Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ Tát Pháp
Phật Sở Hộ Niệm
phụng chiếu dịch
Diêu Tần Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
Giảng Giải:
Hoà Thượng Tuyên Hoá
— o0o —
Phẩm Dược Thảo Dụ
Dược là thuốc trị bệnh, thảo là thảo mộc (cỏ), cũng dụ cho chúng sinh thế tục. Nếu có bệnh thì giáo pháp của Như Lai là thuốc, quán sát căn cơ nói pháp, tùy theo bệnh mà cho thuốc. Cần phải có căn cơ và giáo pháp tương ưng, thì thuốc chữa trị mới hay. Cho nên phẩm nầy, Ðức Phật dùng cỏ thuốc làm ví dụ, chữa trị bệnh thân và tâm của chúng sinh.
Nhĩ thời Thế Tôn cáo Ma ha Ca Diếp cập chư Đại đệ tử. Thiện tai, Thiện tai! Ca Diếp thiện thuyết Như Lai chân thật công đức. Thành như sở ngôn, Như Lai phục hữu vô lượng vô biên a tăng kì công đức, nhữ đẳng nhược ư vô lượng ức kiếp thuyết bất năng tận.
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Ngài Ma Ha Ca Diếp, và các vị đại đệ tử: Lành thay, lành thay! Ca Diếp khéo nói công đức chân thật của Như Lai, đúng như lời các ông vừa nói. Như Lai còn có vô lượng vô biên A tăng kỳ công đức, dù các ông trải qua vô lượng ức kiếp, nói cũng không hết được.
Lúc đó, Ðức Phật bảo Ngài Ca Diếp và các vị đệ tử trong pháp hội: Lành thay, lành thay! Ca Diếp nói thật là hay, ông thật lãnh hội được tâm ý của Như Lai, pháp của Như Lai nói, đạo lý của ông nói, tơ hào chẳng sai. Như Lai chẳng có bờ mé, A tăng kỳ, vô lượng số mà công đức của Phật cũng vô lương vô biên. Dù các ông có trải qua vô lượng ức kiếp, nói cũng chẳng bao giờ hết được, các ông hằng ngày giảng nói, cũng không nói hết được công đức nầy.
Ca Diếp! đương tri Như Lai thị chư Pháp chi Vương, nhược hữu sở thuyết giai bất hư dã. ư nhất thiết Pháp, dĩ trí phương tiện nhi diễn thuyết chi, kỳ sở thuyết pháp, giai tất đáo ư nhất thiết trí địa.
Ca Diếp nên biết! Như Lai là vua của các pháp, nếu có nói ra lời gì, đều không hư vọng, trong tất cả các pháp, Phật đều dùng trí huệ phương tiện mà diễn nói, pháp của Phật nói ra, thảy đều đến nơi Nhất thiết trí.
Ca Diếp ông nên biết, Như Lai là vua của tất cả các pháp, pháp của Như Lai nói, đều là pháp chân thật không hư. Tất cả pháp bao quát đại thừa, nhị thừa, và tam thừa. Ðại thừa là Phật thừa, nhị thừa là Thanh Văn Duyên Giác thừa, tam thừa là Bồ Tát thừa. Như Lai đều khéo léo, dùng phương tiện diễn nói diệu pháp, đều dùng (trí huệ) Bát nhã ba la mật đa, Nhất thiết trí, Nhất thiết chủng trí để nói pháp.
Như Lai quán tri nhất thiết chư pháp chi sở quy thú, diệc tri nhất thiết chúng sanh thâm tâm sở hạnh, thông đạt vô ngại; Hựu ư chư Pháp cứu tận minh liễu, thị chư chúng sanh nhất thiết trí tuệ.
Như Lai quán sát, biết được chỗ quy về của tất cả các pháp, cũng biết được tâm lý trong thâm tâm của tất cả chúng sinh, thông đạt vô ngại, và thấu rõ rốt ráo hết các pháp, mở bày Nhất thiết trí huệ cho chúng sinh.
Phật có ba thân, bốn trí, năm nhãn, sáu thông.
Ba thân là:
Pháp thân
Hóa thân
Báo thân.
Bốn trí là:
Ðại viên cảnh trí
Diệu quán sát trí
Bình đẳng tính trí
Thành sở tác trí.
Năm nhãn là:
1. Phật nhãn
2. Pháp nhãn
3. Huệ nhãn
4. Thiên nhãn
5. Nhục nhãn.
Sáu thông là:
1. Thiên nhãn thông
2. Thiên nhĩ thông
3. Tha tâm thông
4. Túc mạng thông
5. Thần túc thông
6. Lậu tận thông.
Như Lai dùng trí huệ quán sát, mà biết được tất cả các pháp. Pháp có tám muôn bốn ngàn thứ, nếu dùng mỗi một pháp để nói, thì phí thời gian lâu dài, cho nên nói tất cả các pháp. Các pháp quy về đâu? Phật nói tất cả các pháp chẳng lìa tất cả tâm, tất cả pháp sinh ra, cũng vì sở hiện của tâm vậy, do đó, Phật mới biết được tâm lý của tất cả chúng sinh. Như trong Kinh Kim Cang có nói:
‘’Chúng sinh có bao nhiêu thứ tâm,
Như Lai đều biết đều thấy‘’.
Chúng sinh khởi tâm động niệm, Phật đều thấy rõ như chỉ bàn tay, chẳng có gì mà không biết, chẳng có gì mà không thấy, thông đạt vô ngại, mới có thể mở bày Nhất thiết trí huệ cho tất cả chúng sinh.
Ca Diếp! Thí như tam Thiên đại Thiên thế giới, sơn xuyên khê cốc độ địa sở sanh hủy mộc tùng lâm cập chư dược thảo, chủng loại nhược can, danh sắc các dị. Mật vân di bố, biến phước tam Thiên đại Thiên thế giới, nhất thời đẳng chú, kỳ trạch phổ hiệp. Hủy mộc tùng lâm cập chư dược thảo, tiểu căn tiểu hành, tiểu chi tiểu diệp, trung căn trung hành, trung chi trung diệp, Đại căn Đại hành, Đại chi Đại diệp, chư thụ đại tiểu, tùy thượng trung hạ các hữu sở thọ.
Nhất vân sở vũ, xưng kỳ chủng tánh nhi đắc sanh trưởng hoa quả phu thật. Tuy nhất địa sở sanh, nhất vũ sở nhuận, nhi chư thảo mộc, các hữu sái biệt.
Ca Diếp! Ví như núi sông, khe suối, đất đai, trong ba ngàn đại thiên thế giới, sinh ra cây cối lùm rừng, và các cỏ thuốc, bao nhiêu thứ, loại, tên gọi, màu sắc, đều khác nhau. Mây dày phủ khắp ba ngàn đại thiên thế giới, đồng thời đều mưa xuống như nhau, thấm nhuần hết thảy cây cối lùm rừng và các cỏ thuốc. Cây nhỏ rễ nhỏ, nhánh nhỏ lá nhỏ; cây vừa rễ vừa, nhánh vừa lá vừa; cây lớn rễ lớn, nhánh lớn lá lớn. Các cây lớn nhỏ, tùy theo sự lớn, vừa, nhỏ, mà hấp thụ khác nhau.
Một đám mây mưa xuống, mà tùy theo giống loại cây cỏ, mà được sinh trưởng, đơm hoa kết trái, tuy là một mảnh đất sinh ra, một trận mưa thấm nhuần, mà các cây cỏ mỗi thứ, đều có sự khác nhau.
Ca Diếp! Ví như ba ngàn đại thiên thế giới, một mặt trời mặt trăng, một núi Tu Di, một bốn châu thiên hạ, cộng lại làm một thế giới. Một ngàn mặt trời mặt trăng, một ngàn núi Tu Di, và một ngàn bốn thiên hạ làm một tiểu thiên thế giới. Một ngàn tiểu thiên thế giới, làm một trung thiên thế giới. Một ngàn trung thiên thế giới, làm một đại thiên thế giới, vì ba lần một ngàn, cho nên gọi là ba ngàn đại thiên thế giới.
Ở trong sơn, hà, đại địa, khe suối, sinh ra các thứ cây cối, hoa, cỏ, lùm rừng, đều có tên gọi và màu sắc khác nhau. Trên bầu trời phủ đầy mây dày đặc, che khắp ba ngàn đại thiên thế giới đều như nhau, mưa xuống cũng đều như nhau. Tất cả thân, rễ, cành, lá, của cây cối hoa cỏ, đều tùy theo giống loại lớn, vừa, nhỏ, mà hấp thụ lượng nước khác nhau. Thân rễ cành lá lớn, thì hấp thụ nhiều, thân rễ cành lá vừa, thì hấp thụ ít hơn, thân rễ cành lá nhỏ, thì hấp thụ càng ít hơn. Ðây cũng là phẩm ví dụ phân biệt lớn, vừa, nhỏ. Tất cả cây cỏ vốn từ một mảnh đất sinh ra lớn lên, mà mưa xuống cũng một lượng nước giống nhau, song vì thân rễ cây lớn, cây vừa, cây nhỏ, nên sức hấp thụ lượng nước đều khác nhau. Song, vẫn lớn lên đơm hoa kết quả như nhau. Ðó là Phật ví dụ căn cơ của chúng sinh, tất cả cây cối hoa cỏ lùm rừng, có phân ra lớn, vừa và nhỏ.
Ca Diếp! đương tri Như Lai diệc phục như thị, xuất hiện ư thế, như đại vân khởi, dĩ Đại âm thanh, phổ biến thế giới Thiên, nhân, A Tu La, như bỉ đại vân biến phước tam Thiên Đại Thiên quốc độ.
Ư Đại chúng trung, nhi xướng thị ngôn: Ngã thị Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, vô thượng sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn , vị độ giả lệnh độ, vị giải giả lệnh giải, vị an giả lệnh an, vị Niết Bàn giả lệnh đắc Niết Bàn, kim thế hậu thế, như thật tri chi. Ngã thị nhất thiết tri giả, nhất thiết kiến giả, tri đạo giả, khai đạo giả, thuyết đạo giả, nhữ đẳng Thiên, nhân, A Tu La chúng, giai ưng đáo thử, vị thính pháp cố.
Ca Diếp nên biết! Như Lai cũng lại như thế, xuất hiện ra đời như vầng mây lớn, dùng âm thanh lớn, vang khắp thế giới trời, người, A tu la. Như vầng mây lớn kia, che khắp ba ngàn đại thiên thế giới,
Ở trong đại chúng mà xướng lời nầy: Ta là Như Lai, ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ thế gian giải, Vô thượng sĩ, Ðiều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Người chưa được độ, thì khiến cho được độ, người chưa hiểu, thì khiến cho được hiểu, người chưa an, thì khiến cho được an, người chưa được Niết bàn, thì khiến cho được Niết bàn. Ðời nầy đời sau, Phật đều biết đúng như thật. Ta là bậc Nhất thiết trí, bậc thấy tất cả, bậc biết đạo, bậc khai mở đạo, bậc thuyết đạo. Các ông: Trời, người, A tu la, đều nên đến đây để nghe pháp.
Ca Diếp! Ông nên biết, Như Lai cũng như thế. Ta xuất hiện ra đời giống như vầng mây lớn hiện ra đời, vì đại sự nhân duyên giáo hóa chúng sinh, mới xuất hiện ra đời. Do đó, dùng tiếng pháp âm lớn nhất vang khắp, nói với thế gian trời, người, A tu la, pháp của ta nói như vầng mây lớn, che khắp ba ngàn đại thiên thế giới, ở trước mọi người nói: Ta là Như Lai.
Tại sao Phật vẫn còn có cái ‘’Ta‘’? Kỳ thật, nếu minh bạch được ‘’Như Lai‘’ thì chẳng có cái ‘’ta‘’; Như Lai tức là ngồi đạo như thật, lai thành chánh giác. Ví như lúc giảng Kinh, người thông minh thì nhớ nhiều nhất, người trung bình thì nhớ ít hơn một chút, người ngu si thì nhớ rất ít. Cũng như trời mưa xuống, tùy theo cây cối hoa cỏ lớn nhỏ khác nhau, nên hấp thụ lượng nước cũng khác nhau. Ðồng lý ấy, bậc trí huệ cao thì được huệ nhiều một chút, kẻ trí huệ ít thì được ít huệ. Mọi người đều đang nghe Kinh, song trình độ hiểu biết đạo lý chẳng giống nhau. Có người nghe rồi, thì biết những cây cối hoa cỏ nầy là ví dụ cho người, hoặc có người biết mưa xuống hoặc mây dày phủ giăng, là chỉ Phật đang nói pháp. Nếu chẳng hiểu thì sẽ nói: ‘’Tôi chẳng hiểu chút nào, sao cứ nói nào là cây cối hoa cỏ‘’! Nếu biết mình một chút cũng chẳng minh bạch, tức là có một sự biết mình chẳng minh bạch, tức cũng là đang bắt đầu đi trên con đường minh bạch. Nhất là người chưa nghe qua Phật pháp, khi nghe lần đầu tiên, thì chắt chắn chẳng hiểu. Song, nếu biết mình không minh bạch, đó là đã minh bạch một chút. Hôm nay một chút, ngày mai một chút, từng chút từng chút tích lũy dần dần, sẽ tụ ít thành nhiều.
‘’Như Lai‘’ còn có mười ý nghĩa khác:
- Ứng Cúng: Ðáng tiếp nhận sự cúng dường.
- Chánh Biến Tri: Biết vạn pháp duy tâm là chánh tri, biết tâm sinh vạn pháp là biến tri.
- Minh Hạnh Túc: Có trí huệ quang minh, tu hành đến quả vị viên mãn.
- Thiện Thệ: Ðã đi đến nơi tốt lành.
- Thế Gian Giải: Trên thế gian chẳng có ai hiểu biết hơn Ngài.
- Vô Thượng Sĩ: Chẳng có ai cao hơn Ngài.
- Ðiều Ngự Trượng Phu: Bậc đại trượng phu điều phục và chế ngự được tất cả chúng sinh.
- Thiên nhân sư: Thầy của chư thiên và loài người.
- Phật.
- Thế Tôn: Là bậc tôn kính ở thế gian và xuất thế gian.
Cho nên, Phật có đủ thứ nhân duyên công đức, hay khiến cho người chưa được độ thì được độ, độ họ đến chỗ chẳng còn thị phi tốt xấu, thiện ác sinh tử. Ðồng thời cũng khiến cho người không an lạc thì được an lạc, khiến cho người chưa được Niết Bàn thì được: Thường, lạc, ngã, tịnh, vui tịch diệt. Ðối với đời này, đời sau và tất cả, ta đều thấu rõ biết được chân thật, thấy được, mà còn biết khai ngộ tu đạo, giảng kinh thuyết pháp, khai diễn đủ thứ pháp môn tu hành. Các ông trời, người, A tu la đều nên đến đây để nghe kinh nghe pháp.
Ðồng lý ấy, tại pháp hội nghe kinh nầy, ngoài các vị ra, còn có thiên long bát bộ. Nếu bạn đã khai mở ngũ nhãn lục thông thì sẽ nhìn thấy rất rõ ràng.
Nhĩ thời vô số Thiên vạn ức chủng chúng sanh, lai chí Phật sở nhi thính pháp. Như Lai vu thời, quán thị chúng sanh chư căn lợi độn, tinh tấn giải đãi, tùy kỳ sở kham nhi vi thuyết Pháp, chủng chủng vô lượng, giai lệnh hoan hỉ, khoái đắc thiện lợi. Thị chư chúng sanh văn thị pháp dĩ, hiện thế an ổn, hậu sanh thiện xứ, dĩ đạo thụ lạc, diệc đắc văn Pháp. Ký văn Pháp dĩ, ly chư chướng ngại, ư chư Pháp trung, nhâm lực sở năng, tiệm đắc nhập đạo.
Bấy giờ, có vô số ngàn vạn ức loại chúng sinh, đều đến chỗ đức Phật để nghe pháp. Lúc đó, đức Như Lai quán sát các căn lợi độn, tinh tấn, hay giải đãi, của các chúng sinh đó. Tùy theo sự kham nhận của họ, mà vì họ nói pháp, đủ thứ vô lượng, đều khiến cho họ vui mừng, mau được lợi lành. Các chúng sinh đó, nghe pháp đó rồi, hiện đời được yên ổn, đời sau sinh vào chỗ tốt lành, được thọ hưởng niềm vui trong đạo, cũng được nghe pháp. Nghe pháp rồi, lìa được các chướng ngại, ở trong các pháp, tùy theo sức của mình kham được, dần dần được vào đạo.
Lúc đó, có vô số ngàn vạn ức loài chúng sinh, đến pháp hội nầy, nghe Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Ðức Như Lai quán sát tỉ mỉ nhân duyên của chúng sinh, biết họ có rất nhiều căn cơ, có người lợi căn rất thông minh, cũng có những người ngu si ám độn, có những người dũng mãnh tinh tấn, cũng có người lười biếng giải đãi. Do đó, Phật vì người tinh tấn nói pháp tinh tấn, vì người giải đãi nói pháp giải đãi, khiến cho họ nỗ lực tiến tới, tùy thuận căn tính của họ, đáng tiếp thọ pháp gì thì nói pháp đó, nếu không thể tiếp thọ thì chẳng vì họ nói pháp nầy. Cho nên, ban đầu Phật chẳng nói thật pháp, chỉ nói quyền pháp, dùng đủ thứ vô lượng pháp môn, vì vô lượng loài chúng sinh mà nói, mục đích khiến cho chúng sinh vui mừng tin nhận thọ trì. Do sự thích nghe pháp, mà dần dần sẽ đi trên con đường của Phật tu học, sẽ nhanh chóng đắc được lợi ích. Chúng sinh nghe pháp rồi, hiện đời được yên ổn, đời sau được sinh về cõi trời, hoặc sinh vào chỗ giàu sang ở nhân gian, đời đời kiếp kiếp có thể nghe pháp. Tu Phật đạo đắc được đủ thứ khoái lạc, cũng chỉ có nghe Phật pháp mới thấu rõ lý, mới lìa được đủ thứ phiền não chướng ngại. Như vậy, rất dễ dàng tùy sức của mỗi người mà vào đạo. ‘’Ðạo‘’ là giai đoạn khai ngộ, dần dần đạt đến được quả vị liễu sinh thoát tử.
Như bỉ đại vân, vũ ư nhất thiết hủy mộc tùng lâm cập chư dược thảo, như kỳ chủng tánh, cụ túc mông nhuận, các đắc sanh trưởng. Như Lai thuyết Pháp, nhất tướng nhất vị sở vị: Giải thoát tướng, ly tướng, diệt tướng, cứu cánh chí ư nhất thiết chủng trí.
Kỳ hữu chúng sanh văn Như Lai Pháp, nhược trì độc tụng, như thuyết tu hành, sở đắc công đức, bất tự giác tri.
Sở dĩ giả hà? duy hữu Như Lai tri thử chúng sanh chủng tướng thể tánh, niệm hà sự, tư hà sự, tu hà sự, vân hà niệm, vân hà tư, vân hà tu, dĩ hà Pháp niệm, dĩ hà Pháp tư, dĩ hà Pháp tu, dĩ hà Pháp đắc hà Pháp. Chúng sanh trụ ư chủng chủng chi địa, duy hữu Như Lai như thật kiến chi, minh liễu vô ngại.
Như vầng mây lớn đó, mưa xuống khắp tất cả cây cối lùm rừng, và các cỏ thuốc, tùy theo giống loài mà thấm nhuần đầy đủ, đều được lớn lên. Như Lai nói pháp, một tướng một vị, đó là tướng giải thoát, tướng lìa khổ, tướng sinh diệt, rốt ráo đến nơi Nhất thiết chủng trí.
Nếu có chúng sinh nào, nghe được pháp của Như Lai nói, hoặc thọ trì đọc tụng, theo lời nói mà tu hành, thì sẽ được công đức, tự mình chẳng hay biết.
Tại sao? Vì chỉ có Như Lai mới biết được, chủng tử sắc tướng thể tính của chúng sinh đó, nghĩ việc gì, niệm việc gì, tu việc gì, nghĩ thế nào, nhớ thế nào, tu thế nào? Dùng pháp gì để nghĩ, dùng pháp gì để nhớ, dùng pháp gì để tu? Dùng pháp gì được pháp gì? Chúng sinh trụ đủ thứ các bậc, chỉ có Như Lai thấy được như thật, thấu rõ chẳng có chướng ngại.
Phật nói pháp giống như vầng mây mưa xuống, cây cối hoa cỏ lùm rừng, là chỉ tất cả chúng sinh. Tất cả chúng sinh gồm có: Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, Trời, người, A tu la, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục. Tùy theo chủng tính khác nhau của họ mà thuyết pháp, khiến cho họ được sinh trưởng. Giống như trời mưa xuống thấm nhuần đầy đủ, cây cối cỏ thuốc đều được lớn lên. Phật nói pháp là một tướng một vị: Một tướng là chân như thật tướng của tất cả chúng sinh. Chân tướng tức là nhất địa. Ðã chứng được chân lý nhất thừa gọi là nhất vị. Tất cả chúng sinh chưa giải thoát, đều khiến cho họ được giải thoát; chúng sinh chưa sinh trưởng thì khiến cho họ sinh trưởng; chúng sinh đã được sinh trưởng thì khiến cho được giải thoát, lìa khỏi tướng khổ não, tướng sinh diệt.
Ðắc được trí huệ của Phật, tức cũng là Nhất thiết chủng trí. Giả như, có loại chúng sinh nghe Phật pháp rồi, bèn y theo pháp tu hành, thì Phật dạy họ tu như thế nào. Phật pháp là đại đồng tiểu dị, giống như chúng ta hiện nay nghe pháp, công đức và quả báo đắc được không thể nghĩ bàn, song chính mình chẳng biết! Tại sao? Chỉ có Ðức Như Lai mới biết bốn pháp của loại chúng sinh nầy: Chủng tướng thể tính. ‘’Chủng‘’ là chủng tử bổn thân của chúng sinh, chủng tử nầy có thể gieo trồng vào một trong mười pháp giới nào bất cứ, hoặc hạt giống Phật, hạt giống bồ đề, hạt giống Duyên Giác, hạt giống Thanh Văn, hạt giống chư thiên, hạt giống loài người, hạt giống địa ngục, hạt giống ngạ quỷ, hạt giống súc sinh. ‘’Tướng‘’ là pháp bên ngoài, cũng là sắc. ‘’Thể‘’ là chủ thể, trong thân thể có chủ tể. ‘’Tính‘’ là đối bên trong mà nói, tức là bốn pháp nầy.
Ba pháp là pháp nghe, pháp suy nghĩ, pháp tu (văn, tư, tu). Văn huệ tức là nghe kinh nghe pháp nhiều lần, thì sau đó trong sự bất tri bất giác sinh ra trí huệ. Nếu chẳng nghe pháp, thì dù người thông minh thế nào cũng chẳng hiểu, đừng nói đến khai mở trí huệ. Tư huệ tức là đả tọa tham thiền, dùng tư duy huệ tu tập. ‘’Thiền na‘’ dịch là tĩnh lự, tẩy sạch niệm lự cho thanh tịnh thì sẽ phát huệ. Con người trước hết phải có văn huệ, sau đó mới phát tư huệ; phải đạo thì tiến, trái đạo thì lùi. Tư tưởng sáng suốt thì phải dụng công tu hành, sớm cũng suy gẫm, tối cũng suy gẫm, sớm tối đều phải dũng mãnh tinh tấn tu hành, song phải dùng trí huệ để tu, đừng có tu đuôi luyện mù, mọi người tiến tới con đường Phật đạo, còn bạn thì ngược lại chạy hướng khác.
Hai pháp là nhân quả. Một pháp là pháp Nhất thiết đạo chủng trí, là chân thật trí, tức cũng là một thật tướng. ‘’Niệm việc gì’’? Dùng tâm niệm, niệm việc Phật. ‘’Nghĩ việc gì’’? Nghĩ việc pháp. ‘’Tu việc gì’’? Tu việc Tăng. Thế thì làm thế nào để nhớ nghĩ tu Phật, pháp, Tăng? Tức là từ từ, mỗi phút mỗi giây cũng không sao quên được Phật pháp tăng. Trên phương diện tư tưởng phải bình tâm tĩnh khí, không khởi vọng tưởng, suy gẫm đạo lý Phật pháp tăng, tinh tấn tu hành. ‘’Dùng pháp gì niệm’’? Dùng chánh pháp niệm. ‘’Dùng pháp gì nghĩ’’? Dùng chánh pháp nghĩ. Ai dùng pháp gì tu thì được pháp đó. Dùng Phật pháp thì được pháp của Phật, dùng ma pháp thì được pháp của ma. Trồng nhân gì thì được quả đó, nhân như vầy, quả như vầy. Thế mà chúng sinh gặp đủ thứ cảnh giới mà không tự biết được, chỉ có Phật thấy như thật, triệt để thấu hiểu chúng sinh bậc thượng trung hạ, thấu suốt thủy chung trong ngoài tất cả sinh tử. Thế mà, chúng ta chúng sinh minh bạch sinh, mà chẳng hiểu rõ tử; minh bạch tử, mà chẳng minh bạch sinh. Chẳng biết bắt đầu cũng chẳng biết điểm cuối, vì chẳng thấu suốt mới có chướng ngại. Chỉ có Phật mới chân chánh thấu suốt chẳng có gì chướng ngại. Do đó, có bài kệ rằng:
‘’Nguyện tiêu ba chướng dứt phiền não
Nguyện được trí huệ hiểu chơn thật
Nguyện khắp tai chướng đều tiêu trừ
Ðời đời thường hành Bồ Tát đạo‘’.
Ba chướng là: Nghiệp chướng, báo chướng và phiền não chướng. Ý của bài kệ nầy là nguyện tất cả tai chướng khắp thế giới như động đất, nạn gió, nạn nước, nạn hạn hán, nạn lửa .v.v., đều tiêu trừ, lại nguyện đời đời kiếp kiếp đều tu Bồ Tát đạo.
Như bỉ hủy mộc tùng lâm chư dược thảo đẳng, nhi bất tự tri thượng trung hạ tánh. Như Lai tri thị nhất tướng nhất vị chi Pháp sở vị: giải thoát tướng, ly tướng, diệt tướng cứu cánh Niết Bàn thường tịch diệt tướng, chung quy ư không. Phật tri thị dĩ, quán chúng sanh tâm dục nhi tướng hộ chi, thị cố bất tức vị thuyết nhất thiết chủng trí. Nhữ đẳng,
Như cây cối lùm rừng các cỏ thuốc kia không tự biết tánh thượng trung hạ của nó. Ðức Như Lai biết pháp một tướng một vị ấy, nghĩa là: Tướng giải thoát, tướng xa lìa, tướng diệt, tướng rốt ráo Niết Bàn thường tịch diệt, trọn về nơi không, Phật biết như thế rồi xem xét tâm ưa muốn của chúng sanh mà dắt dìu nó, cho nên chẳng liền vì chúng vội nói ” nhứt thiết chủng trí. ”
Như các cây cối lùm rừng cỏ thuốc kia, chẳng tự biết tính thượng trung hạ. Như Lai biết pháp một tướng, một vị, đó là tướng giải thoát, tướng lìa khổ, tướng sinh diệt, tướng rốt ráo Niết bàn thường tịch diệt. Cuối cùng trở về không. Phật biết vậy rồi, bèn quán tâm mong muốn của chúng sinh, mà dìu dắt họ, cho nên chẳng vì họ vội nói Nhất thiết chủng trí.
Ca Diếp! Thậm vị hy hữu, năng tri Như Lai tùy nghi thuyết pháp, năng tín năng thọ. Sở dĩ giả hà? chư Phật Thế tôn tùy nghi thuyết pháp, nan giải nan tri.
Ca Diếp! Các ông rất là hi hữu, có thể biết rõ đức Như Lai tùy cơ nghi nói pháp, hay tin hay nhận. Vì sao? Vì các đức Phật Thế Tôn tùy cơ nghi nói pháp khó hiểu khó biết.
Ca Diếp! Các ông rất là hi hữu, biết Như Lai tùy nghi nói pháp, hay tin nhận thọ trì. Tại sao? Vì chư Phật Thế Tôn tùy nghi nói pháp, khó hiểu khó biết. Lúc đó, đức Thế Tôn muốn thuật lại nghĩa nầy, bèn nói bài kệ rằng:
Tất cả chúng sinh, đắc được sự thấm nhuần mưa pháp của Phật mà chẳng tự biết, đây cũng giống như cây cối lùm rừng, hoa, cỏ, cỏ thuốc, chẳng biết tính chất của mình có phân ra thượng trung hạ. Ðức Như Lai biết tâm tính của chúng sinh vốn đầy đủ tướng chân như. Pháp một vị, cùng tu hành chứng được diệu lý, gọi là pháp một vị.
‘’Tướng giải thoát‘’, bổn lai cũng chẳng có tướng giải thoát, chẳng lìa tướng, chẳng diệt tướng, chỉ vì chúng sinh có chấp trước, mới nói có tướng giải thoát. Tức nhiên ‘’lìa tướng‘’ sao còn có ‘’tướng‘’? Tóm lại, quét tất cả pháp, lìa tất cả tướng, một pháp cũng chẳng tồn tại, mới được rốt ráo Niết Bàn thường lạc ngã tịnh, tức là tướng thường tịch diệt, cho đến một cái diệt cũng chẳng có; cũng là tướng không, cho đến không cũng chẳng có. Phật biết tất cả tướng nầy, vốn chẳng có pháp có thể nói, vô tướng khả đắc, song trong tâm chúng sinh còn có tham dục, nếu ban đầu đối với họ nói gì cũng chẳng có, ‘’một pháp chẳng lập, vạn pháp đều không‘’, thì chúng sinh sẽ không tin, mà còn phỉ báng Phật pháp. Phật quán sát tâm của chúng sinh, họ có rất nhiều tập khí mao bệnh, muốn cho họ từ từ trừ khử tập khí thì họ mới tin; nếu muốn họ một phen trừ khử đi nhiều mao bệnh tập khí, để trở về không, thì không thể nào được. Cho nên, một mặt vì hộ trì Phật pháp, mặt kia cũng không để cho họ sinh tâm phỉ báng, do đó Phật chẳng vội vàng nói liền pháp Nhất thiết chủng trí. Nhất thiết chủng trí là thật tướng Bát Nhã, Phật thấy căn tính của chúng sinh chưa thành thục, nên chẳng nói thật tướng Bát Nhã.
Phật nói: ‘’Ca Diếp! Các ông hàng Thanh Văn rất là hi hữu. Tại sao? Vì các ông hiểu được Phật tùy theo cơ nghi, căn tính, nhân quả của chúng sinh, mà vì họ nói pháp, khiến cho tất cả chúng sinh tin nhận lãnh thọ, vì pháp của Phật nói là diệu pháp thù thắng vô thượng, song chẳng dễ gì minh bạch, cũng chẳng dễ gì hiểu được, cho nên Phật dùng tâm đại từ bi thuật lại nghĩa lý ở trên, bèn dùng kệ để nói.
Nhĩ thời Thế Tôn dục trọng tuyên thử nghỉa, nhi thuyết kệ ngôn:
Khi đó đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
Phá hữu pháp Vương, Pháp Vương phá các cõi
Xuất hiện thế gian, Hiện ra trong thế gian
Tùy chúng sanh dục, Theo tánh của chúng sanh
Chủng chủng thuyết Pháp. Dùng các cách nói pháp
Phá các cõi (hữu), ‘’hữu‘’ là gì? Nhân quả chẳng mất là hữu. Phật có thể phá được nhân quả, trước kia nhân quả của bạn trồng, lúc bạn học Phật rồi, thì có thể dừng lại. Trồng nhân lành được quả lành, trồng nhân ác được quả ác. Tại cảnh giới của chúng sinh mà nói, thì nhân quả đều là hữu. Thành Phật quả rồi, thì siêu việt được nhân quả, song đây tuyệt đối chẳng phải bát vô nhân quả. Phật đã vượt ra ‘’phá các cõi‘’.
‘’Pháp vương‘’ là vua của các pháp, cũng là vua thuyết pháp. Tương lai các bạn xuất gia thuyết pháp, cũng phải giống như vua của các pháp. Học âm thanh “bát âm tứ biết” của Phật. Bây giờ, giảng kinh thuyết pháp, cũng là thay thế vua của các pháp thuyết pháp. Phật là vì phá ‘’ngã‘’ mà xuất hiện ra đời, song vẫn phải tùy sở thích của chúng sinh, trước hết phải khiến cho họ hoan hỉ, sau mới nói đủ thứ pháp. Pháp của Phật nói được phân ra năm thời tám giáo.
Năm thời là:
- Thời Hoa Nghiêm.
- Thời A Hàm.
- Thời Phương Ðẳng.
- Thời Bát Nhã.
- Thời Pháp Hoa, Niết Bàn.
Tám giáo là: Tạng, thông, biệt, viên, đốn, tiệm, mật, bất định giáo.
Như Lai tôn trọng, Ðức Như Lai tôn trọng
Trí tuệ thâm viễn, Trí huệ rất sâu xa
Cửu mặc tư yếu, Lâu giữ pháp yếu này
Bất vụ tốc thuyết. Chẳng vội liền nói ra
Ðức Như Lai tôn trọng thật tướng Bát Nhã, tức cũng là cung kính hộ trì Bát nhã. Bát nhã là Bát nhã của chúng sinh, vì Bát nhã thật tướng nầy quá cao sâu, rộng lớn, chẳng đối cơ với một số hạng người tiểu thừa, cho nên không thể vì họ nói pháp đại thừa. Cho nên, từ thời Hoa Nghiêm đến thời Pháp Hoa Niết Bàn, trải qua hơn ba mươi năm, mà Phật chẳng nói thật giáo, chỉ nói quyền giáo. Thật giáo là thật tướng Bát nhã, chỉ một Phật thừa, chứ chẳng có thừa nào khác. Ðạo lý nầy rất lâu cũng không nói, vì sao không nói? Vì chúng sinh chẳng những không tin mà còn phỉ báng. Vì đây là pháp môn thù thắng tạm thời chẳng nói, đủ thấy Phật đầy đủ sức nhẫn nại.
Hữu trí nhược văn, Người trí nếu được nghe
Tức năng tín giải; Thời có thể tin hiểu,
Vô trí nghi hối, Kẻ không trí nghi hối
Tức vị vĩnh thất. Thời bèn là mất hẳn
Chúng sinh nào có trí huệ nghe được diệu pháp nầy rồi, thì sinh tâm tin nhận, biết đây là pháp đại thừa thì họ sẽ khai ngộ. Song, đối với kẻ vô trí mà nói thật pháp, thì họ sẽ sinh nghi hoặc, họ bảo pháp thật là pháp giả. Trong Phật giáo đại thừa, người vốn vô vật, cũng chẳng cần giải nói, vốn chẳng có tướng hợp, tự nhiên cũng chẳng có tướng lìa; vốn chẳng có tướng sinh cũng chẳng có tướng diệt. Nếu đối với kẻ vô trí mà nói các pháp đều là không, không, có phải gì cũng là không chăng? Chẳng có gì để học chăng?
Một khi họ sinh ra tâm nghi hoặc, thì đoạn trừ hạt giống đại thừa, tức cũng là đoạn hạt giống Phật, cũng là đoạn hạt giống chúng sinh, cho nên nói là ‘’Vĩnh viễn mất giống Phật‘’.
Thị cố Ca Diếp! Ca Diếp! Vì cớ đó
Tùy lực vị thuyết, Theo sức chúng nói pháp
Dĩ chủng chủng duyên, Dùng các món nhơn duyên
Lệnh đắc chánh kiến. Cho chúng đặng Chánh Kiến
Vì cớ đó, nầy Ca Diếp! Ông phải minh bạch Phật tùy theo phương tiện thiện xảo nói pháp, dùng đủ thứ pháp, đủ thứ duyên, khiến cho chúng sinh được chánh tri chánh kiến, chẳng sinh tà kiến.
Ca Diếp đương tri! Ca Diếp ông nên biết
Thí như đại vân, Thí như vừng mây lớn
Khởi ư thế gian, Nổi lên trong thế gian
Biến phước nhất thiết; Che trùm khắp tất cả
Ca Diếp! Các ông đều phải biết, Như Lai nói pháp giống như vầng mây lớn, xuất hiện nơi thế gian, ở trong hư không che khắp tất cả ba ngàn đại thiên thế giới.
Tuệ vân hàm nhuận, Mây trí huệ chứa nhuần
Điện quang hoảng diệu, Chớp nhoáng sáng chói lòa
Lôi thanh viễn chấn, Tiếng sấm xa vang động
Lệnh chúng duyệt dự. Khiến mọi loài vui đẹp
Vầng mây lớn nầy là vầng mây trí huệ, lượng mưa đượm nhuần tất cả tâm chúng sinh. Quang minh Phật giáo như ánh chớp chiếu sáng. Âm thanh Phật thuyết pháp như tiếng sấm chấn động, khiến cho trong tâm của chúng sinh vui đẹp.
Nhật quang yểm tế, Nhựt quang bị che khuất
Địa thượng thanh lương, Trên mặt đất mát mẻ
Ái đãi thùy bố, Mây mù sa bủa gần
Như khả thừa lãm. Dường có thể nắm tới.
Trí huệ quang minh của Phật, che lấp chín mươi lăm thứ tà quang của ngoại đạo. Phật lại dùng trí huệ mát mẻ, phá chín mươi sáu thứ phiền não trên thế gian. Mây che giăng mù mịt, đám mây rất dày, tựa như có thể dùng tay nắm bắt được.
Kỳ vũ phổ đẳng, Trận mưa đó khắp cùng
Tứ phương câu hạ, Bốn phương đều xối xuống
Lưu chú vô lượng, Dòng nước tuôn vô lượng
Suất độ sung hiệp. Cõi đất đều rút đầy
Trận mưa nầy đượm nhuần tất cả, bốn phương đều mưa xuống vô số lượng nước mưa, khắp lòng đất đều có nước mưa, hết thảy chúng sinh đều đượm nhuần được mưa pháp.
Sơn xuyên hiểm cốc, Nơi núi sông hang hiểm
U thúy sở sanh, Chỗ rậm rợp sanh ra
Hủy mộc dược thảo, Những cây cối cỏ thuốc
Đại tiểu chư thọ, Các thứ cây lớn nhỏ
‘’Nơi núi sông hang hiểm’’: Núi dụ cho đại Bồ Tát. Sông chỉ cho đại địa, hang hiểm chỉ nơi nguy hiểm.
‘’Chỗ thâm u sinh ra’’: Dụ cho chỗ đen tối sinh ra tất cả thực vật. Tam thảo nhị mộc nầy, tam thảo chỉ là người, trời, Thanh Văn Duyên Giác thừa. Nhị mộc dụ cho thông giáo và biệt giáo Bồ Tát, cây nhỏ là chỉ thông giáo Bồ Tát, cây lớn là chỉ biệt giáo Bồ Tát.
Bách cốc giá, Trăm giống lúa mộng mạ
Cam giá bồ đào, Các thứ mía cùng nho
Vũ chi sở nhuận, Nhờ nước mưa đượm nhuần
Vô bất phong túc, Thảy đều tươi tốt cả.
Lúa mộng mạ là chỉ tất cả chúng sinh, mía là dụ cho thiền định thần thông. Nho dụ cho Bát Nhã, có thể đoạn trừ các hoặc. Mưa đượm nhuần khiến cho cây cối đều tươi tốt.
Kiền địa phổ hiệp, Ðất khô khắp được rưới
Dược mộc tịnh mậu. Thuốc cây đều sum sê
Kỳ vân sở xuất, Vừng mây kia mưa xuống
Nhất vị chi thủy, Nước mưa thuần một vị
‘’Ðất khô khắp thấm nhuần’’: Chỉ cho chúng sinh chẳng nghe pháp, chẳng có căn lành, cũng được đượm nhuần. Thuốc cỏ và cây cối đều sum sê, vầng mây kia mưa xuống thuần một vị, là chỉ cho một thừa Phật pháp, khiến cho hết thảy chúng sinh đều được đượm nhuần.
Thảo mộc tùng lâm, Mà cỏ cây lùm rừng
Tùy phần thọ nhuận. Tất cả các giống cây
Nhất thiết chư thọ, Hạng thượng trung cùng hạ
Thượng trung hạ đẳng, Xứng theo tánh lớn nhỏ
Cây cối và cỏ thuốc tùy theo thân cây lớn nhỏ, tức cũng phân ra bậc thượng thì hấp thụ nước mưa bậc thượng, bậc trung thì hấp thụ nước mưa bậc trung, bậc hạ thì hấp thụ nước mưa bậc hạ.
Xưng kỳ đại tiểu, Tùy theo tính lớn nhỏ
Các đắc sanh trưởng, Ðều đặng sanh trưởng cả.
Căn hành chi diệp, Gốc thân nhánh và lá
Hoa quả quang sắc, Trổ bông trái sắc vàng
Mỗi thứ cây cối cỏ thuốc, đều được sinh trưởng đượm nhuần, thân gốc rễ cành lá, nhất là hoa quả, mỗi thứ đều hiển màu sắc của nó, trông rất xinh đẹp tốt tươi.
Nhất vũ sở cập, Một trận mưa rưới đến
Giai đắc tiên trạch. Cây cỏ đều thấm mướt
Như kỳ thể tướng, Theo thể tướng của nó
Tánh phần đại tiểu, Tánh loại chia lớn nhỏ
Sở nhuận thị nhất, Nước đượm nhuần vẫn một
Nhi các tư mậu. Mà đều được sum sê.
Tùy thể tướng và căn tính của cây cỏ, hoặc lớn hoặc nhỏ, nước mưa rưới xuống vẫn như nhau, song cây cối mỗi thứ đượm nhuần, tùy theo sức hấp thụ của nó.
Phật diệc như thị, Ðức Phật cũng như thế
Xuất hiện ư thế, Hiện ra nơi trong đời
Thí như đại vân, Ví như vầng mây lớn
Phổ phước nhất thiết. Che trùm khắp tất cả
Ký xuất vu thế, Ðã hiện ra trong đời
Vị chư chúng sanh, Bèn vì các chúng sanh
Phân biệt diễn thuyết, Phân biệt diễn nói bày
Chư Pháp chi thật. Nghĩa thật của các pháp
Ðức Phật cũng như thế, xuất hiện ra nơi đời, giống như vầng mây lớn, che trùm khắp hết thảy, vì chúng sinh diễn nói Phật pháp. Chúng sinh nghe minh bạch, thì trừ khử được mao bệnh tập khí, pháp thân trí huệ khai sáng, quang minh hiện ra mà chẳng tự biết. Ðức Phật vì người thế gian nói pháp thế gian, vì chư thiên nói pháp chư thiên, vì Thanh Văn nói pháp Thanh Văn, vì Duyên giác nói pháp Duyên giác, vì đại thừa nói pháp đại thừa. Phân biệt diễn nói, là quán căn cơ mà thí giáo, vì người thuyết pháp, tùy theo đủ thứ căn tính khác nhau, mà nói đủ thứ Phật pháp, tức là vì thật thí quyền. Trước kia dùng pháp quyền xảo phương tiện, đều vì muốn nói giáo nghĩa chân thật cuối cùng.
Đại thánh Thế Tôn , Ðấng Ðại Thánh Thế Tôn
Ư chư Thiên Nhân, Ở trong hàng trời người
Nhất thiết chúng trung, Nơi tất cả chúng hội
Nhi tuyên thị ngôn: Mà tuyên nói lời nầy:
Ngã vị Như Lai, Ta là bậc Như Lai
Lưỡng túc chi tôn, Là Ðấng lưỡng Túc Tôn
Xuất vu thế gian, Hiện ra nơi trong đời
Do như đại vân, Dường như vừng mây lớn
Sung nhuận nhất thiết. Thấm nhuần khắp tất cả
Khô cảo chúng sanh, Những chúng sanh khô khao
Giai lệnh ly khổ, Ðều làm cho lìa khổ
Đắc an ổn nhạo Ðặng an ổn vui sướng
Thế gian chi nhạo, Hưởng sự vui thế gian
Cập Niết Bàn nhạo. Cùng sự vui Niết Bàn.
Ðấng đại Thánh Thế Tôn, nơi chư thiên loài người, trong tất cả chúng sinh, tuyên nói: ‘’Ta là bậc Như Lai Ðấng Lưỡng Túc Tôn’’. Lưỡng Túc là:
- Phước đầy đủ: Tu đủ thứ công đức lành.
- Huệ đầy đủ: Có phước cũng phải tu huệ, tu sáu độ, bốn pháp nhiếp .v.v. Do đó, có câu:
‘’Tu phước chẳng tu huệ,
Thân voi mang chuỗi ngọc.
Tu huệ chẳng tu phước,
La Hán ôm bát không’’.
Nếu chỉ tu phước mà chẳng tu huệ, tích tụ rất nhiều phước báu, thành con voi lớn, trên thân thể đeo mang chuỗi ngọc quý giá, lại ích gì? Còn ngược lại, chỉ nghe kinh nói pháp, chẳng làm công đức, chẳng làm việc lành, thì tương lai chứng được quả A La Hán, ôm bình bát đi khất thực chẳng có ai cúng dường. Hôm nay có cơm ăn, ngày mai chẳng có cơm ăn, thường bị đói khác, đó là quả báo tu huệ chẳng tu phước. Cho nên, đức Phật phước huệ đều tu, phước đầy đủ, huệ đầy đủ, nên gọi là Lưỡng Túc Tôn, chứ chẳng phải là hai chân, vì tiếng tàu lưỡng là hai, túc là chân. Phật xuất hiện ra đời như vầng mây lớn, thấm nhuần tất cả chúng sinh. Chúng sinh đắc được nước pháp đượm nhuần, thì sẽ không khô khan.
Pháp vũ hay khiến cho chúng sinh, hưởng được sự vui thế gian và xuất thế gian.
Chư Thiên Nhân chúng, Các chúng trời người nầy
Nhất tâm thiện thính, Một lòng khéo lóng nghe
Giai ưng đáo thử, Ðều nên đến cả đây
Cận vô thượng tôn. Ra mắt đấng vô thượng.
Ngã vị Thế Tôn , Ta là đấng Thế Tôn
Vô năng cập giả, Không có ai bằng được
An ổn chúng sanh, Muốn an ổn chúng sanh
Cố hiện ư thế. Nên hiện ra trong đời
Vị Đại chúng thuyết, Vì các đại chúng nói
Cam lồ tịnh Pháp, Pháp cam lồ trong sạch
Kỳ Pháp nhất vị, Pháp đó thuần một vị
Giải thoát Niết Bàn. Giải thoát Niết Bàn thôi.
Dĩ nhất Diệu Âm, Dùng một giọng tiếng mầu
Diễn sướng tư nghĩa, Diễn xướng nghĩa nhiệm nầy
Thường vị Đại Thừa, Ðều thường vì Ðại Thừa
Nhi tác nhân duyên. Mà kết làm nhơn duyên.
Trời người đều nên đến đây, một lòng khéo nghe Phật pháp, lễ bái cung kính Phật. Ta là bậc tôn kính trong thế gian và xuất thế gian, cho nên chẳng có ai sánh bằng. Có bài kệ lễ Phật rằng:
‘’Thiên thượng thiên hạ vô như Phật,
Thập phương thế giới diệc vô tỉ,
Thế gian sở hữu ngã tận kiến,
Nhất thiết vô hữu như Phật giả.’’
Nghĩa là:
‘’Chư thiên loài người chẳng ai bằng Phật
Mười phương thế giới cũng chẳng sánh bằng
Hết thảy thế gian ta thấy hết
Tất cả chẳng có ai như Phật‘’.
Phật vì an ổn chúng sinh mà xuất hiện ra đời, vì đại chúng nói pháp cam lồ thanh tịnh. Pháp nầy là một thừa pháp, dùng một tiếng diệu âm diễn xướng nghĩa pháp đại thừa, dùng đủ thứ nhân duyên để nói nghĩa Phật pháp nầy.
Ngã quán nhất thiết, Ta xem tất cả chúng
Phổ giai bình đẳng, Khắp đều bình đẳng cả
Vô hữu bỉ thử, Không có lòng bỉ thử
Ái tăng chi tâm. Cùng với tâm thương ghét
Ta xem tất cả thảy đều bình đẳng, đủ thấy Phật rất từ bi. Phật chẳng nói: ‘’Ta chí cao vô thượng, chúa tể sáng tạo vạn vật.’’ Phật chỉ nói Ngài chuyển hóa vạn vật, khiến cho chúng sinh bỏ tà về chánh, bỏ tối về sáng. Phật chẳng nói: ‘’Ta là chánh, các vị đều là tà, các vị là do ta một tay sáng tạo‘’! Nếu tất cả là do chúa tể nào đó sáng tạo, thì sao lại cứ tạo những điều xấu? Nói thẳng ra là chẳng có tơ hào năng lực thuyết phục, hóa được người. Cho nên Ðức Phật chẳng nói Ngài tạo tất cả, mà là cứu độ tất cả. Ai chẳng minh bạch Phật pháp, thì khiến cho họ minh bạch Phật pháp, ai chẳng giác ngộ thì khiến cho họ giác ngộ. Tuy Phật độ chúng sinh, song chẳng có một chúng sinh có thể độ, đó mới là chân chánh bình đẳng.
Chẳng phân biệt đó đây, vì có đó thì có đây, có thương có ghét, khởi tâm niệm vui mừng, khởi sân hận chẳng vui mừng. Song, nếu chẳng vui cũng chẳng giận tất cả, chẳng có đó đây, thì chẳng có thương ghét. Nếu Thượng đế Ngài một mình làm được, còn ta không thể, thì học Ngài để làm gì?
Ngã vô tham trước, Ta chẳng có tham trước
Diệc vô hạn ngại, Cũng không có hạn ngại
Hằng vị nhất thiết, Hằng vì tất cả chúng
Bình đẳng thuyết Pháp. Mà bình đẳng nói pháp
Như vị nhất nhân, Như khi vì một người
Chúng đa diệc nhiên, Lúc chúng đông cũng vậy.
Thường diễn thuyết Pháp, Thường diễn nói pháp luôn
Tằng vô tha sự. Từng không việc gì khác
Phật nói ta chẳng có tham trước, tức chẳng có tâm thương ghét. Vì có thương thì có chấp, không thương thì ghét. Chẳng có tham trước, thì cũng chẳng có chướng ngại. Phật luôn luôn vì tất cả chúng sinh bình đẳng nói pháp, cũng giống như nói với một người. Cho nên, các bạn luyện tập thuyết pháp, đừng nói: ‘’Ngài thuyết pháp thì có nhiều người đến nghe, còn tôi thuyết pháp thì chẳng có ai đến nghe‘’! Ðó là chướng ngại, luôn luôn vì tất cả, một là tất cả, một người tức là nhiều người, nhiều người tức là nhiều người.
‘’Bình đẳng mà nói pháp’’: Nhiều chẳng biết nhiều, ít chẳng biết ít; không nhiều không ít, không xa không gần. Giống như tôi tại Hương cảng thuyết pháp, cũng là vì nước Mỹ thuyết pháp; tại nước Mỹ thuyết pháp, cũng là vì Hương Cảng thuyết pháp, đó là không gần không xa. Ðây là chân lý thật, chẳng có cười đùa, cũng chẳng có không cười đùa, đối với nhiều người cũng nói như thế, trừ khi hết hơi tôi mới không nói, bằng không còn sống, thì còn diễn thuyết pháp.
‘’Từng không việc gì khác’’. Thấm nhuần Phật pháp rồi, thì phải thuyết pháp, như các vị thọ Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni phải cung hành thực tiễn, làm mô phạm cho tốt. Khi mọi người nhìn vào thì thấy, Ồ! Làm Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni vốn là tốt như thế, khoái lạc như thế! Ðói chết cũng chẳng sợ, suốt ngày đến tối đều chẳng nóng giận, thường sinh tâm vui vẻ, trì giới tinh nghiêm. Do đó, xuất gia ở đây, xuất gia ở kia, mà vô lượng vô biên người đều đến đây xuất gia. Song, nếu bạn suốt ngày đến tối ngủ nghỉ li bì, ăn ngon mặc đẹp, thì Phật giáo ở nước Mỹ chẳng có ai tin. Cho nên, Phật giáo ở nước Mỹ mới bắt đầu, các bạn là người tiên phong, nên dũng mãnh tinh tấn vô úy khai thác. Tại nước Mỹ, đây là lần đầu tiên tiếp thọ Phật pháp đại thừa. Nếu họ hỏi các bạn thầy của các bạn là ai? Thì bạn nói là Phật Thích Ca Mâu Ni, đừng nói riêng một vị thầy nào khác, người khác hỏi bạn học Phật với ai? Thì bạn cũng nói học Phật với Ba La Ðề Mộc Xoa, bạn nói lấy Ba La Ðề Mộc Xoa làm thầy, đây chẳng phải là nói dối, vì Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng nói hãy lấy giới làm thầy.
Khứ lai tọa lập, Ngồi, đứng, hoặc đến, đi
Chung bất bì yếm, Trọn không hề nhàm mỏi
Sung túc thế gian, Ðầy đủ cho thế gian
Như vũ phổ nhuận. Như mưa khắp thấm nhuần
‘’Ngồi đứng hoặc đến đi‘’: Phật đi đứng nằm ngồi, bốn oai nghi đều nói pháp, chưa từng phóng dật. Ngài ngồi cũng nói pháp, đứng cũng nói pháp, cho đến ngủ cũng độ hóa chúng sinh, giáo hóa chúng sinh ngủ mộng.
‘’Ðầy đủ cho thế gian, như mưa thấm nhuần khắp’’. Tại sao phải nói pháp? Vì chúng sinh đang sắp chết khô, trước khi họ chưa chết, thì ban cho họ mưa pháp khiến cho họ sống lại.
Quý tiện thượng hạ, Sang hèn cùng thượng hạ
Trì giới hủy giới, Giữ giới hay phá giới
Uy nghi cụ túc, Oai nghi được đầy đủ
Cập bất cụ túc, Và chẳng được đầy đủ
‘’Kẻ sang, hèn, trên, dưới‘’: Chỉ người bậc trên là hạng sang làm quan chức, bậc dưới là thường dân. Trì giới hoặc phạm giới là chỉ người xuất gia. Oai nghi có ba ngàn, ‘’có uy đáng sợ, có nghi đáng kính’’: Ði đứng nằm ngồi bốn đại oai nghi, đều giữ được viên mãn, song nếu chẳng giữ giới, thì chẳng có bốn đại oai nghi.
Chánh kiến tà kiến, Người chánh kiến tà kiến
Lợi căn độn căn, Kẻ độn căn lợi căn
Đẳng vũ Pháp vũ, Khắp rưới cho mưa pháp
Nhi vô giải quyện. Mà không chút nhàm mỏi
Nhất thiết chúng sanh, Tất cả hàng chúng sanh
Văn ngã pháp giả, Ðược nghe pháp của ta
Tùy lực sở thọ, Tùy sức mình lãnh lấy
Trụ ư chư địa. Trụ ở các nơi các bực
‘’Chánh kiến và tà kiến’’: Nói lời chẳng chánh đáng là tà kiến. Chánh kiến là chẳng hợp lễ giáo thì đừng xem (phi lễ vật thị), chẳng hợp lễ giáo thì đừng nói (phi lễ vật ngôn). Nếu như chẳng hợp với lễ giáo, mà đi xem đi nghe là tà kiến.
‘’Lợi căn‘’: Là người thông minh, nghe pháp thì sẽ khai ngộ. ‘’Ðộn căn’’: Là kẻ ngu si, nghe rất nhiều về Phật pháp, nhưng vẫn chẳng biết Phật pháp là gì. Họ chẳng giữ giới, chẳng nhẫn nhục, chẳng tinh tấn, cũng chẳng thiền định, chẳng lãnh thọ được Phật pháp, còn Phật thì chẳng có tơ hào phân biệt, Phật chỉ mưa pháp vũ xuống khắp, để đượm nhuần chúng sinh. Phật nói pháp chẳng tiếc thân mạng, cũng chẳng mệt mỏi. Tất cả chúng sinh phi tiềm động thực, thai noãn thấp hóa, tùy theo thân của họ mà tiếp thọ lợi ích.
Hoặc xử nhân Thiên, Hoặc là ở trời, người
Chuyển luân Thánh Vương, Làm Chuyển Luân Thánh Vương
Thích Phạm chư Vương, Trời Thích, Phạm, các vua
Thị tiểu dược thảo. Ðó là cỏ thuốc nhỏ
Tri vô lậu Pháp, Hoặc rõ pháp vô lậu
Năng đắc Niết Bàn, Hay chứng đặng Niết Bàn
Khởi lục Thần thông, Khởi sáu pháp thần thông
Cập đắc tam minh, Và đặng ba món minh
‘’Hoặc ở trong trời người’’: Hoặc trụ ở nhân gian hoặc trên trời.
‘’Làm Chuyển Luân Thánh Vương‘’: Có kim, đồng, thiết, ngân, bốn vua chuyển luân. Kim luân vương cai trị bốn thiên hạ: Ðông Thắng Thần châu, Nam Thiệm Bộ Châu, Tây Ngưu Hoá Châu và Bắc Câu Lưu Châu.
Kim Luân Vương có bảy báu, toại tâm như ý, biến hóa vô cùng, các nước của Kim Luân vương cai trị, nhân dân đều giữ năm giới và làm mười điều lành.
Ngân Luân Vương cai trị ba thiên hạ, tức là Ðông Thắng Thần Châu, Nam Thiệm Bộ Châu và Tây Ngưu Hóa Châu. Ðồng Luân Vương quản lý Ðông, Nam, hai thiên hạ. Thiết Luân Vương quản lý một thiên hạ. Hiện tại chúng ta là Nam Thiệm Bộ Châu, nếu tất cả các nước hợp lại với nhau chọn ra một vị lãnh tụ, có thể nói là Thiết Luân Vương. Nếu như Thiết Luân Vương có thể tu hành thì có thể thành Phật. Ðức Phật lúc ban đầu nếu không tu hành, thì sẽ thành Kim Luân Vương.
Chuyển Luân Thánh Vương và các vua Thích, Phạm (vua Ðế Thích, vua Ðại Phạm Thiên), thuộc về cỏ thuốc nhỏ, có thể được pháp vô lậu và được Niết Bàn. Các Ngài hay khởi sáu thứ thần thông. Ba minh là Thiên nhãn minh, túc mạng minh và lậu tận minh.
Độc xử sơn lâm, Ở riêng trong núi rừng
Thường hành Thiền định, Thường hành môn thiền định
Đắc duyên giác chứng, Chứng đặng bực Duyên Giác
Thị trung dược thảo. Là cỏ thuốc bực trung.
Một mình ở trong thâm sơn cùng cốc tu hành, thường tu tập thiền định, đây là quả vị Thanh Văn Duyên Giác, là cỏ thưốc bậc trung.
Cầu Thế Tôn xứ, Hoặc cầu bực Thế Tôn
Ngã đương tác Phật, Ta sẽ đặng thành Phật
Hành tinh tấn định, Tu hành tinh tấn, định
Thị thượng dược thảo. Là cỏ thuốc bực thượng
Nếu có người đến chỗ đức Thế Tôn cầu Phật pháp, Biết mình nhất tâm tu hành thì tương lai sẽ thành Phật, tinh tấn tu thiền định, đó là cỏ thuốc bậc thượng.
Hựu chư Phật tử, Lại có hàng Phật tử
Chuyên tâm Phật đạo, Chuyên tâm nơi Phật đạo
Thường hành từ bi, Thường thật hành từ bi
Tự tri tác Phật, Tự biết mình làm Phật
Lại có các Phật tử chuyên tâm học Phật, thường tu hạnh từ bi, biết mình tương lai cũng sẽ thành Phật.
Quyết định vô nghi, Quyết định không còn nghi
Thị danh tiểu thụ. Gọi đó là cây nhỏ.
An trụ thần thông, Hoặc an trụ thần thông
Chuyển bất thoái luân, Chuyển bất thối pháp luân
Độ vô lượng ức, Ðộ vô lượng muôn ức
Bách Thiên chúng sanh, Trăm nghìn loài chúng sanh
Như thị Bồ Tát, Bồ Tát hạng như thế
Danh vi Đại thọ. Gọi đó là cây lớn
Chẳng có tơ hào hoài nghi, đây là cây nhỏ, tức là thông giáo Bồ Tát. An trụ sức đại thần thông, chuyển pháp luân bất thối, giảng Kinh thuyết pháp, lợi khắp trời người, vĩnh viễn chẳng thối tâm, giáo hoá vô lượng ức chúng sinh, chẳng sợ hạnh khổ gian nan, đây là đại Bồ Tát, dụ cho cây lớn.
Phật bình đẳng thuyết, Phật chỉ bình đẳng nói
Như nhất vị vũ; Như nước mưa một vị
Tùy chúng sanh tánh, Theo căn tánh chúng sanh
Sở thọ bất đồng, Mà hưởng thọ không đồng
Như bỉ thảo mộc, Như những cỏ cây kia
Sở bẩm các dị. Ðược đượm nhuần đều khác
Phật dĩ thử dụ, Phật dùng món dụ nầy
Phương tiện khai thị, Ðể phương tiện chỉ bày
Chủng chủng ngôn từ, Các thứ lời lẽ hay
Diễn thuyết nhất pháp, Ðều diễn nói một pháp
Ư Phật trí tuệ, Ở nơi trí huệ Phật
Như hải nhất đế. Như một giọt trong biển.
Ngã vũ Pháp vũ, Ta rưới trận mưa pháp
Sung mãn thế gian, Ðầy đủ khắp thế gian
Nhất vị chi Pháp, Pháp mầu thuần một vị
Tùy lực tu hành. Tùy sức riêng tu hành,
Như bỉ tùng lâm, Như thể lùm rừng kia
Dược thảo chư thọ, Và cỏ thuốc những cây
Tùy kỳ đại tiểu, Tùy giống lớn hay nhỏ
Tiệm tăng mậu hảo. Lần lần thêm sum sê
Pháp của Phật nói là bình đẳng, như một vầng mây mưa xuống thuần một vị, song tùy theo căn cơ của chúng sinh khác nhau, như cỏ thuốc nhỏ, lùm rừng, cây lớn và cây nhỏ, đều đắc được lợi ích. Cho nên Phật dùng pháp phương tiện để khai thị, dùng đủ thứ lời lẽ nói diệu pháp nhất thừa. Nơi trí huệ của Phật, đây chỉ là một giọt nước trong biển mà thôi. Trí huệ của Phật vô lượng vô biên, pháp được nói ra, cũng giống như một giọt trong biển cả, mà nước thì vô lượng vô biên, cho nên nói pháp vũ của Phật nói, đầy khắp chúng sinh thế gian. Diệu pháp nhất thừa, tùy theo sức tu hành của chúng sinh, cũng giống như cỏ thuốc các cây cối lùm rừng, tùy theo thân lớn nhỏ và hấp thụ lượng nước, mà lớn lên sum sê tươi tốt.
Chư Phật chi Pháp, Pháp của các đức Phật
Thường dĩ nhất vị, Thường dùng thuần một vị
Lệnh chư thế gian, Khiến cho các thế gian
Phổ đắc cụ túc, Ðều khắp đặng đầy đủ
Tiệm thứ tu hành, Lần lựa siêng tu hành
Giai đắc đạo quả. Rồi đều đặng đạo quả.
Thanh văn Duyên giác, Hàng Thanh Văn, Duyên Giác,
Xử ư sơn lâm, Ở nơi chốn núi rừng,
Trụ tối hậu thân, Trụ thân hình rốt sau
Văn Pháp đắc quả, Nghe Phật pháp đặng quả
Thị danh dược thảo, Ðó gọi là cỏ thuốc
Các đắc tăng trưởng. Thảy đều được lớn lên
Nhược chư Bồ Tát, Nếu các vị Bồ Tát
Trí tuệ kiên cố, Trí huệ rất vững bền
Liễu đạt tam giới, Rõ suốt cả ba cõi
Cầu tối thượng thừa, Cầu đặng thừa tối thượng
Thị danh tiểu thụ, Ðó gọi là cây nhỏ
Nhi đắc tăng trưởng. Mà đặng thêm lớn tốt.
Phục hữu trụ Thiền, Lại có vị trụ thiền
Đắc thần thông lực, Ðặng sức thần thông lớn
Văn chư pháp không, Nghe nói các pháp không
Tâm đại hoan hỉ, Lòng rất sanh vui mừng
Phóng vô số quang, Phóng vô số hào quang
Độ chư chúng sanh, Ðộ các loài chúng sanh
Thị danh Đại thọ, Ðó gọi là cây lớn
Nhi đắc tăng trưởng. Mà đặng thêm lớn tốt
Diệu pháp của chư Phật thường chỉ thuần một vị, khiến cho các thế gian cũng đắc được đầy đủ, từng chút từng chút dần dần tu hành đều sẽ thành đạo chứng quả. Còn có hàng Thanh Văn Duyên Giác, chứng tứ quả A La Hán ở trong núi rừng chẳng thọ sinh tử, tức là thân cuối cùng, các ngài nghe pháp mà chứng quả, dụ cho cỏ thuốc được lượng nước mưa mà sinh trưởng lớn lên. Các vị Bồ Tát trí huệ kiên cố, thấu suốt ba cõi (cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc), cầu chứng tối thượng thừa, dụ cho cây nhỏ, cũng đắc được lượng nước mà lớn lên. Còn có những vị trụ ở trong thiền định, có sức thần thông, khi nghe được các pháp không tướng, thì trong tâm rất vui mừng, phóng vô số quang minh cứu độ tất cả chúng sinh, dụ cho cây lớn, cũng hấp thụ được lượng nước mưa mà lớn lên.
Như thị Ca Diếp! Như thế, Ca Diếp này!
Phật sở thuyết pháp, Ðức Phật nói pháp ra
Thí như đại vân, Thí như vừng mây lớn
Dĩ nhất vị vũ, Dùng nước mưa một vị
Nhuận ư nhân hoa, Ðượm nhuần nơi hoa người
Các đắc thành thật. Ðều đặng kết trái cả.
Ca Diếp đương tri! Ca Diếp ông phải biết
Dĩ chư nhân duyên, Ta dùng các nhơn duyên
Chủng chủng thí dụ, Các món thí dụ thảy
Khai thị Phật đạo, Ðể chỉ bày đạo Phật
Thị ngã phương tiện, Ðó là ta phương tiện
Chư Phật diệc nhiên. Các đức Phật cũng thế
Kim vị nhữ đẳng, Nay ta vì các ông
Thuyết tối thật sự: Nói việc rất chơn thiệt
Chư Thanh văn chúng, Các chúng thuộc Thanh Văn
Giai phi diệt độ. Ðều chẳng phải diệt độ
Nhữ đẳng sở hạnh, Chỗ các ông tu hành
Thị Bồ Tát đạo, Là đạo của Bồ Tát
Tiệm tiệm tu học, Lần lần tu học xong
Tất đương thành Phật. Thảy đều sẽ thành Phật.
Ca Diếp! Pháp của Phật nói giống như vầng mây lớn, dùng một thừa mưa pháp, đượm nhuần nơi hoa người, tất cả mọi người thảy đều sẽ thành Phật.
Ca Diếp! Ông nên biết, dùng tất cả nhân duyên và đủ thứ ví dụ, để mở bày con đường cho chúng sinh thành Phật, là phương tiện của ta, mười phương chư Phật cũng như thế. Hiện tại, ta vì các ông nói pháp chân thật nhất. Hàng nhị thừa chưa được pháp chân chính, chỉ chứng được hữu dư Niết Bàn, chẳng phải là vô dư Niết Bàn, chưa thật sự diệt độ.
Song, các ông thực hành đều là Bồ Tát đạo, nếu hằng ngày từ từ tu hành, thì tương lai chắc chắn sẽ thành Phật. Ðây là Phật vì Ngài Ca Diếp và các đệ tử lớn, đưa ra ví dụ tam thảo nhị mộc, tán dương pháp đại thừa, như vầng mây lớn mưa xuống, thảy đều bình đẳng, đượm nhuần các loài chúng sinh, tùy theo căn tính khác nhau, khiến cho họ đều được lợi ích đượm nhuần tăng trưởng.