Ðại Thế Chí Bồ Tát

Bồ Tát Ðại Thế Chí tức là Bồ Tát Ðắc Ðại Thế. Ðại là gì? Ðại là trái với tiểu, nhưng ở đây “đại” mà “vô ngoại,” nghĩa là chẳng có gì lớn hơn nữa. “Ðại” ở đây là thể của pháp, đồng thời cũng là Phật tánh của chúng sanh. Ðó là “đại nhi vô ngoại,” “tiểu nhi vô nội,” bao trùm tận thư không gồm hết pháp giới. Do đó nói rằng Ðại Thế Chí Bồ Tát làm một động tác như đưa tay lên hoặc bước tới một bước, thì thập phương thế giới đều rúng động. Uy lực của Ngài vô cùng lớn lao, cho nên gọi là “Ðại Thế Chí.” Bởi vậy khi Ngài di động, cả mười phương thế giới đều rúng động. Sáu thứ chấn động là gì. Tức là : Ðộng, dũng, khởi, chấn, hống, thanh. Sức mạnh của những sự chấn động nầy phát khởi, thì dù bom đạn mạnh hết sức của thời đại hiện nay, cũng không thể sánh bằng, bất quá những thứ chấn động ấy, chẳng phải như vũ khí tân thời sẽ phá hủy tiêu diệt tất cả vạn vật. Sáu thứ chấn động nầy chẳng tổn hại tơ hào đến bất cứ vật gì.

Có người thắc mắc: “Ngài thường đi đây đi đó hay không?” Quý Phật tử chớ nên bận tâm về việc này, vì một khi Ngài Ðại Thế Chí di chuyển thì thập phương thế giới thường chấn động, do đó Ngài thường ở trong đại định. Tuy nhiên, mặc dù Ngài nhập định nhưng Ngài vẫn có mặt cùng khắp, hào quang của Ngài chiếu sáng cùng khắp, trí tuệ của Ngài cũng ở cùng khắp. Chẳng qua là oai đức của Ngài làm chấn động thập phương thế giới. Không những Ngài có oai đức to tát như vậy mà Ngài còn có thể dùng năng lực của mình để khiến cho thập phương thế giới được bình an vô sự, chẳng có mảy may chấn động. Cho nên mặc dù Ngài có năng lực như vậy nhưng chưa hẳn Ngài mang quyền lực này ra sử dụng, đó là Ðại Thế Chí Bồ Tát.

Bồ Tát Ðắc Ðại Thế, còn gọi là Bồ Tát Vô Biên Quang Sí Thân, vì ai thấy được quang minh một lỗ chân lông của vị Bồ Tát nầy, thì giống như thấy được quang minh thanh tịnh vi diệu của chư Phật Như Lai trong mười phương.

Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, chương Ðại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông chuyên nói về thần lực không thể nghĩ bàn của vị Bồ Tát nầy.

— o0o —

Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông

Ðại Thế Chí” là gì? Ðại là trái với tiểu, nhưng ở đây “đại” mà “vô ngoại,” nghĩa là chẳng có gì lớn hơn nữa. “Ðại” ở đây là thể của pháp, đồng thời cũng là Phật tánh của chúng sanh. Ðó là “đại nhi vô ngoại,” “tiểu nhi vô nội,” bao trùm tận thư không gồm hết pháp giới. Do đó nói rằng Ðại Thế Chí Bồ Tát làm một động tác như đưa tay lên hoặc bước tới một bước, thì thập phương thế giới đều rúng động. Uy lực của Ngài vô cùng lớn lao, cho nên gọi là “Ðại Thế Chí.” Bởi vậy khi Ngài di động, cả mười phương thế giới đều rúng động. Có người thắc mắc: “Ngài thường đi đây đi đó hay không?” Quý Phật tử chớ nên bận tâm về việc này, vì một khi Ngài Ðại Thế Chí di chuyển thì thập phương thế giới thường chấn động, do đó Ngài thường ở trong đại định. Tuy nhiên, mặc dù Ngài nhập định nhưng Ngài vẫn có mặt cùng khắp, hào quang của Ngài chiếu sáng cùng khắp, trí tuệ của Ngài cũng ở cùng khắp.

“Bồ-tát” là gì? “Bồ-tát” là “bồ dã, giác dã, tình dã.” Tức là giác hữu tình. Nói đầy đủ là Bồ Ðề Tát Ðỏa, phạn ngữ là Bodhisattva. Bồ-tát là bậc giác ngộ trong số chúng sanh, cũng có thể nói rằng Bồ-tát là chúng sanh đã giác ngộ. Làm sao có thể nói Bồ-tát là bậc giác ngộ từ trong chúng sanh? Bồ-tát vốn cũng là chúng sanh như quý vị, như tôi. Chẳng qua là Bồ-tát nguyện phát bồ đề tâm, dũng mãnh tinh tấn, hành Bồ-tát đạo.

“Niệm Phật” Tôi xin quý vị hãy nhận thức rõ ràng hai chữ “Niệm Phật” trong chương “Ðại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông.” Ý nghĩa của Kinh văn chẳng phải là Ngài Ðại Thế Chí Bồ Tát được thỉnh cầu niệm Phật, mà là Ðại Thế Chí Bồ Tát hiện thân thuyết pháp, dạy chúng ta và hết thảy chúng sanh rằng: “Tôi nhờ pháp môn Niệm Phật mà đắc viên thông. Nếu người nào y theo phương pháp này tu hành thì khả dĩ cũng đắc viên thông.” Ngài đã đắc viên thông, Ngài muốn hết thảy chúng sanh đều đắc viên thông như Ngài. Cho nên “Niệm Phật” ở đây chẳng phải chính Ngài Ðại Thế Chí niệm Phật, vì Ngài đã “Niệm vô sở niệm,” Ồchẳng niệm mà niệm, niệm mà không niệm. Ngài đã đạt mức viên thông này và nhiều kinh nghiệm về pháp môn niệm Phật. Cho nên Ngài dạy chúng ta và hết thảy chúng sanh rằng: “Quý vị có biết chăng? Tôi từ con đường Niệm Phật mà đến. Phương pháp này giúp tôi đắc viên thông, nay tôi truyền cho quý vị, quý vị có thể dùng pháp môn Niệm Phật này mà đắc viên thông.”

Niệm Phật có bốn phương pháp:
1. Trì danh niệm Phật
2. Quán tượng niệm Phật
3. Quán tưởng niệm Phật
4. Thực tướng niệm Phật

1. Trì danh niệm Phật: Trì danh niệm Phật là thường thường chuyên niệm sáu tiếng “Nam Mô A Di Ðà Phật.” Lúc tôi ở tại Ðài Bắc tôi gặp một người rất bướng bỉnh. Tôi bảo y niệm Phật, y trả lời: “Niệm Phật nào có lợi ích gì? Thay vì niệm Phật thì để tôi niệm tôi hay hơn.” Tôi đáp: “Cũng vậy thôi, nếu ông niệm ông, mà có thể thành Phật được thì cũng được thôi.” Chúng ta niệm Phật là vì đức Phật A Di Ðà lúc còn ở nhân địa đã phát bốn mươi tám đại nguyện. Một trong bốn mươi tám đại nguyện ấy là: “Tất cả chúng sanh trong thập phương thế giới, nếu có người nào xưng danh hiệu tôi thì người đó nhất định thành Phật; nếu người đó không thành Phật thì tôi thề không thành Chánh giác, tôi cũng chẳng thành Phật.”

Căn cứ vào lời đại nguyện này, chúng ta chẳng khác gì được đi trên một chiếc thuyền để đến bờ bên kia. Nguyện lực của Phật A Di Ðà chính là bản hợp đồng mà trong quá khứ Ngài đã cùng chúng ta và chúng sanh trong thập phương ký kết với nhau. Cho nên, nếu chúng ta niệm Phật mà chẳng được sanh về thế giới Cực Lạc thì đức Phật A Di Ðà cũng thiếu tư cách để thành Phật. Vì mối quan hệ này cho nên mỗi chúng ta nên thành tâm thực hành pháp môn niệm Phật. Pháp môn niệm Phật là một pháp môn đơn giản nhất, viên dung nhất, một pháp môn đi tắt chóng thành Phật nhất. Pháp môn này cũng chẳng đòi hỏi nhiều thời gian, chẳng phải hao tốn tiền bạc. Người già cả cũng có thể niệm Phật, người trẻ tuổi cũng có thể niệm Phật, kẻ tráng niên cũng có thể niệm Phật, người bịnh cũng như người khỏe mạnh đều có thể niệm Phật. Theo pháp môn Niệm Phật này thì:

Tam căn phổ bị, Lợi độn kiêm thu
Tam căn phổ bị: Ba căn là thượng, trung, hạ tức là kẻ có trí tuệ, người bình thường, kẻ ngu đần. Cả ba hạng người này đều có thể niệm Phật để được sanh về thế giới Cực Lạc.

Lợi độn kiêm thu: Là bao gồm cả hạng người thông minh nhất (như Phổ Hiền Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, hai Ngài đều phát nguyện vãng sanh Tịnh Ðộ) lẫn hạng người ngu đần nhất. Ngay cả loài súc sanh như chim anh võ, chim bát ca, chúng đều niệm Phật và cũng được vãng sanh về thế giới Cực Lạc, hà huống là “vạn vật chi linh, như loài người chúng ta” mỗi người niệm Phật đều có hy vọng vãng sanh thế giới Tây Phương Cực-Lạc. Vì Ðức Phật A Di Ðà và chúng ta có ký kết hợp đồng, không lý Ngài đã ký kết rồi bỏ qua hay sao? Cho nên chúng ta dựa vào hiệu lực của hợp đồng này nhất quyết có thể vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực-Lạc vậy.

2. Quán Tượng Niệm Phật: Quán tượng tức là thỉnh một bức tượng Phật A Di Ðà, rồi vừa niệm Phật vừa quán tưởng tướng hảo trang nghiêm của Phật A Di Ðà, nhất là ánh hào quang tướng bạch hào giữa hai mắt. Thường thường quán tượng để niệm Phật rất dễ đắc Niệm Phật Tam muội, đạt tới nhất tâm bất loạn. Chủ yếu trong việc niệm Phật là đạt tới nhất tâm bất loạn, đắc Niệm Phật Tam muội. Nếu quý vị đắc Niệm Phật Tam muội thì dù có mưa to gió lớn cũng không lay chuyển. Bất luận quý vị đi, đứng, ngồi, hay nằm, nhứt nhứt đều ở trong Tam muội, đi cũng Di Ðà, ngồi cũng Di Ðà; đi cũng Phật, ngồi cũng Phật. Quý vị ở trong Tam muội thì sẽ được thấm nhuần nước trí tuệ. Ðạt tới Niệm Phật Tam muội, nhất tâm bất loạn, thì nhất định sẽ được vãng sanh.

3. Quán Tưởng Niệm Phật: Quán tưởng tức chỉ đơn thuần quán tưởng, không cần phải có tượng phật trước mặt. Quán tưởng:
A Di Ðà Phật thân kim sắc,
Tướng hảo quang minh vô đẳng luân,
Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di,
Cám mục trừng thanh tứ đại hải,
Quang trung hóa Phật vô số ức,
Hóa Bồ-tát chúng diệc vô biên,
Tứ thập bát nguyện độ chúng sanh,
Cửu phẩm hàm linh đăng bỉ ngạn.
Quán tưởng bài kệ tán Phật này cũng có thể đắc Niệm Phật Tam muội.

4. Thực Tướng Niệm Phật: Thực tướng niệm Phật tức niệm mà không niệm, không niệm mà niệm, lúc đó hành giả đi vào tham thiền. Cho nên người hiểu rõ niệm Phật chân chính không phản đối tham thiền; người hiểu rõ tham thiền chân chính cũng chẳng phản đối niệm Phật. Chẳng những không phản đối niệm Phật mà cũng chẳng phản đối Giáo Tông, Mật Tông, Luật, Mật, Tịnh nhưng hợp lại thì “nhất tông bất lập,” một tông cũng chẳng có, tất cả đều hổ trợ lẫn nhau, tông này cùng tông nọ đều có mối tương quan với nhau.

 

“Viên thông”: Viên là viên dung vô ngại; thông là thông đạt. Niệm Phật tới mức vừa viên dung lại vừa thông đạt, tức là niệm Phật đến viên mãn, niệm đến thành tựu, đồng thời cũng chứng đắc sự và lý đều viên dung vô ngại. Ðạt được cảnh giới này thì gọi là viên thông.

Chúng ta niệm Phật cần niệm đến mức nhất tâm bất loạn, đạt tới niệm Phật Tam muội. Muốn đạt tới trình độ này thì phải làm thế nào? Trước tiên phải chuyên nhất, luôn giữ chánh niệm mà trì danh niệm Phật. Cách đây hơn hai mươi năm tôi có viết một bài kệ về niệm Phật, nay xin đọc lại cho quý vị nghe.

Kệ rằng:
Niệm Phật năng niệm vô gián đoạn,
Khẩu niệm Di Ðà đả thành phiến,
Tạp niệm bất sanh đắc Tam muội,
Vãng sanh Tịnh Ðộ định hữu phần,
Chung nhật yếm phiền Ta-bà khổ,
Tài tương hồng trần tâm niệm đoạn,
Cầu sanh Cực Lạc ý niệm trọng,
Phóng hạ nhiễm niệm quy tịnh niệm.

Giảng
Niệm Phật niệm hoài không gián đoạn,
Hồng danh đồng khởi tại tâm can,
Tạp niệm không sanh tam muội được,
Vãng sanh Tịnh độ có phần sang,
Trọn ngày chán nản Ta bà khổ,
Tâm niệm hồng trần dứt sạch quang,
Cầu sanh Cực Lạc luôn trong ý,
Nhiễm niệm dứt trừ, tịnh niệm toàn.

“Niệm Phật năng niệm vô gián đoạn” tức là quý Phật tử có thể niệm Phật đến độ không gián đoạn.

“Khẩu niệm Di Ðà đả thành phiến,” tức quý vị luôn niệm sáu tiếng hồng danh, “Nam Mô A Di Ðà Phật,” niệm cho đến gió thổi chẳng lọt, mưa tuôn không thấm. Lúc đó mới thực sự đạt tới cảnh giới Niệm Phật Tam muội, cho nên mới nói rằng miệng niệm Di Ðà khư khư chẳng rời.

“Tạp niệm bất sanh đắc Tam-muội,” tức là hết thảy tạp niệm đều không nảy sanh, cho nên nói rằng:
Một niệm chẳng sanh toàn thể hiện,
Lục căn thoáng động bị mây che. Quý vị có thể niệm cho đến một niệm cũng chẳng sanh, thì tạp niệm gì cũng chẳng còn, như vậy ắt đắc niệm Phật Tam muội.

“Vãng sanh Tịnh Ðộ định hữu phần.” Một khi đạt tới Niệm Phật Tam muội rồi thì nhất định được sanh về cõi Tịnh Ðộ. Quý vị nhất định có hy vọng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc bốn câu trước đã giải thích qua, sau đây là bốn câu còn lại:

“Chung nhật yếm phiền Ta-bà khổ,” tức là Ngày ngày đều cảm thấy cõi Ta bà đầy khổ não, thế giới Cực Lạc rất an vui, cho nên mình hãy luôn nhàm chán cõi khổ Ta bà.

“Tài tương hồng trần tâm niệm đoạn,” tức tâm niệm hồng trần mới diệt được. Vì mình chán ghét cái khổ nên muốn được an lạc, hễ muốn có an lạc thì hãy từ bỏ những thú vui vật chất tạm bợ trên thế gian.

“Cầu sanh Cực Lạc ý niệm trọng.” Ðiều rất quan trọng là có tâm mong cầu vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

“Phóng hạ nhiễm niệm quy tịnh niệm,” nghĩa là mình có thể rời bỏ ý niệm nhiễm ô thì là lúc Tịnh Ðộ đã chín muồi. Trái lại, nếu vẫn còn níu kéo cái ý niệm ô nhiễm kia thì nhứt quyết chẳng thể nào vui hưởng sự an lạc thanh tịnh của Thế Giới Cực Lạc được. Bài kệ tám câu này tuy rất ngắn gọn nhưng nếu ta suy ngẫm kỹ thì rất lợi lạc cho ai tu pháp môn Tịnh Ðộ. Ðại Thế Chí Bồ Tát đắc niệm Phật “Viên thông”

 

CHÁNH VĂN:  VIÊN THÔNG KIẾN ĐẠI

Kinh văn: 大勢至法王子。與其同倫五十二菩薩即從座起。頂禮佛足而白佛言。

Phiên âm: Đại Thế Chí Pháp Vương Tử dữ kỳ đồng luân ngũ thập nhị Bồ-tát tức tòng toà khởi, đảnh lễ Phật túc nhi bạch Phật ngôn.

Việt dịch: Đại Thế Chí Pháp vương tử cùng 52 vị Bồ-tát cùng tu tập, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng:

Giảng: Đại Thế Chí Pháp vương tử và Bồ-tát Quán Thế Âm đều là con trai của Đức Phật A-di-đà khi Đức Phật còn là vị Chuyển luân thánh vương. Khi Đức Phật A-di-đà đã thành tựu quả Phật, hai vị Bồ-tát nầy đến để trợ thủ cho ngài. Hai vị Bồ-tát là hai người bạn đồng hành hằng ngày của Đức Phật A-di-đà, một vị bên trái, một vị bên phải. Khi Đức Phật A-di-đà nhập diệt, không còn là bậc giáo chủ của cõi Cực lạc phương Tây, trong nửa đêm, giáo pháp sẽ suy tàn, và đến cuối nửa đêm đó, Bồ-tát Quán Thế Âm sẽ thành Phật tại cõi Cực lạc phương Tây. Khi Bồ-tát Quán Thế Âm nhập diệt, không làm bậc giáo chủ của cõi Cực lạc phương Tây nữa, thì Bồ-tát Đại Thế Chí sẽ thành Phật cùng một cách như Bồ-tát Quán Thế Âm, ngài làm giáo chủ cõi Tây phương Cực lạc. Bồ-tát Đại Thế Chí còn được gọi là Đắc Đại Thế–得大勢. Ngài rất mạnh, đến mức độ mỗi khi ngài nhấc tay, động chân, hay lắc đầu, thì đất bằng chuyển động. Khi ngài đi, thì đất rung chuyển. “Pháp vương tử” có nghĩa là Bồ-tát.

Cùng 52 vị Bồ-tát cùng tu tập, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng:  Năm mươi hai Bồ-tát ở đây biểu tượng cho thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, đẳng giác, diệu giác–Năm mươi hai giai vị tu chứng của hàng Bồ-tát.

 

Kinh văn: 大勢至法王子。與其同倫五十二菩薩即從座起。頂禮佛足而白佛言。我憶往昔恒河沙劫。有佛出世名無量光。十二如來相繼一劫。其最後佛名超日月光。彼佛教我念佛三昧。

Phiên âm: Ngã ức vãng tích hằng hà sa kiếp. Hữu Phật xuất thế danh Vô Lượng Quang. Thập nhị Như Lai tương kế nhất kiếp. Kỳ tối hậu Phật danh Siêu Nhật Nguyệt Quang. Bỉ Phật giáo ngã niệm Phật tam-muội.

Việt dịch: Con nhớ hằng hà sa kiếp trước, có Đức Phật ra đời hiệu là Vô Lượng Quang. Lúc ấy có 12 Đức Như Lai kế tục nhau thành Phật trong một kiếp. Đức Phật sau cùng hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang, ngài dạy con pháp niệm Phật tam-muội.

Giảng: Con nhớ hằng hà sa kiếp trước, có Đức Phật ra đời hiệu là Vô Lượng Quang. Lúc ấy có 12 Đức Như Lai kế tục nhau thành Phật trong một kiếp. Đức Phật sau cùng hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang. Vào kiếp đó, có 12 Đức Phật Như Lai thị hiện ra trên đời, Đức Phật thứ 12 hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang. Ngài dạy con pháp niệm Phật tam-muội. Đức Phật Siêu Nhật Nguyệt Quang dạy con niệm danh hiệu ‘Nam-mô A-di-đà Phật.’

A-di-đà (Amitābha) có nghĩa là ‘Vô lượng quang’ và ‘Vô lượng thọ’; có phải ngài là Đức Phật A-di-đà mà chúng ta thường biết đó chăng? Có lẽ không. Vì Đức Phật A-di-đà lúc đó là Đức Phật đã thành tựu Phật quả từ 10 kiếp trước. Nhưng danh hiệu vẫn đồng là một. Có nhiều Đức Phật có danh hiệu giống nhau, cũng như người thường có tên hoặc họ trùng nhau vậy.

 

Kinh văn: 譬如有人一專為憶,一人專忘。如是二人若逢不逢或見非見。

Phiên âm: Thí như hữu nhân, nhất chuyên vi ức, nhất nhân chuyên vong. Như thị nhị nhân, nhược phùng bất phùng, hoặc kiến phi kiến.

Việt dịch: Ví như có người, một đằng chuyên nhớ, một đằng chuyên quên, thì hai người ấy, dầu gặp cũng không là gặp, dầu thấy cũng không là thấy.

Giảng: Ví như có người, một đằng chuyên nhớ, một đằng chuyên quên. Đây là một ví dụ. Có hai người, một người luôn luôn nhớ đến người kia, trong khi người kia không bao giờ nhớ đến người khác. Có lẽ họ là bạn bè hay bà con. Hai người nầy dụ cho Đức Phật và chúng sinh. Đức Phật thường nhớ đến chúng ta, các ngài luôn luôn thương xót chúng sinh, nhưng chúng sinh thì không bao giờ nhớ đến Phật. Chúng ta có thể có ít cơ may để học Phật pháp, nhưng chúng ta hoàn toàn không biết rõ những gì đang được giảng giải. Chúng ta hoàn toàn không biết những điều ấy vi diệu như thế nào. Tại sao chư Phật lại nhớ nghĩ đến chúng sinh. Vì các ngài thấy rằng chúng sinh vốn có cùng bản tánh Phật như các ngài.

Chư Phật nhìn chúng sinh như là cha mẹ của các ngài trong quá khứ, và sẽ là chư Phật trong tương lai. Thế nên Đức Phật dạy rằng, “Mọi chúng sinh trên cõi giới nầy đều có Phật tánh. Đều có thể thành Phật.” Không có riêng một chúng sinh nào mà chẳng được thành Phật. Đây chính là điểm then chốt đã khiến cho đạo Phật trở nên cao quý và lan rộng khắp mọi nơi. Đó là lí do tại sao chư Phật không tán thành các việc sát hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống rượu. Giữ và thực hành năm giới là cách thể hiện lòng thương tưởng đến chúng sinh. Vì chư Phật thấy rõ rằng chúng sinh có cùng thể tánh như các ngài, ngài muốn giáo hoá họ, để giúp cho họ tiến lên, thành tựu Phật quả.

Chúng sinh chúng ta đến thế giới nầy và bỏ gốc để theo ngọn. Chúng ta quên đi nguồn gốc, bối giác hiệp trần–turn our backs on enlightenment and unite with the dust–trần lao phiền não nơi thế gian. Đó là lí do khiến cho chúng ta quên đi chư Phật và không nhớ gì đến các ngài.

 

Kinh văn: 二人相憶二憶念深。如是乃至從生至生。同於形影不相乖異。

Phiên âm: Nhị nhân tương ức, nhị ức niệm thâm, như thị nãi chí tòng sanh chí sanh, đồng ư hình ảnh, bất tương thừa dị.

Việt dịch: Nếu cả hai người đều nhớ nhau, hai bên nhớ nhau thật sâu trong tâm niệm, như thế cho đến đời nầy sang đời khác, như hình với bóng, không bao giờ cách xa nhau.

Giảng: Nếu cả hai người đều nhớ nhau, hai bên nhớ nhau thật sâu trong tâm niệm–nếu họ nhớ nhau rất sâu đậm– như thế cho đến đời nầy sang đời khác, như hình với bóng, không bao giờ cách xa nhau. Cái bóng của mình dù mình có đi đâu nó cũng đi theo, nó không bao giờ rời bỏ hình ảnh của nó. Hai người nầy cũng sẽ như vậy và không bao giờ tách rời ra. Họ sẽ không bao giờ còn có việc chẳng nhận ra nhau hay quên nhau.

 

Kinh văn: 十方如來憐念眾生如母憶子。若子逃逝雖憶何為。子若憶母如母憶時。母子歷生不相違遠。

Phiên âm: Thập phương Như Lai lân niệm chúng sanh như mẫu ức tử. Nhược tử đào thệ, tuy ức hà vi. Tử nhược ức mẫu, như mẫu ức thời, mẫu tử lịch sanh bất tương vi viễn.

Việt dịch: Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sinh như mẹ thương con. Nếu con trốn tránh, tuy nhớ, nào có ích gì. Nếu con nhớ mẹ, như khi mẹ nhớ con, thì mẹ con đời đời không cách xa nhau.

Giảng: Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sinh như mẹ thương con–Chư Phật trong mười phương thường thương nhớ chúng sinh như mẹ thương con. Nếu con trốn tránh, tuy nhớ, nào có ích gì. Dù mẹ thường nhớ con mọi thời, nhưng con quên mẹ, thì thật vô ích. Nếu con nhớ mẹ, như khi mẹ nhớ con, thì mẹ con đời đời không cách xa nhau. Nếu mẹ và con cùng nhớ đến nhau trong theo cách ấy, thì mẹ con sẽ nhớ nhau suốt đời, từ đời này sang đời khác. Họ sẽ không bao giờ tách lìa nhau.

Có nghĩa là, nếu chư Phật thương tưởng, hằng nhớ đến chúng sinh, mà nếu chúng sinh cũng nhớ đến chư Phật, thì đời nầy sang đời khác, chúng sinh và Phật chẳng lìa xa nhau. Chúng ta sẽ ở bên Phật mãi mãi.

 

Kinh văn: 若眾生心憶佛念佛。現前當來,必定見佛。

Phiên âm: Nhược chúng sanh tâm ức Phật niệm Phật. Hiện tiền đương lai, tất định kiến Phật.

Việt dịch: Nếu tâm chúng sinh, nhớ Phật, tưởng đến Phật, thì đời nầy, đời sau, nhất định thấy Phật.

Giảng: Nếu chúng sinh tưởng nhớ đến Phật, niệm danh hiệu Phật, thì chắc chắn họ sẽ được thấy Phật trong đời nầy hoặc đời sau.

 

Kinh văn: 去佛不遠。不假方便自得心開。

Phiên âm: Khứ Phật bất viễn, bất giả phương tiện tự đắc tâm khai.

Việt dịch: Họ đã cách Phật không xa, nên không nhờ vào phương tiện mà được tâm khai ngộ.

Giảng: Họ chắc chắn sẽ được giác ngộ.

 

Kinh văn: 如染香人身有香氣。此則名曰香光莊嚴。

Phiên âm: Như nhiễm hương nhân, thân hữu hương khí. Thử tắc danh viết hương quang trang nghiêm.

Việt dịch: Như người xông hương thì thân thể có mùi thơm. Đó gọi là hương quang trang nghiêm.

Giảng: Như người xông hương thì thân thể có mùi thơm. Nếu có người xông ướp thân thể mình băng hương thơm, thì mùi hương ấy sẽ thấm đượm quanh thân. Đó gọi là hương quang trang nghiêm.

 

Kinh văn: 我本因地以念佛心入無生忍。今於此界攝念佛人歸於淨土。

Phiên âm: Ngã bổn nhân điạ dĩ niệm Phật tâm, nhập vô sanh nhẫn. Kim ư thử giới, nhiếp niệm Phật nhân, quy ư tịnh độ.

Việt dịch: Bản nhân của con là dùng tâm niệm Phật mà thể nhập vô sanh nhẫn. Nay con trong cõi nầy, tiếp dẫn những người niệm Phật trở về cõi Tịnh độ.

Giảng: Bản nhân của con là dùng tâm niệm Phật mà thể nhập vô sanh nhẫn.

Bồ-tát Đại Thế Chí nói rằng từ trong nhân địa tu hành của ngài, có nghĩa là, từ khi mới phát tâm tu đạo làm vị tỷ-khưu, ngài chứng được vô sinh pháp nhẫn nhờ vào pháp niệm Phật. Nay con trong cõi nầy–cõi ta-bà, tiếp dẫn những người niệm Phật. Như thỏi nam châm sẽ thu hút hết thảy các vụn sắt, Bồ-tát Đại Thế Chí tiếp độ và dẫn dắt mọi chúng sinh nào tu tập pháp niệm danh hiệu Phật, đưa họ trở về cõi Tịnh độ. Ngài dẫn dắt họ trở về với cõi Cực lạc.

 

Kinh văn: 佛問圓通我無選擇都攝六根淨念。相繼得三摩地斯為第一

Phiên âm: Phật vấn viên thông, ngã vô tuyển trạch đô nhiếp lục căn tịnh niệm. Tương kế đắc tam-ma-địa tư vi đệ nhất.

Việt dịch: Đức Phật hỏi về viên thông, con do thu nhiếp tất cả sáu căn mà không cần lựa chọn, tịnh niệm liên tục. Đó là phương pháp hay nhất.

Giảng: Đức Phật hỏi về phương pháp để tu tập đạt được viên thông, con do thu nhiếp tất cả sáu căn mà không cần lựa chọn, tịnh niệm liên tục. Con không có sự lựa chọn nào khác. Con chỉ có một pháp phương pháp là niệm danh hiệu Phật. Con dùng pháp môn nầy để thu nhiếp sáu căn và các vọng tưởng khởi dậy từ sáu căn ấy. Con điều phục sáu căn không để cho chúng khởi dậy vọng tưởng nữa. Con niệm Phật với tâm thanh tịnh mãi không gián đoạn, cho đến khi con đạt được chánh định. Đó là phương pháp hay nhất.

 

HT TUYÊN HÓA – giảng thuật