết tụng viết:

Kim Cang Tạng Bồ Tát muốn tuyên lại nghĩa này mà nói kệ rằng:

 

Thanh tịnh an trụ minh thịnh tâm,                    Thanh tịnh an trụ tâm sáng thạnh
Yếm ly vô tham vô hại tâm,                                 Tâm nhàm lìa, không tham, không hại
Kiên cố dũng mãnh quảng đại tâm,                   Tâm kiên cố, dũng mãnh, rộng lớn
Trí giả dĩ thử nhập tam địa.                                Bực trí dùng đây vào Tam Ðịa

Giảng: Lúc đó, Bồ Tát Kim Cang Tạng dùng phương pháp bài kệ, để tường thuật lại những nghĩa lý đã nói ở trên. Bồ Tát tu học hạnh của Bồ Tát đệ tam địa, điều kiện quan trọng thứ nhất là phải có tâm thanh tịnh, phải lìa khỏi tất cả sự nhiễm ô. Còn phải có tâm an trụ, an trụ nơi bồ đề giác đạo, mới không thể thối chuyển. Còn phải có tâm trí huệ sáng rực như lửa ngọn, phải nhàm lìa tất cả, chẳng có tâm tham, chẳng có tâm hại người. Phải có tâm tin kiên cố, dũng mãnh tinh tấn. Phải có tâm chí nguyện sâu xa, rộng rãi đại lượng. Phải đầy đủ các thứ tâm như vậy, mới có thể sinh ra trí huệ, mới có thể tiến vào đệ tam địa – quả vị Phát quang địa.

 

Bồ-tát trụ thử phát quang địa,                           Bồ Tát trụ bực Phát Quang Ðịa
Quán chư hạnh Pháp khổ vô thường,               Quán thấy hữu vi: khổ, vô thường
Bất tịnh bại hoại tốc quy diệt,                             Bất tịnh, bại hoại mau tan diệt
Vô kiên vô trụ vô lai vãng                                    Không bền, không dừng, không qua lại.

Giảng: Khi Bồ Tát trụ ở tại Phát Quang địa, Ngài quán sát các pháp là khổ, không, vô thường. Tất cả pháp thế gian đều không thanh tịnh, mà dễ suy bại khô hoại, trong khoảnh khắc liền quy về tịch diệt. Các pháp không vững bền, cũng không trụ lâu dài, đồng thời cũng không đến, cũng không đi.

 

Quán chư hữu vi như trọng bệnh,                     Xem pháp hữu vi như bịnh nặng
Ưu bi khổ não hoặc sở triền,                               Buộc ràng bởi ưu bi, khổ não
Tam độc mãnh hỏa hằng sí nhiên,                     Lửa mạnh tam độc hằng cháy hực
Vô thủy thời lai bất hưu tức                                Từ vô thủy đến nay chẳng dứt

Giảng: Bồ Tát quán sát tất cả pháp hữu vi, giống như con người có một chứng bệnh nặng. Lại thêm các thứ sầu lo, thống khổ, phiền não, mê hoặc, trói buộc con người không thoát ra được. Lửa độc tham sân si hung dữ thiêu đốt từ vô thuỷ cho đến bây giờ, những thống khổ đó chưa từng ngừng nghỉ.

 

Yếm ly tam hữu bất tham trước                         Nhàm lìa ba cõi chẳng tham chấp
Chuyên cầu Phật trí vô dị niệm,                         Chuyên cầu Phật trí không niệm lạ
Nan trắc nan tư vô đẳng luân                            Khó nghĩ khó lường không sánh kịp
Vô lượng vô biên vô bức não.                             Vô lượng vô biên không bức não

Giảng: Bồ Tát biết rõ tất cả ưu bi khổ não, cho nên Ngài nhàm chán lưu chuyển trong ba cõi, Ngài không tham luyến những thứ hư huyễn của kiếp người, ngược lại chuyên tâm nhất chí cầu trí huệ của Phật, không sinh tơ hào tạp niệm. Nếu chúng ta muốn học Phật pháp, muốn nghiên cứu Phật pháp, cũng phải chuyên chú nhất tâm, thì mới có thể thâm nhập vào Phật pháp, mới có thể đắc được trí huệ như đức Phật. Trí huệ của Phật khó dò khó tư lường, khó tưởng tượng được, chẳng có gì so sánh được. Trí huệ nầy vô lượng vô biên, không có phiền não gì có thể bức bách Ngài được.

 

Kiến Phật trí dĩ mẫn chúng sanh                       Thấy Phật trí rồi thương chúng sanh
Cô độc vô y vô cứu hộ,                                        Cô độc không chỗ nương cứu hộ
Tam độc sí nhiên thường khốn phạp                Ba độc cháy hừng thường thiếu khốn
Trụ chư hữu ngục hằng thọ khổ,                       Ở ngục ba cõi luôn chịu khổ.

Giảng: Bồ Tát thấy được trí huệ của Phật rồi, bèn sinh ra tâm đại từ bi, thương xót chúng sinh trên thế gian, thương họ cô độc một mình, chẳng có chỗ nương tựa, chẳng có ai cứu hộ họ. Họ luôn bị lửa dữ ba độc vây khốn, ở trong thế giới ba cõi giống như lao ngục, không có lúc nào mà không thọ các khổ não.

 

Phiền não triền phước manh vô mục,               Phiền não cột trói mê không trí
Chí lạc hạ liệt tang pháp bảo,                             Chí nguyện hạ liệt mất pháp bửu
Tùy thuận sanh tử phố Niết-Bàn                       Tùy thuận sanh tử sợ Niết Bàn
Ngã ưng cứu bỉ cần tinh tấn.                              Tôi phải cứu họ siêng tinh tấn.

Giảng: Chúng sinh bị phiền não trói buộc, giống như người mù không có con mắt. Họ chẳng có chí nguyện cao thượng sâu xa, mà sự truy cầu hoan hỉ các thứ thấp hèn. Họ hoàn toàn không biết tìm cầu Phật pháp, đáng thương xót họ đã làm mất đi ý thú cầu pháp. Chỉ thuận theo dòng luân hồi, trôi nổi ở trong sinh tử, còn đối với pháp môn Niết Bàn chấm dứt sinh tử, thoát khỏi biển khổ, thì ngược lại họ lại sinh ra tâm sợ hãi. Tôi phải siêng cầu Phật đạo, cứu độ họ !

 

Tướng cầu trí tuệ ích chúng sanh,                   Toan cầu trí huệ lợi chúng sanh
Tư hà phương tiện lệnh giải thoát?                 Nghĩ phương tiện gì khiến giải thoát.
Bất ly Như Lai vô ngại trí,                                  Chẳng rời Như Lai trí vô ngại
Bỉ phục vô sanh tuệ sở khởi.                             Kia lại phát khởi huệ vô sanh.

Giảng: Tôi siêng cầu trí huệ, là vì lợi ích chúng sinh, nhưng tôi phải dùng pháp môn phương tiện gì, mới có thể khiến cho chúng sinh đắc được giải thoát ? Ngoài việc không lìa khỏi đại trí huệ vô ngại của Phật, không còn phương pháp nào khác. Từ nơi đạo lý giác ngộ không sinh không diệt của Phật, mà sinh ra đại trí huệ vô ngại thù thắng.

 

Tâm niệm thử tuệ tùng văn đắc,                        Nghĩ rằng huệ này do nghe pháp
Như thị tư duy tự cần lệ,                                     Suy nghĩ như vậy tự siêng gắng
Nhật dạ thính tập Vô gián nhiên,                       Ngày đêm nghe tu không xen hở
Duy dĩ chánh pháp vi tôn trọng.                        Chỉ dùng chánh pháp làm tôn trọng.

Giảng: Bồ Tát suy gẫm nguồn gốc trí huệ nầy, là do nghe pháp mà được. Như vậy suy nghĩ cho kĩ, thì sẽ tự cố gắng tinh tấn, ngày đêm không giải đãi, cổ lệ chính mình không sinh tâm thối chuyển. Nghe Phật pháp, tu tập Phật pháp, niệm niệm liên tục, không có gián đoạn. Chuyên tâm cầu chánh pháp, tôn trọng chánh pháp.

 

Quốc thành tài bối chư trân bảo,                      Quốc thành, tiền của, các trân bửu
Thê tử quyến thuộc cập Vương vị,                    Vợ con, quyến thuộc và ngôi vua
Bồ Tát vi Pháp khởi kính tâm,                            Bồ Tát vì pháp tâm cung kính
Như thị nhất thiết giai năng xả.                        Tất cả như vậy đều thí xả

Giảng: Lãnh thổ của đất nước, thành trì, tài sản của cải, và hết thảy ngọc ngà châu báu, vợ con, thân bằng quyến thuộc, thậm chí ngôi vua – Bồ Tát đều xả bỏ được. Vì cầu chánh pháp mà kiền thành cung kính, đối với những người đó xem là vật khó có được, Ngài đều có thể bố thí cho chúng sinh.

 

Đầu mục nhĩ tỳ thiệt nha xỉ,                               Ðầu, mắt, tai, mũi, lưỡi và răng
Thủ túc cốt tủy tâm huyết nhục,                       Tay, chân, xương, tủy, tim, máu, thịt
Thử đẳng giai xả vị vi nan,                                  Thí xả tất cả chưa là khó
Đãn dĩ văn Pháp vi tối nan.                                Chỉ cho nghe pháp là rất khó.

Giảng: Bồ Tát không những xả bỏ bố thí được các thứ tài vật trân quý, mà cho đến thân thể của mình như: Đầu, mắt, tai, mũi, răng, lưỡi, tay, chân, xương, tuỷ, tim, máu, thịt, những vật khó xả bỏ nầy, đều có thể bố thí cho người khác. Trong tâm mắt của Bồ Tát, bố thí những thứ thân thể máu thịt nầy, chẳng phải là việc khó khăn. Mà khó khăn nhất, khó gặp nhất là nghe được Phật pháp.

 

Thiết hữu nhân lai ngữ Bồ Tát:                          Dầu có ai đến nói Bồ Tát.
Thục năng đầu thân Đại hỏa tụ,                        Nếu nhảy vào được trong hầm lửa
Ngã đương dữ nhữ Phật Pháp bảo!                  Tôi sẽ truyền cho Phật pháp bửu
Văn dĩ đầu chi vô khiếp cụ.                                 Nghe nói vào lửa không khiếp sợ.

Giảng: Giả sử có người đến nói với Bồ Tát: “Nếu ai có thể nhảy vào trong hầm lửa lớn, nếu ai có tâm thành dũng mãnh vì pháp quên mình, thì tôi sẽ truyền thọ cho họ pháp bảo mà họ chưa từng nghe qua”. Bồ Tát nghe lời đó rồi, liền rất vui mừng, tơ hào không do dự trả lời rằng: “Chỉ cần Ngài truyền thọ cho tôi pháp bảo của Phật, khi tôi nghe rồi, tuyệt đối sẽ nhảy vào hầm lửa, mà không sợ hãi gì cả”.

 

Giả sử hỏa mãn tam thiên giới,                         Dầu cho lửa đầy cõi Ðại Thiên
Thân tùng phạm thế nhi đầu nhập,                 Thân từ trời Phạm mà nhảy vào
Vi cầu Pháp cố bất vi nan,                                  Vì cầu Phật pháp xem không khó
Huống phục nhân gian chư tiểu khổ!              Huống là nhơn gian những khổ nhỏ.

Giảng: Đừng nói chi một hầm lửa nhỏ, dù hầm lửa lớn đầy khắp ba ngàn đại thiên thế giới, tôi cũng nguyện ý từ cõi Phạm thiên nhảy vào hầm lửa lớn. Vì cầu Phật pháp, bất cứ khó khăn gì tôi cũng đều khắc phục được, không sợ hãi, hà huống chỉ là một chút khổ nhỏ thế gian.

 

Tùng sơ phát ý chí đắc Phật,                             Từ sơ phát tâm đến thành Phật
Kỳ gian sở hữu A-tỳ khổ,                                    Tất cả sự khổ ngục A Tỳ
Vi văn Pháp cố giai năng thọ,                            Vì nghe Phật pháp đều chịu được
Hà huống nhân trung chư khổ sự                    Huống là sự khổ của nhơn gian.

Giảng: Từ lúc ban đầu phát tâm bồ đề đến khi thành quả vị Phật, cần phải trải qua thời gian ba đại A tăng kỳ kiếp, sự thọ khổ không thể tính đếm được. Bồ Tát vì cầu nghe pháp, dù có chịu khổ trong địa ngục Vô gián thời gian lâu dài, cũng nhẫn thọ được, hà huống những khổ nhỏ ở nhân gian.

 

Văn dĩ như lý chánh tư duy,                               Nghe Phật pháp rồi Chánh tư duy
Hoạch đắc tứ Thiền vô sắc định,                       Lại được Tứ thiền, Vô sắc định
Tứ đẳng ngũ thông thứ đệ khởi                        Tứ đẳng, Ngũ thông lần lượt khởi
Bất tùy kỳ lực nhi thọ sanh.                               Chẳng theo định lực để thọ sanh.

Giảng: Bồ Tát nghe được chân lý Phật pháp rồi, bèn suy nghĩ quán sát, y chiếu theo Phật pháp thiết thực dụng công tu hành, như vậy sẽ đắc được cảnh giới Tứ thiền – Sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, và tiến vào trong thiền định vô sắc giới. Tứ đẳng là từ bi hỷ xả bốn tâm vô lượng. Từ hay ban vui, bi hay cứu khổ, hỷ hay sinh thiện, xả hay lìa ác. Ngũ thông – ngoại trừ lậu tận thông ra chưa đắc được, năm thứ thần thông tức là: Thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, và thần túc thông đều đã đắc được. Những công phu tu hành nầy, tuần tự tiến lên đều tu đến được. Tuy nói còn ở trong dòng sinh tử xả sinh thọ sinh, nhưng không bị nghiệp lực truy bức, mà là tuỳ theo nguyện lực của mình, vì độ chúng sinh mà thọ sanh.

 

Bồ-tát trụ thử kiến đa Phật,                                 Bồ Tát ở đây thấy nhiều Phật
Cúng dường thính văn tâm quyết định,             Cúng dường nghe pháp tâm quyết định
Đoạn chư tà hoặc chuyển thanh tịnh,                Dứt các tà hoặc càng thanh tịnh
Như luyện chân kim thể vô giảm.                       Như luyện chơn kim chất không giảm.

Giảng: Bồ Tát trụ nơi cảnh giới địa thứ ba, thấy được vô lượng đức Phật không thể đếm biết được, cúng dường mười phương chư Phật, ở tại đạo tràng của chư Phật nghe pháp, tâm tin càng kiên định, không còn tâm nghi hoặc; tất cả tà tham, tà sân, tà si, các tà hoặc đều dứt trừ; ý niệm càng ngày càng thanh tịnh. Giống như dùng lửa luyện vàng, tuy nói khử hết cặn đục và cát đá, nhưng bản thân phân lượng của vàng vẫn không giảm bớt, ngược lại càng thêm sáng bóng thanh tịnh.

 

Trụ thử đa tác Đao Lợi Vương,                           Bực này thường làm Thiên Ðế Thích
Hóa đạo vô lượng chư Thiên Chúng,                 Hóa đạo vô lượng chúng cõi Trời
Lệnh xả tham tâm trụ thiện đạo,                       Khiến bỏ tâm tham ở đạo lành
Nhất hướng chuyên cầu Phật công đức.           Một bề chuyên cầu công đức Phật

Giảng: Trụ nơi địa thứ ba – Bồ Tát Phát quang địa, đa số làm Thiên chủ cõi trời Tam Thập Tam, giáo hoá vô lượng vô biên các Thiên chúng cõi trời, khiến cho tất cả chúng sinh đều xả bỏ tâm tham, mà trụ nơi đường lành. Bồ Tát chuyên tâm nhất chí hướng về siêng cầu công đức thành Phật.

 

Phật tử trụ thử cần tinh tấn,                               Phật tử ở đây siêng tinh tấn
Bách thiên tam muội giai cụ túc,                        Trăm ngàn tam muội đều đầy đủ
Kiến bách thiên Phật tướng nghiêm thân         Thấy trăm ngàn Phật thân oai nghiêm
Nhược dĩ nguyện lực phục qua thị.                    Nếu dùng nguyện lực hơn vô lượng

Giảng: Các vị đệ tử của Phật ! Khi các vị trụ nơi địa thứ ba, phải siêng năng tinh tấn, dụng công tu hành, sẽ đắc được viên mãn trăm ngàn thứ tam muội (chánh định chánh thọ). Lại có thể thấy được trăm ngàn vị Phật tướng tốt trang nghiêm, càng có thể chấn động trăm ngàn thế giới của Phật. Nếu nói về dùng nguyện lực thuở xưa của Bồ Tát đã phát ra, thì sức thần thông của Ngài, càng vượt trội số mục đã nói ở trên.

 

Nhất thiết chúng sanh phổ lợi ích,                    Lợi ích khắp tất cả chúng sanh
Bỉ chư Bồ-tát tối thượng hạnh                           Công hạnh tối thượng của Bồ Tát
Như thị sở hữu đệ tam địa                                 Phát Quang Ðịa có như vậy thảy
Ngã y kỳ nghĩa dĩ giải thích.                               Tôi y theo nghĩa đã giải thích.

Giảng: Bồ Tát địa thứ ba, tu hạnh môn tối thượng, khiến cho khắp tất cả chúng sinh đều đắc được lợi ích. Những cảnh giới địa thứ ba như ở trên, tôi đã y chiếu theo nghĩa lý, vì các vị giải thích rõ ràng xong rồi.