Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện – 1

Kinh Hoa Nghiêm

Đại Phương Quảng Phật

giảng giải

Hòa Thượng TUYÊN HÓA
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Ðịnh

— o0o —

PHẨM NHẬP BẤT TƯ NGHÌ GIẢI THOÁT CẢNH GIỚI

PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN – 1

10 Hạnh Nguyện

Trước khi nghe kinh, đầu tiên nhất định phải nhận biết đó là bộ kinh thuộc hệ Đại thừa hay Tiểu thừa. Nhắc đến Đại thừa và Tiểu thừa, hôm nay tôi sẽ kể cho quý vị nghe một câu chuyện.

Ở Ấn Độ có vị Bồ-tát tên là Thế Thân, còn gọi là Thiên Thân, Ngài có người anh ruột là Bồ-tát Vô Trước. Bồ-tát Vô Trước học tập theo giáo lý Đại thừa, còn Bồ-tát Thế Thân do có nhân duyên không tốt, nên ngài theo Tiểu thừa và học tập theo giáo lý của phái này. Bồ-tát Thế Thân tư chất rất thông minh, Bồ-tát Vô Trước, anh của ngài, luôn muốn tìm cách độ em tin theo pháp môn Đại thừa, nhưng vẫn chưa có sức mạnh nào khiến cho em mình tin theo. Em của Ngài luôn ca ngợi pháp Tiểu thừa và cho rằng pháp Đại thừa không đúng. Sau đó, Bồ-tát Vô Trước nghĩ ra một cách: Ngài giả bệnh rồi sai người nhắn người em đến thăm mà bảo rằng: “Anh tuổi đã lớn, lại bệnh thế này, nếu em không đến thăm thì sau này anh em không còn cơ hội gặp mặt nữa”. Nghe vậy, người em liền đến thăm Ngài. Bồ tát Vô Trước bảo em:

– Anh sắp chết rồi, những Kinh điển Đại thừa mà anh đã học, em có thể tùy ý lấy xem, nếu em có khả năng xem được thì anh dù chết cũng có thể yên lòng nhắm mắt.

Bồ tát Thế Thân đến thăm anh cũng không có việc gì làm; thế là Ngài bèn cầm quyển Kinh Đại thừa lên xem. Ngài xem bộ kinh nào quý vị có biết không? Đó chính là bộ Kinh Hoa Nghiêm  này.

Bồ tát Thế Thân càng xem càng thấy được sự bất khả tư nghì, mới biết rằng cảnh giới Hoa Nghiêm thật là vi diệu chẳng thể dùng lời diễn tả. Giống như mặt trời trên không trung chiếu khắp muôn vật, lại giống như màn lưới của Đại Phạm Thiên Vương từng lỗ dung nhiếp lẫn nhau. Đến lúc ấy Ngài mới biết rõ trước đây mình đã sai lầm, bèn hét lớn:

-Mau đem cho tôi một thanh bảo kiếm!

-Ngài cần bảo kiếm để làm gỉ? Người bên cạnh hỏi.

-Tôi muốn cắt lưỡi của mình.

-Vì sao ngài lại muốn cắt lưỡi?

-Trước đây tôi đã dùng tấc lưỡi này để khen ngợi pháp Tiểu thừa, hủy báng Kinh điển Đại thừa, đó là tội lớn nên tôi muốn cắt lưỡi để tạ tội.

Bồ tát Vô Trước nghe thế, can:

-Em đừng nên như vậy!

Người em kiên quyết:

-Vì sao anh biết không? Vì tội của cái lưỡi này quá lớn, nên em nhất định phải cắt bỏ nó.

Người anh ôn tồn:

-Ví như không cẩn thận bị trượt té xuống đất, nếu em muốn đứng dậy vẫn phải nương vào sức đất phải không? Em không thể nào ngã xuống đất mà không đứng dậy, khi em muốn đứng dậy thì chỉ cần dùng tay chống xuống đất là đứng dậy được. Trước đây em nhờ vào cái lưỡi ấy để ca ngợi Tiểu thừa, hủy báng Đại thừa thì hôm nay em cũng có thể dùng lại ba tấc lưỡi đó để ca ngợi Đại thừa!

Nghe anh nói cũng có lý nên Bồ tát Thế Thân thôi không đòi cắt lưỡi nữa . Sau đó, ngài vào núi tu hành, học tập kinh điển Đại thừa, trước tác bộ Thập Địa Luận. Ngày bộ Thập Địa Luận hoàn thành, trái đất chấn động, đồng thời miệng Ngài cũng phát ra hào quang. Lúc ấy, Quốc vương đến thăm Ngài, hỏi:

-Có phải Ngài đã chứng quả A-la-hán rồi chăng?

-Không, tôi không chứng quả A-la-hán, Bồ-tát Thế Thân trả lời.

-Ngài không chứng quả A-la-hán thì tại sao trái đất lại chấn động và miệng phát ra hào quang?

-Do vì lúc trẻ tôi học tập Tiểu thừa mà hủy báng Đại thừa, nay tôi đổi sang học Kinh Hoa Nghiêm , trước tác bộ Thập Địa Luận, nay bộ luận đã hoàn thành, nên quả đất chấn động và miệng tôi phát ra hào quang, chứ không phải do chứng quả mới có hiện tượng này.

Quốc vương ngạc nhiên:

-Thì ra là do bộ Kinh Hoa Nghiêm này vi diệu như thế!  

Nhập Bất Tư Nghì Giải Thoát Cảnh Giới: Nghĩa là đạt đến cảnh giới giải thoát bất khả tư nghì này, không thể dùng ý thức suy lường được. Vì giải thoát vốn không có cảnh giới, có cảnh giới tức chẳng phải giải thoát. Thế thì tại sao lại nói “giải thoát cảnh giới”? “Cảnh giới” chỉ là một thí dụ, căn bản vốn không có loại cảnh giới này, vì khi đạt đến giải thoát thì cái gì cũng không có nên mới gọi là giải thoát.

Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm:Phổ Hiền”: Đạo truyền khắp vũ trụ gọi là Phổ; Đức đồng với bậc Thánh cao tột nhất gọi là Hiền (Đạo biến vũ trụ viết phổ, Đức lân cực thánh viết hiền). Ý nói đạo của Ngài truyền khắp vũ trụ, đức hạnh của Ngài tương đồng với bậc Thánh cao nhất. “Hạnh Nguyện Phẩm”: “Hạnh” là hạnh lớn mà Ngài tu hành; “nguyện” là tâm nguyện mà ngài phát khởi. Hạnh nguyện mà Bồ-tát Phổ Hiền phát ra trong khi tu  hành là rất lớn, vì thế nên gọi là Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ-tát.

Trong Phật giáo có bốn vị Bồ-tát lớn: Bồ-tát Văn Thù là vị có trí tuệ đệ nhất trong hàng Bồ-tát, Bồ-tát Địa Tạng là nguyện lực đệ nhất, Bồ-tát Quán Âm là từ bi đệ nhất, Bồ-tát Phổ Hiền là hạnh môn đệ nhất. Phàm Phật thuyết pháp là do đệ tử thỉnh cầu Ngài nói pháp. Biển Thế Giới Hoa Tạng (Hoa Tạng Thế Giới Hải) lấy Kinh Hoa Nghiêm  là chủ, vị đứng ra thỉnh thuyết bộ kinh này là Bồ-tát Phổ Hiền. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa do Ngài Xá-lợi-phất thỉnh thuyết, Kinh Lăng Nghiêm do Tôn giả A-nan thỉnh thuyết. Người đứng ra thỉnh pháp còn gọi là chúng đương cơ, chúng đương cơ của bộ Kinh Hoa Nghiêm  là Bồ-tát Phổ Hiền.

 — o0o —

GIẢI THÍCH VỀ NGƯỜI DỊCH KINH

Đời Đường, nước Kế Tân, Tam Tạng Pháp sư Bát Nhã vâng chiếu dịch.

Người dịch tám mươi quyển đầu của bộ Hoa Nghiêm này là Pháp sư Thật-xoa-nan-đà. Thật-xoa-nan-đà (Siksananda) là phiên âm tiếng Phạn, dịch là Hỷ Học, nghĩa là hoan hỷ học tập. Ngài dịch bộ Kinh Hoa Nghiêm từ tiếng Phạn sang tiếng Hoa, sau đó Ngài giảng giải; khi giảng đến chỗ “thế giới số như vi trần” thì giảng đường nơi Ngài thuyết giảng và đại địađều chấn động.

Cũng thế, khi Ngài mới khởi đầu dịch bộ Kinh Hoa Nghiêm, thì Đường triều Võ Tắc Thiên, còn gọi là Thiên Hậu, mộng thấy trời mưa cam lộ. Đến ngày hôm sau quả nhiên trời mưa cam lộ, nước mưa mang toàn vị ngọt, đây tượng trưng cho việc phiên dịch bộ Kinh Hoa Nghiêm là vô cùng quan trọng; cho nên sau khi phiên dịch xong, lúc giảng giải thì đại địa “chấn động sáu cách” (lục chủng chấn động). Nên chi, Võ Tắc Thiên liền phê một chiếu thư, tán thán công đức của Pháp sư Thật-xoa-nan-đà. Cho nên, cảnh giới bất khả tư nghì của Kinh Hoa Nghiêm thì rất nhiều, rất nhiều. Nhiều lắm! Nhất ngôn nan tận, một lời khó có thể nói hết.

Phẩm này là Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã (Prajna) ở nước Kế Tân vâng chiếu dịch vào đời Đường. Kế Tân (Kubha) là tên của một nước (hiện tại là Kashmir); Tam Tạng (Tripitaka) là Kinh tạng, Luật tạng, Luận tạng. Kinh là chỉ cho tất cả kinh điển, Luật là giới luật, Luận là luận nghị. Người phiên dịch phẩm kinh văn này là Ngài Tam Tạng Pháp sư, tên Bát-nhã. “Pháp sư” nghĩa là “dĩ pháp vi sư”, lấy Phật Pháp làm thầy; lại cũng có nghĩa là “dĩ pháp thí nhân”, đem Phật Pháp ban bố đến mọi người. “Bát-nhã” là tiếng Phạn, dịch là trí tuệ. Vì sao không trực tiếp dịch chữ Bát-nhã ra tiếng Hoa mà giữ nguyên âm Bát-nhã?  Vì chữ bát-nhã thuộc loại “tôn trọng nên không phiên dịch”, là một trong năm loại theo nguyên tắc không phiên dịch.

“Vâng chiếu dịch”:  tuân theo sắc lệnh hoàng đế phiên dịch bộ kinh này từ tiếng Phạn ra tiếng Hoa.

 

 — o0o —

GIẢI THÍCH CHÍNH VĂN

Nhĩ thời Phổ Hiền Bồ-tát Ma-ha-tát xưng tán Như Lai thắng công đức dĩ. Cáo chư Bồ-tát cập Thiện Tài ngôn. Thiện nam tử. Như Lai công đức. Giả sử thập phương nhất thiết chư Phật. Kinh bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát cực vi trần số kiếp. Tương tục diễn thuyết. Bất khả cùng tận.

Lúc bấy giờ ngài Phổ Hiền đại Bồ Tát khen ngợi công đức thù thắng của đức Như Lai rồi, bèn bảo các vị Bồ Tát và Thiện Tài rằng: “Này Thiện Nam Tử! Công đức của Như Lai, giả sử cho tất cả các đức Phật ở mười phương, trải qua số kiếp nhiều như cực vi trần trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật diễn nói không ngừng, cũng không thể trọn hết được.

Bấy giờ: Ngay lúc ấy, nghĩa là ngay vào lúc đã nói xong phẩm trước.

Ngài Phổ Hiền đại Bồ tát: Vị Bồ-tát Phổ Hiền này đạo hạnh trùm khắp vũ trụ, công đức sánh đồng bậc đại thánh (Đạo biến vũ trụ viết Phổ, Đức lân cực thánh viết Hiền). “Bồ-tát” là tiếng Phạn, nói cho đủ là “Bồ-đề-tát-đỏa (Bodhisattva)”. “Bồ” nghĩa là giác; “tát” tức là hữu tình. “Bồ-tát” chính là “giác hữu tình” nghĩa là có khả năng làm cho hết thảy hữu tình chúng sanh giác ngộ. Thế nào gọi là hữu tình? Tất cả chúng sinh đều gọi là hữu tình (sentient). Nay Jerry hỏi nếu hoa cỏ là vô tình, sao lại có sự sống? Câu hỏi này rất hay, nay tôi sẽ giảng sơ qua.

Hoa cỏ tuy vô tình nhưng lại có tính. Có tính gì? Có sinh tính. Thế nào là sinh tính? “Sinh tính” chính là nói đến “nhân” ( life-energy) của Nho giáo. “Nhân” này chính là “tính”, hay có thể gọi là đạo, cũng có thể nói là mẹ của vạn vật. Con người chúng ta có “nhân” này không? Đương nhiên là có, nếu người mà không có “nhân” thì chẳng gọi là người. Không gọi là người thì gọi là gì? Tùy quý vị gọi gì cũng được. Vì có “nhân” nên gọi là người (humans); nên cái “nhân” này chính là người, mà khi người hợp lại (toàn vẹn) được với cái tính nhân ( life-energy, life-nature) ấy, thì gọi là đạo (仁者人也,合而言之為道nhân giả nhân dã, hợp nhi ngôn chi vi đạo). Đây chính là Đạo.

Hết thảy cỏ cây cũng đều có “nhân” này. Quý vị thấy cỏ cây đều có sự sống, khi mùa Xuân đến chúng đâm chồi nảy nhánh, rồi đơm hoa kết trái, đây đều là vì chúng có tính “nhân”. Hoa cỏ, cây cối không chỉ có tính nhân mà còn có khả năng cảm nhận nhưng rất kém. Tính “nhân” này ở nơi hoa cỏ rất ít, vì thế khi quý vị tỉa hoa thì chúng phát ra âm thanh, âm thanh của sự sợ hãi, chỉ là chúng ta không nghe thấy được, nhưng nếu áp dụng phương tiện khoa học thì chúng ta có thể nghe được, đây là một hiện tượng rất phổ biến. Vì sao chúng có âm thanh? Là vì chúng cũng có tính, chẳng qua là tính của chúng không đầy đủ mà thôi, chúng chỉ có một chút tính. Tôi đưa ra một tỷ dụ. Nếu con người chúng ta có cái tính nặng 100 pounds, thì cái tính của hoa cỏ chưa được tới 1 ounce, nó chỉ có chút xíu như sợi tóc.

Nhưng đây chỉ là tỷ dụ, quý vị đừng cho là thật rồi nói rằng: “Vị Pháp sư ấy nói cái tính của con người nặng đến cả trăm pounds”.  Không phải thế, quý vị đừng nên lầm chấp! Vì sao hoa cỏ cũng có tính? Vì sao hoa cỏ cây cối trải qua thời gian dài lâu mới có cảm giác? Bởi vì thời gian sinh trưởng lâu, chúng mới phát sinh ra một loại cảm giác. Ở Trung Hoa có trường hợp cây Chương cầu giới và cây Bạch Quả thụ giới. Vì sao chúng có thể thụ giới? Nếu nói chúng không có tình thức thì làm sao có thể biến thành hình người để đi thụ giới? Như thế chẳng phải là mâu thuẫn lắm sao! Thật ra, chẳng mâu thuẫn chút nào, do vì quý vị không biết được cảnh giới này nên mới cho là mâu thuẫn. Nếu quý vị biết được thì sẽ hiểu đó là việc hết sức bình thường. Vì chúng sống cùng con người trên thế giới này đã lâu, tuổi tác đã già, trải nghiệm cũng nhiều, lâu ngày dài tháng sẽ hình thành nên tính giống như con người, cũng chính là có “nhân”. Đã có nhân () thì sau đó sẽ có xúc cảm, đã có xúc cảm thì cũng sẽ muốn thụ giới. Trước khi chưa thụ giới, do không biết nên nó đã làm nhiều việc xấu, sau đó biết được những việc làm trước đây của mình là sai, thế là nó muốn thụ giới, thậm chí còn muốn xuất gia.

Bồ-tát Phổ Hiền giáo hóa hết thảy chúng sinh, không chỉ hóa độ chúng hữu tình mà tất cả hoa cỏ cây cối thuộc giống vô tình Ngài cũng đều độ hết, làm cho hữu tình và vô tình đều đồng viên Chủng trí, đồng thành Phật đạo, nên gọi là “Phổ Hiền”. Ngài còn muốn hóa độ tất cả hoa cỏ cây cối; quý vị xem, hạnh nguyện như thế rộng lớn biết bao! Thông thường chúng ta chỉ biết hóa độ con người, độ những loài có sinh mệnh, còn Bồ tát thì muốn độ đến cả những loài không có sinh mệnh. Hai chữ “Bồ-tát” lại có thể phiên dịch là “chúng sinh có tâm đạo rộng lớn”. Vì Bồ-tát cũng là một chúng sinh, chẳng qua đạo tâm của Ngài rộng lớn; Bồ-tát còn gọi là “người công khai” vì Bồ-tát làm việc gì cũng công khai, không có tâm ích kỷ, không có tâm tự lợi, không có tâm ganh ghét, không có tâm chướng ngại.

“Đại Bồ-tát” chính là Bồ-tát lớn. Bồ-tát Phổ Hiền là vị Bồ-tát lớn trong các Bồ-tát, không phải là Bồ-tát nhỏ. Vậy ai là Bồ-tát nhỏ? Bồ-tát mới phát tâm Bồ-đề chính là Bồ-tát nhỏ, còn những Bồ-tát đã phát tâm Bồ-đề từ lâu chính là Bồ-tát lớn. Giống như người mới thụ Bồ-tát giới thì là Bồ-tát nhỏ, người thụ giới Bồ-tát đã lâu, lại có thể nương vào giới tu hành thì đó là Bồ-tát lớn, lại trải qua ba trăm năm, năm trăm năm thì sẽ trở thành một vị lão Bồ-tát, một Bồ-tát kỳ cựu.

Khen ngợi công đức thù thắng của đức Như Lai rồi: Bồ-tát Phổ Hiền xưng dương tán thán công đức tối thù thắng của Như Lai. Thế nào gọi là xưng tán? Xưng là xưng hô, xưng hô Phật, Thế Tôn. Tán là ca ngợi, tán thán; ca ngợi công đức thù thắng của Như Lai. Thế nào là Như Lai? Như Lai là một trong mười hiệu của Phật. Ngày xưa Chư Phật có rất nhiều danh hiệu, do danh hiệu quá nhiều nên con người khó nhớ, nên giảm bớt còn lại một vạn danh hiệu, nhưng một vạn danh hiệu cũng chẳng dễ nhớ nên lại giảm xuống còn một nghìn danh hiệu, một nghìn danh hiệu vẫn còn nhiều, cũng chẳng dễ nhớ, thế là lại giảm xuống còn một trăm danh hiệu.

Do trí nhớ của chúng sinh rất kém, một trăm danh hiệu vẫn không nhớ nổi, do đó lại giảm xuống còn mười danh hiệu. “Như Lai” là một trong mười danh hiệu của Phật. “Như” nghĩa là chẳng động, là tĩnh; “Lai” nghĩa là động. Thế nên “Như Lai” nghĩa là trong tĩnh có động, trong động có tĩnh. Như Lai lại có nghĩa là “thừa như thật chi Đạo, lai thành Chính Giác”. “Thừa như thật chi Đạo (nương vào Đạo như thật)”, đó là tĩnh; “lai thành Chính Giác (để thành Chính Giác)”, đó là động. Tuy trên danh xưng có động có tĩnh, nhưng trên bản thể của Phật thì chẳng phải động, chẳng phải tĩnh, động và tĩnh chẳng hai, động chính là tĩnh, tĩnh cũng chính là động. Vì sao nói như thế? Vì động là từ trong tĩnh mà sinh ra, tĩnh từ trong động mà hiện bày, nên nói động tĩnh chẳng hai. Đó gọi là Như Lai.

Ở phẩm trước Bồ-tát Phổ Hiền tán thán công đức của Như Lai là công đức thù thắng hơn tất cả, tất cả công đức đều chẳng thể theo kịp, cũng không thể sánh bằng, công đức của Như Lai nói mãi cũng không hết, giảng mãi cũng không cùng. Tuy nói không hết, giảng không cùng nhưng Bồ-tát Phổ Hiền vẫn dùng hạnh nguyện rộng lớn của Ngài để tán thán công đức đặc biệt thù thắng này của Như Lai.

Thế nào gọi là công đức? Công, quý vị cần phải lập mới có; đức, quý vị cần phải tạo mới thành. Thế nào là lập công? Ví dụ, ở một ngôi trường nọ có một vị giáo sư rất tận tâm tận lực, ngoài tiền lương chính thức được hưởng ra, vị giáo sư còn làm rất nhiều việc cho trường nằm ngoài bổn phận chức trách của mình, đó gọi là công. Đức là đối xử tốt với tất cả mọi người, giúp người mà không cầu sự báo đáp. Thí như quý vị cho một người nào đó năm vạn tiền mà quý vị chẳng có tâm mong cầu gì ở nơi năm vạn tiền ấy. Mong cầu sau này người đó có thể trả lại năm mươi vạn đồng, nếu quý vị khởi tâm như thế là không có đức. Phải thi ân không cầu báo đáp, đối xử tốt với ai cũng không mong cầu người ta đáp trả, cũng chẳng hy vọng họ đối xử tử tế lại với mình, đó chính là đức.

Đức có phân thành đức lớn và đức nhỏ, nhưng không phải nói nếu tạo thì phải tạo đức lớn, còn đức nhỏ thì không cần tạo. Thế nào gọi là đức nhỏ? Thông thường đó là việc làm chỉ đem lại một chút lợi ích nhỏ cho người, tuy đem lại lợi ích cho người rất ít và dù có ít hơn nữa cũng phải nên làm. Quý vị làm nhiều việc đức bé như thế tích tụ dần cũng trở thành lớn; quý vị không chịu làm thì vĩnh viễn chẳng thể có đức. Cho nên nói: “Đạo chính là hành”, tu đạo là phải hành trì, không thể chỉ nói tu đạo trên đầu lưỡi, từ sáng đến tối nhớ nghĩ đến việc tu đạo  nhưng chẳng bao giờ chịu hành trì, đó gọi là “thiền đầu lưỡi”, không có tác dụng. Cũng thế, đức cũng cần phải được tạo lập, nếu quý vị không tạo thì chẳng thể có đức. Cho nên nói “Đạo chính là thực hành, không thực hành thì làm sao có đạo? Đức là phải tạo lập, không tạo lập thì làm sao có đức?”. Công đức Như Lai thật chẳng thể tán thán cùng tận.

Bèn bảo các vị Bồ tát và Thiện Tài: Sau khi Bồ-tát Phổ Hiền tán thán công đức của Như Lai, Ngài bèn bảo với vô lượng vô biên chư vị Bồ-tát trong pháp hội Hoa Nghiêm và Thiện Tài Đồng Tử. “Chư vị Bồ-tát”: có thể là rất nhiều, cũng có thể là rất ít Bồ-tát. Do vì chữ “chư” cũng có thể giảng là nhiều, cũng có thể giảng là một. Chữ “chư” này nếu làm ngữ trợ từ thì là một trợ từ trợ giúp ngữ khí khi nói; “chư”, cũng có thể giảng là một, một vị Bồ-tát. Nếu căn cứ theo nghĩa “nhiều” thì nhiều chính là “chư”, cũng chính là rất nhiều, rất nhiều các vị Bồ-tát. Thế rốt cuộc “chư” ở đây nghĩa là ít hay nhiều? Trong Hải Hội Hoa Nghiêm này chẳng thể giảng với nghĩa “một”, không thể nói là một vị Bồ-tát. Vì sao? Vì các vị Bồ-tát trong pháp Hội Hoa Nghiêm nhiều vô số.

Thiện Tài Đồng Tử tuy là một chú bé, nhưng có sức thần thông rất lớn, sức diệu dụng thần thông của Thiện Tài là bất khả tư nghì. Thiện Tài Đồng Tử có năm mươi ba vị thầy, và vì có năm mươi ba vị thầy cho nên ảnh hưởng đến Phật giáo Trung Hoa rất phức tạp. Phức tạp ra làm sao? Có một số tín đồ Phật giáo bắt chước Thiện Tài Đồng Tử nói: “Thiện Tài Đồng Tử có năm mươi ba vị thầy thì tối thiểu tôi cũng phải có mười vị, hai mươi vị hay ba mươi vị thầy, như thế chẳng phải là quá nhiều”. Hành vi như thế là rất mê tín, vô cùng sai lầm! Xưa nay tôi cực lực phản đối tư tưởng này, chẳng phải vì sợ chúng đệ tử của tôi đi bái những vị khác làm thầy, mà do vì đây là một phong thái tập quán xấu nhất trong Phật giáo.

Có người nói: “Thiện Tài Đồng Tử có năm mươi ba vị thầy, thế tại sao Thiện Tài không phải là người xấu nhất? Người Trung Hoa đi bái ba mươi, bốn mươi người làm sư phụ là xấu nhất hay sao?”. Việc gì cũng có thật lý của nó, nguyên do Thiện Tài Đồng Tử có năm mươi ba vị thầy là bởi vị thầy thứ nhất của Thiện Tài dạy đi bái vị thứ hai làm thầy; là sư phụ của Thiện Tài bảo đi, chứ chẳng phải Thiện Tài nghe nói người này, người kia có đạo hạnh, có tu hành, thế rồi cũng chẳng thưa với thầy, lén lén lút lút chạy đến nơi khác bái vị ấy làm sư phụ. Đó gọi là: “Khi bái nhận một sư phụ, lại phản bội một sư phụ”. “Bội” chính là phản bội, là chống trái. Nếu quý vị tốt với thầy của mình thì sao lại đi nhận người khác làm thầy? Giống như chúng ta có một người cha là đủ rồi, chỉ có Đức Phật Thích Ca-mâu-ni mới có thể làm người cha thứ hai của chúng ta. Chúng ta tuyệt đối không thể đi tìm ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám…nhiều người cha như thế ! Sư phụ là cha mẹ pháp thân xuất thế của chúng ta. Vậy quý vị bái nhiều thầy như thế để làm gì chứ?

Thiện Tài Đồng Tử đã học được trọn vẹn với vị thầy thứ nhất của mình về đạo đức, học vấn và diệu dụng thần thông. Vị thầy thứ nhất ấy cũng không còn gì để dạy Thiện Tài nữa, vì thế ông mới bảo Thiện Tài đến phương Nam để bái một người khác làm thầy. Thiện Tài lại đi đến chỗ khác bái một vị khác làm thầy. Sau khi bái làm thầy, Thiện Tài cũng học hết tất cả những bản lĩnh và năng lực của vị thầy này, nên vị thầy này lại giới thiệu Thiện Tài tiếp tục đi về phương Nam để bái một vị tôn giả, hoặc là một vị Bồ-tát, hoặc là một vị Tỳ-kheo làm thầy rằng: “Đạo nghiệp của người ấy cao hơn ta”. Đó chính là thầy của Thiện Tài đã giới thiệu cho Thiện Tài đi tìm một vị thầy khác, không phải Thiện Tài âm thầm hay lén lút đi bái một người khác làm thầy. Vị thầy thứ nhất giới thiệu cho Thiện Tài vị thầy thứ hai, vị thầy thứ hai lại giới thiệu cho Thiện Tài vị thầy thứ ba, cho tới giới thiệu đến vị thầy thứ năm mươi ba, và Thiện Tài đều học và đạt được tất cả những thần thông diệu dụng của năm mươi ba vị thầy, vì thế thần thông diệu dụng của Thiện Tài rất cao cường. Quý vị đừng nên cho rằng Thiện Tài là một chú bé, bản lĩnh của Thiện Tài rất lớn.

Tín đồ Phật Giáo Trung Hoa vì chịu sự ảnh hưởng này, nên họ đến các nơi tùy tiện bái sư phụ, bái xong một vị thầy, lại lén lén lút lút đi bái một vị khác, bái hết người này đến người kia đều là những loại hành vi bại hoại trong Phật giáo. Vì thế lúc tôi ở Trung Hoa hoặc ở Hồng Kông, hễ ai là người đã từng quy y Tam Bảo, giờ lại muốn quy y với tôi, tôi đều không thâu nhận. Vì sao? Tôi cho rằng họ là tín đồ không tốt, bởi chẳng phải thầy của họ bảo họ đi bái tôi làm thầy mà là họ tự lén lút tìm đến, đó là hành động phản bội thầy hiền. Hơn nữa, phép Quy Y chỉ có thể quy y một lần, không thể đã quy y rồi giờ lại quy y nữa. Thọ giới thì có thể; quý vị thọ ba giới, bốn giới, năm giới, bát quan trai giới, hoặc Bồ-tát mười giới trọng bốn mươi tám giới khinh, tuần tự thọ bao nhiêu lần đều có thể, nhưng quy y thì chỉ được một lần. Bái thầy chỉ được bái một vị, chẳng nên Đông bái một vị,  Nam  bái một vị, Bắc bái một vị, Tây bái một vị. Nếu như thế thì sau này quý vị chết đi sẽ tìm đến vị thầy nào, đi làm đệ tử ở đâu? Không có nơi nào hết! Căn bản chính là không có nơi nương tựa, bởi vì có quá nhiều thầy. Nhất là trong Phật giáo, chúng ta phải nhận biết chân lý, giảng nói chân lý.

Tín đồ Phật giáo ở Trung Hoa, chuyển qua chuyển lại cũng chỉ mấy vị Phật tử cũ đó, từ nhỏ họ đã quy y, sau đó lại quy y bên này, quy y bên kia; một đời của họ quy y thậm chí đến mấy mươi lần, có khi đến cả trăm lần. Quý vị hỏi họ: “Thế nào là quy y?”, họ mở mắt nhìn mà chẳng có lời gì để nói—không biết quy y là gì! Quy y đến hàng chục lần mà chẳng biết quy y là gì, quý vị nói như vậy có đáng thương không! Họ nói những người xuất gia đều là thầy của họ, họ đều quy y với tất cả, nhưng tôi tin họ chẳng có một vị thầy nào hết. Vì sao như thế? Bởi vì họ không có niềm tin. Quý vị phải có niềm tin, tin tưởng mới có thể được cứu độ, không tin tưởng, căn bản sẽ không được cứu độ. Vả lại ở Trung Hoa, giữa các thầy có sự xung khắc cũng đều do quan hệ về tín đồ.

Thí dụ như đệ tử của một vị thầy này chạy đến một vị thầy khác thì vô hình trung nói rằng vị thầy trước là người không có đạo đức. Nếu như có đạo đức thế thì tại sao đệ tử phải đi bái một vị khác làm thầy? Và thế là giữa hai vị pháp sư sẽ nảy sinh xung khắc – “Ông đã cướp mất đệ tử của tôi!” Thế là hai vị bắt đầu đấu pháp, một khi đấu nhau thì chân tướng của hai người đều xuất hiện. Chân tướng đó là gì? Đó là lửa vô minh bùng phát. Tất cả đều bắt nguồn từ nguyên nhân đệ tử lén lút quy y với thầy khác. Quý vị sợ tôi cướp mất đệ tử của quý vị, còn tôi lại sợ quý vị cướp mất đệ tử của tôi, nên dẫn đến tình trạng nêu trên.

Đây là một tập quán rất xấu trong Phật giáo, tôi hy vọng ở nước Mỹ này không phát sinh tình trạng ấy, chỉ quy y một lần mà thôi. Quý vị chẳng phải muốn quy y đó sao? Thế thì quý vị hãy đi tìm một vị thầy tốt, sau khi quy y rồi không nên phản bội sư phụ, không nên làm một tín đồ trái đạo phản thầy.

Thiện Tài Đồng Tử có năm mươi ba vị thầy đã ảnh hưởng đến Phật giáo Trung Hoa, hình thành nên một phong thái tập quán không xác đáng. Ở nước Mỹ, nhân lúc Phật giáo còn chưa lan rộng thì đừng nên để lỗi lầm này lan truyền, không nên để tín đồ tập thành thói quen này. Giống như nghi thức rửa tội để trở thành giáo đồ trong đạo Giêsu, đạo Thiên Chúa cũng chỉ một lần, không thể nói: rửa tội một lần chưa sạch phải rửa thêm lần nữa, rửa đi rửa lại cũng chỉ một người đó. Trong Phật giáo chúng ta cũng vậy, không nên quy y một lần rồi lại lần nữa, hết lần này đến lần khác và còn nói rằng: “Tôi quy y lần đầu có thể Phật không biết, vì thế tôi quy y lại lần thứ hai”.

Quý vị quy y lần đầu nếu Phật chẳng biết thì đến lần thứ hai, thứ ba cho đến một nghìn lần, một vạn lần, Phật cũng chẳng biết. Vì sao? Bởi vì Phật không phải là đang ngủ mà nói rằng quý vị quy y như thế Ngài không thấy, không biết. Phật là bậc Đại Giác, nếu tâm quý vị thật sự mong cầu quy y với Ngài thì Ngài đã biết rồi, thế nên mới nói sự giao cảm giữa tâm thành của chúng sinh và bi tâm của chư Phật là không thể tư nghì. Nếu quý vị nói Phật không biết thì trên căn bản quý vị đã không tin Phật, trên căn bản cũng chẳng có quy y. Như vậy thì quý vị có quy y mấy nghìn vạn lần cũng vô dụng.

Sau khi quý vị quy y, thì nhất định phải tôn sư trọng đạo, phải cung kính đối với thầy. Nay tôi giảng đạo lý này hoàn toàn không có dụng ý để được đệ tử quy y với tôi phải cung kính tôi, bởi tôi thấy đệ tử quy y với tôi đã rất cung kính tôi rồi, nên chẳng mong họ cung kính thêm nữa. Sau khi quy y phải ghi nhớ là không được phản thầy, không được không cung kính thầy. Người nào không cung kính thầy sẽ bị đọa vào địa ngục. Đọa địa ngục nào? Khi giảng Kinh Đại Tạng, chẳng phải tôi đã nói đến “địa ngục Thiên Đao” ư? Đệ tử không hiếu thuận với thầy thì phải đọa vào địa ngục ấy. Có một hạng đệ tử không chỉ không thuận theo lời thầy dạy, không nương theo lời thầy dạy để thực hành, mà còn tự mình mở riêng một đường hướng khác, làm theo ý mình, lại còn dùng các phương cách như mắng nhiếc thầy mình, thậm chí đánh thầy, giết thầy, đầu độc cho thầy chết để hại thầy, những trường hợp trên đều đã xảy ra.

Quý vị chớ cười! Trên thế gian này hạng chúng sinh nào cũng có! Giống như tùy tiện ngồi vào chỗ của thầy, đùa giỡn bình bát của thầy, như thế đều phạm lỗi, trừ khi thầy bảo làm như thế. Nếu thầy không bảo làm như thế mà quý vị ngang nhiên làm thì đều phạm lỗi. Đây là điều rất quan trọng, không phải muốn làm gì thì làm, có thầy ở đây thì đệ tử không được tùy tiện, vì thế trong mọi lúc, mọi nơi đều không thể hủy báng thầy, không được nói xấu sau lưng thầy, vì như thế là phạm khẩu nghiệp, tạo thành tội nghiệp.

Đoạn văn này là nói công đức của Như Lai không thể cùng tận. Thiện nam tử: Các vị đã quy y Tam Bảo, đã thụ năm giới, giữ mười điều thiện. Nay tôi nói cho các vị nghe. Công đức của Như Lai, giả sử cho tất cả các đức Phật ở mười phương: công đức của Phật, giả sử tất cả các đức Phật trong các thế giới khắp mười phương. Trải qua số kiếp nhiều như cực vi trần trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật: trải qua kiếp số nhiều như số cực vi trần ở các cõi nước của chư Phật chẳng thể nói bàn. “Cực” chính là đến cực điểm. Đến cực điểm gì? Đến cực điểm của vi trần. Cực điểm của vi trần là gì? Chính là lân hư trần; lân hư trần, mắt thường của con người không thể nhìn thấy được. Chúng ta có thể nhìn thấy được vi trần ở nơi mà ánh mặt trời có thể xuyên qua cửa sổ, đây là những cái có thể nhìn thấy. Đem những hạt vi trần có thể nhìn thấy lại phân ra thành bảy phần, đây gọi là lân hư trần. Lân hư trần mắt thường không thể nhìn thấy, đó cũng chính là cực vi trần. Diễn nói không ngừng, cũng không thể trọn hết được: Trải qua số thời gian dài như số cực vi trần ở các cõi nước của chư Phật, diễn nói một cách liên tục không gián đoạn về công đức của Như Lai cũng không thể nói hết.

 

Nhược dục thành tựu thử công đức môn, ưng tu thập chủng quảng đại hạnh nguyện.

Nếu ai muốn trọn nên công đức của Phật, thời phải tu mười điều hạnh nguyện rộng lớn. Những gì là mười điều?

Nếu muốn thành tựu môn công đức này: Nếu có chúng sinh muốn thành tựu được những công đức này của Phật. Phải chăng chỉ riêng Phật mới có được vô lượng vô biên công đức như thế, còn hết thảy chúng sinh không có phần? Chẳng phải như thế. Phật giáo rất bình đẳng, tuyệt đối không có tư tưởng độc tài, chuyên chế ở trong đó. Giáo lý của Phật dạy mọi người đều có thể thành Phật và không chỉ con người mới có thể thành Phật mà tất cả các loài động vật bay trên không, lội dưới nước…, các loài thực vật cũng đều có thể thành Phật. Loài bay trên không, lội dưới nước… đều gọi chung là động vật; thực vật là những loài như cây cối, hoa cỏ; loài sinh bằng bào thai, loài sinh ra từ trứng, loài sinh nơi ẩm thấp, loài hóa sinh, mười hai loại chúng sinh này đều có thể thành Phật. Không phải nói chỉ riêng tôi mới có thể thành Phật, còn quý vị thì không thể, không hề có điều này! Cũng không giống những tôn giáo khác nói: “Chỉ có vị Thánh Thần của tôn giáo tôi mới là thật, ngoài ra đều là giả”. Nói đến thành Phật, chỉ sợ quý vị không thành, quý vị đã thành rồi thì đều là chân Phật, không có ai là Phật giả. Tất cả Phật đều là Phật thật, tất cả chúng sinh đều có thể thành chân Phật. Không thể nói chỉ cho phép riêng tôi thành Phật còn quý vị không được phép thành Phật, loại giáo lý như vậy quá nhỏ hẹp. Nếu chỉ riêng một vị Thánh Thần của quý vị là chân thật thì có ý nghĩa gì? Như thế sẽ trở thành một vị thần cô độc. Tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật, cho nên có rất nhiều, rất nhiều Phật. Vả lại “Phật Phật đạo đồng”, cho nên tất cả Phật đều giống nhau, không có sai biệt.

Chúng ta cũng như hết thảy chúng sinh muốn thành tựu công đức của Phật thì “phải tu mười hạnh nguyện rộng lớn”. Nên tu hành mười hạnh nguyện rộng lớn; tu tập thành công mười hạnh nguyện rộng lớn ấy thì mới có thể thành tựu được công đức của chư Phật.

 

Hà đẳng vi thập?

Nhất giả lễ kính chư Phật;

Nhị giả xưng tán Như Lai;

Tam giả quảng tu cúng dường;

Tứ giả sám hối nghiệp chướng;

Ngũ giả tùy hỷ công đức;

Những gì là mười?

Một là kính lễ các đức Phật.

Hai là khen ngợi đức Như Lai.

Ba là rộng sắm đồ cúng dường.

Bốn là sám hối các nghiệp chướng.

Năm là tùy hỉ các công đức.

Những gì là mười: Mười hạnh môn rộng lớn này là gì? Đây chính là hỏi về danh mục của mười hạnh nguyện rộng lớn này.

Một là kính lễ chư Phật: Hạnh nguyện thứ nhất là kính lễ chư Phật. Lễ chính là có lễ phép, có lễ độ. Lễ là một hình thức biểu hiện sự cung kính của người này đối với người kia. Quý vị đối với người có lễ phép, người khác đối lại quý vị cũng sẽ có lễ phép. Lễ là một trong Ngũ Thường: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Con người sở dĩ khác với loài cầm thú là vì có lễ. Nếu con người mà không có lễ thì cũng chẳng khác gì loài cầm thú. Vì sao phải lễ phép? Vì chúng ta có tâm cung kính đối với những người chung quanh, nên mới hành lễ. Chúng ta cung kính một người hẳn phải được biểu hiện thành lễ. Đối với Chư Phật, chúng ta càng phải thể hiện sự lễ phép cung kính.

Trước đây, người Trung Hoa cũng không muốn khấu đầu trước Phật và người Mỹ bây giờ cũng thế. Lúc tôi vừa đến Hoa Kỳ, có rất nhiều người bảo tôi rằng: “Người Mỹ ghét nhất là việc cúi đầu lễ bái Phật”; tôi bảo: “Thế thì rất tốt! Họ không muốn cúi đầu, tôi nhất định khiến họ phải cúi đầu, nếu họ không cúi đầu thì tôi sẽ không dạy Phật pháp cho họ, không cần phải khách sáo!”. Quý vị cúi đầu lễ Phật, tôi sẽ dạy Phật pháp cho quý vị; không khấu đầu thì dù quý vị có muốn học Phật pháp với tôi, tôi cũng không dạy. Vì sao? Vì quý vị không có lễ phép đối với Phật thì tôi việc gì phải dạy Phật pháp cho quý vị chứ! Trước đây người Trung Hoa cũng thế, tin Phật thì tin nhưng lại không muốn cúi đầu lễ Phật. Giống như con vượn không biết lễ Phật, quý vị dạy nó, nó cũng chẳng muốn. Lại còn trâu, ngựa cũng chẳng biết lễ Phật, tuy trong lòng cung kính Phật nhưng chúng cũng không lễ Phật. Tín đồ Phật giáo Trung Hoa trước kia cũng vậy, tuy kính nhưng không lễ, tuy tin nhưng không bái.

Thời Bắc Ngụy (386-535), Tôn giả Lặc-na-ma-đề (Ratnamati) người Tây Vực thấy tình trạng này của người Trung Hoa, tin Phật mà không chịu lễ bái, như thế chẳng có tác dụng gì. Thế thì, Ngài đến Trung Hoa lập ra bảy pháp lễ bái để dạy người Trung Hoa lễ Phật. Trên đà Phật giáo truyền bá đến khắp các nước, đến đâu cũng gặp trường hợp tương tự. Ban đầu Phật giáo truyền đến Trung Hoa, người Trung Hoa không muốn lễ Phật; hiện tại truyền đến nước Mỹ, người Mỹ cũng không muốn lễ Phật. Vì sao không muốn lễ Phật? Là vì xưa nay chưa từng lễ bái, nhân đó tồn tại tướng ngã, ngã mạn cho rằng cái ta này còn to hơn cả núi Tu-di, như thế thì làm sao có thể lễ Phật được? Có người thấy người khác lễ Phật, liền đến gần đứng như một khúc gỗ; có người đến ngay chỗ người ta lễ Phật ngồi im như một tảng đá…, có rất nhiều kiểu khác nhau.

Chúng ta tin Phật thì phải nên lễ Phật, đến Phật còn không lễ bái thì nói gì đến chuyện tin? Cho nên chúng ta nhất định phải lễ bái tượng Phật. Có người nói: “Tượng Phật chẳng qua là một khúc gỗ tạc, chúng ta bái tượng gỗ ấy có lợi ích gì?” Tượng Phật gỗ đích thực không phải là Phật, quý vị không nên nhận lầm. Phật có mặt ở khắp mọi nơi, không có nơi nào mà Pháp thân của Ngài không hiện hữu. Tượng gỗ chẳng qua chỉ là một biểu tượng tượng trưng cho Phật mà thôi. Giống như mỗi nước đều có quốc kỳ, và mọi người đều hướng về quốc kỳ hành lễ rất kính cẩn. Quốc kỳ chỉ là một tấm vải hay da làm thành, thế quý vị hướng về nó kính lễ có tác dụng gì? Quốc kỳ là đại diện cho sinh mệnh của quốc gia, vì thế người dân hướng về quốc kỳ kính lễ chính là bày tỏ lòng cung kính đối với đất nước của mình. Tượng Phật cũng vậy, chẳng qua là tượng trưng cho Phật mà thôi, chứ không hề nói tượng Phật ấy chính là Phật. Thế thì tại sao chúng ta phải đối trước tượng Phật lễ bái? Phật hiện hữu khắp nơi, thế chúng ta có cần phải xoay bốn phương tám hướng để lễ chăng? Đó cũng không đúng. Lễ kính phải có chỗ hướng về nương tựa, phải có chỗ hướng về nương tựa thì phải có một mục tiêu để đại biểu. Giống như một nước có rất nhiều tỉnh, nếu quí vị phải hướng đến quốc kỳ ở mỗi tỉnh, mỗi huyện để kính lễ thì làm sao đến kịp? Vì thế chỉ hướng lên một lá quốc kỳ để kính lễ cũng đã đủ. Chúng ta hướng về Phật để kính lễ, ý nghĩa cũng giống như thế.

Có bảy cách kính lễ Phật:

  1. Ngã mạn lễ:Sao gọi là ngã mạn lễ? Chính là thấy người khác lễ bái, mình cũng lễ, nhưng tướng ngã hoàn toàn chưa bỏ, lạy Phật mà chẳng chút tự nhiên, và luôn tự hỏi: Tôi lạy Phật để làm gì? Tôi đâu cần phải lạy ông ta? Do vậy nên lạy một cách không hoan hỷ, rất miễn cưỡng. Hoặc có người thấy người khác lễ Phật, ai cũng lạy mà mình không lạy thì mình nổi bật quá, cảm thấy ngượng nên lạy theo. Tuy lễ Phật nhưng tướng ngã không mất, ngã mạn vẫn còn. Thấy người khác lạy nên họ cũng lạy, nhưng trong lòng lại nghĩ: “Mình thật là mê tín, lễ Phật có tác dụng gì chứ? Thật quá mê tín!”.
  2. Cầu danh lễ: Sao gọi là cầu danh lễ? Nghe nhiều người khen ngợi rằng: “Người kia lạy Phật rất nhiều, vừa lạy Phật, vừa lạy kinh, vừa sám hối, thật là dụng công tu hành!”. Nghe mọi người khen ngợi người kia như thế, người này cũng muốn được được tiếng tu hành, nên bắt chước bái Phật và tùy hỷ sám hối. Người này tuy cũng tùy hỷ nhưng chẳng phải lễ Phật một cách chân thật, đó là vì muốn được tiếng tu hành mà lễ nên gọi là cầu danh lễ. Người này không phải tin, mà cũng chẳng phải không tin mà lễ, chẳng qua là thấy người lễ Phật được mọi người cúng dường, cung kính, khen ngợi là người tu đạo chân chính nên cũng muốn được như vậy mà lễ Phật.
  3. Thân tâm xướng hòa lễ:Sao gọi là thân tâm hòa xướng lễ? Chính là khi thấy người khác lễ, mình cũng lễ; mọi người lạy, mình cũng lạy, thân và tâm vọng hướng theo người—người khác như thế nào thì mình cũng như thế ấy, bất luận là lễ Phật có lợi ích hay không, cũng chẳng cần biết lễ Phật là chính tín hay mê tín, cũng chẳng có tâm cầu danh, chỉ là làm theo người khác mà thôi. Cách lễ bái này chẳng có công đức gì, cũng chẳng có lỗi gì, song là một việc bình thường.
  4. Trí tịnh lễ: Sao gọi là trí tịnh lễ? Trí là trí tuệ, tịnh là thanh tịnh; dùng trí tuệ chân chính, thanh tịnh ba nghiệp thân, khẩu, ý của mình để lễ Phật. Đó là cách lễ Phật của người có trí tuệ. Quý vị lễ Phật như thế thì sẽ không phạm sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Đó là thân nghiệp thanh tịnh. Lúc quý vị lễ Phật không có tâm tham, tâm si, tâm sân mà chỉ có tâm cung kính để lễ Phật, nên ý nghiệp cũng được thanh tịnh. Khi quý vị lễ Phật, miệng niệm Phật hoặc trì tụng kinh chú, như thế khẩu nghiệp cũng chẳng phạm vào ỷ ngữ, vọng ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt. Đó là khẩu nghiệp thanh tịnh. Ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh, tức là dùng trí tuệ chân chính để lễ Phật, nên gọi là trí tịnh lễ.
  5. Biến nhập pháp giới lễ:Sao gọi là biến nhập pháp giới lễ? Lúc lễ Phật quán tưởng: Thân ta tuy chưa thành Phật, nhưng tâm tính của ta thì có mặt khắp cả pháp giới. Nay ta đối trước một vị Phật lễ Phật, song đồng thời cũng kính lễ Chư Phật khắp pháp giới; chẳng phải chỉ lễ riêng một vị Phật mà đối trước mỗi vị Phật đều có hóa thân của ta đang cung kính hướng về đảnh lễ và cúng dường Chư Phật Bồ-tát. Nên có câu rằng: “nhất thiết duy tâm tạo”. Tâm của quý vị biến khắp pháp giới, nên thân cũng đầy khắp pháp giới. Quý vị lễ Phật với tâm niệm như thế thì mỗi lạy của quý vị cũng cùng khắp pháp giới. “Thế nào là pháp giới? Con đã nghe Kinh mấy ngày mà chẳng biết pháp giới là gì?”. Tất cả tam thiên đại thiên thế giới đều bao hàm trong pháp giới, ở bên trong pháp giới, không có gì bên ngoài pháp giới. Tâm của quý vị là tận cùng hư không, trùm khắp pháp giới, nên sự kính lễ của quý vị cũng tận cùng hư không, trùm khắp pháp giới và công đức mà quý vị đạt được cũng như thế. Đó gọi là biến nhập pháp giới lễ.
  6. Chính quán tu hành chí thành lễ:Chính quán là chuyên tâm quán tưởng lễ Phật. Quán tưởng: Chúng ta lễ bái một vị Phật cũng chính là lễ bái cả pháp giới Chư Phật; lễ bái cả pháp giới Chư Phật cũng chính là lễ bái một vị Phật. Bởi vì Chư Phật trong mười phương ba đời đồng một Pháp thân, nên có câu rằng: “Phật Phật đạo đồng”. Chúng ta phải vận tâm chuyên nhất quán tưởng lễ Phật, không để vọng tưởng xen vào, không nên thân thì đang bái Phật mà tâm lại chạy đến rạp chiếu phim, hoặc chạy đến trường đua ngựa, vũ trường, quán rượu hay quán cơm. Tóm lại, như người lữ hành đến khắp các nơi mà không cần mua vé, thoắt lên trên trời, thoắt xuống dưới đất, lúc thì chạy qua New York, lúc thì chạy về San Francisco, song cũng chẳng biết vì sao, lại còn cho rằng mình có thần thông, kỳ thật ngay đến quỷ thông cũng chẳng có. Không nên nói là thần thông mà đó chính là vọng tưởng, còn gọi là tà quán, không có chính quán.

Tu hành chính quán là không khởi vọng tưởng, bái Phật thì phải nhất tâm lễ bái, tâm không thể làm hai việc cùng một lúc, không thể đang bái Phật ở đây mà tâm vọng hướng về nơi khác. Lễ Phật có sự chính quán như thế thì quý vị lễ một vị Phật còn hơn lễ trăm, nghìn, vạn vị Phật; một lạy vượt xa hơn cả người lễ cả trăm, nghìn, vạn lạy mà bị vọng tưởng xen vào. Vì thế tu hành cần phải từ nơi cửa nhất tâm mà vào. Quý vị cần phải biết pháp môn, nếu quý vị không biết pháp môn thì tuy là cũng lễ Phật như những người khác, nhưng người ta lễ Phật chỉ thuần lễ Phật còn quý vị lễ Phật mà tâm khởi lên vọng tưởng: “Đợi lễ Phật xong mình sẽ đi uống một ly cà phê, hay là uống một ít rượu”. Quý vị vọng tưởng như thế thì chẳng phải chính quán tu hành chí thành lễ, đó là tà quán. Lúc lễ Phật chẳng chịu nhất tâm, lại toàn khởi vọng tưởng, lễ bái như thế chẳng có công đức gì cả.

  1. Thật tướng bình đẳng lễ:Thật tướng lễ là lễ mà chẳng lễ, chẳng lễ mà lễ. Có người nói: “Ồ, lễ mà chẳng lễ, chẳng lễ mà lễ, thế thì tôi không lễ Phật chính là lễ Phật rồi!” Chẳng phải lý giải như thế. Nghĩa là tuy quý vị lễ Phật mà chẳng chấp vào tướng lễ Phật chứ chẳng phải quý vị không lễ Phật rồi cho là mình đã lễ Phật, nói thế chính là cuồng điên. Giống như có người đến đây nói với tôi là ông đã từng đi vào trong hư không. Nói như thế thật là ngu si quá đỗi! Loại người như thế quả không có thuốc chữa, không có cách nào cứu được. Vì sao như vậy? Vì tính chấp trước của họ quá nặng nề khiến họ trở thành ngu si quá đỗi.

Thật tướng bình đẳng lễ chính là bình đẳng lễ bái Tam Bảo, không chấp trước vào tướng, cung kính Phật, cung kính Pháp, cung kính Tăng, không có phân biệt đối tượng lễ bái, một niệm cũng chẳng sinh, một niệm cũng chẳng diệt. Đây chính là pháp thật tướng bình đẳng bất sinh bất diệt. Nên nói: “Một niệm không sinh toàn thể hiện”. Quý vị thật có thể lễ Phật đạt đến một niệm không sinh thì lúc ấy mười phương thế giới liền hiện toàn thân. Thân này của quý vị tuy ở đây, nhưng lại lớn đồng pháp giới, đó chính là thật tướng, thật tướng vô tướng (thật tướng thì vô tướng, song không có chỗ nào mà không có mặt của thật tướng [thật tướng vô tướng, vô sở hữu tướng]). Quý vị lễ bái mà không có tướng nhân, ngã, chúng sinh và thọ giả, cùng với pháp giới hợp thành một thể thì khi ấy thân của quý vị cũng chính là pháp giới, pháp giới cũng chính là thân này của quý vị. Quý vị xem, như thế có vi diệu không chứ! Trước đây thân của quý vị chỉ là một điểm nhỏ của núi Tu-di, núi Tu-di ở trong pháp giới giống như một hạt vi trần mà thôi. Quý vị không nên cho rằng núi Tu-di là to lớn. Hiện tại, núi Tu-di ở trong Pháp thân của quý vị, Pháp thân của quý vị bao trọn lấy núi Tu-di, quý vị xem như thế có vi diệu không! Hết thảy vạn vật ở trong vũ trụ, không có vật nào mà chẳng được bao trùm bởi Pháp tính của quý vị, cho nên chẳng có gì mà quý vị không thấu biết. Thật tướng bình đẳng lễ là một cảnh giới bất khả tư nghì, nếu quý vị có thể lễ Phật đạt đến cảnh giới ấy, quý vị nói xem, sự vi diệu ấy có thể nói hết đặng chăng? Nói không hết được.

Ở trên nói sơ lược có bảy cách lễ bái Tam Bảo. Nếu nói rộng ra thì lễ nghi có ba trăm, oai nghi có tới ba nghìn, cho nên phép lễ có rất nhiều. Ở Trung Hoa có một bộ kinh lễ gọi là “Lễ Ký” (một trong “Tứ Thư” của Nho giáo), chuyên viết về các cách lễ nghi. Trong “Lễ Ký” nói mỗi người ngồi ở chỗ nào đều có quy định, người lớn có chỗ ngồi của người lớn, trẻ em có chỗ ngồi của trẻ em, người nam có chỗ ngồi của người nam, người nữ có chỗ ngồi của người nữ, người già có chỗ ngồi của người già, không thể ngồi lộn xộn. Tôi xin đơn cử, như: Trẻ em phải ngồi chỗ nào? “Lễ Ký” nói: “Em bé ngồi ở góc” (Đồng tử ngung tọa). Trẻ em phải ngồi ở bên góc, không được ngồi chính diện.

Giảng đến “lễ”, nhớ khi nhỏ lúc 12 tuổi tôi rất chú trọng lễ phép. Chú trọng lễ phép như thế nào? Tôi rất thích người khác cung kính mình. Cung kính như thế nào? Khi nhỏ tôi thích làm hoàng đế, thông thường những đứa bé trong thôn, khi thì năm mươi, lúc thì một trăm đứa, tất cả đều nghe theo sự chỉ huy của tôi. Tôi bảo chúng đấp lên một ụ đất khá lớn, rồi tôi ngồi chễm chệ trên đống đất đó và bảo chúng lạy tôi. Thật lạ, những đứa trẻ ấy không hề phản đối, hướng về phía tôi mà lạy, đều nghe theo lệnh của tôi.

Đến năm mười hai tuổi, tôi thấy một đứa bé chết, lúc ấy tôi mới biết là con người rồi sẽ chết, thế là từ đó về sau tôi cải đổi thói quen xấu ấy, không bắt các đứa bé lạy tôi nữa, trái lại tôi hướng đến người khác để lạy. Trước tiên bắt đầu từ ai? Bắt đầu từ cha mẹ tôi. Sáng sớm đến lạy cha mẹ, chiều tối cũng lạy cha mẹ. Lạy cha ba lạy, lạy mẹ ba lạy, như thế sáng lạy sáu lạy, tối lạy sáu lạy. Về sau tôi nghĩ trên thế giới này không chỉ riêng có cha mẹ của mình mà còn có trời, có đất, có vua và cả thầy nữa. Thế rồi tôi lại lạy trời, lạy đất, lạy vua, và lạy thầy. Bấy giờ tôi còn chưa biết thầy của mình là ai, do vì chưa gặp được thầy nhưng trong lòng tôi đã nghĩ thế này: “Tương lai mình nhất định sẽ có một vị thầy, tuy hiện tại mình chưa gặp được thầy song cần phải lạy thầy trước”.

Vì thế mà tôi mới lạy trời, lạy đất, lạy vua, lạy cha mẹ và lạy thầy như thế. Nếu y theo cách nhìn của của nhiều người thì điều tôi làm là hết sức mê tín. Về sau tôi lại nghĩ thế gian này còn có thánh nhân, cho nên tôi lại lạy thánh nhân; nghĩ rằng có hiền nhân nên tôi lạy hiền nhân. Sau nữa tôi còn biết trên thế gian này có Phật cho nên hướng lạy Phật; lạy Bồ-tát, lạy Thanh văn, Duyên giác. Tiếp đến tôi lại nghĩ thế gian này còn có những người thật tốt, tôi lại lạy người tốt; thế gian này có người thiện, tôi lại lạy người thiện. Tôi lại nghĩ những vị ấy thường làm việc thiện giúp đỡ người khốn cùng, vì thế tôi thay mặt người khốn cùng lạy tạ những vị ấy. Tôi lại nghĩ những người ác cũng thật đáng thương, tôi lại đại diện cho những người ác này khấu đầu lạy Phật, xin Phật tha thứ xá miễn những lỗi lầm cho họ, giúp họ cải ác làm lành. Tôi lại thay mặt tất cả những người có tội trên thế gian này khấu đầu lạy Phật, hướng về Phật sám hối; thay mặt những người không hiếu thảo với cha mẹ trên đời sám hối với Phật. Tôi lại cho rằng mình là kẻ xấu nhất trong những người xấu, tôi nên lạy Phật thay cho tất cả bọn họ.

Cứ như thế sau này mỗi lần lễ lạy, tôi đều lạy đúng tám trăm ba mươi lạy. Tôi lễ lạy vào thời gian nào? mách nhỏ với quý vị: sự tu hành của tôi rất kỳ quái! Sáng sớm khi mọi người còn chưa tỉnh giấc, tôi đã dậy mặc áo sạch, rửa mặt, ra bên ngoài thắp một cây hương và bắt đầu lạy. Bất kể là gió bão, mưa đổ, tuyết rơi, tôi cũng phải lạy, thậm chí tuyết rơi tôi cũng không để ý là lạnh đóng băng hay lạnh mát, tôi úp tay trên tuyết để lạy. Lạy tám trăm ba mươi lạy cứ quỳ xuống, đứng lên; đứng lên,quỳ xuống, thời gian ước tính khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ. Buổi tối đợi sau khi mọi người đều đi ngủ, tôi lại ra ngoài để lạy. Cứ như thế, tôi đã lạy trong nhiều năm cho đến sau khi tôi ở nơi mộ mẹ thủ hiếu mới giảm bớt số lần lạy, mỗi ngày chỉ lạy chín lạy. Không lạy nhiều như trước nữa, như vậy sẽ đỡ mất thời gian rất nhiều. Tôi nghĩ mọi người đều muốn biết quá khứ tôi đã lễ Phật như thế nào, nên mới nói sơ qua như thế.

Kính lễ Chư Phật: chữ “kính” chính là vâng giữ quy củ, căn cứ vào quy củ mà làm. Những việc quý vị làm đều hợp với lễ, đó chính là kính. Nếu quý vị không giữ lễ, đó là bất kính. Thí như quý vị cung kính một người thì sẽ giữ khuôn phép trước mặt người đó, còn như không cung kính người đó thì quý vị sẽ cẩu thả, tùy tiện làm theo ý thích của mình.

Nay chúng ta nên lễ kính Chư Phật, chính là kính lễ hết thảy Chư Phật trong mười phương ba đời. Phật là một bậc đại giác, là một người đạt được sự giác ngộ lớn. Phàm phu chúng ta sống say chết mộng, chẳng biết ba cõi này là khổ, cũng chẳng muốn ra khỏi ba cõi, đó gọi là bất giác. Nhị thừa ở trong phàm phu là người đã giác ngộ, Nhị thừa giác ngộ cái gì? Giác ngộ sinh tử vô thường, vô cùng nguy hiểm, vì thế họ tu hành đạt được lý thiên không, đạt ngộ pháp Tứ đế, pháp Mười hai nhân duyên, đó gọi là La-hán cũng gọi là Duyên Giác. Trung thừa còn gọi là Duyên Giác. Những vị này ở trong phàm phu có thể xem là một người giác ngộ, nhưng chưa thể đem sự giác ngộ của mình để giác ngộ cho người, họ chỉ biết tự lợi mà không biết lợi tha, vì thể họ chỉ có thể tự mình giác ngộ.

Bồ-tát và La-hán không giống nhau, Bồ-tát đã có thể tự giác lại còn có thể giác tha, đã có thể tự lợi lại còn lợi tha. Phật và Bồ-tát cũng khác. Bồ-tát tuy có thể tự giác, giác tha nhưng chưa được viên mãn. Phật thì giác hạnh viên mãn, nghĩa là giác cũng viên mãn, hạnh tu cũng tròn đầy; tự giác đã viên mãn mà giác tha cũng trọn vẹn. Sở dĩ Phật thành một bậc đại giác ngộ là vì cả ba loại giác ngộ của Ngài đều viên mãn, vô số công đức đều đầy đủ, nên gọi là Phật.

Giáo lý Tiểu thừa cho rằng chỉ có một Đức Phật là Phật Thích-ca-mâu-ni, không chấp nhận có những vị Phật khác. Pháp Tiểu thừa chính là pháp mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết cho năm vị Tỳ-kheo nghe lần đầu tiên tại Lộc Giả Uyển, cho nên những người tu theo Tiểu thừa chỉ biết có mỗi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, không biết ở thế giới khác có vô lượng Chư Phật. Do vì chẳng biết nên họ nói không có Phật trong mười phương, chỉ có Phật Thích Ca Mâu Ni. Thế mười phương Phật phải chăng không có? Không phải như thế! Dù họ có thừa nhận có mười phương Phật thì cũng đã có mười phương Phật, nếu họ không thừa nhận thì vẫn có mười phương Phật. Phật trong mười phương và Phật Thích-ca-mâu-ni là một, nên nói: “Mười phương ba đời Phật, đồng cùng một Pháp thân” (Thập phương tam thế Phật đồng cộng nhất Pháp thân ).

Nay Bồ-tát Phổ Hiền phát hạnh nguyện rộng lớn, những hạnh nguyện tu hành ấy lớn đến đâu? Đó là những nguyện có cảnh giới bất khả tư nghì, nên không cách nào có thể biết được nguyện của Ngài lớn bao nhiêu, do đó gọi Bồ-tát Phổ Hiền là “Nguyện Vương”, Ngài là vua trong các nguyện.

Nguyện thứ nhất “lễ kính Chư Phật”, chẳng phải chỉ là đảnh lễ Đức Phật Thích Ca hay Phật A-di-đà mà một lễ là tất cả lễ; một Phật là hết thảy Phật. Đảnh lễ một vị Phật chính là đảnh lễ tất cả các đức Phật, đảnh lễ tất cả các đức Phật chính là đảnh lễ một vị Phật. Đảnh lễ tất cả Phật mà không chấp tất cả Phật, đảnh lễ một Phật cũng không chấp vào một Phật, đó là thực hành “thật tướng bình đẳng lễ”. Dù là lễ hết thảy Chư Phật hay một vị Phật nhưng cũng không chấp vào tướng ấy. Không nên nói: “Lần này công đức của mình thật lớn, mình đã lễ nhiều Phật như thế, người khác tu không thể bì kịp mình”. Lễ Phật không nên chấp vào tướng, đó gọi là “kính lễ Chư Phật”.

Kính lễ Chư Phật, Chư Phật có cần chúng ta kính lễ không? Chúng ta lễ Phật thì Phật cũng là Phật, chúng ta không lễ Phật thì Phật vẫn là Phật. Hoàn toàn không phải vì chúng ta lễ Phật mà Phật mới có thêm lợi ích, Phật mới vĩ đại hơn; còn chúng ta không lễ Phật thì Phật chịu thiệt thòi, Phật bị lu mờ hơn. Chúng ta lễ Phật là thể hiện tâm cung kính của ta đối với Phật, còn Phật thì chẳng tăng cũng chẳng giảm, vì thế lễ Phật chúng ta không nên có tâm chấp trước.

Hai là xưng tán Như Lai: Vì sao phải xưng tán Như Lai? Như Lai không cần ta xưng tán, Ngài chẳng giống như chúng ta đâu. Quý vị xưng tán Ngài, Ngài sẽ vui mừng, mũi nở ra, mắt sáng lên chăng? Còn không xưng tán Ngài, hừm! Mũi của Ngài nóng lên, mắt của Ngài sa sầm? Nếu thế thì Phật chẳng khác gì con người, chúng ta không cần lễ bái Ngài, cũng không cần xưng tán Ngài làm gì. Vì sao vậy? Vì Ngài cũng giống như phàm phu, chúng ta cần gì phải lễ bái Ngài, xưng tán Ngài? Phật đã không cần chúng ta xưng tán, thế tại sao chúng ta vẫn cứ xưng tán Ngài? Đó chẳng phải là mâu thuẫn lắm sao? Không có gì là mâu thuẫn cả.

Chúng ta tán thán Phật thì tự tính của chúng ta sẽ sinh công đức. Sinh công đức gì? Tự tính của mỗi người chúng ta đều có linh quang, quý vị tán thán Phật thì linh quang của tự tính sẽ xuất hiện chiếu phá si ám của tự thân. Nhờ công đức tán thán Phật, vô hình trung quý vị sẽ không tạo tội nghiệp, không khởi vọng tưởng. Vọng tưởng của quý vị giảm đi một phần thì ánh sáng trí tuệ đã hiển lộ nhiều thêm một phần. Vì sao người tu đạo sợ khởi vọng tưởng? Chính là vì điểm này. Quý vị vừa khởi vọng tưởng thì tự tính của quý vị giống như bị quét lên một lớp đen; nếu không khởi vọng tưởng thì ánh sáng tự tính của quý vị sẽ được hiển bày càng lúc càng sáng. Lúc tán thán Phật là trong lòng quý vị hoan hỷ với Phật, vui mừng với Phật là hòa hợp vào ánh sáng trí tuệ của Phật nên ánh sáng tự tính của quý vị cũng sẽ được hiển lộ.

Thế nào gọi là xưng tán Như Lai? Thí như nói:

Phật, khắp đất trời chẳng ai bằng
Mười phương thế giới cũng như thế
Tất cả thế gian con đều thấy
Hết thảy không ai bằng được Phật.

Thiên thượng thiên hạ vô như Phật
Thấp phương thế giới diệc vô tỷ,
Thế gian sở hữu ngã tận kiến
Nhất thiết vô hữu như Phật giả.

Đó là xưng tán Như Lai; Trên trời, dưới trời và ngay cả trên mặt đất không có vị thần, Bồ-tát, La-hán, Bích-chi Phật nào có thể sánh được với Phật, không ai có thể sánh bằng; không chỉ trên trời, dưới đất không ai có thể bì kịp Phật mà mười phương thế giới cũng không ai có thể sánh bằng. Quý vị xem, thế giới này của chúng ta tuy có năm châu lớn như: Mỹ châu, Úc châu, Á châu, Âu châu, Phi Châu, nhưng năm châu lớn này chỉ là một thế giới, còn có thế giới ở trong mười phương. Thế giới trong mười phương có nhiều vô lượng vô biên thế giới. Hiện nay có nước dự định dùng hỏa tiển để đưa con người lên mặt trăng, mặt trăng cũng có thể nói là một trong những thế giới, chẳng qua là một tiểu thế giới mà không phải là một đại thế giới. Người và vật trong mười phương thế giới tuy rất nhiều nhưng cũng không ai, không gì có thể bì được với Phật. Tất cả những gì hiện hữu trên thế giới này con đều thấy khắp cả, nhưng tất cả đều không thể so sánh với Phật.

Hoặc là xưng tán.

Phật A-di-đà thân sắc vàng
Tướng tốt sáng ngời chẳng gì bằng
Năm Tu-di uyển chuyển bạch hào
Bốn biển lớn trong ngần mắt biếc

Trong hào quang hóa vô số Phật
Vô số Bồ-tát hiện ở trong
Bốn mươi tám nguyện độ chúng sinh
Chín phẩm sen vàng lên giải thoát.

-Di-Đà Phật thân kim sắc,
Tướng hảo quang-minh vô đẳng-luân,
Bạch hào uyển-chuyển ngũ Tu-di,
Cám mục trừng thanh tứ đại hải,

Quang trung hóa Phật vô số ức,
Hóa Bồ-tát chúng diệc vô-biên,
Tứ thập bát nguyện độ chúng-sanh,
Cửu phẩm hàm linh đăng bỉ ngạn.

Thân của Phật A-di-đà, giáo chủ thế giới Tây phương Cực Lạc màu hoàng kim. Ngài có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, hào quang chiếu khắp, không ai có thể sánh bằng. Hào quang tướng lông trắng uyển chuyển giữa hai chặng mày của Phật A-di-đà lớn đến đâu? Lớn như năm ngọn núi Tu-di. Mắt Ngài màu xanh biếc và trong ngần giống lớn như bốn biển lớn. Mắt Phật lớn như bốn biển lớn, quý vị xem như thế thì thân của Phật phải lớn đến nhường nào! Trong hào quang của Phật A-di-đà lại hóa ra vô lượng vô biên Đức Phật. Ngài không chỉ hóa ra Chư Phật mà còn hóa ra vô số Bồ-tát, Ngài không chỉ hóa ra các Bồ-tát mà còn hóa ra Thanh Văn, Duyên Giác, và Ngài cũng hóa ra vô lượng vô biên chúng sinh trong sáu đường. Phật A-di-đà có phát bốn mươi tám nguyện lớn, mỗi một nguyện đều nhằm độ thoát tất cả chúng sinh. Hoa sen trên thế giới Tây Phương Cực Lạc phân thành chín phẩm, trong mỗi phẩm lại phân thành chín phẩm, cho nên chín lần chín là tám mươi mốt phẩm liên hoa, dùng tiếp dẫn chúng sinh đến bờ Niết-bàn giải thoát, vãng sinh về thế giới Cực Lạc. Để được vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, một phần là nhờ xưng tán Như Lai, muốn có được công đức này là phải tu hạnh xưng tán Như Lai như thế.

“Như Lai”: Kinh Kim Cương nói: “Như Lai là không từ đâu đến và cũng chẳng đi về đâu, nên gọi là Như Lai” (Như Lai giả, vô tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai). “Như” là vắng lặng; “lai” chính là động. Như Lai có thể nói là giống như đến nhưng bản thể của Ngài lại chẳng động, đến chẳng từ đâu đến, đi cũng chẳng đi về đâu. “Như” chính là lý, “Lai” chính là sự. Đó cũng chính là cảnh giới “lý sự vô ngại” của Kinh này. Bản Kinh này có: lý pháp giới, sự pháp giới, lý sự vô ngại pháp giới và sự sự vô ngại pháp giới. Như Lai là pháp giới sự lý vô ngại và cũng là một trong mười danh hiệu của Phật.

Ba là rộng tu cúng dường: “Rộng” là rộng lớn, “tu” thì phải thực hành, thực hành cúng dường một cách rộng lớn. Cúng dường có rất nhiều loại như: Đem thân cúng dường, đem tâm cúng dường, đem thân tâm để cúng dường. Thế nào là đem thân cúng dường? Giống như hai chúng đệ tử xuất gia của Phật là những người đem thân cúng dường Chư Phật, đem thân làm Phật sự, đem thân tu hành Phật pháp. Những vị này không chỉ đem thân cúng dường mà có thể nói là còn đem tâm cúng dường, dụng tâm chân thật tu hành Phật pháp, ngày ngày lạy Phật, tụng kinh, bái sám, niệm niệm chẳng quên, luôn hoan hỷ tu hành Phật pháp, đem hết thân tâm cúng dường Chư Phật. Lại như đa phần những cư sĩ tại gia tranh thủ lúc rảnh đến chùa dâng hương lễ Phật, đó cũng gọi là đem thân tâm cúng dường. Hoặc có người bận suốt, không có thời gian đến chùa, mỗi ngày ở nhà dụng tâm thành kính dâng hương lễ Phật, thực hành phép quán tưởng lễ Phật, đó cũng gọi là đem thân tâm cúng dường. Hoặc là có người do nhiều hoàn cảnh khác nhau như đường sá xa xôi thì cũng có thể dùng cách đem thân và tâm cúng dường như thế. Hoặc có người cúng dường hương hoa; hoặc có người thắp sáng đèn, nến cúng dường Phật; hoặc có người cúng dường trái cây, y phục mới… có vô số cách cúng dường như thế.

Cúng dường vốn có mười loại, từ mười loại cúng dường biến thành một trăm loại, một trăm loại biến thành một nghìn loại, một vạn loại cúng dường, đó gọi là rộng tu cúng dường. Chúng ta đối trước một vị Phật cúng dường, nên quán tưởng sự cúng dường biến khắp pháp giới vô lượng vô biên Chư Phật. Trước mỗi một vị Phật đều có thân ta ở đó tác pháp cúng dường. Quý vị quán tưởng như thế gọi là cúng dường khắp cả pháp giới. Cúng dường pháp giới thì thành tựu công đức như pháp giới, thành tựu công đức pháp giới thì đạt được trí tuệ như pháp giới, đạt được trí tuệ pháp giới thì viên thành quả vị như pháp giới. Do đây, rộng tu cúng dường chính là cúng dường bằng tất cả khả năng của mình. Quý vị có bao nhiêu năng lực đều tận dụng hết để cúng dường Phật, cúng dường Pháp, cúng dường Tăng. Bồ-tát Phổ Hiền đã tu tập hạnh môn như thế, Ngài tu hạnh cúng dường Tam Bảo một cách rộng lớn.

Bốn là sám hối nghiệp chướng: “Sám” là ăn năn lỗi trước, cải đổi những lỗi lầm trước đây; “hối” là chừa bỏ lỗi sau, từ nay về sau không tái phạm những lỗi lầm ấy nữa. Cho nên sám hối có thể nói là những lỗi đã sinh làm cho nó đoạn diệt, những việc ác chưa sinh không cho nó sinh khởi và cũng có thể nói là những việc thiện đã sinh làm cho nó tăng trưởng, những việc thiện chưa sinh khiến nó phát sinh. Những việc thiện đã sinh khiến cho nó tăng trưởng mãi không dứt, những việc thiện chưa sinh khiến cho nó sinh mãi không ngừng. “Nghiệp” có rất nhiều loại, nghiệp chướng là một trong tam chướng. Tam chướng là nghiệp chướng, báo chướng và phiền não chướng. Nay nói sám hối nghiệp chướng cũng chính là sám hối báo chướng, sám hối phiền não chướng.

Nghiệp chướng quy kết lại có ba loại là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Nghiệp do thân tạo là nghiệp giết hại, nghiệp trộm cắp và nghiệp dâm dục. Sát sanh, nói một cách cụ thể là giết hại những loài vật lớn; nói sâu một tí là giết hại những loài vật nhỏ nhít như con kiến, con muỗi, con ruồi…, đó cũng gọi là giết. Ngoài việc giết hại những loài lớn, bé ra còn có giết bằng ý niệm. Sao gọi là giết bằng ý niệm? Tuy quý vị không có giết thật sự nhưng trong tâm của quý vị đã khởi ý niệm giết, nếu y cứ vào tánh giới thì đã phạm giới sát rồi. Tự tính vốn không giết hại, nhưng trong tâm quý vị đã khởi niệm giết thì đối với giới Bồ-tát xem như đã phạm giới. Quý vị khởi lên một niệm giết, nhân giết, duyên giết, cách thức giết, nghiệp giết, đó đều gọi là phạm giới.

Trộm cắp cũng như thế. Trộm lớn là xâm chiếm đất nước của người khác, trộm nhỏ là lấy tài sản nhà người và trộm nhỏ hơn nữa là lấy một cây kim, một sợi chỉ, một ngọn cỏ, một cái cây của người. Nói chung, những gì người ta không cho mà mình tự lấy đều gọi là trộm.

Nghiệp dâm dục cũng có lớn có nhỏ, có thô có tế, cho đến trong tâm khởi một niệm dâm dục thì ở nơi tự tính đã không thanh tịnh rồi.

Ý có ba điều ác là tham, sân, si; có nghiệp do tâm tham tạo nên, có nghiệp do tâm sân tạo nên, nghiệp do tâm si tạo nên. Miệng có bốn điều ác là nói lời thêu dệt, nói lời dối gian, nói lời hung ác, nói lời đâm thọc. Vô số hành vi đều là nơi tạo ra nghiệp tội. Nay chúng ta đều phải phát tâm sám hối, nguyện những tội lỗi đã tạo từ nay về sau không dám làm nữa, đoạn dứt hẳn; những điều ác chưa làm thì không để cho nó phát sinh. Đó gọi là sám hối nghiệp chướng. Cách thức sám hối như thế nào? Đối trước Phật thành khẩn tha thiết, thống thiết rơi lệ, bi ai cầu xin sám hối. Quý vị thật tâm sám hối thì nghiệp chướng tự sẽ tiêu trừ.

Năm là tùy hỷ công đức: “Tùy” nghĩa là thuận theo hay theo cùng, “hỷ” là hoan hỷ, “công” là công đã lập được, “đức” là đức hạnh đã làm. Tùy hỷ cũng có thể gọi là người khác vui theo những công đức mình đã làm, cũng có thể nói là mình vui theo những công đức mà người khác đã làm. Quý vị muốn sám hối nghiệp chướng nhất định phải tùy hỷ công đức, muốn vun trồng vô vàn công đức thì phải sám hối nghiệp chướng của mình. Nếu nhất thời nghiệp chướng chưa thể tiêu trừ thì nên tạo thêm công đức, cho nên nói tùy hỷ công đức cũng chính là sám hối nghiệp chướng, sám hối nghiệp chướng cũng chính là tùy hỷ công đức. Đã như thế sao lại còn phân nguyện thứ năm là tùy hỷ công đức? Vì nguyện thứ tư là chuyên về sám hối nghiệp chướng, quý vị muốn sám hối nghiệp chướng nên đồng thời thực hiện tùy hỷ công đức ở nguyện thứ năm. Tùy hỷ công đức đã bao hàm cả việc làm hết thảy điều thiện. Tất cả những công đức lành, quý vị nên tùy hỷ; tất cả những việc tội nghiệt lỗi lầm, quý vị không nên làm.

Thế nào là tùy hỷ công đức lành? Như có người đề nghị làm một việc có lợi ích cho mọi người, làm việc tốt gọi là thiện. Thế nào là lập công? Công nghĩa là cộng vậy, tức những việc công cộng; việc chung của mọi người, những việc như thế quý vị nên làm nhiều một chút. Quý vị xem chữ công () là chữ công () của công việc, lại thêm vào bên cạnh một chữ lực (), ý nói quý vị phải ra sức, đặc biệt khi làm những việc chung, quý vị nên làm hết sức mình. Hiện nay những việc chung đa phần đều do chính phủ làm. Thí như sửa cầu, bồi lộ… đều là những chỗ để lập công. Những việc quý vị làm đem đến lợi ích cho mọi người đều gọi là công. Công là những việc làm còn được lưu lại và thường mọi người có thể nhìn thấy được. Khi làm một việc chung thường có lưu lại một biểu tượng khiến mọi người nhìn vào đều biết việc đó là do ai làm, giống như quý vị xây dựng một số phòng học cho một ngôi trường nào đó thì tên của quý vị sẽ được khắc lên cổng trường, đó gọi là lập công.

Đức: Hạnh có được ở nơi tâm gọi là đức. Những việc quý vị làm khiến trong lòng quý vị sinh hoan hỷ, đó chính là đức. Thường quý vị lập công, mọi người đều sẽ biết, nhưng với đức hạnh thì mọi người không hẳn biết được. Đức có phân hiển đức và mật đức. Hiển đức là công việc quý vị làm khiến cho mọi người đều rất vui mừng và đều biết đến một cách rõ ràng. Mật đức là việc quý vị làm đem đến lợi ích cho mọi người, nhưng thường mọi người không hề biết. Như người có thần thông âm thầm theo giúp đỡ tất cả chúng sinh, nhưng mọi người đều không hề biết, đó chính là mật đức.

Tùy hỷ công đức là tự mình làm việc tốt nên khiến cho người khác cũng phát tâm làm theo, đó gọi là người khác tùy hỷ công đức của mình; người khác làm việc tốt, quý vị biết được nên cũng đem sức của mình trợ giúp họ, đó gọi là mình tùy hỷ công đức của người khác. Tùy hỷ công đức không chỉ tùy hỷ chính mình mà còn tùy hỷ người khác, cho đến tùy hỷ theo tất cả các công đức lành mà chúng sanh trong pháp giới đã làm với tâm hoan hỷ, hễ là việc lành quý vị đều nên giúp làm.

Tùy hỷ công đức còn có tùy hỷ công đức của Phật, công đức của Bồ-tát, công đức của Thanh Văn, Duyên Giác, tùy hỷ hết thảy công đức của chúng sinh. Thế nào gọi là tùy hỷ công đức của Phật? Thí như quý vị giảng kinh, thuyết pháp, giáo hóa chúng sinh, đó là tùy hỷ công đức của Phật. Quý vị đề xướng dạy người thực hành sáu độ, muôn hạnh, thực hành Bồ-tát đạo, đó là tùy hỷ công đức của Bồ-tát. Quý vị đề xướng dạy người tu Mười hai nhân duyên, đó là tùy hỷ công đức của Duyên Giác. Quý vị dạy cho mọi người đều biết tu pháp Tứ đế, đó là tùy hỷ công đức của Thanh Văn. Quý vị tùy hỷ trời, người tu ngũ giới, thập thiện, đó gọi là tùy hỷ công đức của trời và người. Giảng về tùy hỷ công đức thì vô cùng vô tận, nay tôi chỉ lược giảng đại ý như thế.

 

Lục giả thỉnh chuyển Pháp luân;

Thất giả thỉnh Phật trụ thế;

Bát giả thường tùy Phật học;

Cửu giả hằng thuận chúng sinh;

Thập giả phổ giai hồi hướng.

Sáu là thỉnh đức Phật thuyết pháp.

Bảy là thỉnh đức Phật ở lại đời.

Tám là thường học tập theo Phật.

Chín là hằng thuận lợi chúng sanh.

Mười là hồi hướng khắp tất cả.

Sáu là thỉnh chuyển pháp luân: Pháp luân là gì? “Luân” nghĩa là chiết phục. Bánh xe pháp này có thể nhiếp phục thiên ma ngoại đạo, làm cho chính pháp tồn tại lâu dài. Sau khi Phật thành đạo, ba lần chuyển bánh xe pháp Tứ đế độ năm vị Tỳ-kheo, đó gọi là chuyển pháp luân. Thỉnh Phật, Bồ-tát, Thanh Văn, Duyên Giác, La-hán thuyết pháp, thỉnh pháp sư thuyết pháp đều gọi là thỉnh chuyển pháp luân. Giống như chúng ta mỗi ngày giảng kinh, có hai vị cư sĩ hay pháp sư ra trước thỉnh pháp, đó là hạnh nguyện thỉnh chuyển pháp luân thứ sáu của Bồ-tát Phổ Hiền. Thỉnh chuyển pháp luân có lợi ích gì? Trên thế giới này nếu có người chuyển pháp luân thì ma vương không dám xuất hiện, nếu không có người chuyển pháp luân thì ma vương sẽ xuất hiện trên thế gian. Đó là một điểm, lại còn nếu hiện tại quý vị thỉnh pháp thì công đức của việc chuyển pháp luân này đều nhờ sự thỉnh pháp của quý vị mà được thành tựu, quý vị có được công đức chuyển pháp luân rồi thì trí tuệ sẽ khai mở. Lại nữa, thỉnh chuyển pháp luân cũng chính là tùy hỷ công đức. Vì quý vị thỉnh pháp sư giảng pháp cho mọi người nghe, đem đến lợi ích cho mọi người thì trong việc làm đó đã có sự tùy hỷ công đức. Thế nên mười hạnh nguyện lớn này luôn có sự liên kết với nhau, như quý vị muốn sám hối thì phải tùy hỷ công đức, muốn tùy hỷ công đức thì phải thỉnh chuyển pháp luân. Thỉnh chuyển pháp luân là một cách tùy hỷ công đức lớn nhất.

Không chỉ giảng kinh thuyết pháp mới gọi là chuyển pháp luân mà hễ làm bất kỳ việc có liên quan đến Phật giáo cũng đều gọi là chuyển pháp luân. Giống như in ấn bản kinh này cho mọi người xem cũng gọi là chuyển pháp luân. Quả Tiền đề nghị cho ghi lại bài giảng cũng là chuyển pháp luân; nay máy ghi âm đang ghi lại pháp âm cũng gọi là chuyển pháp luân; quý vị phiên dịch kinh điển cũng gọi là chuyển pháp luân. Những người đang ghi chép ở đây, ghi chép rõ ràng sau này sẽ giảng lại cho mọi người nghe, đó là đang chuẩn bị chuyển pháp luân. Chúng ta tụng kinh, lạy kinh cũng là chuyển pháp luân. Hễ quý vị ở trong Phật giáo, làm những việc lợi ích cho Phật giáo đều gọi là chuyển pháp luân. Quý vị xem mấy chữ Hoa trước mặt chúng ta cũng là đang chuyển đại pháp luân. Mỗi tối chúng ta giảng kinh cũng là chuyển pháp luân; ban ngày ngồi thiền cũng là chuyển pháp luân. Tất cả các cách trên đều là một dạng của chuyển pháp luân. Hiện nay chúng ta ở đây nghe pháp cũng là đang chuyển pháp luân, chỉ cần quý vị hiểu rõ, đó chính là thỉnh chuyển pháp luân. Nếu quý vị không hiểu rõ, cảm thấy công việc này quá vất vả, quá cực khổ thì đó là sợ chuyển pháp luân.

Bảy là thỉnh Phật trụ thế: Phật ra đời, trụ ở đời, sau cùng nhập Niết-bàn. Lúc Phật ở đời, thế gian giống như có ánh mặt trời, khắp nơi đều sáng rỡ; Phật nhập Niết-bàn, thế giới trở nên tăm tối. Vì thế Bồ-tát Phổ Hiền mới phát đại nguyện thỉnh Phật thường trụ ở đời, đừng vào Niết-bàn. Phật luôn toại nguyện cho chúng sinh, nếu tất cả chúng sinh đều thỉnh Phật ở đời thì ngài sẽ không nhập Niết-bàn. Nếu không có chúng sinh nào thỉnh Phật ở đời thì sau khi hoàn thành việc giáo hóa những chúng sinh đáng được giáo hóa, Ngài sẽ vào Niết-bàn, nên nguyện thứ bảy của Bồ-tát Phổ Hiền là thỉnh Phật ở đời.

Tám là thường học theo Phật: Bồ-tát Phổ Hiền lại phát nguyện luôn theo bên Phật học Phật pháp. Phật pháp mênh mông, nhưng chúng ta học Phật pháp đừng nên sợ nhiều. Chúng ta học Phật pháp càng nhiều thì trí tuệ càng lớn. Như Tôn giả A-nan, vì sao sức ghi nhớ của ngài tốt như vậy? Nên nói: “Phật pháp như biển lớn, chảy vào tâm A-nan” (Phật pháp như đại hải, lưu nhập A-nan tâm). Vì sao Phật pháp lại giống như nước ở trong biển lớn, tất cả đều chảy vào tâm Tôn giả A-nan? Vì Tôn giả A-nan đời đời kiếp kiếp đều chú trọng đa văn nên sức ghi nhớ của Ngài mới được tốt như thế. Trong ý nghĩa “thường học theo Phật” còn bao hàm ý nghĩa không nên giải đãi, lười biếng, hôn trầm; phải chuyên cần tu giới, tuệ, định, dứt hẳn tâm tham, tâm sân, tâm si. Nếu quý vị có thể chuyên cần tu tập giới, định, tuệ, dứt hẳn tham, sân, si, đó chính là thường học theo Phật.

Chín là hằng thuận chúng sinh: Chữ “hằng” này ý nghĩa tương đương với chữ “thường”, chính là thường hằng không thay đổi. “Thuận” là thuận nương, nương vào cảnh giới chúng sinh. Chúng sinh đều điên đảo, thế có phải quý vị sẽ thuận theo sự điên đảo của chúng sinh? Chúng sinh căn bản không có tri thức, nếu quý vị thuận theo những chúng sinh không có tri thức ấy, chẳng phải cũng cùng đi trên con đường ngu si sao? Hằng thuận chúng sinh là thuận theo tập quán của chúng sinh để cứu họ ra khỏi dòng chảy ngược, đó gọi là hằng thuận. Vì sao nói cứu chúng sinh ra khỏi dòng chảy ngược? Vì chúng sinh đều là điên đảo, điên đảo chính là chảy ngược dòng. Giống như nước chảy xuôi về Đông, quý vị bơi thuyền đi ngược lại từ Đông lên Tây, đó gọi là ngược dòng. Nếu quý vị thuận theo chúng sinh thì không thể thành Phật, quý vị nếu muốn thành Phật thì không thể thuận theo chúng sinh. Thế Bồ-tát Phổ Hiền sao lại thuận theo chúng sinh? Đó là Ngài muốn từ trong dòng ngược đưa chúng sinh xuôi về dòng thuận, cứu họ ra khỏi dòng ngược. Nên nói: “ngược dòng chảy lục trần của phàm phu vào dòng Pháp tính của Thánh nhân” (Nghịch phàm phu lục trần lưu, nhập Thánh nhân Pháp tính lưu), đó gọi là hằng thuận chúng sinh. Nếu không như thế, quý vị thuận theo chúng sinh, họ vui thích tạo nghiệp, lẽ nào Bồ-tát như quý vị lại tạo tội theo họ? Chúng sinh còn mê hoặc, do mê hoặc nên tạo nghiệp, tạo nghiệp thì phải chịu quả báo (khởi hoặc, tạo nghiệp, thọ báo). Thế quý vị cũng khởi mê hoặc theo chúng sanh, tạo nghiệp và chịu quả báo? Đó chẳng phải là đã biến thành chúng sinh rồi ư?

Hằng thuận chúng sinh là thường giáo hóa chúng sinh không hề nhàm chán, làm cho chúng sinh bỏ mê về giác, xa lìa đường mê đạt đến giác ngộ, thế nên hằng thuận chúng sinh cũng chính là tinh tấn ba-la-mật, tinh tấn ba-la-mật là không không hề phiền chán chúng sinh tạo tội. Chúng sinh tạo ra rất nhiều tội nghiệp, Phật cũng không ghét bỏ họ, sẽ không thốt lên: “Ô! ông là chúng sinh tạo nhiều tội nghiệp như thế,  ta sẽ không độ ông, để ông đọa địa ngục!”. Phật không có tâm như thế. Dù chúng sinh có tạo tội nghiệp, Phật cũng chỉ dùng một tâm từ bi, hỷ xả để cứu độ họ. Đó là chân chính tinh tấn ba-la-mật.

Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn đang hành đạo Bồ-tát, có một kiếp Ngài ở trên núi tu hạnh bố thí tinh tấn ba-la-mật. Có một lần, trời đổ tuyết lớn trong nhiều ngày, tất cả cảnh vật trên núi đều chìm trong biển tuyết. Có một con hổ mẹ dẫn theo một chú hổ con đi tìm mồi nhưng chẳng có. Mắt nhìn chú hổ con đói sắp chết, hổ mẹ cũng đói đi không nổi. Đức Phật Thích-ca-mâu-ni nhìn thấy, bèn nghĩ: “Ta nguyện đem thân mình bố thí cho hổ ăn, nguyện chúng sau khi ăn thịt ta xong phát tâm Bồ-đề, thành đạo vô thượng”. Phát nguyện rồi, Ngài liền cởi bỏ y phục, nhảy xuống bên cạnh con hổ làm mồi cho chúng ăn. Đó là bố thí ba-la-mật, cũng là tinh tấn ba-la-mật, vốn là một phần của hằng thuận chúng sinh. Phật hằng thuận chúng sinh là như thế, còn chúng ta hằng thuận chúng sinh thì phải giáo hóa họ, không thể nói: “Bồ-tát Phổ Hiền nói phải hằng thuận chúng sinh nên có chúng sinh hút chích, tôi cũng hút chích theo họ; có chúng sinh nhậu nhẹt, tôi cũng nhậu nhẹt theo; có chúng sinh làm việc mê lầm, tôi cũng làm chút việc mê lầm như họ”, đó không phải là hằng thuận chúng sinh. Hằng thuận chúng sinh là đưa chúng sinh ra khỏi đường mê, cảm hóa chúng sinh đến với chúng ta, cùng chúng ta tu đạo, đó mới là hằng thuận chúng sinh. Quý vị không nên hiểu lầm “hằng thuận chúng sinh” là cùng chạy đua với chúng sinh, chạy mãi đến nỗi quên mất nhà mình, chẳng biết đâu là quê hương của mình.

Mười là hồi hướng khắp cả: “Phổ” là cùng khắp, “giai” là hoàn toàn. “Phổ giai hồi hướng” là tất cả những việc làm được đều xin hồi hướng. Hồi hướng đến ai? Hồi hướng đến Chư Phật. Những công đức làm được mỗi ngày đều hồi hướng về Chư Phật. Vì thế nên nói:

Nguyện đem công đức này
Trang nghiêm cõi nước Phật
Trên đền bốn ân nặng
Dưới cứu khổ ba đường

Nếu có ai thấy nghe
Đều phát tâm bồ-đề
Hết một báo thân này
Đồng sinh nước Cực Lạc.

Đó chính là hồi hướng. Hồi là quay lại, là xoay vào bên trong; hướng là hướng ra bên ngoài. Trước phải quay lại, sau đó mới có thể hướng ra bên ngoài. Hồi hướng về đâu? Mỗi mỗi chúng ta đều từ phàm phu hướng đến thánh nhân, tức là từ chúng sinh hướng đến Chư Phật. Hồi phàm hướng thánh, đó là hồi hướng; hồi chúng sinh hướng Phật; hồi sự hướng lý; hồi tiểu hướng đại; hồi tự hướng tha, đó đều là hồi hướng.

Thế nào gọi là hồi tự hướng tha? Thí như chúng ta làm những việc tốt, rồi đem công đức của những việc làm ấy hồi hướng cho bạn bè của mình, khiến họ phát tâm Bồ-đề, thành vô thượng đạo, đó gọi là hồi tự hướng tha. Hồi sự hướng lý là ta làm công việc ấy tuy có hình tướng, nhưng ta phải hướng đến lý của nó, lý vốn vô hình, đem công đức hữu hình hồi hướng khắp pháp giới vô cùng tận. Hồi tiểu hướng đại là trước đây mình tu học pháp Tiểu thừa, nay không tu pháp Tiểu thừa nữa mà đổi lại tu theo pháp Đại thừa, đó gọi là hồi tiểu hướng đại.

Lại ví như chúng ta ngày ngày giảng kinh là bố thí pháp, đó là sự bố thí thù thắng hơn tất cả các sự bố thí khác, có thể nói là công đức còn lớn hơn đem bảy báu bố thí cùng khắp tam thiên đại thiên thế giới. Công đức ấy tuy lớn như thế nhưng bản thân tôi không cầu, mà nguyện đem công đức giảng kinh, thuyết pháp, chuyển đại pháp luân để trang nghiêm tịnh độ của chư Phật trong mười phương. Trên báo đáp công ơn của trời đất, quốc vương, cha mẹ, thầy tổ; dưới cứu tế sự khổ não trong ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu như có ai có duyên gặp được pháp hội giảng kinh này, nghe được pháp này nên mau chóng phát tâm Bồ-đề, đợi sau khi báo thân trong hiện tại này hết, chúng ta sẽ cùng vãng sinh về cõi nước Cực Lạc. Đây chính là hồi hướng. Nguyện thứ mười của Bồ-tát Phổ Hiền là hồi hướng khắp cả, tất cả những công đức có được Ngài đều hồi hướng đến chư Phật.

Ngũ Thườngngũ là năm, thường là hằng có. Ngũ thường là năm điều phải hằng có trong khi ở đời, gồm: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

  1. Nhân: Lòng yêu thương đối với muôn loài vạn vật.
  2. Nghĩa: Cư xử với mọi người công bình theo lẽ phải.
  3. Lễ: Sự tôn trọng, hòa nhã trong khi cư xử với mọi người.
  4. Trí: Sự thông biết lý lẽ, phân biệt thiện ác, đúng sai.
  5. Tín: Giữ đúng lời, đáng tin cậy.

Ba mươi hai tướng tốt: (Tam thập nhị tướng  三十二相: S: dvātriṃśan mahā-puruṣa-lakṣaṇāni): những tướng thù thắng vi diệu của Chuyển luân thánh vương, ứng thân và hóa thân của Phật. Ba mươi  hai tướng tốt gồm có:

  1. Túc hạ an bình lập tướng 足下安平立相(S: su-pratiṣṭhita-pāda): tướng lòng bàn chân bằng phẳng mềm mại, tiếp xúc vừa khít mặt đất.
  2. Thủ túc luân tướng 手足輪相( S: cakrāṅkita-hasta-pāda-tala): Tướng bánh xe báu nghìn căm xe được tạo bằng những vân thịt hiện dưới lòng bàn chân.
  3. Tiêm trường chỉ tướng 纖長指相(S: dīrghāṅguli): tướng ngón tay, ngón chân đều thon dài, ngay thẳng.
  4. Túc căn quảng bình tướng足跟廣平相(S: āyata-pāda-pārṣṇi): gót chân tròn đầy, rộng bằng.
  5. Thủ túc chỉ man võng tướng 手足指縵網相(S: jālāvanaddha-hasta-pāda): giữa các ngón tay và các ngón chân đều có màng nối liền nhau, giống như nhạn chúa hễ xòe các ngón chân thì hiện.
  6. Thủ túc nhu nhuyến tướng 手足柔軟相(S: mṛdu-taruṇa-hasta-pāda-tala): tướng tay chân rất mềm mại.
  7. Túc phu cao mãn tướng 足趺高滿相(S: ucchaṅkha-pāda): tướng mu bàn chân cao, tròn đầy.
  8. Lộc vương thuyên tướng 鹿王腨相(S: aiṇeya-jaṅgha): xương đùi tròn nhỏ như nai chúa
  9. Bình trụ thủ quá tất tướng 平住手過膝相(S: sthitānavanata-pralamba-bāhutā): khi đứng thẳng, hai tay duỗi xuống dài quá gối.
  10. Âm mã tàng tướng 陰馬藏相(S: kośopagata-vasti-guhya): tướng nam căn ẩn kín trong bụng, không lộ ra ngoài, giống như dương căn của ngựa, voi.
  11. Thân quảng trường đẳng tướng身廣長等相(S: nyagrodha-parimaṇḍala): chỉ cho thân Phật cao rộng cân đối, thể hình đẹp một cách hoàn hảo, giống như cây Ni-câu-luật.
  12. Mao thượng hướng tướng  毛上向相(S: ūrdhvaṃ-ga-roma): tất cả lông tóc của Phật từ đầu đến chân đều xoay về bên hữu và có màu xanh, mềm mại, bóng mướt.
  13. Nhất nhất mao tướng 一一毛相(S: ekaika-roma-pradakṣiṇāvarta): mỗi lỗ chân lông có một cọng lông màu lưu ly xanh, mỗi lỗ chân lông đều tỏa ra mùi thơm vi diệu.
  14. Kim sắc tướng 金色相(S: suvarṇa-varṇa): thân và tay chân Phật đều màu vàng ròng, như đài vàng vi diệu được trang nghiêm bằng các thứ báu.
  15. Thân quang diện các nhất trượng tướng 身光面各一丈相: ánh sáng xung quanh thân Phật nhậm vận chiếu khắp ba nghìn thế giới, bốn phía mỗi phía đều chiếu xa một trượng.
  16. Tế bạc bì tướng 細薄皮相(S: sūkṣma-suvarṇa-cchavi): da dẻ mịn màng, trơn láng, tất cả bụi bặm không dính.
  17. Thất xứ long mãn tướng 七處隆滿相(S: saptotsada): thịt ở bảy chỗ (lòng hai bàn tay, hai bàn chân, hai vai và cổ) của Phật đều đầy đặn, mềm mại.
  18. Lưỡng dịch hạ long mãn tướng 兩腋下隆滿相(S: citāntarāṃsa): nghĩa là xương, thịt ở hai nách của Phật tròn đầy không bị khuyết lõm.
  19. Thượng thân như sư tử tướng 上身如獅子相(S: siṃha-pūrvārdha kāya): nửa thân trên của Phật rộng lớn, oai nghi đi đứng nằm ngồi trang nghiêm giống như sư tử chúa.
  20. Đại trực thân tướng 大直身相(S: ṛjugātratā): trong tất cả mọi người, thân Phật cao lớn, ngay thẳng nhất.
  21. Kiên viên hảo tướng 肩圓好相(S: su-saṃvṛta-skandha): nghĩa là tướng thù thắng vi diệu hai vai tròn đầy.
  22. Khẩu tứ thập xỉ tướng 口四十齒相(S: catvāriṃśad-danta): Phật có bốn mươi cái răng, mỗi mỗi đều bằng nhau, đầy đặn và trắng như tuyết.
  23. Xỉ mật tề bình tướng 齒密齊平相(S: sama-danta): các răng của Phật đều đặn không lớn không nhỏ, khít nhau không hở một mảy may.
  24. Nha bạch tướng 牙白相(S: suśukla-danta): Ngoài bốn mươi cái răng, hàm trên và dưới mỗi hàm đều có hai cái răng nanh màu sắc trắng trong, sáng sạch, bén nhọn như gươm, cứng chắc như kim cương.
  25. Giáp xa như sư tử tướng 頰車如獅子相(S: siṃha-hanu): hai má của Phật đầy đặn như má sư tử.
  26. Tri vị vị tướng 知味味相(S: rasa-rasāgratā): trong miệng Phật thường có mùi vị tối thượng trong các mùi vị.
  27. Đại thiệt tướng 大舌相(S: prabhūta-tanu-jihva): đầu lưỡi lớn rộng, mềm mỏng, le ra thì phủ đến mí tóc.
  28. Phạm thanh tướng 梵聲相(S: brahma-svara): phạm âm thanh tịnh của Phật có hồng thanh viên mãn như tiếng trống trời và như tiếng chim ca-lăng-tần-già.
  29. Mục cám thanh sắc tướng 目紺青色相(S: abhinīla-netra): mắt Phật xanh biếc như hoa sen xanh.
  30. Ngưu nhãn tiệp tướng牛眼睫相(S: go-pakṣmā): tướng lông mi thẳng bằng không rối loạn.
  31. Đảnh thượng nhục kế tướng 頂上肉髻相(S: uṣṇīṣa-śiraskatā): tướng trên đảnh đầu Phật có bướu thịt nổi lên như hình búi tóc.
  32. Mi gian hào tướng 眉間毫相(S: ūrṇā-keśa): giữa hai đầu chân mày của Phật có sợi lông trắng, mềm mại như đâu-la-miên, dài một trượng năm thước, cuộn tròn lại theo chiều bên hữu.

 

Tám mươi vẻ đẹp (bát thập chủng hảo 八十種好; S: aśīty-anuvyañjanāni): hình tướng dung mạo của Phật có tám mươi thứ vi tế ẩn kín khó thấy. Tám mươi vẻ đẹp có nhiều thuyết mô tả khác nhau. Theo kinh Đại Bát-Nhã thì tám mươi vẻ đẹp là:

1. Móng tay thon dài, mỏng bóng
2. Ngón tay, chân tròn thon dài
3. Chân tay cân xứng giữa các ngón khi khép lại thì đầy kín
4. Tay chân sáng bóng, tươi dài
5. Gân cốt ẩn không hiện

6. Hai mắt cá ở chân đều ẩn
7. Bước đi thẳng tới trước oai nghi, khoan thai như voi, rồng chúa
8. Bước đi oai nghi tề chỉnh như sư tử chúa
9. Bước đi vững vàng như trâu chúa
10. Cách tiến, dừng uyển chuyển thanh nhã như ngỗng chúa

11. Quay nhìn đều quay bên phải như voi chúa nhấc mình di chuyển
12. Các khớp tay và chân đều đặn tròn đầy;
13. Đốt xương liền lạc như rồng cuộn
14. Đầu gối tròn đầy
15. Chỗ kín có vân xinh đẹp, thanh lịch

16.  Tay  chân trơn mềm sạch sẽ
17. Dung mạo đôn hậu nghiêm túc và hiện tướng vô úy
18.  Tay  chân tráng kiện
19. Thân thể an khang viên mãn
20. Thân tướng giống như vua tiên, toàn thân đoan nghiêm sáng sạch;

21. Có hào quang tròn bao quanh thân, thường tự chiếu sáng;
22. Bụng vuông vắn, trang nghiêm;
23. Rốn sâu xoay bên phải;
24. Cuốn rốn đầy, không lõm, không lồi;
25. Da dẻ không ghẻ lác;

26. Bàn tay mềm mại, dưới bàn chân bằng phẳng;
27. Chỉ tay sâu, dài, rõ ràng;
28. Môi đỏ thắm, bóng mềm;
29. Mặt không dài, không ngắn, không lớn, không nhỏ, đoan nghiêm vừa vặn;
30. Tướng lưỡi mỏng mềm, rộng dài;

31. Âm thanh oai hùng, xa vang trong suốt;
32. Âm vận hay đẹp như tiếng vang từ hang sâu;
33. Sống mũi cao và thẳng, lỗ mũi kín;
34. Răng đều đặn trắng bóng;
35. Răng tròn, trắng, bóng, bén;

36. Mắt tròng đen, trắng phân minh;
37. Tướng mắt dài rộng;
38. Lông mi đều đặn dày dài;
39. Đôi mày dài nhuyễn mịn;
40. Hai mi xanh biếc như màu lưu li;

41. Lông mày cách xa mắt và cong như trăng lưỡi liềm;
42. Vành tai rộng lớn, trái tai đầy thòng xuống;
43. Hai vành tai bằng nhau không có khuyết tật;
44. Vóc dáng khiến người thấy sinh lòng ái kính;
45. Trán rộng bằng phẳng;

46. Thân oai nghiêm đầy đủ;
47. Tóc dài xanh biếc, dày mà không bạc;
48. Tóc mịn màng tỏa mùi hương thanh khiết;
49. Tóc suông không rối;
50. Tóc không đứt rụng;

51. Tóc trơn bóng, bụi bặm không dính;
52. Thân thể vững chắc đầy đặn;
53. Thân thể cao lớn đoan chính;
54. Các khiếu trong sạch tròn đẹp;
55. Sức mạnh hơn người;

56. Thân tướng được mọi người thích nhìn;
57. Mặt như trăng tròn mùa Thu;
58. Vẻ mặt thư thái;
59. Da mặt trơn bóng không có vết nhăn;
60. Làn da sạch sẽ không có cáu ghét không mùi hôi;

61. Các lỗ chân lông luôn toát hương thơm;
62. Miệng luôn tỏa hương thơm thanh khiết;
63. Thân tướng đầy đặn xinh đẹp;
64. Lông trên mình xanh biếc sạch sẽ;
65. Pháp âm tùy chúng ứng hiện không sai;

66. Tướng đỉnh đầu không ai thấy được;
67. Ngón tay, ngón chân đường khu ốc phân minh;
68. Lúc đi chân cách mặt đất;
69. Tự giữ gìn không nhờ người khác hộ vệ;
70. Oai đức bao trùm tất cả;

71. Âm thanh Phật nói vừa với sự tiếp nhận của mỗi chúng sinh;
72. Tùy theo sự yêu thích của chúng hữu tình mà thuyết pháp;
73. Chỉ một âm diễn thuyết chính đạo mà loài hữu tình tùy mỗi loại đều nhận biết được;
74. Thuyết pháp theo thứ lớp tùy nhân duyên;
75. Lời của Phật thường khen thiện chê ác mà tâm không yêu ghét;

76. Bất cứ việc gì trước quan sát sau mới làm;
77. Tướng tốt loài hữu tình không thể thấy hết;
78. Xương đảnh cứng chắc, tròn đầy;
79. Dung nhan trẻ hoài không già;
80. Chân tay và trước lồng ngực đều có đức tướng cát tường.

 

===============

Thiện Tài bạch ngôn: Đại Thánh! vân hà lễ kính nãi chí hồi hướng?

Thiện Tài bạch rằng: “Ðại Thánh! Lễ kính như thế nào? cho đến hồi hướng như thế nào?”.

 Thiện Tài bạch rằng: “Ðại Thánh!”: Thiện Tài đồng tử nghe thấy Bồ-tát Phổ Hiền phát mười đại nguyện như thế, tuy đã hiểu rõ nhưng Thiện Tài lại sợ những chúng sanh như chúng ta vẫn chưa hiểu tường tận về mười đại nguyện ấy, cho nên cố ý hỏi để Bồ-tát Phổ Hiền nói. Đại Thánh chính là đại Bồ-tát, cũng chính là người tu hạnh đại từ bi.

“Lễ kính như thế nào? cho đến hồi hướng như thế nào?”: Sao gọi là lễ kính Chư Phật? Sao gọi là xưng tán Như Lai? Cho đến thế nào là rộng tu hạnh cúng dường, sám hối nghiệp chướng, tùy hỷ công đức, thỉnh chuyển pháp luân, thỉnh Phật trụ thế, thường học theo Phật, hằng thuận chúng sinh, hồi hướng khắp cả?

Hạnh nguyện của Bồ-tát (Gồm có mười phần):
F1. Lễ kính Chư Phật
F2. Xưng tán Như Lai
F3. Tu hạnh cúng dường
F4. Sám hối nghiệp chướng
F5. Tùy hỷ công đức
F6. Thỉnh chuyển Pháp luân
F7. Thỉnh Phật trụ thế
F8. Thường học theo Phật
F9. Hằng thuận chúng sinh
F10. Hồi hướng khắp cả

 

======================

1. Lễ kính Chư Phật

— o0o —

Phổ Hiền Bồ Tát cáo Thiện Tài ngôn: Thiện nam tử! ngôn lễ kính chư Phật giả.

Phổ Hiền Bồ Tát bảo Thiện Tài rằng: “Này thiện nam tử ! Nói “Lễ kính các đức Phật” là như vầy:

Phổ Hiền Bồ-tát bảo Thiện Tài rằng: Ông là một thiện nam tử biết tu hành, nay ta sẽ nói cho ông nghe về việc kính lễ Chư Phật.

 

 

Sở hữu tận pháp giới, hư không giới, thập phương tam thế nhất thiết Phật sát cực vi trần số chư Phật Thế Tôn.

Bao nhiêu các đức Phật Thế Tôn nhiều như số cực vi trần trong cõi Phật khắp pháp giới hư không giới mười phương ba đời,

Tận là cùng tận, nghĩa là tận cùng hư không, rộng khắp pháp giới, bao hàm cả mười phương (đông, tây, nam, bắc, đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc, trên, dưới); ba đời (quá khứ, hiện tại và tương lai), Chư Phật Thế Tôn số nhiều như số cực vi trần trong tất cả cõi nước của Chư Phật. Cực chính là đến cực điểm vậy.

 

Ngã dĩ Phổ Hiền hạnh nguyện lực cố, thâm tâm tín giải, như đối mục tiền, tất dĩ thanh tịnh thân ngữ ý nghiệp, thường tu lễ kính. Nhất nhất Phật sở, giai hiện bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát vi trần số thân; nhất nhất thân, biến lễ bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát cực vi trần số Phật.

Tôi do nơi hạnh nguyện của Phổ Hiền thâm tâm tín giải như đối trước mắt, đều dùng thân, khẩu, ý ba nghiệp thanh tịnh thường tu hạnh lễ kính. Nơi mỗi đức Phật đều hóa hiện thân nhiều như số cực vi trần trong bất khả thuyết cõi Phật. Mỗi thân đều khắp lễ kính các đức Phật nhiều như số cực vi trần trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật.

“Tôi do nơi hạnh nguyện của Phổ Hiền thâm tâm tín giải”: Vì tôi tu hạnh Phổ Hiền, hạnh Phổ Hiền là hạnh lớn, những hạnh môn này khắp cả pháp giới, tận cùng cả hư không. Tôi nhờ nhân duyên sức đại nguyện tu hành của Bồ-tát Phổ Hiền, dùng tâm chân chính chí thành khẩn thiết để tin hiểu hết thảy Chư Phật.

“Như đối trước mắt”: Khi kính lễ Chư Phật, trong tâm nên quán tưởng: “Tôi đang ở trước Chư Phật, Chư Phật cũng đang ở trước mặt tôi”. Có bài kệ mà hễ ai lễ Phật đều cần phải biết và bài kệ đó cũng là nội dung quán tưởng khi lễ “Đại Bi Sám”:

Năng lễ, sở lễ tánh rỗng lặng
Cảm ứng đạo giao khó nghĩ bàn
Lưới Đế châu ví đạo tràng
Thích-ca Như Lai hiện ở trong
Trước Như Lai thân con ảnh hiện
Dập đầu đảnh lễ nguyện quay về.

Năng lễ sở lễ tánh không tịch
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì
Ngã thử đạo tràng như đế châu
Thích-ca Như Lai ảnh hiện trung
Ngã thân ảnh hiện Thích-ca tiền
Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ.

Chúng ta hiện đang lễ Phật, đó là năng lễ; Phật là đối tượng để chúng ta lễ, đó là sở lễ. Bất luận là người hành lễ, hay Phật được lễ, bản tính cả hai đều rỗng lặng. Tuy quý vị tự mình là không và Phật được lễ cũng là không, nhưng ở trong chỗ không ấy lại có một sức cảm ứng đạo giao, điều này thật ngoài sức tưởng tượng, chẳng thể nghĩ bàn. Chẳng thể nghĩ bàn, chính là “dứt đường ngôn ngữ, bặt tướng tâm hành” (ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt). Quý vị muốn nói cũng nói không ra, trong lòng quý vị muốn biết việc đó là như thế nào cũng chẳng thể nghĩ ra được. Đạo tràng của con cũng giống như mành lưới châu đặt trước cung điện của trời Đế Thích, tất cả ảnh tượng đều được phản chiếu trong mành châu ấy. Đạo tràng của chúng con cũng giống như mành lưới bảo châu ấy của trời Đế Thích, kim thân của Đức Phật Thích-ca hiện bày trong ánh sáng của mành châu ấy, thân con cũng giống như một cái bóng, hiện đang ở trước đức Phật Thích-ca Mâu-ni, năm vóc sát đất, một lòng lễ Phật.

Chúng ta lễ Phật phải giữ tâm như thế mà lễ, phải quán tưởng chúng ta đang ở trước Phật, Phật cũng đang ở trước chúng ta, như thế gọi là cùng ảnh hiện.

Khổng Tử ở Trung Qu ốc cũng nói: “Tế thần như thần tại”. Lúc quý vị cúng tế quỷ thần, thì phải quán tưởng như quỷ thần đang có mặt ở đây; Khổng Tử lại nói: “Như tại kỳ thượng, như tại kỳ tả hữu”. Quý vị lễ bái quỷ thần, phải xem như họ đang ngự phía trên quý vị hay đang ở hai bên quý vị. Chữ “như” là tưởng tượng như thế. Lễ Phật cũng thế, phải tưởng tượng như Phật ở phía trên hay hai bên mình. Nếu như Phật đang ở trước mặt quý vị thì đương nhiên quý vị sẽ cung kính lễ bái Ngài mà không thể đường đột thô tháo. Giống như khi chúng ta gặp người khác, chúng ta sẽ cung kính cúi chào người ấy. Nếu như người ấy không có ở đây thì chúng ta sẽ tùy tiện một chút, không có thái độ kính cẩn như khi đối diện. Cho nên lễ kính Chư Phật thì phải quán tưởng như đang đối trước các Ngài.

“Đều dùng thân, khẩu, ý ba nghiệp thanh tịnh”: “tất” là hoàn toàn; “dĩ” nghĩa là lấy, dùng. Dùng cả ba nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh để lễ Phật. Quý vị không thể trước tạo mười nghiệp ác rồi sau đó đến lễ Phật, mà phải thân, miệng, ý thanh tịnh đến lễ Phật. Thân có ba ác là giết hại, trộm cắp, dâm dục. Quý vị không thể đi ra ngoài giết hại, hai tay dính đầy máu tanh, sau đó biết mình có lỗi nên quay về lễ Phật để sám hối tội trạng của mình, cho đến khi không sát sinh thì quý vị cũng chẳng thèm lễ Phật, đó gọi là thân nghiệp không thanh tịnh. Quý vị cũng chẳng thể thấy người khác có vật đáng giá liền trộm đem về, sau đó lại nói: “Tôi trộm đồ vật của người khác là đã phạm vào giới trộm, tôi phải mau đến trước Phật lễ Phật sám hối!” Làm vậy, thân nghiệp cũng chẳng được gọi là thanh tịnh. Bất luận nam nữ, nếu quý vị đã làm nhiều việc không chân chính, sau đó nghĩ lại mình đã làm nhiều việc xấu như thế liền đến trước Phật cầu lễ bái, cầu xin sám hối, đó cũng gọi là thân nghiệp không thanh tịnh. Quý vị cần phải không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm thì sau đó lễ Phật mới có cảm ứng.

Ý có ba ác tham, sân, si. Vì sao từ sáng đến tối chúng ta bận túi bụi như thế mà cũng chẳng chịu nghỉ ngơi? Chính là vì tâm tham. Bị tâm tham này sai sử, quý vị chẳng lúc nào có thời gian nhàn rỗi. Lại còn tâm sân, tham đồ vật nhưng không đạt được theo ý mình thì quý vị liền khởi sinh phiền não. Vì sao sinh phiền não? Vì quá ngu si nên sinh phiền não. Nếu là người thông minh trí tuệ, cho dù gặp phải bất kỳ sự việc nào cũng sẽ không buồn phiền. Chúng ta vì ngu si nên mới sinh phiền não. Ngu si đến mức nào? Người ngu si rất đáng cười, nhưng cũng thật đáng thương. Họ chưa hề được học qua tiểu học, trung học, đại học, khi nhìn thấy người ta đạt được học vị tiến sĩ, được mọi người gọi là tiến sĩ gì gì đó rất là vinh hạnh nên họ cũng muốn có được học vị tiến sĩ. Vốn chưa từng đi học thì ai có thể cấp văn bằng tiến sĩ cho quý vị! Có người chưa học Phật pháp, cũng chẳng nghe kinh, nhưng người ấy nghe nói thành Phật là quả vị tối cao không ai bằng, nên cũng muốn thành Phật. Đó là chẳng phải là ngu si ư? Có người vốn không có vốn mà lại muốn buôn bán kiếm lời, không có tiền vốn làm sao có thể buôn bán kiếm lời! Lại có một loại người rất đáng cười, họ vốn không mua vé số mà lại muốn dành phần thưởng hạng nhất, đâu thể có lý này.

Lại có một hạng người càng ngu si hơn, họ nói:

Hoa đẹp khoe mình vào mỗi sáng
Trăng tỏ đâu ngại đêm đêm tròn
Khắp nơi có suối đều thành rượu
Rừng sâu khắp chốn mọc dao tiền

Hảo hoa thường linh triêu triêu diễm,
Minh nguyệt hà phương dạ dạ viên;
Đại địa hữu tuyền giai hóa tửu,
Trường lâm vô thọ bất dao tiền.

Người yêu hoa thì nghĩ nếu như hoa ấy tươi mãi, đẹp mãi, vĩnh viễn không tàn úa thì hay biết mấy. Quý vị xem! Đó chính là vọng tưởng. Người ấy lại nghĩ, ngày trăng tròn là lúc trăng đẹp nhất, cớ gì lại phải khuyết? Nếu trăng mỗi đêm đều tròn như thế thì đêm đêm đều có ánh sáng vằng vặc thật đẹp. Người thích uống rượu lại nghĩ nếu như tất cả dòng suối trên trái đất này đều biến thành rượu thì khi muốn uống liền có thể lấy uống tùy ý, như thế thật tốt biết bao! Nhưng tiếc là việc ấy không thể được. Người tham tài lại nghĩ nếu tất cả cây trong rừng đều biến thành cây “dao tiền”, khi cần dùng đến, chỉ cần leo lên cây hái về một ít là được, như thế quá tốt! Nhưng điều đó cũng chẳng thể làm được. Rượu khắp nơi đều có, tiền cũng muốn như thế; “hoa đẹp khoe mình vào sáng sớm” là muốn cho sắc hoa mãi không bị biến đổi; “trăng tỏ đâu ngại đêm đêm tròn” là thuộc về “khí” (khí nộ, “tỳ khí”, sân). Vì sao nói là thuộc về “sân”? Vì họ mong mỏi đêm đêm trăng đều tròn sáng, nhưng trăng không thể đêm nào cũng tròn nên người ấy không được như ý, không được như ý chính là một dạng của nóng giận (“tỳ khí”). Vì thế bốn câu này là biểu hiện cho “tửu, sắc, tài, khí” (tứ đổ tường cũng là tham sân si). Nếu không ngu si thì sẽ không có những phiền não như thế. Đây thuộc về nghiệp của ý.

Khẩu, nghiệp chướng mà miệng chúng ta tạo gồm có: ỷ ngữ, vọng ngôn, ác khẩu, lưỡng thiệt. Ỷ ngữ là chuyên nói những điều không chân chính, người nam thích nói với người nữ như thế như thế…; người nữ thích nói với người nam như thế như thế…toàn những lời tà mỵ, chẳng có chút ích lợi, cũng chẳng có đạo lý. Vọng ngôn chính là vọng ngữ. Vọng ngữ có đại vọng ngữ, trung vọng ngữ và tiểu vọng ngữ. Đại vọng ngữ là ví như quý vị giết người, nhưng khi người ta hỏi quý vị có giết người không? Quý vị đáp: “Tôi không giết người, không phải tôi!” Thậm chí đến trộm cắp, tà dâm đều giống như thế, đó chính là đại vọng ngữ. Ác khẩu là phát ra những lời hung ác, làm cho mọi người đều không muốn nghe. Lưỡng thiệt là thích làm rắn hai đầu, gây chuyện thị phi.

Nếu có những lỗi lầm kể trên đều gọi là nghiệp thân, miệng, ý không thanh tịnh, nhưng điều hôm nay nói là phải thanh tịnh ba nghiệp thân, miệng, ý để lễ Phật.

“Thường tu hạnh lễ kính”: luôn luôn tu tập ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh để lễ Phật. Như trên vừa nói, người phạm sát sinh, trộm cắp, tà dâm mà đến lễ Phật là không thanh tịnh. Nhưng tuy không thanh tịnh song quý vị còn biết cải sửa lỗi lầm, làm mới lại mình để lễ Phật, điều đó còn tốt hơn nhiều so với người không chịu lễ Phật, nhưng vẫn không được gọi là thân khẩu ý thanh tịnh lễ Phật. Nay chúng ta kính lễ Chư Phật, muốn cho ba nghiệp thân khẩu ý luôn thanh tịnh thì phải thường tu hạnh kính lễ này.

“Nơi mỗi đức Phật đều hóa hiện thân nhiều như số cực vi trần trong bất khả thuyết cõi Phật”: Chư Phật nhiều vô lượng vô biên như thế, nên khi lễ Phật, chúng ta phải quán tưởng trước mỗi vị Phật chúng ta đều hiện thân chẳng thể nói, chẳng thể bàn, nói chẳng cùng, nói chẳng tận, nhiều như số cực vi trần ở cõi nước Chư Phật để lễ bái các Ngài. Vì Phật pháp là cảnh giới không thể nghĩ bàn, quý vị chỉ cần phát tâm lễ Phật khắp cả pháp giới như thế thì công đức lễ lạy của quý vị cũng sẽ khắp đầy pháp giới.

Đầu tiên, Thiện Tài đồng tử bái Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi làm thầy. Sau đó, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi lại dạy Thiện Tài đồng tử đi về phía nam tham bái năm mươi ba vị Thiện tri thức,trong đó có Bồ-tát Di-lặc. Thiện Tài đến chỗ của Bồ-tát Di-lặc, nhìn thấy chỗ ở của Bồ-tát lầu gác đều được trang nghiêm bằng bảy báu, trùng trùng vô tận—trong lầu gác có lầu gác, trong lầu gác ấy lại có lầu gác nữa, không biết số bao nhiêu mà kể. Trong mỗi lầu gác lại có một vị Bồ-tát Di-lặc đang thuyết pháp. Thiện Tài cũng không biết được là có bao nhiêu Bồ-tát Di-lặc và thân mình ảnh hiện ra bao nhiêu thân ở đó đảnh lễ Bồ-tát, có nhiều vô lượng vô biên thân chẳng thể tính kể như thế.

Nay chúng ta đang giảng về Kinh Hoa Nghiêm  thì phải tu môn “pháp giới quán” này, tức là quán tưởng pháp giới. Thí như quý vị lễ bái Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, thân quý vị tuy ở tại Phật đường này lễ Kinh, nhưng quý vị phải quán tưởng ở trước Chư Phật nhiều như số vi trần trong mười phương đều có thân quý vị ở đó lễ bái Kinh Pháp Hoa. Quý vị phải phát tâm vô tận vô tận như thế. Tất cả đều do tâm tạo, tâm lượng của quý vị biến khắp pháp giới, hiện ra vô số thân lễ bái vô số Chư Phật và vô số Chư Phật cũng đều tiếp nhận được sự lễ bái này của quý vị.

“Mỗi thân đều khắp lễ kính các đức Phật nhiều như số cực vi trần trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật”: Mỗi một thân này của quý vị đều có thể kính lễ một cách cùng khắp, kính lễ Chư Phật nhiều như số cực vi trần bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật. Tuy chưa thành Phật nhưng quý vị có thể quán tưởng như thế, có thể hiện thân ra trước mỗi vị Phật kính lễ các Ngài.

Chúng ta trong kỳ nghỉ hè này, tuy số người tham dự khóa tu không nhiều nhưng cũng có người có thành tâm, tọa thiền rất tốt. Nói đến tu tập, nhiều người cũng tốt, ít người cũng tốt; một người cũng chẳng ít mà vạn vạn người cũng chẳng nhiều. Vì sao thế? Vì tu đạo là tự mình tu đạo của mình, chẳng phải người bên cạnh tu thay mình được, mình cũng chẳng tu dùm người bên cạnh được. Vì thế nên nói: “Tự mình ăn tự mình no, tự mình chịu sinh tử, tự mình giải thoát” (tự kỷ ngật phạn, tự kỷ bảo; tự kỷ sinh tử, tự kỷ liễu). Lúc Đức Phật còn tại thế, Tôn giả A-nan cho rằng Phật là anh của mình, nên mình có thể không cần tu đạo, không cần tu tập định lực, kết quả là những vị A-la-hán, đại Tỳ-kheo khác đều chứng quả mà Ngài vẫn giậm chân mãi ở Sơ quả.

Ngày nay có người hỏi tôi: Vì sao lúc tọa thiền tay hoặc chân của mình bị dao động, đó là vì lẽ gì? Đó là một hiện tượng nhỏ cần phải có trong quá trình ngồi thiền. Có người thắc mắc: “Vì sao có người chẳng có hiện tượng đó?” Đó là do người ấy công phu chưa đủ, hoặc là đã trải qua cảnh giới này. Tay chân lay động là tự nó lay động và không chỉ tay chân mới lay động mà có lúc con mắt cũng tự nhiên máy động, mở ra rồi nhắm lại, nhắm lại rồi mở ra, nó khiến cho mình không biết phải làm thế nào. Không muốn nó mở thì nó cũng mở, mở rồi thì nhắm, cứ như thế giống như nháy mắt vậy, nháy rất nhanh, rất nhanh. Người không hiểu bèn nói: “Không biết có phải bị trúng tà không? Có phải ma vương đến rồi chăng, nó đến nên khiến cho thân mình bị chấn động như thế?”

Hoặc có người lo lắng: “Có phải mình bị bệnh rồi chăng?” Hoặc có người tự cảm thấy tình trạng này thật đáng sợ, có phải mình sắp bị điên không? Quý vị không cần phải sợ hiện tượng này, nó là biểu hiện của sự lưu thông khí huyết, nhân vì trước đây quý vị chưa từng dụng công như thế nên khí huyết không thông thoáng; nay quý vị vừa dụng công thì khí huyết liền lưu động, làm cho những chỗ trước kia chưa được lưu thông nay đều lưu thông. Khi khí huyết lưu thông, đôi khi có những chỗ khí huyết nhất thời chưa đi qua được nên có sự chấn động nhẹ như thế. Chấn động này thường sẽ xảy ra ba mươi sáu lần nhưng do quý vị không để ý đến số lần đó mà thôi. Có khi tay rung động, lúc thì đùi rung động, hoặc chỗ khác rung động, tất cả đều là ba mươi sáu lần. Do vì trên thân thể con người có ba mươi sáu khớp xương lớn, khí huyết lưu thông qua mỗi khớp xương đều sẽ chấn động một chút, đây cũng có thể nói là đại địa chấn động theo sáu cách. Lúc đại địa có sáu thứ chấn động thì quý vị ngồi ở đây, gian phòng này giống như bị lay động, đừng sợ, đó chỉ là tác dụng của khí huyết lưu thông trong cơ thể con người.

 

Hư không giới tận, ngã lễ nãi tận, dĩ hư không giới bất khả tận cố, ngã thử lễ kính vô hữu cùng tận. Như thị nãi chí chúng sinh giới tận, chúng sinh nghiệp tận, chúng sinh phiền não tận, ngã lễ nãi tận; nhi chúng sanh giới nãi chí phiền não vô hữu tận cố, ngã thử lễ kính, vô hữu cùng tận. Niệm niệm tương tục vô hữu gián đoạn, thân ngữ ý nghiệp, vô hữu bì yếm.

Cõi hư không kia hết, sự lễ kính của tôi mới hết. Nhưng cõi hư không chẳng cùng tận nên sự lễ kính của tôi cũng không cùng tận. Nhẫn đến cõi chúng sanh hết, nghiệp chúng sanh hết, phiền não chúng sanh hết, sự lễ kính của tôi mới dứt. Nhưng cõi chúng sanh cho đến phiền não chẳng hết, nên sự lễ kính của tôi cũng không cùng tận, niệm niệm nối luôn không hở, ba nghiệp thân, khẩu, ý không hề nhàm mỏi.

“Cõi hư không kia hết, sự lễ kính của tôi mới hết”: Sao gọi là “không”? sao lại gọi là “hư”? “Hư” là không thật; “không” là không có. Cõi hư không ấy có từ khi nào? Chẳng biết. Khi nào nó sẽ bị diệt tận? Nó không có lúc bị diệt tận. Vì hư không không có khởi đầu, cũng chẳng có kết thúc, nó là vô thủy vô chung. Vậy đến khi nào cõi hư không vô thủy vô chung này không còn nữa thì sự kính lễ của con đối với mười phương chư Phật mới hết.

“Nhưng cõi hư không chẳng cùng tận nên sự lễ kính của tôi cũng không cùng tận”: Vì cõi hư không chẳng bao giờ cùng tận, nên sự kính lễ của con cũng không cùng tận; cho đến tận cùng đời vị lai, giờ giờ, phút phút con đều kính lễ chư Phật.

“Nhẫn đến cõi chúng sanh hết, nghiệp chúng sanh hết, phiền não chúng sanh hết, sự lễ kính của tôi mới dứt”: Kính lễ chư Phật như thế, kính lễ mãi cho đến khi tất cả chúng sinh đều không còn, nghiệp của chúng sinh cũng không còn, phiền não của chúng sinh cũng cùng tận thì sự kính lễ của con mới cùng tận.

“Nhưng cõi chúng sanh cho đến phiền não chẳng hết, nên sự lễ kính của tôi cũng không cùng tận”: Nhưng cõi giới chúng sinh không bao giờ dứt, cho đến nghiệp và phiền não của chúng sinh cũng không bao giờ hết. Vì phiền não của chúng sinh từ vô minh sinh, nghiệp của chúng sinh do phiền não tạo thành, cõi giới chúng sinh từ nghiệp lực mà ra. Cõi chúng sinh, nghiệp của chúng sinh, phiền não của chúng sinh đã mãi mãi không cùng tận nên sức nguyện đảnh lễ chư Phật của con cũng không cùng tận.

“Niệm niệm nối luôn không hở”: Tâm niệm thành khẩn kính lễ Phật của con, niệm trước tiếp nối niệm sau, niệm sau lại tiếp nối niệm sau nữa, niệm niệm tiếp nối, liên tiếp không dứt.

“Ba nghiệp thân, khẩu, ý không hề nhàm mỏi”: Thân, miệng và ý niệm này của con chẳng bao giờ mệt mỏi. Con dùng ba nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh kính lễ chư Phật, mãi mãi chẳng bao giờ mệt mỏi và phiền chán, mãi mãi không bao giờ cùng tận.

 

========================================

2. Xưng Tán Như Lai

Phục thứ, Thiện nam tử! ngôn xưng tán Như Lai giả:

Lại này thiện nam tử! “Nói “Khen ngợi đức Như Lai” là như vầy:

“Lại này”: Là nói lại vấn đề một lần nữa.

“Thiện nam tử”: Phổ Hiền Bồ-tát bảo Thiện Tài: Ông là một Thiện nam tử giữ gìn năm giới, thực hành mười điều thiện, tu hành mật hạnh Bồ-tát. Thiện Tài đồng tử tuy thân là một đứa bé nhưng kỳ thật là một vị đại Bồ-tát, vì thế Bồ-tát Phổ Hiền mới gọi là Thiện nam tử.

“Khen ngợi đức Như Lai”: Vì sao gọi là xưng tán Như Lai? Nay tôi sẽ nói quý vị nghe.

 

Sở hữu tận pháp giới, hư không giới, thập phương tam thế nhất thiết sát độ, sở hữu cực vi nhất nhất trần trung, giai hữu nhất thiết thế giới cực vi trần số Phật; nhất nhất Phật sở, giai hữu Bồ-tát hải hội vi nhiễu.

Bao nhiêu số cực vi trần trong cõi nước khắp cùng hư không pháp giới mười phương ba đời, trong mỗi cực vi đều có các đức Phật nhiều như số cực vi trong tất cả thế gian.  Nơi mỗi đức Phật, đều có rất đông Bồ Tát vây quanh nhóm họp.

“Tận cùng pháp giới, hư không giới”: Pháp giới bao gồm pháp giới của Phật, pháp giới của Bồ-tát, cho đến pháp giới của Thanh Văn, Duyên Giác, chư thiên, loài người, A-tu-la, súc sinh, địa ngục và ngạ quỷ. Hợp mười loại này lại gọi là thập pháp giới. Mười loại pháp giới này đều không ngoài một niệm hiền tiền của chúng ta, một tâm niệm của chúng ta có đủ cả mười pháp giới. Mười pháp giới này lại có đầy đủ vô lượng pháp giới khác. Cho nên mới nói pháp giới là có nhiều vô lượng vô biên, cho đến hư không giới cũng vô cùng vô tận.

“Bao nhiêu số cực vi trần trong cõi nước khắp cùng hư không pháp giới mười phương ba đời, trong mỗi cực vi đều có các đức Phật nhiều như số cực vi trong tất cả thế gian”: Mỗi một hạt cực vi trần ở trong tất cả cõi nước của chư Phật thuộc mười phương ba đời, trong pháp giới, hư không giới vô cùng vô tận đều có chư Phật số nhiều như số cực vi trần của tất cả thế gian.

“Nơi mỗi đức Phật, đều có rất đông Bồ-tát vây quanh nhóm họp”: Ở chỗ mỗi một vị Phật đều lại có vô lượng vô số vô biên các vị đại Bồ-tát tụ hợp giống như biển lớn và cùng vây quanh đức Phật.

 

Ngã đương tất dĩ thậm thâm thắng giải hiện tiền tri kiến, các dĩ xuất quá Biện Tài Thiên Nữ vi diệu thiệt căn, nhất nhất thiệt căn, xuất vô tận âm thanh hải; nhất nhất âm thanh hải xuất nhất thiết ngôn từ hải, xưng dương tán tán nhất thiết Như Lai chư công đức hải, cùng vị lai tế, tương tục bất đoạn, tận ư pháp giới, vô bất chu biến.

Tôi phải trọn dùng sức thậm thâm thắng giải tri kiến hiện tiền, đều dùng lưỡi vi diệu hơn Biện Tài Thiên Nữ. Mỗi lưỡi phát xuất vô tận âm thinh hải. Mỗi âm thinh phát xuất tất cả ngôn từ hải,  khen ngợi các công đức hải của tất cả đức Như Lai, ca ngợi đến tột đời vị lai nối luôn không dứt, khắp cả pháp giới, không sót chỗ nào.

“Tôi phải trọn dùng sức thậm thâm thắng giải tri kiến hiện tiền”: Bồ-tát Phổ Hiền nói tôi phải dùng sự tu tập chứng đắc thâm sâu nhất, sự tin hiểu vượt bực nhất, sức thấy biết và tri kiến hiện tiền của tôi. “Tri” là trí tuệ; “kiến” cũng chính là kiến tánh.

“Đều dùng lưỡi vi diệu hơn Biện Tài Thiên Nữ”: Trước mỗi vị Phật, các vị Bồ-tát dùng chiếc lưỡi vi diệu vượt hơn biện tài của tất cả loài người và Thiên nữ. Chiếc lưỡi của Thiên nữ rất giỏi về biện luận nhưng vô ngại biện tài của Bồ-tát Phổ Hiền lại hơn hẳn sức biện tài của Biện Tài Thiên nữ.

Vô ngại biện tài gồm có bốn:

  1. Từ vô ngại biện: sử dụng ngôn từ không bị chướng ngại, giỏi về biện luận.
  2. Pháp vô ngại biện: ở nơi một pháp có khả năng khai triển ra vô lượng pháp, ở nơi vô lượng pháp có khả năng quy về một pháp.
  3. Nghĩa vô ngại biện: Từ một nghĩa lý có thể giảng nói thành vô lượng nghĩa, từ vô lượng nghĩa lại có thể qui về một nghĩa.
  4. Lạc thuyết vô ngại biện: Vui ưa thuyết pháp trong mọi thời mọi lúc đều không biết mệt mỏi.

Chiếc lưỡi vi diệu là chiếc lưỡi nói năng rất khéo, giảng rất hay khiến người bên cạnh nghe hoàn toàn tin tưởng, vui thích lắng nghe. Nếu chiếc lưỡi của quý vị không tốt thì khi nói ra không ai tin tưởng, cũng không ai muốn nghe.

“Mỗi lưỡi phát xuất vô tận âm thanh hải”: Mỗi một chiếc lưỡi vi diệu luôn phát ra biển âm thanh vô lượng vô biên không cùng tận.

“Mỗi âm thanh diễn xuất tất cả ngôn từ hải, khen ngợi các công đức hải của tất cả đức Như Lai”: Trong mỗi một biển âm thanh phát ra rất nhiều ngôn từ hoa mỹ để tán dương biển công đức vô lượng của hết thảy Như Lai trong mười phương ba đời.

“Ca ngợi đến tột đời vị lai nối luôn không dứt”: Cho đến tận cùng đời vị lai đều xưng tán công đức Như Lai một cách liên tục, không bao giờ gián đoạn như thế.

“Khắp cả pháp giới, không sót chỗ nào”: Tận cùng tất cả pháp giới, không nơi đâu không có âm thanh này vang tới, tất cả pháp giới đều vang lên âm thanh xưng tán Như Lai.

 

Như thị hư không giới tận, chúng sinh giới tận, chúng sinh nghiệp tận, chúng sinh phiền não tận, ngã tán nãi tận; nhi hư không giới nãi chí phiền não vô hữu tận cố, ngã thử tán thán vô hữu cùng tận. Niệm niệm tương tục vô hữu gián đoạn, thân ngữ ý nghiệp vô hữu bì yếm.

Như vậy hư không giới, chúng sanh giới, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não đều hết, thời sự khen ngợi công đức chư Phật của tôi đây mới cùng tận. Nhưng cõi hư không kia cho đến phiền não của chúng sanh chẳng cùng tận, nên sự khen ngợi của tôi cũng không cùng tận, nên sự khen ngợi của tôi cũng không cùng tận, niệm niệm nối luôn không hở, ba nghiệp thân, khẩu, ý không hề nhàm mỏi.

“Như vậy hư không giới, chúng sanh giới, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não đều hết, thời sự khen ngợi công đức chư Phật của tôi đây mới cùng tận”: Xưng tán Như Lai như thế, cho đến cõi hư không diệt tận, cõi chúng sinh diệt tận, phiền não của chúng sinh diệt tận thì sự tán thán này của tôi mới cùng tận.

“Nhưng cõi hư không kia cho đến phiền não của chúng sanh chẳng cùng tận, nên sự khen ngợi của tôi cũng không cùng tận”: Nhưng cõi hư không không thể diệt tận, cõi chúng sinh, nghiệp của chúng sinh, phiền não của chúng sinh cũng không cùng tận, vì thế sự xưng tán này của tôi cũng không bao giờ cùng tận.

“Niệm niệm nối luôn không hở”: Niệm này nối tiếp niệm kia liên tục không gián đoạn.

“Ba nghiệp thân, khẩu, ý không hề nhàm mỏi”: Ba nghiệp thân, miệng, ý của tôi luôn xưng tán Như Lai như thế, không bao giờ có sự chán mỏi, cũng không bao giờ sinh tâm chán ngán.

 

========================================

3. Rộng Tu Cúng Dường

Phục thứ, Thiện nam tử! ngôn quảng tu cúng dường giả:

Lại này thiện nam tử! “Nói “Rộng sắm đồ cúng dường” là như vầy:

“Lại này”: Vì sao nói lại nữa? Vì ở trước đã nói kính lễ chư Phật và xưng tán Như Lai rồi, tiếp phần này phải nói đến rộng tu cúng dường, vì thế nên nói “lại nữa”.

“Thiện nam tử”: Bồ-tát Phổ Hiền gọi Thiện nam tử là chỉ cho Thiện Tài đồng tử.

“Nói ‘Rộng sắm đồ cúng dường’ là như vầy”: Ngay bay giờ đây chúng ta sẽ nói đến pháp môn rộng tu cúng dường. Vì sao gọi là rộng tu cúng dường? Nay tôi sẽ giảng cho quý vị nghe, vì thế quý vị nên chú tâm lắng nghe.

 

Sở hữu tận pháp giới, hư không giới, thập phương tam thế nhất thiết Phật sát cực vi trần trung, nhất nhất các hữu nhất thiết thế giới cực vi trần số Phật; nhất nhất Phật sở, chủng chủng Bồ-tát hải hội vi nhiễu.

Bao nhiêu số vi trần trong khắp cõi Phật cùng hư không pháp giới mười phương ba đời, trong mỗi cực vi trần đều có chư Phật như số cực vi trong tất cả thế giới, nơi mỗi đức Phật có vô số Bồ Tát vây quanh nhóm họp.

“Tận cùng pháp giới hư không giới (sở hữu tận pháp giới, hư không giới)”: “Sở hữu” là bao quát hết thảy, bao quát pháp giới, hư không giới. Tận pháp giới là tận cùng pháp giới này, cùng khắp pháp giới, đầy trong pháp giới. Hư không giới, cũng là cùng khắp hư không giới, đầy khắp hư không giới.

“Bao nhiêu số vi trần trong khắp cõi Phật cùng hư không pháp giới mười phương ba đời, trong mỗi cực vi trần đều có chư Phật như số cực vi trong tất cả thế giới”: Hết thảy Phật sát trong mười phương ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Phật sát là cõi Phật, tất cả cõi nước của chư Phật. Trong tất cả cõi nước của chư Phật, đem mỗi một hạt vi trần chia thành bảy phần gọi là lân hư trần. Những cực vi trần (lân hư trần) này, bên trong mỗi hạt cực vi trần lại xuất hiện vô lượng vô biên thế giới, trong mỗi một thế giới lại có chư Phật nhiều như số cực vi trần đang chuyển pháp luân. Vi trần tuy nhỏ nhưng có thể hàm chứa cả thế giới, thế giới tuy lớn nhưng cũng không ngoài một hạt vi trần, đây gọi là trong nhỏ hiện lớn. Nên nói “Ở trong một hạt bụi hiện cõi nước Phật, Đức Phật ngồi trong hạt vi trần chuyển đại Pháp luân” (Ư nhất trần trung hiện Bảo Vương sát, tọa vi trần lý chuyển đại Pháp luân – Kinh Lăng Nghiêm). Ở trong một hạt vi trần cũng có thể hiện ra cõi Phật, đó là trong nhỏ hiện lớn, lớn không chướng ngại nhỏ; trong lớn hiện nhỏ, nhỏ cũng không chướng ngại lớn, lớn nhỏ dung nhiếp lẫn nhau, viên dung không ngăn ngại; nhỏ cũng chính là lớn, lớn cũng chính là nhỏ. Đó chính là cảnh giới trùng trùng vô tận, cũng chính là cảnh giới ánh sáng chiếu rọi, phản chiếu lẫn nhau.

“Nơi mỗi đức Phật có vô số Bồ-tát vây quanh nhóm họp”: Mỗi một chỗ Phật đều có vô số hải hội Bồ-tát khác nhau vây quanh. Phật nói pháp hội Kinh Kim Cang thì có Bồ-tát của hội Kim Cang vây quanh; Phật nói pháp hội Kinh Pháp Hoa thì có Bồ-tát của hội Pháp Hoa vây quanh. Phật nói pháp hội Kinh Bát Nhã  thì có Bồ-tát của hội Bát Nhã vây quanh, Phật nói pháp hội Kinh A-hàm thì có Bồ-tát của hội A-hàm vây quanh, Phật nói pháp hội Kinh Phương Đẳng  thì có Bồ-tát của hội Phương Đẳng vây quanh, Phật nói pháp hội Kinh Hoa Nghiêm thì có Bồ-tát của hội Hoa Nghiêm vây quanh. Phật nói pháp hội Kinh Lăng Nghiêm thì có Bồ-tát của hội Lăng Nghiêm vây quanh.

 

Ngã dĩ Phổ Hiền hạnh nguyện cố, khởi thâm tín giải, hiện tiền tri kiến.

Tôi dùng sức hạnh nguyện của Ngài Phổ Hiền mà khởi lòng tín giải rất sâu và hiện tiền tri kiến,

“Tôi dùng sức hạnh nguyện Phổ Hiền”: Tôi dùng nguyện lực tu hành rộng khắp.

“Mà khởi lòng tín giải rất sâu”: Khởi tâm tin hiểu sâu sắc.

“Hiện tiền tri kiến”: Thấy biết tất cả chư Phật và cõi nước Phật đều ở trong một niệm hiện tiền, đều không rời một niệm hiện tiền, một niệm trí tuệ. Phật pháp giống như biển lớn, quý vị có tín tâm mới có thể vào được; nếu quý vị không có tín tâm thì không thể vào được biển lớn, do đó nên nói: “Phật pháp như biển lớn, chỉ có lòng tin mới có thể vào” (Phật pháp như đại hải, duy tín năng nhập).

 

Tất dĩ thượng diệu chư cúng dường cụ nhi vi cúng dường: sở vi hoa vân, hoa tràng vân, thiên âm nhạc vân, thiên tán cái vân, thiên y phục vân, thiên chủng chủng hương, đồ hương, thiêu hương, mạt hương, như thị đẳng vân, nhất nhất lượng như Tu Di sơn vương. Nhiên chủng chủng đăng: tô đăng, dầu đăng, chư hương dầu đăng, nhất nhất đăng trụ như Tu Di sơn, nhất nhất dầu như đại hải thủy. Dĩ như thị đẳng chư cúng dường cụ, thường vi cúng dường.

Đều đem đồ cúng dường thượng diệu mà cúng dường pháp hội của Phật. Như là mây hoa, mây tràng hoa, mây âm nhạc cõi trời, mây tàn lọng cõi trời, mây y phục cõi trời, các thứ hương trời: hương xoa, hương đốt, hương bột. Các thứ mây trên đây thảy đều nhiều lớn như núi Tu Di. Lại thắp các thứ đèn, đèn tô lạc, đèn dầu, các thứ đèn dầu thơm mỗi tim đèn lớn như núi Tu Di, dầu trong đèn như nước bể cả. Ðem các thứ đồ cúng dường như trên để thường cúng dường.

“Đều đem đồ cúng dường thượng diệu mà cúng dường pháp hội của Phật”: Hoàn toàn dùng những vật tốt nhất, không có vật nào tốt hơn để cúng dường chư Phật, Bồ-tát. Những vật phẩm cúng dường thượng diệu gồm những thứ gì?

“Như mây hoa”: Hoa nhiều vô lượng vô biên giống như mây; “Mây tràng hoa”: Lại có một loại gọi là mây vòng hoa thơm, tức là vật cúng dường làm bằng hoa hoặc lụa giống như tràng phan rất trang nghiêm.

“Mây âm nhạc cõi trời”: Lại tấu lên vô số bản nhạc cõi trời, tấu âm nhạc cũng là một loại cúng dường, thế nên trong cung của Ngọc Hoàng (Indra or Shakra) có Càn-thát-bà và Khẩn-na-la chuyên phụ trách tấu nhạc cho Ngọc Hoàng nghe, họ dùng âm nhạc tấu lên cúng dường Phật.

“Mây tàn lọng cõi trời”: Lọng mây của cõi trời chính là khói hương mà quý vị đốt, chúng bay lên không trung ngưng kết lại giống như một cây dù che phủ chúng sinh. Ở phần đầu Chú Lăng Nghiêm có “lọng báu trắng lớn” (Đại bạch tán cái); quý vị tụng thần chú này thì trên hư không sẽ xuất hiện một lọng báu trắng lớn, nơi được lọng báu trắng lớn ấy che phủ sẽ không có tai nạn xảy ra, sẽ không bị động đất, cũng không bị thiên tai… tai nạn gì cũng đều không có.

“Mây y phục cõi trời”: Y phục của cõi trời rất nhẹ và rất đẹp, giống như y phục có pha ni-lông hiện nay của chúng ta, vô cùng nhẹ và vô cùng đẹp.

“Các thứ hương trời”: Trên trời lại có các loại hương; quý vị niệm Chú Đại Bi niệm một cách thành tâm thì sẽ có một làn hương thơm, hương thơm ấy không phải là hương chiên-đàn hay các thứ hương khác do chúng ta đốt ở nhân gian, nhân gian không có mùi hương ấy. Đó là do vì quý vị niệm chú này nên tất cả quỷ thần dùng mùi hương ấy để cúng dường quý vị và quý vị cũng cảm nhận được mùi hương ấy. Nhưng quý vị phải thành tâm, nếu không thành tâm sẽ không có mùi hương. “Hương xoa”: chính là thứ hương dùng để thoa lên thân, nhưng hương xoa ở đây không phải để xoa lên thân mà là một loại hương đặt ở trước Phật để cúng dường Ngài. “Hương đốt”: Chính là loại hương dùng để đốt. “Hương bột”: Chính là bột hương, phấn hương.

“Các thứ mây trên đây thảy đều nhiều lớn như núi Tu Di”: Giống như ở trên đã nói về các thứ mây cúng dường. Lượng của chúng bao nhiêu? Số lượng của mỗi một thứ lớn như núi chúa Tu-di, nhiều như núi chúa Tu-di! Quý vị nói xem, cúng dường như thế có phải là cúng dường lớn không!

Núi Tu-di là tiếng Phạn (Sumeru), dịch là núi Diệu Cao, nghĩa là núi đó cao không thể tưởng tượng, bao quanh núi Tu-di có bảy lớp biển Hương Thủy, ngoài bảy lớp biển Hương Thủy lại có bốn châu lớn, đó là Đông Thắng Thần châu (Purvavideha), Nam Thiệm-bộ châu (Jambudvipa), Tây Ngưu Hóa châu (Aparagodaniya) và Bắc Câu-lư châu (Uttarakuru). Núi Tu-di ấy cao bao nhiêu? Cao tám vạn bốn nghìn do tuần (yojana), mặt trăng và mặt trời chỉ ở độ cao một nửa núi Tu-di, Tứ thiên vương cũng ở độ cao một nửa núi Tu-di; như vậy núi Tu-di cao hơn cả cõi Tứ thiên vương. Núi Tu-di cao như thế, mỗi vật cúng dường của quý vị lớn như núi Tu-di, số lượng ấy là lớn nhất, có thể nói là số lượng không thể nghĩ bàn.

“Lại thắp các thứ đèn”: Đốt, chính là thắp đèn, thắp lên vô số loại đèn chứ không phải chỉ một loại. Thắp các loại đèn ấy đặt ở đâu? Thắp đèn ở trước Phật để cúng dường Ngài, cốt là để cho phía trước mặt được sáng, do quý vị thắp đèn làm cho phía trước Phật được sáng nên nhờ đó mà mắt của quý vị cũng được sáng; mắt sáng chính là phước báo của việc thắp đèn cúng Phật. Còn nếu mắt không sáng? Đó là do quý vị chưa từng dâng đèn cúng dường Phật. Các thứ đèn ấy gồm những loại nào?  “Đèn tô lạc”: Đèn được thắp bằng bơ, nghĩa là dùng một dạng của sữa để thắp. “Đèn dầu”: Là loại đèn có dầu, dùng loại dầu thông thường để thắp. “Các thứ đèn dầu thơm”: Là đèn được thắp bằng các loại dầu thơm như dầu mè…

Trong Mật tông có một loại pháp gọi là Hộ Ma, vị đại sư Kim cang Mật tông, ngay phía trước mình, đốt một đống lửa bằng dầu bơ hoặc dầu thông thường và trì chú. Có người đem y phục hay những vật cúng dường khác bỏ vào đống lửa đốt để cúng dường Phật. Nghe nói vật được đốt cúng dường càng có giá trị bao nhiêu thì càng có công đức bấy nhiêu. Nếu quý vị đem vàng để đốt thì công đức cúng dường ấy rất lớn. Trên thực tế, công đức lớn nhỏ không phải như thế, chẳng thể nói quý vị đốt vàng công đức mới lớn, còn quý vị đốt một khối bùn thì công đức sẽ nhỏ. Sự lớn nhỏ của công đức hoàn toàn tùy thuộc vào tâm thành của quý vị. Vật quý giá nhất mà quý vị có thể đem cúng dường Phật chứng tỏ quý vị có tâm thành, có tâm thành thì có công đức, tuyệt đối chẳng phải nhất định đốt vàng mới có công đức. Đốt bao nhiêu đèn thì việc ấy cũng giống như đạo lý này trong Mật tông. Suy cho cùng những vật ấy một khi đã đốt sẽ mất hết, rốt cuộc tốt chỗ nào chứ? Đây chính là thử nghiệm quý vị có tâm thành hay không. Nếu quý vị có tâm bố thí thật sự thì có đốt gì cũng không tiếc, công đức được nói ở đây chính là một loại tâm xả.

“Mỗi tim đèn lớn như núi Tu Di”: Tim của mỗi ngọn đèn đều lớn như núi Tu-di. “Dầu trong đèn như nước bể cả”: Dầu dùng để đốt đèn nhiều như nước biển lớn, sự cúng dường như thế, ai có thể cúng dường nổi chứ? Ai có thể cúng dường tim đèn lớn như núi Tu-di, dầu thắp đèn nhiều như nước bốn biển? Đó chính là điều mà Kinh Hoa Nghiêm  gọi là “lượng pháp giới, tánh pháp giới”. Chỉ cần quý vị thành tâm cúng dường thì lượng ấy sẽ bằng núi Tu-di, lượng ấy sẽ bằng nước bốn biển chứ chẳng phải nhất định phải dùng lượng dầu thắp đèn nhiều như nước bốn biển. Nếu quý vị phát tâm thành kính thì lượng cúng dường ấy bằng với sa giới, nhiều như số cát sông Hằng. Ở đây nói núi chúa Tu-di không hề mang ý nghĩa phải thật giống núi Tu-di mà là nói quý vị phát tâm lớn như núi Tu-di thì lượng của vật cúng dường cũng sẽ lớn bằng núi Tu-di. Quý vị phát tâm nhỏ thì công đức cúng dường của quý vị cũng nhỏ.

“Ðem các thứ đồ cúng dường như trên để thường cúng dường”: giống như trên vừa nói vô số các loại đồ dùng cúng dường đều cúng dường với số lượng nhiều như thế.

Trước đây có người rất nghèo, người ấy mua được một cân dầu đến chùa Kim Sơn thuộc Trấn Giang, Tô Châu để cúng Phật, ông đốt đèn để trước Phật. Phương trượng của chùa Kim Sơn là một vị minh nhãn nhân, tức là người đã chứng đắc Ngũ Nhãn. Trước đó một ngày, vị Phương Trượng đã báo trước cho vị Tăng tri khách rằng: “Ngày mai con hãy mở cửa chính điện, khoảng mười giờ sẽ có một vị đại hộ pháp đến đây để cúng Phật. Sau khi vị ấy cúng dường xong, con  nên mời vị ấy dùng cơm chay ở phòng Phương Trượng, đừng để vị ấy đi và phải ân cần đối với vị hộ pháp ấy”. Ngày hôm sau, vị Tăng tri khách lo quét dọn các nơi sạch sẽ và mở cửa chính để đợi vị đại hộ pháp.

Lúc vị hộ pháp đến chùa, Phương Trượng liền mặc áo dài ra đón tiếp. Vị hộ pháp ấy hình dạng như thế nào? Là một người hết sức nghèo, tay xách một cân dầu để cúng Phật nhưng Hòa Thượng Phương Trượng rất nồng nhiệt đón tiếp vị ấy, lại mời vị ấy vào phòng Phương Trượng dùng cơm. Vì sao cúng dường một cân dầu mà Hòa Thượng Phương Trượng nồng nhiệt đón tiếp vị ấy như thế? Chính vì toàn bộ tài sản cả một đời của người ấy chỉ đủ để mua được một cân dầu, vị ấy đem toàn bộ số tiền đó mua dầu cúng Phật.

Bấy giờ cũng có một người giàu có đang lễ Phật, khi thấy vị cúng Phật một cân dầu được Hòa Thượng Phương Trượng tiếp đãi ân cần như thế nên ngày hôm sau vị người ấy đã mua một nghìn cân dầu mang đến chùa và thắp đèn cúng dường trước Phật, vị ấy nghĩ: “Hôm qua người kia chỉ cúng một cân dầu mà vị Phương Trượng đã tiếp đãi tốt như thế, nay ta cúng một nghìn cân dầu thì đương nhiên vị Phương Trượng tiếp đãi ta lại càng tốt hơn”. Nhưng vị ấy hoàn toàn không biết rằng lần này Phương Trượng cũng biết trước nên gọi vị Tăng tri sự nói: “Ngày mai lại có một vị hộ pháp mang dầu đến cúng, đốt đèn trước Phật, con nên mở cửa một bên cho vị ấy vào và lưu vị ấy dùng cơm ở khách đường, chẳng cần phải vào phòng Phương Trượng”. Vị tri khách theo lời dạy của Phương Trượng mà lo liệu nhưng trong lòng còn hồ nghi.

Đợi lo xong việc của hai vị hộ pháp, thầy tri sự mới đến hỏi Phương Trượng:

-Thưa Thầy! Vì sao đón vị bần cùng chỉ cúng một cân dầu  thì phải mở cửa chính và còn thỉnh vị ấy thụ trai trong phòng Phương Trượng? Còn vị có tiền đem cúng một nghìn cân dầu thì vì sao Phương Trượng cũng chẳng đích thân ra đón tiếp họ cũng không mở cửa chính lại còn chỉ lưu lại dùng cơm ở phòng khách?

Vị Phương Trượng đáp:

-Con có biết không! Người mang một cân dầu, vị ấy chỉ có vỏn vẹn bấy nhiêu tiền, và đã đem toàn bộ số tiền ấy để mua dầu cúng Phật, còn người mua một nghìn cân dầu thì tiền rất nhiều, không chỉ mua một nghìn cân mà có thể mua cả vạn vạn cân nên đối với họ phần đã cúng là rất bình thường, vì thế thầy không cần đích thân ra nghinh tiếp.

Xét từ câu chuyện đó, cúng Phật quan trọng nhất là tâm thành, tâm thành của quý vị đến cực độ thì sẽ có công đức, nếu quý vị không thành tâm thì dù quý vị có cúng dường nhiều cũng chẳng có công đức bao nhiêu.

 

Thiện nam tử! Chư cúng dường trung, Pháp cúng dường tối! Sở vi như thuyết tu hành cúng dường, lợi ích chúng sanh cúng dường, nhiếp thọ chúng sanh cúng dường, đái chúng sanh khổ cúng dường, cần tu thiện căn cúng dường, bất xả Bồ-tát nghiệp cúng dường, bất ly Bồ-đề tâm cúng dường.

Thiện nam tử ! Trong các thứ cúng dường, pháp cúng dường là hơn hết. Pháp cúng dường là: Tu hành đúng theo lời Phật dạy để cúng dường, làm lợi ích cho chúng sanh để cúng dường, chịu khổ thế cho chúng sanh để cúng dường, nhiếp thọ chúng sanh để cúng dường, siêng năng tu tập căn lành để cúng dường, không bỏ hạnh Bồ Tát để cúng dường, chẳng rời tâm Bồ Ðề để cúng dường.

“Thiện nam tử”: Bồ-tát Phổ Hiền lại gọi Thiện Tài bằng từ Thiện nam tử. “Trong các thứ cúng dường, Pháp cúng dường là hơn hết”: Trong các cách cúng dường, giảng kinh thuyết pháp cho người nghe là cách cúng dường lớn nhất. Kinh Phạm Võng nói rằng nếu quý vị có thể giảng kinh thuyết pháp cho người khác nghe thì một ngày quý vị tiêu hết ba lượng vàng cũng không phải là quá, mức thọ nhận đó có thể chấp nhận được. Nhưng chúng ta không nên cho rằng một ngày có thể thọ nhận ba lượng vàng cúng dường và đem đi tiêu hết mà chẳng cần sinh tâm tàm quý (hổ thẹn). Tuy Kinh nói như thế nhưng chúng ta cũng không thể tự mãn mà nói rằng: “Tôi giảng kinh thuyết pháp, nếu một ngày cúng dường cho tôi ba lượng vàng thì tôi có tiêu hết cũng đáng”. Kinh Kim Cang cũng nói nếu quý vị đem bảy báu bố thí khắp tam thiên đại thiên thế giới, công đức ấy cũng không lớn bằng công đức quý vị giảng cho người nghe bốn câu kệ. Vì thế trong các sự cúng dường, cúng dường pháp là quý nhất. Hiện nay, mỗi ngày tôi đều giảng kinh thuyết pháp cho quý vị nghe, đó là bố thí pháp và cũng là dùng pháp cúng dường Phật. Chúng ta ở đây chuyển pháp luân, giảng kinh thuyết pháp đều được gọi là cúng dường pháp.

“Pháp cúng dường là: Tu hành đúng theo lời Phật dạy để cúng dường”: Ví như nghe giảng về bố thí ba-la-mật, có người liền tu theo pháp bố thí; nghe giảng về trì giới ba-la-mật, có người liền tu trì giới ba-la-mật, ăn mỗi ngày một bữa; nghe giảng về nhẫn nhục ba-la-mật, người thật sự hiểu biết Phật pháp liền tu nhẫn nhục, không khởi sân hận, không chấp tướng nhân, tướng ngã, tướng chúng sinh, tướng thọ giả; có người nghe nói về tinh tấn ba-la-mật thì đêm ngày sáu thời tinh tấn, luôn nương pháp tu hành; có người nghe giảng về thiền định ba-la-mật, biết được bốn thiền tám định có thể sinh ra vô lượng công đức, đạt được vô số các môn giải thoát thì liền nương theo thiền định ba-la-mật tu hành; có người nghe được bát-nhã-ba-la-mật liền tu bát-nhã-ba-la-mật, không khởi niệm tưởng ngu si; có người nghe giảng về Tứ thánh đế Khổ, Tập, Diệt, Đạo liền nương theo pháp Tứ đế tu hành, biết Khổ, dứt Tập, mến Diệt, tu Đạo (tri Khổ, đoạn Tập, mộ Diệt, tu Đạo); có người nghe giảng về Mười hai nhân duyên liền nương theo pháp Mười hai nhân duyên tu hành; có người nghe giảng về Bốn tâm vô lượng Từ, Bi, Hỷ, Xả liền nương vào bốn tâm vô lượng ấy tu hành. Nói tóm lại là nghe thấy pháp môn gì thì liền thực hành theo pháp môn ấy, đó gọi là cúng dường bằng cách như pháp tu hành.

Bàn đến “Trong tất cả sự cúng dường, pháp cúng dường là bậc nhất” thì Phật Thích-ca-mâu-ni lúc còn ở nhân địa cũng đã từng vì nửa bài kệ mà xả bỏ thân mệnh. Một bài kệ có bốn câu thì nửa bài kệ có hai câu. Đức Phật Thích-ca-mâu-ni lúc còn ở nhân địa tu hành hết thảy thiện pháp, có một hôm Ngài nghe được một con quỷ La-sát nói:

Các hành vô thường
Là pháp sinh diệt
Chư hành vô thường
Thị sinh diệt pháp.

Đức Phật Thích-ca-mâu-ni vừa nghe xong liền hỏi:

-Ồ! Câu kệ ngươi nói vừa rồi là Phật pháp, nhưng ngươi chỉ mới nói một nửa, còn lại một nửa sau ngươi có thể nói hết cho ta nghe chăng?

Quỷ La-sát đáp:

-Không sai, kệ ta nói chính là Phật pháp, nhưng hiện nay ta rất đói, không có sức để nói tiếp nên muốn tìm một người để ăn, ta ăn xong mới có sức nói tiếp.

Đức Phật Thích-ca-mâu-ni thoáng nghĩ, liền bảo:

-Ngươi hãy nói xong bài kệ rồi ta sẽ để ngươi ăn thân ta được không?

La-sát hỏi lại:

-Ngươi thật có thể để ta ăn ư?

Đức Phật Thích-ca-mâu-ni đáp:

-Ta để cho ngươi ăn, nhưng trước tiên ngươi phải nói xong bài kệ ấy đã, sau khi ta hiểu rõ được pháp ấy thì ngươi có ăn ta, ta cũng mãn nguyện.

La-sát nói:

-Được!

Rồi đọc tiếp:  
Sinh diệt dứt rồi
Tịch diệt là vui

Sinh diệt diệt dĩ
Tịch diệc vi lạc.

Nói kệ xong, La-sát bảo Đức Phật Thích-ca-mâu-ni:

– Pháp ấy ta đã nói xong rồi. Nay ta có thể ăn ngươi được rồi chứ?

Đức Phật Thích-ca-mâu-ni bảo:

-Xin hãy đợi chốc lát, lát nữa ta sẽ để ngươi ăn.

Quỷ La-sát hỏi:

-Sao! Ngươi đã hối hận rồi chăng? Lúc nãy ngươi đã hứa với ta rồi, nay lại muốn nuốt lời ư?

Thích-ca-mâu-ni Phật từ tốn:

-Không phải thế, do vì bốn câu kệ Phật pháp ngươi vừa nói, đa số mọi người chưa từng được nghe nên nay ta muốn dùng dao khắc bốn câu kệ này lên thân cây, đợi ta khắc xong người hãy ăn ta, như thế được không?

Quỷ la-sát ngẫm nghĩ rồi nói:

-Cũng được, ngươi hãy khắc kệ lên cây đi.

Thế là Đức Phật Thích-ca-mâu-ni dùng dao lột bỏ lớp vỏ cây bên ngoài rồi khắc bốn câu kệ lên thân cây. Khắc xong, Ngài lại nghĩ thân cây không được lâu bền, nhưng lúc ấy quỷ a-sát lại đòi ăn ngài.

Ngài khẩn khoản:

-Người hãy đợi ta chốc lát, ta muốn cho tất cả mọi người đều biết được bài kệ Phật pháp này, nhưng thân cây không được bền chắc, đợi ta khắc bốn câu này vào đá, sau đó ngươi ăn ta cũng không muộn. Chẳng phải ta ích kỷ cho riêng mình mà ta muốn cho tất cả chúng sinh đều biết rõ Phật pháp.

La-sát ngẫm nghĩ, rồi bảo:

-Thôi được, thế ngươi bắt đầu làm đi, chẳng nên kéo dài thời gian nữa.

Thế là Đức Phật Thích-ca-mâu-ni khắc bốn câu kệ lên đá. Khắc xong, Ngài mời la-sát đến ăn ngài.

Bấy giờ, la-sát hỏi lại:

-Ngươi thật muốn để ta ăn thịt ngươi sao?

Đức Phật đáp:

-Đương nhiên rồi, ta không nói dối đâu, nay mời ngươi cứ đến ăn ta đi!

La-sát lại hỏi:

-Ngươi đúng thật là một người tu hành! Nay ta đã biết ngươi là một bậc chân tu, tốt lắm, chúng ta tạm biệt!

Nói xong, la-sát liền bay lên hư không. Thì ra là Bồ-tát Quán Thế Âm biến hóa đến thử ngài. Cho nên tu đạo nhất định phải có tâm chân thật, không vì bản thân. Nếu có quỷ đòi ăn thịt thì tự mình cũng phải vì pháp quên thân, có thể vì pháp mà đem sinh mạng của mình ra bố thí.

“Làm lợi ích cho chúng sanh để cúng dường”: Người thực hành đạo Bồ-tát vì chúng sinh thuyết pháp để lợi ích cho họ, đó chính là cúng dường bằng cách làm lợi ích cho chúng sinh.

“Nhiếp thọ chúng sanh để cúng dường”: Xem tất cả chúng sinh đều là con của mình, dùng lòng từ bi không có sự phân biệt để hóa độ tất cả chúng sinh.

“Chịu khổ thế cho chúng sanh để cúng dường”: Người thực hành đạo Bồ-tát phải phát nguyện chịu khổ thay cho chúng sinh, thường ở trước Phật phát nguyện “xin cho tất cả chúng sanh đều thoát khỏi những tai kiếp như binh đao, nước, lửa, ôn dịch. Có những nỗi khổ mà đáng lẽ chúng sinh phải chịu, xin hãy để cho con chịu thay, còn những nỗi khổ mà cá nhân con phải chịu, xin đừng để liên lụy đến những chúng sanh khác”. Đó chính là phát tâm Bồ-tát.

“Siêng năng tu tập căn lành để cúng dường”: Bồ-tát không những tự mình siêng tu hạnh lành mà còn khuyến hóa hết thảy chúng sinh siêng tu hạnh lành. Đây cũng là một cách cúng dường.

“Không bỏ hạnh Bồ-tát để cúng dường”: thế nào là hạnh Bồ-tát? Hạnh nguyện mà Bồ-tát lập chính là lục độ vạn hạnh. Thường hành lục độ vạn hạnh, hành đạo Bồ-tát, đó gọi là cúng dường bằng cách không bỏ hạnh Bồ-tát.

“Chẳng rời tâm Bồ-đề để cúng dường”: Thường luôn phát tâm Bồ-đề, không lúc nào lìa tâm Bồ-đề để cúng dường chúng sinh, thường những việc gì mang đến lợi ích cho chúng sinh đều nên làm. Không chỉ tự mình không lìa tâm Bồ-đề mà còn khuyến hóa chúng sinh, khiến cho hết thảy chúng sinh đều có thể phát tâm giác ngộ chân chính. Bồ-đề chính là đạo giác ngộ.

 

Thiện nam tử! Như tiền cúng dường vô lượng công đức, bỉ Pháp cúng dường nhất niệm công đức, bách phân bất cập nhất, thiên phân bất cập nhất, bách thiên phân bất cập nhất, bách thiên cu-chi, na-do-tha phân, ca-la phân, toán phân, số phân, dụ phân, ưu-ba-ni-sa-đà phân, diệc bất cập nhất.

Thiện nam tử ! Như vô lượng công đức của sự cúng dường trước kia sánh với một niệm công đức của pháp cúng dường, thời không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, không bằng một phần trăm ngàn, cu chi na do tha, một phần ca la, một phần toán, một phần số, một phần dụ, cũng chẳng bằng một phần ưu ba ni sa đà.

“Thiện nam tử”: Bồ-tát Phổ Hiền lại gọi Thiện Tài bằng “Thiện nam tử”.

“Như vô lượng công đức của sự cúng dường trước”: giống như phần trước nói về những sự cúng dường, công đức của các sự cúng dường ấy nhiều vô lượng vô biên, nhưng nếu đem “sánh với một niệm công đức của Pháp cúng dường, thời không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn”: Nếu đem công đức chỉ trong một niệm của các cách cúng dường trước so với Pháp cúng dường cũng không bằng một phần trăm của Pháp cúng dường, cho đến không bằng một phần nghìn, và cho đến không bằng “một phần trăm ngàn cu chi, na do tha”: “Cu-chi” là tiếng Phạn (koti), Trung Hoa gọi là trăm nghìn vạn ức. “Na-do-tha” (nayuta) cũng là một con số rất lớn. “Một phần ca-la”: Ca-la (kala) nghĩa là con số chẳng thể nghĩ bàn, một phần ca-la nghĩa là cho đến một phần của con số chẳng thể nghĩ bàn. “Một phần toán, một phần số”: Quý vị dùng toán để tính, dùng số để phân chia. “Một phần dụ”: dụ là tỷ dụ, dùng thí dụ để biểu đạt phần so sánh, cho đến “một phần ưu-ba-ni-sa-đà”: ưu-ba-ni-sa-đà (upanishad) nghĩa là vi trần, còn gọi là trần tính nghĩa là tính của vi trần; số lượng của vi trần nhiều như thế, “cũng chẳng bằng”: cũng chẳng so sánh được với một phần của sự cúng dường Pháp.

 

Hà dĩ cố? Dĩ chư Như Lai tôn trọng Pháp cố, dĩ như thuyết hành xuất sanh chư Phật cố; nhược chư Bồ-tát hành Pháp cúng dường, tắc đắc thành tựu cúng dường Như Lai, như thị tu hành thị chân cúng dường cố.

Vì sao? Vì các đức Như Lai tôn trọng chánh Pháp. Vì theo đúng như lời Phật dạy mà tu hành thì sanh ra các đức Phật. Nếu các Bồ Tát thật hành pháp cúng dường, thì trọn nên sự cúng dường Phật. Tu hành như vậy mới thật là sự cúng dường.

“Vì sao”: Nguyên nhân vì sao công đức của cúng dường Pháp lại lớn như thế?

“Vì các đức Như Lai tôn trọng chánh Pháp”: Là vì hết thảy chư Phật Như Lai đều tôn trọng Phật pháp. Không chỉ hết thảy phàm phu chúng ta mới tôn trọng Phật pháp mà ngay cả các đức Phật Như Lai cũng đều tôn trọng Phật pháp, vì nếu không có Phật pháp thì không ai có thể thành Phật. Quý vị muốn thành Phật tất cần phải học Phật pháp. Nên nói “Pháp nhờ Tăng truyền” (Pháp lại Tăng truyền), người xuất gia chính là người nắm giữ Phật pháp, vì thế quý vị cần phải học Phật pháp với người xuất gia. Đem pháp để cúng dường chư Phật và chúng sinh, công đức ấy chẳng thể nghĩ bàn và không có cách nào có thể nói ra được có bao nhiêu công đức.

“Vì theo đúng như lời Phật dạy mà tu hành thì sanh ra các đức Phật”: Vì quý vị nương theo pháp Phật nói mà tu hành là nhân duyên để thành tựu Phật quả.

“Nếu các Bồ-tát thật hành Pháp cúng dường, thì trọn nên sự cúng dường Phật”: Giả như có vị Bồ-tát thực hành Pháp cúng dường, thì một mặt vị Bồ-tát ấy cúng dường Như Lai, một mặt vị ấy cũng thành tựu được quả vị Như Lai. “Tu hành như vậy mới là chân cúng dường”: Tu hành theo cách thức như thế mới

 

Thử quảng đại tối thắng cúng dường, hư không giới tận, chúng sinh giới tận, chúng sinh nghiệp tận, chúng sinh phiền não tận, ngã cúng nãi tận; nhi hư không giới nãi chí phiền não bất tận cố, ngã thử cúng dường diệc vô hữu tận. Niệm niệm tương tục vô hữu gián đoạn, thân ngữ ý nghiệp, vô hữu bì yếm.

Nên Pháp cúng dường là sự cúng dường rộng lớn hơn tất cả. Cõi hư không cùng tận cõi chúng sanh cùng tận, nghiệp chúng sanh cùng tận, phiền não chúng sanh cùng tận, sự cúng dường của tôi mới cùng tận, nhưng cõi hư không cho đến phiền não chẳng cùng tận nên sự cúng dường của tôi cũng không cùng tận, niệm niệm nối luôn không hở, thân, khẩu, ý nghiệp không hề nhàm mỏi.

“Nên Pháp cúng dường là sự cúng dường rộng lớn hơn tất cả”: Loại pháp cúng dường này rất rộng lớn, rất thù thắng. “Cõi hư không cùng tận, cõi chúng sanh cùng tận, nghiệp chúng sanh cùng tận, phiền não chúng sanh cùng tận, sự cúng dường của tôi mới cùng tận”: Cho đến hư không cũng chẳng còn, chúng sinh cũng chẳng còn, nghiệp của chúng sinh và phiền não của chúng sinh đều không còn thì sự cúng dường này của tôi mới diệt tận “Nhưng cõi hư không cho đến phiền não chẳng cùng tận nên sự cúng dường của tôi cũng không cùng tận”: Nhưng cõi hư không và cõi chúng sinh, nghiệp của chúng sinh, phiền não của chúng sinh mãi không cùng tận, vì thế nguyện tu hạnh cúng dường rộng lớn của tôi cũng không có lúc tận cùng.

“Niệm niệm nối luôn không hở”: Sức nguyện cúng dường này của tôi niệm niệm nối tiếp nhau mãi không hề gián đoạn, “Thân, khẩu, ý nghiệp không hề nhàm mỏi”: cho đến thân cúng dường cũng không nhàm mỏi, ý cúng dường cũng không nhàm mỏi, miệng cúng dường cũng không nhàm mỏi. Nói đến tam nghiệp thân khẩu ý, có câu rằng:  

Nét mặt tươi vui để cúng dường
Lời nói không sân tỏa diệu hương
Tâm niệm không sân châu ngọc quý
Không tham không si chân cúng dường

Diện thượng vô sân cúng dường cụ
Khẩu lý vô sân thổ diệu hương
Ý lý vô sân thị trân bảo
Vô si vô tham cúng dường hương.  

Trên mặt của quý vị không biểu hiện sự sân giận, đó là cúng dường thân nghiệp một cách trọn vẹn; miệng quý vị không nói lời ác thì là giống như tỏa ra làn hương thơm vi diệu, đây là cúng dường khẩu nghiệp; ý niệm của quý vị không sân hận chính là trân bảo cúng dường, đó là cúng dường ý nghiệp. Tâm niệm của quý vị lại có thể không có si và tham thì đó là cúng dường chân chính.

 

========================================

4. SÁM HỐI NGHIỆP CHƯỚNG

Phục thứ, Thiện nam tử! ngôn sám hối nghiệp chướng giả:

Lại này thiện nam tử! Nói “Sám hối nghiệp chướng” là như vầy:

“Lại nữa”: Sau khi giảng xong tu hạnh cúng dường rộng lớn thì phải đến sám hối nghiệp chướng, nếu quý vị tu hạnh cúng dường mà không sám hối nghiệp chướng thì chẳng thể có điều đó. “Thiện nam tử”: Vì thế mà Bồ-tát Phổ Hiền lại gọi, này thiện nam tử! “Nói sám hối nghiệp chướng là”: Sám là ăn năn lỗi trước; trước đây đã lỡ tạo bao nhiêu nghiệp chướng thì phải ăn năn sửa đổi. Hối là chừa bỏ lỗi sau; sau này không còn tái phạm nữa. Trong Phật giáo có pháp tu lạy sám hối, nghĩa là đối trước Phật tinh tấn lễ lạy Phật để sám hối tội lỗi. Khi chúng ta lễ lạy sám phải vận hết tâm thành khẩn thiết, như thế mới có kết quả, chẳng thể thiếu thành tâm, làm qua loa mà có kết quả.

Quý vị xem Đại sư Trí Giả! Lúc Kinh Lăng Nghiêm còn chưa truyền đến Trung Hoa , Ngài hướng về phương Tây lễ bái tên của Kinh Lăng Nghiêm, lễ bái mười tám năm, mười tám năm trôi qua, Ngài cũng chẳng thấy được Kinh Lăng Nghiêm. Nếu là chúng ta thì chẳng thể nói mười tám năm mà là mười tám tháng, nếu cảm thấy không có kết quả liền thôi, nói rằng tôi lễ bái mà không có kết quả gì cả nên không lễ bái nữa.

Đại sư Trí Giả một đời lễ bái Kinh Pháp Hoa, Ngài lại trọn ngày lễ bái sám hối, sao chép kinh tạng nhiều lần, tạc tượng Phật bằng gỗ và họa tượng tranh tổng cộng hơn tám vạn tôn tượng. Lúc  Ngài sắp sinh, mẹ Ngài thấy hào quang ngũ sắc chiếu sáng rực nhà, sau đó thì sinh Ngài. Lúc Đại sư Trí Giả mười mấy tuổi nghe một vị Pháp sư tụng Phẩm Phổ Môn, Ngài vừa nghe qua liền nhớ hết, giống như kiếp trước Ngài đã từng tụng kinh này. Đến lúc Ngài gặp Đại sư Nam Nhạc, Đại sư vừa thấy Ngài, nói:

-Nay con đã đến, ngày trước ở hội Linh Sơn chúng ta cùng nghe Kinh Pháp Hoa, con còn nhớ không? Nay nhân duyên đã thành thục chúng ta lại đến nơi này.

Đại sư Nam Nhạc liền dạy Phẩm An Lạc Hạnh trong Kinh Pháp Hoa cho Ngài, lại dạy Ngài đọc tụng Kinh Pháp Hoa, lễ bái Kinh Pháp Hoa, Khi Ngài lễ bái đến Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự, thì chợt khai ngộ. Ngài liền đem cảnh giới chứng đắc trình lên Đại sư Nam Nhạc, nói:

-Con lễ bái kinh, lúc lễ bái đến đoạn “Đó là chân tinh tấn, đó gọi là chân cúng dường Pháp” (Thị chân tinh tấn, thị danh chân pháp cúng dường), không biết vì sao lại thấy Phật Thích-ca-mâu-ni ở tại hội Linh Sơn đang nói Kinh Pháp Hoa? Như vậy là thế nào?

Đại sư Nam Nhạc liền ấn chứng cho Ngài, nói:

-Nếu không phải là con thì không thể thấy được cảnh giới vi diệu như thế, nếu không phải là ta thì cũng chẳng thể biết được cảnh giới ấy của con; vì thế cảnh giới ấy của con hẳn phải là con mới có thể chứng đắc và cũng nhất định phải là ta mới có thể nhận biết được mà ấn chứng cho con. Nay con đã đạt được cảnh giới tiền phương tiện của Pháp Hoa Tam Muội –Triền Đà La Ni.

Sau khi Đại sư ấn chứng, Ngài thật sự đạt được trí tuệ biện tài vô ngại.

Đại sư Nam Nhạc nói với Ngài:

– Trí tuệ của con bây giờ dù cả ngàn vạn pháp sư bình thường khác, cũng không có cách nào có thể biện luận thắng con.

Từ đó, trí tuệ của Đại sư Trí Giả khai mở và khai mở trọn vẹn. Sau khi trí tuệ khai mở, Ngài càng dụng công, càng tinh tấn tu hành theo Kinh Pháp Hoa. Ngay đến khi sắp viên tịch, Ngài còn bảo vị thị giả tụng Kinh Pháp Hoa cho Ngài nghe, sau khi nghe xong, Ngài lại bảo thị giả đem nước thơm cho Ngài súc miệng rồi đọc lên bài kệ và sau đó ngồi an nhiên viên tịch.

Trước khi Đại sư Trí Giả đến núi Thiên Thai, vùng này vốn có rất nhiều người đánh cá, về sau Ngài mua lại nơi này, từ đó nơi đây cách hơn ba trăm dặm đường đều không có người đánh cá, cũng không có người sát sinh, người dân trong vùng đều quy y với Ngài. Cảnh giới của Đại sư Trí Giả thật không thể nghĩ bàn, sinh tiền Ngài tu pháp môn lễ bái sám hối.

 

Bồ-tát tự niệm: ngã ư quá khứ vô thủy kiếp trung, do tham sân si phát thân khẩu ý, tác chư ác nghiệp vô lượng vô biên. Nhược thử ác nghiệp hữu thể tướng giả, tận hư không giới bất khả dung thọ.

Bồ Tát tự nghĩ rằng: Tôi từ vô thỉ kiếp về qúa khứ, do lòng tham lam, giận dữ, ngu si khiến thân, khẩu, ý tạo vô lượng vô biên nghiệp ác. Nếu các nghiệp ác này mà có hình tướng, thì khắp cõi hư không cũng chẳng thể đựng chứa hết được.

“Bồ-tát tự nghĩ rằng”: Đa số phát tâm sám hối đều là Bồ-tát, một số người không có thiện căn thì căn bản họ chẳng biết sám hối. Giống như quý vị vậy, cũng quy y Tam Bảo, cũng tin Phật nhưng có người chịu lễ Phật, còn có người thì không chịu lễ Phật, cũng chẳng chịu tụng kinh, thậm chí họ từng là người phát động kêu gọi mọi người tụng kinh, mọi người đều tụng được một thời gian nhưng sau đó ngay đến bản thân họ cũng chẳng màng đến kinh kệ, đây là do nghiệp chướng của họ vẫn chưa trừ dứt. Bồ-tát tự nghĩ “Tôi từ vô thủy kiếp về quá khứ”: Ta ở trong quá khứ vô số kiếp về trước. “Do lòng tham lam, giận dữ, ngu si khiến thân, khẩu, ý”: vì tâm tham, tâm sân, tâm si phát khởi ba nghiệp thân, miệng, ý nghiệp. “Tạo vô lượng vô biên nghiệp ác”: tạo ra vô số ác nghiệp không có ngằn mé.

“Nếu các nghiệp ác này mà có hình tướng”: Giả sử những nghiệp ác tôi tạo có hình dáng tướng mạo. “Thì khắp cõi hư không cũng chẳng thể đựng chứa hết được”: toàn cả hư không chứa cũng không hết! những nghiệp ấy nếu có hình tướng sẽ làm cho cõi hư không tràn đầy và bung nứt. Quý vị xem nghiệp chướng như thế có nhiều không!

 

Ngã kim tất dĩ thanh tịnh tam nghiệp, biến ư pháp giới cực vi trần sát nhất thiết chư Phật Bồ-tát chúng tiền, thành tâm sám hối, hậu bất phục tạo, hằng trụ tịnh giới nhất thiết công đức.

Nay tôi đem trọn cả ba nghiệp trong sạch đối trước các đức Phật và chúng Bồ Tát khắp cực vi trần cõi nước trong Pháp giới, thành tâm sám hối, về sau không tái phạm nữa, thường an trụ nơi giới pháp trong sạch đầy đủ công đức lành.

“Nay tôi đem trọn cả ba nghiệp thanh tịnh”: Nay tôi hoàn toàn dùng ba nghiệp thanh tịnh, miệng không tạo nghiệp, thân không tạo nghiệp, ý không tạo nghiệp, ba nghiệp thân khẩu ý đều thanh tịnh “đối trước các đức Phật và chúng Bồ-tát khắp cực vi trần cõi nước trong Pháp giới”: có mặt khắp các cõi nước chư Phật số nhiều như số cực vi trần trong pháp giới, đối trước chư Phật và chư đại Bồ-tát, “thành tâm sám hối, về sau không tái phạm nữa”: chí thành sám hối, nguyện từ nay về sau không tạo các tội nghiệp như thế nữa, “hằng an trụ trong hết thảy công đức của sự trì giới thanh tịnh”: luôn trụ trong tất cả công đức trì giới thanh tịnh, nghiêm trì giới tướng. Tôi cũng sẽ trụ trong tất cả công đức của giới tướng và hết thảy công đức của sự tu hành, tôi luôn trụ trong những nơi ấy.

 

Như thị hư không giới tận, chúng sinh giới tận, chúng sinh nghiệp tận, chúng sinh phiền não tận, ngã sám nãi tận; nhi hư không giới nãi chí chúng sanh phiền não bất khả tận cố, ngã thử sám hối vô hữu cùng tận. Niệm niệm tương tục, vô hữu gián đoạn. Thân ngữ ý nghiệp vô hữu bì yếm.

Như vậy hư không giới cùng tận, chúng sanh giới cùng tận, chúng sanh nghiệp cùng tận, chúng sanh phiền não cùng tận, thì sự sám hối của tôi mới cùng tận, nhưng hư không giới cho đến chúng sanh phiền não chẳng cùng tận, nên sự sám hối của tôi đây cũng không cùng tận, niệm niệm nối luôn không hở thân, khẩu, ý ba nghiệp không hề nhàm mỏi.

“Như vậy hư không giới cùng tận, chúng sanh giới cùng tận, chúng sanh nghiệp cùng tận, chúng sanh phiền não cùng tận, thì sự sám hối của tôi mới cùng tận”: cứ như thế cho đến hư không chẳng còn, chúng sinh chẳng còn, nghiệp của chúng sinh, phiền não của chúng sinh cũng chẳng còn thì sức nguyện sám hối này của tôi mới không còn. “Nhưng hư không giới cho đến chúng sanh phiền não chẳng cùng tận, nên sự sám hối của tôi đây cũng không cùng tận”: nhưng hư không chẳng thể mất, chúng sinh cũng chẳng thể mất, nghiệp chướng của chúng sinh và phiền não của chúng sinh cũng chẳng thể mất, vì thế sức nguyện sám hối này của tôi cũng chẳng thể mất.

“Niệm niệm nối luôn không hở”: giữa các niệm nối tiếp nhau không dứt, “thân, khẩu, ý ba nghiệp không hề nhàm mỏi”: ba nghiệp thân, miệng, ý của tôi cũng không bao giờ phiền chán. Lễ lạy, sám hối càng nhiều càng tốt, không thể lạy một lạy rồi nói: “Tôi cực khổ quá!, mệt mỏi quá!”. Phải càng lễ lạy càng có tinh thần, càng sám hối càng sanh hoan hỷ, phải như thế mới là chân thật sám hối.

 

========================================

5. TÙY HỶ CÔNG ĐỨC

Phục thứ, Thiện nam tử! ngôn tùy hỷ công đức giả:

Lại này thiện nam tử! “Nói “Tùy hỉ công đức” là như vầy:

Hạnh nguyện thứ năm là “tùy hỷ công đức”, được phân thành bốn:

  1. Có tùy mà không hỷ.
  2. Có hỷ mà không tùy.
  3. Vừa tùy vừa hỷ.
  4. Không tùy không hỷ.

Tùy mà không hỷ nghĩa là làm việc công đức một cách miễn cưỡng; hỷ mà không tùy là tuy hoan hỷ biết rằng làm việc công đức là tốt nhưng bản thân họ không làm, họ kêu người khác làm, nói: “anh nên làm nhiều hơn, làm như thế là rất tốt”. Vừa tùy vừa hỷ nghĩa là cùng làm việc công đức và lại hoan hỷ. Không tùy không hỷ là chẳng hề có chút tùy thuận lại cũng chẳng hề có chút hoan hỷ để làm việc công đức ấy. “Công” chính là công lao nhờ làm một việc nào đó, “đức” chính là những hạnh đức có được khi làm những công việc đó. Công thì hiển bày, đức thì ẩn tàng; công thì mọi người có thể thấy, đức có lúc mọi người không thể thấy.

“Lại này, Thiện nam tử”: Bồ-tát Phổ Hiền lại nói với Thiện Tài Đồng Tử, tôi sẽ nói với ông thêm một lần nữa, này Thiện nam tử! “Nói tùy hỷ công đức là như vầy”: Thế nào gọi là tùy hỷ công đức? Nay tôi sẽ nói cho ông nghe.

 

Sở hữu tận pháp giới, hư không giới, thập phương tam thế nhất thiết Phật sát cực vi trần số chư Phật Như Lai. Tùng sơ phát tâm, vi Nhất thiết trí, cần tu phúc tụ, bất tích thân mệnh, kinh bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát cực vi trần số kiếp. Nhất nhất kiếp trung, xả bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát cực vi trần số đầu mục thủ túc. Như thị nhất thiết nan hành khổ hạnh, viên mãn chủng chủng ba-la-mật môn, chứng nhập chủng chủng Bồ-tát trí địa, thành tựu chư Phật vô thượng Bồ-đề, cập Bát Niết-bàn, phân bố xá-lợi, sở hữu thiện căn, ngã giai tùy hỷ.

Bao nhiêu đức Phật như số vi trần trong tất cả cõi Phật khắp hư không pháp giới mười phương ba đời, từ khi mới phát tâm vì muốn chúng sanh Nhứt thiết trí mà siêng tu cội phước chẳng tiếc thân mạng, trải qua số kiếp như số cực vi trần trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật. Mỗi kiếp đều thí xả đầu, mắt, tay, chân v.v…nhiều như số cực vi trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật, làm tất cả những hạnh khó làm như vậy, đầy đủ các món ba la mật, chứng nhập các trí địa của Bồ Tát, trọn nên qủa Vô Thượng Bồ Ðề của chư Phật, cho đến nhập Niết Bàn phân chia xá lợi. Bao nhiêu căn lành ấy tôi đều tùy hỷ cả.

“Bao nhiêu đức Phật như số vi trần trong tất cả cõi Phật khắp hư không pháp giới mười phương ba đời: Chư Phật Như Lai nhiều như số cực vi trần (hạt bụi li ti) trong hết thảy cõi Phật của mười phương ba đời, tận cùng hư không và khắp cả pháp giới. “Từ khi mới phát tâm vì muốn chứng Nhứt thiết trí”: từ lúc mới phát khởi tâm Bồ-đề vì muốn thành tựu nhất thiết trí, “mà siêng tu tích phúc”: nên đã tu phúc tu tuệ một cách tinh tấn không hề biếng lười, gom nhặt mọi phúc lành làm một. Làm thế  nào để gom nhặt được phúc lành? Phúc lành ấy đến từ sự tu tập ở nhiều phương diện chứ chẳng phải một phương diện, vì thế nói:

Chớ cho rằng việc thiện nhỏ mà không làm;
Chớ cho rằng việc ác nhỏ mà cứ tạo.

Đừng cho việc ấy có công đức nhỏ nên không làm, vì công đức lớn là do những công đức nhỏ gom góp lại mà thành, cũng đừng cho rằng việc ác ấy rất nhỏ, như nói dối một việc gì đó rất nhỏ, điều ấy xem chừng như chẳng đến đâu, nhưng quý vị nói dối nhiều lần nhỏ như thế thì thành ra nói dối lớn rồi; cũng chẳng thể nói giết chết một con kiến là việc rất nhỏ, chẳng có hề gì, quý vị giết người cũng bắt đầu từ chỗ giết kiến. Vì thế những việc nhỏ nhặt cần phải chú ý, chẳng nên tùy tiện làm. Việc quý vị nên làm là dù công đức nhỏ đến đâu cũng đều nên làm, từng chút từng chút gom góp lại sẽ thành nhiều, phúc lành bấy giờ sẽ được gom lại một. Quý vị xem, hạt bụi  tuy nhỏ nhưng gom nhiều hạt lại thì có thể thành một ngọn núi, núi lớn chính là do nhiều hạt bụi nhỏ tạo thành. Chúng ta tạo phúc cũng giống như thế.

“Chẳng tiếc thân mạng”: Chư Phật Như Lai vì giáo hóa chúng sinh nên hy sinh thân mạng hết sức quý báu của mình mà chẳng tiếc, giống như Đức Phật Thích-ca-mâu-ni từng cắt thịt làm thức ăn cho chim ưng: Lúc Đức Phật Thích-ca-mâu-ni đang còn tu tập ở quả vị Nhân địa, một hôm có con chim ưng đang đuổi bắt một con chim nhỏ để ăn thịt, con chim nhỏ trong lúc nguy cấp đã chui xuống núp dưới tay áo ngài, Ngài liền che chở cho nó. Lúc ấy con chim ưng nói:

-Ông có thể bảo vệ cho con chim ấy, nhưng nó sống thì tôi phải chết, vì tôi không có thịt để ăn thì phải đói mà chết. Ông cứu nó mà chẳng thể cứu tôi, như thế không bình đẳng, không từ bi. Nếu ông chẳng thể cứu tôi thì ông cũng chẳng nên cứu nó.

Ngài nói:

-Ngươi muốn ăn thịt thì ta cho ngươi thịt để ăn là được rồi.

Chim ưng đáp:

-Được, vậy ông hãy tìm thịt cho tôi ăn đi!

Đức Phật Thích-ca-mâu-ni liền cắt một miếng thịt trên thân của Ngài đưa cho chim ưng ăn. Chim ưng ăn một miếng còn chưa no, đòi ăn một miếng nữa. Ngài lại cắt một miếng nữa đưa cho nó và cứ thế chim ưng ăn hết thịt trên thân Ngài mà vẫn chưa no. Bấy giờ, Ngài nói:

-Ngươi đã ăn hết sạch thịt trên thân ta mà vẫn chưa no, vậy ngươi xem trên thân ta còn có gì ăn được thì hãy ăn.

Chim ưng nói:

Ôi! Ngài quả đúng là một bậc tu hành, sau này nhất định sẽ thành quả Phật.

Nói lời ấy xong nó liền bay lên không. Thì ra, chim ưng vốn là chư thiên đến thử sức tu của Phật Thích-ca-mâu-ni.

Đức Phật Thích-ca-mâu-ni vì giáo hóa chúng sinh mà xả bỏ không biết bao nhiêu thân mạng, vì thế nói khắp cả đại địa, đến từng hạt bụi nhỏ, không có nơi nào mà chẳng phải là nơi trong quá khứ hết thảy chư Phật trong mười phương ba đời xả bỏ thân mạng.

Phật Thích-ca-mâu-ni trong đời quá khứ đã từng phát nguyện muốn bố thí một nghìn thân thể của mình để cứu độ chúng sinh, nay chúng ta có thể chăng, cũng phát được đại nguyện như thế, xả bỏ thân mệnh của chúng ta để giáo hóa chúng sinh? Nếu quý vị có thể phát nguyện thì đó là vừa tùy mà vừa hỷ. Nếu quý vị cho rằng đức Phật tu hạnh như thế trong đời quá khứ là rất đáng khâm phục nhưng bản thân lại không thể xả bỏ thân mệnh như thế thì đó gọi là hỷ mà không tùy. Nếu quý vị cũng có thể phát nguyện thế này: “Phật có thể xả bỏ thân mạng, con tuy là chúng sinh nhưng cũng có thể phát nguyện xả bỏ thân thể để cứu độ chúng sinh”. Nhưng sự xả bỏ thân thể của quý vị phải đích thực là giải quyết được vấn đề sinh tử của chúng sinh, hoặc là có thể cứu  độ được pháp thân huệ mạng của họ, xả bỏ thân để có một chút giá trị mới được, đó gọi là vừa tùy và vừa hỷ. Quý vị không nên xả bỏ thân mệnh một cách ngu si thiếu hiểu biết. Hoặc như khi quý vị vừa nghe xả thân mệnh để độ sinh, liền nói: “Xả thân mệnh là việc rất khó, việc ấy tôi làm không được. Tôi cũng chẳng tán thành pháp môn tu này, có thuyết cho rằng không xem trọng bản thân nên xả bỏ thân thể. Tôi không làm việc khổ hạnh như thế”. Đó gọi là không tùy cũng không hỷ. Hoặc là quý vị làm miễn cưỡng vì vốn không muốn làm việc như thế nhưng do vì hoàn cảnh hay vì danh dự, lợi ích mà hy sinh thân mạng. Đó gọi là tùy mà không hỷ. Giống như ở nước nào đó có một vài vị xuất gia nhân vì chính trị mà đốt thân, thân của họ đã  xả bỏ nhưng mà không có hoan hỷ, thậm chí còn ôm trong lòng sự sân hận đấu tranh. Như thế gọi là tùy mà không hỷ.

“Trải qua số kiếp như số cực vi trần trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật: Đời đời kiếp kiếp đều bố thí như thế, trải qua số kiếp nhiều như hạt bụi trong các cõi nước của chư Phật chẳng thể nói bàn hay tính đếm cho hết được, “Mỗi kiếp đều thí xả đầu, mắt, tay, chân v.v… nhiều như số cực vi trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật”: ở trong mỗi một kiếp đều bố thí đầu, mắt, tay, chân, số ấy nhiều như số hạt bụi nhỏ li ti trong các cõi Phật, nói cũng chẳng cùng, giảng cũng chẳng thể hết.

“Làm tất cả những hạnh khổ khó làm như vậy”: Theo lối tu tập tất cả các hạnh khổ mà người thường không thể làm được như thế này, giống như hiện nay có người phát tâm, sau khi chết muốn đem con mắt cho người khác, có người muốn cho tim, cho gan, cho lá lách, cho phổi, cho thận…, nhìn bề ngoài thì họ đều là con người nhưng thực tế họ được xem như những vị Phật, Bồ-tát phát nguyện làm việc ấy. Hiện tại trên thế gian này có thể thấy những vị Phật khác tu tập hạnh bố thí như thế, tinh thần vĩ đại như thế, đem thân mệnh bố cho hết thảy chúng sinh, cứu giúp tất cả chúng sinh. Đó đều là hạnh khổ khó làm.

“Đầy đủ các món ba-la-mật”: Các pháp môn đưa đến bờ giải thoát như bố thí ba-la-mật, trì giới ba-la-mật, nhẫn nhục ba-la-mật, tinh tấn  ba-la-mật, thiền định ba-la-mật, bát-nhã ba-la-mật, cho đến muôn hạnh khác đều tu hành viên mãn. “Chứng nhập các trí địa của Bồ-tát”: đạt được các món trí tuệ của Bồ-tát, khi đã chứng nhập được như thế thì “trọn nên quả Vô thượng Bồ-đề của chư Phật”: chứng được quả vị Vô thượng Bồ-đề của chư Phật, đạt được quả Phật, “cho đến nhập Niết-bàn phân chia xá-lợi”: lại chứng được quả vị an vui của đại Bát-niết-bàn, đại diệt độ đồng thời phân bố xá-lợi còn lưu lại sau khi hỏa táng. Xá-lợi (sharira) còn gọi là “kiên cố tử” (viên bền chắc) là sự kết tinh của việc tu trì giới, định, tuệ và các pháp môn.

“Bao nhiêu căn lành ấy tôi đều tùy hỷ cả”: đối với tất cả những hạnh lành của hết thảy chư Phật đã tu hành, cùng những công đức của bố thí đầu, mắt, tủy, não ấy tôi đều xin tùy hỷ tu tập theo.

 

Cập bỉ thập phương nhất thiết thế giới, lục thú, tứ sanh nhất thiết chủng loại sở hữu công đức, nãi chí nhất trần, ngã giai tùy hỷ.

Ðến các loài lục thú, tứ sanh trong tất cả mười phương thế giới kia có bao nhiều công đức, dầu nhỏ như mảy trần, tôi đều tùy hỷ.

“Ðến các loài lục thú, tứ sanh trong tất cả mười phương thế giới kia”: Cho đến tất cả những chủng loại ở trong mười phương thế giới như sáu đường: trời, người, a-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và bốn loài: loài sinh từ bào thai, loài sinh từ trứng, loài sinh từ ẩm thấp, loài do hóa sinh. “bao nhiêu công đức, dầu nhỏ như mảy trần, tôi đều tùy hỷ”: không kể là chúng sinh trong sáu đường hay trong bốn loài, tất cả những công đức mà hết thảy chúng sinh tạo được dầu nhỏ như hạt bụi tôi cũng đều hoan hỷ tu tập theo.

 

 

Thập phương tam thế nhất thiết Thanh văn cập Bích-chi Phật, hữu học, vô học sở hữu công đức, ngã giai hồi hướng.

Mười phương ba đời tất cả các vị Thanh Văn, Bích Chi Phật, hữu học và vô học có bao nhiêu công đức tôi đều tùy hỷ.

“Mười phương ba đời tất cả các vị Thanh văn, Bích Chi Phật”: hết thảy chúng sinh thuộc hàng Thanh văn và Bích-chi Phật trong mười phương ba đời, “bậc hữu học, bậc vô học”: chứng được Sơ quả, Nhị quả, Tam quả gọi là bậc hữu học; chứng được Tứ quả A-la-hán  gọi là bậc vô học. “Có bao nhiêu công đức tôi đều tùy hỷ”: hết thảy công đức của những vị ấy có được tôi đều hoan hỷ tu tập theo.

 

 

Nhất thiết Bồ-tát, sở tu vô lượng nan hành khổ hạnh, chí cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, quảng đại công đức, ngã giai hồi hướng.

Tất cả chư Bồ Tát tu hạnh cần khổ khó làm, chí cầu qủa Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ Ðề công đức rộng lớn, tôi đều tùy hỷ.

“Tất cả chư Bồ tát tu hạnh cần khổ khó làm, chí cầu quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ Ðề”: tất cả các Bồ-tát đều tu vô lượng khổ hạnh khó làm, lập chí cầu chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề. “Công đức rộng lớn, tôi đều tùy hỷ”: những công đức rộng lớn mà Bồ-tát đã tu tạo tôi đều vui thuận làm theo.

 

 

Như thị hư không giới tận, chúng sinh giới tận, chúng sinh nghiệp tận, chúng sinh phiền não tận, ngã thử tùy hỷ vô hữu cùng tận. Niệm niệm tương tục, vô hữu gián đoạn. Thân ngữ ý nghiệp vô hữu bì yếm.

Như vậy, hư không giới cùng tận, chúng sanh giới cùng tận, chúng sanh nghiệp cùng tận, chúng sanh phiền não cùng tận, sự tùy hỷ của tôi đây không có cùng tận, niệm niệm nối luôn không hở, ba nghiệp thân, khẩu, ý không hề nhàm mỏi.

“Như thế, cõi hư không diệt tận, cõi chúng sinh diệt tận, nghiệp của chúng sinh diệt tận, phiền não của chúng sinh diệt tận nhưng sự tùy hỷ của tôi không có cùng tận”: Giống như thế cho đến cõi hư không chẳng còn, cõi chúng sinh, nghiệp của chúng sinh, phiền não của chúng sinh cũng đều không còn, nhưng hạnh nguyện tùy hỷ này của tôi chẳng thể mất.

“Niệm niệm nối tiếp không gián đoạn”: trong lòng tôi luôn luôn phát những đại nguyện như thế, mãi mãi không bao giờ chấm dứt, “ba nghiệp thân miệng ý cũng không chán mỏi”: thân của tôi cũng phát nguyện như thế, tâm cũng phát nguyện như thế, miệng cũng phát nguyện như thế, ba nghiệp thân, khẩu, ý đều không có lúc nào mỏi mệt, chán phiền, tôi mãi mãi đều phát nguyện ấy mà tâm không sinh một niệm lười biếng, chỉ một lòng tinh tấn, càng khó khăn gian khổ tôi càng phải thực hành.

 

========================================

6. THỈNH CHUYỂN PHÁP LUÂN

Phục thứ, Thiện nam tử! ngôn thỉnh chuyển pháp luân giả

Lại này thiện nam tử ! Nói “Thỉnh đức Phật thuyết pháp” là thế này:

“Lại này, Thiện nam tử”: Tôi lại nói sơ lược nghĩa lý của việc thỉnh chuyển pháp luân cho ông nghe. Thi ện nam tử! “Nói ‘Thỉnh chuyển pháp luân”: Nói việc thỉnh chuyển pháp luân ấy.

 

Sở hữu tận pháp giới, hư không giới, thập phương tam thế nhất thiết Phật sát cực vi trần trung, nhất nhất các hữu bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát cực vi trần số quảng đại Phật sát; nhất nhất sát trung, niệm niệm hữu bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát cực vi trần số nhất thiết chư Phật thành Đẳng Chánh Giác, nhất thiết Bồ Tát hải hội vi nhiễu.

Trong số cực vi khắp hư không pháp giới mười phương ba đời tất cả cõi Phật. Mỗi cực vi đều có cõi Phật rộng lớn nhiều như số cực vi trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật. Mỗi cõi trong một niệm đều có tất cả chư Phật thành Chánh Ðẳng Chánh Giác số đông như số cực vi trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật, tất cả chúng Bồ Tát nhóm họp vây quanh.

“Nói thỉnh chuyển pháp luân là trong số cực vi khắp hư không pháp giới mười phương ba đời tất cả cõi Phật”: chính là những hạt cực vi trong khắp hư không pháp giới mười phương ba đời tất cả cõi Phật, “Mỗi cực vi đều có cõi Phật rộng lớn nhiều như số cực vi trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật”: trong mỗi vi trần đều có cõi Phật rộng lớn, nhiều không thể tính kể như số cực vi trần.

“Mỗi cõi trong một niệm đều có tất cả chư Phật thành Chánh Ðẳng Chánh Giác số đông như số cực vi trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật”: Ở trong mỗi một cõi Phật, trong mỗi niệm ấy đều có chư Phật chứng được quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác số ấy không thể kể hết, nhiều như số cực vi trần của cõi Phật. “tất cả chúng Bồ tát nhóm họp vây quanh”: bao nhiêu chúng hội Bồ-tát đều đông như biển lớn đứng vây quanh những vị Phật ấy.

 

Nhi ngã tận dĩ thân khẩu ý nghiệp, chủng chủng phương tiện, ân cần khuyến thỉnh, chuyển diệu pháp luân.

Tôi đều đem thân, khẩu, ý ba nghiệp dùng những phương tiện ân cần khuyên mời tất cả Phật nói pháp nhiệm mầu.

“Tôi đều đem thân, khẩu, ý ba nghiệp dùng những phương tiện”: Tôi đều dùng ba nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh của tôi với mọi phương tiện “ân cần khuyến thỉnh tất cả Phật nói pháp nhiệm mầu”: Ở nơi ấy tôi tinh tấn, tha thiết khuyến thỉnh chư Phật và đại Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác trong mười phương đến chuyển bánh xe pháp lớn, thù thắng vi diệu nhất.

 

 

Như thị hư không giới tận, chúng sinh giới tận, chúng sinh nghiệp tận, chúng sinh phiền não tận, ngã thử tùy hỷ vô hữu cùng tận. Niệm niệm tương tục, vô hữu gián đoạn. Thân ngữ ý nghiệp vô hữu bì yếm.

Như vậy, hư không giới cùng tận, chúng sanh nghiệp cùng tận, chúng sanh phiền não cùng tận, tôi luôn khuyên mời tất cả các đức Phật chuyển pháp luân chơn chánh không cùng tận, niệm niệm nối ý luôn không hở, ba nghiệp thân, khẩu, ý không hề nhàm mỏi.

“Như vậy, hư không giới cùng tận, chúng sanh giới cùng tận, chúng sanh nghiệp cùng tận”: Như thế cho đến dù hư không có diệt tận, cõi chúng sinh, nghiệp của chúng sinh và phiền não của chúng sinh đều không còn. “tôi luôn khuyên mời tất cả các đức Phật chuyển pháp luân chơn chánh không cùng tận”: thế nhưng sức thệ nguyện thường khuyến thỉnh hết thảy chư Phật chuyển pháp luân trong tôi mãi mãi không thể cùng tận. “Niệm niệm nối tiếp nhau chẳng gián đoạn”: sức thệ nguyện này của tôi, không ngừng nối tiếp trong từng ý niệm, mãi mãi không hề gián đoạn. “Ba nghiệp thân, miệng, ý của tôi không hề nhàm mỏi”: Ba nghiệp thân, miệng, ý của tôi cũng mãi mãi không hề chán mỏi, không bao giờ cho rằng việc làm này quả là phiền toái mà không vui vẻ làm, chẳng có điều như thế.

 

========================================

7. THỈNH PHẬT TRỤ THẾ

Phục thứ, Thiện nam tử! ngôn thỉnh Phật trụ thế giả:

Lại này thiện nam tử! “Nói “Thỉnh Phật ở lại đời” là như vầy:

Bồ-tát Phổ Hiền lại gọi Thiện Tài đồng tử: Thiện nam tử! Tôi sẽ nói lại cho ông nghe về nghĩa lý của việc “Thỉnh Phật ở lại đời”, đó là sức thệ nguyện cầu thỉnh Phật thường trụ ở đời.

 

Sở hữu tận pháp giới, hư không giới, thập phương tam thế nhất thiết Phật sát cực vi trần số chư Phật Như Lai, tương dục thị hiện Bát Niết Bàn giả; cập chư Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác, Hữu học, Vô học, nãi chí nhất thiết chư Thiện tri thức, ngã tất khuyến thỉnh mạc nhập Niết Bàn, kinh ư nhất thiết Phật sát cực vi trần số kiếp, vị dục lợi lạc nhất thiết chúng sanh.

Các đức Như Lai như số cực vi trong tất cả cõi Phật khắp hư không pháp giới mười phương ba đời toan muốn thị hiện nhập Niết Bàn, cùng các Bồ Tát, Thinh Văn, Duyên Giác, hữu học, vô học, cho đến tất cả các bậc thiện tri thức, tôi đều khuyên mời xin đừng nhập Niết Bàn, xin ở lại đời trải qua số kiếp như vi trần trong tất cả cõi Phật, vì muốn cho tất cả chúng sanh được lợi lạc.

“Khắp hư không pháp giới”: chính là khắp đầy pháp giới, hư không giới, “hết thảy chư Phật Như Lai như số cực vi trần ở cõi nước Phật trong mười phương ba đời, muốn thị hiện Niết-bàn”: cũng như duyên giáo hóa của chư Phật nhiều như số bụi nhỏ trong các cõi Phật trong mười phương ba đời đã đến lúc hoàn mãn, sắp nhập Niết-bàn, lúc ấy tôi nhất định sẽ thỉnh cầu các Ngài  không nên nhập Niết-bàn mà thường trụ ở đời để giáo hóa chúng sinh. “cùng các Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác, Hữu học, Vô học, cho đến tất cả các bậc Thiện tri thức, tôi đều khuyến thỉnh xin đừng nhập Niết-bàn”: Tôi không chỉ khuyến thỉnh chư Phật thường trụ ở đời mà còn khuyến thỉnh hết thảy các Bồ-tát, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, cho đến những bậc Hữu học chứng Sơ quả, Nhị quả, Tam quả và bậc Vô học chứng đệ tứ quả và tất cả các bậc Thiện tri thức, chư Tăng, Ni giảng kinh pháp, tôi cũng đều khuyến thỉnh các Ngài chẳng nên vào Niết-bàn sớm. “xin ở lại đời trải qua số kiếp như vi trần trong tất cả cõi Phật, vì muốn cho tất cả chúng sanh được lợi lạc”: trải qua số kiếp nhiều như số cực vi trần của hết thảy cõi Phật, tôi đều mong muốn chư Phật, Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác, cho đến tất cả các bậc Thiện tri thức đều thường ở đời để làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh.

 

Như thị hư không giới tận, chúng sinh giới tận, chúng sinh nghiệp tận, chúng sinh phiền não tận, ngã thử khuyến thỉnh vô hữu cùng tận. Niệm niệm tương tục, vô hữu gián đoạn. Thân ngữ ý nghiệp vô hữu bì yếm.

Như vậy, cõi hư không cùng tận, cõi chúng sanh cùng tận, nghiệp chúng sanh cùng tận, phiền não chúng sanh cùng tận, sự khuyên mời của tôi đây vẫn không cùng tận, niệm niệm nối luôn không hở, ba nghiệp thân, khẩu, ý không hề nhàm mỏi.

“Như vậy, cõi hư không cùng tận, cõi chúng sanh cùng tận, nghiệp chúng sanh cùng tận”: giống như thế, cõi hư không vốn không thể tan hoại và giả như nó có bị tan hoại đi nữa; cõi chúng sinh vốn cũng không thể biến mất, giả như nó có thể biến mất; nghiệp chướng của chúng sinh vốn không thể hết, nhưng giả như nó cũng hết, phiền não của chúng sinh không thể cùng tận, giả như nó cũng có thể cùng tận, nhưng nguyện lực khuyến thỉnh chư Phật, Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác cho đến tất cả các bậc Thiện tri thức này của tôi cũng không bao giờ cùng tận. “Niệm niệm nối luôn không hở”: niệm niệm liên tiếp nối nhau không hề gián đoạn. “Ba nghiệp thân, khẩu, ý không hề nhàm mỏi”: Ba nghiệp thân, miệng, ý của tôi cũng không bao giờ có sự chán nản, mệt mỏi.

 

========================================

8. THƯỜNG HỌC THEO PHẬT

Phục thứ, Thiện nam tử! ngôn thường tùy Phật học giả

Lại này thiện nam tử! “Nói “Thường học tập theo Phật” là như vầy:

Bồ-tát Phổ Hiền lại bảo, Thiện Tài Đồng Tử!  Hạnh nguyện “thường học theo Phật”, nay tôi sẽ giảng qua cho ông nghe.

 

Như thử Ta Bà thế giới Tỳ Lô Giá Na Như Lai, tùng sơ phát tâm tinh tấn bất thối, dĩ bất khả thuyết bất khả thuyết thân mệnh nhi vi bố thí; bác bì vi chỉ, tích cốt vi bút, thích huyết vi mặc, thư tả Kinh điển, tích như Tu Di. Vị trọng pháp cố, bất tích thân mệnh, hà huống vương vị, thành quách, bộ lạc, cung điện, viên lâm nhất thiết sở hữu, cập dư chủng chủng nan hành khổ hạnh.

Như đấng Tỳ Lô Giá Na Phật ở cõi Ta Bà đây, từ khi mới phát tâm tinh tấn không trễ lui, đem bất khả thuyết bất khả thuyết thân mạng ra mà bố thí. Lột da làm giấy, chẻ xương làm viết, chích máu làm mực, dùng biên chép kinh điển chất cao như núi Tu Di, vì tôn trọng chánh pháp nên Phật không tiếc thân mạng, huống là ngôi vua, thành ấp, cung điện, vườn, rừng tất cả sản nghiệp, cùng thật hành bao nhiều hạnh khó làm khác,

“Như cõi Ta-bà đây”: “Như”: là giống như, giống như cõi Ta-bà. Ta-bà là tiếng Phạn (Saha), dịch là “kham nhẫn”. Nghĩa là sống ở thế giới này khổ thế ấy, tất cả chúng sinh thật khó có thể chịu đựng. Vì sao nói thế giới này là khổ? Vì tất cả những thứ vui thú ở thế giới này đều là nhân của khổ, hoàn toàn không có sự an lạc chân thật. Tất cả pháp ở thế giới này đều là pháp nhiễm ô, đều không thanh tịnh, vì thế vô cùng đau khổ.

Vì sao nói vui thú chính là nhân của khổ? Giống như mọi người cho rằng mặc áo quần mới là điều sung sướng, nhưng khi quý vị mặc áo quần mới, một khi không cẩn thận để thức ăn hoặc bụi bậm dính vào thì trong lòng cũng đã thấy phiền não. Lúc mặc áo quần mới thì rất vui, áo quần vừa bị dơ thì buồn phiền lại đến. Lại nữa, con người ta thích nhất là phát tài, lúc còn sống thì từng xu từng đồng đều được tính toán rõ ràng, lúc không có tiền thì phải nghĩ làm cách nào cho có, khi đã có lại sợ mất đi. Khi chưa có tiền thì trong lòng lại tham cầu, đó là khổ. Sau khi có tiền lại sợ mất, đó cũng là khổ, thế nhưng quý vị không  nhận ra được đó là khổ. Tuy một đời quý vị lo lắng chuyện được mất nhưng đến lúc chết thì một hào quý vị cũng không thể mang theo. Quý vị nói đó là khổ hay là vui? Vì thế nói, tất cả những sự vui thú đều là nhân của khổ, chẳng qua quý vị không cảm nhận được. Do đó cõi này gọi là kham nhẫn.

“Đức Tỳ-lô-giá-na Như Lai từ khi mới phát tâm tinh tấn không trễ lui”: Tỳ-lô-giá-na là tiếng Phạn (Vairochana), dịch là “thanh tịnh”. Đây là Pháp thân của Đức Phật Thích-ca-mâu-ni. Ban đầu đức Thích-ca-mâu-ni gặp cổ Phật Thích-ca-mâu-ni, Ngài còn là một người thợ gốm làm các loại như chén, đĩa, tách trà… Lúc ấy Ngài cúng dường cổ Phật Thích-Ca và phát nguyện muốn được giống như cổ Phật Thích-ca. Nhân lời phát nguyện ban đầu đó, nên Ngài lúc nào cũng thường tinh tấn, thân cũng tinh tấn, tâm cũng tinh tấn, tu hành một cách tinh tấn, một giờ một khắc cũng  không buông thả, cũng không biếng nhác. “Đem bất khả thuyết bất khả thuyết thân mạng ra mà bố thí”: Ngài dùng thân mạng nhiều chẳng thể nghĩ bàn,  hoặc là xả thân, hoặc là xả mạng để làm tất cả các việc bố thí.

Lúc Phật Thích-ca-mâu-ni gặp Phật Nhiên Đăng, Ngài lại dùng thân bố thí. Lúc Phật Thích-ca-mâu-ni tu hành ở thời kỳ tu nhân (nhân địa) gặp Phật Nhiên Đăng, Phật Nhiên Đăng thị hiện thành một vị Tỳ-kheo già từ bên kia đi qua, phía trước vị Tỳ-kheo ấy là vũng bùn lầy. Phật Thích-ca liền nằm dài xuống vũng bùn, nhưng bên cạnh còn có thêm vũng bùn khác, nên Ngài lại xỏa tóc che trải vũng bùn kia để vị Tỳ-kheo già bước lên thân Ngài đi qua. Đó chính là dùng thân bố thí. Ngài dùng thân thể của mình để giúp người khác. Nếu xét theo quan niệm thông thường của chúng ta thì đó là việc làm quá ngu si, quý vị có thể tìm một tấm ván hay vài thân cây gác qua vũng bùn, chẳng phải là tốt hơn sao, đâu cần chính mình phải nằm trên vũng bùn? Không sai, quý vị rất thông minh, Phật Thích-ca-mâu-ni lúc ấy không nghĩ ra cách này, nhưng thật may mắn cho Ngài là đã không nghĩ ra. Nếu như Ngài nghĩ ra cách này thì chưa chắc Phật Nhiên Đăng đã thọ ký cho Ngài. Vì sao? Điều này chứng tỏ rằng Ngài còn có một sự đắn đo, còn có một  thân thể tồn tại. Ngài trải thân trên vũng nước, đó chính là một biểu hiện không còn tướng chấp ngã để giúp đỡ chúng sinh, làm lợi ích chúng sinh. Đó chính là Ngài đang hành đạo Bồ-tát, chẳng kể đến mình, đem thân thể trải trên nước bùn để giúp vị Tỳ-kheo già đi qua.

Phật Nhiên Đăng vừa thấy vị Tỳ-kheo này thành tâm như thế, trải thân trên vũng nước để mình đi qua, liền thọ ký cho Phật Thích-ca-mâu-ni rằng: “Ông đời sau sẽ thành Phật! Ông hành đạo Bồ-tát như thế, ta cũng hành đạo Bồ-tát như thế, như thế. Đời sau ông thành Ph ật hiệu là Thích-ca-mâu-ni.”

Bấy giờ, Phật Thích-ca-mâu-ni là một vị tu hạnh đầu-đà. Tỳ-kheo thực hành hạnh đầu-đà không cạo đầu, cũng chẳng cạo râu, nhưng chẳng phải là trò cười, quý vị đừng ngộ nhận cho rằng lúc đầu Phật Thích-ca-mâu-ni là một kẻ chẳng ra gì. Có người Trung Hoa viết một bài văn, nói rằng Khổng Tử ở Trung Hoa là một anh chàng hề. Đó là lời nói hồ đồ, thật đúng là lấy giả khuấy chân, lấy cái gian truyền bá cái gian. Phật Thích-ca-mâu-ni lúc tu hành ở nhân địa (thời kỳ tu nhân, chưa chứng quả) đã đem thân mình để bố thí; từ vô lượng kiếp đến nay, đời đời sinh ra Ngài đều làm như vậy, vì thế đạo hạnh Bồ-tát của Ngài rất viên mãn.

“Tỳ-lô-giá-na” là tiếng Phạn (Vairochana), dịch là “cùng khắp mọi nơi” (biến mãn nhất thiết xứ). Đức Phật thanh tịnh pháp thân Tỳ-lô-giá-na có mặt khắp tất cả mọi nơi. Pháp thân thì không hiện hữu, nhưng nơi đâu cũng hiện hữu, không có nơi nào Ngài không có mặt, cũng chẳng có nơi nào có Ngài. Nhưng nếu nói pháp thân của Phật chẳng có nơi nào mà chẳng có mặt, thế thì vì sao chúng ta không thấy? Chúng ta không nhìn thấy thì chứng tỏ Ngài không có? Chẳng phải thế! Chúng ta  trông thấy Ngài cũng tồn tại, không trông thấy Ngài cũng tồn tại. Pháp thân của Phật có mặt khắp pháp giới, cùng tận mọi nơi, không có nơi nào mà Ngài chẳng hiện hữu.

Có người hỏi:

-Ngài có mặt khắp tất cả mọi nơi vậy ở nhà cầu hay ở những nơi không sạch sẽ Ngài có hiện hữu không?

-Không chỉ ở nhà cầu mà bất kỳ những nơi không sạch sẽ nào Ngài cũng có mặt. Tận cùng hư không, khắp cả pháp giới đều là pháp thân của Phật. Nói đến pháp thân thì chẳng dơ, chẳng sạch, chẳng sinh chẳng diệt, chẳng tăng, chẳng giảm, vì thế mà bất kỳ ở đâu Ngài cũng hiện hữu.

“Lột da làm giấy, chẻ xương làm bút”: Phật Thích-ca-mâu-ni vì thực hành đạo Bồ-tát, vì cầu quả Phật vô thượng nên từ vô thủy kiếp đến nay đều đem thân bố thí, Ngài lột da trên thân mình ra để làm giấy, lại lấy xương mình để làm bút, “chích máu làm mực biên chép kinh điển”: lại chích máu làm mực để biên chép kinh điển.

Vì sao Phật Thích-ca-mâu-ni không đi mua giấy, bút, mực để biên chép kinh điển?  Điều này và việc Phật Thích-ca-mâu-ni xỏa tóc che bùn vừa mới trình bày có cùng một ý nghĩa. Mặt khác cũng là vì thời bấy giờ không có giấy. Giống như lần kết tập kinh điển đầu tiên ở Ấn-độ, các Tỳ-kheo phải dùng lá bối để biên chép kinh điển. Kinh Pháp Hoa đã được chép bằng lá bối. Cứ nối tiếp nhau như vậy nếu trải dài ra thì dài đến bảy dặm ( 3.5km ). Thời bấy giờ khoa học chưa phát triển, không có xưởng giấy nên càng không phải nói đến công ty chế giấy, vì thế không có nơi nào để đi mua giấy. Không giống như chúng ta bây giờ, dùng giấy quá tiện nghi, ghi chép rồi đánh máy là có thể in ra rồi. Thời bấy giờ chẳng phải được tiện nghi như thế. Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Dịch xưa của Trung Hoa vốn đều viết trên thẻ trúc. Hiện tại, giấy, bút, mực đều rất sẵn sàng, xưa căn bản không có những thứ này, cũng chẳng có nơi nào để mua, đó là một trong những lý do. Một lý do khác là Ngài dùng da, xương, máu trên thân thể mình để biên chép kinh điển, điều này đủ để chứng minh Ngài vì pháp quên thân, vì xiển dương Ph ật pháp nên chẳng sợ gì. Đó cũng có thể nói là vì cầu Phật pháp mà dùng thân để bố thí.

“Chứa lại như núi Tu-di”: Ngài dùng da, xương, máu của mình để biên chép kinh điển, nếu tích chứa lại thì nhiều như núi Tu-di. “Vì trọng pháp nên chẳng tiếc thân mạng”: vì Ngài tôn trọng Phật pháp nên không tham tiếc thân mạng của mình. Hiện tại ở Hương Cảng có Hòa Thượng Thọ Dã, Ngài ở am tranh nơi Ngũ Đài Sơn, từng làm Phương Trượng chùa Bồ-đề ở Thượng Hải, ở Việt Nam Ngài cũng xây dựng một ngôi chùa rất lớn. Khi Việt Nam có chiến tranh, Ngài trở lại Hương Cảng. Ngài tự chích máu ở đầu lưỡi của mình để chép xong bộ kinh Hoa Nghiêm , mỗi chữ lớn đến khoảng 2 inches (5, 8cm ). Ngài chuyên tụng kinh Hoa Nghiêm , chuyên lễ bái kinh Hoa Nghiêm , chuyên tu tập kinh Hoa Nghiêm.  Đó cũng là một dạng cảnh giới không thể nghĩ bàn của Bồ-tát.

“Huống là ngôi vua”: Phật Thích-ca-mâu-ni đối với thân mạng của mình còn chẳng tiếc, huống gì là ngôi vua! Phật Thích-ca-mâu-ni nếu không xuất gia tu đạo thì có thể làm Chuyển Luân Thánh Vương. Chuyển Luân Thánh Vương gồm có Kim Luân Vương, Ngân Luân Vương, Đồng Luân Vương, Thiết Luân Vương. Kim Luân Vương làm vua thống lãnh cả bốn châu: Đông Thắng Thần châu, Nam Thiệm bộ châu, Tây Ngưu Hóa châu, Bắc Câu-lư châu. Ngân Luân Vương cai quản ba châu, không quản Bắc-câu-lư-châu. Đồng Luân vương cai quản hai châu. Thiết Luân Vương cai quản một châu.

Phật Thích-ca-mâu-ni phước quý là làm thái tử, phước giàu thì có bốn châu, được như thế nhưng Ngài đều xả bỏ xuất gia tu đạo. “Thành, ấp, cung điện, xóm làng, vườn, rừng, tất cả sản nghiệp”: ngoài đất nước ra còn có tất cả sản nghiệp, gia nghiệp như vợ con, thôn ấp, cung điện quý báu, vườn rừng…Ngài cũng đều bố thí không cần đến.

“Cùng những hạnh khổ khó làm khác”: cho đến tất cả những hạnh khổ khó làm khác, Ngài cũng đều có thể thực hành, những việc khó nhẫn, Ngài cũng đều có thể kham nhẫn. Từ địa vị thái tử, Ngài xuất gia, tu các pháp khổ hạnh. Điều này đâu phải một người bình thường có thể làm được! Bởi vậy, Phật Thích-ca-mâu-ni ở trong đời quá khứ và trong hiện tại đã thực hành muôn hạnh khổ đều là những việc phi thường chẳng dễ làm được

 

Nãi chí thọ hạ thành đại Bồ-đề: thị chủng chủng thần thông, khởi chủng chủng biến hóa, hiện chủng chủng Phật thân, xứ chủng chủng Phật hội, hoặc xứ nhất thiết chư Đại Bồ Tát chúng hội đạo tràng, hoặc xứ Thanh văn cập Bích-chi Phật chúng hội đạo tràng, hoặc xứ Chuyển Luân Thánh Vương, Tiểu Vương quyến thuộc chúng hội đạo tràng, hoặc xứ Sát-lợi cập Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ chúng hội đạo tràng, nãi chí hoặc xứ Thiên Long Bát Bộ, nhân phi nhân đẳng chúng hội đạo tràng. Xứ ư như thị chủng chủng chúng hội, dĩ viên mãn âm, như đại lôi chấn, tùy kỳ nhạo dục, thành thục chúng sanh, nãi chí thị hiện nhập ư Niết-bàn. Như thị nhất thiết ngã giai tùy học.

Nhẫn đến ngồi dưới cây thành qủa đại Bồ Ðề, thị hiện các thứ thần thông, khởi các sự biến hóa, hiện các thân Phật ở trong những chúng hội: hoặc ở trong chúng hội đạo tràng của các vị đại Bồ Tát, hoặc ở trong đạo tràng của chúng hội Thinh Văn, Duyên Giác, hoặc ở trong đạo tràng của Chuyển Luân Vương, các vị Tiểu Vương cùng quyến thuộc, hoặc ở trong đạo tràng của chúng hội Cư Sĩ, Trưởng Giả, Bà La Môn cùng Sát Ðế Lợi, nhẫn đến hoặc ở trong đạo tràng của chúng hội Thiên, Long, Bát Bộ, Nhơn, Phi Nhơn v.v…ở trong các chúng hội như vậy, dùng tiếng viên mãn như đại lôi chấn, tùy theo căn tánh của mỗi loại mà giáo hóa cho chúng sanh đều được thành thục. Nhẫn đến thị hiện nhập Niết Bàn. Cả thảy hạnh đức như thế tôi đều học tập theo.

“Nhẫn đến ngồi dưới cây thành quả đại Bồ Ðề: “nhẫn đến” (thậm chí): là từ rút gọn lại. Ở khoảng thời gian giữa, Ngài còn trải qua rất nhiều giai đoạn, như ngồi tu ở Tuyết sơn sáu năm, sau đó thành đạo dưới cây Bồ-đề. Lúc đầu Phật Thích-ca khi còn tu đạo trên Tuyết Sơn, vua cha Tịnh Phạn đã phái năm người cùng tu với Ngài, cũng chính là để bảo vệ Pháp của Ngài, nhưng trong năm người đó có ba người không chịu được khổ nên đã bỏ đi đến vườn Nai để tu. Lúc ấy, Phật Thích-ca-mâu-ni mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè, một hạt gạo, thân thể Ngài gầy như que củi. Sau đó, có người con gái chăn bò dâng Ngài bát sữa. Có thuyết nói là thiên nữ, có thuyết nói là người con gái chăn bò, tôi nghĩ thiên nữ hay người con gái chăn bò đều không quan trọng. Tóm lại, cô ấy đã dùng sữa bò nấu cháo cúng dường Ngài, Phật nhận sự cúng dường của cô và ăn hết bát cháo sữa bò. Hai người còn lại thấy thế nói: “Thế là hết rồi! Trước đây thái tử chịu khổ còn có thể tu đạo, nay nhận bát sữa của người chăn bò, người không chịu được khổ thế này, chúng  ta chẳng thể cùng tu đạo với thái tử”. Thế rồi họ cũng rời bỏ Phật Thích-ca-mâu-ni đi đến vườn Nai.

Năm người ấy đều đã đi, một mình Phật Thích-ca-mâu-ni ở trên núi tuyết cũng phải dời chỗ. Vừa tìm thì Ngài thấy cội cây Bồ-đề. Cây cổ thụ này rất lớn, có thể che quanh ba dặm. Biết rằng đây là một chỗ tốt, Ngài liền ngồi thiền dưới gốc cây và phát nguyện rằng: “Nếu tôi không thành đạo nghiệp thì mãi mãi chẳng rời khỏi chỗ này”. Thế rồi có đồng tử Cát Tường mang đến tặng một bó cỏ Cát Tường, Ngài ngồi kiết già trên bó cỏ tu đạo. Ngài ngồi tu đến bốn mươi chín ngày, khi thấy sao mai ở phương Đông, Ngài bỗng nhiên khai ngộ. Ngài thốt lên: “Lạ thay! Lạ thay! Lạ thay! Tất cả chúng sinh đều có đức tướng trí tuệ của Như Lai, chỉ vì vọng tưởng chấp trước mà chẳng thể chứng đắc”. Vì sao chúng sinh không thành Phật? Là vì chúng sinh có vọng tưởng, chấp trước nên không thể thành Phật.”

“Thị hiện các thứ thần thông, khởi các sự biến hóa”: Ngài hiện vô lượng thần thông diệu dụng, lại bày vô lượng phép biến hóa, cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. “Hiện các thân Phật ở trong những chúng hội”: lại hiện ra thân Phật Tỳ-lô-giá-na Pháp thân thanh tịnh, Phật Lô-xá-na Báo thân viên mãn, Phật Thích-ca-mâu-ni với muôn ngàn ức hóa thân, cho đến thị hiện thân Phật khắp cả mười phương thế giới, ở trong vô lượng pháp hội vì chúng sinh nói pháp. “Hoặc ở trong chúng hội đạo tràng của các vị đại Bồ tát”: hoặc là ở nơi chỗ của các vị Bồ-tát để giảng nói kinh pháp. “hoặc ở trong đạo tràng của chúng hội Thanh văn, Duyên giác”: hoặc là ở trong chúng hội của hàng Nhị thừa Thanh văn và Bích-chi Phật để giảng nói kinh pháp. “hoặc ở trong đạo tràng của Chuyển Luân Vương, các vị Tiểu Vương cùng quyến thuộc”: hoặc ở trong đạo tràng chúng hội của Chuyển Luân Thánh Vương, các vua nước nhỏ dưới quyền cai quản của Chuyển Luân Thánh Vương và quyến thuộc của Chuyển Luân Thánh Vương.

Thế nào là Chuyển Luân Thánh Vương? Luân Vương (Vua Chuyển Luân) gồm có Kim Luân Vương, Ngân Luân Vương, Đồng Luân Vương và Thiết Luân Vương. Kim Luân Vương thống trị bốn châu thiên hạ, có đầy đủ bảy báu:

  1. Luân Bảo: ngồi trên xe báu còn nhanh hơn hỏa tiễn, chỉ trong một thời gian ngắn có thể đi khắp bốn châu, làm mọi việc. “Luân bảo” là một loại xe bay, bất luận là đất liền, biển cả hay không trung, nó đều bay qua được; trên mặt đất, trong không trung, trong nước, thậm chí trong lửa nó cũng có thể bay qua.
  2. Bạch tượng bảo: đó là một con voi trắng chạy vô cùng nhanh.
  3. Cám mã bảo: Đó là một loài long mã (ngựa rồng), lông của nó có màu xanh biếc, trên mặt đất nó cũng chạy mà ở dưới nước nó cũng có thể đi, và cũng có thể bay trên không trung, vô cùng diệu kỳ.
  4. Như ý bảo châu: còn gọi là thần châu bảo. Đó là một viên ngọc quý có sức thần biến hóa như ý nguyện. Vua Chuyển Luân muốn cái gì thì ngọc Như Ý liền hiện ra cái ấy.
  5. Ngọc nữ bảo: Lúc Luân vương muốn vui vẻ cùng người nữ thì có một ngọc nữ đến hầu tiếp.
  6. Chủ tàng thần bảo: Vị quan trông coi về của báu ẩn tàng, có thể khai quật của báu ẩn tàng theo ý mình, Vua Chuyển Luân đi đến bất cứ chỗ nào nếu muốn dùng đến vàng thì bảo vị quan này đào đất liền có vàng. Nếu muốn bất kỳ một thứ châu báu nào, khi bảo vị này khai quật đều có như ý muốn.
  7. Chủ binh bảo: Vua Chuyển Luân không cần huấn luyện quân đội, khi cần dùng binh thì chỉ cần gọi vị quan trông coi binh bị, muốn ít nhiều đều có. Luân Vương lại có một nghìn người con, tất cả đều vô cùng anh dũng và thiện chiến.

“Hoặc ở trong đạo tràng của chúng hội Cư sĩ, Trưởng giả, Bà-la-môn cùng Sát-đế-lợi”: Sát-lợi chính là Sát-đế-lợi (Kshatriyas), một trong bốn giai cấp ở Ấn độ, cũng chính là giai cấp quý tộc, dòng dõi vua chúa. Bà-la-môn là Phạn ngữ (Brahman), dịch là Tịnh Duệ, chính là người tu hạnh thanh tịnh. Trưởng Giả chính là người giàu có. Cư sĩ là tất cả Phật tử tại gia. “Nhẫn đến hoặc ở trong đạo tràng của chúng hội Thiên, Long, Bát bộ, Nhơn, Phi Nhơn v.v…”: hoặc ở đạo tràng của chúng hội của Thiên Long Bát Bộ, quỷ thần, người và phi nhân.

“Ở trong các chúng hội như vậy, dùng tiếng viên mãn như đại lôi chấn, tùy theo căn tánh của mỗi loại mà giáo hóa cho chúng sanh đều được thành thục.”: Phật ở trong vô lượng chúng hội ấy, Ngài dùng âm thanh tròn đầy giống như tiếng sấm rền trong không trung, tùy theo sự ưa thích của chúng sinh mà giáo hóa họ. Chúng sinh chưa trồng căn lành thì Ngài khiến họ trồng căn lành, chúng sinh đã trồng căn lành thì Ngài khiến cho căn lành thêm lớn, những chúng sinh căn lành đã lớn thì Ngài khiến cho họ được tròn đầy, giải thoát.

“Nhẫn đến thị hiện nhập Niết bàn. Cả thảy hạnh đức như thế tôi đều học tập theo.”: Cho đến sau cùng, Ngài thị hiện nhập Niết-bàn, đạt đến bốn đức của Niết-bàn: thường, lạc, ngã, tịnh. Tất cả những hạnh khổ khó làm như thế tôi đều học theo.

 

Như kim Thế Tôn Tỳ Lô Giá Na, như thị tận pháp giới, hư không giới, thập phương tam thế nhất thiết Phật sát, sở hữu trần trung nhất thiết Như Lai, giai diệc như thị; ư niệm niệm trung, ngã giai tùy học.

Như đức Thế Tôn Tỳ Lô Giá Na hiện nay, các đức Phật Như Lai như số vi trần trong tất cả cõi Phật khắp hư không pháp giới mười phương ba đời cũng như thế ấy, trong mỗi niệm tôi đều học tập theo.

“Như đức Thế Tôn T ỳ Lô Giá Na hiện nay”: Giống như hiện nay, đức Thế Tôn Tỳ-lô-giá-na Phật trước kia đã tu hành vô lượng hạnh như đã nói, lại ở nơi vô lượng chúng hội đạo tràng. “Các đức Phật Như Lai như số vi trần trong tất cả cõi Phật khắp hư không pháp giới mười phương ba đời cũng như thế ấy”: cho đến hết thảy Như Lai số như vi trần trong cõi nước của hết thảy chư Phật thuộc mười phương, ba đời khắp cùng pháp giới, hư không giới, tôi cũng đều phát nguyện giống như trước thường học theo tất cả hạnh môn của chư Phật. “Trong mỗi niệm tôi đều học tập theo”: Ở trong mỗi niệm tôi đều học theo vô lượng hạnh môn của tất cả chư Phật.

 

Như thị hư không giới tận, chúng sinh giới tận, chúng sinh nghiệp tận, chúng sinh phiền não tận, ngã thử tùy học vô hữu cùng tận. Niệm niệm tương tục, vô hữu gián đoạn. Thân ngữ ý nghiệp vô hữu bì yếm.

Như vậy, cõi hư không cùng tận, cõi chúng sanh cùng tận, nghiệp chúng sanh cùng tận, phiền não chúng sanh cùng tận, sự tùy học của tôi đây vẫn không cùng tận niệm niệm nối luôn không hở, ba nghiệp thân, khẩu, ý không hề nhàm mỏi.

“Như vậy, cõi hư không cùng tận, cõi chúng sanh cùng tận, nghiệp chúng sanh cùng tận, phiền não chúng sanh cùng tận, sự tùy học của tôi đây vẫn không cùng tận”: Giống như thế, giả sử hư không có thể diệt tận, cõi chúng sinh có thể diệt tận, nghiệp của chúng sinh có thể hết, phiền não của chúng sinh có thể sạch nhưng sức thệ nguyện học theo chư Phật của tôi không thể nào tận cùng. “Niệm niệm nối luôn không hở ”: sự theo học đó được tiếp nối trong từng niệm, không hề gián đoạn. “Ba nghiệp thân, khẩu, ý cũng không chán mỏi”:  ba nghiệp thân, miệng ý của tôi mãi mãi không bao giờ mệt mỏi, lười biếng.

 

========================================

9. HẰNG THUẬN CHÚNG SANH

Phục thứ, Thiện nam tử! ngôn hằng thuận chúng sanh giả:

Lại này thiện nam tử! “Nói “Hằng thuận lợi chúng sanh” là như vầy:

Bồ-tát Phổ Hiền lại gọi Thiện Tài đồng  tử. Thiện nam tử! Tôi lại lược giảng về ý nghĩa “hằng thuận chúng sinh” cho ông nghe.

 

Vị tận pháp giới, hư không giới, thập phương sát hải sở hữu chúng sanh chủng chủng sai biệt, sở vị noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh, hoặc hữu y ư địa, thủy, hỏa, phong nhi sanh trú giả, hoặc hữu y không cập chư hủy mộc nhi sanh trú giả, chủng chủng sanh loại, chủng chủng sắc thân, chủng chủng hình trạng, chủng chủng tướng mạo, chủng chủng thọ lượng, chủng chủng tộc loại, chủng chủng danh hiệu, chủng chủng tâm tính, chủng chủng tri kiến, chủng chủng dục lạc, chủng chủng ý hành, chủng chủng oai nghi, chủng chủng y phục, chủng chủng ẩm thực, xứ ư chủng chủng thôn doanh tụ lạc, thành ấp cung điện, nãi chí nhất thiết Thiên Long Bát Bộ, nhân phi nhân đẳng, vô túc, nhị túc, tứ túc, đa túc, hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, phi hữu tưởng, phi vô tưởng.

Bao nhiêu chúng sanh sai khác trong tất cả cõi ở mười phương pháp giới, hư không giới, chính là những loài noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh, các loài nương nơi chất tứ đại mà sanh, có giống nương nơi hư không cùng cây cỏ mà sanh. Các giống sanh loại: các thứ sắc thân, các thứ hình trạng, các thứ tướng mạo, các thứ thọ lượng, các thứ tộc loại, các thứ danh hiệu, các thứ tâm tánh, các thứ tri kiến, các thứ dục lạc, các thứ ý hành, các thứ oai nghi, các thứ y phục, các thứ ăn uống, ở trong các thôn dinh, thành ấp, cung điện, nhẫn đến tất cả Thiên, Long, Bát Bộ, Nhơn, Phi Nhơn v.v…loài không không chân, loài hai chân, bốn chân, nhiều chân, loài có hình sắc, loài không có hình sắc, loài có tâm tưởng, loài không có tâm tưởng, loài chẳng phải có tâm tưởng chẳng phải không tâm tưởng.

Bao nhiêu chúng sanh sai khác trong tất cả cõi ở mười phương pháp giới, hư không giới, chính là những loài noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh”: Số chúng sinh hiện hữu trong các cõi nước nhiều như nước biển của mười phương chư Phật, tận cùng pháp giới và hư không giới, có vô lượng giống loài chẳng đồng. Sở dĩ gọi chúng sinh là vì nhiều duyên hòa hợp mà phát sinh (chúng nhân duyên sanh). Bởi do nhiều duyên hòa hợp mà sinh nên mỗi chúng sinh đều có những duyên khác nhau, vì thế có vô lượng giống loài bất đồng.

Các loài nương nơi chất tứ đại mà sanh, có giống nương nơi hư không cùng cây cỏ mà sanh.”: Trong kinh Lăng Nghiêm có ghi: “Loài sinh từ bào thai là do dục tình;  loài sinh từ trứng là do tâm tưởng; loài sinh từ ẩm ướt là do hợp cảm, loài sinh từ hóa sinh là bởi ly ứng”. Nhân vì có ái tình nên sinh từ bào thai, vì có niệm tưởng nên sinh từ trứng. Giống như gà mẹ lúc ấp trứng, nó nằm ôm quả trứng và khởi tưởng, lâu ngày trứng gà được ấp liền nở thành con. Loài sinh từ ẩm thấp là bởi khí ẩm thấp ứng hợp với độ ẩm thấp mà sinh ra, loài do hóa sinh chính là sự biến hóa. Giống như con sâu lông biến thành con bướm. Đó chính là sự lột xác xa rời nguyên gốc của nó mà biến thành một loài khác.

Các loài nương nơi chất tứ đại mà sanh”: hoặc có chúng sinh nương vào tứ đại đất, nước, gió, lửa mà sinh trưởng. “Có giống nương nơi hư không cùng cây cỏ mà sanh.”: Hoặc có chúng sinh nương vào hư không cho đến nương vào cây cỏ mà sinh trưởng. “Các giống sanh loại”: vô  số chủng loại chúng sinh sai khác, thân hình cũng chẳng đồng.

Các thứ sắc thân, các thứ hình trạng, các thứ tướng mạo”: vô số hình trạng, vô số tướng mạo cũng sai khác. “Các thứ thọ lượng”: chúng sinh có thọ mạng dài, ngắn chẳng giống nhau. “Các thứ tộc loại”: súc sinh có dòng họ của súc sinh, cọp có dòng họ của cọp, gấu có dòng họ của gấu, nai có dòng họ của nai… mỗi loại đều có dòng họ của chúng. “Vô số tên gọi, vô số tâm tính”: mỗi chúng sinh đều có tên khác nhau và tính tình cũng khác nhau. Như tính của con cọp thích giết hại chúng sinh, tính của con nai thì hiền lành, chỉ thích ăn cỏ, không ăn thịt loài nào cả. Chúng sinh có loài bạo dạn, có loài nhút nhát, có loài vừa thấy người liền bỏ chạy, có loài thấy người thì muốn ăn thịt. “Các thứ tri kiến, các thứ dục lạc”: sự nhận biết và ưa thích của chúng sinh không giống nhau. “Các thứ ý hành, các thứ oai nghi”: việc làm của chúng sinh chẳng giống nhau; thái độ cách thức biểu hiện của chúng sinh cũng khác nhau. “Các thứ y phục”: Người thì mặc y phục của người, muôn thú thì lấy da làm y phục, chim muông dùng bộ lông làm y phục… có vô số y phục. “Các thứ ăn uống”: có loài thú thì ăn thịt, có loài thì ăn cỏ, có loài thì ăn đất, có loài thì ăn những thứ khác…có vô số thức ăn khác nhau.

Ở trong các thôn dinh, thành ấp, cung điện”: chúng sinh cũng ở nơi thôn, trại, tụ lạc, thành ấp, cung điện. “Nhẫn đến tất cả Thiên, Long, Bát bộ, Nhơn, Phi Nhơn v.v…”: cho đến hết thảy tám bộ trời, rồng, quỷ thần, càn-thát-bà, a-tu-la, khẩn-na-la, Ca-lâu-la, ma-hầu-la-già, cho đến nhân và phi nhân.

Loài không không chân, loài hai chân, bốn chân, nhiều chân”: hoặc có chúng sinh không có chân như con trăn, có loài có hai chân, có loài có bốn chân, có loài có nhiều chân. “Loài có hình sắc, loài không có hình sắc, loài có tâm tưởng, loài không có tâm tưởng, loài chẳng phải có tâm tưởng chẳng phải không tâm tưởng”: có loài có hình sắc, có loài không có hình sắc, có loài có tư tưởng, có loài không có tư tưởng, có loài chẳng phải có tư tưởng chẳng phải không có tư tưởng… có vô số chúng sinh bất đồng như thế.

 

Như thị đẳng loại, ngã giai ư bỉ tùy thuận nhi chuyển. Chủng chủng thừa sự, chủng chủng cúng dường, như kính phụ mẫu, như phụng sư trưởng cập A La Hán, nãi chí Như Lai, đẳng vô hữu dị. Ư chư bệnh khổ, vi tác lương y; ư thất đạo giả, thị kỳ chánh lộ; ư ám dạ trung, vi tác quang minh; ư bần cùng giả, linh đắc phục tàng. Bồ Tát như thị bình đẳng nhiêu ích nhất thiết chúng sanh.

Các loài như vậy tôi đều tùy thuận tất cả mà thật hành các sự vâng thờ, cúng dường, như kính cha mẹ, như thờ bậc thầy, cùng A La Hán, nhẫn đến như đức Như Lai đồng nhau không khác. Trong các loài ấy, nếu là kẻ có bịnh thì tôi vì họ mà làm lương y, nếu ai bị lạc đường thì tôi vì họ mà chỉ cho con đường chánh, nơi đêm tối tôi vì họ mà làm ngọn đuốc sáng, người nghèo thiếu tôi làm cho được của báu. Bồ Tát bình đẳng lợi ích cho chúng sanh như vậy.

“Các loài như vậy tôi đều tùy thuận tất cả”: Vô lượng chúng sinh giống như trên đã nói, tôi đều hiện thân giống họ để giáo hóa. “Mà thật hành các sự vâng thờ, cúng dường”: Dùng rất nhiều cách để hầu hạ và cúng dường chúng sinh. “Như kính cha mẹ, như thờ bậc thầy, cùng A La Hán , nhẫn đến như đức Như Lai đồng nhau không khác.”: Giống như cung kính cha mẹ, hầu hạ sư trưởng và những bậc chứng quả A-la-hán cho đến giống như cúng dường Phật không có sai khác.

“Trong các loài ấy, nếu là kẻ có bịnh thì tôi vì họ mà làm lương y”: chúng sinh có tám vạn bốn nghìn thứ bệnh, Bồ-tát dùng tám vạn bốn nghìn phương thuốc hay để trị bệnh cho chúng sinh. Thầy thuốc giỏi chính là vị thầy thuốc tinh thông y thuật. Đối với vị Bồ-tát thực hành Bồ-tát đạo mà nói, khi chúng sinh có bệnh thì giống như chính mình mang bệnh, vì thế phải tận tâm dùng mọi phương pháp làm cho bệnh tật của chúng sinh được tiêu trừ. “Nếu ai bị lạc đường thì tôi vì họ mà chỉ cho con đường chánh”: chúng sinh tuy có hai mắt nhưng không biết con đường nào là chính, con đường nào là tà vì thế có lúc lầm vào ngã rẽ, đi sai đường. Quý vị nếu biết họ đi sai đường thì phải chỉ cho họ con đường chân chính. Như hiện tại có rất nhiều thanh niên không biết đi trên con đường chân chính, chỉ biết lười biếng uống rượu, hút chích ma túy, lạc vào con đường sai lầm. Lúc ấy, Bồ-tát phải dùng nhiều phương pháp để dẫn dắt những chúng sinh ấy đi trên con đường chân chính, khiến họ không còn trở lại con đường tà nữa.

“Nơi đêm tối tôi vì họ mà làm ngọn đuốc sáng”: đêm tối nghĩa là ở trong đêm đen mờ mịt. Chúng ta không hiểu rõ Phật pháp thì giống như ở trong đêm tối, sau khi hiểu rõ Phật pháp chính là được ánh sáng chiếu soi. Vì sao lại nói như thế? Do vì chúng ta không hiểu rõ Phật pháp thì hành động một cách điên đảo, nhưng sau khi hiểu rõ Phật pháp mới biết đi trên con đường quang minh chính đại. Vì thế chúng sinh không hiểu rõ Phật pháp thì phải làm cho họ hiểu rõ Phật pháp, thấy được ánh sáng. “Người nghèo thiếu tôi làm cho được của báu”: đối với người nghèo cùng thì khiến cho họ hoặc là gặp được của báu như vàng, bạc… “ẩn tàng trong lòng đất”. “Bồ tát bình đẳng lợi ích cho chúng sanh như vậy.”: Bồ-tát phải giống như thế, bình đẳng không có phân biệt để làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh, giáo hóa hết thảy chúng sinh.

 

Hà dĩ cố? Bồ Tát nhược năng tùy thuận chúng sanh, tắc vi tùy thuận cúng dường chư Phật; nhược ư chúng sanh tôn trọng thừa sự, tắc vi tôn trọng thừa sự Như Lai; nhược linh chúng sanh sanh hoan hỷ giả, tắc linh nhất thiết Như Lai hoan hỷ.

Vì sao thế? Vì Bồ Tát nếu có thể tùy thuận chúng sanh, thì chính là tùy thuận cúng dường các đức Phật. Còn tôn trọng và thừa sự chúng sanh thì chính là tôn trọng và thừa sự các đức Như Lai. Nếu làm cho chúng sanh vui mừng thì chính là làm cho tất cả đức Như Lai vui mừng.

“Vì sao?”: nguyên nhân vì sao? “Vì Bồ-tát nếu có thể tùy thuận chúng sanh, thì chính là tùy thuận cúng dường các đức Phật”: Bồ-tát thực hành Bồ-tát đạo nếu thường tùy thuận chúng sinh, đó chính là tùy thuận chư Phật, cũng chính là cúng dường chư Phật. Nhân vì tâm, Phật và chúng sinh, cả ba không sai biệt, không khác.

“Còn tôn trọng và thừa sự chúng sanh thì chính là tôn trọng và thừa sự các đức Như Lai”: cung kính hầu hạ đối với hết thảy chúng sinh, đó chính là giống như tôn trọng, cung kính, cúng dường Như Lai. “Nếu làm cho chúng sanh vui mừng thì chính là làm cho tất cả đức Như Lai vui mừng”: Nếu làm cho hết thảy chúng sinh đều sinh lòng vui mừng, chúng sinh đã hoan hỷ thì các đức Như Lai cũng hoan hỷ. Vì thế người xuất gia, phải:

Giữ miệng, nhiếp ý, thân chớ phạm,
Chẳng gây não phiền cho chúng sinh.
Xa lìa những khổ hạnh vô ích,
Hành giả như thế khéo độ sinh.

Thủ khẩu nhiếp ý thân mạc phạm,
Mạc não nhất thiết chư hữu tình;
Vô ích khổ hạnh đương viễn ly,
Như thị hành giả đắc độ thế.

Người tu hành cần phải giữ gìn ba nghiệp thân, miệng, ý của mình, không nên gây phiền não cho tất cả chúng sinh, phải xa lìa những hạnh khổ vô ích, không tu những pháp môn này. Người thực hành được như thế mới có thể giáo hóa chúng sinh. Thế nên, quý vị  phải thường làm cho chúng sinh hoan hỷ, như  thế thì chư Phật Như Lai cũng hoan hỷ.

 

Hà dĩ cố ? Chư Phật Như Lai, dĩ đại bi tâm nhi vi thể cố. Nhân ư chúng sanh nhi khởi đại bi, nhân ư đại bi sanh Bồ-đề tâm, nhân Bồ-đề tâm thành Đẳng Chánh Giác.

Vì sao thế? Vì các đức Như Lai dùng tâm đại bi mà làm thể. Nhơn nơi chúng sanh mà sanh lòng đại bi, nhơn lòng đại bi mà phát tâm bồ đề, nhơn vì nơi tâm bồ đề mà thành bậc Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.

“Vì sao thế?”: nguyên nhân vì sao mà chúng sinh vui mừng thì Phật cũng vui mừng? Do vì Phật và chúng sinh đồng một thể tính, Phật cũng là chúng sinh, chúng sinh cũng là Phật; Phật là chúng sinh đã thành Phật, chúng sinh là chúng sinh chưa thành Phật. Chúng ta và Phật là một, tương lai đều là bình đẳng. Vì thế mà Phật giáo khác với những tôn giáo khác, bởi Phật giáo bình đẳng tuyệt đối. “Vì các đức Như Lai dùng tâm đại bi mà làm thể”: Chư Phật Như Lai chính là lấy lòng đại bi làm bản thể của các ngài. “Nhơn nơi chúng sanh mà sanh lòng đại bi”: nhân vì chúng sinh mà chư Phật phát khởi lòng đại bi. “Nhơn lòng đại bi mà phát tâm Bồ-đề”: nhờ có tâm đại bi ấy mà làm phát sinh tâm tưởng học đạo. “Nhơn vì nơi tâm Bồ-đề mà thành bậc Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác”: nhân vì có tâm học đạo mà các ngài mới thành tựu Đẳng Chính Giác, mới thành tựu quả Phật.

 

Thí như khoáng dã sa thích chi trung, hữu đại thọ vương, nhược căn đắc thủy, chi diệp hoa quả tất giai phồn mậu.

Ví như giữa chốn sa mạc có cây thọ vương to lớn, nơi gốc cây ấy được nước rưới nhuần, thì cành lá hoa qủa thảy đều sum suê tươi tốt.

“Ví như giữa chốn sa mạc có cây thọ vương to lớn”: Điều này có một thí dụ: Giống như giữa bãi sa mạc mênh mông, có một cây đại thụ rất lớn. “Nơi gốc cây ấy được nước rưới nhuần, thì cành lá hoa quả thảy đều sum suê tươi tốt”: Nơi góc cây đại thụ này nếu được tưới tẩm, thì cành lá sẽ tươi tốt, hoa quả cũng thơm ngọt.

 

Sinh tử khoáng dã Bồ-đề thọ vương, diệc phục như thị. Nhất thiết chúng sanh nhi vi thọ căn, chư Phật Bồ Tát nhi vi hoa quả, dĩ đại bi thủy nhiêu ích chúng sanh, tắc năng thành tựu chư Phật Bồ Tát trí huệ hoa quả.

Cây thọ vương Bồ đề ở chốn sá mạc sanh tử rộng lớn cũng như vậy: tất cả chúng sanh là gốc rễ, Bồ Tát là hoa, Phật là qủa. Dùng nước đại bi đượm nhuần gốc rễ chúng sanh thì có thể trổ bông Bồ Tát trí huệ kết thành qủa Phật toàn giác.

“Cây thọ vương Bồ-đề ở chốn sa mạc sanh tử rộng lớn cũng như vậy”: Cây đại thụ bồ-đề trong sa mạc sinh tử cũng giống như cây đại thụ trong sa mạc. Cây Bồ-đề chính là Đức Phật Thích-ca-mâu-ni, Ngài đã thành đạo dưới cội cây Bồ-đề này.

“Tất cả chúng sanh là gốc rễ, Bồ-tát là hoa, Phật là quả”: Vì sao tất cả chúng sinh và Phật có liên quan với nhau? Bởi vì chúng sinh giống như rễ cây đại thụ, chư Phật và Bồ-tát chính là sự khai hoa, kết quả phần trên của cây. “Dùng nước đại bi đượm nhuần gốc rễ chúng sanh thì có thể trổ bông Bồ-tát trí huệ kết thành quả Phật toàn giác”: chư Phật, Bồ-tát dùng nước trí tuệ đại bi, khiến cho chúng sinh đều đến chỗ tốt đẹp, như thế có thể thành tựu hoa quả trí tuệ vô lượng vô biên của Phật và Bồ-tát.

 

Hà dĩ cố ? Nhược chư Bồ Tát dĩ đại bi thủy nhiêu ích chúng sanh, tắc năng thành tựu A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề.

Vì sao thế? Bởi các Bồ Tát dùng nước đại bi làm lợi ích chúng sanh, thì có thể thành tựu qủa Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.

“Vì sao thế?”: Vì sao nói chúng sinh là rễ cây đại thụ, còn chư Phật và Bồ-tát là hoa quả của trí tuệ?

“Nếu các Bồ-tát dùng nước đại bi làm lợi ích chúng sinh”: Giả như các vị Bồ-tát dùng nước đại bi để làm lợi ích chúng sinh. Thế nào là nước đại bi? Chính là tâm từ bi, tâm thương xót đối với hết thảy chúng sinh. Đó gọi là nước đại bi. Lại có Bồ-tát Quán Thế Âm cùng hết thảy các vị Bồ-tát cũng tụng Chú Đại Bi, gia trì vào nước đại bi để làm lợi ích chúng sinh. Vì thế mà Bồ-tát Quán Thế Âm có bốn mươi hai Thủ Nhãn; có tay cầm nhành dương và có tay cầm tịnh bình. Dương chi và tịnh bình này là hợp dụng, đem nhành dương nhúng vào tịnh bình cho thấm nước đại bi. Ngài Quán Thế Âm lúc nào cũng trì tụng Chú Đại Bi gia trì vào nước đại bi trong bình tịnh thủy, ngài dùng nước đại bi này để làm lợi ích chúng sinh. Vì thế nói: “Nước cam lộ trong tịnh bình thường rảy khắp” (Bình trung cam lộ thường biến sái). Nước ở trong tịnh bình ấy gọi là nước đại bi, cũng gọi là nước cam lộ.

“Thì có thể thành tựu quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác”: Do Bồ-tát dùng nước đại bi để làm lợi ích chúng sinh nên mới thành tựu được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. A-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề là tiếng Phạn (Anuttarasamyaksambodhi), Trung Hoa dịch là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Chánh Giác là quả vị của Nhị thừa đạt được. Người tu hạnh Nhị thừa đạt đến giác ngộ, chứng đắc quả vị Thanh Văn hoặc Duyên Giác, nhưng như thế các Ngài chỉ là tự giác mà không có Chánh Đẳng. Quả vị của Bồ-tát là Chánh Đẳng Chánh Giác chính bằng như Phật, nhưng Bồ-tát chỉ đạt được Chánh Đẳng mà chưa đạt được Vô Thượng. Bồ-tát gọi là Thượng Sĩ, Phật được gọi là Vô Thượng Sĩ, nên đạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác chính là quả vị Phật. Nếu Bồ-tát không làm lợi ích chúng sinh, không dùng nước đại bi để giáo hóa chúng sinh thì rốt cuộc cũng không thể thành Phật. Như thế nào mới có thể thành Phật? Chính là phải làm lợi ích chúng sinh, sau đó tự mình mới có thể thành Phật. Đó gọi là tự lợi, lợi tha.

 

Thị cố Bồ-đề thuộc ư chúng sanh, nhược vô chúng sanh, nhất thiết Bồ Tát chung bất năng thành Vô Thượng Chánh Giác.

Cho nên qủa Bồ Ðề thuộc về chúng sanh, vì nếu không chúng sanh, tất cả Bồ Tát trọn không thể thành đạo Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.

Cho nên quả Bồ Ðề thuộc về chúng sanh”: Nhân vì điều này nên sự thành tựu đạo quả là từ ở nơi chúng sinh. “Vì nếu không chúng sanh, tất cả Bồ tát trọn không thể thành đạo Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác”: giả như không có chúng sinh thì tất cả các Bồ-tát cũng chẳng thể thành Phật. Vì sao? Vì các Ngài không có chỗ để tu tạo công đức. Chúng sinh thì ở nơi Tam Bảo mà tu tạo công đức, còn Bồ-tát thì ở nơi chúng sinh mà tu tạo công đức. Bồ-tát ở nơi chúng sinh tu tạo công đức như thế nào? Chính là làm lợi ích chúng sinh, khiến chúng sinh xa lìa đau khổ, được an vui, giải thoát sinh tử, từ bờ mê quay về bến giác. Đó chính là làm lợi ích chúng sinh.

 

Thiện nam tử! Nhữ ư thử nghĩa, ưng như thị giải, dĩ ư chúng sanh tâm bình đẳng cố, tắc năng thành tựu viên mãn đại bi; dĩ đại bi tâm tùy chúng sanh cố, tắc năng thành tựu cúng dường Như Lai.

Này thiện nam tử! Ông ở nơi nghĩa ấy nên hiểu như thế. Bởi đối với chúng sanh mà tâm bình đẳng thì có thể sanh lòng đại bi đầy đủ hoàn toàn. Dùng tâm đại bi mà tùy thuận chúng sanh thì có thể thành tựu pháp cúng dường Như Lai.

Này Thiện nam tử! Ông ở nơi nghĩa ấy nên hiểu như thế”: Ông là thiện nam tu hành đạo Bồ-tát! Đối với nghĩa lý này nên hiểu như thế. “Bởi đối với chúng sanh mà tâm bình đẳng thì có thể sanh lòng đại bi đầy đủ hoàn toàn”: Nhân vì Phật, chúng sinhtâm tuy ba mà một, một mà ba. Tâm, Phật, chúng sinh đều bất khả tư nghì; chúng sinh bất khả tư nghì, Phật cũng bất khả tư nghì, tâm cũng bất khả tư nghì nên tâm, Phật, chúng sinh cả ba không sai biệt, là đồng nhất thể. Ông thấu rõ nghĩa lý ấy thì mới có thể thành tựu viên mãn tâm đại bi. “Dùng tâm đại bi mà tùy thuận chúng sanh thì có thể thành tựu pháp cúng dường Như Lai”: dùng tâm đại bi này để tùy thuận chúng sinh thì có thể thành tựu công đức cúng dường Như Lai.

 

Bồ Tát như thị tùy thuận chúng sanh, hư không giới tận, chúng sinh giới tận, chúng sinh nghiệp tận, chúng sinh phiền não tận, ngã thử tùy thuận vô hữu cùng tận. Niệm niệm tương tục, vô hữu gián đoạn. Thân ngữ ý nghiệp vô hữu bì yếm.

Bồ Tát tùy thuận chúng sanh như thế ấy. Cõi hư không cùng tận, cõi chúng sanh cùng tận, nghiệp chúng sanh cùng tận, phiền não chúng sanh cùng tận, sự tùy thuận chúng sanh của tôi vẫn không cùng tận, niệm niệm nối luôn không hở, thân khẩu, ý ba nghiệp không hề nhàm mỏi.

“Bồ-tát tùy thuận chúng sinh như thế”: Thực hành Bồ-tát đạo nghĩa là Bồ-tát tu hành hạnh Bồ-tát thì phải tùy thuận chúng sinh như thế. “Hư không có thể cùng tận, chúng sinh có thể cùng tận, nghiệp chúng sinh có thể cùng tận, phiền não chúng sinh có thể cùng tận nhưng sự tùy thuận chúng sinh này của tôi không bao giờ cùng tận”: giả như cõi hư không diệt tận, cõi chúng sinh, nghiệp của chúng sinh và phiền não của chúng sinh đều diệt tận nhưng hạnh nguyện tùy thuận chúng sinh này của tôi cũng không bao giờ cùng tận. Xưa nay pháp giới hư không, và cõi chúng sinh, nghiệp chúng sinh, phiền não của chúng sinh vốn chẳng thể diệt tận, nhưng giả như các thứ ấy đều không còn thì nguyện này của tôi cũng mãi mãi tồn tại.

“Niệm niệm nối tiếp không gián đoạn”: mỗi niệm đều như thế, nối nhau liên tiếp không dứt. “Ba nghiệp thân, miệng, ý không hề chán mỏi”: thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp của tôi mãi mãi đều phải thực hành hạnh nguyện này, nương nơi nguyện lực này mà làm, mãi mãi đều không chán mỏi.

 

========================================

10. PHỔ GIAI HỒI HƯỚNG

Phục thứ, Thiện nam tử! ngôn phổ giai hồi hướng giả:

Lại này thiện nam tử! “Nói “Hồi hướng khắp tất cả” là như vầy:

Bồ-tát Phổ Hiền nói, Thiện nam tử! Tôi lại nói cho ông nghe vì sao gọi là “Hồi hướng khắp cả?”. Tôi nay nói lược qua.

 

Tùng sơ lễ bái, nãi chí tùy thuận sở hữu công đức, giai tất hồi hướng tận pháp giới hư không giới nhất thiết chúng sanh.

Từ sự lễ kính ban đầu nhẫn đến tùy thuận có bao nhiêu công đức, thảy đều đem hồi hướng cho tất cả chúng sanh khắp trong hư không pháp giới.

Từ hạnh nguyện thứ nhất là lễ kính chư Phật cho đến hạnh nguyện thứ chín là  hằng thuận chúng sinh,  bao nhiêu hạnh nguyện, pháp môn tôi đã tu tập trong khoảng thời gian ấy, có rất nhiều công đức. Nhưng những công đức đó có phải tôi để dành cho riêng tôi dùng không? Không phải. Tất cả những công đức ấy tôi đều đem hồi hướng tất cả. Hồi hướng cho ai? Hồi hướng cho hết thảy chúng sinh khắp cả pháp giới và hư không giới.

 

Nguyện linh chúng sinh, thường đắc an lạc, vô chư bệnh khổ; dục hành ác pháp giai tất bất thành, sở tu thiện nghiệp giai tốc thành tựu. Quan bế nhất thiết chư ác thú môn, khai thị Nhân Thiên Niết Bàn chánh lộ.

Nguyện cho tất cả chúng sanh thường được an lạc, không các bịnh khổ, muốn thật hành pháp ác thảy đều không thành, còn tu nghiệp lành thì đều mau thành tựu. Ðóng chặt cửa của tất cả các ác thú, mở bày đường chánh Nhơn Thiên Niết Bàn.

“Nguyện cho tất cả chúng sanh thường được an lạc, không các bịnh khổ”: Xin tình nguyện đem công đức này hồi hướng khiến cho hết thảy chúng sinh lúc nào cũng được an lạc, được lợi ích, tất cả những bệnh khổ đều không còn. “Muốn thật hành pháp ác thảy đều không thành”: Giả sử như chúng sinh muốn làm các việc ác thì các pháp ấy đều không được thành tựu. “Còn tu nghiệp lành thì đều mau thành tựu”: Nếu họ tu tập các hạnh lành, làm các việc tốt thì được thành tựu một cách nhanh chóng.

“Ðóng chặt cửa của tất cả các ác thú”: Tôi phát nguyện đem công đức của tôi, hồi hướng cho hết thảy chúng sinh, đóng chặt tất cả cánh cửa ác Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sinh, A-tu-la; khiến cho chúng sinh không đọa vào Địa ngục, không thành Ngạ quỉ, không làm Súc sinh và A-tu-la. “Mở bày đường chánh Nhơn Thiên Niết-bàn”: Mở bày con đường chân chính nhân, thiên và Niết-bàn nghĩa là đối với con người thì dạy rõ cho họ biết tu thế nào để được làm người, tu thế nào để được sinh thiên. Quý vị muốn làm người thì phải giữ gìn năm giới, quý vị muốn sinh thiên thì phải giữ gìn năm giới và mười điều thiện, quý vị muốn được Niết-bàn thì phải tu Tứ-đế, Thập nhị nhân duyên, Lục độ Vạn hạnh, tất cả những hạnh của Bồ-tát mới có thể đạt được cảnh giới Niết-bàn “thường, lạc, ngã, tịnh”.

 

Nhược chư chúng sanh, nhân khởi tích tập chư ác nghiệp cố, sở cảm nhất thiết cực trọng khổ quả, ngã giai đái thọ; linh bỉ chúng sanh, tất đắc giải thoát, cứu cánh thành tựu Vô Thượng Bồ Đề.

Nếu các chúng sanh nhơn vì trước kia chứa nhóm các nghiệp ác nên chiêu cảm tất cả qủa rất khổ, tôi đều chịu thế cho, khiến chúng sanh đều được giải thoát, rốt ráo thành tựu qủa Vô Thượng Bồ Ðề.

“Nếu các chúng sanh nhơn vì trước kia chứa nhóm các nghiệp ác nên chiêu cảm tất cả quả rất khổ, tôi đều chịu thế cho”: giả như có chúng sinh, do vì tích tập rất nhiều nghiệp ác khác nhau, những chúng sinh đó nhất định phải chịu quả khổ nặng nề. Tôi đều thay thế họ mà nhận lấy quả khổ ấy. Quý vị thử xem! Bồ-tát Phổ Hiền phát nguyện này rất là từ bi, chúng ta nghe được lời phát nguyện này của Bồ-tát, nếu không chịu tu hành thì kẻ đó thật là ngu si hết chỗ nói! Bồ-tát Phổ Hiền phát nguyện thay chúng ta chịu khổ, hiện nay chúng ta khổ nhiều hay ít, bởi vì Bồ-tát Phổ Hiền thay ta chịu khổ rất nhiều nhưng mà Ngài cũng chẳng bảo cho ta biết, nói rằng: “Tôi thay ông chịu bao nhiêu khổ, hoặc là khổ của một ngày, khổ của một năm, khổ của một đời, tôi đã thay ông chịu khổ, nay ông phải cám ơn tôi, mời ta ăn một bữa cơm hay uống một chén trà”. Ngài cũng không bảo ta cảm ơn Ngài, cũng không bảo ta phải mời khách. Chúng ta nghe kinh, nghe đến chỗ này chúng ta phải khóc một cách thống thiết, lệ chảy tràn trề để cảm tạ Bồ-tát Phổ Hiền.

“Khiến chúng sanh đều được giải thoát, rốt ráo thành tựu quả Vô Thượng Bồ Ðề.”: Khiến cho hết thảy chúng sinh đều không bị trói buộc, không bị ngăn ngại, chẳng có quả khổ nào làm chướng ngại họ, họ đều được giải thoát, cuối cùng thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

 

Bồ Tát như thị sở tu hồi hướng, hư không giới tận, chúng sinh giới tận, chúng sinh nghiệp tận, chúng sinh phiền não tận, ngã thử hồi hướng vô hữu cùng tận. Niệm niệm tương tục, vô hữu gián đoạn. Thân ngữ ý nghiệp vô hữu bì yếm.

Bồ Tát tu hạnh hồi hướng như vậy. Cõi hư không cùng tận, cõi chúng sanh cùng tận, nghiệp chúng sanh cùng tận, phiền não chúng sanh cùng tận, sự hồi hướng của tôi vẫn không cùng tận, niệm niệm nối luôn không hở, thân khẩu, ý ba nghiệp không hề nhàm mỏi.

“Bồ-tát tu hạnh hồi hướng như vậy.”: Bồ-tát giống như thế, đem toàn bộ công đức của mình hồi hướng cho chúng sinh. Đó là việc mà Bồ-tát phải làm. Bồ-tát chính là luôn làm lợi ích của người khác, không phải chỉ riêng lo lợi ích của riêng mình. Vì thế những công đức có được của Ngài đều không nắm giữ mà hồi hướng cho hết thảy chúng sinh trong pháp giới. “Cõi hư không cùng tận, cõi chúng sanh cùng tận, nghiệp chúng sanh cùng tận, phiền não chúng sanh cùng tận”: cõi hư không giả như có cùng tận; cõi chúng sinh, nghiệp lực của chúng sinh, phiền não của chúng sinh giả như cũng sẽ cùng tận nhưng nguyện lực hồi hướng này của tôi mãi mãi cũng không thể cùng tận. Hư không xưa nay chẳng bao giờ hoại diệt, chúng sinh cũng không thể hết, nghiệp của chúng sinh, phiền não của chúng sinh cũng chẳng thể dứt sạch, nhưng giả sử những thứ ấy đều tiêu diệt, không còn nữa thì nguyện lực hồi hướng này của tôi cũng không thể cùng tận.

“Niệm niệm nối luôn không hở”: Giống niệm lực của con người, niệm niệm nối tiếp nhau, mãi mãi không hề gián đoạn. “Ba nghiệp thân khẩu, ý không hề nhàm mỏi.”. Thân của tôi cũng tu mười hạnh nguyện này. Miệng cũng tu mười hạnh nguyện, ý niệm cũng tu mười hạnh nguyện, mãi mãi không thấy khổ nhọc, mệt mỏi. Tôi không bao giờ dừng nghỉ, đêm ngày tinh tiến hành trì pháp môn mười hạnh nguyện lớn này.

Nay chúng ta đã hiểu rõ mười đại nguyện của đức Bồ-tát Phổ Hiền. Nếu đem mười nguyện lực này để so rộng hẹp với hư không, thì dù hư không có tiêu mất đi, nguyện lực này của Ngài cũng không cùng tận.

Mười hạnh nguyện này không phải chỉ riêng Bồ-tát Phổ Hiền hành trì mà thôi. Nếu chỉ riêng Ngài tự mình tu trì hạnh nguyện này thì Bồ-tát Phổ Hiền sẽ chẳng thể ở hội kinh Hoa Nghiêm mà phát biểu mười hạnh nguyện lớn này. Ngài nói ra mười hạnh nguyện này chính là để khiến tất cả chúng sinh như chúng ta đều noi theo để tu hành, phát tâm nguyện rộng lớn như pháp giới hư không, đem hết công đức của mình hồi hướng về cho pháp giới chúng sinh. Bao nhiêu thệ nguyện của tất cả chúng sinh đều cùng hạnh nguyện Bồ-tát Phổ Hiền hợp làm một, cũng có nghĩa là tất cả chúng sinh đều là Phổ Hiền, rồi bao nhiêu Phổ Hiền ấy trở lại giáo hóa chúng sinh. Quý vị tu tập theo 10 nguyện rộng lớn của Phổ Hiền thì quý vị chính là Bồ-tát Phổ Hiền. Tôi nương theo mười hạnh nguyện lớn này để tu hành thì tôi là Bồ-tát Phổ Hiền. Vì thế nên nói: “Phổ là cùng khắp; Hiền là thánh hiền”. Phổ Hiền chính là cùng khắp pháp giới, hết thảy chúng sinh đều trở thành hiền nhân, thánh nhân. Vì thế mười hạnh nguyện lớn của Bồ-tát Phổ Hiền không phải chỉ dự bị cho Bồ-tát Phổ Hiền mà cũng là dự bị cho cho  tất cả chúng sinh như chúng ta. Bồ-tát Phổ Hiền sợ rằng chúng sinh như chúng ra không hiểu rõ tu tập như thế nào, vì thế mới khởi lòng đại bi bày ra mười hạnh nguyện lớn này, rồi dạy chúng ta noi theo mười nguyện lớn này mà tu hành. Thế nên, sau khi quý vị đã nghe mười hạnh nguyện lớn này rồi thì không nên cho rằng mười hạnh nguyện lớn này là việc của Bồ-tát Phổ Hiền, không phải là việc của quý vị. Như vậy là sai lầm! Chúng ta nghe được phương pháp tu hành mười hạnh nguyện lớn này, cũng nên phát những nguyện như thế rồi nương vào pháp mà tu hành.

 

Thiện nam tử! Thị vi Bồ-tát Ma-ha-tát thập chủng đại nguyện, cụ túc viên mãn. Nhược chư Bồ-tát ư thử đại nguyện tùy thuận thú nhập, tắc năng thành thục nhất thiết chúng sanh, tắc năng tùy thuận A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, tắc năng thành mãn Phổ Hiền Bồ-tát chư hạnh nguyện hải. Thị cố Thiện nam tử! Nhữ ư thử nghĩa, ứng như thị tri.

Này thiện nam tử ! Ấy là mười điều nguyện lớn đầy đủ viên mãn của đại Bồ Tát. Nếu các vị Bồ Tát ở nơi mười điều nguyện lớn này mà tùy thuận tu hành, thì có thể thuần phục tất cả chúng sanh, thì có thể tùy thuận đạo Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, thì có thể trọn đủ các hạnh nguyện hải của ngài Phổ Hiền Bồ Tát. Này thiện nam tử! Do cớ ấy ở nơi các nghĩa trên đây ông nên hiểu biết như vậy.

Nếu có thiện nam tử, thiên nữ nhơn dùng bảy món báu thượng diệu và đồ an lạc tối thắng của Nhơn Thiên, rất nhiều đến nỗi dẫy đầy tất cả thế giới như số cực vi trong vô lượng vô biên bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật khắp mười phương, đem bố thí cả cho bao nhiêu chúng sanh trong ngần ấy thế giới, cúng dường cả cho các đức Phật cùng Bồ Tát trong ngần ấy thế giới trải qua vô số kiếp như số cực vi trong ngần ấy cõi Phật nối luôn không dứt, cúng dường bố thí như vậy được bao nhiêu công đức, đem sánh với công đức của người một phen nghe mười điều nguyện vương này, thì công đức trước không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, nhẫn đến cũng không bằng một phần ưu ba ni sa đà của công đức nghe kinh này.

Hoặc có người dùng lòng tin sâu chắc ở nơi mười điều nguyện rộng lớn này thọ trì đọc tụng, cho đến biên chép một bài kệ bốn câu, thì sớm có thể dứt trừ được năm nghiệp vô gián, cả thảy thân bệnh, tâm bệnh, khổ não trong thế gian, cho đến tất cả các ác nghiệp nhiều như số cực vi trong cõi Phật đều được tiêu trừ, tất cả các quân ma, qủi Dạ Xoa, Qủy La Sát, hoặc qủi Cưu Bàn Trà, Tỳ Xá Xà, Bộ Ða v.v.. các quỷ thần hung ác uống máu ăn thịt thảy đều lánh xa. Hoặc là có gần đến thì là hạng phát tâm theo hộ trì.

Vì thế nên nếu người trì tụng nguyện này, thì đi trong thế gian không bị chướng ngại, như mặt trăng giữa lừng ra khỏi mây mù, các đức Phật, Bồ Tát đều khen ngợi, tất cả hành Nhơn Thiên đều nên lễ kính, tất cả chúng sanh đều nên cúng dường. Người thiện nam tử này trọn được thân người, đầy đủ bao nhiêu công đức của ngài Phổ Hiền, chẳng bao lâu sẽ như Phổ Hiền Bồ Tát mau được thành tựu sắc thân vi diệu, đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, nếu sanh ở cõi người hay trời thì thường ở dòng cao qúy, trọn có thể phá hoại tất cả đường ác, trọn có thể xa lìa tất cả bạn dữ, trọn có thể chế phục tất cả ngoại đạo, trọn có thể giải thoát tất cả phiền não, như sư tử vương dẹp phục bầy thú. Kham lãnh thọ sự cúng dường của tất cả chúng sanh.

Lại người này lúc lâm chung, phút cuối cùng, tất cả căn thân đều hư hoại, tất cả thân thuộc đều phải bỏ lìa, tất cả oai thế đều bị thối thất, cho đến các quan phụ tướng đại thần, cung thành trong ngoài, voi ngựa xe cộ, trân bảo kho đụn v.v… tất cả đều không đem một món nào theo được. Chỉ có mười nguyện vương này chẳng rời người mà thôi. Trong tất cả thời gian nó thường ở trước dẫn đường, trong khoảnh khắc liền sanh về cõi Cực Lạc. Ðến Cực Lạc rồi liền thấy đức A Di Ðà Phật cùng các ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Quán Tự Tại Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, v.v… các vị Bồ Tát này sắc tướng đoan nghiêm, công đức đầy đủ chung cùng vây quanh. Lúc bấy giờ người ấy tự thấy mình gá sanh nơi hoa sen báu, được đức Phật xoa đầu thọ ký. Sau khi được thọ ký rồi, trải qua vô số trăm ngàn muôn ức na do tha kiếp, khắp cả mười phương bất khả thuyết bất khả thuyết thế giới, dùng sức trí huệ tùy theo tâm của chúng sanh mà làm lợi ích. Chẳng bao lâu sẽ ngồi nơi Bồ Ðề đạo tràng hàng phục quân ma, thành bực Chánh Ðẳng Chánh Giác giảng nói pháp mầu vì diệu. Có thể làm cho chúng sanh trong những cõi Phật như số cực vi trần của chúng sanh mà dạy dỗ cho thành thục, nhẫn đến cùng tận kiếp hải, có thể làm lợi ích tất cả chúng sanh một cách rộng lớn.

Này thiện nam tử! Các chúng sanh kia hoặc nghe, hoặc tin nơi nguyện vương rộng lớn này, rồi thọ trì đọc tụng và giảng nói cho người nghe. Công đức của chúng sanh kia chỉ có đức Phật Thế Tôn biết, ngoài ra không ai hiểu thấu. Vì thế nên những người được nghe mười điều nguyện vương này chớ sanh lòng nghi ngờ, nên phải lãnh thọ, thọ rồi nên đọc, đọc rồi có thể tụng thuộc, tụng thuộc rồi nên gìn giữ luôn, cho đến biên chép vì người mà giảng nói. Những người như vậy, trong một niệm tất cả hạnh nguyện đều được thành tựu, được phước vô lượng vô biên. Có thể ở trong biển khổ phiền não cứu vớt chúng sanh, khiến chúng được giải thoát, đều được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Ðà.

“Thiện nam tử”: Bồ-tát Phổ Hiền sau khi đã nói xong mười hạnh nguyện rộng lớn, lại gọi: Thiện nam tử! “Ấy là mười điều nguyện lớn đầy đủ viên mãn của đại Bồ tát”: Ma-ha-tát là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là ‘đại’. Bồ-tát Ma-ha-tát chính là Bồ-tát lớn trong hàng Bồ-tát. Mười hạnh nguyện rộng lớn ấy là hạnh tu tập của các Bồ-tát lớn. Hết thảy chư Phật Bồ-tát đều do nơi mười hạnh nguyện rộng lớn này mà thành tựu. Chúng ta phát tâm muốn thành quả Phật cũng phải nương theo mười hạnh nguyện rộng lớn này mà tu hành. “Cụ túc viên mãn”: tu mười hạnh nguyện này cần phải đầy đủ, cần phải giống như sự phát nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền, chẳng được giữa đường bỏ dở, không được tu hành giữa chừng rồi cảm thấy khó khăn rồi thay đổi. Nếu quý vị thay đổi thì không phải cụ túc, cũng không phải viên mãn. Nếu quý vị không bao giờ thay đổi thì chính là hư không có tận cùng, chúng sinh có diệt tận, nghiệp và phiền não chúng sinh có thể tiêu hết nhưng mà mười hạnh nguyện này cũng không thể tiêu mất.

“Nếu các vị Bồ tát ở nơi mười điều nguyện lớn này mà tùy thuận tu hành, thì có thể thuần phục tất cả chúng sanh”: giả như tất cả các Bồ-tát tùy thuận mười hạnh nguyện rộng lớn này mà tu hành, thực hành mười hạnh nguyện này thì có thể giáo hóa hết thảy chúng sinh. Mười hạnh nguyện lớn này chính là Bồ-tát thực hành đạo Bồ-tát. Bồ-tát thực hành đạo Bồ-tát cũng chính là thực hành mười hạnh nguyện rộng lớn này. Pháp và người biến làm một, không còn phân biệt, đó gọi là  tùy thuận thú nhập.

Thế nào gọi là thuần thục hết thảy chúng sinh? Chúng sinh không có căn lành, quý vị liền dắt dẫn cho họ tu mười hạnh nguyện rộng lớn này, khiến cho họ gieo trồng được căn lành. Thí như chúng sinh không biết hiếu thuận cha mẹ là việc tốt, thì quý vị có thể dạy họ, khiến cho họ biết hiếu thuận với cha mẹ. Đó cũng là một phương pháp khiến cho chúng sinh gieo trồng căn lành. Bởi luật chung của đất trời là: “Trong muôn việc ác thì Dâm là đứng đầu, trong trăm điều lành thì hiếu là trước nhất” (Vạn ác dâm vi thủ, bách thiện hiếu vi tiên). Sở dĩ chúng ta cùng với cầm thú khác nhau là vì con người biết hiếu thảo với cha mẹ, tôn kính sư trưởng; cầm thú thì không biết hiếu thảo cha mẹ, nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ, như dê con quỳ khi bú sữa mẹ, quạ con biết mớm mồi mời lại quạ mẹ. Con dê con khi bú sữa thì quỳ xuống để bú, con quạ đen khi trưởng thành biết mớn mồi trở lại cho mẹ già. Hiếu là điều căn bản của con người, con người nếu không hiếu thuận với cha mẹ thì không có căn lành. Còn người hiếu thuận với cha mẹ thì nhất định có căn lành. Người không có căn lành thì quý vị khiến cho họ gieo trồng căn lành, người đã có thiện căn thì quý vị giúp đỡ cho căn lành của họ thêm lớn.

Nghe rằng đức Lục Tổ lúc còn ở nhà, ngày ngày lên núi đốn củi, sau đó mang ra chợ bán rồi mua gạo về nuôi mẹ. Như thế Ngài cũng đang gieo căn lành. Ngài Lục Tổ vốn đã có căn lành, đó là một cảnh giới của Bồ-tát. Một hôm, Ngài đến nhà trọ bán củi, nghe một vị khách tụng kinh Kim Cương, nghe đến đoạn : “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, trong tâm liền có sở ngộ. Thế rồi, vị khách đó liền cho Ngài mười lượng bạc, bảo Ngài để lại một ít tiền cho mẹ Ngài, còn một ít làm lộ phí đi đến Hoàng Mai cầu pháp. Việc làm của vị khách đó chính là giúp đỡ Ngài gieo trồng căn lành, giúp đỡ Ngài thành tựu đạo nghiệp.

Chúng sinh đã có căn lành thì khiến cho căn lành của họ ngày càng thêm lớn; chúng sinh căn lành đã tăng trưởng thì lại giúp họ thành thục. Thành thục chính là thành tựu đạo nghiệp, thành tựu quả Phật.

“Thì có thể tùy thuận đạo Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác”: Tùy thuận chính là y theo con đường ấy mà tu hành. Tu hành cái gì? Tu hành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vô Thượng thì cao hơn Bồ-tát, Chánh Đẳng thì cao hơn Nhị thừa, Chánh Giác thì vượt khỏi phàm phu. Vì thế Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì siêu phàm nhập thánh, là tên gọi chỉ cho đạt đến quả Phật. “thì có thể trọn đủ các hạnh nguyện hải của Ngài Phổ Hiền Bồ tát.”: Quý vị nếu tu hành mười hạnh nguyện rộng lớn này thì có thể thành tựu, viên mãn các hạnh lớn như biển của đức Bồ-tát Phổ Hiền. Bồ-tát Phổ Hiền luôn làm mãn nguyện chúng sinh, chúng sinh cầu gì thì Ngài liền đáp ứng, làm cho chúng sinh được toại ý.

Giảng đến đây tôi chợt nghĩ đến tích Bồ-tát Phổ Hiền thuở quá khứ làm hành đường trong một ngôi chùa. Tăng chúng khi thọ trai đều tập trung ở trai đường để ăn. Bàn trong trai đường được xếp hàng hai bên, người ngồi đối diện với nhau, trước mặt mỗi người có hai bát, một bát đựng cơm, một bát đựng thức ăn. Bồ-tát Phổ Hiền làm nhiệm vụ sớt cơm và thức ăn cho mọi người. Bên hông mang những chiếc bình nhỏ bên trong đựng các thứ gia vị như  nước tương, muối, ớt, tiêu…Quý vị muốn mặn thì Ngài cho một tí muối, quý vị muốn nước tương thì Ngài lại đưa, quý vị cần gì thì Ngài gia thêm một ít thứ đó cho vừa khẩu vị. Đó là Ngài làm mãn nguyện chúng sinh. Nhưng có lúc Ngài cho một tí muối, thì vị tăng ấy lại nói: “Tôi không muốn nhiều như thế, thầy cho tôi nhiều như thế làm gì?”. Lát sau lại có một vị yêu cầu thêm muối, Ngài cho ít hơn một chút, vị ấy nói: “Thầy cho tôi thêm một ít nữa, làm như là ăn hết đồ của thầy vậy, đây là của công, sao ông keo vậy?”. Hoặc là có người không yêu cầu, quý vị cho thêm gia vị thì người ấy nói không cần, có khi quý vị không thêm thì có người nói xem thường họ, đối xử với họ không tốt. Vì thế Bồ-tát Phổ Hiền cũng không dễ gì làm vừa lòng chúng sinh.

Như vậy có phải là cho không thể mãn nguyện chúng sinh, rồi không bỏ rơi chúng sinh? Chúng sinh càng như thế, thì quý vị phải càng tu thêm khổ hạnh. Quý vị tu khổ hạnh, có người chửi, đánh quý vị, xem thường quý vị, đó chính là đang khảo nghiệm quý vị, xem quý vị có tâm thành không. Vì thế người tu đạo như chúng ta không nên sợ khó khăn, càng khó khăn thì càng phải hoàn thành. Thí như quý vị quét nhà, có người chửi quý vị: “Ông từ suốt ngày quét chỗ đất ấy làm gì, có được gì đâu?” Quý vị cũng mặc kệ họ. Như thế có phải quý vị có quyền cố ý quét suốt ngày khiến cho họ nổi sân không? Cũng không phải là như thế. Tóm lại, không kể là đi theo con đường nào, quý vị làm đúng thì có người chửi mắng quý vị, quý vị cũng mặc kệ họ. Nếu quý vị làm sai, có người nhắc nhở, thì phải mau cải đổi. Tất cả mọi việc đều giống như thế.

Nguyện lực của Bồ-tát Phổ Hiền lớn như biển cả, không phải chỉ thuần là mười hạnh nguyện rộng lớn này. Chúng ta cũng phải cố gắng tu tập để lấp đầy biển đại nguyện này.

“Này Thiện nam tử! Do cớ ấy ở nơi các nghĩa trên đây ông nên hiểu biết như vậy”: Nhân vì như thế, nên thiện nam tử ông đối với ý nghĩa này cần phải hiểu một cách rõ ràng giống như  tôi đã nói.