Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng 8

Kinh Hoa Nghiêm

Đại Phương Quảng Phật

giảng giải

Phẩm Thứ 25

Hòa Thượng TUYÊN HÓA
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Ðịnh

— o0o —

Phẩm Thập Hồi Hướng – 8

Hồi hướng chân như tướng thứ tám

 

Phật tử! hà giả thị Bồ-Tát Ma-ha-tát chân như tướng hồi hướng?

Phật tử ! Thế nào là hồi hướng chân như tướng của đại Bồ Tát ?

Giảng: Bồ Tát Kim Cang Tràng lại gọi một tiếng các vị đại đệ tử của Phật ! Các vị có biết thế nào là hồi hướng chân như tướng, của đại Bồ Tát tu Bồ Tát đạo chăng ? Nếu không biết thì xin mọi người chú ý, hiện tại tôi sẽ vì các vị giải thích.

 

Phật tử! thử Bồ-Tát Ma-ha-tát chánh niệm minh liễu, kỳ tâm kiên trụ, viễn ly mê hoặc, chuyên ý tu hành, thâm tâm bất động, thành bất hoại nghiệp, thú nhất thiết trí, chung Bất-thoái-chuyển, chí cầu Đại-Thừa, dũng mãnh vô úy, thực chư đức bổn, phổ an thế gian, sanh thắng thiện căn, tu bạch tịnh Pháp, đại bi tăng trưởng, tâm bảo thành tựu, thường niệm chư Phật, hộ trì chánh pháp, ư Bồ Tát đạo tín lạc kiên cố, thành tựu vô lượng tịnh diệu thiện căn, cần tu nhất thiết công đức trí tuệ, vi điều ngự sư, sanh chúng thiện Pháp, dĩ trí phương tiện nhi vi hồi hướng.

Phật tử ! Đại Bồ Tát nầy chánh niệm thấu rõ. Tâm của Ngài an trụ vững chắc. Xa lìa mê hoặc. Chuyên tâm tu hành. Thâm tâm chẳng động. Thành tựu nghiệp bất hoại. Hướng về nhất thiết trí. Trọn không thối chuyển. Chí cầu đại thừa. Dũng mãnh không sợ hãi. Trồng các gốc công đức. An ổn khắp thế gian. Sinh căn lành thù thắng. Tu pháp trắng tịnh. Đại bi tăng trưởng. Tâm báu thành tựu. Thường niệm chư Phật. Hộ trì chánh pháp. Nơi Bồ Tát đạo tin tưởng ưa thích vững chắc. Thành tựu vô lượng căn lành tịnh diệu. Siêng tu nhất thiết công đức trí huệ. Làm Điều Ngự Sư. Sinh các pháp lành. Dùng trí huệ phương tiện để hồi hướng.

Giảng: Các vị đệ tử của Phật ! Đại Bồ Tát tu hành Bồ Tát đạo, Ngài thường chánh niệm, chẳng có tà niệm. Ngài có đại trí huệ, thấu suốt tất cả nhân quả báo ứng. Tâm của Ngài rất vững chắc, trụ ở trong tất cả Phật pháp, xa lìa tất cả vô minh, tất cả mê hoặc, chuyên tâm nhất chí tu hành Phật pháp. Tâm thường ở trong định, chẳng bị ngoại cảnh bên ngoài làm lay động. Thành tựu tất cả định nghiệp, tức cũng là nghiệp bất hoại. Hướng về nhất thiết trí huệ, bất cứ lúc nào, trọn cũng không thối chuyển Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Chí nguyện của Ngài chuyên cầu Phật pháp đại thừa, dũng mãnh tinh tấn hướng về phía trước, chẳng sợ hãi tất cả khốn khổ hoạn nạn. Gieo trồng tất cả gốc rễ đức hạnh, khiến khắp tất cả chúng sinh thế gian được an ổn, chẳng có mọi sự tai nạn, sinh ra căn lành thù thắng, tu hành pháp trắng thanh tịnh, nghĩa là chẳng có pháp môn ô nhiễm. Tâm đại bi của Ngài thường tăng trưởng, bi hay cứu khổ, cứu hết thảy khổ của chúng sinh, khiến cho chúng sinh chẳng còn phiền não, chẳng còn vọng tưởng. Tâm báu thành tựu, hay sinh nhất thiết trí huệ. Bồ Tát lại luôn luôn nghĩ nhớ mười phương chư Phật, lại luôn luôn hộ trì chánh pháp nhãn tạng, đối với tất cả Bồ Tát tu hành Bồ Tát đạo, vừa tin tưởng vừa ưa thích, tâm của Ngài vững chắc như kim cang, chẳng bị thiên ma ngoại đạo phá hoại. Thành tựu vô lượng căn lành thanh tịnh vi diệu, mới có thể lìa khỏi tất cả tâm nhiễm ô, mới có thể đắc được nhất thiết trí huệ, căn lành đó là cơ sở thành tựu quả Phật. Tu hành Bồ Tát đạo phải siêng tu, thời thời khắc khắc không giải đãi; nếu không siêng tu thì không thể thành tựu tất cả công đức và trí huệ; nếu muốn có công đức và trí huệ vô thượng viên mãn, thì phải siêng tu. Siêng tu là pháp bảo học Phật pháp duy nhất.

Đưa ra một ví dụ, giống như học sinh đi học, nếu muốn đạt thành tích tốt, thì nhất định phải siêng năng học tập, dụng công nghiên cứu. Nếu lười biếng không cầu tiến tới, đợi đến lúc thi thì tay chân rối loạn, kết quả không đạt được gì. Chúng ta tu đạo cũng như thế, phải siêng tu tất cả công đức và trí huệ. Do đó:
“Chớ cho rằng việc thiện nhỏ mà không làm,
Chớ cho rằng việc ác nhỏ mà làm”.

Việc thiện tuy nhỏ, cũng đi làm công đức; việc ác tuy nhỏ, cũng đừng tạo tội nghiệt. Cổ nhân có nói:
“Núi Thái chẳng bỏ cát bụi,
Nên trở thành cao.
Sông biển chẳng lựa dòng nhỏ,
Nên trở thành sâu”.

Tu công đức, học trí huệ, từng chút từng chút tập ít thành nhiều, dần dần sẽ thành tựu. Chúng ta phải dụng công ở bên trong, tức là:
“Thời thời thường lau chùi
Đừng để dính bụi bặm”.

Thời thời khắc khắc quét đất tâm cho thật sạch, tức cũng là chẳng còn vọng tưởng. Tâm giống như đài sáng chói, chiếu sáng vạn sự vạn vật. Vọng tưởng giống như bụi bặm, hay che mờ ánh sáng trong gương. Nếu chẳng lau chùi thường xuyên, thì lâu dần gương sẽ mất đi ánh sáng, chẳng còn tác dụng gì nữa. Do đó phải siêng lau chùi, đừng để dính bụi bặm. Tâm của chúng ta có bụi rồi, thì tương lai sẽ che lấp trí huệ vốn có, chẳng hiện ra đại quang minh tạng.

Nếu siêng tu tất cả công đức, siêng học nhất thiết trí huệ, thì sẽ làm bậc Điều Ngự Sư của chúng sinh. Điều là điều hoà, ngự là giá ngự. Người thời xưa dùng xe ngựa, người thời nay dùng xe hơi, đều gọi là ngự. Tóm lại, phàm là người có thể khiến cho xe tiến về trước, đều là ngự. Điều ngự là đạo sư của tất cả chúng sinh ba cõi. Tức cũng là một trong mười danh hiệu của Phật. Mười danh hiệu của Phật là: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.

Làm Điều Ngự Sư sinh ra tất cả pháp lành, xa lìa tất cả pháp ác, dùng pháp môn thiện xảo phương tiện đại trí đại huệ, để giáo hoá tất cả chúng sinh mà hồi hướng. Bồ Tát chẳng ích kỷ, đem căn lành tu tập, chẳng giữ lại cho chính mình, hồi hướng cho chúng sinh, hồi hướng về bồ đề, hồi hướng về thật tế.

 

Bồ Tát nhĩ thời, Tuệ-nhãn phổ quán, sở hữu thiện căn vô lượng vô biên. kỳ chư thiện căn tu tập chi thời, nhược cầu duyên, nhược biện cụ, nhược trì tịnh, nhược thú nhập, nhược chuyên lệ, nhược khởi hành, nhược minh đạt, nhược tinh thẩm, nhược khai thị, như thị nhất thiết hữu chủng chủng môn, chủng chủng cảnh, chủng chủng tướng, chủng chủng sự, chủng chủng phần, chủng chủng hạnh, chủng chủng danh tự, chủng chủng phân biệt, chủng chủng xuất sanh, chủng chủng tu tập, kỳ trung sở hữu nhất thiết thiện căn, tất thị thú hướng thập lực thừa tâm chi sở kiến lập, giai tất hồi hướng nhất thiết chủng trí, duy nhất vô nhị.

Bấy giờ, Bồ Tát dùng mắt huệ quán sát, hết thảy căn lành vô lượng vô biên. Các căn lành đó, khi tu tập, hoặc cầu duyên, hoặc sắm sửa, hoặc trị tịnh, hoặc hướng nhập, hoặc chuyên cần, hoặc khởi hành, hoặc thấu đạt, hoặc thẩm xét, hoặc khai thị. Như vậy có đủ thứ pháp môn, đủ thứ cảnh, đủ thứ tướng, đủ thứ việc, đủ thứ phần, đủ thứ hạnh, đủ thứ danh tự, đủ thứ phân biệt, đủ thứ sinh ra, đủ thứ tu tập. Trong đó hết thảy tất cả căn lành, đều hướng về tâm thừa thập lực mà kiến lập. Thảy đều hồi hướng nhất thiết chủng trí, chỉ một không hai.

 Giảng: Lúc đó Bồ Tát dùng mắt trí huệ của Ngài để quán sát nhân duyên của tất cả chúng sinh ba đời, nhìn xem chúng sinh đó với Ngài có quan hệ gì ? Lại nhìn xem chúng sinh kia với Ngài có quan hệ gì ? Quán sát rồi, chúng sinh đó là cha của Ngài từ vô lượng kiếp về trước, chúng sinh kia là mẹ của Ngài từ vô lượng kiếp về trước, cho đến lục thân quyến thuộc, họ đang chịu tội, vì cứu họ thoát khỏi biển khổ, Bồ Tát phát nguyện: “Phàm là thấy mặt ta, hoặc nghe tên ta, đều phát tâm bồ đề, đều thành vô thượng đạo”. Nghề nghiệp của Bồ Tát là chuyên vì chúng sinh làm việc, cứu tất cả chúng sinh đến bờ bên kia, lìa khỏi khổ trong ba cõi sáu nẻo. Tuy chúng sinh độ cũng độ không hết, song, Bồ Tát chẳng nãn lòng, lại tiếp tục độ chúng sinh, giống như Bồ Tát Địa Tạng, tâm bi tha thiết, vì cứu chúng sinh địa ngục mà hy sinh chính mình. Ngài phát nguyện:

“Chúng sinh độ hết,
Mới chứng bồ đề.
Địa ngục chưa trống,
Thệ không thành Phật”.

Tôi không vào địa ngục, ai vào địa ngục, tinh thần thật là vĩ đại ! Chúng ta thấy nên bắt chước làm cho bằng được, hướng Bồ Tát mà học tập, hướng Bồ Tát làm cho bằng được, đừng ích kỷ nữa.

Bồ Tát dùng mắt trí huệ quán sát căn lành của chúng sinh, có nhiều vô lượng vô biên. Hết thảy căn lành, khi tu tập thì, hoặc cầu tất cả nhân duyên, gieo trồng căn lành, hoặc sắm sửa rất viên mãn, gieo trồng tất cả căn lành, hoặc giống như trị bệnh, khiến cho hướng vào trong nhất thiết trí huệ, gieo trồng tất cả căn lành, hoặc chuyên khuyến khích chính mình, khiến cho mình phát tâm bồ đề; hoặc sinh khởi tâm tu hành căn lành, hoặc thấu rõ thông đạt tất cả nghĩa lý, gieo trồng tất cả căn lành, hoặc thẩm xét sự vật, biện lý như thế nào, gieo trồng căn lành, hoặc khai thị chúng sinh, gieo trồng căn lành như thế nào.

Đề xướng như vậy vì chúng sinh trồng căn lành, có đủ thứ pháp môn, có đủ thứ cảnh giới, có đủ thứ hiện tượng, có đủ thứ sự việc, có đủ thứ phần số, có đủ thứ tu hành, có đủ thứ danh tự, có đủ thứ phân biệt, có đủ thứ sinh ra, có đủ thứ tu tập, ở trong đó hết thảy tất cả căn lành, hoàn toàn hướng về tâm đại thừa thập lực mà kiến lập, thảy đều hồi hướng về nhất thiết trí huệ, nghĩa là chỉ có một thừa, chẳng có hai thừa.

 

Dĩ chư thiện căn như thị hồi hướng, sở vị: nguyện đắc viên mãn vô ngại thân nghiệp, tu Bồ Tát hạnh, nguyện đắc thanh tịnh vô ngại khẩu nghiệp, tu Bồ Tát hạnh. Nguyện đắc thành tựu vô ngại ý nghiệp, an trụ Đại-Thừa. Nguyện đắc viên mãn vô chướng ngại tâm, tịnh tu nhất thiết chư Bồ-tát hạnh, nguyện khởi vô lượng quảng đại thí tâm, châu cấp vô biên nhất thiết chúng sanh. Nguyện ư chư Pháp tâm đắc tự tại, diễn Đại pháp minh, vô năng chướng tế, nguyện đắc minh đạt nhất thiết trí xứ, phát Bồ-đề tâm, phổ chiếu thế gian. Nguyện thường chánh niệm tam thế chư Phật, đế tưởng Như Lai thường hiện tại tiền. Nguyện trụ viên mãn tăng thượng chí lạc, viễn ly nhất thiết chư ma oán địch, nguyện đắc an trụ Phật thập lực trí, phổ nhiếp chúng sanh vô hữu hưu tức

Bồ Tát đem các căn lành hồi hướng như vầy: Nguyện được thân nghiệp viên mãn vô ngại, tu hạnh Bồ Tát. Nguyện được miệng nghiệp thanh tịnh vô ngại, tu hạnh Bồ Tát. Nguyện được thành tựu ý nghiệp vô ngại, an trụ đại thừa. Nguyện được tâm viên mãn không chướng ngại, tịnh tu tất cả các hạnh Bồ Tát. Nguyện khởi vô lượng tâm địa rộng lớn, chu cấp vô biên tất cả chúng sinh. Nguyện nơi các pháp tâm được tự tại, diễn nói đại pháp minh, không ai chướng che được. Nguyện được thấu đạt nơi nhất thiết trí, phát tâm bồ đề, chiếu khắp thế gian. Nguyện thường chánh niệm chư Phật ba đời, quán tưởng Như Lai thường hiện tại tiền. Nguyện trụ nơi chí nguyện viên mãn tăng thượng, xa lìa tất cả các ma oán địch. Nguyện được an trụ nơi trí thập lực của Phật, nhiếp khắp chúng sinh không có ngừng nghỉ.

Giảng: Bồ Tát đem đủ thứ căn lành, hồi hướng cho chúng sinh như vậy. Lại còn phát hai mươi nguyện lớn, chẳng những nguyện cho mình như vậy, mà còn nguyện cho tất cả chúng sinh như vậy. Đó là:

  1. Nguyện đắc được thân nghiệp tất cả đều viên mãn không có chướng ngại. Có chướng ngại tức là nhiễm ô, chẳng có chướng ngại tức là thanh tịnh, thân nghiệp thanh tịnh, thì chẳng phạm: Giết hại, trộm cắp, tà dâm, ba nghiệp ác nầy. Luôn luôn tu hành hạnh môn của Bồ Tát tu.
  2. Nguyện đắc được miệng nghiệp thanh tịnh chẳng có chướng ngại. Miệng nghiệp thanh tịnh thì, không nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, chưởi mắng, bốn nghiệp ác nầy. Người tu hành Bồ Tát hạnh, thì không nói hoang đường, không nói về chuyện nam nữ không chánh đáng, không nói thị phi, không nói những lời thương hại đến kẻ khác.
  3. Nguyện được thành tựu ý nghiệp chẳng có chướng ngại. Ý nghiệp thanh tịnh, thì không sinh tâm tham, sân, si, ba nghiệp ác nầy. An ổn trụ ở trong Phật pháp đại thừa. Bồ Tát chẳng tham tiền tài, chẳng tham sắc, chẳng tham danh, chẳng tham ăn, chẳng tham ngủ, tóm lại, chẳng tham tất cả sự hưởng thụ, lại chẳng sinh tâm sân hận. Bất cứ ai đối với Ngài không tốt, Ngài cũng tha thứ, mà phản tỉnh lại chính mình, kiểm thảo lại chính mình: “A ! Vì trong quá khứ tôi đối với họ không tốt, cho nên bây giờ họ đối với tôi không tốt; nếu tôi đối tốt với họ, thì bây giờ họ không thể đối xử tồi tệ với tôi”. Bồ Tát là người có tâm từ bi, tuyệt đối chẳng có tâm lý báo thù, lúc nào cũng hồi quang phản chiếu, luôn luôn cầu ngược lại nơi chính mình, chẳng oán trời, chẳng trách người. Tất cả những việc không như ý, tự mình cán đán, tâm an lý đắc, ở đâu cũng vẫn thản nhiên. Bồ Tát là người có đại trí huệ, đối với sự lý phân tích rõ ràng, chẳng bị cảnh giới làm lay chuyển, mà làm những việc ngu si điên đảo; kẻ ngu si, chỉ biết ích kỷ, chẳng biết lợi mình, thấy lợi quên nghĩa, vì đạt được mục đích mà bất chấp thủ đoạn, chiếm làm của riêng mình.
  4. Nguyện đắc được tâm viên mãn không chướng ngại, thanh tịnh tu hành hạnh Bồ Tát. Bất cứ gặp nghịch cảnh gì, cũng chẳng thối lùi tâm bồ đề.
  5. Nguyện sinh khởi vô lượng tâm bố thí rộng lớn. Hay đem nội tài (đầu, mắt, tuỷ, não) và ngoại tài (đấc nước vợ con) thảy đều bố thí cho người cần. Tóm lại, đem hết thảy tài vật bố thí cho tất cả chúng sinh. Nghĩa là chúng sinh cần gì ? Thì Bồ Tát bố thí cái đó. Bồ Tát phát tâm lớn, chu cấp khắp cho tất cả chúng sinh, phàm là chúng sinh đến cầu xin, đều đại hoan hỉ.
  6. Nguyện đối với tất cả các pháp, đều minh bạch thấu hiểu, tâm được tự tại, diễn nói diệu pháp đại thừa, khiến cho tất cả chúng sinh minh bạch. Thiên ma ngoại đạo không có sức chướng ngại được, hoặc che lấp được.
  7. Nguyện được thấu rõ thông đạt nơi nhất thiết trí huệ, phát tâm đại bồ đề, trí huệ quang minh chiếu sáng khắp tất cả thế gian.
  8. Nguyện thường thường chánh niệm chư Phật ba đời, suy xét nghĩ nhớ Như Lai, hoặc thường đối chính mình quán tưởng như vậy, thì chư Phật tự nhiên sẽ hiện tiền.
  9. Nguyện trụ ở trong pháp môn viên mãn, tăng thêm chí nguyện vô thượng, xa lìa tất cả các oán ma. Ma có: thiên ma, địa ma, nhân ma, quỷ ma. Ma hay khiến tâm của bạn tán loạn, chẳng có tánh định. Lại có phiền não ma, khiến cho bạn vọng tưởng lăn xăn, tự tìm phiền não. Còn có tự tâm ma, trong tâm của mình sinh ngu si, chẳng rõ sự lý, chẳng biết thiện ác, thích làm việc điên đảo, nghĩa là tự tạo phiền não. Còn có bệnh ma, khiến cho bạn toàn thân không tự tại, đi đứng chẳng phương tiện. Tóm lại, khiến cho bạn tâm ý phiền não, tức là ma. Oán địch tức là cừu địch oán hận.
  10. Nguyện được an trụ ở trong trí huệ thập lực của Phật, tức là trí lực biết thị xứ phi xứ, trí lực biết nghiệp báo ba đời, trí lực biết các thiền giải thoát tam muội, trí lực biết các căn thắng liệt, trí lực biết đủ thứ sự hiểu biết, trí lực biết đủ thứ giới, trí lực biết tất cả chí xứ đạo, trí lực biết thiên nhãn vô ngại, trí lực biết túc mạng vô lậu, trí lực biết vĩnh đoạn tập khí. Có mười thứ trí huệ nầy thì, nhiếp thọ khắp tất cả chúng sinh, chẳng có lúc nào ngừng nghỉ. Bồ Tát là người theo nguyện trở lại, vì cứu chúng sinh thoát khỏi biển khổ, nương thuyền từ bi trở lại thế giới Ta Bà nầy.

 

Nguyện đắc tam muội du chư thế giới, nhi ư thế gian vô sở nhiễm trước. Nguyện trụ chư thế giới vô hữu bì yếm, giáo hóa chúng sanh hằng bất hưu tức. Nguyện khởi vô lượng tư tuệ phương tiện, thành tựu Bồ Tát bất tư nghị đạo. Nguyện đắc chư phương bất mê hoặc trí, tất năng phân biệt nhất thiết thế gian. Nguyện đắc tự tại thần thông trí lực, ư nhất niệm trung tất năng nghiêm tịnh nhất thiết quốc độ. Nguyện đắc phổ nhập chư pháp tự tánh, kiến nhất thiết thế gian tất giai thanh tịnh. Nguyện đắc sanh khởi vô sái biệt trí, ư nhất sát trung nhập nhất thiết sát. Nguyện dĩ nhất thiết sát trang nghiêm chi sự hiển thị nhất thiết, giáo hóa vô lượng vô biên chúng sanh. Nguyện ư nhất Phật sát trung thị vô biên pháp giới, nhất thiết Phật sát tất diệc như thị. Nguyện đắc tự tại đại thần thông trí, phổ năng vãng nghệ nhất thiết Phật thổ.

Nguyện được tam muội, du hành các thế giới, mà nơi thế gian chẳng có nhiễm trước. Nguyện trụ các thế giới, chẳng có mệt mỏi, giáo hoá chúng sinh, luôn không ngừng nghỉ. Nguyện khởi vô lượng phương tiện tư huệ, thành tựu đạo Bồ Tát không nghĩ bàn. Nguyện được các phương trí không mê hoặc, đều phân biệt được tất cả thế gian. Nguyện được trí lực thần thông tự tại, ở trong một niệm, đều nghiêm tịnh được tất cả cõi nước. Nguyện được vào khắp tự tánh các pháp, thấy tất cả thế gian, thảy đều thanh tịnh. Nguyện được sinh khởi trí không sai biệt, ở trong một cõi, vào tất cả cõi. Nguyện đem việc trang nghiêm tất cả cõi, hiển bày tất cả, giáo hoá vô lượng vô biên chúng sinh. Nguyện ở trong một cõi Phật thị hiện vô biên pháp giới, tất cả cõi Phật, cũng đều như vậy. Nguyện được đại thần thông trí huệ tự tại, đi đến khắp tất cả cõi Phật.

Giảng: Bồ Tát lại phát nguyện:

  1. Nguyện đắc được tam muội, ở trong định du hành khắp tất cả thế giới. Song, đối với tài, sắc, danh, ăn, và ngủ năm dục của thế gian không nhiễm trước. Chẳng bị cảnh giới sắc thanh hương vị xúc làm mê hoặc.
  2. Nguyện trụ nơi tất cả thế giới. Tại sao ? Vì giáo hoá chúng sinh. Chẳng có lúc nào mệt mỏi, chẳng có phiền não. Khiến cho chúng sinh trở về nguồn cội, sớm thành Phật đạo, vì chúng sinh là từ nơi Phật mà ra, vẫn phải quay về trong tự tánh Phật. Vì giáo hoá chúng sinh, ngày đêm không ngừng nghỉ.
  3. Nguyện sinh khởi vô lượng huệ tư duy. Huệ có: Văn huệ, tư huệ, tu huệ ba thứ. Sau khi nghe được Phật pháp rồi, bèn sinh trí huệ; tự mình phải tư duy, bèn sinh trí huệ; lại phải tu hành, bèn sinh trí huệ. Có trí huệ văn (nghe), tư (suy nghĩ), tu rồi, lại dùng pháp môn phương tiện thiện xảo để giáo hoá chúng sinh, thành tựu Bồ Tát đạo không nghĩ bàn của Bồ Tát tu.
  4. Nguyện đắc được trí huệ các phương không mê hoặc. Đối với tất cả pháp môn, thấu rõ thông đạt chẳng có chướng ngại. Đều phân biệt được căn lành của tất cả chúng sinh thế gian, hoặc sâu, hoặc cạn, hoặc thành thục, hoặc chưa thành thục.
  5. Nguyện đắc được sức thần thông trí huệ nhậm vận tự tại. Thần thông phân làm có hình và vô hình. Thần thông có hình là người làm; thần thông vô hình là tự nhiên. Ví như hoả tiển, máy bay, máy ra đa, truyền hình, điện thoại .v.v… đó là do con người tạo ra, cho nên vật chất nhìn thấy được, đó là thần thông có hình tướng; còn thần thông không hình tướng thì ai ai cũng đầy đủ, chỉ cần nỗ lực tu hành, dụng công tham thiền, thì sẽ đắc được cảnh giới ngũ nhãn lục thông. Ngũ nhãn tức là: Thiên nhãn, nhục nhãn, pháp nhãn, huệ nhãn, Phật nhãn. Lục thông là: Thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, thần túc thông, lậu tận thông. Ngoại đạo có thể có ngũ thông, mà chẳng đắc được lậu tận thông. Chỉ có người tinh tấn tu hành Phật giáo, mới đắc được lậu tận thông. Có thần thông rồi thì ở trong một niệm, đều có thể trang nghiêm thanh tịnh tất cả cõi nước chư Phật trong mười phương.
  6. Nguyện vào khắp trong tự tánh của tất cả các pháp, thấy được tất cả thế gian, thảy đều thanh tịnh. Do đó:

“Một thế giới tức là tất cả thế giới
Tất cả thế giới tức là một thế giới”.

Nhìn thấy một thế giới, thì thấy tất cả thế giới; nhìn thấy tất cả thế giới, thì vẫn trở về một thế giới. Đây là cảnh giới của Hoa Nghiêm.

  1. Nguyện đắc được trí huệ chẳng có phân biệt, ở trong một cõi, có thể vào tất cả cõi; ở trong tất cả cõi, có thể trở về một cõi. Đây là cảnh giới viên dung vô ngại.
  2. Nguyện đem việc trang nghiêm của tất cả cõi Phật, hiển bày tất cả, giáo hoá vô lượng vô biên chúng sinh.
  3. Nguyện ở trong một cõi Phật, thị hiện vô biên pháp giới. Ở trong tất cả cõi Phật, cũng thị hiện vô biên pháp giới.
  4. Nguyện đắc được trí huệ đại thần thông nhậm vận tự tại, đi đến khắp cõi nước chư Phật mười phương, gần gũi chư Phật, cúng dường chư Phật, giáo hoá chúng sinh. Ở trên là hai mươi nguyện lớn của Bồ Tát phát ra.

 

Phật tử! Bồ-Tát Ma-ha-tát dĩ chư thiện căn, nguyện đắc trang nghiêm nhất thiết Phật quốc. Nguyện đắc châu biến nhất thiết thế giới, nguyện đắc thành tựu trí tuệ quan sát. Như vi kỷ thân như thị hồi hướng, như thị nhi vi nhất thiết chúng sanh, sở vị: nguyện nhất thiết chúng sanh vĩnh ly nhất thiết địa ngục, súc sanh, Diêm la Vương thú. Nguyện nhất thiết chúng sanh trừ diệt nhất thiết chướng ngại chi nghiệp, nguyện nhất thiết chúng sanh đắc châu phổ tâm bình đẳng trí tuệ. Nguyện nhất thiết chúng sanh ư oán ư thân đẳng tâm nhiếp thọ, giai lệnh an lạc, trí tuệ thanh tịnh. Nguyện nhất thiết chúng sanh trí tuệ viên mãn, Tịnh Quang phổ chiếu. Nguyện nhất thiết chúng sanh tư tuệ thành mãn, liễu chân thật nghĩa. Nguyện nhất thiết chúng sanh dĩ tịnh chí lạc, thú cầu Bồ-đề, hoạch vô lượng trí. Nguyện nhất thiết chúng sanh phổ năng hiển thị an ổn trụ xứ.

Phật tử ! Đại Bồ Tát đem các căn lành. Nguyện được trang nghiêm tất cả cõi Phật. Nguyện được đến khắp tất cả thế giới. Nguyện được thành tựu trí huệ quán sát, như là thân mình, hồi hướng như vậy. Như vậy mà vì tất cả chúng sinh. Đó là: Nguyện cho tất cả chúng sinh vĩnh viễn lìa khỏi tất cả cõi địa ngục súc sinh Diêm La Vương. Nguyện cho tất cả chúng sinh diệt trừ tất cả nghiệp chướng ngại. Nguyện cho tất cả chúng sinh được tâm bình đẳng trí huệ khắp cùng. Nguyện cho tất cả chúng sinh nơi oán thân, tâm bình đẳng nhiếp thọ, đều khiến họ an lạc trí huệ thanh tịnh. Nguyện cho tất cả chúng sinh trí huệ viên mãn, tịnh quang chiếu khắp. Nguyện cho tất cả chúng sinh tư huệ thành tựu viên mãn, thấu rõ nghĩa chân thật. Nguyện cho tất cả chúng sinh dùng chí nguyện thanh tịnh, hướng cầu bồ đề, được vô lượng trí huệ. Nguyện cho tất cả chúng sinh khắp khai thị trụ xứ an ổn.

Giảng: Các vị đệ tử của Phật ! Đại Bồ Tát tu hành Bồ Tát đạo, đem sức căn lành của Ngài tu tập để hồi hướng. Nguyện được trang nghiêm cõi nước chư Phật mười phương, thảy đều thanh tịnh. Nguyện được đi đến khắp mười phương thế giới. Nguyện thành tựu trí huệ quán sát, như đồng với thân mình, hồi hướng như vậy, cũng tình hình như vậy, để vì pháp giới chúng sinh hồi hướng. Khiến cho tất cả chúng sinh, đắc được tám thứ lợi ích như đã nói. Tức là:

  1. Nguyện cho tất cả chúng sinh, vĩnh viễn lìa khỏi tất cả địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ ba đường ác. Khổ của địa ngục, không thể tưởng tượng được. Trên núi đao, dưới chảo dầu sôi, khổ không thể tả được. Khổ của súc sinh, càng không cần nói, giết hại lẫn nhau, mạnh ăn thịt con yếu, không thể nào hoà bình với nhau. Súc sinh ăn thịt tánh tình của nó tàn bạo; súc sinh ăn cỏ tánh tình của nó ôn thuận. Con người cũng lại như thế. Ăn thịt thì thích đấu tranh, ăn chay thì nhân từ, tuy nhiên không thể nào nói hết được, nhưng đại khái là như vậy. Ngạ quỷ mà Vua Diêm La cai quản, khổ không thể tưởng tượng được, bụng thì to như trống, cổ thì nhỏ như kim, khi thức ăn vào trong miệng thì biến thành lửa than, không thể nuốt được, cuối cùng chẳng ăn uống được gì, cho nên gọi là ngạ quỷ.
  2. Nguyện cho tất cả chúng sinh, trừ diệt tất cả nghiệp quả chướng ngại, chẳng còn nghiệp ác, chỉ có nghiệp thiện.
  3. Nguyện cho tất cả chúng sinh, đắc được tâm khắp cùng pháp giới, trí huệ bình đẳng, tức cũng là trí huệ bình đẳng giống như Phật.
  4. Nguyện cho tất cả chúng sinh, oán thân bình đẳng, đối với người oán hận, đối với người thân mến, đều như nhau, chẳng có phân biệt đó đây. Dùng tâm bình đẳng để nhiếp thọ, khiến cho họ đắc được an lạc nhẹ nhàng, chẳng có mọi sự nguy hiểm. Khiến cho họ đắc được trí huệ thanh tịnh, chẳng có tất cả vọng tưởng. Trí huệ đó, giống như tấm gương, việc đến thì chiếu, việc đi thị lặng; vật đến thì ứng, vật đi thì lặng.
  5. Nguyện cho tất cả chúng sinh, đắc được trí huệ viên mãn vô ngại, chẳng có gì mà không biết, chẳng có gì mà không thấu. Trí huệ quang minh thanh tịnh, chiếu khắp tất cả mọi nơi, do đó “Tận hư không, khắp pháp giới”, đều có trí huệ quang minh nầy.
  6. Nguyện cho tất cả chúng sinh, tư duy trí huệ, vừa thành tựu vừa viên mãn, thấu hiểu đạo lý nghĩa chân thật, tức cũng là đệ nhất nghĩa đế.
  7. Nguyện cho tất cả chúng sinh, dùng chí nguyện thanh tịnh hướng cầu bồ đề vô thượng, đắc được vô lượng trí huệ.
  8. Nguyện cho tất cả chúng sinh, khắp hiển bày trụ xứ an ổn.

Tám lời nguyện ở trên, Bồ Tát vì chúng sinh mà phát. Bồ Tát chẳng những vì mình phát nguyện, mà còn vì chúng sinh phát nguyện. Tại sao ? Bồ Tát hy vọng chúng sinh cùng đắc được lợi ích hồi hướng căn lành.

 

Phật tử! Bồ-Tát Ma-ha-tát hằng dĩ thiện tâm như thị hồi hướng, vi lệnh nhất thiết chúng sanh ngộ thanh lương vân, chu Pháp vũ cố, vi lệnh nhất thiết chúng sanh thường trị phước điền, thắng cảnh giới cố, vi lệnh nhất thiết chúng sanh giai năng thiện nhập Bồ-đề tâm tạng, tự hộ trì cố, vi lệnh nhất thiết chúng sanh ly chư cái, triền, thiện an trụ cố, vi lệnh nhất thiết chúng sanh giai hoạch vô ngại thần thông trí cố, vi lệnh nhất thiết chúng sanh đắc tự tại thân, phổ thị hiện cố, vi lệnh nhất thiết chúng sanh thành tựu tối thắng nhất thiết chủng trí, phổ hưng lợi ích vô không quá cố, vi lệnh nhất thiết chúng sanh phổ nhiếp quần phẩm, lệnh thanh tịnh cố, vi lệnh nhất thiết chúng sanh giai năng cứu cánh nhất thiết trí cố, vi lệnh nhất thiết chúng sanh tâm bất động dao, vô chướng ngại cố.

Phật tử ! Đại Bồ Tát luôn dùng tâm thiện hồi hướng như vậy. Vì khiến cho tất cả chúng sinh, gặp mây mát mẻ rưới mưa pháp. Vì khiến cho tất cả chúng sinh thường trồng ruộng phước, được cảnh giới thù thắng. Vì khiến cho tất cả chúng sinh đều khéo vào tâm tạng bồ đề, tự hộ trì. Vì khiến cho tất cả chúng sinh lìa các sự ràng buộc che đậy, khéo an trụ. Vì khiến cho tất cả chúng sinh đều được trí huệ thần thông vô ngại. Vì khiến cho tất cả chúng sinh được thân tự tại, thị hiện khắp. Vì khiến cho tất cả chúng sinh thành tựu nhất thiết chủng trí tối thắng, khắp làm lợi ích, không luống qua. Vì khiến cho tất cả chúng sinh nhiếp khắp chúng sinh, làm cho họ được thanh tịnh. Vì khiến cho tất cả chúng sinh đều rốt ráo được nhất thiết trí. Vì khiến cho tất cả chúng sinh tâm chẳng lay động, không chướng ngại.

Giảng: Các vị đệ tử của Phật ! Đại Bồ Tát tu hành Bồ Tát đạo, luôn luôn dùng tư tưởng thiện, như vậy vì chúng sinh mà hồi hướng. Tại sao ? Vì muốn khiến cho tất cả chúng sinh đắc được lợi ích lớn.

Vì khiến cho tất cả chúng sinh, gặp được mây mát mẻ, rưới mưa pháp rộng lớn, thấm nhuần tâm mầm bồ đề của tất cả chúng sinh.

Vì khiến cho tất cả chúng sinh, thường trồng ruộng phước. Tại sao chúng sinh chẳng có phước báo ? Vì chẳng trồng ruộng phước. Vậy, trồng ruộng phước ở đâu ? Trồng ở trước Phật Pháp Tăng Tam Bảo. Ở trước Phật cúng dường Phật, ở trước Pháp cúng dường Pháp, ở trước Tăng cúng dường Tăng. Tóm lại, cúng dường Tam Bảo tức là trồng phước. Cúng dường Tam Bảo thì có cảnh giới thù thắng không thể nghĩ bàn.

Vì khiến cho tất cả chúng sinh, đều vào được tâm tạng bồ đề, tự mình hộ trì tâm bồ đề của chính mình.

Vì khiến cho tất cả chúng sinh, thoát khỏi năm cái và mười ràng buộc. Năm cái tức là:

  1. Tham dục.
  2. Sân hận.
  3. Thuỳ miên.
  4. Trạo hối.
  5. Nghi pháp.

Năm pháp nầy hay che lấp tâm tánh, mà không sinh pháp lành.

Mười ràng buộc (triền) tức là:

  1. Vô tàm.
  2. Vô quý.
  3. Đố kị.
  4. Tham xẻn.
  5. Hối.
  6. Thuỳ miên.
  7. Trạo cử.
  8. Hôn trầm.
  9. Sân khuể.
  10. Che đậy.

Mười thứ vọng hoặc nầy ràng buộc chúng sinh, chẳng khiến cho thoát khỏi sinh tử, chẳng khiến cho chứng Niết Bàn. Năm cái, mười ràng buộc nầy, đủ thứ tư tưởng không chánh đáng, che lấp trí huệ của bạn, ràng buộc pháp thân của bạn; nếu lìa khỏi sự che đậy ràng buộc, thì khéo an ổn trụ tại bồ đề vô thượng.

Vì khiến cho tất cả chúng sinh, đắc được trí huệ thần thông không chướng ngại. Thần thông là gì ? Không dò được là thần, vô ngại là thông. Có thần thông thì có thể nhậm vận tự tại, chẳng có gì trở ngại.

Vì khiến cho tất cả chúng sinh, đều đắc được thân tự tại, nguyện đi đến đâu thì liền đến đó, chẳng bị hạn chế nào, rất là phương tiện, tức cũng là có thần thông, có thể thị hiện đến khắp mười phương thế giới.

Vì khiến cho tất cả chúng sinh, thành tựu nhất thiết chủng trí huệ tối thù thắng. Khắp làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, bất cứ chúng sinh nào, cũng đều đắc được lợi ích, chẳng có một chúng sinh nào mà không được lợi ích, cho nên nói không luống qua.

Vì khiến cho tất cả chúng sinh, nhiếp thọ khắp các chúng sinh, khiến cho tất cả chúng sinh khôi phục lại nguồn gốc thanh tịnh, tánh diệu chân như.

Vì khiến cho tất cả chúng sinh, đều đắc được trí huệ rốt ráo, tức cũng là trí huệ của Phật. Hàng nhị thừa có nhất thiết trí, Bồ Tát có đạo chủng trí, Phật có nhất thiết chủng trí.

Vì khiến cho tất cả chúng sinh, thường có định lực, tâm chẳng lay động. Trụ ở trong cảnh giới Tam Ma Địa, tại sao tâm chẳng lay động ? Vì đắc được bồ đề viên mãn chẳng có chướng ngại.

 

Phật tử! Bồ-Tát Ma-ha-tát kiến khả ái lạc quốc độ, viên lâm, thảo mộc, hoa quả, danh hương, thượng phục, trân bảo, tài vật, chư trang nghiêm cụ, hoặc kiến khả lạc thôn ấp, tụ lạc, hoặc kiến đế Vương uy đức tự tại, hoặc kiến trụ xứ ly chư huyên tạp. kiến thị sự dĩ, dĩ phương tiện trí tinh cần tu tập, xuất sanh vô lượng thắng diệu công đức, vi chư chúng sanh cần cầu thiện Pháp, tâm vô phóng dật, quảng tập chúng thiện, do như đại hải, dĩ vô tận thiện phổ phước nhất thiết, vi chúng thiện Pháp sở y chi xứ, dĩ chư thiện căn phương tiện hồi hướng nhi vô phân biệt, khai thị vô lượng chủng chủng thiện căn, trí thường quan sát nhất thiết chúng sanh, tâm hằng ức niệm thiện căn cảnh giới, dĩ đẳng chân như bình đẳng thiện căn hồi hướng chúng sanh, vô hữu hưu tức.

Phật tử ! Đại Bồ Tát thấy cõi nước vườn rừng, cỏ cây hoa quả, hương quý y phục tốt đẹp, châu báu tài vật, các đồ trang nghiêm đáng ưa thích. Hoặc thấy thôn ấp tụ lạc, hoặc thấy ông vua, oai đức tự tại đáng ưa thích. Hoặc thấy chỗ ở, lìa các sự ồn ào, thấy những việc như vậy rồi. Bồ Tát dùng trí huệ phương tiện, tinh cần tu tập, sinh ra vô lượng công đức thù thắng vi diệu. Vì các chúng sinh siêng cầu pháp lành, tâm chẳng phóng dật. Rộng tu tập các việc lành, giống như biển cả. Dùng vô tận điều lành, che khắp tất cả. Là chỗ nương tựa của các pháp lành. Đem các căn lành phương tiện hồi hướng, mà không phân biệt, khai thị vô lượng đủ thứ căn lành. Trí thường quán sát tất cả chúng sinh, tâm luôn nghĩ nhớ cảnh giới căn lành. Đem căn lành chân như bình đẳng, hồi hướng cho chúng sinh, chẳng có ngừng nghỉ.

Giảng: Các vị đệ tử của Phật ! Đại Bồ Tát tu hành Bồ Tát đạo, có lúc thấy những thứ rất đáng ưa thích, cõi nước rất là hoan hỉ, vườn rừng, cỏ cây, hoa quả, hương quý, y phục đẹp, châu báu, tài vật, cùng với tất cả đồ vật trang nghiêm nhất; hoặc thấy thôn ấp, tụ lạc đáng ưa thích; hoặc thấy ông vua có đại oai đức đại tự tại. Hoặc thấy chỗ người ở rất thanh tịnh, chẳng có sự ồn ào náo nhiệt. Bồ Tát thấy đủ thứ cảnh giới như vậy rồi, bèn dùng trí huệ quyền xảo phương tiện, tinh cần tu tập tất cả Phật pháp, sinh ra vô lượng vô biên công đức thù thắng vi diệu. Bồ Tát vì tất cả chúng sinh, ân cần thành khẩn để cầu pháp lành, tâm chẳng phóng dật, rộng tích tụ tất cả việc lành, nhiều như biển cả, dùng nghiệp thiện vô cùng tận, che hộ khắp tất cả chúng sinh, là chỗ nương tựa tất cả pháp lành.

Bồ Tát vì tất cả chúng sinh, đắc được trí huệ chân thật, đắc được quả Phật viên mãn, cho nên cam tâm tình nguyện chịu tất cả mọi sự khổ, tu tất cả hạnh môn khó tu, tích tụ được đủ thứ căn lành, phương tiện hồi hướng cho chúng sinh, mà chẳng phân biệt, thảy đều bình đẳng. Dùng một thứ căn lành khai thị vô lượng thứ căn lành. Ở trong vô lượng thứ căn lành, lại sinh ra vô lượng thứ căn lành. Vô lượng vô lượng, trùng trùng vô tận, khai thị tất cả chúng sinh, khiến cho họ phát tâm bồ đề. Bồ Tát dùng diệu quán sát trí, để quán sát nhân duyên của tất cả chúng sinh, trong tâm thường nghĩ nhớ cảnh giới căn lành của tất cả chúng sinh, dùng căn lành chân như bình đẳng, vì chúng sinh hồi hướng, chẳng có lúc nào ngừng nghỉ, tại sao ? Vì khiến cho tất cả chúng sinh, sớm lìa khổ được vui, chấm dứt sinh tử.

 

Bồ Tát nhĩ thời, dĩ chư thiện căn như thị hồi hướng, sở vị: nguyện nhất thiết chúng sanh đắc chư Như Lai khả ái lạc kiến, kiến Pháp chân tánh bình đẳng bình đẳng, vô sở thủ trước, viên mãn thanh tịnh. Nguyện nhất thiết chúng sanh kiến chư Như Lai thậm khả ái lạc, viên mãn cúng dường. Nguyện nhất thiết chúng sanh vãng sanh nhất thiết vô chư phiền não, thậm khả ái lạc thanh tịnh Phật sát. Nguyện nhất thiết chúng sanh đắc kiến chư Phật khả ái lạc Pháp. Nguyện nhất thiết chúng sanh thường lạc hộ trì nhất thiết Bồ Tát khả ái lạc hành. Nguyện nhất thiết chúng sanh đắc thiện tri thức khả ái lạc nhãn, kiến vô sở ngại. Nguyện nhất thiết chúng sanh thường kiến nhất thiết khả ái lạc vật, vô hữu vi nghịch. Nguyện nhất thiết chúng sanh chứng đắc nhất thiết khả ái lạc Pháp nhi cần hộ trì. Nguyện nhất thiết chúng sanh ư nhất thiết Phật khả lạc Pháp trung đắc Tịnh Quang minh. Nguyện nhất thiết chúng sanh tu chư Bồ-tát nhất thiết năng xả khả ái lạc tâm.

Bấy giờ, Bồ Tát đem các căn lành hồi hướng như vầy: Nguyện cho tất cả chúng sinh được các kiến giải đáng ưa thích của Như Lai. Thấy pháp chân tánh bình đẳng, chẳng có chấp lấy, viên mãn thanh tịnh. Nguyện cho tất cả chúng sinh, thấy các Như Lai rất đáng ưa thích cúng dường viên mãn. Nguyện cho tất cả chúng sinh, vãng sinh tất cả cõi Phật thanh tịnh rất đáng ưa thích, không có các phiền não. Nguyện cho tất cả chúng sinh được thấy pháp  đáng ưa thích của chư Phật. Nguyện cho tất cả chúng sinh thường thích hộ trì tất cả hạnh đáng ưa thích của Bồ Tát. Nguyện cho tất cả chúng sinh được mắt đáng ưa thích của thiện tri thức, thấy không chướng ngại. Nguyện cho tất cả chúng sinh thường thấy tất cả vật đáng ưa thích, chẳng có trái nghịch. Nguyện cho tất cả chúng sinh chứng được tất cả pháp đáng ưa thích, mà siêng hộ trì. Nguyện cho tất cả chúng sinh, ở trong tất cả pháp đáng ưa thích của Phật, đắc được quang minh thanh tịnh. Nguyện cho tất cả chúng sinh, tu tất cả tâm xả đáng ưa thích của các Bồ Tát.

Giảng: Gì là Bồ Tát ? Bồ Tát là nửa tiếng Phạn, đầy đủ gọi là Bồ Đề Tát Đoả, dịch ra là “giác hữu tình”, còn gọi là “hữu tình giác”. Lại dịch là “chúng sinh đại đạo tâm”. Thế nào là giác hữu tình ? Tức là giác ngộ tất cả chúng sinh hữu tình. Thế nào gọi là hữu tình giác ? Vì ở trong hữu tình chúng sinh là bậc giác ngộ. Cũng có thể nói, Ngài là một người minh bạch ở trong chúng ta chúng sinh. Người minh bạch không làm việc điên đảo, làm gì cũng đều hợp lý hợp pháp. Đó là ý nghĩa thứ nhất của Bồ Tát. Còn có ý nghĩa thứ hai, tức là chúng sinh đại đạo tâm. Tâm đạo của Ngài rất lớn, khó xả mà Ngài xả được, khó hành mà Ngài hành được. Ngài hay xả bỏ nội tài, tức là đầu mắt tuỷ não và da máu thịt gân cốt.

Chỉ cần chúng sinh cần gì, thì Bồ Tát bố thí cái đó, tuyệt đối chẳng có tư tưởng xả bỏ không được. Bồ Tát vì cứu hộ chúng sinh, mà quên mất chính mình, do đó: “Chỉ biết có chúng sinh, chẳng biết có mình”, cho nên mới gọi là Bồ Tát. Ngài lại hay xả bỏ ngoại tài, tức là đất nước vợ con và vàng bạc châu báu. Bất cứ phẩm vật gì, chúng sinh đến cầu xin, thì Bồ Tát nhất định làm mãn nguyện tâm của chúng sinh, thảy đều bố thí, tại sao hay bố thí như vậy không sẻn tiếc ? Vì Bồ Tát không chấp trước, tất cả đều không, do đó “Nhìn thấu buông đặng, đắc được tự tại”, đó là biểu hiện phát bồ đề tâm của Bồ Tát.

Lúc đó, Bồ Tát đem đủ thứ căn lành của Ngài tu tập, hồi hướng như vậy. Bồ Tát niệm niệm chẳng xả bỏ chúng sinh, niệm niệm nghĩ nhớ chúng sinh. Cho nên lại phát ba mươi mốt nguyện lớn, đều nguyện cho tất cả chúng sinh đắc được lợi ích đáng ưa thích, thấy được cảnh giới đáng ưa thích, sinh khởi căn lành đáng ưa thích, rốt ráo là những nguyện lớn gì ? Tức là:

  1. Nguyện cho tất cả chúng sinh, đắc được kiến giải đáng ưa thích của mười phương chư Phật, thấy được chân như thật tánh của tất cả các pháp, bổn thể của tất cả các pháp, đều là bình đẳng. Đối với tất cả các pháp, cũng chẳng thủ trước, cũng chẳng chấp trước, chẳng những đối với pháp không thủ trước, mà đối với cái ta cũng không thủ trước, chấp ta cũng không, chỉ còn lại đại trí đại huệ viên mãn thanh tịnh.
  2. Nguyện cho tất cả chúng sinh, thấy được mười phương chư Phật, đều sinh tâm đáng ưa thích, cúng dường viên mãn tất cả chư Phật.
  3. Nguyện cho tất cả chúng sinh, đều được vãng sinh vào thế giới chẳng có mọi phiền não, tức cũng là cõi nước thanh tịnh đáng ưa thích của chư Phật. Cõi nước chư Phật, chỉ có các điều vui, chẳng có sự khổ.
  4. Nguyện cho tất cả chúng sinh, thấy được mười phương chư Phật, nghe được pháp âm đáng ưa thích.
  5. Nguyện cho tất cả chúng sinh, thường hoan hỉ hộ trì tất cả Bồ Tát, học tập hạnh môn đáng ưa thích của Bồ Tát.
  6. Nguyện cho tất cả chúng sinh, thường gần gũi các thiện tri thức, cung kính các thiện tri thức, cúng dường các thiện tri thức, theo thiện tri thức học tập Phật pháp đáng ưa thích, chứng được pháp nhãn đáng ưa thích, bất cứ thấy gì, đều chẳng có chướng ngại.
  7. Nguyện cho tất cả chúng sinh, thường thấy tất cả vật chất đáng ưa thích, chẳng có lúc nào trái nghịch với tâm của mình.
  8. Nguyện cho tất cả chúng sinh, chứng được tất cả Phật pháp đáng ưa thích, siêng hộ trì Phật pháp, tục Phật huệ mạng.
  9. Nguyện cho tất cả chúng sinh, ở trong tất cả pháp đáng ưa thích của chư Phật, đắc được trí huệ quang minh thanh tịnh.
  10. Nguyện cho tất cả chúng sinh, tu tập tất cả tâm xả đáng ưa thích của Bồ Tát.

 

Nguyện nhất thiết chúng sanh đắc vô sở úy năng thuyết nhất thiết khả ái lạc Pháp. Nguyện nhất thiết chúng sanh đắc chư Bồ-tát cực khả ái lạc thậm thâm tam muội. Nguyện nhất thiết chúng sanh đắc chư Bồ-tát thậm khả ái lạc đà-la-ni môn. Nguyện nhất thiết chúng sanh đắc chư Bồ-tát thậm khả ái lạc thiện quan sát trí. Nguyện nhất thiết chúng sanh năng hiện Bồ Tát thậm khả ái lạc tự tại thần thông. Nguyện nhất thiết chúng sanh năng ư chư Phật Đại chúng hội trung thuyết khả ái lạc thậm thâm diệu pháp. Nguyện nhất thiết chúng sanh năng dĩ phương tiện khai thị diễn thuyết thậm khả ái lạc sái biệt chi cú. Nguyện nhất thiết chúng sanh thường năng phát khởi thậm khả ái lạc bình đẳng đại bi. Nguyện nhất thiết chúng sanh niệm niệm phát khởi thậm khả ái lạc đại Bồ-đề tâm, thường lệnh chư căn hoan hỉ duyệt dự. Nguyện nhất thiết chúng sanh năng nhập nhất thiết thậm khả ái lạc chư Như Lai gia.

Nguyện cho tất cả chúng sinh, được không sợ hãi, hay nói tất cả pháp đáng ưa thích. Nguyện cho tất cả chúng sinh, được các tam muội thâm sâu đáng ưa thích của Bồ Tát. Nguyện cho tất cả chúng sinh, được các môn Đà la ni đáng ưa thích của Bồ Tát. Nguyện cho tất cả chúng sinh, được trí huệ khéo quán sát đáng ưa thích của các Bồ Tát. Nguyện cho tất cả chúng sinh, hay hiện thần thông tự tại đáng ưa thích của Bồ Tát. Nguyện cho tất cả chúng sinh, ở trong đại chúng hội của chư Phật, nói diệu pháp thâm sâu đáng ưa thích. Nguyện cho tất cả chúng sinh, hay dùng phương tiện khai thị diễn nói câu khác biệt rất đáng ưa thích. Nguyện cho tất cả chúng sinh, thường hay phát khởi đại bi bình đắng rất đáng ưa thích. Nguyện cho tất cả chúng sinh, niệm niệm phát khởi tâm đại bồ đề rất đáng ưa thích, thường khiến cho các căn hoan hỉ thư thái. Nguyện cho tất cả chúng sinh, vào được tất cả nhà rất đáng ưa thích của các Như Lai.

Giảng:

  1. Nguyện cho tất cả chúng sinh, đắc được sức không sợ hãi, hay vì tất cả chúng sinh diễn nói Phật pháp đáng ưa thích.
  2. Nguyện cho tất cả chúng sinh, đắc được tất cả định lực thâm sâu đáng ưa thích của Bồ Tát, thường ở trong định.
  3. Nguyện cho tất cả chúng sinh, đắc được tất cả pháp môn Đà la ni rất đáng ưa thích của Bồ Tát. Đà la ni dịch là tổng trì: Tổng tất cả pháp, trì vô lượng nghĩa. Đắc được môn trí huệ nầy.
  4. Nguyện cho tất cả chúng sinh, đắc được tất cả diệu quán sát trí rất đáng ưa thích của Bồ Tát, hay quán sát tất cả đạo lý các pháp thật tướng.
  5. Nguyện cho tất cả chúng sinh, có thể thị hiện thần thông tự tại diệu dụng rất đáng ưa thích của Bồ Tát.
  6. Nguyện cho tất cả chúng sinh, có thể ở trong đại pháp hội của mười phương chư Phật, diễn nói diệu pháp thâm sâu đáng ưa thích.
  7. Nguyện cho tất cả chúng sinh, hay dùng pháp phương tiện khai thị diễn nói câu nghĩa rất đáng ưa thích.
  8. Nguyện cho tất cả chúng sinh, thường phát khởi tâm đại bi bình đẳng rất đáng ưa thích, tức nghĩa là “Kẻ oán người thân đều bình đẳng”.
  9. Nguyện cho tất cả chúng sinh, ở trong niệm niệm, phát khởi tâm đại bồ đề rất đáng ưa thích, thường khiến cho các căn lành hoan hỉ thư thới.
  10. Nguyện cho tất cả chúng sinh (bao quát chín pháp giới chúng sinh), vào được tất cả nhà rất đáng ưa thích của các Như Lai.

 

Nguyện nhất thiết chúng sanh đắc khả ái lạc năng điều phục hạnh, điều phục chúng sanh vô hữu hưu tức. Nguyện nhất thiết chúng sanh đắc chư Bồ-tát thậm khả ái lạc vô tận biện tài diễn thuyết chư Pháp. Nguyện nhất thiết chúng sanh ư bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp, trụ ư nhất thiết khả lạc thế giới, giáo hóa chúng sanh, tâm vô yếm quyện. Nguyện nhất thiết chúng sanh dĩ vô lượng phương tiện, phổ năng ngộ nhập thậm khả ái lạc chư Phật Pháp môn. Nguyện nhất thiết chúng sanh đắc khả ái lạc vô ngại phương tiện, tri nhất thiết pháp vô hữu căn bản. Nguyện nhất thiết chúng sanh đắc khả ái lạc ly tham dục tế, tri nhất thiết pháp tất cánh vô nhị, đoạn nhất thiết chướng. Nguyện nhất thiết chúng sanh đắc khả ái lạc ly tham dục tế, tri nhất thiết pháp bình đẳng chân thật. Nguyện nhất thiết chúng sanh cụ túc thành mãn nhất thiết Bồ Tát thậm khả ái lạc vô hí luận Pháp. Nguyện nhất thiết chúng sanh đắc Kim Cương tạng tinh tấn chi tâm, thành khả ái lạc nhất thiết trí đạo. Nguyện nhất thiết chúng sanh cụ khả ái lạc vô ngại thiện căn, tồi phục nhất thiết phiền não oán địch. Nguyện nhất thiết chúng sanh đắc khả ái lạc nhất thiết trí môn, phổ ư thế gian hiện thành chánh giác.

Nguyện cho tất cả chúng sinh, được hạnh điều phục đáng ưa thích, điều phục chúng sinh, chẳng có ngừng nghỉ. Nguyện cho tất cả chúng sinh, được vô tận biện tài rất đáng ưa thích của các Bồ Tát, diễn nói các pháp. Nguyện cho tất cả chúng sinh, nơi bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp, trụ nơi tất cả thế giới đáng ưa thích, giáo hoá chúng sinh, tâm chẳng nhàm mỏi. Nguyện cho tất cả chúng sinh, dùng vô lượng phương tiện, khắp ngộ nhập pháp môn rất đáng ưa thích của chư Phật. Nguyện cho tất cả chúng sinh, được phương tiện vô ngại đáng ưa thích, biết tất cả pháp chẳng có gốc rễ. Nguyện cho tất cả chúng sinh, được lìa khỏi bờ mé tham dục đáng ưa thích, biết tất cả pháp rốt ráo không hai, đoạn trừ tất cả chướng ngại. Nguyện cho tất cả chúng sinh, được lìa khỏi bờ mé tham dục, biết tất cả pháp bình đẳng chân thật. Nguyện cho tất cả chúng sinh, thành tựu viên mãn đầy đủ tất cả pháp không hí luận rất đáng ưa thích của Bồ Tát. Nguyện cho tất cả chúng sinh, được tâm tinh tấn kim cang tạng, thành tựu nhất thiết trí đạo đáng ưa thích. Nguyện cho tất cả chúng sinh, đủ căn lành vô ngại đáng ưa thích, hàng phục tất cả phiền não oán địch. Nguyện cho tất cả chúng sinh, được tất cả trí môn đáng ưa thích, khắp nơi thế gian hiện thành Chánh Giác.

Giảng: Bồ Tát tâm bi tha thiết, chẳng sợ phiền não, phát một nguyện, rồi lại phát một nguyện, nguyện nguyện đều vì tốt cho chúng sinh. Phát một nguyện cảm thấy không lý tưởng, chúng sinh chẳng được lợi ích viên mãn. Lại phát một nguyện, khi nào cảm thấy công đức viên mãn, thì sẽ thành tựu tâm phát nguyện.

  1. Nguyện cho tất cả chúng sinh, đắc được hạnh môn điều phục chúng sinh đáng ưa thích. Chúng sinh thế giới Ta Bà rất là cang cường, thật là khó điều khó phục. Đối với họ giảng nói pháp chân thật, thì ngược lại họ sinh tâm hoài nghi. Đối với họ giảng nói pháp chân chánh, thì họ không tin. Bồ Tát vì điều phục chúng sinh cang cường, vì cảm hoá tư tưởng của họ, cho nên ngày đêm không ngừng nghỉ.
  2. Nguyện cho tất cả chúng sinh, đắc được tất cả trí huệ biện tài vô ngại rất đáng ưa thích của Bồ Tát, diễn nói tất cả các pháp. Bồ Tát nói pháp, có bốn thứ vô ngại, tức là: Pháp vô ngại, nghĩa vô ngại, từ vô ngại, nhạo thuyết vô ngại.
  3. Nguyện cho tất cả chúng sinh, ở trong bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp, trụ trong tất cả thế giới đáng ưa thích, giáo hoá tất cả chúng sinh, tâm không nhàm mỏi, cũng không nhàm chán chúng sinh, việc làm cũng không mệt mỏi.
  4. Nguyện cho tất cả chúng sinh, dùng vô lượng phương tiện, khắp ngộ nhập pháp môn rất đáng ưa thích của mười phương chư Phật.
  5. Nguyện cho tất cả chúng sinh, đắc được phương tiện không chướng ngại đáng ưa thích, biết tất cả pháp là không, vốn chẳng có gốc rễ, không cần có sự chấp trước.
  6. Nguyện cho tất cả chúng sinh, được lìa khỏi bờ mé tham dục đáng ưa thích, biết tất cả pháp, rốt ráo không hai, đều là đệ nhất nghĩa đế, đoạn trừ tất cả chướng ngại.
  7. Nguyện cho tất cả chúng sinh, được lìa khỏi bờ mé tham dục đáng ưa thích, biết tất cả các pháp, bình đẳng chân thật, chẳng hư vọng, chẳng giả tạo.
  8. Nguyện cho tất cả chúng sinh, thành tựu đầy đủ tất cả pháp không hí luận rất đáng ưa thích của Bồ Tát. Phàm là pháp nói ra, đều là pháp chân thật không hư, là thật pháp mà chẳng phải quyền pháp. Thế nào là hí luận ? Là ngôn luận phi lý, vô nghĩa. Hí luận có sáu thứ: 1. Điên đảo hí luận. 2. Đường tổn hí luận. 3. Tranh cạnh hí luận. 4. Với người khác phân biệt ưu liệt hí luận. 5. Phân biệt công xảo dưỡng mạng hí luận. 6. Đam trước thế gian tài thực hí luận. Hay đối với Phật pháp không khởi nghi hoặc, tu giới, tu định, tu huệ, sẽ vĩnh viễn đoạn trừ tất cả hí luận. Chúng ta người tu đạo, nhất định phải lìa khỏi sự hí luận.
  9. Nguyện cho tất cả chúng sinh, đắc được tâm kim cang kiên cố, tâm tinh tấn, thành tựu đạo nhất thiết trí huệ đáng ưa thích.
  10. Nguyện cho tất cả chúng sinh, đầy đủ căn lành chẳng có chướng ngại đáng ưa thích, hàng phục tất cả phiền não và oán địch, tức cũng là vĩnh viễn chẳng có sự nóng giận, cũng chẳng có vô minh, sân hận, tâm bình khí hoà, thường cười vui vẻ.
  11. Nguyện cho tất cả chúng sinh, đắc được môn nhất thiết trí huệ đáng ưa thích, khắp nơi mười phương thế giới thị hiện thành Phật.

 

Phật tử! Bồ-Tát Ma-ha-tát tu tập như thị chư thiện căn thời, đắc trí tuệ minh, vi thiện tri thức chi sở nhiếp thọ, Như Lai tuệ nhật minh chiếu kỳ tâm, vĩnh diệt si minh, cần tu chánh pháp, nhập chư trí nghiệp, thiện học trí địa, lưu bố thiện căn, sung mãn Pháp giới, dĩ trí hồi hướng, tận chư Bồ-tát thiện căn nguyên để, dĩ trí thâm nhập đại phương tiện hải, thành tựu vô lượng quảng đại thiện căn.

Phật tử ! Khi đại Bồ Tát tu tập các căn lành như vậy, thì được trí huệ quang minh, được thiện tri thức nhiếp thọ. Mặt trời trí huệ của Như Lai chiếu sáng tâm của vị Bồ Tát đó, vĩnh viễn diệt trừ si tối, siêng tu chánh pháp, vào các trí nghiệp, khéo học trí địa, căn lành chảy khắp, sung mãn pháp giới. Dùng trí huệ hồi hướng, tận nguồn đáy căn lành của các Bồ Tát. Dùng trí huệ vào sâu biển đại phương tiện, thành tựu vô lượng căn lành rộng lớn.

Giảng: Các vị đệ tử của Phật ! Đại Bồ Tát tu hành Bồ Tát đạo, khi Ngài tu tập căn lành nầy, thì đắc được trí huệ chân chánh, phóng ra đại quang minh, được thiện tri thức nhiếp thọ. Trí huệ quang minh của Phật, đồng như ánh sáng ngàn mặt trời, chiếu khắp tâm của chúng sinh, vĩnh viễn tiêu diệt hết vô minh, phiền não, ngu si. Siêng tu chánh pháp, dũng mãnh tinh tấn mà chẳng giải đãi, vào nghiệp nhất thiết trí huệ, khéo học trí huệ địa. Căn lành chảy khắp mười phương, thậm chí tận cùng hư không khắp pháp giới, đều là nơi căn lành chảy khắp, dùng trí huệ hồi hướng, tận cùng nguồn gốc căn lành của tất cả Bồ Tát. Dùng trí huệ vào sâu pháp môn phương tiện rộng lớn, sâu rộng như biển cả, thành tựu vô lượng căn lành rộng lớn.

Tu pháp hồi hướng, phải có đại trí huệ, không tồn tại tâm ích kỷ; nếu không có đại trí huệ, thì sẽ sinh tâm ích kỷ, có tâm ích kỷ thì sẽ chẳng vì chúng sinh hồi hướng, tại sao ? Và xả không được, để lại cho mình dùng. Nếu tâm không nhiễm trước, thì mới đắc được trí huệ giải thoát, mới có thể vì chúng sinh hồi hướng. Tư tưởng của Bồ Tát là:

“Chẳng vì mình cầu an lạc
Chỉ nguyện chúng sinh được lìa khổ”.

 

Phật tử! Bồ-Tát Ma-ha-tát dĩ thử thiện căn như thị hồi hướng, sở vị: bất trước thế gian, bất thủ chúng sanh, kỳ tâm thanh tịnh, vô sở y chỉ, chánh niệm chư Pháp, ly phân biệt kiến, bất xả nhất thiết Phật tự tại tuệ, bất vi tam thế nhất thiết chư Phật chánh hồi hướng môn, tùy thuận nhất thiết bình đẳng chánh Pháp, bất hoại Như Lai chân thật chi tướng, đẳng quán tam thế vô chúng sanh tướng, thiện thuận Phật đạo, thiện thuyết ư Pháp, thâm liễu kỳ nghĩa, nhập tối thắng địa, ngộ chân thật Pháp, trí tuệ viên mãn, tín lạc kiên cố

Phật tử ! Đại Bồ Tát đem căn lành nầy hồi hướng như vầy: Chẳng chấp trước thế gian, chẳng thủ lấy chúng sinh. Tâm Ngài thanh tịnh, không chỗ nương tựa. Chánh niệm các pháp, lìa thấy sự phân biệt. Chẳng xả bỏ nhất thiết trí huệ tự tại của Phật, chẳng trái với chánh môn hồi hướng của tất cả chư Phật ba đời. Tuỳ thuận tất cả chánh pháp bình đẳng, chẳng hoại tướng chân thật của Như Lai. Bình đẳng quán sát ba đời, không tướng chúng sinh. Tuỳ thuận Phật đạo, khéo nói các pháp. Thấu rõ nghĩa lý thâm sâu, vào bậc tối thắng. Ngộ pháp chân thật, trí huệ viên mãn, tin ưa vững chắc.

Giảng: Các vị đệ tử của Phật ! Đại Bồ Tát tu Bồ Tát đạo, đem căn lành nầy hồi hướng như vầy. Hồi hướng như thế nào ? Đó là: Không chấp trước tất cả chúng sinh thế gian, cũng không thủ lấy tướng của tất cả chúng sinh. Tâm của Bồ Tát chẳng chấp trước vào một niệm, cho nên thanh tịnh. Bồ Tát chẳng nói: “Tôi có căn lành đều hồi hướng cho chúng sinh. Tôi có công đức gì đối với chúng sinh”. Nếu chấp trước vào công đức đó, thì đó là nương tựa. Bồ Tát chẳng chỗ nương tựa, Bồ Tát chánh niệm tất cả các pháp của chư Phật nói, lìa khỏi kiến giải phân biệt, tức cũng là tất cả vọng kiến của phàm phu. Chẳng xả bỏ tất cả trí huệ tự tại của Phật, chẳng trái ngược chánh môn hồi hướng của chư Phật ba đời, tuỳ thuận tám vạn bốn ngàn chánh pháp bình đẳng, chẳng phá hoại tướng chân thật của Phật. Bình đẳng quán sát ba đời, chẳng chấp trước tướng chúng sinh, khéo tuỳ thuận Phật đạo mà tu hành, khéo diễn nói pháp môn tất cả các pháp thật tướng, thấu rõ nghĩa chân thật thâm sâu của các pháp, vào bậc tối thù thắng, giác ngộ tất cả Phật pháp chân thật, trí huệ cũng viên mãn, tin ưa cũng vững chắc.

 

Tuy thiện tu chánh nghiệp nhi tri nghiệp tánh không, liễu nhất thiết pháp giai như huyễn hóa, tri nhất thiết pháp vô hữu tự tánh, quán nhất thiết nghĩa cập chủng chủng hạnh, tùy thế ngôn thuyết nhi vô sở trước, trừ diệt nhất thiết chấp trước nhân duyên, tri như thật lý, quán chư pháp tánh giai tất tịch diệt, liễu nhất thiết pháp đồng nhất thật tướng, tri chư Pháp tướng bất tướng vi bội, dữ chư Bồ-tát nhi cộng đồng chỉ, tu hành kỳ đạo, thiện nhiếp chúng sanh, nhập khứ, lai, kim nhất thiết Bồ Tát hồi hướng chi môn

Tuy khéo tu chánh nghiệp, mà biết tánh nghiệp vốn không. Thấu rõ tất cả pháp đều như huyễn hoá, biết tất cả pháp chẳng có tự tánh. Quán tất cả nghĩa và đủ thứ hạnh. Tuỳ theo lời tin nói mà không chấp trước. Diệt trừ tất cả nhân duyên chấp trước. Biết lý như thật, quán tánh các pháp đều vắng lặng, biết rõ tất cả pháp đồng một thật tướng. Biết tướng các pháp chẳng tướng trái nghịch, cùng ở chung với các Bồ Tát, tu hành Bồ Tát đạo, khéo nhiếp chúng sinh, vào tất cả môn hồi hướng quá khứ vị lai hiện tại của Bồ Tát.

Giảng: Tuy Bồ Tát khéo tu hành tất cả chánh nghiệp, biết tất cả tính nghiệp vốn không. Biết rõ tất cả pháp như huyễn, như hoá, biết tất cả pháp chẳng có tự tánh. Quán sát nghĩa lý của tất cả các pháp, đối với tất cả các pháp và đủ thứ hạnh môn cần tu, tuỳ thuận lời nói của thế gian, nhưng không chấp trước vào pháp thế gian, do đó:

“Thấy việc tỉnh việc thoát khỏi thế gian
Thấy việc mê việc đoạ trầm luân”.

Trừ diệt hết thảy nhân duyên chấp trước, tức cũng là  cảnh giới nhìn chẳng xuyên thủng, buông bỏ chẳng đặng. Biết chân như lý thể là chân thật không hư, quán sát tự tánh của các pháp, đều là vắng lặng. Thấu rõ tất cả pháp đều đồng một thật tướng, do một thật tướng mà sinh vô lượng pháp. Biết tướng của tất cả các pháp, cùng nhau chẳng trái nghịch, cùng ở chung với tất cả Bồ Tát, tu hành Bồ Tát đạo, khéo nhiếp thọ mười phương chúng sinh, vào sâu tất cả môn hồi hướng quá khứ, vị lai, hiện tại của Bồ Tát.

 

Ư chư Phật Pháp tâm vô kinh phố, dĩ vô lượng tâm lệnh chư chúng sanh phổ đắc thanh tịnh, ư thập phương thế giới bất khởi chấp thủ ngã, ngã sở tâm, ư chư thế gian vô sở phân biệt, ư nhất thiết cảnh giới bất sanh nhiễm trước, cần tu nhất thiết xuất thế gian pháp, ư chư thế gian vô thủ vô y, ư thâm diệu đạo chánh kiến lao cố, ly chư vọng kiến, liễu chân thật Pháp.

Nơi các Phật pháp tâm chẳng sợ hãi. Dùng tâm vô lượng, khiến các chúng sinh đều được thanh tịnh. Nơi mười phương thế giới, chẳng khởi tâm chấp lấy cái ta, của ta. Nơi các thế gian, chẳng có phân biệt. Nơi tất cả cảnh giới, không sinh nhiễm trước. Siêng tu tất cả pháp xuất thế gian. Nơi các thế gian, không thủ lấy, không nương tựa. Nơi đạo thâm sâu vi diệu, thấy chân chánh vững chắc, lìa sự thấy hư vọng, thấu rõ pháp chân thật.

Giảng: Bồ Tát đối với tất cả các pháp của chư Phật nói, trong tâm chẳng có sợ hãi. Tại sao ? Vì thấu rõ đạo lý thật tướng của các pháp. Dùng tâm rộng lớn vô lượng vô biên, khiến cho tất cả chúng sinh, khắp được nguồn gốc thanh tịnh, tính diệu chân như. Đối với mười phương thế giới, chẳng khởi tâm chấp trước, chẳng nói thế giới nầy là của tôi, thế giới kia là của tôi. Bồ Tát đối với tất cả thế gian, tại sao chẳng có sự chấp lấy ? Vì không có sự phân biệt, đối với tất cả cảnh giới trong mười phương thế giới, chẳng sinh tâm nhiễm trước, siêng tu tất cả pháp xuất thế gian, đối với tất cả thế gian chẳng thủ lấy, chẳng nương tựa, tức là cũng chẳng có tâm thủ trước, cũng chẳng có tâm ỷ lại, đối với bồ đề diệu đạo thâm sâu không thể nghĩ bàn, có chánh tri chánh kiến, rất vững chắc, không thể phá hoại được. Lìa khỏi tất cả sự thấy hư vọng (tức là tà tri tà kiến), sẽ minh bạch thông đạt nghĩa lý chân thật, nếu có tất cả sự thấy hư vọng, thì không thể nào thấu rõ pháp chân thật.

Tu hành thì phải tu pháp xuất thế gian, người ở tại thế gian, nhiễm khổ làm vui, quên quay trở về, chẳng biết chỗ diệu thoát khỏi ba cõi, cũng chẳng muốn thoát khỏi cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc. Tại sao ? Vì bị vô minh chồng chất, luân hồi ở trong sáu nẻo ba cõi, lưu chuyển không ngừng. Sáu nẻo tức là trời, người, A tu la, đây là ba đường lành, ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục, đây là ba đường ác. Mục đích chúng ta tu đạo, tức là lìa khỏi khổ luân hồi, đắc được vui Niết Bàn, tức cũng là chấm dứt sinh tử.

Chúng ta chúng sinh ở trong luân hồi, chuyển tới chuyển lui, lúc lên lúc xuống, vĩnh viễn không ngừng, lúc trên trời, lúc làm người, lúc làm A tu la, lúc làm súc sinh, lúc làm ngạ quỷ, lúc đoạ địa ngục, đó là tuỳ nghiệp thọ báo, chẳng có quy tắc nhất định. Nghĩ muốn thoát khỏi ba cõi, thì phải tu pháp xuất thế, dùng pháp môn thiền định. Tu hành nhất định phải đoạn dục khử ái, bằng không thì, tu mười vạn đại kiếp cũng nhảy không khỏi ba cửa ải, vẫn là phàm phu tục tử ! Phải siêng tu giới định huệ, tiêu diệt tham sân si, đó là tiêu chuẩn của người tu hành, phải từ cơ bản mà tu lên, tức là ba mươi bảy phẩm trợ đạo.

  1. Bốn Niệm Xứ: Quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã.
  2. Tứ Chánh Cần: Điều ác đã làm thì dứt trừ hẳn, điều ác chưa làm thì đừng làm, điều lành nào chưa làm thì hãy làm, điều lành nào đã làm thì tiếp tục làm.
  3. Bốn Như Ý Túc: Dục như ý túc, tâm như ý túc, cần như ý túc, huệ như  ý túc.
  4. Năm Căn: Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, huệ căn.
  5. Năm Lực: Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, huệ lực.
  6. Bảy Bồ Đề Phần: Trạch pháp, tinh tấn, hỉ, khinh an, xả, định, niệm.
  7. Bát Chánh Đạo: Chánh kiến, chánh ngữ, chánh tư duy, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

Ở trên là pháp xuất thế, bất cứ đại thừa tiểu thừa đều phải tu, đó là Phật pháp cơ bản.

 

Thí như chân như, biến nhất thiết xứ, vô hữu biên tế, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, biến nhất thiết xứ, vô hữu biên tế. Thí như chân như, chân thật vi tánh, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, liễu nhất thiết pháp chân thật vi tánh. Thí như chân như, hằng thủ bổn tánh, vô hữu cải biến, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, thủ kỳ bổn tánh, thủy chung bất cải. Thí như chân như, dĩ nhất thiết pháp Vô tánh vi tánh, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, liễu nhất thiết pháp vô tánh vi tánh. Thí như chân như, vô tướng vi tướng, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, liễu nhất thiết pháp vô tướng vi tướng.

Ví như chân như, khắp tất cả mọi nơi, chẳng có bờ mé. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khắp tất cả mọi nơi, chẳng có bờ mé. Ví như chân như, chân thật làm tánh. Căn lành hồi hướng, cũng lại như thế, thấu rõ tất cả pháp chân thật làm tánh. Ví như chân như, luôn giữ bổn tánh, không có biến đổi. Căn lành hồi hướng, cũng lại như thế, giữ bổn tánh của nó, trọn không thay đổi. Ví như chân như, dùng tất cả pháp không tánh làm tánh. Căn lành hồi hướng, cũng lại như thế, thấu rõ tất cả pháp không tánh làm tánh. Ví như chân như, không tướng làm tướng. Căn lành hồi hướng, cũng lại như thế, thấu rõ tất cả pháp không tướng làm tướng.

Giảng: Chân như là gì ? Chân là chân thật, như là như như. Bổn tánh các pháp chân thật không đổi, như như không đổi. Chân như tức là tự tánh, không cần phải đi tu hành, mà là vốn có đủ, nếu minh bạch chân như diệu pháp, thì minh bạch tất cả Phật pháp. Tại sao chẳng minh bạch chân như diệu pháp ? Vì bị vô minh che đậy chướng ngại, nếu phá được vô minh thì chân như tự nhiên sẽ hiện tiền. Tóm lại, chân như là gốc rễ của bồ đề, vô minh là gốc rễ của phiền não. Bồ đề là giác ngộ, phiền nào là chẳng giác ngộ. Không giác ngộ thì chấp trước, chấp trước thì nghĩ không khai thông được, buông xả chẳng đặng. Giác ngộ thì giải thoát, vô câu vô thúc, nhậm vận tự tại.

Bồ Tát Kim Cang Tràng, tâm bi tha thiết, sợ rằng ở trong đại chúng hội, có người không minh bạch đạo lý nầy, cho nên đưa ra một trăm ví dụ. Dùng chân như để ví dụ căn lành, nói rõ công năng và tác dụng của nó. Ở dưới đây sẽ đưa ra một trăm ví như, mỗi ví như đều nói rõ chân lý. Do đó, “Ví như tuy chẳng phải là chân lý, song, nó nói rõ chân lý”.

  • Ví như chân như, tự tánh của chân như, như như bất động, rõ ràng sáng suốt. Lý thể chân như thật tướng đầy khắp tất cả mọi nơi, chẳng có bờ mé. Bồ Tát tu tập căn lành, hồi hướng cho chúng sinh, cũng như vậy, đầy khắp tất cả mọi nơi, chẳng có bờ mé.
  • Ví như chân như, chân như dùng chân thật làm tánh, chẳng có tướng hư vọng. Bồ Tát tu tập căn lành, hồi hướng cho chúng sinh, cũng như vậy, thấu rõ tất cả các pháp, đều dùng chân thật làm bổn tánh.
  • Ví như chân như, nó thường chẳng lìa tự tánh, bất cứ lúc nào, chân như cũng không thay đổi; trời đất có thể thay đổi, thế giới có thể thay đổi, nhân loại có thể thay đổi, chỉ có chân như tự tánh trọn không thay đổi. Bồ Tát tu tập căn lành, hồi hướng cho chúng sinh cũng như vậy, giữ bổn tánh, trọn không thay đổi.
  • Ví như chân như, nó dùng tất cả tất cả pháp không tánh làm tánh, tức là xa lìa tự tánh, chẳng có một thể tánh. Bồ Tát tu tập căn lành, hồi hướng cho chúng sinh cũng như vậy, biết rõ tất cả các pháp, chẳng có thể tánh làm tánh.
  • Ví như chân như, nó chẳng có tự tướng làm tướng. Bồ Tát tu tập căn lành, hồi hướng cho chúng sinh cũng như vậy, thấu rõ tất cả các pháp, chẳng có thể tướng làm thể tướng.

 

Thí như chân như, nhược hữu đắc giả, chung vô thoái chuyển, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, nhược hữu đắc giả, ư chư Phật Pháp, vĩnh Bất-thoái-chuyển. Thí như chân như, nhất thiết chư Phật chi sở hạnh xứ, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, nhất thiết Như Lai sở hạnh chi xứ. Thí như chân như, ly cảnh giới tướng nhi vi cảnh giới, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, ly cảnh giới tướng nhi vi tam thế nhất thiết chư Phật viên mãn cảnh giới. Thí như chân như, năng hữu an lập, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, tất năng an lập nhất thiết chúng sanh. Thí như chân như, tánh thường tùy thuận, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, tận vị lai kiếp, tùy thuận bất đoạn.

  • Ví như chân như, nếu có người đắc được, thì trọn không thối chuyển. Căn lành hồi hướng, cũng lại như thế. Nếu có đắc được, thì nơi các Phật pháp, vĩnh viễn không thối chuyển. Ví như chân như, là chỗ đi của tất cả chư Phật. Căn lành hồi hướng, cũng lại như thế, là chỗ đi của tất cả Như Lai. Ví như chân như, lìa tướng cảnh giới, mà làm cảnh giới. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, lìa tướng cảnh giới, mà làm cảnh giới viên mãn của tất cả chư Phật ba đời. Ví như chân như, hay có sự an lập. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, đều hay an lập tất cả chúng sinh. Ví như chân như, tánh thường tuỳ thuận. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, hết kiếp thuở vị lại, tuỳ thuận chẳng dứt.
  • Ví như chân như, nếu có người đắc được, thì chỉ có tiến về trước, trọn không thối lùi. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế. Nếu có người đắc được, thì đối với tất cả pháp của chư Phật nói, vĩnh viễn chẳng thối chuyển.
  • Ví như chân như, nó là chỗ đi của tất cả chư Phật. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, chân như căn lành là chỗ đến của tất cả chư Phật.
  • Ví như chân như, chân như là lý thể của thật tướng vô tướng, vì lìa khỏi tướng cảnh giới, cho nên chẳng có tất cả cảnh giới có thể biểu đạt; tuy nhiên lìa khỏi tướng cảnh giới, nhưng lại hiện cảnh giới, thật là cảnh giới diệu không thể tả. Căn lành hồi hướng, cũng lại như vậy. Lìa khỏi tất cả cảnh giới, mà hiện ra tất cả cảnh giới, đó là cảnh giới viên dung vô ngại. Đã lìa khỏi tướng cảnh giới, lại làm cảnh giới viên mãn của tất cả chư Phật ba đời.
  • Ví như chân như, hay có sự an lập tất cả tại thế gian. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, đều hay an lập tất cả chúng sinh.
  • Ví như chân như, tánh của nó thường tuỳ thuận tất cả cảnh giới. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, hết thuở kiếp vị lai, căn lành đó vẫn tuỳ thuận chúng sinh, không bao giờ dứt.

 

Thí như chân như, vô năng trắc lượng, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, đẳng hư không giới, tận chúng sanh tâm, vô năng trắc lượng. Thí như chân như, sung mãn nhất thiết, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, nhất sát-na trung phổ châu Pháp giới. Thí như chân như, thường trụ vô tận, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, cứu cánh vô tận. Thí như chân như, vô hữu bỉ đối, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, phổ năng viên mãn nhất thiết Phật Pháp, vô hữu bỉ đối. Thí như chân như, thể tánh kiên cố, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, thể tánh kiên cố, phi chư hoặc não chi sở năng tự.

  • Ví như chân như, không thể dò lường. Căn lành hồi hướng cũng như thế, đồng cõi hư không. Hết tâm chúng sinh, không thể dò lường được. Ví như chân như, đầy khắp tất cả. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế. Trong một sát na, khắp cùng pháp giới. Ví như chân như, thường trụ vô tận. Căn lành hồi hướng, cũng lại như thế, rốt ráo vô tận. Ví như chân như, không gì sánh bằng. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khắp viên mãn tất cả Phật pháp, không gì sánh bằng. Ví như chân như, thể tánh vững chắc. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, thế tánh vững chắc, chẳng phải các hoặc não ngăn cản được.

Chân như chẳng có tướng, với thật tướng là một. Bất quá, danh từ khác nhau mà thôi. Song, ý nghĩa giống nhau, chẳng có gì khác biệt. Chân như là lìa tất cả tướng, tức tất cả pháp. Thật tướng là vô tướng, vô sở bất tướng (chẳng gì mà không tướng), tất cả tất cả, đều bao quát ở trong thật tướng, chẳng có gì chẳng phải là thật tướng, cũng chẳng có gì chẳng phải là chân như.

Chân như là tuy duyên mà không đổi, không đổi mà tuỳ duyên; thường tuỳ duyên mà thường không đổi, thường không đổi lại thường tuỳ duyên. Vì vậy cho nên gọi là chân như, cũng có ý nghĩa là tự tại, cho nên chân như là bổn thể của pháp.

Ví như chân như, nó rốt ráo như thế nào ? Chẳng có ai dò lường được tướng trạng của nó. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, đồng cõi hư không, hết tâm của chúng sinh, cũng không cách chi dò lường được.

Ví như chân như, nó tận hư không khắp pháp giới, đầy khắp tất cả mọi nơi. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế. Ở trong một sát na khắp cùng pháp giới.

Ví như chân như, vì chân như là tuỳ duyên không đổi, không đổi mà tuỳ duyên, cho nên thường trụ vô tận. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, vô cùng vô tận.

Ví như chân như, chẳng có vật gì có thể so sánh được, nó là tuyệt đối mà lại tương đối; pháp xuất thế là tuyệt đối, pháp thế gian là tương đối. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khắp viên mãn tất cả Phật pháp, chẳng có gì so sánh được.

Ví như chân như, thế tánh của nó rất vững chắc, giống như kim cang, chẳng cách chi phá hoại được. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, thể tánh của căn lành cũng rất vững chắc, chẳng phải tất cả hoặc não có thể ngăn cản được.

 

Thí như chân như, bất khả phá hoại, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, nhất thiết chúng sanh bất năng tổn hoại. Thí như chân như, chiếu minh vi thể, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, dĩ phổ chiếu minh nhi vi kỳ tánh. Thí như chân như, vô sở bất tại, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, ư nhất thiết xứ tất vô bất tại. Thí như chân như, biến nhất thiết thời, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, biến nhất thiết thời. Thí như chân như, tánh thường thanh tịnh, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, trụ ư thế gian nhi thể thanh tịnh.

Ví như chân như, không thể phá hoại được. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, tất cả chúng sinh không thể tổn hoại được. Ví như chân như, chiếu sáng làm thể. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, dùng chiếu sáng khắp làm tánh. Ví như chân như, không đâu mà chẳng có. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, tất cả mọi nơi, không đâu mà chẳng có. Ví như chân như, khắp tất cả thời. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khắp tất cả thời. Ví như chân như, tánh thường thanh tịnh. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, trụ nơi thế gian, mà thể thanh tịnh.

Giảng: Ví như chân như, nó là vô thể vô tướng, tuy nhiên chẳng chỗ nào mà không có nó, nhưng không thể phá hoại được. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, tất cả chúng sinh, chẳng cách chi có thể phá hoại được chân như và căn lành.

Ví như chân như, nó dùng quang minh chiếu sáng ba ngàn đại thiên thế giới làm thể tướng. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, dùng quang minh chiếu khắp làm thể tướng của nó.

Ví như chân như, chẳng chỗ nào mà không có nó; nghĩa là không có một chỗ nào mà chẳng phải chỗ sở tại của chân như. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, ở tất cả mọi nơi, đều có chân như tồn tại.

Ví như chân như, nó khắp tất cả mọi thời, bất cứ không gian và thời gian, đều đầy khắp. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khắp tất cả mọi thời, khắp tất cả mọi nơi.

Ví như chân như, bổn tánh của nó là thanh tịnh. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, trụ nơi thế gian, mà bổn tánh thanh tịnh, không có nhiễm ô.

Kinh Hoa Nghiêm đưa ra chân như làm đủ thứ ví dụ, vì khiến cho chúng sinh minh bạch đạo lý căn lành hồi hướng. Song, có người nói: “Những đạo lý ví dụ nầy, rất là nông cạn, không cần giảng giải tôi cũng đã hiểu hết”, cũng có thể nói như thế, không giảng bạn cũng hiểu, vì chân như tức là tự tánh của bạn. Vốn không cần giảng, nhưng chúng sinh bị vô minh che đậy quá sâu, gương sáng của chân tâm chẳng trong sáng. Nếu giảng giải thì vẫn hiểu hơn một chút, thật tế chẳng minh bạch chân chánh. Nếu thật minh bạch, thì chứng được bổn thể của chân như tự tánh, thì sẽ khoát nhiên quán thông, chiếu trời chiếu đất. Những cái ví như nầy, chẳng vượt khỏi tự tánh của chính mình, đây là dạy chúng ta khôi phục lại trí huệ vốn có, khiến cho nó hiện tiền, tức cũng là trí huệ giải thoát – khai ngộ.

 

Thí như chân như, ư pháp vô ngại, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, châu hành nhất thiết nhi vô sở ngại. Thí như chân như, vi chúng pháp nhãn, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, năng vi nhất thiết chúng sanh tác nhãn. Thí như chân như, tánh vô lao quyện, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, tu hành nhất thiết Bồ Tát chư hạnh hằng vô lao quyện. Thí như chân như, thể tánh thậm thâm, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, kỳ tánh thậm thâm. Thí như chân như, vô hữu nhất vật, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, liễu tri kỳ tánh vô hữu nhất vật.

Ví như chân như, nơi pháp vô ngại. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, đi khắp tất cả mà không chướng ngại. Ví như chân như, làm mắt của chúng sinh. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, hay làm mắt của tất cả chúng sinh. Ví như chân như, tánh không mệt mỏi. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, tu hành các hạnh của tất cả Bồ Tát, luôn không mệt mỏi. Ví như chân như, thể tánh thâm sâu. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, tánh rất thâm sâu. Ví như chân như, không có một vật. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, biết rõ tánh của nó chẳng có một vật.

Giảng: Ví như chân như, đối với tất cả Phật pháp, chẳng có chướng ngại. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, hay đi khắp tất cả mọi nơi, mà không chướng ngại.

Ví như chân như, hay làm pháp nhãn (mắt pháp) của chúng sinh. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, hay vì tất cả chúng sinh làm pháp nhãn, khiến cho thấy con đường ánh sáng, đạt thẳng đến bờ kia.

Ví như chân như, chẳng có một thể tánh, nhưng vẫn khắp tất cả mọi nơi, chẳng có mệt mỏi. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, tu hành tất cả hạnh môn của tất cả Bồ Tát tu hành, trọn không mệt mỏi.

Ví như chân như, thể tánh thâm sâu, không dễ gì minh bạch. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, tánh rất thâm sâu, không dễ gì thấu hiểu được.

Ví như chân như, vì nó đầy đủ tất cả, chẳng phải riêng một vật gì làm chân như, cho nên chẳng có một vật nào ở trong. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, căn lành bất quá là danh từ mà thôi, biết rõ tánh của nó chẳng có một vật, tại sao ? Vì chẳng có chấp trước.

 

Thí như chân như, tánh phi xuất hiện, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, kỳ thể vi diệu, nan khả đắc kiến. Thí như chân như, ly chúng cấu ế, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, Tuệ-nhãn thanh tịnh, ly chư si ế. Thí như chân như, tánh vô dữ đẳng, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, thành tựu nhất thiết chư Bồ-tát hạnh tối thượng vô đẳng. Thí như chân như, thể tánh tịch tĩnh, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, thiện năng tùy thuận tịch tĩnh chi Pháp. Thí như chân như, vô hữu căn bản, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, năng nhập nhất thiết vô căn bổn Pháp.

Ví như chân như, tánh chẳng xuất hiện. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, thể rất vi diệu, khó có thể thấy được. Ví như chân như, lìa các màng cấu bẩn. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, mắt huệ thanh tịnh, lìa các màng ngu si. Ví như chân như, tánh không gì bằng. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, thành tựu tất cả các hạnh của Bồ Tát, tối thượng không gì bằng. Ví như chân như, thể tánh vắng lặng. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khéo tuỳ theo thủ lấy pháp vắng lặng. Ví như chân như, chẳng có gốc rễ. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, hay vào tất cả pháp không gốc rễ.

Giảng: Ví như chân như, tánh của nó không ra không vào, không thể xuất hiện nhất chân Như Lai. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, bổn thể của căn lành rất vi diệu, rất khó thấy, vì nó không thể không tướng, căn bản nhìn chẳng thấy được.

Ví như chân như, thể tánh của nó là thanh tịnh, lìa khỏi tất cả dơ bẩn, chẳng có màng mắt. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, mắt trí là huệ thanh tịnh, chẳng có màng mắt.

Ví như chân như, tự tánh của nó chẳng có gì so sánh, chẳng có gì bằng được. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, hay thành tựu tất cả hạnh môn của Bồ Tát tu, là tối thượng thừa, chẳng có pháp nào sánh bằng.

Ví như chân như, thể tánh của nó, vắng lặng chẳng động. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, căn lành tuỳ thuận pháp vắng lặng, chẳng có gì biểu hiện.

Ví như chân như, nó chẳng có gốc rễ, vì khắp tất cả mọi nơi, không thể nói cố định nơi nào là gốc rễ của chân như. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, hay vào tất cả pháp không gốc rễ.

 

Thí như chân như, thể tánh vô biên, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, tịnh chư chúng sanh, kỳ số vô biên. Thí như chân như, thể tánh Vô Trước, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, tất cánh viễn ly nhất thiết chư trứ. Thí như chân như, vô hữu chướng ngại, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, trừ diệt nhất thiết thế gian chướng ngại. Thí như chân như, phi thế sở hạnh, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, phi chư thế gian chi sở năng hành. Thí như chân như, thể tánh vô trụ, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, nhất thiết sanh tử giai phi sở trụ.

Ví như chân như, thể tánh vô biên. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, tịnh các chúng sinh, số lượng vô biên. Ví như chân như, thể tánh không chấp trước. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, rốt ráo xa lìa tất cả sự chấp trước. Ví như chân như, không có chướng ngại. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, trừ diệt tất cả chướng ngại của thế gian. Ví như chân như, chẳng phải chỗ đi của thế gian. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, chẳng phải các thế gian có thể đi được. Ví như chân như, thể tánh không trụ. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, tất cả sinh tử, đều không chỗ trụ.

Giảng: Ví như chân như, thể tánh của nó chẳng có bờ mé. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khiến cho chúng sinh đắc được thanh tịnh, số lượng chẳng có bờ mé.

Ví như chân như, thể tánh của nó chẳng có tất cả sự chấp trước. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, rốt ráo xa lìa hết thảy sự chấp trước.

Ví như chân như, chẳng có tất cả sự chướng ngại. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, hay trừ diệt tất cả chướng ngại của thế gian.

Ví như chân như, chẳng phải chỗ đi của một số người thế gian. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, chẳng phải một số chúng sinh có thể làm được.

Ví như chân như, thể tánh của nó chẳng chỗ trụ, chẳng trụ sinh tử, chẳng trụ Niết Bàn. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, tất cả sinh tử, đều không chỗ trụ.

 

Thí như chân như, tánh vô sở tác, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, nhất thiết sở tác tất giai xả ly. Thí như chân như, thể tánh an trụ, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, an trụ chân thật. Thí như chân như, dữ nhất thiết pháp nhi cộng tướng ứng, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, dữ chư Bồ-tát thính văn tu tập nhi cộng tướng ứng. Thí như chân như, nhất thiết pháp trung, tánh thường bình đẳng, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, ư chư thế gian tu bình đẳng hạnh. Thí như chân như, bất ly chư Pháp, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, tận vị lai tế bất xả thế gian.

Ví như chân như, tánh không chỗ làm. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, tất cả chỗ làm thảy đều xả lìa. Ví như chân như, thể tánh an trụ. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, an trụ chân thật. Ví như chân như, với tất cả pháp cùng tương ưng. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, với các Bồ Tát lắng nghe tu tập cùng tương ưng.

Ví như chân như, trong tất cả pháp, tánh thường bình đẳng. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, nơi các thế gian tu hạnh bình đẳng. Ví như chân như, không lìa các pháp. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, suốt thuở vị lai, không bỏ thế gian.

Giảng: Ví như chân như, bổn tánh của nó, chẳng có sự tạo tác. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, phàm là tất cả sự tạo tác, hoàn toàn xả lìa.

Ví như chân như, thể tánh của nó an trụ nơi chân thật. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, vắng lặng chẳng động, cảm mà toại thông, an trụ nơi chân thật.

Ví như chân như, nó với tất cả pháp cùng đồng tương ưng. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, với tất cả Bồ Tát lắng nghe tu tập cùng tương ưng với nhau.

Ví như chân như, ở trong tất cả pháp, tánh thường bình đẳng. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, nơi tất cả thế gian, tu hành hạnh bình đẳng.

Ví như chân như, không lìa tất cả pháp, tất cả pháp đều là biểu hiện của chân như. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, suốt thuở vị lai, không lìa khỏi tất cả pháp thế gian.

 

Thí như chân như, nhất thiết pháp trung, tất cánh vô tận, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, ư chư chúng sanh hồi hướng vô tận. Thí như chân như, dữ nhất thiết pháp vô hữu tướng vi, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, bất vi tam thế nhất thiết Phật Pháp. Thí như chân như, phổ nhiếp chư Pháp, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, tận nhiếp nhất thiết chúng sanh thiện căn. Thí như chân như, dữ nhất thiết pháp đồng kỳ thể tánh, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, dữ tam thế Phật đồng nhất thể tánh. Thí như chân như, dữ nhất thiết pháp bất tướng xả ly, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, nhiếp trì nhất thiết thế, xuất thế Pháp.

Ví như chân như, ở trong tất cả pháp, rốt ráo vô tận. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, nơi các chúng sinh, hồi hướng vô tận. Ví như chân như, với tất cả pháp không có tướng trái nghịch. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, chẳng trái nghịch với tất cả Phật pháp ba đời. Ví như chân như, nhiếp khắp các pháp. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, nhiếp hết căn lành của tất cả chúng sinh. Ví như chân như, với tất cả pháp đồng thể tánh. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, đồng một thể tánh với chư Phật ba đời. Ví như chân như, với tất cả pháp không tướng xả lìa. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, nhiếp trì tất cả pháp thế gian xuất thế gian.

Giảng: Ví như chân như, ở trong tất cả pháp, trùng trùng vô tận. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, ở trong tất cả chúng sinh, hồi hướng vô tận.

Ví như chân như, nó với tất cả pháp, chẳng có tướng trái nhau, vì chân như hay sinh tất cả pháp, hay viên mãn tất cả pháp. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, chẳng trái với pháp của chư Phật ba đời nói.

Ví như chân như, nó hay nhiếp khắp tất cả các pháp. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, hay nhiếp hết căn lành của tất cả chúng sinh.

Ví như chân như, nó với tất cả các pháp, cùng đồng một thể tánh. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, với chư Phật ba đời, cùng đồng một thể tánh.

Ví như chân như, nó với tất cả pháp, cùng nhau chẳng xả lìa. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, hay nhiếp trì tất cả các pháp thế gian xuất thế gian.

 

Thí như chân như, vô năng ánh tế, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, nhất thiết thế gian vô năng ánh tế. Thí như chân như, bất khả động diêu, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, nhất thiết ma nghiệp vô năng động dao. Thí như chân như, tánh vô cấu trược, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, tu Bồ Tát hạnh vô hữu cấu trược. Thí như chân như, vô hữu biến dịch, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, mẫn niệm chúng sanh, tâm vô biến dịch. Thí như chân như, bất khả cùng tận, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, phi chư thế Pháp sở năng cùng tận.

Ví như chân như, không gì che khuất được. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, tất cả thế gian không thể che khuất được. Ví như chân như, không thể lay động. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, tất cả nghiệp ma, không thể lay động được. Ví như chân như, tánh không dơ trược. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, tu hạnh Bồ Tát, chẳng có dơ trược. Ví như chân như, chẳng có biến đổi. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, thương nhớ chúng sinh, tâm không biến đổi. Ví như chân như, không thể cùng tận. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, chẳng phải các pháp thế gian cùng tận được.

Giảng: Ví như chân như, ánh sáng của nó, không thể che khuất được. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, tất cả ánh sáng thế gian, không thể che khuất được căn lành nầy.

Ví như chân như, nó là tánh vắng lặng, không thể lay động. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, tất cả nghiệp ma, không thể lay động căn lành này được.

Ví như chân như, chẳng có tất cả bụi bặm, chẳng có tất cả ô nhiễm. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, tu tập hạnh Bồ Tát, chẳng có tất cả bụi bặm ô trược.

Ví như chân như, nó chẳng có biến đổi, thường như như bất động, rõ ràng sáng suốt. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, thương nhớ chúng sinh, đại từ đại bi, vĩnh viễn không biến đổi.

Ví như chân như, nó không thể nào cùng tận. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, chẳng phải tất cả pháp thế gian cùng tận được nguồn căn lành nầy.

 

Thí như chân như, tánh thường giác ngộ, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, phổ năng giác ngộ nhất thiết chư pháp. Thí như chân như, bất khả thất hoại, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, ư chư chúng sanh khởi thắng chí nguyện, vĩnh bất thất hoại. Thí như chân như, năng Đại chiếu minh, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, dĩ Đại trí quang chiếu chư thế gian. Thí như chân như, bất khả ngôn thuyết, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, nhất thiết ngôn ngữ sở bất khả thuyết. Thí như chân như, trì chư thế gian, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, năng trì nhất thiết Bồ Tát chư hạnh.

Ví như chân như, tánh thường giác ngộ. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khắp giác ngộ tất cả các pháp. Ví như chân như, không thể mất hoại. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, nơi các chúng sinh khởi chí nguyện thù thắng, vĩnh viễn không thất hoại. Ví như chân như, hay chiếu sáng. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, dùng quang minh đại trí huệ, chiếu các thế gian. Ví như chân như, không thể dùng lời nói. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, tất cả lời nói không thể nói được. Ví như chân như, giữ gìn các thế gian. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, hay giữ gìn tất cả các hạnh của Bồ Tát.

Giảng: Ví như chân như, tự tánh của nó thường hay giác ngộ. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, hay giác ngộ khắp pháp của chư Phật ba đời nói.

Ví như chân như, không thể tổn mất, không thể tổn hoại. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, đối với tất cả chúng sinh, sinh khởi chí nguyện thù thắng, vĩnh viễn không hoại mất.

Ví như chân như, nó hay sinh trí huệ đại quang minh, chiếu sáng tất cả chúng sinh. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, dùng đại trí huệ quang minh, chiếu khắp tất cả chúng sinh thế gian.

Ví như chân như, không thể dùng lời nói, nói cũng nói không hết được. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, tất cả lời nói không cách chi hình dung được.

Ví như chân như, nó hay chi trì thế gian, hay khiến tất cả thế gian có sự thành tựu. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, hay chi trì tất cả hạnh môn của Bồ Tát tu.

 

Thí như chân như, tùy thế ngôn thuyết, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, tùy thuận nhất thiết trí tuệ ngôn thuyết. Thí như chân như, biến nhất thiết pháp, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, biến ư thập phương nhất thiết Phật sát, hiện đại thần thông, thành đẳng chánh giác. Thí như chân như, vô hữu phân biệt, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, ư chư thế gian, vô sở phân biệt. Thí như chân như, biến nhất thiết thân, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, biến thập phương sát vô lượng thân trung. Thí như chân như, thể tánh vô sanh, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, phương tiện thị sanh nhi vô sở sanh.

Ví như chân như, tuỳ thuận lời nói thế gian. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, tuỳ thuận tất cả lời nói trí huệ. Ví như chân như, khắp tất cả pháp. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khắp nơi mười phương tất cả cõi Phật, hiện đại thần thông, thành Đẳng Chánh Giác. Ví như chân như, không có phân biệt. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, nơi các thế gian, không có sự phân biệt. Ví như chân như, khắp tất cả thân. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khắp vô lượng thân trong mười phương cõi. Ví như chân như, thể tánh không sinh. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, phương tiện thị hiện sinh mà không chỗ sinh.

Giảng: Ví như chân như, nó hay tuỳ thuận lời nói thế gian. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, tuỳ thuận tất cả lời nói trí huệ.

Ví như chân như, nó hay khắp tất cả pháp, tất cả pháp đều là biểu pháp của chân như. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khắp cùng mười phương tất cả cõi Phật, hiện ra đủ thứ đại thần thông, thành tựu vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Ví như chân như, nó chẳng có sự phân biệt. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, nơi thế gian chẳng có sự phân biệt, mà hay thành tựu đạo bồ đề.

Ví như chân như, khắp tất cả thân chúng sinh, chẳng có thân của một chúng sinh nào mà chẳng có chân như. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, đầy khắp mười phương cõi Phật, ở trong thân của vô lượng chúng sinh, đều có căn lành.

Ví như chân như, thể tánh của nó không sinh không diệt. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, phương tiện hiện sinh, phương tiện hiện diệt, nhưng vốn không chỗ sinh. Bất động đạo tràng, đến khắp mười phương.

 

Thí như chân như, vô sở bất tại, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, thập phương tam thế chư Phật độ trung, phổ hiện thần thông nhi vô bất tại. Thí như chân như, biến tại ư dạ, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, ư nhất thiết dạ, phóng đại quang minh, thí tác Phật sự. Thí như chân như, biến tại ư trú, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, tất lệnh nhất thiết tại trú chúng sanh, kiến Phật thần biến, diễn bất thoái luân, ly cấu thanh tịnh, vô không quá giả. Thí như chân như, biến tại bán nguyệt cập dĩ nhất nguyệt, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, ư chư thế gian thứ đệ thời tiết, đắc thiện phương tiện, ư nhất niệm trung tri nhất thiết thời. Thí như chân như, biến tại niên tuế, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, trụ vô lượng kiếp minh liễu thành thục, nhất thiết chư căn giai lệnh viên mãn.

Ví như chân như, không chỗ nào mà không sinh. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, trong các cõi Phật mười phương ba đời, khắp hiện thần thông mà không có chỗ nào mà không sinh. Ví như chân như, khắp tại ban đêm. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, tất cả ban đêm phóng đại quang minh, thí làm Phật sự. Ví như chân như, khắp tại ban ngày. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khắp khiến tất cả chúng sinh, tại ban ngày thấy thần biến của Phật, diễn nói pháp không thối chuyển, lìa dơ được thanh tịnh, không người nào luống qua. Ví như chân như, khắp trong nửa tháng, cho đến một tháng. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, nơi các thế gian, thứ lớp thời tiết, được phương tiện khéo léo, ở trong một niệm, biết tất cả thời. Ví như chân như, khắp trong năm tuổi. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, trụ vô lượng kiếp, thấu rõ thành thục các căn, đều khiến cho viên mãn.

Giảng: Ví như chân như, chẳng có chỗ nào mà không có. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, ở trong cõi nước chư Phật mười phương, khắp hiện tất cả thần thông, mà chẳng có chỗ nào mà không có căn lành.

Ví như chân như, khắp tại ban đêm. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, trong tất cả ban đêm, phóng đại quang minh, thí làm đủ thứ Phật sự.

Ví như chân như, khắp tại ban ngày. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khiến cho tất cả chúng sinh, lúc ban ngày thấy được thần thông biến hoá của mười phương chư Phật, diễn nói diệu pháp không thối chuyển, khiến cho tất cả chúng sinh lìa khỏi bụi dơ, đắc được thanh tịnh, chẳng có một chúng sinh nào luống qua, mà không đắc được lợi ích.

Ví như chân như, khắp trong nửa tháng cho đến một tháng, tức là tất cả không gian và tất cả thời gian. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, trong tất cả thời gian, y chiếu thứ lớp thời tiết, đắc được phương tiện khéo léo; ở trong một niệm, biết được tất cả thời quá khứ, hiện tại, vị lai.

Ví như chân như, khắp tại năm tuổi. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, trụ vô lượng kiếp, khi trí huệ viên mãn thì thấu rõ thành thục tất cả căn lành, khiến cho ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, thảy đều viên mãn.

 

Thí như chân như, biến thành hoại kiếp, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, trụ nhất thiết kiếp thanh tịnh vô nhiễm, giáo hóa chúng sanh hàm lệnh thanh tịnh. Thí như chân như, tận vị lai tế, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, tận vị lai tế, tu chư Bồ-tát thanh tịnh diệu hạnh, thành mãn đại nguyện vô hữu thoái chuyển. Thí như chân như, biến trụ tam thế, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, lệnh chư chúng sanh ư nhất sát-na kiến tam thế Phật, vị tằng nhất niệm nhi hữu xả ly. Thí như chân như, biến nhất thiết xứ, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, siêu xuất tam giới, châu hành nhất thiết, tất đắc tự tại. Thí như chân như, trụ hữu vô Pháp, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, liễu đạt nhất thiết hữu vô chi Pháp tất cánh thanh tịnh.

Ví như chân như, khắp kiếp thành hoại. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, trụ tất cả kiếp, thanh tịnh không nhiễm, giáo hoá chúng sinh, đều khiến cho thanh tịnh. Ví như chân như, hết thuở vị lai. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, hết thuở vị lai, tu các diệu hạnh thanh tịnh của Bồ Tát, thành tựu viên mãn nguyện lớn, chẳng có thối chuyển. Ví như chân như, khắp trụ ba đời. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khiến các chúng sinh, nơi một sát na, thấy chư Phật ba đời, chưa từng một niệm, mà có sự xả lìa. Ví như chân như, khắp tất cả mọi nơi. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, vượt qua ba cõi, đi khắp tất cả đều được tự tại. Ví như chân như, trụ pháp có không. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, thấu đạt tất cả pháp có không, rốt ráo thanh tịnh.

Giảng: Ví như chân như, khắp tại kiếp thành và kiếp hoại. Một tăng một giảm làm một kiếp. Từ khi tuổi thọ con người mười tuổi bắt đầu tăng lên, mỗi một trăm năm tăng một tuổi, tăng đến tám vạn bốn ngàn tuổi thì ngừng. Sau đó lại giảm, cũng cứ một trăm năm thì giảm một tuổi, giảm xuống còn mười tuổi thì ngừng, đây là thời gian một kiếp. Tuổi thọ của trái đất có thành, trụ, hoại, không, bốn trung kiếp. Hai mươi tiểu kiếp làm một trung kiếp, bốn trung kiếp làm một đại kiếp. Tóm lại, tuổi thọ của trái đất chỉ có một đại kiếp, tức cũng là tám mươi tiểu kiếp. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, trụ ở trong tất cả kiếp, thanh tịnh không nhiễm, giáo hoá chúng sinh, khiến cho họ thanh tịnh thành Phật.

Ví như chân như, hết thuở kiếp vị lai. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, hết thuở kiếp vị lai, tu tập tất cả diệu hạnh thanh tịnh của Bồ Tát tu, thành tựu nguyện lớn của Bồ Tát phát ra, vĩnh viễn không thối chuyển Chánh Đẳng Chánh Giác.

Ví như chân như, khắp tại ba đời. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khiến cho tất cả chúng sinh, trong một sát na, thấy được chư Phật ba đời, nhưng chưa từng ở trong một niệm, có cảm giác xả lìa chư Phật.

Ví như chân như, khắp tất cả mọi nơi. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, vượt qua ba cõi, đi khắp tất cả mọi nơi, bất cứ đến nơi nào, cũng đều nhậm vận tự tại.

Ví như chân như, hay trụ nơi pháp có, cũng hay trụ nơi pháp không. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, thấu rõ tất cả pháp có, thông đạt tất cả pháp không, rốt ráo đều thanh tịnh.

 

Thí như chân như, thể tánh thanh tịnh, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, năng dĩ phương tiện tập trợ đạo Pháp, tịnh trì nhất thiết chư Bồ-tát hạnh. Thí như chân như, thể tánh minh khiết, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, lệnh chư Bồ-tát tất đắc tam muội minh khiết chi tâm. Thí như chân như, thể tánh vô cấu, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, viễn Ly chư cấu, mãn túc nhất thiết chư thanh tịnh ý. Thí như chân như, vô ngã, ngã sở, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, dĩ vô ngã, ngã sở thanh tịnh chi tâm, sung mãn thập phương chư Phật quốc độ. Thí như chân như, thể tánh bình đẳng, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, hoạch đắc bình đẳng nhất thiết trí trí, chiếu liễu chư Pháp, ly chư si ế.

Ví như chân như, thể tánh thanh tịnh. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, hay dùng phương tiện, tập pháp trợ đạo, tịnh trị tất cả các hạnh của Bồ Tát. Ví như chân như, thể tánh sáng sạch. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khiến các Bồ Tát đều được tâm tam muội sáng sạch. Ví như chân như, thể tánh không dơ. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, xa lìa các sự dơ bẩn, đầy đủ tất cả các ý thanh tịnh. Ví như chân như, không có cái ta và của ta. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, dùng tâm thanh tịnh không cái ta và của ta, đầy khắp các cõi Phật trong mười phương. Ví như chân như, thể tánh bình đẳng. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, đắc được trí huệ nhất thiết trí bình đẳng.

Giảng: Ví như chân như, thể tánh của nó, luôn luôn thanh tịnh. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, hay dùng phương tiện tập trợ đạo pháp, thanh tịnh tất cả hạnh môn của Bồ Tát tu.

Ví như chân như, thể tánh của nó sáng suốt trong sạch. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khiến cho tất cả Bồ Tát, đều được tâm chánh định chánh thọ, quang minh trong sạch.

Ví như chân như, thể tánh của nó chẳng có dơ bẩn. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, xa lìa tất cả nhiễm ô và dơ bẩn.

Ví như chân như, chẳng có cái ta, cũng chẳng có cái của ta. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, cũng chẳng có cái ta, cũng chẳng có cái của ta, tâm thanh tịnh đầy khắp các cõi Phật trong mười phương.

Ví như chân như, thể tánh của nó rất bình đẳng. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, đắc được trí huệ nhất thiết trí bình đẳng, chiếu soi tất cả các pháp, xa lìa tất cả màng ngu si, tức cũng là lìa khỏi sự đem tối, được ánh sáng.

 

Thí như chân như, siêu chư sổ lượng, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, dữ siêu số lượng nhất thiết trí thừa Đại lực Pháp tạng nhi đồng chỉ trụ, hưng biến thập phương nhất thiết thế giới quảng đại pháp vân. Thí như chân như, bình đẳng an trụ, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, phát sanh nhất thiết chư Bồ-tát hạnh, bình đẳng trụ ư nhất thiết trí đạo. Thí như chân như, biến trụ nhất thiết chư chúng sanh giới, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, mãn túc vô ngại nhất thiết chủng trí, ư chúng sanh giới tất hiện tại tiền. Thí như chân như, vô hữu phân biệt, phổ trụ nhất thiết âm thanh trí trung, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, cụ túc nhất thiết chư ngôn âm trí, năng phổ thị hiện chủng chủng ngôn âm, khai thị chúng sanh. Thí như chân như, vĩnh ly thế gian, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, phổ sử chúng sanh vĩnh xuất thế gian.

Ví như chân như, vượt qua các số lượng. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, vượt qua số lượng tất cả trí thừa, cùng ở chung với đại lực pháp tạng, nổi mây pháp rộng lớn khắp mười phương tất cả thế giới. Ví như chân như, bình đẳng an trụ. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, phát sinh tất cả các hạnh Bồ Tát, bình đẳng trụ nơi đạo nhất thiết trí. Ví như chân như, trụ khắp tất cả các cõi chúng sinh. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, đầy đủ vô ngại nhất thiết chủng trí, nơi cõi chúng sinh, đều hiện ra ở trước. Ví như chân như, chẳng có phân biệt, trụ khắp trong tất cả âm thanh trí huệ. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, đầy đủ tất cả các lời lẽ âm thanh trí huệ, hay thị hiện khắp đủ thứ lời lẽ âm thanh, khai thị chúng sinh. Ví như chân như, vĩnh viễn lìa khỏi thế gian. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khắp khiến cho chúng sinh vĩnh viễn thoát khỏi thế gian.

Giảng: Ví như chân như, nó vượt ra ngoài tất cả số lượng, không bị số lượng câu thúc. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, vượt khỏi số lượng tất cả trí huệ thừa, cùng ở chung với đại lực pháp tạng, nổi mây pháp rộng lớn khắp mười phương tất cả thế giới.

Ví như chân như, nó hay bình đẳng an trụ tất cả mọi nơi. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, phát sinh tất cả hạnh môn của Bồ Tát tu, bình đẳng an trụ nơi đạo nhất thiết trí.

Ví như chân như, nó hay trụ khắp tất cả cõi chúng sinh. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, đầy đủ chẳng có chướng ngại nhất thiết chủng trí, nơi cõi chúng sinh, hoàn toàn xuất hiện ở trước.

Ví như chân như, nó chẳng có phân biệt, khắp trụ trong tất cả âm thanh trí huệ. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, đầy đủ tất cả lời lẽ âm thanh trí huệ, hay hiện khắp đủ thứ lời lẽ và âm thanh, khai thị tất cả chúng sinh.

Ví như chân như, nó vĩnh viễn lìa pháp thế gian. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khắp khiến cho tất cả chúng sinh, vĩnh viễn thoát khỏi thế gian, vượt qua ba cõi.

 

Thí như chân như, thể tánh quảng đại, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, tất năng thọ trì khứ, lai, kim thế quảng đại Phật Pháp, hằng bất vong thất, cần tu nhất thiết Bồ Tát chư hạnh. Thí như chân như, vô hữu gian tức, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, vi dục an xứ nhất thiết chúng sanh ư đại trí địa, ư nhất thiết kiếp tu Bồ Tát hạnh vô hữu gian tức. Thí như chân như, thể tánh khoan quảng, biến nhất thiết pháp, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, tịnh niệm vô ngại, phổ nhiếp nhất thiết khoan quảng Pháp môn. Thí như chân như, biến nhiếp quần phẩm, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, chứng đắc vô lượng phẩm loại chi trí, tu chư Bồ-tát chân thật diệu hạnh. Thí như chân như, vô sở thủ trước, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, ư nhất thiết Pháp giai vô sở thủ, trừ diệt nhất thiết thế gian thủ trước, phổ lệnh thanh tịnh.

Ví như chân như, thể tánh rộng lớn. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, đều hay thọ trì, Phật pháp rộng lớn đời quá khứ vị lai và hiện tại, luôn không quên mất, siêng tu tất cả hạnh Bồ Tát. Ví như chân như, không gián đoạn ngừng nghỉ. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, vì muốn an trụ tất cả chúng sinh nơi bậc đại trí, nơi tất cả kiếp tu hạnh Bồ Tát, không gián đoạn ngừng nghỉ. Ví như chân như, thể tánh rộng rãi, khắp tất cả pháp. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, tịnh niệm vô ngại, nhiếp khắp tất cả pháp môn rộng rãi. Ví như chân như, nhiếp khắp các loại. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, chứng được vô lượng loại trí, tu các diệu hạnh chân thật của Bồ Tát. Ví như chân như, không chỗ thủ trước. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, nơi tất cả pháp, không thủ lấy, trừ diệt tất cả thủ trước của thế gian, khắp khiến cho thanh tịnh.

Giảng: Ví như chân như, thể tánh của nó rộng lớn không bờ mé. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, đều hay thọ trì Phật pháp rộng lớn đời quá khứ, vị lai và hiện tại, luôn chẳng quên mất tất cả Phật pháp, siêng tu tất cả các hạnh của Bồ Tát tu.

Ví như chân như, nó chẳng có ngừng nghỉ, bất cứ lúc nào cũng không gián đoạn. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, vì muốn an trụ tất cả chúng sinh nơi bậc đại trí huệ, ở trong tất cả kiếp, tu hạnh Bồ Tát, chẳng có gián đoạn, vĩnh viễn không ngừng nghỉ.

Ví như chân như, thể tánh của nó, rộng rãi vô lượng vô biên, khắp tất cả pháp, hết thảy tám vạn bốn ngàn pháp môn, môn nào cũng đều có chân như. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, niệm thanh tịnh vô ngại, khắp nhiếp tất cả pháp môn rộng rãi.

Ví như chân như, nó hay nhiếp khắp các loại pháp. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, chứng được vô lượng loại trí huệ, tu tất cả hạnh môn vi diệu chân thật của Bồ Tát tu.

Ví như chân như, nó đối với tất cả pháp, chẳng có thủ trước. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, đối với tất cả pháp đều không thủ lấy, trừ diệt tất cả thủ trước của thế gian, khắp khiến cho thanh tịnh, đắc được nguồn gốc thanh tịnh, tánh diệu chân như.

 

Thí như chân như, thể tánh bất động, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, an trụ Phổ Hiền viên mãn hạnh nguyện, tất cánh bất động. Thí như chân như, thị Phật cảnh giới, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, lệnh chư chúng sanh mãn túc nhất thiết Đại trí cảnh giới, diệt phiền não cảnh tất lệnh thanh tịnh. Thí như chân như, vô năng chế phục, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, bất vi nhất thiết chúng ma sự nghiệp, ngoại đạo tà luận chi sở chế phục. Thí như chân như, phi thị khả tu, phi bất khả tu, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, xả ly nhất thiết vọng tưởng thủ trước, ư tu, bất tu vô sở phân biệt. Thí như chân như, vô hữu thoái xả, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, thường kiến chư Phật, phát Bồ-đề tâm, đại thệ trang nghiêm, vĩnh vô thoái xả.

Ví như chân như, thế tánh bất động. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, an trụ hạnh nguyện viên mãn của Phổ Hiền, rốt ráo bất động. Ví như chân như, là cảnh giới của Phật. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khiến các chúng sinh, đầy đủ tất cả cảnh giới đại trí huệ, diệt cảnh phiền não, đều khiến thanh tịnh. Ví như chân như, không thể chế phục. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, không bị tất cả các ma sự nghiệp, ngoại đạo tà luận chế phục. Ví như chân như, chẳng phải có thể tu, chẳng phải không thể tu. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, xả lìa tất cả vọng tưởng thủ trước, nơi tu không tu chẳng có phân biệt. Ví như chân như, chẳng có thối lùi xả bỏ. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, thường thấy chư Phật, phát tâm bồ đề, đại thệ trang nghiêm, vĩnh viễn không thối lùi xả bỏ.

Giảng: Ví như chân như, thể tánh của nó, như như bất động, rõ ràng sáng suốt. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, an trụ trong hạnh nguyện viên mãn của Bồ Tát Phổ Hiền, rốt ráo bất động, Bồ Tát Phổ Hiền có mười hạnh nguyện lớn:
Lễ kính các đức Phật.
Khen ngợi Như Lai.
Rộng tu cúng dường.
Sám hối nghiệp chướng.
Tuỳ hỉ công đức.
Thỉnh chuyển bánh xe pháp.
Thỉnh Phật ở lại đời.
Thường học theo Phật.
Luôn thuận chúng sinh.
Thảy đều hồi hướng.

Ví như chân như, nó là cảnh giới của Phật. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khiến tất cả chúng sinh, đầy đủ tất cả cảnh giới đại trí huệ, diệt trừ tất cả cảnh giới đại phiền não, khiến cho chúng sinh đều được thanh tịnh.

Ví như chân như, nó không thể bị thiên ma ngoại đạo chế phục. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, chẳng bị tất cả các ma sự nghiệp, cùng với ngoại đạo tà luận chế phục.

Ví như chân như, nó chẳng phải có thể tu, cũng chẳng phải không thể tu. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, xả lìa tất cả vọng tưởng, trừ bỏ tất cả thủ trước, tu hành hoặc chẳng tu hành, chẳng có phân biệt, nghĩa là không chấp trước.

Ví như chân như, nó chẳng có sự thối lùi về sau, mà dũng mãnh tiến về trước. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, thường thấy mười phương chư Phật, phát tâm đại bồ đề, đại thệ nguyện để trang nghiêm, vĩnh viễn không thối lùi.

 

Thí như chân như, phổ nhiếp nhất thiết thế gian ngôn âm, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, năng đắc nhất thiết sái biệt ngôn âm thần thông trí tuệ, phổ phát nhất thiết chủng chủng ngôn từ. Thí như chân như, ư nhất thiết Pháp vô sở hy cầu, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, lệnh chư chúng sanh thừa Phổ Hiền thừa nhi đắc xuất ly, ư nhất thiết Pháp vô sở tham cầu. Thí như chân như, trụ nhất thiết địa, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, lệnh nhất thiết chúng sanh xả thế gian địa, trụ trí tuệ địa, dĩ Phổ Hiền hàng nhi tự trang nghiêm. Thí như chân như, vô hữu đoạn tuyệt, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, ư nhất thiết Pháp đắc vô sở úy, tùy kỳ loại âm, xứ xứ diễn thuyết, vô hữu đoạn tuyệt. Thí như chân như, xả ly chư lậu, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, lệnh nhất thiết chúng sanh thành tựu pháp trí, liễu đạt ư Pháp, viên mãn Bồ-đề vô lậu công đức.

Ví như chân như, khắp nhiếp tất cả lời lẽ âm thanh thế gian. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, hay đắc được tất cả lời lẽ âm thanh khác biệt, thần thông trí huệ, khắp phát ra tất cả đủ thứ lời lẽ. Ví như chân như, nơi tất cả pháp không chỗ mong cầu. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khiến cho các chúng sinh, ngồi thừa Phổ Hiền mà được thoát khỏi, nơi tất cả pháp chẳng có tham cầu. Ví như chân như, trụ tất cả bậc. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khiến cho tất cả chúng sinh xả bỏ bậc thế gian, trụ bậc trí huệ, dùng hạnh Phổ Hiền mà tự trang nghiêm. Ví như chân như, không có đoạn tuyệt. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, nơi tất cả pháp được sự không sợ hãi, tuỳ theo loại tiếng, nơi nơi diễn nói, chẳng có đoạn tuyệt. Ví như chân như, xả lìa các lậu. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khiến cho tất cả chúng sinh thành tựu pháp trí, thấu đạt nơi pháp, viên mãn công đức bồ đề vô lậu.

Giảng: Ví như chân như, nó hay nhiếp khắp tất cả lời lẽ âm thanh của thế gian. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, hay đắc được tất cả ngôn từ và âm thanh bất đồng. Có thần thông trí huệ, phát ra khắp đủ thứ ngôn từ. Có thần thông, bèn có trí huệ; có trí huệ bèn có thần thông, đó đây có mối quan hệ với nhau. Thần thông là dụng của trí huệ, có trí huệ sẽ biết dùng thần thông; nếu không có trí huệ thì dù có thần thông cũng không thể dùng.

Ví như chân như, đối với tất cả pháp chẳng có mong cầu. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khiến cho tất cả chúng sinh, có thể ngồi thừa hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, mà được thoát khỏi ba cõi, đối với tất cả pháp, chẳng có tham cầu.

Ví như chân như, nó trụ nơi tất cả bậc. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khiến cho tất cả chúng sinh, xả lìa tri kiến thế gian, trụ nơi bậc trí huệ, tức là chánh tri chánh kiến xuất thế, dùng đại hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền để trang nghiêm chính mình.

Ví như chân như, nó tuỳ duyên không thay đổi, không thay đổi mà tuỳ duyên, chẳng có đoạn tuyệt. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, đối với tất cả các pháp, đắc được sự không sợ hãi. Tuỳ thuận các loài chúng sinh và âm thanh, đến tất cả mọi nơi vì chúng sinh diễn nói diệu pháp, vĩnh viễn không đoạn tuyệt.

Ví như chân như, thể tánh của nó là vô lậu, chân thật như như, xa lìa xả bỏ tất cả các lậu. Các lậu tức là hết thảy tập khí mao bệnh, có tâm tham dục, có tâm sân hận, có tâm ngu si, đó đều là lậu; phàm là có sự hưởng thụ tài, sắc, danh, ăn, và ngủ năm dục, tức là lậu; hoan hỉ cảnh giới sắc, thanh, hương, vị, xúc năm trần, tức là lậu của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân năm căn; hoặc là không giữ quy cụ cũng là lậu, mà lậu lớn nhất là dục niệm. Người tu hành phải trở về nguồn cội, tức là khôi phục lại thể đồng chân. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khiến cho tất cả chúng sinh, thành tựu pháp môn trí huệ, thấu rõ thông đạt hết thảy các pháp, viên mãn giác đạo bồ đề, thành tựu công đức vô lậu.

 

Thí như chân như, vô hữu thiểu Pháp nhi năng hoại loạn, lệnh kỳ thiểu phần phi thị giác ngộ, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, phổ lệnh khai ngộ nhất thiết chư pháp, kỳ tâm vô lượng biến chu Pháp giới. Thí như chân như, quá khứ phi thủy, vị lai phi mạt, hiện tại phi dị, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, vi nhất thiết chúng sanh tân tân hằng khởi Bồ-đề tâm nguyện, phổ sử thanh tịnh, vĩnh ly sanh tử. Thí như chân như, ư tam thế trung vô sở phân biệt, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, hiện tại niệm niệm tâm thường giác ngộ, quá khứ, vị lai giai tất thanh tịnh. Thí như chân như, thành tựu nhất thiết chư Phật Bồ Tát, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, phát khởi nhất thiết đại nguyện phương tiện, thành tựu chư Phật quảng đại trí tuệ. Thí như chân như, cứu cánh thanh tịnh, bất dữ nhất thiết chư phiền não câu, thiện căn hồi hướng diệc phục như thị, năng diệt nhất thiết chúng sanh phiền não, viên mãn nhất thiết thanh tịnh trí tuệ.

Ví như chân như, chẳng có chút pháp nào có thể phá hoại tán loạn được, khiến cho chút ít phần chẳng giác ngộ. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khắp khiến khai ngộ tất cả các pháp, tâm đó vô lượng khắp cùng pháp giới. Ví như chân như, quá khứ chẳng bắt đầu, vị lai chẳng kết thúc, hiện tại chẳng khác. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, vì tất cả chúng sinh luôn luôn khởi tâm nguyện bồ đề, khắp khiến thanh tịnh, vĩnh viễn lìa sinh tử. Ví như chân như, ở trong ba đời chẳng có phân biệt. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, hiện tại niệm niệm, tâm thường giác ngộ, quá khứ vị lai thảy đều thanh tịnh. Ví như chân như, thành tựu tất cả chư Phật Bồ Tát. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, phát khởi tất cả đại nguyện phương tiện, thành tựu trí huệ rộng lớn của chư Phật. Ví như chân như, rốt ráo thanh tịnh, chẳng cùng ở với tất cả các phiền não. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, hay diệt tất cả phiền não của chúng sinh, viên mãn tất cả trí huệ thanh tịnh.

Giảng: Ví như chân như, chẳng có chút ít pháp có thể phá hoại nhiễu loạn chân như được, muốn khiến chân như có chút ít chỗ không giác ngộ, cũng làm chẳng được. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, khắp khiến cho tất cả chúng sinh, khai ngộ tất cả các pháp, tâm vô lượng đầy khắp cùng pháp giới. Do đó:

“Tâm rộng lớn có thể bao hư không,

Lượng rộng lớn khắp cùng pháp giới”.

Ví như chân như, quá khứ chẳng phải bắt đầu, vị lai chẳng phải kết thúc, hiện tại cũng chẳng có sự khác nhau, đều là bình đẳng. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, vì tất cả chúng sinh, niệm niệm thường thường sinh tâm bồ đề, thường phát nguyện bồ đề, khắp khiến thanh tịnh, vĩnh viễn lìa sinh tử, vượt khỏi ba cõi.

Ví như chân như, nó ở trong ba đời, chẳng có gì phân biệt. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, hiện tại trong niệm niệm, tâm thường giác ngộ, quá khứ cũng thanh tịnh, vị lai cũng thanh tịnh, tất cả đều bình đẳng thanh tịnh.

Ví như chân như, nó hay thành tựu tất cả chư Phật và tất cả Bồ Tát, chư Phật Bồ Tát là do chân như sinh ra. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, phát khởi tất cả đại nguyện phương tiện, thành tựu trí huệ rộng lớn của tất cả chư Phật và tất cả Bồ Tát.

Ví như chân như, rốt ráo thanh tịnh, chẳng có nhiễm ô, chẳng cùng ở với tất cả phiền não. Căn lành hồi hướng cũng lại như thế, hay tiêu diệt tất cả phiền não của chúng sinh, hay viên mãn tất cả trí huệ thanh tịnh. Tại sao chúng ta có phiền não ? Đều vì đức hạnh chẳng đủ, cho nên có vô lượng phiền não, phiền não thì không có hình tướng; bằng không thì tận cõi hư không pháp giới cũng chứa không hết phiền não, nếu đức hạnh đầy đủ viên mãn, thì sẽ xa lìa tất cả phiền não.

 

Phật tử! Bồ-Tát Ma-ha-tát như thị hồi hướng thời, đắc nhất thiết Phật sát bình đẳng, phổ nghiêm tịnh nhất thiết thế giới cố, đắc nhất thiết chúng sanh bình đẳng, phổ vi chuyển vô ngại Pháp luân cố, đắc nhất thiết Bồ Tát bình đẳng, phổ xuất sanh nhất thiết trí nguyện cố, đắc nhất thiết chư Phật bình đẳng, quan sát chư Phật thể vô nhị cố, đắc nhất thiết pháp bình đẳng, phổ tri chư pháp tánh vô dịch cố, đắc nhất thiết thế gian bình đẳng, dĩ phương tiện trí thiện giải nhất thiết ngữ ngôn đạo cố, đắc nhất thiết Bồ Tát hạnh bình đẳng, tùy chủng thiện căn tận hồi hướng cố, đắc nhất thiết thời bình đẳng, cần tu Phật sự, ư nhất thiết thời vô đoạn tuyệt cố, đắc nhất thiết nghiệp quả bình đẳng, ư thế, xuất thế sở hữu thiện căn giai vô nhiễm trước, hàm cứu cánh cố, đắc nhất thiết Phật tự tại thần thông bình đẳng, tùy thuận thế gian hiện Phật sự cố.

Phật tử ! Khi đại Bồ Tát hồi hướng như vậy, thì được tất cả cõi Phật bình đẳng, vì khắp trang nghiêm thanh tịnh tất cả thế giới. Được tất cả chúng sinh bình đẳng, vì khắp chuyển bánh xe pháp vô ngại. Được tất cả Bồ Tát bình đẳng, vì khắp sinh ra tất cả trí nguyện. Được tất cả chư Phật bình đẳng, vì quán sát thể của chư Phật không hai. Được tất cả pháp bình đẳng, vì khắp biết các pháp tánh không đổi khác. Được tất cả thế gian bình đẳng, vì dùng phương tiện trí huệ khéo hiểu tất cả lời lẽ. Được tất cả Bồ Tát hạnh bình đẳng, vì tuỳ theo sự gieo trồng căn lành hồi hướng hết. Được tất cả thời bình đẳng, vì siêng tu Phật sự nơi tất cả thời không đoạn tuyệt. Được tất cả nghiệp quả bình đẳng, vì nơi thế xuất thế hết thảy căn lành đều không nhiễm trước đều rốt ráo. Được tất cả thần thông tự tại của Phật bình đẳng, vì tuỳ thuận thế gian hiện Phật sự.

Giảng: Bồ Tát Kim Cang Tràng lại gọi một tiếng các vị đệ tử của Phật ! Đại Bồ Tát tu hành Bồ Tát đạo, khi hồi hướng như vậy thì, đắc được mười thứ bình đẳng:

  1. Đắc được trí huệ rộng lớn, quán sát cõi nước chư Phật mười phương, đều là bình đẳng, vì khắp trang nghiêm thanh tịnh tất cả thế giới.
  2. Đắc được tất cả chúng sinh bình đẳng, khắp vì chúng sinh thường chuyển bánh xe pháp vi diệu vô ngại.
  3. Đắc được tất cả Bồ Tát bình đẳng, vì khắp sinh ra tất cả trí huệ và tất cả thệ nguyện.
  4. Đắc được tất cả chư Phật bình đẳng, vì quán sát tất cả chư Phật, thể không hai, do đó: “Ba đời mười phương Phật, cùng đồng một pháp thân”.
  5. Đắc được tất cả pháp bình đẳng, vì biết khắp pháp tánh chẳng biến đổi.
  6. Đắc được tất cả thế gian bình đẳng, vì dùng trí huệ phương tiện, khéo hiểu tất cả lời lẽ.
  7. Đắc được tất cả hạnh Bồ Tát bình đẳng, vì tuỳ theo sự gieo trồng căn lành, hồi hướng cho chúng sinh.
  8. Đắc được tất cả thời bình đẳng, vì siêng tu Phật sự, mà không giải đãi, bất cứ lúc nào cũng không đoạn tuyệt.
  9. Đắc được tất cả nghiệp quả bình đẳng, vì hết thảy căn lành thế xuất thế, chẳng có nhiễm ô, chẳng có chấp trước, hoàn toàn đắc được rốt ráo thanh tịnh.
  10. Đắc được tất cả thần thông tự tại của chư Phật bình đẳng, vì tuỳ thuận thế gian mà Phật pháp hiện ra đời.

 

Phật tử! thị vi Bồ-Tát Ma-ha-tát đệ bát chân như tướng hồi hướng.

Phật tử ! Đó là hồi hướng chân như tướng thứ tám của đại Bồ Tát.

Giảng: Các vị đệ tử của Phật ! Đủ thứ đạo lý ở trên vừa nói là hồi hướng thứ tám của đại Bồ Tát tu hành, gọi là hồi hướng chân như tướng.

 

Bồ-Tát Ma-ha-tát trụ thử hồi hướng, chứng đắc vô lượng thanh tịnh Pháp môn, năng vi Như Lai Đại sư tử hống, tự tại vô úy, dĩ thiện phương tiện, giáo hóa thành tựu vô lượng Bồ Tát, ư nhất thiết thời vị tằng hưu tức, đắc Phật vô lượng viên mãn chi thân, nhất thân sung biến nhất thiết thế giới, đắc Phật vô lượng viên mãn âm thanh, nhất âm khai ngộ nhất thiết chúng sanh, đắc Phật vô lượng viên mãn chi lực, nhất mao khổng trung phổ năng dung nạp nhất thiết quốc độ, đắc Phật vô lượng viên mãn thần thông, trí chư chúng sanh ư nhất trần trung, đắc Phật vô lượng viên mãn giải thoát, ư nhất chúng sanh thân thị hiện nhất thiết chư Phật cảnh giới, thành đẳng chánh giác, đắc Phật vô lượng viên mãn tam muội, nhất tam muội trung phổ năng thị Hiện-Nhất-Thiết tam muội, đắc Phật vô lượng viên mãn biện tài, thuyết nhất cú pháp, cùng vị lai tế nhi bất khả tận, tất trừ nhất thiết chúng sanh nghi hoặc, đắc Phật vô lượng viên mãn chúng sanh, cụ Phật thập lực, tận chúng sanh giới thị thành chánh giác.

Đại Bồ Tát trụ hồi hướng nầy, chứng được vô lượng pháp môn thanh tịnh, hay làm Như Lai đại sư tử hống, tự tại không sợ hãi. Dùng phương tiện khéo léo, giáo hoá thành tựu vô lượng Bồ Tát. Nơi tất cả thời, chưa từng ngừng nghỉ. Được vô lượng thân viên mãn của Phật, một thân đầy khắp tất cả thế giới. Được vô lượng âm thanh viên mãn của Phật, một âm thanh khai ngộ tất cả chúng sinh. Được vô lượng lực viên mãn của Phật, trong một lỗ chân lông, khắp dung nạp tất cả cõi nước. Được vô lượng thần thông viên mãn của Phật, đặt để các chúng sinh ở trong một hạt bụi. Được vô lượng giải thoát viên mãn của Phật, nơi một thân chúng sinh, thị hiện tất cả cảnh giới của chư Phật, thành Đẳng Chánh Giác. Được vô lượng tam muội viên mãn của Phật, ở trong một tam muội, khắp thị hiện tất cả tam muội. Được vô lượng biện tài viên mãn của Phật, nói một câu pháp, hết thuở vị lai cũng nói không hết, đều trừ nghi hoặc của tất cả chúng sinh. Được vô lượng chúng sinh viên mãn của Phật, đủ mười lực của Phật, tận cõi chúng sinh, thị hiện thành Chánh Giác.

Giảng: Đại Bồ Tát tu hành Bồ Tát đạo, khi đem căn lành tu tập, hồi hướng cho chúng sinh thì, đắc được mười thứ vô lượng viên mãn của Phật, đó là:

  • Chứng được vô lượng pháp môn thanh tịnh, hay làm Như Lai đại sư tử hống, vì chúng sinh thuyết pháp, tự tại chẳng có sợ hãi. Dùng pháp môn phương tiện khéo léo, giáo hoá tất cả chúng sinh, khiến cho tu Bồ Tát hạnh, thành tựu vô lượng Bồ Tát, tại mỗi lúc đó chưa từng ngừng nghỉ.
  • Đắc được báo thân viên mãn của Phật, thân trang nghiêm có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp. Tuy nhiên là một thân, nhưng đầy khắp mười phương tất cả thế giới.
  • Đắc được vô lượng âm thanh viên mãn của Phật. Phật có tám âm thanh, đó là:
    • Tiếng rất hay.
    • Tiếng mềm mại.
    • Tiếng hoà nhã.
    • Tiếng từ bi.
    • Tiếng chẳng phải người nữ.
    • Tiếng chẳng lầm.
    • Tiếng sâu xa.
    • Tiếng không khan.

Do đó:

“Phật dùng một âm diễn nói pháp,
Chúng sinh theo loài đều hiểu được”.

  • Một âm thanh hay khai ngộ tất cả chúng sinh.
  • Đắc được vô lượng lực viên mãn của Phật, tức cũng là thần thông diệu dụng. Ở trong một lỗ chân lông, khắp dung nạp tất cả cõi nước.
  • Đắc được vô lượng thần thông diệu dụng viên mãn của Phật, có thể đặt để hết thảy chúng sinh vào trong một hạt bụi.
  • Đắc được vô lượng giải thoát viên mãn của Phật, tại một thân chúng sinh, có thể thị hiện tất cả cảnh giới của chư Phật, thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
  • Đắc được vô lượng tam muội viên mãn của Phật, có thể ở trong một tam muội, khắp thị hiện tất cả tam muội. Tam muội dịch là “chánh định chánh thọ”.
  • Đắc được vô lượng biện tài viên mãn của Phật, biện tài có bốn thứ:
    • Pháp vô ngại biện.
    • Từ vô ngại biện.
    • Nghĩa vô ngại biện.
    • Nhạo thuyết vô ngại biện.

Nghĩa là nói một câu pháp, hết thuở vị lai cũng nói không hết, hoàn toàn trừ diệt được hoài nghi của tất cả chúng sinh.

  • Đắc được vô lượng chúng sinh viên mãn của Phật, đầy đủ mười thứ đại oai thần lực của Phật, tức là:
    • Lực thân mạng không thể hoại.
    • Lực lỗ lông dung trì.
    • Lực định dùng tự tại.
    • Lực chân lông trì lớn nhỏ.
    • Lực thường khắp diễn nói pháp.
    • Lực đức tướng hàng ma.
    • Lực viên âm khắp triệt.
    • Lực tâm không chướng ngại.
    • Lực pháp thân vi mật.
    • Lực đầy đủ hạnh trí.

Mười thứ lực nầy, tận cùng cõi chúng sinh, thị hiện thành Chánh Đẳng Chánh Giác. Tóm lại, hết thảy tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật. Tại sao ? Vì tất cả chúng sinh đều có Phật tánh.

 

Phật tử! thị vi Bồ-Tát Ma-ha-tát dĩ nhất thiết thiện căn thuận chân như tướng hồi hướng.

Phật tử ! Đó là đại Bồ Tát đem tất cả căn lành, tuỳ thuận hồi hướng chân như tướng.

Các vị đệ tử của Phật ! Đó tức là đại Bồ Tát tu hành Bồ Tát đạo, đem tất cả căn lành tu tập, tuỳ thuận tướng chân như, hồi hướng cho chúng sinh, tất cả phải làm việc chân thật, không nên có tâm ích kỷ, thì mới có công đức, có công đức thì có căn lành.

Làm thế nào để đắc được căn lành ? Tức là chân thành lại hộ trì đạo tràng, kiền thành đến ủng hộ Phật giáo, tuyệt đối chẳng có thành phần xí đồ trong đó. Cư sĩ tại gia, nếu không hộ trì đạo tràng, không ủng hộ Phật giáo, thì không phải là chân chánh Phật giáo đồ. Nếu muốn tích tập đủ thứ căn lành, thì phải cung kính Tam Bảo, gần gũi Tam Bảo, cúng dường Tam Bảo, như vậy mới có thể gieo trồng căn lành. Các vị chú ý ! Không thể phá hoại đạo tràng ! Không thể phá hoại Tam Bảo ! Không thể phá hoại Phật giáo ! Bằng không, thì chắc chắn phải đoạ địa ngục, thọ khổ không gián đoạn.

Người học Phật pháp, đừng có tâm tính toán riêng mình, phải vì Phật giáo mà nghĩ, đừng có tư tưởng ích kỷ lợi mình, đừng có hành vi tranh danh đoạt lợi; mọi người đồng tâm hiệp lực vì Phật giáo mà nỗ lực, khiến cho phát triển lớn mạnh, lưu truyền đến các nơi trên toàn thế giới, đó là nối tiếp huệ mạng của Phật.

 

Nhĩ thời, Kim cương Tràng Bồ-tát thừa Phật uy lực, phổ quán thập phương nhi thuyết tụng ngôn:

Bấy giờ, Bồ Tát Kim Cang Tràng, nương oai lực của đức Phật, quán sát khắp mười phương, mà nói kệ rằng.

Giảng: Lúc đó, Bồ Tát Kim Cang Tràng nương đại oai thần lực của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, quán sát khắp nhân duyên của tất cả chúng sinh mười phương thế giới, e rằng đại chúng trong pháp hội Hoa Nghiêm, cùng với chúng sinh đời vị lai, nghe Kinh văn trường hàng ở trên, không biết cuối cùng như thế nào ? Bồ Tát Kim Cang Tràng tâm bi tha thiết, nói ra hai mươi chín bài kệ dưới đây.

 

Bồ Tát chí lạc thường an trụ                Bồ Tát chí nguyện thường an trụ
Chánh niệm kiên cố ly si hoặc              Chánh niệm vững chắc lìa si hoặc
Kỳ tâm thiện nhuyễn hằng thanh lương,      Tâm thiện mềm mại luôn mát mẻ
Tích tập vô biên công đức hạnh           Tích tập vô biện hạnh công đức.

Chí nguyện của Bồ Tát, thường thường hoan hỉ an trụ ở trong chân như thật tướng. Chánh niệm rất vững chắc, lìa bỏ ngu si và mê hoặc. Gì là chánh niệm ? Tức là nên làm thì làm, nên được thì được; nói chung, hợp lý mới làm, không hợp lý thì không làm. Gì là ngu si ? Tức là không nên làm mà làm, nên làm mà không làm, điên đảo thị phi. Gì là mê hoặc ? Tức là mê mà không giác, hoặc là không ngộ.

Tâm của Bồ Tát vừa thiện lương, vừa mềm mại, vừa mát mẻ. Đối với bất cứ người nào, cũng đều dùng tâm từ bi đối đãi, khiến cho họ gần gũi Ngài, có tình cảm. Bồ Tát tu tập vô biên hạnh công đức, chẳng giữ lại cho chính mình, mà hoàn toàn hồi hướng hết cho chúng sinh, hồi hướng về bồ đề, hồi hướng về thật tế.

 

Bồ Tát khiêm thuận vô vi nghịch         Bồ Tát khiêm thuận không trái nghịch
Sở hữu chí nguyện tất thanh tịnh         Hết thảy chí nguyện đều thanh tịnh
Dĩ đắc trí tuệ đại quang minh,             Mình được trí huệ đại quang minh
Thiện năng chiếu liễu nhất thiết nghiệp.      Khéo hay chiếu soi tất cả nghiệp.

Bồ Tát rất khiêm nhường hoà thuận, chẳng có hành vi cống cao ngã mạn. Tuy nhiên Bồ Tát có thần thông, có đạo đức, nhưng đối với chúng sinh rất khách sáo, rất hoà mục. Bồ Tát còn nói với chính mình: “Ta chẳng có đạo đức, ta là người bình thường”. Ngài chẳng tự mình tuyên truyền, quảng cáo khắp nơi rằng: “Các vị có biết tôi là Bồ Tát chăng ? Các vị phải cung kính đối đãi với ta”. Bồ Tát chẳng bao giờ nói những lời lẽ như thế. Bồ Tát rất từ bi, chẳng trái nghịch với nguyện vọng của tất cả chúng sinh.

Chí nguyện của Bồ Tát rất thanh tịnh, tơ hào không nhiễm ô. Bồ Tát là bậc Thánh nhân đại công vô tư, chẳng phải người ích kỷ cầu danh cầu lợi. Việc của Bồ Tát làm, hoàn toàn vì chúng sinh mà làm, công đức đắc được mình chẳng cần, mà hồi hướng cho tất cả chúng sinh. Chúng ta phải quay ánh sáng vào chiếu ngược lại bên trong chính mình, có thể làm được như vậy chăng ? Đem hết thảy điều tốt, thảy đều cho chúng sinh, chẳng giữ lại cho chính mình, nếu được như thế thì tốt, còn không thể được thì khỏi. Dùng Bồ Tát làm thầy mô phạm.

Bồ Tát đã đắc được đại quang minh tạng diệu quán sát trí, khéo chiếu soi tất cả nghiệp. Ngài biết đạo lý trồng nhân lành sẽ được quả lành; trồng nhân ác sẽ gặt quả ác, cho nên Bồ Tát sợ nhân không sợ quả. Khi trồng nhân thì rất cẩn thận, sợ sai nhân quả. Khi thọ quả báo thì bất luận là thuận cảnh, hoặc nghịch cảnh, tâm an lý đắc để chịu đựng, thản nhiên tiếp nhận. Bất cứ khổ như thế nào, cũng không oán trời, không trách người, chính mình thừa nhận đây là mình làm mình chịu.

 

Bồ Tát tư tánh nghiệp quảng đại         Bồ Tát suy gẫm nghiệp rộng lớn
Chủng chủng sái biệt thậm hy hữu,     Đủ thứ khác nhau rất ít có
Quyết ý tu hành vô thoái chuyển         Quyết tâm tu hành không thối chuyển
Dĩ thử nhiêu ích chư quần sanh.          Dùng đây lợi ích các quần sinh.

Bồ Tát suy gẫm về nghiệp, rộng lớn chẳng có bờ mé. Gieo trồng căn lành, có đủ thứ khác nhau, rất là ít có. Cử chỉ hành động của Bồ Tát đều là tu hành, chẳng có tâm niệm thối chuyển. Dùng từ bi hỉ xả bốn tâm vô lượng, để lợi ích tất cả chúng sinh, tuyệt đối không vì mình mà nghĩ tưởng.

 

Chư nghiệp sái biệt vô lượng chủng,   Các nghiệp khác nhau vô lượng thứ
Bồ Tát nhất thiết cần tu tập,                Bồ Tát siêng tu tập tất cả
Tùy thuận chúng sanh bất vi ý             Tuỳ thuận chúng sinh không trái ý
Phổ lệnh tâm tịnh sanh hoan hỉ.          Khắp khiến tâm tịnh sinh hoan hỉ.

Các nghiệp phân biệt ra có vô lượng thứ loại. Bồ Tát đối với tất cả các nghiệp thiện, siêng năng tu tập, đối với nghiệp thiện dù nhỏ như sợi lông, cũng không bỏ qua, nỗ lực đi làm; còn đối với nghiệp ác, dù nhỏ như hạt bụi, tuyệt đối không làm.

Bồ Tát có tâm từ bi, tuỳ thuận chúng sinh, chẳng trái chúng sinh. Khiến cho tâm của chúng sinh, vừa thanh tịnh vừa hoan hỉ, muốn tâm thanh tịnh thì một chút dục niệm cũng không có, trừ khử sạch hết tham sân si ba độc.

Tại sao chúng ta có phiền não ? Tại sao có sầu lo ? Tại sao có sự không vui ? Là ví tâm ích kỷ đang tác quái ! Tâm nhiễm ô đang tác quái ! Cống cao ngã mạn đang tác quái ! Tập khí mao bệnh đang tác quái ! Do đó, tâm chẳng thanh tịnh, tâm chẳng hoan hỉ, nên có phiền não, có sầu lo. Thậm chí lễ Phật cũng chẳng vui vẻ, nghe Kinh cũng không vui vẻ. Bất cứ làm gì, cũng làm việc phô diễn, chẳng chân thật mà làm. Đó mới là việc khổ thật sự, tuyệt đối không an lạc.

Hôm nay tôi nói pháp ngoài việc giảng Kinh, là pháp gì ? Pháp nầy diệu không thể tả, xin các vị hãy chú ý nghe: Tôi phải khen ngợi Chùa Kim Sơn, tôi chẳng sợ người khác phê bình, tóm lại, Chùa Kim Sơn là đệ nhất. Cái gì đệ nhất ? Ngu si đệ nhất. Người ta vì danh vì lợi, bạn tranh tôi giành, những người ngu si của Chùa Kim Sơn, cũng chẳng vì danh, cũng chẳng vì lợi, cam tâm tình nguyện tu khổ hạnh ở Chùa Kim Sơn, ngày ăn một bữa giờ ngọ; tối ngủ ngồi. Ba y một bình bát, thân không có một xu, vì giữ giới không giữ tiền bạc. Đó thật là ngu si, cho nên tôi nói Chùa Kim Sơn ngu si đệ nhất.

Tại sao ngốc nghếch như vậy ? Vì gia phong của Chùa Kim Sơn là:
“Chịu khổ thì hết khổ
Hưởng phước thì tiêu phước”.

Phát nguyện tu hạnh Bồ Tát, đem hết thảy việc lành, hồi hướng cho pháp giới chúng sinh. Hết thảy khổ, giữ lại để mình chịu. Quán sát theo lối nhìn của một số người thì, hành vi như vậy thật là ngu ngốc đến cực điểm. Không sai ! Tôi thừa nhận, là vì ngu si đến cực điểm, cho nên mới có đại trí huệ, do đó:

“Khổ hết thì vui sướng đến”.

Các vị ! Đừng ngại đến chùa Kim Sơn, hãy học và thử xem. Do đó:

“Kim Sơn tự thị đại dã hồng lư
Chuyên luyện chân kim.
Chân kim bất phạ hoả luyện
Việt luyện việt quang lượng”.

Nghĩa là:
Chùa Kim Sơn là lò đúc rèn lớn
Chuyên luyện vàng thật.
Vàng thật thì không sợ lửa
Càng luyện càng sáng thêm.

Đừng đứng bên ngoài nhìn, như vậy thì không thể nào thấu hiểu được tình hình của chùa Kim Sơn. Phàm là người đã vào cửa lớn của chùa Kim Sơn rồi, thì nhất định phải giữ quy cụ của chùa Kim Sơn. Người giữ gìn giới luật, tôi dám bảo đảm bạn tương lai sẽ thành Phật, hoặc Bồ Tát, tuyệt đối sẽ không đoạ vào địa ngục; nếu phản đối chùa Kim Sơn, thì tương lai nhất định sẽ đoạ địa ngục, tơ hào không hoài nghi, hiện tại tôi dự đoán thọ ký trước cho các vị.

Các vị ! Ai muốn thành Phật thì người đó sẽ thành Phật, ai muốn đoạ địa ngục thì người đó sẽ đoạ địa ngục, do bạn lựa chọn, chẳng có ai can dự vào. Làm việc Phật thì sẽ thành Phật, làm việc Bồ Tát thì sẽ thành Bồ Tát, làm việc con người thì sẽ làm con người, làm việc súc sinh thì sẽ làm súc sinh, làm việc địa ngục thì chết rồi sẽ đoạ địa ngục, đây là luật nhân quả, tơ hào không sai được, tin hay không do bạn ! Tôi đã nói rõ ràng, tuỳ bạn lựa chọn, muốn đến con đường nào thì đến, nhưng bản chỉ đường viết rất rõ ràng, đây là con đường lớn ánh sáng, thẳng đến Niết Bàn; kia là con đường nhỏ đen tối, thẳng xuống địa ngục.

Chùa Kim Sơn là nơi dạy người chấm dứt sinh tử, dạy người bỏ mê về với giác ngộ. Dạy người nhận thức pháp thế gian, là khổ, không, vô thường, vô ngã; dạy người nhận thức pháp xuất thế, là thường, lạc, ngã, tịnh, bốn đức Niết Bàn. Bạn nhất định không nghe, tôi cũng chẳng có biện pháp, tuỳ bạn thôi !

 

Dĩ thăng điều ngự nhân tôn địa,          Đã lên bậc Nhân Tôn Điều Ngự
Ly chư nhiệt não tâm vô ngại,              Lìa các nhiệt não tâm vô ngại
Ư Pháp ư nghĩa tất thiện tri                 Nơi pháp nơi nghĩa đều khéo biết
Vi lợi quần sanh chuyển cần tập.         Vì lợi quần sinh siêng tu tập.

Bồ Tát tu hành đủ thứ căn lành, thì nhất định thăng lên bậc Nhân Tôn Điều Ngự, tức là quả vị Phật. Nếu muốn lìa khỏi nhiệt não, thì đừng nóng giận, nghĩ muốn không nóng giận thì trước hết đừng có lòng ích kỷ, người có lòng ích kỷ thì nhất định sẽ có nóng giận. Người chẳng có nhiệt não, thì trong tâm chẳng có mọi chướng ngại.

Có người đang vọng tưởng: “Sư Phụ thích nóng giận”. Vì tâm ích kỷ của tôi quá lớn, tâm ích kỷ của tôi, muốn hết thảy đệ tử quy y, đều sớm thành Phật, nếu đệ tử không thành Phật, thì tôi thề không thành Phật, đây chẳng phải là lời nói đùa, cũng chẳng phải là chỉ nói ngoài miệng mà thôi, mà là tôi chân thật muốn như thế, tôi cùng với bất cứ ai cùng đi thì tôi muốn đi phía sau. Tại sao ? Vì tôi phát nguyện để cho hết thảy đệ tử thành Phật trước, tôi chẳng muốn thành Phật trước các đệ tử.

Tại sao phải như vậy ? Vì khi tôi còn trẻ, có rất nhiều người, tự động đến quy y tôi làm đệ tử. Lúc đó tôi nghĩ: “Tôi trẻ như vầy, mà thu người làm đệ tử, đức hạnh không đủ, học vấn không tới đâu, làm sao đối với mọi người” ! Do đó, tôi ở trước Phật phát thệ nguyện: “Phàm là người quy y với tôi, mà có tâm tin cầu pháp, thì tôi khiến cho họ thành Phật trước, nếu họ còn một người chưa thành Phật, thì tôi tuyệt đối không thành Phật”. Vì nhân duyên đó, tôi không thể không có sự nóng giận, nếu không nóng giận, thì đệ tử quy y với tôi, sẽ làm bậy bạ, sai với nhân quả, đó chẳng phải là hại họ sao ?

Bồ Tát đối với tất cả các pháp, tất cả nghĩa lý, biết rất rõ ràng. Vì lợi quần sinh mà siêng học tập, ngày đêm sáu thời siêng tinh tấn. Bồ Tát vì độ chúng sinh mà siêng học Phật pháp.

 

Bồ Tát sở tu chúng thiện hạnh             Bồ Tát tu tập các hạnh lành
Vô lượng vô số chủng chủng biệt,        Vô lượng vô số thứ khác nhau
Ư bỉ nhất thiết phân biệt tri                 Nơi đó tất cả phân biệt biết
Vi lợi quần sanh cố hồi hướng.            Vì lợi quần sinh nên hồi hướng.

Bồ Tát tu đủ thứ hạnh lành, có vô lượng vô số đủ thứ sự khác nhau. Đối với tất cả hạnh lành đều phân biệt biết rõ ràng. Vì lợi ích quần sinh, mà hồi hướng cho chúng sinh. Bồ Tát chẳng phải người ích kỷ, giữ lại hạnh lành công đức của mình tu, mà hoàn toàn hồi hướng hết. Chúng ta nghe đến tác phong nầy của Bồ Tát, phải sinh tâm hổ thẹn. Bồ Tát từ bi đối với chúng ta như thế, thì chúng ta phải báo ân Bồ Tát, bằng không là cô phụ tâm từ của Bồ Tát.

 

Dĩ diệu trí tuệ hằng quan sát,               Dùng diệu trí huệ luôn quán sát
Cứu cánh quảng đại chân thật lý         Lý rốt ráo rộng lớn chân thật
Đoạn chư hữu xứ tất vô dư,                  Dứt hẳn các cõi không thừa sót
Như bỉ chân như thiện hồi hướng        Như chân như đó khéo hồi hướng.

Bồ Tát dùng diệu quán sát trí, để quán sát tất cả vạn sự vạn vật. Diệu quán sát trí là một thứ trí huệ không thể nghĩ bàn, đó là cảnh giới không quán mà quán, quán mà không quán. Thế nào không quán mà quán ? Một số người cho rằng họ không biết, nhưng họ biết. Thế nào là quán mà không quán ? Tuy nhiên họ biết, vẫn giống như không biết. Diệu quán sát trí của Bồ Tát, không cần tác ý (không cần nhập định), liền biết tiền nhân hậu quả. A La Hán quán sát một sự việc nhân duyên, phải tác ý (ở trong định quán sát) mới biết.

Bồ Tát dùng diệu quán sát trí, để quán sát rốt ráo đạo lý rộng lớn chân thật. Dứt sạch tam giới hai mươi lăm cõi: Đoạn trừ dục giới mười bốn cõi, đoạn trừ sắc giới bảy cõi, đoạn trừ vô sắc giới bốn cõi. Tức là: Bốn đường ác, bốn đại châu, sáu trời cõi dục, trời Tứ Thiền, trời Đại Phạm, trời Vô Tưởng, trời Ngũ Bất Hoàn, trời Tứ Không. Dứt hẳn tất cả các cõi, không có thừa sót, tu căn lành như vậy, ví như chân như thật tướng lý thể, thảy đều hồi hướng cho chúng sinh, hồi hướng về bồ đề, hồi hướng về thật tế.

 

Thí như chân như biến nhất thiết        Ví như chân như khắp tất cả
Như thị phổ nhiếp chư thế gian,           Như vậy nhiếp khắp các thế gian
Bồ Tát dĩ thử tâm hồi hướng,               Bồ Tát dùng tâm nầy hồi hướng
Tất lệnh chúng sanh vô sở trước.         Đều khiến chúng sinh không chấp trước.

 Giống như chân như khắp tất cả mọi nơi, như vậy nhiếp khắp tất cả thế gian. Bồ Tát dùng tâm nầy hồi hướng, hy vọng tất cả chúng sinh không chấp trước. Không chấp trước đây là ta, kia là của ta, buông bỏ tất cả, buông bỏ được thì giải thoát.

 

Bồ Tát nguyện lực biến nhất thiết        Nguyện lực Bồ Tát khắp tất cả
Thí như chân như vô bất tại,                Ví như chân như đâu chẳng có
Nhược kiến bất kiến niệm tất châu      Hoặc thấy không thấy niệm khắp cùng
Tất dĩ công đức nhi hồi hướng.            Đều đem công đức mà hồi hướng.

 Nguyện lực của Bồ Tát phát ra, đầy khắp tất cả mọi nơi, giống như lý thể chân như, chẳng có nơi nào mà không có. Hoặc thấy được, hoặc không thấy được, niệm của Bồ Tát khắp cùng tất cả tâm chúng sinh. Bồ Tát đem công đức của mình tu, để vì chúng sinh hồi hướng.

 

Dạ trung tùy trụ trú diệc trụ,               An trụ trong đêm ngày cũng trụ
Bán nguyệt nhất nguyệt diệc tùy trụ,   Nửa tháng một tháng cũng an trụ
Nhược niên nhược kiếp tất trụ trung   Hoặc năm hoặc kiếp đều an trụ
Chân như như thị hạnh diệc nhiên.     Chân như như vậy hạnh cũng thế.

 Chân như lại trụ ban đêm, lại trụ ban ngày; chân như cũng trụ nơi nửa tháng, cũng trụ nơi một tháng, đều tuỳ theo thời gian mà trụ. Hoặc là năm, hoặc là kiếp, chân như đều trụ trong đó. Chân như là như thế, hạnh môn tu tập căn lành cũng như vậy, trụ trong tất cả mọi nơi.

 

Sở hữu tam thế cập sát độ,                   Hết thảy ba đời và cõi nước
Nhất thiết chúng sanh dữ chư Pháp,   Tất cả chúng sinh với các pháp
Tất trụ kỳ trung vô sở trụ,                   Đều trụ trong đó không chỗ trụ
Dĩ như thị hạnh nhi hồi hướng.            Dùng hạnh như vậy mà hồi hướng.

Hết thảy ba đời và cõi nước chư Phật, tất cả chúng sinh với hết thảy Phật pháp, trụ mà không trụ, không trụ mà trụ, cho nên đều trụ trong đó, mà không chỗ trụ. Dùng tâm giải thoát không ràng buộc như vậy, hồi hướng cho tất cả chúng sinh.

 

Thí như chân như bổn tự tánh,            Ví như bổn tự tánh chân như
Bồ Tát như thị phát Đại tâm,               Bồ Tát như vậy phát tâm lớn
Chân như sở tại vô bất tại,                   Chỗ trụ chân như đâu chẳng có
Dĩ như thị hạnh nhi hồi hướng.            Dùng hạnh như vậy mà hồi hướng.

Giống như chân như, tức là tự tánh vốn có của chúng sinh, căn lành cũng là tự tánh vốn có của chúng sinh, ai ai cũng đều có đủ, đáng tiếc chẳng biết xử dụng. Bồ Tát phát tâm đại bồ đề, tu tập đủ thứ căn lành. Chân như khắp tất cả mọi nơi, chẳng có chỗ nào mà không có. Bồ Tát dùng tâm rộng lớn vô biên như vậy tu căn lành, vì chúng sinh mà hồi hướng.

 

Thí như chân như bổn tự tánh             Ví như bổn tự tánh chân như
Kỳ trung vị tằng hữu nhất pháp,         Trong đó chưa từng có một pháp
Bất đắc tự tánh thị chân tánh              Chẳng được tự tánh là chân tánh
Dĩ như thị nghiệp nhi hồi hướng.         Dùng nghiệp như vậy mà hồi hướng.

Giống như chân như là tự tánh của chúng sinh, ở trong chân như chẳng có chút pháp sinh, chẳng có chút pháp diệt. Do đó: “Không sinh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm”, đó là lý thể chân như thật tướng, chẳng có một pháp nào đắc được, nếu có một pháp đắc được, thì đó là có sự chấp trước, do đó:

“Một pháp chẳng lập
Vạn pháp đều không”.

Cho nên chẳng được tự tánh, đó tức là tánh chân thật của căn lành. Bồ Tát dùng nghiệp thanh tịnh như vậy, vì chúng sinh mà hồi hướng.

 

Như chân như tướng nghiệp diệc nhĩ   Chân như như tướng nghiệp cũng thế
Như chân như tánh nghiệp diệc nhĩ,    Chân như như tánh nghiệp cũng thế
Như chân như tánh bổn chân thật       Chân như như tánh vốn chân thật
Nghiệp diệc như thị đồng chân như.    Nghiệp cũng như vậy đồng chân như

Giống như tướng của chân như, là vô tướng. Nghiệp thiện giống như tướng chân như. Nghiệp thiện vốn chẳng có, nghiệp ác vốn chẳng có. Song, tâm chúng sinh sinh, nghiệp cũng sinh ra; tâm chúng sinh diệt, nghiệp cũng diệt mất. Do đó:

“Xưa con tạo bao nghiệp ác
Đều do vô thuỷ tham sân si
Từ thân miệng ý mà sinh ra
Tất cả nay con đều sám hối”.

Tại sao thuở xưa tôi tạo nhiều nghiệp ác ? phân tích kỹ càng từ vô thuỷ kiếp đến nay, đều do tham sân si ba độc sinh ra. Từ thân sinh ra nghiệp: Giết hại, trộm cắp, dâm dục. Từ miệng sinh ra: Nói dối, nói hai lưỡi, thêu dệt, chưởi mắng. Từ ý sinh ra nghiệp: Tham lam, sân hận, si mê. Hết thảy các nghiệp, nay tôi đều phải sám hối. Do đó:

“Tội nhiều như núi Tu Di
Một khi sám hối sẽ tiêu sạch”.

Có bài kệ rằng:
“Tội từ tâm khởi đem tâm sám
Nếu tâm diệt thời tội cũng không
Tâm mất tội diệt hai đều không
Đó mới gọi là thật sám hối”.

Tội từ tâm sinh, tội từ tâm diệt, cho nên đem tâm sám. Dùng chân tâm để sám hối nghiệp đã tạo ra, trong tâm mất sạch lỗi lầm đã tạo ra, thì tội nghiệp cũng chẳng còn nữa. Do đó:

“Lỗi mà sửa đổi thì trở về không”.

Nếu có lỗi không sửa đổi, cất giấu nó, không cho ai biết, thì đó là tội thêm tội. Thời xưa, những vị đại anh hùng, đại hào kiệt dũng mãnh sửa đổi. Cổ nhân có nói rằng:

“Lỗi của quân tử, như nhật nguyệt thực,
Ai cũng đều thấy, lập tức sửa đúng,
Ai cũng đều kính ngưỡng”.

Quân tử có lỗi lầm, giống như nhật thực và nguyệt thực, ai ai cũng đều nhìn thấy. Nếu lập tức sửa đổi, thì ai ai cũng đều kính ngưỡng hâm mộ. Người thông minh, có lỗi liền sửa. Người ngu si, có lỗi chẳng sửa. Cổ nhân lại nói:

“Con người chẳng phải Thánh hiền
Ai mà chẳng có lỗi.
Có lỗi mà biết sửa
Chẳng có việc thiện gì bằng”.

Người có trí huệ, dũng mãnh sửa đổi, hoan hỉ sửa đổi, cho nên ai ai cũng kính ngưỡng họ, khen ngợi họ, biết họ là quân tử. Thời xưa Tử Lộ nghe lỗi lầm của mình rất hoan hỉ, Đại Vũ nghe việc thiện là lạy, làm gương cho chúng ta.

Tánh của chân như là khắp cùng tất cả mọi nơi, nghiệp của con người tạo ra, nếu không sửa đổi, cũng sẽ khắp cùng mọi nơi. Càng lúc càng lớn, càng tập càng nhiều, bất cứ nghiệp thiện hay nghiệp ác, đều tình hình như vậy. Giống như tánh của chân như, vốn là chân thật không thay đổi. Nghiệp cũng như thế, đồng với chân như.

 

Thí như chân như vô biên tế                Ví như chân như không bờ mé
Nghiệp diệc như thị vô hữu biên,         Nghiệp cũng như vậy không bờ mé
Nhi ư kỳ trung vô phược trước            Mà ở trong đó không chấp buộc
Thị cố thử nghiệp đắc thanh tịnh.        Do đó nghiệp nầy được thanh tịnh.

Ví như chân như, nó chẳng có bờ mé. Nghiệp của chúng sinh tạo ra, cũng giống như vậy, chẳng có bờ mé. Tuy chẳng có bờ mé, nhưng ở trong đó chẳng có sự câu thúc, chẳng có sự chấp trước, nếu không chấp trước ràng buộc, thì đắc được giải thoát, giải thoát tức là thanh tịnh, thanh tịnh thì chẳng còn mọi bụi bặm. Do đó mà nghiệp được thanh tịnh.

 

Như thị thông tuệ chân Phật tử,           Như vậy thông huệ chân Phật tử
Chí nguyện kiên cố bất động dao,        Chí nguyện kiên cố không lay động
Dĩ kỳ trí lực thiện thông đạt,                Dùng sức trí huệ khéo thông đạt
Nhập ư chư Phật phương tiện tạng.     Vào tạng phương tiện của chư Phật.

Giống như vậy, thông minh và trí huệ, mới là Phật tử chân chánh. Chí nguyện kiên cố phi thường, giống như kim cang, không thể lay động, không thể bị phá hoại. Dùng sức trí huệ, khéo thông đạt tất cả các pháp, vào được tạng phương tiện của mười phương chư Phật.

 

Giác ngộ pháp vương chân thật Pháp Giác ngộ Pháp Vương pháp chân thật
Ư trung Vô Trước diệc vô phược,        Trong đó không chấp cũng không buộc
Như thị tự tại tâm vô ngại,                   Như vậy tự tại tâm vô ngại
Vị tằng kiến hữu nhất pháp khởi.        Chưa từng thấy có một pháp khởi.

Giác ngộ tức là Phật, mê hoặc tức là chúng sinh. Giác ngộ gì ? Giác ngộ trước kia làm gì cũng đều không đúng. Mê hoặc gì ? Mê hoặc những việc làm trước kia, không biết là không đúng. Giữa giác và mê, chỉ tại một niệm. Một niệm giác, chúng sinh là Phật; một niệm mê, Phật là chúng sinh. Giác ngộ nhập vào dòng Thánh nhân pháp tính; mê hoặc nhập vào dòng phàm phu sáu trần. Pháp tính tức là chân như. Sáu trần – sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; tóm lại, có thể ở trong sáu trần mà giác ngộ, tức là Phật; mê nơi cảnh giới sáu trần, tức là chúng sinh.

Bồ Tát giác ngộ pháp chân thật của đấng Pháp Vương, tức cũng là pháp chân như thật tướng, cũng là pháp vô tại vô bất tại; nhưng vẫn không thể chấp trước pháp nầy. Đối với pháp chân thật, phải không có sự chấp trước, cũng không có sự ràng buộc, nếu có sự ràng buộc, thì có sự chướng ngại; ngược lại, không có sự chướng ngại tức là giải thoát, được tự tại như vậy thì tâm không có chướng ngại. Ở trong pháp chân thật, không thấy có chút pháp sinh, không thấy có chút pháp diệt, đắc được cảnh giới vô sinh pháp nhẫn.

 

Như Lai pháp thân sở tác nghiệp,        Pháp thân Như Lai sở tác nghiệp
Nhất thiết thế gian như bỉ tướng,         Tất cả thế gian như tướng đó
Thuyết chư Pháp tướng giai vô tướng,         Nói các pháp tướng đều vô tướng
Tri như thị tướng thị tri Pháp.             Biết tướng như vậy là biết pháp.

Pháp thân của Phật là vô tướng, nghiệp làm ra, cũng là vô tướng. Chẳng có tướng, mới là tướng chân thật. Trong Kinh Kim Cang có nói:
“Phàm hết thảy các tướng
Đều là hư vọng”.

Tất cả thế gian, đều là không. Nói tất cả pháp tướng, vốn là vô tướng. Nếu minh bạch đạo lý vô tướng, thì sẽ minh bạch pháp là không sinh không diệt.

 

Bồ-tát trụ thị bất tư nghị,                     Bồ Tát trụ không thể nghĩ bàn
Ư trung tư nghị bất khả tận,                Trong đó nghĩ bàn không hết được
Nhập thử bất khả tư nghị xứ,               Vào nơi không thể nghĩ bàn nầy
Tư dữ phi tư giai tịch diệt.                   Nghĩ với không nghĩ đều tịch diệt.

Bồ Tát trụ là cảnh giới không thể nghĩ bàn, tức cũng là lý thật tướng vô tướng. Ở trong đạo lý thật tướng vô tướng, không thể dùng tâm suy nghĩ, không thể luận bàn, tâm nghĩ luận bàn không thể nào hết được, nếu vào nơi không thể nghĩ bàn nầy, sự nghĩ bàn và không thể nghĩ bàn, đều tịch diệt vắng lặng.

 

Như thị tư duy chư pháp tánh,             Như vậy tư duy các pháp tánh
Liễu đạt nhất thiết nghiệp sái biệt,      Thấu rõ tất cả nghiệp khác biệt
Sở hữu ngã chấp giai trừ diệt,              Hết thảy chấp ta đều trừ diệt
Trụ ư công đức vô năng động.              Trụ nơi công đức không thể động.

Như vậy tư duy tất cả pháp tánh của tất cả các pháp, thấu rõ thông đạt tánh khác biệc tất cả nghiệp thiện và tất cả nghiệp ác. Sẽ trừ diệt được chấp ta và chấp của ta. Hết thảy chấp ta và chấp pháp, cũng chẳng còn nữa. Chẳng có chấp ta thì tướng ta không; chẳng có chấp pháp thì tướng pháp không. Do đó:

“Lìa tất cả tướng, tức tất cả pháp”.

Trụ nơi công đức căn lành tích tụ, thì thiên ma ngoại đạo không thể nào lay động được tâm của bạn.

 

Bồ Tát nhất thiết nghiệp quả báo,       Tất cả nghiệp quả báo Bồ Tát
Tất vi vô tận trí sở ấn,                          Đều được vô tận trí ấn chứng
Như thị vô tận tự tánh tận,                   Như vậy vô tận tự tánh hết
Thị cố vô tận phương tiện diệt.            Do đó vô tận phương tiện diệt.

Hết thảy quả báo khởi hoặc tạo nghiệp của Bồ Tát thọ, trí huệ ấn chứng chẳng cùng tận, trí huệ vô tận như vậy, vô tận tự tánh, nếu có thể cùng tận, cũng là vô tận phương tiện pháp tịch diệt.

 

Bồ Tát quán tâm bất tại ngoại,            Bồ Tát quán tâm chẳng ở ngoài
Diệc phục bất đắc tại ư nội,                  Cũng lại không được ở bên trong
Tri kỳ tâm tánh vô sở hữu,                   Biết tâm tánh đó không chỗ có
Ngã pháp giai ly vĩnh tịch diệt.            Ngã pháp đều lìa luôn tịch diệt.

Bồ Tát quán sát tâm của mình chẳng ở bên ngoài, cũng chẳng ở bên trong. Biết tâm tánh vốn là không, vì không chỗ có, cho nên chấp ta cũng chẳng còn, chấp pháp cũng chẳng còn, thường lìa ta và pháp hai chấp, vĩnh viễn là tịch diệt vắng lặng.

 

Bỉ chư Phật tử như thị tri,                    Các Phật tử đó biết như vậy
Nhất thiết pháp tánh thường không tịch,     Tất cả pháp tánh thường tịch diệt
Vô hữu nhất pháp năng tạo tác,           Chẳng có một pháp nào tạo tác
Đồng ư chư Phật ngộ vô ngã.               Đồng với chư Phật ngộ vô ngã.

Tất cả đệ tử của chư Phật ! Nên biết như vầy, hết thảy tất cả pháp tánh thường tịch diệt. Chẳng có một pháp nào, tự mình có thể tạo tác. Tất cả pháp là tướng tịch diệt, đồng với đạo lý giác ngộ của chư Phật, chẳng có chấp ta, cũng chẳng chấp pháp.

 

Liễu tri nhất thiết chư thế gian,           Biết rõ tất cả các thế gian
Tất dữ chân như tánh tướng đẳng,      Cùng với chân như tánh tương đồng
Kiến thị bất khả tư nghị tướng,            Thấy tướng không thể nghĩ bàn đó
Thị tắc năng tri vô tướng Pháp.           Tức là biết được pháp vô tướng.

Bồ Tát thấu rõ biết được tất cả pháp thế gian, đều đồng với tự tánh chân như, chẳng có phân biệt. Thấy được pháp tướng không thể nghĩ bàn nầy, do đó biết được chúng sinh là không, pháp cũng là không, tóm lại, tất cả hết thảy, đều là vô tướng.

 

Nhược năng trụ thị thậm thâm Pháp,  Nếu hay trụ pháp thâm sâu nầy
Thường lạc tu hành Bồ Tát hạnh,        Thường ưa tu hành hạnh Bồ Tát
Vi dục lợi ích chư quần sanh,               Vì muốn lợi ích các quần sinh
Đại thệ trang nghiêm vô thoái chuyển.        Đại thệ trang nghiêm không thối chuyển.

Nếu biết được tất cả pháp thế gian, đều là biểu hiện của tướng chân như, tức là pháp thâm sâu, tức là pháp vô tướng. Tuy nhiên vô tướng, nhưng thường ưa thích tu hạnh Bồ Tát, thường ưa thích hành Bồ Tát đạo. Bồ Tát vì muốn lợi ích tất cả chúng sinh, mà quên đi chính mình. Bồ Tát phát thệ nguyện lớn, trang nghiêm lục độ vạn hạnh, vĩnh viễn không thối chuyển Chánh Đẳng Chánh Giác.

Chúng ta cứ nghĩ đến lợi ích của chính mình, không làm lợi ích cho kẻ khác, tuy nhiên là sống, vẫn không bằng như đã chết; nếu hay thường thường lợi ích kẻ khác, chẳng nghĩ đến chính mình, thì sự sống mới có ý nghĩa. Chúng ta người tu hành, phải phát tâm đại bồ đề, phải phát tâm thệ nguyện lớn. Tu hành hạnh lớn, tu hành pháp môn lớn, tức cũng là siêng tu lục độ vạn hạnh, siêng tu pháp môn từ bi hỉ xả.

 

Thị tắc siêu quá ư thế gian,                  Đó là vượt qua nơi thế gian
Bất khởi sanh tử vọng phân biệt,         Chẳng khởi sinh tử vọng phân biệt
Liễu đạt kỳ tâm như huyễn hóa           Thấu đạt được tâm như huyễn hoá
Cần tu chúng hạnh độ quần sanh.       Siêng tu các hạnh độ quần sinh.

Bồ Tát tu hành pháp môn đại thệ trang nghiêm không thối chuyển, pháp môn nầy, sẽ vượt qua tất cả pháp thế gian, sẽ không sinh khởi vọng niệm sinh tử, không vọng phân biệt tất cả các pháp. Tuy nhiên thông đạt pháp vô tướng nầy, dụng tâm bồ đề không thối chuyển, có thể minh bạch tâm như huyễn, như hoá, siêng tu lục độ vạn hạnh, giáo hoá chúng sinh, cứu độ chúng sinh.

 

Bồ Tát chánh niệm quán thế gian        Bồ Tát chánh niệm quán thế gian
Nhất thiết giai tùng nghiệp duyên đắc          Tất cả đều từ nghiệp duyên được
Vi dục cứu độ tu chư hạnh,                  Vì muốn cứu độ tu các hạnh
Phổ nhiếp tam giới vô di giả.                Nhiếp khắp ba cõi không thừa sót.

Bồ Tát dùng chánh niệm không ta (vô ngã), quán sát tất cả các pháp thế gian, thấu rõ tất cả các pháp, đều do duyên sinh ra. Do đó:
“Các pháp từ duyên sinh
Các pháp từ duyên diệt”.

Cho nên tất cả các pháp, đều từ duyên đắc được. Bồ Tát vì cứu độ chúng sinh, mới tu hạnh môn của Bồ Tát tu – Bốn pháp nhiếp, tức là: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Bốn tâm vô lượng, tức là: Từ vô lượng, bi vô lượng, hỉ vô lượng, xả vô lượng. Lại dùng bốn thệ nguyện lớn và lục độ .v.v…nhiếp khắp tất cả chúng sinh ba cõi, chẳng sót một chúng sinh nào. Tâm của Bồ Tát, đại từ đại bi, xem chúng sinh giống như chính mình, chúng sinh thọ khổ, giống như chính mình thọ khổ. Cho nên siêng tu tất cả hạnh môn, độ chúng sinh thoát khỏi ba cõi, đó là chí nguyện của Bồ Tát.

 

Liễu tri chúng sanh chủng chủng dị,    Biết rõ chúng sinh đủ thứ khác
Tất thị tưởng hành sở phân biệt,         Đều là tưởng hành sự phân biệt
Ư thử quan sát tất minh liễu,               Nơi đây quán sát đều thấu rõ
Nhi bất hoại ư chư pháp tánh.             Mà chẳng hoại nơi các pháp tánh.

Chúng sinh khởi hoặc, tạo nghiệp, thọ báo, trồng nhân gì thì kết quả đó. Đó là đạo lý tự nhiên. Như trồng nhân Phật, thì kết quả Phật; như trồng nhân Bồ Tát, thì kết quả Bồ Tát; trồng nhân Duyên Giác, thì kết quả Duyên Giác; trồng nhân Thanh Văn, thì kết quả Thanh Văn, đây là con đường của bốn bậc Thánh. Còn có con đường của phàm phu, tức là ba đường lành-trời, người, A tu la, ba đường ác–súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Tóm lại, trồng nhân ba đường lành thì kết quả ba đường lành; trồng nhân ba đường ác, thì kết quả ba đường ác, đạo lý nầy tơ hào không sai, ngàn chân vạn quyết, tuyệt đối không có sắc thái mê tín.

Người ngu si, chẳng biết sự lợi hại của nhân quả, tuỳ tiện sai lầm nhân quả, thậm chí không tin nhân quả, bác vô nhân quả. Người có trí huệ, biết sự lợi hại nhân quả báo ứng, sợ sai lầm nhân quả, bất cứ làm việc gì, suy nghĩ ba lần rồi mới làm. Bậc Thánh nhân xuất thế tu hành vì thấu rõ nhân quả. Một số người phàm phu, chỉ tạo nhân quả. Chẳng có tội lỗi mà muốn tạo tội lỗi, tạo ra tội lỗi rồi, chính mình không thừa nhận là tội lỗi, nhận rằng là lẽ đương nhiên, chẳng có tâm hổ thẹn, đây là tội lại thêm tội, không thể nào tha thứ.

Chúng sinh có đủ thứ sự khác biệt, bao quát hạt giống thiện ác, thảy đều khác nhau. Mỗi loài tạo ra nghiệp, mỗi loài thọ báo. Đều ở trong pháp sắc thọ tưởng hành thức năm uẩn, phân biệt mà thành tựu. Nếu ở trong đủ thứ nghiệp quả báo ứng, quán sát minh bạch, thì sẽ biết rõ tất cả pháp tánh, mà lại không phá hoại nó.

 

Trí giả liễu tri chư Phật Pháp,             Bậc trí biết rõ các Phật pháp
Dĩ như thị hạnh nhi hồi hướng,            Dùng hạnh như vậy mà hồi hướng
Ai mẩn nhất thiết chư chúng sanh,      Thương xót tất cả các chúng sinh
Lệnh ư thật Pháp chánh tư duy.          Khiến nơi thật pháp chánh tư duy.

Người có trí huệ, minh bạch thấu hiểu pháp của chư Phật nói, dùng căn lành tích tập, hạnh Bồ Tát tu như vậy, vì chúng sinh hồi hướng. Tại sao vì chúng sinh hồi hướng ? Vì thương xót tất cả chúng sinh. Bồ Tát thấy tất cả chúng sinh quá ngu si, làm những việc đều là điên đảo. Giáo hoá thế nào cũng không minh bạch; dạy họ xả mình vì người, bỏ ngọn theo gốc, ủng hộ chánh pháp, khiến cho chánh pháp trụ thế, thì họ không tin. Cho nên chúng sinh là kẻ đáng thương, khuyên họ đừng làm các điều ác, hãy làm các điều lành, đối với pháp chân thật, phải làm đúng. Thế nào là không đúng ? Phải phản tỉnh lại, suy nghĩ kỹ càng, không những nghĩ một lần, mà lúc nào cũng phải nghĩ, rằng mình làm có sai nhân quả chăng ? mình đối với Phật giáo có hết sức mình và trách nhiệm chăng ? Ngược lại có tạo ra đủ thứ tội lỗi chẳng ? Do đó, lúc nào cũng phải hồi quang phản chiếu, phản tỉnh, lại phản tỉnh, kiểm tra rồi kiểm tra, như thế mới là Phật giáo đồ chân chánh.