Nam-mô A di đa bà dạ, đá tha già đa dạ. Đát điệt tha: A di rị đô bà tỳ, A di rị đá, Tất đam bà tỳ, A di rị đá, Tỳ ca lan đế, A di rị đá, Tỳ ca lan đa, Già di nị, Già già na, Chỉ đa ca lệ, Sa bà ha

Namo Amitābhāya Tathāgatāy.  Tadyathā: Amṛtod-bhave Amṛta Siddhaṃ bhave , Amṛta Vikrānte, Amṛta Vikrānta Gāmine Gagana Kīrta-kare Svāhā

 

Nam-mô – Namo – có nghĩa là cung kính, lễ kính, quy y, quy mạng.

Nam-mô, phiên âm chữ Nama từ tiếng Phạn. Trung Hoa dịch là “Quy y”; cũng dịch là “Quy mạng kính đầu”. Có nghĩa là: “Con xin đem toàn thể sinh mạng của con về nương tựa vào chư Phật”. Cái bản ngã của chính mình không còn nữa. Mà con xin dâng trọn vẹn thân mạng mình lên chư Phật. Nếu chư Phật cho con sống thì con sống; bảo con chết thì con chết. Con hoàn toàn tin vào chư Phật. Đó gọi là “Quy mạng”.

Còn “Kính đầu” có nghĩa là hết sức cung kính và nương tựa vào đức Phật. Đó là ý nghĩa của Nam-mô.

Còn “Quy y” có nghĩa là đem hết thân và tâm của mình, đem hết cả mạng sống của mình trở về nương tựa vào đức Phật.

 

A di đa bà dạ – Amitābhāya – là A Di Đà Phật.

Quy đầu Tây Phương Vô Lượng Giác
Trí huệ quang minh chúng tướng hảo
Y chánh thanh tịnh cập trang nghiêm
Hiền Thánh sung mãn tri đa thiểu.

Tạm dịch:
Quy mạng Tây Phương Vô Lượng Giác
Trí huệ quang minh các tướng tốt
Y chánh thanh tịnh rất trang nghiêm
Thánh hiền đầy khắp vô lượng số.

Giảng giải : Ðây là Tây phương Phật A Di Ðà, Phật Vô Lượng Thọ, Phật Vô Lượng Quang. Cho nên nói :

‘’Quy mạng Tây Phương Vô Lượng Giác.’’ Giác nghĩa là giác ngộ.

’’Trí huệ quang minh các tướng tốt.’’ Trí huệ, quang minh, tướng tốt, của Ngài đều vô lượng.

‘’Y chánh thanh tịnh rất trang nghiêm.’’ Y báo, chánh báo, của Ngài rất thanh tịnh và trang nghiêm. Y báo tức là sơn hà đại địa, nhà cửa lâu đài. Chánh báo tức là Phật, Bồ Tát, A la hán đều vô lượng trang nghiêm.

‘’Thánh hiền đầy khắp vô lượng số.’’ Tại thế giới Cực Lạc, Bồ Tát, A La Hán, Thánh Hiền Tăng không biết số bao nhiêu, dùng máy điện toán cũng tính chẳng được, vì quá nhiều.

 

Đá tha già đa dạ – Tathāgatāya Ða Tha Già Ða Gia là “Đảnh lễ hết thảy môn nhân của Phật”, tức cũng là đệ tử của Phật. Nói gộp lại là “quy y A Di Đà và các vị bồ tát”. “A di đa bà dạ” dịch sang tiếng Hán là Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang. Trên thực tế, “vô lượng” bao gồm hết thảy các thứ vô lượng.

Phổ lễ Như Lai chúng môn đồ
Nhất tâm cung kính đại trượng phu
Duy nguyện từ bi ai nhiếp thọ
Thường vi ngã đẳng tác hộ phù.

Tạm dịch:
Lễ khắp Như Lai chúng môn đồ
Một lòng cung kính đại trượng phu
Xin nguyện từ bi mà nhiếp thọ
Thường vì chúng con gia hộ trì.

Giảng giải: Ða Tha Già Ða Gia, tức là nói

“Lễ hết chủng tộc của Như lai”. Môn đồ của Như lai tức là đệ tử của Phật, nếu bạn là đệ tử của Phật cũng bao quát trong đó, tôi là đệ tử Phật cũng bao quát trong đó, người khác là đệ tử của Phật cũng bao quát trong đó. Cho nên đây chẳng phải nói người khác, mà là nói chính bạn.

‘’Một lòng cung kính đại trượng phu.’’ Ðồ đệ của Phật đều là đại trượng phu, nam nữ đều gọi là đại trượng phu. Cho nên khi đãnh lễ A Di Đà xong, thì chúng ta tiếp tục đãnh lễ các vị bồ tát thánh hiền

‘’Xin nguyện từ bi mà nhiếp thọ.’’ Chúng ta là đệ tử của Phật, chúng ta muốn đệ tử của Phật phát đại từ bi thương xót nhiếp thọ, vì chúng ta sống ở thế gian này làm rất nhiều việc không giữ quy cụ, thật là điên đảo, đáng thương xót. Ðệ tử của Phật thương xót chúng ta, nhiếp thọ chúng ta.

‘’Thường vì chúng con gia hộ trì.’’ Hộ thân như cái linh phù để bảo hộ chúng ta, khiến chúng ta có chỗ gởi gắm, có chỗ nương tựa.

 

Đát điệt tha (Đá địa dạ tha) Tadyathā Trong rất nhiều bài chú có câu “đát điệt tha” (怛絰他), hoàn toàn giống như câu này. Âm tiếng Phạn như nhau, phiên âm khác nhau. “Đá địa dạ tha” dịch sang tiếng Hán sẽ là “tức thuyết chú viết” (liền nói chú rằng). Vì thế, những câu trước đó là Phật hiệu, từ câu thứ tư cho đến câu mười bốn mới là chú ngữ.

Tôi nay nói tâm Chú nầy, bèn tuyên nói sắc lệnh của Phật. Tất cả chúng loại, ngưỡng sức lực Như Lai, nghe tụng Chú nầy, đều nên chắp tay cung kính đảnh lễ. Các vị nương oai lực của Phật, đều đến hộ vệ, đi đứng nằm ngồi, không nên xả lìa. Lại nghiêm phục tất cả bè đảng quyến thuộc, các vị lắng nghe, đều trở về chỗ của mình, hướng vô thượng đạo, thẳng đến bồ đề.

Phật sắc nhất thiết chư hữu tình
Các nghi kính lễ tuân phụng hành
Bất tương xả ly thời vệ hộ
Đồng đăng giác đạo pháp Vương Thành.

Nghĩa là:
Phật sắc lệnh tất cả hữu tình
Đều nên kính lễ phụng hành theo
Không nên xả lìa khi hộ vệ
Cùng lên giác đạo thành Pháp Vương.

Giảng giải: “Phật sắc lệnh tất cả hữu tình”:

“Sắc lệnh tất cả hữu tình” nầy, bao quát các hữu tình thiện, ác, có huyết, có khí, có tri giác, đều gọi là hữu tình. Thực vật thì chẳng có tri giác, thực vật thì thuộc về có tánh không tình, còn quỷ thì thuộc về có bóng không hình.

“Đều nên kính lễ phụng hành theo”: Bất cứ thiện ác đều nên chiếu theo Chú mà làm.

“Không nên xả lìa khi hộ vệ”: Đừng xả lìa hành giả, đừng xả lìa người thiện, đừng xả lìa người tu hành, lúc nào cũng đều hộ vệ họ.

“Cùng lên giác đạo thành Pháp Vương”: Cùng nhau lên giác đạo, đến thành Pháp Vương, đến chỗ ở của Phật.

 

A di rị đô bà tỳAmṛtod-bhave – “A di rị đô” (Amṛtod) là vô lượng, “bà tỳ” (bhave) là quang minh. Câu này là danh hiệu Vô Lượng Quang. Danh hiệu của A Di Đà Phật là Vô Lượng Quang.

 

A di rị đáAmṛta – Có nghĩa là vô lượng.

Tất đam bà tỳSiddhaṃ bhave – “Tất đam” (Siddhaṃ) dịch sang tiếng Hán là Nhất Thiết Nghĩa Thành (一切義成). “Nghĩa” (義) là nghĩa lý, “thành” (成) là thành tựu, [tức là] hết thảy nghĩa lý thành tựu viên mãn. “Bà tỳ” có nghĩa là quang minh. Có thể thấy những chú ngữ này đều nhằm tán thán vô lượng quang thọ của A Di Đà Phật, hết thảy đều vô lượng, đều có ý nghĩa này.

 

A di rị đáAmṛta – Vô lượng – Có cùng ý nghĩa như trong câu trước, đều là ca ngợi Vô Lượng Thọ Phật.

Tỳ ca lan đếVikrānte – Câu này bao hàm nhiều nghĩa, nghĩa thứ nhất là “vô ngại hành”. Phật và các vị đại Bồ Tát độ hết thảy chúng sanh trong mười pháp giới, giống như kinh Hoa Nghiêm đã nói “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”, chứa đựng ý nghĩa này. Nó có ý nghĩa “phương tiện”, phương tiện thiện xảo, phổ độ chúng sanh.

 

A di rị đáAmṛta – Vô lượng.

Tỳ ca lan đaVikrānta – Có ý nghĩa “Chân Như bất thoái”. Hết thảy chúng sanh hễ sanh về thế giới Tây Phương bèn viên chứng ba món Bất Thoái, có ý nghĩa này.

 

Già di nị Gāmine – “Già di nị” (Gāmine) là thế giới Cực Lạc, là Di Đà Tịnh Độ, là cõi An Dưỡng.

 

Già già naGagana – “Già già na” là tỷ dụ, là tán thán, có ý nghĩa là hư không, hoặc như chúng ta nói là thiên giới, hoặc thiên đạo trong lục đạo, cao cao tại thượng, rộng lớn vô biên. Có ý nghĩa ấy.

 

Chỉ đa ca lệKīrta-kare – Câu này cũng bao hàm nhiều nghĩa, có ý nghĩa “đế vãng” (諦往). “Đế” (諦) là chân thật, chỉ rõ hết thảy chúng sanh cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đó là chân thật nhất. “Đế” là đế thật (諦實), [tức là] chân thật, [“đế vãng” là] đi theo con đường ấy sẽ chân thật. Trong hội Hoa Nghiêm, Văn Thù và Phổ Hiền đều phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ. Còn có một ý nghĩa là “nguyện khứ” (nguyện đi [về cõi Cực Lạc]), hết sức hoan hỷ mong cầu vãng sanh.

 

Sa bà haSvāhā – Cuối tất cả hết thảy các bài chú đều có câu này, dịch sang tiếng Hán là “viên mãn nhanh chóng”, mang ý nghĩa chúc nguyện, hy vọng nguyện của chúng ta sớm có ngày thành tựu, sớm có ngày viên mãn. Đối với mười bốn câu, cổ đại đức đã nói đại ý của chú ngữ. Ý nghĩa ấy, quý vị liễu giải thì rất tốt, chẳng liễu giải cũng không sao. Chẳng liễu giải thì cứ thật thà niệm. Nếu liễu giải, chúng ta niệm chú này có thể tùy văn nhập quán, niệm đến câu nào, cảnh giới ấy bèn có thể hiện tiền.

 

============================

Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân. Năng tụng thử chú giả, A Di Đà Phật thường trụ kỳ đảnh. Nhật dạ ủng hộ. Vô linh oán gia nhi đắc kỳ tiện. Hiện thế thường đắc an ổn. Lâm mạng chung thời, nhậm vận vãng sanh.

Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân có thể tụng chú này, A Di Đà Phật thường ở trên đỉnh đầu người ấy, ngày đêm ủng hộ, chẳng để cho oán gia có dịp quấy nhiễu, Trong đời hiện tại, thường được an ổn. Khi lâm chung, tùy ý vãng sanh