Kinh Lục Tổ Pháp Bảo Ðàn – Phẩm Định Huệ

Kinh Lục Tổ Pháp Bảo Ðàn

Phẩm Định Huệ

Hòa Thượng Tuyên Hóa

giảng thuật
tại Vạn Phật Thánh Thành

— o0o —

Ðại sư bảo chúng rằng: “Chư Thiện tri thức! Pháp môn của ta đây lấy Ðịnh Huệ làm căn bổn. Ðại chúng đừng mê lầm mà nói định với huệ là khác nhau. Ðịnh và huệ chỉ là một thể, chẳng phải hai. Ðịnh là cái thể của huệ. Huệ là cái dụng của định, tức là lúc huệ thì định ở trong huệ, lúc định thì huệ ở trong định. Nếu biết cái nghĩa ấy, thì định và huệ đều phải học.

Các người học Ðạo chớ nói trước định rồi mới phát huệ, trước huệ rồi mới sanh định, mà phân biệt định huệ là khác nhau. Nếu thấy hiểu như thế, thì pháp có hai tướng. Miệng nói lời lành mà trong lòng chẳng lành, nói khống rằng có định huệ mà định huệ chẳng đồng một thể. Nếu lòng và miệng đều lành, trong ngoài như một, thì định và huệ tức đồng nhau. Pháp tự ngộ tu hành chẳng phải tại chỗ tranh. Nếu tranh chỗ trước sau, tức đồng với người mê. Chẳng dứt lòng phân bua, thì quả nhiên làm lớn thêm lòng ngã chấp, pháp chấp, mà không lìa khỏi bốn tướng.

Chư Thiện tri thức! Ðịnh và huệ giống như vật gì? Giống như cái đèn và cái ánh sáng. Có đèn tức là sáng, không có đèn tức là tối. Ðèn là cái thể của ánh sáng, ánh sáng là cái dụng của đèn. Tuy tên có hai, mà thể vốn có một. Pháp định huệ nầy cũng như thế.”

Giảng: Ðịnh do giới sanh, do định mới phát huệ, cho nên giới định huệ là tam vô lậu học. Năng trì giới cũng đắc được vô lậu, năng tu định cũng có thể đắc được vô lậu, năng phát huệ cũng có thể đắc được vô lậu. Cho nên muốn đắc định, trước phải trì giới. Như vậy phải làm sao? Tức “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành.”

Lục Tổ Ðại sư khai thị nhất thiết chúng sanh:

– Quý vị Thiện tri thức! Pháp môn đốn giáo của tôi, lấy định huệ làm căn bổn, làm cơ sở. Quý vị đã là Thiện tri thức, thì không nên chấp mê, không tin tưởng, không nên chấp trước nói rằng định huệ là hai thứ phân biệt. Cần phải biết định huệ là nhất thể, định chính là huệ, huệ chính là định, tuy có hai tên, nhưng bổn thể của nó là một không phải là hai. Ðịnh là bổn thể của huệ, huệ là vận dụng của định. Do định có thể phát sanh trí huệ. Khi trí huệ hiện tiền, định ở trong trí huệ. Lúc định hiện tiền, huệ ở trong định. Cho nên nếu có thể nhận thức đạo lý này – định huệ nhứt thể, nhưng cách dùng mỗi cái có khác, đó chính là định huệ bình đẳng, định huệ đồng thể.

Quý vị tu đạo, không nên nói trước phải có định mới phát sanh trí huệ, hoặc là trước có trí huệ mới phát sanh định lực, từ đó nói định huệ có chỗ sai khác. Nếu tâm có loại kiến giải như thế, sẽ cho rằng định huệ là hai thứ, nếu miệng nói toàn là những lời tốt đẹp, nhưng trong tâm đầy những tư tưởng bất thiện, toàn là tật đố, chướng ngại, cống cao ngã mạn, tà tri tà kiến, tham sân si – định huệ như thế, chỉ là lời nói suông.

Nếu nội tâm và miệng nói đều là tốt lành, trong ngoài đều như nhau, biểu đạt nhất trí, tâm khẩu nhất như, đó chính là định huệ bình đẳng. Muốn tự mình hiểu rõ để tự tu hành, đó không phải ở những lời tranh luận nơi đầu môi chót lưỡi, để làm cho mọi người biết rằng tôi có tu hành, hoặc tự mình hô hào cho mọi người chung quanh biết danh tiếng của mình là nổi bật nhứt.

Nếu tranh trước sau, nói nhứt định phải định trước huệ sau, hoặc huệ trước định sau, phàm tranh luận cái đạo lý này, đều là những kẻ phàm phu ngu muội, cho nên nói: “Tranh luận là tâm thắng phụ, trái nghịch với đạo, liền sanh tâm tứ tướng, làm sao mà đắc được tam muội?” Không đắc được tam muội, tức là không có định, cũng chính là không có huệ.

Nếu tâm thắng phụ chưa thể đoạn trừ, thì vẫn còn ngã chấp và pháp chấp. Nếu ngã chấp, pháp chấp chưa thể đoạn trừ thì không thể rời bỏ tứ tướng. Vì có cái ngã chấp, cho nên có cái nhân chấp, vì có nhân chấp cho nên có chúng sanh chấp, vì có chúng sanh chấp sẽ phát sanh thọ giả chấp. Không thể rời bỏ bốn loại chấp trước này, tức thì sanh ra bốn tướng.

Quý vị Thiện tri thức! Ðịnh huệ giống như cái gì? Nay đưa ra một ví dụ: định huệ giống như đèn và ánh sáng. Có đèn thì có ánh sáng, có ánh sáng thì có đèn, không có đèn thì không có ánh sáng, không có ánh sáng thì không có đèn. Ðèn và ánh sáng tuy nói là hai loại, kỳ thực là nhất thể. Ðèn là bổn thể của ánh sáng, mà ánh sáng là dụng của đèn. Ðèn có cái dụng gì? Là có ánh sáng. Danh tự tuy có hai nhưng bổn thể của nó chỉ có một, loại Phật pháp định huệ này, cũng giống như đạo lý của đèn và ánh sáng.

 

Chư Thiện tri thức! Nhứt hạnh tam muội nghĩa là trong cả thảy các chỗ đi, đứng, ngồi, nằm, thường giữ một lòng ngay thẳng. Kinh Tịnh Danh nói: “Lòng ngay thẳng là Ðạo tràng, lòng ngay thẳng là Tịnh độ.” Ðừng lòng tưởng điều tà vạy mà miệng nói điều ngay thẳng. Ðừng miệng nói Nhứt hạnh tam muội mà chẳng giữ lòng ngay thẳng. Nếu giữ lòng ngay thẳng thì đối với cả thảy các pháp, tâm đừng chấp trước (dính níu theo pháp tướng trần cảnh). Người mê chấp trước pháp tướng, chấp Nhứt hạnh tam muội, nói rằng thường ngồi chẳng động, lòng không sanh niệm tưởng, gọi đó là Nhứt hạnh tam muội. Nếu hiểu như thế, tức là đồng với loài vô tình. Quả thật là cái duyên cớ cản ngăn cái Ðạo vậy.

Giảng: Lục Tổ Ðại sư nói với đại chúng:

–Nhất hạnh tam muội chính là bất cứ chỗ nào, đi là trực tâm, trụ cũng là trực tâm, ngồi cũng là trực tâm, nằm cũng là trực tâm. Tất cả lời nói hành động cử chỉ, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, giờ giờ khắc khắc đều thực hành trực tâm, không nên dùng cái tâm cong cong quẹo quẹo. Giống như Kinh Duy Ma nói: “Trực tâm chính là đạo trường, trực tâm chính là Tịnh độ của thế giới Cực Lạc.” Cần phải ghi nhớ nằm lòng, không nên miệng nói trực mà hành vi lại nịnh hót bợ đỡ người. Thế nào là nịnh hót bợ đỡ? Chính là nhìn thấy người khác có tiền, lúc nói chuyện bèn ra vẻ khép nép, cung kính, cười a dua nịnh bợ nói: “Ông đến đây, chúng tôi rất hoan nghênh ông!” Kỳ thực người đó chỉ hoan nghênh tiền chứ không phải hoan nghênh ông khách. Khúc: chính là tâm không thẳng, tâm cong cong quẹo quẹo. Miệng nói cần phải trực tâm, cần phải Nhứt hạnh tam muội, mà hành vi lại không chánh trực.

Muốn hành trực tâm là đạo trường, các ông cần phải dùng trực tâm để xử lý tất cả mọi việc, đối với vạn pháp không nên sanh lòng chấp trước. Người mê kẻ ngu chấp chặt vào pháp tướng, sanh pháp chấp, chấp trước Nhất hạnh tam muội, họ nói: “Tôi thường ngồi không động, cũng không có vọng tưởng, đó chính là Nhất hạnh tam muội, đó chính là định.” Nếu giải thích như vậy, chính là không có tri giác, giống như cây cỏ. Loại giải thích này hoàn toàn sai lầm, là nhân duyên chướng đạo.

 

Chư Thiện tri thức! Ðạo phải thông lưu, sao lại làm cho nó ngưng trệ? Tâm không trụ pháp, thì Ðạo thông lưu. Còn tâm trụ pháp, ấy là mình trói lấy mình. Bằng nói rằng thường ngồi chẳng động, thì cũng như Xá Lợi Phất ngồi im lặng trong rừng, bị Duy Ma quở vậy.

Giảng: Ðạo là gì? Ðạo cần phải thông đạt vô ngại, trôi chảy không ngừng, tại sao lại làm cho nó trì trệ đình chỉ? Quý vị đình chỉ cái tâm mà biến thành tro tàn, cây khô, vậy thì có ích dụng gì! Cho nên lúc tâm vô sở chấp trước, tức ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, không chấp vào không, không chấp vào có, không chấp vào pháp. Nếu chấp pháp chính là chấp vào cái có, chấp vào không, chính lạc vào cái vọng không. Cho nên cần phải không chấp vào pháp, không chấp vào không, không chấp vào ngã, đó mới là ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.

Lúc vô sở trụ thì đạo mới lưu thông. Nếu tâm chấp pháp, nói: tôi thường ngồi không động. Ðó giống như con tầm nhả tơ, tự mình trói mình, tự mình làm mình không còn tự do. Nếu nói thường ngồi không động là Nhất hạnh tam muội, thì giống như Ngài Xá Lợi Phất trong rừng ngồi thiền không động mà bị cư sĩ Duy Ma khiển trách: “Ngài ngồi như thế có ích dụng gì? Giống như người chết, chớ không phải chân chánh nhập định.”

 

Chư Thiện tri thức! Lại có người dạy ngồi xem cái tâm, quán tưởng tâm cảnh vắng lặng (khán tâm quán tịnh), ngồi yên chẳng dậy, bảo y theo đó mà lập công phu. Người mê chẳng hiểu, cố chấp làm theo, rồi thành điên dại. Số người lầm như thế chẳng phải là ít. Truyền dạy nhau như vậy, thiệt là lầm to!

Giảng: Có hành giả dạy ngồi thiền, bảo người khán (nhìn) cái tâm của mình; quán tịnh là ra sao? Không động không khởi, từ đó liền có công phu. Người mê không hiểu đạo lý này lại nói: “ngồi ở một chỗ không động không khởi sẽ có công phu, có thiền định,” từ đó sanh ra chấp trước mà điên cuồng. Giống như lúc trước có rất nhiều người đến đây, xưng là đã khai ngộ. Ôi! không biết họ khai ngộ như thế nào, mà chính họ lại tin tưởng mình đã khai ngộ, đó chính là chấp trước thành điên. Những loại người như thế rất nhiều, mà còn truyền từ người này qua người khác, họ ấn chứng cho tôi nói như thế là khai ngộ, họ cũng ấn chứng cho quý vị nói đó chính là khai ngộ, kỳ thực đó là điều sai lầm rất lớn. Quý vị xem, Phật giáo đời Ðường Trung Hoa đã có những loại khẩu đầu thiền, Tổ Sư giả như vậy, chẳng trách nước Mỹ bây giờ cũng có rất nhiều người như vậy. Song, vì có lớp người mạo danh khai ngộ, nên sau này sẽ có những người chân chánh khai ngộ, vì những người mạo danh khai ngộ sẽ lót đường cho những người chân chánh khai ngộ.

Bởi vì mọi người vốn không biết cái gì là khai ngộ, nay có người mạo danh tự xưng đã khai ngộ, bèn quan sát mỗi một hành động cử chỉ của người đó như thế nào. Thình lình có người chân chánh khai ngộ đến, người ta lại không tin tưởng, cho rằng chân chánh khai ngộ và giả mạo khai ngộ đều giống nhau. Quý vị nay tu hành muốn khai ngộ, sau này cũng bị ảnh hưởng của những người giả danh, giả mạo này. Nếu để tôi nói, thì là khai ngộ cũng không nên nói mình khai ngộ. Ðây là phương pháp hay nhất.

Thế giới này là như thế, chân chân giả, giả giả chân. Quý vị chân chánh người chung quanh nói quý vị là giả, quý vị là giả người ta lại nói quý vị chân chánh, cho nên quý vị cũng không nên nói chân, cũng không nên nói giả để họ tự nhận thức.

Người chưa khai ngộ tự xưng mình đã khai ngộ, mà người đã khai ngộ rồi lại nói mình chưa khai ngộ, như thế sẽ giống như những người chưa khai ngộ. Tại sao vậy? Vì người khai ngộ không cần tự mình giới thiệu, nói tôi đã khai ngộ rồi, hay tôi và ai đó, người đã khai ngộ rồi, thì giống nhau, biểu thị rằng tôi cũng đã khai ngộ. Không cần như vậy! Vì khai ngộ và không khai ngộ thì giống nhau không có gì sai khác, không cần giả danh. Khai ngộ quý vị cũng là một người, không khai ngộ quý vị cũng là một người, khai ngộ và chưa khai ngộ đều có thể thành Phật, vấn đề chỉ là sớm hay muộn mà thôi, vì thế không nên đeo tấm bảng hiệu này, để cho mọi người nhận biết mình. Không có ai nhận ra là tốt nhất, và đó chính là trực tâm là đạo tràng.

 

Sư bảo chúng rằng: “Chư Thiện tri thức! Cái Chánh giáo xưa nay, không có mau chậm, chỉ tánh người có sáng tối mà thôi. Người tối thì tu tập lần lần, người sáng thì thức tỉnh tức khắc, tự mình biết Bổn tâm, tự mình thấy Bổn tánh. Thế thì không có chỗ gì sai khác. Vì chỗ sáng tối chẳng đồng, sở dĩ mới lập ra cái giả danh mau chậm.

Giảng: Lục Tổ Ðại sư lại khai thị:

–Quý vị Thiện tri thức! Phật giáo bổn lai chân chánh, không có sự phân biện giữa đốn pháp và tiệm pháp, chỉ là căn tánh của người có thông minh, có ngu si. Người mê thì từng chút từng chút tu luyện thành, mà người khai ngộ thì nhanh chóng đoạn tất cả trần lao, nhanh chóng đoạn tất cả vọng tưởng, nhanh chóng đoạn tất cả tập khí tật xấu, người này tự mình nhận thức bổn tâm của chính mình, tự thấy bổn tánh. Minh tâm kiến tánh đến lúc thành công, không có gì sai khác, cho nên giả lập một cái đốn giáo tiệm giáo, đó chỉ là giả danh mà thôi.

 

Chư Thiện tri thức! Pháp môn của ta đây từ trên truyền xuống, trước hết là lập Vô niệm làm tông. Vô tướng làm thể, Vô trụ làm gốc (bổn). Vô niệm nghĩa là trong khi niệm, lòng không động niệm. Vô tướng nghĩa là đối với sắc tướng, lòng lìa sắc tướng. Vô trụ chính là Bổn tánh của con người.

Ðối với các điều lành dữ, tốt xấu ở thế gian, cùng với kẻ thù người thân, đối với lúc nghe các lời xúc phạm, châm chích, khinh khi, tranh đấu, xem cả thảy như không không, chẳng nghĩ đến việc đền ơn trả oán. Trong niệm niệm lòng không nghĩ đến cảnh mình đã gặp trước. Nếu niệm trước, niệm nay, niệm sau, niệm niệm nối tiếp nhau chẳng dứt, thì gọi là bị buộc ràng. Ðối với các pháp, niệm niệm lòng không trụ vào đâu thì khỏi bị buộc ràng. Ấy là Vô trụ làm gốc.

Giảng: Pháp môn đốn giáo mà tôi truyền dạy cho các ông, từ Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đến nay, đều lấy vô sở niệm làm tông, vô tướng làm bổn thể, vô trụ làm cơ sở. Cái gì gọi là vô tướng? Chính là ở nơi tướng mà ly khai tướng. Vô niệm chính là ở nơi niệm mà không chấp trước vào niệm. Vô trụ chính là bổn tánh của con người. Ở thế gian này bất luận là thiện, ác, tốt, xấu cho đến oán thù hoặc là có quan hệ thân thích, hoặc là vì lời nói ngôn ngữ mà đôi bên dẫn đến sự công kích, khinh thường dối gạt và tranh đoạt lẫn nhau, nên xem những điều này là không, không chấp trước, không nghĩ đến việc báo thù hoặc làm tổn thương đến người khác. Mỗi niệm không nên nghĩ về những sự việc quá khứ. Nếu các ông cứ mãi hồi tưởng về những niệm quá khứ, niệm hiện tại và niệm vị lai, niệm niệm tương tục không ngừng, như sóng nước, đó chính là tự mình dùng dây trói buộc mình, tự trói buộc mình vào một chỗ, mà không được tự do. Nếu các ông đối với vạn pháp, niệm niệm không chấp trước, đó chính là không có bị trói buộc, chính là lấy vô sở trụ làm căn bổn.

 

Chư Thiện tri thức! Ngoài lìa cả thảy các sắc tướng, gọi Vô tướng. Ðối với các sắc tướng mà năng lìa được sắc tướng chính là cái thể thanh tịnh của các pháp. Ấy là lấy Vô tướng làm thể.

Giảng: Ngoài ly khai tất cả tướng gọi là vô tướng. Năng ly khai tất cả tướng đó là diệu thể thanh tịnh của pháp, cho nên đây chính là lấy vô tướng làm thể.

 

Chư Thiện tri thức! Ðối với các cảnh mà tâm chẳng nhiễm gọi là Vô niệm. Trong các niệm tưởng của mình, tâm thường lìa cảnh, chẳng vì đối cảnh mà sanh tâm. Bằng đối với trăm việc tâm chẳng nghĩ đến, các niệm tưởng đều bỏ hết; lúc một niệm cuối cùng dứt tuyệt thì chết liền và phải chịu đầu sanh chỗ khác. Cho nên đây là một sai lầm to lớn; người học đạo nên lấy đó mà suy gẫm để tránh rơi vào con đường lầm lạc. Nếu chẳng biết cái ý-chỉ của pháp, tự mình lầm thì còn khá, sợ e lại khuyên dạy người khác. Tự mình mê mà chẳng thấy, lại còn nhạo báng kinh Phật. Bởi vậy mới lập Vô niệm làm tông.

Giảng: Ở bất cứ cảnh giới nào, tâm không nhiễm trước gọi là vô niệm. Trên niệm thanh tịnh của mình, thường hay ly khai tất cả cảnh giới, chẳng ở trên cảnh mà sanh các tâm niệm, nhớ tưởng (hồi ức) muôn vạn cảnh giới. Giả sử quý vị cho rằng muôn vật đều không nghĩ, mọi niệm đều phải diệt trừ, điều này đúng hay không? Ðó lại là việc sai lầm, cho nên nói: “Chấp trước vào tướng là sai lầm, vô vi lại lạc vào không.”

–Vậy thì làm thế nào đây?

– Ở chỗ này khó có thể thực hành, nếu quý vị có thể làm được, đó chính là vô niệm.

Một niệm đã đoạn không còn nữa, chẳng phải đã chết rồi hay sao? Vì không có niệm chính là đã chết. Nhưng chết ở đây lại sanh về ở chỗ kia, cho nên đây là cách suy nghĩ hết sức sai lầm. Những người muốn tu học đạo, ở chỗ này cần phải đặc biệt chú ý suy gẫm. Nếu như không nhận thức được chân nghĩa của pháp, tự mình sai lầm còn có thể, nếu dạy những người khác cũng sai lầm theo mình, thì không thể tha thứ được. Tự quý vị ngu muội, không những không có nhận thức tâm tánh của chính mình, mà ngược lại hủy báng Phật kinh, nói Phật kinh giảng sai rồi. Thật là vì người đời ngu si vô trí cho nên Cổ đức phải lập vô niệm làm tông chỉ cho người học Phật.

 

Chư Thiện tri thức! Sao lập Vô niệm làm tông? Chỉ vì người mê, miệng nói thấy tánh, mà đối cảnh tâm còn vọng niệm, trong chỗ vọng niệm, lại khởi tà kiến. Cho nên cả thảy các sự trần lao vọng tưởng đều do đó mà sanh ra. Bổn tánh mình vốn không có một pháp gì mà tìm được. Nếu có cái chi tìm được trong tánh mình, mà nói dối là họa phước, thì cái ấy là trần lao tà kiến. Cho nên pháp môn nầy lập Vô niệm làm tông.

Giảng: Tại sao cần phải lập vô niệm làm tông chỉ? Vì có một loại người, miệng nói mình đã kiến tánh, mình đã khai ngộ, loại người ngu si này, đối cảnh sanh ra vô vàn tâm niệm, trên niệm lại sanh ra muôn loại tà kiến, cho nên hết thảy trần lao vọng tưởng, đều từ đây mà sanh ra. Kỳ thực bổn nguyên thanh tịnh của chính mình, diệu minh giác tánh, bổn lai một pháp cũng không có, nó thì thanh tịnh viên mãn sáng suốt, diệu minh chân tâm, bổn lai vô nhất vật. Nếu có chỗ sở đắc, thì vọng thuyết họa phúc mà dối gạt tiền tài của người, đây đều là trần lao tà kiến. Cho nên pháp môn này lập vô niệm làm tông chỉ.

 

Chư Thiện tri thức! Vô là vô việc gì? Niệm là niệm vật chi? Vô, nghĩa là không chấp hai tướng, không có lòng phiền não. Niệm, nghĩa là niệm cái Chơn như Bổn tánh. Chơn như tức là cái thể của niệm, niệm tức là cái dụng của Chơn như. Tánh Chơn như của mình khởi niệm, chớ chẳng phải con mắt, lỗ tai, lỗ mũi, cái lưỡi mà niệm được. Cái Chơn như có tánh, sở dĩ mới sanh ra niệm tưởng. Nếu cái Chơn như không có, thì mắt, tai, màu, tiếng, đương lúc ấy liền hư hoại.

Giảng: Nay tôi lại muốn, vì quý vị, mà giảng vô niệm, vô tướng, vô trụ. Nếu quý vị có thể vô niệm chính là vô tướng, có thể vô tướng chính là vô trụ. Vô niệm cũng chính là vô sanh, vô tướng là vô diệt, vô trụ – bổn lai không có sanh diệt, không có đúng không có sai. Vô niệm, vô tướng, vô trụ cũng chính là không đúng, không sai, không thiện, không ác, không nam, không nữ. Niệm chính là tà niệm, lúc tà niệm không còn thì làm sao có nam nữ, pháp này thật là diệu! Nếu vô tướng, căn bổn không có ngã tướng, vậy ai lại sanh ra cái tâm dâm dục? Tâm dâm dục chính là niệm, không có “niệm” chính là không có lòng dâm dục, không có lòng dâm dục thì không có ngã tướng, không còn chỗ chấp trước. Lúc không còn chỗ chấp trước, quý vị xem đây có phải là sự tự do chân chánh không, có phải là đã được giải thoát không? Cho nên vô tướng, vô niệm, vô trụ, cũng chính là không động không tịnh, không đúng không sai, không nam không nữ, không thiện không ác. Ðây thật là tuyệt diệu vô cùng! Quý vị nếu nghiên cứu sâu sắc thì có thể thọ dụng vô cùng.

Lục Tổ Ðại sư lại nói:

–Quý vị Thiện tri thức! Tôi giảng chữ này, thì vô cái gì? Chữ niệm này, thì niệm thứ gì? chính là không có hai tướng, không những không có hai tướng, ngay một tướng cũng không có, không có tâm trần lao. Tâm trần lao chính là chỉ cái tâm không chính, cũng chính là tâm tà, tâm tà cũng chính là dục tâm.

Cái gì gọi là niệm? Niệm có nghĩa là nhớ, tức là cần phải nhớ Chân như tự tánh? Nhưng cái gì là Chân như tự tánh? Tức cái tánh mà bổn lai đã có, cũng chính là Như Lai Tạng tánh, cũng chính là Phật tánh. Chân như chính là bổn thể của niệm, mà niệm chính là vận dụng của Chân như.

Có người nói: “Vô niệm cũng chính là không có Chân như.”

Quý vị phải biết vô niệm chính là không có hai tướng, chính là bảo quý vị chớ quên mà phải nhớ Chân như. Chân như là bổn tánh của chính quý vị, mà bổn tánh của quý vị là thanh tịnh sáng suốt, không có chỗ nhiễm trước.

Niệm tự tánh Chân như, là chân niệm, không phải là niệm do mắt, tai, mũi, lưỡi sanh ra. Chân như có tánh cho nên khởi niệm. Chân như cũng chính là tánh vương, cũng chính là điều đã giảng ở trên (phẩm Nghi Vấn): “tánh còn vua còn, tánh đi vua mất,” cho nên nói Chân như nếu không có, thì mắt, tai, sắc, thanh lập tức hoại.

 

Chư Thiện tri thức! Tánh Chơn như của mình khởi niệm, thì sáu căn tuy có thấy, nghe, biết, hiểu, mà chẳng nhiễm muôn cảnh. Bởi thế nên Chơn tánh của mình bao giờ cũng tự tại. Cho nên Kinh nói: “Phân biệt đặng các pháp tướng một cách tường tận chí lý, mà cái tánh thanh tịnh Niết Bàn chẳng động.”

Giảng: Bổn thể Chân như tuy khởi lên niệm, ở cửa lục căn tuy có thấy nghe hiểu biết nhưng không nhiễm trước, vì quý vị không có tà niệm, không chấp vào muôn cảnh. Chân như tự tánh thường tự tại, cho nên Kinh nói: Tại sao khéo phân biệt tướng của vạn pháp? Vì chính là dụng của Chân như, năng khéo phân biệt chư pháp tướng mà không chấp trước muôn cảnh, cho nên đối với đệ nhất nghĩa mà không động.