Phật Mẫu Chuẩn Đề Đà-la-ni
— oOo —
Khể thủ quy-y Tô-tất-đế,
Ðầu diện đảnh lễ thất câu chi.
Ngã kim xưng tán Ðại Chuẩn-Ðề,
Duy nguyện từ bi thùy gia hộ.
Nam-mô tát đa nẩm tam-miệu tam-bồ-đề, câu chi nẩm, đát điệt tha: Án, chiết lệ chủ lệ Chuẩn-Ðề, ta bà ha.
Câu chú này trích trong Kinh Chuẩn Đề. Bốn câu kệ là của Ngài Long Thọ Bồ Tát. Trong bốn câu kệ:
* Khể thủ quy y Tô Tất Đế: nghĩa là cúi đầu quy kính Pháp Viên Thành (pháp nhiệm mầu). Chữ Tô Tất Đế : nguyên tiếng Phạn là Susidhi, Tàu dịch là Diệu Thành Tựu, nghĩa là một pháp có năng lực thành tựu được hết thảy sự lý và thành tựu đặng hết thảy tâm nguyện của chúng sanh rất mầu nhiệm.
* Đầu diện đảnh lễ Thất Cu Chi: nghĩa là thành tâm đảnh lễ bảy trăm ức Phật. Chữ “Cu Chi” hay là “Cu Đê”, nguyên tiếng Phạn là “Koti”, Tàu dịch là bách ức, nghĩa là trăm ức; cho nên trên đây nói “thất cu chi” tức là số bảy trăm ức vậy.
* Ngã kim xưng tán Đại Chuẩn Đề: nghĩa là con nay xưng tán đức Đại Chuẩn Đề. Chữ “Chuẩn Đề”, nguyên tiếng Phạn là “Candi”, Tàu dịch có hai nghĩa: Thi Vi và Thành Tựu.
Thi Vi : nghĩa là lời nguyện rộng lớn đúng nơi lý và dùng đại trí để dứt vọng hoặc, vì đủ các nhơn hạnh để ra làm việc lợi tha cho chúng sanh, nên gọi là Thi Vi.
Thành Tựu : nghĩa là từ nơi pháp không mà hiện ra pháp giả rồi thành tựu đặng pháp tịch diệt.
* Duy nguyện từ bi thùy gia hộ: Xin Ngài duỗi lòng từ bi gia hộ
— oOo —
Nam-mô tát đa nẩm tam-miệu tam-bồ-đề, câu chi nẩm. Đát điệt tha: Án, chiết lệ chủ lệ Chuẩn-Ðề, ta bà ha.
Nam Mô
phiên âm chữ Namo từ tiếng Phạn. Trung Hoa dịch là “Quy y”; cũng dịch là “Quy mạng kính đầu”.
Quy mạng kính đầu nghĩa Nam Mô
Có nghĩa là: “Con xin đem toàn thể sinh mạng của con về nương tựa vào chư Phật”. Cái bản ngã của chính mình không còn nữa. Mà con xin dâng trọn vẹn thân mạng mình lên chư Phật. Nếu chư Phật cho con sống thì con sống; bảo con chết thì con chết. Con hoàn toàn tin vào chư Phật. Đó gọi là “Quy mạng”.
Còn “Kính đầu” có nghĩa là hết sức cung kính và nương tựa vào đức Phật. Đó là ý nghĩa của Nam mô.
Còn “Quy y” có nghĩa là đem hết thân và tâm của mình, đem hết cả mạng sống của mình trở về nương tựa vào đức Phật.
Tát đa nẩm.
Kệ:
Đại dũng mãnh giả đại đạo tâm
Do như liên hoa bất nhiễm trần
Trú dạ lục thời cần cảnh sách
Thường tại hoả lý luyện tinh kim.
Tạm dịch:
Bậc đại dũng mãnh đại đạo tâm
Ví như hoa sen chẳng dính bụi
Ngày đêm sáu thời siêng tinh tấn
Thường luyện vàng thật trong lò lửa.
Giảng giải: Nam Mô Tát Ða Nẩm là “quy y bậc đại dũng mãnh”.
* “Đại dũng mãnh giả đại đạo tâm“: Ðại dũng mãnh là gì ? Là làm những gì người không dám làm, tu những gì người không dám tu, đại hy sinh bậc nhất, không mong cầu sở đắc, cho nên gọi là đại dũng mãnh. Hoặc dịch là “đại Khai Sĩ”, tức là khai Phật tri kiến. Là người giác ngộ đệ nhất ở nhân gian, còn gọi là “chúng sinh đại đạo tâm”. Cho nên nói : ‘’Bậc đại dũng mãnh đại đạo tâm’’, là thực hành những gì người không thể thực hành, làm những gì người không thể làm, nhẫn những gì người không thể nhẫn, nhường những gì người không thể nhường, người ở tại trần thế mà tâm không ở tại trần thế.
* “Do như liên hoa bất nhiễm trần” – Giống như hoa sen mọc từ trong bùn ô nhiễm, mà không bị bùn làm nhiễm ô. Ðại đạo tâm Bồ Tát này,
* “Trú dạ lục thời cần cảnh sách” – Ngày đêm sáu thời luôn tinh tấn, ngày ba thời, đêm ba thời, không có thời khắc nào giải đãi, thời khắc siêng tu giới định huệ, tức diệt tham sân si. Ngày đêm sáu thời, thời khắc tự cảnh tỉnh, không phóng dật, không nói thị phi.
* “Thường tại hoả lý luyện tinh kim” – Thường luyện vàng thật trong lò lửa. Trong lửa mà luyện vàng không phải dễ, thế giới Ta Bà giống như lò lửa, chúng ta đang luyện vàng thật trong lò lửa.
Tam miệu tam bồ đề
Kệ :
Thập phương tam thế nhất thiết Phật
Xả thân vì pháp tích công đức
Luỹ kiếp cung hành Bồ Tát đạo
Từ hổ cứu ưng cầu Đạt Ma.
Tạm dịch :
Mười phương ba đời hết thảy Phật
Xả thân vì pháp, tích công đức
Nhiều kiếp tu hành Bồ Tát đạo
Ðộ cọp cứu ưng cầu diệu pháp.
Giảng giải:
“Thập phương tam thế nhất thiết Phật” – Câu này nghĩa là “kính lễ mười phương ba đời chư Phật”,
‘’Xả thân vì pháp tích công đức.’’ Các bậc Bồ Tát tại nhân địa, thì vì pháp mà xả thân.
‘’Luỹ kiếp cung hành Bồ Tát đạo” – Nhiều kiếp tu hành Bồ Tát đạo.’’ Phật mà thành Phật, là vì đời đời kiếp kiếp đều cung hành thực tiễn Bồ Tát đạo, lợi ích kẻ khác, không lợi ích chính mình, cho nên nói :
‘’Từ hổ cứu ưng cầu Đạt Ma” – Ðộ cọp cứu ưng cầu diệu pháp. Vì cầu pháp, vì nửa câu kệ mà xả thân. Vì cầu pháp mà xả thân cứu hổ đói, xả thân cứu chim ưng.
Cu tri nẩm
Kệ :
Bách ức Bồ Tát bách ức Phật
Thượng thủ Thánh chúng hộ hành giả
Chân tâm cầu pháp hằng bất thoái
Đương lai tất sinh Vô Ưu quốc.
Tạm dịch :
Trăm ức Bồ Tát trăm ức Phật
Thượng thủ Thánh chúng hộ người hành
Chân tâm cầu pháp luôn không lùi
Tương lai sẽ sinh nước Vô Ưu.
Giảng giải: Cu Tri dịch là “Trăm ức”. Nẩm dịch là “Thượng thủ”. Cu Tri Nẩm tức là trăm ức Bồ Tát thượng thủ, trăm ức Phật thượng thủ. Cho nên nói :
‘’Bách ức Bồ Tát bách ức Phật” – Trăm ức Bồ Tát trăm ức Phật,
“Thượng thủ Thánh chúng hộ hành giả.’’ – Hộ người tu hành.
‘’Chân tâm cầu pháp hằng bất thoái” – Chân tâm cầu pháp luôn không lùi.’ Nếu thật vì pháp mà đến, thì đâu có thì giờ mà nói thị phi, tạo phiền não, luôn luôn chiếu cứ, lo cho chính mình. Nếu thật tâm cầu pháp, thì tinh tấn hướng về trước không thối chuyển.
‘’Đương lai tất sinh Vô Ưu quốc.” – Tương lai sẽ sinh nước Vô Ưu.’’ Tương lai nhất định sẽ sinh về cõi Phật, tức là thế giới Cực Lạc, hoặc thế giới Tịnh Lưu Ly, sống chung với Phật.
Đát điệt tha
Kệ:
Xuất quảng trường thiệt biến tam thiên
Quán Âm thị hiện hóa nam nữ
Ứng cúng sát tặc A la hán
Tự lợi lợi tha giác hạnh viên
Phiên dịch:
Tướng lưỡi rộng dài ba ngàn thế giới
Quán Âm thị hiện dạy dỗ gái trai
Tứ quả, cúng dường, đoạn cái thấy lầm sai
Ích người, lợi mình, vẹn toàn đạo hạnh.
Giảng giải: Đát điệt tha Hán dịch là “tức thuyết chú viết”. Còn dịch là “Sở vị”. Các vị Phật dùng Tâm đại bi mà nói ra chơn ngôn này, nói bằng các chủng tự của Phạm Thiên.
Đát điệt tha còn có nghĩa là “thủ ấn” nghĩa là kết ấn bằng tay. Cũng gọi là “trí nhân” nghĩa là khai mở con mắt trí tuệ của chúng sinh. Đát điệt tha lại còn có nghĩa là vô lượng pháp môn tu học và trí huệ nhãn vô lượng. Đó là ý nghĩa của “Sở vị”.
Án
Kệ:
Vô thủy vô chung vô cổ kim
Hư không pháp giới nhất khẩu thôn
Tự tính tịch nhiên phi nội ngoại
Như thị như thị như thị nhân
Phiên dịch:
Không đâu là xưa, nay, đầu, cuối
Một ngụm này, nuốt pháp giới hư không
Tự tính rỗng rang lặng lẽ, chẳng ngoài trong
Là như vậy! Thực tướng nhân là vậy.
Giảng giải: Án nghĩa là “Bổn mẫu”, là “Chú mẫu” mẹ của tất cả mọi thần chú; cũng chính là “Phật mẫu” mẹ của tất cả chư Phật. Mẹ của chư Phật có nghĩa là mẹ của nguồn tâm trong mọi loài chúng sinh, vì nguồn tâm của chúng sinh vốn có sẵn mọi trí tuệ, thường xuất sinh các pháp lành, nên gọi là “Bổn mẫu”.
Thông qua năng lực của thần chú mà mười pháp muôn được hiển bày:
1. Pháp môn thứ nhất là “Tự”: là đầu nguồn, làm xuất sinh mọi chủng tự.
2. Thứ hai là “Cú”. Trong kinh văn hoặc trong thần chú, “Cú” có nghĩa là một câu.
3. Thứ ba là “Quán”: là quán chiếu, quán sát, vận dụng năng lực quán chiếu mà hành trì.
4. Thứ tư là “Trí”: là trí tuệ, dùng thanh gươm trí tuệ để cắt đứt tất cả phiền não. Trí tuệ tức là pháp môn lưu xuất từ Bát Nhã Ba La Mật, đó là trí tuệ viên mãn nhất. Còn “quán” là lưu xuất từ pháp môn Thiền định Ba La Mật.
5. Thứ năm là “Hành”: nghĩa là tu tập, nương theo giáo pháp mà hành trì.
6. Thứ sáu là “Nguyện”: nghĩa là cần phải phát nguyện, nương theo giáo pháp chân chính mà tu hành.
7. Thứ bảy là “Giáo”: nghĩa là y cứ theo giáo pháp chân chính mà tu hành. Nếu quí vị không nương theo lời dạy của đức Phật mà tu hành, thì dù quí vị có tu hành đến nhiều kiếp như số cát sông Hằng đi nữa thì vẫn không có kết quả gì cả. Cũng như thể nấu cát mà mong thành cơm vậy. Tuy nhiên, để có thể tu tập xứng hợp với giáo lý chân chính của đức Phật thì trước hết, quí vị phải thông hiểu về giáo pháp đó một cách tường tận.
8. Thứ tám là “Lý”: nghĩa là đạo lý. Nếu quí vị có thể nhập được vào Phật pháp vi diệu thì mới có được sự hiểu biết thông đạt về giáo pháp ấy. Nếu quí vị không khế hội được diệu pháp này, thì quí vị chỉ là người tu tập trong sự mù quáng. Dù quí vị có tu hành bao lâu đi nữa, cũng không đạt được sự thành tựu.
9. Thứ chín là “Nhân”: Trong đời này quí vị phải gieo trồng những nhân thù thắng, nhân tốt lành, nhân thanh tịnh, thì quá khứ quí vị sẽ gặt được quả thù thắng, quả vi diệu và quả thanh tịnh.
10. Thứ mười là “Quả”: Quả tương ứng sẽ đạt được sau khi đã gieo trồng nhân. Đó là diệu quả, quả vị giác ngộ tối thượng.
Như vậy từ chữ án, xuất sinh ra mười pháp môn vi diệu. Nên khi quí vị trì niệm thần Chú Đại Bi, niệm đến chữ án thì tất cả các loài quỷ thần đều chắp tay vô cùng cung kính, không dám tỏ ra khinh suất hoặc lơ là khi nghe hành giả trì tụng thần Chú Đại Bi. Chữ án có một năng lực mạnh mẽ mà đến nỗi khiến cho các loài ác quỷ, ác thần đều phải cung kính chấp trì. Công năng của thần chú thật to lớn, thần lực thật không thể nghĩ bàn.
Chiết lệ
Kệ:
Chiết nhiếp nhị môn xảo thí độ
Chiết phục thọ ký quy Tam Bảo
Khai hiển thông đạt chiết nhiếp lực
Thuận nghịch hổ dụng diệu vô phương
Phiên dịch:
Chiết nhiếp hai môn khéo thí độ
Chiết phục thọ ký quy Tam Bảo
Khai hiển thông đạt chiết nhiếp lực
Thuận nghịch đều dụng diệu vô cùng
Giảng giải:
‘’Chiết nhiếp hai môn khéo thí độ.’’ Chúng sinh đại cang cường, thì dùng pháp chiết phục để triết phục, nếu chúng sinh dễ giáo hóa, thì dùng pháp nhiếp thọ để nhiếp thọ. Khéo tức là rất khéo léo, rất phương tiện, dùng pháp vừa vặn đến chỗ diệu, đúng cơ của họ. Thí tức là thí dụng, hoặc là dùng bố thí độ, hoặc dùng đủ thứ phương pháp để độ chúng sinh.
“Chiết phục thọ ký quy Tam Bảo”: Phật dùng pháp môn chiết phục thọ ký cho chúng, khiến cho chúng quy y Tam Bảo, quy y Phật Pháp Tăng, cải tà quy chánh
Chiết hợp – chuyên nhất thì linh, phân chia thì tán. Nếu bạn chuyên nhất muốn cải ác hướng thiện, phát bồ đề tâm, thì sẽ khiến cho bất cứ những lỗi lầm gì lớn trong quá khứ của bạn, cũng đều có thể chiết hợp, nghĩa là lấy công chuộc tội, bạn lập công thì tội sẽ không còn, biến hoá trong công trình hoá học nầy
“Khai hiển thông đạt chiết nhiếp lực”: Phật có lúc dùng pháp chiết phục, có lúc dùng pháp nhiếp thọ, dùng thứ sức lực nầy để giáo hoá chúng sinh.
“Thuận nghịch đều dụng diệu vô cùng”: Nên dùng pháp triết phục, thì dùng pháp triết phục, nên dùng pháp nhiếp thọ, thì dùng pháp nhiếp thọ, có lúc thuận thì Ngài khiến cho họ hoan hỷ, có lúc không thể thuận họ, thì phải dùng pháp triết phục. Hai thứ pháp này phải dùng vừa vặn đúng lúc, nếu dùng không đúng, thì không tương ưng, giống như đáng lý phải dùng pháp triết phục, thì bạn không dùng, mà dùng pháp nhiếp thọ, hoặc nên dùng pháp nhiếp thọ, thì bạn không dùng, lại dùng pháp triết phục, thì người quỷ thần đều xa lánh, thấy bạn thì chạy xa mười vạn tám ngàn dặm. Cho nên dùng đúng thì có thể hàng phục được đối phương, biến đổi được tư tưởng và hành vi của họ.
“lệ” – dọc cùng tam tế – Dọc cùng khắp ba đời
Chủ lệ Chuẩn-Ðề
“Chủ lệ” – đỉnh cao nhất trong tam thế, cũng có nghiã đi thẳng đến sự Giác Ngộ.
Chuẩn-Ðề – Tự Tánh thanh tĩnh của Tâm Bồ Đề. Phật Mẫu Chuẩn Đề trong tiếng Phạn có tên là Cundi và được dịch thành Thanh Tinh, Thành Thực hoặc Năng Hành. Danh hiệu đầy đủ của Phật Mẫu Chuẩn Đề là Thất Câu Đê Phật Mẫu, Thất Câu Chi Phật Mẫu. Đây là một vị Phật có tấm lòng từ bi sâu rộng đối với chúng sanh và được ví như một người mẹ luôn yêu thương các con hết mực. Do đó Ngài đã được gọi là Phật Mẫu.
Ta bà ha
Phiên âm:
Tức tai tăng phúc diệu cát tường
Phật pháp tăng bảo phóng hào quang
Quán hành nhất tâm vô tướng lễ
Thị đại bồ đề hóa vạn phương
Phiên dịch:
Thoát nạn, phúc tăng, điềm lành xuất hiện
Phật pháp tăng tam bảo tỏa hào quang
Phá chấp tướng hình, năng sở lễ tức Không
Đạo vô thượng khắp muôn phương giáo hóa.
Giảng giải:
Ta bà ha. Hán dịch có sáu nghĩa. Bất kỳ chữ này xuất hiện ở bài chú nào cũng có đủ sáu nghĩa này.
1. Nghĩa thứ nhất là “thành tựu”. Khi trì niệm câu chú này, tất cả sở cầu, sở nguyện của hành giả đều được thành tựu. Nếu quý vị chưa có được sự cảm ứng khi hành trì, là do vì tâm chưa đạt đến sự chí thành. Nếu quý vị có tâm chí thành và có niềm tin kiên cố, thì chắc chắn sẽ được thành tựu. Nhưng chỉ cần móng khởi một chút tâm niệm không tin vào chú này, thì không bao giờ được thành tựu.
2. Nghĩa thứ hai là “Cát tường”. Khi hành giả niệm câu chú này thì mọi sự không tốt lành, đều trở thành tốt lành như ý. Nhưng quý vị phải có lòng thành tín. Nếu quý vị có lòng thành tín hoặc nửa tin nửa ngờ khi trì chú này thì chư Bồ tát đều biết rõ. Vì thế nếu quý vị muốn mọi việc đều được đến chỗ thành tựu thì trước hết phải có niềm tin chắc thật. Ví như khi cha của quý vị có bệnh, muốn cha mình được khỏi bệnh thì quý vị phải hết sức thành tâm và chánh tin. Trì tụng chú này mới có cảm ứng.
Hoặc khi quý vị nghĩ rằng: “Từ lâu mình chưa được gặp người bạn thân. Nay rất muốn gặp anh ta”. Quý vị niệm chú này một cách chí thành, liền gặp bạn ngay. Hoặc quý vị nghĩ: “Ta chẳng có người bạn nào cả, muốn có người bạn tốt”. Quý vị trì chú này một cách thành tâm và liên tục, liền có được bạn lành, ngay cả gặp được thiện tri thức.
3. Nghĩa thứ ba của Ta bà ha là “viên tịch”.
Khi các vị Tỳ kheo xả bỏ báo thân hoặc nhập Niết bàn thì được gọi là “viên tịch”. Nhưng ở đây, chữ “viên tịch” không có nghĩa là chết. Chẳng phải niệm câu chú Ta bà ha là để cầu sự viên tịch. Thế thì công dụng của câu chú này là gì?
“Viên tịch” có nghĩa là “công vô bất viên”. Là công đức của hành giả hoàn toàn viên mãn; “đức vô bất tịch” là đức hạnh của hành giả đạt đến mức cao tột cực điểm. Chỉ có chư Phật và Bồ tát mới biết được công hạnh rốt ráo tròn đầy ấy chứ hàng phàm phu không suy lường được.
4. Nghĩa thứ tư là “tức tai”, nghĩa là mọi tai nạn đều được tiêu trừ.
5. Nghĩa thứ năm là “tăng ích”, là sự tăng trưởng lợi lạc của hành giả. Khi niệm câu Ta bà ha thì công hạnh đều được tăng trưởng, hành giả sẽ đạt được chỗ lợi lạc an vui.
6. Nghĩa thứ sáu của câu này, tôi thiết nghĩ trong quý vị ít có ai biết được. Vì trước đây tôi chưa từng nói bao giờ.
Ta bà hà có nghĩa là “vô trú”. Nghĩa “vô trú” này nằm trong ý nghĩa của câu “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” trong Kinh Kim Cang.
“Vô trú” nghĩa là không chấp trước, không vướng mắc hay bám chấp một thứ gì cả.
Tâm vô trú là không có một niệm chấp trước vào việc gì cả. Không chấp trước nghĩa là tâm tùy thuận với mọi việc, thấy mọi việc đều là tốt đẹp. Đây chính là trường hợp: “Vô vi nhi vô bất vi” (không khởi niệm tác ý nhưng điều gì cũng được thành tựu). Vô trú chính là vô vi theo nghĩa ở trên, và vô vi chính là vô trú.
Khi quý vị vừa móng khởi lên một niệm tưởng, đừng nên vướng mắc vào một thứ gì cả, đó là nghĩa thứ sáu của Ta bà ha. Quý vị đừng nên trụ vào các niệm tham, sân, si, mạn, nghi. Nếu quý vị có tất cả các tâm niệm trên thì phải nhanh chóng hàng phục chúng, chuyển hóa chúng để tâm mình không còn trụ ở một niệm nào cả. Hàng phục, chuyển hóa được những tâm niệm chúng sinh ấy gọi là vô trú. Dùng cái gì để chinh phục chúng? Dùng Bảo kiếm ấn pháp này để hàng phục. Quý vị nói rằng tâm quý vị bị đầy dẫy niệm tham chế ngự. Tôi sẽ dùng Bảo kiếm này để cắt sạch. Nếu tâm quý vị có đầy ma oán, tôi cũng sẽ dùng Bảo kiếm này đuổi sạch. Nếu tâm quý vị bị ma si mê chiếm đoạt, tôi sẽ dùng kiếm trí tuệ này chặt đứt chúng từng mảnh.
Tôi sẽ chặt đứt tất cả các loài ma ấy bằng Bảo kiếm Kim cang vương này, tức là dùng kiếm Trí tuệ để hàng phục. Nếu quý vị muốn hàng phục thiên ma ngoại đạo thì trước hết quý vị phải chuyển hóa được mọi vọng tưởng của mình. Khi quý vị chuyển hóa được vọng tưởng trong tâm mình, thì thiên ma ngoại đạo cũng được hàng phục luôn, cho dù chúng có muốn đến để quấy phá, chúng cũng chẳng tìm được cách nào để hãm hại được cả.
Trên đây là sáu nghĩa của Ta bà ha. Bất luận câu chú có chữ Ta bà ha đều mang đầy đủ sáu nghĩa trên.
——-
Sở dĩ Chú này xưng là “Phật Mẫu Chuẩn Đề” là nói: Pháp là thầy và thiệt trí, là mẹ của chư Phật, cho nên bảy trăm ức Phật đều dùng pháp “Chuẩn Đề Tam Muội” mà chứng đạo Bồ Đề.
Mật Tông rất tôn sùng Phật Mẫu Chuẩn Đề và đã xếp Ngài thuộc vào một tôn vị trong Quan Âm Bộ. Tôn vị này thuộc tận cùng của Viện Biến Tri.
Phái Thai mật của Phật Giáo thì đã xếp Ngài thuộc vào Phật Mẫu và trở thành một tôn vị trong Phật Bộ.