Như Ý Bảo Luân Vương Đà-La-Ni

Như Ý Bảo Luân Vương Đà-La-Ni
— o O o —

Thần Chú trong Kinh Như Ý Luân Đà La Ni
phiên dịch: Bồ Đề Lưu Chí
— o O o —

Nam-mô Phật đà da
Nam-mô Đạt ma da
Nam-mô Tăng đà da
Nam-mô Quán tự tại Bồ-tát Ma-ha-tát, cu đại bi tâm gia.

Đát diệt tha: Án, chước yết ra, phạt để, chấn đa mạt ni, ma ha bát đằng mế, rô rô rô rô, để sắt tra, thước ra, a yết rị, sa dạ, hồng phấn, toá ha.
Án bát đạp ma, chấn đa mạt ni, thước ra hồng.
Án bát lặc bà, bát đẳng mế hồng.
=====================

Câu chú này trích trong kinh Như Ý Luân Đà La Ni. Bốn câu đầu là đảnh lễ Tam Bảo và các vị đại Bồ Tát.

Nam Mô – phiên âm chữ Namo từ tiếng Phạn. Trung Hoa dịch là “Quy y”; cũng dịch là “Quy mạng kính đầu”. Quy mạng kính đầu nghĩa Nam Mô.

Có nghĩa là: “Con xin đem toàn thể sinh mạng của con về nương tựa vào chư Phật”. Cái bản ngã của chính mình không còn nữa. Mà con xin dâng trọn vẹn thân mạng mình lên chư Phật. Nếu chư Phật cho con sống thì con sống; bảo con chết thì con chết. Con hoàn toàn tin vào chư Phật. Đó gọi là “Quy mạng”.

Còn “Kính đầu” có nghĩa là hết sức cung kính và nương tựa vào đức Phật. Đó là ý nghĩa của Nam mô.

Còn “Quy y” có nghĩa là đem hết thân và tâm của mình, đem hết cả mạng sống của mình trở về nương tựa vào đức Phật.

 

Phật đà – Phật Ðà dịch là “Giác giả”, là người giác ngộ. Giác gồm có tự giác, giác tha, giác mãn. Tự giác là bậc nhị thừa, tự mình đã giác ngộ, khác với phàm phu. Phàm phu thì không giác. Nhị thừa thì tự giác. Nhị thừa tức là Thanh Văn A La Hán, Duyên Giác. Bậc Thanh Văn nghe âm thanh của Phật mà ngộ đạo, bậc Duyên Giác tu mười hai nhân duyên mà ngộ đạo. Bậc nhị thừa là tự liễu hán. Chỉ biết tự giác, không biết giác tha, không thể dùng pháp môn của mình tu giác ngộ đi giáo hóa kẻ khác, khiến cho kẻ khác cũng giác ngộ. Bồ Tát và nhị thừa khác nhau. Bồ Tát tự mình giác rồi, lại đi giáo hóa kẻ khác giác ngộ, nhưng chưa thể giác hạnh viên mãn. Chỉ đang đi trên con đường tự độ độ tha, tự giác giác tha, tự lợi lợi tha, chưa đến quả vị Phật. Phật và Bồ Tát khác nhau.

Phật thì tự giác, lại giác tha và giác hạnh viên mãn. Giác viên mãn, vạn hạnh cũng viên mãn. Cho nên ba giác đầy, vạn đức đủ, cho nên xưng là Phật.

Da có nghĩa là khấu đầu đảnh lễ

 

Nam Mô – phiên âm chữ Namo từ tiếng Phạn. Trung Hoa dịch là “Quy y”; cũng dịch là “Quy mạng kính đầu”.

Đạt ma – Đạt ma tức là Pháp Bảo
   Pháp bảo phổ chiếu,
   Nhi vũ cam-lộ.
   Ư chúng ngôn âm,
   Vi diệu đệ nhất

Chánh pháp quý giá, soi sáng khắp nơi và tuôn xuống như mưa cam lộ. Tiếng Pháp của ngài, vi diệu đệ nhất.

Da – Khấu đầu đảnh lễ

 

Nam Mô – phiên âm chữ Namo từ tiếng Phạn. Trung Hoa dịch là “Quy y”; cũng dịch là “Quy mạng kính đầu”.

Tăng đà – Tăng Già tức là “Người xuất gia”

Da – Khấu đầu đảnh lễ

 

Nam Mô – phiên âm chữ Namo từ tiếng Phạn. Trung Hoa dịch là “Quy y”; cũng dịch là “Quy mạng kính đầu”.

Quán tự tại Bồ-tát Ma-ha-tát – Đó chính là ý nghĩa của danh hiệu của một vị Đại Bồ tát Quán Tự Tại, Bồ tát Quán Thế Âm. Có nghĩa là quan sát, lắng nghe âm thanh ở cõi thế gian để cứu độ một cách tự tại.

Cu đại bi tâm gia – tâm đại từ đại bi, gia hay da có nghĩa là khấu đầu đảnh lễ. Toàn câu có nghĩa là: Khấu đầu đảnh lễ thần chú đại bi tâm đà la ni.

 

— o O o —

Đát diệt tha: Án chước yết ra, phạt để, chấn đa mạt ni, ma ha bát đằng mế, rô rô rô rô, để sắt tra, thước ra, a yết rị, sa dạ, hồng phấn, toá ha.

Đát điệt tha – TADYATHA – dịch là “tức thuyết chú viết”. Còn dịch là “Sở vị”. Bồ tát Quán Thế Âm dùng Tâm đại bi mà nói ra chơn ngôn này, nói bằng các chủng tự của Phạm Thiên.

Phiên âm:
   Xuất quảng trường thiệt biến tam thiên
   Quán Âm thị hiện hóa nam nữ
   Ứng cúng sát tặc A la hán
   Tự lợi lợi tha giác hạnh viên

Phiên dịch:
   Tướng lưỡi rộng dài ba ngàn thế giới
   Quán Âm thị hiện dạy dỗ gái trai
   Tứ quả, cúng dường, đoạn cái thấy lầm sai
   Ích người, lợi mình, vẹn toàn đạo hạnh.

Đát điệt tha còn có nghĩa là “thủ ấn” nghĩa là kết ấn bằng tay. Cũng gọi là “trí nhân” nghĩa là khai mở con mắt trí tuệ của chúng sinh.

Đát điệt tha lại còn có nghĩa là vô lượng pháp môn tu học và trí huệ nhãn vô lượng. Đó là ý nghĩa của “Sở vị”.

 

Án – OM – Án nghĩa là “Bổn mẫu”, là “Chú mẫu” mẹ của tất cả mọi thần chú; cũng chính là “Phật mẫu” mẹ của tất cả chư Phật.

Phiên âm:
   Vô thủy vô chung vô cổ kim
   Hư không pháp giới nhất khẩu thôn
   Tự tính tịch nhiên phi nội ngoại
   Như thị như thị như thị nhân

Phiên dịch:
   Không đâu là xưa, nay, đầu, cuối
   Một ngụm này, nuốt pháp giới hư không
   Tự tính rỗng rang lặng lẽ, chẳng ngoài trong
   Là như vậy! Thực tướng nhân là vậy.

Mẹ của chư Phật có nghĩa là mẹ của nguồn tâm trong mọi loài chúng sinh, vì nguồn tâm của chúng sinh vốn có sẵn mọi trí tuệ, thường xuất sinh các pháp lành, nên gọi là “Bổn mẫu”.

Thông qua năng lực của thần chú mà mười pháp muôn được hiển bày.

1. Pháp môn thứ nhất là “Tự”: là đầu nguồn, làm xuất sinh mọi chủng tự.

2. Thứ hai là “Cú”. Trong kinh văn hoặc trong thần chú, “Cú” có nghĩa là một câu.

3. Thứ ba là “Quán”: là quán chiếu, quán sát, vận dụng năng lực quán chiếu mà hành trì.

4. Thứ tư là “Trí”: là trí tuệ, dùng thanh gươm trí tuệ để cắt đứt tất cả phiền não. Trí tuệ tức là pháp môn lưu xuất từ Bát Nhã Ba La Mật, đó là trí tuệ viên mãn nhất. Còn “quán” là lưu xuất từ pháp môn Thiền định Ba La Mật.

5. Thứ năm là “Hành”: nghĩa là tu tập, nương theo giáo pháp mà hành trì.

6. Thứ sáu là “Nguyện”: nghĩa là cần phải phát nguyện, nương theo giáo pháp chân chính mà tu hành.

7. Thứ bảy là “Giáo”: nghĩa là y cứ theo giáo pháp chân chính mà tu hành. Nếu quí vị không nương theo lời dạy của đức Phật mà tu hành, thì dù quí vị có tu hành đến nhiều kiếp như số cát sông Hằng đi nữa thì vẫn không có kết quả gì cả. Cũng như thể nấu cát mà mong thành cơm vậy.

Tuy nhiên, để có thể tu tập xứng hợp với giáo lý chân chính của đức Phật thì trước hết, quí vị phải thông hiểu về giáo pháp đó một cách tường tận.

8. Thứ tám là “Lý”: nghĩa là đạo lý. Nếu quí vị có thể nhập được vào Phật pháp vi diệu thì mới có được sự hiểu biết thông đạt về giáo pháp ấy. Nếu quí vị không khế hội được diệu pháp này, thì quí vị chỉ là người tu tập trong sự mù quáng. Dù quí vị có tu hành bao lâu đi nữa, cũng không đạt được sự thành tựu.

9. Thứ chín là “Nhân”: Trong đời này quí vị phải gieo trồng những nhân thù thắng, nhân tốt lành, nhân thanh tịnh, thì quá khứ quí vị sẽ gặt được quả thù thắng, quả vi diệu và quả thanh tịnh.

10. Thứ mười là “Quả”: Quả tương ứng sẽ đạt được sau khi đã gieo trồng nhân. Đó là diệu quả, quả vị giác ngộ tối thượng.

Như vậy từ chữ án, xuất sinh ra mười pháp môn vi diệu. Nên khi quí vị trì niệm thần Chú Đại Bi, niệm đến chữ án thì tất cả các loài quỷ thần đều chắp tay vô cùng cung kính, không dám tỏ ra khinh suất hoặc lơ là khi nghe hành giả trì tụng thần Chú Đại Bi. Chữ án có một năng lực mạnh mẽ mà đến nỗi khiến cho các loài ác quỷ, ác thần đều phải cung kính chấp trì. Công năng của thần chú thật to lớn, thần lực thật không thể nghĩ bàn.

 

Chước yết ra – Cakra – bánh xe chánh pháp. Đây là tác pháp cho nên có câu:
Luận nghĩa tác pháp chuyển diệu luân. Câu Chú nầy cũng có thể dịch là Luận nghĩa, cũng dịch là Luận chiến, còn dịch là Yết ma, tức là tác pháp. Kệ nói là chuyển diệu pháp luân nói pháp mầu.

Câu Chú nầy trừ được tất cả nạn binh. Binh tức là quân đội, không gặp nạn quân đội. Quân đội đi các nơi đàn áp người dân, có người bị giết, có người bị đánh chết, đến nhà người dân đàn áp là thuộc về nạn binh. Do đó, đao binh nước lửa ôn dịch hoành hành, đều thuộc về nạn binh nầy.

 

Phạt để – VARTTI – đèn trí tuệ, có nghiã là hóa chuyển phước tuệ của bạn được tỏa sáng như viên ngọc.

 

Chấn đa mạt ni – CINTA-MANI – nghiã là Ngọc báu Như Ý – Châu như ý, châu như ý nầy là toại tâm như ý, chẳng có sự mong cầu gì mà chẳng được. Đó là công năng của Như ý Châu thủ nhãn, làm tăng trưởng phước huệ, làm cho mọi việc đều được tốt lành như ý. “Như ý” nghĩa là tuỳ thuận với tâm nguyện mà được đáp ứng.

“MaNi” chính là “mâu ni”. “Mâu ni” là tiếng Phạn, dịch là “trí tịch,” tức là dùng trí huệ để làm sáng tỏ tất cả các đạo lý, và do đó đạt đến trạng thái tịch diệt vô sanh. Lại có thể dịch là “ly cấu,” nghĩa là rời xa tất cả bụi bặm dơ bẩn, ví như viên ngọc “như ý,” rất toàn hảo, không có chút tỳ vết. Viên bảo châu “như ý” nầy có công năng sanh trưởng tất cả công đức, có thể đáp ứng mọi sở nguyện của con người.

 

Ma ha bát đằng mế – Mahā padme – Ma-ha có nghiã là đại

Bát đẳng mế – vốn nên đọc là “Bát Đặc Di,” dịch là “quang minh viên giác”; cũng dịch là “liên hoa khai,” tức là diệu tâm của Bồ tát Quán Thế Âm, diệu tâm ấy viên mãn đầy đủ, vô ngại.

Liên Hoa Khai nghĩa là hoa nở sen tụ, tượng trưng cho trí tuệ. Hoa sen từ bùn mọc lên nhưng lại không ô nhiễm vì bùn. Tương tự như vậy, trí tuệ có khả năng đặt người tu vào vị trí không mâu thuẫn ở những nơi mà người thiếu trí tuệ đều sẽ thấy đầy mâu thuẫn. Có nhiều loại trí tuệ, trí tuệ chứng vô thường, trí tuệ chứng nhân vô ngã (con người không tự có một cách độc lập cố định), trí tuệ chứng tánh không giữa các phạm trù đối kháng (nói cách khác, giữa chủ thể và khách thể) và trí tuệ chứng sự không có tự tánh.

 

Rô rô rô rô – Ru Ru – có nghiã là những vị hộ thần trong thiên long bát bộ. Đây là thiết câu ấn pháp, có công năng làm cho tất cả quỷ thần, thiên long bát bộ đến hộ trì cho hành giả.

 

Để sắt tra – Tisthat – là thần hộ giới, kim cang hộ pháp, thần hộ đạo tràng. Câu Chú này tức là “Kim Cang thủ”, lại là “Kim Cang chưởng”, lại là “Kim Cang quyền”. Kim Cang quyền này, có thể cách núi đánh yêu, yêu ma quỷ quái cách một hòn núi, đều làm cho chúng hàng phục. Bạn dùng pháp Kim Cang quyền này, thì chúng sẽ mau chóng hướng về bạn cúi đầu đảnh lễ, phục tùng bạn. Tức là không cần bạn phải dùng sức lực làm đè ngã chúng, mà là dùng đức hạnh đạo lực để cảm hóa, khiến cho chúng phục tùng bạn. Cho nên nói: ‘’Kim Cang tay báu pháp lực lớn.’’ Thứ pháp lực này không thể nghĩ bàn, chẳng phải một số người có thể hiểu được.

 

Thước ra – JVALA – Hoả Quang diệm chiếu khắp.

Kệ:
   Phật bảo phổ phóng vô lượng quang
   Chiếu biến pháp giới hư không tạng
   Khai thị ngộ nhập chánh tri kiến
   Vô thượng bồ đề Đại Giác vương.

Nghĩa là:
   Phật bảo khắp phóng vô lượng quang
   Chiếu khắp pháp giới hư không tạng
   Khai thị ngộ nhập chánh tri kiến
   Vô thượng bồ đề vua Đại Giác.

Giảng giải: “Phật bảo khắp phóng vô lượng quang”: Câu Chú nầy nghĩa là “Quang diệm”, tức là hoả diệm chiếu khắp vô yếm túc, hoả diệm khắp tất cả mọi nơi.

“Chiếu khắp pháp giới hư không tạng”: Phật ở cõi tịnh độ Thường Tịch Quang, phóng vô lượng quang minh, chiếu khắp pháp giới, không có chỗ nào mà không chiếu đến, tận hư không khắp pháp giới, đều ở trong quang minh của Phật chiếu đến. Vô chiếu vô bất chiếu, chẳng có một nơi nào mà không chiếu, chẳng có một nơi nào chắc chắn chiếu. Là chiếu khắp, chẳng giống như chúng ta một số người có tâm ích kỷ, nếu người nào đó đối với mình tốt, thì mình đặc biệt đối với họ tốt; còn người nào đối với mình không tốt, thì mình sẽ đối với họ không tốt. Phật thì chẳng như thế, quang minh của Ngài bất cứ đối với người thiện, người ác, người tốt, người xấu, đều chiếu giống nhau. Chỉ là người tội nghiệp quá nặng, tuy được quang minh của Phật gia bị, nhưng vẫn bị vô minh che đậy, trí huệ chẳng hiện tiền.

“Khai thị ngộ nhập chánh tri kiến”: Phật phóng quang động địa, khiến cho tất cả chúng sinh bỏ mê về giác, khai tri kiến của Phật, thị tri kiến của Phật, ngộ tri kiến của Phật, nhập tri kiến của Phật, chánh tri kiến tức là tri kiến của Phật.

“Vô thượng bồ đề vua Đại Giác”: Đợi đến khi bạn minh bạch chánh tri chánh kiến của Phật, thì bạn tu thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, tức là vua trong các pháp, lúc đó sẽ phổ độ tất cả chúng sinh.

 

A yết rị Sa dạ – AKARSAYA – Yết Rị, dịch là “Tác pháp” là tâm kim cang trong mật Chú.. Yết Rị còn dịch là “Chuyển luân”, là đại tâm Chú. Ðây là thuộc về phương bắc bộ Thành Tựu, Phật Thành Tựu cai quản.

 

Hồng – HUM có nghĩa là “xuất sanh” —tất cả mọi thứ đều có thể được sanh ra từ chữ “Hồng” nầy. Lại có nghĩa là “ủng hộ”. Khi quý vị niệm chữ nầy thì liền cảm ứng chư hộ pháp thiện thần đến trợ giúp, che chở cho quý vị. Lại còn có nghĩa là “tiêu tai, quý vị có tai nạn gì, tụng chữ nầy liền được tai qua nạn khỏi. Lại cũng có nghĩa là “thành tựu”, bất luận quý vị cầu nguyện điều gì, đều có thể được thành tựu như ý.

HUM – Hổ Hồng ý nghĩa là “Hàng phục” và “Ủng hộ”. Hàng phục thiên ma ngoại đạo, yêu ma quỷ quái, lị mị vọng lượng. Ủng hộ Tam Bảo, thì chánh pháp trụ lâu dài. Sắc lệnh tất cả chúng trên trời dưới đất.

Kệ:
   Sắc lệnh Thiên thượng địa hạ chúng
   Hàng phục yêu ma quỷ quái tinh
   Ủng hộ Tam Bảo lập công đức
   Viên mãn giác đạo quả nhựt long.

Nghĩa là:
   Ra lệnh chúng trên trời dưới đất
   Hàng phục yêu tinh ma quỷ quái
   Ủng hộ Tam Bảo lập công đức
   Viên mãn quả giác ngày càng cao.

Giảng giải: Hổ Hồng ý nghĩa là “Hàng phục” và “Ủng hộ”. Hàng phục thiên ma ngoại đạo, yêu ma quỷ quái, lị mị vọng lượng. Ủng hộ Tam Bảo, thì chánh pháp trụ lâu dài.
“Ra lệnh chúng trên trời dưới đất”: Phật ra lệnh Hộ pháp thiện thần trên trời, và hộ pháp ở dưới đất. Chúng là bao quát tất cả.
“Hàng phục yêu tinh ma quỷ quái”: Các Ngài một mặt hàng phục tất cả yêu ma quỷ quái, lị mị vọng lượng, tận hư không khắp pháp giới, khiến cho chúng không được tác quái, một mặt lại ủng hộ Tam Bảo, lập công, lập đức, tương lai không lâu thì các Ngài cũng sẽ viên mãn giác đạo, quả vị ngày càng cao, cho nên nói “Ủng hộ Tam Bảo lập công đức, Viên mãn quả giác ngày càng cao”.

 

Phấn – PHAT – Phấn Tra nghĩa là « Đập tan » và « Khai thông ». Nghĩa là nếu bạn không nghe lời vẫy gọi, thì sẽ đập tan. Khai thông tức là nếu bạn nghe lời vẫy gọi, giữ gìn quy cụ, lại có thể khai phát trí huệ của bạn, tăng trưởng căn lành của bạn.

Ta ha – SVAHA, ý nghĩa là Cát tường, Tiêu tai, Thành tựu. Một khi tụng lên thì không cát tường sẽ biến thành cát tường, thay đổi được nghiệp chướng, thay đổi được tai nạn, thay đổi được cảnh giới của bạn.

 

— o O o —

Án bát đạp ma, chấn đa mạt ni, thước ra hồng.
===

Án – OM – nghĩa là “Bổn mẫu”, là “Chú mẫu” mẹ của tất cả mọi thần chú; cũng chính là “Phật mẫu” mẹ của tất cả chư Phật.

Bát đạp ma – PADMA – có vài bài chú đọc là Bát Ðầu Ma vốn là hoa sen đỏ, nhưng ở đây không nói là hoa sen đỏ, mà là hoa sen màu gì cũng đều có, đỏ trắng vàng tía xanh. Cho nên nói là hoa sen đỏ quang minh màu đỏ, hoa sen vàng quang minh vàng, hoa sen trắng quang minh trắng, hoa sen xanh quang minh xanh

Chấn đa mạt ni – CINTAMANI – Ngọc báu Như Ý – Ma Ni thuộc về “Bảo”, Bảo Bộ là phương nam, phương nam Bảo Sinh bộ. ‘’Bảo Sinh Phật bộ chủ ma ni.’’ Phật Bảo Sinh, bộ chủ Bảo Bộ.

Thước ra hồng – JVALA – Hoả Quang diệm chiếu khắp. Câu Chú nầy nghĩa là “Quang diệm”, tức là hoả diệm chiếu khắp vô yếm túc, hoả diệm khắp tất cả mọi nơi. Phật ở cõi tịnh độ Thường Tịch Quang, phóng vô lượng quang minh, chiếu khắp pháp giới, không có chỗ nào mà không chiếu đến, tận hư không khắp pháp giới, đều ở trong quang minh của Phật chiếu đến.

Hồng – HUM – ý nghĩa là “Hàng phục” và “Ủng hộ”. Hàng phục thiên ma ngoại đạo, yêu ma quỷ quái, lị mị vọng lượng.

— o O o —

Án bát lặc bà, bát đẳng mế hồng
===

Án – OM – nghĩa là “Bổn mẫu”, là “Chú mẫu” mẹ của tất cả mọi thần chú; cũng chính là “Phật mẫu” mẹ của tất cả chư Phật.

Bát lặc bà – VARADA – hay Bát La Bà tức là “trí huệ quang minh”.
Đại tài Bát Nhã trí huệ quang
Chiếu khắp pháp giới tính trung vương.

Tính trung vương tức là bổn thể của Phật.

Bát đẳng mế – PADME – dịch là “quang minh viên giác”; cũng dịch là “liên hoa khai,” tức là diệu tâm của Bồ tát Quán Thế Âm, diệu tâm ấy viên mãn đầy đủ, vô ngại.

Hồng – HUM – ý nghĩa là “Hàng phục” và “Ủng hộ”. Hàng phục thiên ma ngoại đạo, yêu ma quỷ quái, lị mị vọng lượng.

— o O o —

 

Bấy giờ Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát nói chú Đà La Ni này thì đại địa, núi, rừng chấn động theo sáu cách. Tất cả cung Trời, cung loài Rồng, cung Dược Xoa, cung La Sát, cung Càn Sát Bà, cung A Tố Lạc, cung Ca Lâu La, cung Khẩn Na La, cung Ma Hô la già đều chấn động lớn. Mọi loài: các quỷ thần có sức mạnh lớn ác, Tỳ Na Dạ Ca, loài gây chướng ngại đều sợ đánh nhau. Các cung điện của Ma đều bốc lửa lớn bao khắp, trong đó Ma vương với các Ma quyến thuộc đều sinh ra sự sợ hãi lớn. Tất cả kẻ ác hẹp hòi, Long nữ, Thần nữ, Quỷ nữ, Dược Xoa nữ, Càn Sát Bà nữ, A Tố Lạc nữ, Ca Lâu La nữ, Khẩn Na La nữ, Ma hô la già nữ cùng một lúc hoảng sợ buồn rầu, rối loạn té ngã xuống đất. Tất cả Địa ngục đều tự mở cửa, trong đó tất cả Hữu tình bị tội báo đều được giải thoát, sinh hết lên cõi Trời nhận sự an vui thù thắng .

Khi ấy, Chư Thiên đều cầm mọi loại hương thù thắng như: An Tất, Ngưu đâu, Chiên đàn, Trầm thủy, hương bột, hương xoa, hương đốt, hoa trời kỳ diệu, mọi báu Anh lạc, trâm csài, chuông đeo, vàng xuyến, lọng báu, mão đội …. Ở trong hư không tuôn xuống ào ạt như mưa cúng dường Đức Như Lai với đại chúng trong hội. Mọi đám mây màu nổi đầy khắp bờ mé hư không, trong mây đó nhạc trời chẳng đánh tự kêu vang tuôn ra âm thanh hòa nhã chẳng thể luận bàn cúng dường Đức Như Lai. Người thấy nghe đều trụ sức Từ nhẫn. Như thần biến kia đều là chỗ an bày thần lực của Chú Bí Mật Như Ý Luân Đà La Ni của Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát.

Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng tiếng Phạn mỹ diệu Ca Lăng Tần Già nói kệ thâm diệu ca ngợi Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát rằng :

Lành thay ! Lành thay Thiện nam tử !
Ông hay thương nghĩ các hữu tình
Nói Đà La Ni Như Ý này

Cứu giúp hữu tình đại thắng ích

Khiến người tin nhận tiêu các tội
Sẽ vượt Tam Giới chứng Bồ Đề
Tùy phương nếu có người ta trì
Nguyện Thế, xuất Thế đều viên mãn

Khi Đức thế Tôn nói lời kệ ấy xong, lại bảo Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát rằng: “Thiện nam tử ! Ông nên vì tất cả các Hữu tình mà nói về Thần Thông, Đà La Ni chú, Pháp yếu thọ trì của Pháp ấy khiến cho chúng Hữu tình ngày sau được Thiện lợi lớn .”