Kinh Lục Tổ Pháp Bảo Ðàn
Phẩm Tuyên Chiếu
Hòa Thượng Tuyên Hóa
giảng thuật
tại Vạn Phật Thánh Thành
— o0o —
Niên hiệu Thần Long năm đầu, vào ngày rằm Thượng ngươn, Tắc Thiên Hoàng Thái Hậu và Trung Tông Hoàng Ðế ra lời chiếu rằng:
“Trẫm thỉnh An, Tú nhị vị Ðại sư vào cung đặng cúng dường, mỗi khi rảnh việc thì nghiên cứu về Nhất thừa. Nhưng hai Sư đều nhượng rằng: ‘Ở phương Nam có Huệ Năng Thiền sư được mật thọ y pháp của Hoằng Nhẫn Ðại sư. Ấy là người truyền tâm ấn của Phật. Vậy nên thỉnh người mà hỏi Ðạo.’ Nay sai nội thị là Tiết Giản mang chiếu nghinh thỉnh, xin Tổ Sư từ bi niệm tình mau đến Kinh-đô.”
Giảng:
Thần Long là niên hiệu của Ðường Trung Tông, thượng nguyên nhựt tức là tiết nguyên tiêu ngày mười lăm tháng giêng. Ngày mười lăm tháng bảy gọi là Trung nguyên nhựt. Võ Tắc Thiên là nữ Hoàng đế đời Ðường, rất sùng tín và ủng hộ Phật giáo, nhưng vị nữ Hoàng đế này không có giữ gìn quy củ, bất cứ việc gì bà cũng dám làm, nhưng bà lại có lòng tin đối với Phật giáo vì thế bà đều thỉnh các Ðại đức Cao Tăng đương thời vào hoàng cung cúng dường.
Trung Tông là con của Võ Tắc Thiên, lên ngôi không bao năm, Võ Tắc Thiên liền biếm chức cho làm Lỗ Lăng Vương, và tự mình tức vị, lên làm Hoàng đế. Bà hạ chiếu thư, viết:
–Trẫm đã cung thỉnh Huệ An Thiền sư ở Tung Nhạc và Bắc Tông Thần Tú Ðại sư vào hoàng cung cúng dường. Sau khi xử lý muôn ngàn việc quốc sự nặng nề, giờ rảnh ra trẫm thường nghiên cứu pháp môn đốn giáo. Nhưng hai vị Pháp sư này đều nhường nói: “Ðạo đức của chúng tôi không bằng Ðại sư Huệ Năng ở Quảng Ðông Nam phương. Huệ Năng Ðại sư là người mật thọ y bát của Ngũ Tổ Ðại sư Hoằng Nhẫn, là người kế thừa chân chánh Pháp môn truyền Phật tâm ấn, vì vậy nên mời Huệ Năng Ðại sư đến học hỏi.” Và vì thế mà nay trẫm phái nội thị trong cung (tức Thái giám trong cung), tên gọi Tiết Giản, mang chiếu thư của Hoàng đế đến cung thỉnh Ðại sư. Kính mong Ðại sư thương xót chúng sanh mau chóng đến Kinh đô – Trường An.
Sư dâng sớ cáo bịnh xin từ, nguyện trọn đời ở chốn rừng non.
Tiết Giản bạch: “Ở Kinh-thành các vị Thiền đức đều nói rằng: Muốn đặng tâm ngộ Ðại Ðạo tất phải ngồi thiền tập định. Nếu chẳng nhờ thiền định mà đặng giải thoát, thì điều ấy chưa từng có, chẳng biết lời dạy của Tổ Sư như thế nào?”
Giảng:
Lục Tổ Ðại sư viết một biểu chương, cũng chính là thư trả lời: “Tôi nhiều bệnh.” Kỳ thực Lục Tổ Ðại sư không có bệnh, đây chỉ là nói lời phương tiện, không phải nói lời vọng ngữ, tại sao vậy? Vì Lục Tổ Ðại sư không muốn yết kiến Hoàng đế, nhất là không muốn yết kiến nữ Hoàng đế, huống chi bà lại không có chú ý đến việc quy củ, lại không giữ gìn giới luật, cho nên không vui gặp bà. Nhưng Lục Tổ không thể nói: “Bà là nữ Hoàng đế, tôi là Tổ Sư, tôi không cần phải yết kiến nữ Hoàng đế,” cho nên cáo bịnh, thoái thác nói: “Tôi đã lớn tuổi, lại có nhiều bệnh, tôi nguyện suốt đời ở nơi rừng núi.”
Ðây là phẩm thứ chín, trong bổn chú thích của Ðinh Phúc Bảo nói: Ðây là Phẩm Hộ Pháp, là điều sai lầm, nên là “Phẩm Tuyên Chiếu.” Tuyên tức là Hoàng đế thỉnh Lục Tổ Ðại sư vào hoàng cung cúng dường, Chiếu tức là chiếu thư; tuyên đọc chiếu thư của Hoàng đế thỉnh Lục Tổ Ðại sư đến Kinh đô, không thể gọi là Phẩm Hộ Pháp.
Tiết Giản nói:
–Các vị Ðại đức ở Kinh Thành đều nói như thế này, nếu hành giả muốn hiểu rõ đạo pháp cần phải tọa thiền, tu tập định lực. Nếu không phải do thiền định mà được giải thoát, đây là điều không bao giờ có. Con không biết Tổ Sư Ngài thuyết pháp như thế nào?
Ðại sư nói: “Ðạo do tâm mà ngộ, đâu phải do ngồi. Kinh nói: ‘Nếu nói Như Lai hoặc nằm hoặc ngồi là hành tà đạo. Bởi cớ sao? Không từ chỗ nào mà lại, cũng không từ chỗ nào mà đi.’ Không sanh không diệt là tánh Như Lai thanh tịnh thiền. Các pháp đều vắng lặng trống không là tánh Như Lai thanh tịnh tọa. Thế là cứu cánh không chứng đắc, hà huống là ngồi!”
Giảng:
Lục Tổ Ðại sư tuy không biết chữ, nhưng những lời Ngài giảng ra, người tầm thường khó có thể ngộ đến. Ngài nói:
–Ðạo là từ trong tâm ngộ, sao có thể chỉ là ngồi? Chỉ ngồi thì không thể được. Hiểu rõ, khai ngộ đạo lý Phật pháp, gọi là “giải.” Ngồi là hành, nếu chỉ hành mà không giải, đó là ngu si. Nếu chỉ giải mà không hành, đó là khẩu đầu thiền. Cho nên hiểu rõ xong, thân cần phải nỗ lực thực hành, chớ không phải suốt ngày ngồi hoài, ngồi mấy chục năm, một chút đạo lý cũng không hiểu, tâm mình cũng không thể khai ngộ.
Kinh Kim Cang nói: “Nếu có người nói Như Lai, như đến, như đi, như ngồi, như nằm, thì người này không hiểu nghĩa của Ta nói. Tại sao vậy? Như Lai là vô sở tùng lai cũng vô sở khứ, cho nên gọi là Như Lai.” Nếu nói Phật là ngồi hoài hoặc nằm hoài, đó là bàng môn ngoại đạo. Tại sao vậy? Vì Phật là vô sở tùng lai, cũng là vô sở khứ, Ngài cũng không sanh cũng không diệt, đó mới là Như Lai thanh tịnh thiền. Tất cả pháp vốn không tịch, đây là Như Lai thanh tịnh tọa. Cứu cánh thì không có chỗ chứng đắc, sao lại muốn ông ngồi hoài? Thường ngồi hoài cũng là một loại chấp trước.
Tiết Giản bạch: “Ðệ tử về kinh, Chúa-thượng ắt hỏi. Xin Tổ Sư từ bi dạy chỗ yếu chỉ về tâm tánh, đặng truyền tấu lại lưỡng cung (Thái hậu và vua) cùng các vị học Ðạo trong Kinh thành. Tỷ như một ngọn đèn mồi ra trăm ngàn ngọn, các chỗ tối đều sáng, sáng sáng không cùng.”
Sư nói: “Ðạo không sáng tối, sáng tối là cái nghĩa thay thế. Sáng sáng không cùng, cũng là có cùng. Hai cái tối sáng đối đãi nhau mà lập ra cái tên, cho nên kinh Tịnh Danh nói: ‘Pháp không có chi sánh, không có gì tương đối được.’”
Giảng:
Tiết Giản nói:
–Khi đệ tử hồi kinh, Hoàng đế nhất định hỏi đệ tử, kính mong Ðại sư phát đại từ bi, chỉ thị đạo lý quan trọng dùng tâm ấn tâm, khiến con trở về bẩm cáo Hoàng đế, và để cho những người học đạo trong Kinh thành đều biết. Giống như một ngọn đèn có thể châm mồi trăm ngàn ngọn đèn, khiến cho chỗ hắc ám cũng được quang minh, khiến cho ánh sáng quang minh không cùng không tận.
Lục Tổ Ðại sư nói:
–Bổn thể của Ðạo, cũng chính là bổn thể của tánh, không có minh, cũng không có ám, minh ám chỉ là ý nghĩa đối đãi. Minh đến thì ám đi, ám đến thì minh đi, minh thay thế cho cái ám này, ám thay thế cho cái minh này. Ông nghe nói “Minh minh vô tận,” đó cũng là hữu tận. Tại sao vậy? Vì nó là pháp đối đãi, minh đối với ám, có đối đãi thì có hữu tận. Cho nên Kinh Duy Ma Cật nói: “Pháp thì không thể so sánh, nó là tuyệt đãi mà không phải tương đãi, là tuyệt đối mà không phải tương đối.”
Tiết Giản bạch: “Sáng tỷ như trí huệ, tối tỷ như phiền não. Người tu hành nếu như không lấy trí huệ mà chiếu phá phiền não, thì nhờ đâu mà ra khỏi chỗ vô thủy sanh tử?”
Sư nói: “Phiền não tức là Bồ-đề, chẳng phải hai và chẳng phải khác nhau. Lấy trí huệ mà chiếu phá phiền não, là chỗ thấy hiểu của hàng Nhị thừa, là cái căn cơ của xe nai, xe dê. Bực đại trí thượng căn chẳng phải làm như vậy.”
Giảng:
Tiết Giản nói:
–Minh là ví dụ cho trí huệ, ám ví dụ cho phiền não. Tất cả người học đạo, nếu không dùng trí huệ phá tan tất cả phiền não, thì sanh tử từ vô thủy kiếp cho đến hôm nay nương vào cái gì mà có thể xuất ly?
Lục Tổ Ðại sư trả lời:
–Phiền não tức là Bồ đề giác tánh, ông không nên đem phiền não và Bồ đề phân chia làm hai thứ, chúng nó thì không có sai khác. Nếu ông muốn dùng trí huệ chiếu tan phiền não, đây là kiến giải của Nhị thừa – Thinh văn, Duyên giác, không phải là nhứt Phật thừa của Ðại thừa. Thinh văn Duyên giác giống như cơ duyên của xe dê, xe nai, mà trí huệ tối thượng thừa và chúng sanh căn tánh tối thượng, phương pháp tu hành của họ hoàn toàn không phải như thế.
Tiết Giản bạch: “Chỗ thấy hiểu của bực Ðại thừa như thế nào?”
Sư nói: “Sáng và không sáng, người phàm thấy có hai, còn người trí rõ thông, thấy cái tánh sáng và không sáng chẳng phải là hai. Cái tánh không hai chính là Thật tánh. Cái Thật tánh ở nơi phàm phu mà chẳng bớt, ở nơi Hiền Thánh mà chẳng thêm, ở nơi phiền não mà chẳng rối, ở nơi cảnh thiền định mà không lặng, chẳng đoạn chẳng thường, chẳng lại chẳng đi, chẳng phải ở giữa, ở trong hay ở ngoài, chẳng sanh chẳng diệt; tánh và tướng đều như như, thường trụ, không dời đổi. Cho nên gọi cái Thật tánh là Ðạo.”
Giảng:
Tiết Giản nói:
–Cái gì là kiến giải Ðại thừa?
Lục Tổ Ðại sư trả lời:
–Minh và vô minh, kẻ phàm phu xem đó là hai loại khác nhau, nhưng người có trí huệ thì hiểu rõ tánh của nó không có hai thứ, là tánh vô nhị, đó là Thực tánh. Cái gì gọi là Thực tánh? Chính là trong chúng sanh ngu muội, nó không giảm; trên địa vị người thánh nhân, nó cũng không tăng. Trong cảnh giới phiền não nó không loạn, lúc thiền định nó cũng không có tịch tĩnh. Nó là cũng động cũng tịnh, cũng tịnh cũng động, không đoạn cũng không thường, không đến cũng không đi, không ở chính giữa, không ở bên trong, không ở bên ngoài, không sanh không diệt, tánh cũng như như, tướng cũng như như, tánh tướng đều là nhứt thể. Nó là thường trụ không động, vì thế đặt tên cho nó là “Ðạo.”
Tiết Giản bạch: “Ðại sư nói cái lý chẳng sanh chẳng diệt, trong đó có chỗ nào khác với cái thuyết của ngoại đạo chăng?”
Sư nói: “Cái sở thuyết của ngoại đạo nói rằng chẳng sanh chẳng diệt, là đem cái diệt dứt cái sanh, lấy cái sanh mà bày rõ cái diệt, nhưng diệt mà cũng như chẳng diệt, sanh mà nói chẳng sanh. Còn ta nói chẳng sanh chẳng diệt, nghĩa là cái tánh Bổn-lai vốn tự không sanh, nay cũng chẳng diệt, cho nên cái thuyết sanh diệt của ta chẳng giống với cái thuyết sanh diệt của ngoại đạo. Ông muốn biết chỗ yếu chỉ của tâm, thì đừng suy tính đến cả thảy các điều thiện ác. Như thế, tự nhiên đặng vào cái tâm thể trong sạch, phẳng bằng vắng lặng, diệu dụng vô cùng.”
Giảng:
Tiết Giản hỏi:
–Ðại sư thuyết bất sanh bất diệt, cùng với ngoại đạo nói ra đâu cái gì sai khác?
Lục Tổ Ðại sư trả lời:
–Ngoại đạo nói bất sanh bất diệt, diệt rồi thì không sanh, đình chỉ cái sanh, lấy sanh để hiển diệt, cho nên nói sanh diệt là hai thứ. Tuy nói nó diệt, nhưng không phải chân diệt. Tuy tiếp tục sanh, nhưng nói không sanh. Còn tôi nói bất sanh bất diệt, là bổn lai nó không có sanh, cho nên nay nó cũng không có diệt; vì vậy, tôi nói bất sanh bất diệt thì không giống với lời nói của ngoại đạo. Ông muốn biết tánh quan trọng của tâm địa pháp môn, truyền tâm diệu pháp thì không nên suy tính nghĩ tưởng tất cả thiện và tất cả ác, lúc đó ông tự nhiên sẽ hiểu rõ đạo lý này, mà đắc nhập tâm thể thanh tịnh vốn có – nó là vĩnh viễn trạm nhiên thanh tịnh, mà không phải tạm thời thanh tịnh. Tuy nó là trạm nhiên thường tịch, nhưng trong Chân không của nó có Diệu hữu, công dụng vi diệu của nó còn nhiều hơn hằng hà sa số.
Tiết Giản nhờ Ðại sư chỉ dạy, hoát nhiên đại ngộ, làm lễ từ giả về kinh đô, dâng biểu các lời Ðại sư giảng dạy.
Ngày mồng ba tháng chín năm ấy, có lời chiếu dụ rằng:
“Ðại sư đã cáo từ bởi già bịnh, vậy hãy vì trẫm mà hành đạo, để tạo phước điền cho nước nhà. Ðại sư cũng như Ngài Duy Ma Cật, mặc dầu bịnh hoạn cũng ở lại Tỳ-da-ly mà xiển dương môn Ðại thừa, truyền tâm ấn của chư Phật và tuyên bày pháp bất nhị.
Tiết Giản có truyền lại chỗ Ðại sư chỉ dạy về cái tri kiến Phật. Trẫm nhờ chứa điều lành, có phước dư và kiếp trước đã có trồng cội lành nên nay khiến có Ðại sư ra đời, mà đặng liền hiểu rõ pháp thượng thừa. Trẫm rất cảm đội ơn Ðại sư, chẳng bao giờ quên. Trẫm xin dâng cho Ðại sư một cái áo Cà-sa và một cái bát bằng thủy tinh.
Trẫm ra lịnh cho quan Thứ sử ở Thiều Châu sửa san miếu tự, và sắc tứ cho chùa cũ của Ðại sư ở, hiệu là Quốc Ân Tự.”
Giảng:
Tiết Giản được Lục Tổ Ðại sư chỉ dạy rồi, hốt nhiên khai ngộ, vì thế hướng Ðại sư đảnh lễ từ biệt trở về Hoàng cung. Ông ta đem tất cả những đạo lý do Ðại sư thuyết ra viết thành tấu chương dâng lên Hoàng đế. Mùng ba tháng chín năm đó, có một chiếu thư tưởng dụ Lục Tổ Ðại sư: “Ðại sư, Ngài cáo bịnh từ tạ chiếu thỉnh, vì Trẫm tu đạo, Ngài thật là phước điền của quốc gia, là vị Cao Tăng tu hành nhứt của quốc gia. Ðại sư giống như cư sĩ Duy Ma trong Kinh Tịnh Danh, giả bệnh ở thành Tỳ Da. Ngài xiển dương Phật pháp Ðại thừa, ở chùa Nam Hoa truyền pháp môn Phật tâm ấn, thuyết giảng pháp môn bất nhị – sanh diệt như như, tánh tướng bất nhị. Tiết Giản sau khi trở về cung truyền đạt những lời dạy của Ngài cho Trẫm, tri kiến của Ngài là tri kiến của Như Lai. Trẫm nhiều kiếp nhiều đời rộng làm việc thiện, cho nên nay có vinh hạnh như thế, cũng vì Trẫm kiếp trước gieo trồng thiện căn Bồ đề, cho nên mới có thể gặp Tổ Sư Ngài xuất thế, khiến cho Trẫm nhanh chóng hiểu rõ diệu lý tối thượng thừa. Trẫm mông ơn Ngài giáo hóa, đối với Ðại sư cảm ân bất tận, ngày ngày Trẫm đều đem những lời dạy của Ngài, khấu đầu đảnh lễ không ngừng, nay Trẫm kính dâng ca sa Ma Nạp do nước Cao Ly triều cống.”
Y ca sa này tôi có thấy qua, do Võ Tắc Thiên cúng dường Lục Tổ Ðại sư, bên trên có nhiều mảnh, mỗi mảnh có thêu một tượng Phật, nghe nói Võ Tắc Thiên tự tay thêu lấy.
Chiếu thư của Võ Tắc Thiên tiếp tục nói: “Lại dâng lên bát thủy tinh…” Bát thủy tinh giống như lưu ly, trong ngoài thấu triệt. “Trẫm sắc lệnh Thứ sử Thiều Châu, trùng tu ngôi chùa do Ngài xây dựng ở Tân Châu, và nơi quê Ngài ra đời, xây dựng một tự viện gọi là Quốc Ân Tự.”