Kinh Viên Giác – Chương Uy Đức Tự Tại

Kinh Văn: Ư thị Oai Đức Tự Tại Bồ-tát, tại đại chúng trung tức tùng tòa khởi, đảnh lễ Phật túc, hữu nhiễu tam táp, trường quì xoa thủ nhi bạch Phật ngôn:

Đại bi Thế Tôn quảng vị ngã đẳng phân biệt như thị tùy thuận giác tánh linh chư Bồ-tát giác tâm quang minh, thừa Phật viên âm bất nhân tu tập nhi đắc thiện lợi. Thế Tôn, thí như đại thành ngoại hữu tứ môn tùy phương lai giả, phi chỉ nhất lộ. Nhất thiết Bồ-tát trang nghiêm Phật quốc, cập thành Bồ-đề phi nhất phương tiện. Duy nguyện Thế Tôn quảng vị ngã đẳng tuyên thuyết nhất thiết phương tiện tiệm thứ tinh tu hành nhân tổng hữu kỉ chủng, linh thử hội Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh cầu Đại thừa giả, tốc đắc khai ngộ, du hí Như Lai đại tịch diệt hải. Tác thị ngữ dĩ, ngũ thể đầu địa như thị tam thỉnh chung nhi phục thủy.

Việt Văn: Khi ấy Oai Đức Tự Tại Bồ Tát ở trong đại chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, đi nhiễu quanh Phật ba vòng, đảnh lễ chân phật, chấp tay quỳ gối bạch Phật rằng:

Đại bi Thế Tôn! Đã vì chúng con giảng rõ tùy thuận giác tánh như thế, khiến cho những Bồ Tát nghe lời Phật dạy giác tâm sáng tỏ, chẳng nhờ tu tập mà được lợi ích lớn. Bạch Thế Tôn! Ví như thành phố lớn có bốn cửa thành, người vào thành từ mọi phương đến chẳng đi cùng một đường, tất cả Bồ Tát trang nghiêm cõi Phật và thành quả Bồ Đề cũng chẳng thực hành theo một phương tiện duy nhất. Xin Thế Tôn vì chúng con giảng rõ tất cả phương tiện thứ lớp và người tu hành gồm có mấy loại? Khiến Bồ Tát trong hội và chúng sanh đời mạt pháp, kẻ cầu đại thừa mau được khai ngộ, vào biển Đại Tịch Diệt của Như Lai.

Ngài Oai Đức Tự Tại Bồ Tát nói xong, năm vóc gieo sát đất, đảnh lễ thưa thỉnh ba lần như vậy.

Giảng: Đại ý đoạn này nói: Thành Viên Giác không hai, nhưng cửa phương tiện đi vào rất nhiều. Xin Phật vì các vị Bồ Tát hiện tại và chúng sanh đời sau tu Đại thừa, chỉ dạy các phương tiện và thứ lớp tu hành như thế nào, để hành giả mau được vào thành Viên Giác.
Kinh Lăng Nghiêm nói: “Quy nguyện tánh vô nhị, phương tiện hữu đa môn.” (Trở về tánh “bản nguyên” thì không hai, nhưng phương tiện đi vào lại có nhiều cửa).
(1) Viên âm (là tiếng tròn): Tiếng nói của Phật đầy đủ ý nghĩa, tùy theo trình độ của người cao thấp đều được hiểu ngộ.

 

Kinh Văn: Nhĩ thời Thế Tôn cáo Oai Đức Tự Tại Bồ-tát ngôn:

– Thiện tai, thiện tai! Thiện nam tử, nhữ đẳng nãi năng vị chư Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh vấn ư Như Lai như thị phương tiện. Nhữ kim đế thính, đương vị nhữ thuyết. Thời Oai Đức Tự Tại Bồ-tát phụng giáo hoan hỷ, cập chư đại chúng mặc nhiên nhi thính.

– Thiện nam tử, Vô thượng Diệu giác biến chư thập phương xuất sanh Như Lai dữ nhất thiết pháp đồng thể bình đẳng, ư chư tu hành thật vô hữu nhị phương tiện tùy thuận kỳ số vô lượng, viên nhiếp sở qui tuần tánh sai biệt đương hữu tam chủng.

Việt Văn: Bấy giờ Phật bảo Oai Đức Tự Tại Bồ Tát rằng:

– Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Ngươi khéo vì các Bồ Tát và chúng sanh đời mạt pháp, hỏi Như Lai về những phương tiện như thế, nay ngươi hãy lắng nghe, ta sẽ vì ngươi mà thuyết. Khi ấy Oai Đức Tự Tại Bồ Tát và đại chúng hoan hỷ vâng lời Phật dạy, im lặng mà nghe.

– Thiện nam tử! Vô thượng diệu giác cùng khắp mười phương không gian và thời gian, sanh ra Như Lai và tất cả pháp, bản thể đồng nhau, bình đẳng bất nhị, nên những người tu hành thật chẳng có hai. Nếu tùy thuận phương tiện thì số ấy vô lượng, nay qui nạp lại, theo các tánh sai biệt phải có ba thứ.

Giảng: Khi ấy, đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Oai Đức Tự Tại rằng:

– Lành thay, lành thay! Này thiện nam, các ông hay vì các Bồ-tát và những chúng sanh đời sau, thưa hỏi Như Lai về những phương tiện như thế. Ông hãy lắng nghe ta sẽ vì các ông nói.

Khi ấy, Bồ-tát Oai Đức Tự Tại vâng lời dạy vui vẻ cùng đại chúng im lặng lắng nghe.

– Này thiện nam, tánh Viên giác Vô thượng nhiệm mầu trùm khắp mười phương sanh ra Như Lai và tất cả pháp đồng thể bình đẳng, đối với sự tu hành thật không có hai, song phương tiện tùy thuận thì vô lượng, gom hết trở về theo tánh sai biệt, có ba thứ.

 

Kinh Văn: I – Thiện nam tử! Nhược chư Bồ-tát, ngộ tịnh Viên giác, dĩ tịnh giác tâm thủ tĩnh vi hạnh, do trừng chư niệm, giác thức phiền động, tĩnh tuệ phát sanh, thân tâm khách trần tùng thử vĩnh diệt. Tiện năng nội phát tịch tĩnh khinh an. Do tịch tĩnh cố thập phương thế giới chư Như Lai tâm ư trung hiển hiện, như kính trung tượng. Thử phương tiện giả danh Xa-ma-tha.

Việt Văn: 1. Thiện nam tử! Nếu các Bồ Tát ngộ biết Viên Giác vốn trong sạch, dùng giác tâm trong sạch ấy phát khởi quán chiếu, lấy tịnh làm hạnh quán tâm thể chẳng động. Do lắng lặng các niệm, vọng tưởng ngừng nghỉ thì thấy tướng nhập khí sanh diệt trong thức thứ tám, quán lâu thì tịnh huệ sanh khởi, bỗng thấy khách trần lăng xăng của thân tâm từ nay diệt hẳn, trong tâm liền cảm thấy tịch tịnh khinh an. Vì tâm được tịch tịnh nên thấy tâm của Như Lai trong mười phương thế giới đều hiển hiện trong đó như hình tượng hiện trong gương, phương tiện này gọi là thiền quán Sa Ma Tha.

Giảng: Đại ý đoạn này Phật nói: “Bồ Tát khi ngộ được tánh Viên Giác thanh tịnh rồi, thì dùng tâm thanh tịnh này để lóng các phiền não vọng thức. Khi các căn cáu phiền não đã lóng đứng rồi, thì trí huệ thanh tịnh phát sanh. Lúc bấy giờ hành giả quan sát lại thân tâm hư vọng như khách, huyễn hóa lăng xăng như bụi đều diệt hết (ngã, pháp không còn).
Bởi các vọng hoặc nhiễm ô đã diệt hết, tâm được thanh tịnh, nên mười phương chư Phật hiện ra trong tâm của hành giả. Cũng như ly nước được lóng trong, thì các bóng ngoài hiện trung” (nếu tâm chúng sanh được thanh tịnh, thì bóng Bồ Đề tự hiện vào).
Lưu ý: Trong kinh nhày nói: “Chỉ, Quán”, không đồng với “Chỉ, Quán” của Tiểu thừa. Vì “Chỉ, Quán” của Tiểu thừa là phải dùng phương tiện của bên ngoài để tu. Còn lối “Chỉ, Quán” của Đại thừa là xứng theo bản thể của chơn tâm mà “Chỉ” và “Quán”, nên có phần cao siêu hơn.

 

Kinh Văn: II – Thiện nam tử, nhược chư Bồ-tát ngộ tịnh Viên giác, dĩ tịnh giác tâm tri giác tâm tánh cập dữ căn trần giai nhân huyễn hóa, tức khởi chư huyễn, dĩ trừ huyễn giả, biến hóa chư huyễn nhi khai huyễn chúng. Do khởi huyễn cố, tiện năng nội phát đại bi khinh an. Nhất thiết Bồ-tát tùng thử khởi hạnh, tiệm thứ tăng tiến. Bỉ quán huyễn giả phi đồng huyễn cố phi đồng huyễn quán, giai thị huyễn cố, huyễn tướng vĩnh ly. Thị chư Bồ-tát sở viên diệu hạnh, như thổ trưởng miêu. Thử phương tiện giả danh Tam-ma-bát-đề.

Việt Văn: 2. Thiện nam tử! Nếu các Bồ Tát ngộ biết Viên Giác vốn trong sạch, dùng giác tâm trong sạch ấy phát khởi quán chiếu, biết tánh của giác tâm và căn trần đều do huyễn hoá mà sanh khởi các huyễn, nay dùng huyễn trí (thỉ giác) diệt trừ kẻ huyễn (vô minh), thì hiện thân biến hoá như huyễn, khai phá vô minh để độ chúng huyễn. Do huyễn thân hoá độ chúng sanh mà chẳng chấp tướng chúng sanh nên trong tâm cảm thấy đại bi khinh an. Tất cả Bồ Tát từ đây khởi hạnh theo thứ lớp tiến lên, cái huyễn của trí năng quán kia chẳng đồng với cái huyễn của cảnh sở quán. Trí năng quán tuy chẳng đồng với cảnh sở quán, nhưng cũng là huyễn, vì sở diệt mà năng còn; nếu chấp năng quán vẫn chưa lìa huyễn, vì năng quán sở quán đều là huyễn, chẳng đồng với kẻ chấp thật có người để lìa hai thứ huyễn (năng sở). Sở quán đã diệt thì năng quán cũng tiêu, cảnh trí đều tuyệt, vậy mới được lìa hẳn tướng huyễn.

Những Bồ Tát này tu theo chánh hạnh kể trên thì được diệu hạnh viên mãn, cũng như mầm Chơn Như trưởng thành nơi đất pháp thân. Phương tiện này gọi là thiền quán Tam Ma Bát Đề.

Giảng: Đại ý đoạn này Phật dạy: “Khi Bồ Tát ngộ được Viên Giác thanh tịnh rồi, y nơi tâm Viên Giác này mà quán các pháp, nào căn, trần và thức đều là huyễn hóa. Lúc bấy giờ Bồ Tát khởi cái trí như huyễn để diệt các Vô minh phiền não như huyễn, tu các hạnh như huyễn, để hóa độ chúng sanh như huyễn. Đến khi các huyễn cảnh đã không, huyễn trí cũng hết, nào tâm, cảnh, năng sở đều tiêu, hoàn toàn xa lìa các huyễn tướng rồi, thì tánh Viên Giác phi huyễn hiện ra. Như tiếng ồn của học trò hết tiếng, gõ bảng của thầy giáo thôi, lúc bấy giờ cảnh yên tịnh hiện ra.
Thí như người ngủ, chiêm báo thấy giặc bao vây, đem bệnh diệt trừ v.v… Khi giặc trong chiêm bao tan (cảnh huyễn hết) binh lính hết (người quán huyễn không) và tâm chiêm bao cũng không còn (huyễn trí hết) thì tâm giác ngộ tự nhiên hiện vậy (Viên Giác hiện).
Bồ Tát y theo tánh Viên Giác tu pháp quán như huyễn này, từ chỗ cạn đến chỗ sâu, ly được một phần huyễn tức là chứng được một phần giác. Cũng như cái mầm chồi, y nơi đất mà lần hồi nảy nở.

Kinh này Phật dạy tu pháp quán như huyễn, giống như Kinh Kim Cang Phật dạy:

Nhứt thế hữu vi pháp,
Như mộng huyễn bào ảnh.
Như lộ, diệc như điển,
Ưng tác như thị quán.

Nghĩa là:

Nên quán như thế này,
Cái gì có làm ra.
Đều như mộng, huyễn, bọt,
Như bóng, sương và chớp.

Lưu ý: Nhờ pháp “Chỉ” mới dừng đứng các vọng niệm đương khởi và sẽ khởi bên trong. Khi vọng niệm không còn khởi, thì “chơn tánh” tự hiện bày. Nhờ pháp “Quán” mới rõ các cảnh hiện tiền như huyễn, để đối trị âm thanh luyến thân, cảnh và xa lìa ngã chấp, pháp chấp. Khi ngã pháp hết thì Viên Giác hiện ra.
Bồ Tát phát Đại Bi Tâm: Bồ Tát nhận thấy tất cả chúng sanh cùng với mình đồng một bản thể chơn như bình đẳng không hay không khác. Vì thế mà Bồ Tát phát tâm thương xót tất cả chúng sanh, nên gọi là Đại Bi Tâm.
Bồ Tát rộng độ chúng sanh, mà không thấy chấp có mình năng độ và người được độ. Bởi không chấp tướng “ngã, nhơn,” như thế, nên Bồ Tát làm không biết bao nhiêu việc lành, độ vô số chúng sanh mà tâm vẫn nhẹ nhàng thư thái (kinh an).

 

Kinh Văn: III – Thiện nam tử, nhược chư Bồ-tát ngộ tịnh Viên giác, dĩ tịnh giác tâm bất thủ huyễn hóa cập chư tĩnh tướng. Liễu tri thân tâm giai vi quái ngại vô tri giác minh bất y chư ngại vĩnh đắc siêu quá ngại vô ngại cảnh. Thọ dụng thế giới cập dữ thân tâm, tướng tại trần vực, như khí trung hoàng thinh xuất vu ngoại, phiền não Niết bàn bất tương lưu ngại. Tiện năng nội phát tịch diệt khinh an diệu giác tùy thuận tịch diệt cảnh giới, tự tha thân tâm sở bất năng cập, chúng sanh thọ mạng giai vi phù tưởng. Thử phương tiện giả danh vi Thiền-na.

Việt Văn: 3. Thiện nam tử! Nếu các Bồ Tát ngộ biết Viên Giác vốn trong sạch, dùng giác tâm trong sạch ấy phát khởi quán chiếu, chẳng chấp huyễn hoá và tướng tịnh, liễu tri thân tâm đều là chướng ngại, nay chẳng chấp giác minh (giác minh là cội gốc của vô minh) chẳng kể chướng ngại, thì được diệt hẳn cảnh ngại và vô ngại. Sự thọ dụng tâm thế giới là tướng phiền não, Niết Bàn ở nơi phiền não của cõi trần cũng như âm thanh ở nơi chuông trống, chuông trống dù nhỏ hẹp, nhưng âm thanh vượt ra ngoài xa, chẳng bị khuôn khổ của chuông trống chướng ngại. Như thế Niết Bàn vượt ra ngoài tướng phiền não, cùng khắp pháp giới, cũng chẳng bị phiền não chướng ngại vậy. Tu theo thiền quán kể trên thì trong tâm được tịch diệt khinh an, tùy thuận cảnh giới tịch diệt của diệu giác thì thấy bốn tướng ngã (tự), nhơn (tha), chúng sanh, thọ mạng đều là vọng tưởng trôi nổi, tất cả thân tâm đều chẳng thể đến chỗ diệu giác. Phương tiện này gọi là Thiền Na.

Giảng: Thiền Na Tàu dịch là “Tĩnh lự”. Chữ “Tĩnh” tức là “Chỉ” (Định). Chữ “Lự” tức là “Quán” (Huệ).
– Pháp Xa Ma Tha thì tu về Chỉ là Định
– Pháp Tam Ma Bát Đề tu về Quán là huệ.
– Pháp Thiền Na này Chỉ và Quán đều tu, khiến cho Định và Huệ được quân bình.
Đại ý đoạn này nói: Bồ Tát khi ngộ được tâm Viên Giác thanh tịnh rồi, y theo tâm này mà tu, không dùng pháp “Chỉ” và “Quán”. Bồ Tát rõ biết thân tâm này đều là vật chướng ngại, mà tánh Viên Giác không chướng ngại. Mặc dù thọ dụng thân này, tâm này và thế giới trần cảnh này, mà tánh Viên Giác vẫn hoàn toàn siêu vượt ra ngoài các cảnh chướng ngại và không chướng ngại, cho đến phiền não hay Niết bàn cũng không lưu ngại nó được. Cũng như tiếng “boong” của chuông, vượt ra ngoài chuông.
Khi đó Bồ Tát diệt hết bốn tướng (ngã, nhơn, chúng sanh, thọ mạng), nhập vào cảnh giới Viên Giác. Bồ Tát tu phương tiện này gọi là tu Thiền Na.

 

Kinh Văn: Thiện nam tử, thử tam pháp môn giai thị Viên giác thân cận tùy thuận.Thập phương Như Lai nhân thử thành Phật. Thập phương Bồ-tát chủng chủng phương tiện nhất thiết đồng dị giai y như thị tam chủng sự nghiệp, nhược đắc viên chứng tức thành Viên giác. Thiện nam tử, giả sử hữu nhân tu ư Thánh đạo, giáo hóa thành tựu bá thiên vạn ức A-la-hán, Bích-chi Phật quả, bất như hữu nhân văn thử Viên giác vô ngại pháp môn, nhất sát-na khoảnh tùy thuận tu tập.

Việt Văn: Thiện nam tử! Ba thứ pháp môn này đều là Viên Giác, vì mười phương Như Lai tu hành nơi nhân địa được thân cận tùy thuộc ba môn này, nên do đó thành Phật. Đủ thứ phương tiện và tất cả đồng dị của mười phương Bồ Tát đều tu hành theo ba thứ pháp môn kể trên mà viên mãn chứng nhập, thành quả Viên Giác. Thiện nam tử! Giả sử có người tu hành thánh đạo, giáo hoá chúng sanh, thành tựu trăm ngàn muôn ức quả A La Hán và Bích Chi Phật, chẳng bằng người nghe pháp môn vô ngại của Viên Giác này mà tùy thuận tu tập trong một sát na (pháp môn Viên Giác là chánh nhân thành Phật, nên hơn quả nhiều quả chứng của nhị thừa).

Giảng: Ba pháp môn Chỉ, Quán và Chỉ Quán song tu nầy là cái phương tiện để nhập Viên Giác tánh . Tất cả chư Phật và Bồ Tát cũng đều y theo ba pháp môn này mà được thành đạo chứng quả. Những người giáo hóa ngàn muôn ức Thinh Văn và Duyên Giác tuy nhiều, nhưng thuộc về Tiểu thừa quả, nên sự lợi ích không bằng người trong giây phút, tùy thuận tánh Viên Giác. Vì tùy thuận tánh Viên Giác tức là vào cảnh giới Phật, nên lợi ích lớn hơn.

 

Kinh Văn: Nhĩ thời Thế Tôn dục trùng tuyên thử nghĩa nhi thuyết kệ ngôn :

Việt Văn: Lúc ấy Thế Tôn muốn giảng lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:

Oai Đức nhữ đương tri                      Oai Đức ngươi nên biết,
Vô thượng đại giác tâm                     Vô thượng đại giác tâm.
Bản tế vô nhị tướng                          Bản thể vốn bất nhị.
Tùy thuận chư phương tiện               Nếu tùy thuận phương tiện

Kỳ số tức vô lượng                            Thì số ấy vô lượng.
Như Lai tổng khai thị                        Như Lai qui nạp lại,
Tiện hữu tam chủng loại                   Thành có ba pháp môn.
Tịch tĩnh Xa-ma-tha                          Sa Ma Tha tịch tịch,

Như kính chiếu chư tượng                 Như gương soi các tướng.
Như huyễn Tam-ma-đề                     Tam Ma Đề huyễn hoá,
Như miêu tiệm tăng trưởng               Như mầm tăng trưởng dần.
Thiền-na duy tịch diệt                       Thiền Na tướng tịch diệt,

Như bỉ khí trung hoàng                     Như tiếng trong chuông trống.
Tam chủng diệu pháp môn               Ba thứ diệu pháp môn,
Giai thị giác tùy thuận                      Đều tùy thuận Viên Giác.
Thập phương chư Như Lai                Mười phương chư Như Lai,

Cập chư đại Bồ-tát                            Và các Đại Bồ Tát,
Nhân thử đắc thành đạo                    Do đó được thành đạo.
Tam sự viên chứng cố                       Ba môn chứng rốt ráo,
Danh cứu cánh Niết-bàn.                  Gọi cứu cánh Niết Bàn