KINH DUY MA CẬT
phụng chiếu dịch
Diêu Tần Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
— o O o —
KHAI KINH KỆ
Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp
Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa
Phật pháp rộng sâu rất nhiệm mầu
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Con nay nghe được chuyên trì tụng
Nguyện rõ Như Lai nghĩa nhiệm mầu.
TÁM QUY LUẬT CỦA VIỆN PHIÊN DỊCH KINH ĐIỂN
1. Dịch giả phải thoát mình ra khỏi động cơ tự truy cầu danh lợi.
2. Dịch giả phải tu thân dưỡng tánh, dứt bỏ thói cao ngạo.
3. Dịch giả phải tự chế, không được tự khen ngợi nhưng lại chê bai kẻ khác.
4. Dịch giả không được tự cho mình là tiêu chuẩn, là thước đo, rồi hạ thấp kẻ khác bằng cách tìm lỗi lầm nơi tác phẩm của họ.
5. Dịch giả phải lấy tâm Phật làm tâm mình.
6. Dịch giả phải dùng trạch pháp nhãn để phán xét đâu là chân lý.
7. Dịch giả phải cung kính cầu thỉnh Cao tăng, Đại đức ở mười phương chứng minh cho bản dịch.
8. Dịch giả phải hoan hỷ truyền bá giáo nghĩa nhà Phật bằng cách in Kinh, Luật, Luận một khi phần phiên dịch của mình được chứng minh là đúng.
— o O o —
Quyển thượng
— o O o —
Phật Quốc Phẩm
Đệ nhất
Cõi Phật
Phẩm thứ nhất
— o O o —
Như thị ngã văn: Nhất thời, Phật tại Tỳ-da-ly, Am-la thọ viên, dữ đại tỳ-kheo chúng bát thiên nhân câu. Bồ Tát tam vạn nhị thiên, chúng sở tri thức. Đại trí bổn hạnh giai tất thành tựu.
Tôi nghe như vậy: Một thuở nọ, đức Phật ngự tại thành Tỳ-da-ly, trong vườn cây Am-la, với chúng đại tỳ-kheo là tám ngàn người, Bồ Tát là ba mươi hai ngàn vị, mà ai ai cũng đều biết đến, đều đã thành tựu về đại trí và bổn hạnh.
Chư Phật oai thần chi sở kiến lập, vị hộ pháp thành, thọ trì Chánh pháp, năng sư tử hống, danh văn thập phương. Chúng nhân bất thỉnh hữu nhi an chi. Thiệu long Tam bảo năng sử bất tuyệt.
Oai thần mà chư Phật đã gầy dựng được, chư Bồ Tát ấy nương vào đó mà hộ vệ thành trì đạo pháp. Các ngài thọ lãnh giữ gìn Chánh pháp, có thể thuyết pháp hùng hồn như tiếng sư tử rống, danh tiếng các ngài bay khắp mười phương. Chẳng đợi sự thỉnh cầu giúp đỡ mà các ngài tự mang sự an ổn đến cho mọi người. Các ngài tiếp nối làm hưng thạnh Tam bảo, khiến cho lưu truyền chẳng dứt.
Hàng phục ma oán, chế chư ngoại đạo, tất dĩ thanh tịnh, vĩnh ly cái triền, tâm thường an trụ vô ngại giải thoát, niệm, định, tổng trì, biện tài bất đoạn. Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ cập phương tiện lực, vô bất cụ túc. Đãi vô sở đắc, bất khởi pháp nhẫn, dĩ năng tùy thuận chuyển bất thối luân. Thiện giải pháp tướng, tri chúng sinh căn.
Hàng phục ma oán, chế ngự các ngoại đạo, các ngài đã trở nên thanh tịnh, lìa hẳn các phiền não che phủ quấn quít, lòng hằng trụ yên nơi giải thoát vô ngại, niệm, định, tổng trì, tài biện thuyết chẳng gián đoạn. Các ngài có đầy đủ những đức: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ và sức phương tiện. Các ngài đạt tới mức tự thấy mình không chứng đắc chi cả, chẳng cần khởi lòng nhẫn nhịn đối với mọi sự việc mà biết tùy thuận căn cơ của chúng sinh để quay bánh xe Pháp chẳng thối lui. Các ngài biết rõ tướng trạng các pháp, hiểu được căn tánh chúng sinh.
Cái chư đại chúng, đắc vô sở úy. Công đức trí huệ, dĩ tu kỳ tâm. Tướng hảo nghiêm thân, sắc tượng đệ nhất. Xả chư thế gian sở hữu sức hảo. Danh xưng cao viễn, du ư Tu-di. Thâm tín kiên cố, du nhược kim cang. Pháp bảo phổ chiếu, nhi vũ cam-lộ. Ư chúng ngôn âm, vi diệu đệ nhất.
Bao trùm khắp đại chúng, đạt đến chỗ an ổn không sợ sệt. Dùng công đức trí huệ để tu tâm mình. Những tướng chánh quý và những tướng phụ tốt tô điểm thân thể, làm cho dung sắc hình tượng các ngài đẹp đẽ bậc nhất. Các ngài chê bỏ mọi món trang sức tốt đẹp của thế gian. Danh tiếng rất cao xa, vượt khỏi núi Tu-di. Đức tin sâu vững như kim cang. Chánh pháp quý giá, soi sáng khắp nơi và tuôn xuống như mưa cam lộ. Tiếng nói của các ngài vi diệu đệ nhất.
Thâm nhập duyên khởi, đoạn chư tà kiến, hữu vô nhị biên, vô phục dư tập. Diễn pháp vô úy, du sư tử hống. Kỳ sở giảng thuyết, nãi như lôi chấn. Vô hữu lượng, dĩ quá lượng, tập chúng pháp bảo, như hải đạo sư. Liễu đạt chư pháp thâm diệu chi nghĩa. Thiện tri chúng sinh vãng lai sở thú, cập tâm sở hành. Cận vô đẳng đẳng Phật tự tại huệ, thập lực, vô úy, thập bát bất cộng.
Các ngài thấu nhập sâu xa tới chỗ phát khởi của nhân duyên, chặt đứt các ý kiến tà vạy, ý kiến thiên lệch về hai bên, chẳng nghiêng về chấp có hoặc chấp không, không còn những thói quen xấu. Các ngài diễn giảng pháp giáo một cách hùng hồn không sợ sệt, dường như tiếng sư tử rống. Tiếng giảng thuyết vang dội như sấm dậy, không thể đong lường, quá số đong lường. Những điều quý giá mà các ngài thâu góp được trong Chánh pháp nhiều như châu báu mà một vị hải đạo sư tìm được ở biển cả. Các ngài thấu rõ nghĩa lý sâu xa huyền diệu của các pháp, biết rành chỗ đã qua và chỗ sẽ đến của chúng sinh, cùng mọi manh động trong tâm ý của họ. Các ngài gần tới mức huệ tự tại của Phật mà không ai sánh bằng. Huệ ấy bao gồm những đức như: mười trí lực, lòng chẳng sợ, mười tám món công đức.
Quan bế nhất thiết chư ác thú môn, nhi sinh ngũ đạo dĩ hiện kỳ thân. Vi đại y vương, thiện liệu chúng bệnh. Ứng bệnh dữ dược, linh đắc phục hành. Vô lượng công đức giai thành tựu. Vô lượng Phật độ giai nghiêm tịnh. Kỳ kiến văn giả, vô bất mông ích. Chư hữu sở tác diệc bất đường quyên. Như thị nhất thiết công đức giai tất cụ túc.
Các ngài đã đóng kín hết các đường ác thú địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, nhưng tự mình thị hiện sinh sống trong năm đường: cõi trời, cõi người, địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Làm bậc đại y vương, các ngài trị lành các thứ bệnh. Tùy bệnh mà cho thuốc, khiến được lành mạnh. Các ngài đều thành tựu vô lượng công đức. Vô lượng cõi Phật đều được làm cho trang nghiêm, thanh tịnh. Những ai nghe biết đến các ngài, thảy đều được lợi ích. Những việc làm đều mang lại lợi lạc cho chúng sinh. Tất cả những công đức như vậy, các ngài đều có đầy đủ.
Kỳ danh viết:
Danh hiệu là:
Bồ Tát Đẳng Quan,
Bồ Tát Bất Đẳng Quan,
Bồ Tát Đẳng Bất Đẳng Quan,
Bồ Tát Định Tự Tại Vương,
Bồ Tát Pháp Tự Tại Vương,
Bồ Tát Pháp Tướng,
Bồ Tát Quang Tướng,
Bồ Tát Quang Nghiêm,
Bồ Tát Đại Nghiêm,
Bồ Tát Bảo Tích,
Bồ Tát Biện Tích,
Bồ Tát Bảo Thủ,
Bồ Tát Bảo Ấn Thủ,
Bồ Tát Thường Cử Thủ,
Bồ Tát Thường Hạ Thủ,
Bồ Tát Thường Thảm,
Bồ Tát Hỷ Căn,
Bồ Tát Hỷ Vương,
Bồ Tát Biện Âm,
Bồ Tát Hư Không Tạng,
Bồ Tát Chấp Bảo Cự,
Bồ Tát Bảo Dũng,
Bồ Tát Bảo Kiến,
Bồ Tát Đế Võng,
Bồ Tát Minh Võng,
Bồ Tát Vô Duyên Quan,
Bồ Tát Huệ Tích,
Bồ Tát Bảo Thắng,
Bồ Tát Thiên Vương,
Bồ Tát Hoại Ma,
Bồ Tát Điện Đức,
Bồ Tát Tự Tại Vương,
Bồ Tát Công Đức Tướng Nghiêm,
Bồ Tát Sư Tử Hống,
Bồ Tát Lôi Âm,
Bồ Tát Sơn Tướng Kích Âm,
Bồ Tát Hương Tượng,
Bồ Tát Bạch Hương Tượng,
Bồ Tát Thường Tinh Tấn,
Bồ Tát Bất Hưu Tức,
Bồ Tát Diệu Sinh,
Bồ Tát Hoa Nghiêm,
Bồ Tát Quán Thế Âm,
Bồ Tát Đắc Đại Thế,
Bồ Tát Phạm Võng,
Bồ Tát Bảo Trượng,
Bồ Tát Vô Thắng,
Bồ Tát Nghiêm Độ,
Bồ Tát Kim Kế,
Bồ Tát Châu Kế,
Bồ Tát Di-lặc,
Bồ Tát Pháp vương tử Văn-thù Sư-Lợi
… Như thị đẳng tam vạn nhị thiên nhân.
… Những Bồ Tát như vậy là ba mươi hai ngàn vị.
Phục hữu vạn Phạm thiên vương Thi-khí đẳng, tùng dư Tứ thiên hạ, lai nghệ Phật sở, nhi vị thính pháp. Phục hữu vạn nhị thiên thiên đế, diệc tùng dư Tứ thiên hạ, lai tại hội tọa. Tinh dư đại oai lực chư thiên, long thần, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già đẳng, tất lai hội tọa. Chư tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, câu lai hội tọa.
Lại có mười nghìn Phạm Thiên Vương, như Phạm vương Thi Khí…, từ các cõi Tứ thiên hạ khác đến nơi Phật ngự để nghe pháp. Lại có một mười hai ngàn vị thiên đế, cũng từ các cõi Tứ thiên hạ khác đến dự pháp hội. Cũng có cả chư thiên oai đức lớn, long thần, dạ-xoa,càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la già, thảy đều đến ngồi nơi pháp hội. Chư tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di cũng về ngồi trong pháp hội.
Bỉ thời, Phật dữ vô lượng bá thiên chi chúng cung kính vi nhiễu, nhi vị thuyết pháp. Thí như Tu-di sơn vương, hiển ư đại hải, an xử chúng bảo sư tử chi tọa, tế ư nhất thiết chư lai đại chúng.
Lúc ấy, Phật vì đại chúng vô lượng trăm ngàn người cung kính bao quanh mà thuyết pháp, như núi chúa Tu-di hiện rõ trên biển cả, Ngài ngồi yên trên tòa sư tử nghiêm sức bởi các báu, che mờ tất cả đại chúng đến dự pháp hội.
Nhĩ thời, Tỳ-da-ly thành, hữu trưởng giả tử danh viết Bảo Tích, dữ ngũ bá trưởng giả tử, câu trì thất bảo cái lai nghệ Phật sở, đầu diện lễ túc.
Lúc bấy giờ, trong thành Tỳ-da-ly có một chàng con nhà trưởng giả, tên là Bảo Tích, cùng năm trăm chàng con nhà trưởng giả khác, thảy đều cầm những lọng bảy báu, đến nơi Phật ngự, đầu và mặt làm lễ sát chân Phật.
Các dĩ kỳ cái, cộng cúng dường Phật. Phật chi oai thần linh chư bảo cái hiệp thành nhất cái, biến phú tam thiên đại thiên thế giới. Nhi thử thế giới quảng trường chi tướng, tất ư trung hiện. Hựu thử tam thiên đại thiên thế giới chư Tu-di sơn, Tuyết sơn, Mục-chân-lân-đà sơn, Ma-ha Mục-chân-lân-đà sơn, Hương sơn, Bảo sơn, Kim sơn, Hắc sơn, Thiết vi sơn, Đại thiết vi sơn, đại hải giang hà, xuyên lưu tuyền nguyên, cập nhật nguyệt tinh thần, thiên cung, long cung, chư tôn thần cung, tất hiện ư bảo cái trung. Hựu thập phương chư Phật, chư Phật thuyết pháp, diệc hiện ư bảo cái trung.
Mỗi chàng đều đem lọng của mình mà cúng dường Phật. Oai thần của Phật khiến cho các lọng báu hiệp thành một cái lọng duy nhất, che trùm cả thế giới tam thiên đại thiên. Trọn tướng rộng dài của thế giới này đều hiện đủ trong cái lọng ấy. Lại nữa, các núi Tu-di, Tuyết sơn, Mục-chân-lân-đà, Ma-ha Mục-chân-lân-đà, Hương sơn, Hắc sơn, Thiết vi, Đại thiết vi, cùng với biển cả, sông cái, sông con, rạch, suối, nguồn, cùng mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, thiên cung, long cung, cung điện của các tôn thần thuộc thế giới tam thiên đại thiên này thảy đều hiện ra trong lọng báu ấy. Chư Phật mười phương, chư Phật đang thuyết pháp cũng hiện ra trong lọng báu ấy.
Nhĩ thời, nhất thiết đại chúng, đổ Phật thần lực, thán vị tằng hữu. Hiệp chưởng lễ Phật, chiêm ngưỡng tôn nhan, mục bất tạm xả. Ư thị, trưởng giả tử Bảo Tích, tức ư Phật tiền, dĩ kệ tụng viết:
Lúc ấy, tất cả đại chúng thấy sức thần của Phật, đều khen là chưa từng có. Cùng nhau chắp tay lễ Phật, chiêm ngưỡng vẻ mặt của Phật, mắt chẳng xao lãng. Chàng Bảo Tích, con nhà trưởng giả, liền đối trước Phật tụng kệ rằng:
Mục tịnh tu quảng như thanh liên,
Tâm tịnh dĩ độ chư thiền định,
Cửu tích tịnh nghiệp xứng vô lượng,
Đạo chúng dĩ tịch cố khể thủ.
Mắt trong, dài, rộng như sen xanh,
Lòng sạch qua khỏi các thiền định,
Tịnh nghiệp chứa lâu, lường không xiết,
Dùng tịch dắt chúng, đáng đảnh lễ!
Ký kiến đại thánh dĩ thần biến,
Phổ hiện thập phương vô lượng độ,
Kỳ trung chư Phật diễn thuyết pháp,
Ư thị nhất thiết tất kiến văn.
Đã thấy Đại thánh dùng Thần biến,
Hiện vô lượng cõi khắp mười phương,
Chư Phật thuyết pháp các cõi ấy,
Ở đây ai nấy đều nghe thấy.
Pháp vương pháp lực siêu quần sinh,
Thường dĩ pháp tài thí nhất thiết,
Năng thiện phân biệt chư pháp tướng,
Ư đệ nhất nghĩa nhi bất động.
Pháp lực Pháp vương vượt quần sinh,
Thường đem của pháp thí tất cả,
Có tài phân biệt tướng các pháp,
Đối Đệ nhất nghĩa, chẳng động chuyển.
Dĩ ư chư pháp đắc tự tại,
Thị cố khể thủ thử Pháp vương.
Thuyết pháp bất hữu diệc bất vô,
Dĩ nhân duyên cố chư pháp sinh.
Đối với các pháp được tự tại,
Cho nên đảnh lễ Pháp vương này.
Nói pháp chẳng có cũng chẳng không,
Các pháp do nhân duyên mà sinh.
Vô ngã, vô tạo, vô thọ giả,
Thiện ác chi nghiệp diệc bất vong.
Thủy tại Phật thọ lực hàng ma,
Đắc cam-lộ diệt, giác đạo thành.
Không ta, không tạo, không người thọ,
Nghiệp lành, nghiệp dữ cũng chẳng mất.
Trước dẹp ma tại cội Bồ-đề,
Đắc Diệt cam-lộ, thành giác đạo.
Dĩ vô tâm ý, vô thọ hành,
Nhi tất tồi phục chư ngoại đạo.
Tam Chuyển pháp luân ư đại thiên,
Kỳ luân bổn lai thường thanh tịnh,
Đã không tâm ý, không thọ hành,
Mà tồi phục hết các ngoại đạo.
Ba Chuyển pháp luân ở đại thiên,
Pháp ấy xưa nay thường trong sạch:
Thiên nhân đắc đạo, thử vi chứng,
Tam bảo ư thị hiện thế gian.
Dĩ tư diệu pháp tế quần sinh,
Nhất thọ bất thối, thường tịch nhiên.
Trời, người đắc đạo, đó là chứng,
Tam bảo lúc ấy hiện thế gian.
Đem diệu pháp ấy cứu quần sinh,
Thọ rồi, chẳng thối, thường tịch nhiên,
Độ lão, bệnh, tử đại y vương,
Đương lễ Pháp hải đức vô biên.
Hủy dự bất động như Tu-di,
Ư thiện, bất thiện đẳng dĩ từ,
Đại y vương độ lão, bệnh, tử,
Nên lễ Pháp hải đức vô biên.
Chê, khen chẳng động, như Tu-di,
Người lành, kẻ dữ, Phật thương đều,
Tâm hành bình đẳng như hư không,
Thục văn Nhân bảo, bất kính thừa?
Kim phụng Thế Tôn thử vi cái,
Ư trung hiện ngã tam thiên giới:
Lòng hành bình đẳng như hư không,
Ai nghe Nhân bảo chẳng kính vâng?
Nay hiến Thế Tôn lọng báu này,
Cõi thế giới ta hiện trong ấy:
Chư thiên, long, thần sở cư cung,
Càn-thát-bà đẳng cập dạ-xoa,
Tất kiến thế gian chư sở hữu.
Thập lực ai hiện thị hóa biến,
Cung điện các vị trời, rồng, thần,
Càn-thát-bà với cung dạ-xoa,
Mọi vật thế gian thấy trong đó.
Thập lực phương tiện biến hóa ấy
Chúng đổ hy hữu giai thán Phật.
Kim ngã khể thủ Tam giới tôn,
Đại thánh pháp vương: chúng sở quy,
Tịnh tâm quan Phật, mỵ bất hân?
Thấy việc ít có, chúng khen Phật.
Nay ta đảnh lễ Tam giới tôn,
Đại thánh Pháp vương: chỗ chúng theo,
Tâm tịnh nhìn Phật, ai chẳng vui?
Các kiến Thế Tôn tại kỳ tiền,
Tư tắc thần lực bất cộng pháp,
Phật dĩ nhất âm diễn thuyết pháp,
Chúng sinh tùy loại các đắc giải.
Thảy thấy Thế Tôn trước mặt mình,
Thần lực của Ngài chẳng ai bằng.
Thuyết pháp, Phật dùng một thứ tiếng,
Chúng sinh loài nào cũng hiểu được,
Giai vị: Thế Tôn đồng kỳ ngữ,
Tư tắc thần lực bất cộng pháp.
Phật dĩ nhất âm diễn thuyết pháp,
Chúng sinh các các tùy sở giải,
Họ bảo: Thế Tôn nói tiếng mình,
Như vậy, thần lực chẳng ai bằng.
Thuyết pháp, Phật dùng một thứ tiếng,
Chúng sinh ai nấy tùy chỗ hiểu,
Phổ đắc thọ, hành, hoạch kỳ lợi,
Tư tắc thần lực bất cộng pháp.
Phật dĩ nhất âm diễn thuyết pháp,
Hoặc hữu khủng úy, hoặc hoan hỷ,
Thảy được thọ, hành, thâu lợi ích,
Như vậy, thần lực chẳng ai bằng.
Thuyết pháp, Phật dùng một thứ tiếng,
Kẻ nghe sợ sệt hoặc vui vẻ,
Hoặc sinh yếm ly, hoặc đoạn nghi,
Tư tắc thần lực bất cộng pháp.
Khể thủ thập lực đại tinh tấn.
Khể thủ dĩ đắc vô sở úy.
Hoặc sinh chán lìa, hoặc dứt nghi,
Như vậy, Thần lực chẳng ai bằng.
Đảnh lễ Thập lực đại tinh tấn.
Đảnh lễ Bậc đắc không sợ sệt.
Khể thủ trụ ư bất cộng pháp.
Khể thủ nhất thiết đại Đạo sư.
Khể thủ năng đoạn chúng kết phược.
Khể thủ dĩ đáo ư bỉ ngạn.
Đảnh lễ Bậc trụ Bất cộng pháp.
Đảnh lễ Thầy lớn dắt tất cả.
Đảnh lễ Bậc dứt các trói buộc.
Đảnh lễ Bậc tới bờ bên kia.
Khể thủ năng độ chư thế gian.
Khể thủ vĩnh ly sinh tử đạo.
Tất tri chúng sinh lai khứ tướng,
Thiện ư chư pháp đắc giải thoát,
Đảnh lễ Bậc độ các thế gian.
Đảnh lễ Bậc lìa đường sinh tử.
Biết rõ tướng lai khứ chúng sinh,
Hiểu rành các pháp được giải thoát,
Bất trước thế gian, như liên hoa,
Thường thiện nhập ư không tịch hạnh,
Đạt chư pháp tướng, vô quái ngại,
Khể thủ như không vô sở y.
Chẳng nhiễm thế gian, như hoa sen,
Thường khéo vào nơi hạnh không tịch,
Thấu các tướng pháp, không trở ngại,
Đảnh lễ Như Không, chẳng dựa đâu.
Nhĩ thời, trưởng giả tử Bảo Tích thuyết thử kệ dĩ, bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Thị ngũ bá trưởng giả tử, giai dĩ phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm, nguyện văn đắc Phật quốc độ thanh tịnh. Duy nguyện Thế Tôn thuyết chư Bồ Tát tịnh độ chi hạnh.
Lúc ấy, chàng Bảo Tích tụng những câu kệ ấy rồi, bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Năm trăm chàng con nhà trưởng giả đây, thảy đều đã phát tâm A-nậu-đa laTam-miệu Tam-bồ-đề, nay muốn nghe việc được quốc độ thanh tịnh của Phật. Xin đức Thế Tôn giảng thuyết các hạnh tịnh độ của chư Bồ Tát.”
Phật ngôn: Thiện tai Bảo Tích! Nãi năng vị chư Bồ Tát, vấn ư Như Lai tịnh độ chi hạnh. Đế thính, đế thính! Thiện tư niệm chi. Đương vị nhữ thuyết.
Phật dạy: “Lành thay, Bảo Tích! Ngươi đã vì chư Bồ Tát hỏi Như Lai về hạnh tịnh độ. Hãy lắng nghe, lắng nghe! Hãy suy nghĩ cho kỹ. Ta sẽ vì ngươi mà giảng thuyết.”
Ư thị, Bảo Tích cập ngũ bá trưởng giả tử thọ giáo nhi thính.
Lúc ấy, Bảo Tích và năm trăm chàng con nhà trưởng giả vâng lời dạy ngồi nghe.
Phật ngôn: Bảo Tích! Chúng sinh chi loại thị Bồ Tát Phật độ. Sở dĩ giả hà? Bồ Tát tùy sở hóa chúng sinh nhi thủ Phật độ. Tùy sở điều phục chúng sinh nhi thủ Phật độ. Tùy chư chúng sinh ưng dĩ hà quốc nhập Phật trí huệ, nhi thủ Phật độ. Tùy chư chúng sinh ưng dĩ hà quốc khởi Bồ Tát căn, nhi thủ Phật độ. Sở dĩ giả hà? Bồ Tát thủ ư tịnh quốc, giai vị nhiêu ích chư chúng sinh cố. Thí như hữu nhân dục ư không địa, tạo lập cung thất, tùy ý vô ngại. Nhược ư hư không, chung bất năng thành. Bồ Tát như thị, vị thành tựu chúng sinh cố nguyện thủ Phật quốc. Nguyện thủ Phật quốc giả, phi ư không dã.
Phật dạy: “Bảo Tích! Các loài chúng sinh là cõi Phật của Bồ Tát. Tại sao vậy? Bồ Tát tùy theo chỗ giáo hóa chúng sinh mà giữ lấy cõi Phật. Tùy theo chỗ điều phục chúng sinh mà giữ lấy cõi Phật. Tùy các chúng sinh muốn dùng cõi nước nào để vào trí huệ Phật mà giữ lấy cõi Phật. Tùy các chúng sinh muốn dùng cõi nước nào để phát khởi căn Bồ Tát mà giữ lấy cõi Phật. Tại sao vậy? Bồ Tát giữ lấy cõi nước thanh tịnh là vì muốn làm lợi ích cho chúng sinh. Tỷ như người ta muốn tạo lập cung điện nhà cửa trên đất trống thì tùy ý mà tạo lập, không chi trở ngại. Nhưng nếu muốn xây cất nơi hư không thì không thể được. Bồ Tát cũng vậy, vì muốn giúp cho chúng sinh được thành tựu, cho nên nguyện giữ lấy cõi Phật. Việc nguyện giữ lấy cõi Phật đó, chẳng phải là việc xây cất nơi hư không.
Bảo Tích, đương tri trực tâm thị Bồ Tát tịnh độ, Bồ Tát thành Phật thời, bất siểm chúng sinh lai sinh kỳ quốc. Thâm tâm thị Bồ Tát tịnh độ, Bồ Tát thành Phật thời, cụ túc công đức chúng sinh lai sinh kỳ quốc. Bồ-đề tâm thị Bồ Tát tịnh độ, Bồ Tát thành Phật thời, Đại thừa chúng sinh lai sinh kỳ quốc. Bố thí thị Bồ Tát tịnh độ, Bồ Tát thành Phật thời, nhất thiết năng xả chúng sinh lai sinh kỳ quốc.
Bảo Tích! Nên biết rằng: Tâm ngay thẳng là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh chẳng nịnh bợ sinh về nước ấy. Tâm sâu vững là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh đầy đủ công đức sinh về nước ấy. Tâm bồ-đề là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh Đại thừa sinh về nước ấy. Bố thí là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh có thể bỏ tất cả sinh về nước ấy.
Trì giới thị Bồ Tát tịnh độ, Bồ Tát thành Phật thời, hành thập thiện đạo mãn nguyện chúng sinh lai sinh kỳ quốc.
Trì giới là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh làm mười việc lành tròn nguyện sinh về nước ấy.
Nhẫn nhục thị Bồ Tát tịnh độ, Bồ Tát thành Phật thời, tam thập nhị tướng trang nghiêm chúng sinh lai sinh kỳ quốc.
Nhẫn nhục là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, chúng sinh được trang nghiêm bởi ba mươi hai tướng tốt sinh về nước ấy.
Tinh tấn thị Bồ Tát tịnh độ, Bồ Tát thành Phật thời, cần tu nhất thiết công đức chúng sinh lai sinh kỳ quốc.
Tinh tấn là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh siêng tu tất cả công đức sinh về nước ấy.
Thiền định thị Bồ Tát tịnh độ, Bồ Tát thành Phật thời, nhiếp tâm bất loạn chúng sinh lai sinh kỳ quốc.
Thiền định là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh giữ tâm chẳng loạn sinh về nước ấy.
Trí huệ thị Bồ Tát tịnh độ, Bồ Tát thành Phật thời, chánh định chúng sinh lai sinh kỳ quốc.
Trí huệ là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh chánh định sinh về nước ấy.
Tứ vô lượng tâm thị Bồ Tát tịnh độ, Bồ Tát thành Phật thời, thành tựu từ, bi, hỷ, xả chúng sinh lai sinh kỳ quốc. Tứ nhiếp pháp thị Bồ Tát tịnh độ, Bồ Tát thành Phật thời, giải thoát sở nhiếp chúng sinh lai sinh kỳ quốc.
Bốn tâm vô lượng là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh thành tựu các đức từ, bi, hỷ, xả sinh về nước ấy. Bốn pháp thâu nhiếp là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh thoát khỏi chỗ nắm giữ sinh về nước ấy.
Phương tiện thị Bồ Tát tịnh độ, Bồ Tát thành Phật thời, ư nhất thiết pháp phương tiện vô ngại chúng sinh lai sinh kỳ quốc. Tam thập thất đạo phẩm thị Bồ Tát tịnh độ, Bồ Tát thành Phật thời, niệm xứ, chánh cần, thần túc, căn, lực, giác, đạo chúng sinh lai sinh kỳ quốc.
Phương tiện là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh đối với tất cả các pháp tùy nghi vô ngại sinh về nước ấy. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật,những chúng sinh có Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn thần túc, Năm căn, Năm sức, Bảy thánh giác, Tám chánh đạo sinh về nước ấy.
Hồi hướng tâm thị Bồ Tát tịnh độ, Bồ Tát thành Phật thời, đắc nhất thiết cụ túc công đức quốc độ. Thuyết trừ bát nạn thị Bồ Tát tịnh độ, Bồ Tát thành Phật thời, quốc độ vô hữu tam ác, bát nạn. Tự thủ giới hạnh, bất cơ bỉ khuyết, thị Bồ Tát tịnh độ, Bồ Tát thành Phật thời, quốc độ vô hữu phạm cấm chi danh.
Tâm hồi hướng là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, ngài được quốc độ đầy đủ tất cả công đức. Thuyết trừ tám nạn là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, cõi nước ấy không có Ba ác, Tám nạn. Tự mình giữ giới hạnh, chẳng chê kẻ khác lỗi lầm là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, cõi nước ấy không nghe đến chuyện phạm cấm.
Thập thiện thị Bồ Tát tịnh độ, Bồ Tát thành Phật thời, mạng bất trúng yểu, đại phú, phạm hạnh, sở ngôn thành đế, thường dĩ nhuyễn ngữ, quyến thuộc bất ly, thiện hòa tranh tụng, ngôn tất nhiêu ích, bất tật, bất khuể chánh kiến chúng sinh lai sinh kỳ quốc.
Mười điều thiện là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, mạng sống không ngắn ngủi, chết yểu, những chúng sinh giàu có, giới hạnh trong sạch, nói lẽ thành thật, thường dùng lời êm ái, quyến thuộc chẳng chia lìa, khéo hòa việc tranh tụng, nói lời có ích, chẳng tham, chẳng sân, chẳng si sinh về nước ấy.
Như thị, Bảo Tích! Bồ Tát tùy kỳ trực tâm, tắc năng phát hành.
Tùy kỳ phát hành, tắc đắc thâm tâm.
Tùy kỳ thâm tâm, tắc ý điều phục.
Tùy kỳ điều phục, tắc như thuyết hành.
Bảo Tích! Như vậy, Bồ Tát tùy lòng ngay thẳng mà khởi làm.
Tùy chỗ khởi làm mà được lòng sâu vững.
Tùy lòng sâu vững mà tâm ý được điều phục.
Tùy chỗ điều phục tâm ý mà làm được theo đúng như thuyết dạy.
Tùy như thuyết hành, tắc năng hồi hướng.
Tùy kỳ hồi hướng, tắc hữu phương tiện.
Tùy kỳ phương tiện, tắc thành tựu chúng sinh.
Tùy thành tựu chúng sinh, tắc Phật độ tịnh.
Tùy chỗ làm theo đúng như thuyết dạy mà có thể hồi hướng.
Tùy chỗ hồi hướng mà có sức phương tiện.
Tùy sức phương tiện mà giúp cho chúng sinh được thành tựu.
Tùy chỗ thành tựu cho chúng sinh mà được cõi Phật thanh tịnh.
Tùy Phật độ tịnh, tắc thuyết pháp tịnh.
Tùy thuyết pháp tịnh, tắc trí huệ tịnh.
Tùy trí huệ tịnh, tắc kỳ tâm tịnh.
Tùy kỳ tâm tịnh, tắc nhất thiết công đức tịnh.
Tùy cõi Phật thanh tịnh mà thuyết pháp thanh tịnh.
Tùy chỗ thuyết pháp thanh tịnh mà trí huệ được thanh tịnh.
Tùy trí huệ thanh tịnh mà tâm được thanh tịnh.
Tùy tâm được thanh tịnh mà tất cả công đức đều thanh tịnh.
Thị cố Bảo Tích, nhược Bồ Tát dục đắc tịnh độ, đương tịnh kỳ tâm. Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh.
Bảo Tích! Cho nên, nếu Bồ Tát muốn được cõi nước thanh tịnh hãy làm cho tâm thanh tịnh. Tùy tâm thanh tịnh, ắt cõi Phật thanh tịnh.
Nhĩ thời, Xá-lỵ-phất, thừa Phật oai thần, tác thị niệm: Nhược Bồ Tát tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh giả. Ngã Thế Tôn, bổn vi Bồ Tát thời, ý khởi bất tịnh, nhi thị Phật độ bất tịnh nhược thử?
Lúc ấy, nương oai thần của Phật, Xá Lợi Phất có ý nghĩ này: “Nếu như tâm của Bồ Tát thanh tịnh, ắt cõi Phật thanh tịnh. Như vậy, phải chăng đức Thế Tôn của chúng ta khi còn làm Bồ Tát tâm ý chẳng thanh tịnh nên cõi nước của ngài nay mới chẳng được thanh tịnh như thế này?
Phật tri kỳ niệm, tức cáo chi ngôn: Ư ý vân hà? Nhật nguyệt khởi bất tịnh da, nhi manh giả bất kiến?
Phật biết được ý nghĩ ấy, bảo Xá Lợi Phất rằng: “Ý ngươi thế nào, mặt trời, mặt trăng há chẳng sáng hay sao mà kẻ mù chẳng thấy hai vầng ấy?”
Xá-lỵ-phất ngôn: Phất dã, Thế Tôn! Thị manh giả quá, phi nhật nguyệt cữu.
Xá Lợi Phất thưa: “Thế Tôn! Chẳng phải vậy. Đó là lỗi ở kẻ mù, chẳng phải lỗi ở mặt trời, mặt trăng.”
Xá-lỵ-phất! Chúng sinh tội cố, bất kiến Như Lai quốc độ nghiêm tịnh, phi Như Lai cữu.
“Xá Lợi Phất! Do tội của chúng sinh, nên họ chẳng thấy quốc độ của Như Lai trang nghiêm thanh tịnh, chẳng phải lỗi của Như Lai.
Xá-lỵ-phất! Ngã thử độ tịnh, nhi nhữ bất kiến.
Xá Lợi Phất! Cõi đất này của ta là thanh tịnh, nhưng ngươi chẳng thấy được như vậy.”
Nhĩ thời, Loa Kế Phạm vương ngứ Xá-lỵ-phất: Vật tác thị niệm, vị thử Phật độ dĩ vi bất tịnh. Sở dĩ giả hà? Ngã kiến Thích-ca Mâu-ni Phật độ thanh tịnh, thí như Tự tại thiên cung.
Lúc ấy, Phạm Vương Loa Kế bảo Xá Lợi Phất: “Đừng nghĩ như vậy, cho rằng cõi Phật này là không thanh tịnh. Vì sao vậy? Ta thấy rằng cõi Phật của đức Thích-ca Mâu Ni là thanh tịnh như cung trời Tự tại.”
Xá-lỵ-phất ngôn: Ngã kiến thử độ, khưu lăng khanh khảm, kinh cức sa lịch, thổ thạch chư sơn, uế ác sung mãn.
Xá Lợi Phất nói: “Tôi chỉ thấy cõi này toàn là gò nổng, hầm hố, gai gốc, sỏi sạn, núi đất, núi đá, dẫy đầy mọi nhơ nhớp xấu xa.”
Loa Kế Phạm vương ngôn: Nhân giả tâm hữu cao hạ, bất y Phật huệ. Cố kiến thử độ vi bất tịnh nhĩ.
Phạm Vương Loa Kế nói: “Lòng của nhân giả có cao thấp, chẳng y theo trí huệ Phật. Vậy nên ông thấy cõi này là không thanh tịnh.
Xá-lỵ-phất! Bồ Tát ư nhất thiết chúng sinh, tất giai bình đẳng, thâm tâm thanh tịnh, y Phật trí huệ, tắc năng kiến thử Phật độ thanh tịnh.
Xá Lợi Phất! Bồ Tát giữ lẽ bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, lòng dạ sâu vững thanh tịnh, y theo trí huệ Phật, ắt thấy cõi Phật này là thanh tịnh.”
Ư thị, Phật dĩ túc chỉ án địa. Tức thời, tam thiên đại thiên thế giới, nhược can bá thiên trân bảo nghiêm sức, thí như Bảo Trang Nghiêm Phật vô lượng công đức bảo trang nghiêm độ. Nhất thiết đại chúng thán: Vị tằng hữu! Nhi giai tự kiến tọa bảo liên hoa.
Lúc ấy, Phật dùng ngón chân mà nhấn xuống đất. Tức thời, cõi thế giới tam thiên đại thiên này được nghiêm sức bởi trăm ngàn thứ trân bảo, cũng giống như cõi vô lượng công đức trang nghiêm của đức Phật Bảo Trang Nghiêm. Tất cả đại chúng đều khen rằng: “Chưa từng có!” Và ai nấy đều tự thấy mình được ngồi trên tòa sen báu.
Phật cáo Xá-lỵ-phất: “Nhữ khả quan thị Phật độ nghiêm tịnh?
Phật hỏi Xá Lợi Phất: “Ngươi nhìn thấy cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh rồi chứ?”
Xá-lỵ-phất ngôn: “Duy nhiên, Thế Tôn! Bổn sở bất kiến, bổn sở bất văn. Kim Phật quốc độ nghiêm tịnh tất hiện.”
Xá Lợi Phất bạch rằng: “Dạ, Thế Tôn! Từ trước con chưa từng được thấy, chưa từng được nghe như thế này. Nay, quốc độ nghiêm tịnh của Phật đã hiện.”
Phật cáo Xá-lỵ-phất: “Ngã Phật quốc độ thường tịnh nhược thử. Vị dục độ tư hạ liệt nhân cố, thị thị chúng ác bất tịnh độ nhĩ. Thí như chư thiên, cộng bảo khí thực. Tùy kỳ phước đức, phạn sắc hữu dị. “
Phật bảo Xá Lợi Phất: “Cõi Phật độ của ta thường thanh tịnh như vậy. Nhưng vì muốn độ những kẻ thấp kém ở đây, cho nên ta thị hiện ra cõi bất tịnh với mọi thứ nhơ xấu. Ví như chư thiên cùng ăn cơm đựng trong chén bát quý báu, nhưng tùy theo phước đức của họ mà hình sắc của cơm có khác.
Như thị, Xá-lỵ-phất! Nhược nhân tâm tịnh, tiện kiến thử độ công đức trang nghiêm.”
Xá Lợi Phất! Cũng vậy đó, nếu lòng người ta tịnh, liền thấy được những công đức trang nghiêm của cõi này.”
Đương Phật hiện thử quốc độ nghiêm tịnh chi thời, Bảo Tích sở tương ngũ bá trưởng giả tử, giai đắc vô sinh pháp nhẫn. Bát vạn tứ thiên nhân, giai phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm.
Trong khi Phật hiện ra cõi nước trang nghiêm thanh tịnh, năm trăm chàng con nhà trưởng giả do Bảo Tích dẫn dắt đều đắc Vô sanh pháp nhẫn. Tám mươi bốn ngàn người trong hội đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam miệu Tam-bồ-đề.
Phật nhiếp thần túc. Ư thị, thế giới hoàn phục như cố.
Phật lấy ngón chân thần lên, thế giới liền trở lại như cũ.
Cầu Thanh văn thừa giả, tam vạn nhị thiên chư thiên cập nhân, tri hữu vi pháp giai tất vô thường, viễn trần ly cấu, đắc pháp nhãn tịnh. Bát thiên tỳ-kheo bất thọ chư pháp, lậu tận, ý giải.
Ba mươi hai ngàn chư thiên và những người cầu Thanh văn thừa hiểu ra được rằng các pháp hữu vi là vô thường, liền xa trần cảnh, lìa cấu nhiễm, được Pháp nhãn tịnh. Tám ngàn vị tỳ-kheo chẳng thọ nạp các pháp, dứt phiền não rỉ chảy, tâm ý được giải thoát.