Kinh Kim Cang – 1

Kinh Kim Cang

Pháp-sư Cưu-ma-la-thập phiên dịch vào thời Diêu Tần
Hòa Thượng Tuyên Hóa lược giảng

— o0o —

Giải Thích Tổng Quát

 

Hôm nay bắt đầu giảng Kinh Kim Cang. Kinh này nằm trong bộ Bát-Nhã. Nói theo Ngũ-thời Bát-giáo, thì Phật thuyết Kinh Kim Cang vào thời-kỳ thứ tư, tức thời Bát Nhã. Kinh thì thuộc loại biệt giáo, và là một quyển trong số sáu trăm quyển của bộ Ðại Bát Nhã. Phật nói toàn bộ Ðại Bát Nhã, tính tổng cộng trong 22 năm. Phật cũng nói trước là trong tương lai kinh này sẽ rất thịnh hành tại Chấn Ðán (tức Trung Hoa), rồi từ đó truyền sang các nước khác trên thế giới.

Ngài Huyền Trang đời Ðường, phụng chiếu vua Ðường Cao Tông phiên dịch sáu trăm quyển của bộ Ðại Bát Nhả. Trong bản tiếng Phạn có tất cả 200.000 câu tụng, và với một thái độ hết sức nghiêm cẩn, không dám tự ý lược bỏ câu nào. Ngài phiên dịch đầy đủ. Công trình phiên dịch tại Chùa Ðại Hưng Thiện bắt đầu từ năm Hiển Khánh thứ năm (năm 660 sau tc) cho đến năm Long Sóc thứ ba (năm 663), tức là chỉ sau bốn năm là hoàn thành tại Chùa Ngọc Huê. Lúc đó, các cao-tăng đại-đức trong toàn quốc, các vị có tiếng tăm, đều góp công phụ giúp trong việc phiên dịch và nhuận sắc, đánh dấu một thời kỳ xán lạn nhất trong lịch sử phiên dịch kinh Phật-giáo của nước Trung Hoa.

Trong thời gian phiên dịch, từng được cảm ứng “đào khai lục độ”, hoa đào nở bông sáu lần trong một năm, đủ chứng minh rằng bộ Kinh Ðại Bát Nhã trọng yếu dường nào, khiến cho các loại thần hoa, thảo mộc, đến ủng hộ tán thán.

Pháp bất cô khởi,
Trượng cảnh phương sanh,
Ðạo bất hư hành,
Ngộ duyên tắc ứng.

Dịch nghĩa:
Pháp chẳng tự sanh,
Do cảnh mà có,
Ðạo chẳng ngẫu nhiên,
Vì duyên mà ứng.

Hồi mới tới nước Mỹ (1962), tôi lấy hiệu là “Mộ trung tăng”, tức là người tu trong mồ, ý nói không muốn cùng người tranh đua. Cho đến mùa hè năm nay (1968), bỗng có mấy chục người, vừa học giả, vừa sinh viên, từ đại học Seattle, Washington, cùng tới để cầu pháp. Cảm động trước sự thành khẩn của họ vì đã không ngại ngàn dặm xa xôi tới xin học đạo, tôi cho tổ chức một thời tịnh tu suốt 96 ngày trong dịp hè, và giảng bộ Kinh Lăng Nghiêm. Rồi có người xin thỉnh giảng Kinh Kim Cang. Chẳng kể giảng được hay không giảng được, tôi bèn thuận miệng đáp ứng.

Nay tôi giản lược giảng Kinh Kim Cang, tôi sẽ không đề cập các ý niệm như “bảy loại lập đề”, “ngũ trùng huyền nghĩa”. Tôi sẽ chia thành ba phần: Một là giải thích khái quát về tên kinh, hai là nói về dịch giả và ba là giảng giải văn nghĩa.

 

Chương Một

Giải Thích Tổng Quát Về Tên Kinh

Kim Cang là gì? Kim cang là tâm, kim cang là tánh, và kim cang cũng là trí bát nhã. Tâm kim cang cũng là tánh kim cang. Tánh kim cang cũng là trí kim cang bát nhã. Tất cả chỉ là một.

Tại sao nói kim cang là “tự tánh”? Tự tánh thì vĩnh viễn bất hoại, tự tánh kim cang cũng là tâm kim cang, tâm kim cang cũng vĩnh viễn bất hoại. Kim cang bát nhã cũng là thực tướng bát nhã, thực tướng bát nhã vĩnh viễn bất hoại.

Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật là tên của kinh, Kim Cang là tỷ dụ, Bát-nhã Ba-la-mật là pháp. Bởi vậy, chiếu theo phương pháp Thất chủng lập đề (theo cách này các kinh được xếp thành bảy loại, tùy theo tiêu chuẩn đề tài của kinh) thì đây là loại kinh pháp dụ, lấy kim cang để dụ cho bát nhã. Giảng như vậy cố nhiên là đúng. Tuy nhiên, không bằng chỉ thẳng rằng kim cang là tâm, kim cang là tính, kim cang là bát nhã. Bát nhã này chính là kim cang, không dùng tỉ dụ; tâm này chính là kim cang, khỏi cần phải dụ; tính này chính là kim cang, khỏi cần phải dụ.

Ít có ai giảng như vậy, đa số đều giảng theo lối pháp dụ lập danh. Nay tôi cũng theo lối pháp dụ lập danh, nhưng đem cả hai hợp làm một: pháp tức là dụ, dụ cũng là pháp, pháp và dụ chỉ là một. Nói đủ thì là Kim Cang Bát-Nhã Ba-Ba-Mật, nói gom lại thì là Kinh Kim Cang, cho nên người Trung Hoa lược bỏ mấy chữ Ba-la-mật mà gọi kinh này là Kinh Kim Cang, hoặc là Kinh Bát-Nhã Ba-Ba-Mật.

Ðối với “Pháp”, tôi vẫn thường nói với quý vị là nên giảng nó một cách linh hoạt, chớ không thể giảng nó cứng nhắc, như chấp rằng một là một, hai là hai. Cho nên, hiện tại chúng ta giảng là một, cũng có thể giảng là hai, là ba, đều được cả. Pháp vô định pháp, cho nên trong Kinh Kim Cang có câu: “Chẳng có pháp nhất định, đó gọi là Bát-nhã Ba-la-mật-đa”.

Kim cang có ba nghĩa: kiên cố, xán lạn, và bén nhọn.

Thể của kim cang là kiên cố bất hoại. Chẳng có vật gì có thể phá hủy nó, ngược lại, nó có thể phá hoại mọi vật khác; bởi vậy, thể của kim cang có thể hàng phục thiên ma, ngoại đạo. Nguyên lai, các tà tri, tà kiến của thiên ma ngoại đạo không dễ gì chế phục được, tuy nhiên nếu có “thể của kim cang”, thì có thể chế phục được thiên ma ngoại đạo.

Tướng của kim cang là xán lạn, có thể soi sáng bóng tối trần gian. Chỉ khi trừ được bóng tối thì ánh sáng hiển hiện; phá được tà pháp nên chánh pháp mới duy trì lâu dài. Nếu tà pháp không diệt, chánh pháp chẳng trụ được lâu. Tướng của kim cang chính là phá trừ mọi đen tối.

Dụng của kim cang là sự bén nhọn của nó. Thế nào là bén nhọn? Có thể ví nó như mũi dao nhọn chặt đá, rạch thép, chém sắt như bùn? vật cứng mấy cũng bị nát, bị hoại.

Nói về tâm kim cang: Chớ lầm tưởng đó là tâm trong lồng ngực là trái tim huyết nhục.

Còn một loại nữa kêu là tâm vọng tưởng, cũng gọi là thức thứ sáu; mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Các giác quan thảy đều có thức, như mắt có nhãn thức, tai có nhĩ thức, mũi có tỹ thức, lưỡi có thiệt thức, thân có thân thức, ý có ý thức. Mọi người đều cho rằng tâm huyết nhục là thức thứ sáu, đó chính là một sự sai lầm. Sai lầm thứ hai là đồng hóa tâm vọng tưởng với chân tâm. Kinh Lăng Nghiêm ghi như sau:

“Phật bảo A Nan, cái ấy chẳng phải là tâm của ông. Ðó là tiền trần, tưởng tượng hư vọng, nó làm cho chân tính của ông bị mê lầm. Do từ vô thủy cho đến nay, ông nhận tên giặc ấy làm con, bỏ mất tính bản lai thường trụ nên phải chịu luân hồi sinh tử”.

Ðoạn này trong kinh thật là trọng yếu, nói rõ thức thứ sáu là vọng tưởng, vì vậy Phật phá trừ vọng thức cho ông A Nan.

Tâm vọng tưởng thần thông quảng đại, hốt đông, hốt tây, hốt nam? hốt bắc, chẳng cần có hỏa tiễn cũng có thể tới được mặt trăng.

Ông A Nan cho rằng tâm đó chính là tâm của mình, nhưng Phật thì bảo:

“Ðó không phải là tâm của ông, đó là tiền trần, một loại hình tướng, suy tưởng hư vọng. Tướng hư vọng sinh ra từ sự vọng tưởng của ông đã che mờ mất chân tánh. Từ thời vô thủy đến kiếp hiện tại này, ông nhận cái đó là tâm, nhận giặc làm con, để mất vật báu cố hữu của mình, mất đi cái tâm trong sáng, quí báu, luôn luôn thường trụ bất biến của mình, cho nên mới chịu cảnh trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi, không biết lúc nào ra khỏi”.

Ðoạn trên chính là nói về tâm vọng tưởng.

Còn loại thứ ba là gì? Ðó là tâm chân như. Tâm chân như là thực tướng bát-nhã, cũng chính là thực tướng. Tâm chân như rộng lớn, không có gì ngoài nó. Cũng là nhỏ và không có gì chứa trong nó. Bảo nó lớn, tức không có cái gì lớn bằng. Bảo nó nhỏ, tức không có gì nhỏ bằng. Tâm đó mới là chân tâm của mỗi người. Ðó là ba loại tâm.

Kinh bát nhã có chừng bao nhiêu bộ? Nguyên là tám bộ, nhưng phân tích kỹ lưỡng thì kinh này được chia thành mười bộ.

Thứ nhất là Kinh Ðại Bát Nhã, có sáu trăm quyển. Trong thời gian Ngài Huyền Trang dịch kinh đó, hoa đào đã nở bông sáu lần trong một năm.

Thứ hai là Kinh Phóng Quang Bát Nhã, nói về Phật phóng quang khi thuyết bát nhã, gồm 30 quyển.

Thứ ba là Kinh Ma Ha Bát Nhã; Ma-ha nghĩa là “đại”, nhưng không cùng một danh xưng với Kinh Ðại Bát Nhã, và kinh này gồm 30 quyển.

Thứ tư là Kinh Quang Tán Bát Nhã, có nghĩa là Phật phóng quang khi tán thán bát nhã.

Thứ năm gọi là Kinh Ðạo Hạnh Bát Nhã.

Thứ sáu là Tiểu Phẩm Bát Nhã. Mỗi bộ trong ba kinh vừa nói, Quang Tán, Ðạo Hạnh và Tiểu Phẩm đều gồm có mười quyển. Vậy gộp lại, tính từ bộ kinh thứ nhất thì gồm co 690 quyển.

Thứ bảy là Kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã, gồm bảy quyển.

Thứ tám là Nhân Vương Bát Nhã, tức Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Kinh, gồm hai quyển.

Thứ chín là Thực Tướng Bát Nhã, chỉ có một quyển.

Thứ mười là Văn Thù Bát Nhã, cũng chỉ có một quyển. Tổng cộng toàn bộ là 701 quyển.

Phật nói Kinh Bát Nhã tại bốn địa điểm, trong mười sáu lần pháp hội.

Ðịa điểm thứ nhất là tại núi Linh-thứu, thành Vương-xá, phía đông-bắc thành Thất-la-phiệt, và nói trong bảy lần pháp hội.

Ðịa điểm thứ nhì, nói tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây của thái tử Kỳ-đà, cũng trong bảy hội.

Ðịa điểm thứ ba tại trời Tha Hóa Tự Tại, ở cung điện Ma-ni châu tạng, nói trong một hội.

Nơi thứ tư, tại vườn Trúc Lâm, bên hồ Bách Lộc (Vườn Nai), Phật cũng chỉ thuyết một hội. Tổng cộng bốn nơi, Phật thuyết mười sáu lần.

Kinh Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật này là quyển thứ 577 trong sáu trăm quyển của bộ Ðại Bát-nhã, và do Phật thuyết nơi vườn Cấp-cô-độc, tức địa điểm thứ hai trong kỳ pháp hội thứ ba ở đây. Ðó là tóm tắt lai lịch của kinh này.

Thế nào là Bát nhã? Trúc biếc hoa vàng, không gì chẳng phải bát nhã. Nghĩa là trí bát nhã hiển hiện ở mọi cảnh, như khi mắt nhìn trúc xanh, xem hoa vàng. Chữ bát nhã nguyên là tiếng Phạn, danh từ này được xếp vào một trong năm loại khong dịch ra, chỉ ký âm không dịch nghĩa. Nếu dịch sang tiếng Hán thì chỉ dịch được một ý và bỏ mất những ý nghĩa khác, gọi là đa hàm bất phiên.

Bát nhã được dịch thành trí huệ. Tuy nhiên, dịch như vậy chỉ được một ý mà không lột hết tất cả nghĩa.

Bát nhã có ba thứ gọi là Văn Tự Bát Nhã, Quán Chiếu Bát Nhã và Thực Tướng Bát Nhã.

Do Văn Tự Bát Nhã mà khởi đặng Quán Chiếu Bát Nhã; do Quán Chiếu Bát Nhã mà đạt được Thực Tướng Bát Nhã. Thế nào gọi là Văn Tự Bát Nhã? Ðó là văn tự trong kinh. Nếu ta không có trí huệ quan sát thì trong kinh chỉ toàn là chữ, đọc đi đọc lại chẳng thể nào hiểu được, và nếu không hiểu thì không thể có bát nhã; không có bát-nhã tức không thể sanh được trí huệ. Xưa nay, trí huệ này ai cũng có, chỉ vì lâu nay mình không vun bón nên nó không xuất hiện, nên bảo rằng không có. Không có Quán Chiếu Bát Nhã, tất không thể minh bạch được Thực Tướng Bát Nhã. Ðiều tất yếu là phải có Quán Chiếu Bát Nhã mới có thể tới được mục đích tối hậu tức là Thực Tướng Bát Nhã. Ðó là sơ lược về ý nghĩa của Bát-nhã.

Về ba-la-mật, có người nói chữ đó nghĩa là ngọt như trái khóm (pineapple)*[Ðây là cách chơi chữ (pun). Ba-la-mật tiếng Quan-thoại phát âm là bwo lwo mi, không khác với phát âm của chữ bwo lwo nghĩa là trái khóm (pineapple) và mi nghĩa là mật (honey). Cho nên, bwo lwo mi (ngọt như khóm và ba-la-mật) thì đồng âm nhưng dị nghĩa.] Không sai! Ba-la-mật là ngọt. Chúng ta nếm vị ba-la-mật thì quả thấy có ngọt, có điều ba-la-mật này chẳng phải chỉ ngọt một cách đơn thuần, mà là thứ ngọt ở trong vị ngọt. Vì nó làm cho ta lìa cái khổ để được cái vui sướng. Ba-la-mật, hay paramita, là tiếng ấn Ðộ. ở nước ấn Ðộ, hễ hoàn tất việc gì thì gọi là “ba-la-mật”. Nếu phiên dịch sang tiếng Hán thì thành ra từ “đáo bỉ ngạn” (tới bờ bên kia). Như chúng ta đương ở tại thành phố San Francisco mà muốn đi qua thành phố Berkeley thì phải đi qua cầu hoặc phải dùng thuyền qua sông, mới tới được bờ bên kia. Tới được thì gọi là “ba-la-mật” hay “đáo bỉ ngạn”. Như học hết tiểu học, đậu bằng tốt nghiệp, đó là ba-la-mật. Học hết trung học, có chứng chỉ tốt nghiệp, cũng là ba-la-mật. Rồi lên đại học, học xong, cũng là ba-la-mật. Sau đó học nữa, đến thạc-sĩ, bác sĩ, học xong từng giai đoạn một, đều gọi là ba-la-mật.

Bây giờ chúng ta đương ở đâu mà hướng tới “đáo bỉ ngạn” đây? Chúng ta đương ở bờ sinh tử, cố lội qua giòng thác phiền não để tới được bờ niết bàn, đó gọi là ba-la-mật. Nói tới ba-la-mật, thì cái gì cũng có thể nói là ba-la-mật. Như hiện nay, chúng ta chưa khai ngộ, mới bắt đầu ngồi thiền. Tới khi nào khai ngộ, thì đó là ba-la-mật. Nói tóm lại phàm làm công việc gì mà đat được thành công viên mãn, đều có thể gọi là ba-la-mật. Chúng ta tu học Phật-pháp, lúc đầu rất khó lãnh hội, do đó một số đông mới nghe qua một lần, thấy khó hiểu, liền mất hứng thú và không tới nữa. Người tu học Phật-pháp, trước hết phải có căn lành, còn phải nhẫn nại, và coi Phật-pháp hết sức trọng yếu, trên hết mọi sự. Khi thấy có điều nào không hiểu thấu, thì nhất định phải tìm cách nghe pháp, đọc kinh, giống như người đói bụng, không còn chuyện gì cần hơn là tìm chỗ nào có quán ăn để chạy tới. Phải có được cái tâm hoan hỉ nghe kinh như vậy, khi nghe xong kinh cũng gọi là ba-la-mật.

Nghĩa của chữ kinh đã được giảng qua nhiều lần. Kinh cùng nghĩa với chữ kính, tức là đường thẳng, một lối đi cho người tu, dẫn từ con lộ sinh tử đến con lộ không có sinh tử, cũng là dẫn từ địa vị phàm phu đến cảnh giới của bậc thánh hay Phật.

Chữ Kinh có một nghĩa gọi là “xuất sinh”; “xuất” tức là đi ra, ý nói pháp từ miệng của Ðức Phật mà phát sinh ra, tên xưng là “kinh”.

Kinh cũng có nghĩa khác nữa là “hiển diệu”, vì kinh điển soi sáng khắp thế gian.

Kinh còn có nghĩa là “thường”. Vô luận kim hay cổ, xưa nay kinh điển vẫn y nguyên, không thay đổi, một chữ không thêm, một chữ không bớt, chẳng tăng chẳng giảm, cổ kim bất biến gọi là “kinh”.

Một nghĩa khác của kinh là “quán thông”, tức thông suốt, từng hàng từng hàng trong kinh văn, từ đầu đến cuối, nghĩa lý đều thông suốt viên mãn.

Kinh cũng có nghĩa là “nhiếp”, tức là thâu hút. Tỷ như đá nam châm hút kim loại, kinh giúp các chúng sinh hiểu rõ Phật-pháp, thâu nhiếp hóa độ.

Kinh có nghĩa là “pháp”, tức phương pháp để mọi người y theo mà tu hành, một phép tắc chung cho cả ba đời, quá khứ, hiện tại và vị lai.

Ngoài ra kinh còn một số các nghĩa khác như gốc của pháp (pháp bổn), phát vi diệu (vi phát), suối phun (dũng tuyền), dây mực (thằng mặc), kết tràng (kết man). Ðây chỉ là giải thích một cách đơn giản ý nghĩa của chữ kinh.

 

Chương Hai

Dịch Giả: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu-Ma-La-Thập ở đời Diêu Tần

Bộ kinh này là do Pháp-sư Cưu-ma-la-thập phiên dịch vào thời Diêu Tần. Ngoài ra, còn năm vị Pháp-sư khác cũng dịch kinh này, vào những thời điểm khác nhau, do đó có một số các bản dịch khác cũng được lưu hành.

Bản dịch của Pháp-sư Cưu-ma-la-thập lấy tên là Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật Kinh.

Vị thứ hai phiên dịch kinh này là Bồ-đề-lưu-chi vào thời nguyên Ngụy. Vị thứ ba là Chân-đế dịch vào thời kỳ Nam-Bắc triều. Cả ba cùng đề chung một tên là Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật Kinh.

Vào triều đại nhà Tùy, Pháp-sư Cấp-đa dịch, lấy tên là Năng Ðoạn Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật Kinh, tức là thêm hai chữ năng đoạn vào tên của kinh.

Vị thứ năm là Ngài Huyền Trang, bắt đầu phiên dịch từ năm Trinh-quán thứ 19, đời Ðường. Tên của kinh cũng khác, lấy tên là Kim Cang Năng Ðoạn Bát-Nhã Ba-La-Mật Kinh. Ngài là một vị đại đức cao tăng của Trung Hoa, đã lưu học tại ấn Ðộ trong mười tám năm, sau trở về nước phiên dịch rất nhiều kinh điển Phật học.

Vị thứ sáu là Pháp-sư Nghĩa Tịnh. Ngài Nghĩa Tịnh cũng qua ấn Ðộ lưu học và trở về nước vào thời của Võ-tắc-thiên. Võ-tắc-thiên làm ra vẻ mộ đạo, ham học Phật-pháp, mới cho mời Pháp-sư Nghĩa Tịnh đến để phiên dịch kinh điển. Bản dịch này cùng lấy tên là Kim Cang Năng Ðoạn Bát-nhã Ba-la-mật Kinh như bản dịch của Ngài Huyền Trang.

Vậy là kinh này có tất cả sáu bản dịch, chúng ta nghiên cứu Phật học nên nhớ điều này.

Trong sáu bản dịch vừa nói ở trên thì bản của Ngài Cưu-ma-la-thập là thông dụng hơn cả. Ða số đều ưa thích các bản kinh điển do ngài dịch. Tại sao vậy?

Số là, vào triều đại nhà Ðường, có luật sư Ðạo Tuyên, chuyên trì giới luật. Ngài giữ gìn bốn tướng oai nghi, đi, đứng, nằm, ngồi, hết sức nghiêm cẩn. Như Kinh Lăng Nghiêm có nói: “uy nghi nghiêm cẩn, trai pháp cung kính”. Tại sao các oai nghi lại phải giữ cho nghiêm chỉnh? Bởi vì, nếu chúng ta giữ được như vậy, thì chẳng riêng người và trời đều phải cúng dường mà quỷ thần đối với chúng ta cũng phải cung kính, sùng bái. Luật sư Ðạo Tuyên nghiêm trì giới luật, bốn tướng oai nghi cũng đều trang trọng phi thường. Ðứng giữ tướng đứng, ngồi giữ tướng ngồi, nằm giữ tướng nằm, đi giữ tướng đi, bởi giữ được mẫu mực như vậy, nên mọi người mới có thể noi gương đó màhọc tập. Có câu rằng: đi như gió, đứng như tùng, ngồi như chuông, nằm như cung. Ðó chính là khuôn mẫu căn bản của bốn đại oai nghi nói trên.

Nói đi như gió không phải là nói tới trận gió lớn, đổ nhà bạt cây, mà là nói về làn gió nhẹ, nhu hòa như trong câu: hây hây gió nhẹ, sóng lặng như tờ [vi phong từ lai, thủy ba bất hưng (Xích-bích phú)], khiến mọi người đều cảm thấy hoan hỷ. Lập như tùng là ý nói thế đứng như cây tùng, trong tư thế độc lập, ngay và thẳng đứng. Tọa như chung nghĩa là khi ngồi thì vững chắc như một cái chuông đặt ngồi, chớ không phải như một cái chuông giao động, kêu đinh, đinh! đang, đang! phải như một cái chuông thời cổ, vững vàng không lay động, ngồi như vậy mới có được định lực. Ngọa như cung nghĩa là nằm giống như hình cái cung, gọi là thế nằm cát tường. Khi nhập niết-bàn, Ðức Thích Ca Mâu Ni cũng nằm trong tư thế đó. Nằm theo thế cát tường thì bàn tay mặt tựa vào má, bàn tay trái để trên đùi.

Nói chung, nếu phân tách kỹ ra thì bốn đại oai nghi gồm đủ cả ba ngàn oai nghi nhỏ và tám vạn tế hạnh. Cũng do luật sư Ðạo Tuyên giữ gìn nghiêm mật oai nghi, nên sinh cảm ứng, trời người đều tìm đến cúng dường, cung hiến thực phẩm. Chúng ta muốn tu hành làm cao tăng, trước hết là phải giữ giới, giới luật nào được truyền thì phải hết sức giữ gìn nghiêm cẩn. Giữ được giới thì các chư thần hộ pháp đều hộ trì cho mình, còn nếu phạm giới thì họ không hộ trì nữa, bởi vậy người tu là phải giữ giới.

Luật sư Ðạo-tuyên giữ giới thanh tịnh. Trong Kinh Lăng Nghiêm có câu: “Nghiêm tịnh tỳ-ni, hoằng phạm tam giới”. Tỳ-ni nghĩa là giới luật; “hoằng phạm tam giới” nghĩa là làm gương mẫu chung cho cả ba giới, dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Do đó mà luật sư Ðạo Tuyên được cả trời và người cung hiến thức ăn.

Một hôm, luật sư Ðạo Tuyên hỏi một vị trời vì lẽ gì người đời nay lại thích đọc kinh điển do Ngài Cưu-ma-la-thập dịch. Vị trời đó nói rằng: “Pháp-sư Cưu-ma-la-thập đã từng đảm nhiệm việc phiên dịch cho bảy vị Phật của đời quá khứ, do đó các kinh điển do Pháp-sư dịch rất đúng ý Phật. Cũng vì lẽ đó mà mọi người đều thích đọc các bản dịch của Pháp-sư”.

Khi lâm chung, Ngài Cưu-ma-la-thập có dặn rằng: “Sau khi tôi mệnh chung, hãy đem nhục thể của tôi thiêu hóa. Nếu quả thực các kinh điển do tôi phiên dịch không có điều gì sai lầm, thì lưỡi của tôi không bị hủy hoại. Còn như nếu là sai với tâm ý của Phật thì lưỡi của tôi tất bị thiêu hóa”. Sau khi thiêu xong, người ta thấy lưỡi của Pháp-sư vẫn còn giữ mầu hồng tươi, không hề bị cháy. Ðiều này chứng minh Pháp-sư Cưu-ma-la-thập dịch kinh là chính xác.

Bản dịch có ghi “Tam-tạng Pháp-sư Cưu-ma-la-thập đời Diêu Tần”. Diêu Tần là tên hiệu của triều đại đó, khác với đời Doanh Tần hay Phù Tần. Vua đầu tiên của triều đại Diêu Tần là Diêu Trưởng. Khi Diêu Trưởng mất thì Diêu Hưng kế vị. Trước đó, là triều đại Phù Tần, vua là Phù Kiên, nhưng Phù Kiên bị Diêu Trưởng giết chết nên đổi tên hiệu thành Diêu Tần. Còn chữ Doanh Tần dùng để chỉ triều đại của Tần Thủy Hoàng. Bởi vậy ngày nay người ta ghi chú rõ thời đại là Diêu Tần.

Chữ Tam Tạng là nói về ba tạng gồm kinh, luật và luận. Tạng kinh thuộc về định học, tạng luật thuộc về giới học, tạng luận thuộc về huệ học. Vậy là kinh, luật, luận bao gồm cả tam vô lậu học: giới, định, huệ.

Thế nào là Pháp-sư? Là vị mang pháp cho người, đem Phật-pháp bố thí cho người khác; Lại có người giảng pháp, coi pháp là thầy, lấy Phật-pháp làm sư phụ của mình, thì cũng gọi là Pháp-sư.

Có vị chuyên đọc tụng kinh điển, gọi là độc tụng Pháp-sư. Ðọc là nhìn vào văn bản mà xướng lên, tụng thì không cần phải nhìn vào văn bản cũng xướng lên được. Có khi đọc tụng cho riêng mình, có khi đọc tụng cho người khác. Có vị chuyên dùng bút sao lục kinh điển, vị đó gọi là thư tả Pháp-sư. Còn có vị gọi là thọ trì Pháp-sư, chuyên thọ trì cho mình, không hồi hướng cho các chúng sanh, chỉ chuyên thâm nhập kinh tạng, theo ý trong kinh mà thọ trì, thực tập. Các vị vừa kể trên đều có tên là Pháp-sư; nếu lại thông đạt được cả ba tạng thì gọi là tam tạng Pháp-sư.

Người ta gọi ngài Cưu-ma-thập là “Ðồng Thọ”, vì lẽ khi ngài trẻ ngài đã có đức hạnh như người già. “Ðồng” là nhi đồng, “thọ” là tuổi thọ, lớn tuổi. Trong một ngày, ngài có thể tụng một ngàn bài kệ. Mỗi bài kệ có ba mươi sáu chữ, một ngàn bài kệ có tất cả 36.000 chữ, vậy mà ngài chỉ tụng trong một ngày. Như bộ Kinh Pháp Hoa, ngài chỉ cần một khoảng thời gian hai ngày là học thuộc lòng và có thể tụng ra được. Lúc xưa, tuy ngài là trẻ thơ mà đạo đức và hành vi của ngài chẳng khác gì các vị lão bối, bởi vậy ngài mới có biệt hiệu là Ðồng Thọ.