Kinh Lăng Nghiêm – Giảng Giải – 2.2

KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH NHƯ LAI MẬT NHƠN
TU CHỨNG LIỄU NGHĨA
CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH
THỦ LĂNG NGHIÊM

QUYỂN 2 – PHẦN 2

— o0o —

TUYÊN HÓA THUỢNG NHÂN
giảng thuật

Kinh văn: 是時文殊師利法王子愍諸四眾。在大眾中 即從座起。頂禮佛足合掌恭敬。而白佛言世尊。此諸大眾。不悟如來發明二種精見色空是非是義。

Phiên Âm: Thị thời Văn-thù-sư-lợi pháp vương tử, mẫn chư tứ chúng. Tại đại chúng trung, tức tùng toạ khởi, đảnh lễ Phật túc, hợp chưởng cung kính, nhi bạch Phật ngôn:

Thế Tôn! Thử chư đại chúng. Bất ngộ Như Lai, phát minh nhị chủng, tinh kiến sắc không, thị phi thị nghĩa.

Việt dịch: Khi ấy Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử thương xót bốn chúng, từ chỗ ngồi ở trong đại chúng đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, chắp tay cung kính bạch Phật rằng:

“Bạch Đức Thế tôn, đại chúng đây chưa nhận ra chỗ Như Lai chỉ bày hai nghĩa ‘phải’ và ‘chẳng phải’ của ‘tánh thấy’ và ‘sắc không’.”

Giảng: Khi ấy Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử– Đại trí Văn-thù Sư-lợi Bồ Tát , vốn đã hiểu rồi, nhưng Ngài thấy trong đại chúng, gồm hàng hữu học, hàng Sơ quả, Nhị quả, Tam quả A-la-hán, thấy rằng họ thật đáng thương xót. Thế nên Ngài đưa ra câu hỏi. Văn-thù-sư-lợi tiếng Phạn có nghĩa là “Diệu Đức”, còn có tên là “Cát Tường.” Đức Phật là Pháp vương, và Bồ-tát là con của Pháp vương. Văn-thù-sư-lợi là đứng đầu trong số các Pháp vương tử; là thượng thủ trong hàng Bồ-tát.

Ngài thương xót bốn chúng – tỷ-khưu, tỷ-khưu ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di – từ chỗ ngồi ở trong đại chúng đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật. Ngài đứng dậy đảnh lễ Đức Phật rồi phủ phục xuống đỡ chân Phật bằng hai tay. Đây là cử chỉ biểu lộ lòng cung kính nhất. Chân người là nơi dơ bẩn nhất, nên dùng tay nâng chân Phật có nghĩa là: “Con đang phủ phục dưới chân Phật.” Thế nên khi lạy Phật, quý vị để ngửa lòng bàn tay, và trong tư thế nầy, quý vị nên quán tưởng hai bàn tay mình đang đỡ dưới chân Phật. Điều nầy biểu hiện cho thân nghiệp thanh tịnh, vì khi thể hiện lòng kính trọng theo cách nầy, thì thân thể quý vị không phạm một lỗi lầm nào cả.

Chắp tay cung kính. Điều nầy biểu tượng cho ý nghiệp thanh tịnh. Trong tâm ý quý vị vẫn sinh khởi lòng kính trọng chân thành. Chắp tay lại với 10 ngón tay dính sát vào nhau biểu tượng cho nhất tâm quy kính. Có nghĩa là quý vị “trở về nhất tâm” và một lòng quy ngưỡng tôn kính Đức Phật. Chắp tay lại còn được gọi là “hợp 10 thành một.” Bạch Phật rằng: Điều nầy biểu tượng cho khẩu nghiệp thanh tịnh. Thân khẩu ý tất cả đều biểu hiện sự cung kính. Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp đều thanh tịnh. Đây là ba nghiệp thanh tịnh. tại sao con người lại phạm vào nghiệp chướng? Nghiệp chướng thường bị gây ra do khẩu nghiệp. Nên nói:

Bệnh tùng khẩu nhập
Họa tùng khẩu xuất.

Khi tai hoạ rơi xuống đầu chúng ta, khi nghịch cảnh sinh khởi, nó thường phát xuất từ cửa miệng mình. Quý vị nói người nào đó sai lầm, rồi người ấy đến mắng quý vị rất nặng nề. Đó chẳng phải là tai hoạ đến từ cửa miệng hay sao? Còn khi chúng ta ăn, hãy nên cẩn thận với những gì ta dùng. Nếu không thận trọng với thực phẩm đang dùng, quý vị có thể sẽ mắc bệnh. Bệnh nói ở đây không phải là bệnh do thời khí. Nó có nghĩa là qua một thời gian dài, những thứ quý vị ăn vào kết hợp những yếu tố khác sẽ khiến cho đường hô hấp và máu huyết của quý vị mất quân bình.

Khi ấy điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn là bệnh phát khởi. “Bạch Đức Thế tôn, đại chúng đây chưa nhận ra Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi thưa rằng không có ai hiểu cả. Nhưng Văn-thù-sư-lợi có hiểu không? Ngài đã hiểu, nhưng ngài hỏi là cho những người có cơ duyên hiện hữu trong pháp hội. Nếu Ngài không thưa hỏi, thì không ai biết cách trình bày vấn đề. Đức Phật sẽ giảng giải, nhưng nếu không có ai biết cách thưa hỏi, thì sẽ không ai biết cách để tiếp nhận những lợi lạc từ trí huệ của Phật.

Chúng ta biết rằng Văn-thù-sư-lợi đã nhận ra ý chỉ vì Kinh văn nói rằng Ngài “thương xót tứ chúng.” Nhưng nếu cho dù đó không phải là cách diễn đạt, thì chúng ta vẫn hiểu là Văn-thù-sư-lợi đã nhận ra ý chỉ vì Ngài là bậc có trí huệ siêu việt qua danh xưng Đại trí Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát. Câu hỏi của Ngài là hỏi cho những người chưa hiểu ra được chỗ Như Lai phát minh hai nghĩa ‘phải’ và ‘chẳng phải’ của ‘tánh thấy’ và ‘sắc không’. Điểm nầy đề cập đến giáo lý về tánh thấy, vật, và hư không. Rốt ráo, tánh thấy là vật hay là hư không? Không có ai biết cách tham thỉnh về giáo lý nầy, thế nên Văn-thù-sư-lợi quyết định hỏi về vấn đề nầy.

 

Kinh văn: 世尊,若此前色空等象。若是見者應有所指。若非見者應無所矚。而今不知是義所歸,故有驚怖。

Phiên Âm: Thế Tôn! Nhược thử tiền duyên, sắc không đẳng tượng. Nhược thị kiến giả, ưng hữu sở chỉ. Nhược phi kiến giả, ưng vô sở chúc. Nhi kim bất tri, thị nghĩa sở quy, cố hữu kinh phố.

Việt dịch: Bạch Đức Thế Tôn! Như các trạng thái sắc không của các vật tượng trước mắt. Nếu là tánh thấy thì đáng lẽ ra phải chỉ được; nếu chẳng phải là tánh thấy thì không thể được nhìn thấy. Nay chẳng biết nghĩa nầy do đâu, nên sinh tâm lo sợ.

Giảng: Quý vị có thấy cách Văn-thù-sư-lợi trình bày vấn đề hòan toàn khác với A-nan không? A-nan thì không rõ được vấn đề đang diễn biến như thế nào. Nhưng khi Văn-thù-sư-lợi trình bày thì lý lẽ của Ngài rất hòan chỉnh. Ngài nói: “ Bạch Đức Thế tôn, như các hiện tượng sắc không ở trước mắt, nếu là tánh thấy thì đáng lẽ ra phải chỉ được.” “Cảnh duyên ở trước mắt” là chỉ cho tiền trần, là nhân duyên đã nói ở trên. “Không” tức là hư không. “Như” là nói đến cả hai đặc tính nầy. “Tướng” ở đây không chỉ có nghĩa là một vật, nhưng đó là dùng để thí dụ.

Văn-thù-sư-lợi nói rằng nếu sắc và không là tánh thấy thì sẽ có những biểu tượng cho sắc và không, nên người ta có thể chỉ bày ra được cái ấy. Nếu chẳng phải là tánh thấy thì không thể được nhìn thấy. Ban đầu Thế tôn nói rằng tánh thấy không phải là vật. Về sau, Thế tôn bảo tánh thấy là vật–có nghĩa là, Thế tôn đặt vấn đề rằng vật nào lại chẳng phải là tánh thấy. Không ai hiểu được Thế tôn muốn nói gì cả. Nay chẳng biết nghĩa nầy do đâu. Đơn giản là điều gì đang xảy ra ở đây? Rốt ráo, có tánh thấy hay không có tánh thấy? Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi dùng chữ “chúng con” là vì Ngài không vì riêng mình. Ngài hỏi vì những người chưa hiểu.

Câu hỏi của Văn-thù-sư-lợi đưa ra có phần nào rõ ràng hơn của A-nan. Quý vị thấy Ngài trình bày thật là đơn giản, vì ý nghĩa rất là vi diệu. Nên sinh tâm lo sợ. Đây là điểm trước đây chúng ta chưa để ý đến và bây giờ chúng ta mới chú ý đến, giáo lý thì rất là vi diệu đến nỗi chúng ta không biết chắc ý nghĩa cứu cánh là nơi đâu. Chẳng hạn, như khi ta nhìn ngọn đèn nầy, tánh thấy là đèn hay đèn là tánh thấy? Đạo lý nầy chưa được giải thích rõ ràng. Nếu quý vị bảo đèn không phải là tánh thấy, thì tôi không thể thấy được đèn. Còn quý vị bảo rằng đèn là tánh thấy, nhưng tự thân cây đèn thì không thể thấy được. Thế nên quý vị nói rằng đó là tánh thấy và rồi lại bảo đó chẳng phải là tánh thấy.

 

Kinh văn: 非是疇昔善根輕尟。唯願如來大慈發明此諸物象。與此見精,元是何物。於其中間無是非是.

Phiên Âm: Phi thị trù tích, thiện căn khinh thiểu, duy nguyện Như Lai, đại từ phát minh, thử chư vật tượng. Dữ thử kiến tinh, nguyên thị hà vật. Ư kỳ trung gian, vô thị phi thị.

Việt dịch: Chứ chẳng phải trước đây căn lành mỏng ít. Cúi mong Như Lai từ bi chỉ bày các vật tượng này cùng tánh thấy vốn là cái gì mà trong ấy không có cái ‘phải’ và ‘chẳng phải’?

Giảng: Chứ chẳng phải trước đây căn lành mỏng ít. Nguyên nhân khiến chúng con sửng sốt và lo sợ chẳng phải là vì căn lành trong đời trước của chúng con mỏng và ít. Chẳng phải mọi người trong đại chúng đều có ít căn lành. Mà chỉ vì tất cả đều không hiểu được đạo lý ấy. Đôi khi những người có ít thiện căn sẽ trở nên sợ hãi khi họ tu đạo. Quý vị sẽ làm gì khi gặp tình trạng nầy? Hãy làm thật nhiều công đức để vun trồng căn lành cho mình.

Khi căn lành của mình đã được nuôi dưỡng và bám sâu, thì quý vị sẽ có được định lực. Nếu căn lành của quý vị mỏng manh, thì định lực cũng yếu kém. Thế nên chúng ta phải nuôi dưỡng căn lành của mình. Cúi mong Như Lai từ bi chỉ bày các vật tượng này cùng tánh thấy vốn là cái gì mà trong ấy không có cái ‘phải’ và ‘chẳng phải’?

Rốt ráo, phải chăng chẳng có cái ‘phải’ và ‘chẳng phải’ trong lòng của vật thể, trong hư không và trong tánh thấy? Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi rất thông suốt nghĩa nầy nên Ngài đã suy luận như vậy.

 

Kinh văn: 佛告文殊及諸大眾。十方如來及大菩薩。於其自住三摩地中。見與見并所想相。如空花本無所有。

Phiên Âm: Phật cáo Văn Thù, cập chư đại chúng. Thập phương Như Lai, cập đại Bồ-tát. Ư kỳ tự trụ, tam-ma-địa trung. Kiến dữ kiến duyên, tinh sở tưởng tướng. Như hư không hoa, bổn vô sở hữu.

Việt dịch: Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi và cả đại chúng: “Mười phương Như Lai và các Đại Bồ-tát khi tự an trụ trong chánh định kia, cái thấy và cảnh bị thấy đều là sở tưởng tướng, đều như hoa đốm giữa hư không. Xưa nay cái sở vốn không có thật.”

Giảng: Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi và cả đại chúng : “Mười phương Như Lai và các Đại Bồ-tát khi tự an trụ trong chánh định kia– trong Thủ Lăng Nghiêm đại định – cái thấy và cảnh bị thấy – chỉ là nhân duyên sinh khởi trong cái thấy ấy– đều là tưởng tướng – cũng như các vật tượng mà mình nghĩ tưởng đến– đều như hoa đốm giữa hư không.” Vốn là chẳng có hoa nào giữa hư không cả, khi mắt của quý vị bị nhặm, thì quý vị thấy có hoa đốm giữa hư không. Hoặc có khi quý vị nhìn mặt trời quá lâu, thì quý vị thấy được hoa đốm tràn ngập cả hư không. Đó là một cách giải thích.

Giải thích theo cách khác là một khi quý vị đã mở được Phật nhãn, thì bất luận loài hoa nào mà quý vị muốn nhìn đều có trong hư không. Đây cũng là hoa đốm giữa hư không. Đây có hai cách giải thích như vậy. Phải chăng hoa đốm giữa hư không là chỉ có những ai đã mở được Phật nhãn mới thấy được? Không. Nó vốn chẳng có thật. Nó chỉ là huyễn hóa. Nhưng nếu quý vị tưởng tượng muốn thấy nó thì nó liền hiện hữu.

Thế có hoa đốm giữa hư không hay không? Không. Vốn chẳng có gì cả. Cơ bản là nó không hiện hữu. Vốn là chẳng có gì cả. Thế quý vị muốn tìm kiếm cái gì? Tại sao quý vị nỗ lực tìm kiếm nếu cái thấy là vật hoặc cái thấy là hư không hoặc là cái gì đi nữa? Quý vị tìm kiếm cái gì? Quý vị đều là kẻ hướng ngoại tìm cầu–rong ruổi tìm kiếm bên ngoài mình.

 

Kinh văn: 此見及緣,元是菩提,妙淨明體。云何於中,有是非。

Phiên Âm: Thử kiến cập duyên, nguyên thị Bồ-đề, diệu tịnh minh thể. Vân hà ư trung, hữu thị phi thị.

Việt dịch: Cái thấy và cảnh bị thấy nầy đều vốn là thể giác ngộ thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu. Làm sao trong ấy lại có nghĩa ‘phải’ và ‘chẳng phải’?

Giảng: Cái thấy và cảnh bị thấy (kiến duyên) chính nó đều là thể giác ngộ thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu. Đó cũng là chân tâm thường trú thanh tịnh thể tánh thanh tịnh nhiệm mầu sáng suốt. Ở đây theo cách nói nôm na nên thuật ngữ bồ-đề đã được thay vào. “Cớ sao trong ấy lại có nghĩa ‘phải’ và ‘chẳng phải’? Tại sao ông lại nói rằng trong chân tâm lại có thể tìm thấy cái nghĩa ‘phải’ và ‘chẳng phải’, thách thức cả tính nhị nguyên? Chân tâm chẳng có tính nhị nguyên; chân tâm là cảnh giới tuyệt đối, hòan toàn không có đối đãi, thế nên tại sao ông lại mê lầm khi bảo rằng có cái nghĩa ‘phải’ và ‘chẳng phải’ trong đó?”

 

Kinh văn: 文殊吾今問汝。如汝文殊更有文殊。是文殊者為無文殊。

Phiên Âm: Văn Thù! Ngô kim vấn nhữ. Như nhữ Văn Thù, cánh hữu Văn Thù. Thị Văn Thù giả, vi vô Văn Thù.

Việt dịch: Này Văn Thù Sư Lợi, nay Như Lai hỏi ông: “Như ông Văn Thù, lại có Văn Thù, là “thị Văn Thù” hay “vô Văn Thù” chăng?”

Giảng: Bây giờ Đức Phật mới hỏi Văn-thù-sư-lợi một câu hỏi, Này Văn-thù-sư-lợi, nay Như Lai hỏi ông: “Như ông là Văn-thù, lại có đúng là Văn-thù hay chẳng phải là Văn-thù chăng? Ông bảo: ‘Đây là Văn-thù-sư-lợi.’ Thế thì ngoài ông ra, còn có ai là Văn-thù-sư-lợi nữa? Thế thì có một người chẳng phải Văn-thù-sư-lợi nữa hay sao? Hãy trả lời ngay!” Đó là những gì Đức Phật hỏi Văn-thù-sư-lợi, và Ngài trông chờ Văn-thù-sư-lợi trả lời ra sao. Quý vị nên học hỏi cách đặt câu hỏi của Văn-thù-sư-lợi. Đừng bắt chước cách hỏi như A-nan. Câu hỏi của A-nan thật là tối nghĩa.

 

Kinh văn: 如是,世尊,我真文殊,無是文殊。何以故若有是者則二文殊。然我今日非無文殊於中實無是非二相。

Phiên Âm: Văn Thù bạch Phật: Như thị Thế Tôn! Ngã chân Văn Thù, vô thị Văn Thù. Hà dĩ cố? Nhược hữu thị giả, tắc nhị Văn Thù. Nhiên ngã kim nhật, phi vô Văn Thù, ư trung thật vô, thị phi nhị tướng.

Việt dịch: Văn Thù Sư Lợi thưa: “Đúng vậy! Bạch Đức Thế Tôn! Con chân thật Văn Thù. Thì chẳng có “thị Văn Thù”. Tại sao? Nếu có “thị Văn Thù”, thì liền sẽ có hai Văn Thù. Và hiển nhiên hiện nay, con cũng không phải “vô Văn Thù”. Trong ấy thật không có hai tướng “thị” và “phi.””

Giảng: “Đúng vậy! Bạch Đức Thế tôn!”–

Văn-thù-sư-lợi đáp – “ Đúng như Thế tôn đã giải thích. Không có Văn-thù-sư-lợi ‘thật’ và không có Văn-thù-sư-lợi ‘chẳng phải là Văn-thù.’ Vốn không có tướng ‘phải’ và ‘chẳng phải’. ” Con chính là Văn-thù. Con thực sự là Văn-thù. Chẳng có Văn-thù ‘thật’. Chẳng có ai khác ngoài con ra gọi là Văn-thù-sư-lợi cả. Chẳng có ai khác. Chỉ có con là Văn-thù-sư-lợi. Chẳng có ‘Văn-thù-sư-lợi thật’ và ‘ chẳng phải là Văn-thù-sư-lợi’ nào cả. Tại sao? Tại sao con nói như vậy? Nếu quý vị bảo rằng đây ‘Văn-thù-sư-lợi thật’, thì cái gì ‘chẳng phải Văn-thù-sư-lợi’. Nếu có hai Văn-thù-sư-lợi thì điều ấy có thể chấp nhận được? Nếu có một Văn-thù khác là Văn-thù ‘thật’, thì sẽ có hai Văn-thù.

Nếu có một ‘Văn-thù-sư-lợi thật’ và một ‘chẳng phải Văn-thù-sư-lợi’ thì sẽ có hai Văn-thù-sư-lợi. Nhưng hiện nay chẳng phải con không phải là Văn-thù. Nhưng chắc chắn nay con chẳng phải là Văn-thù-sư-lợi. Có một Văn-thù-sư-lợi; nhưng chẳng có ‘Văn-thù-sư-lợi thật’.Trong ấy thật không có hai tướng ‘phải’ và ‘chẳng phải’. Theo nghĩa con hiểu, Văn-thù-sư-lợi, là một người riêng biệt, hai phạm trù ‘phải’ và ‘chẳng phải’ đều không hiện hữu, nên nói có một ‘Văn-thù-sư-lợi thật’ và một ‘chẳng phải Văn-thù-sư-lợi’ là hòan toàn sai lầm.”

Ngay lúc ấy Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi khiến cho mọi người trong đại chúng nhận ra rằng chẳng có cái gì được gọi là ‘cái thấy’ và có cái gì đó ‘chẳng phải là cái thấy’. Cái thấy mãi mãi vẫn là cái thấy. Chẳng có vật nào như thế được gọi là cái thấy hoặc hư không kia là cái thấy. Cái thấy chính là thể giác ngộ thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu. Thế nên quý vị chẳng nên đưa ra hai phạm trù ‘phải’ và ‘chẳng phải’ rồi bận tâm đến nó làm gì nữa.

 

Kinh văn: 佛言,此見妙明與諸空塵

Phiên Âm: Phật ngôn! Thử kiến diệu minh, dữ chư không trần.

Việt dịch: Đức Phật bảo: “Tánh thấy nhiệm mầu sáng suốt nầy, cùng với hư không và tiền trần.”

Giảng: Đức Phật càng giảng giải, giáo lý Kinh Thủ Lăng Nghiêm càng trở nên hòan thiện. Không chỉ tánh thấy là thể giác ngộ thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu, mà cả hư không và hết thảy trần lao cũng lại như vậy. Nó cũng hòan toàn giống như tánh thấy. Đức Phật bảo: “Tánh thấy nhiệm mầu sáng suốt nầy, cùng với hư không và tiền trần, cũng đều như vậy.”

Nó cũng mầu nhiệm như tánh thấy. Tánh thấy không có ‘phải’ và ‘chẳng phải’. Chẳng phải vật là tánh thấy hoặc hư không là tánh thấy. Đúng hơn, hư không và vật tượng– tiền trần – cũng đều như tánh thấy, là bản thể của chân tâm. Kinh văn sau sẽ nói về tứ đại, đất nước lửa gió, đều được giải thích là tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng.

Thế nên Kinh văn nầy càng được giải thích, càng thấy vi diệu. Càng được giải thích, quý vị càng thấy khó hiểu, nên quý vị nói: “Vì tôi chẳng hiểu được ý kinh, nên tôi không học nữa.” Nếu quý vị không học kinh nữa, thì quý vị sẽ không bao giờ hiểu được ý kinh. Sẽ không bao giờ quý vị mở được trí huệ. Bây giờ quý vị đang học kinh, thế nên nay quý vị sẽ mở được trí huệ. Quý vị sẽ nhận ra rằng giáo lý vi diệu của Đức Phật là vô cùng tận. Thế nên Kinh Thủ Lăng Nghiêm là thù thắng hơn cả.

 

Kinh văn: 文殊,亦復如是. 本是妙明。無上菩提淨圓真心。妄為色空及與聞見

Phiên Âm: Diệc phục như thị. Bổn thị diệu minh. Vô thượng Bồ-đề, tịnh viên chân tâm. Vọng vi sắc không, cập dữ văn kiến.

Việt dịch: Đúng là như vậy. Vốn là chân tâm viên mãn thanh tịnh vô thượng giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu, vọng làm ra sắc không và thấy nghe.

Giảng: Vốn là chân tâm viên mãn thanh tịnh vô thượng giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu. Các pháp vốn là tánh giác ngộ vi diệu, là Vô thượng bồ-đề, sáng suốt tròn đầy, là chân tâm viên mãn thanh tịnh. Chân tâm vốn thường sáng suốt. Vọng làm ra sắc không và thấy nghe. Bản thể vốn là chân tâm thanh tịnh. Nhưng chỉ do sinh khởi một niệm vô minh –vọng trần – nên bị xoay chuyển bởi sắc trần, có nghĩa là bị xoay chuyển bởi vật và bị xoay chuyển bởi hư không.

Quý vị bị vật xoay chuyển. Trước đây tôi đã nói: “Nếu quý vị chuyển được vật, thì quý vị đồng với Như Lai.” Vì có vọng niệm, nên người ta bị xoay chuyển bởi sắc không. Nên quý vị cũng không thể nào nhận ra được tánh nghe và tánh thấy của mình. Tại sao quý vị không nhận ra được? Vì vọng niệm sinh khởi. Khi một niệm mê lầm, thì niệm niệm nối tiếp sẽ sai lầm theo. Nên nói: “Đi sai một nước, thua cả ván cờ.” Cũng vậy, vì vọng tưởng, nên quý vị nhận vọng làm chân. Quý vị lấy cái mê lầm làm cái chân thật.

 

Kinh văn: 如第二月,誰為是月又誰非月。文殊但一月真。中間自無是月非月。

Phiên Âm: Như đệ nhị nguyệt, thùy vi thị nguyệt, hựu thùy phi nguyệt.

Văn Thù! đãn nhất nguyệt chân. Trung gian tự vô, thị nguyệt phi nguyệt.

Việt dịch: Ví như mặt trăng thứ hai, thì cái nào là mặt trăng thật, cái nào chẳng phải là mặt trăng. Nầy Văn-thù, chỉ có một mặt trăng chân thật. Trong ấy vốn không có cái nào là mặt trăng thật, cái nào chẳng phải là mặt trăng.

Giảng: Ví như mặt trăng thứ hai: Cơ bản, đó chỉ là một mặt trăng, nhưng nếu quý vị nhìn bằng con mắt bị nhặm, thì quý vị thấy có 2 mặt trăng. Thì cái nào là mặt trăng thật, cái nào chẳng phải là mặt trăng. Mặt trăng nào không phải là mặt trăng? Nầy Văn-thù, chỉ có một mặt trăng chân thật. Trong ấy vốn không có cái nào là mặt trăng thật, cái nào chẳng phải là mặt trăng.” Khi quý vị có cái ‘phải’ và cái ‘chẳng phải’, nghĩa là quý vị có pháp đối đãi. Nhưng vấn đề nay đang nói là tuyệt đối. Bản thể của bồ-đề là siêu việt mọi đối đãi.

 

Kinh văn: 是以汝今觀見與塵。種種發明名為妄想。不能於中出是非是。

Phiên Âm: Thị dĩ nhữ kim, quán kiến dữ trần. Chủng chủng phát minh, danh vi vọng tưởng. Bất năng ư trung, xuất thị phi thị.

Việt dịch: Thế nên nay ông hãy xem cái thấy và trần cảnh. Các thứ hiện ra đều là vọng tưởng, nên trong ấy không thể vượt thoát khỏi cái ‘phải’ và ‘chẳng phải.

Giảng: “Thế nên, do vấn đề nầy, nay ông hãy xem cái thấy và trần cảnh cùng các thứ phát minh ra được đều là vọng tưởng.” Ông hãy quán sát tánh thấy của ông cùng vật tượng, và các thứ sắc không mà ông phát minh ra được, nó đều là vọng tưởng; nó xuất hiện ra do vì vọng tưởng của ông. Trong ấy không thể chỉ ra nghĩa ‘phải’ và ‘chẳng phải’.

Trong hư không, quý vị không thể nào tìm ra cái gì là thật hư không và cái gì chẳng phải là hư không. Hư không đơn giản chỉ là hư không; làm sao lại có thêm một thật hư không và một cái chẳng phải là hư không. Quý vị cũng không thể nói về vật là có một vật thật và một cái chẳng phải vật. Tánh thấy cũng như vậy. Quý vị không thể nói có tánh thấy thật và chẳng phải tánh thấy. Điều nầy không thể có được. Trong đó quý vị không thể nào tìm ra được cái ‘phải’ và ‘chẳng phải’.

 

Kinh văn: 由是精真妙覺明性。故能令汝出指非指.

Phiên Âm: Do thị tinh chân, diệu Giác minh tánh. Cố năng lệnh nhữ, xuất chỉ phi chỉ.

Việt dịch: Bởi do tánh giác sáng suốt nhiệm mầu này, nên có thể làm cho ông vượt ra khỏi cái ‘chỉ ra được’ và cái ‘chẳng chỉ ra được.

Giảng: Bởi do tánh giác chân thật, tánh thấy chân thật, sáng suốt nhiệm mầu ấy, thể tánh sáng suốt nhiệm mầu bất khả tư nghì, nên khiến ông vượt ra khỏi cái ‘chỉ ra được’ và cái ‘chẳng chỉ ra được’ vậy. Chân tánh sáng suốt có thể dạy cho ông các vượt qua được sự cố gắng để chỉ ra vật tượng hiện hữu hay không hiện hữu. Quý vị cảm thấy lý luận của mình đúng khi nói rằng tánh thấy là vật, rồi quý vị lại bảo rằng tánh thấy không phải là vật.

Nhưng rốt ráo, tánh thấy là vật hay không phải là vật? Đức Phật đã hỏi A-nan. Vốn chẳng có sự khác biệt nào như thế giữa ‘phải’ và ‘chẳng phải’. Vì lý luận của quý vị sai lầm, nên quý vị cố gắng chỉ ra vật tượng có cái ‘phải’ và ‘chẳng phải’, nhưng cơ bản là điều ấy không thể có được. Đó là một nỗ lực hòan toàn sai lầm. Nay quý vị có thể vượt qua điều ấy.

 

Kinh văn: 阿難白佛言世尊。誠如法王所說,遍十方界,湛然常住性非生滅。與先梵志裟毘迦羅所談冥諦。及投灰等諸外道種。說有真我遍滿十方。有何差別。

Phiên Âm: A-nan bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Thành như pháp vương, sở thuyết giác duyên, biến thập phương giới. Trạm nhiên thường trụ, tánh phi sanh diệt. Dữ tiên Phạm-chí, sa Tì Ca la, sở đàm minh đế. Cập đầu hôi đẳng, chư ngoại đạo chủng. Thuyết hữu chân ngã, biến mãn thập phương. Hữu hà sái biệt?

Việt dịch: A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn! Nếu thật như Đấng Pháp vương đã nói, tánh giác duyên khắp 10 phương cõi nước, tánh giác ấy thanh tịnh vắng lặng, thường trú, không sinh không diệt. (Điều ấy) so với thuyết Minh đế của Phạm chí Ta-tỳ-ca-la, hoặc các thuyết của ngoại đạo Đầu hôi v.v…, nói có một chân ngã trùm khắp cả 10 phương thì có gì sai khác?

Giảng: Để đáp lời giảng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về vấn đề ‘phải’ và ‘chẳng phải’, A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn! Đúng như Đấng Pháp vương đã nói, tánh giác duyên khắp 10 phương cõi nước, tánh giác ấy thanh tịnh vắng lặng, thường trú, không sinh không diệt. ‘Trạm nhiên’ là chỉ cho những gì thanh tịnh và vắng lặng. Lấy ví dụ như một bát nước đục.

Chúng ta không thể nói đó là ‘Trạm nhiên’. Nhưng sau khi bùn và cát đã lắng lại, quý vị có thể thấy được tận đáy, chúng ta nói đó là ‘trạm nhiên’. Thể tánh của giác duyên là thanh tịnh vắng lặng thường trú và không sinh không diệt.

“(Điều ấy) so với thuyết Minh đế của Phạm chí Ta-tỳ-ca-la, hoặc các thuyết của ngoại đạo Đầu hôi v.v…, nói có một chân ngã trùm khắp cả 10 phương thì có gì sai khác?” Phạm chí Ta-tỳ-ca-la nói rằng ông ta giáng sinh từ cõi trời Đại Phạm thiên, là vị thần trong loài người, và trong tương lai ông ta sẽ sinh vào cõi trời Đại Phạm thiên theo quyết định của ông ta.

Ông nói: “Trong tương lai, chúng ta đều sẽ trở về cõi trời Đại Phạm thiên.” Ông ta là người cỗ vũ cho Phạm thiên. ‘Phạm ’ có nghĩa là thanh tịnh, và Ta-tỳ-ca-la, như tôi đã giảng trước đây, tuy vậy, tôi tin là chẳng có ai còn nhớ– có nghĩa là ‘ngoại đạo tóc vàng ’. Quý vị có nhớ con gái của Ma-đăng-già không? Cô ta đòi mẹ mình sử dụng thần chú của Tiên Ta-tỳ-ca-la Phạm thiên, chính là ngoại đạo đang đề cập ở đây. Thuyết ‘Minh đế ’ do ngoại đạo rao giảng cũng sẽ được giải thích. Trong trạng thái tối tăm hỗn độn bất động ấy, người ta không nhận biết cái gì hết thảy.

‘Minh’ có nghĩa là hòan toàn không có ý thức. Quý vị có thể nói rằng người ta bị say rượu, rồi lại nói họ không bị say. Quý vị có thể nói rằng người ta dùng ma tuý, rồi lại nói họ không hút gì cả. Đơn giản là họ hòan toàn không biết gì cả. Ở Ấn Độ có một phái ngoại đạo thực hành khổ hạnh. Họ nhiệt thành nói rằng họ muốn sống theo lối ‘tự nhiên’, thế nên họ không mặc nhiều áo quần và không tắm rửa, rồi họ nằm lăn trên tro cho đến khi toàn thân lấm đầy tro.

Có những phái ngoại đạo ném tro vào chính mình. Có những ngoại đạo khác lại nằm trên giường đinh. Họ đóng đinh trên giường rồi nằm ngủ trên đinh. Đinh không đâm vào da thịt họ và họ bảo rằng vì họ có ‘thân kim cương bất hoại.’ Quý vị có nghĩ rằng đó là trò lừa bịp thiên hạ không? Có những ngoại đạo khác trung thành với phép tu khổ hạnh vô ích, như họ không ăn thực phẩm ngũ cốc mà chỉ dùng cỏ và lá cây.

Các ngoại đạo nầy đều bao gồm trong ý A-nan đề cập đến những ai đã tin có một Chân ngã bao trùm khắp cả 10 phương. Nhưng bõ công tu tập của họ, dù họ chịu đựng cực kỳ khó chịu, việc ấy cũng không đưa đến sự thành tựu rốt ráo. Chẳng hạn, lối tu khổ hạnh vô ích khi ngủ trên giường đinh và làm cho đinh không làm rách da thịt chẳng đáng giá chút nào cả, vì da heo thì ít nhiều gì đinh cũng chẳng thể nào xuyên thủng được; mà heo có tu như vậy đâu?

Đinh không thể xuyên thủng da bò, mà bò có tu như vậy không? Không! Nên đây là lối tu khổ hạnh không ích lợi gì cả. Thế nên quý vị không nhầm lẫn ở đây và nghĩ rằng họ ắt là có được thân kim cương bất hoại chỉ vì họ tự cho mình có được thân ấy. Thực ra đây là một quan niệm sai lầm. Cũng như có được lớp da heo hay tấm da bò thì chẳng có gì là đặc biệt.

Họ tu tập theo lối nầy hằng ngày, thế nên họ thành tựu kết quả ấy và có được năng lực đặc biệt. Nhưng đó không được xem như bất kỳ loại năng lực thần thông nào cả, cũng chẳng có nghĩa là họ đã đắc đạo. A-nan thưa hỏi Đức Phật: “Thế tôn bảo rằng giác duyên trùm khắp 10 phương; có khác với chân ngã mà ngoại đạo ấy cho rằng trùm khắp cả 10 phương hay không?”

 

Kinh văn: 世尊亦曾於楞伽山。為大慧等敷演斯義。彼外道等常說自然。我說因緣非彼境界。

Phiên Âm: Thế Tôn diệc tằng, ư Lăng-già sơn. Vị đại tuệ đẳng, phu diễn tư nghĩa. Bỉ ngoại đạo đẳng, thường thuyết tự nhiên. Ngã thuyết nhân duyên, phi bỉ cảnh giới.

Việt dịch: Thế tôn đã từng ở núi Lăng-già, vì ngài Đại Huệ v.v… giảng rộng nghĩa nầy: ngoại đạo kia thường nói tự nhiên, còn Như Lai nói nhân duyên, chẳng phải là cảnh giới của hàng ngoại đạo kia.

Giảng: A-nan thưa tiếp: “Thế tôn đã từng ở núi Lăng-già, vì ngài Đại Huệ v.v… giảng rộng nghĩa nầy: Khi Đức Phật giảng Kinh Lăng-già, thì Bồ-tát Đại Huệ là đương cơ trong pháp hội ấy, cũng như trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, A-nan là đương cơ. Và không chỉ có Bồ-tát Đại Huệ, mà còn có nhiều Bồ-tát câu hội. “Thế tôn đã giảng rằng các ngoại đạo kia thường nói tự nhiên.” Thời ấy có nhiều ngoại đạo thường nói về thuyết tự nhiên. Học thuyết ấy là gì? Đây là những gì họ chủ trương:

Thuỳ khai hà hải đôi sơn nhạc?
Thuỳ tước kinh cức hoạ cầm thú?
Nhất thiết vô hữu năng sinh giả,
Thị cố ngã thuyết vi tự nhiên.

Nghĩa:
Ai đào sông biển đắp đồi núi?
Ai vót chông gai vẽ cầm thú?
Hết thảy đều không do ai sinh.
Thế nên ta nói tự nhiên sinh.

Ai tạo nên biển cả? Quý vị không thể nào kể ra tên người đã tạo nên biển. Quý vị cũng chẳng thể nào tìm ra người đã tạo ra sông. Mặc dù ở Trung Hoa có Vua Vũ trị thuỷ, có lẽ Vua Vũ chẳng phải thuộc loại ngoại đạo tinh khôn đó ở Ấn Độ. Ai dồn đất lại rồi đắp thành núi? Ai tạo nên những ngọn núi? Làm sao mà núi cao như vậy? Khi hỏi ai đã tạo ra chúng, họ đi đến kết luận rằng nó sinh khởi tự nhiên. Tự nhiên mà sông xuất hiện, tự nhiên mà biển ra đời. Tự nhiên mà núi thành hình. Chông gai, chim thú– tất cả mọi vật, không cần người giúp đỡ, mà tự nó sinh ra.

“Trong tất cả vật tượng ấy, không có một đấng tạo nên, do vậy tôi nói nó tự nhiên sinh.” Còn Như Lai nói nhân duyên. Ở đây A-nan trích dẫn lời Đức Phật đã nói trước đây. Bạch Thế tôn, trước đây Thế tôn đã giảng về nhân duyên sanh, đó chẳng phải là cảnh giới của hàng ngoại đạo kia. Đó không giống như quan niệm về tự nhiên của hàng ngoại đạo kia. Tuy nhiên, giáo lý mà con nghe Như Lai đang nói có vẻ giống như lý thuyết mà ngoại đạo chủ trương.

Như Lai bảo rằng giác duyên trùm khắp 10 phương, còn ngoại đạo chủ trương Chân ngã của họ cũng trùm khắp 10 phương. Thế có giống nhau chăng? Tên gọi có khác nhau. Nhưng giác duyên mà Như Lai nói lại rất giống với Chân ngã. Và Chân ngã của ngoại đạo lại có vẻ rất tương đồng với giác duyên. Phải chăng chẳng có đạo lý gì trong đó cả?

Nghĩa của ‘nhân’ và ‘duyên’ mà Đức Phật nói là gì? Tôi đã từng giảng cho quý vị rồi. Nhân là hạt giống. Cái góp phần vào cho sự tăng trưởng hạt giống ấy là duyên. Gieo hạt giống vào lòng đất là nhân, duyên là những yếu tố trợ giúp góp phần cho sự tăng trưởng– bùn, đát, nước, phân bón, mặt trời, và những yếu tố khác được gọi là duyên góp phần giúp cho sự tăng trưởng của hạt giống.

Bạch Thế tôn, Thế tôn nói mọi vật hiện hữu đều có nhân duyên, và thế là nhân duyên ấy đã phá vỡ thuyết tự nhiên của ngoại đạo rồi. Nhân duyên chẳng giống như tự nhiên, thế nên nó phá huỷ toàn triệt lý thuyết tự nhiên của ngoại đạo. Nhưng giác duyên và Chân ngã của ngoại đạo đều trùm khắp cả 10 phương. Mười phương trải dài xa lắm. Nếu giác duyên của quý vị trùm khắp cả 10 phương và chân ngã của ngoại đạo cũng trùm khắp cả 10 phương thì ắt hẳn nó phải tương đồng.

 

Kinh văn: 我今觀此覺性自然非生非滅。遠離一切妄顛倒。似非因與彼自然。云何開示不入群邪。獲真實心妙覺明性.

Phiên Âm: Ngã kim quán thử, giác tánh tự nhiên, phi sanh phi diệt. Viễn ly nhất thiết, hư vọng điên đảo. Tợ phi nhân duyên, dữ bỉ tự nhiên. Vân hà khai thị, bất nhập quần tà. Hoạch chân thật tâm, diệu Giác minh tánh.

Việt dịch: Nay con quán sát kỹ, thấy tánh giác vốn tự nhiên, không sinh không diệt, xa lìa mọi hư vọng điên đảo nầy, dường như chẳng phải nhân duyên hoặc tự nhiên của ngoại đạo kia. Xin Thế tôn chỉ dạy cho chúng con làm sao để khỏi rơi vào tà kiến, đạt được tâm tánh chân thật giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu.

Giảng: “Nay con quán sát kỹ, thấy tánh giác nầy vốn tự nhiên– con quán sát kỹ lưỡng tánh giác mà Thế tôn nói như thể là tự nhiên ấy. Nó không sinh không diệt; có phải đó là tự nhiên chăng? Nó xa lìa mọi hư vọng điên đảo– nó xa rời hẳn mọi hiện tượng điên đảo và tâm điên đảo. Dường như chẳng phải nhân duyên hoặc tự nhiên của ngoại đạo kia. Đó như thể chẳng phải là nhân duyên và cũng khác với tự nhiên. Vậy thì, nó lại có vẻ giống nhau.” Đây là ý nghĩa của “dường như giống dường như khác.”

“ Xin Thế tôn chỉ dạy cho chúng con làm sao để khỏi rơi vào tà kiến. Bạch Đức Thế tôn, xin Ngài chỉ dạy cho chúng con khỏi tin vào tà kiến kia.” “Tà kiến” là chỉ cho hàng ngoại đạo.

“Đạt được tâm tánh chân thật giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu. Làm sao để con nhận ra chân tâm của mình? Nguyện xin Đức Phật rủ lòng từ bi chỉ dạy cho con.”

 

Kinh văn: 佛告阿難,我今如是開示方便。真實告汝。汝猶未悟,惑為自然。

Phiên Âm: Phật cáo A-nan: Ngã kim như thị, khai thị phương tiện. Chân thật cáo nhữ. Nhữ do vị ngộ, hoặc vi tự nhiên.

Việt dịch: Đức Phật bảo A-nan: “Nay Như Lai dùng phương tiện chỉ dạy như vậy, chân thật dạy ông mà ông còn chưa ngộ, lầm cho là tự nhiên.”

Giảng: Đức Phật không nóng giận, nhưng có lẽ Đức Phật phải cau mày khi Ngài nói điều nầy, vì người đệ tử nhỏ của Ngài quá mê muội. Đức Phật bảo A-nan: “Nay Như Lai dùng phương tiện chỉ dạy như vậy, chân thật dạy ông. Như Lai đã giảng giải điều nầy và các khía cạnh khác của nó–Như Lai đã giảng giải đến 7 hoặc 8 lần rồi. Nay là lần thứ 9 trong 10 lần chỉ bày tánh thấy, mà ông vẫn chưa hiểu. Sao ông lại như vậy?”

“Phương tiện” có nghĩa là những pháp môn quyền xảo, không phải là thật pháp. Đó là những trường hợp “quán sát căn cơ chúng sinh và vận dụng giáo pháp thích hợp để dạy cho họ.” Đức Phật tìm xem nên dùng giáo lý nào để dạy cho A-nan, rồi Ngài dùng pháp môn phương tiện quyền xảo khéo léo vi diệu, chẳng hạn như dùng vô số ví dụ khác nhau và nhiều cách để chỉ bày tánh thấy như Ngài đã dùng, và như cách Ngài gạn hỏi A-nan về tâm. “Mà ông còn chưa ngộ.”

Đức Phật rất hết lòng với A-nan khi Ngài nói như vậy. “Rốt ráo những Như Lai đã nói với ông, toàn bộ những giáo lý Như Lai đã giảng giải, mà ông vẫn không chịu lắng nghe, và ông vẫn chưa nhận ra được chút nào cả. Thay vì vậy, ông vẫn lầm cho là tự nhiên. Ông vẫn so sánh giáo lý mà Như Lai giảng giải cho ông với thuyết tự nhiên của ngoại đạo. Ông thực là sai lầm. Sao ông đần độn như vậy? Sao ông so sánh như vậy? Nó chẳng giống nhau chút nào cả.”

 

Kinh văn: 阿難,若必自然自須甄明有自然體。

Phiên Âm: A-nan! Nhược tất tự nhiên, tự tu chân minh, hữu tự nhiên thể.

Việt dịch: A-Nan, nếu chắc chắn tự nhiên, tự thì cần phải phân biệt rõ được cái thể tự nhiên.

Giảng: “A-nan, Như Lai sẽ giải thích cho ông: nếu chắc là tự nhiên– nếu ông nhất định cho rằng giáo lý mà Như Lai giảng giải giống như thuyết tự nhiên của ngoại đạo, thì cần phải xét rõ có cái thể tự nhiên chăng. Nay chúng ta sẽ khảo sát thuyết thuật ngữ nầy và làm cho nó sáng tỏ và vạch rõ ra. Chẳng hạn, họ nói rằng tự nhiên ấy có thể tính.

Thế thì ‘Ai tạo ra sông?’ Sông tự nhiên mà có, vậy sông vốn đã có sẵn đó rồi. ‘Ai tạo ra biển?’ Họ nói rằng biển tự nhiên mà có, vậy biển vốn đã có sẵn đó rồi. Thế thì biển là bản tính của tự nhiên. Vậy là nó vẫn có một thể tính. Họ nói rằng: “Ai đắp thành núi?” Chẳng có ai đắp thành núi cả, vậy là núi tự nhiên có. Vậy là vốn có một thể tính của núi. Thể tính của núi là thể tính tự nhiên. Vậy nay đâu là thể tính của Phật pháp? Nói mau!

 

Kinh văn: 汝且觀此妙明見中,以何為自。此見為復以明為自以暗為自。以空為自以塞為自。

Phiên Âm: Nhữ thả quán thử, diệu minh kiến trung, dĩ hà vi tự. Thử kiến vi phục, dĩ minh vi tự, dĩ ám vi tự. Dĩ không vi tự, dĩ tắc vi tự.

Việt dịch: Ông hãy quán sát trong tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu nầy, lấy gì làm tự thể? Tánh thấy nầy lấy sáng làm tự thể hay lấy tối làm tự thể; lấy không làm tự thể, hay lấy ngăn bít làm tự thể?

Giảng: “Ông vẫn chưa hiểu được. Nên Như Lai sẽ giải thích rõ hơn cho ông. Hãy lắng nghe.”

Đức Phật trình bày lập luận khác để chỉ bày cho A-nan thấy rằng đó là sự sai khác trong mọi cái thấy thông thường. “Ông hãy quán sát trong tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu nầy, lấy gì làm tự thể? Hãy dùng tâm của ông quán sát một lần nữa. Có tự thể trong tánh thấy giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu không? Bản thể tánh thấy của ông là gì? Ông bảo tánh thấy là tự nhiên?

Nếu tánh thấy là tự nhiên, thì nó ắt phải có thể tính. Thế bản thể của tánh thấy là gì? Nói nhanh! Tánh thấy nầy lấy sáng làm tự thể. Có phải tánh thấy nhận sáng làm tự thể hay không? Hay lấy tối làm tự thể. Có phải cái tối tạo nên tự thể của tánh thấy hay không? Lấy không làm tự thể. Có phải tánh thấy nhận không làm tự thể hay chăng? Hay lấy ngăn bít làm tự thể? Có phải sắc chất tạo nên tự thể của tánh thấy hay không? Nói nhanh!” Bây giờ Đức Phật gạn hỏi A-nan, A-nan mới chịu quay trở lại. Nhưng trước khi A-nan trả lời, Đức Phật lại đưa ra ngay lời phản bác của chính Ngài.

 

Kinh văn: 阿難,若明為自,應不見暗。若復以空為自體者,應不見塞。如是乃至諸暗等相以為自者。則於明時,見性斷滅,云何見明.

Phiên Âm: A-nan! Nhược minh vi tự, ưng bất kiến ám. Nhược phục dĩ không, vi tự thể giả, ưng bất kiến tắc. Như thị nãi chí, chư ám đẳng tướng, dĩ vi tự giả. Tắc ư minh thời, kiến tánh đoạn điệt, vân hà kiến minh?

Việt dịch: A-nan, nếu lấy sáng làm tự thể, thì đáng lẽ (khi tối đến) chẳng thấy tối. Nếu lấy không làm tự thể, thì đáng lẽ chẳng thấy ngăn bít. Như thế cho đến lấy các tướng tối làm tự thể, thì khi sáng, tánh thấy phải diệt mất, làm sao thấy được sáng?

Giảng: Đức Phật giảng giải cho A-nan sâu hơn một chút: “A-nan, nếu lấy sáng làm tự thể, thì đáng lẽ (khi tối đến) chẳng thấy tối.” Nếu ông lấy sáng làm thể tính của tự nhiên, và nếu ông cho rằng tánh thấy cũng là tự nhiên, thì khi tối đến, lẽ ra ánh sáng phải tắt đi và biến mất hẳn, nghĩa là ánh sáng không xuất hiện nữa; vậy nên ông không còn thấy tối nữa. Lại nữa, ông nói rằng sáng là tự thể, thế tại sao lại thấy được khi tối đến? Nếu lấy không làm tự thể, thì đáng lẽ chẳng thấy ngăn bít. Ngăn bít có nghĩa là nơi mà không nhìn xuyên qua được. Nếu ông lấy không làm tự thể của tánh thấy, thì tánh thấy của ông phải biến mất khi ông đối diện với vật ngăn bít. Nếu chẳng có rỗng không, thì tự thể ấy không còn. Như thế cho đến lấy các tướng tối làm tự thể, thì khi sáng, tánh thấy phải diệt mất, làm sao thấy được sáng? Đạo lý nầy chặt chẽ trong mọi trường hợp. Tánh thấy lẽ ra bị diệt mất khi sáng đến. Cho nên nói rằng tối là tự thể cũng là sai lầm.

 

Kinh văn: 阿難言,必此妙見性非自然。我今發明是因。心猶未明,諮詢如來。是義云何合因性。

Phiên Âm: A-nan bạch Phật ngôn: Tất thử diệu kiến, tánh phi tự nhiên. Ngã kim phát minh, thị nhân duyên tánh. Tâm do vị minh, ti tuân Như Lai. Thị nghĩa vân hà, hợp nhân duyên tánh?

Việt dịch: A-Nan thưa: “Tánh thấy nhiệm mầu, tánh không phải tự nhiên. Nay con nhận ra là tánh nhân duyên. Nhưng tâm vẫn còn chưa rõ. Xin hỏi Đức Như Lai nghĩa ấy như thế nào mới hợp với tánh nhân duyên?”

Giảng: Trước đây A-nan đã nói rằng tánh thấy chẳng phải là nhân duyên; nay A-nan nói rằng đó là nhân duyên. A-nan cũng thay đổi bất thường. A-nan thưa: “Tánh thấy nhiệm mầu nầy chắc chẳng phải tự nhiên. Chắc hẳn như vậy, như Thế tôn nói, tánh thấy vi diệu nhiệm mầu thấy được mọi vật chẳng phải là tự nhiên, vì nó không có thể tính. Nay con phát minh là do nhân duyên sinh.”

Bây giờ A-nan không nói tự mình xem xét nữa, mà nói là do tự mình phát minh. “Nhưng tâm vẫn còn chưa rõ. Con nghĩ rằng tánh thấy do từ nhân duyên sinh, nhưng rồi lại thấy dường như nó không tương ưng với đạo lý nầy. Như thể chẳng hề có cái như vậy. Đó là những gì con suy nghĩ, nhưng tâm con hòan toàn không rõ ràng về chuyện ấy.”

Quý vị nghĩ thế nào về A-nan? A-nan vẫn chưa hiểu, nhưng A-nan vẫn cố bám vào ý riêng của mình. Nay A-nan đang cố bám vào chiếc mũ nhân duyên. “Xin hỏi Đức Như Lai nghĩa ấy như thế nào mới hợp với tánh nhân duyên? Bạch Thế tôn, giáo lý nầy nên được giải thích như thế nào? Làm sao để nó tương ưng với tánh nhân duyên?

Nguyện xin Thế tôn giảng giải cho con.” Bây giờ không phải Đức Phật là người nói tánh thấy là do nhân duyên sinh; mà chính A-nan là người nói điều ấy, và chính A-nan vẫn chưa hiểu được. A-nan mong Đức Phật giảng giải điều ấy. Cơ bản là những gì A-nan nói đều thiếu đạo lý. A-nan không hiểu được giáo lý. Ban đầu A-nan nói tánh thấy là tự nhiên, rồi nay nói tánh thấy là tự nhiên sinh, nói thế là do vì A-nan không hiểu được giáo lý ra sao, A-nan đang mong có ai giảng rõ điều ấy. Gặp người như A-nan thật dễ nhức đầu.

 

Kinh văn: 佛言, 汝言因緣, 吾復問汝。汝今同見, 見性現前。此見為復因明有見,因暗有見。因空有見,因塞有見。

Phiên Âm: Phật ngôn! Nhữ ngôn nhân duyên, ngô phục vấn nhữ. Nhữ kim đồng kiến, kiến tánh hiện tiền. Thử kiến vi phục, nhân minh hữu kiến, nhân ám hữu kiến. Nhân không hữu kiến, nhân tắc hữu kiến.

Việt dịch: Đức Phật bảo: “Ông nói nhân duyên, Như Lai lại hỏi ông , nay ông nhân thấy, tánh thấy hiện tiền. Vậy cái thấy nầy nhân nơi sáng mà có thấy hay nhân nơi tối mà có thấy, nhân nơi hư không mà có thấy hay nhân nơi ngăn bít mà có thấy?”

Giảng: Đức Phật bảo: “Ông nói nhân duyên. Ông mong Như Lai giải thích cho ông biết làm sao để nó khế hợp với tánh nhân duyên. Nhưng chính ông là người nói rằng tánh thấy là nhân duyên sinh. Được rồi, Như Lai sẽ giảng giải về nhân duyên cho ông rõ. Nhưng trước hết, Như Lai muốn hỏi ông một số vấn đề. Như Lai lại hỏi ông, nay ông nhân thấy, tánh thấy hiện tiền. Tánh thấy đang hiện hữu trước mắt ông.

Vậy cái thấy nầy nhân nơi sáng mà có thấy hay nhân nơi tối mà có thấy, nhân nơi hư không mà có thấy hay nhân nơi ngăn bít mà có thấy? Cuối cùng, làm thế nào mà tánh thấy của ông hiện hữu?” Đức Phật thực sự là Đấng đại từ đại bi. Ngài thách thức với những ai vẫn giữ “cái đầu đặc cứng ” – cứ nói lui nói tới rồi nói vòng vo– và với lòng từ bi vô cùng tận, Ngài vẫn giảng giải cho A-nan. Có lẽ trong trường hợp nầy Đức Phật đã quá nuông chiều A-nan.

A-nan là em họ thân yêu của Đức Phật, A-nan có thói quen được nói và làm những gì mình thích. A-nan giống như những đệ tử của tôi hiện nay không biết sợ sư phụ của mình. họ dám nói mọi điều– ngay cả trước mặt sư phụ mình. Khi tôi còn ở Hồng Kông, đệ tử tôi không dám mở miệng khi họ ở quanh tôi. Họ rất sợ tôi. Đệ tử người Mỹ các ông không biết sợ thầy. Và tôi cũng không muốn khiến các ông sợ tôi. Nên bây giờ là “tốt”. “OK?!”

 

Kinh văn: 阿難,若因明有,應不見暗。如因暗有,應不見明。如是乃至因空因塞,同於明暗。

Phiên Âm: A-nan! Nhược nhân minh hữu, ưng bất kiến ám. Như nhân ám hữu, ưng bất kiến minh. Như thị nãi chí, nhân không nhân tắc, đồng ư minh ám.

Việt dịch: A-nan, nếu nhân nơi sáng mà có, thì đáng lẽ chẳng thấy được tối. Nếu nhân nơi tối mà có, thì đáng lẽ chẳng thấy được sáng. Như thế cho đến nhân nơi hư không, nhân nơi ngăn bít, cũng đồng như sáng và tối.

Giảng: “A-nan, ông nên biết rằng Như Lai đã giải thích giáo lý giống nhau nầy nhiều lần rồi, Nay Như Lai sẽ giảng giải một lần nữa cho ông. A-nan, nếu nhân nơi sáng mà có – nếu ông nói rằng tánh thấy hiện hữu do nơi sáng – thì đáng lẽ chẳng thấy được tối. Khi tối, lẽ ra ông không thấy được tối. Nếu nhân nơi tối mà có, thì đáng lẽ chẳng thấy được sáng. Nếu ông nói, ‘A! chẳng phải tánh thấy là do vì có sáng, mà do vì tối. Tánh thấy có là do tối.’ Thế thì khi sáng, tánh thấy của ông phải biến mất.

Sao vậy? Ông nương nhờ tối mới thấy được; nay cái tối ấy đã biến mất, nên tánh thấy của ông cũng biến mất luôn. Lý lẽ tương tự cũng được áp dụng cho các trường hợp khác. Như thế cho đến nhân nơi hư không, nhân nơi ngăn bít, cũng đồng như sáng và tối. Nếu nhờ vào hư không mà có tánh thấy, thì nơi nào có ngăn bít thì tánh thấy phải biến mất.

Nếu nhờ vào ngăn bít mà có tánh thấy, thì nơi nào có hư không thì tánh thấy phải biến mất. Nhưng đó không phải là cách đối với quý vị. Khi sáng quý vị thấy được, khi tối quý vị vẫn thấy được, nơi hư không quý vị thấy được, nơi ngăn bít quý vị cũng thấy được. Tại sao ông có ý kiến rằng tánh thấy nương vào nhân duyên là đúng?”

 

Kinh văn: 復次阿難,此見又復明有見,暗有見。空有見,塞有見。

Phiên Âm: Phục thứ A-nan, thử kiến hựu phục, duyên minh hữu kiến, duyên ám hữu kiến. Duyên không hữu kiến, duyên tắc hữu kiến?

Việt dịch: Lại nữa A-nan, cái thấy nầy lại duyên nơi sáng mà có thấy, hay duyên nơi tối mà có thấy? Duyên nơi hư không mà có thấy, hay duyên nơi ngăn bít mà có thấy?

Giảng: “ Trước đây Như Lai đã nói về nhân, nay Như Lai sẽ hỏi ông về duyên. Như Lai sẽ giảng giải rõ hơn một chút cho ông.” Quý vị có thấy Như Lai từ bi như thế nào không?

Ngài thấy A-nan vẫn đứng trơ hai con mắt ra nhìn, A-nan vẫn chưa hiểu, thế nên Như Lai giảng giải thêm một lần nữa. “Lại nữa A-nan, cái thấy nầy lại duyên nơi sáng mà có thấy, hay duyên nơi tối mà có thấy? Cái thấy nương theo sáng hay nương theo tối? Duyên nơi hư không mà có thấy, hay duyên nơi ngăn bít mà có thấy? Có phải do nơi nhân duyên của hư không mà có tánh thấy hay do nơi nhân duyên của ngăn bít mà có tánh thấy?

 

Kinh văn: 阿難,空有,應不見塞。若塞有,應不見空。如是乃至暗,同於空塞。

Phiên Âm: A-nan! Nhược duyên không hữu, ưng bất kiến tắc. Nhược duyên tắc hữu, ưng bất kiến không. Như thị nãi chí, duyên minh duyên ám, đồng ư không tắc.

Việt dịch: A-nan, nếu duyên nơi hư không mà có, lẽ ra không thấy chỗ bít lấp; nếu duyên nơi bít lấp mà có, lẽ ra không thấy hư không. Như thế cho đến duyên nơi sáng, duyên nơi tối, cũng đồng như hư không và bít lấp.

Giảng: A-nan, nếu duyên nơi hư không mà có – nếu nhờ vào hư không mà có tánh thấy, thì lẽ ra không thấy chỗ bít lấp. Đạo lý ở đây cũng giống như đã giảng giải trên kia. Nhưng vì lòng từ bi của Như Lai mà Ngài giải thích rất chi tiết, không ngại phiền hà. Nếu duyên nơi bít lấp mà có – nếu nhờ vào bít lấp mà có tánh thấy, lẽ ra không thấy hư không. Như thế cho đến duyên nơi sáng, duyên nơi tối, cũng đồng như hư không và bít lấp. Lý luận về tánh thấy hiện hữu do duyên nơi sáng hoặc duyên nơi tối đều giống như lý luận về tánh thấy hiện hữu do duyên nơi hư không hoặc duyên nơi bít lấp.”

 

Kinh văn: 當知如是精覺妙明非因非。亦非自然.

Phiên Âm: Đương tri như thị, tinh giác diệu minh, phi nhân phi duyên. Diệc phi tự nhiên.

Việt dịch: Phải biết sự thật rằng, tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu nầy chẳng phải nhân chẳng phải duyên, chẳng phải tự nhiên.

Giảng: Nay một lần nữa Đức Phật lại khuấy động A-nan từ trong mê muội của ông. Phải biết – đừng tiếp tục mê muội nữa! Tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu nầy , tánh thấy, chẳng phải nhân chẳng phải duyên. Nó chẳng phải nhân chẳng phải duyên, và nó chẳng phải tự nhiên. Nay ông hiểu không?

 

Kinh văn: 非不自然。無非不非,無是非是。

Phiên Âm: Phi bất tự nhiên. Vô phi bất phi, vô thị phi thị.

Việt dịch: Chẳng phải bất tự nhiên. Không có phi, bất phi, không có thị, phi thị.

Giảng: Đó là cái siêu việt mọi đối đãi, mọi so sánh, mọi thiên chấp. “ Chẳng phải không tự nhiên.” Bây giờ không thể nói chắc chắn rằng tánh thấy sinh khởi tự nhiên. Hai lần phủ định có nghĩa là ngay cả không tự nhiên cũng chẳng có luôn. “ Không có cái chẳng phải (phi) và chẳng chẳng phải (bất phi).” Chẳng có sự phủ định và cũng chẳng có cái không phủ định. Không có cái chẳng phải, và không có cả cái chẳng chẳng phải. Không có cái phải (thị) và chẳng phải (phi thị).

Chẳng có gì là đúng hoặc sai. Quý vị không nên dùng vọng tâm để đo lường phân biệt. Một khi quý vị nghĩ về phải (thị) và chẳng phải (phi thị), là quý vị đã bỏ mất đạo lý về tánh thấy. Thế đó là cái gì?

 

Kinh văn: 離一切相,即一切法。

Phiên Âm: Ly nhất thiết tướng, tức nhất thiết pháp.

Việt dịch: Lìa tất cả tướng, tức tất cả pháp.

Giảng: Nếu quý vị xa lìa được hết thảy mọi thứ hư vọng, thì đó chính là pháp chân thật. Đừng dụng công tu tập trên tính hư vọng của các pháp. Lìa tất cả tướng, tức tất cả pháp. Nếu quý vị có thể xa lìa được hết thảy mọi thứ hư vọng, thì đó chính là tánh thấy chân thật của quý vị, đó chính là pháp vi diệu chân thật. Những tướng hư vọng ấy là gì? Nó là những tướng biểu hiện của vọng tưởng. Xa lìa mọi vọng tưởng tức đó là diệu pháp chân như. Nếu quý vị không tự mình xa lìa hết thảy mọi thứ vọng tưởng, thì không thể nào thể nhập được cùng diệu pháp chân như.

 

Kinh văn: 汝今云何於中措心。以諸世間戲論名相而得分別。如以手掌撮摩空。只益自勞。空云何隨汝執捉.

Phiên Âm: Nhữ kim vân hà, ư trung thố tâm. Dĩ chư thế gian, hí luận danh tướng, nhi đắc phân biệt. Như dĩ thủ chưởng, toát ma hư không. Chỉ ích tự lao. Hư không vân hà, tùy nhữ chấp tróc.

Việt dịch: Nay ông sao ở trong chỗ bỏ mất bản tâm, nhận các danh tướng hý luận thế gian mà vọng khởi phân biệt? Như lấy tay chụp bắt hư không chỉ thêm tự nhọc, hư không làm sao để ông bắt được?

Giảng: Thế tôn tiếp tục nói với A-nan: Nay ông sao còn ở trong ấy nhận lầm các danh tướng hý luận thế gian mà vọng khởi phân biệt? Tại sao ông vẫn ở trong vọng tưởng và dùng thức tâm phân biệt? Sao ông vẫn cứ nương vào vọng tưởng mà dụng công tu tập? Lý thuyết thế gian về tự nhiên, nhân duyên đều là nguỵ biện. Là nhạy bén và hý luận về những điều không thực tế. Ông dùng thuật ngữ và đặc điểm hý luận là để phân biệt với diệu pháp của Như Lai, là để phân biệt với đại định vi diệu Thủ Lăng Nghiêm. Sao ông làm như vậy?

Như lấy tay chụp bắt hư không. Dùng tâm vọng tưởng, dùng thức tâm phân biệt để đo lường đại định vi diệu Thủ Lăng Nghiêm thì cũng giống như dùng tay nắm bắt hư không. Làm sao ông nắm giữ hư không được? Ông hãy hỏi đứa trẻ con thử xem có nắm bắt được hư không chăng? Ngay đứa trẻ cũng nói là không thể nào nắm bắt hư không được. Những điều ông đang làm hiện nay là nắm bắt hư không. Cũng như trước đây Thiền sư Đặng Ẩn Phong có nói: “Trước tiên hãy bắt cho được hư không, rồi mới bắt được Đặng Ẩn Phong nầy.”

Sư nói như vậy với một con ma muốn bắt sư. Trước khi để cho ma bắt, Sư đấu lý với nó. Sư bảo: “Đợi ta một chút được chăng? Ta có chút việc nhỏ chưa làm xong. Khi nào xong việc, ta sẽ theo ngươi đi gặp Diêm vương.” Đặng Ẩn Phong là ai? Là một Thiền sư có định lực rất cao. Khi Sư đang ở trong định, thì quỷ thần không thể thấy được Sư, nhưng Sư có thể thấy được quỷ thần khi Sư xuất định. Lúc ấy quỷ Vô thường đến thăm Sư. Quỷ Vô thường là gì?

Khi quý vị sắp đến giờ lâm chung, quỷ vô thường là bạn đồng hành đến để đưa quý vị đi gặp Diêm vương. Ngài bạn đồng hành ấy đến bắt Đặng Ẩn Phong và nói rằng: “Mạng sống của ông hết rồi. Hãy đi gặp Diêm vương với tôi.” Rồi nó còng tay bằng xích sắt Đặng Ẩn Phong lại. Đặng Ẩn Phong nói với quỷ: “Này ông bạn, đừng có vô lễ như vậy. Ta vẫn còn một việc chưa làm xong, khi nào xong rồi ta sẽ đi với ngươi.” Quỷ vô thường suy nghĩ, ngươi cố cưỡng lại lệnh Diêm vương. Được rồi, lịch sự với nhà ngươi một chút cũng chẳng sao. Nên quỷ nói: “Ông có việc gì chưa xong nào?”

Đặng Ẩn Phong liền xếp chân ngồi thiền theo thế kiết già, ngay đó Sư liền nhập vào đại định. Định mà Sư nhập vào là Vô tướng Tam muội. Trước vào định, Sư nói: “Hãy đi mà bắt hư không rồi mới đem Đặng Ẩn Phong nầy theo được.” Sư nói với quỷ vô thường tiếp: “Nếu ngươi bắt được hư không, thì hãy trở lại đây đưa ta đi gặp Diêm vương.” Một khi Sư đã nhập định rồi, thì quỷ vô thường không còn cách nào bắt Sư được nữa. Nên quý vị phải biết rằng định lực cực kỳ quan trọng. Định lực có nghĩa là không bị vật xoay chuyển. Trong Kinh văn trước đã có nói: “Nếu chuyển được vật, tức đồng Như Lai.” Tu tập đạt được định lực cũng như vậy.

Tôi sẽ giải thích đạo lý nầy cho quý vị biết đó là điều chân thật chứ không phải là chuyện đùa. Nếu là người có định lực, thì khi thấy phụ nữ, bất luận cô ta đẹp đến cỡ nào, thì anh ta vẫn kiềm chế được tâm mình. Anh ta không móng khởi dục vọng. Đó là định lực. Nếu khi vừa thấy phụ nữ mà quý vị trở nên loạng choạng chao đảo và thấy như có bàn tay chặn ngang họng, thì đó là không có định lực. Quý vị có thể đảo ngược chủ ngữ trong câu văn, có nghĩa là tương tự như khi phụ nữ gặp đàn ông.

Quý vị phải giữ trạng thái như như bất động, và nếu quý vị có thể giữ mình không bị xoay chuyển bởi dục vọng, thì quý vị có được định lực. Đó mới chỉ là bước đầu tiên. Bước đầu tiên là đạt được năng lực không bị xoay chuyển bởi dục vọng, thế nên thấy đồng nghĩa với không thấy. Quý vị đối đầu với hòan cảnh mà không móng tâm. Quý vị nếm mùi chịu đựng mà vẫn không động tâm. Đó là định lực. Quý vị có thể đo lường định lực của mình đến đâu.

Chẳng hạn, nếu quý vị giữ được tâm bất động không khởi ham muốn dục vọng nam nữ trong tâm, thế là quý vị đã có chút ít định lực. Xa hơn, nếu quý vị có thể giữ không sinh khởi chút rắc rối nào khi đi với bạn gái mình, thì đó là công phu chân chính. Nhưng công phu nầy không thể dễ đạt được. Nếu quý vị đạt được định lực ấy, có nghĩa là quý vị có khả năng tu tập và đạt được thân kim cương bất hoại. Nếu quý vị thiếu định lực ấy, thì phải làm gì? Là đừng bao giờ thỏa mãn với hòan cảnh hạn hẹp nầy, rồi nói: “Tôi chẳng cần định lực ấy nhiều như thế đâu. Tôi chẳng cần tu.

Tôi chịu thua thôi.” Thật là uổng công. Quý vị chỉ chuốc lấy sự thất bại thôi. Quý vị càng có ít định lực thì càng phải tu tập nhiều. Chẳng hạn, ‘Tôi ngồi thiền là thấy đau nhức. Càng đau, tôi càng muốn ngồi thiền. Tôi phải tự nỗ lực làm những việc khó làm.’ Đó cũng là định lực. Chỉ thêm tự nhọc. Đức Phật bảo A-nan rằng dùng tâm thức để phát minh những hý luận về tánh thấy cũng như cố gắng nắm bắt hư không. Những gì ông làm đều là lao nhọc vô ích.

Ông tự làm mình mòn mỏi và cạn kiệt sinh lực. Ông tự phí sức mình. Rốt ráo, nếu ông tiếp tục sờ soạng hư không bằng tay mình, tay ông có tránh khỏi bị mỏi không? Cuối cùng, tay ông sẽ nhức mỏi và sẽ bắt đầu chuyển từ tình trạng đau nhức sang kiệt sức. Ông vật lộn chụp bắt hư không nhưng không thể nào nắm bắt được hư không. Ông chụp bắt mà không có được gì cả.

Ông lại chụp bắt và lại không có được gì cả. Cũng giống như không có việc gì để làm và đi tìm xem có việc gì để làm. Và đó là cách A-nan đang làm. A-nan không có việc gì để làm cả. Có lẽ đó là trường hợp của một vị tăng ăn no rồi không biết làm việc gì nên bắt đầu chụp bắt hư không. Hư không làm sao để ông bắt được?

Làm sao mà hư không lại để cho ông nắm bắt được? Hư không cơ bản vốn là hư không. Làm sao ông bắt được nó? Nếu nó có cái gì đó để ông nắm bắt được, thì nó không phải là hư không. Nó phải là vật thì ông mới có thể bắt được nó. Chẳng hạn, cái tách nầy: vì nó là cái tách, nên tôi có thể cầm lấy nó. Nếu cái tách không có ở kia thì không thể nào cầm nắm rồi đưa tách lên xuống, và sẽ không có chuyện gì hết cả.

Thế nên Đức Phật ví A-nan, người chuyên công phu tu tập bằng thức tâm phân biệt, với những người chụp bắt hư không. Đạo lý nầy giống nhau. Quý vị chỉ tăng thêm nhọc mệt, chẳng có lợi lạc chút nào cho bản tâm cả.

 

Kinh văn: 阿難白佛言,世尊。必妙覺性非因非。世尊云何常與比丘。宣說見性具四種緣。所謂因空因明因心因眼.是義云何。

Phiên Âm: A-nan bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Tất diệu giác tánh, phi nhân phi duyên. Thế Tôn vân hà, thường dữ Tỳ-kheo. Tuyên thuyết kiến tánh, cụ tứ chủng duyên. Sở vị nhân không, nhân minh nhân tâm, nhân nhãn. Thị nghĩa vân hà?

Việt dịch: A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn! Nếu tánh giác nhiệm mầu nầy chẳng phải nhân chẳng phải duyên, tại sao Thế tôn thường chỉ dạy các tỷ-khưu: tánh thấy gồm đủ bốn thứ nhân duyên, nghĩa là nhân nơi hư không, nhân nơi sáng, nhân nơi tâm, và nhân nơi mắt. Nghĩa ấy như thế nào?”

Giảng: Quý vị nói A-nan đã xúc phạm nhiều ít? A-nan đã bất kính với đạo sư của mình. A-nan thô tháo muốn tranh luận công khai với Đức Phật. Giống như đấu một ván cờ không hơn không kém. A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn! Nếu tánh giác nhiệm mầu nầy chẳng phải nhân chẳng phải duyên, tại sao Thế tôn thường chỉ dạy các tỷ-khưu: tánh thấy gồm đủ bốn thứ nhân duyên.”

A-nan vay mượn giáo lý của Đức Phật. “Chính Như Lai đã dạy điều nầy, chứ không phải con tự nói. Như Lai đã nói về tánh thấy như vậy.” Hãy lắng nghe A-nan nói! A-nan đang phản bác lại Đức Phật. A-nan luồn lách bên nầy rồi bên kia nhiều lần và chưa nói được đều gì đúng cả– lúc ấy có lẽ A-nan lơ là không nghe giảng. “Tôi sẽ được nghe Đức Phật giảng.”

Thế nên A-nan nói: “Bạch Thế tôn, Ngài thường nói rằng tánh thấy phải có đầy đủ bốn duyên, sao nay Thế tôn lại nói tánh thấy chẳng phải nhân chẳng phải duyên?” Chắc có lẽ mật của A-nan phải lớn bằng cả bầu trời mới dám tranh luận với Đức Phật như vậy. Bốn duyên ấy là gì?

“Nghĩa là nhân nơi hư không, nhân nơi sáng, nhân nơi tâm, và nhân nơi mắt. Nghĩa ấy như thế nào? Thế tôn giải thích nghĩa nầy như thế nào? Trước đây Thế tôn giảng giải tánh thấy căn cứ vào bốn duyên nầy, nay Thế tôn nói ngược lại. Sao Thế tôn làm như vậy? Phải chăng là Phật thì có thể nói những điều không cần phải cân nhắc trước? Đức Phật thì không bao giờ nói dối.

Sao trước đây Thế tôn nói như thế mà nay lại nói khác?” Quý vị có thể thấy được rằng pháp hội gồm những đệ tử như A-nan thật là nan giải. Thật may mắn Đức Phật là Phật. Nếu tôi ở trong pháp hội đó, tôi cũng chẳng có cách nào để luận giải cho A-nan.

 

Kinh văn: 佛言.阿難,說世間諸因緣相,非第一義。

Phiên Âm: Phật ngôn A-nan: Ngã thuyết thế gian, chư nhân duyên tướng, phi đệ nhất nghĩa.

Việt dịch: Đức Phật bảo A-nan: “Như Lai nói các tướng nhân duyên trong thế gian, chẳng phải là đệ nhất nghĩa.”

Giảng: Khả năng tranh luận của A-nan thật giỏi đến nỗi A-nan có thể thuyết phục được Đức Phật. Đức Phật bảo A-nan: “Như Lai nói các tướng nhân duyên trong thế gian, chẳng phải là đệ nhất nghĩa.”

Đó không phải là giáo lý nền tảng. Những gì Như Lai nói lúc ấy là pháp quyền và phương tiện. Ông không nên nghĩ rằng những điều Như Lai nói khi ấy là giáo pháp chân thật. Lúc ấy, như thể Như Lai dỗ trẻ con bằng cách nói rằng các con nên ngoan ngoãn, đừng nên bướng bỉnh. “Khi lớn lên, các con sẽ là một quan chức. Các con sẽ làm được nhiều việc quan trọng.”

Đó là pháp quyền, pháp môn phương tiện. Nghe qua, như thể chẳng phải là Đức Phật bị A-nan phản bác, phải không? Trong Kinh Duy-ma-cật, Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát hỏi Cư sĩ Duy-ma-cật, “Thế nào là đệ nhất nghĩa?”

Quý vị biết Cư sĩ Duy-ma-cật trả lời như thế nào không? Quý vị thử đoán xem? Nếu có ai biết được, thì người ấy là Duy-ma-cật tái thế. Có ai trong quý vị biết đệ nhất nghĩa là gì không? Bất kỳ ai đã đọc Kinh Duy-ma-cật đều biết. Nhưng nếu tôi nói, quý vị phải đừng nên đi quanh làm dáng ra vẻ ta đây hiểu biết đối với mọi người, bắt chước phong cách của Cư sĩ Duy-ma-cật, vì quý vị chưa đạt đến cảnh giới như Ngài. Đừng như những người phạm sai lầm khi làm ra vẻ như mình biết những điều thực sự chưa biết. Duy-ma-cật nhắm mắt và ngậm miệng im lặng.

Ngài không nói một lời. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói: “Ồ! Ngài đã hiểu.” Cách Ngài trả lời là như vậy. Nhưng quý vị không nên làm như thế khi đi đâu và có ai hỏi về Đệ nhất nghĩa. Điều ấy không thể chấp nhận được. Rất tốt khi hiểu được, nhận ra được nghĩa lý ấy, nhưng quý vị không nên đi quanh làm ra vẻ ngây ngô, như thể mình cũng giống như Duy-ma-cật.

Điều ấy không được phép. Cũng như khi đọc Pháp Bảo Đàn Kinh, bộ kinh có rất nhiều nghĩa lý, có người đã thành ‘khẩu đầu thiền ’ khi đọc xong những nghĩa lý nầy. Nếu quý vị là người chân thật hiểu được đạo lý thì rất tốt, nhưng chẳng tốt chút nào khi quý vị chỉ ham thích ‘khẩu đầu thiền.’ Tôi nhắc lại vì điều nầy rất quan trọng. Thế nào là “Sự đùa cợt trong Thiền? ”

Có người đưa một ngón tay hoặc nắm tay lên hoặc có những hành động tương tự như vậy. Điều ấy quý vị dứt khóat không nên làm. Sao vậy? Vì quý vị chưa đạt đến cảnh giới ấy, quý vị chưa chứng ngộ, nên quý vị không làm những việc như thế được. Người làm được những cử chỉ nầy là người đã chứng ngộ. Người đã chứng ngộ rồi họ thông suốt mọi sự.

Gần đây tôi có gặp một số người rất mê mờ đến nỗi họ hành xử như người say rượu mà tưởng rằng mình đã chứng ngộ. Thế nên tôi bảo anh ta hãy giải thích về Thất chủng lập đề và Lục chủng thành tựu, anh ta không thể nói được dù chỉ một điều. Thế quý vị nghĩ xem anh ta chứng ngộ cái gì? Nếu anh ta là người chứng ngộ, cho dù anh ta không trả lời được câu hỏi, thì ít ra cũng giải thích được nghĩa lý. Sao vậy? Vì tất cả nghĩa lý đều lưu xuất từ tâm.

Nếu anh ta là người chứng ngộ, thì tâm anh ta hòan toàn sáng suốt, và anh ta sẽ thông đạt mọi đạo lý, thế nên dù anh ta không hiểu được chi tiết, thì cũng có thể giải thích về nguyên lý được. Sự chứng ngộ có nghĩa là như vậy. Thế nên quý vị đừng ngâm trà trong nước lạnh rồi uống phần cặn bã. Có người đăng báo quảng cáo rằng mình đã chứng ngộ, điều ấy hòan toàn không biết xấu hổ, hòan toàn không có chút liêm sỉ. Đó không phải là người Phật tử. Họ thật là vô dụng.

 

Kinh văn: 阿難,吾復問汝。諸世間人說我能見。云何名見,云何不見。阿難言,世人因於日月燈光。見種種相,名之為見。若復無此三種光明,則不能見。

Phiên Âm: A-nan! Ngô phục vấn nhữ, chư thế gian nhân, thuyết ngã năng kiến: Vân hà danh kiến, vân hà bất kiến?

A-nan bạch Phật ngôn: Thế nhân nhân ư, nhật nguyệt đăng quang. Kiến chủng chủng tướng, danh chi vi kiến. Nhược phục vô thử, tam chủng quang minh, tắc bất năng kiến.

Việt dịch: A-nan, nay Như Lai lại hỏi ông, người trong thế gian thường nói: “Tôi thấy được.” Thế nào gọi là thấy? Thế nào là không thấy? A-nan thưa: “Bạch Đức Thế tôn! Người thế gian nhờ có ánh sáng mặt trời, mặt trăng và đèn mà thấy được mọi vật; nên gọi là thấy. Nếu không có ba thứ ánh sáng nầy thì không thể thấy được.”

Giảng: Đức Phật thấy rằng A-nan là chú em họ thân yêu của mình nên Ngài luôn luôn ân cần với A-nan. Thế nên, một lần nữa Ngài bảo: “A-nan, nay Như Lai lại hỏi ông.” Chú em, nay Như Lai hỏi: “Người trong thế gian thường nói: ‘Tôi thấy được.’ Mọi người đều nói họ thấy được. Kinh văn không ghi Đức Phật nói rằng Ngài thấy được.

Đó là mỗi người tự nói là chính mình thấy. Thế nào gọi là thấy? Cái gì là thấy? Thế nào là không thấy? Hãy nói cho Như Lai nghe ý nghĩa của nó. Bây giờ A-nan nghe Đức Phật đã bị mình thuyết phục. Thấy mình là kẻ chiến thắng, thế nên anh ta không dừng lại để suy nghĩ, mà nói ngay.

A-nan thưa: “Bạch Đức Thế tôn! Người thế gian nhờ có ánh sáng mặt trời, mặt trăng và đèn mà thấy được mọi vật. Nên gọi là thấy. Nếu không có ba thứ ánh sáng nầy thì không thể thấy được.”

 

Kinh văn: 阿難,若無明時,名不見者。應不見暗。若必見暗此但無明,云何無見。

Phiên Âm: Phật ngôn A-nan: Nhược vô minh thời, danh bất kiến giả. Ưng bất kiến ám. Nhược tất kiến ám, thử đãn vô minh, vân hà vô kiến.

Việt dịch: A-nan, nếu khi không có ánh sáng gọi là không thấy, thì lẽ ra không thấy được tối. Nếu thực thấy tối chỉ vì không có ánh sáng, sao gọi là không thấy?

Giảng: Bất luận khi nào A-nan nói điều gì, A-nan cũng tự mâu thuẫn với chính mình, như điều đang nói ở trên. A-nan đã đi ngược lại với lập luận của chính mình. Như A-nan nói nếu không có ba thứ ánh sáng nầy, thì chẳng có cái thấy. Đức Phật không thừa nhận luận điểm chính của A-nan. “Ông nói không có cái thấy, nay Như Lai sẽ hỏi ông. A-nan, nếu khi không có ánh sáng gọi là không thấy, thì lẽ ra không thấy được tối.

Không phải ông đã nói khi không có ánh sáng phát ra của ba thứ mặt trời, mặt trăng, và đèn thì không thể thấy được đó sao? Thực ra giáo lý nầy đã được giải thích rồi, nhưng e rằng với tài học rộng nghe nhiều của A-nan sẽ nhớ không được lâu, thế nên Đức Phật giảng lại cho A-nan nghe một lần nữa. “Nếu ông nói không thấy được khi không có ánh sáng, thì lẽ ra ông cũng không thấy được tối. Khi giảng phần kinh văn trước, Như Lai đã đã hỏi A-nan rằng người mù thấy gì, và A-nan đã trả lời rằng người mù thấy ‘tối đen.’ Đây cũng vậy. Thấy tối đen cũng gọi là thấy.” Nếu thực thấy tối chỉ vì không có ánh sáng, sao gọi là không thấy?

Ông không thể phản bác lý lẽ nầy vì nó đã được xác minh rằng chính ông cũng thấy tối đen, đó đơn giản chỉ là do không có ánh sáng. Nên ông không thể nói rằng không có cái thấy. Hòan toàn đúng khi nói rằng không có ánh sáng, chứ không thể nói rằng không có tánh thấy. A-nan lại rơi vào nỗi khó khăn khác.

 

Kinh văn: 阿難,若在暗時不見明,故名為不見。今在明時,不見暗相,還名不見。如是二相名不見。

Phiên Âm: A-nan! Nhược tại ám thời, bất kiến minh cố, danh vi bất kiến. Kim tại minh thời, bất kiến ám tướng, hoàn danh bất kiến.

Việt dịch: A-nan, nếu khi tối, không thấy sáng, mà gọi là không thấy được; vậy đang lúc sáng, không thấy có tối, lẽ ra đều phải gọi là không thấy.

Giảng: A-nan, nếu khi tối, không thấy sáng, mà gọi là không thấy được– Ở trong chỗ tối ông không thấy được ánh sáng. Và ông cho rằng không thấy được gì cả. Vậy đang lúc sáng– nay ông đang trong lúc sáng, khi có đèn, mặt trời, mặt trăng– và ông không thấy có tối, lẽ ra đều phải gọi là không thấy. Khi có ánh sáng, bóng tối biến mất, ông không còn thấy tối nữa. Do lý lẽ của ông, lẽ ra trong cả hai trường hợp đều không có cái thấy.” Cả hai trường hợp đều đã lý giải xong, sáng và tối, cả hai đều không có cái thấy hay sao? Nói nhanh. Có phải ý ông như vậy không?

 

Kinh văn: 若復二相,自相陵奪。非汝見性於中暫無。如是則知二名見。云何不見。

Phiên Âm: Như thị nhị tướng, câu danh bất kiến. Nhược phục nhị tướng, tự tướng lăng đoạt. Phi nhữ kiến tánh, ư trung tạm vô. Như thị tắc tri, nhị câu danh kiến. Vân hà bất kiến?

Việt dịch: Nếu hai tướng sáng tối tự xâm đoạt nhau, thì tánh thấy của ông trong đó chẳng phải tạm không. Như thế ắt biết trong cả hai trường hợp đều gọi là thấy. Sao gọi là không thấy?

Giảng: Quý vị thấy Đức Phật là bậc rất giỏi trong tranh luận, và nay quý vị có lẽ cũng sẽ chiến thắng trong các cuộc tranh luận, bất luận quý vị tranh luận với ai. Nếu hai tướng sáng tối tự xâm đoạt nhau: hai tướng là sáng và tối tranh đoạt lẫn nhau. Sáng tuyên bố rằng nó là cái thấy, rồi tối tranh giành nó mới chính là cái thấy. A-nan, ông nói cả hai đều chẳng phải là cái thấy.

Cái gì mới thực sự là tánh thấy? Tánh thấy của ông trong đó chẳng phải tạm không. Sự tương tục của sáng và tối không ảnh hưởng đến khả năng thấy của tánh thấy. Đó chắc chắn là tánh thấy của quý vị không tăng cũng không giảm, không sinh không diệt. Cũng chẳng phải tánh thấy quý vị tạm thời biến mất. Như thế ắt biết trong cả hai trường hợp đều gọi là thấy.

Quý vị thấy sáng, và quý vị thấy tối, không thể nói rằng mỗi một cái nào là không có tánh thấy. Sao gọi là không thấy? Vì có tánh thấy trong cả hai trường hợp. Sao ông nói là không có cái thấy? Nói nhanh! Đức Phật hỏi ở mức độ thâm sâu hơn. Nói nhanh!

 

Kinh văn: 是故阿難,汝今當知。見明之時見非是明。見暗之時見非是暗。見空之時見非是空。見塞之時見非是塞。

Phiên Âm: Thị cố A-nan, nhữ kim đương tri.

Kiến minh chi thời, kiến phi thị minh.

Kiến ám chi thời, kiến phi thị ám.

Kiến không chi thời, kiến phi thị không.

Kiến tắc chi thời, kiến phi thị tắc.

Việt dịch: Thế nên A-nan! Nay ông phải biết, khi thấy sáng thì cái thấy không phải là sáng, khi thấy tối thì cái thấy không phải là tối, khi thấy hư không thì cái thấy không phải là hư không, khi thấy ngăn bít thì cái thấy không phải là ngăn bít.

Giảng: Thế nên, A-nan! Do nghĩa lý vừa được giải thích, nay ông phải biết, khi thấy sáng thì cái thấy không phải là sáng. Khi ông nhìn thấy sáng, thì cái thấy của ông chắc chắn không phải là sáng, tánh thấy của ông chắc chắn không phải là sáng, chắc chắn tánh thấy của ông không nhờ ánh sáng mà có được; tánh thấy của ông hòan toàn không bị cảnh ấy xoay chuyển. Khi thấy tối thì cái thấy không phải là tối, khi thấy tối đen thì cái thấy của quý vị chắc chắn không phải là cái tối. Cái thấy của quý vị vẫn không thay đổi. Nó cũng giống như cái thấy khi thấy được sáng; cái thấy là đồng nhất, chắng có gì khác biệt.

Khi thấy hư không thì cái thấy không phải là hư không. Khi quý vị thấy hư không thì cái thấy của quý vị chắc chắn không bị xoay chuyển bởi hư không. Cái thấy ấy không chạy theo hư không. Khi thấy ngăn bít thì cái thấy không phải là ngăn bít.

Khi quý vị thấy nơi bị ngăn bít thì chắc chắn cái thấy của quý vị không phải theo đó mà trở nên ngăn bít. Tánh thấy không thể nào bị biến chuyển theo hòan cảnh bên ngoài. Tánh thấy không hề bị lay động bởi ngoại cảnh. Đó chính là tánh thấy thường trụ bất sinh bất diệt của quý vị.

 

Kinh văn: 四義成就.汝復應知。見見之時見非是見。見猶離見見不能及。云何復說因緣自然及和合相。

Phiên Âm: Tứ nghĩa thành tựu, nhữ phục ứng tri. Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến. Kiến do ly kiến, kiến bất năng cập. Vân hà phục thuyết, nhân duyên tự nhiên, cập hòa hợp tướng.

Việt dịch: Bốn nghĩa đã thành tựu. Ông lại nên biết khi ông thấy được cái thấy, thì tánh thấy không phải là cái (bị) thấy. Tánh thấy lìa cái thấy và tánh thấy không liên quan gì đến cái thấy. Làm sao ông còn nói nhân duyên tự nhiên và tướng hòa hợp?

Giảng: Bốn nghĩa đã thành tựu. Đó là 4 nghĩa đã giảng từ trước, tức là 4 nhân duyên để thành tựu tánh thấy. Bây giờ ông mới nhận ra rằng tánh thấy không tuỳ thuộc vào 4 phương diện: sáng, tối, hư không, ngăn bít. Ông lại nên biết khi ông thấy (biết) được tánh thấy, thì tánh thấy không phải là cái (bị) thấy.

Ở đây chữ kiến thứ nhất là tánh thấy chân thật (chân kiến), là tính giác chân chính của chúng ta. Chữ kiến thứ nhì là tánh thấy (kiến tinh), dù nó cũng được gọi là tánh thấy, nhưng vẫn còn là cái thấy có chút hư vọng (vọng kiến). Chữ kiến thứ nhất là tánh thấy thanh tịnh. Đó là tánh thấy chân chính.

Chữ kiến thứ nhì còn vướng một chút hư vọng. Thế nên khi tánh thấy chân thực thấy được cái thấy hư vọng, thì tánh thấy không còn là tánh thấy nữa. Tánh thấy chân thực của quý vị cũng phải tách rời hết thảy mọi thể tánh. Tánh thấy phải không dính một thể tánh nào cả. Không có một thể tánh nào hết. Thế nên nói: tánh thấy không phải là cái thấy. Không có cái thấy nào để nhằm đạt đến cả. Vì xưa nay không vốn có gì cả, nên quý vị không thể gán cho tánh thấy cái tên nào cả. Đây chính là chỗ: “ Xa lìa tướng nói năng, dứt hẳn tướng ngôn ngữ .” Nên nói:

Khẩu dục ngôn nhi từ táng,
Tâm dục duyên nhi lự vong.

Miệng muốn nói nhưng ngôn từ mất hẳn. Tâm muốn phan duyên nhưng vọng niệm hết sạch rồi. Tâm muốn suy lường nhưng không còn cách nào dấy khởi lên được. Đây là tình trạng xa lìa hẳn tướng nói năng – quý vị không còn cách nào để diễn đạt bằng lời nói được cả– và xa lìa hẳn tướng ngôn ngữ văn tự. Nó không còn được diễn đạt bằng bất kỳ hình thức văn tự nào.

Ngôn ngữ đạo đoạn
Tâm hành xứ diệt.

Lối diễn đạt bằng ngôn ngữ bị dứt sạch. Tâm không khởi vọng niệm nữa; đây có nghĩa là lúc tâm phan duyên không còn nữa. Đến cảnh giới nầy được gọi là tánh thấy không phải là cái thấy. Đạo lý nầy không phải dễ hiểu, Tuy vậy, nếu quý vị quen học Phật pháp rồi, thì điều nầy lại rất dễ hiểu. Vì vốn xưa nay không một vật, sao ông lại nói rằng tánh thấy là do nhân duyên, hoặc là do tự nhiên? Tánh thấy còn vượt xa cả cái thấy và cái thấy còn không thể bắt gặp tánh thấy được.

Vì tánh thấy của quý vị khác xa hẳn cái thấy, cái thấy không thể bắt kịp tánh thấy ấy được. Vốn không một vật, thế thì ông thấy cái gì?” Cái thấy còn không thể bắt gặp có nghĩa là cái thấy hư vọng (vọng kiến) không thể thấy được tánh thấy chân thật (chân kiến). Cái gì mà cái thấy của quý vị không thể trông thấy được? Đó là tánh thấy chân thật (chân kiến) của quý vị.

Làm sao ông còn nói nhân duyên tự nhiên và tướng hòa hợp? Tại sao ông vẫn còn muốn nói tánh thấy chân thật, tuyệt đối, trực giác chân chính của ông là nhân duyên mà tôi đã nói trước đây? Sao ông lại đưa điều đó ra như một ví dụ? và tại sao ông lại so sánh giáo lý nầy với thuyết tự nhiên của ngoại đạo? Và tại sao ông lại đưa tướng hòa hợp ra bằng cách cho rằng ai cũng pha trộn với nhau trong một thể hòa hợp?

Tướng hòa hợp cũng giống như khi chao-tze – một loại bánh bao của người Trung Hoa – bị tan rã ra khi đun sôi. Quý vị không nên nhầm lẫn. Đức Phật bảo A-nan rằng khi Ngài nói về pháp nhân duyên, là để dành cho hàng sơ phát tâm học Phật, cho hàng Tiểu thừa, có nghĩa là pháp môn quyền thừa cho hàng Thanh văn và Duyên giác, và cũng là cho hàng ngoại đạo, để bác bỏ thuyết tự nhiên. Nay Như Lai giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm để chỉ bày đại định Thủ Lăng Nghiêm.

Ý nghĩa thâm mật vi diệu nầy không thể đem so sánh với nhân duyên. Sao ông vẫn còn đem nhân duyên ra so sánh với đệ nhất nghĩa? Sao ông vẫn còn đem nhân duyên ra so sánh với đại định Thủ Lăng Nghiêm? Cũng như nhầm lẫn đồng thau với vàng. Ông quá chấp trước. Ông không nên suy nghĩ như vậy nữa!

 

Kinh văn: 汝等聲聞狹劣無識。不能通達清淨實相。吾今誨汝當善思惟。無得疲怠妙菩提路.

Phiên Âm: Nhữ đẳng Thanh văn, hiệp liệt vô thức. Bất năng thông đạt, thanh tịnh thật tướng. Ngô kim hối nhữ, đương thiện tư duy. Vô đắc bì đãi, diệu Bồ-đề lộ.

Việt dịch: Các ông là hàng Thanh văn hẹp hòi không hiểu biết, không thông đạt được thật tướng thanh tịnh. Nay Như Lai bảo ông phải khéo suy nghĩ, không nên trì hoãn trên đường tu đạo giác ngộ nhiệm mầu.

Giảng: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói: “Các ông là hàng Thanh văn. Các ông là hàng Nhị thừa, hiểu biết hẹp hòi. Tâm của các ông cạn cợt và nhỏ nhoi, trí thức của các ông rất thấp kém. Các ông hòan toàn vô trí. Hàng Thanh văn các ông chỉ biết lợi mình mà không biết làm lợi lạc cho người khác. Các ông chỉ biết đến mình mà không đoái hòai khổ đau của các loài chúng sinh khác.

Các ông là hàng ‘Ngã không A-la-hán .” ‘Vô minh’ là không có trí huệ chân chính. Tri thức nói ở đây, tuy vậy không phải là tri kiến của hàng phàm phu, mà là trí huệ chân chính của Phật pháp Đại thừa. Các ông không có trí huệ chân chính của Phật pháp Đại thừa. Điều nầy cũng liên quan đến Đệ nhất nghĩa của đại định vi diệu Thủ Lăng Nghiêm. Hàng Thanh văn các ông không thể nào hiểu được điều nầy, và không thông đạt được thật tướng thanh tịnh.

“Thông đạt” có nghĩa là nhận thức được. Nay tâm các ông chấp trước nặng nề, tâm phân biệt các ông tạo ra quá lớn, nên các ông cần phải nhận biết những tinh tuý của giáo lý Đại thừa, là Phật pháp Đại thừa, tức thật tướng thanh tịnh. Thật tướng là gì? Thật tướng tức vô tướng. Đây là giải thích thứ nhất. Mà không vật nào là không có thật tướng. Hết thảy các pháp đều xuất sinh từ thật tướng.

Đó là ý nghĩa Thật tướng tức vô tướng, và không vật nào là không có thật tướng. Nghĩa thứ ba là vô tướng mà không có vật nào chẳng phải là thật tướng. Hết thảy các pháp đều xuất sinh từ thật tướng. Thế nên “thật tướng” là bản thể của các pháp.

Thế quý vị có muốn tìm thấy thật tướng, vì nó là bản thể của các pháp chăng? Rốt ráo nó giống như cái gì? Quý vị không nhìn thấy nó được. Như thể nó được gán cho cái tên “thật tướng” thế thôi. Như Lão Tử nói: “Đạo khả đạo, phi thường đạo.” Nếu có thể nói về đạo của mình, nếu quý vị có thể giải thích được đạo ấy, thì đó không còn là đạo thường hằng nữa.

“Danh khả danh phi thường danh.” Nếu quý vị có một cái tên để gọi ra, thì đó không còn là cái tên bất diệt nữa. Rồi ông nói thêm: “Vô danh thiên địa chi thuỷ. Hữu danh vạn vật chi mẫu.” Triết học của Lão Tử là như vậy. Những gì tôi trình bày hôm nay là giúp cho quý vị dễ hiểu giáo lý mình đang học hơn. Thật tướng tức là chân không và cũng tức là diệu hữu. Quý vị cho rằng chân không là hư không chăng? Không phải. Vì trong chân không xuất sinh diệu hữu.

Diệu hữu chắc chắn không phải là sự hiện hữu (thông thường). Chân không chẳng phải là hư không, và diệu hữu không phải lúc nào cũng hiện hữu. Vì nó không thực có, nên được gọi là diệu hữu. Thật tướng cũng có đạo lý y như vậy. Nếu quý vị thông đạt được nghĩa nầy, thông suốt được việc nhỏ thì thông suốt được hết mọi việc. Thế tự tánh của quý vị giống như cái gì?

Tự tánh giống như hư không. Quý vị nói xem trong hư không có vật gì chăng? Có rất nhiều thứ trong hư không, nhưng quý vị không thấy được. Sự hiện hữu trong hư không gọi là diệu hữu. Tướng không trong hư không chính là chân không. Vì chân không chẳng phải không, nên được gọi là diệu hữu. Vì diệu hữu mà không hiện hữu, nên gọi là chân không. Hai tên vốn chỉ là một. Tuy nhiên, khi quý vị quán chiếu thâm sâu thì sẽ thấy một tên cũng không có.

Đặt cho nó một cái tên cũng như gắn thêm trên đầu một cái đầu nữa. Quý vị nói: “Đây là chân không, đây là diệu hữu, đây là thật tướng.” Điều ấy càng tăng thêm chấp trước nơi quý vị. Vì bản thể chân thật của các pháp vốn không có một thứ gì cả. Khi quét sạch tất cả các pháp, tức là xa lìa được các tướng. Như văn kinh trước đã nói: “Ly nhất thiết tướng, tức nhất thiết pháp.” Lìa tất cả các tướng thế gian tức là Pháp. Nhưng nhiều người không thể nào tự mình xa lìa được các tướng thế gian nầy.

Và vì họ không thể nào tự mình xa lìa được các tướng thế gian nầy, nên họ không thể nhập được vào các pháp. “Tôi có thể xa lìa được các tướng.” Quý vị nói. “Tôi không chấp trước một thứ gì cả.” Quý vị không chấp trước một thứ gì cả hay chăng? Như một lát nữa đây có trận động đất, quý vị có sợ hãi không? Tôi tin ở đây có rất ít người bối rối khi động đất đến.

Chỉ vì chúng ta không chịu xa lìa các tướng. Nếu chúng ta có thể xa lìa được các tướng, thì dù núi Thái sơn có sụp đổ trước mắt, quý vị cũng không hề lay động. Người đã chuyển được vật rồi thì chẳng sợ hãi khi gặp điều gì. Nếu quý vị không sợ hãi, thì chẳng có cảnh giới nào cả. Làm sao mà các cảnh giới kia còn tồn tại được nữa? Sao còn có các ma chướng được nữa?

Sao ma vương còn có thể đến để quấy rối định lực của quý vị được nữa? Chỉ vì quý vị dao động, nên ma có dịp lẻn vào ngay. Nếu quý vị không dao động, chẳng có ma nào tìm được cách để chen vào quý vị. Chẳng có câu chú nào mà nó đọc lên để làm lay động quý vị cả.

Quý vị sẽ nói: “Thế tại sao Ma-đăng-già lại đọc được thần chú để mê hoặc A-nan như trong kinh Thủ Lăng Nghiêm?” Chỉ vì A-nan không có định lực. Nếu A-nan có định lực, nếu A-nan có đại định Thủ Lăng Nghiêm, thì có lẽ chẳng cần Đức Phật phải nói kinh Thủ Lăng Nghiêm hoặc thần chú Thủ Lăng Nghiêm; quý vị và tôi bây giờ có lẽ khỏi cần phải nghe hay học kinh Thủ Lăng Nghiêm.

Thế nên đó là nhân duyên. Nhưng nếu ai đã có định lực, bất luận cảnh giới nào sinh khởi, họ vẫn không hề lay động. “Nay Như Lai bảo ông. Như Lai sẽ chỉ dạy cho ông. Phải biết chiêm nghiệm.” “Biết chiêm nghiệm” đây không có nghĩa là loại suy nghĩ thông thường mà A-nan đã sử dụng và trình bày từ trước. Chữ thì giống nhau, nhưng nghĩa của nó từng lúc có khác. “Biết chiêm nghiệm” đây có nghĩa là A-nan phải nên dùng chân tâm mà quán chiếu tường tận. Chẳng phải là đem thức tâm để phân biệt.

“Không nên trì hoãn trên đường tu đạo giác ngộ nhiệm mầu. Đừng làm biếng và thiếu nhiệt thành. Đừng hời hợt hoặc đại khái qua loa. Đừng luẩn quẩn trên đường tu đạo giác ngộ nhiệm mầu. Ông nên diệc phục như thị, chú tâm và đặc biệt ý thức đây là con đường dẫn đến sự giác ngộ nhiệm mầu. Đó là Thủ Lăng Nghiêm diệu định. Nếu ông có được Thủ Lăng Nghiêm diệu định, thì ông có thể đi trên con đường dẫn đến quả vị giác ngộ nhiệm mầu, có nghĩa là quả vị Phật.”

Chư Phật được gọi là Diệu giác, và chư Bồ-tát được gọi là Đẳng giác; Bồ-tát cũng có đủ năng lực đạt đến Diệu giác. Có năm mươi lăm giai vị từ Thanh văn, Bồ-tát thẳng đến quả vị Diệu giác. Năm mươi lăm giai vị sẽ được giảng giải trong phần sau của Kinh văn.

 

Kinh văn: 阿難白佛言,世尊。如佛世尊為我等輩。宣說因緣及與自然。諸和合相與不和合。心猶未開。而今更聞,見見非見,重增迷悶。

Phiên Âm: A-nan bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Như Phật Thế Tôn, vị ngã đẳng bối. Tuyên thuyết nhân duyên, cập dữ tự nhiên. Chư hòa hợp tướng, dữ bất hòa hợp. Tâm do vị khai. Nhi kim cánh văn, kiến kiến phi kiến, trọng tăng mê muội.

Việt dịch: A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn! Như Phật Thế tôn vì chúng con giảng nói về nhân duyên, tự nhiên và các tướng hòa hợp và chẳng hòa hợp, trong tâm chúng con vẫn còn chưa rõ, mà nay lại nghe thấy được cái thấy chẳng phải là tánh thấy, con càng thêm mê muội.”

Giảng: A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn! Như Phật Thế tôn vì chúng con giảng nói. Kính bạch Đức Phật, Ngài đã vì chúng con, hàng Thanh văn, và vì hàng Duyên giác mà giảng giải về nhân duyên, tự nhiên và các tướng hòa hợp và chẳng hòa hợp– các hiện tượng mà không hòa hợp và thống nhất cùng với nhau. Trong tâm chúng con vẫn còn chưa rõ. Kính bạch Đức Phật, sau khi nghe giảng giải, chúng con vẫn chưa giác ngộ. Chúng con vẫn không hiểu được.

Tâm chúng con vẫn chưa được khai ngộ. Mà nay lại nghe thấy được cái thấy chẳng phải là tánh thấy, con càng thêm mê muội.” A-nan lại chất vấn Đức Phật một lần nữa. A-nan nói rằng cách diễn đạt giáo lý trên đã khiến cho mình càng tăng thêm sự tối tăm mờ mịt, khó hiểu trong tâm. A-nan cũng như những người đã nhiều lần nghe giảng kinh kinh Thủ Lăng Nghiêm rồi mà vẫn nói: “Đoạn nầy nói gì vậy? Tôi chẳng hiểu chút nào. Tôi đã nghe giảng suốt mấy ngày nay, càng nghe càng thấy trở nên mờ mịt.”

 

Kinh văn: 伏願弘慈施大慧目。開示我等覺心明淨。作是語已,頂禮,承受聖旨.

Phiên Âm: Phục nguyện hoằng từ, thí đại tuệ mục. Khai thị ngã đẳng, giác tâm minh tịnh. Tác thị ngữ dĩ, bi lệ đảnh lễ, thừa thọ Thánh chỉ.

Việt dịch: Cúi mong Thế tôn mở rộng lòng từ, ban cho con mắt đại trí huệ, chỉ dạy cho chúng con cách giác ngộ tâm tánh sáng suốt và thanh tịnh. Nói xong, A-nan buồn khóc rồi đảnh lễ, vâng nhận thánh chỉ.

Giảng: Cúi mong Thế tôn mở rộng lòng từ. Con quỳ trước Thế tôn và mong Ngài mở rộng lòng đại từ bi ban cho con mắt đại trí huệ. Ban cho chúng con Phật nhãn. Chỉ dạy cho chúng con cách giác ngộ tâm tánh sáng suốt và thanh tịnh. Bạch Đức Thế tôn, cúi mong Ngài giảng giải về tâm giác ngộ với thể tánh thanh tịnh cho hàng Nhị thừa,Thanh văn, Duyên giác chúng con.”

Nói xong– đến lúc nầy, A-nan thực là bối rối. Thế nên khi nói xong, quý vị biết A-nan như thế nào không? A-nan buồn khóc rồi đảnh lễ. A-nan khóc. A-nan sử dụng đến ngón nghề của trẻ con là đứng khóc trước mặt Đức Phật, và A-nan vừa khóc vừa dập đầu cúi lạy giống như trẻ thơ bị lấy mất đi phần sữa nên khóc la nhìn mẹ nó đòi cho được sữa. Thỉnh cầu được nghe pháp cũng giống như đòi được uống sữa. Vâng nhận thánh chỉ. A-nan trông chờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ban cho mình chút pháp nhũ để thỏa lòng cơn khát và giải trừ tâm đang bối rối.

 

Kinh văn: 爾時世尊,憐愍阿難及諸大眾。將欲敷演大陀羅尼,諸三摩提妙修行路。

Phiên Âm: Nhĩ thời Thế Tôn, lân mẫn A-nan, cập chư đại chúng. Tướng dục phu diễn, đại Đà-la-ni, chư tam ma đề, diệu tu hành lộ.

Việt dịch: Khi ấy Thế tôn thương xót A-nan cùng đại chúng, đang muốn chỉ dạy pháp đại tổng trì, con đường tu tam-ma-đề vi diệu.

Giảng: A-nan khóc lóc van nài Đức Phật xuất định. Đức Phật ra khỏi định để giảng giải cho A-nan giáo lý tu đạo, pháp môn tam-ma-đề vi diệu. Khi ấy Thế tôn thương xót A-nan. “Khi ấy” là khi A-nan sắp chết khát và mong có sữa để uống. Đó là khi sự bối rối của A-nan quá cao độ nên A-nan cố mong tìm kiếm cho được sự hóa giải. Đó là khi A-nan khóc lóc và cúi xuống đảnh lễ. Cơ bản là Đức Phật vốn có sẵn tâm đại từ bi, nên khi thấy A-nan khóc lóc van nài, Đức Phật lại phát khởi tâm đại từ bi một lần nữa, Ngài mong được giảng giải giáo lý ngay cho A-nan.

Vì A-nan là người em họ thương yêu của Đức Phật, dường như ở đây Đức Phật bày tỏ lòng thương yêu và che chở đặc biệt đối với A-nan. Cùng cả đại chúng. Tuy nhiên, Đức Phật làm việc ấy không phải chỉ vì A-nan, mà vì lợi lạc cho nhiều người trong đại chúng– Ngài đang muốn chỉ dạy pháp đại tổng trì, con đường tu tam-ma-đề vi diệu.

Trong tiếng Phạn, chữ đà-la-ni có nghĩa là thần chú. Có lọai đà-la-ni gồm nhiều chữ, như thần chú Thủ Lăng Nghiêm, thần chú Phật đảnh tôn thắng. Có lọai đà-la-ni gồm ít chữ, như thần chú Lục tự đại minh. Có khi dùng chữ man-tra. Có khi dùng chữ đà-la-ni. Khi dùng chữ đà-la-ni, thì có nghĩa là “tổng trì.” Nghĩa là “Tổng nhất thiết pháp, trì vô lượng nghĩa.”

Tất cả các pháp đều bao hàm trong man-tra. Vô lượng diệu nghĩa đều xuất sinh từ man-tra. Đây là một cách giải thích. Tôi còn có một cách giải thích khác. “Tổng trì” có nghĩa là giữ cho ba nghiệp thân khẩu ý được hòan toàn thanh tịnh. Tam vô lậu học giới, định, huệ được thọ trì. Đại đà-la-ni khác với tiểu đà-la-ni. Tiểu đà-la-ni là những câu chú nhỏ, công năng của nó không lớn lắm. Điều đang nói đây là đại đà-la-ni. “Tam-ma -đề ” là định . A-nan muốn tu tập pháp môn đại tổng trì tam-ma-đề vi diệu. Nay Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sắp sửa giảng bày diệu pháp.

 

Kinh văn: 告阿難言,汝雖強記,但益多聞。於奢摩他 微密觀照,心猶未了。汝今諦聽,吾今為汝分別開示。

Phiên Âm: Phật cáo A-nan: Nhữ tuy cường kí, đãn ích đa văn. Ư xa ma tha, vi mật quán chiếu, tâm do vị liễu. Nhữ kim đế thính, ngô kim vi nhữ, phân biệt khai thị.

Việt dịch: Bèn bảo A-nan: “Ông tuy nhớ giỏi, chỉ có ích cho việc học rộng. Đối với sự quán chiếu vi diệu của pháp xa-ma-tha, tâm ông còn chưa rõ. Nay ông hãy lắng nghe kỹ, Như Lai sẽ vì ông phân biệt khai thị.”

Giảng: Đức Phật đưa ra vấn đề. Ngài báo trước những điều sẽ giảng giải cho A-nan. Bèn bảo A-nan: “Ông tuy nhớ giỏi, chỉ có ích cho việc học rộng. Trí nhớ của ông rất giỏi, ông học rất rộng nhờ vận dụng trí nhớ ấy. Sự việc gì đã đi qua trước mắt ông là ông không thể nào quên được. Nhưng trí nhớ ấy chỉ giúp ông trong việc học, trong việc khai mở trí huệ thông qua cái nghe.

“Đối với sự quán chiếu vi diệu của pháp xa-ma-tha, tâm ông còn chưa rõ.” “Xa-ma-tha ” là giáo pháp quán chiếu vi mật. Nhưng tâm ông vẫn chưa được hiểu. Ông vẫn chưa nhận ra được chút nào cả. Nay ông hãy lắng nghe kỹ, Như Lai sẽ vì ông phân biệt khai thị. Nay ông phải đặc biệt chú ý lắng nghe khi Như Lai vì ông giảng nói từng điểm, từng phần một. A-nan, đừng khóc nữa. Hãy yên tâm. Như Lai sẽ dạy cho ông. Như Lai sẽ giảng giải cho ông ngay. Đừng buồn.”

 

Kinh văn: 亦令將來諸有漏者獲菩提果。

Phiên Âm: Diệc lệnh tương lai, chư hữu lậu giả, hoạch Bồ-đề quả.

Việt dịch: Cũng là giúp cho hàng hữu lậu trong tương lai chứng được quả vị bồ-đề.

Giảng: “Cũng là giúp cho hàng hữu lậu trong tương lai.” “Hàng hữu lậu trong tương lai” bao gồm cả chúng ta, những người đang ngồi học trong pháp hội nầy. Chúng ta bây giờ chính là “Hàng hữu lậu trong tương lai” được đề cập lúc ấy. Ai cũng phải trải qua quá trình “hữu lậu” trước khi được công nhận là chứng được quả vị thứ tư của hàng A-la-hán. “Hữu lậu” có nghĩa là những điều sai lầm.

Chẳng hạn, nếu có ai thích uống rượu, người ấy được gọi là tửu lậu, nếu có ai thích hút thuốc, người ấy được gọi là yên lậu, nếu có ai thích ăn ngon, người ấy được gọi là thực lậu, nếu có ai thích mặc đẹp, người ấy được gọi là y lậu. Nếu những ví dụ nầy chưa được rõ ràng, tôi sẽ nói theo cách khác. Nói chung, bất luận quý vị thích cái gì nhất thì đó gọi là lậu. Quý vị sẽ có ý kiến: “Tôi thích ngồi thiền nhất, nên được gọi là thiền lậu chăng?”

Điều ấy khác hẳn. Thiền định giúp quý vị hướng thượng. Khi tôi nói đến cái gì quý vị thích nhất, đó là những thứ gì làm quý vị chìm đắm. Nếu quý vị thích những thứ khiến mình bị chìm đắm, thì đó gọi là lậu. Hữu lậu không chỉ có nghĩa là những việc quý vị đã làm trong quá khứ. Nếu có một vọng niệm cứ khuấy động trong tâm, quý vị nghĩ rằng “ta vốn đã có sai lầm như vậy, nay ta đã thay đổi, nhưng ta vẫn nghĩ về nó và muốn tái phạm lại.” Đó là một ý tưởng hữu lậu. Nên nó thật là mãnh liệt. Lúc ấy quý vị chỉ biết để mặc cho vọng niệm khuấy động tâm mình, và quý vị sẽ bị chìm đắm. Còn nếu tâm quý vị bất động, thì quý vị sẽ được thăng hoa.

Quả vị thứ nhất, thứ hai, và thứ ba của hàng A-la-hán chưa được gọi là vô lậu, khi chứng được quả vị thứ tư của hàng A-la-hán rồi mới được gọi là vô lậu. Bây giờ Đức Phật nói để khiến cho mọi người còn trong hàng hữu lậu chứng được quả vị bồ-đề. Làm sao để chứng được quả vị bồ-đề? Quý vị cần phải đạt được vô lậu. Nếu quý vị còn hữu lậu, thì không thể nào mong chứng được quả vị bồ-đề. Quý vị có muốn thử chẳng? Quý vị đã là kẻ hữu lậu vì quý vị đã thử từ vô thuỷ đến nay rồi.

Thế nên đừng tiếp tục mê mờ nữa. Đừng hành xử như thể chưa từng bao giờ nghe tôi giảng, rồi cho rằng: “Có lẽ Sư phụ chẳng đề cập đến sai trái của mình. Ở đây có rất nhiều người nên chắc chắn sư phụ nói về một người nào đó. Lỗi lầm nhỏ nhặt của mình đâu có vấn đề gì nghiêm trọng. Ta còn yêu thích thói quen ấy và chưa muốn từ bỏ nó. Sao vậy? Vì sư phụ chưa đề cập đến mình. Có lẽ sư phụ nói đến người nào khác.”

Nhưng quý vị không nên tự mình làm trò ngu xuẩn, vì quý vị sẽ đánh mất cơ hội thành Phật. Từ vô thuỷ đến nay, quý vị đã trôi lăn sinh tử trong cõi ta-bà nầy, sống rồi lại chết, chết rồi lại sống, lang thang mãi không thấy lối quay về. Thật là điên đảo. Nay quý vị đã gặp được Phật pháp, quý vị nên nhanh chóng quay đầu, dũng mãnh và tinh tấn thức tỉnh. Đừng tiếp tục rong ruổi lang thang mà quên đường về.

 

Kinh văn: 阿難,一切眾生輪迴世間。由二顛倒分別見妄。當處發生當業輪轉。

Phiên Âm: A-nan! Nhất thiết chúng sanh, luân-hồi thế gian. Do nhị điên đảo, phân biệt kiến vọng. Đương xứ phát sanh, đương nghiệp luân chuyển.

Việt dịch: A-Nan, tất cả chúng sinh luân hồi trong thế gian, là do hai cái thấy phân biệt, điên đảo không thật. Ngay nơi đó mà sanh, ngay nơi nghiệp mà luân chuyển.

Giảng: Ngay khi đọc xong đoạn kinh văn nầy, quý vị sẽ khiếp sợ ngay. Quý vị sẽ bị sửng sốt. A-nan, tất cả chúng sinh luân hồi trong thế gian. Đức Phật gọi A-nan và nói: “Tất cả mọi chúng sinh trong thế giới nầy trôi lăn trong vòng sinh tử, lưu chuyển sống chết. Họ quay như bánh xe, có khi họ sinh ở cõi trời, có khi đoạ vào địa ngục. Có khi họ thành A-tu-la, có khi họ làm người, có khi họ làm súc sanh, có khi họ làm quỷ đói.

Bánh xe quay mãi trong lục đạo luân hồi không bao giờ ngưng nghỉ là do hai thứ vọng kiến điên đảo phân biệt. Bánh xe luân hồi sinh tử ấy được xoay chuyển bởi hai thứ điên đảo do thức tâm phân biệt và khởi tà kiến. Những tà kiến nầy xuất phát từ biệt nghiệp và cộng nghiệp. Ngay đó phát sinh– bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu, khi mà những tà kiến nầy sinh khởi – thì ngay đó mà nghiệp luân chuyển.

Bất kỳ cái gì được xem hư vọng có nghĩa là nó không chân thật. “Tà kiến” nghĩa là sao? Nếu chúng ta có sự hiểu biết chân chính, thì núi sông đất liền, nhà cửa, lầu các… đều chẳng hiện hữu. “Đó là biểu hiện của thực tại, thế thì, vì vốn xưa nay chẳng có vật gì cả, vậy tôi sẽ sống ở đâu?” – Quý vị sẽ hỏi– Đừng bận tâm! Quý vị vẫn sống trong nhà đó thôi! “Bất kỳ lúc nào những tà kiến ấy phát khởi, vòng luân hồi sinh tử liền theo nghiệp luân chuyển ngay.”

Nghĩa là quý vị nhận ngay quả báo tương ưng với những việc quán chiếu đã tạo – cả biệt nghiệp lẫn cộng nghiệp. Nếu quý vị làm việc thiện, sống đạo đức, thì quý vị sẽ được sinh ở cõi trời. Nếu quý vị gây tội ác, quý vị sẽ bị đoạ vào địa ngục. Bất kỳ quý vị đã tạo nghiệp gì, nó đều dẫn đến một quả báo tương xứng mà quý vị phải trải qua. Trong bất kỳ nơi nào, dù quý vị có tạo một nghiệp cá nhân riêng biệt, thì quý vị sẽ phải chịu quả bảo tương ứng trong vòng sinh tử luân hồi. Phật pháp rất là vi diệu.

Những ai ở trong Phật pháp có thể chưa nhận biết được sự lợi lạc của Phật pháp đối với mình. Những ai chưa phải là người Phật tử cũng sẽ không tìm thấy được điều gì sai trái khi chưa thâm nhập Phật pháp. Nhưng trong đạo Phật, một mảy may việc thiện hoặc mảy may việc ác mà quý vị tạo nên đều có quả báo, và quả báo ấy không bao giờ sai sót dù chỉ bằng một mảy lông. * * *

Phật giáo hòan toàn tự do và bình đẳng. Tuyệt đối không thiên vị. Tại sao nói không thiên vị? Vì hết thảy mọi loài chúng sinh, từ loài ngạ quỷ cho đến chúng sinh trong địa ngục, đều có thể thành Phật nếu họ phát tâm tu đạo. Ngay cả những người xấu ác nhất cũng có thể thành Phật. Ngay cả những loài vật ác nhất cũng có thể thành Phật. Ngoại đạo nói rằng người cực ác thì luôn luôn là kẻ ác và chẳng có cách nào độ họ được cả.

Nhưng vào đời Minh, có con hổ đã lạy Đại sư Liên Trì xin làm đệ tử và xin được hộ vệ cho Ngài. Bất kỳ Đại sư Liên Trì đi đâu, hổ đều đi theo. Không ai sợ Đại sư Liên Trì, nhưng khi thấy dáng hổ, mọi người đều tránh xa. Họ vừa thấy bóng hổ là bỏ chạy và la “Hổ đến!” rồi tìm chỗ ẩn náu. Chư tăng đều phải khất thực để sống. Đại sư Liên Trì cũng như vậy. Ngài cũng phải đi khất thực. Khi nào Ngài không còn gì để dùng, Ngài bảo đệ tử hổ đi khất thực. Quý vị sẽ hỏi: “Nhưng mọi người ai cũng sợ hổ, ai dám mang vật phẩm đến cúng dường?”

Quý vị hỏi rất đúng, nhưng Đại sư Liên Trì đã dạy con hổ này phải hiền từ không được hại người. Thế nên sau thời gian dài, ai cũng biết con hổ nầy là một con hổ hiền lành, không ai còn sợ nó nữa. Lại nữa, Đại sư Liên Trì lại dạy nó khi đi vào trong làng thì phải quay lưng lại mà đi, thế nên ban đầu người ta không sợ hãi khi thấy cái đuôi hổ hơn là thấy cái đầu. Lại nữa, các đệ tử của Đại sư Liên Trì đều công nhận ‘pháp lữ hổ’ của mình đã đến.

Người đã quy y trước thì xem hổ là ‘sư đệ hổ’, người quy y sau thì xem hổ là ‘sư huynh hổ’. Khi hổ đến, ai cũng tìm cách cúng dường. Người nầy cúng 3 đô-la, người kia cúng 5 đô-la, người cúng 8 đô-la, người cúng 10 đô-la. Sau khi đã lần lượt khất thực khắp mọi nhà, thầy trò cũng vừa đủ thực phẩm để dùng suốt một năm. Thế nên mặc dù hổ là loài rất dữ, nhưng cũng biết quy y và hộ trì Tam bảo. Nó không hẳn là ác lắm, và trong tương lai, nó sẽ được thành Phật.

Đây là một ví dụ về sự bình đẳng trong Phật pháp. Phật pháp cũng rất tự do. Việc thiện ác do quý vị làm là quyền của quý vị; không ai ngăn cấm quý vị được cả. Không ai bảo quý vị phải tuyệt đối làm điều thiện và không được làm việc ác cả. Tôi chỉ có thể khuyến khích quý vị không nên làm điều ác, nhưng nếu quý vị dứt khóat làm ác thì tôi cũng chẳng thể nào làm một nhà tù riêng để giam những đệ tử tôi không nghe lời dạy. Chẳng có luật lệ nào như vậy trong Phật pháp cả. Không có chuyện bắt người ta vào tù để khiến họ phải cải tạo tâm tính cả.

 

Kinh văn: 云何二見。一者眾生別業妄見。二者眾生同分妄見.

Phiên Âm: Vân hà nhị kiến? Nhất giả chúng sanh, biệt nghiệp vọng kiến. Nhị giả chúng sanh, đồng phần vọng kiến.

Việt dịch: Thế nào là hai thứ vọng kiến? Một là biệt nghiệp vọng kiến của chúng sinh. Hai là đồng phận vọng kiến của chúng sinh.

Giảng: Hai thứ vọng kiến nói trên khiến cho mọi loài chúng sinh phải trôi lăn luân hồi sinh tử trong lục đạo. Sinh ra rồi chết, chết rồi lại sinh. Sống chết không hề gián đoạn. Vòng luân hồi sinh tử không bao giờ dứt hẳn. Do vì các thứ vọng kiến nầy sai sử con người phải trôi lăn trong vòng sống chết. Thế nào là hai thứ vọng kiến? Một là biệt nghiệp vọng kiến của chúng sinh.

Có thể gọi vọng kiến do nghiệp riêng của từng chúng sinh và vọng kiến đồng phận còn được gọi là vọng kiến do cộng nghiệp. Biệt nghiệp là những gì khiến cho quý vị khác hẳn với mọi người. Đó là nghiệp riêng của chính quý vị, không giông như nghiệp của những người khác. “Biệt nghiệp vọng kiến” có nghĩa là quý vị có riêng quan niệm và cách hành xử riêng biệt, nên nghiệp quý vị tạo tác cũng riêng biệt đối với quý vị.

Biệt nghiệp vọng kiến của con người khiến cho họ “kiêu kỳ lập dị”. Có nghĩa là họ tự thấy mình không giống như những người khác. Họ luôn luôn thấy mình khác hơn những người tầm thường. Và nghiệp họ tạo ra cũng rất đặc biệt. Sao vậy? Vì ai cũng muốn mình là “đệ nhất”. Ai cũng muốn mình đứng đầu cả. Là vì nghiệp của mỗi người đều khác biệt nhau.

Đây cũng là một thứ vọng kiến. Biểu hiện sự kiêu kỳ lập dị đều là những ví dụ cho vọng kiến. Nó cũng là biểu hiện của vọng tưởng, vọng nghiệp, tà hạnh. Biệt nghiệp mà có đều được tạo ra từ tâm vọng tưởng– vọng tưởng có một bản ngã. Càng cao càng tốt. Con người tự gán cho mình một dạng đặc biệt, và nghiệp riêng là kết quả từ đó. Hai là đồng phận vọng kiến của chúng sinh.

Đồng phận là những gì giống như mọi người khác. Còn được gọi là “cộng nghiệp,” gồm những hiện tượng như thiên tai, hạn hán, đói khát, chiến tranh. Trời tối, động đất khiến vô số người bị chết, hằng trăm ngàn, hoặc triệu ngay cả đến 10 triệu người chết một lúc ở chỉ một nơi. Đó là “cộng nghiệp.” “Đồng phận vọng kiến” là vọng kiến tạo ra loại cộng nghiệp nầy.

Vì chúng sinh mê mờ xem vật là mình và nhận giặc làm con, tạo ra Đồng phận vọng kiến, có nghĩa là tạo ra cộng nghiệp. Đó là vọng kiến được tạo ra từ vọng tưởng. “Kiến” ở đây không nhất thiết có nghĩa là ‘thấy’, mà có nghĩa là quan điểm, quan niệm. Quan niệm chung của nhiều người, quan điểm của mọi người đều giống nhau. Vọng tưởng của chúng sinh tạo nên cộng nghiệp nầy. Và thế nên họ phải chịu quả báo sai lầm. Nên nói khởi vọng tưởng, tạo vọng nghiệp, và phải chịu quả báo. Xưa nay họ vốn không hiểu, đó là cách họ tạo ra nghiệp.

Một khi đã tạo nghiệp rồi thì phải chịu quả báo. Tôi sẽ kể cho quý vị nghe về quả báo do cộng nghiệp. Ở Trung Hoa vào năm Dân Quốc thứ 33 (1944), tỉnh Hà Nam trải qua một trận hạn hán. Không những trời không mưa, mà còn xuất hiện từng đàn châu chấu. Mỗi khi nó đến là bầu trời trở nên tối tăm. Mỗi con châu chấu dài khoảng 3-4 inches . Nó bay trên trời, chẳng làm gì cả, chỉ ăn cây cỏ ngoài đồng. Nó bổ nhào xuống và ăn sạch những chồi non, bất kể loại cây gì đang mọc. Đám châu chấu thật hung tợn. Nó đến từng đàn, che kín cả bầu trời, đất trời trở nên tối tăm.

Chỉ một cái lưới bắt bướm, với một cú vớt nhẹ là người ta bắt được rất nhiều châu chấu. Họ mang về nhà để ăn, vì lúc ấy chẳng có chút thực phẩm nào cả, họ đành phải ăn châu chấu. Châu chấu phá hại mùa màng, thế nên người ta ăn châu chấu. Phần nhiều, Phật nhãn của trẻ con dễ khai mở hơn, vào lúc ấy, nhiều đứa trẻ thấy không biết vì sao mà có quá nhiều châu chấu trên trời. Chúng nó thấy có một ông già trên không trung với râu tóc bạc phơ, miệng ông đang phun ra châu chấu.

Không biết cách nào để tính thử xem một lần ông phun ra thì có bao nhiêu con châu chấu rơi xuống đất. Dày hơn cả gót chân– không những chỉ một nơi mà khắp trong vòng bán kính vài trăm dặm. Quý vị không cho sự kiện nầy lạ kỳ hay sao? Đây thực là ví dụ cho cộng nghiệp, cho vọng kiến đồng phận. Người ta bắt châu chấu đem về nhà nấu ăn, nhưng khi dọn lên bàn để ăn, thì chúng biến thành phân người. Châu chấu tự hóa thành phân người.

Nó không đợi đến khi người ăn xong mới biến thành phân. Không lạ kỳ hay sao? Dù người ta có đói bao nhiêu chăng nữa, họ cũng không thể nào ăn phân của chính mình. Nghiệp chướng của họ như vậy đó. Kinh khủng như vậy đó. Việc ấy làm sao chẳng phải do vọng kiến? Người ta lánh nạn từ Hà Nam sang Tràng An, kinh đô về hướng Tây, khoảng cách chừng hơn 800 dặm. Hằng ngày số người chết đói trên đường nhiều không thể nào tính được. Khi người chết vì đói, càng đói họ càng cười. Họ chết cười trên đường. Thế nên tôi nói chết đói không có gì là xấu.

Đó là những gì đã xảy ra ở Trung Hoa vào năm Dân Quốc thứ 33. Không chỉ một người, mà nhiều người đã kể cho tôi nghe chuyện ấy. Tôi không chứng kiến chuyện ấy một mình, còn có nhiều Pháp sư đã chứng kiến và kể lại, họ là những người đã có mặt trong thời gian đó và chịu đựng trận đói kinh hòang. Tôi không hỏi các vị lúc ấy có ăn châu chấu hay không, thế nên bây giờ quý vị cũng đừng hỏi tôi chuyện ấy làm gì.

 

Kinh văn: 云何名為別業妄見。阿難如世間人目有赤眚,夜見燈光。別有圓影五色重疊。

Phiên Âm: Vân hà danh vi biệt nghiệp vọng kiến? A-nan! Như thế gian nhân, mục hữu xích sảnh, dạ kiến đăng quang. Biệt hữu viên ảnh, ngũ sắc trọng điệp.

Việt dịch: Thế nào gọi là biệt nghiệp vọng kiến? A-nan, như người thế gian bị bệnh nhặm mắt, ban đêm nhìn đèn sáng, riêng thấy quanh đèn có vòng tròn năm màu bao phủ.

Giảng: Phần trên tôi đã giải thích tổng quát biệt nghiệp vọng kiến và đồng phận vọng kiến. Bây giờ Đức Phật sắp sửa giải thích chi tiết về biệt nghiệp vọng kiến. “Thế nào gọi là biệt nghiệp vọng kiến? A-nan, như người thế gian, giống như mọi người đang sống trên đời, bị bệnh nhặm mắt. Tức là bị một lớp màng màu đỏ phát sinh và bao phủ lấy tròng mắt, nên ban đêm nhìn đèn sáng, riêng thấy quanh đèn có nhiều lớp vòng tròn năm màu bao phủ.”

Biệt nghiệp khiến cho con người đặc biệt khác hẳn với những người chung quanh. Vì dạng người trong ví dụ của Đức Phật muốn bày tỏ tính kiêu kỳ lập dị của mình, họ đã thọ nhận quả báo không giống như mọi người chung quanh. Mắt của người nầy bị bệnh, nên khi nhìn thấy đèn, ánh sáng bị biển đổi, nó phát ra những quầng sáng. Bao quanh đèn là một vòng tròn ngũ sắc– vàng, đỏ, xanh, trắng, đen– các màu sắc rất đẹp. “Trùng điệp- nhiều lớp” có nghĩa là không phải chỉ có năm màu, mà có hàng ngàn màu tím, hàng ngàn màu đỏ, những màu ấy quý vị chưa từng thấy bao giờ.

Quý vị cho rằng những màu và các vòng ngũ sắc ấy có thật hay hư giả? Chẳng hạn, vốn không có vấn đề gì đối với con mắt của mọi người cả, nhưng con người lại tạo nên vấn đề. Vấn đề gì? Họ thấy không rõ. Họ phát khởi vọng kiến. Họ nhìn bức tường và thấy nó biến thành vô số màu– thấy năm màu rồi biến thành trắng đục. Làm sao tôi biết được chuyện ấy? Có lần tôi gặp một người có lẽ đã dùng LSD hay một thứ ma tuý nào khác không rõ, nhưng anh ta cứ nhìn vào tường rồi cười ha hả thật lớn tiếng không dứt. Tôi hỏi anh ta: “Sao anh lại cười như vậy?”

“Nhìn kìa!” Anh ta đáp. “Vô số màu sắc! Ồ! nhiều màu rất đẹp!” Bây giờ chắc quý vị biết anh ta cũng giống như trường hợp người bị nhặm mắt rồi chứ?

Cơ bản là mắt vốn chẳng có gì sai lầm cả, người anh ta đã dùng ma tuý hoặc thuốc kích thích nên chính anh ta điên đảo đến nỗi khi nhìn vào tường thì thấy nó quằn quại trong vô số màu sắc. Nhưng anh ta thấy loại màu sắc khác. Ai không dùng thuốc nầy sẽ cho rằng anh ta nằm mơ và nói nhảm. Mắt anh ta vốn chẳng có bệnh gì, chính anh ta gây ra vấn đề nầy. Bây giờ Đức Phật giải thích câu hỏi nầy chi tiết hơn.

 

Kinh văn: 於意云何,此夜燈明所現圓光。為是燈色,為當見色。

Phiên Âm: Ư ý vân hà? Thử dạ đăng minh, sở hiện viên quang. Vi thị đăng sắc, vi đương kiến sắc.

Việt dịch: Ý ông nghĩ sao? Đèn sáng ban đêm nầy hiện ra quầng sáng, đó là màu sắc của đèn hay là màu sắc của cái thấy?

Giảng: Ý ông nghĩ sao? Ý kiến của ông về vấn đề nầy như thế nào? Đèn sáng ban đêm nầy hiện ra quầng sáng, đó là màu sắc của đèn hay là màu sắc của cái thấy? Quầng sáng phát ra quanh đèn ấy là gì? Trong từng vòng ngũ sắc ấy, màu sắc phát ra từ đèn hay phát ra từ cái thấy? A-nan, nói nhanh!

 

Kinh văn: 阿難,此若燈色,則非眚人,何不同見。而此圓影唯眚之觀。若是見色,見已成色。則彼眚人見圓影者名為何等。

Phiên Âm: A-nan! Thử nhược đăng sắc, tắc phi sảnh nhân, hà bất đồng kiến. Nhi thử viên ảnh, duy sảnh chi quán. Nhược thị kiến sắc, kiến dĩ thành sắc. Tắc bỉ sảnh nhân, kiến viên ảnh giả, danh vi hà đẳng?

Việt dịch: A-nan, nếu màu sắc nầy là của ngọn đèn, thì người không bị nhặm mắt sao chẳng cùng thấy, mà quầng sáng ấy chỉ riêng người nhặm mắt mới thấy? Nếu đó là màu sắc của cái thấy, thì cái thấy đã thành màu sắc, còn người nhặm mắt kia thấy quầng sáng thì gọi là gì?

Giảng: Ở đây Thế tôn lại hỏi A-nan câu khác: “A-nan, nếu màu sắc nầy là của ngọn đèn– nếu ông nói quầng sáng với vô số vòng ngũ sắc kia là phát ra từ đèn– thì người không bị nhặm mắt sao chẳng cùng thấy, mà quầng sáng ấy chỉ riêng người nhặm mắt mới thấy? “Người không bị nhặm mắt” là chỉ cho Đức Phật và các Bồ-tát. Người bị nhặm mắt là chỉ cho hàng chúng sinh. Đèn là biểu tượng cho chân lý. Khi Đức Phật và Bồ-tát nhìn, các Ngài thấy chân lý.

Khi chúng sinh nhìn, thì thấy quầng sáng. Chúng sinh vẫn thấy được đèn, nhưng nhìn thấy luôn chung quanh đèn có những quầng sáng với vô số vòng tròn ngũ sắc. Đó là những gì hàng phàm phu và các loài chúng sinh thấy được. Năm màu biểu tượng cho ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Nếu đó là màu sắc của cái thấy, thì cái thấy đã thành màu sắc, còn người nhặm mắt kia thấy quầng sáng thì gọi là gì?

 

Kinh văn: 復次阿難,若此圓影離燈別有。則合傍觀屏帳几筵有圓影出。離見別有應非眼矚。云何眚人目見圓影。

Phiên Âm: Phục thứ A-nan, nhược thử viên ảnh, ly đăng biệt hữu. Tắc hợp bàng quán, bình trướng kỷ diên, hữu viên ảnh xuất. Ly kiến biệt hữu, ưng phi nhãn chúc. Vân hà sảnh nhân, mục kiến viên ảnh?

Việt dịch: Lại nữa A-nan! Nếu quầng sáng nầy rời đèn mà có, thì khi nhìn những vật chung quanh như bình phong, ghế, màn, cũng thấy quầng sáng hiện ra. Nếu rời cái thấy mà có quầng sáng, thì lẽ ra chẳng phải mắt thấy. Tại sao người nhặm mắt mới thấy quầng sáng?

Giảng: Lại nữa A-nan! Nếu quầng sáng nầy rời đèn mà có: Nếu quầng sáng ngũ sắc hòan toàn không do ngọn đèn mà có, thì khi người ta nhìn các vật khác trong phòng như bình phong, ghế, màn, thì cũng thấy quầng sáng hiện ra. Nhưng thực sự họ chẳng thấy cái gì chung quanh các đồ vật ấy cả. Thế nên phải chăng quầng sáng ấy hòan toàn không do ngọn đèn mà có? Nếu rời cái thấy mà có quầng sáng, thì lẽ ra chẳng phải mắt thấy.

Nếu quý vị muốn tranh luận và cho rằng quầng sáng ấy hòan toàn do ngọn đèn mà có, thì lẽ ra nó chẳng dính dáng gì với con mắt. Tại sao người nhặm mắt mới thấy quầng sáng?

Con mắt, mặc dù nó bị mờ và bị bệnh nhặm, cũng vẫn là phương tiện để nhìn thấy được quầng sáng. Vì quầng sáng chính là do mắt nhặm mà nhìn ra, sao ông lại nói quầng sáng ấy hòan toàn không do cái thấy mà có?

 

Kinh văn: 是故當知,色實在燈,見病為影。影見眚,見眚非病。終不應言是燈是見。於是中有非燈非見。

Phiên Âm: Thị cố đương tri, sắc thật tại đăng, kiến bệnh vi ảnh. Ảnh kiến câu sảnh, kiến sảnh phi bệnh. Chung bất ưng ngôn, thị đăng thị kiến. Ư thị trung hữu, phi đăng phi kiến.

Việt dịch: Thế nên phải biết, màu sắc thật sự có tại đèn, cái thấy bị bệnh lập ra quầng sáng; quầng sáng và cái thấy đều là bệnh, thấy được bệnh thì không phải bệnh. Rốt ráo chẳng nên nói quầng sáng kia là đèn hay là cái thấy, hoặc trong đó chẳng phải đèn cũng chẳng phải cái thấy.

Giảng: Thế nên phải biết – A-nan, ông phải nên nhìn kỹ điều nầy–màu sắc thực là do tại đèn. Khi một người có con mắt thanh tịnh nhìn vào bóng đèn, họ chỉ thấy ánh sáng đèn, họ không thấy quầng sáng. Và cái thấy do bệnh nhặm nên nhìn ra quầng sáng.

Thế nên quầng sáng là do vì có vòng tròn ngũ sắc trong mắt người. Cái thấy của con người bị bệnh nên nhìn thấy quầng sáng chung quanh đèn khi họ nhìn thấy đèn. Bởi “màu sắc thực là do tại đèn,” nên ông không thể nói quầng sáng là tách khỏi đèn mà có hoặc nó chỉ do mắt mà có. Bởi “cái thấy do bệnh nhặm nên nhìn ra quầng sáng,” nên ông không thể nói quầng sáng là tách khỏi cái thấy mà có hoặc nó chỉ do đèn mà có. Quầng sáng và cái thấy đều do mắt bị nhặm.

“Cái thấy” nói ở đây là cái thấy sai lầm. Quầng sáng của đèn và cái thấy sai lầm cả hai đều là do mắt bị bệnh nhặm– bị màng đỏ. Chứ cái nhận biết mắt bị nhặm kia thì không bị bệnh. Cái nhận biết (thấy) ở đây là chỉ cho tánh thấy thanh tịnh có thể thấy được con mắt nhặm (bị màng đỏ) như chư Phật và Bồ-tát thấy được chúng sinh.

Rốt ráo chẳng nên nói quầng sáng kia là đèn hay là cái thấy, hoặc trong đó chẳng phải đèn cũng chẳng phải cái thấy. Quý vị không nên khởi chấp trước ở đây rồi tìm cách xác định bằng cách quả quyết rằng đó là đèn hoặc là cái thấy. Vì màu sắc có được là do đèn và mắt bị nhặm đã tạo ra quầng sáng, nên quý vị không thể xác quyết cái nầy hay cái kia là nguyên nhân duy nhất.

Lại nữa, màu sắc có là do đèn, thế thì chẳng phải đèn không phải là nguyên nhân. Quầng sáng là do bệnh nhặm của con mắt thấy đèn, thế thì không thể nói rằng cái thấy chẳng dính dáng gì việc nầy. Đức Phật tiếp tục trình bày rất thẳng tắt với tấm lòng từ bi chỉ dạy cho A-nan.

 

Kinh văn: 如第二月,非體非影。何以故,第二之觀,所成故。諸有智者不應說言此掜根元。是形非形,離見非見。

Phiên Âm: Như đệ nhị nguyệt, phi thể phi ảnh. Hà dĩ cố? đệ nhị nguyệt chi, quán sở thành cố. Chư hữu trí giả, bất ưng thuyết ngôn, thử nê căn nguyên. Thị hình phi hình, ly kiến phi kiến.

Việt dịch: Ví như mặt trăng thứ hai, chẳng phải là thể của mặt trăng, cũng chẳng phải là bóng của mặt trăng. Vì sao?
Mặt trăng thứ hai là do khi dụi mắt mà thấy có. Những người có trí không nên nói rằng căn nguyên của cái dụi mắt ấy là thật thể hay không phải thật thể, là rời cái thấy hay chẳng rời cái thấy.

Giảng: “Ví như mặt trăng thứ hai, chẳng phải là thể của mặt trăng (mặt trăng chính), cũng chẳng phải là bóng của mặt trăng. Vì sao? Mặt trăng thứ hai là do khi dụi mắt mà thấy có.” “Mặt trăng thứ hai” là dụ cho quầng sáng mà người bị nhặm mắt nhìn thấy. Mặt trăng thứ hai chẳng phải là bản thể, cũng như cách mà quầng sáng không do chỉ riêng cái thấy tạo ra.

Cũng chẳng phải mặt trăng thứ hai là bóng mặt trăng như cách quầng sáng không chỉ riêng có được do màu sắc của đèn. “Dụi mắt” là dụ cho bệnh nhặm của con mắt. Quý vị có thể tự mìmh thử nghiệm nếu thấy ý nghĩa của ví dụ chưa được rõ ràng. Hãy dùng ngón tay ấn vào một bên mắt, sẽ khiến cho quý vị thấy có hai hình ảnh, thế là quý vị thấy được mặt trăng thứ hai.

Những người có trí – nếu quý vị dùng trí huệ để nhìn sự kiện nầy, quý vị không nên nói rằng căn nguyên của cái dụi mắt ấy là có hình tướng hay không hình tướng, là rời cái thấy hay chẳng rời cái thấy.” Cơ bản kết quả do dụi mắt là sai từ bước đầu. Dùng nó như là căn cứ để chứng minh thêm nó có hình tướng hay không hình tướng chỉ là trên cái sai lầm tạo thêm cái sai lầm. Người trí có làm như thế không?

 

Kinh văn: 此亦如是目眚所成。今欲名誰是燈是見。何況分別非燈非見.

Phiên Âm: Thử diệc như thị, mục sảnh sở thành. Kim dục danh thùy, thị đăng thị kiến. Hà huống phân biệt, phi đăng phi kiến.

Việt dịch: Việc này cũng như vậy, mắt bị bệnh hư vọng liền thành. Nay ông muốn gọi cái gì là đèn, cái gì là thấy? huống gì phân biệt không phải đèn, không phải cái thấy.

Giảng: Cũng giống như quầng sáng tạo thành do mắt nhặm. Mặt trăng thứ hai là không thật. Nó chỉ có do vì dụi tay vào mắt. Quầng sáng không có thật. Nó chỉ có vì mắt nhặm. Cả hai thứ trên hòan toàn hư dối.

Nay ông muốn gọi cái gì là đèn, cái gì là thấy, huống gì phân biệt không phải đèn, không phải cái thấy? Nó hòan toàn xuất phát từ mắt nhặm của con người, thế nên ông không nên nói rằng nó có là do đèn hoặc là do cái thấy. Nhưng quầng sáng chỉ hiện ra chung quanh đèn và chỉ khi người ta dùng mắt để nhìn, thế nên ông không thể nói rằng nó chẳng từ đèn mà có hoặc là chẳng từ cái thấy mà có. Khởi thuỷ, quầng sáng vốn là đã hòan toàn hư vọng rồi, sao còn nguỵ biện về cái gì là có cái gì là không nữa?

 

Kinh văn: 云何名為同分妄見。阿難,此閻浮提除大海水。中間平陸有三千洲。正中大洲東西括量。大國凡有二千三百。其餘小洲在諸海中。其間或有三兩百國。或一或二至于三十四十五十。

Phiên Âm: A-nan! Thử Diêm-phù-đề, trừ đại hải thủy. Trung gian bình lục, hữu tam thiên châu. Chánh trung đại châu, Đông Tây quát lượng. Đại quốc phàm hữu, nhị thiên tam bách. Kỳ dư tiểu châu, tại chư hải trung. Kỳ gian hoặc hữu, tam lưỡng bách quốc. Hoặc nhất hoặc nhị, chí vu tam thập, tứ thập ngũ thập.

Việt dịch: Thế nào gọi là đồng phận vọng kiến? Này A-nan! Cõi Diêm-phù-đề nầy trừ biển ra, trong đó đất bằng gồm 3000 châu. Châu lớn ở giữa, bao quát từ đông sang tây, có đến 2300 nước lớn. Ngoài ra các châu nhỏ nằm trong các biển, trong đó có châu gồm hai trăm ba trăm nước, hoặc mười, hai mươi, ba mươi, bốn mươi cho đến năm mươi nước.

Giảng: Đoạn kinh nầy nói về đồng phận vọng kiến. Biệt nghiệp vọng kiến khiến cho mỗi người có một quan niệm khác nhau. Còn đồng phận vọng kiến là mọi người đều có cái nhìn hư vọng về cùng một hiện tượng hầu như trong cùng một thời gian. Thế nên một quốc gia được dùng cho ví dụ nầy. Thế nào gọi là đồng phận vọng kiến? Cái gì được xem là tạo nên đồng phận vọng kiến?

Này A-nan! Hãy lắng nghe cho kỹ. Như Lai sẽ giảng giải cho ông. Cõi Diêm-phù-đề nầy, về phía nam của đại lục nầy, trừ nước biển ra, trong đó đất bằng gồm 3000 châu. Bên ngoài biển lớn là đất bằng, chia thành 3000 đại lục. Châu lớn ở giữa, bao quát từ đông sang tây. Ở giữa 3000 đại lục nầy là một châu lớn, và từ đông, tây, nam, bắc, tính tất cả có đến 2300 nước lớn. Ngoài ra các châu nhỏ nằm trong các biển, trong đó có châu gồm hai trăm ba trăm nước, hoặc mười, hai mươi, ba mươi, bốn mươi cho đến năm mươi nước. Không thể nào xác định được số lượng là bao nhiêu.

 

Kinh văn: 阿難,若復此中有一小洲只有兩國。唯一國人同感惡。則彼小洲當土眾生。睹諸一切不祥境界。或見二日或見兩月。其中乃至暈蝕 珮玦彗勃飛流。負耳虹蜺種種惡相。

Phiên Âm: A-nan! Nhược phục thử trung, hữu nhất tiểu châu, chỉ hữu lưỡng quốc. Duy nhất quốc nhân, đồng cảm ác duyên. Tắc bỉ tiểu châu, đương độ chúng sanh. Đổ chư nhất thiết, bất tường cảnh giới. Hoặc kiến nhị nhật, hoặc kiến lưỡng nguyệt. Kỳ trung nãi chí, vựng thực bội quyết, tuệ bột phi lưu. Phụ nhĩ hồng nghê, chủng chủng ác tướng.

Việt dịch: A-nan, lại nếu trong đó, một châu nhỏ chỉ có hai nước, mà riêng người trong một nước cùng chiêu cảm ác duyên, thì tất cả chúng sinh trong nước đó đều xem thấy hết thảy cảnh giới không lành; hoặc họ thấy 2 mặt trời, hai mặt trăng, cho đến thấy nhiều ác tướng như vựng, thích, bội, quyết, tuệ, bột, phi lưu, phụ nhĩ, hồng nghê.

Giảng: Đức Phật gọi A-nan một lần nữa, “A-nan, lại nếu trong đó, một châu nhỏ chỉ có hai nước.”

Giả sử như châu Diêm-phù-đề là một châu nhỏ, là một đại lục nhỏ, trong đó chỉ có hai nước. Mặc dù hai nước nầy đều nằm chung trong một châu, nhưng có chung một đường ranh giới giữa hai nước, nên nghiệp báo mà cư dân hiện sống trên đó nhận chịu lại khác nhau. “Mà riêng người trong một nước cùng chiêu cảm ác duyên.”

Người trong một nước phải chịu chung một nghiệp báo, và họ cùng chiêu cảm ác duyên. “Ác duyên” chỉ cho những hiện tượng có điềm xấu cùng nhiều loại thiên tai hoạn nạn– như cuồng phong hoặc mưa đá chẳng hạn. Gần đây ở Mỹ có một cơn lốc xoáy cuốn người lên không trung, sát hại chừng vài trăm người. Đó là một ví dụ của những hiện tượng có điềm xấu. Đó là nghĩa của “ác duyên.” Quý vị thấy đó, trong một nước, có một số người phải chịu quả báo xấu, một số người khác lại không.

Cũng vậy, người dân ở Cựu-kim-sơn (San Francisco) lại không chịu quả báo ác duyên của cơn lốc xoáy, và họ không bị khổ nạn ấy. Nhưng ở miền Trung tây, nhà cửa bị cuốn bay lên không, cây cối bị bật rễ và bị thổi văng ra xa, còn có lụt lội và hoả hoạn. Những thiên tai như thế là rất thường thấy. “Thì tất cả chúng sinh trong nước đó đều xem thấy hết thảy cảnh giới không lành.” Họ thấy cái gì?

Đôi khi cây cối biết nói. Cây cối nghe người nói chuyện, và nó hóa thành cây, chẳng có người nào quanh đó cả. Đó là một điềm không lành. Trong những sự kiện siêu nhiên, có rất nhiều hiện tượng không lành. “Hoặc họ thấy 2 mặt trời.”

Có khi người trong cùng một nước thấy có hai mặt trời, điềm báo có một sự biến động lớn trong nước ấy. Đó là điềm không lành. Có khi nguyên thủ quốc gia bị chết hoặc bị ám sát để chiếm đoạt quyền bính. Đó là vì:

Thiên vô nhị nhật
Quốc vô nhị quân.

Một thái dương hệ không thể có hai mặt trời. Đất nước không thể có hai vua. Không thể có hai mặt trời trên không trung. Nếu quý vị thấy có hai mặt trời, đó là điềm xấu. Hoặc có thể vua nầy giết hại vua kia. “Hai mặt trăng.” Bất luận đất nước đó như thế nào, thì cũng chỉ có một mặt trời và một mặt trăng. Nhưng người trong nước nầy thấy có hai mặt trăng xuất hiện. Đó cũng là biểu hiện của điềm không lành trong nước sẽ xảy đến trong tương lai. Cho đến thấy nhiều ác tướng như vựng, thích, bội quyết,

Trăng có quầng là sắp có gió
Nền đất ẩm là sắp có mưa.

Khi mặt trăng có một quầng sáng bao quanh, như thể nó bị chìm trong nước, tức là sắp có một trận bão. Và khi nền nhà bị ẩm ướt thì sẽ có mưa. Vựng là chỉ cho hắc khí bao chung quanh mặt trăng. Chỉ nhìn thấy là biết nó gây rắc rối cho con người rồi. Nó rất khác thường. Thích là chỉ cho hắc khí u ám bao quanh mặt trăng. Ánh trăng không chiếu qua màn đen u ám nầy được, nhưng nó không phải là đám mây.

Bội quyết , luồng khí màu trắng xuất hiện bên cạnh mặt trăng mặt trời gọi là bội, có dạng nửa hình tròn nên gọi là quyết, trông giống như đồ trang sức của phụ nữ thường đeo ngang thắt lưng. Nói chung, mặt trăng mặt trời vốn chẳng có gì bao quanh nó cả. Nếu có vật gì quanh nó, thì đó không phải là điềm lành. Tuệ bột là sao chổi. Ánh sáng của sao chổi trải dài một khoảng rất rộng. Vào triều đại Tần Thuỷ Hòang Đế Trung Hoa (255-206 ttl.), sao chổi xuất hiện rất thường xuyên, như là kết quả, người dân chịu nhiều nỗi khổ cùng cực và tai ương trong suốt triều đại đó.

Phi lưu là sao băng, cũng phóng ra một vệt ánh sáng dài. Dù không dài như sao chổi, nhưng nó xuất hiện rất nhanh. Nó giống như lửa chớp; cái nầy biến mất rồi cái khác xuất hiện; rồi cái nầy biến mất và cái khác xuất hiện. Sao băng phóng qua bầu trời, và đôi khi rơi xuống thành mưa đá, và thiên thạch rơi từ trời xuống giống như mưa rào đổ xuống. Lịch sử Trung Quốc có ghi: Bảy lần hắc khí bao quanh mặt trăng, Hán Cao Tổ tại Bình Thành, bị nạn Hung nô vây hãm. Phụ nhĩ là ác khí khi hiện ra phía trên vầng thái dương gọi là phụ, hiện ra phía một bên gọi là nhĩ.

Hồng nghê là cầu vồng (ráng trời) hiện ra sau cơn mưa. Có người cho rằng cầu vồng hiện ra vào buổi sáng được gọi là hồng, cầu vồng hiện ra vào buổi chiều được gọi là nghê. Nói chung đó là âm và dương. Nó biểu thị cho trời và đất mất thế quân bình. Tuy nhiên, nếu quý vị chuyển hóa được tâm thức mình, nếu người dân ở nước ấy tu dưỡng thay đổi tâm tánh, thì mọi sự đều có thể được tốt lành. “Nhiều ác tướng” có nghĩa là không chỉ một vài hiện tượng được nêu ra ở đây, mà còn rất nhiều hiện tượng lớn nhỏ khác hiện ra.

Nếu quốc gia thịnh vượng, thì mọi hiện tượng nhỏ nhặt đều là tốt lành. Nếu đất nước suy thóai, thì mọi hiện tượng dù nhỏ nhặt đều là không lành. Nếu chỉ một người có được phước báo, thì những người còn lại đều được hưởng ánh sáng lành ấy. Nếu người dân sống dưới sự dẫn dắt của người thiếu phước báo, thì họ phải chịu nhiều đau khổ. Hãy nhìn vào người lãnh đạo quốc gia, tổng thống của một nước, nếu ông ta có phước báo, thì người dân sẽ tuân hành theo ông ta và đều hưởng được phước báo. Nếu ông ta không có phước báo, thì người dân theo ông ta đều phải chịu đau khổ. Nên có thể nói rằng vị nguyên thủ quốc gia là phải chịu trách nhiệm về mọi hòan cảnh.

 

Kinh văn: 但此國見,彼國眾生。本所不見亦復不聞。

Phiên Âm: Đãn thử quốc kiến, bỉ quốc chúng sanh. Bổn sở bất kiến, diệc phục bất văn.

Việt dịch: Chỉ có nước nầy thấy, còn chúng sinh nước khác, vốn chẳng thấy cũng chẳng nghe.

Giảng: Hai nước nầy cùng nằm trên một châu lục nhỏ như nhau, lẽ ra phải có cùng chung quả báo, nhưng trong một nước thì có xuất hiện các hiện tượng không lành biểu hiện cho thiên tai và khổ nạn, mọi người trong nước nầy đều thấy các hiện tượng ấy. “Chỉ có nước nầy thấy, còn chúng sinh nước khác, vốn chẳng thấy cũng chẳng nghe.”

Nhưng nước kia cùng nằm trên một châu lục nhỏ như nhau, người dân trong nước ấy lại không thấy và không nghe những hiện tượng không lành nầy. Đây gọi là đồng phận vọng kiến. Nghiệp lực của chúng sinh trong cùng một nước thì giống nhau, nên họ thấy được hiện tượng không lành nầy. Những người dân ở nước khác không có cùng nghiệp lực, nên họ không thấy những hiện tượng ấy.

 

Kinh văn: 阿難,吾今為汝。以此二事進退合明。

Phiên Âm: A-nan! Ngô kim vi nhữ. Dĩ thử nhị sự, tấn thoái hợp minh.

Việt dịch: A-nan, nay Như Lai vì ông lấy hai việc đó, kết hợp lui tới để chỉ rõ.

Giảng: Sợ rằng A-nan không chú ý, nên Đức Phật lại gọi ông lần nữa. “A-nan, nay Như Lai vì ông lấy hai việc đó, kết hợp lui tới để chỉ rõ. Như Lai sẽ so sánh nhân duyên của hai sự kiện, kết hợp trước sau để diễn tả với nhau. Hai sự kiện là chỉ cho người mắt nhặm thấy có quầng sáng quanh đèn, và toàn thể người dân trong nước thấy mọi thứ hiện tượng không lành và ác duyên mà người ở nước kia không thấy. Như Lai sẽ so sánh những nguyên lý khác nhau nầy để chỉ cho ông được rõ hơn.

 

Kinh văn: 阿難,如彼眾生別業妄見。矚燈光中所現圓影,雖現似境。終彼見者目眚所成。例汝今日以目觀見山河國土及諸眾生。皆是無始見病所成。

Phiên Âm: A-nan! Như bỉ chúng sanh, biệt nghiệp vọng kiến. Chúc đăng quang trung, sở hiện viên ảnh, tuy hiện tợ cảnh. Chung bỉ kiến giả, mục sảnh sở thành.

Việt dịch: A-Nan, như biệt nghiệp vọng kiến của chúng sinh kia, thấy nơi đèn có quầng sáng hiện ra, tuy giống như là cảnh, nhưng cái thấy đó rốt ráo là mắt bị bệnh hư vọng liền thành.

Giảng: Đức Phật lại gọi A-nan một lần nữa. A-nan, như biệt nghiệp vọng kiến của chúng sinh kia: những chúng sinh đã đề cập ở văn trước, có biệt nghiệp riêng khiến họ thấy những hiện tượng vốn không có thật. Như chúng ta đã nghe giải thích từ trước, thấy nơi đèn có quầng sáng hiện ra, tuy giống như là cảnh. Họ thấy có quầng sáng hiện ra quanh đèn, như thể đó là cảnh thật, nhưng cái thấy đó rốt ráo là do mắt nhặm mà thành. Nhưng khi quý vị tham cứu giáo lý nầy thật sâu xa, sẽ thấy ra rằng người thấy quầng sáng quanh đèn là do mắt mình bị nhặm và đó cũng là nguyên do anh ta thấy bóng (mặt trăng).

 

Kinh văn: 眚即見勞,非色所造。然見眚者終無見咎。

Phiên Âm: Sảnh tức kiến lao, phi sắc sở tạo. Nhiên kiến sảnh giả, chung vô kiến cữu. Lệ nhữ kim nhật, dĩ mục quán kiến, sơn hà quốc độ, cập chư chúng sanh. Giai thị vô thủy, kiến bệnh sở thành.

Việt dịch: Bệnh nhặm chính là cái thấy lao nhọc, không phải nơi màu sắc ngọn đèn tạo ra. Nhưng thấy được bệnh nhặm thì rốt ráo không phải là cái thấy bị bệnh. Giống như ông hôm nay dùng mắt xem thấy núi sông, cõi nước và các chúng sinh. Đều là từ vô thủy, cái thấy bị bệnh hư vọng liền thành.

Giảng: Mắt nhặm tức cái thấy lao nhọc. Mắt bị bệnh nhặm, nên trong cái thấy có một cái thấy sai lầm sinh khởi. Cái thấy sai lầm là sự lao nhọc, mệt mỏi của cái thấy. Không phải do màu sắc tạo ra. Thực ra nó không phải là cảnh tượng có thực trước mắt. Thực sự chẳng có cảnh tượng nào mà tạo ra do sự lao nhọc của cái thấy cả. Song người biết được mắt nhặm thì cái thấy của họ không bị lầm lỗi. Tuy nhiên, thấy quầng sáng quanh đèn, và bệnh nhặm vốn chẳng dính dáng gì đến gốc của cái thấy, tức tánh thấy cả. Chẳng phải tánh thấy bị bệnh. Đó chỉ là mắt bệnh. Giống như ông hôm nay dùng mắt xem thấy núi sông, cõi nước, đất liền, nhà cửa, dinh thự, công trình, cư xá, và các chúng sinh, A-nan, như lấy ông làm ví dụ, tất cả mọi vật mà ông thấy bằng mắt đều do cái thấy bị bệnh từ vô thuỷ mà thành.

 

Kinh văn: 見與見緣,似現前境。元我覺明見所眚。覺見即眚,本覺明心。覺非眚.

Phiên Âm: Kiến dữ kiến duyên, tợ hiện tiền cảnh. Nguyên ngã giác minh, kiến sở duyên sảnh. Giác kiến tức sảnh, bổn giác minh tâm. Giác duyên phi sảnh,

Việt dịch: Cái thấy và đối tượng của cái thấy, như thể cảnh hiện rõ phía trước. Vốn là tánh giác của chính mình vẫn thường chiếu soi, cái thấy và cảnh của cái thấy đều là bệnh. Biết rõ cái thấy là bệnh thì đó là tâm giác ngộ sáng suốt vốn có. Biết rõ cái hư vọng thì không phải là bệnh.

Giảng: Cái thấy và cảnh vật bị thấy Kiến 見- cái thấy là chỉ cho phạm trù thấy, có nghĩa là khả năng thấy được. Kiến duyên 見緣 chỉ cho phạm trù hiện tượng giới, tức là cảnh vật bị thấy. Phạm trù thấy, là khả năng thấy, và phạm trù hiện tượng là cảnh bị thấy như thể hiện ra trước mắt. Cảnh tượng hiện ra giống như mô tả ở trên trong ví dụ người bị mắt nhặm nhìn thấy quầng sáng quanh đèn, và ví dụ của người bị nghiệp chướng nên thấy toàn bộ điềm ác hiện ra nơi quốc gia mình.

Hai ví dụ đó tương đương nhau. Cũng như người không bị nhặm mắt thì không thấy quầng sáng quanh đèn, và người ở nước láng giềng thì không thấy các điềm ác hiện ra nơi quốc gia mình. Quầng sáng và hiện tượng không lành biểu tượng cho nghiệp quả. Nghiệp báo làm phát sinh những hiện tượng này. Chúng sinh tạo nghiệp nên phải chịu quả bảo nầy. Nguyên là tâm giác ngộ sáng suốt (giác minh).

Những hiện tượng không lành sinh khởi ra nầy vốn không quan hệ gì đến bản tánh giác ngộ cả. Do phân năng kiến sở kiến mà thành bệnh. Vì mắt bị bệnh nên thấy những cảnh tượng sai lệch (kiến bệnh) nầy. Nhận rõ cái thấy (giác kiến) sinh khởi từ bệnh nhặm– nếu như ông nhận ra được rằng cái thấy là kết quả của mắt bị bệnh nhặm, chứ bản giác minh tâm rõ biết các duyên thì không bệnh. Vốn tánh thấy của mọi chúng sinh, bản giác diệu minh chân tâm, tánh thấy có thể biết được cái thấy, vốn là tâm tánh giác ngộ, là không có bệnh. Không thiếu sót điều gì cả.

 

Kinh văn: 覺所覺眚。覺非眚中此實見見。云何復名覺聞知見。

Phiên Âm: Giác sở giác sảnh. Giác phi sảnh trung, thử thật kiến kiến. Vân hà phục danh, giác văn tri kiến.

Việt dịch: Năng giác sở giác mới thành bệnh. Chớ bổn giác không ở trong bệnh, đây mới thật là nhận ra tánh thấy (kiến tánh). Sao còn gọi nó là thấy, nghe, hay, biết?

Giảng: Có năng giác sở giác mới thành bệnh. Nếu bổn giác không ở trong bệnh, đây mới thật là nhận ra tánh thấy (kiến tánh). Ý nầy cũng như đoạn kinh văn trước: Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến – Khi thấy (biết) được tánh thấy, thì tánh thấy không phải là cái (bị) thấy. Cái biết được mắt bệnh của ông bệnh tự nó chẳng hề thiếu sót sai lầm. Đó chính là cái biết chân thật của ông. Cái thấy chân thật của tánh thấy.

Cái thấy thiếu sót sai lầm là như khi đang ở trong nước mà không thấy nước. Như sinh vật trầm mình trong nước mà không biết đến nước. Cái gì tách rời hẳn nước mà có thể thấy được đó là nước thì gọi là cái thấy chân thực. Cái thấy sáng suốt, biết được bệnh, không phải là cái thấy thiếu sót sai lầm. Chỉ khi ông tách rời hẳn những thiếu sót sai lầm mà vẫn thấy biết được. Thì đây chính là cái biết chân thực. Sao còn gọi nó là thấy, nghe, hay, biết?

Sao ông vẫn còn muốn đắm chấp nơi các giác quan kia mà tìm cầu sự phân biệt? Đây chính là cái thấy. Còn cái thấy nào khác để ông tìm kiếm nữa? Chúng ta không nên lấy vọng làm chân. Cũng không nên biến chân thành vọng. Quả thật nếu nhận kiến văn giác tri làm tâm, thì sẽ bị kiến văn giác tri che mờ, không thể nào nhận ra thể của tánh thấy giác ngộ sáng suốt (kiến tinh giác minh). Phải biết rằng chân tâm vốn tách rời, chẳng phải kiến văn giác tri, cũng chẳng thuộc về kiến văn giác tri.

 

Kinh văn: 是故汝今見我,及汝并諸世間。十類眾生,皆即見眚。非見眚者.

Phiên Âm: Thị cố nhữ kim, kiến ngã cập nhữ, tinh chư thế gian. Thập loại chúng sanh, giai tức kiến sảnh. Phi kiến sảnh giả,

Việt dịch: Thế nên nay ông thấy Như Lai và ông cùng với mười loại chúng sinh trong thế gian, đều là cái thấy bị bệnh, chứ không phải thấy được bệnh.

Giảng: Cái thấy sai lầm của người trong một nước – đồng phận vọng kiến – và biệt nghiệp vọng kiến của một người đều là hư vọng và như nhau. “Thế nên – do nguyên lý nầy – nay ông thấy tôi,” A-nan, Thế tôn nói. “Ông thấy Như Lai” và ông, chính ông, cùng với mười loại chúng sinh trong thế gian đều do mắt nhặm, cùng tất cả các sắc tướng trong thế gian. Thật ra có đến mười loài chúng sinh, nhưng ở đây không có loài vô tưởng và loài vô sắc vì chúng không thấy được.

“Tất cả các sắc tướng nầy đều là hư dối và thiếu sót sai lầm đối với cái thấy của ông, là đồng phận vọng kiến và biệt nghiệp vọng kiến, Nó chính là vọng kiến của chúng ta, ý thức phân biệt của chúng ta, là vấn đề phát sinh trong cái thấy. Chứ không phái cái thấy (biết) mắt nhặm bị bệnh. Không phải cái thấy chân thật của ông, chân tâm thường trú giác ngộ sáng suốt của ông có vấn đề. Vấn đề chính là cái thấy hư vọng, sinh khởi từ biệt nghiệp vọng kiến khiến cho các ông thấy ra các tướng hư dối.”

 

Kinh văn: 彼見真精。性非眚者, 故不名見。

Phiên Âm: Bỉ kiến chân tinh. Tánh phi sảnh giả, cố bất danh kiến.

Việt dịch: Tánh thấy kia chân thật tinh khiết, tánh không phải bệnh, nên chẳng gọi là thấy.

Giảng: Tánh thấy chân thật đó không bị nhặm. Tánh thấy không có vấn đề gì cả. Bản thể của nó không có gì thiếu sót, thế nên mắt thấy quầng sáng thì đó chẳng phải là tánh thấy. Vì tánh thấy không có vấn đề gì, nên chẳng gọi là thấy. Nó không những chẳng có vấn đề gì mà còn chẳng có cái gì hết thảy. Thế thì cái gì được gọi là “chẳng gọi là thấy?” Không! Vốn chẳng có cái gì thấy và không có cái gì chẳng gọi là thấy. Thế điều đang nói ở đây là gì?

Đó là tánh thấy bản hữu chân thật của ông, lưu xuất từ bản tánh giác ngộ của chúng ta. Nó lưu xuất từ bản giác. Nhưng “bản giác” cũng chỉ là cái tên, mà xưa nay vốn một cái tên cũng chẳng có. Nếu quý vị cho nó cái tên, có nghĩa là trên đầu quý vị lại gắn thêm một cái đầu nữa. Nếu quý vị gọi đó là bản giác, là đã nói quá nhiều rồi đó.

 

Kinh văn: 阿難,如彼眾生同分妄見。例彼妄見別業一人。

Phiên Âm: A-nan! Như bỉ chúng sanh, đồng phần vọng kiến. Lệ bỉ vọng kiến, biệt nghiệp nhất nhân.

Việt dịch: A-nan, nếu so sánh đồng phận vọng kiến của chúng sinh với biệt nghiệp vọng kiến của một người.

Giảng: “A-nan, sao Như Lai nói rằng tất cả đều chỉ là biểu hiện từ vọng kiến của chúng sinh? Như Lai sẽ giảng giải cho ông. Nếu so sánh đồng phận vọng kiến của chúng sinh với biệt nghiệp vọng kiến của một người.” Cái thấy mà thấy được quầng sáng với nhiều vòng tròn ngũ sắc bao quanh đèn chính là do biệt nghiệp vọng kiến. Đồng phận vọng kiến chính là mọi người dân trong nước thấy được những điềm ác. Họ thấy hai mặt trời, hai mặt trăng, sao chổi, sao băng, cầu vồng, và các loại hiện tượng không lành khác.

Hồi xưa, ở Trung Hoa, mỗi khi có sự thay đổi đế chế, khi thay đổi chính sách cai trị thì những hiện tượng bất tường nầy thường hay xảy ra. Có lần một vị Vua thấy những điềm bất tường liền hỏi Ch’in T’ien Chien, một quan Thái sư coi việc chiêm tinh. Ch’in T’ien Chien trả lời rằng nó báo cho biết trước Vua sắp băng hà. Quan Thái sư nói: “Nhưng hạ thần có cách giải quyết là bệ hạ chuyển vận hạn này sang cho quan Tể tướng.”

“Không thể được.”–Vua trả lời – “Nếu ta đến lúc phải chết, sao ta lại bắt quan Tể tướng phải gánh chịu? Quan Tể tướng còn trông coi những việc quan trọng của quốc gia. Ông ta cần phải sống.” Quan Thái sư nói: “Bệ hạ không muốn quan Tể tướng phải chết thay cho bệ hạ, thì ngài có thể để dân chịu thay. Tai hoạ có thể chuyển sang dân chúng.” “Dân là nền tảng của quốc gia.”– Vua nói– “Nếu dân chết hết, thì vương quốc nầy có ý nghĩa gì? Điều ấy cũng không thể được.” Vua cũng không tán đồng giải pháp ấy.

Quan Thái sư nói: “ Thế Bệ hạ có thể chuyển tai hoạ này cho một năm. Năm nay người dân phải chịu đói khát đến chết. Đó là một giải pháp.” “Điều nầy cũng không được.” Vua nói. “Ta không muốn để cho dân phải chết đói. Làm vua như thế thật là vô nghĩa.”

Rồi Quan Thái sư cúi lạy nhà vua: “Bệ hạ thật là bậc minh quân. Với lòng nhân từ quá lớn như thế, hạ thần chắc chắn rằng Bệ hạ sẽ không phải chết. Có một ngôi sao băng, nhưng có thể nó sẽ thay đổi và biến thành điềm tốt.” Ngày hôm sau hung tinh biến mất. Chuyện nầy chứng tỏ rõ ràng rằng dù cho ác tinh xuất hiện, việc xấu cũng có thể chuyển thành việc tốt.

Hòan toàn do chỉ một tâm niệm của con người. Nếu tâm niệm thay đổi, những gì lẽ ra xấu sẽ chuyển thành tốt. Tu tập bằng cách thắp hương niệm Phật trước khi có chuyện gì xảy ra là một phương pháp tạo sự thay đổi. Hoạ và phước chỉ nằm trong một niệm. Lão Tử nói:

“Khi nghĩ đến điều thiện, điều thiện ấy sẽ ảnh hưởng đến những việc chưa xảy ra và đem đến sự tốt lành. Khi nghĩ đến điều ác, điều ác ấy sẽ ảnh hưởng đến những việc chưa xảy ra và đem đến sự rắc rối.” Trong mối liên hệ nầy, có loại quỷ thần thiện và có loại quỷ thần ác. Quý vị không nên nghĩ rằng quỷ thần nào cũng tốt. Công việc của ác thần là trả lại cho mình cái đúng như vậy. Họ xử phạt bất kỳ người nào làm điều sai trái.

Thiện thần bảo hộ những người làm điều thiện. Mỗi loại quỷ thần đều có nhiệm vụ khác nhau. Thế nên chỉ cần thay đổi một niệm là điều cực kỳ quan trọng. Thực tế là một vị Vua có thể khiến người khác chịu chết thay cho mình, Vua không để cho quan Tể tướng hoặc thần dân chịu chết thế mình, hoặc để cho dân chịu mất mùa đói kém một năm, mà tự mình chịu tai hoạ và đã chuyển xấu thành tốt. Thế nên những vấn đề nầy đều có thể thay đổi. Nó không dứt khóat cố định.

Tôi nhớ đến Yuan Lao Fan, thường gọi là Yuan Hsiao Hai, làm quan trong triều Minh. Sau khi anh ta học xong, người cha bảo anh nên học ngành y, vì làm thầy thuốc có thể cứu người và dễ kiếm sống. Sau khi anh học thuốc xong, anh ta gặp một lão già có bộ râu dài tên K’ung, rất giỏi xem tướng và bói toán. Khi lão già K’ung thấy Yuan Hsiao Hai, lão nói: “Anh nên đi học. Anh sẽ làm quan.” Yuan Hsiao Hai nói: “Nhưng cha mẹ tôi và toàn gia đình đều mong muốn tôi thành thầy thuốc.”

Lão K’ung đáp: “Đừng học thuốc. Anh nên đi học chữ. Vào chừng ấy năm, anh sẽ đỗ được học vị như vậy như vậy trong kỳ thi Đình, và trong chừng ấy năm anh sẽ trở thành một vị quan lớn. Rồi vào năm đó năm đó, ngày đó tháng đó, anh sẽ trở thành quan án sát, anh sẽ trở nên rất có danh vọng. Khi anh 45 tuổi, vào ngày 14 tháng 8, lúc nửa khuya, vợ anh sẽ qua đời. Anh không có con nối dõi.”

Lão già K’ung không những định được ngày tháng cho những sự kiện lúc sinh thời mà còn biết được cả ngày chết của anh ta. Sau khi gặp lão K’ung, Yuan Hsiao Hai đi học. Chuyện xảy ra chính xác một cách khó tin. Học vị mà anh ta đỗ được trong kỳ thi Đình đúng y như Lão già K’ung đã tiên đoán. Quẻ bói chính xác không sót một mảy may nào.

Thực vậy, nó quá chắc chắn đến nỗi Yuan Hsiao Hai không cần đọc sách nữa. Anh ta làm gì? Anh ta đợi. Anh ta ngồi và đợi người ta đưa thức ăn tới. Có câu ngạn ngữ nổi tiếng ở Trung Hoa: “Ngồi chờ sung rụng”, như vậy nghĩa là không làm gì cả, chỉ trông mong vào sự sắp đặt của tự nhiên, chỉ mong số mệnh hiển bày. Đó thật là sai lầm. Yuan Hsiao Hai đã làm như vậy. Anh ta không làm gì cả. Ngay cả chẳng đọc sách. Anh ta nghĩ rằng, bất luận số phận diễn ra như thế nào, chắc chắn ta sẽ không thể nào thi hỏng được. Ta không cần phải học gì cả.

Ta chẳng phải mong cầu gì cả. Chắc chắn ta sẽ đạt được mục đích. Thế nên anh dạo chơi khắp nơi, vui thú thưởng ngoạn sơn thuỷ. Anh ta rong chơi dài ngày và chẳng học hành gì cả. Cuối cùng, cuộc lãng du đưa anh đến núi Ch’i Sha ở Nan Ching, nơi anh nghe có Thiền sư Yuan Ku đang trụ ở đó. Nên anh ta mong đến đó để được gặp. Thiền sư Yuan Ku trao cho anh ta cái bồ đoàn và cả hai cùng ngồi thiền. Cả hai ngồi đối diện nhau bất động suốt 3 ngày. Thiền sư Yuan Ku rất ngạc nhiên.

“Ồ!” –Thiền sư Yuan Ku nói – “Ông thật là bậc pháp khí, có khả năng nhập đạo. Ông đã ngồi thiền suốt ba ngày mà không nhúc nhích hoặc thay đổi tư thế.” Yuan Hsiao Hai đáp lại: “Tôi biết mọi việc đều do nhân duyên tiền định. Thế nên tôi không mong cầu gì cả. Đó là nguyên nhân khiến tôi không có chút vọng tưởng nào khi ngồi ở đây, thế nên tôi chẳng thấy đau chân chút nào cả.”

Chân nhức mỏi do đâu? Do vọng tưởng, có nghĩa là vọng kiến mà kinh nầy đang nói đến. Vì vọng kiến, nên chân đau. Nếu quý vị không có chút vọng kiến nào, thì chân chẳng đau. Yuan Hsiao Hai nói thế do vì anh ta không có chút tham muốn mong cầu nào, anh ta không có chút vọng tưởng nào, thế nên khi ngồi, anh ta không cần thiết phải cử động. Thiền sư Yuan Ku nói: “Tôi nghĩ rằng anh là người kỳ đặc. Nhưng như điều anh vừa cho biết, thì anh chỉ là kẻ phàm phu.”

Điều ấy làm cho Yuan Hsiao Hai nổi nóng: “Sao ông nói tôi là phàm phu?” Mọi người ai cũng muốn lên tận đỉnh cao nhất, Yuan Hsiao Hai cũng chẳng muốn rơi xuống hàng thứ hai. Ngay khi nghe mình bị gọi là phàm phu, anh ta liền phẫn nộ. Thiền sư Yuan Ku nói: “Nếu ông chẳng phải là phàm phu, thì ông đã không bị trói buộc vào số mệnh sẽ xảy ra trong vài chục năm tới. Ông đã bị dính chặt vào định mệnh và chẳng có cách nào thóat ra được cả.”

Yuan Hsiao Hai hỏi: “Người ta có thể thóat khỏi số mệnh không? Đừng để cho định mệnh trói buộc được chăng?” Thiền sư Yuan Ku đáp: “Anh là người có học. Anh không nghe Kinh Dịch nói: “Phát khởi điều tốt lành và tránh việc ác” đó sao? Sau đó Yuan Hsiao Hai đổi tên mình là Dương Liễu Phàm, “không còn làm kẻ phàm phu nữa”. Ta không phải là kẻ phàm phu nữa. Ta không còn là phàm phu nữa. Sau đó lời tiên đoán của Lão K’ung không còn đúng nữa.

Lão ta nói rằng Yuan Hsiao Hai sẽ chết vào ngày 14 tháng 8, lúc 54 tuổi, nhưng đến đó anh ta không chết. Tử vi nói rằng anh ta không có con, nhưng anh ta lại có hai người con. Anh ta sống đến 80 tuổi. Nên số mệnh của con người không phải là nhất định. Làm việc thiện là tất cả những gì quý vị cần phải thực hành, vì ngay khi thay đổi tâm niệm thì mọi thứ đều thay đổi. Tại sao có việc không lành? Vì có tâm niệm không lành của quý vị trong đó. Đó là lý do tại sao quý vị gặp việc chẳng lành. Điều này chứng tỏ rằng vọng kiến làm sinh khởi các nhân duyên hư dối. Nếu quý vị có chánh kiến, thì nhân duyên hư dối kia sẽ biến mất.

 

Kinh văn: 一病目人同彼一國。彼見圓影眚妄所生。此眾同分所現不祥。同見業中瘴惡所起。

Phiên Âm: Nhất bệnh mục nhân, đồng bỉ nhất quốc. Bỉ kiến viên ảnh, sảnh vọng sở sanh. Thử chúng đồng phần, sở hiện bất tường. Đồng kiến nghiệp trung, chướng ác sở khởi.

Việt dịch: Một người nhặm mắt cũng giống như người trong cả nước kia. Người thấy quầng sáng là do mắt nhặm mà có. Còn trong nước kia hiện ra những tướng không lành là do cộng nghiệp mà cùng thấy trong đó các điềm ác hiện ra.

Giảng: Một người nhặm mắt cũng giống như người trong cả nước kia. Một người bị bệnh nhặm và toàn thể người dân trong nước kia đều có cái thấy hư vọng. Người thấy quầng sáng là do mắt nhặm mà có. Người thấy quầng sáng, và toàn thể người dân trong nước kia thấy những tướng không lành, tất cả đều do vì sai lầm do hư vọng sinh khởi. Còn trong nước kia hiện ra những tướng không lành,

Còn những người trong nước kia, với đồng phận vọng kién của mình, thấy những ác tinh trong nước mình mà chẳng thấy điều gì xảy ra bên nước láng giềng cả. Là do cộng nghiệp mà cùng thấy trong đó các điềm ác hiện ra. Nghiệp chướng, ác duyên tạo nên dịch bệnh và ác tướng, vì nhiều vọng kiến tích tập và trở thành tai hoạ.

 

Kinh văn: 是無始見妄所生。例閻浮提三千洲中。兼四大海娑婆世界。并洎十方諸有漏國及諸眾生。同是覺明無漏妙心。見聞覺知妄病。和合妄生和合妄死。

Phiên Âm: Câu thị vô thủy, kiến vọng sở sanh. Lệ Diêm-phù-đề, tam thiên châu trung. Kiêm tứ đại hải, Ta Bà thế giới. Tinh kịp thập phương, chư hữu lậu quốc, cập chư chúng sanh. Đồng thị giác minh, vô lậu diệu tâm. Kiến văn giác tri, hư vọng bệnh duyên. Hòa hợp vọng sanh, hòa hợp vọng tử.

Việt dịch: Cả hai đều do vọng kiến từ vô thuỷ phát sinh. Giống như 3000 châu trong cõi Diêm-phù-đề, gồm bốn biển lớn và thế giới Ta-bà, cho đến các nước và các chúng sinh hữu lậu trong mười phương, đều là tâm giác ngộ sáng suốt vô lậu nhiệm mầu. Kiến văn giác tri là bệnh duyên hư vọng, khiến hư dối hòa hợp sinh ra, hư dối hòa hợp diệt mất..

Giảng: Biệt nghiệp vọng kiến và đồng phận vọng kiến, hai lọai nghiệp báo khác nhau đã được nói ở trên nầy, Cả hai đều do vọng kiến từ vô thuỷ phát sinh.

Đều do từ một niệm bất giác mà có vô minh, và các cảnh giới hư vọng đều sinh khởi từ vô minh, từ vô thuỷ đến nay nó phát khởi thành cái thấy hư vọng. Đó là cách mà các cảnh giới nầy (biệt nghiệp vọng kiến và đồng phận vọng kiến) hiện hữu. “Cái thấy hư vọng” chính là phát sinh do vọng tưởng. Vốn chẳng có cái thấy hư vọng nào để bội trần hợp giác cả, và để loại trừ vọng tưởng cả, mà chỉ là chân tâm. Tai sao quý vị đều có chân tâm mà chẳng dùng được nó?

Tại sao quý vị mãi cứ bị vật xoay chuyển? Đó là vì vọng kiến. Giống như 3000 châu trong cõi Diêm-phù-đề, gồm bốn biển lớn. Người và cõi nước được đề cập ở trên là so sánh Diêm-phù-đề với 3000 châu, với thế giới Ta-bà, cho đến mười phương các nước hữu lậu– có nghĩa là các cõi nước, mà chúng sinh trong đó chưa chấm dứt được sinh tử–và các chúng sinh, đều là tâm giác ngộ sáng suốt vô lậu nhiệm mầu. Đó là kiến văn giác tri có trong tâm giác ngộ sáng suốt vô lậu nhiệm mầu.

Kiến văn giác tri là bệnh duyên hư vọng, khiến hư dối hòa hợp sinh ra, hư dối hòa hợp chết đi. Tất cả mọi chúng sinh và các cõi nước đều do kiến văn giác tri sinh khởi từ một niệm phan duyên ban đầu, sinh vọng niệm thủ xả. Khi có đầy đủ yếu tố nhân duyên hòa hợp, sẽ cho các hiện tượng ấy khiến hư vọng sinh ra, Khi có đầy đủ yếu tố nhân duyên hòa hợp, chúng sẽ hư vọng diệt mất.

 

Kinh văn: 若能遠離諸和合及不和合。則復滅除諸生死因。圓滿菩提不生滅性。清淨本心本覺常住.

Phiên Âm: Nhược năng viễn ly, chư hòa hợp duyên, cập bất hòa hợp. Tắc phục diệt trừ, chư sanh tử nhân. Viên mãn Bồ-đề, bất sanh diệt tánh. Thanh tịnh bản tâm, bổn giác thường trụ.

Việt dịch: Nếu có thể xa lìa các duyên hòa hợp và không hòa hợp, thì diệt trừ được các nhân sinh tử. Liền viên mãn Bồ-đề, tánh giác ngộ không sinh không diệt, chính là chân tâm bản giác thanh tịnh thường trú.

Giảng: Văn trên đã nói về y báo và chánh báo. “Y báo” là núi sông, đất bằng, nhà cửa, lầu các, phòng xá. “Chính báo” là thân người. Y báo thì phải chịu trải qua các tiến trình thành, trụ, họai, không. Chánh báo thì phải trải qua các tiến trình sinh, lão, bệnh, tử. Thế nào là thành, trụ, họai, không? Trong thế giới nầy, một lần tăng một lần giảm được gọi là một kiếp. Khi mạng sống của con người đạt đến đỉnh cao nhất là 84.000 năm, cứ 100 năm, chiều cao của con người sẽ giảm trung bình mỗi năm 1 inch, và mạng sống của con người giảm mỗi năm trung bình 1 tuổi, tiếp tục giảm như thế cho đến khi mạng sống con người chỉ còn 10 tuổi; rồi tiếp tục tăng lại cho đến khi 84.000 tuổi, đó được gọi là một kiếp.

Một ngàn kiếp là một tiểu kiếp. Hai mươi tiểu kiếp là một trung kiếp. Bốn trung kiếp là một đại kiếp. Giai đoạn hình thành thế giới mất 20 tiểu kiếp. Giai đoạn trụ kéo dài 20 tiểu kiếp. Giai đoạn hoại 20 tiểu kiếp. Giai đoạn không 20 tiểu kiếp. Đó có nghĩa là tiến trình thành, trụ, họai, không. Hai mươi tiểu kiếp thành là 1 trung kiếp.

Hai mươi tiểu kiếp trụ là 1 trung kiếp. Hai mươi tiểu kiếp hoại là 1 trung kiếp. Hai mươi tiểu kiếp không là 1 trung kiếp. Thế là tất cả hai mươi tiểu kiếp của các tiến trình thành, trụ, họai, không tạo thành 4 trung kiếp. Gom lại 4 trung kiếp là 1 đại kiếp. Đối với chánh báo thì trải qua các tiến trình sinh, lão, bệnh, tử. Con người cần 20 năm để sinh ra lớn lên, 20 năm để học tập trưởng thành, 20 năm bệnh và già yếu, 20 sau cùng họ tiến dần đến cái chết.

Có hai loại sinh tử: phần đoạn sinh tử– sự sống chết, sinh diệt của xác thân– và biến dịch sinh tử. Thuật ngữ phần đoạn sinh tử xuất phát từ thực tế là mỗi người đều có một thọ mạng riêng và mỗi người có một thân tướng khác nhau. Chẳng hạn, chiều cao của quý vị có thể là 5 feet 6 inches, và chiều cao của tôi là 5 feet 9 inches, trong khi người khác thì cao 3 feet. Mọi người đều có một thân tướng khác nhau. Hàng phàm phu là đối tượng của phần đoạn sinh tử.

Các vị thuộc hàng Nhị thừa, Thanh văn, Duyên giác, đã chấm dứt được phần đoạn sinh tử, nhưng họ vẫn còn trong vòng biến dịch sinh sinh tử. Thế nào là “biến dịch sinh sinh tử?” Có nghĩa là niệm này kế tiếp niệm khác sinh khởi mãi không dừng. Niệm niệm kế tiếp sinh khởi, niệm niệm kế tiếp hoại diệt. Nhân của sinh tử chính là vô minh, duyên của sinh tử chính là nghiệp thức.

Khi nhân – vô minh, và duyên –nghiệp thức nầy hòa hợp với nhau thì có sinh tử. Như Đức Phật dạy trong kinh nầy: Nếu có thể xa lìa các duyên hòa hợp–sự hòa hợp của nhân vô minh và duyên nghiệp thức–và không hòa hợp– và sự kết hợp của bất kỳ các nhân duyên không hòa hợp– thì diệt trừ được các nhân sinh tử. Khi ấy quý vị thóat khỏi phần đoạn sinh tử và biến dịch sinh tử.

Đó chính là tánh giác ngộ tròn đầy không sinh không diệt. Khi xa lìa sạch mọi nguyên nhân sinh tử thì quý vị đạt được quả niết-bàn vi diệu, tánh giác ngộ tròn đầy không sinh không diệt. Chính là chân tâm bản giác thanh tịnh thường trú. Đó chính là chân tâm, là bản tánh giác ngộ thường trú không sinh không diệt: nghĩa là Tự tánh.

 

Kinh văn: 阿難,汝雖先悟本覺妙明。性非因非自然性。而猶未明如是覺元。非和合生及不和合

Phiên Âm: A-nan! Nhữ tuy tiên ngộ, bổn giác diệu minh. Tánh phi nhân duyên, phi tự nhiên tánh. Nhi do vị minh, như thị giác nguyên. Phi hòa hợp sanh, cập bất hòa hợp.

Việt dịch: A-nan, tuy trước đây ông đã ngộ được bản giác sáng suốt nhiệm mầu, tánh giác ấy chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tự nhiên, nhưng ông vẫn chưa rõ được cội nguồn của tánh giác ấy vốn chẳng phải hòa hợp và cũng chẳng phải không hòa hợp mà sinh.

Giảng: Đoạn Kinh văn nầy Đức Phật nói ra là để phá trừ ý niệm hòa hợp và không hòa hợp. A-nan vẫn còn nghi ngờ về điều nầy, nên Đức Phật giảng rõ giáo lý nầy lại một lần nữa. Đức Phật một lần nữa nói rõ tánh thấy chỉ là như vậy. Trước tiên Đức Phật quở trách A-nan: “ A-nan, tuy trước đây ông đã ngộ được bản giác sáng suốt nhiệm mầu, tánh giác ấy chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tự nhiên–A-nan, ông đã hiểu giáo lý nầy từ khi Như Lai giảng lần trước đây rồi.

Tánh giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu không thuộc về nhân duyên, không thuộc về tự nhiên. Nhưng ông vẫn chưa rõ được.” Đức Phật quở trách A-nan: “ Ông vẫn chưa hiểu được rằng cội nguồn của tánh giác ấy vốn chẳng phải hòa hợp và cũng chẳng phải không hòa hợp mà sinh. Nó cũng không phát xuất từ chẳng hòa hợp. Hòa hợp đây có nghĩa là sự kết hợp của vô minh và nghiệp thức. Quý vị có thể nghĩ rằng nó phát sinh từ sự kết hợp ấy hoặc là từ chẳng hòa hợp, nhưng cả hai ý niệm ấy đều không đúng.

Ngoại đạo chủ trương thuyết tự nhiên được gọi là Thần ngã. Họ xem cái ngã là Thần ngã. Quan niệm của họ là như thế nầy: Bên ngoài phạm trù của tướng phần (của A-lại-da thức) có một phạm trù thấy, và đó chính là cái mà họ cho là Thần ngã. Thần ngã ấy chuyển thành sự nhận thức và hiểu biết theo chủ trương của Thần ngã ngoại đạo. Còn nhóm ngoại đạo chủ trương thuyết nhân duyên chấp vào luận điểm trên cho rằng không có phạm trù thấy nào vượt qua tướng phần, nên họ cho rằng không có ngã, chỉ có tướng phần (tức vật bị thấy), tức phạm trù của cảnh vật được nhận biết.

Cũng còn có những người chủ trương thuyết hòa hợp. Họ cho rằng khi vô minh và nghiệp thức kết hợp với nhau thì liền có sinh diệt. Tướng là đối tượng của sinh diệt, và tánh chẳng phải là đối tượng sinh diệt, không giống và chẳng dính dáng gì đến những thứ khác. Thế nên họ cho là không hòa hợp. Đây là bốn quan niệm do ngoại đạo chủ trương, chứ không phải do Đức Phật dạy. Thế nên bây giờ Đức Phật ngại rằng A-nan sẽ bị nhầm lẫn giáo lý nầy, nên giảng giải thêm một lần nữa. Đức Phật biết A-nan vẫn còn nghi ngờ.

Cũng giống như khi có cái sai thì cái đúng vẫn không tách rời với cái sai. Và khi có cái đúng thì cái sai vẫn còn đó, nó chẳng hề thiếu sót. Cũng như bàn tay, có lòng bàn tay và lưng bàn tay: mặc dù lòng bàn tay và lưng bàn tay là hai, nhưng cả hai đều là một; khi cần làm việc gì thì quý vị phải xoay cả bàn tay lại. Cũng như tướng là đối tượng của sinh diệt, và tánh chẳng phải là đối tượng sinh diệt, nhưng tánh tướng là một. Cũng như phiền não và bồ-đề, sinh tử và niết-bàn; tất cả đều có cùng một đạo lý. Những ai đã học Phật pháp chắc chắn phải nên tham cứu kỹ Kinh Thủ Lăng Nghiêm và phải thông đạt nghĩa lý kinh nầy. Kinh Thủ Lăng Nghiêm khiến phát sinh đại trí huệ.

Nếu quý vị muốn có chánh tri chánh kiến và khai mở đại trí huệ thì dứt khóat phải thông đạt kinh Thủ Lăng Nghiêm. Tác dụng của kinh Thủ Lăng Nghiêm là phá tà hiển chánh. Kinh phá trừ sạch mọi loài thiên ma ngoại đạo, cùng khai thị năng lực chánh tri chánh kiến vốn có trong mỗi chúng sinh. Nhưng vào thời kỳ Phật pháp sắp hoại diệt thì Kinh Thủ Lăng Nghiêm sẽ bị tiêu hủy trước hết. Thế nên nếu chúng ta nuốn hộ trì chánh pháp thì chúng ta nên tham cứu kinh Thủ Lăng Nghiêm.

Để được thông đạt và thấm nhập kinh Thủ Lăng Nghiêm, và hộ trì kinh Thủ Lăng Nghiêm. Khi đến thời kỳ Phật pháp sắp hoại diệt, thì yêu ma quỷ quái hiện hành ở thế gian nầy, cùng với những người có tà tri tà kiến. Chúng rất thông thạo pháp thế gian, nó có rất nhiều năng lực biện tài và rất thông minh lanh lợi. Nó dùng lý lẽ để thuyết phục mọi người rằng kinh Thủ Lăng Nghiêm là giả mạo – ngụy tạo – và bảo mọi người đừng tin kinh nầy.

Vì sao nói Kinh Thủ Lăng Nghiêm là giả mạo? Vì Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói rõ về những sai lầm của chúng. Vì kinh nói về những tà tri tà kiến của chúng. Nếu Kinh Thủ Lăng Nghiêm còn lưu hành ở thế gian, thì sẽ không có ai tin vào tà tri tà kiến.

Nếu kinh Thủ Lăng Nghiêm không còn được lưu hành nữa, thì những tà tri tà kiến nầy của chúng tiếp tục làm mê hoặc con người. Thế nên họ cho rằng Kinh Thủ Lăng Nghiêm là nguỵ tạo. Điều này là hiện tướng của ma vương. Những ai đã tu học Phật pháp đặc biệt phải chú ý điểm nầy. Hãy hết sức thận trọng, đừng để mình bị tà tri tà kiến của ma vương kia xoay chuyển. Đừng để cho ma vương thay đổi tư tưởng và quan niệm của quý vị.

Có quý vị nào có ý kiến gì muốn hỏi không? Hỏi: Kinh Lăng-già so sánh với Kinh Thủ Lăng Nghiêm như thế nào? Đáp: Yếu chỉ Kinh Lăng-già là nói về giáo lý Thiền tông. Khác với Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Sơ Tổ Bồ-đề Đạt-ma đã dùng Kinh Lăng-già như là nền tảng khi Ngài truyền bá Thiền tông ở Trung Hoa. Kinh Thủ Lăng Nghiêm biểu tượng cho trí huệ chân chính của toàn bộ giáo lý Phật giáo.

Hỏi: Có thể các vị Bồ-tát thị hiện với thân tướng của một đạo sư ngoại đạo không? Đáp: Tất cả các pháp đều là Phật pháp. Không có điều gì chẳng có thể xảy ra cả. Chỉ cần đừng chấp trước. Nếu quý vị chấp trước, thì chẳng phải là Phật pháp. Nếu quý vị không chấp trước, thì đó chính là Phật pháp. Nếu quý vị chấp trước, thì đó là pháp ma.

Hỏi: Các bản dịch Kinh Thủ Lăng Nghiêm khác đã được ấn hành. Cơ bản có được chính xác không? Nếu không, xin Sư phụ cho biết những người đọc tiếng Anh như chúng con nên đọc bản kinh nào? Đáp: Bây giờ chúng ta đang trong tiến trình dịch Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Với những bản dịch mà quý vị đề cập, thì có bản đúng ở phần nầy, có bản thiếu chính xác phần kia, và có bản hòan toàn không tương ứng với ý chỉ cơ bản của kinh.

Chẳng hạn, có dịch giả nói rằng Ngài Tây phương không thích Chú Thủ Lăng Nghiêm nên họ không nghiên cứu phần Chú. Đó thật là hòan toàn sai lầm. Nên họ đã bỏ phần Chú trong bản dịch của họ. Nhưng nếu không có phần thần Chú Thủ Lăng Nghiêm trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, thì cơ bản là chẳng có lý do gì để nói Kinh Thủ Lăng Nghiêm cả. Quan trọng của Kinh Thủ Lăng Nghiêm là chỉ để tán thán Chú Thủ Lăng Nghiêm. Nếu có dịch giả nào theo ý mình mà bỏ phần Chú Thủ Lăng Nghiêm, điều ấy hòan toàn ngược lại với mục đích của Đức Phật khi nói Kinh Thủ Lăng Nghiêm.

Hỏi: Con có nghe nói về Kinh Pháp Hoa rằng Đức Phật thuyết tất cả các kinh trong tất cả các thời khác đều là giảng bày giáo lý phương tiện, và giáo lý được giảng dạy đó chỉ để khiến mọi người tin nhận Kinh Pháp Hoa, rằng vào giai đoạn mạt pháp, mọi kinh khác sẽ không còn hiệu lực, chỉ Kinh Pháp Hoa là thực sự còn năng lực ấy mà thôi. Đáp: Không sai, mọi kinh khác đều được nói từ yếu chỉ của Kinh Pháp Hoa. Nhưng Kinh Pháp Hoa là để khiến cho mọi chúng sinh đều được thành Phật.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm là để khai mở trí huệ. Kinh Pháp Hoa là để nhận ra Phật tánh. Kinh Thủ Lăng Nghiêm là để phá trừ tà tri tà kiến. Cũng có thể nói rằng nhờ có Kinh Pháp Hoa mà Kinh Thủ Lăng Nghiêm mới phá trừ được tà tri tà kiến của thiên ma ngoại đạo–có nghĩa là khiến chúng sinh tu tập Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Chúng sinh nghiên cứu Kinh Pháp Hoa và hành trì pháp môn đã được giảng giải trong kinh là để nhận ra Phật tánh.

Tuy nhiên, về lâu dài, khi Phật pháp sắp vào thời kỳ hoại diệt, không phải Kinh Pháp Hoa còn lưu truyền trên thế gian, mà là Kinh A-di-đà. Vào thời kỳ cuối, khi Phật pháp hoại diệt, chỉ còn Kinh A-di-đà còn lưu truyền trên thế gian, và sau khi Kinh A-di-đà lưu truyền trên thế gian chừng 100 năm nữa thì Kinh A-di-đà cũng biến mất, chỉ còn lại một câu, đó là sáu chữ hồng danh Nam mô A-di-đà Phật vẫn còn lưu truyền.

 

Kinh văn: 阿難,吾今復以前塵問汝。汝今猶以一切世間。妄想和合諸因性。而自疑惑。證菩提心和合起者。

Phiên Âm: A-nan! Ngô kim phục dĩ, tiền trần vấn nhữ. Nhữ kim do dĩ, nhất thiết thế gian. Vọng tưởng hòa hợp, chư nhân duyên tánh. Nhi tự nghi hoặc. Chứng Bồ-đề tâm, hòa hợp khởi giả.

Việt dịch: A-nan, nay Như Lai lại lấy tiền trần để hỏi ông. Nay ông còn lấy tất cả vọng tưởng hòa hợp với tánh nhân duyên trong thế gian mà tự nghi lầm rằng chứng được tâm bồ-đề là do hòa hợp mà phát khởi.

Giảng: Lý do Đức Phật không giải quyết một trong các lý thuyết chính của ngoại đạo, là vì Ngài e rằng tâm trí người đệ tử nhỏ của mình sẽ lang thang theo chiều hướng ấy. Thế nên Ngài nói: “A-nan, nay Như Lai lại lấy tiền trần để hỏi ông. Nay ông còn lấy tất cả vọng tưởng hòa hợp với tánh nhân duyên trong thế gian mà tự nghi lầm rằng chứng được tâm bồ-đề là do hòa hợp mà phát khởi. Ông vẫn cứ đem học thuyết của ngoại đạo ra so sánh với pháp của Như Lai, thế nên nay Như Lai sẽ phân tích cho ông rõ.”

 

Kinh văn: 則汝今者妙淨見精。為與明和,為與闇和。為與通和為與塞和。若明和者且汝觀明。當明現前何處雜見。見相可辨雜何形像。

Phiên Âm: Tắc nhữ kim giả, diệu tịnh kiến tinh. Vi dữ minh hòa, vi dữ ám hòa. Vi dữ thông hòa, vi dữ tắc hòa. Nhược minh hòa giả, thả nhữ quán minh. Đương minh hiện tiền, hà xứ tạp kiến. Kiến tướng khả biện, tạp hà hình tượng?

Việt dịch: Vậy nay tánh thấy thanh tịnh nhiệm mầu của ông là cùng với sáng hòa hay cùng với tối hòa ? Là cùng với thông hòa hay cùng với bít hòa? Nếu cùng với sáng hòa, thì khi ông đang thấy sáng, cái sáng hiện trước mặt, vậy chỗ nào xen lẫn với cái thấy. Nếu có thể phân biệt được tướng của cái thấy, thì hình tượng của cái xen tạp là thế nào?

Giảng: Đức Phật hỏi A-nan: “Vậy nay tánh thấy thanh tịnh nhiệm mầu của ông là cùng với sáng hòa hay cùng với tối hòa? Là cùng với thông hòa hay cùng với bít hòa? Như ông hiện nay, tánh thấy thanh tịnh nhiệm mầu của ông là cùng với sáng hòa hay cùng với tối hòa? Là cùng với thông hòa hay cùng với bít hòa? Nó hòa với cái gì? Nếu cùng với sáng hòa, thì khi ông đang thấy sáng, cái sáng hiện trước mặt, vậy chỗ nào xen lẫn với cái thấy?

Nếu ông nói tánh thấy hòa với ánh sáng, thì khi ông nhìn ánh sáng trước mặt ông, thì hãy nói cho Như Lai biết trong đó phần nào là sáng? Hãy chỉ nó ra! Chỗ nào là hòa hợp với sáng? Nếu có thể phân biệt được tướng của cái thấy, thì hình tượng của cái xen tạp là thế nào? Nếu ông có thể xác định được hình tướng của cái thấy, nếu ông có thể nhận ra được nó, thì hình tướng của nó sẽ ra sao khi nó hòa hợp với sáng? Chẳng hạn, khi ông hòa màu trắng với màu đỏ, kết quả là chẳng còn màu đỏ lẫn màu trắng. Khi ông hòa lẫn cái thấy và sáng, thì kết quả cuối cùng sẽ giống như thế nào?

 

Kinh văn: 若非見者,云何見明。若即見者云何見見。

Phiên Âm: Nhược phi kiến giả, vân hà kiến minh. Nhược tức kiến giả, vân hà kiến kiến?

Việt dịch: Nếu chẳng phải là cái thấy, thì làm sao thấy được sáng? Còn nếu chính là cái thấy, thì làm sao thấy được cái thấy?

Giảng: Nếu chẳng phải là cái thấy, thì làm sao thấy được sáng? Nếu ông nói rằng ông thấy được sáng và đó chính là cái thấy, thì lẽ ra ông thấy được cái thấy. Còn nếu chính là cái thấy, thì làm sao thấy được cái thấy? Sao ông lại như thế được? Phương cách như thế nào?”

 

nh văn: 必見圓滿,何處和明。若明圓滿不合見和。

Phiên Âm: Tất kiến viên mãn, hà xứ hòa minh. Nhược minh viên mãn, bất hợp kiến hòa.

Việt dịch: Nếu cái thấy cùng khắp, thì chỗ nào hòa với cái sáng? Nếu sáng cùng khắp thì không thể hòa với cái thấy.

Giảng: Nếu cái thấy cùng khắp, thì chỗ nào hòa với cái sáng? Nếu ông biết rằng cái thấy hòan toàn viên mãn, không hề thiếu sót, chẳng thiếu chẳng dư, sao ông có thể hòa với sáng được? Nếu sáng cùng khắp thì không thể hòa với cái thấy. Nếu ông cho rằng cái thấy không cùng khắp nhưng cái sáng cùng khắp, thì cái sáng lẽ ra không hòa được với cái thấy. Nếu cái thấy chẳng thiếu chẳng dư, nó chẳng thể nào nhận thêm vào một vật nào khác nữa.

 

Kinh văn: 見必異明,雜則失彼性明名字。雜失明性,和明非義。彼暗與通及諸群塞亦復如是.

Phiên Âm: Kiến tất dị minh, tạp tắc thất bỉ, tánh minh danh tự. Tạp thất minh tánh, hòa minh phi nghĩa. Bỉ ám dữ thông, cập chư quần tắc, diệc phục như thị.

Việt dịch: Cái thấy đã khác với cái sáng, thì khi xen tạp, ắt phải mất tên gọi của tính sáng. Cái thấy xen lẫn vào làm mất tính chất của cái sáng, mà nói hòa với cái cái sáng là không có nghĩa. Đối với cái tối, thông, bít lấp kia cũng lại như vậy.

Giảng: “Cái thấy đã khác với cái sáng, thì khi xen tạp, ắt phải mất tên gọi của tính sáng. Nếu ông cho rằng cái thấy và cái sáng là hai thực thể riêng biệt, thì theo đó, chúng phải đánh mất tính chất riêng của chúng khi chúng hòa lẫn với nhau. Tính đồng nhất của tánh thấy và tính đồng nhất của cái sáng–bản thể của cái sáng– cả hai lẽ ra phải bị biến mất. “Cái thấy xen lẫn vào làm mất tính chất của cái sáng, mà nói hòa với cái cái sáng là không có nghĩa. Thế nên Như Lai bảo rằng không có cái gì giống như cái gọi là hòalẫn giữa tánh thấy của ông và cái sáng. Để nói rằng việc hòa hợp kia không có nghĩa lý xác thực.

Đối với cái tối, thông, bít lấp kia cũng lại như vậy. Đạo lý là ở điểm tánh thấy không thể nào hòa lẫn với cái sáng, đều có thể áp dụng với tiền đề là có thể hòa lẫn với cái tối, thông, bít, lấp. Tánh thấy không thể nào hòa lẫn với những thứ ấy. Sao ông lại nói chứng được tâm bồ-đề là do hòahợp mà được? Đó là một sai lầm.” Trước đây, A-nan đã nghi ngờ rằng tánh thấy có phát sinh từ nhân duyên hay chăng? Đức Phật đã phá trừ quan niệm nầy. Nay A-nan lại kết luận rằng tánh thấy là kết quả từ sự hòa hợp. Từng bước từng bước, Đức Phật đã giải trừ sự mê lầm cho A-nan.

Ngay khi Đức Phật giải trừ được mối mê lầm này, thì A-nan lại vướng vào mối mê làm khác. A-nan vẫn chưa nhận ra được giáo lý chân thật. Đức Phật dạy rằng tất cả mọi chúng sinh đều có Phật tánh. Tất cả đều có thể thành Phật. Có người nghe như vậy rồi phát cuồng lên, nói rằng: “Ta là Phật. Mọi người đều là Phật.” Tại sao họ không nói rằng mọi người là ma quỷ? Mà lại nói mọi người đều là Phật? Nếu mọi người đều là Phật, thế thì ông có thành Phật không? Đức Phật thì có Tam thân, Tứ trí, Ngũ nhãn, Lục thông. Còn ông thì có được bao nhiêu thân? Đức Phật có Thanh tịnh pháp thân, Viên mãn báo thân, Thiên bá ức hóa thân. Còn ông có được mấy thân?

Đức Phật có Đại viên cảnh trí, Bình đẳng tánh trí, Diệu quan sát trí, và Thành sở tác trí– làm thành Tứ trí. Còn ông có được mấy trí? Đức Phật có Ngũ nhãn: Phật nhãn, pháp nhãn, huệ nhãn, nhục nhãn và thiên nhãn. Ông có được bao nhiêu mắt? Ông không có được một con mắt nào cả. Ông chưa mở được con mắt nào cả mà dám nói: “Ồ! Ta là Phật.” Thế ông là Phật gì? Chư Phật đều có danh xưng. Thế tên vị Phật của ông là gì?

“Đơn giản, tôi chỉ là Phật.” – Quý vị nói. Nếu ngay cả cái tên cũng không có, thì ông là loại Phật nào? Phật nào cũng có danh xưng, chẳng có Phật nào vô danh cả. Thế nên ai đi quanh mà nói: “Mọi người đều là Phật,” thì đó chỉ là người bị cuồng thôi! Vâng, đúng thật mọi người đều là Phật, nhưng phải tu tập Phật pháp mới thành được. Sau sáu năm ngồi thiền dưới cây Bồ-đề trong núi Tuyết, một hôm, Ngài thấy sao Mai mọc và hóat nhiên chứng ngộ. Đó là công phu tu tập đã khiến cho Đức Phật thành Đạo. Nhưng nay ông suốt từ sáng đến tối chỉ làm những gì mình thích, nếu ông thích uống rượu, ông liền đi uống. Nếu ông thích hút thuốc, ông rút thuốc ra hút.

Ông thích xem phim, ông liền đi xem. Nếu ông thích khiêu vũ, ông liền đi khiêu vũ, sau đó ông về nhà với vợ ông. Phật của ông như vậy đó. À! Quá dễ! Thế nên ông hãy xem biết bao nhiêu khổ nhọc và khó khăn mà Đức Phật phải trải qua mới được thành Phật, còn ông thì suốt ngày chỉ biết nằm trên giường và đi quanh nhà. Chẳng cần nói phải ngồi thiền suốt sáu năm, chỉ cần sáu ngày ông cũng không thể nào ngồi được trong trạng thái bất động.

Tôi sẽ xem ông là Phật nếu ông ngồi thiền trong trạng thái bất động trong sáu ngày. Nhưng ông không thể nào ngồi yên được dù chỉ trong sáu giờ, thế mà ông nói mình đã là Phật. Thế có phải là điên đảo không? A-nan có thể gọi là điên đảo, nhưng suy nghĩ trên của quý vị còn điên đảo hơn A-nan. Thế nên tôi gọi những người có hành động như trên là ma vương. Từ nay trở đi, khi quý vị gặp những người như vậy, quý vị có thể gọi họ là ma vương.

 

Kinh văn: 復次阿難,又汝今者妙淨見精。為與明合為與暗合。為與通合為與塞合。

Phiên Âm: Phục thứ A-nan, hựu nhữ kim giả, diệu tịnh kiến tinh. Vi dữ minh hợp, vi dữ ám hợp. Vi dữ thông hợp, vi dữ tắc hợp.

Việt dịch: Lại nữa A-nan, tánh thấy thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu hiện nay của ông lại hợp với sáng hay hợp với tối? Hợp với thông hay hợp với bít?

Giảng: Hòa khác với hợp. Hòa là khi hai thứ pha trộn hòa tan lẫn với nhau. Hợp là giống như khi đem cái nắp đặt vừa khít trên miệng nồi vậy. Nắp và nồi đã hợp thành một. Thế nên Đức Phật nói: “Lại nữa A-nan, tánh thấy thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu hiện nay của ông. Bản thể của tánh thấy vốn thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu, nó có hợp với sáng? Hay hợp với tối? Hợp với thông hay hợp với bít?

 

Kinh văn: 若明合者,至於暗時,明相已滅。此見即不與諸暗合,云何見暗。若見暗時,不與暗合。與明合者,應非見明。既不見明,云何明合。了明非暗.

Phiên Âm: Nhược minh hợp giả, chí ư ám thời, minh tướng dĩ diệt. Thử kiến tức bất, dữ chư ám hợp, vân hà kiến ám? Nhược kiến ám thời, bất dữ ám hợp. Dữ minh hợp giả, ưng phi kiến minh. Ký bất kiến minh, vân hà minh hợp?

Việt dịch: Nếu hợp với sáng, thì khi tối đến, tướng sáng đã mất, cái thấy nầy không hợp với tối, thì làm sao thấy tối được? Nếu khi thấy tối mà không hợp với tối, mà hợp với sáng, thì lẽ ra cũng không thấy được sáng, thì làm sao gọi là hợp với sáng? Rõ ràng chẳng phải là tối.

Giảng: Nếu hợp với sáng–nếu ông nói rằng tánh thấy và cái sáng hợp cùng nhau, thì khi tối đến, tướng sáng đã mất, cái thấy nầy tức không hợp với tối, thì làm sao thấy tối được? Khi có cái tối, tính chất của cái sáng biến mất, vì tánh thấy không hợp với cái tối, làm sao thấy được cái tối? Nếu khi thấy tối mà không hợp với tối, nếu ông nói rằng khi ông thấy tối, thì cái thấy không hợp với cái tối–cho dù nó không thấy cái tối, thì nó cũng không hợp với tối–mà hợp với sáng, thì lẽ ra cũng không thấy được sáng. Nếu ông nói rằng cái thấy hợp với sáng, thì lẽ ra nó phải hợp với sáng.

Có nghĩa là, nếu ông nói rằng nó có thể thấy được những gì nó không hợp – trong trường hợp nầy là tối– thì lẽ ra nó sẽ không thấy được gì mà nó hợp với– có nghĩa là sáng. Thì làm sao gọi là hợp với sáng? Rõ ràng chẳng phải là tối. Quý vị có thể thấy sáng và hòan toàn biết rõ ràng chắc chắn rằng đó chẳng phải là tối. Thế thì, theo lập luận của ông, lẽ ra ông không thấy được sáng, nhưng đó không phải là thực tế, vì ông có thể phân biệt được khác nhau giữa sáng và tối. Thế nên phân tích rốt ráo, ông nói tánh thấy hợp với sáng hay hợp với tối?”

 

Kinh văn: 彼暗與通。及諸群塞亦復如是.

Phiên Âm: Liễu minh phi ám, bỉ ám dữ thông. Cập chư quần tắc, diệc phục như thị.

Việt dịch: Đối với cái tối, cái thông, cái bít kia cũng lại như vậy.

Giảng: “Đối với cái tối, cái thông, cái bít kia cũng lại như vậy.” Đạo lý hòan toàn giống nhau đối với khả năng của tánh thấy khi hợp với tối, với thông hay mọi thứ ngăn bít khác. Quý vị không thể nói rằng tánh thấy hợp với tất cả mọi tướng. Nhưng cũng không thể nói rằng tánh thấy chẳng hợp với tất cả mọi tướng. Thực tế là sáng và tối là đối tượng của sinh diệt, trong khi tánh thấy chẳng phải là đối tượng của sinh diệt. Cái gì không sinh không diệt thì không thể nào hợp với cái sinh diệt được. A-nan không hiểu được đạo lý nầy, thế nên Như Lai đã đem lòng từ bi dùng kế phương tiện, phải dùng nhiều thí dụ để khai thị cho A-nan.

 

Kinh văn: 阿難白佛言世尊。如我思惟此妙覺元。與諸塵及心念慮非和合耶。

Phiên Âm: A-nan bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Như ngã tư tánh, thử diệu giác nguyên. Dữ chư duyên trần, cập tâm niệm lự, phi hòa hợp da?

Việt dịch: A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn! Nay con suy nghĩ, cái tâm vốn giác ngộ nhiệm mầu nầy, cùng các duyên trần và các tâm niệm nghĩ suy không hòa hợp chăng?”

Giảng: Vừa nghe xong lời giảng của Đức Phật, A-nan liền có mối nghi khác. A-nan lại suy nghĩ và bận tâm về mối nghi ấy. A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn! Nay con suy nghĩ, cái tâm vốn giác ngộ nhiệm mầu nầy– điều nầy liên quan đến tánh thấy –cùng các duyên trần. Nó chẳng hòa hợp với các trần lao vốn sinh khởi từ các duyên hay chăng? Và các tâm niệm nghĩ suy không hòa hợp chăng?” A-nan hỏi: “Có phải những thứ khác nhau nầy thực sự không hòa hợp hay sao?”

Câu hỏi của A-nan biểu lộ lời nói của A-nan không dứt khóat. Trước đây, những lời A-nan nói rất là quả quyết. A-nan nói rằng tánh thấy là do tự nhiên, rồi do nhân duyên, và A-nan viện dẫn đến rất nhiều học thuyết. A-nan nói với tâm trạng rất tự tin, nhưng lập luận của A-nan không đứng vững, tất cả những ý tưởng đó đều bị Đức Phật bác sạch. Nên bây giờ A-nan đã biết vấn đề nan giải. Khi nói điều gì, A-nan không kết luận một cách dứt khóat. “Chẳng phải là nó không hòa hợp hay sao?” A-nan dã dùng lối nghi vấn. “Con nghĩ là đạo lý đúng như vậy, nhưng có thể cũng chẳng phải như vậy?”

 

Kinh văn: 佛言汝今又言覺非和合。吾復問汝此妙見精非和合者。為非明和為非暗和。為非通和為非塞和。

Phiên Âm: Phật ngôn: Nhữ kim hựu ngôn, giác phi hòa hợp. Ngô phục vấn nhữ, thử diệu kiến tinh, phi hòa hợp giả. Vi phi minh hòa, vi phi ám hòa. Vi phi thông hòa, vi phi tắc hòa.

Việt dịch: Nay ông nói tánh giác chẳng phải hòa hợp. Như Lai lại hỏi ông, (nếu) tánh thấy nhiệm mầu nầy chẳng hòa, là chẳng hòa với cái sáng, hay chẳng hòa với cái tối, chẳng hòa cùng cái thông, hay chẳng hòa với cái bít?

Giảng: Tánh thấy vốn không sinh không diệt. A-nan đang cố công so sánh cái không sinh không diệt với cái sinh diệt. A-nan muốn so sánh cái không sinh không diệt (tánh thấy) với sáng và tối, với thông và bít, với nhân duyên, với tâm niệm suy lường. A-nan vẫn muốn xếp vào dạng đó. Bây giờ ý tưởng của A-nan có rất nhiều, và A-nan nói: “Nó không hòa hợp hay sao?”. Đáp lại,

Đức Phật nói: “Nay ông nói tánh giác chẳng phải hòa. Trước đây ông nói rằng tánh giác là hòa hợp.”Nay Như Lai lại hỏi ông – Nay Như Lai sẽ hỏi ông những vấn đề khác. (Nếu) tánh thấy nhiệm mầu nầy chẳng hòa: Ông nói rằng tánh thấy nhiệm mầu không sinh không diệt nầy không hòa hợp. Là chẳng hòa với cái sáng, hay chẳng hòa với cái tối, chẳng hòa cùng cái thông, hay chẳng hòa với cái bít? Nói nhanh!”

 

Kinh văn: 若非明和,則見與明必有邊畔。

Phiên Âm: Nhược phi minh hòa, tắc kiến dữ minh, tất hữu biên bạn.

Việt dịch: Nếu chẳng hòa cùng cái sáng, thì giữa cái thấy và cái sáng ắt phải có ranh giới.

Giảng: Nếu chẳng hòa cùng cái sáng, thì giữa cái thấy và cái sáng ắt phải có ranh giới. Nếu ông muốn nói rằng không có sự hòa hợp với sáng, thì tánh thấy của ông và cái sáng chắc hẳn phải có một ranh giới. Cái gì là ranh giới trong cái thấy của ông? Nếu ông nói rằng nó không hòa hợp với sáng, thế thì ông hãy tìm cho ra ranh giới giữa chúng. Cái gì biểu thị cho sự phân cách giữa chúng?

 

Kinh văn: 汝且諦觀,何處是明,何處是見。在見在明自何為畔。

Phiên Âm: Nhữ thả đế quán, hà xứ thị minh, hà xứ thị kiến. Tại kiến tại minh, tự hà vi bạn.

Việt dịch: Ông hãy xem kỹ, nơi nào là cái sáng, nơi nào là cái thấy? Nơi đâu là ranh giới của cái thấy và cái sáng?

Giảng: Ông hãy xem kỹ. Hãy nhìn cho kỹ. Nơi nào là cái sáng? Nơi nào là giới hạn của sáng? Nơi nào là cái thấy? Nơi nào là giới hạn của cái thấy? Nơi đâu là ranh giới của cái thấy và cái sáng? Hãy nói cho Như Lai biết đường phân cách giữa hai cái ấy là đâu?

 

Kinh văn: 阿難,若明際中,必無見者,則不相及。自不知其明相所在。畔云何成。

Phiên Âm: A-nan! Nhược minh tế trung, tất vô kiến giả, tắc bất tướng cập. Tự bất tri kỳ, minh tướng sở tại. Bạn vân hà thành?

Việt dịch: A-nan, nếu bên cái sáng, ắt không có cái thấy, thì hai cái chẳng tiếp xúc được với nhau. Cái thấy tự chẳng biết tướng sáng ở đâu thì làm sao thành lập được ranh giới?

Giảng: A-nan, nếu bên cái sáng, ắt không có cái thấy. Nếu trong tướng sáng quả thực là không có tánh thấy, thì hai cái chẳng tiếp xúc được với nhau. Cái thấy và sáng chẳng tiếp xúc với nhau. Hai cái không hề gặp nhau. Cái thấy tự chẳng biết tướng sáng ở đâu. Vì cả hai cái không tiếp xúc với nhau, hiển nhiên là người ta chẳng thể nào biết được tướng sáng ở đâu? Thì làm sao thành lập được ranh giới? Nếu ông không biết ngay cả tướng sáng ở đâu, thì làm sao chỉ ra được ranh giới?

 

Kinh văn: 彼暗與通,及諸群塞亦復如是.

Phiên Âm: Bỉ ám dữ thông, cập chư quần tắc, diệc phục như thị.

Việt dịch: Đối với cái tối, cái thông, cái bít kia cũng lại như vậy.

Giảng: “Đối với cái tối, cái thông, cái bít kia cũng lại như vậy. Đạo lý nầy cũng giống như trường hợp đối với cái tối, cái thông, cái bít. Nay ông hãy phân chia chúng ra cho Như Lai. Ông nói chúng không hòa hợp; đâu là ranh giới chỉ ra sự không hòa hợp của chúng? Nói nhanh!”

 

Kinh văn: 又妙見精非和合者。為非明合為非暗合。為非通合為非塞合。

Phiên Âm: Hựu diệu kiến tinh, phi hòa hợp giả. Vi phi minh hợp, vi phi ám hợp. Vi phi thông hợp, vi phi tắc hợp?

Việt dịch: Lại nữa, tánh thấy nhiệm mầu không hòa hợp, là chẳng hợp với cái sáng, hay chẳng hợp với cái tối, là chẳng hợp với cái thông, hay chẳng hợp với cái bít?

Giảng: Văn trên đã luận về hòa. Nay sẽ luận về hợp. Lại nữa, tánh thấy nhiệm mầu không hòa hợp, ông nói rằng tánh thấy nhiệm mầu nầy là không hòa hợp, là chẳng hợp với cái sáng, hay chẳng hợp với cái tối, là chẳng hợp với cái thông, hay chẳng hợp với cái bít?

 

Kinh văn: 若非明合,則見與明,性相乖角。如耳與明,了不相觸.

Phiên Âm: Nhược phi minh hợp, tắc kiến dữ minh, tánh tướng quai giác. Như nhĩ dữ minh, liễu bất tướng xúc kiến.

Việt dịch: Nếu chẳng hợp với cái sáng, thì cái thấy và cái sáng có tánh trái nghịch nhau. Ví như lỗ tai và cái sáng, hoàn toàn không tiếp xúc với nhau được.

Giảng: “Nếu chẳng hợp với cái sáng, thì cái thấy và cái sáng có tánh trái nghịch nhau.” Nếu cái thấy không hợp với tướng sáng, thì nó trái nghịch với cái khác. Do nó không hợp, nên nó phải bất hòa và trái nghịch lẫn nhau.

Ví như lỗ tai và cái sáng, hoàn toàn không tiếp xúc với nhau được. Cũng như lỗ tai, nếu khi quý vị nhìn, quý vị có thể thấy được ánh sáng, nếu quý vị che mắt lại, thì tai quý vị không biết được sáng hay tối. Lỗ tai không phân biệt được sáng và tối. Cái sáng và tánh nghe không quan hệ gì với nhau cả.

 

Kinh văn: 見且不知明相所在。云何甄明合非合理。

Phiên Âm: Thả bất tri kiến, minh tướng sở tại. Vân hà chấn minh, hợp phi hợp lý.

Việt dịch: Cái thấy còn chẳng biết tướng sáng ở đâu. Làm sao phân biệt được rõ ràng nghĩa hợp hoặc không hợp?

Giảng: Cái thấy còn chẳng biết tướng sáng ở đâu. Làm sao phân biệt được rõ ràng nghĩa hợp hoặc không hợp? Không thể thấy được cái sáng vì tánh thấy không hợp với sáng, thế làm sao mà phân biệt được? Làm sao có thể biết được sự hiện hữu hay vắng mặt của cái sáng?

 

Kinh văn: 彼暗與通及諸群塞亦復如是。

Phiên Âm: Bỉ ám dữ thông, cập chư quần tắc, diệc phục như thị.

Việt dịch: Đối với cái tối, cái thông, cái bít kia cũng lại như vậy.

Giảng: “Đối với cái tối, cái thông, cái bít kia cũng lại như vậy. Đạo lý nầy cũng giống như trường hợp đối với cái tối, cái thông, cái bít.

 

Kinh văn: 阿難,汝猶未明一切浮塵諸幻化相。當處出生,隨處滅盡,幻妄稱相。其性真為妙覺明體。

Phiên Âm: A-nan! Nhữ do vị minh, nhất thiết phù trần, chư huyễn hóa tướng. Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận, huyễn vọng xưng tướng. Kỳ tánh chân vi, diệu giác minh thể.

Việt dịch: A-Nan, ông còn chưa rõ tất cả các tướng huyễn hóa nơi tiền trần. Ngay nơi đó sinh ra, ngay nơi đó diệt mất, huyễn vọng gọi là tướng, còn tánh chân thật là thể giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu.

Giảng: “A-nan, ông còn chưa rõ.” Có phải ông vẫn còn chưa rõ hay sao? “Tất cả các tướng huyễn hóa nơi tiền trần”–hết thảy các cảnh giới phù trần bên ngoài– huyễn hóa có nghĩa là không có thực, hóa có nghĩa là dường như có dường như không. Chợt xuất hiện, rồi bỗng dưng diệt mất. Các tướng huyễn hóa là những hiện tượng không thật, quý vị thấy nó dường như đang hiện hữu, nhưng thật sự nó hòan toàn là huyễn hóa. “Những tướng huyễn hóa nầy ngay đó sinh ra, ngay đó diệt mất.”

Nó chẳng sinh khởi từ nơi nào cả. Bất kỳ nơi nào mà nó được hình thành nên, thì cũng nơi ấy là chỗ nó hoại diệt. Sự sinh khởi của các hiện tượng ấy là hư huyễn, sự hoại diệt của chúng cũng là hư huyễn. Chúng sinh khởi trong hư huyễn và hoại diệt trong hư huyễn. “Huyễn vọng nên gọi là tướng.” Nó có tên gọi là huyễn vọng. Nhưng tánh chân thật vốn là thể giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu. Nó được gọi là hư vọng, nhưng căn nguyên các hư vọng nầy sinh khởi là ở đâu?

Cũng vậy, nó lưu xuất từ thể tánh chân thật sáng suốt nhiệm mầu. Nó sinh khởi từ chân tâm của chúng ta. Do từ chân mà khởi vọng, từ hư vọng mà có kiến phần và tướng phần. Kiến phần là khả năng thấy. Tướng phần là tất cả các hiện tượng, vật thể, đối tượng của cái thấy. Tướng phần và kiến phần cũng đều lưu xuất từ thể tánh chân thật sáng suốt nhiệm mầu, đều lưu xuất từ chân tâm thường trụ thể tánh thanh tịnh sáng suốt. Nó chẳng đến từ đâu cả.

 

Kinh văn: 如是乃至五陰六入。從十二處至十八界。因和合妄有生。因別離妄名滅。

Phiên Âm: Như thị nãi chí, ngũ uẩn lục nhập. Tùng thập nhị xứ, chí thập bát giới. Nhân duyên hòa hợp, hư vọng hữu sanh. Nhân duyên biệt ly, hư vọng danh diệt.

Việt dịch: Như vậy cho đến ngũ ấm, lục nhập, từ thập nhị xứ cho đến thập bát giới, khi nhân duyên hòa hợp thì hư vọng sinh ra, khi nhân duyên tách rời, hư vọng gọi là diệt.

Giảng: “Như vậy.”

Tại sao Như Lai nói rằng các tướng huyễn hóa sinh khởi hư vọng? Đạo lý mà Như Lai đã giảng giải cũng giống như vậy đối với mọi phần loại khác nhau của ngũ ấm– sắc, thọ, tưởng, hành, thức–lục nhập– có nghĩa là 6 căn , mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý

– từ thập nhị xứ– 6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cùng với 6 trần: sắc, thanh hương, vị, xúc, pháp

– cho đến thập bát giới– 6 căn, 6 trần và 6 thức phát sinh ra do khi căn và trần tiếp xúc nhau: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, và ý thức. Sáu căn và 6 trần kết hợp thành 12 xứ, cùng với 6 thức tạo thành 18 giới.

Các thứ sắc pháp và tâm pháp nầy, đều do nhân duyên hòa hợp mà hư vọng sinh ra, khi nhân duyên hòa hợp thì hư vọng sinh ra, khi nhân duyên tách rời, hư vọng gọi là diệt. Khi nhân duyên không hòa hợp thì hư vọng diệt mất. Đây là tánh của sinh diệt. Các sắc pháp và tâm pháp nầy đều chỉ biến hiện từ tâm. Nên Đức Phật bảo A-nan: “Thân tâm của ông, đều là vật biến hiện từ trong diệu minh chân tâm.” Lại nữa: “Ông không biết rằng sắc thân của ông, cho đến núi sông, hư không, đất liền đều là vật bao hàm trong diệu minh chân tâm.”

 

Kinh văn: 殊不能知生滅去來。本如來藏常住妙明。不動周圓妙真如性。性真常中求於去來。迷悟死生了無所得 .

Phiên Âm: Thù bất năng tri, sanh diệt khứ lai. Bổn Như Lai tạng, thường trụ diệu minh. Bất động châu viên, diệu chân như tánh. Tánh chân thường trung, cầu ư khứ lai. Mê ngộ tử sanh, liễu vô sở đắc.

Việt dịch: Mà ông chẳng biết sinh, diệt, đến, đi, vốn là Như Lai tạng thường trú sáng suốt nhiệm mầu, là tánh chân như vi diệu tròn khắp, không lay động. Trong tánh chân thường ấy mà cầu những cái đến đi, mê ngộ, sinh tử hoàn toàn không thể được.

Giảng: Mà ông chẳng biết sinh, diệt, đến, đi, vốn là Như Lai tạng thường trú sáng suốt nhiệm mầu, là tánh chân như vi diệu tròn khắp, không lay động. Trong tánh chân thường ấy mà cầu những cái đến đi, mê ngộ, sinh tử hoàn toàn không thể được. Tất cả những hiện tượng ấy đều không hiện hữu. Vốn không có một vật nào cả.

Khi quý vị chưa nhận ra, thì có đến và đi, có mê và ngộ, có sinh và tử. Nhưng nếu quý vị đã nhận ra chân tâm thường trú rồi, nếu quý vị nhận ra thể tánh chân thật thanh tịnh sáng suốt của chính mình rồi, thì quý vị chấm dứt được mọi sinh diệt hư vọng ấy. Lúc ấy nếu quý vị kiếm tìm những tướng trạng như đến đi, mê ngộ, sinh tử, thì đều không thể thấy. Không thể nào tìm ra những thứ ấy cả.

 

Kinh văn: 阿難,云何五陰本如來藏妙真如性。

Phiên Âm: A-nan! Vân hà ngũ uẩn, bổn Như Lai tạng, diệu chân như tánh?

Việt dịch: A-nan, tại sao ngũ ấm vốn là Như Lai tạng, là tánh chân như nhiệm mầu?

Giảng: A-nan, tại sao ngũ ấm vốn là Như Lai tạng, là tánh chân như nhiệm mầu? A-nan, Như Lai sẽ giảng rõ cho ông.

 

Kinh văn: 阿難,譬如有人。以清淨目觀晴明空。唯一精虛,迥無所有。

Phiên Âm: A-nan! Thí như hữu nhân. Dĩ thanh tịnh mục, quán tình minh không. Duy nhất tinh hư, huýnh vô sở hữu.

Việt dịch: A-nan, thí như có người dùng mắt thanh tịnh để nhìn bầu trời quang đãng, chỉ thấy một khoảng không trong vắt.

Giảng: “A-nan, thí như có người dùng mắt thanh tịnh để nhìn bầu trời quang đãng, chỉ thấy một khoảng không trong vắt.” Mắt của A-nan không bị bệnh, không giống như mắt của những người bị một lớp màng bao phủ. A-nan nhìn vào hư không–trong lặng suốt cả nghìn dặm,

“A-nan chẳng thấy gì khác ngoài hư không trong lặng.” Chỉ có hư không, ngoài ra không có gì khác nữa. Chẳng có chút mây nào trong đó cả. Trong hư không ấy không còn có một thứ gì khác nữa cả. Như Lai tạng cũng giống như vậy, nếu quý vị thực sự nhận ra thì vốn chẳng có gì khác. Đó là ý của Lục Tổ khi Ngài nói: Bổn lai vô nhất vật

本 來 無 一 物
Hà xứ nhạ trần ai.
何 處 惹 塵 埃
Xưa nay thể vắng lặng
Đâu có gì trần ai .1
Ví dụ trên cũng như vậy, cũng chính là Như Lai tạng.

 

Kinh văn: 其人無故不動目睛。瞪以發勞,則於空別見狂花。復有一切狂亂非相。

Phiên Âm: Kỳ nhân vô cố, bất động mục tình. Trừng dĩ phát lao, tức ư hư không, biệt kiến cuồng hoa. Phục hữu nhất thiết, cuồng loạn phi tướng.

Việt dịch: Người kia vô cớ nhìn sững chẳng nháy mắt, nhìn lâu phát ra mỏi mệt, nên trong hư không riêng thấy có hoa đốm lăng xăng và tất cả các tướng giả dối không thật.

Giảng: Người được đề cập ở đây là người có con mắt thanh tịnh đã nói ở trên, họ nhìn thấy hư không trong lặng và thấy trong đó không có một vật nào khác. Trong đó toàn là hư không. “Người kia vô cớ nhìn sững chẳng nháy mắt – nếu mắt người ấy cứ nhìn sững vào hư không mà không lay động– nhìn lâu phát ra mỏi mệt.” Anh ta nhìn trừng trừng vào hư không mà mắt không hề nhấp nháy, nên một lúc lâu sau đó anh ta thấy mỏi mắt. Nên trong hư không riêng thấy có hoa đốm lăng xăng.

Sau khi nhìn sững vào hư không một thời gian, anh ta thấy trong đó có những vật lăng xăng– chẳng hạn, những dạng hoa đốm, có nghĩa là những vật không có thật. Tại sao trong đó lại có những hoa đốm lăng xăng? Vì anh ta đã nhìn trừng trừng vào hư không quá lâu nên mắt anh ta sinh ra mỏi mệt, nên thấy có các tướng hoa đốm lăng xăng xuất hiện, cũng như tất cả các tướng giả dối không thật.”

Trong đó không chỉ là các tướng hoa đốm lăng xăng, còn có những vật khác mà trước nay chưa từng thấy. Trong muôn hồng ngàn tía của màu sắc cầu vồng, mọi vật tượng dường như là có nhưng thật ra thì không. Đôi khi thấy đầu con vật trên thân con người, đôi khi lại thấy đầu người trên thân con vật. Nhiều vật tượng phi lý được nhìn thấy trong hư không– vì mắt trở nên mập mờ do nhìn chăm chú quá lâu. Trường hợp nầy được ví như ngũ ấm vậy.

 

Kinh văn: 色陰當知亦復如是。

Phiên Âm: Sắc uẩn đương tri, diệc phục như thị.

Việt dịch: Nên biết sắc ấm cũng lại như vậy.

Giảng: Bây giờ khi ta nhìn vào mọi vật có hình tướng trên thế gian, chúng ta nghĩ rằng các vật ấy đều là có thật. Thực ra, các vật ấy cũng cùng chung một nguyên lý như ví dụ về người nhìn sững vào hư không quá lâu đến mức “trừng phát lao tướng” và nhìn thấy hoa đốm lăng xăng giữa hư không. Nên biết sắc ấm cũng lại như vậy.

 

Kinh văn: 阿難,是諸狂花。非從空來,非從目出。

Phiên Âm: A-nan! Thị chư cuồng hoa. Phi tùng không lai, phi tùng mục xuất.

Việt dịch: A-nan, các hoa đốm lăng xăng ấy chẳng phải từ hư không mà đến, cũng chẳng phải từ mắt mà ra.

Giảng: A-nan, ông có biết rằng ngũ uẩn cũng chính là Như Lai tạng diệu chân như tánh hay không? A-nan, ông nên biết rằng không chỉ các hoa đốm lăng xăng ấy – mà còn tất cả các tướng huyễn hóa không thật khác – chẳng phải từ hư không mà đến, cũng chẳng phải từ mắt mà ra.

 

Kinh văn: 如是阿難,若空來者。既從空來還從空入。若有出入即非空。空若非空自不容其花相起滅。如阿難體不容阿難。

Phiên Âm: Như thị A-nan, nhược không lai giả. Ký tùng không lai, hoàn tùng không nhập. Nhược hữu xuất nhập, tức phi hư không. Không nhược phi không, tự bất dung kỳ, hoa tướng khởi diệt. Như A-nan thể, bất dung A-nan.

Việt dịch: Đúng vậy, A-nan. Nếu từ hư không đến, đã từ hư không đến thì phải trở về với hư không. Nếu có ra có vào tức chẳng phải là hư không. Hư không nếu chẳng không thì chẳng dung chứa được tướng hoa đốm sinh diệt kia. Như thân thể A-nan thì chẳng dung nạp thêm một A-nan nào được nữa.

Giảng: “Như vậy, A-nan. Cũng như nguyên lý mà Như Lai đac giải thích ở trên. Nếu từ hư không đến, nếu ông cho rằng hoa đốm lăng xăng và tất cả các tướng huyễn hóa không thật phát khởi từ hư không, chúng đã từ hư không đến thì phải trở về với hư không. Vì nó sinh khởi từ hư không, thì phải trở về với hư không.

Nếu có ra có vào tức chẳng phải là hư không. Nếu các tướng hoa đốm lăng xăng từ hư không mà ra và trở về lại với hư không thì nó chẳng phải là hư không nữa. Hư không được gọi là hư không vì trong đó không có một thứ nào khác cả. Nếu còn có bất kỳ vật gì từ trong ấy sinh ra rồi trở về nhập vào trong ấy thì đó chẳng được gọi là hư không vì vốn chẳng có gì trong hư không cả. Hư không nếu chẳng không thì chẳng dung chứa được tướng hoa đốm sinh diệt kia. Nếu hư không chẳng không, thì các tướng hoa đốm lăng xăng kia chẳng thể nào có nơi chốn để xuất sinh và tiêu trầm.

Như thân thể A-nan thì chẳng dung nạp thêm một A-nan nào được nữa.” Hư không vốn chẳng có một vật nào trong đó cả, nên hoa đốm chẳng lưu xuất từ hư không. Nếu không thì hư không sẽ cho là hư không, cũng giông như thân thể của ông vậy đó A-nan, thân ấy không thể nào chứa thêm một A-nan nào khác nữa cả. Chẳng thể nào có thêm một A-nan nào khác nhập vào thân ông cả, cũng vậy, nếu hư không chẳng không thì nó không thể nào dung chứa được vật.

 

Kinh văn: 若目出者既從目出還從目入。

Phiên Âm: Nhược mục xuất giả, ký tùng mục xuất, hoàn tùng mục nhập.

Việt dịch: Nếu hoa đốm từ mắt mà có, đã từ mắt mà ra thì phải trở về trong mắt.

Giảng: Có khi ông lại cho rằng vì con mắt nhìn sững quá lâu hóa ra mỏi mệt, nên chính con mắt sinh ra hoa đốm lăng xăng và các tướng huyễn hóa không thật. “Nếu hoa đốm từ mắt mà có, đã từ mắt mà ra thì phải trở về trong mắt.”

 

Kinh văn: 即此花性從目出故,當合有見。若有見者去既花空,旋合見眼。若無見者出既翳空旋當翳眼。

Phiên Âm: Tắc thử hoa tánh, tùng mục xuất cố, đương hợp hữu kiến. Nhược hữu kiến giả, khứ ký hoa không, toàn hợp kiến nhãn. Nhược vô kiến giả, xuất ký ế không, toàn đương ế nhãn.

Việt dịch: Nếu tánh của hoa đốm từ mắt mà có, thì lẽ ra nó phải thấy được. Nếu nó thấy được thì khi ra làm hoa đốm giữa hư không, khi trở về nó phải thấy con mắt. Nếu không thấy được, thì khi ra làm mờ hư không và khi trở về phải làm mờ con mắt.

Giảng: Nếu tánh của hoa đốm từ mắt mà có, thì lẽ ra nó phải thấy được. Nếu cho rằng hoa đốm phát sinh từ mắt, thì lẽ ra nó phải có tánh thấy. Nếu nó thấy được – nếu hoa đốm giữa hư không có được tánh thấy thì khi ra làm hoa đốm giữa hư không, khi trở về nó phải thấy con mắt. Khi nó đi ra ngoài, thì lẽ ra chẳng còn hoa đốm nào trong con mắt cả, và khi trở về, thì hoa đốm phải thấy được con mắt. Nếu không thấy được,

– Nếu khi trở về mà không thấy được mắt, thì khi ra làm mờ hư không và khi trở về phải làm mờ con mắt. Như thể là có một lớp màng che mờ con mắt và như thể lớp màng ấy sẽ biến mất khi hoa đốm đi ra. Nhưng khi nó trở về, nó sẽ che mờ con mắt. Con mắt của quý vị vốn không lưu giữ một vật nào cả, thế khi hoa đốm giữa hư không lui trở về trong mắt quý vị, thì mắt cất giữ hoa đốm vào chỗ nào?

 

Kinh văn: 又見花時目應無翳。云何晴空,號清明眼。

 

Phiên Âm: Hựu kiến hoa thời, mục ưng vô ế. Vân hà tình không, hiệu thanh minh nhãn.

Việt dịch: Lại nữa, khi thấy hoa đốm, phải không mờ. Tại sao khi thấy hư không trong lặng, mới gọi là con mắt trong sáng?

Giảng: Lại nữa, khi thấy hoa đốm, lẽ ra mắt không mờ. Lại nữa, nếu ông cho rằng hoa đốm từ mắt mà ra, thì khi ông nhìn thấy hoa đốm đi ra trong hư không, lẽ ra mắt ông sẽ không bị như có màng che phía trước; sẽ không có gì che mờ cả. Tại sao khi thấy hư không trong lặng, mới gọi là con mắt trong sáng? Tại sao mắt được gọi là thanh tịnh sáng suốt khi nhìn thấy hư không trong lặng, không có những tướng hoa đốm lăng xăng? Mắt ông được gọi là thanh tịnh sáng suốt vì không có lớp màng che mờ trước nó.

 

Kinh văn: 是故當知色陰妄。本非因非自然性。

Phiên Âm: Thị cố đương tri, sắc uẩn hư vọng. Bổn phi nhân duyên, phi tự nhiên tánh.

Việt dịch: Do vậy nên biết sắc ấm không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Giảng: Do vậy nên biết– từ những điều vừa được giảng giải, ông nên nhận ra rằng sắc ấm vốn là không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, nó không thật sự hiện hữu nhờ vào nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

 

Kinh văn: 阿難,譬如有人。手足宴安百骸調適。忽如忘生,性無違順。其人無故以二手掌於空相摩。於二手中,妄生澀滑冷熱諸相。

Phiên Âm: A-nan! Thí như hữu nhân. Thủ túc yến an, bách hài điều thích. Hốt như vong sanh, tánh vô vi thuận. Kỳ nhân vô cố, dĩ nhị thủ chưởng, ư không tướng ma. Ư nhị thủ trung, vọng sanh sáp hoạt, lãnh nhiệt chư tướng.

Việt dịch: A-nan, ví như có người, tay chân rảnh rang, thân thể điều hòa, bỗng dưng quên mình, tánh chẳng có thuận nghịch.. Người nầy vô cớ xoa hai bàn tay giữa hư không, trong lòng bàn tay vọng sanh các tướng trơn, rít, lạnh, nóng.

Giảng: “A-nan, ví như có người, tay chân rảnh rang.” Anh ta đang nhàn rỗi, không có việc gì quan trọng phải làm. Thân thể điều hòa– tiếng Hán trong kinh văn là bách hài – 百骸. Có nghĩa là anh ta rất tự nhiên. Bỗng dưng quên mình vì tâm tánh chẳng có gì chống trái nhau. Trong phút chốc như thể anh ta quên mất thân tâm mình đang hiện hữu. Chữ vi 違 trong nguyên bản chữ Hán có nghĩa là sự đau khổ. Chữ thuận 順 trong nguyên bản chữ Hán có nghĩa là sự an vui. Người nầy vô cớ xoa hai bàn tay giữa hư không.

Tự nhiên người ấy xoa hai bàn tay của mình giữa hư không, nhưng khi anh ta làm như vậy thì trong lòng bàn tay vọng sanh các tướng trơn, rít, lạnh, nóng. Bàn tay của một số người thì thô ráp, có người thì bàn tay rất mềm mại, như thể có xoa chút dầu, đó là dạng bàn tay mà trong kinh gọi là ‘trơn’. Hoặc là họ có cảm giác lòng bàn tay mình lành lạnh; khi họ xoa bàn tay với nhau thì thấy ấm nóng. Đó đều là những tác dụng của cảm giác. Cảm thọ phát sinh khi quý vị có một niệm tri giác móng khởi trong tâm. Kinh văn nói rằng vô cố : có nghĩa là các tướng trơn, rít, lạnh, nóng đều là hư vọng, không thật.

 

Kinh văn: 受陰當知,亦復如是。

Phiên Âm: Thọ uẩn đương tri, diệc phục như thị.

Việt dịch: Nên biết thọ ấm cũng giống như vậy.

Giảng: Trong ngũ uẩn. Ông nên biết thọ ấm cũng giống như vậy.

 

Kinh văn: 阿難,是諸幻觸。不從空來不從掌出。

Phiên Âm: A-nan! Thị chư huyễn xúc. Bất tùng không lai, bất tùng chưởng xuất.

Việt dịch: A-nan, các cảm xúc không thật ấy, chẳng từ hư không mà đến, cũng chẳng từ bàn tay mà ra.

Giảng: Ở trên đã nói về sắc uẩn, nay nói về thọ uẩn. A-nan, các cảm xúc không thật ấy– cảm xúc hư vọng, không thật ấy– chẳng từ hư không mà đến, cũng chẳng từ bàn tay mà ra.

 

Kinh văn: 如是阿難,若空來者。既能觸掌,何不觸身。不應空選擇來觸。

Phiên Âm: Phật cáo: Như thị A-nan, nhược không lai giả. Ký năng xúc chưởng, hà bất xúc thân. Bất ưng hư không, tuyển trạch lai xúc.

Việt dịch: Đúng vậy, A-nan. Nếu từ hư không đến, đã xúc chạm với bàn tay, sao chẳng xúc chạm với thân? Chẳng lẽ hư không biết chọn lựa nơi chốn để xúc chạm?

Giảng: Đúng vậy, A-nan. Nếu từ hư không đến– nếu xúc giác, cảm thọ đó đến từ hư không, nó đã xúc chạm với bàn tay, sao chẳng xúc chạm với thân? Tại sao cảm thọ đó không đến tiếp xúc với cả toàn thân? Chẳng lẽ hư không biết chọn lựa nơi chốn để xúc chạm? Cơ bản là hư không chẳng có tri giác, hư không chẳng biết chọn lựa bàn tay hay thân thể để mà tiếp xúc. Hư không chẳng có niệm phân biệt ấy. Thế nên cảm thọ chẳng đến từ hư không, cũng chẳng đến từ bàn tay.

 

Kinh văn: 若從掌出,應非待合。

Phiên Âm: Nhược tùng chưởng xuất, ưng phi đãi hợp.

Việt dịch: Nếu nó đến từ bàn tay thì lẽ ra chẳng đợi hai bàn tay hợp lại mới có.

Giảng: Nếu nó đến từ bàn tay– nếu các cảm giác trơn, rít, lạnh, nóng đều đến từ bàn tay thì lẽ ra chẳng đợi hai bàn tay hợp lại mới có. Nếu các cảm giác đều từ bàn tay mà có, thì lẽ ra không cần phải chờ đến khi hai bàn tay tiếp xúc với nhau trước rồi mới sinh ra cảm giác ấy.

 

Kinh văn: 又掌出故。合則掌知,離即觸入。臂腕骨髓應亦覺知入時蹤跡。

Phiên Âm: Hựu chưởng xuất cố. Hợp tắc chưởng tri, ly tức xúc nhập.

Tý oản cốt tủy, ưng diệc giác tri, nhập thời tung tích.

Việt dịch: Lại nữa, nếu (cảm thọ) từ trong lòng bàn tay mà ra thì khi bàn tay hợp lại mới biết có cảm xúc, đến khi hai tay rời nhau thì cảm xúc phải trở vào. Vậy cánh tay, cổ tay, xương tủy lẽ ra phải biết tung tích khi ra vào của cảm xúc.

Giảng: Lại nữa, nếu (cảm thọ) từ trong lòng bàn tay mà ra–đây là một giả thiết khác nữa. Nếu cảm thọ xuất phát từ lòng bàn tay, thì khi bàn tay hợp lại mới biết có cảm xúc, thì khi quý vị xoa 2 bàn tay với nhau thì bàn tay mới nhận biết. Đến khi hai tay rời nhau thì cảm xúc phải trở vào. Khi quý vị tách rời hai bàn tay ra, cảm giác xúc chạm lẽ ra phải trở về lại với bàn tay thông qua cánh tay, cổ tay, xương tủy. Vậy cánh tay, cổ tay, xương tủy lẽ ra phải biết tung tích khi ra vào của cảm xúc. Tại sao cảm xúc ấy vẫn ở bên ngoài mà không biết cảm giác trơn, rít, lạnh, nóng? Sao quý vị không biết được tiến trình của nó, đường của nó đi, và khi nào thì cảm giác ấy đi qua cánh tay?

 

Kinh văn: 必有覺心,知出知入。自有一物身中往來。何待合知要名為觸。

Phiên Âm: Tất hữu giác tâm, tri xuất tri nhập. Tự hữu nhất vật, thân trung vãng lai. Hà đãi hợp tri, yếu danh vi xúc.

Việt dịch: Còn phải có tâm hay biết, biết khi nó ra, khi nó vào, cho đến phải biết có một vật qua lại trong thân. Đâu cần phải đợi khi hai tay hợp nhau mới gọi là cảm xúc?

Giảng: Còn phải có tâm hay biết, biết khi nó ra, khi nó vào, cho đến phải biết có một vật qua lại trong thân. Chắc chắn trong tâm phải biết khi nào xúc giác đi ra và khi nào xúc giác trở về, vì đương nhiên là tâm phải biết bất kỳ vật nào đi ra hay đi vào qua đường thân thể. Đâu cần phải đợi khi hai tay hợp nhau – tại sao ông phải đợi đến khi hai bàn tay xoa vào nhau rồi mới biết sự xúc chạm– mới gọi là cảm xúc?

 

Kinh văn: 是故當知受陰妄。本非因非自然性

Phiên Âm: Thị cố đương tri, thọ uẩn hư vọng. Bổn phi nhân duyên, phi tự nhiên tánh.

Việt dịch: Do vậy nên biết thọ ấm không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Giảng: Do vậy nên biết– từ những điều vừa được giảng giải, ông nên nhận ra rằng thọ ấm vốn là không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, nó không thật sự hiện hữu nhờ vào nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

 

Kinh văn: 阿難,譬如有人。談說醋梅口中水出。思踏懸崖足心酸澀。

Phiên Âm: A-nan! Thí như hữu nhân. Đàm thuyết thố mai, khẩu trung thủy xuất. Tư đạp huyền nhai, túc tâm toan sáp.

Việt dịch: A-nan, như có người khi nghe nói đến me chua thì trong miệng nước bọt chảy ra, nghĩ đến khi đứng trên dốc cao thì lòng bàn chân cảm thấy rờn rợn. Nên biết tưởng ấm cũng giống như vậy.

Giảng: A-nan, nay Như Lai tiếp tục nói về tưởng ấm cho ông. Tưởng ấm cũng là tánh Như Lai tạng, cũng là diệu chân như tánh. Hãy xem, chẳng hạn như có người khi nghe nói đến me chua thì trong miệng nước bọt chảy ra. A-nan, tưởng ấm cũng giống như khi có người nghe nói đến me chua thì trong miệng liền tiết ra nước bọt, hoặc là nghĩ đến khi đứng trên dốc cao thì lòng bàn chân cảm thấy rờn rợn. Nghĩa là khi đứng trên ngọn núi cao, rất cao, phía dưới núi là một khe núi sâu chừng 10.000 foot;

Nếu quý vị đứng ngay mỏm đá cạnh bờ vực ấy, thì lòng bàn chân của quý vị sẽ thấy rờn rợn. Thực vậy, không cần phải đi đến nơi bờ vực ấy, chỉ cần nghĩ về nó thôi, một khi sự tưởng tượng đó len vào tâm trí quý vị thì quý vị liền thấy gan bàn chân mình rờn rợn. Cảm giác ấy từ đâu mà có? Nó sinh khởi từ tưởng ấm. Không cần phải ăn me chua, nhưng chỉ cần nghĩ tưởng đến chúng “A! me chua thật là chua!”, quý vị liền chép miệng, và nước bọt trong miệng liền tiết ra. Thế nên người Trung Hoa có câu ngạn ngữ: Nghĩ đến me chua có thể làm dịu cơn khát

Nhưng bánh vẽ thì không thể làm no bụng. Tại sao me chua có thể làm dịu cơn khát? Vì tưởng ấm làm phát sinh loại cảm giác như thế nầy. Vào thời Tam quốc ở Trung Hoa, Tào Tháo thống lĩnh hơn một triệu quân xuất chinh, cách Ch’u Cheng chừng 10 dăm thì quân lính bị lạc đường. Họ không biết hiện mình đang ở đâu và không có nước để uống, không có lương thực để ăn. Họ bị cái khát ám ảnh, cảm thấy mệt mỏi, không thể nào lê bước nổi.

Họ hầu như sắp chết khát. Tào Tháo là một viên tướng tinh ranh như cáo, liền truyền lệnh: “Không được dừng nghỉ, phía trước có rừng me. Khi đến đó, mọi người sẽ được ăn me.” Ngay khi ông ta nói đến me, miệng của quân lính liền tiết ra nước bọt, và cơn khát liền được chế ngự. Quân lính bước nhanh để đến rừng me. Hóa ra chẳng có rừng me nào cả, nhưng Tào Thào nhanh trí nói vậy để xoa dịu cơn khát của quân lính.

 

Kinh văn: 想陰當知亦復如是。

Phiên Âm: Tưởng uẩn đương tri, diệc phục như thị.

Việt dịch: Nên biết tưởng ấm cũng giống như vậy.

Giảng: Nên biết tưởng ấm cũng giống như vậy. Nói đến bánh vẽ khiến tôi nhớ một câu chuyện. Một hôm có anh chàng keo kiệt quyết định làm một món quà. Anh ta nói với người bạn mình: “Khi nào đến sinh nhật của anh, tôi sẽ tặng anh một món quà đáng giá 1 đô-la.” Người bạn kia vốn cũng là một người keo kiệt, liền nói: “Cảm ơn anh rất nhiều! Đến ngày sinh nhật của anh, tôi cũng sẽ tặng anh một món quà.” Người keo kiệt thứ nhất hỏi: “Thế anh sẽ tặng tôi cái gì?”

“Tôi sẽ tặng anh một cái bánh.” Nói xong, người keo kiệt thứ hai liền lấy giấy vẽ ngay lên đó cái bánh sinh nhật. “Đây! Xin tặng anh món quà sinh nhật.” Vào lúc ấy, có một chàng keo kiệt thứ ba cũng đang đứng ở đó, nghe toàn bộ câu chuyện trên, anh ta nói:

“Thế cũng còn quá phiền toái. Khi nào đến sinh nhật của anh, tôi sẽ tặng anh một cái bánh sinh nhật lớn như thế nầy nè. Thực vậy. Bây giờ tôi sẽ mô tả cho anh tưởng tượng nó lớn cỡ nào, rồi tôi tặng cái bánh ấy cho anh luôn. Chẳng cần phải mất công vẽ nó ra làm gì!” Người keo kiệt thứ ba chẳng cần phải tốn một đô-la mới mua được quà, trong khi người thứ hai phải cần vẽ một bức tranh, thế nên anh ta chỉ cần làm một động tác tượng trưng và xem đó như là đã trao tặng bánh sinh nhật rồi.

 

Kinh văn: 阿難如是醋說。不從梅生非從口入。

Phiên Âm: A-nan! Như thị thố thuyết. Bất tùng mai sanh, phi tùng khẩu nhập.

Việt dịch: A-nan, cái tiếng chua nầy chẳng từ me sinh ra, chẳng phải từ miệng vào.

Giảng: A-nan, cái tiếng chua nầy chẳng từ me sinh ra, chẳng phải từ miệng vào. Tình trạng trong miệng chảy nước bọt khi nghe nói đến me chua không phải sinh khởi từ me, mà phát xuất từ tác dụng của tưởng ấm.

 

Kinh văn: 如是阿難,若梅生者。梅合自談,何待人說。若從口入,自合口聞, 何須待耳。若獨耳聞此水何不耳中而出。

Phiên Âm: Như thị A-nan, nhược mai sanh giả. Mai hợp tự đàm, hà đãi nhân thuyết. Nhược tùng khẩu nhập, tự hợp khẩu văn, hà tu đãi nhĩ. Nhược độc nhĩ văn, thử thủy hà bất, nhĩ trung nhi xuất.

Việt dịch: Thật vậy A-nan, nếu từ me sanh ra thì me tự biết nói, đâu cần đợi người nói. Nếu từ miệng mà vào thì tự miệng đã nghe tiếng, đâu cần đến tai nghe. Nếu riêng tai nghe được thì nước bọt nầy tại sao không tiết ra từ lỗ tai ?

Giảng: Thật vậy A-nan– cũng như trường hợp Như Lai đã trình bày ở trên, nếu từ me sanh ra– nếu miệng tiết ra nước bọt là do me chua thì me tự biết nói, đâu cần đợi người nói. Trái me tự nó có thể nói được, không cần phải nhờ có người nói thay cho nó. Nhưng trái me không thể nào tự nói được, phải nhờ một người nào khác nói rằng me chua nên miệng người kia mới tiết ra nước bọt. Nếu từ miệng mà vào – nếu phát xuất từ miệng vì nước bọt từ miệng tiết ra– thì tự miệng đã nghe tiếng. Như thế là do miệng đã nghe được ai đó nói về me chua, không phải là do tai đã nghe.

Đâu cần đến tai nghe. Đâu cần đợi đến tai nghe, miệng nghe là đủ rồi. Nếu riêng tai nghe được– nếu tánh nghe có tác dụng chỉ khi nào có vật gì đi vào lỗ tai thì nước bọt nầy tại sao không tiết ra từ lỗ tai ? Nếu lỗ tai và miệng không liên quan với nhau gì cả thì khi nghe người ta nói về me chua, lẽ ra nước bọt phải tiết ra từ lỗ tai. Rốt ráo, chính lỗ tai đã nghe. Sự thực về nguyên lý nầy như thế nào?

Kinh văn: 想踏懸崖,說相類。

Phiên Âm: Tưởng đạp huyền nhai, dữ thuyết tướng loại.

Việt dịch: Việc nghĩ tưởng mình đứng trên dốc cao cũng giống như vậy.

Giảng: Việc nghĩ tưởng – quý vị tưởng tượng mình đang đứng trên một mỏm đá, dưới chân là bờ vực sâu 10.000 foot, chân quý vị run lên, mềm nhũn và thấy gan bàn chân có cảm giác rờn rợn. Có một vị bác sĩ đang học kinh nơi đây. Bác sĩ có đồng ý rằng có sự việc như vậy xảy ra không? Quý vị nên biết tại sao lòng bàn chân có cảm giác rờn rợn trong tình huống như vậy. Không nhất thiết phải đi đến đứng trên bờ vực; chỉ cần quý vị tưởng tượng đến chuyện ấy thôi.

“Bây giờ tôi đang đứng trên mỏm đá của bờ vực sâu 10.000 foot, chỉ cần bất cẩn một chút thôi, ta sẽ rơi xuống hố sâu không đáy nầy ngay.” Ngay khi ấy chân của quý vị liền trở nên yếu đi và lòng bàn chân rờn rợn. Người ta thường hay nói về năng lực ám thị. Năng lực ám thị do đâu mà có? Quý vị suy từ chuyện này ra thì sẽ rõ. Thế nên, việc nghĩ tưởng mình đứng trên dốc cao cũng giống như vậy. Cũng giống như miệng tiết ra nước bọt khi nghe nói về me chua. Cả hai đều là kết quả của tưởng ấm.

 

Kinh văn: 是故當知想陰妄。本非因非自然性

Phiên Âm: Thị cố đương tri, tưởng uẩn hư vọng. Bổn phi nhân duyên, phi tự nhiên tánh.

Việt dịch: Do vậy nên biết tưởng ấm không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Giảng: Nếu tưởng ấm chẳng phải từ nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên, thì rốt ráo tánh của nó là gì? Đó là tánh Như Lai tạng, là diệu chân như tánh của Như Lai tạng. Do vậy nên biết– ông nên phải biết tưởng ấm không thật. Tưởng ấm, một trong ngũ ấm, là hư vọng, không thật, hư vọng sinh ra rồi hư vọng diệt mất. Cội nguồn sinh khởi của cái hư vọng nầy là gì?

Nó sinh khởi từ trong diệu chân như tánh của Như Lai tạng. Từ chân mà khởi vọng. Thế nên các tướng hư vọng hiện ra. Các lý lẽ về miệng tiết ra nước bọt và lòng bàn chân có cảm giác rờn rợn phát sinh từ đâu? Chúng phát sinh từ hư vọng. Hư vọng từ đâu sinh ra? Nó sinh ra từ diệu chân như tánh của Như Lai tạng. Do vậy nó vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

 

Kinh văn: 阿難,譬如暴流波浪。相續前際後際不相踰越。行陰當知亦復如是。

Phiên Âm: A-nan! Thí như bạo lưu, ba lãng tướng tục, tiền tế hậu tế, bất tướng du việt.

Việt dịch: A-nan, ví như dòng nước chảy mạnh, các làn sóng nối tiếp, lớp trước lớp sau chẳng vượt khỏi nhau.

Giảng: Trên đã giảng về tưởng ấm. Phần nầy của kinh văn sẽ nói về hành ấm. Trong tiếng Hán, chữ hành – 行 còn đọc là heng. Hành ấm giống như một dòng nước chảy xiết. A-nan, ví như dòng nước chảy mạnh, các làn sóng nối tiếp, lớp trước lớp sau chẳng vượt khỏi nhau. Các ngọn sóng chồm lên phía trước, phía sau vô số các ngọn sóng khác liên tục phủ lên nhau. Khi quý vị nhìn vào sóng, quý vị thấy sóng chồm về bên phải, rồi chồm về bên trái, rồi nghĩ rằng chẳng có ai theo dõi đến chúng, sóng rất có trật tự. Phần lớn, sóng chỉ có một dạng, nhưng ngọn sóng lớn lại phát tán ra thành nhiều ngọn sóng trong cùng một lúc. Những ngọn sóng ấy giống như các niệm tưởng trong tâm của con người. Trong tâm thức, trong thức thứ tám, niệm nầy sinh khởi, niệm khác hoại diệt theo sau các niệm khác dấy khởi. Sự sinh khởi và hoại diệt của các niệm trong tâm thức cũng giống như sóng trên mặt nước. Nó liên tục nối tiếp nhau, ngọn nầy kế tiếp ngọn kia, giống như niệm tưởng trong tâm con người vậy: niệm nầy dừng, niệm khác sinh khởi, niệm kia dừng, liền có niệm kế tiếp nối theo. Một niệm vừa diệt, niệm khác liền sinh, niệm kia vừa sinh, niệm sau liền diệt. Nó liên tục trình hiện như sóng, không bao giờ vượt qua nhau. Ngọn sóng đi sau không bao giờ phủ lên đầu ngọn sóng trước. Cũng vậy, niệm tưởng sau của quý vị không bao giờ phóng vọt lên trước niệm hiện tiền. Thế nên giữa các niệm có một hoạt động rất trật tự, không một chút sai lầm. Mới nhìn qua thấy các ngọn sóng tưởng như không có ranh giới, nhưng thực ra sóng di chuyển từng ngọn từng ngọn rất có trật tự và liên tục không bao giờ dừng nghỉ.

 

Kinh văn: 行陰當知亦復如是

Phiên Âm: Hành uẩn đương tri, diệc phục như thị.

Việt dịch: Nên biết hành ấm cũng lại như vậy.

Giảng: Hành ấm, món thứ tư trong ngũ ấm, cũng giống như dòng nước chảy mạnh. Sóng thức trong tâm con người cũng liên tục không dừng nghỉ trong một tiến trình trật tự khiến cho con người chuyển biến trưởng thành từ thiếu niên đến tráng niên, từ trung niên đến già lão, từ già đến chết. Điều nầy tương tự như các ngọn sóng liên tục nối tiếp theo nhau.

 

Kinh văn: 阿難如是流性。不因空生不因水有。亦非水性非離空水。

Phiên Âm: A-nan! Như thị lưu tánh. Bất nhân không sanh, bất nhân thủy hữu. Diệc phi thủy tánh, phi ly không thủy.

Việt dịch: A-nan, tánh của dòng nước như vậy chẳng do hư không sinh ra, chẳng phải do nước mà có, cũng chẳng phải tánh nước, cũng chẳng lìa hư không và nước.

Giảng: A-nan, ông phải nên biết đạo lý nầy là gì. Tánh của dòng nước như vậy, dòng nước dồn theo nhau chảy xiết chẳng do hư không sinh ra. Chẳng phải vì hư không mà có dòng nước chảy xiết; cũng chẳng phải do nước mà có. Mặc dù sóng là ở trong nước, nhưng không phải nhờ nước mà có sóng. Cũng chẳng phải tánh nước– Sóng tự nó chẳng phải là nước – cũng chẳng lìa hư không và nước. Thế thì, nó đến từ đâu?

 

Kinh văn: 如是阿難,若因空生。則諸十方無盡虛空成無盡流。世界自然俱受淪溺。

Phiên Âm: Như thị A-nan, nhược nhân không sanh. Tức chư thập phương, vô tận hư không, thành vô tận lưu. Thế giới tự nhiên, câu thọ luân nịch.

Việt dịch: Thật vậy, A-nan. Nếu nhân hư không mà sinh thì mười phương hư không vô tận sẽ thành dòng nước vô tận. Thế giới tự nhiên sẽ bị chìm đắm.

Giảng: A-nan, Như Lai sẽ giải thích cho ông rõ hơn. Tại sao Như Lai nói rằng dòng nước chảy xiết như sóng mòi ấy lại không do hư không sinh ra? Như Lai sẽ nói cho ông rõ. Thật vậy, A-nan. Nếu nhân hư không mà sinh thì mười phương hư không vô tận sẽ thành dòng nước vô tận. Không chỉ trong thế giới nầy mới có hư không, mà khắp cả mười phương cõi nước đều có hư không. Nếu dòng nước chảy xiết như sóng mòi ấy do hư không sinh ra thì vô cùng vô tận hư không trong khắp mười phương cõi nước– hư không thì hòan toàn không có ngằn mé– sẽ trở thành một dòng nước dữ dội. Và, do dòng nước mênh mông dữ dội ấy mà thế giới tự nhiên sẽ bị chìm đắm.

Toàn thể mười thế giới sẽ bị đắm chìm trong cơn đại hồng thuỷ, và mọi loài chúng sinh sống trong đó đều sẽ bị chết đuối.

 

Kinh văn: 若因水有。則此暴流性應非水。有所有相今應現在。若即水性則澄清時應非水體。

Phiên Âm: Nhược nhân thủy hữu. Tắc thử bạo lưu, tánh ưng phi thủy. Hữu sở hữu tướng, kim ưng hiện tại. Nhược tức thủy tánh, tắc trừng thanh thời, ưng phi thủy thể.

Việt dịch: Nếu do nước mà có, nhưng dòng nước nầy tánh lại không phải là nước. Hiện nay rõ ràng có tướng hiện hữu. Nếu là tánh nước thì khi nước trong lặng, phải không có thể của nước.

Giảng: Nếu do nước mà có – nếu ông nói rằng do nước mà có dòng chảy xiết vô tận ấy thì dòng nước nầy tánh nó lẽ ra không phải là nước nữa và hiện nay có thể chỉ ra tướng của nước và dòng nước khác nhau. Vốn thể tánh của dòng nước ấy sẽ không phải là nước nữa. Lẽ ra nó phải có một nơi chốn và tướng trạng để hiện hữu. Nhưng dòng nước chảy xiết lại không có một tướng trạng thực sự. Nếu dòng nước tức là tánh nước– nếu ông cho rằng dòng nước chảy xiết chỉ vốn là nước, thì khi nước trong lặng – khi không có sóng – sẽ không còn là thể của nước nữa? Nếu vậy, không có sóng thì sẽ không có nước. Nếu ông cho rằng dòng chảy xiết ấy là nước, thì khi sóng lặng, nước sẽ không còn nữa. Sự thay đổi về tánh chất tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến sự thay đổi về thực thể.

 

Kinh văn: 若離空水。空非有外,水外無流。

Phiên Âm: Nhược ly không thủy. Không phi hữu ngoại, thủy ngoại vô lưu.

Việt dịch: Nếu lìa hư không và nước thì hư không chẳng có bên ngoài; ngoài nước chẳng có dòng nước.

Giảng: Nếu lìa hư không và nước – ông muốn nói rằng dòng chảy ấy tách rời hẳn hư không và nước mà có. Nhưng hư không vốn chẳng có trong và ngoài; ngoài nước ra vốn chẳng có dòng nước. Tách rời khỏi nước thì chẳng có dòng chảy nào cả. Nên nói lìa khỏi nước mà có dòng chảy là không đúng. Ông sẽ cho rằng chẳng lìa (khỏi nước mà có dòng chảy), điều ấy cũng sai luôn. Phân tích rốt ráo, A-nan, ông nói như thế nào về việc nầy? Đó chẳng phải là cái gì hiện hữu do nước hoặc hư không. Cội nguồn của nó là Như Lai tàng diệu chân như tánh.

 

Kinh văn: 是故當知行陰虛妄。本非因緣非自然性.

Phiên Âm: Thị cố đương tri, hành uẩn hư vọng. Bổn phi nhân duyên, phi tự nhiên tánh.

Việt dịch: Do vậy nên biết hành ấm không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Giảng: Do vậy– trước đây ông đã từng cho rằng điều nầy có liên quan đến nhân duyên và tự nhiên. Nay ông nên biết hành ấm không thật– dòng nước chảy xiết vốn là hư vọng, không thực–vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên. Điều nầy đã được trình bày trong phần nói về hành ấm. Cội nguồn của nó vốn là Như Lai tạng diệu chân như tánh. Nhưng do một niệm vô minh sinh khởi, nên chúng sinh bị mê mờ nên từ chân mà khởi ra vọng. Ông bỏ quên mất cái chân thật mà chạy đuổi theo cái hư giả, do đây nên hết thảy mọi tướng hư vọng trên thế gian được hình thành.

 

Kinh văn: 阿難,譬如有人,取頻伽瓶。塞其兩孔滿中擎空。千里遠行用餉他國。識陰當知亦復如是

Phiên Âm: A-nan! Thí như hữu nhân, thủ tần già bình. Tắc kỳ lưỡng khổng, mãn trung kình không. Thiên lý viễn hành, dụng hướng tha quốc. Thức uẩn đương tri, diệc phục như thị.

Việt dịch: A-nan, ví như có người lấy một cái bình tần già, bịt kín hai đầu lại, trong đó đựng đầy hư không, đem đi xa ngàn dặm, đến cho nước khác. Nên biết thức ấm cũng lại như vậy.

Giảng: Sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm đã được trình bày, bây giờ sẽ giải thích về thức ấm. Trước hết tôi sẽ tóm lược lại về 4 ấm đầu tiên.

– Sắc ấm đề cập đến những cái có hình tướng, có vật thể. Khi mắt trừng trừng nhìn vào hư không, thì thấy xuất hiện những hoa đốm. Dù những hoa đốm ấy là hư vọng, không có thực, nhưng nó vẫn có hình sắc.

– Thọ ấm là sự tiếp nhận, lĩnh hội. Khi hai bàn tay xoa vào nhau sẽ làm phát sinh các cảm giác thô ráp, trơn mịn, hoặc lạnh, nóng.

– Tưởng ấm đơn thuần là do niệm tưởng. Chẳng hạn, khi tai quý vị nghe ai nói về me chua, rồi quý vị bắt đầu nghĩ tưởng về me. Ngay khi quý vị nghĩ tưởng, thì trong miệng liền tiết ra nước bọt. Đây là kết quả của tưởng ấm. Nghĩ tưởng ở đây có nghĩa là vọng tưởng.

– Hành ấm có nghĩa là sự biến dịch, vận động. Nó không dừng nghỉ. Đầu tiên con người trẻ trung, rồi trở thành trung niên, rồi già và chết. Niệm nầy sinh khởi tiếp theo sau niệm kia diệt mất, niệm nầy nối tiếp niệm kia không dừng nghỉ. Đó là hành ấm.

– Thức ấm có liên quan đến sự phân biệt. Nó nhận rõ sự khác nhau giữa các sự việc; nó xem xét, suy tính, và tìm kiếm sự lợi thế trong mọi hòan cảnh. Chẳng hạn như A-nan, không phát huy công phu tu tập, không có được định lực, nhưng ham thích đa văn, có nghĩa là tìm cầu lợi thế trong hòan cảnh. Sự hoạt dụng của tâm tìm cầu lợi thế trong hòan cảnh là không có thực.

Nay sẽ giảng giải về thức ấm.

A-nan, ví như có người lấy một cái bình tần già. Tần -già[81] là tiếng Phạn, có nghĩa là tên một loài chim ở Ấn Độ, có tiếng hót rất hay. Nó có thể hót khi đứng bằng một chân. Tiếng hót của nó hay hơn hẳn những loài chim khác nên người ta rất thích nghe. Cái bình nầy có hình dáng như loài chim ấy nên có tên như vậy. Bình nầy có hai lỗ ở hai đầu .

Người trong ví dụ của Đức Phật bịt kín hai đầu lại. Anh ta nút kín hai lỗ ở hai đầu của chiếc bình tần-già lại. Trong đó đựng đầy hư không, đem đi xa ngàn dặm, đến cho nước khác. Một dặm ( lý – 里) của người Trung Hoa tương đương một phần ba hải lý (mile).[82] Có thể anh ta đi bộ, có thể anh ta đi thuyền. Vào thời ấy, chưa có máy bay, xe hơi hoặc tàu lửa. Ngày nay chúng ta có thể đi được ngàn dặm trong vòng một ngày mà chẳng bận tâm gì cả. Nhưng thời đó, muốn vượt một ngàn dặm thì chỉ bằng cách đi bộ. Anh ta làm gì với hư không trong bình tần-già? Anh ta mang tặng cho nước láng giềng. Quý vị nghĩ xem việc nầy hợp lý chăng?

Nên biết thức ấm cũng lại như vậy.

Thức ấm, tâm phân biệt, cũng giống như câu chuyện cất giữ hư không rồi đem đi xa ngàn dặm tặng cho người khác vậy.

 

Kinh văn: 阿難如是虛空。非彼方來, 非此方入。

Phiên Âm: A-nan! Như thị hư không. Phi bỉ phương lai, phi thử phương nhập.

Việt dịch: A-nan, hư không nầy chẳng phải từ phương kia đến, cũng chẳng phải từ phương nầy vào.

Giảng: A-nan, hư không nầy chẳng phải từ phương kia đến, cũng chẳng phải từ phương nầy vào.

Người kia mang hư không đi tặng, nhưng hư không từ nơi nầy và hư không nơi kia là hai thứ chăng? Vốn là không khác. Hư không chỉ là một thứ. Nếu quý vị nhốt hư không nơi nầy vào trong cái bình rồi mang đi xa ngàn dặm, qua một quốc gia khác rồi đổ nó ra, thì nó sẽ hợp với hư không nơi đó. Có gì khác nhau giữa chúng? Hư không vốn chẳng đến chẳng đi.

 

Kinh văn: 如是阿難,若彼方來。則本瓶中既貯空去。於本瓶地應少虛空。

Phiên Âm: Như thị A-nan, nhược bỉ phương lai. Tắc bổn bình trung, ký trữ không khứ. Ư bổn bình địa, ưng thiểu hư không.

Việt dịch: Như vậy A-nan, nếu hư không từ phương kia lại, thì trong bình nầy đã đựng hư không đem đi, thì ở chỗ chiếc bình phải thiếu đi một ít hư không.

Giảng: Như vậy A-nan. Tại sao Như Lai nói hư không chẳng đi từ nơi nầy đến nơi kia? Hư không vốn chẳng đến chẳng đi.

Nếu hư không từ phương kia lại, thì trong bình nầy đã đựng hư không đem đi – trong chiếc bình tần-già, người ấy chứa đầy hư không, rồi đem chiếc bình ấy đi đến một nơi khác– thì ở chỗ chiếc bình phải thiếu đi một ít hư không. Quý vị lấy đi một ít hư không chứa vào trong bình, thế nên hư không ở nơi đó phải bị ít đi, phải không? Nơi quý vị mang chiếc bình có chứa hư không đến thì hư không ở đó có tăng thêm không? Đây là trường hợp làm chuyện vô ích và kiếm chuyện để làm. Thức ấm cũng giống như vậy. Vốn chẳng có việc gì để làm, nó phân biệt bên đông, phân biệt bên tây, phân biệt mọi thứ khác nhau trong mọi tình huống khác nhau. Cũng giống như chuyện nhốt hư không vào trong cái bình rồi mang sang nước khác làm quà.

 

Kinh văn: 若此方入,開孔倒瓶,應見空出.

Phiên Âm: Nhược thử phương nhập, khai khổng đảo bình, ưng kiến không xuất.

Việt dịch: Nếu hư không từ phương nầy vào, thì khi mở miệng bình đổ ra, phải thấy hư không đi ra.

Giảng: Nếu hư không từ phương nầy vào, thì khi mở miệng bình đổ ra, phải thấy hư không đi ra.

Nếu hư không có sự đi ra đi vào, nếu ông nói rằng hư không được đem từ nơi nầy đến nơi khác thì ông phải thấy được hư không đi ra khi mở nút và chúc ngược cái bình xuống. Nếu nói không thể thấy được hư không thì hư không chẳng hiện hữu. Nếu ông thấy được hư không thì nó sẽ không phải là hư không. Vì ông không thể nào di chuyển được hư không. Ông không thể nào đem hư không từ nơi nầy đến nơi khác được.

 

Kinh văn: 是故當知識陰虛妄。本非因緣非自然性.

Phiên Âm: Thị cố đương tri, thức uẩn hư vọng. Bổn phi nhân duyên, phi tự nhiên tánh.

Việt dịch: Do vậy nên biết thức ấm không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Giảng: Do vậy– A-nan, do vì điều ấy– ông nên biết thức ấm không thật– nó cũng vậy, hư vọng, không thật–vốn chẳng phải nhân duyên.

Chẳng phải do nhân duyên mà thức ấm hiện hữu– chẳng phải tánh tự nhiên. Cũng chẳng phải do tánh tự nhiên mà thức ấm hiện hữu. Nguồn gốc phát sinh của nó vốn là Như Lai tạng diệu chân như tánh.

 

HẾT QUYỂN 2