Thích Ðề Hoàn Nhân

Thích Ðề Hoàn Nhân : Là tiếng Phạn, dịch là “Năng tác”. Năng là cái gì? được làm Chúa trời. Thích Ðề Hoàn Nhân tức là Chúa trời mà một số người sùng bái. Thích Ðề Hoàn Nhân ở trong Chú Lăng Nghiêm tức là Nhân Ðà La Gia, Nam mô Nhân Ðà La Gia.

Nhân Ðà La Gia tức cũng là Thích Ðề Hoàn Nhân, làm chủ chư thiên cõi trời Tam Thập Tam (trời Ðao Lợi), tức cũng là Ngọc Hoàng Ðại Ðế, mà một số người cung kính. Tuy nhiên ông ta làm Hoàng Ðế trên cõi trời, nhưng còn ở trong pháp giới của sáu cõi phàm, chẳng phải là Thánh Hiền. Cho nên, Thích Ðề Hoàn Nhân là hộ pháp ở trong Phật giáo.

Trong vô lượng kiếp trong quá khứ có một người nữ đi các nơi giúp người làm việc, một ngày nọ cô ta thấy trong ngôi chùa cổ có tượng Phật bằng vàng cũ kỹ tróc sơn, chùa cũng hư hại dột nát. Trong tâm không đành làm ngơ bèn đi tìm người phụ giúp, tìm được ba mươi hai người nữ cùng đi các nơi hóa duyên để sửa chùa lại.

Người nữ này làm chủ công đức đề xướng sửa chùa, sơn tượng lại trang hoàng đẹp đẽ. Do công đức này sở cảm, mạng chung được sinh lên cõi trời Đao Lợi, do thiện nghiệp sở cảm được làm thiên chủ, tức là phần đông thường nói là chân thần. Chung quanh trời Đao Lợi, đông tây nam bắc mỗi hướng có tám cõi trời cộng thành ba mươi hai với chính giữa cộng thành ba mươi ba ! Thiên chủ cõi trời Tam Thập Tam là tiền thân của người nữ ấy, tức cũng là chân thần, thượng đế, chủ tể vạn vật mà Gia Tô Giáo, Thiên Chúa Giáo sùng bái. Vì y làm thiên chủ cõi trời và cai quản nhân gian.

Nhân Đà La này là Trời Đế Thích, một danh hiệu trong 108 danh hiệu. Trong Kinh Di Đà xưng là Thích Đề Hoàn Nhân. Thích dịch là “năng”, Đề Hoàn dịch là “Thiên” (trời), Nhân tức là Nhân Đà La Gia dịch là “chủ” (chúa), tức là năng thiên chủ, có khả năng làm chủ cõi trời.

Ba mươi hai người nữ đó làm thiên chủ cõi trời Tam Thập Nhị, cộng với người nữ chủ xướng công đức thành thiên chủ trời Tam Thập Tam. Vị thiên chủ này gọi là Thích Ðề Hoàn Nhân (còn gọi là Ngọc Hoàng thượng đế). Thành của vị này ở gọi là Thành Thiện Kiến, dùng vàng ròng làm thành, chính giữa thành có một lầu các, dùng bảy báu tạo thành, tức là cung điện của thiên chủ.

10 trong 32 vị thiên vương đó là:
Vị Thiên Vương Tam Thập Tam thứ nhất tên là Phổ Xưng Mãn Âm. Vì vị này có đức hạnh, cho nên khắp nơi đều xưng dương, tán thán ca tụng, âm thanh vang dội khắp trời đất, cho nên được tên này.

Vị Thiên Vương Tam Thập Tam thứ hai tên là Từ Mục Bảo Kế. Vì mắt của vị này rất từ bi, lại có bảo kế, phóng đại quang minh, cho nên được tên này.

Vị Thiên Vương Tam Thập Tam thứ ba tên là Bảo Quang Tràng Danh Xưng. Vì vị này dùng quang minh bảy báu để trang nghiêm tràng báu, trở thành danh xưng cho nên được tên này.

Vị Thiên Vương Tam Thập Tam thứ tư tên là Phát Sinh Hỷ Lạc Kế. Vì bảo kế của vị này phóng quang minh, khi chúng sinh thấy được, thì sinh tâm hoan hỷ và khoái lạc, cho nên được tên này.

Vị Thiên Vương Tam Thập Tam thứ năm tên là Khả Ái Lạc Chánh Niệm. Vì vị này có chánh niệm, cho nên được người ái kính, khiến cho người vui thích, cho nên được tên này.

Vị Thiên Vương Tam Thập Tam thứ sáu tên là Tu Di Thắng Âm. Vì vị này có âm thanh thù thắng, siêu hơn núi Tu Di, cho nên được tên này.

Vị Thiên Vương Tam Thập Tam thứ bảy tên là Thành Tựu Niệm. Vì vị này khiến cho chúng sinh, đạt thành tâm nguyện, thành tựu thiện niệm của chúng sinh, cho nên được tên này.

Vị Thiên Vương Tam Thập Tam thứ tám tên là Khả Ái Lạc Tịnh Hoa Quang. Vì vị này là mắt lành từ bi, bất cứ ai thấy thì đều phát tâm cung kính, vui thích. Ðức hạnh của vị này thanh tịnh như ánh sáng hoa sen, cho nên được tên này.

Vị Thiên Vương Tam Thập Tam thứ chín tên là Trí Nhựt Nhãn. Vì vị này có mắt trí huệ, sáng như ánh sáng mặt trời, cho nên được tên này.

Vị Thiên Vương Tam Thập Tam thứ mười tên là Tự Tại Quang Minh Năng Giác Ngộ. Vì vị này vừa tự tại vừa quang minh, năng giác ngộ tất cả chúng sinh, cho nên được tên này.