Kinh Kim Cang – 5

Kinh Kim Cang

Pháp-sư Cưu-ma-la-thập phiên dịch vào thời Diêu Tần

Hòa Thượng Tuyên Hóa lược giảng

— o0o —

Phần 30: BẤT HỢP LY TƯỚNG

Tu Bồ Đề!  Nhược thiện nam tử, thiện-nữ nhơn,  dĩ tam thiên đại-thiên thế-giới, toái vị vi-trần. Ư ý vân hà? Thị vi trần chúng, ninh vi đa phủ?

Tu Bồ Đề ngôn:  “Thậm đa, Thế-Tôn!  Hà dĩ cố?  Nhược thị vi-trần chúng thiệt hữu giả, Phật tức bất thuyết vị vi-trần chúng. Sở dĩ giả hà? Phật thuyết vi-trần chúng, tức phi vi-trần chúng, thị danh vi-trần chúng.  Thế-Tôn!  Như-Lai sở thuyết tam-thiên đại-thiên thế giới, tức phi thế-giới, thị danh thế-giới.  Hà dĩ cố?

Nhược thế giới thiệt hữu giả, tức thị nhứt hiệp tướng.  Như Lai thuyết nhứt hiệp-tướng,  tức phi nhứt hiệp tướng, thị danh  nhứt hiệp tướng.”

Tu Bồ Đề!  Nhứt hiệp tướng giả, tức thị bất khả thuyết, đản phàm phu chi nhơn, tham trước kỳ sự.

Tu-bồ-đề! Nếu người thiện nam, người thiện nữ, lấy tam thiên đại thiên thế giới nghiền nát thành bụi nhỏ thì ý ông nghĩ thế nào? Những bụi nhỏ ấy, có phải nhiều chăng?

Tu-bồ-đề thưa: Rất nhiều, Thế-tôn! Tại sao? Nếu bụi nhỏ đó là thật có, ắt Phật không nói là bụi nhỏ nhiều. Vì cớ sao? Phật nói bụi nhỏ, tức chẳng phải bụi nhỏ, ấy gọi là bụi nhỏ. Thế-tôn! Như-lai nói tam thiên đại thiên thế giới, tức chẳng phải thế giới, ấy gọi là thế giới. Tại sao?

Nếu thế giới thật là có thì đó là một hợp tướng. Như Lai nói một hợp tướng, tức chẳng phải một hợp tướng, ấy gọi là một hợp tướng.

Tu-bồ-đề! Một hợp tướng, ắt là chẳng thể nói được, nhưng kẻ phàm phu tham chấp vào đấy.

 

Lược giải:

Tu-bồ-đề! Nếu người thiện nam, người thiện nữ, lấy tam thiên đại thiên thế giới nghiền nát thành bụi nhỏ thì ý ông nghĩ thế nào? Những bụi nhỏ ấy, có phải nhiều chăng?

Tu-bồ-đề thưa: Rất nhiều.

Tam thiên đại thiên thế giới thật rộng lớn vô cùng, không biết đâu là bờ bến. Cho dầu ngồi phi thuyền không gian, cũng chỉ đi tới một phần không gian nào mà thôi, không thể đi đến cùng tận tam thiên đại thiên thế giới. Cái gì tạo thành tam thiên đại thiên thế giới? Tam thiên đại thiên thế giới dù lớn tới đâu đi nữa cũng do những hạt bụi nhỏ họp lại mà thành. Bởi vậy khi làm công đức, chúng ta cũng làm từ những việc nhỏ mà sau thành công đức lớn, thành “vạn đức trang nghiêm.”

Cho nên nói chẳng vì điều thiện nhỏ mà không làm, chẳng vì điều ác nhỏ mà cứ làm. Điều thiện tuy nhỏ nhưng khi tích tụ lại cũng thành điều thiện lớn. Cũng như vậy, điều ác tuy nhỏ, nhưng nếu ta cứ làm hoài tất sẽ biến thành đại ác. Như vậy có khác gì cái thế giới kia là do từng hạt bụi nhỏ, gom dần lại mà thành.

Lúc xưa, vào thời Diêu Tần, Thiền sư Bạt-đà-la (Bhadra) hỏi Pháp-sư Đạo Sinh như sau:

– “Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc,” vậy cứu cánh sắc là gì? Không là gì?

Pháp-sư Đạo Sinh đáp:

– Những vi trần (hạt bụi nhỏ) tụ lại thành sắc. Vì những vi trần chẳng có tự tánh nên chúng là không.

Bạt-đà-la lại hỏi:

– Khi những vi trần chưa họp lại thì gọi là gì?

Pháp-sư Đạo Sinh không đáp được. Thiền sư Bạt-đà-la mới bảo Đạo Sinh:

– Ông chỉ biết về quả của sắc không mà chưa biết cái nhân của sắc không.

Pháp-sư Đạo Sinh vốn là người giảng pháp có hạng, Ngài giảng tới độ “đá cũng gật đầu,” vậy mà lúc ấy cũng tâm phục, đành phải thỉnh giáo Thiền sư:

– Xin hỏi thượng tọa, khi những vi trần chưa họp lại thì gọi là gì?

Bạt-đà-la nói:
Nhất vi không cố chúng vi không,
Chúng vi không cố nhất vi không,
Nhất vi không trung vô chúng vi,
Chúng vi không trung vô nhất vi.

Như vậy có nghĩa là nếu một hạt bụi nhỏ (nhất vi) mà không thì tất cả bụi nhỏ (chúng vi) cũng không nốt bởi vì tất cả bụi nhỏ là do từng mỗi một bụi nhỏ họp lại mà thành. Ngược lại, nếu tất cả bụi nhỏ mà không thì một hạt bụi nhỏ trong số đó cũng không luôn.

Hai câu sau nghĩa là nếu một hạt bụi nhỏ cũng không có thì làm gì có một khối hạt bụi? Ngược lại, một khối hạt bụi đã không rồi thì một hạt bụi cũng không có. Cho nên chẳng có không, mà cũng chẳng có sắc.

Nghe Thiền sư giảng như thế, Pháp-sư Đạo Sinh phải công nhận rằng (đạo) lý của Thiền sư Bạt-đà-la vừa diễn đạt hơn hẳn mình một bậc, bèn khấu đầu đảnh lễ.

Thế-tôn! Tại sao? Nếu bụi nhỏ đó là thật có, ắt Phật không nói là bụi nhỏ nhiều. Vì cớ sao? Phật nói bụi nhỏ, tức chẳng phải bụi nhỏ, ấy gọi là bụi nhỏ.

Ông Tu-bồ-đề giải thích tại sao ông trả lời Đức Phật là “rất nhiều.” Ông nói rằng các hạt bụi nhỏ bổn lai chẳng có thể tánh, vốn là không có. Nếu quả chúng thật có, Phật đã chẳng nói chúng là bụi nhỏ. Vì không có thể tánh nên mới gọi chúng là bụi nhỏ mà thôi.

“Phật nói bụi nhỏ,” chẳng qua là chiếu theo sự nhận thức của chúng sanh. Thật sự, bụi nhỏ đó bổn lai là không, vốn là Diệu Hữu, cho nên mới nói “tức chẳng phải bụi nhỏ, ấy gọi là bụi nhỏ,” chẳng qua miễn cưỡng lấy một tên để gọi cái đó là bụi nhỏ mà thôi.

Thế-tôn! Như-lai nói tam thiên đại thiên thế giới, tức chẳng phải thế giới, ấy gọi là thế giới. Tại sao? Nếu thế giới thật là có thì đó là một hợp tướng. Như-lai nói một hợp tướng, tức chẳng phải một hợp tướng, ấy gọi là một hợp tướng.

Ông Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: “Y theo lý như trên mà nói thì tam thiên đại thiênthế giới mà Như-lai nói, tức bổn lai không có, chỉ là giả danh mà thôi. Tại vì sao?

Giả dụ như thế giới đó thật có thì nó ‘là một hợp tướng.’ Một hợp tướng chính là chân tánh. Nếu một hợp tướng thật có thì chân tánh là thực có. Như-lai nói ngay cả cái hợp tướng (tức là chân tánh) cũng chẳng có thật thể, chân tánh bổn lai là chân, nhưng cũng chẳng có thật thể, chỉ là miễn cưỡng đặt cho nó một cái giả danh gọi là ‘một hợp tướng’ mà thôi. Do vậy, bát-nhã thì chẳng thể nói (vô thuyết). Bởi vì nó không có thật thể nên không có gì có thể nói.”

Tu-bồ-đề! Một hợp tướng, ắt là chẳng thể nói được, nhưng kẻ phàm phu tham chấp vào đấy.

Khi nghe ông Tu-bồ-đề giải thích xong, Đức Phật bảo: “Tu-bồ-đề! Một hợp tướng là gì? Tôi nói cho ông nghe: Một hợp tướng ắt chẳng thể nói, nói không ra, không có cách gì nói ra. Tại sao gọi là hợp tướng? Đó bất quá là một giả danh mà thôi.

Song, ‘kẻ phàm phu tham chấp vào đấy,’ chấp cái này là có, cái kia là không, cái này là thật, cái kia là hư.” Bởi đâu mà tham chấp? Bởi vì chấp trước vào sự phân biệt của kiến phần và tướng phần trong ruộng thức thứ tám (A-lại-da thức), cho sự phân biệt ấy là thật, rồi nhận cái hư vọng là thật. Thật ra, cái sự phân biệt của kiến phần và tướng phần hoàn toàn là hư vọng.

 

— o0o —

Phần 31: TRI KIẾN BẤT SINH

Tu Bồ Đề!  Nhược nhơn ngôn: Phật thuyết ngã kiến, nhơn kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến.  Tu Bồ Đề!  Ư ý vân hà? Thị nhơn giải ngã sở thuyết nghĩa phủ? Phất dã, Thế Tôn!  Thị nhơn bất giải Như Lai sở thuyết nghĩa.

Hà dĩ cố?  Thế Tôn thuyết, ngã kiến, nhơn kiến, chúng-sanh-kiến, thọ-giả-kiến, tức phi ngã-kiến, nhơn kiến, chúng-sanh-kiến, thọ- giả-kiến, thị danh ngã-kiến, nhơn-kiến, chúng-sanh-kiến, thọ-giả-kiến.

Tu-Bồ-Đề!  Phát A nậu đa la tam-miệu tam bồ đề tâm giả, ư nhứt thiết pháp, ưng như thị tri, như thị kiến, như thị tín giải, bất sanh pháp-tướng.

Tu Bồ Đề!  Sở ngôn pháp tướng giả, Như-Lai thuyết tức phi pháp tướng, thị danh pháp tướng.

Tu-bồ-đề! Nếu có người nói Phật thuyết ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, Tu-bồ-đề! Ông nghĩ như thế nào? Người đó có hiểu lời ta nói chăng? Thưa không, Thế-tôn! Người ấy không hiểu lời Như-lai nói.

Tại sao? Thế-tôn nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, tức chẳng phải ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, ấy gọi là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến.

Tu-bồ-đề! Người phát tâm a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, đối với tất cả mọi pháp nên như thế mà biết, như thế mà thấy, như thế mà tin hiểu, chớ sanh pháp tướng.

Tu-bồ-đề! Nói là pháp tướng, tức Như-lai nói chẳng phải pháp tướng, ấy gọi là pháp tướng.

 

Lược giải:

Tu-bồ-đề! Nếu có người nói Phật thuyết ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, Tu-bồ-đề! Ông nghĩ như thế nào? Người đó có hiểu lời ta nói chăng? Thưa không, Thế-tôn! Người ấy không hiểu lời Như-lai nói.

Đức Phật hỏi Ngài Tu-bồ-đề nếu có người giảng rằng: Phật nói “có ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến,” thì người đó có thấu hiểu lời Phật chăng? Ngài Tu-bồ-đề thưa, kẻ đó chẳng hiểu lời Phật giảng, vì nói vậy tức y chưa hiểu rõ đạo lý nhân không, pháp không, và không không. Như lý không trong Bát-nhã.

Trên đã nói về ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Đoạn này nói về ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến. Kiến tướng khác nhau thế nào? Tướng là hình tướng, do mắt nhìn thấy, rồi chấp vào tướng đó.

Kiến nghĩa là thấy, do tâm ý chấp vào cái sự “thấy,” nên kiến là một loại chấp trước vi tế. Tướng là loại chấp trước thô, thuộc về phần bên ngoài. Vi tế thì sâu xa hơn, nằm ở bên trong, thuộc phạm vi tâm ý, do sự phân biệt của ý thức mà có. Cái gì thuộc bên ngoài thì dễ trừ khử, dễ coi nó là không, nhưng cái ở bên trong, thì rất vi tế, do đó cái sự chấp trước này không dễ trừ, khó coi nó là không. Vì vậy, Phật mới nói thêm cho mọi người chú ý, không những phải lìa tướng để hàng phục tâm mà còn phải lìa kiến, lúc đó mới có thể chứng được nhân không, pháp không, và không không. Đoạn kinh này chính là nói về sự lìa kiến.

Tại sao? Thế-tôn nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, tức chẳng phải ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, ấy gọi là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến.

Phật giải thích tại sao người nói trên không hiểu thấu lời Phật giảng. Bởi vì Phật nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, là giảng theo nghĩa của tục đế. Nếu nói theo chân đế tức chẳng phải ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến; còn theo lẽ trung đạo thì nó chỉ là một giả danh mà thôi. Cái gọi là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, thật sự chỉ là điều hư vọng, bổn lai chẳng có tướng, chẳng có kiến. Do thuyết về Bát-nhã nên đặt cho nó một cái tên giả (giả danh) để gọi mà thôi.

Tu-bồ-đề! Người phát tâm a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, đối với tất cả mọi pháp nên như thế mà biết, như thế mà thấy, như thế mà tin hiểu, chớ sanh pháp tướng.

Phật bảo Ngài Tu-bồ-đề rằng người phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì phải thấu rõ ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến như trên. Đồng thời đối với mọi pháp cũng phải tin hiểu như thế, chớ nên chấp trước mọi sự. Chúng ta nghe câu “Phật thuyết đủ mọi pháp để độ đủ mọi tâm thái, nếu chẳng có tâm thì cần gì pháp.” Đó chính là dạy chúng ta không nên chấp vào pháp tướng.

Tu-bồ-đề! Nói là pháp tướng, tức Như-lai nói chẳng phải pháp tướng, ấy gọi là pháp tướng.

Ở đây cũng là nghĩa pháp tướng bổn lai không có và ly nhất thiết tướng, chẳng qua chỉ là giả danh mà thôi. Kinh Kim Cang nói về diệu lý của Chân Không Bát-nhã. Diệu lý ấy bao gồm năm khía cạnh về tính bình đẳng nhìn từ trí huệ Bát-nhã:

  1. Chúng sanh và Phật là bình đẳng,
  2. Có và Không bình đẳng,
  3. Mọi sự mọi việc (chư pháp) đều bình đẳng,
  4. Một và Nhiều bình đẳng,
  5. Mọi quan điểm, mọi kiến giải (chư kiến) đều bình đẳng.

Diệu lý Bát-nhã trong Kinh Kim Cang chính là pháp môn bình đẳng. Bởi chúng ta không thấu hiểu lẽ đó khiến cho mọi sự đều biến thành bất bình đẳng cả, giống như “có đầu lại thêm đầu,” “có tướng lại thêm tướng.”

  1. Chúng sanh và Phật là bình đẳng. Chúng sanh và chư Phật mười phương đều như nhau. Năm tôi mười hai tuổi, xem cuốn Lục-tổ Đàn Kinh, càng xem tôi càng thấy thích thú. Năm mười lăm tuổi tôi mới được đi học, mười sáu tuổi giảng kinh, hiểu được trong kinh chữ nào, tôi giảng tới chữ đó. Những kinh tôi giảng là Lục Tổ Đàn Kinh, Kinh Kim Cang, A Di Đà. Tôi giảng cho ai nghe đây? Giảng cho các vị sư nghe. Tôi chỉ là một cư sĩ tại gia mà lại giảng kinh cho các vị tu sĩ.

Tại sao vậy? Vì các vị này không biết chữ, muốn hiểu Phật-pháp mà không biết học ở đâu, còn tôi thì nhà ở gần chùa, lại biết mặt chữ nên ngày ngày giảng kinh cho các vị đó nghe. Giảng tới câu “Pháp có đốn tiệm, mê ngộ có mau chậm” trong Lục Tổ Đàn Kinh, tôi tự hỏi: “Tại sao có đốn và có tiệm? Thế nào là đốn (tức khắc)? Thế nào là tiệm (dần dần)? Đốn và tiệm là một thứ hay hai thứ khác nhau?” Về sau tôi có biên một câu đối mà vế trên như thế này:

Đốn tiệm tuy thù, thành công tắc nhất, hà phân Nam Bắc
(Đốn tiệm tuy khác, thành công là một, hà chia Nam, Bắc)

Đốn và tiệm không phải là một. Đốn thì tức khắc thành Phật, tiệm thì dần dần thành Phật. Vậy là đốn khác tiệm. Tuy nhiên, lúc thành công thì đốn chẳng phải đốn, tiệm chẳng phải tiệm, đốn và tiệm đều chẳng còn nữa, hà tất phân chia ra Nam Bắc? Nam Phương là nơi Lục Tổ Huệ Năng giảng pháp đốn, còn Bắc phương có Đại-sư Thần Tú giảng pháp tiệm. Các đệ tử của hai bên bấy lâu tranh chấp, bên nào cũng cho rằng môn phái của mình mới là chính tông.

Nhân tiện, tôi muốn nói với quý vị điều này, về sau quý vị có gặp bất cứ ai cũng đừng cố sức tranh cãi giùm cho thầy của mình. Bởi vì nói cho đúng thì chẳng có pháp có thể giảng, chẳng có thật, chẳng có giả, chẳng có đúng, chẳng có sai. Dođó không nên tranh luận thị phi, chớ bắt trước đệ tử của Lục Tổ và Thần tú mà tranh chấp. Bởi anh phê bình thầy tôi sai, tôi phê bình thầy anh sai, do đó mà chia thành đốn tiệm.

Do đọc Lục Tổ Đàn Kinh thấy đốn và tiệm không bình đẳng nên tôi mới nói: “Đốn tiệm tuy khác, thành công là một.” Hơn nữa, do đâu mà có đốn ngộ? Vì chỉ thấy hiện tại tức thời khai ngộ, có biết đâu từ bao nhiêu kiếp trước, lũy thế đã từnghuân tu Phật-pháp, nên ngày nay mới bừng ngộ. Còn tiệm thì sao? Nay ta cứ dần dần tu hành, tới khi công thành thì đốn ngộ, nên tôi mới nói chẳng có đốn, tiệm.

“Hà phân Nam Bắc,” ý nói hà tất phải phân biệt Nam với Bắc. Anh bảo Nam, nhưng khi anh đến chỗ cuối của Nam, anh sẽ biến thành Bắc. Trong Kinh Lăng Nghiêm nói về “trung” như thế này: “Cái trung đó, nếu đứng ở Đông thì nó là Tây, nhìn nó từ Nam, nó biến thành Bắc.” Bởi vậy, như Nam Bắc cũng không còn, thì hà tất phân biệt cho lắm làm chi? Vế dưới câu đối như sau:

Thánh phàm tạm dị,
căn tính khước đồng,
Mạc luận Đông Tây.

(Thánh, phàm tạm thời khác, căn tánh thì giống nhau, đừng luận Đông Tây).

Thánh là chỉ Phật, Phật gọi là bậc thánh, còn phàm phu là chúng sanh. Tuy tạm thời phân ra hai loại, nhưng căn tánh thì như nhau: Tất cả đều có Phật tánh. Phật có Phật tánh nên mới thành Phật. Chúng sanh thành Phật cũng vì có Phật tánh.

Bạn đừng cho rằng nơi Tây Phương A Di Đà Phật là Phật, còn các chúng sanh ở Đông Phương là chúng sanh. Chúng ta không nên phân biệt như vậy. Đại-sư Vĩnh Gia có nói (Khi giác ngộ rồi):

Cũng không người, cũng không Phật,
Thế giới ba ngàn bọt nước xao.

Nếu ta hiểu Phật-pháp, xét cho cùng thì rốt ráo chẳng có gì. Còn như chưa thấu triệt thì vẫn cứ chấp trước. Hiểu được Phật-pháp thì mọi sự chẳng chấp. Bởi vậy, tôi nói “mạc luận Đông Tây,” nghĩa là khỏi cần phải mất công tranh luận. Nhưng các vấn đề này từ đâu mà nẩy sanh? Giống như câu chuyện của Diễn-nhã-đạt-đa ôm đầu mà chạy cuống quít. Thực sự đầu của y vẫn ở trên cổ mà y cứ tự bảo là mình mất đầu. Chúng ta cũng vậy, đi tìm Phật-pháp ở chỗ nào đây? Quay lưng lại tức là Phật-pháp ở đó. Cho nên có câu “quay đầu lại là giác ngộ.” Hễ giác ngộ thì lãnh hội Phật-pháp, không giác ngộ thì không hiểu Phật-pháp. Tuy không giác ngộ, nhưng Phật pháp vẫn còn tồn tại, chỉ tại mình không hiểu đó thôi.

Phật và chúng sanh là bình đẳng, nhưng sao chúng sanh lại là chúng sanh? Vì chúng sanh si mê bản tánh. Tại sao lại thành Phật? Vì chúng sanh đi ngược trở về nguồn cội Phật tánh, nên thành Phật. Vì thế mà thánh và phàm chẳng phải là hai, cũng là nghĩa của “Phật, chúng sanh bình đẳng,” chỉ vì tâm phân biệt nên chia ra đây là chúng sanh và kia là Phật. Khi tâm hết phân biệt thì Phật và chúng sanh bình đẳng.

  1. Không và Có bình đẳng. Thế nào là không? Lục Tổ Đàn Kinh nói: “Hỏi không, lấy có mà trả lời.”

Không là gì? Không là có. Có là gì? Có là không.

Quý vị nói: “Sao có thể không là có, có là không được?”

Khi lãnh hội được rằng, không và có chẳng phải là hai (bất nhị), là bình đẳng, quý vị sẽ hết chấp thường cũng không chấp đoạn. Chấp đoạn là rơi vào không, chấp thường là rơi vào có. Không và Có bình đẳng chính là Trung đạo. Chân Không chẳng trở ngại Diệu Hữu, Diệu Hữu chẳng trở ngại Chân Không, Chân Không là Diệu Hữu, Diệu Hữu là Chân Không.

Không là do có, nên không mới tồn tại. Có là do vì không, nên có mới hiện hữu. Nếu chẳng “có” thì sẽ chẳng có “không.” Không và có là “bất nhị,” chẳng phải là hai mà là bình đẳng.

  1. Các pháp bình đẳng. Kinh Kim Cang nói: “Pháp là bình đẳng, chẳng có cao thấp, nên gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác.” Các pháp vốn bình đẳng, Như-lai không phải do từ ở đâu mà lại, và cũng không đi tới một chỗ nào. Chẳng đi chẳng lại chính là các pháp bình đẳng.
  2. Một và Nhiều bình đẳng. Một là nhiều, nhiều là một. Một hạt bụi nhỏ là tam thiên đại thiên thế giới, tam thiên đại thiên thế giới là một hạt bụi nhỏ, chẳng có mảy may phân biệt. Chúng sanh ngu si có nhiều tâm phân biệt nên mới nói:

“Cái này nhiều, cái kia ít,” có biết đâu nhiều là từ cái ít gom lại và ít là từ cái nhiều mà ra. Vậy là một với nhiều bình đẳng, cũng chính là nói hạt bụi là thế giới, thế giới là hạt bụi.

  1. Chư kiến bình đẳng. Ví dụ như ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, các kiến này đều là không, như vậy gọi là chư kiến bình đẳng. Chúng ta tùy theo căn bệnh mà dùng thuốc để chữa trị, khi khỏi bệnh rồi, đâu còn phải dùng thuốc nữa? Đó là nghĩa của chư kiến bình đẳng.

Ý nghĩa của năm loại bình đẳng vừa nói ở trên là ý nghĩa của toàn bộ Kinh Kim Cang. Thêm vào đó, cũng cần nói tới chữ “tín.” Lý Bát-nhã là lý không, nếu không có tín tâm thì giảng về lý không bao nhiêu cũng vô dụng. Pháp Phật như biển lớn, nên chẳng có lòng tin thì chẳng vào được biển Phật-pháp này.

 

— o0o —

Phần 32: ỨNG HÓA PHI CHÂN

Tu Bồ Đề! Nhược hữu nhơn dĩ mãn vô-lượng a tăng kỳ thế-giới thất bảo trì dụng bố-thí.

Nhược hữu thiện-nam tử, thiện-nữ nhơn, phát bồ-đề tâm giả, trì ư thử kinh, nãi chí tứ cú kệ đẳng, thọ trì đọc tụng, vị nhơn diễn thuyết, kỳ phước thắng bỉ.

Vân hà, vị nhơn diễn thuyết? Bất thủ ư tướng, như như bất động. Hà dĩ cố?

“Nhứt thiết hữu-vi pháp,

Như mộng, huyễn, bào, ảnh,

Như lộ, diệc như điển,

Ưng tác như thị quán.”

Phật thuyết thị kinh dĩ, Trưởng-Lão Tu-Bồ-Đề, cập chư Tỳ-kheo, Tỳ kheo-ni, Ưu-Bà-Tắc, Ưu-Bà-Di, nhứt thiết thế-gian: Thiên, nhơn, A Tu La v.v… văn Phật sở thuyết, giai đại hoan hỉ, tín thọ phụng hành.

Tu-bồ-đề! Nếu có người đem đồ bảy báu chứa đầy thế giới trải qua vô lượng A-tăng-kỳ kiếp dùng để bố thí,

Với người thiện nam, thiện nữ, phát tâm bồ-đề lấy Kinh này cho đến bốn câu kệ, thọ, trì, đọc, tụng và giảng cho người khác nghe thì phước của người này hơn phước của người trên.

Thế nào gọi là giảng cho người khác? Chẳng chấp nơi tướng, như như bất động. Tại sao?

Tất cả pháp hữu vi,

Như mộng, huyễn, bọt, bóng,

Như sương, như điện chớp,

Nên quán tưởng như thế.

Phật thuyết kinh này xong, trưởng lão Tu-bồ-đề cùng chúng tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, tất cả thế gian trời, người, a-tu-la nghe Phật nói đều rất vui mừng, tin thọ và phụng hành.

 

Lược giải:

Tu-bồ-đề! Nếu có người đem đồ bảy báu chứa đầy thế giới trải qua vô lượng A-tăng-kỳ kiếp dùng để bố thí,

Phật nêu thí dụ có người dùng nhiều bảy báu như vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, mã não, chất đầy a-tăng-kỳ thế giới để làm vật bố thí…

Bây giờ quý vị thử tự hỏi: “Có người mang vật bảy báu chứa đầy tam thiên đại thiên thế giới, vô lượng a-tăng-kỳ thế giới nhiều như vậy để bố thí, thì không hiểu ta có thể bỏ hết tài sản của mình ra để bố thí hay không?” Nếu không thì công đức đâu bằng người kia!

Tôi nói cho quý vị nghe thế này: “Quý vị không thể bỏ ra tài sản để bố thí thì cũng được, quý vị cứ giữ lại tài sản đó, rồi chịu khó đi học Phật-pháp, sau đó lấy Phật-pháp ra làm vật bố thí vậy.”

Với người thiện nam, thiện nữ, phát tâm bồ-đề lấy Kinh này cho đến bốn câu kệ, thọ, trì, đọc, tụng và giảng cho người khác nghe thì phước của người này hơn phước của người trên.

Phật lấy thí dụ khác là có người thiện nam, người thiện nữ phát tâm bồ-đề vô thượng chánh đẳng chánh giác, trì tụng Kinh Kim Cang cho đến vỏn vẹn bốn câu kệ, lãnh thọ ở tâm, hành trì ở thân, đọc kinh, tụng thuộc, rồi sau đó giảng cho người khác nghe thì phước đức của người này lớn lắm, còn hơn phước đức của người bố thí nhiều bảy báu chứa đầy cả a-tăng-kỳ thế giới vậy.

Thế nào gọi là giảng cho người khác? Chẳng chấp nơi tướng, như như bất động. Tại sao?

“Giảng cho người khác” tức là Văn-tự bát-nhã.

Như sao gọi là chẳng chấp tướng? Diễn giảng cho người khác nghe mà quý vị không chấp trước. Quý vị không nên nói: “Tôi giảng bốn câu kệ cho anh nghe thôi là đã tạo rất nhiều công đức.” Đành rằng giảng kinh thì nhiều công đức, nhưng hễ đầu ốc ta có ý nghĩ “nhiều” thì ta đã chấp tướng. Hãy buông bỏ sự chấp trước vào tướng, có xem như là không, thật xem như là giả. Nếu quý vị có học vấn, có đạo đức thì xem như mình không có gì. Bất cứ thời khắc nào, ở nơi nào, cũng chẳng nên có quan niệm về mình, và không giữ một tướng gì cả (chẳng chấp nơi tướng), đó là quán chiếu bát-nhã.

“Như như bất động” là thật tướng bát-nhã, trí huệ chân thật. Lấy lý như như chiếu trí như như, lấy trí như như chiếu lý như như, khế lý như như, hợp lý như như, như vậy thì chẳng pháp nào mà không như như.

“Vì người diễn giảng” là văn tự bát nhã; “chẳng chấp ở tướng” là quán chiếu bát nhã; “như như bất động” là thật tướng bát nhã.

Ở phần đầu kinh giảng về bát-nhã, ở cuối lại kết thúc bằng bát-nhã. “Tại sao?” Tôi xin nói quý vị nghe, ở đoạn cuối này Đức Phật nói đến bốn câu kệ, khi chúng ta nghe rồi nên luôn ghi nhớ:

Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
Như sương, như điện chớp,
Nên quán tưởng như thế.

Thế nào là pháp hữu vi? Mọi sự việc đều là hữu vi, mặc áo, ăn cơm, đi, đứng, nằm, ngồi đều là hữu vi. Đó là nói về bên ngoài. Năm uẩn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức là pháp hữu vi. Bốn đại, đất, nước, gió, lửa là pháp hữu vi. Sáu căn, sáu trần là pháp hữu vi. Mười hai xứ, mười tám giới cũng là pháp hữu vi.

Tất cả mọi pháp hữu vi thì như thế nào? Nói cho rõ ràng thì chúng như “mộng, huyễn, bọt, bóng” hay như “sương, như điện chớp.” Chúng ta phải coi các pháp hữu vi như sáu thứ nói trên, nên theo như vậy mà quán.

Thế nào gọi là mộng? Nếu như chúng ta biết mình đang ở trong mộng, tức là không phải mộng. Mộng là cõi mơ, đời người là mộng, ở trong cảnh mộng mà nằm mơ, khi tỉnh lại không nhớ được gì. Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta vừa ra khỏi cảnh mộng của kiếp quá khứ, lại tức khắc đi vào cõi mộng của kiếp này, cho nên chuyện gì trong quá khứ cũng không nhớ ra được.

Tỉ dụ, tôi có bảo: “Các vị đang ở trong mộng,” chắc quý vị chẳng đời nào tin. Tới khi tu hành thành công rồi, tỉnh mộng rồi, thì lúc đó chẳng cần ai nhắc, chính quý vị cũng phải thốt ra: “A! Hóa ra trước đây, ta làm cái này cái kia, làm quan, phát tài, nhiều con, nhiều cháu, thật ra đều là mộng cả.” Tại sao, bây giờ tôi bảo quý vị nằm mộng quý vị lại chẳng tin? Bởi vì quý vị chưa giác ngộ, nếu giác ngộ rồi, quý vị sẽ trả lời: “Đúng! Đó là mộng.”

Thế nào là huyễn? Huyễn là hư huyễn. Tỉ dụ có nhà ảo thuật kia mang ra một cái chậu trong có lửa cháy. Ông ta niệm chú thì thấy ở trong chậu lửa biến thành hoa sen. Loại thần thông này chỉ là một trò ảo thuật, trông như thật, kỳ thật chẳng phải thật, vì đó là ảo vọng.

Nếu chúng ta hiểu thấu Phật-pháp thì biết rằng mọi sự đều là ảo thuật, cái thế giới này là hư ảo, chỉ vì nhân duyên hòa hợp mà có. Nếu chẳng hiểu rõ Phật Pháp, thì chẳng khác gì trường hợp của đứa bé sơ sanh hay là một kẻ ngu muội, bị trò ảo thuật làm cho mê hoặc, coi mọi sự đều là thật cả, thăng quan là thật, phát tài là thật, tất cả đều cho là thật. Có biết đâu, phát tài cũng là con người đó, gặp cùng khổ cũng con người đó, chẳng có gì khác nhau. Chúng ta chỉ cần hiểu minh bạch tất cả mọi thứ đều là hư huyễn chẳng thật, thì chúng ta chẳng bị các trò ảo thuật làm cho mê hoặc.

Bọt thì hư ảo chẳng thật, còn bóng tức là ảnh của một hình tướng nhưng bóng người thì tùy theo thân người. Vì có hình mới có bóng. Hình là thật, nhưng bóng là hư giả. Nói xa hơn một bậc thì hình tướng cũng là hư dối, chẳng phải thật có. Quý vị không tin thử chấp vào cái hình hài này coi sao, xem quý vị có bảo trì, giữ nó được mãi hay không, hay là hình hài này vẫn phải chết?

Như sương, như điện chớp: Buổi sáng sớm, lúc thức dậy, quý vị thấy trên hoa cỏ còn động lại những giọt sương, nhưng khi mặt trời ló dạng, ánh nắng chiếu xuống thì sương tan, không còn nữa. Điện chớp cũng là hiện tượng thoáng qua, bất thường như vậy.

Nên quán theo như thế: Nếu nhìn mọi sự theo cách đó, thì ta sẽ thấy biển rộng trời cao, tâm lượng của ta biến thành rộng lớn, bao la như hư không, không bị sự vật gì ràng buộc, không gì làm trở ngại. Bởi tâm không bị trở ngại nên không sợ hãi. Tại sao quý vị lại sợ? Vậy sợ cái gì? Tôi chẳng sợ gì cả! Vì không sợ thì mới vô ngại. Làm sao được vậy? Tôi thường nói với quý vị: “Everything is OK!” bởi lý do biết tất cả mọi sự vật chỉ là mộng huyễn bọt bóng, như sương như điện chớp thì còn thấy trở ngại chỗ nào nữa? Bát-nhã Tâm kinh nói: “Tâm không bị trở ngại, bởi tâm không bị trở ngại, nên không sợ hãi, xa lìa điên đảo mộng tưởng.”

Phật thuyết kinh này xong, trưởng lão Tu-bồ-đề cùng chúng tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, tất cả thế gian trời, người, a-tu-la nghe Phật nói đều rất vui mừng, tin thọ và phụng hành.

Phật nói xong bộ Kinh Kim Cang của Chân không Bát-nhã thì vị trưởng lão có mười loại đức hạnh Tu-bồ-đề, cùng với các tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc (còn gọi là cận sự nam), ưu-bà-di (còn gọi là cận sự nữ), cùng tất cả thế gian, các vị trên tầng trời, người dưới trần gian, loại chúng sanh có thiên phước nhưng chẳng có thiên quyền là a-tu-la, đều hết sức vui mừng được nghe diệu lý, như người được của báu, tin theo, thọ lãnh để phụng hành và buông bỏ mọi thứ dục niệm.

 

— Hết —