A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
QUYỂN 1 – Tập 12-15
Liên Trì đại sư chùa Vân Thê soạn sớ sao
Pháp sư Cổ Đức diễn nghĩa
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Minh Tiến – Huệ Trang – Đức Phong
— o0o —
Tập 12
Xin đọc A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang thứ mười hai:
(Sớ) Bất khả tư nghị giả, như thượng minh nhi phục tịch, tịch nhi phục minh, thanh trược bất hình, hướng bối mạc đắc, tắc tâm ngôn lộ tuyệt, vô dung tư nghị giả hĩ.
(Diễn) Bất khả tư nghị giả hạ, thị tiên hợp giải, tâm ngôn lộ tuyệt, vị tùng bổn dĩ lai, ly ngôn thuyết tướng, ly tâm duyên tướng, nhất thiết pháp bất khả thuyết, bất khả niệm, danh vi Chân Như cố.
(疏) 不可思議者,如上明而復寂,寂而復明,清濁不形,向背莫得,則心言路絕,無容思議者矣。
(演) 不可思議者下,是先合解。心言路絕,謂從本以來,離言說相,離心緣相,一切法不可說、不可念,名為真如故。
(Sớ: “Chẳng thể nghĩ bàn” là sự sáng suốt như đã nói ở trên lại vắng lặng, tuy vắng lặng mà sáng suốt, “thanh, trược” chẳng thể hình dung, hướng về hay trái nghịch chẳng được, chẳng thể suy nghĩ hay nói năng, không thể nghĩ bàn được.
Diễn: Từ “chẳng thể nghĩ bàn” trở đi, trước hết là giải thích gộp chung. “Tâm ngôn lộ tuyệt” ý nói: Vốn lìa tướng ngôn thuyết, tướng tâm duyên, hết thảy pháp đều chẳng thể nói, chẳng thể niệm, nên gọi là Chân Như).
Chúng ta đã thảo luận cặn kẽ đoạn văn này trong lần trước, nhất định phải chú tâm lãnh hội, những điều này có quan hệ rất lớn với sự thâm nhập kinh tạng và công phu tu hành của chúng ta. Phần “tổng thuyết” đã giới thiệu, tiếp theo đây là “biệt thuyết”, tức là tách ra [từng điều] để giảng: Chẳng thể nghĩ là gì? Chẳng thể bàn là gì? “Bất khả tư nghị” là chẳng thể nghĩ, chẳng thể bàn.
(Sớ) Bất khả tư giả, sở vị pháp vô tướng tưởng, tư tắc loạn sanh. Kinh vân: “Nhữ tạm cử tâm, trần lao tiên khởi”, thị dã. Hựu pháp vô tướng tưởng, tư diệc đồ lao! Kinh vân: “Thị pháp phi tư lượng phân biệt chi sở năng cập”, thị dã. Cố viết: “Tâm dục duyên nhi lự vong dã”.
(疏) 不可思者,所謂法無相想,思則亂生。經云:汝暫舉心,塵勞先起,是也。又法無相想,思亦徒勞。經云:是法非思量分別之所能及,是也。故曰心欲緣而慮亡也。
(Sớ: “Chẳng thể nghĩ” có nghĩa là: Pháp chẳng có tướng để suy tưởng, hễ suy nghĩ sẽ sanh rối loạn. Kinh dạy: “Ông vừa tạm khởi tâm, trần lao đã dấy trước”, là nói tới điều này. Lại nữa, pháp không có tướng để suy tưởng, suy nghĩ cũng uổng công! Kinh dạy: “Pháp này chẳng thể suy lường, phân biệt mà hòng thấu hiểu được” là nói về ý này. Do vậy, nói: “Tâm muốn duyên mà lự đã mất”).
Đoạn này giải thích đạo lý vốn có trong “bất khả tư”. “Bất khả tư” là gì? Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này. “Sở vị: Pháp vô tướng tưởng” (Nghĩa là: Pháp không có tướng để suy tưởng): Chữ “pháp” chỉ hết thảy pháp. Hết thảy pháp chỉ “tâm pháp, tâm sở hữu pháp, sắc pháp, bất tương ứng hành pháp, hữu vi pháp” cho đến vô vi pháp. Hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian đều chẳng có tướng để suy tưởng, đây là nói tới Thật Tướng của hết thảy các pháp. Kinh Bát Nhã đã giảng Thật Tướng rất rõ ràng như sau: “Thật Tướng vô tướng”. Không có tướng gì? Chính là không có tướng để suy tưởng. Vì vậy, kinh Kim Cang Bát Nhã đã giảng về hết thảy tướng rất hay: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Bản thể của hết thảy tướng là Không, nó không có tự tánh. Do không có tự tánh nên tướng chính là chẳng phải tướng (phi tướng). Trong Tâm Kinh có nói: “Sắc chính là Không, Không chính là Sắc, Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc”. Đủ thấy, tướng chân thật của hết thảy tướng là không có tướng để suy tưởng. Câu nói này vẫn rất khó hiểu. Vì sao rất khó hiểu? Vì nó vượt khỏi nhận thức thông thường của chúng ta! Vượt khỏi nhận thức thông thường như thế nào? Do chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối luôn suy nghĩ lung tung. Nói cách khác, không có cách nào hết! Từ trước đến nay chưa hề ngưng dứt sự suy nghĩ lung tung ấy, do vậy, rất khó thể lãnh hội chân tướng của sự thật này, nguyên nhân là vì đây.
Cận đại, có những thứ trong khoa học quả thật đã giúp ích Phật pháp rất lớn. Chẳng hạn như, các nhà khoa học phát hiện hết thảy vật chất trong vũ trụ đều giống nhau, có hơn một trăm nguyên tố (chemical elements), chúng đều do những lạp tử cơ bản (elementary particles) tạo thành. Nói cách khác, do công thức cấu tạo (structural formula, bài liệt phương trình thức) của những lạp tử cơ bản khác nhau, tổ hợp (combination) không giống nhau, mà thành ra hơn một trăm nguyên tố. Vì thế, các nhà khoa học công nhận cấu tạo và vật liệu của thân thể con người cũng như mỗi bộ phận trong thân thể con người có cấu tạo giống như cấu tạo của cây cối, hoa, cỏ, vật liệu giống nhau, đều do các lạp tử cơ bản tổ hợp thành. Dùng cùng một thứ nguyên liệu, có thể chế thành gạch, thành ngói, có thể làm thành những thứ thực vật cây cỏ, hoa lá, mà cũng có thể tạo thành loài người chúng ta. Nguyên liệu giống nhau, không khác nhau!
Đấy là phát hiện của Ái Nhân Tư Thản (Einstein): Năng lượng bằng với chất lượng trong trạng thái tĩnh nhân với bình phương tốc độ ánh sáng (E=mc2) , há chẳng phải là “Sắc bất dị Không” trong Tâm Kinh ư? Nếu chúng ta coi Không là năng lượng, Sắc là chất lượng, thì nào có gì khác nhau! “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”. Do vậy, trong ấy vô tướng, vô tưởng. “Tướng” là nói tới Tướng Phần, “tưởng” là nói tới Kiến Phần. Kiến Phần và Tướng Phần đều hư vọng, bản thể của chúng là Tự Chứng Phần. Tự Chứng Phần biến ra hai thứ hư vọng là Tướng và Tưởng, chuyện là như vậy đó. Thời cổ, những nhà Duy Thức ví Kiến Phần và Tướng Phần như hai cái sừng (xúc tu, tentacles) của con ốc sên (ốc ma). Hai cái sừng của con ốc sên chẳng có, chẳng không. Thò dài ra là hai cái sừng, rút vào sẽ chẳng còn nữa. Đầu con ốc ví như Tự Chứng Phần, hai cái sừng giống như Kiến Phần và Tướng Phần. Quý vị chẳng thể nói là có, mà cũng chẳng thể nói là không. Quý vị nói “không có”, chúng duỗi ra đấy thôi; nói “có” thì chúng rút vào mất rồi! Do vậy, nó là chẳng phải có, chẳng phải không, rốt ráo chẳng thể được.
Vậy là chúng ta nhận biết chân tướng của hết thảy pháp, bởi vậy, nếu quý vị “tư tắc loạn sanh” (suy nghĩ sẽ sanh loạn). “Loạn” ở đây là vô minh, trên đầu chồng thêm đầu. Kinh Lăng Nghiêm nói “tri kiến lập tri” (từ trong tri kiến, lập ra một cái nhận biết nữa), ở đây nói “tư tắc loạn sanh” thì Tư chính là “tri kiến lập tri”. Tự cho là mình thông minh, thông minh ở chỗ nào? Suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ loạn xạ, đồn thổi bịa chuyện. “Tư” là suy nghĩ lung tung, “nghị” là đồn thổi, bịa chuyện, kinh Phật gọi [những thứ suy nghĩ, đồn thổi này] là “hý luận”. Hý luận là gì? Nói giỡn chơi, chẳng có câu nào là thật!
Điều này nêu rõ: Quyết định chẳng thể nghĩ, hết thảy pháp đều chẳng thể nghĩ! Chúng ta tu pháp môn Niệm Phật, cầu nhất tâm bất loạn. Nếu hết thảy pháp đều chẳng nghĩ, nhất tâm sẽ hiện tiền, liền đạt được nhất tâm bất loạn. Cổ nhân nói “tu hành đắc đạo”, chẳng nghĩ thì mới đắc đạo. Suốt ngày từ sáng đến tối lúc nào cũng suy nghĩ loạn xạ, quý vị có làm cách nào thì cũng chẳng thể đạt được! Chẳng thể nghĩ mà! Chẳng nghĩ là đúng, chẳng nghĩ sẽ là “như như”, kinh gọi “chẳng nghĩ” là “như thị”. “Như thị ngã văn, như thị ngã giác, như thị ngã tri” (tôi nghe như thế, tôi giác như thế, tôi biết như thế), đây đều là những pháp chân thật.
Đối với câu “pháp vô tướng tưởng” (pháp không có tướng để suy nghĩ), pháp sư Cổ Đức đã chú giải mấy câu, nhằm nêu rõ…
(Diễn) Bất khả tư giả hạ, thị thứ phân giải.
(演) 不可思者下,是次分解。
(Diễn: Từ “chẳng thể nghĩ” trở đi, lần lượt chia ra để giải thích).
Trong hai đoạn này, đoạn trước là giảng tổng quát, trước hết là nói gộp, tiếp theo đó là chia ra [từng điều] để giải thích.
(Diễn) Pháp vô tướng tưởng, vị: Hữu tướng khả tư, vô tướng nan tư.
(演) 法無相想,謂有相可思,無相難思。
(Diễn: “Pháp vô tướng tưởng” ý nói: Có tướng thì có thể nghĩ, không có tướng sẽ khó nghĩ).
Tiếp theo đó là nói: Có tướng hay là không có tướng? Vô tướng là chân, hữu tướng là hư vọng. “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Công phu của chúng ta thật sự chưa đến nơi đến chốn. Nói cách khác, vọng tưởng không có cách nào ngưng nghỉ, chẳng thể không dấy vọng tưởng. Làm cách nào đây? Đừng nghĩ đến tướng cảnh giới trong lục phàm nữa, suốt ngày từ sáng đến tối hãy nghĩ tưởng Tây Phương Cực Lạc thế giới, nghĩ đến A Di Đà Phật, nghĩ tới Quán Âm Bồ Tát, nghĩ tới ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, quý vị hãy nghĩ tới những điều ấy.
Vì sao nghĩ tới những thứ ấy? Nghĩ tới chúng có gì hay? Nghĩ tới những điều ấy sẽ chẳng tạo ác nghiệp, nghĩ tới những điều ấy chẳng đọa tam đồ; nếu quý vị nghĩ tới pháp thế gian sẽ đọa tam đồ. Thật ra, quý vị chẳng thể không nghĩ, nên bèn thay đổi đối tượng suy nghĩ, đấy là để cứu mạng! Cứu quý vị từ tam đồ sang tam thiện đạo, cứu sang nhân thiên, cứu quý vị từ nhân thiên sang tận Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do vậy, trong pháp môn Niệm Phật có Quán Tượng Niệm Phật, có Quán Tưởng Niệm Phật, đấy là những biện pháp bất đắc dĩ, là phương tiện môn. Ở đây Ngài nói cho chúng ta biết tướng chân thật. Do vậy, phải hiểu hết thảy tướng là hư vọng, bản thể của hết thảy tướng chính là Không.
(Diễn) “Nhữ tạm cử tâm, trần lao tiên khởi”, thị tư chi hữu quá dã.
(演) 汝暫舉心,塵勞先起,是思之有過也。
(Diễn: “Ông vừa tạm khởi tâm, trần lao đã dấy trước” là suy nghĩ sẽ mắc lỗi).
“Nhữ tạm cử tâm”: Tâm ông mới vừa động. “Trần” có nghĩa là ô nhiễm, là vô minh. Ở đây, chữ Trần đại diện cho vô minh. Tâm quý vị vừa động bèn là vô minh, chân tánh bị ô nhiễm, vô thỉ vô minh. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Tri kiến lập tri, thị vô minh bổn” (từ trong tri kiến lập ra một cái biết, đấy là gốc của vô minh). Tâm quý vị vừa động liền thành căn bản vô minh. Chân tâm tịch tĩnh, nhất tâm bất loạn là tĩnh. Trong phần trước đã nói “tịch nhi thường chiếu, chiếu nhi thường tịch, tịch chiếu bất nhị” (tịch mà thường chiếu, chiếu nhưng thường tịch, tịch và chiếu chẳng hai). Đấy là nhất tâm, là Chân Như. Tâm vừa động, thì sự động ấy là “lao”, bởi lẽ, vô minh là tướng động, trần lao đã dấy trước. “Thị tư chi hữu quá dã”(là do suy nghĩ sẽ mắc lỗi) nơi trong phần ở trên
Liên Trì đại sư đã viết “tư tắc loạn sanh” (suy nghĩ sẽ sanh ra loạn), sự suy nghĩ này đích xác là mắc lầm lỗi!
“Hựu pháp vô tướng tưởng, tư diệc đồ lao” (Lại nữa, pháp không có tướng để suy nghĩ, suy nghĩ cũng uổng công). Nhọc nhằn mà chẳng có ích gì!
(Diễn) Tư diệc đồ lao, thị tư chi vô công dã.
(演) 思亦徒勞,是思之無功也。
(Diễn: “Suy nghĩ cũng uổng công”, nghĩa là suy nghĩ vô ích).
Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Thị pháp phi tư lượng phân biệt chi sở năng cập” (Pháp này chẳng thể dùng suy lường, phân biệt mà hòng thấu hiểu được). “Thị pháp” (pháp này) là gì vậy? Thưa cùng quý vị, hết thảy các pháp. Chắc cũng có các vị nghe nói [như vậy] cảm thấy rất kỳ quái, vì sao là hết thảy pháp? Nếu quý vị nói là Chân Như bổn tánh, đại khái cũng chẳng sai cho lắm. Nếu nói là sáu căn, sáu trần, năm uẩn, mười hai xứ, làm sao chẳng thể nghĩ cho được? Nếu quý vị nghĩ theo cách ấy, sẽ khó kiến tánh, chẳng có phần đạt Lý nhất tâm bất loạn trong niệm Phật. Nếu công phu tốt đẹp, có thể đạt đến Sự nhất tâm, trong Sự nhất tâm mới có những thứ này. Còn đối với Lý nhất tâm thì như trong phần trên đã nói, hết thảy pháp đều do chân tâm của chính mình biến hiện “nhất thiết pháp giai ngô tâm thể” (hết thảy pháp đều là tâm thể của ta), đều là tâm thể của chính mình, “phi ly vạn pháp biệt hữu tâm thể” (chẳng phải là lìa vạn pháp mà có riêng một tâm thể).
Do vậy, tôi nói Lý nhất tâm bất loạn là gì? Hết thảy pháp đều là Lý nhất tâm. Chúng ta muốn đắc Lý nhất tâm, muốn minh tâm kiến tánh, muốn nhập pháp môn Bất Nhị, muốn nhập Nhất Chân pháp giới, thì phải hiểu rõ đạo lý này, phải thật sự quán thông Lý thì mới có thể nhập cảnh giới này. Tuy tôi chẳng dám khẳng định là nhất định có thể nhập cảnh giới này, nhưng đó là chuyện có thể. Vấn đề là mức độ thâm nhập và mức độ thấu hiểu sâu xa đạo lý này của quý vị, quý vị sử dụng công phu có đúng cách hay không, mấu chốt là ở chỗ này. Nếu có trình độ lý giải khá, dụng công đúng cách, trong một đời, chắc chắn có thể nhập được cảnh giới này.
Tại Trung Quốc, bất luận Tông Môn hay Giáo Hạ, quý vị đọc Cao Tăng Truyện, Cư Sĩ Truyện, [sẽ thấy] các đồng tu tại gia tu hành, khai ngộ, chứng quả, đắc Lý nhất tâm triều đại nào cũng có. Trải qua các đời, người Trung Quốc tu hành thành tựu quả thật nhiều hơn người ngoại quốc. Nói cách khác, người Trung Quốc “đắc thiên độc hậu” (sẵn có điều kiện vượt trỗi). Nói theo ngôn ngữ nhà Phật thì là thiện căn, phước đức, nhân duyên sâu dầy, còn chúng ta thì mỗi đời lại kém hơn đời trước, mắc khuyết điểm tự cậy thông minh. Nếu thật thà theo đúng quy củ, chiếu theo phương pháp, lý luận này để tu học thì thế hệ chúng ta sẽ thành tựu chẳng kém đời trước. Thật thà là gì? Người đời trước có thể tuân thủ, hiểu đạo lý này: Trong hết thảy pháp họ có thể lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên, nên chẳng thể nghĩ bàn, họ có thể nhập được cảnh giới, có thể thành tựu. Nay chúng ta gặp khó khăn là vì sao? Chúng ta chẳng thật thà, suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ loạn xạ, bệnh ở chỗ này!
Trong kinh nói mấy câu rất hay, đúng là gõ một gậy vào đầu chúng ta là những kẻ hiện đang tu hành. Do vậy, suy lường, phân biệt pháp này sẽ chẳng thể thấu hiểu được. Suy lường là thức thứ bảy, tức Mạt Na Thức, phân biệt là thức thứ sáu. Thức thứ sáu và thứ bảy đều duyên chẳng được, cái được chúng duyên là tướng hư vọng, tức là duyên vào hết thảy pháp tướng, chẳng thể duyên hết thảy pháp tánh; nhưng cần phải hiểu rằng: Pháp Tánh và Pháp Tướng là một, không hai! Cổ nhân nói vàng và đồ vật, đồ vật là Tướng, vàng ví như Tánh. Vàng và đồ vật có thể tách rời hay chăng? Chẳng thể tách rời, là một, chẳng phải hai; đấy gọi là pháp môn Bất Nhị. Chúng ta thấy Tánh từ nơi Tướng như thế nào? Tách rời suy nghĩ và bàn bạc thì sẽ thấy được. Tách lìa những cái được biến hiện có thể nghĩ bàn thì gọi là pháp môn Bất Nhị, là cảnh giới giải thoát chẳng thể nghĩ bàn.
(Diễn) Tâm dục duyên nhi lự vong giả, cử tâm dục duyên, tư lự tiên vong, dĩ Chân Như vô tướng tưởng, tức tâm tuyệt cố.
(演) 心欲緣而慮亡者,舉心欲緣,思慮先亡 ,以真 如無相想,即心絕故。
(Diễn: “Tâm muốn duyên mà tư lự đã mất trước” là dấy lòng muốn duyên [theo sự vật] thì sự suy lường đã mất trước, vì Chân Như không có tướng để suy tưởng, tức là tâm dứt bặt vậy).
Công năng của cái tâm ý thức thứ sáu và cái tâm ý thức thứ bảy hễ đến chỗ này sẽ chẳng khởi tác dụng, nó có hạn độ. Điều này cũng cho thấy thức thứ sáu và thứ bảy là pháp hữu vi, chẳng phải là pháp vô vi. Tuy tác dụng của chúng to lớn, nhưng có hạn độ, chúng có thể khởi vọng tưởng, nhưng chẳng thể duyên theo chân thật. Chúng có thể duyên theo tướng hư vọng, chẳng thể duyên theo chân tướng, chẳng duyên Thật Tướng, đạo lý ở chỗ này. Đây là giảng rõ ý nghĩa “chẳng thể nghĩ”.
Tiếp theo đây là lời giải thích về “bất khả nghị”, “nghị” là nghị luận. Đây cũng là ngôn thuyết, cũng chẳng có cách nào để nói pháp này!
(Sớ) Bất khả nghị giả, sở vị: Lý viên, ngôn thiên, ngôn sanh, Lý táng. Kinh vân: “Phàm hữu ngôn thuyết, giai thành hý luận”, thị dã. Hựu Lý viên, ngôn thiên, ngôn bất năng tận. Kinh vân: “Nhất nhất thân cụ vô lượng khẩu, nhất nhất khẩu xuất vô lượng âm, như Thiện thiên nữ, cùng kiếp nhi thuyết, chung mạc năng tận”, thị dã. Cố viết: “Khẩu dục đàm nhi từ táng” dã.
(疏) 不可議者,所謂理圓言偏,言生理喪。經云:凡有言說,皆成戲論。是也。又理圓言偏,言不能盡。經云:一一身具無量口,一一口出無量音,如善天女,窮劫而說,終莫能盡,是也。故曰口欲談而詞喪也。
(Diễn: “Chẳng thể bàn” ý nói: Lý viên mãn, lời lẽ lệch lạc. Thốt lời, Lý bị chôn vùi. Kinh chép: “Phàm những gì có nói năng đều thành hý luận” là nói về ý này. Lại nữa, Lý viên mãn, lời lẽ lệch lạc, nên chẳng thể nói trọn hết. Kinh dạy: “Trong mỗi một thân có vô lượng miệng, mỗi một miệng có vô lượng âm thanh, giống như Thiện thiên nữ, nói hết cả kiếp, rốt cuộc vẫn chẳng thể trọn hết” chính là nói về điều này. Vì thế nói: “Miệng muốn bàn luận mà từ ngữ đã chôn vùi”).
“Lý viên”: Lý là viên mãn. Lý này viên mãn tận hư không, trọn pháp giới. Tùy tiện nhón lấy một vi trần thì Lý nào cũng là viên, không một pháp nào chẳng viên. Lớn như thế giới, nhỏ như vi trần, không có một pháp nào chẳng viên. Lý là gì? Lý là Tánh, Pháp Tánh. Nơi hữu tình chúng sanh [thì Tánh ấy] gọi là Phật Tánh, nơi vô tình chúng sanh gọi là Pháp Tánh. Lý là nói về Tánh, Tánh là viên. “Ngôn thiên”: Ngôn ngữ, lời nói đều chẳng viên mãn, văn tự chẳng viên mãn.
Chúng ta lại dùng vàng và đồ vật để tỷ dụ thì vàng là Viên, vàng tượng trưng cho Lý, đồ vật là thiên lệch, chẳng viên mãn. Quý vị hãy thấu hiểu đạo lý này. Tánh là viên mãn, Tướng chẳng viên mãn. Viên là chân thật, vĩnh viễn bất biến, còn Tướng thì sao? Sanh diệt trong từng sát-na, chẳng viên mãn!
(Diễn) Lý tánh viên dung, bất khả phân tích, như nhất đa giao
triệt, đại tiểu hỗ dung, chân vọng giao tham, nhiễm tịnh bất nhị đẳng.
(演) 理性圓融,不可分析,如一多交徹、大小互融、真妄交參、染淨不二等。
(Diễn: Lý tánh viên dung, chẳng thể chia chẻ, như một và nhiều thấu triệt lẫn nhau, lớn và nhỏ dung nhập nhau, chân và vọng xen lẫn vào nhau, nhiễm và tịnh chẳng hai v.v…)
Vừa mở đầu đã nói rất hay. Lý là nói về Tánh, viên dung. “Bất khả phân tích, như nhất đa giao triệt, đại tiểu hỗ dung, chân vọng giao tham, nhiễm tịnh bất nhị” (Chẳng thể chia chẻ, như một và nhiều thấu triệt lẫn nhau, lớn và nhỏ dung nhập nhau, chân và vọng xen lẫn vào nhau, nhiễm và tịnh chẳng hai) hoàn toàn là cảnh giới Hoa Nghiêm, “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”. Chẳng đạt đến cảnh giới này sẽ không được. Khi nào đạt đến cảnh giới này? Trong pháp hội Di Đà, Lý nhất tâm bất loạn chính là cảnh giới này. Cảnh giới ấy tốt đẹp như thế nào? Trong cảnh giới ấy không có Kiến Tư phiền não, cũng chẳng có Trần Sa phiền não, cũng phá được mấy phần Vô Minh phiền não, vì sao? Vị ấy đã thấy tánh! Kiến tánh là thấy được lý “pháp nào cũng viên dung”, đấy là kiến tánh.
Do vậy, được gọi là Lý nhất tâm. Lý nhất tâm chính là “Lý tánh viên dung, chẳng thể chia chẻ”. Không chỉ chẳng có chấp trước Nhân Ngã (ta – người), mà còn như kinh Kim Cang đã nói: Tứ Tướng và Tứ Kiến đều không có, Pháp Chấp cũng không có. Nếu có Pháp Chấp, làm sao có thể “một và nhiều thấu triệt lẫn nhau, lớn và nhỏ dung nhập nhau”? Bốn câu ấy (tức “nhất đa giao triệt, đại tiểu hỗ dung, chân vọng giao tham, nhiễm tịnh bất nhị”) đều bị biến thành chướng ngại, Pháp Chấp cũng không có. Lý nhất tâm bất loạn là như vậy đó. Sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, không một pháp nào chẳng viên dung. Viên dung là Pháp Thân, không pháp nào chẳng tự tại. Tự tại là Giải Thoát, không pháp nào chẳng thấu triệt; hiểu rõ triệt để chính là Bát Nhã. Do vậy, Lý nhất tâm là Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát đều hiện tiền, đều chứng đắc.
Trong mỗi một pháp thấy Pháp Thân, trong mỗi một pháp hiển lộ Bát Nhã, trong mỗi một pháp đắc tự tại (Giải Thoát). Đấy gọi là Sự Sự vô ngại. Qua kinh luận, chúng ta nhìn thấy một chút tin tức như vậy, Lý là Lý nơi Sự, Tánh là Tánh của Tướng, quý vị bèn hiểu: Sự chẳng lìa Lý, Lý chẳng tách rời Sự, Lý và Sự là một, Tánh và Tướng chẳng hai, phải lãnh hội, phải lãnh ngộ điều này.
(Diễn) “Ngôn thiên” giả, như ngôn nhất tắc di đa, ngôn đại tắc thất tiểu, đàm chân tắc vi tục, thuyết nhiễm tắc vi tịnh đẳng.
(演) 言偏者,如言一則遺多,言大則失小,談真則違俗,說染則違淨等。
(Diễn: “Ngôn ngữ lệch lạc” là nếu nói một sẽ sót nhiều, nói lớn sẽ mất nhỏ, nói chân sẽ trái với tục, nói nhiễm sẽ trái nghịch tịnh v.v…)
“Ngôn nhất tắc di đa” (nói một sẽ sót nhiều): Chẳng thể nói tới hai việc cùng một lúc được, nói một chuyện này sẽ thiếu sót chuyện kia, nói chuyện kia sẽ bỏ sót chuyện này, đó là chẳng viên. “Ngôn đại tắc thất tiểu, đàm chân tắc vi tục, thuyết nhiễm tắc vi tịnh” (Nói lớn sẽ mất nhỏ, nói chân sẽ trái với tục, nói nhiễm sẽ trái nghịch tịnh): Những điều này dễ hiểu. Do vậy, công năng của ngôn thuyết hết sức hữu hạn.
(Diễn) Sở vị: “Khai khẩu thành song quyết, dương mi lạc nhị tam” dã. Thị ngôn chi hữu quá dã.
(演) 所謂開口成雙橛,揚眉落二三也。是言之有過也。
(Diễn: Đó gọi là “mở miệng thành hai mảnh, nhướng mày rớt hai, ba” đó là nói ngôn thuyết có khuyết điểm vậy).
Câu này có nghĩa là quý vị vừa mở miệng nhất định sẽ rớt vào hai bên, hai bên ấy chính là tương đối. Phật pháp nói pháp môn Bất Nhị, quý vị vừa mở miệng nhất định sẽ rớt vào hai môn. Pháp là pháp môn Bất Nhị, nếu “hai” thì làm sao có thể tiến nhập Pháp? “Dương mi” (nhướng mày) nhằm biểu lộ ý nghĩ, chẳng những không nói được mà biểu lộ cũng chẳng được. Nếu có thể biểu lộ, thì sẽ có thể dùng một cách [nào đó] để biểu thị pháp. Trong kinh Hoa Nghiêm đã dùng bao nhiêu phương pháp nhằm biểu thị pháp, nhưng có thể biểu thị trọn hết hay không? Biểu thị chẳng trọn hết. Ngôn thuyết và biểu thị pháp là công cụ dạy học chẳng thể thiếu trong Phật pháp. Dùng thuật ngữ Phật học để nói thì đấy là “phương tiện thiện xảo chẳng thể thiếu”, nhưng chỉ là phương tiện thiện xảo mà thôi! Quý vị phải từ những phương tiện thiện xảo ấy mà ngộ nhập chân thật.
Do vậy, Phật, Bồ Tát, thiện tri thức chỉ có thể giúp đỡ chúng ta tới đây mà thôi, làm Tăng Thượng Duyên mà thôi. Chính quý vị có thể ngộ nhập hay không phải cậy vào chính mình, Phật, Bồ Tát cũng không thể làm gì được! Như vậy, khai ngộ là ai khai ngộ? Chính quý vị tự khai ngộ, chứ không phải là thầy có năng lực giúp quý vị khai ngộ. Nếu thầy có năng lực giúp người khác khai ngộ, bất cứ ai thân cận vị thầy ấy sẽ đều khai ngộ mới đúng! Chúng tôi đã giảng Đàn Kinh rất nhiều lần; thuở ấy, những người thân cận Lục Tổ đại sư là bao nhiêu người? Tối thiểu cũng có mấy chục vạn người. Bao nhiêu người khai ngộ? Bốn mươi ba người, tỷ lệ chẳng cân xứng! Những người có thể khai ngộ dưới tòa của Lục Tổ đại sư chỉ là một phần vạn. Ai giúp họ khai ngộ? Chính mình khai ngộ! Đàn Kinh đã nói rất rõ ràng: “Tự ngộ, tự tu, tự chứng”. Tổ sư thuyết pháp, đồ chúng học trò đều nghe, vì sao người này khai ngộ, kẻ khác nghe xong chẳng khai ngộ? Phương tiện thiện xảo giống hệt, nhưng có thể ngộ nhập hay không là do mỗi người. Thầy có bao giờ chẳng mong mọi người đều khai ngộ, nhưng chẳng có cách nào, đó là chuyện chẳng thể làm được! Đấy là nói “ngôn thuyết có khuyết điểm” vậy!
(Diễn) Ngôn bất năng tận, thị ngôn chi vô công dã.
(演) 言不能盡,是言之無功也。
(Diễn: “Nói chẳng thể trọn hết” là dẫu nói chẳng có ích gì).
“Ngôn bất năng tận”, không có cách nào trọn hết thảy Lý, tức là không có cách nào trọn hết Lý viên mãn, không có cách nào trọn hết thảy Sự viên mãn. Lý và Sự đều viên dung, Lý và Sự đều vô ngại. “Biểu thị” chẳng phải là viên dung, mà là có chướng ngại. “Ngôn thuyết” cũng chẳng phải là viên dung, cũng có chướng ngại. Đức Phật dùng phương pháp này, dùng cách có chướng ngại để dạy quý vị hãy từ hữu ngại mà ngộ nhập vô ngại, dạy quý vị hãy từ hữu tận mà ngộ nhập vô tận, nhất định phải lìa ngôn thuyết, lìa danh tự, lìa tâm duyên. Lìa ngôn thuyết, lìa danh tự chính là “bất khả nghị” (chẳng thể bàn luận). Trong kinh Hoa Nghiêm nói tới Nhất Chân pháp giới, trong Tịnh Độ gọi pháp giới ấy là Thật Báo Trang Nghiêm độ, đã chứng được Lý nhất tâm.
Vấn đề là sáu căn của quý vị tiếp xúc cảnh giới bên ngoài có viên dung vô ngại hay không? Nếu quý vị tiếp xúc những cảnh giới ấy mà thật sự là Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại thì quý vị đã tự đắc Lý nhất tâm. Đắc Lý nhất tâm thì còn có danh tự Lý nhất tâm hay không? Không có! Nếu vẫn còn có danh tự Lý nhất tâm, quý vị vẫn còn chấp vào tướng danh tự, đấy là chướng ngại. Quý vị còn chấp vào tướng ngôn thuyết, còn có tướng tâm duyên. Quý vị không đoạn được ba điều này thì quý vị thuộc tiêu chuẩn phàm phu, chẳng phải là thánh nhân. Chỗ này thật là vi tế, đúng là “sai chỉ hào ly, lạc đi ngàn dặm”.
(Diễn) Khẩu dục đàm nhi từ táng giả, khai khẩu dục đàm, ngôn
vị tiên táng, dĩ chí lý tuyệt ngôn, vô dung thố khẩu cố.
(演) 口欲談而詞喪者,開口欲談,言謂先喪,以至理絕言,無容措口故。
(Diễn: “Miệng muốn nói mà từ ngữ đã chôn vùi” là mở miệng toan nói, lời lẽ đã mất trước, bởi lẽ, lý tột cùng dứt bặt ngôn từ, chẳng thể mở miệng).
Pháp chân thật chẳng thể nói được, không có cách nào nói. Do vậy, mới nói “phàm hữu ngôn thuyết, giai thành hý luận” (Hễ có nói năng, đều trở thành hý luận), đạo lý là như vậy đó. Trong các buổi giảng, chúng tôi cũng thường nhắc tới cương lãnh quan trọng nhất trong pháp chân thật: Đọc kinh phải lìa tướng văn tự, lìa tướng tâm duyên thì ngay trong khi ấy mới có thể thành tựu Tam Học và Tam Huệ. Nghe kinh cũng phải lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên, ngay khi ấy sẽ là nhất tâm bất loạn, Tam Huệ và Tam Học đồng thời đầy đủ. Đọc hay nghe chẳng phải là công phu thì cái gì sẽ là công phu? Đọc và nghe chẳng phải là tu hành thì cái gì mới gọi là tu hành? Nếu quý vị không hiểu, ấy chính là “kể chuyện ăn, đếm của báu”. Nếu quý vị hiểu, sẽ là công phu thật sự, là tu hành thật sự! Trong đây, thế nào là Tam Huệ, thế nào là Tam Học, mỗi một điều đều hiểu rõ ràng, rành mạch, phân minh, quả thật đầy đủ.
(Diễn) “Như Thiện thiên nữ” giả. Hoa Nghiêm vân: “Tự Tại thiên vương hữu thiên thể nữ[35] danh viết Thiện Khẩu, ư kỳ khẩu trung xuất nhất âm thanh, tắc dữ bách thiên chủng nhạc nhi cộng tương ứng đẳng”.
(演) 如善天女者。華嚴云:自在天王有天采女名曰善口,於其口中出一音聲,則與百千種樂而共相應等。
(Diễn: “Như Thiện thiên nữ” là như kinh Hoa Nghiêm chép: “Vua cõi trời Tự Tại có một thị nữ cõi trời, tên là Thiện Khẩu. Trong miệng cô ta thốt ra một âm thanh thì âm thanh ấy giống như trăm ngàn thứ nhạc cùng hòa tiếng vậy”).
Đây là câu trích từ kinh Hoa Nghiêm: “Nhất nhất thân cụ vô lượng khẩu, nhất nhất khẩu xuất vô lượng âm” (Mỗi một thân có vô lượng miệng, mỗi một miệng phát ra vô lượng âm), cũng không có cách nào [diễn tả trọn hết Chân Như bổn tánh]. Loại năng lực này người tầm thường chẳng thể làm được. Người miệng lưỡi nhanh nhạy trong thế gian có thể sánh bằng Thiện thiên nữ hay không? Thiện thiên nữ (Śrī-mahā-devī)[36] mà còn không có cách gì để nói được thì ai có năng lực để nói đây? Chẳng trách gì chúng ta thấy trong kinh Hoa Nghiêm, năm mươi ba vị thiện tri thức, vị nào cũng đều nói lời thành thật: “Chẳng có cách nào biết được trí huệ, công đức của chư Phật, Bồ Tát!” mà cũng không có cách nào nói ra được. Lời ấy là thật. Trong đoạn này dẫn dụng kinh văn của kinh Hoa Nghiêm để giảng rõ ý “ngôn dục đàm nhi từ táng” (miệng muốn nói mà lời bị chôn vùi).
(Sớ) Hựu thử kinh nguyên danh Bất Khả Tư Nghị, cố dụng thử tứ tự tổng tán tiền văn, cái thị chí lý chi cực danh dã.
(疏) 又此經原名不可思議,故用此四字總讚前文,蓋是至理之極名也。
(Sớ: Hơn nữa, kinh này vốn có tên là Bất Khả Tư Nghị, nên dùng bốn chữ này để làm lời ca ngợi chung cho đoạn văn đã được nói trong phần trên, đấy chính là tên gọi tột bậc của lý tột bậc vậy).
Bốn chữ Bất Khả Tư Nghị chẳng phải là không có lai lịch, tùy tiện nói ra. Kinh Hoa Nghiêm được gọi là Đại Bất Tư Nghị Kinh, kinh Duy Ma được gọi là Tiểu Bất Tư Nghị Kinh, kinh này cũng gọi là Bất Tư Nghị Kinh. Chúng ta hiểu những kinh này vốn thuộc cùng một loại. Do vậy, kinh này là chỗ tổng quy kết của kinh Hoa Nghiêm. Quý vị thấy trong quyển cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm, Phổ Hiền Bồ Tát dùng mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Qua kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy Thiện Tài đồng tử là một vị tu hành chân chánh, như chúng tôi vừa mới nói đó, Ngài hiểu lý luận, hiểu phương pháp, lục căn tiếp xúc lục trần, đi, đứng, nằm, ngồi đều là tu hành, toàn là công phu. Mỗi lần Ngài tham phỏng một vị thiện tri thức, cảnh giới của Ngài lại được nâng cao hơn một tầng. Ngài đến tham phỏng Sơ Trụ Bồ Tát, bản thân Ngài liền đạt đến Sơ Trụ. Ngài tham phỏng Sơ Địa Bồ Tát, bản thân Ngài liền đạt đến Sơ Địa Bồ Tát. Ngài đến tham phỏng các vị Văn Thù, Phổ Hiền, bản thân Ngài liền đạt đến địa vị Đẳng Giác. Từ Đẳng Giác lại tiến hơn nữa, đều về Tây Phương Cực Lạc thế giới.
Mỗi lần Thiện Tài đồng tử tham phỏng thiện tri thức, Ngài có ba câu nói hết sức quan trọng. Câu thứ nhất thưa rõ Ngài đã phát đại tâm, đại nguyện, nhất định muốn thỏa đại nguyện của Ngài, đại nguyện gì vậy? Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. “Tôi đã phát A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm (tức Bồ Đề tâm)”, muốn cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Chỉ có Phật trong Viên Giáo mới là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, còn Phật trong Tạng Giáo, Phật trong Thông Giáo, Phật trong Biệt Giáo đều là Chánh Đẳng Chánh Giác, chẳng thể gọi là Vô Thượng. Văn Thù, Phổ Hiền đều là Chánh Đẳng Chánh Giác, là Đẳng Giác Bồ Tát. Đẳng Giác Bồ Tát muốn thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác ắt phải đến Tây Phương Cực Lạc thế giới.
Do vậy, chúng ta đọc kinh này phải giác ngộ: Nếu muốn thành tựu trí huệ viên mãn rốt ráo thì phải ở Tây Phương Cực Lạc thế giới. Trừ Tây Phương Cực Lạc thế giới ra, ở bất cứ nơi nào cũng đều chẳng thể viên mãn. Nếu chẳng phát tâm vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, có thể gọi là kẻ ngu si, là kẻ thiếu phước báo. Chẳng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ chẳng có phần nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Chúng ta cần phải giác ngộ điều này! Đọc kinh Hoa Nghiêm, nếu chẳng thấy được ý nghĩa rành rành này thì đã uổng công đọc rồi. Có thể thấy được ý nghĩa này rõ ràng thì đọc kinh Hoa Nghiêm chẳng có ai không chết sạch mong ngóng, khiêm hư sát đất niệm A Di Đà Phật. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai” (Chẳng nhờ đến phương tiện mà tâm tự được mở mang), Phật chẳng dối gạt chúng ta. Chẳng nhờ đến phương tiện, chẳng cần nhờ bất cứ một pháp nào khác để giúp đỡ, một câu A Di Đà Phật niệm đến tột cùng, từ Sơ Phát Tâm niệm đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, chẳng cần phải nhờ đến Thiền hay Mật để giúp đỡ. Không dùng đến! Bất cứ pháp nào cũng chẳng dùng đến.
Nếu quý vị tu các pháp môn khác, đúng là phải dùng pháp môn Niệm Phật để phụ trợ thì quý vị mới có thể thành tựu. Pháp môn Niệm Phật chẳng cần bất cứ pháp môn nào khác để phụ trợ. Tuy nói là Chánh Trợ Song Tu, Chánh là niệm Phật, nhưng Trợ vẫn là niệm Phật. Quý vị đọc lời Ngẫu Ích đại sư khai thị về pháp môn Niệm Phật sẽ hiểu rõ ngay. “Cho nên dùng bốn chữ này để ca ngợi chung đoạn văn đã được nói trong phần trên”: Đoạn văn này chính là đại sư dùng “bất khả tư nghị” để khen ngợi những điều đã được nói trong lời Tựa trên đây.
Bất Khả Tư Nghị là “chí lý cực danh” (tên gọi tột bậc của lý tột cùng). “Chí lý cực danh” là gì? Sách Diễn Nghĩa chú giải như sau:
(Diễn) Chí lý cực danh giả…
(演) 至理極名者。
(Diễn: Tên gọi tột bậc của lý tột cùng là…)
Lý đạt đến cùng cực, tên gọi cũng đạt đến chỗ cùng cực.
(Diễn) Như danh Chân Như, tắc khả dĩ bất vọng bất biến tư nghị.
(演) 如名真如,則可以不妄不變思議。
(Diễn: Nếu gọi Như là Chân Như thì có thể suy nghĩ, bàn định nó là chẳng hư dối, chẳng biến đổi).
“Như” trong phần trước là Giả Như. Chúng ta gọi Giả Như bằng cái tên Chân Như thì có thể suy nghĩ, bàn định về sự chẳng vọng, chẳng biến đổi của nó.
Chân là chẳng vọng. Như là bất biến, vĩnh viễn giống như vậy. Chân và Như như vậy thì có thể nghĩ, có thể bàn được.
(Diễn) Hoặc danh Viên Giác, tắc khả dĩ mãn túc hư linh tư nghị.
(演) 或名圓覺,則可以滿足虛靈思議。
(Diễn: Nếu gọi là Viên Giác thì có thể suy nghĩ, bàn định nó là trọn đủ, hư linh).
“Viên” là viên mãn, chẳng thiếu khuyết chút nào, “Giác” là giác ngộ, chẳng mê hoặc. “Thì có thể suy nghĩ bàn định lý tột cùng ấy là trọn đủ, hư linh”: “Giác” có nghĩa là hư linh[37], “viên” có nghĩa là trọn đủ. Những điều này cũng có thể suy nghĩ, bàn định.
(Diễn) Hoặc danh Phật Tánh, tắc khả dĩ ly quá tuyệt phi tư nghị, giai phi chí lý cực danh.
(演) 或名佛性 ,則可以離過絕非思議 。皆非至理極名。
(Diễn: Nếu gọi là Phật Tánh thì có thể suy nghĩ, bàn định [lý tột cùng ấy] là lìa lỗi, dứt bặt mọi phủ định. Những tên gọi như vậy đều chẳng phải là tên gọi tột bậc của lý tột cùng).
Rất nhiều danh hiệu, nhưng những danh hiệu ấy đều có thể nghĩ, có thể bàn, như vậy thì chúng chẳng phải là danh xưng tột bậc của lý tột cùng. Đặt tên chẳng cao minh, chưa đạt đến chỗ cùng tột.
(Diễn) Kim danh bất khả tư nghị, tắc chí lý chi cực danh vô dĩ gia dã.
(演) 今名不可思議,則至理之極名無以加也。
(Diễn: Nay đặt tên là Bất Khả Tư Nghị thì sẽ là tên gọi tột bậc của lý tột cùng, không còn thêm gì vào được nữa!)
Bất Khả Tư Nghị, không có cách nào nữa! Đây quả thật là chẳng thể nghĩ bàn! Chẳng thể nghĩ ngợi, chẳng thể bàn định, chẳng giống như các danh tướng khác đều có thể nghĩ, đều có thể bàn. Danh hiệu này chẳng thể nghĩ bàn, quý vị phải hiểu được ý nghĩa này. Nếu quý vị hiểu [danh hiệu Bất Khả Tư Nghị chỉ đơn giản] có nghĩa là “chẳng thể nghĩ, mà cũng chẳng thể bàn” thì quý vị đã rớt vào trong ý nghĩa “có thể nghĩ, có thể bàn”, hiểu lầm danh từ này. Quý vị thấy danh từ này mà dứt bặt suy nghĩ, nói năng thì danh tướng ấy sẽ khởi tác dụng. Tác dụng ấy chính là Quán Chiếu, nhằm dạy quý vị vừa trông thấy danh tướng này liền lập tức dứt bặt ngôn ngữ, suy tưởng, nhất tâm hiện tiền, lại còn là Lý nhất tâm bất loạn hiện tiền, mầu nhiệm tuyệt vời! Do vậy, tên gọi này quả thật là đã đạt đến tột cùng, không còn thêm gì vào được nữa!
(Sớ) Mạt cú kết quy, ngôn như thị bất khả tư nghị giả, đương thị hà vật, duy tự tánh nãi nhĩ.
(疏) 末句結歸,言如是不可思議者,當是何物,惟自性乃爾。
(Sớ: Câu cuối cùng là quy kết, nói “chẳng thể nghĩ bàn như thế” chính là vật gì vậy? Chỉ có tự tánh là như vậy mà thôi!)
Bất Khả Tư Nghị là nói về tự tánh.
(Sớ) Ngôn Tánh hữu nhị, kiêm vô tình phận trung, vị chi Pháp Tánh. Độc hữu tình phận trung, vị chi Phật Tánh. Kim vân tự tánh, thả chỉ Phật Tánh nhi ngôn dã. Tánh nhi viết Tự, pháp nhĩ như nhiên, phi tác đắc cố, thị ngã tự kỷ, phi thuộc Tha cố. Thử chi tự tánh, cái hữu đa danh, diệc danh Bổn Tâm, diệc danh Bổn Giác, diệc danh Chân Tri, diệc danh Chân Thức, diệc danh Chân Như, chủng chủng vô tận. Tổng nhi ngôn chi, tức đương nhân linh tri linh giác bổn cụ chi nhất tâm dã.
(疏) 言性有二,兼無情分中,謂之法性。獨有情分中,謂之佛性。今云自性,且指佛性而言也。性而曰自,法爾如然,非作得故。是我自己,非屬他故。此之自性,蓋有多名,亦名本心,亦名本覺,亦名真知,亦名真識,亦名真如,種種無盡。統而言之,即當人靈知靈覺本具之一心也。
(Sớ: Nói đến Tánh thì có hai thứ. Nếu gồm cả loài vô tình thì gọi là Pháp Tánh, chỉ xét trong loài hữu tình thì gọi là Phật Tánh. Nay nói “tự tánh” thì chỉ là nói về Phật Tánh. Tánh gọi là Tự vì pháp vốn sẵn như vậy, chẳng phải do tạo tác mà có. Nó là chính ta, chẳng thuộc vào cái gì khác. Do vậy, Tự tánh ấy có nhiều tên, còn gọi là Bổn Tâm, còn gọi là Bổn Giác, còn gọi là Chân Tri, còn gọi là Chân Thức, còn gọi là Chân Như. Nói tóm lại, đây chính là nhất tâm vốn sẵn đủ linh tri linh giác của con người vậy).
Tự Tánh, ở đây riêng chú trọng Phật Tánh của loài hữu tình chúng ta, nhưng nhất định phải biết: Nó bao gồm cả Pháp Tánh.
(Diễn) Pháp Tánh, Phật Tánh giả…
(演) 法性佛性者。
(Diễn: Pháp Tánh và Phật Tánh là…)
Giải thích hai danh từ này.
(Diễn) Trí Độ Luận vân.
(演) 智度論云。
(Diễn: Trí Độ Luận nói).
Dẫn Đại Trí Độ Luận để nói. Đại Trí Độ Luận là sách chú giải kinh Ma Ha Bát Nhã.
(Diễn) Phật danh viết Giác, pháp danh bất giác.
(演) 佛名曰覺,法名不覺。
(Diễn: Phật gọi là Giác, pháp gọi là bất giác).
Hai ý nghĩa này khác biệt rất rõ ràng.
(Diễn) Thị nãi dĩ Trí vi Phật, dĩ Lý vi pháp. Hiền Thủ cứ thử, cố vân: “Vô tình, vô tri giác” chỉ kỳ tánh vi Pháp Tánh, “hữu tình, hữu tri giác” chỉ kỳ tánh vi Phật Tánh. Nhiên nhị tánh tuy phân thuộc tình dữ vô tình, Pháp Tánh diệc khả thông hữu tình, dĩ chúng sanh nãi chư pháp trung chi nhất pháp cố.
(演) 是乃以智為佛,以理為法。賢首據此,故云:無情無知覺,指其性為法性;有情有知覺,指其性為佛性。然二性雖分屬情與無情, 法性亦可通有情,以眾生乃諸法中之一法故。
(Diễn: Ấy là vì coi Trí là Phật, coi Lý là Pháp. Ngài Hiền Thủ dựa vào đây, nên nói: “Vô tình, không tri giác” nhằm chỉ tánh ấy là Pháp Tánh, “hữu tình, có tri giác” nhằm chỉ tánh ấy là Phật Tánh; nhưng hai tánh (Phật Tánh và Pháp Tánh) tuy chia thành hữu tình và vô tình, Pháp Tánh cũng có thể thông với hữu tình, do chúng sanh chính là một pháp trong các pháp).
Giữa Phật Tánh và Pháp Tánh, phải hiểu Pháp Tánh có phạm vi to lớn, bao gồm giác tánh, bởi giác tánh cũng là một pháp, hữu tình cũng là một pháp. Nhìn từ hai phương diện Thể và Dụng, Pháp Tánh là Thể, bản thể, lý thể, Phật Tánh là tác dụng. Pháp Tánh khởi tác dụng là Giác, Lý khởi tác dụng là Giác. Do vậy, thế nào là thành Phật? Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là Trí, là Vô Thượng Bồ Đề, là Vô Thượng Trí Huệ, là Năng Chứng (chủ thể có thể chứng). Có thể chứng điều gì? Có thể chứng được Lý, Lý là Pháp Tánh. Pháp Tánh là bản thể, là Pháp Thân. Trí huệ là Bát Nhã, Bát Nhã là năng chứng, Pháp Thân là cái được chứng (sở chứng). Năng và Sở chẳng hai, Lý và Trí hệt như một, chúng là một, chẳng phải hai.
Do vậy, đại kinh mới nói: “Tình và vô tình cùng viên mãn Chủng Trí”.
(Diễn) Cố viết: Kiêm vô tình phận trung vị chi Pháp Tánh.
(演) 故曰:兼無情分中謂之法性。
(Diễn: Cho nên nói: Nếu gồm cả loài vô tình thì gọi là Pháp Tánh).
[Nếu nói đến Tánh mà] bao gồm cả hữu tình và vô tình thì gọi là Pháp Tánh, chẳng bao gồm vô tình thì gọi là Phật Tánh.
(Diễn) Phật Tánh duy cục hữu tình, bất thông vô tình, dĩ mộc thạch đẳng vô tri giác cố. Cố viết: “Độc hữu tình phận trung, vị chi Phật tánh”.
(演) 佛性唯局有情,不通無情,以木石等無知覺故。
故曰:獨有情分中謂之佛性。
(Diễn: Phật Tánh chỉ hạn cuộc trong loài hữu tình, chẳng thông với vô tình, bởi lẽ, gỗ, đá v.v… chẳng có tri giác. Vì thế, nói: “Chỉ xét trong loài hữu tình thì gọi là Phật Tánh”).
Chúng ta phân biệt giữa Phật Tánh và Pháp Tánh, có thể dùng đoạn này trong Đại Trí Độ Luận để nói rõ.
(Diễn) Thả chỉ Phật Tánh nhi ngôn giả.
(演) 且指佛性而言者。
(Diễn: “Chỉ nói đến Phật Tánh” là…)
Tự tánh vốn bao gồm Phật Tánh lẫn Pháp Tánh, ở đây đại sư chỉ nói riêng về Phật Tánh. “Thả chỉ Phật Tánh nhi ngôn”: Tạm thời chẳng bàn đến Pháp Tánh, chỉ nói tới Phật Tánh.
(Diễn) Tự Tánh thật thông nhị chủng.
(演) 自性實通二種。
(Diễn: Tự Tánh thật sự bao gồm cả hai thứ).
“Nhị chủng” là Phật Tánh và Pháp Tánh.
(Diễn) Như Hoa Nghiêm vân: “Nhược nhân dục thức Chân Không lý, tâm nội Chân Như hoàn biến ngoại, tình dữ vô tình đồng nhất thể, xứ xứ giai đồng chân pháp giới”.
(演) 如華嚴云:若人欲識真空理,心內真如還遍外,情與無情同一體,處處皆同真法界。
(Diễn: Như kinh Hoa Nghiêm dạy: “Nếu ai muốn biết lý Chân Không, thì Chân Như trong tâm trọn khắp bên ngoài, tình và vô tình có cùng một thể, chỗ nào cũng đều là Nhất Chân pháp giới”).
Đây là một bài kệ trong kinh Hoa Nghiêm. Ý nghĩa của bài kệ này hết sức hay. Nếu chúng ta thường đọc tụng, thường cảnh tỉnh chính mình, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, trong mỗi niệm đều quán như thế thì công đức chẳng thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Mở rộng tâm lượng, hóa giải phân biệt và chấp trước của quý vị, tự nhiên không còn [phân biệt, chấp trước] nữa! Nói cách khác, quý vị nhập Nhất Chân pháp giới mà chẳng hay, chẳng biết. “Chân pháp giới” chính là Nhất Chân Pháp Giới. “Nhược nhân” (nếu ai), người nào vậy? Bồ Tát, chẳng phải kẻ tầm thường! Người tầm thường chẳng cầu Vô Thượng Bồ Đề, Bồ Tát mới có ý niệm ấy! Quý vị đến giảng đường, hoặc đến tự viện, có phải là cầu Vô Thượng Bồ Đề hay chăng? Không có ý niệm ấy! Đến nơi đó để đỡ buồn, hoặc vì có nghi hoặc, đến nơi ấy với hy vọng giải trừ nghi hoặc, cầu những thứ đó, chẳng phải vì Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mà đến! Do vậy, quý vị chẳng thể đạt được!
Chúng ta đọc Lục Tổ Đàn Kinh, chẳng thể không bội phục Lục Tổ, vì sao? Ngài vừa gặp Ngũ Tổ, Ngũ Tổ hỏi Ngài: “Ngươi đến để làm gì?” “Con đến cầu làm Phật”. Chẳng cầu gì khác! Tuyệt vời! Do vậy, đọc kinh Hoa Nghiêm, bội phục Thiện Tài đồng tử năm vóc sát đất. Thiện Tài đi tham học nhằm cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, còn cao minh hơn Lục Tổ! Lục Tổ nói “con đến để làm Phật”, ý nghĩa “làm Phật” rất mơ hồ, vì bốn giáo tức Tạng Giáo, Thông Giáo, Biệt Giáo, Viên Giáo đều có Phật, anh muốn làm vị Phật nào? Không nói rõ ràng! Thiện Tài nói: “Con đã phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”, nói rất rõ ràng, rành mạch, phân minh, cầu Viên Giáo Phật! Người ta vì điều này mà đến, chúng ta vì cái gì mà đến? Quý vị đến để nghe kinh, lầm rồi!
Nếu quý vị vì làm Phật mà đến thì mới là đúng, [làm Phật] có ý nghĩa khác với nghe kinh mà cái quý vị sẽ đạt được cũng khác! Quý vị nghe kinh, kinh gì vậy? Nói lung tung xèng, bịa đặt, đồn thổi! Phàm tất cả ngôn thuyết đều là hý luận, những kinh điển của Phật chẳng phải là hý luận ư? Đương nhiên là hý luận! Vì sao là hý luận? Vì quý vị chấp vào tướng ngôn thuyết, chấp vào tướng danh tự, chấp vào tướng tâm duyên. Quý vị đến nơi đây, chuyên môn chấp vào tướng, làm sao có thành tựu cho được? Làm sao có thể đoạn phiền não?
“Nhược nhân dục thức Chân Không lý”: “Dục” là một lòng một dạ, “thức” là hiểu rõ. Bồ Tát một lòng một dạ muốn ngộ lý Chân Không. Lý Chân Không chính là Lý nhất tâm bất loạn, là Nhất Chân pháp giới, là Chân Như bổn tánh. Người ấy muốn ngộ nhập! Tiếp theo đó là miêu tả ý nghĩa và cảnh giới ấy đôi chút. “Tâm nội Chân Như hoàn biến ngoại” (Chân Như trong tâm trọn khắp bên ngoài): Trong và ngoài là một, chẳng hai. Tận hư không, trọn pháp giới là một Chân Như, chẳng có hai cái Chân Như. Nhất Chân không có Nhị Chân, Nhất Như không có Nhị Như. “Tình dữ vô tình đồng nhất thể, xứ xứ giai đồng Chân pháp giới” (Tình và vô tình cùng một thể, nơi nào cũng đều là Nhất Chân pháp giới): Chứng Lý nhất tâm bất loạn từ nơi đâu? Trong hết thảy pháp, hết thảy cảnh duyên không đâu chẳng là nó. “Cảnh” là hoàn cảnh vật chất, “duyên” là hoàn cảnh nhân sự (quan hệ giữa con người với nhau). Trong hoàn cảnh vật chất và hoàn cảnh nhân sự, không gì chẳng phải là chính mình, có cùng một Thể!
Tôi thường dùng cảnh trong mộng làm tỷ dụ: Chúng ta nằm mộng, trong mộng có ta, mà cũng có người, có sơn hà đại địa, cũng có cây cối, hoa cỏ, từ do đâu mà có? Đều là những vật được biến hiện trong tâm của chính mình, há có phải như kinh đã nói “ngoài tâm không có mộng” đó sao? Ngoài tâm không có pháp, pháp là mộng. Ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm; khi nằm mộng, toàn bộ cái tâm biến thành mộng. Mộng là tâm, ngoài tâm không có mộng, ngoài mộng chẳng có tâm. Trong toàn bộ mộng cảnh, tình và vô tình có cùng là một Thể hay chăng? Nhưng chúng ta ngày nay, toàn bộ vũ trụ, nhân sinh, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới là Chân Như bổn tánh của chúng ta là huyễn tướng của chân tâm, giống như chân tâm đang nằm mộng, chẳng khác gì! Chúng ta đêm ngủ nằm mộng, đấy là mộng trong mộng, phải giác ngộ!
Do vậy, hết thảy vạn pháp là cùng một Thể. Khi Phật pháp chưa truyền đến Trung Quốc, thánh nhân Trung Quốc cũng siêu phàm lắm, cũng có sự giác ngộ này, họ nói: “Thiên địa dữ ngã đồng căn, vạn pháp dữ ngã nhất thể” (Trời đất và ta cùng một gốc, muôn pháp và ta cùng một Thể), cũng nói như vậy đó, chẳng khác gì cảnh giới Hoa Nghiêm, họ cũng đạt đến cảnh giới ấy. “Xứ xứ giai đồng Chân pháp giới” (Chỗ nào cũng đều là Nhất Chân pháp giới): Lý nhất tâm bất loạn hiện tiền. Trong Hoa Nghiêm Viên Giáo, cảnh giới ấy là cảnh giới của bậc Bồ Tát từ Sơ Trụ trở lên.
(Diễn) Kim vân nhĩ giả, đản dĩ thử kinh trọng nhất tâm niệm Phật cầu nguyện vãng sanh, nãi tá bỉ Phật cảnh hiển ngã tự tâm cố. Thả chỉ hữu tình Phật tánh dã.
(演) 今云爾者,但以此經重一心念佛求願往生,乃借彼佛境顯我自心故。且指有情佛性也。
(Diễn: Nay nói như vậy, chỉ vì kinh này chú trọng nhất tâm niệm Phật cầu nguyện vãng sanh, bèn mượn cảnh Phật ấy để hiển lộ tự tâm của ta, cho nên nói về Phật Tánh của loài hữu tình vậy).
Đoạn này nói rõ: Vì sao ở đây Liên Trì đại sư lại thiên trọng Phật Tánh khi giảng về Tự Tánh, đạo lý là ở chỗ này. Do cương lãnh tu hành của bộ kinh này là “trì danh niệm Phật”, hy vọng công phu đạt đến nhất tâm bất loạn, vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ. Do vậy, mới chú trọng nói riêng một phương diện của tự tánh. Thật ra, tự tánh bao gồm cả hữu tình và vô tình. Hôm nay đã hết giờ rồi, chúng tôi giảng đến chỗ này.
— o0o —
Tập 13
Xin coi A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang thứ mười bốn:
(Sớ) Kim vân tự tánh, thả chỉ Phật tánh nhi ngôn dã. Tánh nhi viết Tự, pháp nhĩ như nhiên, phi tác đắc cố, thị ngã tự kỷ, phi thuộc Tha cố. Thử chi tự tánh, cái hữu đa danh, diệc danh Bổn Tâm, diệc danh Bổn Giác, diệc danh Chân Tri, diệc danh Chân Thức, diệc danh Chân Như, chủng chủng vô tận. Thống nhi ngôn chi, tức đương nhân linh tri linh giác bổn cụ chi nhất tâm dã. Kim minh bất khả tư nghị giả, duy thử tâm nhĩ, cánh vô dư vật hữu thử bất tư nghị thể dữ tâm đồng dã.
(Diễn) Thả chỉ Phật tánh nhi ngôn giả.
(疏) 今云自性,且指佛性而言也。性而曰自,法爾如然,非作得故;是我自己,非屬他故。此之自性,蓋有多名,亦名本心,亦名本覺,亦名真知,亦名真識,亦名真如,種種無盡,統而言之,即當人靈知靈覺本具之一心也。今明不可思議者,惟此心耳,更無餘物有此不思議體與心同也。
(演) 且指佛性而言者。
(Sớ: Nay nói tới tự tánh là nói về Phật tánh mà thôi! Tánh được gọi là Tự, do pháp vốn sẵn như vậy, chẳng phải do làm mà có, nó là chính mình, nên chẳng thuộc gì khác. Do vậy, tự tánh này có nhiều danh, còn gọi là Bổn Tâm, còn gọi là Bổn Giác, còn gọi là Chân Tri, còn gọi là Chân Thức, còn gọi là Chân Như, vô tận các thứ tên gọi. Nói tóm lại, nó chính là nhất tâm trọn đủ linh tri linh giác của con người. Nay giảng về ý nghĩa “chẳng thể nghĩ bàn” thì chỉ có cái tâm này, chứ không còn vật nào khác mà có cái Thể (bản thể) chẳng thể nghĩ bàn giống như tâm được!
Diễn: “Nói về Phật Tánh” là…)
Nghĩa lý của đoạn này quả thật chẳng cùng tận, những điều này đều do “bất khả tư nghị” trong phần trên mà có, nhất là đại sư đã bảo “bất khả tư nghị” là tên gọi tột bậc của lý tột cùng, đều là dựa trên bản kinh này và tựa đề kinh này để mà nói. Kinh này vốn có tên là Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh.
(Diễn) Tự tánh thật thông nhị chủng.
(演) 自性實通二種。
(Diễn: Thật ra, Tự tánh gồm cả hai thứ).
Phật Tánh và Pháp Tánh đều là tự tánh.
(Diễn) Nhược nhân dục thức Chân Không lý, tâm nội Chân Như hoàn biến ngoại, tình dữ vô tình đồng nhất thể, xứ xứ giai đồng Chân pháp giới.
(演) 若人欲識真空理,心內真如還遍外,情與無情同一體,處處皆同真法界。
(Diễn: Nếu ai muốn biết lý Chân Không, Chân Như trong tâm trọn khắp bên ngoài, hữu tình và vô tình có cùng một Thể, chỗ nào cũng đều là Nhất Chân Pháp Giới).
Hãy nên học thuộc bốn câu này, toàn bộ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh chỉ nói về chuyện này. Tâm Kinh cũng nói về chuyện này. Thông suốt chân nghĩa của bốn câu này thì cảnh giới của quý vị sẽ khác hẳn, sẽ chuyển được cảnh giới. Chuyển cảnh giới gọi là tiêu nghiệp chướng. Nếu từng tiếng Phật hiệu của chúng ta đều chuyển được cảnh giới, đấy là tiêu nghiệp chướng. Nếu Phật hiệu chẳng chuyển được cảnh giới, sẽ chẳng thể tiêu nghiệp chướng. Vì sao có người tiêu được, có người chẳng tiêu? Vấn đề là ở chỗ quý vị có hiểu hay là không, tức là có hiểu được diệu lý trong ấy hay không? Nếu quý vị hiểu được diệu lý trong ấy, mỗi câu đều có thể tiêu nghiệp chướng, chẳng giả tí nào. Đấy thật sự là công đức vô lượng!
(Diễn) Kim vân nhĩ giả, đản dĩ thử kinh trọng nhất tâm niệm Phật cầu nguyện vãng sanh.
(演) 今云爾者,但以此經重一心念佛求願往生。
(Diễn: Nay nói như thế, chỉ vì kinh này chú trọng nhất tâm niệm Phật, cầu nguyện vãng sanh).
Câu này hết sức quan trọng. Kinh Di Đà và pháp môn này đặc biệt chú trọng “nhất tâm niệm Phật”. Bốn chữ này quyết định chẳng để coi thường! Chúng ta bình thường ngày ngày niệm Phật, vì sao Phật hiệu chẳng thể chuyển cảnh giới, chẳng thể tiêu nghiệp chướng? Vì không dùng nhất tâm! Do vậy, Phật hiệu chẳng đắc lực! Nếu quý vị nhất tâm niệm, đương nhiên Phật hiệu sẽ đắc lực. Nói một cách đơn giản nhất, nói “nhất tâm” chính là trong một câu Phật hiệu không có phân biệt, không có chấp trước, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, đó gọi là “nhất tâm niệm”. Một mặt niệm Phật, một mặt suy nghĩ loạn xạ, chẳng những không thể tiêu nghiệp chướng mà niệm niệm đều tạo nghiệp. Niệm Phật mà vẫn khởi vọng tưởng, vẫn suy nghĩ loạn xạ, tức là tạo nghiệp to lớn. Do vậy, phải biết: Nhất tâm niệm Phật. Niệm Phật để làm gì? “Cầu nguyện vãng sanh”, chẳng có ý niệm thứ hai, một lòng, một dạ mong cầu Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do vậy, nhất định phải biết thế giới này khổ sở, thế giới này đáng sợ!
Tham luyến thế giới này là ngu si! Vì sao? Tận hư không, trọn pháp giới đều do chính mình tạo. Ví như quý vị xây một cao ốc, toàn bộ cao ốc đó là của quý vị, quý vị lại chỉ khư khư yêu mến một căn phòng nhỏ, cho căn phòng nhỏ đó là chính mình, còn những nơi khác đều chẳng cần đến. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo” (Hãy nên quán tánh pháp giới, hết thảy chỉ do tâm tạo). Tây Phương Cực Lạc thế giới do cái tâm của chính mình biến hiện, thế giới Sa Bà cũng do tự tâm biến hiện, thế giới Hoa Tạng vẫn do tự tâm biến hiện. Tận hư không, trọn pháp giới chỉ là chính mình. Cái thân thể được biến hiện này có chỗ thanh tịnh, có chỗ ô uế. Chỗ thanh tịnh kẻ ấy không ưa thích, lại rất yêu mến chỗ ô uế. Kẻ như vậy chẳng phải là ngu si ư? Chỉ cần có thiên lệch thì là bệnh rồi!
Thiên ái (yêu thích đặc biệt) là Biên Kiến trong Kiến Hoặc, chấp trước một bên. Chuyện này chẳng phải là phiền phức ư? Quý vị chưa thể phá trừ thứ Biên Kiến này. Nói cách khác, thứ Kiến Hoặc thấp nhất mà chưa thể đoạn được, còn nói gì nữa đây? Đoạn xong Kiến Hoặc, nếu chẳng cầu sanh về Tây Phương Tịnh Độ, sẽ chẳng thể vượt thoát sanh tử luân hồi, vẫn phải luân hồi trong lục đạo. Luân hồi trong lục đạo thì khi quý vị sanh sang đời khác, công phu chưa phải là bất thoái chuyển, Bồ Tát còn mê khi cách ấm, huống chi quý vị mới có tí xíu công phu lông gà vỏ tỏi như vậy, thấm vào đâu? Hễ đầu thai, sẽ quên sạch sành sanh đời trước, còn có thể tiếp tục nỗ lực nữa hay không? Điều này tùy thuộc duyên phận của quý vị, không nhất định là có thể [tiếp tục tu tập]! Do vậy, phải hiểu thế giới Sa Bà là đường hiểm, tức là con đường hết sức nguy hiểm, ở trong đó, quý vị thật sự gặp được thiện hữu, thiện tri thức, có thể tự giác ngộ, dụng công tu hành trong ấy sẽ rất nhanh chóng, thành tựu cũng cao. Nếu quý vị không gặp được [thiện hữu, thiện tri thức], chẳng thể y giáo phụng hành, lại trở thành hằng ngày khởi vọng tưởng, càng mê càng sâu, càng đọa càng khổ! Nhất định phải giác ngộ điều này.
Hai câu gồm tám chữ sau đây là cốt lõi để tu học kinh Di Đà: “Nhất tâm niệm Phật, cầu nguyện vãng sanh”. Thích Ca Mâu Ni Phật nói kinh Di Đà là vì lẽ này, sáu phương chư Phật tán thán cũng nhằm tán thán điều này. Nếu chúng ta không hiểu hai câu “nhất tâm niệm Phật, cầu nguyện vãng sanh”, hàm hồ đọc lướt qua, mười phương chư Phật tán thán, Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết kinh cho chúng ta uổng công! Tuy có nói với quý vị, nhưng quý vị chẳng đạt được. Quý vị nắm được hai câu này là nắm được toàn bộ bản kinh.
(Diễn) Nãi tá bỉ Phật cảnh, hiển ngã tự tâm cố.
(演) 乃借彼佛境顯我自心故。
(Diễn: Bèn mượn cảnh Phật ấy để hiển lộ tự tâm của ta).
Vì sao nhất định phải niệm Phật? Nhờ vào cảnh giới của A Di Đà Phật để hiển lộ chân tâm của chính mình. Chân tâm của chúng ta hiện còn đang mê, A Di Đà Phật giống như chuông buổi sớm, từng tiếng chuông khua vỡ ải mê, đánh thức chân tâm của chúng ta. Chuyện là như vậy đó! Do vậy, sáu chữ hồng danh chẳng thể nghĩ bàn! Trong phần trước, Liên Trì đại sư đã giảng rồi.
Nhất định phải hiểu rõ ý nghĩa của sáu chữ hồng danh là “quy y Vô Lượng Giác”. Khi quý vị niệm, cũng phải nhớ rõ. Mỗi tiếng đều nhắc nhở chính mình quy y Vô Lượng Giác, [hiện thời] sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần là mê chứ không giác. Tâm mê là nhiễm đắm. Tâm giác là thanh tịnh. Trong tâm mê có nhiều ý niệm, đấy là phiền não, phân biệt, chấp trước, vọng tưởng vô lượng, vô biên. Tâm ấy là tâm mê, trong tâm giác không có những thứ đó. Lục Tổ nói “vốn chẳng có một vật”.
Khi nào sẽ giác ngộ? Tâm thanh tịnh, chẳng có một vọng niệm nào. Cảnh giới bên ngoài thứ gì cũng hiểu rõ, chẳng những hiểu rõ cảnh giới ở ngay trước mắt, mà quá khứ cũng hiểu rõ, tương lai cũng hiểu rõ, đấy là thần thông hiện tiền. Không có gì chẳng hiểu rõ, vừa thấy liền hiểu rõ. Quá khứ, vị lai, hiện tại, ba đời, mười phương rõ rệt, rành rẽ, minh bạch, một niệm chẳng sanh, đấy là tướng giác ngộ. Chúng ta hãy tự mình phản tỉnh coi chúng ta có giác ngộ hay không? Vẫn còn có vọng niệm! Có vọng niệm là chẳng giác. Chẳng giác thì dùng phương pháp niệm Phật để đánh thức chính mình hãy giác ngộ. Do vậy, trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, niệm Phật là bậc nhất, là phương pháp trực tiếp thỏa đáng nhất để đánh thức giác tâm của quý vị. Đây là giảng rõ vì sao phải dùng phương pháp này; do vậy, tự tánh được nói đến ở đây chính là…
(Diễn) Thả chỉ hữu tình Phật Tánh.
(演) 且指有情佛性。
(Diễn: Nhằm chỉ Phật Tánh của hữu tình).
Nhằm ý nghĩa này. Tiếp theo, sách Diễn Nghĩa giải thích câu “Tánh nhi viết Tự, pháp nhĩ như nhiên, phi tác đắc cố”.
(Diễn) Tánh nhi viết Tự, Tự hữu nhị nghĩa: Nhất, tự nhiên chi tự; nhị, tự kỷ chi tự.
(演) 性而曰自 ,自有二義 :一、自然之自,二、自己之自。
(Diễn: “Tánh nói là Tự” thì chữ Tự có hai nghĩa: Một, tự là tự nhiên; hai, tự là tự kỷ (chính mình).
“Tự” được giảng theo cách nào? “Tự” có hai ý nghĩa: Một ý nghĩa là tự nhiên, tự nhiên là chẳng phải do tạo tác. Một ý nghĩa khác là “tự kỷ” (chính mình), [tức là] chẳng phải do ai khác. Tự tánh có cả hai ý nghĩa này, hai ý nghĩa này đều viên mãn.
(Diễn) Pháp nhĩ như nhiên phi tác đắc giả.
(演) 法爾如然非作得者。
(Diễn: “Pháp vốn là như vậy, chẳng phải do làm mà có” là…)
“Pháp nhĩ tự nhiên” có nghĩa là tự nhiên, “phi tác đắc giả” là chẳng do tạo tác.
(Diễn) Diệu tánh thiên nhiên, bất nhân tu đắc, mê thời vô thất, ngộ thời vô đắc, hữu vật hồn thành, bổn tự như như cố. Thử tự nhiên chi tự dã.
(演) 妙性天然,不因修得,迷時無失,悟時無得,有物渾成,本自如如故。此自然之自也。
(Diễn: Diệu tánh tự nhiên có sẵn, chẳng do tu mà đạt được. Lúc mê chẳng mất, khi ngộ chẳng được, tự nhiên sanh thành, vốn tự như như. Đấy chính là chữ Tự hiểu theo nghĩa tự nhiên).
Mấy câu này phải nói, vì nếu không nói, sợ [người nghe] sẽ không thấy được ý nghĩa. “Tánh” là thật, quyết định chẳng phải là hư vọng. Nó là chính mình, là bản thể của vạn hữu trong vũ trụ. Dùng danh từ nhà Phật để nói thì hết thảy các pháp, y báo, chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều do nó biến hiện. Núi sông và đại địa do thứ gì tạo ra? Là do nó tạo. Nó thật sự là Tạo Vật Chủ (Tạo Hóa, hóa công). Nói Thượng Đế là tạo vật chủ là giả, vì Thượng Đế cũng do nó tạo. Ai tạo nên Thượng Đế? Tự tánh tạo ra Thượng Đế. Do vậy, Thượng Đế trọn chẳng phải là Tạo Vật Chủ thật sự. Tạo Vật Chủ thật sự là “tự tánh”. Do vậy, nó được gọi là “diệu”. Diệu là vì nó có thể tạo, nó không có tướng, nhưng có thể hiện hết thảy tướng, đó là diệu! Trong kinh Đại Thừa nói “duy tâm sở hiện”. Tánh còn gọi là Tâm, còn gọi là Thức, đều là cùng một chuyện. Chúng ta thường nói tới bổn tánh, đó là nói đến tánh này theo mặt Thể; nếu nói Tâm hay Thức là nói theo mặt tác dụng. Thể và Dụng là một, chẳng phải hai. Tánh có thể hiện, Thức có thể biến. Duy tâm sở hiện, hiện tướng; trong Tướng có những sự biến hóa và Thức cũng biến ở nơi đó.
Quý vị phải hiểu: Trong Tướng là một vị bình đẳng. Ngẫu Ích đại sư nói rất hay: “Cảnh vô hảo xú” (cảnh không tốt xấu), Cảnh là cảnh giới, là tướng bên ngoài. Ngũ Căn: Mắt, mũi, tai, lưỡi, thân, Lục Trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, đấy là Tướng, là Sắc Pháp. Trong Sắc Pháp chẳng có tốt hay xấu, hoàn toàn là bình đẳng, thật sự bình đẳng. Tốt – xấu không có tiêu chuẩn, mỗi người có tiêu chuẩn riêng. Tiêu chuẩn do đâu mà có? Tiêu chuẩn từ cái Thức của quý vị biến ra, từ trong Thức sanh ra. Tâm chẳng sanh, trong tâm chẳng có một pháp nào, chẳng lập một pháp! Trong Thức kiến lập các thứ tiêu chuẩn, mỗi người kiến lập tiêu chuẩn khác nhau. Nói cách khác, quan niệm thẩm mỹ và đối tượng ưa thích của mỗi người không giống nhau. Mỗi người là một tiêu chuẩn, hóa ra, chẳng có tiêu chuẩn gì hết!
Do vậy, đại sư nói: “Kẻ ngu trừ cảnh, chẳng trừ tâm. Người trí trừ tâm, chẳng trừ cảnh”. Người giác ngộ bỏ điều gì? Trừ khử thức tâm, cái thức tâm ấy có thể biến, người ấy bỏ đi cái tâm đó, chứ không trừ khử cảnh giới bên ngoài. Do vậy, người ấy đạt được gì? Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, thật sự tự tại. Kẻ ngu nhất định phải tìm hoàn cảnh tốt đẹp, hoàn cảnh lý tưởng, cầu pháp ngoài tâm; chẳng thay đổi tâm lý của mình thì dẫu tìm được Tây Phương Cực Lạc thế giới vẫn khổ não! Vì sao? Vẫn [cảm thấy Tây Phương Cực Lạc thế giới] chẳng phải là nơi lý tưởng trọn vẹn! Tìm hoàn cảnh lý tưởng ở nơi đâu? Tìm ngay trong tâm địa, nếu tìm nơi cảnh giới bên ngoài sẽ chẳng tìm được! Tìm hoàn cảnh lý tưởng nơi cảnh giới bên ngoài là tìm mệt chết luôn! Từ vô lượng kiếp đến nay, quý vị luôn tìm kiếm, tìm cho đến bây giờ vẫn tìm không ra. Sau này lại tìm trong vô lượng kiếp, vẫn tìm chẳng được, vĩnh viễn chẳng thể tìm được! Phải hiểu điều này. Do vậy, người thông minh, tâm đã bình đẳng, cảnh sẽ bình đẳng. Tâm lành, cảnh giới đều lành. Tâm ác, nhìn thấy cảnh giới bên ngoài đều là ác. Tâm thiện, nhìn cảnh giới bên ngoài đều thiện. Do vậy, đức Phật thấy hết thảy chúng sanh đều là Phật, Bồ Tát thấy hết thảy chúng sanh đều là Bồ Tát, phàm phu thấy Phật, Bồ Tát cũng là phàm phu.
“Diệu tánh thiên nhiên, bất nhân tu đắc” (Diệu tánh thiên nhiên, chẳng do tu mà có): Tánh ấy là diệu hay chẳng diệu? Quá diệu! Nó có thể biến hiện hết thảy hiện tượng, nhưng sự biến hiện ấy là tự nhiên, chẳng do tu mà có được. “Thiên nhiên” là nói tới diệu tánh, tánh là sẵn có, danh từ Phật học gọi điều này là “pháp nhĩ như thị” (pháp vốn sẵn là như vậy). Ở đây nói là “pháp nhĩ như nhiên”. “Nhiên” có nghĩa là “thị” (đúng vậy). Pháp vốn sẵn là như vậy, pháp vốn sẵn đúng như vậy, từ ngữ này thường thấy trong kinh Phật. “Pháp nhĩ như nhiên”, đã vốn có nghĩa là tự nhiên, vì sao chẳng viết là tự nhiên? Nếu viết là thiên nhiên, chúng ta vừa đọc sẽ hiểu ngay ý nghĩa của chữ “pháp nhĩ” này; nếu không, chúng ta sẽ bị mê hoặc. Cổ đại đức dịch kinh chẳng dễ dàng, vì chúng ta quen thói nói “tự nhiên”. Đối lập với tự nhiên là nhân duyên; nói chung, [nói “tự nhiên”] sẽ rớt vào hai bên. Vì làm cho chúng ta khỏi rớt vào hai bên nên mới lập ra danh xưng “pháp nhĩ như nhiên”, mong chúng ta nghe rồi sẽ chẳng rớt vào hai bên, ở đây có ý nghĩa sâu xa như vậy.
Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay: “Phi nhân duyên, phi tự nhiên, pháp nhĩ như thị” (Chẳng phải là nhân duyên, chẳng phải tự nhiên, pháp vốn sẵn như vậy). Chẳng rớt vào hai bên, bất đắc dĩ gọi là “diệu tánh”. Nó chẳng phải do tu mà có được, nó là sẵn có. Hiện thời quý vị có [diệu tánh ấy] hay không? Có chứ! Hoàn toàn hiển lộ ngay trước mặt. Tuy hiển lộ, chính quý vị chẳng nhận biết, vậy thì làm sao được nữa đây! Chư Phật, Bồ Tát thấy rất rõ ràng. Do vậy, Phật thấy quý vị là Phật, Phật và kẻ khác chẳng hai; Bồ Tát thấy quý vị là Bồ Tát, quý vị và các Ngài chẳng có chỗ nào khác biệt, nhưng do quý vị tự mình mê nên không có cách nào hết! Tự mình mê là như thế nào? Quý vị tự khởi tâm động niệm, chính quý vị suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ loạn xạ, đó là tự mình mê. Vì sao Phật, Bồ Tát chẳng mê? Phật, Bồ Tát chẳng có ý niệm nào. Thích Ca Mâu Ni Phật hằng ngày thuyết pháp, nói suốt bốn mươi chín năm mà chẳng nói một chữ nào, quý vị có tin hay không? Chẳng tin! Vì sao không tin? Do quý vị đang mê, mê rồi nên chẳng tin. Nếu quý vị giác ngộ, quý vị sẽ tin tưởng: Quả thật trong suốt bốn mươi chín năm, đức Phật chẳng nói một chữ, thật đấy! Khi nào thấy được chân tướng sự thật ấy, quý vị sẽ giác ngộ.
“Mê thời vô thất, ngộ thời vô đắc” (lúc mê chẳng mất, khi ngộ chẳng được). Nay chúng ta đang mê, diệu tánh thiên nhiên có bị mất hay không? Chẳng hề mất đi, suốt ngày từ sáng đến tối khởi tác dụng, khởi tác dụng mê hoặc điên đảo. Hễ giác ngộ, sẽ khởi tác dụng Bồ Đề Niết Bàn. Khi mê, hằng ngày khởi tác dụng sanh tử phiền não. Thật ra, “sanh tử, phiền não” và “Bồ Đề, Niết Bàn” là một, chứ không phải hai, đều là cùng một chuyện, đều là diệu tánh khởi tác dụng. Hễ ngộ thì gọi tên nó là Bồ Đề Niết Bàn, còn mê thì gọi là sanh tử phiền não. Chỉ thay đổi tên gọi, chứ vẫn có tác dụng đó. Thế nhưng mê hay ngộ sẽ cảm nhận khác biệt rất lớn. Hễ ngộ sẽ cảm nhận tự tại khôn sánh. Mê thì cảm thấy vô biên thống khổ, biển khổ không bờ mà! Khác nhau! Đã là lúc mê chẳng mất, đương nhiên khi giác ngộ cũng không được gì. Tâm Kinh đến cuối cùng, dạy: “Vô trí, diệc vô đắc” (Không có trí, mà cũng chẳng có đắc). “Trí” là cái trí có khả năng chứng, “đắc” là cái quả đạt được. Không có trí, cũng không có đắc, vì sao vậy? Bổn tánh. Đã là thiên nhiên thì không có được hay mất. Trong ấy chỉ có mê hay ngộ, chứ không có được hay mất. Mê là nó, mà ngộ cũng là nó. Nếu quý vị tham thấu chỗ này, mới hiểu mê và ngộ không hai, quý vị thật sự nhập cảnh giới ấy. Nếu quý vị nhận định mê và ngộ là hai pháp, có mê, có ngộ, lại tạo thành Biên Kiến. Đấy là chỗ khó khăn trong Phật pháp, rất khó ngộ nhập chỗ này. Nói chung, quý vị chẳng đọa vào Có, sẽ đọa vào Không. Nói chung, quý vị đọa vào một bên. Khi nào có thể dứt sạch hai bên thì nhà Thiền gọi là “tọa đoạn lưỡng đầu”. Nhà Thiền nói đến chuyện tọa Thiền, công phu tọa Thiền đắc lực, đoạn được cả hai đầu (tức kiến giải nhị biên), sẽ nhập. Đoạn dứt cả hai bên, nhập pháp môn Bất Nhị thì mới có chỗ nhập (nhập xứ). Cái gọi là “nhập xứ” ấy chính là ngộ xứ, Thiền gia bảo là “đại triệt đại ngộ”, minh tâm kiến tánh. Nếu rớt vào hai bên thì chẳng được! Quý vị chẳng vào được cửa!
“Hữu vật hồn thành[38], bổn tự như như”: Đây là hai câu nói của cổ nhân. “Hữu vật” là có thứ gì đó. Thứ gì cũng chẳng thể nói ra được, là vì nó chẳng có tên, chẳng có hình, chẳng có tướng, làm sao quý vị nói ra được? Nó quả thật là có, nhưng vật ấy là thiên nhiên diệu tánh, “bổn tự như như”, nó vốn sẵn như thế, ý nghĩa của nó là tự nhiên, pháp vốn sẵn như vậy. Ý nghĩa thứ hai là…
(Diễn) Thị ngã tự kỷ, phi thuộc Tha giả.
(演) 是我自己非屬他者。
(Diễn: “Là chính ta chẳng thuộc ai khác” là…)
Điều này cũng hết sức trọng yếu. Tự tánh gồm đủ hai ý nghĩa này, chẳng phải là chỉ có một ý nghĩa. Đối với hai ý nghĩa, quý vị lại cho rằng nó có hai bên thì lại hỏng mất rồi! Hai ý nghĩa này đều là tự tánh. Bản thân tự tánh trọn đủ hai ý nghĩa này, một tức là hai, hai tức là một. Nói đến ý nghĩa này nhằm để đối phó với những người có khái niệm sai lầm mà nói vậy.
(Diễn) Dĩ ngoại đạo, hoặc kế tự nhiên, hoặc kế nhân duyên, hoặc kế hư không, hoặc kế thiên dữ, bất nhất nhi túc.
(演) 以外道,或計自然,或計因緣,或計虛空,或計天與,不一而足。
(Diễn: Do ngoại đạo hoặc phán định là tự nhiên, hoặc phán định là nhân duyên, hoặc phán định là hư không, hoặc phán định là trời ban, chẳng thể kể trọn từng điều được).
“Kế” (計) là “kế độ phân biệt” (tính toán, phân biệt). Kế độ phân biệt là thuật ngữ Phật học thường được sử dụng. “Kế” là kế giảo (tính toán, so sánh), nay chúng ta thường nói tới “kế toán”; [kế] là trong tâm tính toán, so sánh. “Độ” (度) là độ lượng (đo lường), phân biệt hết thảy pháp. [Như vậy, “kế độ” là] tính toán, so sánh trong ấy, đo lường trong ấy, suy nghĩ loạn xạ trong ấy: Hết thảy pháp có phải tự nhiên mà có hay chăng? Hay là do nhân duyên sanh ra ư? Phật pháp nói tới nhân duyên, vì sao đức Phật nói nhân duyên? Phải biết: Đức Phật nói nhân duyên là một phương tiện thiện xảo, nhằm đối trị quan niệm “tự nhiên” (phủ định nhân quả). Thuở ấy, tại Ấn Độ, quá nửa bọn ngoại đạo chủ trương [mọi sự] tự nhiên mà có, hết thảy vạn pháp đều tự nhiên sanh thành. Phật nói “nhân duyên sanh pháp” (các pháp do nhân duyên sanh), nói như vậy để phá chấp trước “tự nhiên” của bọn họ.
Quý vị phải hiểu đạo lý này: Họ có một thứ chấp trước “tự nhiên” nên đức Phật dùng nhân duyên để phá chấp trước cho họ. Phá chấp trước xong, công cụ ấy cũng không cần thiết nữa. Nhân duyên sanh pháp là công cụ để phá [chấp trước] “tự nhiên”. Sau khi chấp trước tự nhiên đã phá sạch rồi, quý vị lại chấp vào nhân duyên sanh pháp, sẽ lại biến thành ngoại đạo, đó gọi là “môn lý ngoại”, tức là ngoại đạo ở ngay trong Phật môn. Chấp trước “vạn pháp tự nhiên mà có” thì là hàng ngoại đạo tại Ấn Độ. Chúng ta đã phá trừ nó, có người lại chấp vào “nhân duyên sanh pháp”, lại biến thành ngoại đạo trong Phật môn vì cầu pháp ở ngoài tâm. Trong Trung Quán Luận, Long Thọ Bồ Tát đã cực lực cứu vãn, nói “bát bất” (tám thứ không) với hy vọng uốn nắn cho đúng chánh kiến của chúng ta. Ngài đã giảng rõ đạo lý nhân duyên hết sức tường tận, thấu triệt: “Chư pháp bất tự sanh, diệc bất tùng tha sanh, bất cộng, bất vô nhân, thị cố thuyết vô sanh” (Các pháp chẳng tự sanh, cũng chẳng do những thứ khác mà sanh, chẳng chung, chẳng không có nhân, vì thế nói vô sanh). Bài kệ này đã nêu ra tướng chân thật của hết thảy các pháp, đấy cũng là “phi nhân duyên, phi tự nhiên” như kinh Lăng Nghiêm đã giảng.
Đức Phật nói hết thảy pháp, câu nào cũng đều chớ nên chấp trước. Do vậy, Mã Minh Bồ Tát dạy quý vị “lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên”, nghe như vậy mới có thụ dụng, mới có ngộ xứ. Nghe xong mới có thể giải ngộ. Nếu từ giải ngộ mà lập tức chuyển được cảnh giới, đấy là chứng ngộ. Nếu nói là trong các buổi giảng, nếu nói ‘nghe kinh’ không được coi là tu hành, thì đấy là lầm lẫn quá đỗi! Quý vị đọc kinh Lăng Nghiêm, thấy cô Ma Đăng Già là phàm phu, cô ta nghe kinh được một nửa đã nghiễm nhiên chứng Tam Quả, chẳng tu hành mà có thể chứng quả ư? Nếu quý vị hiểu, vừa nghe liền thấu hiểu, thấu hiểu là giải ngộ; giải rồi, cảnh giới lập tức chuyển biến, chứng ngộ đấy! Chuyển biến cảnh giới gọi là tu hành. Nếu coi đó như là một thứ học thuật thế gian để nghiên cứu, chấp trước tướng ngôn thuyết, tướng danh tự, tướng tâm duyên, sẽ là “kể chuyện ăn, đếm của báu”, vô ích! Thật sự đạt đến “lìa hết thảy tướng, tức hết thảy pháp”, nghe kinh có thể khai ngộ, có thể chứng quả. Nghe kinh cũng có thể thành Vô Thượng Bồ Đề.
Trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử tham học năm mươi ba lần, thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác như thế nào? Đến các nơi nghe những vị thiện hữu thuyết pháp, Ngài vừa nghe liền chuyển cảnh giới. Những pháp môn ấy là pháp môn tiệm tu (tu dần dần), từng tầng, từng tầng lần lượt nâng cao. Hiện thời, chúng tôi đã giảng đến quyển hai mươi hai của bộ kinh Hoa Nghiêm, [quyển ấy] nói về Lục Địa Bồ Tát. Thiện Tài hiện thời (ý nói Thiện Tài đang tham học ở chỗ vị thiện tri thức chứng đắc Lục Địa Bồ Tát) là Lục Địa Bồ Tát. Người nghe kinh chúng ta có theo kịp hay không? Ngài là Lục Địa, còn chúng ta đang ở địa vị nào? Phải theo kịp Ngài! Một bộ kinh Hoa Nghiêm đọc xong, Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thành tựu thì bài thi mới được điểm trọn vẹn. Nghe xong bộ kinh Hoa Nghiêm, chính mình chứng được Sơ Trụ trong Viên Giáo thì mới được coi là thi đậu. Người niệm Phật nghe xong kinh Hoa Nghiêm, công phu niệm Phật đạt đến Lý nhất tâm bất loạn thì mới được coi là thi đậu. Làm thế nào để theo kịp mức độ tiến triển? Trong ấy thật sự có niềm vui, pháp vị và pháp hỷ ấy chẳng thể diễn tả được, không có cách nào hình dung được. Nếu trong Phật pháp không có những niềm vui như vậy, còn ai đến học nữa? Người học Phật là người thông minh bậc nhất trong thế gian, thật sự liễu giải Chân Đế trong vũ trụ, nhân sinh.
Có những kẻ chấp trước “hết thảy pháp là tự nhiên mà có”, có những kẻ chấp trước pháp “do nhân duyên mà có”, có kẻ chấp trước [hết thảy các pháp] là hư không. Chấp trước Không cũng là lầm lẫn. Những kẻ nào chấp trước Không? [Chư thiên trong] Tứ Không Thiên là kẻ chấp trước Không, chấp vào tướng Không. “Thiên dữ” (trời ban): Rất nhiều người chấp hết thảy đều do trời ban cho, do Thượng Đế ban tặng, do thần thánh ban tặng; đây là quan niệm sai lầm. “Bất nhất nhi túc” (Chẳng thể kể trọn từng điều): Tà tri, tà kiến quá ư là nhiều! Quý vị phải hiểu: Phật pháp dạy quý vị khôi phục những năng lực quý vị vốn sẵn có. Khi Lục Tổ thành tựu đã nói rất rõ ràng: “Nào ngờ tự tánh, vốn sẵn đầy đủ”, vốn sẵn đầy đủ nên pháp nào cũng trọn đủ, chẳng có một pháp nào không trọn đủ, “nào ngờ tự tánh, có thể sanh ra vạn pháp”, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều là những vật được biến hiện bởi tự tánh. Thượng Đế, quỷ thần đều là những vật do tự tánh của chúng ta biến hiện, chúng ta không thể sai khiến họ mà lại ngược ngạo nghe theo lệnh của họ. Đấy là mê hoặc, điên đảo, trong kinh Phật gọi là “kẻ đáng thương”, thật sự đáng thương! Trong Phật pháp, hết thảy các pháp đều quy về chính mình, chẳng dựa dẫm ngoại lực; tự ngộ, tự tu, tự chứng! Tuy Tịnh Độ gọi là pháp môn Nhị Lực, được Phật lực gia trì, nhưng Phật lực gia trì là kinh điển, kinh điển do đức Phật nói, Ngài dạy chúng ta lý luận, phương pháp, cảnh giới. Đó là Phật lực gia trì, trong ấy không có mê tín. Khi lâm chung, A Di Đà Phật đến tiếp dẫn là Phật lực gia trì, nhưng nếu chính bản thân chúng ta không nỗ lực, một mực ỷ vào sức Phật, đến cuối cùng nhất định sẽ chẳng được gì! Kẻ dựa dẫm quỷ, nhất định bị quỷ làm mê, kẻ dựa dẫm thần, nhất định bị thần lừa dối, làm nô dịch cho thần, đấy là điên đảo vậy!
(Diễn) Thử giai mê kỷ, vị vật sở chuyển.
(演) 此皆迷己為物所轉。
(Diễn: Đấy đều là mê mất chính mình, bị sự vật xoay chuyển).
Câu kết luận này nói rất hay. Nếu quý vị muốn thâm nhập, nghiên cứu, thảo luận thì đạo lý này ở trong kinh Lăng Nghiêm. Người giác ngộ quyết chẳng bị vật chuyển! Chữ Vật bao gồm hết thảy cảnh giới ở ngoài thân mình, chúng thường nói là “y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới”, dùng chữ Vật để làm đại diện, chẳng bị vật xoay chuyển. Chỉ có kẻ mê tự tánh bị cảnh giới bên ngoài xoay chuyển, chúng ta nay đang là hạng người ấy. Mắt thấy sắc liền bị sắc chuyển, tai nghe tiếng liền bị tiếng chuyển, thật đáng thương! Mắt thấy sắc vừa ý mình bèn khởi tâm tham, chẳng vừa ý mình bèn khởi tâm nóng giận. Đấy là bị nó xoay chuyển. Tai nghe tiếng, nghe vui tai, hay quá, thích nghe hoài! Đó là bị nó chuyển! Chẳng ưa nghe, nghe đâm ra chán ngấy, bị nó chuyển rồi! Khi nào có thể ở trong hết thảy âm thanh mà như như bất động? Nghe rõ ràng, rành rẽ, như như bất động, sẽ chẳng bị chuyển!
Nếu trong hết thảy cảnh giới, quý vị khởi phân biệt, khởi chấp trước, khởi tham, sân, si, mạn là bị cảnh giới chuyển. Bị cảnh chuyển sẽ tạo nghiệp. Chẳng bị cảnh chuyển, không tạo nghiệp. Chẳng tạo nghiệp thì chúng ta đặt cho nó cái tên là “tịnh nghiệp”. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Nhược năng chuyển cảnh, tắc đồng Như Lai” (Nếu chuyển được cảnh sẽ giống như Như Lai), đấy chính là Phật, là Bồ Tát. Đại Bồ Tát kiến tánh, Ngài chuyển được cảnh, chẳng bị cảnh chuyển. Chúng ta nói tu hành, nói tới công phu, vậy công phu là gì? Chẳng bị cảnh chuyển, công phu thật sự đấy. Nơi nào cũng bị cảnh giới xoay chuyển, chỗ nào đáng kể là công phu? Nơi nào cũng bị cảnh giới xoay chuyển thì hãy nhớ: Không có cách nào vượt thoát luân hồi, quý vị dựa vào đâu để liễu sanh tử, thoát tam giới? Nơi nào cũng bị cảnh chuyển thì lại xin thưa với quý vị, chẳng dễ gì vãng sanh, đới nghiệp cũng không được. Đến lúc quý vị vãng sanh, lại bị cảnh giới lôi trở lại, quý vị vẫn chẳng đi được! A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, quý vị nói: “Con còn chưa buông xuống được, còn có chuyện chưa giải quyết”, A Di Đà Phật chẳng thể đợi quý vị, quý vị không vãng sanh được! Do vậy, điều này hết sức quan trọng, phải hiểu công phu là như thế nào. Mỗi ngày niệm bao nhiêu câu Phật hiệu, lạy bao nhiêu lạy, lễ bao nhiêu bài sám, niệm bao nhiêu kinh, đấy chẳng gọi là công phu mà gọi là khóa tụng! Niệm nhiều khóa tụng, chứ không có công phu! Giống như gì? Học hành cho nhiều, học hằng ngày, đi thi liền lãnh zéro, chẳng đậu. Thi đậu mới là công phu. Quý vị đi thi, điểm số là công phu, đạt điểm số cao, đấy là công phu. Hằng ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, tâm vẫn bị cảnh chuyển thì cũng như không, hét toạc cuống họng cũng uổng công!
Mỗi ngày một tiếng Phật hiệu cũng chẳng niệm, nhưng đối với cảnh giới nào cũng bất động, thì thưa với quý vị, người ấy gọi là người niệm Phật. Vì sao gọi người ấy là người niệm Phật? Người ấy không niệm Phật mà! Người ấy niệm Phật để làm gì? Niệm Phật để khỏi bị cảnh chuyển, giác chứ không mê. Do người ấy là giác chứ không mê, nên người ấy không niệm vẫn là niệm. “Niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm”, cảnh giới như vậy đấy, phải hiểu lý! Thế nhưng trong cảnh giới ấy, người ấy có niệm Phật hay không? Người ấy nhất định niệm, vì sao người ấy niệm Phật? Nhằm dạy người khác niệm Phật. Đó là đại từ đại bi. Quả thật người ấy chẳng cần niệm, người ấy rất thanh tịnh, suốt ngày từ sáng đến tối là “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”. Thấy người ấy niệm Phật, kẻ khác cũng niệm Phật theo. Nhằm khuyên người khác niệm Phật, nêu gương cho người khác thấy, khiến cho người khác bắt chước theo, đó gọi là đại từ đại bi, là độ người khác, hóa tha.
Nếu một vị lão hòa thượng tu học pháp môn Tịnh Độ mà suốt ngày từ sáng đến tối chẳng niệm một câu Phật hiệu nào, người khác sẽ nói với vị ấy: “Thầy bảo chúng con niệm Phật mà thầy chẳng niệm gì hết, con niệm để làm chi?” Ấn Quang đại sư là Đại Thế Chí Bồ Tát tái lai, tâm Ngài thanh tịnh lắm! Quý vị thấy lão nhân gia tay cầm xâu chuỗi, từ đầu năm đến cuối năm chưa hề buông ra, A Di Đà Phật luôn trên cửa miệng, chẳng ngưng nghỉ ngày nào, nêu gương cho người niệm Phật, nêu gương cho hàng sơ học. Tôi dạy quý vị niệm Phật thì tôi phải niệm hằng ngày, chứ không phải tôi chẳng niệm mà bảo quý vị niệm. Tôi niệm hằng ngày, tôi mới bảo quý vị niệm. Chúng ta là hàng sơ học thấy vậy tâm phục, khẩu phục, quả nhiên chẳng sai! Đấy là Phật, Bồ Tát thân giáo (dạy bằng hành vi, cử chỉ nơi thân), Phật, Bồ Tát hy sinh mình vì người khác!
Phàm là có những suy nghĩ loạn xạ như đã kể trên đây, cầu tâm ngoài pháp, đều là “mê mất chính mình, bị vật xoay chuyển”, rất đáng thương!
(Diễn) Bất tri thử tánh bổn phi thiên giáng, bất thuộc địa sanh, diệc phi nhân dữ.
(演) 不知此性本非天降,不屬地生,亦非人與。
(Diễn: Chẳng biết tánh này vốn chẳng do trời ban xuống, chẳng do đất sanh ra, cũng chẳng do ai tặng cho).
Diệu tánh thiên nhiên, chẳng phải do trời ban xuống, cũng chẳng phải do đất sanh ra. Nói thật ra, trời và đất đều là vật được biến hiện bởi diệu tánh của chính mình, chẳng có gì khác, đúng là chính mình. “Cũng chẳng do ai tặng”, chẳng liên can đến ai, chẳng liên can đến Phật, Bồ Tát, hay hết thảy quỷ thần.
(Diễn) Nãi đương nhân tự kỷ bất thuộc ư tha cố, thử tự kỷ chi tự dã.
(演) 乃當人自己不屬於他故,此自己之自也。
(Diễn: Mà chính là bản thân người ấy, chẳng thuộc vào ai khác, đấy chính là Tự hiểu theo ý nghĩa “chính mình” vậy).
Phải nhất định nhớ kỹ điều này. Nếu quý vị hiểu rõ, giác ngộ đạo lý này, sẽ gọi là chánh tri chánh kiến. Đó gọi là “nhận thức chính mình”. Nếu chẳng tham thấu triệt ý nghĩa này, quý vị hãy nghĩ mình nằm mộng: Trong mộng có đại địa, có trời, có hết thảy nhân vật, cũng có núi, sông, cây cối, hoa cỏ, chúng toàn là những vật do tự tâm của quý vị biến hiện ra. Hễ quý vị tỉnh giấc, hãy suy nghĩ xem có đúng hay không? Đúng! Toàn bộ cảnh trong mộng do tự tâm của ta biến hiện. Ở trong mộng, quý vị cũng mê hoặc, điên đảo y hệt, cũng đòi hỏi người khác, đấy là bị vật xoay chuyển. Mê chính mình, bị vật xoay chuyển, “chính mình” là gì? Toàn bộ cảnh giới là chính mình. Khi nào quý vị thật sự giác ngộ, khẳng định, thừa nhận: Tận hư không khắp pháp giới vốn là chính ta, thì thưa với quý vị, đó gọi là “chứng đắc Pháp Thân”, giống như trong mộng mà giác ngộ. Toàn bộ giấc mộng đều do tâm ta biến hiện, toàn bộ cảnh trong mộng là chính mình, Phật pháp gọi đó là “chứng đắc thanh tịnh Pháp Thân”. Tâm thanh tịnh, tất cả cảnh giới chẳng hề không thanh tịnh. Thanh tịnh Pháp Thân bày ra trước mặt, chính mình chẳng nhận biết, mê hoặc, điên đảo. Ngay cả Lão Tử cũng có sự giác ngộ này: “Thiên địa dữ ngã đồng căn, vạn vật dữ ngã nhất thể” (Trời đất và ta cùng gốc, vạn vật có cùng một thể với ta). Nhìn thấu tin tức này, quan sát được. Phật pháp là thật sự đích thân chứng được cảnh giới này, quả thật là chính mình, chứ không phải ai khác.
Tiếp theo đó, sách giải thích vì sao nó có nhiều danh từ như thế, tuy có nhiều danh từ nhưng đều là nói về cùng một chuyện. Đây là lời giải thích câu “tự tánh, cái hữu đa danh, diệc danh Bổn Tâm” (tự tánh do vậy có nhiều tên, còn gọi là Bổn Tâm).
(Diễn) Đối vạn pháp viết Bổn Tâm.
(演) 對萬法曰本心。
(Diễn: Đối với muôn pháp bèn nói là Bổn Tâm).
“Bổn” là căn bản. Tâm là cái có thể hiện (năng hiện), vốn có thể hiện, vạn pháp là cái được hiện (sở hiện), vạn pháp là Tướng. Chúng ta lại lấy cảnh trong mộng để tỷ dụ. Vạn pháp giống như cảnh giới trong mộng, “bổn tâm” là cái tâm có thể biến hiện giấc mộng, cái tâm ấy có thể hiện cảnh trong mộng. Do vậy, đối với cảnh mộng mà nói thì đây là “bổn tâm”, ý nghĩa này quý vị dễ hiểu; nhưng làm thế nào để có thể hiểu tận hư không trọn pháp giới là do bổn tâm của chính mình biến hiện? Mấu chốt là ở chỗ này, đột phá được mấu chốt này sẽ ngộ nhập, nghiệp chướng gì cũng đều tiêu trừ. Vì sao? Chuyển được cảnh giới, chuyển tám thức thành bốn trí. Hễ đột phá cảnh giới sẽ chuyển cảnh giới. Thật ra không có cách nào, hãy niệm bốn câu kệ của kinh Kim Cang nhiều lượt: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh, như lộ, diệc như điển, ưng tác như thị quán” (Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương, cũng như chớp, hãy nên quán như thế). Các văn sĩ thường nói “nhân sanh như mộng” (đời người như giấc mộng), câu nói ấy hết sức đúng với sự thật, sát sao! Đáng tiếc là họ nói được, nhưng chẳng nhập được cảnh giới ấy. Tuy họ nói câu ấy, họ vẫn đang mê, họ vẫn chẳng giác. Nếu đã giác ngộ, “toàn bộ đời người là giấc mộng”, trong mộng thì còn tranh giành cái gì? Trong mộng có gì là được – mất? Trong mộng còn có gì không buông xuống được? Trong mộng còn có gì chẳng nhìn thấy thấu suốt? Hết thảy đều buông xuống được, quý vị ngay lập tức thành Phật, thành Tổ. Trong kinh Phật thường dạy chúng ta hãy tưởng “như mộng, như huyễn”, thật đấy, chẳng giả đâu! Vì thế, cảnh trong mộng Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, đấy là tứ vô ngại pháp giới của Hoa Nghiêm, là cảnh giới giải thoát chẳng thể nghĩ bàn. Hễ giác thì sẽ là như vậy đó.
(Diễn) Đối Thỉ Giác viết Bổn Giác.
(演) 對始覺曰本覺。
(Diễn: Do đối ứng với Thỉ Giác mà nói là Bổn Giác).
Chúng ta mê, nay bắt đầu giác ngộ. Bắt đầu giác ngộ là nói đến bổn tánh, bổn tánh là Bổn Giác. Thỉ – Bổn bất nhị. Trong phần trên đã nói: Tánh – Tướng giống hệt như một. Vạn pháp là Tướng, bổn tâm là Tánh, Tánh và Tướng giống hệt như một, Thỉ và Bổn bất nhị. Vì sao có Thỉ Giác? Là vì Bổn Giác vốn có, vốn có thì đương nhiên có thể hiện tiền, có thể khôi phục; do mới vừa khôi phục nên chúng ta gọi nó là Thỉ Giác. Do vậy, tự tánh là giác, chẳng mê. Nó là giác ngộ, tức vốn sẵn giác ngộ. Do vậy, mới nói: “Bổn Giác vốn có, bất giác vốn không”. Lúc nào chúng ta sẽ bắt đầu giác ngộ? Hiện giờ có thể coi là chúng ta bắt đầu giác ngộ hay chưa? Phá một phần vô minh, chứng một phần bổn tánh, thì gọi là Thỉ Giác. Do vậy, ai thuộc địa vị Thỉ Giác? Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo. Đừng lầm lẫn tưởng là hiện nay chúng ta bắt đầu giác ngộ. Phiền não cả một đống, giác ngộ nỗi gì! Nay chúng ta chỉ nghe nói tới chuyện ấy mà thôi! Kiến Tư phiền não đã đoạn, Trần Sa phiền não đã đoạn, phá một phẩm vô minh, Thỉ Giác hiện tiền. Tiêu chuẩn ấy được kiến lập trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Đại Thừa Khởi Tín Luận nói [Thỉ Giác] là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, kinh Kim Cang cũng dạy như thế. Lấy tiêu chuẩn trong kinh Kim Cang để nói thì: Không có Tứ Tướng và Tứ Kiến thì là địa vị Thỉ Giác. Trong kinh nói rất rõ ràng: “Nhược Bồ Tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tức phi Bồ Tát” (Nếu Bồ Tát có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả thì chẳng phải là Bồ Tát). Chẳng phải là hạng Bồ Tát nào vậy? Chẳng phải là Bồ Tát thuộc địa vị Thỉ Giác. Quý vị phải hiểu đạo lý này, trong Lục Tức, [những vị Bồ Tát còn có Tứ Tướng, Tứ Kiến sẽ] chẳng phải là Phần Chứng Phật. Nếu quý vị nói là thuộc địa vị Tương Tự, địa vị Quán Hạnh, hoặc địa vị Danh Tự thì được.
Hiện thời, chúng ta đã thọ Bồ Tát Giới, đều có thể gọi là Bồ Tát, nhưng là Bồ Tát thuộc địa vị nào vậy? Bồ Tát thuộc địa vị Danh Tự, hữu danh vô thực, mang cái danh là Bồ Tát, chứ không phải thật. Bồ Tát chân chánh thì phải thuộc địa vị Thỉ Giác mới là Bồ Tát thật sự, phá một phẩm vô minh, thấy một phần chân tánh, đó là chân [Bồ Tát]. Nói cách khác, trước khi đạt đến địa vị Thỉ Giác thì gọi là Quyền Giáo, từ Thỉ Giác trở đi mới gọi là Thật Giáo, là chân thật. Trước khi đạt đến địa vị Thỉ Giác là có, chẳng phải là không có[39]. Địa vị Thập Tín Bồ Tát trong Viên Giáo cũng khá khó có. Hàng Sơ Tín Bồ Tát trong Viên Giáo phá tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc, bằng với Tu Đà Hoàn trong Tiểu Thừa, địa vị Thất Tín bằng với A La Hán, tám mươi mốt phẩm Tư Hoặc cũng đoạn sạch. Khi ấy, gọi là Tương Tự Tức Bồ Tát. Chỉ đoạn Kiến Hoặc, chưa đoạn Tư Hoặc, thì là Bồ Tát thuộc địa vị Quán Hạnh, Kiến Tư phiền não đều đoạn sạch hết, là Bồ Tát thuộc địa vị Tương Tự. Thấy một phần chân tánh là Bồ Tát thuộc địa vị Phần Chứng. Trong Viên Giáo, từ Sơ Trụ cho đến Đẳng Giác gồm bốn mươi mốt địa vị, đều gọi là Bồ Tát thuộc địa vị Phần Chứng, tức Chánh Đẳng Chánh Giác. Chánh Đẳng Chánh Giác nếu lại lên cao hơn nữa thì chính là Cứu Cánh Phật, gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Do vậy, phải hiểu tiêu chuẩn của Thỉ Giác, chúng ta phải nỗ lực, phải noi theo phương hướng ấy để tinh tấn, dùng phương pháp nào? Một câu Phật hiệu. Dùng cái tâm nào? Nhất tâm niệm Phật cầu nguyện vãng sanh. Dùng cái tâm ấy, phương pháp là một câu Phật hiệu. Quán Hạnh là sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, từng tiếng [Phật hiệu] đều gọi mình từ trong cảnh giới hãy quay trở lại. Chúng ta mê nơi cảnh, bị cảnh giới xoay chuyển, kêu mình quay về, chính là Tam Quy Y. Trong hết cảnh giới, giác chứ chẳng mê, chánh chứ chẳng tà, tịnh chứ chẳng nhiễm, đó là Phật pháp. Trong hết thảy cảnh giới, nếu quý vị khởi tâm động niệm, mê hoặc, tà kiến, ô nhiễm, thì thưa quý vị, trong mỗi niệm quý vị đều tạo nghiệp chướng, tạo tội nghiệp cực lớn mà quý vị chẳng hay biết! Quý vị nói quý vị chẳng sợ địa ngục, chẳng ở trong đó, “ta đọa địa ngục cũng chẳng sao!” Đấy là cuồng vọng! Quý vị chưa nếm nỗi khổ ấy, đến khi đó chịu khổ, có hối cũng chẳng kịp nữa! Con người đúng là mê hoặc, điên đảo! Nếu kẻ nào còn nghĩ như vậy, kinh Phật gọi kẻ ấy là Nhất Xiển Đề, không có thiện căn, không cứu được. Đấy là hạng người đáng thương nhất!
(Diễn) Vô tri chi tri vị Chân Tri.
(演) 無知之知謂真知。
(Diễn: Cái Biết mà chẳng biết thì gọi là chân tri).
Tự tánh còn gọi là Chân Tri, Chân Tri là gì? Bát Nhã Ba La Mật. Bát Nhã vô tri, vì sao tuy vô tri mà có thể biết? Chúng tôi nêu một thí dụ: Tay tôi cầm cuốn sách này, quý vị thấy rất rõ ràng, đó là biết. Quý vị chẳng khởi phân biệt, chẳng nẩy sanh ý niệm nào. Nếu quý vị nói: “Tay pháp sư cầm một cuốn kinh sách”, tức là trong sự nhận biết [hoàn toàn không khởi tâm động niệm ấy] quý vị đã lập ra [ý niệm] có nhận biết, đó gọi là “cái gốc của vô minh”. Khi nào khởi lên vô minh? Khởi lên vô minh ngay khi ấy. Quý vị thấy rõ ràng, rành rẽ, đó là Chân Tri. Sáu căn vừa tiếp xúc [liền nhận biết, chẳng khởi tâm động niệm], ấy là Chân Tri. Đó chính là Bát Nhã Ba La Mật, là Phật tri, Phật kiến. Nếu quý vị khởi lên ý niệm “cái này gọi là một cuốn kinh sách”, hỏng rồi! Quý vị đã lập ra một tri kiến hư vọng trong ấy, vì sao? “Danh khả danh, phi thường danh; đạo khả đạo, phi thường đạo” (Có thể gọi tên được thì cái tên ấy chẳng phải là tên thường hằng, đạo mà có thể diễn tả được thì đạo ấy chẳng thường hằng). Vốn chẳng có tên gọi, vì sao quý vị lại đặt tên cho nó? Giữ lấy tên gọi là sai rồi! Nó không có tên gọi, quý vị gán cho nó một tên gọi, tức là trên sự tri kiến [vốn sẵn thanh tịnh] lại chồng thêm một cái tri kiến [phân biệt] nữa, đó gọi là vô minh. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Tri kiến lập tri, thị vô minh bổn” (Từ trên sự nhận biết chân thật lập ra tri kiến, đấy là cái gốc của vô minh). Vô minh là như vậy đó. Nếu đối với sự thấy, nghe, hay, biết, quý vị giữ được Chân Tri; nói cách khác, quý vị vĩnh viễn chẳng khởi phân biệt, chấp trước thì chính là Phật tri, Phật kiến.
Tự thụ dụng là Căn Bản Trí, nó là vô tri. Chính mình quả thật vô tri, vô tri là sự hay biết không do phân biệt, là sự hay biết không chấp trước, chứ chẳng phải là đối với cảnh giới chẳng biết gì hết, mà là thứ gì cũng biết. Biết hiện tại, biết quá khứ, biết vị lai, tận hư không, trọn pháp giới, không pháp nào chẳng biết, vô tri là gì? Trong [sự nhận biết] ấy, không có ngôn thuyết, không có danh tự, không có tâm duyên. Nói cách khác, không có chấp trước, không có vọng tưởng, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, đó là Chân Tri, thứ gì cũng đều biết. Đó gọi là Bát Nhã Ba La Mật.
Tha thụ dụng là Hậu Đắc Trí, không gì chẳng biết. Không gì chẳng biết là đối với đại chúng mà nói. Quý vị gọi cái này là gì? Đây là một cuốn kinh sách, bởi quý vị gọi nó là kinh sách. Quý vị hỏi tôi: Đây là gì? [Tôi trả lời]: “Đây là một cuốn kinh sách”, chẳng phải là tôi chấp trước, mà là do quý vị chấp trước, chẳng liên can gì đến tôi. Tôi là như thế nào? Trong tâm không có gì hết. Do tôi không có gì hết, nên nói mà không nói. Đối với tôi thì bảo là “không nói”. Nói theo phía quý vị thì là “có nói”. Đối với quý vị là “có nói”, đối với tôi là “không nói”. “Có nói” và “không nói” đồng thời, tôi nói cho quý vị nghe, còn bản thân tôi một câu cũng chẳng nói. Thích Ca Mâu Ni Phật nói suốt bốn mươi chín năm, nhưng chẳng nói một câu nào! Tôi hằng ngày thuyết pháp cho quý vị, tôi cũng chẳng nói một câu nào. Thấu hiểu ý nghĩa này, quý vị sẽ hiểu Chân Tri là gì, Bát Nhã vô tri là gì, “không gì chẳng biết” là gì? Khi người khác đến hỏi, bèn tùy thuận sự chấp trước của chúng sanh mà chấp trước, tùy thuận sự phân biệt của chúng sanh mà phân biệt, chính mình hoàn toàn chẳng phân biệt, chấp trước. Đó gọi là “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”, đó gọi là “Bát Nhã vô tri mà không gì chẳng biết”.
Trong các buổi giảng, tôi thường khích lệ các đồng tu: Tự thụ dụng phải thanh tịnh, để chính mình thụ dụng thì đừng phân biệt, còn để người khác thụ dụng thì phải phân biệt. Nếu thật sự có thể làm được như vậy, tự thụ dụng sẽ là Tứ Trí, tha thụ dụng là tám thức. Người khác đến nêu câu hỏi, sẽ từ trong bốn trí biến hiện tám thức cho người khác thụ dụng, chứ chính mình không thụ dụng. Người ta thụ dụng xong, ngay lập tức không có nữa, khôi phục bốn trí Bồ Đề. Trong ấy, Tự và Tha không hai, Thức và Trí chẳng khác. Nếu quý vị hiểu được điều này, lẽ nào chẳng chuyển được cảnh giới? Lẽ nào chẳng phá mê khai ngộ?
Vô tri mà vẫn hay biết chính là Chân Tri. “Vô tri” là không phân biệt, không chấp trước, không vọng tưởng, chứ không phải là chẳng biết gì. Chân Tri là sáu căn tiếp xúc sáu cảnh chẳng vướng mắc hư vọng, “kiến” là cái Thấy có thể thấy được tánh; “văn” là cái Nghe có thể nghe được tánh, đấy chính là như Giao Quang đại sư đã viết trong [sách chú giải] kinh Lăng Nghiêm: “Bỏ Thức dùng Căn”, dùng Căn là Chiếu Kiến, Tâm Kinh bảo: “Chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không”, dùng tánh Thấy để thấy, đó chính là Chiếu Kiến. Dùng tánh Nghe để nghe, đó cũng là Chiếu Kiến. Chiếu Kiến là Chân Tri.
(Diễn) Vô thức chi thức vị Chân Thức.
(演) 無識之識謂真識。
(Diễn: Cái thức mà chẳng nhận biết được gọi là Chân Thức).
Tự tánh còn có tên là Chân Thức. “Thức” là tám thức, Thể của tám thức là Chân Như bổn tánh. Chân Như bổn tánh có thể biến hiện tám thức, Chân Như bổn tánh gọi là Chân Thức. Các nhà Duy Thức dùng Chân Thức để lập ra khái niệm “thức thứ chín”, Huyền Trang đại sư không đồng ý. Ngài nói không cần phải làm vậy, bảo thức thứ chín là “trên đầu chồng thêm đầu”, nói tám thức là đủ rồi, chẳng cần phải nói tới thức thứ chín. Có người gọi Chân Như bổn tánh là thức thứ chín, đặt tên là Vô Cấu Thức, những người nghiên cứu Duy Thức Học đều biết Vô Cấu Thức là Chân Thức.
Xét về tác dụng của tám thức thì A Lại Da Thức chứa đựng chủng tử của các pháp. Nếu nó chẳng chứa đựng các chủng tử thì sẽ được gọi là Đại Viên Kính Trí. Chúng tôi nói một cách dễ hiểu, nông cạn thì “hàm tàng chủng tử” (chứa đựng chủng tử) là “giữ lại ấn tượng”. Nay sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần, có thể không giữ lại ấn tượng, trong tâm chẳng giữ lại ấn tượng, dùng cái tâm giống như một tấm gương: Tướng đưa đến, gương bèn hiện bóng rõ ràng; tướng đi rồi, gương chẳng nhiễm mảy trần. Không những tướng đi rồi chẳng nhiễm mà ngay trong khi tướng đang hiện diện, gương cũng chẳng nhiễm, tức là lúc hiện tướng cũng chẳng nhiễm, chẳng giữ lại ấn tượng; sự thấy nghe nơi sáu căn của quý vị hoàn toàn biến thành trí huệ, vô lượng vô biên trí huệ, chẳng sanh phiền não. Quý vị thấy một chuyện bèn ghi giữ ấn tượng trong lòng, vẫn niệm niệm chẳng quên nghĩ tới nó, hỏng bét rồi! Nếu có thể chẳng giữ lại ấn tượng, “tức tướng ly tướng, ly tức đồng thời” (tướng chính là lìa tướng, “chính là” và “lìa” cùng một lúc). Đấy là Chân Thức. Thức thứ bảy không chấp trước, thức thứ sáu không phân biệt; thức thứ sáu không phân biệt thì gọi là Diệu Quán Sát, thức thứ bảy chẳng chấp trước thì gọi là Bình Đẳng Tánh. Tác dụng của năm thức trước là không có chuyện gì chẳng làm viên mãn, [nên gọi] là Thành Sở Tác, có nghĩa là thành tựu các sự nghiệp đã thực hiện. Sự nghiệp ấy chính là lợi ích hết thảy chúng sanh, đại từ đại bi, làm mà chẳng làm, không làm mà làm, lẽ nào người ấy chẳng tự tại?
(Diễn) Vô hữu hư vọng, vô hữu biến dị, danh viết Chân Như.
(演) 無有虛妄,無有變異,名曰真如。
(Diễn: Chẳng có hư vọng, chẳng có biến đổi thì gọi là Chân Như).
Tám chữ này không cần phải giải thích, vì Chân Như đã giảng rất nhiều rồi! Những danh từ khác so ra ít được nhắc tới hơn, nên ở đây tôi giải thích cặn kẽ cùng quý vị. Nếu quý vị thật sự thấu hiểu được một danh từ trong những danh từ này sẽ thấu hiểu toàn bộ. Nếu hoài nghi một danh từ nào, tức là quý vị chẳng hiểu toàn bộ. Hiểu một thứ sẽ hiểu hết, chẳng hiểu một thứ sẽ chẳng hiểu toàn bộ. Hôm nay hết giờ rồi!
— o0o —
Tập 14
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang thứ mười lăm:
(Sớ) Nhược tựu đương kinh, sơ cú tức Vô Lượng Quang, đỗng triệt vô ngại cố. Nhị cú tức Vô Lượng Thọ, thường hằng bất biến cố. Tam tứ cú tức linh tâm tuyệt đãi, quang thọ giao dung, nhất thiết công đức giai vô lượng cố. Ngũ cú tổng tán, tức kinh vân: “Như ngã xưng tán A Di Đà Phật bất khả tư nghị công đức”. Mạt cú kết quy, ngôn A Di Đà Phật toàn thể thị đương nhân tự tánh dã.
(疏) 若就當經,初句即無量光,洞徹無礙故。二句即無量壽,常恆不變故。三四句即靈心絕待,光壽交融,一切功德皆無量故。五句總讚,即經云:如我稱讚阿彌陀佛不可思議功德。末句結歸,言阿彌陀佛全體是當人自性也。
(Sớ: Nếu xét theo kinh này thì câu đầu tiên là Vô Lượng Quang vì thấu suốt rỗng rang không ngăn ngại. Câu thứ hai là Vô Lượng Thọ vì thường hằng chẳng biến đổi. Câu thứ ba và câu thứ tư là nói tới cái tâm ấy linh minh, dứt bặt đối đãi, vì Quang và Thọ hòa lẫn vào nhau, hết thảy công đức đều vô lượng. Câu thứ năm là khen ngợi chung, tức là như kinh đã chép: “Như ta nay khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn của A Di Đà Phật”. Câu cuối cùng là lời tổng kết, nói: Toàn thể của A Di Đà Phật chính là tự tánh của con người vậy).
Đoạn này giảng giải rõ ràng một dòng rưỡi thuộc phần Minh Tánh trong lời tựa, hết sức khó có. Những ý nghĩa được chứa đựng trong đoạn này cũng hết sức tinh tường, sâu xa, rộng lớn. Sách Diễn Nghĩa đã giảng rõ như sau:
(Diễn) Nhược tựu đương kinh hạ.
(演) 若就當經下。
(Diễn: Từ chữ “nếu xét theo kinh này” trở đi…)
“Hạ” là trở đi, từ câu này trở đi…
(Diễn) Thị giải thích tự văn dĩ cánh.
(演) 是解釋序文已竟。
(Diễn: Là giải thích phần lời tựa đã xong).
Từ đoạn này trở đi, “thị giải thích văn tự dĩ cánh” tức là đã giải thích xong phần Tựa.
(Diễn) Hạ phục phối thuộc chư kinh.
(演) 下復配屬諸經。
(Diễn: Tiếp đó, lại đối chiếu [những ý nghĩa đã nêu trong lời tựa] với các kinh).
Tiếp đó, lại đem những ý nghĩa ấy so với các kinh để nói.
(Diễn) Kim tiên tựu đương kinh phối Quang Thọ dã.
(演) 今先就當經配光壽也。
(Diễn: Nay trước hết, phối hợp với ý nghĩa Quang và Thọ trong kinh này).
Đem đối chiếu với các kinh thì trước hết, lấy ngay kinh này để đối chiếu xem câu nào [trong lời tựa] sẽ tương ứng với ý nghĩa nào trong kinh văn, câu nào cũng được giảng giải rõ ràng. Trong đoạn này, “sơ cú” chính là câu thứ nhất trong lời tựa, tức câu “linh minh đỗng triệt”. Câu thứ hai là “trạm tịch thường hằng”. Linh minh đỗng triệt tương ứng với ý nghĩa Vô Lượng Quang, vì “thấu suốt rỗng rang không ngăn ngại”. Câu thứ hai là ý nghĩa Vô Lượng Thọ, “thường hằng bất biến”. Câu thứ ba và câu thứ tư trong lời tựa là “phi trược phi thanh, vô bối vô hướng”.
Hai câu này đã được giảng là: “Linh tâm tuyệt đãi, quang thọ giao dung”, bao gồm những ý nghĩa ấy. “Nhất thiết công đức giai vô lượng cố” (vì hết thảy công đức đều vô lượng), nói chung về các thứ vô lượng. Câu thứ năm là lời khen ngợi chung: “Đại tai chân thể, bất khả đắc nhi tư nghị giả” (Lớn thay chân thể, chẳng thể nghĩ bàn được), thật sự chẳng thể nghĩ bàn, đặc biệt là đối với những ý nghĩa được bao hàm trong bốn chữ “bất khả tư nghị”, chúng ta phải chú tâm thấu hiểu. Trong kinh này, chính Thích Ca Mâu Ni đã nói: “Như ngã xưng tán A Di Đà Phật bất khả tư nghị công đức”, mười phương chư Phật cũng xưng tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh. Do vậy, sự bất khả tư nghị này có căn cứ, chứ chẳng phải là nói tùy tiện. Câu cuối cùng nhằm quy vào tự tánh của chính mình, công đức chẳng thể nghĩ bàn ấy là của ai? Là của chính mình, thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Do đây có thể biết: Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật là ai? Là chính chúng ta.
Trong A Di Đà Kinh Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nêu ra ba cương lãnh lớn: Tín, Nguyện, Hạnh. Thứ nhất là Tín, Ngài nêu ra sáu điều, điều thứ nhất là Tín Tự. Ở đây, Liên Trì đại sư dạy rõ: Đấy là tự tánh. Nếu chẳng tin vào tự tánh sẽ chẳng thể gọi là tin Phật được! Trong Phật pháp có nói “tín, giải, hạnh, chứng”, thứ nhất là phải tín Tự, rồi sau đấy mới tín Tha. Tha Phật có thể làm Tăng Thượng Duyên cho chúng ta, Tín Tự là Thân Nhân Duyên, Sở Duyên Duyên và Vô Gián Duyên, Tín Tâm được kiến lập như thế. Tín Tha là Tăng Thượng Duyên. Tín tâm được kiến lập như vậy đó. Ở đây, lời chú giải cũng rất hay, đơn giản, trọng yếu. “Kim tiên tựu đương kinh phối Quang Thọ” (Nay trước hết phối hợp với ý nghĩa Quang và Thọ trong kinh này), tức là trong kinh văn của kinh này có nói Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ.
(Diễn) Tuyệt đãi giao dung giả.
(演) 絕待交融者。
(Diễn: “Tuyệt đãi giao dung” là…)
Câu thứ ba và câu thứ tư [trong phần Sớ] là “linh tâm tuyệt đãi, quang thọ giao dung”, lời chú giải [trong sách Diễn Nghĩa] đã giảng rõ mấy câu này.
(Diễn) Quang dữ Thọ tự đối đãi pháp.
(演) 光與壽似對待法。
(Diễn: Thọ và Quang dường như là hai pháp tương đối).
“Đối đãi” nói theo cách hiện thời là “tương đối”. Chữ “tự” (似) có nghĩa là dường như chúng là hai pháp đối lập nhau.
(Diễn) Nhi kỳ thật, cử Quang tắc dung Thọ, cử Thọ tắc dung Quang, nguyên phi nhị vật, hữu hà đối đãi.
(演) 而其實舉光則融壽,舉壽則融光,原非二物,有何對待。
(Diễn: Thật ra, nêu lên Quang thì đã hàm chứa Thọ, nêu lên Thọ đã hàm chứa Quang, chúng vốn chẳng phải là hai vật, nào có đối đãi gì?)
Thoạt nhìn có vẻ như Thọ và Quang đối lập, thật ra, chúng chỉ là một chuyện, đều là tánh đức trong bổn tánh. Bổn tánh có Chiếu đức, đó là Quang, [tức là] bổn tánh có trí huệ. Bổn tánh có Tịch đức, Tịch là như như bất động, chân tâm quả thật là bất động. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đã nêu một thí dụ, Ngài nêu lên tánh Thấy. Tánh Thấy là chân tâm, tánh Thấy trọn đủ ý nghĩa Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ. Tánh Thấy có thể chiếu, tức là thấy hết thảy sắc rõ ràng phân minh, đó là ý nghĩa Vô Lượng Quang. Tánh Thấy bất sanh bất diệt, chẳng đến, chẳng đi, bất động, bất hoại. Đó là ý nghĩa Vô Lượng Thọ. Mở banh mắt bèn thấy, mà nhắm mắt vẫn thấy, quý vị đọc kinh Lăng Nghiêm sẽ biết, phần “thập phiên hiển kiến” (mười phen chỉ rõ cái Thấy) giảng rõ tánh Thấy là chân tâm. Tánh Thấy là Chân Như bổn tánh. Quý vị biết tánh Thấy là như vậy, mà căn tánh của sáu Căn không gì chẳng giống như vậy.
Đó gọi là “nguyên y nhất tinh minh, phân thành lục hòa hợp” (do nương vào một cái tinh minh (chân tâm) mà chia thành sáu thứ hòa hợp). Do đây biết rằng: Ý nghĩa Quang và Thọ quả thật dung hội lẫn nhau, dứt bặt đối đãi. Dứt bặt đối đãi (tuyệt đãi) là chẳng đối lập; do vậy, dung hội, hòa lẫn vào nhau. “Nguyên phi nhất vật” (vốn chẳng phải là hai vật), một đằng là nói theo mặt Chiếu, một đằng là nói theo mặt Tịch. Tịch là tự tánh vốn Định, Định ấy chẳng phải do tu mà có, mà là bổn tánh vốn sẵn có, nó được gọi là Lăng Nghiêm Đại Định. Lăng Nghiêm Đại Định chẳng phải do tu mà thành, mà là Tánh Định (Định sẵn có trong tự tánh). Chiếu là Bát Nhã trí huệ trong tự tánh. Tự Tánh Huệ là Vô Lượng Quang. Tự Tánh Định là Vô Lượng Thọ. Định và Huệ đều là tánh đức (những phẩm đức của tánh); do vậy, chúng dứt bặt đối đãi, dung hội lẫn nhau.
(Diễn) Nhất thiết công đức, vị vô lậu tánh công đức. Vô lượng giả, cụ túc viên mãn bất khả tư nghị dã.
(演) 一切功德,謂無漏性功德。無量者,具足圓滿不可思議也。
(Diễn: “Hết thảy công đức” là các công đức vô lậu của tự tánh. “Vô lượng” là [các công đức ấy] đầy đủ viên mãn, chẳng thể nghĩ bàn).
“Tánh” là Chân Như bổn tánh, có Thể, có Tướng, có Dụng. Tựa đề kinh Hoa Nghiêm có chữ Đại Phương Quảng; Đại là tán thán Tánh Thể, Phương là tán thán Tánh Tướng, Quảng là tán thán sự khởi tác dụng của chân tánh (Tánh Dụng). Do vậy, ba chữ “Đại Phương Quảng” nhằm tán thán Thể, Tướng, Dụng của bổn tánh. “Công đức” là nói về Tướng và Dụng, công đức ấy là công đức của bổn tánh. Đã thuộc bổn tánh thì chúng tuyệt đối chẳng do tu mà có, vốn sẵn trọn đủ, có thể sanh ra muôn pháp, đó là “tánh công đức” (các công đức của tánh). Tánh công đức là vô lậu. “Lậu” là tên gọi khác của phiền não, “vô lậu” là quyết định chẳng sanh phiền não. Trong công đức xứng tánh chẳng có phiền não. Kiến Tư phiền não, Trần Sa phiền não và Vô Minh phiền não đều đoạn sạch thì mới gọi là “vô lậu”. Đẳng Giác Bồ Tát còn có một phẩm sanh tướng vô minh[40], nên vẫn chưa hết Lậu, chưa hoàn toàn tách rời Lậu. Một phẩm sanh tướng vô minh ấy cũng chẳng còn thì mới thật sự là vô lậu. Ai có tánh công đức của chân vô lậu? Phật trong Viên Giáo mới trọn đủ, mới viên mãn. Những vị thánh nhân Tiểu Thừa cũng gọi là Vô Lậu, nhưng không có tánh công đức, vì vô lậu của người Tiểu Thừa chỉ là đoạn Kiến Tư phiền não, chứ chưa đoạn Trần Sa và Vô Minh. Do vậy, vô lậu trong Tiểu Thừa chẳng rốt ráo. “Vô lậu tánh công đức” mới thật sự là bổn lai diện mục của chính mình. Chúng ta hãy suy nghĩ: Hiện thời chúng ta trong hết thảy mọi lúc thường sanh phiền não, đó là hữu lậu. Hữu lậu là phàm phu, vô lậu là thánh nhân. Hữu lậu là mê hoặc, điên đảo, vô lậu mới là giác ngộ chẳng mê. Chúng ta hãy tự mình suy nghĩ, chúng ta có dấy lên phiền não hay không? Dấy phiền não là phàm phu, là đang ở trong tình trạng bệnh hoạn, chẳng khỏe mạnh, chính mình nhất định phải hiểu rõ!
Ở đây nói “hết thảy công đức” là nói đến công đức xứng tánh vô lậu, là những công đức vốn sẵn có trong bổn tánh. “Công” là công năng, “đức” là đức dụng. “Vô lượng” là trọn đủ viên mãn chẳng thể nghĩ bàn, đấy là ý nghĩa của chữ “vô lượng”. Công đức vô lậu trong tự tánh viên mãn, chẳng thiếu sót mảy may nào. Do vậy, đối với y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới thì trong mười pháp giới ấy, lục phàm pháp giới chẳng phải là hữu lậu hay sao? Quý vị hãy tự suy nghĩ: Lục phàm là hữu lậu hay vô lậu? Khi chưa giác ngộ, ở trong lục phàm là hữu lậu, sau khi đại triệt đại ngộ, trụ trong Nhất Chân pháp giới, Nhất Chân và mười pháp giới là một, chẳng phải hai. Trong Nhất Chân có mười pháp giới hay không? Có! Nhưng trong cái nhìn của Phật, của Đại Bồ Tát, hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật. Hình dạng của Phật là như thế nào? Có hình dạng ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, cũng có hình dạng Bồ Tát, cũng có hình dạng trời, người, cũng có hình dạng ngạ quỷ, địa ngục, rất nhiều hình dạng, nhưng đều là Phật. Mắt Phật nhìn thấy [mọi loài] đều là Phật, quyết chẳng phải là [chờ đến khi chúng sanh đã] thành Phật rồi, Phật mới thấy hết thảy chúng sanh đều biến thành ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, không có đạo lý ấy! Vì sao? Ngài chứng được vô lậu, thấy hết thảy Tướng Phần là do tánh biến hiện. Tánh vô lậu nên Tướng cũng vô lậu. Cái gọi là Lậu ấy do đâu mà có? Lậu là do chính quý vị đang mê, chẳng liên can gì đến Tướng! Tự mình mê nên tự sanh phiền não, chuyện là như vậy đó! Do vậy, quả thật là đầy đủ viên mãn chẳng thể nghĩ bàn!
(Diễn) Nhi dĩ thử cú, đương phi trược, phi thanh nhị cú giả.
(演) 而以此句,當非濁非清二句者。
(Diễn: Nhưng hãy nên đem câu này [tức câu “nhất thiết công đức, vị vô lậu tánh công đức. Vô lượng giả, cụ túc viên mãn bất khả tư nghị dã”] áp dụng cho hai câu “chẳng phải trược, chẳng phải thanh, [chẳng trái nghịch, chẳng hướng về]” [trong lời tựa]).
Trong chân tánh, chẳng thể nào nhắc tới “thanh, trược, hướng, bối” (trong, đục, hướng về, trái nghịch) được; còn trên mặt Sự thì có hay là không? Trên mặt Sự là có, trên mặt Lý thì không. Sự có, Lý không, Tướng có, Tánh không. Trong Tướng có “thanh, trược, hướng, bối”, trong Tánh chẳng có. Trong Sự có “thanh, trược, hướng, bối”, trong Lý chẳng có. Do đây có thể biết, nói tới “thanh, trược, hướng, bối” là đã mê rồi cho nên mới có những hiện tượng ấy. Sau khi đã ngộ, những hiện tượng ấy chẳng còn nữa.
(Diễn) Dĩ đản hữu thanh, trược, hướng, bối, tức hữu đối đãi bất dung thông, tiện bất thị tánh công đức, tiện phi vô lượng.
(演) 以但有清濁向背,即有對待不融通,便不是性功德,便非無量。
(Diễn: Do chỉ cần có thanh, trược, hướng về, trái nghịch, sẽ liền có đối đãi, chẳng dung thông, sẽ chẳng phải công đức trong tự tánh, chẳng phải là vô lượng).
Ấy là hữu lượng.
(Diễn) Kim vô thanh, trược, hướng, bối, thị nhất thiết công đức giai vô lượng dã.
(演) 今無清濁向背,是一切功德皆無量也。
(Diễn: Nay không có thanh, trược, hướng về, trái nghịch, thì hết thảy công đức đều là vô lượng).
“Thanh, trược, hướng, bối” trong phần trên đã giải thích rất cặn kẽ. Đây là câu thứ ba và câu thứ tư được nhìn theo ý nghĩa trong kinh này, đến đây chúng ta có thể rút ra kết luận.
Câu thứ năm là lời khen ngợi chung, “tức kinh vân, như ngã tán thán A Di Đà Phật bất khả tư nghị công đức” (chính là như trong kinh đã nói: “Như ta khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn của A Di Đà Phật”); trong phần giải thích kinh văn sẽ thảo luận cặn kẽ câu này. “Mạt cú kết quy” (Câu cuối cùng là quy kết), hết sức trọng yếu, “ngôn A Di Đà Phật toàn thể thị đương nhân tự tánh dã” (nói toàn thể của A Di Đà Phật là tự tánh của chính mình). Chữ “toàn thể” bao gồm y báo lẫn chánh báo, “đương nhân” là chính mình, [“đương nhân tự tánh” là] tự tánh của chính mình. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chính là tự tánh của chính mình. Câu này phải giải thích như thế nào? Ở đây, lời chú giải ghi:
(Diễn) Phạn ngữ A Di Đà Phật, thử vân Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang.
(演) 梵語阿彌陀佛,此云無量壽,無量光。
(Diễn : Tiếng Phạn A Di Đà Phật, cõi này dịch là Vô Lượng Thọ hoặc Vô Lượng Quang).
Đây là lời giải thích theo [những ý nghĩa] trong kinh này.
(Diễn) Nhi tự tánh Tịch, tức thị Vô Lượng Thọ. Tự tánh Chiếu, tức thị Vô Lượng Quang. Tịch Chiếu bất nhị, tức thị Quang Thọ giao dung, tắc A Di Đà Phật, khởi bất tức thị đương nhân tự tánh?
(演) 而自性寂,即是無量壽。自性照,即是無量光。寂照不二,即是光壽交融。則阿彌陀佛,豈不即是當人自性。
(Diễn: Nhưng tự tánh Tịch, chính là Vô Lượng Thọ; tự tánh Chiếu tức là Vô Lượng Quang. Tịch và Chiếu chẳng hai, chính là Quang và Thọ dung nhiếp lẫn nhau, vậy thì A Di Đà Phật há chẳng phải tự tánh của chính mình ư?)
Đây chính là nói “tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”. Tịnh Độ và Di Đà đều do tự tánh biến hóa. Đã do tự tánh biến hóa ra, đương nhiên chẳng phải do ai khác, mà là chính mình. Kinh, luận (chú giải chính là luận) nói rõ ràng minh bạch như vậy, chúng ta nghe xong dường như cũng hiểu rõ, thật ra có hiểu rõ hay không? Không! Nghe chẳng hiểu rõ, vì sao nghe không hiểu? Nếu thật sự hiểu rõ, nghe thật sự hiểu, quý vị đã thành A Di Đà Phật, đã nhập cảnh giới, giống như nhà Thiền thường nói: “Ngôn hạ đại ngộ” (đại ngộ ngay khi [thầy hay thiện tri thức] vừa nói xong), quý vị nghe nói xong chẳng ngộ! Nói cách khác, chúng ta nghe rồi dường như hiểu, nhưng chẳng hiểu, chẳng phải thật sự hiểu, chẳng chuyển được cảnh giới. Thật sự hiểu sẽ lập tức chuyển được cảnh giới.
Vì sao chúng ta không chuyển được? Nghiệp chướng quá nặng! Chướng ngại ngăn trở Chiếu và Tịch trong tự tánh của chính mình. Do vậy, Định vốn có trong tự tánh chẳng thể hiện tiền, Bát Nhã trong tự tánh cũng chẳng thể hiện tiền, bị nghiệp chướng của chính mình chướng ngại; nhưng quý vị phải hiểu rõ chuyện này: Trong tự tánh vốn có Bát Nhã và Định, nghiệp chướng, phiền não, và vô minh của quý vị trong hiện tại vốn là không. Vốn là không thì nó là giả, vốn là có thì nó là chân. Vốn là có sẽ nhất định chứng được, sẽ có thể khôi phục. Vốn là không thì nhất định sẽ đoạn được sạch sành sanh. Điều kiện thấp nhất là chúng ta phải tin tưởng điểm này, phải kiến lập tín tâm ở chỗ này thì quý vị sẽ có nhập xứ. Đoạn thứ hai tiếp theo đây là [đem những câu luận về Tánh trong lời tựa] phối hợp với Tam Đại (Thể Đại, Tướng Đại, Dụng Đại).
(Sớ) Hựu sơ cú minh vô bất chiếu, tức Dụng Đại.
(疏) 又初句明無不照,即用大。
(Sớ: Lại nữa, câu đầu tiên nói rõ [tự tánh] sáng suốt, không gì chẳng chiếu, đấy chính là Dụng Đại).
Câu đầu tiên là “linh minh đỗng triệt”, đấy là nói về Dụng Đại (tự tánh có tác dụng to lớn), không gì chẳng chiếu. Câu thứ hai là “trạm tịch thường hằng”.
(Sớ) Nhị cú tĩnh vô bất hàm, tức Tướng Đại.
(疏) 二句靜無不含,即相大。
(Sớ: Câu thứ hai là [tự tánh] tĩnh, nhưng không gì chẳng chứa, đấy chính là Tướng Đại).
Chân Như bổn tánh có hình dạng ra sao? Tướng thanh tịnh, tịch diệt, bất động. Kinh thường nói: “Na Già thường tại Định, vô hữu bất định thời” (Na Già[41] thường ở trong Định, chẳng lúc nào không Định). Tự tánh vốn Định, khi quý vị giác ngộ, tự tánh thuộc về Định; khi mê, tự tánh vẫn ở trong Định, chứ không phải là nói “quý vị đã mê, tự tánh sẽ loạn”. Nếu khi mê mà loạn thì chẳng gọi là bổn tánh, chẳng thể gọi là Bổn Giác, dẫu mê cũng chẳng loạn! Giống như ngày u ám không có ánh nắng mặt trời, mặt trời vẫn tỏa sáng giống hệt như vậy, nhưng bị mây che lấp mà thôi. Hiện thời, chúng ta biết điều này rất rõ ràng, ngồi phi cơ bay lên tầng mây sẽ thấy vẫn là ngày nắng rực rỡ, trọn chẳng phải là ngày hôm nay mặt trời không tỏa sáng, chẳng phải vậy. Điều này giống như tự tánh vốn Định, tự tánh có Bát Nhã, nó vừa Chiếu vừa Tịch, vĩnh viễn chẳng biến đổi, nhưng chúng ta tự mình sanh vô minh. Vô minh giống như một vầng mây dường như tạm thời che lấp [tia sáng mặt trời], chứ thật ra trọn chẳng chướng ngại. Giống như các tầng mây che lấp thái dương, chứ thật ra không ngăn lấp được. Mặt trời rất to, các tầng mây bé tí như thế làm sao có thể phủ lấp mặt trời? Tự tánh của chúng ta càng lớn hơn, kinh thường nói: “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. Một tí vô minh phiền não làm sao có thể chướng ngại nó được? Chẳng thể có chuyện ấy! Do đây, có thể biết: “Linh minh đỗng triệt” là nói về tác dụng của tự tánh, “trạm tịch thường hằng” là hình tướng của tự tánh. Câu thứ ba và câu thứ tư nói về “vô hướng, vô bối”, chính là nói về bản thể. Đối với bản thể của tự tánh, “thanh, trược, hướng, bối” đều chẳng thể nào nói được!
(Diễn) Tam tứ cú huýnh tuyệt nhị biên, tức Thể Đại.
(疏) 三四句迥絕二邊,即體大。
(Diễn: Câu ba và câu bốn dứt bặt hai bên, tức là nói tới Thể Đại).
“Huýnh” (迥) là xa vời vợi. [“Huýnh tuyệt”] là đoạn tuyệt thật rốt ráo cả hai bên. Thanh và Trược là hai bên, Hướng và Bối là hai bên. Nói theo cách bây giờ, đó là “siêu việt tương đối”, ngay cả tuyệt đối cũng chẳng thể có. Tuyệt đối và tương đối vẫn là hai bên; đây chính là ý nghĩa “bất khả tư nghị” như trong phần trên đã giảng: Chẳng thể nghĩ, chẳng thể bàn. Đây chính là nói rõ về Thể.
(Sớ) Ngũ cú tổng tán, sở vị tức tam, tức nhất, song mẫn, song tồn, từ táng, lự vong, bất khả tư nghị.
(疏) 五句總讚,所謂即三即一,雙泯雙存,辭喪慮亡,不可思議。
(Sớ: Câu thứ năm là lời khen ngợi chung, có nghĩa là [Thể, Tướng, Dụng] vừa là ba, vừa là một, cùng diệt mất, cùng tồn tại, ngôn ngữ dứt tuyệt, mất sạch suy đoán, chẳng thể nghĩ bàn).
Gộp cả Thể, Tướng, Dụng lại để khen ngợi chung.
(Sớ) Mạt cú diệc kết quy tự tánh dã.
(疏) 末句亦結歸自性也。
(Sớ: Câu cuối cùng cũng là kết quy tự tánh).
Câu cuối cùng vẫn quy kết vào tự tánh: Thể, Tướng, Dụng là chính mình. Thể, Tướng, Dụng là những thứ ta sẵn có. Do đây có thể biết: Bộ kinh Di Đà này và sách Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa giảng điều gì? Giảng về chính mình, giảng về Thể – Tướng – Dụng Tam Đại, chứ chẳng giảng gì khác! Kinh Di Đà như vậy, mà kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa, kinh Viên Giác, chẳng có một kinh nào không phải là như vậy.
Toàn bộ Phật pháp là nói về chính mình. Do vậy, Phật pháp chẳng phải là tôn giáo, mà cũng chẳng phải là triết học. Vì sao? Tôn giáo[42] nói đến Tha (người khác, sự vật khác), chứ không đến chính mình. Triết học cũng nói đến Tha, vẫn chẳng phải là chính mình. Phật pháp suốt từ đầu đến tận cuối cùng là giảng về chính mình, chẳng nói tới ai khác. Duy Thức Học nói rất hay, trong Phật pháp phân biệt hết thảy các pháp tướng, phân biệt là chính mình, đúng là “ngoài tâm không pháp, ngoài pháp không tâm”.
Chẳng hiểu rõ đạo lý này sẽ chẳng hiểu Phật pháp, kẻ ấy cũng chẳng có cách nào nhập Phật pháp, nhất định phải hiểu rõ!
(Diễn) Hựu sơ cú minh vô hạ, phối Tam Đại dã.
(演) 又初句明無下,配三大也。
(Diễn: Lại nữa, từ “câu đầu tiên nói rõ không gì chẳng chiếu” trở đi là đem [những lời luận định về tự tánh trong phần Tựa] phối hợp với Tam Đại).
Tam Đại là Thể Đại, Tướng Đại và Dụng Đại.
(Diễn) Dụng Đại giả, vị chúng sanh tâm cụ hữu vô biên diệu dụng.
(演) 用大者,謂眾生心具有無邊妙用。
(Diễn: Dụng Đại là nói tâm của chúng sanh có đủ vô biên diệu dụng).
Đây là nói về tâm của chúng sanh, tâm của quý vị có đủ vô biên tác dụng mầu nhiệm.
(Diễn) Luận vân: “Tam giả Dụng Đại, năng sanh nhất thiết thế gian xuất thế gian thiện nhân quả cố”.
(演) 論云:三者用大,能生一切世間出世間善因果故
(Diễn: Luận ghi: “Ba là Dụng Đại vì có thể sanh ra hết thảy các thứ nhân quả tốt lành thế gian và xuất thế gian”).
“Luận” là Đại Thừa Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát trình bày theo thứ tự thuận: Một là Thể Đại, hai là Tướng Đại, ba là Dụng Đại. Ở đây nói về Dụng Đại, cho nên dẫn điều thứ ba [trong luận Khởi Tín] nhằm thuyết minh tâm của chúng sanh có đủ vô biên diệu dụng, có thể sanh hết thảy nhân lành quả lành thế gian và xuất thế gian. Những thiện nhân thiện quả xuất thế gian của Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật là do đâu mà có? Từ trong tâm của chính quý vị sanh ra. Thiện nhân thiện quả của trời người trong thế gian cũng từ trong cái tâm của chính quý vị sanh ra. Quý vị phải biết: Đây là chân tâm, chân tâm quyết định sanh ra thiện nhân và thiện quả. Tam ác đạo và A Tu La đạo từ đâu mà có? Từ vọng tâm sanh ra. Chân tâm mang thêm một tầng vô minh sẽ sanh ra hết thảy ác nhân, ác quả, vẫn là do cái tâm ấy sanh ra. Trong tâm vướng mắc vô minh, vướng mắc phiền não nghiệp chướng, liền sanh ra ác nhân, ác quả. Trừ bỏ vô minh, trừ khử nghiệp chướng, tâm ấy sanh ra thiện nhân, thiện quả, há chẳng phải là như kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo” (Hãy nên quán tánh pháp giới, hết thảy chỉ do tâm tạo).
Chữ “pháp giới” [trong hai câu kệ ấy] chỉ mười pháp giới, mà cũng chỉ Nhất Chân pháp giới. Nhất Chân pháp giới và mười pháp giới đều là “duy tâm sở tạo”, “tạo” có nghĩa là hiện, “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Vì sao có thể hiện các thứ khác nhau? Thức khởi lên sự biến hóa ở trong ấy, duy thức sở biến. Tâm là chân tâm, duy Thức là chân tâm đèo thêm một tầng vô minh, chúng ta gọi nó là A Lại Da Thức hoặc “vọng tâm”. Nó có thể sanh, mà cũng là như Lục Tổ lúc khai ngộ đã nói: “Hà kỳ tự tánh, năng sanh vạn pháp” (Nào ngờ tự tánh có thể sanh ra vạn pháp). “Hà kỳ” (何期) là không ngờ; không ngờ tự tánh có thể sanh ra hết thảy vạn pháp. Ngài khai ngộ liền thấy được chân tướng này, thốt lên một câu rất cảm khái như thế!
(Diễn) Kim thử linh minh vô sở bất chiếu.
(演) 今此靈明無所不照。
(Diễn: Nay [tự tánh] linh minh này không đâu chẳng chiếu).
Bát Nhã quang minh trong bổn tánh không đâu chẳng chiếu.
(Diễn) Tức thị năng sanh nhất thiết thế xuất thế thiện nhân quả dã.
(演) 即是能生一切世出世善因果也。
(Diễn: Chính là cái có thể sanh ra hết thảy nhân quả tốt lành thế gian hay xuất thế gian).
Từ câu này, chúng ta thấu hiểu hết sức rõ ràng, xác đáng: Hết thảy thiện nhân thiện quả đều sanh từ trí huệ. Linh minh giác chiếu là trí huệ trong bổn tánh, khó trách Phật pháp đề cao Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Trong bổn tánh có Thể, có Tướng, có Dụng; Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là nói về tác dụng, chứ không phải là nói về Thể. Chúng ta nói chữ Phật có ý nghĩa là Giác. Nói đến ý nghĩa của chữ Trí vẫn là nói đến tác dụng. Nếu nói đến Thể thì phải nói đến Tịch, nói “thanh tịnh tịch diệt” thì mới là đúng. Do vậy, nói Niết Bàn là dựa theo Thể để nói. Niết Bàn có nghĩa là “tịch tĩnh, tịch diệt”. Nói Phật là nói theo phương diện Dụng. Phật là trí huệ, có nghĩa là Giác. Niết Bàn và Phật có cùng một ý nghĩa, nhưng một đằng nói theo phương diện Thể, một đằng nói theo phương diện tác dụng. Dụng đương nhiên có Thể, Thể nhất định có Dụng. Đây là liễu giải: Thiện nhân thiện quả nhất định phải có trí huệ; chẳng có trí huệ sẽ không được.
(Diễn) Tướng Đại giả, vị chúng sanh tâm cụ hữu Như Lai trí huệ, đức tướng.
(演) 相大者,謂眾生心具有如來智慧德相。
(Diễn: Tướng Đại là nói tâm của chúng sanh có đủ trí huệ và đức tướng của Như Lai).
Câu này chú trọng đức tướng. Khi Phật Thích Ca thành Phật, mới thấy tướng chân thật của hết thảy pháp, tức Thật Tướng của các pháp, lão nhân gia bèn nói: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ, đức tướng của Như Lai, đáng tiếc là các ngươi có phân biệt, chấp trước nên chẳng thể chứng đắc”. Lão nhân gia thốt ra lời rất cảm khái như vậy. Câu này cũng nói rất rõ ràng: Nếu trừ được phân biệt, chấp trước, thì trí huệ và đức tướng Như Lai của chúng ta sẽ hiện tiền, bèn chứng đắc; nhưng quý vị chẳng chịu bỏ phân biệt, chấp trước thì chẳng có cách nào hết! Ai chịu bỏ phân biệt, chấp trước, sẽ thành Phật ngay lập tức. Những thứ này khó bỏ, khó đoạn, chúng là tập khí từ vô thỉ kiếp đến nay. Bỏ như thế nào? Phải Định, phải Tịnh. Kinh dạy: “Tịnh cực quang thông đạt”. “Tịnh” là Định, Định đến tột cùng thì trí huệ và đức tướng Như Lai vốn có sẽ hiện tiền, sẽ thông đạt sự quang minh ấy. Do vậy, trí huệ nhất định phải từ Thiền Định sanh ra. “Nhất tâm bất loạn” trong kinh này chính là tự tánh vốn Định, là Thiền Định, là Lăng Nghiêm Đại Định như kinh Lăng Nghiêm đã nói. Trong câu kế tiếp, lại dẫn câu thứ hai trong Khởi Tín Luận để giảng.
(Diễn) Luận vân: “Nhị giả Tướng Đại, vị Như Lai Tạng cụ túc vô lượng tánh công đức cố”.
(演) 論云:二者相大,謂如來藏具足無量性功德故。
(Diễn: Luận chép: “Hai là Tướng Đại, vì Như Lai Tạng trọn đủ vô lượng các công đức thuộc về tánh).
Như Lai Tạng là gì? Chính là cái tâm của chúng sanh, tâm của chúng sanh là Như Lai Tạng. Trí huệ và đức tướng của Như Lai là vô lượng công đức trong tự tánh. Cách nói khác nhau, nhưng vẫn cùng là một chuyện. “Cụ túc vô lượng tánh công đức” là có trọn đủ trí huệ và đức tướng của Như Lai. Hai câu có thể dùng để giải thích lẫn nhau thì vừa đọc đã thấy ý nghĩa hết sức rõ rệt.
(Diễn) Kim thử trạm tịch vô sở bất hàm, tức thị cụ túc vô lượng tánh công đức dã.
(演) 今此湛寂無所不含,即是具足無量性功德也。
(Diễn: Nay sự trạm tịch (trong trẻo, vắng lặng) này không gì chẳng chứa đựng, chính là đầy đủ vô lượng công đức nơi tự tánh vậy).
“Trạm” là thanh tịnh, “tịch” là tịch diệt bất động. Tâm thanh tịnh, chẳng có một tí cặn bã nào, Lục Tổ nói “vốn chẳng có một vật, chỗ nào nhuốm bụi trần”. Một hạt vi trần cũng chẳng nhiễm, đó là “trạm tịch”, đấy là hình tướng của chân tâm. Thể quá khó giải thích, hãy từ Dụng và Tướng mà quan sát sẽ dễ hiểu được. Tướng và Dụng đều là bản thể. Tự tánh có đủ vô lượng công đức, khi nào quý vị mới có thể thấy được? Nhất định là phải đạt đến Lý nhất tâm bất loạn thì sẽ thấy được. Bởi lẽ, hình tướng của Lý nhất tâm là “trạm tịch thường hằng”. Dùng hai câu trong kinh Kim Cang để nói thì là “chẳng chấp vào tướng, như như bất động”. Đấy là Lý nhất tâm, là trạm tịch thường hằng, cho nên mới có thể
nhận thấy những thứ vốn có sẵn đầy đủ trong ấy.
(Diễn) Thể Đại giả, vị chúng sanh tâm thị nhất pháp giới đại tổng tướng pháp môn thể.
(演) 體大者,謂眾生心是一法界大總相法門體。
(Diễn: Thể Đại là nói tâm của chúng sanh là Thể của pháp môn đại tổng tướng Nhất Chân pháp giới).
Điều này chẳng thể nghĩ bàn. Kinh Hoa Nghiêm gọi “nhất pháp giới” là Nhất Chân pháp giới. Trong Nhất Chân pháp giới, bản thể của pháp môn Đại Tổng Tướng trong Nhất Chân pháp giới. Nói cách khác, Nhất Chân pháp giới nương vào gì để biến hiện? Nương vào tâm của chúng sanh để biến hiện. Tâm chúng sanh hiện ra tướng Nhất Chân pháp giới. Trong Nhất Chân pháp giới có vô lượng vô biên biệt tướng. Biệt tướng là cái được hiện, tổng tướng là năng hiện (chủ thể biến hiện). Tổng tướng là tướng của tâm chúng sanh.
(Diễn) Luận vân: “Nhất giả, Thể đại, vị nhất thiết pháp Chân Như bình đẳng, bất tăng giảm cố”.
(演) 論云:一者體大,謂一切法真如平等不增減故。
(Diễn: Luận nói: “Một là Thể đại, nghĩa là hết thảy pháp Chân Như bình đẳng vì không tăng giảm”).
“Nhất pháp giới đại tổng tướng pháp môn thể” chẳng tăng, chẳng giảm, không thanh, không trược, không trái nghịch, không hướng về, trong ấy chẳng lập một pháp, chẳng bỏ một pháp nào, chẳng có lấy hay bỏ. Do vậy, pháp này là pháp bình đẳng, là pháp chân thật. “Nhất thiết pháp Chân Như”, Thể là chân, Tướng và Dụng cũng chẳng giả. Khi mê thì nói là hư vọng, lúc ngộ bèn nói là thuần chân. Khi mê thì dường như có tăng giảm, lúc ngộ chẳng có tăng hay giảm. Do vậy, nơi Phật chẳng tăng thêm, nơi chúng sanh chẳng giảm bớt. Hết thảy pháp đều chẳng tăng, chẳng giảm. Nếu chúng ta quan sát cặn kẽ, hiện thời các nhà khoa học cũng đã phát hiện [điều này], nhưng không nói thấu triệt như Phật pháp. Các nhà khoa học nói: “Vật chất bất diệt, tinh thần cũng bất diệt”. Đã bất diệt thì đương nhiên cũng chẳng sanh, “bất sanh, bất diệt”. Đây là điều chân thật, nhưng hết thảy tướng chỉ có duyên tụ hay duyên tán. Có rất nhiều người cảm thấy kỳ quái, trên thế giới hiện thời có nhiều người như thế, rốt cuộc họ từ đâu tới? Có phải là chân tánh có thể biến thành rất nhiều tánh hay không? Quý vị mà hiểu như vậy thì đã sai rồi. Nếu thần thức của chúng ta có thể biến thành thật nhiều thì trong tương lai khi chúng ta thành Phật cũng có thể biến thành rất nhiều Phật hay sao? Chẳng có lẽ ấy! Phải hiểu chân tướng là “chẳng tăng, chẳng giảm, chẳng một, chẳng khác, một vị bình đẳng”.
(Diễn) Kim thử “linh tâm tuyệt đãi, huýnh tuyệt nhị biên”, tức thị bất tăng, bất giảm, nhất vị bình đẳng dã.
(演) 今此靈心絕待,迥絕二邊,即是不增不減一味平
等也。
(Diễn: Nay “cái tâm thông linh, dứt bặt đối đãi, dứt trọn hai bên” này chính là chẳng tăng, chẳng giảm, một vị bình đẳng vậy).
Hai bên chẳng lập, Trung Đạo chẳng tồn tại. Thanh, trược, hướng về, trái nghịch, đều là nhị biên, trong chân tánh chẳng tìm được. Đây chính là như luận Khởi Tín đã nói: Chân Như bình đẳng, chẳng tăng, chẳng giảm, một vị bình đẳng. Câu này nhằm giảng rõ Thể Đại. Tiếp theo đây, sách Diễn Nghĩa gộp cả ba thứ Thể, Tướng, Dụng lại để khen ngợi chung.
(Diễn) “Tức tam, tức nhất, song mẫn, song tồn” giả, Thể phi Tướng, Dụng, nãi chí Dụng phi Thể, Tướng, tức tam dã. Nhi hựu ly Thể vô Tướng Dụng, ly Tướng vô Thể Dụng đẳng, tức nhất dã.
(演) 即三即一,雙泯雙存者 ,體非相用,乃至用非體相,即三也;而又離體無相用,離相無體用等,即一也。
(Diễn: “Chính là ba, chính là một, cả hai cùng mất, cả hai cùng tồn tại”: Thể chẳng phải là Tướng hay Dụng, cho đến Dụng chẳng phải là Thể hay Tướng nên chúng chính là ba. Lại nữa, lìa Thể sẽ không có Tướng và Dụng, lìa Tướng sẽ không có Thể và Dụng v.v… nên chúng chính là một).
Thể chẳng phải là Tướng, Tướng chẳng phải là Dụng. Thể, Tướng, Dụng là ba món, nên “tức tam” (chính là ba). Tuy vậy, chúng có cùng một bản thể, [nói Thể, Tướng, Dụng] là quan sát từ ba góc độ, nhưng ba món này lại là một. Lìa Thể sẽ chẳng có Tướng và Dụng, lìa Tướng cũng chẳng có Thể và Dụng. Do vậy, chúng lại là một. Một mà ba, ba là một! Nói ba thì chẳng có một, nói một thì chẳng có ba, [do vậy gọi là] “song mẫn” (cả hai cùng mất). Một chính là ba, ba chính là một, [nên gọi là] “song tồn” (cả hai cùng tồn tại). Nói một hay ba đều được. Nhất định phải hiểu rõ những ý nghĩa được chứa đựng trong mấy câu này. Hễ có một điểm nào lờ mờ thì chẳng những quý vị chẳng thể khai ngộ, mà tất nhiên quý vị sẽ tăng trưởng mê hoặc, tăng trưởng vô minh, tăng trưởng tà kiến. Vì sao là ba? Vì sao là một? Vì sao chẳng phải là ba mà cũng chẳng phải là một? Vì sao vừa là ba vừa là một? Phải hiểu rõ từng điều! Nói là ba hay một, là nói theo góc độ nào? Nói chẳng phải ba, chẳng phải một là nói từ chỗ nào? Vừa là ba vừa là một là nói từ chỗ nào? Đều phải hiểu rõ, quán sát từng khía cạnh thì mới có thể ngộ nhập Thật Tướng, mới thật sự hiểu rõ chân tướng sự thật này, đoạn nghi sanh tín. Nhất định phải hiểu rõ Tam Đại Thể – Tướng – Dụng. Chuyện này có quan hệ hết sức lớn, trong triết học, chúng thuộc [hai phạm trù[43]] là bản thể và hiện tượng. Thể Đại là bản thể, Tướng Đại là hiện tượng. Phạm vi bao quát của Dụng Đại quá rộng lớn, gần như tất cả học thuật thế gian lẫn xuất thế gian không gì chẳng thuộc trong Dụng Đại.
(Diễn) Nhất tức tam, tắc nhất mẫn, tam tức nhất, tắc tam mẫn, song mẫn dã. Nhi hựu nhất tức tam, tắc tam tồn, tam tức nhất, tắc nhất tồn, song tồn dã. Tồn thời tức mẫn, mẫn thời tức tồn, phi mẫn, phi tồn, bất khả tư nghị.
(演) 一即三則一泯,三即一則三泯,雙泯也。而又一即三則三存,三即一則一存,雙存也。存時即泯,泯時即存,非泯非存,不可思議。
(Diễn: Một chính là ba, tức là “nhất” đã mất. Ba chính là một, tức là “tam” đã mất. Đấy chính là “song mẫn” (cả hai cùng mất). Lại nữa, một tức là ba, tức là “tam” tồn tại. Ba chính là một, tức là “nhất” tồn tại. Đấy là “song tồn” (cả hai cùng tồn tại). Khi tồn tại chính là mất, khi mất chính là tồn tại, chẳng mất, chẳng tồn tại, chẳng thể nghĩ bàn).
Ngôn ngữ chỉ có thể diễn tả tới đây, công năng của ngôn ngữ phát huy đến đây là tột cùng, chẳng còn có cách nào khác nữa, nhưng ý nghĩa chẳng tận. Từ chỗ này, lại phải đẩy ý nghĩa lên một tầng cao hơn nữa, đó gọi là “ý nằm ngoài lời”. Không có cách nào diễn tả ý nằm ngoài lời, chỉ đành nói “bất khả tư nghị”. Nếu quý vị muốn giải thích sự bất khả tư nghị cho người ta, hãy đem đoạn này nói ra, nó chính là ý nghĩa của “bất khả tư nghị” đấy.
Liên Trì đại sư nói: “Từ táng, lự vong, bất khả tư nghị” (Từ ngữ dứt bặt, suy nghĩ dứt tuyệt, chẳng thể nghĩ bàn). “Từ” (辭) là ngôn thuyết, ngôn thuyết đến đây là cùng tận, nói hết rồi, không còn cách nào để nói nữa. “Lự” (慮) có nghĩa là suy nghĩ. “Từ táng” là không còn nói năng gì được nữa. “Lự vong” là tâm hành cũng ngưng dứt. Chẳng thể dùng ngôn ngữ để diễn tả được, chẳng thể suy nghĩ, tưởng tượng được, đó là “bất khả tư nghị”. Thế nhưng có cảnh giới ấy hay không? Có chứ! Thật sự có cảnh giới ấy. Cảnh giới ấy là gì? Tự tánh đấy! Tức là Chân Như bổn tánh của chúng ta. Chân Như bổn tánh chính là giáo thể của kinh này. Kinh Di Đà từ trong bổn tánh, từ trong tự tánh lưu lộ. Bộ kinh này là tự tánh của chính mình. Do đây có thể biết, danh hiệu A Di Đà Phật là đức hiệu của chính tự tánh. Dùng từng tiếng danh hiệu này để đánh thức tự tánh của chính mình, khôi phục tự tánh của chúng ta. Do vậy, công đức của danh hiệu ấy chẳng thể nghĩ bàn. Đoạn văn tiếp theo là [đem những lời giải thích về tự tánh trong phần lời tựa sách Sớ Sao] phối hợp với ba đức để nói. Ba đức là Pháp Thân, Bát Nhã và Giải Thoát.
(Sớ) Hựu sơ cú ngôn Chiếu, tức Bát Nhã đức. Nhị cú ngôn Tịch, tức Giải Thoát đức. Tam tứ cú ngôn Tịch Chiếu bất nhị, tức Pháp Thân đức. Ngũ cú tổng tán, mạt cú kết quy, lệ thượng khả tri.
(Diễn) Hựu, “sơ cú ngôn Chiếu” hạ, phối Tam Đức. Trí huệ quang minh biến chiếu pháp giới danh vi Bát Nhã.
(疏) 又初句言照,即般若德。二句言寂,即解脫德。三四句言寂照不二,即法身德。五句總讚,末句結歸,例上可知。
(演) 又初句言照下配三德,智慧光明遍照法界名為般若。
(Sớ: Lại nữa, câu đầu tiên nói về Chiếu, tức là Bát Nhã đức. Câu thứ hai nói tới Tịch, tức là Giải Thoát đức. Câu thứ ba và câu thứ tư nói “Tịch Chiếu bất nhị”, tức là Pháp Thân đức. Câu thứ năm là khen ngợi chung, câu cuối cùng kết quy [tự tánh], cứ dựa theo phần trên sẽ biết được ý nghĩa.
Diễn: Lại nữa, từ “câu đầu tiên nói về Chiếu” trở đi là phối hợp với Tam Đức. Trí huệ quang minh chiếu khắp pháp giới thì gọi là Bát Nhã).
“Pháp giới” có Nhất Chân pháp giới, có mười pháp giới. “Chiếu” là hết thảy đều thông đạt. Các tôn giáo tán thán Thần hay Thượng Đế của họ là toàn tri toàn năng. Thật ra, Thần và Thượng Đế chưa chắc đã toàn tri toàn năng, nhưng Bát Nhã trong tự tánh mới thật sự có tác dụng toàn tri toàn năng. Do vậy, toàn tri toàn năng là chính mình. Hiện thời, chúng ta thật đáng thương. Vốn là toàn tri toàn năng, quá khứ, hiện tại, vị lai không gì chẳng biết, nhưng con người hiện thời mê hoặc đến cùng cực, nghe nói kẻ nào đó có chút thần thông vặt vãnh bèn vội vàng đến lễ bái kẻ đó. Quý vị phải biết, đó là thần thông nhỏ nhoi! Có phải là bản thân kẻ ấy thật sự có thần thông hay chăng? Không phải! Quý vị đọc kinh Lăng Nghiêm sẽ biết ngay: Những loài yêu ma quỷ quái dựa vào thân kẻ ấy. Những loài yêu ma quỷ quái quá nửa có năm thứ thần thông: Thiên Nhãn, Thiên Nhĩ, Tha Tâm, Thần Túc, Túc Mạng, nhưng không có Lậu Tận Thông. Bọn chúng có Túc Mạng Thông, nhập vào thân quý vị nên quý vị có thể biết quá khứ, vị lai. Năng lực của chúng rất hữu hạn, chỉ biết những chuyện gần nhất, chẳng biết những chuyện xa xôi, chỉ biết chuyện nhỏ, chẳng biết chuyện lớn, quyết chớ để những loài yêu ma quỷ quái ấy lừa gạt!
Một cá nhân tin vào những loài yêu ma quỷ quái ấy, gia đình người đó chẳng bao lâu sẽ suy bại, một quốc gia mà tin vào những thứ đó, quốc gia ấy chẳng bao lâu nhất định diệt vong. Trong Tả Truyện có ghi: “Quốc chi tương vong, tất hữu yêu nghiệt” (Nước sắp mất, ắt có yêu nghiệt). Yêu nghiệt là gì? Chính là những loài yêu ma quỷ quái. Chúng ta thấy xã hội hiện thời không tốt đẹp, xã hội gặp phải hoạn nạn, chẳng hạnh phúc như vậy là điềm báo trước đại kiếp nạn sắp xảy tới. Chỗ nào cũng có những loài yêu ma quỷ quái mê hoặc lòng người, khiến cho chánh tri chánh kiến của con người bị mê hoặc. Như vậy thì tai nạn do đâu mà có? Tai nạn do chính con người tạo ra! Quý vị chẳng đoái hoài tới những loài yêu ma quỷ quái ấy, chẳng tin tưởng chúng, hai ngày sau chúng sẽ bỏ đi, vì không có cách gì phô trương bản lãnh được! Có nhiều người tin tưởng chúng, ủng hộ chúng, chúng càng ngày càng lợi hại. Ai cũng mắc cái bệnh này: Ưa chuộng kỳ quái! Nói chánh pháp thì họ chẳng tin tưởng, những chuyện bình thường nhạt nhẽo ấy có gì là kỳ quái đâu nhỉ? Kẻ kia có thần thông, nói vanh vách những chuyện trong lòng tôi, tuyệt diệu thay! Đây là nhược điểm trong tánh tình con người. Yêu ma quỷ quái bèn nắm lấy nhược điểm trong tánh tình con người để mê hoặc quý vị, khiến cho quý vị hoàn toàn chôn vùi lòng tin nơi chính mình. Chính quý vị có vạn đức vạn năng, chính quý vị có trí huệ quang minh vô hạn, nhưng quý vị tin tưởng những thứ yêu ma quỷ quái ấy, [những thứ đức năng, trí huệ v.v…] đều mất hết, khiến cho chính mình càng mê càng sâu, tạo tội nghiệp ngày càng nặng. Trung Quốc, ngoại quốc đều là như vậy, đó gọi là mê tín!
Lúc tôi mới học Phật, thỉnh giáo Chương Gia đại sư về chuyện cầu cơ. Chương Gia đại sư bảo tôi: Đấy là linh quỷ giả mạo danh nghĩa của Phật, Bồ Tát, mạo nhận là Phật, Bồ Tát, chúng cũng làm được một chút chuyện tốt, cũng muốn tu thiện, quá nửa là khuyên con người đoạn ác tu thiện. Dùng thân phận của chúng thì chẳng ai tin tưởng. Do vậy, chúng bèn giả mạo danh nghĩa của Phật, Bồ Tát thì mọi người tin tưởng, chứ không phải là Phật, Bồ Tát thật sự. Chuyện nhỏ thì linh nghiệm, chứ chuyện lớn sẽ một mực hồ đồ, nói nhăng nói cuội! Chương Gia đại sư bảo tôi: Nhà Mãn Thanh mất nước do mê cầu cơ. Do Từ Hy thái hậu tin tưởng nên hàng vương công đại thần trong chánh phủ Mãn Thanh đều tin tưởng. Quốc gia quyết định chánh sách chẳng dám tự mình làm chủ, mà nhờ vào cầu cơ để quyết định. Do cầu cơ nhà Mãn Thanh bị mất nước. Sách Tả Truyện chép: “Quốc tương hưng, thính ư dân (lão bách tánh), quốc tương vong, thính ư thần (quỷ thần)” (Nước sắp hưng thịnh, chánh quyền nghe theo ý dân. Nước sắp mất, chánh quyền nghe lời quỷ thần). Nếu quý vị hiểu rõ đạo lý này, muốn gia đình chúng ta hưng vượng, hãy nghe lời người nhà, nghe ý kiến của người nhà. Chuyện gì chúng ta cũng nên họp lại, bàn bạc quyết định. Nếu nghe theo lời giáng cơ, nhà đó nhất định diệt vong.
Phật pháp dạy quý vị khôi phục năng lực và thần thông chính mình vốn có. Quỷ thần có năm thứ tiểu thần thông, quý vị có đại thần thông, vì sao quý vị chẳng khôi phục? Trí huệ, đức năng là những thứ sẵn có đầy đủ trong bổn tánh, chẳng do bên ngoài mà có! Tu học Phật pháp khởi sự từ Giới, Định, Huệ, y giáo phụng hành, nhất định sẽ chứng đắc. Học Phật phải thành tâm thành ý mà học, chẳng thể chụp giựt, cầu may. Đây là khôi phục tánh đức của chính mình, làm sao có thể chụp giựt, cầu may cho được? Tâm có tí ti hư ngụy sẽ thành chướng ngại, [sự hư ngụy ấy] chính là kẻ giặc đối với tánh đức. Điều thứ nhất của Bồ Đề tâm là “chí thành tâm”, chẳng có mảy may hư ngụy nào, chân thành thì mới có thể khôi phục trí huệ quang minh chiếu trọn khắp pháp giới, đấy là Bát Nhã đức.
(Diễn) Ly nhất thiết nhiễm đắc đại tự tại, danh vi Giải Thoát.
(演) 離一切染得大自在名為解脫。
(Diễn: Lìa hết thảy nhiễm, được đại tự tại thì gọi là Giải Thoát).
Đây là câu thứ hai, chỉ có tự tánh vốn Định. Từ trong thanh tịnh tịch diệt thì hết thảy ô nhiễm đều chẳng có. Có tí ti ô nhiễm nào thì tâm quý vị sẽ chẳng thể Định. Chúng ta thường gọi ô nhiễm là “vướng mắc”. Có tí ti chuyện gì ghim giữ trong lòng, tâm sẽ chẳng thể an. Nhà Thiền thường nói “một sợi tơ chẳng vướng”, tâm địa thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần, tự tại rồi đấy! Hễ có vật gì bèn là vướng mắc, có vướng mắc sẽ chẳng tự tại. “Giải thoát” là tự tại. Chữ Giải ở đây nên coi như động từ, có nghĩa là tháo ra, “thoát” là thoát lìa. Giải là nói theo mặt nhân, Thoát là nói theo mặt quả. Chúng ta tháo gỡ mê hoặc điên đảo sẽ vượt thoát sanh tử luân hồi, thì mới có thể đắc “đại tự tại”. Điều này cần phải có Thiền Định rất sâu! A La Hán có Cửu Thứ Đệ Định, vượt thoát luân hồi trong sáu đường. Trên quả địa Như Lai, tự tánh vốn Định sẽ siêu việt hai thứ sanh tử là Phần Đoạn sanh tử và Biến Dịch sanh tử, siêu việt mười pháp giới, chứng đắc Nhất Chân pháp giới, đấy mới gọi là “đại tự tại”. Câu thứ ba và câu thứ tư nói về “Tịch – Chiếu bất nhị”, đấy là nói về Pháp Thân đức.
(Diễn) Tâm thể ly niệm pháp giới nhất tướng, danh vi Pháp Thân.
(演) 心體離念法界一相名為法身。
(Diễn: Tâm thể ly niệm pháp giới nhất tướng, gọi là Pháp Thân).
“Tâm thể” là chân tâm lý thể, tức là bản thể của chân tâm, quý vị phải ghi nhớ, nó không có niệm. Vô niệm mới là chánh niệm. Có niệm là vọng niệm. Thử hỏi: Chúng ta hết thảy ý niệm đều không có thì có phải là chánh niệm hay không? Vẫn là vọng niệm! Chúng ta hiện đang có niệm, đó là tà kiến, mà vô niệm thì là vô minh, tuyệt đối chẳng thể có chánh niệm hiện tiền vì rớt vào hai phương diện Có và Không. “Ly niệm” là rời hữu niệm mà vô niệm cũng rời luôn! Có và Không đều rời hết, đó mới gọi là “chánh niệm”. Nay chúng ta chỉ có thể rời một bên, hễ rời hữu niệm bèn còn có vô niệm, hễ rời vô niệm bèn còn có hữu niệm. Phải bỏ cả hai bên mới được! Rời một bên là không được, rời vô niệm là hữu niệm, hữu niệm là tà kiến, rời hữu niệm bèn là vô niệm, vô niệm là vô minh.
Có những người tu Vô Tưởng Định, tách rời hết thảy vọng tưởng, chuyên tu vô niệm, tu thành Vô Tưởng Định, sống trong Vô Tưởng Thiên thuộc Tứ Thiền Thiên. Đó là ngoại đạo thiên, một mực chết lặng, thứ gì cũng chẳng có. Định ấy mất đi, lại luân hồi đầu thai, cảnh giới như vậy đấy! Đó là Tử Định, chẳng phải là Pháp Thân. Tại Ấn Độ có những hàng ngoại đạo tu hành, lìa hết thảy vọng niệm, tu Không Định, tu thành công, sanh lên Tứ Không Thiên. Tứ Không Thiên thấy một khối hỗn độn. Hỗn độn là gì vậy? Là vô minh. Mở đầu sách Ấu Học Quỳnh Lâm là câu “hỗn độn sơ khai, càn khôn thỉ điện” (thuở bắt đầu hỗn độn, trời và đất bắt đầu định lập), kiến giải hoàn toàn tương đồng với ngoại đạo Ấn Độ. Ngoại đạo Ấn Độ lập ra hai mươi lăm Đế, điều thứ nhất là Minh Đế. Minh Đế (冥諦: Minh ở đây là tối tăm) chính là hỗn độn sơ khai. Vô Tưởng Định đến mức cùng cực có cảnh giới như thế, họ tưởng đó là Bồ Đề Niết Bàn, lầm lẫn quá đỗi! Phật pháp dạy chúng ta: Pháp Thân là quang minh, chẳng phải là hắc ám, quang minh chiếu trọn khắp pháp giới. “Hỗn độn” là hắc ám, chẳng phải là quang minh.
“Tâm thể ly niệm”: Hữu niệm và vô niệm đều lìa, rồi mới thấy pháp giới vốn là “nhất tướng”, nhất tướng không có hai tướng, đó gọi là Thanh Tịnh Pháp Thân.
(Diễn) Thị tam chủng giai cụ Thường Lạc Ngã Tịnh tứ đức, cố giai vân đức.
(演) 是三種皆具常樂我淨四德,故皆云德。
(Diễn: Ba loại này đều có đủ bốn đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, nên đều nói là “đức”).
Bát Nhã đức, Giải Thoát đức, Pháp Thân đức, “đức” là gì? Trong ấy gồm bốn điều. Trong Bát Nhã có Thường, có Lạc, có Ngã, có Tịnh. Thường là vĩnh hằng bất biến; Lạc là lìa hết thảy khổ, thật sự hưởng thụ tự tại, chân lạc; Ngã là chủ tể, chính mình thật sự làm chủ; Tịnh là thanh tịnh, quyết định chẳng nhiễm. Trong Bát Nhã có Thường, Lạc, Ngã,
Tịnh; trong Giải Thoát có Thường, Lạc, Ngã, Tịnh; trong Pháp Thân có Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, nên [Bát Nhã, Giải Thoát, Pháp Thân] gọi là Tam Đức. Chữ Đức chỉ bốn thứ Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, “cố giai vân Đức” (nên đều nói là Đức).
(Diễn) Nhiên hữu quả thượng tu thành tam đức, nhân trung tánh cụ tam đức, kim chỉ nhân trung tánh cụ nhi ngôn dã.
(演) 然有果上修成三德,因中性具三德,今指因中性具而言也。
(Diễn: Nhưng có [hai loại]: Tam đức do tu thành nơi quả và tánh trọn đủ tam đức trong khi tu nhân, nay [tam đức được nhắc đến ở đây] chính là nói về tánh trọn đủ tam đức trong khi tu nhân vậy).
Tu thành nơi quả là Phật và đại Bồ Tát. Pháp Thân đức, Giải Thoát đức, Bát Nhã đức của các Ngài đều hiện tiền, đắc đại tự tại! Phàm phu thì sao? Chúng ta chưa đắc quả, tuy trong bổn tánh đã có, nhưng hiện tại chẳng thể thụ dụng. Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát, Thường, Lạc, Ngã, Tịnh đều không có. Có phải là thật sự không có hay chăng? Thật sự là có. Có đầy đủ trong bổn tánh của chúng ta, đầy đủ Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát, đầy đủ Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, hiện thời vì sao không có? Mê mất rồi! Phá mê khai ngộ, đều khôi phục hết.
Đây chính là đem một đoạn trong lời tựa phối hợp với ba đức để giảng rõ, đủ thấy ý nghĩa trong mấy câu của lời tựa hết sức rộng lớn, tinh tường, sâu xa, gần như chẳng có pháp nào không bao hàm. Hôm nay đã hết thời gian rồi!
— o0o —
Tập 15
Xin coi A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang thứ mười sáu:
(Sớ) Hựu dĩ Tứ Pháp Giới hội chi, tắc “thanh, trược, hướng, bối” thị Sự pháp giới. Linh minh trạm tịch thị Lý pháp giới. Linh minh trạm tịch nhi bất biến tùy duyên, thanh, trược, hướng, bối nhi tùy duyên bất biến, thị Lý Sự vô ngại pháp giới. Bất khả tư nghị thị Sự Sự vô ngại pháp giới. Dĩ thử kinh phần nhiếp ư Viên, diệc đắc thiểu phần Sự Sự vô ngại cố. Mạt ngôn tự tánh, diệc thị kết thuộc Tứ Pháp Giới quy nhất tâm dã.
(疏) 又以四法界會之,則清濁向背,是事法界。靈明湛寂,是理法界。靈明湛寂而不變隨緣,清濁向背而隨緣不變,是理事無礙法界。不可思議,是事事無礙法界。以此經分攝於圓,亦得少分事事無礙故。末言自性,亦是結屬四法界歸一心也。
(Sớ: Lại nữa, đem phối hợp với Tứ Pháp Giới thì “thanh, trược, hướng về, trái nghịch” là Sự pháp giới. “Linh minh trạm tịch” là Lý pháp giới. Linh minh trạm tịch nhưng bất biến, tùy duyên, “thanh, trược, hướng về, trái nghịch” tùy duyên nhưng bất biến là Lý Sự vô ngại pháp giới. “Chẳng thể nghĩ bàn” là Sự Sự vô ngại pháp giới. Do kinh này có vài phần thuộc về Viên Giáo nên cũng có được chút phần Sự Sự vô ngại; cuối cùng nói tới tự tánh thì cũng là gom bốn pháp giới về nhất tâm).
Đoạn kinh này có ý nghĩa khá sâu. Nếu từ chỗ này mà có thể thật sự hiểu được mấy phần, chúng ta sẽ chẳng mê mất phương hướng trong khi tu học Phật pháp. Người học Phật thì nhiều, người thành tựu hết sức ít ỏi. Vì sao chẳng thành tựu? Do mê mất phương hướng. Những điều được giảng mấy lượt ở đây đều nhằm giảng về đoạn văn thứ nhất “nêu ra tông chỉ (khai tông), minh thị ý nghĩa” trong lời tựa của tổ Liên Trì; [những điều này] đúng là cột mốc chỉ đường chính xác nhất cho sự tu học Đại Thừa Phật pháp của chúng ta, hoặc như chúng ta nói là Phật pháp [để tu học nhằm] “thành tựu trong một đời”, quyết chẳng thể coi thường. Đoạn lời tựa này chỉ gồm sáu câu, nhưng bao gồm ý nghĩa nhiều ngần ấy. Như trong phần trên chúng ta đã thấy, dùng giáo nghĩa của kinh này để nói thì [những ý nghĩa trong sáu câu ấy] có thể phối hợp với Tam Đại, Tam Đức, nay lại dựa theo Tứ Pháp Giới để giảng. Tứ Pháp Giới chính là giáo nghĩa trọng yếu trong kinh Hoa Nghiêm. Do vậy, nhất định phải hiểu rõ ràng định nghĩa của Tứ Pháp Giới.
(Diễn) Hựu dĩ Tứ Pháp Giới hạ, phối Tứ Pháp Giới.
(演) 又以四法界下,配四法界。
(Diễn: Từ câu “Lại nữa, đem Tứ Pháp Giới” trở đi là phối hợp [đoạn văn Minh Tánh trong lời tựa] với Tứ Pháp Giới).
Sáu câu trong lời tựa, nếu dựa theo giáo nghĩa Hoa Nghiêm [để luận định] thì có thông suốt hay không? Cũng thật thông suốt, thật sự vô ngại! Trước hết, giảng rõ “pháp giới” là gì?
(Diễn) Pháp giả, quỹ tắc dã.
(演) 法者,軌則也。
(Diễn: Pháp là quỹ tắc).
“Quỹ” (軌) là quỹ đạo (orbit); nói theo cách bây giờ là trình tự phát triển của vũ trụ và nhân sinh, nó có quy tắc, chẳng lộn xộn tí nào. Theo Duy Thức Luận thì: “Vô minh bất giác sanh tam tế, cảnh giới vi duyên trưởng lục thô” (Vô minh bất giác sanh ra ba thứ tướng tế, cảnh giới làm duyên tăng trưởng sáu tướng thô). Đủ thấy nó có lớp lang không rối loạn, giống như quỹ đạo vậy. “Tắc” (則) là nguyên lý, nguyên tắc. Đấy là Pháp. Hết thảy toàn bộ vũ trụ và nhân sinh đều bao gồm trong ấy, “đại nhi thế giới, tiểu nhi vi trần”: Lớn như vô lượng vô biên đại thiên thế giới, nhỏ như một vi trần, đều gọi là Pháp. Chữ này là danh xưng chung cho hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian.
(Diễn) Giới hữu tánh, phân nhị nghĩa.
(演) 界有性分二義。
(Diễn: “Giới” có hai nghĩa là Tánh và Phân).
Chữ Giới (界) có hai ý nghĩa, một là Tánh, hai là Phân (phân biệt, phần hạn). Ý nghĩa này quả thật tuyệt diệu đến cùng cực! “Giới” là giới hạn. Do vậy, nó có ý nghĩa phân biệt. Ví như kinh Phật thường nói “thập bát giới”[44]. Trong mỗi một pháp sẽ có một giới hạn, nhưng giới hạn ấy chính là “tánh, phân” của nó, [tức là] mỗi pháp trong hết thảy pháp đều có tánh chất, giới hạn riêng biệt. Đấy là ý nghĩa của chữ Giới.
Ghép hai chữ này lại, gộp hai ý nghĩa ấy lại, trong Phật pháp gọi là “pháp giới”. Khi mê bèn có mười pháp giới, “mười” ở đây chẳng phải là một con số nhất định, chẳng phải là bảy, tám, chín, mười, mà chữ “mười” này nhằm biểu thị ý nghĩa “vô lượng, vô biên”. Nói cách khác, khi mê sẽ là vô lượng vô biên pháp giới; lúc ngộ, chỉ là một pháp giới, gọi là Nhất Chân pháp giới.
Mục tiêu học Phật là Nhất Chân pháp giới, quý vị ngàn vạn phần phải nhớ kỹ. Cũng có vị nói: “Tôi học Phật muốn minh tâm kiến tánh”. Minh tâm kiến tánh là Nhất Chân pháp giới, “tôi học Phật muốn Thượng Phẩm Thượng Sanh, muốn đắc Lý nhất tâm bất loạn”. Thượng Phẩm Thượng Sanh và Lý nhất tâm bất loạn cũng là Nhất Chân pháp giới, danh tự khác nhau nhưng là cùng một chuyện. Chúng ta nhất định phải hiểu rõ điều này: Chúng ta cầu Nhất Chân. Như thế nào mới hòng chứng được Nhất Chân? Chính là đắc nhất tâm. Quý vị phải hiểu: Cảnh giới bên ngoài là cảnh chuyển theo tâm, chứ không phải là tâm chuyển theo cảnh. Tâm chuyển theo cảnh thì đáng thương lắm! Đó là phàm phu, khổ chẳng kham nói nổi! Phật pháp giảng sự việc chân thật, tức là “cảnh chuyển theo tâm”: Tâm đã nhất thì pháp giới cũng nhất, là Nhất Chân; nếu tâm là hai thì pháp giới sẽ thiên sai vạn biệt. Đây là câu nói thông thường[45] trong nhà Phật. Quý vị phải nhớ kỹ: Càng là câu nói tầm thường thì đó là chân lý, là pháp tối diệu. Thế nhưng người ta nghe nhàm tai, ngỡ nó chẳng đáng coi là kỳ diệu, bèn xem thường, lại coi những thứ chuyện kỳ quặc là tuyệt vời, thật chẳng biết chúng ta đã lầm lẫn ở chỗ này!
Do vậy, nếu quý vị học Phật mà thật sự muốn thành tựu trong một đời này thì quý vị phải nắm vững nguyên tắc “nhất tâm” này. Bất luận tu học pháp môn nào, tâm tuyệt đối chẳng dao động, quyết định chẳng hai. Ví như ta tu Tịnh Độ, ngẫu nhiên gặp bậc đại đức Thiền Tông đến đây giảng diễn Thiền, [bèn nghĩ]: “Pháp này cũng khá lắm, tôi cũng nên học theo ông ta”. Nếu vị đại đức nhà Thiền ấy thật sự là bậc cao nhân, quý vị theo ông ta học Thiền, ông ta nhất định hỏi quý vị: “Trước đây ông đã học môn gì?” “Tôi học Tịnh, nay muốn học Thiền”. Vị ấy liền đập quý vị ba mươi gậy, rồi bảo quý vị hãy đi đi, vì sao? Thấy lạ, nghĩ khác! Tâm quý vị chẳng chuyên nhất, chẳng thể nhập môn! Hôm nay quý vị nghe giảng Thiền bèn động tâm, hai hôm sau, bậc đại đức trong Mật Tông đến nói một chập, Mật cũng khá lắm, quý vị lại động tâm! Nói cách khác, quý vị vĩnh viễn chẳng thể thành tựu! Người thật sự thành tựu giữ vững một môn, những môn khác có thể nghe hay không? Có thể nghe, nhưng nghe xong thì “chẳng chấp lấy tướng, như như bất động” như kinh Kim Cang đã nói. Sau đấy quý vị mới hiểu: Tịnh cũng hay, Thiền cũng hay, Mật cũng hay, vốn là một thứ. Quý vị động tâm là xong rồi, đấy là tướng trạng “ít thiện căn, ít phước đức, ít nhân duyên”, kém thiện căn, kém phước đức đấy! Tâm chẳng thể chế ngự cảnh giới, vừa gặp cảnh giới tâm liền dao động ngay!
Trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử cao minh, Ngài chẳng động tâm, đến tham học với năm mươi ba vị thiện tri thức chẳng bị dao động, vẫn là thật thà niệm Phật. Cớ sao biết Thiện Tài đồng tử thật thà niệm Phật? Vị thầy thứ nhất của Thiện Tài đồng tử là tỳ-kheo Đức Vân, dạy Ngài pháp môn Niệm Phật. Vị thầy thứ nhất quyết định chọn lựa pháp môn tu học suốt đời cho học trò, Ngài tu pháp môn Niệm Phật. Sau đấy, bất luận đến nơi nào tham phỏng, cũng quyết định chẳng bỏ pháp môn Niệm Phật. Giống như tôi vừa mới nói đó, nghe nói tới Thiền chẳng niệm Phật, muốn tham Thiền, rồi lại thấy Mật, cũng chẳng tham Thiền nữa mà trì chú, xong luôn! Người ấy còn có thể thành đạo Vô Thượng hay chăng? Thiện Tài đồng tử niệm vị Phật nào vậy? Niệm A Di Đà Phật, Ngài tu pháp môn Tịnh Độ, đến cuối cùng tham phỏng Phổ Hiền Bồ Tát, “mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc”, Ngài viên mãn Bồ Đề. Đấy là sự thật mà kinh Hoa Nghiêm đã phơi bày trước mắt chúng ta. Nếu đọc kinh Hoa Nghiêm mà không thấy được điều này thì đã uổng công đọc kinh Hoa Nghiêm mất rồi!
Ai có đủ tư cách tham học? Quyết định là chẳng động tâm! Thứ gì cũng có thể nghe, thứ gì cũng có thể thấy, quyết định chẳng động tâm, nhất quyết chẳng lay động căn bản thì mới có thể thành tựu. Hôm nay tôi gặp vị pháp sư này khá lắm, tôi học với ông ta một chút; ngày mai nghe nói có vị pháp sư nọ cao minh hơn vị pháp sư này nhiều, tôi nhanh nhảu đến thân cận ông ta. Tâm quý vị giống như cỏ mọc đầu tường, một trận gió bên ngoài khẽ thổi qua, liền lay động. Lại một hôm nữa, hóa thân của Thích Ca Mâu Ni Phật hiện đến, hóa thân của A Di Đà Phật cũng hiện đến, tâm hoa của quý vị bị nhiễu loạn, chẳng biết như thế nào mới là tốt! Thưa quý vị, những vị cao nhân ấy, những vị Phật, Bồ Tát ấy toàn là yêu ma quỷ quái, tôi nói thật đấy! Yêu ma quỷ quái là gì? Những người khiến cho căn bản của quý vị bị lay động thì là yêu ma quỷ quái. Ngẫu Ích đại sư nói rất hay: “Cảnh giới không Phật cũng không ma, ma và Phật đều ở trong tâm của chính ông”. Trong tâm quý vị đã nắm chắc, có chủ tể thì đối với bất cứ cảnh giới nào cũng chẳng chấp lấy tướng, chẳng động tâm, cảnh giới bên ngoài đều là Phật, Bồ Tát. Nếu quý vị thấy cảnh giới bên ngoài tâm liền động thì cảnh giới bên ngoài đều là ma, chẳng phải là Phật!
Do vậy, quý vị niệm Phật mà cầu nhất tâm, chắc chắn A Di Đà Phật chẳng thể hiện đến, vì sao? Do cái tâm của quý vị đã dao động, nếu A Di Đà Phật hiện đến, quý vị bèn vui thích, nhất tâm bất loạn đã sớm mất tiêu rồi! Chẳng phải là giống như Ngài đã hại chết quý vị hay sao? Vì thế, Phật chẳng đến. Phật chẳng đến là vì đại từ đại bi, nhằm thành tựu nhất tâm bất loạn cho quý vị. Khi nào quý vị niệm đạt đến mức công phu như như bất động, Phật có đến cũng như người bình thường đến, tâm chẳng hoan hỷ chút nào, Phật liền hiện ra trước mặt để khảo nghiệm xem quý vị có thành công hay chưa? Ma hiện trước mặt, cũng chẳng có tâm sợ hãi, quý vị mới có thể thành tựu nhất tâm bất loạn. Đến khi ấy, quý vị mới hoảng nhiên đại ngộ, cảnh giới vốn chẳng có Phật mà cũng không có ma, cảnh giới ấy là Nhất Chân, chẳng hư vọng. Đấy là nguyên tắc chỉ đạo tối cao trong tu học Phật pháp Đại Thừa, nhưng phàm phu phạm phải căn bệnh này chẳng nhẹ, chướng ngại sự thành tựu của chúng ta. Chẳng những là chướng ngại Hành môn, mà còn chướng ngại Giải môn.
Một pháp giới là chân thật, mười pháp giới là hư vọng. Chân tâm là nhất tâm, trông thấy cảnh giới bên ngoài là Nhất Chân pháp giới. Mê mất chân tâm, chân tâm biến thành tâm ý thức, nên [cảnh giới] bên ngoài mới được gọi là “mười pháp giới”. Do vậy, mười pháp giới là cái được thấy bởi vọng tâm, Nhất Chân pháp giới là cái được thấy bởi chân tâm. Thật ra, pháp giới bên ngoài đâu có một hay mười! Chỉ là do tâm của chính quý vị biến hiện! Phật pháp nói “duy tâm sở hiện”, cái được hiện là Nhất Chân, “duy thức sở biến”, Thức là vọng tâm, vọng tâm dấy khởi sự biến hóa. Hy vọng mọi người sẽ thấu hiểu sâu xa ý nghĩa này.
(Diễn) Sự pháp giới, giới tự thị phân nghĩa.
(演) 事法界界字是分義。
(Diễn: Trong từ ngữ “Sự pháp giới”, chữ Giới có nghĩa là Phân).
Chữ Giới trong “Sự pháp giới” có nghĩa là Phân, tức phân biệt.
(Diễn) Dĩ chúng sanh sắc, tâm đẳng pháp, nhất nhất sai biệt, các hữu phân tễ cố.
(演) 以眾生色心等法,一一差別各有分劑故。
(Diễn: Do các pháp như sắc, tâm v.v… của chúng sanh, mỗi một pháp sai khác, phân chia rạch ròi).
“Chúng sanh” gồm hữu tình chúng sanh và vô tình chúng sanh. Chúng ta nói hữu tình chúng sanh có Phật Tánh, vô tình chúng sanh có Pháp Tánh. Phật Tánh và Pháp Tánh là một tánh, là một chứ không phải hai tánh; nhưng trong Sự pháp giới, Sự là hoàn toàn nói theo mặt hình tướng, cho nên có phân biệt, có sai biệt. Ví như trong sắc pháp có Tứ Đại: Địa, Thủy, Hỏa, Phong, tâm pháp có Thọ, Tưởng, Hành, Thức v.v… Nếu dùng Bách Pháp [Minh Môn Luận] để giảng thì có tám thức, năm mươi mốt Tâm Sở, hai mươi bốn pháp Bất Tương Ứng, đều thuộc về tâm pháp. Do vậy, mỗi một pháp đều sai biệt, “nhất nhất sai biệt các hữu phân tễ” (mỗi một pháp sai biệt, phân chia rạch ròi). Nói theo cách bây giờ, “phân tễ” là có giới hạn tột cùng, có hạn định tột cùng. Đấy là ý nghĩa của chữ Sự pháp giới. Sự pháp giới là nói theo mặt sự tướng.
Nếu nói tới Lý pháp giới thì đã có Sự ắt sẽ có Lý. Chữ Giới trong “Lý pháp giới” có ý nghĩa khác với chữ Giới trong “Sự pháp giới”.
(Diễn) Lý pháp giới, Giới tự thị Tánh nghĩa.
(演) 理法界界字是性義。
(Diễn: Chữ Giới trong “Lý pháp giới” có nghĩa là Tánh).
“Sự” là Tướng, là tác dụng; ở đây, chủ yếu nói tới hiện tượng. Lý
là nói về bổn tánh. Lý là một, nơi hữu tình gọi là Phật Tánh, nơi vô tình gọi là Pháp Tánh. Phật Tánh và Pháp Tánh là một tánh. Do vậy. Chữ Giới này có nghĩa là Tánh. Nói cách khác, hết thảy các pháp do Lý này sanh ra.
(Diễn) Dĩ chúng sanh sắc, tâm đẳng pháp, tuy hữu sai biệt, đồng nhất thể tánh cố.
(演) 以眾生色心等法,雖有差別同一體性故。
(Diễn: Do các pháp như sắc, tâm v.v… của chúng sanh tuy có sai biệt, nhưng có cùng một thể tánh).
Từ Bách Pháp, chúng ta thấy tâm pháp và tâm sở pháp mỗi thứ gồm bốn phần (Tướng Phần, Kiến Phần, Tự Chứng Phần, Chứng Tự Chứng Phần). Những pháp ấy do Hộ Pháp Bồ Tát[46] đặt ra, vị này cũng là tổ sư của pháp sư Huyền Trang. Thầy của pháp sư Huyền Trang là ngài Giới Hiền (Silabhadra). Sư phụ của luận sư Giới Hiền là Hộ Pháp Bồ Tát. Ngài dạy chúng ta Duy Thức; Tâm, Tâm Sở Pháp, mỗi pháp có bốn phần, nói hết sức viên mãn. Tánh là Tự Chứng Phần, Chứng Tự Chứng Phần là tự giác của Tự Chứng Phần. Chúng ta thường nói tới chữ Phật có nghĩa là Tự Giác, Giác Tha, Giác Hạnh Viên Mãn. Chứng Tự Chứng Phần là Tự Giác, Kiến Phần là Giác Tha, Tha là Tướng Phần. Do vậy, Kiến Phần duyên Tướng Phần, mà cũng duyên Tự Chứng Phần. Chứng Tự Chứng Phần chỉ duyên Tự Chứng Phần, chẳng duyên Kiến Phần, mà cũng chẳng duyên Tướng Phần. Điều này chỉ rõ Tự Chứng Phần là bản thể, Kiến Phần là cái được sanh bởi nó (Tự Chứng Phần), Tướng Phần cũng do nó sanh ra. Do vậy, Kiến và Tướng có cùng một nguồn.
Tướng là hết thảy dấu vết, hình tướng, hết thảy sự, hết thảy hiện tượng. Trong phần trên đã nói tới Sự pháp giới thì Sự pháp giới là sự tướng từ trong bổn tánh biến hiện ra. Sự tướng tuy thiên sai vạn biệt (ngàn muôn phần sai khác), nhưng có cùng một bản thể. Ở đây, [sách Diễn Nghĩa] nói là “đồng nhất tánh thể cố” (do có cùng một tánh thể). Do vậy, chữ Giới ở đây mang ý nghĩa “thể tánh”, còn chữ Giới trong phần trước (tức chữ Giới trong Sự pháp giới) mang ý nghĩa các thứ sai biệt. “Sai biệt” là mỗi pháp có giới hạn tột cùng, phân chia rạch ròi; tánh thể không có giới hạn tột cùng, thật sự vô lượng vô biên.
“Sự pháp giới”: Sự là nói về hiện tượng, “Lý pháp giới”: Lý là nói về bản thể. Sự nói về Pháp Tướng, Lý là nói về Pháp Tánh. Lại xem tiếp hai thứ pháp giới, tức “Lý Sự vô ngại” và “Sự Sự vô ngại” trong phần sau, nói về tác dụng, không có chướng ngại.
(Diễn) Sự Lý vô ngại pháp giới giả, Lý do Sự hiển, Sự đắc Lý thành, Lý Sự hỗ dung, tánh phân giao triệt cố.
(演) 事理無礙法界者,理由事顯,事得理成,理事互融,性分交徹故。
(Diễn: Sự Lý vô ngại pháp giới là Lý do Sự hiển, Sự do Lý mà được thành. Lý và Sự dung nhập lẫn nhau, “tánh” và “phân” hòa nhập lẫn nhau).
Lý không có hình tướng, cũng chẳng có dấu vết, làm sao quý vị hiểu được? Dựa trên Sự sẽ biết. Đã có Sự ắt sẽ có Lý, không có Lý, Sự sẽ chẳng thành. Nói chung, Sự phải có đạo lý, nói chung là phải có Lý. Do vậy, Lý do Sự mà được phô bày. Nói cách khác, làm thế nào để hiểu rằng có Chân Như bổn tánh? Chân Như bổn tánh được hiển lộ bởi Tướng, từ Pháp Tướng hiển thị Pháp Tánh. Do đây có thể biết: Tánh và Tướng hiển lộ lẫn nhau. Chính vì có Pháp Tánh nên mới có Pháp Tướng. Chúng ta hãy dùng tỷ dụ để suy nghĩ hòng hiểu được chuyện này. Ví như chúng ta nằm mộng, cái tâm tạo ra giấc mộng là Lý, cảnh giới trong mộng là Sự. Cảnh giới trong mộng do đâu mà có? Đương nhiên là do Lý biến hiện ra, do cái tâm nằm mộng của quý vị mà có. Quán sát cảnh giới trong mộng thì cái tâm của quý vị ở chỗ nào? Mộng chính là tâm. Tâm của quý vị như thế nào, tức là khi quý vị nằm mộng thấy như thế nào, tâm quý vị là như thế đó. Do vậy, cái tâm tạo ra giấc mộng là thật, vĩnh viễn chẳng biến đổi, bất sanh, bất diệt, đó là Lý; còn Sự thì sao? Sự là pháp sanh diệt. Quý vị mỗi đêm nằm mộng, từ trước đến giờ chưa hề nằm mộng giống nhau. Cái tâm nằm mộng hoàn toàn giống hệt, nhưng mỗi giấc mộng trước nay chẳng hề giống nhau. Điều này cho thấy quả thật mỗi pháp mỗi sai biệt, mỗi pháp phân chia rạch ròi, [về mặt Sự thì có] nhưng về Lý thì không có. “Lý do Sự hiển, Sự đắc Lý thành” (Lý do Sự mà hiển lộ, Sự do Lý mà được thành). Do vậy, Lý và Sự dung thông lẫn nhau, giống như cảnh giới trong mộng là tâm, tâm là mộng cảnh, chẳng khác nhau!
“Giới” có hai ý nghĩa: Một là Tánh, hai là Phân (phân biệt). “Tánh – Phân giao triệt” (Tánh và Phân thông thấu lẫn nhau): Vốn là cùng một chuyện, chẳng phải hai! Do vậy, Lý và Sự vô ngại. Lý Sự vô ngại là Tánh và Tướng giống hệt như một, Tánh và Tướng chẳng hai. Người giác ngộ thấy Tướng sẽ thấy Tánh, vì Tánh và Tướng không hai. Nếu từ Tướng mà thấy được Tánh thì quý vị hãy nghĩ xem, có lẽ nào chẳng bình đẳng? Đều bình đẳng hết! Thế nhưng chúng ta phải làm sao mới thấy được? Nhất định phải là nhất tâm bất loạn. Do vậy người tu hành nói tới công phu, công phu là gì vậy? Chuyện gì quý vị cũng biết, lấy từ Đại Tạng Kinh ra bất cứ pháp nào cũng giảng được, giảng đến mức hoa trời rơi tán loạn, có được coi là công phu hay không? Chẳng kể là công phu! Công phu là gì? Trong hết thảy cảnh giới, như như bất động, đó là công phu. Sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần mà có thể chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, lại còn có thể biết rành mạch, phân minh, đó là công phu!
Do vậy, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần là Định Huệ Song Tu. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ đại sư đã nói: “Định Huệ đẳng trì” (Giữ cho Định và Huệ cân bằng). Ắt phải là người có công phu thì mới có tư cách tham học, vì sao? Người ấy chẳng bị dao động. Ngay cả những điều dị đoan đưa đến trước mặt người ấy thì sẽ như các vị đại đức bên Thiền Tông đã ví von: “Hồng lô điểm tuyết, lập tức tiêu dung” (mảnh tuyết chạm vào lò lửa lớn liền lập tức tan mất), người ấy có bản lãnh đó. Công phu của người ấy đã chín muồi, giống như lò lửa cháy đỏ rực, có sức nóng cao dường ấy, hoa tuyết bị thổi rớt vào đó sẽ chẳng còn dấu vết gì, có bản lãnh ấy! Đến khi đó, chẳng những Lý Sự vô ngại mà còn Sự Sự vô ngại. Bất luận tiếp xúc cảnh giới nào, thuận cảnh cũng thế, mà nghịch cảnh cũng thế, hễ người ấy tiếp xúc liền biến thành Định – Huệ. Người ấy chẳng sanh phiền não, chẳng động tâm. Chẳng động tâm là thành tựu Định, rành rẽ phân minh là thành tựu Huệ; đối với người ấy mà nói, chẳng có chướng ngại! Bất luận pháp môn nào, pháp thế gian hay xuất thế gian, người ấy đều “chẳng chấp lấy tướng, như như bất động”, người ấy tu điều này. Niệm Phật là một câu Phật hiệu niệm đến tột cùng, câu Phật hiệu là Vô Lượng Giác. Giác tâm như như, bất động, giác tướng là thanh tịnh vô nhiễm. Khởi tâm động niệm, chấp trước, mê mờ đều chẳng phải là chân tâm, mà là mê tâm, vọng tâm. Đối với chân tâm, Lục Tổ đã nói rất hay: “Vốn chẳng có một vật, nào sợ nhuốm bụi trần”. Đấy là chân tâm. Trong tâm hễ có một chuyện gì thì đều là vọng tâm.
Đối với người niệm Phật chúng ta, mỗi câu Phật hiệu đều đánh thức giác tâm của chúng ta, vô lượng giác mà! Nam-mô A Di Đà Phật là “quy y Vô Lượng Giác”. Do vậy, trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, pháp môn này quả thật là bậc nhất: Từng tiếng đánh thức quý vị hãy giác chứ không mê. Đã là giác nhất định sẽ chánh, chánh chứ không tà, nhất định sẽ tịnh, tịnh chứ không nhiễm. Quý vị không thành Phật thì còn ai thành Phật nữa đây? Pháp môn này đơn giản, dễ dàng, lại ổn thỏa, thích đáng, thành tựu trong đời này. Trong hết thảy pháp môn, quý vị đến đâu để kén chọn nữa? Đến đâu để tìm nữa? Nhìn từ mặt tác dụng, ở đây là nhìn vào mặt Lý Sự vô ngại. Càng chẳng thể nghĩ bàn hơn nữa là Sự Sự vô ngại sẽ được giảng trong phần tiếp theo:
(Diễn) Sự Sự vô ngại pháp giới giả, nhất thiết phân tễ sự pháp xứng tánh dung thông, nhất đa tương tức, đại tiểu hỗ dung, trùng trùng vô tận cố.
(演) 事事無礙法界者 ,一切分齊事法稱性融通,一多相即,大小互融,重重無盡故。
(Diễn: Sự Sự vô ngại pháp giới là hết thảy phân chia rõ ràng, sự và pháp xứng tánh dung thông, một chính là nhiều, nhiều chính là một, lớn và nhỏ dung nhập lẫn nhau, tầng tầng vô tận).
Đoạn này giảng Sự Sự vô ngại pháp giới là gì, “nhất thiết phân tễ sự pháp” (hết thảy sự và pháp phân chia rõ ràng). Câu này bao quát hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian. Đã là bao quát hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian thì quý vị phải nhớ: Vô lượng pháp môn trong các tông phái Đại, Tiểu, Quyền, Thật của Phật pháp đương nhiên cũng được gộp vào trong ấy, chẳng có pháp nào ở ngoài. Không có pháp nào chẳng xứng tánh, không có pháp nào chẳng viên dung. Do vậy, mới nói: “Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp!” Nếu quý vị còn thấy pháp môn này cao, pháp môn kia thấp, tức là tâm không nhất, chẳng phải là nhất tâm. Cao cũng thế, mà thấp cũng thế; nói cách khác, cao thì quý vị chẳng bước vào được, thấp thì quý vị cũng chẳng có phần. Tất cả đều chẳng có phần, Phật pháp khó là khó ở chỗ này. Cổ đức nói: “Một kinh thông, hết thảy kinh thông”, thông gì vậy? Thông suốt đạo lý này. Làm sao để có thể thông? Hễ nhất tâm bèn thông. Tâm bình đẳng bèn thông. Tâm thanh tịnh bèn thông. Khi ấy, hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều thông, vì sao đều thông? Vì xứng tánh viên dung, chẳng có pháp nào chẳng xứng tánh, viên dung.
“Nhất đa tương tức”: Một chính là nhiều, nhiều chính là một. Do vậy, vô lượng kiếp có thể rút gọn thành một sát-na, một sát-na có thể mở rộng thành vô lượng kiếp. Vô lượng vô biên Hằng hà sa cõi nước có thể đặt trong một vi trần, trong một vi trần lại có thể hiện vô lượng vô biên Hằng sa cõi Phật. Đấy chính là “nhất đa tương tức, đại tiểu hỗ dung”. Chuyện này là thật. Nếu là dài thì như chúng tôi giảng đoạn này, không có bao nhiêu trang mà phải giảng mười mấy lần. Nếu nói cặn kẽ sẽ có thể giảng đến ba năm, ba mươi năm mà vẫn giảng chưa xong hai hàng ngắn ngủi như thế này. Há chẳng phải là “một chính là nhiều, nhiều chính là một, lớn và nhỏ dung nhiếp lẫn nhau” ư?
Trong quá khứ, tôi đã từng giảng bộ Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của cư sĩ Giang Vị Nông, giảng sáu năm mới được nửa bộ. Tôi ở Đài Trung giảng kinh Kim Cang cho các đồng học, trong sáu giờ đã giảng xong toàn bộ bản kinh. Cùng một bộ kinh, có thể giảng xong trong sáu tiếng đồng hồ, hoặc sáu năm cũng chỉ mới giảng được một nửa, nếu chẳng phải là hết thảy pháp “xứng tánh dung thông” sẽ không thể nào xảy ra được! Do vậy, kinh điển có thể giảng dài, có thể giảng ngắn, có thể giảng nông cạn, có thể giảng sâu xa, không gì chẳng tự tại! Đấy chính là Sự Sự vô ngại pháp giới, hy vọng quý vị sẽ từ chỗ này mà thấu hiểu.
(Diễn) Bất khả tư nghị, phối Sự Sự vô ngại giả.
(演) 不可思議,配事事無礙者。
(Diễn: Đem bất khả tư nghị phối hợp với Sự Sự vô ngại thì…)
Vì sao dùng câu “bất khả tư nghị” để nói nó là Sự Sự vô ngại pháp giới?
(Diễn) Dĩ tiền tam pháp giới, đồng giáo Nhất Thừa, do khả tư nghị.
(演) 以前三法界,同教一乘,猶可思議。
(Diễn: Do ba pháp giới trước (tức Lý pháp giới, Sự pháp giới, Lý
Sự vô ngại pháp giới) là pháp phổ cập trong Nhất Thừa, vẫn còn có thể nghĩ bàn được).
“Đồng giáo” là so với Biệt giáo trong phần sau mà nói. Ở đây, Biệt Giáo chẳng phải là Biệt Giáo trong Tạng, Thông, Biệt, Viên, mà có nghĩa là đặc biệt. “Đồng” là phổ cập, trong hết thảy các pháp Đại Thừa đều có ý nghĩa này, “dĩ tiền tam pháp giới” chính là Lý pháp giới, Sự pháp giới, Lý Sự vô ngại pháp giới, “đồng giáo Nhất Thừa, do khả tư nghị” (những pháp phổ cập trong Nhất Thừa vẫn còn có thể nghĩ bàn), vẫn chẳng phải là khó hiểu cho lắm, vẫn là có thể nghĩ bàn, so ra, chúng dễ hiểu hơn Sự Sự vô ngại rất nhiều. Sự Sự vô ngại thật sự khó hiểu, nhất là đối với người mới học, cảnh giới này có thể nói thẳng thừng, đơn giản là “không có cách gì tin tưởng được!”
(Diễn) Hậu nhất duy Hoa Nghiêm Biệt giáo Nhất Thừa, bất khả tư nghị dã.
(演) 後一唯華嚴別教一乘,不可思議也。
(Diễn: Chỉ có pháp giới sau cùng (Sự Sự vô ngại pháp giới) là Biệt giáo Nhất Thừa của Hoa Nghiêm là chẳng thể nghĩ bàn).
Chính là Sự Sự vô ngại pháp giới. Thật ra, bốn pháp giới này hoàn toàn ở trong cuộc sống thường ngày của chúng ta nhưng chúng ta mê, còn Sự Sự pháp giới là ngộ, được gọi là Nhất Chân pháp giới. Sự là Tướng, Lý là Thể; Lý Sự vô ngại và Sự Sự vô ngại là Dụng. Thể – Tướng – Dụng là một mà ba, tuy ba nhưng một, không một ai trong chúng ta chẳng như vậy! Chắc cũng có vị hỏi: Đã là bốn pháp giới đều ở trước mắt chúng ta, vậy thì có thể nêu lên một thí dụ để diễn tả Sự Sự vô ngại pháp giới hay không? Có thể chứ! Cảnh giới bên ngoài rất lớn, tròng mắt chúng ta rất nhỏ, nhưng tròng mắt của chúng ta có thể thấy cảnh giới bên ngoài rõ ràng, rành mạch, phân minh. Đó chính là “giới tử nạp Tu Di” (núi Tu Di bỏ vào trong hạt cải). Tròng mắt giống như hạt cải, cảnh giới bên ngoài giống như núi Tu Di, chứa vào trong ấy (tròng mắt): Cảnh giới bên ngoài chẳng rút nhỏ, tròng mắt của chúng ta chẳng phình to. Tròng mắt giống như cái máy chụp hình chụp hết thảy tướng cảnh giới, tạo thành Tướng Phần trong Nhãn Thức. Tướng Phần của Nhãn Thức và Tướng Phần của cảnh giới bên ngoài to như nhau. Trong cảm giác của quý vị, chúng hoàn toàn giống hệt nhau. Thức thứ sáu, tức Ý Thức, là phân biệt, thức thứ bảy là chấp trước, duyên gì? Chẳng duyên vào tướng cảnh giới bên ngoài mà hoàn toàn duyên theo Tướng Phần của Nhãn Thức. Từ Tướng Phần của Nhãn Thức truyền đạt, biến thành Tướng Phần của thức thứ sáu, tức Ý Thức, và chuyển biến thành Tướng Phần của thức thứ bảy là Mạt Na. Thức thứ sáu và thức thứ bảy cảm nhận [ngoại cảnh] vẫn to lớn giống hệt như cảnh giới bên ngoài. Điều này được bày rõ trước mắt chúng ta, được sử dụng suốt ngày từ sáng đến tối, Sự Sự vô ngại, đáng tiếc là chúng ta không hiểu! Lý Sự vô ngại, Lý vô ngại, Sự vô ngại, càng chẳng cần phải nói tới nữa!
Ngộ thì gọi là Nhất Chân, ngộ thì là Phật, Bồ Tát, mê là phàm phu. Mê thì chỗ nào cũng là chướng ngại, bất luận trong bất cứ một pháp nào, quý vị luôn khởi phân biệt, chấp trước, vọng tưởng. Giác ngộ rồi thì những thứ ấy đều không còn nữa, nhà Thiền bảo là “mảnh tuyết rớt vào lò lửa lớn, lập tức tan mất”; vừa tiếp xúc liền biến thành trí huệ, biến thành Đại Định. Lũ phàm phu chúng ta đáng thương! Phàm phu vừa tiếp xúc liền biến thành phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, quý vị thấy phiền phức hay không! Bồ Tát vừa tiếp xúc, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, liền biến thành trí huệ, biến thành Thiền Định. Phàm phu vừa tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, chúng liền biến thành phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, chúng ta cần phải cảnh giác điều này.
Chúng ta nói tới Quy Y thì Quy (皈) là quay đầu, từ chỗ nào mà quay đầu lại? Từ phân biệt, chấp trước, vọng tưởng mà quay đầu lại. Y (依: nương theo) gì vậy? Nương theo Định – Huệ, Định – Huệ là giác, đó gọi là “chân tu hành” (tu hành thật sự), thật sự dụng công! Nếu chẳng biết phương pháp này, thưa quý vị, bất luận quý vị dùng phương thức như thế nào để tu học, rốt cuộc vẫn là tu mù, luyện đui! Vì sao nói quý vị “tu mù, luyện đui”? Dùng kinh Kim Cang để nói thì quý vị chẳng thể “hàng phục kỳ tâm”. Phương pháp tu học ấy gọi là “tu mù, luyện đui”. Hàng phục cái tâm chính là hàng phục phân biệt, chấp trước, vọng tưởng của quý vị! Quý vị dùng công phu ấy, tham Thiền cũng được, tham thoại đầu cũng được, quán tâm cũng được, trì chú cũng được, niệm Phật cũng được. Bất luận dùng phương pháp nào, nếu quý vị chẳng thể nhiếp tâm, chẳng thể hàng phục phân biệt, chấp trước, vọng tưởng thì đều gọi là “tu mù, luyện đui”. Công phu không đắc lực, tu lâu vẫn chẳng thành, căn bệnh ở chỗ này!
Công phu, bất luận dùng phương thức nào, dùng hạnh môn nào, nói chung, phải cầu tâm bất động, quyết chẳng bị ngoại cảnh xoay chuyển! Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay: “Nhược năng chuyển cảnh, tắc đồng Như Lai” (Nếu chuyển được cảnh, sẽ giống Như Lai). Quý vị chẳng bị cảnh giới chuyển, mà chuyển được cảnh giới, chuyển cảnh giới thành gì vậy? Chuyển thành Định – Huệ. Bất cứ cảnh giới nào đến trước mặt quý vị đều biến thành Định – Huệ. Đó là Như Lai, là Phật, là Bồ Tát.
Hết thảy cảnh giới đến trước mặt quý vị, ngay lập tức biến thành phiền não, biến thành tri kiến, sẽ là chuyện phiền phức lớn lắm. Biến thành tri kiến chính là vô minh, “tri kiến lập tri, thị vô minh bổn” (từ trên tri kiến lại lập thêm một tri kiến, chính là cái gốc của vô minh). Đấy chính là như ngài Thanh Lương đã nói: “Tăng trưởng vô minh, tăng trưởng tà kiến”. Còn có thể thành tựu hay chăng? Phật pháp là phải phá tà kiến, phá vô minh, làm sao có thể tăng trưởng tà kiến, tăng trưởng vô minh cho được? Phá vô minh, Định thành tựu; phá tà kiến, Huệ thành tựu.
(Diễn) Phần nhiếp ư Viên giả, hoặc viết: “Sự Sự vô ngại, duy thuộc Hoa Nghiêm, kim kinh hà đắc hữu thử?”
(演) 分攝於圓者,或曰:事事無礙,唯屬華嚴,今經何得有此。
(Diễn: “Một phần thuộc về Viên giáo”: Nếu nói: Sự Sự vô ngại chỉ kinh Hoa Nghiêm mới có, kinh này làm sao có được điều ấy?)
Nếu quý vị hiểu rõ những điều chúng tôi vừa mới nói thì quý vị nghe kẻ nào nêu lên câu hỏi này, sẽ biết trình độ của kẻ ấy là như thế nào? Người nghe kinh, nghe đến những lời đã nói trong phần trên, chẳng thể chuyển cảnh giới mà bị cảnh giới chuyển. Đây là nêu lên một thí dụ cho quý vị thấy người ấy bị cảnh giới chuyển. [Người ấy nghe xong, thắc mắc] Sự Sự vô ngại là điều kinh Hoa Nghiêm nói tới, kinh Di Đà làm sao có thể nói là Sự Sự vô ngại cho được? Vừa nghe liền khởi lên phân biệt, chấp trước, chẳng thể lập tức tiêu dung.
(Diễn) Cố viết: Nhất đại thời giáo.
(演) 故曰:一代時教。
(Diễn: Cho nên nói: Giáo pháp do đức Phật đã nói trong cả một đời Ngài).
“Nhất đại thời giáo”: Sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành đạo, giảng kinh hơn ba trăm hội, thuyết pháp bốn mươi chín năm, chúng ta gọi [những kinh pháp ấy] là “nhất đại thời giáo”.
(Diễn) Duy Hoa Nghiêm vi Viên.
(演) 唯華嚴為圓。
(Diễn: Chỉ riêng kinh Hoa Nghiêm là Viên).
Hoa Nghiêm là căn bản pháp luân, kinh Hoa Nghiêm giảng viên mãn nhất. Những kinh khác đều nhằm nêu rõ một phần giáo nghĩa nào đó [của kinh Hoa Nghiêm]. Hoa Nghiêm giảng toàn thể, hết thảy những kinh điển khác đều là giảng cục bộ.
(Diễn) Viên vi năng nhiếp nhất thiết, cố chư kinh vô bất nhiếp quy Hoa Nghiêm.
(演) 圓為能攝一切,故諸經無不攝歸華嚴。
(Diễn: Viên là có thể gồm thâu hết thảy, vì thế, các kinh khác, không kinh nào chẳng được thâu nhiếp về kinh Hoa Nghiêm).
Kinh Hoa Nghiêm là toàn thể, những kinh khác là một bộ phận. Chúng ta dùng tỷ dụ để nói thì kinh Hoa Nghiêm giống như cả tỉnh Đài Loan, hết thảy những kinh khác là các huyện thị của Đài Loan. Chúng ta hãy suy nghĩ: Có huyện thị nào chẳng nằm trong tỉnh này hay chăng? Không có huyện thị nào tồn tại độc lập ngoài phạm vi của tỉnh này! Do đây biết rằng: Quan hệ giữa bộ phận và toàn thể hết sức mật thiết, chẳng thể chia cắt được. Kinh Hoa Nghiêm đã là viên thì có bộ kinh nào chẳng viên? Do vậy cổ đức mới nói: “Viên nhân thuyết pháp, vô pháp bất viên” (người viên mãn thuyết pháp, không pháp nào chẳng viên). Kinh Hoa Nghiêm giảng về bản thể của toàn thể nhân sinh vũ trụ. Không chỉ hết thảy kinh do đức Phật đã nói chẳng rời ngoài cảnh giới Hoa Nghiêm, nếu chúng ta hỏi: Kinh điển của Cơ Đốc Giáo, kinh điển của Thiên Chúa Giáo, cho đến tà ma ngoại đạo thuyết pháp, có thứ gì tách rời phạm vi của Hoa Nghiêm hay chăng? Cũng chẳng có! “Ngoài pháp không tâm, ngoài tâm không pháp”. Do vậy, đối với người thật sự khai ngộ, người thật sự đắc nhất tâm bất loạn, những pháp của tà ma ngoại đạo đưa đến chỗ người ấy đều là kinh Hoa Nghiêm Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, hết sức mầu nhiệm, thật sự mầu nhiệm chẳng thể diễn tả được! Đó mới gọi là “viên nhân thuyết pháp, vô pháp bất viên”, đúng là vô chướng ngại! Trong thời Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh, thuyết pháp, ngoại đạo đến nghe, người đến hỏi rất nhiều, Thích Ca Mâu Ni Phật có phản đối những kẻ ngoại đạo ấy, bảo họ hãy bỏ pháp ngoại đạo quy y Phật pháp hay không? Không có! Chỉ cần nhẹ nhàng chỉ điểm cho họ, họ giác ngộ rồi thì đạo ấy sẽ là chánh đạo. Còn mê thì hằng ngày niệm A Di Đà Phật, vẫn gọi là ngoại đạo, hằng ngày giảng kinh Hoa Nghiêm vẫn là tà thuyết. Tà hay chánh được phân biệt bởi tâm, chứ không do nơi pháp, chẳng do bên ngoài.
Phàm là những phương pháp nào có thể khiến cho lòng người giác ngộ thì gọi là Phật pháp. Phàm là những phương pháp nào khiến cho lòng người mê hoặc thì gọi là tà pháp. Nói như vậy gọi là nói phương tiện, chứ không phải là nói chân thật. Nói chân thật thì trong các pháp ấy, không có tà hay chánh. Nói thật ra, hết thảy pháp đưa đến trước mặt quý vị đều biến thành Định – Huệ, chẳng có tà hay chánh. Từ vô thỉ kiếp đến nay, quý vị đã mê muội quá lâu, quá sâu, đập một gậy chưa tỉnh được, bèn nói pháp phương tiện với quý vị. Nếu đập một gậy mà quý vị tỉnh ngay thì chẳng nói pháp phương tiện, mà nói pháp chân thật. Những kẻ như bọn chúng ta, đừng nói là một gậy, mười gậy, một trăm gậy cũng không tỉnh ngộ, chỉ đành nói pháp phương tiện. Thế nhưng chúng ta phải ghi nhớ: Ngoài pháp phương tiện còn có pháp chân thật, trong pháp chân thật là Sự Sự vô ngại pháp giới. Hết thảy các kinh tuy chẳng phải là thuần viên, nhưng nó cũng có một phần giáo nghĩa viên mãn. Một phần giáo nghĩa viên mãn ấy nếu gặp kẻ căn tánh viên mãn thì một phần viên ấy sẽ biến thành thuần viên; gặp kẻ mê thì đừng nói là một phần, [ngay cả] kinh Hoa Nghiêm thuần viên cũng biến thành chẳng viên. Chuyện là như vậy đó! Ở đây, đại sư kết luận:
(Diễn) Kim thử kinh hữu thiểu phần Sự Sự vô ngại, cố đắc phần nhiếp ư viên dã.
(演) 今此經有少分事事無礙,故得分攝於圓也。
(Diễn: Nay kinh này có chút phần Sự Sự vô ngại, vì thế, được xếp vào loại viên mãn một phần).
Nêu lý do vì sao nói kinh này cũng chứa đựng giáo nghĩa viên mãn, từ đoạn này, gộp cả bốn pháp giới để chỉ rõ cho chúng ta. Đến chỗ này, quý vị hãy coi kỹ đoạn văn chúng ta vừa đọc sẽ thấy ý nghĩa rất rõ ràng. “Thanh, trược, hướng, bối” đều là nói về Sự, trong Sự mới có thanh, trược, hướng, bối, chứ trong Lý không có. Những điều này đều nhằm nói tới Sự pháp giới. “Linh minh trạm tịch”: Linh minh là Huệ, trạm tịch là Định, Định – Huệ là Lý pháp giới. “Linh minh trạm tịch nhi bất biến tùy duyên”: Linh minh trạm tịch là Chân Như bổn tánh, bổn tánh bất biến, bất biến nhưng có thể tùy duyên. Đây là nói Tánh Thể bất biến nhưng tùy duyên. Nói theo phương diện hiện tướng (biến hiện hình tướng), “thanh trược hướng bối nhi tùy duyên bất biến” (trong, đục, hướng về, trái nghịch tùy duyên nhưng bất biến): Tuy trên mặt sự tướng là tùy duyên, nhưng Thể Tánh của nó bất biến. Hai câu này chúng ta thường nghe nói. “Bất biến tùy duyên” là nói theo mặt Tánh. “Tùy duyên bất biến” là nói theo mặt Tướng. Hai câu này hoàn toàn chẳng phải là trùng lặp, đấy là Lý Sự vô ngại pháp giới. “Bất khả tư nghị, thị Sự Sự vô ngại pháp giới” (“Chẳng thể nghĩ bàn” là Sự Sự vô ngại pháp giới): Ý nghĩa hết sức rõ ràng. Đến cuối cùng là lời quy kết bản kinh này “phần nhiếp ư Viên, diệc đắc thiểu phần Sự Sự vô ngại cố” (thuộc về Viên một phần, vì kinh này cũng có chút phần Sự Sự vô ngại vậy). Đến cuối cùng quy về tự tánh, ở đây đã giảng tự tánh quá rõ ràng, nó chính là nhất tâm. “kết thuộc Tứ Pháp Giới quy nhất tâm dã” (quy kết bốn pháp giới về nhất tâm).
(Diễn) Nhiên Thông Tự Đại Ý tiên minh tánh giả, nhất thiết pháp môn toàn quy tự tánh.
(演) 然通序大意先明性者,一切法門全歸自性。
(Diễn: Nhưng phần Thông Tự Đại Ý trước hết giảng rõ về Tánh là vì hết thảy pháp môn hoàn toàn quy vào tự tánh).
Trong đoạn tổng kết này, kết luận rất hay. Nói thật ra, đoạn lời Tựa này của bộ Sớ Sao là tổng cương lãnh tu học Đại Thừa Phật pháp. Bất luận tu học một tông nào hay một phái nào, nếu quý vị hiểu rõ tổng cương lãnh này, nắm chắc tổng cương lãnh này, sẽ đều có thành tựu. Nếu quý vị mê mất tổng cương lãnh này, phiền phức rất nhiều, chắc chắn mê mất phương hướng. Đoạn văn này rất trọng yếu. Đoạn thứ nhất trong lời tựa giảng giải về tánh là vì đạo lý này.
“Nhất thiết pháp môn toàn quy tự tánh”: Nói theo nghĩa hẹp, hết thảy các pháp môn do Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng hoàn toàn từ Chân Như tự tánh lưu lộ. Do vậy, vẫn quy về tự tánh. Lại mở rộng phạm vi thì hết thảy các pháp môn do mười phương ba đời hết thảy chư Phật đã nói cũng đều hoàn toàn quy về tự tánh. Nếu mở rộng hơn nữa, có pháp nào trong y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới chẳng do tự tánh biến hiện?
(Diễn) Thiên kinh sở diễn vô hữu dư nhân.
(演) 千經所演無有餘因。
(Diễn: Ngàn kinh được diễn giảng chẳng do nhân nào khác).
Từ ngữ “thiên kinh” chỉ hết thảy kinh, ngàn kinh, vạn luận. Chữ “thiên” này không phải là một con số nhất định, mà là tỷ dụ, nhằm chỉ hết thảy kinh luận. “Diễn” có hai ý nghĩa: Một là diễn nói, hai là biểu diễn. Giống như Thiện Tài đồng tử tham học năm mươi ba lần là biểu diễn. “Vô hữu dư nhân”: Không có nhân duyên nào khác! Nhân duyên gì vậy? Không gì chẳng nhằm hiển thị tự tánh mà thôi. Không gì chẳng nhằm dạy chúng ta giác ngộ chân tánh, đấy là Phật pháp! Do vậy, Phật pháp chẳng phải là học thuật, đạo lý là ở chỗ này. Đại sư Âu Dương Cánh Vô[47] nói rất hay: “Phật pháp chẳng phải là tôn giáo”. Tôn giáo là mê tín. Tôn giáo là phải ngưỡng mộ, dựa dẫm người khác giúp đỡ mình, phải cậy vào người khác. Phật pháp cậy vào chính mình, chứ không cậy người khác. “Phật pháp chẳng phải là triết học”, vì sao? Triết học chẳng tách rời Năng và Sở. Nói cách khác, có Năng và Sở là cầu pháp ngoài tâm. Phật pháp tuy có phân tích, nhưng nó chẳng phải là phân tích pháp nào khác mà là tự phân tích chính mình. Do vậy, nó được gọi là Nội Học là vì ý nghĩa này. Đối với Phật pháp, chúng ta phải nhận biết rõ ràng điều này: Nó chẳng phải là tôn giáo, chẳng thể mê tín, chẳng phải là học thuật. Chẳng phải là học thuật thì không thể dùng cái tâm ý thức. Học thuật thế gian sanh từ tâm ý thức, hết thảy ngôn thuyết và hết thảy văn tự của Phật đều sanh từ Chân Như bổn tánh, đấy chính là chỗ bất đồng lớn nhất. Đoạn này nhằm nói lên ý nghĩa: Trong hết thảy kinh luận nhà Phật, đức Phật nói điều gì, làm điều gì, sau khi chúng ta đã hiểu rõ, lại đọc tác phẩm này.
(Diễn) Kim thử niệm Phật vãng sanh, tất tiên minh tự tánh Di Đà vi bổn, nhiên hậu nhất tâm xưng danh, cầu nguyện vãng sanh, tất ư bảo sát tốc chứng Vô Sanh, trực nhập thánh giai, độ sanh diệc quảng. Sở vị: “Tiên ngộ Tỳ Lô pháp giới, hậu tu Phổ Hiền hạnh môn” dã.
(演) 今此念佛往生,必先明自性彌陀為本,然後一心稱名求願往生,必於寶剎速證無生,直入聖階度生亦廣。所謂先悟毘盧法界,後修普賢行門也。
(Diễn: Nay pháp Niệm Phật vãng sanh này, ắt trước hết phải chỉ rõ “lấy tự tánh Di Đà làm gốc” rồi mới nhất tâm xưng danh, cầu nguyện vãng sanh, ắt sẽ ở trong cõi báu mau chứng Vô Sanh, lên thẳng bực thánh, hóa độ chúng sanh cũng rộng. Đấy gọi là: “Trước hết ngộ pháp giới Tỳ Lô, sau đó tu hạnh môn Phổ Hiền”).
Câu này nói rất rõ ràng, thật sự khó có! Bởi vậy, pháp môn Niệm Phật chẳng dễ dàng! Tuy là “vạn người tu, vạn người đến”, nhưng nếu quý vị không hiểu rõ nguyên tắc, nguyên lý này, một câu Phật hiệu sẽ niệm chẳng tương ứng, niệm chẳng đắc lực, đạo lý ở chỗ này! Phật Thất như chúng ta thường nói chính là pháp hội Phật Thất, đúng như thầy Lý đã bảo là “pháp hội náo nhiệt mà thôi!” Như thế nào mới có thể gọi là đả Phật thất? Do quý vị chẳng biết cách niệm một câu thánh hiệu A Di Đà Phật ra sao thì quý vị đả Phật Thất bằng cách nào? Nói nghiêm ngặt, muốn nghiêm túc đả Phật Thất thì phải thảo luận cặn kẽ các sách A Di Đà Kinh Sớ Sao và A Di Đà Kinh Yếu Giải xong rồi mới đả Phật Thất, rất giống như chuyện sau đây: Giống như học hành, đả Phật Thất là muốn đi thi, không học gì thì đi thi cái gì? Không cách chi đậu được! Học cho giỏi rồi mới đi thi. Giáo nghĩa chẳng hiểu rõ, Phật hiệu chẳng tương ứng, tu mù, luyện đui thì đả Phật Thất cái gì đây? Thốt ra lời ấy, người ta đều nói chúng ta quá ngông cuồng, quá ngạo mạn, coi thường người khác. Nay đối trước bộ A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa này, quý vị hãy suy nghĩ xem có đúng như vậy hay không?
Chúng tôi muốn giảng bộ kinh này ba năm. Tốn ba năm để thông suốt đạo lý Tịnh Độ, quả thật là thuận tiện, quá sức thuận tiện! Vô lượng kiếp, trăm ngàn vạn kiếp không hiểu rõ, không gặp được, nay đã gặp được, tốn ba năm công phu để hiểu cho rõ ràng, quả thật là may mắn to lớn! Sau khi đã hiểu rõ, mới biết cách niệm một câu Phật hiệu như thế nào, mới biết làm như thế nào để mỗi tiếng niệm Phật đều đầy đủ Tam Học, Tam Huệ, Tam Tư Lương. Trọn đủ Định Học thì Phật hiệu có thể đoạn Kiến Tư phiền não. Đầy đủ Huệ Học thì Phật hiệu có thể phá căn bản vô minh. Đầy đủ Tam Tư Lương sẽ quyết định Thượng Phẩm Thượng Sanh, thành tựu trong một đời. Nói đến niệm Phật vãng sanh thì trước hết nhất định phải hiểu rõ “tự tánh Di Đà”, đây là căn bản lý luận của pháp môn Niệm Phật. Muốn hiểu rõ chuyện này, phải nghiên cứu, thâm nhập cặn kẽ bộ Di Đà Kinh Sớ Sao thì mới được.
“Nhiên hậu nhất tâm xưng danh cầu nguyện vãng sanh” (sau đấy, nhất tâm xưng danh, cầu nguyện vãng sanh): Bắt đầu tu hành. Trước hết đã hiểu rõ rồi, thưa với quý vị, trong Tam Tư Lương, Tín và Nguyện đã kiến lập. Quý vị có chân tín, nguyện thiết, rồi mới tu hành. Tu hành: Quý vị đọc rõ ràng mấy chữ sau đây “nhất tâm xưng danh”. Quý vị tu hạnh gì vậy? Tu nhất tâm! Dùng nhất tâm để xưng danh, dùng xưng danh đạt đến nhất tâm, có ý nghĩa như vậy đó! Câu này hết sức quan trọng! Chúng ta hãy nghĩ xem: Trong cảnh giới, chúng ta bị ngoại cảnh lay động, đánh mất nhất tâm. Do vậy, từ đầu đến cuối phải gìn giữ nhất tâm. Thấy sắc, nghe tiếng, bất cứ thứ dị đoan nào cũng trọn chẳng thể phá hoại ta nhất tâm xưng danh. Nó chẳng thể phá hoại quý vị nhất tâm xưng danh mà còn giúp quý vị đạt nhất tâm xưng danh. Đây là đạo lý nhất định: Nó chẳng thể phá hoại thì sẽ giúp quý vị thành tựu; nếu nó chẳng thể thành tựu quý vị thì sẽ phá hoại quý vị. Dị đoan, tà thuyết đưa đến trước quý vị, quý vị tiếp xúc nó nhưng vẫn nhất tâm, vẫn là A Di Đà Phật, trọn chẳng bị nó lay động. Điều này tùy thuộc vào công phu của quý vị, công phu đã đạt đến mức “tám gió thổi chẳng động” thì sẽ là cảnh giới tốt đẹp. Vừa mới thấy hay nghe liền khởi tâm phân biệt, chấp trước thì là dao động; tuy hằng ngày niệm Phật mà công phu chẳng đắc lực, vì sao? Gió cảnh giới nhỏ nhoi vừa thổi, nhất tâm liền mất tiêu!
Do vậy, phải trải qua sự việc để luyện tâm ngay trong cảnh giới, luyện cái tâm gì vậy? Luyện nhất tâm xưng danh, tu nhất tâm, phương pháp là xưng danh. Dùng phương pháp này, quyết định chẳng thay đổi. Giống như trong kinh Lăng Nghiêm, Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói: “Bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai” (Chẳng nhờ đến phương tiện [nào khác] mà tâm tự khai ngộ). “Tâm khai” là khai ngộ, đại triệt đại ngộ. Chẳng cần nhờ vào bất cứ phương thức nào để trợ giúp, chẳng cần phải tham cứu, cũng chẳng cần phải trì chú, chẳng cần thêm bất cứ pháp nào khác, cứ một câu danh hiệu niệm đến tột cùng. Nhất tâm xưng niệm, niệm đến nhất tâm, công phu thành tựu. Còn có một câu hết sức yếu khẩn nữa, niệm niệm phải cầu sanh về Tây Phương, “cầu nguyện vãng sanh”, vì sao? Vì mục đích của chúng ta là Vô Thượng Đạo. Đọc kinh Hoa Nghiêm, quý vị thấy: Tu bất cứ pháp môn nào cũng có thể đạt đến Chánh Đẳng Chánh Giác, nhưng để thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nhất định phải ở trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Điều này chỉ rõ: Cầu nguyện vãng sanh nhằm thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, ngàn vạn phần chớ nên coi thường! Quý vị đem kinh này và Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh hợp lại để xem thì quý vị mới thật sự hiểu rõ, thật sự giác ngộ, phát hiện bí quyết trong Phật môn, mà cũng có thể nói: Đây chính là bí mật trong Phật môn.
“Tất ư bảo sát” (ắt ở trong cõi báu): “Bảo sát” là Tây Phương Cực Lạc thế giới, “tốc chứng Vô Sanh” (mau chứng Vô Sanh): Vô Sanh là Vô Sanh Pháp Nhẫn. Mau chứng Vô Sanh là Lý nhất tâm bất loạn, sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm. “Trực nhập thánh giai” (vào thẳng địa vị thánh): “Thánh giai” là Thập Địa Bồ Tát. Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới bèn là bậc Địa Thượng Bồ Tát trong Viên Giáo. Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng gọi là Tam Hiền, “thánh giai” là Thập Địa. “Độ sanh diệc quảng”: Thành tựu của chính mình đã cao, mà hóa độ chúng sanh cũng hết sức rộng lớn.
“Sở vị tiên ngộ Tỳ Lô pháp giới” (Đó gọi là ngộ pháp giới Tỳ Lô trước): Tỳ Lô là Tỳ Lô Giá Na Phật. Pháp giới của Tỳ Lô Giá Na Phật (Tỳ Lô pháp giới) chính là bốn thứ vô ngại pháp giới như trong phần trên đã nói, kinh Hoa Nghiêm gọi [Tỳ Lô pháp giới] là Nhất Chân pháp giới hoặc “bất tư nghị giải thoát cảnh giới”. “Hậu tu Phổ Hiền Hạnh môn” (sau đấy tu Phổ Hiền Hạnh môn): Điều chủ yếu nhất trong Phổ Hiền Hạnh môn là Niệm Phật.
(Diễn) Thiết sử bất minh tánh thể, võng ý tạo tu, túng đắc vãng sanh, chỉ thành mạt phẩm, tiên minh tự tánh ý tại tư hồ.
(演) 設使不明性體,罔意造脩,縱得往生,祇成末品。先明自性意在斯乎。
(Diễn: Nếu chẳng hiểu tánh thể, cứ tu bừa đi, dẫu có được vãng sanh thì chỉ đạt được phẩm cuối cùng, [sách Sớ Sao] trước hết giảng rõ tự tánh là do ý này).
Nếu chẳng hiểu rõ căn cứ lý luận tu học, “võng ý tạo tu” là tu mù, luyện đui, đối với đạo lý chẳng biết gì hết. Nay đã hết giờ rồi!