Kinh Lăng Nghiêm – Giảng Giải – 2.1

KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH NHƯ LAI MẬT NHƠN
TU CHỨNG LIỄU NGHĨA
CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH
THỦ LĂNG NGHIÊM

QUYỂN 2 PHẦN 1

— o0o —

TUYÊN HÓA THUỢNG NHÂN
giảng thuật

 Kinh văn: 爾時阿難及諸大眾。聞佛示誨身心泰然。念無始來失卻本心。妄認塵分別影事。今日開悟, 如失乳兒忽遇慈母。合掌禮佛

Phiên Âm: Nhĩ thời A-nan, cập chư đại chúng, văn Phật thị hối, thân tâm thái nhiên. Niệm vô thủy lai, thất khước bản tâm, vọng nhận duyên trần, phân biệt ảnh sự. Kim nhật khai ngộ, như thất nhũ nhi, hốt ngộ từ mẫu, hợp chưởng lễ Phật.

Việt dịch: Khi ấy A-nan và cả đại chúng nghe Phật chỉ dạy, thân tâm thư thái, nghĩ mình từ vô thủy đến nay quên mất bản tâm, nhận lầm bóng dáng duyên trần phân biệt. Hôm nay được khai ngộ, như trẻ thơ khát sữa bỗng gặp được mẹ hiền, liền chắp tay lễ Phật.

Giảng: Khi ấy A-nan và cả đại chúng nghe Phật chỉ dạy. Khi A-nan và các đại Bồ-tát, đại A-la-hán, đại tỷ-khưu và các vị khác nghe lời dạy nầy, thân tâm thư thái. Họ cảm thấy thân tâm mình cực kỳ thanh thản, đến mức họ không cảm thấy còn chút nào khổ đau. Họ chưa từng bao giờ có được cảm giác như vậy và chưa từng bao giờ biết được điều gì tuyệt diệu hơn thế nữa. Nhưng cùng lúc đó, họ nghĩ mình từ vô thủy đến nay quên mất bản tâm, nhận lầm bóng dáng duyên trần phân biệt.

Từ vô thủy đến nay, họ đã bỏ quên bản tâm, chỉ quen sống với vọng tâm, tâm thức của mình, là tâm tạo ra mọi sự phân biệt và dấy lên mọi chuyện. Họ chưa từng bao giờ nhận ra chân tâm thường hiện tiền; họ nhận vọng tâm làm chân tâm thường trú. Họ đắm mình vào trong vọng nghiệp ngay nơi sáu căn, và chẳng có chút công phu nào trong hoạt dụng của tự tính. Trong động dụng hằng ngày, họ đặc biệt chỉ đem vọng tâm, với tâm chấp trước, tâm kiêu mạn, tâm phan duyên, tâm hư dối để hành xử mọi công việc.

Hôm nay được khai ngộ, như trẻ thơ khát sữa bỗng gặp được mẹ hiền, liền chắp tay lễ Phật. Họ như trẻ thơ bị khát sữa mẹ đã lâu ngày và rất đau khổ. Nay bỗng nhiên được gặp lại mẹ hiền và được sữa; điều ấy cũng như trong đại chúng được nghe lời Phật khai thị và được tỏ ngộ. Họ cùng chắp tay đảnh lễ Đức Phật để tri ân Ngài đã từ bi ban bố giáo pháp vi diệu cho mình.

 

Kinh văn: 來, 心, 實, 生, 性.

Phiên Âm: Nguyện văn Như Lai, hiển xuất thân tâm, chân vọng hư thật, hiện tiền sanh diệt, dữ bất sanh diệt, nhị phát minh tánh.

Việt dịch: Mong được nghe Như Lai chỉ bày cái chân vọng hư thực và phát minh tánh sinh diệt cùng không sinh diệt nơi thân tâm.

Giảng: Tại sao đại chúng đảnh lễ Đức Phật? Vì họ mong được nghe Như Lai chỉ bày. Họ mong được Ngài nói ra và miêu tả rõ ràng cái chân vọng hư thực. Đó là cái giả dối và cái chân thật, cái gì hư vọng và cái gì hiện thực. Họ mong được Như Lai chỉ bày để cho họ nhận rõ ra từng cái như vậy. Họ mong được Đức Phật khai thị cho họ phát minh tính sinh diệt cùng không sinh diệt nơi thân tâm – chỉ bày hai tính chất của tâm, tâm sinh diệt và tâm không sinh diệt.

Cái gì là tâm sinh diệt? Đó là thức tâm, là tâm phan duyên, do hướng ra ngoài để tìm cầu, thay vì hướng vào trong tự tâm mình mà công phu. Thế nào là tâm không sinh diệt? Quý vị phải hướng vào trong bản tâm mà ứng dụng công phu, để nhận ra tất cả núi sông đất liền, cỏ hoa, sum la vạn tượng… đều là pháp thân của chư Phật. Pháp thân Phật thì chẳng sinh chẳng diệt. Chân tâm thường trú bản tính thanh tịnh sáng suốt của mọi chúng sinh cũng không sinh không diệt.

Thế tại sao chúng ta phải chịu sinh diệt? Tại vì chúng ta không nhận ra được Chân tâm thường trú bản tính thanh tịnh sáng suốt của mình. Vì tâm cuồng của quý vị chưa dừng nghỉ. Nên kinh dạy: Cuồng tâm đốn yết
狂 心 頓 歇
Yết tức bồ-đề.
歇 即 菩 提

Khi tâm cuồng dừng bặt, ngay đó liền hiển bày tâm giác ngộ. Vì tâm vọng tưởng hiện hành mãi không dừng, nên tâm giác ngộ không thể nào hiển lộ được, vì tâm cuồng đã bao phủ tâm giác ngộ rồi. Những gì được giải thích hôm nay, và trong từng đoạn kinh văn khác cũng không ngoài mục đích chỉ bày chân tâm cho mọi chúng sinh.

 

Kinh văn: 時波斯匿王起立白佛。我昔未承諸佛誨敕。見迦旃延毘羅胝子。咸言此身死後斷滅名為涅槃。我雖值佛今猶狐疑云何發揮證知此心不生滅地令此大眾諸有漏者咸皆願聞.

Phiên Âm: Ba tư nặc Vương khởi lập bạch Phật: Ngã tích vị thừa, chư Phật hối sắc, kiến Ca-chiên-diên, Tỳ-la chi tử. Hàm ngôn thử thân, tử hậu đoạn điệt, danh vi Niết-Bàn. Ngã tuy trị Phật, kim do hồ nghi. Vân hà phát huy, chứng tri thử tâm, bất sanh diệt địa. Lệnh thử đại chúng, chư hữu lậu giả, hàm giai nguyện văn.

Việt dịch: Khi ấy vua Ba-tư-nặc đứng dậy bạch Phật: “Xưa khi chưa được Đức Phật chỉ dạy, con gặp nhóm Ca-chiên-diên Tỳ-la-chi-tử, cả hai đều nói rằng thân nầy sau khi chết sẽ mất hẳn (đoạn diệt), gọi là niết-bàn. Con nay tuy được gặp Phật nhưng còn hồ nghi. Làm sao để phát huy thực chứng tánh không sinh không diệt nơi tâm nầy. Nay hàng hữu lậu trong đại chúng đều mong được nghe điều ấy. ”

Giảng: Khi ấy – trước khi Đức Phật giảng giải – vua Ba-tư-nặc liền từ trong hội chúng đứng dậy. Tên của vua Ba-tư-nặc theo tiếng Phạn có nghĩa là “Nguyệt quang– ánh trăng” như đã được giảng ở trước. Là vị vua sinh ra cùng lúc Đức Phật thị hiện. Khi thị hiện nơi cõi ta-bà, Đức Phật phóng ra hào quang, nhưng vua cha của Ba-tư-nặc vương cho rằng con mình phát ra ánh sáng khi chào đời, nên đã đặt tên con mình là “Nguỵệt quang– Ánh trăng”. Vua Ba-tư-nặc bạch Phật: “

Xưa khi chưa được Đức Phật chỉ dạy, con gặp nhóm Ca-chiên-diên Tỳ-la-chi-tử, trước khi con có phước duyên được Đức Phật giáo hóa, con theo ngoại đạo.” Vua Ba-tư-nặc tin vào thuyết đoạn diệt của Ca-chiên-diên. Ca-chiên-diên trong tiếng Phạn có nghĩa là tiễn phát – 剪 髮, vì trước kia người này theo ngoại đạo, họ không cắt tóc và móng tay, thế nên họ còn được gọi là “Trường trảo ngoại đạo”. Tỳ-la-chi-tử có nghĩa là con trai của dòng họ Tỳ-la-chi. Tỳ-la-chi là tên mẹ, tiếng Phạn có nghĩa là bất tác – 不 作: không làm. Họ không làm những việc lành, nhưng họ chẳng do dự khi làm việc ác.

“Cả hai đều nói rằng thân nầy sau khi chết sẽ mất hẳn (đoạn diệt), gọi là niết-bàn. Họ cho rằng sau khi thân nầy mất đi thì chẳng còn gì nữa cả. Chẳng có nhân và chẳng có quả, chẳng có đời trước và chẳng có đời sau.” Cơ bản cái chết của con người cũng như ngọn đèn tắt. Nó biến mất hẳn, chẳng còn gì cả. Mọi thứ hòan toàn tan biến. Đoạn diệt có nghĩa là không có tâm thức, không có cái biết, không có bản tính, không tất cả, và đó là cái mà họ gọi là niết-bàn.

Đó là những gì thuyết đoạn diệt hiểu về không sinh không diệt; vì không tất cả mọi thứ nên không sinh không diệt. Đó là ngoại đạo chủ trương. Nhưng nay tôi sẽ trình bày cho quý vị biết rằng đó thật là một sai lầm nghiêm trọng. Khi con người chết đi không phải là mất hẳn. Thế nên, ngay nơi điểm nầy là điểm khác biệt giữa Phật giáo và ngoại đạo. Một số phái ngoại đạo chủ trương đoạn diệt, một số chủ trương thường hằng; cả hai phái đều làm cho chúng sinh mê lầm nghiêm trọng nhất.

“Con nay tuy được gặp Phật nhưng còn hồ nghi.
Đức Phật đã thị hiện ở thế gian và giáo hóa cho con, nhưng con vẫn còn hồ nghi và chưa tin vào giáo lý của Đức Phật”. Ông ta vẫn thấy rằng con người sau khi chết là hòan toàn mất hẳn và sự dừng bặt mọi hiện hữu như vậy chính là niết-bàn. Nghi ngờ được gọi là “hồ” nghi vì loài chồn có bản tính hay nghi ngờ. Bất luận quý vị có nói gì đi nữa, nó vẫn không tin.

Chẳng hạn như khi một con chồn bước qua tảng băng vào mùa đông, nó sẽ đi từng bước, từng bước, rồi dừng lại, dựng đứng hai lỗ tai lên lắng nghe, rồi đi bước khác, rồi lại dỏng tai lên lắng nghe. Nếu nó nghe tiếng băng rạn nứt, nó tức khắc rút lui. Nó biết rằng nếu băng rạn nứt có nghĩa là độ dày của băng không đủ để nó làm điểm tựa mà nhảy qua sông. Nó rất linh lợi. Nên nó được ví như một người lanh lẹ. “Anh ta tinh ranh như chồn”. Anh ta có nhiều mối nghi trong lòng và hay thích cãi lý. Anh ta mâu thuẫn với mọi người, bất kể ai, luôn luôn giữ thế thủ, giống như tính đa nghi của loài chồn.

“Làm sao để phát huy thực chứng tính không sinh không diệt nơi tâm nầy. Nay hàng hữu lậu trong đại chúng đều mong mỏi được nghe điều ấy. Ước gì con hiểu được giáo lý chân thực không sinh không diệt và nhận ra bản tâm mình không sinh không diệt. Trong đại chúng, những vị chưa đạt được trí huệ vô lậu đều mong được hiểu rõ giáo lý nầy. Hữu lậu có nghĩa là còn trôi lăn trong ba cõi – cõi Dục, cõi Sắc, và cõi Vô sắc. Khi chúng sinh bị trôi lăn trong ba cõi ấy, họ phải chịu sinh tử.

Những người chưa chấm dứt được sinh tử được gọi là chúng sinh hữu lậu. Thế nên những ai trong chúng hội chưa chứng được quả vị, vẫn còn trong vòng hữu lậu thì rất muốn được nghe giáo lý không sinh không diệt, để họ có thể nhận ra chân tâm mình, để được giác ngộ và chấm dứt sự trôi lăn trong dòng hữu lậu.

 

Kinh văn: 佛告大王, 汝身現存, 今復問汝。汝此肉身為同金剛常住不朽。為復變壞。世尊我今此身終從變滅.

Phiên Âm: Phật cáo Đại Vương: nhữ thân hiện tồn, kim phục vấn nhữ. Nhữ thử nhục thân, vi đồng Kim Cang, thường trụ bất hủ. Vi phục biến hoại.

Việt dịch: Đức Phật bảo: “Đại vương! Ngay nơi thân ông đang tồn tại, nay Như Lai hỏi ông: Thân thịt nầy của ông có giống như thân kim cương bất hoại hay sẽ bị biến hoại?” – Bạch Thế tôn! Thân con hiện nay, rốt cục rồi sẽ bị biến hoại.

Giảng: Trong đoạn kinh nầy, Đức Phật hỏi vua Ba-tư-nặc thân thể của nhà vua có bị biến hoại chăng, và vua trả lời nó sẽ hòan toàn biến hoại. Đức Phật bảo: “Đại vương! Như ngay nơi thân ông hiện đang tồn tại, nay Như Lai hỏi ông: Thân thịt nầy của ông có giống như thân kim cương bất hoại hay sẽ bị biến hoại?” Nếu chúng ta quán sát kỹ thân mình, quý vị có thấy nó cứng chắc như kim cương không? Nó có thường hằng bất hoại như kim cương chăng? Trong sự phân tích tối hậu nầy, nó giống cái gì? Có thể biến hoại chăng?

Nói ngay!”
– Bạch Thế tôn! Thân con hiện nay, rốt cục rồi sẽ bị biến hoại. Ngay khi nghe câu hỏi của Thế tôn, vua Ba-tư-nặc đáp ngay không chút do dự, “Bạch Thế tôn! Thân con hiện nay, cuối cùng sẽ hòan toàn biến hoại. Kết cục nó sẽ không còn nữa, đó là điều chắc chắn.”

Kinh văn: 佛言大王, 汝未曾滅云何知滅。

     Phiên Âm: Ba tư nặc Vương: Thế Tôn! Ngã kim thử thân, chung tùng biến diệt.
     Việt dịch: Đức Phật bảo: “Đại vương! Ông chưa từng diệt, làm sao biết mình sẽ biến diệt?”

Giảng: Để trả lời, Đức Phật bảo: “Đại vương! Ông chưa từng diệt. Ông chưa từng chết; làm sao biết trong tương lai mình sẽ biến diệt?” Ông chưa đến lúc bị biến diệt, thế cái gì khiến ông biết được ông sẽ còn tồn tại cho đến khi ông chết? Nói ngay! Do đâu mà ông biết nhiều điều như vậy?”

 

Kinh văn: 世尊, 我此無常變壞之身。雖未曾滅, 我觀現前。念念遷謝新新不住。如火成灰漸漸銷殞。殞亡不息。決知此身當從滅盡.

Phiên Âm: Phật ngôn Đại Vương: nhữ vị tằng diệt, vân hà tri diệt.

Ba tư nặc Vương: Thế Tôn! Ngã thử vô thường, biến hoại chi thân. Tuy vị tằng diệt, ngã quán hiện tiền. Niệm niệm thiên tạ, tân tân bất trụ. Như hỏa thành hôi, tiệm tiệm tiêu vẫn. Vẫn vong bất tức. Quyết tri thử thân, đương tùng diệt tận.

Việt dịch: – Bạch Thế tôn! Cái thân biến hoại vô thường của con hiện nay tuy chưa từng diệt, nhưng con thấy trước mắt, từng niệm dời đổi mãi không dừng, như lửa tàn thành tro, dần dần tiêu tan. Vì tàn hoại không dừng, nên con biết chắc thân nầy sẽ diệt mất.

Giảng: Vua Ba-tư-nặc trả lời: “Bạch Thế tôn! Cái thân biến hoại vô thường của con hiện nay tuy chưa từng diệt, nhưng con thấy trước mắt… Mặc dù thân nầy chưa hoại diệt, nhưng thân của con không phải là thường hằng, cùng lắm là nó sống được 80 hoặc 90 năm. Dù có giỏi lắm cũng không thể nào sống đến trăm năm được.”

“Thấy” có nghĩa là ông ta quán sát, chiêm nghiệm toàn thể và chi tiết, bên trong và bên ngoài, từ trước ra sau, từ gần cho đến xa. “Con quán sát người khác rồi nhìn lại chính mình, thấy mọi người đều phải chết và biết mình cũng sẽ phải như họ vậy.”

“Từng niệm dời đổi mãi không dừng”. Bây giờ vua Ba-tư-nặc quán sát trong tâm mình, thấy niệm nầy dừng bặt rồi niệm khác sinh khởi. Niệm sau thay thế niệm trước rồi niệm kế tiếp thay thế niệm trước đó. Nó giống như những cơn sóng. Dù con không thể thấy được chúng, nhưng biết chúng như thể là sóng nối nhau không dứt. Nó liên tục dấy lên rồi tan biến. Niệm tưởng không dừng trụ mãi mãi. Khi một niệm tưởng mới sinh khởi, đó là niệm đã có trước hằng thế kỷ, và không ai có thể kéo dài niệm ấy mãi mãi. Cũng giống như khi đốt hương.

“Như lửa tàn thành tro dần dần tiêu tan.” Tro rơi xuống và lửa hiện ra, nhưng rồi sau một lát, tro lại bao phủ lấy lửa. Tro biểu tượng cho cái cũ, lửa biểu tượng cho cái mới. Nhưng cái mới thì liên tục không gián đoạn chuyển sang dạng tro. Tro dần dần rơi xuống, hóa thành bụi và biến mất.

“Vì tàn hoại không dừng, nên con biết chắc thân nầy sẽ diệt mất. Thế nên con hòan toàn chắc chắn không chút nghi ngờ.” Vua Ba-tư-nặc nói: “Trong tương lai, thân con sẽ trở thành tan biến.”

 

Kinh văn: 佛言, 如是大王。

Phiên Âm: Phật ngôn: Như thị Đại Vương:

Việt dịch: Đức Phật nói: “Đại vương, đúng như vậy!”

Giảng: Đức Phật nói: “Đại vương, đúng như vậy!” Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói với nhà vua rằng ông đã giải thích rất đúng. Mỗi niệm trôi qua không dừng trụ và cuối cùng sẽ hòan toàn biến mất.

 

Kinh văn: 汝今生齡已從衰老。顏貌何如童子之時。

Phiên Âm: Nhữ kim sanh linh, dĩ tùng suy lão. Nhan mạo hà như, Đồng tử chi thời.

Việt dịch: Nay ông tuổi đã già yếu, dung mạo so với lúc trẻ như thế nào?

Giảng: Mặc dù Đức Phật tán thành sự giải thích của vua Ba-tư-nặc, nhưng Ngài vẫn còn điều để hỏi. Đại vương, nay ông tuổi đã già yếu. Ông nay đã già, sắc mặt ông đã nhăn nheo, râu tóc đã bạc trắng như tuyết. Tướng suy lão đã xuất hiện. Dung mạo so với lúc trẻ như thế nào. “Nhan mạo”, nhan là nước da, còn có nghĩa là dáng dấp, mạo là nét mặt. “Có gì khác nhau giữa dáng dấp, diện mạo của ông bây giờ và khi còn trẻ? Có sự thay đổi nào chăng?” Đức Phật hỏi vua Ba-tư-nặc.

 

Kinh văn: 世尊我昔孩孺膚腠潤澤。年至長成血氣充滿。而今頹齡迫於衰耄。形色枯悴精神昏昧。髮白面皺逮將不久。如何見比充盛之時.

Phiên Âm: Ba tư nặc Vương: Thế Tôn! Ngã tích hài nhụ, phu thấu nhuận trạch. Niên chí trưởng thành, huyết khí sung mãn. Nhi kim đồi linh, bách ư suy mạo. Hình sắc khô tụy, tinh thần hôn muội. Phát bạch diện trứu, đãi tướng bất cửu. Như hà kiến tỉ, sung thịnh chi thời.

Việt dịch: – Bạch Thế tôn! Xưa khi con còn bé, da dẻ tươi nhuận, đến tuổi trưởng thành, khí huyết sung mãn, nay tuổi đã già, hình sắc cũng theo đó già yếu khô gầy, tinh thần không còn sáng suốt, tóc bạc mặt nhăn, sống chẳng còn bao lâu. Làm sao có thể so sánh với khi còn trẻ mạnh.

Giảng: Vua Ba-tư-nặc trả lời: “Bạch Thế tôn! Xưa khi con còn bé, da dẻ tươi nhuận.” Chuyện nầy liên hệ đến khi vua đang còn trẻ. Đôi khi trẻ con hư hỏng, ngỗ nghịch, không vâng lời cha mẹ, và cha mẹ nuông chiều chúng. “Da dẻ” ở đây có nghĩa là da mặt và cũng là lớp biểu bì giữa da và thịt. Má của trẻ con thì hồng hào–và đó là lý do khiến vua Ba-tư-nặc trả lời mạnh mẽ:

“Đến tuổi trưởng thành, khí huyết sung mãn.” Vua nghĩ rằng thân thể mình rất khoẻ mạnh. “Nay tuổi đã già”, đã đến lúc thân ông không giúp gì cho ông được nhiều nữa. Thân thể đè nặng và làm trở ngại khi di chuyển. Nó sẽ không tồn tại bao lâu nữa. Có 3 điều hạn chế nơi con người: “Lúc thiếu thời, khí huyết sung mãn, nên biết tiết chế sắc dục.” Thanh niên nên biết tiết chế sắc dục, biết hạn chế sự ham muốn tình dục. Nếu quý vị không biết điều ấy, quý vị sẽ khiến cho thân thể mình tiêu tán sức khỏe và nghị lực. “Khi tuổi tráng niên, khí huyết phương cương, nên biết tiết chế sự đua tranh.”

Quý vị không nên bỏ phí thì giờ để tranh cãi với nhau. Nếu có ai đánh quý vị, hãy nhường họ một bước. Đừng tranh đua với mọi người. “Khi đã già lão, khí huyết suy kém, nên hạn chế lòng tham cầu.” Tâm tham cầu đó là lòng tham lam vô độ. Người già cả không nên tham lam mong cầu có được nhiều thứ. Tuổi già mà vua Ba-tư-nặc đang đối diện là bảy mươi hoặc hơn. Chẳng phải Vua Nghiêu (蕘 Yao) đã từng nói: “Bảy mươi tuổi rồi, ta phải nghỉ thôi” đó sao? Vì vua đã quá bảy mươi tuổi, trở nên uể oải không muốn trông coi việc nước nữa.

“Hình sắc cũng theo đó già yếu khô gầy.” Vua Ba-tư-nặc nói “tinh thần không còn sáng suốt”. Trí óc khô cằn không còn nhớ được gì nhiều. Không còn như thời trai trẻ, khi vua còn nhớ được mọi việc rất rõ ràng. “Mê mờ” là không còn nhận biết minh bạch về sự việc nữa; vua có hơi chút kỳ quặc, hơi bị lão suy. Nhưng tôi không cho rằng như thế có nghĩa là vua bị mất trí.

“Tóc bạc mặt nhăn, sống chẳng còn bao lâu. Ở Ấn Độ ít người có tóc vàng hoe khi còn trẻ, nhưng khi về già, tóc họ trở nên bạc trắng. Khi còn trẻ, tóc họ đen tốt và rất đẹp trai, nhưng khi tuổi già mặt họ có nhiều nếp nhăn, còn nhăn nheo hơn da gà. Thế nên trông họ rất xấu xí.

“Và chẳng còn sống được bao lâu nữa” Khi thốt lên những lời nầy, vua hối tiếc vô cùng và chắc chắn kèm theo một tiếng thở dài: “Ta rồi sẽ chết; chẳng còn phải chờ đợi bao lâu nữa”. Như người Quảng Đông thường hay nói: “Thời gian sống chết kề cận trong tầm tay”. “Làm sao có thể so sánh với khi còn trẻ mạnh? Làm sao có thể so sánh với lúc tráng niên? Hai giai đoạn hòan toàn khác nhau.

 

Kinh văn: 佛言, 大王, 汝之形容應不頓朽。王言, 世尊, 變化密移我誠不覺。寒暑遷流漸至於此。

Phiên Âm: Phật ngôn Đại Vương: Nhữ chi hình dung, ưng bất đốn hủ. Vương ngôn Thế Tôn: Biến hóa mật di, ngã thành bất giác. Hàn thử thiên lưu, tiệm chí ư thử.

Việt dịch: Đức Phật bảo: Đại vương! Thân thể của ông đâu phải già liền? Vua Ba-tư-nặc thưa: “Bạch Thế tôn, nó âm thầm thay đổi, con thật chẳng biết, lạnh nóng đổi dời, cho đến ngày nay.”

Giảng: Đức Phật nghe vua Ba-tư-nặc diễn tả niềm hối tiếc vô hạn và thở dài buồn bã. Vua đang tiến dần đến sự chung cuộc. Tuổi thanh xuân đã đi qua và có lẽ vua đã không còn sức sống của tuổi thiếu thời. Khi còn trẻ, vua thích tập thể thao, thích đá bóng, và có lẽ còn thích khiêu vũ. Vua luôn luôn trên đà đi lên. Nay khi đã già, vua không còn làm những việc như thế được nữa. Thế nên vua thấy mình rất thừa thải. Nên vua nói: “Nay tôi già rồi, không như hồi còn trẻ nữa. Thời gian ấy thật là hạnh phúc. Lối sống của tôi bây giờ thật là vô vị và buồn chán.” Đức Phật bảo: “Đại vương! Thân thể của ông đâu phải già liền? Thân ông đâu phải hòan toàn trở nên già cỗi liền đâu. Ông vẫn còn cái gì đó trong ông không hề già cỗi. Ông nói rằng ông đang biến đổi và trở nên suy kém, nhưng vẫn còn cái gì đó trong ông không biến đổi và già đi. Hãy nhìn kỹ trong mình mà nhận ra.”

Vua Ba-tư-nặc thưa: “Bạch Thế tôn, nó âm thầm thay đổi, con thật chẳng biết.” Vấn đề con người trở nên già cỗi là ở chỗ thay đổi âm thầm. Ông không để ý đến nó đó thôi. Thiếu niên trở thành trung niên rồi già cả, và ông chẳng biết chuyện ấy đang xảy ra. Sự thay đổi lặng lẽ xảy ra, không thể nhận biết được. Thế nên vua Ba-tư-nặc lập lại: “Thực tình mà nói, con không biết đến tuổi tác và không biết tôi đã già như thế nào, và bây giờ vẫn chưa biết triệu chứng già lão đã xuất hiện nơi mình.

Nhưng con không biết con trở nên già khi nào nữa? Lạnh nóng đổi dời, cho đến ngày nay. Mùa hạ rồi mùa đông, đông rồi hạ; người ta thu hoạch vào mùa thu rồi tích trữ cho mùa đông: xoay vần, thăng trầm, nối tiếp theo nhau năm nầy sang năm khác.” Thế nên ông ta dần dần trở nên già cỗi, với tóc bạc mặt nhăn. Lông mi mọc dài đến nỗi mỗi khi ông ta muốn nhìn, ông phải dùng tay vén lên. Tưởng tượng phiền toái biết dường nào.

 

Kinh văn: 何以故? 我年二十, 雖號年少。顏貌已老初十年時。三十之年又衰二十。于今六十又過于二。觀五十時宛然強壯。

Phiên Âm: Hà dĩ cố? Ngã niên nhị thập, tuy hiệu niên thiểu. Nhan mạo dĩ lão, sơ thập niên thời. Tam thập chi niên, hựu suy nhị thập. Vu kim lục thập, hựu quá vu nhị. Quán ngũ thập thời, uyển nhiên cường tráng.

Việt dịch: Vì sao? Lúc hai mươi tuổi, tuy tuổi còn nhỏ, nhưng sắc mặt đã già hơn lúc mười tuổi. Đến khi ba mươi tuổi lại già hơn khi hai mươi tuổi. Nay đã sáu mươi hai tuổi, so với lúc năm mươi tuổi, rõ ràng lúc năm mươi tuổi cường tráng hơn.

Giảng: “Vì sao? Sao con dần dần trở nên lụ khụ già yếu như thế? Già đến nỗi chân không nhấc nổi khi muốn bước đi, và tay run khi muốn ăn. Lúc hai mươi tuổi, tuy tuổi còn nhỏ, nhưng sắc mặt đã già hơn lúc 10 tuổi. Khi hai mươi tuổi, con không còn là đứa bé lên mười nữa, con đã là một người thanh niên trưởng thành. Đến khi ba mươi tuổi lại già hơn khi hai mươi tuổi.

Nay đã sáu mươi hai tuổi, so với lúc năm mươi tuổi, rõ ràng lúc năm mươi tuổi cường tráng hơn. Khi ba mươi tuổi, con đã già hơn khi tuổi hai mươi, và lúc năm mươi tuổi, con thấy mình còn mạnh hơn bây giờ nhiều. Lúc năm mươi tuổi, con có thể nhấc bổng 100 pounds bằng tay không, nhưng bây giờ khó có thể mang được ba hay bốn chục pounds.” Ở đây vua Ba-tư-nặc nhận ra rằng tuổi già đã đẩy ông ta vào tình trạng vô dụng.

 

Kinh văn: 世尊, 我見密移雖此殂落。其間流易且限十年。若復令我微細思惟。其變寧唯一紀二紀, 實為年變。豈唯年變亦兼月化。何直月化兼又日遷。

Phiên Âm: Thế Tôn! Ngã kiến mật di, tuy thử tồ lạc. Kỳ gian lưu dịch, thả hạn thập niên. Nhược phục lệnh ngã, vi tế tư tánh. Kỳ biến ninh duy, nhất kỉ nhị kỉ, thật vị niên biến. Khởi duy niên biến, diệc kiêm nguyệt hóa. Hà trực nguyệt hóa, kiêm hựu nhật Thiên.

Việt dịch: Bạch Thế tôn! Con thấy nó âm thầm dời đổi, tuy cái già nua nầy thay đổi trong vòng mười năm. Nếu con suy nghĩ kỹ hơn, chẳng những nó thay đổi trong khoảng một kỷ, hai kỷ, mà thực ra nó thay đổi trong mỗi năm; chẳng những nó thay đổi trong từng năm, mà thực ra nó thay đổi trong từng tháng; chẳng những nó thay đổi trong từng tháng, mà thực ra nó thay đổi trong từng ngày.

Giảng: Vua Ba-tư-nặc lại thưa với Đức Phật: “Bạch Thế tôn! Con thấy nó âm thầm dời đổi. Con nhận thấy rằng giáo lý về sự âm thầm biến hóa dời đổi nầy thực không thể nào dễ biết được. Tuy cái già nua nầy thay đổi trong vòng mười năm. Nếu con suy nghĩ kỹ hơn, chẳng những nó thay đổi trong khoảng một kỷ, hai kỷ, mà thực ra nó thay đổi trong mỗi năm. Từng ngày con bị già đi trong một tiến trình như dòng nước liên tục chảy mãi.

Nên nói: “Ánh sáng thời gian trôi qua, mạng sống giảm dần. ” Thời gian đã làm cho con trở nên già nua. Bây giờ thử so sánh theo từng kỷ, nếu Ngài yêu cầu con suy gẫm chi tiết, thực sự thấy rằng sự thay đổi không chỉ diễn ra trong một kỷ (12 năm) hoặc 2 kỷ (24 năm), mà thay đổi từng năm. Chẳng những nó thay đổi trong từng năm, mà thực ra nó thay đổi trong từng tháng. Lẽ nào nó chỉ thay đổi trong từng tháng? Chẳng những nó thay đổi trong từng tháng, mà thực ra nó thay đổi trong từng ngày. Mỗi ngày, con thấy mình già đi hơn trước nhiều.

 

Kinh văn: 沈思諦觀剎那剎那念念之間不得停住故知我身終從變滅.

Phiên Âm: Trầm tư đế quán, sát-na sát-na. Niệm niệm chi gian, bất đắc đình trụ. Cố tri ngã thân, chung tùng biến diệt.

Việt dịch: Chiêm nghiệm thật sâu, quán sát thật kỹ, thấy nó thay đổi trong từng sát-na, trong từng mỗi niệm, không hề dừng nghỉ. Thế nên con biết thân nầy cuối cùng phải chịu sự biến đổi và hoại diệt.

Giảng: “Chiêm nghiệm thật sâu, quán sát thật kỹ, thấy nó thay đổi trong từng sát-na, trong từng mỗi niệm, không hề dừng nghỉ. Lắng lòng suy nghĩ kỹ càng, con tự hỏi, vì sao mình trở nên già nua? Ngày nào năm nào, tháng nào, lúc nào mình trở nên già cỗi?”

“Sát-na” là gì? Trong Kinh Bát-nhã Hộ quốc Nhân Vương giải thích rằng trong mỗi niệm, vắn tắt là trong mỗi suy nghĩ, có 90 sát-na. Trong 1 sát-na có 900 lần sinh diệt. Không dễ dàng hiểu, không dễ dàng gì nhận ra được. Giải thích đến mức nầy cần phải đi vào nhiều chi tiết vi tế. Ngay cả trong cực vi của mỗi sát-na, tiến trình già nua vẫn không dừng nghỉ.

Thế nên bây giờ tôi trở nên già cỗi. Tôi trở thành vô dụng. Ăn uống chẳng thấy mùi vị gì; khi ngủ tôi thấy da mình rời khỏi thịt và rất đau nhức, biểu hiện của tuổi già thật là đau khổ! “Thế nên con biết …” vua Ba-tư-nặc đã giải thích xong đạo lý sinh diệt–thế nào là mỗi khoảnh khắc đều là ở trong trạng thái luân chuyển, để biết tính chất sinh diệt luôn luôn có trong mọi hiện tượng– ông nói rằng ông đã biết thân mình “cuối cùng phải chịu sự biến đổi và hoại diệt.”

 

Kinh văn: 佛言大王, 汝見變化遷改不停。悟知汝滅亦於滅時。知汝身中有不滅耶。波斯匿王合掌白佛我實不知。佛言我今示汝不生滅性。

Phiên Âm: Phật ngôn Đại Vương: Nhữ kiến biến hóa. Thiên cải bất đình. Ngộ tri nhữ diệt, diệc ư diệt thời. Tri nhữ thân trung, hữu bất diệt da.

Ba tư nặc Vương hợp chưởng bạch Phật: Ngã thật bất tri.

Phật ngôn: Ngã kim thị nhữ, bất sanh diệt tánh.

Việt dịch: Đức Phật bảo: “Đại vương, ông thấy sự biến hóa thay đổi không dừng, nên biết thân mình hoại diệt. Vậy ngay chính khi hoại diệt ấy, ông có biết trong thân cái gì không hoại diệt chăng?” Vua Ba-tư-nặc chắp tay bạch Phật: “Thật con chẳng biết.” Đức Phật bảo: “Nay tôi sẽ chỉ cho ông tánh chẳng sinh diệt.”

Giảng: Sau khi vua Ba-tư-nặc trình bày vì sao thân mình chắc chắn sẽ phải biến đổi và trở nên hoại diệt, Đức Phật bảo: “Đại vương, ông thấy sự biến hóa thay đổi không dừng. Ông lưu ý rằng từ khi ông thơ ấu rồi trở thành tráng niên, từ tráng niên trở nên già lão. Già rồi sẽ đến lúc chết. Thế nên biết thân mình sẽ hoại diệt. Ông biết rằng trong tương lai mình chắc chắn sẽ chấm dứt tất cả. Vậy ngay chính khi hoại diệt ấy, ông có biết trong thân cái gì không hoại diệt chăng?”

Vua Ba-tư-nặc chắp tay bạch Phật. Khi vua nghe Đức Phật nói như vậy, ông cung kính thưa: “Thật con chẳng biết. Con thật chưa biết đạo lý nầy.” Đức Phật bảo: “Nay Như Lai sẽ chỉ cho ông tánh chẳng sinh diệt. Tự tánh của ông vốn chẳng sinh diệt, nhưng ông không nhận ra được điều ấy. Bây giờ Như Lai sẽ giải thích cho ông rõ điều ấy.”

 

Kinh văn: 大王, 汝年幾時見恒河水。王言, 我生三歲, 慈母攜我。謁耆婆天, 經過此流。爾時即知是恒河水。

Phiên Âm: Đại Vương! Nhữ niên kỷ thời, kiến hằng hà thủy.

Ba tư nặc Vương ngôn: ngã sanh tam tuế, từ mẫu huề ngã. Yết Kì-bà Thiên, kinh quá thử lưu. Nhĩ thời tức tri, thị hằng hà thủy.

Việt dịch: “Đại vương! Ông thấy nước sông Hằng lúc ông mấy tuổi?” Vua Ba-tư-nặc thưa: “Khi lên ba tuổi, mẹ con dẫn đến lễ bái Kỳ-bà thiên, có đi qua sông nầy. Khi ấy con liền biết nước sông Hằng.”

Giảng: Đức Phật bảo: “Đại vương! Ông thấy nước sông Hằng lúc ông mấy tuổi?” Vua Ba-tư-nặc thưa: “Khi lên ba tuổi, mẹ con dẫn đến lễ bái Kỳ-bà thiên. “Yết – 謁” có nghĩa là lễ bái. Kỳ-bà thiên. Hán dịch là Trường thọ thiên. “Mẹ con dẫn đến đền thờ Kỳ-bà thiên để làm lễ cầu mong được sống lâu. Có đi qua sông nầy. Khi ấy con liền biết nước sông Hằng. Con biết đó là lúc con thấy được sông Hằng.”

 

Kinh văn: 佛言大王, 如汝所說。二十之時衰於十歲。乃至六十日月歲時念念遷變。則汝三歲見此河時。至年十三其水云何。王言, 如三歲時宛然無異。乃至于今年六十二亦無有異。

Phiên Âm: Phật ngôn: Đại Vương! Như nhữ sở thuyết. Nhị thập chi thời, suy ư thập tuế. Nãi chí lục thập, nhật nguyệt tuế thời, niệm niệm Thiên biến. Tắc nhữ tam tuế, kiến thử hà thời. Chí niên thập tam, kỳ thủy vân hà.

Ba tư nặc Vương ngôn: Như tam tuế thời, uyển nhiên vô dị. Nãi chí vu kim, niên lục thập nhị, diệc vô hữu dị.

Việt dịch: Đức Phật bảo: “Đại vương, như ông vừa nói khi hai mươi tuổi thấy mình đã già hơn khi mười tuổi, cho đến khi sáu mươi tuổi, ngày qua tháng lại, niệm niệm đổi dời. Vậy khi ông ba tuổi thấy sông Hằng, cho đến lúc mười ba tuổi, nước ấy như thế nào? “

Vua Ba-tư-nặc thưa: “Như lúc ba tuổi, thật là không khác. Cho đến nay đã 62 tuổi, cũng không khác”.

Giảng: Đức Phật bảo với vua Ba-tư-nặc: “Đại vương, như ông vừa nói, hãy xét kỹ lời ông vừa nói, khi hai mươi tuổi thấy mình đã già hơn khi mười tuổi. Ông biến dạng nhiều so với khi 10 tuổi, ông già hơn. Cho đến khi sáu mươi tuổi, ngày qua tháng lại, niệm niệm đổi dời. Mỗi niệm mỗi niệm đều tạo nên sự đổi dời. Vậy khi ông thấy sông Hằng lúc ba tuổi, so với cái thấy nước sông Hằng lúc mười ba tuổi như thế nào? Thế khi ông lên ba, thấy sông Hằng lần đầu tiên, ông thấy nước sông Hằng lúc ấy có khác với cái thấy vào lúc 13 tuổi không?

Vua thưa: “Cái thấy ấy không khác so với khi con ba tuổi.” Vua Ba-tư-nặc thưa: “Cũng như con thấy nước sông Hằng vào lúc ba tuổi. Cái thấy ấy không khác. Cho đến nay con đã 62 tuổi, cái thấy ấy vẫn không khác. Chẳng có hai cái thấy khác nhau, hòan toàn chỉ là một.” Có nhiều học giả phí nhiều công sức vô lối và bảo rằng có nhiều vấn đề liên quan đến tuổi tác của vua Ba-tư-nặc đề cập trong kinh nầy. Đó thực là muốn kiếm chuyện để làm khi không có việc gì cần phải làm cả. Chẳng có việc gì hay để làm nên họ đã nhặt phân trong nhà vệ sinh. Hẳn vậy; thật đáng với họ!

 

Kinh văn: 佛言, 汝今自傷髮白面皺。其面必定皺於童年。則汝今時觀此恒河, 與昔童時觀河之見有童 耄不。王言不也世尊.

Phiên Âm: Phật ngôn: Đại Vương! Nhữ kim tự thương, phát bạch diện trứu. Kỳ diện tất định, trứu ư đồng niên. Tức nhữ kim thời, quán thử hằng hà. Dữ tích đồng thời, quán hà chi kiến, hữu đồng mạo phủ?

Ba tư nặc Vương ngôn: Phất dã Thế Tôn.

Việt dịch: Đức Phật bảo: “Nay ông tự cảm thương tóc bạc mặt nhăn, mặt ông nhất định là nhăn hơn lúc trẻ. Vậy cái thấy sông Hằng của ông hiện nay và cái thấy sông Hằng của ông hồi nhỏ có già có trẻ chăng? Vua Ba-tư-nặc thưa: “Bạch Thế tôn, không vậy.”

Giảng: Đức Phật lại bảo vua Ba-tư-nặc: “Nay ông tự cảm thương tóc bạc mặt nhăn, mặt ông nhất định là nhăn hơn lúc trẻ. Vậy cái thấy sông Hằng của ông hiện nay và cái thấy sông Hằng của ông hồi nhỏ có già có trẻ chăng? Có sự khác biệt nào chăng giữa những gì ông thấy vào lúc nhỏ và những gì ông thấy hiện nay khi ông đã già? Có sự khác nhau nào chăng trong cái thấy của ông, cái thấy giúp ông biết sông Hằng vào lúc ba tuổi và cái thấy của ông bây giờ, phải chăng không có sự thay đổi già trẻ trong cái thấy đó sao? Phải vậy không?”

Vua Ba-tư-nặc thưa: “Bạch Thế tôn, không vậy.” Mặc dù vua Ba-tư-nặc cũng mê mờ như hàng học giả, nhưng vua biết nó không phải như thế; vua biết chẳng hề thay đổi. Thế nên vua quả quyết “Bạch Thế tôn, không.” Cái thấy của ông không hề thay đổi.

 

Kinh văn: 佛言大王,汝面雖皺,而此見精性未曾皺。皺者為變不皺非變。

Phiên Âm: Phật ngôn: Đại Vương! Nhữ diện tuy trứu, nhi thử kiến tinh, tánh vị tằng trứu. Trứu giả vi biến, bất trứu phi biến.

Việt dịch: Đức Phật bảo: “Đại vương, mặt ông tuy nhăn, nhưng tánh thấy nầy chưa từng bị nhăn. Cái bị nhăn thì biến đổi, còn cái không bị nhăn thì chẳng biến đổi.

Giảng: Đức Phật bảo: “Đại vương, mặt ông tuy nhăn, nhưng tánh thấy nầy chưa từng bị nhăn. Cái thấy của ông nhìn nước sông Hằng không hề bị nhăn. Tánh thấy không hề bị nhăn; nó vẫn như vậy. Cái bị nhăn thì biến đổi. Vết nhăn trên mặt ông biểu hiện sự biến đổi. Còn cái không bị nhăn thì chẳng biến đổi. Vì cái thấy không bị nhăn, sao ông gọi nó biến đổi? Nó không biến đổi bao giờ.”

 

Kinh văn: 變者受滅彼不變者元無生滅。云何於中受汝生死。而猶引彼末伽梨等。都言此身死後全滅。

Phiên Âm: Biến giả thọ diệt, bỉ bất biến giả, nguyên vô sanh diệt. Vân hà ư trung, thọ nhữ sanh tử. Nhi do dẫn bỉ, mạt già lê đẳng. Đô ngôn thử thân, tử hậu toàn diệt.

Việt dịch: “Cái biến đổi thì phải bị hoại diệt, cái không biến đổi kia vốn chẳng sinh diệt, làm sao trong ấy nó nhận chịu sự sinh tử của ông?, mà ông còn dẫn lời của ngoại đạo Mạt-già-lê rằng: thân nầy sau khi chết là hoàn toàn mất hẳn.”

Giảng: “Cái biến đổi thì phải bị hoại diệt, cái không biến đổi kia vốn chẳng sinh diệt, làm sao trong ấy nó nhận chịu sự sinh tử của ông? Vì nó không sinh không diệt, làm sao ông bảo tánh thấy sẽ phải chịu sinh tử như thân của ông? Mà ông còn dẫn lời của ngoại đạo Mạt-già-lê rằng: thân nầy sau khi chết là hòan toàn mất hẳn.” Mạt-già-lê, Hán dịch là bất kiến đạo –不 見 道, chủ trương không nhân không quả, tự nhiên và đoạn diệt, sau khi chết là biến mất hẳn.

 

Kinh văn: 王聞是言,信知身後捨生趣生。與諸大眾踊躍歡喜得未曾有。

Phiên Âm: Vương văn thị ngôn, tín tri thân hậu, xả sanh thú sanh. Dữ chư đại chúng, dõng dược hoan hỉ, đắc vị tằng hữu.

Việt dịch: Vua nghe lời ấy, tin tưởng và biết rằng thân nầy sau khi rời bỏ sự sống hư vọng sẽ đến được sự sống chân thật, nên vua cùng đại chúng vui mừng đứng phắt dậy, được điều chưa từng có.

Giảng: Vua Ba-tư-nặc nghe lời ấy, ông tin rằng thân nầy sau khi chết, sau khi chấm dứt mạng căn nơi thân nầy, khi thân nầy đã bỏ đi rồi, sẽ sinh thân khác. Người ta sẽ đi vào một cõi giới khác để tái sinh một thân mới. Nên vua cùng đại chúng vui mừng đứng phắt dậy– họ rất vui mừng nên reo hò nhảy nhót, như được điều chưa từng có. Họ nói rằng: “Chúng con chưa từng bao giờ nghe được đạo lý nầy. Chúng con hoàn toàn mê lầm về thuyết sinh tử, thường hằng và đoạn diệt.”

 

Kinh văn: 阿難即從座起禮佛。合掌長跪白佛。世尊,若此見聞必不生滅。云何世尊名我等輩。遺失真性顛倒行事。願興慈悲洗我塵垢.

Phiên Âm: A-nan tức tùng, tòa khởi lễ Phật. Hợp chưởng trường quỳ, bạch Phật Thế Tôn: Nhược thử kiến văn, tất bất sanh diệt. Vân hà Thế Tôn, danh ngã đẳng bối. Di thất chân tánh, điên đảo hành sự. Nguyện hưng từ bi, tẩy ngã trần cấu.

Việt dịch: A-nan từ chỗ ngồi liền đứng dậy, chắp tay quỳ xuống bạch Phật: “Bạch Thế tôn, nếu cái thấy nghe nầy thật là không sinh diệt, tại sao Thế tôn gọi chúng con bỏ quên chân tánh, làm việc điên đảo? Nguyện xin Thế tôn đem lòng từ bi rửa sạch trần cấu cho chúng con.”

Giảng: Lúc nầy A-nan có câu hỏi khác. Nên A-nan từ chỗ ngồi liền đứng dậy, chắp tay quỳ xuống bạch Phật: “Bạch Thế tôn, nếu cái thấy nghe nầy thật là không sinh diệt, tại sao Thế tôn gọi chúng con bỏ quên chân tánh, làm việc điên đảo? Thế tôn bảo rằng chúng con ‘bỏ mất’ chân tánh, toàn làm những chuyện điên đảo. Chúng con thực sự đã làm những việc trái nghịch. Nguyện xin Thế tôn đem lòng từ bi rửa sạch trần cấu cho chúng con. Tẩy trừ những cấu bẩn của nghi lầm mê muội trong tâm chúng con.”

 

Kinh văn: 即時如來垂金色臂。輪手下指,示阿難言。汝今見我母陀羅手為正為倒。阿難言,世間眾生以此為倒。而我不知誰正誰倒。

Phiên Âm: Tức thời Như Lai thùy kim sắc tý. Luân thủ hạ chỉ, thị A-nan ngôn: Nhữ kim kiến ngã, mẫu đà la thủ, vi chánh vi đảo.

A-nan bạch Phật ngôn: Thế gian chúng sanh, dĩ thử vi đảo. Nhi ngã bất tri, thùy chánh thùy đảo.

Việt dịch: Liền khi ấy Đức Phật buông cánh tay sắc vàng, năm ngón tay chỉ xuống, bảo A-nan rằng: “Nay ông thấy cánh tay mẫu-đà-la của Như Lai là thuận hay là nghịch?” A-nan thưa: “Chúng sinh trong thế gian cho đó là nghịch, riêng con chẳng biết thế nào là thuận, thế nào là nghịch”

Giảng: Đức Phật nghe A-nan trả lời như vậy rồi. Liền khi ấy Đức Phật buông cánh tay sắc vàng, năm ngón tay chỉ xuống, bảo A-nan rằng: “Nay ông thấy cánh tay mẫu-đà-la của Như Lai là thuận hay là nghịch? Khi Như Lai làm như thế, cánh tay của Như Lai là xuôi hay ngược?” A-nan thưa: “Chúng sinh trong thế gian cho đó là nghịch, mọi chúng sinh trong thế gian, mọi người ai cũng cho đó là nghịch. Riêng con chẳng biết thế nào là thuận, thế nào là nghịch. Con, A-nan, không biết gọi thế nào là thuận và thế nào là nghịch.” A-nan không tự quyết định được, thật là nan giải. Trả lời theo cách nầy, nếu sai, thì chẳng phải đó là ý của A-nan. Đó là ý tưởng của ‘chúng sinh’ trong thế gian.

 

Kinh văn: 佛告阿難,若世間人以此為倒.即世間人將何為正.阿難言如來豎臂兜羅綿手。上指於空則名為正.

Phiên Âm: Phật cáo A-nan nhược thế gian nhân, dĩ thử vi đảo. Tắc thế gian nhân, tướng hà vi chánh.

A-nan bạch Phật ngôn: Như Lai thọ tý, đâu la miên thủ. Thượng chỉ ư không, tắc danh vi chánh.

Việt dịch: Đức Phật bảo A-nan: “Nếu người thế gian cho đây là nghịch, vậy họ cho thế nào là thuận?” A-nan thưa: “ Khi Như Lai đưa cánh tay đâu-la miên lên, các ngón tay chỉ lên hư không, đó gọi là thuận.”

Giảng: Đức Phật bảo A-nan: “Nếu người thế gian, ông bảo chúng sinh trong thế gian cho đây là nghịch, vậy họ cho thế nào là thuận, Như Lai hỏi ông?” A-nan thưa: “ Khi Như Lai đưa cánh tay đâu-la miên lên, các ngón tay chỉ lên hư không, đó gọi là thuận. Khi Như Lai đưa cánh tay lên phía đầu, đó gọi là thuận.

 

Kinh văn: 佛即豎臂告阿難言。若此顛倒首尾相換。諸世間人一倍瞻視。

Phiên Âm: Phật tức thọ tý, cáo A-nan ngôn: Nhược thử điên đảo, thủ vĩ tướng hoán. Chư thế gian nhân, nhất bội chiêm thị.

Việt dịch: Đức Phật liền đưa cánh tay lên rồi bảo A-nan: “Điên đảo là như thế, lấy đầu làm đuôi. Chúng sinh trong thế gian đều nhìn thấy như vậy.”

Giảng: Đức Phật liền đưa cánh tay lên rồi bảo A-nan: “Điên đảo là như thế, lấy đầu làm đuôi. Chúng sinh trong thế gian đều nhìn thấy như vậy.” Thật là mê mờ khi gọi chiều thuận là nghịch và gọi chiều nghịch là thuận chỉ vì vị trí hóan đổi.

 

Kinh văn: 則知汝身與諸如來。清淨法身比類發明。如來之身名正遍知。汝等之身號性顛倒。

Phiên Âm: Tắc tri nhữ thân, dữ chư Như Lai. Thanh tịnh Pháp thân, tỉ loại phát minh. Như Lai chi thân, danh Chánh-biến-Tri. Nhữ đẳng chi thân, hiệu tánh điên đảo.

Việt dịch: Nên biết thân ông cùng với pháp thân thanh tịnh của các Đức Như Lai, theo đó mà phát minh, thì thân Như Lai gọi là chính biến tri, còn thân của ông gọi là tánh điên đảo.

Giảng: “Một khi đã có mê lầm trong mê lầm, thì chúng sinh liền cho rằng thân họ và pháp thân thanh tịnh của Như Lai là khác nhau. Nên biết thân ông cùng với pháp thân thanh tịnh của các Đức Như Lai, theo đó mà phát minh. Trên cái mê lại chồng thêm mê, nên chúng sinh không hiểu được đạo lý nầy. “Thân Như Lai gọi là chính biến tri, còn thân của ông gọi là tánh điên đảo. Họ cho rằng thân Như Lai là thân chính biến tri, tức tự biết rõ chân tâm bao trùm khắp mọi pháp giới, là tâm giác ngộ chân chính. Và họ cho rằng tâm mình là điên đảo vì mê mờ và vô minh. Họ sẽ cho rằng bản tánh mình là điên đảo.”

 

Kinh văn: 隨汝諦觀汝身佛身。稱顛倒者名字何處號為顛倒.于時阿難與諸大眾。瞪瞢瞻佛目精不瞬。不知身心顛倒所在.

Phiên Âm: Tùy nhữ đế quán, nhữ thân Phật thân. Xưng điên đảo giả, danh tự hà xứ, hiệu vi điên đảo.

Vu thời A-nan, dữ chư đại chúng. Trừng trừng chiêm Phật, mục tinh bất thuấn. Bất tri thân tâm, điên đảo sở tại.

Việt dịch: “Ông nên quán sát kỹ thân ông và thân Phật, tên gọi điên đảo ấy, chỗ nào là điên đảo? Khi ấy A-nan và toàn thể đại chúng chăm chăm nhìn Phật không chớp mắt, không biết nơi thân tâm mình chỗ nào là điên đảo.”

Giảng: “Ông nên quán sát kỹ thân ông và thân Phật, tên gọi điên đảo ấy. Hãy chiêm nghiệm thật sâu, quán sát thật kỹ.” Đức Phật bảo, “đối với cái điên đảo nầy. Chỗ nào là điên đảo? ” Khi ấy A-nan và toàn thể đại chúng chăm chăm nhìn Phật không chớp mắt, cũng giống như cách người mù chăm chăm nhìn mà không thấy được gì. Họ không rời mắt khỏi Đức Phật. Không biết nơi thân tâm mình chỗ nào là điên đảo. Họ không thể nhận ra được trong thân họ, chỗ nào là điên đảo. Họ lại bối rối một lần nữa.

 

Kinh văn: 佛興慈悲哀愍阿難及諸大眾。發海潮音遍告同會.

Phiên Âm: Phật hưng từ bi, ai mẫn A-nan, cập chư đại chúng. Phát hải triều âm, biến cáo đồng hội.

Việt dịch: Đức Phật khởi lòng từ bi, thương xót A-nan và cả đại chúng, nên phát ra lời nói với âm thanh như tiếng hải triều, dạy bảo hội chúng.

Giảng: Đức Phật khởi lòng từ bi, thương xót A-nan và cả đại chúng. Khi Đức Phật thấy A-nan cùng cả hội chúng đều ngơ ngác không biết mình điên đảo chỗ nào, Đức Phật bèn khởi lòng từ phát ra lời nói với âm thanh như tiếng hải triều, dạy bảo hội chúng. Tập hợp đại chúng lại bằng năng lực âm thanh cực kỳ to lớn, Đức Phật đã hòan toàn thu hút sự chú tâm của họ và bắt đầu giảng pháp cho họ.

 

Kinh văn: 諸善男子,我常說言。色心諸緣及心所使諸所緣法唯心所現.

Phiên Âm: Chư Thiện nam tử, ngã thường thuyết ngôn. Sắc tâm chư duyên, cập tâm sở sử, chư sở duyên Pháp, duy tâm sở hiện.

Việt dịch: Này các thiện nam tử! Như Lai thường nói: “Sắc, tâm, các duyên, các tâm sở sử cùng các pháp sở duyên, đều do tâm biến hiện.”

Giảng: Khởi lòng từ rộng lớn, Đức Phật bảo: “Này các thiện nam tử!” tức là số đông các nam nữ cư sĩ Phật tử có mặt trong pháp hội. “Như Lai thường nói: Sắc, tâm, các duyên, các tâm sở sử cùng các pháp sở duyên.” Đức Phật nói rằng: “ Trước đây, Như Lai đã nói rất nhiều lần.” “Sắc” là chỉ cho các sắc pháp, và “tâm” là chỉ cho tâm pháp. Theo Bách pháp minh môn luận, có 11 sắc pháp và 8 tâm pháp. Tâm pháp thuộc về 8 thức tâm vương.

Có 51 thứ thuộc về tâm sở pháp, 24 thứ thuộc về tâm bất tương ưng pháp, có nghĩa là không tương ưng với sắc pháp, không tương ưng với tâm pháp, hay với vô vi pháp. Cùng với 6 pháp vô vi, tạo thành tất cả 100 pháp.

Các duyên có nghĩa là 4 duyên:
– Thân nhân duyên 親 因 緣: duyên dựa trên nhân tức thời.
– Tăng thượng duyên 增 上 緣.
– Thứ đệ duyên 次 弟 緣: còn gọi là đẳng vô gián duyên.
– Sở duyên duyên 所 緣 緣.
“Đều do tâm biến hiện.” Tất cả các pháp đều sinh khởi từ nhân duyên và không pháp nào vượt ra ngoài biểu hiện dù chỉ trong một niệm tưởng từ chân tâm. Từ đó mà tất cả các pháp – núi sông, đất liền, cỏ cây cùng vô số hiện tượng sinh thành. Chúng đều xuất sinh từ tâm; tất cả các pháp ấy đều bao gồm trong tâm. Chẳng phải các pháp nầy chứa đựng bản tâm mà trái lại: tuyệt đối tất cả các pháp chung quanh ta, cả tự nhiên lẫn nhân tạo, tất cả đều lưu xuất từ bản tâm. Nếu quý vị nhận ra chân tâm thường trú của mình, thì tất cả các pháp nầy không còn hiện hữu nữa.

 

Kinh văn: 汝身汝心皆是妙明真精妙心中所現物。

Phiên Âm: Nhữ thân nhữ tâm, giai thị diệu minh, chân tinh diệu tâm, trung sở hiện vật.

Việt dịch: Thân tâm ông đều là vật hiện ra từ trong diệu minh chân tinh diệu tâm.

Giảng: “Thân tâm ông đều là vật hiện ra từ trong diệu minh chân tinh diệu tâm.” “Thân ông” có nghĩa là thân thể ông đang mang hiện nay, và “tâm ông” có nghĩa là tâm thức của ông. Cả 2 đều là biểu hiện từ diệu minh chân tinh diệu tâm. Đó có phải là vượt lên trên và bên ngoài thức tâm mà có một diệu minh chân tâm khác hay sao? Không phải vậy. Đó chính là thức tâm của quý vị, nó vốn ở trong diệu minh chân tâm, nhưng vì chúng sinh không biết vận dụng diệu minh chân tâm nầy, nhận lầm thức tâm làm chân tâm. Thực là sai lầm, họ đã nhận giặc làm con. Do đó khiến họ phát sinh vô số điên đảo.

 

Kinh văn: 云何汝等遺失本妙圓妙明心寶明妙性。認悟中迷.

Phiên Âm: Vân hà nhữ đẳng, di thất bổn diệu, viên diệu minh tâm, bảo minh diệu tánh?

Việt dịch: Tại sao các ông lại bỏ mất tâm tánh vốn nhiệm mầu sáng suốt ấy, mà nhận cái mê trong ngộ?

Giảng: “Tại sao các ông, tất cả mọi chúng sinh, lại bỏ mất tâm tánh vốn nhiệm mầu sáng suốt ấy là chân tâm thường trú xưa nay vốn vi diệu, vốn đã sáng suốt nhiệm mầu viên mãn, là tự tánh cực kỳ trong sáng và quý báu, mà nhận cái mê trong ngộ?” Các ông cho rằng mình đã hiểu rõ về chân tâm thường trú, bản tính vốn thanh tịnh sáng suốt ấy, nhưng thực ra quý vị chưa hiểu được chút nào cả.

Các ông hòan toàn chưa nhận ra rằng mình có được chân tâm vốn thường viên mãn sáng suốt nhiệm mầu, là bản tánh vi diệu trong sáng và quý báu. Các ông nhận thức tâm của mình làm chân tâm. Các ông cho đó là cái tâm mà mình đã biết rõ, đã hiểu và tâm ấy sẽ giác ngộ. Nhưng thực ra đó chỉ là mê trong mê, các ông chưa thực sự hiểu được. Đó là điên đảo, đó là các ông nhận lầm giặc cướp làm con.

 

Kinh văn: 中迷晦昧為空。空晦暗中, 結暗為色。

Phiên Âm: Nhận ngộ trúng mê, hối muội vi không. Không hối ám trung, kiết ám vi sắc.

Việt dịch: Mê muội thành ra có hư không, trong hư không mê muội ấy, kết cái tối tăm thành sắc.

Giảng: “Mê muội thành ra có hư không.” Chân tâm thanh tịnh sáng suốt vốn siêu việt ngộ và mê, thế tại sao chúng ta bỗng dưng “bỏ quên” tâm tánh của mình? Là vì một niệm vô minh từ vô thuỷ, ở đây có nghĩa là “mê muội,” . Mê muội tức là vô minh hắc ám, giống như hư không xuất hiện trong giấc mơ, nên nói đồng như hư không.

Do vô minh hắc ám làm cho hư không linh minh đỗng triệt biến thành hư không tối tăm mông muội, trong cái ngoan không tối tăm mờ ám ấy, lại nương vào lực của vô minh, chuyển cái trí sáng suốt vốn thường có thành vọng kiến của trí năng kiến. Đây là nghiệp tướng, tướng đầu tiên trong tam tế. “Trong hư không mê muội ấy, kết cái tối tăm thành sắc–dạng kết tinh từ hôn ám. Đây cũng là khởi đầu của pháp Thập nhị nhân duyên: vô minh duyên hành.

Ngoan không, tâm vọng tưởng mê muội, lại nương vào nơi lực vô minh, nên chuyển trí tuệ sáng suốt bản hữu thành cái thấy sai lầm từ năng giác. Đây gọi là chuyển tướng, tướng thứ nhì trong tam tế. Vì nơi khởi đầu của nghiệp tướng không thể thấy được, nên năng kiến (cái thấy- subjective seeing) nhìn quá lâu khiến cho vọng kiến sinh khởi thành sắc chất mà nó ánh hiện ra.

Đó còn gọi là Nhìn lâu hóa ra mỏi mệt . Cũng như trong giấc mơ, người nằm mê thường thấy mình có thân trong mơ, tâm trong mơ, và cảnh tượng hư giả chung quanh mà họ thấy mình đang sống trong đó, bao gồm những ảo ảnh – như núi sông đất liền. Đây là hiện tướng, tướng thứ ba trong tam tế.

 

Kinh văn: 色雜妄想,想相為身。

Phiên Âm: Sắc tạp vọng tưởng, tưởng tướng vi thân.

Việt dịch: Sắc xen tạp với vọng tưởng, nhận tướng vọng tưởng làm thân.

Giảng: Sắc xen tạp với vọng tưởng, nhận tướng vọng tưởng làm thân. Trong ngoan không và vô minh, cái tối tăm mông muội kết lại thành sắc–dạng như cảnh tượng hiện hữu trong giấc mơ. Sắc xen tạp với vọng tưởng. Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc. Vọng tưởng là thức tâm, và khi nó nhận sắc làm thân, đó gọi là danh sắc. Chúng ta có thân vì chính vọng tưởng của chúng ta đã tạo ra nó.

 

Kinh văn: 內搖,趣外奔逸。昏擾擾相,以為心性。

Phiên Âm: Tụ duyên nội diêu, thú ngoại bôn dật. Hôn nhiễu nhiễu tướng, dĩ vi tâm tánh.

Việt dịch: Nhóm các duyên dao động bên trong, rong ruổi theo cảnh vật bên ngoài, nhận tướng mờ mịt lăng xăng đó làm tâm tánh.

Giảng: “Nhóm các duyên dao động bên trong, rong ruổi theo cảnh vật bên ngoài.” Có nhiều duyên kết hợp lại với nhau tạo thành thân tâm. Vào thời điểm tụ hội các duyên bên ngoài nầy, quý vị có thể nói rằng từ nơi 6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; danh sắc duyên theo 6 lối vào ấy, rồi 6 lối vào (căn) ấy duyên với xúc. Khuynh hướng rong ruổi ra bên ngoài là tướng trạng thô của tri giác, vốn thường có nơi trẻ con.

Trong trường hợp nầy, đề cập đến các giác quan bị lôi cuốn ra bên ngoài do trần cảnh. Xúc và vọng tưởng phóng ra bên ngoài lăng xăng nhiễu động khắp mọi nơi do vì không có trí huệ. Họ không biết mình đã chạy đi đến đâu nữa; họ không thể nói cho người khác biết là mình đang ở phía Đông , Tây, Nam hay Bắc. Đây thực là tình trạng hỗn loạn và mất tự chủ. “Nhận tướng mờ mịt lăng xăng đó làm tâm tánh.”

Quý vị cho rằng tình trạng mờ mịt lăng xăng đó là tâm tánh của mình. Quý vị ở trong tình trạng mờ mịt lăng xăng, không được sáng suốt như thể là quý vị đã bị đánh mất nó–quên mất bản tâm vốn thường sáng suốt quý báu tròn đầy vi diệu. Nhưng thực sự chẳng mất đi đâu; quý vị chỉ dường như quên mất chân tâm của mình thôi, vì quý vị nhận tướng trạng mờ mịt lăng xăng làm tâm tánh của mình, là chân tâm vốn thường hằng sáng suốt tròn đầy vi diệu, thế nên quý vị bị lăng xăng nhiễu động.

 

Kinh văn: 一迷為心。決定惑為色身之內。

Phiên Âm: Nhất mê vi tâm. Quyết định hoặc vi, sắc thân chi nội.

Việt dịch: Một khi đã lầm là tâm thì chắc chắn nhận lầm tâm ở trong thân.

Giảng: Quý vị đã mê lầm do chấp trước vì thiếu trí huệ. “Một khi đã lầm là tâm thì chắc chắn nhận lầm tâm ở trong thân.” Quý vị cho rằng chân tâm mình nằm ở trong sắc thân nầy. Đây là mê lầm đầu tiên.

 

Kinh văn: 不知色身外泊山河空大地。咸是妙明真心中物。

Phiên Âm: Bất tri sắc thân, ngoại bạc sơn hà, hư không đại địa. Hàm thị diệu minh, chân tâm trung vật.

Việt dịch: Chẳng biết rằng từ sắc thân cho đến núi sông, hư không và thế giới đều là vật ở trong diệu minh chân tâm.

Giảng: Nhiều người cho rằng tâm là ở trong thân. Đây là một sai lầm nghiêm trọng nhất. Thế tâm ở ngoài thân chăng? Nó cũng chẳng ở ngoài. Nhưng như tôi đã nói, cũng chẳng phải là tâm ở trong thân. Mọi người chúng ta đều ở trong chân tâm. Thế nên Kinh dạy: “Các ông chẳng biết rằng từ sắc thân cho đến núi sông, hư không và thế giới đều là vật ở trong diệu minh chân tâm.”

Tất cả những hiện tượng nầy đều lưu xuất từ chân tâm sáng suốt vi diệu của quý vị. Nó chẳng ở bên ngoài thân. Thế nên quý vị phải nhận ra rằng chân tâm của chúng ta bao trùm cả hư không và sum la vạn tượng; chẳng phải là hư không và sum la vạn tượng bao trùm chúng ta. Nếu quý vị hiểu được đạo lý nầy thì quý vị không còn là người bị quên mất bản tâm nữa.

 

Kinh văn: 譬如澄清百千大海。棄之唯認一浮漚體。目為全潮窮盡瀛渤。

Phiên Âm: Thí như trừng thanh, bách thiên đại hải. Khí chi duy nhận, nhất phù ẩu thể. Mục vi toàn triều, cùng tận doanh bột.

Việt dịch: Ví như bỏ đi trăm ngàn biển lớn trong lặng, chỉ nhận một hòn bọt nổi mà cho là toàn thể biển lớn.

Giảng: “Ví như điều gì? Như Lai sẽ cho ông một thí dụ. Ví như bỏ đi trăm ngàn biển lớn trong lặng, chỉ nhận một hòn bọt nổi.” Quý vị chỉ nhận một hòn bọt nổi trên mặt đại dương mênh mông và cho rằng: “Hòn bọt nầy là biển cả.” Có phải sai lầm nghiêm trọng không? Trường hợp nầy cũng giống như A-nan cho rằng tâm ở trong thân vậy.

Cái tâm ở trong thân quý vị cũng chỉ nhỏ như hòn bọt trên mặt biển. Chân tâm chúng ta, là tâm siêu việt ngoài thân, là rộng lớn mênh mông như trăm ngàn đại dương mà quý vị chưa từng nhận ra nó; quý vị chưa nhận ra được chân tâm mình cũng rộng lớn mênh mông như trăm ngàn đại dương kia. Quý vị chỉ nhận hòn bọt nhỏ nhoi làm biển lớn.

Cũng vậy, chân tâm thường trú thể tính thanh tịnh sáng suốt vi diệu, là bản thể pháp tánh, vốn trùm khắp pháp giới, nó ở khắp mọi nơi; đó chính là chân tâm chúng ta. Nhưng quý vị không nhận ra đó chính là chân tâm mình. Điều nầy giống như nhìn hòn bọt nhỏ nhoi mà cho là toàn thể biển lớn. Đây cũng là sai lầm khi nhận cái tâm nhỏ nhoi ở trong thân mình cho là chân tâm. Chân tâm không nằm ở bên trong cũng chẳng ở bên ngoài. Tất cả quý vị đều có đầy đủ và trọn vẹn, chỉ vì quý vị không nhận ra nó. Quý vị không nhận ra chân tâm nơi chính mình.

 

Kinh văn: 汝等即是迷中倍人。如我垂手等無差別。如來為可憐愍者.

Phiên Âm: Nhữ đẳng tức thị, mê trung bội nhân. Như ngã thùy thủ, đẳng vô sai biệt. Như Lai thuyết vi, khả lân mẫn giả.

Việt dịch: Các ông là những người trong đám người mê, (cũng điên đảo) như cánh tay Như Lai rủ xuống không khác. Như Lai nói các ông thật là đáng thương xót.

Giảng: “Các ông là người mù trong những kẻ mù. Các ông là những người chưa chứng được quả vị hay chưa đạt được quả vị vô lậu, các ông đều là những người mù trong đám mù. (Cũng điên đảo) như cánh tay Như Lai rủ xuống không khác. Khi Như Lai duỗi cánh tay xuống, các ông cho đó là ngược. Khi Như Lai đưa tay lên, các ông gọi đó là thuận. Thực ra cánh tay chẳng có gì là thuận hay nghịch cả.

Chẳng có gì là thuận hay nghịch, nhưng các ông lập ra rồi gọi đó là ‘thuận’ hay ‘nghịch’. Đây là mê mờ ở trong mê mờ. Vốn chẳng có chuyện gì cả, nhưng các ông làm ra chuyện. Vốn chẳng có gì rắc rối cả, nhưng các ông kiếm cho ra cái rắc rối. Đó nghĩa là người mù trong đám mù. Cũng giống như nhận lầm hòn bọt nhỏ nhoi cho là biển cả không khác. “Như Lai nói các ông thật là đáng thương xót.” Đức Phật nhìn những người bị mê mờ trùng điệp như vậy với lòng rất thương xót. Những người chồng chất cái mê nầy trên cái mê kia thật đáng buồn thay.

 

Kinh văn: 阿難承佛悲救深誨。垂泣叉手而白佛言。我雖承佛如是妙音。悟妙明心元所圓滿常住心地。

Phiên Âm: A-nan thừa Phật: bi cứu thâm hối. Thùy khấp xoa thủ, nhi bạch Phật ngôn: Ngã tuy thừa Phật, như thị Diệu-Âm. Ngộ diệu minh tâm, nguyên sở viên mãn, thường trụ tâm địa.

Việt dịch: A-nan nghe lời chỉ dạy từ bi cứu độ sâu mầu của Đức Phật, khóc lóc rồi chắp tay bạch rằng: “Tuy con nghe được pháp âm vi diệu của Phật, ngộ được tâm vốn thanh tịnh sáng suốt viên mãn thường trú,”

Giảng: Như trong phần mở đầu kinh văn đã đề cập đến, A-nan rơi vào nhà ngoại đạo và gặp nguy hiểm nghiêm trọng, gần đến bờ vực hủy phá giới thể. Đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi dùng chú Thủ Lăng Nghiêm để giải cứu A-nan rồi đưa A-nan trở về, rồi Đức Phật chỉ dạy cho A-nan rất kỹ lưỡng không biết đã bao nhiêu lần. Thế nên Kinh nói: A-nan nghe lời chỉ dạy từ bi cứu độ sâu mầu của Đức Phật, khóc lóc rồi chắp tay bạch rằng.

A-nan quá biết ân Đức Phật đến nỗi không biết phải làm gì nữa, nên A-nan chỉ biết khóc. Nước mắt chảy ràn rụa khi A-nan nói. “Tuy con nghe được pháp âm vi diệu của Phật, ngộ được tâm vốn thanh tịnh sáng suốt viên mãn thường trú. Con đã được Đức Phật chỉ dạy giáo lý nhiệm mầu như con vừa nói, với pháp âm vi diệu như vậy, bây giờ con mới giác ngộ ra chân tâm mình vốn sáng suốt nhiệm mầu, xưa nay vốn viên mãn, thường trú và không hề thay đổi. Bây giờ con mới nhận ra đó là chân tâm thường trú, thể tánh sáng suốt thanh tịnh của mình.”

 

Kinh văn: 而我悟佛現說法音。現以緣心允所瞻仰。徒獲此心未敢認為本元心地。

Phiên Âm: Nhi ngã ngộ Phật, hiện thuyết Pháp âm. Hiện dĩ duyên tâm, duẫn sở chiêm ngưỡng. Đồ hoạch thử tâm, vị cảm nhận vi, bổn nguyên tâm địa.

Việt dịch: Song con ngộ được pháp âm của Phật vừa dạy, con cũng dùng tâm phan duyên để nhận biết điều ước mong. Con dù có được tâm nầy, cũng chưa dám nhận là tâm tánh xưa nay hằng có.

Giảng: “Song con ngộ được pháp âm của Phật vừa dạy, con cũng dùng tâm phan duyên để nhận biết điều ước mong.” A-nan nói rằng khi giác ngộ ra pháp âm vi diệu và chiêm ngưỡng uy đức của Đức Phật, A-nan vẫn còn dùng tâm phan duyên của mình để nhận biết. “Con dù có được tâm nầy, cũng chưa dám nhận là tâm tánh xưa nay hằng có.” A-nan nói rằng tuy mình đã ngộ ra điều ấy, nhưng ông chưa dám nhận mình có tâm ấy. A-nan không dám hòan toàn thừa nhận rằng đó chính là chân tâm của mình.

Đức Phật đã giảng giải cho A-nan rằng: “Núi sông đất liền, sum la vạn tượng, tất cả đều hiện ra từ tâm ông. Tất cả đều ở trong chân tâm của ông.” Đức Phật giảng giải rằng tánh thấy chính là chân tâm thường trú của mỗi chúng ta. A-nan nhận ra được đạo lý nầy, nhưng A-nan vẫn chưa dám nhận nó và cho đó là chân tâm mình. A-nan chưa chịu hồi đầu tức thì. Vì thế nên đến đây A-nan lại hỏi nữa. A-nan luôn luôn có chuyện để hỏi.

 

Kinh văn: 願佛哀愍,宣示圓音。拔我疑根歸無上道.

Phiên Âm: Nguyện Phật ai mẩn, tuyên thị viên âm. Bạt ngã nghi căn, quy vô thượng đạo

Việt dịch: “Cúi mong Đức Phật thương xót, tuyên dạy viên âm, nhổ sạch gốc nghi ngờ trong con, để quay về đạo vô thượng.”

Giảng: Tại sao A-nan không nhận ra được đạo lý nầy? A-nan nói rằng khi nghe Đức Phật giảng pháp, A-nan đã dùng tâm phan duyên để nghe pháp. A-nan lầm tưởng rằng chẳng có tâm phan duyên, chẳng có pháp để được nghe. Đây là một sai lầm lớn. Sai lầm nầy A-nan đã mắc phải cũng như nhiều cư sĩ khác. A-nan nói: “Thật đúng là con phải loại bỏ tâm phan duyên đi, nhưng khi con đã không còn tâm phan duyên nữa, thì lấy gì để nghe pháp? Con sẽ không còn tâm nữa hay sao?”

A-nan vẫn tin rằng tâm phan duyên chính là chân tâm mình. A-nan không biết rằng tâm phan duyên của mình, là tâm đã tạo nên mọi phân biệt, kế chấp, là thức tâm, là đối tượng của sinh diệt. Nếu quý vị loại bỏ tâm phan duyên mà nghe pháp, thì mới gọi là chân chính nghe pháp. Nếu quý vị nghe pháp bằng chân tâm, thì tất cả các pháp đều là chính pháp. Nếu quý vị nghe pháp bằng tâm phan duyên, bất luận quý vị có nghe nhiều bao nhiêu, thì dường như luôn luôn có cái đúng và có cái chưa đúng. Đó là tâm nghi ngờ tương tục. Quý vị nên nghe pháp bằng chân tâm.

Nhưng A-nan đã biết vậy, nên A-nan không dám nhận những gì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói về chân tâm. A-nan sợ rằng nếu mình nhận ra chân tâm, thì mình không còn nghe pháp được nữa, vì nghe pháp là điều quan trọng nhất đối với ông. A-nan nghĩ: “Đối với tôi, tâm sinh diệt hay tâm gì đó chẳng thành vấn đề, điều quan trọng là tôi được nghe pháp.” Đó chính là điểm mà A-nan không hiểu được và khiến cho A-nan nghi ngờ. Do vì A-nan không nhận ra đạo lý nầy, nên bạch Phật: “”

“Cúi mong Đức Phật thương xót, tuyên dạy lời viên âm.” Viên âm là âm thanh viên dung không ngăn ngại. Viên âm tức là nhất âm. Nên nói rằng: “Đức Phật chỉ dùng một âm thanh mà thuyết pháp, chúng sinh tuỳ theo căn cơ nghiệp lực mình đều được hiểu.” Khi loài người nghe nhất âm, họ cũng hiểu được; khi chư thiên nghe nhất âm, chư thiên cũng hiểu được; khi loài ngạ quỷ nghe nhất âm, ngạ quỷ cũng hiểu được; ngay cả khi loài súc sinh nghe nhất âm, loài súc sinh cũng hiểu được.

Mọi loài chúng sinh– người, trời, Bồ-tát, A-la-hán, đại tỷ-khưu, loài vật, loài ở địa ngục, quỷ đói–mỗi loài đều hiểu được giáo lý Đức Phật giảng giải bằng nhất âm. Khi Đức Phật giảng pháp, chúng sinh chỉ cần có duyên với Đức Phật, bất luận họ ở xa Đức Phật bao nhiêu, họ đều có thể nghe lời nói của Đức Phật như thể họ đang ở ngay bên cạnh Ngài vậy. Không cần bận tâm đến khoảng cách. Quý vị xem đó có vi diệu không? Thế nên A-nan cầu thỉnh Đức Phật dùng viên âm chỉ dạy, để “nhổ sạch gốc nghi ngờ trong con, để quay về đạo vô thượng. Con chưa giải trừ được mối nghi trong lòng. Cội gốc nghi ngờ vẫn còn trong tâm con. Nếu Đức Phật giúp cho con nhổ sạch gốc rễ ấy, thì con mới có thể nhận ra đạo vô thượng.”

 

Kinh văn: 佛告阿難,汝等尚以心聽法。此法亦非得法性。

Phiên Âm: Phật cáo A-nan! Nhữ đẳng thượng dĩ, duyên tâm thính pháp. Thử pháp diệc duyên, phi đắc pháp tánh.  

Việt dịch: Đức Phật bảo A-nan: “Các ông vẫn còn dùng tâm phan duyên để nghe pháp, thì pháp ấy chỉ là sở duyên (hư vọng), chẳng phải là pháp tánh.”

Giảng: Đáp lời cầu thỉnh của A-nan để giải trừ mối nghi của ông, Đức Phật bảo: “Các ông vẫn còn dùng tâm phan duyên để nghe pháp, thì pháp ấy chỉ là sở duyên (hư vọng), chẳng phải là pháp tánh.” Các ông vẫn còn tâm phan duyên, thế nên khi các ông nghe pháp thì pháp ấy cũng sẽ thành pháp sở duyên. Nó trở thành pháp sinh diệt, chẳng phải là pháp tánh. Các ông chưa nhận ra được bản thể chân tánh của các pháp.”

 

Kinh văn: 如人以手指月示人。彼人因指當應看月。

Phiên Âm: Như nhân dĩ thủ, chỉ nguyệt thị nhân. Bỉ nhân nhân chỉ, đương ưng khán nguyệt.

Việt dịch: Như người dùng ngón tay chỉ mặt trăng cho người khác xem, người kia phải nhờ ngón tay mới thấy được mặt trăng.

Giảng: “Như người dùng ngón tay chỉ mặt trăng cho người khác xem, người kia phải nhờ ngón tay mới thấy được mặt trăng. Như Lai sẽ cho ông một ví dụ. Tôi chỉ mặt trăng rồi hỏi ông: ‘ Đó là mặt trăng. Ông có thấy không?’ Việc ấy cốt là để cho ông nhìn thấy mặt trăng.”

 

Kinh văn: 若復觀指以為月體。此人豈唯亡失月輪亦亡其指。何以故。以所標指為明月故。

Phiên Âm: Nhược phục quán chỉ, dĩ vi nguyệt thể. Thử nhân khởi duy, vong thất nguyệt luân, diệc vong kỳ chỉ. Hà dĩ cố? Dĩ sở tiêu chỉ, vi minh nguyệt cố.

Việt dịch: Nếu lại nhìn ngón tay nhận là mặt trăng, thì người ấy không những quên mất mặt trăng mà còn mất luôn cả ngón tay. Vì sao? Vì cho ngón tay là mặt trăng sáng.

Giảng: “Nếu lại nhìn ngón tay nhận là mặt trăng, thì người ấy không những quên mất mặt trăng mà còn mất luôn cả ngón tay. Nhưng ông không chịu nhìn mặt trăng mà Như Lai đã chỉ; ông lại nhìn vào ngón tay rồi nói: ‘A! Đó là mặt trăng. Mặt trăng là giống như vậy.’ Ông đã nhận ngón tay làm mặt trăng, thế nên ông bỏ quên mất mặt trăng. Ông đã bỏ quên mất rồi!”

Trong đoạn kinh văn trước đã có nói: “bỏ quên mất bản tâm”, ở đây có người nhìn ngón tay và nhận nó làm mặt trăng, thế nên không những họ không nhìn thấy mặt trăng, mà còn không nhận ra ngón tay của người kia. Vì sao? Vì lầm cho ngón tay là mặt trăng sáng. Họ không nhận ra được cả mặt trăng lẫn ngón tay. Họ là ai? A-nan cũng như vậy. Mặt trăng là chân tâm. Ngón tay được ví như pháp được giảng nói, vì Đức Phật giảng pháp là để chỉ bày chân tâm.

Thế nên khi ánh sáng chân tâm bị bỏ quên mất, thì ngay cả pháp cũng không lĩnh hội được. Thế nên Đức Phật bảo: “Các ông vẫn còn dùng tâm phan duyên để nghe pháp, thì pháp ấy cũng là sở duyên” Quý vị xem một người như thế thì thật có đáng thương xót không? Tôi cho rằng những người như vậy rất đáng thương.

 

Kinh văn: 豈唯亡指。亦復不識明之與暗。何以故。即以指體為月明性。明暗二性無所了故,汝亦如是.

Phiên Âm: Khởi duy vong chỉ. Diệc phục bất thức, minh chi dữ ám.

Hà dĩ cố? Tắc dĩ chỉ thể, vi nguyệt minh tánh. Minh ám nhị tánh, vô sở liễu cố. Nhữ diệc như thị

Việt dịch: Không những quên mất ngón tay, mà còn không biết đến tối và sáng. Sao vậy? Vì cho ngón tay là tánh sáng của mặt trăng. Thế là không rõ được tánh sáng và tối. Các ông cũng như vậy.

Giảng: “Không những quên mất ngón tay, mà còn không biết đến tối và sáng.” Họ không nhận ra được mặt trăng và ngón tay là gì, thế nên cả ngón tay và mặt trăng đều bị bỏ quên mất. Nhưng tuy vậy, không có gì bị mất cả. Nó vẫn còn đó. Chỉ vì họ không hiểu. Anh ta không hiểu hoặc nhận ra được cái sáng và cái tối. Nói cách khác, người nầy cơ bản là không hiểu được gì là giác ngộ và đâu là mê lầm; cái gì là vô minh và cái gì là chánh kiến. “Sao vậy? Vì cho ngón tay là tánh sáng của mặt trăng.”

Anh ta nhận lầm cho thể dạng của ngón tay là tánh sáng tối của mặt trăng. Vậy có điên đảo không? Mọi người đều biết như vậy. Nhưng dù sao anh ta cũng muốn như thế. “Thế là không rõ được tánh sáng và tối.” Ngay cả anh ta chưa hiểu được ý niệm sáng và tối. Thật là u mê, có phải vậy không? “Các ông cũng như vậy. A-nan, ông cũng giống như người nhận lầm ngón tay cho là mặt trăng và hòan toàn không hiểu được cái gì là sáng và tối.

Ông nghe pháp với tâm phan duyên, và ông sợ rằng nếu ông nhận ra giáo lý về chân tâm thì ông sẽ không còn nghe pháp được nữa. Ông cho rằng chân tâm chỉ là ở trong giáo pháp, thế nên ông lầm cho ngón tay là mặt trăng. Ông không thể nào chỉ ra ánh sáng từ trong bóng tối, có nghĩa là ông chưa có được trí huệ chân chính. Hãy đi mà nghe pháp với tâm phan duyên cho nhiều nếu ông cần, nhưng càng nghe ông càng trở nên ngu muội hơn. Ông càng rong ruổi tìm cầu, càng xa chân tâm.”

Không ai biết được khi ấy A-nan cảm nhận như thế nào. Trước đó, khi A-nan lạc mất dấu tích tâm mình, ông ta bối rối không biết phải làm gì. A-nan nhấp nhổm trên chỗ ngồi. Nay Đức Phật bảo ông bỏ quên mất cả ngón tay lẫn mặt trăng, không biết A-nan suy nghĩ thế nào. Đức Phật nói pháp là để chỉ bày chân tâm. Nhưng A-nan hiểu lầm rằng chân tâm chỉ là giáo pháp. Thế nên Đức Phật đã dùng thí dụ ngón tay và mặt trăng để chỉ bày điều nầy cho A-nan.

 

Kinh văn: 若以分別我說法音為汝心者。此心自應離分別音有分別性。譬如有客寄宿旅亭。暫止便去終不常住。而掌亭人都無所去名為亭主。

Phiên Âm: Nhược dĩ phân biệt, ngã thuyết Pháp âm, vi nhữ tâm giả. Thử tâm tự ưng, ly phân biệt âm, hữu phân biệt tánh. Thí như hữu khách, kí túc lữ đình. Tạm chỉ tiện khứ, chung bất thường trụ. Nhi chưởng đình nhân, đô vô sở khứ, danh vi đình chủ.

Việt dịch: Nếu lấy cái phân biệt pháp âm của Như Lai làm tâm của ông, thì tâm ấy lẽ ra khi tự tách rời cái phân biệt âm thanh nói pháp, nó phải có tánh phân biệt. Như người khách ngủ trọ trong lữ quán, tạm nghỉ rồi đi, không dừng lại mãi; mà người chủ quán thì chẳng đi đâu, nên gọi là chủ.

Giảng: “Nếu lấy cái phân biệt pháp âm của Như Lai làm tâm của ông, thì tâm ấy lẽ ra khi tự tách rời cái phân biệt âm thanh nói pháp, nó phải có tánh phân biệt. Nếu cái tâm ông đang hoạt dụng– tâm phan duyên và tạo ra các phân biệt– thực sự là chân tâm, thì lẽ ra nó phải có một sự phân biệt – làm nên tánh phân biệt từ cái mà nó phân biệt. Khi ông không nghe pháp, lẽ ra ông vẫn còn có tánh phân biệt; sao nó lại như vậy?” “Như người khách ngủ trọ trong lữ quán, tạm nghỉ rồi đi, không dừng lại mãi. Khách nghỉ lại chừng hai ba ngày;

Họ không thể ở trong khách sạn mãi mãi. Mà người chủ quán thì chẳng đi đâu, nên gọi là chủ. Người trông coi lữ quán thì không thể đi đâu. Tâm phân biệt cũng giống như người khách dừng nghỉ tạm thời trong lữ quán, trong khi chân tâm, cũng như người chủ quán, không hề đi đâu.”

 

Kinh văn: 此亦如是,若真汝心則無所去。云何離聲無分別性。

Phiên Âm: Thử diệc như thị! Nhược chân nhữ tâm, tắc vô sở khứ. Vân hà ly thanh, vô phân biệt tánh.

Việt dịch: Đây cũng như vậy, nếu thật là tâm của ông thì chẳng đi đâu, làm sao rời tiếng lại không có tánh phân biệt?

Giảng: “Đây cũng như vậy, nếu thật là tâm của ông thì chẳng đi đâu. Khi không có âm thanh, thì tâm phân biệt không còn có nữa. Và nếu thật là chân tâm phân biệt được âm thanh, thì có nghĩa là khi âm thanh dừng bặt, cũng không còn chân tâm nữa. Làm sao rời tiếng lại không có tánh phân biệt? Nhưng chân tâm là ông chủ, không phải là khách; nên không rời đi đâu. Do vậy nên chẳng phải chân tâm làm nên sự phân biệt. Ông lầm rồi.”

 

Kinh văn: 斯則豈唯聲分別心。分別我容離諸色相無分別性。

Phiên Âm: Tư tắc khởi duy, thanh phân biệt tâm. Phân biệt ngã dung, ly chư sắc tướng, vô phân biệt tánh.  

Việt dịch: Thế thì, chẳng những tâm phân biệt các âm thanh, mà ngay phân biệt hình dung của Như Lai, khi rời các sắc tướng, cũng không có tánh phân biệt.

Giảng: “Thế thì, chẳng những tâm phân biệt các âm thanh. Khi có âm thanh thì có phân biệt, và khi không có âm thanh thì không có sự phân biệt. Nguyên lý nầy không chỉ áp dụng đối với âm thanh, mà còn áp dụng trong sự phân biệt hình dáng của Như Lai, khi rời các sắc tướng, cũng không có tánh phân biệt. Khi ông nhìn thấy 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Như Lai, ông cũng khởi tâm phân biệt trong đó; còn khi ông rời các tướng ấy ra, thì các tánh phân biệt không còn nữa.”

Có người không đồng ý: “ Tôi nghe âm thanh giảng pháp đến khi về đến nhà tôi vẫn còn nghe tiếng ấy bên tai. Tôi nhìn mọi vật, và khi nhắm mắt lại tôi vẫn còn ấn tượng về âm thanh ấy. Như thể tôi đang nhìn thấy nó vậy.”

Quý vị bảo rằng âm thanh chân thật hay hư vọng? Quý vị thực sự nghe được nó chăng? Đó chỉ là ấn tượng từ trong thức thứ 8 của quý vị, đó là ký ức, còn gọi là “bóng dáng tiền trần phân biệt của tâm thức;” Nó không thật. Nó là một ảo giác. Nó không phải là tướng tạo ra phân biệt, vì rời tướng phân biệt (sở phân biệt), thì chẳng có tánh phân biệt (năng phân biệt).

 

Kinh văn: 如是乃至分別都無,非色非空。拘舍離等昧為冥諦,離諸法無分別性。

Phiên Âm: Như thị nãi chí, phân biệt đô vô, phi sắc phi không. Câu xá ly đẳng, muội vi minh đế, ly chư pháp duyên, vô phân biệt tánh.  

Việt dịch: Như thế cho đến cái phân biệt đều không, chẳng phải sắc, chẳng phải không, mà nhóm Câu-xá-ly…lầm cho là minh đế. Rời các pháp trần, không còn tánh phân biệt.

Giảng: Đức Phật đã giảng giải rằng rời âm thanh không còn tánh phân biệt, và rời sắc trần, cũng không còn tánh phân biệt. “Như thế –sự thật như nhau– cho đến cái phân biệt đều không, chẳng phải sắc, chẳng phải không,” Khi quý vị đạt đến tình trạng mọi phân biệt đều không, quý vị chẳng thể nào gọi đó là sắc hoặc là không; chẳng phải là cả hai. Đó là tình trạng giữ sự điềm tĩnh trong tâm. Ngoại đạo tu tập loại minh đế nầy là lãng quên hòan toàn. Họ cho rằng sự chứng đắc cao tột và vi diệu nhất là như vậy.

Đây là “nhóm Câu-xá-ly…lầm cho là minh đế. ” Câu-xá-ly , tiếng Phạn nghĩa là “chuồng bò. ” Có thể ngoại đạo Câu-xá-ly sống bên cạnh chuồng bò, hoặc có lẽ họ ở ngay trong chuồng bò, thế nên họ được gọi là “chuồng bò.” Có người cho rằng Câu-xá-ly là tên mẹ. Nhưng tôi không tin mẹ của họ là loài bò. Câu-xá-ly là tên của một trong Lục sư ngoại đạo. Ông ta cùng những người khác đều rơi vào tình trạng mờ mịt tối tăm, có nghĩa là mê muội thiếu trí huệ.

Họ ở trong trạng thái hòan toàn không còn sự phân biệt, và căn bản là thiếu trí huệ , nên họ trở nên mờ mịt tối tăm. Chữ muội (昧) trong tiếng Hán có nghĩa là mờ tối, là một trong 2 từ dùng để dịch chữ samādhi (chánh định) trong tiếng Sanskrit. Nhưng riêng chữ muội (昧) lại không có nghĩa là chánh định . Đúng hơn là giống như ngủ nhưng không phải ngủ. Quý vị nói rằng mình đang thức nhưng thật ra là đang ở trong cơn ngầy ngật.

Đức Phật nói về trạng thái nầy trong đoạn kinh trên không phải là chánh định. Khi thể nhập vào chánh định, thì tâm hành giả thường rõ ràng sáng suốt (liễu liễu thường minh), nhưng ngoại đạo mà Đức Phật nói đến ở đây lại mê muội tối tăm. Khi họ ở trong cảnh giới ấy, họ thấy mình có đồng một sinh lực với trời đất; thân của họ đồng nhất với sinh lực ấy. Trời đất thì rất bền vững, và họ cũng rất bền vững. Nhưng họ không hiểu rằng, họ chỉ có chút ít năng lực tinh thần thuộc dạng ấy, giống như sơ quả A-la-hán, mà họ chưa đạt được năng lực thần thông của quả vị viên mãn. Khi có người nói về thần thông mà họ chứng được, chúng ta phải phân biệt thật rõ ràng. Có nhiều dạng thần thông chứ không phải chỉ một loại.

Loại ngoại đạo nầy gọi trạng thái không hay biết kia là minh đế. Minh có nghĩa là trống không mọi thứ. Mọi cái đều không, nhưng đó chẳng phải là chân không , mà chính là ngoan không, trạng thái như nửa tỉnh nửa mê, trong đó quý vị ‘không cảm nhận được cái mình đang cảm nhận và không biết được cái mình đang nhận biết.’ Họ gọi đó là minh đế, là cảnh giới cao nhất mà họ đạt được. Đó là học thuyết của họ. “Rời các pháp trần, không còn tánh phân biệt.” “Minh đế” của họ là tách rời các pháp sở duyên, và không có tánh phân biệt khi các pháp sở duyên không còn. Ngay khi các pháp sinh khởi, ngoại đạo nầy vẫn còn tánh phân biệt. Minh đế” của ngoại đạo nầy là như vậy đó.

 

Kinh văn: 則汝心性,各有所還,云何為主.

Phiên Âm: Tắc nhữ tâm tánh, các hữu sở hoàn, vân hà vi chủ?

Việt dịch: Thì tâm tánh của ông đều có chỗ trả về, vậy lấy gì làm chủ?

Giảng: Đức Phật bảo A-nan: “Ông cho rằng chính tâm phan duyên của ông đang nghe pháp. Nếu ông nghe pháp với tâm phan duyên, thì thể tánh của pháp cũng là phan duyên. Tâm của ông không có phân biệt khi rời tiền trần. Tự tâm vốn chẳng có tánh phân biệt. Thì tâm tánh của ông đều có chỗ trả về, vậy lấy gì làm chủ? Mọi thứ thuộc về tâm tánh ông đều có chỗ để trả về, giống như khi ông mượn vật gì của ai rồi trả lại cho họ vậy. Nếu tâm hiện hữu nhờ vào tiền trần, thế thì sẽ được trả lại cho tiền trần. Nếu mọi vật đều có nơi để trả về, thế thì ai là chủ?”

 

Kinh văn: 阿難言,若我心性各有所還。則如來說妙明元心云何無還。惟垂哀愍為我宣說.

Phiên Âm: A-nan bạch Phật ngôn: nhược ngã tâm tánh, các hữu sở hoàn. Tắc Như Lai thuyết, diệu minh nguyên tâm, vân hà vô hoàn. Duy thùy ai mẩn, vi ngã tuyên thuyết.

Việt dịch: A-nan thưa: “Nếu tâm tánh của con đều có chỗ trả về, thì tại sao Như Lai dạy tâm diệu minh sẵn có ấy không trả về đâu? Cúi mong Như Lai thương xót chỉ bày điều ấy.”

Giảng: Bấy giờ A-nan càng mờ mịt, càng thấy bối rối hơn. A-nan thưa: “Nếu tâm tánh của con đều có chỗ trả về, Nếu mọi thứ trong tâm con không phải là của con, thì nó phải có chỗ để trả về–thì tại sao Như Lai dạy tâm diệu minh vốn có không trả về đâu? Thế tại sao chân tâm thường trú vốn xưa nay thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu. Bạch Thế tôn, không có nơi trả về hay sao?

Việt dịch: Càng lắng nghe Thế tôn giảng giải đạo lý nầy, con càng bối rối và càng khó hiểu. Cúi mong Như Lai thương xót chỉ bày điều ấy.” Pháp thân, Báo thân và Ứng thân của Như Lai đều rất rộng lớn. “Nay ước nguyện của con.” A-nan thưa: “Xin Như Lai rủ lòng thương xót chúng con, xin Như Lai từ bi chỉ bày đạo lý không có chỗ trả về của chân tâm.”

 

Kinh văn: 佛告阿難,且汝見我,見精明元。此見雖非妙精明心。如第二月,非是月影。

Phiên Âm: Phật cáo A-nan: thả nhữ kiến ngã, kiến tinh minh nguyên. Thử kiến tuy phi, diệu tinh minh tâm. Như đệ nhị nguyệt, phi thị nguyệt ảnh.  

Việt dịch: Đức Phật bảo A-nan: “Vả lại, khi ông thấy Như Lai bằng cái thấy nhiệm mầu sáng suốt của ông, cái thấy ấy tuy chưa phải là diệu tinh minh tâm, mà nó như mặt trăng thứ 2, không phải là bóng của mặt trăng.”

Giảng: Đức Phật bảo A-nan: “Vả lại, khi ông thấy Như Lai bằng cái thấy nhiệm mầu sáng suốt của ông, Cái tánh thấy của ông khi nhìn thấy 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Như Lai vốn có bản tính thanh tịnh sáng suốt. Cái thấy ấy tuy chưa phải là diệu tinh minh tâm, mà nó như mặt trăng thứ 2, không phải là bóng của mặt trăng. Tánh thấy cơ bản là nương vào thức thứ 8, còn được gọi là tâm vương. Cái thấy của tâm vương có thể đi từ phía thiện hoặc về bên phía ác.

Nếu nó thăng hoa, nó siêu việt thành Phật tánh. Nếu nó đi xuống, nó thành thức thứ 7. Mặc dù thể tánh của thức thứ 8 tự nó không phải là chân tâm, mà chân tâm bao hàm trong thức thứ 8. Thế nên ngay chỗ nầy đừng lầm lẫn rồi nghĩ rằng khi nói tánh thấy không phải là diệu tinh minh tâm, Đức Phật cũng không dám nhận đó là chân tâm. Tánh thấy chính là chân tâm. Đức Phật đã chứng minh điều ấy. Tính thấy mà chúng ta thấy được chính là chân tâm, nhưng nó giống như mặt trăng thứ 2, không giống như ảnh của mặt trăng.

Sao vậy? Nếu quý vị dùng tay dụi vào mắt, quý vị sẽ thấy ngay có 2 mặt trăng. Nhưng 2 mặt trăng kia chỉ là một, một mặt trăng chân thực, chứ không phải là bóng của mặt trăng như khi ta thấy nó hiện ra dưới nước, Đức Phật gọi đó là thức thứ 8, là tâm vương, là bản thể chân tâm. Quý vị đừng nhầm lẫn cho rằng thức thứ 8 không phải là chân tâm.”

 

Kinh văn: 汝應諦聽,今當示汝無所還地。

Phiên Âm: Nhữ ưng đế thính, kim đương thị nhữ, vô sở hoàn địa.

Việt dịch: Ông nay hãy lắng nghe, Như Lai sẽ chỉ cho ông cái không thể trả về.

Giảng: “ A-nan, Ông nay hãy lắng nghe, Như Lai sẽ chỉ cho ông cái không thể trả về. A-nan, ông hãy chú tâm nghe kỹ. Đừng mơ hồ khi nghe Như Lai nói. Hãy lắng lòng nghe. Nay Như Lai sẽ chỉ bày cho ông, như ông vừa hỏi, vì sao chân tâm lại không có chỗ trả về.” Đức Phật bắt đầu gạn hỏi A-nan.

 

Kinh văn: 阿難,此大講堂,洞開東方。日輪昇天則有明耀。中夜黑月雲霧晦暝則復昏暗。戶牖之隙則復見通。牆宇之間則復觀擁。分別之處則復見緣。頑虛之中遍是空性。鬱[土*孛]之象則紆昏塵。澄霽歛氛又觀清淨。

Phiên Âm: A-nan! Thử đại giảng đường, đỗng khai Đông phương. Nhật luân thăng thiên, tắc hữu minh diệu. Trung dạ hắc nguyệt, vân vụ hối minh, tắc phục hôn ám. Hộ dũ chi khích, tắc phục kiến thông. Tường vũ chi gian, tắc phục quán ủng. Phân biệt chi xứ, tắc phục kiến duyên. Ngoan hư chi trung, biến thị không tánh. Uất bụi chi tượng, tắc  hu hôn trần. Trừng tễ liệm phân, hựu quán thanh tịnh.

Việt dịch: A-nan, cửa đại giảng đường nầy mở thông về hướng Đông, khi mặt trời lên thì có ánh sáng, giữa đêm không trăng mây mù mờ mịt thì tối tăm; chỗ có các cửa thì thấy thông suốt, chỗ có tường ngăn thì thấy bít lấp; chỗ phân biệt được thì thấy cảnh sở duyên, trong chỗ trống rỗng, toàn là hư không; cảnh tượng mù mịt khi bụi dấy lên; mưa tạnh trời quang lại thấy trong lặng.

Giảng: “A-nan, cửa đại giảng đường nầy mở thông về hướng Đông, khi mặt trời lên thì có ánh sáng.” Ngôi giảng đường lớn Đức Phật thuyết Kinh Thủ Lăng Nghiêm chứa một số đông các đại Bồ-tát, đại A-la-hán, đại tỷ-khưu, đến từ tam thiên đại thiên thế giới khắp 10 phương. Khi mặt trời lên cao, nó chiếu ánh sáng vào trong giảng đường. “Giữa đêm không trăng mây mù mờ mịt thì tối tăm.” Mặt trời lên cao biểu tượng cho trí huệ của mọi người, có thể chiếu phá bóng tối.

Mây và sương mù biểu tượng cho sự ngu độn của con người. Khi trên trời có mây và dưới đất có sương mù thì quý vị không thấy được gì cả. Điều ấy biểu tượng cho con người trong tình trạng ngu đần cao độ, họ hòan toàn không có trí huệ và không hiểu được chút nào đạo lý ẩn đằng sau mọi việc. Họ không hiểu đâu là đường đi, đâu là Đạo. Họ muốn tu đạo nhưng không biết tìm ở đâu. Họ muốn làm việc thiện, nhưng không biết tiến hành như thế nào cho đúng như chánh pháp.

Trí huệ thì sáng còn ngu muội thì tối tăm. Nhưng làm sao để phân biệt được chúng? Có thể nào mình tự nghĩ: “A! Ta là người thông thái. Ta thật là thông minh,” thế là mình có được trí huệ chăng? Không. Quý vị càng tự cho mình thông minh linh lợi bao nhiêu thì quý vị càng ngu đần bấy nhiêu, ngu đần như heo vậy. Heo thì không có khả năng tự cho nó là thông minh. Còn nếu quý vị tự cho mình là thông minh thì quý vị là kẻ ngu đần nhất trần gian, vì quý vị là người quá tự mãn.

“Hãy xem tôi,” quý vị nói: “Chẳng có ai bằng tôi cả.” Nếu chẳng có ai bằng quý vị cả, thì đúng quý vị chẳng phải là loài người. Còn nếu quý vị là người, thì không có trường hợp chẳng có người bằng mình, vì mọi người ai cũng giống nhau cả. Quý vị có hiểu vậy không? Đây là điều rất quan trọng. Nếu quý vị không phải là người ngu đần, thì bất luận quý vị giống như ai, cũng đừng bao giờ tự cho mình là vô song. Quý vị không nên quá kiêu mạn và tự mãn.

“Hãy xem tôi, tôi là độc nhất.” Đây là điều cực kỳ ngu xuẩn. Điều nầy cũng như là người đứng thứ nhất nên người ta không biết tính kể vào đâu được cả. Vì sao? Vì nếu quý vị muốn mình là người thứ nhất, mà mọi người ai cũng có con số của họ cả. Nếu quý vị là người chân thực thứ nhất, thì chẳng có con số nào gán cho nó được cả. Đứng thứ nhất chẳng có nghĩa gì đối với những người thực sự là tài giỏi.

Những người cực kỳ ngu xuẩn thường tự cho mình là người thông minh, nhưng những người thông minh thường không biết về sự thông minh của mình. Họ không thể nào suy gẫm những vấn đề về tính thông minh của họ. Trong bóng tối người ta chẳng thấy được điều gì cả, cũng như người mù, người tự cho mình thông minh hơn người khác cũng như vậy.

“Chỗ có các cửa thì thấy thông suốt. Từ bên trong, người ta có thể nhìn thấy ra bên ngoài. Quý vị có thể thông đạt mọi thứ không chướng ngại vì quý vị có ngũ nhãn và lục thông.” Một hôm có vị đệ tử nói với tôi: “Sau khi ăn trưa, mọi người thay vì đi làm việc, họ lại đi ngủ.” Làm sao anh ta biết mọi người đi ngủ? Có ai báo cho anh ta chăng? Vì anh ta có Phật nhãn, thế nên anh ta biết được mọi người đang làm gì.

“Thế ông để ý đến công việc của người khác để làm gì?” Vốn thông thường, khi chỉ có mình tôi, mọi người thường làm việc và không báo cho tôi, họ cho rằng tôi không hay biết gì. Để cho tôi khỏi bận tâm đến họ. Nay tôi đã có một phụ tá. Tôi nhờ anh ta báo cho tôi biết những sai phạm của người khác. Bây giờ mọi người báo cáo công việc cho tôi, tôi đã có bằng chứng, thế nên tôi có thể đối chất với những người phạm sai lầm. Nhưng quý vị đừng sợ. Tôi không cố ý vặn hỏi những tiểu tiết đâu. Chỉ những điều nghiêm trọng xảy ra tôi mới hỏi.

Vị đệ tử nầy là người giúp việc của tôi và nếu có ai trộm cắp vật gì, anh ta đều biết; nếu có ai sát sinh, anh ta cũng biết. Nếu tôi có tâm để ý chuyện lặt vặt, tôi có thể làm việc ấy bất kỳ lúc nào. Nếu tôi không có tâm để ý chuyện lặt vặt, cũng có thể để cho mọi chuyện qua đi. Thế nên trong quý vị có ai nghĩ đến chuyện trộm cắp, đừng nên sợ hãi, và trong quý vị có ai muốn làm điều gì mà không thích tôi biết đến cũng đừng sợ hãi.

Từ hồi nào đến giờ tôi vẫn không hề bận tâm đến những tiểu tiết. “Chỗ có tường ngăn thì thấy bít lấp. Nơi nào có khoảng hở, thì thấy được bên ngoài, nơi nào ngăn bít, thì không thấy được. Chỗ phân biệt được thì thấy cảnh sở duyên. Những nơi đặc biệt đều là tướng trạng mà ông thấy được, cho dù đó là núi sông đất liền, lùm rừng khe suối, mỗi mỗi đều được phân biệt: cao thấp, tốt xấu, nhà, cổng, mái hiên, nhà tranh, đường sông… Đều là những tướng phân biệt do từ tâm, vậy nên nó là cảnh sở duyên. Trong chỗ trống rỗng, toàn là hư không.

Tối tăm, ngoan không, nơi vô dụng, đều là những chỗ không nhận biết; đó là hư không. Cảnh tượng mù mịt khi bụi dấy lên.” “Mù mịt” là khi bụi hoặc hơi nước dấy lên từ mặt đất. Vào ngày không có mặt trời, bụi và hơi nước trông giống như khói, nhưng khi mặt trời lên, thì không thấy gì cả. “Bụi” là khi gió cuốn đất cát rồi thổi tung lên. Bụi và mù làm cho không gian tối tăm và hỗn độn, giống như cái nhìn bị khúc xạ do nhìn thấy bóng nước, khiến cho cảnh vật uốn lượn như sóng chập chờn trước mắt. Mưa tạnh trời quang lại thấy trong lặng. Kinh văn đề cập đến sự trong sáng như cảnh trời quang đãng trong lặng sau cơn mưa.

 

Kinh văn: 阿難汝咸看此諸變化相。吾今各還本所因處。云何本因。阿難此諸變化明還日輪。何以故。無日不明,明因屬日。是故還日暗還黑月。通還戶牖擁還牆宇。緣還分別頑虛還空。鬱[土*孛]還塵清明還霽。則諸世間一切所有不出斯類.

Phiên Âm: A-nan! Nhữ hàm khán thử, chư biến hóa tướng. Ngô kim các hoàn, bổn sở nhân xứ. Vân hà bổn nhân?

A-nan! Thử chư biến hóa, minh hoàn nhật luân.

Hà dĩ cố? Vô nhật bất minh, minh nhân chúc nhật. Thị cố hoàn nhật, ám hoàn hắc nguyệt. Thông hoàn hộ dũ, ủng hoàn tường vũ. Duyên hoàn phân biệt, ngoan hư hoàn không. Uất bụi hoàn trần, thanh minh hoàn tễ. Tắc chư thế gian, nhất thiết sở hữu, bất xuất tư loại.

Việt dịch: A-nan, ông hãy xem các tướng biến hóa nầy, nay Như Lai đều trả về nơi xuất phát của nó. Thế nào là nơi xuất phát? A-nan, các tướng biến hóa nầy, sáng trả về cho mặt trời. Vì sao? Vì nếu không có mặt trời thì không có sáng. Nguyên nhân cái sáng là do mặt trời, nên trả về cho mặt trời. Cái tối trả về cho đêm không trăng; thông suốt trả về cho cửa; ngăn bít trả về cho tường vách; cảnh sở duyên trả về cho phân biệt; trống rỗng trả về cho hư không; mù mịt trả về cho bụi; trong lặng trả về cho trời tạnh. Tất cả mọi vật có trong thế gian đều không ngoài các thứ nầy.

Giảng: Đức Phật tiếp tục giảng giải: “A-nan, ông hãy xem các tướng biến hóa nầy, nay Như Lai đều trả về nơi xuất phát (bản nhân) của nó. Dù chúng sáng hay tối, thông hay bít, cảnh sở duyên hay trống rỗng, trong lặng hay mù mịt, tất cả 8 tướng nầy đều có thể trả về nơi mà chúng xuất phát (bản nhân). Thế nào là nơi xuất phát? Cái gì là nơi mà chúng xuất hiện?

A-nan, các tướng biến hóa nầy: Ông nên lắng nghe kỹ và đặc biệt chú tâm đến những điều tôi sắp giảng về tám tướng biến hóa nầy. Sáng trả về cho mặt trời. Vì sao? Vì nếu không có mặt trời thì không có sáng. Tôi sẽ trả ánh sáng về lại cho mặt trời. Nếu không có mặt trời thì không có cái sáng; khi tối tăm là lúc ánh sáng đã được trả về lại cho mặt trời. Nguyên nhân cái sáng là do mặt trời, nên trả về cho mặt trời.

Do vậy, Như Lai đem ánh sáng trả lại cho mặt trời. Quý vị có đồng ý không? A-nan, ông có ý kiến gì không?” A-nan không nói được điều gì, cho dù nếu A-nan có thêm những điều nghi ngờ khác hoặc muốn hỏi thêm điều gì đó, A-nan có thể hỏi vào lúc nầy. Nhưng A-nan im lặng. Thế nên Đức Phật giảng giải: “Cái tối trả về cho đêm không trăng.” Sẽ trả cái tối về cho đêm không trăng. Ở Trung Hoa, đêm trăng sáng được gọi là “bạch nguyệt” và đêm không trăng được gọi là ‘hắc nguyệt’, điều nầy không có nghĩa là mặt trăng phát ra ánh sáng màu đen.

Đó là dịch quá sát nên làm hỏng luôn ý nghĩa. Khi ăn, quý vị nên tiêu hóa thức ăn, trường hợp ấy cũng giống như đối với ý nghĩa đoạn kinh nầy. Đừng nghĩ rằng Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói rằng mặt trăng phát ra ánh sáng màu đen; đó cũng có nghĩa là ăn mà không tiêu. Thế có ích lợi gì?

“Thông suốt trả về cho cửa; ngăn bít trả về cho tường vách. Nơi có thể nhìn thấy nay trả về cho cửa lớn và cửa sổ vì nó có khoảng hở; trong khi những chỗ bít lấp không nhìn thấy được thì nay trả về cho tường vách.” “Cảnh sở duyên trả về cho phân biệt. Cảnh sở duyên nay trả về cho tâm phân biệt. Trống rỗng trả về cho hư không. Nơi trống rỗng trả về cho hư không rộng lớn. Mù mịt trả về cho bụi. Bụi và mù đều làm ô nhiễm không khí nên nay trả nó về cho đất bụi.

Trong lặng trả về cho trời tạnh. Sự trong lặng được trả về cho bầu trời trong lặng. Tất cả mọi vật có trong thế gian đều không ngoài các thứ nầy. Tám tướng biến hóa mà Như Lai vừa giảng, gồm 4 cặp, bao trùm cả mọi thứ từ cái đơn giản nhất trên thế gian cho đến cái ít, cái nhiều, cái xa, cái gần mà ông thấy được, tất cả đều có chỗ để trả về.”

 

Kinh văn: 汝見八種見精明性,當欲誰還。何以故。若還於明。則不明時無復見暗。雖明暗等種種差別見無差別。

Phiên Âm: Nhữ kiến bát chủng, kiến tinh minh tánh, đương dục thùy hoàn? Hà dĩ cố? Nhược hoàn ư minh. Tắc bất minh thời, vô phục kiến ám. Tuy minh ám đẳng, chủng chủng sai biệt, kiến vô sai biệt.  

Việt dịch: Còn tánh thấy sáng suốt của ông thấy 8 tướng kia, ông muốn trả về đâu? Vì sao? Vì nếu trả về cho sáng, thì khi chẳng có ánh sáng cũng không thấy tối. Tuy sáng tối mỗi mỗi đều sai khác, nhưng cái thấy không hề sai khác.

Giảng: “Còn tánh thấy sáng suốt của ông thấy 8 tướng kia, ông muốn trả về đâu?” Thế còn bản tánh thanh tịnh sáng suốt của ông thấy được 8 tướng biến hóa mà Đức Phật vừa giảng thì như thế nào? “Nên trả nó về đâu?”- Đức Phật hỏi A-nan – “Vì sao? Nói nhanh.” Đức Phật bảo. Tánh thấy sáng suốt của ông trả về nơi đâu trong những thứ nầy? Điều Đức Phật muốn nói là: “Ông định trả tánh thấy ấy về đâu, vì không có nơi nào để trả nó về cả?”

Vì nếu trả về cho sáng, thì khi chẳng có ánh sáng cũng không thấy tối. Vì nếu quý vị trả tánh thấy cho sáng, thì lẽ ra nó sẽ không thấy được tối; nhưng thực ra thì nó thấy được tối. Do vậy, nó không được trả về cho sáng. Quý vị không thể nói rằng cái thấy trả về cho tối, vì khi sáng đến, tánh thấy vẫn thấy được. Tuy sáng tối mỗi mỗi đều sai khác, nhưng cái thấy không hề sai khác. Dù chỉ riêng sáng và tối được thảo luận ở đây, nhưng nó cũng đồng với 6 thứ khác.

Mọi hiện tượng, mọi tướng biến hóa đều có thể tánh riêng của nó. Nhưng sự khác biệt mà ông bảo là hiện hữu trong cái thấy là gì? Cái gì khác biệt? Khi thấy sáng, cũng là thấy; khi thấy tối, cũng là thấy; khi thấy trong lặng, cũng là thấy; khi thấy mờ mịt, cũng là thấy; khi thấy thông suốt, cũng là thấy; khi thấy ngăn bít, cũng là thấy. Có gì khác nhau ở đây?

Có người nói: “Chắc chắn có gì khác nhau trong tánh thấy. Khi ông thấy sáng, tánh thấy biết đó là sáng, Khi ông thấy tối, tánh thấy biết đó là tối. Không phải đó là phân biệt chăng?” Không sai. Phân biệt phát sinh do khi ông nhận biết sáng và tối, chứ không phải do tánh thấy của ông; đó là do tâm phân biệt, tâm phan duyên của ông đã tạo ra nó.

Đừng nhận nó làm tánh thấy. Cái biết về sáng và tối là chuỵên của tâm thức. Cái thấy của quý vị nhìn thấy mọi vật cũng giống như khi nhìn vật mà không cần phân biệt. Vốn không có phân biệt. Sự phân biệt có là do tâm thức quý vị. Mọi người phải nên đặc biệt chú ý điểm nầy. Đừng cho rằng tâm phân biệt là cội nguồn sáng suốt từ tánh thấy của mình.

 

Kinh văn: 諸可還者自然非汝。不汝還者非汝而誰。

Phiên Âm: Chư khả hoàn giả, tự nhiên phi nhữ. Bất nhữ hoàn giả, phi nhữ nhi thùy?

Việt dịch: Các thứ có thể trả về được, đương nhiên chẳng phải là ông. Cái không trả về được, chẳng phải ông thì là ai?

Giảng: Đoạn kinh văn đặc biệt nầy giảng giải đạo lý cực kỳ hay chỉ bằng vài chữ. “Các thứ có thể trả về được, đương nhiên chẳng phải là ông. Cái không trả về được, chẳng phải ông thì là ai?” Mọi tướng biến hóa đều được trả về chỗ của nó. Các tướng ấy không phải là ông. Cái gì ở cùng với ông thì chẳng đi đâu khác nữa, là cái ông chẳng trả về đâu– nó chẳng phải của ông thì của ai? Nếu nó không phải là của ông, lẽ ra thì phải được trả về nơi nào đó. Nhưng ông không trả được. Ông muốn cho ai họ cũng không nhận. Ông trả nó về cho sáng, nhưng sáng không cần.

Ông trả nó về cho tối, nhưng tối không thích. Ông trả nó về cho trong lặng, nhưng trong lặng không nhận. Ông trả nó về cho mù mịt, nhưng mù mịt không cần. Giá như quý vị có thể liệng bỏ nó được, nếu thế thì quý vị sẽ không còn thấy được nữa. Nó là cái mà quý vị không thể liệng bỏ đi. “Cho dù ông đã chứng được sơ quả, ông cũng không làm thế được. Ông không có được thần thông để liệng bỏ tánh thấy mình cho người khác để rồi ông không còn thấy được nữa,”

Đức Phật nói với A-nan: “Nếu tánh thấy ấy không phải của ông thì của ai? Ông vẫn không dám nhận nó là của mình, ông vẫn còn chưa hiểu. A-nan, ông thật đáng thương xót.” Chỉ vài chữ nầy đã giải thích đạo lý ấy rất rõ ràng, và bản kinh văn chữ Hán rất hay. Nếu quý vị muốn học Hán văn mà không nghiên cứu kinh Thủ Lăng Nghiêm thì cái học của quý vị chưa hòan chỉnh. Nếu quý vị đã nghiên cứu kinh Thủ Lăng Nghiêm rồi, thì khi quý vị viết luận văn bằng tiếng Hán, có lẽ các học giả cổ điển Trung Hoa cũng khó sánh bằng với khả năng viết tiếng Hán của quý vị.

Chỉ hiểu một phần kinh Thủ Lăng Nghiêm thôi, thì chỗ dụng cũng vô tận rồi. Trong quý vị ai thích nghiên cứu Hán văn thì không nên bỏ qua cơ hội học hỏi bản kinh siêu tuyệt nầy. Đừng vào trong núi châu báu rồi trở về tay không. Đừng như con gấu khi vào ruộng để ăn bắp. Gấu bẻ một trái bắp kẹp dưới nách mình rồi bẻ trái khác kẹp vào nách kia. Khi làm thế, nó thả rơi trái bắp thứ nhất, rồi nó đến bẻ trái thứ ba, lại bỏ vào nách thứ nhất, và nó lại thả rơi trái bắp thứ hai.

Mọi lúc nó đều nghĩ rằng mình đang mang rất nhiều bắp, nhưng nó nhìn lại sau khi rời ruộng bắp, thấy mình chỉ có được một trái. Khi quý vị đi vào núi châu báu, đừng bị chóang ngợp khi nhìn thấy quá nhiều thứ, để khi quý vị quyết định nhặt một thứ mang về, thì thả rơi vật mà quý vị đã nhặt từ trước. Điều này giải thích rằng kinh mà quý vị đang nghe là dụ cho núi châu báu. Thực sự kinh nầy còn quý hơn châu báu trong núi ấy, kinh quý hơn cả vàng, bạc, pha-lê, xa cừ, hồng ngọc.

Sao vậy? Vì nếu quý vị hiểu được chỉ một câu kinh rồi tinh tấn tu tập và nỗ lực áp dụng vào trong đời sống không hề gián đoạn, nếu quý vị tiến hành công phu một cách dũng mãnh, thì quý vị sẽ thành Phật. Thế nên giá trị ấy vượt xa cả núi châu báu. Đừng như “con gấu đen hái rồi thả mất ngay khi có được bắp”. Kinh văn tiếng Hán lẫn ý nghĩa kinh nầy đều siêu tuyệt.

Chẳng có điều gì về kinh Thủ Lăng Nghiêm mà không hay. Chỉ nên xem kinh nếu quý vị chấp nhận điều nầy. Nếu quý vị chấp nhận học kinh, thì dù bất luận điều gì xảy ra, ngay cả tôi có đánh quý vị và đuổi quý vị ra ngoài, quý vị cũng không đi. Đó là những gì xảy ra nếu quý vị thực sự thông hiểu, và đó là trạng thái bất khả tư nghì.

 

Kinh văn: 則知汝心本妙明淨。汝自迷悶,喪本受輪。於生死中常被漂溺。是故如來名可憐愍.

Phiên Âm: Tắc tri nhữ tâm, bổn diệu minh tịnh. Nhữ tự mê muộn, tang bổn thọ luân. Ư sanh tử trung, thường bị phiêu nịch. Thị cố Như Lai, danh khả lân mẫn.

Việt dịch: Vậy nên biết tâm ông vốn nhiệm mầu thanh tịnh sáng suốt mà ông tự mê muội, bỏ mất tánh bản nhiên, đành chịu luân hồi, thường bị chìm đắm trong biển sinh tử. Nên Như Lai cho là đáng thương xót.

Giảng: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói: “Vật có thể trả về không phải là ông, trong khi những cái của ông thì không được trả về, nó là gì nếu chẳng phải là của ông?”

Vậy nên biết tâm ông vốn nhiệm mầu thanh tịnh sáng suốt. Nhưng ông vẫn không nhận ra. Cái ông không nhận ra chính là chân tâm của ông. Mà ông tự mê muội, bỏ mất tánh bản nhiên. Chân tâm của ông chẳng có chỗ trả về, nhưng ông tự mê muội–ông không hiểu, ông mê lầm–nó như thể đúng và cũng như thể sai. Đó là ý nghĩa mà trước đây tôi đã nói là ông bỏ quên mất chân tâm. Đó là cái vốn thường thuộc về ông, nhưng ông không nhận ra, thế nên dường như bị bỏ mất.

Đành chịu luân hồi. Chân tâm của ông đã bỏ rơi ông. Nếu ai không nhận ra chân tâm của mình, thì đời đời họ bị chìm đắm không thăng hoa được. Dù chân tâm không thực sự bị mất, nhưng sự chìm đắm là thực có. Người ta bị rơi vào biển khổ, loay hoay trong đường nọ đường kia, thường bị chìm đắm trong biển sinh tử. Ở trong biển khổ sinh tử cũng như thể bị tung lên trên mặt biển rồi bị nhận chìm. Nếu không chấm dứt được sinh tử, dù quý vị có cầm được nước và biết bơi, thì sau khi bị tung lên xuống nhiều lần rồi quý vị cũng bị chìm.

Nên Như Lai cho là đáng thương xót. Nước trong biển sinh tử dụ cho nghiệp chướng mà quý vị đã tạo. Trong dòng nước nầy, quý vị bị trồi lên trụt xuống trong thân người. Điều ấy biểu tượng cho sự sinh khởi của vô minh và tạo nghiệp. Chúng sinh tạo nghiệp vì không nhận ra chân tâm. Nên kinh nói: “Biển nghiệp mênh mông.” Nó không có giới hạn. Có khi quý vị bị hất tung trên mặt biển, có khi bị dìm xuống đáy sâu. Thật nguy hiểm khi ở trong biển ấy. Điều ấy khiến cho A-nan thật đáng thương xót.

 

Kinh văn: 阿難言,我雖識此見性無還.云何得知是我真性

Phiên Âm: A-nan bạch Phật ngôn: ngã tuy thức thử, kiến tánh vô hoàn. Vân hà đắc tri, thị ngã chân tánh.

Việt dịch: A-nan thưa: “Con tuy biết tánh thấy nầy không trả về đâu. Nhưng làm sao biết nó là chân tánh của con?”

Giảng: Đức Phật đã giải thích một lần cho A-nan nhưng A-nan không hiểu. Đức Phật giảng lần thứ hai và A-nan cũng không hiểu. Đức Phật giảng đến ba, bốn, năm, sáu lần nhưng A-nan vẫn không hiểu. A-nan vẫn không nhận ra chân tâm mình rõ ràng. Bây giờ A-nan lại có mối nghi ngờ khác. A-nan thưa: “Con tuy biết tánh thấy nầy không trả về đâu.” Chữ “nhận ra” tiết lộ mối nghi của A-nan.

Thực ra, A-nan nói rằng ông ta biết tánh thấy không trả về nơi đâu như Đức Phật vừa giải thích, nhưng trong thực tế A-nan không biết rốt ráo là như thế nào. Trong “cái biết” của ông thì tánh thấy không có chỗ trả về, một mối nghi liền sinh khởi, mối nghi nằm sẵn trong đó và xuất phát từ cái gọi là biết. “Nhưng làm sao biết nó là chân tánh của con?”

Bây giờ A-nan trình bày rõ ràng hơn. “Con biết tánh thấy không có chỗ trả về, nhưng cái không trả về là một vật, làm sao con biết cái ấy là chân tâm con?” Nếu A-nan không nghi ngờ, nếu A-nan thực sự nhận ra, tại sao A-nan lại không biết đó là chân tánh của ông? A-nan đã biết đạo lý không thể trả lại tánh thấy về nơi nào cả, nhưng A-nan vẫn không biết rằng tánh thấy thực sự là bản tánh của tâm. Rốt cùng, sau khi Đức Phật giảng giải, A-nan vẫn chưa có được chân tâm. Nó vẫn bị bỏ quên mất. Tôi tin rằng ngay điểm này trong kinh văn, A-nan đang ở trong tình trạng quên mất chân tâm hòan toàn.

 

Kinh văn: 佛告阿難,吾今問汝。今汝未得無漏清淨。承佛神力見於初禪,得無障礙。而阿那律見閻浮提。如觀掌中菴摩羅果。

Phiên Âm: Phật cáo A-nan: ngô kim vấn nhữ. Kim nhữ vị đắc, vô lậu thanh tịnh. Thừa Phật thần lực, kiến ư sơ Thiền, đắc vô chướng ngại. Nhi A-na-luật, kiến Diêm-phù-đề. Như quán chưởng trung, am ma la quả.

Việt dịch: Đức Phật bảo A-nan: “Nay Như Lai hỏi ông, hiện nay ông chưa chứng quả vô lậu thanh tịnh, nhưng do nương oai thần chư Phật mà thấy được cõi Sơ thiền không ngăn ngại. Còn ông A-na-luật-đà thì thấy cõi Diêm-phù-đề như xem trái am-ma-la trong lòng bàn tay.”

Giảng: Đức Phật thấy A-nan thật là đáng thương xót, vì A-nan chỉ chuyên tâm vào việc học tập văn tự. A-nan hỏi đi hỏi lại nhiều lần, và chẳng hiểu được sau khi được Đức Phật giải thích cặn kẽ nhiều lần. Vấn nạn nầy phát sinh theo sau vấn nạn khác. Như người ta thường nói: “Cành lá thường mọc từ đốt mắt. ” Chẳng có cành lá gì, nhưng A-nan thích tạo ra lá bằng cách chắp cành từ các đốt mắt. Thế nên A-nan thật đáng thương xót, Đức Phật đã dùng tâm vô duyên đại từ và đồng thể đại bi để chỉ dạy cho A-nan.

Quý vị phải nên hết lòng thương yêu bất luận những ai dù người ấy ít thân thiện với mình nhất. Đó có nghĩa là “vô duyên đại từ. ” Cho dù họ không có duyên với quý vị, họ không hợp với quý vị, quý vị cũng phải có lòng từ đối với họ. Tôi đã từng nói với quý vị rằng: “Một người là tất cả mọi người; tất cả mọi người chỉ là một người.” Tất cả là một, một là tất cả. Đó có nghĩa là đồng thể đại bi. Chẳng hạn, tôi xem những khó khăn của quý vị cũng như là của chính mình. Bất luận khi nào tôi cũng nghĩ cách làm vơi bớt hoạn nạn của quý vị.

Như khi tôi thường thấy các đệ tử tôi hút thuốc, tôi hy vọng rằng có lúc họ sẽ không hút nữa. Nếu quý vị không hút thuốc, quý vị có thể hít thở được không khí đồng như chư Phật. Nếu quý vị không chịu bỏ thuốc, thì mây đen mà quý vị hít vào và sương mù mà quý vị thở ra sẽ ngăn che ánh sáng Đức Phật chiếu soi vào quý vị. Tập khí hút thuốc gây nên sự đau khổ, và đó là việc làm không tương ưng với Phật pháp. Nếu đệ tử tôi thực lòng muốn tu học theo chính pháp, mà không nhanh chóng bỏ hút thuốc, thì tôi sẽ xem việc ấy như chính tôi đang làm một việc không tương ưng với Phật pháp và gây nên sự đau khổ.

Sao vậy? Vì tôi đặt mình trong tâm nguyện đồng thể đại bi của chư Phật. Thế nên tôi mong mỏi chẳng có ai làm việc xấu. Tôi mong ai cũng là người hòan hảo. Khi có một ai trong quý vị không được là người hòan thiện, tôi cảm thấy rằng chính mình chưa phải là người hòan thiện, vì tôi cũng giống như quý vị. Do vậy, vì tôi mong mình được là người tốt, nên tôi cũng nghĩ ra cách để quý vị cũng trở thành người tốt luôn. Đó là ý nghĩa đồng thể đại bi . Nếu người đời nay ai cũng có tâm nguyện như vậy, thì thế giới sẽ chẳng có chiến tranh, giành giật, thù hận. Đức Phật bảo A-nan: “Nay Như Lai hỏi ông, hiện nay ông chưa chứng quả vô lậu thanh tịnh.

Ông chưa chứng được quả vị thứ tư của A-la-hán, ông chỉ mới chứng được Sơ quả, chưa đạt đến quả vị vô lậu. Sự thanh tịnh trong quả vị vô lậu là thanh tịnh nhất trong sự thanh tịnh. Chẳng còn chút nhiễm ô. Nói thì rất dễ nhưng đó là cảnh giới rất khó đạt được. Trong cảnh giới ấy, mắt tai mũi lưỡi thân ý đều không bị nhiễm ô. Khi mắt quý vị nhìn thấy cảnh rồi rong ruổi chạy theo, đó là bị nhiễm ô (lậu thóat). Nếu tai quý vị nghe điều gì đó, mà quý vị không áp dụng công phu phản văn văn tự tánh mà rong ruổi chạy theo để nghe, đó cũng là bị nhiễm ô (lậu thóat).

Mũi chạy theo hương thơm, lưỡi thích nếm mùi vị, thân thích xúc chạm, tâm ý thích phan duyên với các pháp: đây là các trường hợp tương tự như nhiễm ô (lậu thóat). Tôi đã giải thích từ trước, lậu thóat là giống như cái bình bị thủng ở đáy, nó sẽ bị rò rỉ khi chứa nước. Nếu quý vị không tu tập và chưa chứng được quả vô lậu, thì quý vị cũng giống như cái bình rò rỉ. Quý vị trôi chảy thường xuyên từ cõi trời cho đến cõi người. Từ cõi người chảy xuống cõi súc sinh và từ cõi súc sinh chảy xuống cõi ngạ quỷ và địa ngục. Quý vị trôi lăn lên xuống trong sự lậu thóat, chẳng biết mình trôi về đâu nữa, còn tùy theo nghiệp mà quý vị đã tạo. “Nhưng do nương oai thần chư Phật mà thấy được cõi Sơ thiền không ngăn ngại.”

Mặc dù A-nan chưa chứng được quả vị thanh tịnh vô lậu, nhưng A-nan có thể nhờ sức oai thần của Đức Phật mà nhìn thấy được cõi Sơ thiền. A-nan đã mở được Phật nhãn, nhưng ông vẫn không thấy được cõi Sơ thiền. Khi được khai Phật nhãn, có cả ngàn cấp độ sai khác nhau. Cũng chỉ đơn giản là mở mắt và nhìn thấy được mọi vật như thấy bằng mắt thường. Có người thấy xa 3 dặm, có người thấy 7 dặm, có người thấy 10 dặm, có người thấy 30 hay 300, 3000 dặm.

Cao nhất, có người thấy được 84.000 dặm và có thể quán sát mọi hiện tượng xảy ra trong 80.000 đại kiếp . Đó không phải là trường hợp ngay khi mắt quý vị mở ra và thấy được vật. Chỉ có nhờ vào năng lực thần thông của Đức Phật, A-nan mới thấy được cõi Sơ thiền trong suốt rõ ràng không chướng ngại, như ông A-na-luật-đà thì thấy cõi Diêm-phù-đề Trưởng lão A-na-luật-đà là bậc có thiên nhãn đệ nhất. Tên ngài trong tiếng Phạn nghĩa là “không nghèo”.

Hán dịch là Vô bần – 無 貧 . Trong đời nầy và những đời sau, đời sau nữa, A-na-luật-đà không bao giờ nghèo. Thượng toạ A-na-luật-đà là anh em họ với Đức Phật. Tôi đã đề cập từ trước, Thượng toạ A-na-luật-đà có một tật rất lạ: bất kỳ khi nào Đức Phật giảng kinh, Thượng toạ đều ngủ gật. Thế nên Đức Phật trách mắng:

Này ông! Sao quá mê ngủ
Như con sò trong vỏ cứng?
Ông ngủ suốt cả ngàn năm
Tên Phật rồi chẳng nghe thấy.

Con sò nằm trong vỏ cứng và chẳng bao giờ thò đầu ra ngoài. Khi Đức Phật trách mắng như vậy, ông liền phát khởi nhiệt tâm: không bao giờ ngủ nữa! Thượng tọa mở mắt trừng trừng và ngày đêm chẳng ngủ. Sau 7 ngày đêm không ngủ, Thượng toạ hóa mù. Thượng toạ đến Đức Phật xin được giúp đỡ, Đức Phật bảo Thượng toạ đừng buồn rồi dạy tu pháp Kim cương chiếu minh tam muội. Do chuyên tâm tu tam muội này, A-na-luật-đà đạt được thiên nhãn thông, có thể thấy được cõi Diêm-phù-đề, tức thế giới ta-bà nầy như xem trái am-ma-la trong lòng bàn tay.

Có nhiều cõi Diêm-phù-đề, cõi mà chúng ta đang sống chỉ là một. Trái am-ma-la mọc ở Ấn Độ, ở Trung Hoa không có trái nầy. Tôi không biết trái nầy có ở nước Mỹ không. Nhưng điểm chính là thế giới rộng như vậy, được A-na-luật-đà nhìn thấy rõ ràng như một miếng trái cây nằm trong bàn tay. Tôi xin nói thêm về Thượng toạ A-na-luật-đà. Trong một kiếp trước, ngài là một nông dân rất nghèo. Hằng ngày ngài dùng một loại mễ cốc có chất lượng rất kém và rẻ để ăn.

Ngài không có tiền mua thịt, sữa hoặc những thứ khác ngoài mễ cốc thô nầy. Một hôm A-na-luật-đà gặp một vị tỷ-khưu già tu trong núi. Vị tỷ-khưu già nầy đã chứng Bích chi Phật. Vào mỗi ngày thứ bảy, vị tỷ-khưu xuống núi đi khất thực. Ông ta mang bình bát theo thứ tự chỉ khất thực trong vòng 7 nhà, nếu đến nhà cuối cùng mà không có ai cúng dường gì, vị tỷ-khưu già cũng mang bát không về núi và chịu nhịn ăn.

Một hôm, nạn đói hòanh hành vùng ấy, không ai có đủ lương thực để sống. Lương thực rất đắt. Vị Bích chi Phật lại xuống núi khất thực, đến hết nhà thứ 7 vẫn không có ai cúng dường. Theo tâm nguyện của ngài, đành mang bát không về. Trên đường về núi, vị tỷ-khưu già gặp một người nông dân, ông ta chào hỏi: “Thưa thầy, ngài có khất thực được thực phẩm để dùng hôm nay không?”

Vị tỷ-khưu già đáp: “Không, tôi đành chịu nhịn.” Người nông dân suy nghĩ: “Thầy không khất thực được gì hôm nay, có nghĩa là thầy sẽ phải chịu đói trong 7 ngày nữa cho đến khi thầy lại xuống núi khất thực. Không thể để thầy chịu đói được. Nếu thầy không chê mễ cốc của mình thô xấu, mình sẽ nhịn phần và xin cúng dường cho thầy.”

Vị Bích chi Phật rất hoan hỷ. Vì sao? Vì ngài đã chịu đói suốt 7 ngày rồi, và nếu ngài trở về núi với bát không thì ngài phải chịu đói suốt 2 tuần lễ. Mặc dù ngài đã chứng ngộ, nhưng đời nầy, ngài vẫn còn cần đến lương thực. Ngài quá đói nếu không có gì để ăn. Thế nên ngài rất hài lòng. “Cảm niệm công đức to lớn của ông.”- Vị tỷ-khưu già nói, rồi hồi hướng công đức cho người nông dân: sở vị bố thí giả

所 謂 布 施 者
tất hoạch kỳ lợi ích
必 獲 其 利 益
nhược vị lạc cố thí
若 為 樂 故 施
hậu tất đắc an lạc.
後 必 得 安 必.

Nghĩa: Bây giờ quý vị thử đoán xem điều gì xảy đến cho người nông dân đã cúng dường cho vị Bích chi Phật? Một điều rất kỳ lạ đã xảy ra. Nếu tôi nói với quý vị, chắc hẳn khó tin. Tôi cũng thấy khó tin. Nhưng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói chuyện ấy trong kinh, nên chẳng có lý gì không tin được. Quý vị phải tin điều khó tin ấy. Chuyện gì đã xảy ra?

Khi anh ta cuốc đất, một con thỏ từ mặt đất nhảy vọt lên vai anh ta rồi nằm ở đó không nhúc nhích. Anh ta hoảng sợ, không hiểu tại sao con thỏ lại nhảy lên nằm trên vai mình. Anh cố gắng tìm mọi cách đuổi nó đi, nó vẫn nằm yên đó. Thế nên anh ta bỏ về nhà ngay khiến người vợ ngạc nhiên không hiểu vì sao. Khi đến nhà, người vợ thấy con thỏ đã biến thành vàng. Sau đó, mỗi khi anh ta lấy vàng từ mình thỏ đi đổi thành tiền, thì chỗ vàng vừa lấy tự đắp đầy lại.

Từ đó anh thành người giàu có, anh ta không dám đem nguyên con thỏ vàng đi bán. Thế nên anh cắt bốn chân thỏ đi bán, khi trở về nhà, bốn chân lại mọc ra nguyên vẹn như cũ. Thế nên của cải anh ta nhiều vô tận. Không những anh ta giàu có trong đời nầy mà cả trong đời sau, đời sau nữa cho đến 91 đại kiếp, dù sinh trong cõi trời hay trong cõi người, hay bất kỳ anh ta sinh vào nơi nào. Thế nên được gọi là A-na-luật-đà, có nghĩa là không bao giờ nghèo (vô bần – 無 貧).

Trong đạo Phật, bố thí là “phóng xả một, hưởng được cả ngàn.” Trong Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn nguyện cũng dạy như vậy. Quý vị phải tin sâu đạo lý nầy, chớ nghi ngờ chút nào. Hãy nhìn công hạnh của A-na-luật-đà, giúp cho vị Bích chi Phật qua cơn đói bằng cách cúng dường khẩu phần mễ cốc thô xấu của mình hằng ngày, và vị Bích chi Phật đã hồi hướng công đức nên A-na-luật-đà đã nhận được phước báo giàu có vô tận.

Ở Trung Hoa, khi có 1000 vị tăng câu hội thì chắc chắn thế nào trong ấy cũng có một vị A-la-hán. Quý vị nên nghĩ rằng mọi vị tăng mình gặp đều là A-la-hán, mặc dù không dễ gì gặp được, và A-la-hán là một trong cả ngàn. Nhưng vẫn có thể gặp được A-la-hán nếu quý vị nhận ra ngài. Thượng tọa A-na-luật-đà chỉ cúng dường cho một vị tăng, nhưng vị tăng ấy là Bích chi Phật, nên A-na-luật-đà nhận được phước báo to lớn như vậy. Thế tại sao vị Bích chi Phật lại không được ai cúng dường chút lương thực trong ngày khất thực ấy? Một lần nữa, điều nầy lại được giải thích theo lý nhân quả:

Tu phước không tu huệ,
Voi đeo ngọc anh lạc.
Tu huệ không tu phước,
La-hán về bát không.

Nếu quý vị chỉ biết tu huệ, cho rằng: “Tôi sẽ học kinh và nghiên cứu Phật pháp.” Việc ấy rất tốt, quý vị sẽ có được trí huệ. Nhưng quý vị cũng nên tu hạnh bố thí. Quý vị phải biết tu tập cả phước lẫn trí. Quý vị nên tu phước bằng cách cúng dường Tam bảo. Nếu quý vị không gieo trồng phước đức, thì trong tương lai khi quý vị là A-la-hán đi khất thực, sẽ không ai cúng dường chút thực phẩm nào vì quý vị chưa từng gieo nhân tu phước.

Mặt khác, nếu quý vị chỉ lo tu phước mà không tu tập trí huệ, nếu quý vị chỉ biết làm việc thiện, tu hạnh bố thí, thì trong tương lai quý vị sẽ như con voi được trang sức bằng ngọc anh lạc. Quý vị sẽ bỏ thân nầy và trở thành con voi câm to lớn, thân mang đầy ngọc ngà châu báu. Thời xưa, phụ nữ trang sức loại ngọc nầy trên tóc. Ngọc anh lạc thì đẹp bề ngoài nhưng bên trong lại rỗng tuếch. Người mà tu phước không tu huệ sẽ như con voi mang chuỗi ngọc anh lạc vậy. Thế nên khi quý vị tu đạo, nên tu cả phước và trí, bên ngoài tu phước, bên trong tu huệ cho đến khi đạt được ánh sáng giác ngộ. Thế là quý vị có được cảm ứng hỗ tương với đạo.

 

Kinh văn: 諸菩薩等見百千界。十方如來窮盡微塵清淨國土無所不矚。眾生洞視不過分寸。

Phiên Âm: Chư Bồ-tát đẳng, kiến bách thiên giới. Thập phương Như Lai, cùng tận vi trần, thanh tịnh quốc độ, vô sở bất chúc. Chúng sanh đỗng thị, bất quá phân thốn.

Việt dịch: Các vị Bồ-tát…thấy được cả trăm ngàn thế giới. Mười phương Như Lai đều thấy cùng tận các cõi nước thanh tịnh như số vi trần không sót chỗ nào, còn chúng sinh thấy rõ không quá gang tấc.

Giảng: Trình độ của cái thấy sai biệt với nhau rất nhiều. Sơ quả A-la-hán chưa thấy được cõi Sơ thiền, trong khi hàng Nhị quả A-la-hán có thể thấy được cõi Sơ thiền nhưng chưa thấy được cõi Nhị thiền thiên. Hàng Tam quả A-la-hán có thể thấy được cõi Nhị thiền nhưng chưa thấy được cõi Tam thiền thiên; trừ phi họ có được gia hộ sức oai thần của chư Phật, trong trường hợp đó, họ có thể thấy được Tứ thiền thiên và cõi trời Tứ không. Hàng Bồ-tát ma-ha-tát, những bậc đã giác ngộ, thì khác; Các vị Bồ-tát …thấy được cả trăm ngàn thế giới.

Sơ địa Bồ-tát có thể thấy được 100 thế giới, Nhị địa Bồ-tát có thể thấy được 1000 thế giới, Tam địa Bồ-tát có thể thấy được 10.000 thế giới. Những gì họ thấy được ở mỗi quả vị giác ngộ đều không giống nhau. Mười phương Như Lai đều thấy cùng tận các cõi nước thanh tịnh như số vi trần không sót chỗ nào. Chỉ có Đức Phật trong 10 phương là có thể nhìn thấy suốt cõi nước thanh tịnh trang nghiêm của các chư Phật; các ngài thấy rất rõ ràng thông suốt.

Như kinh Kim Cương nói: “ Hết thảy mọi chúng sinh, nếu có bao nhiêu tâm niệm, Như Lai đều hay biết.” Khi Bồ-tát có được tha tâm thông, họ đều biết được những gì đang diễn ra trong tâm quý vị mà quý vị không cần phải nói ra. Chư Phật cũng biết được tâm niệm quý vị rõ ràng như vậy. Còn chúng sinh thấy rõ không quá gang tấc.

“Chúng sinh” là chỉ người phàm phu. So sánh với cái thấy của bậc thánh, hay của chư Phật, quý vị không thể nhìn xa quá 1 phần 10 inch hay cao nhất là 1 inch, cho dù quý vị phải vận dụng hết sức để thấy. Chư Phật có thể nhìn suốt các cõi nước thanh tịnh nhiều như vô số vi trần, còn quý vị thì không thể nào nhìn thấy được một nước. Quý vị không thể nhìn thấy được toàn thể Cựu Kim Sơn (San Francisco) nầy.

Nếu nhìn bên phải, thì không thấy được bên trái; nếu nhìn bên trái, thì không thấy được bên phải; Nếu nhìn phía trước thì không thấy được phía sau; và nếu cố gắng nhìn phía sau thì không thấy được phía trước. Mắt phàm phu có rất nhiều chướng ngại. Cho dù tánh thấy không sinh không diệt, mà thân thể quý vị lại có giới hạn, đó là lý do mà quý vị không thấy được.

Các vị A-la-hán, Bồ-tát và chư Phật đều có năng lực thần thông của thiên nhãn, nên tính thấy siêu việt của họ không có giới hạn. Nay hãy xem xét cái thấy của hàng phàm phu: nay tôi thấy được quý vị, nhưng nếu đem tờ giấy để trước mắt, thì tôi không còn thấy được nữa. Tờ giấy chỉ dày bằng 1 phần 10 tấm bảng mà còn ngăn không cho thấy huống gì tấm bảng. Đó là hạn chế về cái thấy của hàng phàm phu. Nếu quý vị mở được thiên nhãn, dĩ nhiên là quý vị không còn bị giới hạn và có thể nhìn được mọi hiện tượng. So sánh với Đức Phật, thật chúng ta còn cách Ngài quá xa.

 

Kinh văn: 阿難,且吾與汝觀四天王所住宮殿。中間遍覽水陸空行。雖有昏明種種形像。無非前塵分別留礙。

Phiên Âm: A-nan! Thả ngô dữ nhữ, quán Tứ Thiên Vương, sở trụ cung điện. Trung gian biến lãm, thủy lục không hành. Tuy hữu hôn minh, chủng chủng hình tượng. Vô phi tiền trần, phân biệt lưu ngại.

Việt dịch: A-nan, tôi lại cùng ông xem cung điện của Tứ thiên vương, và xem khắp các loài trong nước, trên đất, trong hư không, tuy có nhiều hình tượng tối sáng khác nhau, nhưng chúng đều là tiền trần phân biệt ngăn ngại.

Giảng: Đức Phật giảng giải thêm cho A-nan: “A-nan, tôi lại cùng ông – nay chúng ta, ông với Như Lai– xem cung điện của Tứ thiên vương…” Cõi trời Tứ thiên vương là cõi trời gần chúng ta nhất, nằm ở lưng chừng giữa núi Tu-di. Bốn vị Đại thiên vương gồm: phía Đông là Trì Quốc thiên vương, phía Tây là Quảng Mục thiên vương, phía Nam là Tăng Trưởng thiên vương, phía Bắc là Đa Văn thiên vương. Mạng sống của chúng sinh trong cõi trời Tứ thiên vương là 500 năm;

Sau 500 năm, họ phải chịu đoạ lạc, năm tướng suy xuất hiện, như tôi đã giảng từ trước. Một ngày một đêm ở cõi trời Tứ thiên vương bằng 50 năm ở cõi người. Quý vị sẽ thắc mắc: “Vì sao như vậy?” Tôi sẽ đưa ra ví dụ cho quý vị dễ hiểu. Nếu chúng ta cảm thấy vui thích thoải mái, thì thời gian trôi qua khi nào mà ta không hề biết. Chúng ta cảm thấy ngày quá ngắn. Chúng ta ai cũng như vậy. Vì ở cõi trời ấy quá sung sướng, nên một ngày một đêm ở đó bằng 50 năm ở cõi nhân gian.

Tại sao 50 năm là một khoảng thời gian dài ở cõi người? Vì trong cõi người thường có ưu sầu phiền não khổ đau, tranh giành, cãi vã. Con người bận rộn từ sáng đến tối, họ chẳng có khái niệm gì về những việc họ đang làm. Họ như con ruồi bay lơ lửng khắp đông tây nam bắc mà không biết mình đang làm gì. Quý vị không có phước đức gì ở cõi nầy, nên thời gian sống rất ngắn. Lại nữa, một ngày một đêm ở cõi nhân gian bằng 50 năm ở cõi địa ngục, vì khổ đau ở địa ngục quá căng thẳng, thế nên chúng sinh đang thọ hình ở đó cảm thấy thời gian rất dài. Từ điểm nầy quý vị nên biết thời gian chẳng dài chẳng ngắn.

Trước đây có vị đệ tử hỏi tôi: “Thời gian là gì?” Tôi đáp: “Không có thời gian” Thời gian chỉ là ý niệm dài ngắn của riêng từng người, chỉ có vậy thôi. Nếu quý vị vui vẻ suốt ngày, thì 50 năm trôi qua mà quý vị không hề cảm thấy đó là khoảng thời gian dài. Nếu cuộc đời con người đầy phúc lạc, nếu họ không lo âu, giận dữ, phiền muộn, sân hận, phiền não, thì cuộc đời như thể là một khoảng thời gian ngắn ngủi– chỉ trong nháy mắt. Rốt ráo, thời gian chẳng gì khác hơn là sự phân biệt căn cứ trên ý niệm riêng của từng người. Khi tôi nói đối với tôi không có thời gian có nghĩa là tôi không còn biết thời gian nữa, là tôi quá bận rộn đến nỗi tôi không còn biết thời gian, và tôi không có ý định nhận biết nó nữa. Và xem khắp các loài trong nước, trên đất, trong hư không–

Có nghĩa là, xem xét khắp hết thảy các loài chúng sinh, các sinh vật không sót loài nào. Tuy có nhiều hình tượng tối sáng khác nhau, nhưng chúng đều là tiền trần phân biệt và ngăn ngại. Nó đều chỉ là bụi trần trước mắt, chỉ sinh khởi lưu ngại từ sự phân biệt của ông. Nó chẳng phải là vật riêng của ông: nó chỉ là cõi giới bụi trần bên ngoài. Bụi trần nầy là một ‘lưu ngại.’ Nó vướng vất trong tâm trí ông, nhưng nó không thuộc về ông.

 

Kinh văn: 汝應於此分別自他。今吾將汝擇於見中。誰是我體誰為物象。

Phiên Âm: Nhữ ưng ư thử, phân biệt tự tha. Kim ngô tướng nhữ, trạch ư kiến trung. Thùy thị ngã thể, thùy vi vật tượng.  

Việt dịch: Ông nên ngay nơi đó phân biệt cái gì là mình, cái gì là vật. Nay Như Lai để cho ông lựa ra trong cái thấy, cái gì là tâm thể, cái gì là vật tượng.

Giảng: Vì A-nan vẫn chưa nhận ra đạo lý về chân tâm, A-nan vẫn chưa phân biệt được giữa chân tâm và vọng tâm. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy cho A-nan: “ Trong tất cả các thứ vật tượng nầy, chẳng gì khác hơn là tiền trần. Nó là trần cảnh trước mắt ông– vốn thường phân biệt và ngăn ngại.” Ông nên ngay nơi đó phân biệt cái gì là mình, cái gì là vật. A-nan, ngay nơi đây, ông phải nên phân biệt cho được cái gì là thể tính của ông và cái gì là thể của các hiện tượng. “Ngã” ở đây chỉ cho chân tâm của mình. “Cái khác” chỉ cho thể của các hiện tượng. “Nay Như Lai để cho ông lựa ra trong cái thấy, cái gì là tâm thể, cái gì là vật tượng.”

“Ngã thể” là chỉ cho thể của tánh thấy. Quý vị có thể nào chỉ ra được thể ấy từ đặc tính của các hiện tượng? Hãy chiêm nghiệm lại chính mình và tự hỏi mình phân biệt được chăng? Nếu quý vị phân biệt được, thế thì quý vị thông minh hơn A-nan. Nếu không, quý vị chẳng linh lợi bằng A-nan. Mọi người ai cũng có thể trắc nghiệm lại nhận thức của mình.

 

Kinh văn: 阿難,極汝見源。從日月宮,是物非汝。至七金山,周遍諦觀。雖種種光,亦物非汝。漸漸更觀,雲騰鳥飛。風動塵起,樹木山川,草芥人畜,咸物非汝.

Phiên Âm: A-nan! cực nhữ kiến nguyên. Tùng nhật nguyệt cung, thị vật phi nhữ. Chí thất kim sơn, chu biến đế quán. Tuy chủng chủng quang, diệc vật phi nhữ. Tiệm tiệm cánh quán, vân đằng điểu phi. Phong động trần khởi, thụ mộc sơn xuyên. Thảo giới nhân súc, hàm vật phi nhữ.

Việt dịch: A-nan, cùng tột cội nguồn cái thấy của ông, từ cung nhật nguyệt, đều chính là vật chứ chẳng phải ông; cho đến cả bảy ngọn núi bằng vàng, xem xét cùng khắp, tuy phát ra vô số ánh sáng, cũng là vật chứ chẳng phải ông. Lần lần quan sát mây nổi chim bay, gió động bụi mù, rừng cây, núi sông, rau cỏ, người thú, đều là vật chứ chẳng phải ông.

Giảng: Giáo lý trong kinh Thủ Lăng Nghiêm rất vi diệu khó có thể diễn nói được, khó có thể hình dung ra được. Chỉ bằng cách tự lĩnh ngộ lấy mà thôi. Giống như cái gì? Không thể diễn tả được. Sao ông lại hỏi nó giống như cái gì? A-nan, cùng tột sức thấy của ông. Xem xét nó đến mức cùng tột, tận cùng tánh thấy của ông. Từ mặt trời mặt trăng, đều chính là vật chứ chẳng phải ông; cho đến cả Bảy ngọn núi bằng vàng. Bảy ngọn núi bằng vàng (Thất kim sơn). Bảy ngọn núi nầy bao quanh núi Tu-di. Bao quanh 4 phía núi Tu-di là bảy ngọn núi bằng vàng, mỗi ngọn lại được bao quanh bởi bảy biển lớn chứa bảy loại nước hương.

“Những ngọn núi nầy ở đâu?” – Quý vị hỏi: “Tôi sẽ đến lấy ít vàng về làm giàu.” Tôi sẽ không nói. Nếu nói, quý vị sẽ đến lấy vàng, rồi vàng ở núi đó sẽ cạn kiệt dần, làm sao còn được gọi là núi vàng nữa? Tu-di trong tiếng Phạn có nghĩa là Diệu cao – 妙 髙. Bao quanh 4 phía núi Tu-di là bảy lớp núi vàng. Bây giờ tôi sẽ nói cho quý vị nghe vài điều. Cho dù quý vị chưa thọ Năm giới, quý vị cũng không được ăn trộm vàng ở núi ấy. Vàng trong núi nầy là của tôi. Nếu quý vị ăn trộm vàng ở núi của tôi, tôi sẽ đọc thần chú và đầu của quý vị liền bị đau nhức khiến cho quý vị không thể nào lấy trộm được vàng. Đừng tìm cách bắt nạt vị sư nầy; ông ta có rất nhiều năng lực.

“Hãy nhìn mọi nơi thật kỹ. Hãy dùng thiên nhãn của mình để nhìn, hãy dùng Phật nhãn của mình để nhìn, hãy dùng huệ nhãn của mình để nhìn. Xem xét cùng khắp, tuy phát ra vô số ánh sáng, cũng là vật chứ chẳng phải ông. Trong tất cả những hiện tượng nầy, nói cho tôi biết, cái gì là của ông? Tìm nhanh. Lần lần quan sát mây nổi, bồng bềnh trôi qua lại trên bầu trời, chim bay qua đầu, gió động.” Tôi chẳng biết cách nào hơn để giảng giải những dòng nầy trong kinh văn. Tôi phải dừng lại và thưa hỏi Lục Tổ Đại Sư. Ở đây Kinh văn nói rất rõ là gió động , nhưng Lục Tổ Pháp Bảo Đàn kinh nói rằng: “Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động…” Rốt ráo cái gì động?

Lục Tổ Pháp Bảo Đàn kinh nói: “Tâm nhân giả động . ” Ở đây, dù vậy, cũng chưa rõ được tâm ai động. Tâm quý vị động hay tâm tôi động? Phải chăng tâm người nào khác động? Thế tâm ai động? Tôi phải làm sao để giải thích câu kinh nầy? Chẳng có cách nào để giải thích. Người ta không biết cái gì động. Lục Tổ Pháp Bảo Đàn kinh nói rằng chẳng phải gió động. Ở đây, kinh Thủ Lăng Nghiêm nói gió động. Quý vị cho chỗ nào đúng? Nếu quý vị nói tâm động, chẳng phải gió động, thế thì tâm ai động? Quý vị trả lời: “Con không biết.”

“Quý vị không biết, thế thì chẳng phải tâm quý vị động. Nếu tâm quý vị không động thì tâm ai động? Được rồi, tôi sẽ giải thích theo nghĩa của kinh văn nầy theo khía canh nôm na nhất. Chúng ta chỉ nói đơn giản là gió động. Tâm quan niệm không động, tâm tôi không động. Tâm người khác không động. Gió động và thổi khói đen cùng hơi nước. Sự chuyển động của gió biểu thị cho sự nổi nóng. Ngọc hòang nổi giận làm gió bão nhổ bật rễ cây và thổi tung nhà cửa.”

Bụi mù. Làm sao bụi dấy mù lên được? Bụi tự dấy lên được không? Không. Bụi dấy mù trời là do gió thổi. Ban đầu bụi nằm yên hiền lành trên mặt đất. Bụi rất an tường tự tại, nhưng gió đến đuổi đi: “thức dậy, thức dậy và đi ngay!” Thế nên bụi trở mình và tung bay mù mịt. “Thế bụi làm việc gì?”- Quý vị hỏi.

“Nó bám vào mọi thứ trên thế gian nầy, nó làm cho mọi thứ dơ bẩn. Đó là công việc của bụi. Bụi khiến cho mọi nơi đều dơ bẩn. Quý vị hiểu không?” Rừng cây, núi sông, rau cỏ, người thú. Vẫn còn nhiều vật khác: rau cỏ và nhiều loại vô sinh, cùng người và súc vật. Tất cả đều là vật chứ chẳng phải ông. Trong lần phân tích cuối cùng, có phải những hiện tượng nầy, có phải chúng chính là tánh thấy của ông? Trả lời ngay! Nói nhanh! Đoạn kinh nầy có phong thái gạn hỏi. “

Nay tôi hỏi quý vị, phải trả lời thật nhanh! Sao quý vị không chịu nói? Vì sao ý nầy được diễn đạt ở đây? Có phải đó chính thực là vật chứ không phải là quý vị?” Đây gọi là “đánh cho một hèo khiến bừng tỉnh” – thức tỉnh những người đang trong cơn mê muội. Anh ta bi đem ra thẩm vấn, như thể là trước quan tòa khi xử án. “Anh có ăn trộm không ? Nếu có, hãy tự thú nhanh. Nếu không, hãy tự biện minh.”

 

Kinh văn: 阿難,是諸近遠諸有物性。雖復差殊,同汝見精,清淨所矚。則諸物類自有差別,見性無殊。此精妙明,誠汝見性。

Phiên Âm: A-nan! Thị chư cận viễn, chư hữu vật tánh, tuy phục sai thù, đồng nhữ kiến tinh, thanh tịnh sở chúc. Tắc chư vật loại, tự hữu sai biệt, kiến tánh vô thù. Thử tinh diệu minh, thành nhữ kiến tánh.

Việt dịch: A-nan, tính chất của các vật xa gần tuy có sai khác, cũng đều là do tánh thấy thanh tịnh của ông nhìn thấy được. Vậy nên vật thể tự có sai biệt mà tánh thấy chẳng khác, cái tánh thấy nhiệm mầu sáng suốt nầy chính thật là tánh thấy của ông.

Giảng: Qua nhiều cách diễn đạt về giáo lý, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã hỏi A-nan: “Ông hãy tìm khắp trong các vật nầy, cái gì là tánh thấy của ông? Hãy tìm đi.” Bây giờ Đức Phật đưa ra sự phân biệt giữa tánh thấy và vật tượng, vì A-nan sợ rằng mình không thể tách bạch rõ ràng về chúng. A-nan cho rằng vật tượng và cái thấy lẫn lộn cùng nhau, và A-nan không biết rõ cái nào ra cái nào. Thế nên Đức Phật mở đầu phần gạn hỏi nầy để hiển bày tánh thấy, và phần kinh văn nầy chỉ thẳng về tánh thấy. “

A-nan, tánh chất của các vật xa gần tuy có sai khác.” Mọi vật đều có hình tượng và tánh chất của nó, nhưng đều khác biệt nhau. Gió là gió, bụi là bụi. Chim là chim, mây là mây. Cây là cây, núi là núi. Cỏ là cỏ, người là người, vật là vật. Trong tiếng Hán, chữ sai (差 – ch’a) lẽ ra nên phát âm là ch’ih. Đây là điểm rất quan trọng đối với giới học giả. Hầu như những người đến trường học vài ngày hay vài năm không hiểu được điều nầy. Để biết được sự khác nhau trong ý nghĩa của chữ nầy phải cần đến ít nhất 15 năm học hành. “Thế ngài đã học bao nhiêu năm?” Có người hỏi.

“Nói thật với quý vị, tôi chỉ cắp sách đến trường chỉ hai năm rưỡi. Tôi được học ít hơn quý vị nhiều.” “Thế tại sao ngài lại hiểu được?”

“Tôi cũng không rõ tại sao tôi lại hiểu. Ngay khi hội đủ mọi yếu tố, tôi liền được hiểu. Quý vị không nên hỏi tại sao. Đúng như thế không?” “Cũng đều là do tánh thấy thanh tịnh của ông nhìn thấy được.”

Tánh thấy của quý vị có thể nhìn thấy được những vật tượng nầy một cách rõ ràng, “ Vậy nên vật thể tự có sai biệt mà tánh thấy chẳng khác.” Vật tượng mà cái thấy của ông gặp phải vốn hòan toàn khác biệt nhau, nhưng cái gì phân biệt tự nằm bên trong tánh thấy? Khi quý vị thấy ông Trương Tam, đó là tánh thấy, khi quý vị thấy ông Lý Tứ, đó cũng là tánh thấy. Cái thấy như nhau, không có chút nào phân biệt. Con mèo, con người, bất luận quý vị thấy gì, đó là cái thấy. Cái thấy có thay đổi không? Cái thấy có phân biệt không?

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hỏi A-nan, “Ông có thấy chút phân biệt nào trong cái thấy không?” A-nan không có gì để nói. Không phải là A-nan bị câm, mà chỉ bị líu lưỡi. Nếu A-nan bị câm, ông ta vẫn có thể phát ra âm thanh ú ớ được, nhưng ngay cả A-nan cũng không làm như vậy vào lúc nầy. “Cái gì là thể tánh nhiệm mầu trong sáng nhất?” Đức Phật hỏi A-nan. “Đó là cái gì? Nói mau!” Nếu quý vị quan tâm về chuyện nầy, quý vị nhận ra rằng Đức Phật hỏi đi hỏi lại A-nan ngay điểm nầy nhiều lần, “Ông nói cái đó là gì?”

Nhưng A-nan vẫn không nói được một lời. Đức Phật là bậc đại từ đại bi nên khi Đức Phật thấy mình đã đẩy đệ tử đến nơi không thể nói được một lời thì ngài mới liền bảo: “Như Lai sẽ chỉ cho ông. Cái tánh thấy nhiệm mầu sáng suốt nầy chính thật là tánh thấy của ông. Ông có biết không? Ông có hiểu không?” Đó là phong cách giáo hóa của Đức Phật.

 

Kinh văn: 若見是物則汝亦可見吾之見。

Phiên Âm: Nhược kiến thị vật, tắc nhữ diệc khả, kiến ngô chi kiến.

Việt dịch: Nếu tánh thấy là vật thì ông cũng có thể thấy được tánh thấy của Như Lai.

Giảng: Đoạn kinh nầy diễn đạt cực kỳ hay. “Nếu tánh thấy là vật thì ông cũng có thể thấy được tánh thấy của Như Lai. A-nan, ông vừa nói rằng cái thấy và vật tượng xen tạp lẫn nhau, đến nỗi khó phân biệt rạch ròi được. Ông nói rằng tánh thấy là vật. Nếu thật như vậy, lẽ ra ông phải thấy được cái thấy của Như Lai như thế nào. Ông thấy được chăng? Như Lai không cho là ông phải thấy được những gì Như Lai thấy, nhưng ông có thể thấy được tánh thấy mà Như Lai đang thấy chăng? Nó giống như cái gì? Nó màu đen, màu trắng, màu đỏ, hay vàng? Nó màu gì?”

Đến đây A-nan líu lưỡi một lần nữa. “Nó dài, ngắn, hay vuông, hay tròn? Mọi vật nhất định đều có hình tướng, và nếu nhìn vật mà không phân biệt được vật nào với vật nào, như ông vừa nói, thì cái gì đang thấy được hình sắc? Hãy nhìn xem: núi có hình dáng của núi, cây có hình dáng của cây, sông có hình dáng của sông. Rốt ráo, tánh thấy của ông giống như cái gì? Ông đã thấy nó chưa?” Đức Phật hỏi A-nan.

 

Kinh văn: 若同見者,名為見吾。吾不見時,何不見吾不見之處。

Phiên Âm: Nhược đồng kiến giả, danh vi kiến ngô. Ngô bất kiến thời, hà bất kiến ngô, bất kiến chi xứ.

Việt dịch: Nếu khi cùng thấy sự vật, gọi là thấy cái thấy của Như Lai, vậy khi Như Lai không thấy, sao ông không thấy được chỗ không thấy của Như Lai?

Giảng: Kinh nầy thật là khó giảng giải. Vì phải nói lui nói tới để hiển bày đạo lý, quý vị có thể bị lúng túng khi chỉ cố gắng đọc kinh cứ không lưu tâm tìm cách giải thích ý kinh. “Kinh nói gì?”- Quý vị hỏi – “ Đại khái nội dung kinh là gì?” Tôi sẽ chỉ cho quý vị: “Nếu khi cùng thấy sự vật, gọi là thấy cái thấy của Như Lai, vậy khi Như Lai không thấy, sao ông không thấy được chỗ không thấy của Như Lai?”

Khi quý vị thấy vật tượng mà tôi không thấy, tại sao quý vị không thấy được cái không thấy của tôi? Lẽ ra quý vị cũng phải biết tôi không thấy được vật. Nhưng quý vị không biết. Quý vị không thể biết được cái thấy của tôi có thể thấy được vật hay không. Đây là cách diễn đạt đạo lý nầy: quý vị bảo rằng tánh thấy là vật, và khi quý vị và tôi cùng nhìn một vật, quý vị bảo rằng quý vị thấy được cái thấy của tôi.

Do vậy, khi tôi không thấy được vật, lẽ ra quý vị phải thấy được cái không thấy của tôi đã không thấy vật đó. Nhưng quý vị đã không thấy được cái không thấy vật tượng của tôi, do vậy quý vị cũng không thấy được cái thấy của tôi. Đây là một phép so sánh. Dường như điểm nầy rất khó hiểu, phải không? Nhưng nếu quý vị hiểu được rõ ràng đạo lý nầy, thì đoạn kinh văn trên rất dễ hiểu.

Nếu quý vị không hiểu được đạo lý nầy thì quý vị sẽ giải thích nó theo nhiều cách khác nhau và những gì quý vị nói đều làm mê lầm chúng sinh. Khi quý vị giải thích, họ sẽ hỏi: “Rốt ráo ý nghĩa đoạn kinh trên nói gì? Nói quá nhiều về ‘thấy’. Thấy cái thấy nào?”.Tôi thực sự thích Kinh Thủ Lăng Nghiêm vì sự giải thích trong đoạn kinh văn nầy rất vi diệu. Vi diệu hơn cả núi Diệu cao.

 

Kinh văn: 若見不見,自然非彼不見之相。若不見吾不見之地。自然非物,云何非汝。

Phiên Âm: Nhược kiến bất kiến, tự nhiên phi bỉ, bất kiến chi tướng. Nhược bất kiến ngô, bất kiến chi địa. Tự nhiên phi vật, vân hà phi nhữ.?

Việt dịch: Nếu ông thấy được cái không thấy, thì tự nhiên nó không phải là tướng của cái không thấy kia. Nếu ông không thấy được chỗ không thấy của Như Lai, thì cái thấy rõ ràng không phải là vật, sao chẳng phải ông?

Giảng: Đoạn kinh văn nầy rất dễ giải thích. Nếu quý vị đã hiểu đoạn trước thì quý vị sẽ dễ hiểu đoạn nầy ngay khi nghe đọc qua. Không cần phải nghe giải thích mà mọi người đều có thể hiểu, thế nên tôi chỉ thông qua. Tuy nhiên, sẽ có người nói: “Tôi chưa hiểu. Làm ơn giải thích lại.” Nên tôi sẽ giải thích. Lần nầy tôi không thông qua nữa.

“Nếu ông thấy được cái không thấy, thì tự nhiên nó không phải là tướng của cái không thấy kia. Tôi đã giảng tánh thấy không phải là vật, nhưng ông không tin như vậy. Tôi sẽ giải thích rõ hơn. Nếu tánh thấy không phân biệt của tôi nhìn thấy một vật được phân biệt, và nếu tánh thấy trở thành là vật phân biệt ấy, như ông nói, thì tánh thấy lẽ ra sẽ được nhìn thấy. Do vậy nên lẽ ra ông sẽ nhìn thấy tánh thấy của tôi, vì nếu tánh thấy là vật, thì lẽ ra nó sẽ có đặc tính để phân biệt được.

Tuy vậy, chẳng có gì đích xác khi tôi nhìn thấy vật. Đôi khi cái nhìn của tôi tiếp xúc với vật tượng, thế nên ông nói, cái thấy chính là vật ấy. Nhưng có khi tôi thu cái nhìn của mình lại và không thấy vật ấy nữa. Nếu ông vẫn cho rằng khi tôi nhìn thấy vật thể, cái thấy của tôi chính là vật thể, và nếu ông nói rằng khi ông nhìn vật ấy và cũng thấy được tánh thấy của tôi, thế thì khi tôi thu cái thấy lại, không còn nhìn thấy vật tượng nữa, tại sao ông cũng không thấy cái thể tính không thấy của tôi?

Tại sao ông không chỉ ra nó nằm ở đâu? Vì ông không thấy được cái không thấy của tôi, thế ông có thực sự thấy được cái thấy của tôi khi cả ông và tôi cùng nhìn vật thể? Tuy nhiên, ông vẫn khăng khăng cho rằng ông thấy được cái không thấy của tôi ở đâu khi tôi không nhìn thấy vật tượng. Thể tính cái không thấy của tôi vẫn là tánh thấy. Cái tôi không nhìn thấy được vẫn là vật thể. Khi tánh thấy của tôi đã tách rời khỏi vật thể, và ông vẫn tiếp tục thấy được tánh thấy của tôi như ông nói, thì lẽ ra nó đã rõ ràng không cần giải thích thêm là thể tánh cái không thấy của tôi chắc chắn là cái không thấy được.

“Nếu ông không thấy được chỗ không thấy của Như Lai, thì cái thấy rõ ràng không phải là vật. Nếu ông không thấy được thể tánh cái không thấy của tôi ở đâu, nếu ông không thấy được tướng cái không thấy của tôi, thì cái thấy không phải là vật. Ông đã hồ nghi, và ông cho rằng cái thấy và vật thể (được nhìn thấy) lẫn lộn với nhau và không thể phân biệt được rõ ràng; nhưng bây giờ ông đã hiểu chưa? Ông không thể thấy được đâu là cái không thấy của tôi, ông không biết được tôi có thấy hay không. Tại sao? Vì tánh thấy của tôi không có sắc tướng.

Nó chẳng xanh vàng đỏ trắng; chẳng dài ngắn vuông tròn; nó chẳng là gì cả, thế nên ông không nhìn thấy nó được. Nếu ông không nhìn thấy nó được, chắc chắn nó chẳng phải là vật.” Khi người Trung Hoa mắng ai, họ thường nói: “Mầy chẳng là cái tích sự gì cả.” Nhưng thực là tốt khi chẳng phải là gì cả. Tánh thấy của quý vị chẳng là cái gì cả. Thế nên khi có người mắng nhau mà nói : “Mầy chẳng là cái tích sự gì cả.” thì có một ý nghĩa thực là rất vi diệu trong đó.

Hầu hết mọi người chỉ cho đó là lời sỉ nhục và không tìm thấy nghĩa lý gì cả. Sao vậy? Vì họ không hiểu được Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Nếu họ hiểu được, họ sẽ nhận ra rằng “chẳng là cái tích sự gì cả” chính là tánh thấy của chúng ta.

“Nếu ông không thấy được tánh thấy của tôi, thế thì rõ ràng nó không phải là vật.” Đoạn kinh văn nầy cũng giống như đoạn trước: “Cái gì có thể trả lại thì không phải là ông, nhưng cái gì là của ông thì không thể trả lại cho nơi khác được, vì nó không phải của ông thì của ai?” Đoạn kinh văn nầy có cùng đạo lý như trên. Cái mà quý vị nhìn thấy được thì hiển nhiên là vật, còn cái mà không nhìn thấy được thì hiển nhiên chẳng phải là vật.

Quý vị không thể xếp cái thấy mà quý vị không thể nhìn thấy được cùng chung một loại với vật thể. Tánh thấy và vật thể không thể trộn lẫn cùng với nhau. Quý vị cho rằng: “Nếu cái thấy không thể được xếp vào cùng chung một loại với vật thể, thế thì tánh thấy là cái gì? Nó cùng loại với cái gì?” Quý vị hãy thử tìm xem. Đoán thử nó như thế nào. Những người tu Thiền thường khán thoại đầu, là một đề mục để quán chiếu, và vấn đề tôi đưa ra ở đây cũng là một thoại đầu để cho quý vị tham cứu. Quý vị biết rằng tánh thấy không phải là vật. Vậy thì quý vị biết nó là cái gì không? Công án: “Ai đang niệm Phật ?” đơn giản là để tham cứu vấn đề nầy.

Nếu quý vị nhận ra được tánh thấy là gì ngay lúc nầy– nếu quý vị nói được: “Ồ! Cơ bản là tánh thấy vốn chẳng đến chẳng đi, chẳng sinh chẳng diệt. Nó vốn siêu việt mọi chướng ngại.”– nếu quý vị hiểu được đạo lý nầy, có nghĩa là quý vị đã nhận ra được tánh thấy Trong đoạn văn trước, Đức Phật có hỏi A-nan: “Nó chẳng phải của ông thì của ai?”

Đoạn kinh văn nầy Đức Phật lại hỏi: “Sao chẳng phải ông? Tại sao ông nói tánh thấy đó không phải là của ông? Sao ông lại nói nó bị xen tạp trong vật tượng? Sao ông lại cho rằng ở đó không có sự phân biệt rõ ràng? Nay ông đã hiểu được chưa? Ông phải nhận ra ngay bây giờ. Như Lai đã giảng giải cho ông rất nhiều đạo lý, nếu ông không hiểu, ông thực sự là một con trùng mê muội.”

 

Kinh văn: 又則汝今見物之時。汝既見物物亦見汝。體性紛雜則汝與我。并諸世間不成安立.

Phiên Âm: Hựu tắc nhữ kim, kiến vật chi thời. Nhữ ký kiến vật, vật diệc kiến nhữ. Thể tánh phân tạp, tắc nhữ dữ ngã. Tinh chư thế gian, bất thành an lập.

Việt dịch: Lại như cái thấy là vật, thì khi ông nhìn thấy vật, ông đã thấy vật thì vật cũng thấy được ông. Thế là thể tánh xen tạp, nên ông với Như Lai cùng cả thế gian đều không an lập được.

Giảng: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói: “Vì ông không thể thấy được tánh thấy của tôi, vì tánh thấy không có sắc tướng riêng biệt để thấy được, rốt ráo có cái thấy không? Tánh thấy vẫn có đó, nhưng dù nó có hiện hữu, nó vốn không có hình trạng và không có thể tánh, cũng không có nơi chốn để trả về. Thế nên ông hãy nói cho Như Lai biết, vì sao ông không nhận ra tánh thấy ấy là của ông?

Nếu ông vẫn khăng khăng không nhận, nếu ông vẫn còn chấp trước, thì ông nên biết rằng: Lại như cái thấy là vật, thì khi ông nhìn thấy vật, ông đã thấy vật thì vật cũng thấy được ông. Nếu ông vẫn khăng khăng cho rằng tánh thấy của ông dứt khóat là vật, thì lẽ ra vật cũng thấy được tánh thấy của ông. Rốt ráo, ông nói rằng tánh thấy chỉ là vật, một vật có thể thấy được vật khác. Trong trường hợp đó, vật kia cũng sẽ thấy được, và các vật ấy lẽ ra sẽ thấy được tánh thấy của ông.

Thế là thể tánh xen tạp – ông nhìn thấy vật và vật nhìn thấy ông; rốt cuộc ai nhìn thấy ai? Nói nhanh! Cái nào thấy cái nào? Có lẽ A-nan sẽ trả lời: “Cũng như hai người thấy nhau. Con thấy người ấy, và người ấy thấy con.” Nhưng khi người nầy nhìn thấy người kia, là có sự nhận biết lẫn nhau; như khi tôi nhìn thấy quý vị, quý vị biết được điều ấy; và khi quý vị nhìn tôi, tôi cũng biết được điều ấy. Nhưng khi vật thể nhìn quý vị, liệu vật thể có biết chăng?

Khi tánh thấy của quý vị mà quý vị đã cho nó là vật, khi nhìn thấy vật tượng, thì liệu vật tượng có nhận biết về cái nhìn ấy chăng? Đây đúng là thể tánh lẫn lộn. Đều ở trong tình trạng xen tạp. Vật thấy được quý vị và quý vị thấy vật, và vật thấy được các thứ khác. Điều nầy gây nên nhiều sự nhầm lẫn. Đem gộp mọi thứ vào cùng một loại. Thế nên ông cùng Như Lai và cả thế gian đều không an lập được. “Thế gian” có nghĩa là thế giới hữu tình và thế giới vô tình (khí thế gian)– đó là, người và các vật tượng như núi sông, đất đai, nhà cửa.

Mọi loài chúng sinh bao gồm cả loài người, được gọi là chính báo. Núi sông, đất đai, nhà cửa… được gọi là y báo. Gọi là chính báo vì sinh mệnh mà chúng sinh có được bây giờ chính là quả báo do họ đã tạo ra trong vô số đời trước. Tóm lại, nếu tánh thấy của quý vị là vật, thì chẳng có gì để nói nữa cả, và mọi việc sẽ ở trong tình trạng hỗn loạn. Sẽ không có thế gian; mọi hiện tượng trong thế gian sẽ không tạo thành một thế giới. Ý nghĩa đoạn kinh văn nầy là như vậy.

 

Kinh văn: 阿難,若汝見時,是汝非我。見性周遍,非汝而誰。

Phiên Âm: A-nan! Nhược nhữ kiến thời, thị nhữ phi ngã. Kiến tánh chu biến, phi nhữ nhi thùy ?

Việt dịch: A-nan, như khi ông thấy, thì chính ông chứ chẳng phải Như Lai, tánh thấy trùm khắp đó chẳng phải ông thì ai?

Giảng: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni một lần nữa lại gọi đệ tử: “A-nan, bây giờ ông đã hiểu chưa? Như Lai đã giải thích cho ông rất nhiều giáo lý mà nay ông vẫn còn mê muội. Ông chưa được thông đạt. Như khi ông thấy, thì chính ông chứ chẳng phải Như Lai – cái thấy mà ông có thể thấy được là tánh thấy của ông, chứ chẳng phải của Như Lai – tánh thấy trùm khắp đó chẳng phải ông thì ai? Ông có tánh thấy, Như Lai có tánh thấy, và mọi người đều có tánh thấy. Tánh thấy bao trùm khắp tất cả, và thực chất tánh thấy nơi chúng sinh và tánh thấy của chư Phật là giống nhau.”

Nên nói: “Nơi thánh không tăng, nơi phàm không giảm”. Đến địa vị bậc thánh, tánh thấy ấy không tăng thêm một mảy may. Ở địa vị phàm phu, tánh thấy ấy chẳng giảm bớt một chút ít nào. “Ông có tánh thấy của ông, Như Lai có tánh thấy của Như Lai, mọi người đều có tánh thấy của họ, và thực chất tánh thấy ấy là đồng như nhau; đó chính là điều quan trọng mà mọi người đang vận dụng, nó không bao giờ thiếu sót. Điều kỳ diệu là nằm ở điểm nầy.

Vì mọi người đều có tánh thấy của mình– vì tánh thấy bao trùm khắp tất cả – thế thì ông định cho ai tánh thấy nầy nếu ông không muốn nhận nó? Nếu ông không dám nhận tánh thấy của mình, thế thì tánh thấy ấy là của ai? Nếu tánh thấy ấy không phải là của ông, hãy nói cho Như Lai biết ngay nó là của ai?” Đến đây A-nan lại lúng túng không trả lời được. A-nan bị líu lưỡi một lần nữa.

 

Kinh văn: 云何自疑汝之真性。性汝不真,取我求實.

Phiên Âm: Vân hà tự nghi, nhữ chi chân tánh. Tánh nhữ bất chân, thủ ngã cầu thật.

Việt dịch: Sao ông tự nghi chân tánh của mình là chẳng chân mà bám vào Như Lai cầu cái chân thật?

Giảng: “Sao ông tự nghi chân tánh của mình là chẳng chân mà bám vào Như Lai cầu cái chân thật? Tại sao ông nghi ngờ những gì của mình? Ông nghi ngờ tánh thấy của ông, nhưng tánh thấy của ông là chân thực, không một chút hư vọng nào cả. Nhưng ông cứ nghĩ rằng tánh thấy ấy không chân thực, nên ông quay sang cầu mong Như Lai chứng minh cho tánh thấy ấy là của ông. Với suy nghĩ như vậy, ông càng chạy càng xa mục tiêu.

Ông đang quay lưng với đạo, lạc mất lối về. Ông thật đáng thương xót.” Đến lúc nầy Đức Phật chẳng còn cách nào để giúp A-nan được nữa. Cũng giống như khi đệ tử không vâng lời tôi nữa; tôi cũng chẳng có cách nào giúp họ. Đức Phật đã giải thích rất nhiều đạo lý, nhưng A-nan không chịu nghe. Đức Phật càng giảng giải cho ông, ông càng không hiểu. Không còn cách nào giúp A-nan nữa, Đức Phật trông chờ vào lời đáp của A-nan.

 

Kinh văn: 阿難白佛言,世尊。若此見性必我非餘。我與如來觀四天王勝藏寶殿,居日月宮。此見周圓遍娑婆國。退歸精舍,見伽藍。清心戶堂但瞻簷廡。

Phiên Âm: A-nan bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Nhược thử kiến tánh, tất ngã phi dư. Ngã dữ Như Lai, quán Tứ Thiên Vương, thắng tạng bảo điện, cư nhật nguyệt cung. Thử kiến châu viên, biến Ta-bà quốc. Thoái quy Tịnh Xá, chỉ kiến già lam. Thanh tâm hộ đường, đãn chiêm diêm vũ.

Việt dịch: A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn, nếu tánh thấy nầy nhất định là con chứ chẳng phải là gì khác, thế khi con và Như Lai xem lầu các bảo điện thù thắng của Tứ thiên vương trong cung nhật nguyệt, cái thấy nầy bao trùm cả cõi Ta-bà. Quay về tinh xá chỉ thấy vườn chùa, nơi giảng đường thanh tịnh thì chỉ thấy hành lang.”

Giảng: A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn, nếu tánh thấy nầy nhất định là con chứ chẳng phải là gì khác– Như Lai chắc chắn bảo rằng tánh thấy có thể thấy được vật nầy hiển nhiên là của con và của mọi người; mà chẳng phải là cái gì khác. Thế khi con và Như Lai xem kho tàng bảo điện thù thắng của Tứ thiên vương – Như Lai đã dùng thần thông đề giúp cho con thấy được cung điện của Tứ thiên vương. “Thù thắng” có nghĩa là rất tốt đẹp và vi diệu, “lầu các” có nghĩa là những châu ngọc đặc biệt quý báu được dùng để làm cung điện. “Trong cung nhật nguyệt, chúng ta cũng đang cùng đi tới cung nhật nguyệt. Cái thấy nầy bao trùm cả cõi Ta-bà.”

Bây giờ tánh thấy nầy có thể nhìn thấy được rất xa và rộng; có thể thấy được mọi thứ ở khắp nơi. Điều nầy chứng tỏ rằng tánh thấy hòan toàn bao trùm khắp. Đến đây có người sẽ bảo rằng cụm từ “cõi ta-bà” và “cõi Diêm-phù-đề” như vừa nói ở trước nên được thay đổi, nhưng thực ra nó có cùng ý nghĩa như nhau, không cần phải thay đổi. Điều ấy không quan trọng. Vấn đề chính là quý vị phải hiểu được lý trong đoạn kinh văn nầy.

Có người cho rằng “cõi ta-bà” là chỉ cho thế giới chúng ta đang sống, còn “cõi Diêm-phù-đề” là bao gồm rất nhiều thế giới. Nhưng có thể xem “cõi ta-bà” với ý nghĩa là có nhiều thế giới cũng được. Theo ý nghĩa tôi đang giảng kinh nầy, thì 2 thuật ngữ trên là không có gì thay đổi. “Quay về tinh xá chỉ thấy vườn chùa, nơi thiền đường thanh tịnh thì chỉ thấy hành lang.”

Chữ già-lam trong Kinh văn là chỉ cho Tinh xá Trúc Lâm. Già-lam dịch sang tiếng Hán có nghĩa là chúng viên – vườn chùa, là nơi có các vị Hộ pháp như Kuan Ti Kung (Quan Công) với bộ râu dài và gương mặt đỏ. A-nan nói rằng : “Con thấy có rất nhiều vị Bồ-tát Hộ pháp Già-lam đang ở quanh đây.” Trong cụm từ thiền đường thanh tịnh – thanh tâm hộ đường, chữ tâm (心) không có nghĩa là con tim mà có nghĩa là trung tâm của khu già-lam.

A-nan nói: “Khi con vào bên trong, con chỉ thấy hành lang, hiên nhà trước mặt con chứ không có gì nữa cả. Còn khi nhìn lên trời, con thấy rất nhiều, bây giờ trong phòng nầy, con thấy ít hơn!” Rốt cục, cái thấy của con co rút vào đâu? Tại sao không thấy được bên ngoài?” A-nan vẫn còn lý lẽ để thắc mắc. A-nan vẫn còn muốn tranh luận với Đức Phật và muốn Đức Phật phải quan tâm đến lý lẽ của mình. Những lý lẽ A-nan sẽ trình bày tiếp sau đây rất là kỳ đặc.

 

Kinh văn: 世尊,此見如是。其體本來周遍一界。今在室中,唯滿一室.為復此見縮大為小。為當牆宇夾令斷我今不知斯義所在願垂弘慈為我敷演.

Phiên Âm: Thế Tôn! Thử kiến như thị. Kỳ thể bản lai, chu biến nhất giới. Kim tại thất trung, duy mãn nhất thất. Vi phục thử kiến, súc đại vi tiểu. Vi đương tường vũ, giáp lệnh đoạn tuyệt. Ngã kim bất tri, tư nghĩa sở tại. Nguyện thùy hoằng từ, vi ngã phu diễn.

Việt dịch: Bạch Thế tôn, cái thấy nầy như vậy, bản thể của nó trùm khắp cả pháp giới. Nay tại trong phòng thì chỉ khắp một phòng. Vậy cái thấy nầy rút lớn thành nhỏ, hay bị tường vách xen vào giữa làm cho đứt đoạn? Nay con chẳng biết nghĩa ấy như thế nào? Kính mong Như Lai từ bi dạy rõ.

Giảng: Dạy một đệ tử như A-nan thì thật là mệt nhọc, thật quá nhức đầu. Anh ta hỏi xa rồi hỏi gần, hỏi lớn rồi nhỏ, hỏi vuông rồi lại hỏi tròn. A-nan hỏi tánh thấy tại sao có thể thấy được nhiều thứ mà lại nhỏ như vậy? Phải chăng tường vách ép lại hay cắt đứt đoạn tánh thấy ấy đi? “Bạch Thế tôn, cái thấy nầy như vậy. Khi con ở cõi trời Tứ thiên vương, con thấy được rất nhiều và nay con ở trong phòng, con lại thấy rất ít. Bản thể của nó trùm khắp cả pháp giới.

Thể tính của tánh thấy nầy vốn trùm khắp cả hư không pháp giới. Nay tại trong phòng thì (tánh thấy) chỉ khắp một phòng. Bây giờ cái thấy chỉ còn lại trong pham vi căn phòng nầy. Vậy cái thấy nầy rút lớn thành nhỏ chăng? Phải chăng cái thấy đã lớn nay bị co rút lại nên hóa thành nhỏ? Từ bao la như pháp giới nay rút nhỏ lại bằng kích thước trong một căn phòng. Rốt ráo, tánh thấy ấy đã bị rút nhỏ lại như thế nào? Con không hiểu được đạo lý nầy. Trái banh thì lớn khi nó chứa đầy không khí, nhưng khi xả không khí ra thì nó trở thành nhỏ. Không khí biến mất, hành dáng trái banh cũng không còn. Phải chăng tánh thấy cũng như trái banh?

A-nan vẫn lẫn lộn tánh thấy với vật thể. A-nan vẫn nghĩ rằng: “À! Tánh thấy là một vật. Con vừa nghĩ ra một cách dùng thí dụ để tranh luận với Thế tôn và đã thắng. Con sẽ nghĩ ra cách để vô hiệu hóa lý lẽ của Thế tôn. Con sẽ tìm ra cách chứng minh cho lập luận của con đưa ra là đúng, và Thế tôn sẽ chứng minh cho con.” Đó là những gì đang diễn biến trong đầu A-nan. “Thế tôn bảo rằng mọi điều con nói đều sai. Con dứt khóat sẽ tìm ra cách chứng tỏ đó là đúng và Thế tôn phải công nhận.” Người ta cho rằng ngã chấp của A-nan bấy giờ quá kiên cố. “Sao Thế tôn bảo rằng mọi điều con nói đều sai?”

Thế nên A-nan bảo rằng tánh thấy bị co rút nhỏ lại, “hay bị tường vách xen vào giữa làm cho đứt đoạn? Khi con từ ngoài đi vào trong nhà, thì tường vách ép lại và cắt đứt đoạn tánh thấy của con. Nếu không thì tại sao tánh thấy bị nhỏ lại khi nó vốn rộng lớn trùm khắp bao la như thế?” Nhân đây tôi xin kể một câu chuyện. Thuở xưa, ở Trung Hoa có một gia đình rất giàu có, thấy cậu con trai lớn của mình rất tối dạ, nên mời một vị thầy rất giỏi đến nhà dạy cho con mình học.

Phú ông thấy con mình quá chậm lụt sẽ sợ khổ nhọc khi học chữ, nên ông nói với thầy giáo: “Đừng nghiêm khắc quá, nếu thầy dạy được cho nó dù chỉ một ngày một chữ thôi, tôi xin tạ ơn thầy rất hậu hỹ. Thực vậy, thầy chỉ cần dạy cho nó biết được một chữ cũng là đủ lắm rồi.”

“Việc ấy quả dễ!” Vị thầy trả lời. Rồi ông ta bắt đầu dạy. Cậu học trò thật là quá ngu. Thầy dạy cho cậu ta chữ nhất (一 ), trong tiếng Hán đó là một nét ngang. Thầy viết ra giấy nhiều lần và bảo: “Này, nhìn đây! Đây là chữ nhất. Đọc là yi. Hãy nhớ nằm lòng.” Ông thầy dạy như thế suốt mấy ngày và cuối cùng cậu học trò không quên. Cậu nhớ được chữ nhất.

Một hôm phú ông mời vị thầy đến nhà mình dùng cơm. Sau khi ăn xong, họ cùng đi dạo ngắm hoa trong vườn. Vị thầy rất tự hào nói với phú ông: “Ông bảo con trai ông rất ngu đần nhưng tôi thấy nó rất thông minh, tôi đã dạy cho nó biết được chữ.” Phú ông vui mừng hỏi: “Nó biết được chữ rồi sao? Hãy hỏi thử nó xem sao?”

Vị thầy bèn dùng chân mình viết một chữ nhất thật lớn trên mặt đất. Rồi hỏi cậu học trò mình: “Đó là chữ gì?” Cậu học trò ngẩng đầu lên nhìn săm soi hết bên nầy đến bên kia rồi nói: “Con chẳng biết.”

Vị thầy bảo: “Tôi đã dạy cậu chữ nầy mấy ngày nay rồi không nhớ sao! Đó là chữ nhất, có nhớ không?” Quý vị có đoán được cậu học trò trả lời như thế nào không?: “Chữ nhất mà thầy dạy cho con đâu có lớn như thế!” A-nan cũng như cậu học trò ấy. A-nan nói: “Khi con ở bên ngoài, con thấy được rất nhiều; tại sao khi ở trong phòng lại thấy được ít như vậy?

Lạ thật! Có phải tường vách đã ép lại và cắt đoạn tánh thấy đi chăng?” Nay con chẳng biết nghĩa ấy như thế nào? Nay con không hiểu được. Càng nghe giải thích con càng thấy mờ mịt. Chuyện ấy như thế nào? Rốt ráo, làm sao mà tánh thấy lớn rồi nhỏ? Con không hề rút nó lại; sao nó trở thành nhỏ. Nếu có thể rút nhỏ nó lại được, thì ít nhất cũng có người đã rút nó rồi. Hay có lẽ là do tường vách chắn đứt đoạn tánh thấy ấy đi! Con không hiểu được điều nầy. Đơn giản đó là gì? Kính mong Như Lai từ bi dạy rõ.

Bạch Thế tôn! Cúi mong Ngài rủ lòng đại từ bi thương xót giải từ mối nghi nầy cho chúng con và từng lúc giảng bày rõ ràng giáo lý thâm diệu.” A-nan mê muội hơn tôi nhiều. Bây giờ tôi đã thông hiểu được giáo lý nầy, nhưng lúc ấy, A-nan chưa rõ được điều ấy.

 

Kinh văn: 佛告阿難一切世間大小內外。諸所事業各屬前塵。不應說言見有舒縮.

Phiên Âm: Phật cáo A-nan: nhất thiết thế gian, đại tiểu nội ngoại. Chư sở sự nghiệp, các chúc tiền trần. Bất ưng thuyết ngôn, kiến hữu thư súc.

Việt dịch: Đức Phật bảo A-nan: “Tất cả các thứ trong ngoài, lớn nhỏ trên thế gian đều thuộc về tiền trần. Chẳng nên cho rằng cái thấy có co giãn.”

Giảng: A-nan chỉ nói rằng tánh thấy của A-nan bỗng dưng lớn ra rồi bỗng dưng nhỏ lại. Tánh thấy ấy co rút lại rồi giãn lớn ra chăng? Có thể như vậy không? Đức Phật bảo A-nan: “Tất cả các thứ trong ngoài, lớn nhỏ trên thế gian. Bao gồm chúng hữu tình và khí thế gian, đều thuộc về tiền trần. Chúng có thể lớn, có thể nhỏ, có thể ở trong, có thể ở ngoài: “Tất cả các thứ ” có nghĩa là những đặc tính nầy và các hiện tượng khác, tất cả đều là tướng trạng của tiền trần. Chẳng nên cho rằng tánh thấy có co giãn.”

 

Kinh văn: 譬如方器中見方空。吾復問汝此方器中所見方空。為復定方為不定方.

Phiên Âm: Thí như phương khí, trung kiến phương không. Ngô phục vấn nhữ, thử phương khí trung, sở kiến phương không. Vi phục định phương, vi bất định phương.

Việt dịch: Thí như trong vật hình vuông, ta thấy hư không trong ấy có hình vuông. Nay Như Lai lại hỏi ông, hư không hình vuông được nhìn thấy trong vật vuông ấy là vuông cố định hay vuông không cố định?

Giảng: “ Tại sao Như Lai bảo ông không nên cho rằng tánh thấy có co giãn? Thí như trong vật hình vuông. Như Lai sẽ đưa ra ví dụ. Có một đồ vật hình vuông, một cái hộp chẳng hạn, ta thấy hư không trong ấy có hình vuông. Vì cái hộp có hình vuông, nên hư không trong ấy có hình vuông. Nay Như Lai lại hỏi ông: Nay Như Lai lại hỏi ông câu khác: hư không hình vuông được nhìn thấy trong vật vuông ấy, khối vuông hư không bên trong cái hộp, là hình vuông cố định hay hình vuông không cố định?

Có phải hình dáng của hư không trở nên bị vuông trong cái hộp chứa nó hay chăng? Nếu đúng như thế, thì khi vật chứa bị thay đổi, thì hình dáng khối vuông hư không sẽ không còn ăn khớp với khoảng không hiện thời của vật thể khác.” Thế nên Đức Phật hỏi: “Hư không có hình dáng vuông là cố định hay không cố định? Nếu nó không vuông, thì nó rộng lớn trùm khắp, hòan toàn giống như tánh thấy của ông. Sao ông còn nghi ngờ nó trở nên lớn hoặc nhỏ, co hoặc giãn?”

 

Kinh văn: 若定方者,別安圓器,空應不圓。若不定者,在方器中,應無方空.

Phiên Âm: Nhược định phương giả, biệt an viên khí, không ưng bất viên. Nhược bất định giả, tại phương khí trung, ưng vô phương không.

Việt dịch: Nếu cố định vuông, thì khi ở trong vật tròn, hư không lẽ ra chẳng tròn. Nếu không cố định vuông, thì khi ở trong vật vuông, lẽ ra hư không chẳng phải vuông.

Giảng: “Nếu cố định vuông, thì khi ở trong vật tròn, hư không lẽ ra chẳng tròn. Nếu ông cho rằng hư không có hình dáng nhất định vuông, thế khi nó được chứa trong vật hình tròn, thì hư không lẽ ra chẳng trở nên có hình dáng tròn, mà nó vẫn giữ hình dáng vuông. Nếu không cố định vuông, nếu ông bảo rằng khoảng trống mà hư không chóan chỗ ấy không cố định, thì khi ở trong vật vuông, lẽ ra hư không chẳng phải vuông.

Nếu ông bảo rằng không có hình dạng vuông cố định, thì tại sao hư không lại có hình dạng vuông khi nằm trong vật vuông? Đạo lý ở điểm nầy là sao?”- Đức Phật hỏi A-nan- “Rốt ráo, ông nói hư không vuông hay tròn? Hư không dụ cho tánh thấy. Ông nói tánh thấy có co giãn, có nghĩa là trở thành lớn hoặc nhỏ. Như thế, ông có cho rằng hư không trở nên vuông hay tròn được chăng?” Quý vị có nhận ra rằng tại sao câu hỏi Đức Phật đưa ra càng lúc càng khó giải đáp không? A-nan càng hỏi, càng trở nên mờ mịt.

 

Kinh văn: 汝言不知斯義所在。義性如是,云何為在。

Phiên Âm: Nhữ ngôn bất tri, tư nghĩa sở tại. Nghĩa tánh như thị, vân hà vi tại.  

Việt dịch: Ông nói chẳng biết nghĩa nầy thế nào. Nghĩa tánh là như vậy. Sao còn hỏi như thế nào nữa?

Giảng: Ông nói chẳng biết nghĩa nầy thế nào. A-nan, ông nói ông không hiểu được nghĩa lý nầy và không biết nghĩa lý ấy nằm ở đâu. Rốt ráo, tánh thấy, nghĩa tánh là như vậy. Nếu ông cho rằng tánh thấy và hư không là đồng như nhau, thế thì ông hãy nói là hư không tròn hay vuông? Trên đã giải thích rằng nếu ông cho hư không vuông, thì khi nó ở trong vật tròn thì lẽ ra nó phải trở nên tròn; nếu ông cho hư không tròn, thì khi nó ở trong vật vuông thì lẽ ra nó phải trở nên vuông.

Trong lần phân tích sau cùng, ông có nói được hư không tròn hay vuông chăng? Thể tính nghĩa lý của hư không cũng giống như vậy. Thể tính của tính thấy mà ông đề cập đến cũng giống như nghĩa lý về thể tính của hư không. Vậy nên ông cho rằng tánh thấy co rút lại từ lớn thành nhỏ hoặc là bi tường vách ép lại và bị cắt rời từng đoạn? Nghĩa lý nầy đã được giải thích rất rõ ràng.

Sao còn hỏi như thế nào nữa? Nay ông đã nhận rõ đạo lý về hư không; vậy sao ông còn hỏi tánh thấy chỗ nào làm gì nữa? Tánh thấy bao trùm khắp mọi nơi. Sao ông còn giả định cho tánh thấy một nơi chỗ rồi hỏi Như Lai tánh thấy ở chỗ nào nữa?”

 

Kinh văn: 阿難,若復欲令入無方圓。但除器方,空體無方。不應說言更除虛空方相所在.

Phiên Âm: A-nan! Nhược phục dục lệnh, nhập vô phương viên. Đãn trừ khí phương, không thể vô phương. Bất ưng thuyết ngôn, cánh trừ hư không, phương tướng sở tại.

Việt dịch: A-nan, nếu muốn nhận ra tính chẳng vuông tròn, thì chỉ cần trừ bỏ cái vuông của đồ vật, thể hư không vốn chẳng vuông; không nên nói phải bỏ đi tướng vuông của hư không.

Giảng: “Tại sao? A-nan, nếu muốn nhận ra tính chẳng vuông tròn– ông muốn hư không trong đồ vật chẳng có hình dạng vuông hay tròn và không cần phải thích ứng với khối vuông hay tròn của đồ vật. Thì chỉ cần trừ bỏ cái vuông của đồ vật, vì thể hư không vốn chẳng vuông. Thể tánh của hư không vốn chẳng vuông hay tròn. Nó có thể là vuông hay tròn.

Vậy ông không nên nói phải bỏ đi tướng vuông của hư không. Đem hư không từ tướng vuông tạm thời mà nó có được khi thích ứng với hình dáng đồ vật chứa nó. Đơn giản là chỉ cần thay đổi vật chứa. Ông chẳng cần phải làm điều gì hết đối với chính hư không; ông chẳng cần phải cố gắng làm thay đổi hình dáng hư không, vì hư không vốn không có hình dáng. Nó thích ứng với đồ vật chứa nó, hư không bên trong chẳng bị cắt rời với hư không bên ngoài. Nó vẫn dung thông với nhau.

A-nan, ông nghĩ rằng vật chứa là chướng ngại như cách ông nghĩ về tường vách đã ngăn che và cắt đứt tánh thấy của ông. Nhưng thực ra hư không chẳng trở thành vuông hay tròn do vật chứa, và tánh thấy của ông cũng chẳng trở nên lớn hay nhỏ do tường vách. Chẳng còn đạo lý nào khác hơn như vậy nữa. Sao ông còn muốn nêu ra nữa? Ông không nên nói như vây!” Đây là lời Đức Phật quở trách A-nan.

 

Kinh văn: 若如汝問,入室之時。縮見令小,仰觀日時。汝豈挽見齊於日面。若築牆宇能夾見斷。穿為小竇寧無竇跡。是義不然。

Phiên Âm: Nhược như nhữ vấn, nhập thất chi thời. Súc kiến lệnh tiểu, ngưỡng quán nhật thời. Nhữ khởi vãn kiến, tề ư nhật diện. Nhược trúc tường vũ, năng giáp kiến đoạn. Xuyên vi tiểu đậu, ninh vô đậu tích? Thị nghĩa bất nhiên.

Việt dịch: “Nếu như ông hỏi, khi vào trong nhà, tánh thấy đã rút nhỏ lại, vậy khi ông ngước xem mặt trời, phải chăng tánh thấy đã giãn ra để tiếp xúc với mặt trời? Nếu bị tường vách ngăn ép khiến cho tánh thấy phải đứt đoạn, thì khi xoi một lỗ nhỏ sao không thấy dấu nối? Nghĩa ông nói chẳng đúng.”

Giảng: “ Nếu như ông hỏi, khi vào trong nhà, tánh thấy đã rút nhỏ lại – ý của ông cho rằng tánh thấy của ông là cái gì đó có thể trải ra, có thể gấp lại và cũng có thể vứt bỏ đi–vậy khi ông ngước xem mặt trời, phải chăng tánh thấy đã giãn ra để tiếp xúc với mặt trời? Thực vậy, tất cả những gì ông cần nhìn thấy mặt trời là ngẩng mặt lên và nhìn.

Nhưng, nếu như ông vừa nói, tánh thấy của ông co rút lại khi ông vào trong nhà, vì lẽ ấy, liệu ông có thể cầm tánh thấy trong tay rồi kéo giãn nó ra như cách khi ông nhìn mặt trời được chăng? Nếu bị tường vách ngăn ép khiến cho tánh thấy phải đứt đoạn, thì theo ý ông, khi ông làm nhà, tường vách có thể ép lại và cắt đứt đoạn tánh thấy của ông. Nếu tánh thấy của ông có thể được cắt rời ra, thì lẽ ra nó cũng sẽ được nối liền lại khi ông khoét một lỗ nhỏ trên tường để nhìn xuyên qua, thì khi xoi một lỗ nhỏ sao không thấy dấu nối?

Chẳng hạn, nếu áo bị rách, sau khi vá xong sẽ còn thấy vết mạng trên đó. Cũng vậy, nếu tánh thấy của ông tự nó bị cắt đứt bởi tường nhà rồi lại được nối liền lại, sao chẳng thấy chút dấu vết nào? Lẽ ra chắc chắn phải có vết tích còn lại. Do vậy, nghĩa ông nói chẳng đúng. Lý lẽ mà ông giả định là hòan toàn sai lầm.”

 

Kinh văn: 一切眾生從無始來,迷己為物。失於本心,為物所轉。故於是中觀大觀小.

Phiên Âm: Nhất thiết chúng sanh, tùng vô thỉ lai, mê kỷ vi vật. Thất ư bản tâm, vi vật sở chuyển. Cố ư thị trung, quán đại quán tiểu.

Việt dịch: Tất cả chúng sinh từ vô thuỷ đến nay, mê mình là vật, lạc mất bản tâm, bị vật xoay chuyển, nên trong ấy xem có lớn nhỏ.

Giảng: “Tất cả chúng sinh từ vô thuỷ đến nay, mê mình là vật.” “Tất cả chúng sinh” là bao gồm các loài sinh từ bào thai, sinh từ trứng, sinh từ nơi ẩn thấp, và do hóa sinh, các loài có sắc tướng, không có sắc tướng, các loài có tưởng, các loài không có tưởng, loài chẳng phải hữu sắc, loài chẳng phải vô sắc, loài chẳng phải hữu sắc, loài chẳng phải vô sắc, loài chẳng phải hữu tưởng, loài chẳng phải vô tưởng. Tất cả các loài chúng sinh ấy đều quên mất chính mình và xem mình là vật.

Họ không biết rằng các vật ấy đều vốn là vật lưu xuất từ chân tâm. “Lạc mất bản tâm, bị vật xoay chuyển. Chân tâm vốn chưa từng bị lạc mất, nhưng dường như họ bỏ quên mất chân tâm. Họ không biết rằng họ vẫn còn có bản tâm. Thế nên chân tâm thường trú đã bị vật xoay chuyển, thay vì vật bị xoay chuyển bởi chân tâm. Nên trong ấy xem có lớn nhỏ. Ông xem xét rồi cho rằng tánh thấy là lớn rồi biến thành nhỏ. Điều ấy chứng tỏ rằng ông hòan toàn điên đảo. A-nan, ông thật đáng thương xót.”

 

Kinh văn: 若能轉物,則同如來。身心圓明,不動道場.

Phiên Âm: Nhược năng chuyển vật, tắc đồng Như Lai. Thân tâm Viên Minh, bất động đạo tràng.

Việt dịch: Nếu chuyển được vật, tức đồng Như Lai. Thân tâm tròn đầy sáng suốt, là đạo tràng bất động.

Giảng: “Nếu chuyển được vật, tức đồng Như Lai. Nghĩa lý câu nầy như thế nào? Bị vật xoay chuyển có nghĩa là dính mắc với bất kỳ cảnh vật bên ngoài nào mà ông gặp phải, bất kỳ hòan cảnh nào mà ông đang ở trong đó, và bị kẹt dính trong đó. Ngay khi ông bị dính mắc, là ông bị chạy theo vật. Tâm tánh của ông bị mất tự chủ và chạy đuổi theo cảnh vật bên ngoài. Một khi đã chạy đuổi theo cảnh vật bên ngoài rồi thì càng chạy đuổi theo, càng xa mục đích.

Và càng xa mục đích, càng chạy đuổi theo. Cũng như khi quý vị bị lạc đường, càng khó tìm ra lối về càng trở nên bực dọc, càng trở nên bực dọc, càng đi xa lối về. Càng đi xa lối về, càng rơi vào con đường lầm lạc. Chạy theo vật và bị vật xoay chuyển cũng có cùng ý nghĩa như vậy.” Thế nào là ý nghĩa của “chuyển được vật?” Có nghĩa là không chạy theo cảnh vật; mà thay vì vậy, khiến vật phải xoay chuyển theo mình và chạy theo mình.

“Vật thì vô tri,” – quý vị nói – “Làm sao nó chạy theo con được?” Nhưng vật hữu tình có thể chạy theo con người, và con người chúng ta có thể chạy theo vật, vì chúng ta đều là sinh vật. Nhưng làm sao mà vật có thể chạy được? Đừng nên quá cứng ngắt trong kiến giải của mình. Vật xoay chuyển quý vị, hoặc quý vị xoay chuyển vật; nếu quý vị không chạy theo vật, thì vật sẽ bị xoay chuyển bởi quý vị: ý nghĩa ở chỗ nếu quý vị nhận ra chân tâm, thì tất cả mọi cảnh giới bên ngoài chỉ là biểu hiện từ tâm. Nó chỉ là vật hiện ra từ trong chân tâm quý vị. Vì nó là vật trong tâm quý vị, tại sao quý vị còn muốn chạy theo nó nữa? Đừng chạy theo chúng nó nữa.

Cơ bản là vốn chẳng có sự phân cách giữa quý vị và vật. Chuyển được vật có nghĩa là nhận ra mọi vật chỉ là lưu xuất từ tâm. Bị xoay chuyển bởi hòan cảnh có nghĩa là “quay lưng lại với giác ngộ và hòa nhập vào trần cảnh. ” Đi ngược lại với giáo lý giác ngộ và tạo mối quan hệ với cảnh trần, với thế gian, đó là bị vật xoay chuyển. Quay lưng lại với giác ngộ và hòa nhập vào trần cảnh là tạo mối quan hệ với vật. Cũng như khi có người muốn mở một dịch vụ thương mãi mà không có đủ vốn, và có người khác giúp đỡ bằng cách đề nghị mua chứng khóan.

Khi quý vị quay lưng lại với giác ngộ và hòa nhập vào trần cảnh, đó là cũng như thể quý vị hùn chung phần với cảnh trần. Quý vị đã tham gia cùng với nó. Có nghĩa là quý vị đã bị vật xoay chuyển. Nếu quý vị xoay chuyển được vật thì quý vị sẽ là “quay lưng lại với trần cảnh và hòa nhập cùng giác ngộ. ” Quý vị khác hẳn với những vật mà quý vị hiện đang nhìn thấy, quý vị tự tách biệt hẳn chúng và hòa nhập cùng tánh giác.

Cũng giống như khi quý vị xoay bàn tay mình. Lưng bàn tay biểu tượng cho sự quay lưng lại với giác ngộ và hòa nhập vào trần cảnh. Lật ngửa bàn tay biểu tượng cho sự quay lưng lại với trần cảnh và hòa nhập cùng tánh giác. Chỉ là trở bàn tay. Đó là ý nghĩa chuyển được vật. Nếu quý vị có thể chuyển được vật thì quý vị đồng với Như Lai. Tại sao Như Lai được gọi là Như Lai? Vì Ngài đã hồi đầu thị ngạn. Ngài là Đấng hiểu biết chân chánh, thế nên được gọi là Như Lai. Nếu quý vị đã nhận ra được chân tâm mình, thì quý vị tức đồng Như Lai. “ Làm sao mà thân tâm được tròn đầy sáng suốt? Ông đã đạt được sự giác ngộ và có đồng thể tánh với Như Lai, thế nên ông có được sự sáng suốt và hòan toàn viên mãn, là đạo tràng bất động.”

Thế nên bất kỳ quý vị ở đâu thì đó cũng là đạo tràng. Mọi nơi đều là Pháp thân. “Đạo tràng” là nơi để công phu tu tập. Chẳng hạn như nơi Đức Phật ngồi dưới cây bồ-đề, tu tập thiền định, được khai ngộ, nên gọi nơi đó là Bồ-đề đạo tràng. Nay chúng ta đang ở trong Phật giáo Giảng đường, nên đây được gọi là Đạo tràng Phật giáo Giảng đường. Nếu quý vị có thể chuyển được vật, thì bất kỳ ở đâu cũng là Pháp thân. Bất luận quý vị ở đâu đều là như như bất động. Bất luận đi đâu cũng là vô ngại. Bất luận đi đâu cũng là bất động đạo tràng. “Bất động” là biểu thị cho một lọai định lực. Quý vị chuyển được vật vì quý vị có định lực, là năng lực của Thủ Lăng Nghiêm đại định.

 

Kinh văn: 於一毛端,遍能含受十方國土.

Phiên Âm: Ư nhất mao đoan, biến năng hàm thọ, thập phương quốc độ.

Việt dịch: Trên đầu mảy lông có thể chứa trọn cả cõi nước trong mười phương.

Giảng: “Trên đầu mảy lông” , không chỉ đề cập đến tóc trên đầu mà còn cả lông trên thân. Nó có thể chứa trọn cả cõi nước trong mười phương.” Các cõi nước khắp mười phương đều có thể chứa trọn trên đầu một mảy lông. Một điểm nhỏ như thể lại chứa được cả mười phương cõi nước. Quý vị có thể nói được những cõi nước nầy rộng lớn như thế nào không? “Tôi không tin nghĩa lý nầy được.”- Quý vị nói – “Sợi lông nhỏ của tôi còn không thể chứa nổi một người, huống gì cả mười phương cõi nước. Nói gì đến một người, nó còn không thể chứa nổi một phần tử nhỏ bé của vật nào đó. Làm sao nó có thể chứa được cả mười phương cõi nước?”

Đơn giản đó là sự vi diệu của Phật pháp. Sự không liễu đạt Phật pháp của quý vị nằm ở đây. Dù trên đầu mảy lông là nhỏ, nhưng cái nhỏ lại chứa đựng được cái lớn. Trong cái nhỏ ấy có thể hiện ra cảnh giới các cõi nước khắp mười phương. Nếu quý vị khai được Phật nhãn, quý vị thấy được cảnh giới nầy rất rõ ràng. Quý vị đã có được thần thông, lực dụng bất khả tư nghì. “Trong cái nhỏ hiển bày cái lớn. ” Chỗ tuy nhỏ, nhưng có thể hiển bày cảnh giới rộng lớn vô cùng. Sao vậy?

Vì quý vị có đồng thể tánh với Như Lai. Như Lai có thể: Ư nhất mao đoan hiện bảo vương sát 於 一 毛 端 現 寶 王 刹

Toạ vi trần lý chuyển đại pháp luân.
坐 微 塵 裡 轉 大 法 輪
Trên đầu mảy lông hiện ra vô số bảo vương quốc độ.
Ở trong hạt bụi mà chuyển đại pháp luân.
Vi diệu của Phật pháp là như vậy.

 

Kinh văn: 阿難白佛言世尊。若此見精必我妙性。令此妙性現在我前。見必我真。我今身心復是何物。而今身心分別有實。彼見無別分辨我身.

Phiên Âm: A-nan bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Nhược thử kiến tinh, tất ngã diệu tánh. Lệnh thử diệu tánh, hiện tại ngã tiền. Kiến tất ngã chân. Ngã kim thân tâm, phục thị hà vật. Nhi kim thân tâm, phân biệt hữu thật. Bỉ kiến vô biệt, phần biện ngã thân.

Việt dịch: A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn! Nếu tánh thấy nầy nhất định là chân tánh nhiệm mầu của con, thì diệu tánh đó phải ở ngay trước mắt. Tánh thấy đó chắc thật là con, vậy thân tâm con hiện nay là vật gì? Nhưng nay thân tâm con thật có sự phân biệt, còn tánh thấy kia không phân biệt được thân con.”

Giảng: Đức Phật giảng bày giáo lý thậm thâm, pháp vi diệu, định lực nhiệm mầu, nhưng A-nan vẫn chưa thể nhập được, ông vẫn còn thích hỏi. A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn! Nếu tánh thấy nầy nhất định là chân tánh nhiệm mầu của con, thì diệu tánh đó phải ở ngay trước mắt. Tánh thấy có thể thấy được chắc chắn là chân tánh nhiệm mầu của con, thì nó phải ở trước mắt con.”

Bấy giờ A-nan cho rằng tánh thấy ở trước mặt mình: “Nếu tánh thấy đó chắc thật là con, vậy thân tâm con hiện nay là vật gì? Nếu tánh thấy của con thấy được con, thế thì thân tâm con hiện nay được gọi là gì? Nó là vật gì? Nhưng nay thân tâm con thật có sự phân biệt, còn tánh thấy kia không phân biệt được thân con. Thân tâm con có sự phân biệt, trong khi tánh thấy của con không có sự phân biệt nên không thể biết được thân con.”

 

Kinh văn: 若實我心,令我今見,見性實我,而身非我。

Phiên Âm: Nhược thật ngã tâm, lệnh ngã kim kiến, kiến tánh thật ngã, nhi thân phi ngã.

Việt dịch: Nếu thật là tâm con, khiến cho con nay thấy được, thì tánh thấy ấy thật là con, còn thân chẳng phải là con.

Giảng: “Nếu thật là tâm con, khiến cho con nay thấy được, thì tánh thấy ấy thật là con, còn thân chẳng phải là con. Nếu Như Lai bảo rằng tánh thấy thật là tâm con, nó có thể khiến cho con thấy được và tánh thấy khiến có thể thấy được thật sự là con.

Con thấy được, và do con thấy, nên con biết đó thực sự là tâm con. Nhưng con không thấy được tánh thấy của con, nên thực tế con không biết được nó có phải là của con hay không. Nếu tánh thấy là con, thì thân này không phải là của con. Nó trở thành là vật. Nó trở nên một vật khác.” Khi A-nan nói, thực là A-nan đã khiến cho người khác khó hiểu nổi. May nhờ Đức Phật có đại trí huệ nên đã giúp cho A-nan trả lời được như A-nan đã làm.

 

Kinh văn: 何殊如來先所難言物能見我。惟垂大慈開發未悟.

Phiên Âm: Hà thù Như Lai, tiên sở nan ngôn, vật năng kiến ngã. Duy thùy đại từ, khai phát vị ngộ.

Việt dịch: Khác nào trước kia Như Lai gạn hỏi: “Vật có thể thấy được con chăng?” Cúi mong Đấng đại từ bi chỉ bày cho kẻ chưa ngộ.

Giảng: Khác nào trước kia Như Lai gạn hỏi: “Vật có thể thấy được con chăng? Vì sao điều nầy lại khác với điều mà Thế tôn đã hỏi con trước đây? Thế tôn bảo, ‘nếu tánh thấy là vật, thì lẽ ra vật phải thấy được con.’ Bây giờ cái thấy đang ở trước mặt con, và nó đồng với nghĩa lý mà Thế tôn đã nói cho con trước đây. Cúi mong Đấng đại từ bi chỉ bày cho kẻ chưa ngộ. Nguyện xin Thế tôn đem lòng đại từ bi giảng giải cho chúng con đạo lý chưa được tỏ ngộ.”

 

Kinh văn: 佛告阿難,今汝所言。見在汝前,是義非實.

Phiên Âm: Phật cáo A-nan: kim nhữ sở ngôn. Kiến tại nhữ tiền, thị nghĩa phi thật.

Việt dịch: Đức Phật bảo A-nan: “Nay ông nói cái thấy ở trước mặt ông, nghĩa ấy không đúng.”

Giảng: Quý vị có thể cho rằng A-nan là người mê trong mê. Thực vậy, mặc dù A-nan chắc chắn là không mê. Nhưng A-nan thị hiện tướng chúng sinh đang mê muội để giúp cho chúng sinh giải trừ sự mê muội ấy. A-nan hành xử với hành vi của mọi chúng sinh. A-nan khiến họ thấy rằng A-nan mê muội đến mức độ như vậy mà cũng được giác ngộ . Nay chúng ta hãy xem xét ý nghĩa của kinh văn, có nhiều người thông minh hơn A-nan rất nhiều, và cũng ít mê mờ hơn.

Trước đây trong kinh văn, A-nan đã nói rằng cái thấy đang ở trước mắt mình và không liên quan gì đến thân A-nan. Rồi A-nan cầu xin Đức Phật chỉ dạy cho ông đạo lý nầy. Đức Phật bảo A-nan: – Do A-nan hỏi, nay Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sắp trả lời. “Nay ông nói cái thấy ở trước mặt ông, nghĩa ấy không đúng.” Ông nói rằng tánh thấy có thể thấy được vật là ở trước mặt ông, nhưng sự khẳng định của ông là hòan toàn nhầm lẫn, hòan toàn sai lầm. Đức Phật tức thì chỉ thẳng cho A-nan.

 

Kinh văn: 若實汝前,汝實見者。則此見精既有方所非無指示。

Phiên Âm: Nhược thật nhữ tiền, nhữ thật kiến giả. Tắc thử kiến tinh, ký hữu phương sở, phi vô chỉ thị.

Việt dịch: Nếu tánh thấy thực sự ở trước mặt ông, và ông thật thấy được, thì tánh thấy nầy đã có chỗ nơi, chẳng phải không chỉ ra được.

Giảng: Nếu tánh thấy thực sự ở trước mặt ông– nếu trường hợp ấy thực sự là cái thấy ở trước mặt ông và ông thật thấy được. Thì lẽ ra ông phải thấy được cái thấy. Nhưng ông đã không thấy được cái thấy, thế nên điều ông nói là sai. Nếu ông thực sự thấy được nó, thì tánh thấy nầy đã có chỗ nơi. Ở phía trước mặt nghĩa là phải có một vị trí. Chẳng phải không chỉ ra được. Nếu cái thấy là ở trước mặt ông, điều gì biểu hiện ở đó khiến cho ông nghĩ rằng nó hiện hữu ở đó.

 

Kinh văn: 且今與汝坐祇陀林。遍觀林渠及與殿堂。至日月前對恒河。汝今於我師子座前。舉手指陳是種種相。陰者是林,明者是日。礙者是壁,通者是空。如是乃至草樹纖毫大小雖殊。但可有形無不指著。

Phiên Âm: Thả kim dữ nhữ, tọa Kì-đà lâm. Biến quán lâm cừ, cập dữ điện đường. Thượng chí nhật nguyệt, tiền đối hằng hà. Nhữ kim ư ngã, sư tử tòa tiền. Cử thủ chỉ trần, thị chủng chủng tướng. Uẩn giả thị lâm, minh giả thị nhật. Ngại giả thị bích, thông giả thị không.  

Việt dịch: Vậy nay Như Lai cùng ông đang ngồi trong vườn Kỳ-đà, xem khắp rừng suối, nhà cửa; xa đến mặt trời mặt trăng, phía trước là sông Hằng. Nay ông dang ở trước toà sư tử của Như Lai, hãy dùng tay chỉ rõ ra các tướng loại ấy: chỗ mát là rừng cây, chỗ sáng là mặt trời, chỗ ngăn ngại là vách, chỗ thông suốt là hư không. Như thế cho đến cỏ cây, mảy lông lớn nhỏ tuy có sai khác, nhưng đã có hình tướng thì đều chỉ ra được.

Giảng: Đức Phật nói đoạn kinh văn nầy để phá trừ chấp trước của A-nan. “Vậy nay Như Lai cùng ông đang ngồi trong vườn Kỳ-đà, xem khắp rừng suối, nhà cửa; xa đến mặt trời mặt trăng, phía trước là sông Hằng.” Ngồi trong vườn cây của Thái tử Kỳ-đà, từ các hồ nước nhỏ ở đây trong khu già-lam, xem đến các cung điện mặt trời mặt trăng, đối diện với sông Hằng, Nay ông đang ở trước toà sư tử của Như Lai, hãy dùng tay chỉ rõ ra các tướng loại ấy.

Ông hãy dùng tay chỉ ra các loại tướng trạng khác nhau nầy. Chỗ mát là rừng cây– chỗ râm mát là rừng cây; chỗ sáng là mặt trời– là nơi được mặt trời chiếu sáng; chỗ ngăn ngại là tường vách – nơi chướng ngại không cho các vật xuyên qua; chỗ thông suốt là hư không– nơi xuyên qua được và không chướng ngại. Như thế cho đến cỏ cây, mảy lông lớn nhỏ. Như Lai nói tổng quát; ‘và như thế’ có nghĩa là bao gồm hết thảy các vật chưa được đề cập đến, từ ngọn cỏ cho đến mảy lông. Như tôi đã giảng ở trước: Ư nhất mao đoan hiện bảo vương sát
於 一 毛 端 現 寶 王 刹
Toạ vi trần lý chuyển đại pháp luân.
坐 微 塵 裡 轉 大 法 輪

Vi trần, có nghĩa là, một hạt bụi rất nhỏ, và một mảy lông, đều biểu tượng cho vật nhỏ nhít nhất. Tuy có sai khác, nhưng đã có hình tướng thì đều chỉ ra được. Lớn hay nhỏ, tất cả nhưng vật đã có hình tướng đều có thể chỉ ra được. Nay trong số đó quý vị có thể chỉ ra tánh thấy là vật nào chăng? Cái nào là tánh thấy của quý vị? Tánh thấy đã được nói đến rất nhiều lần, nhưng A-nan vẫn không hiểu được, thế nên tánh thấy vẫn còn được giải thích nữa.

Có 10 biểu tượng của tánh thấy, 10 dạng đặc điểm để chỉ ra tánh thấy không sinh diệt, không đến đi. Thực sự có lẽ A-nan đã nhận ra rồi, nhưng vì chúng sinh mà A-nan hỏi pháp, vì có nhiều chúng sinh vẫn chưa hiểu được. Như khi A-nan tham vấn về tánh thấy với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, như thể đang đối đáp từng lời trong một vở kịch, mỗi ý đều ăn khớp với nhau.

 

Kinh văn: 若必有見,現在汝前。汝應以手,確實指陳,何者是見。阿難當知,若空是見。既已成見,何者是空。若物是見。既已是見,何者為物.

Phiên Âm: Như thị nãi chí, thảo thọ tiêm hào, đại tiểu tuy thù. Đãn khả hữu hình, vô bất chỉ trước. Nhược tất hữu kiến, hiện tại nhữ tiền. Nhữ ưng dĩ thủ, xác thật chỉ trần, hà giả thị kiến?

Việt dịch: Nếu nhất định có cái thấy hiện ở trước mắt ông, thì ông phải dùng tay chỉ chính xác cái nào là cái thấy. A-nan nên biết, nếu hư không là cái thấy, đã thành cái thấy rồi, thì cái gì là hư không? Nếu vật là cái thấy, đã thành cái thấy rồi, thì cái gì là vật?

Giảng: Nếu nhất định có cái thấy hiện ở trước mắt ông: nếu ông nhất định muốn cho rằng tánh thấy của ông là vật hiện ra trước mặt ông, thì nó chắc chắn giống như một vật đã được đặt ở đây, thì ông phải dùng tay chỉ chính xác cái nào là cái thấy. Nếu nó ở trước mắt ông, thì lẽ ra ông phải chỉ ngay nó ra. Đúng vậy không? Nói nhanh! Nhưng A-nan không nói được một tiếng. Sao vậy? A-nan không tự chủ được. A-nan muốn đưa ra vấn đề khác để tranh luận, nhưng A-nan chưa có một ý tưởng mới nào trong đầu cả, thế nên A-nan vẫn líu lưỡi.

“A-nan nên biết, nếu hư không là cái thấy, đã thành cái thấy rồi, thì cái gì là hư không? Ông phải biết điều nầy! Ông đã hiểu chưa? Đến đây, Đức Phật có hơi sốt ruột. Vốn Đức Phật không bao giờ sốt ruột nhưng bây giờ dường như cơn sốt ruột trong Ngài trỗi dậy. “Nếu hư không là cái thấy thì lẽ ra nó không có tên ‘hư không’. Thế hư không tự nó đã biến đi đâu? Nơi nào có cái thấy, nơi ấy lẽ ra chẳng có hư không. Nếu tánh thấy của ông nằm ở đó, thì ở đó chẳng có hư không. Vậy cái gì là hư không – hư không hay tánh thấy? ”

“Nếu vật là cái thấy, đã thành cái thấy rồi, thì cái gì là vật? Có lẽ ông sẽ nói, ‘chẳng phải tánh thấy của tôi là hư không. Đúng ra mọi thứ mà tôi thấy được phía trước đều là cái thấy của tôi.’ Thế thì, cái gì là vật? Nếu vật là tánh thấy của ông thì lẽ ra nó không được gọi là vật. Nếu nó không phải là vật thì nó là cái gì? Nói nhanh!” Đức Phật đối chất trực tiếp với A-nan và buộc A-nan phải trả lời.

 

Kinh văn: 汝可微細披萬象。析出精明淨妙見元,指陳示我。同彼諸物分明無惑.

Phiên Âm: A-nan đương tri, nhược không thị kiến. Ký dĩ thành kiến, hà giả thị không. Nhược vật thị kiến. Ký dĩ thị kiến, hà giả vi vật. Nhữ khả vi tế, phi bác vạn tượng. Tích xuất tinh minh, tịnh diệu kiến nguyên, chỉ trần thị ngã. Đồng bỉ chư vật, phân minh vô hoặc.

Việt dịch: Ông nên phân tích kỹ càng trong vạn vật, chọn ra tánh thấy vốn thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu, chỉ rõ ra ngã thể cùng các vật kia một cách phân minh không nhầm lẫn.

Giảng: “Ông nên phân tích kỹ càng trong vạn vật. Ông hãy vận dụng bộ não một cách tinh tế để nghiên cứu thật chi tiết, để đừng nói một cách vô tình và nhầm lẫn nữa. Đừng trả lời ngay không chút do dự. Nay ông nên vắt kiệt trí lực của ông để tham cứu kỹ câu hỏi nầy. Suốt hết thảy mọi hiện tượng – chọn ra trong số hình tượng của cả ngàn vật thể như cách ông đi xuyên suốt qua nó và giải phẫu nó ra bằng dao, bóc nó ra từng mảnh, như thể ông dùng dao tách dần từng lớp da ra vậy.

“Chọn ra tánh thấy vốn thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu, chọn ra rõ ràng tánh thấy sáng suốt mà mọi người có thể thấy và nhận ra được, tánh thấy vốn thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu nhất có thể thấy được. Chỉ rõ ra ngã thể cùng các vật kia. Ông nói xem; hãy chỉ ra rõ ràng ngay cái gì là tánh thấy của ông và cái gì là vật một cách phân minh không nhầm lẫn. Ông phân biệt điều nầy được chăng? Hãy thử xem!”

 

Kinh văn: 阿難言,我今於此重閣講堂。遠洎恒河,上觀日月。舉手所指,縱目所觀。指皆是物,無是見者。 世尊如佛所說。況我有漏初學聲聞。乃至菩薩,亦不能於萬物象前剖出精見。離一切物,別有自性.佛言:如是如是。

Phiên Âm: A-nan bạch Phật ngôn: ngã kim ư thử, trọng các giảng đường. Viễn kịp hằng hà, thượng quán nhật nguyệt. Cử thủ sở chỉ, túng mục sở quán. Chỉ giai thị vật, vô thị kiến giả.

Thế Tôn! Như Phật sở thuyết. Huống ngã hữu lậu, sơ học Thanh văn. Nãi chí Bồ Tát, diệc bất năng ư, vạn vật tượng tiền, phẩu xuất tinh kiến. Ly nhất thiết vật, biệt hữu tự tánh.

Phật ngôn: Như thị  Như thị.

Việt dịch: A-nan bạch Phật: “ Nay con ở trong giảng đường Trùng Các, nhìn ra xa thấy sông Hằng, trên thấy mặt trời mặt trăng. Cái mà tay chỉ ra được và mắt thấy được, thảy đều là vật, chẳng phải là tánh thấy. ”

    “Bạch Thế tôn, đúng như lời Phật vừa dạy, chẳng những hàng hữu lậu sơ học Thanh văn chúng con, cho đến hàng Bồ-tát cũng không thể nào trước các hiện tượng mà chỉ ra được cái thấy khi lìa tất cả vật riêng có tự tính.”

    Đức Phật bảo: “Đúng thế! Đúng thế!”

Giảng: A-nan bạch Phật – Đáp lại lời yêu cầu của Thế tôn, “ Nay con ở trong giảng đường Trùng Các, giảng đường có hai tầng, nhìn ra xa thấy sông Hằng. Khi nhìn ra xa, con thấy sông Hằng, trên thấy mặt trời mặt trăng. Cái mà tay chỉ ra được và mắt thấy được, thảy đều là vật, chẳng phải là tánh thấy.” Khi mí mắt rũ xuống hay nhắm lại thì được gọi là ‘không thấy’, nhưng khi mắt mở lớn thì được gọi là ‘nhìn thấy’. “Mọi vật mà con nhìn thấy khi mở mắt ra, mọi thứ có thể chỉ ra được đều là vật, không phải là tánh thấy. Chẳng có vật gì chỉ ra được là tánh thấy cả.”

“Bạch Thế tôn, đúng như lời Phật vừa dạy. Như giáo lý Như Lai đã dạy trước đây, chẳng những hàng hữu lậu sơ học Thanh văn chúng con, cho đến hàng Bồ-tát cũng không thể nào trước các hiện tượng mà chỉ ra được cái thấy khi lìa tất cả vật riêng có tự tính. Con là hàng Thanh văn sơ học, là Thanh văn vừa mới chứng được Sơ quả và năng lực thần thông của con còn rất yếu. Cho nên con vẫn còn trong hàng hữu lậu, vì hàng vô lậu là những bậc đã chứng được quả vị thứ tư của hàng A-la-hán. Nhưng Đức Phật dạy rằng ngay cả hàng Bồ-tát cũng không ai có thể đập vỡ ra từng cái trong vô số vật tượng, như thể có người dùng dao tách nó ra rồi tìm xem tánh thấy trong đó.

‘Vì tánh thấy của ông không phải là vật, nên ông không thể đặt để nó như là vật trong vô số vật tượng.” Đức Phật bảo: “Đúng thế! Đúng thế! Lần nầy ông nói rất đúng. Đạo lý như vậy đó.” Đức Phật lập lại hai lần: “Đúng thế! Đúng thế!” Đức Phật muốn nhấn mạnh điểm ấy bằng cách lập lại. Điều nầy chứng tỏ Ngài rất hài lòng với ý kiến của A-nan. Đức Phật nói: “Bây giờ ý kiến của ông không sai lầm nữa. Không như ông đã trình bày trước đây.”

 

Kinh văn: 佛復告阿難。如汝所言,無有精見。離一切物,別有自性。則汝所指,是物之中無是見者.

Phiên Âm: Phật cáo A-nan! Như nhữ sở ngôn, vô hữu tinh kiến. Ly nhất thiết vật, biệt hữu tự tánh. Tắc nhữ sở chỉ, thị vật chi trung, vô thị kiến giả.

Việt dịch: Đức Phật lại bảo A-nan: “Như ông đã nói không có cái thấy khi lìa tất cả vật riêng có tự tánh, thì trong tất cả vật ông chỉ ra được chỉ là vật chứ không phải là cái thấy.”
Giảng: Đức Phật sẽ hỏi câu hỏi khác để hiển bày tánh thấy. Đức Phật lại bảo A-nan: “Như ông đã nói không có cái thấy khi lìa tất cả vật riêng có tự tánh. Không có cái gì đặc biệt gọi là tánh thấy. Thì trong tất cả vật ông chỉ ra được chỉ là vật chứ không phải là cái thấy. Trong tất cả mọi vật tượng mà ông chỉ ra được đều là vật. Trong những thứ nầy không có gì là tánh thấy.

 

Kinh văn: 今復告汝,汝與如來。坐祇陀林更觀林苑。乃至日月種種象殊。必無見精受汝所指。汝又發明此諸物中,何者非見.

Phiên Âm: Kim phục cáo nhữ, nhữ dữ Như Lai. Tọa Kì-đà lâm, cánh quán lâm uyển. Nãi chí nhật nguyệt, chủng chủng tượng thù. Tất vô kiến tinh, thọ nhữ sở chỉ. Nhữ hựu phát minh, thử chư vật trung, hà giả phi kiến?

Việt dịch: Nay Như Lai lại hỏi ông, ông cùng Như Lai ngồi trong rừng Kỳ-đà lại xem vườn rừng, cho đến mặt trời mặt trăng, các loại vật tượng sai khác, nhất định không có tánh thấy mà ông có thể chỉ ra được. Ông hãy phát minh trong các vật nầy, cái gì chẳng phải là tánh thấy?

Giảng: “Nay Thế tôn sẽ giảng bày đạo lý khác cho ông. Nay Như Lai lại hỏi ông, ông cùng Như Lai ngồi trong rừng Kỳ-đà”– A-nan cùng Thế tôn cùng cả đại chúng đang ngồi trong vườn Kỳ-đà– “lại xem vườn rừng, cho đến mặt trời mặt trăng– vườn hoa, mọi thứ có thể nhìn xem được từ đây cho đến mặt trời mặt trăng trên bầu trời– các loại vật tượng sai khác, nhất định không có tánh thấy mà ông có thể chỉ ra được. Ông hãy phát minh trong các vật nầy, cái gì chẳng phải là tánh thấy. Cái gì trong số những vật tượng nầy không phải là cái thấy của ông? “Đức Phật đang nói đùa.”

– Quý vị có thể cho là như vậy. “Trước đây Ngài nói rằng vật không phải là cái thấy, và bây giờ Ngài bảo A-nan chỉ ra vật nào không phải là cái thấy.” Đó là cái khó trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm: nếu quý vị không hiểu được điểm nầy trong kinh một cách rõ ràng, thì quý vị sẽ trở nên nhầm lẫn. “Trước đây đã nói rằng vật không phải là tánh thấy, nay lại nói rằng đó là tánh thấy.” – Quý vị sẽ nói như vậy – “Nay hỏi rằng cái gì không phải là tánh thấy, nhưng trước đó lại bảo rằng chúng chẳng phải là tánh thấy.”

 

Kinh văn: 阿難言,我實遍見此祇陀林。不知是中何者非見.

Phiên Âm: A-nan bạch Phật ngôn: Ngã thật biến kiến, thử Kì-đà lâm. Bất tri thị trung, hà giả phi kiến.

Việt dịch: A-nan thưa: “Con thật xem khắp trong rừng Kỳ-đà nầy, không biết trong ấy cái gì chẳng phải là cái thấy.”

Giảng: A-nan trước đây đã biết rằng đó không phải là tánh thấy của mình, nhưng nay Đức Phật hỏi cái nào lại chẳng phải là tánh thấy, nên A-nan lại lúng túng một lần nữa. A-nan cũng không hiểu được câu hỏi. A-nan thưa: “Con thật xem khắp trong rừng Kỳ-đà nầy.

Con thấy khắp nơi quanh rừng cây của Thái tử Chiến thắng nầy, và con không biết trong ấy cái gì chẳng phải là cái thấy. Cái gì lại chẳng phải là tánh thấy của con? Nay con chẳng biết.” Ngay khi Đức Phật hỏi câu hỏi cuối cùng ấy, A-nan vẫn còn mờ mịt. Vậy nên Kinh Thủ Lăng Nghiêm đến tận cùng chỉ là mờ mịt chồng trên mịt mờ cho đến khi được giảng bày rõ ràng. Thế nên đừng hoảng sợ vì mờ mịt rồi nói: “Tôi không hiểu nổi. Tôi không biết ý kinh ra đường nào nữa.”

Đức Phật trước sau chỉ nói về đạo lý của kinh, giảng giải hết lần nầy đến lần khác. Đó là cách tham cứu tỉ mỉ ý chỉ của kinh. Đức Phật đưa ra một đạo lý rồi hỏi: “Các ông có thấy điều ấy đúng chăng?” Rồi Đức Phật cũng chỉ bày tại sao nó không đúng. Đơn giản chỉ là để hiển bày chân lý. “Cái gì lại không phải là tánh thấy?”– Đức Phật hỏi– “Nói nhanh!”

A-nan thưa: “Con không biết cái gì lại không phải là tánh thấy. Con đang bị bối rối.”

 

Kinh văn: 何以故,若樹非見,云何見樹。若樹即見,復云何樹。如是乃至,若空非見。云何見 空。若空即見,復云何空。

Phiên Âm:  Hà dĩ cố? Nhược thọ phi kiến, vân hà kiến thọ. Nhược thọ tức kiến, phục vân hà thọ. Như thị nãi chí, nhược không phi kiến. Vân hà vi không. Nhược không tức kiến, phục vân hà không.

Việt dịch: Vì sao? Nếu cây chẳng phải là cái thấy thì làm sao thấy được cây? Nếu cây là cái thấy thì sao lại gọi là cây? Như thế cho đến nếu hư không chẳng phải là cái thấy, thì làm sao thấy được hư không? Nếu hư không là cái thấy thì làm sao lại gọi là hư không?

Giảng: “Vì sao? Nếu cây chẳng phải là cái thấy thì làm sao thấy được cây?” A-nan nói rằng nếu cây không phải là cái thấy, thì A-nan không thể thấy được cây. Thế nên A-nan không thể nói rằng cây không phải là cái thấy. “Nếu cây là cái thấy thì sao lại gọi là cây? Nếu tôi nói rằng cây là cái thấy, thì cây sẽ biến mất đi đâu?” Cây vốn đơn giản chỉ là cây, nhưng nay A-nan nói rằng nó là cái thấy, thế nên A-nan không tìm ra cho nó được một cái tên gọi.

Như đối với tôi, tôi sẽ gọi nó là gỗ. “Như thế cho đến nếu hư không.” Cây vốn bản chất của nó là vật có sắc tướng. Nhưng sự thật nó không chỉ là vật với sắc tướng, nó cũng đồng như hư không, và tất cả mọi vật trung gian, dù chưa được đề cập đến bằng tên gọi vì không có thời gian để giải thích tất cả. Cũng như khi tôi giảng giải kinh nầy, giảng toàn bộ kinh trong vòng ba tháng có nghĩa là có rất nhiều giáo lý phải nói lược qua.

“chẳng phải là cái thấy, thì làm sao thấy được hư không? Cái thấy của con thấy được hư không là tánh thấy. Nếu con bảo rằng hư không chẳng phải là tánh thấy, thì làm sao con thấy được hư không? Nếu hư không là cái thấy, thì làm sao lại gọi là hư không? Thế nên con không biết đạo lý nầy như thế nào.” Bây giờ A-nan đã mở được miệng nhưng rất khó nói.

 

Kinh văn: 我又思惟是萬象中。微細發明無非見者.

Phiên Âm: Ngã hựu tư tánh, thị vạn tượng trung. Vi tế phát minh, vô phi kiến giả.

Việt dịch: Con lại suy xét kỹ càng, phát minh trong muôn vật, không có cái nào chẳng phải là tánh thấy.

Giảng:“Con lại suy xét kỹ càng.” A-nan một lần nữa còn chấp giữ thức tâm phân biệt. Trước đây, A-nan thường bị vướng mắc vào thức thứ 6 để tranh luận đối đáp với Đức Phật, và bây giờ A-nan lại đem ra một lần nữa. Nên A-nan nói xét rất chi tiết; suy nghĩ lui tới nhiều lần trước sau, trên dưới, và con thấy rằng mình đã đạt được. Trong khía cạnh vi tế nhất của tất cả các hiện tượng, không có cái nào chẳng phải là tánh thấy. Tất cả đều như là tánh thấy. Chẳng có cái gì không phải là tánh thấy. Thứ đơn giản cũng là tánh thấy. Có nghĩa là, con thấy được tất cả.””“Con suy nghĩ lại rồi, và con phát minh trong muôn vật.” Con suy

 

Kinh văn: 佛言如是,如是.

Phiên Âm: Phật ngôn: Như thị Như thị.

Việt dịch: Đức Phật bảo “Đúng vậy! Đúng vậy!”

Giảng: Đức Phật chứng minh cho A-nan một lần nữa. “À! Nhưng điều ông nói là đúng. Đạo lý như vậy đó. Ông đã hiểu những gì Như Lai muốn nói.” Đức Phật vui mừng bảo: Đúng vậy! Đúng vậy! Rốt ráo quý vị nói sao? Cái gì là tánh thấy và cái gì là vật? Có phải vật là tánh thấy không?

 

Kinh văn: 於是大眾非無學者。聞佛此言茫然不知是 義終始。一時惶悚失其所守。

Phiên Âm: Ư thị đại chúng, phi vô học giả. Văn Phật thử ngôn, mang nhiên bất tri, thị nghĩa chung thủy. Nhất thời hoàng tủng, thất kỳ sở thủ.

Việt dịch: Khi ấy những vị chưa chứng quả vô học trong đại chúng, nghe Đức Phật nói lời nầy đều mờ mịt chẳng hiểu nghĩa ấy đầu đuôi như thế nào. Họ đều lo lắng, sợ đánh mất những điều hiểu biết xưa nay.

 
Giảng:Đại chúng nghe lời đối đáp nầy, nghe rằng tánh thấy vừa là vật vừa là chẳng phải vật. Thế thì nó là cái gì? Tất cả mọi ý kiến mà mọi người đã có trước đây bây giờ không còn giá trị nữa. “ Khi ấy những vị chưa chứng quả vô học trong đại chúng.” Hàng Bồ-tát được gọi là bậc “vô học.” Quả vị thứ tư của hàng A-la-hán cũng được gọi là quả vị “vô học.” Có rất nhiều vị trong pháp hội nghe giảng Kinh Thủ Lăng Nghiêm chưa chứng được quả vị thứ tư của hàng A-la-hán. Họ chỉ vừa chứng được Sơ quả, đệ nhị quả hoặc đệ tam quả–quả vị còn phải học. “Nghe Đức Phật nói lời nầy đều ngơ ngác.”

Khi Đức Phật giảng giải đó là tánh thấy rồi đó chẳng phải là tánh thấy, nói nó là vật rồi nó chẳng phải là vật, suy xét trước sau như vậy, họ không thể nào hiểu nổi, họ đều ngơ ngác. Họ có mắt nhưng họ không thấy được. Họ có tai nhưng họ không nghe được. Họ không hiểu được điều gì cả. Tôi sẽ cho quý vị một thí dụ. Khi người ta bị vướng vào bóng ma mê mờ, họ không biết được điều gì cả. Họ quên mất mọi điều trước đó. Tuy nhiên, đây chỉ là ví dụ; đừng cho rằng đại chúng trong pháp hội kinh Thủ Lăng Nghiêm là bị vướng vào bóng ma mê mờ thực sự.

Tôi chỉ nói họ giống như người bị vướng vào bóng ma mê mờ, và bây giờ tôi nói rằng họ không giống như người bị vướng vào bóng ma mê mờ. Cũng như nói rằng tánh thấy và vật là một rồi lại nói tánh thấy và vật không phải là một. Chuyện ấy giống nhau. Họ đều chóang váng và chẳng hiểu nghĩa ấy đầu đuôi như thế nào. Họ không biết điểm khởi đầu và kết thúc của đạo lý nầy như thế nào. Họ tự hỏi “Đức Phật đang nói về điều gì vậy?” Họ không hiểu nỗi. Họ đều lo lắng, sợ đánh mất những điều hiểu biết xưa nay. Mọi người đều sợ hãi.

Tim họ đập thình thịch như thỏ nhảy quanh. Họ không tin nổi những lời họ nghe. Mọi ý niệm đã có từ trước nay đều bị mất hiệu lực và bị phá huỷ. Như thể họ bị đánh mất kho báu mà từ trước đến nay họ làm chủ, thế nên họ cố gắng phát hiện xem mình phải tìm kiếm nơi đâu. Có nên báo nhà chức trách không? Có nên gọi cảnh sát không? Nhưng thời ấy chắc là không có cảnh sát. Hơn nữa vật mà họ đánh mất lại vô hình. Nên cho dù họ có gọi cảnh sát, thì cảnh sát cũng không giúp được gì. Họ cũng không thể tìm ra được.

 

Kinh văn: 如來知其魂慮變慴,心生憐愍。安慰阿難及諸大眾。諸善男子,無上法王是真實語。如所如說不誑不妄。非末伽梨四種不死矯亂論議。汝諦思惟,無忝哀慕.

Phiên Âm: Như Lai tri kỳ, hồn lự biến triệp, tâm sanh lân mẫn. An ủy A-nan, cập chư đại chúng. Chư Thiện nam tử, vô thượng Pháp Vương, thị chân thật ngữ. Như sở như thuyết, bất cuống bất vọng. Phi mạt già lê, tứ chủng bất tử, kiểu loạn luận nghị. Nhữ đế tư tánh, vô thiểm ai mộ.

Việt dịch: Như Lai biết đại chúng lo sợ, nên trong lòng thương xót, an ủi A-nan và đại chúng “Các thiện nam tử! Những lời Đấng Vô thượng pháp vương nói đều là lời chân thật, nói những lời như thật, không cuống dối, không hư vọng. Chẳng phải như ngoại đạo Mạt-già-lê dùng 4 thứ luận nghị “bất tử kiểu loạn”. Ông nên chín chắn suy nghĩ, chớ phụ lòng lân mẫn của Như Lai.

Giảng: Khi Đức Phật biết đại chúng đều bối rối, Ngài khởi từ tâm thương xót.“À! Chúng sinh các ông thật đáng thương xót.” Như Lai biết đại chúng lo sợ, nên trong lòng thương xót, an ủi A-nan và đại chúng.

Như Lai biết tinh thần của đại chúng không được bình ổn nên Ngài từ bi ban cho món quà nhỏ vô uý thí. Ngài bảo: “Các ông không nên sợ hãi. Như Lai sẽ giảng giải cho các ông.” “Các thiện nam tử!”– Đức Phật thường gọi mọi người trong đại chúng là Thiện nam tử . “Các thiện nam tử! Hãy lắng nghe cho kỹ. Đừng lúng túng như vậy. Bây giờ Như Lai sẽ nói cho các ông nghe những lời mà Đấng Vô thượng pháp vương nói–những điều Đức Phật nói– đều là lời chân thật.

Những gì Đức Phật nói đều là chân thực. Quý vị không nên nghi ngờ gì cả. Có một đạo lý nhất định trong những gì tôi từng nói trước đây, rằng tánh thấy là vật và không phải là vật. Tôi thực sự nói với quý vị những điều đáng tin. Tôi không dối gạt quý vị. Nói những lời từ như thật. Những điều Như Lai nói đều khế hợp với đạo lý. Như Lai dựa vào đạo lý mà diễn bày giáo pháp nầy. Sẽ không chấp nhận được với những điều không tương ưng với đạo lý. Không cuống dối, không hư vọng. Như Lai không nói những lời luống dối, những lời không chân thật. Chẳng phải như ngoại đạo Mạt-già-lê.

Mạt-già-lê từ tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán có nghĩa là Bất kiến đạo. Mẹ ông ta có tên là Gośāli (Câu-xa-li). Mạt-già-lê Câu-xa-li tử là một trong 6 Lục sư ngoại đạo. Ông ta được gọi là Bất kiến đạo vì ông ta không hiểu được đạo. Ông ta không thấy và không đi đúng theo đạo. Những gì ông làm là đi theo một đường lối mê lầm. Ông ta chạy quanh với đôi mắt nhắm và cuối cùng ông ta bước ngay xuống biển, và bị chết chìm ở đó. Kết quả như vậy vì ông không thấy được Đạo. Đó là điều suy nghĩ của riêng tôi sau vài nghìn năm. Chắc chắn là nước biển rất khó chịu, không dễ uống như rượu hoặc nước lọc. Một khi ông ta đã uống nước biển, chắc chắn là không có bác sĩ nào có thể chữa trị cho ông ta được. “ Dùng 4 thứ luận nghị ‘bất tử kiểu loạn’”.

Ông ta nói điều gì? “Các pháp thường và cũng vô thường.” Vạn vật là thường biến đổi và cũng thường hằng. “Các pháp là thanh tịnh và cũng là nhiễm ô; các pháp cũng sinh và cũng diệt; các pháp cũng tăng và cũng giảm.” Đó là 4 loại lý luận của ông ta. Vốn Đức Phật đã dạy, “bất sinh bất diệt,” nhưng Mạt-già-lê nói: “Cũng sinh cũng diệt”. Lý thuyết của ông ta xa rời sự thực biết chừng nào. Đức Phật dạy: “Các pháp đều vô thường. Chuyển biến, thay đổi tuỳ thuộc vào nhân duyên; thay đổi tuỳ theo nhân duyên nhưng lại bất biến. ” Nhưng Mạt-già-lê lại bảo: “Cũng thường, cũng vô thường.”

Lý thuyết của Mạt-già-lê chỉ là lời nói suông hai chiều. Ông ta bảo vật có một nguyên lý rồi cũng bảo rằng nó có một nguyên lý ngược lại. Và ông ta đứng trong hàng những người chống đối trực tiếp với giáo lý Đức Phật đã giảng dạy. Thế nên Đức Phật gọi 4 loại lý luận của ông ta là ‘bất tử kiểu loạn’. Kiểu loạn có nghĩa là cực đoan và làm cho người khác mê lầm. Nhưng lý thuyết của ông ta không đúng. Đức Phật xác quyết một lần nữa với đại chúng giáo pháp của Như Lai không hư dối như lý thuyết của ngoại đạo Mạt-già-lê. “Ông nên chín chắn suy nghĩ. Ông nên suy nghĩ kỹ lưỡng. Chớ phụ lòng lân mẫn của Như Lai. Đừng bận tâm. Đừng sợ. Đừng buồn.“Lòng lân mẫn” là nói đến những gì Đức Phật biểu hiện. “ Như Lai rất thương cảm các vị trong hội chúng.”