Kinh Duy Ma Cật – Phẩm 12

KINH DUY MA CẬT

phụng chiếu dịch

Diêu Tần Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập

— o O o —

Phẩm Thứ Mười Hai

THẤY PHẬT A-SÚC

 

Nhĩ thời, Thế Tôn vấn Duy-ma-cật: Nhữ dục kiến Như Lai, vi dĩ hà đẳng quán Như Lai hồ?

Lúc ấy, Thế Tôn hỏi Duy-ma-cật: “Như ông muốn thấy Như Lai thì quán Như Lai bằng cách nào?

 

Duy-ma-cật ngôn: Như tự quán thân thật tướng, quán Phật diệc nhiên. Ngã quán Như Lai, tiền tế bất lai, hậu tế bất khứ, kim tắc bất trụ. Bất quán sắc, bất quán sắc như, bất quán sắc tánh. Bất quán thọ, tưởng, hành, thức. Bất quán thức như, bất quán thức tánh. Phi tứ đại khởi, đồng ư hư không. Lục nhập vô tích, nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, tâm dĩ quá, bất tại Tam giới. Tam cấu dĩ ly. Thuận tam thoát môn. Cụ túc tam minh, dữ vô minh đẳng.

”Duy-ma-cật thưa: “Như tự quán cái tướng thật của thân, quán Phật cũng như vậy. Con quán Như Lai như thế này: Lúc trước, ngài chẳng lại, lúc sau, ngài chẳng đi, hiện nay, ngài chẳng trụ. Chẳng quán hình sắc, chẳng quán tánh như của hình sắc, chẳng quán tánh của hình sắc. Chẳng quán tánh của thọ, tưởng, hành, thức, cho đến chẳng quán tánh như của thức. Chẳng phải do Bốn đại khởi lên. Bốn đại ấy đồng với hư không. Sáu nhập không chứa giữ gì cả. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm đã vượt qua, chẳng ở tại Ba cõi. Ba cấu nhiễm đã lìa, thuận theo Ba môn giải thoát, đầy đủ Ba minh. Ba minh ấy đồng với vô minh.

 

Bất nhất tướng, bất dị tướng. Bất tự tướng, bất tha tướng. Phi vô tướng, phi thủ tướng. Bất thử ngạn, bất bỉ ngạn, bất trung lưu, nhi hóa chúng sinh. Quán ư tịch diệt, diệc bất vĩnh diệt. Bất thử, bất bỉ. Bất dĩ thử, bất dĩ bỉ. Bất khả dĩ trí tri, bất khả dĩ thức thức. Vô hối, vô minh. Vô danh, vô tướng. Vô cương, vô nhược. Phi tịnh, phi uế. Bất tại phương, bất ly phương.

Chẳng phải một tướng duy nhất, chẳng phải nhiều tướng khác nhau. Chẳng phải tướng mình, chẳng phải tướng kẻ khác. Chẳng phải không có tướng, chẳng phải giữ lấy tướng. Chẳng ở bên này, chẳng ở bên kia, chẳng ở giữa dòng, nhưng giáo hóa chúng sinh. Quán lẽ tịch diệt, cũng chẳng tịch diệt mãi. Chẳng phải thế này, chẳng phải thế kia. Chẳng dùng cái này, chẳng dùng cái kia. Chẳng có thể dùng trí mà hiểu, chẳng có thể dùng thức mà biết. Không tối, không sáng. Không danh, không tướng. Không mạnh, không yếu. Không sạch, không dơ. Chẳng ở tại phương vị, chẳng lìa khỏi phương vị.

 

Phi hữu vi, phi vô vi. Vô thị, vô thuyết. Bất thí, bất khan. Bất giới, bất phạm. Bất nhẫn, bất nhuế. Bất tấn, bất đãi. Bất định, bất loạn. Bất trí, bất ngu. Bất thành, bất khi. Bất lai, bất khứ. Bất xuất, bất nhập. Nhất thiết ngôn ngữ đạo đoạn. Phi phước điền, phi bất phước điền. Phi ứng cúng dường, phi bất ứng cúng dường.

Chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi. Không chỉ, không nói. Chẳng bố thí, chẳng keo lận. Chẳng trì giới, chẳng phạm giới. Chẳng nhẫn nhịn, chẳng giận hờn. Chẳng tinh tấn, chẳng giải đãi. Chẳng định, chẳng loạn. Chẳng trí, chẳng ngu. Chẳng thành thật, chẳng dối trá. Chẳng lại, chẳng đi. Chẳng ra, chẳng vào. Tất cả ngôn ngữ đàm luận đều dứt. Chẳng phải ruộng phước, chẳng phải chẳng là ruộng phước. Chẳng phải đáng nhận sự cúng dường, chẳng phải chẳng đáng nhận sự cúng dường.

 

Phi thủ, phi xả. Phi hữu tướng, phi vô tướng. Đồng chân tế, đẳng pháp tánh. Bất khả xứng, bất khả lượng, quá chư xứng lượng. Phi đại, phi tiểu. Phi kiến, phi văn, phi giác, phi tri. Ly chúng kết phược. Đẳng chư trí, đồng chúng sinh. Ư chư pháp, vô phân biệt, nhất thiết vô thất. Vô trược, vô não. Vô tác, vô khởi. Vô sinh, vô diệt. Vô úy, vô ưu. Vô hỷ, vô yếm, vô trước. Vô dĩ hữu, vô đương hữu, vô kim hữu. Bất khả dĩ nhất thiết ngôn thuyết phân biệt hiển thị.

Chẳng giữ, chẳng bỏ. Chẳng phải có tướng, chẳng phải không tướng. Đồng với sự chân thật, ngang với tánh các pháp. Không thể cân, không thể lường, vượt quá sự cân lường. Chẳng phải lớn, chẳng phải nhỏ. Chẳng phải thấy, chẳng phải nghe. Chẳng phải hiểu, chẳng phải biết. Lìa các việc trói buộc. Các trí đều bình đẳng, đồng với chúng sinh. Không phân biệt các pháp, tất cả đều không mất. Không trược, không não. Không tác, không khởi. Không sinh, không diệt. Không sợ, không lo. Không vui thích, không chán ngán. Không có việc đã qua, không có việc sẽ tới, không có việc hiện nay. Không thể dùng lời nói mà phân biệt, mà chỉ rõ.

 

Thế Tôn! Như Lai thân vi nhược thử tác như thị quán, dĩ tư quán giả, danh vi chánh quán. Nhược tha quán giả, danh vi tà quán.

“Thế Tôn! Thân Như Lai là như thế. Theo đúng như vậy, dùng phép quán như vậy, gọi là chánh quán. Nếu theo phép quán khác, gọi là tà quán.”

 

Nhĩ thời, Xá-lỵ-phất vấn Duy-ma-cật: Nhữ ư hà một nhi lai sinh thử?

Lúc ấy, Xá Lợi-phất hỏi Duy-ma-cật: “Ông trước thác ở chốn nào mà sinh lại đây?”

 

Duy-ma-cật ngôn: Nhữ sở đắc pháp, hữu một sinh hồ?

Duy-ma-cật nói: “Trong chỗ đắc pháp của ông, có việc thác và sinh chăng?”

 

Xá-lỵ-phất ngôn: Vô một sinh dã.

Xá Lợi-phất nói: “Không có thác và sinh.”

 

Nhược chư pháp vô một sinh tướng, vân hà vấn ngôn: Nhữ ư hà một nhi lai sinh thử?

Ư ý vân hà? Thí như ảo sư ảo tác nam nữ. Ninh một sinh da?

Duy-ma-cật nói: “Nếu trong các pháp không có tướng thác và sinh, sao ông lại hỏi tôi: ‘Thác ở chốn nào mà sinh lại đây?’

Ý ông thế nào? Ví như một vị ảo sư hóa ra kẻ nam, người nữ. Đó có phải là thác rồi sinh lại chăng?”

 

Xá-lỵ-phất ngôn: Vô một sinh dã.

Xá Lợi-phất nói: “Không có thác và sinh.”

 

Nhữ khởi bất văn Phật thuyết: Chư pháp như ảo tướng hồ?

Duy-ma-cật nói: “Ông há chẳng nghe Phật dạy các pháp đều như tướng ảo hóa đó sao?”

 

Đáp viết: Như thị.

Xá Lợi-phất nói: “Đúng như vậy.”

 

Nhược nhất thiết pháp như ảo tướng giả, vân hà vấn ngôn: Nhữ ư hà một nhi lai sinh thử?

Duy-ma-cật nói: “Nếu tất cả pháp đều như tướng ảo hóa, tại sao ông lại hỏi tôi rằng: ‘Thác ở chốn nào mà sinh lại đây?’

 

Xá-lỵ-phất! Một giả vi hư cuống pháp, hoại bại chi tướng. Sinh giả vi hư cuống pháp, tương tục chi tướng. Bồ Tát tuy một, bất tận thiện bổn, tuy sinh, bất trưởng chư ác.

“Xá Lợi-phất! Thác là pháp hư dối, là tướng bại hoại. Sinh là pháp hư dối, là tướng nối tiếp. Bồ Tát tuy thác nhưng chẳng hết cội lành, tuy sinh nhưng chẳng thêm việc dữ.”

 

Thị thời, Phật cáo Xá-lỵ-phất: Hữu quốc danh Diệu Hỷ, Phật hiệu Vô Động. Thị Duy-ma-cật ư bỉ quốc một nhi lai sinh thử.

Lúc ấy, Phật bảo Xá Lợi-phất: “Có một nước tên là Diệu Hỷ, đức Phật ở đó hiệu là Vô Động. Duy-ma cật đây thác ở nước ấy mà sinh lại đây.”

 

Xá-lỵ-phất ngôn: Vị tằng hữu dã! Thế Tôn! Thị nhân nãi năng xả thanh tịnh độ, nhi lai nhạo thử đa nộ hại xứ?

Xá Lợi-phất nói: “Chưa từng có vậy! Thế Tôn! Người này há có thể bỏ cõi thanh tịnh mà vui lòng sinh lại chốn nhiều sân hại này sao?”

 

Duy-ma-cật ngứ Xá-lỵ-phất: Ư ý vân hà? Nhật quang xuất thời, dữ minh hiệp hồ?

Duy-ma-cật hỏi Xá Lợi-phất: “Ý ông thế nào? Khi ánh sáng mặt trời phóng ra, ánh sáng ấy có hiệp với tánh của sự tối chăng?”

 

Đáp viết: Phất dã. Nhật quang xuất thời, tắc vô chúng minh.

Xá Lợi-phất đáp: “Không. Khi ánh sáng mặt trời phóng ra, thời không còn những chỗ tối.”

 

Duy-ma-cật ngôn: Phù nhật hà cố hành Diêm-phù-đề?

Duy-ma-cật lại hỏi: “Tại sao mặt trời vận hành ở cõi Diêm-phù-đề?”

 

Đáp viết: Dục dĩ minh chiếu, vị chi trừ minh.

Xá Lợi-phất đáp: “Là muốn đem ánh sáng chiếu ra để phá trừ sự tối tăm.”

 

Duy-ma-cật ngôn: Bồ Tát như thị. Tuy sinh bất tịnh Phật độ, vị hóa chúng sinh bất dữ ngu ám nhi cộng hiệp dã. Đản diệt chúng sinh phiền não ám nhĩ.

Duy-ma-cật nói: “Bồ Tát cũng vậy. Tuy sinh ở cõi Phật chẳng tịnh, là vì muốn giáo hóa chúng sinh, nhưng chẳng chung hiệp với những kẻ ngu tối. Bồ Tát chỉ muốn dứt trừ cảnh tối tăm là phiền não của chúng sinh mà thôi.”

 

Thị thời, Đại chúng khát ngưỡng, dục kiến Diệu Hỷ thế giới, Vô Động Như Lai cập kỳ Bồ Tát, Thanh văn chi chúng.

Phật tri nhất thiết chúng hội sở niệm, cáo Duy-ma-cật ngôn: Thiện nam tử! Vị thử chúng hội, hiện Diệu Hỷ quốc, Vô Động Như Lai cập chư Bồ Tát, Thanh văn chi chúng. Chúng giai dục kiến.

Lúc ấy, đại chúng lấy làm khát ngưỡng, muốn nhìn thấy thế giới Diệu Hỷ với đức Như Lai Vô Động và chúng Bồ Tát, Thanh văn của Ngài.

Biết được ý nghĩ của tất cả chúng hội, đức Phật bảo Duy-ma-cật rằng: “Thiện nam tử! Ông hãy vì chúng hội này, hiện ra nước Diệu Hỷ với đức Như Lai Vô Động và chúng Bồ Tát, Thanh văn của ngài. Đại chúng đây đều muốn thấy như vậy.”

 

Ư thị, Duy-ma-cật tâm niệm: Ngô đương bất khởi ư tòa, tiếp Diệu Hỷ quốc, thiết vi, sơn xuyên, khê cốc, giang hà, đại hải, tuyền nguyên, Tu-di chư sơn cập nhật nguyệt, tinh tú, thiên long, quỷ thần, Phạm thiên đẳng cung, tinh chư Bồ Tát, Thanh văn chi chúng, thành ấp tụ lạc, nam nữ đại tiểu, nãi chí Vô Động Như Lai cập Bồ-đề thọ, chư diệu liên hoa, năng ư thập phương tác Phật sự giả, tam đạo bảo giai, tùng Diêm-phù-đề, chí thiên.

Lúc ấy, Duy-ma-cật nghĩ trong tâm rằng: “Không rời khỏi chỗ ngồi này, tôi sẽ đón lấy cõi nước Diệu Hỷ, núi Thiết Vi, non nước, suối khe, sông rạch, biển cả, mạch nguồn, núi Tu-di với mặt trời, mặt trăng, tinh tú, cung điện của chư thiên, loài rồng, quỷ thần, cùng đại chúng Bồ Tát, Thanh văn, thành ấp, làng xóm, kẻ nam người nữ, kẻ lớn người nhỏ, cho đến đức Như Lai Vô Động với cây Bồ-đề, các hoa sen mầu nhiệm đều có thể làm Phật sự ở khắp mười phương. Ba đạo thang báu sẽ bắt từ mặt đất cõi Diêm-phù-đề lên tới cung trời Đao-Lợi.

 

Dĩ thử bảo giai, chư thiên lai hạ, tất vi lễ kính Vô Động Như Lai, thính thọ kinh pháp. Diêm-phù-đề nhân diệc đăng kỳ giai, thượng thăng Đao-lỵ, kiến bỉ chư thiên, Diệu Hỷ thế giới, thành tựu như thị vô lượng công đức.

Chư thiên sẽ theo thang báu ấy mà đi xuống, ai nấy đều sẽ lễ kính đức Như Lai Vô Động, nghe và thọ kinh pháp. Người ở Diêm-phù-đề cũng sẽ trèo thang ấy, đi lên tới cung trời Đao-Lợi, yết kiến chư thiên cung ấy. Cõi thế giới Diệu Hỷ thành tựu những công đức vô lượng như vậy.

 

Thượng chí A-ca-ni-trá thiên, hạ chí thủy tế, dĩ hữu thủ đoạn thủ, như đào gia luân. Nhập thử thế giới, du đắc hoa man, thị nhất thiết chúng.

“Cho đến miền cao nhất là từng trời A-ca-ni-trá và miền thấp nhất là Thủy tế, tôi sẽ dùng bàn tayphải mà nắm lấy, cũng như người thợ lò gốm cầm cái bàn xoay. Tôi sẽ đưa thế giới kia vào thế giới này cũng như người ta mang một vòng dây hoa, rồi chỉ cho tất cả đại chúng nhìn thấy.”

 

Tác thị niệm dĩ, nhập ư Tam-muội, hiện thần thông lực: dĩ kỳ hữu thủ, đoạn thủ Diệu Hỷ thế giới, trí ư thử độ.

Nghĩ như vậy rồi, Duy-ma-cật liền nhập định, hiện sức thần thông. Ông đưa bàn tay phải mà đón lấy thế giới Diệu Hỷ, đặt vào cõi Ta-bà này.

 

Bỉ đắc thần thông: Bồ Tát cập Thanh văn chúng, tinh dữ thiên nhân, câu phát thanh ngôn: Duy nhiên, Thế Tôn! Thùy thủ ngã khứ? Nguyện kiến cứu hộ.

Những vị đắc thần thông ở cõi ấy như các vị Bồ Tát, chúng Thanh văn cùng hàng trời, người, đều phát lên tiếng rằng: “Dạ, Thế Tôn! Có ai đang bắt lấy chúng con mà mang đi? Xin ngài mở lòng cứu hộ chúng con.”

 

Vô Động Phật ngôn: Phi ngã sở vi. Thị Duy-ma-cật thần lực sở tác.

Đức Phật Vô Động nói: “Chẳng phải ta làm việc ấy. Đó là do sức thần thông của Duy-ma-cật làm ra vậy.”

 

Kỳ dư vị đắc thần thông giả, bất giác bất tri kỷ chi sở vãng. Diệu Hỷ thế giới, tuy nhập thử độ, nhi bất tăng giảm. Ư thị thế giới, diệc bất bách ải, như bổn vô dị.

Ngoài ra, những vị chưa đắc thần thông thì chẳng có cảm giác, chẳng biết rằng mình đang bị đưa đi. Thế giới Diệu Hỷ, tuy sáp nhập vào cõi này, nhưng chẳng có chi tăng hoặc giảm. Ở thế giới này cũng không có sự chèn ép chật chội, mà tình trạng vẫn y nguyên như cũ, không khác gì.

 

Nhĩ thời, Thích-ca Mâu-ni Phật cáo chư Đại chúng: Nhữ đẳng thả quan Diệu Hỷ thế giới, Vô Động Như Lai, kỳ quốc nghiêm sức, Bồ Tát hạnh tịnh, đệ tử thanh bạch. Giai viết: Duy nhiên, dĩ kiến.

Lúc ấy, Phật Thích-ca Mâu-ni nói với đại chúng rằng: “Các ông hãy nhìn xem Thế giới Diệu Hỷ với đức Như Lai Vô Động. Nước của ngài trang nghiêm tốt đẹp, Bồ Tát thì giữ hạnh trong sạch, chư đệ tử đều thanh bạch.”

 

Giai viết: Duy nhiên, dĩ kiến.

Đại chúng đều thưa: “Dạ, chúng con đã thấy như vậy.”

 

Phật ngôn: Nhược Bồ Tát dục đắc như thị thanh tịnh Phật độ, đương học Vô Động Như Lai sở hành chi đạo.

Phật dạy: “Nếu Bồ Tát muốn được cõi Phật thanh tịnh như vậy, nên học theo đạo mà đức Như Lai Vô Động đã làm.”

 

Hiện thử Diệu Hỷ quốc thời, Ta-bà thế giới thập tứ na-do-tha nhân phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm, giai nguyện sinh ư Diệu Hỷ Phật độ.

Trong khi nước Diệu Hỷ ấy hiện lại, thời mười bốn na-do-tha người ta ở thế giới Ta-bà này phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, thảy đều nguyện sinh nơi cõi Phật Diệu Hỷ.

 

Thích-ca Mâu-ni Phật tức ký chi viết: Đương sinh bỉ quốc.

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni liền thọ ký cho rằng: “Các ngươi sẽ được sinh về nước ấy.”

 

Thời, Diệu Hỷ thế giới, ư thử quốc độ sở ứng nhiêu ích. Kỳ sự ngật dĩ, hoàn phục bổn xứ, cử chúng giai kiến.

Lúc ấy, thế giới Diệu Hỷ ứng hiện sự nhiêu ích ở cõi nước này xong, bèn trở về vị trí cũ của mình. Đại chúng đều nhìn thấy như vậy.

 

Phật cáo Xá-lỵ-phất: Nhữ kiến thử Diệu Hỷ thế giới cập Vô Động Phật phủ?

Phật bảo Xá Lợi-phất: “Ngươi có nhìn thấy thế giới Diệu Hỷ với đức Phật Vô Động chăng?”

 

Duy nhiên, dĩ kiến. Thế Tôn! Nguyện sử nhất thiết chúng sinh đắc thanh tịnh độ như Vô Động Phật, hoạch thần thông lực như Duy-ma-cật.

Xá Lợi-phất bạch rằng: “Dạ, đã thấy. Thế Tôn! Con nguyện cho tất cả chúng sinh đều được cõi thanh tịnh như Phật Vô Động! Nguyện cho tất cả đều được sức thần thông như Duy-ma-cật.

 

Thế Tôn! Ngã đẳng khoái đắc thiện lợi: Đắc kiến thị nhân, thân cận cúng dường. Kỳ chư chúng sinh, nhược kim hiện tại, nhược Phật diệt hậu, văn thử kinh giả, diệc đắc thiện lợi. Huống phục văn dĩ, tín giải, thọ trì, độc tụng, giải thuyết, như pháp tu hành? Nhược hữu thủ đắc thị kinh điển giả, tiện vi dĩ đắc pháp bảo chi tạng. Nhược hữu độc tụng, giải thích kỳ nghĩa, như thuyết tu hành, tắc vi chư Phật chi sở hộ niệm.

“Thế Tôn! Chúng con lấy làm khoái mà có sự ích lợi tốt lành là được nhìn thấy người này, được thân cận và cúng dường. Những chúng sinh nào, hoặc ở đời hiện tại này, hoặc sau khi Phật diệt độ, mà nghe được kinh này, cũng sẽ được sự ích lợi tốt lành như vậy. Huống chi đã nghe rồi, mà còn tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, như pháp mà tu hành? Nếu ai được kinh điển này vào tay mình, tức là được kho tàng Pháp bảo. Nếu ai đọc tụng kinh này, giải thích nghĩa lý trong kinh, theo như giảng thuyết trong kinh mà tu hành, ắt người ấy sẽ được chư Phật hộ niệm.

 

Kỳ hữu cúng dường như thị nhân giả, đương tri tắc vi cúng dường ư Phật. Kỳ hữu thơ trì thử kinh quyển giả, đương tri kỳ thất tức hữu Như Lai. Nhược văn thị kinh, năng tùy hỷ giả, tư nhân tắc vi thú nhất thiết trí. Nhược năng tín giải thử kinh, nãi chí nhất tứ cú kệ, vị tha thuyết giả, đương tri thử nhân tức thị thọ A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề ký.

Những ai cúng dường cho người ấy, nên biết rằng đó là đang cúng dường chư Phật vậy. Những ai sao chép và gìn giữ quyển kinh này, nên biết rằng nơi người ấy cư ngụ tất có đức Như Lai. Nếu ai nghe kinh này mà tỏ ý vui, ắt người ấy hướng về địa vị của bậc có trí hiểu biết tất cả. Nếu ai tin và hiểu kinh này, cho đến chỉ cần một bài kệ bốn câu và diễn giải với kẻ khác, nên biết rằng người ấy chắc chắn sẽ được thọ ký quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.”