Kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Thiển Thích
Quyển Trung
Tuyên Hóa Thượng Nhân giảng thuật
— o0o —
Phẩm Thứ Năm
DANH HIỆU CỦA ÐỊA NGỤC
Phẩm Danh Hiệu Của Ðịa Ngục là phẩm thứ năm trong bộ Kinh Ðịa Tạng, nói rõ về tên của các địa ngục.
Thế nào gọi là “địa ngục” (nhà tù dưới đất)? Ðịa ngục do ai tạo ra? Ở cõi người (nhân gian) có nhà tù, thì tại địa phủ, tức là “cõi âm,” cũng có nhà tù. Nhà tù ở nhân gian thì do chính phủ cho xây sẵn, chuẩn bị để giam giữ những kẻ vi phạm luật pháp quốc gia; thế thì nhà tù ở địa phủ có giống như vậy không? Không phải như vậy! Ðịa ngục—nhà tù ở địa phủ—không được tạo dựng sẵn từ trước để chờ đón tội nhân như nhà tù ở nhân gian.
Ðịa ngục vốn thuộc loại “có tên nhưng vô hình” (hữu danh vô hình)—tên của địa ngục thì có, mà hình tướng của địa ngục thì không; phải đợi đến lúc tội nhân tới thời điểm thọ tội báo thì địa ngục mới hiện hình. Bấy giờ, hễ tội nhân đã từng gây ra nghiệp tội gì thì sẽ có địa ngục tương ứng với nghiệp tội đó hiện ra. Những địa ngục này không phải do người nào hoặc đấng quỷ thần nào dựng nên, mà là do nghiệp lực của chính bản thân người tội tạo thành. Hễ chúng ta gây nghiệp tội gì thì ở cõi âm sẽ xuất hiện một địa ngục tương ứng với nghiệp tội mà chúng ta đã tạo tác—sự việc này xảo diệu và bất khả tư nghị một cách phi thường. Vì sao gọi là “cõi âm” (cõi tối tăm)? Bởi vì nơi đó luôn luôn tối tăm u ám, không có ánh sáng của mặt trời và mặt trăng dọi tới, nên gọi là “cõi âm,” và cũng là “âm ty” hoặc “âm phủ.”
Cho nên, địa ngục là do những nghiệp tội của chúng ta gây ra tích tụ lại với nhau mà hình thành. Lại nữa, địa ngục chỉ có danh hiệu chứ không có thực thể; phải đợi đến lúc chúng ta đi thọ tội thì địa ngục mới hiện ra—đây quả là một điều vô cùng vi diệu và bất khả tư nghị.
Kinh văn: Nhĩ thời Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát bạch Địa Tạng Bồ Tát ngôn: “Nhân Giả! Nguyện vi thiên long tứ chúng, cập vị lai hiện tại nhất thiết chúng sanh, thuyết Sa Bà thế giới, cập Diêm Phù Đề tội khổ chúng sanh, sở thọ báo xứ, địa ngục danh hiệu, cập ác báo đẳng sự. Sử vị lai thế Mạt Pháp chúng sanh, tri thị quả báo”.
Việt Văn: Lúc đó, Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát thưa cùng Ðịa Tạng Bồ Tát rằng: “Thưa Nhân Giả! Xin Ngài hãy vì trời, rồng, tứ chúng và tất cả chúng sanh ở hiện tại cùng vị lai, mà nói rõ danh hiệu của các địa ngục, nơi thọ báo của các chúng sanh tội khổ ở thế giới Ta Bà và cõi Diêm Phù Ðề, cùng những sự ác báo, để cho chúng sanh trong thời Mạt Pháp ở đời sau biết rõ những quả báo đó.”
Lược giảng:
Lúc đó, Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát thưa cùng Ðịa Tạng Bồ Tát rằng … Có lẽ quý vị ai nấy đều đã biết đến vị Phổ Hiền Bồ Tát thường cỡi con voi trắng sáu ngà này. Ngài là vị Bồ Tát có hạnh lực lớn lao nhất, nên được tôn xưng là “Ðại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát.” “Ma-ha-tát” có nghĩa là lớn (đại).
Vậy, lúc bấy giờ, Ðại Bồ Tát Phổ Hiền nói với Bồ Tát Ðịa Tạng rằng: “Thưa Nhân Giả! Xin Ngài hãy vì trời, rồng, tứ chúng và tất cả chúng sanh ở hiện tại cùng vị lai, mà nói rõ danh hiệu của các địa ngục …”
“Nhân Giả” (bậc nhân đức) là một danh xưng khác của các bậc Bồ Tát.
Phổ Hiền Bồ Tát mong rằng Ðịa Tạng Bồ Tát sẽ vì trời, rồng và bốn chúng—Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di—cũng như hết thảy chúng sanh trong đời này và đời sau, mà kể rõ tên của các địa ngục, “nơi thọ báo của các chúng sanh tội khổ ở thế giới Ta Bà và cõi Diêm Phù Ðề.” “Chúng sanh tội khổ” tức là những kẻ do đã từng gây ra tội lỗi nên phải chịu quả báo khổ sở. Thế thì, chúng sanh ở thế giới “Kham Nhẫn” và cõi Nam Diêm Phù Ðề, hễ tạo tội thì phải đến nơi nào để thọ lãnh quả báo?
“Cùng những sự ác báo.” Ngoài ra, Phổ Hiền Bồ Tát cũng thỉnh cầu Ðịa Tạng Bồ Tát hoan hỷ nói rõ về việc thọ lãnh các quả báo xấu ác, “để cho chúng sanh trong thời Mạt Pháp ở đời sau biết rõ những quả báo đó; đồng thời hiểu được sự nghiêm trọng của các quả báo ở địa ngục.”
Kinh văn: Địa Tạng đáp ngôn: “Nhân Giả! Ngã kim thừa Phật oai thần, cập đại sĩ chi lực, lược thuyết địa ngục danh hiệu, cập tội báo ác báo chi sự.
Nhân Giả! Diêm Phù Đề đông phương hữu sơn, hiệu viết Thiết Vi, kỳ sơn hắc thúy, vô nhật nguyệt quang, hữu đại địa ngục, hiệu Cực Vô Gián. Hựu hữu địa ngục, danh Đại A Tỳ. Phục hữu địa ngục, danh viết Tứ Giác. Phục hữu địa ngục, danh viết Phi Ðao.
Việt Văn: Ngài Ðịa Tạng đáp rằng: “Thưa Nhân Giả! Nay tôi nương oai thần của Ðức Phật cùng oai lực của Ðại Sĩ, mà lược nói danh hiệu của các địa ngục, cùng những sự về tội báo và ác báo.
“Thưa Nhân Giả! Phương Ðông của cõi Diêm Phù Ðề có dãy núi tên là Thiết Vi. Dãy núi đó tối thẫm, không có ánh sáng của mặt trời, mặt trăng; trong đó có địa ngục lớn tên là Cực Vô Gián, lại có địa ngục tên là Ðại A Tỳ, lại có địa ngục tên là Bốn Sừng , lại có địa ngục tên là Dao Bay ..”
Lược giảng:
Ngài Ðịa Tạng đáp rằng: “Thưa Nhân Giả! Nay tôi nương oai thần của Ðức Phật cùng oai lực của Ðại Sĩ …” “Nhân giả” tức là người có lòng nhân ái, đại từ đại bi.
Ðịa Tạng Bồ Tát nghe Phổ Hiền Bồ Tát thỉnh vấn như thế, bèn trả lời rằng: “Bây giờ tôi xin nương nhờ oai đức thần thông của Ðức Phật, cũng như oai lực của chính Ðại Sĩ—Phổ Hiền Bồ Tát—mà lược nói danh hiệu của các địa ngục, cùng những sự về tội báo và ác báo.” Chúng sanh hễ tạo nghiệp nào thì phải chịu quả báo nấy—trước kia nếu có làm điều ác thì nay phải thọ ác báo, có làm việc thiện thì nay được hưởng thiện báo; mà địa ngục là nơi chúng sanh thọ lãnh các ác báo.
Ðịa Tạng Vương Bồ Tát nói tiếp: “Thưa Nhân Giả! Phương Ðông của cõi Diêm Phù Ðề có dãy núi tên là Thiết Vi.” Ở về phía Ðông của cõi Nam Diêm Phù Ðề này có một dãy núi to lớn, hùng vĩ, tên là núi Thiết Vi. “Thiết” (sắt) thì màu đen; ở đây là biểu thị cho sự tối tăm u ám, không có ánh sáng.
“Dãy núi đó tối thẫm, không có ánh sáng của mặt trời, mặt trăng.” Núi ấy tăm tối thâm u, như nằm trong hang động vậy. Nơi đó, mặt trời mặt trăng không thể dọi tới được, nên hoàn toàn không có ánh sáng.
“Trong đó có địa ngục lớn tên là Cực Vô Gián.” Ðịa ngục Cực Vô Gián là một địa ngục lớn nhất và cao nhất. (“Vô Gián” này chính là địa ngục Vô Gián và cũng có năm loại như đã nói trong phẩm trước.)
“Lại có địa ngục tên là Ðại A Tỳ.” “A-tỳ” là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là “vô gián” (không gián đoạn). Ðịa ngục vừa rồi thì lớn nhất và có tên là Cực Vô Gián (vô gián cùng tột), còn địa ngục này tên là Ðại Vô Gián (vô gián lớn).
“Lại có địa ngục tên là Bốn Sừng (Tứ Giác).” “Tứ Giác” có thể là chỉ cho bốn phương—Ðông, Tây , Nam , Bắc; và cũng có thể là ám chỉ bốn cái sừng. Trong ngục này có bốn hình cụ tương tự như bốn cái sừng trâu, tội nhân ở đây bị đâm phải những cái sừng ấy mà chết; song cứ chết đi rồi sống lại, sống lại thọ tội rồi chết đi.
“Lại có địa ngục tên là Dao Bay (Phi Ðao).” Tại địa ngục này, có một con dao chẳng rõ từ đâu bay đến chém đứt đầu hoặc chặt tay chặt chân của tội nhân, hoặc cắt xẻ thân thể của tội nhân khiến máu me lênh láng, hoặc đâm chém tới tấp khắp mình mẩy của tội nhân. Tội nhân bị đâm chém đến nỗi toàn thân đau đớn khủng khiếp. Cơn đau vừa dứt, tội nhân vừa hết quằn quại, thì lập tức lại có phi đao vèo vèo bay tới đâm tiếp; cho nên tội nhân lại lăn lộn rên siết nữa, đau rồi hết đau, hết đau rồi lại đau, cứ thống khổ triền miên như thế mãi. Ðịa ngục Phi Ðao là một loại địa ngục đau đớn khổ sở nhiều nhất.
Kinh văn: Phục hữu địa ngục, danh viết Hỏa Tiễn. Phục hữu địa ngục, danh viết Giáp Sơn. Phục hữu địa ngục, danh viết Thông Thương. Phục hữu địa ngục, danh viết Thiết Xa. Phục hữu địa ngục, danh viết Thiết Sàng. Phục hữu địa ngục, danh viết Thiết Ngưu. Phục hữu địa ngục, danh viết Thiết Y.
Việt Văn: “Lại có địa ngục tên là Tên Lửa , lại có địa ngục tên là Núi Ép, lại có địa ngục tên là Giáo Đâm, lại có địa ngục tên là Xe Sắt, lại có địa ngục tên là Giường Sắt, lại có địa ngục tên là Trâu Sắt, lại có địa ngục tên là Áo Sắt…”
Lược giảng:
“Lại có địa ngục tên là Tên Lửa (Hỏa Tiễn).” Trong địa ngục Hỏa Tiễn có rất nhiều mũi tên và ở đầu mỗi mũi tên đều có lửa, rất đáng sợ. Những hỏa tiễn mà ngày nay người ta bắn lên nguyệt cầu cũng tương tự như loại ở địa ngục này vậy.
“Lại có địa ngục tên là Núi Ép (Giáp Sơn).” Tội nhân ở địa ngục Giáp Sơn phải chịu đựng một nỗi thống khổ rất ghê gớm.
Trước tiên là cửa ngục ở hướng Ðông mở ra, cửa vừa mở toang thì tội nhân trong ngục liền cắm đầu cắm cổ chạy ùa ra, chẳng khác nào những tên cướp trên đường đào tẩu vậy. Những tội nhân này cứ đinh ninh là thoát ra ngoài tất sẽ được tự do, mà không ngờ rằng vừa ra khỏi địa ngục này thì lại gặp phải hai hòn núi chắn ngang. Tưởng rằng trốn trong núi thì có thể tránh khỏi tội báo, ai nấy đều đổ xô về đó; thế nhưng, chạy vào tới trong núi rồi thì thế nào? Núi này là loại núi “hoạt động,” có thể tự di chuyển—núi từ bốn phía đều có thể di động và tiến gần lại với nhau; do đó, chung quanh tội nhân, trước mặt sau lưng và bên phải bên trái, đều là núi non chập chùng đồng thời khép chặt lại, khiến toàn thân tội nhân bị ép dẹp, máu thịt bầy nhầy, trông rất rùng rợn.
Ở nơi đó, không những tại cửa ngục phía Ðông mà tại các cửa ở phía Nam, phía Tây và phía Bắc của địa ngục Giáp Sơn cũng đều xảy ra y như vậy. Các cửa ngục này vừa mở, tội nhân liền tẩu thoát ra ngoài, và trông thấy núi thì liền chạy vào đó để trốn, không biết rằng trong núi ấy vẫn là địa ngục. Tại sao lại như vậy? Ðó là vì nghiệp tội của các chúng sanh này quá nặng nề thâm trọng, khiến họ phải chịu quả báo ở khắp mọi nơi, đến đâu họ cũng phải chịu đựng thứ cực hình không cách gì chịu đựng nổi này.
Vì sao lại có loại quả báo địa ngục Giáp Sơn? Bởi khi còn sống, những tội nhân trong địa ngục này đã lạm dụng quyền hành thế lực để áp bức, chèn ép người khác một cách thậm tệ, cho nên sau khi chết họ phải chịu quả báo “núi ép” như thế.
“Lại có địa ngục tên là Giáo Đâm (Thông Thương).” ” Giáo” (Thương) thì lớn và thô hơn ” mũi tên” (tiễn); đầu ngọn giáo thì rất to và nhọn, có thể đâm chết người.
Ở địa ngục Giáo Đâm , tội nhân thường xuyên bị đâm bằng giáo—đâm đằng trước, đâm đằng sau, đâm bên phải, đâm bên trái. Cứ mỗi nhát đâm thì thân thể tội nhân bị khoét ra một lỗ lớn như “trổ cửa sổ” vậy; cho nên chẳng mấy chốc là khắp mình mẩy tội nhân lỗ chỗ những “cửa sổ” máu thịt đỏ loét trông rất ghê rợn. Hình phạt ở địa ngục Giáo Đâm (Thông Thương) này vô cùng đau đớn, thống khổ.
“Lại có địa ngục tên là Xe Sắt (Thiết Xa).” Ở địa ngục này có chiếc xe bằng sắt chạy qua chạy lại trên người của tội nhân, cán dập nát thân thể của họ.
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn đang tu hành tại nhân địa, có một kiếp nọ Ngài đắc được Thiên Nhãn Thông và nhìn thấy được địa ngục Thiết Xa. Bấy giờ, chứng kiến cảnh các tội nhân bị xe sắt chạy qua chạy lại trên thân thể quá sức đau đớn khổ sở, Ngài liền phát tâm từ bi mà nguyện rằng: “Ta nhất định phải phát tâm tu Ðạo; và sau này, khi thành Phật rồi, Ta sẽ độ thoát tất cả chúng sanh trong địa ngục này!”; và đó là lần phát tâm từ bi tối sơ của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni.
“Lại có địa ngục tên là Giường Sắt (Thiết Sàng).” Trong địa ngục này, tội nhân phải nằm hoặc ngồi trên giường sắt, bên dưới có rất nhiều con dao nung nóng đỏ rực.
“Lại có địa ngục tên là Trâu Sắt (Thiết Ngưu).” Những con trâu ở trong địa ngục này đều bằng sắt và đều có sừng; chúng dùng sừng để húc vào mình tội nhân.
“Lại có địa ngục tên là Áo Sắt (Thiết Y).” Những người khi còn sống đã thọ Giới rồi mà lại phạm Giới, thì sau khi chết phải đọa vào địa ngục Áo Sắt.
Ðịa ngục Áo Sắt thì như thế nào? Ở địa ngục này có rất nhiều lưỡi lê có gắn móc câu, hễ đâm trúng thân tội nhân thì móc rách tơi tả hết áo quần trên người, làm cho tội nhân phải chịu trần truồng. Bấy giờ, có một loại áo quần bằng sắt từ không trung bay đến; tội nhân vừa thấy áo quần đó liền vui mừng giơ tay vẫy gọi: “Áo quần tới đây! Áo quần tới đây!” Ý nói rằng: “Áo quần ơi, hãy mau mau bay đến chỗ của ta!” Vẫy vẫy tay như thế mà áo quần kia liền bay đến thật. Bay đến nơi thì áo quần đó liền tự động bao bọc lấy thân tội nhân như một lớp da sắt, và lại là lớp da sắt nóng đỏ. Vì vậy, mặc vào người rồi là toàn thân tội nhân đều bị nung cháy khét lẹt và chẳng bao lâu đã trở thành một đống tro. Biến thành tro rồi thì sao? Chỉ trong chốc lát thì có ngọn “xảo phong” thổi tới, bấy giờ xác thân vốn đã không còn của tội nhân lại hồi phục và hiện trở lại hình tướng như trước, và tội nhân lại tiếp tục chịu tội. Ðó là hình phạt trong địa ngục Áo Sắt.
Kinh văn: Phục hữu địa ngục, danh viết Thiên Nhẫn. Phục hữu địa ngục, danh viết Thiết Lư. Phục hữu địa ngục, danh viết Dương Ðồng. Phục hữu địa ngục, danh viết Bão Trụ. Phục hữu địa ngục, danh viết Lưu Hỏa. Phục hữu địa ngục, danh viết Canh Thiệt. Phục hữu địa ngục, danh vi Tỏa Thủ. Phục hữu địa ngục, danh viết Thiêu Cước. Phục hữu địa ngục, danh viết Ðạm Nhãn. Phục hữu địa ngục, danh viết Thiết Hoàn.
Việt Văn: “Lại có địa ngục tên là Ngàn Mũi Nhọn, lại có địa ngục tên là Lừa Sắt, lại có địa ngục tên là Nước Đồng Sôi, lại có địa ngục tên là Ôm Trụ Đồng, lại có địa ngục tên là Lửa Chảy, lại có địa ngục tên là Cày Lưỡi, lại có địa ngục tên là Chém Đầu, lại có địa ngục tên là Đốt Chân, lại có địa ngục tên là Móc Mắt, lại có địa ngục tên là Viên Sắt…”
Lược giảng:
“Lại có địa ngục tên là Ngàn Mũi Nhọn (Thiên Nhẫn).” Ðịa ngục Thiên Nhẫn là do con người tạo tội quá nhiều mà ra. Tại địa ngục này có rất nhiều lưỡi dao từ trên hư không rơi xuống như mưa. Những lưỡi dao này tựa như những giọt mưa sắc bén, rơi xuống đâm nát đầu và thân của tội nhân; tất cả xương cốt và da thịt đều bị cắt xẻ. Sau khi tội nhân chết đi thì lại có ngọn gió “xảo phong” thổi đến, tội nhân liền sống trở lại và tiếp tục thọ tội báo như cũ.
“Lại có địa ngục tên là Lừa Sắt (Thiết Lư).” Tại địa ngục này có con lừa sắt giẫm đạp lên thân thể của tội nhân mà đi, và cứ liên tục đi qua đi lại như thế mãi.
“Lại có địa ngục tên là Nước Đồng Sôi (Dương Ðồng).” Ở địa ngục này, tội nhân bị bỏ vào trong dung dịch đồng nấu chảy. Ngay cả đồng mà còn bị nung chảy lỏng, thế thì con người nếu bị bỏ vào đó tất cũng bị thiêu hóa mất mà thôi!
“Lại có địa ngục tên là Ôm Trụ Đồng (Bão Trụ).” Ðịa ngục Ôm Trụ Đồng (Bão Trụ) còn có tên là địa ngục Cột Đồng Nung (Bào Lạc). Năm ngoái, lúc giảng Kinh Lăng Nghiêm tôi đã có giảng qua, song e rằng mọi người đều quên cả rồi.
Trong địa ngục Ôm Trụ Đồng (Bão Trụ) có một cột trụ bằng đồng được nung nóng đỏ rực, hễ ôm lấy trụ đồng này rồi thì không thể nào rời ra được nữa. Hạng người nào phải đọa vào địa ngục này? Ðó là hạng người thích điều dâm loạn, ưa việc gian dâm, cho nên khi còn sống đã phạm quá nhiều nghiệp dâm; và trong số ấy, số người nam phạm tội rất đông, mà số người nữ phạm tội cũng chẳng ít!
Nói chung, bất luận là nam hay nữ, hễ người nào phạm nghiệp dâm dật thì sau khi chết cũng đều bị đọa vào địa ngục Ôm Trụ Đồng cả. Bấy giờ, khi đã vào địa ngục này rồi, nếu tội nhân là người nam thì nhìn trụ đồng mà lại thấy đó là cô gái mình từng yêu thương nhất lúc còn sống, thế là mừng rỡ nhào đến ôm chầm lấy; khốn nỗi, vừa ôm được thì toàn thân đều bị bỏng cháy bởi trụ đồng nung. Tội nhân bị thiêu chết rồi thì có ngọn gió “xảo phong” thổi đến làm cho hồi sinh; hồi sinh rồi thì mọi việc vẫn tái diễn giống hệt như trước—cũng ôm trụ đồng, ôm rồi lại ôm nữa, thiêu rồi lại thiêu nữa, chết rồi lại chết nữa…; cứ thế mà lập đi lập lại không biết bao nhiêu lần.
Người nam nhìn trụ đồng nung thì thấy đó là người nữ, thế đối với người nữ thì sao? Người nữ nhìn trụ đồng nung thì thấy đó là chàng trai mà lúc còn sống mình yêu thương nhất! Và thế là cô ta không dằn lòng được, hớn hở chạy đến ôm choàng lấy người yêu. Sau khi ôm, cô ta cũng bị lửa của trụ đồng đốt cháy thành tro bụi; rồi đến khi ngọn gió “xảo phong” thổi lướt qua, cô ta liền sống trở lại. Sống rồi thì lại tiếp tục đi ôm trụ đồng, ôm rồi lại chết, chết rồi lại sống, sống lại thì tiếp tục thọ báo như trước.
Vì sao có địa ngục Ôm Trụ Đồng? Phải chăng có người nào đó đã chuẩn bị sẵn như thế? Không phải! Chính nghiệp dâm—ngọn lửa nghiệp từ lòng dâm dục của tội nhân cảm vời mà thành ra địa ngục Ôm Trụ Đồng! Cho nên chúng ta, bất kể là nam hay nữ, đừng vội cho rằng chuyện trai gái yêu đương là điều hoàn toàn tốt đẹp; bởi nếu quý vị đi lệch sang con đường tà dâm bất chánh, thì sau này sẽ bị đọa vào địa ngục Ôm Trụ Đồng; và đó là một sự việc vô cùng đau khổ và đáng sợ.
“Lại có địa ngục tên là Lửa Chảy (Lưu Hỏa).” Trong địa ngục này chỉ toàn là lửa và lửa, song thứ lửa này lại lưu chuyển và chảy giống như nước vậy. Ðịa ngục Lửa Chảy cũng là do lửa dâm dục của chúng sanh tạo ra.
“Lại có địa ngục tên là Cày Lưỡi (Canh Thiệt).” Vì sao lại gọi là địa ngục Cày Lưỡi? Trong địa ngục này có loài ác quỷ chuyên dùng một cái móc câu móc vào đầu lưỡi của tội nhân rồi kéo lên, khiến lưỡi của tội nhân bị căng dài đến mấy trượng và sưng phồng lên rất to. Sau đó, chúng dùng cái cày (dụng cụ để xới đất) mà cày bừa trên lưỡi ấy, cày tới cày lui khiến cho lưỡi của tội nhân bị xẻ thành nhiều đường rãnh.
Tại sao phải chịu quả báo này? Ðó là vì lúc còn sống ở dương gian, tội nhân đã từng hủy báng Tam Bảo, vu khống Tam Bảo, phá hoại Tam Bảo. Ví dụ như nói rằng: “Quý vị không nên tin Phật. Phật vốn không có thật, không hề tồn tại. Phật Pháp chẳng qua chỉ là trò lừa gạt. Thầy tu là những kẻ mượn áo nhà Phật và dùng Phật Pháp để lừa gạt mọi người; quý vị chớ có tin theo!”—như thế là hủy báng Tam Bảo vậy.
Có bốn nghiệp xấu do miệng (lời ăn tiếng nói) gây ra; đó là nói lời thô ác (ác khẩu), nói đôi chiều (lưỡng thiệt), nói thêu dệt (ỷ ngữ) và nói dối (vọng ngôn).
1) Nói lời thô ác (Ác khẩu), tức là nói lời thô ác hoặc mắng chửi người khác.
2) Nói đôi chiều (Lưỡng thiệt), có nghĩa là nói hai lưỡi, nói đôi chiều, nói để gây chia rẽ. Ví dụ, gặp Trương Tam thì nói là Lý Tứ không tốt, gặp Lý Tứ thì lại nói là Trương Tam không phải, khiến đôi bên nảy sanh hiềm khích và mất hòa khí, suốt ngày cứ gây gỗ, cãi vã, nghi kỵ lẫn nhau; như thế là nói đôi chiều vậy.
3) Nói thêu dệt (Ỷ ngữ), tức là nói thêu dệt. Ðàn ông thì thường hay nói chuyện về đàn bà, chẳng hạn như: “Anh thấy cô ấy thế nào? Xinh quá, phải không? Còn cô này thì sao? Lại còn cô kia nữa …” Còn đàn bà thì sao? Thì lại nói chuyện về đàn ông: “Anh chàng kia cũng không tệ lắm. Anh chàng này thì thế này, thế nọ …” Nói tóm lại, những lời nói phù phiếm, không đúng đắn, gợi chuyện tà dâm …, đều là “ỷ ngữ.”
4) Nói dối (Vọng ngôn), tức là nói dối, nói điều trái với sự thật.
Chúng sanh do phạm bốn điều ác của miệng là đó là nói lời thô ác, nói đôi chiều, nói thêu dệt và nói dối nên bị đọa vào địa ngục Cày Lưỡi.
“Lại có địa ngục tên là Chém Đầu (Tỏa Thủ).” Những tội nhân bị đọa vào địa ngục Tỏa Thủ thì đều bị chém đầu; tại sao? Ðó là vì lúc sinh thời họ đã giết hại quá nhiều chúng sanh; bởi họ đập vỡ đầu của chúng sanh để giết, cho nên sau khi chết, họ phải đọa địa ngục Tỏa Thủ và chịu hình phạt bị chặt đầu.
Khi muốn giết sâu bọ, chim se sẻ, hoặc các loài cầm thú khác, nhiều người thường dùng chùy, gậy gộc hoặc một vật gì đó để đập vỡ đầu của chúng trước; hoặc trông thấy con du diên hay con rết, cho đó là loại trùng độc nên nhiều người cũng lấy đồ đập đầu chúng cho chết; chính vì làm tổn hại quá nhiều sinh mạng cho nên sau khi chết, những người ấy phải đọa vào địa ngục Chém Đầu. Nói chung, khi sống chúng ta tạo nghiệp tội gì thì sau khi chết chúng ta phải thọ quả báo tương ứng với nghiệp tội đó.
“Lại có địa ngục tên là Đốt Chân (Thiêu Cước).” Ðịa ngục này thì chuyên môn đốt chân của tội nhân, nhưng không phải dùng lửa để đốt, mà là người tội đặt chân đến chỗ nào thì chỗ đó liền có lửa bùng lên đốt chân người ấy. Chân của tội nhân ví như ngọn nến, hễ đi đến đâu là mang mồi lửa theo đến đó, tới bất cứ nơi nào thì nơi đó cũng bắt lửa; vì thế địa ngục này được gọi là địa ngục Đốt Chân.
“Lại có địa ngục tên là Móc Mắt (Ðạm Nhãn).” Trong địa ngục này có loài diều hâu (điêu thứu, một loài chim hung tợn), chuyên ăn những đồ dơ bẩn.
Ðịa ngục Móc Mắt là nơi có nhiều diều hâu nhất; loài chim này thấy tội nhân thì liền bay đến, giương hai móng sắt ra và chụp xuống bấu chặt lấy hai vai của người tội, khiến người ấy không cách gì vùng vẫy để thoát ra được. Sau đó, diều hâu quay đầu lại, dùng mỏ mổ rách mắt của tội nhân, rồi ăn thứ nước chảy ra từ con mắt đó. Nó lại còn mổ cho bể đầu của tội nhân để uống thứ nước tủy trong não nữa. Tội nhân chết rồi thì diều hâu cũng bay đi mất; đợi đến khi tội nhân sống lại thì diều hâu cũng liền bay về lại.
“Lại có địa ngục tên là Viên Sắt (Thiết Hoàn). Ở địa ngục Thiết Hoàn thì có những viên sắt hình thù tương tự như cái trứng, từ bốn phía văng tới đập xối xả vào đầu vào mặt tội nhân; khắp thân thể tội nhân, chỗ nào cũng bị các viên sắt đập trúng cả. Khi tội nhân bị đập đến chết rồi, thì những viên sắt đó cũng không văng tới nữa. Thế nhưng, đợi đến lúc tội nhân sống trở lại thì chúng lại xuất hiện. Ðó là hình phạt ở địa ngục Viên Sắt .
Kinh văn: Phục hữu địa ngục, danh viết Tranh Luận. Phục hữu địa ngục, danh viết Thiết Phu. Phục hữu địa ngục, danh viết Ða Sân”.
Địa Tạng bạch ngôn: “Nhân Giả! Thiết Vi chi nội, hữu như thị đẳng địa ngục, kỳ số vô hạn. Cánh hữu Khiếu Hoán địa ngục, Bạt Thiệt địa ngục, Phẩn Niệu địa ngục, Ðồng Tỏa địa ngục, Hỏa Tượng địa ngục, Hỏa Cẩu địa ngục, Hỏa Mã địa ngục, Hỏa Ngưu địa ngục, Hỏa Sơn địa ngục, Hỏa Thạch địa ngục, Hỏa Sàng địa ngục, Hỏa Lương địa ngục, Hỏa Ưng địa ngục, Cứ Nha địa ngục. Bác Bì địa ngục, Ẩm Huyết địa ngục, Thiêu Thủ địa ngục, Thiêu Cước địa ngục, Ðảo Thích địa ngục, Hỏa Ốc địa ngục, Thiết Ốc địa ngục, Hỏa Lang địa ngục.
Như thị đẳng địa ngục, kỳ trung các các phục hữu chư tiểu địa ngục, hoặc nhất, hoặc nhị, hoặc tam, hoặc tứ, nãi chí bách thiên, kỳ trung danh hiệu, các các bất đồng”.
Việt Văn: “Lại có địa ngục tên là Cãi Cọ, lại có địa ngục tên là Rìu Sắt, lại có địa ngục tên là Nhiều Nóng Giận.”
Ngài Ðịa Tạng nói rằng: “Thưa Nhân Giả! Trong dãy núi Thiết Vi có những địa ngục như thế, số nhiều vô hạn. Lại có địa ngục Kêu Gào, địa ngục Rút Lưỡi, địa ngục Phân và Nước Tiểu, địa ngục Khóa Đồng, địa ngục Voi Lửa, địa ngục Chó Lửa, địa ngục Ngựa Lửa, địa ngục Trâu Bò Lửa, địa ngục Núi Lửa, địa ngục Đá Lửa, địa ngục Giường Lửa, địa ngục Rường Lửa, địa ngục Chim Ưng Lửa, địa ngục Cưa Răng, địa ngục Lột Da, địa ngục Uống Máu, địa ngục Đốt Tay, địa ngục Đốt Chân, địa ngục Đâm Ngược, địa ngục Nhà Lửa, địa ngục Nhà Sắt, địa ngục Chó Sói Lửa.
“Các thứ địa ngục như thế, trong mỗi thứ lại có những địa ngục nhỏ, hoặc một, hoặc hai, hoặc ba, hoặc bốn, cho đến trăm, ngàn; trong số đó danh hiệu đều chẳng đồng nhau.”
Lược giảng:
“Lại có địa ngục tên là Cãi Cọ (Tranh Luận). Trong địa ngục này có rất nhiều ác quỷ cứ quát tháo, chửi mắng tội nhân rất thậm tệ, nói rằng tội nhân cái gì cũng không đúng cả. Tại sao lại bị đọa vào địa ngục này? Chính vì lúc còn sống, những tội nhân trong địa ngục này ưa tranh luận cãi vã với người khác, nên sau khi chết phải chịu quả báo như thế.
“Lại có địa ngục tên là Rìu Sắt (Thiết Phu).” Ở địa ngục này, tội nhân bị chặt đầu bằng cái rìu sắt.
“Lại có địa ngục tên là Nhiều Nóng Giận (Ða Sân). Những tội nhân bị đọa vào địa ngục này đều là do tánh tình hung hăng nóng nảy, nhiều sân hận mà ra. Những người quá nóng tánh, động một chút là tức tối, hằn học: “Mày dám đánh tao, tao phải đánh mày,” thì cũng như những tội nhân ở địa ngục này—cứ không ngừng gây gỗ, ẩu đả lẫn nhau.
Ngài Ðịa Tạng nói với Phổ Hiền Bồ Tát rằng: “Thưa Nhân Giả! Trong dãy núi Thiết Vi có những địa ngục như thế, số nhiều vô hạn. Tôi tuy đã kể ra rất nhiều tên địa ngục như thế, song thật sự thì tên của địa ngục vốn nhiều đến không có hạn lượng.”
Ðịa Tạng Bồ Tát kể tiếp: “Lại có địa ngục Kêu Gào (Khiếu Hoán). Trong mười tám địa ngục thì có tám địa ngục lạnh và tám địa ngục nóng. Ðịa ngục thứ tư trong tám địa ngục lạnh là địa ngục Khiếu Hoán, cũng gọi là địa ngục Ðại Khiếu Hoán. Trong địa ngục này suốt ngày luôn luôn có tiếng kêu la ầm ĩ, gào thét om sòm, ồn ào đến đinh tai nhức óc.
“Ðịa ngục Rút Lưỡi (Bạt Thiệt)”. Lại có loại địa ngục chuyên môn kéo lưỡi của tội nhân.
“Ðịa ngục Phân và Nước Tiểu (Phẩn Niệu).” Lại có loại địa ngục mà trong đó chỉ toàn là phân và nước tiểu; tội nhân trong địa ngục này hễ đói thì ăn phân, khát thì uống nước tiểu.
“Ðịa ngục Khóa Đồng (Ðồng Tỏa).” Tội nhân đã vào địa ngục này rồi thì như bị một cái khóa bằng đồng khóa chặt ở trong đó, làm thế nào cũng không thoát ra được.
“Ðịa ngục Voi Lửa (Hỏa Tượng).” Lại có loại địa ngục mà trong đó toàn là voi lửa.
“Ðịa ngục Chó Lửa (Hỏa Cẩu).” Trong địa ngục này có loài chó mà toàn thân đều bốc lửa tỏa khói.
“Ðịa ngục Ngựa Lửa (Hỏa Mã).” Những con ngựa trong địa ngục này thì toàn thân đều rực lửa.
“Ðịa ngục Trâu Bò Lửa (Hỏa Ngưu).” Trên mình của trâu bò ở địa ngục này đều có lửa cháy rừng rực.
“Ðịa ngục Núi Lửa (Hỏa Sơn).” Lại có loại địa ngục mà trong đó có ngọn núi luôn ngùn ngụt lửa.
“Ðịa ngục Đá Lửa (Hỏa Thạch).” Trong địa ngục này toàn là đá lửa dùng để nện hoặc đè lên mình tội nhân.
“Ðịa ngục Giường Lửa (Hỏa Sàng).” Trong địa ngục này có loại giường bằng lửa.
“Ðịa ngục Rường Lửa (Hỏa Lương).” Lại có địa ngục mà rường cột, xà nhà đều bốc lửa.
“Ðịa ngục Chim Ưng Lửa (Hỏa Ưng).” Trong địa ngục này có loài chim ó có lửa, chuyên môn ăn mắt của tội nhân; ăn xong rồi thì chúng lại bay đi.
“Ðịa ngục Cưa Răng (Cứ Nha).” Lại có địa ngục chuyên môn cưa răng tội nhân.
“Ðịa ngục Lột Da (Bác Bì).” Lại có địa ngục chuyên lột da của tội nhân.
“Ðịa ngục Uống Máu (Ẩm Huyết).” Lại có địa ngục chuyên uống máu tội nhân.
“Ðịa ngục Đốt Tay (Thiêu Thủ).” Lại có địa ngục chuyên đốt tay của tội nhân.
“Ðịa ngục Đốt Chân (Thiêu Cước).” Lại có địa ngục chuyên đốt chân của tội nhân.
“Ðịa ngục Đâm Ngược (Ðảo Thích).” Trong địa ngục này, tội nhân bị treo lủng lẳng trên những móc câu treo ngược.
“Ðịa ngục Nhà Lửa (Hỏa Ốc).” Trong địa ngục này, tội nhân bị giam cầm trong một căn phòng lửa cháy hừng hực.
“Ðịa ngục Nhà Sắt (Thiết Ốc), địa ngục Chó Sói Lửa (Hỏa Lang).” Lại còn có địa ngục mà phòng ốc toàn bằng sắt, và có địa ngục thì có nhiều chó sói rực lửa.
“Các thứ địa ngục như thế, trong mỗi thứ lại có những địa ngục nhỏ, hoặc một, hoặc hai, hoặc ba, hoặc bốn, cho đến trăm, ngàn; trong số đó danh hiệu đều chẳng đồng nhau.”
Trong những địa ngục mà Ðịa Tạng Vương Bồ Tát vừa kể ra lại còn có rất nhiều địa ngục nhỏ khác nữa. Ðịa ngục thì có thứ lớn, có thứ nhỏ. Trong mỗi địa ngục lớn thì có thể có một, hai, ba, hoặc bốn sở ngục nhỏ, thậm chí có thể có đến cả trăm cả ngàn sở ngục nhỏ; và tên của mỗi ngục nhỏ này mỗi khác nhau.
Kinh văn: Địa Tạng Bồ Tát cáo Phổ Hiền Bồ Tát ngôn: “Nhân Giả! thử giả giai thị Nam Diêm Phù Đề hành ác chúng sanh, nghiệp cảm như thị. Nghiệp lực thậm đại, năng địch Tu Di, năng thâm cự hải, năng chướng thánh đạo. Thị cố chúng sanh mạc khinh tiểu ác, dĩ vi vô tội, tử hậu hữu báo, tiêm hào thọ chi. Phụ tử chí thân, kỳ lộ các biệt, túng nhiên tương phùng, vô khẳng đại thọ. Ngã kim thừa Phật uy lực, lược thuyết địa ngục tội báo chi sự, duy nguyện Nhân Giả, tạm thính thị ngôn”.
Phổ Hiền đáp ngôn: “Ngô dĩ cửu tri, tam ác đạo báo, vọng Nhân Giả thuyết, linh hậu thế Mạt Pháp nhất thiết ác hạnh chúng sanh, văn Nhân Giả thuyết, sử linh quy Phật”.
Việt Văn: Ðịa Tạng Bồ Tát nói với Phổ Hiền Bồ Tát rằng: “Thưa Nhân Giả! Ðây đều là do chúng sanh trong cõi Nam Diêm Phù Ðề làm điều ác mà tùy nghiệp chiêu cảm ra như thế. Nghiệp lực rất lớn, có thể sánh với núi Tu Di, có thể sâu dường biển cả, có thể chướng ngăn Thánh Ðạo. Vì thế, chúng sanh chớ khinh điều ác nhỏ mà cho là không tội, sau khi chết đều có quả báo, dầu mảy mún đều phải thọ chịu. Chí thân như cha với con, mỗi người đều mỗi ngả đường khác nhau, dầu có gặp gỡ cũng chẳng bằng lòng chịu khổ thay cho nhau. Nay tôi nương oai lực của Ðức Phật mà lược nói những sự tội báo nơi địa ngục; mong Nhân Giả tạm nghe lời đó.”
Ngài Phổ Hiền đáp rằng: “Tôi từ lâu đã rõ tội báo nơi Tam Ác Ðạo. Tôi mong Nhân Giả nói ra để khiến cho tất cả chúng sanh ác hạnh trong đời Mạt Pháp sau này, nghe được lời dạy của Nhân Giả mà quay về với Phật.”
Lược giảng:
Ðịa Tạng Bồ Tát nói với Phổ Hiền Bồ Tát rằng: “Thưa Nhân Giả! Ðây, tất cả những địa ngục vừa kể, đều là do chúng sanh trong cõi Nam Diêm Phù Ðề—Nam Thiệm Bộ Châu—làm điều ác mà tùy nghiệp chiêu cảm ra như thế.” Bởi các chúng sanh này ăn ở bất nhân, làm ác tạo nghiệp, nên cảm vời ra quả báo, và đó chính là những cảnh địa ngục kể trên.
“Nghiệp lực rất lớn, có thể sánh với núi Tu Di.” Nghiệp lực của chúng sanh thì vô cùng to lớn; lớn đến cỡ nào? Lớn như núi Tu Di!
“Có thể sâu dường biển cả.” Nghiệp chướng của chúng sanh thâm sâu như thế nào? Sâu thẳm như biển cả vậy!
“Có thể chướng ngăn Thánh Ðạo.” Tại sao chúng ta tu hành mà không thành tựu được Ðạo nghiệp? Ðó là vì bị nghiệp lực cản trở, ngăn chận con đường Thánh Ðạo của chúng ta, khiến cho chúng ta chẳng thể tu thành Thánh Ðạo.
“Vì thế, chúng sanh chớ khinh điều ác nhỏ mà cho là không tội.” Quý vị đừng bao giờ xem thường điều quấy nhỏ, tác hại ít; vì sao? Vì nhiều việc ác nhỏ dồn lại thì sẽ thành ra tội ác to lớn tày trời—”tích thiểu thành đa,” tiểu ác mà tích lũy lại thì dần dần cũng trở thành đại ác. Quý vị đừng tưởng rằng tội ác mà nhỏ thì không có tội; bởi “sau khi chết đều có quả báo, dầu mảy mún đều phải thọ chịu.” Nếu quý vị không dè dặt thận trọng, thì sau khi chết sẽ phải thọ lãnh vô số quả báo, nhiều như số tóc trên đầu vậy; dù chỉ phạm một việc ác nhỏ bằng hạt bụi cũng phải gánh chịu quả báo như thường.
“Chí thân như cha với con, mỗi người đều mỗi ngả đường khác nhau.” Trên thế gian này, quan hệ giữa cha với con là thân thiết gần gũi nhất; thế nhưng, một khi đã ở trong địa ngục rồi thì cha cũng không thể vì phụ tử tình thâm mà chịu tội thay cho con, và con tuy hiếu thảo song cũng chẳng thể nào lãnh tội giùm cha mẹ được—do đó mà nói là “mỗi người đều mỗi ngả đường khác nhau.”
“Dầu có gặp gỡ cũng chẳng bằng lòng chịu khổ thay cho nhau.” Cho dù cha và con gặp mặt nhau ở chốn địa ngục, thì cũng không có ai bằng lòng chịu khổ thay cho ai; vì sao? Bởi vì tuy đã từng làm cha con với nhau ở chốn nhân gian, nhưng vào địa ngục thì ai nấy đều hiểu ra rằng đó chẳng qua chỉ là nghiệp chướng của đời trước, mà có khi lại là oan gia đối đầu cũng không chừng! Cho nên, bị đọa vào địa ngục thì “tội ai nấy chịu,” không có ai bằng lòng chịu tội thay cho người khác cả!
Ðịa Tạng Vương BồTát lại nói cùng Phổ Hiền Bồ Tát rằng: “Nay tôi nương oai lực của Ðức Phật mà lược nói những sự tội báo nơi địa ngục; mong Nhân Giả tạm nghe lời đó. Tôi ước mong rằng Nhân Giả sẽ tạm thời hoan hỷ lắng nghe những điều tôi sắp nói ra đây.”
Ngài Phổ Hiền đáp rằng: “Tôi từ lâu đã rõ tội báo nơi Tam Ác Ðạo. Tôi vốn đã được biết về quả báo trong ba đường ác từ lâu lắm rồi, cho nên, dù Ngài có nói hay không thì tôi cũng đã rõ cả; song, tôi chỉ e rằng các chúng sanh trong thời Mạt Pháp ở đời sau sẽ chẳng có ai được biết về những tội báo đó. Vì thế cho nên, tôi mong Nhân Giả nói ra để khiến cho tất cả chúng sanh ác hạnh trong đời Mạt Pháp sau này, nghe được lời dạy của Nhân Giả mà quay về với Phật. Những chúng sanh có tâm hạnh ác độc trong thời Mạt Pháp ở đời vị lai, sau khi được nghe Ngài kể về các tội báo trong chốn địa ngục, ắt hẳn sẽ sanh lòng kính sợ, không dám làm việc ác nữa, và đều sẽ hồi tâm mà quy y Tam Bảo, quy hướng Phật Giáo. Do đó, tôi thiết tha mong mỏi Nhân Giả sẽ nói rõ về các tội báo ấy!“
Kinh văn: Địa Tạng bạch ngôn: “Nhân Giả! Địa ngục tội báo, kỳ sự như thị:
Hoặc hữu địa ngục, thủ tội nhân thiệt, sử ngưu canh chi. Hoặc hữu địa ngục, thủ tội nhân tâm, Dạ Xoa thực chi. Hoặc hữu địa ngục, hoạch thang thịnh phất, chử tội nhân thân. Hoặc hữu địa ngục, xích thiêu đồng trụ, sử tội nhân bão.
Hoặc hữu địa ngục, sử chư hỏa thiêu, sấn cập tội nhân. Hoặc hữu địa ngục, nhất hướng hàn băng. Hoặc hữu địa ngục, vô hạn phẩn niệu. Hoặc hữu địa ngục, thuần phi tật lê. Hoặc hữu địa ngục, đa toàn hỏa thương. Hoặc hữu địa ngục, duy tràng hung bối. Hoặc hữu địa ngục, đãn thiêu thủ túc. Hoặc hữu địa ngục, bàn giảo thiết xà. Hoặc hữu địa ngục, khu trục thiết cẩu. Hoặc hữu địa ngục, tận giá thiết loa.
Việt Văn: Ngài Ðịa Tạng nói rằng: “Thưa Nhân Giả! Về tội báo ở chốn địa ngục, việc ấy như vầy:
Hoặc có địa ngục kéo lưỡi người tội ra cho trâu cày lên; hoặc có địa ngục moi tim người tội cho quỷ Dạ Xoa ăn; hoặc có địa ngục vạc nước sôi sùng sục nấu thân người tội; hoặc có địa ngục đốt trụ đồng nóng đỏ rồi bắt người tội ôm lấy;
Hoặc có địa ngục các bựng lửa đuổi theo người tội; hoặc có địa ngục toàn là băng giá; hoặc có địa ngục đầy vô hạn đồ phẩn tiểu; hoặc có địa ngục toàn là loại chùy gai bay; hoặc có địa ngục có nhiều giáo lửa; hoặc có địa ngục chỉ đập ngực lưng; hoặc có địa ngục chỉ đốt tay chân; hoặc có địa ngục rắn sắt quấn cắn; hoặc có địa ngục xua đuổi chó sắt; hoặc có địa ngục toàn kéo la sắt …”
Lược giảng:
Ngài Ðịa Tạng nói rằng: “Thưa Nhân Giả! Về tội báo ở chốn địa ngục, việc ấy như vầy …”
Ðịa Tạng Vương Bồ Tát nói với Phổ Hiền Bồ Tát rằng: “Ngoài những địa ngục kể trên, còn có rất nhiều địa ngục với tình trạng tội báo khác như sau: Hoặc có địa ngục kéo lưỡi người tội ra cho trâu cày lên.” Những người ưa huênh hoang khoác lác, mắng nhiếc chửi bới, hoặc nói lời gian dối điêu ngoa, thì sau khi chết sẽ bị đọa vào địa ngục mà ở đó, tội nhân sẽ bị móc lưỡi ra bằng móc câu, rồi có con trâu kéo cày đi tới đi lui, cày bừa ngay trên lưỡi của tội nhân.
“Hoặc có địa ngục moi tim người tội cho quỷ Dạ Xoa ăn.” Lại có địa ngục, trong đó tội nhân bị mổ ngực để moi tim ra, rồi có loài quỷ Dạ Xoa (tức quỷ dũng kiện hoặc quỷ tiệp tật) lấy ăn những quả tim ấy.
“Hoặc có địa ngục vạc nước sôi sùng sục nấu thân người tội.” Lại có loại địa ngục, trong đó tội nhân bị thả vào nồi nước lớn đang sôi sùng sục.
“Hoặc có địa ngục đốt trụ đồng nóng đỏ rồi bắt người tội ôm lấy.” Lại có loại địa ngục, trong đó tội nhân phải ôm trụ đồng đang nung cháy đỏ rực.
“Hoặc có địa ngục các bựng lửa đuổi theo người tội.” Lại có địa ngục, trong đó tội nhân bị rất nhiều thứ lửa đuổi theo thiêu đốt.
“Hoặc có địa ngục toàn là băng giá.” Lại có địa ngục, trong đó còn rét lạnh hơn cả băng giá khiến cho tội nhân bị lạnh cóng và đông thành đá.
“Hoặc có địa ngục đầy vô hạn đồ phẩn tiểu.” Lại có địa ngục, trong đó chứa rất nhiều phân và nước tiểu dơ bẩn.
“Hoặc có địa ngục toàn là loại chùy gai bay.” “chùy gai” hay tật-lê là một thứ chùy bằng sắt có hình thù như trái cam và chung quanh tua tủa những gai nhọn như mũi kim.
Có loại địa ngục mà trong đó chỉ thuần một thứ chùy gai từ dưới đất vọt lên hoặc từ không trung bay đến (tuy bằng sắt nhưng chúng có thể bay được) và cứ nhắm vào thân tội nhân mà đánh, khiến cho đầu, mắt, tai, mũi, miệng … của tội nhân đều bị các gai nhọn đâm trúng; hễ tội nhân đau chỗ nào thì liền bị chùy gai đập vào chỗ đó.
“Hoặc có địa ngục có nhiều giáo lửa.” “Giáo lửa” (hỏa thương) này cũng chính là “giáo đâm” (thông thương). Lại cũng có địa ngục có những ngọn giáo được nung nóng đỏ, dùng để đâm vào thân thể của tội nhân và khoét thành từng lỗ có lửa bốc cháy, đồng thời xẻ ra những đường rãnh trên mình của tội nhân để “thông gió.”
“Hoặc có địa ngục chỉ đập ngực, lưng.” Lại có địa ngục, trong đó tội nhân chỉ bị đánh đằng trước ngực hoặc sau lưng.
“Hoặc có địa ngục chỉ đốt tay, chân.” Lại có địa ngục, trong đó chỉ đốt tay hoặc đốt chân của tội nhân.
“Hoặc có địa ngục rắn sắt quấn cắn.” Lại có địa ngục, trong đó có loài rắn bằng sắt quấn quanh người của tội nhân. Loài rắn sắt này là một loại trùng có rất nhiều miệng—toàn thân nó đều lởm chởm những cái miệng. Mỗi cái miệng trên mình rắn lại có thể nhả ra một con rắn nhỏ, và mỗi con đều có mười hai cái miệng sắt. Những con rắn nhỏ này chui qua mắt của người tội để luồn lách vào trong cơ thể của người ấy, rồi lại từ nam căn hoặc nữ căn của người tội mà chui ra. Tội nhân bị chúng cắn xé, đau đớn thống khổ đến không thể nào chịu nổi.
Tại sao lại phải chịu loại quả báo này? Bởi lúc sanh tiền, tội nhân sống hoang dâm vô độ, chơi bời trụy lạc, không tiết chế chừng mực, cho nên đến khi đọa địa ngục thì phải gánh chịu quả báo như thế; thật là đáng sợ lắm thay!
“Hoặc có địa ngục xua đuổi chó sắt.” Lại có địa ngục, trong đó có loài ác quỷ xua chó sắt tới cắn tội nhân.
“Hoặc có địa ngục toàn kéo la sắt.” Lại có địa ngục, trong đó tội nhân phải kéo con la bằng sắt. (“La” thì cũng to lớn như ngựa, có lớn hơn lừa một chút.)
Kinh văn: Nhân Giả! Như thị đẳng báo, các các ngục trung, hữu bách thiên chủng, nghiệp đạo chi khí. Vô phi thị đồng thị thiết, thị thạch thị hỏa, thử tứ chủng vật, chúng nghiệp hành cảm. Nhược quảng thuyết địa ngục tội báo đẳng sự, Nhất nhất ngục trung, cánh hữu bách thiên chủng khổ sở, hà huống đa ngục!
Ngã kim thừa Phật oai thần, cập Nhân Giả vấn, lược thuyết như thị, nhược quảng giải thuyết cùng kiếp bất tận”.
Việt Văn: “Nhân Giả! Những quả báo như thế, trong mỗi ngục có trăm ngàn thứ khí cụ nghiệp đạo đều là bằng đồng, bằng sắt, bằng đá, bằng lửa; bốn thứ này là do các hành nghiệp cảm vời ra. Nếu nói rộng ra về những sự tội báo ở địa ngục, thì trong mỗi ngục còn có cả trăm ngàn thứ khổ sở, huống chi là nhiều ngục!
Nay tôi nương sức oai thần của Ðức Phật và vì Nhân Giả hỏi đến mà nói sơ lược như thế; nếu nói rộng ra thì cùng kiếp nói cũng không hết được!”
Lược giảng:
Ðịa Tạng Vương Bồ Tát lại nói với Phổ Hiền Bồ Tát: “Thưa Nhân Giả, bậc Ðại Sĩ nhân đức! Những quả báo như thế, trong mỗi ngục có trăm ngàn thứ khí cụ nghiệp đạo. Trong mỗi địa ngục đều có cả trăm ngàn vạn loại tội khí tạo nghiệp thọ báo khác nhau. Những khí cụ dùng để hành hình các tội nhân chịu quả báo ở các địa ngục đều là bằng đồng, bằng sắt, bằng đá, bằng lửa.”
Thế nhưng, có phải thật là có đồng, sắt, đá, lửa không? Không phải! Vậy là thế nào?
“Bốn thứ này là do các hành nghiệp cảm vời ra.” Chúng sanh hễ trồng nhân gì thì gặt quả đó, gây nghiệp tội gì thì có quả báo tương ứng với nghiệp tội đó xuất hiện. Nếu quý vị tạo loại nghiệp đáng phải bị trừng phạt bởi khí cụ bằng đồng, thì có ngục đồng hiện ra; còn nếu tạo loại nghiệp đáng phải dùng khí cụ bằng sắt để trừng trị, thì quý vị phải chịu những thống khổ của ngục sắt; thậm chí cả ngục đá và ngục lửa cũng vậy.
“Nếu nói rộng ra về những sự tội báo ở địa ngục, thì trong mỗi ngục còn có cả trăm ngàn thứ khổ sở, huống chi là nhiều ngục!” Giả sử muốn nói rộng ra và cặn kẽ từng chi tiết về các tội báo ở địa ngục, như gây tội gì thì phải lãnh quả báo gì, thì trong mỗi ngục không phải chỉ có vỏn vẹn một thứ khổ sở thôi đâu, mà là có đến hằng trăm, hằng ngàn, hằng vạn thứ khổ sở khác nữa. Trong một địa ngục mà đã muôn vàn thứ khổ sở không thể kể xiết như thế, thì huống chi là trong nhiều địa ngục?
Ðịa Tạng Vương Bồ Tát lại nói với Phổ Hiền Bồ Tát rằng: “Nay tôi nương sức oai thần của Ðức Phật và vì Nhân Giả hỏi đến mà nói sơ lược như thế; nếu nói rộng ra thì cùng kiếp nói cũng không hết được! Nếu muốn giảng giải cho cặn kẽ thì dẫu có nói trong suốt mấy đại kiếp cũng không thể nào nói cho hết được.“