Kinh Duy Ma Cật – Phẩm 14

KINH DUY MA CẬT

phụng chiếu dịch

Diêu Tần Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập

— o O o —

Phẩm thứ mười bốn

CHÚC LỤY

 

Ư thị, Phật cáo Di-lặc Bồ Tát ngôn: Di-lặc! Ngã kim dĩ thị vô lượng ức a-tăng-kỳ kiếp, sở tập A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề pháp, phó chúc ư nhữ. Như thị bối kinh, ư Phật diệt hậu, mạt thế chi trung, nhữ đẳng đương dĩ thần lực, quảng tuyên lưu bố ư Diêm-phù-đề, vô linh đoạn tuyệt.

Lúc ấy, Phật bảo Bồ Tát Di-lặc rằng: “Di-lặc! Nay ta đem pháp A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề đã kết tập trong vô lượng ức a-tăng-kỳ kiếp mà phó chúc cho ông. Sau khi Phật diệt độ, vào đời mạt pháp, các ông nên dùng thần lực mà giảng thuyết, lưu hành rộng rãi những kinh như thế này ở cõi Diêm-phù-đề, đừng để cho dứt tuyệt.

 

Sở dĩ giả hà? Vị lai thế trung, đương hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân cập thiên, long, quỷ thần, càn-thát-bà, la-sát đẳng, phát A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm, nhạo ư Đại pháp. Nhược sử bất văn như thị đẳng kinh, tắc thất thiện lợi. Như thử bối nhân, văn thị đẳng kinh, tất đa tín lạc, phát hy hữu tâm, đương dĩ đỉnh thọ. Tùy chư chúng sinh sở ưng đắc lợi, nhi vị quảng thuyết.

Vì sao vậy? Trong tương lai sẽ có những thiện nam tử, thiện nữ nhân cùng chư thiên, loài rồng, quỷ thần, càn-thát bà, la-sát phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam bồ-đề, sẽ ưa thích giáo pháp Đại thừa. Nếu như họ chẳng nghe được những kinh như thế này, ắt sẽ mất đi điều lợi ích tốt đẹp. Như những người ấy mà nghe được những kinh như thế này, ắt họ sẽ được thêm lòng tin vui, phát tâm cho là ít có, sẽ kính vâng nhận lãnh; rồi sẽ tùy chỗ thích hợp được lợi ích cho chúng sinh mà giảng thuyết rộng rãi để cứu độ.

 

Di-lặc đương tri: Bồ Tát hữu nhị tướng. Hà vị vi nhị? Nhất giả háo ư tạp cú văn sức chi sự. Nhị giả bất úy thâm nghĩa, như thật năng nhập. Nhược háo tạp cú văn sức sự giả, đương tri thị vi tân học Bồ Tát. Nhược ư như thị vô nhiễm vô trước, thậm thâm kinh điển, vô hữu khủng úy, năng nhập kỳ trung, văn dĩ tâm tịnh, thọ trì, độc tụng, như thuyết tu hành, đương tri thị vi cửu tu đạo hạnh.

“Di-lặc nên biết: Chỉ xét vẻ ngoài thì có hai tướng trạng Bồ Tát. Sao gọi là hai? Một là hạng người ưa thích văn chương cầu kỳ, hoa mỹ. Hai là hạng người chẳng sợ nghĩa lý sâu xa, có thể thâm nhập vào lẽ như nhiên chân thật. Như những ai ưa thích văn chương cầu kỳ, hoa mỹ, nên biết đó là hạng tu học theo lối mới. Như những ai không nhiễm, không trước, không khiếp sợ những kinh điển thâm sâu, lại còn thể thâm nhập vào trong đó, được nghe rồi lòng dạ trở nên trong sạch, có thể thọ trì đọc tụng, theo như thuyết mà tu hành, nên biết rằng đó là hạng người đã tu lâu đạo hạnh.

 

Di-lặc! Phục hữu nhị pháp danh tân học giả, bất năng quyết định ư thậm thâm pháp. Hà đẳng vi nhị? Nhất giả sở vị văn thâm kinh, văn chi kinh bố sinh nghi, bất năng tùy thuận, hủy báng bất tín, nhi tác thị ngôn: Ngã sơ bất văn, tùng hà sở lai? Nhị giả nhược hữu hộ trì giải thuyết như thị thâm kinh giả, bất khẳng thân cận, cúng dường, cung kính. Hoặc thời ư trung, thuyết kỳ quá ác. Hữu thử nhị pháp, đương tri thị tân học Bồ Tát, vi tự hủy thương, bất năng ư thâm pháp trung, điều phục kỳ tâm.

“Di-lặc! Lại có hai điều thuộc về hạng người tu học theo lối mới, chẳng có lòng quyết định đối với pháp thâm sâu. Hai điều đó là gì? Một là họ chưa được nghe kinh điển sâu xa, khi nghe thời họ sợ sệt sinh nghi, không thể tùy thuận, lại chê bai chẳng tin, liền nói rằng: ‘Chúng tôi trước đây chưa hề nghe kinh điển như thế. Kinh ấy từ đâu mà có?’ Hai là nếu có những người hộ trì giảng thuyết kinh sâu xa như thế này, họ lại chẳng chịu thân cận, cúng dường cung kính; hoặc trong khi đó còn nói xấu người ấy nữa. Những ai có hai điều ấy, nên biết họ là hạng người tu học theo lối mới. Họ tự làm hại chính mình; đối với pháp sâu xa, họ chẳng thể điều phục tâm ý.

 

Di-lặc! Phục hữu nhị pháp. Bồ Tát tuy tín giải thâm pháp, du tự hủy thương, nhi bất năng đắc Vô sinh pháp nhẫn. Hà đẳng vi nhị?

“Di-lặc! Lại có hai điều làm cho Bồ Tát tuy tin hiểu pháp sâu, nhưng vẫn tự làm hại cho mình, nên chẳng có thể được Vô sinh pháp nhẫn. Hai điều ấy là gì?

 

Nhất giả khinh mạn tân học Bồ Tát, nhi bất giáo hối. Nhị giả tuy tín giải thâm pháp, nhi thủ tướng phân biệt. Thị vi nhị pháp.

Một là khinh chê hàng Bồ Tát theo lối mới, mà chẳng chịu chỉ dạy. Hai là tuy tin hiểu pháp sâu, nhưng còn chấp tướng và phân biệt.”

 

Di-lặc Bồ Tát văn thuyết thị dĩ, bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Vị tằng hữu dã. Như Phật sở thuyết, ngã đương viễn ly như tư chi ác, phụng trì Như Lai vô lượng ức a-tăng-kỳ kiếp, sở tập A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề pháp. Nhược vị lai thế, thiện nam tử, thiện nữ nhân cầu Đại thừa giả, đương linh thủ đắc như thị đẳng kinh, dữ kỳ niệm lực, sử thọ trì, độc tụng, vị tha quảng thuyết.

Bồ Tát Di-lặc nghe thuyết như vậy rồi, liền bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Thật chưa từng có vậy. Theo như Phật thuyết, con sẽ lìa xa những việc xấu kia, phụng trì pháp A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề mà Như Lai đã kết tập trong vô lượng ức a-tăng kỳ kiếp. Trong đời vị lai, nếu có những thiện nam tử, thiện nữ nhân cầu Đại thừa, con sẽ khiến cho họ tự tay nhận được kinh điển này, con sẽ giúp cho họ được thêm trí nhớ, khiến họ thọ trì, đọc tụng và giảng thuyết rộng với những kẻ khác.

 

Thế Tôn! Nhược hậu mạt thế, hữu năng thọ trì, độc tụng, vị tha thuyết giả, đương tri thị Di-lặc thần lực chi sở kiến lập.

“Thế Tôn! Về thuở sau cùng, nếu những ai có thể thọ trì, đọc tụng và giảng thuyết rộng với kẻ khác, nên biết rằng những người đó là do sức thần của Di lặc kiến lập.”

 

Phật ngôn: Thiện tai, thiện tai! Di-lặc, như nhữ sở thuyết, Phật trợ nhĩ hỷ.

Phật nói: “Lành thay, lành thay! Di-lặc, như ông vừa nói như vậy, ta vui vẻ tán trợ ông đó.”

 

Ư thị, nhất thiết Bồ Tát hiệp chưởng bạch Phật: Ngã đẳng diệc ư Như Lai diệt hậu, thập phương quốc độ, quảng tuyên lưu bố A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề pháp. Phục đương khai đạo chư thuyết pháp giả, linh đắc thị kinh.

Lúc ấy, tất cả chư Bồ Tát đồng chắp tay bạch Phật: “Sau khi Như Lai tịch diệt, chúng con cũng sẽ lưu hành thuyết rộng pháp A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề ở các quốc độ mười phương. Chúng con sẽ mở mang chỉ dẫn cho những vị thuyết pháp, khiến cho thấu đạt nghĩa lý kinh này.”

 

Nhĩ thời, Tứ thiên vương bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Tại tại xứ xứ, thành ấp tụ lạc, sơn lâm khoáng dã, hữu thị kinh quyển, độc tụng giải thuyết giả, ngã đương suất chư quan thuộc, vị thính pháp cố, vãng nghệ kỳ sở, ủng hộ kỳ nhân. Diện bá do-tuần, linh vô tứ cầu đắc kỳ tiện giả.

Bấy giờ, bốn vị thiên vương bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Bất kỳ ở đâu, thành ấp, xóm làng, rừng núi, đồng ruộng mà có người đọc tụng giảng thuyết kinh này, chúng con sẽ đưa các quan thuộc đến đó nghe pháp và ủng hộ người ấy. Chúng con sẽ khiến cho trong khoảng vuông vức một trăm do-tuần, chẳng ai có thể rình rập mà làm hại người ấy.”

 

Thị thời, Phật cáo A-nan: Thọ trì thị kinh, quảng tuyên lưu bố.

Lúc ấy, Phật bảo A-nan: “Hãy thọ trì kinh này và lưu hành giảng thuyết rộng rãi.”

 

A-nan ngôn: Duy nhiên! Ngã dĩ thọ trì yếu giả.

A-nan bạch rằng: “Dạ, con đã thọ trì những chỗ cốt yếu.

 

Thế Tôn! Đương hà danh tư kinh?

Bạch Thế Tôn! Nên đặt tên kinh này là gì?”

 

Phật ngôn: A-nan! Thị kinh danh vi Duy-ma-cật sở thuyết. Diệc danh Bất khả tư nghị giải thoát pháp môn. Như thị thọ trì.

Phật dạy: “A-nan! Kinh này tên là Duy-ma-cật sở thuyết, cũng tên là Bất khả tư nghị giải thoát pháp môn. Hãy y như vậy mà thọ trì.”

 

Phật thuyết thị kinh dĩ, Trưởng giả Duy-ma-cật, Văn-thù-sư-lợi, Xá-lỵ-phất, A-nan đẳng cập chư thiên, nhân, a-tu-la, nhất thiết Đại chúng, văn Phật sở thuyết, giai đại hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

Phật thuyết kinh này xong, trưởng giả Duy-ma cật, Văn-thù Sư-Lợi, Xá-Lợi-phất, A-nan cùng chư thiên, người ta, a-tu-la, tất cả đại chúng nghe Phật thuyết rồi, đều rất vui vẻ, tin nhận và kính cẩn làm theo.

 

— o0o —

Hết