A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa – Quyển 4 – Tập 106 – 112

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

QUYỂN 4 – Tập 106-112

Liên Trì đại sư chùa Vân Thê soạn sớ sao
Pháp sư Cổ Đức diễn nghĩa
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Minh Tiến – Huệ Trang – Đức Phong

— o0o —

Tập 106

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm lẻ bảy:

 

(Sao) Tam A Nan giả.

() 三阿難者。

(Sao: “Ba vị A Nan”).

 

Đây là nói về ba vị A Nan, kinh Đại Thừa thường nói chuyện này, kinh Tiểu Thừa chẳng thừa nhận.

 

(Sao) Nhất danh Hoan Hỷ, kết Thanh Văn Tạng.

() 一名歡喜,結聲聞藏。

(Sao: Vị thứ nhất tên là Hoan Hỷ, kết tập Thanh Văn Tạng).

Đây là hoàn toàn nói theo hình tướng, dấu vết. Ngài A Nan là em họ của Thích Ca Mâu Ni Phật; sau khi đức Phật diệt độ, Ngài vâng theo di giáo của đức Phật, kết tập kinh điển Tiểu Thừa.

 

(Sao) Nhị danh Hỷ Hiền, kết Duyên Giác Tạng.

() 二名喜賢,結緣覺藏。

(Sao: Vị thứ hai là Hỷ Hiền, kết tập Duyên Giác Tạng).

 Thông thường, chúng cũng quy nạp Duyên Giác vào pháp Tiểu Thừa, tức là Thanh Văn và Duyên Giác. Nếu nói tới Tam Thừa, sẽ tách ra thành Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Trí huệ và công phu tu hành của Duyên Giác đều cao hơn Thanh Văn. Trong kinh giáo đã nêu ra sự khác biệt lớn nhất ở chỗ: Tuy Thanh Văn đã đoạn Kiến Tư phiền não, nhưng chưa đoạn tập khí; Duyên Giác thì ngay cả tập khí cũng đoạn. Đấy là chỗ khác nhau nơi quả chứng giữa Thanh Văn và Duyên Giác.

 

(Sao) Tam danh Hỷ Hải, kết Bồ Tát Tạng.

() 三名喜海,結菩薩藏。

(Sao: Vị thứ ba tên là Hỷ Hải, kết Bồ Tát Tạng).

 Hết thảy kinh Đại Thừa cũng do tôn giả A Nan kết tập. Do đây có thể biết, kinh điển Tam Thừa có quan hệ mật thiết với tôn giả A Nan. Đại Thừa nói rõ tôn giả A Nan cũng đã ngộ nhập Pháp Tánh, cho nên thông đạt hết thảy Đại Thừa Phật pháp vô ngại[58].

 

(Sao) Tắc A Nan dĩ đại thần lực, tùy cơ thị giáo, thị tri nhất đại thời giáo, thử A Nan bất văn giả, bỉ A Nan văn chi, hựu hà văn dữ bất văn nhi vi ngại dã.

()則阿難以大神力,隨機示教,是知一代時教,此阿難不聞者,彼阿難聞之,又何聞與不聞而為礙也。

(Sao: A Nan dùng đại thần lực, tùy theo căn cơ mà chỉ bày giáo pháp. Vì thế, biết: Đối với giáo pháp trong cả một đời đức Phật, nếu ngài A Nan này không nghe, thì ngài A Nan khác nghe, há còn trở ngại vì “nghe” hay “chẳng nghe” nữa ư?)

Đây là ý nghĩa vô ngại. Trong phần trước đã từng nói: “Một vị Phật xuất thế, ngàn vị Phật ủng hộ”, Phật pháp mới có thể thường trụ thế gian, mới có thể thật sự lợi ích hết thảy chúng sanh. Không có chư Phật, chư Bồ Tát hộ trì, phàm phu sẽ chẳng nhận biết, chẳng biết giá trị, càng chẳng có lòng nhẫn nại, chẳng có tâm dài lâu! Do điều này, ta biết chư Phật, Bồ Tát, tổ sư đại đức trụ trì trong thế gian mấy chục năm, phát huy rạng rỡ Phật pháp đều chẳng thể nghĩ bàn. Trong các vị đệ tử và hộ pháp, cũng thường có nhiều vị tái lai. Nếu bảo là không có vị nào tái lai, chỉ có một vị Phật, Bồ Tát, hay La Hán xuất thế, chắc chắn chẳng thể nào hóa độ chúng sanh. Vì thế, cũng biết: Pháp duyên hoàn toàn cậy nhờ Tam Bảo.

Đương nhiên chuyện này là “khả ngộ, bất khả cầu” (có thể ngộ, chẳng thể cầu). Chúng sanh có phước, Phật, Bồ Tát bèn xuất thế; chúng sanh chẳng có phước, chúng ta làm cách nào cũng chẳng cầu được! Phước do đâu mà có? Phước phải do chính mình tu. Bản thân chúng ta chẳng tu phước, mong mỏi người khác tu phước, đó là sai lầm; nhất định phải là chính mình biết tu phước. Đoạn “ngã văn” đã giảng xong. Tiếp theo đây là giảng về “nhất thời”, tức là điều thứ ba trong sáu thứ thành tựu.

 

(Sớ) Nhất thời giả, Thời Thành Tựu dã.

()  一時者,時成就也。

(Sớ: “Nhất thời” là Thời Thành Tựu).

Lúc nào?

 

(Sớ) Sư tư tương hợp, đương thời thuyết thính sự tất, tức danh “nhất thời”, dĩ thuyết thính vô định cố. Bất ngôn mỗ niên nguyệt nhật giả, thập phương thời phần bất nhất, lưỡng độ chánh sóc bất đồng cố.

() 師資相合,當時說聽事畢,即名一時,以說聽無定故。不言某年月日者,十方時分不一,兩土正朔不同故。

(Sớ: Thầy trò tương hợp, trong lúc ấy, nói và nghe xong xuôi, bèn gọi là “nhất thời”; bởi lẽ, nói và nghe bất định. Chẳng nói năm, tháng, ngày nào, vì cách phân định thời gian trong mười phương khác nhau, [cách chọn lựa] ngày đầu năm giữa hai cõi (Trung Hoa và Ấn Độ) khác nhau).

Đây là nguyên nhân khiến [kinh điển nhà Phật] chẳng ghi chép năm, tháng, ngày, giờ. Hiện thời, những chuyện này càng rõ rệt hơn nữa. Chúng ta biết trên địa cầu có múi giờ sai khác; thời cổ, chắc chắn chưa có múi giờ sai khác! Vì sao? Cổ nhân cưỡi ngựa, dẫu phi nhanh đến mấy thì một ngày đi được hai ba trăm dặm là cùng. Đi hai ba trăm dặm sẽ chẳng thấy có chuyện múi giờ sai khác! Ngồi thuyền cũng giống như vậy, thuận gió, thuận nước thì một ngày sẽ như cổ nhân nói: “Thiên lý Giang Ninh nhất nhật hoàn” (Giang Ninh ngàn dặm một ngày về). Đó là nói hình dung, chứ trọn chẳng đi được một ngàn dặm, cũng có thể nói đi được một, hai trăm dặm đã nhiều lắm rồi, đã khá nhanh rồi! Lữ hành kiểu ấy, trong thuở Kháng Chiến, tôi cũng thường đi. Nếu đi bộ thì một ngày nhiều nhất không hơn một trăm hai mươi dặm, [tính theo cách đo lường] hiện thời là sáu chục cây số. Đi ít nhất là sáu mươi dặm Tàu (tức ba mươi cây số), đi năm ngày phải nghỉ ngơi hai ngày. Vì thế, chẳng thể nào có múi giờ sai khác! Hiện thời, ngồi máy bay, sự sai biệt thời gian ấy vô cùng rõ rệt. Do liên quan đến chuyện múi giờ sai khác, sẽ không thể ghi chép năm, tháng, ngày, giờ [cụ thể], đạo lý như thế đấy! Còn nữa, trong quá khứ, những quốc gia tại Cổ Ấn Độ chưa thống nhất, mỗi tiểu quốc gia dùng lịch pháp khác nhau. Vì thế, năm, tháng, ngày, giờ cũng khác nhau. Hiện thời, trên thế giới, tối thiểu có ba loại lịch pháp khác nhau: Dương lịch, Âm lịch của Trung Quốc, lịch pháp của Hồi giáo, chúng ta phải tuân theo loại lịch pháp nào để ghi chép? Điều này rất rắc rối, do vậy, chẳng dùng năm, tháng, ngày, giờ, chỉ ghi mơ hồ là “nhất thời”. Ý nghĩa của chữ “nhất thời” hết sức sâu.

 “Sư tư tương hợp”: Cổ đức thường dùng câu này để giải thích chữ “nhất thời”, tức là lúc cơ cảm tương ứng, nghĩa là chúng sanh có cảm, Phật bèn ứng, lúc cảm ứng đạo giao bèn gọi là “nhất thời”. Nói thật ra, chúng sanh dùng gì để có thể cảm? Nhất tâm có thể cảm, tam tâm nhị ý chắc chắn chẳng thể cảm ứng Phật, Bồ Tát. Không chỉ chẳng thể cảm ứng Phật, Bồ Tát, mà đối với quỷ thần cũng là như vậy. Sách Liễu Phàm Tứ Huấn có nói tới chuyện vẽ bùa, niệm chú, muốn vẽ đạo bùa ấy cho linh thì phải vẽ như thế nào mới linh? Nhất tâm bất loạn. Trong khoảng thời gian rất ngắn, kể từ khi chấm một nét bút để vẽ đạo bùa ấy cho đến khi vẽ xong, trong tâm chẳng có một vọng niệm nào, đó là lúc nhất tâm, đạo bùa ấy sẽ linh! Niệm chú cũng giống như vậy, niệm từ đầu tới cuối, trong tâm chẳng có vọng tưởng nào, chú ấy bèn linh. Chư vị hãy suy nghĩ, [sẽ thấy] chú dài chẳng bằng chú ngắn, vì sao? [Niệm] chú dài sẽ khởi vọng tưởng, do thời gian niệm khá lâu! Quý vị không tin thì niệm chú Lăng Nghiêm và chú Đại Bi để so sánh, sẽ thấy khác nhau. Chúng ta thường thấy niệm chú Đại Bi cảm ứng rất nhiều. Quý vị dò hỏi có thấy chú Lăng Nghiêm có cảm ứng hay không? Quá dài, khi niệm, nói chung, chẳng tránh khỏi có một, hai vọng tưởng, xong luôn! Hễ vọng tưởng là [sức chuyên chú] đã bị phá sạch rồi, chẳng thể thành công. Vì thế, chú Đại Bi lại chẳng bằng chú Vãng Sanh, [vì chú Vãng Sanh] ngắn hơn! Chú Vãng Sanh lại chẳng bằng một câu “Nam-mô A Di Đà Phật”, đơn giản nhất. Vì thế, thành tâm thành ý niệm câu Phật hiệu này, thời gian ngắn ngủi, trong ấy chẳng xen tạp vọng tưởng, dễ đắc nhất tâm; hễ nhất tâm bèn khởi cảm ứng, nguyên lý ở chỗ này! Vì thế, ngay cả giao tiếp với quỷ thần cũng đều phải dùng nhất tâm thì mới có cảm ứng.

 

(Sớ) Ước đương tông, tắc tức thuyết thính khoảnh, tâm cảnh mẫn, phàm thánh hội, y chánh dung, nhất đa đẳng. Thử chư nhị pháp, giai nhất chi thời, danh nhất thời dã.

() 約當宗,則即說聽頃,心境泯,凡聖會,依正融,一多等。此諸二法,皆一之時,名一時也。

(Sớ: Ước theo tông này thì trong khoảng thời gian nói và nghe, tâm lẫn cảnh đều mất, phàm và thánh dung hội, y báo và chánh báo hòa nhập vào nhau, một và nhiều như nhau. Lúc các pháp có đối lập ấy đều là một thì gọi là “nhất thời”).

“Đương tông” là tông của chúng ta (Tịnh Độ Tông), nói theo giáo nghĩa trong kinh này. Hoàn toàn kiến lập trên “nhất tâm bất loạn” để nói nên vô cùng hữu lý. Tâm chúng ta thật sự đạt đến thuần nhất, sẽ là lúc thấy Phật, mà cũng là lúc vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thật sự là tu hành khai hoa kết quả. Trong đoạn này, nói thật ra, cũng là nói rõ công phu chân thật của người tu Tịnh Độ. Vì thế, trong rất nhiều kinh điển, chúng ta thấy đức Phật giảng kinh ấy chưa xong, mới nói một nửa, những vị đương cơ đã khai ngộ, chứng quả. Như trong kinh Lăng Nghiêm mà rất nhiều đồng tu quen thuộc, trong hội Lăng Nghiêm, Thích Ca Mâu Ni Phật giảng mới một nửa, cô Ma Đăng Già bèn chứng Tam Quả; chưa nói xong, tôn giả A Nan đã chứng Sơ Quả. Vì sao họ nghe kinh có thể chứng quả? Chính vì đạo lý đang được nói đến ở đây.

“Thuyết thính khoảnh” là lúc đang nói và nghe. “Tâm cảnh mẫn”: Tuy ở đây nói bốn câu, chỉ cần quý vị hiểu một câu, sẽ hiểu ba câu kia. Cổ đức thường nói nghe kinh phải “tiêu quy tự tánh”. Tiêu quy tự tánh là như thế nào? Chính là ba chữ “tâm cảnh mẫn” được nói ở đây, đó gọi là “tiêu quy tự tánh”. Tâm lẫn cảnh hai bên đều không có, tâm mới đạt đến nhất tâm! Khi ấy, hoàn toàn là cảnh giới hiện lượng Nhất Chân. Nói như vậy, sợ quý vị vẫn chưa dễ gì hiểu được. Tướng cảnh giới là phàm và thánh như nhau, tâm thật sự đạt đến thanh tịnh, bình đẳng, trong hết thảy các pháp đều chẳng khởi phân biệt, chẳng chấp trước, không có vọng tưởng. Trong ấy, chẳng có tâm mà cũng chẳng có cảnh, tâm lẫn cảnh cùng lìa! Đấy là nhất tâm hiện tiền, nói “nhất thời” chính là nói về lúc ấy!

Chúng ta nghe kinh không nhập cảnh giới đó, cũng là nghe kinh chẳng khai ngộ! Chư vị phải biết: Nghe kinh khai ngộ chẳng phải là nói ngộ được câu này trong kinh giảng theo cách nào, có ý nghĩa gì, chẳng phải ngộ điều ấy, ngộ như vậy là hỏng bét rồi! Quý vị ngộ kiểu ấy, chỉ hiểu được câu ấy, lại xem đến câu kế tiếp sẽ chẳng ngộ. “Ngộ” là nói “ngộ nhập tự tánh!” Thật sự ngộ nhập tự tánh, không chỉ hiểu trọn vẹn một bộ kinh này, mà hết thảy các kinh do chư Phật Như Lai đã nói cũng hiểu toàn bộ. Các pháp thế gian và xuất thế gian không có pháp nào chẳng thông đạt, lúc đó mới gọi là “khai ngộ”. Một ngộ, hết thảy ngộ, chẳng phải ngộ một câu này. Chẳng có ý nghĩa như thế! Bốn câu này nhằm [diễn tả] tình trạng khai ngộ. Có thể thấy: Thật sự nói và nghe thì chỗ nào chẳng phải là tu hành? [Luôn luôn] đang tu hành, tu Định! Nghe rõ ràng, rành rẽ, đó là tu Huệ. Khi nghe chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, chẳng có vọng tưởng, đấy là tu Định. Thái độ nghe kinh như vậy là “Định Huệ đẳng học” (học cân bằng Định và Huệ), vận dụng công phu thuần thục, sẽ nhập cảnh giới, khai ngộ. Vì thế, nghe kinh rất kỵ khởi phân biệt trong ấy: Ở chỗ này nghĩa là gì, cách giảng như thế nào, kỵ nhất điều đó! Bởi lẽ, quý vị nghe như vậy, hoàn toàn rơi vào ý thức, rơi vào thức thứ sáu, thức thứ sáu là hắc ám, chẳng phải là quang minh, vĩnh viễn chẳng thể khai ngộ. Đây là chỗ người thời nay thua kém cổ nhân!

Nói cách khác, quý vị còn có tâm là còn có cảnh giới. Tâm và ngoại cảnh đối lập, sẽ còn có phàm, còn có thánh, còn có y báo, còn có chánh báo, còn có một, còn có nhiều, quý vị hoàn toàn sống trong thế giới tương đối. Đấy là chưa nhập, là phàm phu; ắt cần phải vượt thoát tương đối, nên bất đắc dĩ nói Nhất Chân pháp giới. Vì thế “nhất thời” là khi chứng đắc Nhất Chân pháp giới, cũng tức là khi bản thân chúng ta chứng đắc nhất tâm bất loạn. Nhất Chân pháp giới là Sở Chứng; nhất tâm bất loạn là Năng Chứng. Năng và Sở là một, chẳng hai, lúc ấy là thật sự chứng. Nếu Năng Chứng và Sở Chứng là hai chuyện, tâm và cảnh sẽ chẳng mất, tâm và cảnh bèn đối lập, chưa nhập. Tâm và cảnh nhất định là một, không hai, phàm và thánh là một, y báo và chánh báo là một, một và nhiều cũng là một, đấy mới là thật sự khế nhập. Khi ấy, con người thật sự giải thoát, thật sự tự tại. “Thử chư nhị pháp, giai nhất chi thời” (lúc các pháp đối lập ấy đều là một) thì là “nhất thời”.

 

(Sao) Thuyết thính vô định giả.

() 說聽無定者。

(Sao: Người nói và kẻ nghe bất định).

Đây là nhằm giải thích câu “dĩ thuyết thính vô định cố” trong phần trước.

 

(Sao) Hoặc thuyết giả đắc đà-la-ni, nhất sát-na khoảnh, nhất tự chi trung, thuyết nhất thiết pháp môn.

()說者得陀羅尼,一剎那頃,一字之中,說一切法門。

(Sao: Hoặc là người nói đắc đà-la-ni, trong một sát-na, trong một chữ, nói hết thảy pháp môn).

Người thuyết pháp đắc đà-la-ni. Đà-la-ni (Dhāranī) là dịch âm tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Tổng Trì, “tổng nhất thiết pháp, trì nhất thiết nghĩa” (bao gồm hết thảy các pháp, nắm giữ hết thảy các nghĩa), nay chúng ta thường nói là “cương lãnh”, [tổng trì là] nắm vững cương lãnh Phật pháp. Cương lãnh ấy vô cùng đơn giản, tóm tắt; vì thế, kinh giảng về đà-la-ni (tức là pháp môn Tổng Trì) có “nhiều chữ, ít chữ, một chữ, không có chữ nào” sai khác! Thường là nói bốn loại lớn ấy. “Sát-na khoảnh” là thời gian hết sức ngắn ngủi. “Đa tự, như chư kinh mật chú. Nhất tự, như Án tự. Vô tự, như vô tướng diệu tâm” (Nhiều chữ như mật chú trong các kinh. Một chữ như chữ Án (Aum). Không có chữ như vô tướng diệu tâm). Đà-la-ni nhiều chữ như chú Lăng Nghiêm, chú Đại Bi, chú Vãng Sanh. Một chữ là như trong Phật môn thường nói Án (Aum: ॐ); trong bốn mươi tự mẫu (chữ cái) của Hoa Nghiêm, chữ A là nguyên âm thứ nhất, hết thảy âm thanh đều từ nguyên âm này biến hóa, nay chúng ta gọi là “mẫu âm” (vowel), mẫu âm thứ nhất là chữ này. Vô tự là “ngôn ngữ dứt bặt, tâm hành xứ diệt”, là nhất tâm, “vốn chẳng có một vật” như Lục Tổ nói thuộc loại vô tự, tức là chân tâm, bản thể. “Vô tướng diệu tâm” là nói tới vô tự đà-la-ni. Vô tự đà-la-ni là Thể, có tác dụng chẳng thể nghĩ bàn; đó gọi là “Bát Nhã vô tri, không gì chẳng biết”.

Nay chúng ta muốn đạt được, quan trọng nhất là Vô Tự đà-la-ni, tức là đắc thanh tịnh tâm, điều này rất trọng yếu. Đặc biệt là tu pháp môn Tịnh Độ, nói thật thà thì tu pháp môn Tịnh Độ là tu tâm thanh tịnh mà thôi! Đó gọi là “tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh”. Chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối niệm câu A Di Đà Phật này, quý vị có nghĩ ta hằng ngày niệm, niệm rồi ta nghĩ có đạt được gì hay không? Ta có được điều gì hay không? Niệm một câu A Di Đà Phật này nhằm đắc tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh có thật sự đạt được hay chưa? Tâm thanh tịnh là nhất niệm bất sanh, đó là tâm thanh tịnh. Trong tâm vẫn còn khởi tâm động niệm, tâm ấy chẳng thanh tịnh. Tâm thanh tịnh có thể sanh ra muôn pháp, đấy là căn bản! Căn bản đà-la-ni. Nếu trong tâm còn có vọng niệm tơi bời, đời này chúng ta niệm Phật sẽ không thể thành tựu, chỉ có thể nói là kết thiện duyên với Tây Phương Cực Lạc thế giới mà thôi! Đời này có thể vãng sanh hay không? Chẳng thể vãng sanh. Quý vị muốn vãng sanh thì tâm nhất định phải thanh tịnh. Tâm không thanh tịnh, làm sao có thể vãng sanh?

Do vậy, chúng ta phải dùng một câu A Di Đà Phật để niệm cho hết tập khí vọng tưởng từ vô thỉ kiếp đến nay, niệm cho dứt những tập khí vọng tưởng ấy. Nhưng tập khí vọng tưởng luôn dấy lên hiện hành, đây là chuyện phiền phức, nhất định phải đề cao cảnh giác. Hễ lục căn của chúng ta vừa tiếp xúc cảnh giới lục trần, tập khí bèn dấy lên hiện hành, hễ hiện hành sẽ tạo nghiệp, tạo nghiệp lẽ nào chẳng hứng chịu quả báo! Tuy Tịnh Độ nói “đới nghiệp vãng sanh”, nhưng chư vị phải biết: Mang theo nghiệp cũ, chẳng phải là mang theo nghiệp mới, phải hiểu rõ chuyện này! Nghiệp cũ là gì? Nghiệp quá khứ! Chẳng phải là hiện tại chúng ta mỗi ngày tạo nghiệp mà có thể mang theo [những nghiệp ấy] được, chẳng có đạo lý ấy! Nói cách khác, nay chúng ta đã giác ngộ, chúng ta phải dùng một câu A Di Đà Phật này để thay thế tất cả nghiệp chướng tập khí. Đấy là bí quyết tu hành trong pháp môn này!

Do vậy, vãng sanh, cũng là nói đến chuyện tu Tịnh Độ, có ba bậc công phu: Bậc thượng là Lý nhất tâm bất loạn, đoạn Kiến Tư phiền não, phá một phần vô minh, đấy là công phu thượng thừa. Bậc trung là chưa phá vô minh, nhưng đã đoạn Kiến Tư phiền não; đấy là Sự nhất tâm bất loạn. Kinh Vô Lượng Thọ nói đến ba bậc là thượng bối, trung bối, hạ bối (bậc thượng, bậc trung, bậc hạ). Bậc hạ khuất phục Hoặc, chưa đoạn phiền não, nhưng một câu A Di Đà Phật này có thể áp chế [phiền não]. Nói cách khác, phiền não sẽ chẳng thể dấy lên hiện hành. Trong tâm vừa động, ngay lập tức biến [niệm ấy] thành A Di Đà Phật. Công phu như vậy gọi là “đới nghiệp vãng sanh”. Ý niệm vừa dấy động, ngay lập tức hiện hành, tức là chẳng có cách nào, không được rồi! Ý niệm vừa dấy động, lập tức chuyển nó thành A Di Đà Phật. Tập khí nghiệp chướng có niệm thứ nhất, niệm thứ hai biến thành A Di Đà Phật; đó gọi là “khuất phục phiền não, luyện tập công phu thành phiến”, là ba phẩm Hạ trong ba bậc chín phẩm vãng sanh; mọi người chúng ta đều có thể đạt được những phẩm này!

Ai nấy đều làm được, nhưng vì sao chúng ta không làm được? Nói thật ra là chẳng chịu làm! Mà cũng chẳng biết chuyển ngay trong niệm thứ hai. Niệm thứ nhất dấy lên, đương nhiên chẳng thể chuyển nơi đó, hãy chuyển trong niệm thứ hai. Ta vừa muốn nói năng thì niệm ấy dấy lên, đó là niệm thứ nhất, niệm thứ hai bèn A Di Đà Phật, biến điều ta vốn nghĩ thành A Di Đà Phật. Đó là niệm Phật, là công phu. Niệm Phật phải niệm theo cách như vậy thì mới được! Trong Tây Phương Xác Chỉ, Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát đã dạy chúng ta, “thiểu thuyết nhất cú thoại, đa niệm nhất cú Phật, đả đắc niệm đầu tử, hứa nhữ Pháp Thân hoạt” (ít nói một câu chuyện, niệm nhiều một câu Phật, để đánh chết ý niệm, cho Pháp Thân được sống). Nói rất minh bạch! Người vãng sanh là vãng sanh như vậy! Chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối niệm Phật, nhưng vọng niệm vẫn dấy lên như cũ, vẫn tạo khẩu nghiệp và thân nghiệp y như cũ, không được rồi! Nếu người như vậy mà cũng có thể vãng sanh thì chẳng có đạo lý nào! Nói theo Lý, chẳng thể thông suốt được! Do vậy, quý vị nhất định phải biết: Mang theo nghiệp cũ, chẳng mang theo nghiệp mới.

Thật sự đạt được tâm thanh tịnh, chưa cần nói đến nhất tâm bất loạn, đấy là công phu thượng thừa (Lý nhất tâm bất loạn) và công phu trung thừa (Sự nhất tâm bất loạn), [chỉ nói đến] công phu bậc hạ thì Phật hiệu của quý vị có thể áp chế phiền não, trí huệ hiện tiền, ít nhiều gì trí huệ trong tự tánh của quý vị đã lộ ra. Nếu quý vị chẳng thể áp chế [phiền não] thì không được rồi, những gì quý vị lưu lộ ra vẫn là tâm ý thức khởi tác dụng y như cũ: Phân biệt, chấp trước khởi tác dụng, chẳng phải là chân tâm khởi tác dụng. Trong chân tâm, không có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng. Hết thảy kinh luận vốn dựa trên nguyên lý này, pháp môn Niệm Phật của chúng ta cũng chẳng phải là ngoại lệ, mà cũng căn cứ trên nguyên lý và nguyên tắc này.

 

(Sao) Hoặc thính giả đắc tịnh nhĩ căn, ư nhất sát-na, văn nhất tự thời, ư dư nhất thiết tất vô chướng ngại.

()或聽者得淨耳根,於一剎那,聞一字時,於餘一切悉無障礙。

(Sao: Hoặc người nghe đắc nhĩ căn thanh tịnh, trong một sát-na, lúc nghe một chữ bèn đối với hết thảy những điều khác đều chẳng chướng ngại).

Đoạn trên là nói về người nói, đoạn này nói về người nghe. Người

nghe cũng có thể khai ngộ, nói cách khác, quý vị biết nghe! Nếu người nói biết nói, người nói sẽ khai ngộ, người nghe biết nghe, người nghe sẽ khai ngộ. Nếu người nói chẳng biết nói, nhưng chúng ta là người nghe biết nghe thì nghe xong có thể khai ngộ hay không? Sẽ khai ngộ. Tuy người nói từ tâm ý thức mà nói ra, là lời nói của phàm phu, nhưng người nghe chẳng chấp vào hai bên, chẳng chấp vào Trung Đạo, nên người nghe khai ngộ. Tức là khi nghe, thật sự tập trung tinh thần, khi nghe quên mất ta, tâm thật sự đạt được thanh tịnh. Khi ấy, chẳng chấp trước tướng Ta, mà cũng chấp trước tướng Người của kẻ thuyết pháp, mà cũng chẳng chấp trước tướng Pháp được nói trong khi ấy, nghe rõ ràng, rành rẽ, phân minh, tam luân thể không, người ấy sẽ khai ngộ. Người ấy nghe như vậy sẽ ngộ nhập nhất tâm, [đoạn này] nói đến đạo lý ấy. “Tịnh nhĩ căn” [là như vậy đó].

“Tịnh nhĩ” là như ngài Quán Thế Âm Bồ Tát đã được nhắc tới trong kinh Lăng Nghiêm. Quán Thế Âm Bồ Tát “nhĩ căn viên thông”, bất luận nhĩ căn nghe như thế nào, Quán Thế Âm Bồ Tát chẳng nghe bên ngoài, Ngài nghe bên trong. Chúng ta phải hiểu rõ ràng “trong” và “ngoài”. [Nghe nói “trong” và “ngoài”, quý vị liền nghĩ]: Bên ngoài là âm thanh, phải tiến nhập vào trong ấy (bên trong âm thanh) để nghe! Quý vị nghĩ như vậy là trật lất rồi! Trong và ngoài là gì? Bên ngoài là Trần, bên trong là Tánh. Do vậy, Quán Thế Âm Bồ Tát nghe âm thanh bên ngoài, tiếng người khác nói chuyện, tiếng xe ngựa, tiếng mưa gió, đều là âm thanh; đó là Thanh Trần. Chúng ta nghe những âm thanh ấy đều phân biệt, chấp trước; vì thế đối với Nhĩ Căn và Nhĩ Thức của chúng ta, những âm thanh ấy là Thanh Trần. Cách nghe của Quán Thế Âm Bồ Tát khác chúng ta, Ngài dùng tánh Nghe, chẳng dùng Nhĩ Thức. Tánh Nghe nghe âm thanh bên ngoài, bèn nghe được tánh của âm thanh, điều này gọi là “minh tâm kiến tánh”. Vì thế nói Ngài “lục căn thanh tịnh”, tịnh Nhĩ Căn, tịnh Nhãn Căn, tịnh Thiệt Căn… sáu căn không căn nào chẳng thanh tịnh. Thanh tịnh như thế nào? Chẳng chạy theo Trần, mà hướng theo Tánh, đi theo Tánh. Tánh ở chỗ nào? Tánh ở ngay trong lục trần, thấy Trần bèn thấy Tánh, người ta cao minh ở chỗ này!

Cổ nhân tỷ dụ “dĩ kim tác khí, khí khí giai kim” (dùng vàng chế đồ vật, món nào cũng là vàng), sánh ví vàng như bổn tánh, sánh ví đồ vật như lục trần, Ngài thấy các món vật bèn thấy vàng. Quý vị nghĩ xem: Các món vật bất bình đẳng, đủ mọi cách thức, hình dạng, kiểu cọ, lớn nhỏ khác nhau; thấy được vàng thì sao? Bình đẳng, Thể là bình đẳng. Do vậy, trong tâm Ngài chẳng có hết thảy phân biệt, chấp trước, tâm Ngài bình đẳng. Bình đẳng đối với hết thảy các pháp, vì Ngài thấy Pháp Tánh. Tánh và Tướng chẳng tách rời, Tánh là Tướng, Tướng là Tánh. Từ Tướng bèn thấy Tánh, đó là Phật, Bồ Tát. Còn phàm phu chúng ta không như vậy, khởi phân biệt, chấp trước nơi Tướng, quên mất Tánh, đó gọi là “mê mất”, chấp Tướng, mê Tánh. Vì thế, mê và ngộ là chuyện như vậy đó. Người ta ngộ là ngộ gì vậy? Ngộ là ngộ tánh. Trong hết thảy các pháp, họ thấy Pháp Tánh từ Pháp Tướng, chúng ta gọi điều đó là Giác hay Ngộ. Người giác ngộ sáu căn thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần, cho nên khởi tác dụng chẳng bị chướng ngại.

“Ư nhất sát-na” (trong một sát-na) là nói thời gian rất ngắn. “Văn nhất tự thời, ư dư nhất thiết tất vô chướng ngại” (lúc nghe một chữ, đối với hết thảy những điều khác đều không chướng ngại), “dư” là quá nhiều, không chỉ là một bộ kinh này. Trong bộ kinh này, quý vị đã khai ngộ từ một chữ, sẽ đối với bộ kinh này chẳng có chướng ngại. Không chỉ đối với bộ kinh này chẳng bị chướng ngại, mà đối với hết thảy các kinh đều không bị chướng ngại. Không chỉ chẳng bị chướng ngại đối với hết thảy các kinh, mà đối với các pháp thế gian hay xuất thế gian thảy đều không bị chướng ngại, một ngộ, hết thảy ngộ! Quý vị phải hiểu điều này, chính mình chưa khai ngộ thì trong tâm quý vị phải biết rõ, chẳng cần phải hỏi ai khác, đối với hết thảy các pháp quý vị có thông đạt vô ngại hay không? Không có! Vậy là chưa khai ngộ.

Trong Ấn Quang Đại Sư Vĩnh Tư Lục,  đại sư có một đệ tử quy y, sau khi lão pháp sư viên tịch, ông ta viết một bài kỷ niệm kể lại một đoạn nhân duyên của chính mình với lão pháp sư. Ông ta vốn là một phần tử trí thức cao cấp, học vấn rất khá, đọc sách rất nhiều. Về sau học Phật, tham Thiền, chính mình rất đắc ý, ngỡ bản thân đã khai ngộ. Thiền Tông có một bộ ngữ lục nổi tiếng là Ngũ Đăng Hội Nguyên, bộ sách này có một ngàn bảy trăm công án, tức là những cuộc vấn đáp nhằm tiếp dẫn học trò của các vị tổ sư xưa kia. Ông ta hết sức tự hào, nói gần như đối với một ngàn bảy trăm công án, gần như công án nào cũng tham thấu suốt, chỉ còn sót lại một vài công án chưa thấu triệt mà thôi, còn chừng năm, sáu công án chưa nắm chắc, còn những công án khác thảy đều chẳng có vấn đề. Do vậy, người ấy rất tự phụ, cũng rất ngạo mạn. Vì thế, viết một bức thư gởi lão hòa thượng Ấn Quang kể về tâm đắc của chính mình. Ngài Ấn Quang gởi thư trả lời, nói: “Một ngàn bảy trăm công án, chỉ cần ông tham thấu một điều, sẽ hoàn toàn thông đạt [mọi công án]. Nếu còn có một công án nào chẳng tham thấu, tức là ông hoàn toàn chẳng thấu triệt gì hết”. Ông ta bị lão hòa thượng tạt nước lạnh lên đầu, kể ra cũng tỉnh ngộ, bỏ Thiền, thật thà niệm A Di Đà Phật.

Hễ có một điều chẳng thông, tức là quý vị chẳng thông một điều nào. Hễ thông thì hết thảy đều thông! Điều này thật sự là giáng một gậy vào đầu kẻ cuồng vọng. Vì thế, thật sự thông đạt, các pháp thế gian và xuất thế gian chẳng có gì không thông đạt, quý vị xử trí những chuyện thế gian hằng ngày cũng sẽ tùy tâm thi thố, tuyệt đối chẳng sai lầm. Chúng ta hãy tự suy nghĩ, chính mình chưa đạt đến cảnh giới ấy thì cũng phải học giống như vị đại đức kia, quay trở lại thật thà niệm A Di Đà Phật, đừng nên dấy vọng tưởng nữa, phải nên buông hết thảy kinh giáo xuống. Mở những kinh ấy ra xem chỉ giúp quý vị khởi vọng tưởng, tăng trưởng tà tri tà kiến, chẳng có lợi tí nào cho công phu tu hành của quý vị, nhất định phải nhớ kỹ điều này!

Đây là nêu bày công đức và lợi ích của hai phương diện Nói và Nghe, chỉ cần quý vị biết nghe, biết nói thì nói và nghe đều là tu hành, nói và nghe thảy đều có ngộ xứ. Vì vậy, nghe kinh phải chuyên tâm, phải buông xuống tất cả tạp niệm. Trong khi nghe chẳng có phân biệt, chấp trước, sự nghe kinh ấy sẽ có ngộ xứ, bất luận người nào, chẳng được đại ngộ thì cũng là tiểu ngộ. Trong phần trước đã nói đại triệt đại ngộ, chúng ta chưa làm được điều ấy, nhưng tiểu ngộ thì chúng ta sẽ có. Thường có tiểu ngộ, mấy năm sau sẽ biến thành đại ngộ. Nhiều lần đại ngộ sẽ biến thành đại triệt đại ngộ. Vì thế, biết nghe là dùng tâm thanh tịnh để nghe, “nói” cũng giống như thế!

Trước khi giảng kinh, phải làm công tác chuẩn bị. Nói thật ra, chuẩn bị [lãnh hội] kinh điển để nói, chẳng bằng đối trước thính chúng có tâm cung kính, chẳng dám lười nhác, chẳng dám ngạo mạn, tu những điều ấy. Trước khi giảng kinh bèn đọc kinh, xem chú giải, khi lên giảng đài, chưa chắc quý vị đã dùng đến những thứ chuẩn bị sẵn, vì sao? Lên giảng đài có nhiều ý nghĩa mới nẩy sanh. Tôi nghĩ đối với tình hình này, từ xưa tới nay mỗi vị pháp sư lên giảng đài đều có kinh nghiệm này. Trong quá khứ, tôi đọc bộ Viên Giác Kinh Thân Văn Ký, do pháp sư Đế Nhàn giảng, mấy vị đệ tử tại gia như Tưởng Duy Kiều v.v… ghi chép. Bản thân Ngài giảng kinh, đã soạn một bản Viên Giác Kinh Giảng Nghĩa, nhưng trên giảng đài Ngài chẳng giảng theo giảng nghĩa, người ngồi dưới mỗi ngày ghi lại những điều lão hòa thượng giảng, sau đấy đưa cho lão hòa thượng xem. Lão hòa thượng đọc xong, cảm thấy rất ngạc nhiên: “Những điều này do tôi đã giảng ư?” “Đúng vậy! Do lão nhân gia giảng”. “Ta làm sao giảng hay như thế được?” Chính mình nghĩ không ra. Trên giảng đài, do tâm thanh tịnh, công phu quán chiếu đắc lực; vì thế, tự nhiên trong tâm trào ra các ý nghĩa và kinh nghĩa, tự nhiên thổ lộ ra, nhưng chính mình cũng chẳng hay biết. Các vị đại đức xưa nay đều có kinh nghiệm này. Nói và nghe nhất định phải hiểu thái độ nói và nghe.

 

(Sao) Hoặc thuyết giả thời thiểu, thính giả thời đa, hoặc thuyết giả thời đa, thính giả thời thiểu.

()說者時少,聽者時多;或說者時多,聽者時少。

(Sao: Hoặc là người nói trong khoảng thời gian ngắn, mà người nghe cảm thấy thời gian rất lâu; có lúc người nói trong thời gian rất lâu mà người nghe cảm thấy thời gian rất ngắn).

Cảm nhận về thời gian dài hay ngắn khác nhau. Có lúc chúng ta nghe người ta giảng diễn, thực tế là thời gian chẳng dài, nhưng dường như một ngày bằng cả năm, sao mà vẫn giảng chưa xong? Có lúc nghe rất hứng thú, quên mất thời gian, sao mà rất ngắn tựa như trong khoảnh khắc? Những kinh nghiệm này rất nhiều người đã có. Hai câu này có ý nghĩa như vậy.

 

(Sao) Thuyết giả thần lực diên xúc tùy nghi, thính giả căn khí lợi độn bất nhất.

() 說者神力延促隨宜,聽者根器利鈍不一。

(Sao: Người nói có thần lực nên có thể kéo dài hay rút ngắn [thời gian] tùy nghi, căn khí của người nghe là lợi căn hay độn căn bất nhất).

Hai câu này nhằm giải thích về chuyện [thời gian] người nói nhiều hay ít, người nghe nhiều hay ít trong phần trên. Trong Phật pháp, chuyện này quả thật có cảnh giới chẳng nghĩ bàn. Chẳng hạn như lấy kinh Hoa Nghiêm để nói, sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật thành đạo, đã nói [kinh Hoa Nghiêm] dưới cội Bồ Đề trong hai thất, cũng có chỗ nói là ba thất. Hai thất là mười bốn ngày, ba thất là hai mươi mốt ngày, nói một bộ kinh lớn như thế [trong một khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy], ai có thể tin tưởng? Nay chúng ta đem kinh ấy niệm một lượt, niệm suốt hai mươi mốt ngày chưa xong, huống hồ giảng giải? Huống chi theo như Long Thọ Bồ Tát đã thấy, bộ kinh Hoa Nghiêm [được lưu truyền trong Diêm Phù Đề] chỉ là cương yếu. Trong cung rồng, Ngài đã thấy toàn bộ kinh Hoa Nghiêm, toàn bộ có bao nhiêu? Theo phương pháp tính toán [kích thước của] kinh Phật, cứ lấy bốn câu làm một Kệ, hoặc gọi là một bài tụng. Bộ kinh ấy có mười tam thiên đại thiên thế giới vi trần[59] kệ, có một tứ thiên hạ[60] vi trần phẩm. Ngài vừa thấy bèn sững sờ, nói thẳng thừng, đơn giản là chúng sanh trong Diêm Phù Đề sẽ chẳng thể nào lãnh nhận được! Nếu bộ kinh này có hình tướng thì cả địa cầu cũng chẳng thể dung nạp, bộ kinh lớn như vậy đó! Sau đấy, Ngài mới bất đắc dĩ xem trung bộ. Trung bộ vẫn còn quá lớn, vẫn chẳng có cách nào tiếp nhận. Lại xem hạ bổn, hạ bổn là đề yếu (nêu bày những điều quan trọng), giống như Tứ Khố Toàn Thư Mục Lục Đề Yếu, Đề Yếu bao nhiêu? Mười vạn bài tụng, bốn mươi vạn câu, bốn mươi phẩm. Long Thọ Bồ Tát thấy chúng sanh trong Diêm Phù Đề có thể tiếp nhận bản kinh Hoa Nghiêm này, bèn đem bộ kinh này truyền dạy trong thế gian. Nhưng hiện thời bản dịch tiếng Hán vốn chỉ là một nửa nguyên bản, đại kinh đã bị mất, nguyên bản tàn khuyết, bản tàn khuyết chẳng hoàn chỉnh được truyền sang Trung Quốc, [nghĩa là] chúng ta phiên dịch phân nửa nguyên bản, gồm tám mươi quyển. Tám mươi quyển kinh chỉ có bốn vạn năm ngàn bài tụng, [tức là] mười vạn bài tụng vẫn còn thiếu năm vạn năm ngàn bài tụng, còn thiếu một chút mới được phân nửa, vẫn chưa đạt đến [phân nửa nguyên bản].

Điều này có nghĩa là thời gian nói ngắn ngủi, nhưng người nghe cảm giác lâu dài. [Thính chúng] đều là các vị Bồ Tát nghe giảng, đương cơ [của hội Hoa Nghiêm] đều là bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ, họ cảm thấy đã nghe rất nhiều. Câu này nhằm nói tới đạo lý ấy, “thuyết giả thần lực diên xúc tùy nghi” (người nói có thần lực kéo dài hay rút ngắn tùy nghi). Thời gian chẳng phải là pháp cố định. Chư Phật Như Lai và các vị Bồ Tát có thần thông, có thể biến thời gian ngắn ngủi thành lâu dài, có thể rút thời gian dài thành ngắn ngủi, có thể tự tại. Trong tiểu thuyết truyền kỳ của Trung Quốc có chuyện Hoàng Lương Mộng (giấc mộng kê vàng), quý vị đi học trong nhà trường, học Quốc Văn đều đã đọc cả rồi, chuyện ấy nói rõ thời gian kéo dài hay rút ngắn bất định. Thời gian ngắn ngủi mà chính mình cảm thấy đã vài chục năm trôi qua, tỉnh giấc, bất quá là vừa mới mấy phút mà thôi! Nếu người ấy học thứ gì thì trong mộng chẳng biết đã học bao nhiêu thứ! Đó là trong thời gian ngắn ngủi, mà nghe rất nhiều, dùng ngay thí dụ này để nói. Có khi nói rất nhiều, nhưng người nghe cảm thấy rất ít, đó là vì [người nghe] thật sự nắm được chỗ cương lãnh và trọng yếu.

“Thính giả căn khí lợi độn bất nhất” (căn khí của người nghe là lợi căn hay độn căn khác nhau), có người lợi căn, có kẻ độn căn. Nói chung, một nguyên tắc là: Nghe kinh cũng thế, đọc kinh cũng thế, tu hành cũng thế, nhất định phải đạt được pháp vị, phải thật sự nếm được mùi vị Phật pháp. Hễ nếm được pháp vị sẽ pháp hỷ sung mãn, thân và tâm sẽ đạt được khoái lạc! Đấy là thật sự có thâu hoạch nơi Phật pháp. Nếu học Phật rất khổ sở, giống như đi học rất nhọc nhằn, không muốn học cũng phải học, học chẳng có hứng thú gì, tức là chúng ta đã đi lạc đường, hoặc là trật phương pháp, ắt cần phải sửa đổi. Nguyên nhân chánh yếu là như thế đó. Phật pháp chẳng phải là pháp cố định, kinh Kim Cang đã nói rất hay: “Phật vô hữu định pháp khả thuyết” (Phật chẳng có pháp nhất định nào để nói), Phật pháp tùy thuận mỗi chúng sanh mà có một cách thuyết pháp.

Vì vậy, quý vị hãy nói thử xem: Có bao nhiêu pháp môn? Vô lượng vô biên. Vì sao? Chúng sanh vô lượng vô biên, pháp môn do chúng sanh mà thiết lập. Giống như các món thuốc, thuốc có rất nhiều loại, vô lượng vô biên; vì sao có nhiều thứ như vậy? Bệnh có vô lượng vô biên. Nếu bệnh rất đơn thuần, chỉ có một loại bệnh, sẽ chỉ có một loại thuốc! Thuốc ấy có thể trị lành bệnh, cần gì phải có nhiều thứ như thế! Bệnh có rất nhiều loại, nên thuốc cũng rất nhiều, đạo lý là như thế đó.

Vì vậy, chúng ta phải chú ý phương pháp  tu  hành, tuyệt  đối  chớ nên khăng khăng giữ chặt quy củ, người khác dùng phương pháp ấy hữu hiệu, ta dùng không thấy hiệu quả! Ta dùng phương pháp này rất hữu hiệu, nhưng người khác dùng chẳng hữu hiệu. Thích hợp với căn tánh và cuộc sống của chính mình, phương pháp tu học đối với chính mình rất có hiệu quả, thân tâm của chính mình tự tại, pháp hỷ sung mãn. Chúng ta phải dùng trí huệ để chọn lựa những điều giống như vậy, hoặc là cải tiến phương pháp tu học của tiền nhân sao cho thích hợp với thời đại này. Ngày nay thường nói tới chuyện “hiện đại hóa” thì phương pháp tu hành trong Phật pháp cũng phải “hiện đại hóa”, nhưng tinh thần nguyên lý và nguyên tắc vĩnh viễn không thay đổi, phương thức có thể thay đổi. Nhất định phải hiện đại hóa mới được.

 

(Sao) Cổ vị tam thừa phàm thánh, sở kiến Phật thân báo hóa, niên tuế đoản trường, thành Phật cửu cận, các các bất đồng cố. Kim chỉ thủ Phật cập đệ tử sư tư cơ cảm  tương  ngộ  chi  khoảnh, thuyết thính sự tất, tiện danh “nhất thời” dã.

()古謂三乘凡聖,所見佛身報化,年歲短長,成佛久近,各各不同故。今止取佛及弟子師資機感相遇之頃,說聽事畢,便名一時也。

(Sao: Cổ nhân nói: – Phàm phu và thánh nhân trong tam thừa thấy báo hóa thân của Phật có tuổi thọ dài hay ngắn khác nhau, thành Phật gần đây hay đã lâu xa, mỗi người thấy mỗi khác. Nay chỉ lấy khoảng thời gian đức Phật và các đệ tử thầy trò cơ cảm gặp gỡ, nói và nghe xong xuôi bèn gọi là “một thời”).

Từ đoạn văn này trở đi đều là ấn chứng. “Phàm phu” là lục đạo, Nhị Thừa là Thanh Văn, Duyên Giác cùng với ba địa vị Tam Hiền Bồ Tát trong Biệt Giáo. Những người này đều chưa kiến tánh, nói cách khác, xử sự, đãi người, tiếp vật vẫn dùng thức thức sáu, vẫn dùng tâm ý thức, vẫn dùng tâm phân biệt, chưa thể chuyển thức thành trí. Họ thấy Phật, thấy Bồ Tát đều dùng cái tâm phân biệt, chấp trước để thấy, cho nên họ thấy Ứng Thân của Phật. Giống như thuở Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện trên thế giới này, Ngài trụ thế bảy mươi chín năm (tính theo tuổi ta là tám mươi tuổi), đó là nói “kiến Phật thân báo hóa, niên tuế đoản trường” (thấy báo hóa thân của Phật có tuổi thọ dài hay ngắn khác nhau).

“Thành Phật cửu cận”,  Cửu (久)  là xa xôi,  Cận (近) là chẳng xa.

Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện [thành Phật] mới đây, Ngài cũng thị hiện thọ mạng chẳng dài. Từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy lúc ban sơ A Di Đà Phật phát tâm, Ngài mang thân phận quốc vương, thuở ấy, thọ mạng dài lâu: Phật trụ thế thọ mạng bốn mươi hai kiếp, đương nhiên là thọ mạng của chúng sanh cũng dài ngần ấy. Đó là dài hay ngắn khác nhau, Phật thị hiện thời gian tu hành và thành đạo đều dài.

Ở đây, nay “chỉ thủ Phật cập đệ tử sư tư cơ cảm tương ngộ chi khoảnh” (chỉ lấy khoảng thời gian đức Phật và các đệ tử thầy trò cơ cảm, gặp nhau) mà gọi là “nhất thời”, chẳng nói đến chuyện gì khác, chỉ chọn lấy ý nghĩa này. Thích Ca Mâu Ni Phật là người nói, các đệ tử tham dự pháp hội là người nghe pháp hiện diện trong khi ấy, đó là cơ duyên chín muồi, cảm ứng đạo giao. Nhất là do pháp môn này là “vô vấn tự thuyết” (không ai hỏi mà tự nói), cho nên vô cùng đặc biệt.

 

(Sao) Thập phương thời phần giả, dĩ thập phương biến ư hoành

thụ, thụ tắc cai hồ thiên thượng.

() 十方時分者,以十方遍於橫豎,豎則該乎天上。

(Sao: “Phân định thời gian trong mười phương”: Do mười phương trọn khắp chiều ngang lẫn chiều dọc. Chiều dọc bao gồm cả cõi trời).

“Hoành thụ”: Nói tới Thụ (chiều dọc) là chỉ nói tới lục đạo. Lục đạo là chư thiên, Tu La, con người, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục, đó là “thụ thuyết” (nói theo chiều dọc), thời gian quả thật khác nhau. Dưới đây, nêu ra một thí dụ để nói:

 

(Sao) Tứ Thiên nhất nhật.

() 四天一日。

(Sao: Một ngày trên cõi trời Tứ Thiên).

“Tứ Thiên” là Tứ Thiên Vương Thiên[61]. Một ngày đêm trên Tứ Thiên Vương Thiên.

 

(Sao) Nhân thọ ngũ tuần.

() 人壽五旬。

(Sao: Bằng năm mươi năm trong nhân gian).

Thọ mạng năm mươi năm trong nhân gian bằng một ngày đêm trong Tứ Thiên Vương Thiên, thọ mạng trên Tứ Thiên Vương Thiên dài lâu. Cao hơn Tứ Thiên Vương Thiên là Đao Lợi Thiên, một ngày đêm trên Đao Lợi Thiên bằng một trăm năm trong nhân gian chúng ta. Vì thế, cõi người chẳng đáng kể gì, đừng nên chấp trước quá, có gì tốt đẹp để so đo? Chư thiên cõi Đao Lợi nhìn chúng ta: “Đáng thương! Sáng sanh, tối chết!”, bọn hắn có thể sống được bao lâu? Bất quá một ngày đêm mà thôi! Lên cao hơn, thọ mạng Dạ Ma Thiên càng dài hơn, một ngày đêm trên Dạ Ma Thiên là hai trăm năm trong nhân gian chúng ta. Một ngày đêm trên Đâu Suất Thiên là bốn trăm năm trong nhân gian chúng ta. Nhìn từ Đâu Suất Thiên, nhân gian chúng ta chỉ sống mấy giờ, đúng là quá đáng thương. Mấy giờ ấy cũng chẳng thật thà! Tranh danh, đoạt lợi, lo được, lo mất! Phải giác ngộ điều này. Đó là nhìn lên trên.

Nếu nhìn xuống dưới, thọ mạng trong súc sanh đạo chẳng nhất định. Thọ mạng ngắn ngủi, như các loài trùng nhỏ sống trên mặt nước, nó có thể chạy tới, chạy lui trên mặt nước, chúng ta gọi chúng là “phù du” (mayfly). Thọ mạng đích xác của loài phù du chỉ là mấy tiếng đồng hồ. Vì thế, chúng ta thấy thọ mạng của chúng giống như chư thiên trời Đao Lợi thấy [thọ mạng] của chúng ta. Trong loài súc sanh, cũng có loài thọ mạng rất dài, như loài rồng được nói trong kinh, rồng là súc sanh, thọ mạng dài đến mấy kiếp. Ngạ quỷ đạo, địa ngục đạo thọ mạng đều rất dài. Trong kinh điển nhà Phật có nói: Một ngày đêm trong địa ngục A Tỳ là hai ngàn bảy trăm mấy chục năm trong nhân gian. Trung Quốc có danh hiệu là “năm ngàn năm lịch sử”, chưa đầy hai ngày trong địa ngục A Tỳ! Vì thế, chớ nên đến nơi ấy. Thọ mạng của họ là bao lâu? Thọ mạng ít nhất là một vạn năm, một ngày đêm [trong địa ngục] bằng hai ngàn bảy trăm năm trong nhân gian! Chớ nên tạo tội nghiệp địa ngục! Tiến vào rất dễ, thoát ra khó lắm! Vì thế, trong kinh điển đức Phật đã giảng về địa ngục rất tỉ mỉ, nhằm bảo chúng ta hãy lưu tâm đề cao cảnh giác, chớ nên đọa địa ngục. Đây là nói theo chiều dọc, thời gian đích xác là khác nhau, sai biệt rất lớn.

 

(Sao) Hoành tắc biến hồ tứ châu, Thiệm Bộ tam canh, Câu Lô nhật ngọ, bất khả định dã.

()橫則遍乎四洲,贍部三更,俱盧日午,不可定也。

(Sao: Theo chiều ngang thì trọn khắp bốn đại châu, Nam Thiệm Bộ Châu là canh ba thì Bắc Câu Lô Châu đã là giữa trưa, nên [thời gian] chẳng thể nhất định).

Nói theo chiều ngang, nay chúng ta nói là “múi giờ sai khác”. Thí dụ như nay chúng ta ở đây là chín giờ tối thì tại Nữu Ước (New York) của Mỹ là chín giờ sáng. Điều này được gọi là múi giờ sai lệch, chẳng giống nhau. “Bất khả định dã” (chẳng thể nhất định), nên kinh Phật không ghi chép năm, tháng, ngày, giờ là có lý.

 

(Sao) Lưỡng độ chánh sóc giả, tuế thủ chi nhật, danh vi Chánh Sóc.

() 兩土正朔者,歲首之日,名為正朔。

(Sao: “Ngày Chánh Sóc hai cõi khác nhau”: Ngày đầu năm gọi là Chánh Sóc[62]).

“Tuế thủ” là cách người Trung Quốc gọi ngày mồng Một tháng Giêng vào thời cổ. Chúng ta ấn định ngày mồng Một tháng Giêng nhằm ngày nào? Người Trung Quốc ấn định ngày mồng Một tháng Giêng chẳng giống người Ấn Độ.

 

(Sao) Chấn Đán, Ngũ Thiên, bất tương thống thuộc.

() 震旦五天,不相統屬。

(Sao: Trung Hoa và năm xứ Thiên Trúc [ấn định ngày đầu năm] chẳng giống nhau).

“Chấn Đán” là Trung Quốc, Ngũ Thiên là Ngũ Thiên Trúc, tức Ấn Độ. Lịch pháp Trung Quốc và lịch pháp Ấn Độ khác nhau. Không chỉ Trung Quốc và ngoại quốc khác nhau, mà Trung Quốc cổ đại, Hạ, Thương, Châu khác nhau.

 

(Sao) Châu chánh kiến Tý.

() 周正建子。

(Sao: Đời Châu, ấn định tháng Tý là tháng Giêng).

Đời Châu ấn định ngày mồng Một tháng Giêng vào tháng Tý, tức là ngày mồng Một tháng Mười Một [Âm lịch] hiện thời.

 

(Sao) Hạ chánh kiến Dần.

() 夏正建寅。

(Sao: Nhà Hạ định tháng Giêng nhằm tháng Dần).

Tháng Dần là tháng ta đang sử dụng trong lịch pháp hiện thời. Âm lịch hiện thời cũng gọi là “Hạ lịch”[63], lấy ngày mồng Một tháng Dần làm ngày đầu năm, tức là mùng Một tháng Giêng. Có thể thấy ba triều đại Hạ, Thương, Châu lịch pháp khác nhau. “Thiên can địa chi”, Địa Chi là dùng mười hai chữ[64] để tượng trưng cho mười hai tháng. Nay chúng ta lấy tháng Dần làm tháng Giêng.

 

(Sao) Bỉ thời Chấn Đán thuộc Châu, nhi Phật tại Xá Vệ, Xá Vệ kiến Dần, nãi dụng Hạ chánh.

()彼時震旦屬周,而佛在舍衛,舍衛建寅,乃用夏正。

(Sao: Khi ấy, Chấn Đán thuộc nhà Châu, nhưng đức Phật ở thành Xá Vệ, Xá Vệ lấy tháng Dần làm tháng Giêng, tức là dùng theo Chánh Sóc của nhà Hạ).

 Đây là xét theo khảo cứu, khi đó, tại Ấn Độ, ngày mồng Một tháng Giêng của họ giống như chúng ta đang sử dụng hiện thời, trong khi ấy, Trung Quốc thuộc triều đại nhà Châu. Nhà Châu ăn Tết sớm hơn một tháng [so với hiện thời], không giống lịch pháp hiện thời.

 

(Sao) Tắc Ngũ Thiên chánh nguyệt, Chấn Đán tam nguyệt, Ngũ Thiên nhị nguyệt, Chấn Đán tứ nguyệt dã, diệc bất khả định.

()則五天正月,震旦三月,五天二月,震旦四月也,亦不可定。

(Sao: Cho nên Ngũ Thiên Trúc là tháng Giêng thì Trung Hoa đã là tháng Ba, Ấn Độ là tháng Hai thì Trung Hoa đã là tháng Tư, nên cũng không thể nói nhất định được).

Đây là nói lịch pháp của Trung Quốc và Ấn Độ khác nhau, huống chi thuở ấy Ấn Độ chưa thống nhất, lịch pháp Ấn Độ cũng không thống nhất, không giống như Trung Quốc. Ở Trung Quốc, vào thời nhà Châu, lịch pháp đã thống nhất.

 

(Sao) Cố chỉ ngôn nhất thời dã.

() 故止言一時也。

(Sao: Cho nên chỉ nói “nhất thời”).

Đây là nói rõ nguyên nhân theo phương diện thời gian và không gian vì sao chẳng ghi chép năm, tháng, ngày, giờ. Dưới đây là nói tới giáo nghĩa trong kinh này:

 

(Sao) Tâm cảnh giả, nhất tâm bất loạn, vô năng niệm, sở niệm cố. Phàm thánh giả, dữ chư thượng thiện nhân đồng hội nhất xứ cố. Y chánh giả, Phật cập thủy điểu thụ lâm, đồng thuyết diệu pháp cố. Nhất đa giả, nhất Phật thuyết kinh, lục phương tề tán cố.

()心境者,一心不亂,無能念所念故。凡聖者,與諸上善人,同會一處故。依正者,佛及水鳥樹林,同說妙法故。一多者,一佛說經,六方齊讚故。

(Sao: “Tâm cảnh”: Nhất tâm bất loạn, do không có năng niệm và sở niệm. “Phàm thánh”: Cùng ở một chỗ với các bậc thượng thiện nhân. “Y chánh”: Phật và nước, chim, rừng cây cùng nói diệu pháp. “Một nhiều”: Một vị Phật nói kinh, sáu phương cùng ca ngợi).

Những điều này đều nói về pháp môn Bất Nhị, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, toàn bộ đều là cảnh giới Hoa Nghiêm.

 

(Sao) Như thượng chủng chủng nhị pháp, giai thành nhất vị.

 () 如上種種二法,皆成一味。

(Sao: Các thứ hai pháp [đối lập] như trên đều thành một vị).

 Đây là nhập pháp môn Bất Nhị, nhập Nhất Chân pháp giới.

 

(Sao) Tức dĩ thử thời vi nhất thời dã.

() 即以此時為一時也。

(Sao: Nên coi lúc ấy là “nhất thời” vậy).

 Đây mới là ý nghĩa thật sự của “nhất thời”. Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng tôi giảng tới chỗ này.

 

— o0o —

Tập 107

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm mười:

 

(Sớ) Phật giả, Chủ Thành Tựu dã. Phật nghĩa giải kiến tiền văn, dĩ thị nhất kỳ chúng sanh sở cộng tông cố, danh chi viết Chủ. Hựu lục chủng thành tựu trung, tối vi Chủ cố.

() 佛者,主成就也。佛義解見前文,以是一期眾生所共宗故,名之曰主。又六種成就中,最為主故。

(Sớ: Phật là Chủ Thành Tựu. Xem lời giải thích ý nghĩa chữ Phật trong phần trước. Do được chúng sanh cùng tôn sùng trong một thời kỳ, nên gọi là Chủ. Lại nữa, trong sáu thứ thành tựu, Chủ là trọng yếu nhất).

 Đây là giải thích chữ Phật trong phần kinh văn “như thị ngã văn, nhất thời Phật”. Trong Lục Chủng Thành Tựu, chữ Phật thuộc Chủ Thành Tựu. “Như thị” là Tín Thành Tựu, “ngã văn” là Văn Thành Tựu, “nhất thời” là Thời Thành Tựu, “Phật” là Chủ Thành Tựu. Nói theo cách bây giờ, chữ “Chủ” này là chủ tịch trong đại hội, hoặc là vị chủ giảng trong giảng tòa này, Thích Ca Mâu Ni Phật là chủ giảng. Vì sao gọi Ngài là Chủ Thành Tựu? Tiếp đó là hai câu giải thích, “thị nhất kỳ chúng sanh”, trong một thời kỳ. Nếu nói theo thuở ấy, đức Phật thuyết pháp bốn mươi chín năm, bốn mươi chín năm ấy là một thời kỳ trụ thế giáo học của Thích Ca Mâu Ni Phật. Trong thời kỳ ấy, mọi người đều coi đức Thế Tôn là thầy, đều coi Ngài là vị chủ giảng, tức là vị “thuyết pháp chủ”; do vậy, gọi Ngài là Chủ Thành Tựu. Nếu nói theo toàn thể pháp vận của đức Phật, pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật là một vạn hai ngàn năm. Một vạn hai ngàn năm chia thành ba thời kỳ: Chánh Pháp, Tượng Pháp, và Mạt Pháp; Chánh Pháp một ngàn năm, Tượng Pháp một ngàn năm, Mạt Pháp một vạn năm. Một vạn hai ngàn năm ấy là pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật, mà cũng là thời kỳ giáo hóa lâu dài của Ngài.

Trong một vạn hai ngàn năm ấy, tuy hiện thời Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng tại thế, chúng ta đọc kinh điển, đọc ngữ lục của Ngài, vẫn giống như tiếp nhận sự giáo huấn của đức Phật. Ý nghĩa chữ Chủ cũng có thể hiểu là kéo dài đến tận thời kỳ Mạt Pháp. Vì vậy, trong sáu thứ thành tựu, Chủ Thành Tựu là điều trọng yếu nhất. Nếu chẳng có Phật, năm thứ khác đều chẳng thể nói là thành tựu được! Do có Phật, mới có năm thứ thành tựu trước đó. Trong lời Sao có giải thích.

 

(Sao) Cộng tông giả.

() 共宗者。

(Sao: “Cùng tôn sùng”).

“Cộng” là cùng chung.

 

(Sao) Phật xuất thế vi nhất kỳ, nhất kỳ chi trung.

() 佛出世為一期,一期之中。

(Sao: Phật xuất thế là “một kỳ”, trong một kỳ).

Nói theo nghĩa hẹp, đức Phật giảng kinh thuyết pháp bốn mươi chín năm; nói theo nghĩa rộng, toàn thể pháp vận của đức Phật là một vạn hai ngàn năm.

 

(Sao) Lục phàm, tam thánh.

() 六凡三聖。

(Sao: Lục phàm, tam thánh).

“Lục phàm” là lục đạo phàm phu, “tam thánh” là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, chúng ta gọi họ là “tam thừa nhân”.

 

(Sao) Nhất thiết chúng sanh, đồng sở tông chủ.

() 一切眾生,同所宗主。

(Sao: Hết thảy chúng sanh đều cùng tôn sùng vị Chủ).

 Hữu tình chúng sanh trong chín pháp giới đều tôn Phật làm thầy, đều nghe theo giáo huấn của đức Phật.

 

(Sao) Như vạn tánh bách tích, quy nhất nhân cố.

() 如萬姓百辟,歸一人故。

(Sao: Như vạn họ, trăm quan[65] đều thuộc về một người).

Trước kia, hoàng đế là chủ một nước. Dân chúng và chư hầu đều phải nghe lệnh thiên tử. Đây là dùng thiên tử để sánh ví đức Phật.

 

(Sao) Lục thành tựu trung Chủ giả, vọng tiền, tắc tế Chủ chi hội thành Thời, linh Chủ chi ngữ thành Văn, thọ Chủ chi giáo thành Tín. Vọng hậu, tắc Chủ chi sở cư thành Xứ, Chủ chi sở hóa thành Chúng, thị lục chủng cộng thành, nhi quy trọng ư Phật, diệc ngôn Phật tiện châu ý dã.

()六成就中主者,望前,則際主之會成時,聆主之語成聞,受主之教成信。望後,則主之所居成處,主之所化成眾,是六種共成,而歸重於佛,亦言佛便周意也。

(Sao: Đối với Chủ trong sáu thứ thành tựu, nếu xét những điều trước thì lúc gặp gỡ Chủ sẽ thành Thời, nghe lời Chủ nói sẽ thành Văn, nhận lãnh lời dạy của Chủ thành Tín. Nhìn vào những điều sau, nơi Chủ ở là Xứ, kẻ được Chủ hóa độ là Chúng, nên sáu thứ cùng được hình thành, nhưng đều quy kết Phật là trọng yếu nhất, nên hễ nói “Phật” thì các ý nghĩa đều được trọn vẹn).

“Tế Chủ chi hội thành Thời”: “Tế hội” (際會) là lúc nhân duyên tụ hội, cũng có thể nói là lúc cơ duyên chín muồi. Nếu cơ duyên chưa chín muồi, Phật xuất hiện trong thế gian này cũng vô ích. Trong thời đại hiện tại, vì sao Phật, Bồ Tát không đến? Chắc cũng có kẻ nói, chúng sanh hiện thời quá khổ sở, lẽ ra Phật, Bồ Tát phải nên đại từ đại bi phổ độ chúng sanh, phải nên ngay lập tức tới thế gian này thì mới đúng. Thật ra, Phật, Bồ Tát đúng là đại từ đại bi, hiện thời các Ngài cũng tới, không chỉ tới, mà còn tới rất nhiều, và cũng tới nhiều lần. Bất quá, chẳng dùng thân phận Phật, Bồ Tát để đến, vì sao? Nếu dùng thân phận Phật, Bồ Tát để đến, không chỉ chẳng thể độ chúng sanh, mà còn đem đến tai nạn cho chúng sanh. Nói như vậy nghĩa là sao? Hiện thời, chúng sanh tin tà, chẳng tin chánh, nghe lừa gạt, chẳng nghe khuyên răn. Quý vị khuyên họ, họ chẳng nghe; lừa họ, họ nghe theo! Đó là do nghiệp chướng nặng nề! Phật, Bồ Tát chẳng thể lừa người! Nếu Phật, Bồ Tát lừa người, sẽ là phá giới, còn gọi là Phật, Bồ Tát gì nữa! Phật, Bồ Tát chẳng thể lừa người. Do vậy, Phật, Bồ Tát đến giáo hóa chúng sanh trong hiện thời khó khăn lắm, khá là khó khăn. Ngược lại, hiện thời, trong thế gian này, yêu ma, quỷ quái rất nhiều. Tôi nghe đồng tu kể: Pháp sư Khai Tâm ở Đài Nam bảo: “Tháng Bảy năm ngoái, Quỷ Môn Quan mở cửa, yêu ma thảy đều bước ra”. Sư thấy chuyện này rất lạ lùng, vì sao yêu ma, quỷ quái đều được thả ra? Thả những loài ấy ra, chắc chắn đối với thế gian này chẳng có gì tốt đẹp, đó là điềm báo thế giới động loạn, chẳng phải là chuyện tốt lành. Điều này đương nhiên cũng chẳng phải là không có nguyên nhân. Nguyên nhân căn bản ở chỗ nào? Nguyên nhân căn bản là do lòng người. Nếu tâm con người chánh đáng, những thứ yêu quỷ ấy sẽ không được thả ra, vì thả ra cũng chẳng khởi tác dụng gì! Lòng người tà, sẽ cảm ứng tà, chánh cảm ứng chánh. Hiện tại, chúng sanh trong thế gian này, kẻ tà tri tà kiến nhiều lắm, kẻ có chánh tri kiến ít ỏi; bởi lẽ, họ tin tưởng tà pháp, chẳng tin tưởng chánh pháp.

Dẫu Phật, Bồ Tát đông đảo, cũng rải khắp trong các ngành nghề, giống như phẩm Phổ Môn đã nói: “Nên dùng thân gì để đắc độ, Ngài bèn hiện thân ấy”; nhưng nếu cơ duyên chưa chín muồi, Phật cũng chẳng thể độ kẻ ấy! Kẻ ấy chẳng tin, chẳng tiếp nhận, không có cách nào hết! Nếu tâm mọi người đều chánh, đều muốn thoát khỏi sanh tử, đều muốn sớm chứng Bồ Đề, nếu những người như vậy đông đảo, Phật sẽ đến. Trong Phật môn thường nói: “Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân” (trong cửa nhà Phật, chẳng bỏ một ai). Chỉ cần có một người chánh tri chánh kiến, thật sự mong liễu sanh tử, thoát tam giới, thành Phật đạo, Phật cũng chẳng thể bỏ người ấy. Nếu Phật bỏ người ấy, Phật sẽ có lỗi đối với chúng sanh, một người cũng chẳng thể bỏ! Một người thì Ngài có phương pháp độ một người, nhiều người, bèn có phương pháp độ nhiều người; phương pháp khác nhau! Trong hội này, cơ duyên đắc độ của chúng sanh đã chín muồi; do vậy, đức Phật thị hiện giáng sanh trong nhân gian, trụ thế tám mươi năm, vì chúng ta thuyết pháp bốn mươi chín năm. Đấy là một kỳ “gia hội” (嘉會: hội tốt lành), tức là pháp hội vô cùng thù thắng.

“Linh Chủ chi ngữ thành Văn” (nghe lời dạy của vị Chủ thành Văn Thành Tựu). Nếu chẳng do nghe Phật pháp mà khai ngộ thì chẳng thể gọi là Văn Thành Tựu. Nghe Phật khai thị, hoảng nhiên đại ngộ thì gọi là Văn Thành Tựu. “Thọ Chủ chi giáo thành Tín” (tiếp nhận sự giáo hóa của Chủ mà thành Tín Thành Tựu): Nghe lời Phật nói, thật sự ngộ nhập; sau khi ngộ nhập, tín tâm kiên cố, vĩnh viễn chẳng bị thoái chuyển, thật sự tin tưởng. Trước kia, con người căn tánh nhạy bén, nghe pháp dễ khai ngộ. Con người hiện thời thành kiến rất sâu, vọng tưởng đặc biệt nhiều, luôn luôn đều phải có chứng cứ, không có chứng cứ sẽ chẳng tin tưởng. Đương nhiên Phật thuyết pháp, họ cũng đòi hỏi phải đưa ra chứng cứ; vì thế, [phải vận dụng] Tam Chuyển Pháp Luân. Tam Chuyển Pháp Luân là ba nguyên tắc thuyết pháp của đức Phật. Thứ nhất là Thị Chuyển, nói rõ sự thật, lý luận, người lợi căn vừa nghe liền khai ngộ. Người căn tánh độn vẫn chẳng ngộ, Phật lại phải khuyên dạy, khích lệ, đó là Khuyến Chuyển. Nếu người ấy giác ngộ, bèn có thể tiếp nhận. Còn có một hạng người căn tánh rất độn, quý vị khuyên kẻ ấy, kẻ ấy cũng chẳng tiếp nhận. Khích lệ kẻ ấy, kẻ ấy cũng chẳng nghe lọt tai. Đối với người như vậy, Phật chỉ còn cách đưa chứng cứ cho kẻ ấy thấy, đó là Chứng Chuyển. Kẻ ấy vừa nhìn thấy chứng cứ, bèn tin tưởng, thì vẫn còn cứu được, vẫn có thể độ. Loại người thứ tư, đưa ra chứng cứ, kẻ ấy vẫn không tin, chẳng còn cách nào, đó là kẻ vô duyên với Phật, Phật chẳng thể độ kẻ ấy. Ba loại người trước đều có thể độ, còn loại thứ tư, đối với người ấy, Phật chẳng biết làm sao, độ không được! Giống như những kẻ tin tà, chẳng tin chánh trong hiện thời, sẽ chẳng có cách nào tiếp nhận Phật pháp. Thật sự tin là Tín Thành Tựu. Ở đây nói là “thọ Chủ giáo” (tiếp nhận lời dạy của vị Chủ); tức là nói về Tam Chuyển Pháp Luân, Thị, Khuyến, Chứng đều có thể tiếp nhận, bèn thành Tín Thành Tựu.

“Chủ chi sở cư thành Xứ”, Xứ Thành Tựu. “Chủ chi sở hóa thành Chúng”, “sở hóa” là những người được Ngài giáo hóa, là học trò của Ngài, tiếp nhận sự giáo hóa của Ngài. Đó là Chúng Thành Tựu, kinh thường liệt kê Thường Tùy Chúng gồm một ngàn hai trăm năm mươi người. Do vậy, trong sáu thứ thành tựu, Chủ Thành Tựu là điều trọng yếu nhất. Không có Chủ Thành Tựu, năm thứ kia cũng chẳng thể thành tựu. Kinh điển thường nói “ngôn Phật tiện châu”, [nghĩa là] nói một chữ Phật, hết thảy các ý nghĩa đều được bao gồm viên mãn, chẳng sai sót một điều nào!

 

(Sớ) Tại Xá Vệ quốc, Kỳ Thụ Cấp Cô Độc viên giả, Xứ Thành Tựu dã.

()  在舍衛國,祇樹給孤獨園者,處成就也。

(Sớ: “Tại nước Xá Vệ, Kỳ Thụ Cấp Cô Độc viên” là Xứ Thành Tựu).

“Xá Vệ quốc, Kỳ Thụ Cấp Cô Độc viên” là nơi Ngài trụ. Chúng ta thấy kinh nói “Phật tại”, chẳng nói Phật trụ ở nơi nào. “Tại”“trụ” khác nhau. “Trụ” là ở nơi đó, bất động; “tại” là hiện diện khắp nơi ấy, ngày mai có trụ ở đó hay không, chẳng nhất định. Trước kia, hoàng đế ở nơi nào chẳng thể nói là vua “trụ” nơi đó, mà gọi là “tại”. “Hành tại” là nói nhà vua đang ở nơi nào đó. Vì sao chẳng nói là “trụ”? Vì xưa kia, hoàng đế “quý vi thiên tử, phú hữu tứ hải” (quý hiển như thiên tử, giàu khắp bốn biển). Cả nước đã là nhà của vua thì quý vị nghĩ xem vua phải trụ nơi đâu? Nước đã là nhà, là trụ xứ của vua! Do vậy, chỉ đành nói là vua ở tại nơi đâu. Ví như, nhà quý vị rất lớn, lúc quý vị ở nhà, hỏi quý vị đang ở chỗ nào? Ở phòng khách hay đang ở trong phòng? Chẳng thể nói quý vị trụ tại phòng khách, trụ trong phòng riêng, hoặc trụ trong bếp, chẳng thể nói kiểu đó! Khu vực giáo hóa của Phật so với lãnh thổ của một quốc vương còn lớn hơn rất nhiều, khu vực giáo hóa của Phật là tam thiên đại thiên thế giới. Địa cầu của chúng ta là một tinh cầu trong tam thiên đại thiên thế giới mà thôi. Tam thiên đại thiên thế giới là khu vực giáo hóa của một đức Phật; nếu nói Thích Ca Mâu Ni Phật trụ ở đâu, chúng ta chỉ có thể nói Ngài trụ trong thế giới Sa Bà. Hiện thời, Ngài ở nơi đâu? Do vậy, nói là Tại, chẳng thể nói là Trụ.

 

(Sớ) Tại giả, Thiên Thai vị tại tức trụ ý. Biệt chi hữu tứ, viết thiên trụ, phạm trụ, thánh trụ, Phật trụ. Tùy nghi Phật trụ, nãi chí thiên trụ, thật tắc Phật thân vô tại, vô bất tại.

() 在者,天台謂在即住意。別之有四:曰天住,梵住,聖住,佛住。隨宜佛住,乃至天住,實則佛身無在無不在。

(Sớ:  “Tại”:  Tông Thiên Thai nói “tại” có nghĩa là “trụ”.  Nói

tách biệt thì có bốn loại là thiên trụ, phạm trụ, thánh trụ, và Phật trụ. Tùy thời tiết, căn cơ thích hợp mà có Phật trụ cho đến thiên trụ, nhưng thật ra, thân Phật không ở nơi nào nhất định, mà cũng không nơi nào chẳng hiện diện).

Bồ Tát đều là tùy loại hóa thân, nên dùng thân gì để đắc độ bèn hiện thân ấy, huống chi là Phật? “Phật thân vô tại, vô bất tại”, nơi nào có duyên, Phật sẽ hiện diện nơi đó. Không có duyên, Phật sẽ chẳng hiện diện. Đúng như kinh Lăng Nghiêm đã dạy: “Tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng” (thuận theo tâm chúng sanh, ứng với khả năng tiếp nhận của họ). Chúng sanh có cảm, Phật bèn có ứng, cảm ứng đạo giao. Lũ chúng sanh chúng ta có cảm là có tâm, Quán Kinh dạy chúng ta tưởng, còn kinh này dạy chúng ta niệm, ức Phật, niệm Phật, chúng ta có tâm, nhưng Phật ứng là vô tâm. Vô tâm thì làm sao có thể ứng? Nói thật ra, chính vì vô tâm nên mới có thể ứng, hữu tâm sẽ chẳng thể ứng. Quý vị thấy cái khánh này chẳng có tâm, bên trong trống rỗng. Quý vị gõ nó, đó là cảm, quý vị vừa gõ, nó liền ngân lên, ngân lên là ứng. Chính vì nó vô tâm, cho nên “đại khấu tắc đại minh, tiểu khấu tắc tiểu minh” (gõ mạnh sẽ kêu to, gõ nhẹ sẽ kêu nhỏ). Nếu nó có tâm, quý vị gõ, chắc là nó chẳng kêu, chẳng đáp ứng. Vì Phật là vô tâm, nơi nào có cảm, bèn ứng nơi đó. Phật có đến đi hay không? Chẳng đến đi! Đúng như kinh đã dạy: “Đương xứ xuất sanh, đương xứ diệt tận” (sanh ra từ đâu sẽ diệt mất ở ngay nơi đó), chẳng có đến đi. Thật ra, đối với nguyên lý này, Phật là như thế, mà mỗi cá nhân chúng ta cũng đều là như vậy. Rất đáng tiếc, chính chúng ta chẳng biết chân tướng sự thật này; chúng ta mê, cho là có sanh, lão, bệnh, tử, có đến, có đi, thảy đều là quan niệm sai lầm, thấy chân tướng sự thật sai lạc. Nếu quý vị thật sự giác ngộ, thấy chân tướng sự thật, thì phàm phu chúng ta và Phật chẳng hai! Nếu nói khác nhau thì chỉ là mê hay ngộ, trừ mê hay ngộ ra, quả thật chẳng có gì khác nhau!

Đoạn này giảng về Xứ Sở Thành Tựu. Tông Thiên Thai bảo “tại” cũng có nghĩa là “trụ”. “Biệt chi hữu tứ” (nói tách biệt thì có bốn loại), Biệt là nói theo Phật pháp, căn cứ trên những điều được giảng trong kinh điển, kinh quá nửa nói là “Phật trụ”, tông Thiên Thai chia thành bốn loại. Vì sao tông Thiên Thai phải nói như vậy? Đương nhiên là có đạo lý, họ muốn “hiển thị tâm pháp có thể trụ”, vì người ta hễ nói đến “trụ” thường nghĩ đến thân, chúng ta nói: “Quý vị trụ ở đâu?” đều hàm ý thân quý vị đang trụ ở đâu, chẳng nói tâm quý vị trụ nơi đâu! Nhưng trong Phật pháp, nói thật ra, rất coi trọng tâm. Quý vị thấy Nhị Tổ Huệ Khả của Thiền Tông thỉnh giáo Đạt Ma Tổ Sư, nói thật ra là do Ngài chẳng hiểu phải an trụ tâm ở nơi đâu, phải an trụ cái tâm ở chỗ nào cho thỏa đáng. Vì chuyện ấy mà chặt tay cầu pháp. Trong kinh Kim Cang, cả một bộ kinh Kim Cang chỉ nhằm giảng hai vấn đề. Ngài Tu Bồ Đề thỉnh giáo Thích Ca Mâu Ni Phật hai vấn đề, thứ nhất là “vân hà hàng phục kỳ tâm?” (làm thế nào để hàng phục cái tâm). Vấn đề thứ hai là “ưng vân hà trụ?” (nên trụ như thế nào). Hàng phục cái tâm là do tâm chúng ta có quá nhiều tạp niệm, quá nhiều phiền não, cần phải dùng phương pháp nào thì mới có thể chế phục? Đấy là một vấn đề. Thứ hai là tâm an trụ ở chỗ nào? Do vậy, tông Thiên Thai nói bốn loại [trụ] vì chú trọng cái tâm, điều này rất khẩn yếu, ý nghĩa rất sâu.

Trong tâm quý vị thường xuyên suy tưởng, vướng mắc, đấy chính là tâm quý vị trụ vào đó, trong ấy sẽ chia ra thành mười pháp giới. Nếu tâm quý vị thường nghĩ đến tham lam, keo kiệt, quý vị sẽ trụ trong ngạ quỷ đạo. Hiện thời, thân vẫn chưa ở trong ngạ quỷ đạo, nhưng tâm đã an trụ trong ngạ quỷ đạo! Nếu thường ôm lòng sân khuể, ganh ghét, đó là địa ngục đạo, tâm ở trong địa ngục đạo. Nếu muốn làm một thiện nhân, nhưng chuyện gì cũng chẳng nghe, chẳng hỏi tới, hồ đồ, chuyện gì cũng chẳng biết, tâm ấy sẽ trụ trong súc sanh đạo, súc sanh đạo ngu si! Trong tâm thường có tham, sân, si, những thứ ấy là tam ác đạo. Tuy thân chưa đến đó, tâm đã an trụ nơi đó, rất phiền phức!

Do điều này biết rằng: Trong tâm thường nghĩ tới Ngũ Giới, Ngũ Thường, Nho gia nói Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Tứ Duy, Bát Đức; đấy là nhân đạo. Nếu trụ trong Thập Thiện, Tứ Vô Lượng Tâm (từ, bi, hỷ, xả), đó là thiên đạo, thiên trụ. Nếu thường nghĩ tới Tứ Đế, Ba Mươi Bảy Phẩm [trợ đạo], đó là A La Hán, tâm trụ trong Thanh Văn đạo. Thường nghĩ tới Mười Hai Nhân Duyên, đấy là Duyên Giác đạo. Thường nghĩ tới Lục Độ, vạn hạnh, là Bồ Tát đạo. Nếu thường nghĩ tới thanh tịnh, bình đẳng, đấy là Phật đạo, Phật tâm thanh tịnh, bình đẳng. Nay kinh này khuyên chúng ta niệm A Di Đà Phật, niệm A Di Đà Phật trụ ở chỗ nào? Trụ trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vì thế, dụng ý của Ngài ở chỗ này!

 

(Sao) Tại tức trụ trước, Đại Phẩm luận: Minh Phật tại mỗ sở, dĩ nhi ngôn tạm tại cửu trụ, tổng thành tại ý.

()在即住著,大品論:明佛在某所,已而言暫在久住,總成在意。

(Sao: “Tại” là ở lại. Kinh Đại Phẩm [Bát Nhã] luận định: “Nói rõ Phật ở chỗ nào, nói “tại” mang ý nghĩa tạm thời, nói “trụ” mang ý nghĩa lâu dài, nhưng đều là ý nghĩa của chữ “tại”).

“Tại” là tạm thời, “trụ” là lâu dài. “Trụ” ở chỗ nào, tức là ở lâu dài nơi ấy; có một chút khác biệt như vậy.

 

(Sao) Kim vị vô luận cửu tạm, đản tựu đương thời thuyết kinh chi xứ, tức danh vi tại, như thiên tử sở chí, tức danh “hành tại” dã.

()今謂無論久暫,但就當時說經之處,即名為在;如天子所至,即名行在也。

(Sao: Nay bất luận là lâu dài hay tạm thời, hễ trong lúc ở chỗ nào thuyết kinh bèn nói là “tại” [nơi đó], như thiên tử đi tới đâu thì nơi đó gọi là “hành tại”).

Hiện thời, bất luận thời gian Ngài ở nơi nào lâu dài hay tạm thời, dài hay ngắn, chúng ta chỉ nói bộ kinh này được giảng ở nơi nào đó.

 

(Sao) Tứ trụ giả, Phật nhiếp chúng sanh, tùy nghi nhi trụ. Hoặc hiện thiên trụ, vị Lục Dục thiên nhân, tức dĩ Thí, Giới thiện tâm trụ.

()四住者,佛攝眾生,隨宜而住。或現天住,謂六欲天因,即以施戒善心住。

(Sao: “Bốn loại trụ”:  Đức Phật nhiếp thọ chúng sanh, thuận theo cơ nghi để trụ, hoặc hiện thiên trụ, nghĩa là do cái nhân sanh vào cõi trời Lục Dục bèn trụ trong thiện tâm Thí Giới).

Những điều tiếp theo đây, đều là nói theo phương diện nhân quả. Vì Phật giáo hóa chúng sanh, trong sự giáo hóa chúng sanh ấy, lấy nhân quả làm mệnh đề (proposition) chủ yếu để thảo luận. Chúng sanh chúng ta mong cầu quả báo, nhất định phải biết quả báo được hình thành như thế nào. Nói cách khác, nhất định phải biết nhân duyên của nó. Nhân duyên trọn đủ, quả báo đương nhiên sẽ hiện tiền; bởi lẽ, từ đầu đến cuối, Phật pháp chẳng lìa nhân quả. Hiện tại có những kẻ chẳng tin nhân quả, đấy là ngu si! Nhân quả bày ra ngay trước mắt, nhưng kẻ ấy vẫn ương ngạnh nói chẳng tin, còn có cách nào nữa đây? Ví như nếu kẻ ấy muốn khỏi đói bụng, ăn cơm là nhân, ăn no sẽ khỏi đói bụng đấy là quả. Đó là nhân và quả rất đơn giản! “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”, hạt dưa là nhân, sanh ra quả dưa là quả. Bất luận chuyện gì trên thế gian cũng chẳng thể vượt khỏi nhân và quả, lẽ nào chẳng tin? Vì thế, trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã nói “ngũ châu nhân quả” (năm tầng lớp nhân quả)[66], trong kinh Pháp Hoa, nói “Nhất Thừa nhân quả”.

Ở đây, chia thành bốn đoạn, cũng là giảng về bốn thứ nhân quả khác nhau. “Hoặc hiện thiên trụ”, [nghĩa là] đối với những chúng sanh cầu sanh lên cõi trời, họ biết cõi trời tốt đẹp, mong mỏi đời sau được sanh lên thiên đường. Quý vị nói thoát tam giới, liễu sanh tử, họ chẳng có hứng thú, nghe không lọt tai, mục đích của họ chỉ là mong sanh về thiên đường. Đức Phật nói: “Không sao! Quý vị mong đến thiên đường, ta sẽ dạy quý vị phương pháp đến thiên đường”, sẽ dạy họ an trụ cái tâm nơi Thập Thiện, Tứ Vô Lượng Tâm, trong tương lai, nhất định có thể sanh thiên, dạy họ tu Thập Thiện Nghiệp Đạo. “Thí Giới thiện tâm” là bố thí, trì giới, tu Thập Thiện, “thiện tâm” là Thập Thiện Nghiệp Đạo. Quý vị y theo những điều ấy để tu học, tương lai nhất định sanh thiên, tâm quý vị an trụ ở chỗ ấy!

 

(Sao) Hoặc hiện Phạm trụ, vị Sơ Thiền chí Phi Tưởng nhân, tức dĩ Tứ Vô Lượng Tâm trụ.

() 或現梵住,謂初禪至非想因,即以四無量心住。

(Sao: Hoặc hiện Phạm Trụ, nghĩa là do cái nhân sanh từ Sơ Thiền cho đến cõi trời Phi Tưởng mà trụ trong Tứ Vô Lượng Tâm).

“Phạm” là Sắc Giới thiên, Vô Sắc Giới thiên, Tứ Thiền, Bát Định, Phật dạy quý vị phương pháp ấy. Hiện thời, có không ít người thích tham Thiền, thích sanh về Phạm Thiên. “Phạm” có nghĩa là thanh tịnh. Đức Phật sẽ dạy họ phương pháp ấy, dạy họ Tứ Thiền, Bát Định, Tứ Vô Lượng Tâm, dạy họ hãy an trụ cái tâm nơi ấy. So với loại trước, loại này cao hơn rất nhiều, địa vị cao hơn rất nhiều. Những pháp này đều là pháp thế gian, chẳng vượt thoát tam giới, công phu đã khá lắm, nhưng vẫn là phàm phu sanh tử trong lục đạo.

 

(Sao) Hoặc hiện thánh trụ, vị tam thừa nhân, tức dĩ tam tam-muội trụ.

() 或現聖住,謂三乘因,即以三三昧住。

(Sao: Hoặc hiện thánh trụ, nghĩa là do cái nhân tam thừa nên trụ trong ba thứ tam-muội).

 “Tam-muội” (Samādhi) là tiếng Phạn dịch âm, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Chánh Thọ, Tam là Chánh, Muội là Thọ. Chánh Thọ là sự hưởng thụ bình thường. “Tam tam-muội” là ba thứ hưởng thụ bình thường. Phàm phu chúng ta hưởng thụ bất bình thường, cớ sao không bình thường? Có mừng, giận, buồn, vui, thất tình, ngũ dục, nên sự hưởng thụ ấy không bình thường. Trong sự hưởng thụ bình thường, không có tham, sân, si, mạn, không có thất tình, ngũ dục, lúc đó mới gọi là hưởng thụ bình thường! Sự hưởng thụ bình thường ấy chính là Thiền Định. Tam-muội cũng có thể dịch là Thiền Định, mà cũng là nhất tâm bất loạn trong pháp môn Niệm Phật. Nhất tâm bất loạn được gọi là Niệm Phật tam-muội, là sự hưởng thụ đúng mực do niệm Phật. “Tam Thừa” là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, vượt thoát tam giới. Thanh Văn phải tu pháp Tứ Đế, phải tu ba mươi bảy đạo phẩm, Duyên Giác phải tu mười hai nhân duyên, Bồ Tát phải tu lục độ vạn hạnh, đó là “tam thừa nhân” (cái nhân của tam thừa).

Ba thứ tam-muội là Không, Vô Tướng, Vô Tác, chúng được gọi là “đại tam không tam-muội”, chung cho cả ba thừa. Thanh Văn có, Duyên Giác cũng có, Bồ Tát cũng có, nhưng cảnh giới khác nhau. Danh từ “tam tam-muội” tương đồng, nhưng cảnh giới khác nhau, công phu sâu hay cạn khác biệt. Giống như học hành trong nhà trường: Sơ Trung (Trung Học Đệ Nhất Cấp, cấp hai), Cao Trung (Trung Học Đệ Nhị Cấp, cấp ba), Đại Học đều có giờ Quốc Văn, tên gọi môn học giống nhau, nhưng nội dung có sâu hay cạn khác nhau. Người thuộc tam thừa đều có đại tam không tam-muội, tâm phải an trụ chỗ này thì mới có thể vượt thoát tam giới, siêu phàm nhập thánh.

“Đại tam không tam-muội”, nói đơn giản là như trong Bát Nhã đã nói “tam luân thể không”, chẳng chấp tướng. “Không” là Huệ, là trí huệ chân thật, thật sự hiểu rõ hết thảy các pháp là Không. Nói thật ra, “hết thảy các pháp đều là Không” rất khó hiểu! Do giảng “hết thảy các pháp đều là Không” mà đức Phật giảng kinh Bát Nhã suốt hai mươi hai năm. Lão nhân gia thuyết pháp bốn mươi chín năm, gần như tốn phân nửa thời gian để giảng giải cho chúng ta “hết thảy các pháp đều là Không”, hết thảy các pháp là không thể được. Vì sao phàm phu chúng ta có lắm phiền não như thế? Những phiền não ấy đều phát sanh từ sự cảm nhận sai lầm, ngỡ hết thảy các pháp đều là có, ngỡ hết thảy các pháp thật sự có, đối với hết thảy các pháp dấy lên vọng niệm, vọng niệm gì vậy? Được, mất. Không đạt được bèn mong đạt được; đạt được rồi lại sợ bị mất đi, lo được, lo mất; do vậy, hết thảy phiền não đều sanh từ chỗ ấy. Thật sự liễu giải chân tướng sự thật, hết thảy các pháp là không thể được, vậy thì ý niệm được – mất chẳng còn. Ý niệm được – mất chẳng còn, sẽ tự tại, chẳng còn phiền não. Vì thế, điều này vô cùng trọng yếu.

Nói theo luật nhân quả, trong cuộc đời mỗi người chúng ta, nói thật ra, số mạng quý vị đã được định trước, chẳng có cách nào vượt khỏi vận mạng! Vì thế, đại đa số con người khi đi xem tướng, quý vị thấy thầy tướng số đoán mạng rất chuẩn xác, người ta nói rành rọt quá khứ, hiện tại, vị lai chẳng sai chút nào, có thể thấy là đều đã được định sẵn! Quý vị đọc Liễu Phàm Tứ Huấn, sách Liễu Phàm Tứ Huấn vô cùng hay, có thể khiến quý vị khai ngộ, mới hiểu vận mạng suốt đời của mỗi người đã định sẵn, “một miếng ăn, một hớp uống, không gì chẳng được định trước”. Khổng tiên sinh đoán mạng cho Viên Liễu Phàm, mỗi năm ông Viên thu nhập bao nhiêu tiền, phê đoán Bát Tự[67] rành rẽ, kết toán [chi thu] mỗi năm chẳng sai tí nào, chẳng nhiều hơn, chẳng ít hơn, trong mạng đã định sẵn rồi. Trong mạng đã được định trước là có, sẽ luôn có. Trong mạng đã định sẵn không có, cầu cách nào cũng không được. Vì thế, Viên Liễu Phàm tin vào vận mạng, vọng tưởng gì cũng chẳng cần nghĩ tới, vì sao? Trong mạng đã định sẵn rồi, ta có muốn cũng chẳng được! Trong mạng là có thì ta chẳng muốn cũng không được luôn! Đến lúc, nó sẽ xảy tới. Thôi đi, đừng nghĩ tới nữa là tốt nhất! Tâm ông ta thanh tịnh, đắc Định rồi, mà cũng đắc tam-muội. Ông ta và hòa thượng Vân Cốc hai người ngồi xếp bằng trong Thiền Đường suốt ba ngày ba đêm, trong tâm chẳng dấy lên một vọng tưởng nào! Hòa thượng Vân Cốc thấy vậy bội phục vô cùng: Một người có công phu Thiền Định sâu như thế chẳng dễ có, ba ngày ba đêm ngồi trên bồ đoàn chẳng dấy lên một vọng tưởng nào! Do vậy, hết sức ca ngợi ông ta. Ông ta mới cho biết: “Mạng đã được Khổng tiên sinh đoán sẵn rồi, hết thảy đều biết”. Ông ta nói: “Tôi có suy tưởng cũng uổng công; nên đơn giản là chẳng nghĩ tới nữa”. Nghe xong, thiền sư Vân Cốc cười ha hả: “Tôi ngỡ ông là thánh nhân, [nào ngờ] vốn là phàm phu”. Thánh nhân là công phu thành tựu, còn ông ta là phàm phu, tin tưởng nhân quả, coi như chẳng cần nghĩ tới, có nghĩ tới cũng uổng công, suy tưởng đều là vọng tưởng, cớ gì chính mình phải chịu khổ? Vì thế, chẳng nghĩ tới. Vì thế, ông ta chưa phải là định, mà là hiểu rõ nhân quả.

Người thật sự hiểu rõ nhân quả, hết thảy vọng niệm chẳng có; nhưng còn kém người tu đạo. Người tu đạo có quán huệ. Người tin tưởng nhân quả chỉ biết chuyện đương nhiên, chẳng hiểu nguyên cớ, chưa có Huệ, vẫn bị vô minh bao trùm, cả đời vẫn nghe theo số mạng sắp xếp, không có cách nào vượt thoát số mạng. Trụ trong tam tam-muội, hoàn toàn chuyển biến vận mạng, có thể nói là giải thoát khỏi vận mạng, chính mình hoàn toàn làm chủ tể, rất khác với Viên Liễu Phàm. Viên Liễu Phàm là phàm phu, người trụ trong tam tam-muội là thánh nhân, tuyệt đối chẳng phải là phàm phu, người ấy đã vượt thoát tam giới, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi.

Do vậy, “Không” là quán huệ, chẳng chấp trước hết thảy các pháp, biết hết thảy các pháp giống như kinh Kim Cang đã nói. Kinh Kim Cang khai trí huệ. Kinh Kim Cang chẳng cần niệm nhiều, chỉ cần niệm hai câu là được, “Phàm những gì có tướng, đều là hư vọng”, quý vị phải nhớ kỹ câu ấy, hư vọng thì còn có tốt đẹp gì nữa mà tranh giành? Còn có được mất chi nữa? “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Pháp hữu vi là pháp sanh diệt, giống như con người chúng ta có sanh, lão, bệnh, tử, thực vật có sanh, trụ, dị diệt, khoáng vật có thành, trụ, hoại, không, đều gọi là pháp hữu vi. Động vật, thực vật, khoáng vật thảy đều là pháp hữu vi, cho đến những gì tâm ta nghĩ cũng là pháp hữu vi, cũng chẳng thật, đều là giả, giống như mộng, huyễn, bọt, bóng, có cũng được, không có cũng được, về căn bản là đừng nên chấp trước.

Thật sự nhập cảnh giới này, quý vị nói vọng tưởng dấy lên thì có cần phải đoạn hay chăng? Vọng tưởng là hư vọng, đoạn nó để làm gì? Không cần đoạn nó! Chân chẳng cần cầu, vọng chẳng cần đoạn, tự nhiên thứ gì cũng đều không có. Vọng tưởng đã là vọng tưởng, mà vẫn nỗ lực đoạn vọng tưởng, há chẳng phải là trên vọng tưởng lại chồng thêm vọng tưởng, vĩnh viễn chẳng đoạn được! Vì vậy, Vĩnh Gia đại sư đã nói rất hay: “Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân, bất trừ vọng tưởng, bất cầu Chân” (Đạo nhân tuyệt học vô vi thật là nhàn, chẳng trừ vọng tưởng, chẳng cầu Chân), chẳng có chuyện gì! Nếu quý vị đoạn vọng tưởng, mong cầu Chân, sẽ còn có Sự, còn lo được, lo mất. Nói cách khác, tâm quý vị vẫn chưa thanh tịnh. Do vậy, thật sự nhập ba thứ Không tam-muội, tâm thanh tịnh, trong hết thảy cảnh giới có thể tùy duyên, đắc đại tự tại, thật sự chẳng lo nghĩ, không vướng mắc, tự do, tự tại.

Do vậy, thánh nhân và phàm phu khác nhau, phàm phu không làm được. Tứ Thiền, Bát Định là dùng công phu định lực để khuất phục phiền não, chưa thể đoạn phiền não. Nhập Đại Tam Không tam-muội, chuyển phiền não thành Bồ Đề, chuyển sanh tử thành Niết Bàn, đấy mới là trí huệ chân chánh. Đây là nói về Thánh Trụ, nếu quý vị phát nguyện muốn liễu sanh tử, thoát tam giới, chứng thánh quả, đức Phật có biện pháp để dạy cho quý vị. Quý vị thích thành A La Hán, sẽ thành A La Hán; thích thành Bồ Tát, sẽ trở thành Bồ Tát.

 

(Sao) Hoặc hiện Phật trụ, tức dĩ Thủ Lăng Nghiêm bách bát tam-muội, lực, vô úy, bất cộng trụ.

()或現佛住,即以首楞嚴百八三昧,力無畏不共住。

(Sao: Hoặc hiện Phật trụ, tức là dùng một trăm lẻ tám tam-muội trong Thủ Lăng Nghiêm, lực, vô úy, bất cộng để trụ).

Đây là cảnh giới tối cao. “Bách bát tam-muội” là Thủ Lăng Nghiêm tam-muội như kinh Lăng Nghiêm đã giảng. Kinh Lăng Nghiêm giảng về chuyện này. Đức Phật chẳng thường nói tới loại tam-muội này. “Bách bát” chẳng phải là con số, mà là biểu thị pháp, do đối ứng với phiền não mà nói. Trong Phật môn, thường quy nạp, phân loại phiền não. Quy nạp để nói cho thuận tiện, vì nói thật ra, phiền não vô lượng vô biên; vô lượng vô biên sẽ khó nói, nói bằng cách nào đây? Do vậy, quy nạp lại, quy nạp thành tám vạn bốn ngàn. Thật sự có con số tám vạn bốn ngàn, nhưng phạm vi đã thu nhỏ rất nhiều. Nhưng nếu giảng giải tám vạn bốn ngàn thì vẫn phiền phức, giảng giải từng điều một sẽ phiền phức khôn ngằn! Nhằm giảng giải thuận tiện, bèn quy nạp thành một trăm lẻ tám loại, dễ nói hơn! Do vậy, hiện thời tràng hạt (xâu chuỗi) có một trăm lẻ tám hạt, [ngụ ý] đoạn trừ một trăm lẻ tám phiền não. Vì thế, trong tam-muội cũng nói “bách bát tam-muội”, ý nghĩa của “bách bát” là triển khai sẽ thành vô lượng vô biên. Danh xưng chung là Thủ Lăng Nghiêm tam-muội, nói tách ra là “bách bát tam-muội”. Giống như địa phương Đài Loan này có danh xưng chung là tỉnh Đài Loan, tách ra bèn có Đài Bắc, Cao Hùng, Đài Trung, cũng có rất nhiều huyện thị. Do vậy, Thủ Lăng Nghiêm là danh xưng chung, là pháp được chứng đắc bởi Như Lai, cũng có thể nói là tam-muội rốt ráo viên mãn.

“Lực” là Thập Lực, tức là Như Lai có mười thứ năng lực đặc thù, ngay cả Bồ Tát cũng chẳng có, nhưng Như Lai có. Nói đơn giản, Lực là năng lực. Chúng ta thường tán thán Phật vạn đức, vạn năng, lời này cũng chẳng phải là tán thán tùy tiện, mà là thật. Phật có trí huệ viên mãn, có năng lực viên mãn, nhìn từ chỗ nào? Chúng ta đọc xong Quán Kinh sẽ hiểu rõ. Nếu có kẻ tạo tác Ngũ Nghịch, Thập Ác, tội nặng dường ấy, nếu chúng ta hỏi: Phật có năng lực khiến cho kẻ ấy lập tức thành Phật hay chăng? Nếu Phật chẳng có năng lực thì “vạn đức, vạn năng” chỉ là lời tán thán, chẳng phải là thật sự. Thưa quý vị, Phật thật sự có năng lực này. Quý vị thấy trong chương Hạ Phẩm Hạ Sanh trong Thập Lục Quán Kinh, những chúng sanh Ngũ Nghịch, Thập Ác lâm chung, tướng địa ngục hiện tiền, nếu họ có duyên gặp thiện tri thức khuyên hãy niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, lâm chung một niệm hay mười niệm đều được vãng sanh; hễ vãng sanh sẽ đắc viên chứng ba thứ Bất Thoái, thành tựu Vô Thượng Bồ Đề. Có thể thấy: Chẳng phải là Phật không có năng lực, mà do chúng sanh chẳng tin tưởng, không chịu tiếp nhận! Đây chẳng phải là Phật có khuyết điểm, chẳng phải do Ngài không có năng lực làm được, Ngài muốn giúp quý vị, nhưng quý vị không tiếp nhận, vậy thì có cách nào nữa đây? Do vậy, biết: Ngũ Nghịch, Thập Ác lâm chung sắp đọa địa ngục, đều có thể ngay lập tức thành Phật, nhiều người trong số chúng ta đang hiện diện tại đây vẫn chưa có nghiệp chướng nặng nề như thế! Nếu quý vị chịu tin tưởng, phẩm vị sẽ cao, ai nấy đều vãng sanh trong bậc trung hoặc bậc thượng, chẳng thuộc trong ba phẩm Hạ.

Thiện Đạo đại sư đã nói rất hay: “Ba bậc, chín phẩm là do chúng ta trong đời này gặp duyên khác nhau, cho nên vãng sanh mới có sai khác”. Chẳng hạn tại Đài Loan, Tịnh Độ rất phổ biến, người niệm Phật rất đông, nhưng mỗi nơi niệm Phật, gặp duyên khác nhau. Ở nơi này, duyên của chúng ta khá thù thắng, nhưng vẫn chưa phải là tận thiện tận mỹ, vì sao nói chưa phải là tận thiện, tận mỹ? Chúng ta còn thiếu một Niệm Phật Đường; [đạo tràng phải gồm] một giảng đường và một Niệm Phật đường, mới là tận thiện tận mỹ. Trong giảng đường, giảng giải Tịnh Độ tam kinh nhất luận, hoặc giảng giải Tịnh Độ ngũ kinh, những đạo lý ấy quý vị thảy đều hiểu rõ trọn hết, mới có tâm thực hiện, quyết định chẳng hoài nghi. Những câu Phật hiệu do quý vị niệm trong Niệm Phật Đường đều đắc lực, duyên ấy thù thắng bậc nhất. Duyên kém hơn một chút, hướng dẫn quý vị cùng nhau niệm Phật, nhưng chẳng hiểu đạo lý niệm Phật, tuy niệm suốt đời nhưng vẫn bán tín bán nghi, do duyên kém nên phẩm vị vãng sanh thấp. Đối với lý luận thảy đều hiểu rõ, thông đạt, niệm Phật như vậy, phẩm vị vãng sanh sẽ cao. Ba bậc chín phẩm chẳng phải do thiện căn, phước đức đời quá khứ, chẳng phải do những điều ấy quyết định, mà do duyên gặp được trong đời này quyết định. Lời ấy hay quá, Thiện Đạo đại sư bảo chúng ta như vậy. Vì thế, chúng ta phải quý trọng cái duyên này.

Trong tương lai, nếu chúng ta thật sự có khả năng ấy, chúng ta lại tìm một nơi to như vậy, hoặc lớn hơn chỗ này một chút, có một Niệm Phật Đường. Có Niệm Phật Đường thì hằng ngày khi niệm Phật chẳng cần phải dọn dẹp bàn ghế, cực nhọc quá, tâm bị khuấy loạn hết. Nếu có Niệm Phật Đường, chúng tôi giảng kinh ở đây xong, mọi người đến niệm Phật trong Niệm Phật Đường. Giảng đường và Niệm Phật Đường nhất định phải là hai nơi, như vậy thì mới tốt đẹp. Nói thật ra, chuyện này cũng không phải là rất khó, mọi người thật sự có tâm, có ý niệm ấy, có nguyện vọng ấy, sẽ được thành tựu.

“Vô úy”: Phật có bốn thứ vô úy:

– Thứ nhất là “tổng trì vô úy”, đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, lý luận, hiện tượng, trình tự, chẳng có gì Phật không biết. Do vậy, trong bất luận trường hợp nào, Ngài cũng đều vô úy (không sợ hãi), không có gì chẳng biết. Chúng ta lên giảng đài sẽ chẳng tự nhiên như đức Phật, vì sao? Sợ người ta bắt bí, bắt bí đến nỗi ta không biết làm sao giải quyết cho êm xuôi, mang nỗi sợ này! Phật không có, Phật thật sự là toàn trí, toàn năng.

– Thứ hai là “tri căn vô úy”, Phật có thần thông, căn tánh của mỗi chúng sanh Phật đều biết, Ngài biết đời quá khứ và cũng biết đời vị lai của quý vị. Quá khứ, hiện tại, vị lai của quý vị Ngài đều biết; do vậy, quý vị nghĩ gì, muốn hỏi gì, Ngài đều biết, không có gì chẳng biết. Do vậy, trên giảng đài Ngài vô úy.

– Thứ ba là “quyết nghi vô úy”, bất luận nan đề nào cũng chẳng thể làm khó được Ngài, Ngài đều có thể giải thích, giúp quý vị đoạn nghi sanh tín.

– Thứ tư là “đáp báo vô úy”, cũng là biện tài vô ngại. Quý vị có câu hỏi, chắc chắn Phật sẽ trả lời, nhất định sẽ đáp cho quý vị hài lòng. Không chỉ đáp khiến cho quý vị đoạn nghi sanh tín, mà còn khiến quý vị phá mê khai ngộ. Đây là điều Bồ Tát chưa thể làm được viên mãn, chỉ có Phật quả mới đạt đến rốt ráo viên mãn bốn thứ [vô úy] ấy. Vì thế, chúng

được gọi là “bốn thứ vô úy nơi quả địa”.

“Bất cộng” là mười tám món bất cộng pháp. Từ ba nghiệp thân – khẩu – ý, chắc chắn không có khuyết điểm, cho đến điều thứ mười tám là “tri vị lai vô ngại”, tức là Phật biết hiện tại, quá khứ, vị lai thảy đều chẳng có chướng ngại, không có gì chẳng biết. Tiểu Thừa, Bồ Tát đều chưa thể làm được điều này; do vậy, Phật đích xác là toàn trí toàn năng. “Trụ” kế tiếp là Phật trụ.

 

(Sao) Thượng tam tùy tha ý trụ, hậu nhất tùy tự ý trụ.

() 上三隨他意住,後一隨自意住。

(Sao: Ba món “tùy” trước là thuận theo ý của người khác mà trụ, món “tùy” sau cùng là Ngài tự trụ).

Đức Phật trụ tại “nước Xá Vệ, Kỳ Thụ Cấp Cô Độc viên”. Ba loại trước là Phật giáo hóa chúng sanh, loại cuối cùng, chúng sanh cũng làm không được, nên chính Phật an trụ. Chính mình trụ trong một trăm lẻ tám Lăng Nghiêm tam-muội, Thập Lực, Tứ Vô Úy, mười tám pháp Bất Cộng, Phật trụ tại nơi đó. Đây là Thiên Thai đại sư giảng ý nghĩa riêng biệt của chữ “trụ”, cách giảng này cũng vô cùng hay, chúng ta cũng cần phải học tập. Dưới đây, Liên Trì đại sư giả lập một đoạn vấn đáp nhằm đoạn trừ nghi hoặc cho chúng ta.

 

(Sao) Vấn: Phật hà dĩ thiên trụ?

() 問:佛何以天住。

(Sao: Hỏi: Vì sao Phật thiên trụ?)

Phật trụ trong “Phật trụ”, đó là hợp lý; vì sao Ngài trụ trong thiên trụ? Nói thật ra, Phật thị hiện trong nhân gian, vẫn chưa phải là thiên trụ, mà là nhân trụ. Ở trong nhân gian của chúng ta, so với cõi trời còn ủy khuất hơn nữa.

 

(Sao) Đáp: Khuất chí tôn tại chí liệt xứ, vi độ sanh cố dã.

() 答:屈至尊在至劣處,為度生故也。

(Sao: Đáp: Khuất thân cao quý nhất nơi thấp hèn nhất là do độ sanh).

 Trả lời rất hay, cũng hết sức viên mãn. Do chúng sanh có cảm, nên Phật bèn có ứng. Chúng sanh ở nơi nào, Phật nhất định phải thị hiện thân đồng loại, cùng ở chung một chỗ với họ thì khi ấy mới có thể giáo hóa họ. Nếu chẳng thể ở cùng một chỗ, Phật sẽ chẳng có cách nào giáo hóa. Phải là tùy loại hiện thân, nên dùng thân gì để đắc độ, Phật bèn thị hiện thân phận như thế ấy!

 

(Sao) Vô tại, vô bất tại giả.

() 無在無不在者。

(Sao: “Vô tại, vô bất tại”).

 Nói thật ra, Thể, Tướng, tác dụng đều là như vậy.

 

(Sao) Thể tịch liêu, cố vô tại.

() 體寂寥,故無在。

(Sao: Thể vắng lặng, cho nên chẳng hiện diện).

 “Tịch liêu” là trống vắng, giống như hư không. Thể giống như hư không, chẳng có hình tướng, không có âm thanh, không có dấu vết, cho nên “vô tại”, nhưng nó hiện tướng, nên nó tồn tại.

 

(Sao) Thể viên thông, cố vô bất tại.

() 體圓通,故無不在。

(Sao: Do Thể viên thông, nên không đâu chẳng tồn tại).

 “Viên” là viên mãn, “thông” là thông đạt. Chúng sanh có cảm, Ngài sẽ có ứng. Vì có ứng, nên Ngài hiện diện, nói “vô bất tại” tức là có sự hiện hữu. Vì thế, nói “vô tại, vô bất tại”. Vô tại là nói theo Thể, vô bất tại là nói theo tướng được hiện.

 

(Sao) Hoa Nghiêm vân: “Phật thân phi chí, phi bất chí”.

() 華嚴云:佛身非至非不至。

(Sao: Kinh Hoa Nghiêm nói: “Thân Phật chẳng đến, mà cũng không đâu chẳng đến”).

“Chí” là đến, “phi chí, phi bất chí” là không đến, mà cũng chẳng không đến. Vì đấy là cảm ứng, ở đâu có cảm, bèn hiện tướng nơi ấy. Quý vị chẳng nói Phật có đến, cũng không thể nói Ngài không đến; đến và không đến đều chẳng thể nói được; đấy mới là chân tướng sự thật.

 

(Sao) Hà dĩ cố? Hư không vô thân cố.

() 何以故,虛空無身故。

(Sao: Vì cớ sao? Do hư không chẳng có thân).

Pháp Thân không có tướng, giống như hư không chẳng có một tướng gì! Không có tướng, làm sao có thể nói nó đến, làm sao có thể nói nó không đến?

 

(Sao) Như Lai diệc nhĩ.

() 如來亦爾。

(Sao: Như Lai cũng giống như vậy).

Pháp Thân của Phật giống như hư không.

 

(Sao) Biến nhất thiết pháp, biến nhất thiết chúng sanh, quốc độ.

() 遍一切法,遍一切眾生國土。

(Sao: Trọn khắp hết thảy các pháp, trọn khắp hết thảy chúng sanh, cõi nước).

 Giống như hư không, quả thật là trọn khắp. Nói thật ra, chân tâm của chúng ta trọn khắp. Tâm là trọn khắp. Chẳng tin thì có thể thí nghiệm, chúng ta mở căng mắt, những gì có thể thấy đều là trọn khắp. Chúng ta thấy gì tức là tâm ta đến nơi đó. Nếu tâm không đến, làm sao quý vị thấy được? Quý vị có thể thấy thì chính là tâm quý vị đạt tới [chỗ đó]. Chủ thể để thấy (năng kiến) là gì? Tâm là năng kiến, mắt chẳng phải là năng kiến. Mắt chẳng phải là năng kiến, tâm là năng kiến. Tâm bao lớn? Quý vị thấy rộng chừng nào, tâm to chừng đó. Nói thật ra, phạm vi [mà mắt] chúng ta thấy được hãy còn nhỏ lắm, vì chúng ta thấy đằng trước, chẳng thấy đằng sau. Chúng ta nghe có thể nghe phía trước, lại còn có thể nghe phía sau; nhưng phạm vi của nghe vẫn chưa đáng coi là lớn.

Ý niệm trong tâm chúng ta, quý vị nghĩ tới chỗ nào, tâm ở ngay nơi đó. Tâm ấy có thể nói là “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới” (tâm trùm khắp thái hư, dung lượng bằng với các cõi có số lượng nhiều như cát), quý vị thấy tâm ấy lớn ngần nào! Tâm có tướng hay chăng? Không có tướng. Tâm chẳng hiện tướng, tâm còn lớn hơn hư không rất nhiều! Tâm là Pháp Thân, tâm là bổn tánh, Chân Như bổn tánh, Pháp Thân Lý thể, [những danh từ ấy] đều nhằm nói về thứ này (tâm). Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đã giảng rất nhiều, rất tỉ mỉ, rất viên mãn. Do vậy, “vô tại, vô bất tại” quả thật là “biến nhất thiết pháp, biến nhất thiết chúng sanh, quốc độ” (trọn khắp hết thảy các pháp, trọn khắp hết thảy chúng sanh, cõi nước). Vì thế, nói:

 

(Sao) Phi chí, phi bất chí, tức thử ý dã.

() 非至非不至,即此意也。

(Sao: [Nói] “chẳng tới, chẳng không tới”, chính là [nói đến] ý này vậy).

 Hoàn toàn giống với ý nghĩa đang nói ở đây.

 

(Sao) Nhiên tắc Phật tại Xá Vệ, dĩ tựu liệt cơ, cố danh “thiên trụ”.

() 然則佛在舍衛,以就劣機,故名天住。

(Sao: Nhưng đức Phật ngự tại Xá Vệ nhằm thích ứng với căn cơ kém hèn, nên gọi là “thiên trụ”).

 Đây là chúng ta coi Phật như chư thiên, tôn xưng Ngài. Phật nhận lấy thân phận chúng sanh, nhằm giáo hóa chúng sanh, nên phải thị hiện hình tướng ấy, trụ tại nước Xá Vệ mười mấy, hai mươi năm, trụ nơi ấy để giáo hóa.

 

(Sao) Như thật nhi luận, tức Xá Vệ danh Phạm trụ, thánh trụ, Phật trụ, diệc hà bất khả.

() 如實而論,即舍衛名梵住聖住佛住,亦何不可。

(Sao: Nếu nói đúng theo sự thật thì [đức Phật ngự tại] Xá Vệ vẫn có thể gọi là Phạm trụ, thánh trụ, hoặc Phật trụ, cũng đều chẳng có gì là không được!)

 Nói theo hình tích, Xá Vệ là một trụ xứ trong nhân gian chúng ta. Nếu nói theo cảnh giới, nói theo phương diện tâm lý, quý vị nói cách nào cũng đều được, nói gì cũng đều được, đều là nói có lý.

 

(Sớ) Xá Vệ, Phạn ngữ, diệc vân Thất La Phiệt Tất Để.

()  舍衛,梵語,亦云室羅筏悉底。

(Sớ: Xá Vệ, tiếng Phạn, còn dịch âm là Thất La Phiệt Tất Để).

 Thất La Phiệt Tất Để (Śrāvastī)[68] là dịch âm tiếng Phạn, người Trung Quốc chuộng đơn giản, phiên dịch thường bỏ bớt âm cuối. Chẳng hạn như “Phật đà-da”, chúng ta bỏ âm cuối là “đà-da”, chỉ gọi là Phật.

 

(Sớ) Hoa ngôn Văn Vật, dĩ đức danh cố; nhất vân văn giả, dĩ nhân danh cố.

()  華言聞物,以德名故;一云聞者,以人名故。

(Sớ: Tiếng Hán dịch là Văn Vật, đặt tên [nước ấy] dựa theo phẩm đức. Dịch chữ thứ nhất là Văn (được nghe danh khắp nơi) do [trong nước ấy] có nhiều người nổi tiếng).

“Hoa” là tiếng Trung Quốc, [Xá Vệ] dịch theo nghĩa tiếng Hán là Văn Vật.

 

(Sao) Đức giả, dĩ quốc phong tứ đức.

() 德者,以國豐四德。

(Sao : “Đức”: Do nước giàu có, hội đủ bốn đức).

 Nói theo cách hiện thời, quốc gia này đã phát triển, bất luận xét trên văn minh vật chất, hay kinh tế, văn hóa, chánh trị, đều là một quốc gia đã phát triển rất cao.

 

(Sao) Nhất giả, trần đức, ngũ trần chi cảnh, đa mỹ lệ cố.

() 一者塵德,五塵之境,多美麗故。

(Sao: Một là trần đức (ưu điểm về mặt ngũ trần), do [xét theo] cảnh Ngũ Trần, [Xá Vệ] rất xinh đẹp).

Nói theo cách bây giờ, Trần là kiến thiết vật chất. Ở nơi ấy, kiến thiết vật chất và kiến trúc vô cùng tốt đẹp, văn minh vật chất cũng vô cùng phát triển.

 

(Sao) Nhị giả, tài đức, thất bảo trân kỳ, vô phất hữu cố.

() 二者財德,七寶珍奇,無弗有故。

(Sao: Hai là tài đức (ưu điểm về mặt tài chánh), do bảy báu quý lạ, chẳng thiếu món gì).

Kinh tế phát triển. Ngày hôm nay, báo chí đã đặt tựa đề rất lớn cho biết hai năm nữa, tồn khoản ngoại hối (foreign exchange) của Đài Loan sẽ cao nhất thế giới. Đó là “tài đức”.

 

(Sao) Tam giả, thánh đức, Tam Tạng thánh pháp, giai cụ túc cố.

() 三者聖德,三藏聖法,皆具足故。

(Sao: Ba là thánh đức (ưu điểm về mặt thánh giáo), do Tam Tạng thánh pháp đều trọn đủ).

Chữ “thánh đức” chỉ Phật pháp, Phật pháp vô cùng hưng thịnh. Đức Phật ngự tại nơi ấy giảng kinh, tức là có Pháp Bảo, Phật có đông học trò dường ấy, đó là đệ tử của Phật, tức Tăng Bảo. Phật – Pháp – Tăng Tam Bảo đầy đủ; vì thế, nơi ấy có “thánh đức”. Ở chỗ này, cũng có thể giải thích là trình độ văn hóa vô cùng cao, tư tưởng học thuật phát triển.

 

(Sao) Tứ giả, giải thoát đức, nhân đa giải thoát, bất nhiễm dục cố.

() 四者解脫德,人多解脫,不染欲故。

(Sao: Bốn là, giải thoát đức, do có nhiều người giải thoát, chẳng nhiễm dục).

 Điều này chẳng đơn giản. “Giải thoát” là nói người tu hành chứng quả đông đảo, có nhiều thánh nhân. Thuở Phật tại thế, Phật là bậc chí thánh, đại thánh, trong các đệ tử Phật, có không ít vị chứng Bồ Tát quả, chứng Bích Chi Phật quả, chứng A La Hán quả rất nhiều, thánh nhân rất đông! “Xá Vệ” dịch sang nghĩa tiếng Hán là “phong đức”, [nghĩa là] sản vật phong phú, người có đạo đức vô cùng đông; do vậy gọi là Văn Vật. Văn là nổi tiếng, nức tiếng xa gần, [Vật] là sản vật phong phú. [Danh xưng] Xá Vệ có ý nghĩa ấy. Hiện thời, nói thật ra, Đài Loan còn thua nước Xá Vệ một chút, hai điều trước (trần đức và tài đức) chẳng kém họ, nhưng hai điều sau (thánh đức và giải thoát đức) thua họ. Nói theo Phật pháp, Đài Loan là khu vực có Phật pháp hưng thịnh nhất trên cả thế giới trong hiện thời. Đáng tiếc là Phật chẳng trụ thế, Phật chẳng ở nơi đây, Bồ Tát, A La Hán cũng không có, phàm phu tăng không ít, còn tốt hơn những nơi khác một chút, nhưng chẳng thể sánh bằng nước Xá Vệ. Điều thứ tư ở chỗ chúng ta không có! Mong sao mọi người nỗ lực niệm Phật, niệm tới công phu thành phiến là thánh nhân, niệm tới nhất tâm bất loạn bèn chứng quả, điều này phải cậy vào sự nỗ lực của chúng ta. “Nhân đa giải thoát, bất nhiễm dục cố” (do có nhiều người giải thoát, chẳng nhiễm dục). Nhiều người chứng quả, cho nên quá nửa dân chúng tiếp nhận sự giáo hóa của đức Phật. Do đức Phật giáo hóa ở nơi ấy mười mấy, hai mươi năm, giảng rất nhiều bộ kinh lớn, cho nên người nơi ấy thật sự có phước báo, quá nửa đều là có thể thấy thấu suốt, buông xuống, người giải thoát đông đảo!

 

(Sao) Dĩ thị dự động Ngũ Thiên, danh Văn Vật dã.

() 以是譽動五天,名聞物也。

(Sao: Do vậy, lừng danh năm xứ Thiên Trúc, nên gọi là Văn Vật).

“Dự” (譽) là vinh dự, là tiếng tăm. Ngũ Thiên là Ấn Độ. Thuở đó, Ấn Độ gọi là Thiên Trúc, chia thành năm khu vực: Bắc Ấn Độ, Nam Ấn Độ, Đông Ấn Độ, Tây Ấn Độ, Trung Ấn Độ, người Trung Quốc gọi là Ngũ Thiên Trúc. Từ đời Đường về trước, luôn gọi [Ấn Độ] là Thiên Trúc (Sindhu). Cả Ấn Độ không ai chẳng biết đến nước Xá Vệ, đều biết đến địa phương ấy, là một quốc gia có trình độ văn hóa và vật chất phát triển nhất, nên gọi là Văn Vật.

 

(Sao) Dĩ nhân danh giả, đa hiền nhân cố, quốc dĩ nhân vi trọng cố.

() 以人名者,多賢人故,國以人為重故。

(Sao: “Do có nhiều người nổi tiếng”: Do có nhiều người hiền, vì đất nước tôn trọng con người).

Cũng có người nói Xá Vệ “dĩ nhân danh” (do người dân trong nước mà được nổi tiếng), có những nhân vật nổi tiếng. Nói theo cách bây giờ, những người nổi tiếng quốc tế đặc biệt nhiều, cho nên gọi là Xá Vệ. “Đa hiền nhân cố” (do có lắm người hiền) như A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát đều là hiền nhân. Phật thường giảng kinh thuyết pháp ở nơi ấy, những người ấy đều là đệ tử Phật, cho nên vô cùng nhiều. “Quốc dĩ nhân vi trọng” (đất nước coi trọng con người), Ấn Độ cổ đại và Trung Quốc đều đặc biệt coi trọng hiền nhân, hiền nhân là vật báu của đất nước! Nhiều người hiền, quốc gia nhất định cường thịnh, cuộc sống của dân chúng nhất định đạt được an hòa, lợi lạc. Đó là giải thích hai chữ Xá Vệ.

Tiếp theo đó là nói đến đạo tràng nơi Ngài cư trụ. Xá Vệ là một thành lớn, [Xá Vệ] là tên thành thị ấy, giống như nay chúng ta nói tới thành phố Đài Bắc, đó là tên một thành thị. Ngài trụ tại nơi nào trong thành thị ấy?

 

(Sớ) Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên giả.

()  祇樹給孤獨園者。

(Sớ: Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên).

Đấy là đạo tràng giảng kinh thuyết pháp của đức Phật thuở ấy.

 

(Sớ) Phạn ngữ Kỳ Đà, diệc vân Thệ Đa.

()  梵語祇陀,亦云逝多。

(Sớ: Tiếng Phạn Kỳ Đà còn gọi là Thệ Đa).

Kỳ Đà (Jetā, Jetakumāra) và Thệ Đa đều là dịch âm tiếng Phạn.

 

(Sớ) Ngôn Kỳ giả, tỉnh văn dã.

()  言祇者,省文也。

(Sớ: Nói “Kỳ”[trong Kỳ viên] là tỉnh lược).

Đây cũng là tỉnh lược, bỏ bớt âm cuối.

 

(Sớ) Thử vân Chiến Thắng.

()  此云戰勝。

(Sớ: Cõi này dịch [Kỳ Đà] là Chiến Thắng).

 Chữ “thử” chỉ Trung Quốc. Kỳ Đà dịch nghĩa sang tiếng Hán là Chiến Thắng.

 

(Sớ) Cấp Cô, biểu đức.

()  給孤,表德。

(Sớ: Cấp Cô, biểu thị đức hạnh).

“Cấp” là bố thí, “Cô” là kẻ cô độc. Có thể thấy người này rất từ bi, thường cứu giúp kẻ bần khổ, là một nhà từ thiện thật sự. Do vậy, mọi người không gọi tên ông ta mà gọi là “trưởng giả Cấp Cô Độc” (Anāthapindada). Ông ta đặc biệt quan tâm kẻ cô độc, cho nên mới được gọi bằng ngoại hiệu như vậy, gọi ông ta như vậy là một cách xưng hô tôn kính. Vị này là ai? Chính là…

 

(Sớ) Tu Đạt Đa.

()  須達多。

(Sớ: Tu Đạt Đa).

“Tu Đạt Đa” (Sudatta) là tên ông ta, tức trưởng giả Tu Đạt Đa.

 

(Sớ) Viên giả, Phạn ngữ Tăng-già-lam-ma, thử vân Chúng Viên.

()  園者,梵語僧伽藍摩,此云眾園。

(Sớ: “Viên”: Tiếng Phạn là Tăng-già-lam-ma (Sanghārāma), cõi này dịch là Chúng Viên).

 Đây là tiếng Phạn dịch âm, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Chúng Viên. Tăng-già (Sanghā) là Chúng, Hòa Hợp Chúng. Phải tuân thủ sáu điều kiện, tức Lục Hòa Hợp, tuân thủ sáu điều kiện ấy, mọi người ở chung với nhau, vì thế, đó là một viên lâm. Viên lâm ấy vốn của Thái Tử Kỳ Đà, Kỳ Đà là Thái Tử của vua nước Xá Vệ. [Viên lâm ấy] là một biệt thự, tức là một hoa viên biệt thự, có diện tích rất lớn.

Trưởng giả Tu Đạt Đa thỉnh Thích Ca Mâu Ni Phật đến nước Xá Vệ giảng kinh, thuyết pháp, nhưng Thích Ca Mâu Ni Phật còn có một nhóm thường tùy đệ tử đi theo Ngài. Phật đi tới đâu, những người ấy theo tới đó, bao nhiêu người? Là một ngàn hai trăm năm mươi lăm người. Do vậy, nhất định phải thỉnh nhiều người như thế. Thỉnh nhiều người như thế đến, đương nhiên phải tìm một nơi rộng rãi để họ có thể trụ lại. Tu Đạt Đa đi khắp nơi trong nước Xá Vệ để kiếm chỗ, thấy biệt thự ấy của Thái Tử rất thích hợp, một ngàn hai trăm năm mươi lăm người trụ nơi đó không có vấn đề gì, ở rất thoải mái, bèn thương lượng với Thái Tử muốn mua chỗ ấy.

Vị Thái Tử ấy cũng chẳng biết Thích Ca Mâu Ni Phật là ai, trưởng giả nhất định đòi mua, xin Thái Tử ra giá, ông ta bèn nói giỡn: “Nghe nói nhà ông rất nhiều vàng, đất của ta là tấc đất tấc vàng, ông lót vàng được bao nhiêu, ta sẽ bán bấy nhiêu”. Tu Đạt Đa thật sự mở kho trong nhà lấy vàng ròng trải đất. Thái Tử rất cảm động, liền hỏi trưởng giả: “Rốt cuộc là do chuyện gì? Ông mua để làm gì?” Tu Đạt Đa bèn kể rõ. Bản thân Thái Tử cũng rất kính nể, bội phục, nói: “Như vậy thì hay lắm! Hai người chúng ta cùng làm công đức”. Trưởng giả cậy trong nhà có tiền, có vàng: “Tôi muốn làm một mình, chẳng muốn ông góp phần”, nên nẩy sanh tranh chấp. Xảy ra tranh chấp, Thái Tử Kỳ Đà bèn làm khó: “Được rồi! Nếu vậy thì ông không chịu cho ta làm, được lắm! Đất ta đã bán cho ông, ông đã lót vàng rồi, nhưng cây hoa, cỏ cây trong chỗ đó, ta đều sai người chặt sạch, vì ông cũng chưa trải vàng tới đó. Còn có nhà cửa, ta đều sai phá sạch, ông chỉ mua được bãi đất trống!” Trưởng giả bị làm khó dễ, không còn cách nào, lúc ấy, mới đồng ý: “Được rồi! Hai người cùng làm công đức. Mỗi người phân nửa”. Chỗ ấy về sau được gọi là Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên (Jetavane Anāthapindikassa Ārāma). Coi như cây cối thuộc phần công đức của Thái Tử Kỳ Đà, viên lâm đã bán cho ông trưởng Cấp Cô Độc. Nơi ấy mang tên hai người. Đó là nơi đức Phật thuyết pháp trong thuở ấy. Ngày hôm nay giảng tới chỗ này!

 

— o0o —

Tập 108

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm mười bốn:

 

(Sao) Chiến Thắng giả, Ba Tư Nặc vương Thái Tử sanh thời, vương dữ ngoại quốc giao chiến đắc thắng, hỷ nhi lập danh.

()戰勝者,波斯匿王太子生時,王與外國交戰得勝,喜而立名

(Sao: Chiến Thắng: Khi vua Ba Tư Nặc sanh Thái Tử, vua cùng nước ngoài giao chiến thắng trận, nên vui mừng đặt tên như vậy).

Nói rõ những ý nghĩa được bao hàm trong danh hiệu Kỳ Đà.

 

(Sao) Tu Đạt Đa giả, Phạn ngữ, thử vân Nhạo Thí.

() 須達多者,梵語,此云樂施。

(Sao: Tu Đạt Đa, là tiếng Phạn, cõi này dịch là Nhạo Thí).

Tức là vui vẻ bố thí.

 

(Sao) Thắng Quân vương đại thần dã.

() 勝軍王大臣也。

(Sao: Là đại thần của vua Thắng Quân).

 “Thắng Quân vương” là vua Ba Tư Nặc (Prasenajit), [Tu Đạt Đa] là đại thần của vua Ba Tư Nặc.

 

(Sao) Hỷ nhạo hành thí, toại thành lệnh danh.

() 喜樂行施,遂成令名。

(Sao: Ưa thích bố thí, nên thành mỹ danh).

Danh hiệu do chuộng thiện, ưa thí mà thành tên.

 

(Sao) Cấp Cô Độc giả.

() 給孤獨者。

(Sao: Cấp Cô Độc…)

“Cấp” có nghĩa là bố thí.

 

(Sao) Ấu nhi vô phụ viết Cô, lão nhi vô tử viết Độc.

() 幼而無父曰孤,老而無子曰獨。

(Sao: Trẻ thơ không cha gọi là Cô, già cả không con là Độc).

Do đây có thể biết: Tu Đạt Đa là một vị trưởng giả từ thiện, không chỉ có địa vị rất cao trong quốc gia, mà còn có tài sản rất lớn. Điều khó có nhất là ông ta chuộng thiện, ưa thí, thường cứu giúp những người già yếu, nghèo túng. Vì thế, thuở ấy, mọi người gọi ông là trưởng giả Cấp Cô Độc, chẳng gọi tên tục. Đấy là tôn kính ông ta.

 

(Sao) Khổng ân châu cấp, Kỳ chánh tiên quỳnh[69], phi bất phổ từ, hữu hoãn cấp cố.

() 孔恩周急,岐政先煢,非不普慈,有緩急故。

(Sao: Châu cấp có chọn lựa như Khổng Tử [chẳng giúp đỡ kẻ giàu được giàu thêm], cai trị bằng lòng nhân như Văn Vương giúp người đơn côi trước, chẳng phải là lòng Từ không trọn khắp, nhưng chuyện cứu tế có hoãn đãi hay gấp rút khác biệt).

Tuy bố thí, cúng dường bằng tâm bình đẳng, nhưng quan tâm kẻ cô độc (cô nhi và người già sống trơ trọi một mình) là những kẻ hết sức đáng thương và kẻ thiếu thốn, do vậy, trong lúc cứu tế, đã xếp họ vào mức ưu tiên bậc nhất. Đây là những người hết sức cần được cứu giúp. Vì thế, trưởng giả Cấp Cô Độc cũng đặc biệt chiếu cố những người đó.

 

(Sao) Chúng cư viết Viên giả.

() 眾居曰園者。

(Sao: Chỗ nhiều người ở gọi là Viên).

 Giải thích chữ Viên trong từ ngữ Cấp Cô Độc Viên.

 

(Sao) Lâm ấm thanh u, học đạo chi nhân, ưng thê chỉ cố.

() 林蔭清幽,學道之人,應棲止故。

(Sao: Nhiều cây cối xum xuê, thanh vắng, là nơi đáng để cho người học đạo ở).

Hoàn cảnh cư trụ của “học đạo chi nhân” (người học đạo) rất nên “thanh u”, hoàn cảnh ấy sẽ tốt đẹp hơn một chút. Từ xưa đến nay, tự viện, tùng lâm đều được kiến tạo trong vùng núi rừng, cách xa thành thị, cách biệt khá xa những nơi dân cư hòng tĩnh tâm dưỡng đạo, tu đạo.

 

(Sao) Thí thụ mãi viên giả, Niết Bàn Kinh thuyết: “Tu Đạt trưởng giả, bổn Xá Vệ nhân, sơ vị tri Phật, vị phinh phụ cố”.

()施樹買園者,涅槃經說:須達長者,本舍衛人,初未知佛,為娉婦故。

(Sao: “Thí cây, mua vườn”: Kinh Niết Bàn nói: “Trưởng giả Tu Đạt vốn là người Xá Vệ, thoạt đầu chưa biết Phật, vì cưới dâu mà…)

Lúc ông ta nạp sính lễ cưới dâu cho con trai.

 

(Sao) Nhập Vương Xá thành, nhân San Đàn Na kiến Phật sanh tín.

() 入王舍城,因珊檀那見佛生信。

(Sao: Vào thành Vương Xá, do ông San Đàn Na chỉ dẫn, được gặp Phật, sanh lòng tin).

Trưởng giả San Đàn Na ở thành Vương Xá (Rājagrha) là thông gia (sui gia) của Tu Đạt Đa. Họ đang cúng dường Thích Ca Mâu Ni Phật, thỉnh Thích Ca Mâu Ni Phật đến giảng kinh. Do cơ duyên ấy, nên Tu Đạt Đa được gặp Phật.

 

(Sao) Thỉnh quy Xá Vệ, Phật lệnh Thân Tử tuyển chúng cư xứ.

() 請歸舍衛,佛令身子選眾居處。

(Sao: Thỉnh Phật đến Xá Vệ, đức Phật sai ngài Xá Lợi Phất chọn lựa chỗ cư trụ cho chúng tăng).

Thuở ấy, Thích Ca Mâu Ni Phật sai một vị thị giả, tức là tôn giả Xá Lợi Phất, “Thân Tử” là Xá Lợi Phất; sai ngài Xá Lợi Phất cùng sang nước Xá Vệ với trưởng giả Tu Đạt Đa để tìm hoàn cảnh cư trụ [thích hợp] bên ấy, do số người trong tăng đoàn của đức Phật khá đông, chẳng có hoàn cảnh cư trụ thích hợp thì đối với họ cũng sẽ rất khó khăn.

 

(Sao) Đắc Kỳ Đà viên, trưởng giả vấn giá, Thái Tử hý đáp: “Kim bố địa mãn, tức đương mại dữ”. Trưởng giả bố kim, Thái Tử cảm thán, toại dữ dịch địa, địa sở hữu thụ, tịnh dĩ thí Phật, nhân lập tinh xá. Trưởng giả, Thái Tử giao tương phát tâm, thành thử mỹ sự, cố song tiêu dã.

()得祇陀園,長者問價,太子戲答:金布地滿,即當賣與。長者布金,太子感歎,遂與易地,地所有樹,并以施佛,因立精舍。長者太子交相發心,成此美事,故雙標也。

(Sao: Tìm được vườn cây của Kỳ Đà, trưởng giả hỏi giá, Thái Tử nói đùa: “Đem vàng lót khắp đất, ta sẽ bán cho ông”. Trưởng giả trải vàng, Thái Tử cảm thán, bèn giao đất, những cây mọc trên đất đều cúng dường Phật. Do vậy, lập tinh xá. Trưởng giả và Thái Tử cùng nhau phát tâm thành tựu chuyện tốt đẹp này, nên gọi nơi ấy bằng tên của hai người).

 Tôi nghĩ chuyện này chẳng cần phải giảng, mọi người đọc xong, nói chung đã hiểu rõ tình hình, bởi lẽ lai lịch của Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên đã có nhiều kinh chú giải rồi.

Đoạn kế tiếp là nói xứng Lý. Đây là một điều đặc thù của Liên Trì đại sư trong bộ Di Đà Kinh Sớ Sao, đoạn kinh văn này tiêu quy tự tánh, cũng là hết sức khó có!

 

(Sớ) Nhược dụ đương kinh giáo lý, các hữu sở biểu, như Pháp Hoa, Hoa Nghiêm thích lệ.

()  喻當經教理,各有所表,如法華華嚴釋例。

(Sớ: Nếu dựa theo giáo lý trong kinh này để nói, mỗi điều đều có ý nghĩa biểu thị pháp, giống như cách giải thích kinh Pháp Hoa và Hoa Nghiêm).

“Đương kinh” là kinh này, nói theo lý luận giáo học trong kinh này, chỗ nào cũng đều mang ý nghĩa biểu thị pháp, như kinh Pháp Hoa và kinh Hoa Nghiêm, Trí Giả đại sư giải thích kinh Pháp Hoa, soạn Pháp Hoa Kinh Văn Cú, Thanh Lương đại sư soạn Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao, đều diễn giải rất nhiều sự tướng trong ấy thành sự biểu thị pháp, tức là những điều ấy biểu thị ý nghĩa nào. Dùng thể lệ ấy để xem xét kinh này, chúng ta có thể thấy rất nhiều nghĩa lý.

 

(Sao) Dụ đương kinh giả, như Xá Vệ quốc, quốc chi thắng, biểu thử Tịnh Độ pháp môn, quảng đại hoằng viễn, pháp chi tối thượng cố.

()喻當經者,如舍衛國,國之勝,表此淨土法門,廣大宏遠,法之最上故。

(Sao: “Dựa theo kinh này để nói”, như nước Xá Vệ là nước thù thắng nhất trong các nước, biểu thị pháp môn Tịnh Độ này rộng lớn, thênh thang, là pháp tối thượng).

Kinh này nói đến thành Xá Vệ. Thuở ấy, thành Xá Vệ là một nước lớn nhất tại Ấn Độ, đô thị ấy là đô thị lớn nhất trong năm xứ Ấn Độ, bất luận trình độ văn hóa, chính trị, giáo dục, hay kinh tế đều thuộc hạng nhất. Vì thế, đức Phật giảng kinh ở nơi đó, cũng nhằm biểu thị pháp môn này là pháp môn tối thượng trong hết thảy các pháp, giống hệt như nước Xá Vệ là thành thị lớn nhất, thù thắng nhất trong năm xứ Ấn Độ thuở ấy, dùng ý nghĩa này.

 

(Sao) Tức Từ Ân ngôn, Vương Xá thành, thành chi thắng.

() 即慈恩言,王舍城,城之勝。

(Sao: Chính là như ngài Từ Ân (Khuy Cơ đại sư) nói: “Thành Vương Xá là thành thù thắng).

“Thắng” là thù thắng.

 

(Sao) Thành thắng dư thành, biểu Pháp Hoa pháp thắng dư pháp cố, hạ giai lệ thử.

() 城勝餘城,表法華法勝餘法故,下皆例此。

(Sao: Thành ấy thù thắng hơn các thành khác, biểu thị giáo pháp Pháp Hoa thù thắng hơn các pháp khác. Những điều sau đây đều tuân theo lệ này).

Nói theo phương diện biểu thị pháp, kinh Pháp Hoa được người đời sau tôn xưng là “kinh trung chi vương” (vua của các kinh), bảo là “ngũ thời cực xướng, tối hậu cực đàm” (sự xướng suất tột bậc trong năm thời, là sự bàn luận tột bậc cuối cùng), là kinh điển Viên Giáo thuần nhất. Sự thù thắng của nước Xá Vệ đã được nói tới trong phần trên, giống như thành phố Nữu Ước là thành phố lớn bậc nhất trong thế giới hiện thời. Nữu Ước của Mỹ là thành phố lớn bậc nhất trên toàn thế giới, là trung tâm tài chánh của thế giới, cả thế giới chẳng ai không biết đến nó. Trong quan niệm của bọn họ, nước Xá Vệ thuở ấy tại Ấn Độ cũng giống như một đô thị lớn trên thế giới hiện thời, dùng chuyện này để làm tỷ dụ.

 

(Sao) Kỳ Thụ, thụ chi thắng.

() 祇樹,樹之勝。

(Sao: “Cây của Thái Tử Kỳ Đà”: Cây thù thắng).

Cây do Thái Tử Kỳ Đà trồng, cây do người trồng mà khác biệt. Cây cối cũng là loài hữu tình, nó có mối cảm ứng với lòng người. Chẳng hạn như thuở Huyền Trang đại sư sang Ấn Độ thỉnh kinh, trước cửa chùa có một cái cây, Ngài sờ vào thân cây bảo: “Ta sang Tây phương thỉnh kinh, ngươi hãy mọc dài về phía Tây. Đến năm nào ta trở về, ngươi sẽ mọc dài về phương Đông”. Cây ấy quả nhiên nghe lời. Sau khi Ngài ra đi, cây mỗi năm đều mọc dài về phía Tây, năm Ngài quay về, cây bèn chuyển phương hướng, mọc dài về phía Đông. Người trong chùa đều nói: “Chắc là Huyền Trang đại sư trở về, cây đã mọc dài sang phía này rồi!” Quả nhiên Ngài trở về trong năm ấy. Do vậy, cây cối quả thật có mối cảm ứng với lòng người. Thái Tử Kỳ Đà chẳng phải là kẻ tầm thường, cây do ông ta trồng sẽ đặc biệt tươi tốt, thù thắng hơn cây do người khác trồng.

 

(Sao) Biểu Tịnh Độ ấm cái chúng sanh.

() 表淨土蔭蓋眾生。

(Sao: Biểu thị Tịnh Độ che rợp chúng sanh).

 Cây to rợp bóng,  mát mẻ,  mùa Hè, hết thảy mọi người thích ngồi

dưới gốc cây. Con người hiện tại ít rảnh rỗi, người thời cổ có nhiều thời gian rảnh rỗi; vì thế, đều muốn cây to. Cửa nhà nào cũng đều có cây to, nhất là lúc mùa Hè, đấy là chỗ hóng mát rất tiện. Vì thế, sánh ví “Tịnh Độ che rợp chúng sanh”.

 

(Sao) Vĩnh ly nhiệt não cố.

() 永離熱惱故。

(Sao: Do vĩnh viễn lìa khỏi nóng bức).

 Mười phương thế giới đều là uế  nhiều,  tịnh  ít.  Nói  cách  khác, phiền não rất nhiều. Chỉ riêng thế giới Tây Phương thanh lương, tự tại. Chọn lấy Tịnh Độ trong các cõi Phật mười phương, giống như đặc biệt chọn nơi rợp bóng, mát mẻ, có thể đoạn phiền não của hết thảy chúng sanh. Đấy là ý nghĩa được biểu thị bởi cây.

 

(Sao) Cấp Cô Viên, viên chi thắng.

() 給孤園,園之勝。

(Sao: Vườn của ông Cấp Cô Độc là vườn thù thắng).

 “Viên” là thụ dụng tự tại. Ngôi viên lâm của ông ta rất lớn. Biệt thự của Thái Tử thuở ấy có kiến trúc cũng vô cùng xinh đẹp. Sống trong viên lâm ấy sướng lòng khoái mắt!

 

(Sao) Biểu Tịnh Độ an ổn chúng sanh, hằng thọ chư lạc cố.

() 表淨土安穩眾生,恆受諸樂故。

(Sao: Biểu thị Tịnh Độ an ổn chúng sanh, luôn hưởng các niềm vui).

Chữ “viên” biểu thị ý nghĩa này!

 

(Sao) Kỳ Đà Thái Tử, chủng chi thắng.

() 祇陀太子,種之勝。

(Sao: Thái Tử Kỳ Đà dòng dõi thù thắng).

Trong bốn chủng tánh tại Ấn Độ, Thái Tử thuộc chủng tánh Sát Đế Lợi (Kshatriyas), là vương tộc.

 

(Sao) Biểu Tịnh Độ sanh giả, tất cánh thành Phật, thiệu long Phật chủng cố.

() 表淨土生者,畢竟成佛,紹隆佛種故。

(Sao: Biểu thị sanh về Tịnh Độ sẽ rốt ráo thành Phật, tiếp nối hưng thịnh dòng giống nhà Phật).

Đều mang ý nghĩa biểu thị pháp, đều nói rất viên mãn. Phàm những ai vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, có thể nói là “đều có thể gọi là Pháp Vương Tử”, vì sao? Người ấy trong tương lai nhất định thành Phật, nối tiếp huệ mạng Phật, rộng độ chúng sanh, giống như Thái Tử trong tương lai sẽ kế thừa vương vị, thống trị quốc gia.

 

(Sao) Tu Đạt trưởng giả, nhân chi thắng.

() 須達長者,人之勝。

(Sao: Trưởng giả Tu Đạt là người thù thắng).

Đây là bầy tôi, là người thù thắng.

 

(Sao) Biểu Tịnh Độ sanh giả, nhập Chánh Định Tụ, câu thượng thiện nhân cố.

() 表淨土生者,入正定聚,俱上善人故。

(Sao: Biểu thị người sanh về Tịnh Độ, nhập Chánh Định Tụ đều là thượng thiện nhân).

Phàm người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là thượng thiện nhân. Vì trưởng giả Tu Đạt Đa thuở ấy đích xác trọn đủ trí huệ và đức năng, lại là người vô cùng từ bi. Nghe Phật pháp, thật sự phát tâm, có thể bỏ mình vì người, thỉnh Phật đến nước Xá Vệ hoằng pháp lợi sanh. Ông ta thỉnh Phật đúng là chẳng tiếc giá nào, muốn cầu Phật sang nơi ấy giảng kinh, thuyết pháp. Vì thế, thật sự đáng gọi là thượng thiện nhân.

 

(Sao) Như Hoa Nghiêm chủng chủng biểu pháp, dĩ hiển nhất tâm, giai thử ý dã.

() 如華嚴種種表法,以顯一心,皆此意也。

(Sao: Như kinh Hoa Nghiêm có các thứ biểu thị pháp nhằm chỉ rõ nhất tâm, đều nhằm ý này vậy).

Những bộ kinh lớn như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa hoàn toàn giảng những nghĩa thú biểu thị pháp, chúng ta đọc kinh Phật phải chú ý điều này!

 

(Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh đỗng triệt thập phương, thị A Nan văn Phật nghĩa. Tự tánh bất ly đương xứ, thị Phật tại Kỳ Viên nghĩa.

() 稱理,則自性洞徹十方,是阿難聞佛義。自性不離當處,是佛在祇園義。

(Sớ: Xứng Lý thì tự tánh thấu suốt rỗng rang mười phương là ý nghĩa A Nan nghe đức Phật thuyết pháp. Tự tánh chẳng rời khỏi ngay chỗ ấy là ý nghĩa Phật ngự tại Kỳ Viên).

Đây là hoàn toàn nói xứng tánh. “Tự tánh đỗng triệt thập phương” có nghĩa là: [Nếu hiểu] “A Nan văn Phật” [theo ý nghĩa sự tướng], vậy thì chúng sanh đều không nghe được, có ý nghĩa như vậy. Nếu nói Phật ngự tại tinh xá Kỳ Viên, bản thân chúng ta là phàm phu, đương nhiên chẳng ở tinh xá Kỳ Viên, cho nên có phân biệt, có cách ngăn, chướng ngại. Nếu thật sự hiểu duy tâm, hãy nên quán hết thảy các pháp, chẳng có một pháp nào chẳng phải là tâm hiện, thức biến. Tâm thức biến hết thảy pháp giới, thử hỏi Phật có ở ngoài tâm chúng ta ư? Tinh xá Kỳ Viên lại ở ngoài tâm chúng ta ư? Nhìn vào tâm tánh, chẳng có một pháp nào ở ngoài tâm tánh, cho nên mới nói “đỗng triệt thập phương” (thấu suốt rỗng rang mười phương), đó mới là ý nghĩa chân thật của “A Nan văn Phật”. “Tự tánh bất ly đương xứ”, Pháp Tánh trạm nhiên, chẳng dời, chẳng biến, đó là ý nghĩa thật sự của “Phật trụ tại”.

 

(Sao) Tâm văn đỗng thập phương, tắc Khánh Hỷ hiện kim phương kết tập, chân Phật ốc lý tọa, tắc Thích Ca nguyên bất trụ Tây Càn.

()心聞洞十方,則慶喜現今方結集,真佛屋裏坐,則釋迦原不住西乾。

(Sao: Tâm nghe thấu suốt mười phương, nên nay ngài A Nan thị hiện kết tập [kinh điển], vị Phật thật sự ngồi trong nhà, nên Phật Thích Ca vốn chẳng trụ ở Tây Càn).

“Tây Càn” là Ấn Độ. Có ý nghĩa là A Nan và Thích Ca Mâu Ni Phật trọn chẳng rời khỏi chúng ta, đấy là như trong chương Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông của kinh Lăng Nghiêm có nói: “Tâm văn đỗng thập phương, sanh ư đại nhân lực” (tâm nghe thông suốt mười phương, là do sức của cái nhân to lớn sanh ra), đó là kinh văn trong kinh Lăng Nghiêm. Cổ nhân có nói: “Kim Phật bất độ lô, mộc Phật bất độ hỏa, nê Phật bất độ thủy, chân Phật ốc lý tọa” (Phật bằng vàng chẳng bén mảng đến lò lửa, Phật bằng gỗ chẳng dính đến lửa, Phật đắp bằng đất chẳng dính đến nước, vị Phật thật sự ngồi trong nhà). “Chân Phật” là nói tới Chân Như bổn tánh. Tượng Phật đúc bằng kim loại chẳng bén mảng đến bên lò, vì hễ bị lửa trong lò luyện thép nung đốt bèn chảy tan, chẳng còn nữa. Tượng Phật khắc bằng gỗ chẳng thể thiêu, hễ thiêu sẽ không còn gì. Tượng Phật bằng đất nặn chẳng thể bỏ vào nước, bỏ vào nước sẽ rã nát. Vị Phật thật ngồi trong nhà, “vị Phật thật” là nói tới tự tánh. Đấy là nói đến ý nghĩa “tâm văn đỗng thập phương”. Tiếp theo đó

là hai câu trong Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương:

 

(Sao) Phản văn tự văn, phản Phật tự Phật.

() 反聞自聞,反佛自佛。

(Sao: Xoay trở lại cái Nghe để nghe chính mình, xoay trở lại quán sát Phật để nhận biết vị Phật của chính mình).

Từ “phản văn, văn tự tánh” (xoay trở lại cái Nghe để nghe tự tánh), chúng ta thấu hiểu “phản Phật tự Phật”. “Phản văn tự tánh” là bí quyết tu hành của Quán Thế Âm Bồ Tát, do chính Ngài tu hành. “Phản văn, văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo”, chính Ngài đã tự trình bày Ngài từ phàm phu đã tu thành Quán Thế Âm Bồ Tát, tu thành Đẳng Giác Bồ Tát theo cách như vậy. Trong kinh đã nói rất rõ ràng, thầy của Ngài là Quán Thế Âm Phật, đó là cổ Phật, Ngài học với vị Phật ấy. Sau đấy, học thành, cũng có danh hiệu là Quán Thế Âm, chúng ta gọi Ngài là Quán Thế Âm Bồ Tát. Nói đơn giản, phương pháp của Ngài là do tâm của những kẻ bình phàm chúng ta thường rong ruổi bên ngoài, còn Ngài tu Nhĩ Căn Viên Thông. Phàm phu nghe âm thanh bên ngoài, tâm liền rong ruổi bên ngoài, duyên theo âm thanh, hễ dễ nghe bèn nghe nhiều hơn một chặp, tâm đã rong ruổi theo bên ngoài mất rồi. Phương pháp của Bồ Tát là chẳng rong ruổi bên ngoài, mà dõi vào trong, theo đuổi bên trong. Rong ruổi bên trong chẳng phải là nghe ngược lại hay sao? Hay là quay đầu lại ư? Chẳng phải! [Nói] trong và ngoài là [nói đến] Tánh và Tướng. Âm thanh phát ra là Tướng, nhưng Tướng nhất định có Tánh. Ngài nghe âm thanh bên ngoài chẳng giống như chúng ta, chúng ta nghe âm thanh, chẳng nghe được Tánh của âm thanh. Chúng ta chỉ chấp vào Tướng âm thanh, chẳng biết đến Tánh của âm thanh. Quán Thế Âm Bồ Tát nghe âm thanh bên ngoài, chẳng chấp Tướng của âm thanh, mà nghe thấy Tánh của âm thanh, Ngài kiến tánh. Vì thế, nói “phản văn, văn tự tánh”. Ngài nghe âm thanh trái ngược chúng ta. Phàm phu chúng ta nghe âm thanh bèn chấp tướng, người ta chẳng chấp tướng, mà nghe được tánh. Do vậy, Ngài có thể kiến tánh, “tánh thành vô thượng đạo”.

Nay ở đây, đại sư muốn chúng ta hãy dùng theo cách ấy. Chúng ta “phản Phật” tức là thấy vị Phật của chính mình, dùng cách thức ấy. Phật là sắc tướng, chúng ta dùng con mắt để thấy thì cái thấy được là sắc tướng. Nếu chúng ta có thể xoay lại thấy sắc tánh thì đó là đúng, quý vị sẽ thấy Phật. Lục căn của chư Phật, Bồ Tát tiếp xúc lục trần, các Ngài chẳng gọi chúng là lục trần. Chúng ta mắt đối trước Sắc Trần, do chấp tướng, chúng liền biến thành Sắc Trần, tai đối trước Thanh Trần, lục căn tiếp xúc lục trần, liền biến thành phàm phu, biến thành ô nhiễm. Mắt của chư Phật, Bồ Tát đối trước Sắc sẽ là Sắc Tánh, mắt các Ngài không gọi là Nhãn Căn, mà thay đổi danh tự, gọi là “Kiến tánh” (tánh Thấy). Tánh Thấy sẽ thấy Sắc Tánh. Nơi Nhĩ Căn, tánh Nghe nghe Thanh Tánh, đó gọi là “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Quán Thế Âm Bồ Tát dùng tánh Nghe để nghe Thanh Tánh. Ở đây, đại sư dạy chúng ta, chúng ta noi theo lệ ấy, vận dụng công thức ấy, dùng tánh Thấy để thấy Sắc Tánh là “phản Phật tự Phật”. Quý vị có thể quay đầu như vậy, trong Phật môn thường nói “quay đầu là bờ”. Quay đầu là quay theo kiểu như vậy!

 

(Sao) Đương tri Kỳ Viên nhất hội, nghiễm nhiên vị tán, khởi độc Linh Sơn.

() 當知祇園一會,儼然未散,豈獨靈山。

(Sao: Hãy nên biết: Hội Kỳ Viên vẫn nghiễm nhiên chưa tan, há riêng mình hội Linh Sơn!)

“Nghiễm nhiên vị tán” là nói Trí Giả đại sư niệm kinh Pháp Hoa tới phẩm Dược Vương Bổn Sự. Nói thật ra, trong kinh Pháp Hoa, Thích Ca Mâu Ni Phật đã dạy chúng ta hãy vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới[70], đoạn kinh văn ấy chính là phẩm Dược Vương Bổn Sự. Đại sư niệm tới phẩm này, nhập Định, tự thấy mình đến núi Linh Thứu, đức Phật vẫn còn giảng kinh Pháp Hoa nơi ấy, Ngài ngồi nghe một buổi, sau khi xuất Định, bảo người khác: “Một hội Linh Sơn, nay vẫn còn chưa giải tán”. Vì thế, nghiễm nhiên chưa tan! Nói thật ra, về sau, tuy Trí Giả đại sư chuyên hoằng dương Pháp Hoa, bản thân Ngài tu hành là chuyên tu Tịnh Độ. Ngài tu theo bộ kinh nào? Trong ba kinh, Ngài nương theo Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh để tu hành. Lúc sắp vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, Ngài tự nói Ngài là trung bối vãng sanh. Đến phần sau, chúng ta xem tới phép Quán thứ mười sáu, quý vị sẽ thấy trong mười sáu phép Quán đã giảng ba phẩm thượng, ba phẩm trung, ba phẩm hạ, Ngài là trung bối vãng sanh.

Ở đây, Liên Trì đại sư bảo chúng ta: Hội Kỳ Viên này, tức pháp hội Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh A Di Đà này cũng chưa tan; cũng chẳng phải là chỉ có hội Linh Sơn chưa tan, hội nào cũng đều chưa tan. Chỉ cần quý vị có công phu ấy, có năng lực ấy, đều có thể đến tham dự giống như Trí Giả đại sư. Trong sáu thứ thành tựu, năm thứ thành tựu trong phần trước đã nói xong. Tiếp theo đây là Chúng Thành Tựu:

 

(Kinh) Dữ đại tỳ-kheo tăng, thiên nhị bách ngũ thập nhân câu.() 與大比丘僧。千二百五十人俱。

(Kinh: Cùng với các đại tỳ-kheo tăng, một ngàn hai trăm năm mươi người).

Đấy là kinh văn.

 

(Sớ) Tự thử nhi hạ, chí chư thiên đại chúng câu.

()  自此而下,至諸天大眾俱。

(Sớ: Tự đây trở xuống, cho đến đoạn “chư thiên đại chúng cùng tham dự”).

Đoạn văn này thuộc về Chúng Thành Tựu.

 

(Sớ) Dữ giả cộng nghĩa.

()  與者共義。

(Sớ: “Dữ” có nghĩa là “cùng”).

 Là Thích Ca Mâu Ni Phật và một ngàn hai trăm năm mươi người, trên thực tế, còn có năm người, tức một ngàn hai trăm năm mươi lăm người, bỏ bớt số lẻ, chỉ nói số tròn. Đức Phật và những người ấy ở cùng một chỗ. Những người ấy là Thường Tùy Chúng của đức Phật. Nói cách khác, đức Phật đi đến đâu, họ theo đến đấy, chưa hề rời khỏi Phật. Vì thế, muốn thỉnh đức Phật giảng kinh, thuyết pháp cũng chẳng dễ dàng, chẳng phải thỉnh một mình đức Phật, mà là thỉnh nhiều người như thế, tiếp đãi cũng chẳng phải là chuyện dễ. Tiếp theo đây là giải thích chữ “đại tỳ-kheo”.

 

(Sớ) Đại giả, giản tiểu.

()  大者揀小。

(Sớ: “Đại”, nhằm phân biệt chẳng phải là Tiểu).

 “Đại” là Đại Thừa, [nói Đại] nhằm phân biệt chẳng phải là Tiểu Thừa. Vì bình thường chúng ta nói tỳ-kheo đều là Tiểu Thừa, Tiểu Thừa là Thanh Văn Thừa. Đây là nói rõ các Ngài tuy mang hình dáng tỳ-kheo, nhưng trên thực tế, chẳng phải là tỳ-kheo Tiểu Thừa, có thể nói họ là các tỳ-kheo hồi Tiểu hướng Đại. Nói kiểu đó là nói rất miễn cưỡng, thật ra, các Ngài đều là đại Bồ Tát, đại Bồ Tát thị hiện thân phận Thanh Văn.

 

(Sớ) Cụ hữu tam nghĩa.

()  具有三義。

(Sớ: Trọn đủ ba ý nghĩa).

“Đại” gồm ba ý nghĩa.

 

(Sớ) Vị đại, đa, thắng.

()  謂大、多、勝。

(Sớ: Là lớn, nhiều, thù thắng).

Trọn đủ ba ý nghĩa này, cho nên mới nói là “Đại”. “Đại” là nói các Ngài đức đại, trí huệ đại; “Đa” là nói các Ngài lắm tài nghệ, đa tài, đa nghệ, những vị ấy đều là như vậy. “Thắng” là siêu thắng; trong thuở ấy, những vị Tiểu Thừa hoặc là chín mươi sáu loại ngoại đạo đều chẳng bằng các Ngài. Vì thế, các Ngài trỗi vượt hết thảy mọi người. Do đủ ba ý nghĩa này nên gọi là “Đại”.

 

(Sớ) Dị dư tỳ-kheo cố.

()  異餘比丘故。

(Sớ: Do chẳng giống với các tỳ-kheo khác).

“Dư tỳ-kheo” là Tiểu Thừa, họ thua các Ngài rất xa!

 

(Sớ) Phật Địa diệc cụ tam nghĩa.

()  佛地亦具三義。

(Sớ: Phật Địa Luận cũng nói [Đại] có ba nghĩa).

“Phật Địa” là Phật Địa Luận. Chữ Đại cũng có ba ý nghĩa này.

 

(Sớ) Tỳ-kheo, Phạn ngữ.

()  比丘,梵語。

(Sớ: Tỳ-kheo (Bhiksu) là tiếng Phạn).

 Đây là dịch âm tiếng Ấn Độ.

 

(Sớ) Thử vân hữu tam.

()  此云有三。

(Sớ: [Dịch sang tiếng] cõi này thì có ba…)

Trong từ ngữ này chứa đựng ba ý nghĩa; cho nên, nếu chúng ta dịch ra, sẽ không thể dịch trọn vẹn. Nó có rất nhiều ý nghĩa, trong văn tự Trung Quốc không được tìm được chữ thích đáng để phiên dịch, chỉ đành dịch âm rồi giải thích.

 

(Sớ) Nhất, khất sĩ.

()  一、乞士。

(Sớ: Một là khất sĩ).

“Khất”: Phương thức sống thuở ấy là khất thực, “sĩ” là tiếng để gọi chung người có học vấn lẫn đạo đức. Mỗi ngày ra ngoài thác bát (khất thực), người khất thực ấy chẳng phải là kẻ ăn mày thông thường, mà là một người đi xin ăn, nhưng có học vấn, có đạo đức, cho nên dùng hai chữ này (Khất Sĩ) để dịch ý nghĩa thứ nhất. “Khất” bao gồm hai thứ ý nghĩa, thứ nhất là “khất thực dĩ tư sắc thân”, nghĩa là [xin ăn] để nuôi dưỡng nhục thân, thứ hai là cầu pháp nơi đức Phật, “khất pháp dĩ tư huệ mạng”, tức là mỗi ngày hướng về Phật cầu xin đức Phật giảng pháp nhằm nuôi nấng huệ mạng của chúng ta.

 

(Sớ) Nhị, bố ma.

()  二、怖魔。

(Sớ: Hai là làm cho ma sợ hãi).

“Ma” là ma vương. Ma vương thống trị tam giới. Trong tam giới lục đạo cũng có một vị đại vương thống trị khắp tam giới lục đạo. Nếu lục đạo chúng sanh tu hành vượt thoát tam giới, trong tâm Ma cũng rất khổ, vì sao? Người thuộc quyền thống trị của hắn bỏ đi, số người sẽ dần dần giảm ít, hắn lo lắng vì chuyện này. Nhưng quý vị thật sự đạt được năng lực vượt thoát tam giới, hắn mới ưu lự, mới cảm thấy kinh hoảng. Nếu quý vị chẳng có năng lực, tuy xuất gia tu hành, hắn vẫn cười cợt, vì sao? Quý vị chẳng thoát được, không thoát khỏi ma chưởng của hắn! Ma chưởng của hắn là tam giới lục đạo, quý vị không có cách nào vượt thoát! Thật sự phát tâm tu hành, chứng A La Hán quả sẽ vượt thoát. Vì thế, “bố ma” là đạt tới A La Hán, ma vương mới lo lắng, vì sao? Quý vị đã có năng lực vượt thoát.

 

(Sớ) Tam, phá ác.

()  三、破惡。

(Sớ: Ba là phá ác).

Chữ “ác” chỉ Kiến Tư phiền não, A La Hán đoạn sạch Kiến Tư phiền não, nên gọi là “phá ác”.

 

(Sớ) Tăng giả, Phạn ngữ, cụ vân Tăng Già. Bất ngôn Già giả, tỉnh văn dã.

()  僧者,梵語,具云僧伽。不言伽者,省文也。

(Sớ: Tăng là tiếng Phạn, nói đầy đủ là Tăng Già. Không nói chữ Già là vì tỉnh lược).

Người Hoa thích tỉnh lược.

 

(Sớ) Thử vân Chúng Hòa Hợp.

()  此云眾和合。

(Sớ: Cõi này dịch là Chúng Hòa Hợp).

“Tăng Già” (Sangha) dịch sang nghĩa tiếng Hán là Hòa Hợp Chúng. Trong “hòa hợp” có Lý và Sự gồm bảy điều, Lý là cùng mang ý nghĩa “cùng chứng vô vi, đồng chứng Niết Bàn”. Đó là nói theo Lý. Trong pháp Đại Thừa, sẽ là cùng chứng Vô Thượng Bồ Đề, hoặc như chúng ta nói là “đồng chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”, có cùng một mục tiêu. Nói theo Sự thì gồm sáu điều, chúng ta gọi là Lục Hòa Kính. Lục Hòa Kính là nói theo mặt Sự, “kiến hòa đồng giải, giới hòa đồng tu, thân hòa đồng trụ, khẩu hòa vô tránh, ý hòa đồng duyệt, lợi hòa đồng quân”, phải tuân thủ sáu điều này thì mới là được coi là một Tăng đoàn. Một Tăng đoàn phải từ bốn người trở lên. Từ bốn người trở lên ở cùng một chỗ, cùng nhau tu hành, tuân thủ bảy điều kiện ấy, tức là bảy giới điều thì đoàn thể đó gọi là Tăng đoàn. Do vậy, Tăng đoàn tối thiểu là bốn người, còn nhiều hơn thì không hạn chế, tối thiểu phải là bốn người! Nếu tu Tịnh Độ, trong pháp môn này, xét theo Lý là có cùng một kỳ vọng “cùng sanh về thế giới Tây Phương”, có chung một nguyện vọng ấy, còn trên mặt Sự thì vẫn là sáu điều ấy.

Trong kiến hòa đồng giải, mấy hôm nay chúng tôi đọc kinh Quán Vô Lượng Thọ, có cảm xúc thật sâu. Ngày nay, chúng ta kiến giải chẳng hòa hợp, chẳng thể có cùng kiến giải, nguyên nhân chủ yếu là vì chẳng “đọc tụng Đại Thừa”. Tịnh nghiệp tam phước trong Quán Kinh là cơ bản, không chỉ là cơ bản để tu Tây Phương Tịnh Độ, mà có thể nói căn bản của sự tu học hết thảy Phật pháp, quyết định chẳng thể vi phạm. Tịnh nghiệp tam phước gồm ba điều, tổng cộng mười một câu; điều cuối cùng là “phát Bồ Đề tâm”. Nếu nói chuyện “phát Bồ Đề tâm” với người tu Tịnh Độ, Ngẫu Ích đại sư đã giải thích vô cùng hay, trong Di Đà Kinh Yếu Giải, Ngài đã nói: “Chân tâm muốn phát tâm vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới thì tâm ấy là Vô Thượng Bồ Đề tâm”, cách giải thích này rất đơn giản, rất dễ hiểu! “Tin sâu nhân quả”. Kiến hòa đồng giải chẳng thể thành lập là vì chúng ta coi nhẹ chuyện “đọc tụng Đại Thừa”, tức là mỗi ngày phải niệm kinh, chẳng thể không niệm kinh!

Tu Tịnh Độ, niệm kinh gì? Niệm kinh Di Đà tốt lắm, nhưng kinh Di Đà mỗi ngày niệm một lần không đủ, vì sao? Quá ngắn, chẳng thể nhiếp tâm. Nói thật ra, kinh Di Đà cũng quá đơn giản, tuy niệm, cũng chẳng hiểu ý nghĩa trong ấy. Nếu chúng ta niệm kinh Di Đà, tôi cảm thấy hay nhất là niệm Di Đà Kinh Yếu Giải, đọc kinh cùng với lời giải thích. Yếu Giải do Ngẫu Ích đại sư trước tác, Ấn Quang đại sư tán thán tác phẩm ấy: “Dẫu cổ Phật tái lai chú giải kinh Di Đà cũng không thể hay hơn được!” Quý vị nghĩ xem: Tán thán đến tột bậc, vì thế, tôi cảm thấy đọc Yếu Giải tốt lắm! Nếu thời gian nhiều hơn, tốt nhất là đọc Yếu Giải Giảng Nghĩa, hoặc đọc Di Đà Kinh Sớ Sao, đọc cả lời Sớ lẫn lời Sao. Nay mọi người chúng ta thấy một cuốn sách to này có thể niệm được! Mỗi chữ, mỗi câu thảy đều chẳng bỏ sót, thảy đều niệm hết, niệm một quyển như vậy, đại khái, quý vị niệm một tuần sẽ có thể niệm hết. Sau khi niệm xong, lại niệm từ đầu, mỗi ngày đều phải niệm. Tối thiểu mỗi ngày niệm một giờ, quý vị niệm kinh này từ đầu đến cuối, sau khi niệm xong lại niệm từ đầu. Phương pháp niệm này là mọi người cùng niệm, chẳng phải là cá nhân niệm cho mỗi cá nhân, mọi người cùng nhau niệm sẽ có thể đạt được hiệu quả kiến hòa đồng giải.

Nếu có thể nghiên cứu, thảo luận thì càng tốt. Phương pháp niệm giống như giảng kinh, có một người niệm trên giảng đài, mọi người ở dưới nghe, niệm một giờ được bao nhiêu trang. Sau khi niệm xong, có chút thời gian, hoặc là nửa giờ hay một giờ, mọi người nghiên cứu, thảo luận. Nói theo cách bây giờ là “thành lập nhận thức chung”, kiến hòa đồng giải trong [sáu thứ] hòa hợp chính là kiến lập nhận thức chung. Mọi người chúng ta có nhận thức chung, ở cùng một chỗ sẽ không nẩy sanh ý kiến tranh cãi. Điều này vô cùng trọng yếu, ngàn vạn phần chớ nên coi nhẹ đọc tụng Đại Thừa! Đối với bản in này, phía trước là Sớ Sao, phần giữa là Yếu Giải, cuối cùng là Thông Tán Sớ, có tất cả ba thứ chú giải được in chung lại.

 

(Sớ) Thiên nhị bách ngũ thập nhân giả.

()  千二百五十人者。

(Sớ: “Một ngàn hai trăm năm mươi người”).

 Nói rõ những vị ấy do đâu mà có.

 

(Sớ) Tam Ca Diếp, Mục Liên, Xá Lợi, ngũ nhân đệ tử, cộng hợp thành cố.

()  三迦葉,目連,舍利,五人弟子,共合成故。

(Sớ: Đệ tử của năm vị là ba anh em Ca Diếp, Mục Liên, Xá Lợi cùng hợp thành [con số một hai trăm năm mươi người]).

Đây là năm vị lãnh tụ, các vị ấy và học trò của các Ngài cùng hợp thành con số trên đây.

 

(Sớ) Thượng minh loại thuộc Thanh Văn, hạ minh số hữu nhược can dã. Câu giả, hợp thượng Cộng nghĩa.

() 上明類屬聲聞,下明數有若干也。俱者,合上共義。

(Sớ: Trước là nói tới thính chúng thuộc hàng Thanh Văn, sau là nói họ gồm có bao nhiêu người. Chữ “câu” tương hợp với ý nghĩa “cùng nhau” [của chữ Dữ ở đầu câu]).

Đây là lời giải thích đơn giản trong phần Sớ.

 

(Sao) Cộng nghĩa giả, Thiên Thai dĩ thất nhất thích Cộng.

() 共義者,天台以七一釋共。

(Sao: Ngài Thiên Thai dùng bảy chữ Nhất để giải thích ý nghĩa chữ Cộng).

Chữ “cộng” này cũng chẳng thể tùy tiện dùng. Thiên Thai đại sư đã nói bảy điều kiện, bảy điều kiện ấy thảy đều trọn đủ thì gọi là Cộng. Bảy điều kiện nào vậy? Tiếp theo đây bèn nói rất rõ ràng.

 

(Sao) Vị xứ nhất.

() 謂處一。

(Sao: Chính là ở cùng một chỗ).

Các Ngài ở cùng một chỗ, cùng trụ một nơi.

 

(Sao) Thời nhất.

() 時一。

(Sao: Cùng một thời).

Cùng một thời gian. Cùng một nơi chốn, nhưng thời gian không đồng nhất, chẳng thể gọi là “cộng”.

 

(Sao) Tâm nhất.

() 心一。

(Sao: Cùng một tâm).

Trong Lý Sự hòa hợp như đã nói trong phần trước, Lý hòa và Kiến hòa đều là tâm, “tâm nhất” (cùng một tâm).

 

(Sao) Giới nhất, đạo nhất, kiến nhất.

() 戒一,道一,見一。

(Sao: Cùng một giới, một đạo, một kiến giải).

 “Kiến” là kiến giải.

 

(Sao) Giải thoát nhất.

() 脫一。

(Sao: Cùng một giải thoát).

“Giải thoát” là tự tại. Mỗi cá nhân đều trụ rất vui sướng, rất tự tại. Phải có đủ bảy điều kiện này, lúc đó mới có thể gọi “cộng trụ”, lúc đó mới là một Tăng đoàn hòa hợp. Bảy ý nghĩa này và tinh thần Lục Hòa Kính hoàn toàn tương đồng. Do vậy, cũng biết: Thuở ấy, Tăng đoàn hơn một ngàn hai trăm người của Thích Ca Mâu Ni Phật thật sự là một đại Tăng đoàn hòa hợp.

 

(Sao) Phật dữ đại chúng cộng cư Kỳ Viên, thị kinh chánh ý.

() 佛與大眾共居祇園,是經正意。

(Sao: Phật và đại chúng cùng ở Kỳ Viên là ý nghĩa chánh yếu trong kinh này).

Ý nghĩa thật sự của kinh này là nói đến điều ấy. Khi đó, đức Phật và đại chúng đều ở tại Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên.

 

(Sao) Quảng chi như thượng.

() 廣之如上。

(Sao: Nói rộng ra thì như trên).

 Phía trước đã nói.

 

(Sao) Giản tiểu giả.

() 揀小者。

(Sao: Phân biệt chẳng phải là Tiểu).

“Giản” là phân biệt, “Tiểu” là Tiểu Thừa, ý nói những vị ấy chẳng phải là tỳ-kheo Tiểu Thừa.

 

(Sao) Minh phi sơ tâm tỳ-kheo.

() 明非初心比丘。

(Sao: Nói rõ những vị ấy chẳng phải là tỳ-kheo sơ tâm).

Chẳng phải là tỳ-kheo Tiểu Thừa sơ phát tâm.

 

(Sao) Tức hạ sở xưng trưởng lão đẳng thị dã.

() 即下所稱長老等是也。

(Sao: Tức là những vị được gọi là các trưởng lão trong phần dưới đây).

Trong phần kinh văn dưới đây sẽ liệt kê danh xưng của các vị thượng thủ đại đức, nêu tên mười sáu vị. Mười sáu vị ấy đều được gọi là trưởng lão hay tôn giả.

 

(Sao) Đại đa thắng giả, thiên vương đại nhân, sở cộng kính ngưỡng, phi tiểu đức dã, danh Đại.

()大多勝者,天王大人,所共敬仰,非小德也,名大。

(Sao: “Đại, đa, thắng”: Trời, quốc vương, đại nhân đều cùng kính ngưỡng, chẳng phải là đức nhỏ nhoi, nên gọi là Đại).

Đây là nói đạo đức lẫn trí huệ của các Ngài đều to lớn. Do vậy, khi ấy, quốc vương, đại thần đều tôn kính. Các Ngài chẳng phải là Tiểu Thừa, mà là bậc đại đức, đức to lớn.

 

(Sao) Nội điển, ngoại tịch, vô bất bác thông, phi quả giải dã, danh Đa.

() 內典外籍,無不博通,非寡解也,名多。

(Sao: Kinh điển nhà Phật, sách vở thế gian, không gì chẳng thông suốt rộng rãi, chẳng phải là hiểu biết hạn hẹp, nên gọi là Đa).

Học rộng, nghe nhiều, lắm tài nghệ, đó là ý nghĩa của chữ Đa.

 

(Sao) Siêu xuất cửu thập lục chủng chi thượng, phi liệt khí dã, danh Thắng.

() 超出九十六種之上,非劣器也,名勝。

(Sao: Vượt trỗi chín mươi sáu thứ [ngoại đạo], chẳng phải là căn cơ kém hèn, nên gọi là Thắng).

“Thắng” là thù thắng. Thuở ấy, Ấn Độ có chín mươi sáu thứ ngoại đạo, những ngoại đạo ấy cũng đều rất có học vấn, cũng có những người tu trì rất khá, họ được gọi là tôn giáo gia, triết học gia, các vị đại tỳ-kheo đều vượt trội họ.

 

(Sao) Giai Tiểu Thừa trung cực dã.

() 皆小乘中極也。

(Sao: Đều là tột đỉnh trong hàng Tiểu Thừa).

Hình tướng bề ngoài của các Ngài là Tiểu Thừa, nhưng thật ra đã đạt tới tột đỉnh của Tiểu Thừa; bậc Đại Thừa cố ý khoác lấy dáng vẻ Tiểu Thừa. Đó gọi là “ngoại hiện Thanh Văn thân, nội bí Bồ Tát hạnh” (ngoài hiện thân Thanh Văn, bên trong ẩn kín hạnh Bồ Tát), trong là Bồ Tát, bề ngoài là Thanh Văn. Vì thế, gọi là đại tỳ-kheo.

 

(Sao) Phật Địa tam nghĩa giả.

() 佛地三義者。

(Sao: Ba ý nghĩa trong Phật Địa Luận là…)

Phật Địa Luận đã nêu ra ba ý nghĩa để giải thích “đại, đa, thắng”.

 

(Sao) Nhất, tối cực lợi căn, Ba La Mật Đa chủng tánh, cố danh vi Đại.

() 一、最極利根,波羅密多種性,故名為大。

(Sao: Một là lợi căn cùng tột, là chủng tánh Ba La Mật Đa, nên gọi là Đại).

 Căn tánh vô cùng nhạy bén, là Ba La Mật Đa. Ba La Mật Đa (Pāramitā) là tiếng Ấn Độ, dịch nghĩa sang tiếng Hán là rốt ráo viên mãn. Nếu dịch theo nghĩa gốc của từng chữ sẽ là “đáo bỉ ngạn” (đạt đến bờ kia). Người Trung Quốc nói “đáo gia” (đạt đến mức tột cùng) cũng nhằm vào ý nghĩa này! Bất luận chuyện gì người ấy làm cũng là tốt nhất, chúng ta bèn hình dung người ấy đã “đáo gia”. Chẳng hạn như quý vị viết chữ rất đẹp, công phu đã đạt đến mức tuyệt diệu, người Ấn Độ bèn nói là Ba La Mật, Ba La Mật là đã đạt đến mức tuyệt diệu! Nếu quý vị nấu ăn rất ngon, công phu của quý vị cũng đạt tuyệt mức. Ba La Mật là một thuật ngữ rất phổ biến tại Ấn Độ. Chẳng hạn như bố thí, trì giới, công phu đã đạt đến tột bậc, làm đến mức độ rốt ráo viên mãn, bèn gọi là Ba La Mật. Những vị này bất luận trí huệ hay đức hạnh, điều gì cũng đều viên mãn, đều đã đạt đến mức tuyệt diệu, nên gọi là Đại.

 

(Sao) Nhị, giai đắc Vô Học quả vị, cố danh vi Đại.

() 二、皆得無學果位,故名為大。

(Sao: Hai là đều đã đắc quả vị Vô Học, nên gọi là Đại).

Đều chứng A La Hán, đấy là Đại. Chẳng phải là đang học, mà đã đều tốt nghiệp, nên chúng ta gọi các Ngài là Đại. Đại A La Hán khác hẳn, Đại A La Hán là Đại Thừa A La Hán, đã tốt nghiệp Đại Thừa Phật pháp, đó là ai? Là Đệ Thập Địa Bồ Tát, tức Pháp Vân Địa (Dharmameghā-bhūmi) Bồ Tát, được gọi là Đại A La Hán, Tiểu Thừa A La Hán thua các vị này rất xa. Giống như chúng ta nói đến “tốt nghiệp” thì một đằng là tốt nghiệp Tiểu Học, một đằng là tốt nghiệp Đại Học, đều là tốt nghiệp, nhưng trình độ sai khác rất lớn!

 

(Sao) Tam, giai đắc Tiểu Quả dĩ, xu đại Bồ Đề, cố danh vi Đại.

() 三、皆得小果已,趨大菩提,故名為大。

(Sao: Ba, đều đã đắc Tiểu Quả, hướng đến đại Bồ Đề, nên gọi là Đại).

Đây là hồi Tiểu hướng Đại. Các Ngài đã chứng quả Tiểu Thừa A La Hán, quay trở về học pháp Đại Thừa Bồ Tát, nên gọi là Đại.

 

(Sao) Tắc thông Đại Thừa ngôn dã.

() 則通大乘言也。

(Sao: Nên là ý nói thông với Đại Thừa).

Chữ Đại thông với Đại Thừa; ba ý nghĩa “đại, đa, thắng” thảy đều có thể dùng giáo nghĩa Đại Thừa để nhìn, đấy mới là chính xác. Dưới đây là giải thích chữ tỳ-kheo.

 

(Sao) Tỳ-kheo tam giả, nhất, khất sĩ, vị khất thực, khất pháp.

() 比丘三者,一、乞士,謂乞食乞法。

(Sao: Tỳ-kheo gồm ba nghĩa: Một là khất sĩ, ý nói khất thực và khất pháp).

“Khất thực” nhằm nuôi nấng sắc thân, “khất pháp” nhằm nuôi nấng huệ mạng.

 

(Sao) Khất thực, tắc ly tứ tà mạng, hợp tứ chánh mạng, vô sự kinh doanh, bất cần súc tích, vạn duyên đốn tức, nhất chí thanh tu, tăng nghi dĩ thử hoạt mạng, cố viết “khất thực tư thân” dã.

()乞食,則離四邪命,合四正命,無事經營,不勤畜積,萬緣頓息,一志清修,僧宜以此活命,故曰乞食資身也。

(Sao: Khất thực là lìa bốn thứ tà mạng, phù hợp bốn thứ chánh mạng, chẳng chú trọng kinh doanh, chẳng siêng năng tích cóp, nhanh chóng dứt muôn duyên, một dạ thanh tu. Tăng nên sống theo cách này, nên nói “khất thực để nuôi thân”).

Ở đây, giảng tỉ mỉ. Lìa bốn thứ tà mạng cũng là chuyện đáng chú ý. Nhưng hiện thời trong Phật môn chúng ta, quả thật đã vi phạm di giáo, làm bốn thứ tà mạng ấy. Tà mạng là phương thức sống không đúng pháp. Bốn thứ tà mạng ấy trái nghịch chế định của đức Phật.

1) Thứ nhất là “hạ khẩu thực”, tức là pha chế thuốc, trồng trọt ruộng vườn. Hiện thời còn có không ít người xuất gia học y, học châm cứu, đi học những thứ ấy. Cố nhiên là dường như có thể giúp người khác, người khác đến cúng dường một chút, nếu dùng những thứ cúng dường ấy để duy trì cuộc sống thì là sai lầm, thuộc về tà mạng. Còn có người tự mình canh tác, trồng trọt, dùng hình thức ấy để sống cũng là sai lầm; nhưng hai loại này ở Trung Quốc rất phổ biến. Nếu nói đến lịch sử thì đã có một ngàn hai trăm năm rồi! Bách Trượng đại sư, “Mã Tổ kiến tùng lâm, Bách Trượng lập Thanh Quy” (Mã Tổ lập tùng lâm, Bách Trượng lập Thanh Quy), đã đề xướng cày ruộng, chính mình trồng lúa, trồng rau, đấy là một trong bốn loại tà mạng; nhưng tổ sư nói rất có lý. Ngài nói giống như Ngẫu Ích đại sư đã nói, sau triều đại Nam Tống, Trung Quốc không có tỳ-kheo thật sự, tỳ-kheo đã tuyệt tích tại Trung Quốc. Ngài đề xướng: “Một ngày không làm, một ngày chẳng ăn”, Ngài cấy cày, ra đồng gieo lúa, trồng rau, mỗi ngày đều đi làm, dùng cách này để duy trì cuộc sống của chính mình, tham Thiền, tu đạo. Vì thế, chuyện này có lịch sử khá dài, gắng hết sức ít nhận [cúng dường] từ dân gian, mà tự lực cánh sinh.

Đây là do tình hình Trung Quốc khác biệt. Thuở ấy, tại Ấn Độ thác bát (ôm bát đi xin), Trung Quốc chẳng có tập quán ấy, quý vị ra ngoài thác bát, người ta chẳng cho, không giống như Ấn Độ. Như trong hiện tại, ở Thái Lan, thác bát là truyền thống. Quý vị đi ra ngoài thác bát, mọi người rất cung kính cúng dường. Tại Trung Quốc, người xuất gia cầm bát đi xin bên ngoài, chắc là đi suốt cả ngày chẳng xin được một nắm cơm! [Do vậy], Ngài (tổ Bách Trượng) chẳng đề xướng [thác bát], người ta chẳng tán thành chuyện này. Đây là do tập tục mỗi quốc gia và địa phương khác nhau, cho nên tại Trung Quốc không thể chẳng đề xướng trồng trọt. Trước đây, tự viện ở Đại Lục đều có ruộng đồng, có rừng núi, họ dựa vào đó để duy trì lương thực cho đại chúng thường trụ, cho nên cuộc sống an định, chẳng bợ đỡ tín đồ. Tuy rất kham khổ, nhưng có thể sống qua ngày, mới có thể an tâm tu đạo! Nếu y theo [quy chế ở] Ấn Độ thuở ấy, chúng ta sẽ sai lầm, nhưng làm như chúng ta ở Trung Quốc lại chẳng phạm lỗi. Vì thế, hết thảy giới luật đều là sống động, đều có biến đổi cho thông suốt.

Vì sao chúng ta không đặt nặng [sống rập khuôn theo] giới luật? Vì giới luật là quy định sống của Ấn Độ thuở đó, có rất nhiều điều đến hiện thời chẳng thích hợp, về căn bản là không dùng được! Cho nên, khi truyền sang Trung Quốc, giới luật được tu chỉnh lại. Sau khi tu chỉnh, sẽ không gọi là giới luật, mà gọi là Thanh Quy. Những điều giới luật ấy đã bảo lưu toàn bộ tinh thần giới luật, nhưng nhằm thích hợp với hoàn cảnh sống của người Trung Quốc, phải sửa đổi, như vậy bèn biến thành Thanh Quy. Do vậy, Thanh Quy là giới luật. Hiện thời chúng ta tụng giới mang ý nghĩa kỷ niệm, nhưng phải giữ Thanh Quy. Thanh Quy là văn bản giới luật đã được tu chỉnh tại Trung Quốc, mang ý nghĩa như thế đó. Tôi suy nghĩ [giới luật đã được] tu chỉnh vào đời Đường, thích hợp thời đại đó, phù hợp xã hội nông nghiệp; nay là thời đại công thương nghiệp; vì thế, đến hiện thời, Thanh Quy cũng không thích hợp; nhưng trong thời đại này, chúng ta chẳng có một vị luật sư chân chánh xuất hiện. Nói thật ra, thời gian Hoằng Nhất đại sư trụ thế quá ngắn, nếu Ngài có thể sống lâu hơn hai mươi năm nữa, có lẽ sẽ sửa chữa bộ Thanh Quy lần nữa nhằm thích hợp sử dụng cho thời đại công thương hiện thời! Do vậy, quý vị phải hiểu: Nhiều thứ trong Phật pháp đều có thể tùy theo ý thức, hình thái và hoàn cảnh sinh hoạt khác biệt tại mỗi nơi mà tu chỉnh. Vì thế, nó chẳng phải là chết cứng, khô khan.

2) Thứ hai là “ngưỡng khẩu thực”, ngửa xem tinh tú, mỗi ngày nói chuyện họa, phước, cát, hung cho người khác, làm theo kiểu ấy. Chuyện này Phật chẳng chấp nhận; dùng cách này để được cúng dường nhằm duy trì cuộc sống, sẽ là sai lầm, thuộc loại tà mạng.

3) Thứ ba là “phương khẩu thực”, mỗi ngày hoa ngôn xảo ngữ đi ra ngoài du thuyết, giao tế, ứng phó, thù tạc, kết giao kẻ quyền quý, chèo kéo tín đồ, đấy là sai lầm. Mỗi ngày làm chuyện đó, qua lại với người khác, đạo tâm mất tiêu!

4) Thứ tư là “duy khẩu thực”, vẽ bùa, niệm chú, coi bói, xem tướng, xem Phong Thủy, dùng cách ấy để được cúng dường thì gọi là “duy khẩu thực”.

Những điều này đều thuộc loại tà mạng, Phật pháp quyết định cấm. Do vậy, thuở ấy, Bách Trượng đại sư chỉ đề xướng tự mình canh tác. Đệ tử Phật gọi là “thanh tịnh khất sĩ”, bởi lẽ, họ chẳng làm những chuyện này, hoàn toàn dùng phương thức khất thực để duy trì cuộc sống của chính mình. Khất thực chỉ được phép xin bảy nhà, trọn chẳng thể nhà nào cũng đều đến xin. Xin bảy nhà mà không được gì, bèn trở về sám hối, ngày hôm nay nghiệp chướng quá nặng, không ai cho! Nếu vượt hơn bảy nhà, người ta sẽ ghét bỏ, người xuất gia đi khắp nơi làm phiền kẻ khác! Vì thế, khất thực chỉ được phép xin bảy nhà!

Lìa khỏi bốn thứ tà mạng thì gọi là “chánh mạng”. “Tứ chánh mạng” cũng có bốn điều: Thứ nhất là “vô sự kinh doanh” (chẳng chú trọng kinh doanh). Vì thế, thân tâm thanh tịnh, nên mới có thể tu đạo, mới có thể dưỡng đạo. [Nhìn vào] chế định của đức Phật thời cổ, [ta thấy] trước khi có chế độ tùng lâm và sau khi có chế độ tùng lâm khác nhau. Thành lập chế độ tùng lâm là một cuộc đại cách mạng trong Phật giáo Trung Quốc. Vì trước đó, mỗi cá nhân tu hành đều là chuyện cá nhân người đó, chẳng có cộng tu, đều là cá nhân tự mình tu hành. Tối đa là pháp hội giảng kinh. Pháp sư giảng kinh, người từ nhiều nơi đến nghe kinh. Sau khi nghe xong, người nào tu cho người nấy, chẳng có cộng tu. Thuở đó, xuất hiện tệ trạng là mọi người đều chuộng nghe kinh, còn tu hành thì qua quít, tùy tiện, chẳng chú trọng. Như vậy là biến thành “hữu giải, vô hạnh”, biến thành hình thức! Do vậy, hai vị đại sư Mã Tổ và hòa thượng Bách Trượng phát tâm từ bi. Mã Tổ được nói trong Phật môn[71] là tổ sư đời thứ tám của Thiền Tông, họ ngoài đời là Mã, nên người ta gọi Ngài là Mã Tổ; pháp danh của ngài là Đạo Nhất. Hai vị thiền sư Mã Tổ và Bách Trượng thuộc đời thứ tám của Thiền Tông, là đồ tôn của Lục Tổ đại sư. Hai vị thấy thói xấu của những người tu hành là “có giải, thiếu hạnh”, bèn vận động làm một cuộc cách mạng, tạo lập tùng lâm, đề xướng cộng tu.

Nói theo ý nghĩa hiện thời, tùng lâm là thành lập trường đại học. Trước đó, truyền thừa trong Phật giáo giống như dạy học trong trường tư thục, là thầy dạy riêng biệt, không có chế độ! Tổ chức tùng lâm là chánh thức kiến lập chế độ, biến sự truyền thừa tản mạn của Phật giáo trước đây thành chế độ hóa. Mọi người ở cùng một chỗ tu học, đó gọi là “y chúng, kháo chúng” (nương theo đại chúng, trông cậy vào đại chúng). Trước đó, đúng là một nhúm người tấn tu, số người trong Tăng đoàn hòa hợp rất ít, đều là mỗi chùa mấy người. Mười mấy người, hai mươi người, hai trăm người được coi là rất nhiều. Sau khi tùng lâm thành lập, đông người hơn, thường là trong một tùng lâm có đến mấy ngàn người trụ. Vì thế, có tổ chức vô cùng nghiêm ngặt, chặt chẽ. Cái gọi là “tam đại cương lãnh chấp sự”, khá giống với cách chúng ta tổ chức nhà trường trong hiện tại, chỉ là danh xưng khác nhau. Hòa Thượng tương đương Hiệu Trưởng, Ngài là Thân Giáo Sư. Dưới đó có Thủ Tọa, tương đương chủ nhiệm Giáo Vụ; Giám Viện là Đương Gia Sư, tương đương chủ nhiệm Tổng Vụ; Duy Na tương đương chủ nhiệm Huấn Đạo. Do vậy, quả thật là quy mô của một trường học, thật sự kiến lập và chế độ hóa đại học Phật giáo. Đây là điểm đặc sắc trong Phật giáo Trung Quốc, ngoại quốc không có. Trong tùng lâm, đề xướng trồng trọt, vì số người đông, nếu cầu cạnh bên ngoài cúng dường sẽ chẳng dễ dàng cho lắm. Quý vị nghĩ xem: Trong một tùng lâm, trụ mấy ngàn người, mỗi ngày ăn bao nhiêu? Nếu bản thân quý vị chẳng làm, ai tới cúng dường quý vị? Quý vị ra ngoài thác bát chẳng dễ dàng cho lắm! [Tùng lâm] cư trụ mấy ngàn người, mỗi ngày ăn cơm [đều do khất thực], nơi ấy sẽ gặp khó khăn, ai cũng ngán quý vị, sợ quá! Vì thế, đề xướng canh tác là nỗi khổ tâm bất đắc dĩ!

Tứ chánh mạng, thứ nhất là không theo đuổi kinh doanh; thứ hai là “bất cần súc tích” (chẳng siêng tích cóp) tức là không tích trữ, thứ ba là “vạn duyên đốn tức” (muôn duyên nhanh chóng dứt), đó gọi là thân, tâm, thế giới thảy đều buông xuống. Thứ tư là “nhất chí thanh tu”. Bốn câu ấy là tứ chánh mạng của người xuất gia. “Tăng” là người xuất gia, “nghi dĩ thử hoạt mạng, cố viết khất thực tư thân dã” (hãy nên sống theo cách ấy, nên nói là khất thực để nuôi dưỡng cái thân), đấy là phương thức sống của người xuất gia!

 

(Sao) Khất pháp, tắc tham sư phỏng hữu, khẩn khổ kiều thành, tuân cầu diệu pháp, kỳ thành thánh quả, cố ước khất pháp tư tâm dã.

()乞法,則參師訪友,懇苦翹誠,詢求妙法,期成聖果,故約乞法資心也。

(Sao: Khất pháp là tham học với thầy, học hỏi nơi bạn, sốt sắng, siêng khổ, thành kính, cầu tìm diệu pháp, để mong thành thánh quả, nên thuộc về khất pháp để nuôi nấng cái tâm vậy).

Người xuất gia, trừ [khất thực để duy trì] cuộc sống ra, còn mong cầu pháp. Chúng ta thấy trong sách Thiền Lâm Bảo Huấn có nói người xuất gia chọn lựa đạo tràng, chọn lựa như thế nào? Phải chọn lựa đạo tràng nào mà cuộc sống chẳng có vấn đề, có thể ăn no, mặc ấm là được rồi, lại còn có thể nghe pháp, có tu, có học, đấy là đạo tràng bậc nhất. Có đạo tràng như vậy, quý vị chớ nên rời khỏi, hãy khéo tu học ở đó. Thứ nhì là đạo tràng phước báo nhỏ hơn, cuộc sống rất gian khổ, nhưng họ có đạo, có tu, có học, cũng đáng nên chọn lựa. Chính mình phải chịu đựng khổ sở, nhẫn nại. Phải chịu đựng khổ, hứng chịu khổ, vì sao? Có đạo! Chúng ta đã xuất gia, muốn thành đạo nghiệp, lấy đạo nghiệp làm chủ yếu, dẫu cuộc sống khổ sở vẫn không sợ. Chỗ chẳng nên chọn lựa là đạo tràng hết sức giàu có, ăn cũng sướng, mặc cũng sướng, ở cũng sướng, trong ấy chẳng có đạo, chẳng có giảng kinh, cũng chẳng tu hành, đạo tràng như vậy chớ nên đến. Vì sao? Đạo tràng như vậy cũng là đạo, nhưng đạo gì vậy? Địa ngục đạo, ngạ quỷ đạo, toàn là tu những đạo ấy! Trong tương lai, nếu quý vị chứng quả, sẽ chứng quả ngạ quỷ, quả địa ngục, chứng các quả ấy, chuyện này phiền lắm! Trong Thiền Lâm Bảo Huấn, tổ sư đã dạy chúng ta chọn lựa đạo tràng như thế nào, đạo tràng nào có thể trụ, đạo tràng nào chẳng thể trụ, chính chúng ta phải hiểu rõ ràng, [vì điều này] sẽ có quan hệ rất lớn đối với tương lai!

“Tham sư phỏng hữu”, tham học với thầy thì quý vị phải rất thận trọng chọn lựa một vị thầy, vì sao? Vị thầy ấy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự thành tựu của quý vị trong tương lai. Nếu quý vị chọn được một vị thiện tri thức tốt đẹp để theo, vị thầy ấy dạy quý vị có kỳ hạn; một vị thầy thật sự tốt chắc chắn sẽ không bảo quý vị: “Ngươi suốt đời ở nơi đây, đừng nên đi ra ngoài”, nếu [nói như vậy] thì tuyệt đối chẳng phải là một vị thầy tốt. Vì sao? Quý vị sẽ có ngày tốt nghiệp! Quý vị đã tốt nghiệp, phải rời đi, tìm người cao minh hơn thì mới có thể thành tựu. Do vậy, một vị thầy thật sự tốt đẹp sẽ chẳng khiến cho tiền đồ của quý vị bị lỡ làng. Ngài đem những gì chính mình [đã biết] dạy cho quý vị xong, sẽ không có cách nào để dạy tiếp nữa, bèn mời quý vị đi tìm người khác, tìm người cao hơn Ngài, đấy là một vị thầy tốt!

Quý vị thấy Thiện Tài đồng tử tham học năm mươi ba lần, Ngài đến tham phỏng một vị thiện tri thức, vị thiện tri thức ấy dạy hết cho Ngài, không còn gì để dạy nữa, bèn giới thiệu một vị thiện tri thức khác: “Người ấy cao hơn ta, ngươi hãy đi tìm vị ấy”, đấy mới là một vị thiện tri thức thật sự. Vì thế, chúng ta theo một vị thầy tốt có kỳ hạn. Đương nhiên cũng có những học trò cảm ơn thầy, cảm tạ ân đức ấy, chẳng muốn rời khỏi, gần như thường là đến khi thầy viên tịch mới rời khỏi. Họ sang nơi khác cầu pháp, hoặc là chủ trì giáo hóa, hoằng hóa một phương. Có người như vậy, nhưng là thiểu số, đa số sau khi học thành, sẽ ra ngoài tham học, giống như Thiện Tài đồng tử rời khỏi thầy ra ngoài tham học năm mươi ba lần. Nhưng khi quý vị chưa có năng lực tham học, thầy quyết định chẳng cho quý vị rời khỏi. Nếu để cho quý vị rời khỏi, tức là thầy có lỗi với quý vị. Thầy phải bảo vệ quý vị, phải giúp cho quý vị thành tựu, khiến cho quý vị có năng lực tham học, năng lực gì vậy? Năng lực phân biệt chân – vọng! Quý vị nghe người ta giảng điều gì, vừa nghe liền biết đó là chánh pháp hay tà pháp, có năng lực ấy. Có thể phân biệt đúng, sai, thiện, ác, có năng lực như vậy, thầy sẽ cho quý vị ra ngoài tham học.

Nếu quý vị chưa có năng lực ấy, thầy chắc chắn chẳng cho quý vị rời khỏi Ngài một bước, nhất định không chấp thuận cho quý vị ra khỏi cửa chùa. Vì sao? Nếu quý vị nghe người bên ngoài giảng, mỗi người giảng một cách, nghe ba người [giảng ba cách khác nhau], trong tâm liền đánh dấu hỏi, rốt cuộc ai đúng? Càng học càng mê hoặc, càng học càng điên đảo, học tới cuối cùng ngay cả Phật pháp cũng không tin. Vị này giảng Đông, vị kia giảng Tây, rốt cuộc ta đi đến đâu? Đơn giản là coi như xong, chẳng cần học nữa! Đấy là do chính mình thiếu năng lực phân biệt, giống như chưa xuất sư, chưa có tư cách đi ra ngoài tham học. Có năng lực mà thầy chẳng cho quý vị ra ngoài, thầy sẽ có lỗi với quý vị; chưa có năng lực mà thầy đã cho quý vị đi, thầy cũng có lỗi với quý vị. Do vậy, sư đạo quả thật rất khó khăn! Thầy phải tuyệt đối chịu trách nhiệm đối với học trò; trò thành công hay thất bại, thầy phải gánh trách nhiệm! “Tham sư phỏng hữu” nhằm thành tựu đạo nghiệp của chính mình, phải phát tâm chí thành đến thỉnh giáo các vị thiện tri thức, nhằm mục đích thành tựu “thánh quả” của chính mình. Đấy là “khất pháp tư tâm” tức là [thỉnh cầu giáo pháp] để nuôi dưỡng Pháp Thân huệ mạng của chính mình.

 

(Sao) Nhị, bố ma giả, nhược nhân phát tâm xuất gia, Ma Vương văn chi, sanh đại bố úy, dĩ ma nhạo sanh tử, xuất gia ly dục, xu hướng Vô Sanh, ma thất đảng dữ, sanh bố úy cố.

()二、怖魔者,若人發心出家,魔王聞之,生大怖畏,以魔樂生死,出家離欲,趨向無生,魔失黨與,生怖畏故。

(Sao: Hai là khiến ma sợ hãi. Nếu có người phát tâm xuất gia, Ma Vương nghe thấy sẽ sanh lòng sợ hãi to lớn vì ma ưa sanh tử, kẻ xuất gia lìa dục, tiến hướng Vô Sanh sẽ khiến cho bè đảng của ma bị giảm thiểu, nên hắn sanh lòng sợ hãi).

Điều này tôi vừa mới nói qua.

 

(Sao) Tam, phá ác giả, năng phá phiền não cửu thập bát Sử, tất giai đoạn tuyệt cố.

() 三、破惡者,能破煩惱九十八使,悉皆斷絕故。

(Sao: Ba là phá ác, do có thể phá phiền não chín mươi tám Sử, thảy đều đoạn tuyệt).

“Chín mươi tám Sử” là Kiến Tư phiền não, Kiến Hoặc có tám mươi tám Sử, và Tư Hoặc gồm mười Sử.

 

(Sao) Hoặc gia tịnh giới, tịnh mạng, tắc thành ngũ nghĩa. Kim tam nghĩa giả, dĩ khất thực nhiếp tịnh mạng, dĩ phá ác nhiếp tịnh giới cố.

()或加淨戒、淨命,則成五義。今三義者,以乞食攝淨命,以破惡攝淨戒故。

(Sao: Hoặc có người thêm vào hai nghĩa tịnh giới và tịnh mạng thành năm nghĩa [của chữ tỳ-kheo], nay nói ba nghĩa, vì khất thực bao gồm tịnh mạng, phá ác bao gồm tịnh giới).

Thêm tịnh giới và tịnh mạng vào khất thực, bố ma, phá ác,  nên tỳ-kheo có năm ý nghĩa ấy, nhưng đại đa số đều giảng theo cách nêu ra ba ý nghĩa. Trong khất thực đã bao gồm tịnh mạng, trong phá ác bao gồm tịnh giới. Nói thật ra, ba ý nghĩa đã bao gồm năm ý nghĩa ở trong ấy.

 

(Sao) Chúng hòa hợp giả, tứ nhân dĩ thượng, đa chí vô lượng, tất giai đồng nhất Yết Ma, bất tương vi tránh, như thủy nhũ hợp, danh Hòa Hợp Chúng.

()眾和合者,四人以上,多至無量,悉皆同一羯磨,不相違諍,如水乳合,名和合眾。

(Sao: “Chúng hòa hợp” là từ bốn người trở lên, [có thể] nhiều đến vô lượng, thảy đều cùng Yết Ma, chẳng tranh chấp với nhau, như sữa hòa lẫn vào nước, gọi là Hòa Hợp Chúng).

Trong phần trước đã nói tới “Lý Sự thất hòa” (bảy điều hòa hợp về Lý và Sự), đấy là điều kiện cơ bản; ngoài ra còn có một thứ nữa là Yết Ma. Yết Ma (Karma) là tiếng Ấn Độ, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Tác Pháp. Nay chúng ta vẫn không hiểu, tôi nói bằng danh từ hiện đại quý vị sẽ hiểu, đó là hội nghị để ban hành nghị quyết. Bởi lẽ, Phật giáo là dân chủ; trong Tăng đoàn hễ có chuyện lớn hay nhỏ đều phải họp lại, thiểu số phục tùng đa số. Cùng Yết Ma với nhau, nhất định phải tuân thủ nghị quyết của hội nghị, chẳng tranh cãi với nhau, đó là Hòa Hợp Chúng.

 

(Sao) Tam Ca Diếp giả.

() 三迦葉者。

(Sao: Ba vị Ca Diếp).

Tôn giả Ca Diếp có ba vị, Ca Diếp (Kāśyapa) là họ, có ba vị cùng mang họ Ca Diếp, vị thứ nhất là:

 

(Sao) Nhất, Ưu Lâu Tần Loa, ư hỏa long quật, hữu ngũ bách đệ tử.

() 一、優樓頻螺,於火龍窟,有五百弟子。

(Sao: Thứ nhất là Ưu Lâu Tần Loa, ở hang rồng lửa, có năm trăm đệ tử).

Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp (Uruvilvā Kāśyapa) vốn là ngoại đạo, học ngoại đạo tại hang rồng lửa, rồng ấy là độc long,  Ngài tu đạo nơi ấy,

có năm trăm đồ đệ, rất nổi danh trong các ngoại đạo. Vị thứ hai là:

 

(Sao) Nhị, Già Da, ư Tượng Đầu sơn, hữu tam bách đệ tử.

() 二、伽耶,於象頭山,有三百弟子。

(Sao: Thứ hai là Già Da, ở núi Đầu Voi, có ba trăm đệ tử).

Già Da Ca Diếp (Gayā Kāśyapa) hướng dẫn một nhóm người tu hành tại núi Tượng Đầu (Gayāśiras), có ba trăm đệ tử. Vị thứ ba là:

 

(Sao) Tam, Na Đề, ư Hy Liên hà, hữu nhị bách đệ tử. Hậu giai quy Phật, cố hữu thiên chúng.

()三、那提,於希連河,有二百弟子。後皆歸佛,故有千眾。

(Sao: Ba là Na Đề, ở sông Hy Liên, có hai trăm đệ tử. Về sau, đều quy y Phật, nên có một ngàn vị).

Na Đề Ca Diếp (Nadī-Kāśyapa) ở sông Hy Liên (Nairañjanādi), có hai trăm đệ tử. Sau này, ba vị này đều bị Thích Ca Mâu Ni Phật hàng phục. Thích Ca Mâu Ni Phật tìm đến họ biện luận, họ đều biện luận thua Ngài. Sau khi biện luận thua cuộc bèn xuất gia theo Thích Ca Mâu Ni Phật. Họ đã theo Thích Ca Mâu Ni Phật xuất gia, các đồ đệ cũng theo một đường lối, thầy đã làm học trò Thích Ca Mâu Ni Phật, mọi người chúng ta cũng đều chẳng muốn giải tán, tâm tu đạo rất thiết tha, cho nên đều theo Thích Ca Mâu Ni Phật. Trước hết, ba người họ là thầy, về sau đều biến thành bạn học, đều là học trò của Thích Ca Mâu Ni Phật. Thầy trò ba vị ấy tổng cộng là một ngàn người.

 

(Sao) Mục Liên, Xá Lợi giả, nhị nhân cộng hữu nhị bách ngũ thập đệ tử, diệc lai quy Phật. Thành thiên nhị bách ngũ thập nhân dã.

()目連舍利者,二人共有二百五十弟子,亦來歸佛。成千二百五十人也。

(Sao: Hai vị Mục Liên và Xá Lợi có tất cả hai trăm năm mươi đệ tử, cũng quy y Phật, [tổng cộng] thành một ngàn hai trăm năm mươi người).

 Mục Liên và Xá Lợi Phất là đầu lãnh ngoại đạo, vốn cũng tu ngoại đạo. Mỗi người đều có một trăm đồ đệ, thầy trò sau này cũng đều quy y Thích Ca Mâu Ni Phật, nên lại ghép thành một ngàn hai trăm năm mươi người.

 

(Sao) Nhất thuyết độ Da Xá đẳng ngũ thập nhân, cập Trần Như đẳng ngũ nhân, cộng thành thử số.

()說度耶舍等五十人,及陳如等五人,共成此數。

(Sao: Một thuyết nói Phật độ nhóm ông Da Xá năm mươi người và nhóm Kiều Trần Như năm người, cộng thành con số ấy).

Da Xá đồng tử (Yaśas) có năm mươi người. Trước hết, Phật độ nhóm Kiều Trần Như (Ajñāta Kaundinya) năm người tại Lộc Dã Uyển, tổng cộng là một ngàn hai trăm năm mươi lăm người. Tăng đoàn của đức Phật có nhiều người như thế. Đây là nói rõ nguồn gốc số người trong Tăng đoàn.

 

(Sớ) Độc cử thiên nhị bách ngũ thập nhân giả, dĩ thường tùy cố.

()  獨舉千二百五十人者,以常隨故。

(Sớ: Riêng nêu ra một ngàn hai trăm năm mươi người vì họ là thường tùy).

Thật ra, đức Phật bất luận giảng kinh ở nơi nào, thính chúng không chỉ có ngần ấy người, số người [nghe giảng] luôn vô cùng nhiều, tại gia lẫn xuất gia đều rất nhiều; nhưng không cần nói tới những người khác, vì một ngàn hai trăm năm mươi lăm vị này, bất luận là hội nào do đức Phật giảng kinh, họ đều luôn hiện diện, thường tùy đệ tử mà! Đức Phật đến nơi đâu, họ cũng theo đến đó, suốt đời chẳng tách rời, mãi cho đến khi đức Phật viên tịch, những vị ấy chẳng giải tán. Về sau, kết tập kinh điển, hễ nói đến Chúng Thành Tựu, thảy đều lấy các Ngài làm đại biểu. Ngày hôm nay, chúng tôi giảng tới đây!

 

— o0o —

Tập 109

Xin xem A Di Đà kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm hai mươi:

 

(Sớ) Độc cử thiên nhị bách ngũ thập nhân giả, dĩ thường tùy cố.

()  獨舉千二百五十人者,以常隨故。

(Sớ: Riêng nêu lên một ngàn hai trăm năm mươi người vì họ thường theo đức Phật).

Thính chúng được liệt kê trong kinh Phật đại đa số đều là một ngàn hai trăm năm mươi vị, chỉ có rất ít kinh là ngoại lệ. Vì sao đều nêu lên một ngàn hai trăm năm mươi vị? Đại sư bảo những vị ấy là Thường Tùy Chúng của đức Phật.

 

(Sao) Thường tùy giả, vị Phật xuất thế gian, sở độ La Hán, tỳ-kheo, thậm đa vô lượng, hà độc cử thử?

()常隨者,謂佛出世間,所度羅漢比丘,甚多無量,何獨舉此。

(Sao: “Thường tùy” nghĩa là: Đức Phật xuất hiện trong thế gian, độ La Hán, tỳ-kheo số nhiều đến vô lượng, cớ sao nêu riêng những vị này?)

Thuở Phật tại thế, quả thật đã độ rất nhiều người; vì sao thường nêu con số này?

 

(Sao) Dĩ thử thiên nhị bách ngũ thập nhân giả, tối tiên quy Phật.

() 以此千二百五十人者,最先歸佛。

(Sao: Do một ngàn hai trăm năm mươi người này quy y đức Phật sớm nhất).

Đấy là những vị được đức Phật độ sớm nhất. Sau khi đắc độ, những vị này thường chẳng rời đức Phật, đức Phật đi đến đâu, các Ngài đều theo đến đó.

 

(Sao) Hựu thường bất ly Phật, trực chí Phật diệt, cố độc cử dã.

() 又常不離佛,直至佛滅,故獨舉也。

(Sao: Lại thường chẳng rời đức Phật mãi cho đến khi đức Phật diệt độ, nên nêu riêng những vị này).

Mãi cho đến sau khi đức Phật thị hiện Bát Niết Bàn (nhập Niết Bàn), các Ngài mới rời khỏi; vì thế, trong kinh thường nhắc tới những vị này. Những vị này đều chẳng phải là người tầm thường, trong Phật môn thường nói: “Một vị Phật ra đời, ngàn vị Phật ủng hộ”. Nếu đức Phật đến nơi nào đó giảng kinh mà chẳng có ai nghe, hoằng pháp sẽ chẳng có hiệu quả. Năm ngoái, tôi sang Tân Gia Ba, pháp sư Diễn Bồi bảo tôi: “Đừng nên sang Mỹ!” Vì sao chẳng thể sang? Sư nói: “Chúng ta là pháp sư giảng kinh, sang bên đó không có thính chúng, chúng ta sang làm gì?” Chẳng làm gì được hết! Lời ấy nói rất có lý! Ở Mỹ, thính chúng có thể đông tới cả trăm người, cũng là rất nhiều, pháp duyên thù thắng hiếm có, có tình hình như thế, nhưng đó là chuyện đôi khi, giống như chúng tôi một hai năm, sang đó một lần, họ đăng báo, phát thông cáo, tổ chức pháp hội. Pháp hội kéo dài dăm ba ngày thì được, cũng có thể đông tới hai ba trăm người, là hiện tượng rất hiếm có. Nếu giảng kinh trong một thời gian dài như ở nơi đây, giảng mỗi ngày, sợ rằng không có ai đến nghe, có được đôi ba người đến nghe cũng chẳng thể coi là ít! Đấy là tình hình tại Mỹ. Do vậy, ở nơi ấy, Phật pháp vẫn chưa truyền tới bên đó! Giảng kinh bên Tân Gia Ba, thông thường là thính chúng từ năm trăm người trở lên, cho tới khoảng chừng một ngàn người là hiện tượng rất thường thấy, rất phổ biến. Vì thế, bên đó nghe kinh thù thắng hơn chúng ta ở nơi đây!

Đức Phật xuất hiện trên thế gian chẳng thể không có thính chúng, trong số một ngàn hai trăm năm mươi người ấy, có rất nhiều vị là cổ Phật tái lai. Nếu không phải là cổ Phật thì gần như cũng là đại Bồ Tát, đều là minh tâm kiến tánh đăng địa Bồ Tát, hoặc Viên Giáo địa thượng Bồ Tát. Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện trên thế gian này chẳng có thính chúng, các Ngài sẽ đến làm thính chúng. Đã làm thính chúng, đương nhiên chẳng thể dùng thân phận Phật hay Bồ Tát, chẳng thể làm như vậy, nhất loạt theo Phật đến thế gian này, thị hiện làm một gã ngoại đạo, hay một kẻ phàm nhân, toàn bộ đều là thị hiện. Không chỉ thính chúng là thị hiện, ngay cả những vị hộ pháp cũng đều là thị hiện, giống như diễn tuồng, toàn thể gánh hát do Phật dẫn đến. Vua Ba Tư Nặc, theo kinh Phật cho biết, chính là Tứ Địa Bồ Tát thị hiện hộ pháp. Phàm phu làm sao hiểu được chỗ hay của Phật pháp? Chẳng hiểu được! Lúc ấy, Phật, Bồ Tát giáng lâm, đương nhiên cũng có Phật, Bồ Tát đồng thời giáng hạ thị hiện làm quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ đến hộ trì Phật pháp, Phật pháp mới hưng long! Có thể thấy nhân duyên thù thắng chẳng thể nghĩ bàn.

Trong một ngàn hai trăm năm mươi người; trước hết, đức Phật tại Lộc Dã Uyển chuyển pháp luân, độ năm tỳ-kheo, tôn giả Kiều Trần Như đắc độ đầu tiên. Năm người ấy đều có quan hệ thân thuộc với Thích Ca Mâu Ni Phật; vốn do Thích Ca Mâu Ni Phật bỏ nhà ra đi, cha Ngài rất lo lắng, chỉ sợ Ngài xuất gia, nên phái năm người ấy đi tìm, mục đích là tìm Ngài về, chẳng để cho Ngài xuất gia. Nào ngờ, đức Phật thần thông quảng đại, đều độ hết năm vị này, đấy là chuyện tại Lộc Dã Uyển. Về sau, gặp gỡ ba vị Ca Diếp, tôn giả Ca Diếp tu theo ngoại đạo, các Ngài có đồ chúng; ngài Đại Ca Diếp có năm trăm đệ tử, do vậy, đoàn thể này khá to. Hai vị kia là anh em của ngài Ca Diếp, mỗi người có hai trăm năm mươi người. Thầy trò ba vị Ca Diếp gộp thành một ngàn người. Họ gặp Phật, cũng đắc độ, biến thành một ngàn lẻ năm người. Về sau, gặp gỡ Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất, hai vị này cũng là thủ lãnh ngoại đạo, mỗi người có đồ chúng một trăm người. Kết quả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên theo Phật xuất gia, các đồ chúng của hai Ngài cũng đều xuất gia theo Phật; vì thế, có một ngàn hai trăm lẻ năm người. Ngoài ra, còn có năm mươi đồng tử cũng đắc độ; hợp thành Tăng đoàn một ngàn hai trăm năm mươi lăm người. Do năm người là số lẻ không nói tới, nên một ngàn hai trăm năm mươi người là số tròn, trên thực tế là một ngàn hai trăm năm mươi lăm người.

Những người ấy đều là Phật, Bồ Tát đại quyền thị hiện, giúp [Thích Ca Mâu Ni] Phật hoằng dương Phật pháp. Đức Phật tại thế, phàm phu chúng ta gặp Phật cũng chẳng hỏi được câu nào, mà cũng chẳng biết đức Phật cao minh. Các Ngài và đức Phật một hỏi, một đáp, chúng ta ở bên cạnh càng nghe, càng thấy có lý, tâm cung kính mới dấy lên, bởi lẽ, các Ngài đều là bậc tái lai. Trước hết, thị hiện tu hành trong ngoại đạo, tu bao nhiêu năm chẳng thành tựu gì. Các Ngài tu hành thật sự tinh tấn, nhưng chẳng có thành tựu; vừa gặp gỡ đức Phật, được đức Phật giảng cho các Ngài mấy câu, bèn chứng quả. Quý vị hãy nghĩ xem: Há người thường có thể làm được ư? Mấy câu liền chứng quả. Vì thế, chịu ơn đội đức, nhớ mãi không quên ân đức của Phật, suốt đời chẳng rời khỏi Phật. Các Ngài đều là nêu gương cho người đời sau. Biết người đời sau, phàm phu học Phật thiếu kiên nhẫn, học được ba tháng, nửa năm, bèn bỏ đi, làm sao có thể thành tựu cho được? Người ta thân cận thầy, suốt đời chẳng rời khỏi thầy, nên mới có thành tựu! Đấy đều là nêu gương cho chúng ta, nhằm dạy chúng ta phải nên thân cận thiện tri thức, thân cận thầy như thế nào, nêu gương cho chúng ta thấy để chúng ta học tập theo thì mới có thể thành tựu.

Vì thế, thuở trước, vào thời cổ, thường là thân cận một vị thầy. Chúng ta đọc Cao Tăng Truyện, hay xem ngữ lục của một tông nào, sẽ thấy theo thầy mười năm là chuyện rất bình thường, chẳng kể là nhiều! Thân cận thầy hai ba chục năm là chuyện luôn nghe thấy, thường thấy. Còn những vị giống như một ngàn hai trăm năm mươi vị này, cả đời chẳng rời khỏi thầy là người như thế nào? Người thật sự minh tâm kiến tánh chứng quả! Đừng nói chi khác, quý vị đọc Lục Tổ Đàn Kinh, trong hội của Lục Tổ đại sư, thật sự đắc độ tổng cộng bốn mươi hai người, trong số bốn mươi hai người ấy, có rất nhiều người cả đời chẳng rời khỏi Lục Tổ. Sau khi Lục Tổ viên tịch, họ mới rời khỏi, mỗi người đến giáo hóa một phương. Những vị ấy đều là học Phật, thật sự học đạt thành tựu ở nơi ấy. Vì thuở ấy, quy mô Tăng đoàn của Lục Tổ cũng khá lớn, đạo tràng của Ngài có mấy ngàn người, một người giáo hóa cũng chẳng xuể, cho nên những đồ đệ đắc đạo chẳng rời khỏi thầy, giúp thầy dạy học, thành tựu đại chúng, giống hệt như những vị thường tùy đệ tử ở đây. Vì thế, trong các thính chúng, đặc biệt nêu lên những vị ấy, chứ chẳng nhắc tới những người khác.

 

(Sao) Kỳ tha tán tại tứ phương, tuy thiên lý diện đàm, nhi cứ tích thành văn, thường pháp ưng nhĩ.

()其他散在四方,雖千里面談,而據迹成文,常法應爾。

(Sao: Những vị khác rải rác khắp bốn phương, tuy cách xa ngàn dặm vẫn giống như đích thân gặp mặt đàm luận, nhưng xét theo dấu vết để ghi chép thì vẫn nên theo lệ thường như vậy).

Đoạn này nói đến các đệ tử khác, chẳng theo Phật, chẳng thường ở cạnh Phật, bọn họ rải rác mỗi nơi, ở mỗi nơi đều hoằng pháp lợi sanh, phổ biến, tuyên dương Phật giáo, lợi ích trọn khắp hết thảy chúng sanh. Làm như vậy, đối với chính mình, dường như chẳng phải là lỡ làng sự tu hành chính mình ư? Nói thật ra, đó gọi là “giáo học tương trưởng” (người dạy và kẻ học cùng tiến triển), đều có tiến bộ. Tuy dạy học bên ngoài, vẫn chẳng thể tách rời thầy; vì thế, ở đây nói là “thiên lý diện đàm”.

“Thiên lý diện đàm” là một điển cố, tức là chuyện xảy ra vào đời Đường tức thời Đường Thái Tông. Đường Thái Tông quả thật rất giỏi. Thuở ấy là những năm cuối đời Tùy, thiên hạ đại loạn, quần hùng mỗi người chiếm cứ một phương, mỗi người tự mình xưng vương, quốc gia biến thành cục diện chia năm, xẻ bảy. Cha nhà vua (tức Đường Cao Tổ) chiếm một vùng đất[72], cũng xưng vương, chính nhà vua thường dẫn binh ra ngoài đánh nhau, khi đó, vua (Đường Thái Tông) chỉ mới mười sáu tuổi. Lúc khởi nghĩa, nhà vua mới mười sáu tuổi, thống lãnh đại quân bình định thiên hạ; vì thế, thật sự là một người rất giỏi. Vua có những trợ thủ giỏi, trong các trợ thủ có một người là Phòng Huyền Linh. Sau này, khi vua làm hoàng đế, Phòng Huyền Linh làm Tể Tướng. [Trước đó, khi chưa làm hoàng đế, còn là một vị tướng cầm quân dưới quyền cha, Đường Thái Tông] thường sai Phòng Huyền Linh đến gặp cha, báo cáo tình hình trong quân ngũ. Phòng Huyền Linh nói rất rõ ràng, rành rẽ, Đường Cao Tổ cũng rất khen ngợi, nói Phòng Huyền Linh đến đây báo cáo, giống như nói chuyện trực tiếp với Thái Tông, đó gọi là “thiên lý diện đàm”.

Nêu lên ý nghĩa này, tức là nói thật ra, tuy các đệ tử Phật giáo hóa chúng sanh ở mỗi nơi, vẫn thường sai người về thỉnh giáo Phật, xin Phật chỉ dạy, nên [lời Sớ] nêu ra lệ này. Có thể thấy là từ đầu đến cuối gìn giữ mối liên hệ này, trọn chẳng tách rời. Huống chi hằng năm còn có ba tháng an cư mùa Hạ, kết hạ an cư nghĩa là gì? Nói theo cách hiện thời là tái giáo dục, tấn tu giáo dục (giáo dục bổ sung nhằm nâng cao trình độ). Hằng năm quý vị ở bên ngoài giáo hóa chúng sanh chín tháng, ba tháng trở về được Phật tái giáo dục, quy chế này vô cùng hay. Giống như các thầy cô trong nhà trường hiện tại, nghỉ Đông, nghỉ Hè, nếu chẳng tấn tu, sẽ vĩnh viễn chẳng có tiến bộ. Họ dạy một cấp lớp, năm nào cũng dùng sách giáo khoa cho cấp lớp ấy, chẳng cần phải chuẩn bị, dùng một bản giáo án có thể dạy suốt đời!

Phật pháp chẳng giống như vậy, thầy dạy học trong Phật pháp, những thứ họ dạy, năm nào cũng có tiến bộ, mỗi năm đều có những thứ mới. Bởi lẽ, an cư mùa Hạ chính là tấn tu giáo dục dành cho các thầy giáo, quy chế này vô cùng hoàn mỹ. Mãi cho đến gần đây, xã hội mới hiểu tầm trọng yếu của tái giáo dục. Vì sao? Hiện thời kỹ thuật mỗi tháng, mỗi ngày đều đổi khác, nếu chẳng tiếp nhận tái giáo dục, quý vị sẽ lạc hậu, chẳng có cách nào đuổi kịp. Vì vậy, ở ngoại quốc có nhiều công ty, hằng năm tối thiểu các viên chức phải có một lần được gởi đi huấn luyện nhằm tiếp nhận giáo dục khoa học kỹ thuật mới mẻ thì họ mới có thể đuổi kịp người khác. Từ ba ngàn năm trước, đức Phật đã khởi xướng làm chuyện ấy, tiến hành hoàn mỹ như thế, Phật pháp là như thế đó!

“Cứ tích thành văn, thường pháp ưng nhĩ”, hai câu này nghĩa là gì? “Tích” (迹) là dấu vết, hình tướng, vì chẳng thể nói tới căn bản, [các vị ấy] căn bản là cổ Phật tái lai hoặc đại Bồ Tát tái lai, chẳng thể nói, nên chúng ta chỉ luận theo dấu vết, hình tướng. Theo mặt dấu vết, hình tướng, các Ngài là ngoại đạo, theo Phật xuất gia, do tôn sư trọng đạo, báo đáp ân thầy, nên vĩnh viễn chẳng rời khỏi, hãy nên biết là như vậy.

Đấy là đạo thầy trò!

 

(Sao) Như Trọng Ni chi môn, hiền đạt chi sĩ, cái tam thiên yên.

() 如仲尼之門,賢達之士,蓋三千焉。

(Sao: Như trong cửa Khổng, bậc hiền đạt có đến ba ngàn người).

“Trọng Ni” là [tên tự của] Khổng lão phu tử. Khổng lão phu tử xuất hiện tại phương Đông, ở Trung Quốc, Ngài cũng tiến hành giáo dục giống như Thích Ca Mâu Ni Phật; có thể nói Thích Ca Mâu Ni Phật và Khổng lão phu tử suốt đời chú trọng tiến hành sự nghiệp giáo dục; nhưng Khổng lão phu tử là giáo dục bình dân, Thích Ca Mâu Ni Phật tuy là quý tộc, Ngài cũng hạ mình làm bình dân, có thể nói hai vị đều đề xướng giáo dục bình dân. Từ chỗ này, chúng ta nhận biết rõ ràng, Phật giáo là giáo dục của đức Phật, phải nhận thức bản chất rõ ràng. Thế nhưng đức Phật vứt bỏ phú quý, công danh trong nhân gian để xuất gia tu đạo, giáo hóa chúng sanh; còn Khổng lão phu tử chẳng giống như vậy. Quý vị đọc Luận Ngữ, [sẽ thấy] Khổng lão phu tử niệm niệm muốn làm quan, mong thực hiện hoài bão chính trị. Ngài đích xác là một người tốt, mong mỏi đạt đến mục đích chánh trị đúng lý, đúng pháp. Vì vậy, Ngài đi các nơi du thuyết; nhưng thuở ấy, quốc vương các nước chư hầu đối với Ngài đều kính nhi viễn chi, chẳng dám dùng; vì sao không dám dùng Ngài? Nói thật ra, rất có lý, Ngài rất có khả năng, nhưng sau khi dùng Ngài, sợ Ngài phát động chánh biến đoạt mất chánh quyền, vì dưới tay Khổng lão phu tử có rất nhiều hiền nhân, nhân tài loại nào cũng đều có. Nói thật sự thì thuở ấy, Ngài muốn làm chánh biến rất dễ, nhân tài đầy dẫy, nhưng Ngài không dùng thủ đoạn ấy, mà sử dụng phương cách chánh đáng, chẳng dùng thủ đoạn trái với lẽ thường. Ngài muốn nêu gương cho hậu thế, chẳng dùng bạo lực, chẳng dùng thủ đoạn phi pháp để đoạt lấy chánh quyền. Quốc chủ mỗi nước đều chẳng dùng Ngài, chẳng có cách nào, nên Ngài trở về quê nhà, bắt đầu lo giáo dục trên cõi đời, thực hiện công tác giáo dục. Do vậy, giáo dục bình dân là do Khổng lão phu tử đề xướng. Thuở ấy, học trò Ngài có ba ngàn người, ba ngàn người đều là nhân tài.

 

(Sao) Nhi độc cử thất thập tử giả.

() 而獨舉七十子者。

(Sao: Nhưng chỉ nhắc tới bảy mươi vị).

Chẳng thường nói tới ba ngàn người, mà thường nhắc đến bảy mươi hai môn đệ của Khổng lão phu tử, tức Thất Thập Nhị Hiền, giống như trong các đệ tử của Thích Ca Mâu Ni Phật chỉ thường nhắc tới một ngàn hai trăm năm mươi người. Những vị này:

 

(Sao) Cửu tại Tứ Tân, tương y Trần, Sái, diệc thường tùy cố.

() 久在泗濱,相依陳蔡,亦常隨故。

(Sao: Ở Tứ Tân đã lâu, nương náu đất Trần, đất Sái, cũng là thường theo thầy).

Bảy mươi hai người ấy của Khổng lão phu tử cũng là thường tùy chúng của Ngài. Tứ Tân[73] là nơi Khổng Tử dạy học, thuộc tỉnh Sơn Đông. Hai nước Trần và Sái[74] là nơi Khổng Tử mắc nạn, họ cùng thầy đồng cam cộng khổ hứng chịu hoạn nạn, vẫn chẳng rời thầy! Khổng lão phu tử bị tuyệt lương nơi đất Trần, chẳng có gì ăn! Thánh nhân còn mắc nạn ấy, chúng ta là phàm phu nghiệp chướng sâu nặng, chịu khổ một chút thì chính mình phải giác ngộ, chớ nên hoài nghi.

 

Nhị, biểu vị đức.

(Kinh) Giai thị đại A La Hán, chúng sở tri thức.

(Sớ) Thượng cú biểu vị, hạ cú biểu đức. Đại giả, giản dư tiểu Thanh Văn cố.

二表位德。

() 皆是大阿羅漢。眾所知識。

()  上句表位,下句表德。大者,揀餘小聲聞故。

(Hai, biểu thị địa vị, phẩm đức.

Kinh: Đều là bậc đại A La Hán, được mọi người hay biết.

Sớ: Câu trên nói về địa vị. câu dưới biểu thị đức. Đại là phân biệt [các Ngài] chẳng phải là hàng Thanh Văn Tiểu Thừa nào khác).

Câu trên biểu thị địa vị, câu dưới biểu thị phẩm đức. Những vị ấy là hạng người nào? Đều là đại A La Hán. Đại A La Hán và A La Hán thông thường khác nhau. Đại là đối với Tiểu mà nói, họ là Đại Thừa A La Hán, chẳng phải là Tiểu Thừa A La Hán. Tiểu Thừa A La Hán chỉ cần đoạn Kiến Tư phiền não là được, Đại Thừa A La Hán gần như là nhanh chóng đoạn sạch vô minh. Chúng ta giải thích chữ A La Hán trước.

 

(Sớ) Phạn ngữ A La Hán, thử hữu tam nghĩa: Nhất, Ứng Cúng; nhị, Sát Tặc; tam, Vô Sanh.

() 梵語阿羅漢,此有三義:一應供,二殺賊,三無生。

(Sớ: Tiếng Phạn A La Hán, ở đây có ba nghĩa: Một là Ứng Cúng; hai là Sát Tặc; ba là Vô Sanh).

Trong từ ngữ tiếng Phạn A La Hán (Arhat) bao hàm ba ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất là Ứng Cúng. “Ứng” là đáng nên, tức là xứng đáng tiếp nhận đại chúng cúng dường. Ngài đáng nên tiếp nhận, vì sao đáng nên tiếp nhận? Do trong đại chúng, Ngài mang thân phận là thầy, nên học trò cúng dường thầy, thầy cũng nên tiếp nhận sự cúng dường của học trò. Vì thầy theo đuổi công tác giáo dục, chẳng theo đuổi sản xuất, chẳng làm công việc kiếm lời, vậy thì Ngài sống bằng cách nào? Phải cậy vào người khác cúng dường. Sự cúng dường ấy cũng chẳng phong phú cho lắm. Bởi lẽ, từ xưa tới nay, Ấn Độ cũng vậy, mà Trung Quốc cũng thế, những người đọc sách đều thanh bần, vì họ chẳng có công việc sanh lợi. Người xuất gia xưng “bần tăng” vì họ thanh bần, tâm đặt nơi đạo. Nếu người ấy giàu có, tâm sẽ chẳng nghĩ đến đạo, tâm sẽ lo hưởng thụ ngũ dục, lục trần. Người đọc sách trong thế gian cũng giống như vậy, nếu họ giàu có, nhất định học vấn bị lui sụt. Thanh bần thì học vấn, đạo đức nhất định thanh cao. [Thế gian thường nói] “thanh bần, trọc phú”, rất có lý! Ứng Cúng là đáng nên tiếp nhận đại chúng cúng dường, khiến cho cuộc sống chẳng đến nỗi thiếu thốn.

Ý nghĩa thứ hai là Sát Tặc (giết giặc), sát tặc nghĩa là gì? Chữ “tặc” chỉ phiền não. Có những kẻ thấy từ ngữ này, [hiểu lầm] A La Hán vẫn khai sát giới ư? Nhà Phật dạy chẳng sát sanh, mà A La Hán khai sát giới, [hiểu như vậy] là sai lầm. Vì phiền não có thể phá hoại tự tánh công đức của chúng ta, giống như giặc. Đoạn phiền não là ý nghĩa “sát tặc”.

Ý nghĩa thứ ba là Vô Sanh, Vô Sanh là thật sự chứng đắc bất sanh bất diệt. Chúng ta thường nói “liễu sanh tử, thoát tam giới”, Ngài thật sự làm được. Còn có một ý nghĩa khác, mà ở đây không nói tới, đó là Vô Học. Vô Học là đã tốt nghiệp, những thứ phải học Ngài đã học xong, chẳng còn học nữa, tốt nghiệp rồi. Giống như A La Hán được gọi là Vô Học, [sở học của] các Ngài có Đại Thừa và Tiểu Thừa. Đối với Tiểu Thừa, thông thường chúng ta nói [Vô Học] là Tứ Quả La Hán, đối với Đại Thừa, [Vô Học] là Pháp Vân Địa Bồ Tát, tức Thập Địa Bồ Tát, Ngài cũng học xong rồi, lên cao hơn nữa là Đẳng Giác, chẳng khác Phật cho lắm, là hậu bổ Phật. Vì thế, Đại Thừa Thập Địa Bồ Tát được gọi là Đại A La Hán. Ở đây, xét về hình tích các Ngài là Tiểu Thừa A La Hán, trên thực tế, đều là Đại Bồ Tát tái lai, đều là Đại Thừa A La Hán! Nói cách khác, đây là ngầm dạy chúng ta các Ngài đều là Thập Địa Bồ Tát tái lai, chẳng phải là kẻ tầm thường.

 

(Sớ) Tức tiền khất sĩ, bố ma, phá ác quả dã.

()  即前乞士怖魔破惡果也。

(Sớ: Tức là quả của khất sĩ, bố ma và phá ác trong phần trên).

 A La Hán là quả, tỳ-kheo là nhân. Tỳ-kheo tu nhân, tại nhân địa gọi là Khất Sĩ, nơi quả địa gọi là Ứng Cúng. Nơi nhân địa là Phá Ác, nơi quả địa là Vô Sanh. Nơi nhân địa là Bố Ma, nơi quả địa là Sát Tặc. Đây là nhìn từ phương diện nhân và quả.

 

(Sớ) Tri thức giả, văn danh khâm đức viết Tri, đổ hình kính phụng viết Thức.  Nhất vân kiến hình vi Tri,  kiến tâm vi Thức;  nhất

vân Tri tức thị Thức, diệc khả chúng trung tri thức, vị chúng đạo cố.

() 知識者,聞名欽德曰知,睹形敬奉曰識。一云見形為知,見心為識;一云知即是識,亦可眾中知識,為眾導故。

(Sớ: “Tri thức”: Nghe tiếng kính trọng, ngưỡng mộ đức là Tri, thấy mặt kính trọng, phụng sự là Thức. Có người nói thấy mặt là Tri, biết tâm là Thức; có người nói Tri chính là Thức, cũng có thể nói là bậc tri thức trong đại chúng, hướng dẫn đại chúng vậy).

Đây là giảng rõ [ý nghĩa của từ ngữ] “chúng sở tri thức”.

 

(Sao) Giản dư giả.

() 揀餘者。

(Sao: Phân biệt với những người khác).

 “Giản” là tách biệt.

 

(Sao) Sơ Quả chí Tứ Quả.

() 初果至四果。

(Sao: Từ Sơ Quả cho đến Tứ Quả).

 Nói về Tiểu Thừa.

 

(Sao) Giai Thanh Văn vị.

() 皆聲聞位。

(Sao: Đều thuộc địa vị Thanh Văn).

 Thanh Văn là Tiểu Thừa.

 

(Sao) Kim viết Đại A La Hán giả, biểu thị Tứ Quả Thanh Văn dã.

() 今曰大阿羅漢者,表是四果聲聞也。

(Sao: Nay nói là Đại A La Hán, nhằm biểu thị Tứ Quả Thanh Văn).

Cách nói này hoàn toàn luận theo tướng, nói theo dấu tích. Vì Sơ Quả cũng xưng là La Hán, Nhị Quả, Tam Quả, Tứ Quả đều xưng là La Hán. Trong Tiểu Thừa, xưng là Đại A La Hán chỉ là Tứ Quả; từ Tam Quả trở xuống đều chẳng thể xưng là Đại A La Hán. Nhằm tách biệt chữ Đại này với chữ Đại được giảng trong phần trước, vì trong phần trước đã nói “Đại giả, giản dư tiểu Thanh Văn cố” (Đại nhằm phân biệt chẳng phải là Thanh Văn Tiểu Thừa). Nếu là “Đại, nhằm tách biệt chẳng phải là Tiểu” sẽ là thuần túy Đại Thừa. Vì vậy, ý nghĩa [của chữ Đại được hiểu khác nhau] tùy thuộc nói theo Bổn hay nói theo Tích (dấu vết), vừa nhìn sẽ hiểu rõ ngay!

 

(Sao) Ứng Cúng giả, phàm phu vô đức.

() 應供者,凡夫無德。

(Sao: Ứng Cúng: Phàm phu thiếu đức).

Chẳng dám xưng là Ứng Cúng.

 

(Sao) Tiền tam quả hữu đức nhi vị đại.

() 前三果有德而未大。

(Sao: Ba quả trước có đức, nhưng đức chưa to lớn).

 Từ Sơ Quả tới Tam Quả có đức, nhưng đức vẫn chưa đủ, cũng không dám xưng là Ứng Cúng.

 

(Sao) Kim phạm hạnh dĩ lập, siêu xuất tam giới, ưng thọ nhân thiên cúng dường cố.

() 今梵行已立,超出三界,應受人天供養故。

(Sao: Nay do phạm hạnh đã lập, vượt thoát tam giới, đáng nên nhận lãnh sự cúng dường của trời người).

Đạt tới Tứ Quả La Hán, đích xác đã vượt thoát tam giới; khi ấy, đức hạnh đầy đủ, có tư cách tiếp nhận sự cúng dường của trời, người.

 

(Sao) Câu Xá vân.

() 俱舍云。

(Sao: Luận Câu Xá nói).

Câu Xá Luận[75] có nói.

 

(Sao) Cúng dường A La Hán, đắc hiện tại phước báo, thị nhân thiên thực phước chi lương điền.

() 供養阿羅漢,得現在福報,是人天植福之良田。

(Sao: Cúng dường A La Hán, đắc phước báo trong hiện tại, [vì A La Hán] là ruộng tốt lành để trời người gieo phước).

Cúng dường A La Hán được phước báo trong hiện tại, phước ấy do đâu mà có? Vì sao chúng ta cúng dường Ngài sẽ được phước báo? Cúng dường người khác chúng ta chẳng có phước báo ư? Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này. Chúng ta cúng dường A La Hán, A La Hán sẽ trụ ở chỗ chúng ta, chẳng thể bỏ đi. Ngài trụ tại nơi này, đương nhiên sẽ giáo hóa ở nơi này, người ở nơi này được phước báo, chúng ta là người cúng dường cũng được hưởng phước báo. Chúng ta cũng được hưởng lây công đức giáo hóa của A La Hán ở nơi này, giống như chính chúng ta giáo hóa vậy. Chúng tôi nêu một tỷ dụ để nói: Tại Trung Quốc, Khổng lão phu tử là thánh nhân. Ngoài Khổng lão phu tử ra, còn có một vị thánh nhân nữa, ai vậy? Vũ Huấn[76] là thánh nhân. Vũ Huấn đi xin ăn, mà là đại thánh nhân! Ông ta có công đức chẳng khác Khổng lão phu tử. Khổng lão phu tử suốt đời giáo hóa chúng sanh, bản thân Vũ Huấn thất học, chưa hề đi học, nhưng chính mình hiểu tầm trọng yếu của giáo dục, đi khắp nơi ăn xin, để dành tiền nhằm thỉnh những vị thầy giáo giỏi lo dạy dỗ. Học trò được giáo hóa, kiến công, lập nghiệp, ai dạy họ? Chính là Vũ Huấn dạy, đây là một người phi phàm!

Một vị thiện tri thức chân chánh ở nơi này chẳng có ai cúng dường, cuộc sống bị trở ngại, Ngài không thể làm gì khác hơn là đến nơi khác; nơi nào có người cúng dường Ngài, Ngài ở nơi ấy giáo hóa chúng sanh, đấy là đạo lý nhất định, tùy duyên, nhưng chẳng phan duyên. Vì thế, quý vị cúng dường một vị thiện tri thức, vị thiện tri thức ấy giáo hóa chúng sanh, công đức sẽ giống như chính quý vị làm, chẳng khác gì! Như trong hiện tại, rất nhiều trường học của tư nhân, người quản lý nhà trường trọn chẳng lên lớp, đổng sự của đổng sự hội (board of directors) và đổng sự trưởng chẳng lên lớp, nhưng họ mời hiệu trưởng, giáo viên, công đức giáo dục thuộc về ai? Đổng sự hội! Họ tiến hành, họ hướng dẫn, giáo hóa chúng sanh. Nhất định phải hiểu rõ đạo ý này.

Thuở ấy, tăng đoàn của đức Phật lớn như thế, mỗi khi đến một nơi nào đó, công tác tiếp đãi hết sức nặng nề, một ngàn người mà! Cơm ăn do khất thực, khất thực cũng phải tuyên truyền. Các Ngài đi khất thực, chúng ta phải cúng dường Ngài. Nếu người ta chẳng biết các Ngài đi khất thực, mọi người chẳng biết cúng dường, các Ngài chẳng thể trụ tại nơi này. Nơi cư trụ còn phải to dường ấy, có thể dung nạp hơn một ngàn người, như vậy thì đức Phật và các đệ tử mới an trụ, ở nơi ấy, Ngài mới có thời gian giảng kinh, thuyết pháp. Giảng kinh, thuyết pháp nơi nào, nơi ấy có phước báo. Đấy là lý do vì sao cúng dường A La Hán được phước báo trong hiện tại, A La Hán là phước điền của trời, người.

 

(Sao) Thọ thí vô tàm, cố viết Ứng Cúng.

() 受施無慚,故曰應供。

(Sao: Nhận bố thí không thẹn, nên gọi là Ứng Cúng).

Khi tiếp nhận, Ngài tâm an lý đắc, vật [cúng dường] ấy đáng nên tiếp nhận. Đó là ý nghĩa của chữ Ứng Cúng.

 

(Sao) Thỉ yên trì bát, kỳ phước chúng sanh, kim dĩ chứng đạo, lý ưng thọ cúng, vân Khất Sĩ quả dã.

()始焉持缽,期福眾生,今已證道,理應受供,云乞士果也。

(Sao: Thoạt đầu là khất thực để chúng sanh cầu phước, nay đã chứng đạo, theo đúng lẽ nên tiếp nhận cúng dường, nên nói [Ứng Cúng] là quả của Khất Sĩ).

Thoạt đầu, lúc Ngài xuất gia, mỗi ngày đi khất thực từng nhà, nhằm mục đích mong cho chúng sanh được phước; nay đã tu hành chứng quả, nói theo Lý phải nên tiếp nhận sự cúng dường của đại chúng. Cúng dường cũng chỉ giới hạn trong tứ sự, phải chú ý điều này. “Tứ sự” là ẩm thực, y phục, ngọa cụ, y dược; khi có bệnh bèn tiếp nhận cúng dường thuốc men. Ứng Cúng cũng là đáng nên tiếp nhận bốn thứ cúng dường ấy, nhưng nhất quyết chẳng được hưởng thụ xa xỉ quá lố, đó là sai lầm, không thể được! Đương nhiên trong thời cận đại, mức sống vật chất của chúng ta mỗi ngày một nâng cao hơn, cúng dường thiện tri thức khiến cho Ngài tiếp cận mức sống ấy thì cũng chấp nhận được, nhưng chắc chắn chẳng thể vượt hơn; hễ vượt hơn sẽ là chẳng đúng pháp. Đây là nói về quả Khất Sĩ.

 

(Sao) Nhiên Phật diệc danh Ứng Cúng.

() 然佛亦名應供。

(Sao: Nhưng Phật cũng gọi là Ứng Cúng).

Trong mười hiệu của Phật, có một hiệu là Ứng Cúng.

 

(Sao) La Hán cục ư nhân thiên.

() 羅漢局於人天。

(Sao: La Hán hạn cuộc trong trời người).

Sự Ứng Cúng của A La Hán chỉ là nói [trong phạm vi] nhân thiên, đáng nên tiếp nhận sự cúng dường của nhân thiên.

 

(Sao) Phật, tắc nhân, thiên, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát sở ứng cúng dã.

() 佛,則人天聲聞緣覺菩薩所應供也。

(Sao: Phật là bậc đáng nên được trời, người, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát cúng dường).

Phật đáng nên tiếp nhận sự cúng dường của đại chúng, phạm vi rộng lớn. Thanh Văn, Duyên Giác cúng dường Ngài, Phật đáng nên tiếp nhận; Đẳng Giác Bồ Tát cúng dường Phật, Phật cũng đáng nên tiếp nhận, phạm vi [cúng dường] rộng lớn [hơn so với A La Hán].

 

(Sao) Sát Tặc giả.

() 殺賊者。

(Sao: Sát Tặc là…)

Giặc gì vậy? Giặc phiền não.

 

(Sao) Phiền não kiếp công đức tài, thương trí huệ mạng.

() 煩惱劫功德財,傷智慧命。

(Sao: Phiền não cướp đoạt của cải công đức, tổn thương trí huệ mạng).

 Sở dĩ sánh ví phiền não với giặc là do thân đầy phiền não, chúng ta chẳng có công đức; phiền não là gì? Tham, sân, si, mạn, nghi, Kiến Tư phiền não là kiến giải và tư tưởng sai lầm; nói tóm lại là như đức Phật thường nói “phân biệt, chấp trước, vọng tưởng”, đấy là phiền não. Công đức là thứ vốn có sẵn, vốn trọn đủ trong bổn tánh của chúng ta, vốn sẵn đầy đủ. Trong Chân Như bổn tánh của chúng ta có vô lượng trí huệ, vô lượng công đức, vô lượng đức năng, vô lượng tài nghệ, y báo và chánh báo trang nghiêm, chẳng thiếu thứ gì! Thuở ấy, khi Lục Tổ chứng đắc tự tánh, tự tánh là chân tâm, khi chân tâm hiện tiền, khởi tác dụng bèn gọi là “minh tâm kiến tánh”, chân tâm khởi tác dụng. Nay cái tâm chúng ta đang dùng là vọng tâm, chẳng phải là chân tâm, vì sao? Trong chân tâm không có ý niệm, chúng ta có ý niệm, suốt ngày khởi tâm động niệm, đấy chẳng phải là chân tâm. Do vậy, trong chân tâm có vô lượng trí huệ, vô lượng công đức.

Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật có nói: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”, chẳng khác gì Phật! Do vậy, chúng sanh và Phật bình đẳng, nhưng trí huệ và đức tướng của Phật đều khởi tác dụng, chúng sanh tuy có, nhưng chẳng khởi tác dụng, vì sao chẳng khởi tác dụng? Đức Phật nói rất minh bạch, “chỉ vì vọng tưởng, chấp trước, nên chẳng thể chứng đắc”. Quý vị thấy một lời đã nói toạc ra, chúng ta đáng thương! Chướng ngại ấy chẳng phải do bên ngoài mà có, mà do chính bản thân quý vị, tự làm, tự chịu, ai khiến quý vị dấy vọng tưởng? Ai bảo quý vị phân biệt, chấp trước? Quý vị phân biệt, chấp trước, dấy vọng tưởng, cho nên trí huệ và công đức trong bổn tánh chẳng thể hiện tiền. Vọng tưởng, chấp trước là phiền não, cho nên nó “cướp đoạt công đức”, đoạt mất công đức trong bổn tánh, “tổn thương trí huệ mạng”, vô lượng trí huệ chẳng thể hiện tiền, chúng ta phạm lỗi ở chỗ này!

Nói thật sự thì học Phật là học gì? Phá chấp trước mà thôi! Phá Nhân Ngã Chấp sẽ chứng Tiểu Thừa A La Hán. Phá Pháp Ngã Chấp, bèn chứng Đại Thừa A La Hán, phá chấp trước. Phật pháp từ đầu tới cuối là phá chấp trước, hết thảy chấp trước, vọng tưởng đều hết sạch, bèn minh tâm kiến tánh, khôi phục tự tánh. Khi Lục Tổ khai ngộ đã nói: “Nào ngờ tự tánh, vốn sẵn thanh tịnh”, tự tánh là chân tâm của chúng ta. Nào ngờ chân tâm vốn thanh tịnh, trước nay cũng chưa hề ô nhiễm! “Nào ngờ tự tánh, vốn trọn đủ”, chẳng thiếu thứ gì, trí huệ và phước báo thứ gì cũng đầy đủ. “Nào ngờ tự tánh, có thể sanh ra vạn pháp”, thế giới Sa Bà do tự tánh biến hiện, thế giới Cực Lạc cũng do tự tánh biến hiện. Tự tánh là năng biến, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới là sở biến. Chúng ta chẳng hiểu rõ lý này, sẽ không có cách nào tu được, bất luận tu ra sao, chắc chắn chẳng đắc lực; hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật này, công phu tu hành của chúng ta sẽ đắc lực.

Công phu ở chỗ nào? Phá chấp trước mà thôi, đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian chẳng chấp trước, chẳng phân biệt, chẳng vọng tưởng. Trong cảnh giới ấy, pháp nào cũng đều là chân, đó gọi là “Thật Tướng của các pháp”. Thật Tướng của các pháp là Nhất Chân pháp giới, trong Tịnh Độ gọi là Thật Báo Trang Nghiêm Độ. Thật Báo Trang Nghiêm Độ ở chỗ nào? Ở ngay trước mắt, quý vị rời khỏi hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, nó sẽ ở ngay trước mắt. Hễ có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, Thật Báo Trang Nghiêm Độ biến thành Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Trong một niệm, chúng ta khởi lên vọng niệm, Nhất Chân pháp giới sẽ biến thành mười pháp giới, lỗi lầm ở nơi chính mình. Vì thế, Phật và đại Bồ Tát trụ trong Nhất Chân pháp giới, chúng ta là kẻ khởi tâm động niệm trụ trong mười pháp giới.

Sự nhiệm mầu và thù thắng của Cực Lạc Tịnh Độ ở chỗ nào? Khiến cho phàm phu chúng ta là kẻ chưa đoạn phân biệt, vọng tưởng, cũng trụ trong Nhất Chân pháp giới, điều này chẳng thể nghĩ bàn! Trong các thế giới của mười phương chư Phật không có điều này, chỉ riêng Tây Phương Cực Lạc thế giới mới có, thù thắng ở chỗ này. Chuyện này chúng ta lưu lại để sau này sẽ thảo luận tỉ mỉ trong kinh Vô Lượng Thọ, thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Do vậy, mười phương chư Phật tán thán, mười phương chư Phật khuyên tu, đạo lý ở chỗ này, chớ nên không biết.

 

(Sao) Tiền tam quả Kiến Hoặc tuy đoạn, Tư Hoặc thượng tồn, kim đoạn Tư Hoặc thất thập nhị phẩm câu tận, như loạn lưu tất điễn, thiên hạ thái bình, cố viết Sát Tặc. Thỉ yên dĩ ác vi địch, kim ác dĩ diệt, vân Phá Ác quả dã.

()前三果見惑雖斷,思惑尚存,今斷思惑七十二品俱盡,如亂流悉殄,天下太平,故曰殺賊。始焉以惡為敵,今惡已滅,云破惡果也。

(Sao: Ba quả trước (Sơ Quả cho đến Tam Quả) tuy đoạn Kiến Hoặc, nhưng Tư Hoặc vẫn còn. Nay bảy mươi hai phẩm Tư Hoặc đều đoạn sạch, như diệt hết phường làm loạn, thiên hạ thái bình, nên nói là Sát Tặc.  Thoạt đầu, coi những điều ác là địch, nay  ác  đã  diệt, nên  nói [Sát Tặc] là quả của sự phá ác).

Đây là giảng giải rõ ràng ý nghĩa chữ Sát Tặc. “Thất thập nhị phẩm”: Tam giới cửu địa có tất cả tám mươi mốt phẩm Tư Hoặc; Nhị Quả đoạn sáu phẩm đầu trong Dục Giới, Tam Quả đoạn ba phẩm sau trong Dục Giới; do vậy, còn sót lại bảy mươi hai phẩm. Sau khi chứng đắc Tam Quả, phải đoạn sạch bảy mươi hai phẩm ấy. Bảy mươi hai phẩm ấy thuộc về Sắc Giới và Vô Sắc Giới, Dục Giới chỉ có chín phẩm. Do vậy, các Ngài đã đoạn [Tư Hoặc trong] Dục Giới, chứng đệ Tam Quả. Tam Quả gọi là Bất Lai, chẳng đến Dục Giới nữa, cái nhân Dục Giới chẳng còn! Ngài chỉ ở trong hai giới là Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Nếu lợi căn, Ngài sẽ trụ trong Tứ Thiền Thiên của Sắc Giới Thiên, [Tư Hoặc] thảy đều đoạn sạch, sẽ được vượt thoát. Nếu căn tánh độn một chút, Ngài vẫn phải sanh vào Tứ Không Thiên, tức là đến Vô Sắc Giới mới có thể đoạn hết, mới vượt thoát; nhưng tuyệt đối sẽ chẳng sanh trở lại Dục Giới. Đây là nói bảy mươi hai phẩm Tư Hoặc đều phải đoạn sạch.

Câu tiếp theo đó là tỷ dụ, “loạn lưu tất điễn”. “Điễn” (殄) là diệt, diệt sạch, thảy đều tiêu diệt, thiên hạ thái bình. Giống như đạo tặc bị bình định, tiêu diệt, nay thiên hạ thái bình, ví như giết giặc. “Thỉ yên dĩ ác vi địch” (thoạt đầu coi những điều ác như địch), lúc vừa mới xuất gia, chúng ta phải phá ác, nay ác đã phá hết, cho nên Sát Tặc là quả của Phá Ác.

 

(Sao) Vô sanh giả, phàm phu sanh tử vô lượng.

() 無生者,凡夫生死無量。

(Sao: Vô sanh: Phàm phu sanh tử vô lượng).

Từ vô lượng kiếp đến nay luân hồi, sanh sanh tử tử trong lục đạo, thoạt chìm, thoạt nổi. Kinh Phật dạy chúng ta phải giác ngộ, chớ nên ơ hờ, coi thường, chỉ cần là chúng sanh trong lục đạo, nhất định là thời gian trong ba ác đạo lâu dài, thời gian trong ba thiện đạo ngắn ngủi. Nếu quý vị không tin, hãy suy nghĩ: Từ sáng đến tối, trong ý niệm của chúng ta, ác niệm nhiều hay thiện niệm nhiều? Sẽ hiểu rõ ngay! Nếu ác niệm nhiều, đương nhiên thời gian trong tam ác đạo sẽ dài. Nếu thiện niệm nhiều, thời gian trong tam thiện đạo sẽ dài. Từ sáng đến tối, từ mồng Một đến Ba Mươi, từ tháng Giêng đến tháng Chạp, quý vị hãy nghĩ xem, so sánh giữa thiện niệm và ác niệm,  sẽ tin tưởng lời Phật chẳng sai, quả thật là thời gian ở trong tam ác đạo dài lâu!

Không thoát khỏi luân hồi thì địa ngục và ngạ quỷ là quê nhà của chúng ta. Nay chúng ta sanh trong nhân gian, hay lên cõi trời đi dạo một phen, đó là đi du lịch, sau một vài ngày lại phải trở về! Điều này quả thật đáng sợ. Do vậy, phải giác ngộ, giác ngộ là giác ngộ điều này! Nay chúng ta rất may mắn sanh trong nhân gian, được làm thân người, tức là đi vãn cảnh, thời gian rất ngắn ngủi, tạm bợ, đi vãn cảnh nhằm hiểu rõ tình hình bên ngoài rồi phải ngay lập tức bỏ đi, đừng nên trở lại! Quay trở lại là ngu si! Do vậy, có cơ duyên này, phải nghĩ cách thoát ly biển khổ, thoát ly luân hồi.

Nói tới thoát ly luân hồi, nói thực ra, Phật pháp quả thật có thể giúp đỡ, nhưng khiến cho thoát ly luân hồi ngay trong đời này, trừ pháp môn này ra, bất luận pháp môn nào khác cũng đều làm không được, quý vị phải thật sự giác ngộ điều ấy. Nếu quý vị nghĩ còn có pháp môn nào khác làm được, vậy là quý vị dấy vọng tưởng, nhất định sẽ bỏ lỡ một đời này. Pháp môn này là “tín nguyện trì danh, cầu sanh Tịnh Độ”, chỉ có một cách này. Đó là nói phàm phu sanh tử vô lượng, phải thật sự giác ngộ.

 

(Sao) Sơ Quả thất phản sanh tử, Nhị Quả nhất sanh Dục Giới, Tam Quả bất lai Dục Giới, do sanh Sắc Giới.

()初果七返生死,二果一生欲界,三果不來欲界,猶生色界。

(Sao: Sơ Quả bảy lần sanh tử, Nhị Quả một lần sanh trong Dục Giới, Tam Quả chẳng sanh vào Dục Giới, nhưng vẫn sanh trong Sắc Giới).

Nói tới tu hành thì nói thật ra, các đồng tu chúng ta đang hiện diện thật giống như đã được đức Phật thọ ký, chúng ta đều đã nhiều đời nhiều kiếp thân cận vô lượng chư Phật, vì sao? Nếu quý vị không nhiều đời nhiều kiếp thân cận vô lượng chư Phật, sẽ chẳng gặp được nhân duyên này trong đời này, sẽ chẳng được nghe kinh này. Nhân duyên ấy thù thắng, từ vô lượng kiếp đến nay, quý vị đời đời kiếp kiếp đều học Phật, đều niệm Phật, nhưng chưa thể vãng sanh thành công. Nếu vãng sanh thành công, quý vị sẽ chẳng đến đây. Nay quý vị lại đến cõi này, có thể thấy quý vị chưa thể vãng sanh. Vì sao chưa thể vãng sanh? Một phẩm Kiến Tư phiền não vẫn chưa đoạn; tuy niệm Phật, công phu chẳng đắc lực, phải giác ngộ điều này. Vì thế, tu hành chẳng phải là nói mỗi ngày ta niệm kinh, mỗi ngày ta niệm bao nhiêu câu Phật hiệu, vô dụng! Truy đảnh niệm Phật cũng vô dụng. Phải sửa đổi tập khí, sửa khuyết điểm, sửa đổi tâm lý thì mới hữu dụng!

Chúng ta niệm Phật nhằm mục đích nào? Niệm cho cái tâm của chính mình thanh tịnh, niệm Phật nhằm mục đích ấy. Công phu bước đầu chúng ta phải đạt là “công phu thành phiến”. Nói “thành phiến” nghĩa là chúng ta không có vọng niệm; hễ ý niệm vừa dấy lên bèn “A Di Đà Phật” để chế ngự, công phu chế phục phiền não ấy gọi là công phu thành phiến. Thành tựu công phu ấy sẽ đới nghiệp vãng sanh, sanh vào Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Nay chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối vẫn có nhiều ý niệm dường ấy, trọn chẳng giảm ít; nói cách khác, niệm Phật là niệm suông, chẳng đắc lực, chẳng thể liễu sanh tử, chẳng thể vãng sanh, mọi người phải nhớ kỹ! Nếu muốn thật sự nắm chắc vãng sanh, quý vị phải niệm sao cho có thể thật sự chế ngự vọng niệm, chẳng có vọng niệm. Nếu đoạn được vọng niệm, sẽ đắc nhất tâm bất loạn, đó là Sự nhất tâm bất loạn, sanh về cõi Phương Tiện Hữu Dư của Tây Phương Cực Lạc thế giới, địa vị ấy cao lắm. Nếu công phu tốt đẹp hơn, niệm đến khi trí huệ khai. Thông thường, nói đến “khai ngộ” chính là phá một phẩm vô minh, chứng một phần chân tâm, chân tâm xuất hiện. Sự nhất tâm là Định, Lý nhất tâm là Huệ, từ trong Định khai trí huệ, người vãng sanh ấy sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm; vì thế, chúng ta niệm Phật nhằm mục đích ấy.

Chẳng phải là nói ta mỗi ngày niệm mười vạn tiếng, niệm hai chục vạn tiếng cũng vô dụng! Chẳng do điều đó, chẳng do niệm nhiều hay ít! Nếu câu Phật hiệu nào cũng đều có sức mạnh, có thể chế ngự phiền não, có thể hoán đổi ý niệm của quý vị thì tất cả ý niệm sẽ đổi thành A Di Đà Phật. Quý vị thật sự làm được điều này, thiên hạ thái bình, chẳng có chuyện gì! Ý niệm vừa mới dấy lên, A Di Đà Phật, niệm niệm đều là A Di Đà Phật, lẽ nào thiên hạ chẳng thái bình hay sao? Đó là biết niệm Phật, niệm Phật là niệm theo cách ấy. Niệm cách ấy mới đắc lực, mong mọi người hãy lưu ý. Nếu lại lầm lẫn, chúng ta lại bỏ lỡ đời này, rất đáng tiếc! Chẳng dễ gì được làm thân người, gặp gỡ chánh pháp càng khó hơn nữa, pháp môn này khó gặp, chẳng dễ gì gặp được! Nhất là trong đạo tràng này, có thời gian để thảo luận cặn kẽ, thật sự khó có. Chúng tôi ra ngoại quốc, thời gian đều rất ngắn ngủi, một tuần hay mười ngày, quý vị nghĩ xem giảng được bao nhiêu? Giảng chẳng được bao nhiêu! Đó là vì người nơi ấy phước đức và nhân duyên chẳng đủ. Hiện nay, trên cả thế giới, Phật giáo tại Đài Loan là bậc nhất, mọi người công nhận, các vị lão pháp sư đều công nhận. Khi tôi gặp pháp sư Diễn Bồi ở Tân Gia Ba, pháp sư Diễn Bồi thừa nhận Đài Loan là bậc nhất, chẳng cần phải bàn cãi gì nữa! Mong mỏi các đồng học chúng ta hãy sốt sắng, nỗ lực, khiến cho câu Phật hiệu nào cũng đều có thể đắc lực. Như vậy thì chúng ta sẽ thành tựu trong đời này, sẽ chẳng phải trở lại [thế gian này] lần nữa!

“Sơ Quả thất phản sanh tử” là nói về Sơ Quả Tu Đà Hoàn, Ngài đã đoạn tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong tam giới. Kiến Hoặc là kiến giải sai lầm. Ngài không có kiến giải sai lầm, Thân Kiến, Biên Kiến, Kiến Thủ Kiến, Giới Thủ Kiến, Tà Kiến, thảy đều đoạn sạch, đấy là mới chứng đắc Sơ Quả. Sau khi chứng đắc Sơ Quả, đã được đảm bảo, vì sao? Ngài chẳng còn thoái chuyển, Vị Bất Thoái, tuyệt đối chẳng đọa xuống phàm phu. Tuy chưa thoát khỏi tam giới, nhưng Ngài tu trong tam giới, thời gian là nhất định, bảy lần sanh tử bèn chứng A La Hán, bèn vượt thoát. Muốn tu đến địa vị Phật, kinh nói là ba A-tăng-kỳ kiếp. Ba A-tăng-kỳ kiếp tính từ Tiểu Thừa Sơ Quả, chẳng tính từ lúc chúng ta nghe pháp, học Phật, nếu tính từ chỗ ấy, mỗi cá nhân đều đã thành Phật từ lâu rồi. Đời quá khứ của chúng ta không chỉ là ba đại A-tăng-kỳ kiếp, có thể nói là chúng ta đã trải qua vô lượng A-tăng-kỳ kiếp, nhưng tới ngày nay chúng ta vẫn y hệt như vậy. Ba A-tăng-kỳ kiếp tính từ Sơ Quả; nói cách khác, chúng ta đời đời kiếp kiếp học Phật đều chưa đạt đến địa vị Sơ Quả, tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc chưa hề đoạn.

“Nhị Quả nhất sanh Dục Giới”: Nhị Quả tiến hơn một bước, đoạn được sáu phẩm đầu trong tám mươi mốt phẩm Tư Hoặc, hãy còn lại ba phẩm, ba phẩm ấy thuộc về Dục Giới, [nên phải] sanh trong Dục Giới một lần nữa. Sanh trở lại một lần, đoạn sạch ba phẩm này, hễ đoạn sạch sẽ chứng Tam Quả, chẳng trở lại. “Tam Quả bất lai Dục Giới, do sanh Sắc Giới” (Tam Quả chẳng trở lại Dục Giới, nhưng vẫn sanh trong Sắc Giới), Ngài ở trong Tứ Thiền Thiên. Tứ Thiền Thiên rất đặc biệt, nó là Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Trong Tứ Thiền Thiên có một chỗ gọi là Ngũ Bất Hoàn Thiên, Bất Hoàn là không trở lại Dục Giới, ở nơi ấy, tiếp tục nỗ lực tu hành khiến cho bảy mươi hai phẩm Tư Hoặc thảy đều đoạn sạch, Ngài bèn vượt thoát tam giới.

 

(Sao) Kim sanh duyên dĩ tận, bất thọ hậu hữu, cố viết Vô Sanh.

() 今生緣已盡,不受後有,故曰無生。

(Sao: Đời này duyên đã hết, chẳng còn thọ thân sau, nên nói là Vô  Sanh).

Duyên thọ sanh trong tam giới chẳng còn, không trở lại tam giới nữa. Nếu trở lại, sẽ là thừa nguyện tái lai, chẳng do duyên, mà do nguyện, thừa nguyện tái lai (nương theo nguyện trở lại). Còn như chúng ta hiện thời là duyên, không đến cũng chẳng được, chẳng có cách nào khác, chẳng có cách gì! Người ta là do nguyện, thích đến bèn đến, không đến cũng được, đó là thừa nguyện tái lai.

Tu hành khó thay! Bảy lần sanh tử trong cõi trời hay nhân gian, thời gian thảy đều tính bằng những con số thiên văn! Tuổi thọ con người ngắn ngủi, chứ tuổi thọ cõi trời lâu dài, nhất là trong Tứ Thiền Thiên, thời gian đều dùng đại kiếp để tính toán. Sau một thời gian dài như thế mới có thể vượt thoát luân hồi, nên quý vị mới hiểu pháp môn Tịnh Độ chẳng thể nghĩ bàn! Pháp môn này có thể thành tựu trong một đời, lại còn thành tựu cao hơn A La Hán rất nhiều! A La Hán phải tốn sức to lớn ngần ấy mới có thể thoát khỏi tam giới. Sau khi thoát tam giới, đến nơi đâu vẫn chẳng biết, vẫn là bất định. Chúng ta không cần tốn sức lực to dường ấy, hễ thoát tam giới bèn sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, tới đó thành Phật, sang đó làm Bồ Tát, làm Phật.

Tây Phương Cực Lạc thế giới chỉ có Nhất Thừa, tuy trong kinh nói [thế giới Cực Lạc] có người, có trời, có Thanh Văn, có Bồ Tát, đó là nói tùy thuận phàm phu chúng ta. Thật ra, Tây Phương Cực Lạc thế giới “duy hữu Nhất Thừa pháp, vô nhị diệc vô tam” (chỉ có pháp Nhất Thừa, không hai, cũng không ba). Tây Phương Cực Lạc thế giới thuần là pháp Bồ Tát; trừ phi quý vị chẳng sanh về nơi ấy, chứ hạ hạ phẩm vãng sanh bên đó cũng là Bồ Tát. Hễ sanh tới đó bèn là Bồ Tát, trong một đời, quyết định thành Phật. Vì vậy, thế giới ấy chẳng thể nghĩ bàn. Chúng ta may mắn gặp gỡ pháp môn này, nếu bỏ lỡ quả thật quá đáng tiếc! Ở đây nói “kim sanh duyên dĩ tận, bất thọ hậu hữu”, [nghĩa là] sau này chẳng còn đầu thai, thọ sanh ở nơi đây nữa, “cố viết Vô Sanh”. “Vô Sanh” là nói tới duyên sanh trong tam giới lục đạo [chẳng còn], Ngài bất sanh, tức là chẳng thọ sanh ở nơi đây!

 

(Sao) Thỉ yên nguyện xuất sanh tử, linh ma khởi bố, kim chứng Vô Sanh, vân Bố Ma quả dã.  

()始焉願出生死,令魔起怖,今證無生,云怖魔果也。

(Sao: Thoạt đầu, nguyện xuất sanh tử khiến cho ma hoảng sợ, nay chứng Vô Sanh nên nói [Vô Sanh] là quả của Bố Ma vậy).

 Vừa mới xuất gia, phát tâm xuất gia, Ma Vương kinh sợ, hoảng hốt, ma tử, ma tôn lại có một kẻ bỏ đi, chạy mất, tâm hắn chẳng an, nay đúng là bị mất người nữa rồi! Chư vị phải biết: Ngày nay chúng ta phát tâm xuất gia, xuất gia như thế nào? Mỗi ngày vẫn dấy vọng tưởng, ma chẳng kinh sợ, ma trông thấy bèn cười khì: “Ngươi xuất gia trên hình thức, chẳng chạy thoát khỏi ma chưởng, vẫn ở trong ma chưởng”, cho nên hắn chẳng sợ hãi! Nếu quý vị thật sự phát tâm xuất ly sanh tử, ma sẽ thật sự kinh hoảng. Thật sự xuất gia tu đạo, chúng ta phải hiểu rõ thấu triệt đạo lý trong kinh này, hiểu rõ là gì? Thấy thấu suốt. Phải làm được những phương pháp do đức Phật đã dạy, làm được là buông xuống, chúng ta phải nỗ lực thực hiện. Giống như cương lãnh trong kinh này, phải thật sự tin tưởng, phải thật sự phát nguyện, phải thật sự trì danh. Thật sự tin tưởng là gì? Tin bản thân chúng ta trong một đời này quyết định vãng sanh, quý vị tin tưởng chuyện này. Tin tưởng chính mình trong một đời này có thể Thượng Phẩm Thượng Sanh, hoa nở thấy Phật, quý vị phải có lòng tin này thì mới được. Phát nguyện như thế nào? Ta quyết định lìa bỏ thế giới Sa Bà, quyết định cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, phải có nguyện như vậy mới được.

Nếu quý vị muốn lìa bỏ thế giới này, sẽ chẳng còn sốt sắng, so đo với thế giới này nữa. Nếu đối với hết thảy quan hệ giữa con người với nhau trong thế giới này, vẫn là thứ gì cũng phân biệt, chấp trước, quý vị sẽ không thể vãng sanh! Vì sao? Tâm quý vị không thanh tịnh. Phân biệt, chấp trước là tập khí, là tập khí từ vô lượng kiếp tới nay, sao có thể đoạn được? Do vậy, tập khí vừa dấy lên bèn “A Di Đà Phật”, giằn nó xuống, niệm Phật khẩn yếu là phải niệm ngay trong lúc ấy. Vọng niệm vừa dấy lên, A Di Đà Phật, từ đầu đến cuối gìn giữ cái tâm thanh tịnh, bình đẳng, gìn giữ cái tâm ấy. Đối với người khác đại từ, đại bi, đó gọi là công phu! Tín, nguyện, hạnh là công phu. Công phu chẳng phải là nói mỗi ngày ta niệm bao nhiêu câu Phật hiệu, chẳng phải vậy! Công phu ở chỗ Phật hiệu quả thật có thể giúp quý vị từ sáng đến tối trong mười hai thời, tâm thanh tịnh, bình đẳng, đó là công phu. Niệm Phật dẫu niệm cho nhiều mà khởi tâm động niệm vẫn là tham, sân, si, mạn, nói cách khác, tiền đồ của quý vị vẫn là trong lục đạo luân hồi, vẫn ở trong tam ác đạo! Niệm Phật như vậy vẫn chẳng thể liễu sanh tử, chẳng thể vãng sanh. Do vậy, người thật sự mong vãng sanh phải nhớ điều này.

Kinh dạy chúng ta một phương pháp cần phải làm, làm từ đâu? Phải làm từ ba thứ tịnh nghiệp, hãy đọc Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh. Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh dạy về phương pháp, giảng về nhân quả của ba bậc chín phẩm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Quý vị hiểu rõ, ta tu cái nhân thượng phẩm, đương nhiên được quả thượng phẩm. Ta tu cái nhân trung phẩm, vãng sanh sẽ được quả trung phẩm. Vì thế, phải xem tham chiếu ba kinh. Thật sự mong cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, nói thật ra, ngoài ba kinh Tịnh Độ ra, tối đa là ngũ kinh, những kinh khác chớ nên đọc. Vì sao? Những kinh ấy chẳng giúp quý vị vãng sanh Tịnh Độ. Nếu nói ta đoan quyết sẽ thật sự vãng sanh Tịnh Độ, dẫu có niệm kinh khác cũng được; nhưng ta nay chưa đảm bảo vãng sanh Tịnh Độ, những kinh khác đều phải buông xuống hết. Quý vị phải biết trong hết thảy các kinh, kinh nào có công đức lớn nhất? Kinh A Di Đà! Không có kinh nào có công đức lớn hơn kinh Di Đà được, nhưng mọi người đâu có biết! Kinh Hoa Nghiêm còn thua kinh Di Đà, kinh Địa Tạng, kinh Dược Sư lại càng không cần nói nữa, càng kém hơn! Quyển kinh bậc nhất bày ra trước mặt mà chúng ta chẳng biết giá trị, lại cho rằng kinh bậc hai, bậc ba, bậc bốn có công đức rất lớn. Chẳng biết kinh Di Đà công đức to lớn, chẳng hề biết! Mười phương chư Phật tán thán [pháp môn này] là Phật pháp thành tựu ngay trong một đời!

Mong các đồng tu phải ghi nhớ, phải nhận biết rõ ràng, phải nỗ lực, các phương pháp đều nằm trong Quán Kinh. Vừa mở đầu, bèn dạy chúng ta tạo cơ sở bằng cách tu ba thứ phước, loại đầu tiên là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện Nghiệp”, phải thật sự thực hiện, chứ đọc suông vô ích! Loại thứ hai là “thọ trì Tam Quy”, Tam Quy là giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh chứ chẳng nhiễm, phải thật sự làm được, “đầy đủ các giới”, [nói tới] “các giới”, chúng ta là tại gia, nói thật ra thì trong hiện thời, xuất gia cũng như vậy, giữ tròn năm giới là được rồi, vì năm giới cũng là Cụ Túc Giới, “chẳng phạm oai nghi”, oai nghi là lễ tiết, chúng ta giữ lễ. Phước thứ ba, “phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”, tổng cộng ba thứ Tịnh nghiệp gồm mười một câu. Mười một câu ấy thảy đều thực hiện được. Nếu chẳng thể làm trọn hết, trong tương lai quý vị vãng sanh sẽ bị chướng ngại.

Nếu quý vị điều nào cũng đều làm được, tôi dám nói quý vị nhất định biết trước lúc mất, lúc ra đi chẳng bị đau khổ, vì sao? Quý vị có phước. Ba thứ phước ấy là đại phước báo! Phước báo tu thành, sanh tử tự tại, muốn đi lúc nào bèn đi ngay trong lúc ấy, ở thêm mấy năm nữa để làm gì? Khuyên lơn, khích lệ hành giả, vì lý do này. Chẳng vì lý do này, sẽ chẳng cần ở lại thế gian này một ngày nào nữa! Ở lại là vì muốn khuyên mọi người, khuyên thêm mấy người, dẫn thêm mấy người cùng đi. Quý vị có bệnh khổ là thiếu phước! Mọi người hãy suy nghĩ, người vãng sanh nằm bệnh, khổ sở như vậy, quý vị chỉ nghĩ đến mười một câu này, sẽ hiểu rõ: Mười một câu ấy, người đó làm được câu nào? Một câu người ấy cũng chưa làm được, lẽ đâu chẳng bị bệnh? Lẽ nào chẳng bị khổ? Đương nhiên! Thiếu phước mà!

Vì thế, đức Phật bảo: Khi vãng sanh, đầu tiên dạy chúng ta tu phước, mọi người sẽ ra đi tự tại. Người thật sự tu Tịnh Độ, đối với nỗi khổ sanh, lão, bệnh, tử, trừ sanh ra, chúng ta đã được sanh ra rồi, đã quên hết, chẳng khổ vì già, chẳng khổ vì bệnh, chẳng khổ vì chết, vì sao? Phước báo quá lớn. Làm được mười một câu ấy, khi già, người ấy chẳng khổ, chẳng bị bệnh, lúc chết biết trước lúc mất, sanh tử tự tại, muốn đi như thế nào bèn ra đi như thế đó, chẳng bị khổ. Nếu quý vị chẳng nghiêm túc thực hiện, nói cách khác, do tội nghiệp sâu nặng từ vô thỉ kiếp tới nay, làm sao chẳng khổ? Đương nhiên phải khổ. À! Hôm nay chúng tôi giảng tới chỗ này!

 

— o0o —

Tập 110

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm hai mươi ba.

 

(Sao) Văn danh đổ hình giả, thị thân sơ nhất đối, tri giả nhĩ văn tắc tư mộ nguyện kiến, thức giả mục kích tắc phụng sự bất vi dã.

()聞名睹形者,是親疏一對,知者耳聞則思慕願見,識者目擊則奉事不違也。

(Sao: “Nghe tiếng, thấy hình” là cặp ý nghĩa thân – sơ. Tri là tai nghe bèn nghĩ nhớ, hâm mộ, mong được thấy. Thức là gặp gỡ bèn phụng sự chẳng trái nghịch).

Câu này nhằm giải thích lời Sớ: “Văn danh khâm đức, viết Tri. Đổ hình kính phụng, viết Thức” (Nghe tiếng kính trọng, ngưỡng mộ đức là Tri, thấy mặt kính trọng, phụng sự là Thức), mang ý nghĩa nói rõ các vị Thường Tùy đệ tử của đức Thế Tôn, nói theo cách bây giờ, đều hết sức nổi tiếng, thuở ấy, trong ngoài nước đều biết tới những nhân vật ấy. Mỗi người trong số các Ngài đều có sở trường đặc thù, về sau, trong kinh điển, các vị kết tập luôn dùng họ đại diện Phật pháp. “Văn danh” là nghe nói tới người ấy, “đổ hình” là đã từng thấy người ấy. Nghe tiếng là sơ, gặp mặt đương nhiên là thân thiết, [nên lời Sao mới nói] “thân sơ nhất đối” (một cặp ý nghĩa thân và sơ). Lại nói tới Tri Thức, Tri có nghĩa là nghe tiếng, “nhĩ văn tắc tư mộ nguyện kiến” (tai nghe bèn nghĩ nhớ, hâm mộ, mong được thấy), “nguyện kiến” không nhất định đã được gặp, còn Thức là đã từng gặp gỡ. Đây là giải thích chữ Tri Thức đơn giản.

 

(Sao) Kiến hình, kiến tâm giả, thị thiển thâm nhất đối. Tri giả, tắc diện đối quang nghi. Thức giả, tắc thần giao ý địa dã.

()見形見心者,是淺深一對。知者則面對光儀,識者則神交意地也。

(Sao: “Thấy mặt, thấy tâm” là một cặp ý nghĩa sâu và cạn. Tri là chỉ đối diện với hình dung. Thức là thấu hiểu tâm ý).

Ở đây có một cặp ý nghĩa sâu và cạn, tức là chúng ta đã từng gặp mặt một người, gặp mặt là quen biết, nhưng chẳng thâm giao, chẳng thường qua lại. Nếu có mối thâm giao, thường qua lại, sự quen biết ấy sâu đậm hơn. Do vậy, trong sự quen biết cũng có sâu hay cạn sai khác, câu này có ý nghĩa như vậy. Dưới đây, đại sư trích dẫn một câu chuyện từ trong kinh Phật.

 

(Sao) Như nhị tăng cận Phật, kỳ nhất đạo vong, Phật dĩ vong giả vi tiên kiến ngã, tức kiến tâm chi vị dã.

()如二僧覲佛,其一道亡,佛以亡者為先見我,即見心之謂也。

(Sao: Như có hai vị tăng muốn đến thân cận Phật, một vị vì đạo mà chết, đức Phật nói “vị Tăng đã mất thấy ta trước”, ý nói thấy tâm vậy).

Trong câu chuyện này, có hai người xuất gia muốn đến gặp Phật, nhưng khoảng cách khá xa xôi, thuở ấy, chẳng có phương tiện giao thông thuận lợi, toàn là đi bộ. Đi qua đồng hoang chẳng tìm được nước, thuở ấy nguồn nước thiếu thốn, khá vất vả mới tìm được nước, nhưng trong nước ấy có trùng, uống nước ấy đương nhiên là sát sanh. Trong đó có một vị xuất gia trì giới rất nghiêm, chẳng dám uống, nên chết khát, đương nhiên chẳng thấy Phật. Người kia khát nước, chẳng có cách nào khác, đành uống nước, sau đấy, đến gặp Phật. Đức Phật hỏi vị đó: “Ông từ đâu đến?” Vị ấy thưa: “Hai người chúng con kết bạn đến gặp Phật, giữa đường, một người chẳng dám uống nước có trùng nên chết khát”. Đức Phật bảo vị ấy: “Người chết khát đó đã sớm gặp ta, ông đến quá trễ rồi!” Nói rõ người kia thấy Phật là thấy bằng tâm, còn vị này thấy Phật là thấy hình dáng, tức là thấy bằng thân, chẳng phải là thấy bằng tâm. Do vậy, trong đây có sâu hay cạn sai khác. “Phật dĩ vong giả vi tiên kiến ngã, tức kiến tâm chi vị dã” (đức Phật nói vị Tăng đã mất thấy ta trước, ý nói thấy tâm vậy).

 

(Sao) Tri tức thức giả.

() 知即識者。

(Sao: Tri chính là Thức).

Tri và Thức có thể gộp lại để dùng.

 

(Sao) Do ngôn tương tri tương thức dã.

() 猶言相知相識也。

(Sao: Giống như nói “tương tri tương thức” vậy).

Tận cho đến chỗ này, đều nhằm giải thích chữ Tri Thức.

 

(Sao) Đức cao vọng trọng, danh mãn thiên hạ, nhân nhân tri chi, nhân nhân thức chi, cố viết “chúng sở tri thức” dã. Nhất thuyết cử chúng chi trung, thử vi đa tri đa thức, nhân thiên nhãn mục, vân chúng đạo dã.

()德高望重,名滿天下,人人知之,人人識之,故曰眾所知識也。一說舉眾之中,此為多知多識,人天眼目,云眾導也。

(Sao: Đức cao vọng trọng, tiếng tăm lừng lẫy thiên hạ, ai nấy đều biết, ai nấy đều hay, nên nói là “chúng sở tri thức”. Một thuyết khác là giữa đại chúng, những vị ấy được nhiều người hay biết, là mắt của trời người, nên gọi họ là bậc hướng dẫn đại chúng vậy).

Đây lại là một cách nói khác, cho nên trong phần giải thích chữ Tri Thức có tất cả ba tầng ý nghĩa, tầng này sâu nhất. Đây là nói trong đại chúng, chữ “đại chúng” chỉ đại chúng thường tùy (đại chúng thường theo hầu) đức Phật, trong một ngàn hai trăm năm mươi lăm vị ấy, [những vị trưởng lão sẽ được nêu tên trong chánh kinh như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên v.v…] là các vị nhân tài phi thường kiệt xuất, cho nên chẳng ai không biết, không ai chẳng nhận ra, cho nên gọi họ là “chúng sở tri thức”. Vì thế, họ là “nhân thiên nhãn mục”, có thể thay mặt đức Phật lãnh đạo đại chúng. Đấy là những học trò kiệt xuất trong các học trò của đức Phật, có thể thay đức Phật thuyết pháp.

 

(Sao) Kim nhân xưng thiện tri thức, diệc cụ nhị nghĩa.

() 今人稱善知識,亦具二義。

(Sao: Nay người được gọi là thiện tri thức, cũng có hai ý nghĩa).

 Đây là mở rộng ý nghĩa, chúng ta thường gọi người nào đó là thiện tri thức thì “thiện tri thức” có hai ý nghĩa:

 

(Sao) Nhất giả, đối ác nhi ngôn,  dĩ ngã sở tri thức,  hữu thiện, hữu ác, kim thị thiện chi tri thức cố.

()一者對惡而言,以我所知識,有善有惡,今是善之知識故。

(Sao: Một là đối với kẻ ác mà nói, do bậc tri thức của ta có kẻ thiện, người ác, nay vị này là thiện tri thức).

Đây là [nói theo] nghĩa cạn, phàm những ai chẳng làm ác đều có thể gọi là thiện tri thức. Đồng tu chúng ta gặp mặt nhau đều có thể gọi là thiện tri thức. Ý nghĩa thứ hai sâu hơn:

 

(Sao) Nhị giả, thử nhân hữu liễu nhiên chi tri, trác nhiên chi thức, nhân sở bất cập, thị tri thức chi thiện cố.

()二者此人有了然之知,卓然之識,人所不及,是知識之善故。

(Sao: Hai là người hiểu biết thông suốt, kiến thức lỗi lạc, người khác chẳng sánh bằng, nên là bậc thiện tri thức).

Ý nghĩa này sâu xa, tức là đối với những người hữu tu, hữu học, hữu chứng, bèn gọi họ là thiện tri thức, giống như một ngàn hai trăm năm mươi người ở đây, họ thật sự là thiện tri thức hữu tu, hữu chứng.

 

(Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh vô lậu, thị La Hán nghĩa. Tự tánh vô mê, thị tri thức nghĩa.

() 稱理,則自性無漏,是羅漢義。自性無迷,是知識義。

(Sớ: Xứng Lý, La Hán nghĩa là tự tánh vô lậu; tri thức nghĩa là tự tánh chẳng mê).

Đây là nói theo phương diện tâm tánh, đàm luận xứng tánh. Lậu là gì? Lậu (漏) là tỷ dụ, như cái chén trà của chúng ta nếu bị rò rỉ sẽ mất tác dụng, chúng ta đựng nước trà trong ấy, sẽ bị chảy mất. Đức Phật dùng chuyện này làm tỷ dụ nhằm sánh ví Pháp Tánh của chúng ta. Nếu trong Pháp Tánh của chúng ta có Lậu; nếu có Lậu, trí huệ công đức Bát Nhã trong Pháp Tánh sẽ bị rò rỉ, tỷ dụ ý nghĩa này. Chúng ta thấy một đồ đựng mà bị rò rỉ, rất rõ ràng là nó đã bị hư hỏng rồi! Pháp Tánh bị hư hỏng ở chỗ nào? Nói thật ra, Pháp Tánh trọn chẳng hư hỏng. Nếu trong Pháp Tánh, dấy lên phiền não, chấp trước, công đức trong Pháp Tánh chẳng thể thấu lộ được. Do vậy, Lậu là tên gọi khác của phiền não, chấp trước. Vô Lậu là không có phiền não, không có chấp trước. A La Hán đoạn Kiến Tư phiền não, phá Ngã Chấp. Không có chấp trước, không có phiền não, bèn gọi là A La Hán, đấy là Tiểu Thừa. Nếu nói theo Đại Thừa, Kiến Tư và Trần Sa phiền não đều không có, Ngã Chấp lẫn Pháp Chấp đều đoạn sạch, đó là Đại Thừa A La Hán. Thông thường, chúng ta gọi Đại Thừa A La Hán là Thập Địa Bồ Tát (Pháp Vân Địa Bồ Tát), gọi là Đại A La Hán.

“Tự tánh vô mê, thị tri thức nghĩa” (tự tánh chẳng mê là ý nghĩa của chữ Tri Thức). Nói thông thường, Mê có hai thứ: Một loại là Căn Bản Vô Minh, loại kia là Chi Mạt Vô Minh. Phải đạt đến Đẳng Giác Bồ Tát mới có thể phá Căn Bản Vô Minh, Chi Mạt Vô Minh thì A La Hán đã phá được. Chúng ta thường thấy kinh Phật nói Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên. Trong Thập Nhị Nhân Duyên, điều đầu tiên là vô minh, “vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập”. Thứ nhất là vô minh, vô minh ấy là Chi Mạt Vô Minh, phá vô minh sẽ chứng A La Hán, Bích Chi Phật quả. Do vậy, cái được đoạn bởi A La Hán và Bích Chi Phật là Chi Mạt Vô Minh, chẳng phải là Căn Bản Vô Minh, chúng ta phải nhận biết rõ ràng. Phá Căn Bản Vô Minh sẽ thành Phật; bởi lẽ, Đẳng Giác Bồ Tát còn có một phần Sanh Tướng Vô Minh. “Tự tánh vô mê” là phá vô minh. Dưới đây là lời giải thích tỉ mỉ:

 

(Sao) Tâm nguyên bổn tịch, tắc chư  Lậu  toàn  Không; tâm  thể bổn minh, tắc quần mê an tại?

()心源本寂,則諸漏全空;心體本明,則群迷安在。

(Sao: Nguồn tâm vốn vắng lặng nên toàn bộ các Lậu đều là Không, tâm thể vốn sáng suốt, các thứ mê còn ở chỗ nào?)

“Tâm nguyên” là chân tâm của chúng ta. “Tâm” là chân tâm, vì sao gọi là Nguyên? Nguyên (源) là cội nguồn, khởi nguyên. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều là vật được biến hiện bởi chân tâm của chúng ta. Do vậy, tâm là căn nguyên của muôn pháp, nên gọi là “tâm nguyên”. “Bổn tịch”: Vốn là tướng tịch diệt, thanh tịnh, tịch diệt, giống như trong kinh đã nói: “Chư pháp tùng bổn lai, thường tự tịch diệt tướng” (các pháp vốn là tướng thường tịch diệt), đấy là chân tướng của hết thảy các pháp, như trong kinh Bát Nhã đã nói: “Thật Tướng của các pháp”, chân tướng của hết thảy các pháp quả thật là thanh tịnh, tịch diệt. Trong hiện tại, hết thảy các pháp có thanh tịnh, tịch diệt hay không? Vẫn thanh tịnh, tịch diệt, đó là thật, quyết định chẳng giả, nhưng chúng ta chẳng thấy cảnh giới này!

Kinh Nhân Vương chia sự tu hành của Bồ Tát làm năm giai đoạn, giai đoạn cao nhất gọi là Tịch Diệt Nhẫn. Tịch Diệt Nhẫn là gì? Chính là chứng đắc tướng tịch diệt của các pháp, Ngài thấy được. Ngài thấy hết thảy các pháp quả thật bất sanh, bất diệt, chẳng đến, chẳng đi, bất cấu, bất tịnh, Ngài thấy được! Kiến giải chẳng khác gì chư Phật. Tịch Diệt có ba phẩm:

– Hạ phẩm Tịch Diệt Nhẫn vừa mới chứng đắc cảnh giới tịch diệt, “sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt hiện tiền” (sanh diệt đã diệt rồi, tịch diện hiện tiền), đạt đến cảnh giới này là Pháp Vân Địa Bồ Tát (Dharmamegā Bhūmi Boddhisattva).

– Trung phẩm Tịch Diệt Nhẫn là Đẳng Giác Bồ Tát (Samyak Samboddhi Boddhisattva).

– Thượng phẩm là Như Lai, đấy là cảnh giới tối cao trong tu hành.

Thấp hơn cảnh giới này một tầng là Vô Sanh Pháp Nhẫn, trong bài kệ hồi hướng, chúng ta thường đọc: “Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh”. Vô Sanh Pháp Nhẫn kém hơn Tịch Diệt Nhẫn một cấp, đó cũng là chứng đắc của các vị đại Bồ Tát. Minh tâm kiến tánh mới có thể thấy Vô Sanh Pháp Nhẫn, thấy hết thảy các pháp bất sanh, bất diệt, nhưng vẫn chưa đạt đến tịch diệt.

Vì sao chúng ta chẳng thấy cảnh giới ấy? Đức Phật đã giảng rất rõ ràng, vì phàm phu có vọng tưởng, chấp trước, nên chẳng thể chứng đắc. Tướng tịch diệt của các pháp ở ngay trước mắt, chắc chắn đức Phật chẳng nói “phải rời khỏi hết thảy tướng của các vật ở ngay trước mắt để chứng đắc cảnh giới đặc thù”, không có! Muôn hình tượng ở ngay trước mặt chúng ta, vì sao chúng ta thấy hết thảy các tướng đang động? Vì tâm chúng ta đang động. Lúc nào, tâm quý vị chẳng động, sẽ thấy tướng cảnh giới bên ngoài cũng chẳng động, tức là quý vị có thể thấy chân tướng. Chính vì tâm chúng ta đang động, niệm niệm đều sanh diệt, chúng ta dùng cái tâm sanh diệt, niệm này sanh, niệm kia diệt. Trong kinh, đức Phật nói: “Trong một cái khảy ngón tay có sáu mươi sát-na, trong một sát-na có chín trăm lần sanh diệt”. Nay chúng ta sử dụng cái tâm sanh diệt; dùng cái tâm sanh diệt để nhìn tướng cảnh giới bên ngoài, hết thảy muôn tướng đều là tướng sanh diệt. Nói thật ra, chẳng phải là cảnh giới có sanh diệt, mà do tâm chúng ta có sanh diệt, cho nên thấy cảnh giới bên ngoài sanh diệt. Vì chúng ta có chấp trước, cho nên trong hết thảy cảnh giới có sai biệt, chẳng bình đẳng. Hết thảy sai sót đều do tâm chúng ta sanh ra.

Rốt cuộc Phật, Bồ Tát và chúng ta khác nhau ở chỗ nào? Dụng tâm khác nhau! Phật, Bồ Tát dùng tâm thanh tịnh, dùng tâm bình đẳng, cho nên thấy hết thảy các pháp đều là thanh tịnh, bình đẳng; nay chúng ta thấy hết thảy các pháp bằng tâm phân biệt, tâm chấp trước, tâm vọng tưởng, tâm cao thấp, cho nên sanh phiền phức trong hết thảy các pháp. Nói thật ra, trong hết thảy các pháp không có những phiền toái ấy, mà thảy đều là những thứ trong tâm của chính mình có, trong cuộc sống của chính mình cứ ngỡ là có, sai lầm ở chỗ này! Do vậy, khởi Hoặc tạo nghiệp chịu báo, tạo tác sanh tử luân hồi, căn nguyên ở chỗ này, chúng ta nhất định phải hiểu.

Đức Phật dạy chúng ta chân tướng sự thật, đó là “tâm nguyên bổn tịch” (nguồn tâm vốn vắng lặng), nói cách khác, kinh Pháp Hoa nói hết thảy các pháp chẳng có một pháp nào chẳng phải là tướng thanh tịnh, tịch diệt; cho nên gọi là “bổn tịch”. Chúng ta học Phật nhằm khôi phục bổn tịch và bổn minh của chúng ta. Bổn tịch là Đại Niết Bàn, bổn minh là Đại Bát Nhã; vì thế nói: “Chư lậu toàn Không” (các lậu toàn thể là Không). Trong bổn tánh chẳng có phiền não, quý vị tìm phiền não chẳng được, phiền não trọn chẳng thể tìm được! Nếu trong tâm có phiền não thì người biết tu hành khi tịnh tọa, chẳng hạn như tâm tham dấy lên, hãy nhằm quay lại kiếm xem tâm tham ở nơi đâu? Quý vị đi tìm, sẽ thấy tâm tham chẳng có, tìm không ra, tâm tham trọn chẳng thể tìm được. Nếu quý vị gặp chuyện bực mình, tức giận, cũng lắng lòng kiếm tâm sân khuể đang ở đâu? Quý vị tìm không được, như trong kinh Lăng Nghiêm, ngài A Nan tìm chân tâm, sân khuể ở bên trong hay ở bên ngoài? Hay ở chính giữa? Quý vị đi tìm cũng tìm không được.

Giống như Nhị Tổ Huệ Khả của Thiền Tông, tâm Ngài chẳng yên, khi tu hành tâm bất an, gặp được Đạt Ma Tổ Sư, hướng về Đạt Ma Tổ Sư thỉnh giáo, về căn bản, tổ Đạt Ma chẳng ngó ngàng tới. Ngài thấy tổ Đạt Ma chẳng đoái hoài, nói chung là vì chính mình tâm chẳng chân thành, bèn hạ quyết tâm tự chặt đứt cánh tay để cúng dường Tổ. Quý vị nghĩ xem, xả thân cúng dường, chặt đứt một cánh tay để cúng dường Đạt Ma Tổ Sư. Khi đó là mùa Đông, bên ngoài đổ tuyết rất sâu, quỳ gối trên mặt đất đầy tuyết, cầm cánh tay cúng dường Đạt Ma Tổ Sư. Đạt Ma Tổ Sư thấy tình cảnh ấy, hỏi: “Ngươi cớ gì phải khổ sở như thế? Rốt cuộc là vì chuyện gì?” Ngài thưa: “Tâm con bất an, xin đại sư an tâm cho con”. Đạt Ma Tổ Sư nói: “Ngươi lấy cái tâm ra đây, ta sẽ an cho ngươi”. Được hỏi, Ngài bèn quay lại kiếm, kiếm đến cuối cùng, thưa Đạt Ma tổ sư: “Con tìm tâm trọn chẳng thể được”, con tìm không được cái tâm! Đạt Ma Tổ Sư liền bảo: “Ta đã an cái tâm cho ông rồi”. Ta đã thay ông an cái tâm rồi, ông đã hiểu tâm trọn chẳng thể tìm được thì còn gì là an với chẳng an? Vấn đề liền được giải quyết, câu nói ấy đã điểm phá, Ngài bèn khai ngộ.

Quý vị phải hiểu: Tánh của phiền não là Không! Quý vị đừng sợ phiền não nhiều, đừng sợ nghiệp chướng nặng nề, tánh của nghiệp chướng cũng là Không, cũng là chẳng có; nhưng quý vị phải nhớ: Hễ quý vị chấp trước bèn có, có phiền não, có nghiệp chướng; khi nào quý vị chẳng chấp trước, phiền não và nghiệp chướng sẽ chẳng có. Có Ngã Chấp, đương nhiên có tội nghiệp, đương nhiên có quả báo, đương nhiên có luân hồi. Ngã Chấp không có, quý vị hãy nghĩ xem, dẫu có nghiệp chướng, ai lãnh chịu? Không ai lãnh chịu, không có ta mà! Quả báo ấy chỉ có kẻ có Ngã mới hứng chịu! Kẻ vô ngã sẽ không nhận lãnh. Người ấy đã không có Ngã, ai hứng chịu đây? Chẳng ai hứng chịu! Vì thế, quý vị phải hiểu: Có Ngã Chấp thì có nghiệp báo, phá Ngã Chấp sẽ không có. A La Hán liễu sanh tử, thoát tam giới, vì sao nói Ngài liễu sanh tử, thoát tam giới? Không có Ngã Chấp. Do vậy, biết: Tu hành trong Phật pháp, nói xuyên suốt là phá Nhị Chấp, tức là phá Ngã Chấp và phá Pháp Chấp. Phá Ngã Chấp, chứng Tiểu Thừa A La Hán, phá Pháp Chấp, chứng Đại Thừa A La Hán, bèn thành Phật. Nói theo cương lãnh, đúng là một câu đã nói toạc nhà Phật tu tập điều gì! Chúng ta nhất định phải nắm vững nguyên lý và nguyên tắc này;  nếu không,  bất luận tu như  thế nào, chỉ tăng trưởng Ngã Chấp, trật mất rồi!

Từ vô thỉ kiếp tới nay, chúng ta tu hành, vì sao chẳng thể tu thành công? Chúng ta tu hành chắc chắn chẳng phải chỉ tu một đời, một kiếp này, mà từ vô lượng kiếp tới nay đời đời kiếp kiếp tu hành, không chỉ một A-tăng-kỳ kiếp, không chỉ ba A-tăng-kỳ kiếp, mà là vô lượng tam đại A-tăng-kỳ kiếp, nay chúng ta vẫn y hệt như cũ, phải giác ngộ! Do có Ngã Chấp, ai tu hành? Ta tu hành! “Ta tu giỏi hơn ngươi, ta dụng công nhiều hơn ngươi!” Chỗ nào cũng đều có ta, quý vị thấy có hỏng bét hay không? “Ngươi mỗi ngày lạy ba trăm lạy, ta mỗi ngày lạy ba ngàn lạy, ta mạnh hơn ngươi nhiều!” Dường như chẳng tu thì Ngã Chấp còn ít, còn nhẹ nhàng một chút, càng tu, Ngã Chấp càng nặng, tu gì? Tu Ngã Chấp, tu Pháp Chấp! Vẫn sợ Ngã Chấp và Pháp Chấp chưa đủ nhiều, mỗi ngày đều tăng thêm! Chuyện này sẽ phiền phức lớn. Nhà Phật thường nói “thấy thấu suốt, buông xuống”. Thấy thấu suốt điều gì? Thấy thấu suốt Ngã Chấp, buông Ngã Chấp xuống, thấy thấu suốt Pháp Chấp, buông Pháp Chấp xuống, quý vị mới có hy vọng! Chúng ta hằng ngày niệm Phật, lạy Phật, tụng kinh nơi đây, giống như làm chuyện như vậy đó, nhưng nghiên cứu kỹ kết quả, dường như chẳng liên can mảy may đến tu hành, đó là Ngã Chấp lẫn Pháp Chấp trọn chẳng nhạt bớt tí nào, vẫn cứ chấp trước nhiều ngần ấy. Chúng ta tự mình tu hành cả một đời, tu hành đời đời kiếp kiếp nhưng vẫn chẳng thể nhập môn, nguyên nhân ở chỗ này!

Hiểu rõ đạo lý này, sẽ biết phá Ngã Chấp khẩn yếu, trọng yếu phi thường. Phải thực hiện từ nơi đâu? Trước hết, hãy thực hiện từ Ngã Sở. Trước hết, buông Ngã Sở xuống, dễ dàng hơn! Ngã Sở là cái ta có, là vật ngoài thân. Trước hết, có thể thấy thấu suốt vật ngoài thân, có thể buông xuống, có thể nhạt bớt một chút, đó là nói về tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, chúng là những thứ chúng ta hưởng thụ. Trước hết phải học, học điều gì? Chính mình có thừa, hãy nên buông xuống. Ta ăn no, mặc ấm, ta có một căn nhà có thể đụt mưa, tránh gió, còn dư ra thì hãy xả, buông xuống, hãy buông xuống những thứ ta có. Tiến hơn một bước nữa, Ngã cũng có thể buông xuống. Trong chương giảng về [Bồ Tát thuộc địa vị] Đệ Lục Hồi Hướng của kinh Hoa Nghiêm có nêu khuôn mẫu rất cặn kẽ, hoàn toàn giảng về bố thí, buông xuống, giảng đến bảy tám chục thứ, từ vật ngoài thân cho đến đầu, mắt, não, tủy, từ ngoại tài cho đến nội tài, không có gì chẳng thể bỏ, không có gì chẳng thấy thấu suốt. Đó là phá Ngã Chấp, phá Pháp Chấp, hiển thị “tâm nguyên bổn tịch, tâm  thể  bổn  minh”  (nguồn  tâm  vốn vắng lặng, tâm thể vốn sáng suốt), đại quang minh, đại viên mãn, hiển thị điều này.

Chỗ nào cũng đều có Ta, quý vị sẽ vĩnh viễn chẳng thể phá mê, bất luận quý vị tu như thế nào, mỗi ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, mỗi ngày đảnh lễ mười vạn lần, quý vị chỉ tu phước báo nhân thiên, phước báo hữu lậu mà thôi, chẳng thoát khỏi tam giới, mà cũng chẳng thể vãng sanh! Chớ nghĩ: “Ta dụng công như thế, tương lai nhất định vãng sanh”, chẳng đáng trông cậy đâu nhé! Tuy nói vãng sanh là đới nghiệp vãng sanh, chẳng đoạn một phẩm Hoặc (phiền não), lời ấy nói chẳng sai, nhưng quý vị nghiên cứu Tịnh Độ Tam Kinh cẩn thận, mới hiểu vì sao quý vị niệm Phật chẳng thể vãng sanh? Nếu vãng sanh đơn giản như vậy, trong đời quá khứ, ta cũng niệm A Di Đà Phật, đã vãng sanh từ sớm rồi, sao vẫn còn ngồi trong giảng đường này? Đã sớm vãng sanh mất rồi!

Vì sao không vãng sanh được?   Vừa mở kinh điển ra xem,  [liền thấy] tâm hạnh của chúng ta hoàn toàn trái nghịch những điều kinh đã giảng! Cho nên niệm Phật vẫn chẳng thể vãng sanh. Đúng như cổ đại đức đã nói: “Rách toạc cuống họng cũng uổng công”, chẳng thể vãng sanh. Nguyên nhân chẳng thể vãng sanh vì đối với ba điều kiện Tín, Nguyện, Hạnh, thảy đều phạm lầm lỗi! Tín là tín tự, tín tha, tín nhân, tín quả, tín sự, tín lý, chúng ta toàn bộ đều phạm lầm lỗi. Nói cách khác, chúng ta chẳng có tín tâm, tín tâm chưa kiến lập. Tín tâm thật sự kiến lập, thái độ xử sự, đãi người, tiếp vật sẽ thay đổi. Quý vị phát nguyện, nguyện ấy chẳng phải là thật, mà là giả! Người ấy nói: “Ta niệm niệm muốn sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới”. Giả trất, chẳng thật, vì sao? Nếu thật sự phát nguyện vãng sanh, nhất định quý vị sẽ có thái độ giống như Lục Tổ đã nói: “Chẳng thấy lỗi người khác”, vì sao? Chính mình quản mình còn chẳng xuể, mắt nào thấy lỗi người khác? Vẫn thấy lầm lỗi này nọ, đó chẳng phải lầm lỗi của người khác, mà là lầm lỗi của chính mình! Do chính mình phân biệt, chấp trước! Chính mình chẳng có phân biệt, chấp trước, lầm lỗi do đâu mà có? Vì vậy, lầm lỗi ở chỗ nào? Lầm lỗi ở ngay nơi chính mình. Chính mình phân biệt, chấp trước, đó là lầm lỗi, chứ người khác chẳng có lầm lỗi! Lục Tổ nói: “Nhược chân tu đạo nhân, bất kiến tha nhân quá, tha phi, ngã bất phi, ngã phi tự tương tả” (Nếu người thật tu đạo, chẳng thấy lỗi người khác. Hắn sai, ta chẳng sai. Lầm rồi, tự đọa lạc). “Tả” là ngày càng đọa lạc, chính mình tạo tội nghiệp, chính mình đọa lạc.

Người thật sự tu đạo, tâm địa thanh tịnh, chẳng có đúng hay sai, như vậy thì mới có thể niệm đến công phu thành phiến, mới có thể niệm tới nhất tâm bất loạn. Lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần, trong tâm chỉ có một câu A Di Đà Phật, đối với hết thảy các sự, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, không khởi tâm, chẳng động niệm, người ấy quyết định vãng sanh, vì sao? Hết thảy thị phi thiện ác của người thế gian chẳng liên can đến ta, ta bận tâm những chuyện ấy để làm gì? Ta ghim những chuyện ấy trong lòng để làm gì? Chẳng cần thiết! Ghim trong tâm mình là đại chướng ngại! Vì thế, người thật sự tu đạo, những gì chẳng cần quản tới bèn gắng hết sức chẳng quan tâm tới, những gì bất đắc dĩ không quan tâm chẳng được thì quan tâm về mặt Sự, nhưng trong tâm chẳng bận lòng, người ta cao minh ở chỗ này! Có chức trách thì chẳng thể không quản, tuy quản, tâm địa thanh tịnh, quyết định chẳng ô nhiễm, đấy là người tu đạo. Quản về mặt Sự, tâm cũng bị cảnh giới xoay chuyển thì không được rồi! Quản về mặt Sự, tâm quyết định chẳng bị cảnh giới chuyển, vì sao? Vì “tâm nguyên bổn tịch, tâm thể bổn minh”, nên mới có tác dụng trí huệ quán chiếu.

 

(Sao) Pháp Hoa vị thị chân A La Hán.

() 法華謂是真阿羅漢。

(Sao: Kinh Pháp Hoa nói [người ấy] là A La Hán thật sự).

 Kinh Pháp Hoa nói “chân A La Hán” là ai? Mỗi cá nhân đều là, không ai chẳng phải! Trong kinh Hoa Nghiêm và kinh Viên Giác, đức Phật nói: “Hết thảy chúng sanh vốn thành Phật”. “Vốn thành Phật” là nhìn từ chỗ nào? Nhìn từ nguồn tâm, nhìn từ tâm thể. Hết thảy mọi người đều như nhau, chúng sanh và Phật chẳng sai biệt. Sai biệt chỉ vì chúng sanh mê tâm nguyên của chính mình, mê tâm thể của chính mình, tuy mê, nhưng trọn chẳng mất đi! Quý vị giác ngộ, nó khởi tác dụng, tác dụng của nó rộng lớn vô biên; khi mê hoặc, điên đảo, nó vẫn khởi tác dụng, vẫn là rộng lớn vô biên. Tướng và Dụng được dấy lên không hai, không khác, nhưng cảm nhận khác nhau. Kẻ mê thấy thế giới này là mười pháp giới, lục đạo, tam đồ, cảm nhận như thế đó. Người ngộ thấy mười pháp giới là Nhất Chân pháp giới, vì sao là Nhất Chân? Vì mười pháp giới có cùng một nguồn tâm, do nguồn tâm ấy biến ra! Cùng một nguồn tâm, cùng một bản thể, lẽ nào chẳng Chân? Thứ gì cũng đều là Chân. Đấy gọi là thấy Tánh, chẳng chấp Tướng.

Thí dụ như chúng ta dùng vàng ròng, vàng là tâm nguyên, bản thể, chúng ta dùng vàng ròng làm một tượng Phật, tượng Bồ Tát, tượng Duyên Giác, tượng Thanh Văn, tượng một vị trời, hay tượng một người, cho đến tượng súc sanh, hoặc tượng địa ngục, phân lượng nhiều như nhau, cân nặng như nhau, đấy chẳng phải là mười pháp giới ư? Kẻ phàm phu mê hoặc chấp tướng, [thấy tượng] đó là Phật, vội vã quỳ mọp xuống đất đảnh lễ ba lạy, thấy đó là tượng ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh, bèn quở mắng mấy câu, chấp tướng! Người hiểu rõ thì mười tượng ấy là gì? Giá trị như nhau, chẳng hai, chẳng khác, thảy đều là vàng ròng, chẳng khác nhau! Nhìn theo quan điểm nghệ thuật, mỗi tượng đều được làm rất khéo léo, sống động, giá trị như nhau, bình đẳng. Người chẳng mê thấy các tướng ấy bình đẳng, người mê thấy các tướng ấy bất bình đẳng. Bình đẳng là Nhất Chân; trọn chẳng phải là nói trong Nhất Chân pháp giới không có ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh! Trong Nhất Chân pháp giới có [mười pháp giới]. Nhất Chân pháp giới và mười pháp giới chẳng khác nhau, khi giác ngộ sẽ thấy Nhất Chân.

Cảnh giới bất đồng là có cao,  thấp,  sẽ có khổ,  vui.  Nếu ở trong Nhất Chân pháp giới, tâm người ấy thanh tịnh, bình đẳng, sẽ chẳng có khổ hay vui. Ở trên cõi trời, người ấy chẳng hưởng lạc, ở dưới địa ngục, chẳng cảm thấy khổ; năm thứ cảm thọ “khổ, lạc, ưu, hỷ, xả” người ấy đều không có, vì sao? Trong tâm thể và tâm nguyên không có những thứ ấy, cho nên người ấy không cảm nhận. Phàm phu mới có cảm nhận, thánh nhân không có! Hiểu hết thảy các pháp đều xứng thể, đó gọi là “các pháp đều Như”, các pháp đều bất nhị. Xứng tánh, chẳng có một pháp nào không xứng tánh. Nói cách khác, không có một pháp nào chẳng do tâm biến hiện; vì vậy, “ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp chẳng có tâm”. Trong giảng đường, chúng tôi thường dùng mộng làm tỷ dụ, cảnh giới trong mộng là Pháp Tướng, cái tâm nằm mộng ví như chân tâm, toàn thể mộng cảnh do tâm hiện, “toàn thể mộng chính là tâm”, toàn thể tâm là mộng cảnh, tâm và mộng là một, không hai. Từ chỗ này, mọi người có thể thấu hiểu. Đức Phật quan sát từ chỗ này, giảng rõ hết thảy chúng sanh đều là Phật, vốn đã thành Phật!

Căn cứ lý luận để chúng ta tu pháp môn Tịnh Độ cũng là câu ấy. Trong Quán Kinh đã giảng lý luận và phương pháp Niệm Phật. Quán Kinh nói: “Tâm này là Phật”, còn ở đây, câu ấy được diễn tả bằng: “Tâm nguyên bổn tịch, tâm thể bổn minh”, có cùng ý nghĩa. Vì vốn vắng lặng (bổn tịch), cho nên bổn minh “là Phật”, tâm nguyên, tâm thể là “tâm này”, tâm này là Phật. Trong toàn thể Phật pháp, bất luận một tông phái nào, bất luận pháp môn nào, đều dựa trên nguyên lý này để kiến lập, đó là Phật pháp. Câu dưới đây nói về cảnh giới “tâm này làm Phật”, tâm vốn là Phật, nay người ấy lại muốn làm Phật. “Vốn là Phật” tức là duy tâm sở hiện; “tâm này làm Phật”, nay muốn làm Phật, tức là duy thức sở biến.

Chúng tôi nói theo công thức ấy, mọi người sẽ hiểu rõ. Hiện thời chúng ta “tâm này là Phật, tâm này làm người”, chúng ta làm người! Chẳng phải là Phật, mà là nhân pháp giới trong mười pháp giới. Nếu chẳng muốn làm người, “tâm này là Phật, tâm này làm quỷ”, trở thành quỷ. “Tâm này là Phật, tâm này làm súc sanh”, làm súc sanh, tùy thuộc quý vị làm như thế nào! Tâm vĩnh viễn chẳng thay đổi, hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật. Vì tâm vĩnh viễn chẳng thay đổi, tùy thuộc quý vị làm gì, “làm gì” là duy thức sở biến. Vì thế, đức Phật dạy chúng ta, quý vị muốn làm Phật, tâm này làm Phật, quý vị nhất định thành Phật, quý vị vốn là Phật, nay lại muốn làm Phật, lẽ nào quý vị chẳng thể thành Phật? Đương nhiên thành Phật!

Vì vậy, mọi người phải hiểu câu “tâm này là Phật” bao quát thấu triệt từ đầu đến cuối hết thảy hữu tình chúng sanh trong mười pháp giới, câu này xuyên suốt, bản thể là Phật tánh. “Tâm này là Phật” nói về Phật tánh, hết thảy hữu tình chúng sanh thảy đều có Phật tánh. “Tâm này làm Phật” là duy thức sở biến, tùy thuộc quý vị biến như thế nào. Nếu quý vị biến thành Phật, sẽ thành Phật; nếu quý vị biến thành Bồ Tát, sẽ thành Bồ Tát. Quý vị biến lục đạo chúng sanh sẽ thành lục đạo chúng sanh, quý vị biến tam ác đạo, liền hiện tam ác đạo. Chính quý vị thích biến gì, sẽ được đó, nguyên lý ở chỗ này. Hiểu rõ nguyên lý, tín tâm bèn được kiến lập, vì sao ta tin tưởng pháp này? Có đạo lý trong ấy! Nói theo Lý thông suốt, nên ta tin tưởng pháp này. Chẳng hiểu rõ Lý, làm sao ta tin tưởng được? Chẳng thể tin tưởng! Vì thế, chữ Tín cũng chẳng dễ dàng cho lắm!

 

(Sao) Khởi Tín hiệu viết chân thật thức tri, bỉ trầm không vi tịch, tác niệm nhi tri giả, danh tự La Hán, hư vọng tri thức dã.

()起信號曰真實識知,彼沉空為寂,作念而知者,名字羅漢,虛妄知識也。

(Sao: Luận Khởi Tín gọi vị ấy là chân thật tri thức, còn những kẻ đắm chấp nơi không tịch, hoặc phải khởi niệm mới biết, là danh tự La Hán, thì gọi là tri thức hư vọng).

 Khởi Tín Luận do Mã Minh Bồ Tát trước tác, đương nhiên Mã Minh Bồ Tát hiểu chân tướng sự thật rất rõ ràng, minh bạch. Thật sự hiểu rõ ràng, minh bạch, Ngài tu pháp nào? Ngài nhất định tu niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Chẳng sai! Mã Minh Bồ Tát tu Tây Phương Tịnh Độ, người hiểu rõ ràng, không ai chẳng đến Tây Phương Tịnh Độ; do vậy, Mã Minh Bồ Tát hiện đang ở thế giới Cực Lạc. Khởi Tín Luận viết: “Tùng bổn dĩ lai, tự tánh mãn túc nhất thiết công đức. Sở vị tự thể, hữu đại trí huệ, đại quang minh nghĩa cố, biến chiếu pháp giới nghĩa cố, chân thật thức tri nghĩa cố, nãi chí mãn túc vô hữu sở thiểu nghĩa cố” (Xét từ cái gốc thì tự tánh vốn trọn đủ hết thảy công đức, tức là nói tự thể có ý nghĩa đại trí huệ, đại quang minh, có ý nghĩa trọn khắp pháp giới, có ý nghĩa chân thật hiểu biết, cho đến trọn đủ chẳng thiếu sót nghĩa nào). Nói thật ra, Ngài nói nhiều dường ấy, nhưng trong Đàn Kinh, Lục Tổ chỉ nói một câu đã bao gồm trọn hết: “Nào ngờ tự tánh, vốn trọn đủ”, câu nói của Ngài bao quát hết thảy, có thể nói đoạn văn trên đây của Khởi Tín Luận chính là chú giải cho câu nói của Lục Tổ đại sư, thảy đều trọn đủ!

“Chân thật thức tri”“trầm không vi tịch, tác niệm nhi tri” khác nhau! “Trầm không vi tịch” chỉ những kẻ tu hành thông thường, nhất là nói tới những người tu Thiền. Tu Thiền nếu chẳng đắc pháp, ngồi nơi đó, tâm rất thanh tịnh, ngồi đến mức một niệm chẳng sanh, ngỡ là rất thanh tịnh, nhưng có phải là Thiền thật sự hay chăng? Chẳng phải! Vì sao? Trong Thiền có Quán, chẳng phải là chết cứng. Trong Thiền không có Quán sẽ thuộc về Vô Tưởng Định, trong tâm người ấy có chấp trước hay không? Người ấy có chấp trước, chấp trước vô tưởng, phàm phu chấp vào tưởng. Loại người ấy chấp vào vô tưởng, [tức là] vẫn có chấp trước, nói cách khác, vẫn chưa buông xuống, vì sao? Phàm phu chúng ta chẳng phải là vô tưởng, mà là có tưởng, còn người ấy rơi vào vô tưởng, cho nên người ấy chẳng rốt ráo! Tu thành công sanh lên Tứ Thiền Thiên, trong Tứ Thiền Thiên có ngoại đạo thiên là Vô Tưởng Thiên, người ấy ngỡ Vô Tưởng Thiên là đạt đến rốt ráo Niết Bàn, sai lầm quá đỗi! “Trầm không vi tịch” (đắm chìm nơi Không, ngỡ là tịch diệt) là trật. Còn “tác niệm nhi tri” là phàm phu thông thường. Chúng ta phải phân biệt, tưởng tượng, nghiên cứu rồi mới biết; đó gọi là “tác niệm nhi tri”, đấy chẳng phải là chân tri. Trí huệ chân chánh chẳng cần phân biệt, chẳng cần khởi tâm động niệm, vừa nhìn liền biết, đó là chân tri. Sau khi đã thấy, phải nghiên cứu rồi mới biết, đó chẳng phải là chân tri! Hai loại này là phàm phu, phàm phu như thế nào? Danh tự La Hán! Hữu danh vô thực, chẳng phải là A La Hán thật sự, mà là tri thức hư vọng, chẳng phải là thiện tri thức chân thật. Thiện tri thức thật sự chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.

Chúng ta phải nhớ kỹ cương lãnh này, ba thứ phân biệt, vọng tưởng, chấp trước làm hại chúng ta quá mức, hại chúng ta đời đời kiếp kiếp luân hồi trong lục đạo, đời đời kiếp kiếp tu hành đều chẳng có kết quả. Phật dạy chúng ta bỏ gì? Không gì chẳng nhằm trừ bỏ phân biệt, vọng tưởng, chấp trước mà thôi, trừ bỏ những thứ ấy. Tôi nói như thế, sợ mọi người nghe xong lại hiểu lầm ý nghĩa. “Được rồi! Từ hôm nay trở đi ta chẳng phân biệt, chẳng chấp trước hết thảy”. Người khác hỏi ta: “Đây là gì?” Chẳng biết! Chuyện này sẽ phiền phức to! Kẻ ấy chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, nam nhân, nữ nhân cũng chẳng biết, ăn cơm rồi hay chưa ăn cũng chẳng biết luôn! Chuyện ấy phiền lắm, phá hoại tướng thế gian! Kinh thường dạy: “Phật pháp trong thế gian, chẳng hoại tướng thế gian”. Người thế gian có chấp trước, chúng ta bề ngoài phải tùy thuận sự chấp trước của họ; người thế gian có phân biệt, chúng ta bề ngoài phải tùy thuận sự phân biệt của họ, bên trong chẳng có phân biệt, chấp trước, nhưng bên ngoài thì có phân biệt, chấp trước giống hệt như họ, đấy gọi là “chẳng hoại tướng thế gian”.

Như thường nói “Phật pháp trên thế gian, chẳng lìa thế gian giác”. Chẳng lìa thế gian là gì? Chẳng lìa sự phân biệt, chấp trước của người thế gian, chẳng lìa những điều đó. Giác là gì? Trong tâm ta, quả thật không có phân biệt, chấp trước, nhưng xử sự, đãi người, tiếp vật, dùng phân biệt, chấp trước, trật tự trên thế gian này sẽ không bị rối loạn, chẳng bị làm hỏng, chẳng bị phá hoại! Trong nội tâm quả thật không có phân biệt, chấp trước, đấy mới là đúng, đó là chẳng chấp hai bên Có và Không, gọi là Trung Đạo. Trong tâm chính mình không có phân biệt, chấp trước, [đó là] chẳng chấp Có. [Đối với] hiện tượng bên ngoài có phân biệt, chấp trước, [đó là] chẳng rớt vào Không. Hai bên Có và Không đều chẳng chấp trước, đó là Trung Đạo. Bồ Tát hành Trung Đạo, mọi người phải hiểu rõ ý nghĩa này, chớ nên hiểu lầm. Hiểu lầm thì chẳng đọa vào bên Có, sẽ đọa vào bên Không, luôn đọa một bên, đều là sai lầm. Trên mặt Sự, có phân biệt, chấp trước, nhưng trong tâm ngàn muôn phần đừng nên có phân biệt, chấp trước. Trong tâm chẳng có phân biệt, chấp trước, tâm ấy sẽ là Diệu Quán Sát Trí (Pratyaveksanā-jñāna), Bình Đẳng Tánh Trí (Samatā-jñāna), trên sự tướng có phân biệt, chấp trước, đó là Thành Sở Tác Trí (Krtyānusthāna-jñāna), hiểu rõ đích xác là chuyển bát thức thành tứ trí. Đọc đoạn kế tiếp, ý nghĩa này càng ngày càng sâu.

 

(Sao) Thị cố tà kiến dữ chánh kiến nhất thể, chúng diệu dữ chúng họa đồng môn.

() 是故邪見與正見一體,眾妙與眾禍同門。

(Sao: Do vậy, tà kiến và chánh kiến cùng một thể, các điều tốt lành và các tai họa cùng một môn).

Hai câu này có ý nghĩa rất sâu. Chúng ta thấy tà kiến và chánh kiến là đối lập, là tương đối, các điều tốt lành và các ương họa cũng là tương đối, cớ sao là nhất thể? Ở đây, phải biết: Thể là một, [cùng một] tâm nguyên, tâm thể! Họa, phước đều do cùng một tâm ấy biến hiện; do vậy, nó chẳng phải là hai thứ. Vì sao biến thành họa và phước? Do mê và ngộ, ngộ rồi, họa cũng là phước; hễ mê, phước cũng là họa. Do đó, [họa hay phước] chỉ trong vòng mê hay ngộ! Mê và ngộ chẳng hai, vì sao? Ngộ chính là chuyện này, mà mê vẫn là chuyện này, chẳng rời khỏi chuyện này! Do vậy, mê và ngộ chẳng hai. Phật, Bồ Tát ngộ là ngộ tâm nguyên, ngộ tâm thể. Phàm phu chúng ta mê, mê cũng là tâm nguyên, mê cũng là tâm thể, cho nên cùng một chuyện mà sanh ra hai hiện tượng khác nhau; tuy hai thứ hiện tượng khác nhau nhưng là cùng một chuyện. Vì thế nói mê và ngộ chẳng hai!

Nếu quý vị thấy rõ chân tướng này, quả thật là mê và ngộ chẳng hai. Do hiểu rõ chân tướng sự thật này, cho nên Phật, Bồ Tát chẳng ghét kẻ ác, vì sao? Vì là một, chẳng hai với kẻ ấy. Vì sao phàm phu chúng ta ưa thích người lành, chán ghét kẻ ác? Chúng ta ngỡ là hai, chẳng phải một. Vì thế, tâm tham ái, tâm chán ghét nẩy sanh mạnh mẽ, đấy là mê, chẳng ngộ! Sau khi ngộ, nói thật ra, chẳng có tâm chán ghét, tâm tham ái cũng không có, tâm người ấy thanh tịnh, như Lục Tổ đã nói: “Vốn không có một vật”. Vĩnh viễn là tâm thanh tịnh, tâm nguyên vốn vắng lặng, vĩnh viễn là tâm thanh tịnh, tịch diệt; thấy hết thảy các hiện tượng bên ngoài, chánh kiến, tà kiến, các điều tốt lành, các tai họa đều là tướng thanh tịnh, tịch diệt, đó là chân tướng. Tâm chính mình thanh tịnh, thấy cảnh giới bên ngoài thanh tịnh. Nói cách khác, chúng ta thấy cảnh giới bên ngoài chẳng thanh tịnh vẫn là do tâm chính mình chẳng thanh tịnh, trọn chẳng phải là cảnh giới bên ngoài không thanh tịnh.

Ngày nay chúng ta niệm Phật, niệm Phật nhằm mục đích nào? Mục đích là khôi phục cái tâm thanh tịnh của chúng ta. Bất luận ý niệm nào, thiện niệm cũng thế, mà ác niệm cũng vậy, chánh niệm cũng thế, mà tà niệm cũng vậy, chỉ cần ý niệm dấy lên, ngay lập tức đổi nó thành A Di Đà Phật, khuất phục hết thảy các niệm, đó gọi là công phu. Đấy gọi là vun bồi bổn tịch, khôi phục tâm nguyên bổn tịch. Sau khi Tịch, nó sẽ có tác dụng Chiếu. Tịch là tâm thanh tịnh, thanh tịnh sẽ sanh trí huệ, trí huệ là tác dụng Chiếu, “Tịch mà thường Chiếu, Chiếu mà thường Tịch”. Nay công phu chúng ta phải thực hiện là “Tịch mà thường Chiếu”, vì sao? Vì chúng ta vẫn chưa thể Chiếu, Tịch là trước hết tu Định, trước hết, tu cái tâm thanh tịnh, chẳng để cho cái tâm dậy sóng. Tâm dậy sóng là gì? Là phân biệt, chấp trước, vọng tưởng. Có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, tâm sẽ chẳng bình lặng. Chúng ta dùng phương pháp Niệm Phật để uốn nắn, đối với hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, thảy đều dùng một câu A Di Đà Phật để thay thế. Do vậy, trong mười hai thời, chỉ có một câu A Di Đà Phật. Nếu công phu đi đúng quỹ đạo, lúc ngủ vẫn niệm A Di Đà Phật, lúc nằm mộng vẫn niệm A Di Đà Phật, mong mọi người hãy nỗ lực.

Nếu quý vị đạt được cảnh giới ấy, chớ nên hoan hỷ, cảnh giới ấy chỉ là công phu vừa mới đắc lực, vừa mới đi đúng quỹ đạo, không có gì là phi phàm! Nếu hoan hỷ, cảm thấy chính mình ghê gớm quá, ngay lập tức công phu ấy bị mất đi, chẳng thể giữ gìn được! Phải dùng cái tâm rất bình thường, phải có tâm khiêm hư, [cảm thấy] chính mình không bằng người khác, người khác đạt được chẳng bỏ mất, chúng ta đạt được, rất dễ bị mất đi. Chúng ta là sơ học vừa mới đạt được, tâm hết sức khiêm hư, nỗ lực học tập, mong giữ được công phu này, cũng chớ nên mang lòng hy vọng, [vì có tâm hy vọng thì công phu ấy] nhất định sẽ bị mất, giữ không được, vì sao? Tâm mong mỏi là xen tạp, vừa niệm A Di Đà Phật vừa xen tạp hy vọng, không được rồi! Do vậy, niệm Phật sợ nhất là chính mình xen tạp, nếu công phu chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp, chỉ có một câu Phật hiệu, trừ một câu Phật hiệu ra, chẳng có một vọng niệm nào. Ta muốn giữ gìn công phu ấy, một vọng niệm chẳng thể có thì mới thật sự giữ gìn được! Lâu ngày chầy tháng, quý vị thực hiện công phu này đôi ba năm, sẽ giống như các vị đại đức vãng sanh xưa kia, biết trước lúc mất, không bệnh tật mà vãng sanh. Điều này ai nấy đều làm được, chỉ sợ chính quý vị mê mất phương hướng. Quý vị tự mình mê mất chính mình, vậy là lại bỏ uổng đời này, đáng tiếc lắm!

Do vậy, người thật sự niệm Phật, thật sự hy vọng vãng sanh Tịnh Độ ngay trong đời này, viên mãn Bồ Đề, nói thật ra, ba kinh đủ rồi, ba kinh nhất định phải cùng tham chiếu, chúng ta mới quyết định nắm chắc. Một bộ kinh đương nhiên cũng được, thậm chí một bộ kinh cũng chẳng cần đến, chỉ cần một câu A Di Đà Phật cũng được, nhưng phải là người căn tánh rất nhạy bén. “Căn tánh rất nhạy bén” như vừa mới nói chính là gì? Phải là người rất thật thà, thật thà niệm Phật. Hiện thời, chúng ta chẳng thật thà, chẳng thật thà sẽ dấy vọng tưởng. Người thật thà niệm Phật, dạy họ một câu A Di Đà Phật, người ấy sẽ suốt ngày từ sáng đến tối giữ chắc A Di Đà Phật, đích xác là chẳng có vọng niệm nào, loại người ấy được gọi là “thật thà”. Tuy chúng ta niệm Phật, nhưng thấy cái này chẳng thuận mắt, thấy cái kia không quen, tức là chẳng thật thà. Người chẳng thật thà thì phải tham chiếu cả ba kinh để những lý luận, phương pháp, nhân quả, cảnh giới trong đó thảy đều hiểu rõ! Chúng ta biết cách đi theo con đường ấy như thế nào, chính mình nắm vững. Không chỉ nắm vững, mà đích xác còn có thể định kỳ hạn chứng đắc, [nghĩa là] có thể hạn định thời gian bao lâu sẽ thực hiện được. Do vậy, pháp môn này vô cùng thù thắng, thật sự là pháp môn chẳng thể nghĩ bàn khó được, hiếm có. Cuối cùng là kết luận…

 

(Sao) Tức tâm đạt bổn nguyên, thứ cơ khả dĩ vi sa-môn hĩ.

() 息心達本源,庶幾可以為沙門矣。

 (Sao: Lắng lòng đạt đến cội nguồn, ngõ hầu có thể làm bậc sa-môn vậy).

 “Tức tâm” là dứt vọng tâm, tức là dứt trừ phân biệt, chấp trước, vọng tưởng. Vì tà kiến, các tai họa đều do vọng tâm tạo tác, chúng ta có thể dứt trừ vọng tâm, nói cách khác, quý vị dứt trừ tà kiến, hết thảy họa hoạn đều chẳng có, cũng bị dứt bặt rồi. Họa hoạn là gì? Lục đạo luân hồi, đó là họa lớn, do vọng tâm biến hiện. Dứt trừ vọng tâm, “bổn nguyên” là Chân Như bổn tánh, bổn tánh bèn hiển hiện, kiến tánh sẽ thành Phật. Vì thế, nói: “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, kiến tánh bèn thành Phật. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, sang bên đó kiến tánh thành Phật.

“Thứ cơ khả dĩ vi sa-môn”, “Sa-môn” (Śramana) là tiếng gọi người xuất gia tu hành. Liên Trì đại sư khích lệ chúng ta, ắt phải làm được “tức tâm đạt bổn nguyên” (lắng lòng, đạt đến cội nguồn) thì mới có thể gọi là người xuất gia tu hành chân chánh vậy. Ngày hôm nay, chúng tôi giảng đến chỗ này.

 

— o0o —

Tập 111

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm hai mươi lăm:

 

Tam, xuất danh hiệu.

Sơ, chúng danh.

(Kinh) Trưởng  lão Xá Lợi Phất, Ma Ha Mục Kiền Liên, Ma Ha

Ca Diếp, Ma Ha Ca Chiên Diên, Ma Ha Câu Hy La, Ly Bà Đa, Châu Lợi Bàn Đà Già, Nan Đà, A Nan Đà, La Hầu La, Kiều Phạm Ba Đề, Tân Đầu Lô Phả La Đọa, Ca Lưu Đà Di, Ma Ha Kiếp Tân Na, Bạc Câu La, A Nậu Lâu Đà.

三、出名號。

初、眾名。

()長老舍利弗。摩訶目犍連。摩訶迦葉。摩訶迦旃延。摩訶俱絺羅。離婆多。周利槃陀伽。難陀。阿難陀。羅睺羅。憍梵波提。賓頭盧頗羅墮。迦留陀夷。摩訶劫賓那。薄拘羅。阿耨樓馱。

(Ba, nêu danh hiệu.

Thứ nhất, danh hiệu của thánh chúng.

Kinh: Trưởng lão Xá Lợi Phất, Ma Ha Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp, Ma Ha Ca Chiên Diên, Ma Ha Câu Hy La, Ly Bà Đa, Châu Lợi Bàn Đà Già, Nan Đà, A Nan Đà, La Hầu La, Kiều Phạm Ba Đề, Tân Đầu Lô Phả La Đọa, Ca Lưu Đà Di, Ma Ha Kiếp Tân Na, Bạc Câu La, A Nậu Lâu Đà).

Đây là nêu ra [danh hiệu] của mười sáu vị thượng thủ trong kinh Di Đà.

 

(Sớ) Trưởng lão giả, đức trưởng, lạp lão, hựu đức lạp cụ nhất, diệc thông xưng trưởng lão, quán hạ thập lục tôn túc.

() 長老者,德長臘老,又德臘具一,亦通稱長老,貫下十六尊宿。

(Sớ: “Trưởng lão”: Đức cao, tuổi hạ cao. Lại nữa, nếu giữa đức hạnh và tuổi hạ, chỉ hội đủ một thứ, cũng đều gọi là trưởng lão. Chữ “trưởng lão” chỉ chung cả mười sáu vị tôn túc [được liệt kê trong đoạn chánh kinh trên đây]).

Trong Phật môn, “trưởng lão” (Āyuśmat) là cách xưng hô vô cùng tôn kính; vị ấy ắt phải xuất gia khá lâu, thông thường, theo thói quen tại Trung Quốc, xuất gia ba mươi năm mới có thể xưng là “trưởng lão”, đồng thời còn phải là một vị hữu học, hữu đức.

 

 (Sao) Lạp giả, xuất gia nhất tuế danh nhất lạp. Châu tuế chi trung, duy nhất lạp cố.

() 臘者,出家一歲名一臘。周歲之中,惟一臘故。

(Sao: “Lạp”: xuất gia mỗi năm là một lạp, bởi lẽ, trong một năm chỉ có một tháng Chạp).

 Người xuất gia theo thói quen gọi Lạp là một năm. “Châu tuế” là một năm, trong một năm chỉ có một tháng Chạp[77]. Nói bao nhiêu Lạp, trên thực tế là nói bao nhiêu năm.

 

(Sao) Diệc vân “nhất hạ”, ý chánh đồng dã.

() 亦云一夏,意正同也。

(Sao: Còn nói là một Hạ, ý nghĩa tương đồng).

Còn gọi là “một Hạ”, ý nghĩa tương đồng. Hạ là mùa Hè, gọi là “nhất Hạ” vì trong Phật giáo có quy chế An Cư mùa Hạ, An Cư quả thật là một chế độ vô cùng hay. Lúc đức Phật tại thế, sống theo lối khất thực. Mùa Hè tại Ấn Độ là mùa mưa, từ Rằm tháng Tư đến Rằm tháng Bảy là mùa mưa, mùa mưa đi ra ngoài khất thực khá khó khăn. Trời mưa lắm nước, trên mặt đất rất nhiều trùng, đi khất thực thường là không chú ý, mỗi ngày sẽ đạp chết mấy con trùng, cũng là vô ý sát sanh. Đồng thời, bọn ngoại đạo tại Ấn Độ cũng khất thực, trong ba tháng mùa mưa, họ cũng không ra ngoài khất thực, cũng có thể nói là họ đều an cư. Nếu đệ tử Phật đi khất thực trong ba tháng ấy, người thế gian sẽ xầm xì: “Bọn họ hình như chẳng giống kẻ tu đạo. Người khác tu đạo đều rất tuân thủ quy củ, chứ bọn họ không giống kẻ tu đạo”. Vì thế, có rất nhiều định chế về tập quán sinh hoạt trong nhà Phật chịu ảnh hưởng từ những tôn giáo ở Cổ Ấn Độ.

Nhưng đức Phật đã ban [cho tập tục an cư mùa Hạ] một ý nghĩa đặc biệt, thù thắng! Ý nghĩa đặc biệt là ngoài những đệ tử thường tùy hằng ngày theo Phật, thân cận Phật mỗi ngày ra, đức Phật còn có rất nhiều đệ tử, số lượng còn nhiều hơn các vị thường tùy đệ tử, họ đều chủ trì các đạo tràng, giảng kinh, thuyết pháp tại mỗi địa phương. Những vị này có cơ hội thân cận Phật rất ít, hàng năm chỉ có một lần trong ba tháng An Cư mùa Hạ, thảy đều trở về gặp đức Phật, tức là mỗi năm họ có ba tháng ở cùng một chỗ với đức Phật, tiếp nhận tái giáo dục. Quy chế này vô cùng hay, mới thật sự có thể khiến cho dạy và học đều tiến triển. Do vậy, hằng năm, Phật có ba tháng để giáo dục nâng cao trình độ, gom các môn đệ trụ trì hoằng pháp các nơi về. Một mặt là tìm các vị ấy về nghe đức Phật thuyết pháp, mặt khác là những đồng học cùng nhau nghiên cứu thảo luận, chẳng hạn như vị ấy ở nơi này hóa độ chúng sanh, gặp những vấn đề khó khăn, gặp phải những kẻ kỳ quái, đối phó ra sao, có những nỗi khó khăn nào, các đồng học sẽ cùng nhau trao đổi ý kiến, khiến cho trí huệ tăng trưởng, tăng trưởng kỹ năng ứng xử với tín đồ. Vì thế, đây là một quy chế giáo dục vô cùng tốt đẹp.

Trên thế gian này, trong mấy năm gần đây, do khoa học kỹ thuật mỗi tháng mỗi ngày đều mới lạ, cho nên hiện thời mới có giáo dục nâng cao trình độ. Nếu quý vị chẳng được nâng cao trình độ, nói cách khác, quý vị sẽ lạc hậu, sẽ bị đào thải! Chúng tôi ở Mỹ, thấy có nhiều kỹ sư, nhân viên kỹ thuật trong các công xưởng của Mỹ, hằng năm thường được gởi đi huấn luyện, thời gian huấn luyện không dài, có khi là mười ngày, hay nửa tháng, nhằm học tập khoa học kỹ thuật mới mẻ, mới có thể đuổi kịp [đà tiến bộ trong ngành nghề của chính mình]. Giáo viên trong trường học cũng phải được giáo dục nâng cao trình độ giống như vậy, nếu họ chẳng được giáo dục nâng cao trình độ, cứ áp dụng phương pháp cũ kỹ, cũng chẳng theo kịp thời đại. Khoa học kỹ thuật đổi khác mỗi tháng, mỗi ngày, thúc đẩy toàn bộ xã hội tiến bộ, phồn vinh, nếu quý vị chẳng thể hấp thâu kiến thức mới, chắc chắn sẽ lạc hậu, chắc chắn bị xã hội đào thải!

Từ ba ngàn năm trước, Thích Ca Mâu Ni Phật đã đề xướng quy chế tấn tu, kết hạ an cư là giáo dục nâng cao trình độ. Do vậy, nhà Phật thường nói: “Quý vị được bao nhiêu tuổi Hạ?” Bao nhiêu tuổi Hạ là quý vị đã an cư được mấy lần; đấy là tuổi xuất gia, quý vị đã xuất gia bao nhiêu năm?

 

(Sao) Thông xưng giả, thượng vân đức lạp câu tôn.

() 通稱者,上云德臘俱尊。

(Sao: “Gọi chung”: Trong phần trên đã nói là đức hạnh lẫn tuổi lạp đều đáng tôn trọng [mới được gọi là trưởng lão]).

Một đằng là nói vị ấy có học vấn,  có đạo đức,  một đằng là  nói vị

ấy xuất gia khá lâu. Trong Phật môn, xuất gia mười năm là Hạ Tọa, hai mươi năm là Trung Tọa, ba chục năm là Thượng Tọa, trưởng lão được gọi là Thượng Tọa. Tôi và pháp sư Tường Vân[78] còn thiếu một năm để gọi là Thượng Tọa, chúng tôi xuất gia hai mươi chín năm, phải là ba mươi năm mới có thể gọi là Thượng Tọa, sang năm mới tròn ba mươi năm.

 

(Sao) Thử vị độc đức quán chúng, đơn lạp tiên nhân, diệc đắc danh vi “trưởng lão”.

() 此謂獨德冠眾,單臘先人,亦得名為長老。

(Sao: Ở đây có ý nói: Chỉ riêng đức hạnh đứng đầu đại chúng, hoặc chỉ tuổi hạ cao hơn người khác thì cũng được gọi là “trưởng lão”).

Ở đây, đều gọi chung là trưởng lão do có ý nghĩa như sau: Tuy tuổi tác chẳng lớn, xuất gia chưa lâu, nhưng nếu như vị ấy hữu đức hữu học thì cũng tôn xưng là Thượng Tọa. Chẳng hạn như vị ấy mới xuất gia, tuy chưa lâu, nhưng đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, hoặc đã chứng quả, chứng đắc quả A La Hán; đấy là “đức tôn” (đức hạnh đáng tôn trọng), chẳng luận định tuổi tác của vị ấy. Có những vị tuy vẫn chưa khai ngộ, cũng chưa chứng quả, nhưng xuất gia rất lâu năm, cũng có thể gọi vị ấy là Thượng Tọa. Giống như mười sáu vị tôn giả ở đây, trừ ngài A Nan và La Hầu La ra, những vị khác tuổi tác đều rất cao. Tuy hai vị này trẻ tuổi, A Nan là tiểu đệ của Phật, tức là em họ trẻ nhất. Ngài sanh nhằm ngày đức Phật thành đạo. Đức Phật thành đạo lúc ba mươi tuổi, A Nan nhỏ hơn Phật ba mươi tuổi, La Hầu La là con trai Thích Ca Mâu Ni Phật; hai vị này tuổi tác tương đối trẻ, nhưng đều chứng quả, đức đáng tôn trọng, nên cũng gọi là trưởng lão.

 

(Sao) Như Tỳ Bà Sa Luận, Pháp Tánh Thượng Tọa, Sanh Niên Thượng Tọa chi loại, thị dã.

() 毗婆沙論,法性上座,生年上座之類是也。

(Sao: Như trong luận Tỳ Bà Sa, phân loại Pháp Tánh Thượng Tọa và Sanh Niên Thượng Tọa là do ý nghĩa này).

 Pháp Tánh là hữu đức, minh tâm kiến tánh, được gọi là Thượng Tọa, xưng là trưởng lão. Loại khác là Sanh Niên, tức là vị tăng có tuổi tác rất cao.

 

(Sao) Hựu Đường dịch Cụ Thọ, tắc song bị đức lạp.

() 又唐譯具壽,則雙備德臘。

(Sao: Lại nữa, bản Đường dịch [ghi trưởng lão] là Cụ Thọ, tức là đức lẫn tuổi Hạ đều cao).

Bản “Đường dịch” là bản dịch của Huyền Trang đại sư. Trong bản dịch kinh này, Huyền Trang đại sư [dịch chữ “trưởng lão”] thành Cụ Thọ. Hiện thời, ít dùng Cụ Thọ, chứ thời cổ thường sử dụng. Cụ Thọ cũng có nghĩa là học trò. Chúng ta thường thấy thầy tặng quà cho trò, trên ấy thường ghi tên “Mỗ mỗ hiền cụ thọ” (học trò X…). Thuở ấy, đức Phật gọi đệ tử bằng danh từ này, gọi họ là Cụ Thọ. Trong chữ Cụ Thọ, ý nghĩa Đức và Lạp thảy đều có.

 

(Sao) Ngụy dịch Huệ Mạng, tắc chuyên tựu đức ngôn.

() 魏譯慧命,則專就德言。

(Sao: Bản dịch [kinh Vô Lượng Thọ] đời Ngụy ghi [trưởng lão] là Huệ Mạng, tức là chuyên nói về đức).

Trong kinh Vô Lượng Thọ, “Ngụy dịch” là bản dịch của ngài Khang Tăng Khải, [trưởng lão] được gọi là Huệ Mạng, kinh Kim Cang cũng viết “Huệ Mạng Tu Bồ Đề”.

 

(Sao) Tuy viết nhị khả thông xưng, vưu tất dĩ đức vi trọng.

() 雖曰二可通稱,尤必以德為重。

(Sao: Tuy nói cả hai loại này đều có thể gọi [là trưởng lão], nhưng ắt coi trọng đức hơn).

Có Sanh Niên và Pháp Tánh, nhưng vẫn coi đức tánh là chánh yếu, coi trọng đức tánh.

 

(Sao)  Kim kinh sở liệt,  cái hữu hữu đức nhi vô lạp giả, vị hữu

hữu lạp nhi vô đức giả dã.

()今經所列,蓋有有德而無臘者,未有有臘而無德者也。

(Sao: Nay [mười sáu vị tôn giả] được nêu tên trong kinh này, có vị hữu đức thiếu lạp, nhưng chưa hề có vị nào có lạp thiếu đức).

Đây là nói tới mười sáu vị tôn giả được nêu tên ở đây. Mười sáu vị tôn giả ấy, có vị hữu đức vô lạp, “vô lạp” là tuổi rất trẻ, có hai vị (A Nan và La Hầu La), nhưng chẳng có vị nào hữu lạp vô đức, đều là đức cao vọng trọng!

 

(Sao) “Quán hạ” giả, trưởng lão chi xưng, bất độc Xá Lợi Phất, nãi chí A Nậu Lâu Đà, giai danh trưởng lão, giai thượng thủ đệ tử dã.

()貫下者,長老之稱,不獨舍利弗,乃至阿耨樓馱,皆名長老,皆上首弟子也。

(Sao: “Áp dụng chung” là danh xưng trưởng lão không chỉ gọi riêng ngài Xá Lợi Phất, mà cho đến ngài A Nậu Lâu Đà đều gọi là trưởng lão, đều là bậc thượng thủ trong các vị đệ tử).

Trong kinh này, những vị ấy đều mang ý nghĩa biểu thị pháp, tượng trưng pháp môn này “thích hợp khắp ba căn, gồm thâu lợi căn lẫn độn căn”. Vị được nêu tên đầu tiên là tôn giả Xá Lợi Phất. Tôn giả Xá Lợi Phất trí huệ bậc nhất, biểu thị pháp môn này nếu chẳng phải là người trí huệ bậc nhất sẽ chẳng thể tin tưởng, chẳng thể phát nguyện cầu sanh Tây Phương. Nếu một người thật sự thông đạt Phật pháp, thật sự hiểu rõ sanh tử luân hồi đáng kinh sợ, không ai chẳng chọn lựa pháp môn Niệm Phật, vì sao? Niệm Phật quyết định thành Phật, không chỉ quyết định thành Phật, mà còn quyết định thành Phật trong một đời, không cần đợi đến đời sau! Thật sự phát tâm niệm Phật tức là quý vị đối với lý luận, phương pháp, và cảnh giới của pháp môn này đều có thể hiểu rõ, thông đạt, y giáo phụng hành.

Trong các buổi giảng, chúng tôi đã nói nhiều lần, điều ấy cũng chẳng phải là giả! [Do tu pháp môn này, đối với] tám nỗi khổ chen nhau nung nấu, chúng ta đều có thể diệt trừ, tuyệt diệu, thật sự lìa khổ được vui! Chẳng cần nói tương lai vãng sanh Tây Phương lìa khổ được vui, mà là lìa khổ được vui ngay trong hiện tại. Do vậy, người thật sự niệm Phật có thể đạt được “chẳng già, chẳng bệnh, chẳng chết”. Lúc vãng sanh, sáng suốt, tỉnh táo, biết trước lúc mất, chẳng bị bệnh khổ, khi mất như nhập Thiền Định, đó là chẳng có tử khổ, lúc ra đi chẳng ngã bệnh. Chúng ta thấy nhiều người đã làm được, phải suy nghĩ: Vì sao họ có thể làm được? Cũng có chẳng ít người tuy niệm Phật, nhưng không làm được, quý vị hãy quan sát cặn kẽ, vì sao họ chẳng làm được? Nếu chúng ta tự mình quan sát rõ ràng, tiêu trừ nguyên nhân khiến cho chúng ta không thể làm được, học tập những người đã làm được, thì chúng ta cũng sẽ làm được, cũng sẽ thành công! Phàm là người có thể làm được, tất nhiên là một trăm phần trăm y giáo phụng hành, công đức lợi ích ấy chẳng thể nghĩ bàn, vì sao chúng ta không chọn lấy? Vì sao chẳng cần đến [pháp môn Niệm Phật này]? Vì thế, con người nói đến giác ngộ thì người ấy giác ngộ điều gì? Giác ngộ điều này, đó mới gọi là thật sự giác ngộ, triệt để giác ngộ, đấy là trí huệ. Người giác ngộ có trí huệ, có thể chọn lựa, trong hết thảy các pháp môn, chọn lựa pháp môn thù thắng, chọn lựa pháp môn bậc nhất. Chúng ta sẽ thảo luận tỉ mỉ nghĩa lý này trong kinh Vô Lượng Thọ vì kinh Vô Lượng Thọ vừa mở đầu bèn thảo luận vấn đề này!

 

(Sớ) Xá Lợi Phất giả, Phạn ngữ Xá Lợi, thử vân Thu Lộ.

()  舍利弗者,梵語舍利,此云鶖鷺。

(Sớ: Xá Lợi Phất (Śāriputra), tiếng Phạn Xá Lợi, cõi này dịch là Thu Lộ).

Dịch sang nghĩa tiếng Hán là Lộ Tư[79], Đài Loan có loại chim này!

 

(Sớ) Phạn ngữ Phất, thử vân Tử, cố vân Thu Tử, diệc vân Thân Tử, diệc vân Châu Tử, cánh hữu đa hiệu, khủng phiền bất dẫn. Chư đệ tử trung, trí huệ đệ nhất. Xưng đệ nhất giả, cô hiển nhất đức, Ngữ vân: “Quân tử bất khí”, huống phục La Hán.

() 梵語弗,此云子,故云鶖子,亦云身子,亦云珠子,更有多號,恐繁不引。諸弟子中,智慧第一。稱第一者,姑顯一德,語云:君子不器,況復羅漢。

(Sớ: Tiếng Phạn “Phất” (Putra), cõi này dịch là Tử (con), nên [Xá Lợi Phất] được dịch là Thu Tử, hoặc Thân Tử, hoặc còn dịch là Châu Tử, có nhiều danh hiệu, sợ rườm rà nên chẳng nêu ra. Trong các vị đệ tử, Ngài có trí huệ bậc nhất. Nói “đệ nhất” chỉ là hiển lộ một đức. Sách Luận Ngữ nói: “Quân tử chẳng chỉ có một tài nghệ”, huống hồ bậc La Hán ư?)

Huống gì những vị ấy đều là Đại A La Hán, chẳng phải là A La Hán thông thường.

 

(Sao) Thu Tử giả.

() 鶖子者。

(Sao: Thu Tử)

Vì sao Ngài có tên là Xá Lợi Phất? Cổ nhân đặt tên, Ấn Độ và Trung Quốc có rất nhiều chỗ tương tự. Có người đặt tên theo đức tánh, có người đặt tên dựa theo thân thể, chẳng hạn như những điểm đặc trưng đặc thù. Thí dụ như có người đầu rất lớn, chúng ta gọi là Đại Đầu, trọn chẳng phải là không dễ nghe. Cổ nhân thường có lệ này. Tôn giả Câu Hy La đầu gối rất lớn, to hơn người khác, nên [tên Ngài] dịch sang nghĩa tiếng Hán là Đại Tất Cái (đầu gối to). Cho nên có rất nhiều trường hợp đặt tên theo cách như vậy. Một loại khác, quá nửa là cha mẹ biểu lộ lòng kỳ vọng nơi con cái, mong con cái mai sau khôn lớn sẽ danh xứng với thật. Chẳng giống như hiện thời, đặt tên lung tung xèng, chỉ quan tâm tới nét bút, Âm Dương cát hung[80], đều chẳng hợp tình hợp lý.

 

(Sao) Kỳ mẫu sanh hình đoan chánh.

() 其母生形端正。

(Sao: Mẹ Ngài thân hình đoan chánh).

Dung mạo của mẹ ngài Xá Lợi Phất vô cùng đoan chánh.

 

(Sao) Nhãn tịnh như Thu Lộ, liên mẫu đắc danh, vân thị Thu Lộ chi tử dã.

() 眼淨如鶖鷺,連母得名,云是鶖鷺之子也。

(Sao: Mắt trong như mắt chim Thu Lộ, do mẹ mà Ngài có tên ấy, [Xá Lợi Phất] nghĩa là con bà Thu Lộ).

Mắt của mẹ Ngài rất đẹp, giống như mắt chim Thu Lộ. Do vậy, mọi người gọi Ngài là “con bà Thu Lộ”, do gọi tên theo mẹ mà có danh hiệu như vậy.

 

(Sao) Thân Tử tức thân đoan ý.

() 身子即身端意。

(Sao: Thân Tử: Ý nói thân thể đoan chánh).

Mẹ Ngài thân hình đoan chánh, nên [Ngài được gọi theo đặc điểm của mẹ] thành Thân Tử.

 

(Sao) Châu Tử tức nhãn tịnh ý.

() 珠子即眼淨意。

(Sao: Châu Tử có nghĩa là mắt trong veo).

“Châu”“nhãn châu” (眼珠: tròng mắt). Tròng mắt của mẹ Ngài hết sức đẹp đẽ, nên gọi Ngài là Châu Tử. “Nhãn tịnh ý” có nghĩa là con mắt thanh tịnh.

 

(Sao) Cánh hữu đa hiệu, phi kim sở cấp, cố bất phiền dẫn.

() 更有多號,非今所急,故不繁引。

(Sao: Ngài còn có nhiều danh hiệu nữa, nhưng nay những điều ấy chẳng cần thiết, nên chẳng cần nêu ra để khỏi rườm rà).

Ngài có rất nhiều danh hiệu.

 

(Sao) Hạ giai lệ thử.

() 下皆例此。

(Sao: Những vị sau đó đều theo lệ này).

 Mỗi vị tôn giả đều có rất nhiều danh hiệu, không chỉ là một tên.

 

(Sao) Trí huệ giả, tại mẫu  thai  thời, dĩ  năng  linh  mẫu  biện thắng kỳ cữu.

() 智慧者,在母胎時,已能令母辯勝其舅。

(Sao: “Trí huệ”: Lúc còn ở trong thai mẹ, đã có thể khiến cho mẹ tranh biện thắng cậu).

Cậu của Ngài là tôn giả Câu Hy La; lúc Ngài chưa sanh ra, còn đang nằm trong bụng mẹ, bình thường mẹ Ngài biện luận với em trai luôn thua cuộc, em trai bà ta rất thông minh. Kể từ khi mang thai Xá Lợi Phất, mẹ Ngài biện tài vô ngại, mỗi lần cùng em trai biện luận, em trai đều thua. Người em suy nghĩ: “Đây chẳng phải là năng lực của chị ta! Trước đây, chị chẳng bằng ta, nhất định là do đứa bé trong bụng chị, tức cháu trai ta. Trong tương lai, nó ra đời, ta làm cậu mà chẳng tranh biện thắng nổi nó, mất mặt lắm”. Do vậy, tôn giả liền đi tham học. Đến Nam Thiên Trúc, tham phỏng các đại đức, nghiêm túc học tập, đọc mười tám loại kinh, chuẩn bị cho mai sau, khi trở về, đứa cháu đã lớn lên, chẳng đến nỗi thua nó, Ngài có ý niệm như thế! Trong thời gian cầu học, tôn giả vô cùng dụng công, chẳng có thời gian cắt móng tay, nên móng tay cũng rất dài, người ta gọi Ngài là Trường Trảo Phạm Chí (thầy tu Bà La Môn móng tay dài). Trường Trảo Phạm Chí là cậu của ngài Xá Lợi Phất.

Đến khi Ngài trở về, Xá Lợi Phất đã bảy tám tuổi, đã theo Thích Ca Mâu Ni Phật xuất gia, Ngài cũng rất không phục, nói: “Cháu ta thông minh như thế, làm sao có thể theo Thích Ca Mâu Ni Phật xuất gia? Chẳng có lẽ nào?” Ngài tìm Thích Ca Mâu Ni Phật để biện luận. Tìm được Thích Ca Mâu Ni Phật, liền hỏi: “Cháu ta là Xá Lợi Phất có thuộc trong hội của Phật hay không?” Đức Phật đáp: “Có, ở chỗ này của ta”. Ngài nghĩ muốn đem cháu về, đức Phật chẳng chấp thuận, bảo hãy biện luận, đức Phật bảo: “Nếu ông tranh biện thắng, ta sẽ cho ông mang Xá Lợi Phất về”. Tôn giả nói: “Tôi tranh biện thua, sẽ dâng đầu cho Ngài, chặt đầu đưa cho Ngài”. Đức Phật nói: “Được! Ông hãy đưa ra một đề tài”. Tôn giả bèn nói: “Tông chỉ của ta là chẳng thọ hết thảy các pháp”. Đức Phật liền hỏi: “Ông có thọ câu nói ấy hay không? Nếu ông thọ, tức là thua rồi. Hết thảy các pháp chẳng thọ thì đối với pháp ấy ông thọ hay chẳng thọ?” Tôn giả nghe đức Phật nói như vậy, tự hiểu chẳng xong rồi, quay đầu bỏ đi. Đi không bao xa, bèn quay trở lại, đại trượng phu một khi đã thốt ra lời, ngựa kéo xe cặp bốn[81] khó đuổi theo được, đã hứa chặt đầu bèn chặt đầu, quay trở lại chỗ Thích Ca Mâu Ni Phật, thừa nhận đã thua, chuẩn bị chặt đầu dâng cho Thích Ca Mâu Ni Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật nói: “Ta cũng chẳng cần ông chặt đầu, ông hãy ngoan ngoãn bái ta làm thầy trong hội này, làm đệ tử của ta là được rồi”. Do vậy, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng thu nhận cậu của ngài Xá Lợi Phất làm đệ tử. Chuyện này được Trí Độ Luận chép rất tỉ mỉ, tức là chuyện của Trường Trảo Phạm Chí[82]. Đây là nói khi Ngài ở trong thai, cũng có thể biện luận thắng cậu mình.

 

(Sao) Bát tuế đăng tọa, thập lục đại quốc, nghị luận vô song, thất nhật chi nội, biến đạt Phật pháp, cố viết trí huệ đệ nhất.

()歲登座,十六大國,議論無雙,七日之內,遍達佛法,故曰智慧第一。

(Sao: Năm tám tuổi lên giảng tòa, trong mười sáu nước lớn[83], không ai nghị luận bằng được Ngài, [sau khi xuất gia với Phật], trong vòng bảy ngày, thông đạt trọn khắp Phật pháp, nên gọi là trí huệ bậc nhất).

Trong kinh, đức Phật đã nói rất rõ ràng: Xá Lợi Phất là cổ Phật tái lai, cố ý thị hiện. Mục Kiền Liên cũng thế, hai vị này là cổ Phật tái lai.

 

(Sao) Cô hiển nhất đức giả.

() 姑顯一德者。

(Sao: Chỉ hiển lộ một đức).

“Cô” là tạm thời, cho thấy Ngài có quá nhiều đức, chỉ nêu lên một điều!

 

(Sao) Minh phi Thân Tử chi ngoại, chư A La Hán giai vi liệt huệ.

() 明非身子之外,諸阿羅漢皆為劣慧。

(Sao: Nói rõ: Chẳng phải là ngoài ngài Xá Lợi Phất ra, các vị A La Hán khác đều là trí huệ kém cỏi).

Nói thật ra, mười sáu vị này, không ai chẳng phải trí huệ đệ nhất, ai nấy đều có trí huệ, nhưng nhằm biểu thị pháp, nên mỗi cá nhân đại diện một thứ, thật ra, mỗi vị tôn giả đều là trí huệ đức năng vô lượng vô biên.

 

(Sao) Diệc phi Thân Tử chỉ cụ trí huệ, dư tắc bất kiêm, cái thị các cử nhất đức, dĩ biểu pháp môn vô lượng.

()亦非身子止具智慧,餘則不兼,蓋是各舉一德,以表法門無量。

(Sao: Mà cũng chẳng phải là ngài Xá Lợi Phất chỉ có trí huệ, chẳng có những đức năng khác, ấy là vì đối với mỗi vị chỉ nêu một đức, nhằm biểu thị pháp môn vô lượng).

Nhằm dụng ý biểu thị pháp, đại biểu pháp môn này.

 

(Sao) Hựu dĩ dẫn chư thiên hảo nhĩ.

() 又以引諸偏好耳。

(Sao: Lại [nhằm dụng ý] tiếp dẫn những kẻ riêng ưa thích [một phẩm đức nào đó]).

 “Dẫn” là tiếp dẫn. Thế gian này có rất nhiều người ham mê khác nhau, có người ưa trí huệ, có kẻ chuộng thần thông, có người thích biện luận, mỗi cá nhân ham mê khác nhau. Ngài Xá Lợi Phất chuyên hướng dẫn loại người ưa chuộng trí huệ. Quý vị cầu trí huệ bậc nhất thì đến đâu để học trí huệ đệ nhất? Trong kinh này, Ngài đại diện trí huệ đệ nhất, đại biểu ý nghĩa này. Có rất nhiều người nói “kinh Di Đà nhằm độ mấy bà già”, để độ bà già thì cần gì phải kể tên Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên ở đây? Chẳng cần! Những kẻ đọc kinh Phật chẳng nghiên cứu [kỹ càng] đại ý của bản kinh thường nghĩ như vậy, quá sức ơ hờ! Người thật sự thông đạt Phật pháp, chẳng cần đọc kinh văn, nhìn thấy những vị nào được nêu tên trong kinh văn liền hiểu tánh chất và nội dung của bộ kinh ấy. Đây là vì hướng dẫn những kẻ ưa chuộng riêng một môn nào đó!

 

(Sao) Như kinh ngôn: Xá Lợi Phất yến tọa, Mục Liên dục khởi kỳ định, kiệt tận thần lực, bất năng động kỳ y chi nhất đới. Thường ngôn Mục Liên thần thông đệ nhất, thục tri Xá Lợi Phất thần thông, nãi chí thị hồ!

()如經言:舍利弗晏座,目連欲起其定,竭盡神力,不能動其衣之一帶。常言目連神通第一,孰知舍利弗神通,乃至是乎。

(Sao: Như kinh đã nói: Ngài Xá Lợi Phật ngồi yên, Mục Liên muốn Ngài xuất Định, bèn dốc cạn thần lực, nhưng chẳng thể động một chéo y của ngài [Xá Lợi Phất]. Thường nói “Mục Liên thần thông bậc nhất”, nào biết ngài Xá Lợi Phất thần thông đến thế!)

Đây là nói đức năng trọn chẳng phải chỉ có một, nêu lên một thí dụ về sự thị hiện thần thông của ngài Xá Lợi Phất. Chúng ta hiểu: Trong các đệ tử đức Phật, ngài Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất, nhưng Mục Kiền Liên vẫn chẳng thể làm gì ngài Xá Lợi Phất được! Có một hôm, Xá Lợi Phất tịnh tọa, Mục Liên muốn Ngài xuất Định, đã dùng hết thần thông vẫn chẳng thể lay động Ngài, ngay cả đối với y phục của Ngài mà còn chẳng có cách nào lay động, huống gì những thứ khác? Quý vị mới hiểu ngài Xá Lợi Phất thần thông chẳng thể nghĩ bàn!

 

(Sao) Quân tử bất khí giả, Khổng Tử ngữ.

() 君子不器者,孔子語。

(Sao: “Quân tử bất khí” là lời Khổng Tử nói).

Đây là lời Khổng lão phu tử nói[84], “khí” là khí cụ (器具: vật dụng), quân tử là người lắm tài, có rất nhiều sở trường. Chữ “Khí” hàm ý chỉ có một tài năng chuyên biệt, bởi lẽ, các vật dụng chỉ có một công dụng, chẳng thể có rất nhiều công dụng được. “Bất khí” nghĩa là lắm tài, lắm nghề, thứ gì cũng đều có thể làm được. Dưới đây là nêu một tỷ dụ:

 

(Sao) Như châu bất khả lục, xa bất khả thủy, thị khí dã.

() 如舟不可陸,車不可水,是器也。

(Sao: Như thuyền chẳng thể lướt trên mặt đất, xe chẳng thể chạy dưới nước, đó là Khí (một công dụng chuyên biệt)).

Thuyền chẳng thể đi trên đất, thuyền chỉ có thể bơi dưới nước, chỉ có một cách sử dụng.

 

(Sao) Quân tử cụ túc đa năng, bất trệ nhất khí, khởi đắc vị Nhan Mẫn vô văn, Du Hạ khuyết hạnh.

()君子具足多能,不滯一器,豈得謂顏閔無文、游夏缺行。

(Sao: Quân tử trọn đủ nhiều tài năng, chẳng vướng mắc nơi một tài năng nào. Há có thể nói Nhan Hồi và Mẫn Tử Khiên chẳng hiểu văn chương, Tử Du và Tử Hạ thiếu đức hạnh ư?)

“Nhan” là Nhan Hồi, “Mẫn” là Mẫn Tử Khiên[85], họ đều là đệ tử nhập thất của Khổng lão phu tử, tức là trong số những người được gọi Thất Thập Nhị Hiền (bảy mươi hai hiền nhân). Nhan Hồi được kể tên trong số những vị đức hạnh, chẳng lẽ Ngài chẳng hiểu gì về văn học ư? Hiểu chứ! Đặc biệt nêu gương đức hạnh của Ngài. “Du” là Tử Du, “Hạ” là Tử Hạ[86], Khổng lão phu tử thường thường ca ngợi họ về tài nghệ, chẳng lẽ họ thiếu đức hạnh ư? Họ có chứ, bất quá chẳng nêu ra đó thôi!

 

(Sao) Quân tử thượng nhĩ, huống siêu phàm nhập thánh, tam minh kiểu nhiên, lục thông thanh triệt, hiệu Lậu Tận A La Hán da? Cố viết “cô hiển nhất đức” dã.

()君子尚爾,況超凡入聖,三明皎然,六通清徹,號漏盡阿羅漢耶,故曰姑顯一德也。

(Sao: Quân tử còn như thế, huống bậc siêu phàm nhập thánh, tam minh rạng ngời, lục thông thấu suốt, được gọi là Lậu Tận A La Hán ư? Vì thế, nói “chỉ hiển thị một đức”).

Tam Minh và Lục Thông có cùng một ý nghĩa. Lục Thông là sáu thứ thần thông. Tam Minh là sáu thứ thần thông được nâng cao hơn, thù thắng hơn, nên gọi là Tam Minh. Tam Minh (Tri-vidyā) là Túc Mạng Minh (Pūrva Nivāsānusmrti Jñāna-sāksāt-kriya Vidyā), Thiên Nhãn Minh (Cyuty-upapatti Jñāna-sāksāt-kriya Vidyā) và Lậu Tận Minh (Āsrava-ksaya Jñāna-sāksāt-kriya Vidyā).

 

(Sớ) Thủ cử Xá Lợi Phất, dĩ thử kinh duy trí sở giải cố.

()  首舉舍利弗,以此經惟智所解故。

(Sớ: Nêu tên ngài Xá Lợi Phất đầu tiên vì chỉ có người trí mới hiểu kinh này).

 Ở đây, Liên Trì đại sư đặc biệt nhắc nhở chúng ta, kinh xếp ngài Xá Lợi Phất đầu tiên vì nói thật ra, chỉ có bậc đại trí huệ mới có thể hiểu, tin, bằng lòng y giáo phụng hành bộ kinh này!

 

(Sao) Kinh trung Phật vị chúng sanh thuyết thử nan tín chi pháp, nan tín, tắc duy trí huệ thâm viễn giả, thỉ tín bất nghi, thị dĩ thủ cử.

()經中佛為眾生說此難信之法,難信,則惟智慧深遠者,始信不疑,是以首舉。

(Sao: Trong kinh, đức Phật vì chúng sanh mà nói pháp khó tin này. Khó tin thì chỉ có người trí huệ sâu xa mới tin tưởng chẳng nghi; vì thế, nêu tên Ngài đầu tiên).

Đặt tôn giả Xá Lợi Phất ở đầu kinh, nhất là kinh này từ đầu tới cuối, đức Phật đều gọi ngài Xá Lợi Phất để nói, chẳng gọi người khác, ngụ ý chỉ có thể nói với người có đại trí huệ. Kẻ chẳng phải là bậc đại trí huệ sẽ chẳng tin tưởng, đây là pháp khó tin mà! Pháp môn này là pháp thành Phật ngay trong một đời; chúng ta đọc sách Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư [sẽ thấy] Ngài giải thích chữ Phật Thuyết trong tựa đề kinh, Thuyết là “duyệt sở hoài dã” (thỏa thích điều ấp ủ). Đức Phật lấy độ chúng sanh làm bổn hoài, đức Phật có nguyện vọng muốn độ trọn hết thảy chúng sanh, mong muốn hết thảy chúng sanh mau chóng thành Phật. Nay cơ duyên thành Phật của chúng sanh đã chín muồi, quý vị nghĩ xem: Đức Phật có vui sướng hay chăng? Thật sự là một ngày hiếm có khó gặp từ vô lượng kiếp tới nay, cơ hội khiến nhiều người dường ấy được thành Phật đã tới, đức Phật thật sự hoan hỷ, vui sướng, giảng cho chúng ta pháp khó tin này, tức là phương pháp quyết định thành Phật ngay trong một đời. Thưa quý vị, [do hành theo] những kinh điển khác, thành Bồ Tát, thành Duyên Giác, thành La Hán tuyệt vời lắm, nhưng chẳng có bộ kinh nào thành Phật! Quý vị đi kiếm, chẳng có bộ nào cả! Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, thành Phật như thế nào? Đến cuối cùng, “mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc”, đến thế giới Cực Lạc thành Phật. Bộ kinh này từ đầu đến cuối giảng về thế giới Cực Lạc, chẳng phải là nói kèm theo, mà là toàn bộ đều nói! Hoa Nghiêm và Pháp Hoa là nói kèm theo, chẳng phải là chuyên nói, còn kinh này là kinh điển để thành Phật.

Trong phần trước, chúng tôi đã một đôi lần nhắc nhở quý vị, niệm Phật thành Phật, niệm Bồ Tát thành Bồ Tát, niệm La Hán bèn thành La Hán, “tâm này là Phật, tâm này làm Phật”, tâm chúng ta muốn làm gì sẽ làm nấy. Do vậy, trong vô lượng pháp môn, chẳng có pháp môn nào thù thắng bằng pháp môn Niệm Phật! Kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Thập Địa Bồ Tát, từ đầu tới cuối chẳng lìa niệm Phật”, chúng ta tin tưởng. Qua năm mươi ba lần tham học trong Tứ Thập Hoa Nghiêm, chúng ta thấy Thiện Tài đồng tử đi tham phỏng, vị thiện tri thức thứ nhất là tỳ-kheo Đức Vân, trong Tứ Thập Hoa Nghiêm gọi Ngài là tỳ-kheo Cát Tường Vân, dạy Thiện Tài pháp môn Niệm Phật. Vị thiện tri thức cuối cùng, tức vị thiện tri thức thứ năm mươi ba là Phổ Hiền Bồ Tát, mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Do vậy, có thể biết: Thiện Tài đồng tử từ đầu tới cuối chẳng lìa pháp môn Niệm Phật, Thiện Tài đồng tử tu pháp môn gì? Pháp môn tín nguyện trì danh, chúng ta thấy được điều này từ kinh Hoa Nghiêm. Giữa năm mươi mốt vị thiện tri thức ấy, bao gồm Tông, Giáo, Hiển, Mật, ngoại đạo, trong tất cả hết thảy các pháp môn, Niệm Phật là bậc nhất, Niệm Phật là thành Phật trong một đời. Thật sự hiểu rõ đạo lý này, các kinh khác, chẳng cần niệm Phật, Bồ Tát khác, quý vị mới là thật sự tin tưởng.

Ta muốn tiêu tai vẫn niệm phẩm Phổ Môn, mắc bệnh vẫn niệm kinh Dược Sư, nghiệp chướng nặng nề bèn niệm kinh Địa Tạng, đấy là gì? Quý vị vẫn chưa tin tưởng! Thật sự tin tưởng, kinh này là kinh bậc nhất, pháp môn này là pháp môn đệ nhất. Nói tới tiêu tai thì nói thật ra, Quán Âm Bồ Tát chẳng tiêu được, A Di Đà Phật có thể tiêu! Tiêu tội nghiệp, Địa Tạng Bồ Tát làm không được, nhưng A Di Đà Phật có thể thực hiện. Kẻ ấy chẳng tin A Di Đà Phật, cho nên đức Phật nói là pháp khó tin, chẳng sai! Kẻ ấy không tin, khó tin mà! Có bệnh tật bèn tìm Dược Sư Như Lai, chẳng biết tìm A Di Đà Phật, niệm như vậy hữu hiệu hay chăng? Hữu hiệu; nhưng hiệu quả chẳng lớn, nguyên nhân vì sao? Vì tâm quý vị chẳng chuyên, nếu chuyên tâm sẽ có sức mạnh to lớn, tâm chẳng chuyên mà!

Do vậy, một đạo tràng thật sự tu Tịnh Độ là khó có, từ thời Dân Quốc tới nay chỉ có đạo tràng của Ấn Quang đại sư chuyên tu Tịnh Độ, họ chỉ niệm một bộ kinh A Di Đà, trong mười hai thời một câu A Di Đà Phật chẳng gián đoạn, trong Niệm Phật Đường, Phật hiệu chẳng gián đoạn, đạo tràng ấy là đạo tràng của người thật sự thành tựu. Do vậy, chúng ta thấy pháp khó tin, vừa mở đầu bèn đặt Xá Lợi Phất vào vị trí thứ nhất, ý nghĩa ấy vô cùng sâu!

 

(Sao) Hoặc nạn.

() 或難。

(Sao: Nếu cật vấn).

“Nạn” là vấn nạn.

 

(Sao) Bát Nhã Tâm Kinh, độc cáo Thân Tử, tắc tri Thân Tử chi trí, tại hồ giải Không, bất tại Tịnh Độ.

()般若心經,獨告身子,則知身子之智,在乎解空,不在淨土。

(Sao: Bát Nhã Tâm Kinh chỉ nói riêng với ngài Xá Lợi Phất, nên biết trí của ngài Xá Lợi Phất chú trọng nơi giải Không, chẳng tại Tịnh Độ).

Nếu có người đưa ra vấn đề này để tranh luận, trí huệ của ngài Xá Lợi Phất là giải Không, trong kinh Bát Nhã nêu tên Ngài, làm sao Ngài có biết Hữu? Tịnh Độ là Hữu! Dưới đây là câu trả lời của Liên Trì đại sư:

 

(Sao) Y! Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc, độc bất viết Tịnh Độ tức Không, Không tức Tịnh Độ hồ? Nhược bát Tịnh Độ, tắc phi Chân Không, bất giải Chân Không, tắc phi chánh trí, Thân Tử chi trí, tất bất như thị.

()噫!色即是空,空即是色,獨不曰淨土即空,空即淨土乎。若撥淨土,則非真空,不解真空,則非正智,身子之智,必不如是。

(Sao: Ôi! Sắc chính là Không, Không chính là Sắc, lẽ nào chẳng phải “Tịnh Độ chính là Không, Không chính là Tịnh Độ” hay sao? Nếu bài bác Tịnh Độ thì sẽ chẳng phải là Chân Không, chẳng hiểu Chân Không sẽ chẳng phải là Chánh Trí, trí của ngài Xá Lợi Phất quyết chẳng phải là như thế).

Đây là nói tới hai câu trong Tâm Kinh,  cũng là hai câu trọng yếu

trong Tâm Kinh. Sắc là gì? Nay chúng ta nói “vật chất” thì trong Phật pháp dùng một chữ Sắc để đại diện. Sắc có phạm vi vô cùng rộng lớn, y báo và chánh báo đều bao gồm trong ấy. Trong Tâm Kinh nói “Sắc tức là Không”, lời này là thật, chẳng giả, vì sao? Bản thể của hết thảy Sắc pháp là Không, trọn chẳng thể được. Phàm phu chúng ta mê mất chân tướng, tưởng những thứ ấy là thật; do vậy, dấy lên vọng tưởng trong ấy, có được, mất, có tốt, xấu, có phân biệt, có chấp trước, dấy lên vô minh, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chịu thua thiệt to lớn, chẳng biết chân tướng của hết thảy các Sắc pháp là không tịch.

Thật ra, những hiện tượng này thường ở trước mắt, nhưng chúng ta chẳng giác ngộ. Những điều kinh giảng, quý vị càng nghĩ càng thấy có lý, Sắc là gì? Kinh thường giảng: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, xác thực là mộng cảnh, đúng là mộng. Đang trong lúc chúng ta nằm mơ, cảnh giới trong mộng rõ ràng, quý vị tưởng là chân thật, tỉnh giấc toàn là rỗng không! Nay chúng ta mở toang con mắt, đấy là nằm mộng, quý vị đến tối nhắm mắt ngủ, chẳng phải là một mực đều Không, thứ gì cũng đều không có ư? Cảnh giới ấy hoàn toàn không có, quý vị tưởng cảnh giới ấy là thật ư? Giả! Ngày hôm sau, khi thức dậy, lại tiếp tục nằm mộng. Quý vị mơ giấc mộng ấy vài chục năm, mơ vài chục năm vẫn chẳng giác ngộ! Nằm mơ một hai ngày, chẳng giác ngộ, chẳng đáng trách, nhưng nằm mơ mấy chục năm vẫn chẳng giác ngộ? Người giác ngộ, nhắm mắt lại, hết thảy sắc tướng bên ngoài là Không, chẳng có nữa, Sắc tướng đã Không rồi!

Có thể thấy sắc tướng bên ngoài là giả, chẳng thật. Chư vị thấu hiểu cặn kẽ, thấu hiểu chân tướng sự thật, chân tướng sự thật được gọi là “Thật Tướng của các pháp” như trong kinh đã nói. Sau khi thấu hiểu, lợi ích to lớn lắm, chẳng có phiền não, vì sao? Ý niệm lo được, lo mất chẳng còn, được và mất chẳng hai! Giống như quý vị nằm mơ, quý vị đạt được, mất đi, sau khi tỉnh giấc, thảy đều như không, thảy đều là không, được và mất chẳng hai, không có tâm được mất! Do không có tâm được mất, phiền não mất đi chín mươi phần trăm! Hiện thời, chín mươi phần trăm phiền não của chúng ta đều là do được mất mà có, lo được, lo mất. Ý niệm được mất chẳng có, tâm tự tại; đấy là tâm khai ý giải! Hiểu vạn pháp là không, vạn pháp là giả.

Người thật sự giác ngộ, thông minh có trí huệ sẽ giống như Bồ Tát, chúng ta nắm chắc cơ duyên này, tự lợi, lợi tha, lợi ích thù thắng nhất trong các thứ lợi ích chính là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, không có lợi ích nào lớn hơn được! Đấy là thật sự giác ngộ, triệt để giác ngộ. Kẻ chẳng giác ngộ gặp Phật pháp chẳng tin, gặp pháp môn này chẳng muốn học, tu tập pháp môn khác. Người thật sự giác ngộ, nhất định chọn lựa pháp môn này. Chẳng chọn lựa pháp môn này, khăng khăng chẳng tu học pháp môn này, tức là chưa giác ngộ! Thật sự ngộ, buông xuống vạn duyên, nhất tâm trì danh, chính mình thành Phật, mà cũng giúp cho người khác thành Phật.

Tu học pháp môn này, đúng như kinh Vô Lượng Thọ đã nói: Pháp môn bậc nhất, là đệ tử bậc nhất của Như Lai; vì thế, vị biểu thị pháp thứ nhất trong kinh Vô Lượng Thọ là tôn giả Kiều Trần Như, là người được Thích Ca Mâu Ni Phật độ đầu tiên sau khi thành Phật. Do vậy, pháp môn này là pháp môn đệ nhất, chúng ta y theo kinh điển này tu hành, sẽ là đệ tử bậc nhất của Phật. Trong kinh, đức Phật đã giảng rõ ràng, giống như đã thọ ký cho chúng ta vậy!

“Sắc tức thị Không”, chúng ta phải hiểu: “Sắc” là nói về hiện tướng, “Không” là nói tới bản thể. Tánh và tướng chẳng hai, tánh, tướng như nhau, tánh như tướng, tướng như tánh. Chúng ta vẫn lấy chuyện nằm mộng làm tỷ dụ, tâm có thể nằm mộng là Không, cảnh giới trong mộng là Sắc, trong khi nằm mộng, toàn bộ cái tâm chúng ta biến thành mộng cảnh. “Không tức thị Sắc”, toàn thể mộng cảnh là tâm. “Sắc tức thị Không” Sắc và Không là một, chẳng hai. Nếu quý vị nói Sắc và Không là hai, trật rồi, chúng là một. “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”, là một, chẳng hai! Hiểu rõ đạo lý này, sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần cũng là “Sắc, Không bất nhị, Tánh, Tướng như một”. Đó là nhập Phật pháp. Nhập Phật pháp bèn thật sự giác ngộ; nhập cảnh giới ấy, vạn pháp bình đẳng, vì sao? Toàn là sắc tướng hiển hiện từ Không. Cầm lấy một viên kim cương, mọi người coi như bảo bối, nó từ trong Không hiển hiện; lấy một cục đất bẩn thỉu, mọi người chẳng cần tới, đều chán ghét, nhưng nó cũng do tâm tánh hiển hiện,  có cùng một tâm tánh,  chúng là một, không hai!

Trong hết thảy cảnh giới, quyết định chẳng có phân biệt, chấp trước hư vọng, tâm quý vị bình đẳng, tâm bình đẳng là Phật tâm! Nhân hạnh của mười pháp giới, Phật tâm là tâm bình đẳng. Vì sao Phật bình đẳng? Vì Ngài thấy hết thảy các pháp vốn bình đẳng. Hết thảy các pháp bất bình đẳng thì sao? Bất bình đẳng là do quý vị nghĩ chúng bất bình đẳng, chẳng phải là hết thảy các pháp bất bình đẳng, do quý vị phân biệt, chấp trước hư vọng, tự nghĩ chúng là bất bình đẳng, bất bình đẳng là giả, chẳng phải là tướng chân thật. Tướng chân thật là bình đẳng, tướng chân thật là bất nhị. Điều này đích xác cần phải có trí huệ cao độ thì mới có thể hiểu rõ chân tướng sự thật. Tịnh Độ là Sắc, lấy bốn câu trong Tâm Kinh làm công thức để áp dụng thì “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc, Tịnh Độ là không, không tức Tịnh Độ”.

 

(Sớ) Ma Ha Mục Kiền Liên giả. Ma Ha, thử vân Đại. Mục Kiền Liên, thử vân Thái Thục Thị, nhất vân Lai Bặc, thần thông đệ nhất.

() 摩訶目犍連者。摩訶,此云大。目犍連,此云采菽氏,一云萊菔,神通第一。

(Sớ: Ma Ha Mục Kiền Liên, Ma Ha, cõi này dịch là Đại. Mục Kiền Liên, cõi này dịch là Thái Thục Thị, còn dịch là Lai Bặc, thần thông bậc nhất).

Ma Ha (Mahā) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Đại.

 

(Sao) Mục Kiền Liên, tánh dã, danh Câu Luật Đà. Câu Luật Đà giả, thụ danh, đảo thụ thần nhi sanh, nhân dĩ vi danh.

()目犍連,姓也,名拘律陀。拘律陀者,樹名,禱樹神而生,因以為名。

(Sao: Mục Kiền Liên (Maudgalyāyana) là họ, tên Ngài là Câu Luật Đà (Kolita). Câu Luật Đà là tên một loài cây, do cầu đảo thần cây mà sanh Ngài, nên đặt tên như vậy).

 Đây là do cha mẹ Ngài cầu khẩn nơi thần cây mà sanh ra đứa con ấy, nên đặt tên đó. Mục Kiền Liên là họ của Ngài.

 

(Sao) Kỳ tộc chúng đa, cố biệt dĩ Đại.

() 其族眾多,故別以大。

(Sao: Dòng họ Ngài đông đúc, nhằm phân biệt nên gọi là Đại).

Gia tộc của Ngài vô cùng hưng vượng, nhân số rất đông; vì thế, thêm chữ Đại vào trước tên họ để phân biệt, gọi Ngài là Đại Mục Kiền Liên.

 

(Sao) Thần thông giả, như Phật thăng Đao Lợi, độc long chướng Phật, chư tỳ-kheo thỉnh hàng long, Phật giai bất hứa, Mục Liên hóa thân đại tiểu, long cụ toại phục. Hựu như ngoại đạo di sơn, chế chi bất động; nhất thành Thích Chủng, cử chi Phạm Thiên, cập chỉ xa, thiêu đường đẳng, cố vân thần thông đệ nhất.

()神通者,如佛昇忉利,毒龍障佛,諸比丘請降龍,佛皆不許,目連化身大小,龍懼遂服;又如外道移山,制之不動;一城釋種,舉之梵天,及止車燒堂等,故云神通第一。

(Sao: “Thần thông” như Phật lên cõi trời Đao Lợi, độc long chướng ngại Phật, các tỳ-kheo xin phép hàng phục rồng, đức Phật đều không cho. Mục Liên hóa thân to, nhỏ, rồng sợ hãi liền hàng phục. Lại như ngoại đạo dời núi, Ngài ngăn trở chẳng cho lay động. Đem những người họ Thích trong cả một thành lên cõi Phạm Thiên, và ngăn xe, đốt điện đường v.v… nên nói là “thần thông bậc nhất”).

Ở đây, nêu lên những chuyện thị hiện thần thông nổi tiếng nhất của ngài Mục Kiền Liên. Chuyện thứ nhất là Ngài hàng phục rồng. Đây là nói ở bên cạnh núi Tu Di, có hai long vương ở đó, tức Nan Đà long vương (Nanda) và Bạt Nan Đà (Updananda) long vương, hai long vương ấy là huynh đệ. Khi đức Phật lên trời Đao Lợi thuyết pháp cho mẹ, tức là giảng kinh Địa Tạng, chuyên vì mẹ Ngài mà giảng [kinh ấy] nhằm độ mẹ Ngài. Đi qua chỗ long vương ở, long vương thấy Thích Ca Mâu Ni Phật bay qua, bay lại, bèn nổi lòng sân hận, miệng phun khói đen che lấp quang minh của mặt trời và mặt trăng, biến hiện thân hình rất lớn, quấn quanh núi Tu Di bảy vòng. Quý vị thấy thân rồng to lắm, đuôi duỗi ngoài biển, đầu gác lên đỉnh núi, một con rồng to dường ấy! “Mục Liên hóa thân đại tiểu”: Mục Kiền Liên thấy con rồng ấy hóa thân to như thế, Ngài bèn biến ra thân lớn hơn nữa, dài gấp đôi, quấn quanh núi Tu Di mười bốn vòng, rồng sợ hãi, thần thông của rồng chẳng hơn Ngài, bị Ngài hàng phục. Rồng cũng biết biến thân nhỏ, Mục Kiền Liên hóa thân vi tế, nhỏ hơn rồng, xục xạo trong tai và mũi rồng, rồng khó chịu lắm, nhưng chẳng làm thế nào được! Đấy là “biến đại, biến tiểu”!

“Hựu như ngoại đạo di sơn, chế chi bất động” (Lại như ngoại đạo dời núi, ngăn trở chẳng cho lay động). Kinh nói: Thầy trò ngoại đạo hơn năm trăm người, nhất tâm nhất ý niệm chú để dời núi, niệm một tháng, quả nhiên chân núi lay động. Mục Liên thấy chuyện ấy, tâm nghĩ: “Nếu núi này động, chẳng biết bao nhiêu tiểu trùng trong ấy đều phải chết!” Do vậy, lão nhân gia lên đỉnh núi tịnh tọa. Ngài vừa tịnh tọa thì ngoại đạo niệm cách nào cũng chẳng thể lay động núi được.  Đấy là  “chế chi bất động”.

Chúng ta hiểu chú thuật quả thật hữu hiệu. Xã hội hiện thời vô cùng rối loạn, yêu ma quỷ quái đầy rẫy trong xã hội này. Nghe pháp sư Khai Tâm nói thật đáng sợ, Ngài nói: “Chúng ta thường đi ngoài đường, mỗi ngày chen vai sát cánh với yêu ma, quỷ quái quá nhiều”. Ngày nay xã hội đại loạn, tà thuật quá nhiều, phàm là kẻ có thần thông thấy thần, thấy quỷ cũng chẳng phải là chuyện tốt lành! Thần thông có phải do người ấy tu được hay chăng? Không phải, chẳng bằng ngoại đạo trước kia. Trước kia, thần thông do ngoại đạo tự tu, thật sự chịu trọn nỗi khổ để tu thành thần thông. Hiện thời, có rất nhiều kẻ, chưa đầy vài ngày bèn có thần thông, thần thông của họ cũng chẳng phải là giả, họ đến nói với ta thì ta cũng tin tưởng, nhưng thần thông của họ do đâu mà có? Do yêu ma quỷ quái dựa thân, chẳng phải thần thông của chính kẻ ấy! Lũ yêu ma, quỷ quái rời bỏ họ, ngay lập tức họ mất năng lực đó, chuyện là như vậy đó! Ngàn muôn phần đừng nên mong tưởng thần thông. Nếu quý vị mong thần thông, quỷ sẽ đến tìm quý vị, vì sao? Quý vị có ý nghĩ ấy, chúng sẽ tìm đến quý vị. Quý vị chẳng có ý niệm ấy, chúng chẳng dám tìm tới. Quý vị có ý niệm ấy, nói cách khác, quý vị lôi kéo chúng nó, chúng nó sẽ đến. Quý vị chẳng dấy lên ý niệm ấy, mà chúng đến tìm sẽ là phạm pháp! Quý vị dấy lên ý niệm ấy, chúng sẽ đến tìm quý vị, chúng có lý do, chẳng bị coi là phạm pháp. Sau đó, quý vị gặp xui xẻo là đáng đời! Quý vị chèo kéo hắn, chứ hắn đâu có chèo kéo quý vị.

Do vậy, pháp môn Tịnh Độ là y pháp, chúng ta biến lý luận, đạo lý, cảnh giới, và phương pháp trong tam kinh hoặc ngũ kinh thành tư tưởng, kiến giải, và hành vi của chính mình, quyết định là thượng phẩm thượng sanh. Tam kinh phân lượng không nhiều lắm, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật hai quyển, kinh Di Đà một quyển, kinh Vô Lượng Thọ một quyển, [tất cả là] bốn quyển chẳng nhiều lắm! Bốn quyển kinh ấy, chúng ta thật sự thống thiết dốc công sức, quả thật biến chúng thành tư tưởng, kiến giải, hành vi của chính mình, chẳng lẽ nào không thượng phẩm thượng sanh! Điều này rất trọng yếu. Kinh đã thấu triệt thuần thục, chúng ta có thể nắm vững cương lãnh. Từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta học tập A Di Đà Phật, học tập tỳ-kheo Pháp Tạng, biến bốn mươi tám nguyện thành bổn nguyện của chúng ta, đồng nguyện, đồng chí với A Di Đà Phật thì mới được! Chớ nên nói bốn mươi tám nguyện là của A Di Đà Phật; phải biến nguyện của A Di Đà Phật thành nguyện của chính chúng ta, biến hạnh của A Di Đà Phật thành hạnh của chính chúng ta, điều này chẳng phải là không làm được, ai nấy đều có thể làm được!

Sau khi chúng ta đọc kinh này, đầy đủ Tín, Nguyện, Hạnh, hiểu rõ nguyên lý và nguyên tắc trong kinh Vô Lượng Thọ không chỉ là nguyên tắc và nguyên lý để tu Tịnh Độ, mà là nguyên lý của y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, “tâm này là Phật, tâm này làm Phật”, đấy là nguyên lý của toàn thể Phật pháp, quá mầu nhiệm. Hai câu tám chữ đã giảng rõ ràng, rành rẽ, quả thật là mầu nhiệm đến tột cùng! Phải thiết thực thực hiện Tịnh nghiệp tam phước, thật sự phát Bồ Đề tâm, nương theo nhân quả của chín phẩm để tu hành, lẽ đâu chẳng thành công? Tu các pháp môn khác thật sự khó, thật sự phức tạp. Pháp môn này đơn giản, dễ dàng, ai nấy đều có thể làm được, ai nấy đều có thể cầu được Thượng Phẩm, chúng ta quyết định chớ nên coi thường điều này. Người khác chẳng đồng ý với cách nói này, chẳng thể tiếp nhận, chúng ta chắp tay hoan hỷ, chớ nên biện luận với họ. Lục Tổ đại sư nói như vậy đấy! Người ta có thể nghe lọt tai thì chúng ta khuyên lơn, khích lệ họ. Họ chẳng nghe lọt tai, muốn học pháp môn khác, chúng ta chắp tay cung kính, hoan hỷ, pháp môn khác cũng hết sức tốt đẹp, hết thảy các pháp môn đều do đức Phật nói, đâu có pháp nào chẳng tốt đẹp, pháp môn bình đẳng chẳng hai, chẳng khác, nhưng trong các pháp môn, quả thật có khó và dễ, đó là sự thật. Nói thật ra, khó hay dễ chẳng do pháp môn, mà do căn tánh của chúng sanh chúng ta; nhưng dẫu căn tánh nhạy bén tu các pháp môn khác, vẫn phải vãng sanh Tịnh Độ. Trong Vô Lượng Thọ Kinh Huyền Nghĩa, chúng tôi đã nói: “Pháp môn này chuyên tiếp độ thượng căn”, thượng căn là gì? Quý vị có thể tin, phát nguyện, chịu niệm Phật, người ấy là thượng căn, nói thật ra là thượng thượng căn! Thượng thượng căn trong nhà Thiền là “minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ”, nói thật ra, vẫn thua người niệm Phật hạ phẩm hạ sanh, vì sao? Người hạ phẩm hạ sanh vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ bình đẳng với Quán Âm, Thế Chí; người thượng thượng căn đại triệt đại ngộ minh tâm kiến tánh trong nhà Thiền, nói thật thà chẳng qua là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, hoặc Sơ Địa Bồ Tát trong Biệt Giáo, chẳng dễ gì thấy Quán Thế Âm Bồ Tát, vẫn chưa thấy được! Quán Âm Bồ Tát là Đẳng Giác Bồ Tát, chẳng thấy được! Nếu quý vị thấy rõ chân tướng sự thật này, người chịu niệm Phật, người chịu phát tâm vãng sanh quả thật là thượng thượng căn, Thiền chẳng sánh bằng!

Mật lại càng chẳng cần phải nói nữa. Đối với thuyết “tức thân thành Phật” (thành Phật ngay trong thân này) của Mật giáo, trong Văn Sao, Ấn Quang đại sư đã giảng rất nhiều, đấy chỉ là liễu sanh tử, thoát tam giới mà thôi, cũng chỉ bằng A La Hán! Huống chi hiện thời Mật chẳng phải là chân thật, đều là giả, vì sao? Vì trong Mật nói tới thần thông, cảm ứng, nên hết sức dễ bị yêu ma, quỷ quái xen tạp lợi dụng. Trong tâm người học Mật có một chút bất chánh, tà liền tiến nhập, chẳng phải là Phật, Bồ Tát đến, mà là yêu ma, quỷ quái tới. Do vậy, Mật hiện thời là yêu Mật, quỷ Mật, ma Mật, quái Mật, quý vị phải hiểu rõ ràng! Chẳng phải là Mật bất hảo, nhưng trong Mật có yêu ma, quỷ quái [xen tạp], quý vị chẳng thể phân biệt rõ ràng! Quý vị chẳng học được Phật Mật, mà học theo yêu ma, quỷ quái, phiền phức to! Nếu thật sự nói tới Phật Mật, quý vị lại chẳng chịu học, vì sao? Phiền quá! Lắm quy củ quá! Nếu thật sự học Phật Mật, giới luật trong Mật Tông còn khó khăn và nghiêm ngặt hơn Hiển Tông rất nhiều! Ngày nay chúng ta thấy trên cả thế giới, rất nhiều kẻ học Mật cũng chẳng tuân thủ giới luật, ta liền biết Mật của họ là yêu ma, quỷ quái, chẳng phải là Mật chánh đáng, họ chẳng trì giới luật, chẳng đọc kinh điển Hiển Giáo, không được rồi!

Mật Tông Tây Tạng xưa kia và hiện thời chẳng giống nhau, trước đây còn tương tự, hiện tại hỏng bét, không giống nữa! Trong Văn Sao, Ấn Quang đại sư đã phê bình Mật giáo Tây Tạng vô cùng nghiêm ngặt, trong Văn Sao có [những đoạn văn như vậy]. Ấn Quang đại sư là Đại Thế Chí Bồ Tát tái lai, chúng ta chẳng thể coi thường. Nếu Bậc Đẳng Giác Bồ Tát tái lai nói mà chúng ta vẫn không tin, chẳng còn biết làm sao nữa, cũng chẳng có cách nào! Ngay như Đạt Lại hay Ban Thiền cũng đều chưa phải là Đẳng Giác Bồ Tát. Theo ghi chép trong truyện ký, thân phận các vị ấy cũng chỉ là A La Hán! A La Hán chuyển thế, còn thua Đẳng Giác Bồ Tát rất xa! Do vậy, chúng ta nhất định phải hiểu rõ chân tướng sự thật trước mắt này, đừng bị bịt mắt, đừng bị mắc lừa! Chúng ta có thể gặp được pháp môn này, đúng như cổ nhân đã nói: “Một ngày hiếm có khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay”, chúng ta đã gặp. Nếu chẳng thể nắm vững cơ duyên này, quả thật quá đáng tiếc!

“Nhất  thành  Thích  Chủng, cử  chi Phạm Thiên, cập chỉ xa, thiêu đường đẳng” (Đem những người họ Thích trong cả một thành lên cõi Phạm Thiên, và ngăn xe, đốt điện đường v.v…), những câu chuyện này cũng là những chuyện xưa, quý vị xem trong Diễn Nghĩa đều có[87]. Ngày hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng tôi giảng tới đây.

 

— o0o —

Tập 112

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm ba mươi mốt:

 

(Sớ) Ma Ha Ca Diếp giả, thử vân Đại Quy Thị, nhất vân Ẩm Quang, Đầu Đà đệ nhất.

(Sao) Đại Quy giả, tiên thế học đạo, hữu linh quy phụ đồ nhi xuất, nhân dĩ vi tánh.

() 摩訶迦葉者,此云大龜氏,一云飲光,頭陀第一。

()大龜者,先世學道,有靈龜負圖而出,因以為姓。

(Sớ: Ma Ha Ca Diếp (Mahākāśyapa), cõi này dịch là Đại Quy Thị, còn dịch là Ẩm Quang, Đầu Đà bậc nhất.

Sao: Đại Quy: Tổ tiên Ngài học đạo, có con rùa thiêng đội đồ hình xuất hiện, do vậy lấy [Đại Quy] làm họ).

Có điển cố ấy, nguyên do là như vậy.

 

(Sao) Danh Tất Bát La, diệc thụ dã.

() 名畢鉢羅,亦樹也。

(Sao: Tên là Tất Bát La, cũng là tên một loài cây).

Tất Bát La (Pippalā) là tên cây.

 

(Sao) Xưng Đại, dĩ biệt đồng danh, như tam Ca Diếp đẳng.

() 稱大,以別同名,如三迦葉等。

(Sao: Gọi là Đại nhằm phân biệt với các vị cùng tên, như ba anh em Ca Diếp v.v…)

Vì thị tộc Ca Diếp có rất nhiều người, người có tiếng tăm, có địa vị cũng khá nhiều, nhằm thuận tiện phân biệt, nên gọi Ngài là Ma Ha Ca Diếp, tức là Đại Ca Diếp. Ma Ha nghĩa là Đại.

 

(Sao) Ẩm Quang giả.

() 飲光者。

(Sao: Ẩm Quang là…)

Ma Ha Ca Diếp cũng được gọi là Ẩm Quang (nuốt mất ánh sáng).

 

(Sao) Diêu túc sanh vi dã kim sư, dữ nhất nữ nhân, đồng dĩ kim nghiêm Phật tượng, toại cảm thế thế thân như kim sắc.

()繇宿生為冶金師,與一女人,同以金嚴佛像,遂感世世身如金色。

(Sao: Do đời trước làm thợ kim hoàn đã cùng với một người nữ dùng vàng trang nghiêm tượng Phật, nên cảm quả báo đời đời thân như sắc vàng ròng).

Bản thân Ngài là một người thợ kim hoàn. Có một nữ nhân đem một bức tượng Phật đến nhờ Ngài thếp vàng. Ngài cảm thấy đây là chuyện rất tốt, bèn chẳng lấy tiền công. Công đức do hai người cùng làm, cho nên cảm quả báo đời đời kiếp kiến thân tướng vô cùng tốt đẹp, thân như sắc vàng ròng.

 

(Sao) Kim sắc hoảng diệu, thôn hồ dư sắc, danh Ẩm Quang dã.

() 金色晃耀,吞乎餘色,名飲光也。

(Sao: Sắc vàng chói ngời, nuốt mất các sắc khác, nên gọi là Ẩm Quang).

Quang minh của Ngài mạnh hơn những người khác, giống như ban ngày chúng ta ở dưới ánh mặt trời, hết thảy các ánh đèn đều mờ mịt chẳng thấy. Đây là ý nghĩa quang minh rực rỡ vậy!

 

(Sao) Đầu Đà giả, Phạn ngữ, thử vân Ðẩu Tẩu, hoặc vân Đào Thải.

() 頭陀者,梵語,此云抖擻,或云淘汰。

(Sao: Đầu Đà (Dhūta) là tiếng Phạn, cõi này dịch là Đẩu Tẩu, hoặc dịch là Đào Thải).

Ðẩu Tẩu là trừ sạch sành sanh những trần lao trên thân.

 

(Sao) Hữu thập nhị hạnh, vị nhất A Lan Nhã, nhị thường khất thực, nãi chí thập nhị đản tam y.

()有十二行,謂一阿蘭若,二常乞食,乃至十二但三衣。

(Sao: Có mười hai hạnh, nghĩa là: Một, trụ trong A Lan Nhã, hai là thường khất thực, cho đến hạnh thứ mười hai là chỉ có ba y).

“Nãi chí” (cho đến) là tỉnh lược những điều ở giữa. Chúng ta thường gọi Đầu Đà là khổ hạnh; trong các đệ tử Phật, Ngài khổ hạnh bậc nhất. Khi Ngài xuất gia, thân thế hết sức tốt đẹp, sanh trong một gia đình phú quý; sau khi xuất gia, mà có thể tu khổ hạnh, cho nên đức Phật hết sức tán thán Ngài. A Lan Nhã (Āranya): Lan Nhã là chỗ nhiệt náo, A dịch là Vô, “vô nhiệt náo” là nơi rất thanh tĩnh; A Lan Nhã là chốn thanh tĩnh. Nói thật ra, xã hội trong quá khứ thanh tĩnh hơn xã hội hiện tại, nhất là người xuất gia đều ở tại núi rừng, chẳng phải ở trong đô thị. Nông dân sống trong làng quê, nông dân nuôi trâu bò nhiều nhất, tại Ấn Độ, trâu bò được mọi người rất tôn trọng, chỗ không nghe tiếng trâu bò kêu thì cũng rất an tĩnh. A Lan Nhã lấy “không nghe tiếng trâu bò kêu” làm tiêu chuẩn thanh tĩnh. Hiện tại, rất nhiều âm thanh hỗn tạp còn lớn hơn tiếng trâu bò kêu, hiện nay, muốn tìm một nơi yên tĩnh khá khó khăn. [A Lan Nhã là] trụ xứ vô cùng u tĩnh, mang ý nghĩa ấy.

Thứ hai là “thường khất thực”, mỗi ngày ra ngoài ôm bát khất thực.

Thứ ba là “thứ đệ khất” (khất thực theo thứ tự), tức là theo thứ tự thuận khất thực từng nhà, chẳng thể khất thực nhiều hơn bảy nhà. Nếu bảy nhà đều xin không được, ngày hôm ấy chỉ đành trở về nhịn đói cả ngày để hôm sau đi xin nữa. Chẳng thể chọn nhà có tiền để đến nhà người ta khất thực, ăn những món ngon hơn một chút, nếu như vậy là quý vị có tâm phân biệt. Người ấy (người hành hạnh Đầu Đà) không có tâm phân biệt, bình đẳng khất thực, dựa theo thứ tự thuận ấy.

Thứ tư là “nhất thực”, tức là ăn một bữa trưa, quá giữa trưa, quyết định chẳng thể ăn gì khác. Hiện thời, tuy nói là “trì ngọ”, nhưng thật ra chẳng phải là “trì ngọ”, mà là “quá trung bất thực” (qua khỏi giữa trưa chẳng ăn); giờ Ngọ là từ mười một giờ đến một giờ, hai tiếng đồng hồ. Giữa trưa, thời gian mỗi ngày đều khác nhau. Vào thời cổ, dùng nhật quỹ (đồng hồ mặt trời, sundial) để đo lường bóng nắng, phải ăn trước giữa trưa. Nếu gặp hôm trời âm u, thì không có cách nào hết. Trước kia cũng không có đồng hồ, dẫu có đồng hồ cũng chẳng chuẩn xác. Hiện thời thuận tiện hơn trước kia, hiện nay có lịch thiên văn hằng ngày, ghi chép thời gian đúng giữa trưa là mấy giờ, mấy phút, mấy giây, rất rõ ràng. Sau giữa trưa chỉ có thể uống nước. Theo giới luật, thứ nào không trầm lắng thì có thể uống được. Nước chẳng trầm lắng, mật ong, mật đường chẳng trầm lắng. Sữa đậu nành, nước trái cây có thể trầm lắng, phàm những thứ gì có thể trầm lắng đều chẳng được ăn. Hiện thời, chúng ta thấy rất nhiều người trì ngọ, nhưng buổi chiều trái cây cũng ăn, sữa bò, sữa đậu nành chẳng cần phải nói nữa! Uống một chén sữa, sữa bò có thể trầm lắng. Nói theo giới luật, hoàn toàn là phá trai, công đức trì ngọ hoàn toàn bị phá hoại!

Thứ năm là “tiết lượng thực”, [tức là] người ấy ăn có hạn lượng, tuyệt đối chẳng phải dồn thức ăn ba bữa lại để ăn hết trong một bữa. Người ấy sợ đói đặc biệt ăn nhiều một chút, như vậy là không được, trật rồi! Chúng ta cũng thấy nhiều người trì ngọ, ngày nào chẳng trì ngọ sẽ ăn ít, ngày nào trì ngọ, bữa trưa ăn cơm đặc biệt nhiều, làm theo kiểu đó sẽ phá hỏng hệ thống tiêu hóa! Nói thật ra, tu hành không cần làm theo cách như vậy, chẳng phải là nói không ăn thứ gì bèn có thể thành đạo. Không ăn gì thì rắn ngủ suốt mấy tháng mùa Đông chẳng ăn gì, quý vị có thể bằng chúng hay không? Chẳng sánh bằng! Chúng cũng chẳng thể thành đạo!

Vì vậy, nhất định phải hiểu đạo lý của rất nhiều chế định, nghi quy trong kinh Phật. Vì thuở đức Phật tại thế, thói quen sinh hoạt của người xuất gia ngoại đạo đều là đi khất thực bên ngoài. Nếu đệ tử Phật không đi khất thực, người ta sẽ xì xầm, nói Phật chẳng phải là người tu đạo, chẳng có cách nào, chỉ đành đi khất thực bên ngoài. Quá giữa trưa không ăn, là vào thời đại xưa kia, những đệ tử thường tùy của Phật quá nửa đều tịnh tọa tu Định ở đấy, tâm các Ngài đều thanh tĩnh. Thứ gì cũng đều không có, ba y một bát, thứ gì cũng đều buông xuống, tâm các Ngài thanh tĩnh. Người hiện tại chúng ta phiền não quá nhiều, vọng tưởng quá nhiều, nếu quý vị tu mỗi ngày chỉ ăn bữa trưa, chẳng thể nào không sanh bệnh! Vì sao? Nói thật ra, thân thể này là một bộ máy, sở dĩ máy móc có thể vận hành thì phải được bổ sung năng lượng. Bổ sung chẳng đủ, máy móc phải tổn hoại. Chẳng hạn như xe hơi, đổ không đủ xăng, nếu quý vị chạy với tốc độ cao, xe chẳng thể nào không hỏng, chẳng thể nào không bị trục trặc! Thân thể chúng ta là một cỗ máy, ẩm thực, dinh dưỡng là năng lượng! Đến lúc thì quý vị phải cung cấp đầy đủ cho nó mới được, nó mới có tinh thần, mới có thể làm việc.

Vì sao đệ tử Phật mỗi ngày ăn một bữa là đủ, chúng ta ăn ba bữa vẫn không đủ? Vẫn phải ăn nhẹ trước khi ngủ? Nguyên nhân là vì máy móc của họ ít hao xăng, máy móc của ta tốn xăng, chẳng có cách nào, chẳng thể so sánh! Mọi người phải hiểu, năng lượng tiêu hao ở chỗ nào? Tiêu hao nơi vọng niệm, quý vị vọng tưởng càng nhiều, tiêu hao năng lượng càng lắm! Thuở trước, người xuất gia không có vọng tưởng, chẳng phan duyên, suốt ngày từ sáng đến tối chẳng suy tưởng, chỉ có nhập định, do vậy, tiêu hao năng lượng ít. Chứng đắc quả A La Hán, bảy ngày ăn một bữa, Ngài ở trong Định, tiêu hao càng ít. Kinh nói Bích Chi Phật nửa tháng đi khất thực một lần, nửa tháng ăn một bữa, công phu định lực càng sâu, tiêu hao năng lượng càng ít. Ngài ăn một bữa là đủ dinh dưỡng, nửa tháng ăn thêm một lần nữa là đủ. Chúng ta không được, vọng niệm quá nhiều, chẳng chịu tăng thêm [năng lượng] cho cơ thể, chẳng phải là quý vị tự chuốc phiền ư? Do vậy, mọi người phải hiểu rõ đạo lý này, chắc chắn chẳng phải là chuyện giữ thể diện, chẳng phải là chuyện làm cho dễ coi, mà tùy thuộc chúng ta có sức để làm được hay không, chớ nên miễn cưỡng.

Do vậy, chúng ta phải học ăn có hạn lượng, đó là đúng. Cổ nhân Trung Quốc nói về đạo dưỡng sinh: Buổi sáng phải ăn ngon miệng, buổi trưa ăn no, buổi tối ăn ít. Rất hợp lý, giúp cho dưỡng sinh trên phương diện ẩm thực; nhưng đích xác là lượng ẩm thực tỷ lệ thuận với ý niệm của chính mình. Ý niệm của chúng ta càng thanh tĩnh, niệm càng thanh tĩnh, càng ăn ít, đó là đạo lý tự nhiên. Vì thế, người tu hạnh Đầu Đà cũng ăn uống có chừng mực, chẳng phải là ăn một bữa rồi ăn đặc biệt nhiều!

Thứ sáu là “quá trung bất ẩm tương” (qua khỏi giữa trưa không uống chất tương), phàm là những thứ tương, [tức các thứ nước uống] có vật chất trầm lắng cũng chẳng ăn. Người trì ngọ khi quá Ngọ, tối đa là uống nước, có thể uống chút nước đường, quyết định chẳng uống những thứ trầm lắng!

Thứ bảy là “trước phấn tảo y” (mặc y phấn tảo). Vì sao y phục người ấy mặc gọi là phấn tảo y? Đó là y phục cũ rách của người khác vứt bỏ, chẳng cần đến nữa, người ấy nhặt nhạnh, loại bỏ những chỗ hư nát, giữ lại những chỗ còn tốt, gom góp lại được nhiều, từng mảnh một, ca-sa là do từng mảnh chằm lại thành. Hiện thời mua một tấm vải, cắt vụn ra, may lại, đã sai ý nghĩa mất rồi. Nếu Phật tại thế, trông thấy, phải mắng người ấy chẳng biết tiếc phước. Phước điền y của người xuất gia làm theo cách đó là chuyện bất đắc dĩ. Quý vị nhặt nhạnh chất liệu vải vóc khác nhau, màu sắc cũng khác nhau, sau khi may xong, đem nhuộm màu để chẳng đến nỗi năm sáu màu, mặc áo nhiễm sắc. Quý vị phải hiểu phương thức sống trước đây là như vậy, khác với hiện thời! Tấm y hiện thời may theo cách đó chỉ mang tánh chất kỷ niệm mà thôi, chứ trước kia thì không thể, nhất định phải nhặt nhạnh những rẻo vải bên ngoài ghép lại, lúc ấy mới có thể may thành một tấm y.

Thứ tám là “đản tam y” (chỉ có ba y), chẳng thể có nhiều y phục, chỉ có ba y. Vì bên Ấn Độ trời nóng, ba y là đủ. Thật ra, y là một tấm vải lớn khoác trên người mà thôi!

Thứ chín là “trủng gian tọa” (ngồi nơi mồ mả), người ấy muốn ngồi xuống nghỉ ngơi, phải đến đâu để ngồi? Đến ngồi nơi mộ phần, nhằm thường nhắc nhở chính mình cảnh giác, mạng người vô thường, thường nghĩ đến chuyện này sẽ chẳng lưu luyến hết thảy các pháp thế gian.

Thứ mười là “thụ hạ chỉ” (nghỉ dưới gốc cây), buổi tối đi ngủ, chẳng phải là ngủ, mà tìm một gốc cây để có thể che sương, đến tịnh tọa dưới gốc cây, để qua đêm. Đức Phật quy định, chỉ nghỉ dưới mỗi gốc cây một đêm [hôm sau phải nghỉ dưới cây khác] để tránh tâm tham. Nếu cây này rất to, mỗi tối đều có thể đến đây, thôi rồi, tâm tham tăng trưởng! Do vậy, cây này chỉ có thể trú một đêm, đêm sau quyết định chẳng thể đến ở dưới cùng một gốc cây! Quý vị phải đi tìm chỗ khác, nên nói là “thụ hạ nhất túc” (nghỉ dưới gốc cây một đêm), để tuyệt đối chẳng tham luyến hoàn cảnh.

Thứ mười một là “lộ địa tọa” (ngồi nơi đất trống), công phu này cao hơn một chút,  không cần ngồi dưới gốc cây, là nơi đất trống cũng có thể ngồi!

Thứ mười hai là “đản tọa bất ngọa” (chỉ ngồi không nằm), sẽ chẳng nằm xuống ngủ. Mười hai thứ này gọi là hạnh Đầu Đà, tôn giả Ca Diếp thường tu khổ hạnh như vậy.

 

(Sao) Dĩ tư khổ hạnh, tảo trừ trần lụy, trừng tịnh thân tâm dã.

() 以斯苦行,掃除塵累,澄淨身心也。

(Sao: Dùng các khổ hạnh ấy để trừ trần lụy, lắng trong thân tâm).

Đấy là mục đích tu hành.

 

(Sao) Ca Diếp niên lão, bất xả Đầu Đà, Phật mẫn kỳ suy, khuyến linh hưu tức, Ca Diếp Đầu Đà như cố. Phật nãi thâm tán, hữu Đầu Đà hạnh, ngã pháp cửu tồn; cố vân Đầu Đà đệ nhất.

()迦葉年老,不捨頭陀,佛憫其衰,勸令休息,迦葉頭陀如故。佛乃深讚,有頭陀行,我法久存,故云頭陀第一。

(Sao: Ngài Ca Diếp tuổi già chẳng bỏ hạnh Đầu Đà, đức Phật thương xót Ngài suy yếu, khuyên hãy nghỉ ngơi, Ca Diếp vẫn hành Đầu Đà như cũ, đức Phật hết sức tán thán: “Có hạnh Đầu Đà, pháp của ta tồn tại lâu dài”. Vì thế, nói Ngài là Đầu Đà bậc nhất).

Tôn giả Ca Diếp lúc tuổi già, đức Phật khuyên Ngài đừng nên tu khổ hạnh như vậy, có thể thoải mái một chút, Ngài không chịu, vẫn tiếp tục tu khổ hạnh; do vậy, đức Phật đặc biệt tán thán Ngài.

Hiện thời tu đạo khó khăn hơn xưa kia rất nhiều! Người hiện thời tu hành, nói thật ra, nếu có thể thành tựu thật sự cũng là chuyện chẳng thể nghĩ bàn, vì sao? Hết thảy những phương cách lập ra cũng chẳng đúng pháp, sống chẳng đúng pháp. Nói cách khác, trong cuộc sống hằng ngày, không chỉ chẳng thể khiến cho quý vị đoạn tham, sân, si, mà còn là tăng trưởng tham, sân, si mạn, làm sao có thể tu thành đạo cho được? Tu chẳng thành công! Trong tự viện hiện thời, liêu phòng là mỗi người một gian, mỗi người một gian sẽ chẳng thể tu đạo, chắc chắn tu chẳng thành công. Trong quá khứ, liêu phòng tại tùng lâm tự viện là một phòng ngủ tập thể, giống như trong quân đội, không có phòng đơn. Trong tự miếu, chỉ có Trụ Trì Phương Trượng là có một căn phòng nhỏ, những vị cương lãnh chấp sự có một căn phòng. Lại còn những vị già cả, thể lực suy yếu, có thể có một phòng riêng. Những người trẻ tuổi nhất định không được, phải ngủ trong phòng ngủ tập thể. Đó gọi là nương tựa vào đại chúng, như vậy thì mới có thể thành tựu. Hiện thời, không chỉ là mỗi người một phòng, mà còn có phòng xép, nói thẳng thừng là hưởng phước, người ấy phước báo rất lớn! Hưởng xong rồi, đời sau dễ sợ lắm, vì sao? Trong Phật môn thường nói: “Kim sanh bất liễu đạo, phi mao đới giác hoàn” (Đời này chẳng liễu đạo, đeo lông, đội sừng đền). Tương lai phải trả nợ, quý vị thiếu nợ bao nhiêu thí chủ, trả chưa xong, chuyện này phiền phức lắm! Do vậy, tu học trong hiện tại hoàn toàn phải dựa vào sự cảnh giác của chính mình, chính mình chẳng cảnh giác, chắc chắn bị đọa lạc.

 

(Sớ) Ma Ha Ca Chiên Diên, tánh dã, thử vân Văn Sức, nhất vân Bất Định, nhất vân Phiến Thằng, nhất vân Ly Hữu Vô đẳng.

() 摩訶迦旃延,姓也,此云文飾,一云不定,一云扇繩,一云離有無等。

(Sớ: Ma Ha Ca Chiên Diên, là họ, cõi này dịch là Văn Sức, hoặc dịch là Bất Định, hoặc dịch là Phiến Thằng, hoặc dịch là Ly Hữu Vô v.v…)

Ca Chiên Diên (Kātyāyana) là tiếng Phạn, chữ Phạn này bao hàm rất nhiều ý nghĩa trong ấy.

 

(Sớ) Nam Thiên Trúc Bà La Môn tộc dã.

()  南天竺婆羅門族也。

(Sớ: Ngài thuộc chủng tộc Bà La Môn ở Nam Thiên Trúc).

Đây là nói đến xuất thân và gia thế của Ngài, Ngài thuộc chủng tộc Bà La Môn ở Nam Ấn Độ, trong bốn chủng tánh[88] của Ấn Độ, thuộc giai cấp tối cao.

 

(Sớ) Luận nghị đệ nhất.

()  論議第一。

(Sớ: Luận nghị bậc nhất).

Ngài có biện tài, trong các đệ tử Phật, Ngài là bậc luận nghị đệ nhất.

 

(Sao) Văn Sức giả, văn thái tu sức dã.

() 文飾者,文采修飾也。

(Sao: Văn Sức là văn vẻ, chải chuốt, bóng bảy).

Chúng ta vừa nhìn đã thấy vị này bình thường rất trọng hình thức bề ngoài, rất coi trọng ăn mặc chải chuốt, dáng vẻ bề ngoài vô cùng đoan chánh.

 

(Sao) Phàm nhân luận nghị, tâm tuy hiểu liễu thử lý, nhược trực toại nhi bất văn, hãn mạn nhi bất sức, tắc từ bất đạt ý, phi thiện ư luận nghị giả dã.

()凡人論議,心雖曉了此理,若直遂而不文,汗漫而不飾,則辭不達意,非善於論議者也。

(Sao: Phàm là người luận nghị, tâm tuy hiểu rõ lý ấy, nhưng nếu nói thẳng thừng, lời lẽ chẳng tao nhã, câu chữ lan man, chẳng trau chuốt, ắt lời lẽ chẳng thể diễn đạt ý tưởng, chẳng phải là người luận nghị giỏi).

Ngài không chỉ trau chuốt dáng vẻ bề ngoài, mà ngay cả lời ăn tiếng nói cũng biết trau chuốt, gọt giũa. Vì thế, cùng người khác nói năng, lời lẽ hết sức ôn nhu, tao nhã, trang trọng.

 

(Sao) Bất Định giả, tung hoành thiện xảo, thị thiện luận nghị ý.

() 不定者,縱橫善巧,是善論議意。

(Sao: Bất Định là ngang dọc khéo léo, ý nói khéo luận nghị).

Bất Định mang ý nghĩa này, chính là như nay chúng ta nói “biện tài vô ngại”.

 

(Sao) Phiến Thằng giả, tử  hệ mẫu cố, hựu phá nhiệt đàn khúc vi Phiến Thằng.

() 扇繩者,子繫母故,又破熱彈曲為扇繩。

(Sao: Phiến Thằng: Do con ràng buộc mẹ, lại do phá nhiệt não, trừ bỏ những lý lẽ cong vạy, nên gọi là Phiến Thằng).

 Những ý nghĩa được nói ở đây đều là nói về lúc Ngài cùng người khác biện luận. “Tử hệ mẫu” (con ràng buộc mẹ), trong đây cũng có một nhân duyên: Lúc tôn giả còn nhỏ, cha qua đời, Ngài là một cô nhi, mẹ Ngài cải giá (tái giá), Ngài một mực đi theo mẹ, nên nói là “tử hệ mẫu cố” (do con ràng buộc mẹ). Trưởng thành trong hoàn cảnh gia đình như vậy, đương nhiên có nhiều chuyện chẳng thể vừa ý, phải chịu rất nhiều hạn chế. “Phá nhiệt đàn khúc”: “Nhiệt” (熱) là nhiệt não (nóng bức, chỉ phiền não), “khúc” (曲) là cong quẹo, chỉ tà tri tà kiến. Ngài có năng lực bài trừ phiền não, phá trừ tà tri tà kiến cho người khác, [nên nói là “phá nhiệt đàn khúc”, “đàn” (彈) là dùng cái ná để bắn đạn]. “Phiến thằng” là tỷ dụ, giống như phía đuôi cây quạt có buộc tua[89] [để trang trí], đây cũng là ý nghĩa “tử hệ mẫu” (con ràng buộc mẹ), Ngài theo mẹ đi tái giá, giống như sợi dây [trang trí] buộc vào cây quạt, mang ý nghĩa này.

 

(Sao) Bất đọa đoạn thường, phát huy Trung Đạo, vi Ly Hữu Vô dã.

() 不墮斷常,發揮中道,為離有無也。

(Sao: Chẳng đọa vào đoạn kiến hay thường kiến, nêu rõ Trung Đạo, là Ly Hữu Vô).

Ý nghĩa này dễ hiểu. Những nghĩa này đều được bao hàm trong danh hiệu Ca Chiên Diên.

 

(Sao) Như ngoại đạo vấn: “Nhân tử bất hoàn, tri vô tha thế. Vị nhân tử thọ khổ, ưng đương hồi hoàn, cam thọ bất hoàn, cố vô tha thế”.

()如外道問:人死不還,知無他世。謂人死受苦,應當回還,甘受不還,故無他世。

(Sao: Như ngoại đạo hỏi: “Người chết rồi chẳng trở về, nên biết là không có đời khác. Bởi lẽ, con người chết đi, chịu khổ, phải nên quay về, nay cam chịu, chẳng quay về, cho nên không có đời khác”).

Đây là nêu thí dụ, có ngoại đạo thỉnh giáo tôn giả. Kẻ ngoại đạo ấy chẳng tin có đời sau, vì sao không tin? Người sau khi đã chết, chưa hề nghe nói người chết ấy trở về [báo tin],  vậy thì lẽ nào có đời sau?  Đem vấn đề ấy hỏi Ngài.

 

(Sao) Đáp ngôn: “Như thế tội nhân, bị trú lao ngục, ninh đắc quy phủ?”

() 答言:如世罪人,被駐牢獄,寧得歸否。

(Sao: Ngài đáp: “Như tội nhân trong cõi đời, bị giam trong ngục, có trở về được chăng?”)

Ngài nêu tỷ dụ này cũng rất hay, giống như một kẻ phạm tội, bị bắt giam trong ngục, hắn có thể quay về hay chăng? Chẳng thể trở về được!

 

(Sao) Hựu vấn: “Thiên hà diệc bất quy?”

() 又問:天何亦不歸。

(Sao: Lại hỏi: “[Kẻ sanh lên] cõi trời sao cũng không trở về?”)

 Người đã chết, sanh lên trời, cõi trời tự tại, vì sao kẻ ấy chẳng trở về?

 

(Sao) Đáp ngôn: “Đọa xí đắc xuất, khẳng tái nhập phủ?”

() 答言:墮廁得出,肯再入否。

(Sao: Đáp rằng: “Té xuống hầm cầu, được thoát ra rồi có chịu trở vào hay chăng?”)

Thế gian của loài người [đối với chư thiên] giống như hầm phân, người ấy rất vất vả mới thoát ra khỏi hầm phân, người ấy có còn tiến vào nữa hay chăng? Người ấy sẽ chẳng tiến vào. Sanh lên cõi trời giống như thoát ra [khỏi hầm phân].

Vì thế, lời nghị luận của Ngài quả thật có thể khiến cho người khác chịu phục; đây là nêu ra vài thí dụ để nói.

 

(Sao) Như thị chủng chủng diệu thuyết chư nghĩa, Tăng Nhất A Hàm tán vân: “Thiện phân biệt nghĩa, phu diễn giáo đạo, cố viết luận nghị đệ nhất”.

()如是種種妙說諸義,增一阿含讚云:善分別義,敷演教道,故曰論議第一。

(Sao: Đủ mọi cách khéo nói các nghĩa như thế, kinh Tăng Nhất A

Hàm[90] khen ngợi: “Khéo phân biệt nghĩa, diễn bày giáo đạo, nên nói là luận nghị bậc nhất”).

Chúng ta lại xem vị tôn giả thứ năm:

 

(Sớ) Ma Ha Câu Hy La, thử vân Đại Tất.

()  摩訶俱絺羅,此云大膝。

(Sớ: Ma Ha Câu Hy La, cõi này dịch là Đầu Gối To).

 Câu Hy La (Kaustthila) là tiếng Phạn, cõi này dịch là Đại Tất. Đầu gối của Ngài to hơn người khác, cho nên người ta gọi Ngài bằng tên này, dịch sang nghĩa tiếng Hán là “đầu gối to”, nên tên của Ngài gọi là Đại Tất Cái.

 

(Sớ) Xá Lợi Phất cữu, đáp vấn đệ nhất.

()  舍利弗舅,答問第一。

(Sớ: Là cậu của ngài Xá Lợi Phất, trả lời câu hỏi bậc nhất).

Ngài là cậu của Xá Lợi Phất. Trong các đệ tử của đức Phật, Ngài là bậc trả lời các câu hỏi bậc nhất.

 

(Sao) Đại Tất giả, tùng trạng đắc danh.

() 大膝者,從狀得名。

(Sao: Do hình trạng mà có tên là Đại Tất).

 Do hình dạng mà Ngài có danh hiệu ấy.

 

(Sao) Cữu giả, dữ Thân Tử mẫu, thị tỷ đệ cố.

() 舅者,與身子母,是姊弟故。

(Sao: “Cậu”: Ngài với mẹ ngài Xá Lợi Phất là chị em).

Mẹ ngài Xá Lợi Phất là chị của tôn giả Câu Hy La, ngài Câu Hy La là cậu của ngài Xá Lợi Phất.

 

(Sao) Vãng luận thắng tỷ.

() 往論勝姊。

(Sao: Thường tranh luận thắng chị).

Bình thường hễ tranh luận với chị, Ngài luôn luôn thắng, chị chẳng thể cãi giỏi hơn Ngài.

 

(Sao) Tỷ hoài Thân Tử.

() 姊懷身子。

(Sao: Chị có mang Xá Lợi Phất).

Lúc chị Ngài có thai, tức là hoài thai Xá Lợi Phất.

 

(Sao) Cơ biện tấn phát, đệ bất năng cập.

() 機辯迅發,弟不能及。

(Sao: Khả năng tranh biện cao hẳn lên, em trai chẳng thể sánh bằng).

Khi chị Ngài mang thai Xá Lợi Phất, đột nhiên biện tài vô ngại; mỗi lần biện luận, Ngài đều bị thua. Ngài nghĩ, trong tương lai đứa cháu trai này ra đời, nếu chẳng biện luận thắng nó, sẽ là chuyện rất mất mặt. Vì thế, Ngài phát phẫn tu học, đến nhiều nơi trên xứ Ấn Độ để tham học.

 

(Sao) Phát phẫn du học, thệ bất tiễn trảo, độc thập bát chủng kinh.

() 發憤遊學,誓不剪爪,讀十八種經。

(Sao: Phát phẫn du học, thề chẳng cắt móng tay, đọc mười tám loại kinh).

 Không có thời gian cắt móng tay, phát phẫn đọc sách, cầu học, cho nên móng tay rất dài, người ta gọi Ngài là Trường Trảo Phạm Chí.

 

(Sao) Đáp vấn giả, diêu tinh cần cố, đắc tứ biện tài, xúc vấn năng đáp, cố vân đáp vấn đệ nhất.

()答問者,繇精勤故,得四辯才,觸問能答,故云答問第一。

(Sao: “Đáp vấn”: Do siêng năng chuyên ròng cầu học, đạt được bốn món biện tài, hễ được hỏi liền có thể đáp ngay, nên gọi là đáp vấn bậc nhất).

Trong các đệ tử Phật, Ngài trả lời các câu hỏi bậc nhất. Vị tôn giả thứ sáu:

 

(Sớ) Ly Bà Đa giả, thử vân Tinh Tú, nhất vân Thất Tú, vô đảo loạn đệ nhất.

()  離婆多者,此云星宿,一云室宿,無倒亂第一。

(Sớ: Ly Bà Đa (Revata), cõi này dịch là Tinh Tú, hoặc dịch là Thất Tú (sao Thất), không điên đảo, loạn tưởng bậc nhất).

“Đảo” là điên đảo, “loạn” là loạn tưởng, vô đảo loạn bậc nhất.

 

(Sao) Tinh Tú giả, tùng tinh khất tử nhi sanh, nhân dĩ vi danh. Thất Tú giả, Thất vi nhị thập bát tú trung, đệ thập tam tú, hoặc đảo thử tinh cố.

()星宿者,從星乞子而生,因以為名。室宿者,室為二十八宿中,第十三宿,或禱此星故。

 (Sao: Tinh Tú là do cha mẹ cầu đảo ngôi sao mà sanh ra, nên đặt tên như thế. “Thất Tú”: Sao Thất là ngôi sao thứ mười ba trong Nhị Thập Bát Tú[91], chắc là cầu đảo ngôi sao này).

Có thể là cha mẹ Ngài cầu đảo ngôi sao ấy mà sanh ra đứa con này, nên Ngài có tên là Tinh Tú.

 

(Sao) Vô đảo loạn giả, tâm chánh, cố bất điên đảo; tâm định, cố bất tán loạn, cố vân “vô đảo loạn đệ nhất”.

()無倒亂者,心正,故不顛倒;心定,故不散亂,故云無倒亂第一。

(Sao: Vô đảo loạn là tâm chánh, nên chẳng điên đảo, tâm định nên chẳng tán loạn. Vì thế nói là chẳng đảo loạn bậc nhất).

 Trong các vị đệ tử, Ngài biểu thị vô đảo loạn đệ nhất .

 

(Sớ) Châu Lợi Bàn Đà Già giả, thử vân Kế Đạo, nhất vân Đại Lộ Biên, cẩn trì bán kệ, đắc ngộ chứng quả.

() 周利槃陀伽者,此云繼道,一云大路邊,僅持半偈,得悟證果。

(Sao: Châu Lợi Bàn Đà Già (Ksudrapanthaka), cõi này dịch là Kế Đạo, còn dịch là Đại Lộ Biên, chỉ trì nửa bài kệ, đắc ngộ, chứng quả).

Trong các vị đệ tử Phật, Ngài  là  người  đần  độn  nhất. Do  vậy, mười sáu vị tôn giả ở đây thảy đều là biểu thị pháp.

 

(Sao) Kế Đạo giả, kỳ mẫu dựng thời hoàn gia, ư trung lộ đản tử, kế tục ư đồ lộ chi gian, cố vân Kế Đạo.

()繼道者,其母孕時還家,於中路誕子,繼續於途路之間,故云繼道。

(Sao: Kế Đạo: Mẹ Ngài lúc mang thai, trở về nhà [mẹ đẻ], sanh con giữa đường, sau đó, [sanh ra Ngài] cũng trên đường nên đặt tên là Kế Đạo).

Mẹ Ngài có thai lần đầu, sanh con trên đường [trở về nhà cha mẹ ruột], có thai lần này lại sanh trên đường đi. Do vậy, gọi là Kế Đạo.

 

(Sao) Đại Lộ giả, mẫu sanh nhị tử, giai ư lộ biên, ngôn đại dĩ biệt tiểu dã.

() 大路者,母生二子,皆於路邊,言大以別小也。

(Sao: Đại Lộ: Mẹ sanh hai con đều ở bên đường, nói Đại nhằm phân biệt với Tiểu).

Đây là Đại Lộ Biên.

 

(Sao) Bán kệ giả, xuất gia ngu ám, cửu vô sở giải, huynh tiên nhập đạo, quái kỳ vô tri, khiển sử quy tục, ỷ Phật tự môn, ta thán lưu thế. Phật liên nhi lục chi, sử tụng “tảo trửu”, mỗi nhật tụng chi, ký nhất vong nhất, cửu chi hốt ngộ, cấu tịnh hoặc trừ, đắc A La Hán.

()半偈者,出家愚暗,久無所解,兄先入道,怪其無知,遣使歸俗,倚佛寺門,嗟歎流涕。佛憐而錄之,使誦掃箒,每日誦之,記一忘一,久之忽悟,垢淨惑除,得阿羅漢。

(Sao:  “Nửa bài kệ”:  Ngài xuất gia, căn tánh ngu độn, tối tăm, tu học đã lâu mà chẳng hiểu biết gì, anh Ngài đã nhập đạo trước, quở Ngài vô tri, đuổi Ngài hoàn tục, Ngài đứng dựa cửa chùa, than khóc, trào lệ, đức Phật thương xót, giữ lại, bảo tụng câu “chổi quét”, mỗi ngày tụng đọc, nhớ được chữ này, quên chữ kia, lâu ngày bỗng ngộ, cấu sạch, Hoặc trừ, đắc A La Hán).

Kinh dạy: Do có nhân duyên, Châu Lợi Bàn Đà Già kiếp trước là Tam Tạng pháp sư, là một người rất lỗi lạc. Vị pháp sư này tiếc pháp, dạy người khác chỉ dạy phân nửa, giữ lại phần sau, vì sao? Sợ tương lai người khác học trỗi vượt mình, cho nên đời này mắc quả báo ngu si. Do vậy, thảy đều là có nhân quả: Tiếc của mắc quả báo bần cùng; tiếc pháp mắc quả báo ngu si. Hai anh em Ngài đều xuất gia, anh Ngài thấy Ngài rất đáng thương, nghe kinh thật lâu mà vẫn chẳng hiểu, không chỉ chẳng hiểu ý nghĩa, mà một chữ cũng chẳng nhớ được, Do vậy, người anh khuyên Ngài: “Ngươi hãy về nhà cho xong, hoàn tục đi, đừng xuất gia nữa!” Ngài khóc nức lên, đương nhiên cũng là vừa hận chính mình ngu si, vừa hận là phải rời khỏi đức Phật. Sau khi đức Phật trông thấy, biết nhân duyên trong kiếp trước của Ngài, nên giữ lại, dạy Ngài niệm hai chữ “tảo trửu” (chổi quét). Ngài niệm Tảo, quên mất Trửu, niệm Trửu quên bẵng Tảo, người đần độn như thế đấy! Nhưng niệm lâu ngày, Ngài bỗng nhiên khai ngộ, đó là do thiện căn trong đời quá khứ hiện tiền, khai ngộ, cũng chứng quả A La Hán. Nếu chẳng gặp Phật, cả đời này sẽ bị luống uổng! Do đức Phật biết nhân quả kiếp trước, biết dùng phương pháp gì để tảo trừ nghiệp chướng, khiến cho tôn giả khôi phục. Vị tôn giả thứ tám là…

 

(Sớ) Nan Đà giả, thử vân Thiện Hoan Hỷ, Phóng Ngưu Nan Đà dã.

(Sao) Phóng Ngưu Nan Đà giả, Nan Đà hữu tam, A Nan Đà, Tôn Đà La Nan Đà, kiêm thử vi tam, dĩ Phóng Ngưu biệt dư nhị dã.

()  難陀者,此云善歡喜,放牛難陀也。

(鈔放牛難陀者,難陀有三,阿難陀,孫陀羅難陀,兼此為三,以放牛別餘二也。

(Sớ: Nan Đà, cõi này dịch là Thiện Hỷ, tức Phóng Ngưu Nan Đà.

Sao: Phóng Ngưu Nan Đà: Có ba vị Nan Đà, tức A Nan Đà, Tôn Đà La Nan Đà, và vị này là ba. Gọi là Phóng Ngưu để phân biệt với hai vị kia).

 Nan Đà (Nanda), trong các đệ tử Phật có tất cả ba vị [cùng tên Nan Đà] là Phóng Ngưu Nan Đà, A Nan Đà (chính là tôn giả A Nan), Tôn Đà La Nan Đà (Sundara-nanda). Dùng chữ Phóng Ngưu nhằm phân biệt với hai người kia, Phóng Ngưu có nghĩa là chăn trâu[92].

 

(Sớ) A Nan Đà giả, thử vân Khánh Hỷ.

()  阿難陀者,此云慶喜。

(Sớ: A Nan Đà, cõi này dịch là Khánh Hỷ).

Vị này là tôn giả A Nan, sau này kết tập Kinh Tạng, gọi đầy đủ là A Nan Đà (Ānanda), người Trung Quốc thường lược bỏ âm cuối, nên gọi Ngài là A Nan.

 

(Sớ) Hựu vân Vô Nhiễm, Phật chi tùng đệ, đa văn đệ nhất. Tựu đương kinh, tắc A Nan dữ chúng, đồng văn Tịnh Độ chi giáo, nhi độc dĩ tổng trì lực, ức niệm bất vong, thành kết tập dã.

() 又云無染,佛之從弟,多聞第一。就當經,則阿難與眾,同聞淨土之教,而獨以總持力,憶念不忘,成結集也。

(Sớ: Còn dịch là Vô Nhiễm, là em họ đức Phật, đa văn bậc nhất. Chính trong kinh này, ngài A Nan và đại chúng cùng nghe giáo pháp Tịnh Độ, nhưng riêng Ngài do sức tổng trì nên nhớ nghĩ chẳng quên, mới kết tập thành kinh điển).

Về sau, ngài A Nan là người kết tập, lưu thông Kinh Tạng của đức Phật. Vì thế, vị này là vô cùng trọng yếu trong Phật môn. Vì sao gọi Ngài là Khánh Hỷ?

 

(Sao) Khánh Hỷ giả, Phật thành đạo nhật đản sanh.

() 慶喜者,佛成道日誕生。

(Sao: Khánh Hỷ là vì Ngài hạ sanh nhằm ngày Phật thành đạo).

Ngày hôm ấy, dòng họ Thích Ca song hỷ lâm môn.

 

(Sao) Vương cập thần dân, ký văn thái tử thành Phật.

() 王及臣民,既聞太子成佛。

(Sao: Vua và thần dân nghe tin thái tử thành Phật).

 Đây là một chuyện vui, tin tức truyền tới.

 

(Sao) Hựu văn cung trung đản tử.

() 又聞宮中誕子。

(Sao: Lại nghe trong cung sanh hoàng tử).

 Cha của A Nan và cha của Thích Ca Mâu Ni Phật là anh em ruột. Tôn giả A Nan là con của người chú Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

(Sao) Song mỹ nhị nan, nhất thời tất cụ, cử quốc hãn khánh, nhân dĩ lập danh.

() 雙美二難,一時畢具,舉國忻慶,因以立名。

(Sao: Hai điều tốt đẹp, hai điều khó khăn mà nay cùng lúc đạt được, cả nước vui mừng; do vậy, đặt tên cho Ngài là [A Nan]).

Do như vậy mà Ngài có danh hiệu ấy, cho nên gọi là Khánh Hỷ.

 

(Sao) Hựu kiến kỳ tướng giả, văn kỳ thanh giả, đổ kỳ oai nghi giả, vô bất hoan hỷ cố.

()又見其相者,聞其聲者,睹其威儀者,無不歡喜故。

(Sao: Lại nữa, do người thấy hình tướng Ngài, nghe tiếng Ngài, thấy oai nghi của Ngài, không ai chẳng hoan hỷ).

Tướng mạo của A Nan rất đẹp đẽ, đức Phật có ba mươi hai tướng, A Nan có ba mươi tướng, chẳng sai khác Phật cho mấy; vì thế, người ta thấy Ngài đều hoan hỷ. Nghe tiếng Ngài, trông thấy oai nghi của Ngài, đều sanh tâm hoan hỷ. Điều này có liên quan đến danh hiệu.

 

(Sao) Vô Nhiễm giả, tùy Phật nhập thiên cung, long cung, tâm vô nhạo trước, diệc kỳ sự dã.

()無染者,隨佛入天宮龍宮,心無樂著,亦其事也。

(Sao: Vô Nhiễm: Theo Phật vào cung trời hoặc cung rồng, tâm chẳng ham đắm, cũng do chuyện ấy [mà được gọi là Vô Nhiễm]).

Ngài chẳng nhiễm đắm, thường theo đức Phật. Đức Phật lên trời giảng kinh, Ngài cũng đi theo, Phật giảng kinh ở long cung, Ngài cũng đi theo, chẳng bị động tâm bởi sự phú quý. “Diệc kỳ sự dã” là nói tới chuyện vô nhiễm này.

 

(Sao) Phật tùng đệ giả, Phật, Tịnh Phạn vương tử; A Nan, Bạch Phạn vương tử, nhị vương côn quý cố.

()佛從弟者,佛,淨飯王子;阿難,白飯王子,二王昆季故。

(Sao: “Em họ của Phật”: Phật là con vua Tịnh Phạn (Śuddhodana), A Nan là con vua Bạch Phạn (Śuklodana), hai vua là anh em).

Phụ thân họ là anh em ruột[93].

 

(Sao) Đa văn giả, A Nan thị Phật nhị thập ngũ niên.

() 多聞者,阿難侍佛二十五年。

(Sao: Đa văn: A Nan hầu Phật hai mươi lăm năm).

 A Nan hai mươi tuổi xuất gia, Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng kinh hai mươi năm rồi. Năm A Nan hai mươi tuổi, [Thích Ca Mâu Ni Mâu Ni Phật đã năm mươi], Thích Ca Mâu Ni Phật vừa thành đạo bèn bắt đầu giảng kinh, Phật thành đạo đúng ngày A Nan sanh ra. Vì thế, đức Phật giảng kinh hai mươi năm, A Nan mới xuất gia. Đức Phật thuyết pháp bốn mươi chín năm tất cả. Sau khi A Nan xuất gia, sau năm năm mới làm thị giả của đức Phật. Vì thế nói Ngài hầu Phật hai mươi lăm năm. “Thị Phật” là làm thị giả của đức Phật. Vừa mới xuất gia chẳng phải là thị giả của Phật, sau năm năm, [đức Phật] mới chọn Ngài làm thị giả.

 

(Sao) Phật sở thuyết pháp, bất vong nhất tự, Niết Bàn xưng A Nan đa văn sĩ.

() 佛所說法,不忘一字,涅槃稱阿難多聞士。

(Sao: Những pháp do đức Phật thuyết, Ngài chẳng quên một chữ, kinh Niết Bàn gọi A Nan là “bậc đa văn”).

 Trong kinh Niết Bàn gọi A Nan là “đa văn sĩ”.

 

(Sao) Hựu Ca Diếp tán viết: “Phật pháp đại hải thủy, lưu nhập A Nan tâm”.

() 又迦葉讚曰:佛法大海水,流入阿難心。

(Sao: Lại nữa, ngài Ca Diếp khen ngợi: “Nước biển cả Phật pháp, chảy vào tâm A Nan”).

Ngài A Nan có trí nhớ vô cùng tốt, nghe qua một lần, vĩnh viễn ghi nhớ, chẳng quên mất. Do vậy, sau khi đức Phật diệt độ, kết tập kinh điển do ngài A Nan lên tòa phức giảng (複講), tức là nhắc lại những điều đức Phật đã giảng một lượt, mọi người ghi chép lại rồi mới kết tập thành kinh điển.

 

(Sao) Đồng văn độc ức giả, chánh biểu cường ký siêu hồ đẳng di dã. Cố viết đa văn đệ nhất.

()同聞獨憶者,正表強記超乎等夷也。故曰多聞第一。

(Sao: “Cùng nghe, riêng nhớ”: Biểu thị Ngài có trí nhớ mạnh mẽ vượt trỗi đồng bạn, nên nói là đa văn bậc nhất).

 “Đẳng di” là đồng bạn. Vị thứ mười:

 

(Sớ) La Hầu La giả, thử vân Phú Chướng, hoặc viết Chấp Nhật, mật hạnh đệ nhất.

()  羅睺羅者,此云覆障,或曰執日,密行第一。

(Sớ: La Hầu La, cõi này dịch là Phú Chướng, hoặc là Chấp Nhật, mật hạnh bậc nhất).

Vị này là con trai Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

(Sao) Phú Chướng giả, bổn A Tu La danh, khả dĩ thủ chướng nhật nguyệt, cố danh Phú Chướng, diệc viết Chấp Nhật.

()覆障者,本阿脩羅名,能以手障日月,故名覆障,亦曰執日。

(Sao: Phú Chướng (ngăn lấp) vốn là tên của một vị A Tu La vì vị ấy có thể dùng tay che lấp mặt trời hay mặt trăng, nên gọi là Phú Chướng hoặc Nắm Mặt Trời).

La Hầu La (Rāhula) dịch sang nghĩa tiếng Hán là Phú Chướng; vốn là tên của một A Tu La. A Tu La ấy thần thông rất lớn, có thể dùng tay che khuất thái dương hay mặt trăng, cho nên gọi là Phú Chướng hoặc Chấp Nhật (cầm nắm mặt trời).

 

(Sao) Chướng hữu nhị nghĩa.

() 障有二義。

(Sao: Chướng có hai nghĩa).

“Chướng” gồm có hai ý nghĩa.

 

(Sao) Nhất vân: Phật vị sở chướng, bất tức xuất gia, dĩ vị hữu tử, phụ vương bất hứa xuất gia.

()一云:佛為所障,不即出家,以未有子,父王不許出家。

(Sao: Một thuyết nói đức Phật bị Ngài chướng ngại, chẳng thể xuất gia ngay, do chưa có con nên phụ vương chẳng chấp thuận cho Phật xuất gia).

 Quý vị đọc Thích Ca Phổ, hoặc xem truyện ký về Thích Ca Mâu Ni Phật sẽ hiểu: Thuở ấy, Tịnh Phạn Vương chẳng bằng lòng cho Thích Ca Mâu Ni Phật xuất gia, vì chưa có người nối dõi. Thích Ca Mâu Ni Phật phải sanh con trai rồi mới có tư cách xuất gia.

 

(Sao) Hậu dĩ chỉ phúc hoài nhâm, phương toại bổn chí, tắc Phật bị kỳ chướng dã.

() 後以指腹懷姙,方遂本志,則佛被其障也。

(Sao: Về sau, chỉ vào bụng [vương phi] khiến [bà ta] hoài thai mới được toại chí, tức là Phật bị chuyện này ngăn trở vậy).

Khi ấy, Thích Ca Mâu Ni Phật bèn chỉ phi tử nói: “Cô ta đã có mang”, Da Thâu Đà La (Yasodharā) mang thai La Hầu La sáu năm mới sanh ra Ngài, nên gặp nạn rất lớn, không chỉ chướng ngại cha xuất gia, mà đồng thời còn khiến mẹ gặp tai nạn oan khuất.

 

(Sao) Nhất vân lục niên tại thai.

() 一云:六年在胎。

(Sao: Thuyết kia là Ngài ở trong thai sáu năm).

Thời gian Ngài ở trong thai lâu hơn người khác; người khác mười tháng bèn sanh, còn Ngài sáu năm, ở đây có nhân quả.

 

(Sao) Dĩ túc sanh tằng tắc thử huyệt, u chi lục nhật, kim báo lục niên, tắc kỷ tự bị chướng dã.

()以宿生曾塞鼠穴,幽之六日,今報六年,則己自被障也。

(Sao: Do đời trước từng lấp hang chuột, khiến [chuột] bị nhốt trong hang sáu ngày, nay mắc quả báo [ở trong thai] sáu năm, tức là chính mình bị chướng lấp).

Trong đời quá khứ nghịch ngợm, lấp hang chuột, lấp sáu ngày, khiến trong sáu ngày, chuột chẳng ra khỏi hang được. Kiếp này mắc quả báo phải ở trong thai mẹ sáu năm mới sanh ra. Nhân quả báo ứng, tự làm tự chịu, chẳng có cách nào! Tuy Ngài xuất gia, tập khí nghịch ngợm vẫn chưa trừ hết. Từ chuyện trước kia, Ngài lấp hang chuột, có thể biết Ngài rất nghịch ngợm. Sau khi xuất gia, Thích Ca Mâu Ni Phật bảo Ngài bái Xá Lợi Phất làm sư phụ, Ngài là đồ đệ của Xá Lợi Phất, suốt ngày từ sáng đến tối chơi đùa mà thôi!

 

(Sao) Mật hạnh giả, kinh vân: “La Hầu La mật hạnh, duy ngã năng tri chi”. Duy Phật năng tri, tắc Bồ Tát, Thanh Văn giai sở bất tri, huống phàm phu hồ. Tích hạnh nhi nhân bất tri, cố viết mật hạnh đệ nhất.

()密行者,經云:羅睺羅密行,惟我能知之。惟佛能知,則菩薩聲聞皆所不知,況凡夫乎。積行而人不知,故曰密行第一。

(Sao: Mật hạnh là như kinh nói: “Mật hạnh của La Hầu La, chỉ mình ta có thể biết”. Chỉ mình Phật có thể biết, thì Bồ Tát, Thanh Văn thảy đều chẳng biết, huống hồ phàm phu! Tích lũy công hạnh nhưng người khác chẳng biết, nên gọi là mật hạnh đệ nhất).

 Tuy Ngài chơi đùa mỗi ngày, nhưng tu hành ngay trong chơi đùa, chỉ có đức Phật biết, người khác chẳng biết, chỉ thấy Ngài rất nghịch ngợm, suốt ngày từ sáng đến tối chơi giỡn, chẳng ai biết Ngài đang tu hành. Công phu tu hành ấy cao hơn người khác một bậc. Đấy là Phật tử La Hầu La.

 

(Sớ) Kiều Phạm Ba Đề giả, thử vân Ngưu Ty, thọ thiên cúng dường đệ nhất.

()  憍梵波提者,此云牛呞,受天供養第一。

(Sớ: Kiều Phạm Ba Đề (Gavāmpati), cõi này dịch là Ngưu Ty, được chư thiên cúng dường bậc nhất).

Vị tôn giả này cũng có quả báo.

 

(Sao) Ngưu Ty giả, quá khứ thế trung, khinh lộng sa-môn, kim báo ngưu ty.

() 牛呞者,過去世中,輕弄沙門,今報牛呞。

(Sao: Ngưu Ty: Trong đời quá khứ, khinh mạn, bỡn cợt sa-môn, đời này mắc quả báo nhai nhóp nhép như trâu nhơi).

Trong đời quá khứ, Ngài nghe một vị tỳ-kheo già niệm kinh, nghe xong, Ngài ở bên cạnh, cười ghẹo vị ấy, nói âm thanh của vị ấy niệm kinh khó nghe, giống như [tiếng] một con trâu già. Vị tỳ-kheo già ấy bảo Ngài: “Ta đã chứng quả A La Hán, ông vô lễ đối với ta, trong tương lai sẽ mắc quả báo”. Ngài cực lực sám hối, kết quả vẫn đọa trong súc sanh đạo, biến thành trâu, làm trâu suốt năm trăm đời. Đấy là do bỡn cợt một vị tỳ-kheo, vị tỳ-kheo ấy chẳng phải là sa-môn tầm thường, mà là A La Hán; cho nên mắc tội nặng như thế.

 

(Sao) Hựu ngũ bách thế tằng vi ngưu cố, ngưu tuy bất thực, hằng sự hư tiếu, dư báo vị tận, cố xưng thử danh.

()又五百世曾為牛故,牛雖不食,恆事虛哨,餘報未盡,故稱此名。

(Sao: Lại từng làm trâu năm trăm đời. Trâu tuy chẳng ăn, vẫn luôn nhơi nhóp nhép, dư báo chưa hết, nên được gọi bằng tên ấy).

 Tuy đời này, Ngài được làm thân người, xuất gia, vẫn còn tập khí của một con trâu. Miệng trâu luôn nhóp nhép, khi chẳng ăn cỏ cũng nhóp nhép. Dư báo chưa hết, do vậy, trực tiếp dùng tập khí ấy để đặt tên cho Ngài là Kiều Phạm Ba Đề, khiến cho người ta liễu giải, chẳng dám khinh mạn Ngài.

 

(Sao) Thiên cúng giả, mã mạch chi báo, bỉ độc ư thiên thượng Thi Lợi Sa viên thọ cúng. Hựu phàm phu đổ hình, bất tri quán đức, khủng nhân cơ tiếu tao khiên, thường cư thiên thượng, chư thiên kính phụng, cố vân thọ thiên cúng dường đệ nhất.

()天供者,馬麥之報,彼獨於天上尸利沙園受供。又凡夫睹形,不知觀德,恐人譏笑遭愆,常居天上,諸天敬奉,故云受天供養第一。

(Sao: “Chư thiên cúng dường”: Trong quả báo [Phật và tăng đoàn] phải ăn lúa mạch của ngựa, riêng Ngài ngự trên vườn Thi Lợi Sa cõi trời nhận cúng dường. Lại do phàm phu nhìn hình tướng, chẳng biết quán đức, sợ người ta sẽ chê cười chuốc lấy tội khiên nên Ngài thường ngự trên cõi trời, chư thiên tôn kính, phụng sự, nên nói là được chư thiên cúng dường bậc nhất).

Phàm phu thế gian chẳng nhận biết Ngài. Nếu cũng có kẻ chê cười Ngài, tương lai kẻ ấy lại mắc quả báo năm trăm đời làm trâu, tức là chẳng từ bi! Do vậy, Thích Ca Mâu Ni Phật bảo Ngài đừng đi khất thực, sợ có kẻ chê cười Ngài, bảo Ngài hãy lên cõi trời thọ trai, chư thiên cúng dường Ngài. Vì chư thiên có Thiên Nhãn, nhận biết Ngài là bậc A La Hán, sẽ chẳng khinh mạn Ngài, sẽ khởi tâm cung kính đối với Ngài, cho nên Ngài được chư thiên cúng dường bậc nhất. Ở đây, cũng có một điển cố, tức là “mã mạch chi báo”. Phật và các đệ tử, tổng cộng một ngàn hai trăm năm mươi lăm người, là một đoàn thể rất lớn, từng ở ấp Tỳ Lan (Vairantya) suốt ba tháng chẳng có gì ăn. Đại khái là nơi ấy cũng có thiên tai, bất đắc dĩ người ta phải lấy lương thực cho ngựa ăn để cúng dường Tăng đoàn. Vì thế, có quả báo ba tháng ăn lúa mạch nuôi ngựa, thảy đều là có nhân quả báo ứng. Vì ngài Kiều Phạm Ba Đề được chư thiên cúng dường, nên Ngài không bị tai nạn ấy, mỗi ngày vẫn lên trời thọ trai, [trong khi] hết thảy mọi người đều phải chịu quả báo ăn lúa mạch dành cho ngựa, Ngài không bị, riêng Ngài ngự trên vườn Thi Lợi Sa (Serīsaka-vimāna) trong cung trời [Tứ Thiên Vương].

 

(Sớ) Tân Đầu Lô Phả La Đọa, thượng tam tự, thử vân Bất Động, danh dã; hạ tam tự, thử vân Lợi Căn, tánh dã.

() 賓頭盧頗羅墮,上三字,此云不動,名也;下三字,此云利根,姓也。

(Sớ: Tân Đầu Lô Phả La Đọa, ba chữ đầu cõi này dịch là Bất Động, là tên; ba chữ sau, cõi này dịch là Lợi Căn, là họ).

Tân Đầu Lô Phả La Đọa (Pindola-bhāradvāja) là tiếng Phạn, tên và họ đều [được nêu ra] đầy đủ.

 

(Sao) Tiên danh hậu tánh giả, kỳ tộc phàm thập bát, xưng danh tại tiền, biệt kỳ dư dã.

()先名後姓者,其族凡十八,稱名在先,別其餘也。

(Sao: “Nêu tên trước họ”: Dòng họ ấy có đến mười tám người [nổi tiếng] nên nêu tên trước họ để phân biệt với những vị khác).

Gia tộc của Ngài cũng vô cùng phồn thịnh.

 

(Sao) Nại Da Luật vân: Thụ Đề trưởng giả, dĩ chiên-đàn bát trí sát đảnh thượng, hiệu ư chúng vân: “Thần lực năng thủ giả tức dữ”. Tôn giả hiện thông thủ bát, Phật ha trách dĩ, sắc linh bất đắc nhập diệt, lưu thân cửu trụ, ứng mạt thế cúng, vi đại phước điền dã.

()奈耶律云,樹提長者,以栴檀缽置剎頂上,號於眾云:神力能取者即與。尊者現通取缽,佛呵責已,敕令不得入滅,留身久住,應末世供,為大福田也。

(Sao: Nại Da Luật chép: “Trưởng giả Thụ Đề (Jyotis), đem bát bằng chiên đàn đặt trên đầu cột phướn, rồi bảo đại chúng: “Ai có thần lực có thể lấy được sẽ tặng cho người đó”. Tôn giả hiện thần thông, lấy bát, đức Phật quở trách, truyền chẳng được nhập diệt, lưu thân ở mãi trên thế gian để nhận cúng dường [của chúng sanh] trong đời Mạt, làm đại phước điền vậy).

Nại Da Luật là Tỳ Nại Da Tạng  (Vinaya),  tức  Luật  Tạng.  Ngài Tân Đầu Lô Phả La Đọa có thần thông; nói thật ra, thuở Phật tại thế, các vị đệ tử ai nấy đều có thần thông, nhưng Phật cấm ngặt, quyết định chẳng cho phép các Ngài tùy tiện thị hiện thần thông, chẳng thể được! Chỉ trong nhân duyên đặc biệt, nhưng vẫn phải được Phật đồng ý, chẳng thể dễ dãi thị hiện thần thông. Do Ngài dễ dãi thị hiện thần thông, nên Phật quở trách, lại còn trừng phạt, phạt Ngài ở lâu dài trên nhân gian, chẳng được phép diệt độ. Do vậy, tôn giả Tân Đầu Lô vẫn còn ở trên thế gian. Ngài có hình dạng ra sao, chính Ngài cũng chẳng nói, quý vị cũng chẳng nhận ra, Ngài biến hóa mà! Có người cúng trai, cúng Thiên Tăng Trai (trai tăng ngàn vị), Ngài cũng đến nhận cúng dường. Ngài đến nhận cúng dường thì quý vị có phước; vì thế, gọi là phước điền. Nay chúng ta cúng trai tăng, nếu người đến nhận cúng dường toàn là phàm phu, chẳng có thánh nhân, phước chúng ta tu ấy sẽ chẳng lớn. Nếu trong số các vị nhận cúng dường có thánh nhân, phước báo ấy sẽ rất lớn!

Giống như thuở trước, vua Tiền Liêu[94] cúng dường trai tăng một ngàn vị, nhằm lúc Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư trụ thế, Định Quang Cổ Phật đến ứng cúng, vua có phước báo to lớn. Chúng ta biết Vĩnh Minh Diên Thọ là A Di Đà Phật tái lai, do Định Quang Phật nói ra. Vĩnh Minh Diên Thọ là tổ sư Tịnh Độ đời thứ sáu, quốc vương cử hành Thiên Tăng Trai, tức là cúng dường một ngàn người xuất gia đến thọ trai, ứng cúng. Khi đó tiếng tăm lớn nhất là ngài Vĩnh Minh Diên Thọ. Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ là quốc sư, tức là thầy của quốc vương. Trong lúc ứng cúng, trong khi thọ trai, ghế chủ tọa cứ nhường tới nhường lui, ai cũng chẳng chịu ngồi! Mọi người đang nhường nhau, có một vị hòa thượng chẳng khách sáo chi hết, bước tới ghế chủ tọa, ăn mặc cũng rất xốc xếch, rất lôi thôi, chẳng có một ai quen biết Sư, mà cũng chẳng biết Sư từ đâu đến. Sư ngồi ghế chủ tọa, quốc vương tuy trong lòng rất khó chịu, nhưng vị ấy cũng là người xuất gia, cũng chẳng tiện lôi xuống, mọi người ngồi vào vị trí như vậy. Sau khi thọ trai xong, Sư đột nhiên bỏ đi, quốc vương liền hỏi Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư: “Hôm nay trẫm cúng trai tăng, bậc thánh hiền có tới ứng cúng hay chăng?” Ngài nói: “Có chứ! Định Quang Cổ Phật tới ứng cúng”. Quốc vương hỏi: “Vị nào vậy?” “Là hòa thượng ngồi ghế chủ tọa”. Vị hòa thượng ấy tai rất lớn nên mọi người gọi Ngài là Đại Nhĩ hòa thượng. Quốc vương vừa nghe nói Định Quang Cổ Phật tới ứng cúng, tuyệt quá! Vốn trước đó, trong tâm là cả một đống bực bội, [nay biết] vị ấy là cổ Phật đến ứng cúng, vội vã sai người truy tìm dấu vết, đi khắp nơi dò hỏi xem Ngài đi theo đường nào, khi tìm được thì Ngài đang tịnh tọa trong hang động.

Những kẻ ấy biết Ngài là Định Quang Cổ Phật, mọi người tới lạy Phật, Ngài nói một câu: “Di Đà lẻo mép”, A Di Đà Phật nhiều chuyện! Vì sao lại nói ra thân phận của ta? Ngài bèn đi, [tức là] bèn nhập diệt. Mọi người thấy Định Quang Cổ Phật đã viên tịch, nhưng nghe nói “Di Đà lẻo mép”, vậy thì Vĩnh Minh Diên Thọ là A Di Đà Phật. Do vậy, lúc trở về, không sao, Định Quang Cổ Phật đã viên tịch, A Di Đà Phật vẫn còn, quay về lạy A Di Đà Phật, biết Vĩnh Minh Diên Thọ là A Di Đà Phật. Vội vã quay về cung tâu trình: “Đại Nhĩ hòa thượng đã nhập diệt”. Quốc vương nghe tin rất áo não, nhưng lại nghe Vĩnh Minh Diên Thọ là A Di Đà Phật tái lai, vô cùng hoan hỷ, vội vã đến gặp ngài Vĩnh Minh Diên Thọ, còn đi chưa được mấy bước, bên ngoài có người đến tâu: “Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư đã viên tịch”. Do vậy, quý vị phải hiểu, chẳng thể bộc lộ thân phận, hễ thân phận bại lộ, bèn phải viên tịch ngay lập tức!

Hiện thời, tôi nghe nói tại Trung Quốc lẫn ngoại quốc có rất nhiều kẻ nói họ là Bồ Tát chi đó tái lai, Phật gì đó tái lai, nói rồi vẫn chẳng đi, điều này chẳng thể tin tưởng, hễ nói ra phải tịch! Người khác nói cũng được, mà chính mình nói cũng được, nhưng hễ nói xong phải tịch! Quý vị thấy Di Lặc Bồ Tát tự mình nói, chẳng do người khác nói. Chính Ngài nói Ngài là Di Lặc Bồ Tát, nói xong, bèn ra đi. Nay chúng ta tạc tượng Di Lặc Bồ Tát là tượng Bố Đại hòa thượng, Ngài là người đời Tống, nhằm thời Tống Cao Tông, cùng thời với Nhạc Phi. Lúc Ngài viên tịch, tự nói mình chính là Di Lặc Bồ Tát, nói xong bèn mất. Do vậy, trong Phật môn, hễ thân phận bị bộc lộ, phải ra đi ngay lập tức, chẳng thể nào thân phận đã bộc lộ mà vẫn không đi, đó chắc chắn là gạt người, chắc chắn chẳng đáng tin cậy. Bởi lẽ đó, tôn giả Tân Đầu Lô tới nay vẫn còn trên thế gian.

 

(Sớ) Ca Lưu Đà Di, thử vân Hắc Quang.

()  迦留陀夷,此云黑光。

(Sớ: Ca Lưu Đà Di (Kālodāyin), cõi này dịch là Hắc Quang).

Vị tôn giả này, nhất định là một người đen đúa, vì da Ngài rất đen. Người da đen cũng có thể học Phật, cũng chứng quả A La Hán, chúng ta cũng chẳng thể khinh dễ Ngài! Hiện thời, trên thế giới này, có chuyện kỳ thị chủng tộc, thường rẻ rúng người đa đen. Người da đen cũng có thể chứng quả A La Hán, cũng có thể thành Phật, có thể thấy Phật pháp bình đẳng.

 

(Sao) Hắc Quang giả, nhan dung thô hắc cố, hựu hắc sắc quang diệu, dị thường hắc cố, dạ hành khất thực, nhân kiến kinh hãi, Phật cấm dạ hành, diêu thử chế dã.

()黑光者,顏容粗黑故,又黑色光耀,異常黑故,夜行乞食,人見驚駭,佛禁夜行,繇此制也。

(Sao: Hắc Quang là dung mạo thô kệch, đen đúa, lại do sắc đen chói ngời, do đen đúa dị thường, ban đêm đi khất thực, người khác trông thấy kinh hãi. Đức Phật cấm [tỳ-kheo] đi ban đêm, cũng là do chuyện này mà chế định).

Ngài đã có một ngày đi khất thực buổi tối, khiến một bà bầu hoảng hồn, người ta tưởng Ngài là quỷ. Do vậy, đức Phật mới chế định giới luật sau đây: Tỳ-kheo buổi tối chẳng được phép ra khỏi cửa, chẳng được phép đi lại [ngoài phạm vi tinh xá]. Giới điều này do Ngài mà chế định.

 

(Sớ) Ma Ha Kiếp Tân Na giả, thử vân Phòng Tú, tri tinh tú đệ nhất.

(Sao) Phòng Tú giả, nhị thập bát tú trung, đệ tứ tú dã. Phụ mẫu đảo thử tinh nhi sanh tử, nhất vân sơ xuất gia thời, tương dục nghệ Phật.

()  摩訶劫賓那者,此云房宿,知星宿第一。

()房宿者,二十八宿中,第四宿也。父母禱此星而生子,一云初出家時,將欲詣佛。

(Sớ: Ma Ha Kiếp Tân Na (Mahākalpina), cõi này dịch là Phòng Tú, biết tinh tú bậc nhất.

Sao: Phòng Tú[95] là ngôi sao thứ tư trong Nhị Thập Bát Tú. Cha mẹ cầu đảo ngôi sao này mà sanh ra Ngài, có thuyết nói lúc Ngài mới xuất gia, sắp đến chỗ Phật).

Đi đến chỗ Thích Ca Mâu Ni Phật, muốn theo Phật xuất gia.

 

(Sao) Trung lộ trị vũ, ký thực đào xá, nga hữu tỳ-kheo lai cộng túc chỉ. Bỉ tỳ-kheo giả, tức Phật hóa hiện, văn pháp đắc đạo. Tắc Phòng Tú giả, dĩ ư đào gia phòng xá nhi lữ túc cố, diệc nhất nghĩa dã.

()中路值雨,寄食陶舍,俄有比丘來共宿止。彼比丘者,即佛化現,聞法得道。則房宿者,以於陶家房舍而旅宿故,亦一義也。

(Sao: Giữa đường mắc mưa, phải ở nhờ nhà người thợ gốm, chợt có một vị tỳ-kheo đến cùng nghỉ lại. Vị tỳ-kheo ấy chính là đức Phật hóa hiện. Tôn giả nghe pháp đắc đạo, nên [gọi là] Phòng Tú là do nghỉ chân nơi nhà của người thợ gốm, đây cũng là một ý nghĩa).

Có hai ý nghĩa như sau: Một ý nghĩa là cha mẹ Ngài cầu đảo nơi tinh tú mà sanh ra đứa con ấy. Ý nghĩa thứ hai là khi Ngài xuất gia, muốn theo Phật xuất gia, đương nhiên đường sá khá xa xôi, trên đường bèn tá túc trong nhà một người thợ làm đồ gốm. Lúc ấy, cũng có một vị tỳ-kheo đến nơi ấy. Vị tỳ-kheo ấy do Thích Ca Mâu Ni Phật hóa thân, giống như đến tiếp dẫn tôn giả, thấy Ngài xuất gia tâm rất kiền thành, liền thuyết pháp cho Ngài, Ngài chứng quả ngay nơi ấy. Trong ấy (trong danh hiệu Ngài) cũng có ý nghĩa Phòng Tú (nghỉ đêm trong nhà).

 

(Sao) Tri tinh tú giả, bất giả cơ hành, thông hiểu thiên tượng, cố vân tri tinh tú đệ nhất.

()知星宿者,不假璣衡,通曉天象,故云知星宿第一。

(Sao: Tri tinh tú: Chẳng nhờ vào các dụng cụ thiên văn, mà thông hiểu các hiện tượng thiên văn, nên nói là tri tinh tú bậc nhất).

“Cơ hành”[96] là các dụng cụ hay máy móc dùng trong thiên văn, Ngài không cần dùng những dụng cụ, máy móc đó, vẫn có thể biết thiên văn. Trong các đệ tử đức Phật, Ngài là một nhà thiên văn học. Vị thứ mười lăm:

 

(Sớ) Bạc Câu La giả, thử vân Thiện Dung, thọ mạng đệ nhất.

()  薄拘羅者,此云善容,壽命第一。

(Sớ: Bạc Câu La (Vakkula), cõi này dịch là Thiện Dung, thọ mạng bậc nhất).

Đây là một vị có tuổi tác lớn nhất trong các đệ tử Phật.

 

(Sao) Thiện Dung giả, nhan mạo đoan chánh cố.

() 善容者,顏貌端正故。

(Sao: Thiện Dung là vẻ mặt đoan chánh).

 Trong các tỳ-kheo, Ngài lớn tuổi nhất, là một vị tỳ-kheo già, tướng mạo vô cùng đoan chánh, hết sức đoan nghiêm.

 

(Sao) Thọ mạng giả, thọ mạng bách hữu lục thập, cố vân Thọ Mạng đệ nhất.

() 壽命者,壽命百有六十,故云壽命第一。

(Sao: “Thọ mạng”: Tuổi thọ đến một trăm sáu mươi, nên nói là thọ mạng bậc nhất).

Thọ mạng một trăm sáu mươi tuổi, thọ mạng bậc nhất.

 

(Sao) Diêu tích trì bất sát giới, cửu thập nhất kiếp, thọ bất trung yểu.

() 繇昔持不殺戒,九十一劫,壽不中夭。

(Sao: Do kiếp xưa giữ giới chẳng giết, nên chín mươi mốt kiếp, sống thọ, chẳng chết yểu).

Đây là nói tới nhân quả, vì sao Ngài khỏe mạnh trường thọ như vậy? Trong đời quá khứ, Ngài đời đời kiếp kiếp trì giới chẳng sát sanh, giữ rất nghiêm, cho nên được quả báo này. Quý vị phải hiểu: Phàm là quả, nhất định luôn có nhân; chẳng thể nào có quả mà thiếu nhân! Có nhân mà chẳng có quả, chẳng có chuyện ấy! Nhân và quả nhất định tương ứng. Đức Phật dạy chúng ta, quả báo đều do tu được, của cải là do trong đời quá khứ tu Tài Bố Thí mà đạt được. Có người phát tài rất khó, rất vất vả mới có của cải. Có người rất dễ phát tài, hầu như là chẳng bận tâm, tiền từ trên trời rơi xuống! Đó là trong quá khứ, lúc tu nhân, người ấy tu Tài Bố Thí. Có kẻ tu Tài Bố Thí bèn bố thí rất miễn cưỡng, trong tương lai kẻ ấy có được quả báo hay không? Có quả báo, nhưng quả báo là có được [của cải] cũng chẳng dễ dàng! Có người bố thí rất nhanh nhẹn, căn bản là chẳng để ý, cứ việc bố thí, trong tương lai đạt được quả báo cũng rất dễ dàng, cũng là vô ý mà có được của cải, đúng là “một miếng ăn, một hớp uống, không gì chẳng định trước”, chẳng có mảy may miễn cưỡng được! Pháp bố thí đắc thông minh, trí huệ, vô úy bố thí đắc khỏe mạnh, trường thọ. Chẳng sát sanh là vô úy bố thí; vì thế, Ngài đắc quả báo khỏe mạnh, trường thọ.

 

(Sao) Hựu tích tằng thí nhất bệnh tăng Ha Lê Lặc quả.

() 又昔曾施一病僧訶梨勒果。

(Sao: Lại xưa kia từng bố thí một vị tăng mắc bệnh một trái Ha Lê Lặc[97]).

Đây là bố thí cho vị xuất gia bị bệnh, chăm sóc vị ấy.

 

(Sao) Cảm ngũ bất tử.

() 感五不死。

(Sao: Cảm được năm loại không chết).

Được quả báo tốt lành, năm thứ bất tử.

 

(Sao) Sơ sanh hiện dị, mẫu dĩ vi quái, trí chi ngao bàn bất tử.

() 初生現異,母以為怪,置之熬盤不死。

(Sao: Lúc mới sanh, hiện tướng lạ, mẹ cho là yêu quái, bỏ trong mâm đem nướng, chẳng chết).

Lúc mới sanh, Ngài chẳng giống người bình thường cho lắm. Vì thế, mẹ Ngài chẳng hoan hỷ, người nhà chẳng hoan hỷ, cho là yêu quái, nên bỏ trong mâm đem nướng, Ngài chẳng chết.

 

(Sao) Phục trí phủ trung bất tử.

() 復置釜中不死。

(Sao: Lại bỏ trong nồi [đem nấu] không chết).

Bỏ trong nồi Ngài cũng chẳng chết.

 

(Sao) Phục trí thủy trung.

() 復置水中。

(Sao: Lại quăng xuống nước).

 Bỏ Ngài dưới nước.

 

(Sao) Cự ngư thôn chi.

() 巨魚吞之。

(Sao: Cá to nuốt lấy).

 Bị cá lớn nuốt trộng, cá bị người ta bắt được.

 

(Sao) Đao phá, tử hiện, nhất vô sở tổn.

() 刀破子現,一無所損。

(Sao: Dùng dao mổ cá, con hiện ra, chẳng bị tổn hại gì!)

Ngài cũng không chết!

 

(Sao) Hỏa bất năng pháo, thang bất năng chử, thủy bất năng yêm, ngư bất năng phệ, đao bất năng cát, danh ngũ bất tử.

()火不能炮,湯不能煮,水不能淹,魚不能噬,刀不能割,名五不死。

(Sao: Lửa chẳng nướng được, nước sôi chẳng thể nấu được, nước chẳng nhấn chìm được, cá chẳng cắn xé được, dao chẳng cắt được, nên gọi là Ngũ Bất Tử).

Ngài vừa ra đời, gặp nạn rất lớn, đều chẳng chết. Do đời quá khứ bố thí, chiếu cố một vị xuất gia, nên đắc quả báo ấy.

 

(Sao) Hựu nhàn tĩnh thiểu dục, thâu nhiếp lục căn, diệt độ chi hậu, tháp do khước bối. Cố thường nhạo nhàn cư, bất xử chúng trung, diệc xưng đệ nhất.

()又閒靜少欲,收攝六根,滅度之後,塔猶却貝。故常樂閒居,不處眾中,亦稱第一。

(Sao: Lại nữa, Ngài nhàn tĩnh, ít ham muốn, thâu nhiếp sáu căn, sau khi diệt độ, tháp của Ngài còn từ chối [tiền bằng] vỏ sò [do nhà vua dâng cúng]. Do thường thích nhàn cư, chẳng thích ở trong đại chúng, cũng gọi là đệ nhất).

 Vị này thích thanh tĩnh, chẳng ưa náo nhiệt, chẳng thích đa sự. Sau khi diệt độ, người ta dựng tháp để cúng dường Ngài. Vua A Dục là đại hộ pháp trong Phật môn, cũng đến cúng dường tháp của Ngài. Khi đó, dùng vỏ sò để cúng dường tháp [vì vỏ sò được dùng làm tiền tệ thời ấy], vua dùng hai mươi chiếc vỏ sò để cúng dường Ngài. Vỏ sò đặt nơi đó tự nhiên bay đi, Ngài chẳng cần, chẳng tiếp nhận, vỏ sò sau khi từ tháp bay ra, còn rơi chạm vào chân vua A Dục. Thuở tại thế, Ngài chẳng tiếp nhận người khác cúng dường quá mức, chẳng ưa thích náo nhiệt; sau khi Ngài khuất bóng, tháp của Ngài vẫn còn có thần lực ấy. Quý vị muốn đến cúng dường Ngài, Ngài chẳng tiếp nhận. Vị thứ mười sáu là:

 

(Sớ) A Nậu Lâu Đà giả, nhất danh A Na Luật Đà, thử vân Vô Bần, diệc vân Vô Diệt, diệc vân Như Ý, Thiên Nhãn đệ nhất.

() 阿耨樓馱者,一名阿那律陀,此云無貧,亦云無滅,亦云如意,天眼第一。

(Sớ: A Nậu Lâu Đà (Aniruddha), còn gọi là A Na Luật Đà, cõi này dịch là Vô Bần, cũng gọi là Vô Diệt, hoặc còn gọi là Như Ý, Thiên Nhãn đệ nhất).

 Vị tôn giả này cũng là em họ Thích Ca Mâu Ni Phật[98].

 

(Sao) Vô Bần giả, tích ư cơ thế, tằng dĩ tắc phạn thí Bích Chi Phật, cửu thập nhất kiếp, tư dụng sung túc.

()無貧者,昔於饑世,曾以稷飯施辟支佛,九十一劫資用充足。

(Sao: Vô Bần: Xưa kia trong đời đói kém, Ngài từng đem cơm bằng gạo Tắc[99] thí cho một vị Bích Chi Phật nên chín mươi mốt kiếp tiêu dùng sung túc).

 Đó là một năm mất mùa, gặp lúc hạn hán dữ dội, hết thảy mọi người chẳng có gì ăn. Khi ấy, Ngài là nông phu, nông phu đương nhiên mang theo chút cơm để ăn buổi trưa ngoài ruộng. Cơm ấy chẳng phải là thứ ngon lành, chỉ nấu bằng hạt kê, gặp Bích Chi Phật đi khất thực. Trong tâm, Ngài nghĩ Bích Chi Phật nửa tháng mới đi khất thực một lần, nếu ngày hôm nay Ngài chẳng xin được gì, phải nhịn đói nửa tháng. Ngài nói: “Ta bố thí cho vị ấy, tối đa là ta nhịn đói một ngày”. Do vậy, Ngài tự đem chút cơm ấy cúng dường Bích Chi Phật, được quả báo chín mươi mốt kiếp chẳng bần cùng, tiêu dùng sung túc, tức là ăn, mặc, đi, ở, chẳng bị thiếu khuyết.

 

(Sao) Chí kim bất diệt, sở cầu như ý, cố hữu Vô Bần đẳng tam dịch.

() 至今不滅,所求如意,故有無貧等三譯。

(Sao: Đến nay bất diệt, sở cầu như ý, nên mới có ba cách dịch như Vô Bần v.v…)

Quả báo ấy chẳng thể nghĩ bàn! [Danh hiệu] của Ngài có ba ý nghĩa ấy.

 

(Sao) Thiên Nhãn đệ nhất giả, xuất gia hỷ miên.

() 天眼第一者,出家喜眠。

(Sao: Thiên Nhãn bậc nhất, Ngài xuất gia, thích ngủ).

Ngài hôn trầm, thích ngủ gà ngủ gật.

 

(Sao) Phật thuyết pháp thời, hôn thụy bất giác.

() 說法時,昏睡不覺。

(Sao: Lúc Phật thuyết pháp, tôn giả ngủ mê mệt, chẳng tỉnh).

Đức Phật giảng kinh, thuyết pháp, Ngài ngồi ở dưới nghe, ngủ gục.

 

(Sao) Phật nãi ha trách, tỷ chi loa cáp.

() 佛乃呵責,比之螺蛤。

(Sao: Phật bèn quở trách, sánh ví như ốc, hàu).

 Bị Phật quở một trận dữ dội, Phật mắng Ngài: “Loa sư bạng cáp loại, nhất thụy nhất thiên niên, bất văn Phật danh tự” (Như sò, nghêu, hàu, hến, hễ ngủ, ngủ ngàn năm, chẳng nghe danh hiệu Phật).

 

(Sao) Phát phẫn tinh tấn, kinh thất trú dạ, nhãn bất giao tiệp, thất kỳ song mục.

() 發憤精進,經七晝夜,眼不交睫,失其雙目。

(Sao: Ngài phát phẫn tinh tấn, trải qua bảy ngày đêm, mắt chẳng nhắm lại, nên mù cả hai mắt).

Sau khi bị Phật quở một trận, Ngài cũng rất khá, biết hổ thẹn, bèn nỗ lực tinh tấn. Suốt bảy ngày đêm, Ngài không ngủ. Mệt nhọc quá độ, hỏng cả mắt, về sau bị mù.

 

(Sao) Phật giáo tu tập Nhạo Kiến Chiếu Minh Kim Cang tam-muội, toại đắc Thiên Nhãn.

() 佛教修習樂見照明金剛三昧,遂得天眼。

(Sao: Đức Phật dạy Ngài tu tập Nhạo Kiến Chiếu Minh Kim Cang tam-muội, bèn đắc Thiên Nhãn).

Đức Phật thương xót, dạy Ngài tu tập Nhạo Kiến Chiếu Minh Kim Cang tam-muội, dạy Ngài tu môn Định ấy. Sau khi tu Định ấy thành công, Ngài đắc Thiên Nhãn. Sở dĩ Ngài được gọi là Bán Đầu Thiên Nhãn, vì Ngài chẳng dùng mắt để nhìn, mà cả đầu đều có thể nhìn, bốn phương tám hướng đều có thể thấy. Hơn nữa, lại là Thiên Nhãn đệ nhất trong các vị A La Hán. La Hán thông thường chỉ có thể thấy một tiểu thiên thế giới, Thiên Nhãn của Ngài có thể thấy tam thiên đại thiên thế giới, tu thành Định ấy. Vì thế, Ngài là Thiên Nhãn đệ nhất trong các đệ tử Phật. Ngài là chân thật tinh tấn, thật sự chịu làm.

 

(Sao) Quán đại thiên giới như đổ chưởng quả.

() 觀大千界如睹掌果。

(Sao: Nhìn cõi đại thiên như thấy trái cây đang nắm trong tay).

Ngài thấy tam thiên đại thiên thế giới giống như quả Am La Ma trong lòng bàn tay. Quả Am La Ma như kinh thường nói chính là quả ổi[100] ta ăn hiện thời. Trước kia, chúng tôi thấy kinh nói “Am La Ma quả”, chẳng hiểu là gì? Kinh nói “đề hồ quán đảnh”, chẳng hiểu Đề Hồ là gì? Hòa thượng Đạo Nguyên từng sang Ấn Độ thăm viếng, do Ngài là pháp sư giảng kinh, đến Ấn Độ đặc biệt hỏi dò Đề Hồ là gì? Am La Ma quả là gì? Các vị hãy đem cho ta xem! Kết quả họ cầm đến, quả ổi, Đài Loan  có; đó  là  quả  Am  La  Ma. Còn  Đề  Hồ  là  gì? Đề  Hồ là sa-lạp (salad)[101].

Đoạn kinh này thường được gọi là “lưu thủy văn chương”[102], chúng ta đã đọc xong, rất dài. Đến buổi sau, chúng ta sẽ thảo luận về phương diện nghĩa lý. Đây là giới thiệu mười sáu vị tôn giả, ngày hôm nay chúng tôi giảng tới đây.