Long Vương

Ðại Long Vương. Long (rồng) thuộc về đường súc sinh, nhưng chúng có thần thông, biến lớn, biến nhỏ ; lớn thì trấn đầy biển cả ; nhỏ thì ẩn tàng ở trong hạt bụi. Lúc ẩn lúc hiện, khi ẩn thì nhìn chẳng thấy, khi hiển thì hiện ra. Chúng có bản lãnh biến hóa vô cùng như vậy, lại có oai lực không thể sánh được. Ðáng lý ra chúng phải sung sướng khoái lạc ! Nhưng chúng cũng có bốn thứ thống khổ:

1. Khổ về làm thức ăn cho chim Ðại Bàng: Thứ chim này chuyên ăn rồng, ngoài mười vạn tám ngàn dặm có thể thấy rồng dưới nước (tức là rồng sắp chết), lập tức bay đến bắt ăn.

2. Hành dâm thì khổ.: Rồng đực rồng cái giao hợp, đuôi thì phải hiện ra hình thể con rắn, sự biến hóa này phải chịu đủ thứ thống khổ.

3. Khổ về trùng: Ở trong da rồng có rất nhiều con trùng nhỏ ăn thịt uống máu, rất ngứa ngáy khó chịu, đó cũng là khổ. Phương Tây Thiên Vương tên là Tỳ Lâu Bác Xoa, dịch là “quảng mục”, vì cặp mắt của vị này có đủ thứ màu, thấy rộng bốn phương cho nên được tên này. Vị Thiên Vương này quản hạt hai bộ, một là rồng, hai là Phú Ðơn Na.

4. Khổ về cát nóng đốt thân: Vì trong da có trùng, rồng bèn đến bãi cát nóng, dùng cát chà lăn cho hết ngứa, nhưng cát bị ánh nắng mặt trời, do đó cát rất nóng, khiến cho rồng cũng khó mà chịu được, đó cũng là khổ.

Rồng có bốn thứ sinh: Sinh bằng thai, bằng trứng, bằng biến hóa và sinh bằng ẩm thấp. Biến hóa thành rồng có năm loài:
1. Voi hóa rồng.
2. Rắn hóa rồng.
3. Ngựa hóa rồng.
4. Cá hóa rồng.
5. Ếch hóa rồng.

Voi hình rồng, Long Vương Thiện Trụ là chủ. Rắn hình rồng, Long Vương Nan Ðà là chủ. Ngựa hình rồng, Long Vương A Na Bà Ðạt Ða là chủ. Ếch hình rồng, Long Vương Ma Na Tư là chủ. Năm vị Long Vương đại biểu năm hình rồng. Tâm sân loài rồng rất nặng, thích nóng giận, chuyên phóng chất độc hại người. Vì quá khứ chúng siêng tu pháp đại thừa, cho nên có thần thông, nhưng không giữ giới luật, do đó bị đọa làm súc sinh. Nhiệm vụ của chúng là giữ cung điện cõi trời, nổi mây làm mưa bảo hộ Phật pháp.

1. Long Vương Nan Ðà.

2. Long Vương Bạt Nan Ðà : Nan Ðà là tiếng Phạn, dịch là “hoan hỉ”. Bạt Nan Ðà dịch là “thiện hoan hỉ”. Hai vị Long Vương nầy là hai anh em. Trước kia chúng chẳng giữ quy cụ, nhưng từ khi Ngài Mục Kiên Liên hàng phục được chúng, thì họ trở thành hộ pháp trong Phật giáo. Hai anh em Long Vương nầy, ủng hộ nước Ma Kiệt Ðà, khiến cho phong điều vũ thuận, mưa gió điều hòa thì ngũ cốc dồi dào. Do đó hai vị Long Vương nầy rất có ích lợi cho con người.

3. Long Vương Sa Già La : Sa Già La dịch là “biển mặn”. Vị Long Vương nầy ở trong biển mặn.

4. Long Vương Hòa Tu Cát : Hòa Tu Cát dịch là “nhiều đầu”. Vị Long Vương nầy có bảy đầu, hoặc chín đầu, hoặc mười hai đầu, hoặc mười lăm đầu. Vị Long Vương nầy là vị Long Vương nhiều đầu.

5. Long Vương Ðức Xoa Ca : Ðức Xoa Ca dịch là “hiện độc”. Vị Long Vương nầy hiện ra nhiều chất độc, ai bị chất độc nầy thì sẽ chết.

6. Long Vương A Na Bà Ðạt Ða : A Na Bà Ðạt Ða dịch là “không nhiệt não”, chẳng có nhiệt phiền não.

7. Long Vương Ma Na Tư : Ma Na Tư dịch là “thân lớn”. Vị Long Vương nầy thân thể to lớn, gọi là đại thân Long Vương.

8. Long Vương Ưu Bát La : Ưu Bát La dịch là “thanh liên hoa”. Vị Long Vương nầy gọi là Long Vương Thanh Liên Hoa.

Những đại Long Vương này đều là đại Bồ Tát thị hiện, để quản lý rồng độc không giữ quy cụ, không để cho chúng nổi gió làm sóng hại người, càng không để cho chúng phun chất độc hại người.

Vị Ðại Long Vương thứ nhất tên là Tỳ Lâu Bác Xoa. Dịch là “quảng mục” là một trong bốn vị Thiên Vương, thống lãnh phương tây. Vì vị này quản lý rồng không giữ giới luật, cho nên được tên này.

Vị Ðại Long Vương thứ hai tên là Sa Kiệt La. Dịch là “hải”. Vì vị này là Hải Long Vương, quản lý tất cả rồng trong biển, cho nên được tên này.

Vị Ðại Long Vương thứ ba tên là Vân Âm Diệu Tràng. Vì vị này phát ra một thứ âm thanh, ở trong hư không biến thành mây hình bảo tràng, cho nên được tên này.

Vị Ðại Long Vương thứ tư tên là Diệm Khẩu Hải Quang. Vì trong miệng của vị này phun ra lửa ngọn, lại ở trong biển phóng quang, cho nên được tên này.

Vị Ðại Long Vương thứ năm tên là Phổ Cao Vân Tràng. Vì vị này hiện ra mây cao khắp hết, giống như tràng báu, cho nên được tên này.

Vị Ðại Long Vương thứ sáu tên là Ðức Xoa Ca. Ðức Xoa dịch là “năng hại”. Ca dịch là “sở hại”. Rồng là năng hại, chúng sinh là sở hại. Khi rồng nổi giận thì bất cứ chúng sinh nào, mà vị này thấy đều sẽ bị độc mà chết. Lại dịch là “đa thiệt”, vì vị này thích nói hơn các rồng khác, cho nên được tên này.

Vị Ðại Long Vương thứ bảy tên là Vô Biên Bộ, chẳng có nơi nào mà vị này chẳng đến được, cho nên được tên này.

Vị Ðại Long Vương thứ tám tên là Thanh Tịnh Sắc. Vì vị này có màu sắc thanh tịnh mà không tạp nhiễm, cho nên được tên này.

Vị Ðại Long Vương thứ chín tên là Phổ Văn Ðại Thanh. Vì âm thanh của vị này rất cao xa diệu vợi, truyền đạt đến khắp bốn phương, cho nên được tên này.

Vị Ðại Long Vương thứ mười tên là Vô Nhiệt Não. Vì vị này đắc được pháp thanh lương, chẳng có nhiệt phiền não, cho nên được tên này.

Những vị Ðại Long Vương này đều siêng năng tinh tấn tu tập Phật pháp. Nhiệm vụ của chúng là nổi mây làm mưa, làm cho chúng sinh tiêu diệt nhiệt não, đắc được thanh lương.