Kinh Kim Cang – 3

Kinh Kim Cang

Pháp-sư Cưu-ma-la-thập phiên dịch vào thời Diêu Tần

Hòa Thượng Tuyên Hóa lược giảng

— o0o —

Phần 10: TRANG NGHIÊM TỊNH ÐỘ

Phật cáo Tu Bồ Ðề: Ư ý vân hà? Như Lai tích tại Nhiên Ðăng Phật sở, ư pháp hữu sở đắc phủ? Phất dã, Thế Tôn! Như Lai tại Nhiên Ðăng Phật sở, ư pháp thật vô sở đắc. Tu Bồ Ðề, ư ý vân hà? Bồ Tát trang nghiêm Phật Ðộ phủ? Phất dã, Thế Tôn! Hà dĩ cố? Trang nghiêm Phật độ giả, tức phi trang nghiêm, thị danh trang nghiêm. Thị cố Tu Bồ Ðề, chư Bồ Tát Ma Ha Tát ưng như thị sanh thanh tịnh tâm, bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. Tu Bồ Ðề, thí như hữu nhơn, thân như Tu Di Sơn Vương, ư ý vân hà? Thị thân vi đại phủ? Tu Bồ Ðề ngôn: Thậm đại, Thế Tôn! Hà dĩ cố? Phật thuyết phi thân, thị danh đại thân.

(Phật bảo Tu-bồ-đề: Ý ông thế nào? Xưa kia Như-lai ở nơi Phật Nhiên Ðăng có đắc pháp gì không?

Thưa không, Thế-tôn! Như-lai khi ở nơi Phật Nhiên Ðăng, thật không đắc pháp gì.

Tu bồ-đề! Ý ông thế nào? Bồ-tát có trang nghiêm cõi Phật chăng?

Thưa không, Thế-tôn! Tại sao? Nói trang nghiêm cõi Phật, tức chẳng phải trang nghiêm, ấy gọi là trang nghiêm.

Bởi vậy, Tu-bồ-đề, các Bồ-tát Ma-ha-tát, nên như thế mà sanh tâm thanh tịnh, không nên trụ nơi sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, phải nên không có chỗ trụ mà sanh tâm.

Tu-bồ-đề! Ví như có người, thân như núi chúa Tu-di, ý ông thế nào? Thân đó có lớn không?

Tu-bồ-đề nói: Lớn lắm! Thế-tôn! Vì sao? Vì Phật nói chẳng phải thân, ấy gọi là thân lớn.)

 

Chú-giải:

Phật bảo Tu-bồ-đề: Ý ông thế nào? Xưa kia Như-lai ở nơi Phật Nhiên Ðăng có đắc pháp gì không?

Thưa không, Thế-tôn! Như-lai khi ở nơi Phật Nhiên Ðăng, thật không đắc pháp gì.

Phật lại hỏi Ngài Tu-bồ-đề: “Xưa kia Như-lai ở nơi Phật Nhiên Ðăng . . .”

Nhiên Ðăng Phật là vị Phật đã thọ ký cho Ðức Phật Thích Ca. Thế nào là thọ ký? Thọ ký là đặt tên hiệu, đặt tên như sau: “Tương lai, ông sẽ là Phật với tên hiệu là Thích Ca Mâu Ni”

Khi Ðức Phật Nhiên-Ðăng thọ ký cho Ðức Phật Thích Ca, Ðức Phật hãy còn là một tỳ-kheo, còn Phật Nhiên Ðăng thì đã thành Phật rồi. Hồi đó Phật Nhiên Ðăng hiện ra thân tướng một tỳ kheo, từ một nơi xa đi lại. Trên đường đi, có một vũng lầy chắn ngang. Lúc đó, đức Thích Ca đương hành Bồ-tát đạo. Vì tâm nguyện là giúp đỡ mọi người, nên khi thấy vậy, Ngài liền lấy thân nằm ngay chỗ có bùn nước, đặng lót đường cho vị tỳ kheo già kia đi qua. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn một đoạn nữa, mà thân chưa đủ để che kín, Ngài bèn lấy tóc xõa ra, đắp vào chỗ có nước và bùn (Ngài tu hạnh đầu-đà, không cắt tóc), rồi mời Phật Nhiên Ðăng đi qua. Phật Nhiên Ðăng cũng thể lòng, cho Ngài được tròn tâm nguyện. Sau khi bước lên mình Phật Thích Ca để qua vũng lầy, Phật Nhiên Ðăng lấy tay xoa đầu Phật Thích Ca và nói rằng: “Ông cũng như vậy, tôi cũng như vậy, ông ở đời sau, sẽ thành Phật, hiệu Thích Ca Mâu Ni.” Ðại ý, mấy câu này có nghĩa rằng: “Trong lòng ông như thế nào, thì lòng của tôi cũng như vậy, ông vì pháp mà quên mình, tôi cũng vì pháp mà quên mình, cả hai đều vì Phật-pháp mà hành đạo Bồ-tát.” Sau khi Phật Nhiên-Ðăng thọ ký cho Phật Thích Ca, hai người chia tay, ai nấy tiếp tục đường của mình.

Ðức Phật Thích Ca với tâm nguyện lợi ích chúng sanh, hành đạo Bồ-tát, rồi Ngài được Phật Nhiên Ðăng thọ ký, do đó Ðức Phật Thích Ca mới nói: “Hồi xưa, khi ở nơi Ðức Phật Nhiên Ðăng, ta có chứng được pháp nào không?” Ông Tu-bồ-đề đáp: “Bạch Thế-tôn! Xưa, ở nơi Phật Nhiên Ðăng, quả thật Ngài chẳng có đắc pháp nào cả.”

Tu bồ-đề! Ý ông thế nào? Bồ-tát có trang nghiêm cõi Phật chăng?

Thưa không, Thế-tôn! Tại sao? Trang nghiêm cõi Phật, tức chẳng phải trang nghiêm, ấy mới gọi là trang nghiêm.

Phật hỏi: “Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ thế nào? Bồ-tát dùng công đức tu hành lục độ vạn hạnh trang nghiêm cõi Phật chăng?” Ông Tu-bồ-đề trả lời rằng: “chẳng trang nghiêm Phật độ.” Ý nghĩa của đoạn này cũng giống như phần trên, nói về các quả vị tiểu thừa, sơ quả, nhị quả, tam quả và tứ quả. Nếu Bồ-tát còn tồn tại tâm niệm trang nghiêm cõi Phật, tức là còn dính mắc vào các tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, tức là còn chỗ chấp trước. Hãy còn nói rằng, ta đã trang nghiêm cõi Phật, tức nhân chưa không mà pháp cũng chưa không, tức còn chấp ngã và chấp pháp. Cho nên, Bồ-tát mà trang nghiêm cõi Phật, họ chẳng cho là họ đã trang nghiêm cõi Phật. Cho nên tất cả Bồ-tát ma-ha-tát đều có lòng thanh tịnh, có tâm hoàn toàn không chấp trước. Không thể chấp rằng “ta đã làm cái này, đã làm cái kia, cái công đức này là của ta, cái này là nhờ vào tay ta v.v…” không nên dính mắc vào các ý nghĩ như vậy. Còn dính mắc, còn nghĩ đó là công đức của ta, tâm sẽ không được thanh tịnh, mà không thanh tịnh tức là bị đục, dơ. Còn ý tưởng ta và người để làm công đức, tức chẳng có công đức; còn ý tưởng ta và người để trang nghiêm cõi Phật thì coi như chẳng có trang nghiêm.

Bởi vậy, Tu-bồ-đề, các Bồ-tát Ma-ha-tát, nên như thế mà sanh tâm thanh tịnh, không nên trụ nơi sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, phải nên không có chỗ trụ mà sanh tâm.

Bởi vậy các vị Bồ-tát phải có tâm thanh tịnh, không dính mắc các tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Sanh tâm mà không dính mắc các tướng về sắc, cũng như các tướng về thanh, hương, vị, xúc, pháp. Phải ở chỗ không chấp mà sanh tâm. Phải vô niệm. Vô niệm tức là vô sở trụ, không trụ tại nơi nào. Hễ vô niệm tức là tâm không trụ vào đâu cả. Có tâm dính mắc vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tức không phải là tâm thanh tịnh, không tạo được công đức gì.

Tu-bồ-đề! Ví như có người, thân như núi chúa Tu-di, ý ông thế nào? Thân đó có lớn không?

Tu-bồ-đề nói: Lớn lắm! Thế-tôn! Vì sao? Vì Phật nói chẳng có thân, mới gọi là thân lớn.

Phật đơn cử một thí dụ và hỏi ông Tu-bồ-đề. Ðó là thí dụ một người có thân lớn như núi Tu-di, và hỏi ý kiến ông Tu-bồ-đề rằng thân đó có lớn không. Ông Tu-bồ-đề trả lời: “Rất lớn.” Phật bảo: “Chẳng có thân, mới là thân lớn.” Tại sao vậy? Nếu ta có một núi Tu-di, cái đó vẫn còn có ranh giới, vẫn còn có hạn lượng. Nếu như thân không có, thì thân mới lớn. Núi Tu-di, nói là lớn, thì có lớn, nhưng vẫn còn có thể lường được mức độ. Nếu chẳng có thân, thì không có gì là bờ mé cả, lúc đó mới gọi là lớn. Cái thân lớn này chính là Pháp thân, Pháp thân mới thật là Phật. Cho nên, cúng dường Pháp thân thanh tịnh Phật Tỳ-lô-giá-na, là cúng dường cùng khắp các nơi chốn. “Chẳng có thân” là chỉ Pháp thân, mà chẳng phải Báo thân. Giáo lý Phật-đà có nói như sau: “Báo thân (Phật Lô-xá-na), Hóa thân (trăm ngàn vạn ức hóa thân Phật Thích Ca Mâu Ni), đều chẳng phải là Phật chân thật. Pháp thân (Phật Tỳ-lô-giá-na) mới là Phật chân thật.” Bởi vậy, “chẳng có thân gọi là thân lớn” giảng trong kinh này thì “phi thân” chính là Pháp thân.

Tóm lại, đoạn kinh trên nói bốn quả vị thánh Tiểu thừa, rồi Bồ Tát, cũng như Phật, đều chẳng nên trụ tướng, chẳng thể chấp ngã, chấp pháp, cũng chẳng chấp không, mới có thể gọi là đã chứng bốn quả A-la-hán (Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán), mới có thể gọi là Bồ Tát đã trang nghiêm cõi Phật, mới có thể gọi là chứng quả vị Phật.

 

— o0o —

Phần 11: Vô Vi Phước Thắng

Tu Bồ Ðề như Hằng hà trung sở hữu sa số, như thị sa đẳng Hằng hà. Ư ý vân hà? Thị chư Hằng hà sa, ninh vi đa phủ? Tu Bồ Ðề ngôn: Thậm đa, Thế Tôn! Ðản chư Hằng hà, thượng đa vô số, hà huống kỳ sa. Tu Bồ Ðề! Ngã kim thật ngôn cáo nhữ, nhược hữu Thiện nam tử, Thiện nữ nhơn, dĩ thất bảo mãn nhĩ sở hằng hà sa số tam thiên đại thiên thế giới, dĩ dụng bố thí, đắc phước đa phủ? Tu Bồ Ðề ngôn: Thậm đa, Thế Tôn! Phật cáo Tu Bồ Ðề: Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhơn ư thử kinh trung, nãi chí thọ trì tứ cú kệ đẳng, vị tha nhơn thuyết, nhi thử phước đức, thắng tiền phước đức.

(Tu-bồ-đề! Như có nhiều sông Hằng, bằng số cát trong một sông Hằng, ý ông nghĩ sao? Số cát ở trong những sông Hằng ấy có phải là nhiều chăng?

Tu-bồ-đề đáp: Rất nhiều, Thế-tôn! Chỉ những sông Hằng ấy cũng đã là nhiều vô số rồi, huống chi là cát.

Này Tu-bồ-đề! Nay ta nói thật cho ông nghe. Nếu có người thiện nam, người thiện nữ, đem bảy thứ báu, chứa đầy tam thiên đại thiên thế giới bằng số cát kể trên dùng để bố thí, thì phước đức đó nhiều chăng?

Tu-bồ-đề nói: Rất nhiều, Thế-tôn!

Phật bảo Tu-bồ-đề: Nếu có người thiện nam, người thiện nữ thọ trì Kinh này, cho đến chỉ bốn câu kệ, và giảng nói cho người khác nghe, thì phước đức lại nhiều hơn phước đức kia.)

 

Chú-giải:

Tu-bồ-đề! Như có nhiều sông Hằng, bằng số cát trong một sông Hằng, ý ông nghĩ như thế nào? Số cát ở trong những sông Hằng ấy có phải là nhiều chăng?

Tu-bồ-đề đáp: Rất nhiều, Thế-tôn! Chỉ những sông Hằng ấy cũng đã là nhiều vô số rồi, huống chi là cát.

Ðoạn kinh trước (Ðoạn 10 – xem Bồ Ðề Hải #46) nói phước đức vô lậu, quý hơn phước đức hữu lậu. Phật lại e rằng người ta còn có chỗ chấp trước trong việc bố thí, nên mới bảo như sau: “Tu-bồ-đề! Ông có thấy được chăng? Con sông Hằng trước mặt chúng ta, số cát của nó có nhiều hay không? Cát của sông Hằng nó nhỏ, mịn như phấn bột, nhìn từng hạt phấn mà nhìn mãi không ra, cát sông Hằng nó nhỏ như vậy đó. Số hạt cát này tính ra là bao nhiêu? Ðem kỹ thuật cao cấp của toán học ra đây cũng không thể đếm ra số cát một cách rõ ràng. Nay, căn cứ vào số lượng cát này, cứ mỗi hạt cát thì có một sông Hằng, ông thử nói coi vậy là có tất cả bao nhiêu sông Hằng? Cát của sông Hằng đã không biết số lượng, mỗi hạt cát lại làm ra một sông Hằng, thì có biết bao nhiêu sông Hằng? Trong cái số lượng sông Hằng nhiều không kể được, thì số lượng của toàn bộ cát nó nhiều đến thế nào? Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ như thế nào? Tất cả số cát của những sông Hằng đó, ông có nói được là nhiều như thế nào không?”

Trong một phần ở đoạn trước (Ðoạn 10), kinh văn chỉ nói “một tam thiên đại thiên thế giới,” nay nói số lượng tam thiên đại thiên thế giới bằng số cát sông Hằng, tức tỷ dụ của Phật đã tiến thêm một bước, đi sâu thêm một tầng. Nhân số tam thiên đại thiên thế giới với số cát của các sông Hằng thì sự gia tăng sẽ gấp lên ngàn vạn bội.

Ngài Tu-bồ-đề đáp: “Rất nhiều, con không thể đếm được số lượng này, tại sao? Số sông Hằng đã nhiều không thể đếm được, huống chi là số cát! Con thật không thể biết nổi.”

Này Tu-bồ-đề! Nay ta nói thật cho ông nghe. Nếu có người thiện nam, người thiện nữ, đem bảy thứ báu, chứa đầy tam thiên đại thiên thế giới bằng số cát kể trên dùng để bố thí, thì phước đức đó nhiều chăng?

Ðức Phật nghe Ngài Tu-bồ-đề trả lời như vậy, mới bảo: “Ngài Tu-bồ-đề! Ta nay bảo thật cho ông nghe, nếu người thiện nam hay thiện nữ, tu ngũ giới, có các đồ bảy báu như vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, mã não, nhiều đến nỗi chứa đầy các tam thiên đại thiên thế giới, mà số thế giới này bằng số cát nói trên của các sông Hằng, đem ra bố thí, thì phước đức của người đó có nhiều hay không?”

Tu-bồ-đề nói: Rất nhiều, Thế-tôn!

Phật bảo Tu-bồ-đề: Nếu có người thiện nam, người thiện nữ thọ trì kinh này, cho đến chỉ bốn câu kệ.

Ngài Tu-bồ-đề đáp: “Phước đức đó rất nhiều.”

Nói nhiều thì đúng là nhiều; tuy nhiên, đây chỉ là phước đức hữu vi, phước đức hữu lậu. Phước hữu vi thì có lúc phải hết, phước hữu lậu thì không phải là phước đức rốt ráo. Tuy của bố thí là bảy báu nhiều như thế, có thể chứa đầy các tam thiên đại thiên thế giới, nhiều như số cát của các sông Hằng, nhưng vẫn nằm trong vòng hữu vi, hữu lậu, chưa phải là vô vi, vô lậu.

Phật lại bảo Tu-bồ-đề: “Giả thử, có người thiện nam, người thiện nữ, tu Ngũ giới, Thập thiện, không cần nói người đó hành trì toàn bộ Kinh Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật này, mà chỉ cần tu theo bốn câu kệ v.v…”

Chữ “cho đến” (nãi chí) trong kinh văn, hàm ý nghĩa tóm tắt. Tóm tắt nghĩa là không nói rườm rà, nói gọn lại. Giả thử các bạn không đọc tụng hết toàn bộ kinh, chỉ đọc phần nhỏ, phần tối thiểu, nhưng mà thiểu là bao nhiêu? Thiểu là nhỏ đến cái chỗ thọ trì bốn câu kệ. Thọ là trong lòng lãnh thọ, trì là thân giữ lấy, tức là cả thân tâm thành khẩn làm theo. Thế nào gọi là trong lòng lãnh thọ? Ví dụ như khi hiểu ý nghĩa câu “Bồ-tát nên lìa mọi tướng, chứng được a-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề,” thì ta thật tâm áp dụng nó. Khi bố thí không dính vào tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, và sau khi bố thí thì thực hiện đúng nguyên lý “tam luân thể không,” không vướng mắc vào ý tưởng kẻ bố thí, vật bố thí, người được bố thí. Buông bỏ hết mọi tướng, (quan niệm, ý tưởng hay thành kiến) chẳng chấp trước vào công đức: Ðó là nghĩa của thọ trì.

Thọ trì bao nhiêu? Thọ trì bốn câu kệ. Như câu “không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả” đây là bốn câu kệ. Các bạn giảng cho người khác rằng: “Trong Kinh Kim Cang có chỗ nói không tướng ngã, tức là đừng coi mình quan trọng, đừng chấp trước vào cái ta. Lại cũng không chấp trước vào tướng nhân nữa, không có tướng của người. Nếu không có tướng ngã, không có tướng nhân, tức sẽ không có tướng chúng sanh; không tướng chúng sanh thì cũng không có tướng thọ giả.” Một khi người ta nghe các bạn nói: “À! Phải lìa mọi tướng, nếu lìa được mọi tướng thì thành Bồ-tát. Ta chẳng cần nói công đức này, do ta làm, chùa kia do ta tạo, kinh nọ do ta in.” Người đó nghe quý vị giảng bốn câu kệ, lòng liền bừng sáng, chẳng còn chấp tướng, không cầu danh dự, tên tuổi cho mình; cho in kinh ra, là xong rồi chẳng chấp gì nữa. Tâm hữu lậu thì công đức hữu lậu, tâm vô lậu thì công đức vô lậu.

Và giảng nói cho người khác nghe, thì phước đức lại nhiều hơn phước đức kia.

“Và giảng nói cho người khác nghe,” tức như quí vị, nếu hiểu rõ bốn câu thì giảng bốn câu, hiểu rõ năm câu thì giảng năm câu, hiểu rõ cả bộ kinh thì giảng cả bộ kinh, hiểu được chừng nào giảng chừng đó.

Dù chỉ vỏn vẹn giảng được bốn câu Phật-pháp, nhưng phước đức này còn hơn phước đức do việc bố thí bằng của bảy báu, chứa đầy một số lượng tam thiên đại thiên thế giới ngang với số cát của các sông Hằng. Tại sao vậy? Bởi vì như đã nói, giảng Phật-pháp là một công đức vô lậu, một loại công đức không bao giờ bị hủy hoại. Công đức nói ở phần trên là công đức hữu vi, công đức hữu lậu. Cho nên vô tướng tuy là ít mà lại thắng cái nhiều, vô lậu tuy là ít nhưng so với hữu lậu thì vẫn là thù thắng, cho nên kinh nói “phước đức này lại nhiều hơn phước đức kia.”

 

— o0o —

Phần 12: Tôn trọng chánh giáo

Phục thứ, Tu Bồ Ðề! Tùy thuyết thị kinh, nãi chí tứ cú kệ đẳng, đương tri thử xứ, nhất thiết thế gian, thiên, nhơn, A Tu La, giai ưng cúng dường như Phật tháp miếu, hà huống hữu nhân, tận năng thọ trì, đọc tụng. Tu Bồ Ðề! Ðương tri thị nhơn, thành tựu tối thượng đệ nhất hi hữu chi pháp. Nhược thị kinh điển sở tại chi xứ, tắc vi hữu Phật, nhược tôn trọng đệ tử.

(Lại nữa Tu-bồ-đề! Nơi nào giảng nói Kinh này, cho đến chỉ bốn câu kệ v.v… phải biết rằng chỗ đó, tất cả thế gian, trời, người, a-tu-la, đều nên cúng dường như tháp miếu của Phật, huống chi có người, lại thọ, trì, đọc, tụng.
Tu-bồ-đề! Phải biết rằng người đó, thành tựu pháp tối thượng, đệ nhất, tối hy hữu. Nếu chỗ nào có kinh điển, tức chỗ đó có Phật, hoặc đệ tử tôn quý của Phật.)

 

Chú-giải:

Lại nữa Tu-bồ-đề! Nơi nào giảng nói kinh này, cho đến chỉ bốn câu kệ v.v… phải biết rằng chỗ đó, tất cả thế gian, trời, người, a-tu-la, đều nên cúng dường như tháp miếu của Phật, huống chi có người, lại thọ, trì, đọc, tụng.

“Lại nữa,” tức chỗ này nói tiếp đoạn kinh văn chưa nói hết ở phần trên. Theo lời Phật bảo ông Tu-bồ-đề thì nơi nào, hoặc khi nào có ai giảng kinh này, có thể vì hoàn cảnh nhân duyên không giảng hết kinh mà chỉ giảng tới bốn câu kệ. Chẳng hạn như trước đây đã nói đến bốn câu:

Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ, diệc như điện
Ưng tác như thị quán.

Nghĩa là:

Tất cả pháp hữu vi
Như mộng, huyễn, bọt, bóng
Như sương, như điện chớp
Nên quán tưởng như thế.

hoặc tùy cơ bất luận bốn câu nào khác, thì chúng ta phải biết rằng, tại nơi nói bốn câu kệ, khắp thế gian, trời, người, a-tu-la, phải nên cúng dường nơi đó.

Chữ “tất cả” (nhất thiết) là bao quát cả trời, người, a-tu-la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Văn kinh chỉ đề cập tới trời, người, a-tu-la, không nói tới ba đường ác đạo, vì những chỗ này không dễ gì đến trước Tam-bảo để cúng dường.

“Thế gian” chia làm hai loại: thế gian hữu tình, và khí thế gian. Thế gian hữu tình nói về chúng ta, các chúng sanh. Loài nào có khí huyết trong mình là thế gian hữu tình. Không có khí huyết thì gọi là vô tình. Khí thế gian là chỉ nhà, cửa, đường, xá, sơn hà đại địa, vạn cảnh xum la. Thế gian hữu tình còn gọi là chánh báo, tức là quả báo mình chân chính thọ nhận, tức là thân thể này. Như chúng ta đây đều là người, đến thế gian để thọ quả báo. Khí thế gian còn gọi là y báo, bởi vì nó là vô tình, nhưng loài hữu tình nương vào thế gian đó, nên mới nói là y báo (hay hoàn cảnh bên ngoài).
“Trời,” tức là chúng sanh trên tầng trời. “Người” là nhân loại ở thế gian. Ða số chúng ta đều có nghe tới danh từ “a-tu-la.” Trong nhân loại cũng có a-tu-la. Phàm kẻ nào ưa đánh nhau, thích chiến tranh, đều coi như a-tu-la. Các tầng trời cũng có a-tu-la, ở đây họ ưa giao chiến với các thiên binh. Ðặc tính của a-tu-la là ưa sức mạnh, hiếu chiến. Danh từ này là tiếng Phạn, có nghĩa là vô đoan chánh. Họ còn được gọi là loài vô tửu, tức không có rượu để uống. Từ sớm đến tối, lúc nào cũng muốn uống rượu, có tiền nhưng không mua được rượu. Không ai bán rượu cho a-tu-la, tại sao? Sợ a-tu-la uống rượu vào, say rồi kiếm người đánh. A-tu-la được hưởng phước ở trời, mà lại không có quyền của trời. A-tu-la có thiên phước mà không có thiên đức, bởi thiếu đức hạnh.
Tại sao thành a-tu-la? Nguyên do bởi thói thích báo thù. Thí dụ có ai mắng mình một câu, mình mắng lại hai câu. Có ai đánh mình một cái, mình liền đánh trả lại hai cái, còn muốn trả lại nhiều hơn nữa. Tóm lại, đấu tranh giành giựt với ai, đều muốn chiếm phần thắng về mình, đó là gieo nhân a-tu-la.

Hễ có người nào thuyết giảng bốn câu kệ, chẳng những người thế gian phải cúng dường mà ngay cả trên thượng giới cũng phải cúng dường người thuyết pháp. Cúng dường có nhiều cách, cúng dường Phật bảo, cúng dường Pháp bảo, cúng dường Tăng bảo. Lấy gì để cúng dường Phật? Dùng hương, hoa, đốt nến, hiến trái cây, nước trà, hoặc là tràng phan, tàn lọng, hương, đèn v. v… Cúng dường Pháp bảo thì sao? Phải tìm cách bảo hộ Phật pháp, kinh điển. Không được coi thường, bạ đâu thì xếp ở đấy. Nên bầy ở chỗ tương đối cao, tìm nơi sạch sẽ, còn những chỗ thấp mới xếp các sách vở của thế gian. Kinh Phật mà không để ở nơi sạch sẽ trang nghiêm, tức là thiếu sự cung kính. Không thể để kinh một nửa quyển nằm trên bàn, còn một nửa kia thì ló ra khỏi bàn. Những ai khai được Phật nhãn sẽ thấy rằng, hễ chỗ nào để kinh điển theo lối cẩu thả như vậy, Bồ-tát Vi-đà đến lấy tay nâng phần quyển kinh mà ló ra khỏi bàn.

Mình nên yêu mến kinh điển như yêu mến sanh mạng. Không thể tùy tiện xé các trang kinh, tùy tiện thiêu hủy kinh. Ai đốt kinh, kiếp này chưa thấy gì, nhưng kiếp sau sẽ thành kẻ ngu si, thiếu trí huệ; sẽ không nhớ được gì cả, vô luận là có bao nhiêu người hay được bao nhiêu lần chỉ dạy. Người bỏn xẻn pháp thì cũng chịu cùng quả báo như vậy. Như Tôn-giả Châu-lợi-bàn-đà-già, ngài đã thọ quả báo ngu si vì kiếp xưa đã bỏn xẻn Pháp, biết Pháp nhưng từ khước, không chịu nói Pháp cho người nghe. May mà về sau gieo trồng được nhiều căn lành, nên đã gặp Ðức Phật, được Ngài độ cho chứng quả A-la-hán. Chúng ta chẳng biết khi nào gặp Phật, nếu phá hoại kinh điển, thì mai sau, hậu quả ngu si không biết sao lường!
Cúng dường Tăng như thế nào? Tại nước của Phật thì cúng dường đồ ăn, thức uống. Tại Thái Lan, Miến Ðiện, người xuất gia theo lệ mang bát khất thực, đi ra ngoài hóa trai, thì mỗi gia đình phải nên chuẩn bị một bát cơm, một bát thức ăn, để bố thí cúng dường. Bạn có thể đem đồ ăn, quần áo, thuốc, các vật dụng dùng khi ngủ nghỉ để cúngdường chư Tăng.
Bởi lãnh thọ đồ cúng dường của mọi người, nên lúc ăn, người xuất gia phải tam niệm ngũ quán. Chẳng cứ xuất gia hay tại gia, khi ăn cũng nên nghĩ tới ba điều, gọi là tam niệm. Trước khi ăn, uống ba hớp canh, uống hớp thứ nhất thì nói: “Nguyện đoạn nhất thiết ác,” tức là đoạn trừ mọi điều ác, luôn cả các ý tưởng ác cũng đoạn trừ. Uống hớp thứ hai thì nói: “Nguyện tu nhất thiết thiện,” tức là phát nguyện làm mọi điều thiện, không phải chỉ phát nguyện mà thôi còn phải thực sự làm các điều thiện. Uống hớp thứ ba thì “Nguyện độ tất cả chúng sanh trọn thành Phật đạo.” Ðây là nói về tam niệm.

Trong khi ăn, cũng không thể vừa ăn vừa liếc coi người khác ăn thức gì, cũng không đi coi mọi người ăn uống ra sao. Người ta là Quán Thế Âm Bồ Tát, còn ta là “Quán thực ẩm” Bồ-tát chăng? (trong tiếng Quan Thoại Quán Thế Âm và Quán thực ẩm đều phát âm là Gwan Shr Yin) Không nên nhìn ngó mọi người ăn thức gì, coi thử ta có hay không có. Khi ăn uống không nên có ý tưởng tham lam như vậy.
Khi ăn phải tập quán tưởng năm điều:

Kế công đa thiểu, lượng bỉ lai xứ. Ðiều thứ nhất, phải nghĩ tới công lao của người làm ruộng, từ khi mang hạt giống gieo trồng, rồi dùng nhân công cày, bừa, tưới bón, cho tới khi được lúa chín. Lúa chín rồi, phải gặt hái, phải xay, giã mới có gạo, quý vị thử coi, bao nhiêu là công khó? Lại còn phải nghĩ tới thức ăn, từ đâu mang tới, không phải là chuyện dễ dàng.

Thổn kỷ đức hạnh, toàn khuyết ứng cúng. “Thổn” là xét kỹ, tức là nghĩ kỹ lại coi đức hạnh của mình có toàn vẹn không? Hay là thiếu sót? Ta có tu hành chăng? Có đạo hạnh chăng? Nếu quả chẳng tu hành gì, kẻ thọ lãnh đồ cúng dường của người khác, phải sanh tâm sám hối, hết sức dụng công tu hành để giải quyết việc sanh tử. Thế nào là công đức toàn? Thí dụ như ta là một vị cao tăng đại đức, lại là người giữ gìn đạo hạnh, vậy là ta đã đủ tư cách để an nhiên lãnh thọ đồ cúng dường chăng? Không phải dễ dàng như vậy. Lãnh đồ cúng dường, thì phải nỗ lực tinh tấn, đã chứng sơ quả, thì cố tu để hướng tới nhị quả; đã được nhị quả, phải cầu cho được tam quả; chứng được tam quả, thì phải đi tới tứ quả, tóm lại lúc nào cũng phải dấn bước tu hành.

Phòng tâm ly quá, tham đẳng vi tông. Ðiều thứ ba là phải có cảnh giác, phòng bị, để ly khai những lỗi lầm. Khi ăn, không nên ăn cho quá no, chỉ cầu vừa đủ là được, chớ có tham ăn cho nhiều. “Bệnh tùng khẩu nhập,” cứ thấy thức ăn ngon, ăn cho no nê, quá độ sẽ hại tới dạ dày, mang bệnh về đường tiêu hóa, cho nên ta phải phòng bị cái tâm tham ăn.

Chánh sự lương dược, vi liệu hình khô. Khi ăn phải quán tưởng đồ ăn là vị thuốc, có tác dụng gìn giữ cơ thể khỏi bị khô héo.

Vi thành đạo nghiệp, ưng thọ thử thực. Phải tự hỏi tại làm sao ta phải ăn? Chính vì muốn tu để thành tựu đạo nghiệp, để ngày sau có thể thành Phật, cho nên thọ lãnh cúng dường.

Người xuất gia khi khi được ai cúng dường không nên sanh tâm kiêu mạn. Nếu không ai cúng dường, cũng không vì thế mà móng khởi lòng tham, sinh lòng phan duyên. Dầu cho chết đói cũng phải ráng tu hành, nếu có vì tu mà chết cũng là một điều vinh dự, một cách hy sinh quý giá vô cùng, cho nên chớ có sợ phải chết đói.
“Như tháp miếu của Phật . . .” đây là chỉ nơi có người giảng bốn câu kệ của Kinh Kim Cang, vì nơi nào giảng bốn câu đó cũng coi như là nơi chùa miếu, cúng dường nơi đó cũng như cúng dường chùa miếu vậy. Ðối với bốn câu kệ mà được như vậy thì huống chi đối với những ai hoàn toàn thọ trì Kinh Kim Cang, lại có thể đọc lên, có thể tụng nữa. Trông vào bản kinh mà xướng lên gọi là đọc, không nhìn vào bản kinh mà cũng xướng được gọi là tụng.

Tu-bồ-đề! Phải biết rằng người đó, thành tựu pháp tối thượng, tối đệ nhất, tối hy hữu. Nếu chỗ nào có kinh điển, tức chỗ đó có Phật, hoặc đệ tử tôn quý của Phật.

Ðức Phật bảo: Ông Tu-bồ-đề! Người mà lấy bốn câu kệ giảng cho người khác nghe, người đó đã thành tựu được một pháp tối cao thượng, tối đệ nhất, tối hy hữu. Như nơi nào có Kinh Kim Cang, thì nơi đó có Pháp thân Phật, nơi đó có xá-lợi Phật. Cho nên mọi người trông thấy bộ Kinh Kim Cang nên sanh lòng cung kính giống như đệ tử khi gặp sư phụ của mình vậy. Kinh chính là thầy của mình, thầy của mình chính là kinh, cả hai là một, không nên phân ra, tại sao vậy? Ta hiểu biết được pháp cũng là do sư phụ mà ra, mà pháp của sư phụ cũng là từ kinh mà có, hai là một, một là hai, không sai khác.
(còn tiếp)

Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh (Prajnaparamitahridaya Sutra) là một trong các kinh căn bản và phổ thông của Phật Giáo Ðại Thừa. Bài kinh nầy là một trong các bài kinh của bộ Bát Nhã kết tập tại Ấn Ðộ qua bảy thế kỷ, từ năm 100 T.C.N. đến 600 C.N. Khi được truyền sang Trung Hoa, Tâm Kinh đã được nhiều vị cao tăng chuyển dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán: ngài Cưu Ma La Thập dịch vào khoảng năm 402-412 C.N., ngài Huyền Trang dịch năm 649 C.N., ngài Nghĩa Huyền (700 C.N.), ngài Pháp Nguyệt (732 C.N.), ngài Bát Nhã và Lợi Ngôn (790 C.N.), ngài Trí Tuệ Luận (850 C.N.), ngài Pháp Thành (856 C.N.) và ngài Thi Hộ (980 C.N.). Trong các bản dịch nầy, bản dịch của ngài Huyền Trang là phổ thông nhất.

Riêng tại Việt Nam, bản dịch của ngài Huyền Trang được chuyển sang chữ quốc ngữ Hán Việt và thường dùng để trì tụng hằng ngày. Quý vị cao tăng cũng có phát hành nhiều sách để giải thích nghĩa kinh, trong đó các sách của quý Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Thích Thanh Từ, và Thích Nhất Hạnh là phổ thông nhất.

-oOo-

Bản tụng Hán Việt:

Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách.
Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.
Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.
Thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức.
Vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới.
Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận.
Vô khổ, tập, diệt, đạo.
Vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố.
Bồ đề tát đõa y Bát nhã Ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.
Tam thế chư Phật, y Bát nhã Ba la mật đa cố, đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề.
Cố tri Bát nhã Ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.
Cố thuyết Bát nhã Ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết:

Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.

-ooOoo-

Bản dịch nghĩa:

Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành thâm sâu về trí tuệ Bát Nhã Ba la mật, thì soi thấy năm uẩn đều là không, do đó vượt qua mọi khổ đau ách nạn.
Nầy Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính là không, không chính là sắc, thọ tưởng hành thức cũng đều như thế.
Nầy Xá Lợi Tử, tướng không của các pháp ấy chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt.
Cho nên trong cái không đó, nó không có sắc, không thọ tưởng hành thức.
Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới.
Không có vô minh, mà cũng không có hết vô minh. Không có già chết, mà cũng không có hết già chết.
Không có khổ, tập, diệt, đạo.
Không có trí cũng không có đắc, vì không có sở đắc.
Khi vị Bồ Tát nương tựa vào trí tuệ Bát Nhã nầy thì tâm không còn chướng ngại, vì tâm không chướng ngại nên không còn sợ hãi, xa lìa được cái điên đảo mộng tưởng, đạt cứu cánh Niết Bàn.
Các vị Phật ba đời vì nương theo trí tuệ Bát Nhã nầy mà đắc quả vô thượng, chánh đẳng chánh giác.
Cho nên phải biết rằng Bát nhã Ba la mật đa là đại thần chú, là đại minh chú, là chú vô thượng, là chú cao cấp nhất, luôn trừ các khổ não, chân thật không hư dối.
Cho nên khi nói đến Bát nhã Ba la mật đa, tức là phải nói câu chú:

Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.
(Qua rồi qua rồi, qua bên kia rồi, tất cả qua bên kia rồi, giác ngộ rồi đó!)

 

— o0o —

Phần 13: NHƯ PHÁP THỌ TRÌ

Nhĩ thời Tu-Bồ-Đề bạch Phật ngôn: “Thế-Tôn! Đương hà danh thử kinh, ngã đẳng vân hà phụng trì.

Phật cáo Tu-Bồ-Đề: “Thị kinh danh vi Kim-Cang Bát-Nhã Ba-La-Mật, dĩ thị danh tự, nhữ đương phụng trì.  Sở dĩ giả hà?

Tu Bồ Đề!  Phật thuyết Bát nhã Ba la-mật, tức phi Bát-nhã Ba la mật, thị danh Bát-nhã Ba la mật.

Tu-Bồ-Đề!  Ư ý vân hà?  Như-Lai hữu sở thuyết pháp phủ!”

Tu-Bồ-Đề bạch Phật ngôn:  “Thế-Tôn! Như-Lai vô sở thuyết”.

Tu-Bồ-Đề! Ư ý vân hà?  Tam-thiên đại-thiên thế-giới sở hữu vi-trần, thị vi đa phủ?”

Tu Bồ Đề ngôn: “Thậm đa Thế-Tôn”.

Tu-Bồ-Đề! Chư vi-trần, Như-Lai thuyết phi vi-trần, thị danh vi-trần, Như-Lai thuyết thế-giới, phi thế-giới, thị danh thế-giới.

Tu-Bồ-Đề! Ư ý vân hà?  Khả dĩ tam thập nhị tướng, kiến Như-Lai phủ?

Phất dã, Thế-Tôn. Bất khả dĩ tam thập nhị tướng đắc kiến Như-Lai.  Hà dĩ cố?  Như-Lai thuyết tam thập nhị tướng, tức thị phi tướng, thị danh tam thập nhị tướng?

Tu Bồ Đề! Nhược hữu thiện-nam tử, thiện-nữ nhơn, dĩ hằng hà sa đẳng thân mạng bố-thí.  Nhược phục hữu nhơn, ư thử kinh trung, nãi chí thọ trì, tứ cú kệ dẳng, vị tha nhơn thuyết, kỳ phước thậm đa.

 

(Lúc đó, Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Thế-tôn! Kinh này đặt tên gì? Chúng con phụng trì như thế nào?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Kinh này đặt tên là Kinh Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật, theo tên gọi đó mà phụng trì.

Tại sao? Tu-bồ-đề! Phật nói Bát-nhã Ba-la-mật tức chẳng phải Bát-nhã ba-la mật, ấy gọi là Bát-nhã Ba-la-mật.

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như-lai có thuyết pháp chăng?

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Thế-tôn! Như-lai không có thuyết pháp.

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Tất cả vi trần trong tam thiên đại thiên thế giới có nhiều chăng?

Tu-bồ-đề đáp: Bạch Thế-tôn! Rất nhiều.

Tu-bồ-đề! Những vi trần ấy, Như-lai nói chẳng phải vi trần, ấy gọi là vi trần. Như-lai nói thế giới, chẳng phải thế giới, ấy gọi là thế giới.

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Có thể do ba mươi hai tướng mà thấy được Như-lai chăng?

Thưa không, Thế-tôn! Chẳng thể do ba mươi hai tướng mà thấy được Nhưlai.

Tại sao? Như-lai nói ba mươi hai tướng, tức là chẳng phải tướng, ấy gọi là ba mươi hai tướng.

Tu-bồ-đề! Nếu có người thiện nam, người thiện nữ, đem thân mạng nhiều như cát sông Hằng để bố thí, nếu lại có người thọ trì nhẫn đến bốn câu kệ trong kinh này, và giảng nói cho người khác nghe, thì phước người này còn nhiều hơn.)

 

Lược giải:

Lúc đó, Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Thế-tôn! Kinh này đặt tên gì? Chúng con thọ trì như thế nào?

Lúc đó ông Tu-bồ-đề nói với Phật rằng công đức của bộ kinh này to lớn như thế, thì phải nên gọi kinh này bằng tên gì, và các hàng đệ tử của Phật là A-la-hán, các vị Duyên giác, Thanh văn, cũng như các chúng sanh đời sau phải phụng trì kinh như thế nào.

Phật bảo Tu-bồ-đề: Kinh này đặt tên là Kinh Kim Cang Bát-nhã Ba-la mật, theo tên gọi đó mà phụng trì.

Phật dạy Ngài Tu-bồ-đề rằng kinh này tên là Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật kinh. Kim Cang có nghĩa gì? Kim Cang gồm đủ ba tánh chất: cứng, sáng và sắc bén. Cứng tức là kiên cố, không vật nào có thể hủy hoại nó, riêng nó thì phá hủy được các thứ khác. Công dụng của Kinh Kim Cang ra sao? Công dụng của kinh là phá tan hết mọi thứ. Có người không đồng ý, nói rằng: “Phá tan hết thì hóa ra tôi không còn một thứ gì sao?” Chúng ta sở dĩ không thành Phật cũng chỉ vì chúng ta có đủ tất cả, nay nếu không còn một cái gì thì tức nhiên sẽ thành Phật. Nguyên do bởi chúng ta chấp trước mà không chịu buông bỏ. Vậy hết thảy những gì của chúng ta là từ ở đâu mà tới vậy? Do từ những hình tướng mà ra, mà hễ những gì có hình tướng đều là những thứ sanh diệt cả. Nếu vô hình, vô tướng thì chẳng thể sanh diệt.

Chúng ta chẳng hủy hoại được cái vô tướng vì vô tướng chính là vô niệm, vô niệm cũng chính là bản thể của vạn pháp. Khi nào đạt được trình độ vô niệm thì mình sẽ trở về với nguồn cội. Tính chất kiên cố của kim cang có thể phá được hữu niệm nhưng không phá được vô niệm. Vô niệm đúng là kiên cố nên vô niệm phá được các pháp hữu tướng, hữu vi, hữu lậu, và cũng như phá tan thần thông của thiên ma ngoại đạo. Tại sao phá được thần thông của họ? Bởi họ còn là hữu tướng, chưa đạt được cảnh giới của vô niệm. Nếu họ là vô niệm, thì họ đã chẳng phải là thiên ma ngoại đạo. Bởi họ còn có niệm, còn có hình, có tướng, còn làm việc hữu lậu, còn trồng nhân hữu lậu, nên họ mới bị kim cang phá tan tành.

Ý nghĩa thứ hai của kim cang là sáng. Tác dụng của tính chất này như thế nào? Sáng thì phá tan được bóng tối, ánh sáng mà tràn đầy thì màn hắc ám sẽ bị tiêu diệt.

Ý nghĩa thứ ba là sắc bén, giống như tánh bén nhọn của cây dao, chặt một nhát thì cái gì cũng đứt. Tác dụng của nó là trừ tà hiển chánh, chặt đứt hết tà tri, tà kiến của thiên ma ngoại đạo, chặt mất luôn phiền não vô minh của chúng ta.

Tóm lại, Thể của kim cang là kiên cố, Tướng của kim cang là sáng chói, Dụng của kim cang là sắc bén.

Kim Cang là ví dụ cho trí Bát nhã. Bát nhã có ba loại:

  • văn tự bát-nhã,
  • quán chiếu bát nhã,
  • thật tướng bát nhã.

Văn tự bát nhã là loại trí huệ ở văn tự, kinh điển. Do trí huệ này mà phát sanh trí huệ quán chiếu. Chữ quán là quan sát, chữ chiếu là soi sáng. Do văn tự mà có quán chiếu, do quán chiếu bát nhã này mà có thể đạt tới trình độ của thật tướng bát nhã. Thế nào là thật tướng bát nhã? Tức là vô tướng vậy. Vô tướng nhi vô bất tướng, vô sở bất tướng, nghĩa là vô tướng mà chẳng phải chẳng có tướng, chẳng chỗ nào là không tướng.

Văn tự bát-nhã, quán chiếu bát-nhã, thật tướng bát nhã, nếu phân ra thì có ba thứ, nhưng hợp lại chỉ còn là một thứ bát-nhã. Rồi dùng một tên để gọi nó, còn bản thể của nó thì đương thể tức không, đương thể tức giả, đương thể tức trung. Nhưng bạn chớ chấp trước vào quan niệm không, hay quan niệm giả. Ngay lúc quý vị không chấp trước, đó gọi là trạng thái trung đạo.

Ba-la-mật nghĩa là đáo bỉ ngạn, tức tới bờ bên kia. Thế nào là bờ bên kia? Quý vị làm xong một công chuyện gì thị gọi là tới bờ bên kia. Kẻ tu hành từ địa vị phàm phu tới được Phật địa, cho đến thành Phật, gọi là tới bờ bên kia. Bờ bên này là bờ sanh tử bờ bên kia là bờ niết-bàn. Chúng ta từ bờ sanh tử, vượt qua được giòng sông phiền não tới được bờ niết-bàn là nghĩa của chữ ba-la-mật.

Phật bảo như sau: “Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật là tên của bộ kinh, Tu-bồ-đề! Ông phải tôn phụng thọ trì bộ Kinh Kim Cang này.” Đây có nghĩa là phải tôn kính giống như đội kinh trên đầu. Chúng ta nghiên cứu Phật học, phải rất mực cung kính mọi kinh điển, vì cung kính kinh điển cũng giống như cung kính Phật vậy. Phần trên đã chẳng đề cập rồi sao? Phàm nơi nào có kinh điển là nơi đó có Phật, nơi đó có Pháp thân Phật, cũng là nơi có Phật-pháp, cũng là nơi có Tăng già.

Cho nên hễ có kinh điển tức có Phật, Pháp, Tăng, Tam-bảo đầy đủ, bởi vậy ta phải cung kính.

Bởi vì sao? Ông Tu-bồ-đề! Phật nói Bát-nhã Ba-la-mật tức chẳng phải Bát-nhã Ba-la-mật, ấy gọi là Bát-nhã Ba-la-mật.

Tại sao chúng ta phải thọ trì bộ kinh này? Phật bảo ông Tu-bồ-đề rằng nếu giảng theo lẽ trung đạo, lấy thực tướng làm thể thì có bát-nhã ba-la-mật; còn giảng theo chân đế (lý tuyệt đối) thì chẳng có bát nhã ba-la-mật. Chân (tuyệt đối) thì lìa ngôn ngữ, văn tự. Một khi đã lìa ngôn ngữ và văn tự thì cái gì cũng là không hết, vậy thì làm gì còn có bát-nhã ba-la-mật nữa? Cho nên nói: “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt” tức là đường ngôn ngữ tắt, nơi nào tâm ý có thể tưởng đến đều chẳng còn, do đó chẳng còn gì gọi là ba-la-mật.

Như chẳng lập văn tự, nói tuyệt đối, thì không còn tên gọi, cho nên kinh nói: “chẳng phải bát-nhã ba-la-mật.” Nói theo tục đế (tương đối) thì “ấy là bát-nhã ba la-mật,” nhưng đây chỉ là một cái giả danh mà thôi. Bởi vậy, vấn đề là không nên chấp trước, cũng chẳng chấp không, mà cũng không chấp có. Chẳng nên chấp nhân, chấp pháp, chẳng chấp không. Ví dụ như ta cứ nhất định nói có bát-nhã ba la-mật, tức là có sự chấp trước, cho nên nói “tức chẳng phải bát-nhã ba-la-mật.”

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như-lai có thuyết pháp chăng?

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Thế-tôn! Như-lai không có thuyết pháp.

Phật bảo ông Tu-bồ-đề: “Ta đã thuyết đạo lý bát-nhã ba-la-mật, ông có ý kiến gì không? Ta lại hỏi ông: Như-lai có thuyết pháp chăng?” Ông Tu-bồ-đề trả lời Phật rằng: “Như-lai không có thuyết pháp.”

Chỗ này, Phật rõ ràng vừa thuyết pháp xong mà lại còn hỏi ông Tu-bồ-đề rằng “Phật có thuyết pháp không?” Ông Tu-bồ-đề, có tên là “Không Sanh,” lại là vị “đệ nhất giải không,” hiểu rõ chân thực của bát-nhã là vô sở thuyết, nên ông trả lời Phật rằng: “Như-lai không có thuyết pháp.”

Đọc tới đoạn kinh này, một số người không lãnh hội được. Rõ ràng là Phật đã thuyết pháp, sao Phật còn hỏi “có thuyết pháp hay không?” Và ông Tu-bồ-đề thì trả lời rằng “Phật không có thuyết pháp.” Thế là nghĩa gì?

Đức Phật và Ngài Tu-bồ-đề, hai bên đối đáp với nhau, nói lên ý nghĩa chân chánh của bát-nhã. Một khi bát-nhã chân chánh đã chẳng lập văn tự, lìa ngôn ngữ, thì lấy lời gì để thuyết bát-nhã? Mọi pháp đều đi tới chỗ không hình tướng, không lời bàn. Cho nên Đức Phật thuyết pháp bốn mươi chín năm, cho tới lúc sắp nhập niết-bàn, Ngài nói: “Một tiếng ta cũng chưa hề giảng, nếu có kẻ nào nói ‘Phật thuyết pháp’ tức kẻ đó đã phỉ báng Phật.”

Nói rằng Phật không thuyết pháp, cớ sao bao nhiêu kinh điển đều nói do Phật thuyết? Đây là pháp hữu vi nói với kẻ hữu vi. Đối với kẻ vô vi, nói pháp vô vi. Kinh Kim Cang nói: “Pháp còn nên bỏ, huống chi chẳng pháp?” Đây là nghĩa không chấp, cho nên Phật mới nói rằng Phật không thuyết pháp, bởi e có người chấp trước pháp tướng. Nay, pháp môn bát-nhã, không những nhằm trừ bỏ nhân chấp, pháp chấp, và trừ bỏ luôn cả cái chấp “không” nữa.

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Tất cả vi trần trong tam thiên đại thiên thế giới có nhiều chăng?

Ngài Tu-bồ-đề đáp: Bạch Thế-tôn! Rất nhiều.

Phật hỏi ông Tu-bồ-đề cho biết ý kiến về số lượng tất cả hạt bụi trong tam thiên đại thiên thế giới, bụi lân hư và bụi nhỏ, số lượng đó có nhiều không?

Nói về mắt thì chúng ta có thể thấy được bụi nhỏ là vi trần. Nay cắt bụi nhỏ ra, mỗi hạt cắt ra làm bảy phần, gọi là lân hư trần, thì lân hư trần này thật là quá nhỏ, mắt thịt không thể thấy được, cũng coi như chẳng thấy gì, chẳng khác nhìn hư không, nên mới gọi là lân hư, tức là lân cận với hư không. Số bụi này nhiều vô cùng, chẳng qua nhãn lực của chúng ta không thể thấy được mà thôi. Ông Tu-bồ-đề bèn trả lời Phật rằng vi trần rất nhiều.

Tu-bồ-đề! Những vi trần ấy, Như-lai nói chẳng phải vi trần, ấy gọi là vi trần.

Phật lại bảo ông Tu-bồ-đề rằng số vi trần ấy, nói theo thực tướng thì gọi là vi trần, nói theo chân đế thì chẳng phải vi trần, nói theo tục đế thì như vậy là mượn tên vi trần để gọi.

Như-lai nói thế giới, chẳng phải thế giới, ấy gọi là thế giới.

Gom vi trần lại thì thành ra thế giới. Vi trần là y báo nhỏ nhất, thế giới là y báo lớn nhất. Y báo lớn nhất là do những cái nhỏ nhất tích tụ lại. Thế giới do vi trần họp lại mà có nên đem vi trần phân khai ra thì thế giới cũng chẳng còn nữa. Bởi lẽ này, Phật nói: “Thế giới chẳng phải thế giới, ấy gọi là thế giới.”

Những điều trình bày ở trên đây đều không ngoài ý niệm Tam quán: không, giả, trung. Mọi pháp là không, đó là chân đế; mọi pháp là giả, đó là tục đế; chẳng không, chẳng giả là trung đạo, gọi là trung đế. Nói về bát-nhã, nói đi nói lại, bằng như chẳng nói. Bởi vậy, trưởng lão Tu-bồ-đề được coi là thuyết bát nhã giỏi, vua trời Phạm-thiên coi như nghe bát nhã giỏi. Số là, ông Tu-bồ-đề hỏi vua trời Phạm thiên:

– Tôi thuyết bát nhã chăng?

Vua trời đáp:

– Tôn-giả không có thuyết.

– Thế ông nghe cái gì?

– Tôi cũng không có nghe.

Đối đáp như vậy mới là chân bát-nhã. Không thuyết, không nghe, gọi là chân bát-nhã. Cho nên nói, Phật thuyết bát-nhã ba-la-mật, tức chẳng phải bát-nhã ba-la-mật, ấy mới là bát-nhã ba-la-mật, tất cả chỉ là giả danh mà thôi.

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Có thể do ba mươi hai tướng mà thấy được Như-lai chăng?

Thưa không, Thế-tôn! Chẳng thể do ba mươi hai tướng mà thấy được Như-lai. Tại sao? Như-lai nói ba mươi hai tướng, tức là chẳng phải tướng, ấy gọi là ba mươi hai tướng.

Phật hỏi ý kiến ông Tu-bồ-đề, có thể lấy ba mươi hai tướng để thấy được Pháp thân của Như-lai không, thì ông Tu-bồ-đề trả lời như sau: “Không thể lấy ba mươi hai tướng để nhận ra Pháp thân của Như-lai. Tại sao vậy? Vì ba mươi hai tướng của Như-lai tức chẳng phải tướng, ấy mới gọi là ba mươi hai tướng.”

Ba mươi hai tướng của Đức Phật Thích Ca, là ba mươi hai tướng của Ứng thân, chẳng phải là Pháp thân. Ứng thân chính là Hóa thân, mà Hóa thân có ba mươi hai tướng, đều là tướng sanh diệt, không phải vĩnh viễn. Còn như Pháp thân Phật thì chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng nhơ, chẳng sạch, chẳng thêm, chẳng bớt. Ba mươi hai tướng mà Phật nói là tướng của Hóa thân, không phải tướng thực sự của Phật, chẳng qua vì giả danh nên nói như vậy.

Tu-bồ-đề! Nếu có người thiện nam, người thiện nữ, đem thân mạng nhiều như cát sông Hằng để bố thí.

Phật lại nêu lên một ví dụ: Như có người thiện nam thọ ngũ giới và thập thiện, người thiện nữ thọ ngũ giới và thập thiện, lấy thân mệnh nhiều như cát sông Hằng để làm vật bố thí, giống như Đức Phật Thích Ca đã từng lấy thân mình dâng cho con hổ đói, cắt thịt để nuôi chim ưng…

Về chuyện xả thân mình nuôi hổ đói, thì trong một kiếp xưa kia, có lần Đức Phật thấy trên núi một con hổ mẹ cõng hổ con đi kiếm ăn. Nhân vì trời tuyết lớn, không kiếm ra được gì để ăn, nên hổ đói quá, cơ hồ không sống nổi. Đức Phật thấy vậy, không ngăn nổi lòng thương xót, nên tự nguyện đem thân mình bố thí cho hổ ăn thịt. Trong các dã thú, hổ là loài hung dữ nhất, nào có ai dám dâng mình làm mồi cho hổ, vậy mà Đức Phật Thích Ca khi trông thấy cảnh hổ đói đã cầm lòng không được, liền phát tâm bố thí, rồi chạy đến trước miệng hổ để cho hổ đói vồ ăn thịt. Đó là trường hợp đem thân mạng ra bố thí.

Cũng trong một đời quá khứ nọ, có một con chim ưng tính bắt một con chim nhỏ. Chim nhỏ này sà vào lòng Đức Phật cầu cứu mạng. Lúc đó chim ưng bay đến nói với Phật như sau: “Ông cứu nó, tức làm cho tôi chết đói. Nếu cứu một chúng sanh lại hóa thành giết hại một chúng sanh khác, đó cũng không phải là lòng từ bi vậy.” Đức Phật nghe nói như vậy, liền cắt thịt của mình cho chim ưng ăn. Nhưng khi ăn một miếng thịt chưa đủ, nó ăn thêm một miếng nữa cũng chưa no, Đức Phật đành bảo nó: “Thôi thì, mi cứ ăn hết thịt trên thân ta đi.” Chim ưng bèn chẳng khách sáo, mổ ăn hết thịt trên mình của Phật.

Trên đường cầu Phật đạo, đức Thích Ca đã có tấm lòng bố thí như vậy đó. Chúng ta nay bố thí chút ít tiền, mà tâm gan đã thấy xót xa. Nếu bỏ ra hai trăm đồng thì ba đêm không ngủ được vì nghĩ rằng phải đi làm trong một hai tuần lễ mới kiếm được chừng ấy tiền! Đức Phật thì chẳng tính kỹ đến thế. Do đó, Ngài đã thành Phật. Còn chúng ta thì chẳng thành Phật, bởi chúng ta tính toán kỹ quá! Nói vậy tức là chúng ta cứ việc hồ đồ chẳng nên liệu tính gì cả hay sao? Chẳng phải như thế, chẳng phải hồ đồ, chỉ là giữ tâm thanh tịnh.

Trong thời kỳ tu nhân của Đức Phật Thích Ca, Ngài đã hy sinh trên một ngàn thân mạng của Ngài để cứu độ chúng sanh. Nói rõ hơn nữa, trong tất cả tam thiên đại thiên thế giới, không có một nơi nào bằng một hạt bụi nhỏ mà không có sự xả thân của chư Phật mười phương. Xem như thế, chúng ta cần phải phát tâm đại thừa rộng lớn, vì pháp quên thân.

Nếu lại có người thọ trì nhẫn đến bốn câu kệ trong kinh này và giảng nói cho người khác nghe thì phước người này còn nhiều hơn.

Giả như lại có người khác, chỉ mang vỏn vẹn bốn câu kệ ra giảng cho mọi người nghe thì công đức của người này còn hơn công đức của người đem thân mạng mình, nhiều như cát sông Hằng để dùng làm vật bố thí. Tại sao vậy? Bởi vì dùng thân mạng để bố thí chỉ có thể cứu được thân mạng của người khác nhưng không độ được họ phản bổn hoàn nguyên, khôi phục lại bổn lai diện mục, bổn hữu Pháp thân. Nếu vì người mà thuyết pháp, điều đó có thể giúp người ta giác ngộ thành Phật tức là cứu độ Pháp thân chúng sanh, cho nên công đức này mới là vô lượng, còn hơn công đức bố thí thân mạng và không có cách gì có thể so sánh được.

 

— o0o —

Phần 14: LY TƯỚNG TỊCH DIỆT

Nhĩ thời, Tu Bồ Đề văn thuyết thị kinh, thâm giả nghĩa thú, thế lệ bi khấp, nhi bạch Phật ngôn:  “Hi hữu Thế Tôn!  Phật thuyết như thị thậm thâm kinh điển, ngã tùng tích lai sở đắc huệ-nhãn, vị tằng đắc văn như thị chi kinh.

Thế-Tôn! Nhược phục hữu nhơn đắc văn thị kinh, tín tâm thanh tịnh tức sanh thiệt tướng.  Đương tri thị nhơn, thành tựu đệ nhứt hi hữu công-đức.

Thế-Tôn! Thị thiệt tướng giả, tức thị phi-tướng, thị cố Như Lai thuyết danh thật tướng.

Thế-Tôn!  Ngã kim đắc văn như thị kinh-điển, tín giải thọ trì, bất túc vi nan. Nhược đương-lai thế, hậu ngũ bá tuế, kỳ hữu chúng-sanh đắc văn thị kinh, tín giải thọ trì, thị nhơn tức vi đệ nhất hi-hữu.  Hà dĩ cố?  Thử nhơn vô ngã-tướng, vô nhơn tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng.  Sở dĩ giả hà?

Ngã tướng tức thị phi tướng, nhơn-tướng, chúng-sanh tướng, thọ- giả tướng, tức thị phi tướng. Hà dĩ cố?  Ly nhứt thiết chư tướng, tức danh chư Phật.

Phật cáo Tu-Bồ-Đề “Như thị! Như thị!  Nhược phục hữu nhơn, đắc văn thị kinh, bất kinh, bất bố, bất úy, đương tri thị nhơn, thậm vi hi-hữu.

Hà dĩ cố?  Tu Bồ Đề!  Như Lai thuyết đệ nhứt Ba-la-mật, tức phi đệ nhứt Ba-la-mật, thị danh đệ nhứt Ba-la-mật.

Tu-Bồ-Đề!  Nhẫn-nhục Ba la mật, Như-Lai thuyết phi nhẫn nhục Ba-la-mật, thị danh nhẫn-nhục Ba-la-mật.  Hà dĩ cố?

Tu-Bồ-Đề!  Như ngã tích vị Ca-Lợi-Vương cát triệt thân thể, ngã ư nhĩ thời vô ngã tướng, vô nhơn tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng.  Hà dĩ cố?  Ngã ư vãng tích, tiết tiết chi giải thời, nhược hữu ngã-tướng, nhơn tướng, chúng-sanh-tướng, thọ giả-tướng, ưng sanh sân hận.

Tu-Bồ-Đề! Hựu niệm quá khứ, ư ngũ bá thế, tác nhẫn nhục tiên-nhơn. Ư nhĩ sở thế, vô ngã-tướng, vô nhơn-tướng, vô chúng- sanh-tướng, vô thọ giả tướng.

Thị cố, Tu-Bồ-Đề! Bồ-tát ưng ly nhứt-thiết tướng, phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam bồ đề tâm.  Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng sanh vô sở trụ tâm. Nhược tâm hữu trụ, tức vi phi trụ. Thị cố, Phật thuyết Bồ-tát tâm, bất ưng trụ sắc bố-thí.

Tu-Bồ-Đề! Bồ-tát vị lợi ích nhất-thiết chúng-sanh cố, ưng như  thị bố thí. Như-Lai thuyết nhất thiết chư tướng, tức thị phi tướng, hựu thuyết: nhất thiết chúng-sanh tức phi chúng-sanh.

Tu Bồ-Đề, Như-Lai thị chơn ngữ giả, thật ngữ giả, như ngữ giả, bất cuống ngữ giả, bất dị ngữ giả. Tu-Bồ-Đề!  Như-Lai sở đắc pháp, thử pháp vô thật vô hư. Tu-Bồ-Đề! Nhược Bồ-tát tâm trụ ư pháp nhi hành bố-thí, như nhơn nhập ám, tức vô sở kiến. Nhược Bồ-tát tâm bất trụ pháp nhi hành bố-thí, như nhơn hữu mục, nhựt quang-minh chiếu kiến chủng chủng sắc.

Tu-Bồ-Đề! Đương lai chi thế, nhược hữu thiện-nam tử, thiện-nữ nhơn, năng ư thử kinh thọ-trì đọc tụng, tức vi Như-Lai, dĩ Phật trí-huệ tất tri thị nhơn, tất kiến thị nhơn, giai đắc thành-tựu, vô-lượng vô biên công-đức.

 Bấy giờ, ngài Tu-bồ-đề nghe Phật thuyết Kinh này, hiểu thấu được nghĩa thú của kinh, rơi lệ khóc, mà bạch Phật rằng: Hiếm có thay, Thế-tôn! Phật diễn nói kinh điển thâm sâu như thế, từ lúc xưa được huệ nhãn cho đến nay, con chưa từng được nghe kinh như thế.

Bạch Thế-tôn! Nếu lại có người được nghe Kinh này, lòng tin thanh tịnh, ắt sanh Thật tướng, phải biết người ấy thành tựu được công đức hiếm có, đệ nhất. Bạch Thế-tôn! Thật tướng ấy, tức không phải tướng, cho nên Như-lai nói là thật tướng.

Bạch Thế-tôn! Nay con được nghe kinh điển như thế, tin hiểu thọ trì chẳng cho là khó. Nếu trong tương lai khoảng năm trăm năm sau cùng có chúng sanh nào được nghe Kinh này, rồi tin, hiểu, thọ, trì, người ấy ắt là hiếm có, là đệ nhất.

Bởi vì sao? Vì người ấy không tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Vì sao? Vì tướng ngã, tức là phi tướng, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tức là phi tướng. Bởi vì sao? Vì lìa tất cả chư tướng, tức gọi là chư Phật.

Phật bảo Tu-bồ-đề: Đúng thế! Đúng thế! Nếu lại có người được nghe Kinh này, chẳng kinh, chẳng hãi, chẳng sợ, phải biết người đó rất là hiếm có. Tại sao?

Tu-bồ-đề! Như-lai thuyết đệ nhất ba-la-mật tức chẳng phải đệ nhất ba-la-mật, ấy gọi là đệ nhất ba-la-mật.

Tu-bồ-đề! Như-lai nói nhẫn nhục ba-la-mật tức không phải nhẫn nhục ba-la mật, ấy gọi là nhẫn nhục ba-la-mật. Tại sao?

Tu-bồ-đề! Như ta thuở xưa bị vua Ca-lợi chặt đứt thân thể, lúc đó ta không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả.

Tại sao? Lúc ấy, khi thân thể bị chặt đứt từng mảnh, nếu ta có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, thì ắt là ta đã sanh tâm sân hận.

Tu-bồ-đề! Lại nhớ kiếp quá khứ, ta làm Tiên Nhẫn-nhục trong năm trăm đời, vào thuở ấy không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả.

Bởi vậy, Tu-bồ-đề! Bồ-tát phải nên lìa tất cả tướng, phải nên phát tâm a-nậu đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, chẳng nên sanh tâm trụ nơi sắc, chẳng nên sanh tâm trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp, nên sanh tâm không chỗ trụ. Nếu tâm có chỗ trụ, tức là không phải trụ. Bởi vậy, Phật nói rằng tâm Bồ-tát không nên trụ sắc mà bố thí.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát vì để lợi ích tất cả chúng sanh, cần phải bố thí như thế. Như-lai nói tất cả các tướng, tức là phi tướng, lại nói tất cả chúng sanh, tức là phi chúng sanh.

Tu-bồ-đề! Như-lai nói lời chân, nói lời thật, lời như như, lời không dối, lời chẳng sai khác. Tu-bồ-đề! Pháp mà Như-lai chứng đắc, pháp ấy không thật, không hư. Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát tâm trụ nơi pháp mà làm bố thí thì như người vào chỗ tối chẳng thấy gì cả. Nếu Bồ-tát tâm chẳng trụ pháp mà làm bố thí, thì như người có mắt, thêm mặt trời chiếu sáng nữa, thấy hết mọi hình sắc.

Tu-bồ-đề! Đời sau này, nếu có người thiện nam, người thiện nữ, có thể thọ trì đọc tụng Kinh này, thì trí huệ của Như-lai biết rõ người ấy, thấy rõ người ấy, đều thành tựu công đức vô biên vô lượng.

 

Lược giải:

Bấy giờ, ngài Tu-bồ-đề nghe Phật thuyết Kinh này, hiểu thấu được nghĩa thú của kinh, rơi lệ khóc.

Lúc bấy giờ, sau khi trưởng lão Tu-bồ-đề nghe Phật giảng thuyết, đối với đạo lý vô tướng của Kinh Kim Cang, ngài hiểu thấu được một cách sâu xa, đối với ý nghĩa và quy thú của kinh, ông hoàn toàn hiểu rõ ràng, trong lòng hết sức hoan hỷ, nước mắt tuông rơi và khóc.

Lòng đã hoan hỷ sao còn khóc? Thường thường đối với mọi người chúng ta, khi nào lòng cảm thấy vui cực điểm, nước mắt hay chảy ra. Cho nên có câu “vui quá mà khóc,” đây chính là trường hợp khóc cười chẳng đặng, một trạng thái xúc động tràn ngập đến cực độ. Quý vị bảo Ngài ấy vui sướng ư? Nhưng sao lại thấy Ngài khóc? Quý vị bảo Ngài khóc ư? Sao lại thấy Ngài vui sướng! Nguyên do Đức Phật nói pháp bát-nhã, ông Tu-bồ-đề thấy quá mầu nhiệm, mà lòng cảm thấy khóc cười chẳng đặng. Trạng huống này chẳng phải vì Đức Phật thuyết pháp chưa rốt ráo, mà chính vì Ngài Tu-bồ-đề khóc cười chẳng đặng, vui sướng quá độ trước pháp mầu bát nhã của biệt giáo mà Phật vừa thuyết giảng (giáo lý được chia ra gồm: tạng giáo, thông giáo, biệt giáo, viên giáo; pháp môn bát-nhã thuộc biệt giáo).

Khi được nghe tới diệu pháp bát-nhã này của biệt giáo, Ngài Tu-bồ-đề liền cảm thấy vừa hoan hỷ vừa bi ai. Bi ai chính là:

Ngộ dĩ vãng chi bất gián,
Tri lai giả chi khả truy,
Thực mê đồ kỳ vị viễn,
Giác kim thị nhi tạc phi. (Đào Tiềm)

Dịch nghĩa:
Ngộ xưa kia điều lầm lẫn,
Biết mai này còn sửa kịp,
Thật đường mê sửa dấu chân,
Bừng tỉnh: Xưa dại nay khôn. 

Ngài Tu-bồ-đề nghĩ lại ngày trước Ngài đã ưa pháp Tiểu thừa, pháp Thanh Văn, đó là điều sai lầm, nay giác ngộ cái dĩ vãng đã rồi và hiểu rằng tương lai có thể sửa đổi kịp thời. Ngài biết mình đã từng đi con đường hẽm, đường lầm lẫn, bởi theo nhãn quan của Đại thừa thì Tiểu thừa là đường hẽm, sai lầm. Có điều, khúc đường lạc đó chẳng đi xa là bao, nên nay cầu pháp Đại thừa là đúng, pháp Tiểu thừa xưa kia là sai. Bởi có những cảm giác hỗn độn như vậy, nên trong lòng vừa buồn vừa vui, nước mắt tuông rơi mà bạch Phật.

Mà bạch Phật rằng: Hiếm có thay, Thế-tôn! Phật diễn nói kinh điển thâm sâu như thế, từ lúc xưa được huệ nhãn cho đến nay, con chưa từng được nghe kinh như thế.

“Hiếm có thay, Thế-tôn!” Mấy chữ này ở phần đầu kinh (Phần 1: Nguyên Do của Pháp Hội) cũng được Ngài Tu-bồ-đề nói lên, để tán than pháp bát-nhã biểu lộ qua tư thái, các oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi thường ngày của Đức Phật Thích Ca.

Đoạn này, chữ “hiếm có” nói lên sự thâm sâu hy hữu của kinh điển. Ngài Tu-bồ-đề muốn nói rằng kinh điển này mới là thâm sâu hiếm có, sâu xa tới mức các hàng Tiểu thừa không thể hiểu thấu được dễ dàng.

Ông nói: “Con đã từng gần Phật, theo Ngài để học Phật-pháp, nên có được huệ nhãn…” Huệ nhãn là trí huệ, con mắt trí huệ, một trong năm loại mắt (ngũ nhãn), cũng có thể giảng là lấy trí huệ làm con mắt. Đây không phải là con mắt không thấy đường, ai bảo sao thì theo vậy. Mắt không thấy đường là sao? Là người mù dẫn người mù, chẳng kiếm ra đường lối. Sao lại đến tình trạng kẻ mù dẫn kẻ mù? Chỉ vì không có con mắt trí huệ, bởi nếu có mắt trí huệ thì nhận ra ngay cái gì phải, cái gì trái, hắc bạch phân minh. Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: “Từ ngày học đạo được trí huệ đến nay, con chưa từng nghe pháp môn bát nhã Phật vừa thuyết giảng.”

Bạch Thế-tôn! Nếu lại có người được nghe Kinh này, lòng tin thanh tịnh, ắt sanh Thật tướng, phải biết người ấy thành tựu được công đức hiếm có, và đệ nhất.

Ngài Tu-bồ-đề thưa lên Phật rằng: Con nay đã nghe và đã tin. Giả như nếu có người nghe kinh này mà sanh lòng tin thanh tịnh… Tin một cách thanh tịnh nghĩa là không hề mảy may nghi hoặc, chỉ chuyên nhất một lòng trong suốt, không gợn, không dao động. Người có được lòng tin thanh tịnh như vậy thì sẽ sanh xuất đặng Thật tướng bát nhã – vô tướng trí huệ. Cũng nên biết rằng sự thành tựu của người đó là bậc nhất, là rất hiếm có. Công đức của người đó thì cũng không có gì có thể sánh bằng. Tại sao? Vì lòng tin chuyên nhất, không nghi hoặc, tin đến độ tột cùng thì sẽ chứng được thật tướng lý thể mà đạt được lý thể thật tướng thì đúng là hiếm có, là đệ nhất rồi.

Bạch Thế-tôn! Thật tướng ấy, tức không phải tướng, cho nên Như-lai nói là thật tướng. Bạch Thế-tôn! Nay con được nghe kinh điển như thế, tin hiểu thọ trì chẳng cho là khó.

Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng thật tướng là phi tướng, cũng là vô tướng, bởi Như Lai nói thật tướng là vô tướng. Ông cho hay ông được nghe Kinh Kim Cang Bát nhã Ba-la-mật thì sanh lòng tin thanh tịnh, lấy tâm thọ lãnh, lấy thân tu trì, ông nghĩ điều đó đối với ông không khó khăn. Tại sao đối với ông Tu-bồ-đề thì không khó khăn? Bởi vì trong nhiều kiếp xa xưa, ông đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, gieo trồng mọi căn lành, nên ông nói “chẳng cho là khó.”

Căn lành có mười một loại:
Thứ nhất là tín căn,
Thứ nhì tàm căn,

Thứ ba quí căn. Như quý vị gặp một việc gì mà tự mình cảm thấy đã làm sai, nên sửa đổi lại, cái ác hướng thiện, trong lòng nẩy sinh tâm tàm quí (hổ thẹn), đó là sự biểu hiện cái hay, thuộc về thiện căn. Nếu chẳng biết làm quý tức là không có thiện căn.

Thứ tư là vô tham,
Thứ năm vô sân,
Thứ sáu vô si,
Thứ bảy tinh tấn,
Thứ tám khinh an, như trạng thái an nhiên nhẹ nhàng trong lúc ngồi thiền chẳng hạn.

Thứ chín là không phóng dật. Phóng dật (buông lung) là không theo đúng quy củ, không phóng dật là giữ đúng quy củ.
Thứ mười là bất hại, nghĩa là không hại người khác.
Thứ mười một là hành xả, nghĩa là bố thí. Mười một loại trên thuộc về các căn lành trong các loại tâm sở.

Nếu trong tương lai, khoảng năm trăm năm sau cùng có chúng sanh nào được nghe Kinh này, rồi tin, hiểu, thọ, trì, người ấy ắt là hiếm có, là đệ nhất.

Ông Tu-bồ-đề nói rằng đối với ông thì sanh lòng tin, và thọ trì kinh không phải là khó, nhưng trong tương lai, khoảng năm trăm năm sau cùng tức đời mạt pháp, thời kỳ đấu tranh kiên cố, lại có người khi nghe Kinh Kim Cang liền sanh lòng tin, hiểu, thọ, trì người đó ắt là hiếm có và là đệ nhất trong số chúng sanh đời mạt pháp.

Bởi vì sao? Vì người ấy không tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả.

Vì duyên cớ gì? Vì người đó không có tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả. Vì không ngã tướng nên lòng không tham, không nhân tướng nên không sân, không chúng sanh tướng nên không si, không thọ giả tướng nên không có tâm ái. Tóm lại, vì không tham, sân, si, ái, nên họ không có bốn loại vọng niệm ấy.

Vì sao? Vì tướng ngã, tức là phi tướng, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tức là phi tướng. Bởi vì sao? Vì lìa tất cả chư tướng, tức gọi là chư Phật.

Chỗ này nghĩa là gì? Tướng ngã phải là không có tướng; tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả cũng đều là vô tướng nên đều phải lìa tướng. Vô tướng chính là thật tướng, cho nên nói “lìa tất cả chư tướng, tức gọi là chư Phật.” Lìa được tất cả phi tướng chính là thật tướng, nếu như đạt được thật tướng tức là chứng được cái lý thể tự tánh của chư Phật, tức là thành Phật vậy.

Phật bảo Tu-bồ-đề: Đúng thế! Đúng thế! Nếu lại có người được nghe kinh này, chẳng kinh, chẳng hãi, chẳng sợ…

Phật nghe xong, nói với Tu-bồ-đề rằng: “Ông trình bày ý kiến rất đúng. Giả tỉ có người nghe xong bộ Kinh Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật này, lòng không kinh, không hãi sợ…”

Tại sao lại phải kinh sợ? Bởi vì phàm phu chúng ta quen chấp ngã tướng, một khi nghe đến “không có ngã,” bèn hoảng sợ, tự hỏi: “Cái tôi chạy đi đâu rồi?

Tôi đang hiện hữu sờ sờ đây, thế nào lại không có tôi?” Phàm phu nghe nói đến pháp môn bát-nhã vô tướng thì có sự sợ hãi, đây là niềm kinh, hãi sợ của phàm phu.

Đối với hàng nhị thừa, tuy không còn tướng ngã, họ vẫn còn chấp pháp. Khi nghe đến câu “pháp còn phải bỏ,” họ cũng hãi sợ. Tại sao lại bỏ cả pháp? Bỏ pháp đi lấy gì mà tu hành? Đó là kinh, hãi, sợ của nhị thừa.

Các hàng Bồ-tát quyền thừa đã chứng được nhân không, pháp không, nhưng chưa đạt được lẽ không không. Cái không đã chứng đắc đó cũng phải giải quyết cho nó không luôn. Nếu lại giữ cái không tức là chấp không. Cho nên, trong Phật pháp, giải quyết được ngã chấp, pháp chấp còn phải đoạn trừ không chấp. Nếu khư khư giữ không lại, gọi là trầm không trệ tịch, nên cũng là lầm. Vì vậy ta phải đứng ở giữa cái không: nhân không, pháp không, và không không.

Phải biết người đó rất là hiếm có. Tại sao?

Đối với người hiểu rõ thật tướng bát-nhã ba-la-mật, khi nghe xong họ không hề tỏ vẻ sợ hãi, Đức Phật nói rằng “phải biết người đó rất là hiếm có.”

Đa số chúng ta, khi nào làm được chút xíu công đức thì tuyên bố này nọ, giống như Lương Vũ-Đế năm xưa. Đó thực là quá si mê đi và chẳng qua vì không hiểu rõ pháp môn bát-nhã. Nếu hiểu được pháp môn bát-nhã thì quá khứ có chuyện gì cũng coi như không. Như còn chút xíu tơ vương thì còn trở ngại. Cho nên trong Tâm kinh có câu: “vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố.” Quý vị có chút công đức mà để cho ý niệm đó vương mãi trong lòng thì đúng là trở ngại và làm sao “xa lìa được điên đảo vọng tưởng” để tới được “cứu cánh là niết-bàn?” Ý nghĩa của Tâm kinh thật là nhiệm mầu vô cùng.

Tại vì sao? Tu-bồ-đề! Như-lai nói đệ nhất ba-la-mật tức chẳng phải đệ nhất ba-la-mật, ấy gọi là đệ nhất ba-la-mật.

Phật bảo tại sao một người như vậy là hiếm có. Như-lai nói đệ nhất ba-la-mật là chiếu theo trung đạo viên lý. Nếu chiếu theo chân đế mà giảng thì thật ra chẳng có đệ nhất ba-la-mật. Còn như chiếu vào tục đế thì đặt tên là đệ nhất ba-la-mật.

Tu-bồ-đề! Như-lai nói nhẫn nhục ba-la-mật tức không phải nhẫn nhục ba-la-mật, ấy gọi là nhẫn nhục ba-la-mật.

Phật nói nhẫn nhục là một ba-la-mật. Nhẫn nhục phải là vô tướng, vì nếu có tướng tức là nhẫn nhục mà chấp tướng, và phàm chấp tướng tức không phải chân chánh nhẫn nhục. Chân chánh nhẫn nhục là không ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Một khi không còn bốn tướng thì còn cái gì để nhẫn nhục nữa? Cho nên có câu: “Chiếu theo trung đạo là nhẫn nhục ba-la-mật, giả thử nhân không, pháp không, cái không cũng không thì đâu còn cái gì mà nhẫn nhục ba-la mật?” Danh xưng ba-la-mật là chiếu theo tục đế mà thôi.

Tại sao? Tu-bồ-đề! Như ta thuở xưa bị vua Ca-lợi chặt đứt thân thể…

Câu hỏi “tại sao” tức là vì duyên cớ gì mà nhẫn nhục ba-la-mật lại gọi là chẳng nhẫn nhục. Phật bảo ông Tu-bồ-đề rằng, cũng giống như năm xưa, khi Phật còn trong thời kỳ tu nhân, Ngài bị vua Ca-lợi cắt xẻo thân thể. Ca-lợi, có chỗ phiên âm thành chữ Ca-lăng-ca (kalinga). Ở đây ngài Cưu-ma-la-thập dịch âm là Ca-lợi; có kinh khác viết chữ “ca” là ca hát, lại có chỗ dùng chữ “cát,” nghĩa là cắt, thay chữ “ca,” ý muốn nêu rõ ý nghĩa là cắt xẻo thân thể của vị tiên nhẫn nhục (một kiếp quá khứ của Đức Phật).

Trong thời tu nhân, Ngài đã từng làm một vị tiên nhẫn nhục ở trong rừng núi không xa thành của vua Ca-lợi là bao nhiêu. Một hôm, vua Ca-lợi đi săn ngoài thành, đem theo quân lính cùng văn võ bá quan cũng như một số cung phi, cung nga và thể nữ, theo hầu.

Khu vực săn bắn rất rộng lớn, vua Ca-lợi đi vào núi lùng kiếm các loài hươu nai rừng hay hổ báo v.v… nhưng số cung tần thì nhát gan không dám đi theo sát nhà vua để trực tiếp dự cuộc săn đuổi. Họ nhác thấy một người trẻ tuổi trong rừng, nên động lòng hiếu kỳ. Khi đến tận nơi thì thấy vị thanh niên này có tóc dài, mặc áo quần lam lũ, họ rất sợ, cho rằng đây chính là yêu quái. Tiên nhẫn nhục bèn nói cho họ an tâm rằng mình không phải là dã thú mà chỉ là người tu đạo. Tu đạo là nghĩa gì? Số cung tần, thể nữ ở đây chưa hề nghe ai nói tới mấy chữ tu đạo, nhưng thấy người đó cũng nói năng nên bạo dạn tới gần để trò chuyện.

Tiên nhẫn nhục giảng Phật-pháp cho họ nghe. Quả là lần đầu, họ được thấy những gì chưa hề thấy, được nghe những gì chưa hề nghe, nên họ chăm chú lắng tai, lòng vui sướng, tâm thần cơ hồ bị thâu hút, không còn biết tới mọi sự xung quanh.

Đương lúc mãi miết săn đuổi hươu nai, vua Ca-lợi chợt quay đầu lại nhìn, chẳng thấy cung nga thể nữ của ông đâu, bèn quay trở lại tìm kiếm, và tìm ra họ ở ngay chỗ của vị tu hành. Trông từ đàng xa, nhà vua chỉ thấy số cung nga xúm lại chung quanh một người, và không rõ người này nói những chuyện gì với đám cung nga. Vua bèn từ từ rón rén đi lại thám thính, đến gần nghe thấy vị tiên nhẫn nhục giảng Phật-pháp, còn đám phụ nữ thì tất cả đều chú mục ngưng thần, quên hết mọi sự, chẳng biết là có vua Ca-lợi đi tới.

Vua Ca-lợi cất tiếng hỏi:

-Ngươi làm gì ở đây?

Tiên nhẫn nhục đáp:

-Tôi là người tu đạo.

-Tu đạo thì đã chứng quả A-la-hán chưa?

-Chưa chứng quả A-la-hán.

-Vậy đã chứng quả bất hoàn (tam quả, a-na-hàm) chưa?

-Chưa chứng tam quả.

Vua Ca lợi nói:

-Trong thế gian này có một số tiên nhân, hít thở khí trời và ăn trái cây để sống, nhưng họ vẫn còn lòng dục về tham, về dâm. Còn ngươi trẻ tuổi như thế, lại chưa chứng quả, vậy ngươi còn lòng dâm dục chăng?

Tiên nhẫn nhục đáp:

-Tôi cũng chưa đoạn hết được.

Vua Ca-lợi nổi giận nói:

-Ngươi chưa đoạn hết được lòng dâm dục, vậy khi trông thấy các phụ nữ này, thì ngươi làm sao nhẫn được?

-Tuy tôi chưa đoạn được dâm, nhưng tôi không hề khởi tâm dâm, tôi quán mọi sự đều vô thường, tôi tu tập quán sát chín loại bất tịnh (cửu chủng bất tịnh quán).

-Ngươi nói ngươi tu quán chín loại bất tịnh, đó chỉ là điều lừa dối, vậy có bằng cớ gì chứng tỏ ngươi không hề khởi tâm dâm?

-Tôi có thể nhẫn không khởi tâm dâm, cái gì tôi cũng có thể nhẫn nhịn được.

-Ngươi bảo có thể nhẫn được. Tốt lắm! Ta xẻo cái tai của ngươi coi thử ra sao?

Nói rồi, vua Ca-lợi rút kiếm ra cắt đứt tai của tiên nhẫn nhục. Các quan văn võ trông thấy vua Ca-lợi cắt tai của tiên nhẫn nhục, mà người này không tỏ chút gì đau khổ cả, mới tâu rằng:

-Đại vương nên dừng tay. Người này chính là một vị đại sĩ, là một Bồ-tát, Đại vương không nên cắt thêm nữa.

Vua Ca-lợi nói:

-Các ông làm sao biết người này là Bồ-tát?

-Khi Đại vương cắt tai y, sắc mặt y vẫn không biến đổi, như chẳng có chuyện gì xảy ra.

-Làm sao biết hắn coi như chẳng có gì xẩy ra? Biết đâu lòng hắn rất là căm hận ta, ta thử lần nữa xem sao? Nói xong, vua Ca-lợi vung kiếm cắt luôn mũi của tiên nhẫn nhục, nói:

-Ngươi có căm hận không?

-Tôi không căm hận.

-Ngươi vẫn chưa chịu nói thật à! Để coi ngươi có thật sự nhẫn được chăng, nay ta chặt thêm tay của ngươi, thì sẽ biết, thử coi lúc đó ngươi có tâm sân hận không?

Tiên nhẫn nhục đáp:

-Không có.

-Ngươi vẫn nói là không có tâm sân hận, ta không tin. Ta không thể tin rằng trong thế gian này lại có kẻ bị người ta xẻo tai, cắt mũi, chặt cả hai tay mà lòng không sân hận, đó thật là điều kỳ quái.

Nói xong, vua Ca-lợi chặt chân của tiên nhẫn nhục rồi hỏi:

-Ngươi vẫn chẳng sân hận ư?

-Không sân hận.

Vua chặt nốt chân kia, vậy là hai chân, hai tay, một mũi, hai tai đều bị cắt.

Vua hỏi tiếp:

-Bây giờ, ngươi có sân hận hay không?

Vị thanh niên vẫn một mực trả lời:

-Không sân hận.

Lúc bấy giờ trên tầng trời, các vị Tứ Đại Thiên Vương cả giận bảo rằng:

“Vua Ca-lợi này thật là không phải. Vị này là người tu hành, ngươi quả xem thường người tu một cách quá đáng, chúng ta là hàng hộ pháp, nên phải trừng phạt ngươi đây.” Sau đó, các vị trời cho mưa đá xuống, rồi nổi gió làm cát đá bay mù mịt.

Vua Ca-lợi thấy vậy rất sợ hãi, biết là tai họa, liền đến trước vị tu hành vừa cụt tay, cụt chân, vừa mất tai và mũi, năn nỉ rằng:

-Bây giờ tôi đã biết lầm lỗi, trời đã trừng phạt tôi, xin ông đừng sanh lòng oán hận tôi, đừng tức giận tôi!

-Tôi không tức giận, tôi không sân hận ông đâu.

Vua Ca-lợi nói:

-Tôi không tin, nếu ông không tức giận, tại sao trời lại trách phạt tôi?

Tiên nhẫn nhục đáp:

-Đây là bằng chứng! Nếu thực tâm tôi không sân hận ông thì tay, chân, tai, mũi tôi lập tức khôi phục lại như cũ.

Nói xong, quả nhiên vua thấy tay, chân, tai và mũi của tiên lại mọc ra như cũ. Tiên nói:

-Đến khi nào tôi thành Phật, ông sẽ là người đầu tiên tôi độ cho thành đạo nghiệp.

Bởi vậy, sau khi đức Thích Ca thành Phật, đầu tiên Ngài độ cho Tôn-giả Kiều-trần-như, tức là vua Ca-lợi trong kiếp xưa xa.

Một số người nghe tới đoạn kinh này có thể nghĩ rằng nếu có vị tỳ-kheo nào, ở trong núi tu nhẫn nhục, ta cứ đến cắt tai, mũi người đó thì người đó sẽ phát nguyện độ cho ta trước tiên. Nhưng ta phải nhớ rằng, muốn được vậy, ta cần phải gặp cho đúng Phật Thích Ca Mâu Ni mới có được tấm lòng từ bi và nhẫn nhục như vậy. Nếu gặp phải người chẳng có từ bi nhẫn nhục như Đức Phật, với sự sân hận của người đó, ta ắt là bị đọa vào địa ngục vô gián, vì thế chúng ta chớ nên coi thường mà bắt chước theo cách đó.

Lúc đó ta không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả.

Đức Phật cho hay trong thời gian làm tiên nhẫn nhục bị vua Ca-lợi cắt thân thể ra từng mảnh, Ngài không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Ngài đã từng kinh nghiệm qua pháp nhẫn nhục ba-la-mật, nay Ngài kể cho mọi người nghe.

Tại sao? Lúc xưa, khi thân thể bị chặt đứt từng mảnh, nếu ta có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, thì ắt là ta đã sanh tâm sân hận.

Đức Phật nói: “Đương lúc vua Ca-lợi cắt tai, cắt mũi, chặt tay chân ta, nếu ta có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, ắt là ta đã sanh tâm sân hận. Tại sao vậy? Bởi còn cái ‘ngã.’ Chừng nào còn ‘ngã,’ thì vẫn còn tâm sân hận. Cho nên lúc đó, vì không còn ‘ngã,’ ta không hề khởi lòng sân hận và phát nguyện xong thì tay chân, cũng tai mũi mọc lại như cũ. Nếu vào lúc đó, còn chút nào sân hận trong lòng thì điều nguyện của ta cho tứ chi khôi phục đâu có thể thành tựu được.”

Tu-bồ-đề! Lại nhớ kiếp quá khứ, ta làm tiên nhẫn nhục trong năm trăm đời, vào thuở ấy không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả. Bởi thế, Tu-bồ-đề! Bồ-tát phải nên lìa tất cả tướng, phải nên phát tâm a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, chẳng nên sanh tâm trụ nơi sắc, chẳng nên sanh tâm trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp, nên sanh tâm không chỗ trụ. Nếu tâm có chỗ trụ tức là không phải trụ.

Đức Phật nói: “Tu-bồ-đề! Ta nhớ những kiếp xưa làm tiên nhẫn nhục trong năm trăm đời, trải qua bao nhiêu kiếp đó, đối trước mọi sự ta đều phải nhẫn nhục, không vướng mắc vào các tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Mọi sự gian nan khổ sở, ta đều phải nhẫn chịu. Cho nên làm Bồ-tát là phải lìa mọi tướng, phải phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Bồ tát cũng không được chấp trụ vào cảnh giới của lục trần, không chấp trước vào sắc mà sanh tâm, không trụ vào thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm chấp trước; phải nên sanh tâm không chỗ trụ (tâm không chấp trước vào gì cả), tất cả phải cho viên dung, vô ngại. “Nếu tâm có chỗ trụ, tức là chẳng phải trụ.” Nếu như tâm của ta mà chấp trước, tức chẳng phải “sanh tâm không chỗ trụ” (như kinh đã nói). Còn có chấp, tức có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả.”

Bởi vậy nên Phật nói tâm Bồ-tát không nên trụ vào sắc mà bố thí.

Cho nên tâm của Bồ-tát không nên chấp trước vào sắc khi bố thí. Bồ-tát thì tu lục độ vạn hạnh. Riêng bố thí là bao gồm đầy đủ cả sáu độ. Tại sao vậy? Bố thí có các loại như tài thí, pháp thí, vô úy thí. Tài thí là bố thí tư liệu để người ta sanh sống, cũng là nằm trong độ bố thí của sáu độ nói trên.

Nay nói về pháp thí. Như quý vị thuyết pháp cho những ai đối với quý vị không có tâm oán hại, chẳng hạn, khiến cho họ trở thành kẻ vô úy, khiến họ xa lìa tâm sợ hãi, như vậy quý vị đã thực hiện trì giới, tức một độ trong lục độ. Trong trường hợp những kẻ đó đối với quý vị có lòng oán hại, vì trước đó giữa hai bên với nhau đã xảy ra một chuyện gì không phải, quý vị vẫn nói pháp để họ có thể xa lìa sợ hãi, tức là quý vị đã tu nhẫn nhục, một độ trong lục độ,

Quý vị hoan hỷ vì người nói pháp, không biết mệt mỏi, hiểu biết chút nào nói chút ấy, không ngại khó khăn, không lười biếng, đó là độ tinh tấn. Quý vị lại biết nói pháp làm sao để có lớp lang, trong một tinh thần chuyên nhất, điều trước điều sau thông suốt, không lẫn lộn. Nói pháp không lầm, không loạn gọi là “như pháp,” và như vậy tức là độ thiền định ba-la-mật. Quý vị có được công phu thiền định mới tới được trạng thái không lầm loạn này. Nếu như thiếu công phu thiền định thì mỗi lần lên đài giảng kinh, tay chân quý vị không khởi có sự lung túng. Có ai hỏi vấn đề gì sẽ làm quý vị hoang mang, đó là tình trạng không có công phu thiền định. Khi đã có định lực, thì lúc giảng pháp có thể phân tích các pháp tướng một các rành rọt, không lộn xộn lầm lạc, như vậy gọi là có thiền định ba-la-mật,

Quý vị còn có một loại gọi là huệ biện vô ngại. Huệ là trí huệ, biện là biện tài, ở nơi ý là trí huệ, ở nơi miệng là biện tài. Có trí huệ thì nói ra mới thành biện tài. Gọi là có biện tài tức là nói chỗ nào cũng là đạo, đâu đâu cũng là gốc nguồn, nói cái gì cũng thành đạo lý cả, bởi chứng huệ biện vô ngại cũng là độ bát-nhã (tức huệ).

Vì những lý do kể trên, nên riêng độ bố thí-tài thí, pháp thí, vô úy thí, ba loại-gồm đủ cả lục độ ba-la-mật (bố thí, trì giới, tính tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí huệ).

Tu-bồ-đề! Vì để lợi ích tất cả chúng sanh, Bồ tát phải nên bố thí như thế.

Đức Phật lại dạy ngài Tu-bồ-đề rằng các vị Bồ-tát, vì để lợi ích tất cả chúng sanh, phải nên sanh tâm không chỗ trụ (mà ta vừa nói) để thực hành việc bố thí. Chúng ta làm bố thí không nên để vướng mắc vào tướng bố thí. Thí dụ, chúng ta không nên nói như thế này: “Lần bố thí này, tôi là kẻ bố thí, chỗ đó lãnh thọ sự bố thí, rồi của bố thí là chừng đó tài vật,” hoặc giả nói: “Tôi đã nói pháp chừng đó, giáo hóa chừng đó chúng sanh.” Đây là những tướng mà chúng ta không nên chấp trước.

Pháp Phật dạy chúng ta bỏ chấp. “Gió mát, trăng trong tùy thời hiện.” Để cảnh giới đến đi một cách tự nhiên, chớ chấp trước. Chấp tướng bố thí là tu phước cõi trời, còn tu đến quả Phật thì không thể chấp tướng. Tuy nói là không chấp tướng nhưng chúng ta vẫn thực sự làm bố thí thì mới đúng, chớ chẳng phải hễ nói không chấp tướng thì liền cho rằng cái gì cũng không, không cả – làm bố thí. Đây là rơi vào ngoan không, không hợp với đạo.

Như-lai nói tất cả các tướng, tức là phi tướng, lại nói tất cả chúng sanh, tức là phi chúng sanh. Tu-bồ-đề! Như-lai nói lời chân, nói lời thật, lời như như, lời không dối, lời chẳng sai khác.

Phật nói tất cả mọi tướng (bổn lai) vốn là không có tướng, lại nói rằng tất cả mọi chúng sanh là chẳng chúng sanh. Tự tánh của chúng sanh vốn là Phật. Lúc mê là chúng sanh, khi giác ngộ là Phật. Thuyết Phật-pháp để giáo hóa chúng sanh, để trong tương lai chúng sanh đều được quay trở lại về nguồn để thành Phật. Đức Phật nói đến đây e rằng mọi người có thể kinh hãi, hồ nghi không tin nên mới nói tiếp:

“Như-lai nói lời chân, lời thật, lời như như, lời không dối, lời bất dị.” Ý Phật nói những lời đó là thành thật, không phải lời nói bậy bạ, không phải là chuyện kỳ quái, hoang đường…

Tu-bồ-đề! Pháp mà Như-lai chứng đắc, pháp ấy không thật, không hư.

Phật bảo Tu-bồ-đề rằng pháp mà Như Lai chứng được chính là Chân Không, không có thật thể. Tuy không có thực thể, nhưng trong cái chân không đó lại sanh ra Diệu Hữu. Chân không không ngăn ngại diệu hữu, diệu hữu không ngăn ngại chân không, cho nên nói “pháp ấy không thật không hư.” Không thật không hư nghĩa là gì? Nghĩa là nếu không chấp tướng, xa lìa chấp tướng thì đó là chân không diệu hữu.

Tu-bồ-đề! Nếu tâm Bồ-tát trụ ở pháp mà làm bố thí…

Phật bảo ông Tu-bồ-đề phải nên biết rằng, nếu Bồ-tát tu Bồ-tát đạo mà theo pháp hữu vi làm bố thí, chấp tướng mà bố thí, đó chỉ là lối tu phước báo các tầng trời hoặc tu phước nhân gian mà thôi, bởi vậy có câu:

Chấp tướng bố thí được phước trời,
Như dùng tên bắn hướng không trung,
Chờ khi đà hết tên liền rớt,
Lại tới kiếp sau chẳng vừa lòng.

Người chấp tướng làm bố thí thì có thể hưởng phước báo sinh lên cõi trời, đó là ý nghĩa lấy tên bắn lên không trung. Tên phóng lên sẽ tới lúc hết đà bèn rớt xuống như cảnh sanh lên tầng trời hưởng phước, đến lúc hết phước lại bị đọa xuống làm người thế gian để chịu các cảnh khổ. Đó là bố thí hữu lậu, vì theo pháp hữu vi thì sẽ hưởng phước hữu lậu chưa phải tới chỗ rốt ráo.

Thì như người vào chỗ tối chẳng thấy gì cả.

Ở đây Phật ví dụ trường hợp trụ ở pháp mà làm bố thí, giống như người “vào chỗ tối chẳng thấy gì cả.” Như quý vị làm công đức hữu lậu, kết quả sanh lên các tầng trời, tuy có hưởng phước, nhưng vẫn là thiếu trí huệ chân chánh, coi như là thiếu ánh sáng vậy. Một khi thiếu trí huệ chân chánh thì sẽ không nghe thấy Phật-pháp, cũng giống như trường hợp không trông thấy gì hết.

Nếu Bồ-tát tâm chẳng trụ pháp mà làm bố thí, thì như người có mắt, thêm mặt trời chiếu sáng nữa, thấy hết mọi hình sắc.

Giả thử vị Bồ-tát đó làm bố thí mà lòng không có chút gì chấp trước cả, tức là vị đó tu pháp vô vi, quả sẽ là quả vô lậu, giống như trường hợp người có mắt, nghĩa là có trí huệ, lại được “thêm mặt trời chiếu sáng nữa, thấy hết mọi hình sắc.” Ánh sáng mặt trời cũng như ánh sáng trí huệ, trí huệ này chiếu sáng mọi nơi, vì vậy mà mọi hình sắc đều có thể trong thấy hết.

Tu-bồ-đề! Đời sau này, nếu có người thiện nam, người thiện nữ, có thể thọ trì đọc tụng Kinh này, thì trí huệ của Như-lai biết rõ người ấy, thấy rõ người ấy, đều thành tựu công đức vô biên vô lượng.

Phật bảo: “Tu-bồ-đề! Đời sau, nếu có người thiện nam và thiện nữ, đọc, tụng, thọ, trì Kinh Kim Cang này thì trí huệ của Như-lai sẽ biết và thấy rằng kẻ đó tu hành, và trong tương lai người đó sẽ được vô lượng vô biên công đức.” Ở đâu mà có nhiều công đức như vậy? Không có chỗ nào có cả. Vì chúng ta càng tìm, càng kiếm thì tìm không ra, Phật-pháp mầu nhiệm tại chỗ này.

 

— o0o —

Phần 15: TRÌ KINH CÔNG ĐỨC

Tu Bồ Đề! Nhược hữu thiện-nam tử, thiện-nữ nhơn, sơ nhựt phần dĩ hằng-hà sa đẳng thân bố-thí, trung nhựt phần phục dĩ hằng hà sa đẳng thân bố-thí, hậu nhựt phần, diệc dĩ hằng-hà sa đẳng thân bố-thí; như thị vô-lượng bá thiên vạn ức kiếp, dĩ thân bố thí.  Nhược phục hữu nhơn, văn thử kinh-điển tín tâm bất nghịch, kỳ phước thắng bỉ.  Hà huống thơ tả, thọ-trì, đọc-tụng, vị nhơn giải thuyết!

Tu-Bồ-Đề!  Dĩ yếu ngôn chi, thị kinh hữu bất khả tư nghị, bất khả xứng lượng, vô biên công-đức.  Như Lai vị phát đại-thừa giả thuyết, vị phát tối thượng-thừa giả thuyết. Nhược hữu nhơn năng thọ-trì dọc tụng, quảng vị nhơn thuyết.  Như-Lai tất tri thị nhơn, tất kiến thị nhơn, giai đắc thành tựu bất khả lượng, bất khả xứng, vô hữu biên, bất khả tư nghị công-đức. Như thị nhơn đẳng tắc vi hà đảm Như-Lai A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

Hà dĩ cố?  Tu Bồ Đề!  Nhược nhạo tiểu pháp giả, trước ngã kiến, nhơn kiến, chúng-sanh kiến, thọ-giả kiến, tức ư thử kinh bất năng thính thọ, đọc tụng vị nhơn giải thuyết.

Tu-Bồ-Đề! Tại tại xứ xứ nhược hữu thử kinh, nhứt thiết thế-gian, thiên, nhơn. A-tu-la sở ưng cúng dường. Đương tri thử xứ, tức vi thị tháp, giai ưng cung kính, tác lễ vi nhiểu, dĩ chư hoa hương, nhi tán kỳ xứ.

Tu-bồ-đề! Như có người thiện nam, người thiện nữ, buổi sáng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi trưa lại đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi chiều cũng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, cứ như thế bố thí thân mạng đến vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp.

Nếu lại có người nghe kinh điển này, lòng tin chẳng mất thì phước của người này hơn phước của người kia, huống chi là biên chép, thọ trì, đọc tụng, giảng giải cho người khác nghe.

Tu-bồ-đề! Nói tóm lại, Kinh này có công đức không thể nghĩ bàn, không thể lường, không bờ mé.

Như-lai vì người phát tâm Đại thừa mà nói, vì người phát tâm tối thượng thừa mà nói. Nếu có người nào hay thọ trì, đọc tụng, giảng nói cho người thì Như Lai ắt biết rõ người ấy, thấy rõ người ấy, đều được thành tựu công đức không thể lường, không thể tính, không có bờ mé, không thể nghĩ bàn. Những người như thế là gánh vác được đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác của Như-lai.

Vì sao? Tu-bồ-đề! Nếu có người ưa pháp nhỏ, dính mắc ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến thọ giả kiến thì chẳng thể nghe, thọ trì, đọc tụng kinh này và giảng cho người khác nghe.

Tu-bồ-đề! Bất cứ nơi nào, nếu có Kinh này, tất cả thế gian, trời, người, a-tu-la đều nên cúng dường.

Phải biết chỗ đó chính là tháp Phật đều nên cung kính lễ bái nhiễu quanh, dùng hương hoa mà rải cúng nơi đó.

 

Lược giải:

Tu-bồ-đề! Như có người thiện nam, người thiện nữ, buổi sáng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi trưa lại đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi chiều cũng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, cứ như thế bố thí thân mạng đến vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp.

Phật lại nêu thí dụ như có người nam hoặc người nữ tu thập thiện, thọ ngũ giới, vào lúc “sơ nhật phân” (nguyên văn Hán tạng), tức lúc mặt trời mọc, vào giờ Dần, giờ Mão, đem thân mạng mình nhiều như số cát sông Hằng ra bố thí – trước thì chỉ nói đem một thân mạng ra bố thí, ở chỗ này lại nói đem nhiều thân mạng như cát sông Hằng ra bố thí – rồi vào lúc “trung nhật phân,” tức giờ Tỵ, giờ Ngọ, “hậu nhật phân,” tức giờ Thân, giờ Dậu, đem thân mạng cũng nhiều như cát sông Hằng ra bố thí. Vậy là chẳng phải một ngày, mà phải trải qua trăm ngàn vạn ức kiếp, cứ như thế mà bố thí thân mạng.

Nếu lại có người nghe kinh điển này, lòng tin chẳng mất thì phước của người này hơn phước của người kia, huống chi là biên chép, thọ trì, đọc tụng, giảng giải cho người khác nghe. Tu-bồ-đề! Nói tóm lại, Kinh này có công đức không thể nghĩ bàn, không thể lường, không bờ mé.

Lại thí dụ có người nghe Kinh Kim Cang mà lòng tin chẳng mất – tức là không nghi hoặc – thì phước đức của người này còn hơn phước đức của người nói ở phần trên, tức là kẻ đã bố thí thân mạng, buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, trong trăm ngàn vạn ức kiếp, nhiều như cát sông Hằng. Người này chỉ có nghe kinh thôi mà sao phước đức lại có thể hơn người nói ở phần trên? Bởi vì bố thí thân, cũng chỉ tạo được công đức như tài thí, còn nghe kinh thì có công đức của pháp thí. Tài thí thì được phước đức, pháp thí thì được trí huệ. Thí dụ ta muốn được khai ngộ để thành Phật, tất nhiên ta phải có trí huệ chân chánh.

Nếu chẳng có trí huệ, nhưng chỉ có phước báo thì chẳng thể khai ngộ được, vì lẽ đó phước này “hơn phước của người kia,” như kinh nói. Huống chi, bây giờ, lại lấy bút mực chép Kinh Kim Cang, lại thọ, trì, đọc, tụng, lại còn thuyết giảng kinh cho người khác nghe nữa!

Phật bảo ông Tu-bồ-đề một cách tóm tắt, công đức của kinh này to lớn tới độ không thể đo được, không thể nghĩ bàn được và rộng lớn không có bờ mé.

Như-lai vì người phát tâm Đại thừa mà nói, vì người phát tâm tối thượng thừa mà nói. Nếu có người nào hay thọ trì, đọc tụng, giảng nói cho người thì Như-lai ắt biết rõ người ấy, thấy rõ người ấy, đều được thành tựu công đức không thể lường, không thể tính, không có bờ mé, không thể nghĩ bàn. Những người như thế là gánh vác được đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác của Như-lai.

Phật bảo Như-lai nói Kinh Kim Cang này, chẳng phải cho hàng Tiểu thừa, Thanh văn nghe mà chính là cho những người tin theo Đại thừa có tâm Bồ tát, những người cầu Phật đạo, cầu pháp tối thượng thừa, nguyện độ khắp các chúng sanh. Giả thử có người hay thọ trì đọc tụng bộ kinh này, hoặc giảng giải cho người khác nghe thì ắt Như-lai, với thiên nhãn, sẽ biết người đó, thấy người đó. Họ đều thành tựu những công đức không thể đo lường, không bờ mé, không thể nghĩ bàn. Người mà đọc, tụng, thọ, trì, sao chép kinh này, cũng coi như có thể gánh vác được đạo nghiệp của Như-lai, họ sẽ chứng được Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Vì sao? Tu-bồ-đề! Nếu có người ưa pháp nhỏ, dính mắc ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến thọ giả kiến thì chẳng thể nghe, thọ trì, đọc tụng kinh này và giảng cho người khác nghe.

Tại sao vậy? Bởi vì, nếu có kẻ ưa pháp Tiểu thừa tức là chấp ngã kiến, mà còn ngã kiến tức còn tâm tham; chấp nhân kiến, thì còn tâm sân; chấp chúng sanh kiến tức còn tâm si; chấp thọ giả tướng tức còn cái thấy ngu si. Bởi họ chỉ biết ưa pháp Tiểu thửa nên họ không nào thể lãnh thọ được diệu lý của Kinh Kim Cang, tức pháp thực tướng vô tướng. Họ cũng không tin, sẽ không biết đọc, tụng, cũng không thể giải nói kinh này cho người khác. Nguyên do bởi tâm lượng của họ nhỏ bé, sống trong cảnh giới hạn hẹp nên khó lòng vào được pháp Đại thừa.

Tu-bồ-đề! Bất cứ nơi nào, nếu có Kinh này, tất cả thế gian, trời, người, a-tu-la đều nên cúng dường.

Phật bảo ông Tu-bồ-đề rằng bất cứ nơi nào có bộ Kinh Kim Cang này thì mọi nơi, kẻ ở thế gian, kẻ xuất thế gian, trên trời, dưới là người, cho đến a-tu-la, chúng sanh khắp pháp giới, đều phải phát tâm cúng dường bộ kinh này.

Có tất cả mười loại cúng dường, được lược giảng như sau:

Thứ nhất là cúng dường nhang. Ta phải mua loại nhang tốt, chớ nên mua loại chỉ đáng bỏ thùng rác để cúng Phật, đó là thiếu sự thành tâm. Sách nói tới nhang Ngưu-đầu bằng gỗ chiên-đàn, là loại khi đốt lên mùi hương tỏa ra xung quanh, xa đến mười dặm. Một phân lượng nhỏ cũng đáng “giá liên thành.” Cúng dường Phật bằng thứ nhang này mới đúng là thành tâm. Kinh Địa Tạng kể chuyện một người phụ nữ Bà-la-môn, mang cả gia tài, nhà cửa bán đi, để cúng dường Đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Tại sao cần phải bán nhà?

Lý do là người đó muốn mang hết cả tấm lòng thành của mình, cam chịu sống không nhà cửa để biểu thị một lòng chân thật cúng dường Phật. Cúng dường nhang thì được lợi ích như thế nào? Lợi ích là kiếp sau, thân mình sẽ tỏa ngát mùi thơm. Quý vị thấy đó, miệng Đức Phật tỏa hương thơm, trên mình Ngài, các lỗ chân lông cũng đều tỏa mùi thơm. Tại sao thân thể của ta lại có mùi hôi? Bởi vì kiếp xưa ta không đốt nhang cúng Phật, lại không biết giữ giới luật, nên nay thân mình chúng ta có mùi hôi. Dùng nhang cúng Phật, thì thân ta có thể tỏa hương thơm. Có phải là ta dùng nhang cúng Phật là cốt cầu cho thân tỏa hương thơm trong kiếp tương lai chăng? Không phải thế, vì quý vị chẳng cần phải cầu, cũng chẳng cần hy vọng, tự nhiên sẽ được như vậy. Công đức viên mãn, thì tự nhiên có hương, bằng công đức chẳng viên mãn thì cầu cũng chẳng có. Thân các vị trời đều tỏa mùi hương. Tại sao vậy? Bởi trên tầng trời, các vị thiên đều dùng nhang cúng Phật.

Thứ nhì là cúng dường hoa. Ta phải dùng loại hoa tươi. Nói chung là khi mua hoa nên thêm chút ít tiền mua hoa tốt, thì công đức lại nhiều hơn chút nữa. Lợi ích của sự cúng dường hoa như thế nào? Kiếp sau tướng mạo của ta sẽ hoàn toàn, đẹp đẽ dễ coi, ai trông thấy cũng yêu mến. Bởi kiếp xưa Đức Phật Thích Ca dùng hương và hoa cúng Phật nên được tướng mạo viên mãn. Còn như quý vị không muốn phiền hà, chẳng cần tướng mạo tốt, quý vị có thể biến thành giống như tượng Đức Đạt-ma Sư-tổ, xấu xí khó coi. Có điều, đó là tùy ý quý vị, quý vị muốn thế nào, thì sẽ thành ra như thế ấy.

Thứ ba là cúng dường đèn. Đứng trước Phật đốt đèn, kiếp sau sẽ được đôi mắt sáng. Có thể có những vật mọi người không trông thấy nhưng mắt ta thì thấy được. Có những sự tình, mọi người không biết, mà ta lại biết. Ta có thể có thiên nhãn, nhục nhãn, pháp nhãn, huệ nhãn, Phật nhãn, tức là ngũ nhãn. Tại sao có được Phật nhãn? Chính là gieo nhân trước Phật đốt đèn, nên nhục nhãn của ta hóa ra sáng, và khai mở được ngũ nhãn. Quý vị than rằng: “Người ta có Phật nhãn, sao ta không có vậy?” Bởi vì một giọt dầu thắp đèn quý vị cũng không bỏ ra, chỉ một đôi nến cũng không chịu mua để cúng dường Phật, lẽ dĩ nhiên quý vị chẳng thể có Phật nhãn. Muốn có ngũ nhãn ta hãy mua nhang, dầu, loại thật tốt, đốt đèn lên cúng dường Phật thì quý vị sẽ có công đức thật hay, thật mầu nhiệm.

Thứ tư là cúng dường anh lạc. Đây là ngọc quí, rất đẹp và đắt giá, dùng ngọc này để cúng dường Phật.

Thứ năm là cúng dường bảo cái. Bảo cái tức là cái lọng, cái tàng hay cái táng. Đời xưa, các quan đi đâu cũng có lọng che. Chúng ta nên dùng bảo cái để cúng dường Phật.

Thứ sáu là cúng dường tràng phan. Tỷ như các loại cờ, màn treo, hay các dãy câu đối treo trước bàn thờ Phật, đều thuộc về loại tràng phan. Cũng có thể dùng các màn lưới như trên cung điện của Đại Phạm Thiên, loại lưới có những hình tròn, trên gắn những hạt châu để cúng dường Phật.

Thứ bảy là cúng dường y phục. Phải là loại y phục bảo hạng. Quý vị không được mặc vào người rồi mới mang đến cúng dường Phật. Phật mặc quần áo gì? Phật đâu có ăn mặc như chúng ta, đây chỉ là cách biểu thị sự cung kính mà thôi.

Thứ tám là cúng dường thực phẩm trái cây. Các thức ăn đều có thể cúng dường Phật. Không thể cúng Phật những thức mình đã ăn trước. Về sau, xin quý vị cư sĩ nhớ cho điều này, tại các Phật đường hay các chùa miếu, khi nào ăn thức gì, quý vị tại gia phải nhường cho các vị Tăng sĩ ăn trước, sau đó mới đến lượt của mình. Sở dĩ tôi nhắc điều này, vì đã có lần tôi thấy một số cư sĩ, chưa cúng Phật gì mà đã lấy đồ ra ăn. Tại chùa miếu, chúng ta không thể làm như vậy, bao giờ cũng phải cúng Phật trước đã. Chúng ta đã theo Phật, tin Phật, tất phải cung kính Phật.

Cung kính Phật chính là cung kính Pháp, cung kính Pháp là cung kính Tăng. Vì các lẽ đó, khi các vị xuất gia chưa ăn, mọi người không nên ăn trước. Trừ phi, gặp trường hợp đặc biệt, hoặc quý Thầy quý Sư cô mắc bận công chuyện, hoặc bảo mọi người ăn trước, lúc đó thì không kể, ngoài ra chúng ta phải nhất thiết theo đúng pháp, chớ có tự ý tùy tiện.

Thứ chín là cúng dường âm nhạc. Cho nên chúng ta thấy nào sớm chuông, tối trống (mộ cổ thần chung), khánh xanh, mõ đỏ, rồi các giọng xướng tán, để hát ca tán than Tam-bảo.

Thứ mười là chắp tay cúng Phật. Cách cúng dường này đơn giản, không mất tiền, chỉ một lòng kiền thành, chắp tay lại hành lễ để cúng dường.

Như trên vừa nói là mười phương cách cúng dường, tôi lược giảng cho quý vị hiểu.

Phải biết chỗ đó chính là tháp Phật đều nên cung kính lễ bái nhiễu quanh, dùng hương hoa mà rải cúng nơi đó.

Nơi nào có bộ kinh này thì nơi đó chúng ta nên cúng dường. Chúng ta phải coi nơi đó là tháp Phật, là chân thân của Phật, là xá lợi của Phật. Chúng ta phải cung kính, cúi đầu đảnh lễ, hướng bên hữu đi nhiễu ba vòng, cũng giống như khi chúng ta niệm Phật, niệm Chú Đại Bi và đi nhiễu, rồi dùng hương hoa rải xung quanh nơi đó để cúng dường.

 

— o0o —

Phần 16: NĂNG TỊNH NGHIỆP CHƯỚNG

Phục thứ, Tu Bồ Đề!  Thiện nam tử, thiện-nữ nhơn thọ-trì đọc tụng thử kinh, nhược vị nhơn khinh tiện, thị nhơn tiên thế tội nghiệp, ưng  đọa ác đạo, dĩ kim thế nhơn khinh tiện cố, tiên thế tội-nghiệp tức vi tiêu diệt, đương đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

Tu-Bồ-Đề! Ngã niệm quá khứ vô-lượng a-tăng-kỳ kiếp ư Nhiên-Đăng Phật tiền đắc trị bát bá tứ thiên vạn ức na-do-tha chư Phật, tất giai cúng dường thừa-sự, vô không quá giả.  Nhược phục hữu nhơn, ư hậu mạt thế, năng thọ-trì đọc tụng thử kinh, sở đắc công-đức, ư ngã sở cúng-dường chư Phật, công-đức bá phần bất cập nhất, thiên vạn ức phần, nãi chí toán số thí-dụ sở bất năng cập.

Tu Bồ Đề!  Nhược thiện nam tử, thiện-nữ nhơn ư hậu mạt thế, hữu thọ-trì đọc tụng thử kinh, sở đắc công-đức, ngã nhược cụ thuyết giả, hoặc hữu nhơn văn, tâm tắc cuồng loạn, hồ nghi bất tín.

Tu-Bồ-Đề! Đương tri thị kinh nghĩa bất khả tư nghị, quả-báo diệc bất khả tư nghị.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nếu có người thiện nam, người thiện nữ, thọ trì, đọc tụng kinh này, nếu bị người khác khinh rẽ là vì người này đời trước đã tạo nghiệp tội đáng đọa vào ác đạo. Do nay bị người khinh rẻ thì tội nghiệp đời trước liền được tiêu diệt và sẽ được quả a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

Tu-bồ-đề! Ta nhớ đời quá khứ, vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, trước Phật Nhiên Đăng, được gặp tám trăm bốn ngàn muôn ức na-do-tha chư Phật, ta đều cúng dường thờ phụng, không sót một vị nào.

Nếu lại có người, ở đời mạt thế sau này, có thể thọ trì, đọc tụng kinh này, họ sẽ được công đức, mà công đức cúng dường chư Phật của ta không bằng một phần trăm, một phần ngàn, vạn, ức, cho đến toán số thí dụ chẳng thể sánh bằng.

Tu-bồ-đề! Nếu người thiện nam, người thiện nữ, ở đời mạt thế sau, thọ trì đọc tụng kinh này, sẽ được công đức, mà nếu ta kể nó ra cho đủ, có thể kẻ nghe tâm sẽ cuồng loạn, hồ nghi chẳng tin.

Tu-bồ-đề! Phải biết rằng kinh này không thể nghĩ bàn, quả báo cũng không thể nghĩ bàn.

 

Lược giải:

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nếu có người thiện nam, người thiện nữ, thọ trì, đọc tụng kinh này, nếu bị người khác khinh rẽ là vì người này đời trước đã tạo nghiệp tội đáng đọa vào ác đạo. Do nay bị người khinh rẻ thì tội nghiệp đời trước liền được tiêu diệt và sẽ được quả a-nậu-đa-la tam miệu tam-bồ-đề.

Đoạn kinh văn này nói về nghiệp nặng mà thọ quả nhẹ. Đức Phật e rằng các chúng sanh không hiểu rõ Thật tướng, diệu pháp của Đại thừa, có thể khởi tâm hồ nghi, nghi ngờ về sự thâm diệu của bộ kinh này. Bởi tại sao đọc Kinh Kim Cang, bộ kinh mà Phật nói là rất thâm diệu, mà lại bị người khinh rẻ? Chính vì sợ mọi người có thể nghi hoặc như vậy nên Phật lại giảng thêm.

Phật bảo ông Tu-bồ-đề nếu có người thiện nam hay thiện nữ tu thập thiện thọ ngũ giới, lòng lãnh thọ, thân tu trì, hay đọc tụng Kinh Kim Cang mà bị người ta coi rẻ… Vì đâu mà bị coi rẻ? Vì kiếp xưa đã phạm vô lượng vô biên các nghiệp tội, như giết cha, giết mẹ, hoặc giết hại bậc A-la-hán, hoặc phá sự hòa hợp của chư Tăng, hoặc làm Phật chảy máu chẳng hạn. Những tội thuộc về loại ngũ nghịch, thập ác, đáng bị đọa vào ba đường ác, như làm súc sanh, quỷ đói, đọa địa ngục, những nơi không thể nghe được pháp mầu nhiệm thâm sâu của Thật tướng Đại thừa.

Bây giờ, họ thọ được pháp này, họ chịu quả bị người khinh rẻ, nhưng tội cũ đã tiêu diệt, tức là lãnh quả nhẹ về các tội trọng. Thay vì mang những tội bị đọa, nhưng nay chỉ bị người khinh rẻ mà thôi. Bởi vậy, trong số quý vị ở đây, nếu có vị nào, đương ngồi đọc kinh mà có ai nói với mình rằng: “Người này thực mê tín!” Đây chính là dịp để ta trau dồi đức hạnh. Có người coi thường mình, họ khởi niệm cho rằng mình là kẻ ngu si, khi họ khởi niệm đó, tội chướng của mình cũng tức khắc được tiêu diệt. Nếu họ chẳng tỏ ý khinh khi gì, thì tội chướng vẫn còn.

Tại sao vậy? “Pháp bất cô khởi, trượng cảnh phương sanh,”

Nghĩa là pháp chẳng tự sanh, do cảnh mà có. Khi người nào đó khinh mạn ta, ấy là một dịp thử coi ta có công phu nhẫn nhục không. Nếu có công phu nhẫn nhục, thì lòng ta không xao xuyến. Ai đó khinh ta, ta coi đó là bát-nhã ba-la-mật. Quý vị được như vậy thì khi nếm mùi vị của sự khinh mạn, cũng thấy ngọt như mật của trái ba-la (trái khóm, ba-la-mật = ngọt như khóm chín), tức có thể đạt được ba-la-mật, mà tới bờ bên kia. Cho nên, khi gặp trường hợp đó, quý vị lại cần phải tạ ơn người nào đó, coi họ như là một Thiện tri thức vậy. Các người khinh tôi ư? Các người đã giúp tôi tiêu trừ tội chướng, tôi được thành Phật là do các người đã độ cho tôi vậy. Chúng ta cứ nghĩ như thế thì trong lòng đâu còn oán hận gì nữa, tự nhiên ta sẽ chứng được nhẫn nhục ba-la-mật.

“Tội nghiệp đời trước tất được tiêu diệt,” câu này nói ra một cách khẳng định, không có hàm hồ chút nào. Phật nói rõ rằng tội nghiệp đời trước nhất định sẽ tiêu diệt, và còn được quả Phật, vô thượng chánh đẳng chánh giác, không nên nghi ngờ gì nữa. Bởi thế cho nên, lúc nào ta tụng kinh mà có người mắng ta, tức là hay lắm đó. Có người đánh ta, ta phải cúi đầu làm lễ mà thưa lại rằng:

“A Di Đà-Phật! Cảm ơn quý vị đã giúp tôi tiêu diệt được nghiệp tội.”

Khi tội tiêu rồi, nghiệp đã tận, tình cũng không, chính là chứng được Phật quả, đạt được a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

Tu-bồ-đề! Ta nhớ đời quá khứ, vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, trước Phật Nhiên Đăng,

Chỗ này Phật nói “Ta (Ngã)” tức là chỉ chính Đức Phật Thích Ca. Sau khi Phật Thích Ca thành đạo, Ngài thành tựu Tám Đại Tự Tại Ngã:

Tám Đại Tự Tại Ngã

  1. Phật có thể biến một thân ra nhiều thân (Nhất đa tự tại).
  2. Phật có thể thị hiện một thân nhỏ như hạt bụi, nhưng thân ấy bao trùm khắp tam thiên đại thiên thế giới (Đại tiểu tự tại).
  3. Với tấm thân to lớn vĩ đại, Phật có thể đi đứng nhẹ nhàng và dễ dàng tới tận những chỗ xa xôi nhất (Thần túc tự tại).
  4. Phật có thể biến hiện ra vô lượng loại chúng sanh cùng ở chung một cõi. Vô lượng loại chúng sanh đó thì có thân Phật, thân Bồ Tát, thân Duyên giác, thân Thanh văn, thân Trời, thân Người, thân A-tu-la, thân Ngạ quỷ, thân súc sinh và cả thân Địa ngục (Loại sinh tự tại).
  5. Chư căn của Phật có thể hỗ dụng: Con mắt có thể ăn, lỗ tai có thể nhìn, mũi có thể nói. Mỗi căn có thể làm việc của 6 căn (Chư căn tự tại).
  6. Phật chứng đắc mọi pháp, nhưng không có chấp trước mọi tướng, không có quan niệm rằng mình có chứng đắc (Chứng đắc tự tại).
  7. Phật có thể thuyết giảng ý nghĩa một câu kệ trong suốt vô lượng kiếp (Biện tài tự tại).
  8. Thân của Phật có thể biến hiện (đồng thời) khắp mọi nơi, giống như hư không (chẳng đến chẳng đi) (Phổ môn tự tại).

Phật nói: “Ta nhớ đời quá khứ…” Nhớ là hồi tưởng lại, Phật nhớ lại a-tăng kỳ kiếp xưa, lúc Ngài ở chỗ của Đức Phật Nhiên Đăng, lúc sơ phát tâm. Xưa, Ngài là một người thợ nặn đồ sành, như làm gạch, ngói, nặn các đồ dùng như chén bát, chung trà, ấm trà v.v… Hồi đó, vị cỗ Phật Thích Ca thấy cơ duyên của người thợ nặn đồ sành này đã thành thục, bèn tới nơi để độ. Người thợ gốm, tên là Quảng-chức, thấy cổ Phật Thích Ca thì vui mừng vô tả, và khi nghe cổ Phật thuyết pháp xong, người thợ liền phát nguyện ngay:

“Đức Phật tốt quá, tương lai con sẽ thành Phật, cũng giống như Ngài, Phật hiệu của con cũng là Thích Ca Mâu Ni Phật.” Nói rồi, người thợ đồ sành, liền đứng trước cổ Phật phát nguyện tu hành.

Tính từ vị cổ Phật Thích Ca tới Bảo Tích Như Lai, thời gian này có tất cả bảy mươi lăm ngàn vị Phật, và kêu là a-tăng-kỳ kiếp thứ nhất. Từ Bảo Tích Như Lai đến Nhiên Đăng Như Lai có bảy mươi sáu ngàn vị Phật, và khoảng thời gian này gọi là a-tăng-kỳ kiếp thứ hai. Từ Nhiên Đăng Như Lai đến Thánh Quan Như Lai, có bảy mươi bảy ngàn vị Phật, và khoảng thời gian này gọi là a-tăng-kỳ kiếp thứ ba. Tổng cộng là ba đại kiếp a-tăng-kỳ. Phật Thích Ca tu trong ba đại kiếp a tăng-kỳ mới thành Phật.

Được gặp tám trăm bốn ngàn muôn ức na-do-tha chư Phật, ta đều cúng dường thờ phụng, không sót một vị nào.

Phật Thích Ca cúng dường tám trăm bốn ngàn vạn ức na-do-tha chư Phật. Ngài thờ phụng tất cả, chẳng bỏ sót một vị nào.

Nếu lại có người, ở đời mạt thế sau này, có thể thọ trì, đọc tụng kinh này, họ sẽ được công đức, mà công đức cúng dường chư Phật của ta không bằng một phần trăm, một phần ngàn, vạn, ức, cho đến toán số thí dụ chẳng thể sánh bằng.

Giả thử có người ở đời mạt pháp sau này, có thể thọ, trì, đọc, tụng kinh điển này thì công đức của người đó nhiều lắm. So sánh với công đức đó thì công đức của ta, đã từng trong ba đại kiếp a-tăng-kỳ, cúng dường cho tới tám trăm bốn ngàn vạn ức na do-tha các vị Phật, sẽ không bằng một phần trăm, một phần ngàn vạn ức, cho đến dùng toán số để thí dụ, cũng không tìm ra được một chút gì để so sánh. Tuy công đức của ta, cúng dường chư Phật là lớn thiệt, nhưng công đức của người thọ, trì, đọc, tụng kinh điển này trong thời mạt pháp còn lớn gấp trăm ngàn vạn ức phần nữa.

Tu-bồ-đề! Nếu người thiện nam, người thiện nữ, ở đời mạt thế sau, thọ trì đọc tụng kinh này, sẽ được công đức, mà nếu ta kể nó ra cho đủ, có thể kẻ nghe tâm sẽ cuồng loạn, hồ nghi chẳng tin.

Phật bảo Tu-bồ-đề: “Giả thử, đời sau mạt pháp, có người thiện nam, người thiện nữ, tu thập thiện thọ ngũ giới, có thể thọ trì, đọc tụng Kinh Kim Cang thì công đức của họ, nếu ta nói ra thật rõ ràng, hoặc nữa, khi nghe ta tán thán công đức của kinh thì trong lòng họ, không những không tin, mà còn xao xuyến rối loạn, vô cùng hồ nghi.”

Tại sao lại hồ nghi? Chữ “hồ” chỉ con hồ-ly, con chồn. Trông bên ngoài thì con chồn rất thông minh, nhưng thực tế nó là một con thú ngu si vô cùng. Nó gặp bất cứ sự vật gì cũng đem lòng hoài nghi. Thí dụ, ở miền bắc, vào mùa đông, nước sông đông lại thành băng. Khi chồn muốn qua sông thì nó chạy trên tảng băng, đi một bước, dừng lại lắng nghe, rồi lại tiến một bước, dừng lại lắng nghe, cứ như thế, lắng nghe kỹ coi tảng băng có chắc hay không, có chịu nổi sức nặng của nó hay không. Phàm làm chuyện gì nó cũng hoài nghi nên người ta nói “hồ nghi chẳng tin.”

Tu-bồ-đề! Phải biết rằng kinh này không thể nghĩ bàn, quả báo cũng không thể nghĩ bàn.

Phật bảo diệu nghĩa của Thực tướng bát-nhã không thể dùng tâm suy lường, dùng ngôn từ luận bàn tới nơi. Quả báo của nó cũng không thể nghĩ bàn. Nếu quả là người không thiện căn, khi nghe đến bộ kinh này sẽ không tin. Tại sao không tin? Bởi vì họ có ít thiện căn vậy.

 

— o0o —

Phần 17: CỨU CÁNH VÔ NGÃ

Nhĩ thời, Tu-Bồ-Đề bạch Phật ngôn: “Thế-Tôn! Thiện nam tử, thiện-nữ nhơn, phát A nậu-đa-la tam miệu tam bồ đề tâm, vân hà ưng trụ, vân hà hàng phục kỳ-tâm?”

Phật cáo Tu Bồ Đề: “Thiện-nam tử, thiện nữ nhơn, phát A nậu đa la tam miệu tam-bồ-đề tâm giả, đương sanh như thị tâm:  Ngã ưng diệt-độ, nhứt-thiết chúng-sanh, diệt-độ nhứt-thiết chúng-sanh dĩ, nhi vô hữu nhất chúng-sanh thiệt diệt độ giả.  Hà dĩ cố?  Tu-Bồ-Đề! Nhược Bồ-tát hữu ngã-tướng, nhơn-tướng, chúng-sanh tướng, thọ-giả tướng, tức phi Bồ-tát.

Sở dĩ giả hà? Tu-Bồ-Đề! Thiệt vô hữu pháp, phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm giả.

Tu-Bồ-Đề! Ư ý vân hà?   Như-Lai ư Nhiên-Đăng Phật sở, hữu pháp đắc A-nậu-đa-la tam miệu tam-bồ-đề phủ?

– Phất dã, Thế-Tôn!  Như ngã giải Phật sở thuyết nghĩa, Phật ư Nhiên-Đăng Phật sở, vô hữu pháp đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

Phật ngôn: “Như thị! Như thị!

Tu-Bồ-Đề! Thiệt vô hữu pháp, Như-Lai đắc A-nậu-đa-la tam miệu tam bồ đề. Tu Bồ Đề!  Nhược hữu pháp Như-Lai đắc A-nậu-đa-la tam-miệu Tam bồ đề giả, Nhiên Đăng Phật tức bất dữ ngã thọ ký:  “Nhữ ư lai thế, đương đắc tác Phật, hiệu Thích-Ca Mâu-Ni”. Dĩ thiệt vô hữu pháp, đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, thị cố Nhiên-Đăng Phật dữ ngã thọ ký, tác thị ngôn:  “Nhữ ư lai thế, đương đắc tác Phật, hiệu “Thích-Ca Mâu-Ni.” Hà dĩ cố? Như-Lai giả, tức chư Pháp như nghĩa.  Nhược hữu nhơn ngôn:  Như-Lai đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.”  Tu-Bồ-Đề!  Thiệt vô hữu Pháp, Phật đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Tu-Bồ-Đề!  Như-Lai sở-đắc A-nậu đa la tam-miệu tam bồ đề, ư thị trung vô thật vô hư, thị cố Như-Lai thuyết nhứt thiết pháp, giai thị Phật pháp. Tu Bồ Đề! Sở ngôn nhứt thiết pháp giả, tức phi nhứt thiết pháp, thị cố danh nhứt thiết pháp. Tu Bồ Đề! Thí như nhơn thân trường đại.”

Tu Bồ Đề ngôn: “Thế Tôn!  Như-Lai thuyết: Nhơn thân trường đại, tức vi phi đại thân, thị danh đại thân.”

Tu-Bồ-Đề!  Bồ-tát diệc như thị. Nhược tác thị ngôn: Ngã đương diệt-độ vô-lượng chúng sanh, tức bất danh Bồ-tát. Hà dĩ cố?  Tu-Bồ-Đề!

Thiệt vô hữu Pháp, danh vi Bồ tát. Thị cố Phật thuyết nhứt thiết pháp, vô ngã, vô nhơn, vô chúng-sanh, vô thọ-giả.

Tu-Bồ Đề!  Nhược Bồ-tát tác thị ngôn: Ngã đương trang-nghiêm Phật-độ. Thị bất danh Bồ-tát. Hà dĩ cố? Như-Lai thuyết trang-nghiêm Phật-độ giả,  tức phi trang-nghiêm, thị danh trang-nghiêm. Tu Bồ Đề!  Nhược Bồ-tát thông đạt vô ngã pháp giả, Như-Lai thuyết danh chơn thị Bồ-tát.

Lúc ấy, Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Thế-tôn! Người thiện nam, người thiện nữ, phát tâm a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề nên trụ tâm như thế nào? Hàng phục tâm như thế nào?

Phật bảo Tu-bồ-đề! Người thiện nam, người thiện nữ, phát tâm a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề nên sanh tâm như thế này: Ta phải diệt độ tất cả chúng sanh, diệt độ tất cả chúng sanh rồi, mà chẳng có một chúng sanh thật được diệt độ.

Tại sao? Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tức chẳng phải Bồ-tát.

Tại sao như thế? Tu-bồ-đề! Vì thật ra chẳng có pháp phát tâm a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Lúc Như-lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng, có pháp nào là pháp chứng đắc a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề chăng?

Thưa không, Thế-tôn, như con hiểu nghĩa của Phật nói, lúc Như-lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng không có pháp chứng đắc a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

Phật bảo: Như thế, như thế! Tu-bồ-đề! Thật chẳng có pháp chứng đắc a-nậu đa-la tam-miệu tam-bồ-đề!

Nếu Như-lai có được pháp đắc a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề thì Phật Nhiên Đăng chẳng thọ ký cho ta rằng “về đời sau ông sẽ được thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni.” Bởi thật chẳng có pháp chứng đắc a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề nên Phật Nhiên Đăng mới thọ ký cho ta rằng “về đời sau ông sẽ được thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni.”

Tại sao? Bởi Như-lai đó tức là nghĩa như như của các pháp. Nếu có người bảo Như-lai đắc a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề,

Tu-bồ-đề! Thật ra chẳng có pháp chứng đắc a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

Tu-bồ-đề! Pháp a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề mà Như-lai chứng được, ở trong đó “chẳng thật chẳng hư,” do đó Như-lai nói tất cả pháp đều là Phậtpháp.

Tu-bồ-đề! Nói tất cả pháp, tức chẳng phải tất cả pháp, cho nên nói tất cả pháp.

Tu-bồ-đề! Ví như người có thân cao lớn.

Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế-tôn! Như-lai nói thân người cao lớn, ắt không phải thân lớn, ấy gọi là thân lớn.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng như thế, nếu nói lời thế này: Ta sẽ diệt độ vô lượng chúng sanh, ắt không gọi là Bồ-tát. Tại sao?

Tu-bồ-đề! Thật không có pháp gọi là Bồ-tát, cho nên Phật nói tất cả pháp, không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả.

Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát nói như thế này: Ta phải trang nghiêm Phật độ, ấy chẳng gọi là Bồ-tát.

Tại sao? Như-lai nói trang nghiêm Phật độ, tức chẳng trang nghiêm, ấy gọi là trang nghiêm.

Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát thông đạt pháp vô ngã, Như-lai gọi đó là chân thật Bồ-tát.

 

Lược giải:

Lúc ấy, Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Thế-tôn! Người thiện nam, người thiện nữ, phát tâm a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề nên trụ tâm như thế nào? Hàng phục tâm như thế nào?

“Lúc ấy,” tức là lúc Phật vừa nói nghĩa của kinh không thể nghĩ bàn, quả báo cũng không thể nghĩ bàn, Tu-bồ-đề liền bạch Phật mà hỏi rằng nếu có người thiện nam, người thiện nữ phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, họ phải làm sao để tâm không có chỗ trụ, làm sao để hàng phục nó. Phải làm sao để có thể lìa các tướng mà hàng phục tâm? Phía trên, cũng đã có một đoạn kinh văn như thế này rồi. Tuy nhiên, đoạn đó nói về tự mình phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác như thế nào, nghĩa là thuộc về phạm vi tự lợi. Còn chỗ này thì nói về tất cả những người muốn phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, phải làm như thế nào? Làm sao để hàng phục tâm? Trụ tâm đó như thế nào?

Phật bảo Tu-bồ-đề! Người thiện nam, người thiện nữ, phát tâm a-nậu đa-la tam-miệu tam-bồ-đề nên sanh tâm như thế này: Ta phải diệt độ tất cả chúng sanh, diệt độ tất cả chúng sanh rồi, mà chẳng có một chúng sanh thật được diệt độ.

Phật bảo Tu-bồ-đề rằng nếu có thiện nam và thiện nữ muốn phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì họ phải phát tâm Bồ tát, diệt độ tất cả chúng sanh, nghĩa là độ thoát chúng sanh, khiến cho mọi chúng sanh đều thành Phật đạo và sau khi tất cả chúng sanh được diệt độ rồi, trong tâm không có một tư tưởng rằng có chúng sanh được mình diệt độ.

Tại sao? Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tức chẳng phải Bồ-tát.

Tại sao vậy? Phật bảo Tu-bồ-đề rằng nếu Bồ-tát độ chúng sanh mà còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả… Còn tướng ngã là thế nào? Tức là mang trong đầu ý tưởng “ta độ chúng sanh.” Còn tướng nhân là thế nào? Tức là còn nghĩ rằng ta độ cho người. Con mang ý tưởng “ta độ.” Còn mang ý tưởng “ta độ cho mình, độ cho người,” tức sẽ còn tướng chúng sanh; lại có ý tưởng “ta tự giác, giác tha,” tức sẽ còn tướng thọ giả. Như quả hãy còn bốn tướng đó, thì chưa đạt được pháp không, nhân không, tức ngã chấp, pháp chấp, do đó không thể gọi là Bồ-tát.

Tại sao như thế? Tu-bồ-đề! Vì thật ra chẳng có pháp phát tâm a-nậu đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

Tại sao như thế? Tu-bồ-đề! Vì vốn chẳng có pháp nào có thể đắc (bất khả đắc). Phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, chẳng qua đó chỉ là một danh xưng, bổn lai chẳng có pháp nào có thể chứng đắc, nên có mấy câu sau:

Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai?

Bổn lai không một vật,
Chỗ nào bám bụi trần? (Kinh Pháp Bảo Đàn)

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Lúc Như-lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng, có pháp nào là pháp chứng đắc a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề chăng?

Phật hỏi ý kiến của ông Tu-bồ-đề: “Ông nghĩ như thế nào, khi ta ở chỗ Phật Nhiên Đăng, ta có được pháp gì để chứng vô thượng chánh đẳng chánh giác chăng? Có pháp gì mà được chăng?” Chỗ này Phật e rằng các chúng sanh có thể hoài nghi, mà nghĩ như sau: “Nếu quả chẳng có pháp gì để chứng vô thượng chánh đẳng chánh giác, thì sao cần phải phát tâm?” Do Đó, Phật phải giải thích thêm.

Thưa không, Thế-tôn, như con hiểu nghĩa của Phật nói, lúc Như-lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng không có pháp chứng đắc a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

Ông Tu-bồ-đề hiểu rõ những điều Phật giảng; ông đã hiểu rõ lý Bát-nhã rằng không có pháp nào có thể đắc được nên ông trả lời như sau: “Bạch Thế-tôn, chẳng có pháp nào gọi là chứng đắc.” Ông không tự ý khẳng định điều chi, ông chỉ thưa rằng: “Theo như chỗ con hiểu về nghĩa lý của lời Phật nói, thì vào lúc Ngài ở chỗ Phật Nhiên Đăng, thật chẳng có pháp chứng đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác.”

Phật bảo: Như vậy, như vậy! Tu-bồ-đề! Thật chẳng có pháp chứng đắc a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề mà Như-lai chứng được.

Đức Phật nói: “Đúng như vậy! Sự thật, thì không có pháp chứng đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác mà Như-lai được.” Phật nói “thật chẳng có pháp,” tức là nói một cách chắc nịch, nói như đinh đóng cột, bảo mọi người đừng có nghi hoặc điều gì, chớ cho rằng lúc Phật ở tại chỗ Phật Nhiên Đăng, đã thọ lãnh một pháp gì bí mật, nếu nghĩ như vậy là sai lầm rồi. Hồi đó Ngài ở nơi Đức Phật Nhiên Đăng, chẳng có pháp bí mật nào để đắc được vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Tu-bồ-đề! Nếu Như-lai có được pháp a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề thì Phật Nhiên Đăng chẳng thọ ký cho ta.

Phật bảo ông Tu-bồ-đề: “Nếu như ta được pháp vô-thượng chánh đẳng chánh giác vào khoảng đại kiếp a-tăng kỳ thứ hai, khi ta ở tại nơi Phật Nhiên Đăng, thì Ngài đã chẳng thọ ký cho ta.” Thọ ký tức là nói trước tên hiệu, đại khái như: “Đệ tử – tên gì đó – tương lai sẽ thành Phật, hiệu là thế này, quốc độ nơi kia, thọ mạng bao lâu.”

Rằng, “về đời sau ông sẽ được thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni.”

Phật Nhiên Đăng thọ ký như thế này: “Tương lai, ông sẽ thành Phật ở thế giới Ta bà, hiệu là Thích Ca Mâu Ni.”

Phật nói nếu quả Ngài đã được một pháp nào thì Phật Nhiên Đăng chẳng thọ ký và chẳng nói như trên với Ngài. Thích Ca Mâu Ni là tiếng Phạn, dịch nghĩa thành “Năng Nhân Tịch Mặc.”

“Năng nhân” có nghĩa là tùy duyên,

“tịch mặc” nghĩa là bất biến. Tùy duyên mà bất biến, bất biến mà tùy duyên. Cho nên nói “động bất ngại tĩnh, tĩnh bất ngại động.” Năng nhân là động, tịch mặc là tĩnh, động và tĩnh đều ở trong định cả.

Bởi thật chẳng có pháp chứng đắc a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề nên Phật Nhiên Đăng mới thọ ký cho ta rằng “về đời sau ông sẽ được thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni.”

Bởi vì thực sự chẳng có pháp có thể đắc được quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác… Tại sao vậy? Vì quả vị này phải tự tu, tự chứng mà có, chớ chẳng phải từ ngoài vào. Của mình có sẵn, chẳng phải do hướng ngoại tìm cầu; không thể nói là do một sức lực ngoại lai nào ban cho, mà là kết quả từ công phu tu hành của chính mình. Tuy nói là chứng được, nhưng thật chẳng có mảy may gì gọi là được. Vì bổn lai đâu có mất mát gì, để có thể được lại? Vì lẽ đó nên Phật Nhiên Đăng mới thọ ký cho Ngài mà bảo rằng: “Tương lai ông sẽ thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni.”

Tại sao? Bởi Như-lai đó tức là nghĩa như như của các pháp.

Phật giảng rằng chữ “Như-lai” có nghĩa là tất cả mọi pháp đều như như bất động. Đã như như bất động thì sao có lại tướng mạo gì chớ? Chẳng có mọi tướng mạo, cho nên mới nói “chẳng có pháp nào mà đắc cả.” Quý vị muốn có một pháp để đắc, vậy pháp đó hình dáng ra sao? Màu gì? Xanh? Vàng? Đỏ? Trắng? Hình thù ra sao?

Dài? Tròn? Vuông? Khi chẳng có tên, cũng chẳng có sắc tướng thì đó là “như như của các pháp.”

Quý vị muốn có pháp để mà đắc, có pháp để mà biểu hiện ra được, đó chẳng phải là “như như của các pháp.”

Nếu có người bảo Như-lai được a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, Tu-bồ-đề! Thật chẳng có pháp đắc được a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

Đức Phật bảo ông Tu-bồ-đề: “Nếu có người nói Như-lai được vô thượng chánh đẳng chánh giác nhưng thật ra, tôi nói cho ông hay, không có một mảy may pháp nào có thể đắc, chẳng có pháp chứng đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác.”

Tu-bồ-đề! Pháp a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề mà Như-lai chứng được, ở trong đó “chẳng thật chẳng hư,” do đó Như-lai nói tất cả pháp đều là Phật-pháp.

Phật nói rằng nếu ông gượng ép cho là Như-lai có chứng được vô thượng chánh đẳng chánh giác thì cái a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề đó, nó “chẳng thật chẳng hư,” nó cũng chẳng thường chẳng đoạn, cũng chẳng chân chẳng giả. Chẳng chân chẳng giả, ấy là trung đạo liễu nghĩa, là Thật tướng bát-nhã. Bởi vậy cho nên Như Lai nói: “Hết thảy các pháp đều là Phật-pháp.”

Tất cả pháp đều là Phật-pháp, không có cái gì ở ngoài Phật-pháp. Vì vậy ta có thể nói mọi tôn giáo đều là Phật-giáo, không có cái gì chạy ra ngoài Phật-giáo. Bởi giáo pháp Phật bao la, bao trùm hết mọi thứ, nên Phật-pháp gồm đủ hết mọi pháp. Phật-giáo cũng gồm đủ cả các giáo, Phật-giáo nẩy sinh tất cả tôn giáo, hết thảy các tôn giáo đều phát sinh từ Phật-giáo. Cho nên, trong tương lai các tôn giáo đều qui về Phật-giáo. Từ chỗ đó mà ra, tất sẽ quay về chỗ đó. Bất kể nay ai tin theo tôn giáo gì, đều không ra ngoài Phật-giáo. Chạy lui chạy tới, cuối cùng cũng có ngày quay đầu trở về. Cho nên chúng ta thấy Phật-giáo là lớn như vậy, tuy chẳng pháp có thể đắc, nhưng chẳng có pháp nào mà chẳng phải Phật-pháp.

Tu-bồ-đề! Nói tất cả pháp, tức chẳng phải tất cả pháp, cho nên gọi là tất cả pháp.

Phật bảo ông Tu-bồ-đề: “Nói tất cả pháp, tức là y cứ theo tục đế mà nói, nghĩa là tất cả pháp có hiện hữu. Nói theo chân đế thì chẳng phải tất cả pháp, nghĩa là không có pháp nào hiện hữu. Còn y cứ theo trung đạo, trung đế mà nói thì tất cả pháp chỉ là giả danh mà thôi, tất cả đều là trung đạo liễu nghĩa, cho nên ‘gọi là tất cả pháp.’ Đấy chẳng qua chỉ là mượn danh từ để gọi.”

Tu-bồ-đề! Ví như người có thân cao lớn. Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế-tôn! Như-lai nói thân người cao lớn, ắt không phải thân lớn, ấy gọi là thân lớn.

Phật nêu thí dụ một người có thân cao lớn thì ông Tu-bồ-đề hiểu ngay Phật nói đến Pháp thân. Ngài trả lời rằng: “Thân lớn mà Như-lai nói đó tức chẳng phải thân lớn.” Pháp thân vốn không hình tướng (vô tướng); bởi không hình tướng nên không thể nói thân đó là lớn; chẳng quá chiếu theo lối giả danh thì chúng ta gọi là thân lớn.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng như thế, nếu nói lời thế này: Ta sẽ diệt độ vô lượng chúng sanh, ắt không gọi là Bồ-tát. Tại sao? Tu-bồ-đề! Thật không có pháp gọi là Bồ-tát, cho nên Phật nói tất cả pháp, không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả.

Phật giảng rằng các vị Bồ-tát cũng giống như vậy. Nếu có vị nào còn nghĩ là: “Ta diệt độ vô lượng chúng sanh,” và khi nói như thế mà còn thấy chữ “ta,” tức là vị đó còn chấp ngã, và nếu còn chấp ngã thì chẳng thể gọi vị đó là Bồ-tát. Phật cũng nói lý do tại sao mà không gọi là Bồ-tát. Bởi vì “không có pháp nào gọi là Bồ-tát cả.”

Bồ-tát chỉ là một giả danh, tức là mượn tên để gọi, chẳng có thực thể, chẳng có hình tướng. Do đó Phật mới nói “hết thảy mọi pháp, đều không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả.” Bốn tướng đó đều chẳng có tức là các thứ chấp ngã, chấp pháp, chấp không đều không hết. Chẳng còn ngã, pháp, không, các thứ chấp này, mới có thể qua được vòng sanh tử, luân hồi. Chẳng có tướng ngã, thì độ được chấp ngã; chẳng có tướng nhân, thì độ được chấp nhân; chẳng có tướng chúng sanh, thì không chấp tướng thọ giả. Vậy là đoạn trừ toàn bộ chấp ngã, chấp pháp và chấp không.

Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát nói như thế này: ta sẽ trang nghiêm Phật độ, vị ấy chẳng gọi là Bồ-tát được.

Nếu vị Bồ-tát nào mà nói như thế này: “Ta sẽ trang nghiêm Phật độ,” vị đó cũng chẳng gọi là Bồ-tát được. Tại sao? Bởi vì vị này còn dính mắc (chấp trước) vào chuyện trang nghiêm, hãy còn chấp ngã, còn mang ý tưởng có kẻ trang nghiêm là ta, nơi trang nghiêm là nước Phật. Đã có năng và sở như vậy, tức chưa đạt được không đối với tướng ngã. Bồ-tát độ chúng sanh mà không dính mắc vào tướng của chúng sanh, cũng không dính mắc vào tướng của chính mình (ngã) vì chính Bồ-tát cũng là tướng của chúng sanh; nay trang nghiêm mà không mang ý tưởng mình trang nghiêm (năng), và nơi được trang nghiêm (sở); vì trang nghiêm thì cứ việc trang nghiêm nhưng không có tư tưởng là được bao nhiêu công đức. Tóm lại, “trang nghiêm Phật độ, tức chẳng trang nghiêm,” tất cả đều coi như không hết.

Khi nói không nên có cái tâm trang nghiêm Phật độ, chẳng phải bảo quý vị không trang nghiêm Phật độ. Trang nghiêm mà như là chưa có trang nghiêm, ấy gọi là trang nghiêm Phật độ, tức là không chấp trước. Như thế nào gọi là trang nghiêm Phật độ? Phật độ nghĩa là nước Phật, đây có ý nói làm cho nước Phật hết sức đẹp đẽ, giống như chúng ta thường mua nhang đèn, hoa trái cung kính dâng lên Phật để cúng dường, như thế gọi là trang nghiêm Phật độ hay cúng dường Tam-bảo.

Nếu quý vị trang nghiêm Phật độ mà tâm cứ dính mắc việc trang nghiêm thì không thể gọi là Bồ-tát.

Tại sao? Như-lai nói trang nghiêm Phật độ, tức chẳng trang nghiêm, ấy gọi là trang nghiêm.

Tại sao vậy? Phật bảo trang nghiêm Phật độ, tức là chiếu theo tục đế mà nói. Chiếu theo chân đế thì chẳng phải trang nghiêm. Nếu theo ý nghĩa viên dung vô ngại, thì trang nghiêm chỉ là một danh từ dùng để gọi mà thôi (giả danh).

Cho nên nói:
“Phật sự môn trung, bất xả nhất pháp.
Chân như tánh thượng, bất lập nhất trần.”

Dịch:
Trong chuyện Phật sự, không việc gì bỏ.
Nơi tánh chân như, chẳng có một bụi.

Trong việc Phật sự, chẳng việc nào có thể bỏ được. Không có việc gì chẳng có Phật-pháp, hoặc nói: “Tuy niêm nhất pháp, vô phi Pháp giới,” nghĩa lấy bất cứ một pháp nào ra, pháp đó cũng đều là Phật-pháp. Tuy nhiên, trong tự tánh chân như, ngay một hạt bụi cũng không có.

Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát thông đạt pháp vô ngã, Như-lai gọi đó là chân thật Bồ-tát.

“Thông,” nghĩa là thông hiểu một cách minh bạch; “đạt,” nghĩa là đạt tới cảnh giới. Cảnh giới đó như thế nào? Đó là chỗ “không có ngã pháp.” Như Bồ-tát thật sự không có chấp ngã, nên Phật bảo đó mới là Bồ-tát chân thật, cũng tức là Bồ-tát của Phật giáo.

Chúng ta sơ phát tâm làm công đức đều không nên có lòng chấp trước. Quý vị chỉ cần phát tâm làm công đức là đủ, không cần đặt câu hỏi tiền này dùng để làm gì. Làm công đức cũng ví như làm ruộng, ta phải mang hạt giống gieo xuống ruộng, rồi sau đó, nhờ thời tiết, mầu đất, nước mưa, ánh sáng mặt trời nên lúa được sinh trưởng. Nếu chẳng gieo hạt giống thì lấy gì để hy vọng cho lúa mọc và sinh trưởng? Cho nên, Bồ-tát làm công đức chẳng khác gì người trồng lúa, có trồng thì nhất định sẽ có ngày thâu hoạch. Cũng theo ý đó mà có câu:

“Chỉ vấn canh vân,
bất vấn thâu hoạch,”

nghĩa là chỉ cần hỏi có cày bừa không, khỏi cần hỏi tới việc thâu hoạch. Như vậy, Bồ-tát độ sanh mà không độ tướng. Nói độ, chớ không nói đến tướng (của độ).

— o0o —

Phần 18: NHẤT THỂ ĐỒNG QUÁN

Tu-Bồ-Đề!  Ư ý vân hà?  Như-Lai hữu nhục nhãn phủ?

– Như thị, Thế-Tôn!  Như Lai hữu nhục nhãn.

Tu-Bồ-Đề! Ư ý vân hà?  Như Lai hữu thiên-nhãn phủ?

– Như thị, Thế-Tôn!  Như Lai hữu thiên-nhãn.

Tu-Bồ-Đề! Ư ý vân hà?  Như-Lai hữu huệ-nhãn phũ?

– Như thị, Thế-Tôn!  Như Lai hữu huệ-nhãn.

Tu-Bồ-Đề! Ư ý vân hà?  Như Lai hữu pháp-nhãn phủ?

– Như thị, Thế-Tôn!  Như Lai hữu pháp-nhãn.

Tu-Bồ-Đề! Ư ý vân hà? Như-Lai hữu Phật-nhãn phủ?

– Như Thị, Thế-Tôn! Như Lai hữu Phật-Nhãn.

Tu-Bồ-Đề!  Ư ý vân hà? Như hằng-hà trung sở hữu sa, Phật thuyết thị sa phủ?

– Như thị, Thế-Tôn!  Như Lai thuyết thị sa.

Tu-Bồ-Đề! Ư ý vân hà?  Như nhứt hằng-hà trung sở hữu sa, hữu như thị sa đẳng hằng hà. Thị chư hằng hà sở hữu sa số Phật thế-giới, như thị ninh vi đa phủ?

– “Thậm đa, Thế-Tôn!”

Phật cáo Tu-Bồ-Đề: “Nhĩ sở Quốc-độ trung, sở hữu chúng sanh, nhược can chủng tâm, Như-Lai tất tri.  Hà dĩ cố?  Như-Lai thuyết chư tâm, giai vi phi tâm, thị danh vi tâm.  Sở dĩ giả hà?

Tu-Bồ-Đề!  Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện-tại tâm bất khả đắc, vị-lai tâm bất khả đắc.

 Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như-lai có nhục nhãn chăng? Đúng thế, Thế-tôn! Như-lai có nhục nhãn.

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như-lai có thiên nhãn chăng? Đúng thế, Thế-tôn! Như-lai có thiên nhãn.

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như-lai có huệ nhãn chăng? Đúng thế, Thế-tôn! Như-lai có huệ nhãn.

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như-lai có pháp nhãn chăng? Đúng thế, Thế-tôn! Như-lai có pháp nhãn.

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như-lai có Phật nhãn chăng? Đúng thế, Thế-tôn! Như-lai có Phật nhãn.

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như số cát trong sông Hằng kia, Phật nói là cát chăng? Đúng thế, Thế-tôn! Như-lai nói là cát.

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như có những sông Hằng nhiều bằng số cát của một sông Hằng, rồi lại có cõi Phật nhiều bằng số cát trong những sông Hằng ấy, như thế có phải là nhiều chăng?

Rất nhiều, Thế-tôn!

Phật bảo Tu-bồ-đề: Các tâm (niệm) của chúng sanh trong các cõi nước đầy dẫy ấy, Như-lai đều biết rõ hết. Tại sao? Như-lai nói các tâm đều chẳng phải là tâm, ấy gọi là tâm.

Vì sao? Tu-bồ-đề! Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được.

 

Lược giải:

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như-lai có nhục nhãn chăng? Đúng thế, Thế-tôn! Như-lai có nhục nhãn.

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như-lai có thiên nhãn chăng? Đúng thế, Thế-tôn! Như-lai có thiên nhãn.

Đức Phật hỏi ông Tu-bồ-đề có nhận thấy Phật có nhục nhãn chăng. Nhục nhãn đây không phải như hai con mắt thịt của mọi người chúng ta. Đây là một loại trong ngũ nhãn. Tại sao có tên là nhục nhãn? Bởi vì nó vừa nhìn được các vật thể có hình sắc, vừa có thể thấy được các thứ không có hình sắc. Nhục nhãn cùng với thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn làm thành Ngũ nhãn.

Khi nào chúng ta khai mở được Ngũ nhãn, thiên nhãn sẽ giúp ta trông thấy các thứ trên tầng trời, các thứ không hình tướng, nếu có hình tướng thì không thấy được! Còn nhục nhãn, thì trông thấy hết, dù có hình tướng cũng như không hình tướng đều không bị chướng ngại. Hai con mắt thường thấy được người mà không thấy được quỷ thần. Nhưng với nhục nhãn, mình có thể nhắm mắt thường lại mà vẫn thấy đủ cả, như thấy người này, người nọ đang ngồi ở đâu. Hơn nữa, nhục nhãn thấy được người một cách rất “chi ly chi tiết,” chỗ nào có dấu vết gì đặc biệt như mốt ruồi đều thấy rất rõ ràng. Mắt thường của chúng ta không thấy những vật đằng xa, còn nhục nhãn thì mọi vật từ mười lăm dặm trở lại đều trông thấy hết, cho dầu có bị ngăn cách bởi nhà cửa, cũng thấy được, không trở ngại chi.

Thiên nhãn thì thấy được tới trên trời, như thấy các vị trời, thấy cả khi họ ăn hoặc khi họ ngồi thiền nữa. Các vị trời thường hay ngồi thiền, ai có thiên nhãn đều trông thấy được. Ngày nay, người ta dùng loại kính viễn vọng để quan sát mặt trăng, nhưng nếu chúng ta khai mở được ngũ nhãn thì chẳng cần tới kính viễn vọng cũng có thể thấy đủ cả các thứ trên trời, trên mặt trăng và trên các tinh cầu. Lại còn hay hơn nữa là chẳng phải dùng các thứ máy móc lôi thôi, chỉ cần nhập định một lát là trông thấy cái này, cái kia, một cách rõ ràng.

Nếu quý vị mở được thiên nhãn, lại hay nghiên cứu về thiên văn học, thì thiên nhãn sẽ giúp ích rất nhiều cho sự nghiên cứu của quý vị. Có điều quý vị chớ nên lợi dụng năng khiếu đó để mau phát tài. Năng khiếu đó là vô giá, nhưng nếu ta lợi dụng nó để chuyên mưu lợi riêng thì năng khiếu sẽ tan biến, cho nên nó không phải là một thứ dùng để khoe khoang, lập dị, huyễn hoặc mọi người. Một khi có tâm tự mãn, tức sanh lòng cống cao ngã mạn, đó là chấp ngã. Nếu có thiên nhãn, nhưng một khi lòng có chấp ngã, thì thiên nhãn chẳng còn thấy được nữa. Bởi vậy, chúng ta cần phải thực sự hiểu rõ Phật pháp mới được; nếu như không thực sự minh bạch, có lúc mình sẽ đi vào con đường sai lầm.

Phật hỏi ông Tu-bồ-đề Như-lai có nhục nhãn không. Ông Tu-bồ-đề đáp “có.” Phật hỏi Như-lai có thiên nhãn không, ông Tu-bồ-đề đáp “có.”

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như-lai có huệ nhãn chăng? Đúng thế, Thế-tôn! Như-lai có huệ nhãn.

Huệ nhãn là con mắt trí huệ. Huệ nhãn có thể phân biệt lẽ phải trái, nhìn vào sự việc gì có thể biết ngay chân giả. Người không có trí huệ lấy phải làm trái, lấy trái cho là phải. Người có trí huệ thì phải trái phân minh, không ngu si, do đó con mắt trí huệ rất cần thiết. Tại sao chúng ta phải học Phật-pháp? Chính là để vun trồng con mắt trí huệ.

Phật hỏi ông Tu-bồ-đề Như-lai có huệ nhãn không, ông Tu-bồ-đề đáp lại rằng: “Đúng thế! Như-lai có huệ nhãn.”

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như-lai có pháp nhãn chăng? Đúng thế, Thế-tôn! Như-lai có pháp nhãn.

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như-lai có Phật nhãn chăng? Đúng thế, Thế-tôn! Như-lai có Phật nhãn.

Đây cũng là những câu hỏi của Phật, hỏi ông Tu-bồ-đề về pháp nhãn và Phật nhãn, Ông Tu-bồ-đề cũng trả lời giống như trên rằng Như-lai có pháp nhãn và Phật nhãn.

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như cát trong sông Hằng kia, Phật nói là cát chăng? Đúng thế, Thế-tôn! Như-lai nói là cát.

Phật hỏi ông Tu-bồ-đề rằng cát trong sông Hằng kia Phật nói là cát chăng, và ông Tu-bồ-đề cũng trả lời rằng: “Đúng như vậy, Như-lai nói đó là cát.”

Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như có những sông Hằng nhiều bằng số cát của một sông Hằng, rồi lại có cõi Phật nhiều bằng số cát trong những sông Hằng ấy, như thế có phải là nhiều chăng?

Rất nhiều, Thế-tôn!

Phật lấy thí dụ như thế này: sông Hằng kia có bao nhiêu hạt cát, nay tỷ dụ có bằng ấy sông Hằng, rồi tỷ dụ số các cõi Phật bằng số cát của những sông Hằng ấy, và Phật hỏi ông Tu-bồ-đề, số cõi Phật ấy có nhiều không. Ông Tu-bồ-đề thưa lại rằng số cõi Phật ấy là rất nhiều.

Phật bảo Tu-bồ-đề: Các tâm (niệm) của chúng sanh trong các cõi nước đầy dẫy ấy, Như-lai đều biết rõ hết. Tại sao? Như-lai nói các tâm đều chẳng phải là tâm, ấy gọi là tâm.

Trong bản kinh Hán tạng ghi “nhĩ sở quốc độ trung” (trong các cõi nước đầy dẫy ấy), thì chữ “nhĩ” phải hiểu là “đầy dẫy,” tức là số quốc độ đầy dẫy như vậy.

Phật bảo ông Tu-bồ-đề: “Trong số quốc độ đầy dẫy như vậy, tâm niệm của từng chúng sanh ra sao, Như-lai đều biết rõ. Tạo sao? Tại vì tất cả các tâm của chúng sanh, đều chẳng phải chân tâm, đó chẳng qua là những cái tâm phổ thông của phàm phu mà thôi.”

Vì sao? Tu-bồ-đề! Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được.

Phật giải thích rằng tâm quá khứ chẳng thể được, tâm hiện tại chẳng thể được, tâm vị lai chẳng thể được.

Đây là nghĩa gì? Như chúng ta nói đó là quá khứ, thì cái quá khứ đã qua rồi. Chúng ta nói cái này là hiện tại, nhưng khi nói thì hiện tại cũng qua đi, chẳng tồn tại nữa. Chúng ta bảo cái kia là vị lai, nhưng vị lai thì nó chưa tới, cũng chẳng thể được nó luôn. Cả ba loại tâm, đều chẳng thể được, cho nên Phật bảo: “Chúng sanh có bao nhiêu thứ tâm niệm, Như-lai đều biết rõ.” Bao nhiêu thứ tâm đó chẳng ngoài loại tâm phan duyên (tâm nắm bắt ngoại cảnh), vì đều là tâm phan duyên, nên cả ba loại tâm này chẳng thể được.

Ở đây, tôi lại giảng thêm về Ngũ nhãn một lần nữa. Có phải Ngũ nhãn là từbên trong mà có hay từ ở ngoài vào? Nói đúng sự thật nó chẳng phải từ bên trong ra, cũng chẳng phải từ bên ngoài tới, và cũng chẳng phải từ ở giữa. Vậy thì nó ở đâu? Tại sao có người có Ngũ nhãn, còn có kẻ thì cầu mà chẳng được? Điều này tùy thuộc ở công phu tu hành, khi công phu tới mức thì tự nhiên sẽ có Ngũ nhãn.

Công phu chưa tới đâu thì dù có cầu cũng không được, đều là vọng tưởng, vô tâm cầu thì mới có cảm ứng. Tại sao ra công phu thì được Ngũ nhãn? Ví dụ như khi chúng ta tu hành, phàm làm việc gì cũng phải có trí huệ, đừng làm một cách ngu si. Trí huệ và ngu si thì phải phân biệt cách nào đây? Đại khái thấy chuyện gì phải, ắt ta phải nhất định làm cho được, đó là trí huệ. Hễ thấy chuyện gì không hay thì tức khắc phát nguyện đoạn trừ nó, đó là trí huệ. Nếu một khi biết rõ cái đó là xấu mà cứ cố làm cho được, như vậy chẳng phải là ngu si hay sao? Thí dụ như đánh bạc chẳng hạn, đó là điều không chánh đáng, vậy mà cứ phải chạy tới sòng bạc Reno, rồi khi trở về lại ngủ lu bù luôn cả một ngày, điều đó chẳng phải ngu si sao? Đã biết lần nào đánh bạc thì lần ấy thua mà cứ đánh hoài, đó là biết lỗi lầm mà vẫn mắc. Tu trì cách đó dĩ nhiên chẳng thể có Ngũ nhãn, và muốn có Ngũ nhãn, tất không thể buông lung, tùy tiện như vậy được.

Lại giảng tiếp về huệ nhãn. Huệ nhãn quán được Pháp giới tánh, gồm đầy đủ mọi trí huệ. Nếu khai mở được pháp nhãn thì mọi thứ kinh điển của Phật đều thông tỏ. Kinh điển thì tức nhiên mọi người có thể đọc được, nhưng nếu có pháp nhãn thì người ta thấy được khắp hư không tận Pháp giới, nơi nào cũng thấy Phật-pháp, nơi nào cũng là kinh điển, chỉ cần, xem qua, đọc qua, đều hiểu thấu tới chân nghĩa của Phật-pháp. Điều này gọi là chiếu rọi thật tướng của các pháp.

Còn như tới trình độ có Pháp nhãn thì mọi thứ đều thông suốt, như thấy rõ tiền nhân hậu quả của mọi người. Lúc đó, có túc mạng thông, có thiên nhãn thông, mọi sự mọi việc đều hay biết. Phật nhãn thì tối kỳ diệu, tối bất khả tư nghì, vì bất luận sự vật có hình, có sắc, hoặc không hình, không sắc đều trông thấy cả, so với nhục nhãn thì Phật nhãn tinh tường gấp ngàn vạn lần.

Nếu quả chứng được Ngũ nhãn, điều cần yếu là phải bảo hộ kỹ càng, rồi cố gắng vun trồng thêm thiện căn, tinh tấn tu phước và tu huệ. Nếu ai chưa tới được trình độ này phải nên nỗ lực dụng công và vun trồng phước huệ thì Ngũ nhãn cũng có ngày sẽ khai

 

— o0o —

Phần 19: PHÁP GIỚI THÔNG HÓA

Tu-Bồ-Đề!  Ư ý vân hà?  Nhược hữu nhơn mãn tam thiên đại-thiên thế-giới thất bảo, dĩ dụng bố-thí, thị nhơn dĩ thị nhơn-duyên, đắc phước đa phủ?

–Như thị, Thế-Tôn! Thử nhơn dĩ thị nhơn-duyên, đắc phước thậm đa.

Tu Bồ Đề! Nhược phước đức hữu thiệt, Như Lai bất thuyết đắc phước-đức đa.  Dĩ phước-đức vô cố, Như-Lai thuyết đắc phước-đức đa.

Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ như thế nào? Nếu có người chất bảy báu đầy tam thiên đại thiên thế giới dùng để bố thí, người ấy nhờ nhân duyên đó, được phước đức nhiều chăng?

Đúng vậy, Thế-tôn! Người ấy nhờ nhân duyên đó, được phước đức nhiều.

Tu-bồ-đề! Nếu phước đức có thật thì Như-lai chẳng nói được phước đức nhiều, vì phước đức là không, nên Như-lai nói được phước đức nhiều.

 

Lược giải:

Đoạn kinh trên, Phật giảng về “ba tâm chẳng thể được,” trong đoạn này Phật nêu thí dụ rồi hỏi ông Tu-bồ-đề. Trong thí dụ này, có một người lấy bảy loại báu vật dùng để bố thí và số báu vật nhiều tới độ có thể chất đầy tam thiên đại thiên thế giới. Rồi Phật hỏi do nhân duyên bố thí như vậy, phước đức của người đó có nhiều hay không. Ông Tu-bồ-đề trả lời: “Đúng vậy, Thế-tôn! Người đó lấy số lượng bảy báu chứa đủ tam thiên đại thiên thế giới để bố thí, thì nhân duyên này sẽ mang lại cho người đó rất nhiều công đức.”

Phật lại bảo ông Tu-bồ-đề: “Giả thử phước đức có thật thể thì Như-lai chẳng nói phước đức nhiều. Do nó chẳng có thật thể hay hình dung được, nên Như-lai mới nói là phước đức nhiều. Nếu quả có thật thể thì không thể nói nhiều, vì không thật thể nên nói nhiều.”