Ma Ha nghĩa là “lớn” (đại), do đó Ma Ha Ca Diếp tức là Ðại Ca Diếp. Ca Diếp dịch là “ẩm quang”, còn gọi là “Ðại quy thị”. Ðại Quy Thị là họ của Ngài, vì khi tổ tiên của Ngài tu đạo, thì thấy một con rùa lớn cõng trên lưng một họa đồ, cho nên lấy đó mà làm họ.
Tên của Ngài Ðại Ca Diếp là Tí Bát La. Tí Bát La là tên cây, vì cha mẹ của Ngài cầu nguyện với cây này mà sinh ra Ngài, cho nên lấy Tí Bát La làm tên, và trên thân của Ngài có quang minh, che lấp hết các quang minh khác, giống như uống (ẩm) hết tất cả quang minh khác. Sao Ngài lại có quang minh? Có câu chuyện như vầy : Vợ của Ngài (Tỳ Kheo Ni Tử Kim Quang) trong quá khứ là một người nữ rất nghèo nàn. Sau khi Ðức Phật Tì Bà Thi diệt độ, có người làm tháp thờ Phật và tạo tượng Phật, trải qua thời gian lâu thì tháp cũng hư hoại mà tượng cũng hư.
Do đó, người nữ này thấy vậy bèn phát bồ đề tâm muốn sơn sửa lại tượng Phật ở trong Chùa, cho nên cô ta đi các nơi xin tiền, mỗi ngày tiền xin được thì mua vàng, khổ nhọc trải qua mười chín năm, số vàng tích tụ cũng không ít, cô ta mời một thợ đúc vàng đến để thếp vàng tượng Phật. Khi thợ đúc vàng biết cô ta cực khổ như thế, khiến cho ông ta rất cảm động, ông ta bèn đi quyên mọi người thêm để tu bổ tượng Phật, cho nên ông ta cũng phát tâm muốn giúp đỡ cô ta làm. Hai người cùng nhau trùng tu Chùa và tượng Phật lại đẹp đẽ rồi, ông thợ vàng xin cầu hôn với người nữ nghèo đó, người nữ nghèo cũng vui vẻ đáp ứng. Hai người kết hôn rồi thì phát nguyện : đời đời kiếp kiếp đều muốn làm vợ chồng.
Vì thếp vàng tượng Phật, cho nên hai người thân thể đều phóng kim quang, do đó khi Ngài Ca Diếp ra đời thì trên thân có kim quang (áng sáng vàng). Sau khi Ngài lớn lên, cha mẹ của Ngài muốn Ngài cưới vợ, Ngài nói :”Thân của con phóng kim quang, thì phải tìm người nữ trên thân cũng có kim quang, thì con mới cưới cô ta, nếu không thì con sẽ sống độc thân”. Thời gian sau tìm được một người nữ trên thân cũng phóng kim quang, cho nên hai người kết hôn với nhau. Hai người kết hôn rồi đều cùng xuất gia tu đạo, chứng được quả vị A La Hán rồi, mới biết trong quá khứ đã từng phát nguyện, đời đời kiếp kiếp đều muốn làm vợ chồng.
Bạn đừng lầm rằng họ phát nguyện đời đời kiếp kiếp làm vợ chồng mà nói rằng :”Tương lai tôi gặp người nam (người nữ), tôi cũng muốn y phát nguyện như thế, đời đời kiếp kiếp đều làm vợ chồng”. Tuyệt đối đừng như thế, họ phát nguyện đời đời kiếp kiếp làm vợ chồng là muốn tu đạo, đều phải quy y Tam Bảo, xuất gia tu đạo, bạn đừng phát nguyện đời đời kiếp kiếp làm vợ chồng, vì càng làm càng đọa vào địa ngục, phải xuất gia tu đạo mới có thể, cho nên Ngài Ca Diếp và vợ của Ngài xuất gia đều chứng quả.
Ngài Ma Ha Ca Diếp là vị Tổ thứ nhất. Bạn có muốn gặp vị Tôn Giả này chăng! Bây giờ Ngài vẫn còn ở trong thế giới này, Ngài đang ngồi thiền nhập định trong núi Kê Túc ở Tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Ngài đợi đến khi Bồ Tát Di Lặc ra đời thành Phật, thì đem y bát của Phật Thích Ca giao cho Ðức Phật Di Lặc. Bây giờ Ngài vẫn chưa viên tịch. Nếu các bạn ai thành tâm đến núi Kê Túc lạy Ngài Ma Ha Ca Diếp, thì có thể sẽ thấy được Ngài. Tại núi Kê Túc thường có ba thứ quang minh : Quang minh của Phật, quang minh màu vàng và quang minh màu bạc. Nếu ai có thành tâm, không những có thể thấy quang minh, mà còn có thể nghe tiếng chuông. Tiếng chuông đó dù ở ngoài mấy trăm dặm cũng có thể nghe được.
Ngài Ca Diếp là người lớn tuổi nhất trong số đệ tử của Ðức Phật, cũng là người tu khổ hạnh bậc nhất. Nhưng Ngài càng già thì càng có tinh thần sức lực. Cha mẹ của Ngài, người ở nước Ma Kiệt Ðà, giàu có vô cùng, có thể nói “Phú khả địch quốc”, mà vua nước Ma Kiệt Ðà cũng từng lạy Ngài làm thầy, nhưng từ khi Ngài theo Phật xuất gia tu đạo, thì không những đem tài sản ra bố thí mà còn chuyên môn hành đầu đà khổ hạnh, chịu khổ chịu cực. Một ngày nọ, khi Ðức Phật thuyết pháp thì đức Phật chia cho Ngài nửa tòa ngồi, kêu Ngài Ca Diếp cùng ngồi.
Lúc đó Ngài Ca Diếp đã già lắm, khoảng một trăm bốn mươi lăm tuổi. Ðức Phật nói với Ngài Ca Diếp :”Ông tuổi đã quá lớn rồi, tinh thần chắc chắn không được sung túc, ông hành đầu đà khổ hạnh sợ chịu không được. Ông đừng hành khổ hạnh nữa, thay đổi ăn uống ngon một chút, mặc tốt hơn một chút, ở chỗ thích hợp hơn một chút!” Nhưng Ngài cũng nghe lời của Ðức Phật, Ngài vẫn cứ hành khổ hạnh. Do đó, Ngài được Ðức Phật khen ngợi :”Phật pháp của ta trụ thế lâu dài, là có quan hệ rất lớn với sự tu hành đầu đà khổ hạnh của Ðại Ca Diếp. Nếu cứ tu hành đầu đà khổ hạnh như thế, thì Phật pháp của ta nhất định trụ thế lâu dài”. Cho nên, Tổ Sư Ma Ha Ca Diếp là người tu hành đầu đà khổ hạnh bậc nhất.
Một lần nọ, đức Phật đang muốn thuyết pháp, thì có một vị trời Ðại Phạm Thiên, lấy cành hoa Kim Ba La đến cúng dường Ðức Phật. Vị trời đó nằm dưới đất thỉnh Ðức Phật ngồi lên thân của ông để thuyết pháp. Ðức Phật ngồi lên trên thân vị trời đó, tay cầm cành hoa dơ lên trước đại chúng trời người trăm vạn người và mở nụ cười, khi Ðức Phật cười thì Ngài Ca Diếp cũng cười. Cho nên đó gọi là :”Niêm hoa vi tiếu, truyền Phật tâm ấn”. Ðức Phật bèn nói :”Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, giáo ngoại biệt truyền, lấy tâm ấn tâm, đã phó chúc cho Ma Ha Ca Diếp”.
Do đó, Ngài Ma Ha Ca Diếp trở thành vị Tổ thứ nhất. Ðức Phật chỉ truyền cho Ngài Ca Diếp, Ngài Ca Diếp lại truyền cho Tổ thứ hai Ngài A Nan, Ngài A Nan lại truyền cho Tổ thứ ba Thương Na Hòa Tu, Ngài Thương Na Hòa Tu lại truyền cho Tổ thứ tư Ưu Ba Cúc Ða .v.v., một đời truyền xuống một đời đều dùng tâm ấn tâm. Từ sơ Tổ truyền đến Tổ thứ hai mươi tám Bồ Ðề Ðạt Ma. Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma đem tâm ấn của Phật mang đến Trung Quốc, truyền cho Tổ thứ hai là Huệ Khả. Ngài Huệ Khả lại truyền cho Tổ thứ ba là Tăng Xán .v.v., cho đến Lục Tổ Huệ Năng. Về sau thì một hoa nở năm cánh, phân ra : Tông Lâm Tế, Tông Pháp Nhãn, Tông Tào Ðộng, Tông Quy Ngưỡng và Tông Vân Môn. Cho đến hiện tại Phật pháp lại truyền đến tây phương, đó là sơ lược về Tổ sư tương truyền.
Ở đời vị lai, Ma Ha Ca Diếp sẽ phụng thờ ba trăm muôn ức các đức Thế Tôn , cúng dường cung kính tôn trọng ngợi khen, rộng nói vô lượng đại pháp của các đức Phật, ở nơi thân rốt sau đặng thành Phật hiệu là Quang Minh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn.
Nước tên là Quang Ðức, kiếp tên là Ðại Trang Nghiêm Phật thọ mười hai tiểu kiếp. Chánh pháp trụ thế hai mươi tiểu kiếp. Cõi nước tốt đẹp, không có các thứ dơ xấu, ngói sỏi gai góc cùng đồ tiện lợi chẳng sạch. Cõi đó bằng thẳng không có cao thấp hầm hố gò nổng, đất bằng lưu ly, cây báu thẳng giăng bên đường, rải các hoa báu khắp nơi sạch sẽ.
Bồ Tát trong nước đó đông vô lượng nghìn ức, các chúng Thanh Văn cũng lại vô số. Không có việc ma, dầu là có ma và dân ma, nhưng đều hộ trì Phật Pháp.