Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thập Hồi Hướng

Kinh Hoa Nghiêm

Đại Phương Quảng Phật

giảng giải

Phẩm Thập Hồi Hướng

Hòa Thượng TUYÊN HÓA
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Ðịnh

— o0o —

Phẩm Thứ 25

Phẩm Thập Hồi Hướng, là phẩm thứ hai mươi lăm trong Kinh Hoa Nghiêm, hiện tại đang giảng là bộ phận thứ nhất ở trong phẩm nầy. Thế nào gọi là hồi hướng ? Hồi là chuyển, ý nghĩa là hồi chuyển. Hướng là hướng về. Hồi hướng, nghĩa là nói hồi chuyển có hình, hướng về nơi vô hình. Hướng chuyển có tướng, hướng về nơi không có tướng (vô tướng). Hướng chuyển hư vọng, hướng về nơi chân thật. Hồi chuyển công đức của mình, hướng về nơi kẻ khác. Hồi hướng có nhiều lối giải thích, hiện tại hợp lại mà nói, có thể phân ra làm ba phương diện:

  1. Hồi hướng công đức của mình, hướng về kẻ khác.
  2. Hồi hướng căn lành của mình, hướng về bồ đề. Hai loại nầy là tuỳ tướng.
  3. Hồi hướng căn lành tích tập của mình, hướng về thật tế. Thật tế tức là không có tướng, tức cũng là lìa tướng.

Ba phương diện đã nói ở trên, thứ nhất là chúng sinh, thứ hai là bồ đề, thứ ba là thật tế. Ðây là nói tổng hợp, nếu phân biệt ra để giải thích nói, thì lại có thể phân ra làm mười loại hồi hướng:

  1. Hồi tự hướng tha: Ðem những gì mình làm hồi hướng cho kẻ khác, tức là hồi hướng cho chúng sinh. Trong Kinh văn có nói: “Nếu có căn lành, chẳng muốn lợi ích tất cả chúng sinh, thì chẳng gọi là hồi hướng”. Nếu tất cả căn lành của bạn làm được, chỉ biết lợi mình, nhận rằng tất cả việc lành công đức, là phước báo tư lương của mình, chẳng chịu phân chia cho kẻ khác, đây tức là “Chẳng lợi ích tất cả chúng sinh”, không thể gọi là “hồi hướng”. Nếu như bạn có chút việc thiện nghiệp thiện, lập tức hồi hướng cho pháp giới tất cả chúng sinh, nguyện cùng với pháp giới chúng sinh, nhất thời đều chứng được A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề, đây mới là “Lợi ích tất cả chúng sinh, mới là chân chánh “Hồi hướng”.
  2. Hồi ít hướng nhiều: Chính mình một người là ít, hết thảy chúng sinh là nhiều. Bồ Tát tu các căn lành, dù là ít, nhưng dùng chút ít căn lành nầy, nhiếp trì khắp tất cả chúng sinh, dùng tâm đại hoan hỉ, phát hồi hướng rộng lớn. Bất cứ căn lành gì, đều bố thí khắp cho pháp giới chúng sinh. Ðây cũng là “Nguyện cùng với pháp giới chúng sinh, nhất thời đều chứng được A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề”.
  3. Hồi nhân hướng quả: Hồi nhân hoa của của mình, hướng về quả đức vô thượng. Khiến cho Vô Thượng Chánh Giác bồ đề, mau chóng đắc được viên mãn.
  4. Hồi nhân hạnh của mình, hướng về nhân hạnh của kẻ khác: Bồ Tát tu hạnh Bồ Tát, đem tất cả căn lành của mình tu hồi hướng về Phật, sau đó lại đem căn lành đó, hồi hướng cho tất cả Bồ Tát. Mình đang tu nhân hạnh, Bồ Tát khác cũng đang tu nhân hạnh, đem căn lành của mình đang tu nhân hạnh, hồi hướng cho tất cả Bồ Tát quả địa chưa viên mãn, khiến cho họ được mãn nguyện. Làm cho tâm chưa được thanh tịnh, được thanh tịnh, sớm sẽ thành tựu Chánh Ðẳng Chánh Giác.
  5. Hồi liệt hướng thắng: Liệt, tức là hạ liệt. Thắng, là thù thắng. Hạ liệt là phàm phu, ngoại đạo, tất cả nhị thừa đều là hạ liệt. Thù thắng, đại thừa, Bồ Tát, Chánh Giác Phật quả, bồ đề, đều là thù thắng. Hồi những liệt hạnh mà phàm phu làm được, hướng về đại thừa Bồ Tát, thắng hạnh bồ đề quả giác của Chánh Giác Thế Tôn tu.
  6. Hồi tỉ hướng chứng: Tỉ là so sánh. Tôi so sánh với Phật, thì tôi chưa chứng được quả Phật, Phật đã chứng được quả vị Phật. Tôi so sánh với tất cả Bồ Tát, thì tôi chưa đắc được thanh tịnh, Bồ Tát đã chứng được thanh tịnh, chứng được sơ địa, còn tôi vẫn là phàm phu. So sánh như thế, lập tức sẽ phát tâm dũng mãnh tinh tấn, sớm chứng được quả vị Vô Thượng Bồ Ðề.
  7. Hồi sự hướng lý: Chúng ta bình thường làm tất cả sự tướng, tất cả pháp hữu vi, đều hồi hướng về lý thể chân thật, khiến sẽ chứng được Vô Dư Niết Bàn.
  8. Hồi hạnh môn sai biệt, hướng về hạnh môn viên dung: Hồi hướng đủ thứ hạnh môn khác biệt tu hành của chúng ta, hướng về hạnh môn viên dung vô ngại.
  9. Hồi pháp thế gian, hướng về pháp xuất thế gian: Hồi hết thảy tất cả pháp hữu vi thế gian, đem nó hướng về pháp vô vi xuất thế, tuỳ thuận pháp xuất thế giáo hoá chúng sinh, khiến cho chúng sinh biết pháp xuất thế mới là chân thật. Thành thục tất cả chúng sinh, được vô thượng bồ đề.
  10. Hồi thuận lý sự hạnh, hướng lý sở thành sự: Hồi thuận lý tất cả sự hạnh của sự tu hành, đem nó hướng về chân lý của sự thạnh tựu.

Mười thứ hồi hướng ở trên, đã giải thích sơ lược, trong Kinh văn sẽ giải thích mỉ mỉ hơn. Hồi hướng thứ nhất đến thứ ba, là hồi hướng chúng sinh. Thứ tư đến thứ sáu, là hồi hướng bồ đề. Thứ bảy và thứ tám, là hồi hướng thật tế. Thứ chín và thứ mười, là thông nơi quả và thật tế. Thật tế tức là thật tướng, thật tướng cũng là vô tướng. Là người tu hành, nên minh bạch pháp truy cầu chân thật, tiến mà phải quét sạch tất cả pháp, lìa tất cả tướng. Viên mãn bồ đề, quy vô sở đắc.

 

Nhĩ thời, Kim cương Tràng Bồ-tát thừa Phật thần lực, nhập Bồ Tát trí quang tam muội.

Bấy giờ, Bồ Tát Kim Cang Tràng, nương thần lực của đức Phật, nhập vào tam muội Bồ Tát Trí Quang.

Giảng: Khi nói xong Phẩm Kệ Tán Trong Cung Trời Ðâu Suất, khi tiếp tục nói Phẩm Thập Hồi Hướng, thì hội chủ Bồ Tát Kim Cang Tràng, Ngài nương đại oai thần lực gia trì của Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Tỳ Lô Giá Na, và mười phương chư Phật ba đời, mà vào trong định “Bồ Tát trí huệ quang minh”.

 

Nhập thị tam muội dĩ, thập phương các qua thập vạn Phật sát vi trần số thế giới ngoại, hữu thập vạn Phật sát vi trần số chư Phật, giai đồng nhất hiệu, hiệu: Kim cương tràng, nhi hiện kỳ tiền, hàm xưng tán ngôn: Thiện tai! Thiện tai! Thiện nam tử! nãi năng nhập thử Bồ Tát trí quang tam muội.

Vào tam muội đó rồi, mỗi phương trong mười phương, qua ngoài các thế giới nhiều như số hạt bụi mười vạn cõi Phật, có các đức Phật nhiều như số hạt bụi mười vạn cõi Phật, đều đồng danh hiệu. Hiệu là Phật Kim Cang Tràng, xuất hiện ở trước Bồ Tát Kim Cang Tràng.

Giảng: Bồ Tát Kim Cang Tràng vào trong định Bồ Tát Trí Huệ Quang Minh rồi, ngoài mười phương thế giới Ta Bà, qua ngoài các thế giới nhiều như số hạt bụi mười vạn cõi Phật, có các Ðức Phật nhiều như số hạt bụi mười vạn cõi Phật, các Ngài đều cùng một danh hiệu, là Phật Kim Cang Tràng, đồng thời xuất hiện ở trước Bồ Tát Kim Cang Tràng.

 

Hàm xưng tán ngôn: Thiện tai! Thiện tai! Thiện nam tử! nãi năng nhập thử Bồ Tát trí quang tam muội. Thiện nam tử! thử thị thập phương các thập vạn Phật sát vi trần số chư Phật thần lực cọng gia ư nhữ, diệc thị Tỳ Lô Giá Na Như Lai vãng tích nguyện lực, uy thần chi lực, cập do nhữ trí tuệ thanh tịnh cố, chư Bồ-tát thiện căn tăng thắng cố, lệnh nhữ nhập thị tam muội nhi diễn thuyết Pháp.

Đều khen ngợi rằng: Lành thay ! Lành thay ! Thiện nam tử ! Có thể vào được tam muội Bồ Tát trí quang nầy. Thiện nam tử ! Đây là do thần lực của các đức Phật, mỗi phương trong mười phương nhiều như số hạt bụi mười vạn cõi Phật cùng gia hộ cho ông, cũng là nguyện lực thuở xưa của Ðức Tỳ Lô Giá Na Như Lai, sức lực oai thần, và do trí huệ thanh tịnh của ông, do căn lành tăng trưởng thù thắng của các Bồ Tát, khiến cho ông vào tam muội nầy, để diễn nói pháp.

Giảng: Mười phương chư Phật xuất hiện ở trước mặt Bồ Tát Kim Cang Tràng, khác miệng cùng lời khen ngợi Ngài nói: “Chân tử ! Chân tử ! Ông là một vị đức hạnh toàn mỹ, bậc thiện nam tử ! Ông mới vào được tam muội Bồ Tát Trí Quang nầy.

Thiện nam tử ! Ðó là do đại oai thần lực của các đức Phật, mỗi phương trong mười phương nhiều như số hạt bụi mười vạn cõi Phật, cùng gia bị cho ông. Cũng là đại nguyện lực thuở xưa của Phật Tỳ Lô Giá Na đã phát ra, và đại oai thần lực gia bị cho ông. Cũng là do trí huệ thanh tịnh của ông, cùng với căn lành tăng trưởng thù thắng của các Bồ Tát nhiều như số hạt bụi cõi nước, cùng gia bị cho ông, cho nên mới khiến cho ông vào được tam muội Bồ Tát Trí Quang nầy. Hy vọng ông do sức lực tam muội nầy, mà vì chúng sinh diễn nói diệu pháp không thể nghĩ bàn.

 

Vi lệnh chư Bồ-tát đắc thanh tịnh vô úy cố, cụ vô ngại biện tài cố, nhập vô ngại trí địa cố, trụ nhất thiết trí Đại tâm cố, thành tựu vô tận thiện căn cố, mãn túc vô ngại bạch pháp cố, nhập ư Phổ môn Pháp giới cố, Hiện-Nhất-Thiết Phật thần lực cố, tiền tế niệm trí bất đoạn cố, đắc nhất thiết Phật hộ trì chư căn cố, dĩ vô lượng môn quảng thuyết chúng Pháp cố, văn tất giải liễu thọ trì bất vong cố, nhiếp chư Bồ-tát nhất thiết thiện căn cố, thành biện xuất thế trợ đạo cố, bất đoạn nhất thiết trí trí cố, khai phát đại nguyện cố, giải thích thật nghĩa cố, liễu tri Pháp giới cố, lệnh chư Bồ-tát giai tất hoan hỉ cố, tu nhất thiết Phật bình đẳng thiện căn cố, hộ trì nhất thiết Như Lai chủng tánh cố, sở vị: diễn thuyết chư Bồ-tát thập hồi hướng.

Vì khiến cho các Bồ Tát, đắc được thanh tịnh vô uý, vì đầy đủ vô ngại biện tài. Vì vào vô ngại trí địa. Vì đại tâm trụ nhất thiết trí. Vì thành tựu căn lành vô tận. Vì đầy đủ bạch pháp vô ngại. Vì vào nơi phổ môn pháp giới. Vì hiện tất cả thần lực của Phật. Vì tiền tế niệm trí không dứt. Vì được tất cả chư Phật hộ trì các căn. Vì dùng môn vô ngại, để rộng nói các pháp. Vì nghe đều thấu hiểu, thọ trì không quên. Vì nhiếp tất cả căn lành của các Bồ Tát. Vì thành biện trợ đạo xuất thế. Vì chẳng dứt trí huệ nhất thiết trí. Vì khai phát đại nguyện. Vì giải thích diễn nghĩa. Vì biết rõ pháp giới. Vì khiến cho các Bồ Tát thảy đều hoan hỉ. Vì tu căn lành bình đẳng của tất cả chư Phật. Vì hộ trì giống tánh của tất cả Như Lai. Cho nên diễn nói thập hồi hướng của các Bồ Tát.

Giảng: Vì khiến cho các Bồ Tát đều đắc được thanh tịnh không nhiễm, sức vô uý. Vì đầy đủ biện tài không chướng ngại. Pháp vô ngại biện, nghĩa vô ngại biện, từ vô ngại biện, nhạo thuyết vô ngại biện, gọi là bốn biện vô ngại, còn gọi là bốn trí vô ngại. Ðến được vô ngại biện như thế, mới có thể hàng phục được các dị luận, không thể khuất phục. Vào vô ngại trí địa, tức là tiến vào định chẳng thọ tất cả chướng ngại. Thứ trí nầy viên dung vô ngại, hay chiếu rõ các pháp thật tướng, có thể trụ nhất thiết trí địa phát đại tâm bồ đề. Vào trong định Bồ Tát Trí Quang nầy, lại có thể thành tựu căn lành vô tận của Bồ Tát. Lại có thể đầy đủ pháp trắng thiện chẳng thọ bất cứ chướng ngại gì. Lại có thể vào sâu khắp pháp giới, dùng phổ môn thị hiện để giáo hoá chúng sinh. Vào trong định Bồ Tát Trí Quang nầy, lại có thể đến được chỗ Phật thị hiện tất cả thần lực, thông đạt diệu dụng. Ý nghĩa “Tiền tế niệm trí” là chỉ một niệm trí huệ ban đầu, tức cũng là một niệm trí huệ phát tâm bồ đề lúc ban đầu. Một niệm trí huệ nầy vĩnh viện không dứt mất, tiếp tục mãi mãi, cho nên tâm bồ đề mà bạn phát ra vĩnh viễn trường tồn lại càng kiên cố. Vì đắc được tất cả chư Phật luôn luôn hộ niệm bạn, hộ trì các căn của bạn. Tín, tấn, niệm, định, huệ, cùng với tất cả các pháp lành, gọi là các căn. Vào trong định Bồ Tát Trí Quang, lại có thể sinh ra vô lượng trí môn, rộng diễn nói vô lượng diệu pháp, giáo hoá tất cả chúng sinh, khiến cho chúng sinh một khi nghe được thì đều hiểu rõ, suốt đời thọ nơi tâm, trì nơi thân, vĩnh viễn chẳng quên mất. Do đó:

“Khi lọt qua tai,
Luôn là giống đạo”.

Giống như có những người trí nhớ đặc biệt phi thường, có thể lọt qua mắt chẳng bao giờ quên, đó đều là do đời trước đã gieo trồng căn lành, đời nầy mới được như vậy. Lại có thể nhiếp thọ tất cả căn lành của các Bồ Tát. Lại có thể thành biện trợ giúp pháp môn nhân duyên đạo nghiệp xuất thế, khiến cho thành tựu. Lại có thể kế tục trí huệ tối thù thắng của nhất thiết trí. Vào trong định Bồ Tát Trí Quang nầy, lại hay khiến cho tất cả chúng sinh đều phát thệ nguyện lớn, sớm thành Phật đạo. Lại có thể vì tất cả chúng sinh giải thích nghĩa lý chân thật, khiến cho họ biết rõ tất cả đạo lý của pháp giới. Vào trong định Bồ Tát Trí Quang nầy, hay khiến cho mười phương tất cả chư Phật Bồ Tát đều hoan hỉ. Có thể tu tập căn lành bình đẳng của tất cả chư Phật. Lại có thể hộ trì giống tánh của tất cả Như Lai. Giống tánh Như Lai, tức là hạt giống của Như Lai. Hạt giống của Như Lai, tức là tất cả chúng sinh. Hộ trì tất cả giống tánh Như Lai, tức là hộ trì tất cả chúng sinh. Phật đã từng nói: “Tất cả chúng sinh, đều có Phật tánh”. Nghĩa là nói chúng sinh đều có giống tánh của Phật, tức là hạt giống tánh, tức là một chút giống tánh thành Phật. Cho nên phải hộ trì, phải hộ trì giống tánh thành Phật của tất cả chúng sinh cho tốt. Vì nhân duyên như vậy, cho nên chư Phật gia bị cho ông, hy vọng ông diễn nói mười điều hồi hướng của Bồ Tát tu, để lợi ích cho Bồ Tát và tất cả chúng sinh mới phát tâm. Tất cả những điều vừa nói ở trên là Phật Kim Cang Tràng trong mười phương thế giới, nói với Bồ Tát Kim Cang Tràng.

 

Phật tử! nhữ đương thừa Phật uy thần chi lực nhi diễn thử pháp, đắc Phật hộ niệm cố, an trụ Phật gia cố, tăng ích xuất thế công đức cố, đắc Đà-la-ni quang minh cố, nhập vô chướng ngại Phật Pháp cố, đại quang phổ chiếu Pháp giới cố, tập vô quá thất tịnh Pháp cố, trụ quảng đại trí cảnh giới cố, đắc vô chướng ngại pháp quang cố.

Phật tử ! Ông nên nương oai thần lực của Phật, mà diễn nói pháp nầy. Vì được Phật hộ niệm. Vì an trụ ở nhà Phật. Vì tăng thêm lợi ích công đức xuất thế. Vì được Đà la ni quang minh. Vì vào Phật pháp không chướng ngại. Vì đại quang minh chiếu khắp pháp giới. Vì tập pháp thanh tịnh không lỗi lầm. Vì trụ cảnh giới trí huệ rộng lớn. Vì được pháp quang minh không chướng ngại.

Giảng: Các vị Phật Kim Cang Tràng, nhiều như số hạt bụi mười vạn cõi Phật của mỗi phương trong mười phương, gọi một tiếng Bồ Tát Kim Cang Tràng nói: “Phật tử ! Hiện tại ông nên nương sức thần thông đại oai đức của mười phương chư Phật, để diễn nói pháp nầy, tức là pháp môn thập hồi hướng mà mười phương chư Phật nói. Ông từng ở trong định “Bồ Tát Trí Quang”, được sự gia bị của mười phương chư Phật, khiến cho ông diễn nói pháp môn thập hồi hướng, cũng sẽ được mười phương chư Phật hộ niệm. Chẳng những được sự gia bị và hộ niệm, mà ông vẫn thường sinh vào nhà Phật, đồng ở trong cõi Thường Tịch Quang Tịnh Ðộ với chư Phật. Thế nào gọi là “nhà Phật” ? Tức là phá trừ được tất cả mọi sự chấp trước. Chẳng có sự chấp trước, tức là ở tại “nhà Phật”. Phá trừ tất cả tham dục, thanh tâm quả dục, khử dục đoạn ái, niệm tà dâm chẳng sinh, tình ái dục đoạn sạch, đây tức là ở tại “nhà Phật”, an trụ tại “nhà Phật”, “nhà Phật” là thanh tịnh không cấu bẩn. Các vị thiện tín ! Người tu đạo tức là tu “khử dục đoạn ái”. Nếu có thể luôn luôn giữ gìn thanh tịnh, do đó:

“Tâm thanh thuỷ hiện nguyệt,
Ý định thiên vô vân”.

Nghĩa là:
“Tâm tịnh nước hiện trăng
Ý định trời trong sáng”.

Ðạt đến được cảnh giới nầy, thì bạn cũng sẽ ở trong “nhà Phật”. Bằng không thời khắc vọng niệm sinh ra, làm cho ngày đêm điên đảo, trời đất u ám, sự nóng giận như núi lửa, thì không thể nào ở tại “nhà Phật” được. Vì tăng thêm lợi ích công đức xuất thế, có nghĩa là ông diễn nói pháp môn thập hồi hướng, không lợi ích chúng sinh, thì cũng tăng thêm lợi ích công đức xuất thể của chính mình. Xuất thế là thoát khỏi ba cõi, thì công đức xuất thế ngày càng tăng thêm, sẽ vĩnh viễn lìa sinh tử, gần bồ đề. Vì đắc được Ðà la ni quang minh; Đà la ni là tiếng Phạn, dịch nghĩa là “tổng trì”, tổng tất cả pháp, trì vô lượng nghĩa. Nếu thân tâm tinh tấn, thì sẽ đắc được vô lượng trí huệ, trí huệ sinh ra đại quang minh, tức là Đà la ni quang minh. Vì vào Phật pháp không chướng ngại; không chướng ngại là nói tất cả dị luận có thể chướng ngại Phật pháp đều phá trừ, đạt đến cảnh giới giải thoát viên dung vô ngại. Vì Bồ Tát được mười phương chư Phật gia bị và hộ niệm, cho nên vào sâu cảnh giới giải thoát Phật pháp viên dung vô ngại, ở trong chân thật tánh không. Vì đại quang minh chiếu khắp pháp giới; đại quang minh tức là Phật quang. Ðại quang minh chiếu khắp, tức là Phật quang chiếu khắp. Phật quang chiếu khắp tận hư không khắp pháp giới, khiến cho ba ngàn đại thiên thế giới đều tắm mình ở trong đại quang minh, đại quang minh nầy hình thành một đại quang minh tạng, đại quang minh tạng nầy tức là chúng ta đều biết từ “số 0” hoá ra. Số “0” nầy lớn mà chẳng ở ngoài, nhỏ mà chẳng ở trong. Quang minh phóng ra từ số “0”, chỉ ở trong số “0”, chẳng đến ở ngoài số “0”, vì nó chẳng ở ngoài. Số “0” nầy, chẳng ai có thể phá nó được. Ðại quang minh tạng nầy, cũng chẳng cách chi phá nó được. Nếu phá được đại quang minh tạng nầy, thì sẽ đen tối, vô minh, cho nên “đại quang minh” nầy vĩnh viễn chiếu khắp pháp giới. Vì tích tập pháp thanh tịnh chẳng lỗi lầm. “Tập chẳng lỗi lầm”, nghĩa là nói chẳng có lỗi lầm, là sửa đổi lỗi lầm, là thẳn thắn thừa nhận, là sám hối. Cổ nhân có nói:

“Con người chẳng phải Thánh hiền
Không thể không có lỗi lầm
Có lỗi đừng nãn sửa đổi”.

Người dũng mãnh sửa đổi lỗi lầm, thì có chí khí, người có trí huệ. Có lỗi lầm thì đừng che giấu, phải phát lồ sám hối. Nếu cứ che giấu sợ người biết, thì cũng giống như cất giữ ở trong bóng tối, vĩnh viễn chẳng thấy được ánh sáng quang minh. Trong tâm ý thức của con người, nếu thường đen tối che đậy, chẳng có ánh sáng quang minh, thì không thể sinh ra trí huệ. Vì có trí huệ thì có ánh sáng quang minh, ngu si thì chẳng có ánh sáng quang minh, tức là vô minh. Con người đừng sợ có lỗi lầm, chỉ sợ phạm lỗi lầm rồi chẳng chịu sửa đổi. Nếu luôn luôn tự cảnh giác mình, tuỳ thời biết sửa lỗi, thì lỗi lầm một hai ngày sẽ giảm bớt đi. Sám hối từng chút từng chút, thì sẽ được thanh tịnh. Cổ nhân có nói:

“Lỗi lầm hay sửa đổi
Thì sẽ chẳng còn nữa”.

“Tập chẳng có lỗi lầm”, tức là một chút lỗi lầm cũng đều chẳng có, đều đã sửa đổi lỗi lầm chuyển thành thiện. “Pháp thanh tịnh”, vì chẳng có lỗi lầm, thì chẳng có nhiễm ô. Ba nghiệp đều chẳng nhiễm ô, thì tự nhiên sẽ thanh tịnh vô vi, rất tự nhiên sẽ hiện ra pháp thanh tịnh. Trong ý niệm càng không trụ vào tất cả “sắc pháp”, chẳng trụ vào tất cả “tâm pháp”, chẳng trụ vào tất cả “tâm sở pháp”, chẳng trụ vào “bất tương ưng pháp”, cũng chẳng trụ vào “vô vi pháp”. Tất cả đều không trụ vào, thì đây tức là “tập không có lỗi lầm”, sẽ được “pháp thanh tịnh”. Vì trụ cảnh giới trí rộng lớn, “trụ” tức là thường trụ ở trong cảnh giới trí huệ rộng lớn. Nếu thường trụ ở trong cảnh giới trí huệ rộng lớn, thì chẳng có “ngu si”, sẽ phá trừ được “vô minh”. Vì đắc được pháp quang minh không chướng ngại, đắc được thứ pháp quang minh nầy, không chướng ngại. Không chướng ngại, thì chẳng mọi phiền não. Có phiền não chướng, thì có sở tri chướng. Có sở tri chướng, thì có nghiệp chướng. Có nghiệp chướng, thì sẽ sinh ra đủ thứ báo chướng, do đủ thứ chướng ngại, phiền não ràng buộc, nên chẳng được yên ổn. Hiện tại vì Bồ Tát vào được “tam muội Bồ Tát Trí Quang”, nên có thể diễn nói pháp môn “thập hồi hướng”, cho nên đắc được đủ thứ trí lực và trí huệ quang minh như đã nói ở trên, cùng với pháp trí huệ quang minh chẳng có chướng ngại.

 

Nhĩ thời, chư Phật tức dữ Kim cương Tràng Bồ-tát vô lượng trí tuệ, dữ vô lưu ngại biện, dữ phân biệt cú nghĩa thiện phương tiện, dữ vô ngại pháp quang minh, dữ Như Lai bình đẳng thân, dữ vô lượng sái biệt tịnh âm thanh, dữ Bồ Tát bất tư nghị thiện quan sát tam muội, dữ bất khả tự hoại nhất thiết thiện căn hồi hướng trí, dữ quan sát nhất thiết pháp thành tựu xảo phương tiện, dữ nhất thiết xứ thuyết nhất thiết pháp vô đoạn biện. hà dĩ cố? Nhập thử tam muội thiện căn lực cố.

Bấy giờ, chư Phật liền ban cho Bồ Tát Kim Cang Tràng vô lượng trí huệ. Ban cho vô lưu biện tài. Ban cho phương tiện khéo phân biệt câu nghĩa. Ban cho pháp quang minh vô ngại. Ban cho thân Như Lai bình đẳng. Ban cho vô lượng âm thanh thanh tịnh khác nhau. Ban cho tam muội Bồ Tát quán sát không thể nghĩ bàn. Ban cho trí không thể cản trở phá hoại tất cả căn lành hồi hướng. Ban cho phương tiện thiện xảo quán sát tất cả pháp thành tựu. Ban cho biện tài tất cả mọi nơi nói tất cả pháp không dứt. Tại sao ? Vì sức căn lành nhập vào tam muội nầy.

Giảng: Khi mười phương chư Phật Kim Cang Tràng nói xong đoạn văn ở trước với Bồ Tát Kim Cang Tràng, thì các đức Phật Kim Cang Tràng lập tức gia bị:

  1. Ban cho Bồ Tát Kim Cang Tràng vô lượng trí huệ.
  2. Ban cho biện tài không thể cản trở phá hoại.
  3. Ban cho sức phương tiện lý giải phân biệt tất cả câu văn và nghĩa lý, dùng một nghĩa có thể diễn nói thành vô lượng nghĩa, cuối cùng quy về một nghĩa.
  4. Lại ban cho trí huệ quang minh chẳng thọ tất cả sự chướng ngại.
  5. Lại ban cho thân trí huệ bình đẳng với Phật, thân bình đẳng tức là thân trí huệ bình đẳng.
  6. Lại ban cho vô lượng âm thanh thanh tịnh. Âm thanh của mỗi người trong đục hay dở, đều do kiếp trước tu được. Ðối với xứ sự án vật, rất là quang trọng, nhất là Pháp Sư hoằng dương Phật pháp, nếu lúc giảng Kinh thuyết pháp, lời nói rõ ràng, âm thanh vang ra như đại hồng chung, đặc biệt trong suốt, khiến cho người nghe cách ngoại dễ dàng hấp thu, mau chóng sẽ tin thọ quy y vào cửa Phật.
  7. Lại ban cho tam muội không thể nghĩ bàn của tất cả Bồ Tát, khéo quán sát đủ thứ nghiệp hạnh.
  8. Lại ban cho trí huệ không thể bị bất cứ ngoại lực nào phá hoại căn lành, mà hồi hướng vô thượng pháp giới.
  9. Lại ban cho trí huệ phương tiện khéo léo quán sát tất cả các pháp, biết được pháp nào có thể trợ giúp thành tựu.
  10. Lại ban cho trí huệ biện tại vô uý, dù bất cứ thuyết pháp ở đâu, hoặc lúc biện luận với ngoại đạo, đều không bị họ hàng phục. Tại sao lại có được những trí huệ và sức lực nầy ? Vì nhập vào “tam muội Bồ Tát Trí Quang”, cho nên đắc được trí huệ và sức căn lành nầy.

 

Nhĩ thời, chư Phật các dĩ hữu thủ ma Kim cương Tràng Bồ-tát đảnh

Bấy giờ, chư Phật, thảy đều dùng tay phải rờ đầu Bồ Tát Kim Cang Tràng.

Giảng: Khi mười phương chư Phật Kim Cang Tràng ban cho Bồ Tát Kim Cang Tràng đủ thứ trí huệ đó, và gia bị cho Ngài vô lượng sức oai thần rồi, mỗi vị Phật đều dùng tay phải của mình, nhẹ nhàng rờ lên đỉnh đầu của Bồ Tát Kim Cang Tràng, thổ lộ tâm từ và ái hộ đối với Bồ Tát Kim Cang Tràng. Ở trong Phật giáo, rờ đầu là biểu thị sự ái hộ của trưởng giả đối với người hậu ký. Hơn nữa Bồ Tát tu hành công đức viên mãn, lập tức chứng được quả vị Phật, cũng phải thọ nghi lễ rờ đầu thọ ký, để biểu thị rằng là vị Phật mới. Lúc đó Bồ Tát Kim Cang Tràng được thọ sự rờ đầu ái hộ của chư Phật.

 

Kim cương Tràng Bồ-tát đắc ma đảnh dĩ, tức tùng định khởi

Bồ Tát Kim Cang Tràng được rờ đầu rồi, liền từ định mà dậy.

Giảng: Từ “Bấy giờ chư Phật… đến liền từ định mà dậy”, đây là lời nói của Bồ Tát kết tập Kinh tạng nói.

 

Cáo chư Bồ-tát ngôn:  Phật tử! Bồ-Tát Ma-ha-tát hữu bất khả tư nghị đại nguyện sung mãn Pháp giới, phổ năng cứu hộ nhất thiết chúng sanh, sở vị: tu học khứ, lai, hiện tại nhất thiết Phật hồi hướng.

Nói với các Bồ Tát rằng: Phật tử ! Đại Bồ Tát có đại nguyện không thể nghĩ bàn, sung mãn pháp giới, khắp cứu hộ tất cả chúng sinh. Đó là tu học hồi hướng của tất cả chư Phật, quá khứ hiện tại và vị lai.

Giảng: Bồ Tát Kim Cang Tràng được mười phương chư Phật Kim Cang Tràng rờ đầu rồi, lập tức từ trong định “Tam muội Bồ Tát Trí Quang” mà dậy, đối với các vị Bồ Tát trong pháp hội mà nói: Các vị đệ tử của Phật ! Ðại Bồ Tát trong hàng Bồ Tát ! Các Ngài đều có thệ nguyện lớn, khiến cho người không thể tưởng tượng đến được, rộng lớn sung mãn tận cùng hư không khắp pháp giới. Chẳng có nơi một hạt bụi nào, mà chẳng phải là đại nguyện thành tựu của Bồ Tát. Bồ Tát trong đời quá khứ, từ lúc ban đầu phát tâm bồ đề, thì phát ra đại nguyện: “Nguyện đời đời kiếp kiếp, nơi nơi chốn chốn, khắp cứu hộ tất cả chúng sinh, khiến cho chúng sinh, đều sớm thành Phật đạo”. Bất luận công đức của mình như thế nào, công đức lớn nhỏ, đều hồi hướng cho chúng sinh, nguyện giúp chúng sinh đắc được giải thoát. Bồ Tát cứu độ tất cả chúng sinh rồi, lại còn tiến thêm một bước lìa tướng tất cả chúng sinh, chẳng chấp trước vào tất cả chúng sinh, mà mình đã từng độ thoát. Hành Bồ Tát đạo như vậy, là học tập hạnh hồi hướng mà chư Phật quá khứ đã thực hành, hạnh hồi hướng mà chư Phật vị lai sẽ thực hành, hạnh hồi hướng mà chư Phật hiện tại đang thực hành. Do đó: “Khó nghĩ bàn”, là vì lời nguyện phát ra sâu tựa như biển cả, thể đầy khắp pháp giới, hạnh đồng với chư Phật. Do đó “Ðại”: Tức là “Cứu hộ khắp các chúng sinh”. “Ðại Bồ Tát”: Là nguyện lực lớn, hạnh lực lớn, trí lực lớn, bi tâm lớn, như vậy mới đáng gọi là đại Bồ Tát.

 

Phật tử! Bồ-Tát Ma-ha-tát hồi hướng hữu ki chủng? Phật tử! Bồ-Tát Ma-ha-tát hồi hướng hữu thập chủng, tam thế chư Phật hàm cọng diễn thuyết

Phật tử ! Đại Bồ Tát hồi hướng có bao nhiêu loại ? Phật tử ! Đại Bồ Tát hồi hướng có mười loại. Ba đời chư Phật đều cùng diễn nói.

Giảng: Các vị đệ tử của Phật ! Các Ngài có biết đại Bồ Tát tu hạnh hồi hướng, có bao nhiêu loại chăng ? Các vị đệ tử của Phật ! Ðại Bồ Tát tu hạnh hồi hướng có mười loại. Mười loại hồi hướng nầy, chẳng riêng các đại Bồ Tát phải tu học, mà chư Phật ba đời, cũng đều cùng diễn nói pháp môn nầy.

 

Hà đẳng vi thập? nhất giả cứu hộ nhất thiết chúng sanh ly chúng sanh tướng hồi hướng, nhị giả bất hoại hồi hướng, tam giả đẳng nhất thiết chư Phật hồi hướng, tứ giả chí nhất thiết xứ hồi hướng, ngũ giả vô tận công đức tạng hồi hướng, lục giả nhập nhất thiết bình đẳng thiện căn hồi hướng, thất giả đẳng tùy thuận nhất thiết chúng sanh hồi hướng, bát giả chân như tướng hồi hướng, cửu giả vô phược Vô Trước giải thoát hồi hướng, thập giả nhập pháp giới vô lượng hồi hướng. Phật tử! thị vi Bồ-Tát Ma-ha-tát thập chủng hồi hướng, quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật, dĩ thuyết, đương thuyết, kim thuyết.

Những gì là mười ? Một là cứu hộ tất cả chúng sinh, lìa tướng chúng sinh hồi hướng. Hai là bất hoại hồi hướng. Ba là đồng với tất cả chư Phật hồi hướng. Bốn là đến tất cả mọi nơi hồi hướng. Năm là vô tận công đức tạng hồi hướng. Sáu là vào tất cả căn lành bình đẳng hồi hướng. Bảy là đồng tuỳ thuận tất cả chúng sinh hồi hướng. Tám là chân như tướng hồi hướng. Chín là không ràng buộc, không chấp trước giải thoát hồi hướng. Mười là vào pháp giới vô lượng hồi hướng. Phật tử ! Đó là mười loại hồi hướng của đại Bồ Tát. Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại, đã nói, đang nói và sẽ nói.

Giảng: Ở trên nói về đại Bồ Tát tu hạnh hồi hướng có mười loại, những gì là mười loại ? Hiện tại nói ra tên của mười loại hồi hướng, giải thích sơ lược, Kinh văn về sau sẽ nói tỉ mỉ hơn.

  1. Cứu hộ tất cả chúng, lìa tướng chúng sinh hồi hướng: Ðây là đại nguyện của Bồ Tát, muốn cứu hộ khắp tất cả chúng sinh, mà chẳng chấp tướng. Là sự “hồi hướng lìa tướng hồi tự hướng tha”. Như trong Kinh Kim Cang có nói:

“Như vậy diệt độ tất cả chúng sinh,

Mà thật chẳng có một chúng sinh được diệt độ”.

Nghĩa là nói lìa tướng hồi hướng, lìa tướng chúng sinh. Bồ Tát cứu độ tất cả chúng sinh, mà chẳng kể công, chẳng chấp tướng, chẳng khoe khoang. Ngài đem tất cả công đức thiện nghiệp hồi hướng cho tất cả chúng sinh. Lìa các tướng, tức là lìa khỏi sự chấp trước. Nếu có sự chấp trước, thì sẽ tự mãn, sẽ kiêu ngạo. Một khi sinh tâm kiêu ngạo, thì vĩnh viễn sẽ không thể khai mở đại trí huệ. Sự khó khăn nhất, quang trọng nhất của sự tu hành, là tu lìa sự chấp trước, lìa sự kiêu ngạo, nếu không thì không thể nào đắc được sự giải thoát. Chấp trước thì giống như dùng sợi dây thừng tự trói buộc mình, cho nên nói không thể được giải thoát. Người chấp trước, thì tâm lượng nhỏ, không thể dung chứa người, dung chứa vật, tuyệt đối sẽ chẳng có đại trí huệ, chẳng có đại trí huệ quang minh. Người chẳng chấp trước vào “người, sự việc, thời, đất, vật”, mới có thể cứu độ tất cả chúng sinh, lìa tướng chúng sinh hồi hướng, cuối cùng tự nhiên sẽ đạt đến bồ đề viên mãn, quy vô sở đắc, khai đại ngộ, được đại trí huệ.

  1. Bất hoại hồi hướng: Thế nào là bất hoại ? Là chẳng hoại căn lành, chẳng hoại công đức lành, chẳng hoại tâm bồ đề, chẳng hoại tâm kim cang, chẳng hoại giới định huệ, chẳng hoại tâm tin kiên cố nơi Tam Bảo. Ðem hết thảy công đức căn lành tâm bồ đề của mình, hồi hướng hết cho pháp giới tất cả chúng sinh, khiến cho căn lành công đức, tâm bồ đề, tâm kim cang .v.v… Của chúng sinh cũng chẳng hoại diệt. Tôi phát bốn thệ nguyện lớn, tức cũng đồng như chúng sinh phát, đây là bất hoại hồi hướng.
  2. Ðồng tất cả chư Phật hồi hướng: Tôi nguyện học pháp môn hồi hướng của chư Phật ba đời tu hành, theo sự hồi hướng của chư Phật ba đời đã phát ra. Ðem hết thảy tất cả công đức của mình làm được, đồng như chư Phật hồi hướng cho pháp giới chúng sinh.
  3. Ðến tất cả mọi nơi hồi hướng: Ðến tất cả mọi nơi tức là đến nơi rốt ráo, nghĩa là đạt đến được quả vị Phật. Tôi hy vọng thành Phật, cũng muốn cho tất cả chúng sinh sớm thành Phật đạo, hồi hướng như vậy.
  4. Vô tận công đức tạng hồi hướng: Do sự hồi hướng, nên sẽ thành tựu tạng vô tận công đức. Chúng sinh vô tận, công đức vô tận, cho nên hồi hướng cũng vô tận.
  5. Vào tất cả căn lành bình đẳng hồi hướng: Tư tưởng vào sâu tất cả bình đẳng, tâm chẳng phân biệt, khiến cho tất cả chúng sinh đều đắc được căn lành, thuận lý tu thiện, sự lý chẳng trái, vào nơi hồi hướng bình đẳng.
  6. Ðồng tuỳ thuận tất cả chúng sinh hồi hướng: Quán sát chúng sinh hồi hướng, chẳng tính toán có bao nhiêu, chẳng phân biệt thân sơ, phân biệt thiện ác, chẳng phân biệt tốt xấu giàu nghèo, đem hết thảy công đức căn lành của tôi, tuỳ thuận chúng sinh, lợi ích chúng sinh, bình đẳng hồi hướng cho tất cả chúng sinh.
  7. Chân như tướng hồi hướng: Bảy loại hồi hướng ở trên, đều có hình tướng. Nhưng chân như là không hình, không tướng, tuyết đối đối đãi, bặc lời lẽ tư tưởng. Tuy nhiên như vậy, nhưng căn lành có thể hợp vào nơi chân như, cho nên có môn hồi hướng nầy.
  8. Không ràng buộc chấp trước giải thoát hồi hướng: Chẳng “ràng buộc”, chẳng “chấp trước”, sinh hoạt ở trong chân lý nhậm vận tự tại, chẳng bị mọi sự ràng buộc nào, đắc được tự do giải thoát. Bồ Tát đắc được “giải thoát không ràng buộc, không chấp trước”, cũng hy vọng tất cả chúng sinh đều đắc được sự tự do” giải thoát không ràng buộc, không chấp trước”, do đó đem sự đắc được của mình, hồi hướng cho pháp giới chúng sinh.
  9. Vào pháp giới vô lượng hồi hướng: Bồ Tát vào sâu pháp giới, thực hành vô lượng vô biên công đức lành, tận cùng hư không khắp pháp giới, chẳng có một nơi nào mà chẳng có bố thí công đức lành của chư Phật Bồ Tát. Bồ Tát đem căn lành công đức đó, hồi hướng cho pháp giới vô lượng vô biên chúng sinh.

Các Phật tử ! Ở trên là nói về mười loại pháp môn hồi hướng của đại Bồ Tát, Kinh văn ở sau sẽ giải thích rõ hơn. Chư Phật quá khứ, chư Phật vị lai, và chư Phật hiện tại, quá khứ đã từng nói qua. Chư Phật vị lai chắc chắn sẽ nói. Chư Phật hiện tại, các Ngài đang đối với các Bồ Tát diễn nói diệu pháp thập hồi hướng. Hồi hướng thứ nhất cứu hộ chúng sinh lìa tướng chúng sinh.