Kinh Pháp Hoa – Phẩm Khuyến Phát Của Bồ Tát Phổ Hiền

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ Tát Pháp

Phật Sở Hộ Niệm

phụng chiếu dịch

Diêu Tần Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập

Giảng Giải:

Hoà Thượng Tuyên Hoá

— o0o —

Phẩm Khuyến Phát Của Bồ Tát Phổ Hiền

Phổ Hiền tiếng phạn là ‘’Tam ạn đa bạt đà la’’. Tam mạn dịch là Phổ, bạt đà la dịch là Hiền, do đó :

‘’Thể tính khắp cùng là phổ,
Tùy duyên thành đức là hiền.’’

Lại dịch là Biến Cát, biến (khắp) tức là phổ, cát tức là hiền. Tuy danh từ khác nhau, nhưng ý nghĩa như nhau. Ðịa vị của Bồ Tát Phổ Hiền chỉ khác Phật chút chút. Giống như trăng ngày mười bốn so với trăng rằm, chỉ sai một chút về tròn sáng.

Bồ Tát Phổ Hiền là một trong bốn đại Bồ Tát, địa vị rất cao. Ngài ủng hộ Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni nói pháp, ở trong hội Hoa Nghiêm thì Ngài là thuyết pháp chủ. Có Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, phát mười đại nguyện vương, đó là pháp môn Bồ Tát phải tu.

Trong hội Pháp Hoa, Bồ Tát Phổ Hiền hướng về đại chúng pháp hội nói sau cùng, khuyên đại chúng phát bồ đề tâm, thọ trì Kinh Pháp Hoa, đọc tụng Kinh Pháp Hoa, giải nói Kinh Pháp Hoa, biên chép Kinh Pháp Hoa. Tóm lại, khiến cho đại chúng cúng dường, lễ bái, khen ngợi, ấn tụng, truyền bá Kinh Pháp Hoa, thì chắc chắn có công đức không thể nghĩ bàn.

Bồ Tát Phổ Hiền tu hành tinh tấn nhất, chẳng những nguyện lớn mà hạnh cũng lớn. Ðem thân phận và địa vị của Ngài khuyên đại chúng phát tâm ủng hộ Kinh Pháp Hoa, thì đại chúng chắc chắn sẽ tin lời của Ngài nói mà y pháp tu hành. Phẩm này là phẩm cuối cùng của Kinh Pháp Hoa, cho nên là Phẩm Khuyến Phát của Bồ Tát Phổ Hiền thứ hai mươi tám.

Ðã giảng Kinh Pháp Hoa hết mười bốn tháng. Hôm nay (ngày 5 tháng 3 năm 1971) giảng đến phẩm hai mươi tám gần hết.
Tiếp theo là giảng Kinh Hoa Nghiêm Ðại Phương Quảng Phật, do đó có câu :

‘’Chẳng đọc Kinh Hoa Nghiêm,
Chẳng biết Phật giàu sang thật.’’

Sự giàu sang của Phật, nằm hết ở trong Kinh Hoa Nghiêm. Kinh đó đạo lý vô cùng vô tận, hy vọng mọi người đừng bỏ lỡ cơ hội nghe Kinh Hoa Nghiêm.

 

Nhĩ thời Phổ Hiền Bồ Tát, dĩ tự tại thần thông lực, uy đức danh văn, dữ đại Bồ Tát vô lượng vô biên bất khả xưng số, tùng Đông phương lai. Sở kinh chư quốc, phổ giai chấn động.

Bấy giờ, Bồ Tát Phổ Hiền dùng sức thần thông tự tại, uy đức danh văn, cùng với các đại Bồ Tát, vô lượng vô biên không thể tính đếm. Từ phương đông đến, các cõi nước đi qua thảy đều chấn động.

Khi nói Phẩm Khuyết Phát của Bồ Tát Phổ Hiền, thì Bồ Tát Phổ Hiền dùng sức thần thông tự tại, có uy đức có danh văn. Ngài và các đại Bồ Tát số nhiều vô lượng vô biên, từ phương đông đến pháp hội Linh Sơn, thế giới Ta Bà, Nam Diêm Phù Ðề. (Bồ Tát Phổ Hiền nương chân lý mà ở, nên chẳng có một cõi nước cố định). Tất cả các cõi nước mà Ngài đi qua, thảy đều phát sinh chấn động, biểu thị sáu căn của tất cả chúng sinh đều thanh tịnh.

 

Vũ bảo liên hoa, tác vô lượng bách Thiên vạn ức chủng chủng kỹ nhạc.

Mưa xuống các hoa sen báu, vang lên vô lượng trăm ngàn vạn ức các thứ âm nhạc.

Bồ Tát Phổ Hiền và vô lượng các đại Bồ Tát đi ngang qua các cõi nước, chẳng những có sáu thứ chấn động, mà hư không còn mưa xuống các hoa sen báu, ở trong hư không còn vang lên vô lượng trăm ngàn vạn ức các thứ âm nhạc, rất là êm tai, khiến cho người nghe hoặc thấy được, đều sinh tâm niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng.

 

Hựu dữ vô số chư Thiên, Long, dạ xoa, Càn thát bà, A Tu La, Ca Lâu La, khẩn na la, Ma hầu la già, nhân phi nhân đẳng, đại chúng vi nhiễu, các hiện uy đức thần thông chi lực, đáo Ta Bà thế giới Kì xà Quật sơn trung.

Cùng với vô số các hàng trời, rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, người và chẳng phải người, hết thảy đều vây quanh, ai nấy đều hiện sức thần thông oai đức, đến núi Kỳ xà quật ở thế giới Ta Bà.

Bồ Tát Phổ Hiền cùng với các chúng trời, rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, người và chẳng phải người, hết thảy đại chúng vây quanh, ai nấy đều hiện ra thần thông oai đức, đến núi Kỳ xà quật ở thế giới Ta Bà.

 

Đầu diện lễ Thích Ca Mâu Ni Phật, hữu nhiễu thất tạp, bạch Phật ngôn: “Thế Tôn , ngã ư bảo uy đức thượng Vương Phật quốc, dao văn thử Ta Bà thế giới thuyết Pháp Hoa Kinh, dữ vô lượng vô biên bách Thiên vạn ức chư Bồ Tát chúng cọng lai thính thọ, duy nguyện Thế Tôn  đương vi thuyết chi.

Ðến rồi, đại chúng đều đảnh lễ đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nhiễu bên phải bảy vòng, bèn bạch Phật rằng : ‘’Ðức Thế Tôn ! Con ở cõi nước của đức Phật Bảo Oai Ðức Thượng Vương, xa nghe thế giới Ta Bà này nói Kinh Pháp Hoa, nên con và vô lượng trăm ngàn vạn ức các chúng Bồ Tát cùng nhau đến nghe.

Bồ Tát Phổ Hiền đến pháp hội Linh Sön, cùng với đại chúng năm thể sát đãt, đảnh lễ Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, và nhiễu bên phải Ðức Phật bảy vòng. Biểu thị bảy bồ đề phần. Sau đó, bạch với Phật rằng : ‘’Ðức Thế Tôn ! Con ở trong cõi nước của Ðức Phật Bảo Oai Thượng Vương, xa nghe ở thế giới Ta Bà nói Kinh Pháp Hoa. Chúng con vô lượng các đại chúng Bồ Tát, cùng nhau đến pháp hội Linh Sơn để nghe Kinh Pháp Hoa.’’

 

Nhược Thiện nam tử, thiện nữ nhân, ư Như Lai diệt hậu, vân hà năng đắc thị Pháp Hoa Kinh?”

Xin đức Thế Tôn, hãy vì đại chúng mà nói. Nếu có người thiện nam, người thiện nữ, sau khi Như Lai diệt độ, làm sao có thể được Kinh Pháp Hoa này ?

Bồ Tát Phổ Hiền và vô lượng các Bồ Tát nói : ‘’Xin Ðức Thế Tôn từ bi, hãy vì chúng con đại chúng mà nói. Nếu như có người thiện nam người thiện nữ, sau khi Như Lai diệt độ, thì họ làm thế nào có thể được Kinh Pháp Hoa này ? Làm sao được thọ trì Kinh Pháp Hoa này ?

 

Phật cáo Phổ Hiền Bồ Tát: “Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân, thành tựu tứ pháp, ư Như Lai diệt hậu, đương đắc thị Pháp Hoa Kinh:

Ðức Phật bảo Bồ Tát Phổ Hiền : Nếu người thiện nam, người thiện nữ, thành tựu bốn pháp này, thì sau khi Như Lai diệt độ, sẽ được Kinh Pháp Hoa này.

Ðức Phật Thích Ca nói với Bồ Tát Phổ Hiền : ‘’Phổ Hiền ! Nếu có người nam làm thiện, người nữ làm thiện, họ thành tựu bốn pháp này, thì sau khi Như Lai diệt độ, tự nhiên họ sẽ được Kinh Pháp Hoa này.’’

 

Nhất giả, vi chư Phật hộ niệm, nhị giả, thực chúng đức bổn, tam giả, nhập chánh định tụ, tứ giả, phát Cứu nhất thiết chúng sanh chi tâm.” Thiện nam tử, thiện nữ nhân, như thị thành tựu tứ pháp, ư Như Lai diệt hậu, tất đắc thị Kinh.

Một là được chư Phật hộ niệm. Hai là đã gieo trồng các gốc công đức. Ba là vào chánh định tụ. Bốn là phát tâm cứu độ tất cả chúng sinh. Người thiện nam, người thiện nữ, thành tựu bốn pháp như thế, thì sau khi Như Lai diệt độ, sẽ được Kinh Pháp Hoa.

Bốn pháp này tức là :

1). Ðược chư Phật hộ niệm : Làm thế nào mới được chư Phật hộ niệm ? Tức là phải thọ trì Kinh Pháp Hoa, và tu trì các thứ pháp lành, đây là thường.

2). Trồng các gốc công đức : Tức là gieo trồng các căn lành, tu các pháp lành, đây là lạc.

3). Vào chánh định tụ : Tức là vào sâu trong chánh định tụ, đây là thật ngã.

4). Phát tâm cứu độ tất cả chúng sinh, đây là tịnh.

Nếu như người nam tu thiện, người nữ tu thiện, thành tựu được bốn pháp này, thì sau khi Như Lai diệt độ, chắc chắn sẽ được Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Bốn pháp này, có thể nói là bốn an lạc hạnh, được chư Phật hộ niệm là thân an lạc hạnh, trồng các gốc công đức là khẩu an lạc hạnh, vào chánh định tụ là ý an lạc hạnh, phát tâm cứu độ tất cả chúng sinh là nguyện an lạc hạnh.

Lại có thể nói là được chư Phật hộ niệm, và vào chánh định tụ, hai pháp này là mặc y Như Lai. Trồng các gốc công đức là ngồi tòa Như Lai. Phát tâm cứu hộ tất cả chúng sinh là vào nhà Như Lai. Bốn pháp này là khai thị ngộ nhập vào tri kiến của Phật. Ðược chư Phật hộ niệm là khai mở sự thấy của Phật; gieo trồng các gốc công đức là mở bày tri kiến của Phật; vào chánh định tụ là vào tri kiến của Phật; phát tâm cứu hộ tất cả chúng sinh là ngộ tri kiến của Phật.

 

Nhĩ thời Phổ Hiền Bồ Tát bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Ư hậu ngũ bách tuế, trược ác thế trung, kỳ hữu thọ trì thị Kinh điển giả, ngã đương thủ hộ, trừ kỳ suy hoạn, lệnh đắc an ổn, sử vô tý cầu đắc kỳ tiện giả.

Bấy giờ, Bồ Tát Phổ Hiền bạch Phật rằng : Ðức Thế Tôn ! Vào đời ác trược năm trăm năm sau, như có người thọ trì kinh điển này, thì con sẽ bảo hộ người đó, trừ diệt mọi tai nạn, khiến cho họ được an ổn, làm cho thiên ma ngoại đạo chẳng được tiện lợi, xâm phạm người đó.

Lúc đó, Bồ Tát Phổ Hiền nói với Ðức Phật Thích Ca rằng : ‘’Ðức Thế Tôn ! Vào đời ác năm trược năm trăm năm sau, như có ai thọ trì, đọc tụng giải nói, biên chép, cúng dường, lễ bái, ủng hộ, ấn tống kinh, truyền bá Kinh Pháp Hoa, thì con (Bồ Tát Phổ Hiền) phát nguyện bảo hộ người đó, diệt trừ tất cả tai nạn chẳng cát tường của người đó, khiến cho họ được an ổn, làm cho thiên ma ngoại đạo, quỷ thần chẳng tìm được cơ hội, chẳng tiện lợi xâm phạm người thọ trì Kinh Pháp Hoa.’’

Sau khi Phật diệt độ, năm trăm năm đầu tiên là thời kỳ giải thoát kiên cố, ai ai biết tu hành thì đều được giải thoát. Năm trăm năm kế tiếp, là thời kỳ thiền định kiên cố, ai ai cũng tu tập thiền định. Năm trăm năm thứ ba là thời kỳ chùa tháp kiên cố, ai ai cũng xây chùa tạo tháp làm công đức. Năm trăm năm thứ tư là thời kỳ đa văn kiên cố, ai ai cũng nghiên cứu kinh nghĩa, nhưng chẳng chú trọng tu hành. Năm trăm năm thứ năm là thời kỳ đấu tranh kiên cố, người vào thời đại mạt pháp chỉ biết đấu tranh, chẳng biết tu hành. Tức là chỉ người vào thời kỳ hiện tại này, bạn tranh tôi giành. Tại sao ? Là vì danh vì lợi.

 

Nhược ma, nhược ma tử, nhược ma nữ, nhược ma dân, nhược vị ma sở trước giả, nhược dạ xoa, nhược La sát, nhược cưu bàn trà, nhược tỳ xá đồ, nhược cát già, nhược phú đan na, nhược vi đà La đẳng, chư não nhân giả, giai bất đắc tiện.”

Nếu ma, hoặc con trai của ma, hoặc con gái của ma, hoặc dân ma, hoặc có người bị ma mê hoặc, hoặc dạ xoa, hoặc la sát, cưu bàn trà, tỳ xá xà, cát giá, phú đơn na, vĩ đà la, hết thảy muốn não hại người, thì chẳng được tiện lợi.

Hoặc là Ma Vương, con trai của ma, con gái của ma, dân ma, người bị ma mê hoặc mất đi tri giác, tinh thần hoảng hốt, ý chí chẳng tỉnh táo, miệng nói lảm nhảm, nói những việc quái dị. Hoặc dạ xoa, la sát, cưu bàn trà (quỷ cái vò), tỳ xá xà (quỷ ăn tinh), cát giá (quỷ ăn tử thi), phú đơn na (quỷ hôi thối), vĩ đà la (quỷ yểm đảo), những loài quỷ này dùng chú để chi phối người, khiến cho người đi xâm hủy người khác. Con sẽ khiến cho những thiên ma ác quỷ đó, chẳng được cơ hội não hại người thọ trì Kinh Pháp Hoa.

 

Thị nhân nhược hạnh, nhược lập, độc tụng thử Kinh, ngã nhĩ thời thừa lục nha bạch tượng Vương, dữ đại Bồ Tát chúng câu nghệ kỳ sở, nhi tự hiện thân, cúng dường thủ hộ, an uý kỳ tâm, diệc vi cúng dường Pháp Hoa Kinh cố.

Người đó, nếu đi hoặc đứng đọc tụng kinh này, thì lúc đó con sẽ cỡi voi chúa trắng sáu ngà, cùng với chúng đại Bồ Tát, cùng đi đến chỗ người đó, mà tự hiện thân, cúng dường bảo hộ an ủi tâm của người đó, và cũng vì cúng dường Kinh Pháp Hoa.

Bồ Tát Phổ Hiền lại nói : ‘’Nếu người đó, đi hoặc đứng mà tụng Kinh Pháp Hoa, thì lúc đó con sẽ cỡi voi chúa trắng sáu ngà (sáu ngà đại biểu cho sáu độ), cùng với tất cả chúng đại Bồ Tát, cùng nhau đi đến chỗ người đó thọ trì Kinh Pháp Hoa. Tự hiện thân để cúng dường chư Phật và bảo hộ người thọ trì Kinh Pháp Hoa, dùng tâm khen ngợi an ủu họ, chủ yếu cũng là cúng dường Kinh Pháp Hoa.’’

 

Thị nhân nhược tọa, tư tánh thử Kinh, nhĩ thời ngã phục thừa bạch Tượng Vương hiện kỳ nhân tiền, kỳ nhân nhược ư Pháp Hoa Kinh hữu sở vong thất nhất cú nhất kệ, ngã đương giáo chi, dữ cọng độc tụng, hoàn lệnh thông lợi.

Nếu người đó ngồi suy nghĩ về kinh này, thì lúc đó con cũng sẽ cỡi voi chúa trắng hiện thân ở trước người đó. Nếu người đó ở nơi Kinh Pháp Hoa, có quên mất một câu, một bài kệ, thì con sẽ chỉ dạy họ, hoặc cùng đọc tụng với họ, khiến cho họ thông đạt.

‘’Nếu người đó, ngồi một lòng suy nghĩ về chỗ chẳng thấy thân thể của con, khiến họ sinh tâm đại hoan hỉ, so với trước càng tinh tấn dụng công tu hành. Vì thấy được thân con, nên liền đắc được tam muội (chánh định), lại đắc được đà la ni (tổng trì), tên là toàn đà la ni.

Toàn đà la ni do một nghĩa mà minh bạch nhiều nghĩa, do nhiều nghĩa mà quy về một nghĩa, do đó :

‘’Một làm vô lượng, vô lượng làm một’’.

Nhĩ thời thọ trì đọc tụng Pháp Hoa Kinh giả, đắc kiến ngã thân, thậm đại hoan hỉ, chuyển phục tinh tấn, dĩ kiến ngã cố, tức đắc tam muội cập Đà La Ni, danh vi toàn Đà La Ni, bách Thiên vạn ức toàn Đà La Ni, pháp âm phương tiện Đà La Ni, đắc như thị đẳng Đà La Ni.

Có trăm ngàn vạn ức đà la ni, đều thông đạt vô ngại. Lại có pháp âm phương tiện đà la ni. Người thọ trì Kinh Pháp Hoa, hay đắc được những đà la ni như đã nói ở trên‘’.

 

Thế Tôn! Nhược hậu thế hậu ngũ bách tuế, trược ác thế cầu tác giả, thọ trì giả, độc tụng giả, thư tả giả, dục tu tập thị Pháp Hoa Kinh, ư tam thất nhật trung, ưng nhất tâm tinh tấn.mãn tam thất nhật dĩ, ngã đương thừa lục nha bạch tượng, dữ vô lượng Bồ Tát nhi tự vi nhiễu, dĩ nhất thiết chúng sanh sở Hỉ Kiến thân, hiện kỳ nhân tiền, nhi vi thuyết Pháp, thị giáo lợi hỉ.

Ðức Thế Tôn ! Nếu đời sau này, vào đời ác trược, năm trăm năm sau, có hàng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ nào, thọ trì, đọc tụng, biên chép, muốn tu tập Kinh Pháp Hoa này, trong hai mươi mốt ngày, một lòng tinh tấn, mãn hai mươi mốt ngày rồi, con sẽ cỡi voi trắng sáu ngà, cùng với vô lượng chúng Bồ Tát mà tự vây quanh, dùng tất cả thân mà chúng sinh thích thấy, để hiện ra ở trước người đó, mà vì họ nói pháp, khai thị giáo hóa, khiến cho họ được lợi ích, hoan hỉ.

Bồ Tát Phổ Hiền lại gọi một tiếng : ‘’ Ðức Thế Tôn ! Nếu như năm trăm năm sau, vào đời ác năm trược, có hàng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ nào, thọ trì Kinh Pháp Hoa, đọc tụng Kinh Pháp Hoa, hoặc biên chép Kinh Pháp Hoa. Muốn y theo pháp trong Kinh Pháp Hoa mà tu tập, nội trong hai mươi mốt ngày, chuyên tâm dũng mãnh tinh tấn, chẳng giải đãi, tu mãn hai mươi mốt ngày rồi, thì con sẽ voi chúa trắng sáu ngà, cùng với vô lượng chúng Bồ Tát, tự vây quanh, dùng tất cả thân mà chúng sinh ưa thấy, để hiện ra ở trước người đó, mà vì họ nói pháp của Kinh Pháp Hoa, khai thị, giáo hóa họ, khiến cho họ được lợi ích, được hoan hỉ.’’

Tại sao phải nói là hai mươi mốt ngày ? Vì thân thể của con người, sau bảy ngày thì có tiểu biến hóa (tiểu quang minh). Sau mười bốn ngày thì có trung biến hóa (trung quang minh). Sau hai mươi mốt ngày thì có đại biến hóa (đại quang minh). Nếu trì chánh pháp thì đen tối (vô minh) sẽ biến thành quang minh (trí huệ), do đó : ‘’Một ngọn đèn trừ diệt được ngàn năm đen tối, một khi khai mở trí huệ thì tiêu diệt được vạn năm ngu si.’’ Vô minh tiêu diệt rồi, thì trí huệ sẽ hiện tiền. Tu đạo tức là diệt vô minh hiển pháp tính.

Hôm nay kể chuyện về trì tụng, và biên chép Kinh Pháp Hoa.

Trước kia, có một vị pháp sư phát tâm biên chép Kinh Pháp Hoa. Một số người biên chép kinh này, thì đa số đều dung mực để biên chép kinh, song vị pháp sư đó dùng máu của chính mình để biên chép kinh. Vì kiền thành đến cực điểm, nên có cảm ứng, do đó :

‘’Tin thành đến mức, vàng đá cũng tan.’’

Khi pháp sư đó biên xong Kinh Pháp Hoa rồi, thì đến ao nước rửa bút, cảnh giới bèn hiện ra, nước trong ao sinh ra hoa sen. Cảnh giới này diệu không thể tả. Lại có một vị pháp sư, mỗi ngày đều chí thành tụng Kinh Pháp Hoa, chưa bao giờ gián đoạn. Một ngày nọ, trong chùa có một con bò (chỗ làm ruộng) đột nhiên chết. Ðêm đó vị pháp sư mộng thấy con bò nói rằng : ‘’Tôi là mẹ của ông, vì tôi trong đời trước chẳng tin Tam Bảo, chẳng tin nhân quả, cho nên sau khi chết đi, đọa vào đường súc sinh làm bò, cày ruộng cho chùa để chuộc tội. Bây giờ, ông kiền thành đọc tụng Kinh Pháp Hoa, tôi đắc được lợi ích nên thoát khỏi thân bò, được sinh làm người lân cận.’’ Do đó, có thể thấy, thọ trì Kinh Pháp Hoa có công đức không thể nghĩ bàn.

 

Diệc phục dữ kỳ Đà La Ni chú, đắc thị Đà La Ni cố, vô hữu phi nhân năng phá hoại giả, diệc bất vi nữ nhân chi sở hoặc loạn, ngã thân diệc tự thường hộ thị nhân.

Con cũng cho chú đà la ni, vì được chú đà la ni, nên chẳng có ai có thể phá hoại được, cũng chẳng bị người nữ mê hoặc nhiễu loạn, con cũng thường bảo hộ người đó.

Bồ Tát Phổ Hiền lại nói. ‘’Con cũng cho người thọ trì Kinh Pháp Hoa thần chú đà la ni này. Vì đắc được đà la ni, nên chẳng bị ai có thể phá hoại được, cũng chẳng bị người nữ mê hoặc nhiễu loạn. Người thế tục vốn rất thông minh, song gặp người nữ đẹp thì sẽ hồ đồ, bị cảnh giới chuyển, do đó : ‘’Anh hùng khó qua ải mỹ nhân.’’ Tôi (Bồ Tát Phổ Hiền) phát nguyện thường hộ trì vị pháp sư thọ trì Kinh Pháp Hoa, hiện thân để vì họ nói thần chú đà la ni này.’’

 

Duy nguyện Thế Tôn  thính ngã thuyết thử Đà la ni chú. Tức ư Phật tiền nhi thuyết chú viết:

Xin đức Thế Tôn nghe con nói chú đà la ni này, bèn ở trước đức Phật mà nói chú rằng :

Bồ Tát Phổ Hiền nói : ‘’Xin Ðức Thế Tôn từ bi cho phép con nói chú này.’’ Ðây là biểu thị tôn trọng, được đồng ý của Phật. Phật yên lặng hứa khả. ‘’Cung thỉnh Ðức Thế Tôn ! Nghe con nói chú đà la ni này, bèn ở trước Phật nói ra thần chú dưới đây.

 

A đàn địa, đàn đà bà địa, đàn đà bà đế, đàn đà cưu xá lệ, đàn đà tu đà lệ, tu đà lệ, tu đà la bà để, Phật đà ba thiên nỉ, tát bà đà la ni, a bà đa ni, tát bà bà sa a bà đa ni, tu a bà đa ni, tăng già bà lý xoa ni, tăng già niết già đà ni, a tăng kì, tăng già bà già địa, đế lệ a nọa tăng già suất lược, a la đế ba la đế, tát bà tăng già địa tam ma địa già lan địa, tát bà đạt ma tu ba lợi sát đế, tát bà tát đõa, lâu đà kiều xá lược, a nậu già địa, tân a tỳ cát lợi địa đế.

 

Thế Tôn! Nhược hữu Bồ Tát đắc văn thị Đà La Ni giả, đương tri Phổ Hiền thần thông chi lực,

Ðức Thế Tôn ! Nếu có Bồ Tát nghe được đà la ni này, thì nên biết đó là nhờ sức thần thông của Phổ Hiền.

Bồ Tát Phổ Hiền lại gọi một tiếng: ‘’Ðức Thế Tôn !Nếu như có Bồ Tát được nghe chú đà la ni này, thì nên biết, đó là nhờ sức thần thông của Bồ Tát Phổ Hiền mà thành tựu. Thần chú đà la ni này có đủ công đức.’’

 

Nhược Pháp Hoa Kinh hàng Diêm phù đề, hữu thọ trì giả, ưng tác thử niệm: “Giai thị Phổ Hiền uy thần chi lực.

Nếu Kinh Pháp Hoa truyền bá ở cõi Diêm Phù Ðề, có người thọ trì, thì nên nghĩ rằng, đều là nhờ sức oai thần của Phổ Hiền.

Nếu như bộ Kinh Pháp Hoa này mà lưu truyền ở cõi Diêm Phù Ðề (Nam Thiệm Bộ Châu). Tại sao gọi là Diêm Phù Ðề ? Vì ở Nam Thiệm Bộ Châu có rừng Diêm Phù Ðề, cây đó kết trái rụng xuống sông, chất nước trái cây nhiễm vào cát thành màu vàng, ánh sáng màu vàng này rất thù thắng đặc biệt, sáng hơn màu vàng khác gấp trăm lần, cho nên gọi là màu vàng tía, do đó mà gọi là Diêm Phù Ðề.

Người ở Diêm Phù Ðề, thọ trì Kinh Pháp Hoa thì nên nghĩ như vầy : ‘’Hiện tại tôi đang thọ trì Kinh Pháp Hoa, là nhờ sức đại oai đức và đại hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền mà thành tựu, bằng không thì tôi chẳng có cơ hội đọc tụng bộ kinh này.’’

 

Nhược hữu thọ trì, độc tụng, chánh ức niệm, giải kỳ nghĩa thú, như thuyết tu hành, đương tri thị nhân hạnh Phổ Hiền, ư vô lượng vô biên chư Phật sở thâm chủng thiện căn, vị chư Như Lai thủ ma kỳ đầu.

Nếu có người thọ trì đọc tụng, nghĩ nhớ chân chánh, giảng giải nghĩa lý của kinh này, và y theo lời nói trong kinh mà tu hành, thì nên biết người đó thực hành hạnh của Phổ Hiền, ở chỗ vô lượng vô biên các đức Phật trồng sâu căn lành, được các đức Như Lai lấy tay rờ đầu.

Nếu như có người thọ trì, đọc tụng, nghĩ nhớ chân chánh, giải nói nghĩa lý kinh này, tức là khai ngộ nhập tri kiến của Phật. Nếu y theo pháp mà tu hành, thì nên biết người đó tu hạnh môn của Bồ Tát Phổ Hiền. Người đó đã ở chỗ mười phương vô lượng chư Phật trồng sâu căn lành, được Chư Phật rờ đầu thọ ký.

 

Nhược đãn thư tả, thị nhân mạng chung, đương sanh Đao Lợi Thiên thượng, Thị thời bát vạn tứ Thiên Thiên nữ tác chúng kỹ nhạc nhi lai nghênh chi, kỳ nhân tức trước thất bảo quan, ư cung nữ trung ngu lạc khoái lạc;

Nếu chỉ biết biên chép, thì người đó sau khi mạng chung, sẽ được sinh về cõi trời Ðao Lợi, lúc đó có bốn vạn tám ngàn thiên nữ, tấu lên các thứ âm nhạc đến nghinh tiếp. Người đó bèn đội mũ bảy báu, ở trong các thể nữ vui cười khoái lạc.

Nếu như có người chỉ biên chép Kinh Pháp Hoa, thì sau khi người đó chết đi, sẽ được sinh lên cõi trời Ðao Lợi. Lúc đó, có tám vạn bốn nghìn cô thiên nữ, tấu lên các thứ âm nhạc đến nghinh tiếp người đó, đầu người đó được đội lên mũ bằng bảy báu tạo thành, và ở trong các thể nữ hưởng thụ vui chơi khoái lạc.

 

Hà huống thọ trì, độc tụng, chánh ức niệm, giải kỳ nghĩa thú, như thuyết tu hành.

Hà huống là thọ trì đọc tụng, nghĩ nhớ chân chánh, giải nghĩa lý kinh điển, theo như lời nói trong kinh mà tu hành.

Chỉ biên chép Kinh Pháp Hoa, mà có công đức như thế. Hà huống là thọ trì đọc tụng Kinh Pháp Hoa, nghĩ nhớ chân chánh, giải thích nghĩa lý trong kinh, theo như lời trong kinh nói mà tu hành. Công đức đắc được càng không thể suy nghĩ, không thể luận bàn.

 

Nhược hữu nhân thọ trì, độc tụng, giải kỳ nghĩa thú, thị nhân mạng chung, vi Thiên Phật thụ thủ, lệnh bất khủng bố, bất đọa ác thú, tức vãng Đâu suất Thiên thượng Di Lặc Bồ Tát sở.

Nếu có người, thọ trì đọc tụng, giải nghĩa lý trong kinh, thì sau khi người đó chết đi, sẽ được ngàn vị Phật dũi tay rờ đầu, khiến cho họ chẳng sợ hãi, chẳng đọa vào ba đường ác, bèn được vãng sinh về cõi trời Ðâu Suất, chỗ của Bồ Tát Di Lặc.

Nếu như có người, hay thọ trì, đọc tụng, giải nói, nghĩa lý của kinh này thì người đó sau khi mạng chung sẽ được ngàn vị Phật dũi tay rờ đầu thọ ký, khiến cho họ chẳng sinh tâm sợ hãi, khiến cho họ chẳng đọa lạc vào bốn đường ác, lập tức được sinh về cõi trời Ðâu Suất nội viện, chỗ của Bồ Tát Di Lặc. Nội viện này là chỗ ở của các đại Bồ Tát bổ xứ thành Phật sau này. Còn ngoại viện là chỗ của chư thiên ở.

 

Di Lặc Bồ Tát, hữu tam thập nhị tướng đại Bồ Tát chúng sở cọng vi nhiễu, hữu bách Thiên vạn ức Thiên nữ quyến thuộc, nhi ư trung sanh, hữu như thị đẳng công đức lợi ích.

Bồ Tát Di Lặc có ba mươi hai tướng, có các chúng đại Bồ Tát cùng vây quanh, lại có trăm ngàn vạn ức thiên nữ, và quyến thuộc cùng sinh ở trong đó, có các công đức lợi ích như thế.

Bồ Tát Di Lặc tên là A Dật Ða. Di Lặc dịch là Từ Thị, A Dật Ða dịch Vô Năng Thắng. Ngài là Ðương Lai Hạ sinh Di Lặc Tôn Phật. Hiện tại, Ngài đang ở trên nội viện cung trời Ðâu Suất, vì chúng sinh thuyết pháp. Ngài có đủ ba mươi hai tướng đại nhân, và tám mươi vẻ đẹp. Còn có chúng đại Bồ Tát vây quanh, lại có trăm ngàn vạn ức thiên nữ làm quyến thuộc, sinh ở trong nội viện, có công đức lợi ích như thế.

 

Thị cố trí giả, ứng đương nhất tâm tự thư, nhược sử nhân thư, thọ trì, độc tụng, chánh ức niệm, như thuyết tu hành.

Do đó, người có trí nên một lòng biên chép Kinh Pháp Hoa, hoặc khiến người biên chép, thọ trì đọc tụng, nghĩ nhớ chân chánh, theo như lời nói trong kinh mà tu hành.

Vì vậy cho nên người có trí, nên một lòng chuyên tâm biên chép Kinh Pháp Hoa, nếu mình không thể biên chép, thì khiến người khác biên thế, thì có công đức đồng nhau. Thọ trì đọc tụng, nghĩ nhớ chân chánh, theo như lời nói trong kinh mà tu hành, thì chắc chắn có vô lượng công đức.

 

Thế Tôn! Ngã kim dĩ thần thông lực cố, thủ hộ thị Kinh, ư Như Lai diệt hậu Diêm phù đề nội, quảng lệnh lưu bố, sử bất đoạn tuyệt.

Ðức Thế Tôn ! Con nay dùng sức thần thông để bảo hộ kinh này. Sau khi Như Lai diệt độ, sẽ rộng truyền bá kinh này ở trong cõi Diêm Phù Ðề, khiến cho chẳng đoạn tuyệt.

Bồ Tát Phổ Hiền lại gọi một tiếng: ‘’Ðức Thế Tôn ! Hiện tại con dùng sức thần thông để bảo hộ giữ gìn Kinh Pháp Hoa. Sau khi Như Lai diệt độ, sẽ rộng truyền bá Kinh Pháp Hoa này khắp cõi Diêm Phù Ðề, chẳng khiến cho đoạn tuyệt.

 

Nhĩ thời Thích Ca Mâu Ni Phật tán ngôn: “Thiện tai, Thiện tai! Phổ Hiền! Nhữ năng hộ trợ thị Kinh, lệnh đa sở chúng sanh an lạc lợi ích.” Nhữ dĩ thành tựu bất khả tư nghị công đức, thâm đại từ bi, tùng cửu viễn lai, phát A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề ý, nhi năng tác thị thần thông chi nguyện, thủ hộ thị Kinh. Ngã đương dĩ thần thông lực, thủ hộ năng thọ trì Phổ Hiền Bồ Tát danh giả.

Bấy giờ, đức Phật Thích Ca Mâu Ni khen rằng : Lành thay, lành thay ! Phổ Hiền, ông hộ trì giúp kinh này, khiến cho hết thảy chúng sinh được lợi ích an lạc. Ông đã thành tựu công đức không thể nghĩ bàn, lòng từ bi sâu rộng, từ lâu xa đến nay, phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, hay phát nguyện thần thông đó, bảo hộ kinh này. Ta sẽ dùng sức thần thông, bảo hộ người thọ trì danh hiệu của Bồ Tát Phổ Hiền.

Lúc đó, Ðức Phật Thích Ca khen ngợi Bồ Tát Phổ Hiền nói : ‘’Lành thay, lành thay ! Phổ Hiền ! Ông phát tâm bảo hộ trợ giúp Kinh Pháp Hoa, lưu truyền lâu dài trong thế gian, khiến cho chúng sinh thọ trì Kinh Pháp Hoa đều được an lạc, đắc được lợi ích, ông đã thành tựu công đức không thể nghĩ bàn. Tâm đại từ bi của ông cũng không thể nghĩ bàn. Ông từ lâu xa đến nay, phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, mà hay phát nguyện thần thông đó, bảo hộ Kinh Pháp Hoa, công đức vô lượng. Ta sẽ dùng sức thần thông, bảo hộ tất cả bất cứ ai thọ trì danh hiệu Bồ Tát Phổ Hiền, khiến cho họ đắc được công đức không thể nghĩ bàn.’’

 

Phổ Hiền! Nhược hữu thọ trì, độc tụng, chánh ức niệm, tu tập, thư tả thị Pháp Hoa Kinh giả, đương tri thị nhân, tức kiến Thích Ca Mâu Ni Phật, như tùng Phật khẩu văn thử Kinh điển; đương tri thị nhân, cúng dường Thích Ca Mâu Ni Phật;đương tri thị nhân, Phật tán Thiện tai; đương tri thị nhân, vi Thích Ca Mâu Ni Phật thủ ma kỳ đầu; đương tri thị nhân, vi Thích Ca Mâu Ni Phật y chi sở phước.

Phổ Hiền ! Nếu có người thọ trì đọc tụng, nghĩ nhớ chân chánh, tu tập biên chép Kinh Pháp Hoa này, thì nên biết người đó, tức thấy được Phật Thích Ca Mâu Ni, như từ miệng của đức Phật được nghe kinh điển này. Nên biết người đó, cúng dường Phật Thích Ca Mâu Ni. Nên biết người đó, được Phật khen lành thay. Nên biết người đó, được Phật Thích Ca Mâu Ni lấy tay rờ đầu. Nên biết người đó, được Phật Thích Ca Mâu Ni lấy y trùm cho.

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni lại nói : ‘’ Phổ Hiền ! Nếu như có người thọ trì, đọc tụng, nghĩ nhớ chân chánh, tu tập, biên chép Kinh Pháp Hoa, thì nên biết người đó thấy được Phật Thích Ca Mâu Ni, như từ miệng của Phật nói, nghe được bộ kinh này. Nên biết người đó thân tự cúng dường Phật Thích Ca Mâu Ni. Nên biết người đó được Phật khen ngợi : Lành thay ! Lành thay ! Thiện nam tử, thiện nữ nhân. Nên biết người đó, được Phật Thích Ca lấy tay rờ đầu thọ ký. Nên biết người đó, được Phật Thích Ca lấy y của Phật trùm cho.’’

 

Như thị chi nhân, bất phục tham trước thế nhạo, bất hảo ngoại đạo Kinh thư, thủ bút, diệc phục bất hỉ thân cận kỳ nhân cập chư ác giả nhược đồ nhi, nhược súc trư dương kê cẩu, nhược liệp sư, nhược huyễn mại nữ sắc

Người như thế, chẳng còn tham trước sự vui của thế gian, chẳng thích xem nghe kinh sách của ngoại đạo nữa, cũng chẳng ưa gần gũi những người đó, và những kẻ ác như đồ tể, kẻ giết loài súc vật, heo, dê, gà, chó, hoặc thợ săn, hoặc người buôn bán nữ sắc.

Người như thế, chẳng còn tham luyến sự vui của thế gian nữa, chẳng thích đọc sách vở ngoại đạo, cũng chẳng xem sách vở của ngoại đạo, chẳng gần gũi kẻ ngoại đạo, cũng chẳng gần gũi những kẻ ác như đồ tể, người nuôi súc vật, heo dê gà chó, thợ săn, buôn bán sắc đẹp, đều phải xa lìa, không thể làm bạn với họ, bằng không thì bị nhiễm lây, sẽ bị họ hại.

 

Thị nhân tâm ý chất trực, hữu chánh ức niệm, hữu phước đức lực, thị nhân bất vi tam độc sở não, diệc phục bất vi tật đố, ngã mạn, tà mạn, tăng thượng mạn sở não, thị nhân thiểu dục tri túc, năng tu Phổ Hiền chi hạnh.

Người đó tâm ý chất trực, có sự nghĩ nhớ chân chánh, có phước đức, người đó chẳng bị ba độc làm não hại, cũng chẳng bị đố kị, ngã mạn, tà mạn, tăng thượng mạn, làm não hại. Người đó ít muốn biết đủ, hay tu hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền.

Người thọ trì đọc tụng Kinh Pháp Hoa, chẳng tham sự vui năm dục của thế gian, chẳng ưa thích đọc sách vở của ngoại đạo, chẳng gần gũi với kẻ ác. Tâm của người đó rất chất trực, chẳng có tâm quanh co, có sự nghĩ nhớ chân chánh, có phước đức. Người đó chẳng bị tham sân si ba độc não hại, cũng chẳng bị đố kị, ngã mạn, tà mạn, tăng thượng mạn, làm não hại. Người đó ít dục vọng, mọi việc đều biết đủ, do đó : ‘’Biết đủ thì an vui’’, hay tu hành hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền.

 

Phổ Hiền! Nhược như lai diệt hậu hậu ngũ bách tuế, nhược hữu nhân kiến thọ trì, độc tụng Pháp Hoa Kinh giả, ưng tác thị niệm: “Thử nhân bất cửu đương nghệ đạo tràng, phá chư ma chúng, đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, chuyển pháp luân, kích pháp cổ, xuy pháp loa, vũ Pháp vũ, đương tọa Thiên Nhân Đại chúng trung sư tử Pháp tọa thượng.”

Phổ Hiền ! Nếu sau khi Như Lai vào Niết Bàn, năm trăm năm sau. Nếu có người nào, thấy người thọ trì đọc tụng Kinh Pháp Hoa, thì nên nghĩ rằng : Người đó chẳng bao lâu sẽ ngồi ở đạo tràng, phá các quân ma, được A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, chuyển bánh xe pháp, đánh trống pháp, thổi loa pháp, mưa pháp vũ, sẽ ngồi trên pháp tòa sư tử, ở trong đại chúng trời người.

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni gọi một tiếng : ‘’Phổ Hiền ! Nếu sau khi Như Lai diệt độ, năm trăm năm sau. Nếu có vị pháp sư thấy được người thọ trì, đọc tụng Kinh Pháp Hoa, thì nên nghĩ như vầy : Vị pháp sư đó chẳng bao lâu, tương lai sẽ ngồi ở Bồ Ðề Ðạo Tràng, phá tan tất cả thiên ma ngoại đạo, chứng được A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, chuyển bánh xe pháp, đánh trống pháp, thổi loa pháp, mưa pháp vũ. Vị pháp sư đó sẽ ngồi trên pháp tòa sư tử, ở trong đại chúng trời người, thọ trời người cúng dường cung kính lễ bái thuyết pháp độ sanh.’’

 

Phổ Hiền! Nhược ư hậu thế, thọ trì, độc tụng thị Kinh điển giả, thị nhân bất phục tham trước y phục, ngọa cụ, ẩm thực, tư sanh chi vật, sở nguyện bất hư, diệc ư hiện thế đắc kỳ phước báo.

Phổ Hiền ! Nếu ở đời sau, có người thọ trì đọc tụng kinh này, thì người đó chẳng còn tham trước y phục, đồ nằm, thức ăn uống, các vật chất. Có nguyện cầu những gì, thảy đều thành tựu, cũng ở trong hiện đời, đắc được phước báu.

Phổ Hiền ! Nếu như ở đời sau này, có người thọ trì đọc tụng Kinh Pháp Hoa, thì chẳng còn tham cầu y phục, đồ nằm, ăn uống và tất cả mọi vật chất. Những gì người đó nguyện cầu đều thành tựu. Tại sao ? Vì chẳng tham trước. Chẳng tham trước, có nguyện cầu gì thì sẽ thành tựu. Nếu tham trước thì dù có cầu gì cũng chẳng thành tựu. Người đó ở trong hiện đời đắc được phước báo.

 

Nhược hữu nhân khinh hủy chi, ngôn: “Nhữ cuồng nhân Nhĩ, không tác thị hạnh, chung vô sở hoạch.” Như thị tội báo, đương thế thế vô nhãn;

Nếu có người khinh khi phỉ báng nói : Ông là người cuồng, làm những việc vô ích, chẳng có đắc được gì cả. Tội báo như thế, đời đời sẽ không có mắt.

Nếu như có người khinh khi phỉ báng người thọ trì Kinh Pháp Hoa, nói như vầy : ‘’Ông là người cuồng, ông làm việc đó có ích gì ? Chỉ là lãng phí thời gian, chẳng có được gì cả.’’ Nếu như người đó phê bình ác ý như thế, thì tội báo của người đó, đời đời kiếp kiếp chẳng có mắt, thành người mù, vĩnh viễn chẳng thấy ánh sáng.

 

Nhược hữu cúng dường tán thán chi giả, đương ư kim thế đắc hiện quả báo.

Nếu có người cúng dường khen ngợi, thì hiện đời sẽ đắc được quả báo lành.

Nếu như có người, hay cúng dường vị pháp sư thọ trì Kinh Pháp Hoa, khen ngợi vị pháp sư đọc tụng giải nói Kinh Pháp Hoa, thì người đó hiện đời đắc được quả báo lành.

 

Nhược phục kiến thọ trì thị Kinh giả, xuất kỳ quá ác, nhược thật, nhược bất thật, thử nhân hiện thế đắc bạch lại bệnh.

Nếu lại có người, thấy người thọ trì kinh này, sinh tâm gây tội lỗi, hoặc thật, hoặc không thật, thì người đó hiện đời mắc bệnh bạch lại.

Nếu như có người, nhìn thấy người thọ trì Kinh Pháp Hoa, mà sinh tâm hủy báng nói như vầy : ‘’ Tên ác ôn này cầm sâu chuổi, mạo xưng là người thiện, đừng bao giờ tin ông ta. Ông ta trước kia đã làm nhiều chuyện ác, giết người, phóng lửa, tội cực ác. Bây giờ lương tâm phát hiện, đọc tụng kinh để tiêu trừ tội lỗi, đó chẳng phải là chân tu hành, chỉ là trốn tránh hiện thực.’’ Chẳng màn là việc đó thật, hoặc là hư vọng chẳng thật, thì người đó trong không sinh có, tạo lời bịa đặc sinh không, ở trong hiện đời bị mắc bệnh bạch lại, tức cũng là bệnh về da. Các vị nhìn xem, những người bệnh đó chẳng cần hỏi mà cũng có thể biết, họ kiếp trước hoặc đời này, từng phỉ báng người đọc tụng Kinh Pháp Hoa, cho nên mới bị quả báo như thế.

 

Nhược hữu khinh tiếu chi giả, đương thế thế nha xỉ bất khuyết, xú thần, bình tị, thủ cước liễu lệ, nhãn mục giác lãi, thân thể xú uế, ác sang, nùng huyết, thủy phước, đoản khí, chư ác trọng bệnh.

Nếu khinh khi cười người thọ trì Kinh Pháp Hoa, thì đời đời răng sẽ thưa thiếu, môi xấu, mũi xẹp, tay chân cong queo, mắt lé, thân thể hôi dơ, ghẻ nhọt máu mủ hôi hám, bụng phình hơi ngắn, các chứng bệnh ác nặng.

Nếu như có người, nhìn thấy người thọ trì Kinh Pháp Hoa, chẳng nói mà khinh cười, trong tâm nghĩ : ‘’Người này mê tín, tụng kinh lạy kinh có ích gì ! Thật là lãng phí thời gian, hành vi của người ngu.’’ Nên biết người đó, đời đời kiếp kiếp răng chẳng những thưa thớt, mà còn thiếu hụt. Môi của họ xấu xí vô cùng, mũi của họ xẹp lép, hai lỗ chầu trời thật là khó coi. Tay chân của họ cong queo chẳng thẳng, hành động khó khăn. Mắt của họ lé chẳng ngay, hoặc là hình tam giác, phàm là người mắt như thế, hay thích nói lời giả dối, quỷ kế đa đoan. Thân thể của họ hôi hám dơ dáy, ung nhọt lở loét, máu mủ chảy ra hôi hám vô cùng. Bụng phình như trống, hơi thì ngắn. Những bịnh nặng ác tính như thế, chẳng cách gì chữa được, đó là nghiệp chướng sở cảm.

 

Thị cố, Phổ Hiền !nhược kiến thọ trì thị Kinh điển giả, đương khởi viễn nghênh, đương như kính Phật.

Do đó Phổ Hiền ! Nếu thấy người thọ trì kinh này, thì nên đứng dậy ra xa nghinh tiếp, như cung kính Phật.

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni nói : ‘’Vì nhân duyên đó. Phổ Hiền ! Nếu có người thấy vị pháp sư thọ trì Kinh Pháp Hoa, hoặc là cư sĩ, thì nên lập tức đứng dậy ra xa nghinh tiếp vị pháp sư đó, giống như cung kính Phật.’’

 

Thuyết thị Phổ Hiền khuyến phát phẩm thời, hằng hà sa đẳng vô lượng vô biên Bồ Tát, đắc bách Thiên vạn ức toàn Đà La Ni;tam Thiên đại Thiên thế giới vi trần đẳng chư bồ tát, cụ Phổ Hiền đạo.

Khi đức Phật nói Phẩm Phổ Hiền Khuyến Phát này, thì có vô lượng vô biên Bồ Tát, nhiều như số cát sông Hằng, đắc được ngàn vạn ức toàn đà la ni, có các Bồ Tát nhiều như số hạt bụi của ba ngàn đại thiên thế giới, đầy đủ đạo của Bồ Tát Phổ Hiền.

Khi Ðức Phật nói Phẩm Khuyến Phát của Bồ Tát Phổ Hiền, thì có vô lượng vô biên Bồ Tát nhiều như số cát sông Hằng, đều đắc được trăm ngàn vạn ức toàn đà la ni. Lại có các Bồ Tát, nhiều như hạt bụi của ba ngàn đại thiên thế giới, đều đầy đủ đạo của Bồ Tát Phổ Hiền thực hành, tức cũng là mười đại nguyện vương :

1). Lễ kính chư Phật.

2). Xưng tán Như Lai.

3). Quảng tu cúng dường.

4). Sám hối nghiệp chướng.

5). Tùy hỉ công đức.

6). Thỉnh chuyển pháp luân.

7). Thỉnh Phật trụ thế.

8). Thường tùy Phật học.

9). Hằng thuận chúng sinh.

10). Phổ giai hồi hướng.

 

Phật thuyết thị Kinh thời, Phổ Hiền đẳng chư Bồ Tát, Xá Lợi Phất đẳng chư Thanh văn, cập chư Thiên, Long, nhân phi nhân đẳng, nhất thiết đại hội, giai đại hoan hỉ, thọ trì Phật ngữ, tác lễ nhi khứ.

Khi đức Phật nói kinh này, thì Bồ Tát Phổ Hiền, và hết thảy các Bồ Tát, Ngài Xá Lợi Phất, và các hàng Thanh Văn, cùng trời, rồng, người và chẳng phải người, tất cả đại hội, thảy đều đại hoan hỉ, thọ trì lời của đức Phật nói, làm lễ rồi lui ra.

Khi Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni nói xong Kinh Pháp Hoa, thì Bồ Tát Phổ Hiền và các đại Bồ Tát, tôn giả Xá Lợi Phất và các đại Thanh Văn, cùng với trời rồng tám bộ chúng, người và chẳng phải người, tất cả đại chúng trong đại hội thảy đều hoan hỉ, thọ trì lời của Phật nói, y pháp tu hành. Sau khi nghe xong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, thì đại chúng đảnh lễ Ðức Phật, cảm tạ Ðức Phật, sau đó đều trở về chỗ của mình ở.

 

(HẾT)

 

Hoà Thượng Tuyên Hoá:

Bộ Kinh Pháp Hoa này bắt đầu giảng từ ngày 10 tháng 1 năm 1970, giảng đến nay là ngày 9 tháng 4 năm 1971 đã viên mãn.

Ðây là pháp hội đầu tiên ở tây phương, giảng kinh dài như thế. Hy vọng các vị học bộ kinh này, để đi khắp nơi giáo hóa chúng sinh, chuyển đại pháp luân, đánh trống pháp lớn, thổi loa pháp lớn, mưa pháp vũ lớn, khiến cho tất cả chúng sinh, đều đắc được pháp ích của Kinh Pháp Hoa. Các vị phải gánh vác trách nhiệm ‘’Tục Phật huệ mạng’’, khiến cho Phật Giáo phát dương quang đại, khiến cho ai ai cũng đắc được pháp hỉ sung mãn, tức công đức vô lượng vậy !

 

Nguyện dĩ thử công đức,
Phổ cập ư nhứt thiết,
Ngã đẳng dữ chúng sanh,
Giai cộng thành Phật đạo.