Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Tùy Hảo Quang Minh Công Đức

Kinh Hoa Nghiêm

Đại Phương Quảng Phật

giảng giải

Phẩm Thứ 35

Hòa Thượng TUYÊN HÓA
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Ðịnh

— o0o —

PHẨM NHƯ LAI TÙY HẢO QUANG MINH CÔNG ĐỨC

Như Lai có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, tướng tốt trang nghiêm thân. Tám mươi vẻ đẹp là từ ba mươi tướng tốt mà ra. Phẩm này là Phẩm Vẻ Đẹp Quang Minh Công Đức của Như Lai, thuộc về Phẩm thứ Ba Mươi Lăm trong Kinh Hoa Nghiêm.

 

Nhĩ thời, Thế Tôn cáo bảo thủ Bồ Tát ngôn:

Phật tử! Như Lai, ưng, chánh đẳng giác hữu tùy hảo, danh: viên mãn Vương. thử tùy hảo trung xuất đại quang minh, danh vi: sí thịnh, thất bách vạn a-tăng-kì quang minh nhi vi quyến thuộc.

Phật tử ! Như Lai Ứng Ðẳng Chánh Giác có tùy hảo tên là Viên Mãn Vương. Trong tùy hảo này phóng đại quang minh tên là Xí Thạnh, có bảy trăm vạn a tăng kỳ quang minh làm quyến thuộc.

Giảng: Lúc đó, Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Bảo Thủ nói rằng : Phật tử ! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, có một vẻ đẹp tên là Viên mãn vương, trong vẻ đẹp đó, phóng ra đại quang minh, tên là Xí thạnh. Có bảy trăm vạn A tăng kỳ quang minh làm quyến thuộc.

 

Phật tử! ngã vi Bồ Tát thời, ư Đâu suất thiên cung phóng đại quang minh, danh: quang tràng Vương, chiếu thập Phật sát vi trần số thế giới.

Phật tử ! Lúc ta làm Bồ Tát, ở cung trời Ðâu Suất, ta phóng đại quang minh tên là Quang Tràng Vương chiếu mười Phật sát vi trần số thế giới.

Giảng: Đức Phật lại gọi một tiếng Phật tử ! Khi ta làm Bồ Tát, ở tại cung trời Đâu Suất (trời Tri Túc), phóng đại quang minh, tên là Quang tràng vương. Quang minh đó chiếu đến các thế giới nhiều như số hạt bụi mười cõi Phật.

 

Bỉ thế giới trung địa ngục chúng sanh, ngộ tư quang giả, chúng khổ hưu tức, đắc thập chủng thanh Tịnh nhãn, nhĩ, tỳ, thiệt, thân, ý diệc phục như thị, hàm sanh hoan hỉ, dõng dược xưng khánh,

Trong những thế giới đó, chúng sanh nơi địa ngục gặp được quang minh này thời liền hết khổ được mười thứ thanh tịnh nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý cũng như vậy. Họ đều vui mừng hớn hở.

Giảng: Trong các thế giới đó, tất cả chúng sinh trong địa ngục, phàm là người nào gặp được quang minh đó, thì các khổ đều được tiêu diệt, lìa khổ được vui. Đắc được mười thứ mắt thanh tịnh, mười thứ tai thanh tịnh, mười thứ mũi thanh tịnh, mười thứ lưỡi thanh tịnh, mười thứ thân thanh tịnh, mười thứ ý thanh tịnh. Hết thảy chúng sinh đều sinh tâm hoan hỉ, nhảy nhót hớn hở vui mừng.

 

Tòng bỉ mạng chung sanh Đâu suất thiên. Thiên trung hữu cổ, danh: thậm khả ái lạc. Bỉ Thiên sanh dĩ, thử cổ phát âm nhi cáo chi ngôn: chư Thiên Tử! nhữ dĩ tâm bất phóng dật, ư Như Lai sở chủng chư thiện căn, vãng tích thân cận chúng thiện tri thức. Tỳ Lô Giá Na Đại uy thần lực, ư bỉ mạng chung lai sanh thử Thiên.

Từ địa ngục chết, họ sanh về cõi trời Ðâu Suất. Trong cõi trời này có cái trống tên là Thậm khả ái nhạo. Khi những trời mới sanh xong thời cái trống đó phát âm bảo họ rằng : Này các Thiên Tử ! Do người chẳng phóng dật, ở chỗ đức Như Lai gieo căn lành, ngày trước gần gũi các thiện tri thức nên nhờ oai lực của đức Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát, các người thoát khỏi địa ngục mà sanh về đây.

Giảng: Từ địa ngục chết đi, họ được sinh về Trời Đâu Suất (từng trời thứ tư của dục giới). Trên cõi trời nầy có cái trống trời, tên là Thậm khả ái lạc. Chúng sinh được sinh về cõi trời nầy rồi, thì cái trống đó tự phát ra âm thanh mà bảo rằng :

Các vị Thiên tử ! Các ông tâm đừng phóng dật, ở chỗ Như Lai phải gieo trồng tất cả căn lành. Do thuở xưa các ông đã từng gần gũi các vị thiện tri thức, nhờ đại oai thần lực của Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát, khi các ông trong địa ngục chết đi, mới được sinh về cõi trời Đâu Suất này

 

Phật tử! Bồ Tát túc hạ thiên phước luân, danh: quang minh phổ chiếu Vương. Thử hữu tùy hảo, danh: viên mãn Vương, thường phóng tứ thập chủng quang minh. Trung hữu nhất quang, danh: thanh tịnh công đức, năng chiếu ức na-do-tha Phật sát vi trần số thế giới, tùy chư chúng sanh chủng chủng nghiệp hành, chủng chủng dục lạc giai lệnh thành thục.

Phật tử ! Dưới bàn chân của Bồ Tát có thiên bức luân tên là Quang minh phổ chiếu vương. Nơi đây có tùy hảo tên là Viên Mãn Vương thường phóng bốn mươi thứ quang minh. Trong đó có một quang minh tên là thanh tịnh công đức có thể chiếu ức na do tha Phật sát vi trần số thế giới, tùy những nghiệp hành, những dục lạc của chúng sanh đều làm cho họ được thành thục

Giảng: Phật tử ! Ở dưới chân của Bồ Tát có bánh xe ngàn căm (đối với cha mẹ, và sư trưởng, dùng tiền tài cúng dường đúng như pháp, thì đắc được tướng này), tên là Quang minh phổ chiếu vương. Tướng bánh xe ngàn căm có một vẻ đẹp, tên là Viên mãn vương, thường thường phóng ra bốn mươi thứ quang minh. Trong những quang minh đó, có một quang minh, tên là Thanh tịnh công đức. Quang minh đó, chiếu đến các thế giới nhiều như số hạt bụi ức Na do tha cõi Phật. Tuỳ theo đủ thứ nghiệp và đủ thứ hạnh của tất cả chúng sinh tu; đủ thứ dục vọng và đủ thứ khoái lạc, đều khiến cho họ thành thục, toại tâm mãn nguyện, đạt được nguyện vọng mong cầu.

 

A-tỳ địa ngục cực khổ chúng sanh, ngộ tư quang giả, giai tất mạng chung sanh Đâu suất thiên.

Chúng sanh nơi A Tỳ địa ngục gặp quang minh này thời đều mạng chung sanh về cõi trời Ðâu Suất.

Giảng: A tỳ dịch là vô gián, vì địa ngục này chẳng có không gian. Một người cũng chật đầy, nhiều người cũng chật đầy, cho nên gọi là vô gián. Lại có lối nói khác là, từ khi bắt đầu thọ khổ, chẳng có lúc nào gián đoạn, cho nên gọi là vô gián. Chúng sinh địa ngục A tỳ thọ cực hình rất khổ, khổ khó mà nói được, không cách chi hình dùng được. Nếu ai gặp được quang minh của Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát, thảy đều khiến cho họ khi chết đi, thì được sinh về cõi trời Đâu Suất, hưởng sự an vui ở cõi trời.

 

Ký sanh thiên dĩ, văn thiên cổ âm nhi cáo chi ngôn: Thiện tai thiện tai! chư Thiên Tử! Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát nhập ly cấu tam muội, nhữ đương kính lễ.

Ðã sanh thiên rồi, thời nơi trống phát âm bảo họ rằng : Lành thay ! Lành thay ! Các Thiên Tử ! Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát nhập ly cấu tam muội, các Thiên Tử nên đảnh lễ.

Giảng: Chúng sinh địa ngục, nhờ quang minh của Bồ Tát chiếu đến, cho nên được sinh về cõi trời. Sinh về cõi trời rồi, liền nghe tiếng trống trời phát ra nói rằng : Lành thay ! Lành thay ! Các vị Thiên tử ! Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát đã nhập vào tam muội Ly cấu, các ông nên cung kính lễ lạy ba lần.

 

Nhĩ thời, chư Thiên Tử văn thiên cổ âm như thị khuyến hối, hàm sanh thị niệm: kì tai hy hữu! hà nhân phát thử vi diệu chi âm

Các Thiên Tử nghe tiếng trống phát âm khuyến cáo như vậy đều nghĩ rằng : Lạ lùng ít có, nhơn gì mà phát tiếng vi diệu như vậy.

Giảng: Lúc đó, các vị Thiên tử đó, nghe tiếng trống trời khuyên dạy như vậy. Họ đều nghĩ như vầy : « Kỳ lạ ít có ! Đây là việc kỳ lạ ít có, do nguyên nhân gì mà trống trời tự nhiên phát ra tiếng vi diệu không thể nghĩ bàn nầy ?

 

Thị thời, Thiên cổ cáo chư Thiên Tử ngôn: ngã sở phát thanh, chư thiện căn lực chi sở thành tựu.

Thiên cổ liền bảo các Thiên Tử rằng : Tiếng của ta phát ra là do sức những thiện căn làm thành

Giảng: Lúc đó, trống trời bảo các Thiên tử rằng : Tôi phát ra tiếng là do thuở xưa đã từng gieo trồng đủ thứ căn lành, tu hành đủ thứ công đức, mới có sức lực này, nên mới thành tựu.

 

Chư Thiên Tử! như ngã thuyết ngã, nhi bất trước ngã, bất trước ngã sở ;nhất thiết chư Phật diệc phục như thị, tự thuyết thị Phật, bất trước ư ngã, bất trước ngã sở.

Chư Thiên Tử! Như ta nói ta mà không chấp ta, không chấp của ta, tất cả chư Phật cũng như vậy, tự nói là thật mà chấp ngã và ngã sở.

Giảng: Các vị Thiên tử ! Giống như tôi tự nói tôi, tuy có cái tôi, nhưng chẳng chấp trước vào cái tôi, cũng chẳng chấp trước vào những gì của tôi. Mười phương ba đời tất cả chư Phật, cũng lại như thế. Phật tự nói mình là Phật, nhưng mà chẳng chấp trước vào tướng tôi, cũng chẳng chấp trước vào của tôi. Cũng chẳng tồn tại tướng cái tôi, chẳng còn chấp trước vào của tôi.

 

Chư Thiên Tử! như ngã âm thanh bất tùng Đông phương lai, bất tùng Nam Tây Bắc phương, tứ duy thượng hạ lai; nghiệp báo thành Phật diệc phục như thị, phi thập phương lai.

Chư Thiên Tử ! Như âm thanh của ta chẳng từ phương Ðông đến, chẳng từ mười phương đến, nghiệp báo thành Phật cũng như vậy, chẳng phải từ mười phương đến.

Giảng: Các vị Thiên tử ! Giống như tiếng trống của tôi phát ra, chẳng phải từ phương đông đến, cũng chẳng phải từ phương nam tây bắc đến, càng chẳng phải từ bốn hướng trên dưới đến. Phật do thiện nghiệp mà thành tựu, cũng là đạo lý như thế, chẳng phải từ mười phương đến.

 

Chư Thiên Tử! thí như nhữ đẳng tích tại địa ngục, địa ngục cập thân phi thập phương lai, đãn do ư nhữ điên đảo ác nghiệp ngu si triền phược, sanh địa ngục thân, thử vô căn bổn, vô hữu lai xứ

Chư Thiên Tử ! Như các người xưa ở địa ngục, thân và địa ngục chẳng phải mười phương đến, chỉ do các người điên đảo, ác nghiệp, ngu si, triền phược mà sanh thân địa ngục, đây không căn bổn, không có chỗ nào đến.

Giảng: Các vị Thiên tử ! Ví như xưa kia, khi các ông ở trong địa ngục. Địa ngục và nghiệp thân thọ khổ chẳng từ mười phương đến, mà do các ông điên đảo tạo nghiệp ác, ngu si bị trói buộc, cho nên mới sinh thân địa ngục. Đây không có gốc rễ, là do nghiệp báo thành tựu, chẳng có nơi đến.

 

Chư Thiên Tử! Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát uy đức lực cố phóng đại quang minh, nhi thử quang minh phi thập phương lai.

Chư Thiên Tử ! Do oai đức lực của Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát nên có quang minh phóng ra, nhưng quang minh này chẳng phải từ mười phương đến.

Giảng: Các vị Thiên tử ! Do sức oai đức của Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát, cho nên phóng đại quang minh, mà quang minh đó, chẳng từ mười phương đến, là do thuở xưa tu căn lành thanh tịnh mà ra.

 

Chư Thiên Tử! ngã thiên cổ âm diệc phục như thị, phi thập phương lai, đãn dĩ tam muội thiện căn lực cố, Bát-nhã Ba-la-mật uy đức lực cố, xuất sanh như thị thanh tịnh âm thanh, thị hiện như thị chủng chủng tự tại.

Cũng vậy, tiếng thiên cổ ta phát ra cũng chẳng phải từ mười phương đến, chỉ do sức tam muội thiện căn, sức oai đức Bát nhã Ba la mật mà xuất sanh âm thanh, thanh tịnh như vậy, thị hiện những tự tại như vậy.

Giảng: Các vị Thiên tử ! Tiếng trống trời của tôi cũng lại như thế, chẳng phải từ mười phương đến. Đó là do nhờ sức căn lành tam muội mà ra, cũng là do sức oai đức Bát nhã ba la mật thuở xưa tu hành, mà sinh ra âm thanh thanh tịnh như vậy, thị hiện đủ thứ tự tại như vậy.

 

Chư Thiên Tử! thí như Tu Di Sơn Vương hữu tam thập tam thiên thượng diệu cung điện chủng chủng lạc cụ, nhi thử lạc cụ phi thập phương lai, ngã thiên cổ âm diệc phục như thị, phi thập phương lai.

Chư Thiên Tử ! Như núi Tu Di, trên đảnh có cung điện thượng diệu của tam thập tam thiên, các đồ vui sướng, nhưng những đồ vui này chẳng phải từ mười phương đến. Cũng vậy, tiếng thiên cổ ta chẳng phải từ mười phương đến.

Giảng: Các vị Thiên tử ! Ví như núi chúa Tu Di, phía trên có cung điện trời Tam Thập Tam rất đẹp. Có đủ thứ đồ vui, mà đồ vui đó, chẳng phải từ mười phương đến. Tiếng trống trời của tôi, cũng lại như thế, chẳng phải từ mười phương đến.

 

Chư Thiên Tử! thí như ức na-do-tha Phật sát vi trần số thế giới tận mạt vi trần, ngã vi như thị trần số chúng sanh, tùy kỳ sở lạc nhi diễn thuyết Pháp, lệnh đại hoan hỉ, nhiên ngã ư bỉ bất sanh bì yếm, bất sanh thoái khiếp, bất sanh kiêu mạn, bất sanh phóng dật.

Chư Thiên Tử ! Ví như ức na do tha Phật sát vi trần thế giới đều nghiền ra thành vi trần. Ta vì chúng sanh như số vi trần ấy, theo sở thích của họ mà thuyết pháp khiến họ rất vui mừng. Ta đối với họ chẳng sanh mỏi chán, chẳng sanh thối khiếp, chẳng sanh kiêu mạn, chẳng sanh phóng dật.

Giảng: Các vị Thiên tử ! Ví như các thế giới nhiều như số hạt bụi ức Na do tha cõi Phật, thảy đều nghiền nát hết làm bụi. Tôi vì chúng sinh nhiều như số hạt bụi như vậy. Tuỳ theo sở thích của họ mà diễn nói pháp, khiến cho họ sinh tâm đại hoan hỉ, mà tôi đối với họ chẳng sinh tâm mệt mỏi, cũng chẳng sinh tâm thối lùi khiếp sợ, cũng chẳng sinh tâm tâm kiêu mạn, chẳng sinh tâm phóng dật.

 

Chư Thiên Tử! Tỳ Lô Giá Na Bồ-tát trụ ly cấu tam muội diệc phục như thị, ư hữu thủ chưởng nhất tùy hảo trung phóng nhất quang minh, xuất hiện vô lượng tự tại thần lực, nhất thiết Thanh văn, Bích Chi Phật thượng bất năng trai, huống chư chúng sanh!

Chư Thiên tử ! Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát trụ ly cấu tam muội cũng như vậy. Nơi bàn tay hữu trong một tùy hảo phóng một quang minh xuất hiện vô lượng thần lực tự tại. Tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật còn chẳng biết được huống là các chúng sanh.

Giảng: Các vị Thiên tử ! Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát trụ tam muội Ly cấu, cũng lại như thế. Có một vẻ đẹp trong lòng bàn tay phải, phóng ra một luồng quang minh. Trong quang minh đó hiện ra vô lượng thần lực tự tại. Tất cả Thanh Văn và tất cả Bích Chi Phật, còn không thể biết được quang minh đó từ đâu đến, hà huống là tất cả phàm phu chúng sinh, càng không thể biết được từ nơi nào đến.

 

Chư Thiên Tử! nhữ đương vãng nghệ bỉ Bồ Tát sở thân cận cúng dường, vật phục tham trước ngũ dục lạc cụ, trước ngũ dục lạc chướng chư thiện căn.

Chư Thiên Tử ! Các người nên qua cúng dường và gần gũi Bồ Tát đó, chớ có tham đắm nơi đồ vui ngũ dục. Tham nơi đồ vui ngũ dục thời chướng những thiện căn.

Giảng: Các vị Thiên tử ! Các ông nên đi đến chỗ Bồ Tát Tỳ Lô Giá Na, để gần gũi Ngài, cúng dường Ngài. Đừng tham luyến đồ vui năm dục. Nếu tham ái vui năm dục, thì sẽ làm chướng ngại sự tu các căn lành.

 

Chư Thiên Tử! thí như kiếp hỏa thiêu Tu-di sơn, tất lệnh trừ tận, vô dư khả đắc, tham dục triền tâm diệc phục như thị, chung bất năng sanh niệm Phật chi ý.

Chư Thiên Tử ! Ví như kiếp hỏa đốt cháy núi Tu Di tiêu tan không còn sót. Sự tham dục ràng buộc nơi tâm cũng như vậy, trọn chẳng thể sanh lòng niệm Phật.

Giảng: Các vị Thiên tử ! Ví như kiếp lửa trong ba nạn lớn, thiêu huỷ sạch hết núi Tu Di, không còn dư thừa. Tâm tham ái năm dục ràng buộc, cũng giống như bị kiếp lửa thiêu huỷ sạch hết, gì cũng không còn, trọn không thể sinh tâm niệm Phật.

 

Chư Thiên Tử! nhữ đẳng ứng đương tri ân báo ân.

Chư Thiên Tử ! Các người nên phải biết ơn và báo ơn.

Giảng: Các vị Thiên tử ! Các ông là chúng sinh thọ cực khổ trong địa ngục, mà được Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát phóng đại quang minh, cứu các ông ra khỏi địa ngục, mới được vãng sinh về cõi trời Đâu Suất. Các ông nên biết ân đức của Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát, nay nên phải biết ân báo ân đức Ngài.

 

Chư Thiên Tử! kỳ hữu chúng sanh bất tri báo ân, đa tao hoạnh tử, sanh ư địa ngục.

Những chúng sanh chẳng biết ơn và báo ơn phần nhiều bị hoạnh tử đọa vào địa ngục.

Giảng: Các vị Thiên tử ! Phàm là chúng sinh thọ được ân đức của Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát, nếu có chúng sinh chẳng biết báo ân, thì nhất định phần nhiều gặp sự chết ngoài ý muốn. Ví như bị tai nạn xe hơi mà chết, rớt máy bay ma chết, chìm thuyền mà chết, trật đường rầy xe lửa mà chết. Tóm lại, phàm là chết chẳng chánh đáng, tức là hoạnh tử. Sau khi chết đi, sẽ sinh vào địa ngục, thọ quả báo khổ.

 

Chư Thiên Tử! nhữ đẳng tích tại địa ngục chi trung, mông quang chiếu thân, xả bỉ sanh thử, nhữ đẳng kim giả nghi tật hồi hướng, tăng trưởng thiện căn.

Chư Thiên Tử ! Các người xưa kia ở trong địa ngục nhờ quang minh chiếu đến thân mà thoát nơi kia sanh về đây. Các người phải mau hồi hướng tăng trưởng thiện căn.

Giảng: Các vị Thiên tử ! Khi thuở xưa các ông ở trong địa ngục, nhờ hào quang của Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát chiếu đến thân các ông, các ông mới được xả bỏ thân địa ngục mà sinh về cõi trời Đâu Suất. Các ông hôm nay nên mau chóng hồi hướng, để tăng trưởng căn lành của các ông.

 

Chư Thiên Tử! như ngã Thiên cổ, phi nam phi nữ, nhi năng xuất sanh vô lượng vô biên bất tư nghị sự. Nhữ Thiên Tử, Thiên nữ diệc phục như thị, phi nam phi nữ, nhi năng thọ dụng chủng chủng thượng diệu cung điện viên lâm.

Như ngã Thiên cổ bất sanh bất diệt, sắc, thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị bất sanh bất diệt. nhữ đẳng nhược năng ư thử ngộ giải, ứng tri tức nhập vô y ấn tam muội.

Chư Thiên Tử ! Như ta, thiên cổ chẳng phải nam, chẳng phải nữ, mà có thể hiện vô lượng vô biên sự bất tư nghì. Cũng vậy, chư Thiên Tử các người chẳng phải nam nữ mà hay thọ dụng những thứ cung điện viên lâm thượng diệu.

Như thiên cổ ta chẳng sanh chẳng diệt, sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy, chẳng sanh chẳng diệt. Các người nếu có thể hiểu được như vậy, nên biết là đã được nhập vô y ấn tam muội.

Giảng: Các vị Thiên tử ! Như Trống trời tôi đây, chẳng phải nam, cũng chẳng phải nữ, mà hay sinh ra vô lượng vô biên sự việc không thể nghĩ bàn. Các vị Thiên tử và Thiên nữ, cũng giống như Trống trời tôi đây, chẳng phải nam, cũng chẳng phải nữ, mà được thọ dụng đủ thứ cung điện và vườn rừng tốt đẹp.

Như Trống trời tôi đây, chẳng sinh cũng chẳng diệt, sắc thọ tưởng hành thức năm uẩn, cũng lại như thế, chẳng sinh cũng chẳng diệt. Nếu các ông ngộ hiểuđược đạo lý này, nên biết liền nhập vào tam muội Vô y ấn.

 

Thời, chư Thiên Tử văn thị âm dĩ, đắc vị tằng hữu, tức giai hóa tác nhất vạn hoa vân, nhất vạn hương vân, nhất vạn âm lạc vân, nhất vạn tràng vân, nhất vạn cái vân, nhất vạn Ca tán vân, tác thị hóa dĩ, tức cọng vãng nghệ Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát sở trụ cung điện, hợp chưởng cung kính, ư nhất diện lập, dục thân chiêm cận nhi bất đắc kiến.

Chư Thiên Tử nghe tiếng trống trên đây xong, đều được chưa từng có. Liền hóa làm một vạn lùm mây hoa, một vạn lùm mây hương, một vạn lùm mây âm nhạc, một vạn lùm mây tràng, một vạn lùm mây lọng, một vạn lùm cây ca tụng, rồi cùng nhau qua cung điện của Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát ngự, đồng chắp tay cung kính đứng qua một phía muốn được chiêm ngưỡng Bồ Tát mà chẳng được thấy.

Giảng: Lúc đó, các Thiên tử nghe tiếng Trống trời nói rồi, cảm thấy đây là việc chưa từng có, chưa từng nghe qua diệu pháp này, lập tức đều hoá làm một vạn mây hoa, một vạn mây hương thơm, một vạn mây âm nhạc, một vạn mây tràng, một vạn mây lọng, một vạn mây ca ngợi .v.v… Hoá làm đủ thứ như vậy rồi, những vị Thiên tử đó cùng nhau đi đến chỗ cung điện của Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát ở, chắp tay cung kính, đứng qua một bên, đều muốn chiêm ngưỡng tôn nhan của Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát, nhưng chẳng thấy được.

 

Thời, hữu Thiên Tử tác như thị ngôn: Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát dĩ tòng thử một, sanh ư nhân gian Tịnh Phạn Vương gia, thừa chiên đàn lâu các, xứ Ma Da Phu nhân thai.

Bấy giờ có vị Thiên Tử bảo rằng : Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát đã ẩn nơi đây mà sanh xuống nhơn gian nơi cung của nhà vua Tịnh Phạn, ngự lầu các chiên đàn ở thai bà Ma Gia phu nhơn.

Giảng: Lúc đó, có vị Thiên tử nói như vầy: Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát, đã từ đây chết đi, sinh vào trong nhà vua Tịnh Phạn tại nhân gian, ngồi trong lầu các chiên đàn, ở trong thai Ma Gia phu nhân.

Bồ Tát trụ thai thanh tịnh, giống như ở trong cung điện vườn rừng.

 

Thời, chư Thiên Tử dĩ Thiên nhãn quán kiến Bồ Tát thân, xứ tại nhân gian Tịnh Phạn Vương gia, phạm thiên, dục thiên thừa sự cúng dường.

Chư Thiên Tử dùng thiên nhãn xem, thấy thân Bồ Tát ở nhà vua Tịnh Phạn tại nhơn gian. Phạm Thiên, Dục Thiên chầu hầu cúng dường.

Giảng: Lúc đó, các vị Thiên tử dùng thiên nhãn vô ngại để quán sát, thì thấy thân Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát, ở tại nhân gian trong cung vua Tịnh Phạn. Lúc đó, có các vị trời Phạm Thiên Vương, và trời Lục Dục Thiên Vương, đều thừa sự cúng dường.

 

Chư Thiên Tử chúng hàm tác thị niệm: ngã đẳng nhược bất vãng Bồ Tát sở vấn tấn khởi cư, nãi chí nhất niệm ư thử Thiên cung nhi sanh ái trước, tức vi ất khả.

Chư Thiên Tử đều nghĩ rằng : Nếu chúng ta chẳng đến thăm viếng thưa hỏi Bồ Tát, mà ái trước nơi Thiên cung này dầu chỉ một niệm cũng là không nên.

Giảng: Tất cả đại chúng Thiên tử đều nghĩ như vầy : Nếu chúng ta không đến chỗ Bồ Tát thưa hỏi, cho đến một niệm sinh tâm ái trước phước báo cung trời Đầu Suất nầy, thì không thể được, chúng ta phải biết ân báo ân.

 

Thời, nhất nhất Thiên Tử dữ thập na-do-tha quyến thuộc dục hạ Diêm-phù-đề.

Mỗi mỗi Thiên tử cùng quyến thuộc mười na do tha người sắp sửa xuống Diêm Phù Ðề.

Giảng: Lúc đó, hết thảy các Thiên tử cùng với mười Na do tha quyến thuộc, đều muốn hàng xuống thế giới Ta Bà cõi Diêm Phù Đề, đến cung vua Tịnh Phạn, lễ bái Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát.

 

Thời, Thiên cổ trung xuất thanh cáo ngôn: chư Thiên Tử! Bồ-Tát Ma-ha-tát phi thử mạng chung nhi sanh bỉ gian, đãn dĩ thần thông, tùy chư chúng sanh tâm chi sở nghi, lệnh kỳ đắc kiến.

Trong thiên cổ phát âm bảo rằng : Chư Thiên Tử ! Ðại Bồ Tát chẳng phải mạng chung ở đây mà sanh nơi kia. Chỉ dùng thần thông tùy tâm sở nghi của các chúng sanh làm cho họ được thấy.

Giảng: Lúc đó, trong Trống trời lại phát ra âm thanh bảo tất cả các Thiên tử rằng: Các vị Thiên tử ! Tỳ Lô Giá Na là đại Bồ Tát trong các Bồ Tát. Ngài chẳng phải từ cung trời Đâu Suất mạng chung, sinh về thế giới Ta Bà. Mà là dùng sức thần thông, tuỳ thuận tâm của tất cả chúng sinh mà thị hiện thọ sinh, khiến cho tất cả chúng sinh đều được thấy quá trình tám tướng thành đạo của Bồ Tát.

 

Chư Thiên Tử! như ngã kim giả, phi nhãn sở kiến, nhi năng xuất thanh ;Bồ-Tát Ma-ha-tát nhập ly cấu tam muội diệc phục như thị, phi nhãn sở kiến, nhi năng xứ xứ thị hiện thọ sanh, ly phân biệt, trừ kiêu mạn, vô nhiễm trước.

Như ta hiện nay chẳng phải mắt thấy mà hay phát âm. Ðại Bồ Tát nhập ly cấu tam muội cũng như vậy, chẳng phải mắt thấy mà hay thị hiện thọ sanh các nơi, lìa phân biệt, trừ kiêu mạn, không nhiễm trước.

Giảng: Các vị Thiên tử ! Như nay Trống trời tôi đây, tuy chẳng có con mắt, không thể nhìn thấy tất cả sự vật, mà tôi hay phát ra tiếng. Đại Bồ Tát nhập vào tam muội Ly cấu, cũng lại như thế. Chẳng phải mắt thấy, mà Ngài đến khắp nơi thị hiện tướng thọ sinh. Lìa khỏi sự phân biệt, diệt trừ tất cả kiêu mạn, không còn mọi nhiễm ô, chẳng còn mọi sự chấp trước.

 

Chư Thiên Tử! nhữ đẳng ưng phát a nậu đa la tam miệu tam Bồ-Đề tâm, tịnh trì kỳ ý, trụ thiện uy nghi,

Chư Thiên Tử nên phát tâm Vô thượng Bồ đề, trị sạch ý mình, gìn oai nghi lành

Giảng: Các vị Thiên tử ! Các ông nên phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề (Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác), nên tịnh trị ý mình, tức là Phật đạo. Khéo trụ oai nghi, không còn mao bệnh. Tức là tiến lùi có oai đức và nghi tắc, đi đứng nằm ngồi bốn đại oai nghi, đều hợp với pháp, do đó có câu :

Đi như gió
Đứng như tùng
Ngồi như chung
Nằm như cung.

Đó là tiêu chuẩn oai nghi, còn có ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh.

Hiện tại chúng ta đang tham thiền đả toạ (thiền thất), tức là tịnh trị ý mình. Tịnh trị tâm mình, điều trị tâm mình, hàng phục tâm tham sân si ba độc, khiến cho không còn dấu vết nữa, chỉ có vô sinh pháp nhẫn (không thấy có chút pháp sinh, không thấy có chút pháp diệt, nhẫn thọ nơi tâm). Trong thiền đường, khi ngồi, khi đi, không người, không ta, không chúng sinh, không thọ giả. Khi đi, trên chẳng biết có trời, giữa chẳng biết có người, dưới chẳng biết có đất, như vậy ở trong thiền đường và ở ngoài thiền đường, sẽ trở thành một khối, thành một thể. Thiền đường giống như pha lê, trong ngoài trong suốt, thân thể của chúng ta, tham đến trong ngoài thấu suốt, tơ hào không có chướng ngại. Nếu nhẫn không được, thì sẽ có chướng ngại. Không có chướng ngại thì sẽ nhẫn được. Khi ngồi không biết ngồi, khi đi không biết đi. Lúc đó, thật sự đạt đến cảnh giới : Không người, không ta, không chúng sinh, không thọ giả. Tuy nhiên chẳng còn tướng ta, tướng người, tướng chúng sinh, tướng thọ giả, nhưng ta người chúng sinh thọ giả, vẫn tồn tại. Chỉ là ở trên phần của mình, tất cả đều không, bên trong chẳng biết có người, bên ngoài chẳng biết có thân, lại chẳng biết có tất cả sự vật, đồng một thể với hư không. Tận hư không khắp pháp giới, chẳng còn một niệm vọng tưởng. Khi tham đến cảnh giới này, thì tự nhiên sẽ có tin tức tốt.

 

Hối trừ nhất thiết nghiệp chướng, phiền não chướng, báo chướng, kiến chướng,

Sám hối trừ tất cả nghiệp chướng, phiền não chướng, báo chướng, kiến chướng.

Giảng: Các vị Thiên tử ! Các ông nên sám hối, cần phải tiêu trừ tất cả nghiệp chướng, tức là nghiệp ác do thân miệng ý ba nghiệp đã tạo ra. Phải tiêu trừ tất cả phiền não chướng, tức là tư hoặc của tham sân si ba ác dẫn đến phiền thân não tâm. Phải tiêu trừ tất cả báo chướng, tức là khổ báo của súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục, ba đường ác. Phải tiêu trừ tất cả thấy chướng, tức là thấy hoặc tà tri tà kiến, chướng ngại chánh đạo. Tức cũng là thấy thì mê hoặc, thấy thì chướng ngại.

 

Dĩ tận Pháp giới chúng sanh số đẳng thân, dĩ tận Pháp giới chúng sanh số đẳng đầu, dĩ tận Pháp giới chúng sanh số đẳng thiệt, dĩ tận Pháp giới chúng sanh số đẳng thiện thân nghiệp, thiện ngữ nghiệp, thiện ý nghiệp, hối trừ sở hữu chư chướng quá ác.

Dùng hết số thân chúng sinh pháp giới, dùng hết số đầu chúng sinh pháp giới, dùng hết số lưỡi chúng sinh pháp giới. Dùng hết số thân nghiệp thiện, lời nghiệp thiện, ý nghiệp thiện, chúng sinh pháp giới, sám hối tiêu trừ hết thảy các chướng lỗi ác.

Giảng: Các vị Thiên tử ! Các ông phải dùng hết số thân của hết thảy chúng sinh pháp giới, dùng hết số đầu chúng sinh pháp giới, dùng hết số lưỡi chúng sinh pháp giới. Dùng hết số thân nghiệp thiện, lời nghiệp thiện, ý nghiệp thiện, chúng sinh pháp giới để sám hối. Phải tiêu trừ sạch hết thảy các tội lỗi ác của các ông. Do đó có câu :

Con xưa đã tạo các nghiệp ác
Đều do vô thuỷ tham sân si
Từ than miệng ý mà sinh ra
Tất cả nay con đều sám hối”.

 

Thời, chư Thiên Tử văn thị ngữ dĩ, đắc vị tằng hữu, tâm đại hoan hỉ nhi vấn chi ngôn: Bồ-Tát Ma-ha-tát vân hà hối trừ nhất thiết quá ác

Chư Thiên Tử nghe lời này rồi được chưa từng có, tâm rất hoan hỷ mà hỏi thiên cổ rằng : Ðại Bồ Tát làm thế nào sám hối trừ tất cả tội ác.

Giảng: Lúc đó, tất cả Thiên tử nghe lời của Trống trời xong rồi, cảm thấy những lời này chưa từng được nghe qua, là việc rất hi hữu, trong sinh tâm đại hoan hỉ, mà hỏi Trống trời rằng : « Đại Bồ Tát sám hối tiêu trừ tất cả lỗi ác như thế nào ? Xin ông hãy từ bi khai thị được chăng » ?

 

Nhĩ thời, Thiên cổ dĩ Bồ Tát tam muội thiện căn lực cố, phát thanh cáo ngôn: chư Thiên Tử! Bồ Tát tri chư nghiệp bất tùng Đông phương lai, bất tùng Nam Tây Bắc phương, tứ duy thượng hạ lai, nhi cọng tích tập, chỉ trụ ư tâm, đãn tùng điên đảo sanh, vô hữu trụ xứ. Bồ Tát như thị quyết định minh kiến, vô hữu nghi hoặc.

Do sức thiện căn tam muội của Bồ Tát, thiên cổ phát âm bảo rằng : Chư Thiên Tử ! Bồ Tát biết các nghiệp chẳng từ phương Ðông đến, chẳng từ mười phương đến mà đồng chứa nhóm ở nơi tâm. Chỉ từ điên đảo sanh, không có trụ xứ. Bồ Tát quyết định thấy rõ như vậy không có nghi lầm.

Giảng: Lúc đó, Trống Trời nhờ sức căn lành tam muội Bồ Tát, phát ra tiếng mà bảo tất cả Thiên tử rằng : Các vị Thiên tử ! Bồ Tát biết hết thảy tất  cả các nghiệp, chẳng từ phương đông đến, chẳng từ phương nam, tây bắc bốn hướng trên dưới đến, mà cùng thọ nghiệp tích tập, dừng trụ nơi tâm. Đó là từ điên đảo tạo nghiệp mà ra, chẳng có một thể tánh, chẳng có một trụ xứ. Bồ Tát quyết định thấy rõ đạo lý đó, không có hoài nghi, không có mê hoặc.

 

Chư Thiên Tử! như ngã Thiên cổ, thuyết nghiệp, thuyết báo, thuyết hạnh, thuyết giới, thuyết hỉ, thuyết an, thuyết chư tam muội

Như thiên cổ ta nói nghiệp, nói báo, nói hạnh, nói giới, nói hỷ, nói an, nói các tam muội.

Giảng: Các vị Thiên tử ! Như Trống trời tôi đây, nói tất cả nghiệp đã tạo, nói tất cả báo sẽ thọ, nói tất cả hành vi của chúng sinh, nói tất cả giới luật của chúng sinh, nói tất cả pháp hoan hỉ, nói tất cả pháp an lạc, nói tất cả các tam muội, nói tất cả chánh tri chánh kiến, khiến cho tất cả chúng sinh y pháp tu hành, chứng được giải thoát.

 

Chư Phật Bồ-tát diệc phục như thị, thuyết ngã, thuyết ngã sở, thuyết chúng sanh, thuyết tham khuể si chủng chủng chư nghiệp, nhi thật vô ngã, vô hữu ngã sở. Chư sở tác nghiệp, lục thú quả báo, thập phương thôi cầu tất bất khả đắc.

Chư Phật và Bồ Tát cũng như vậy, nói ngã, nói ngã sở, nói chúng sanh, nói tham sân si, nói các loại nghiệp. Mà thiệt ra không ngã, không ngã sở. Những nghiệp tạo ra, quả báo của sáu loài, tìm cầu mười phương đều chẳng thể được.

Giảng: Mười phương tất cả chư Phật Bồ Tát, cũng lại như thế. Nói cái ta, cũng nói của ta, nói chúng sinh, nói tham sân si đủ thứ các nghiệp báo, mà thật không có cái ta, không có của ta. Các nghiệp đã tạo, phải thọ quả báo trong sáu cõi luân hồi, nhưng nếu tìm cầu nguồn gốc trong mười phương, thì không thể được, vì nghiệp báo chẳng có thể tánh, cho nên không thể được.

 

Chư Thiên Tử! thí như ngã thanh, bất sanh bất diệt, tạo ác chư Thiên bất văn dư thanh, duy văn dĩ địa ngục giác ngộ chi thanh, nhất thiết chư nghiệp diệc phục như thị, phi sanh phi diệt, tùy hữu tu tập tức thọ kỳ báo.

Ví như tiếng thiên cổ ta chẳng sanh chẳng diệt, chư Thiên tạo ác chẳng nghe tiếng khác mà chỉ nghe tiếng địa ngục giác ngộ. Cũng vậy, tất cả các nghiệp chẳng phải sanh, chẳng phải diệt, tùy có tu tập thời thọ lấy quả báo.

Giảng: Các vị Thiên tử ! Ví như tiếng Trống trời của tôi phát ra, là chẳng sinh, chẳng diệt, là chẳng đoạn, chẳng thường. Tất cả Thiên tử tạo nghiệp ác, thì họ chẳng nghe, chẳng thấy tiếng Trống trời của tôi nói, chỉ nghe tiếng địa ngục thọ khổ, âm thanh khiến cho họ giác ngộ. Tất cả các nghiệp mà con người tạo ra, cũng lại như thế. Nghiệp cũng chẳng sinh, chẳng diệt, tuỳ theo chúng sinh tạo nghiệp gì, thì sẽ thọ quả báo đó.

 

Chư Thiên Tử! như ngã Thiên cổ sở xuất âm thanh, ư vô lượng kiếp bất khả cùng tận, vô hữu gian đoạn, nhược lai nhược khứ giai bất khả đắc.

Này chư Thiên Tử ! Như tiếng Trống trời của tôi phát ra, trong vô lượng kiếp không thể cùng tận, không có gián đoạn, hoặc đến, hoặc đi, đều không thể được.

Giảng: Các vị Thiên tử ! Như tiếng Trống trời của tôi phát ra, trong vô lượng kiếp thời gian, không thể hết được. Lúc nào cũng có ở trong hư không, không có khi nào gián đoạn, cũng chẳng đến, cũng chẳng đi, âm thanh đó đều không thể đắc được.

 

Chư Thiên Tử! nhược hữu khứ lai tức hữu đoạn thường, nhất thiết chư Phật chung bất diễn thuyết hữu đoạn thường Pháp, trừ vi phương tiện thành thục chúng sanh.

Này chư Thiên Tử ! Nếu có đến đi, thì có đoạn thường. Tất cả chư Phật trọn không diễn nói pháp có đoạn thường, chỉ trừ phương tiện, vì thành thục chúng sinh.

Giảng: Các vị Thiên tử ! Giả sử có đến có đi, thì đó là pháp chấp đoạn, chấp thường. Hết thảy tất cả chư Phật, trọn không diễn nói pháp có đoạn, có thường, chỉ trừ phương tiện, vì thành thục chúng sinh, khiến cho họ phát tâm bồ đề, mà nói pháp môn phương tiện khéo léo này.

 

Chư Thiên Tử! thí như ngã thanh, ư vô lượng thế giới, tùy chúng sanh tâm giai sử đắc văn, nhất thiết chư Phật diệc phục như thị, tùy chúng sanh tâm tất lệnh đắc kiến.

Này chư Thiên Tử ! Như thiên cổ ta phát âm tùy tâm chúng sanh trong vô lượng thế giới đều khiến được nghe. Cũng vậy, tất cả chư Phật tùy tâm chúng sanh đều khiến được thấy.

Giảng: Các vị Thiên tử ! Ví như tiếng Trống trời của tôi, trong mười phương vô lượng thế giới, tuỳ theo tâm của chúng sinh, khiến cho chúng sinh có duyên, đều được nghe tiếng này. Mười phương tất cả chư Phật, cũng lại như thế, tuỳ theo tâm chúng sinh, đều khiến cho họ được thấy chư Phật.

 

Chư Thiên Tử! như hữu pha lê kính, danh vi: năng chiếu, thanh tịnh giám triệt, dữ thập thế giới kỳ lượng Chánh đẳng, vô lượng vô biên chư quốc độ trung, nhất thiết sơn xuyên, nhất thiết chúng sanh, nãi chí địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, sở hữu ảnh tượng giai ư trung hiện.

Này chư Thiên Tử ! Như có cái gương pha lê tên là Năng chiếu, gương này trong sạch sáng suốt, lớn vô lượng vô biên bằng mười thế giới. Trong các quốc độ, tất cả hình tượng của núi sông, của mọi loài, nhẫn đến ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục đều hiện trong gương đó.

Giảng: Các vị Thiên tử ! Như có tấm gương pha lê, tên là Năng chiếu, mặt gương vừa thanh tịnh vừa trong suốt. Thể tích của tấm gương đó, đồng với mười phương thế giới lớn nhỏ, vô lượng vô biên. Tất cả sông núi, tất cả chúng sinh, trong các cõi nước, cho đến địa ngục súc sinh ngạ quỷ, hết thảy hình bóng, đều hiện ra ở trong tấm gương đó.

 

Chư Thiên Tử! ư nhữ ý vân hà? bỉ chư ảnh tượng khả đắc thuyết ngôn lai nhập kính trung, tùng kính khứ bất?

Này chư Thiên Tử ! Các người nghĩ thế nào ? Những ảnh tượng kia có thể cho là đến vào trong gương rồi từ gương mà đi chăng ?

Giảng: Các vị Thiên tử ! Ý của các ông như thế nào ? Các hình bóng đó, có thể nói là « đi vào trong gương, lại từ trong gương đi ra chăng » ? Có thể nói như thế chăng ?

 

Đáp ngôn: bất dã.

Ðáp rằng : Không thể nói thế được.

Các Thiên tử đều đáp rằng : Không vậy.

 

Chư Thiên Tử! nhất thiết chư nghiệp diệc phục như thị, tuy năng xuất sanh chư nghiệp quả báo, vô lai khứ xứ.

Này chư Thiên Tử ! Cũng vậy, tất cả các nghiệp dầu hay xuất sanh các quả báo mà không chỗ đến và đi.

Giảng: Các vị Thiên tử ! Tất cả các nghiệp cũng lại như thế, tuy hay sinh ra các nghiệp quả báo, mà nó không chỗ đến, cũng không chỗ đi.

 

Chư Thiên Tử! thí như huyễn sư huyễn hoặc nhân nhãn, đương tri chư nghiệp diệc phục như thị. nhược như thị tri, thị chân thật sám hối, nhất thiết tội ác tất đắc thanh tịnh.

Này chư Thiên Tử ! Ví như nhà huyễn thuật, huyễn hoặc mắt người. Phải biết các nghiệp cũng như vậy. Nếu biết được như trên đây, thời là chơn thiệt sám hối tất cả tội ác đều được thanh tịnh.

Giảng: Các vị Thiên tử ! Ví như nhà huyễn thuật, có thể biến hoá ra đủ thứ huyễn thuật, khiến cho hoa mắt người xem, nhìn chẳng rõ ràng là thật hay là giả. Nên biết các nghiệp đã tạo ra cũng lại như thế. Nếu biết như vậy, tức là chân thật sám hối nghiệp chướng, tất cả tội ác đều tiêu trừ sạch hết, được thanh tịnh.

 

Thuyết thử pháp thời, bách thiên ức na-do-tha Phật sát vi trần số thế giới trung Đâu-Xuất-Đà. Chư Thiên Tử, đắc Vô sanh Pháp nhẫn, vô lượng bất tư nghị a-tăng-kì lục dục chư Thiên Tử, phát a nậu đa la tam miệu tam Bồ-Đề tâm, Lục dục thiên trung nhất thiết Thiên nữ, giai xả nữ thân, phát ư vô thượng Bồ-đề chi ý.

Lúc nói pháp này, Chư Ðâu Suất Thiên Tử trong trăm ngàn ức na do tha Phật sát vi trần số thế giới được vô sanh pháp nhẫn. Vô lượng bất tư nghì vô số Lục Dục Thiên Tử phát tâm Vô thượng Bồ Ðề. Trong thời Lục Dục, tất cả Thiên nữ đều bỏ thân nữ phát tâm Vô thượng Bồ Ðề.

Giảng: Khi Trống trời nói pháp nầy, thì tất cả Thiên tử trời Đâu Suất Đà, nhiều như số hạt bụi trăm ngàn ức Na do tha cõi Phật, đều đắc được vô sinh pháp nhẫn. Các Thiên tử trời lục dục nhiều vô lượng không nghĩ bàn, đều phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Tất cả Thiên nữ trong cõi trời lục dục, tướng mạo xinh đẹp, nhưng họ đều hết tham luyến, đều xả bỏ thân nữ, lập tức được thân nam, còn phát tâm vô thượng bồ đề.

Trời lục dục, tức là :
1. Trời Tứ Thiên Vương.
2. Trời Đao Lợi.
3. Trời Dạ Ma.
4. Trời Đâu Suất.
5. Trời Hoá Lạc.
6. Trời Tha Hoá Tự Tại.

Chư Thiên tuy nhiên khoái lạc, nhưng khi hưởng hết phước trời, sẽ hiện ra năm tướng suy, chứng minh sắp chết, vẫn phải thọ khổ trong luân hồi. Thế nào là năm tướng suy ? Nói một cách đơn giản như sau :

1. Mũ hoa trên đầu héo : Mũ hoa người trời đội trên đầu, làm bằng hoa tươi. Loại hoa này rất đẹp, tươi mãi không héo. Nhưng khi năm tướng suy hiện, thì mũ hoa trên đầu tự nhiên héo.

2. Quần áo dơ bẩn : Vì trên trời chẳng có bụi dơ, cho nên quần áo của người trời mặc, không dơ bẩn, không cần giặt là. Khi năm tướng suy hiện, thì quần áo của người trời tự nhiên dơ bẩn, mà còn hôi hám.

3. Dưới nách ra mồ hôi : Thân thể của người trời rất là sạch sẽ, không ra mồ hôi. Nhưng khi năm tướng suy hiện, thì hai nách của người trời chảy mồ hôi.

4. Thân thể hôi hám : Thân thể của người trời thường toả ra mùi thơm, vì người trời giữ giới luật. Nhưng khi năm tướng suy hiện, thì toả ra mùi hôi, giống như mùi tử thi, khiến cho người bịt mũi bỏ đi. Nếu chúng ta đời đời kiếp kiếp giữ giới luật, thì trên thân sẽ toả ra mùi thơm, bằng không sẽ toả ra mùi hôi, khiến cho không ai dám gần gũi. Muốn thân toả ra mùi thơm, thì phải giữ gìn giới luật.

5. Đứng ngồi không yên : Người trời thích tu tập thiền định, tĩnh toạ tu tâm, chẳng sinh tạp niệm. Nhưng khi năm tướng suy hiện, thì ngồi cũng chẳng yên, đứng cũng chẳng yên. Ngồi xuống lại muốn đứng lên, đứng lên lại muốn ngồi xuống, tâm ý hoảng loạn, chẳng có định lực. Tay chân không yên như thế, thì sẽ đoạ vào năm nẻo (người, A tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh).

Có bài kệ rằng :
Lục dục chư Thiên cụ ngũ suy
Tam thiền Thiên thượng hữu phong tai
Nhậm quân tu đáo Phi Phi Tưởng
Bất như Tây Phương quy khứ lai ».

Nghĩa là :
Sáu trời ngũ dục đủ năm tướng suy
Trên trời Tam Thiền có nạn gió
Dù tu đến Trời Phi Phi Tưởng
Chẳng bằng sinh về cõi Tây Phương.

Mục đích chúng ta tu đạo là vì chấm dứt sinh tử. Làm thế nào để chấm dứt sinh tử ? Phải tham thiền đả toạ, thì sẽ khống chế được sinh tử. Hoặc niệm danh hiệu Phật, thì sẽ được vãng sinh về cõi Tây Phương, chẳng còn bị sinh tử khống chế nữa. Đây là hai đại pháp môn thoát khỏi ba cõi.

 

Nhĩ thời, chư Thiên Tử văn thuyết Phổ Hiền quảng đại hồi hướng, đắc Thập Địa cố, hoạch chư lực trang nghiêm tam muội cố,

Bấy giờ chư Thiên Tử nghe nói Phổ Hiền quảng đại hồi hướng, vì được Thập địa, vì được chư lực trang nghiêm tam muội,

Giảng: Lúc đó, tất cả các vị Thiên tử nghe nói tu pháp môn Bồ Tát Phổ Hiền hồi hướng rộng lớn, vì có thể chứng đắc quả vị Thập địa Bồ Tát, lại có thể đắc được các lực của chư Phật, để trang nghiêm tam muội, đắc được chánh định chánh thọ.

 

Dĩ chúng sanh số đẳng thanh tịnh tam nghiệp hối trừ nhất thiết chư trọng chướng cố, tức kiến bách thiên ức na-do-tha Phật sát vi trần số thất bảo liên hoa.

Vì dùng ba nghiệp thanh tịnh bằng số chúng sanh mà sám hối trừ tất cả những trọng chướng, nên liền thấy trăm ngàn ức na do tha Phật sát vi trần số hoa sen thất bửu.

Giảng: Các vị Thiên tử đó, bèn dùng số chúng sinh đồng thanh tịnh ba nghiệp, để sám hối tiêu trừ tất cả các chướng nặng, vì nhân duyên đó, cho nên lập tức thấy được hoa sen bảy báu nhiều như số hạt bụi trăm ngàn ức Na do tha cõi Phật hiện tiền.

 

Nhất nhất hoa thượng giai hữu Bồ Tát kết già phu tọa, phóng đại quang minh, bỉ chư Bồ-tát nhất nhất tùy hảo, phóng chúng sanh số đẳng quang minh, bỉ quang minh trung, hữu chúng sanh số đẳng chư Phật kết già phu tọa, tùy chúng sanh tâm nhi vi thuyết Pháp, nhi do vị hiện ly cấu tam muội thiểu phần chi lực.

Trên mỗi mỗi hoa sen đều có Bồ Tát ngồi kiết già phóng đại quang minh. Mỗi mỗi Bồ Tát nơi mỗi tùy hảo phóng đại quang minh bằng số chúng sanh. Trong quang minh đó có chư Phật bằng số chúng sanh ngồi kiết già theo tâm của chúng sanh để thuyết pháp. Mà còn chưa hiện sức chút ít phần của ly cấu tam muội.

Giảng: Trên mỗi đoá hoa sen bảy báu đó, đều có Bồ Tát ngồi kiết già, phóng đại quang minh. Trong mỗi tướng vẻ đẹp của các Bồ Tát đó, lại phóng ra quang minh đồng với số chúng sinh. Trong mỗi quang minh đó, lại hiện ra chư Phật đồng với số chúng sinh, ngồi kiết già, tuỳ tâm chúng sinh để vì chúng sinh diễn nói diệu pháp, tuy là như thế, nhưng vẫn chưa hiện sức ít phần tam muội Ly cấu.

 

Nhĩ thời, bỉ chư Thiên Tử dĩ thượng chúng hoa, phục ư thân thượng nhất nhất mao khổng hóa tác chúng sanh số đẳng chúng hương khí vân, cúng dường Tỳ Lô Giá Na Như Lai, trì dĩ tán Phật, nhất thiết giai ư Phật thân thượng trụ.

Bấy giờ chư Thiên Tử đem những hoa trên, lại ở trên thân mỗi lỗ lông hóa làm những mây hoa đẹp bằng số chúng sanh cúng dường đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai bằng cách rải hoa lên chỗ Phật. Tất cả hoa đó đều dừng ở trên thân Phật.

Giảng: Bấy giờ, các Thiên tử đó, dùng các hoa tốt đẹp nhất. Lại trong mỗi lỗ chân lông trên thân mình, hoá làm chúng sinh số đồng với các mây hoa đẹp, cầm tất cả hoa báu để rải lên thân Phật, cúng dường Như Lai Tỳ Lô Giá Na, hết thảy tất cả các mây hoa đẹp đều ở trên thân Phật.

 

Kỳ chư hương vân, phổ vũ vô lượng Phật sát vi trần số thế giới. Nhược hữu chúng sanh thân mông hương giả, kỳ thân an lạc.

Những mây hương rưới khắp vô lượng Phật sát vi trần số thế giới. Nếu có chúng sanh nào thân được thấm hương thời được an lạc

Giảng: Đủ thứ các mây hương đó, khắp mưa xuống các thế giới nhiều như số hạt bụi vô lượng cõi Phật. Nếu có chúng sinh thân thọ được mùi hương đó, thì thân họ an lạc, vĩnh viễn chẳng còn sự đau bệnh, thân tâm vĩnh viễn khoẻ mạnh, tinh thần an ổn.

 

Thí như Tỳ-kheo nhập đệ tứ Thiền, nhất thiết nghiệp chướng giai đắc tiêu diệt.

Như Tỳ Kheo nhập đệ Tứ thiền, tất cả nghiệp chướng đều tiêu diệt.

Giảng: Đưa ra một ví dụ để nói, như Tỳ Kheo nhập vào trời đệ Tứ Thiền (xả niệm thanh tịnh địa). Tất cả nghiệp chướng đều tiêu diệt hết không còn. Trời Tứ Thiền vẫn còn là cảnh giới của phàm phu, chưa nhập vào dòng Thành. Nếu tiếp tục tinh tấn, khi đến cõi trời Ngũ Bất Hoàn, thì mới nhập vào dòng Thánh.

 

Nhược hữu văn giả, bỉ chư chúng sanh ư sắc, thanh, hương, vị, xúc, kỳ nội cụ hữu ngũ bách phiền não, kỳ ngoại diệc hữu ngũ bách phiền não, tham hạnh đa giả nhị vạn nhất thiên, sân hạnh đa giả nhị vạn nhất thiên, si hạnh đa giả nhị vạn nhất thiên, đẳng phần hành giả nhị vạn nhất thiên.

Nếu có ai được ngửi, thời đối với năm trần sắc, thinh, hương, vị và xúc, trong đó có năm trăm phiền não, ngoài đó cũng có năm trăm phiền não, kẻ tham nhiều có hai vạn một ngàn phiền não, kẻ sân nhiều có hai vạn một ngàn phiền não, kẻ si nhiều có một vạn hai ngàn phiền não, kẻ đẳng phần có một vạn hai ngàn phiền não

Giảng: Nếu có chúng sinh ngửi được, thì các chúng sinh đó, đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, năm trần, bên trong đầy đủ có năm trăm phiền não. Bên ngoài cũng có năm trăm phiền não. Đối với người tham nhiều, thì có hai vạn một ngàn phiền não. Người sân nhiều, thì có hai vạn một ngàn phiền não. Đối với người si nhiều, thì có hai vạn một ngàn phiền não. Đối với người tham sân đều nhau, thì có hai vạn một ngàn phiền não.

 

Liễu tri như thị tất thị hư vọng. Như thị tri dĩ, thành tựu hương tràng Vân Tự Tại quang minh thanh tịnh thiện căn.

Rõ biết tất cả đều hư vọng. Biết như vậy rồi được thành tựu hương tràng vân tự tại quang minh thanh tịnh thiện căn.

Giảng: Nếu những chúng sinh đó biết rõ tám vạn bốn ngàn phiền não như vậy, đều là hư vọng không thật rồi, sẽ thành tựu căn lành mây hương tràng tự tại quang minh thanh tịnh.

 

Nhược hữu chúng sanh kiến kỳ cái giả, chủng nhất thanh tịnh kim võng Chuyển luân Vương nhất hằng hà sa thiện căn.

Nếu có chúng sanh nào thấy lọng đó thời gieo được một thanh tịnh kim võng chuyển luân vương một hằng hà sa thiện căn.

Giảng: Nếu có chúng sinh, thấy được lọng báu của các vị Thiên tử đó hoá hiện ra, thì gieo trồng xuống một căn lành thanh tịnh kim võng chuyển luân vương một Hằng hà sa.

 

Phật tử! Bồ-tát trụ thử Chuyển luân Vương vị, ư bách thiên ức na-do-tha Phật sát vi trần số thế giới trung giáo hóa chúng sanh.

Phật tử ! Bồ Tát trụ nơi ngôi Chuyển luân vương này thời giáo hóa chúng sanh trong trăm ngàn ức na do tha Phật sát vi trần số thế giới.

Giảng: Các vị Phật tử ! Bồ Tát trụ bậc Chuyển Luân Vương nầy, giáo hoá hết thảy chúng sinh trong các thế giới, nhiều như số hạt bụi trăm ngàn ức Na do tha cõi Phật, khiến cho họ phát tâm bồ đề, tu vô thượng đạo.

 

Phật tử! thí như minh kính thế giới nguyệt trí Như Lai, thường hữu vô lượng chư thế giới trung Tỳ-kheo, Tì-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di đẳng hóa hiện kỳ thân nhi lai thính pháp, quảng vi diễn thuyết bản sanh chi sự, vị tằng nhất niệm nhi hữu gian đoạn. Nhược hữu chúng sanh văn kỳ Phật danh, tất đắc vãng sanh bỉ Phật quốc độ,

Phật Tử ! Như đức Nguyệt Trí Như Lai ở Minh Cảnh thế giới, thường có tứ chúng ở các thế giới khác hóa hiện thân họ đến nghe pháp. Như Lai này rộng vì họ mà diễn thuyết những sự bổn sanh, chưa từng có một niệm gián đoạn. Nếu có chúng sanh nào nghe danh hiệu Nguyệt Trí Phật, thời được sanh về thế giới của Phật đó.

Giảng: Các vị Phật tử ! Ví như ở trong thế giới Minh Cảnh, có Đức Như Lai hiệu là Nguyệt Trí. Thường có các Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ v.v… ở trong vô lượng các thế giới, hoá hiện thân ấy mà đến thế giới Minh Cảnh để lắng nghe Như Lai Nguyệt Trí, rộng vì họ diễn nói việc Bồ Tát bổn sanh, chưa từng gián đoạn dù chỉ một niệm. Nếu có một chúng sinh nghe được danh hiệu của Đức Phật đó, thì chắc chắn sẽ được vãng sinh về cõi của Đức Phật đó.

 

Bồ Tát an trụ thanh tịnh kim võng Chuyển luân Vương vị diệc phục như thị, nhược hữu tạm đắc ngộ kỳ quang minh, tất hoạch Bồ Tát đệ Thập Địa vị, dĩ tiên tu hành thiện căn lực cố.

Bồ Tát an trụ nơi ngôi thanh tịnh kim võng chuyển luân vương, nếu có ai gặp được quang minh, thời ắt được bực Bồ Tát Ðệ Thập địa, vì do sức thiện căn tu hành từ trước.

Giảng: Bồ Tát an trụ bậc thanh tịnh kim võng Chuyển Luân Vương, cũng lại như thế. Nếu có chúng sinh tạm thời gặp được quang minh đó, thì chắc chắn sẽ đắc được bậc Thập địa (bậc Pháp vân) của Bồ Tát, vì người đó nhờ sức căn lành thuở xưa đã tu hành.

 

Phật tử! như đắc sơ Thiền, tuy vị mạng chung, kiến phạm thiên xứ sở hữu cung điện nhi đắc thọ ư phạm thế an lạc, đắc chư Thiền giả tất diệc như thị.

Phật Tử ! Như người được Sơ thiền, dầu chưa mạng chung đã thấy cung điện ở Phạm Thiên mà được thọ an lạc nơi phạm thế

Giảng: Đức Phật lại gọi một tiếng các vị Phật tử ! Như người chứng được Sơ thiền, tuy chưa mạng chung, mà thấy hết thảy cung điện của cõi trời Phạm Thiên. Lại hưởng thọ được sự an lạc nơi cõi trời Phạm Thiên. Bậc đắc được Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, cũng đều như vậy.

 

Bồ-Tát Ma-ha-tát trụ thanh tịnh kim võng Chuyển luân Vương vị, phóng ma-ni kế thanh Tịnh Quang minh, nhược hữu chúng sanh ngộ tư quang giả, giai đắc Bồ Tát đệ Thập Địa vị, thành tựu vô lượng trí tuệ quang minh, đắc thập chủng thanh Tịnh nhãn, nãi chí thập chủng thanh tịnh ý, cụ túc vô lượng thậm thâm tam muội, thành tựu như thị thanh tịnh nhục nhãn.

Ðại Bồ Tát an trụ nơi ngôi thanh tịnh kim võng chuyển luân vương phóng ma ni kế thanh tịnh quang minh. Nếu có chúng sanh nào gặp được quang minh này đều được bực Bồ Tát đệ Thập địa, thành tựu vô lượng trí huệ quang minh, được mười thứ thanh tịnh nhãn, nhẫn đến mười thứ thanh tịnh ý, đầy đủ vô lượng thậm thâm tam muội, thành tựu nhục nhãn thanh tịnh như vậy.

Giảng: Khi đại Bồ Tát trụ bậc thanh tịnh kim võng Chuyển Luân Vương, phóng quang minh thanh tịnh ma ni kế. Nếu có chúng sinh gặp được quang minh nầy, thì đều chứng đắc được bậc Thập địa của Bồ Tát, thành tựu vô lượng trí huệ quang minh. Đắc được mười thứ pháp nhãn thanh tịnh, mười thứ pháp nhĩ thanh tịnh, mười thứ pháp tĩ thanh tịnh, mười thứ pháp thiệt thanh tịnh, mười thứ pháp thân thanh tịnh, mười thứ pháp ý thanh tịnh. Lại đầy đủ vô lượng tam muội thâm sâu, thành tựu nhục nhãn thanh tịnh như vậy.

 

Phật tử! giả sử hữu nhân dĩ ức na-do-tha Phật sát toái vi vi trần, nhất trần nhất sát phục dĩ nhĩ hứa vi trần số Phật sát toái vi vi trần, như thị vi trần tất trí tả thủ trì dĩ Đông hành, qua nhĩ hứa vi trần số thế giới nãi hạ nhất trần, như thị Đông hành tận thử vi trần, Nam Tây Bắc phương, tứ duy thượng hạ diệc phục như thị, như thị thập phương sở hữu thế giới nhược trước vi trần cập bất trước giả, tất dĩ tập thành nhất Phật quốc độ.

Phật Tử ! Giả sử có người đem ức na do tha Phật sát nghiền làm vi trần, một vi trần là một cõi, lại đem vi trần số Phật sát đó nghiền làm vi trần. Những vi trần này đều để trên bàn tay tả, cầm đi qua phương Ðông khỏi ngần ấy vi trần số thế giới mới bỏ xuống một vi trần, đi mãi đến hết số vi trần ấy, chín phương kia cũng như vậy. Mười phương tất cả những thế giới như vậy, hoặc dính vi trần hoặc chẳng dính đều đem hiệp làm một Phật độ.

Giảng: Các vị Phật tử ! Nếu như có người, đem ức Na do tha cõi Phật, nghiền nát làm bụi. Một hạt bụi làm một cõi Phật. Lại đem số hạt bụi cõi Phật đó, nghiền nát làm bụi. Sau đó, lại lấy những bụi đó, đều để trên bàn tay trái, cầm đi về phương đông, trải qua các thế giới nhiều như số hạt bụi, bèn để xuống một hạt bụi. Đi về phương đông như vậy, hết số hạt bụi đó. Phương nam, phương tây, phương bắc, phương đông bắc, phương đông nam, phương tây nam, phương tây bắc, phương trên, phương dưới, cũng lại như thế. Như vậy hết thảy mười phương thế giới, hoặc để hạt bụi và không để hạt bụi, đều đem tập thành một cõi Phật.

 

Bảo thủ! ư nhữ ý vân hà? Như thị Phật thổ quảng đại vô lượng khả tư nghị bất

Này Bửu Thủ ! Phật độ như vậy có thể nghĩ bàn được chăng ?

Giảng: Phật gọi một tiếng: Bảo Thủ ! Ý ông như thế nào ? Thế giới nhiều như hạt bụi, tích tập thành một cõi Phật. Cõi nước đó có rộng lớn vô lượng vô biên chẳng ? Có thể nghĩ bàn chăng ?

 

Đáp viết: Bất dã! như thị Phật thổ quảng đại vô lượng, hy hữu kì đặc, bất khả tư nghị. Nhược hữu chúng sanh văn thử thí dụ năng sanh tín giải, đương tri cánh vi hy hữu kì đặc.

Bạch Thế Tôn ! Phật độ như vậy rộng lớn vô lượng kỳ đặc ít có chẳng thể nghĩ bàn được. Nếu có chúng sanh nào nghe ví dụ này mà hay sanh được lòng tin hiểu, phải biết lại là kỳ đặc ít có.

Giảng: Bồ Tát Bảo Thủ đáp rằng: Không vậy, cõi Phật đó rộng lớn, vô lượng, là hy hữu, là kỳ đặc, không thể nghĩ bàn. Nếu có chúng sinh, nghe ví dụ này, mà sinh tâm tin hiểu, nên biết càng hy hữu kỳ đặc hơn

 

Phật ngôn: bảo thủ! như thị như thị! như nhữ sở thuyết! nhược hữu Thiện nam tử, thiện nữ nhân văn thử thí dụ nhi sanh tín giả, ngã thọ bỉ kí, quyết định đương thành A-nậu-đa-la tam-miệu-tam Bồ-đề, đương hoạch Như Lai vô thượng trí tuệ.

Phật nói : Như vậy ! Như vậy ! Như lời của ngươi nói này. Bửu Thủ ! Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhơn nghe ví dụ này mà sanh lòng tin thời ta thọ ký cho người ấy quyết định sẽ thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Sẽ được Như lai Vô Thượng trí huệ.

Giảng: Đức Phật lại nói với Bảo Thủ rằng: « Bảo Thủ ! Ông nói rất đúng, tức là như thế! Như lời ông nói, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, nghe ví dụ nầy rồi, mà sinh tâm tin, ta sẽ thọ ký cho người đó, chắc chắn sẽ chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác (A nậu đa la tam miệu tam bồ đề), sẽ đắc được trí huệ vô thượng của Như Lai.

 

Bảo thủ! thiết phục hưũ nhân dĩ thiên ức Phật sát vi trần số như thượng sở thuyết quảng đại Phật thổ mạt vi vi trần, dĩ thử vi trần y tiền thí dụ nhất nhất hạ tận, nãi chí tập thành nhất Phật quốc độ, phục mạt vi trần, như thị thứ đệ triển chuyển nãi chí Kinh bát thập phản,

Này Bửu Thủ ! Giả sử lại có người đem ngàn ức Phật sát vi trần số Phật độ rộng lớn như trên đã nói nghiền làm vi trần, rồi đem vi trần này y theo ví dụ trước mỗi mỗi bỏ xuống nhẫn đến hiệp làm một Phật độ. Lại nghiền làm vi trần. Thứ đệ như vậy lần lượt đến tám mươi lần.

Giảng: Đức Phật lại gọi một tiếng: Bảo Thủ ! Ví như lại có người, đem cõi Phật rộng lớn như đã nói ở trên, nhiều như số hạt bụi ngàn ức cõi Phật, đều nghiền nát làm bụi. Đem những hạt bụi đó, y chiếu theo ví dụ như ở trên đã nói, để trên tay trái, đi về phương đông, để hết những hạt bụi đó, lại tích tập thành một cõi Phật. Lại đem cõi Phật đó nghiền nát ra làm bụi, lần lược như vậy, triển chuyển, cho đến trải qua tám mươi lần.

 

Như thị nhất thiết quảng đại Phật thổ sở hữu vi trần, Bồ Tát nghiệp báo thanh tịnh nhục nhãn ư nhất niệm trung tất năng minh kiến, diệc kiến bách ức quảng đại Phật sát vi trần số Phật, như pha lê kính thanh Tịnh Quang minh, chiếu thập Phật sát vi trần số thế giới.

Như vậy tất cả Phật độ quảng đại như vậy có bao nhiêu vi trần, nhục nhãn thanh tịnh nghiệp báo của Bồ Tát, trong một niệm đều có thể thấy rõ. Cũng thấy trăm ức Phật sát rộng lớn vi trần số Phật như gương pha lê trong sạch sáng suốt chiếu mười phương Phật sát vi trần số thế giới.

Giảng: Như vậy tất cả cõi Phật rộng lớn, hết thảy hạt bụi. Nhục nhãn nghiệp báo thanh tịnh của Bồ Tát, ở trong một niệm, đều hoàn toàn thấy rõ các cõi Phật nhiều như số hạt bụi, cũng thấy rõ các Đức Phật nhiều như số hạt bụi trăm ức cõi Phật rộng lớn. Như tấm gương pha lê, thanh tịnh quang minh, chiếu hiện các thế giới nhiều như số hạt bụi mười cõi Phật.

 

Bảo thủ! như thị giai thị thanh tịnh kim võng Chuyển luân Vương thậm thâm tam muội phước đức thiện căn chi sở thành tựu.

Này Bửu Thủ ! Như vậy đều là phước đức thiện căn của thanh tịnh kim võng Chuyển luân vương tam muội làm thành.

Giảng: Đức Phật lại gọi một tiếng: Bảo Thủ ! Đó đều là tam muội thâm sâu của thanh tịnh kim võng chuyển luân vương, căn lành phước đức mà thành tựu.