Kinh Viên Giác – Chương Kim Cang Tạng

Kinh Văn: Ư thị Kim Cang Tạng Bồ-tát tại đại chúng trung, tức tùng tòa khởi, đảnh lễ Phật túc, hữu nhiễu tam táp, trường quì xoa thủ nhi bạch Phật ngôn:

Đại bi Thế Tôn, thiện vị nhất thiết chư Bồ-tát chúng tuyên dương Như Lai Viên giác thanh tịnh Đại đà-la-ni nhân địa pháp hạnh tiệm thứ phương tiện, dữ chư chúng sanh khai phát mông muội. Tại hội pháp chúng thừa Phật từ hối, huyễn ế lãng nhiên, huệ mục thanh tịnh.

– Thế Tôn, nhược chư chúng sanh bổn lai thành Phật hà cố phục hữu nhất thiết vô minh.

– Nhược chư vô minh chúng sanh bổn hữu, hà nhân duyên cố Như Lai phục thuyết bổn lai thành Phật.

– Thập phương dị sanh bổn thành Phật đạo, hậu khởi vô minh?

Nhất thiết Như Lai, hà thời phục sanh nhất thiết phiền não? Duy nguyện bất xả vô giá đại từ vị chư Bồ-tát khai bí mật tạng, cập vị mạt thế nhất thiết chúng sanh đắc văn như thị tu-đa-la giáo liễu nghĩa pháp môn, vĩnh đoạn nghi hối. Tác thị ngữ dĩ, ngũ thể đầu địa, như thị tam thỉnh chung nhi phục thỉ.

 Việt Văn: Khi ấy Kim Cang Tạng Bồ Tát ở trong đại chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, đi nhi­u quanh Phật ba vòng, đảnh lễ chân phật, chấp tay quỳ gối bạch Phật rằng:

– Đại bi Thế Tôn! Khéo vì tất cả Bồ Tát giảng dạy viên giác trong sạch đại tổng trì về nhân địa phát tâm đúng theo chánh pháp, và phương tiện thứ lớp tu theo chánh hạnh của Như Lai, khai phá ám muội cho chúng sanh, pháp chúng trong hội nhờ sự từ bi chỉ dạy của Phật, được trí huệ trong sạch, mắt nhặm sáng tỏ.

  1. Bạch Thế Tôn! Nếu các chúng sanh bổn lai thành Phật, tại sao lại có tất cả vô minh?
  2. Nếu những vô minh chúng sanh sẵn có, do nhân duyên gì Như Lai lại nói bổn lai thành Phật?
  3. Nếu mười phương chúng sanh bổn lai thành Phật, rồi sau mới khởi vô minh, vậy tất cả Như Lai đến lúc nào sanh lại tất cả phiền não?

Xin Phật rủ lòng đại từ, vì những Bồ Tát và chúng sanh đời mạt pháp khi giảng pháp tạng bí mật, khiến người nghe được pháp môn liễu nghĩa của Kinh này dứt hẳn tâm nghi ngờ .

Ngài Kim Cang Tạng Bồ Tát nói xong, năm vóc gieo sát đất, đảnh lễ thưa thỉnh ba lần như vậy.

 Giảng: Đại ý đoạn này, Ngài Kim Cang Tạng Bồ Tát nghi: Có Vô minh thì gọi là chúng sanh, không Vô minh mới kêu là Phật. Thế mà Đức Như Lai lại nói: “Chúng sanh đã thành Phật từ xưa đến nay.”

Nếu chúng sanh đã thành Phật từ xưa đến nay, thì phải không còn Vô minh. Nếu không còn Vô minh, thì không còn gọi là chúng sanh nữa. Tại làm sao Phật còn gọi: “Chúng sanh?”

Lại nữa, nếu chúng sanh sẵn có Vô minh thì không thể nói “nguyên lai thành Phật”. Tại sao Phật lại nói: “chúng sanh nguyên lai đã thành Phật.”

Chúng sanh tu hành phải trải qua ba vô số kiếp mới thành Phật. Nếu khi được thành Phật rồi, Vô minh trở lại khởi lên làm chúng sanh nữa, thì tu biết chừng nào cho rồi! Lại nữa, chư Phật hiện nay đã thành Phật, vậy chừng nào các Ngài nổi vô minh trở lại làm chúng sanh nữa?

Đoạn này giống như trong Kinh Lăng Nghiêm, khi Ngài Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử hỏi Phật: “chơn tâm vốn đã thanh tịnh tại sao thoạt sanh ra sơn hà đại địa và các chúng sanh?”

 

Kinh Văn: Nhĩ thời Thế Tôn cáo Kim Cang Tạng Bồ-tát ngôn: Thiện tai, thiện tai!

Thiện nam tử, nhữ đẳng nãi năng vị chư Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh vấn ư Như Lai thậm thâm bí mật cứu cánh phương tiện, thị chư Bồ-tát tối thượng giáo hối liễu nghĩa Đại thừa, năng sử thập phương tu học Bồ-tát cập chư mạt thế nhất thiết chúng sanh đắc quyết định tín vĩnh đoạn nghi hối. Nhữ kim đế thính, đương vị nhữ thuyết.

Thời Kim Cang Tạng Bồ-tát phụng giáo hoan hỷ, cập chư đại chúng mặc nhiên nhi thính.

Việt Văn: Bấy giờ Phật bảo Kim Cang Tạng Bồ Tát rằng:

-Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Ngươi khéo vì các Bồ Tát và chúng sanh đời mạt pháp hỏi Như Lai về pháp thâm sâu bí mật, phương tiện rốt ráo của Phật, ấy là sự chỉ dạy tối cao của đại thừa liễu nghĩa cho các Bồ Tát, hay khiến mười phương Bồ Tát và chúng sanh đời mạt pháp đối với sự tu học được lòng tin quyết định, dứt hẳn tâm nghi ngờ. Nay ngươi hãy lắng nghe, ta sẽ vì ngươi mà thuyết “.

Lúc ấy Kim Cang Tạng Bồ Tát và đại chúng hoan hỷ vâng lời Phật dạy, im lặng mà nghe:

Giảng: Kim Cang là chất ngọc quý, cứng rắng nhứt trong loại ngọc. Nó đã cứng mà lại bén (sắc), hay phá hoại các vật, mà các vật không phá hoại được nó. Đoạn này Ngài Kim Cang Tạng Bồ Tát đứng lên thưa hỏi những chỗ khó khăn, là tiêu biểu phải dùng Kim Cang trí mới phá trừ nổi những mê lầm(Vô minh) sâu sắc.

Ngài Kim Cang Tạng Bồ Tát cũng là một vị Thượng thủ trong hàng Bồ Tát.

 

Kinh Văn: Thiện nam tử, nhất thiết thế giới thủy chung sanh diệt tiền hậu hữu vô, tụ tán khởi chỉ, niệm niệm tương tục tuần hoàn vãng phục chủng chủng thủ xả, giai thị luân hồi, vị xuất luân hồi nhi biện Viên giác, bỉ Viên giác tánh tức đồng lưu chuyển. Nhược miễn luân hồi vô hữu thị xứ.

Thí như động mục năng diêu trạm thủy hựu như định nhãn do hồi chuyển hỏa, vân sử nguyệt vận, chu hành ngạn di diệc phục như thị.

Việt Văn: Thiện nam tử! Tất cả thế giới những sự thủy, chung, sanh, diệt, trước, sau, có, không, tụ, tán, khởi, dừng, cho đến đủ thứ thủ xả đều là đối đãi, xoay vần tương sanh với nhau, niệm niệm tương tục, đều là luân hồi. Kẻ chưa ra khỏi luân hồi mà phân biệt Viên Giác thì tánh Viên Giác kia cũng đồng như luân hồi, vậy muốn khỏi bị luân hồi thì chẳng có chỗ đúng.

Ví như mắt nháy thấy nước lặng dợn sóng, mắt ngó hẳn một chỗ thấy vòng lửa xoay tròn, do mây bay mau thấy mặt trăng đi nhanh, do thuyền đi thấy bờ trôi thì cũng như thế.

Giảng:  Đại ý đoạn này Phật nói: Người còn ở trong vòng “mê” mà nói việc “ngộ” thì cái “ngộ” ấy cũng thành “mê”. Dùng tâm chúng sanh nghĩ bàn đến cảnh giới Phật, thì cảnh giới Phật cũng thành chúng sanh. Dùng tâm luân hồi mà nghĩ bàn đến tánh Viên Giác, thì tánh “Viên Giác” cũng trở thành luân hồi.

Phật bảo Ngài Kim Cang Tạng Bồ Tát: Nếu ông đứng trong vòng hư vọng, tương đối, có Thánh có phàm, có chúng sanh, có Phật v.v… mà luận đến cảnh giới tuyệt đối, bất tư nghị của chư Phật thì không thể được. Bởi thế nên người muốn hiểu chỗ cao siêu của đạo Phật thì cần phải tu, chớ không thể nói suông mà hiểu được.

Trong đoạn này, Phật dùng những việc tầm thường trong đời làm thí dụ, như mắt nháy, may bay, thuyền đi v.v… mà thấy nước dợn, trăng bay, bờ chạy v..v… để chỉ rõ.

 

Kinh Văn: Thiện nam tử, chư toàn vị tức, bỉ vật tiên trụ, thượng bất khả đắc, hà huống luân chuyển, sanh tử cấu tâm, tằng vị thanh tịnh, quán Phật Viên giác, nhi bất toàn phục. Thị cố nhữ đẳng, tiện sanh tam hoặc.

Việt Văn: Thiện nam tử! Sự xoay vòng chưa dừng mà muốn cảnh vật dừng trước còn chẳng thể được, huống là tâm cấu bẩn chưa từng trong sạch, còn ở trong sanh tử luân hồi mà muốn quán Viên Giác của Phật chẳng xoay vần thì làm sao được! Vì thế các ngươi mới sanh ba điều nghi hoặc kể trên.

Giảng: Vì dùng tâm cấu nhiễm mê vọng của chúng sanh mà quan sát nghĩ ngợi đến cảnh giới của Phật, nên cảnh Phật trở thành tương đối mê vọng. Vì Ngài Kim Cang Tạng Bồ Tát dùng tâm phân biệt đối đãi có không, sanh diệt, thánh phàm v.v… nên thấy có chúng sanh chưa thành Phật và có Phật đã thành. Bởi thế nên Ngài sanh ra ba điều nghi ngờ trên. Nếu Ngài nhập được tánh Viên Giác thanh tịnh rồi thì những tướng tốt đối đãi như thánh phàm nhiễm tịnh, sanh tử và Niết Bàn, chúng sanh và Phật đều không còn. Lúc bấy giờ Nnài không còn nghi ngờ như trên nữa. Vì vậy nên đoạn sau Phật quở: “… những lời ông thưa hỏi đó, chẳng có đúng đắn…”

 

Kinh Văn: Thiện nam tử, thí như huyễn ế, vọng kiến không hoa, huyễn ế nhược trừ, bất khả thuyết ngôn, thử ế dĩ diệt, hà thời cánh khởi nhất thiết chư ế? Hà dĩ cố? Ế hoa nhị pháp tương đãi cố. Diệc như không hoa, diệt ư không thời, bất khả thuyết ngôn hư không hà thời cánh khởi không hoa. Hà dĩ cố? Không bản vô hoa, phi khởi diệt cố.

Việt Văn: Thiện nam tử! Ví như bệnh nhặm vọng thấy hoa đốm hiện trên hư không, nếu bệnh nhặm trừ, chẳng thể nói rằng nhặm nay đã diệt, vậy đến lúc nào tất cả bệnh nhặm mới sanh trở lại. Tại sao? Vì hai pháp bệnh nhặm và hoa đốm chẳng phải đối đãi sanh nhau, cũng như hoa đốm diệt nơi hư không rồi, chẳng thể nói rằng hư không lúc nào sanh lại hoa đốm nữa. Tại sao? Hư không vốn chẳng hoa đốm nên chẳng có sự sanh diệt.

Giảng: Đại ý đoạn này nói: Vô minh và các vọng cảnh, đều hư huyễn không thật, cũng như hoa đốm và mắt nhặm. Vì hoa đốm với nhặm, đều không phải thật vật, cho nên nó không thật có sanh và diêt. Bởi thế, khi hết nhặm rồi, không nên hỏi: “chừng nào nhặm trở lại nữa?” Hay hoa đốm đã diệt rồi, cũng không nên hỏi: “chừng nào nó sanh trở lại nữa?”

Hoa đốm và bịnh nhặm, mặc tình nó vọng sanh vọng diệt, mà hư không lúc nào cũng vẫn thanh tịnh và yên lặng. Cũng như Vô minh và vọng cảnh, mặc tình vọng khởi và vọng diệt, mà tánh Viên Giác vẫn thanh tịnh viên mãn và xa lìa các Vô minh cùng vọng cảnh.

Tánh hư không bình đẳng tùy thuận các đồ vật, mà hiện ra có tướng vuông và tròn. Cũng như tánh Viên Giác bình đẳng, tùy thuận các duyên mà hiện ra tất cả pháp.

Hư không, không phải nhơn lúc hoa đốm diệt mà nó tạm có, cũng không phải nhơn lúc hoa đốm sanh mà nó tạm không; bởi tánh hư không thường có và bình đẳng, tùy hoa đốm mặc tình sanh diệt, nhưng hư không vẫn không thay đổi.

 

Kinh Văn: Sanh tử Niết-bàn đồng ư khởi diệt, Diệu giác viên chiếu ly ư hoa ế.

Thiện nam tử, đương tri hư không phi thị tạm hữu diệc phi tạm vô, huống phục Như Lai Viên giác tùy thuận nhi vi hư không bình đẳng bản tánh.

Việt Văn: Sanh tử Niết Bàn đồng như hoa đốm sanh diệt, nếu diệu giác hiện ra tròn đầy chiếu khắp thì hoa đốm và bệnh nhặm đều tự lìa hẳn.

Thiện nam tử! Phải biết hư không chẳng phải tạm có, cũng chẳng tạm không, huống là bản tánh bình đẳng của hư không là tùy thuận Viên Giác của Như Lai, làm sao có thể dung nạp những đối đãi như: có, không, sanh, diệt, trước, sau, v.v… ở trong đó!

Giảng: Cũng thế, tánh Viên Giác thanh tịnh của Như Lai, thường còn bình đẳng và tùy thuận các pháp. Không phải nhơn lúc Vô minh diệt mà nó tạm có, hay Vô minh sanh mà nó tạm không, nó tùy thuận tất cả, không có chướng ngại.

  

Kinh Văn: Thiện nam tử, như tiêu kim khoáng, kim phi tiêu hữu, ký dĩ thành kim, bất trùng vi khoáng. Kinh vô cùng thời, kim tánh bất hoại bất ưng thuyết ngôn, bổn phi thành tựu. Như Lai Viên giác diệc phục như thị.

 Việt Văn: Thiện nam tử! Như luyện quặng vàng, vàng chẳng phải do luyện mà có, khi đã thành vàng ròng thì dù trải qua vô lượng kiếp tánh vàng chẳng hoại, chẳng thể trở lại làm quặng nữa; vậy chẳng nên nói rằng vàng ròng vốn chẳng thành tựu, Viên Giác của Như Lai cũng là như thế.

 Giảng: Phật dùng vàng để thí dụ tánh Viên Giác, dùng khỏang dụ chúng sanh. Khi vàng còn ở trong khoáng, cũng như Phật tánh (Viên Giác) ở trong cái vỏ chúng sanh. Vì y nơi Phật tánh sẵn có, nên Phật nói: “chúng sanh đã thành Phật.”

Khi chất kim khoáng được đem ra nấu luyện, lọc bỏ hết quặng chỉ còn vàng y, thì vàng này không còn trở lại làm khoáng nữa.

Cũng như chúng sanh, sau khi trải qua thời gian tu luyện, gạn lọc hết Vô minh, phiền não, tánh Viên Giác hiện ra, được thành Phật rồi; lúc bấy giờ không còn khởi Vô minh phiền não trở lại làm chúng sanh nữa.

Dầu chưa được nấu luyện, lọc bỏ quặng ra, lúc ấy chất vàng vẫn sẵn có. Đến khi nấu luyện, lọc bỏ hết quặng thành vàng y rồi, không phải lúc bấy giờ vàng mới có. Tánh Viên Giác cũng thế, khi làm chúng sanh, nó vẫn sẵn có, nên nói: “chúng sanh đã thành Phật”. Trải qua thời gian tu luyện trừ hết Vô minh phiền não, tánh Viên Giác hiện ra, không phải lúc bấy giờ nó mới sanh.

 

Kinh Văn: Thiện nam tử, nhất thiết Như Lai, Diệu viên giác tâm, bản vô Bồ-đề cập dữ Niết-bàn, diệc vô thành Phật cập bất thành Phật, vô vọng luân hồi cập phi luân hồi.

Việt Văn: Thiện nam tử! Diệu tâm Viên Giác của tất cả Như Lai vốn chẳng Bồ Đề và Niết Bàn, cũng chẳng só sự thành Phật hay chẳng thành Phật, cũng chẳng có vọng luân hồi và phi luân hồi.

Giảng: Khi tánh Viên Giác đã hoàn toàn hiện rồi, thì Vô minh phiền não không còn sanh trở lại nữa, nên nói: “Thành Phật rồi, không còn trở lại làm chúng sanh.”

  

Kinh Văn: Thiện nam tử, đản chư Thanh văn sở viên cảnh giới, thân tâm ngữ ngôn giai tất đoạn diệt, chung bất năng chí bỉ chi thân chứng, sở hiện Niết-bàn. Hà huống năng dĩ hữu tư duy tâm trắc độ Như Lai Viên giác cảnh giới. Như thủ huỳnh hỏa thiêu Tu-di sơn chung bất năng trước, dĩ luân hồi tâm, sanh luân hồi kiến nhập ư Như Lai đại tịch diệt hải, chung bất năng chí, thị cố ngã thuyết nhất thiết Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh tiên đoạn vô thủy luân hồi căn bản.

Việt Văn: Thiện nam tử! Theo cảnh giới sở chứng của hàng Thanh Văn, thân tâm ngôn ngữ đều đã đoạn diệt còn chẳng thể đến chỗ Niết Bàn của tự mình chứng, huống là dùng tâm suy tư để đo lường cảnh giới Viên Giác của Như Lai; ví như lấy lửa đom đóm để đốt núi Tu Di thì làm sao cháy được! Nay dùng tâm luân hồi, sanh tri kiến luân hồi mà muốn vào biển Đại Tịch Diệt của Như Lai thì làm sao đến được! Cho nên ta nói tất cả Bồ Tát và chúng sanh đời mạt pháp, trước tiên phải đoạn dứt cội gốc luân hồi từ vô thỉ.

Giảng: Đứng về phương diện tương đối mà nói: Vì có phiền não nên có Bồ Đề, có sanh tử nên có Niết Bàn, có luân hồi nên mới có giải thoát, có chúng sanh mới có Phật. Song đứng về phương diện lý tánh tuyệt đối, tức là tâm Viên Giác mầu nhiệm của Như Lai mà nói, thì phiền não đã không, nên Bồ Đề chẳng có, sanh tử đã không, nên Niết Bàn chẳng có, cho đến chúng sanh đã không, nên Phật cũng chẳng có.

Đến cảnh giới này, thì nói năng không trúng, suy nghĩ cũng chẳng nhằm. Hành giả phải tự chứng nhập.

 

Kinh Văn: Thiện nam tử, hữu tác tư duy, tùng hữu tâm khởi, giai thị lục trần, vọng tưởng duyên khí, phi thật tâm thể dĩ như không hoa, dụng thử tư duy biện ư Phật cảnh, do như không hoa, phục kết không quả triển chuyển vọng tưởng, vô hữu thị xứ.

Việt Văn: Thiện nam tử! Những tác ý suy tư do có tâm mà sanh khởi, ấy đều là lục trần, là nhân duyên của vọng tưởng, chẳng phải bản thể thật của chơn tâm, nên nói như hoa đốm; vậy nếu dùng tâm suy tư này để phân biệt cảnh giới của Phật, cũng như trông mong hoa đốm lại kết thành quả hư không, ấy đều là do vọng tưởng xoay vần, thật ra chẳng có chỗ đúng.

Giảng: Cảnh giới Niết Bàn của Thinh Văn là cảnh giới Tiểu thừa (trầm không thú tịch khôi thân diệt trí) mà còn không thể nghĩ ngợi được, huống chi cảnh giới của Phật cao siêu tột bực, mà lại dùng cái vọng tâm sanh tử luân hồi của phàm phu và trí của Tiểu thừa để suy nghĩ phân biệt cảnh giới Viên Giác của Như Lai, thì quyết không thể hiểu được (Dĩ luân hồi tâm, sanh luân hồi kiến, nhập ư Như Lai đại tịch diệt hải, chung bất năng chí) cũng như người dùng lửa của con đom đốm để đốt núi Tu Di thì không thể được.

Bởi thế nên Phật dạy: “trước phải đoạn hết căn bản sanh tử luân hồi từ vô thỉ”, tức là diệt vọng tâm phân biệt. Cũng như trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy rành rõ hai món căn bản là:

  1. Phải đoạn căn bản của sanh tử luân hồi là vọng tâm.
  2. Phải y trụ nơi căn bản.

 

Kinh Văn: Thiện nam tử, hư vọng phù tâm, đa chư xảo kiến, bất năng thành tựu Viên giác phương tiện, như thị phân biệt, phi vi chánh vấn.

Việt Văn: Thiện nam tử! Vọng tâm trôi nổi sanh nhiều khiến chấp xảo trá, nên chẳng thể thành tựu phương tiện của Viên Giác, sự thưa hỏi của ngươi là do vọng tâm phân biệt như thế. Thật chẳng phải là câu hỏi đúng theo chánh kiến.

Giảng: Đức Thế Tôn, sau khi trải qua thời gian ba vô số kiếp tu hành, được thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni rồi, Ngài dạy rằng: “Nói thành Phật thật ra không thành cái chi khác, mà chỉ trở lại với tánh Phật sẵn có đó thôi”. Trong kinh nói: “Thành mà vẫn không thành”, hay câu: “Ngộ liễu đồng vị ngộ, vô pháp diệc vô tâm”. (Giác ngộ rồi cũng đồng như khi chưa giác ngộ, vì không có pháp và cũng không có tâm gì khác).

Tánh Phật này, không riêng gì một mình Ngài có, mà tất cả chúng sanh đều có sẵn có. Vì căn cứ theo Phật tánh sẵn có này, nên Ngài nói: “Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật” hay trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả chúng sanh đều sẵn có đầy đủ trí huệ đức tướng của Như Lai.” (Nhứt thế chúng sanh cụ hữu Như Lai trí huệ đức tướng). Bởi thế nên Ngài nói: “Chúng sanh đã thành Phật từ lâu.”

Vậy, người muốn hiểu đến lý này, phải nhập cảnh giới Phật, trình độ phải gần như Phật mới hiểu được. Nếu chỉ dùng tâm cấu nhiễm thô phù phân biệt của chúng sanh, mà so tính đến cảnh giới Phật, thì làm sao hiểu được. Cũng như người muốn hiểu câu nói của cụ già tám muơi, ít nhất trình độ cũng gần như cụ già mới hiểu. Nếu dùng trí non nớt của trẻ con năm, mười tuổi, mà suy nghĩ câu nói của cụ già thì làm sao hiểu được. Bởi thế nên Phật nói: “những lời ông hỏi trên đêù là hư vọng phân biệt, không phải lời hỏi chơn thật.”

 

Kinh Văn: Nhĩ thời Thế Tôn dục trùng tuyên thử nghĩa, nhi thuyết kệ ngôn:

Việt Văn: Lúc ấy Thế Tôn muốn giảng lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:

Kim Cang Tạng đương tri                 Kim Cang Tạng nên biết,
Như Lai tịch diệt tánh                       Tánh Như Lai tịch diệt,
Vị tằng hữu chung thủy                    Chưa từng có thủy chung.
Nhược dĩ luân hồi tâm                      Nếu dùng tâm luân hồi,

Tư duy tức toàn phục                        Suy tư thành xoay vần.
Đản chí luân hồi tế                            Chỉ đến bờ luân hồi,
Bất năng nhập Phật hải                    Chẳng thể vào biển Phật.
Thí như tiêu kim khoáng                   Ví như luyện quặng vàng,

Kim phi tiêu cố hữu                          Chẳng do luyện có vàng.
Tuy phục bổn lai kim                        Dù vàng ròng sẵn có,
Chung dĩ tiêu thành tựu                    Nhờ luyện mới thành tựu.
Nhất thành chân kim thể                   Khi đã thành vàng ròng,

Bất phục trùng vi khoáng                 Chẳng trở lại quặng nữa.
Sanh tử dữ Niết-bàn                          Sanh tử và Niết Bàn,
Phàm phu cập chư Phật                    Phàm phu với chư Phật,
Đồng vi không hoa tướng                 Đồng như tướng hoa đốm.

Tư duy do huyễn hóa                        Suy tư như huyễn hoá,
Hà huống cật hư vọng                       Huống sự hỏi hư vọng.
Nhược năng liễu thử tâm                   Hãy thấu rõ tâm này,
Nhiên hậu cầu Viên giác.                  Rồi mới cầu Viên Giác.