Kinh Văn: Ư thị Phổ Nhãn Bồ-tát tại đại chúng trung, tức tùng tòa khởi, đảnh lễ Phật túc, hữu nhiễu tam táp trường quì xoa thủ, nhi bạch Phật ngôn.
– Đại bi Thế Tôn, nguyện vị thử hội chư Bồ-tát chúng cập vị mạt thế nhất thiết chúng sanh diễn thuyết Bồ-tát tu hành tiệm thứ, vân hà tư duy, vân hà trụ trì, chúng sanh vị ngộ tác hà phương tiện phổ linh khai ngộ. Thế Tôn, nhược bỉ chúng sanh vô chánh phương tiện, cập chánh tư duy, văn Phật Như Lai thuyết thử tam muội tâm sanh mê muội, tức ư Viên giác bất năng ngộ nhập. Nguyện hưng từ bi vị ngã đẳng bối cập mạt thế chúng sanh giả thuyết phương tiện. Tác thị ngữ dĩ, ngũ thể đầu địa, như thị tam thỉnh, chung nhi phục thủy.
Việt Văn: Khi ấy Phổ Nhãn Bồ Tát ở trong đại chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, đi nhiễu quanh Phật ba vòng, đảnh lễ chân phật, chấp tay quỳ gối bạch Phật rằng:
-Xin đại bi Thế Tôn vì các Bồ Tát trong hội này và tất cả chúng sanh đời mạt pháp giảng về sự tu hành theo thứ lớp của Bồ Tát, nên quán như thế nào? An trụ tâm như thế nào? Những chúng sanh chưa ngộ, dùng phương tiện gì khiến đều được khai ngộ? Bạch Thế Tôn! Nếu những chúng sanh ấy chẳng biết phương tiện và thiền quán của Chánh Pháp, nghe Phật thuyết chánh định này tâm sanh mê muội, thì ở nơi Viên Giác chẳng thể ngộ nhập. Xin Phật từ bi vì chúng con và chúng sanh đời mạt pháp giả thiết phương tiện để được vào cửa tu hành.
Ngài Phổ Nhãn Bồ Tát nói xong, năm vóc gieo sát đất, đảnh lễ thưa thỉnh ba lần như vậy.
Giảng: Đoạn trước Ngài Phổ Hiền Bồ Tát hỏi Phật, ý hỏi rất u thâm. Phật xứng theo lý viên đốn mà trả lời rằng:
“Giác ngộ, không có từng tự; biết huyễn là lìa được huyễn, không cần phương tiện.” Ngài Phổ Nhãn Bồ Tát, vì thấy Phật nói Pháp môn “Viên đốn” như thế, nghĩ rằng: duy có những người trình độ cao thượng mới có thể làm được; trái lại những kẻ căn cơ thấp kém, nếu không có tạm lập phương tiện và chỉ dạy thứ lớp tu hành thì làm sao ngộ nhập được. Vì vậy, nên qua chương này, Ngài PHổ Nhãn Bồ Tát cầu Phật tạm lập phương tiện và chỉ dạy thứ lớp tu hành, để cho chúng sanh có thể hạ thủ công phu, nhập được Viên Giác.
Tóm lại các câu hỏi của Ngài Phổ Nhãn hỏi Phật, gồm trong hai phần:
- Hỏi về “Tư Huệ” tức là câu hỏi “phải suy nghĩ thế nào cho chơn chánh?”
- Hỏi về “Tu Hệ” tức là câu hỏi “phải an trụ và giữ gìn thế nào? Tạm lập phương tiện tu hành và thứ lớp tu làm sao, mới ngộ nhập được Viên Giác?”
Kinh Văn: Nhĩ thời Thế Tôn cáo Phổ Nhãn Bồ-tát ngôn:
– Thiện tai, thiện tai! Thiện nam tử nhữ đẳng nãi năng vị chư Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh vấn ư Như Lai tu hành tiệm thứ, tư duy trụ trì, nãi chí giả thuyết chủng chủng phương tiện. Nhữ kim đế thính đương vị nhữ thuyết. Thời Phổ Nhãn Bồ-tát phụng giáo hoan hỷ cập chư đại chúng mặc nhiên nhi thính.
Việt Văn: Bấy giờ Phật bảo Phổ Nhãn Bồ Tát rằng:
– Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Ngươi khéo vì các Bồ Tát và chúng sanh đời mạt pháp hỏi Như Lai về thiền quán và an trụ tâm như thế nào, phải nên theo thứ lớp tu hành như thế nào, cho đến giả thuyết đủ thứ phương tiện. Nay ngươi hảy lắng nghe, ta sẽ vì ngươi mà thuyết.
Lúc ấy, Phổ Nhãn Bồ Tát và đại chúng hoan hỷ vâng lời Phật dạy, im lặng mà nghe.
Giảng: Đoạn này Phật khen Ngài Phổ Nhãn vì đại chúng cầu Phật tạm lập phương tiện tu hành để nhập Viên Giác.
Trong câu hỏi gồm có hai phần:
- Hỏi về Tư huệ;
- Hỏi về Tu Huệ.
Kinh Văn: Thiện nam tử, bỉ tân học Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh dục cầu Như Lai tịnh Viên giác tâm, ưng đương chánh niệm viễn ly chư huyễn, tiên y Như Lai xa-ma-tha hạnh, kiên trì cấm giới, an xử đồ chúng, yến tọa tĩnh thất, hằng tác thị niệm:
Ngã kim thử thân tứ đại hòa hợp, sở vị phát, mao, trảo, xỉ, bì, nhục, cân, cốt, tủy, não cấu sắc giai qui ư địa. Thóa, thế, nùng, huyết, tân dịch, tiên mạt, đàm, lệ, tinh khí, đại, tiểu tiện lợi giai qui ư thủy. Noãn khí qui hỏa. Động chuyển qui phong. Tứ đại các ly, kim giả vọng thân đương tại hà xứ? Tức tri thử thân tất cánh vô thể, hòa hợp vi tướng, thật đồng huyễn hóa. Tứ duyên giả hợp, vọng hữu lục căn, lục căn tứ đại trung ngoại hợp thành, vọng hữu duyên khí, ư trung tích tụ tợ hữu duyên tướng giả danh vi tâm.
Thiện nam tử, thử hư vọng tâm, nhược vô lục trần, tắc bất năng hữu. Tứ đại phân giải, vô trần khả đắc. Ư trung duyên trần các qui tán diệt, tất cánh vô hữu duyên tâm khả kiến.
Việt Văn: Thiện nam tử! Những Bồ Tát sơ học và chúng sanh đời mạt pháp muốn cầu tâm Viên Giác trong sạch của Như Lai, nên dùng chánh niệm để xa lìa các huyễn. Muốn giữ chánh niệm, trước tiên phải nương theo hạnh Sa Ma Tha (bằng như chỉ quán) của Như Lai, kiên trì giới cấm, cho đồ chúng an cư, tĩnh tọa trong tịnh thất.
Hành giả trước tiên hãy quán tâm này do tứ đại hoà hợp, những thứ tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, não, chất bẩn đều thuộc về địa đại. Nước mắt, nước mũi, mồ hôi, mỡ, máu, mủ, đờm, dãi, tiểu tiện, v.v… đều thuộc về thủy đại. Hơi ấm là hoả đại, hơi thở là phong đại. Nếu tứ đại lìa nhau thì thân này ở đâu? Nếu quán xét như thế thì biết thân này vốn chẳng co tự thể, do hoà hợp thành có tướng, thật ra đồng như huyễn hoá. Vì bốn duyên giả hợp mới vọng có lục căn, từ tứ đại sanh khởi lục căn, căn trần hoà hợp sanh khởi lục thức, do lục thức phân biệt lục trần, ghi nhớ tích tụ bên trong, tựa như có tướng nhân duyên hiện ra nên giả gọi là tâm.
Thiện nam tử! Cái vọng tâm này nếu chẳng có lục trần thì chẳng thể có, tứ đại tan rã thì cảnh trần cũng không còn. Nhân duyên căn trần đều tự tiêu tán, rốt cuộc cũng chẳng thấy có gì là tâm phan duyên.
Giảng: Chánh niệm tức là vô niệm, vô niệm tức là lìa niệm, lìa niệm tức là lìa huyễn, lìa huyễn tức là tùy thuận bản giác trong sạch, phàm có khởi tâm động niệm, nơi bản thể Viên Giác đều thuộc về huyễn hoá. Ý Phật ở đây là: Ngoài bản niệm ra chẳng sanh một niệm nào thì các huyễn tự diệt, nên nói: “Xa lìa các huyễn “.
Tổ sư dạy: “Thật tế địa lý bất thọ nhứt trần, Phật sự môn trung bất xả nhứt pháp”. Nghĩa là: Về chỗ lý tánh tuyệt đối thì không thọ một mảy may gì; nhưng về sự tướng tu hành thì không bỏ một việc lành nào cả.
Đành rằng, về cảnh giới Viên Giác, chúng ta nói không trúng, suy nghĩ cũng nhằm; “giác ngộ” không có tiêm thứ, “rời huyễn” chẳng cần phương tiện; nhưng khi hạ thủ công phu (bắt tay vào việc tu hành) thì không thể bỏ qua các sự tướng tu trì.
Đại ý đoạn này Phật dạy khi hạ thủ công phu, trước phải dùng:
- Giới,
- Định (chỉ),
- Huệ (tức là câu “thường suy nghĩ như vậy” ở đoạn sau),
- Sắp xếp các ngoại duyên cho được yên ổn.
Trong chương Phổ Hiền, Phật dạy: “Biết huyễn là lìa được huyễn, không cần phương tiện chẳng có tiệm thứ.” Đồng với trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy: “bất tùy phân biệt” (không theo trần cảnh khởi vọng niệm phân biệt).
Đoạn kinh này, Phật dạy phải dùng: “Giới, Định, Huệ, và sắp xếp các ngoại duyên cho được thuận tiện”. Cũng như trong Đại Cương Lăng Nghiêm về bài thứ 12, Phật dạy tu “Giới, Định, Huệ” và “ba món tiệm thứ”.
Người đời, ai cũng chấp thân này là ta, rồi thương yêu quý trọng nó, cho nên suốt đời lao tâm nhọc trí, vật lộn với vật chất một cách vất vả, cũng vì lo cho ta ăn, mặc và ở v.v… Lo cho ta rồi lo cho bà con quyến thuộc của ta, lo cả cho đồng bào chủng loại của ta.
Nếu ta được là người mất, đồng bào ta được thì đồng bào người phải bị mất. Vì vậy thế giới cạnh tranh, nhơn loại tương tàn tương sát. Chúng sanh tạo không biết bao nhiêu điều tội lỗi, rồi vĩnh kiếp luân hồi.
Bởi thế nên đoạn này Phật dạy, khi hạ thủ công phu là quán thân như huyễn (vô ngã). Khi đã thấy xác thật thân này là hư huyễn rồi, thì không còn tham lam luyến ái, vì nó mà tạo ra các tội lỗi, để rồi thọ quả báo sanh tử luân hồi.
Về chương Văn Thù, Phổ Hiền, Phật dạy quán “Cảnh như huyễn”, đến chương Phổ Nhãn này, trước Phật dạy quán “Thân như huyễn” rồi sau quán “Tâm như huyễn” là vì lối tu hành phải bắt đầu từ dễ đến khó, từ cạn đến sâu. Trước quán “cảnh như huyễn” tuy khó, nhưng chưa khó lắm, đến quán “thân như huyễn” mới là khó hơn. Đi sâu vô một từng nữa là quán “Tâm như huyễn” lại càng khó hơn nữa.
Đại ý đoạn này, Phật dạy quán “Tâm như huyễn”, không có thật thể. Người đời thường chấp tâm này (linh hồn) la ta, cái ta này thường còn không biến đổi; nếu ta (linh hồn) là người thì khi chết rồi trở lại làm người; còn ta là Thánh thì chết rồi trở lại làm Thánh, không có thay đổi; người có tu không sợ tội lỗi, chẳng ham phước lành, gây tạo nhiều tội ác rồi nhiều kiếp trầm luân, chịu không biết bao nhiêu khổ sở.
Vì thương kẻ mê lầm này, nên Phật dạy quán “Tâm như huyễn”. Khi hành giả quán thân và tâm (linh hồn) đều như huyễn, không phải thật ngã (ta) một cách xác thật rồi, thì không còn vì nó mà tạo các tội lỗi. Tội lỗi không tạo, vọng niệm chẳng sanh, huyễn thân và huyễn tâm đều dứt hết, thì tánh Viên Giác, thanh tịnh không hư huyễn hiện ra, lúc bấy giờ hành giả ra khỏi sanh tử luân hồi.
Kinh Văn: Thiện nam tử, bỉ chi chúng sanh huyễn thân diệt cố, huyễn tâm diệc diệt. Huyễn tâm diệt cố, huyễn trần diệc diệt. Huyễn trần diệt cố, huyễn diệt diệc diệt. Huyễn diệt diệt cố phi huyễn bất diệt. Thí như ma kính, cấu tận minh hiện.
Thiện nam tử, đương tri thân tâm giai vi huyễn cấu, cấu tướng vĩnh diệt thập phương thanh tịnh.
Việt Văn: Thiện nam tử! Những chúng sanh ấy nếu huyễn thân diệt huyễn tâm cũng diệt, huyễn tâm diệt rồi huyễn trần cũng diệt, huyễn trần diệt rồi huyễn diệt cũng diệt, cái biết huyễn diệt diệt rồi thì phi huyễn (bản giác) chẳng diệt, ví như chùi gương, bụi sạch gương sáng.
Thiện nam tử! Phải biết thân tâm đều là cấu bẩn của huyễn, tướng cấu bẩn diệt hẳn thì mười phương trong sạch (bản giác trong sạch khắp mười phương không gian và thời gian).
Giảng: Luận về “bản tánh Viên Giác” thì sáng suốt thanh tịnh không có một mảy trần, tức là nghĩa “chơn không”. Nhưng tùy theo nghiệp mà biến hiện, không một loài vật nào chẳng có, tuy có mà không thật có, tức là nghĩa “diệu hữu”.
Tánh Viên Giác không hai, nhưng tùy theo vọng nghiệp của mỗi loại mà biến hiện các vật ngàn sai muôn khác. Người khéo dùng thì nó hiện ra Tứ Thánh (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật). Kẻ vụng dùng thì nó hiện ra lục phàm (Thiên, Nhơn, A Tu La, Địa Ngục, Ngạ Quỉ, Súc Sanh). Cũng như trong Kinh Lăng Nghiêm Phật dùng giây đờn thí dụ: trong giây đờn không có tiếng hay tiếng dở; tùy người biết sử dụng thì nó phát ra tiếng hay, còn người không biết sử dụng thì nó phát ra tiếng dở. Cũng một giây đờn đó, hay dở chỉ tại người khéo hay vụng mà thôi.
Kinh Văn: Thiện nam tử, thí như thanh tịnh ma-ni bửu châu ánh ư ngũ sắc tùy phương các hiện, chư ngu si giả kiến bỉ ma-ni thật hữu ngũ sắc.
Thiện nam tử, Viên giác tịnh tánh, hiện ư thân tâm tùy loại các ứng, bỉ ngu si giả thuyết tịnh Viên giác thật hữu như thị, thân tâm tự tướng diệc phục như thị. Do thử bất năng viễn ư huyễn hóa. Thị cố ngã thuyết thân tâm huyễn cấu, đối ly huyễn cấu thuyết danh Bồ-tát. Cấu tận đối trừ tức vô đối cấu cập thuyết danh giả.
Việt Văn: Thiện nam tử! Ví như hạt châu Ma Ni, bản thể trong sạch vốn chẳng màu sắc, tùy theo màu sắc bên ngoài mà hiện ra màu sắc ấy, kẻ mê chẳng biết, thấy hạt châu Ma ni thật có màu sắc.
Thiện nam tử! Tánh trong sạch của Viên Giác (bản giác) cũng như thế, tùy loại cảm ứng hiện ra thân tâm, kẻ mê chẳng biết, lại cho bản thể Viên Giác thật có thân tâm sắc tướng, chấp thành tự tướng cũng như vậy. Chúng sanh do đó chẳng thể xa lìa huyễn hoá, nên ta nói thân tâm là cấu bẩn của huyễn hoá. Đối với người đã lìa được cấu bẩn của huyễn hoá gọi là Bồ Tát. Cấu bẩn là sở lìa, Bồ Tát là năng lìa, cấu bẩn sạch (sở lìa hết), đối đãi trừ (năng lìa hết), vậy tức chẳng còn năng sở tương đối để lìa cấu bẩn và tên gọi người năng lìa (Bồ Tát).
Giảng: Đoạn kinh trên nói: “Ngọc Ma Ni trong suốt là dụ cho tánh “Viên Giác thanh tịnh”; nói “Ngọc Ma Ni tùy mỗi phía hiện ra ngũ sắc” là dụ cho tánh “Viên Giác tùy mỗi loại hiện thân ngũ uẩn”.
Đại ý đoạn này nói “Trong ngọc Ma Ni trong suốt không có ngũ sắc, nhưng vì tùy mỗi phương, ánh chiếu in như có ngũ sắc. Trẻ con không biết, lầm tưởng ngũ sắc kia là thật có, rồi sanh tâm tham muốn khóc đòi v.v… chớ đâu biết rằng “ngũ sắc” kia không thật. Cũng như trong tánh Viên Giác thanh tịnh không có ngũ uẩn, nhưng tùy theo nghiệp chúng sanh vọng thấy in như có năm uẩn. Chúng sanh mê muội không biết hư huyễn, lại chấp cho là thật có, rồi sanh tham mê ái luyến, tạo ra các nghiệp. Vì thế mà bị triền miên trong sanh tử, không bao giờ ra khỏi các vọng huyễn.
Kinh Văn: Thiện nam tử, thử Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh chứng đắc chư huyễn, diệt ảnh tượng cố. Nhĩ thời tiện đắc vô phương thanh tịnh vô biên hư không. Giác sở hiển phát, giác viên minh cố hiển tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh cố kiến trần thanh tịnh, kiến thanh tịnh cố nhãn căn thanh tịnh, thức thanh tịnh cố, văn trần thanh tịnh, văn thanh tịnh cố nhĩ căn thanh tịnh, căn thanh tịnh cố nhĩ thức thanh tịnh, thức thanh tịnh cố giác trần thanh tịnh. Như thị nãi chí tỹ thiệt thân ý diệc phục như thị.
Thiện nam tử! Vì tánh Viên giác sáng suốt đã hiện ra nên tâm thanh tịnh, do tâm thanh tịnh nên kiến trần thanh tịnh, do kiến thanh tịnh nên nhãn căn thanh tịnh, do căn thanh tịnh nên nhãn thức thanh tịnh, do thức thanh tịnh nên văn trần thanh tịnh, do văn thanh tịnh nên nhĩ căn thanh tịnh, do căn thanh tịnh nên nhĩ thức thanh tịnh, do thức thanh tịnh nên giác trần thanh tịnh. Như thế cho đến tỹ, thiệt, thân, ý cũng lại như vậy.
Việt Văn: Thiện nam tử! Bồ Tát nầy với chúng sanh đi mạt pháp, do quán xét diệt được những bóng hình của vọng tâm tạo ra thì chứng được các pháp đều huyễn. Lúc ấy liền thấy mười phương trong sạch, vô biên hư không là bản giác sở hiện, bản giác tròn đầy sáng tỏ, hiển hiện chơn tâm trong sạch. Vì tâm trong sạch nên kiến trần trong sạch (có năng thấy tức là trần, chẳng phải sắc trần). Kiến trong sạch (chẳng còn năng kiến sở kiến) nên nhản căn trong sạch, nhãn căn trong sạch nên nhãn thức trong sạch, do nhãn thức trong sạch nên văn trần trong sạch (có năng văn tức là trần), văn trong sạch nên nhĩ căn trong sạch, nhĩ căn trong sạch nên nhĩ thức trong sạch, do nhĩ thức trong sạch nên giác trần trong sạch (có năng giác tức là trần), như thế cho đến tỷ, thiệt, thân, ý đều cũng trong sạch như vậy.
Giảng: Những người mê muội, không biết các pháp đều do tánh Viên Giác huyễn hiện, lại chấp cho là thật có, rồi sanh ra ái luyến triền miên, nên Phật gọi là “chúng sanh”. Những người biết được các pháp hư huyễn đều do Viên Giác sanh, đã dùng pháp đối trị và xa lìa, thì Phật gọi đó là “Bồ Tát”. Lên một từng nữa là khi các “cảnh huyễn cấu” hết “pháp trừ huyễn” không, “trí đối trị” chẳng còn, “danh từ kêu gọi” và “lời nói luận bàn” cũng không, cho đến “người” cũng chẳng còn: cảnh vắng người không. Như bệnh hết, thuốc bỏ, ông thầy thuốc cũng không còn. Các vọng huyễn hoàn toàn diệt hết, thì cảnh giới Viên Giác thanh tịnh viên mãn hiện khắp ở mười phương, lúc bấy giờ tạm gọi là “Phật”.
Kinh Văn: Thiện nam tử, căn thanh tịnh cố sắc trần thanh tịnh, sắc trần thanh tịnh cố thinh trần thanh tịnh, hương, vị, xúc, pháp diệc phục như thị.
Thiện nam tử, lục trần thanh tịnh cố địa đại thanh tịnh, địa thanh tịnh cố thủy đại thanh tịnh, hỏa đại phong đại diệc phục như thị.
Thiện nam tử, tứ đại thanh tịnh cố thập nhị xứ, thập bát giới, nhị thập ngũ hữu thanh tịnh.
Việt Văn: Thiện nam tử! Do lục căn trong sạch nên sắc trần trong sạch, sắc trần trong sạch nên thanh trần trong sạch, cho đến hương, vị, xúc pháp đều trong sạch như thế.
Thiện nam tử! Do lục trần trong sạch nên địa đại trong sạch, địa đại trong sạch nên thủy đại trong sạch, hỏa đại, phong đại cũng đều trong sạch như thế.
Thiện nam tử! Do tứ đại trong sạch nên thập nhị xứ, thập bát giới, cho đến nhị thập ngũ hữu (gồm dục giới, sắc giới, vô sắc giới, tức là tam giới) đều trong sạch.
Giảng: Đại ý đoạn này nói: vì tánh Viên Giác thanh tịnh đã xuất hiện, nên các pháp thuộc về thế gian là Căn, Trần, Thức cũng đều thanh tịnh. Dụ như trong rừng cây y lan (loại cây hồi), một phen gỗ chiên đàn xuất hiện, thì cả rừng đều thơm ngát.
Sáu thức: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức và Ý thức.
Sáu căn: Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn, Thân căn và Ý căn.
Sáu trần: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc và Pháp.
Bốn đại: Địa, Thủy, Hỏa và Phong.
Mười hai xứ: 6 căn và 6 trần
Mười tám giới: 6 Căn, 6 Trần và 6 Thức.
25 loài: Cõi Dục có 14 loài, là bốn châu (Đông Thắng Thần Châu, Nam Thiêm Bộ Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Bắc Cu Lô Châu); bốn ác thú (Tu la, Địa Ngục, Ngạ Quỉû, Súc Sanh) và sáu cõi Dục (1. Tứ Thiên vương, 2. Đao Lợi, 3. Dạ Ma, 4. Đâu Suất, 5. Hóa Lạc, 6. Tha Hóa Tự Tại). Cõi Sắc có 7 loài, là bốn cõi Thiền (từ Sơ thiền đến Tứ thiền), cõi Phạm Vương, cõi Vô Tưởng và Ngũ Tịnh Cư. Cõi Vô Sắc có bốn: 1. Không Vô Biên Xứ, 2. Thức Vô Biên Xứ, 3. Vô Sở Hữu Xứ, 4. Phi Phi Tưởng Xứ.
Kinh Văn: Bỉ thanh tịnh cố thập lực, tứ vô sở úy, tứ vô ngại trí, Phật thập bát bất cộng pháp tam thập thất trợ đạo phẩm thanh tịnh, như thị nãi chí bát vạn tứ thiên đà-la-ni môn nhất thiết thanh tịnh.
Việt Văn: Vì các pháp thế gian của lục phàm trong sạch nên các pháp xuất thế gian của tứ thánh như: Thập lực, tứ vô sở úy, tứ vô ngại trí, mười tám pháp bất cộng của Phật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, v.v… đều trong sạch. Như thế cho đến tám mươi bốn ngàn pháp môn tổng trì, tất cả đều trong sạch.
Giảng: Đại ý đoạn này nói: Một pháp đã thanh tịnh, nên tất cả các pháp đều thanh tịnh, vì tất cả đều đồng tánh Viên Giác. Thí như một cục phèn bỏ vào thau nước, một chỗ trong thì cả thau đều trong. Đoạn trên nói các pháp thế gian thanh tịnh. Đoạn này nói các pháp Xuất thế gian cũng thanh tịnh.
Mười lực:
- Tri giác xứ phi xứ trí lực.
- Tri tam thế nghiệp báo trí lực;
- Tri chư thiền giải thoát tam muội trí lực;
- Tri chư căn thẳng, liệt trí lực;
- Tri chủng chủng giải trí lực;
- Tri chủng chủng giới trí lực;
- Tri nhứt thế chí sở đạo trí lực;
- Tri thiên nhãn vô ngại trí lực;
- Tri túc mạng vô lậu trí lực;
- Tri vĩnh đoạn tập khí trí lực.
Bốn món Vô Úy:
- Nhứt thế trí vô sở úy.
- Lậu tận vô sở úy.
- Thuyết chướng đạo vô sở úy.
- Thuyết tận khổ đạo vô sở úy.
Bốn món Vô Ngại Trí:
- Pháp vô ngại trí.
- Nghĩa vô ngại trí.
- Từ vô ngại trí.
- Lạc thuyết vô ngại trí.
Mười tám pháp Bất Cộïng:
- Thân vô thất.
- Khẩu vô thất.
- Niệm vô thất.
- Vô dị tưởng.
- Vô bất định tâm.
- Vô bất tri dĩ xả.
- Dục vô diệt.
- Tinh tấn vô diệt.
- Niệm vô diệt.
- Huệ vô diệt.
- Giải thoáùt vô diệt.
- Giải thoát tri kiến vô diệt.
- Nhứt thế thân nghiệp tùng trí huệ hành.
- Nhứt thế khẩu nghiệp tùng trí huệ hành.
- Nhứt thế ý nghiệp tùng trí huệ hành.
- Trí huệ tri quá khứ thế vô ngại.
- Trí huệ tri vị lai thế vô ngại.
- Trí huệ tri hiện tại thế vô ngại.
Ba mươi bảy phẩm trợ đạo (xem Phật Học Phổ Thông, khóa III bài Đạo Đế nói rõ).
Kinh Văn: Thiện nam tử, nhất thiết thật tướng thanh tịnh cố nhất thân thanh tịnh, nhất thân thanh tịnh cố đa thân thanh tịnh, đa thân thanh tịnh cố như thị nãi chí thập phương chúng sanh Viên giác thanh tịnh.
Thiện nam tử, nhất thế giới thanh tịnh cố đa thế giới thanh tịnh, đa thế giới thanh tịnh cố như thị nãi chí tận ư hư không viên khỏa tam thế, nhất thiết bình đẳng thanh tịnh bất động.
Thiện nam tử, hư không như thị bình đẳng bất động, đương tri giác tánh bình đẳng bất động, tứ đại bất động cố, đương tri giác tánh bình đẳng bất động, như thị nãi chí bát vạn tứ thiên đà-la-ni môn bình đẳng bất động, đương tri giác tánh bình đẳng bất động.
Việt Văn: Thiện nam tử! Nói tóm lại tất cả pháp đều là tướng, tánh vốn trong sạch. Vậy thì một thân trong sạch nên nhiều thân trong sạch; vì nhiều thân trong sạch như thế cho đến mười phương chúng sanh Viên Giác trong sạch.
Thiện nam tử! Theo sự trong sạch kể trên, do một thế giới trong sạch nên nhiều thế giới trong sạch, vì nhiều thế giới trong sạch như thế cho đến khắp không gian và thời gian, tất cả bình đẳng trong sạch chẳng động.
Thiện nam tử! Vì hư không bình đẳng chẳng động nên biết giác tánh bình đẳng chẳng động; vì tứ đại bình đẳng chẳng động nên biết giác tánh bình đẳng chẳng động, như thế cho đến tám mươi bốn ngàn pháp môn tổng trì bình đẳng chẳng động, nên biết giác tánh bình đẳng chẳng động.
Giảng: Đoạn này nói Y báo của chúng sanh thanh tịnh. Vì đồng tánh Viên Giác, nên Chánh báo đã thanh tịnh thì Y báo cũng thanh tịnh. Cũng như trong nhà tối lâu đời, khi đốt lên một ngọn đèn, ánh sáng được xuất hiện, một chỗ vừa sáng thì tất cả chỗ trong nhà đều sáng. Từ bản thể là tánh Viên Giác, sanh ra các pháp hiện tượng là hư không, bốn đại và thiên hình vạn trạng cho đến 84000 pháp Đà La Ni. Hiện tượng đã từ bản thể sanh mà hiện tượng đã bình đẳng không động, cố nhiên bản thể cũng bình đẳng không động
Kinh Văn: Thiện nam tử, giác tánh biến mãn thanh tịnh bất động, viên vô tế cố, đương tri lục căn biến mãn pháp giới, căn biến mãn cố đương tri lục trần biến mãn pháp giới, trần biến mãn cố đương tri tứ đại biến mãn pháp giới như thị nãi chí đà-la-ni môn biến mãn pháp giới.
Việt Văn: Thiện nam tử! Giác tánh cùng khắp, trong sạch chẳng động, tròn đầy chẳng có ngằn mé. Nên biết lục căn cùng khắp pháp giới, căn cùng khắp nên biết lục trần cùng khắp pháp giới, trần cùng khắp nên biết tứ đại cùng khắp pháp giới, như thế cho đến pháp môn tổng trì đều cùng khắp pháp giới.
Giảng: Đoạn này có hai phần. Phần trên nói: Vì bản thể là tánh Viên Giác châu biến, nên hiện tượng là các pháp cũng châu biến. Đại ý phần này giống đoạn văn trong Kinh Hoa Nghiêm nói về “Sự, Lý vô ngại pháp giới”.
Kinh Văn: Thiện nam tử, do bỉ Diệu giác tánh biến mãn cố căn tánh trần tánh vô hoại vô tạp. Căn trần vô hoại cố như thị nãi chí đà-la-ni môn vô hoại vô tạp như bách thiên đăng quang chiếu nhất thất, kỳ quang biến mãn vô hoại vô tạp.
Việt Văn: Thiện nam tử! Do diệu giác ấy tánh vốn cùng khắp, nên tánh căn tánh trần chẳng hoại chẳng nhiễm. Vì căn trần chẳng hoại chẳng nhiễm, như thế cho đến pháp môn tổng trì chẳng hoại chẳng nhiễm, như ánh sáng của trăm ngàn ngọn đèn chiếu trong một phòng, ánh sáng ấy cùng khắp, chẳng hoại chẳng nhiễm.
Giảng: Vì bản thể không hoại diệt nên tất cả các pháp không có một pháp nào hoại diệt. Thí như trăm ngàn ngọn đèn chiếu trong một nhà, không có lộn lạo và hoại diệt nhau. Ý đoạn này giống với đoạn văn trong Kinh Hoa Nghiêm nói về “Sự, Sự vô ngại pháp giớ”. Trong Kinh Pháp Hoa chép: “Thị pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ” (Pháp nào an trụ địa vị pháp ấy. Thế gian tướng là thường trụ tướng). Và Kinh Lăng nghiêm có chép” Tứ đại châu biến không có hoại diệt và tạp loạn lẫn nhau”.
Kinh Văn: Thiện nam tử, giác thành tựu cố, đương tri Bồ-tát bất dữ pháp phược, bất cầu pháp thoát, bất yểm sanh tử bất ái Niết-bàn, bất kính trì giới bất tắng hủy cấm, bất trọng cữu tập bất khinh sơ học. Hà dĩ cố? Nhất thiết giác cố. Thí như nhãn quang hiểu liễu tiền cảnh. Kỳ quang viên mãn đắc vô tắng ái. Hà dĩ cố? Quang thể vô nhị, vô tắng ái cố.
Việt Văn: Thiện nam tử! Vì bản giác vốn thành tựu, nên biết Bồ Tát chẳng bị pháp trói buộc, chẳng cần pháp giải thoát, chẳng chán sanh tử, chẳng ưa Niết Bàn, chẳng kính trì giới, chẳng ghét phá giới, chẳng trọng tu lâu, chẳng khinh sơ học. Tạo sao? Vì tất cả đều ở trong bản giác, ví như con mắt sáng tỏ, thấy rõ cảnh tượng trước mắt, ánh sáng ấy viên mãn chẳng sanh yêu ghét. Tại sao? Vì bản thể ánh sáng bất nhị nên chẳng sanh yêu ghét vậy.
Giảng: Vì tất cả các pháp đã đồng một tánh Viên Giác, nên Bồ Tát bình đẳng: không thương không ghét, không khinh không trọng, không sợ sanh tử, chẳng cầu Niết Bàn. Đoạn này lý rất cao thâm, chúng ta không nên đem phàm tình mà phán đoán.
Ông Thường Bất Khinh Bồ Tát nói: “Tôi không dám khinh các Ngài, các Ngài sẽ thành Phật vì các Ngài đều có tánh Phật” (Khả năng thành Phật). Và trong Kinh Tứ thập Nhị chương chép . “Cúng dường cho nhiều đức Phật, công đức không bằng cúng dường cho người Vô niệm, Vô trụ, Vô tu, Vô chứng”. Đại ý các đoạn trên đều nói đến thể tánh bình đẳng này.
Kinh Văn: Thiện nam tử, thử Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh tu tập thử tâm đắc thành tựu giả, ư thử vô tu, diệc vô thành tựu Viên giác phổ chiếu tịch diệt vô nhị. Ư trung bá thiên vạn ức a-tăng-kỳ bất khả thuyết hằng hà sa chư Phật thế giới, do như không hoa loạn khởi loạn diệt, bất tức bất ly, vô phược vô thoát, thủy tri chúng sanh bản lai thành Phật, sanh tử Niết-bàn do như tạc mộng.
Thiện nam tử, như tạc mộng cố đương tri sanh tử cập dữ Niết-bàn vô khởi vô diệt, vô lai vô khứ. Kỳ sở chứng giả vô đắc vô thất, vô thủ vô xả. Kỳ năng chứng giả vô tác vô chỉ, vô nhậm vô diệt. Ư thử chứng trung vô năng vô sở, tất cánh vô chứng, diệc vô chứng giả nhất thiết pháp tánh bình đẳng bất hoại.
Việt Văn: Thiện nam tử! Bồ Tát này và chúng sanh đời mạt pháp tu tập tâm này đều được thành tựu. Vì bản giác vốn đầy đủ, dù nói tu tập thành tựu, thật vốn vô tu, cũng vô thành tựu. Vì Viên Giác phổ biến chiếu soi, tịch diệt bất nhị, trong đó bao gồm trăm ngàn muôn ức a tăng kỳ bất khả thuyết vô số hằng sa thế giới của chư Phật, ví như hoa đốm hiện trên hư không, khởi diệt lăng xăng, chẳng hợp chẳng lìa, chẳng trói buộc, chẳng giải thoát, vì thế mới biết chúng sanh bổn lai thành Phật, sanh tử Niết Bàn đều như việc trong mộng.
Thiện nam tử! Do các pháp như việc trong mộng, nên biết sanh tử và Niết Bàn chẳng sanh chẳng diệt, chẳng khứ chẳng lai, những sở chứng ấy chẳng đắc chẳng thất, chẳng thủ chẳng xả, những năng chứng kia vô tác vô chỉ vô nhậm vô diệt, nơi pháp chứng này rốt cuộc vô năng chứng vô sở chứng, tất cả pháp tánh đều bình đẳng chẳng hoại.
Giảng: Phật đã dạy “Nhứt thế chúng sanh giai hữu Phật Tánh”. Nghĩa là: Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật (Viên Giác). Song chúng sanh vì bị mây Vô minh che phủ mặt trăng Viên Giác (Phật) của mình, nên in tuồng có mê; bởi in tuồng có mê nên cũng in tuồng có Tu và có Chứng. Đến khi mây Vô minh tan hết, thì mặt trăng Viên Giác hiện ra. Mặt trăng này đâu phải bấy giờ mới có, và cũng không phải do dụng công tu hành mới thành, vì nó có từ vô thỉ đến giờ. Bởi thế nên nói “in tuồng có Tu và có Chứng” Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, cũng với ý này, Phật đã dạy: “Niệm đến chỗ không niệm mới là chơn niệm, làm đến chỗ không làm mới là thật làm, nói đến chỗ không nói mới là thật nói, tu đến chỗ không tu mới là tu, chứng đến chỗ không chứng mới là thật chứng…”
Tuy biết như vậy, nhưng lúc đầu tiên hạ thủ công phu, phải có Tu có Chứng, rồi mới có thể đạt đến chỗ rốt ráo là Vô tu, Vô chứng. Cũng như ông thầy giáo muốn cho cả lớp học được yên lặng thì phải dùng tiếng động là gõ thước trên bảng. Khi học trò yên lặng thì tiếng gõ bảng hết, lúc bấy giờ mới đổi lại cảnh yên tịnh được.
Kinh Văn: Thiện nam tử, bỉ chư Bồ-tát như thị tu hành, như thị tiệm thứ, như thị tư duy, như thị trụ trì, như thị phương tiện, như thị khai ngộ, cầu như thị pháp diệc bất mê muội.
Việt Văn: Thiện nam tử! Những Bồ Tát ấy nên tu hành như thế, theo thứ lớp như thế, quán tưởng như thế, an trụ tâm như thế, phương tiện như thế, khai ngộ như thế, cầu pháp như thế, tất cả thực hành đúng theo chánh pháp chánh hạnh như thế thì tâm chẳng mê muội.
Giảng: Đại ý đoạn này nói tánh Viên Giác thanh tịnh vắng lặng như hư không nên mặc tinh cho các pháp lăng xăng khởi diệt như hoa đốm. Niết Bàn là đối với sanh tử mà có, trong tánh Viên Giác, sanh tử đã không, cho nên Niết Bàn cũng như mộng.
Đứng về phương diện lý tánh mà luận, thì tất cả chúng sanh đều sẵn có tánh Phật (Viên Giác) nên nói: “chúng sanh đã thành Phật từ xưa đến nay” . Song chúng sanh vì bị mây Vô minh che mờ, nên mặt trăng Phật (Viên Giác) của mình chẳng hiện. Đến khi được gió Bát Nhã thổi tan mây Vô minh rồi, thì trăng Viên Giác (Phật) của mình tự hiện.
Đại ý: Chúng sanh đi tìm Đạo. Thật ra đạo (Phật) không đâu xa, chỉ ở trước mắt. Nhưng vì chúng sanh bị mây Vô minh che mờ, nên chẳng thấy được Đạo (Phật). Trong kinh có câu: “Tâm, Phật, chúng sanh, tam vô sai biệt”: Tâm, Phật và chúng sanh cả ba không sai khác. Hay là câu: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”. Phật pháp tại thế gian, giác ngộ không rời thế gian; cũng là chỉ cho ý này. Bởi chúng sanh và Phật đồng một thể tánh Viên Giác, nên Phật với chúng sanh không hai, triền phược và giải thoát không khác sanh tử với Niết Bàn như mộng.
Trong kinh nói: “Chư pháp tùng bổn lai, thường tự tịch diệt tướng”. Nghĩa là: Các pháp từ xưa đến nay, tướng nó thường vắng lặng. Bởi đồng tánh Viên Giác, nên tất cả các pháp bình đẳng, không sanh diệt, không khứ lai, không đắc thất, không thủ xả, không làm, không thôi, không sanh, không diệt, rốt ráo không có người năng chứng và quả sở chứng, vì tất cả đều là tánh Viên Giác vậy.
Nguyên trước Ngài Phổ Nhãn hỏi Phật: “Phải suy nghĩ làm sao? Lập phương tiện thế nào? Và thứ lớp tu hành ra sao? v.v… Phật đã giải thích rành rẽ rồi, nên đoạn này Phật dạy: “Phải suy nghĩ như vậy, dùng phương tiện như vậy v.v… thì mới khỏi mê muội và ngộ nhập được tánh Viên Giác”.
Kinh Văn: Nhĩ thời Thế Tôn dục trùng tuyên thử nghĩa nhi thuyết kệ ngôn:
Việt Văn: Lúc ấy Thế Tôn muốn giảng lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:
Phổ Nhãn nhữ đương tri Phổ nhản ngươi nên biết,
Nhất thiết chư chúng sanh Tất cả những chúng sanh,
Thân tâm giai như huyễn Thân tâm đều như huyễn,
Thân tướng thuộc tứ đại Thân tướng thuộc tứ đại,
Tâm tánh qui lục trần Tâm tánh về lục trần.
Tứ đại thể các ly Thể tứ đại lìa nhau,
Thùy vi hòa hợp giả Ai là kẻ hoà hợp?
Như thị tiệm tu hành Dần dần quán như thế,
Nhất thiết tất thanh tịnh Tất cả đều trong sạch.
Bất động biến pháp giới Khắp giới pháp chẳng động,
Vô tác chỉ nhậm diệt Vô tác, chỉ, nhậm, diệt,
Diệc vô năng chứng giả Cũng chẳng kẻ năng chứng.
Nhất thiết Phật thế giới Tất cả thế giới Phật,
Do như hư không hoa Như hoa đốm trên không.
Tam thế tất bình đẳng Tam thế đều bình đẳng,
Tất cánh vô lai khứ Rốt cuộc chẳng khứ lai.
Sơ phát tâm Bồ-tát Những Bồ Tát sơ học,
Cập mạt thế chúng sanh Và chúng sanh mạt pháp.
Dục cầu nhập Phật đạo Muốn cầu vào Phật đạo,
Ưng như thị tu tập. Nên tu tập như thế