ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG VIÊN GIÁC TU-ĐA-LA LIỄU NGHĨA
(PHẦN ĐẦU)
— o0o —
KHAI KINH KỆ
Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp
Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa
***
Phật pháp rộng sâu rất nhiệm mầu
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Con nay nghe được chuyên trì tụng
Nguyện rõ Như Lai nghĩa nhiệm mầu.
— o0o —
TÁM QUY LUẬT CỦA VIỆN PHIÊN DỊCH KINH ĐIỂN
1. Dịch giả phải thoát mình ra khỏi động cơ tự truy cầu danh lợi.
2. Dịch giả phải tu thân dưỡng tánh, dứt bỏ thói cao ngạo.
3. Dịch giả phải tự chế, không được tự khen ngợi nhưng lại chê bai kẻ khác.
4. Dịch giả không được tự cho mình là tiêu chuẩn, là thước đo, rồi hạ thấp kẻ khác bằng cách tìm lỗi lầm nơi tác phẩm của họ.
5. Dịch giả phải lấy tâm Phật làm tâm mình.
6. Dịch giả phải dùng trạch pháp nhãn để phán xét đâu là chân lý.
7. Dịch giả phải cung kính cầu thỉnh Cao tăng, Đại đức ở mười phương chứng minh cho bản dịch.
8. Dịch giả phải hoan hỷ truyền bá giáo nghĩa nhà Phật bằng cách in Kinh, Luật, Luận một khi phần phiên dịch của mình được chứng minh là đúng.
— o0o —
LỜI GIỚI THIỆU
Kinh Viên Giác là một bộ kinh thuộc đốn giáo Đại thừa, chỉ những người có đủ căn tánh Đại thừa, hay đã nhiều kiếp tu theo Viên Giác, thì mới lãnh thọ được. Nhưng may thay cho chúng ta, chư Bồ Tát trong Pháp hội, phát đại bi tâm, xin Phật nói pháp phương tiện và tiệm thứ, hầu mong cho tất cả chúng sanh đều có thể theo kinh nầy mà tu hành, tiến tới quả vị Phật.
Chúng tôi, một nhóm tín đồ, nhờ phước duyên đời trước, nên nay mới được thường lui tới Phật học đường Nam Việt tại chùa Ấn Quang (Chợ Lớn) và được nghe quí vị giảng sư chỉ dạy Phật pháp trong sáu bảy năm nay. Đi dần từ dễ đến khó, từ cạn đến sâu, càng theo học, chúng tôi càng thêm phấn khởi tinh tấn, vì sung sướng nhận thấy một chân trời đạo lý rộng mở trước mắt. Nay đến kinh Viên Giác, dưới sự giảng dạy rõ ràng và tận tâm của Đại đức Thích Thiện Hoa, Giáo sư Phật học đường Nam Việt và là Ủy viên Hoằng pháp của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, chúng tôi càng nhận được giáo lý thâm huyền của chư Phật và thêm say sưa trên bước đường tu học.
Để đáp lại trong muôn một công ơn Đức Bổn Sư Thích Ca đã hiện thân thuyết pháp trong 49 năm, chỉ vẽ những phương pháp ra khỏi luân hồi sanh tử, và để khỏi phụ công phu giảng dạy của Đại đức Thích Thiện Hoa, cùng quí vị Giảng sư trong Phật học đường Nam Việt, chúng tôi vội vã tập trung các bài học về kinh Viên Giác nầy, in thành bộ, hầu kính tặng quí đạo hữu xa gần, với lòng mong ước rằng từ nay sự nghiên cứu tu học của quí vị sẽ được dễ dàng và mỗi ngày một tăng tiến.
Thưa quí đạo hữu, đức Phật có dạy: “Thân người khó được, Phật pháp khó gặp.” Chúng ta từ vô thỉ đến nay, sống say chết ngủ trong trường giả danh huyễn mộng, luân hồi đã nhiều đời nhiều kiếp, chúng sanh vẫn lại hoàn chúng sanh, thế là chẳng phụ cái Tâm thường còn không mất, cái Tánh Giác bình đẳng chân như “Viên Giác” của chúng ta lắm sao? Chúng ta nhờ thiện nhơn đời trước mới đặng cái quả làm người đời nay, thì chúng ta quyết bồi bổ cái nhân lành kia thêm phần mỹ mãn, quyết đoạn trừ các phiền não, tự tin mình có tánh Viên Giác và sống theo tánh ấy, đặng bước một bước dài trên đường giải thoát.
Kinh Viên Giác nầy là một ngọn đèn soi sáng hướng dẫn chúng ta trên đường giải thoát, cho nên chúng tôi thành tâm và trân trọng giới thiệu cùng chư thiện tín.
Cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho những ai đọc bộ kinh Viên Giác nầy, đều được nhập Viên Giác
****
DỊCH GIẢ
1. PHIÊN DỊCH PHẠN – HÁN:
- Ngài La-hầu-mặc-kiện dịch tại đạo tràng Bảo Vân ở Đàm Châu, đời Đường niên hiệu Trinh Quán thứ hai mươi mốt (647), nhằm ngày 15 tháng 7 năm Đinh Mùi. Thuyết này căn cứ theo Viên Giác Đại Sớ của ngài Khuê Phong.
- Ngài Phật-đà-đa-la (Buddhatràta) Trung Hoa dịch là Giác Cứu, người Kế Tân (Yết-thấp-di-la) Bắc Ấn, dịch tại chùa Bạch Mã ở Đông Đô, đời Đường niên hiệu Trường Thọ thứ hai (693). Bấy giờ Võ Tắc Thiên đổi nhà Đường thành nhà Chu.
Trong hai bản dịch thì bản dịch của ngài Phật-đà-đa-la được phổ biến, còn bản dịch của ngài La-hầu-mặc-kiện chỉ thấy ngài Khuê Phong nêu lên trong Viên Giác Đại Sớ, ít phổ biến.
2. CHÚ GIẢI:
Theo Đại sư Thái Hư thì kinh Viên Giác được chú giải rất nhiều. Các tông phái ở Trung Hoa thời bấy giờ đều có chú giải, phần lớn là Thiền tông và Hoa Nghiêm tông. Đời Đường có các Ngài: Ngài Duy Phát, ngài Đạo Tuyên, ngài Khuê Phong. Ngài Khuê Phong chú giải thành hai bản, một bản đề Lược Sớ, một bản đề Đại Sớ…
Đến đời Nam Tống có ngài Nguyên Túy làm Tập Chú. Trong bản này gom hết lời chú giải của những nhà chú giải trước thành một tập. Gần đây, Đại sư Thái Hư giảng giải đề tựa là Viên Giác Lược Thích.
3. DỊCH HÁN – VIỆT:
- Ngài Huyền Cơ dịch Kinh Viên Giác, xuất bản năm 1951.
- Hòa thượng Thích Thiện Hoa dịch đề tựa là Kinh Viên Giác (phiên dịch và lược giải) được in trong bộ Phật Học Phổ Thông, quyển 8, Hương Đạo xuất bản năm 1958.
- Hòa thượng Trí Hữu dịch Kinh Viên Giác, tôi không nhớ năm xuất bản.
- Hòa thượng Trung Quán dịch Kinh Viên Giác làm hai quyển, tôi cũng không nhớ năm xuất bản.
- Cư sĩ Đoàn Trung Còn dịch Kinh Viên Giác.
Kinh Viên Giác đã được dịch ra tiếng Việt, lý đáng chúng ta học bản tiếng Việt. Nhưng vì tôi nhắm vào Tăng Ni, nên tôi giảng thẳng bản chữ Hán, để quý vị dò theo cho quen cách dịch nghĩa, sau này đọc kinh chữ Hán cho dễ.
— o0o —
GIẢNG ĐỀ KINH:
Về đề kinh, ở chương 12, Bồ-tát Hiền Thiện Thủ hỏi Phật tên Kinh này.
Phật trả lời đến năm tên:
- Đại Phương Quảng Viên Giác Đà-La-Ni.
- Tu-Đa-La Liễu Nghĩa.
- Bí Mật Vương Tam-Muội.
- Như Lai Quyết Định Cảnh Giới.
- Như Lai Tàng Tự Tánh Sai Biệt.
Năm tên này được rút gọn lại là: Đại Phương Quảng Viên Giác Tu-Đa-La Liễu Nghĩa.
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG VIÊN GIÁC
Theo ngài Khuê Phong Tông Mật thì mỗi chúng sanh có thể chân thật rộng lớn trùm khắp pháp giới, nên gọi là Đại. Thể chân thật ấy hay gìn giữ tất cả quy tắc, và hay sanh khởi ra muôn pháp, nên gọi là Phương. Thể chân thật ấy có đầy đủ diệu dụng không thể nghĩ lường, nên gọi là Quảng.
Theo ngài Thái Hư thì Đại là chỉ cho cái thể tuyệt đối, vượt ngoài các pháp đối đãi. Đại không có nghĩa là lớn đối với tiểu là nhỏ. Phương chỉ cho phương sở, thể tuyệt đối ấy rộng lớn không ngằn mé, vượt khỏi không gian và thời gian.
Quảng là rộng lớn không thể nghĩ lường. Đại Phương Quảng chỉ cho nghĩa của Viên Giác. Viên là tròn, Giác là giác ngộ; giác ngộ một cách viên mãn gọi là Viên Giác. Viên Giác chỉ cho cảnh giới Phật. Kinh Phật giản trạch: Phàm phu thì bất giác, ngoại đạo thì tà giác, Nhị thừa thì chánh giác, Bồ-tát thì phần giác, Phật thì Viên giác. Chỉ có Phật mới giác ngộ viên mãn. Phàm phu vì bất giác nên không thấy được tánh Phật. Ngoại đạo thì tà giác, tuy biết nhưng biết lệch lạc sai lầm. Hàng Nhị thừa tuy được chánh giác nhưng giác chưa rộng lớn. Bồ-tát tuy thấy tánh Phật nhưng thấy từng phần nên gọi là phần giác. Hành giả dụng tâm tu hành, công phu viên mãn, tánh Phật hiển hiện tròn đầy gọi là Viên giác. Như vậy Đại Phương Quảng Viên Giác là tánh Viên giác tròn đầy rộng lớn không ngằn mé, trùm khắp pháp giới, vượt ngoài không gian và thời gian, là nguồn gốc sanh ra muôn pháp, diệu dụng không thể nghĩ lường.
TU-ĐA-LA LIỄU NGHĨA
Tu-đa-la (Sùtra) nguyên là chữ Phạn, Trung Hoa dịch là Kinh. Phàm những lời Phật dạy được kết tập lại có hệ thống gọi là Kinh. Kinh có kinh liễu nghĩa và kinh bất liễu nghĩa. Trong kinh Đại Bảo Tích có những đoạn Phật nói với ngài Xá Lợi Phất:
– Nói những việc thế gian là bất liễu nghĩa, nói về thắng nghĩa là liễu nghĩa.
– Nói mà tạo nghiệp phiền não là bất liễu nghĩa, nói để nghiệp phiền não sạch là liễu nghĩa.
– Nói mà chán lìa sanh tử tìm cầu Niết-bàn là bất liễu nghĩa, nói sanh tử Niết-bàn không hai là liễu nghĩa.
– Nói về các thứ văn cú sai biệt là bất liễu nghĩa, nói pháp sâu xa khó thấy khó giác là liễu nghĩa.
Qua bốn đoạn Phật giản trạch về liễu nghĩa và bất liễu nghĩa, thì kinh Viên Giác thuộc về kinh liễu nghĩa, vì kinh Viên Giác nói tột lý cứu cánh không qua một phương tiện nào.
Về hình thức, kinh Viên Giác có chỗ gom thành một quyển, có chỗ chia ra hai quyển, gồm mười hai chương mục, mỗi chương có một vị Bồ-tát đại diện đứng ra thưa hỏi và được Phật trả lời hướng dẫn tu rất rõ ràng.