A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa – Quyển 4 – Tập 119-120

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

QUYỂN 4 – Tập 119-120

Liên Trì đại sư chùa Vân Thê soạn sớ sao
Pháp sư Cổ Đức diễn nghĩa
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Minh Tiến – Huệ Trang – Đức Phong

— o0o —

Tập 119

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm năm mươi sáu:

 

Nhị, Chánh Tông phần.

二、正宗分。

(Hai, phần Chánh Tông).

Trong phần trước, chúng tôi đã giới thiệu Tự Phần của kinh này, từ hôm nay trở đi, chúng ta bước vào phần Chánh Tông của kinh này. “Tự” (序) là giới thiệu, dẫn nhập, những ý nghĩa trọng yếu nhất trong một bộ kinh đều thuộc bộ phận Chánh Tông Phần này; vì thế, văn tự cũng đặc biệt nhiều, nghĩa lý được nêu bày hết sức tường tận. Trong phần Chánh Tông chia thành bốn đoạn lớn, tức bốn khoa:

1) “Sơ, tường trần y chánh linh sanh tín nhạo” (trước hết, nêu bày cặn kẽ y báo và chánh báo để [người nghe] sanh lòng tin ưa) là đoạn thứ nhất, tức khoa mục lớn thứ nhất. Bốn đoạn lớn ấy chẳng ngoài ba món tư lương là Tín – Nguyện – Hạnh. Đoạn thứ nhất trần thuật tỉ mỉ y báo và chánh báo trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Y báo” là hoàn cảnh sống của chúng ta, “chánh báo” là tự thân, trừ thân thể của chính chúng ta ra đều gọi là y báo; người khác là hoàn cảnh nhân sự (quan hệ giữa con người với nhau) của chúng ta. Trong hoàn cảnh có hoàn cảnh nhân sự và hoàn cảnh vật chất, thảy đều là y báo. Nói “chánh báo” là nói tới tự thân của chúng ta, đừng nghĩ hết thảy hữu tình chúng sanh đều là chánh báo, [nghĩ như thế] là sai lầm. Nếu chúng ta thật sự lý giải, thật sự hiểu rõ y báo và chánh báo của Tây Phương Cực Lạc thế giới, tự nhiên sẽ sanh tâm đại hoan hỷ!

Nói thật ra, khá nhiều đồng tu học Phật chúng ta học Phật đã nhiều năm ngần ấy, dường như ngày nào cũng lần chuỗi niệm A Di Đà Phật, nhưng có hiểu rõ y báo và chánh báo của Tây Phương Cực Lạc thế giới hay không? Chẳng hiểu rõ! Vì sao biết quý vị chưa hiểu rõ ràng? Nếu quý vị thật sự hiểu rõ, một hạt xá-lợi của Thích Ca Mâu Ni Phật khiến cho quý vị động tâm thì Thích Ca Mâu Ni Phật là đại ma vương! Vì sao? Tâm quý vị niệm lâu ngày ngần ấy, vừa mới niệm đến mức được thanh tịnh chút ít, gặp dịp này, tâm thanh tịnh của quý vị liền bị phá hoại, chẳng còn nữa, điều đó gọi là “ma cảnh hiện tiền”. Vì thế, chư Phật, Bồ Tát quyết định chẳng đến thế gian này, [bởi] đến đây chẳng có ích gì cho quý vị, nếu đến sẽ hại chết quý vị, vì sao? Quý vị chấp tướng. Phật muốn chúng ta tu gì? Muốn chúng ta tu tâm thanh tịnh, muốn chúng ta thành tựu Niệm Phật tam-muội. Các Ngài đến sẽ khiến cho chúng ta bị quấy động, [thế là] chúng ta chuyện gì cũng xôi hỏng bỏng không!

Quý vị hãy nghĩ xem, chúng tôi giảng kinh, tu học ở chỗ này nhiều năm, tâm mới an định một chút, bị hai hạt xá-lợi từ Tư Lý Lan Kha (Sri Lanka, Tích Lan) biến thành tình trạng ấy, Phật thấy chúng ta thành ra nông nỗi này sẽ ứa lệ! Đấy là điều chẳng nên! Tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, quý vị sẽ thấy chân thân của Phật, còn thấy xá-lợi gì nữa! Vì thế, người thật sự niệm Phật trong mười hai thời, giữ được sự thanh tịnh, bình đẳng của chính mình trong hết thảy cảnh duyên, đấy mới là có thể đi vào khuôn khổ. Phật lưu lại xá-lợi hoặc lưu lại chân thân, chỉ nhằm khiến cho những kẻ còn chưa tin Phật sẽ sanh khởi lòng tin, dụng ý ở chỗ này. [Đối với người] đã nhập môn, chẳng cần đến thứ ấy nữa! Đối với những kẻ chưa dấy lên lòng tin, đối với xã hội thông tục, xá-lợi rất hiếm lạ, họ đến chiêm ngưỡng, sanh khởi tín tâm. Người đã sanh tín tâm phải tiến cao hơn nữa, chớ nên chấp trước những thứ ấy, chớ nên thoái chuyển, chỉ có tinh tấn, đừng bị lui sụt! Hy vọng chư vị liễu giải ý nghĩa này.

Chánh báo của Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng thể nghĩ bàn, thường nói là “tất thọ thanh hư chi thân, vô cực chi thể” (đều nhận lấy cái thân trong sạch, rỗng rang, bản thể vô cực), thân thể trong suốt, chẳng có tí ti ô uế nào! Đã thế, thân ấy chẳng phải có, chẳng phải không, thật sự có hình tướng, nhưng chẳng có gì để quý vị nắm bắt, giống như mây mù. Có mây hay không? Có, nhưng quý vị có thể nắm được nó hay không? Nắm chẳng được. Vì thế, nó có thể “tương tức, tương nhập”, sự sự vô ngại. Thân thể hai người có thể hợp thành một, có thể tách rời, vì sao? Chẳng có chướng ngại! Như ánh sáng, như hình bóng, vĩnh viễn bất hoại. Do vậy, đúng là Vô Lượng Thọ, chẳng phải là vô lượng trong hữu lượng, mà thật sự là vô lượng trong vô lượng. Quý vị phải chú tâm lãnh hội điều này!

Đoạn văn này chủ yếu nhằm dạy chúng ta sanh khởi tín tâm và dục vọng ưa thích đối với Tây Phương Cực Lạc thế giới, thế giới của mười phương chư Phật đều chẳng sánh bằng Tây Phương Tịnh Độ. Nơi tốt đẹp ngần ấy, chúng ta không chỉ phải đến, mà còn phải đến cho nhanh, phải sớm có ngày đến đó, người thật sự liễu giải nhất định là như vậy.

2) Đoạn lớn thứ hai, “nhị, chánh thị nguyện hạnh linh tri tu chánh” (hai, là chỉ dạy thẳng vào nguyện hạnh khiến cho [người nghe] biết tu sửa). Quý vị tin, và cũng rất ưa thích, rất hướng về, rất hâm mộ, đến đó bằng cách nào? Trong đoạn thứ hai, chánh thức chỉ dẫn, dạy quý vị phát nguyện tu hành, khiến cho quý vị biết tu như thế nào, chứng ra sao, “chứng” ở đây là vãng sanh. Vì thế, hai đoạn lớn này trọn đủ ba món tư lương Tín – Nguyện – Hạnh.

3) Đoạn lớn thứ ba, “tam, giao dẫn Phật ngôn linh đoạn nghi hoặc” (ba, trích dẫn xen lẫn lời Phật để đoạn nghi hoặc). Đoạn này là sáu phương Phật xưng tán. Liên Trì đại sư vẫn xếp đoạn kinh văn này vào phần Chánh Tông; trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư phán định từ chỗ này, [kinh văn] thuộc về phần Lưu Thông. Đó là cách phán định khác nhau của hai vị đại sư đối với kinh này, quan điểm của mỗi vị đều có lý. Trong Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư, phần Chánh Tông nói thật ra chính là hai đoạn trước trong phần Chánh Tông của bản kinh này. Ngẫu Ích đại sư chia hai đoạn ấy thành Tín, Nguyện, Hạnh, chia thành ba khoa ấy, phán định phần “lục phương Phật xưng tán” thuộc về phần Lưu Thông. Cách phán định của Ngài cũng có lý do rất thù thắng. Ngài nói pháp môn này “duy Phật dữ Phật phương năng cứu cánh” (chỉ có Phật và Phật mới có thể thấu hiểu rốt ráo), Đẳng Giác Bồ Tát vẫn chưa thể hiểu rõ ràng, rành rẽ pháp môn này, vì thế giới Tây Phương quá sức chẳng thể nghĩ bàn. Do vậy, người nào mới có đủ tư cách lưu thông bộ kinh này? Nói đến “lưu thông”, nếu nói theo cách bây giờ, chính là giới thiệu, vì mọi người giới thiệu, đề cao kinh này, ai có tư cách? Người đề cao, giới thiệu nhất định phải hiểu rất rõ ràng, minh bạch kinh này. Chẳng hiểu rõ ràng, cứ hồ đồ giới thiệu với người khác sẽ chẳng thể [làm được]! Vì thế, Tổ nói chỉ có Phật và chư Phật mới trọn đủ tư cách lưu thông, ý nghĩa này cũng hết sức viên mãn!

Nhưng tổ Liên Trì vẫn phán định đoạn kinh văn này thuộc về phần Chánh Tông, Ngài cũng có lý riêng. “Giao dẫn Phật ngôn”: Giao (交) là lẫn nhau, sáu phương Phật lần lượt nói, không vị Phật nào chẳng tán thán pháp môn này, không vị Phật nào chẳng hộ niệm bộ kinh này. Sau khi chúng ta đọc xong, quả thật sẽ đoạn nghi hoặc. Tuy đối với phần trước đã nói là có lòng tin ưa, nhưng quý vị chưa chắc đã [có tín nguyện] rất sâu, nay thấy mười phương chư Phật đều tán thán, tín tâm bèn tăng mạnh mẽ hơn, nguyện tâm chẳng thay đổi! Đồng thời, chúng ta cũng có thể hiểu mười phương chư Phật hóa độ chúng sanh đều giảng bộ kinh này. Căn cơ của chúng sanh trong mười phương thế giới khác nhau, hết thảy các pháp môn do chư Phật đã nói chắc chắn cũng chẳng giống nhau, nhưng hết thảy chư Phật không vị nào chẳng giảng kinh Di Đà, đấy là điều tương đồng. Hết thảy chư Phật, không vị Phật nào chẳng khuyên con người niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ, đấy là điểm tương đồng.

Do vậy ta biết pháp môn này là pháp môn được mười phương ba đời vô lượng vô biên chư Phật cùng hoằng dương, chẳng phải chỉ riêng Thích Ca Mâu Ni Phật dạy chúng ta! Chúng ta mới hiểu pháp môn này thù thắng, pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn. Chính mình cũng cảm thấy rất may mắn, chúng ta hữu duyên, có phước báo gặp gỡ bộ kinh này và pháp môn này trong một đời này. Có thể gặp được pháp môn này, chỉ cần chúng ta khéo y giáo phụng hành, chúng ta nhất định có thể thành tựu trong một đời này! Vì vậy, sáu phương cùng tán thán nhằm làm cho tín niệm của chúng ta kiên cố hơn!

4) Đoạn lớn thứ tư, “tứ, hỗ chương nan sự linh nhất thiết cảm phát” (bốn, lần lượt phơi bày sự khó khăn khiến cho hết thảy đều cảm kích, dấy khởi). “Hỗ chương” (互彰) là các vị Phật lần lượt nêu bày rõ ràng pháp môn này khó tin, pháp khó tin mà! Chư Phật khen ngợi Thích Ca Mâu Ni Phật có thể thị hiện thành Phật trong đời ác ngũ trược, nói pháp khó tin này. Chư Phật tán thán Thích Ca Mâu Ni Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng tán thán chư Phật. Chúng ta mới hiểu pháp này thật sự là pháp khó tin, chúng ta được gặp gỡ, có thể tin tưởng, điều này khiến cho chúng ta thật sự phát khởi đạo tâm vô thượng. Từ chỗ này ắt sẽ cảm động, thật sự phát khởi đạo tâm vô thượng. “Vô thượng Bồ Đề tâm” là tâm cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới; trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nói rất rõ ràng, rất minh bạch. Nếu từ kinh văn, chúng ta thật sự cảm động mà phát tâm, tâm ấy là chân thật; nhưng chúng ta thấy các sự thật trước mắt cũng chẳng thấy giống như Liên Trì đại sư đã nói, vì sao? Ai mà chẳng mỗi ngày không niệm kinh Di Đà, có mấy ai thật sự cảm động? Vì sao chẳng thể cảm động? Tuy niệm, chẳng biết nghĩa kinh! Vì thế, tâm quý vị vẫn như như bất động, chẳng bị cảm động. Điều này thật đáng tiếc, khó trách Liên Trì đại sư phải tốn nhiều tinh thần ngần ấy để chú giải tỉ mỉ, mong sao bản chú giải này sẽ giúp cho quý vị cảm động, có thể thật sự phát tâm, thật sự phát tâm cầu sanh Tịnh Độ.

Các vị đại đức trong Tịnh Tông xưa nay, trong ngoài nước, đều dị khẩu đồng âm chỉ dạy chúng ta phải chuyên tu. Trong chuyên tu, nhất định phải giữ vững ba tín điều:

– Thứ nhất là quyết định “chẳng hoài nghi”, đoạn nghi, sanh tín. Từ khoa mục thứ ba của Liên Trì đại sư, tức “giao dẫn Phật ngôn linh đoạn nghi hoặc”, có thể thấy đoạn nghi sanh tín vô cùng trọng yếu, chẳng nghi hoặc!

– Thứ hai, “chẳng xen tạp”, điều này vô cùng khó khăn. Trong Tây Phương Xác Chỉ, Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát đã khai thị rõ ràng, Ngài nói người niệm Phật kỵ nhất là xen tạp. Xen tạp là gì? Kẻ ấy tụng kinh, đương nhiên chẳng phải là tụng Tịnh Độ tam kinh. Vì lúc Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát thị hiện, Tịnh Độ chỉ có tam kinh nhất luận, vẫn chưa có tứ kinh hay ngũ kinh, đọc tụng tam kinh nhất luận, chẳng sai, tương ứng với pháp môn này. Nếu quý vị niệm những kinh điển Đại Tiểu Thừa khác bèn gọi là xen tạp, vì sao? Chẳng chuyên! Ta niệm ba kinh này, mỗi ngày nghĩ tới A Di Đà Phật, chẳng khác gì niệm Phật! Tâm ta vẫn đặt nơi A Di Đà Phật, vẫn đặt nơi Tây Phương Cực Lạc thế giới. Ta niệm kinh Kim Cang là không được rồi! Trong kinh Kim Cang chẳng khuyên chúng ta niệm A Di Đà Phật, chẳng khuyên chúng ta cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới; vì thế, không được! Niệm Tâm Kinh cũng không được, trong Tâm Kinh từ đầu đến cuối chẳng có câu nào khuyên quý vị niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vì vậy, những thứ ấy đều là xen tạp.

Quý vị vừa tụng kinh, vừa trì chú, trì chú là xen tạp! Người niệm Phật chúng ta, niệm chú bèn niệm Vãng Sanh Chú, trong kinh Tịnh Độ có chú ấy. Chúng ta niệm chú Đại Bi, niệm chú Lăng Nghiêm, hoặc niệm Thập Tiểu Chú đều là xen tạp. Do vậy, chuyên chẳng dễ dàng! Vì quý vị có chuyên, tâm mới thanh tịnh. Trừ tụng kinh, niệm chú ra, còn tham gia pháp hội. Hễ tham gia pháp hội, tiếp xúc người khác cũng nhiều, thị phi, nhân ngã, ưu điểm của họ Trương, khuyết điểm của họ Lý, lại là một đống lớn những thứ tạp nhạp, tâm bèn loạn! Thậm chí còn tham Thiền, còn học những pháp môn khác. Lại còn nói tới những chuyện cát, hung, họa, phước chẳng quan trọng, thảy đều là xen tạp. Hễ xen tạp, tâm sẽ không chuyên, tâm chẳng chuyên, tịnh nghiệp chẳng thể thành tựu! Mọi người muốn thành tựu tịnh nghiệp, đích xác là phải giữ vững nguyên tắc này, chẳng xen tạp! Vì thế, chẳng xen tạp vô cùng khẩn yếu!

– Lại còn [điều thứ ba] là “chẳng gián đoạn”. Có thể làm được chẳng hoài nghi, chẳng xen tạp, chẳng gián đoạn, không ai chẳng thành tựu!

Tôi lại thưa cùng chư vị đồng tu, Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng nhập Niết Bàn, Bồ Tát đã bất sanh bất diệt, lẽ đâu Phật còn có sanh diệt? Quý vị gặp Thích Ca Mâu Ni Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật sẽ bảo quý vị: Xá-lợi của ta là giả, lừa quý vị, bởi Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng diệt! Ở đây, tôi nói lời thật với quý vị: “Phàm những gì có hình tướng, đều là hư vọng”. Điều đó được gọi là “hoàng diệp chỉ đề” (đem lá vàng bảo là vàng ròng để dỗ cho trẻ nít khỏi khóc), chẳng phải là quý vị hiếu kỳ ư? Được rồi! Biến hiện một chút mới mẻ thích ý để dỗ dành quý vị, giống như người lớn lừa trẻ nhỏ. Lợi ích chân thật ở trong kinh điển. Vì thế, đối với Tam Bảo, lúc đức Phật chẳng trụ thế, quan trọng nhất là Pháp Bảo, chúng ta phải nên thâm nhập. “Thâm nhập kinh luận, y giáo phụng hành”, như vậy thì mới thật sự có thể cảm phát, cổ vũ phát khởi tâm Vô Thượng Bồ Đề, cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ.

 

Sơ, tường trần y chánh linh sanh tín nhạo.

,詳陳依正令生信樂。

(Một, nêu bày cặn kẽ y báo và chánh báo để [người nghe] sanh lòng tin ưa).

Ở đây chia thành hai đoạn vừa.

 

Sơ, đối cơ. Nhị, thị pháp.

(Kinh) Nhĩ thời, Phật cáo trưởng lão Xá Lợi Phất.

初對機。二示法。

() 爾時佛告長老舍利弗。

(Một, là đối ứng với căn cơ. Hai là dạy pháp.

Kinh: Lúc ấy, đức Phật bảo trưởng lão Xá Lợi Phất).

Bộ kinh này rất đặc biệt, vô vấn tự thuyết, tức là không có ai khải thỉnh, đức Phật gọi tên ngài Xá Lợi Phất để nói. Xá Lợi Phất trí huệ bậc nhất trong hàng Thanh Văn. Vì sao đức Phật chẳng nói với người khác? Nói với người khác, người ấy chẳng thể tin tưởng, tín giải! Phải nói với người trí huệ bậc nhất, người ấy nghe xong sẽ có thể tin tưởng. Điều này biểu thị: Người thật sự có thể tin tưởng pháp môn này, có thể phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, nhất định trọn đủ trí huệ chân thật, là bậc thượng thượng căn.

Nay dường như chúng ta tí xíu trí huệ cũng chẳng có, nhưng chúng ta tin tưởng, chẳng hoài nghi, phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ; Phật, Bồ Tát thấy quý vị là thượng thượng căn, thật sự là kẻ có trí huệ, vì sao? Nếu chẳng phải là người thật sự có trí huệ, lẽ nào có thể chọn lựa pháp môn này trong vô lượng pháp môn? Đấy phải là sự quyết trạch bằng trí huệ. Quý vị chọn pháp môn này, tức là quý vị trúng giải đặc biệt. Giải đặc biệt chỉ có một, bị quý vị rút trúng, chắc chắn thành Phật trong một đời này. Quý vị chọn lựa pháp môn khác, chẳng thể thành Phật trong một đời! Chọn lựa pháp môn này, đời này quý vị đã được định sẵn sẽ thành Phật! Chẳng coi đó là trí huệ, thì điều gì mới được coi là có trí huệ? Nếu chẳng coi đó là thượng thượng căn, kẻ nào mới được gọi là thượng thượng căn?

 

(Sớ) Thử hạ văn thuộc Chánh Tông.

() 此下文屬正宗。

(Sớ: Từ phần kinh văn này trở đi thuộc vào Chánh Tông).

Từ câu kinh văn này trở đi thuộc về phần Chánh Tông.

 

(Sớ) Dĩ tiền thị tự dẫn.

() 以前是序引。

(Sớ: Những phần trước nhằm giới thiệu dẫn nhập).

Dẫn dắt để bước vào phần Chánh Tông.

 

(Sớ) Hậu thị Lưu Thông.

() 後是流通。

(Sớ: Sau phần này là Lưu Thông).

Đây là ba phần của kinh. Lưu (流) là trôi chảy, thông suốt, truyền bá mười phương. Thông (通) là thông đạt, chẳng có chướng ngại, thông đạt ba đời. Vì đức Phật thuyết pháp với bổn nguyện muốn lợi ích mười phương ba đời hết thảy chúng sanh; do vậy, kinh điển nhất định phải được lưu thông. Nay chúng ta thấy có nhiều chỗ chẳng đúng pháp, phía sau kinh điển có in trang giữ bản quyền, “sở hữu bản quyền, in lại ắt truy cứu trách nhiệm”, điều đó có nghĩa là chớ nên lưu thông, chỉ riêng ta có thể lưu thông, người khác chẳng được phép lưu thông! Hễ có ý niệm ấy, dẫu kẻ ấy niệm Phật giỏi giang, tâm niệm thanh tịnh cách mấy, trong tương lai sẽ sanh về đâu? Sanh về địa ngục A Tỳ, chẳng thể sanh trong nhân thiên! Kẻ ấy giới luật tinh nghiêm, tâm địa thanh tịnh, vẫn chẳng thể vãng sanh, chẳng thể sanh trong nhân thiên, vì sao? Chướng ngại đại pháp lưu thông, đoạn huệ mạng của hết thảy chúng sanh, tội ấy to lớn! Vì vậy, các đồng tu chúng ta phải đặc biệt chú ý điều này. Nếu nói tác phẩm này tốt đẹp, chỉ riêng chúng ta lưu thông, chẳng cho người khác lưu thông; nói cách khác, quý vị đã tạo nghiệp địa ngục! Quý vị trái nghịch bổn nguyện của hết thảy chư Phật, xung đột với bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, bốn mươi tám nguyện của người ta, nguyện nào cũng đều độ chúng sanh, còn quý vị nguyện nào cũng chẳng cho phép kẻ khác độ chúng sanh, như vậy thì làm sao được! Vì thế, tội lỗi này đúng là vô lượng vô biên!

Ở đây, tôi đặc biệt nhắc nhở các đồng tu, thậm chí đối với những băng thâu âm của chúng ta cũng giống như vậy, có thể giúp cho kẻ khác tin hiểu thì đều phải phát tâm chân thật giúp kẻ khác. Chớ nên nói những thứ này tôi giữ bản quyền, tôi muốn được hưởng bao nhiêu lợi ích, thôi rồi! Cổ nhân gọi [kẻ làm như vậy] là “buôn bán Như Lai”, coi Phật pháp như thương phẩm để buôn bán, chẳng thể được! Do vậy, nay chúng ta thấy rất nhiều kẻ gây tạo tội nghiệp mà chẳng biết! Cận đại có những kẻ bảo “khai miếu điếm” (mở chùa để buôn bán), chẳng thể bảo người ta nói như vậy là bịa đặt, hủy báng, quả thật là có những kẻ đang làm như thế! Tôi thường nghe người ta nói, hiện thời làm nghề nghiệp ấy, trong các thứ nghề nghiệp, lợi lộc tốt nhất là mở chùa để kinh doanh! Lại chẳng cần phải đóng thuế, kinh doanh rất tốt đẹp, thâu nhập cũng khá lắm, cuộc sống rất thoải mái, giàu có! Nhưng quý vị hưởng thụ bất quá cũng là vài chục năm, sau đấy sợ rằng đọa trong địa ngục A Tỳ trăm ngàn vạn kiếp chẳng thoát khỏi! Cớ sao con người cứ phải làm chuyện xuẩn ngốc ấy? Chúng ta phải đặc biệt đề cao cảnh giác điều này.

 

(Sớ) Duy thử vi nhất kinh sở tông chi chánh nghĩa dã. “Nhĩ thời” giả, đương bỉ lục chủng thành tựu Thời dã. “Phật cáo” giả, kinh vô phát khởi, Phật tự thuyết cố. Lương diêu thử kinh, cứu thế tối cấp, bất sĩ thỉnh cố.

() 唯此為一經所宗之正義也。爾時者,當彼六種成就時也。佛告者,經無發起,佛自說故。良繇此經,救世最急,不俟請故。

(Sớ: Đây chính là phần ý nghĩa chánh yếu được đề cao bởi một kinh. “Nhĩ thời” là Thời [thành tựu] trong sáu thứ thành tựu. “Phật cáo”: Kinh không có ai phát khởi, do đức Phật tự nói. Ấy là vì kinh này cứu thế cấp thiết nhất nên chẳng đợi người khác khải thỉnh).

Đức Phật thấy nhân duyên đã chín muồi, nhân duyên đã chín muồi là gì? Đức Phật có Tha Tâm Thông, biết rằng [nếu Ngài] nói ra pháp môn này sẽ có người tin tưởng, có người có thể hiểu, có người chịu phát nguyện niệm Phật vãng sanh, đó là cơ duyên chín muồi. Chẳng cần phải thỉnh, chẳng cần người ta đến lễ thỉnh, đức Phật tự nói ra, có thể thấy tâm độ sanh cấp thiết, mong mỏi quý vị thành Phật ngay lập tức! Phàm phu thành Phật chỉ có pháp môn này! Không chỉ phàm phu thành Phật, mà Bồ Tát thành Phật cũng chỉ có mình pháp này. Từ kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy “Thập Địa Bồ Tát thỉ chung bất ly niệm Phật” (Thập Địa Bồ Tát từ đầu tới cuối chẳng rời niệm Phật), vì sao? Chỉ có niệm Phật mới thành Phật. Quán Kinh dạy rất hay: “Thị tâm tác Phật, thị tâm thị Phật” (tâm này làm Phật, tâm này là Phật). Tâm chúng ta niệm Phật là tâm đang làm Phật, tâm làm Phật thì mới có thể thành Phật, đạo lý ở chỗ này!

 

(Sao) Phàm ngôn “nhĩ thời”, tất thượng hữu duyên khởi.

() 凡言爾時,必上有緣起。

(Sao: Hễ nói “nhĩ thời” thì trước đó ắt có duyên khởi).

Hễ trong kinh dùng chữ này, trong phần trước nhất định có “duyên khởi”. Sáu món thành tựu trong phần trước của pháp hội là duyên khởi.

 

(Sao) Cố vân đương bỉ thời dã.

() 故云當彼時也。

(Sao: Nên nói “ngay trong lúc ấy”).

Nhằm khi ấy!

 

(Sao) Phật tự thuyết giả, chư kinh giai hữu Thông Biệt nhị tự.

() 佛自說者,諸經皆有通別二序。

(Sao: “Phật tự nói”: Các kinh đều có hai phần Thông Tự và Biệt Tự).

Giống như trong kinh Vô Lượng Thọ có phần Phát Khởi Tự, đầu tiên là đức Phật phóng quang hiện tướng lành, ngài A Nan trông thấy hết sức kinh hỷ (kinh ngạc, hoan hỷ), lúc đó mới thỉnh giáo, phát khởi như thế đó! Kinh này chẳng có, mà do Thích Ca Mâu Ni Phật trực tiếp bảo cho chúng ta biết về Tây Phương Cực Lạc thế giới, khuyên chúng ta hãy niệm Phật vãng sanh.

 

(Sao) Thông tắc Chứng Tín, Biệt tắc Phát Khởi. Như Pháp Hoa, tắc bạch hào phóng quang, khải Nhất Thừa chi giáo.

()通則證信,別則發起。如法華,則白毫放光,啟一乘之教。

(Sao: Thông Tự là Chứng Tín Tự, Biệt Tự là Phát Khởi Tự, như kinh Pháp Hoa, bạch hào phóng quang, mở đầu giáo pháp Nhất Thừa).

Trong kinh Pháp Hoa có phần Phát Khởi. Trong hội Pháp Hoa, đức Phật “tiên phóng bạch hào tướng quang, chiếu vạn bát thiên độ” (trước hết phóng quang minh từ tướng lông trắng giữa hai mày, chiếu sáng một vạn tám ngàn cõi nước), [tức là chiếu sáng] một vạn tám ngàn cõi Phật rồi mới bảo ngài Xá Lợi Phất: “Chư Phật trí huệ, thậm thâm vô lượng. Thập phương Phật độ trung, duy hữu Nhất Thừa pháp, vô nhị, diệc vô tam, trừ Phật phương tiện thuyết” (Trí huệ của chư Phật rất sâu vô lượng, trong các cõi Phật khắp mười phương, chỉ có pháp Nhất Thừa, không hai, mà cũng không ba, trừ phi đức Phật nói phương tiện). Có thể thấy nói Tam Thừa hay Ngũ Thừa đều là đức Phật nói phương tiện, chứ chân thật chỉ có một Phật Thừa. Do vậy, Tây Phương Cực Lạc thế giới chỉ có pháp Nhất Thừa, chẳng có Nhị Thừa hay Tam Thừa. Đó là nhân duyên phát khởi của kinh Pháp Hoa.

 

(Sao) Duy Ma.

() 維摩。

(Sao: Kinh Duy Ma).

Là kinh Duy Ma Cật.

 

(Sao) Tắc Tỳ Da thị tật, khai Bất Nhị chi đàm.

() 耶示疾,開不二之談。

(Sao: Thị hiện bị bệnh nơi thành Tỳ Da Ly để mở ra cuộc bàn luận về pháp môn Bất Nhị).

[Sách Diễn Nghĩa giảng]: “Duy Ma cư sĩ ư Tỳ Da Ly thành, hiện thân hữu tật” (Cư sĩ Duy Ma thị hiện bị bệnh tại thành Tỳ Da Ly). Đại thành Tỳ Da Ly (Vaiśālī )[124] là nơi cư sĩ Duy Ma thuyết pháp thuở ấy. Ngài thuyết pháp, giả bệnh, tiếng đồn lan truyền cư sĩ Duy Ma mắc bệnh, mọi người đều muốn đến thăm bệnh. Thích Ca Mâu Ni Phật biết cư sĩ Duy Ma bị bệnh, liền sai các đệ tử như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp và các vị đại Bồ Tát cùng tới thăm cư sĩ Duy Ma. Đến chỗ cư sĩ Duy Ma, nếu quý vị đọc kinh Duy Ma đều biết, những vị đệ tử Phật ấy đều là bậc xuất gia A La Hán, thấy cư sĩ Duy Ma cũng đều đảnh lễ ba lạy, nhiễu quanh cư sĩ Duy Ma ba vòng, chẳng khác gì lễ tiết khi gặp đức Phật!

Hiện thời Phật pháp suy vi, suy đến mức cuối cùng sẽ bị diệt vong. Vì sao bị suy vi, diệt vong? Phật môn chẳng đúng pháp. Vì sao chẳng đúng pháp? Hiện thời, vừa xuất gia, khoác lấy loại y phục này bèn tự tôn, tự đại, ta đã xuất gia, người tại gia đều phải hướng về ta đảnh lễ, đều phải xá chào ta. Chẳng biết so với kẻ tại gia, người xuất gia phải đọa địa ngục nhiều hơn người tại gia tới chín mươi chín phần trăm! Vì vậy, tôi chẳng sốt sắng khuyên kẻ khác xuất gia! Ngay cả các vị đến quy y, tôi đều nói rất rõ ràng: Nếu quy y chẳng đúng pháp, quý vị quy y trong địa ngục A Tỳ! Ngay cả quy y mà còn như vậy, huống gì xuất gia! Vì sao nói quy y sẽ quy y vào địa ngục A Tỳ? “Ta quy y vị pháp sư X…”, “pháp sư X… là thầy của ta”, quý vị bèn đọa địa ngục A Tỳ. Vì quý vị quy y là quy y Tam Bảo, chẳng phải quy y một pháp sư nào đó, vị pháp sư ấy chỉ chứng minh cho quý vị mà thôi! Quý vị cho rằng vị này là sư phụ ta, vị kia chẳng phải là sư phụ ta, sự hòa hợp của Tăng đoàn bị quý vị phân hóa! Quý vị làm sự nghiệp gì vậy? Phá hòa hợp Tăng! Quý vị hãy kiểm xem trong giới luật, “phá hòa hợp Tăng” là tội gì? Phá hòa hợp Tăng là tội Ngũ Nghịch, đọa địa ngục A Tỳ. Vì thế, trong tâm của người thọ quy y [phải nghĩ] ta quy y Tam Bảo, chỉ cần là người xuất gia đều là sư phụ của ta, bình đẳng như nhau, chẳng có phân biệt, Tăng đoàn ấy mới là Tăng đoàn hòa hợp, đấy mới là Tăng đoàn của Như Lai. Ngày nay chúng ta chẳng nhìn thấy [điều ấy]!

Mỗi vị pháp sư [thường nói] “đây là đồ đệ của ta, ta có bao nhiêu đệ tử quy y”, biến thành một đảng, một phái, một phạm vi thế lực, một bè lũ của chính mình, trong tương lai cả thầy lẫn trò đều phải đọa lạc! Người xuất gia kiêu căng, ngã mạn. Chư vị hãy suy nghĩ: Phật pháp là phải phá phiền não, phải đoạn phiền não! Ngã mạn là đại phiền não, sau tham, sân, si là mạn; không chỉ chẳng thể đoạn mạn, mà còn tăng trưởng! Chưa xuất gia, tâm ngã mạn còn nhỏ một chút, sau khi xuất gia bèn rất đáng sợ, tâm ngã mạn tăng trưởng! Chưa xuất gia, phiền não ít, nhẹ, có thể vãng sanh, có thể tu hành tốt đẹp, nên vãng sanh đều có tướng lành rất tốt đẹp. Vừa xuất gia, phiền não tăng trưởng, đâm ra dễ nổi nóng; vì thế, đều vãng sanh vào tam ác đạo! Tôi nói với mọi người câu nào cũng là lời chân thật!

Trong các vị Bồ Tát có một vị là Thường Bất Khinh Bồ Tát, tôi nghĩ các vị xem kinh Pháp Hoa đều thấy phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát. Đại khái, vị Bồ Tát này tâm ngạo mạn quá nặng, nên Ngài dùng phương pháp “lễ kính chư Phật” để đoạn trừ tâm ngạo mạn. Trông thấy bất cứ ai, Ngài đều đến đảnh lễ, xưng tán. Vì sao? Đoạn trừ sự kiêu căng, ngã mạn của chính mình. Thấy hết thảy chúng sanh Ngài đều đảnh lễ, Thường Bất Khinh Bồ Tát cũng là Đẳng Giác Bồ Tát! Chẳng có Bồ Tát kiêu căng, ngã mạn, mà cũng chẳng có Phật kiêu căng, ngã mạn. Chúng ta thấy các vị thiện tri thức thuộc bốn mươi mốt địa vị trong kinh Hoa Nghiêm, không vị nào chẳng tự khiêm, tôn kính người khác. Tự mình khiêm hư, tôn trọng người khác, xưng tán người khác; bởi lẽ, điều thứ nhất trong đức hạnh của Phổ Hiền đại sĩ là “lễ kính chư Phật”. Bản thân chúng ta tu hành nhất định phải hiểu rõ, nhất định phải làm được điều này!

Nếu có mảy may ý niệm khinh mạn người khác, sự vãng sanh của

chúng ta sẽ bị chướng ngại, vì sao? Tây Phương Cực Lạc thế giới không có ai chẳng tu hạnh Phổ Hiền. Từ kinh Vô Lượng Thọ chúng ta thấy “hàm cộng tuân tu Phổ Hiền đại sĩ chi đức” (đều cùng tuân tu đức của Phổ Hiền đại sĩ), đều là tu hạnh Phổ Hiền. Phàm ai có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thưa chư vị, đều gọi là Phổ Hiền Bồ Tát. Kinh Hoa Nghiêm nói Phổ Hiền Bồ Tát có ba loại:

– Đương vị Phổ Hiền là Đẳng Giác Bồ Tát.

– Đạo hậu Phổ Hiền đã thành Phật, thả chiếc bè Từ, lui xuống (thị hiện) địa vị Bồ Tát.

– Đạo tiền Phổ Hiền, tức là hàng Pháp Vân Địa cho đến chúng ta là kẻ sơ phát tâm trong hiện tại.

Chỉ cần chúng ta tu mười đại nguyện vương, hành theo mười đại nguyện vương, quý vị là Phổ Hiền Bồ Tát. Do vậy, có thể nói Tây Phương Cực Lạc thế giới là thế giới thuần nhất Phổ Hiền Bồ Tát.

Cũng chính vì lẽ đó, trong niên hiệu Hàm Phong đời Thanh, cư sĩ Ngụy Nguyên gộp Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm vào Tịnh Độ tam kinh, trở thành Tịnh Độ tứ kinh. Ông ta nói rất có lý, chẳng phải là nói tùy tiện, quả thật có căn cứ, dựa trên [sự kiện] cuối kinh Hoa Nghiêm “mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc” và dựa trên kinh Vô Lượng Thọ “giai tuân Phổ Hiền đại sĩ chi đức” (đều tuân thủ đức của Phổ Hiền đại sĩ). Vì thế, ông ta nhận định Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm đối với Tây Phương Tịnh Độ vô cùng trọng yếu. Thời đầu Dân Quốc, Ấn Quang đại sư đem Đại Thế Chí Viên Thông Chương ghép vào sau bốn bộ ấy, trở thành Tịnh Độ ngũ kinh. Ngũ kinh nhất luận là điển tịch Tịnh Độ hoàn bị nhất, chúng ta chỉ cần đọc tụng những kinh điển ấy là đủ rồi, nhưng chúng ta nhất định phải hư tâm (trống lòng).

Thuở ấy, ngài Duy Ma là cư sĩ, tuy là cư sĩ nhưng Ngài giảng kinh, thuyết pháp mỗi ngày; vì thế, quý vị phải hiểu, trong Phật môn, quý vị đọc tác phẩm Nội Học Viện Huấn của Âu Dương Cánh Vô, quý vị hãy đọc kỹ lưỡng, ông ta chỉ trích thói xấu trong Phật môn thời Mạt Pháp, mọi người chẳng coi trọng pháp, mà coi trọng hình thức, chỉ cần hễ xuất gia, mặc loại y phục ấy, bèn coi trọng hình thức, chẳng coi trọng pháp. Sau khi đức Phật diệt độ, pháp là đệ nhất, đó gọi là “y pháp, bất y nhân”; trong Tứ Y Pháp, đức Phật bảo rõ ràng: Chớ nghe theo người! Trong Phật môn, từ xưa tới nay, thầy lớn nhất. Ai lớn? Thầy lớn! Thầy chẳng nhất định là tại gia hay xuất gia, không nhất định là nam, nữ, già, trẻ, chỉ cần người ấy giảng kinh, thuyết pháp, đó là thầy! Vị thầy ấy lớn nhất. Trong Phật môn, thầy được gọi là “hòa thượng” (Upādhyāya), Hòa Thượng là tiếng Ấn Độ, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Thân Giáo Sư. Phật pháp của ta do vị ấy mà có, vị ấy là Thân Giáo Sư, là hòa thượng của ta.

Do điều này ta biết, thuở đức Phật tại thế, một ngàn hai trăm năm mươi lăm người đã từng nghe kinh từ nơi cư sĩ Duy Ma. Thích Ca Mâu Ni Phật là vị thầy xuất gia, cư sĩ Duy Ma là vị thầy tại gia. Trong mắt của một ngàn hai trăm năm mươi lăm người ấy, hai vị thầy đáng tôn kính như nhau, chẳng có tâm phân biệt, chẳng có tâm chấp trước, có thể thành tựu đạo nghiệp. Lại nhìn về sau này, Trung Quốc có một vị xuất gia lỗi lạc là pháp sư Huyền Trang. Pháp sư Huyền Trang cầu học tại Ấn Độ mười bảy năm, bái hai vị thầy, bản thân Ngài là người xuất gia, một vị thầy là người xuất gia, tức luận sư Giới Hiền, trụ trì chùa Na Lạn Đà, là một vị đại đức lỗi lạc. Vị thầy kia là người tại gia, tức cư sĩ Thắng Quân. Ngài đối xử với cư sĩ Thắng Quân giống hệt như đối với luận sư Giới Hiền, chúng ta phải hiểu rõ điều này thì mới có thể thành tựu.

Nếu quý vị nghĩ ta mặc áo dài tay rộng, ta lớn nhất, tôi khuyên quý vị đừng nên xuất gia, vì sao? Quý vị tại gia có thể thành tựu đạo nghiệp, có thành tựu lỗi lạc. Khi quý vị vừa xuất gia, tự tôn, tự đại, sợ rằng tương lai phải đọa lạc, đạo nghiệp bị chướng ngại, vì sao? Quý vị khinh dễ hàng cư sĩ thật sự có học vấn, có đức hạnh, chẳng chịu học theo họ, thành tựu sự kiêu căng ngạo mạn nơi chính mình! Nếu quý vị là thân cư sĩ, sẽ có thể sanh tâm kính ngưỡng, tâm cung kính đối với mỗi vị cư sĩ, chẳng coi thường họ, sẽ có lợi ích rất lớn đối với quý vị. Phật pháp là giáo dục, là giáo dục của Phật Đà, trong giáo dục là tôn sư trọng đạo, thầy lớn nhất! Chúng ta gọi Thích Ca Mâu Ni Phật là Bổn Sư, tức vị thầy căn bản, chúng ta tự xưng là Tam Bảo đệ tử, phải nhớ điều này!

Hiện thời trong thế gian này, quan niệm sai lầm ấy tối thiểu đã lâu đến năm trăm năm, sai lầm đã lâu trở thành đúng, mọi người đều lầm, ngỡ sai là đúng, quả thật đã hại người xuất gia chúng ta thê thảm! Ngay cả tệ nạn trong chuyện quy y đã bắt đầu từ đời Minh. Chúng ta thấy trong phần sau sách Ngũ Giới Tướng Kinh Tiên Yếu, Ngẫu Ích đại sư đã nói, đúng là cảm khái muôn vàn, vô cùng đau xót, quy y chẳng đúng pháp, tạo thành sự chia rẽ rã rời trong Phật môn, khiến cho Phật pháp suy diệt. Nói thật ra, những loài yêu ma quỷ quái đều xuất gia trong Phật môn, “thí như sư tử trùng, hoàn thực sư tử nhục” (ví như trùng trên thân sư tử lại ăn thịt sư tử). Nói theo thuật ngữ hiện thời là xâm nhập, yêu ma quỷ quái xâm nhập Phật môn, bản thân chúng ta phải phân biệt rõ ràng.

Thuở trước, khi tôi xuất gia cũng có vị pháp sư tiền bối đã bảo tôi:

“Ông xuất gia rồi, cớ sao lại theo học với kẻ tại gia?” Tôi đến Đài Trung theo học với người tại gia. Tôi nói: “Tôi xuất gia để học Phật pháp, chẳng phải vì điều chi khác. Nếu điều gì tôi cũng chẳng học được, người xuất gia chẳng thể học với người tại gia, tôi sẽ hoàn tục”. Tôi bảo: “Thầy nói suông chẳng có bằng chứng, nếu thầy viết cho tôi một bài nói rõ người xuất gia chẳng thể học với người tại gia, tôi lập tức hoàn tục. Vì sao? Tôi có thể đăng [lời đoan quyết ấy] trên Trung Ương Nhật Báo. Tôi có lý do, vì tôi muốn học Phật pháp, thân phận không quan trọng, thầy viết điều ấy cho tôi để tôi họp báo, người ta sẽ nói tôi hoàn toàn chẳng mắc bệnh thần kinh, vì sao tôi hoàn tục? Tôi vì học Phật pháp mà hoàn tục”. Ông ta đâu dám viết! Ông ta không dám viết thì tôi chẳng cần quan tâm đến, vẫn tới Đài Trung học như cũ!

Nói đến cư sĩ Duy Ma, chúng ta thấy trong sự thị hiện nguyên thủy nhất của Phật pháp có vị thầy xuất gia và vị thầy tại gia. Những vị đại tỳ-kheo, đại A La Hán, đại Bồ Tát đến chỗ trưởng giả Duy Ma thỉnh an, thăm hỏi bệnh tình, thừa dịp này, cư sĩ Duy Ma giảng pháp môn Bất Nhị cho mọi người, khai thị pháp môn Bất Nhị. Ngài dùng phương pháp này để phát khởi. Thật ra, ngài Duy Ma giả bệnh, chẳng phải là thật sự mắc bệnh, lẽ đâu Pháp Thân đại sĩ sanh bệnh? Chẳng thể bị bệnh, thị hiện đó thôi! Dùng phương pháp ấy để lôi kéo kẻ khác đến cho Ngài thuyết pháp.

 

(Sao) Viên Giác, Kim Cang, dĩ cập chư kinh, đa nhân hữu vấn tại tiên, nhiên hậu Phật vị tuyên diễn.

()圓覺、金剛,以及諸經,多因有問在先,然後佛為宣演。

(Sao: Trong Viên Giác, Kim Cang và các kinh, phần nhiều do có người đã hỏi trước rồi đức Phật mới tuyên diễn cho những người ấy).

Trong kinh Viên Giác, Văn Thù Bồ Tát khải thỉnh pháp môn của Như Lai trong lúc tu nhân, đấy là có người khải thỉnh. Kinh Kim Cang do ngài Tu Bồ Đề khải thỉnh, hướng về Thích Ca Mâu Ni Phật nêu ra hai câu hỏi, xin Phật khai thị: “Vân hà ưng trụ? Vân hà hàng phục kỳ tâm?” (nên trụ như thế nào? Nên hàng phục cái tâm như thế nào?) Do một hỏi, một đáp [mà giáo pháp] hưng khởi. Đây là nêu rõ pháp hội mỗi lần của đức Phật có nhân duyên khác nhau!

 

(Sao) Kim kinh bất nhiên, cố vô phát khởi. “Cứu thế tối cấp”

giả, mạt thế chúng sanh, căn độn, chướng thâm, giải thoát, Thiền Định, thậm nan khả đắc. Phật dĩ đại bi xuất thử nhất môn, hoành tiệt sanh tử, cấp cứu chúng sanh, duy khủng bất cập, cố bất đãi thỉnh.

()今經不然,故無發起。救世最急者,末世眾生,根鈍障深,解脫禪定,甚難可得。佛以大悲出此一門,橫截生死,急救眾生,唯恐不及,故不待請。

(Sao: Nay kinh này chẳng giống như vậy, nên chẳng có phát khởi. “Cứu thế cấp thiết nhất”: Chúng sanh đời Mạt căn độn, chướng sâu, giải thoát, Thiền Định rất khó thể đạt được. Do lòng đại bi, đức Phật nêu ra môn này, cắt ngang sanh tử, gấp rút cứu vớt chúng sanh chỉ e chẳng kịp, nên chẳng đợi thỉnh).

Đoạn này nêu rõ nhân duyên phát khởi của kinh này, rất đặc biệt, “vô vấn tự thuyết” (không ai hỏi mà tự nói). Nói thật ra, Liên Trì đại sư rất khó có, Ngài đã nói toạc ra sự buốt lòng rát miệng của đức Như Lai. Vì sao đức Phật chẳng đợi người khác hỏi rồi mới nói? Đó là vì “cứu thế chi cấp” (gấp rút cứu đời), không có gì gấp rút hơn chuyện này! Nhất là đối với chúng sanh trong thời kỳ Mạt Pháp, nay chúng ta đang sống trong thời Mạt Pháp, chúng sanh thời Mạt Pháp căn tánh chậm lụt, nghiệp chướng sâu nặng, những điều ấy đều là sự thật. Ngày nay chúng ta có quá nhiều tư tưởng, quan niệm, hành vi sai lầm, biết rõ mà cố phạm, đó là nghiệp chướng nặng nề! Hiểu lầm chánh pháp, chẳng thể thật sự lý giải, bị tà tri tà kiến ràng buộc, đấy là nghiệp chướng sâu nặng. Vì thế, chẳng đạt được “giải thoát, Thiền Định”. “Giải thoát” là nói tới chứng quả, [quả] là bốn quả vị trong Tiểu Thừa, tức Sơ Quả, Nhị Quả, Tam Quả, Tứ Quả. Thiền Định: Thời kỳ Tượng Pháp là Thiền Định thành tựu, tham Thiền có thể đắc Định, có thể đại triệt đại ngộ. Trong thời kỳ Mạt Pháp, chẳng thể đạt được những điều ấy! Nguyên nhân khiến chẳng đạt được là do trong tâm người thời kỳ Mạt Pháp có quá nhiều vọng tưởng, vì sao? Mỗi ngày quý vị đọc báo chí, xem TV, nghe radio, chuyện trên toàn thế giới quý vị mỗi ngày đều biết, trong tâm có quá nhiều những ý niệm rối beng, muốn ngưng dứt cũng chẳng được! Như xưa kia chẳng có báo chí mà cũng chẳng có TV, tâm người ta dễ thanh tịnh; hiện thời chẳng dễ gì thanh tịnh, đó là hiện tượng nghiệp chướng sâu nặng.

Vì thế, nếu chúng ta chẳng thể thật sự thâm nhập kinh tạng, sẽ thường bị lầm lẫn bởi tập tục, ngỡ tập tục là chính xác, mọi người đều làm như thế! Lúc tôi còn trẻ, phản đối Phật giáo dữ nhất vì chẳng hiểu biết! Ngỡ Phật giáo là mười phần mê tín. Do ở Đại Lục, chỉ nghe nói có niệm kinh, chẳng nghe nói tới giảng kinh. Trái lại, tôi rất khâm phục Cơ Đốc giáo và Y Tư Lan giáo (đạo Hồi), họ thường xuyên giảng đạo, tôi tiếp xúc, thường đến nghe, nghe họ giảng rất có lý! Chẳng có ai giảng Phật giáo cho tôi nghe! Mọi người đều chê Phật giáo là mê tín, đáng nên đả đảo! Tôi cũng ngỡ Phật giáo là mê tín. Lúc tôi học Tiểu Học, trường học của chúng tôi là một ngôi chùa. Tại Đại Lục dấy lên phong trào toan thâu đoạt các tài sản của tự viện để quốc gia làm trường học, cho nên ngôi trường tôi học là một ngôi chùa, đuổi người xuất gia trong chùa đi! Đại Hùng bảo điện dùng làm lễ đường, lấy các gian điện đường bên cạnh làm phòng học. Tất cả tượng Phật, Bồ Tát, tượng thần đều bị giam trong một gian phòng nhỏ, chất đống nơi đó, dán dấu niêm phong. Thầy của chúng tôi vẫn còn chưa đến nỗi nào, chưa đốt trụi tượng Phật, chỉ niêm phong chẳng cho học trò đụng vào! Khi bé, tôi rất nghịch ngợm, vì thuở ấy đâu có món đồ chơi nào, chúng tôi trèo cửa sổ vào, coi tượng Phật như đồ chơi, nghịch đến nỗi tượng hư hết. Nay nghĩ lại, đó là làm thân Phật chảy máu, tạo tội nghiệp rất nặng. Trong trường học [đề xướng] bài trừ mê tín, tôi là một trong những kẻ tiên phong. Đối diện ngôi chùa ấy có một con suối nhỏ, trên suối có bắc cầu, đối diện cầu là một ngôi miếu thờ Sơn Thần, giống như miếu thờ Thổ Địa, chẳng lớn! Tượng Sơn Thần đắp bằng đất sét, cao khoảng ba thước, tôi tìm mấy đồng học giúp sức, hạ tượng Sơn Thần xuống, khiêng ra ngoài cửa, làm như để ông ta bảo vệ, mỗi ngày tôi ngồi ngay nơi chỗ [đặt ngai thờ của] ông ta để học bài.

Những chuyện ấy đều là do người xuất gia chẳng thể hoằng pháp lợi sanh, chẳng thể giảng rõ ràng, minh bạch Phật pháp, nên mới khiến cho xã hội hiểu lầm Phật giáo, chẳng thể chỉ riêng quở trách những người đó (những kẻ bài xích, hủy diệt Phật pháp) về lỗi lầm ấy! Quý vị nói quý vị tốt đẹp thì tốt đẹp ở chỗ nào? Quý vị phải giảng rõ ràng, minh bạch với người ta. Nói cách khác, người xuất gia phải chịu trách nhiệm phần lớn về nguyên nhân khiến Phật giáo suy vi! Phật giáo truyền đến Đài Loan, mọi người cũng nghĩ Phật giáo là mê tín. May mắn là sau này, các sinh viên các trường đại học hoặc chuyên nghiệp đề xướng phong trào học Phật, khiến cho nhiều vị giáo sư và học giả đều nghiên cứu Phật pháp, địa vị của Phật giáo tại Đài Loan mới dần dần được nâng cao, mới có thành quả như hiện thời! Một chút thành quả ấy do đâu mà đắc lực? Những vị pháp sư, cư sĩ hoằng pháp lợi sanh tại Đại Lục đều theo chánh phủ tới Đài Loan, do nơi này nhỏ bé, dễ tuyên dương rộng lớn Phật giáo. Đại Lục rộng lớn dường ấy, mấy người [hoằng pháp] chẳng thấm vào đâu! Chỉ có một số rất ít thành thị [hoằng dương Phật giáo], mấy ai hiểu Phật pháp? Đại đa số đều chẳng biết, đều nghĩ Phật giáo là mê tín. Chúng sanh trong đời này nghiệp chướng vô cùng nặng nề, nếu muốn đạt một chút thành tựu trong các pháp môn khác, đúng là rất khó, chẳng dễ dàng.

 

(Sao) Phật dĩ đại bi xuất thử nhất môn, hoành tiệt sanh tử, cấp cứu chúng sanh, duy khủng bất cập, cố bất đãi thỉnh.

()佛以大悲出此一門,橫截生死,急救眾生,唯恐不及,故不待請。

(Sao: Do lòng đại bi, đức Phật nêu ra môn này, cắt ngang sanh tử, gấp rút cứu vớt chúng sanh chỉ e chẳng kịp, nên chẳng đợi thỉnh).

Liên Trì đại sư và Ngẫu Ích đại sư đều nói pháp môn này do đức Như Lai bi tâm triệt để, nói cho chúng ta biết chính đức Phật thành Phật viên mãn như thế nào, hoàn toàn truyền dạy cho chúng ta, chẳng giữ lại mảy may nào! Pháp môn này là pháp môn chân thật, chẳng phải là pháp môn phương tiện như thường nói! Vì sao chúng ta biết nó là pháp môn chân thật? Do lẽ đó, chẳng đọc đại kinh sẽ không được! Cư sĩ Ngụy Nguyên tán thán Sớ Sao chẳng ngớt, nhưng do Liên Trì đại sư chẳng đổ công nơi kinh Vô Lượng Thọ nên ông ta cảm thấy rất đáng tiếc! Trong lời tựa của bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ của chính mình, Ngụy Nguyên đã nói rất rõ ràng, đại kinh trọng yếu như thế mà trải các đời không có ai hoằng dương!

Vì trong đại kinh, kinh văn nói đến ba thứ chân thật: Thứ nhất là “Như Lai chân thật huệ”, đó là trí huệ Bát Nhã trong Chân Như bổn tánh; “trụ chân thật tế”, chân thật tế là Pháp Thân lý thể; “huệ dĩ chân thật chi lợi” ban cho lợi ích chân thật, “huệ” (惠) là huệ thí (惠施: rộng rãi ban cho), bố thí chúng sanh lợi ích chân thật. Lợi ích chân thật là gì? Thành Phật mới là lợi ích chân thật. Tôi dạy quý vị cách này, quý vị dùng phương pháp này sẽ có thể thành Phật, lợi ích ấy mới là chân thật. Tôi dạy quý phương pháp này, quý vị có thể làm Bồ Tát, đó chẳng phải là chân thật thuần túy, chân thật thì nhất định phải là Vô Thượng Bồ Đề. Kinh Vô Lượng Thọ và kinh này cùng bộ, Đại Bổn hay Tiểu Bổn mà thôi! Do vậy ta biết phương pháp này chẳng phải là pháp phương tiện, mà là pháp chân thật. Tám vạn bốn ngàn pháp môn đều là pháp phương tiện, chỉ riêng pháp này là pháp chân thật. Thấy chúng sanh cơ duyên đã chín muồi, cho nên mới “xuất thử nhất môn, hoành tiệt sanh tử” (nêu ra môn này, cắt ngang sanh tử), vượt khỏi tam giới theo chiều ngang, quả báo là sanh ngang vào bốn cõi, chẳng thể nghĩ bàn!

“Cấp cứu chúng sanh, duy khủng bất cập” (gấp rút cứu vớt chúng sanh chỉ e chẳng kịp), chúng ta thật sự hiểu ý nghĩa này, mới biết ân Phật khó báo, phải như thế nào mới hòng báo ân Phật? Nhất định phải y giáo tu hành, vãng sanh trong ba phẩm thượng mới có thể xứng với Phật, đấy mới coi là báo ân! Đó là nói về mặt tự lợi đối với chúng ta. Kế đó, chúng ta phải cực lực tuyên dương, giới thiệu pháp môn này với người khác, như vậy thì mới có thể báo ân Phật. Nếu không, chẳng có cách nào báo ân Phật; nói cách khác, quý vị tu học các pháp môn khác, vẫn chưa được hưởng ân Phật sâu đậm nhất. Quý vị tiếp xúc pháp môn này, nương theo pháp môn này để tu học, đó là chịu ân Phật sâu nhất, sâu đến cùng cực. Từ mấy câu này có thể nhìn ra bi tâm triệt để của Như Lai; do vậy, Ngài chẳng cần chờ người khác thỉnh.

 

(Sao) Thí như hữu nhân, tốt hoạn ác dương, mạng tại hô hấp, bỉ hữu lương phương, y chi tu chế, diên hoãn nhật thời, dược vị cập thành, mạng dĩ tiên vẫn. Hiện hữu thành dược, nhập khẩu tức hoạt, hữu nhân tâm giả, tức ưng tốc dữ, thượng hà sĩ kỳ lễ sính ân cần, nhiên hậu đầu tễ.

()譬如有人,卒患惡瘍,命在呼吸,比有良方,依之修製,延緩日時,藥未及成,命已先殞。現有成藥,入口即活,有仁心者,即應速與,尚何俟其禮聘殷勤,然後投劑。

(Sao: Ví như có người bỗng bị khối u ngặt nghèo, mạng sống chỉ trong hơi thở. Kẻ khác có bài thuốc hay, dựa theo đó để bào chế, thời gian dây dưa, thuốc chưa kịp chế thành công, mạng đã dứt trước. Nay có thuốc đã chế sẵn, uống vào liền sống, người có lòng nhân ắt nên nhanh chóng trao cho, cần gì phải đợi người ta lễ thỉnh ân cần rồi mới trao thuốc).

Chỉ dùng một tỷ dụ để nói. Ví như có người bị lở loét ngặt nghèo, “dương” (瘍) là ác tật (bệnh ngặt), độc sang (ghẻ độc), khối u ác tánh, mắc chứng bệnh này, mạng sống chỉ còn trong hơi thở, thấy người ấy sẽ chết ngay lập tức. Có cách nào trị hay không? Có phương pháp! Nhưng quý vị còn phải chẩn đoán, còn phải đi hái thuốc, còn phải chế luyện. Ôi chao! Quý vị bào chế thuốc chưa thành công, người ấy đã chết từ lâu rồi, chẳng kịp chạy chữa! Điều này giống như chúng sanh chúng ta trong thời Mạt Pháp hiện nay, nói thật thà, “lương phương” (phương thuốc hay) là nói đến các pháp môn khác, có tốt hay không? Tốt chứ! Tuy tốt, nhưng chữa chẳng kịp! Thọ mạng của chúng ta quá ngắn, đại nạn hiện tiền.

Mấy hôm nay, trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ và Liên Xô[125], mọi người xem ra rất vui vẻ, tôi chẳng nghĩ như vậy, tôi có cách nhìn khác với mọi người, tôi cảm thấy lòng người trên toàn thế giới đã biến đổi, lòng người khác thường, đạo đức trụy lạc, chẳng thể nào có chuyện đại thánh đại hiền xuất hiện trên thế gian. Khi vị chúa cứu thế thật sự xuất hiện trên thế gian, đó là lúc nào? Tâm thái của hết thảy chúng sanh đều có thể sửa lỗi đổi mới, đều có thể sám hối hướng thiện, khi ấy sẽ có bậc đại thánh đại hiền xuất hiện, thật sự làm vị chúa cứu thế. Hiện thời, chúng sanh đều có tâm thái gặp nạn, đại kiếp nạn sắp xảy ra, há có thánh nhân xuất hiện cứu thế? Đấy là chỗ tôi hoài nghi. Do Phật môn điều gì cũng nói đến nhân quả, quý vị phải nhìn từ nhân quả.

Đại chiến nguyên tử có thể hoãn lại vài năm cũng tốt, chúng ta liều mạng nỗ lực niệm Phật! Đến khi đại chiến bùng nổ, chúng ta có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, nên cũng chẳng bận tâm. Vì thế, mọi người nhất định phải giành lấy thời gian, nỗ lực học Phật, phải nỗ lực tu phước trong khoảng thời gian này, vì sao? Tới khi tai nạn xảy đến mới nghĩ tu phước, chẳng kịp đâu! Chẳng có nơi nào để tu cả! Tu phước cũng phải có phước báo, người thiếu phước báo muốn tu phước cũng chẳng tu được. Giành ngay lúc có thể tu phước, chúng ta liều mạng tu phước; chớ nên chờ đến lúc cơ duyên chẳng còn, muốn tu phước chẳng được, lúc đó cũng rất khổ sở!

Người ấy bệnh tình nguy ngập, nhưng nay đã có thuốc chế sẵn, chữ “thành dược” tỷ dụ pháp môn này, tỷ dụ pháp môn tín nguyện niệm Phật, pháp môn này quả thật có thể cứu trọng bệnh của quý vị, “nhập khẩu tức hoạt” (uống vào liền sống). “Hữu nhân tâm giả, tức ưng tốc dữ” (người có lòng nhân ắt liền nhanh chóng trao cho), người có lòng nhân tỷ dụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, có còn phải đợi kẻ khác thỉnh hay chăng? Chẳng cần. Chờ người ta đến khải thỉnh, lòng nhân của quý vị bị sứt mẻ, thấy chúng sanh khổ sở ngần ấy, biện pháp này có thể cứu, bèn lập tức ban cho! Không cần chờ người khác lễ thỉnh, không cần chờ kẻ khác ân cần cầu pháp, cho quý vị liền! Không cầu mà cho ngay; nhưng người thế gian lạ lắm, họ chẳng cầu mà quý vị ban cho, họ bèn xem thường! [Họ sẽ nghĩ] nói chung, thứ ấy vô giá trị, phải là thứ ân cần khẩn cầu, dẫu cầu mà vẫn chẳng cho, thứ ấy sẽ tuyệt vời lắm, giá trị nhất định rất cao! Mang quan niệm sai lầm.

Đây là người thế gian mê hoặc, điên đảo, chẳng phân biệt đúng – sai, thiện – ác, coi người tốt là kẻ xấu, ngỡ kẻ xấu là người tốt. Kẻ ấy dùng đủ mọi thủ đoạn lừa gạt họ, [vẫn nghĩ] người này thật tốt. [Đối với] người thật sự nghĩ yêu thương, che chở, cứ sợ người ấy có mưu toan, sợ trong tương lai người ấy sẽ chiếm đoạt tiện nghi của ta, ta phải đề phòng, phải cẩn thận. Chẳng tin tưởng chánh pháp, vừa nghe tà pháp bèn lập tức tiếp nhận! Hiện thời, tà pháp hung hăng, ngang ngược, thế lực rất lớn, chánh pháp chẳng có mấy ai nghe, chúng ta có cơ duyên nghe chánh pháp, há nên chẳng quý trọng?

 

(Sao) Phật cứu chúng sanh, ý diệc như thị.

() 佛救眾生,意亦如是。

(Sao: Phật cứu chúng sanh, cũng mang ý nghĩa như vậy).

Phật độ chúng sanh giống như người có lòng nhân từ, thấy người ta bệnh tình nguy kịch đến nông nỗi ấy, tự mình biết loại thuốc nào bèn lập tức trao cho, cũng không cần nói đến chuyện báo đáp, cũng chẳng cần nói tới lễ tiết, mau mắn trao cho người ấy, cứu mạng người ấy là chuyện khẩn yếu! Bộ kinh này, pháp môn này là tiên đan cứu mạng của chúng ta, [bất cứ] tai ương hoạn nạn gì hiện tiền, chúng ta có thể miễn trừ hết thảy tai nạn, cầu sanh Tịnh Độ, thành Phật trong một đời. Ngày hôm nay chúng ta giảng tới chỗ này!

 

— o0o —

Tập 120

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm năm mươi chín:

 

(Sớ) Vấn: Chư kinh vô luận, chỉ như bổn giáo nhị kinh, giai hữu phát khởi, kim kinh hà độc bất nhiên? Đáp: Ý di thiết cố, diệc thị bất phát khởi chi phát khởi cố.

() 問:諸經無論,只如本教二經,皆有發起,今經何獨不然。答:意彌切故,亦是不發起之發起故。

(Sớ: Hỏi: “Các kinh chẳng bàn tới, chỉ riêng hai kinh thuộc giáo này đều có phần phát khởi, cớ sao riêng mình kinh này chẳng vậy?” Đáp: Do ý càng thiết tha, cũng là chẳng phát khởi mà phát khởi vậy).

Đây là Liên Trì đại sư giả lập một nghi vấn, trên thực tế, cũng có thể có nghi vấn này. “Chư kinh” là các kinh khác, chúng ta chẳng bàn tới, chỉ nói tới Tịnh Độ tam kinh, kinh Vô Lượng Thọ và Quán Kinh đều có phần Phát Khởi, cớ sao Tiểu Bổn A Di Đà Kinh không có ai phát khởi? Nêu ra một câu hỏi như thế, Liên Trì đại sư giải đáp: “Ý di thiết cố” (do ý càng thiết tha)!

 

(Sao) Bổn giáo nhị kinh giả, Thập Lục Quán Kinh dữ thử kinh Đại Bổn.

() 本教二經者,十六觀經與此經大本。

(Sao: “Hai kinh thuộc giáo này” là Thập Lục Quán Kinh và Đại Bổn của kinh này).

Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ.

 

(Sao) Giai chuyên thuyết Tịnh Độ, cố xưng bổn giáo.

()皆專說淨土,故稱本教

(Sao: Đều chuyên nói về Tịnh Độ nên gọi là “bổn giáo”).

Đây là Tịnh Độ tam kinh, thời Liên Trì đại sư, kinh điển chuyên về Tịnh Độ Tông là tam kinh nhất luận. Nay chúng ta thấy kinh luận Tịnh Độ là ngũ kinh nhất luận, thêm vào Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm và Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương. Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm do cư sĩ Ngụy Nguyên thêm vào dưới đời Thanh trong niên hiệu Hàm Phong, Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương do Ấn Quang đại sư thêm vào đầu thời Dân Quốc, nên mới biến thành Tịnh Độ Ngũ Kinh. Nói cách khác, cuối phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện là “mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc”, đương nhiên có thể nói là kinh điển Tịnh Độ! Không chỉ là kinh điển Tịnh Độ, mà còn là kinh điển rất trọng yếu trong Tịnh Độ Tông. Trong Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương đã nêu ra cương lãnh tu học vô cùng trọng yếu. Thời Liên Trì đại sư, Tịnh Độ vẫn chỉ có ba kinh. Vì thế, hễ nhắc tới [kinh điển Tịnh Độ] đều không nói ngũ kinh. Chẳng nói tới những kinh điển khác trong bổn giáo, chỉ nói “bổn giáo nhị kinh”.

 

(Sao) Quán Kinh, tắc Vy Đề thương tử ác nghịch, yếm trược cầu tịnh, nhi viết: “Ngã nguyện sanh thanh tịnh thế giới, bất nhạo thử Diêm Phù Đề trược ác thế” dã. Thị dĩ Xà vương mẫu tử vi phát khởi cố.

()觀經,則韋提傷子惡逆,厭濁求淨,而曰我願生清淨世界,不樂此閻浮提濁惡世也。是以闍王母子為發起故。

(Sao: Quán Kinh thì bà Vy Đề Hy đau lòng vì con ác nghịch, chán cõi trược, cầu cõi tịnh, bèn nói: “Nguyện sanh về thế giới thanh tịnh, chẳng thích đời trược ác trong cõi Diêm Phù Đề”; đấy là dùng mẹ con vua A Xà Thế để phát khởi).

Đây là nhân duyên phát khởi của Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh.

 

(Sao) Đại Bổn, tắc Thế Tôn nhất nhật dung nhan dị thường.

() 大本,則世尊一日容顏異常。

(Sao: Đại Bổn thì một hôm đức Thế Tôn dung nhan khác lạ).

“Dung nhan dị thường” tức là vô cùng hoan hỷ, Phật dùng sự hoan hỷ để phát khởi, hiện tướng lành hoan hỷ khôn sánh, tôn giả A Nan trông thấy.

 

(Sao) A Nan vấn ngôn: “Ngã tùng thị Phật, vị tằng hoạch đổ oai dung, hữu như kim nhật”.

()阿難問言:我從侍佛,未曾獲睹威容,有如今日。

(Sao: A Nan hỏi: “Con từ khi hầu Phật đến nay, chưa từng được thấy oai dung giống như ngày hôm nay”).

A Nan trông thấy vô cùng kinh ngạc, lạ lùng, Ngài nói: “Con hầu Phật đã lâu như thế, trước nay chưa hề thấy đức Phật vui sướng giống như ngày hôm nay”. Do vậy, quý vị phải hiểu đức Phật nói kinh này vô cùng hoan hỷ.

 

(Sao) Khởi phi niệm quá khứ chư Phật, hoặc niệm vị lai chư Phật, cố trí nhiên da?

() 豈非念過去諸佛,或念未來諸佛,故致然耶。

(Sao: Há chẳng phải là nghĩ tới quá khứ chư Phật hoặc vị lai chư Phật nên mới thành ra như vậy ư?)

A Nan suy nghĩ vì sao đức Phật hoan hỷ ngần ấy? Nhất định là do niệm Phật, chỉ có niệm Phật mới là hoan hỷ nhất, bèn hướng về Thích Ca Mâu Ni Phật thỉnh giáo.

 

(Sao) Thiện tai A Nan, hữu chư thiên giáo nhữ lai vấn? Nhữ tự vấn da?

() 善哉阿難,有諸天教汝來問?汝自問耶?

(Sao: Lành thay A Nan! Có chư thiên dạy ông hỏi? Hay là ông tự mình hỏi?”)

Đức Phật nghe A Nan hỏi, hỏi cũng vô cùng vui vẻ, bèn hỏi ngược lại: “Có phải là chư thiên bảo ông hỏi hay chăng? Hay do chính ông tự hỏi?”

 

(Sao) Nhữ sở vấn giả, thắng bố thí nhất tứ thiên hạ Thanh Văn, Duyên Giác, chư thiên, nhân dân, nãi chí quyên, nhuyễn, kinh ư lũy kiếp, thượng bách thiên vạn bội, bất khả dĩ cập.

()汝所問者,勝布施一四天下聲聞緣覺諸天人民,乃至蜎蝡,經於累劫,尚百千萬倍,不可以及。

(Sao: Lời ông hỏi [có công đức] trỗi hơn bố thí cho Thanh Văn, Duyên Giác, chư thiên, nhân dân, cho đến các loài cựa quậy, bò toài trong bao nhiêu kiếp, dẫu trăm ngàn vạn lần vẫn chẳng thể sánh bằng).

Do lời hỏi này của A Nan, đức Phật liền giảng cho chúng ta pháp môn Trì Danh Niệm Phật. Nói ra pháp môn ấy sẽ độ chẳng biết bao nhiêu chúng sanh? Chư vị nhất định phải biết, tuy trong Phật pháp thường nói “pháp pháp bình đẳng, vô nhị, vô biệt” (pháp nào cũng bình đẳng, chẳng hai, chẳng khác), Phật pháp xác thực là bình đẳng, bình đẳng là nói theo Lý. Nói theo Lý là bình đẳng, nhưng nói theo Sự bèn bất bình đẳng. Đối với sự bất bình đẳng ấy, nói thật ra, chẳng phải là Phật pháp bất bình đẳng, mà do chúng sanh chúng ta bất bình đẳng. Vì vậy, hết thảy Phật pháp có khó và dễ, các pháp môn khác khó tu, những kẻ căn tánh kém hèn như chúng ta, nghiệp chướng nặng nề, chẳng có cách nào tu được, tu suốt đời vẫn chẳng thể thành công. Pháp môn này đơn giản, dễ tu học, có thể nói là lục đạo phàm phu đều có phần.

Nếu pháp này dễ tu, mà trong tương lai thành tựu quả báo chẳng thù thắng gì hết thì cũng rất đáng tiếc, chẳng thể coi là viên mãn. Nếu vừa dễ vừa có quả báo thù thắng nhất, pháp môn này thật sự là viên mãn rốt ráo. Có pháp môn ấy hay không? Có! Như pháp môn Trì Danh Niệm Phật được giảng trong kinh Di Đà, pháp môn ấy thù thắng khôn sánh, thực hiện dễ dàng, thành công cao, thật cao! Cao đến mức độ nào? Cao đến thành Phật, cao đến mức triệt chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác; vì thế, đức Phật hoan hỷ.

Mười phương hết thảy chư Phật đều lấy độ chúng sanh làm bổn hoài, chư Phật thật sự mong mỏi hết thảy chúng sanh, ước gì các ngươi lập tức thành Phật, đấy mới là bổn nguyện độ chúng sanh của Phật, trọn chẳng mong quý vị trải qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp, trải qua vô lượng kiếp rồi mới dần dần thành tựu. Nói thật ra, bổn nguyện của Phật là mong mỏi chúng ta lập tức thành Phật. Pháp môn Di Đà này là tâm nguyện của chư Phật, A Di Đà Phật đã thực hiện được tâm nguyện của chư Phật trong ấy! Mong mỏi quý vị mau chóng thành Phật, mau đến mức độ nào? Kinh nói từ một ngày cho đến bảy ngày, quý vị xem còn có pháp môn nào khác nhanh hơn pháp môn này? Khó hay không? Chẳng khó! Trong bốn mươi tám nguyện có nói “mười niệm vãng sanh”, “một niệm vãng sanh”, chuyện này quả thật chẳng khó, mười niệm hay một niệm đều có thể vãng sanh.

Nhưng nếu quý vị muốn vãng sanh làm Phật trong một đời này, phải nghiên cứu cặn kẽ những lý luận trong ba kinh ấy, phải tham chiếu lẫn nhau, chỉ đọc một bộ kinh sẽ chẳng viên mãn, hợp ba kinh lại để xem sẽ liễu giải. Kinh Vô Lượng Thọ là kinh Tịnh Độ bậc nhất, nội dung giảng về duyên khởi của Tây Phương Cực Lạc thế giới, Tây Phương Cực Lạc thế giới do đâu mà có? Do nhân duyên gì mà có? Thành tựu ra sao? Giảng cho chúng ta biết những chuyện ấy! Nói tới lịch sử, tình huống đại lược và thành tựu của Tây Phương Cực Lạc thế giới, bảo cặn kẽ những chuyện này cho chúng ta biết. Nhưng tông chỉ của kinh Di Đà là khuyên chúng ta phát nguyện niệm Phật cầu vãng sanh; vì thế, tông chỉ là “khuyến tín, khuyến nguyện, khuyến hạnh”. Tông chỉ của kinh Quán Vô Lượng Thọ là giảng về phương pháp Niệm Phật; vì vậy, rất trọng yếu, giảng về nhân quả của ba bậc chín phẩm trong thế giới Cực Lạc, chúng ta dùng cái nhân gì để tu, trong tương lai đến Tây Phương Cực Lạc thế giới chứng phẩm vị như thế nào? Do vậy, ta biết ba kinh quả thật có những chỗ khác nhau. Hợp ba kinh lại để xem, sự liễu giải của quý vị đối với Tây Phương Cực Lạc thế giới mới viên mãn. Nếu có thể xem thêm Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm và Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương sẽ càng viên mãn hơn, tín tâm càng thanh tịnh, kiên định hơn, vãng sanh Tịnh Độ chắc chắn thành tựu trong một đời này.

Vì thế, công đức do lời hỏi của ngài A Nan đúng là vô lượng vô biên, khiến cho Thích Ca Mâu Ni Phật dạy cho chúng ta biết Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do vậy, đức Phật nói câu hỏi ấy còn hơn “bố thí chư Thanh Văn, Duyên Giác trong một tứ thiên hạ”, Thanh Văn, Duyên Giác đều là người chứng quả, cúng dường A La Hán, cúng dường Bích Chi Phật quả báo chẳng thể nghĩ bàn. “Chư thiên, nhân dân”: Chư thiên là các vị trời trong hai mươi tám tầng trời, cùng với loài người chúng ta, cho đến lục đạo chúng sanh. “Quyên nhuyễn” là súc sanh đạo, ở đây là nói về lục đạo chúng sanh. Người ấy bố thí bao lâu? Thời gian dài lâu, “kinh ư lũy kiếp, thượng bách thiên vạn bội, bất khả dĩ cập” (trải bao kiếp dài lâu, dẫu trăm ngàn vạn lần vẫn chẳng thể sánh bằng), vẫn kém hơn! Bao kiếp dài lâu cúng dường Bích Chi Phật, A La Hán, bố thí lục đạo chúng sanh, bố thí nhiều kiếp dài lâu vẫn chẳng bằng công đức hỏi Phật lần này của ngài A Nan. Công đức ấy nhiều đến nỗi chẳng có cách nào diễn tả được!

 

(Sao) Sở dĩ giả hà?

() 所以者何。

(Sao: Vì cớ sao vậy?)

Vì sao lời hỏi này có công đức to ngần ấy?

 

(Sao) Chư thiên nhân dân, nãi chí quyên nhuyễn, giai nhân nhữ vấn nhi đắc độ thoát.

() 諸天人民,乃至蜎蝡,皆因汝問而得度脫。

(Sao: Chư thiên, nhân dân, cho đến các loài cựa quậy, bò toài đều nhờ câu hỏi của ông mà được độ thoát).

A Nan vừa hỏi, đức Phật liền giảng pháp môn này! Tuyệt lắm! Mọi người đều đắc độ trong một đời này. Sự đắc độ ấy chẳng phải là tầm thường, mà là đắc độ thành Phật. Các Thanh Văn, Duyên Giác, lục đạo phàm phu thảy đều thành Phật, quý vị nghĩ xem công đức ấy nhiều cỡ nào? Tuyệt đối chẳng phải là công đức do bao kiếp cúng dường A La Hán, Bích Chi Phật, và lục đạo chúng sanh có thể sánh ví được, không có cách nào so sánh! Chúng ta hiểu rõ chuyện này, quý vị biết nay chúng ta niệm A Di Đà Phật công đức chẳng thể nghĩ bàn. Chúng ta khuyên người khác niệm Phật, công đức ấy chẳng thể nghĩ bàn. Nếu chư vị còn có thể phát tâm đi giảng kinh Di Đà, giảng Tịnh Độ ngũ kinh, khuyên khắp mọi người niệm Phật, công đức ấy, thưa quý vị, sẽ giống như công đức của ngài A Nan, quyết chẳng thể kém hơn A Nan! Chư vị phải phát tâm, chớ nên nói: Ta thiếu tài ăn nói, cũng chưa từng học hành, thiếu học vấn. Chuyện ấy chẳng quan trọng, chỉ cần quý vị phát tâm, oai thần của A Di Đà Phật và mười phương chư Phật gia trì quý vị, quý vị ngay lập tức trở thành biện tài vô ngại. Quý vị không chịu phát tâm sẽ chẳng có cách nào hết! Quý vị chịu phát tâm, đích xác là sẽ rất nhanh chóng trọn đủ trí huệ, thần thông, và đạo lực.

Trong quá khứ tôi theo thầy Lý học giảng kinh tại Đài Trung. Chúng tôi có một vị lão đồng học, tôi vẫn vô cùng cảm kích bà ta, vì tôi thấy bà ta phát tâm giảng kinh, tôi mới phát tâm. Tôi chẳng hề dấy lên ý niệm phát tâm đi giảng kinh. Thầy Lý mở lớp dạy học, trong số đó, một đồng học lớn tuổi nhất là cư sĩ Lâm Khán Trị, lúc ấy đã sáu mươi mấy tuổi, học xong Tiểu Học, vẫn học giảng kinh nơi ấy dốc chí gắng sức. Lúc đó, chúng tôi tuổi trẻ, trông thấy bà ta đã sáu mươi mấy tuổi, chúng tôi mới ba mươi tuổi. Bà ta hơn tôi ba mươi tuổi, học hết Tiểu Học, còn tôi đã tốt nghiệp Trung Học, học vấn cao hơn. Bà ta có thể làm được, vì sao tôi chẳng làm? Do vậy, mới dấy lên ý niệm giảng kinh, tham gia lớp học của thầy Lý, cùng học tập với mọi người, thấy chẳng khó cho lắm!

Bà Lâm Khán Trị học thành công, năm nay đã gần chín mươi tuổi, hiện vẫn còn sống tại Đài Trung. Bà suốt đời giảng kinh, pháp duyên thù thắng, phía Bắc cho đến Tân Trúc, phía Nam cho tới Lộc Cảng, mỗi tuần bà ta phải giảng vài lần, đúng là chẳng vui lắm sao? Công đức ấy rất lớn. Chúng tôi là những đồng học trẻ tuổi thật sự phát tâm nỗ lực học tập đều do chịu ảnh hưởng bởi bà ta. Vì thế, chỉ học xong Tiểu Học, sáu mươi tuổi vẫn chẳng muộn, vẫn có thể học, sau khi học, giảng suốt hai mươi năm vẫn chẳng có vấn đề gì! Cư sĩ Lâm Khán Trị đúng là gương tốt cho chúng ta, chúng ta phải học tập bà ta, công đức ấy vô lượng vô biên.

Giảng Tịnh Độ ngũ kinh, hoằng dương pháp môn Niệm Phật, hết thảy chư Phật không vị nào chẳng hoan hỷ, hết thảy chư Phật không vị Phật nào chẳng gia trì quý vị, vì sao? Phù hợp bổn hoài của Phật! Thập phương tam thế Phật, nói thật thà, dùng phương pháp gì để độ chúng sanh? Dạy chúng sanh mau chóng thành Phật? Chính là phương pháp Niệm Phật. Có những chúng sanh chẳng tin phương pháp này, chẳng thể tiếp nhận, đức Phật mới dùng phương pháp khác. Phương pháp này là chánh thuyết của Như Lai, tám vạn bốn ngàn pháp môn khác là biệt thuyết của Như Lai, chẳng phải là chánh thuyết. Chánh thuyết quý vị không tin, lại phải đi đường vòng, giảng cho quý vị pháp môn khác. Nói pháp môn khác, quý vị tu học theo đó phải mất ba đại A-tăng-kỳ kiếp, hoặc vô lượng kiếp mới có thể thành Phật. Chánh thuyết pháp môn này, nếu quý vị tin tưởng, quyết định thành Phật trong một đời này!

Từ Vãng Sanh Truyện và Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, chúng ta thấy thường là người tu học pháp môn này khoảng từ ba năm tới năm năm bèn thành công, quyết định vãng sanh. Quý vị thấy tướng hảo lúc họ ra đi! Biết trước lúc mất, tuyệt đại đa số là trước một tháng biết sẽ ra đi vào ngày nào, còn có khi biết trước ba tháng sẽ đi vào ngày nào, người ấy cũng chẳng sanh bệnh, tới lúc đó, sẽ cáo biệt người nhà quyến thuộc: “Ngày hôm nay tôi sang Tây Phương Cực Lạc thế giới”, tiêu dao tự tại, đến đi như thường! Bao nhiêu gương trong pháp môn này bày ra trước mặt mà chúng ta vẫn chẳng tin, chẳng còn cách nào cả! Đó là đúng như kinh đã dạy, nghiệp chướng sâu nặng, tội nghiệp sâu nặng, chẳng tin tưởng! Thật sự chịu tin tưởng, chịu phát nguyện, chịu niệm Phật, không ai chẳng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vì thế, pháp môn này được gọi là pháp khó tin, thật sự khó! Dẫu là hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, sanh về nơi ấy sẽ thuộc địa vị nào? Kinh dạy rất rõ ràng: “Giai thị A Bệ Bạt Trí” (đều là Bất Thoái Chuyển).

A Bệ Bạt Trí là tiếng Phạn, dịch ra là Bất Thoái Chuyển! Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo chẳng thoái chuyển. Nói thông thường, tối thiểu phải là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo. Tính như vậy, quý vị chiếm tiện nghi to lớn, vì sao? Trong các kinh thông thường, đức Phật thường nói: Tính từ ngày đoạn tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong tam giới, phải tu một vạn đại kiếp mới có thể tu đến Sơ Trụ trong Viên Giáo. Quý vị thấy quý vị dùng ba năm công phu, hễ vãng sanh, thời gian ba năm hoặc năm năm ấy bằng với thời gian người khác phải tu cho đến khi đoạn được Kiến Hoặc! Trong Tiểu Thừa, đoạn Kiến Hoặc là quả Tu Đà Hoàn, tính từ lúc ấy thì phải mất một vạn đại kiếp mới có thể đạt được tình trạng giống như quý vị. Quý vị ba năm hay năm năm bèn thành công, điều này chẳng thể nghĩ bàn, đúng là pháp khó tin!

Trên thực tế, Tây Phương Cực Lạc thế giới có quả vị ấy hay không? Chẳng phải, mà là quả vị gì? Từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy A Bệ Bạt Trí là Thất Địa Bồ Tát, quả báo này càng chẳng thể nghĩ bàn! Trong Viên Giáo, từ Sơ Trụ tu đến Thất Địa bao lâu? Hai A-tăng-kỳ kiếp! Quý vị thấy đó, một vạn đại kiếp cộng thêm hai A-tăng-kỳ kiếp, pháp môn thông thường phải tu lâu ngần ấy! Pháp môn Niệm Phật thành công trong một đời. Vì vậy, thế giới Tây Phương thù thắng chẳng có cách nào tưởng tượng được, đúng là chẳng thể nghĩ bàn. Kinh giảng rất rõ ràng, cảnh giới ấy chỉ có Phật và chư Phật mới có thể thấu hiểu rốt ráo, chắc chắn là hữu tình trong chín pháp giới chẳng thể hiểu rõ được! “Hữu tình trong chín pháp giới” bao gồm hàng Bồ Tát, kể cả Đẳng Giác Bồ Tát, không có cách nào lý giải! Vì thế, vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, nói thật ra, đem kinh Vô Lượng Thọ phối hợp với kinh này để nhìn sẽ thấy rất minh bạch, rất rõ ràng, ở đây chúng ta là “hoành xuất tam giới”, về Tây Phương là “hoành sanh tứ độ”.

Thế giới Tây Phương là một thế giới bình đẳng, không có cao, thấp, chẳng có sai biệt. Do vậy, Thập Địa Bồ Tát vãng sanh, sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm, cũng đồng thời sanh vào cõi Thường Tịch Quang, cũng đồng thời sanh trong cõi Phương Tiện Hữu Dư và cõi Phàm Thánh Đồng Cư, một sanh, hết thảy sanh, đồng thời, tuyệt diệu! Chúng ta đới nghiệp vãng sanh, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, cũng đồng thời sanh trong ba cõi trên, tức cõi Phương Tiện Hữu Dư, cõi Thật Báo Trang Nghiêm, và cõi Thường Tịch Quang, đồng thời đều sanh, chẳng thể nghĩ bàn! Đích xác là [chỉ có] Phật và chư Phật mới hiểu rốt ráo điều này. Bồ Tát chẳng có cách nào [thấu hiểu] chuyện lạ lùng dường ấy! Giống như chúng ta đới nghiệp vãng sanh, sanh sang đó bèn là “hoành sanh tứ độ”, chẳng nói chi nhiều, chúng ta nói tới Thất Địa Bồ Tát! Giống như thế giới Hoa Tạng trong kinh Hoa Nghiêm, Thất Địa Bồ Tát vãng sanh tới đó, gặp mặt chúng ta, quý vị nói xem Thất Địa Bồ Tát cảm thấy thế nào? Nhất định Ngài sẽ hết sức chúc mừng chúng ta: “Quý vị rất may mắn! Quý vị tu một chút như thế bèn đến được, quý vị thấy tôi đã tu cả một vạn đại kiếp cộng thêm hai A-tăng-kỳ kiếp mới đạt đến trình độ này, quý vị tu một chút bèn bình đẳng với tôi”. Các Ngài rất chúc mừng quý vị! Quý vị ngay lập tức bình đẳng với các Ngài! Do vậy, quý vị hãy suy nghĩ cảnh giới này, cổ đức nói: “Duy Phật dữ Phật phương năng cứu cánh” (chỉ có Phật và Phật mới có thể thấu hiểu rốt ráo”), chẳng phải là chuyện giả!

Trong thế giới Sa Bà này, chúng ta làm sao có thể bằng với Bồ Tát? Chẳng có cách nào bằng được A La Hán, tới nơi ấy, không chỉ bình đẳng với Thất Địa Bồ Tát và Đẳng Giác Bồ Tát, mà còn bình đẳng với Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, một sanh, hết thảy sanh, bốn cõi viên dung. Trong mười phương thế giới chư Phật không có tình hình này, chỉ riêng thế giới Cực Lạc là đặc biệt có! Các thế giới khác không có. Trong hết thảy các kinh điển, chẳng có cách nói này, chỉ riêng Tịnh Độ tam kinh là có, đúng là lạ lùng! Quý vị ắt phải đọc thấu suốt ba kinh thì mới có thể hiểu rõ ràng sự thù thắng, trang nghiêm, công đức và lợi ích của Tịnh Độ!

Đối với bộ kinh này, đại khái chúng tôi phải giảng bốn trăm lượt mới giảng xong, quý vị mới có nhận thức kha khá về Tây Phương Cực Lạc thế giới! Bốn trăm buổi giảng, tức là hơn một năm, đáng giá lắm! Nếu giảng kỹ kinh Vô Lượng Thọ cũng phải tốn thời gian dài như thế thì mới có thể giảng được. Mong mọi người hãy kiên trì, nỗ lực. Chúng ta nhất định phải hiểu rõ ràng, minh bạch Tây Phương Cực Lạc thế giới, bản thân chúng ta hoan hỷ, mà còn có thể vì người khác diễn nói, cũng có thể giảng rõ ràng cho người khác. Giảng rõ ràng, người ta mới có thể tin tưởng; giảng chẳng rõ ràng, làm sao người khác tin tưởng cho được? Nếu người ta tin tưởng, tức là quý vị độ kẻ ấy thành Phật, công đức giống như đức Thế Tôn tán thán tôn giả A Nan. Vì thế, qua câu hỏi này của ngài A Nan, khiến cho chúng sanh trong sáu đường đều thành Phật.

 

(Sao) Thị dĩ Như Lai nhan dung vi phát khởi cố.

() 是以如來顏容為發起故。

(Sao: Đấy là dùng dáng vẻ của Như Lai để phát khởi).

Kinh Vô Lượng Thọ do đức Phật hoan hỷ mà phát khởi. Tục ngữ thường nói: “Nhân phùng hỷ sự, tinh thần sảng” (người gặp chuyện vui, tinh thần sảng khoái). Gặp chuyện vui vẻ, mệt nhọc gì cũng quên bẵng! Tinh thần sung mãn, vẻ mặt tươi sáng, rạng rỡ. Vì thế, đức Phật tuyên nói pháp môn này vô cùng vui vẻ.

 

(Sao) Kim nạn.

() 今難。

(Sao: Nay cật vấn).

Nay kẻ ấy đưa ra lời vấn nạn.

 

(Sao) Chư kinh phát khởi, thả trí vật luận.

() 諸經發起,且置勿論。

(Sao: Phát khởi của các kinh, hãy để đó chẳng bàn tới).

Đối với phần Phát Khởi của những kinh khác, chúng ta tạm thời không nói tới.

 

(Sao) Chỉ như nhị kinh, thị Tịnh Độ bổn giáo, giai hữu phát khởi, thử kinh bất dị nhị kinh.

()只如二經,是淨土本教,皆有發起,此經不異二經。

(Sao: Chỉ nói với hai kinh thuộc vào giáo pháp Tịnh Độ, đều có phần Phát Khởi, kinh này chẳng khác hai kinh ấy!)

Kinh Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, và kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật chẳng có gì sai biệt.

 

(Sao) Hà dĩ độc vô?

() 何以獨無。

(Sao: Cớ sao riêng [kinh này] chẳng có?)

Vì sao kinh này không có phần Phát Khởi?

 

(Sao) Cố vị thử thông!

() 故為此通。

(Sao: Cho nên đả thông điều [nghi vấn] này!)

“Thông” nghĩa là thông đạt, chẳng có chướng ngại. Vì quý vị có nghi, có nghi bèn có chướng ngại. Nay phải khiến cho mối nghi lự ấy bị tiêu trừ, khiến cho quý vị có thể thông đạt vô ngại. Liên Trì đại sư muốn vì chúng ta giải thích:

 

(Sao) Ngôn Phật thuyết nhị kinh, tuy diệc đại bi tâm thiết, đặc thị vãng sanh, nhiên nhi quán pháp tinh vi, nguyện môn quảng đại, như tiền tự trung thuyết.

()言佛說二經,雖亦大悲心切,特示往生。然而觀法精微,願門廣大,如前序中說。

(Sao: Ý nói đức Phật nói hai kinh tuy cũng do tâm đại bi tha thiết mà đặc biệt chỉ dạy pháp vãng sanh, thế nhưng phép Quán tinh vi, nguyện môn rộng lớn, như trong phần Tự ở trên đã nói).

Liên Trì đại sư nói lời này, nói thật ra, cũng rất có lý, có kiến địa. Ngài nói hai bộ kinh như đã nói trong phần trước, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật là mười sáu phép diệu quán, nói thật ra, vẫn chẳng dễ dàng thành tựu, nhất là chúng sanh đời Mạt Pháp tâm thô tháp, cảnh giới quá vi tế, chẳng dễ gì quán thành công! Bốn mươi tám nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ, nguyện nào cũng đều sâu rộng chẳng thể nghĩ bàn.

 

(Sao) Vị nhược thử kinh, đản sự trì danh, tức sanh bỉ quốc, vưu vi yếu nhi hựu yếu.

()未若此經,但事持名,即生彼國,尤為要而又要。

(Sao: Chẳng như kinh này, chỉ chú trọng trì danh liền sanh về cõi ấy, càng là trọng yếu nhất trong những điều trọng yếu).

Trong ba kinh, bộ kinh này còn trọng yếu hơn hai bộ kinh kia, vì sao? Đơn giản, dễ dàng! Do vậy, Liên Trì đại sư chú giải bằng Sớ Sao, giải thích kinh Di Đà tỉ mỉ như thế, nhưng đối với kinh Vô Lượng Thọ, lão nhân gia chẳng chú giải. Cư sĩ Ngụy Nguyên vô cùng bội phục Sớ Sao, thường cảm thấy Liên Trì đại sư chẳng viết chú giải kinh Vô Lượng Thọ thật là chuyện rất đáng tiếc. Đương nhiên, nguyên nhân rất nhiều, trong kinh Vô Lượng Thọ chúng ta đã từng thảo luận, đấy là vì trong thời Liên Trì đại sư kinh Vô Lượng Thọ chưa có một bản rất hoàn chỉnh. Vì lẽ đó, Đại Kinh không được lưu truyền rộng rãi như Tiểu Bổn Di Đà Kinh, là vì phiên bản chưa hoàn chỉnh, chúng ta đọc thấy chẳng trôi chảy!

Thí dụ như xưa kia, pháp sư Luật Hàng trong quá khứ ở Đài Trung, thầy Quảng Hóa là đồ đệ của Ngài. Trong quá khứ, vị lão pháp sư này cũng là tướng quân, là Trung Tướng xuất ngũ, sau đấy xuất gia. Ngài có mấy bài viết nhắc tới chuyện ấy. Vì trong thời Kháng Chiến tại Đại Lục, Sư học Phật, thân cận lão hòa thượng Hư Vân, cư sĩ Hạ Liên Cư, thân cận pháp sư Từ Châu. Hạ cư sĩ và pháp sư Từ Châu đều khuyên Sư niệm Phật, lại còn giới thiệu tầm trọng yếu của kinh Vô Lượng Thọ. Bản kinh Vô Lượng Thọ của chúng ta [đang sử dụng trong hiện thời] do Sư mang từ Đại Lục sang Đài Loan. Sau khi mang tới, do cụ Từ Châu và cư sĩ Hạ Liên Cư phó chúc Sư, đúng là trọng yếu, nên sau khi tới Đài Loan, Sư đã từng đề xướng in hai lần. Năm Dân Quốc 38 và 39 (1950), kinh này đã được lưu thông tại Đài Loan, nhưng số lượng chẳng nhiều. Lúc đó, thầy Lý cũng đã giảng một lần. Mãi cho đến bản này của ngài Hạ Liên Cư mới có thể nói là thật sự không tìm được khuyết điểm nào; nhưng văn tự trong ba bản hội tập đều ưu mỹ hơn các bản dịch gốc, có thể đọc được! Lão pháp sư Luật Hàng đọc năm bản dịch gốc, thấy không suông, Sư nói: “Tôi đọc hai trang, chẳng muốn đọc tiếp nữa”. Đó là do phiên dịch chẳng khéo. Đã thế, nội dung của năm bản sai khác rất lớn, biến thành không biết nên theo bản nào, chẳng biết bản nào là tốt nhất. Do vậy, lưu thông đại kinh nẩy sanh chướng ngại.

Sau khi bản hội tập của cư sĩ Hạ Liên Cư ra đời, mọi người nhận định bản này là phiên bản tốt nhất của kinh Vô Lượng Thọ. Đồng thời, cũng chính do bản này thúc đẩy chúng ta nghiên cứu năm bản dịch gốc của kinh Vô Lượng Thọ và bốn bản hợp dịch. Kinh Vô Lượng Thọ có tổng cộng chín phiên bản khác nhau. Do vậy, tôi cảm thấy những đồng tu chúng ta hiện thời phước báo quá lớn, người thuở trước chẳng phước báo to lớn như quý vị! Ngay như lão pháp sư Đạo Nguyên và thầy Lý ở Đài Trung đều chưa thấy chín bản dịch gốc. Nay chúng ta cả chín bản đều thâu thập được, lại còn có bản hoàn chỉnh vô cùng hay. Sách này có thể in ra vào tháng Bảy này, mọi người đều có thể xem được. Chẳng biết mười phương chư Phật hoan hỷ như thế nào, chúng ta chẳng có cách nào hình dung! Đó là ngày chư Phật hoan hỷ!

Kinh này đơn giản, dễ dàng, tức là khuyến tín, khuyến nguyện, khuyến hạnh. “Đản sự trì danh, tức sanh bỉ quốc, vưu vi yếu nhi hựu yếu” (chỉ chú trọng trì danh liền sanh về cõi ấy, càng là trọng yếu nhất trong những điều trọng yếu). Trong Tam Kinh, nếu luận định về phương diện tu trì, đương nhiên kinh này trọng yếu nhất, là cương lãnh tu học của Tịnh Độ.

 

(Sao) Cố Phật ý ư tư, diệc phục thiết nhi hựu thiết.

() 故佛意於斯,亦復切而又切。

(Sao: Vì thế, ý Phật ở chỗ này, cũng càng là thiết tha nhất trong những nỗi thiết tha).

Do vậy, đức Phật tâm vô cùng khẩn thiết muốn giảng bộ kinh này. Nói cách khác, hận không thể ngay lập tức truyền dạy quý vị, khiến cho quý vị nay có thể viên thành Phật đạo trong một đời này. Do đó, [chẳng có phần Phát Khởi] là do tâm độ sanh khẩn thiết của Phật!

 

(Sao) Vị chư chúng sanh tác bất thỉnh hữu dã.

() 為諸眾生作不請友也。

(Sao: Làm bạn chẳng thỉnh của các chúng sanh).

Câu này trích từ kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật cũng mở toang cửa phương tiện, chẳng cần thỉnh, chẳng cần khách sáo, ta mau chóng, gấp rút nói với quý vị pháp môn này để quý vị thành tựu tốt đẹp. Đúng là ân sâu đại đức của Phật nát thân khó đền. Báo đại ân của Phật bằng cách nào? Tôi nghĩ, chỉ có y giáo tu hành, vãng sanh trong ba phẩm thượng, đại khái mới có thể gọi là “báo ân Phật”, chứ trung hạ phẩm vãng sanh, báo ân Phật vẫn còn thiếu sót! Thật sự báo ân Phật, phải phát nguyện quyết định cầu vãng sanh trong ba phẩm thượng, quý vị có làm được hay không? Có cầu được hay không? Khi A Di Đà Phật phát nguyện thành lập Tây Phương Cực Lạc thế giới, Ngài đã làm xong, nếu chúng ta cầu vãng sanh mà nói được, nhưng làm không được, lỗi lầm nơi chính mình, chẳng tại ai khác, há có chuyện chẳng làm được!

Nhưng ở đây, tôi đặc biệt kính khuyên chư vị một câu, nếu muốn chân thật làm được, tốt nhất là xem chung ngũ kinh, vì sao? Quý vị đã thấu triệt lý luận, chẳng hoài nghi, lòng tin kiên định, hiểu rõ phương pháp, làm theo phương pháp ấy, đoan chắc quý vị có thể tu thành công! Hiểu rõ cảnh giới, chắc chắn chẳng bị ma dựa, nhất định chẳng lạc đường. Vì thế, lý luận, phương pháp, cảnh giới thảy đều hiểu rõ ràng, lẽ nào chẳng thành Phật đạo? Trước khi thành Phật thì hiện nay nên ra sao? Thưa quý vị, hiện tại quý vị lìa khổ được vui. Trước khi vãng sanh, quý vị là người sung sướng nhất trên thế giới này, vì sao sung sướng? Vì tâm quý vị thanh tịnh, hiểu rõ đạo lý, hiểu phương pháp, thấu hiểu cảnh giới, chẳng vướng mắc, không lo nghĩ, quý vị biết ngày nào sẽ về Tây Phương Cực Lạc thế giới, lẽ đâu chẳng sung sướng? Không còn gì sung sướng hơn. Do vậy, ngay lập tức đạt được “lìa khổ, được vui”.

Nhưng nếu quý vị chẳng hiểu rõ lý luận, phương pháp, và cảnh giới, dẫu niệm câu Phật hiệu này, vẫn là sờ soạng, có nắm chắc vãng sanh hay không? Lắc đầu! Không biết, đấy là rất khổ! Giống như đi đường, hoài nghi ta đi theo con đường này đúng hay sai? Rốt cuộc còn bao xa? Ta phải đi tới khi nào mới đến đích? Vấn đề chồng chất! Quý vị tham cứu thấu suốt rõ ràng ngũ kinh, phương hướng chính xác, chẳng sai, đường đi cũng chẳng sai, có thể tính ra còn mấy ngày nữa sẽ đến nơi, hiểu rõ ràng, rành rẽ. Vì thế nói: Bất luận pháp môn nào cũng chẳng thể sánh bằng! Đây là đức Phật chân thật đại từ đại bi,“vị chư chúng

sanh tác bất thỉnh hữu dã” (vì các chúng sanh làm bạn chẳng thỉnh).

 

(Sao) Bất phát chi phát giả, hiện tiền chúng sanh, nhạo trước sanh tử, bất cầu xuất ly, tự năng phát khởi Phật chi đại bi, thuyết thử kinh cố.

()不發之發者,現前眾生,樂著生死,不求出離,自能發起佛之大悲,說此經故。

(Sao: “Chẳng phát mà phát”: Hiện tiền chúng sanh ưa thích, đắm đuối sanh tử, chẳng cầu xuất ly, khiến cho đức Phật tự phát khởi lòng đại bi nói kinh này).

Liên Trì đại sư nêu nguyên do vì sao kinh này chẳng có phần Phát Khởi. Bởi lẽ, chúng sanh khi nào giác ngộ? Khi nào thật sự giác ngộ? Người thật sự giác ngộ biết nỗi khổ lục đạo luân hồi, thật sự biết, biết lục đạo luân hồi đáng sợ, tâm luôn mong xuất ly, người ấy sẽ giác ngộ, chân thật giác ngộ. Nếu vừa học Phật vừa lưu luyến lục đạo luân hồi, kẻ ấy chưa giác ngộ, kẻ ấy niệm Phật cũng chẳng qua là kết duyên với A Di Đà Phật, hiện thời chẳng muốn vãng sanh, vẫn chưa muốn vãng sanh, chỉ là kết duyên mà thôi! Niệm mấy câu A Di Đà Phật, niệm mấy quyển kinh để kết duyên. Kết duyên cũng tốt, vì sau này khi đã nếm hết nỗi khổ, hối hận, muốn vãng sanh, vẫn được vãng sanh! Vì quý vị có duyên nên đến khi ấy lại đi. Nói cách khác, khi nào giác ngộ thì sẽ đi khi đó!

 

(Sớ) Độc cáo Xá Lợi Phất giả, lệ tiền duy trí sở tín cố, hựu nhất cáo, nhất thiết cáo cố. Hựu Tịnh Giác vân: “Hợp tứ tất cố”.

() 獨告舍利弗者,例前唯智所信故,又一告一切告故,又淨覺云:合四悉故。

(Sớ: Bảo mình ngài Xá Lợi Phất, giống như trong phần trên [đã nói], chỉ có người trí huệ mới có thể tin pháp môn này. Lại nữa, bảo với một là bảo với hết thảy. Lại nữa, ngài Tịnh Giác nói: “Do phù hợp Tứ Tất Đàn”).

Trong lời Sao sẽ giải thích tỉ mỉ.

 

(Sao) Lệ tiền giả, tức thủ cử Thân Tử ý.

() 例前者,即首舉身子意。

(Sao: “Giống như phần trên”: Tức là ý nghĩa nêu tên ngài Xá Lợi Phất đầu tiên).

“Lệ tiền” là trong mười sáu vị tôn giả thuộc Tự Phần, tôn giả Xá Lợi Phất được xếp vào vị trí thứ nhất, tức “trưởng lão Xá Lợi Phất”. Vì sao xếp Ngài đầu tiên? Ngài là trí huệ đệ nhất. Kẻ không có trí huệ đệ nhất, đức Phật nói với kẻ ấy, kẻ ấy chẳng tin! Phải là người trí huệ đệ nhất, nói với người ấy thì người ấy mới tin tưởng. Vì thế, không chỉ trong Tự Phần, tôn giả Xá Lợi Phất được nêu tên đầu tiên, mà tới phần Chánh Tông của kinh văn, Thích Ca Mâu Ni Phật mở miệng dạy cũng chuyên nói với Xá Lợi Phất, gọi Xá Lợi Phất để giảng, là do ý nghĩa này.

 

(Sao) Dĩ thậm thâm trí huệ, đỗng sát ư tịnh uế chi cơ, dung thông ư Sự Lý chi tế, phương năng tín thọ bất nghi.

()以甚深智慧,洞察於淨穢之機,融通於事理之際,方能信受不疑。

(Sao: Do trí huệ rất sâu, xét thấu suốt căn cơ tịnh hay uế, dung thông cả Sự lẫn Lý, mới có thể tin nhận, chẳng nghi).

Đây là lý do vì sao đức Phật phải gọi tôn giả Xá Lợi Phất để nói. Nói cách khác, chẳng phải là người thiện căn sâu dầy, phước đức viên mãn, quý vị nói kinh này và pháp môn này với người ấy sẽ vô ích! Dẫu người ấy chẳng phản đối, vẫn chẳng thể tu học pháp môn này! Người Nhị Thừa trí huệ nông cạn, Quyền Giáo Bồ Tát còn có chấp trước, rất khó tiếp nhận pháp môn này, nghe kinh nhiều, đọc nhiều, trọn chẳng tin tưởng! Vì sao? Người ta tu hành phải tu hai A-tăng-kỳ kiếp mới đạt đến Thất Địa, lẽ nào quý vị tiện nghi như vậy? Đôi ba năm bèn đạt tới Thất Địa, không ai tin được! Nói thật ra, do kẻ ấy trí huệ nông cạn nên chẳng tin! Ắt phải có trí huệ rất sâu mới triệt chiếu cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, người ấy mới có thể tin tưởng.

“Đỗng sát ư tịnh uế chi cơ”, nói thật ra, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, chẳng có tịnh hay uế để nói! Nói cách khác, tìm tịnh và uế không ra! Phỏng theo cách nói trong Thiền Tông sẽ là: “Mịch tịnh uế liễu bất khả đắc” (tìm kiếm tịnh và uế trọn chẳng thể được). Tịnh và uế do đâu sanh ra? Từ phàm tình chấp trước sanh ra. Tâm của quý vị thanh tịnh là Tịnh Độ, tâm của quý vị chẳng thanh tịnh là uế độ, tịnh và uế biến hiện như thế đó! Người có trí huệ rất sâu biết căn nguyên của tịnh và uế do đâu mà có; vì thế, người ấy tin tưởng! Người ấy có thể “dung thông ư Sự Lý chi tế” (dung thông nơi Sự và Lý), bằng lòng đến gặp A Di Đà Phật, bằng lòng vãng sanh thế giới Cực Lạc, ngoài Lý chẳng có Sự, ngoài Sự chẳng có Lý, Sự và Lý vốn viên dung, vốn vô chướng ngại. Ở đây nói “tịnh uế chi cơ” là nói đến căn cơ, hết thảy tâm địa thanh tịnh là một loại cơ duyên. Vì sao? Tâm thanh tịnh, người ấy sẽ tin tưởng, tín tâm thanh tịnh, người ấy quyết định vãng sanh.

Vì thế, trong các buổi giảng, chúng tôi thường [khuyên quý vị] nắm vững cương lãnh này, hãy nắm vững, lấy đó làm tiêu chuẩn tu hành cho chúng ta, cương lãnh là gì? Bình đẳng, thanh tịnh, từ bi. Trong tựa đề kinh Vô Lượng Thọ đã nêu minh bạch ý nghĩa này, Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh. Chúng ta tu gì? Tu thanh tịnh, bình đẳng. Bình đẳng là Lý, thanh tịnh là Tự Thụ Dụng, Tha Thụ Dụng là từ bi. Trong phần trước, tôi đã nhắc quý vị đồng tu một lần nữa, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi là một mà ba, ba mà một, có thể giải thích lẫn nhau. Bình đẳng là gì? Thanh tịnh bèn bình đẳng, từ bi bèn bình đẳng. Thanh tịnh là gì? Bình đẳng bèn thanh tịnh, bất bình đẳng làm sao thanh tịnh cho được? Từ bi bèn thanh tịnh, từ bi là gì? Thanh tịnh bèn từ bi, bình đẳng bèn từ bi. Quý vị chuyển qua chuyển lại ba câu ấy, đọc mấy lượt, sẽ có thể thấu hiểu.

Nay chúng ta niệm câu A Di Đà Phật này theo cách nào? Phải niệm cho ra thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, như vậy là thành công. Trong khi tâm chúng ta chẳng thanh tịnh, một câu A Di Đà Phật khôi phục sự thanh tịnh; khi tâm bất bình đẳng, một câu A Di Đà Phật [khiến cho tâm] bình đẳng; khi tâm chẳng từ bi, một câu A Di Đà Phật [khiến cho tâm] từ bi. Niệm như vậy, công phu đắc lực. Nói “đắc lực” là niệm cho ra thanh tịnh, bình đẳng, từ bi. Thanh tịnh, bình đẳng, từ bi là Chân Như bổn tánh, là Pháp Thân lý thể của chính quý vị, dùng một câu Phật hiệu này để niệm cho ra. Vì thế, quý vị có thành tựu bình đẳng với chư Phật, Bồ Tát, đạo lý là như vậy! Khi ấy mới tin sâu, chẳng nghi ngờ, hiểu rõ lý, hiểu rõ cảnh giới, quyết định chẳng nghi hoặc, đấy là trí huệ thật sự.

 

(Sao) Như Bát Nhã hội thượng thủ cử Tu Bồ Đề giả, dĩ Bát Nhã đàm Không, Tu Bồ Đề Giải Không đệ nhất cố dã.

()如般若會上首舉須菩提者,以般若談空,須菩提解空第一故也。

(Sao: Như trong hội Bát Nhã, nêu tên ngài Tu Bồ Đề đầu tiên vì Bát Nhã giảng về Không mà ngài Tu Bồ Đề là bậc Giải Không đệ nhất).

Lại nêu một thí dụ khác. Nếu là kẻ trí cạn sẽ chẳng thể tin tưởng, chẳng có cách nào nói với kẻ ấy cảnh giới cao xa như thế, Lý sâu mầu như thế, Sự cũng vi diệu. Vì thế, đức Phật phải tìm một người trí huệ bậc nhất để bàn luận, giống như trong kinh Kim Cang cũng phải như vậy, tìm tôn giả Tu Bồ Đề vì Ngài là bậc Giải Không đệ nhất. “Bát Nhã đàm Không”, Không là gì? Thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, đó chính là Bát Nhã Chân Không. Không là gì? Là trong tâm thứ gì cũng đều chẳng có, Lục Tổ nói: “Vốn chẳng có một vật”, đó là thanh tịnh, có một vật sẽ không thanh tịnh, thanh tịnh là Bát Nhã Chân Không. Quý vị có một vật sẽ chẳng Không, sẽ chẳng thanh tịnh.

Chúng ta tu hành, đặc biệt là tu Tịnh Độ, phải thường xuyên giữ cho tâm và cảnh của chính mình như một. Tâm là bên trong, cảnh là bên ngoài, đấy là “Không Hữu chẳng hai”. Đó là Bát Nhã rất sâu, chẳng giả. Bên trong là thanh tịnh, vốn chẳng có một vật, chẳng nhiễm mảy trần. Bên ngoài thì sao? Bên ngoài chẳng chấp tướng, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, không khởi tâm, chẳng động niệm. Trong và ngoài như nhau! Khi ấy, chân tánh của quý vị thật sự hiển lộ hoàn toàn, tác dụng của chân tánh là trí huệ Bát Nhã. Pháp môn này là phương tiện thiện xảo, dùng phương pháp gì để đạt tới cảnh giới ấy? Một câu A Di Đà Phật, hay tuyệt, quá khéo! Vì vậy, chư vị phải lãnh hội sâu xa, phương pháp này quả thật là khéo léo đến tột bậc!

 

(Sao) Nhất thiết cáo giả, cáo Thân Tử nhất nhân, tức thị cáo hiện tiền nhất thiết Thanh Văn, Bồ Tát, nhân, thiên, đại chúng, cập vị lai nhất thiết chư chúng sanh dã.

()一切告者,告身子一人,即是告現前一切聲聞菩薩人天大眾,及未來一切諸眾生也。

(Sao: “Bảo với hết thảy”: Bảo với một mình Thân Tử chính là bảo với hết thảy Thanh Văn, Bồ Tát, người, trời, đại chúng hiện tiền và hết thảy các chúng sanh trong tương lai).

Đây là giải thích câu “nhất cáo, nhất thiết cáo giả” (bảo với một người là bảo với hết thảy). “Cáo” là đức Phật nói, nói cho ai biết? Chỉ nói với ngài Xá Lợi Phất. Xá Lợi Phất là đại biểu, nói với Xá Lợi Phất là nói với hết thảy đại chúng. Đức Phật đang nói với ngài Xá Lợi Phất, mọi người quý vị nghe ké, đều nghe hết. Nghe xong, tùy thuộc quý vị có giác ngộ hay không. Nếu quý vị vừa nghe bèn giác ngộ, há chẳng phải là đức Phật cũng nói cho quý vị biết ư? Quý vị nghe xong chẳng giác ngộ, đấy cũng là đức Phật đã nói với quý vị. Chưa giác ngộ, nhưng nói với quý vị thì trong A Lại Da Thức của quý vị đã gieo một chủng tử. Chủng tử ấy gọi là Kim Cang chủng tử, vĩnh viễn bất hoại! Trong tương lai gặp duyên sẽ chín muồi!

Nếu vừa mới nói mà quý vị tin tưởng, tiếp nhận, suy nghĩ: “Vì sao đức Phật giảng nhiều pháp môn như thế? Vốn còn có một pháp môn tiện nghi, đơn giản, dễ dàng, như vậy, lại còn thành tựu thù thắng chẳng thể nghĩ bàn dường ấy. Tốt lắm, ta quyết định chọn lựa pháp môn này”. Người như vậy là hạng người gì? Trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư nói rất hay, người như thế cơ duyên thành Phật đã chín muồi. Nếu cơ duyên thành Phật của người ấy chưa chín muồi, nghe xong sẽ chẳng tin, hoặc tin nhưng không chịu vãng sanh, hoặc miễn cưỡng. Vãng sanh khá lắm, nơi ấy tốt đẹp, muốn đến đó. Tuy muốn đến đó, nhưng lại không chịu niệm Phật. Nói chung, sẽ chẳng thể thành công! Trong ba tư lương Tín, Nguyện, Hạnh, thiếu mất một thứ, chẳng được rồi, không thể đi. Ba điều kiện thảy đều trọn đủ, cơ duyên thành Phật trong đời này của người ấy đã đến rồi. Tôi nghĩ, trong đời hiện tại ở Đài Loan, sợ rằng có không ít người cơ duyên thành Phật đã chín muồi. Nếu chẳng phải là tình hình ấy, những điển tịch quý báu của pháp môn Tịnh Độ chẳng thể nào đều phát hiện, lại còn phát hiện phiên bản hoàn chỉnh vô cùng hay! Đó là cơ duyên thành Phật của mọi người đã chín muồi. Vì thế, duyên trong đời này thù thắng hơn đời trước, thù thắng rất nhiều! Do đó, nói với một người là nói với hết thảy mọi người.

 

(Sao) Tứ Tất giả.

() 四悉者。

(Sao: Bốn Tất Đàn).

Tứ là con số, [ở đây] là bốn điều. Tất Đàn (Siddantha) là pháp. Tất Đàn là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Biến Thí, tức là bình đẳng bố thí trọn khắp, gồm có bốn điều. Thứ nhất là Thế Giới Tất Đàn, Thế Giới Tất Đàn là gì? Nói đơn giản là khiến cho hết thảy chúng sanh sanh khởi tâm hoan hỷ. Vì thế, Phật, Bồ Tát thuyết pháp nhất định phải tuân theo nguyên tắc này, tức là tuân theo bốn nguyên tắc Tất Đàn, nhất định phải làm cho chúng sanh sanh tâm hoan hỷ. Quý vị tin tưởng Tịnh Độ, tôi giảng Tịnh Độ cho quý vị, quý vị rất vui vẻ. Kẻ khác chẳng tin Tịnh Độ bèn chẳng nói tới Tịnh Độ. Quý vị chuộng Thiền, tôi bèn giảng Thiền, trong tâm quý vị vui vẻ, rất hoan hỷ. Phải quán cơ, tức là xét coi [người được hóa độ] thuộc căn tánh gì, thích pháp môn nào, đức Phật bèn giảng cho họ pháp môn ấy. Có thể thấy đức Phật nói hết thảy các pháp chẳng xuất phát từ [ý kiến] chủ quan, mà xuất phát từ khách quan, xuất phát từ nhu cầu của đại chúng, quý vị muốn gì, Phật bèn nói với quý vị điều ấy. Vì thế, mới mở ra vô lượng vô biên pháp môn, tương ứng vô lượng vô biên căn tánh. Căn tánh khác nhau nên pháp môn nhiều; do đó mà có nhiều dường ấy!

 

(Sao) Nhất, Thân Tử nãi tả diện đệ tử, kinh đa cư thủ, pháp ưng nhĩ cố, thị Thế Giới Tất Đàn.

()一、身子乃左面弟子,經多居首,法應爾故,是世界悉檀。

(Sao: Một, Thân Tử là đệ tử bên trái, phần lớn đứng đầu các kinh, pháp phải nên như vậy. Đó là Thế Giới Tất Đàn).

“Pháp ưng nhĩ”: Xét theo pháp, đương nhiên là như vậy. “Tả diện đệ tử”, nói theo cách bây giờ, là đại đồ đệ, là đại đồ đệ của Thích Ca Mâu Ni Phật. Trong tất cả các học trò của Thích Ca Mâu Ni Phật, ngài Xá Lợi Phất là thượng thủ, là lớp trưởng, thường đứng ở bên trái Thích Ca Mâu Ni Phật, Mục Kiền Liên đứng bên phải, đấy là hai vị đại đệ tử của đức Phật. Đức Phật có chuyện gì đương nhiên phải nói với hai người bọn họ; do vậy, đây là chuyện đương nhiên. Gọi Xá Lợi Phất để nói, điều này nghe rất tự nhiên, chẳng có mảy may thiên vị nào. Đấy là ý nghĩa của Thế Giới Thất Đàn,

“Thế giới” nghĩa là sai biệt, vì Thế (世) là nói tới quá khứ, hiện tại, vị lai; Giới (界) là giới tuyến (界線), giới tuyến giữa Đông, Nam, Tây, Bắc, trên, dưới. Vì thế, nó có nghĩa là sai biệt. Nói cách khác, đức Phật giảng cho hết thảy chúng sanh các thứ pháp môn sai biệt, khiến cho hết thảy chúng sanh ai nấy sanh lòng hoan hỷ. Quý vị mong đời sau làm người, mong đời sau tốt đẹp hơn đời này, đại phú, đại quý, đức Phật bèn giảng cho pháp môn làm người đại phú đại quý trong đời sau; quý vị hài lòng, hoan hỷ. Kẻ khác nói: “Làm người chẳng tốt đẹp gì, thọ mạng rất ngắn, dẫu trường thọ thì một trăm hai mươi tuổi vẫn phải chết, huống chi tuổi già, khổ sở chẳng kham. Nghe nói cõi trời thọ mạng dài, chư thiên không chết, hễ sanh lên trời sẽ hưởng phước trời”. Đức Phật nói: “Rất tốt! Khá lắm, ta sẽ giảng pháp môn sanh thiên cho quý vị”. Quý vị cũng hoan hỷ. Thế Giới Tất Đàn mang ý nghĩa này!

Theo cái nhìn của chúng sanh nhạy bén, căn tánh tối thắng nhất thì họ nói cõi trời cũng chẳng tốt đẹp, vì sao? Tam giới đau khổ, dẫu sanh lên cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, thọ mạng tám vạn đại kiếp, đến lúc [hết tuổi thọ] vẫn phải đọa lạc. Lại nghĩ Tiểu Thừa cũng chẳng tốt đẹp. Gì mới là tốt? Phải giống như Phật mới là tốt đẹp, nhắm đến một mục tiêu mong thành Phật. Quý vị thật sự muốn thành Phật, đức Phật cũng gật đầu, đức Phật hoan hỷ: “Được! Ta sẽ dạy quý vị pháp môn thành Phật”. Pháp môn nào là pháp môn thành Phật? Tín nguyện trì danh, niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ là pháp môn thành Phật, là pháp môn vô thượng, pháp môn đệ nhất. Bởi lẽ, đây là pháp môn thành Phật. Vì sao gọi là Thế Giới Tất Đàn, phải hiểu ý nghĩa của nó.

 

(Sao) Nhị, Thân Tử trí huệ đệ nhất, chúng sở tông ngưỡng, bỉ tín Tịnh Độ, chúng diệc tín chi, thị Vị Nhân Tất Đàn.

()二、身子智慧第一,眾所宗仰,彼信淨土,眾亦信之,是為人悉檀。

(Sao: Hai, ngài Xá Lợi Phất trí huệ bậc nhất, được mọi người tôn sùng. Ngài tin Tịnh Độ thì mọi người cũng tin, đó là Vị Nhân Tất Đàn).

“Vị nhân” có nghĩa là khiến cho hết thảy chúng sanh đạt được lợi ích thật sự, tức là đạt được lợi ích Sanh Thiện. Xá Lợi Phất “trí huệ đệ nhất”, là đệ tử bậc nhất của đức Phật. Trong các đệ tử đức Phật, Ngài là bậc gương mẫu, các sư đệ không ai chẳng kính ngưỡng đại sư huynh, Ngài có tác dụng dẫn đầu và nêu gương. Ngài Xá Lợi Phất đã tin thì [những người khác] còn nói năng chi nữa? Đương nhiên các tiểu sư đệ ai nấy đều tin. Nếu đức Phật nói với người khác, người khác tin, vẫn có rất nhiều người chẳng tin tưởng lắm, vì sao? Đại sư huynh của chúng ta chẳng tin, chúng ta chẳng cần phải tin điều ấy. Nay đại sư huynh đã tin, còn tranh cãi chi nữa? Vì thế, nói theo cách bây giờ, ngài Xá Lợi Phất có sức ảnh hưởng, có sức hiệu triệu, hễ thuyết phục được Ngài sẽ giống như độ trọn khắp những người khác. Đấy là khiến cho hết thảy mọi người đều nhìn theo và mong được bằng ngài Xá Lợi Phất. Vì thế, đại chúng tham dự pháp hội, ai nấy đều được lợi ích Sanh Thiện (sanh trưởng điều lành).

Thiện được nói trong Phật môn cũng có tiêu chuẩn. Đời này thiện, đời sau bất thiện, đức Phật bảo [thiện kiểu ấy] chẳng phải là chân thiện, mà là bất thiện! Phải là đời này thiện, đời sau cũng thiện, đời sau nữa càng thiện hơn, đời đời kiếp kiếp đều thiện, đức Phật bảo đấy là thiện. Tiêu chuẩn thiện của Ngài là nhìn về sau, nhìn vào tương lai, hiện tại bất thiện, nhưng đời sau thiện, đời kế tiếp cũng thiện, đức Phật bảo đấy là thiện. Do vậy ta biết: Đức Phật chú trọng đời sau, chú trọng dài lâu, tuyệt đối chẳng chú trọng chuyện trước mắt, quang cảnh trước mắt vô cùng ngắn ngủi, tạm bợ, chẳng đáng nói tới.

 

(Sao) Tam, vị bất tín Tịnh Độ giả, tự bỉ bất như, chuyển kỳ tà chấp, thị Đối Trị Tất Đàn.

()三、為不信淨土者,自鄙不如,轉其邪執,是對治悉檀。

(Sao: Ba, vì kẻ chẳng tin Tịnh Độ, tự coi thường, nghĩ chính mình thua kém, nhằm chuyển biến tà chấp của họ, đấy là Đối Trị Tất Đàn).

Đối Trị nghĩa là chính kẻ đó có bệnh, nghĩ cách chữa trị cho kẻ ấy, thường gọi là “đối chứng hạ dược” (cho thuốc ứng với căn bệnh), dùng phương pháp này. Nói theo phương diện trí huệ, đại chúng chẳng có ai sánh bằng ngài Xá Lợi Phất. Ngài Xá Lợi Phất quay đầu, bỏ sạch các pháp môn Ngài đã tu học trước kia, từ nay trở đi niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, người khác bèn suy nghĩ: Trí huệ và thần thông của chúng ta đều chẳng bằng ngài Xá Lợi Phất, Ngài đã quay đầu, chúng ta còn chưa quay đầu ư? Ai nấy đều quay đầu! Quay đầu tuyệt diệu lắm, chẳng phải là quay đầu tu Đại Thừa, chẳng phải là tu pháp môn khác, mà là quay đầu tu pháp môn Niệm Phật vãng sanh, quay đầu tu pháp môn thành Phật trong một đời.

Xét đến ý nghĩa trong đoạn này, nói thật thà, những vị này đều diễn tuồng, đều là diễn viên biểu diễn cho chúng ta xem. Những vị này từ đâu tới? Toàn là từ Tây Phương Cực Lạc thế giới đến diễn một vở tuồng, biểu diễn cho chúng ta xem. Nếu chẳng phải từ Tây Phương Cực Lạc thế giới đến, làm sao có thể diễn hay như thế được? Diễn giống như thế được? Đúng là đại từ đại bi! Biểu diễn cho chúng ta xem! Tất cả hết thảy các pháp môn đã tu học trước đây đều là phương tiện của phương tiện, chưa rốt ráo! Trước đây quý vị chưa khai chánh huệ nhãn, thiện căn, phước đức, nhân duyên chưa chín muồi, nên giảng cho quý vị những tiểu pháp ấy, nay quý vị thiện căn, phước đức chín muồi, bèn giảng cho quý vị pháp viên mãn rốt ráo!

Trong các buổi giảng, nhìn thấy đại chúng tôi cũng rất cảm khái! Tôi giảng kinh tại Đài Loan, qua năm sau là ba mươi năm, trong ba mươi năm ấy tôi đã thấy khá nhiều khuôn mặt, những người thuộc mười năm, hai mươi năm trước chẳng còn nữa. Nay nhìn thấy quý vị có phước báo to hơn họ, vì sao? Mười năm, hai mươi năm trước tôi chưa chín muồi, tôi chẳng giảng hay như thế! Họ nghe đã chán chê rồi, họ chẳng nghe cho tới hiện thời. Người càng về sau càng có phước báo vượt trỗi người thuở trước. Người thuở trước tiếp tục nghe không ngừng, trong tâm hiểu rõ, những điều tôi giảng ở đây mỗi năm mỗi khác! Lại nói với quý vị, mỗi tháng khác nhau! Nay tôi nói với mọi người hoàn toàn là lời chân thật, bản thân tôi chẳng có chút hoài nghi nào! Tuy trong quá khứ cũng chẳng có hoài nghi, nhưng chưa thể khẳng định, hiện thời “chẳng hoài nghi” là hoàn toàn khẳng định! Trong quá khứ tôi chẳng dám nói, vỗ ngực: “Ta quyết định vãng sanh, ta là thượng phẩm thượng sanh”, không dám! Nay có thể vỗ ngực, bảo mọi người: “Tôi chẳng có vấn đề gì!”

Phải hiểu Đối Trị Tất Đàn là phải bỏ hết thảy chấp trước, chuyên tu Tịnh Độ, chuyên hoằng Tịnh Độ. Hiện thời trên cả thế giới, bất luận người ở nơi đâu thỉnh tôi giảng kinh, thỉnh giảng Tịnh Độ ngũ kinh nhất luận, tôi lập tức đáp ứng, thỉnh tôi giảng kinh khác, tôi nhất loạt không đáp ứng. Trong quá khứ đã giảng những bộ đại kinh, đại luận, nay tôi thảy đều không giảng, để cho người khác giảng, nhường cho họ giảng. Hiện thời, tôi quyết định chẳng xen tạp, vì sao? Tôi mong cầu thượng phẩm thượng sanh! Nhất định phải chuyên tu, chuyên hoằng, quyết định chẳng thể để tâm bị loạn.

 

(Sao) Tứ, vị linh tập tiểu pháp giả, hiệu kỳ hướng đại, cầu sanh Tịnh Độ, cứu cánh thành Phật, thị Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn.

()四、為令習小法者,效其向大,求生淨土,究竟成佛,是第一義悉檀。

(Sao: Bốn, vì khiến cho kẻ tu tập tiểu pháp sẽ noi theo mà hướng đến Đại Thừa, cầu sanh Tịnh Độ, rốt ráo thành Phật. Đó là Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn).

Điều thứ tư mới là rốt ráo viên mãn. Điều thứ tư là Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn, tức là “thành Phật”. Những người trong đoạn trên, một ngàn hai trăm năm mươi lăm vị, thoạt đầu theo Thích Ca Mâu Ni Phật học giáo pháp A Hàm, học Tiểu Thừa. Dần dần từ trong Tiểu Thừa, đức Phật chuyển biến họ, lại từ Tiểu hướng Đại, hồi Tiểu hướng Đại, đến giai đoạn thứ hai, đức Phật giảng kinh Phương Đẳng, khuyên họ hồi Tiểu hướng Đại, giảng Đại Thừa. Pháp môn trong Đại Thừa rộng lớn vô biên, có thể giúp quý vị thành Bồ Tát.

Bồ Tát có rất nhiều giai đoạn, y theo kinh Hoa Nghiêm, có năm mươi mốt cấp bậc Bồ Tát. Trong ấy, sai khác hết sức to lớn, nhưng đều chẳng bằng Phật! Pháp môn này chẳng phải là dạy làm Bồ Tát, mà là dạy làm Phật, còn cao hơn Bồ Tát một cấp, pháp này dạy quý vị làm Phật. Đúng như trong hội Pháp Hoa đã nói: “Duy hữu Nhất Thừa pháp, vô nhị, diệc vô tam, trừ Phật phương tiện thuyết” (chỉ có pháp Nhất Thừa, không hai, cũng không ba, trừ Phật phương tiện nói). Pháp Nhất Thừa là một Phật Thừa, Nhị Thừa là Đại Thừa và Tiểu Thừa, Tam Thừa là Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát. Không hai cũng không ba, chỉ có pháp Nhất Thừa! Hoa Nghiêm là pháp Nhất Thừa, Pháp Hoa là pháp Nhất Thừa, kinh này là Nhất Thừa của Nhất Thừa, liễu nghĩa của liễu nghĩa. Mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc, trở về bộ kinh này, là chỗ quy túc cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm, còn gì để nói nữa!

Vì thế, nói với ngài Xá Lợi Phất, Xá Lợi Phất hồi Tiểu hướng Đại, mọi người thấy Xá Lợi Phất như vậy, còn có ai chẳng muốn hồi Tiểu hướng Đại? Do vậy, giảng cho ngài Xá Lợi Phất, ý nghĩa này rất sâu, Ngài là gương mẫu của đại chúng, nêu gương cho đại chúng, độ Ngài sẽ độ hết thảy đại chúng, ý nghĩa ở chỗ này. Do đó, kinh này từ đầu tới cuối, đức Phật chẳng gọi người khác, mà bảo Xá Lợi Phất. Ngày hôm nay chúng ta giảng tới chỗ này!

 

 

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa

Quyển IV hết

 

[1] Trương Sĩ Thành (1321-1387) là một tướng lãnh nghĩa quân chống lại Mông Cổ sống vào cuối đời Nguyên, quê ở Câu Trường (nay là thành phố Đại Phong, tỉnh Giang Tô). Họ Trương vốn làm nghề gánh muối. Năm Chí Chánh (1353) cùng với các em là Trương Sĩ Nghĩa, Trương Sĩ Đức, Trương Sĩ Tín và Lý Bá Thăng kéo cờ khởi nghĩa, được dân chúng ủng hộ, chiếm được vùng Thái Châu, Hưng Hóa, Cao Bưu của tỉnh Giang Tô. Năm 1354, Trương Sĩ Thành xưng đế ở Cao Bưu, đặt quốc hiệu là Đại Châu, tự xưng là Thành Vương, lấy niên hiệu là Thiên Hựu. Tháng Chín năm ấy, Thái Sư kiêm Tả Thừa Tướng Thoát Thoát của nhà Nguyên dẫn binh tấn công Cao Bưu, đánh bại Trương Sĩ Thành. Trương Sĩ Thành đang lúc bó tay chịu chết thì Nguyên Thuận Đế nghe lời sàm tấu, tước đoạt binh quyền của Thoát Thoát, khiến Trương Sĩ Thành thừa dịp đánh bại quân Nguyên, chiếm đến Tô Châu. Một đối thủ quan trọng của Trương Sĩ Thành thuở ấy là Châu Nguyên Chương đã xưng đế ở Nam Kinh cũng tấn công Trương Sĩ Thành ráo riết. Trương Sĩ Thành phải xin xưng thần, nhưng Châu Nguyên Chương từ chối. Đến năm 1357, họ Trương phải chịu nhận tước phong nhà Nguyên. Tuy vậy, cuộc tranh giành quyền lực giữa Trương Sĩ Thành và Châu Nguyên Chương vẫn dằng dai mãi cho đến năm 1367 khi Tô Châu thất thủ, Trương Sĩ Thành bị họ Châu giải về Nam Kinh và bị xử tử hình.

[2] Tứ Phần Luật (Dharmagupta-vinaya), còn gọi là Đàm Vô Đức Luật Tạng là một bộ luật gồm sáu mươi quyển, do các vị Trúc Phật Niệm, Phật Đà Da Xá v.v… cùng dịch tại Trường An từ năm 410 đến 412 vào thời Diêu Tần. Đây là giới luật được truyền thừa theo truyền thống Pháp Tạng Bộ của Thượng Tọa Bộ tại Ấn Độ. Bộ luật này được chia thành bốn phần: 1. Luật tỳ-kheo 2. Luật tỳ-kheo-ni 3. Nói về những quy định thông thường trong sinh hoạt như Tự Tứ, quần áo, thuốc men, y Ca Thi Na v.v… 4. Những quy định về phòng ốc, điều bộ Tỳ Ni v.v… Theo truyền thống, bộ luật này được coi là do tôn giả Pháp Chánh (Dharmagupta, còn phiên âm là Đàm Vô Đức) hội tập từ giới bổn được lưu truyền trong Thượng Tọa Bộ. Sau khi bộ luật này được dịch sang tiếng Hán, vẫn chưa được phổ biến, mãi đến đời Bắc Ngụy Văn Đế, ngài Pháp Thông Luật Sư bắt đầu hoằng truyền, môn nhân là Đạo Phú viết sớ giải. Sau đấy, các vị Huệ Quang, Trí Thủ tiếp tục hoằng dương Tứ Phần Luật. Môn nhân của ngài Trí Thủ là Đạo Tuyên Luật Sư đã hệ thống hóa, biên tập, chú giải hoàn chỉnh Tứ Phần Luật, khiến cho Tứ Phần Luật có ảnh hưởng lớn nhất đối với Phật giáo Trung Hoa. Bộ Tứ Phần Luật Xan Phiền Bổ Khuyết Hành Sự Sao của ngài Đạo Tuyên là một tác phẩm trọng yếu để nghiên cứu Tứ Phần Luật.

[3] Châu Chỉ Am (1781-1839), tên thật là Châu Tế, tự là Bảo Tự và Giới Tồn, hiệu Vị Trai; về già lấy hiệu là Chỉ Am, người xứ Kinh Khê tỉnh Giang Tô (nay là huyện Tuyên Hưng). Ông đỗ Tiến Sĩ năm Gia Khánh thứ mười (1805), văn chương trác tuyệt, được coi là một nhà văn học nổi tiếng thời ấy. Ngoài tác phẩm Tâm Kinh Thuyên Chú, ông còn để lại những tác phẩm nổi tiếng như Giới Tồn Trai Luận Từ Tạp Trước, Phổ Lược, Tống Tứ Gia Từ Tuyển v.v…

[4] Đây là thói quen của Phật môn Trung Hoa, nhằm tỏ lòng tôn kính, ít khi gọi đủ pháp danh hay pháp hiệu mà chỉ gọi tên bằng chữ đầu (nếu đồng thời có nhiều vị cùng chữ thì gọi bằng chữ thứ hai trong pháp danh), chẳng hạn tổ Huệ Viễn được gọi là Viễn Công, tổ Ấn Quang được gọi là Ấn Công hay Ấn Tổ, hòa thượng Khai Như núi Phổ Đà được gọi là Khai Công, pháp sư Đế Nhàn được gọi là Đế Công v.v…

[5] Linh Chi Nguyên Chiếu (1048-1116) là người Dư Hàng (nay là Dư Huyện tỉnh Chiết Giang), họ Đường, tự Trạm Nhiên, hiệu An Nhẫn Tử. Xuất gia từ nhỏ, mười tám tuổi đã được thọ Cụ Túc Giới, học giáo nghĩa Thiên Thai với ngài Thần Ngộ Xử Khiêm, nhưng dốc chí nơi giới luật. Về sau, Sư lễ ngài Quảng Từ xin thọ Bồ Tát Giới, nối pháp Nam Sơn Chánh Truyền. Trong niên hiệu Nguyên Phong (1078-1085), Sư trụ trì chùa Chiêu Khánh, hoằng truyền giới luật, về già, dời sang chùa Linh Chi, ở đó suốt ba mươi năm, cõi đời gọi ngài là Linh Chi Tôn Giả. Khi mất, được vua ban thụy hiệu Đại Trí Luật Sư. Những tác phẩm chủ yếu của Ngài là Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ, Tứ Phần Luật Hành Sự Sao Tư Trì Ký (chú giải bộ Hành Sự Sao của tổ Đạo Tuyên).

[6] Mi chú: Ghi chú ở trên đầu mỗi câu hay mỗi đoạn của chánh kinh.

[7] Ngài Cưu Ma La Thập có bốn đại đệ tử là Đạo Sanh, Tăng Triệu, Đạo Dung, và Tăng Duệ.

[8] Từ ngữ “tam giáo cửu lưu” hay gọi tắt là “cửu lưu” phiếm chỉ các tông phái học thuật và tôn giáo của xã hội Trung Quốc thời cổ. Thoạt đầu, cửu lưu gồm:

  1. Nho gia.
  2. Đạo gia.
  3. Âm Dương gia: Chuyên nghiên cứu Âm Dương, Ngũ Hành, đại biểu xuất sắc của học thuyết này là Trâu Diễn, Đổng Trọng Thư. Âm Dương Gia thịnh hành nhất vào thời Ngụy – Tấn, đến đời Đông Hán, kết hợp với tư tưởng Đạo gia trở thành Hoàng Lão Học Phái.
  4. Pháp gia: Chuyên đề xướng quân chủ tập trung, trị dân bằng pháp luật nghiêm ngặt, không từ thủ đoạn chính trị nào, nên còn gọi là Bá Đạo. Các nhân vật tiêu biểu của phái này gồm Thương Ưởng, Quản Tử, Tử Sản, Hàn Phi, Lý Tư, Thân Bất Hại, Thận Đáo…
  5. Danh gia: Chuyên biện định Danh và Thực, nặng về lý luận, nhiều khi trở thành ngụy biện như Công Tôn Long chủ trương “ngựa trắng không phải là ngựa, đá cứng không phải là đá”. Các đại biểu chủ yếu của phái này là Công Tôn Long, Doãn Văn, Đặng Tích, Huệ Thi v.v…
  6. Mặc gia: Những người theo thuyết Kiêm Ái của Mặc Địch.
  7. Tung Hoành gia: Chủ trương liên kết hay chia rẽ các quốc gia để đạt được mục tiêu chính trị, các nhân vật tiêu biểu là Tô Tần, Trương Nghi, Cam Mậu, Nhạc Nghị, Phạm Chuy, Mao Toại v.v…
  8. Tạp gia: Không chuyên một đường lối nào.

9: Nông gia: Chủ trương phát triển, nghiên cứu nông nghiệp.

Từ cách hiểu ban đầu này, về sau phát triển thành ba loại cửu lưu, nhằm phân loại các nghề nghiệp trong xã hội:

  1. Thượng cửu lưu: như đế vương, thánh hiền, văn nhân, vũ sĩ, nông dân, thợ thuyền, thương nhân.
  2. Trung cửu lưu: học trò, thầy thuốc, thầy bói, họa sĩ, người chép thuê, tăng, ni, đạo sĩ.
  3. Hạ cửu lưu: sư gia (người hầu ghi chép án từ hoặc cố vấn, tham mưu cho quan lại), sai nha, bà mối, đầy tớ sai vặt, trộm cắp, kỹ nữ v.v…

[9] Tô Đông Pha tên thật là Tô Tuân, em trai là Tô Triệt (còn gọi là Tô Tử Do, hay Dĩnh Tân Di Lão) và Tô Tiểu Muội đều nổi tiếng về văn tài.

[10] Hậu Ngụy là từ ngữ gọi chung các triều đại mang hiệu Ngụy (như Đông Ngụy, Bắc Ngụy, Tây Ngụy) sau nhà Tào Ngụy (do Tào Phi sáng lập). Ngài Đàm Loan sanh năm 476 nhằm năm đầu niên hiệu Thừa Minh đời Hiếu Văn Đế nhà Bắc Ngụy (còn gọi là Nguyên Ngụy, do Thác Bạt Khuể sáng lập), viên tịch năm Hưng Hòa thứ tư (542) đời Hiếu Tĩnh Đế nhà Đông Ngụy (do Nguyên Thiện Kiến chắt của Ngụy Hiếu Văn Đế sáng lập dưới sự ủng hộ của Cao Hoan).

[11] Ở đây, nguyên văn ghi lầm thành “Diệu Trung Sao”, có lẽ do người ghi lại văn tự đã nghe lầm chữ Tông thành Trung vì trong tiếng Quan Thoại hai chữ này đọc hơi giống nhau.

[12] Kỳ Hoàng là gọi tắt của Kỳ Bá và Hoàng Đế, hai người được coi là tổ của y học Trung Quốc. Do đó, “nghiệp Kỳ Hoàng” là học nghề thuốc, hành y.

[13] Đến đây là đã giảng xong quyển một của bộ A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa, bắt đầu bước vào quyển thứ hai.

[14] Phật Địa Luận (Buddhabhūmi-sūtra-shāstra) có tên gọi đầy đủ là Phật Địa Kinh Luận, là một bộ luận do ngài Thân Quang Bồ Tát (Bandhuprabha) viết, được ngài Huyền Trang dịch sang tiếng Hán thành bảy quyển. Luận này nhằm giải thích Phật Địa Kinh, nội dung hết sức phong phú, giải thích ý nghĩa kinh và những khái niệm thanh tịnh pháp giới, Đại Viên Kính Trí, Bình Đẳng Tánh Trí, Nhiếp Đại Giác Trí v.v…

[15] Quang Âm Thiên còn gọi là A Ba Hội Đề Bà, A Ba Hội Thiên, A Hội Hằng Tu Thiên, A Ba Hỗ Tu Thiên, A Ba La Thiên v.v… hoặc dịch nghĩa là Quang Ấm Thiên, Thủy Vô Lượng Thiên, Vô Lượng Thủy Thiên, Cực Quang Tịnh Thiên, Cực Quang Thiên, Quang Tịnh Thiên, Biến Thắng Quang Thiên, Hoảng Dục Thiên, Quang Diệu Thiên. Đây là tầng trời thứ ba trong Nhị Thiền Thiên. Trong tầng trời ấy không có âm thanh, quang minh do định tâm luôn tỏa ra, dùng quang minh để diễn đạt ý tưởng nên gọi là Quang Âm Thiên. Tuổi thọ của chư thiên trong tầng trời này là tám đại kiếp, lấy Thiền Duyệt làm thức ăn, sắc thân tối thắng, sống yên vui, trọn đủ thần thông.

[16] Lục Kinh là sáu bộ kinh điển chính yếu của Nho gia bao gồm Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch và Xuân Thu. Nhạc Kinh đã thất truyền, có lẽ do bị Tần Thủy Hoàng thiêu hủy.

[17] Văn Thành Công Chúa (623-580) là cháu gái Đường Thái Tông, được hoàng đế nhà Đường gả cho vua Songstan Gampo (605-650) của Tây Tạng thuộc vương triều Yarlung (sử Hán thường gọi là vương quốc Thổ Phồn) nhằm xoa dịu sự quấy phá, tấn công liên tục của họ. Theo sử liệu Tây Tạng, công chúa Văn Thành đã đem Phật giáo vào Tây Tạng. Cùng với sự giúp đỡ của công chúa Bhrikuti (Xích Tôn Công Chúa) xứ Nepal, công chúa Văn Thành thành công trong việc lôi kéo vua Songtsan Gampo tin theo đạo Phật và dân Tây Tạng chuyển từ tín ngưỡng đạo Bon sang Phật giáo, mở đường cho Liên Hoa Sinh đại sĩ (Padmasambhava) truyền Mật Tông vào Tây Tạng sau này. Người Tây Tạng gọi công chúa Văn Thành là rGya MobZa (người con gái đất Hán) hoặc Mun Chang Kung Co. Ngôi chùa Jokhang (Đại Chiêu Tự) được coi là nơi thờ bức tượng Phật do công chúa Văn Thành đem từ Trung Hoa sang Tây Tạng. Người Tây Tạng tin vua Songtsan Gampo là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát, còn Xích Tôn công chúa là hóa thân của Lục Độ Mẫu (Green Tara), Văn Thành Công Chúa là hóa thân của Bạch Độ Mẫu (White Tara). Tara lại là một vị Bồ Tát do Quán Thế Âm Bồ Tát hóa thân, có đến hai mươi mốt hóa thân khác nhau; trong đó ba thân Lục Độ Mẫu, Bạch Độ Mẫu và Xích Độ Mẫu được tôn thờ nhiều nhất.

[18] Tài Thần Kinh có hai cách hiểu:

  1. Tài Thần Kinh là Huyền Đàn Nguyên Soái Kinh của Đạo Giáo. Vị thần Kim Long Như Ý Chánh Nhất Long Hổ Huyền Đàn Chân Quân (tục danh Triệu Công Minh, gọi tắt là Huyền Đàn Nguyên Soái) này được tin là chủ về phú quý tài sản, chưởng thiện, phạt ác, quản trị phước lộc trong nhân gian. Huyền Đàn Nguyên Soái thường được tạc tượng mặt đen, rậm râu, đầu đội mão sắt, cưỡi hổ đen, tay cầm roi sắt, nên còn gọi là Hắc Hổ Huyền Đàn. Đạo Giáo còn phân định: Văn Tài Thần là Phạm Lãi, Võ Tài Thần là Triệu Công Minh.
  2. Tài Thần Kinh là nghi quỹ Mật Tông Tây Tạng dạy về pháp tu quán tưởng thần Câu Tỳ La (Kubera, Kuvera). Câu Tỳ La chính là Bắc Phương thiên vương Tỳ Sa Môn (Vaiśravana), tuy có thuyết nói Câu Tỳ La là con trai của Tỳ Sa Môn thiên vương. Trong truyền thống Tây Tạng, Tài Thần Câu Tỳ La được gọi là Jambala (hay Dzambala), thường được tạc tượng lùn, mập, bụng phệ (tượng trưng cho sự giàu có và hoan hỷ), tay cầm một con chồn mongoose (một loại chồn chuyên ăn rắn độc tại Ấn Độ) nhả ra tiền vàng hay châu ngọc. Mật Tông Tây Tạng nói có năm vị Jambala có màu sắc khác nhau: trắng, đen, đỏ, xanh lục và vàng, nhưng thường được thờ và cầu nguyện nhiều nhất là Hoàng Tài Thần, tức Jambala sắc vàng. Mỗi vị có chân ngôn và nghi quỹ riêng. Năm vị Tài Thần này được coi là hóa thân của các vị Phật hay Bồ Tát khác nhau, chẳng hạn Hoàng Tài Thần là hóa thân của Bảo Sanh Như Lai (Ratnasambhava), vị này thân màu vàng, ngồi trên hoa sen, tay cầm ngọc như ý và chồn mongoose. Bạch Tài Thần sắc trắng, hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát, cưỡi sư tử tuyết hoặc rồng, tay cầm quyền trượng và con chồn mongoose. Hắc Tài Thần là hóa thân của Bất Động Phật (Akshobhaya), thường đứng trên xác chết đặt trên tòa sen, tay cầm chén Kapala và chồn Mongoose v.v…

Do Lô Thắng Ngạn pha trộn lung tung Đạo Giáo và Mật Tông nên rất có thể ông ta giảng Tài Thần Kinh theo cả hai kiểu.

[19] Lô Thắng Ngạn là giáo chủ tà phái Chân Phật Tông của Đài Loan. Ông ta sanh năm 1945, quê ở Gia Nghĩa (Đài Loan), thuở nhỏ theo đạo Tin Lành, từng tốt nghiệp kỹ sư khảo sát từ đại học Trung Chánh, chuyên dạy Kinh Thánh vào Chủ Nhật mỗi tuần. Đột nhiên, năm 1969, ông ta tuyên bố được Diêu Trì Kim Mẫu khai Thiên Nhãn Thông và hai mươi vị đạo sư của Đạo Giáo, Hiển Giáo và Mật Giáo Tây Tạng thị hiện, khải thị nên theo Phật giáo, học Phong Thủy với Liễu Minh Hòa Thượng, quy y với ngài Ấn Thuận để học Thiền, và bắt đầu khai đạo, thành lập tông phái Linh Tiên Tông. Giáo nghĩa của ông ta pha trộn lung tung những niềm tin dân gian, tín ngưỡng Đạo Giáo, vay mượn và xuyên tạc Mật Tông Phật giáo, nhất là Mật Tông Tây Tạng. Ông ta tuyên bố từng được “điểm đạo” bởi các vị lạt-ma nổi tiếng của Tây Tạng như Karmapa đời thứ mười sáu, Rangjung Rigpe Rinpoche, Tai Situ Rinpoche, nhưng các lạt-ma Tây Tạng không công nhận điều này! Ông ta tự tuyên bố mình là hóa thân của một vị Bồ Tát tên Padmakumara (Liên Hoa Đồng Tử), vị này chính là hóa thân của A Di Đà Phật (sic!), nên thường tự xưng là Liên Hoa Hoạt Phật. Năm 1982, ông ta dẫn vợ con sang Mỹ, định cư tại Seattle và đổi tên đạo của mình thành Linh Tiên Chân Phật Tông; về sau chỉ còn gọi là Chân Phật Tông. Ông ta lại xin quy y với thượng sư Thổ Đăng Đạt Cát của Hoàng Giáo Tây Tạng (chi phái Mông Cổ) tại Hương Cảng để tăng uy thế. Năm 1986, ông ta chính thức xuống tóc xuất gia tại chùa Lôi Tạng sáng lập tại Seattle, nhưng vẫn sống với vợ con, hưởng thụ mọi lạc thú trần tục, thậm chí tín đồ không cần kiêng rượu thịt. Vợ ông ta là Liêu Lệ Hương tự xưng là Liên Hương Thượng Sư và nắm quyền chỉ đạo pháp vụ trong Chân Phật Tông. Năm 1996, sau khi xin được tiếp kiến Đạt Lai Lạt Ma và sư trưởng Ganden Tri Rinpoche (trưởng dòng tu Gelugpa, tức dòng tu của Đạt Lai Lạt Ma), Lô Thắng Ngạn tuyên bố ông ta được hai vị này công nhận ông ta là lạt-ma cao cấp của Tây Tạng và có toàn quyền xử lý sự vụ của tín đồ Phật giáo Tây Tạng tại Đài Loan, nhưng văn phòng chính phủ Tây Tạng phản bác tuyên bố này. Ngày 24 tháng Mười năm 2007, bảy đại đoàn thể Phật giáo Trung Hoa tại Mã Lai (Tổng hội Phật giáo Mã Lai, Hội Thanh Niên Phật Giáo Mã Lai, Hội Phật giáo Hoằng Pháp Mã Lai, Tích Lan Phật Giáo Tinh Tấn Hội, Phật Quang Sơn, Phật Giáo Từ Tế Công Đức Hội, Tổng Hội Kim Cang Thừa Mã Lai) cùng một số tổ chức Phật giáo tại Đài Loan và Hương Cảng đã cùng tuyên cáo Chân Phật Tông là ngoại đạo dựa hơi Phật giáo. Hai vị Ấn Thuận và lạt-ma Thổ Đăng Đạt Cát đều tuyên bố minh bạch họ không có quan hệ sư thừa với họ Lô.

[20] Cổ Văn Quán Chỉ là tuyển tập các bài cổ văn được coi là tuyệt diệu nhất trong nền văn học Trung Hoa. Tác phẩm này do chú cháu Ngô Sở Tài và Ngô Điều Hầu biên soạn vào năm Khang Hy 34 (1694). Tác phẩm này chọn lựa hai trăm hai mươi bài văn viết theo lối Văn Ngôn từ thời Tiên Tần đến giữa đời Minh. Chữ Cổ Văn do Hàn Dũ đề xướng nhằm phân biệt với Kim Văn (tức Biền Văn). Chữ Quán Chỉ xuất phát từ Tả Truyện, theo đó công tử Quý Trát của nước Ngô đi sứ nước Lỗ, nghe tấu nhạc Thiều đã thốt lên: “Quán chỉ hĩ! Nhược hữu tha nhạc, ngô bất cảm thính dĩ”. Câu này được các nhà chú giải đời sau giảng: Nhạc Thiều là đỉnh cao tột nhất của âm nhạc. Đã được thưởng thức nhạc Thiều rồi, không còn muốn nghe bất cứ thứ âm nhạc nào khác nữa. Do vậy, chữ Quán Chỉ được dùng để chỉ những gì tuyệt tác, hay nhất, tốt đẹp nhất.

[21] Ngự Phê Thông Giám Tập Lãm, gọi tắt là Thông Giám Tập Lãm, gồm một trăm mười sáu quyển, được biên soạn vào năm Càn Long 32 (1767) bởi nhóm Phó Hằng, Doãn Kế Thiện, Lưu Thống Huân, A Lý Cổn, Lưu Luân, Vu Mẫn Trung v.v… theo lệnh của hoàng đế Càn Long. Thật ra, bộ sách này là bản tổng hợp hai bộ sách Ngự Phê Tư Trị Thông Giám Cương Mục thời Khang Hy và bộ Lịch Đại Thông Giám Toản Yếu do Lý Trần Dương biên soạn dưới đời Minh. Nội dung bao gồm các sự kiện lịch sử từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế đến đời Minh, kèm thêm các nhận định, giải thích, điển cố, khảo chứng. Trong sách này cũng thâu thập hơn ba trăm lời nhận định của Càn Long.

[22] Ngũ Chủng Di Quy là sách giáo khoa về đức dục do Trần Hoằng Mưu biên soạn, nội dung bao gồm những chủ đề như dưỡng tánh, tu thân, trị gia, làm quan, xử thế, giáo dục. Do sách gồm có năm phần chính nên gọi là Ngũ Chủng Di Quy, tức là Dưỡng Chánh Di Quy, Giáo Nữ Di Quy, Huấn Tục Di Quy, Tùng Chánh Di Quy, Tại Quan Pháp Giới Lục (sách răn mình của kẻ đang làm quan). Các phần này được biên soạn dựa trên giáo huấn của tiền nhân, và hoàn thành vào nhiều thời điểm khác nhau, chỉ được in chung lại thành Ngũ Chủng Di Quy vào năm Càn Long thứ tám (1743).

[23] Pháp sư Thiên Ất (1924-1980) là một tỳ-kheo-ni nổi tiếng của Đài Loan, tục danh Hồng Kim Châu, sanh tại Cao Hùng, Đài Loan, tốt nghiệp Văn Khoa trường đại học Chiêu Hòa (Showa), Đông Kinh vào năm 1944. Năm 1948, xin xuất gia với ngài Viên Dung chùa Đông Sơn ở Bình Đông, được ban pháp danh Ấn Nghi, hiệu Thiên Ất, thọ Cụ Túc Giới năm 1953 tại chùa Đại Tiên (tại Quan Tử Lãnh), được chọn làm Thủ Sa Di Ni trong giới đàn ấy. Sau đấy, Sư lên Đài Bắc y chỉ pháp sư Từ Hàng, học lớp nghiên cứu Phật học tại chùa Tịnh Tu. Sư cũng theo học với ngài Bạch Thánh. Sư trước sau nhiều lượt làm Dẫn Tán Sư trong Tam Đàn Đại Giới, đảm nhiệm Trụ Trì chùa Tử Vân, Hưng Long, Viên Thông Học Uyển, tham dự diễn giảng Phật pháp nhiều nơi, từng giảng Tứ Phần Tỳ Kheo Ni Giới Bổn ít nhất ba lần. Sư được ngài Bạch Thánh phó pháp dòng Lâm Tế đời thứ 42, pháp danh Định Giác vào năm 1961. Năm 1970, Sư được thỉnh làm Đắc Giới Hòa Thượng cho Ni chúng tại chùa Viên Sơn Lâm Tế khi mới 47 tuổi. Sư lại được thỉnh làm Đắc Giới Hòa Thượng vào năm 1976 trong giới đàn Long Hồ Am ở Đại Cang Sơn, tuyên giảng hai bộ Tỳ Kheo Ni Giới Bổn và Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu. Sư viên tịch tại Đài Bắc vào ngày Mười Bốn tháng Ba năm 1980.

[24] Theo luận Câu Xá, Tứ Thiền Thiên gồm tám tầng trời: Vô Vân Thiên (Anabhraka), Phước Sanh Thiên (Punya-prasava), Quảng Quả Thiên (Brhat-phala), Vô Phiền Thiên (Avrha), Vô Nhiệt Thiên (Atapa), Thiện Hiện Thiên (Sudrsha), Thiện Kiến Thiên (Sudarshana), Sắc Cứu Cánh Thiên (Akanistha). Nếu tính thêm một tầng trời ngoại đạo là Vô Tưởng Thiên (Asamjñisattvāh), sẽ thành chín tầng. Tịnh Cư Thiên nằm trong Tứ Thiền Thiên, bao gồm các tầng trời Vô Phiền, Vô Nhiệt, Thiện Kiến, Thiện Hiện và Sắc Cứu Cánh Thiên. Hòa Thượng nói “loại thứ năm” ngụ ý thánh chúng sống trong năm tầng trời chẳng phải là phàm phu (chư thiên thông thường), chứ không phải là ngoài bốn tầng Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền còn có một tầng thứ năm.

[25] Số Luận là một trường phái triết học cổ Ấn Độ, trong kinh thường gọi họ là Ca Tỳ La ngoại đạo, hoặc Vũ Chúng ngoại đạo, hay Vũ Tế ngoại đạo. Khác với Lục Sư ngoại đạo hoàn toàn chống đối Bà La Môn giáo, Số Luận có nhiều điểm tương đồng và thậm chí vay mượn một số luận điểm của Bà La Môn giáo. Theo truyền thuyết, phái này do tiên nhân Ca Tỳ La (Kapila) sáng nhập. Số Luận quan niệm vũ trụ do hai yếu tố lớn tạo thành: Bổ Lô Sa (Purusha: tinh thần tối cao) và nguyên chất (Prakriti: vật chất nguyên sơ). Khác với Nhị Nguyên Luận của Tây Phương, Số Luận quan niệm vật chất và tinh thần hòa lẫn vào nhau. Bổ Lô Sa còn tách ra vô số những đơn vị tinh thần độc lập gọi Jiva. Nguyên chất lại do ba yếu tố cấu thành: Sattva (hỷ), rajas (ưu), và tamas (tối tăm). Thoạt đầu, Số Luận không thừa nhận có một đấng sáng tạo do lập luận: “Một Thượng Đế bất biến sẽ không thể là cội nguồn của một thế giới luôn thay đổi”. Sau này, do pha trộn với Yoga và các phái triết học khác, Số Luận cũng thừa nhận có thần Ishavar là đấng sáng tạo.

Du Già nói ở đây chính là trường phái Yoga sáng lập bởi Phách Thản Già Lợi (Pantajali, sống vào khoảng thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên). Pantajali đã hệ thống hóa, hoàn chỉnh học thuyết lý luận của Yoga; trường phái của Pantajali được gọi là Thắng Vương Du Già (Raja Yoga) nhằm phân biệt với những trường phái chỉ chú trọng tập luyện cơ thể hơn quan tâm đến triết học. Mục tiêu Thiền Định của Yoga là hợp nhất Tiểu Ngã của mỗi cá nhân với Đại Ngã của Phạm Thiên. Các tác phẩm của Pantajali đã được hệ thống hóa thành Du Già Bát Phần Pháp (Ashtanga Yoga) và được coi như là cơ sở lý luận chính yếu của các trường phái Yoga khác như Cáp Đạt Du Già (Hatha Yoga), Trí Huệ Du Già (Jhana Yoga), Chí Thiện Du Già (Bhakti Yoga), Hành Động Du Già (Karma Yoga), Âm Thanh Du Già (Mantra Yoga), Mật Truyền Du Già (Tantra Yoga) v.v…

[26] Ở đây, Hòa Thượng dùng chữ “hội đường” thay vì “hội trường” nhằm nhấn mạnh đến toàn thể kiến trúc được dùng vào việc nhóm họp của tăng chúng (tụng niệm công khóa hằng ngày, tác bạch, yết ma, tấn sơn, nghị sự, truyền giới v.v…) vì trong các đại tùng lâm, chánh điện được xây tách biệt, không xây chung với giảng đường, tổ đường như trong các chùa hiện thời, chứ “hội trường” thì có thể là một phần của công trình, hoặc có thể trưng dụng vào những mục đích khác.

[27] Ở đây, hòa thượng nói theo cách giải thích Danh Số Ấn Độ trong Phiên Dịch Danh Nghĩa Đại Tập. Theo sách ấy, mười con số lớn trong cách tính toán của cổ Ấn Độ là: 1) A Tăng Kỳ, 2) Vô Lượng, 3) Vô Biên, 4) Vô Tăng (Aparimita), 5) Xuất Biên (Aparimāva), 6) Vô Tỷ (Atulya), 7) Bất Khả Tỷ (Amāpya), 8) Bất Khả Tư Nghị (Acintya), 9) Bất Khả Thuyết (Anabhilāpya), 10) Bất Khả Thuyết Bất Khả Thuyết (Anabhilāpyabhilāpya). Phẩm A Tăng Kỳ của kinh Hoa Nghiêm dịch những tên gọi này hơi khác và từ A Tăng Kỳ đến số cuối cùng có nhiều hơn nữa (gồm hai mươi con số): A Tăng Kỳ, A Tăng Kỳ Chuyển, Vô Lượng, Vô Lượng Chuyển, Vô Biên, Vô Biên Chuyển, Vô Đẳng, Vô Đẳng Chuyển, Bất Khả Số, Bất Khả Số Chuyển, Bất Khả Xưng, Bất Khả Xưng Chuyển, Bất Tư Nghị, Bất Tư Nghị Chuyển, Bất Khả Lượng, Bất Khả Lượng Chuyển, Bất Khả Thuyết, Bất Khả Thuyết Chuyển, Bất Khả Thuyết Bất Khả Thuyết, Bất Khả Thuyết Bất Khả Thuyết Chuyển.

[28] Đây là sách in theo lối cổ. Người ta in toàn bộ cuốn sách thành nhiều trang trên một tờ giấy dài, chỉ in một mặt, khi in xong, xếp sách sao cho mặt không có chữ bị ép vào nhau, rồi dùng chỉ khâu gáy những trang ấy lại, đóng bìa.

[29] Tạp Tâm Luận là tên gọi tắt của bộ Tạp A Tỳ Đàm Tâm Luận, mười quyển, do tôn giả Pháp Cứu soạn. Ngài Tăng Già Bạt Ma xứ Nam Thiên Trúc dịch sang tiếng Hán vào năm Nguyên Gia 12 (435) đời Lưu Tống. Trước đó, luận này đã được dịch hai lần:

  1. Pháp Hiển và Giác Hiền cùng dịch vào cuối niên hiệu Nghĩa Hy (417-418) đời An Đế nhà Đông Tấn.
  2. Ngài Y Diệp Ba La dịch chín quyển rưỡi vào năm Nguyên Gia thứ ba (426) đời Đông Tấn, sau đó Tam Tạng Cầu Na Bạt Ma dịch tiếp phần còn lại vào năm Nguyên Gia thứ tám.

Hai bản này đều đã thất truyền. Luận này nhằm mục đích giảng rộng những phần luận về tâm trong bộ A Tỳ Đàm Tâm Luận của ngài Pháp Thắng, tham khảo rất nhiều phần trong Đại Tỳ Bà Sa Luận để bổ sung những chỗ giản lược trong tác phẩm của ngài Pháp Thắng.

[30] “Mặc đẩu” (墨斗) theo tương truyền là một phát minh của Lỗ Ban (tổ nghề mộc), gồm một hộp tròn, có chứa mực và một sợi dây đẫm mực, quấn quanh một trục quay đặt trong hộp, để có thể kéo dài hay rút gọn theo ý muốn. Dụng cụ này được thợ mộc dùng để đánh dấu vết cưa, cắt, đục v.v…

[31] Sách Trang Tử được gọi là Nam Hoa Kinh hay Nam Hoa Chân Kinh vì các vua cuối nhà Đường mê thích thần tiên, ưa luyện đan, tu Đạo Giáo. Đường Huyền Tông đã tôn xưng bốn vị triết gia thời cổ là Tứ Đại Chân Nhân, và đặt pháp hiệu cho họ. Trang Châu được tôn là Nam Hoa Chân Nhân, Liệt Ngự Khấu là Xung Hư Chân Nhân, Văn Tử (tương truyền là đệ tử đắc ý của Lão Tử) là Thông Huyền Chân Nhân, và Canh Tang Sở (một nhân vật do Trang Châu bịa ra trong sách Trang Tử, nhưng Đường Huyền Tông vẫn tin Canh Tang Sở là nhân vật có thật) là Động Linh Chân Nhân. Vì thế, sách Trang Tử được Đạo Giáo gọi là Nam Hoa Kinh, sách Liệt Tử (do Liệt Ngự Khấu viết) được gọi là Xung Hư Kinh.

[32] Hội Ý là một trong cách sáng tạo chữ Hán thời cổ, thường là ghép hai chữ đơn độc để tạo thành một chữ mới. Chẳng hạn chữ Tửu (酒: rượu) là do chữ Dậu (酉: cái bình sành để ủ rượu) và chữ Thủy (水) hợp thành. Chữ Hảo (好) do Nữ (女) và Tử (子) ghép lại, hàm ý, người đàn bà có con là chuyện tốt đẹp.

[33] Châu Công, tên thật là Cơ Đán, con trai thứ tư của Cơ Xương (Châu Văn Vương), em trai của Bá Ấp Khảo (bị Trụ Vương giết), Cơ Phát và Quản Thúc Tiên, nên còn gọi là Thúc Đán, hoặc ghép thành Châu Công Đán, hoặc Lỗ Châu Công (do được phong đất ở nước Lỗ). Khi Cơ Phát (Châu Vũ Vương) hưng binh diệt Trụ, Cơ Đán làm quan, giúp anh ổn định triều chánh, phát triển quân đội nhà Châu. Khi Châu Vũ Vương bệnh nặng, Cơ Đán đã lập đàn tế trời, xin chết thay anh. Khi Cơ Phát sắp mất, đã ủy thác Cơ Đán phụ chánh phò tá thái tử Cơ Tụng (Châu Thành Vương) còn nhỏ lên ngôi vua. Ông đã giúp vua dẹp tan nội loạn (do ba người em là Quản Thúc Độ, Hoắc Thúc Xử và Sái Thúc Tiên dấy loạn, toan giúp Vũ Canh khôi phục nhà Thương). Ông định ra năm bậc quan chế: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam, lập đẳng cấp trong xã hội, phong đất cho những công thần như phong đất Tề cho Khương Tử Nha, lập ra quy định cha chết truyền ngôi cho con trưởng để tránh tranh giành quyền lực, quy định lễ nhạc như tang phục, ngũ lễ, tam tòng, tứ đức v.v… Khi Thành Vương đã lớn, ông trao lại quyền hành, viết những bức thư cảnh tỉnh Thành Vương khi vua nghe lời gièm pha nghi ngờ lòng trung của ông. Hậu thế tôn xưng ông bằng nhiều danh hiệu; đời Tống Chân Tông đã truy tặng ông là Văn Hiến Vương, đời sau gọi ông bằng danh hiệu Nguyên Thánh.

[34] Đây là quan điểm của Nhật Liên (Nichiren, sáng tổ phái Nhật Liên Tông, tức Tân Pháp Hoa Tông). Nhật Liên tự xưng mình là Thượng Hạnh Bồ Tát tái lai để giảng dạy chính xác kinh Pháp Hoa, và coi quan điểm của tông Thiên Thai của Trí Giả đại sư chỉ là pháp quyền biến thị hiện, giáo pháp của ông ta mới là chân chánh hiểu đúng chân nghĩa của kinh Pháp Hoa. Ông ta còn kịch liệt chủ trương đả phá các tông phái khác, tuyên giảng chỉ có Nhật Liên Tông của ông ta mới là chánh pháp chân truyền, đặc biệt đả kích Thiền, Tịnh Độ và Mật Tông. Ông ta chủ trương niệm đề kinh Pháp Hoa gọi là Daimoku (đề mục), không thờ Phật mà thờ Gohonzon (御本尊: Ngự bổn tôn), tức Nam-mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh ở chính giữa, chung quanh đề các danh hiệu các vị Phật, Bồ Tát được nhắc tới trong kinh Pháp Hoa (trừ A Di Đà Phật vì ông ta đả kích Tịnh Độ), và Tứ Thiên Vương. Điều đặc biệt là tuy đả kích Mật Tông thậm tệ, trong Gohonzon vẫn ghi tên hai vị Minh Vương quan trọng trong Mật Tông là Ái Nhiễm Minh Vương và Bất Động Minh Vương. Quan điểm của Nhật Liên về các tông phái khác được người Nhật gọi là “Shika no kakugen” (四箇の格言: Tứ Cá Cách Ngôn) như sau: “Niệm Phật vô gián, Thiền thiên ma, Chân Ngôn vong quốc, Luật quốc tặc”. Theo cách giải thích của Sáng Giá Học Hội (Soka Gakkai, đoàn thể Nhật Liên Tông tại gia lớn nhất của Nhật), điều đó có nghĩa là: “Niệm Phật sẽ đọa địa ngục vô gián, Thiền là sáng chế của các thiên ma, Chân Ngôn tông phá hủy đất nước, Giới Luật là kẻ phản bội quốc gia”.

[35] “Thiền hòa tử” là tiếng gọi chung những người tham Thiền, “hòa tử” mang ý nghĩa đồng tham đạo hữu, cùng nhau tu tập thân ái.

[36] Công Dương Truyện do Công Dương Cao, người nước Tề, biên soạn. Ông này là một đệ tử của Tử Hạ. Tử Hạ là một đệ tử trứ danh của Khổng Tử, có tên thật là Bốc Thương, quê ở Ôn Ấp, nước Tấn. Tử Hạ được xếp vào Thập Triết, tức mười đại học giả của Khổng Giáo. Thông thường, người ta coi Công Dương Truyện là những ghi chép của Công Dương Cao đối với lời dạy của Tử Hạ về kinh Xuân Thu.

Cốc Lương Truyện do Cốc Lương Tử, ông này cũng ghi chép những lời dạy của Tử Hạ về kinh Xuân Thu mà viết thành sách này. Nhận định về ba tác phẩm chú giải này, Trịnh Huyền nhận xét: “Tả Thị giỏi về Lễ, Công Dương giỏi về Sấm (dự đoán), Cốc Lương giỏi về Kinh”. Phạm Ninh cho rằng Tả Truyện phong phú nhưng có khuyết điểm chứa nhiều chuyện huyền hoặc, Cốc Lương Truyện trong sáng nhưng quá ngắn gọn, còn Công Dương Truyện có quá nhiều biện luận, phán đoán, và cách hành văn quá thông tục, thiếu tao nhã.

[37] Kinh Duy Ma (Vimalakīrti Nirdeśa Sūtra), còn gọi là Bất Tư Nghị Giải Thoát Kinh, tường thuật cuộc thảo luận pháp môn Bất Nhị giữa cư sĩ Duy Ma với các vị Thanh Văn và đại Bồ Tát. Cư sĩ Duy Ma gọi đầy đủ là Duy Ma Cật, vốn là Kim Túc Như Lai hóa thân, thị hiện trong nước Tỳ Xá Ly (Vesāli) của thế giới Sa Bà giúp Thích Ca Mâu Ni Phật giáo hóa. Chữ Duy Ma Cật có nghĩa là “danh xưng không bị ô nhiễm”, nên thường được dịch sang tiếng Hán là Tịnh Danh hoặc Vô Cấu Xưng. Kinh này có đến bảy bản dịch, nhưng đã thất truyền bốn bản. Bản được lưu truyền rộng nhất là bản Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh do ngài Cưu Ma La Thập dịch, còn bản Thuyết Vô Cấu Xưng Kinh của ngài Huyền Trang dịch hầu như chỉ dành để tham khảo.

[38] Chữ “học thuật” được dùng ở đây để chỉ những quan điểm luân lý, đạo đức giống như Nho và Phật, chứ không có nghĩa là những trường phái triết học, khoa học như trong hiện thời.

[39] Pháp sư Bảo Tĩnh (寶靜), thường bị đọc trại thành Bảo Tịnh trong các dịch phẩm lưu hành từ trước đến nay, là người Ngu Huyện, tỉnh Chiết Giang. Sư sanh năm 1899 (năm Quang Tự 25), cha Ngài là doanh nhân, từng đảm nhiệm chức vụ khoa trưởng huyện Cẩn đầu thời Dân Quốc. Từ bé, Sư đã tỏ ra đĩnh đạc, điềm đạm, trầm mặc, ít nói, thường mang ý tưởng xuất gia. Đến năm Sư mười chín tuổi, nhằm ngày mồng Tám tháng Chạp bèn xuất gia tại chùa Linh Ẩn huyện Phụng Hóa. Xuống tóc chỉ một năm, Ngài được thầy ưu ái cho thọ Cụ Túc giới tại chùa Phương Quảng núi Thiên Thai. Ngài tinh tấn tu trì, hằng ngày tụng Pháp Hoa, học tập Thiên Thai Giáo Quán dưới sự chỉ dẫn của hòa thượng Khả Đoan. Về sau, Ngài sang Ninh Ba, đến chùa Quán Tông học Giáo Quán với ngài Đế Nhàn, trở thành một học trò đắc ý của tổ Đế Nhàn. Khi Quán Tông Học Xã thành lập, tổ Đế Nhàn đích thân chủ trì, ngài Bảo Tĩnh lãnh ngộ khá nhất, nên Tổ thường sai Sư giảng thêm cho đồ chúng. Duyên hoằng hóa của Sư rất thịnh, Ngài diễn giảng rất nhiều nơi, nhưng chủ yếu là giảng giáo nghĩa Thiên Thai và Tịnh Độ. Khi pháp sư Đế Nhàn bị bệnh nặng, đã phó chúc Sư kế nhiệm trụ trì chùa Quán Tông, chính thức nối pháp Thiên Thai, làm pháp tự đời thứ bốn mươi bốn của Thiên Thai Giáo Quán Tông. Ngài trước tác khá nhiều, những tác phẩm được lưu hành rộng nhất là Đại Thừa Khởi Tín Luận Giảng Nghĩa, A Di Đà Kinh Yếu Giải Thân Văn Ký, Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Nghĩa, Tu Tập Chỉ Quán Tọa Thiền Pháp Giảng Thuật…

[40] Quyết Trạch (Pravicāra): Chọn lựa, quyết định.

 

[41] Huyễn sanh: Thị hiện dường như có hoài thai, hạ sanh, chứ không phải thật sự đức Phật đầu thai vào bụng mẹ như phàm nhân.

[42] Dạ Minh Châu là một thứ bảo thạch, còn gọi là Dạ Quang Bích, Tùy Châu, Huyền Châu, Thùy Cức, Minh Nguyệt Châu, Hỏa Quang Thạch, Thạch Lân Ngọc v.v… là thổ sản của vùng Đại Lý (Vân Nam). Loại đá này thường tỏa ánh sáng trong bóng tối. Tuy nó có thể tỏa sáng lung linh, nhưng không thể nào dùng để soi sáng các hang động hoặc địa cung như trong các truyện chưởng hay các truyện cổ Trung Hoa thường bịa đặt. Do hiếm lạ nên trong truyền thống Trung Quốc, Dạ Minh Châu đã được thêu dệt rất nhiều huyền thoại. Dạ Minh Châu thật ra chỉ là một loại đá quý, trong suốt, có lẫn nhiều nguyên tố thuộc loại đất hiếm (Rare earth metals, tức những nguyên tố như Lanthanide, Thulium, Ytterbium, Lutenium v.v…). Khi bị tác động bởi hoàn cảnh bên ngoài, các điện tử đất hiếm di chuyển, thay đổi trạng thái, tương tác với lớp cấu trúc trong suốt của Dạ Minh Châu, khiến cả khối đá tỏa sáng; nhưng ánh sáng này chẳng chói lọc rực rỡ đến nỗi đủ sức soi đường! Thật ra, Dạ Minh Châu vẫn có thể tỏa sáng trong nhiều giờ liền, nhưng không thể thấy được dưới ánh sáng ban ngày; có lúc Dạ Minh Châu cũng chẳng tỏa sáng ban đêm do hoàn toàn phụ thuộc vào sự tương tác của các điện tử trong đá! Nói la võng của Thiên Đế buộc Dạ Minh Châu cũng là cách nói tỷ dụ cho dễ hiểu, chứ Ma Ni Bảo Châu chỉ có trong cõi trời, Dạ Minh Châu không thể nào sánh bằng!

[43] “Chư hầu” là danh xưng chỉ các chế độ phong kiến cát cứ trước thời Tần Thủy Hoàng. Các vị Cộng Chủ (có danh xưng là Thiên Tử hoặc Hoàng Đế), thật ra là một vị tù trưởng hoặc lãnh tụ bộ tộc mạnh nhất, được các tù trưởng khác tuân phục, coi như thủ lãnh tối cao. Khi lên ngôi, vị Cộng Chủ sẽ phong lãnh địa và tước hiệu cho con, em, người trong gia tộc hoặc công thần, đất phong (phong địa) ấy sẽ được gọi là “hầu quốc” hoặc “chư hầu quốc”. Đôi khi cũng phong cho con cháu của các đời Cộng Chủ trước, chẳng hạn, Châu Vũ Vương phong cho con cháu họ Thần Nông đất Tiêu, con cháu Hoàng Đế ở đất Chúc, con cháu vua Nghiêu ở đất Kế, con cháu vua Thuấn ở đất Trần v.v… Châu Vũ Vương cũng phong cho Khương Tử Nha đất Doanh Khâu (nước Tề), phong cho em là Quản Thúc Tiên đất Quản, phong cho em trai là Cơ Đán (Châu Công) làm vua nước Lỗ, phong cho em họ là Triệu Công Thích làm vua nước Yên, chú là Thúc Chấn Đạc làm vua đất Tào, Sái Thúc Độ làm vua đất Dung (nước Sái)… Châu Công đã thiết lập năm tước vị Công, Hầu, Bá, Tử, Nam và tùy theo tước vị mà địa vị của các nước chư hầu cũng khác nhau; cũng như quy định chặt chẽ như chư hầu không được cúng tế tông miếu của Thiên Tử, không được tiếm dụng lễ nhạc, nghi trượng dành cho thiên tử, con trưởng vĩnh viễn kế tục ngôi cha giữ ngôi chư hầu, các con thứ chỉ làm Khanh, Đại Phu, chư hầu chỉ được xưng cao nhất là Công, chữ Vương dành riêng cho thiên tử. Đồng thời, quy định đất của Thiên Tử rộng mười ngàn dặm, đất của Công rộng một ngàn dặm, đất của Hầu rộng năm trăm dặm v.v… Thoạt đầu, chế độ chư hầu nhằm mục đích cử người nhà, thân thích, trấn giữ những nơi quan trọng, nhưng cuối cùng, các chư hầu hoàn toàn độc lập, không còn nghe theo lệnh nhà Châu nữa, nên Hòa Thượng mới nói “chẳng có ràng buộc gì”. Khi Cộng Chủ mạnh, các nước còn tiến cống đều đặn, nghe theo lệnh Cộng Chủ đóng góp người ngựa, tiền của khi Cộng Chủ phải đối phó với chư hầu làm phản hay Cộng Chủ dẹp nội loạn tại các nước chư hầu khác. Từ sau thời Châu Bình Vương trở đi, nhà Châu mất dần thế lực, dần dần chỉ còn hư vị. Thậm chí, các chư hầu xưng Bá (như Tề Hoàn Công, Tấn Tương Công, Tần Mục Công) còn thao túng, bắt vua Châu phải nghe theo lệnh. Các “Bá” chinh phục, chiếm đóng, tiêu diệt các nước chư hầu khác, mà Thiên Tử nhà Châu chẳng làm được gì!

[44] Trong bản in cuốn A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, những khoa đề (tựa đề của từng khoa trong bản Sớ Sao Diễn Nghĩa) được mở đầu bằng chấm tròn trắng bao lấy một chấm đen, những tựa đề ghi sau đó thuộc phần Khoa Phán. Chẳng hạn như trong phần này, có ba câu được đánh dấu bằng chấm tròn đen là “Thập Biệt Giải Văn Nghĩa”, “Sơ Tự Phần, Sơ ngũ cú chứng, nhị liệt thánh chúng” và “Sơ Ngũ Cú Chứng”.

[45] Lục Thư là sáu cách tạo chữ trong văn tự chữ Hán, gồm Tượng Hình (mô phỏng hình dáng của sự vật), Chỉ Sự (mô phỏng, nêu đặc tính của sự vật, chẳng hạn chữ Xuyên dùng ba vạch để hình dung các dòng nước), Hình Thanh (mô phỏng âm thanh), Hội Ý (ghép hai hay nhiều chữ lại để diễn tả ý nghĩa), Chuyển Chú (dùng một chữ này để giải thích chữ kia), Giả Tá (vận dụng chữ đồng âm để thay thế cho những phức tạp hơn). Khái niệm Lục Thư đã thấy ghi sớm nhất trong sách Châu Lễ (thiên Địa Quan), do vậy, khái niệm Lục Thư đã xuất hiện tối thiểu từ cuối thời Chiến Quốc, nhưng người đã hệ thống hóa, có nhiều cống hiến lớn đối với cách phân định Lục Thư là Hứa Thận (58-147) sống vào đời Hán Hòa Đế nhà Đông Hán qua tác phẩm Thuyết Văn Giải Tự.

[46] Ở đây, hòa thượng nói tới các loại văn tự không dùng chữ Hán, chứ trong chữ Nôm của Việt Nam hai cách tạo chữ bằng Giả Tá và Hội Ý được sử dụng rất rộng rãi; chẳng hạn con số Ba dùng chữ Ba (巴) và Tam (三) ghép lại, chữ Chén (cái chén ăn cơm) có hai cách viết: Dùng ngay chữ Trản (盏) nhưng đọc là Chén (đấy là cách viết Giả Tá), hoặc ghép chữ Thạch (石) và chữ Chiến (戰); có lẽ đây là một cách độc đáo riêng trong cách sáng tạo chữ Nôm. Trong lối viết Kanji, người Nhật cũng sáng tạo nhiều chữ Hán mới bằng cách Hội Ý.

[47] Bộ kinh này do ngài Cưu Ma La Thập dịch (khác với Đại Bát Nhã Kinh sáu trăm quyển do ngài Huyền Trang dịch). Thật ra, từ ngữ Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh chỉ hai bản kinh khác nhau: Đại Phẩm Bát Nhã Kinh (hai mươi quyển) và Tiểu Phẩm Bát Nhã Kinh (mười quyển) đều do ngài La Thập dịch. Thông thường, hai bộ này luôn được in chung với nhau, nên Hòa Thượng mới nói bộ kinh này gồm ba mươi quyển.

[48] Lưu Cầu (439-495), tự Linh Dự, là một vị ẩn sĩ đời Nam Tề, người xứ Nam Dương. Thuở trẻ, ông từng làm quan Quốc Tử Bác Sĩ, huyện lệnh, cuối cùng là quận thừa huyện Phú Dương. Ông nghiên cứu Phật pháp tinh tường, chủ trương thuyết “nhập Không tất Đốn”, soạn nhiều bản chú giải như Chú Pháp Hoa Kinh, Chú Vô Lượng Nghĩa Kinh… Ông đề xướng cách phán giáo Phật pháp gồm Đốn Tiệm nhị giáo, ngũ thời, thất giai. Ông chủ trương chỉ có kinh Hoa Nghiêm là Đốn Giáo, các kinh khác đều là Tiệm Giáo. Quan điểm Ngũ Thời của ông khá giống cách phán giáo Ngũ Thời trong tông Thiên Thai.

[49] Đạo Sanh (355-434), còn gọi là Trúc Đạo Sanh, là một học giả lỗi lạc về kinh Niết Bàn thời Đông Tấn. Sư quê ở Cự Lộc (nay thuộc huyện Bình Hương, tỉnh Hà Bắc), kiều ngụ tại Bành Thành (Đồng Sơn, tỉnh Giang Tô), họ ngoài đời là Ngụy. Do tôn ngài Trúc Pháp Thải làm thầy, nên mới có đạo hiệu là Trúc Đạo Sanh. Năm mười lăm tuổi, Sư đã lên giảng tòa, các bậc học rộng thạc đức chẳng ai có thể biện bác hơn được. Năm hai mươi tuổi, Sư thọ Cụ Túc Giới, oai danh giảng diễn vang lừng thiên hạ. Về sau, Sư lên Trường An theo học với ngài La Thập, được xếp vào hàng bốn đại môn đệ kiệt xuất của ngài La Thập. Năm Nghĩa Hy thứ năm (409), Sư chủ trương “Xiển Đề có thể thành Phật”, bị mọi người chống đối, bèn lui về ẩn cư tại Lô Sơn. Đến khi bản dịch kinh Đại Niết Bàn của ngài Đàm Vô Sấm truyền đến kinh đô Kiến Nghiệp, mọi người vô cùng khâm phục kiến giải của Sư. Sư để lại những tác phẩm nổi tiếng như Nhị Đế Luận, Phật Tánh Đương Hữu Luận, Pháp Thân Vô Sắc Luận, Phật Vô Tịnh Độ Luận, Ưng Hữu Duyên Luận, Biện Phật Tánh Nghĩa, Pháp Hoa Kinh Nghĩa Sớ v.v… Trong chú giải kinh Duy Ma của ngài Tăng Triệu và Đại Bát Niết Bàn Kinh Tập Giải của ngài Bảo Lương thường trích dẫn rất nhiều nhận định của ngài Đạo Sanh.

[50] Thiền sư Biến Dung Chân Viên là người nối pháp đời thứ ba mươi mốt của tông Lâm Tế, nối pháp thiền sư Phật Nham Chân Tế. Ngài Biến Dung quê ở Doanh Sơn, Tứ Xuyên, họ Tiền, xuất thân từ một gia đình thư hương nhiều đời, thông duệ, mẫn tiệp từ bé, thích đọc sách, những gì đã đọc Sư chẳng hề quên. Năm ba mươi hai tuổi, chợt ngộ thế sự vô thường, Sư đi chiêm bái Nga My, gặp vị dị tăng ở động Cửu Lạp, bèn xuống tóc xuất gia. Sư tham học khắp nơi, đến kinh sư, nghe pháp sư Thông Tú giảng kinh Hoa Nghiêm đến câu “nhược nhân dục thức Phật cảnh giới, đương tịnh kỳ tâm như hư không” (nếu ai muốn biết cảnh giới Phật, hãy tịnh cái tâm dường hư không), chợt đốn ngộ. Ngày hôm sau, lên Khuông Sơn, ẩn cư trong động Mã Tổ. Người tìm về theo Ngài rất đông. Trong núi thiếu lương thực, Sư bèn đích thân đẵn cũi đem xuống trấn Cửu Giang đổi lấy lương thực châu cấp đại chúng, trải nóng lạnh suốt bảy năm ròng rã, chẳng nề hà gian khổ, nên đạo hạnh lừng lẫy khắp vùng Giang Nam. Về sau, Sư trụ tại Đông Lâm Viện ở kinh đô, lắng lòng đọc kinh, đại chúng kính ngưỡng, suy tôn Ngài là Di Lặc tái thế. Sư thị tịch năm tám mươi ba tuổi.

[51] Câu nói này trích từ thiên Ly Lâu Hạ trong sách Mạnh Tử. Triệu Kỳ chú giải: “Thục, thiện dã. Ngã tư thiện chi vu hiền nhân nhĩ, cái hận kỳ bất đắc học vu đại thánh nhân dã” (Thục là tốt lành, tôi mong được tốt lành như bậc hiền nhân, tiếc rằng chẳng được học với bậc đại thánh nhân). Dựa trên câu chú giải này, các nhà nghiên cứu Khổng Học cho rằng chữ “tư thục” mang ý nghĩa tiếc hận vì không được trực tiếp nghe giảng dạy, nay cảm thấy may mắn được học và làm theo di huấn của thầy để trở thành hiền thiện như thầy.

[52] Tề Hoàn Công là một trong Ngũ Bá thời Xuân Thu, vua đời thứ mười lăm của nước Tề, tên thật là Khương Tiểu Bạch, là con trai của Tề Hy Công, em trai Tề Tương Công. Tranh giành ngôi vua với công tử Củ thành công, Tề Hoàn Công được Quản Trọng phò tá, áp dụng những chính sách tiến bộ, phát triển nông thương nghiệp, biến nước Tề thành một cường quốc, triệu tập các nước như Tống, Trần v.v… kết minh, chín lần triệu tập chư hầu, trở thành Minh Chủ đầu tiên của chư hầu, chinh phạt các sắc dân thiểu số ở ngoài quan ải như Sơn Nhung, Nhung Địch, đánh bại nước Sở, trở thành bá chủ Trung Nguyên. Tiếc là về già, Tề Hoàn Công trở thành hôn ám, sủng nịnh bọn xu phụ bất tài như Dịch Nha, Thụ Điêu, khiến triều chánh rối ren. Cuối đời, khi ông lâm bệnh, năm người con trai là Công Tử Vô Khuy, Công Tử Chiêu, Công Tử Phan, Công Tử Nguyên, Công Tử Thương giành ngôi, bèn xây bít cung điện của vua cha, không cho người vào thăm, khiến Tề Hoàn Công bị chết đói. Năm vị công tử lo đánh nhau giành ngôi đến nỗi xác Tề Hoàn Công bị bỏ mặc suốt sáu mươi ngày, rữa nát, giòi bò đầy lên cửa sổ.

[53] Chỉ tĩnh: ngồi yên lặng sau khi niệm Phật, có thể niệm thầm hay quán tưởng Phật hiệu. Chữ này thường bị đọc trại thành “chỉ tịnh”.

[54] A Nan là con của Bạch Phạn Vương. Bạch Phạn Vương và Tịnh Phạn Vương là hai anh em ruột.

[55] Điều này được chép trong quyển bốn mươi của kinh Đại Bát Niết Bàn,

[56] Ba điều kiện ấy là: Chẳng nhận y cũ của đức Phật, chẳng theo Phật khi Phật được thỉnh riêng (tức là có những trường hợp thí chủ chỉ mời mình đức Phật thọ trai, không mời toàn bộ Thường Tùy Chúng), ba là những kinh chưa được nghe, xin đều được nhắc lại. Hai điều đầu nhằm tránh hiềm nghi, sợ có người dị nghị là vì cơm áo mà A Nan làm thị giả của đức Phật.

[57] Gọi là “quảng đơn” vì xưa kia chư Tăng không có giường. Mỗi người nằm ngủ trên một tấm ván vừa với thân mình, nên gọi là “đơn”. Chùa lớn có nhiều liêu phòng, nhưng mỗi liêu phòng là một phòng ngủ lớn, có kê nhiều đơn; vì thế, gọi là “quảng đơn”. Dưới mỗi đơn, là một tráp nhỏ đựng quần áo và các đồ dùng cá nhân lặt vặt, thậm chí không có tủ riêng.

[58] Quan điểm có đến ba vị A Nan Đà do Trí Giả đại sư đề xướng. Trong Pháp Hoa Kinh Văn Cú có đoạn viết: “Kinh Chánh Pháp Niệm nói có ba vị A Nan. A Nan Đà, cõi này dịch là Hoan Hỷ, trì tạng Tiểu Thừa. A Nan Bạt Đà, cõi này dịch là Hỷ Hiền, thọ trì Tạp Tạng. A Nan Sa Già, cõi này dịch là Hoan Hỷ Hải, trì Phật Tạng”. Sách A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa chỉ chú giải sơ lược như thế này: “Thánh nhân không có tên, tên là do dựa theo sự mà đặt. Thanh Văn đoạn Chánh Sử Kiến Tư, thoát khỏi tam giới, đắc đại hoan hỷ, nên vị kết tập Thanh Văn Tạng có tên là Hoan Hỷ. Duyên Giác đoạn trừ tập khí, mức độ hiền cao hơn Thanh Văn. Vì thế, khi kết Duyên Giác Tạng có tên là Hỷ Hiền. Bồ Tát đoạn trừ vô minh, ngộ nhập pháp hải, nên có tên là Hỷ Hải”. Như vậy, sách Diễn Nghĩa quan niệm chỉ có một vị A Nan, tùy theo nhìn từ sự chứng quả nơi hình tướng mà gọi tên khác nhau, vì ngài A Nan chẳng phải thật sự là Thanh Văn hay Duyên Giác, mà là đại quyền Bồ Tát thị hiện. Hoặc cũng có thể hiểu là Bổn địa chỉ là một vị A Nan, nhưng do thích ứng với tam thừa mà thị hiện thành ba vị A Nan.

[59] Tam thiên đại thiên thế giới vi trần: Số lượng vi trần trong một tam thiên đại thiên thế giới.

[60] Tứ thiên hạ là nói đến bốn đại bộ châu, tức nhân gian. Do bốn đại bộ châu nằm ngay dưới Tứ Thiên Vương Thiên nên gọi là “tứ thiên hạ”.

[61] Tứ Thiên Vương Thiên (Caturmahārājakāyikās) là tầng trời thứ nhất, nằm ngay ngang lưng núi Tu Di. Gọi là Tứ Thiên Vương Thiên vì trong cõi trời này có bốn vị thiên vương cai quản bốn phía là Bắc phương Đa Văn Thiên Vương (Vaiśravana, thống lãnh chúng Dạ Xoa, La Sát, thủ hộ Bắc Câu Lô Châu), Tây phương Quảng Mục Thiên Vương (Virūpākśa, thống lãnh loài rồng, ngạ quỷ v.v… thủ hộ Tây Ngưu Hóa Châu), Nam phương Tăng Trưởng Thiên Vương (Virūdhaka, thống lãnh loài quỷ Cưu Bàn Trà, Bệ Lệ Đa v.v… thủ hộ Nam Thiệm Bộ Châu), và Đông phương Trì Quốc Thiên Vương (Dhritarāśtra, thống lãnh các loài điên cuồng quỷ, hương âm thần v.v…, thủ hộ Đông Thắng Thần Châu). Nói chung, các loại quỷ thần, thiên long bát bộ đều thuộc quyền quản hạt của bốn vị thiên vương này.

[62] Ngày đầu tháng trong Âm Lịch được gọi là Sóc (Sóc có nghĩa là khởi đầu, còn gọi là Nguyệt Cát), tháng Giêng lại gọi là Chánh Nguyệt, nên mồng Một tháng Giêng được gọi là Chánh Sóc. Ngày Rằm gọi là Vọng, ngày cuối tháng gọi là Nguyệt Tận. Tháng đủ (ba mươi ngày) thì ngày cuối tháng gọi là Đại Tận, tháng thiếu sẽ gọi ngày cuối tháng là Tiểu Tận.

[63] Người Trung Hoa vẫn tin Âm Lịch hiện thời do Hiên Viên Hoàng Đế chế ra, đến nhà Hạ chọn tháng Dần làm tháng Giêng vì quan niệm ứng với quẻ Thái trong kinh Dịch, nhưng nhà Thương lại chọn tháng Sửu (tháng Chạp hiện thời) làm tháng Giêng vì nó tương ứng với quẻ Lâm mang ý nghĩa tốt lành hơn, nhà Châu chọn tháng Tý (tháng Mười Một hiện thời) làm tháng Giêng, nhà Tần chọn tháng Hợi (tháng Mười Âm lịch hiện thời) làm tháng Giêng, đến đời Hán Vũ Đế (144 trước Công Nguyên), quyết định quay lại áp dụng lịch nhà Hạ và từ đó đến nay không thay đổi nữa. Do trong nhân gian thường quan niệm vào giờ Tý là bắt đầu cho một ngày mới, khí Dương bắt đầu tăng trưởng, giờ Sửu gà gáy, giờ Dần trời rạng sáng, con người thức dậy ra đồng, nên cổ nhân hay nói “thiên khai ư Tý, địa khai ư Sửu, nhân khai ư Dần”. Câu này được chép lại trong Tây Du Ký hồi một. Một tà phái ở Việt Nam đã dựa vào câu này để đoan quyết vũ trụ được khai sinh vào năm Tý, và tuyên bố điều này do cơ bút của Đức Chí Tôn phán truyền!

[64] Thiên Can gồm Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý (mười chữ). Địa Chi gồm mười hai chữ là Tý, Sửu, Dần, Mẹo v.v… Đôi khi lại gọi theo tên loài hoa chủ yếu trong một số tháng, nên mười hai tháng trong Âm lịch theo thứ tự sẽ là chánh nguyệt, hạnh nguyệt, đào nguyệt, mai nguyệt, lựu nguyệt, hà nguyệt (hoa sen), lan nguyệt, quế nguyệt, cúc nguyệt, lương nguyệt (tháng tốt lành), đông nguyệt (tháng mùa Đông), và lạp nguyệt (tháng chạp).

[65] Theo nghĩa gốc, “Tích” (辟) là tiếng để gọi chư hầu (theo từ điển Khang Hy, khi dùng theo nghĩa này, phải đọc là Tích). Sách Nhĩ Nhã Thích Huấn giảng: “Thiên tử dữ chư hầu thông xưng Tích dã” (thiên tử và các chư hầu đều gọi chung là Tích). Về sau, “Tích” được hiểu theo nghĩa rộng là các quan.

[66] “Ngũ châu nhân quả” do Thanh Lương đại sư phán định các phẩm trong kinh Hoa Nghiêm, tức là:

  1. Sở tín nhân quả: từ phẩm Một đến phẩm thứ Sáu.
  2. Sai biệt nhân quả: gồm hai mươi chín phẩm kế tiếp.
  3. Bình đẳng nhân quả: gồm hai phẩm kế đó.
  4. Hạnh thành nhân quả: gồm một phẩm, tức phẩm Ly Thế Gian.
  5. Chứng nhập nhân quả: tức phẩm Nhập Pháp Giới.

[67] Bát Tự còn gọi là Tứ Trụ hoặc Tử Bình, là một cách đoán vận mạng dựa trên Thiên Can và Địa Chi của năm, tháng, ngày, giờ sanh, đem phối hợp Ngũ Hành Âm Dương tương sanh, tương khắc để luận đoán. Quan niệm này đã có từ rất lâu đời, được bổ sung và hệ thống hóa bởi Lý Hư Trung vào đời Đường và Từ Tử Bình vào đời Ngũ Đại. Người có công hệ thống hóa cũng như bổ sung lý luận thấu đáo nhất là Từ Tử Bình nên môn này được gọi là Tử Bình Bát Tự từ đó.

[68] Thành Xá Vệ (kinh điển Nam Truyền thường ghi theo âm Pali là Sāvatthī). Thành này nằm trên bờ sông Aciravati (nay là sông Rapti), là thủ đô của đại quốc Kiều Tát La (Kosala). Thuở đức Phật, thành này có đến hơn năm mươi ngàn gia đình sinh sống, tức là đông dân bậc nhất bậc nhì Ấn Độ thời ấy. Đây cũng là nơi đức Phật an cư kiết hạ đến hai mươi lăm lần. Những vị hộ pháp nổi tiếng thời ấy như vua Ba Tư Nặc, ông Cấp Cô Độc, bà Tỳ Xá Khư (Visakha), và hoàng hậu Suppavasa đều ở thành này.

[69] “Khổng ân châu cấp”: Theo sách A Di Đà Kinh Sớ Sao Sự Nghĩa, câu này dựa theo lời Khổng Tử đã nói trong Luận Ngữ: “Quân tử châu cấp bất kế phú”. Để hiểu câu này, lại phải đọc cả đoạn dài trong thiên Ung Dã sách Luận Ngữ: “Tử Hoa sứ ư Tề, Nhiễm Tử vị kỳ mẫu thỉnh túc. Tử viết: “Dữ chi phủ”, thỉnh ích, viết: “Dữ chi dữu”. Nhiễm Tử dữ chi túc ngũ thặng, Tử viết: “Xích chi quát Tề dã, thừa phì mã, y khinh cừu, ngô văn chi dã, quân tử châu cấp bất kế phú”. Đoạn này được cụ Lý Bỉnh Nam giảng như sau: “Tử Hoa là tên tự của Công Tây Xích, đệ tử của Khổng Tử. Nhiễm Tử là Nhiễm Hữu, cũng là môn đệ của Khổng Tử. Tử Hoa đi sứ nước Tề, Nhiễm Tử bèn xin Khổng Tử giúp cho mẹ Tử Hoa một ít hạt kê để ăn. Khổng Tử bảo hãy cho bà ta sáu hộc bốn thăng. Nhiễm Tử cho là ít, xin thêm, Khổng Tử bảo: ‘Cho bà ta thêm mười sáu đấu’. Nhiễm Tử vẫn cho là ít bèn tự cho thêm năm thặng (một thặng là mười sáu hộc). Khổng Tử bèn quở: ‘Công Tây Xích đi nước Tề, ngồi xe do ngựa béo kéo, mặc áo cừu mềm mại, sang trọng, ta từng nghe nói quân tử chẳng giúp cho kẻ giàu được giàu thêm”. “Kỳ chánh tiên quỳnh”: Trong A Di Đà Kinh Sớ Sao Sự Nghĩa, tổ Liên Trì giảng: “Mạnh Tử học theo cách cai trị đất Kỳ Châu của Văn Vương, nói: “Già mà không có vợ thì gọi là Quan, già mà không có chồng gọi là Quả, già mà không con gọi là Độc, trẻ mà không cha gọi là Cô. Bốn loại người ấy là dân nghèo trong thiên hạ, không ai nương tựa. Văn Vương cai trị, thi thố lòng nhân, ắt sẽ giúp đỡ những người ấy trước. Kinh Thi có câu: ‘Cả hỹ phú nhân, ai thử quỳnh độc’ (kẻ giàu sướng thay, xót thay kẻ cô quạnh)”. Quỳnh (煢) là không có anh em. Do vậy, “Kỳ chánh tiên quỳnh” có nghĩa là những người cầm quyền nhân từ luôn chăm lo, cứu giúp những kẻ nghèo cùng, cô độc trước. Cả hai câu đều hàm nghĩa người trí huệ khi cứu tế sẽ cứu vớt những người cần được cứu giúp trước, luôn thực hành hạnh bố thí bằng trí huệ.

[70] Trong phẩm ấy có chép rõ: “Nhược hữu nữ nhân, văn thị kinh điển như thuyết tu hành, ư thử mạng chung, tức vãng An Lạc thế giới A Di Đà Phật đại Bồ Tát chúng vi nhiễu trụ xứ, sanh liên hoa trung bảo tọa chi thượng, bất phục vị tham dục sở não, diệc phục bất vị sân khuể, ngu si sở não, diệc phục bất vị kiêu mạn tật đố chư cấu sở não, đắc Bồ Tát thần thông vô sanh pháp nhẫn” (Nếu có nữ nhân, nghe kinh điển này, tu hành đúng như lời dạy, khi mạng chung liền được vãng sanh thế giới An Lạc, là nơi A Di Đà Phật ngự giữa đại chúng vây quanh, sanh trên tòa báu giữa hoa sen, chẳng bị tham dục gây não, mà cũng chẳng bị sân khuể, ngu si bức não, cũng chẳng kiêu mạn, ganh ghét não hại, đắc thần thông Vô Sanh Pháp Nhẫn của Bồ Tát).

[71] Do Thiên Hậu Nguyên Quân của Đạo giáo còn được người Hoa gọi là Ma Tổ (媽祖) nên rất nhiều người lầm lẫn Mã Tổ (馬祖) của Thiền Tông chính là Ma Tổ; vì thế phải nói rõ “Mã Tổ trong Phật môn”.

[72] Đường Cao Tổ (Lý Uyên) là người nửa Hán, nửa dân Tiên Ty, quê ở huyện Địch Đạo, Lũng Tây, thuộc dòng dõi thế tập. Ông nội của Lý Uyên là Lý Hổ được phong tước Lũng Tây Quận Công, là một trong tám vị được xưng là Bát Trụ Quốc Gia của nhà Bắc Châu. Cha Lý Uyên là Lý Bỉnh, được phong làm Trụ Quốc đại tướng quân, Đường Quốc Công. Khi Lý Uyên lên bảy, cha mất, đã được thế tập tước hiệu Đường Quốc Công. Lý Uyên là anh em bên ngoại với Tùy Dượng Đế vì Minh Kính Hoàng Hậu của nhà Bắc Châu, Nguyên Trinh Thái Hậu (mẹ đẻ của Lý Uyên) và Văn Hiến Hoàng Hậu (tên thật là Độc Cô Già La, vợ vua Tùy Văn Đế) là con gái đầu, con gái thứ tư và con gái thứ bảy của Độc Cô Tín (một trong tám vị trụ quốc tướng quân của nhà Tây Ngụy). Lý Uyên giết quận thừa Vương Oai vào năm 617, dấy binh từ Thái Nguyên, xưng là Đường vương và chiếm cứ phía Tây Trung Hoa.

[73] Tứ Tân có nghĩa là bến nước trên sông Tứ, tức thành phố Khúc Phụ, quê hương của Khổng Tử. Sông Tứ, tức Tứ Thủy, là con sông phát nguồn từ núi Mông Sơn tỉnh Sơn Đông, chảy qua các huyện Tứ Thủy, thành phố Khúc Phụ và thành phố Duyện Châu trước khi đổ vào Vận Hà thuộc thành phố Tế Ninh.

[74] Sái là một nước chư hầu do Châu Vũ Vương (Cơ Phát) phong cho em là Cơ Thúc Độ làm thái ấp, thuộc địa bàn thành phố Trú Mã Điếm tỉnh Hà Nam hiện thời. Sau khi Châu Vũ Vương diệt vua Trụ nhà Ân, đã chia đất Kinh Kỳ (Triều Ca, kinh đô nhà Ân Thương) ra làm ba phần nhằm giám sát con cháu nhà Ân, một phần giao cho Vũ Canh (con Trụ Vương), tức huyện An Dương tỉnh Hà Nam hiện thời, hai phần kia giao Quản Thúc (Cơ Tường) đất Quản, và phần còn lại chính là Thượng Sái (đất Sái). Nước Sái bị nước Sở diệt quốc vào năm 447 trước Công Nguyên (truyền được hai mươi sáu đời vua). Tuy viết là Thái (蔡), nhưng theo Dương Khoan, thời cổ chữ Thái (蔡) và chữ Sái (祭, âm hiện thời là Tế) đồng âm, nên tên nước này luôn đọc là Sái.

Nước Trần thuộc huyện Hoài Dương, tỉnh Hà Nam hiện thời. Hồ Công Mãn (hậu duệ của vua Thuấn) là quan Đào Chánh (quản lý việc chế tác đồ sành sứ) của Châu Văn Vương. Khi Châu Vũ Vương diệt Trụ, đã phong đất Trần cho Hồ Công Mãn, và đổi họ theo tên đất nên gọi là Trần Mãn. Trần Mãn được coi là thỉ tổ của hai họ Trần và Hồ tại Trung Hoa. Nước Trần bị Sở Huệ Vương diệt quốc vào năm 479 trước Công Nguyên, truyền được hai mươi lăm đời vua. Hậu duệ của công tử Hoàn nước Trần đã thiên di sang Tề, đổi thành Điền (thời cổ Điền và Trần đồng âm), sau này vào năm 386 trước Công Nguyên đã diệt họ Khương, trở thành vua nước Tề. Khổng Tử bị vây hãm giữa biên giới Trần và Sái, không có gì ăn suốt mười ngày liền.

[75] Câu Xá Luận, gọi đầy đủ là A Tỳ Đàm Đạt Ma Câu Xá Luận (Abhidharma-kosa), do ngài Thế Thân biên soạn, gồm ba mươi quyển. Bộ luận này được dịch hai lần, lần thứ nhất bởi ngài Chân Đế dưới đời Trần, với danh xưng A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận Thích; lần thứ hai do ngài Huyền Trang dịch với tựa đề A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận. Bản dịch của ngài Huyền Trang đầy đủ, dễ dọc hơn. Tác phẩm này có nội dung rất rộng, bao gồm nội dung của các bộ Phát Trí Luận, Lục Túc Luận, Đại Tỳ Bà Sa Luận v.v… trước đó, nên có mỹ danh là Thông Minh luận.

[76] Vũ Huấn (1838-1896), quê ở trấn Liễu Lâm, huyện Đường Ấp, tỉnh Sơn Đông, gia cảnh bần khổ. Do là con thứ bảy trong gia đình nên còn gọi là Vũ Thất, về sau đổi tên là Vũ Huấn. Ông cả đời đi ăn mày, dành dụm mở trường học, nên được triều đình biểu dương. Cha mất lúc mới tròn năm tuổi, phải ăn xin qua ngày, ông thèm đi học, nhưng chẳng bao giờ có dịp, vì thế, luôn ấp ủ chí hưng học, mở trường học cho người nghèo. Ông tự học, kinh doanh và tiếp tục đi xin, tậu được 230 mẫu ruộng để làm học điền nhằm chi trả tiền mời giáo viên và cung cấp cái ăn cho học trò, mở trường gọi là Sùng Hiền Nghĩa Thục. Điều đáng cảm động là ông đến tận cửa các vị tiến sĩ, cử nhân trong vùng quỳ thỉnh cầu mãi cho đến khi họ nhận lời dạy. Để khuyến khích trẻ em nghèo đi học, ông không nề hà đến từng nhà quỳ trước cửa xin họ cho con em đi học. Năm 1890, ông lập ngôi trường thứ hai, năm 1896, ông lập ngôi trường thứ ba mang tên Ngự Sử Cảng Nghĩa Thục. Mỗi năm vào ngày khai giảng, ông đích thân quỳ lạy tất cả giáo viên và học sinh. Tuy có tiền, ông sống rất lam lũ, toàn tâm toàn ý lo cho việc học. Khi ông mất, cả vạn người đến phúng viếng. Sức cảm hóa của ông rất lớn, Tuần Vũ Sơn Đông là Trương Diệu đã hạ lệnh miễn thuế các mẫu ruộng học điền, còn đích thân quyên tặng 200 lạng bạc. Vua Quang Tự ban tặng bốn chữ Nghĩa Học Học Chánh, ban hoàng mã quải (áo ngắn bằng lụa màu vàng, không tay mặc ra ngoài trường sam), lập bia Nhạo Thiện Hảo Thí. Tuy vậy, năm 1951, trong nỗ lực xóa sạch mọi “tàn dư Khổng học, văn hóa phong kiến”, Mao Trạch Đông phê phán Vũ Huấn, cộng thêm sự sách động xuất phát từ lòng căm ghét, hằn học của Giang Thanh (vợ Mao Trạch Đông), dẫn tới sự kiện Hồng Vệ Binh quật mộ ông, kéo xác lê khắp đường phố, đả đảo, phê bình, đấu tố, rồi đốt thành tro. Mãi tới năm 1985, chính quyền Hoa Lục mới phục hồi danh dự cho Vũ Huấn.

[77] Sách Thuyết Văn Giải Tự giải thích chữ Lạp trong Lạp Nguyệt (tháng Chạp) như sau: “Lạp, hợp dã, hợp tế chư thần giả” (Lạp là hợp, vì cúng tế chung các vị thần). Các nhà chú giải cho rằng: Lạp theo nghĩa cổ là cúng tế chư thần và tổ tiên sau khi đã kết thúc gặt hái cuối năm.

[78] Pháp sư Tường Vân (1917-1999) họ Lý, tên là Mạnh Tuyền, quê ở huyện Hải Thành, tỉnh Liêu Ninh, thuộc gia đình thư hương. Tuổi vừa mới lớn, Sư đã cảm nhận thế sự vô thường, ba cõi không yên, luôn mang chí nguyện xuất trần. Năm hai mươi tuổi, Sư tự nguyện trường trai, thờ Phật, xin đến dự thính tại Bát Nhã Phật Học Viện ở thành phố Trường Xuân để học nội điển. Sư đã từng làm ký giả, giáo viên, nhập ngũ. Sau khi sang Đài Loan, Sư luôn ôm chí nguyện xuất gia, nhưng chưa gặp nhân duyên, mãi đến năm Dân Quốc 50 (1961), Sư mới gặp nhân duyên y chỉ hòa thượng Huyền Diệu chùa Viên Giác ở Đài Bắc xin xuống tóc, pháp danh Hội Nguyên, hiệu Viên Định, nhưng hòa thượng phần nhiều dùng danh hiệu Tường Vân trong các trước tác. Sư được thọ Cụ Túc Giới dưới tòa trưởng lão Đạo Nguyên tại chùa Hải Hội (thành phố Cơ Long) cùng năm ấy. Sau khi xuất gia, Sư càng siêng gắng học nội điển, tu trì, giảng diễn, trước thuật. Sư từng được mời làm Bí Thư Trưởng Trung Quốc Phật Giáo Hội, rồi lần lượt ủy viên Văn Hiến, uỷ viên xúc tiến quan hệ Phật giáo Trung Hoa – Hàn Quốc và Trung Hoa – Nhật Bản. Sư từng làm Đổng Sự Trưởng Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội, xã trưởng Phật Đà Giáo Dục Tạp Chí Xã, ủy viên cố vấn biên tập hoặc chủ bút các tờ báo Phật giáo như Từ Minh, Giác Thế, Sư Tử Hống, Từ Vân, Thiên Hoa, từng lãnh vai trò tôn chứng A Xà Lê trong các đàn truyền giới tại các chùa Thanh Lương, Linh Nham v.v… và chuyên dạy nội điển tại các Phật học viện Hải Minh và Tịnh Giác.

[79] Lộ Tư (鷺鷥) là tiếng gọi chung những loài diệc hay cò trắng, có đến mười bảy loài khác nhau. Đẹp nhất là loài Bạch Lộ, lông trắng muốt, mỏ đen, sau đầu có hai sợi lông dài trắng phau. Tuy vậy, có sách dịch chữ Thu Lộ thành Hoàng Ly là một loài chim bé, lông vàng, cánh đen, ta thường gọi là chim Vàng Anh. Trong Yếu Giải, tổ Ngẫu Ích đã dẫn lời thiền sư Sở Phạm Thạch Kỳ nói Xá Lợi là chim Xuân Oanh.

[80] Đây là một môn bói toán, theo đó, thầy bói sẽ đếm tên họ viết theo chữ Hán có mấy nét, thuộc bộ nào để gán cho tên gọi ấy thuộc hành nào trong Ngũ Hành, để lập thành quẻ Bát Quái Âm Dương rồi tiên đoán mạng vận của đứa trẻ. Do vậy, nhiều khi cha mẹ cầu kỳ đặt tên con sao cho số nét phối hợp thành quẻ tốt, chẳng cần quan tâm đến ý nghĩa thật sự.

[81] Tứ mã (駟馬) là ngựa thắng xe bốn con chung một cỗ. Ngựa thắng cặp bốn như vậy phải là ngựa thuần thục, khỏe đều, chạy đều, bền sức.

[82] Phạm Chí (Brahmacārin) có nghĩa gốc là chàng thanh niên thuộc chủng tánh Bà La Môn đang trong giai đoạn tu học thánh điển và giữ mình, sống đời độc thân trong sạch. Đây là giai đoạn đầu trong bốn giai đoạn (Āśrama) bắt buộc của thanh niên Bà La Môn. Nói theo nghĩa rộng, chữ Phạm Chí chỉ chung những người tu theo đạo Bà La Môn (Ấn Độ Giáo về sau này), thậm chí, về sau này, tất cả những tu sĩ ngoại đạo đều được gọi chung là Phạm Chí.

[83] Theo kinh Xà Ni Sa trong kinh Trường A Hàm, mười sáu đại quốc là Ương Già (Anga), Ma Kiệt Đà (Magadha), Ca Thi (Kāśi), Câu Tát La (Kośala), Bạt Kỳ (Vrji), Mạt La (Malla), Chi Đề (Cedi), Bạt Sa (Vatsa), Cư Lâu (Kuru), Bàn Xà La (Pañcāla), A Thấp Ba (Aśvaka), A Ban Đề (Avanti), Bà Tha (Matsya), Tô La Sa (Śūrasena), Càn Đà La (Gandhāra), và Kiếm Bình Sa (Kambboja). Trong kinh Phật thường nhắc tới những đại thành như Xá Vệ, Vương Xá, Chiêm Bà, Tỳ Xá Ly, Kiều Diễm Di v.v… đó là thủ đô của những nước lớn, chẳng hạn như Xá Vệ là thủ đô của Câu Tát La (còn phiên âm là Kiều Tát La), Vương Xá là thủ đô của Ma Kiệt Đà, Chiêm Bà (Campā) là thủ đô của nước Ương Già, Tỳ Xá Ly (Vaishali) là thủ đô của Bạt Kỳ, Kiều Diễm Di (Kausambi) là thủ đô của Bạt Sa…

[84] Câu này trích từ thiên Vi Chánh sách Luận Ngữ.

[85] Nhan Hồi (521-481 trước Công Nguyên), tự là Tử Uyên, nên thường gọi là Nhan Uyên, được tặng mỹ hiệu Phục Thánh, người nước Lỗ, là học trò đắc ý của Khổng Tử, được xếp hàng thứ tư trong Thập Triết (mười môn đệ đứng đầu), được coi là người đức hạnh nhất trong số các môn đệ. Ngài gia cảnh thanh bần, nhưng vẫn an bần lạc đạo, giữ vững đức hạnh. Ngài là người cực thông minh, nhưng yểu thọ, mất sớm, nên khi Nhan Hồi mất, Khổng Tử đã cảm thán khôn cùng. Đến đời Hán, Nhan Hồi được tôn xưng là người đứng đầu trong Thất Thập Nhị Hiền. Ngài cũng là người có miếu thờ riêng tại Khúc Phụ (quê Khổng Tử), nơi ấy gọi là Phục Thánh Miếu.

Mẫn Tử Khiên (536-487 trước Công Nguyên), tên thật là Mẫn Tổn, Tử Khiên là tên tự, người nước Lỗ, đứng đầu Thập Triết, đức hạnh chẳng kém gì Nhan Uyên, được tôn là người chí hiếu, bị mẹ ghẻ ngược đãi vẫn một mực hiếu thuận. Trời lạnh, mẹ ghẻ ác độc, không cho mặc áo bông, phải độn lau vào áo để giữ ấm. Khi đẩy xe cho cha ra ngoài, do lạnh quá, run tay, đẩy xe xuống mương, cha tức giận cầm gậy vụt, áo rách, hoa lau bay lả tả. Cha hiểu rõ nguồn cơn, giận dữ, toan bỏ vợ. Mẫn Tử Khiên van xin cha nguôi giận: “Mẹ còn chỉ mình con lạnh, nếu cha đuổi mẹ, hai em con cũng phải chịu cảnh côi cút”. Mẹ kế nghe chuyện cũng cảm động từ đó sửa đổi tính tình. Ông nổi tiếng là người ít nói, cẩn trọng, đến nỗi Khổng Tử khen ngợi: “Phù nhân bất ngôn, ngôn tất hữu trúng” (Ôi! Người này chẳng nói, chứ nói ắt phải trúng). Họ Mẫn ở Đại Hàn tự xưng là hậu duệ của Mẫn Tử Khiên.

[86] Tử Du là tên tự của Ngôn Yển (506-443 trước Công Nguyên), là người xứ Thưởng Thục, nước Ngô. Ông là người phương Nam duy nhất trong bảy mươi hai môn đệ hàng đầu của Khổng Tử. Sau khi học thành tài, ông trở về Nam, truyền bá Nho giáo, cống hiến rất lớn trong việc phát triển văn hóa vùng Giang Nam, nên được hậu thế tôn xưng là Nam Phương Phu Tử. Các triều đại Đường, Tống, Nguyên lần lượt được truy tặng ông những danh hiệu Ngô Hầu, Đan Dương Công rồi Ngô Công. Tử Du từng làm Ấp Tể ấp Vũ Thành nước Lỗ, lừng danh về tài văn học, chủ trương dùng lễ nhạc giáo hóa dân chúng.

Tử Hạ là tên tự của Bốc Thương (507-420 trước Công Nguyên), quê ở Ôn Ấp (nước Tấn), tài văn học sánh ngang Tử Du. Ông đóng góp nhiều trong công việc giáo dục thời ấy, chủ trương lấy lòng Nhân để thay đổi con người. Về già, ông sang xứ Tây Hà nước Ngụy dạy học, sáng lập Tây Hà Học Phái nhằm bồi dưỡng nhân tài. Không may, tuổi già, con chết trẻ, ông thương khóc đến nỗi mù mắt. Do đó, trong Văn Sao, Ấn Quang đại sư mới dùng điển tích “Tây Hà thất minh” (Tây Hà mù mắt) khi nói về tật mắt kém của mình.

[87] Sách Diễn Nghĩa trang hai trăm ba mươi ghi những chuyện ấy như sau: Lưu Ly đại vương diệt dòng họ Thích Ca, Mục Liên muốn cứu, nhưng đức Phật bảo là định nghiệp khó trốn, chẳng chấp nhận lời thỉnh của Mục Liên. Mục Liên liền dùng thần lực đem năm trăm người họ Thích đựng trong bát, cất lên cõi Phạm Thiên. Sau khi họ Thích đã bị diệt, Mục Liên mở bát ra xem, chỉ thấy toàn là máu mà thôi; cho nên biết là định nghiệp, Phật cũng chẳng thể cứu được.

“Ngăn xe”: Y vương Kỳ Bà đã sanh lên trời Đao Lợi, do vì một vị tỳ-kheo bị bệnh, nên ngài Mục Liên dùng thần thông lên trời hỏi cách chữa trị, gặp lúc chư thiên ra ngoài chơi, Kỳ Bà ngồi trên xe không chịu xuống, chỉ chắp tay chào mà thôi. Ngài Mục Liên dùng thần lực, ngăn xe lại. Kỳ Bà mới xuống xe chào hỏi Ngài muốn gì. Ngài Mục Liên bèn nói lý do, Kỳ Bà đáp: “Nhịn ăn là ổn”. Mục Liên buông ra, xe mới đi tiếp được.

“Đốt điện đường”: Đế Thích kiến tạo Đắc Thắng Đường, trang nghiêm đẹp đẽ, ngài Mục Liên đến xem, các thiên nữ đều tránh mặt chẳng ra. Mục Liên nghĩ Đế Thích tham khoái lạc, chẳng tu gốc đạo, bèn dùng thần thông, thiêu Đắc Thắng Đường cháy tan tành, rồi vì Đế Thích nói những lời lẽ về vô thường, Đế Thích hoan hỷ, sau đấy điện đường vẫn y như cũ, chẳng có dấu vết khói tro nào!

 

[88] Chữ Chủng Tánh hay Chủng Tộc được kinh Phật dùng để dịch chữ Varna hoặc Jāti trong tiếng Phạn. Khái niệm Varna đã được đề xướng từ thời rất xa xưa, có thể thấy khái niệm này sớm nhất trong bộ Rig Veda. Theo đó, bốn chủng tánh chính yếu của xã hội Ấn Độ thời cổ là Bà La Môn (Brahmins), Sát Đế Lợi (Ksatriya), Phệ Xá (Vaishya) và Thủ Đà La (Shudra). Ngoài ra còn có một chủng tánh được coi là hèn hạ nhất, gọi là Dalit, hoặc Panchamas, hoặc Asprushya, ta thường gọi là “giai cấp cùng đinh”. Thông thường, chữ Varna thường được dịch là Giai Cấp, không chính xác lắm, vì trong mỗi chủng tánh lại chia ra vô số giai cấp.

[89] Nguyên văn là “phiến trụy” (扇墜), tức là theo lối xưa, đuôi những cây quạt thường được kết tua bằng chỉ màu, thắt thành các nút Cát Tường, Hồ Điệp, Song Ngư v.v… Đôi khi còn kết những miếng ngọc nhỏ.

[90] Tăng Nhất A Hàm (Ekottaragama-sutra) là một trong bốn bộ A Hàm của Tiểu Thừa. Bộ kinh này gồm có mười một quyển do ngài Đàm Ma Nan Đề (Dharmanandi) truyền đọc, ngài Trúc Phật Niệm dịch ra Hán văn vào năm Kiến Nguyên 20 (384) đời Phù Tần, ngài Đàm Tung làm bút thọ. Kinh này lại được dịch lần nữa bởi ngài Cù Đàm Tăng Già Đề Bà (Samghadeva) vào năm Long An thứ hai (398) đời Đông Tấn. Kinh này chủ yếu giảng về pháp số. Kinh này tương ứng với Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikāya) trong Phật giáo Nam Truyền.

[91] Nhị Thập Bát Tú (còn gọi là Nhị Thập Bát Xá hoặc Nhị Thập Bát Tinh) thật ra không phải là hai mươi tám ngôi sao, mà là hai mươi tám chòm sao (tinh cung). Theo thiên văn cổ của người Hán, vào thời Hạ và Châu, một tháng âm lịch chỉ có hai mươi tám ngày, nên cổ nhân gom các tinh tú có thể thấy trên bầu trời Trung Hoa thành hai mươi tám tinh cung, quy định mỗi tinh cung ứng với một ngày (lệ này vẫn giữ dù sau đó tháng Âm Lịch có đến ba mươi ngày). Họ đã chia bầu trời thành bốn khu vực gọi là Huyền Vũ (Bắc), Bạch Hổ (Tây), Châu Tước (Nam) và Thanh Long (Đông), hai mươi tám tinh cung nằm trên đường Hoàng Đạo (quỹ đạo biểu kiến của mặt trời so với trái đất) được chia thành bốn nhóm (tứ tổ) tương ứng với bốn phương trên đây. Thanh Long gồm các sao Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ; Huyền Vũ gồm các sao Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích; Bạch Hổ gồm Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm; Châu Tước gồm Tỉnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn. Họ lại còn chia bầu trời thành chín khu vực gọi là Cửu Dã (Quân Thiên, Thương Thiên, Biến Thiên, Huyền Thiên, U Thiên, Hạo Thiên, Châu Thiên, Viêm Thiên và Dương Thiên) nhằm ứng với chín châu, và ghép Nhị Thập Bát Tú tương ứng với chín khu vực đó (mỗi khu vực như vậy gọi là Phần Dã; mỗi khi có sao lạ chuyển dời vào một phần dã, sẽ được coi là điềm báo hung tinh, tai nạn, hay chiến tranh sắp xảy ra). Sao Thất, có tên gọi đầy đủ là Thất Hỏa Trư, thuộc phần dã Huyền Thiên (phương Bắc) là một chòm sao (tinh cung) gồm nhiều nhóm sao nhỏ (tinh tòa, hoặc tinh quan) nhỏ hơn như Thất, Ly Cung, Lôi Điện, Lũy Bích Trận, Vũ Lâm Quân, Phu Việt, Bắc Lạc Sư Môn, Bát Khôi, Thiên Cang, Thổ Công Sứ, Đằng Xà. Tinh tòa có nhiều ngôi nhất là Đằng Xà (22 ngôi) và ít nhất là Thiên Cang (chỉ có một ngôi). Nếu nhìn theo cách phân loại của thiên văn hiện thời, chùm sao Thất bao gồm các nhóm sao (hoặc một phần) Phi Mã (Pegasus), Song Ngư (Pisces), Bảo Bình (Aquarius), Ma Kết (Capricornus, ta thường gọi là Nam Dương), Nam Ngư (Piscis Austrinus), Kình Ngư (Cetus), Tiên Nữ (Andromedae), Yết Hổ (Lacerta), Tiên Hậu (Cassiopeia), Tiên Vương (Cepheus) và Thiên Nga (Cygnus). Người Hoa cho rằng chùm sao này có hình dáng giống như cái nhà nên gọi là Thất. Do vậy, nó được coi là Đại Cát Đại Lợi, nên theo cách bói toán mê tín, những ngày có sao Thất sẽ rất may mắn cho cưới gả, tế lễ, nhóm bạn, khai trương v.v… nếu không có hung tinh hoặc bại tinh khác xen vào.

[92] Theo Pháp Hoa Huyền Tán, quyển một: “Tiếng Phạn là Nan Đà, Hán dịch là Hỷ, vị này về căn bản là người chăn trâu, do hỏi Phật mười một điều về cách chăn trâu mà biết Phật có trọn đủ Nhất Thiết Trí, bèn chứng quả A La Hán, là người cực thông minh, âm thanh tuyệt diệu”. Ngài Tôn Đà La Nan Đà chính là em ruột cùng cha khác mẹ của Phật (vị này là con của di mẫu (dì) Ma Ha Ba Xà Ba Đề), dung mạo, oai nghi đẹp đẽ nhất, có đủ ba mươi tướng (chỉ thiếu tướng bạch hào và trái tai không tròn đầy như Phật). Vị này do cưới vợ là Tôn Đà La (Sundrarī), nên gọi là Tôn Đà La Nan Đà. Phật độ Ngài xuất gia tại vườn Ni Câu Luật, ngay trong ngày cưới, đức Phật đến hoàng cung thọ trai, thọ trai xong trao bát cho ngài Tôn Đà La Nan Đà. Do kính mến, Ngài cứ ôm bát đi theo, đức Phật đi mãi về đến tinh xá Ni Câu Luật; đức Phật bèn truyền tăng chúng cho ngài Nan Đà xuất gia. Không dám cãi lại, Ngài vẫn nhớ vợ. Đức Phật bèn thị hiện thần thông, dẫn Ngài lên cung trời cho thấy các thiên nữ đẹp hơn Tôn Đà La rất nhiều để khuyến dụ, Nan Đà hăm hở tu tập để được lên cõi trời. Do bị chư tăng chê trách là vì tham dục mà tinh tấn tu tập nên hết sức hổ thẹn, lại được đức Phật dùng thần thông dẫn xuống địa ngục, quỷ sứ chỉ cái gông to, vạc dầu đang đun sùng sục, bảo: Để chờ sẵn khi ngài Nan Đà hưởng hết phước báo cõi trời sẽ xuống đó chịu tội. Ngài Nan Đà tỉnh ngộ, lại được đức Phật chỉ điểm thêm, nên cuối cùng đoạn được tham dục, chứng quả La Hán.

[93] Tịnh Phạn Vương có ba người em trai là Bạch Phạn Vương (Śuklodana), Hộc Phạn Vương (Dronodana) và Cam Lộ Phạn Vương (Amrtodana).

[94] Tiền Liêu (850-932) là vua nước Ngô Việt thời Ngũ Đại, hiệu là Vũ Túc Vương, nhiệt thành hộ trì Phật pháp, khiến vùng Ngô Việt được gọi là Phật Quốc.

[95] Sao Phòng có tên đầy đủ là Phòng Nhật Thố, là tinh tòa thứ tư trong phương Đông, thuộc phần dã Thương Thiên, còn được gọi là Thiên Tứ. Tinh cung này gồm các nhóm sao (tinh quan) nhỏ hơn là Phòng, Câu Linh, Kiện Bế, Phạt, Đông Hàm, Tây Hàm, và Tùng Quan, tương ứng với các chòm sao (constellation) Thiên Yết (Scorpius, Hổ Cáp), Thiên Xứng (Libra), Sài Lang (Lupus) và Xà Phu (Ophiuchus) hiện thời. Do sao này được coi nằm đúng bụng rồng, tức là nơi vạn vật bị tiêu mất, nên theo quan điểm bói toán mê tín của cổ Trung Hoa, sao này là hung tinh. Họ quan niệm những ngày có sao này mà tiến hành làm gì sẽ khó thành công, dễ bị thất bại nửa chừng, nhà nào xây cất nhằm ngày này sau ba năm sẽ bị tai ương!

[96] Cơ hành vốn là một dụng cụ đo lường thiên văn thời cổ, có tên gọi đầy đủ là Tuyền Cơ Ngọc Hành (璇璣玉衡) thường được trang hoàng bằng ngọc. Dụng cụ này được nhắc đến lần đầu tiên trong phần Thuấn Điển của sách Thượng Thư. Trịnh Huyền giải thích: “Do chuyển động nên gọi là Cơ, nhận định, đo lường đúng mực nên gọi là Hành, dùng ngọc để chế tạo, nhằm biết được đường lối vận chuyển của tinh tú”. Có người giải thích Cơ Hành chính là tiền thân của Hỗn Nghi Khí (Armillary sphere) về sau này. Hỗn Nghi Khí tức là một dụng cụ để xác định vị trí của các tinh tú trong chiêm tinh và thiên văn học. Bộ máy này gồm những vòng thép hoặc đồng có đồng tâm gắn trên một trục có thể xoay chỉnh cho khớp với các hiện tượng quan sát trên bầu trời. Mỗi vòng tượng trưng cho một số đặc điểm thiên văn như đường Hoàng Đạo, thiên nguyên Tý Ngọ tuyến, thiên xích đạo, vị trí và phương hướng các chùm sao chủ yếu như sao Bắc Đẩu, sao Nam Đẩu… rất phức tạp.

[97] Ha Lê Lặc (Harītaki), còn phiên âm là Ha Lê Đát Kê, hoặc Ha Lê Đảm Kê, là một loại trái cây có tác dụng làm thuốc tại Ấn Độ; do vậy, tượng Dược Sư Phật theo truyền thống Tây Tạng thường được vẽ hoặc tạc tay trái ôm bình bát đặt trước bụng, bên trong bát có đặt một quả Ha Lê Lặc, tay phải đặt trên đầu gối, cầm một nhánh cây Ha Lê Lặc. Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh giảng: “Trái Ha Lê Lặc trọn đủ sáu vị, có thể trừ hết thảy bệnh, là vua trong các loài thuốc chẳng phải kiêng kỵ gì”. Theo các bản dịch kinh Mật Tông tiếng Anh đang lưu hành hiện thời thì Ha Lê Lặc chính là quả Chebulic Myrobalan (có tên khoa học là Terminalia Chebula), cây rất cao, có thể tới 39 mét, lá mọc đối xứng. Trái Ha Lê Lặc có thịt mọng, hình bầu dục, nhưng thon dài, trông hơi giống trái Thanh Trà của Việt Nam, có hạt cứng ở giữa.

[98] Ngài A Nậu Lâu Đà là con trai của Cam Lộ Phạn Vương (Amrtodana, em út của Tịnh Phạn Vương).

[99] Tắc là tên một loài lúa quý, hạt ăn rất ngon, nên cổ nhân coi là vua trong các loài ngũ cốc, thậm chí người Hán cổ đại còn coi gạo Tắc là hiện thân của vị thần nông nghiệp, hoặc thần lương thực, và dùng chữ Xã Tắc để chỉ đất nước; cũng như mỗi năm đều tế lễ. Do vậy, chúng tôi đoán bản đang lưu hành đã in sai chữ này, vì trong một bản khác, ghi là Bại (稗), nhìn vào mặt chữ khá giống với chữ Tắc (稷), nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác biệt. Bại là một loại cỏ, có hạt ăn được, vị đắng, chẳng ngon lành gì, nhưng có thể nấu thành cháo ăn đỡ lòng của người nghèo. Theo ngu ý, phải ghi là chữ Bại vì hợp với tình cảnh đói kém do hạn hán lúc đó, cũng như hợp với lời giảng của Hòa Thượng là người nông dân nghèo ăn cơm nấu bằng hạt kê.

[100] Chúng tôi nghĩ ở đây có sự nhầm lẫn trong sự phiên dịch giữa pháp sư Đạo Nguyên và người dân Ấn Độ, vì các tự điển đều ghi Am La Ma, hoặc Am Ma, Am La, Am Một La là những cách phiên âm khác nhau của chữ Āmra, hoặc Amara, nghĩa là quả xoài.

[101] Tuy nói là Salad, nhưng ở đây ngụ ý các loại nước xốt dùng cho salad. Theo từ điển Phật Học cũng như mô tả về Đề Hồ trong kinh Phật, nhất là kinh Đại Bát Niết Bàn, ta có thể suy đoán Đề Hồ là phó-mát (phô mai, cheese, fromage).

[102] Lưu thủy văn chương: Từ ngữ sánh ví văn chương lưu loát, hàm ngụ rất nhiều ý nghĩa, mỗi người đọc cảm nhận mỗi khác. Từ ngữ này dựa theo ý một câu nói cổ “lạc hoa hữu ý, lưu thủy vô tình” (hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình).

[103] Trần Thật (104-185), tự là Trọng Cung, người đất Hứa, Dĩnh Châu (nay là huyện Hứa Xương, tỉnh Hà Nam), làm huyện lệnh Thái Khâu thời Hán Hoàn Đế. Ông là người điềm tĩnh, đạo đức, cai trị rất tốt, phán quyết công minh, dân chúng vô cùng kính phục. Khi ông mất, có tới ba vạn người đến điếu tang. Trần Thật có nhiều con: Trần Kỷ, Trần Quỳ, Trần Hiệp, Trần Thầm, Trần Hưu và Trần Quang, nhưng chỉ có Trần Kỷ và Trần Thầm là lỗi lạc. Trần Thật, Trần Kỷ và Trầm Thầm được xưng là Tam Quân thời ấy. Trần Kỷ, tự Nguyên Phương, được tôn xưng là bậc danh đức đương thời. Do thấy triều đình rối ren, không ra làm quan, ở nhà dạy học và trước tác bộ Trần Thư nổi tiếng, mãi cho đến khi Đổng Trác lấn hiếp vua, ép ông ra làm quan, mới bất đắc dĩ nhận chức Ngũ Quan Trung Lang Tướng. Đổng Trác có ý muốn thiên đô từ Lạc Dương về Trường An, trăm quan bợ đỡ, chỉ riêng Trần Kỷ dám phản đối. Đổng Trác rất tức giận, nhưng do kính sợ tài đức của ông nên phải nuốt giận. Nhân khi được bổ sang làm Tướng Quốc nước Bình Nguyên (một nước chư hầu của nhà Hán thời ấy, thuộc địa phận tỉnh Sơn Đông hiện thời), Trần Kỷ liền thu xếp hành trang rời khỏi Lạc Dương ngay. Về sau, Trần Kỷ làm quan đến chức Đại Hồng Lô. Trần Thầm tự là Quý Phương, đạo đức, phẩm hạnh chẳng kém anh. Trần Thầm từng làm quan đến chức Tư Không Duyện (tương đương thứ trưởng bộ Công Nghiệp hiện thời), tuy mất sớm, nhưng con cháu của Trần Thầm lại nổi trội và được ghi danh trong lịch sử nhiều hơn Trần Kỷ.

[104] Vương Quý tên thật là Cơ Quý Lịch, là con thứ ba của Châu Thái Vương (Cơ Đàn Phụ). Do Châu Thái Vương thấy con của Vương Quý là Cơ Xương (Châu Văn Vương) sẽ làm rạng rỡ công nghiệp nhà Châu nên muốn truyền ngôi cho Vương Quý. Hai anh của Vương Quý là Thái Bá và Trọng Ung liền giả vờ lên núi hái thuốc rồi trốn đi, để Quý Lịch làm vua. Thái Bá và Trọng Ung cắt tóc, xâm mình, giống như người ở phương Nam, vượt sông Trường Giang, lập ra nước Ngô. Vương Quý đánh phạt giặc Nhung Dư Vô, Thỉ Hô và cầm tù ba đại phu của giặc Nhung, oai danh lừng lẫy, biến tiểu quốc Châu thành cường thịnh, mở rộng lãnh thổ nhà Châu, khiến vua nhà Thương là Văn Đinh (tên thật là Tử Thác, ông nội của Trụ Vương), nghi kỵ, lấy cớ thưởng công, triệu về kinh, rồi kiếm cớ bắt giam, khiến Vương Quý chết đói trong ngục. Cả ba đời Vương Quý, Văn Vương, Vũ Vương (Cơ Phát) đều làm nước Châu từ một nước nhỏ bé ở Tây Kỳ trở thành một chư hầu hùng mạnh của nhà Thương, nên người ta thường khen ngợi ba vị này là “thiện tác, thiện thuật” ý nói Vương Quý khéo khai sáng công nghiệp, Văn Vương và Vũ Vương khéo kế thừa.

[105] Biệt Cảnh: Các tâm sở do duyên theo từng cảnh riêng biệt mà phát sanh tác dụng tâm lý, gồm Dục (Chanda), thắng giải (Adhimoksa), niệm (Smrti), định (Samādhi), huệ (Prajñā).

[106] Biến Hành (Sarvatraga) là một loại tâm sở, đối ứng với Biệt Cảnh. Khi bất cứ sự nhận thức nào sanh khởi, nó đều là hoạt động tâm lý, mang tánh chất phổ biến, nên gọi là Biến Hành. Đại Thừa Quảng Ngũ Uẩn Luận giảng: “Loại này chung khắp cho hết thảy các tâm thiện, ác, vô ký, nên gọi là Biến Hành”. Biến Hành bao gồm:

  1. Xúc (Sparsha) chỉ tác dụng tinh thần phát sanh khi Căn, Thức, và Cảnh hòa hợp, Xúc cũng dùng để chỉ các cảm giác khách quan khi Căn tiếp xúc Trần.
  2. Tác Ý (Manasi-kara), tác dụng tinh thần do chú ý nhận biết đối với một tâm cảnh nào đó.
  3. Thọ (Vedana), tác dụng tiếp nhận của nội tâm sau khi đã có Xúc.
  4. Tưởng (Samjna): Tác dụng chuyển biến, tiếp nhận hình ảnh của cảnh vào trong nội tâm, có thể tạm hiểu là tri giác biểu tượng trong tâm lý học hiện đại.
  5. Tư (Cetana), tức là sự tạo tác trong nội tâm, nẩy sanh phân biệt, quan điểm, thành kiến, sau khi Tưởng xuất hiện trong nội tâm.

[107] Hà Đông tước sĩ phu nhân chính là bà Trương Tịnh Dung, bình thê của Hà Đông tước sĩ (Sir Robert Hotung, 1862-1956). Ông này là một doanh gia thành công và là một nhà từ thiện nổi tiếng, cha là người Hòa Lan gốc Do Thái (Charles Henri Maurice Bosman), lấy tên Trung Hoa là Hà Sĩ Văn, mẹ họ Thí, không rõ tên, quê ở huyện Bảo An, tỉnh Quảng Đông. Hà Đông tước sĩ là một trong những người Trung Hoa được phong tước Hiệp Sĩ (Knight, người Hoa dịch là Tước Sĩ) đầu tiên. Hotung rất được chính quyền Anh tại Hương Cảng nể trọng, từng bí mật tài trợ kinh phí cho Tôn Dật Tiên tiến hành chuẩn bị cách mạng Tân Hợi. Lúc gần mất, ông đột ngột rửa tội theo đạo Tin Lành, nên con cái phần nhiều theo đạo Cơ Đốc. Trước khi mất, ông đã dành ra năm mươi vạn tiền Hương Cảng để lập quỹ từ thiện, tức Hà Đông Tước Sĩ Từ Thiện Cơ Kim. Ông có hai vợ, nguyên phối là Mạch Tú Anh (chỉ có một con trai là Hà Thế Vinh), bình thê (đây là người vợ thứ hai, nhưng có quyền hạn ngang hàng với vợ chính theo chế độ đa thê thời ấy), tức bà Trương Tịnh Dung đang được hòa thượng Tịnh Không nhắc đến ở đây. Bà Trương Tịnh Dung thường được biết dưới hiệu Trương Liên Giác, là em họ bên ngoại của bà Mạch Tú Anh. Bà Tịnh Dung có mười người con, trong đó có ba người con trai, tướng quân Hà Thế Lễ (Robbie Hotung) là con trai thứ ba, nhưng đứng thứ bảy trong mười anh chị em. Tướng quân Hà Thế Lễ (1906-1998) là một thương gia thành công đồng thời là thượng tướng bậc hai của quân đội Trung Hoa Dân Quốc, từng tốt nghiệp từ học viện Quân Sự Woolrich của Anh và trường pháo binh Fontainebleau của Pháp. Ông Hà Thế Lễ từng giữ chức thứ trưởng bộ Quốc Phòng Đài Loan, và là ủy viên Trung Ương Đảng của Quốc Dân Đảng Đài Loan. Một người con gái khác của cụ Trương Tịnh Dung là Hà Ngải Linh (Hà Kỳ Tư), thường được biết đến dưới tên gọi Dr. Irene Cheng (do chồng bà là ông Trịnh Tương Tiên) từng dạy triết học tại nhiều đại học và tích cực bảo tồn Khổng Học. Bà Irene Cheng có viết một tác phẩm nhan đề Hà Đông Tước Sĩ Phu Nhân Trương Liên Giác Cư Sĩ Truyện (nhan đề tiếng Anh là “Clara Ho Tung: A Hong Kong Lady, Her family and her times”, do Hương Cảng Đại Học Xuất Bản Xã ấn hành năm 1976) để kể về hành trạng của mẹ.

[108] Phật Địa Kinh có tên gọi đầy đủ là Phật Thuyết Phật Địa Kinh do ngài Huyền Trang dịch vào đời Đường. Thân Quang Bồ Tát đã viết bộ Phật Địa Kinh Luận để giảng giải kinh này. Bộ luận ấy được ngài Huyền Trang dịch ra tiếng Hán gồm bảy quyển.

[109] Chân Đế (Paramārtha, 499-569), là người nước Ưu Điền Ni, Ấn Độ, là một vị đại pháp sư kiêm dịch giả nổi danh ngang hàng với ba vị La Thập, Huyền Trang và Bất Không. Ngài sở trường về Vô Tướng Duy Thức Học, theo đường biển từ Phù Nam (một vùng đất cổ ở phía Nam vùng Thủy Chân Lạp, tức Nam Việt Nam) đến Trung Quốc vào năm Thái Thanh thứ hai (548) thời Lương Vũ Đế. Khi Ngài đến kinh đô Kiến Nghiệp thì gặp loạn Hầu Cảnh làm phản Lương Vũ Đế nên phải lánh sang đất Tô Hàng, khởi sự dịch kinh nơi đó. Ngài dịch tất cả 76 bộ kinh, tổng cộng 315 quyển, trong đó nổi tiếng nhất là các bộ Nhiếp Đại Thừa Luận, Câu Xá Luận, Kim Thất Thập Luận… Do vùng Hoa Nam loạn lạc liên miên, Ngài khó thể an trụ, lại không có đạo tràng dịch kinh được triều đình bảo trợ như các vị La Thập, Huyền Trang, Bất Không, nên sức dịch thuật và nghị lực của Ngài thật đáng khâm phục. Năm 512 cảm ngộ Hoa Nam không phải là vùng đất hoằng pháp thuận lợi, Ngài ngồi thuyền trở về Ấn Độ, nhưng lại bị bão đánh giạt trở lại Quảng Châu, được Thứ Sử Âu Dương Ngỗi tha thiết thỉnh cầu, lại được các vị như Trí Khải v.v… quy y (đây là trùng âm đọc, không phải là tổ Trí Khải của tông Thiên Thai), Ngài tiếp tục dịch kinh. Chịu ảnh hưởng của Ngài, các tông Nhiếp Luận và Câu Xá được thành lập tại Trung Hoa. Ở đây, có lẽ hòa thượng nói nhầm, vì ngài Chân Đế mất năm 569, lúc đó Trung Hoa còn thuộc thời Nam Bắc Triều. Năm 569 nhằm niên hiệu Thiên Thống thứ năm nhà Bắc Tề, Thiên Bảo thứ tám nhà Tây Lương, Thái Kiến nguyên niên nhà Nam Trần, Thiên Hòa thứ tư nhà Bắc Châu. Nhà Đường mãi đến năm 618 mới thành lập.

[110] Thập Ba La Mật là Thí, Giới, Nhẫn, Thiền, Bát Nhã, Phương Tiện, Nguyện, Lực và Trí.

[111] Mười tướng lành: Một là quang minh ngập nhà, hai là cam lộ đầy sân, ba là đất trồi lên bảy báu, bốn là thần mở kho tàng, năm là gà sanh trứng phượng, sáu là lợn sanh ra lợn con có hình rồng, bảy là ngựa sanh kỳ lân, tám là trâu sanh ra con Bạch Trạch, chín là kho lúa tràn ngập hạt thóc bằng vàng, mười là voi có sáu ngà.

[112] “Thể nguyên cư chánh” là từ ngữ chỉ sự cai trị của nhà vua. Theo Hán Ngữ Từ Điển, từ ngữ này có nghĩa là hoàng đế lấy nguyên khí của trời đất làm Thể, thường dùng chánh đạo để cai trị, giáo hóa dân chúng, nên gọi là “cư chánh”.

[113] Theo Dịch học, Cửu là số Dương lớn nhất, mang ý nghĩa tôn quý nhất, còn Ngũ là con số tượng trưng cho sự vừa phải chừng mực trong các số Dương. Dùng hai con số này ghép lại để hình dung vua tôn quý nhất trong một nước, nhưng xử sự luôn thích hợp, chừng mực, biết kiềm chế thích đáng, không sa vào cực đoan. Đồng thời, quẻ Thuần Càn trong kinh Dịch gồm sáu vạch liền nét chồng lên nhau, mỗi một vạch được gọi là Cửu. Cửu Ngũ chính là vạch thứ năm trong quẻ Thuần Càn, được kinh Dịch giảng là: “Cửu Ngũ, phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân” (Cửu Ngũ: Rồng bay lên trời, bậc đại nhân nêu rõ phong thái, khuôn phép, hoặc còn có cách giải thích là Cửu Ngũ: Rồng bay lên trời, bậc đại nhân được lợi). Dù hiểu theo nghĩa nào, Cửu Ngũ thể hiện ý nghĩa tốt lành, không thái quá, vì là số thuần Dương nhưng không đến cực hạn như Thượng Cửu (hào cuối cùng trong quẻ Thuần Càn), vì hễ đến cực hạn, chí Dương sẽ biến thành Âm. Cửu Ngũ hàm nghĩa đã gần đến cực hạn, nhưng vẫn điều hòa, thích đáng, giống như vua dẫu quyền lực đã đến mức chí tôn, vẫn kính trời sợ đất, biết kiềm chế, xử sự thích đáng.

[114] Kinh Khê Trạm Nhiên (711-782) là tổ thứ chín của tông Thiên Thai, quê ở đất Kinh Khê, Tấn Lăng, Thường Châu (nay thuộc huyện Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô). Ngài mang chí xuất trần từ bé. Năm mười bảy tuổi, rời nhà đi học đạo các nơi, đến năm Khai Nguyên 18 (730), gặp ngài Kim Hoa Phương Nham ở Đông Dương, nghe giảng Ma Ha Chỉ Quán, bèn xin cầu học với tổ thứ tám của tông Thiên Thai là ngài Tả Khê Huyền Lãng. Dưới sự dìu dắt của Tổ, Ngài chuyên học Thiên Thai Giáo Quán. Đến năm Khai Bảo thứ bảy (749), Sư xuất gia tại chùa Tịnh Lạc ở Quân Sơn, Nghi Hưng. Ngài nghiên cứu rộng rãi Luật Tông, nhất là Tứ Phần Luật. Ngài tự đề cho mình trách nhiệm trung hưng Thiên Thai, nên lại ra sức chú giải ba bộ sách lớn của tông Thiên Thai (Pháp Hoa Văn Cú, Ma Ha Chỉ Quán, Pháp Hoa Huyền Nghĩa). Các trước tác chủ yếu của Ngài là Pháp Hoa Kinh Huyền Nghĩa Thích Thiêm, Pháp Hoa Kinh Văn Cú Ký, Ma Ha Chỉ Quán Phụ Hành Truyền Hoằng Quyết, Kim Cang Bễ, Chỉ Quán Nghĩa Lệ, Pháp Hoa Ngũ Bách Vấn Luận v.v…

[115] Kinh này có tên gọi đầy đủ là Tư Ích Phạm Thiên Sở Vấn Kinh, còn gọi là Tư Ích Nghĩa Kinh, do ngài Cưu Ma La Thập dịch vào thời Diêu Tần, gồm hai mươi bốn phẩm. Trong kinh này, đức Phật vì Võng Minh Bồ Tát và Tư Ích Phạm Thiên v.v… giảng lý Không Tịch. Các bản dịch khác của kinh này là Trì Tâm Phạm Thiên Sở Vấn Kinh do ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào thời Tây Tấn và Thắng Tư Duy Phạm Thiên Sở Vấn Kinh do ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch vào thời Bắc Ngụy. Kinh này được chú giải khá nhiều, nổi tiếng nhất là các bộ Trì Tâm Phạm Thiên Kinh Lược Giải của ngài Đạo An, Chú Tư Ích Kinh của ngài Hiền Minh, Tư Ích Phạm Thiên Sở Vấn Kinh Giản Chú của ngài Viên Trừng.

[116] Đây giọng đọc chữ A trong tiếng Quan Thoại tùy từng địa phương, thế mà cũng gây nên tranh luận, giống kiểu tranh luận phải đọc A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật trong hiện tại, thậm chí có người chủ trương phải đọc Phật là Bụt, hay không được niệm A Di Đà Phật mà phải niệm là Phật A Di Đà hoặc Bụt A Di Đà thì mới là “Việt hóa kinh điển”! Có người còn cực đoan đến mức chủ trương tất cả chữ Di trong kinh điển phải đọc thành Mi hết như Tu Mi Sơn thay vì Tu Di Sơn, và quả quyết chư Tổ và những vị dịch kinh tiền bối đã đọc ngọng chữ Mi thành Di (sic!) Nếu đúng như vậy, không hiểu sao các vị học giả như Đào Duy Anh, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn v.v… đều nhất loạt không hẹn mà cùng “đọc ngọng” Mi Đà thành Di Đà hết!

[117] Trong câu chuyện này, do người niệm chú chữ nghĩa kém cỏi, thấy các chữ Ma, Ni, Bát (嘛呢叭) trong chú Lục Tự Đại Minh có bộ Khẩu đằng trước vẫn đọc là Ma, Ni, Bát, bèn nghĩ chữ Hồng (吽) gồm hai chữ Khẩu (口) và Ngưu (牛) ghép lại, có lẽ vẫn phải đọc là Ngưu. Tin chắc như vậy, người ấy cứ trì như thế nhiều năm. Để nhớ biến số đã tụng niệm, do không có xâu chuỗi, người ấy dùng hai cái chén, một chén đựng đầy đậu, chén kia trống không, cứ niệm xong một biến lại bỏ một hạt đậu từ chén đậu sang cái chén trống không cho đến hết bèn bỏ ngược lại. Niệm nhiều năm như thế, do tâm tinh chuyên, có cảm ứng, cứ niệm xong một biến, một hạt đậu từ chén này nhảy sang chén kia, người ấy khỏi cần phải thò tay bốc như trước.

[118] “Phục bút” là một thủ pháp trong cách viết văn, nhất là trong tiểu thuyết chương hồi của Trung Hoa, nhằm ngầm chỉ diễn biến trong tương lai, nếu người đọc tinh ý sẽ đoán biết được tình tiết câu chuyện diễn biến như thế nào. Một thí dụ kinh điển thường được dùng để miêu tả lối Phục Bút là trong Hồng Lâu Mộng, Giả Bảo Ngọc nằm mơ thấy chính mình đến Thái Hư Huyễn Cảnh, thấy trên giá sách có nhiều cuốn sách đề tên theo từng tỉnh. Hỏi tiên cô chủ quản Thái Hư Huyễn Cảnh thì được cho biết đó là các sách ghi số mạng của những nữ nhân trong mỗi tỉnh. Vì quê ở Nam Kinh (thuở ấy gọi là Kim Lăng), nên Giả Bảo Ngọc mở cuốn Kim Lăng Thập Nhị Thoa Chính Sách ra coi, thấy có hình vẽ và những bài thơ tứ tuyệt. Trong ấy, có một trang vẽ một con sói đang đuổi một cô gái, phía dưới đề bốn câu thơ: “Tử hệ Trung Sơn lang, đắc chí tiện xương cuồng, kim khuê hoa liễu chất, nhất tái phó hoàng lương” (tạm dịch: Sói ở trong rừng núi, đắc chí càng hung tàn, thân liễu bồ khuê các, một năm mộng huyễn hư). Các nhà chú giải bảo bài thơ này nói về số mạng của Giả Nghênh Xuân (chị họ Giả Bảo Ngọc; Nghênh Xuân là con của Giả Xá. Giả Xá là bác ruột của Giả Bảo Ngọc). Chữ Tử Hệ (子系) trong bài thơ ghép lại thành chữ Tôn (孫), tức là Tôn Thiệu Tổ, chồng Giả Nghênh Xuân. Giả Nghênh Xuân lấy Tôn Thiệu Tổ gia đình khá giả, nhưng chồng hung bạo, hành hạ đến nỗi Nghênh Xuân chết rất trẻ, xuất giá vừa đầy năm đã chết.

[119] Sách Thiền Lâm Bảo Huấn do hai ngài Diệu Hỷ Phổ Giác và Trúc Am Sĩ Khuê biên soạn tại chùa Vân Môn ở Giang Tây vào thời Nam Tống, thâu thập những lời giáo huấn từ ngài Hoàng Long Huệ Nam cho đến ngài Phật Chiếu Chuyết Am. Tác phẩm này được chú giải khá nhiều, trước sau có Thiền Lâm Bảo Huấn Hợp Chú (do Trương Văn Gia hiệu đính), Thiền Lâm Bảo Huấn Niêm Tụng, nhưng phổ biến nhất là bộ Thiền Lâm Bảo Huấn Bút Thuyết do ngài Thích Trí Tường soạn vào cuối đời Minh, đầu đời Thanh. Tác phẩm này được viết xong vào năm Bính Tuất (1706) triều Khang Hy.

[120] Thái Căn Đàm do Hồng Ứng Minh soạn vào thời Vạn Lịch nhà Minh, gồm 358 câu cách ngôn về trí huệ và nhân sinh, được chia thành hai tập. Hồng Ứng Minh là một đạo sĩ, tự là Tự Thành, hiệu Hoàn Sơ, không rõ quê quán, năm sinh và năm mất. Ông tinh thông tam giáo, thường lui tới các chùa Phật và trường học, thâu thập những tinh hoa. Ông ta cho biết đã nhặt được Thái Căn Đàm là một tác phẩm ngôn luận của Thiền Tông từ một ngôi chùa đổ nát, đem về tu chỉnh, biên tập thành tác phẩm hoàn chỉnh. Đây có lẽ cũng là một cách nói khiêm tốn, vì trước đó chưa ai nghe nói đến tác phẩm này. Tác phẩm này cùng với Tiểu Song U Ký của Trần Kế Nho và Vi Lô Dạ Thoại của Vương Vĩnh Bân được ca tụng là “xử thế tam đại kỳ thư” (ba bộ sách tuyệt diệu về cách xử thế). Xin trích một đoạn trong Thái Căn Đàm như sau: “Lương dược khổ khẩu, trung ngôn nghịch nhĩ. Nhĩ thường văn nghịch nhĩ chi ngôn, tâm thường hữu phất tâm chi sự, tài thị tấn đức tu hạnh đích chỉ thạch. Nhược ngôn ngôn duyệt nhĩ, tiện bả thử sanh mai ư trấm độc trung hĩ. Hòa khí chí tường, thần hỷ đa thụy. Tật phong nộ vũ, cầm điểu thích thích, tễ nhật quang phong, thảo mộc hân hân. Khả kiến thiên địa bất khả nhất nhật vô hòa khí, nhân tâm bất khả nhất nhật vô hỷ thần” (Thuốc hay đắng miệng, lời trung chói tai. Tai thường nghe lời chói tai, tâm thường có những chuyện chẳng thuận ý, đấy mới là cột trụ để tấn đức, tu hạnh. Nếu lời lẽ nào cũng bùi tai, ắt đời này sẽ bị vùi lấp trong chất độc của chim Trấm. Hòa khí tốt lành nhất, tinh thần vui vẻ sẽ có lắm điều tốt đẹp. Gió giật mưa cuồng, chim chóc run rẩy. Trời quang, gió lặng, cây cỏ hân hoan. Đủ thấy trời đất chẳng thể có ngày nào không có hòa khí, lòng người chẳng thể có một ngày nào tâm tình chẳng vui vẻ).

[121] Du Tăng địa ngục còn gọi là Tứ Môn địa ngục, Phó địa ngục, hoặc Cận Biên địa ngục, là những địa ngục ngoài mười sáu địa ngục chính (bát hàn, bát nhiệt). Theo Chánh Pháp Niệm Xứ Kinh, mỗi địa ngục chính có bốn cửa, ngoài mỗi cửa có bốn địa ngục phụ, như vậy là mỗi địa ngục chính có mười sáu địa ngục phụ, các địa phục ấy được gọi là Du Tăng địa ngục. Du Tăng địa ngục gồm có bốn loại là Đường Ôi (nung nóng, hầm nấu), Thi Phẩn (xác chết và phân), Phong Nhận (các thứ nhọn bén), Liệt Hà (sông sôi sùng sục). Mười sáu địa ngục chính gồm:

  1. Tám địa ngục nóng là Đẳng Hoạt (Sañjīva, chết đi sống lại), Hắc Thằng (Kālasūtra, khổ gấp mười lần Đẳng Hoạt), Chúng Hợp (Samghāta, tội nhân bị các ngọn núi xô đến ép chặt lại), Khiếu Hoán (Raurava, kêu gào), Đại Khiếu Hoán (Mahāraurava), Tiêu Nhiệt (Tapana, nung đốt), Đại Tiêu Nhiệt (Pratāpana) và A Tỳ địa ngục (Avīci). Trong các ngục này, mỗi ngục sau khổ gấp mười lần ngục trước, thời gian trong ngục sau dài gấp đôi ngục trước. Thời gian tội nhân ở trong Đẳng Hoạt là 500 năm, thời gian trong Hắc Thằng là 1.000 năm v.v…
  2. Tám địa ngục lạnh là Cụ Pháo (Arbuda, da dẻ bị lạnh nứt rộp lên), Pháo Liệt (Nirarbuda, nứt toác), Khẩn Nha (Atata, răng rung lập cập), A Thu Thu (Hahava), A Hô Hô (Huhuva), Thanh Liên (Utpala), Hồng Liên (Padma), Đại Hồng Liên (Mahapadma). Những tên gọi này đều nhằm diễn tả tội nhân quá lạnh rên rỉ không thành tiếng, da dẻ nứt toạc, xanh tím như hoa sen xanh, hoặc nứt nẻ phô bày máu thịt như hoa sen hồng. Thời gian trong địa ngục lạnh dài khủng khiếp. Kinh thường nói để tính thời gian trong Cụ Pháo địa ngục, dùng cái hộc chứa gạo của thành Qua Tát Lạp làm chuẩn. Hộc ấy có thể chứa được 200 thưng gạo, cứ mỗi trăm năm lấy một hạt mè bỏ vào đó, khi nào bỏ đầy hộc thì hết thời gian thọ tội trong địa ngục Cụ Pháo. Mỗi ngục lạnh sau có thời hạn thọ tội gấp 20 lần ngục trước.

[122] Cô Độc địa ngục là những ngục chỉ có một chỗ có thể ở gần các địa ngục chính, hoặc lẻ loi trong nhân gian như bên bãi biển, núi non, chốn hoang vu v.v…

[123] Đài ngữ là ngôn ngữ thông dụng ở Đài Loan, gọi theo người Đài Loan là Tâi-uân-uē, đôi khi còn gọi là Phước Lão Thoại, Hà Lạc Thoại, Hạc Lão Thoại v.v… Thật ra, đây là phương ngữ tỉnh Phước Kiến (thường gọi là Mân Nam ngữ), chủ yếu là giọng của vùng Tuyền Châu và Chương Châu, rất tương tự với giọng Hạ Môn, pha trộn với một số từ ngữ vay mượn từ tiếng Hakka (Khách Gia), Nhật Bản, cũng như của thổ dân Đài Loan. Đặc biệt là khi Quốc Tánh Gia (Trịnh Thành Công) chạy ra Đài Loan lập căn cứ chống lại nhà Thanh với chiêu bài “phản Thanh, phục Minh”, đa số thủ hạ là người Tuyền Châu, nên giọng Tuyền Châu chiếm ưu thế trong Đài ngữ. Thêm nữa, người chịu trách nhiệm tổ chức giáo dục ở Đài Loan thuở ấy là quân sư Trần Vĩnh Hoa (tức Trần Cận Nam) cũng là người Tuyền Châu nên giọng Tuyền Châu càng chiếm ưu thế.

[124] Vaiśālī là thủ đô của nước Bạt Kỳ (Vajjian), Bạt Kỳ là quốc gia của bộ tộc Ly Xa (Licchavi). Đây cũng là nơi đức Phật thuyết giảng trước khi nhập Niết Bàn. Theo sử ký, thành được đặt tên theo vua Vishal thuộc thời sử thi Mahabharata. Đây cũng là nơi trưởng lão Da Xá triệu tập bảy trăm vị trưởng lão Phật giáo kết tập kinh điển lần thứ hai, tạo thành sự phân khai giữa Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ.

[125] Đây là cuộc hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Liên Xô tại Geneva (Thụy Sĩ) giữa tổng thống Ronald Reagan và tổng bí thư Mikhail Gorbachev vào ngày 19 và 20 tháng Mười Một năm 1985 nhằm thảo luận vấn đề cắt giảm vũ khí nguyên tử, hỏa tiễn, cam kết đôi bên không chủ động tấn công trước. Cuộc họp thượng đỉnh này mở đầu một loạt những cuộc họp thượng đỉnh giữa Mỹ và Liên Xô trong các năm sau đó cho đến khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.