Kinh Kim Cang – 4

Kinh Kim Cang

Pháp-sư Cưu-ma-la-thập phiên dịch vào thời Diêu Tần

Hòa Thượng Tuyên Hóa lược giảng

— o0o —

Phần 20: LY SẮC LY TƯỚNG

 

Tu-Bồ-Đề! Ư ý vân hà?  Phật khả dĩ cụ túc sắc thân kiến phủ?

– Phất dã, Thế-Tôn? Như-Lai bất ưng dĩ cụ túc sắc thân kiến. Hà dĩ cố?  Như-Lai thuyết cụ túc sắc thân, tức phi cụ túc sắc thân, thị danh cụ túc sắc thân.

Tu-Bồ-Đề! Ư ý vân hà?  Như-Lai khả dĩ cụ túc chư tướng kiến phủ?

– Phất dã, Thế Tôn! Như Lai bất ưng dĩ cụ túc chư tướng kiến. Hà dĩ cố?  Như-Lai thuyết chư tướng cụ túc, tức phi cụ túc, thị danh chư tướng cụ túc.

Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ thế nào? Có thể do sắc thân đầy đủ mà thấy Phật chăng?

Thưa không, Thế-tôn! Chẳng nên do sắc thân đầy đủ mà thấy Phật. Tại sao?

Như-lai nói sắc thân đầy đủ, tức chẳng phải sắc thân đầy đủ, ấy gọi là sắc thân đầy đủ.

Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ như thế nào? Có thể do các tướng đầy đủ mà thấy Như Lai chăng?

Thưa không, Thế-tôn! Chẳng nên do các tướng đầy đủ mà thấy Như-lai. Tại sao? Như-lai nói các tướng đầy đủ, tức chẳng phải các tướng đầy đủ, ấy gọi là các tướng đầy đủ.

Lược giải:

Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ như thế nào? Có thể do sắc thân đầy đủ mà thấy Như-lai chăng?

Thưa không, Thế-tôn! Chẳng nên do sắc thân đầy đủ mà thấy Như-lai. Tại sao? Như-lai nói sắc thân đầy đủ, tức chẳng phải sắc thân đầy đủ, ấy gọi là sắc thân đầy đủ.

Phật hỏi ông Tu-bồ-đề có thể do sắc thân đầy đủ mà thấy được Phật chăng. Thế nào gọi là đầy đủ? Đầy đủ nghĩa là hoàn toàn (viên mãn). Báo thân của Đức Phật có tướng hảo viên mãn vô cùng, đó gọi là sắc thân đầy đủ.

Ông Tu-bồ-đề trả lời như sau: “Bạch Thế-tôn! Không thể như vậy, không thể lấy hình tướng để suy đoán sắc thân của Như-lai là như thế này, hay như thế kia. Tại làm sao? Bởi vì sắc thân chính là báo thân mà báo thân cùng với hóa thân chẳng phải là Pháp thân chân chánh của Như-lai, vì vậy, chẳng thể nhìn vào sắc thân đầy đủ viên mãn để thấy Như-lai.”

Tại sao? Phật nói sắc thân đầy đủ là nói theo tục đế. Nếu y chiếu chân đế thì chẳng phải là sắc thân đầy đủ. Y chiếu trung đạo mà nói thì “sắc thân đầy đủ” chẳng qua chỉ là một giả danh mà thôi.

Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ như thế nào? Có thể do các tướng đầy đủ mà thấy Như-lai chăng?

Thưa không, Thế-tôn! Chẳng nên do các tướng đầy đủ mà thấy Như-lai. Tại sao? Như-lai nói các tướng đầy đủ, tức chẳng phải các tướng đầy đủ, ấy gọi là các tướng đầy đủ.

Phật lại hỏi ông Tu-bồ-đề về ba mươi hai tướng của Như-lai, và hỏi có thể nào lấy ba mươi hai tướng đó để thấy Như-lai chăng. Ở trên nói sắc thân, tức là nói về toàn bộ tướng hảo. Ở đây nói các tướng, tức là nói từng tướng một của Đức Phật. Tổng cộng có ba mươi hai tướng tốt, cùng với tám mươi vẻ đẹp trên thân hình Đức Phật.

Ông Tu-bồ-đề đáp: “Bạch Thế-tôn! Không thể như vậy, không thể lấy ba mươi hai tướng đẹp viên mãn để thấy Như-lai. Tại sao vậy? Vì Như-lai nói ba mươi hai tướng là nói theo tục đế. Nói theo chân đế thì chẳng phải là ba mươi hai tướng.

Còn nói theo viên đế thì “các tướng đầy đủ” chẳng qua chỉ là một giả danh mà thôi.

 

— o0o —

Phần 21: PHI THUYẾT SỞ THUYẾT

Tu-Bồ-Đề!  Nhữ vật vị Như-Lai tác thị niệm: Ngã đương hữu sở thuyết pháp. Mạc tác thị niệm. Hà dĩ cố? Nhược nhơn ngôn; Như-Lai hữu sở thuyết pháp, tức vi báng Phật, bất năng giải ngã sở thuyết cố.  Tu-Bồ-Đề!  Thuyết pháp giả, vô pháp khả thuyết, thị danh thuyết pháp.

Nhĩ thời, Huệ-Mạng Tu Bồ Đề bạch Phật ngôn: “Thế-Tôn! Phả hữu chúng sanh, ư vị-lai thế, văn thuyết thị pháp, sanh tín tâm phủ?”

Phật ngôn: “Tu-Bồ-Đề!  Bỉ phi chúng-sanh, phi bất chúng-sanh. Hà dĩ cố? Tu Bồ Đề!  Chúng sanh chúng sanh giả, Như-Lai thuyết phi chúng sanh, thị danh chúng-sanh.”

Tu-bồ-đề! Ông chớ bảo Như-lai khởi niệm thế này “ta phải thuyết pháp,” đừng nghĩ vậy. Tại sao? Nếu người nói Như-lai có thuyết pháp, tức là phỉ báng Phật, chẳng hiểu lời nói của ta. Tu-bồ-đề! Thuyết pháp ấy là chẳng pháp có thể nói, ấy gọi là thuyết pháp.

Lúc ấy, Huệ Mạng Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Như có chúng sanh ở đời vị lai nghe pháp này sanh lòng tin chăng?

Phật bảo: Tu-bồ-đề! Đó chẳng phải chúng sanh, chẳng phải không chúng sanh. Tại sao? Tu-bồ-đề! Chúng sanh cho là chúng sanh, Như-lai nói chẳng phải chúng sanh, ấy gọi là chúng sanh.

 

Lược giải:

Tu-bồ-đề! Ông chớ bảo Như-lai khởi niệm thế này “ta phải thuyết pháp,” đừng nghĩ vậy. Tại sao? Nếu người nói Như-lai có thuyết pháp, tức là phỉ báng Phật,

Phật bảo ông Tu-bồ-đề chớ nên nói là Phật có ý nghĩ “ta thuyết pháp.” Bản văn trong Hán tạng ghi là “mạc tác thị niệm,” nghĩa là đừng có ý niệm này, tức có ý ngăn ngừa, không nên suy nghĩ theo kiểu đó. Tại sao không nên suy nghĩ như vậy?

Phật bảo nếu có người nói Như-lai thuyết pháp tức kẻ đó không hiểu Phật-pháp và nói là báng Phật. Phật thuyết pháp trong bốn mươi chín năm, biết bao nhiêu kinh điển đến nay vẫn còn, vậy sao có thể nói Phật không thuyết pháp được? Có một lần, Bồ-tát Văn thù sư-lợi thỉnh Phật một lần nữa chuyển pháp luân, Đức Phật đáp rằng: “Trong thời gian bốn mươi chín năm, ta chưa từng nói một chữ nào, sao ông lại thỉnh ta chuyển pháp luân một lần nữa? Hóa ra trước đây ta đã từng chuyển pháp luân rồi sao?” Đây có nghĩa là nói mà chưa nói vậy.

Một thuở nọ, lúc trưởng lão Tu-bồ-đề tu hành trong hang núi, có vị trời tới rải hoa. Trưởng lão hỏi:

– Ai rải hoa đây?

Vị trời nói:

– Đó là trời Đế-thích.

– Vì lẽ gì ông tới đây rải hoa?

Trời Đế-thích nói:

– Bởi vì Tôn-giả thuyết bát-nhã hay, nên tôi tới để cúng dường.

– Từ hồi nào tới giờ tôi chưa từng nói một câu, sao ông lại nói tôi thuyết bát-nhã?

– Tôn-giả không thuyết, tôi cũng không nghe, không thuyết không nghe, mới là bát-nhã chân chánh.

Quý vị thử nghĩ coi “không nói không nghe là bát-nhã chân chánh,” quý vị đã nghe qua bát-nhã chưa? Nếu quý vị chưa nghe qua, đó mới là chân bát-nhã và cũng là ý nghĩa của đoạn kinh này. Nếu ta nói Như-lai có thuyết pháp, tức là ta phỉ báng Phật đấy.

Nếu chúng ta lìa kinh tức là ma nói, còn như theo kinh điển tức là phỉ báng Phật. Cho nên có câu:

Ly kinh nhất tự,

Tức đồng ma thuyết.

Y văn giải nghĩa,

Tam thế Phật oan.

Nghĩa là: lìa kinh một chữ, tức là ma nói; y văn mà giải nghĩa, tức oan cho ba đời

Phật.

Tại sao phải nói Phật không thuyết pháp? Vì Phật không có tướng ngã, không có tướng nhân, không có tướng chúng sanh, không có tướng thọ giả; Phật cũng không có sắc tướng, không có tổng tướng, tất cả tướng đều không có. Như vậy, nếu ta nói Phật có thuyết pháp, chẳng hóa ra ta báng Phật hay sao? Phật nói tất cả các pháp, quét sạch tất cả mọi pháp, tức Phật vừa thuyết, vừa quét đi, chẳng giữ lại một chút mảy may nào cả; cho nên một tí xíu nhiễm ô cũng chẳng còn.

…chẳng hiểu lời nói của ta. Tu-bồ-đề! Thuyết pháp ấy là chẳng pháp có thể nói, ấy gọi là thuyết pháp.

Tại sao người đó lại là kẻ báng Phật? Bởi vì người đó không hiểu rằng pháp mà Phật giảng là không, lời thuyết pháp chẳng có thật thể. Phật bảo Tu-bồ-đề: “Thuyết pháp là chẳng có pháp để nói. Nhân vì tâm chúng sanh có sự phân biệt, cho nên Phật mới nói ra bao nhiêu đó. Nếu chẳng phân biệt thì chẳng có pháp để nói. Chẳng có pháp để nói tức là nói pháp một cách chân chánh.”

Lúc ấy, Huệ Mạng Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Như có chúng sanh ở đời vị lai nghe pháp này sanh lòng tin chăng? Phật bảo: Tu-bồ-đề! Đó chẳng phải chúng sanh, chẳng phải không chúng sanh.

Lúc ấy, Huệ Mạng Tu-bồ-đề – “Huệ Mạng” tức là một tên gọi khác (biệt danh) của trưởng lão, dùng để chỉ kẻ có trí huệ cao, thọ mạng lâu dài – bạch Phật như sau:

“Có thể có chúng sanh nào, ở đời vị lai, nghe Kinh Kim Cang này mà sanh lòng tin chăng?” Phật đáp: “Kẻ đó chẳng phải là một chúng sanh thông thường, đó là một chúng sanh đã phát tâm Bồ-tát. Mặc dầu người đó đã phát tâm Bồ-tát, nhưng công phu tu hành chưa phải là viên mãn, cho nên nói ‘chẳng phải là không chúng sanh,’ tạm thời gọi đó là chúng sanh.”

Tại sao? Tu-bồ-đề! Chúng sanh cho là chúng sanh, Như-lai nói chẳng phải chúng sanh, ấy gọi là chúng sanh.

Tại sao? Phật bảo: “Tu-bồ-đề! Chúng sanh có nhân duyên làm chúng sanh, nhưng Như-lai nói chẳng phải chúng sanh vì họ đã phát tâm Bồ-tát nên không phải là chúng sanh bình thường, mà chỉ tạm mượn cái tên để gọi là chúng sanh.

Đoạn văn kinh khởi đầu từ “Lúc ấy Huệ Mạng Tu-bồ-đề…” đến “ấy gọi là chúng sanh,” kể trong bản Hán tạng thì có tất cả sáu mươi hai chữ. Thật ra bản dịch nguyên thủy không có đoạn này, đây do đời sau thêm vào. Lý do như thế nào?

Số là trước đây có một vị Pháp-sư, lâm bạo bệnh rồi mạng chung. Khi hồn của Pháp-sư tới điện Diêm vương, vua Diêm-la hỏi:

– Khi ở thế gian, ông hay làm chuyện chi?

Pháp sư đáp:

– Lúc còn sống, tôi thường tụng Kinh Kim Cang.

– Ông tụng Kinh Kim Cang thì tốt lắm. Xin mời ngồi!

Kế đó, Diêm vương bảo Pháp-sư tụng Kim-cang cho nghe, và khi Pháp sư tụng xong, Diêm vương nói:

– Bản kinh ông tụng thiếu mất sáu mươi hai chữ. Nay trên vách đá của Chùa Chung Ly có khắc kinh này, ông hãy đến đó coi xem, khi nào coi xong, ông nói rõ cho mọi người trên dương gian hay và khuyên họ nên tụng Kinh Kim Cang.

Cũng bởi ông vốn trì tụng kinh này nên đã tạo được nhiều công đức, lẽ ra số mạng của ông đã hết, nhưng nay ta ban cho ông thêm mười năm tuổi thọ nữa, ông hãy trở về trần gian khuyến cáo mọi người tụng Kinh Kim Cang.

Nghe xong Pháp-sư bèn hồi tỉnh và sống lại. Sau đó Pháp-sư cùng với một vị sứ giả của Hoàng Đế Tần Minh đến chùa Chung Ly, quả nhiên thấy trên vạch đá của chùa có khắc Kinh Kim Cang, và đúng theo bản kinh này có thêm sáu mươi hai chữ nữa, trong khi bản dịch chánh không có. Từ đó về sau các bản Kinh Kim Cang lưu hành đều có thêm sáu mươi hai chữ này.

 

— o0o —

Phần 22: VÔ PHÁP KHẢ ĐẮC

Tu Bồ Đề!  Bạch Phật ngôn:  “Thế-Tôn!  Phật đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, vi vô sở đắc gia?”

Phật ngôn:  “Như-thị!  Như thị!  Tu Bồ Đề!  Ngã ư A-nậu-đa-la tam miệu tam bồ đề, nãi chí vô hữu thiểu pháp khả đắc, thị danh A-nậu đa-la tam miệu tam bồ đề.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Thế-tôn! Phật đắc a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề có phải là không có đắc gì cả ư?

Phật bảo: Đúng thế! Đúng thế! Tu-bồ-đề! Ta đối với a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, cho đến một chút pháp cũng không chứng đắc, ấy gọi là a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

 

Lược giải:

Ông Tu-bồ-đề hỏi Phật như sau: “Pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác mà Phật chứng đắc được có phải là vô sở đắc không?” Phật đáp: “Đúng vậy! Đúng vậy! Đối với pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác thì ta không có chứng đắc.” Phật lại nói tiếp: “Tu-bồ-đề! Đối với pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác, cho đến một chút xíu pháp, ta cũng không chứng đắc, chẳng qua chỉ là giả đặt cho nó một cái tên gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác mà thôi, chớ chẳng có cái gì là có thật thể cả.”

Tại sao lại nói một chút xíu pháp cũng không đắc? Số là, muốn biết có đắc hay không đắc thì trước tiên phải biết có mất hay không mất. Nếu pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác là một thứ đã từng bị mất đi (thất), thì nay mới có thể nói là kiếm lại được (đắc). Thực sự chúng ta đâu có mất mát gì, pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác chính là bổn tính cố hữu của chúng ta, đó chính là “hạt ngọc trong áo, chẳng lo tìm cầu,” chúng ta chỉ cần mở áo ra coi, ắt sẽ thấy nó. Vô thượng chánh đẳng chánh giác là một tên khác của quả vị Phật, chẳng phải là một vật do bên ngoài mang lại cho ta, mà chính là gia bảo của ta, chớ đâu phải do ta thừa hưởng từ người ngoài.

 

— o0o —

Phần 23: TỊNH TÂM HÀNH THIỀN

Phục thứ, Tu-Bồ-Đề! Thị pháp bình đẳng vô hửu cao hạ, thị danh A nậu đa la tam miệu tam bồ-đề.

Dĩ vô ngã, vô nhơn, vô chúng-sanh, vô thọ giả. Tu nhứt thiết thiện pháp, tức đắc A-nậu-đa-la tam miệu tam bồ đề. Tu Bồ Đề!  Sở ngôn thiện pháp giả. Như-Lai thuyết tức phi thiện-pháp, thị danh thiện-pháp.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Pháp này bình đẳng, không có cao thấp, ấy gọi là a-nậu đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

Do không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả, tu tất cả các pháp lành tất được a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Tu-bồ-đề! Như-lai nói pháp lành tức chẳng phải pháp lành, ấy gọi là pháp lành.

 

Lược giải:

Phật lại bảo Tu-bồ-đề: “Pháp này là bình đẳng, không có cái gì cao hơn nó, cũng không có cái gì thấp hơn nó, nếu đặt cho nó một tên thì bèn kêu là vô thượng chánh đẳng chánh giác. Pháp này không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Các thứ chấp như chấp ngã, chấp pháp, chấp không đều không có.

Cần phải tu tất cả các pháp lành, không làm mọi pháp ác – như câu ‘nguyện đoạn trừ tất cả điều ác, nguyện tu tất cả điều lành, nguyện độ tất cả chúng sanh’ gọi là pháp lành – chúng ta đoạn trừ tất cả pháp ác, thì tất cả pháp ác không sanh, tu tất cả pháp lành thì căn lành sẽ tăng trưởng, như vậy tự nhiên sẽ chứng vô thượng chánh đẳng chánh giác.” Phật bảo tiếp ông Tu-bồ-đề: “Như-lai nói pháp lành, nhưng chiếu theo chân đế thì chẳng phải pháp lành, chẳng có pháp nào có thể đắc, nhưng nếu mượn tên để gọi thì nói ấy là pháp lành. Trong pháp lành mà không chấp trước, nếu tâm dính mắc tức là đã chấp pháp.

Cho nên làm pháp lành mà tâm không chấp trước, tất cả đều coi như huyễn hóa, như mộng, như huyễn, như bọt, như ảnh, không coi là thật.”

 

— o0o —

Phần 24: PHƯỚC TRÍ VÔ TỶ

Tu Bồ Đề!  Nhược tam thiên đại thiên thế-giới trung, sở hữu chư Tu-Di sơn-vương, như thị đẳng thất-bảoTụ, hữu nhơn trì dụng bố-thí.  Nhược nhơn dĩ thử Bát-Nhã-Ba-La-Mật kinh, nãi chí tứ cú kệ đẳng, thọ trì đọc tụng, vị tha nhơn thuyết, ư tiền phước-đức, bá phần bất cập nhứt, bá thiên vạn ức phần, nãi chí toán số thí-dụ, sở bất năng cập.

Tu-bồ-đề! Nếu có người mang bảy báu bằng những núi Tu-di chứa trong tam thiên đại thiên thế giới, dùng làm vật bố thí, so với người lấy Kinh Bát-nhã Ba-la-mật này cho đến bốn câu kệ mà thọ, trì, đọc, tụng, giảng cho người khác nghe thì phước đức của người trước không bằng một phần trăm, một phần trăm ngàn vạn ức, cho đến lấy toán số để thí dụ cũng không bằng.

Lược giải:

Tu-di là danh từ tiếng Phạn, dịch nghĩa là Diệu-cao sơn. Phật lấy tỷ dụ như thế này: Có người dùng số lượng lớn bảy báu để làm vật bố thí. Số lượng lớn đó có thể chất ngang bằng với tất cả các núi lớn Diệu-cao trong tam thiên đại thiên thế giới.

Lại có người khác, lấy kinh điển Bát-nhã Ba-la-mật, tức là loại kinh điển thuộc về trí huệ “đáo bỉ ngạn,” cho đến chỉ bốn câu kệ, để mà lòng thì lãnh thọ, thân thì hành trì đọc tụng, rồi lại giảng cho người khác nghe thì phước đức của người này còn hơn của người trước, gấp trăm ngàn vạn ức lần người đã lấy bảy báu nhiều bằng những núi Diệu-cao trong tam thiên đại thiên thế giới để mang ra bố thí. Cho dầu lấy con số toán học ra cũng không so sánh được.

Chủ yếu của Kinh Kim cang là không chấp tướng, không chấp tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Chúng ta nghe kinh xong thử tự hỏi lòng mình: “Đối với tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, ta có còn chấp chăng?” Nếu ta tự cảm thấy ta là rất hay, mọi người không bằng ta, tức là trái núi Tu-di của ta chưa san bằng được. Nếu còn thấy tướng nhân là trọng, tức trái núi Tu-di đối với người chưa được san bằng, cho đến núi Tu-di của tướng chúng sanh, tướng thọ giả, cũng đều chưa san bằng. Các loại tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, vẫn còn to như núi Tu-di, vừa cao, vừa lớn. Nay chúng ta đã học Phật-pháp tất phải san bằng núi Tu-di của mình, thực hiện cho được câu:

“Pháp bình đẳng, không có cao thấp gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác.”

Nếu như núi Tu-di của ta, của người, của chúng sanh, của thọ giả chưa đạp đổ xong, tức là ta chưa đạt được “pháp bình đẳng, không có cao thấp, gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác.” Bởi vậy, khi chúng ta nghe xong Kinh Kim Cang, chúng ta hãy thanh toán tướng ngã, mang luôn cả cái thân thể này bố thí cho người, không còn giữ lại một thứ gì nữa. Cổ-đức xưa có nói: “Năm ngoái nghèo, còn có đất cắm dùi; năm nay nghèo cả dùi cũng không có.” Dùi là cái gì? Đó là một dụng cụ, đầu có mũi nhọn rất nhỏ, có thể khoan thủng một vật khác.

Câu nói trên nghĩa là năm đã qua tuy rất nghèo, mà hãy còn một chút xíu đất để cắm vừa cái dùi; nhưng năm nay, lại quá nghèo, nghèo đến nỗi một cái dùi cũng không có và đương nhiên mãnh đất để cắm dùi xuống cũng không có luôn. Câu nói trên ngụ ý là tướng ngã không còn, tướng nhân, chúng sanh, thọ giả cũng không có. Chúng ta nghe kinh thì nhất định phải thực hành lời kinh dạy, chẳng phải nghe xong rồi bỏ lại tất cả. Đã thông hiểu đạo lý là như thế nào thì phải chiếu theo đạo lý mà phụng hành.

 

— o0o —

PHẦN 25 – HÓA VÔ SỞ HÓA 

Tu-Bồ-Đề! Ư ý vân hà?  Nhữ đẳng vật vị Như-Lai tác thị niệm: Ngã đương độ chúng-sanh. Tu-Bồ Đề, mạc tác thị niệm. Hà dĩ cố? Thiệt vô hữu chúng-sanh, Như-Lai độ-giả.  Nhược hữu chúng-sanh Như-Lai độ giả, Như-Lai tức hữu ngã nhơn, chúng-sanh, thọ-giả. Tu Bồ Đề?  Như-Lai thuyết hữu ngã giả, tức phi hữu ngã, nhi phàm-phu chi nhơn, dĩ vi hữu ngã.

Tu-Bồ-Đề! Phàm phu giả, Như-Lai thuyết tức phi phàm-phu, thị danh phàm-phu.

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Ông chớ bảo Như-lai khởi niệm thế này “ta phải độ chúng sanh,” Tu-bồ-đề! Đừng nghĩ vậy. Tại sao? Thật chẳng có chúng sanh mà Như-lai độ. Nếu có chúng sanh mà Như-lai độ, tức Như-lai có tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.

Tu-bồ-đề! Như-lai nói có ngã, tức chẳng phải có ngã, nhưng kẻ phàm phu cho là có ngã. Tu-bồ-đề! Kẻ phàm phu, Như-lai nói chẳng phải phàm phu, ấy gọi là phàm phu.

 

Lược giải:

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Ông chớ bảo Như-lai khởi niệm thế này “ta phải độ chúng sanh,” Tu-bồ-đề! Đừng nghĩ vậy. Tại sao? Thật chẳng có chúng sanh mà Như-lai độ.

Phật lại bảo Tu-bồ-đề rằng: “Các ông, những người Thanh-văn, không nên cho rằng Như-lai có ý nghĩ như thế này ‘ta phải độ chúng sanh,’ đừng nên nghĩ thế.”

“Đừng nghĩ vậy” là hàm ý ngăn chặn, tự giới hạn mình.

Tại sao vậy? Vì “thật chẳng có chúng sanh mà Như-lai độ.” Như-lai và chúng sanh chỉ là một, cho nên Như-lai không có độ chúng sanh. Như-lai không độ chúng sanh mà chúng sanh tự độ cho mình. Trong Kinh Pháp Bảo Đàn có câu:

“Khi mê thì thầy độ, khi ngộ thì tự độ.” Khi mê thì sư phụ độ cho đồ đệ; khi ngộ, thì tự mình độ cho mình.

Cho nên trong khi chúng sanh mê lầm thì Phật độ chúng sanh: giác ngộ rồi thì chúng sanh tự độ. Nói giác ngộ thì ai là kẻ giác ngộ cho mình đây? Chẳng phải là Phật đã cho ta sự giác ngộ mà chính ta đã tự mình giác ngộ.

Cho nên ở trên nói Phật chẳng độ chúng sanh. Có chỗ nói như sau: “Chân pháp giới là bình đẳng, Phật chẳng độ chúng sanh.” Chúng sanh với Phật là bình đẳng, Phật chẳng hơn chúng sanh, chúng sanh chẳng kém Phật, bởi vậy mới nói: “Thật chẳng có chúng sanh mà Như-lai độ.”

Nếu có chúng sanh mà Như-lai độ, tức Như-lai có tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.

Phật bảo: “Nếu cứ nhất định cho rằng có chúng sanh mà Như-lai độ, thì ắt lúc đó ta có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả.” Phật dạy tất cả chúng sanh phải lìa tướng, huống hồ Phật? Cho nên Phật độ chúng sanh, chính là chúng sanh tự độ, Phật chẳng độ. Tại sao Phật chẳng độ chúng sanh? Bởi vì Phật không có tướng ngã.

Tu-bồ-đề! Như-lai nói có ngã, tức chẳng phải có ngã, nhưng kẻ phàm phu cho là có ngã. Tu-bồ-đề! Kẻ phàm phu, Như-lai nói chẳng phải phàm phu, ấy gọi là phàm phu.

“Có ngã tức chẳng phải có ngã,” câu này có nghĩa gì? Cái gọi là ngã “ngã,” chỉ là giả danh – tức chẳng phải là ngã, nó không phải là cái chân ngã. Có điều, kẻ phàm phu lấy cái “giả danh” mà cho là chân ngã.

Phật bảo rằng hiện tại họ là phàm phu, tương lai họ sẽ thành Phật, ta không nên cho họ là phàm phu. Phật coi các chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật. Tất cả mọi chúng sanh đều thành Phật cả, có điều vì chấp trước vọng tưởng nên chưa chứng đắc, bây giờ tạm thời là kẻ phàm phu, mai sau tất sẽ thành Phật, cho nên Như-lai mới nói: “Kẻ phàm phu, Như-lai nói chẳng phải phàm phu, ấy gọi là phàm phu.”

Phật quán trong quá khứ, tất cả mọi chúng sanh đều là cha mẹ của mình, trong tương lai sẽ là chư Phật. Vì vậy chúng ta không nên coi họ là phàm phu, vì phàm phu chỉ là một giai đoạn tạm thời mà thôi.

 

— o0o —

Phần 26: PHÁP THÂN PHI TƯỚNG

Tu-Bồ-Đề! Ư ý vân hà?  Khả dĩ tam thập nhị tướng quan Như-Lai phủ?

Tu-Bồ-Đề ngôn: “Như thị! Như thị!  Dĩ tam thập nhị tướng quan Như-Lai.”

Phật ngôn: “Tu Bồ Đề!  Nhược dĩ tam thập nhị tướng quan Như-Lai giả, Chuyển Luân Thánh vương tức thị Như Lai?”

Tu-Bồ-Đề, bạch Phật ngôn:  “Thế-Tôn!  Như ngã giải Phật sở thuyết nghĩa, bất ưng dĩ tam thập nhị tướng quan Như-Lai.”

Nhĩ thời Thế Tôn nhi thuyết kệ ngôn:

Nhược dĩ sắc kiến ngã,

Dĩ âm thinh cầu ngã,

Thị nhơn hành tà đạo,

Bất năng kiến Như-Lai.

Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ thế nào? Có thể lấy ba mươi hai tướng má quán Như-lai chăng?

Tu-bồ-đề đáp: Đúng thế! Đúng thế! Lấy ba mươi hai tướng mà quán Như-lai.

Phật bảo: Tu-bồ-đề! Nếu lấy ba mươi hai tướng mà quán Như-lai thì Chuyển Luân Thánh Vương cũng là Như-lai ư?

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Thế-tôn! Như con hiểu nghĩa lời Phật, chẳng nên lấy ba mươi hai tướng mà quán Như-lai.

Lúc ấy, đức Thế-tôn nói kệ rằng:

Nếu lấy sắc mà thấy ta,

Lấy âm thanh mà cầu ta,

Người ấy hành đạo tà,

Không thể thấy Như-lai.

 

Lược giải:

Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ thế nào? Có thể lấy ba mươi hai tướng má quán Như-lai chăng?

Tu-bồ-đề đáp: Đúng thế! Đúng thế! Lấy ba mươi hai tướng mà quán Như-lai.

Phật bảo: Tu-bồ-đề! Nếu lấy ba mươi hai tướng mà quán Như-lai thì Chuyển Luân Thánh Vương cũng là Như-lai ư?

Phật lại hỏi ý kiến ông Tu-bồ-đề, có nên lấy ba mươi hai tướng mà quán Như-lai chăng. Trước đây, đã có chỗ nói lấy ba mươi hai tướng để thấy Như-lai, trong đoạn này lại nói lấy ba mươi hai tướng mà quánNhư-lai. “Thấy” tức là trong vào hình tướng mà nhận biết, còn “quán” là quán tưởng, nghĩa là lấy ý tưởng mà hình dung và quan sát, tức là sử dụng tâm ý chớ không phải dùng đôi mắt để nhận biết.

Tu-bồ-đề đáp: “Đúng thế! Đúng thế! Lấy ba mươi hai tướng mà quán Như lai.”

Chỗ này ông Tu-bồ-đề tỏ sự đồng ý, có thể lấy ba mươi hai tướng để quán Pháp thân của Như-lai.

Phật bảo: Tu-bồ-đề! Nếu lấy ba mươi hai tướng mà quán Như-lai thì Chuyển Luân Thánh Vương cũng là Như-lai ư? Phật hỏi: “Nếu có thể lấy ba mươi hai tướng để quán Như-lai thì như Chuyển Luân Thánh Vương có ba mươi hai tướng tốt, cũng là Phật chăng?”

Ba mươi hai tướng của Chuyển Luân Thánh Vương không khác tướng của Phật là bao nhiêu, điểm khác biệt là các tướng tốt của Chuyển Luân Thánh Vương không rõ rệt bằng của Phật, và chỉ những ai có ngũ nhãn, lục thông mới phân biệt được, còn người phàm thì không thể nhận ra điều đó.

Nếu chẳng phân biệt được thì hễ thấy ba mươi hai tướng liền cho là Như-lai hay sao?

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Thế-tôn! Như con hiểu nghĩa lời Phật, chẳng nên lấy ba mươi hai tướng mà quán Như-lai.

Thấy Phật hỏi vặn như vậy, ông Tu-bồ-đề bèn đáp như sau: “Nếu con hiểu không lầm ý nghĩa của lời Phật nói thì không nên lấy ba mươi hai tướng mà quán Nhưlai.”

Lúc ấy, đức Thế-tôn nói kệ rằng:

Nếu lấy sắc mà thấy ta,

Lấy âm thanh mà cầu ta,

Người ấy hành đạo tà,

Không thể thấy Như-lai.

“Nếu lấy sắc mà thấy ta,” tức là lấy ba mươi hai tướng mà thấy Như-lai. Về điểm này, kinh Hoa-Nghiêm có câu: “Ứng hóa phi chân Phật,” tức là ứng thân và hóa thân, không phải là Phật thật. Ba mươi hai tướng thuộc về ứng hóa thân, không phải là pháp thân. Ba mươi hai tướng tức là hình tướng. Lấy ba mươi hai tướng để nhận biết Như-lai tức là nghĩa của câu kệ “Nếu lấy sắc mà thấy ta.”

“Lấy âm thanh mà cầu ta,” nghĩa là kiếm âm thanh của Phật để cầu Phật. Số là Phật có “tứ biện, bát âm,” tức là bốn loại biện tài vô ngại và tám loại âm thanh mỹ diệu.

Lúc xưa, Tôn-giả Mục-kiền-liên đã từng một lần trắc nghiệm thử xem âm thanh của Phật, rốt ráo vang xa đến tận bờ mé nào. Ông bèn dùng thần thông chạy về phía đông, chạy rất xa, băng qua cả hàng ngàn vạn ức nước Phật. So với ngày nay người ta bắn hỏa tiễn lên không gian, thì ông đã đi xa hơn gấp bội. Ông chạy xa vậy mà vẫn còn nghe tiếng Phật thuyết pháp, và nghe rõ ràng chẳng khác nào lời Phật đang nói bên tai.

“Người đó hành đạo tà,” nghĩa là người đó chấp tướng, vướng mắc vào pháp hữu vi, không hợp với lẽ trung đạo, vì vậy mà chẳng nhận biết Như-lai. Như-lai thuộc trung đạo, chẳng thiên lệch, chẳng rơi vào không, chẳng kẹt ở có, chẳng rơi vào đoạn kiến, cũng chẳng kẹt ở thường kiến. Tà đạo nếu không rơi vào đoạn kiến thì lại kẹt ở thường kiến. Đoạn kiến, chấp vào đoạn diệt, thường kiến chấp vào sự thường còn vĩnh viễn, cả hai đều là những chủ trương thiên lệch, không hợp lẽ trung đạo, và vì vậy nên “không thể thấy Như-lai,” vĩnh viễn không thấy được Pháp thân Phật.

 

— o0o —

Phần 27: VÔ ĐOẠN VÔ DIỆT

Tu-Bồ-Đề! Nhữ nhược tác thị niệm, Như-Lai bất dĩ cụ túc tướng cố, đắc A-nậu-đa-la tam miệu tam bồ-đề. Tu Bồ Đề!  Mạc tác thị niệm: Như-Lai bất dĩ cụ túc tướng cố, đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

Tu-Bồ-Đề!  Nhữ nhược tác thị niệm: Phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm giả, thuyết chư pháp đoạn diệt. Mạc tác thị niệm! Hà dĩ cố? Phát A nậu đa la tam miệu tam-bồ-đề tâm giả; ư pháp bất thuyết đoạn diệt tướng.

Tu-bồ-đề! Ví như ông có ý này: Như-lai chẳng do các tướng đầy đủ để được a nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Tu-bồ-đề! Đừng nghĩ như thế, rằng Như-lai chẳng nhờ các tướng đầy đủ để được a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

Tu-bồ-đề! Nếu ông có ý tưởng ấy, kẻ phát tâm a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề ắt nói rằng các pháp đoạn diệt. Đừng nghĩ như vậy! Tại sao? Người phát tâm a-nậu đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, nơi pháp chẳng nói tướng đoạn diệt.

 

Lươc giải:

Tới đây, Phật e rằng các chúng sanh có thể hoài nghi, mà tự hỏi nếu chẳng thể lấy ba mươi hai tướng để quán Như-lai thì Phật lấy gì để chứng vô thượng chánh đẳng chánh giác. Cho nên Phật mới thuyết giảng đoạn văn kinh này.

Phật bảo: “Tu-bồ-đề! Ví như ông khởi ý nghĩ rằng Như-lai chẳng do các tướng đầy đủ phước đức và trí huệ để chứng vô thượng chánh đẳng chánh giác. Tu bồ-đề! Ông nên nhớ, đừng có khởi lên ý nghĩ đó. Tại sao vậy? Nếu cho là a-nậu đa-la tam-miệu tam-bồ-đề là đoạn diệt của các tướng, tức có nghĩa là Như-lai không có các tướng đầy đủ phước huệ mà chứng được vô thượng chánh đẳng chánh giác, ý tưởng đó chính là tướng đoạn diệt.”

Phật sợ mọi người có thể rơi vào tướng đoạn diệt nên nói: “Người phát tâm cầu vô thượng chánh đẳng chánh giác, không thể nói rằng các pháp là đoạn diệt.

Không nên như vậy! Tại sao? Bởi người phát tâm cầu vô thượng chánh đẳng chánh giác, đối với mọi pháp đều giữ lẽ trung đạo, chẳng nói pháp đoạn, chẳng nói pháp thường, chẳng rơi vào hai kiến chấp thường và đoạn. Nếu bị vướng mắc hai chấp thường đoạn, tức không hợp với pháp Phật, chẳng thể thành Phật được. Bởi các lý do đó, người tu học pháp Phật, phải hết sức minh bạch lẽ trung đạo, và cố xa lìa chấp thường cũng như chấp đoạn.”

Hiện nay, Phật-giáo tại các nước Tây phương hãy còn mới mẽ, nên mỗi người trong chúng ta phải hết lòng hoằng dương. Tất cả những ai ưa thích Phật pháp, đều phải tự gánh lấy trách nhiệm này, không nên tìm cách lảng tránh coi như đây là nhiệm vụ của người khác. Mỗi cá nhân đều phải lấy việc truyền bá, giảng kinh, thuyết pháp, làm công việc của chính mình, coi như thiên chức của mình vậy.

Ngày đêm, sáu thời, tự hỏi lòng mình: “Ta là một Phật tử, đã quy y Tam-bảo, ta có gì để cống hiến cho Phật-giáo? Ta đã đóng góp được gì?” Nếu đã góp phần rồi thì ta hãy góp thêm; nếu chưa có, ta lại càng phải cố gắng. Phật-giáo chưa được phổ biến rộng lớn, cũng do chúng ta chưa hết lòng vì đạo. Chúng ta có tận tâm trong việc hoằng dương Phật-pháp, mới có thể nói là làm tròn trách vụ của chúng ta, hoàn thành thiên chức đã được giao phó. Chúng ta không thể lười biếng, cầu an cho riêng mình. Người Tây phương chưa hiểu biết về Phật-giáo cũng vì thái độ lười biếng của chúng ta, bởi vậy quý vị hãy nỗ lực thêm lên.

 

 

— o0o —

Phần 28: BẤT THỌ BẤT THAM

Tu Bồ Đề!  Nhược Bồ tát dĩ mãn hằng-hà sa đẳng thế-giới thất bảo trì dụng bố-thí.  Nhược phục hữu nhơn, tri nhứt thiết pháp vô ngã, đắc thành ư nhẩn.  Thử Bồ-tát thắng tiền Bồ-tát, sở đắc phước-đức, Hà dĩ cố?  Tu-Bồ-Đề!  Dĩ  chư Bồ tát bất thọ phước đức cố.

Tu-Bồ-Đề bạch Phật ngôn:  “Thế-Tôn!  Vân hà Bồ-tát, bất thọ phước-Đức?”

Tu-Bồ-Đề! Bồ-tát sở tác phước-đức, bất ưng tham trước,  thị cố thuyết bất thọ phước-đức.

Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát dùng bảy báu đầy cả thế giới, như số cát sông Hằng dùng để bố thí, với người biết tất cả pháp vô ngã, thành tựu được pháp nhẫn thì Bồ-tát này được công đức hơn Bồ-tát kia. Tại sao? Tu-bồ-đề! Vì các Bồ-tát này chẳng thọ phước đức.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Thế-tôn! Thế nào là Bồ-tát không thọ phước đức?

Tu-bồ-đề! Bồ-tát làm phước đức mà không có lòng tham nên nói chẳng thọ phước đức.

 

Lược giải:

Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát dùng bảy báu đầy cả thế giới, như số cát sông Hằng dùng để bố thí, với người biết tất cả pháp vô ngã, thành tựu được pháp nhẫn,

Đây là thí dụ về một Bồ-tát dùng một số lượng bảy báu nhiều như cát sông Hằng để làm bố thí, tức có ngụ ý là vị này bố thí nhiều vô kể. “Với người biết tất cả pháp vô ngã, thành tựu được pháp nhẫn,” đây nói so sánh vị Bồ-tát ở thí dụ trên với một người biết hết mọi pháp-có nghĩa là tất cả Phật pháp, nói tóm lược như các pháp tứ đế, thập nhị nhân duyên, lục độ, thập nhị xứ (gồm sáu căn, sáu trần), thập bát giới v.v…

Người đó biết hết mọi pháp là vô ngã, đối với ngã coi là không, đối với pháp là không, đối với không cũng coi là không, từ đó mà người này chứng được vô sanh pháp nhẫn. Đây là một trình độ, một loại cảnh giới do tu hành đắc được. Chứng được vô sanh pháp nhẫn, hành giả không thấy trong khắp tam thiên đại thiên thế giới có một pháp nhỏ nào móng khởi (sanh), hay một pháp nhỏ nào diệt đi. Tuy tâm đã tới được cảnh giới này nhưng miệng không diễn tả đặng, cho nên nhẫn chịu trong tâm.

Cảnh giới đó gọi là vô sanh pháp nhẫn. Không thấy một pháp nhỏ sanh, không thấy một pháp nhỏ diệt, vậy là chẳng có pháp gì cả chăng? Đúng thế! Bổn lai chẳng có pháp. Song, chẳng có pháp mà đầy đủ (cụ túc) hết mọi pháp, nhưng vì nói không ra được nên gọi là vô sanh pháp nhẫn. Trong bộ Kinh Kim Cang này, câu văn kinh

biết tất cả pháp vô ngã, thành

tựu được pháp nhẫn”

là quan trọng vô cùng.

 

…thì Bồ-tát này được công đức hơn Bồ-tát kia. Tại sao? Tu-bồ-đề! Vì các Bồ-tát này chẳng thọ phước đức.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Thế-tôn! Thế nào là Bồ-tát không thọ phước đức?

Tu-bồ-đề! Bồ-tát làm phước đức mà không có lòng tham nên nói chẳng thọ phước đức.

Phật bảo: “Do người đó biết rằng tất cả mọi pháp là vô ngã, thành tựu được đức nhẫn, cho nên công đức này lớn hơn công đức của vị Bồ-tát trước, tức là người đã bố thí bảy báu nhiều như số cát sông Hằng. Vì sao? Vì lẽ họ không chấp vào sự việc có hưởng hay không hưởng phước đức.”

“Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Thế-tôn! Thế nào là Bồ-tát không thọ phước đức?” Ông Tu-bồ-đề thỉnh Phật giảng thế nào là Bồ-tát không thọ phước đức.

“Tu-bồ-đề! Bồ-tát làm phước đức mà không có lòng tham nên nói chẳng thọ phước đức.” Phật giảng như sau: “Bồ-tát làm công đức mà không chấp tướng, không khởi tâm tham mà cho rằng chính ta đã làm công đức. Nếu không có tâm tham, sao còn nói thọ hay không thọ công đức? Vì bổn lai vốn không có thọ hay chẳng thọ, nên nói Bồ-tát không thọ phước đức.”

 

— o0o —

Phần 29: UY NGHI TỊCH TĨNH

Tu Bồ Đề!  Nhược hữu nhơn ngôn: “Như Lai,  nhược lai, nhược khứ, nhược tọa, nhược ngọa, thị nhơn bất giải ngã sở thuyết nghĩa.

Hà dĩ cố? Như-Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như-Lai.”

Tu-bồ-đề! Nếu có người nói Như-lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc nằm, người ấy không hiễu nghĩa lời ta nói.

Tại sao? Vì Như-lai chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, nên gọi là Như Lai.

 

Lược giải:

Tu-bồ-đề! Nếu có người nói Như-lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc nằm, người ấy không hiễu nghĩa lời ta nói.

Phật sợ mọi người hoài nghi mà chấp tướng, nghĩ rằng Như-lai là có đi và có đến nên mới giảng đoạn kinh này.

Phật bảo: “Như có người có ý nghĩ vẩn vơ rằng hình như Như-lai đến, hình như Như-lai đi, hoặc Như-lai đến mà có thể không đến, đi mà có thể không đi, cứ mơ mơ hồ hồ như vậy, hoặc nghĩ rằng Như-lai ngồi, hoặc Như-lai nằm, như vậy là không hiểu rõ nghĩa lý lời nói của Như-lai.”

Tại sao? Vì Như-lai chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, nên gọi là Như-lai.

Phật giảng như sau: “Tại sao vậy? Như-lai không phải từ một địa phương nào lại, cũng chẳng đi tới một chỗ nào khác nên gọi là Như-lai.”

Chúng ta nên biết rằng Pháp thân Phật là “chẳng ở, mà chẳng phải không ở” (vô tại vô bất tại), vì Pháp thân trùm khắp mọi nơi. Nếu đã trùm khắp hết cả mọi nơi thì sao có thể nói là Phật đến? Vậy đến từ chỗ nào? Còn bảo rằng Phật đi, thì Phật đi đâu? Nếu chúng ta hiểu Phật-pháp thì tất cả sông núi đất đai, đâu cũng là

Pháp thân Phật; còn không hiểu Phật-pháp thì dù có thấy Như-lai cũng không biết. Biết nhận thức Như-lai mới dễ dụng công tu hành, không biết nhận thức Như-lai thì rất khó tu học, bởi tu mà hồ đồ thì chẳng khác gì nhờ người mù dẫn lối.

Theo người mù là như thế nào? Như người không có mắt, lại theo gót một người khác không có mắt, rồi hai người này cứ đi tới đi lui, đi cho tới lúc rớt xuống biển, không lên được mà cam phận chết chìm. Cho nên chúng ta không thể hồ đồ như vậy, chúng ta nhất định phải tìm hiểu Phật-pháp, đường lối tu hành cho rõ ràng rồi mới hạ thủ công phu tu tập. Tại sao lại có người theo ngoại đạo, đến nỗi càng ngày càng lún sâu? Đó cũng là một loại “quần manh dẫn quần manh,” cùng rủ nhau đâm đầu xuống biển! Chuyện đời khéo lắm trò kỳ quái! Khi ta không hiểu thì ta càng đi xa đích. Nếu ta hiểu rồi thì ta sẽ tới mục tiêu một cách dễ dàng. Hiểu rõ

Phật-pháp rồi ý chiếu tu hành thì thành Phật, còn theo ngoại đạo thì càng ngày càng xa, không dễ gì quay đầu lại, cuối cùng chẳng có ngày trở về cội nguồn, đó là một điều vô cùng nguy hiểm.

Về chữ “Như-lai” thì chữ “như” có ý nghĩa bất động; “lai” có nghĩa động. Bất động là tĩnh, động là động. Động tĩnh nhất như, động không làm trở ngại tĩnh, tĩnh không làm trở ngại động. Tu hành là vậy, khi ở trong tư thế tĩnh tọa thì tham thiền, mà khi cử động cũng tham thiền. Từ sớm đến tối, mọi cử chỉ, đi, đứng, nằm, ngồi, đều phải dụng công tu hành, chẳng phải chỉ lúc nào ngồi thiền mới là dụng công. Bất cứ thời khắc nào người tu cũng phải nhiếp tâm, từng giờ từng khắc hồi quang phản chiếu, không để ý tưởng buông lung. Tu hành là phải như vậy đó.

Giảng đến đoạn này, có người nêu nghi vấn như sau: Sao lại nói rằng Như Lai là chẳng đi, chẳng đến, nhưng tôi lại thấy Như-lai cũng có đi và cũng có đến, vậy là nghĩa làm sao? Tuy tôi chẳng nhìn thấy tận mắt, nhưng đoạn đầu Kinh Kim Cang ghi rằng: “Lúc ấy gần đến giờ ăn của Đức Thế-tôn, Ngài đắp y mang bát, vào đại thành Xá-vệ mà khất thực. Trong thành ấy…” vậy chẳng phải là Như-lai đi hay sao? Như câu: “Ngài theo thứ lớp khất thực, xong trở về bổn xứ,” vậy chẳng phải Như-lai trở về hay sao? Vậy sao còn nói Như-lai là chẳng đi chẳng đến?

Ai có nghi vấn đó là do tâm họ chấp trước, chớ chẳng phải Phật có đi có đến mà tâm của người đó có đi có đến. Lấy một tỷ dụ để giảng như câu “nước trong trăng hiện,” nghĩa là khi nào mặt nước trong lặng thì thấy dưới nước có mặt trăng hiện ra, và câu “mây che trăng ẩn,” ý nói khi nào bầu trời có mây thì mặt trăng không ló rạng. Bây giờ thử hỏi “nước trong trăng hiện,” có phải là vì mặt trăng tự nó đến ư? “Mây che trăng ẩn,” có phải là vì mặt trăng tự nó đi chăng?

Lại có người khi thấy mây bay trên trời, cho rằng đó là trăng đi. Có người ngồi dưới thuyền, không biết thuyền trôi mà cho là hàng cây bên bờ chạy. Bởi lẽ Phật hóa thân nên người ta mới thấy có đi có đến. Pháp thân thì chẳng đến chẳng đi, đây là giảng về Pháp thân Phật, các vị chớ nên lầm lẫn Pháp thân với hóa thân. Bồ Tát Di Lặc giải thích ý nghĩa của Như-lai bằng mấy câu kệ sau:

Khứ lai hóa thân Phật,

Như-lai thường bất động,

Ư thị pháp giới xứ,

Phi nhất diệc phi dị.

Ý của bài kệ nói hóa thân của Phật thì có đi có đến, còn Như-lai thì thường hằng bất động. Trong pháp giới chẳng phải chỉ có một, cũng chẳng phải có nhiều. Nay chúng ta nên hiểu thấu điều này: Như-lai chẳng phải là đi hay đến, mà vì trong tám thức của chúng ta có kiến phần. Chúng ta phân biệt sự đi và đến của Như-lai chính là do ở kiến phần này. Tại sao Kinh Kim Cang lại dạy chúng ta không nên nghĩ rằng Phật hoặc đi, hoặc đến, hoặc ngồi, hoặc nằm? Chính vì muốn dạy chúng ta đừng khởi tâm phân biệt. Nếu đoạn trừ được tâm phân biệt, tức trí huệ bát-nhã sẽ hiện tiền. Bát-nhã trong chúng ta hiện ra ít, chỉ vì tâm phân biệt của chúng ta nhiều, nhiều đến nỗi chiếm hết chỗ, không để cho trí huệ ló hiện.

Tám thức vốn thanh khiết nhưng vì chứa đựng tâm phân biệt nên đã biến thành uế tạp. Nếu chúng ta có thể đoạn trừ tâm phân biệt, giống như quét dọn rác rưởi thì tất cả sẽ trở lại tình trạng thanh khiết và trí huệ sẽ hiện tiền.