Kinh Pháp Hoa – Phẩm Chúc Lũy

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ Tát Pháp

Phật Sở Hộ Niệm

phụng chiếu dịch

Diêu Tần Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập

Giảng Giải:

Hoà Thượng Tuyên Hoá

— o0o —

Phẩm Chúc Lũy

Tại sao phải có Phẩm Chúc Lũy ? Vì kinh điển của Phật nói, là pháp giáo hóa tất cả chúng sinh. Pháp này phải có người hoằng dương truyền bá mới có diệu dụng, cho nên Ðức Phật phân phối cho tất cả Bồ Tát, các vị A La Hán, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, khiến cho họ tương lai phải truyền bá bộ Kinh Pháp Hoa này.

Tại sao phải truyền bá kinh này ? Vì bộ kinh này là bộ kinh quan trọng nhất, là bộ kinh thành Phật. Phàm là chúng sinh chẳng có gieo trồng căn lành, thì khi nghe được một chữ, hoặc một câu, một bài kệ, một phẩm của kinh này, thì đều gieo trồng căn lành. Chúng sinh đã gieo trồng căn lành, thì bất cứ là nghe được một chữ, một câu, một bài kệ, một phẩm của kinh này, thì sẽ tăng trưởng căn lành. Chúng sinh đã tăng trưởng căn lành, mà nghe được một chữ, một câu, một bài kệ, một phẩm của kinh này, thì sẽ đắc được căn lành công đức thành thục. Chúng sinh đã thành thục, nghe được một chữ, một câu, một bài kệ, một phẩm, một bộ của kinh này, thì sẽ đắc được giải thoát, giải thoát thì sẽ thành Phật.

Bất cứ loài chúng sinh nào, nghe được pháp âm của kinh này, hoặc hiểu nghĩa lý của kinh này, đều đắc được lợi ích và công đức. Cho nên, kinh này gọi là Diệu Pháp Liên Hoa, vì có sự diệu như thế nên là vua trong các kinh.

Nói đơn giản, chúc lũy tức là truyền bá, nghĩa là từ nơi này mà truyền bá đến xứ khác, giống như đạo lý nước từ sông ngòi chảy vào biển cả. Ví như chỗ này chẳng có kinh Phật, thì có thể đến chỗ khác thỉnh kinh Phật về, để cho đại chúng đọc tụng. Người biết đạo lý Phật pháp, thì trong sự vô hình có thể cải ác hướng thiện, đó là truyền bá. Hoặc mọi người phát tâm ấn tống kinh, truyền bá đến nơi khác, tặng cho mọi người đọc tụng, để có cơ hội hiểu biết Phật pháp. Công đức đó lớn vô cùng, chắc chắn sẽ khai mở trí huệ, do đó có câu :

‘’Vào sâu tạng kinh, trí huệ như biển.’’

Mọi người hãy chú ý ! Không thể ấn tống một quyển kinh cho mình dùng, để mình khai trí huệ, mà là ấn tống kinh điển số nhiều, khiến cho mọi người đều có cơ hội khai mở trí huệ. Có trí huệ rồi, thì phân biệt được thiện ác, hiểu rõ thị phi, tuyệt đối chẳng làm việc điên đảo.

 

Nhĩ thời, Thích Ca Mâu Ni Phật tùng Pháp tọa khởi. hiện đại thần lực, dĩ hữu thủ ma vô lượng Bồ Tát Ma Ha Tát đảnh. Nhi tác thị ngôn: “Ngã ư vô lượng bách Thiên vạn ức a tăng kì kiếp, tu tập thị nan đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề Pháp. Kim dĩ phó chúc nhữ đẳng. Nhữ đẳng ứng đương nhất tâm lưu bố thử pháp, quảng lệnh tăng ích.”

Bấy giờ, đức Phật Thích Ca từ pháp tòa đứng dậy, hiện sức đại thần thông, dùng tay phải rờ đầu vô lượng đại Bồ Tát, mà nói rằng : Ta ở trong vô lượng trăm ngàn vạn ức A tăng kỳ kiếp, tu tập pháp Vô thượng chánh đẳng chánh giác khó được này. Nay đem phó chúc cho các ông, các ông nên một lòng truyền bá pháp này, khiến cho chúng sinh được nhiều lợi ích của pháp.

Ðức Phật nói Phẩm Thần Lực của Như Lai rồi, bèn nói tiếp Phẩm Chúc Lũy, bèn từ tòa ngồi đứng dậy hiện ra sức thần thông rất lớn, duỗi tay phải ra rờ đầu vô lượng vị đại Bồ Tát. Ðó là biểu thị sự gia trì, tưới nước pháp đại trí huệ. Ðối với các vị đại Bồ Tát mà nói rằng : ‘’Ta ở trong vô lượng trăm ngàn vạn ức A tăng kỳ kiếp, tu tập pháp Vô thượng chánh đẳng chánh giác khó được này. Diệu pháp này là Kinh Pháp Hoa, mà ta đang giảng nói cho các ông nghe.’’ Phật lại nói : ‘’Hôm nay ta phó chúc cho các ông đại chúng, các ông nên thọ trì đọc tụng pháp này, rộng vì chúng sinh diễn nói pháp này, khiến cho khắp tất cả chúng sinh đều nghe biết pháp này.’’

 

Như thị tam ma chư Bồ Tát Ma Ha Tát đảnh. Nhi tác thị ngôn: “Ngã ư vô lượng bách Thiên vạn ức a tăng kì kiếp, tu tập thị nan đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề Pháp. Kim dĩ phó chúc nhữ đẳng. Nhữ đẳng đương thọ trì, độc tụng, quảng tuyên thử pháp, lệnh nhất thiết chúng sanh phổ đắc văn tri.”

Rờ đầu các vị đại Bồ Tát như thế ba lần, bèn nói rằng : Ta ở trong vô lượng trăm ngàn vạn ức A tăng kỳ kiếp, tu tập pháp Vô thượng chánh đẳng chánh giác khó được này. Hôm nay phó chúc cho các ông, các ông nên thọ trì, đọc tụng, rộng nói pháp này, khiến cho tất cả chúng sinh đều được nghe biết.

Ðức Phật Thích Ca rờ đầu các vị đại Bồ Tát như thế ba lần, bèn nói như vầy : ‘’Ta ở trong vô lượng trăm ngàn vạn ức A tăng kỳ kiếp, tu học pháp Vô thượng chánh đẳng chánh giác khó được này. Hôm nay ta phó chúc cho các ông đại chúng, các ông nên thọ trì, đọc tụng pháp này, khiến cho khắp tất cả chúng sinh đều nghe biết pháp này.’’

 

Sở dĩ giả hà? Như Lai hữu đại từ bi, vô chư xan lẫn, diệc vô sở úy, năng dữ chúng sanh, Phật chi trí tuệ, Như Lai trí tuệ, tự nhiên trí tuệ. Như Lai thị nhất thiết chúng sanh chi Đại thí chủ. Nhữ đẳng diệc ưng tùy học Như Lai chi Pháp, vật sanh xan lẫn.

Tại sao ? Vì Như Lai có đại từ bi, chẳng có san tham, cũng chẳng có sợ hãi, có thể ban cho chúng sinh trí huệ của Phật, trí huệ của Như Lai, trí huệ tự nhiên. Như Lai là đại thí chủ của tất cả chúng sinh. Các ông cũng nên theo học pháp của Như Lai, chớ sinh tâm san tham.

Vì nhân duyên gì ? Vì Như Lai có tâm đại từ bi (từ hay ban vui, bi hay cứu khổ), chẳng có san tham không xả, cũng chẳng có sợ hãi. Lại hay bố thí cho tất cả chúng sinh trí huệ của Phật, tức cũng là trí huệ của bậc Ðại Giác. Trí huệ của Như Lai tức là đại viên cảnh trí. Trí huệ tự nhiên tức là trí huệ tự tánh vốn có sẵn. Phật đem hết thảy pháp của Ngài bố thí cho tất cả chúng sinh, cho nên Như Lai là đại thí chủ của tất cả chúng sinh.

Phật lại nói : ‘’Các ông đại chúng nên theo học pháp của Như Lai, ngàn vạn đừng sinh tâm san tham không xả bỏ.’’ Giống như tôn giả Châu Lợi Bàn Ðà Già, trong quá khứ, tôn giả là đại thiện trí thức có năm vị đệ tử, nhưng tôn giả chẳng nói pháp cho đệ tử nghe, cho nên trồng xuống hạt giống một đời ngu si. Khi Ðức Phật thu nhận đệ tử, quy định phải niệm bốn câu kệ để làm phương châm:

Thân miệng ý nghiệp chẳng làm ác,
Ðừng làm tổn hại các hữu tình thế gian,
Chánh niệm quán tri dục cảm không,
Nên xa lìa các sự khổ vô ích.’’

Tôn giả chẳng nhớ đặng. Sau Phật dạy tôn giả niệm hai chữ ‘’Chổi quét‘’, tôn giả niệm rất lâu mới nhớ được. Phật lại dạy tôn giả niệm hai chữ ‘’Trừ uế.’’ Lại niệm rất lâu. Một ngày nọ, khi tôn giả quét thì đột nhiên khai ngộ. Tôn giả quét sạch rác rến dơ bẩn trong tâm, chẳng còn phiền não, sau chứng được quả vị A La Hán, trở thành vị đại đệ tử “trì nghĩa đệ nhất”.

 

Ư vị lai thế, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, tín Như Lai trí tuệ giả, đương vi diễn thuyết thử Pháp Hoa Kinh, sử đắc văn tri, vi lệnh kỳ nhân đắc Phật tuệ cố.

Ở đời vị lai sau này, nếu có người thiện nam, người thiện nữ, tin trí huệ của Như Lai, thì nên vì họ diễn nói Kinh Pháp Hoa này, khiến cho họ được nghe biết, vì muốn khiến cho họ đắc được trí huệ của Phật.

Khi ở đời vị lai sau này, như có người nam, người nữ, tu năm giới hành thập thiện, tin sâu trí huệ của Như Lai, thì ông nên vì họ diễn nói Kinh Pháp Hoa này, khiến cho họ được nghe Kinh Pháp Hoa, thấu rõ nghĩa lý của Kinh Pháp Hoa. Vì khiến cho họ đắc được trí huệ của Phật.

 

Nhược hữu chúng sanh bất tín thọ giả, đương ư Như Lai dư thâm pháp trung, thị giáo lợi hỉ. Nhữ đẳng nhược năng như thị, tức vi dĩ báo chư Phật chi ân.

Nếu có chúng sinh chẳng tin nhận thọ trì kinh này, thì nên đem pháp thâm sâu khác của Như Lai, mà khai thị giáo hóa họ, khiến cho họ được lợi ích sinh tâm hoan hỷ. Nếu các ông làm được như thế, tức là đã báo được ân đức của chư Phật.

Nếu như có chúng sinh, chẳng những họ chẳng tin Kinh Pháp Hoa, mà họ cũng chẳng thọ trì pháp môn Kinh Pháp Hoa. Vậy các ông nên đem pháp thâm sâu khác của Như Lai, mà khai thị cho họ, giáo hóa họ, khiến cho họ đắc được lợi ích, mà sinh tâm hoan hỷ. Các ông đại chúng làm được như thế, thì đó là đã báo đáp được ân đức của mười phương chư Phật.

 

“Thời chư Bồ Tát Ma Ha Tát, văn Phật tác thị thuyết dĩ, giai đại hoan hỉ biến mãn kỳ thân, ích gia cung kính, khúc cung, đê đầu, hợp chưởng hướng Phật, câu phát thanh ngôn: “Như Thế Tôn sắc, đương cụ phụng hành, duy nhiên, Thế Tôn! Nguyện bất hữu lự.”

Lúc đó, các vị đại Bồ Tát nghe đức Phật nói như thế rồi, thảy đều đại hoan hỷ, khắp toàn thân đều thêm cung kính, khom mình cúi đầu, chắp tay hướng về đức Phật đồng nói rằng : Như lời đức Thế Tôn dạy, chúng con sẽ phụng hành, xin đức Thế Tôn đừng có lo lắng.

Khi các vị đại Bồ Tát đó nghe Ðức Phật nói như thế rồi, thảy đều đại hoan hỷ, toàn thân đều hoan hỷ, rất cung kính đức Phật, bèn khom mình cúi đầu chắp tay hướng về Ðức Phật. Ðại chúng khác miệng cùng lời nói rằng : ‘’Ðức Thế Tôn ! Chúng con xin tuân lời của Ngài dạy, đều y giáo phụng hành, nhất định chẳng quên, xin Ðức Thế Tôn an tâm, đừng lo láng về chuyện này.’’

 

Chư Bồ Tát Ma Ha Tát chúng, Như thị tam phản, câu phát thanh ngôn: “Như Thế Tôn sắc, đương cụ phụng hành.” Duy nhiên, Thế Tôn! Nguyện bất hữu lự.

Các vị đại Bồ Tát bạch như thế ba lần, đều cùng nhau nói : Như lời đức Thế Tôn dạy, chúng con đều sẽ phụng hành, xin đức Thế Tôn đừng có lo lắng.

Các đại chúng Bồ Tát bạch như thế ba lần. Ðại chúng cùng nhau nói rằng : ‘’Ðức Thế Tôn ! Như lời của Ngài dạy, chúng con nhất định y pháp phụng hành. Xin nguyện Ðức Thế Tôn đừng có lo lắng.’’

 

Nhĩ thời Thích Ca Mâu Ni Phật lệnh thập phương lai chư phần thân Phật các hoàn bản độ, Nhi tác thị ngôn: “Chư Phật các tùy sở an. Đa Bảo Phật tháp hoàn khả như cố.”

Bấy giờ, đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khiến cho các đức Phật phân thân đến từ mười phương, đều trở về nước của các Ngài mà nói rằng : Các đức Phật hãy trở về chỗ của mình. Tháp của đức Phật Ða Bảo cũng trở về chỗ cũ.

Lúc đó, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, khiến cho các Ðức Phật phân thân đến từ mười phương, đều trở về cõi nước của các Ngài. Tháp của Phật Ða Bảo đến chứng minh Kinh Pháp Hoa hiện tại, cũng trở về thế giới ở phương dưới.

 

Thuyết thị ngữ thời, thập phương vô lượng phần thân chư Phật tọa bảo thụ hạ sư tử tọa thượng giả, cập Đa Bảo Phật, tinh thượng hàng đẳng vô biên a tăng kì Bồ Tát Đại chúng, Xá Lợi Phất đẳng Thanh văn Tứ Chúng, cập nhất thiết thế gian Thiên, nhân, A Tu La đẳng, văn Phật sở thuyết, giai đại hoan hỉ.

Khi nói lời đó, thì vô lượng phân thân chư Phật trong mười phương, ngồi trên tòa sư tử dưới cây báu, và đức Phật Ða Bảo, cùng với vô biên A tăng kỳ đại chúng Bồ Tát thượng hạnh, Ngài Xá Lợi Phất, hàng Thanh Văn bốn chúng, và tất cả thế gian, trời, người, A tu la, nghe lời đức Phật nói, thảy đều đại hoan hỷ.

Khi Ðức Phật nói lời đó, thì vô lượng phân thân chư Phật trong mười phương, ngồi trên tòa sư tử dưới cây bồ đề, và Ðức Phật Ða Bảo, cùng với vô biên A tăng kỳ đại chúng Bồ Tát thượng hạnh, Xá Lợi Phất và hàng Thanh Văn bốn chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, và tất cả thế gian trời, người, A tu la, nghe lời Phật nói rồi, thảy đều đại hoan hỷ.