A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
QUYỂN 4 – Tập 91-97
Liên Trì đại sư chùa Vân Thê soạn sớ sao
Pháp sư Cổ Đức diễn nghĩa
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Minh Tiến – Huệ Trang – Đức Phong
— o0o —
Tập 91 (疏)
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm sáu mươi mốt.
(Sớ) Nạn thoát giả, Nguyên mạt, Trương Sĩ Thành công Hồ Châu, Giang Chiết thừa tướng dữ chiến, cầm tứ thập nhân, tù hạm tống lục, dạ túc Tây Hồ Điểu Khòa Tự. Đại Du Mưu thiền sư, từ bộ lang hạ, tù kiến Sư thần quán nhàn nhã, trì tụng bất chuyết, nhân cầu cứu bạt. Sư giáo linh chí tâm niệm Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn A Di Đà Phật, trung hữu tam nhân tín thọ kỳ ngữ, niệm bất tuyệt khẩu. Thiên hiểu phát tù, dịch già tỏa, chí tam nhân, hình cụ bất túc, duy hệ dĩ thằng, ký nhi thẩm cúc, tri lương dân bị lỗ giả, toại đắc thích.
(疏) 難脫者 ,元末張士誠攻湖州 ,江浙丞相與戰,擒四十人,囚檻送戮,夜宿西湖鳥窠寺。大猷謀禪師,徐步廊下,囚見師神觀閒雅,持誦不輟,因求救拔。師教令至心念南無救苦救難阿彌陀佛,中有三人信受其語,念不絕口。天曉發囚,易枷鎖,至三人,刑具不足,惟繫以繩,既而審鞫,知良民被虜者,遂得釋。
(Sớ: Thoát nạn: Cuối đời Nguyên, Trương Sĩ Thành tấn công Hồ Châu, Thừa Tướng đánh nhau với hắn tại miền Giang Chiết, bắt được bốn mươi người, giam vào tù xa, đưa đi hành hình. Đến đêm, [xe tù] nghỉ tại chùa Điểu Khòa ở Tây Hồ. Thiền sư Đại Du Mưu đi thong dong trên hành lang, tù nhân thấy Sư dáng vẻ nhàn nhã, trì tụng không ngớt; do vậy, bèn cầu Sư cứu giúp. Sư dạy họ hãy chí tâm niệm Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn A Di Đà Phật, trong số ấy có ba người tin nhận lời Ngài, niệm không ngớt tiếng. Tới sáng, giải tù nhân đi, thay gông xiềng, tới ba người ấy, không đủ gông cùm, chỉ trói bằng thừng. Thẩm vấn cặn kẽ, biết họ là lương dân bị bắt, họ bèn được thả).
Đây là nói tới điều cảm ứng cuối cùng, tức “phu tù thoát nạn” (bị giam cầm được thoát nạn). Khi gặp phải tai nạn, niệm Phật, niệm Bồ Tát, cảm ứng rất nhiều. Chúng ta thấy điều này không chỉ được ghi chép trong nhiều bộ cảm ứng lục, mà trong bút ký của cổ nhân cũng thấy hết sức nhiều, như trong cuốn Duyệt Vy Thảo Đường Bút Ký của Kỷ Hiểu Lam cũng ghi chép không ít. Ở đây cũng là nêu đại lược một điều, tức là một chuyện vào đời Nguyên. Khi ấy, Trương Sĩ Thành[1] cát cứ một phương, về sau bị Châu Nguyên Chương tiêu diệt, lúc ấy, thế lực của hắn khá lớn. Hồ Châu thuộc tỉnh Giang Tô. Trong chiến tranh loạn lạc, chẳng ít dân lành bị bắt làm tù binh. Có kẻ làm loạn, mà cũng có dân lành lẫn lộn trong các tù binh, mỗi người nghiệp lực khác nhau. Do những tù binh ấy bị nhốt trong phòng trống của nhà chùa, nên có thể gặp pháp sư, đấy là cộng nghiệp của chúng sanh. Những kẻ ngộ nạn ấy cầu pháp sư giúp đỡ, pháp sư có thể giúp đỡ bằng cách khuyên họ niệm Phật. Thông thường chúng ta gặp tai nạn đều niệm “Nam-mô đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát”, ở đây là Cứu Khổ Cứu Nạn A Di Đà Phật, tôi tin bản thân thiền sư Đại Du Mưu nhất định là một người niệm Phật tu Tịnh Độ. Nếu không, Sư chẳng dạy họ niệm A Di Đà Phật.
Do vậy biết: Trong khi chúng ta gặp tai nạn, có cần phải niệm Quán Âm Bồ Tát hay không? Bị bệnh, có cần phải niệm Dược Sư Phật hay chăng? [Nếu gặp tai nạn bèn niệm Quán Âm Bồ Tát, bị bệnh niệm Dược Sư Phật] thì dường như mỗi vị Phật hay Bồ Tát cai quản một chuyện [nhất định]! Từ chỗ này, chúng ta hiểu: Bình thường chúng ta tu pháp môn này, niệm A Di Đà Phật, A Di Đà Phật là Bổn Tôn của chúng ta, gặp tai nạn cũng vậy, mà bị bệnh tật cũng thế, thảy đều niệm A Di Đà Phật, chắc chắn hữu hiệu! Hiệu quả do đâu mà có? Trong các buổi giảng, chúng tôi thường nói: “Chí thành cảm thông”. Người bình thường cầu Phật, cầu Bồ Tát chẳng hiệu quả, vì tâm họ chẳng chân thành. Vì sao biết tâm họ chẳng chân thành? Họ cầu rất nhiều Phật, Bồ Tát, tâm họ sẽ chẳng chân thành. Nếu tâm chân thành, chỉ cầu một vị Phật hay Bồ Tát mà quý vị thường chuyên niệm, đến lúc ấy, nhất định có linh nghiệm. Chúng ta niệm đoạn này, phải hiểu rõ đạo lý này. Tục ngữ có câu: “Thành tắc linh” (thành kính ắt linh thiêng), chẳng thành kính sẽ không linh; niệm chú, vẽ bùa đều chẳng ra ngoài lệ này! Niệm chú, vẽ bùa bằng lòng Thành đều linh, huống hồ chúng ta niệm danh hiệu Phật, Bồ Tát? Chẳng còn nghi hoặc gì nữa!
Học Phật, dẫu là nghiên cứu kinh giáo, cũng phải một môn thâm nhập. Học nhiều, tinh thần lẫn sức lực của chúng ta bị phân tán, muốn đạt thành tựu rất khó! Từ xưa tới nay, hễ học phải “chuyên công” (chuyên dốc công sức nơi một bộ kinh); thí dụ như chúng ta dùng thời gian mười năm để chuyên môn học bộ kinh Di Đà này, “chuyên công” nơi một bộ kinh Di Đà này, mười năm không ngừng đọc tụng, diễn giảng, nghiên cứu, thảo luận, sau mười năm ấy, quý vị sẽ là chuyên gia kinh A Di Đà, chẳng có ai sánh bằng quý vị, vì sao? Quý vị có hạ thủ mười năm công phu [nghiên cứu, học tập] bộ kinh này. Một kẻ khác, trong mười năm nghiên cứu mười bộ kinh, thoạt nhìn chẳng ít, rất nhiều! Mỗi năm nghiên cứu một bộ, đối với mỗi bộ kinh, người ấy đều liễu giải ngoài da, thiếu chiều sâu! Nếu mười năm nghiên cứu hai mươi bộ, ba mươi bộ, càng chẳng cần phải nói nữa! Tôi nghĩ mọi người đều có thể hiểu rõ đạo lý này, quý vị hãy suy nghĩ kỹ lưỡng: Chúng ta phải nên dùng thái độ gì để học Phật?
Xưa nay, các vị đại đức có thành tựu đều là suốt đời đổ công sức nơi một bộ. Thời cổ, như ngài Thanh Lương suốt đời dốc hết công phu nơi kinh Hoa Nghiêm, Ngài giảng kinh Hoa Nghiêm năm mươi lần. Trí Giả đại sư chuyên dốc công sức nơi Pháp Hoa. Vào đời Đường, Nam Sơn Luật Tổ là ngài Đạo Tuyên Luật Sư ở núi Chung Nam chuyên dốc công sức nơi Tứ Phần Giới Luật. Tứ Phần Luật[2] là một bộ sách rất lớn. Ngài nghe giảng hơn hai mươi lần, người ta có tinh thần như vậy. Nơi nào giảng Tứ Phần Luật, Ngài tìm đến đó chỉ để nghe kinh, kinh giảng xong Ngài mới rời đi. Cận đại, pháp sư Viên Anh chuyên dốc sức nơi kinh Lăng Nghiêm, từ năm hai mươi lăm tuổi Ngài đã dốc sức nơi kinh Lăng Nghiêm mãi cho đến năm bảy mươi mấy tuổi mới hoàn thành bộ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa. Do công sức cả đời, Ngài mới có thành tựu to lớn ngần ấy. Cư sĩ Giang Vị Nông suốt đời chuyên dồn sức nơi kinh Kim Cang, bốn mươi năm dốc công phu nơi kinh Kim Cang, từ xưa tới nay chẳng ai giảng kinh Kim Cang hay hơn ông ta được. Một bộ Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của ông ta là bản chú giải kinh Kim Cang có uy tín nhất, người ta dụng công sâu dầy, bốn mươi năm mà! Đối với một bộ Tâm Kinh, Tâm Kinh gồm hai trăm sáu mươi chữ, cư sĩ Châu Chỉ Am[3] cũng dùng bốn mươi năm công phu, viết thành tác phẩm Tâm Kinh Thuyên Chú. Đây là chú giải Tâm Kinh đầy uy tín, từ xưa đến nay không có một ai có thể vượt trội ông ta được! Do vậy, bất luận là giải môn hay hành môn đều phải chuyên công thì mới có thể thu được hiệu quả chẳng thể nghĩ bàn!
Ở đây nói tới niệm Phật, trong số tù nhân có ba người oan uổng, họ là lương dân, họ tin tưởng; còn kẻ làm ác chẳng tin. Nếu chúng ta hỏi: Giả sử bọn họ tin tưởng, có được cứu hay chăng? Họ tin tưởng, chắc chắn được cứu. Đoạn kế tiếp sẽ nói về kẻ ác đắc độ. Những kẻ ấy đều có thể vãng sanh, đều được cứu vớt, tôi nghĩ trong một đời này, chắc chắn, chúng ta [vãng sanh] chẳng có vấn đề gì!
(Huyền Nghĩa) Hựu phục ác nhân tắc Thiện Hòa thập niệm, địa ngục hiện nhi hóa Phật không nghênh. Súc sanh tắc cù dục xưng danh, hình hài yểm nhi liên hoa địa phát. Hà huống thân vô trọng thắc, báo tại tối linh, tín nguyện huân tu, ninh thành hư khí?
(玄義)又復惡人則善和十念,地獄現而化佛空迎。畜生則鴝鵒稱名,形骸掩而蓮華地發。何況身無重慝,報在最靈,信願熏修,寧成虛棄。
(Huyền Nghĩa: Lại nữa, kẻ ác như Thiện Hòa mười niệm, tướng địa ngục hiện mà hóa Phật đón rước trên không. Súc sanh như con yểng xưng danh, xác đã vùi mà đất trổ hoa sen. Huống chi con người là hạng tối linh, thân không vướng tội ác nặng nề, tín nguyện huân tu, há thành luống uổng?)
Chúng ta xem lời chú giải.
(Sớ) Ác nhân giả.
(疏) 惡人者。
(Sớ: Kẻ ác).
Đây là một câu chuyện rất nổi tiếng, ai nấy đều hay biết.
(Sớ) Đường Trương Thiện Hòa, đồ ngưu vi nghiệp.
(疏) 唐張善和,屠牛為業。
(Sớ: Đời Đường, Trương Thiện Hòa làm nghề mổ trâu).
Vào đời Đường, ông Trương Thiện Hòa làm đồ tể, giết trâu, cả đời đã mổ trâu, bán thịt trâu chẳng biết đến bao nhiêu!
(Sớ) Lâm chung, kiến quần ngưu sách mạng, ư thị đại bố.
(疏) 臨終,見群牛索命,於是大怖。
(Sớ: Lâm chung, thấy lũ trâu đến đòi mạng; do vậy, hết sức kinh hoảng).
Khi lâm chung, ông ta thấy nhiều kẻ đầu trâu đến đòi mạng. Khi ấy, ông ta sợ hãi, biết nhân quả báo ứng chẳng sai mảy may!
(Sớ) Hoán kỳ thê vân: “Tốc diên Tăng vị ngã niệm Phật”.
(疏) 喚其妻云:速延僧為我念佛。
(Sớ: Gọi vợ: “Mau thỉnh Tăng niệm Phật cho ta”).
Ông ta bảo vợ thỉnh người xuất gia mau đến siêu độ ông ta. Theo như Vãng Sanh Truyện ghi chép, khi ông ta gào to “cứu mạng”, gặp duyên tốt đẹp, nhân duyên thù thắng, khéo sao có một vị xuất gia hóa duyên đi qua cửa, nghe tiếng ông ta kêu, hỏi: “Chuyện gì?” Vợ ông ta thỉnh vị xuất gia ấy vào trong nhà. Ông ta cho biết nhiều kẻ đầu trâu tới đòi mạng!
(Sớ) Dụ vân: “Kinh trung thuyết lâm chung ác tướng hiện giả, chí tâm niệm Phật, tức đắc vãng sanh”.
(疏) 諭云:經中說臨終惡相現者,至心念佛,即得往生。
(Sớ: Vị Tăng khuyên nhủ: “Kinh dạy khi lâm chung tướng ác hiện ra, hãy chí tâm niệm Phật liền được vãng sanh”).
Vị xuất gia ấy bảo ông ta: Theo như Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh đã dạy, Ngũ Nghịch, Thập Ác là tội nghiệp to lớn, nặng nề, khi lâm chung niệm Phật cũng có thể vãng sanh.
(Sớ) Hòa vân: “Địa ngục chí”.
(疏) 和云:地獄至。
(Sớ: Thiện Hòa nói: “Tướng địa ngục hiện ra rồi”).
Trương Thiện Hòa kêu to: “Tướng địa ngục hiện tiền”. Nói cách khác, ngay lập tức ông ta phải đọa địa ngục .
(Sớ) Cấp thủ hương lô lai, tức dĩ hữu thủ kình hỏa, tả thủ niêm hương, diện Tây chuyên thiết niệm Phật, vị mãn thập thanh, tự ngôn “Phật lai nghênh ngã”, tức hóa khứ.
(疏) 急取香鑪來,即以右手擎火,左手拈香,面西專切念佛,未滿十聲,自言佛來迎我,即化去。
(Sớ: Vội cầm lấy lò hương, liền dùng tay phải giữ lửa, tay trái cầm hương, mặt hướng về phương Tây, chuyên nhất, thiết tha niệm Phật, chưa đầy mười tiếng, tự nói: “Phật đến đón ta”, liền mất).
Ngay lập tức cầm lấy lò hương, nắm trên tay một vốc hương, lớn tiếng niệm A Di Đà Phật. Chưa đầy mười tiếng, ông ta nói: “Chẳng thấy người đầu trâu nữa! Phật đến rồi!” Ông ta theo Phật ra đi. Đây là một ví dụ hết sức tốt đẹp, đấy là kẻ làm ác lâm chung niệm Phật vãng sanh; nhưng phải nói rõ chuyện này cùng quý vị, quý vị từng thấy có mấy ai khi lâm chung sáng suốt, tỉnh táo như thế hay chăng? Đây là điều kiện tiên quyết. Nếu khi lâm chung, chẳng nhận biết một ai, sẽ chẳng thể cứu được!
Trương Thiện Hòa có đại phước báo, phước báo ấy đã tu trong đời trước. Tu trong đời trước là như kinh Di Đà đã dạy: “Lâm mạng chung thời, tâm bất điên đảo” (lúc lâm chung, tâm không điên đảo). Do vậy, kinh Di Đà dạy chúng ta hai chuyện. Thứ nhất là “nhất tâm bất loạn”, đó là quyết định thành tựu. Chỉ cần đắc nhất tâm bất loạn, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thích đi lúc nào bèn đi lúc ấy, muốn ở lại thế giới này thêm mấy năm bèn ở thêm mấy năm, chắc chắn chẳng trở ngại, đến đi tự do, đó là đắc nhất tâm bất loạn. Chưa đắc nhất tâm bất loạn thì điều kiện quan trọng nhất là “tâm bất điên đảo”. Khi quý vị sắp mất, phải tỉnh táo, sáng suốt, như vậy thì mới nắm chắc vãng sanh. Nếu lâm chung đau khổ, hoặc hôn mê, bất tỉnh, như vậy thì chẳng có cách nào cả, thậm chí trợ niệm cũng chẳng có cách nào! Do vậy, con người trong một đời phải nên tu phước, chớ nên hưởng phước, chớ nên hưởng sạch một chút phước báo ấy, hưởng hết thì khi lâm chung sẽ chẳng có phước!
Trong quá khứ, tôi đã thấy không ít kẻ phú quý, tuổi trẻ đắc chí, trung niên đắc chí, tha hồ hưởng thụ, gọi một tiếng, trăm kẻ thưa, đến tuổi xế bóng suy sụp, ngay cả một kẻ hầu hạ, chăm sóc cũng chẳng có! Giặt áo, nấu cơm đều phải tự mình làm lấy, đáng thương vô cùng! Khi người ấy đắc chí, trong nhà kẻ hầu mười mấy, hai mươi người, vẫn sợ hầu hạ chẳng trọn vẹn; lúc tuổi xế chiều, chuyện gì tự mình cũng đều phải làm, ra phố mua thức ăn cũng tự mình xách giỏ lê bước. Tôi đã thấy rất nhiều, hưởng hết phước rồi! Tình hình lúc người ấy chết [như thế nào] có thể suy ra được, lẽ nào có thể tỉnh táo, sáng suốt được? Chẳng thể nào!
Do vậy, nhất định phải biết tu phước, mong sao khi lâm chung tỉnh táo, sáng suốt, chúng ta niệm Phật chắc chắn có thể vãng sanh. Đới nghiệp vãng sanh phải cậy vào sát-na lâm chung ấy! Như Trương Thiện Hòa tỉnh táo dường ấy là do thiện căn tu hành trong nhiều đời nhiều kiếp, khi đó, [thiện căn ấy] bèn hiện tiền. Suốt đời chẳng nghe Phật pháp, lâm chung được nghe, chịu tin tưởng, chịu chuyên tâm niệm; do vậy, lúc lâm chung mười niệm hay một niệm cũng có thể vãng sanh, đấy là Hạ Phẩm Hạ Sanh trong Quán Kinh. Ngàn vạn phần phải ghi nhớ, quyết chẳng thể mang tâm lý cầu may. Đọc câu chuyện này, [bèn lầm tưởng] chẳng có gì phải gấp rút! Cả đời này tạo ác thêm một chút, chẳng sao cả! Lâm chung vẫn còn kịp. Nếu quý vị suy tưởng như vậy, lầm lẫn quá đỗi! Khi quý vị lâm chung, có thể bảo đảm tỉnh táo, sáng suốt như ông Trương Thiện Hòa hay chăng? Có bảo đảm khi ấy sẽ có thiện tri thức tới giúp đỡ quý vị hay không? Do vậy, chớ nên mang tâm lý cầu may! Phải sốt sắng niệm Phật. Nhất là trong thời đại hiện đại này, tai nạn bất ngờ rất nhiều, bản thân chúng ta có đảm bảo cả đời chẳng gặp phải hay chăng? Tai nạn đột nhiên xảy đến, làm thế nào đây? Do vậy, bình thường phải nghiêm túc nỗ lực niệm Phật, niệm Phật có thể tiêu tai miễn nạn. Dẫu đại kiếp nạn xảy đến, cũng có thể tỉnh táo, sáng suốt niệm Phật vãng sanh, đấy là công đức lợi ích chẳng thể nghĩ bàn.
(Sớ) Súc sanh giả.
(疏) 畜生者。
(Sớ: Súc sanh).
Đoạn này nói về súc sanh niệm Phật vãng sanh. Chuyện này rất kỳ quái, nhưng cũng không ít, cổ nhân đã viết một quyển sách có tựa đề Vật Do Như Thử (loài vật mà còn như thế) chuyên môn ghi chép chuyện súc sanh vãng sanh tại Trung Quốc trong các thời đại.
(Sớ) Tống Hoàng Nham Chánh Đẳng Tự, Quán Công, súc cù dục.
(疏) 宋黃巖正等寺,觀公,畜鴝鵒。
(Sớ: Đời Tống, Quán Công thuộc chùa Chánh Đẳng xứ Hoàng Nham nuôi một con yểng).
Chùa tên là Chánh Đẳng. Pháp danh của vị xuất gia này chẳng ghi chép trọn vẹn, tôn xưng Ngài bằng một chữ[4] là Quán Công. Sư nuôi một con “cù dục” (con yểng), chúng ta thường gọi nó là “bát ca” (八哥). Bát ca có thể nói được.
(Sớ) Thường niệm Phật bất tuyệt.
(疏) 常念佛不絕。
(Sớ: Thường niệm Phật chẳng dứt).
Trong chùa, mọi người dạy nó niệm Phật, nó cũng biết niệm Phật.
(Sớ) Nhất nhật lập hóa lung thượng, Quán táng chi.
(疏) 一日立化籠上,觀葬之。
(Sớ: Một hôm, nó đứng chết trong lồng, Quán Công đem chôn).
Có một hôm nó vãng sanh, đứng chết trong lồng, pháp sư đem nó đi chôn.
(Sớ) Dĩ nhi thổ thượng xuất tử liên hoa nhất đóa.
(疏) 已而土上出紫蓮華一朵。
(Sớ: Nhưng trên mặt đất trổ một đóa sen tím).
Chôn dưới đất, chưa được mấy hôm, trên cuộc đất ấy mọc lên một đóa hoa sen màu tím. Pháp sư nghĩ đấy là tướng lành rất tốt đẹp, muốn biết đóa sen ấy có phải từ thân con yểng mọc ra hay chăng, liền bới đất xem thử.
(Sớ) Tầm thổ trung, tắc hoa tùng thiệt đoan nhi phát.
(疏) 尋土中,則華從舌端而發。
(Sớ: Tìm trong đất thì ra hoa mọc từ lưỡi con chim).
Quả nhiên đúng như vậy, hoa sen ấy mọc từ lưỡi của con chim bé ấy.
(Sớ) Linh Chi Chiếu Luật Sư, vị chi tán, hữu “lập vong lung bế hồn nhàn sự, hóa tử liên hoa dã thái kỳ” chi cú.
(疏) 靈芝照律師,為之讚,有「立亡籠閉渾閒事,化紫蓮華也太奇」之句。
(Sớ: Ngài Linh Chi Chiếu luật sư soạn bài tán, trong ấy có câu: “Đứng chết trong lồng nào hiếm lạ, hóa sanh sen tím thật hy kỳ”).
Đây là một vị xuất gia sống vào đời Tống chuyên môn nghiên cứu giới luật, trong Luật Tông gọi Ngài là Linh Chi Luật Tổ[5]. Ngài thấy chuyện này, bèn đặc biệt viết một bài văn để tán thán. Súc sanh đạo vãng sanh là chuyện bình thường, từng nghe nói rất nhiều, chẳng hiếm lạ! Cuống lưỡi biến thành hoa sen tím, chuyện này rất hiếm lạ. Đây là nói về thời xưa.
Trong cuốn băng thâu âm lời khai thị trong Phật Thất, pháp sư Đàm Hư có kể nhiều chuyện vãng sanh hiện thời. Ngài có nhắc tới chuyện một con gà trống vãng sanh. Khi pháp sư Đế Nhàn làm phương trượng chùa Đầu Đà, trong chùa có nuôi một con gà trống. Con gà trống ấy mỗi ngày đều theo đại chúng tụng kinh sớm tối, nó cũng theo đại chúng đến trai đường. Mọi người ăn cơm, cơm, rau rơi xuống đất nó đều nhặt ăn hết, ăn sạch sành sanh. Có một hôm lên tụng kinh, sau khi tụng kinh xong, mọi người đều rời khỏi, con gà trống ấy không đi. Thầy Hương Đăng xua nó đi: “Mọi người đi hết rồi, ta phải đóng cửa, ngươi hãy mau đi ra”. Con gà trống to ấy không đoái hoài tới thầy ấy, đi tới giữa đại điện, đứng ở đấy, nghển cổ nhìn tượng Phật, kêu ba tiếng, rồi đứng chết ngay ở đó. Pháp sư Đế Nhàn chiếu theo lễ tiết dành cho người xuất gia hỏa táng nó. Đây là chuyện súc sanh vãng sanh mà lão pháp sư Đàm Hư đích thân chứng kiến. Con người nếu chẳng khéo niệm Phật sẽ thua cả súc sanh! Công đức lợi ích vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới nói bất tận, quý vị hãy khéo nghe lời khai thị của Đàm lão pháp sư.
(Sớ) Như thượng trì danh sở cử, tự phi quang xuất Phật chí thử.
(疏) 如上持名所舉,自飛光出佛至此。
(Sớ: Những điều cảm ứng do trì danh như vừa nêu trên đây, từ phóng ra quang minh hiện hình tướng Phật cho đến chỗ này).
Thiện Đạo đại sư niệm Phật một tiếng, trong miệng tỏa ra một tia sáng, chuyện này đã được nhắc tới trong phần trước, cho đến tận chỗ này, hết thảy đều là nói về chuyện cảm ứng.
(Sớ) Diệc thiên vạn trung kỷ nhất nhi dĩ.
(疏) 亦千萬中紀一而已。
(Sớ: Cũng chỉ là ghi chép một phần trong ngàn vạn phần đó thôi).
Ngàn vạn người và động vật vãng sanh, nêu đại lược một hai trường hợp để chứng minh mà thôi!
(Sớ) Thắc giả, ác chi nặc ư tâm giả dã.
(疏) 慝者,惡之匿於心者也。
(Sớ: “Thắc” là trong tâm ẩn giấu điều ác).
Trong tâm có sự đại ác; tham, sân, si, mạn đều là đại ác.
(Sớ) Tối linh giả, nhân vi vạn vật chi linh dã. Mạt phục kết ngôn, ác nhân niệm Phật, thượng đắc vãng sanh, hà huống ác vị tất như Thiện Hòa.
(疏) 最靈者,人為萬物之靈也。末復結言,惡人念佛,尚得往生,何況惡未必如善和。
(Sớ: “Tối linh”: Con người linh thông nhất trong muôn loài. Cuối cùng, lại kết luận rằng: Kẻ ác niệm Phật còn được vãng sanh, huống hồ kẻ chưa chắc đã ác như Thiện Hòa).
Chưa tạo tội nghiệp nặng nề như ông Trương Thiện Hòa.
(Sớ) Súc sanh niệm Phật, thượng đắc vãng sanh, hà huống linh nhi hiệu vi nhân loại. Dĩ thử tỷ huống, tri tất sanh dã.
(疏) 畜生念佛,尚得往生,何況靈而號為人類。以此比況,知必生也。
(Sớ: Súc sanh niệm Phật còn được vãng sanh, huống hồ loài người được gọi là “tối linh”. Dùng điều này để so sánh, liền biết [người chân thật niệm Phật] ắt được vãng sanh).
Chúng ta nhìn vào những sự tích này hãy nên giác ngộ. Trừ phi bản thân chúng ta chẳng chịu phát tâm, chứ chịu phát tâm niệm Phật, đời này, chúng ta nhất định vãng sanh, đây là chuyện thiên chân vạn xác (ngàn vạn phần xác đáng). Các vị đồng học có rất nhiều người mới vừa học Phật, [thấy] tông phái Phật pháp nhiều, pháp môn nhiều, kinh điển nhiều, khởi sự tu tập từ chỗ nào? Chẳng thể không lưu ý điều này. Nếu vừa bắt đầu tu tập bèn tìm được đúng cửa nẻo, quý vị sẽ thành tựu nhanh chóng. Thành tựu không chỉ nhanh mà còn cao. Tìm trật cửa nẻo, chắc là suốt cả đời này vẫn chẳng thể thành tựu, đi theo khá nhiều con đường oan uổng. Đây là điều phải lưu ý lúc khởi đầu. Trong tất cả các pháp môn, thành tựu trong một đời, ai nấy đều có thể thành tựu, không gì hơn pháp môn Niệm Phật.
Kinh Di Đà tuy đơn giản, kinh văn chẳng dài, nhưng từng câu từng chữ chứa đựng vô lượng nghĩa. Chúng ta đọc bản chú giải này, quý vị cầm trên tay một cuốn sách chú giải kinh Di Đà to như thế, trong đó, chúng tôi chọn lựa ba tác phẩm chú giải. Bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư bác đại tinh thâm, gồm có bốn quyển, hôm nay chúng ta giảng đến đây là quyển thứ nhất. Giảng chưa xong quyển thứ nhất mà đã mất chín mươi mốt buổi giảng rồi. Lần này là lần thứ ba chúng tôi giảng Sớ Sao, lần thứ hai chúng tôi có giữ lại băng thâu âm, mỗi băng dài chín mươi phút, một bộ kinh A Di Đà là ba trăm ba mươi lăm băng. Do vậy, mọi người ngàn vạn phần đừng xem rẻ kinh Di Đà, chớ nên nghĩ pháp môn này đơn giản!
Trong quá khứ, thầy Lý giảng một bộ kinh Lăng Nghiêm ở Đài Trung, giảng xong từ đầu tới cuối cũng chẳng hơn một trăm ba mươi sáu giờ. Chúng tôi giảng Di Đà Kinh Sớ Sao một lượt đã giảng hơn năm trăm giờ, đó là lần giảng thứ hai. Giảng lần này tỉ mỉ hơn lần trước, tốn thời gian càng nhiều hơn! Do vậy, khinh dễ pháp môn Niệm Phật tức là thiếu phước báo; chọn lựa pháp môn này tức là quý vị thiện căn, phước đức, nhân duyên sâu dầy.
Bản thân tôi học Phật hơn ba mươi năm, trong quá khứ chẳng hiểu, mò mẫm khắp nơi, cũng mò mẫm khá nhiều kinh luận, tới cuối cùng mới biết pháp môn Niệm Phật tốt đẹp. Trong đạo tràng giảng kinh, tôi chỉ giảng hai bộ kinh là kinh Di Đà và Tứ Thập Hoa Nghiêm. Lần này vì các đồng học giảng Tứ Thập Nhị Chương Kinh, nhằm giúp đỡ những vị học giảng kinh, mong mỏi quý vị sẽ nhờ vào Tứ Thập Nhị Chương Kinh mà dấy lên hứng thú học Phật. Nếu thật sự học Phật, nhất định phải niệm kinh Di Đà, nhất định phải tu pháp môn Niệm Phật.
(Sớ) Tín nguyện huân tu, sở tác đường quyên, vô hữu thị xứ.
(疏) 信願熏修,所作唐捐,無有是處。
(Sớ: “Tín nguyện huân tu”: Tu tập pháp môn này mà phí uổng là chuyện chẳng bao giờ có).
“Đường quyên” có nghĩa là uổng phí. Chỉ cần quý vị tin tưởng, phát nguyện, sốt sắng niệm Phật, niệm Phật gọi là “huân tu”, ngày đêm chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp, chẳng hoài nghi, cứ một mực niệm, đó gọi là “huân tu”. Nếu nói quý vị làm chuyện này vô ích thì chẳng có lẽ ấy! Chắc chắn là đạt được công đức lợi ích thù thắng!
Ngũ, kết khuyến.
(Huyền Nghĩa) Thị dĩ nhất âm thỉ xướng, thiên Phật đồng canh. Tam học cao tăng, cửu lưu danh đức, nhược u, nhược hiển, nhược thánh, nhược phàm, như vạn thủy vô bất triều Đông, tự quần tinh tất giai củng Bắc, phương chi tiệp kính, hiệu viết Phổ Môn, khởi hư ngữ tai! Quyết chí cầu sanh, vô dung nghĩ nghị giả hĩ.
五,結勸。
(玄義)是以一音始唱,千佛同賡。三學高僧,九流名德,若幽若顯,若聖若凡,如萬水無不朝東,似群星悉皆拱北,方之捷徑,號曰普門,豈虛語哉。決志求生,無容擬議者矣。
(Năm là kết luận, khuyên lơn.
Huyền Nghĩa: Do vậy, một tiếng vừa đề xướng, ngàn vị Phật cùng tiếp lời. Bậc cao tăng Tam Học, các vị danh đức trong cửu lưu, dù u hay hiển, dù thánh hay phàm, như muôn dòng nước, không dòng nào chẳng xuôi về Đông, dường các ngôi sao đều chầu về phương Bắc, đấy mới là đường tắt, được gọi là Phổ Môn, há phải lời lẽ rỗng tuếch ư? Hãy quyết chí cầu được vãng sanh, chớ nên băn khoăn, bàn định chi nữa!)
“Canh” (賡) là tiếp tục. Qua mấy câu này, Liên Trì đại sư đã tận tình khuyên bảo, khích lệ chúng ta hãy chọn lựa pháp môn này, nghiêm túc tu học. Xin quý vị đọc lời chú giải:
(Sớ) Thử tổng kết Tịnh Độ pháp môn, nhất thiết chúng sanh sở quy y dã.
(疏) 此總結淨土法門,一切眾生所皈依也。
(Sớ: Đây là tổng kết pháp môn Tịnh Độ là pháp môn được hết thảy chúng sanh quy y).
Chữ “thử” chỉ ba dòng văn tự trước dòng này. Pháp môn này có thể nói là đã được đề xướng đầu tiên trong hội Hoa Nghiêm. Trong Phật giáo Trung Quốc, kinh Hoa Nghiêm được mọi người công nhận là “căn bản pháp luân”, [tức là] hết thảy các kinh đều là quyến thuộc của Hoa Nghiêm, mà cũng là cành nhánh của Hoa Nghiêm. Giống như một cái cây, Hoa Nghiêm là căn bản, hết thảy các kinh đều là cành nhánh sanh từ căn bản này, ta sẽ hiểu địa vị được chiếm lãnh bởi kinh Hoa Nghiêm trong Phật pháp. Trong kinh Hoa Nghiêm giảng tới hai ngàn pháp môn, bao gồm Hiển, Mật các tông. Kinh ấy to lớn, giảng rất chi tiết, giảng rất nhiều, nhưng cuối cùng kết quy nơi pháp môn Niệm Phật. Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát đều phát nguyện cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, Thiện Tài đồng tử cũng tu pháp môn Niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ. Trong năm mươi ba lần tham học, tuy tham phỏng khá nhiều các tông phái và pháp môn bất đồng, sau khi tiếp xúc với họ, Thiện Tài đồng tử vẫn như như bất động, vẫn là nhất tâm niệm Phật. Không chỉ tới cuối cùng, Văn Thù, Phổ Hiền, Thiện Tài vãng sanh Tịnh Độ, mà Phổ Hiền Bồ Tát còn dùng “mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc”, khuyên tất cả các vị Bồ Tát trong hội Hoa Tạng thảy đều cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, hãy xem cảnh tượng ấy trang nghiêm tới bậc nào! Do vậy, chúng ta mới thật sự hiểu Tịnh Độ là chỗ quy y của toàn bộ Phật pháp. Chẳng niệm Phật, chẳng cầu sanh Tịnh Độ, quá đáng tiếc!
Trong lời mi chú[6] cho kinh Vô Lượng Thọ, thầy Lý đã phê mấy câu. Vì thầy thấy trong kinh có nói: Bồ Tát đã cúng dường bốn trăm ức trong đời quá khứ, con số ấy thật là phi phàm! Cúng dường bốn trăm ức Phật mà còn mê khi cách ấm, vẫn bị thoái chuyển, điều này đáng sợ quá! Tuy có cái nhân xa xôi, trong tương lai đương nhiên họ vẫn có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhưng nhiều kiếp dài lâu luân hồi trong lục đạo, chịu khổ rất oan uổng. Vì thế, cuối cùng, lão nhân gia nhận định: “Chẳng cầu đới nghiệp vãng sanh, chẳng ngu, ắt cuồng”, quý vị chẳng phải là kẻ ngu thì cũng là cuồng vọng! Lời này chẳng sai tí nào!
(Sớ) Xướng giả, đạo dã, canh giả, tục dã. Thỉ xướng giả, Thích Ca khai thị Tây Phương, chúng sanh thỉ tri Tịnh nghiệp, thị dẫn nhi đạo chi dã.
(疏) 唱者導也,賡者續也。始唱者,釋迦開示西方,眾生始知淨業,是引而導之也。
(Sớ: “Xướng” là hướng dẫn. “Canh” là tiếp nối. “Đề xướng đầu tiên”: Đức Thích Ca khai thị cõi Tây Phương, chúng sanh mới biết đến Tịnh nghiệp, đấy là hướng dẫn vậy).
Trong hội Hoa Nghiêm, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói đến Tây Phương Tịnh Độ; nhưng trong hội Di Đà, hội Vô Lượng Thọ, hội Quán Vô Lượng Thọ chuyên giảng Tây Phương Cực Lạc thế giới, chuyên giới thiệu Tây Phương Tịnh Độ. “Chúng sanh thỉ tri Tịnh nghiệp”: Chúng ta mới biết; nhưng [trong số các bộ] kinh Phật truyền đến Trung Quốc thì kinh Vô Lượng Thọ được truyền đến sớm nhất. Khi ngài An Thế Cao tới Trung Quốc, kinh Vô Lượng Thọ đã được truyền đến. Hơn nữa, ngài An Thế Cao còn dịch sang tiếng Hán, rất đáng tiếc là bản này đã thất truyền.
(Sớ) Đồng canh giả, lục phương tán thán. Tường như kinh văn trung thuyết, thị tục nhi hòa chi dã.
(疏) 同賡者,六方讚歎。詳如經文中說,是續而和之也。
(Sớ: “Đồng canh” (cùng tiếp nối) là sáu phương tán thán như trong kinh văn đã nói cặn kẽ, đó là nối tiếp phụ họa theo).
Thích Ca Mâu Ni Phật giảng Tây Phương Tịnh Độ, sáu phương Phật tán thán, khuyên chúng ta học tập.
(Sớ) Tam học giả vi Thiền, Giáo, Luật tam tông dã.
(疏) 三學者,謂禪教律三宗也。
(Sớ: “Tam học” là ba tông Thiền, Giáo, Luật).
“Tam Học” là Thiền, Giáo, Luật. Nói thật ra, ngoài Tịnh Độ Tông ra, [từ ngữ Tam Học] bao quát toàn bộ các tông phái, Thiên Thai, Hiền Thủ, Tam Luận, Duy Thức đều gộp trong một chữ Giáo.
(Sớ) Thiền, như Vĩnh Minh, dĩ Tông môn trụ thạch, nhi thượng thượng phẩm sanh.
(疏) 禪,如永明,以宗門柱石,而上上品生。
(Sớ: Thiền như ngài Vĩnh Minh là bậc thạch trụ trong nhà Thiền, mà thượng thượng phẩm vãng sanh).
Đây là nói tới Thiền Tông. Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ trước đó cũng học Thiền, là bậc đại triệt đại ngộ trong Thiền Tông, quay về niệm Phật, trở thành tổ sư đời thứ sáu của Tịnh Độ Tông. Theo truyền thuyết, Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư là A Di Đà Phật tái lai. Ngài có viết một bộ sách lớn là Tông Kính Lục một trăm quyển lưu truyền đời sau; ngoài ra, còn có Vạn Thiện Đồng Quy Tập. Theo truyện ký ghi chép, sau khi pháp sư vãng sanh, có một vị xuất gia đối trước tháp của Ngài lễ bái, đi nhiễu, suốt cả năm đều làm như vậy, chẳng chịu rời đi. Có người hỏi thầy ấy: “Vì sao thầy lễ tháp ở nơi này?” Nhà sư ấy cho biết đã từng chết một lần, gặp vua Diêm La, thấy trong đại diện của vua Diêm La treo một bức tượng vẽ. Trước khi vua Diêm La sắp thăng điện đều đến trước tượng lạy ba lạy. Sư bèn hỏi người bên cạnh: “Đấy là hình của ai vậy?” Người khác bảo: “Đó là Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư”. Nói chung, thọ mạng của Sư vẫn chưa hết, vua Diêm La cho trở về. Sau khi sống lại, Sư đi hỏi dò khắp nơi xem có ai là Vĩnh Minh Diên Thọ hay không? Nghe nói quả nhiên có một vị như vậy, Sư đối trước tháp của Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư hằng ngày lễ bái, đi nhiễu, bảo: “Vua Diêm La cung kính đại sư, [lẽ nào ta không cung kính]”. Hơn nữa, trong cõi Âm còn cho biết ngài Vĩnh Minh Diên Thọ thượng thượng phẩm vãng sanh. Thượng thượng phẩm là từ nơi ấy mà truyền ra, chứ trong truyện ký không nói!
(Sớ) Viên Chiếu dĩ độc bỉnh đơn truyền, nhi tiêu danh liên cảnh.
(疏) 圓照以獨秉單傳,而標名蓮境。
(Sớ: Ngài Viên Chiếu riêng giữ phép đơn truyền, mà tên ghi nơi cảnh sen).
Đời Tống, thiền sư Viên Chiếu sau khi đại triệt đại ngộ nơi Thiền Tông, quay về niệm Phật. “Tiêu danh liên cảnh”: Khi ấy, tại chùa Tư Phước có một vị xuất gia tới lễ dưới tòa của pháp sư Viên Chiếu. Sau khi lễ bái, còn bỏ tiền cúng dường. Pháp sư ấy là một vị đại pháp sư hết sức nổi tiếng, tư cách, địa vị đều cao hơn Chiếu pháp sư (ngài Viên Chiếu). Do vậy, mọi người cảm thấy lạ lùng, hỏi: “Vì sao Ngài đến lễ Sư? Lại còn cúng dường Sư nữa?” Vị ấy cho biết: Trong Thiền Định, ông ta thấy thế giới Tây Phương. Trên hoa sen trong thế giới Tây Phương có khắc tên họ pháp sư Viên Chiếu. Vì thế, ông ta biết Sư trong tương lai quyết định vãng sanh, nên đặc biệt đến lễ dưới tòa, cúng dường.
(Sớ) Giáo như Tăng Duệ hoằng phụ Thập sư, nhi liên hoa xuất tháp.
(疏) 教,如僧叡弘輔什師,而蓮華出榻。
(Sớ: Giáo thì như ngài Tăng Duệ giúp ngài La Thập hoằng truyền, giường nẩy hoa sen).
Đây là nói về Giáo Hạ. Tăng Duệ là một người lỗi lạc, Ngài là một trong bốn đại đệ tử của Cưu Ma La Thập đại sư[7]. Khi ấy, Ngài giúp Cưu Ma La Thập đại sư dịch kinh, học vấn, đạo đức vô cùng tốt đẹp. Sau khi pháp sư La Thập vãng sanh, ngài Tăng Duệ sang Lô Sơn theo Huệ Viễn đại sư niệm Phật. Ngài cũng biết trước lúc mất, khi mất báo trước với mọi người khi nào Ngài sẽ ra đi. Ngài hướng về Tây, chắp tay mà tịch. Mọi người thấy trước cái giường Ngài đang ngồi có một đóa sen vàng, chợt ẩn, chợt hiện, lại còn có mây mù ngũ sắc từ phòng Ngài chầm chậm trôi ra. Đấy là tướng lành vãng sanh.
(Sớ) Tứ Minh trung hưng Thai giáo, nhi Tây hướng tọa vong.
(疏) 四明中興台教,而西向坐亡。
(Sớ: Ngài Tứ Minh trung hưng giáo nghĩa Thiên Thai, ngồi hướng mặt về Tây mà tịch).
Tứ Minh tôn giả chú sớ rất nhiều, là bậc đại sư trung hưng tông Thiên Thai. Lúc lâm chung, Ngài cũng niệm Phật, mặt hướng về phía Tây ngồi mất, chẳng đau khổ, biết trước lúc mất.
(Sớ) Luật như Linh Chi, sanh hoằng Tỳ Ni, nhi tử sanh An Dưỡng.
(疏) 律,如靈芝,生弘毗尼,而死生安養。
(Sớ: Luật như Linh Chi, sống hoằng dương Luật Tạng, thác sanh An Dưỡng).
Đây là người học giới luật. Linh Chi Luật Sư suốt đời hoằng dương giới luật, nhưng chính mình niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ.
(Sớ) Thanh Chiếu đại xiển Luật học, nhi thuyết kệ Tây quy.
(疏) 清照大闡律學,而說偈西歸。
(Sớ: Ngài Thanh Chiếu xiển dương Luật học rộng lớn, nói kệ về Tây).
Đời Tống, Thanh Chiếu Luật Sư là học trò của Linh Chi Luật Sư.
Tuy Ngài suốt đời hoằng dương giới luật, nhưng chính Ngài niệm Phật sáu mươi năm. Khi lâm chung, nói một bài kệ: “Di Đà khẩu khẩu xưng”, xưng niệm, “bạch hào niệm niệm tưởng”, thường tưởng tướng bạch hào của A Di Đà Phật tỏa ánh sáng, “trì thử bất thoái tâm”, chỉ cần quý vị niệm Phật, tưởng Phật không ngã lòng, “quyết định sanh An Dưỡng”, An Dưỡng là Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nói xong, Ngài vãng sanh.
(Sớ) Nhược quảng cử giả, bất khả thắng số.
(疏) 若廣舉者,不可勝數。
(Sớ: Nếu kể rộng rãi thì chẳng kể xiết).
Nếu nói rộng rãi sẽ nhiều lắm, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, các bộ truyện ký vãng sanh ghi chép [các nhân vật] trải các đời hết sức nhiều!
(Sớ) Cửu lưu giả, vị Nho, Đạo, nông, công, y, bốc đẳng dã.
(疏) 九流者,謂儒道農工醫卜等也。
(Sớ: “Cửu lưu” là Nho, Đạo, nông dân, thợ thuyền, thầy thuốc, thầy bói v.v…)
Người trong tam giáo cửu lưu[8] niệm Phật vãng sanh cũng hết sức đông đảo!
(Sớ) Nho, như Văn Lộ Công, đức nghiệp mãn triều, nhi kết thập vạn đồng sanh chi duyên.
(疏) 儒,如文潞公,德業滿朝,而結十萬同生之緣。
(Sớ: Nho như Văn Lộ Công đức hạnh công nghiệp trùm khắp triều đình, [đề xướng hội niệm Phật] kết duyên vãng sanh với một vạn người).
Đây là Văn Ngạn Bác, Tể Tướng đời Tống, vị này cũng niệm Phật vãng sanh.
(Sớ) Tô Trưởng Công, văn hạnh tuyệt thế, nhi hữu Tây Phương Công Cứ chi thuyết.
(疏) 蘇長公,文行絕世,而有西方公據之說。
(Sớ: Tô Trưởng Công văn chương, hạnh nghiệp tuyệt thế, có câu nói “Tây Phương Công Cứ”).
Chữ 長 phải đọc âm “Zhǎng” (âm Hán Việt là Trưởng), là anh cả. Tô Trưởng Công là Tô Đông Pha. Tô Đông Pha có ba anh em[9], ông ta là anh cả, nên người đời sau gọi ông ta là Trưởng Công. Tô Đông Pha mỗi khi đến một nơi nào, đều đem theo một bức tượng vẽ A Di Đà Phật. Người ta hỏi ông ta: “Đấy là gì vậy?” Ông ta nói: “Đây là công cứ để sanh về Tây Phương của ta”. Từ ngữ “Tây Phương công cứ” do ông ta nói ra đầu tiên. Trên thực tế, ông ta trọn chẳng vãng sanh, vì sao chẳng thể vãng sanh? Tập khí văn học quá nặng, gây chướng ngại. Sở Tri Chướng quá nặng, cho nên ông ta chẳng thể vãng sanh.
(Sớ) Đạo như Cát Tế Chi xả Tiên học nhi hồi tâm Tịnh nghiệp.
(疏) 道,如葛濟之捨仙學而回心淨業。
(Sớ: Đạo như Cát Tế Chi bỏ đạo Tiên, hồi tâm tu Tịnh nghiệp).
Cát Tế Chi đời Tống, [theo Tịnh Độ Thánh Hiền Lục] “Cú Dung nhân, cửu sự Tiên học” (người xứ Cú Dung, theo học đạo Tiên đã lâu). Ông ta là người Giang Tây, lúc đầu học Đạo (tu Tiên). Vợ ông ta là người niệm Phật. Có một năm, bà vợ đang dệt vải, bỗng nhiên thấy A Di Đà Phật và Quán Âm, Thế Chí, hải hội đại chúng đều hiện trên không trung. Bà vợ vội lễ bái, lại còn chỉ lên trời bảo Cát Tế Chi hãy xem, chính ông ta thấy A Di Đà Phật hiện nửa thân, nên tin tưởng, chẳng học Đạo nữa, mà chuyên môn niệm Phật. Có câu chuyện như vậy!
(Sớ) Loan pháp sư phần Tiên kinh nhi chuyên tu Quán Kinh.
(疏) 鸞法師焚仙經而專修觀經。
(Sớ: Pháp sư Đàm Loan đốt kinh Tiên để chuyên tu Quán Kinh).
Vào thời đại Hậu Ngụy[10], ngài Đàm Loan là một vị đại sư lỗi lạc trong Tịnh Độ Tông, ham thích trường sinh bất lão, nên học Đạo từ nhỏ, tu Tiên. Về sau, Sư gặp một vị cao tăng từ Ấn Độ tới Trung Quốc là ngài Bồ Đề Lưu Chi, vị pháp sư này cũng phiên dịch không ít kinh điển. Ngài Đàm Loan bèn hỏi pháp sư: “Trong Phật giáo có phương pháp trường sinh bất tử hay chăng?” Ngài Bồ Đề Lưu Chi nói: “Trường sinh bất tử chỉ riêng Phật giáo có, trừ Phật giáo ra, đâu có gì thật sự là trường sinh bất tử?” Sư nghe nói, tin tưởng. Do vậy, ngài Bồ Đề Lưu Chi bèn trao cho Sư một quyển Thập Lục Quán Kinh, tức là Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, dặn Sư hãy chiếu theo phương pháp ấy tu học. Sư đốt sạch những kinh tu Tiên trước kia, chuyên tu Thập Lục Quán Kinh, tu thành công. Pháp sư Đế Nhàn có chú giải Thập Lục Quán Kinh, dựa theo bộ Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Diệu Tông Sao[11] để chú giải. Diệu Tông Sao rất sâu, người sơ học chẳng dễ gì đọc hiểu được! Pháp sư Đế Nhàn là tổ sư trong tông Thiên Thai, hóa sâu thành đơn giản, dễ hiểu, kẻ sơ học đọc đến đều hiểu được!
(Sớ) Nãi chí Tử Chương chi nghiệp Kỳ Hoàng nhi niệm Phật.
(疏) 乃至子章之業岐黃而念佛。
(Sớ: Cho đến Tử Chương theo nghề y[12], nhưng niệm Phật).
Đời Nguyên, Ngô Tử Chương làm thầy lang chữa bệnh, suốt đời niệm Phật; khi lâm chung chẳng ngã bệnh, niệm Phật qua đời.
(Sớ) Trương Thuyên Chi hà lỗi tỷ nhi xưng danh.
(疏) 張銓之荷耒耜而稱名。
(Sớ: Trương Thuyên Chi vác cày xưng danh).
Đời Tấn, Trương Thuyên Chi là nông phu cày ruộng. Ông ta là người đọc sách, hết sức thanh cao, không muốn làm quan, quay về nhà cày cấy. Tuy làm ruộng, ông ta thường mang theo kinh sách, để trong lúc nghỉ tay cày bừa sẽ đọc kinh Phật. Về sau, ông ta cũng tham dự Lô Sơn liên xã của Huệ Viễn đại sư. Mỗi người trong liên xã niệm Phật vãng sanh đều biết trước lúc mất, không bệnh tật, qua đời.
(Sớ) U như minh quân kính lễ.
(疏) 幽如冥君敬禮。
(Sớ: “U” là như vua cõi Âm kính lễ).
Vua Diêm La lễ tượng thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ.
(Sớ) La Sát hưu tâm.
(疏) 羅剎休心。
(Sớ: La Sát nguôi lòng).
Trong phần trước đã nhắc tới câu chuyện này. Quỷ La Sát muốn ăn thịt người, khiến cho người nơi ấy ai nấy đều hoảng sợ, chẳng yên ổn. Do vậy, quốc vương ước định với quỷ La Sát, mỗi ngày trao cho quỷ ăn thịt một người. Mỗi nhà luân phiên, như vậy thì mọi người mới yên dạ đôi chút. Có một ngày, nhà nọ chỉ có đứa con độc nhất, cả nhà người ấy niệm Phật. Luân lưu đến phiên, chỉ đành đem đứa con nhỏ giao cho quỷ La Sát. Khi đưa đi, cha mẹ lại dặn con hãy nhất tâm niệm Phật, niệm Phật nhất định đừng để gián đoạn. Vì thấy nó niệm Phật, quỷ La Sát chẳng dám tới gần, nên chẳng có cách nào xơi nó được! Ngày hôm sau, người nhà thấy nó vẫn còn sống, hỏi nguyên do? Nó nói: “Quỷ La Sát đến rồi lại đi!” Không chỉ bỏ đi, mà từ đấy về sau, quỷ La Sát chẳng quấy nhiễu! Niệm Phật có thể khiến cho quỷ thần lánh xa, chẳng dám léo hánh, chẳng dám quấy nhiễu, sức mạnh của Phật hiệu chẳng thể nghĩ bàn! Quý vị phải chí tâm xưng niệm! Quý vị vừa niệm Phật vừa dấy vọng tưởng, sẽ chẳng có sức mạnh, quỷ La Sát trông thấy vẫn có thể bắt nạt quý vị vì tâm quý vị chẳng chân thành! Miệng có, tâm không, Phật hiệu chẳng linh, tâm và miệng phải giống hệt như nhau!
(Sớ) Thánh.
(疏) 聖。
(Sớ: Thánh).
Nói tới thánh nhân.
(Sớ) Như Văn Thù cầu sanh, Phổ Hiền nguyện vãng.
(疏) 如文殊求生,普賢願往。
(Sớ: Như Văn Thù cầu được sanh về, Phổ Hiền nguyện được về tới).
Kinh Hoa Nghiêm nói Văn Thù, Phổ Hiền Bồ Tát cầu sanh Tịnh Độ.
(Sớ) Huống hiển dữ phàm, bất đãi luận hĩ.
(疏) 況顯與凡,不待論矣。
(Sớ: Huống hồ hiển và phàm, chẳng cần phải nói nữa).
“Huống” là huống chi, “hiển” (người trong cõi dương gian), “phàm” (phàm phu) chẳng cần phải nói nữa!
(Sớ) Triều Đông giả, hội cực nghĩa.
(疏) 朝東者,會極義。
(Sớ: Xuôi về Đông, có nghĩa là quy tụ về nơi cùng tột).
Câu này nhằm giải thích câu “như vạn thủy vô bất triều Đông” (như muôn dòng, chẳng dòng nào không xuôi về Đông). Địa hình Trung Quốc, phía Đông là Thái Bình Dương, tất cả các con sông đều chảy về phía Đông.
(Sớ) Củng Bắc giả, tông bổn nghĩa.
(疏) 拱北者,宗本義。
(Sớ: Chầu về phương Bắc, nghĩa là đề cao cái gốc).
Sao Bắc Cực (Pole star, North star) trên trời được dùng để xác định phương hướng, vì nó di động với biên độ nhỏ nhất.
(Sớ) Dụ Tịnh Độ vi Chân Tế sở nghệ, thế tất hướng vãng.
(疏) 喻淨土為真際所詣,勢必向往。
(Sớ: Sánh ví Tịnh Độ là chỗ để Chân Tế quay về, thế ắt phải hướng tới).
Chân Tế là chân lý; đó gọi là “thù đồ đồng quy” (khác đường nhưng về cùng một chỗ), không gì chẳng quy hướng Tịnh Độ.
(Sớ) Phi cưỡng chi sử nhiên dã.
(疏) 非強之使然也。
(Sớ: Chẳng phải do cưỡng ép mà thành ra như vậy).
Đây chẳng phải là miễn cưỡng, là chuyện thực tại, chẳng miễn cưỡng tí nào.
(Sớ) Tiệp kính, phổ môn, giải kiến tiền văn.
(疏) 捷徑普門,解見前文。
(Sớ: Xem lời giải thích của “đường tắt” và Phổ Môn trong phần trước).
Trong phần trước đã nói, pháp môn Niệm Phật thẳng tắt nhất trong hết thảy các pháp môn, nhanh chóng nhất, chẳng có pháp môn nào nhanh hơn pháp môn này. Do vậy, Niệm Phật cũng được gọi là Phổ Môn.
(Sớ) Trùng ngôn kết chi, minh bất hư dã.
(疏) 重言結之,明不虛也。
(Sớ: Lặp lại để kết luận thì rõ ràng [pháp môn này] chẳng hư luống vậy).
Đây là nhắc lại lần nữa để kết luận khuyên lơn: Pháp môn Niệm Phật chân thật, chẳng dối, chúng ta ngàn vạn phần đừng để luống qua!
(Sớ) Quyết chí giả, Đại Bổn vân: “Thiết hữu đại hỏa, sung mãn tam thiên đại thiên thế giới, yếu đương quá thử, sanh bỉ quốc độ, tắc quyết định kỳ chí, vô thoái khiếp dã”.
(疏) 決志者,大本云:設有大火,充滿三千大千世界,要當過此,生彼國土,則決定其志,無退怯也。
(Sớ: “Quyết chí” là như kinh Đại Bổn chép: “Nếu có lửa lớn đầy dẫy khắp tam thiên đại thiên thế giới, cũng phải vượt qua, sanh về cõi ấy, quyết định ý chí, chẳng lui sụt, khiếp nhược”).
Quý vị phải hạ quyết tâm kiên định, phải lập chí hướng này: Trong đời này, ta nhất định sanh về Tịnh Độ! Đã đặt vững quyết tâm ấy, quý vị phải biết: Hết thảy muôn duyên thế gian và xuất thế gian đều phải buông xuống. Hễ có chuyện gì quý vị chẳng buông xuống được, sẽ chẳng thể vãng sanh. Chuyện ấy là chướng ngại to lớn của chính mình, mà cũng khiến cho chính mình suốt đời tiếc nuối. Không chỉ là tiếc nuối một đời, mà là đời đời kiếp kiếp tiếc nuối. Pháp môn này chẳng dễ gì gặp gỡ! Bài Khai Kinh Kệ có câu: “Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ”, chẳng giả tí nào! Do vậy, khuyến khích quý vị hạ vững quyết tâm, lập chí hướng chắc chắn. Trừ pháp môn này ra, ta tạm thời buông các pháp môn khác xuống, chẳng tu. Trừ bộ kinh điển này ra, những kinh điển khác cũng buông xuống, ta tạm thời chẳng niệm. Xem trong những phần trước, người ta suốt đời niệm kinh Di Đà, niệm mấy chục vạn biến. Nếu chúng ta buông những chuyện khác xuống, chúng ta sẽ có thể đạt được những thành tựu giống như cổ nhân.
(Sớ) Nghĩ nghị giả.
(疏) 擬議者。
(Sớ: Toan tính, bàn định…)
“Nghĩ” (擬) là hoài nghi.
(Sớ) Dịch viết: “Nghĩ chi nhi hậu ngôn, nghị chi nhi hậu động”. Kim vị bất tu nghĩ nghị.
(疏) 易曰:擬之而後言,議之而後動。今謂不須擬議。
(Sớ: Kinh Dịch dạy: “Toan tính rồi mới nói, bàn định rồi mới hành động”. Nay nói chẳng cần phải băn khoăn, bàn định nữa).
Chẳng cần phải suy tính, bàn định, mà hãy mau hạ quyết tâm.
(Sớ) Tích nhân hữu ngôn: “Bốc dĩ quyết nghi, bất nghi hà bốc”.
(疏) 昔人有言:卜以決疑,不疑何卜。
(Sớ: Xưa kia có người nói: “Bói toán để dứt lòng nghi hoặc, nếu chẳng nghi hoặc thì bói để làm gì?”)
Đây là chuyện thời Đường Thái Tông. Chúng ta căn bản là chẳng có hoài nghi, chẳng cần phải bói toán!
(Sớ) Niệm Phật vãng sanh, đản đế tín bất nghi nhi dĩ, hà phục nghĩ nghị vi tai.
(疏) 念佛往生,但諦信不疑而已,何復擬議為哉。
(Sớ: Niệm Phật vãng sanh chỉ nên tin tưởng chắc chắn, chẳng nghi ngờ mà thôi, cần gì phải băn khoăn, bàn định nữa ư?)
Chớ nên hoài nghi, chớ nên thảo luận, hãy mau hạ quyết tâm niệm Phật, nhất định thành tựu trong một đời này. Hôm nay đã hết thời gian rồi.
— o0o —
Tập 92
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm sáu mươi tám[13].
Cửu, tổng thích danh đề.
九、總釋名題。
(Chín, giải thích chung tên gọi của kinh).
Phần Tổng Thích Danh Đề chia thành hai đoạn lớn.
Sơ, đề nghĩa, nhị, dịch nhân.
初、題義,二、譯人。
(Một là ý nghĩa của tựa đề kinh, hai là nói về người dịch)
Đoạn lớn thứ nhất giải thích tựa đề bản kinh, đoạn lớn thứ hai nói về người phiên dịch, tức Cưu Ma La Thập đại sư.
Như thượng bát môn tự nghĩa, dĩ tri nhất kinh đại chỉ. Kim dục thích văn, tiên minh tổng đề, sử hữu cương lãnh. Cố thứ chi, dĩ tổng thích danh đề.
如上八門敘義,已知一經大旨。今欲釋文,先明總題,使有綱領,故次之以總釋名題。
(Do những ý nghĩa được trình bày trong tám môn như trên, đã biết được ý chỉ chung của kinh này. Nay sắp giải thích kinh văn, trước hết giảng rõ tựa đề chung của bản kinh, nhằm làm cho người đọc biết được cương lãnh. Vì thế, tiếp theo đây là phần Tổng Thích Danh Đề).
Đoạn này nhằm trình bày nguyên do có đoạn lớn này: Vì sao phải có đoạn này, trước hết, nêu ra rõ ràng. Tám môn trên đây là phần Huyền Nghĩa của kinh này, nói theo cách bây giờ, đó là phần khái yếu, khái thuyết, khái luận của kinh Di Đà, chúng tôi đã giảng xong, đã nói rất rõ ràng minh bạch tông chỉ nghĩa thú của bộ kinh này.
Tới lúc này mới thật sự bước vào kinh văn. Trong kinh văn, trước tiên giới thiệu đề mục, vì đề mục là tổng cương lãnh của cả bộ kinh, rất giống với tựa đề của một bài văn, hết sức quan trọng.
(Kinh) Phật thuyết A Di Đà Kinh.
(經) 佛說阿彌陀經。
(Chánh kinh: Phật Thuyết A Di Đà Kinh).
Phần Sớ dưới đây là lời chú giải.
(Sớ) Đề nghĩa hữu tứ.
(疏) 題義有四。
(Sớ: Phần giảng về ý nghĩa của tựa đề kinh gồm bốn đoạn).
Trong phần này có bốn đoạn, chia ra như thế nào? Đoạn thứ nhất là Phật, một chữ là một đoạn, đoạn thứ hai là Thuyết, đoạn thứ ba là A Di Đà, đoạn thứ tư là Kinh.
(Sớ) Sơ, năng thuyết Phật.
(疏) 初、能說佛。
(Sớ: Một, vị Phật nói kinh này).
“Phật” là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
(Sớ) Nhị, chánh minh thuyết.
(疏) 二、正明說。
(Sớ: Hai, giải thích chữ Thuyết).
“Chánh” là [kinh này] do Thích Ca Mâu Ni Phật nói.
(Sớ) Tam, sở thuyết Phật.
(疏) 三、所說佛。
(Sớ: Ba, đức Phật được nói đến).
Đoạn thứ ba là nội dung được nói. Thích Ca Mâu Ni Phật nói gì vậy? Nói tới Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật, giới thiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới cho chúng ta.
(Sớ) Tứ, kết thuyết danh.
(疏) 四、結說名。
(Sớ: Bốn, kết lại để nêu tên kinh).
Đấy là Kinh.
(Sớ) Ngôn thử độ Thích Ca Mâu Ni Phật.
(疏) 言此土釋迦牟尼佛。
(Sớ: Nói đến Thích Ca Mâu Ni Phật trong cõi này).
“Thử” (đây) là đối với “bỉ” (kia) mà nói, vì A Di Đà Phật không ở trong thế giới này. Thông thường chúng ta nói đến “thế giới”, trong quan niệm của người bình thường, [chữ “thế giới”] chỉ quả địa cầu này; thật ra, trong Phật pháp, phạm vi của từ ngữ này to hơn rất nhiều. Chẳng phải chỉ là một địa cầu, mà “thế giới” trong Phật pháp là một Ngân Hà Hệ như chúng ta nói trong hiện tại, số lượng tinh cầu trong ấy đúng là chẳng biết rõ. Kinh Phật thường nói là “tam thiên đại thiên thế giới”. Tam thiên đại thiên thế giới là khu vực giáo hóa của một đức Phật, như vậy thì Phật có diệt độ hay không? Không có, Phật chẳng diệt độ. Chúng ta nói “Phật diệt độ” là nói theo địa cầu này: Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện, Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ. Nếu nói theo đại thế giới, đức Phật chẳng diệt độ, đức Phật diệt độ trên quả địa cầu này, lại xuất hiện trên một tinh cầu khác, chuyện là như thế đó! Do vậy, Phật quả thật bất sanh bất diệt, chúng ta phải nên biết điều này.
A Di Đà Phật chẳng thuộc vào Ngân Hà Hệ này, mà thuộc một tinh hệ (galaxy) khác. Tinh hệ ấy cách chúng ta hết sức xa xôi, kinh nói “mười vạn ức cõi Phật”. Nếu mỗi cõi Phật là một Ngân Hà Hệ, chúng ta thuộc Ngân Hà này, Ngân Hà của Tây Phương Cực Lạc thế giới ở bên đó, ở giữa [hai tinh hệ] có mười vạn ức Ngân Hà Hệ, khoảng cách quá ư xa xôi. Những nhà khoa học hiện thời vắt óc suy nghĩ [chẳng tìm ra] cách nào, muốn ngồi phi thuyền cũng chẳng đến được, khoảng cách thật sự quá xa xôi. Tuy xa xôi, chúng ta muốn tới vẫn chẳng khó, vẫn là rất dễ. Đấy là nói về “thần thức” (tục ngữ gọi là “linh hồn”), tốc độ của thần thức vô cùng nhanh, bất luận phương tiện giao thông khoa học kỹ thuật gì cũng chẳng có cách nào sánh bằng, chỉ trong một cái khảy ngón tay, hay trong một niệm có thể từ thế giới này vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vì thế, đừng nên sợ khoảng cách xa xôi, chớ nên bận
lòng! Đấy là Thích Ca Mâu Ni Phật…
(Sớ) Thuyết bỉ độ A Di Đà Phật y chánh trang nghiêm.
(疏) 說彼土阿彌陀佛依正莊嚴。
(Sớ: Nói về y báo và chánh báo trang nghiêm của A Di Đà Phật trong cõi kia).
“Y” là hoàn cảnh, nói tới hoàn cảnh sống ở bên kia. “Chánh” là nói tới thân thể chúng ta, thân thể là chánh báo. Dung mạo, sự khỏe mạnh, sự trường thọ nơi thân thể này đều là chánh báo của thân. Y báo là hoàn cảnh vật chất. Giới thiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật và nhân dân bên ấy, đó là “y chánh trang nghiêm”, nhằm mục đích gì?
(Sớ) Tín nguyện vãng sanh chi kinh dã.
(疏) 信願往生之經也。
(Sớ: [Đây là] kinh tín nguyện vãng sanh).
Khuyên chúng ta phải tin tưởng, khuyên chúng ta phát nguyện, phát nguyện gì? Chúng ta di dân sang Tây Phương Cực Lạc thế giới. Hiện tại có rất nhiều người di dân sang ngoại quốc, tôi thấy họ rất khổ. Ở ngoại quốc, áp lực trong cuộc sống rất nặng, Hoa kiều ở ngoại quốc chẳng hạnh phúc! Do vậy, chúng ta nên di dân sang Tây Phương Cực Lạc thế giới, đấy mới là cõi nước thật sự yên ổn, còn nước Mỹ chắc chắn chẳng an ổn.
(Sớ) Thống quát đại ý, thứ nãi ly thích.
(疏) 統括大意,次乃離釋。
(Sớ: Nêu đại ý tổng quát rồi mới tách ra từng điều để giải thích).
Trước hết, nêu lên đại ý. “Ly thích” là giải thích từng đoạn một. Phần dưới là Sao, Sao là chú giải của lời Sớ. Sớ và Sao đều do Liên Trì đại sư viết. Sau khi đại sư viết chú giải cho kinh này, vì lời chú giải khá sâu, sợ người đời sau nghiên cứu gặp khó khăn, nên Ngài lại tự viết thêm lời chú giải cho bản chú giải, chú giải lời chú giải gọi là Sao. Nếu văn tự trong lời Sao dễ hiểu, minh bạch, chúng tôi sẽ tỉnh lược, chẳng giảng cặn kẽ, có chỗ nào khó thì chúng tôi sẽ nêu ra để nghiên cứu, thảo luận.
(Sao) Thống quát giả, tiên thả lược biểu toàn văn, sử huyết mạch quán thông, ý nghĩa cụ túc.
(鈔)統括者,先且略表全文,使血脈貫通,意義具足。
(Sao: “Thống quát” là trước hết nêu đại lược ý nghĩa được biểu thị trong toàn bộ bản kinh, khiến cho [người đọc] thông suốt điều cốt lõi, ý nghĩa trọn đủ).
Đây là ý nghĩa của chữ “thống quát”.
(Sao) Thứ nãi nhất nhất ly nhi thích chi.
(鈔) 次乃一一離而釋之。
(Sao: Kế đó bèn tách ra thành từng điều một để giải thích).
“Ly thích” là đem tên kinh Phật Thuyết A Di Đà Kinh chia thành bốn đoạn, giải thích tường tận từng đoạn một.
(Sao) Đề chỉ Phật danh.
(鈔) 題止佛名。
(Sao: Tên kinh chỉ có danh hiệu Phật).
Bộ kinh này dùng danh hiệu Phật làm tựa đề.
(Sao) Nhi ngôn y chánh đẳng giả, Quán Kinh “ngôn Phật tiện châu”, kim cử Phật danh, nhiếp vô bất tận cố.
(鈔)而言依正等者,觀經言佛便周,今舉佛名,攝無不盡故。
(Sao: Mà nói là y báo, chánh báo v.v… vì như Quán Kinh đã dạy “hễ nói tới Phật liền trọn đủ”, nay nêu lên danh hiệu Phật sẽ nhiếp trọn hết, chẳng sót điều gì).
Trong tựa đề kinh chẳng nói tới y báo và chánh báo trang nghiêm, chỉ nói tới danh hiệu Phật. Tuy chẳng nói tới y báo và chánh báo trang nghiêm, nhưng hễ nói tới Phật thì y báo và chánh báo trang nghiêm đều gồm trọn trong ấy. Tuy tỉnh lược về mặt ngôn ngữ, nhưng ý nghĩa hết sức hoàn chỉnh, toàn vẹn.
“Ly thích” là tách ra để giảng. Chúng ta phải đặc biệt lưu ý chỗ này, vì không riêng gì người niệm Phật cần phải biết, đó cũng đồng thời là Phật học thường thức, chúng ta hiểu rõ thì mới chẳng đến nỗi nẩy sanh hiểu lầm đối với Phật giáo.
(Sao) Thứ ly thích dã.
(鈔) 次離釋也。
(Sao: Kế đó là tách ra từng điều để giải thích).
Tách ra để giảng, trước hết giảng chữ Phật.
(Sớ) Phật giả, Phạm ngữ cụ vân Phật Đà, thử vân Giác Giả.
(疏) 佛者,梵語具云佛陀,此云覺者。
(Sớ: “Phật”, tiếng Phạn nói đầy đủ là Phật Đà, cõi này dịch là Giác Giả).
“Cụ” là xưng hô đầy đủ, tức nói đầy đủ thì [Phật] là Phật Đà Da (Buddhaya). Chúng ta dịch Phạn văn của Ấn Độ sang tiếng Hán, “Phật Đà Da” gọi thành Phật là do tỉnh lược…..Người Hoa thích đơn giản, chẳng thích rườm rà, vì thế, dịch tiếng ngoại quốc [sang tiếng Hán] cũng rất đơn giản. Từ ngữ Phật Đà Da bỏ bớt âm cuối, giữ lại một chữ Phật!
(Sớ) Thử vân Giác Giả.
(疏) 此云覺者。
(Sớ: Cõi này dịch là Giác Giả).
Phật Đà Da nghĩa là gì? “Giác” có nghĩa là trí huệ giác ngộ.
(Sớ) Bị tam giác cố.
(疏) 備三覺故。
(Sớ: Do trọn đủ ba ý nghĩa giác).
Đầy đủ ba ý nghĩa Giác.
(Sớ) Hựu vân Trí Giả, vô bất tri cố.
(疏) 又云智者,無不知故。
(Sớ: Còn dịch là Trí Giả, vì không gì chẳng biết).
Trong ý nghĩa của chữ “Phật”, có ý nghĩa Giác và ý nghĩa Trí, hai thứ ý nghĩa.
(Sớ) Hựu Phật giả, thập hiệu chi nhất.
(疏) 又佛者,十號之一。
(Sớ: Lại nữa, Phật là một trong mười hiệu).
Phật có mười hiệu. Trong mười hiệu ấy có một hiệu là Phật, tức là Phật Đà.
(Sớ) Hựu Phật Địa minh thập nghĩa Phật, Thiên Thai minh Lục Tức Phật, Hoa Nghiêm minh thập thân Phật.
(疏) 又佛地明十義佛,天台明六即佛,華嚴明十身佛。
(Sớ: Lại nữa, Phật Địa Luận nói tới mười ý nghĩa của chữ Phật, tông Thiên Thai nói tới Lục Tức Phật, kinh Hoa Nghiêm nói về mười thân Phật).
“Minh” là nói rõ. Trong Phật Địa Luận[14] có nói về mười ý nghĩa của chữ Phật. Trong bản chú giải kinh Pháp Hoa, Thiên Thai Trí Giả có nói sáu loại Phật, gọi là Lục Tức Phật. Trong kinh Hoa Nghiêm có giảng mười loại Phật, gọi là “thập thân Phật”.
(Sớ) Cố Phật giả, thiên trung thiên, thánh trung thánh.
(疏) 故佛者,天中天,聖中聖。
(Sớ: Vì thế, Phật là trời của các vị trời, là thánh của các bậc thánh).
Đây là tôn xưng Phật, tôn xưng Ngài “thiên trung thiên”, là bậc thánh của chư thánh.
(Sớ) Phàm đơn ngôn Phật giả, tức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni dã.
(疏) 凡單言佛者,即本師釋迦牟尼也。
(Sớ: Nếu chỉ nói một chữ Phật thì chính là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật).
Chỉ nói một chữ Phật, tức là nói tới vị thầy căn bản của chúng ta là Thích Ca Mâu Ni Phật, giống như trong tựa đề kinh này.
(Sao) Phạm giả, tịnh dã.
(鈔) 梵者,淨也。
(Sao: “Phạm” là tịnh).
Người Ấn Độ, cổ nhân Ấn Độ tự xưng họ là hậu duệ của Đại Phạm Thiên (Brahma), do vậy, ngôn ngữ của họ được gọi là Phạm ngữ, văn tự gọi là Phạm văn. Cách nói này cũng chẳng phải là không có đạo lý, truyền thuyết từ cổ nói tổ tiên họ từ trời giáng xuống, tức là Phạm Thiên giáng xuống. Theo Tiến Hóa Luận (Theory of Evolution), tổ tiên của nhân loại là vượn và khỉ, do vượn và khỉ tiến hóa [thành người]; trong Phật pháp chẳng nói “tiến hóa”. Đức Phật bảo chúng ta, tổ tiên của nhân loại do đâu mà có? Từ Quang Âm Thiên (Ābhāsvara)[15] tới. Người từ Quang Âm Thiên tới địa cầu này, tới nơi này, khi ấy trên địa cầu có một loại thực vật gọi là “địa phì” vô cùng thơm ngon, họ rất thích ăn thứ này. Sau khi ăn nhiều, họ bị mất thần thông phi hành (đi lại bằng cách bay lượn), đi không được! Vì sao? Khởi lên tâm tham, tham ái nơi này, nên không trở về được. Sau khi không trở về được, ở lại nơi này, cho nên con người do đấy mà có. Do vậy, tổ tiên của con người là chư thiên cõi Quang Âm Thiên. Theo Phật pháp, Sơ Thiền là Phạm Thiên, Nhị Thiền là Quang Âm Thiên. Do vậy, truyền thuyết của Cổ Ấn Độ hết sức gần gũi [với kinh Phật]. “Phạm” có nghĩa là thanh tịnh.
(Sao) Đối Hoa danh Phạm, văn chất chi vị dã.
(鈔) 對華名梵,文質之謂也。
(Sao: So với tiếng Hán nên gọi là Phạm, ngụ ý văn chương lẫn nội dung đều hay đẹp).
“Phạm bổn”: Kinh Phật nguyên văn viết bằng Phạn văn (Sankrit). “Đối Hoa danh Phạm”, “Hoa” là tiếng Hán, “đối Hoa danh Phạm”, do so với tiếng Hán mà nói thì gọi là Phạm. Sách Diễn Nghĩa giảng: “Văn chất chi vị giả, Phạm bổn giai Tây Vực chi ngữ, chất nhi vô văn, dịch dĩ thử phương chi ngữ, tắc dụng lục kinh, Trang, Lão chi văn, văn thái ỷ lệ, hoán nhiên thành chương” (“Văn chất chi vị” [ý nói]: Bản tiếng Phạn đều dùng ngôn ngữ của Tây Vực, ý nghĩa phong phú nhưng lời văn thô mộc. Dịch sang tiếng xứ này, bèn dùng văn chương trong Lục Kinh[16], Trang, Lão, văn từ đẹp đẽ, bóng bẩy, tươi đẹp, tạo thành văn chương rạng ngời). Phạn văn ý nghĩa phong phú, nhưng thiếu bóng bẩy, chẳng dùng phương cách tu từ, câu văn chẳng được tô điểm cho đẹp đẽ. Tiếng Hán khác hẳn, một tác phẩm văn chương tiếng Hán sau khi viết xong, phải được gọt giũa, phải tô điểm câu văn cho đẹp đẽ. Sự tô điểm ấy gọi là Văn. “Chất” (質) là có nội dung, Văn (文) là được tô điểm, trau chuốt, lúc ấy, mới là văn chương hay đẹp bậc nhất. Kinh Phật dịch sang tiếng Hán, đích xác là văn chương lẫn nội dung đều vượt trỗi!
Sau khi đức Phật diệt độ một ngàn năm, Phật pháp truyền tới Trung Quốc. Theo sử sách Trung Quốc ghi chép, thời điểm xác thực [Phật pháp được truyền vào Trung Quốc] là lúc hai vị pháp sư Ma Đằng (Kāśyapa Mātanga) và Trúc Pháp Lan (Dharmaraksa) được Hán Minh Đế phái đặc sứ thỉnh các Ngài từ Tây Vực tới Trung Quốc vào năm Vĩnh Bình thứ mười đời Hán Minh Đế tức là năm 67 Công Nguyên, hiện thời là năm 1987, hơn một ngàn chín trăm năm, Phật giáo đã truyền đến Trung Quốc rất sớm! Sau này, vào giữa đời Đường, kinh Phật từ Tây Vực truyền sang Trung Quốc với số lượng lớn. Pháp sư Trung Quốc sang bên ấy thỉnh kinh, mà cũng có kinh do pháp sư Ấn Độ đem tới. Có thể nói là kinh điển hết sức phong phú. Những kinh luận đem tới, chẳng phải là được phiên dịch toàn bộ, mà chỉ chọn lọc những thứ trọng yếu để ưu tiên dịch trước, dịch sang tiếng Hán.
Nhưng chư vị có nghĩ nguyên bản Phạn văn đã đi về đâu hay không? Không còn nữa, tại Trung Quốc đại lục tìm không được nguyên văn một bộ kinh điển nào bằng tiếng Phạn. Thuở ấy, kinh lá Bối (bối diệp kinh) được lưu thông với số lượng lớn, cớ sao ngày nay chẳng còn một bộ nào! Đặt câu hỏi như vậy. Tôi từng đem vấn đề này thỉnh giáo tiên sinh Phương Đông Mỹ, sau khi Phương tiên sinh nghe xong, cũng cảm thấy đây là một câu hỏi đích xác, cụ suy nghĩ, nghĩ ra câu trả lời. Đối với câu trả lời do cụ nghĩ ra ấy, tôi cũng rất đồng ý với cách nói của cụ. Cụ nói: “Người Trung Quốc quá tự phụ, lòng tin quá mạnh, cho rằng những kinh điển người Hán đã phiên dịch, không chỉ là ý nghĩa hoàn toàn chẳng sai lầm, mà văn tự còn được gọt giũa bóng bẩy hơn bản tiếng Phạn. Đọc kinh điển bằng tiếng Hán, kinh điển tiếng Phạn có thể chẳng cần đến nữa!” Đó là câu trả lời của Phương tiên sinh, tôi nghe cũng cảm thấy rất hài lòng, đủ thấy người Hoa có lòng tự tin mạnh mẽ… Người hiện thời đọc kinh điển bằng tiếng Hán bèn hoài nghi, không tin, muốn tìm kinh điển bằng tiếng Phạn, tiếng Anh, hay tiếng Tây Tạng. Đấy đúng là chuyện đau buồn! [Kinh điển bằng] tiếng Nhật được dịch từ tiếng Hán ra, [kinh điển bằng] tiếng Tây Tạng cố nhiên một phần được dịch trực tiếp từ tiếng Phạn, nhưng vẫn có một phần được dịch từ tiếng Hán!
Phật giáo Tây Tạng trễ hơn Phật giáo Trung Quốc vài trăm năm. Phật giáo Tây Tạng do Văn Thành Công Chúa[17] đời Đường [sau khi] được gả về Tây Tạng đã đề xướng. Khi ấy, vua Tây Tạng mới [phái người] sang Ấn Độ, sang Trung Quốc thỉnh kinh. Từ thời Hậu Hán tới đời Đường, tối thiểu phải trễ hơn sáu, bảy trăm năm, xét về mặt tu học thành tựu, nói thật ra, Tây Tạng kém hơn Trung Quốc. Chẳng nói gì khác, coi như chúng ta thừa nhận những đại lạt-ma như Đạt Lại, Ban Thiền là A La Hán chuyển thế thì họ mới là A La Hán mà thôi, trong khi tổ sư các tông, các phái của Trung Quốc đều là đại Bồ Tát minh tâm kiến tánh, cao trỗi hơn A La Hán rất nhiều, làm sao A La Hán có thể sánh bằng? Do vậy, [không tin tưởng kinh điển bằng tiếng Hán, chạy theo kinh điển bằng tiếng Tây Tạng] không chỉ là đánh mất lòng tự tin, mà ngay cả tín tâm học Phật cũng bị mất, làm sao có thể thành tựu cho được? Ở ngoại quốc, Mật Tông rất thịnh hành, nhưng thật ra, Phật học Trung Quốc chắc chắn không thể kém Tây Tạng. Nói thật ra, nếu thật sự muốn học Phật phải học những thứ của Trung Quốc, có thể nói là kinh điển Phật học bằng tiếng Hán là độc nhất vô nhị.
Tôi còn nhắc nhở người Mỹ, tôi tiếp xúc người Mỹ học Phật cũng nhiều, họ cũng giống như ong vỡ tổ học Thiền, học Mật; vì thế, tôi cảnh tỉnh họ, tôi nói thẳng với họ: “Phật giáo chưa truyền đến Mỹ!” Họ nghe nói, cảm thấy kỳ quái, hiện thời Phật giáo tại Mỹ rất thịnh hành. Người Nhật truyền giáo bên đó, người Nhật có thế lực rất lớn. Chín mươi phần trăm giáo hội, chùa miếu tại Mỹ là của người Nhật Bản, Tây Tạng chiếm sáu bảy phần trăm, Trung Quốc chỉ chiếm hai ba phần trăm. Người Nhật có thế lực lớn nhất, chi phối Phật giáo nước Mỹ. Tôi bảo người Mỹ: “Phật giáo chưa truyền tới Mỹ”. Họ nghe nói vậy, rất lạ lùng, tôi bèn giải thích: “Quý vị hãy quan sát cẩn thận một phen, người Hoa thờ tượng Phật hay tượng Bồ Tát, vừa nhìn bèn thấy là người Hoa, Phật giáo đã truyền đến Trung Quốc rồi. Người Nhật thờ tượng Phật, tượng Bồ Tát, vừa nhìn đã thấy là người Nhật Bản, lại còn đi giầy kiểu Nhật. Tượng Phật của Thái Lan cằm nhọn, vừa nhìn đã thấy là người Thái”. Tôi nói: “Quý vị có khi nào thấy một tượng Phật, tượng Bồ Tát ở Mỹ giống một người Mỹ hay chăng?” Tôi nhắc nhở họ: Phật giáo trao cho chúng ta tinh thần đội trời đạp đất, độc lập, chẳng phải là để người khác xỏ mũi lôi đi, đây là chỗ chúng tôi bội phục năm vóc sát đất đối với Phật pháp.
Người Nhật truyền bá Phật giáo mang tánh chất xâm lược; hiện thời họ chẳng dùng võ lực, chẳng dùng quân đội xâm lược, mà dùng hai phương pháp tôn giáo và kinh tế để xâm lược, diệt vong cả quốc gia của quý vị mà quý vị vẫn chẳng biết. Dùng Phật pháp để khống chế tư tưởng của quý vị, nghe theo lời họ, thuận theo sự sắp đặt của họ, nguy lắm! Vì thế, tôi cảnh tỉnh người Mỹ, đừng để họ dùng phương pháp ấy xâm lược. Hiện thời, người Mỹ dần dần bị mất lòng tự tin, nghĩ Nhật Bản tốt đẹp, thứ gì của Nhật Bản cũng là bậc nhất, chúng ta phải cảnh giác điều này. Do vậy, phải nhận ra văn hóa, ưu điểm của chính mình, mà cũng phải biết khuyết điểm của chính mình. Khuyết điểm lớn nhất của chúng ta trong hiện thời là thiếu lòng tự tin, chẳng đoàn kết. Có thể sửa đổi hai khuyết điểm này, chúng ta sẽ là bậc nhất trên thế giới, là người lãnh đạo thế giới.
(Sao) Cụ giả, cụ túc, Phạn ngữ đương vân Phật Đà, bất ngôn Đà giả, tỉnh văn dã.
(鈔)具者,具足,梵語當云佛陀,不言陀者,省文也。
(Sao: “Cụ” là đầy đủ. Nói theo tiếng Phạn sẽ là Phật Đà, [trong tiếng Hán] chẳng nói chữ Đà là vì tỉnh lược).
“Tỉnh văn” là tỉnh lược. Người Trung Quốc chuộng đơn giản, thích tỉnh lược. Do vậy, họ tỉnh lược âm cuối của chữ Phật Đà Da, chỉ nói là Phật.
(Sao) Dịch dĩ Chấn Đán chi ngôn, tắc vân Giác Giả.
(鈔) 譯以震旦之言,則云覺者。
(Sao: Dịch sang tiếng Trung Hoa sẽ là “bậc giác ngộ”).
Vào thời cổ, người ngoại quốc gọi Trung Hoa là “Chấn Đán” vì Trung Hoa ở phương Đông, nơi mặt trời mọc. Ngoài ra, còn có một danh xưng là Chi Na. Chi Na (Cina-sthana) là tiếng Phạn, có nghĩa là chuẩn mực văn hóa cao, sản vật phong phú. Nói theo cách hiện thời, đó là một quốc gia hay một khu vực văn minh, kinh tế phát triển cao nhất. Giống như trong kinh Phật nói đến danh xưng Xá Vệ Quốc (Srāvastī), đó là tôn xưng xứ ấy là một nơi có văn hóa và kinh tế phồn hoa, hưng thịnh nhất tại Cổ Ấn Độ.
Phật dịch sang tiếng Hán “tắc vân Giác Giả” (nên gọi là Giác Giả). Giác là:
(Sao) Đối mê giả đắc danh dã.
(鈔) 對迷者得名也。
(Sao: Do đối với người mê mà gọi là Giác).
“Mê” là tương phản của giác ngộ. Vì thế, mê và giác là một cặp, Phật là giác, bất giác là mê, phàm phu mê, Phật giác ngộ. Giác có ba ý nghĩa:
(Sao) Tam giác giả, tự giác dị phàm phu.
(鈔) 三覺者,自覺異凡夫。
(Sao: “Ba thứ giác”: Tự giác khác với phàm phu).
Đức Phật tự giác, phàm nhân tự mình mê hoặc. Quả thật, chúng ta chẳng biết chính mình do đâu mà có, cũng chẳng biết chính mình tương lai sẽ đi về đâu, thậm chí không biết hiện tại phải nên làm những gì. Sống hồ đồ cả đời này, đó là bất giác, đúng là “túy sanh, mộng tử” (sống say, chết mộng). Phàm phu là như vậy, trong thế gian này, tranh danh, đoạt lợi, đến rốt cuộc rỗng tuếch, quý vị có thể đoạt được thứ gì hay chăng? Chẳng có gì cả! Cổ nhân nói con người nên làm được ba điều bất hủ: Lập công, lập đức, lập ngôn, đó gọi là “di phương hậu thế” (để lại tiếng thơm cho đời sau), quan niệm này vẫn là mê, bất giác. Vì sao? Địa cầu có thành, trụ, hoại, không, quý vị chẳng giữ được. Theo các nhà địa chất khảo sát, trước đây địa cầu đã trải qua bốn lần hồng thủy (lụt lội lớn), cả mặt đất đều bị chìm đắm, tất cả văn hóa đều bị hủy diệt toàn bộ, mỗi lần hồng thủy gần như văn hóa đều phải bắt đầu lại. Quý vị để tiếng thơm cho đời sau, đấy là mộng tưởng, là chuyện chẳng thể làm được! Có thể thấy lời Phật dạy chính xác, chẳng sai lầm. Mê hoặc, điên đảo! Phải giác ngộ điều này!
Phật chẳng mê, nên Ngài chẳng có phiền não, Phật chẳng mê, nên Ngài chẳng luân hồi; phiền não là nhân, luân hồi là quả. Lục đạo luân hồi do đâu mà có? Do phiền não trong tâm quý vị biến hiện. Tâm Phật chẳng có phiền não, nên chẳng có lục đạo luân hồi. Trong kinh, đức Phật nói thánh giả Tiểu Thừa Tứ Quả La Hán vượt thoát luân hồi, vượt thoát bằng cách nào? Đoạn Kiến Tư phiền não bèn vượt thoát tam giới, vượt thoát luân hồi. Phật chẳng có Kiến Tư phiền não, không chỉ chẳng có Kiến Tư phiền não, mà Trần Sa phiền não cũng chẳng có, Vô Minh phiền não cũng chẳng có. Đối với ba loại phiền não này, A La Hán bất quá đoạn được Kiến Tư phiền não, chứ Trần Sa phiền não và Vô Minh phiền não hãy còn; vì thế, chẳng còn luân hồi trong lục đạo của tam giới.
Chư vị đồng tu phải nhớ kỹ, nếu chúng ta chẳng đoạn Kiến Tư phiền não, bất luận quý vị học pháp môn nào cũng chẳng thể thành tựu, vì sao? Quý vị chưa có năng lực thoát tam giới. Giống như pháp sư Đàm Hư đã nói, Ngài là tổ sư tông Thiên Thai, tông Thiên Thai dùng phương pháp Chỉ Quán để tu Thiền Định, tu Chỉ Quán, tu tới mức tốt nhất cũng chẳng qua là sanh lên trời mà thôi, chẳng thoát khỏi tam giới. Dù cho công phu Thiền Định rất sâu, ngồi xếp bằng nhìn vách có thể ngồi trên một tháng, một trăm ngày không đứng dậy, phi phàm lắm! [Nhưng] quả báo của người ấy cũng bất quá là Sơ Thiền hay Nhị Thiền mà thôi, hoặc trên trời Tứ Thiền, công phu như thế đấy, chẳng thoát khỏi tam giới.
Do vậy, chư vị đồng tu, nếu muốn thoát sanh tử luân hồi trong đời này, mong thật sự lìa khổ được vui, sạch sẽ, gọn gàng, quý vị phải nghiêm túc nghiên cứu kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ. Trừ pháp môn này ra, bất luận pháp môn nào quý vị cũng đừng mong thành tựu trong một đời này! Tôi chẳng nói bừa đâu, chính quý vị hãy suy nghĩ một chút, quý vị có thể đoạn phiền não hay chăng? Chẳng phải là nói pháp môn chẳng hay, pháp môn nào cũng đều hay, nhưng nếu quý vị tu theo cách ấy mà thật sự có thể đoạn phiền não thì sẽ thành công. Quý vị dùng phương pháp ấy để tu, nhưng tu mà chẳng thể đoạn phiền não, nói cách khác, quý vị chẳng thành công, uống thuốc ấy vô hiệu!
Pháp môn này chẳng đoạn phiền não mà vẫn có thể vãng sanh, mầu nhiệm ở chỗ này. Trừ pháp môn này ra, trong “tám vạn bốn ngàn pháp môn” như thường nói, bất luận pháp môn nào cũng đều phải đoạn Kiến Tư phiền não thì mới có thể vượt thoát lục đạo luân hồi, chỉ riêng pháp môn này chẳng cần. Quý vị thật sự tin tưởng, thật sự phát nguyện, thật sự chịu niệm Phật, nhất định thành công trong một đời này. Quý vị phải buông hết thảy xuống, không chỉ buông duyên thế gian xuống, mà tất cả hết thảy Phật pháp đều phải buông xuống. Ta chẳng cần phải nghiên cứu hết thảy các kinh giáo, chỉ cần nghiên cứu hai bộ kinh này là đủ rồi, bảo đảm quý vị vãng sanh trong một đời này. Nếu quý vị tu Thiền, tu Mật, tu Giáo, sẽ chẳng đáng trông cậy, vì sao? Tư tưởng của quý vị hỗn loạn, công phu bị xen tạp, chẳng thuần; vì thế, rất khó đạt được hiệu quả. Pháp môn này chẳng có bí quyết gì khác, giống như trong Đại Kinh đã dạy: “Phát Bồ Đề tâm, một mực chuyên niệm”, còn trong bộ kinh này thì dạy: “Nhất tâm bất loạn, tâm bất điên đảo”. Chỉ cần quý vị thật sự làm theo như thế, chắc chắn thành công; vì thế nói là “vô cùng trọng yếu”.
Tôi thưa cùng các vị đồng tu, tôi nhất định nắm chắc vãng sanh, sở dĩ ngày nay tôi khẳng định như thế để khuyên quý vị vì tôi quyết định nắm chắc. Trên thế giới này, suốt ngày từ sáng đến tối, tôi hoan hỷ, cười hề hà, vì sao? Tôi đến lữ hành, tôi tới vui chơi, chẳng lo nghĩ, chẳng vướng mắc, lẽ nào chẳng tự tại! Phải nghiêm túc nỗ lực. Trước khi tôi có được pháp môn này, tôi giống hệt như quý vị: Suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ lung tung, phiền não trùng trùng; sau khi hiểu được pháp môn này, [những điều ấy] chẳng còn nữa, vọng tưởng, tạp niệm chẳng còn, hết thảy phiền não cũng chẳng còn, phiền não cũng chẳng tìm được, chẳng nghĩ đến phiền não nào, đều chẳng nghĩ tới. Tôi thật sự đạt được lợi ích và chỗ hay khéo của pháp môn này.
Nay tôi đem lợi ích thù thắng này cống hiến quý vị. Do vậy, nếu
mọi người phát tâm in kinh, tốt nhất là in hai bộ kinh này, tức Di Đà Kinh Sớ Sao và Yếu Giải, hoặc Chú Giải kinh Vô Lượng Thọ, công đức vô lượng vô biên, vì sao? Người khác có được những tác phẩm ấy, thật sự có thể đắc độ. Họ có những kinh sách khác, tuy hay, nhưng chẳng cứu được cái mạng trong hiện tại. Mấy bộ sách ấy thật sự cứu mạng, thật sự có thể giải quyết vấn đề; do vậy, hết thảy các công đức chẳng thể sánh bằng công đức này! Đây là nói về tự giác; Phật giác, phàm phu bất giác, “tự giác dị phàm phu”, “dị” (異) là chẳng giống phàm phu.
(Sao) Giác tha dị Nhị Thừa.
(鈔) 覺他異二乘。
(Sao: Giác tha là khác với Nhị Thừa).
“Nhị Thừa” là nói tới Thanh Văn và Duyên Giác, chúng ta thường gọi họ là A La Hán và Bích Chi Phật, trong Phật pháp gọi những vị này là Tiểu Thừa. Tiểu Thừa đã đoạn Kiến Tư phiền não, có thể vượt thoát lục đạo sanh tử luân hồi; nhưng họ chỉ là tự giác, chẳng giác tha, tục ngữ gọi họ là “tự liễu hán” (kẻ chỉ lo giải thoát cho riêng mình). Chính mình đã giác ngộ, nhưng không chịu giúp đỡ người khác, không chịu giáo hóa chúng sanh, đó là kẻ Tiểu Thừa. Do vậy, sự tự giác của Tiểu Thừa chưa viên mãn; trong ba loại phiền não, họ chỉ đoạn được một loại là Kiến Tư phiền não, hai loại khác vẫn chưa đoạn được! Vì sao chưa đoạn được? Hai loại phiền não kia phải giáo hóa chúng sanh thì mới đoạn được. Người Tiểu Thừa tham cầu thân tâm tự tại, chẳng muốn tiếp xúc xã hội, vì người trong xã hội quá phiền phức. Vì thế, họ chẳng đoạn được Trần Sa Hoặc và Vô Minh Hoặc. Phật khác hẳn, Phật giáo hóa chúng sanh trọn khắp, đại từ, đại bi, chẳng giống Thanh Văn và Duyên Giác.
(Sao) Giác mãn dị Bồ Tát.
(鈔) 覺滿異菩薩。
(Sao: Giác mãn khác với Bồ Tát).
“Mãn” (滿) là viên mãn, Bồ Tát thật sự là tự giác, chính mình tự giác, mà cũng giáo hóa chúng sanh, cũng giúp đỡ người khác giác ngộ, nhưng chưa viên mãn. Chỉ có Phật viên mãn, đại giác viên mãn; do vậy, Ngài chẳng giống Bồ Tát.
Xưng hô trong Phật môn, ở đây tôi nói đại lược, đây là một thứ kiến thức thông thường, quý vị phải ghi nhớ. Hiện thời, chúng ta thấy nhiều vị xuất gia thường được tôn xưng là “đại sư X….”, xưng hô như vậy không được! Sau khi các vị đồng tu hiểu chuyện này, sau này gặp người xuất gia, đừng nên gọi vị ấy là đại sư, gọi “đại sư” là chửi vị ấy, vì sao? Chữ “đại sư” dùng để gọi Phật! Bồ Tát còn chưa có tư cách xưng là đại sư, Bồ Tát xưng là Đại Sĩ, [chẳng hạn như] Quán Âm Đại Sĩ. Quý vị có thấy chỗ nào gọi Ngài là Quán Âm Đại Sư hay chăng? Chẳng có, mà là Quán Âm Đại Sĩ; bởi lẽ, Bồ Tát được gọi là Đại Sĩ, hoặc Khai Sĩ.
“Đại sư” là tiếng để tôn xưng Phật. Mọi người bình thường chớ nên xưng, vì sao? Phải là người đã giác mãn mới có thể xưng, tuy người ấy đã giác, nhưng chưa giác mãn, sẽ chẳng thể xưng là đại sư. Do vậy, gọi vị ấy là đại sư là quá lố! Giống như chúng ta gặp một ai, muốn tỏ lòng tôn kính người ấy, danh xưng tôn kính cao nhất trong thế gian là Tổng Thống, tôi gặp quý vị [bèn gọi quý vị là] “Tổng Thống tiên sinh”, chẳng phải là chửi quý vị hay sao? Quý vị chẳng phải là Tổng Thống, mà gọi quý vị là Tổng Thống tiên sinh! Quý vị làm giáo viên trong nhà trường, cao nhất trong nhà trường là hiệu trưởng, trông thấy quý vị bèn gọi quý vị là “hiệu trưởng tiên sinh”, đấy chẳng phải là chửi người ta hay sao? Do vậy, [xưng hô như vậy] tuyệt đối là sai lầm, con người hiện thời có nhiều chỗ vượt phận, làm chuyện quá lố!
(Sao) Tam giác câu viên, cố viết tự tha giác mãn chi giả.
(鈔) 三覺俱圓,故曰自他覺滿之者。
(Sao: Ba thứ giác đều trọn vẹn, cho nên nói là bậc tự giác, giác tha viên mãn).
Phải đạt tới địa vị ấy, chúng ta mới tôn xưng vị ấy là Phật, gọi Ngài là đại sư.
Chữ “Phật” có rất nhiều ý nghĩa, thuở ấy, trong tiếng Hán chẳng thể tìm được từ ngữ để dịch danh từ này, không thể làm gì khác hơn là dịch âm rồi chú giải. Dưới đây là ba ý nghĩa giác khác nữa, cũng là nói tới tự giác, giác tha, giác mãn.
(Sao) Hựu ly tâm danh tự giác, ly sắc danh giác tha, câu ly danh giác mãn, diệc tam giác nghĩa.
(鈔)又離心名自覺,離色名覺他,俱離名覺滿,亦三覺義。
(Sao: Lại nữa, lìa tâm là tự giác, lìa sắc là giác tha, cùng lìa [danh lẫn sắc] gọi là giác mãn. Đó cũng là ý nghĩa của ba thứ giác).
Trong phần trước, tam giác là nói theo mặt nhân sự (quan hệ giữa con người với nhau). A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát, quả thật có những hạng người ấy, có chuyện ấy, [cách giải thích ý nghĩa ba thứ giác trong đoạn trước được] nói theo phương diện ấy. Còn ba ý thứ giác ở đây hoàn toàn nói theo công phu tu chứng của chính mình, chẳng dính gì đến người ngoài. Ở đây, nói tới Sắc và Tâm là nói theo Duy Thức Học. Duy Thức Học cũng là Tâm Lý Học Phật giáo, nói tới Tâm Lý Học. Tâm ở đây là thức tâm, chúng ta thường nói là “bát thức”. Bát thức hoàn toàn nói về tâm lý: A Lại Da Thức là nói đến bản thể của cái tâm, bảy thức trước là nói tới tác dụng của cái tâm ấy, tức là tác dụng tâm lý. Do vậy, trong các tác dụng, tác dụng thứ nhất là Mạt Na. Mạt Na là Chuyển Thức, [hàm nghĩa] từ Thể chuyển biến thành tác dụng như thế nào, nên nó được gọi là Chuyển Thức. Thứ sáu là Ý Thức, nay chúng ta luôn sử dụng Ý Thức, Ý Thức phân biệt các thứ, chấp trước đủ thứ. Hết thảy những thứ này toàn là tâm ý thức.
Nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân là Ngũ Thức, chúng ta có năm thứ cảm quan (giác quan), mắt có thể thấy, tai có thể nghe v.v… Vì thế, kinh Lăng Nghiêm dạy: “Nguyên y nhất tinh minh, phân thành lục hòa hợp” (vốn là một cái trong trẻo, sáng suốt, chia thành sáu thứ hòa hợp). Thể của chúng là một, nhưng do nơi công cụ khác nhau mà khởi tác dụng khác nhau. Do hiện thời khoa học kỹ thuật phát triển, chúng ta lý giải chuyện này chẳng khó. Thí dụ như điện, Thể của điện là một, nhưng nơi đèn thì tỏa sáng, nơi microphone bèn khuếch đại âm thanh, nhưng điện chỉ là một! Nơi máy móc khác nhau, bèn khởi tác dụng chẳng giống nhau. A Lại Da như dòng điện, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân giống như máy móc chạy bằng điện, nơi mỗi loại máy, nó khởi tác dụng khác nhau, nhưng dòng điện ấy chắc chắn giống nhau. Vì thế, tâm là một, nơi mắt có thể thấy, nơi tai có thể nghe, nơi mũi ngửi hương, nơi lưỡi nếm vị, đó là do máy móc khác nhau, nên khởi tác dụng khác nhau. Những thứ này thảy đều gọi là vọng tâm, hư vọng, chẳng phải là chân tâm.
Tác dụng của chân tâm tuyệt diệu thay! Tác dụng của chân tâm chẳng bị “máy móc” ràng buộc. Nếu là chân tâm [thì dùng bất cứ giác quan nào] cũng có thể thấy, nghe, mà cũng có thể nếm mùi vị. Do vậy, kinh Lăng Nghiêm nói: “Lục căn hỗ dụng” (sáu căn dùng lẫn cho nhau). Bất luận đối với một vật thể nào, nó đều có thể phát huy toàn bộ công năng, toàn bộ tác dụng, đó là chân thật. Vì thế, chúng ta thường nói người dùng chân tâm “có thần thông”, vì sao có thần thông? Thí dụ như người ấy nhìn vào chỗ này, có thể thấy phía sau hay chăng? Có thể thấy đằng sau, trông thấy được! Thân thì sao? [Chỗ nào trên] thân cũng đều khởi tác dụng, chẳng bị chướng ngại! Đỉnh đầu cũng thấy được phía trên, lòng bàn chân cũng thấy được phía dưới, bốn phương tám hướng đều thấy. Vì thế, chân tâm hiện tiền, bản năng (năng lực sẵn có) của quý vị bèn khôi phục.
Hiện thời, trên thế giới này, có không ít kẻ có thần thông, thật đấy, chẳng giả, nhưng ngàn vạn phần quý vị đừng nên quấy rầy họ, chớ nên thân cận họ, chẳng có lợi ích gì! Vì thần thông của họ đều do quỷ thần dựa thân hiện ra, chẳng phải là năng lực do người ấy vốn có. Yêu ma quỷ quái tới thế gian này là vì họ có duyên với kẻ ấy, nhờ thân thể kẻ ấy để hiển lộ thần thông, đôi bên đều có lợi. Ma quỷ có lợi, mà chính người ấy cũng cảm thấy nay ta có thần thông, cũng nhóm họp chẳng ít đồ chúng khuấy động sóng gió, kiếm chác tiếng tăm, lợi dưỡng. Hiện tại, người mê tín chuyện này đặc biệt đông, nói sự thật họ chẳng tin, nói lời giả dối họ tin ngay!
Khi tôi giảng pháp môn Tịnh Độ tại Los Angeles, người nghe đại khái chỉ có bốn mươi mấy người, trong số ấy, có một vị cư sĩ bảo tôi: “Thưa pháp sư! Nếu ngài giảng Tài Thần Kinh[18], sợ rằng người nghe hơn một vạn”. Ông ta bảo tôi: “Lô Thắng Ngạn[19] giảng Tài Thần Kinh ở đó, bán vé tham dự mỗi vé hai mươi Mỹ kim, mà chẳng còn chỗ nào trống”. Quý vị xem thử là bao nhiêu người? Lô Thắng Ngạn thật sự phát tài. Chúng tôi nói lời thật với mọi người, lời thật chẳng ai nghe! Kẻ nói giả dối nhằm lừa người, con người hiện thời chịu bị lừa gạt, nên hễ bị gạt bèn kéo tới. Trước mắt thì tốt đẹp lắm, tiền bạc cuồn cuộn đưa tới không ngừng, nhưng quả báo về sau cũng kinh khủng lắm, đấy là “cái được chẳng bù nổi cái mất”, như cổ nhân đã nói: “Đao khẩu thỉ mật” (liếm mật trên lưỡi dao). Mật trên mũi dao rất ngọt, nếm vào được hưởng vị mật ngọt, nhưng lưỡi cũng đứt luôn! Quả báo về sau đáng sợ lắm, chúng ta nhất định chớ nên làm chuyện ấy!
Do vậy, phải tự giác, tự giác lìa tâm, tức là lìa tâm ý thức, đó gọi là tự giác, đấy là công phu chân chánh. Lìa tâm ý thức thì lìa bằng cách nào? Nói đơn giản, thức là phân biệt, ý là chấp trước, tâm là giữ lại ấn tượng. Nếu trong cuộc sống, chúng ta xử sự, đãi người, tiếp vật, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, không giữ lại ấn tượng, đó là “lìa tâm ý thức”, là tự giác. Chư vị hãy suy nghĩ, có thể làm được hay chăng? Chẳng dễ dàng! Đó là tự giác.
Ý nghĩa tự giác này còn sâu hơn phần trước, đây là công phu thật sự, phải lìa tâm ý thức. Trong các buổi giảng, tôi thường dùng bốn câu để giảng: “Chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm”. Phải thật sự thực hiện! Thật sự làm như vậy, có người hỏi tôi: Như vậy chẳng phải là biến thành ngây ngốc hay sao? Nếu ngây ngốc là Phật thì rất dễ, trong bệnh viện chích một mũi thuốc bèn ngây ngốc, thành Phật rồi, cần gì phải khổ sở tu như thế? Chẳng cần nữa! Không phải vậy! “Chẳng phân biệt” như tôi vừa mới nói với quý vị chính là “phân biệt” và “chẳng phân biệt” là một, không hai; đó gọi là “chẳng phân biệt”. “Chấp trước” và “chẳng chấp trước” là một, không hai; đó gọi là “chẳng chấp trước”. “Chẳng động niệm” thì “động niệm” và “chẳng động niệm” cũng là một, chẳng hai. “Khởi tâm” và “chẳng khởi tâm” cũng là một, không hai!
Điều này nghe qua rất huyền diệu, nhưng tôi nói lời thật với quý vị. Thí dụ như chúng ta đãi người, tiếp vật, trên tay cầm một quyển sách, người ta hỏi quý vị: “Pháp sư! Thầy cầm gì trên tay?” Tôi chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, tôi chẳng nói một câu nào, nhưng người ta hỏi, tôi chẳng ngơ ngác! Họ hỏi tôi đó là gì, tôi đáp: “Sách!” “Sách gì?” “Kinh Di Đà”. Quý vị thấy tôi lại phân biệt, lại chấp trước, lại khởi tâm, lại động niệm, nhưng phân biệt, chấp trước, khởi tâm, động niệm là vì kẻ đó. Kẻ ấy nói đây là sách, cho nên tôi nói với hắn đây là sách. Kẻ ấy nói đây là kinh Di Đà, nên tôi cũng nói kinh Di Đà. Trong tâm của chính tôi có chấp trước đây là sách, đây là kinh Di Đà hay không? Không có! Do vậy, đối với chính mình mà nói thì quả thật chẳng khởi tâm động niệm, chẳng có phân biệt, chấp trước, nhưng đối với người khác lại khởi tâm, lại động niệm, lại phân biệt, lại chấp trước, cho nên là một, không hai! Nếu quý vị học được như vậy thì gọi là Phật.
Đối với chính mình, “Phật pháp trên thế gian”, đối với người khác, “bất hoại thế gian tướng” (chẳng phá hỏng tướng thế gian). Đối với hết thảy các hiện tượng và hết thảy trật tự trên thế gian đều tùy thuận, quyết định chẳng phá hoại chúng, tâm chính mình thanh sạch, chẳng nhiễm mảy trần, quý vị đắc đại tự tại. Trên thế gian này, không có một ai mà ta chẳng thể hòa thuận, không có chuyện gì chẳng đáng yêu, quý vị đắc đại tự tại. Nhưng người thế gian chẳng giống như Phật, họ bên ngoài phân biệt, bên trong cũng thật sự phân biệt, bên ngoài chấp trước, bên trong cũng chấp trước, chuyện này phiền phức lắm! Phật, Bồ Tát cao minh ở chỗ: Bên ngoài bèn ứng theo quý vị, thuận theo sự phân biệt của quý vị mà phân biệt, thuận theo sự chấp trước của quý vị mà chấp trước; đối với chính Ngài thì căn bản là chẳng có phân biệt, chấp trước, bản lãnh ở chỗ này, điều đó gọi là tự giác, chúng ta phải học điều này. Tu hành là tu gì? Tu điều này. Mỗi ngày gõ mõ, niệm kinh, lạy Phật, dập đầu, người ta nói những điều đó đều là làm ra vẻ, làm bộ, làm tịch, dẫu làm giống đến mấy, nhưng trong tâm thiếu công phu, vô dụng!
Lần này tôi qua Gia Nã Đại, gặp một vị đồng tu, cho tôi biết: Trong quá khứ, ông ta theo một vị lão sư phụ học Phật. Ông ta nói vị sư phụ ấy tu hành hết sức tốt đẹp, công khóa mỗi ngày đều chẳng thiếu, luôn hết sức nghiêm túc tu học, ông ta bội phục năm vóc sát đất. Ông ta nói gần đây vị thầy đó bị ma dựa, đang ở trong nhà thương điên. Ông ta đến hỏi tôi nguyên nhân vì sao? Hỏi tôi có nên thân cận vị ấy hay chăng? Tôi bảo ông ta: “Tu hành trên hình thức, dù tu tốt đẹp vẫn là làm bộ, làm tịch. Tu hành chân chánh là dụng công nơi nội tâm để chuyển cảnh giới, chứ không do hình thức”.
Chúng ta đọc truyện ký của cổ nhân, thấy Hàn Sơn, Thập Đắc ở trong chùa miếu điên điên khùng khùng, họ là hai người làm việc vặt vãnh, chuyên nhóm lửa trong nhà bếp, về sau mới biết họ là Văn Thù, Phổ Hiền hai vị đại Bồ Tát. Họ ở chùa Quốc Thanh núi Thiên Thai, sư Phong Can giã gạo trong phòng xay xát là A Di Đà Phật. Các Ngài đều làm việc cực nhọc, hầu hạ mọi người. Do vậy, các Ngài thấy [chư Tăng] mỗi nửa tháng tụng giới trong Giới Đường, trang nghiêm tụng giới, nghiêm túc lắm! Hàn Sơn, Thập Đắc ở ngoài cửa trêu ghẹo, cợt nhả, vì sao? Tụng giới luật rất nghiêm túc, nhưng không làm được! Vì thế, phải biết: Công phu chân chánh ở nơi tâm địa. “Nhân địa bất chân, quả chiêu vu khúc” (cái nhân chẳng thật, chuốc quả ngoắt ngoéo). Sư phụ ông ta gặp ma chướng, bị ma dựa là có nguyên nhân.
Ông ta hỏi: “Tôi có nên thân cận người ấy hay chăng?” Tôi bảo ông ta: “Nếu ông đã theo ông ta nhiều năm như vậy, phải có nghĩa vụ chăm nom ông ta. Ông ta đang bệnh khổ, nếu cần được giúp đỡ thì có tiền nên giúp đỡ ông ta, chăm sóc ông ấy”. Ông ta thưa: “Sư phụ tôi tiền nhiều lắm!” Tôi nói: “Vậy thì ông chẳng cần phải đến, lắm tiền quá sẽ bị ma dựa. Trong kinh A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung, đức Phật đã dạy: ‘Tích tài táng đạo’ (tích tụ tài sản, đạo tiêu vong), tâm ông ta không ở nơi đạo, mà hằng ngày lòng đặt nơi tiền tài”. Nhất là tại Hương Cảng, sư phụ ông ta ở Hương Cảng, tiền nhiều quá, bỏ trong ngân hàng lại sợ ít lời, mua cổ phiếu lại sợ cổ phiếu sụt giá, chuyện này phiền phức lớn lắm, ông ta đâu có lòng nào tu đạo? Vì thế, dù mỗi ngày tụng niệm công khóa chăm chỉ, tâm ông ta không đặt nơi đạo, sẽ bị ma dựa! Chúng ta phải hiểu chỗ này, lìa tâm và sắc rất ư trọng yếu!
Sắc là gì? Cảnh giới bên ngoài. Cảnh giới bên ngoài phải bỏ, quyết chẳng bị động tâm bởi ngũ dục lục trần bên ngoài. Bên ngoài là tài, sắc, danh, ăn uống, nghỉ ngơi, tiếng tăm, lợi dưỡng, quý vị vẫn bị động tâm vì những thứ ấy là sai rồi, quý vị sẽ mê, chẳng giác. Do vậy, tự giác và giác tha ở đây có nghĩa là bên trong thì đoạn phiền não, bên trong chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, bên ngoài chẳng bị ngũ dục lục trần dụ dỗ, mê hoặc, đó là Giác Tha. “Câu ly” (đều lìa), hai bên đều lìa, trong lìa phiền não, ngoài dứt trần duyên, đó là Giác Mãn, giác hành viên mãn. Vì vậy, đoạn này giải thích [ý nghĩa của Tam Giác] hoàn toàn dựa theo công phu của chính mình, hết sức trọng yếu.
Học Phật, thu hoạch trong giai đoạn thứ nhất là pháp hỷ sung mãn, đấy là sự chứng đắc, hưởng thụ đầu tiên. Năm Dân Quốc 42 (1953), tôi thân cận tiên sinh Phương Đông Mỹ, hết sức khó có, cụ muốn tôi theo học ở nhà cụ, chẳng học ở trường. Vì thế, tôi học ở nhà cụ. Cụ giảng triết học khái luận, giảng tới cuối cùng bèn giảng triết học trong kinh Phật. Cụ đưa ra một nhận định đanh thép: “Triết học trong kinh Phật cao nhất trong toàn bộ triết học thế giới, là sự hưởng thụ cao nhất trong đời người”. Tôi bị rúng động bởi hai câu ấy. Vì thế, phát tâm học Phật, nghiên cứu Phật học. Tôi vô cùng cảm kích thầy, vì sao? Ngày nay tôi thật sự chứng thực sự hưởng thụ tối cao trong đời người, tôi đạt được.
Vì thế, học Phật thân tâm tự tại, khoái lạc. Tôi thấy rất nhiều người học Phật, học đến nỗi mặt mày cau có. Đấy là học Phật chẳng
đúng phương pháp, chẳng đạt được lợi ích, giống như chúng ta mắc bệnh, uống thuốc vô hiệu! Mong mọi người hãy khéo kiểm điểm, nghiêm túc học tập, người học Phật sung sướng. Tôi ở ngoại quốc có pháp duyên tốt đẹp như thế, hết thảy mọi người đều mong theo tôi vì thấy tôi rất vui sướng, sự vui sướng của tôi do đâu mà có? Do niệm A Di Đà Phật. Tôi dạy họ: “Quý vị niệm như thế sẽ rất vui sướng!” Điều này có thể tiếp dẫn rất nhiều chúng sanh. Nếu tôi suốt ngày từ sáng đến tối đeo bản mặt cau có, chẳng có ai muốn học Phật hết! Quý vị thấy học Phật theo kiểu đó, thì có còn nên học Phật hay chăng? Chẳng nên học Phật!
Chư vị hãy cố gắng tích cực, nếu chúng ta chẳng học Phật pháp tốt đẹp, không chỉ chúng ta có lỗi với đức Phật, mà còn là phá hoại Phật pháp, vì sao? Chúng ta dọa lây người khác không dám học Phật, tội lỗi ấy vô lượng vô biên, khác nào phá hoại Phật pháp. Nói chung, chúng ta khiến cho người ta trông thấy, [liền nghĩ]: Học Phật tốt lắm, quý vị thấy người học Phật hạnh phúc, vui sướng dường ấy. Thứ nhất là nếu khiến cho người ta có ấn tượng ấy, như vậy là quý vị có thể phổ độ chúng sanh, có thể tiếp dẫn chúng sanh rộng khắp, rất quan trọng! Pháp hỷ từ trong nội tâm phát ra, chẳng phải do học được, nhất định chẳng do bị cảnh giới bên ngoài kích thích, mà thật sự từ nội tâm sanh ra hỷ duyệt, đó là pháp hỷ. Ngày hôm nay, chúng tôi giảng tới đây!
— o0o —
Tập 93
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm bảy mươi.
(Sao) Hựu ly tâm danh tự giác, ly sắc danh giác tha, câu ly danh giác mãn, diệc tam giác nghĩa.
(鈔)又離心名自覺,離色名覺他,俱離名覺滿,亦三覺義。
(Sao: Lại nữa, lìa tâm là tự giác, lìa sắc là giác tha, đều lìa [sắc và tâm] là giác mãn, đây cũng là ba nghĩa của Giác).
Đây là giải thích chữ “Phật”, trong chữ này hàm chứa rất nhiều ý nghĩa. Câu này liên quan đến giáo nghĩa rất sâu, nếu chẳng có sự tu dưỡng kha khá đối với giáo nghĩa, e rằng nghe giảng sẽ chẳng dễ gì hiểu rõ cho lắm. Ở đây tôi dùng phương thức đơn giản nhất, để lại nói rõ cùng
quý vị: Sắc là gì? Tâm là gì?
Nói đơn giản, Tâm là phân biệt, chấp trước, vọng tưởng. Lìa hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, đấy là “tự giác”. Tôi giảng cách này dễ hiểu, chắc chắn chẳng trái phạm giáo nghĩa. Nếu giảng tâm ý thức theo giáo nghĩa, nói tới Duy Thức, giảng cả nửa ngày, mọi người nghe như đang kẹt trong mây mù cả năm dặm, chẳng hiểu rõ ràng! “Ly sắc” là gì? Sắc là cảnh giới bên ngoài, chẳng chấp tướng là lìa sắc, trọn chẳng phải là nói sắc tướng bên ngoài đều từ bỏ, đó là là chuyện chẳng thể nào được, làm không được, trong tâm chẳng chấp trước, tức là không bị sắc tướng bên ngoài nhiễm trước, đó gọi là lìa sắc, là “giác tha”.
Vì sao gọi là giác tha? Chẳng chấp tướng, nói đơn giản là buông xuống, buông cảnh giới bên ngoài xuống: Tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê, tiếng tăm, lợi dưỡng, thật sự có thể thấy thấu suốt, buông xuống, đó là “ly sắc”. Chư vị hãy suy nghĩ, nếu quý vị chẳng thật sự thấy thấu suốt sắc tướng bên ngoài, quý vị có buông xuống được chăng? Quý vị thấy thấu suốt sắc tướng bên ngoài là giác tha. Biết hết thảy vạn pháp giống như kinh Kim Cang đã dạy: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Do vậy, quý vị mới buông xuống: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, quý vị mới không đắm nhiễm chúng. Thật sự triệt để liễu giải tướng cảnh giới bên ngoài. Triệt để liễu giải sẽ nhất định chẳng chấp trước, nhất định buông xuống, đó là “giác tha”. Tự giác và giác tha thảy đều viên mãn, đó là “giác mãn”. Nghĩa Tam Giác ở chỗ này không khác với ý nghĩa trong phần trước cho lắm!
Có những kẻ tự giác, nhưng chẳng thể giác tha; có những kẻ giác tha, chẳng thể tự giác. Chẳng hạn như người Tiểu Thừa tự giác, nhưng chẳng thể giác tha. Bản thân người Tiểu Thừa thật sự chẳng có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, nhưng chẳng thấy thấu suốt cảnh giới bên ngoài, đó là “có tự giác, thiếu giác tha”. Quyền Giáo Bồ Tát có giác tha, nhưng chẳng tự giác. Tuy họ thấy thấu suốt cảnh giới bên ngoài, nhưng trong tâm, phiền não, kiến giải vẫn chưa buông xuống được, tri kiến vẫn chưa buông xuống được. Đối với cảnh giới bên ngoài như tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, quả thật vị ấy hết sức coi nhạt, đã buông xuống, nhưng có một thứ thành kiến không buông xuống được, đó là chẳng tự giác. Hiện tượng này rất rõ rệt nơi những kẻ sơ học như chúng ta. Chúng ta lấy việc học Phật pháp để nói thì “tiên nhập vi chủ” (pháp nào được tiếp xúc đầu tiên sẽ là chánh yếu), chẳng buông xuống được, hết sức chấp trước, đó cũng là nghiệp chướng, chướng ngại thành tựu trong một đời!
Trong các buổi giảng, chúng tôi thường nhắc nhở các đồng tu, thời gian tốt đẹp chẳng nhiều, cuộc sống yên ổn, xã hội còn có thể sống bình an chẳng phải là chuyện dễ, nhất định phải khéo giữ vững, nhất là trong những năm gần đây, chúng ta thấy tình hình thế giới, lòng người quả thật có những dấu vết, điềm báo đại tai nạn sắp xảy ra; vì thế, chúng ta phải nỗ lực vượt bậc! Phải nỗ lực tiến theo phương hướng “tự giác, giác tha”, trong có thể buông phiền não xuống, ngoài tận lực giảm bớt thế duyên (duyên trong cõi đời); đó gọi là “tùy duyên, chẳng phan duyên”, nhiều thêm một chuyện chẳng bằng ít đi một chuyện, ít đi một chuyện chẳng bằng không có chuyện gì. Cũng có lẽ người khác thấy chúng ta rất tiêu cực, chuyện này chẳng sao cả! Họ nói ta tiêu cực, ta [cứ chấp nhận là ta] tiêu cực, khéo dùng thời gian này để niệm Phật. Đợi đến khi chúng ta niệm Phật tốt đẹp, tai nạn xảy tới, chúng ta có chỗ tốt đẹp để ra đi, chẳng bị tai nạn; khi ấy, họ mới biết chúng ta tiêu cực quả thật có rất nhiều điều tốt đẹp. Vì thế, đối với duyên thế gian phải tiêu cực, đối với niệm Phật phải tích cực.
Lại thưa cùng quý vị, đối với chuyện nghiên cứu kinh luận Đại Thừa, chúng ta đều phải tiêu cực, vì sao? Tuy kinh luận rất hay, nhưng quá nhiều! Chẳng kịp nữa, chúng ta thảy đều buông xuống. Chúng ta niệm kinh chỉ niệm kinh A Di Đà, hoặc chỉ niệm kinh Vô Lượng Thọ là được rồi, quý vị chẳng biết lợi ích do niệm kinh này! Quán Kinh dạy chúng ta “đọc tụng Đại Thừa”. Trong ba thứ phước báo như Quán Kinh đã giảng, điều thứ ba là “phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”, đó là vô lượng vô biên phước báo. Đọc tụng Đại Thừa là đọc gì? Chính là đọc kinh Vô Lượng Thọ, đọc kinh Di Đà, hoặc đọc chú giải kinh Di Đà, đều được! Quý vị mỗi ngày niệm một tiếng, sẽ có lợi ích vô cùng to lớn, niệm một tiếng giống như đem bộ phim về Tây Phương Cực Lạc thế giới chiếu trong tâm quý vị một lần. Chiếu phim mỗi ngày, sau này, bất tri bất giác tâm của quý vị toàn là cảnh giới Tây Phương Cực Lạc thế giới, bất tri bất giác dưỡng thành. Kinh Lăng Nghiêm gọi sự dưỡng thành ấy là “ức Phật”, chúng ta thường tưởng Phật, miệng niệm Phật. “Ức Phật, niệm Phật, hiện tiền, đương lai, tất định kiến Phật” (nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật), đấy là công đức chẳng thể nghĩ bàn. Do vậy, kinh khác chẳng cần niệm, vì sao? Không còn kịp!
Tôi cảm thấy thời gian tốt đẹp, nay chúng ta ấn định thời gian, bảy năm, bảy năm nhất định có thể niệm đến công phu thành phiến, nhất tâm bất loạn. Nói cách khác, quyết định có thể tự tại vãng sanh. Khi vãng sanh chớ nên bị bệnh, giống như các vị đại đức xưa nay, đứng mất, ngồi tịch, ra đi trong lúc cười nói, tự tại lắm! Làm được chăng? Thưa quý vị, ai cũng đều làm được, chỉ sợ quý vị chẳng chịu làm. Có lẽ quý vị hoài nghi, rất nhiều người xuất gia niệm Phật cả đời, tới cuối cùng vẫn ngã bệnh, vẫn chết rất đau đớn, làm sao ta có thể ra đi tự tại được? Quý vị chẳng hiểu: Những vị xuất gia ấy niệm Phật suốt đời, nhưng trong lẫn ngoài đều chẳng buông xuống, cho nên họ mới bị bệnh, mới đau khổ. Quý vị thảy đều buông xuống, còn có gì đau khổ nữa? Chẳng có! Toàn bộ nghiệp chướng tiêu hết. Hễ có một chuyện chưa buông xuống, đó chính là nghiệp chướng, quý vị đáng chịu quả báo như thế nào vẫn phải chịu như vậy. Vì thế, buông xuống tốt đẹp lắm!
(Sao) Hựu vân trí giả, trí tức giác nghĩa, vô bất tri giả.
(鈔) 又云智者,智即覺義,無不知者。
(Sao: Lại dịch là “trí giả” (bậc trí), trí có nghĩa là giác, không gì chẳng biết).
Chữ “Phật” có nghĩa là “trí giả” (bậc trí), bậc giác ngộ, bậc trí
huệ. “Trí tức giác nghĩa” (trí nghĩa là giác), Trí là Thể, Giác là Dụng. Nói cách khác, Chân Như bổn tánh vốn trọn đủ vô lượng trí huệ, trí huệ khởi tác dụng thì gọi là Giác; đối với chính mình thì gọi là Tự Giác, đối với người khác gọi là Giác Tha, chuyện là như vậy đó. Nay tự tánh của chúng ta bị mê, thiếu trí huệ, biến trí huệ thành thông minh tài trí thế gian, trong Phật pháp gọi [sự thông minh ấy] là “thế trí biện thông”, tức là thông minh, trí huệ, biện tài thế gian. Sau khi mê, chân trí huệ (trí huệ chân thật) biến thành trí huệ thế tục, biến thành trí huệ thế gian. Trí huệ thế gian khởi tác dụng, chẳng tránh khỏi có phiền não, phân biệt, chấp trước, so sánh, theo khuôn mẫu ấy. Chẳng giống như trí huệ chân chánh của Như Lai và đại Bồ Tát, chẳng có phiền não, chẳng sanh phiền não.
“Vô bất tri giả” (không gì chẳng biết): “Bát Nhã vô tri, vô sở bất tri” (Bát Nhã vô tri, không gì chẳng biết). “Vô tri” là nói tới trí huệ chân chánh. Hiện thời, chúng ta hoàn toàn tương phản, chúng ta có biết; do có biết nên có cái chẳng biết, thua thiệt to! Trong hội Lăng Nghiêm, tôn giả Phú Lâu Na thỉnh giáo Thích Ca Mâu Ni Phật [vì sao] chúng sanh khởi lên vô minh, Ngài hỏi: “Do nguyên nhân gì mà vô minh sanh khởi?” Đức Phật giải thích tuyệt hay bằng bốn chữ “tri kiến lập tri, thị vô minh bổn” (từ tri kiến lập thêm một cái biết nữa, đó là gốc vô minh). Đấy là căn bản của vô minh, vô minh sanh ra như vậy đó. Câu này có nghĩa là gì? Trong vô tri, quý vị thành lập một cái “có biết”, có biết là trật rồi!
Có biết là vô minh, vô tri là bổn tánh; quý vị nghe tôi nói câu này, ngàn vạn phần chớ nên hiểu lầm, phải ghi nhớ lời này: “Vô tri là trí huệ”, được rồi, nay ta sẽ ngây ngốc, đó có phải là trí huệ hay chăng? Hiểu lầm mất rồi! Quý vị hoàn toàn hiểu lầm. Vô tri tuyệt đối chẳng phải là cảnh giới của phàm phu chúng ta, không chỉ chẳng phải là cảnh giới của phàm phu, mà nó cũng chẳng phải là cảnh giới của hàng Nhị Thừa hay Quyền Giáo Bồ Tát. Nói cách khác, chúng tôi ở đây nói chơi, quý vị cũng đang nghe chơi. Nếu muốn đạt đến cảnh giới ấy, tôi dạy quý vị một phương pháp: Thật thà niệm Phật, niệm tới Lý nhất tâm bất loạn, cảnh giới ấy sẽ hiện tiền. Lý nhất tâm là hàng Viên Giáo Bồ Tát từ Sơ Trụ trở lên, quý vị mới có thể thật sự chứng thực. Nếu không, quý vị trở về nhà, dấy lên vọng tưởng, dấy vọng tưởng cách nào cũng là vô minh, cũng là tà tri tà kiến. Kinh Bát Nhã dạy: “Bát Nhã vô tri, không gì chẳng biết”, vô tri là bản thể của Bát Nhã; “không gì chẳng biết” là nó khởi tác dụng. Khi nó chẳng khởi tác dụng là vô tri; khi có tác dụng thì không gì chẳng biết.
(Sao) Trí Luận vân.
(鈔) 智論云。
(Sao: Trí Độ Luận nói).
“Trí Luận” là Đại Trí Độ Luận, có mấy câu được trích lục ở đây.
(Sao) Tri nhất thiết chúng sanh số phi số, thường phi thường đẳng, thị trí vô bất tri, sở vị đắc Nhất Thiết Chủng Trí thị dã, tức giác mãn nghĩa dã.
(鈔)知一切眾生數非數,常非常等,是智無不知,所謂得一切種智是也,即覺滿義也。
(Sao: Biết hết thảy chúng sanh có số lượng hay chẳng phải số lượng, thường hay chẳng thường v.v… đó là trí không gì chẳng biết, nói “đắc Nhất Thiết Chủng Trí” là nói về chuyện này, đấy là ý nghĩa Giác Mãn vậy).
“Tri nhất thiết chúng sanh số phi số” (Biết hết thảy chúng sanh có số lượng hay chẳng phải số lượng): “Số” (數) là số lượng, phạm vi bao hàm của chữ này vô cùng rộng rãi; nếu lấy con số để nói thì tận hư không trọn pháp giới sẽ là số lượng của chúng sanh. Ai biết chuyện này? Đức Phật biết, các vị đại Bồ Tát biết, vì sao? Các Ngài đã kiến tánh. Trong Chân Như bổn tánh có trí huệ bản năng, các Ngài chẳng cần phải tính toán, cũng chẳng cần phải suy nghĩ, giống như computer, quý vị nhấn nút một cái, con số liền hiện ra, kỳ diệu vô cùng, quả thật là như vậy. Chỉ cần người ta hỏi đến, lập tức đáp được con số, chẳng cần phải suy nghĩ, cũng chẳng cần quan sát, bản năng (năng lực sẵn có) trong tự tánh chẳng thể nghĩ bàn dường ấy!
Mặt khác, chữ “số” này cũng có thể hiểu là “số thuật” (thuật bói toán số mạng). Chúng sanh đang mê nên đều có số mạng; vì có số mạng, nên người có thể đoán mạng. Nếu không có số mạng, họ (các thầy tướng số) làm sao đoán được? Những gã thầy bói quả thật đã căn cứ trên Toán Học rất cao thâm, kinh Dịch nói về Toán Học. Hiện thời, đã phát hiện rất nhiều tinh cầu trong vũ trụ nhờ suy luận Toán Học. Vì thế, cuộc đời một cá nhân có số, đời đời kiếp kiếp đều thuộc trong số lượng. Đại vũ trụ cũng có số, đều có thể dự đoán được. Vì vậy, có nhiều tiên đoán từ mấy ngàn năm trước, tiên đoán rất chính xác. Vì sao có thể suy tính chính xác đến mấy ngàn năm như vậy? Do trong ấy có số lượng!
Ai có thể thoát khỏi số lượng? Trong sách Liễu Phàm Tứ Huấn, thiền sư Vân Cốc đã nói: “Người đại tu hành chẳng bị số lượng câu thúc”; quý vị tìm đến thầy tướng số, ông ta sẽ bói toán chẳng linh, đoán không chuẩn xác, vì sao? Người ấy đã vượt khỏi số lượng. Những kẻ thông thường đều bị vận mạng câu thúc, giống như ông Viên Liễu Phàm vậy. Tôi đọc Liễu Phàm Tứ Huấn, thấy Viên Liễu Phàm là một phàm phu tiêu chuẩn. Chúng ta là phàm phu, nhưng ngay cả tiêu chuẩn [của phàm phu] còn chưa đạt! Ông ta là phàm phu tiêu chuẩn; nhưng sau này, ông ta gặp thiền sư Vân Cốc, có thể sửa đổi vận mạng, sáng tạo vận mạng. Có thể thấy vận mạng là có, Phong Thủy cũng có, nhưng biến đổi [vận mạng] thì phải biến đổi từ cái tâm. Cảnh chuyển theo tâm, số cũng phải từ tâm mới có thể hóa giải. Do vậy, chữ Số này bao hàm rất nhiều nghĩa, hàm nghĩa cũng rất sâu.
“Thường phi thường đẳng”: Hết thảy các pháp, có pháp nào thường trụ? Pháp nào vô thường? Thí dụ như nói theo phía chúng sanh chúng ta, chân tánh của chúng ta là thường, hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh, Phật Tánh là thường. Nhục thể (cái thân xác thịt) này là vô thường, nhục thể có sanh, lão, bệnh, tử, thành, trụ, hoại, không, tinh thần của chúng ta là chân thường. Nói theo cách bây giờ thì là tinh thần và vật chất. Thân thể này là vật chất, có tụ, có tán, nhưng thật sự thì tinh thần chẳng đến, chẳng đi, trong Phật pháp gọi điều ấy là Phật Tánh, hoặc gọi là Bổn Tánh, hoặc gọi là Chân Tâm; trong kinh nói chung có đến mấy chục danh từ đều nhằm để nói về sự thật này. Do vậy, cái nào là thường? Cái nào là vô thường? “Đẳng” là từ ngữ tỉnh lược, [hàm ý] là tiếp theo đó còn có nhiều thứ nữa, đều là nói về nguyên lý, nguyên tắc trong vũ trụ và nhân sinh.
“Thị trí vô bất tri” (là trí không gì chẳng biết), trí huệ khởi tác dụng, không gì chẳng biết, đó gọi là Nhất Thiết Chủng Trí (Sarvathā-jñāna). Nhất Thiết Chủng Trí là trí huệ của Như Lai, là trí huệ viên mãn. Nhất Thiết Trí (Sarva-jñāna) là biết Không; nó biết Thể, nhưng không biết Dụng, nên gọi là Nhất Thiết Trí. Đạo Chủng Trí là biết Dụng mà cũng biết Thể, đấy là trí huệ của Bồ Tát. Đạt tới Nhất Thiết Chủng Trí thì hai loại trí huệ này đều viên mãn, đó là trí huệ nơi quả địa của Như Lai. Gọi là Nhất Thiết Chủng Trí nhằm nói lên ý nghĩa “trí huệ viên mãn”.
(Sao) Thập hiệu giả, vạn đức Thế Tôn, cử mạc năng tận. Lược nhi ngôn chi, Như Lai chí Phật, cộng hữu thập hiệu. Thập hiệu chi trung, Phật đương kỳ nhất. Cụ tư thập đức, thế xuất thế gian chi sở tông chủ, cố danh Thế Tôn.
(鈔)十號者,萬德世尊,舉莫能盡。略而言之,如來至佛,共有十號。十號之中,佛當其一。具茲十德,世出世間之所宗主,故名世尊。
(Sao: “Mười hiệu”: Thế Tôn có muôn đức nói chẳng thể hết. Nói đại lược, từ Như Lai tới Phật có tất cả mười hiệu. Trong mười hiệu, Phật là một hiệu trong số đó. Đầy đủ mười đức, là bậc được tôn sùng nhất trong cả thế gian lẫn xuất thế gian, nên gọi là Thế Tôn).
Như Lai “thập hiệu”, mười hiệu ấy là “thông xưng”, [tức là] bất luận vị Phật nào cũng đều có đủ mười hiệu ấy. Mười hiệu ấy được đặt ra dựa trên trí huệ và đức năng của Phật. Trong mười hiệu, ở đây chỉ nêu ra hai hiệu, nêu ra “Như Lai” và “Phật”. Thập hiệu là Phật học thường thức, chúng tôi giảng đơn giản một lượt.
Thứ nhất là “Như Lai” (Tathāgata). Cũng có rất nhiều cách giải thích hai chữ Như Lai này. Cách giải thích thường thấy nhất là: “Kim Phật như đồng cổ Phật chi tái lai, giá khiếu Như Lai” (Phật hiện tại giống như cổ Phật trở lại, nên gọi là Như Lai). Trí huệ và đức năng của mỗi vị Phật đều giống như nhau, Phật hiện tại giống như cổ Phật tái lai, đây là hoàn toàn nói theo mặt Sự. Nói theo Lý thì như kinh Kim Cang đã giải thích rất hay: “Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ” (Như Lai là không từ đâu đến, mà cũng chẳng đi về đâu). Điều này giống hệt như trong Bát Nhã và Trung Quán đã nói: “Bất lai, bất khứ” (Chẳng đến, chẳng đi). Đó là ý nghĩa của Như Lai. Còn có một cách giải thích khác, ý nghĩa hết sức hay: “Như Lai giả, chư pháp Như nghĩa” (Như Lai là nghĩa Như của các pháp). Đấy là giải thích vì sao Như Lai được gọi là Như Lai, nêu ra đạo lý và cảnh giới do chính Ngài đã đính thân chứng đắc: “Hết thảy các pháp đều Như”. Hết thảy các pháp là tướng, Như điều gì? Giống như Tánh của hết thảy các pháp, Tánh và Tướng như nhau, đó là Như Lai. Do vậy, nói “nghĩa Như của các pháp”; nhưng nói theo kiểu này, các đồng tu chắc là rất khó thông hiểu. Chúng tôi lấy chuyện nằm mộng làm tỷ dụ: Nằm mộng, bỗng nhiên quý vị thức giấc, hãy suy nghĩ toàn bộ mộng cảnh, mộng cảnh là các pháp, cái tâm có thể biến hiện mộng cảnh ví như tự tánh. Quý vị nghĩ xem: Tất cả cảnh giới trong mộng có phải đều do cái tâm của quý vị biến hiện hay không? Nếu quý vị giác ngộ, tất cả cảnh giới trong mộng đều là tâm ta! Tâm là mộng cảnh, mộng cảnh là tâm. “Ngoài tâm không mộng, ngoài mộng không tâm”, tâm và mộng như nhau; đấy là nghĩa Như của các pháp.
Từ chỗ này, quý vị hãy suy nghĩ, sâm la vạn tượng trong tận hư không khắp pháp giới hiện thời đều là Tướng Phần được hiện bởi Chân Như bổn tánh của chúng ta. Quý vị nói “minh tâm kiến tánh”, tánh ở đâu vậy? Chẳng có một pháp nào chẳng phải là tánh! Giống như chúng ta nằm mộng, bỗng nhiên trong mộng nghĩ “tâm ở nơi đâu?” Chẳng có pháp nào trong mộng chẳng phải là tâm! Toàn là tự tánh của quý vị! Vì thế, kinh thường dạy: “Toàn bộ vọng chính là chân, toàn bộ chân chính là vọng”, chân là gì? Cái tâm có thể biến (năng biến tâm). Vọng là mộng cảnh được biến hiện [bởi tâm]. Chân và vọng là một, chẳng hai! Hiểu rõ sự thật này, chân – vọng chẳng hai, tánh – tướng như một. Đấy là lời giải thích “nghĩa Như của các pháp” trong kinh Kim Cang. Quý vị đạt tới cảnh giới này, có thể gọi là Như Lai. Vì thế, đức hiệu Như Lai được thành lập từ chỗ này. Chúng ta chưa đạt tới cảnh giới này, chẳng thể xưng là Như Lai; đạt tới cảnh giới này bèn gọi là Như Lai. Gọi Như Lai là đã chứng đắc Pháp Thân. Pháp Thân là bản thân của hết thảy các pháp, giống như mộng cảnh vừa mới được nhắc tới, bỗng nhiên nhận biết ta đang nằm mộng, tất cả hết thảy các cảnh giới trong mộng đều là chính mình, thân thể của chính quý vị trong mộng là chính mình, người khác trong giấc mộng vẫn là chính mình, do chính cái tâm của quý vị biến hiện, chẳng phải do người từ bên ngoài bước vào mộng cảnh, chẳng có chuyện ấy! Núi, sông, đại địa trong mộng vẫn là chính mình, không có gì chẳng phải là chính mình, mới biết tận hư không khắp pháp giới thảy đều là chính mình, đó gọi là “chứng đắc thanh tịnh Pháp Thân”, thừa nhận hết thảy các pháp quả thật là chính mình. Nhục thân của chúng ta có sanh, có diệt, Pháp Thân bất sanh, bất diệt. Không chỉ tinh thần bất diệt, mà vật chất bất diệt, Pháp Thân bất sanh, bất diệt. Nếu quý vị nghe hiểu những lời này, lãnh hội cặn kẽ, tuy chưa thể chứng đắc Pháp Thân, ít nhiều quý vị đã có khái niệm về Pháp Thân. Đấy là ý nghĩa của hai chữ Như Lai.
Đức hiệu thứ hai là “Ứng Cúng” (Arhat), [nghĩa là] đáng nên tiếp nhận đại chúng cúng dường. Vì sao đáng nên tiếp nhận đại chúng cúng dường? Phật là vô thượng phước điền của hết thảy chúng sanh, chúng ta tới đâu để gieo phước? Cúng dường Phật có phước báo lớn nhất. Hiện tại, Phật chẳng còn trụ thế, chúng ta muốn tu phước thì làm sao? Chúng ta tới đâu cúng dường? Cúng dường những pháp sư xuất gia! Pháp sư xuất gia cố nhiên có người là đệ tử Phật chân chánh, mà cũng có yêu ma, quỷ quái. Nếu quý vị cúng dường sai, giống như quý vị gieo hạt giống trên đá, hoặc gieo trên cát, không chỉ chẳng sanh mầm, mà ngay cả hạt giống gieo xuống ấy cũng bị hư hoại. Do vậy, gieo phước điền chẳng dễ dàng. Nhưng tôi bảo quý vị: Tuy Phật chẳng tại thế, xá-lợi Pháp Thân Phật vẫn tồn tại trên thế gian, quý vị cúng dường xá-lợi Pháp Thân giống như cúng dường Phật chẳng hai, chẳng khác; xá-lợi Pháp Thân là gì? Kinh điển! Quý vị cúng dường kinh điển. Cúng dường bằng cách nào? Quý vị đọc tụng kinh điển mỗi ngày. Trong quá khứ, người ta chép kinh, nay chúng ta in kinh, đấy là cúng dường Phật, khiến cho xá-lợi Pháp Thân của Ngài thường trụ thế gian, vĩnh viễn chẳng bị hủy diệt. Nhất là kinh Di Đà, kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ là cùng một bộ, một kinh là Đại Bổn, kinh kia gọi là Tiểu Bổn, nói kinh Vô Lượng Thọ hay nói kinh Di Đà hoàn toàn giống nhau. Trong Pháp Diệt Tận Kinh, đức Phật đã nói: Trong tương lai, Phật pháp sẽ diệt tận, kinh diệt đầu tiên là kinh Lăng Nghiêm, kinh diệt cuối cùng là kinh Di Đà. Tất cả hết thảy các kinh đều diệt sạch, kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ vẫn còn trên thế gian một trăm năm; bởi lẽ, kinh này thật sự là “tam căn phổ bị, lợi độn toàn thâu” (thích hợp khắp ba căn, gồm thâu lợi căn lẫn độn căn). Người chẳng gặp được những kinh ấy là kẻ thiếu phước; người gặp được kinh điển, y giáo tu hành, không ai chẳng thành tựu trong một đời! Do vậy, nói: Phật pháp thành tựu trong một đời, chỉ có pháp môn này, chúng ta đọc tụng, hoằng dương, lưu thông kinh điển này chính là cúng dường đức Phật. Do vậy, danh hiệu thứ hai là Ứng Cúng, Phật là phước điền chân thật của chúng sanh trong chín pháp giới.
Đức hiệu thứ ba là “Chánh Biến Tri” (Samyak-sambuddha), danh hiệu này được kiến lập theo trí huệ và đức năng của Phật. Ngài là bậc toàn trí toàn năng, không gì chẳng biết, không gì chẳng thể. Những gì Ngài biết nhất định là chính xác, chẳng sai lầm; vì vậy, gọi là Chánh Tri. Biến Tri là không chuyện gì Ngài chẳng biết, biết trọn khắp. [Gộp hai ý nghĩa Chánh Tri và Biến Tri lại] nên gọi là Chánh Biến Tri.
Danh hiệu thứ tư là “Minh Hành Túc” (Vidyā-carana-sampanna). Minh là “minh” (明) trong “quang minh”, Hành là “hành” (行) trong “tu hành”, Túc là “túc” trong “mãn túc” (滿足: trọn đủ). Đức hiệu này được kiến lập dựa trên thần thông của Phật. A La Hán có sáu thứ thần thông; tuy có sáu món thần thông, nhưng năng lực hữu hạn. Chẳng hạn như nói đến Túc Mạng Thông thì A La Hán chỉ biết tới năm trăm đời, biết năm trăm đời quá khứ, nhưng hơn năm trăm đời sẽ chẳng biết.
Túc Mạng Thông (Pūrvanivāsānusmrti-jñāna) của Phật chẳng có hạn lượng, vô lượng, vô biên. Đây là nêu một thí dụ để nói. Nơi Phật chẳng gọi là Lục Thông, mà đổi tên, gọi là Tam Minh (Tri-vidya), tức là ba thứ quang minh. Không gọi là “thần thông”, Minh cao minh hơn thần thông rất nhiều. Trọn đủ Tam Minh: Thiên Nhãn Minh, Túc Mạng Minh, Lậu Tận Minh. Đây cũng là năng lực của Ngài; “thần thông” nói thật ra là “có năng lực”. Chánh Biến Tri trong phần trước là nói về trí huệ, trí huệ lẫn năng lực đều viên mãn, chẳng có mảy may khiếm khuyết, nên gọi là Minh Hạnh Túc.
Thứ năm là “Thiện Thệ” (Sugata), có nghĩa là “bất tái lai” (chẳng trở lại); “bất tái lai” là chẳng thoái chuyển. Ngài đã thành Phật, chắc chắn chẳng đọa xuống hàng Bồ Tát, tuyệt đối chẳng lại đọa làm phàm phu. Nếu nói “chẳng trở lại” nghĩa là thành Phật sẽ không trở vào nhân gian thì cách nói như vậy chẳng thông! Phật thường thị hiện trong nhân gian, Ngài có đến; đó gọi là “đảo giá Từ hàng” (thả chiếc bè Từ). Cổ nhân giải thích Thiện Thệ là “bất hoàn lai” (chẳng trở lại), trên thực tế là nói Ngài chẳng thoái chuyển, sẽ không rớt xuống địa vị phàm phu. Ngài vào trong cõi phàm, tùy loại hóa thân, giống như Quán Âm Bồ Tát “nên dùng thân gì để đắc độ, bèn hiện thân ấy”. Tuy hiện thân ấy, trên thực tế vẫn là Phật, trọn chẳng thật sự đọa lạc trong thân ấy. Vì vậy, Ngài đến nhân gian thị hiện thân người, chắc chắn chẳng thật sự biến thành người, chẳng có, vẫn là Phật, bất quá hiện hình dáng con người để hòa quang đồng trần, nhằm giúp đỡ chúng ta mà thôi, tuyệt đối chẳng lui sụt. Đó là Thiện Thệ.
Thứ sáu là “Thế Gian Giải” (Lokavid), Giải (解) là lý giải. Hết thảy các pháp thế gian Ngài hoàn toàn thông đạt, chẳng có chuyện gì không biết. Pháp thế gian và xuất thế gian thảy đều thông đạt, đó là Thế Gian Giải. Hoằng pháp lợi sanh, quả thật chẳng phải là chuyện dễ dàng. Thuở ấy, tôi theo học Giáo với thầy Lý, thầy Lý dặn đi, dặn lại, dặn dò chúng tôi nhất định phải thông đạt pháp thế gian, nhưng học Phật phải luôn lấy Phật pháp làm chánh. Thầy đặc biệt nhắc nhở chúng tôi nhất định phải hiểu pháp thế gian. Không hiểu pháp thế gian, chỉ thông hiểu Phật pháp, sẽ chẳng thể độ chúng sanh, vì quý vị và người thế gian chẳng hợp nhau. Thông hiểu pháp thế gian mà chẳng thông hiểu Phật pháp, cũng chẳng thể độ chúng sanh; nếu muốn phát tâm độ chúng sanh, sẽ chẳng dễ dàng! Pháp thế gian lẫn xuất thế gian đều phải thông đạt, chuyện này khó lắm. Pháp thế gian, chúng ta không cần bàn tới những kiến thức khoa học kỹ thuật mới mẻ hiện thời, chúng ta chẳng bàn đến những thứ ấy, vì quá nhiều, mà chỉ nói đến kiến thức xưa kia. Tứ Khố Toàn Thư là thứ cổ xưa của Trung Quốc, quý vị có thể thông đạt trong một đời này hay không? Pháp thế gian, chẳng tính tới khoa học kỹ thuật hiện đại, những thứ mới mẻ hiện thời không kể đến, chỉ tính những thứ xưa cũ, đã khó rồi! Còn Phật pháp thì sao? Tam Tạng kinh điển. Có thể thấy chuyện này khó lắm, thật sự là khó! Do vậy, phát tâm dễ, muốn thật sự làm được chẳng dễ dàng, nhưng chúng ta vẫn phải tận tâm tận lực gắng gượng thực hiện!
Trong pháp thế gian, thầy Lý chọn lựa cho các học trò, thứ nhất là Tứ Thư phải đọc, thứ hai là cổ văn, đọc Cổ Văn Quán Chỉ[20], thứ ba là Ngự Phê Thông Giám Tập Lãm[21], đấy là lịch sử, phải biết giáo huấn lịch sử trong quá khứ, thứ tư là Ngũ Chủng Di Quy[22] là sách dạy cách tu thân, đây là pháp thế gian thầy quy định chúng tôi phải đọc. Nay chúng tôi thấy nhiều người phát tâm gần như tốt đẹp mọi lẽ, nhưng chẳng hiểu đạo lý xử thế, không hiểu lễ tiết, cử chỉ, lời lẽ, hành vi thường gây mất lòng người khác, làm sao có thể hoằng pháp cho được? Dẫu quý vị thông hiểu Phật pháp cách mấy cũng chẳng được, không biết cách xử sự! Có rất nhiều người thật sự tu hành khá lắm, nhưng đối với pháp thế gian là một tờ giấy trắng tinh, điều gì cũng không biết. Vì thế, đối xử với kẻ khác đúng là dở khóc dở cười, người ấy có cố ý hay không? Chắc chắn là vô ý! Do chưa từng học, nên chẳng hiểu đạo lý đãi người xử thế. Vì vậy, pháp thế gian và xuất thế gian đều phải thông đạt. Đối với hết thảy các pháp thế gian, đức Phật chẳng có gì không thông đạt, cho nên gọi là Thế Gian Giải. Chẳng thông đạt pháp thế gian, chắc chắn chẳng thể độ chúng sanh, lời nói, việc làm, cử chỉ của chính mình khiến chúng sanh cảm thấy ngán ngẩm, dẫu đức hạnh cao tới đâu đi nữa, ngay cả chuyện làm người mà quý vị quá tệ thì còn nói gì được nữa? Do vậy, chúng ta phải lưu ý điều này. Tôi kính khuyên quý vị: Đối với sách vở thế gian, nhất định phải đọc Ngũ Chủng Di Quy. Cuốn này do cư sĩ Trần Hoằng Mưu biên soạn vào đời Thanh, biên soạn vô cùng hay, đây là “học Lễ” như thường nói: “Nhân vô lễ, tắc bất lập” (con người vô lễ chẳng thể thành tựu), không có cách nào chen chân trong xã hội, nhất định phải hiểu lễ tiết!
Thứ bảy là “Vô Thượng Sĩ” (Anuttara). Sĩ (士) là danh từ tôn xưng của Trung Quốc đối người đọc sách. Trong những người đọc sách, Phật là chí cao vô thượng, cho nên gọi Ngài là Vô Thượng Sĩ. Nếu nói tới học vị, không có ai cao hơn Phật, Ngài có học vị tối cao, nên gọi là Vô Thượng Sĩ.
Đức hiệu thứ tám là “Điều Ngự Trượng Phu” (Purusadamyasārathi). Người Trung Quốc thường nói tới “đại trượng phu”; “đại trượng phu” và “đại anh hùng” đều nhằm tôn xưng những người kiệt xuất xưa kia. Gọi là “kiệt xuất” tức là người khác chẳng làm được, nhưng người ấy có thể thực hiện, khi ấy, mới gọi là “anh hùng” hoặc “đại trượng phu”. Phật xưng là Điều Ngự Trượng Phu: Điều Ngự là đối với chúng sanh mà nói, trong tâm chúng sanh có phiền não, Phật có cách khuất phục, hóa giải phiền não của quý vị. Quý vị lạc phương hướng, chệch đường lối, Ngài có cách dẫn dắt quý vị đi vào con đường chánh đáng, đó là ý nghĩa của chữ Điều Ngự. Nghĩa gốc của Điều Ngự (調御) là đánh xe, trước đây đánh xe ngựa, xe kéo bằng ngựa [nên người đánh xe phải] khống chế (điều khiển) ngựa, Điều Ngự mang ý nghĩa này. Quả thật, đức Phật có năng lực ấy.
Đức Phật chẳng còn tại thế, nhưng kinh điển cũng có cái năng lực này, vì sao chúng ta chẳng đạt được lợi ích? Ở đây, có hai nhân tố: Thứ nhất là Phiền Não Chướng nặng nề, chẳng chịu tiếp nhận; thứ hai là chấp trước kiên cố, có thành kiến, bài xích Phật pháp, như vậy là chẳng có cách nào hết! Chẳng phải là Phật không thể lợi ích chúng ta, mà vì bản thân chúng ta có tánh chống đối ở trong ấy. Chúng ta bài xích Phật pháp, nên chẳng đạt được lợi ích. Trong hết thảy các kinh, chư vị phải biết: Tuyệt đối chẳng phải vì chúng ta học Tịnh Độ bèn đặc biệt ca ngợi Tịnh Độ, coi nhẹ các pháp môn khác, chẳng phải vậy! Nếu có quan niệm ấy, chúng ta sẽ chẳng đạt được nhất tâm trong Tịnh Độ; tuy có thể vãng sanh, nhưng phẩm vị chẳng cao lắm!
Pháp môn bình đẳng, không hai, không khác. Tuy pháp môn bình đẳng, lũ chúng sanh chúng ta nghiệp chướng bất bình đẳng, căn tánh bất bình đẳng, tri kiến bất bình đẳng! Vì thế, có pháp môn học dễ dàng, có pháp môn học khó khăn, có pháp môn chúng ta có thể đạt được lợi ích viên mãn rốt ráo, có pháp môn chúng ta học chỉ đạt được một ít phần lợi ích. Chỉ cần là Phật pháp chắc chắn đạt được lợi ích, nhưng quý vị đạt được [lợi ích] nhiều ít khác nhau! Các đại đức xưa nay, trong ngoài nước đều công nhận pháp môn “trì danh niệm Phật” của kinh Di Đà là lợi ích viên mãn rốt ráo, ai nấy đều có thể niệm, ai cũng có thể hành, vấn đề là chính quý vị có chịu tu tập hay không? Nếu quý vị chịu tin tưởng, chịu niệm, chịu hành, quý vị sẽ thành Phật trong một đời này.
Lần này, chúng tôi đọc bản chú giải của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, thấy đối với căn cơ của pháp môn này, cụ có nói một điều hết sức có lý! Pháp môn Niệm Phật nhằm tiếp độ người căn cơ thượng thượng. Điều này chẳng thể nghĩ bàn! Tiếp độ căn cơ thượng thượng, chúng ta suy nghĩ cặn kẽ, chẳng sai! Những ai là bậc thượng thượng? Bà cụ già căn cơ thượng thượng! Trong tâm bà ta chẳng có vọng tưởng gì, tri kiến gì cũng chẳng có, suốt ngày từ sáng đến tối niệm A Di Đà Phật là đủ rồi, điều gì cũng chẳng cần tới, đó là bậc thượng thượng thừa! Kẻ trung hạ vẫn còn hoài nghi, vẫn muốn làm chuyện này, chuyện nọ, khiến cho chính mình bị lầm lạc. Chúng ta thấy kẻ chẳng hiểu biết gì niệm ba năm, bèn đứng mất, ngồi mất, cười rồi ra đi, chẳng bị bệnh khổ, biết trước lúc mất, đấy chẳng phải là bậc thượng thượng thừa thì còn ai đáng gọi là bậc thượng thượng thừa? Chúng ta tưởng chính mình là bậc thượng thượng thừa, Phật, Bồ Tát thấy chúng ta là kẻ căn cơ hạ hạ, chẳng có cách nào hết! Do vậy, chúng ta ngàn vạn phần đừng coi thường các bà cụ già, chúng ta chẳng thể sánh bằng họ. Họ khăng khăng một câu Phật hiệu, ý niệm gì cũng đều chẳng có! Chúng ta niệm Phật hiệu, nhưng vẫn đọc kinh này, nghiên cứu kinh kia, vẫn mong hiểu nhiều hơn thứ này, thứ nọ, toàn bộ đều là xen tạp vọng tưởng, chẳng thuần như người ta! Thật sự thật thà niệm Phật, chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp, chẳng hoài nghi, đấy là bậc thượng thượng thừa. Có thể làm được chín chữ ấy (chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp, chẳng hoài nghi), chẳng có ai ba năm không thành Phật!
Nói “pháp môn thành Phật” thì thành Phật thật sự chẳng khó, ba năm quyết định thành công. Cho tới lúc ấy, trí huệ mở mang, hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều thông đạt. Chúng ta học, dẫu học ba mươi năm, hay ba trăm năm, vẫn là học ngoài da, vẫn là dùng chẳng được, không bằng người ta một câu A Di Đà Phật, đấy mới thật sự là tu từ căn bản, chẳng làm chuyện cành nhánh! Nhà Thiền nói tới căn bản, trong Tịnh Độ nói một câu A Di Đà Phật, căn bản ấy là căn bản viên mãn rốt ráo, nhà Thiền chẳng thể sánh bằng! Thiền chưa chắc ba năm đã có thể khai ngộ, niệm Phật ba năm nhất định có thể thành Phật, chẳng thể sánh tầy! Vì thế, chẳng phải là đức Phật không thể điều ngự, mà do chúng ta không chịu tiếp nhận; đây là nói đến thiện căn, phước đức, nhân duyên.
Tôi nhìn thính chúng trong giảng đường, cũng rất cảm khái, có nhiều người nghe tôi giảng kinh trong quá khứ, hiện thời không đến, tôi thấy hiện thời có rất nhiều gương mặt mới. Tôi cảm khái ở chỗ nào? Những người đó phước báo không lớn lắm, giải hạnh của bản thân tôi mỗi năm đều có tiến bộ, trong quá khứ họ nghe, [giải hạnh của tôi khi ấy] chỉ cao chừng đó, hiện tại tôi cao ngần này, họ nghe không được, họ chỉ có tư cách nghe cao đến mức đó, lên một bậc nữa, họ không thể nghe được, hết sức đáng tiếc! Do vậy, càng nghe về sau, phước báo càng lớn! Cũng có một số ít trước đây đã đến nghe, quý vị hãy lắng lòng hồi tưởng, cảnh giới tôi giảng mỗi năm khác nhau, khác hẳn! Vì thế, tôi mượn người ta rất nhiều băng thâu âm lời tôi đã giảng để nghe lại, sau khi nghe xong, tôi đều lắc đầu, vì sao? Không có một cuốn băng nào khiến tôi hài lòng, thảy đều không được. Nếu là tôi, tôi sẽ thiêu sạch toàn bộ! Ngày hôm nay giảng cho quý vị nghe, tới hôm sau lại chẳng vừa ý. Do vậy, điều khẩn yếu là phải niệm một câu Phật hiệu cho tốt đẹp thì hết thảy chúng ta đều thành tựu.
Danh hiệu thứ chín là “Thiên Nhân Sư” (Śāstā deva-manuśyānām), đây là nói theo thân phận xuất hiện của đức Phật. Phật là đạo sư của cõi trời và nhân gian, nên chúng ta gọi Ngài là Thiên Nhân Sư. Do Phật pháp là sự giáo dục của đức Phật, chúng ta gọi Ngài là thầy. Chúng ta chẳng gọi Ngài là thần, không xưng tụng Ngài là thần minh chí cao vô thượng, không gọi Ngài như vậy! Không gọi Ngài là Thượng Đế, chúng ta gọi Ngài là Thiên Nhân Sư. Ngài là thầy của chúng ta, bản chất của Phật giáo đã được bày tỏ [qua đức hiệu này]!
Đức hiệu thứ mười là “Phật” (Buddha), tam giác viên mãn, nên gọi là Phật. Đầy đủ mười đức hiệu này nên gọi là “Thế Tôn” (Loka-natha, Bhagavat), Thế Tôn là tổng xưng (danh xưng chung), trong thế gian chẳng có ai tôn quý bằng!
(Sao) Thập nghĩa giả.
(鈔) 十義者。
(Sao: Mười nghĩa là…)
Thập nghĩa Phật là như Phật Địa Luận đã giảng.
(Sao) Cụ nhị trí, đoạn nhị chướng, giác nhị đế, đắc tự tha nhị lợi, như “mộng giác, hoa khai” nhị dụ, hợp chi vi thập nghĩa dã.
(鈔)具二智,斷二障,覺二諦,得自他二利,如夢覺
華開二喻,合之為十義也。
(Sao: Đầy đủ hai trí, đoạn hai chướng, giác hai đế, đắc hai thứ lợi ích là tự lợi và lợi tha, lập ra hai thứ thí dụ là “như tỉnh mộng” và “hoa nở”, hợp lại thành mười nghĩa).
Mười ý nghĩa này có thể nói đều là nêu ra cương lãnh. Thứ nhất là trọn đủ “nhị trí”, tức là Căn Bản Trí và Hậu Đắc Trí. Căn Bản Trí (Mūlajñāna) còn gọi là Thật Trí, tức trí huệ chân thật. Hậu Đắc Trí (Prstha-labdha-jñāna) còn gọi là Quyền Trí, tức vận dụng quyền xảo (quyền biến, khéo léo). Chúng ta dùng tỷ dụ để nói thì như trong kinh đã dạy: “Bát Nhã vô tri, không gì chẳng biết”, vô tri là Căn Bản Trí, “không gì chẳng biết” là Hậu Đắc Trí. Căn Bản Trí không cần phải học, nó là thứ chính quý vị vốn có. Nói cách khác, nó là chiếu dụng (tác dụng chiếu soi) của tâm thanh tịnh, Tâm Kinh nói: “Chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không”. Tâm thanh tịnh, nó sẽ tự nhiên chiếu, giống như nước, nếu khi nước thanh tịnh, chẳng cuộn sóng, sẽ tự nhiên soi chiếu cảnh giới bên ngoài, soi bóng rõ rệt, đó là Căn Bản Trí. Quyền Trí nhằm ứng phó chúng sanh, nên gọi là Hậu Đắc Trí. Hậu Đắc Trí cần phải học, nhưng Căn Bản Trí chẳng cần học. Vì sao Bồ Tát phải giáo hóa chúng sanh? Chẳng giáo hóa chúng sanh, trí huệ chẳng thể viên mãn ư? Chẳng thể viên mãn! Ắt phải giáo hóa chúng sanh, dạy dỗ khá lâu, vì quý vị tiếp xúc chúng sanh thì mới hiểu vô lượng vô biên tập khí, vô lượng vô biên phiền não của chúng sanh, thảy đều hiểu được. Quý vị hiểu được, sẽ có trí huệ để đối trị, chỉ dạy họ, trí huệ ấy được gọi là Hậu Đắc Trí.
Chúng ta nêu tỷ dụ để nói, như Thiền Tông Lục Tổ đại sư, sau khi Ngài minh tâm kiến tánh, đắc Căn Bản Trí, Ngài có biết kinh Niết Bàn hay chăng? Không biết, phải có người đem kinh Niết Bàn đọc một lần, nhưng [nghe xong] Ngài hoàn toàn biết. Người ta chẳng đọc một lần, Ngài chẳng biết. Ngài cũng chẳng biết kinh Pháp Hoa, bảo thiền sư Pháp Đạt niệm kinh Pháp Hoa một lượt, Ngài liền biết, hiểu rõ! Pháp thế gian và xuất thế gian, có thể nói là điều gì Ngài cũng đều không biết, nhưng hễ tiếp xúc liền biết, vừa thấy liền hiểu, vừa nghe liền hiểu; đó là Hậu Đắc Trí. Do vậy, nếu Ngài chẳng giáo hóa chúng sanh, chẳng đi tham học, Hậu Đắc Trí sẽ chẳng thể viên mãn. Thiện Tài đồng tử tham học năm mươi ba lần cũng do đạo lý này, Ngài phải viên mãn điều gì? Viên mãn Hậu Đắc Trí, chẳng phải là viên mãn Căn Bản Trí; không có năm mươi ba lần tham học, Hậu Đắc Trí sẽ chẳng viên mãn. Do vậy, Bồ Tát phải phát nguyện phổ độ hết thảy chúng sanh, đối với người khác có lợi ích, đối với chính mình có lợi ích, thành tựu viên mãn Hậu Đắc Trí của chính mình. “Cụ nhị trí” chính là hai thứ trí huệ ấy, Ngài đều trọn đủ!
“Đoạn nhị chướng”. Nhị chướng là Phiền Não Chướng (Kleśāvarana) và Sở Tri Chướng (Jñeyāvarana). Đoạn Phiền Não Chướng bèn khôi phục tâm thanh tịnh, đây là chướng ngại lớn nhất. Chúng ta niệm Phật, nghĩ đến tâm thanh tịnh, mong tâm địa thanh tịnh, mong đạt được công phu thành phiến, thành phiến sẽ vãng sanh. Trong công phu thành phiến có chín phẩm, ba phẩm thượng của công phu thành phiến sẽ sanh tử tự tại, muốn vãng sanh khi nào sẽ có thể vãng sanh khi ấy, muốn ở lại thêm mấy năm cũng chẳng trở ngại gì. Ba phẩm thượng của công phu thành phiến có năng lực này. Do vậy, mỗi cá nhân chúng ta đều có hy vọng. Nếu nói nhất tâm bất loạn mới có năng lực [vãng sanh tự tại] thì chúng ta chẳng có hy vọng gì, công phu thành phiến đã có năng lực này, chúng ta ai nấy đều có hy vọng, vì sao? Chúng ta đích xác có thể làm được. Bao lâu? Nghiêm túc thực hiện thì ba năm chắc chắn đạt được, có lẽ còn chưa cần tới ba năm, quyết định có thể làm được!
Bình thường đãi người tiếp vật phải thường đề cao cảnh giác, học điều gì? Học giảm nhẹ phiền não, quyết định chớ nên tăng trưởng tham, sân, si, mạn, phải thấy thấu suốt chúng, phải nhạt bớt chúng, chớ nên so đo. Oan gia đối đầu, ta không mong thấy kẻ ấy, nhìn thấy kẻ ấy đi tới bèn tránh sang bên cạnh, đó chẳng phải là tu hành. Người tu hành thì như thế nào? Lúc gặp oan gia đối đầu, ta ngồi với kẻ ấy cùng một chỗ, ta cũng chẳng cần phải bỏ đi, tốt nhất là huấn luyện chính mình trong khi ấy, [xét xem] tâm sân khuể của ta có giảm nhẹ hay không? Không có kẻ oan gia đối đầu ấy, ta làm sao có thể đoạn được cái tâm sân khuể? Chẳng có kẻ ta rất ưa thích, làm sao đoạn được tham ái? Tùy duyên, chẳng phan duyên, chẳng tìm kiếm! [Nghe nói] ta phải đoạn tâm sân khuể, bèn đi kiếm kẻ oan gia đối đầu, trật rồi! Đó là phan duyên. Chạm mặt, cũng chẳng cần tránh né, không chạm mặt, cũng chẳng cần phải đi tìm. Từ đầu đến cuối giữ gìn cái tâm bình thường, giữ gìn cái tâm thanh tịnh, tâm chúng ta mới trong sạch. Đó gọi là “bất tương, bất nghênh” (chẳng săn đón), tùy duyên, chẳng phan duyên, đoạn phiền não trong cảnh giới.
Công phu thật sự sẽ hiện trong cảnh giới. Không có cảnh giới, làm sao biết được công phu của chính mình? Kinh Kim Cang nêu thí dụ: Nhẫn Nhục tiên nhân tu Nhẫn Nhục Ba La Mật, gặp Ca Lợi Vương (Kalingarāja) cắt xẻo thân thể, Ngài viên mãn Nhẫn Nhục Ba La Mật, thật sự khảo nghiệm, chịu nổi khảo nghiệm, nên Nhẫn Nhục Độ viên mãn. Vì vậy, nhất định phải xét nghiệm công phu của chính mình trong cảnh giới, xem công phu của chúng ta đã thành phiến hay chưa? Tâm thanh tịnh có hiện tiền hay chưa? Đã đạt đến nhất tâm bất loạn hay chưa?
Loại thứ hai là Sở Tri Chướng, bản thân phiền não là chướng ngại, nhưng bản thân của sự hiểu biết (Sở Tri) chẳng phải là chướng ngại, vì đức Phật là Chánh Biến Tri, làm sao là chướng ngại cho được? Không gì chẳng biết! Chúng ta cũng giống như Phật, cũng là không gì chẳng biết, nhưng hiện thời chúng ta thật sự cái gì cũng không biết. Cái gì cũng đều không biết, nhất định là có chướng ngại ngăn trở trí huệ của chúng ta. Chúng ta gọi chướng ngại ấy là Sở Tri Chướng, phải đoạn điều ấy! Nếu muốn đoạn Sở Tri Chướng, làm như thế nào? Trong kinh, đức Phật đã dạy chúng ta một phương pháp, học rộng nghe nhiều để phá Sở Tri Chướng; năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử nhằm phá Sở Tri Chướng, viên mãn Hậu Đắc Trí.
Nhưng trong hiện tiền, tôi phải nhắc nhở các đồng tu, chúng ta có cần học rộng nghe nhiều hay chăng? Quý vị học rộng nghe nhiều, Sở Tri Chướng chẳng khử được. Không chỉ chẳng trừ khử được, mà còn tăng thêm, tuyệt đối là tăng trưởng tà tri tà kiến, chuyện này phiền lắm. Do vậy, quý vị theo học một vị thầy, đi theo một con đường, hai vị thầy là hai con đường, ba vị thầy là ba con đường, về sau, chẳng biết đi theo đường nào mới nên! Chẳng có cách nào cả! Vì thế, trong hiện tại cũng có mấy vị cư sĩ tìm tôi, mong tôi bồi dưỡng một số nhân tài; hiện thời, nhân tài hoằng pháp lợi sanh quá ít, tôi bảo họ tôi cũng có ý đó, nguyên nhân do đâu? Tìm chẳng được học trò. [Họ nói]: “Học trò rất nhiều”, đâu có chuyện ấy! Kiếm đâu ra một đứa học trò phục tùng thầy một trăm phần trăm! Một người còn tìm chưa ra!
Tôi cũng từng nói với quý vị, trước kia, tôi thân cận thầy Lý, vừa nhập môn bái sư, [thầy Lý dặn dò]: “Điều kiện thứ nhất là chỉ được nghe thầy giảng, không được phép nghe bất cứ ai khác”. Nếu chẳng tiếp nhận điều này, vậy là xong, quý vị chẳng cần nhập môn! Giảng kinh, thuyết pháp hoan nghênh quý vị tới nghe, người đến chẳng cự tuyệt, người đi chẳng lưu lại, nhưng thầy dạy lớp [huấn luyện kinh giáo] ấy, quý vị chẳng thể tham dự. Quý vị muốn tham gia lớp ấy, chính thức làm học trò của cụ, chỉ nên nghe mình cụ giảng, bất luận ai khác giảng kinh thuyết pháp đều chẳng được đến nghe. Cụ dạy quý vị đi theo một con đường, dẫn quý vị đi theo một con đường. Chẳng được xem kinh điển, quý vị muốn xem kinh điển nào phải trình lên cụ, cụ đồng ý mới có thể xem.
Chưa được thầy đồng ý thì kinh sách gì cũng chẳng được phép xem. Vì thế, chúng ta cảm thấy [dường như] vị thầy này chuyên chế, độc tài, chẳng đếm xỉa lý lẽ!
Chỉ có vị thầy như vậy mới có thể đào tạo học trò thành đạt, tới khi quý vị trong tương lai có thể tự phân biệt đúng, sai, tà, chánh thì bất cứ gì cũng đều có thể xem, ai giảng gì cũng đều có thể nghe, chỉ có lợi, chẳng có hại, vì sao? Quý vị có thể phân biệt chân, vọng, đúng, sai, người ta giảng sai quý vị sẽ biết, hấp thụ những ưu điểm của người ta, gạt bỏ những khuyết điểm, quý vị có năng lực đi tham học. Lúc chính mình chưa có năng lực, chỉ nên theo một vị thầy, [học với] hai vị thầy chắc chắn chẳng thể thành tựu. Do vậy, chúng tôi đến đâu để tìm được học trò? Tìm chẳng ra! Còn có người nói: “Pháp sư! Thầy suốt ngày đi ngoại quốc, lại chẳng ở nhà, học trò học với thầy bằng cách nào?” Học trò đương nhiên sẽ bỏ đi. Học trò thiếu phước báo, thầy phải dạy mỗi ngày ư? Chẳng cần, thầy chỉ cần chỉ cho quý vị một con đường, quý vị đi theo con đường ấy sẽ chẳng sai lầm!
Tôi ở Đài Trung nghe thầy Lý giảng kinh một giờ vào mỗi thứ Hai; lúc ấy, tôi cũng dẫn hai vị pháp sư theo, một vị là pháp sư Huệ Nhẫn, vị kia là pháp sư Kiến Như, dẫn họ tới Đài Trung thân cận thầy Lý, tới đó học Phật pháp. Pháp sư Kiến Như ở ba tháng liền bỏ đi, thầy ấy nói: “Không được! Tốc độ tiến triển quá chậm, mỗi thứ Hai học một tiếng đồng hồ, tôi đến đây học được gì?” Pháp sư Huệ Nhẫn ở được mười tháng, do dụng công quá độ, nên hễ vừa nhìn vào sách, mắt thấy một bầu đen kịt. Sư thiếu phước báo, dụng công quá mức, nghiệp chướng hiện tiền, phải rời đi! Tôi cảm thấy ở Đài Trung, mỗi tuần học một giờ đối với tôi hết sức thích hợp, vì sao? Tôi hoàn toàn có thể tiêu hóa. Khi ấy, năng lực tiếp nhận của tôi là như vậy. Thầy mỗi tuần dạy hai giờ, tôi vẫn rất tiêu dao tự tại, vẫn có thể tiếp nhận, nhưng nếu học bốn giờ, tôi sẽ rất bận bịu, rất căng thẳng. Hoàn toàn có thể tiêu hóa, biến [những gì thầy đã dạy] thành [sở ngộ của] chính mình, hết sức có thụ dụng. Tôi yên ổn trụ trong hoàn cảnh ấy mười năm. Người hiện thời thiếu lòng kiên trì, nên chẳng có cách nào hết! Vì thế nói: “Mỗi người mỗi chí”, chẳng thể miễn cưỡng!
Ngày nay chúng ta phá Sở Tri Chướng bằng phương pháp nào? Cổ nhân Trung Quốc nói: “Độc thư thiên biến, kỳ nghĩa tự kiến” (đọc sách ngàn lần, tự thấy ý nghĩa). Giáo huấn này có đạo lý rất sâu. Chẳng hạn như ta không hiểu kinh, có sợ không? Chẳng sợ! Quý vị cứ niệm mỗi ngày, niệm trên một ngàn biến, sẽ đại triệt đại ngộ. Quý vị đọc Đàn Kinh, thấy thiền sư Pháp Đạt thân cận Lục Tổ. Sư niệm kinh Pháp Hoa, đến gặp Lục Tổ với thái độ hết sức ngạo mạn, khi đảnh lễ đầu chẳng sát đất, Lục Tổ nói: “Ông ngạo mạn như thế, nhất định có gì đáng để kiêu ngạo?” Sư nói đã niệm ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa, từ đầu đến cuối niệm ba ngàn biến, trong bụng có ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa, đáng nên kiêu ngạo, gặp tổ sư, lễ bái đầu chẳng sát đất, bị Lục Tổ quở trách một trận. Được Lục Tổ chỉ điểm, Sư hoát nhiên thông suốt, đại triệt đại ngộ. Người khác vì sao chỉ điểm cách nào cũng chẳng khai ngộ, do nguyên nhân gì? Vì quý vị chẳng có ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa! Kinh Pháp Hoa phân lượng khá lớn, mỗi ngày niệm một bộ phải mất ba ngàn ngày, gần như là tốn thời gian tám, chín năm, mỗi ngày đều niệm chẳng gián đoạn; vì thế, được chỉ điểm liền khai ngộ. Một ngộ, hết thảy đều ngộ, có thể nói là giống như Lục Tổ đối với pháp thế gian và xuất thế gian hễ tiếp xúc bèn thông đạt, đấy là phương pháp tốt đẹp!
Nếu quý vị đọc bộ Ảnh Trần Hồi Ức Lục của pháp sư Đàm Hư, đó là tự truyện của Ngài. Lúc Ngài chưa học Phật, khi còn làm cư sĩ, đã có tám năm gian khổ học tập kinh Lăng Nghiêm, có ba bốn người cùng chung chí hướng cùng học. Về sau, Ngài xuất gia, trở thành nhất đại tổ sư của tông Thiên Thai, dựa vào gì? Do căn cơ tám năm gian khổ học tập kinh Lăng Nghiêm. Chúng ta hôm nay đọc kinh này, ngày mai đọc luận kia, chẳng được rồi! Niệm phần trước, chẳng hiểu phần sau, niệm tới phần sau, quên hết phần trước, vô dụng! Đọc quyển sách này xong, lại đổi sang quyển khác, quên hết, quý vị từ đầu đến cuối chẳng thể thành tựu. Chẳng giống như cổ đức, cổ đức là một bộ kinh sách đọc đến tận cùng, thảy đều đọc thông suốt, khai ngộ rồi mới đọc thứ khác, xem những thứ khác chẳng tốn sức, vừa đọc liền hiểu rõ, lý giải. Căn bệnh của người thời nay là chẳng biết vun trồng căn bản. Chẳng biết vun trồng căn bản [là bí quyết để thành tựu, thấy] chuyện ấy quá khổ sở, toàn làm những chuyện dễ coi. Vì thế, người hiện thời là hoa cắm trong bình, chẳng có rễ, rất đẹp, hai ngày là xong luôn, tàn úa, chẳng như cổ nhân, cổ nhân là rễ sâu cội vững, thật sự là mỗi năm trổ mầm mới, mỗi năm nở hoa mới. Vì thế, [người hiện thời] thua kém cổ nhân. Chư vị đồng tu phải nghiêm túc phản tỉnh.
Nếu bản thân chúng ta muốn thành tựu trong một đời này thì thời gian không nhiều lắm, tốn thời gian bất quá từ năm năm tới bảy năm; bởi lẽ, liễu sanh tử là chuyện bậc nhất, nắm vững Tây Phương Cực Lạc thế giới là chuyện bậc nhất. Kế đó là nghiên cứu kinh, phải biết đặt chuyện này vào hạng hai, nghiên cứu kinh muốn giác ngộ thì phải chuyên dồn công sức nơi một bộ. Có thể giúp chúng ta liễu sanh tử, không gì hơn bộ kinh Di Đà này! Chú giải có phân lượng nhiều dường ấy, đủ cho quý vị đọc. Quý vị chuyên đọc một bộ này, nghiên cứu kinh và chú giải, quý vị đọc suốt mười năm hay tám năm, sẽ là nhất đại tổ sư của Tịnh Độ Tông, là A Di Đà Phật tái lai, vì sao? Có thể vỗ ngực xưng là đại diện của A Di Đà Phật hóa độ chúng sanh trên quả địa cầu này, trở thành chuyên gia kinh Di Đà, chẳng cần tới bộ thứ hai! Những thứ được trích dẫn trong bộ chú giải này là rất nhiều kinh luận, pháp thế gian lẫn xuất thế gian, hết thảy đều được trích dẫn trong ấy, chẳng cần phải tra cứu sách tham khảo nữa, một bộ là đủ rồi! Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng ta giảng tới đây.
— o0o —
Tập 94
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm bảy mươi mốt:
(Sao) Thập nghĩa giả, cụ nhị trí, đoạn nhị chướng, giác nhị đế, đắc tự tha nhị lợi, như mộng giác hoa khai nhị dụ, hợp chi vi thập nghĩa dã.
(鈔)十義者。具二智,斷二障,覺二諦,得自他二利,如夢覺華開二喻,合之為十義也。
(Sao: “Mười nghĩa” là đầy đủ hai trí, đoạn hai chướng, giác hai đế, đắc hai lợi ích tự lợi, lợi tha, lập ra hai thứ thí dụ là “như tỉnh mộng” và “hoa nở”, hợp lại thành mười nghĩa).
Đây là giải thích ý nghĩa của chữ Phật thường được nhắc đến trong kinh Phật, nói tới thập nghĩa Phật. “Cụ nhị trí” (đầy đủ hai trí) là Căn Bản Trí và Hậu Đắc Trí, mỗi vị đồng tu học Phật đều hết sức quan tâm chuyện này, mà cũng đều mong chính mình có thể đạt được trí huệ này. Tuy hết sức tha thiết mong mỏi, mấy ai đạt được? Vì sao chẳng đạt được? Trước hết phải tìm ra nguyên nhân, tiêu trừ nguyên nhân vì sao chúng ta chẳng thể đạt được thì chúng ta mới hòng đạt được. Phải biết Căn Bản Trí hết sức trọng yếu, không có Căn Bản Trí chắc chắn chẳng có Hậu Đắc Trí! Giống như cái cây, trước hết nhất định phải có rễ, trước hết phải có gốc, thì mới có cành, lá, hoa, quả. Nếu rễ không có, làm sao nó có thể khai hoa, kết quả? Đó là chuyện không thể nào xảy ra được. Vì vậy, Căn Bản Trí hết sức trọng yếu!
Trong thế hệ chúng ta, giáo học trong Phật học đã hoàn toàn bỏ mất Căn Bản Trí; bỏ mất Căn Bản Trí thì Hậu Đắc Trí cũng chẳng có. Nói thật ra, như ngài Thanh Lương đã nói trong Hoa Nghiêm Sớ Sao, quý vị chẳng nghiên cứu Phật học thì hằng ngày “tăng trưởng vô minh”, nhưng quý vị hằng ngày nghiên cứu Phật học thì hằng ngày “tăng trưởng tà kiến”, chuyện này rất phiền phức! Chẳng phải là tăng trưởng vô minh bèn tăng trưởng tà kiến, làm sao có thể thành tựu? Chẳng thể nào! Ngược lại, chúng ta thấy giáo dục cổ đại của Trung Quốc, vào thời cổ, không riêng gì Phật môn, mà ngay cả giáo học trong pháp thế gian cũng đều coi trọng bồi dưỡng Căn Bản Trí. Nếu thật sự có tâm mong đạt một chút thành tựu trong Phật pháp, bất luận tại gia hay xuất gia, quý vị phải đặc biệt chú ý: Căn Bản Trí sanh từ tâm thanh tịnh; tâm chẳng thanh tịnh, lấy đâu ra trí huệ?
Giáo học trong Phật môn vào thời cổ, hễ xuất gia xuống tóc bèn “năm năm học giới”, thời gian năm năm này nhằm bồi dưỡng Căn Bản Trí. Năm năm học giới, chẳng phải là bảo quý vị nghiên cứu giới luật, chẳng phải vậy! Quý vị chẳng có tư cách nghiên cứu giới luật; giới luật là một môn học vấn rất rộng, giống như pháp luật trong thế gian. Năm năm học giới là học phương thức sinh hoạt của người xuất gia, giống như huấn luyện học trò mới trong Phật môn. Ngày nay chúng ta đi học, đại khái là đến trường, ba tháng đầu nhằm huấn luyện học sinh mới, còn thời gian huấn luyện học trò mới trong Phật môn là năm năm, đấy là huấn luyện nhập ngũ. Sự huấn luyện ấy có hai trọng điểm: Thứ nhất là giáo dục sinh hoạt, tập quen với nếp sống của người xuất gia; thứ hai là bồi dưỡng Căn Bản Trí. Bồi dưỡng Căn Bản Trí ra sao? Học thuộc lòng kinh điển! Trong năm năm ấy, trong chùa có giảng đường, pháp sư giảng kinh, quý vị không có tư cách nghe. Tọa Thiền trong Thiền Đường, niệm Phật trong Niệm Phật Đường, quý vị thảy đều không có tư cách [tham dự]. Ngoài [làm xong] công tác [được giao] ra, quý vị tự tìm thời gian để học thuộc lòng kinh điển.
Học thuộc kinh gì? Tùy theo mỗi tông, mỗi phái mà khác nhau. Nếu quý vị học Hoa Nghiêm Tông, đương nhiên phải thuộc kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm to như vậy, quý vị phải đọc thuộc từ đầu đến cuối. Nếu quý vị học Thiên Thai Tông, phải học thuộc kinh Pháp Hoa, chú giải kinh Pháp Hoa cũng phải thuộc. Đối với chú giải, học thuộc bộ [Pháp Hoa] Văn Cú của Trí Giả đại sư, phân lượng rất đáng nể, lại còn phải thuộc Ma Ha Chỉ Quán, trong năm năm phải thuộc những bộ ấy. Nếu học Duy Thức Tông, đối với sáu kinh mười một luận, trong sáu kinh phải thuộc một hoặc hai kinh, trong mười một luận, phải thuộc ba hay bốn bộ luận. Trong đó, bộ lớn nhất là Du Già Sư Địa Luận phải thuộc. Nếu quý vị chẳng thuộc, chẳng có tư cách học Duy Thức. Vì thế, cổ nhân đều phải thuộc sách, học thuộc sách chính là tu Căn Bản Trí. Chư vị phải hiểu: Học thuộc sách là tu Giới, tu Định, tu Huệ, hoàn thành Giới, Định, Huệ Tam Học cùng lúc!
Tu Tịnh Độ đương nhiên cũng không ngoại lệ, nhưng trong không ngoại lệ cũng có một chút ngoại lệ! Tịnh Độ Tông lấy ba kinh một luận làm chủ, phân lượng quả thật ít hơn nhiều lắm! Kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, kinh A Di Đà, Vãng Sanh Luận nhất định phải thuộc. Nếu tính cả chú giải thì phân lượng khá lớn. Nay quý vị lấy một cuốn sách to lớn này chính là chú giải kinh A Di Đà, quý vị nghĩ xem: Muốn thuộc bộ này cũng chẳng phải là chuyện dễ! Cái gọi là “trong không ngoại lệ còn có ngoại lệ” của Tịnh Độ Tông chính là gì? Nếu quý vị chẳng thuộc kinh cũng được, thiên bẩm của chính mình chẳng đủ, trình độ rất kém cỏi, thậm chí trong những người học Tịnh Độ, có những người còn chẳng biết chữ cũng học Tịnh Độ được! Quý vị cứ niệm một câu A Di Đà Phật đến rốt cùng, cũng có thể thành công, cũng có thể khai trí huệ. Vì thế, pháp này quả thật chẳng thể nghĩ bàn, thật sự là một pháp môn đặc biệt.
Hiện thời, pháp môn Tịnh Độ là pháp môn duy nhất có thể cứu độ hết thảy chúng sanh, bất luận là đồng tu xuất gia hay tại gia đều phải phát tâm hoằng dương rạng rỡ Tịnh Độ. Trong kinh Vô Lượng Thọ, mười sáu vị Bồ Tát, tức là nhóm Hiền Hộ mười sáu vị Chánh Sĩ, đều là tại gia. Chánh Sĩ là Bồ Tát, họ mang thân phận là Đẳng Giác Bồ Tát, có cùng địa vị Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, đều hiện thân cư sĩ tại gia. Muốn hoằng dương Tịnh Độ thì tam kinh nhất luận nhất định phải thuộc, phân lượng của tam kinh nhất luận cũng chẳng lớn, dài nhất là kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ chỉ có hai quyển. Nay chúng ta dùng bản hội tập của cư sĩ Hạ Liên Cư, trong ấy chia ra tất cả là bốn mươi tám chương, mỗi một chương là một khóa, bốn mươi tám khóa, văn tự trong mỗi khóa cũng chẳng dài, rất dễ đọc thuộc lòng.
Người thuộc kinh Di Đà rất nhiều, nhưng kinh Di Đà có ba loại phiên bản, tốt nhất là cả ba phiên bản đều phải đọc thuộc lòng. Bản chúng ta hiện đang sử dụng do Cưu Ma La Thập đại sư dịch. Trừ bản ấy ra, còn có bản dịch của Huyền Trang đại sư và bản hội tập của cư sĩ Hạ Liên Cư do tôi đã đem từ Mỹ về gần đây. Kinh A Di Đà có ba phiên bản, chúng ta đều có đủ, điều này hết sức hiếm có.
Cớ sao nói học thuộc sách là tu Căn Bản Trí? Căn Bản Trí là tu tâm thanh tịnh. Lúc học thuộc sách là tu giới luật, tinh thần của giới luật chỉ gồm tám chữ: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”. “Chư ác mạc tác” là giới Tiểu Thừa. “Chúng thiện phụng hành” là giới Bồ Tát. Chúng ta niệm kinh, trong tâm chẳng nghĩ đến chuyện xấu, chẳng dấy vọng tưởng, đó là “chư ác mạc tác”, giới Tiểu Thừa trọn đủ. Kinh điển từ Chân Như bổn tánh của Như Lai lưu lộ, là điều thiện nhất trong các điều thiện, chẳng có gì lành hơn. Chúng ta niệm kinh là “chúng thiện phụng hành”. Do vậy, quý vị niệm kinh, hết thảy giới luật thảy đều trọn đủ, chẳng sót một điều nào. Quý vị nói phải tu giới luật, niệm kinh là được rồi!
Khi niệm kinh phải chuyên tâm, vì nếu quý vị đọc thuộc lòng thì phải chuyên tâm. Chuyên tâm là tu Định. Đối với bộ kinh này, từ “như thị ngã văn” tới “tín thọ phụng hành”, niệm rõ ràng, rành rẽ, chẳng niệm sai chữ nào, chẳng niệm điên đảo câu nào, đấy là tu Huệ. Khi niệm kinh, quyết định chớ nên suy tưởng ý nghĩa trong kinh. Dẫu đang niệm kinh, bỗng nhiên những ý nghĩa trong kinh chợt vọt ra, đừng quan tâm tới, vẫn cứ niệm tiếp, vừa nghĩ “câu này nói như thế nào?”, “ý nghĩa này hay quá”! Thôi rồi! Cả ba thứ [Giới, Định, Huệ] đều chẳng có! Giới không có vì quý vị dấy vọng tưởng, Định cũng không có, Huệ cũng không có. Do vậy, niệm là thật thà niệm một mạch từ đầu đến đuôi. Cách niệm ấy là tu hành, là hoàn thành Tam Học Giới, Định, Huệ cùng một lúc, đó gọi là tu Căn Bản Trí.
Vì thế, trong Phật môn, thời gian [học Giới] là năm năm, nhưng hiện thời những kẻ xuất gia, phải nói đúng là thiếu thiện căn, mà cũng chẳng có phước đức, vì sao? Tâm bất định, đi lung tung khắp nơi. Hễ đi lung tung, tâm cũng loạn theo. Quý vị đi ra ngoài, tiếp xúc nhiều người, nhiều sự; nói cách khác, khiến cho đầu óc đầy ắp những suy nghĩ loạn xạ. Cổ nhân nói: “Tri sự đa thời phiền não đa, thức nhân đa xứ thị phi đa” (biết nhiều chuyện lắm điều phiền não, quen nhiều người lắm nỗi thị phi), lắm chuyện thì sẽ lắm phiền não, biết nhiều người, lắm chuyện thị phi! Lắm phiền não, nhiều thị phi, tâm quý vị làm sao có thể đắc định? Thật sự mong thành tựu, những chuyện chúng ta chẳng cần phải biết tốt nhất là đừng tìm hiểu, người chẳng cần phải quen biết thì tốt nhất là đừng giao du với họ, cầu cho cái tâm của chúng ta định, đấy mới là chuyện quan trọng!
Các đồng tu muốn thật sự thành tựu trong Phật pháp, chớ nên khởi sự tu tập từ cả hai trí, không được! Đã có Căn Bản Trí, sau đấy, quý vị thấy sắc, nghe tiếng, sáu căn tiếp xúc cảnh giới lục trần bên ngoài tự nhiên thông suốt, trí huệ bèn hiện tiền, trí huệ ấy gọi là Hậu Đắc Trí. Các đồng tu đang hiện diện, có không ít vị đã đọc Đàn Kinh, Lục Tổ đại sư có đại trí huệ như vậy, trí huệ ấy là Hậu Đắc Trí, do đâu mà có? Do Căn Bản Trí mà ra, từ tâm thanh tịnh mà ra. Ngài chẳng biết chữ, đương nhiên chẳng thể xem kinh, nhưng quý vị đem kinh đọc từ đầu đến cuối một lượt cho Ngài nghe, Ngài đều hiểu rõ, có thể giảng từng đạo lý một cho quý vị nghe. Vừa tiếp xúc, trí huệ bèn hiện tiền; không tiếp xúc, Bát Nhã vô tri! Không tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, tâm địa thanh tịnh, chẳng sanh một niệm; vừa tiếp xúc, trí huệ lập tức phát khởi, đó là Hậu Đắc Trí. Do vậy, chẳng có Căn Bản Trí, chắc chắn chẳng có Hậu Đắc Trí.
Quý vị phải nhớ kỹ câu này, đọc tụng Đại Thừa cho nhiều. Nay chúng ta đọc tụng Đại Thừa, tôi khuyên chư vị niệm kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, kinh Di Đà, ba bộ kinh này, chúng ta thụ dụng cả đời chẳng hết, chẳng cần phải đọc quá nhiều thứ! Thật sự dồn vững công sức nơi ba kinh, bỏ ra thời gian mười năm, hai mươi năm. Sau hai mươi năm, quý vị là A Di Đà Phật sống trên thế giới này, đó là thành tựu chẳng thể nghĩ bàn, ngàn vạn phần đừng tu học lung tung. Quý vị học nhiều, học tạp, học suốt cả đời cũng chẳng ra gì, chẳng học tốt đẹp một thứ nào hết! Vì thế, học thứ gì cũng đều phải chuyên. Đấy là “cụ nhị trí”, [tức là] trọn đủ hai thứ trí huệ.
“Đoạn nhị chướng”: Nhị Chướng là Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng. Phiền não phải đoạn, nhưng đừng sợ phiền não khởi lên. Quý vị càng sợ phiền não, phiền não càng lắm, đừng sợ nó! Phiền não dấy lên thì làm thế nào? Cổ đại đức dạy chúng ta niệm Phật, khi phiền não khởi lên bèn lớn tiếng niệm Phật, niệm cho phiền não mất đi. Nếu niệm lớn tiếng chẳng thuận tiện, thì quý vị bèn nghe, bỏ máy hát loại nhỏ trong túi áo, mở âm thanh lớn nhất. Âm thanh ấy rót vào tai quý vị, âm thanh nào bên ngoài cũng chẳng nghe! Vì thế, lúc phiền não dấy lên, bèn lớn tiếng niệm Phật, hoặc là nghe Phật hiệu niệm lớn tiếng.
Nếu muốn phá Sở Tri Chướng, hãy dùng phương pháp niệm kinh như tôi vừa mới nói. Nghiên cứu kinh chẳng thể phá Sở Tri Chướng, quý vị nghiên cứu kinh điển là tăng trưởng Sở Tri Chướng. Hiện thời, rất nhiều Phật Học Viện dùng phương pháp sai lầm, bao nhiêu Phật Học Viện mời tôi, tôi không đến, tôi chẳng dạy trong Phật Học Viện, vì sao? Có lỗi với học trò, hằng ngày tăng trưởng Sở Tri Chướng của học trò, không được rồi! Vì thế, nhất định phải hiểu đạo lý này. Phá Sở Tri Chướng là tu tâm thanh tịnh, tâm địa thanh tịnh quang minh, Sở Tri Chướng sẽ chẳng còn. Do vậy, phải đoạn Nhị Chướng.
“Giác Nhị Đế”, Nhị Đế là Chân Đế (Paramārtha-satya) và Tục Đế (Samvrti-satya). Quý vị phải giác ngộ, trong thế giới này, bất luận là tự thân hay hoàn cảnh đều có thật và giả, quý vị hiểu rõ thật, giả, đấy là trí huệ. Gì là thật? Gì là giả? Giả thì chẳng cần phải sốt sắng, chẳng cần phải so đo, phiền não sẽ ít đi. Đối với cái giả, nếu quý vị tích cực so đo, sẽ có nhiều phiền não hơn. Thật là gì? Đối với cá nhân chúng ta mà nói thì bổn tánh của chúng ta là thật; đối với hết thảy các pháp bên ngoài, Pháp Tánh là thật. Tánh là thật, tướng là giả; Lý là thật, Sự là giả. Do vậy, đối với hiện tượng, đối với hết thảy mọi sự, chuyện gì bỏ qua được, cho qua luôn, chớ nên ráo riết so đo; đối với Lý, chúng ta phải cầu chứng, phải dồn công sức nơi ấy. Đối với Chân Như bổn tánh, chúng ta phải chứng đắc. Đức Phật nói kinh, đã dựa trên Nhị Đế để thuyết pháp, cho nên có kinh liễu nghĩa, có kinh không liễu nghĩa. Kinh không liễu nghĩa là do Phật tùy thuận Tục Đế để giảng; kinh liễu nghĩa là do đức Phật căn cứ trên cảnh giới do Ngài đích thân chứng đắc mà nói với chúng ta. Chẳng hạn như ba kinh Tịnh Độ đều là kinh điển liễu nghĩa, đều là cảnh giới tự chứng của Như Lai. Phải thông hiểu điều này, hiểu Nhị Đế.
“Đắc tự tha nhị lợi” (đạt được lợi ích tự lợi và lợi tha), câu này dễ hiểu, [tự tha nhị lợi] là tự lợi và lợi tha. Người học Phật chúng ta, đối với tiếng tăm, lợi dưỡng, tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ trong thế gian này đều phải buông xuống, chẳng cầu có được những thứ ấy. Dẫu có đạt được chúng, cũng phải nên lập tức buông bỏ, vì sao? Tâm chúng ta mới thanh tịnh. Nếu quý vị chẳng buông bỏ, danh lợi có thể ô nhiễm tự tánh của quý vị, phải bỏ chúng đi, đó là tự lợi. Thật sự tự lợi thì mới có năng lực lợi tha, đặc biệt là chúng ta tu pháp môn Tịnh Độ, dùng phương pháp niệm Phật này để tự lợi, niệm tới mức công phu thành phiến, niệm tới nhất tâm bất loạn, niệm sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Chúng ta cũng dùng phương pháp này giúp đỡ người khác, khuyên dạy người khác, đối với mỗi một quốc gia, nơi chốn trên thế giới đều khuyên kẻ khác niệm Phật, ta chẳng giảng pháp môn nào khác, chuyên môn khuyên người khác niệm Phật.
Niệm Phật lợi ích vô lượng vô biên, nhất là lần này chúng ta thảo luận kinh Vô Lượng Thọ, bộ kinh này thật sự đơn giản, ngắn gọn, tường tận, minh bạch, thật phù hợp với tiêu chuẩn văn tự tối cao của cổ nhân, đơn giản, chẳng rắc rối, ngắn gọn, nhưng lại cặn kẽ, minh bạch. Khai giảng lần này, chúng tôi cũng soạn một bài Giảng Nghĩa đơn giản nhất khiến cho người khác rất dễ đọc, vừa xem liền liễu giải. Trong tương lai, chúng tôi cũng muốn viết Giảng Nghĩa cho Di Đà Kinh Sớ Sao. Sách Yếu Giải có hai bản chú giải, một là chú giải của pháp sư Viên Anh, hai là của pháp sư Bảo Tĩnh, tức cuốn A Di Đà Kinh Yếu Giải Thân Văn Ký, phân lượng cũng hết sức đáng kể, trong tương lai chúng tôi sẽ viết thành cuốn Giảng Nghĩa đơn giản để chú giải đơn giản. Phân lượng to như vậy, người hiện thời vừa nhìn đã thấy nhức đầu, vừa nhìn đã chẳng muốn xem nữa! Chúng tôi viết đơn giản mấy trang, người ta thấy sách ấy không dày, coi một lát là xong. Do có ưu điểm này, sẽ dẫn dụ người khác thâm nhập kinh tạng.
“Như mộng giác” [nghĩa là] giống như tỉnh giấc mộng, đây là tỷ dụ; giống như “hoa khai” là hoa sen nở. “Mộng giác, hoa khai” là tỉnh giấc mộng lớn, đó là hoa sen nở. Nếu chúng ta tách ra, ghép lại theo từng cặp tương ứng thì “do Căn Bản Trí, đoạn Phiền Não Chướng, giác Chân Đế Lý, đắc lợi ích Tự Lợi” giống như chợt tỉnh giấc mộng lớn, giấc mộng ấy là tỷ dụ chuyện này. “Do Hậu Đắc Trí, đoạn Sở Tri Chướng, giác Tục Đế Lý, đắc lợi ích Lợi Tha”, chúng ta có thể lợi ích người khác, giống như hoa sen nở. Hai câu này nhằm tỷ dụ hai bên, mỗi câu đều có hai bên.
(Sao) Lục Tức giả.
(鈔) 六即者。
(Sao: Lục Tức…)
Tông Thiên Thai nói Phật có sáu loại, gọi là Lục Tức Phật. “Tức” có nghĩa là “chính là”. Có sáu loại “chính là Phật”.
(Sao) Thỉ hồ Lý Tức, chung hồ Cứu Cánh.
(鈔) 始乎理即,終乎究竟。
(Sao: Bắt đầu từ Lý Tức Phật đến cuối cùng là Cứu Cánh Tức Phật).
Lược bớt những loại ở giữa. Chúng tôi trình bày đại lược một chút. Lục là nói theo mặt Sự thì có tất cả sáu điều. “Tức” (即) là nói theo Lý. Học Phật có thứ tự cạn sâu khác nhau, cho nên nói là Lục. Lại sợ chúng ta nẩy sanh mặc cảm tự ty, cho nên phải thời thời khắc khắc nhắc nhở chúng ta; vì thế, nói tới Tức, [quý vị] chính là Phật, dụng ý hết sức
sâu xa!
“Lý Tức” là gì? Lý Tức Phật. Lý Tức Phật, Danh Tự Tức Phật, Quán Hạnh Tức Phật, Tương Tự Tức Phật, Phần Chứng Tức Phật, Cứu Cánh Tức Phật, đấy chính là Lục Tức Phật như tông Thiên Thai đã nói. “Lý” là nói tới bổn tánh của chúng sanh, bổn tánh là Phật. Trong kinh Hoa Nghiêm và Viên Giác, đức Phật đã dạy: “Hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật”. Đấy là nói theo phương diện nào? Nói đến Lý Tức Phật, quý vị vốn là Phật, chính là nói theo điều này. Nếu vốn đã là Phật, thì nói cách khác, ai nấy đều có tư cách làm Phật, người người đều nên xưng là Phật, vì sao? Vì quý vị vốn là Phật! Nay quý vị biến thành phàm phu là do quý vị mê Lý ấy, mê mất tự tánh, nên mới biến thành lục đạo phàm phu. Nay chúng ta học Phật nhằm mục đích gì? Không gì chẳng nhằm khôi phục tự tánh mà thôi, Thiền gia gọi Lý Tức là “phụ mẫu vị sanh tiền, bổn lai diện mục” (diện mạo vốn có trước khi được cha mẹ sanh ra), nói về điều này. Đây là nói theo Lý.
Nói theo Lý thì bình đẳng, chúng sanh và Phật bình đẳng, chúng sanh và Phật chẳng hai, quan điểm bình đẳng của Phật pháp được kiến lập từ chỗ này. Vì thế, Phật pháp thật sự bình đẳng, vạn pháp bình đẳng được kiến lập từ chỗ này. Tâm bình đẳng hiện tiền, thưa quý vị, quý vị thành Phật, vì tâm Phật là tâm bình đẳng. Nếu chúng ta muốn học Phật, muốn thành Phật sớm hơn một chút thì xử sự, đãi người, tiếp vật hãy tận hết sức dùng cái tâm bình đẳng, sẽ tương ứng với Phật và chân tánh. Sai biệt, bất bình đẳng là tâm phàm phu, không thể chấp nhận được!
Thứ hai là Danh Tự Tức Phật, đây là nói theo tướng phàm phu. Trước hết, nói theo Lý, theo Lý [thì hết thảy chúng sanh đều] là Phật, chẳng tranh cãi chi nữa, nhưng nói theo Sự, thì trên sự tướng chẳng phải [là Phật], trên mặt sự tướng, chúng ta là phàm phu. Lý Tức Phật: Các phàm phu đều là Phật, thật sự bình đẳng, không chỉ con người là như vậy, mà ngay cả muỗi, trùng, kiến cũng đều là Phật. Chúng nó có Phật Tánh, hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh, Lý là bình đẳng thật sự. Nói theo sự tướng, sẽ chẳng bình đẳng. Nói theo sự tướng, Danh Tự Phật là ai? Là kẻ nghe Phật pháp, tiếp xúc Phật pháp, thọ Tam Quy Y, nay đang phát tâm học Phật. Phát tâm học Phật thì quý vị có thể gọi là Danh Tự Phật, là một vị Phật hữu danh vô thực!
Học Phật thì đương nhiên là Phật, giống như trong hiện thời có rất nhiều đồng tu phát tâm muốn tới chùa Lâm Tế thọ giới, thọ Bồ Tát Giới bèn là Bồ Tát; nhưng vị Bồ Tát ấy là Danh Tự Bồ Tát, có danh hiệu Bồ Tát, nhưng chẳng phải là Bồ Tát thật sự. Bồ Tát thật sự là như kinh Kim Cang đã dạy: “Nếu Bồ Tát có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả thì chẳng phải là Bồ Tát”. Quý vị hãy còn có bốn tướng, kinh Kim Cang đã giảng rất rõ ràng, quý vị chẳng phải Bồ Tát! Quý vị chẳng phải là Bồ Tát thật sự, mà là danh tự Bồ Tát (Bồ Tát chỉ có cái tên suông). Chúng ta phát tâm học Phật, thọ Tam Quy, Ngũ Giới, bắt đầu học Phật bèn là Danh Tự Phật. Tuy là Danh Tự Phật, chúng ta phải hướng tới chữ Phật ở cuối [từ ngữ Danh Tự Phật], chúng ta nhất định phải từ Danh Tự biến thành Phật thật sự, có như vậy thì mới chẳng cô phụ dụng ý lập ra sáu từ ngữ này của [Trí Giả] đại sư.
Như thế nào thì mới có thể làm một vị Phật thật sự? Thưa chư vị, niệm Phật! Áp dụng Lục Tức Phật vào niệm danh hiệu A Di Đà Phật, đúng là tuyệt diệu, vì sao? Mỗi danh từ đều tương ứng! Nói theo trì danh niệm Phật trong Tịnh Độ Tông, phát tâm niệm Phật là Danh Tự Tức Phật. Niệm tới công phu thành phiến là Quán Hạnh Tức Phật. Trong mười hai thời, khi trong tâm chẳng niệm Phật, Phật hiệu tự nhiên hiện tiền, chẳng có tạp niệm nào khác, suốt ngày từ sáng đến tối đều là A Di Đà Phật, đấy là Quán Hạnh Tức Phật. Niệm tới Sự nhất tâm bất loạn, đấy chính là Tương Tự Tức Phật, gần giống như Phật, công phu thuần thục, Kiến Tư phiền não tự nhiên chẳng còn. Niệm tới Lý nhất tâm bất loạn, Kiến Tư phiền não và Trần Sa phiền não đều đoạn, phá một phẩm vô minh, đó là Phần Chứng Tức Phật. Công phu đạt tới viên mãn, bốn mươi mốt phẩm vô minh phá sạch. Đấy chính là Cứu Cánh Tức Phật.
Tôi đã từng nói với quý vị: Nếu ta đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, tới được Tây Phương Cực Lạc thế giới rồi, ta sẽ tu pháp môn gì? Ta vẫn tu pháp môn Niệm Phật, chẳng tu gì khác! Tuy ở đó có rất nhiều vị Phật, muốn học pháp môn gì cũng có, Bồ Tát rất nhiều, muốn học pháp môn gì cũng đều có, nhưng pháp gì ta cũng chẳng học, ta vẫn là một câu A Di Đà Phật niệm tới cùng, vì sao? Vì ta biết một câu A Di Đà Phật này từ Lý Tức cho đến Cứu Cánh Tức, đơn giản nhất, không gì [đơn giản] hơn được! Nói thật ra, ta không ngu ngốc, kẻ thông minh đi theo đường gần, kẻ thông minh tìm một phương pháp đơn giản nhất, chỉ có kẻ đần độn mới tìm thật nhiều phương pháp, tự mình chuốc phiền, khiến cho mình gặp khó khăn! Ta chẳng làm chuyện ấy, ta cứ niệm một câu A Di Đà Phật đến cùng!
Quý vị hãy tự mình suy nghĩ cặn kẽ, nếu quý vị thật sự niệm Phật tới trình độ Tương Tự Tức Phật, đến khi ấy, hầu như là đối với hết thảy các kinh luận, đúng là chưa xem qua, nhưng mở ra để trước mặt, quý vị đều có thể giảng đạo lý rõ ràng. Đạt tới địa vị Phần Chứng, các pháp thế gian và xuất thế gian pháp chẳng cần học mà thông đạt hết thảy. Quý vị nói chúng ta còn phải học những thứ ấy để làm gì? Nhà Thiền nói: “Tam Tạng mười hai bộ đều gọi là dây leo”. Đó là nói với kẻ ngu, chính mình làm khó chính mình, chính mình tự chuốc phiền, nên đức Phật mới phải giảng Tam Tạng mười hai bộ cho kẻ ấy. Phật cũng không ngại phiền, mà cũng chẳng sợ phiền. Chúng ta chẳng làm chuyện này, mà phải làm chuyện thẳng thừng, thỏa đáng. Tôi nói như vậy, quý vị nghe rất dễ hiểu, cách nói này hay lắm!
(Sao) Cái thỉ tắc toàn giác toàn mê, trung tắc giác nhi vị tận, mạt nãi vô sở bất giác. Kim xưng Phật giả, chỉ Cứu Cánh dã.
(鈔)蓋始則全覺全迷,中則覺而未盡,末乃無所不覺。今稱佛者,指究竟也。
(Sao: Ấy là vì thoạt đầu toàn bộ giác, toàn bộ mê, ở giữa là giác nhưng chưa trọn hết, cuối cùng là không gì chẳng giác. Nay nói đến Phật [trong tựa đề bản kinh này] thì chữ Phật chỉ Cứu Cánh Tức Phật vậy).
Đây là lời tổng kết Lục Tức. Lý Tức Phật là “toàn bộ giác”, Danh Tự Tức Phật là “toàn bộ mê”; do vậy, “thoạt đầu là toàn bộ giác, toàn bộ mê”. Giữa là từ Quán Hạnh cho đến Phần Chứng, tuy giác, nhưng chẳng triệt để, “Giác nhưng chưa trọn hết”, tức là chẳng viên mãn. Đến cuối cùng là Cứu Cánh Giác, đó là thành Phật, đấy là “không gì chẳng giác”.
(Sao) Thập Thân giả.
(鈔) 十身者。
(Sao: Mười thân là…)
Thập Thân được giảng trong kinh Hoa Nghiêm.
(Sao) Nhất Chánh Giác Phật, chí thập Tùy Nhạo Phật, tường cụ Ly Thế Gian phẩm.
(鈔) 一正覺佛,至十隨樂佛,詳具離世間品。
(Sao: Thứ nhất là Chánh Giác Phật cho đến thứ mười là Tùy Nhạo Phật, xem chi tiết trong phẩm Ly Thế Gian).
Kinh Hoa Nghiêm có tất cả ba mươi chín phẩm, phẩm Ly Thế
Gian là phẩm thứ ba mươi tám. Phẩm kinh này khá dài, gồm năm quyển kinh văn, hoàn toàn giảng về pháp môn tu hành. Thanh Lương đại sư chia bộ kinh này thành bốn khoa lớn, tức là bốn đoạn lớn: Tín, Giải, Hành, Chứng. Phẩm Ly Thế Gian là Hành, chuyên nói về tu hành, trong ấy nói tới hai ngàn pháp môn. Vì thế, kinh văn khá dài.
(Sao) Thử thập thân Phật, duy Hoa Nghiêm hữu chi. Nhiên ước kỳ đại yếu, bất xuất “giác mãn” chi nghĩa, cố viết: Thập thân sơ mãn, Chánh Giác thỉ thành, danh Viên Mãn Phật dã.
(鈔)此十身佛,唯華嚴有之。然約其大要,不出覺滿之義,故曰十身初滿,正覺始成,名圓滿佛也。
(Sao: Mười thân Phật này chỉ có trong kinh Hoa Nghiêm. Nhưng xét theo ý nghĩa chánh yếu, chẳng ra ngoài ý nghĩa giác mãn. Vì thế, nói: Mười thân đã mãn, mới thành Chánh Giác, gọi là Viên Mãn Phật).
Thứ nhất là Chánh Giác Phật, thứ hai là Nguyện Phật, thứ ba là Nghiệp Báo Phật, thứ tư là Trụ Trì Phật, thứ năm là Niết Bàn Phật, thứ sáu là Pháp Thân Phật, thứ bảy là Tâm Phật, thứ tám là Tam Muội Phật, thứ chín là Bổn Tánh Phật, thứ mười là Tùy Nhạo Phật, đây là “thập thân Phật” được nói trong kinh Hoa Nghiêm. Tông Thiên Thai lẫn tông Hiền Thủ đều nói về sự thành Phật, từ phẩm Phổ Môn, mọi người thấy Quán Thế Âm Bồ Tát tùy loại hóa thân: “Nên dùng thân Phật để đắc độ, liền hiện thân Phật để thuyết pháp”. Nói cách khác, Quán Thế Âm Bồ Tát có thể thành Phật. Do vậy, phải biết: Đối với chuyện thành Phật, Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo có năng lực hiện thân Phật, hiện ba mươi hai tướng, tám mươi thứ [tùy hình] hảo, có thể hiện thân Phật.
Từ Sơ Trụ cho đến Đẳng Giác có tất cả bốn mươi mốt địa vị. Các Bồ Tát thuộc bốn mươi mốt địa vị này đều có thể hiện thân Phật. Từ Thập Trụ đến Sơ Hạnh, trong mười một địa vị ấy có thể hiện làm Tạng Giáo Phật hay Thông Giáo Phật, có thể dùng thân phận ấy để giáo hóa chúng sanh. Từ Đệ Nhị Hạnh trở lên cho đến Đẳng Giác, có thể hiện làm Biệt Giáo Phật. Tạng Giáo, Thông Giáo và Biệt Giáo Phật, đều là Bồ Tát, chẳng thể hiện thân Viên Giáo Phật, vì sao? Chính Ngài chưa chứng đắc, chưa phải là Cứu Cánh Phật. Vì thế, chúng ta thường nói “thành Phật”, quý vị phải hỏi ngược lại: Thành vị Phật nào? Thật giống như quý vị nói: “Tôi đã tốt nghiệp”. Tốt nghiệp, khá lắm, nhưng quý vị tốt nghiệp từ trường nào? Tốt nghiệp Mẫu Giáo? Hay tốt nghiệp Tiểu Học? Hay tốt nghiệp Đại Học? Hay tốt nghiệp Hậu Đại Học (nghiên cứu sinh)? Đều là tốt nghiệp như nhau, nhưng trình độ khác nhau! Tạng Giáo Phật trình độ thấp nhất, Thông Giáo cao hơn một chút, Biệt Giáo lại cao hơn tí nữa, Viên Giáo mới là vị Phật thật sự viên mãn.
Từ pháp môn Tịnh Độ, quan sát cặn kẽ, hoặc quý vị đọc kinh Hoa Nghiêm kỹ lưỡng sẽ hiểu: Chúng ta tu hành có thể tới thế giới phương khác, tu hành trong thế giới phương khác có thể chứng đắc Tạng Giáo Phật, Thông Giáo Phật, Biệt Giáo Phật, nhưng rất khó thành Viên Giáo Phật, vì sao? Từ kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy Phổ Hiền Bồ Tát dùng mười đại nguyện vương khuyên bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong hội Hoa Tạng cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Pháp Thân đại sĩ, như vừa mới nói, bao gồm Tạng, Thông, Biệt Phật ở trong ấy, những người ấy đến Tây Phương Cực Lạc thế giới để làm gì? Nếu không đến đó để thành quả Phật trong Viên Giáo thì [vãng sanh Cực Lạc] chẳng có ý nghĩa gì! Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới [nhằm mục đích gì] nói chẳng lọt tai, chẳng có lý do thì vì sao phải đến? Chúng ta mới hoảng nhiên đại ngộ: Nếu muốn thành một vị Phật rốt ráo viên mãn, nhất định phải tới Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vì thế, kinh này là quy túc của Hoa Nghiêm và Pháp Hoa. Phải thật sự giác ngộ! Tu hết thảy các pháp môn khác đều là cành nhánh, pháp môn này là căn bản. Thật sự tìm được căn bản, tin sâu chẳng nghi ngờ, tất cả những thứ cành nhánh đều phải buông xuống hết, chớ nên làm nữa!
Vì thế, hiện thời tôi in kinh bèn in kinh A Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ, trừ hai kinh này ra, kinh gì tôi cũng chẳng in. Vì sao? Tôi đã hiểu rõ, hai bộ kinh ấy là tinh hoa của những kinh pháp được giảng bởi hết thảy chư Phật. Chúng ta phải in những thứ hay nhất, đó chính là lợi ích cúng dường chúng sanh thù thắng nhất. In những kinh ấy, công đức còn lớn hơn in kinh Pháp Hoa và Hoa Nghiêm, bất luận một kinh nào cũng đều chẳng thể sánh bằng kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ. Bản thân tôi học Phật hơn ba mươi năm mới lãnh hội sâu xa, cho nên nay tôi hết thảy đều buông xuống, chuyên tu hành pháp môn này. Chính tôi hết sức nắm chắc tôi có thể vãng sanh, tôi sống trong thế giới Sa Bà này là thân cuối cùng, đời sau, nếu trở lại, đó là “thừa nguyện tái lai” (nương theo nguyện lực trở lại), sẽ không mắc quả báo này. Nếu quý vị hỏi tôi, dựa vào đâu? Dựa vào một câu A Di Đà Phật này, dựa vào một câu này mà thành công!
Thứ nhất là Chánh Giác Phật, tức là thị hiện thành Chánh Giác. Trong đây có Tạng Giáo, Thông Giáo, Biệt Giáo. Giống như Quán Thế Âm Bồ Tát, các hàng đại Bồ Tát nên dùng thân Phật để đắc độ, bèn hiện thân Phật, thị hiện thân Chánh Giác. Chúng ta thường gọi Chánh Giác Thân là Phật Thân.
Thứ hai là Nguyện Phật, thuận theo thệ nguyện mà hiện thân. Đức Phật có từ bi nguyện lực rộng lớn, chúng sanh muốn thấy thân gì, Ngài bèn hiện thân ấy. Phật có năng lực biến hiện. Chúng ta không có duyên phận trông thấy, đó là một vấn đề khác!
Thứ ba là Nghiệp Báo Phật, do vạn hạnh của Bồ Tát cảm thành. Chẳng hạn như trong lần trước tôi đã kể với quý vị: Tại Hương Cảng, có mấy đồng tu đến Phổ Đà Sơn, triều bái Phạm Âm Động, lạy Quán Âm Bồ Tát, ba người cùng đi, đều thấy Quán Âm Bồ Tát. Trở về, mọi người cùng nhau nói chuyện, ba người thấy hình tượng Bồ Tát khác nhau. Bồ Tát có thể hiện, đó là Nguyện Thân của Ngài; chúng sanh trông thấy Bồ Tát [dưới hình dáng nào] là do nghiệp cảm. Có người thấy Bồ Tát là thân kim sắc, có người thấy Ngài mang thân tỳ-kheo, có người thấy Ngài giống như một bà lão. Mỗi cá nhân thấy hình tướng khác nhau, cũng có kẻ thấy là thân Phật ba mươi hai tướng, tám mươi thứ hảo. Đấy là do nghiệp cảm của cá nhân khác biệt, nên Bồ Tát ứng hiện cũng khác nhau, chẳng phải là Bồ Tát cố ý hiện thân này cho quý vị thấy, hiện thân khác cho kẻ khác nhìn, chẳng phải vậy, Bồ Tát chẳng phân biệt, chẳng ưa ghét, Bồ Tát chỉ hiện một thân, nhưng chúng sanh thấy mỗi người mỗi khác. Đó gọi là Nghiệp Báo Phật.
Thứ tư là Trụ Trì Phật. “Trụ trì” là trụ trì trong thế gian này. Tuy Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã khuất, nhưng xá-lợi của Phật vẫn còn. Nay còn có người cúng dường xá-lợi Phật, giống như đức Phật trụ thế. Không có xá-lợi, thưa quý vị, hãy cúng dường bộ kinh A Di Đà này. Kinh A Di Đà là Pháp Thân xá-lợi của Phật, kinh điển này hiện diện giống như Phật đang ở trước mặt, chẳng hai, chẳng khác, đó là Trụ Trì Phật.
Thứ năm là Niết Bàn Phật. Phật độ chúng sanh, hóa duyên hết, Ngài bèn thị hiện nhập diệt, tướng nhập diệt này gọi là Niết Bàn Phật. Vì sao Phật phải nhập diệt? Nhập diệt vẫn nhằm độ chúng sanh. Có những kẻ căn cơ khác hẳn, Phật còn tại thế, họ chẳng chịu tích cực học, đâm ra gặp Phật mỗi ngày, [kẻ ấy bèn ỷ y]: Hôm nay ta không hiểu, còn có ngày mai. Nếu ngày mai chưa hiểu, vẫn còn ngày mốt, ngày tháng còn dài lắm mà! Họ chẳng quan tâm. Đức Phật vừa nhập diệt, [khác nào] một gậy đập vào đầu họ, đánh thức họ, họ bèn liều mạng dụng công nỗ lực, nên có thể thành tựu. Vì vậy, đức Phật vừa thị hiện nhập diệt, chẳng biết đã độ bao nhiêu người. Năm ngoái (1986), thầy Lý vãng sanh, nếu thầy Lý vẫn còn tại thế, nói thật ra cũng chẳng độ chúng sanh được, vì sao? Mọi người nghe cụ giảng kinh nhiều năm như vậy, nghe chán tai rồi, giống như gió thoảng qua tai. Tuy có nhiều người ngần ấy, bao nhiêu người đều là đến để tán trợ, tín đồ cũ mà, đâm ra là mỗi tuần đến một lần, vì không tới thì không được! Quý vị không tới thì các đồng tu khác gọi điện thoại: “Vì sao tôi không thấy bạn tới? Bạn lại bị bệnh hả?” Hỏi đon, hỏi ren, quý vị chẳng thể nào không tới. Thậm chí tới nơi ấy ngồi ngủ gục cũng được, có kẻ như vậy đó. Nói thật ra, hóa duyên đã hết. Sau khi cụ vừa mất, mọi người như được đập một gậy đánh thức, người bình thường chẳng dụng công bèn liều mạng niệm Phật, trong bốn mươi chín ngày niệm Phật chẳng gián đoạn, độ thật nhiều người! Cụ vừa thị hiện nhập diệt bèn độ rất nhiều người, ngay cả một vị lão cư sĩ còn như vậy, huống gì Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, chúng ta có thể tưởng tượng được!
Thứ sáu là Pháp Thân Phật. Trong tam thân, Pháp Thân, Báo Thân, Ứng Hóa Thân, hoàn toàn có cùng một ý nghĩa với Pháp Thân, là “pháp giới nhất tướng”, nhất tướng là Thật Tướng. Trong phần trước, tôi đã nhắc tới chuyện nằm mộng. Trong mộng, quý vị nhận biết: Cảnh giới trong mộng thảy đều là chính mình. Nếu quý vị thấu hiểu cảnh giới trong mộng là Pháp Thân của ta, toàn bộ mộng cảnh là Pháp Thân của ta. Nếu quý vị lại có thể liên tưởng, mở rộng ra, tận hư không khắp pháp giới là chính mình. Nếu quý vị có thể từ chỗ này mà lãnh hội, từ đây mà thật sự chứng, sẽ ngay lập tức tương ứng, do vậy, quý vị chứng đắc Pháp Thân thanh tịnh. Pháp Thân thường trụ, bất sanh bất diệt.
Thứ bảy là Tâm Phật. Tâm này đặc biệt thiên trọng tâm Đại Bi, là đại từ đại bi trong Bồ Đề tâm, nguyện độ hết thảy chúng sanh.
Thứ tám là Tam Muội Phật, Tam Muội là Định. Phật thường ở trong Định, đi, đứng, nằm, ngồi đều ở trong Định. Chúng ta học Phật, điều thứ nhất là phải tu Định. Chúng ta thấy trong Trúc Song Tùy Bút có một câu chuyện: Có một học nhân hết sức dụng công, do hâm mộ bèn đến tham phỏng một vị lão hòa thượng, Ngài là một vị thiện tri thức thật sự. Lão hòa thượng thấy người ấy tìm đến, cũng thâu nhận, bảo ông ta ở trong chùa, giao cho làm một số việc. Ông ta ở nơi ấy làm lụng suốt ba năm, có một hôm bạch với lão hòa thượng: “Con tới đây cầu pháp, được lão hòa thượng cho ở lại đây, nhưng cả ba năm, lão hòa thượng chẳng nói một câu nào, con chẳng học được gì. Trong tâm rất áo não, hối hận, dường như đã uổng công ở lại ba năm”. Lão hòa thượng bảo ông ta: “Ông chẳng học được gì ư? Ta mỗi ngày đều dạy ông, mỗi ngày đều thuyết pháp cho ông, cớ sao ông chẳng nghe? Thuyết pháp không nhất định phải dùng ngôn ngữ!”
Từ chỗ này, chúng ta có thể hiểu: Lão hòa thượng đã truyền dạy ông ta Phật pháp sống động, ngộ nhập ngay trong cuộc sống, làm sao có thể nói là chẳng học được gì? Lão hòa thượng nói: “Ông ở đây ba năm, chẳng có ý niệm rời đi, đó là ba năm tu Nhẫn Nhục Ba La Mật, ba năm ấy là tiền phương tiện của tam-muội, làm sao có thể nói là chẳng có thành tựu?” Ông ta nghe lão hòa thượng cảnh tỉnh, bỗng nhiên giác ngộ, hay quá, ba năm chờ đợi tại đó khiến tâm địa thanh tịnh hơn. Vì vậy, chúng ta đọc Ngữ Lục, bao nhiêu người học thân cận một vị thiện tri thức hai mươi năm, ba mươi năm, rất bình thường! Có người suốt đời chẳng rời khỏi thầy, thầy viên tịch rồi mới rời đi giáo hóa một phương. Những vị ấy đều là gốc sâu rễ chắc, công lực thâm hậu, sau đấy đi dạy học nhất định có thể khiến cho Phật pháp được tỏa ngời rạng rỡ.
Con người hiện thời học không thành, nguyên nhân chủ yếu là một tí định lực cũng chẳng có! Đừng nói ba năm, định lực trong ba tháng cũng không có! Ở được hai ba tuần đã tính ra đi, thật sự chẳng có phước báo. Trong quá khứ, pháp sư Tinh Vân đã nói với tôi về vấn đề này: “Hoàn cảnh Phật Quang Sơn tốt đẹp như thế, vì sao học trò tốt nghiệp xong chẳng muốn ở lại, cứ muốn đi sang nơi khác?” Pháp sư Thiên Ất[23] cũng từng hỏi tôi câu này, Sư nói: “Đạo tràng của chúng tôi to như thế này, hết thảy đều vô cùng tốt, vì sao người ta không ở mà cứ đi các nơi?” Nói theo Phật pháp thì là thiếu phước! Nói theo pháp thế gian thì đại khái là Phong Thủy không tốt lắm. Nói thật ra, phước đức và nhân duyên có quan hệ rất lớn.
Thứ chín là Bổn Tánh Phật. Bổn Tánh Phật là Căn Bản Trí của quý vị hiện tiền, chứng đắc Chân Như bổn tánh, Thiền gia gọi là “minh tâm kiến tánh”, còn người niệm Phật chúng ta gọi là Lý nhất tâm bất loạn. Nếu đạt đến Lý nhất tâm bất loạn, quý vị sẽ có Bổn Tánh Phật. Quý vị phải nhớ rõ: Niệm tới Lý nhất tâm bất loạn, sẽ giống như Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, có thể tùy loại hóa thân, đối với kẻ nguyện dùng thân Phật đắc độ, bèn có năng lực thị hiện thân Phật. Lúc ấy, trí huệ, thần thông, và đức năng đều có tác dụng hiện tiền.
Nói tới chỗ này, chúng tôi phải đặc biệt nhắc nhở các đồng tu một câu: Sự nhất tâm và Lý nhất tâm, chúng ta rất khó đạt được trong một đời này, quá khó! Nhưng công phu thành phiến, có thể nói là mỗi cá nhân đều có thể làm được. Nói cách khác, mỗi cá nhân chúng ta đều có phần trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, vấn đề là quý vị có vãng sanh hay không? Địa vị trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư có thấp quá hay chăng? Không thấp! Lịch đại tổ sư dạy chúng ta: Chỉ cần quý vị sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư liền sanh trọn vào ba cõi trên, điều này chẳng thể nghĩ bàn. Trong các chú sớ, cổ đức đều nói như vậy. Trong các thế giới của mười phương chư Phật đều chẳng có điều này, chỉ riêng Tây Phương Cực Lạc thế giới có chuyện kỳ lạ này! Vì thế, kẻ hạ phẩm hạ sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, sau khi tới đó, hằng ngày cùng Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền ở cùng một chỗ, sống cùng nhau, học tập cùng nhau, du ngoạn cùng nhau, chẳng tách rời mãi cho đến khi các Ngài bầu bạn với ta cùng thành Phật, tự tại lắm! Đấy là chỗ thù thắng nhất trong thế giới Cực Lạc, các đồng tu phải nhớ kỹ!
Do vậy, đọc kỹ ba kinh, đọc kỹ những bản chú giải tôi đã giới thiệu với mọi người, chú giải phải đọc nhiều lượt, càng đọc nhiều lần càng hay, đọc nhiều, đọc thuần thục, cảnh giới ấy sẽ thường hiện diện trong đầu óc quý vị. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Ức Phật, niệm Phật, hiện tiền, đương lai, tất định kiến Phật” (nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật), đọc nhiều, thuần thục, quý vị thường nghĩ đến cảnh giới Tây Phương Cực Lạc thế giới, thường nghĩ đến A Di Đà Phật và các đại Bồ Tát, đó là “ức Phật”, miệng chúng ta “niệm Phật”, hoàn toàn phù hợp tông thú tu hành của Tịnh Độ Tông, lẽ nào chẳng vãng sanh!
Thứ mười là Tùy Nhạo Phật. Chữ 樂 [trong ngữ cảnh này] phải đọc [theo âm Quan Thoại] là Yào (âm Hán Việt là Nhạo), Nhạo là ưa thích. [Tùy Nhạo là] thuận theo lòng ưa thích của chúng sanh mà thị hiện.
Đây là mười thân Phật được nói trong kinh Hoa Nghiêm. Tiếp đó là mấy câu nói tổng hợp để kết luận: “Nhiên ước kỳ đại yếu”, nghĩa là quy nạp về điều trọng yếu nhất thì “bất xuất giác mãn chi nghĩa” (không ngoài ý nghĩa giác mãn), tông Thiên Thai gọi “giác mãn” là Cứu Cánh Phật. Vì sao? Chưa đạt đến rốt ráo, làm sao có thể hiện mười thân? Có thể tự tại thị hiện mười thân, quả thật phải đạt tới giác mãn rốt ráo. “Cố viết thập thân sơ mãn, Chánh Giác thỉ thành, danh Viên Mãn Phật dã” (vì thế nói mười thân vừa mãn, Chánh Giác mới thành, gọi là Viên Mãn Phật). Chánh Giác mới thành [ở đây] chính là Chánh Giác được nói trong kinh Hoa Nghiêm. Quý vị mở phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm, tức phẩm thứ nhất của kinh Hoa Nghiêm, sẽ thấy: “Phật thỉ thành Chánh Giác” (đức Phật vừa mới thành Chánh Giác), “thành” là viên mãn Chánh Giác (quả vị Phật trong Viên Giáo), chẳng phải là Tạng Giáo Chánh Giác, vì bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ làm đương cơ cho cảnh giới của Ngài.
(Sao) Thiên trung thiên giả.
(鈔) 天中天者。
(Sao: “Bậc trời của các trời”).
Đây là khen ngợi Phật. Chúng ta đối với Phật quả thật chẳng có cách nào tán thán, cho nên ca ngợi Ngài là “thiên trung thiên”, nghĩa là bậc trời của các trời.
(Sao) Thiên hữu tứ: Nhất, Thế Gian Thiên, chư quốc vương thị.
(鈔) 天有四:一、世間天,諸國王是。
(Sao: Trời có bốn loại: Một là Thế Gian Thiên, tức là các quốc vương).
Trong kinh Phật nói tới bốn loại trời. Loại thứ nhất cũng gọi là Danh Thiên, tức là Danh Tự Thiên, hữu danh vô thực, đấy là “Thế Gian Thiên”. “Chư quốc vương thị” (là các quốc vương) giống như Trung Quốc vào thời cổ, hoàng đế xưng là “thiên tử”, nhưng trên thực tế họ là người, chẳng phải trời. Quốc vương Nhật Bản xưng là Thiên Hoàng (Tennō), nhưng cũng là người, cũng chẳng phải là trời! Những kẻ ấy đều hữu danh vô thực, họ được gọi là Thế Gian Thiên. Người thế gian tôn
xưng họ, chứ họ chẳng phải là trời thật sự.
(Sao) Nhị, Sanh Thiên, Dục, Sắc, Vô Sắc chư thiên thị.
(鈔) 二、生天,欲色無色諸天是。
(Sao: Thứ hai là Sanh Thiên, tức chư thiên Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới).
“Sanh”: Thật sự ở trên trời. Phật pháp nói có hai mươi tám tầng trời. Dục Giới có sáu tầng trời, có ham muốn ăn uống, nam nữ. Thiên giới càng lên cao, dục vọng càng mỏng. Lên cao hơn là Sắc Giới. Sắc Giới có mười tám tầng [gọi chung là] Tứ Thiền: Sơ Thiền ba tầng, Nhị Thiền ba tầng, Tam Thiền ba tầng, Tứ Thiền chín tầng. Mười tám tầng trời này, tài, sắc, danh, vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, ngũ dục đều không có. Các đồng tu học Thiền, hãy tự mình khéo phản tỉnh một phen, quý vị còn có dục vọng hay chăng? Đối với tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê có còn động tâm hay chăng? Trên mặt Sự không có thì chẳng ăn nhằm gì cả, khẩn yếu là trong tâm [chẳng có]. Nếu trong tâm còn động tâm, tôi bảo đảm quý vị chẳng đến được Sắc Giới, mà vẫn ở trong Dục Giới. Bởi vậy cũng biết, tu Thiền không dễ dàng! Tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê bày ra trước mặt mà thật sự chẳng động tâm, mới lên được Tứ Thiền Thiên, chẳng đơn giản! Đó là công phu rất khá. Trong tâm chúng ta hơi động một chút ý niệm là không được rồi, dục vẫn chưa đoạn, vẫn là Dục Giới.
Sắc Giới lại lên cao hơn nữa là Vô Sắc Giới, đây chính là Tứ Không Thiên, đây là chỗ cao nhất trong thế giới Sa Bà. Chư thiên cõi ấy thật sự giác ngộ thân là thừa thãi, ngay cả thân cũng từ bỏ. Bốn cõi trời này, nói thật ra là thế giới tinh thần, không có vật chất, không có thân thể nên không có thân tướng. Chúng ta thường nói đến linh hồn, [bốn tầng trời Tứ Không] là cảnh giới cư trụ của linh hồn! Có thể sanh lên hai mươi tám tầng trời thì gọi là Sanh Thiên, [hàm ý] thật sự sanh lên cõi trời.
(Sao) Tam, Tịnh Thiên, Tứ Quả, Chi Phật thị.
(鈔) 三、淨天,四果支佛是。
(Sao: Ba là Tịnh Thiên, tức là Tứ Quả và Bích Chi Phật).
Tịnh Thiên: Tịnh là thanh tịnh, chẳng phải là chư thiên thông thường, mà là người học Phật, chưa hoàn toàn đoạn hết phiền não, nhưng chẳng sanh trong Dục Giới, những vị ấy được gọi là Tam Quả La Hán, [tức là] Tam Quả của Tiểu Thừa ở trong Tứ Thiền Thiên. Tứ Thiền Thiên có tất cả chín tầng[24]. Thật ra, [tầng trời thứ tư trong] Tứ Thiền Thiên bình thường chỉ có ba tầng, thêm một tầng nữa là Ngoại Đạo Thiên, tầng ấy gọi là Vô Tưởng Thiên. Họ cái gì cũng chẳng nghĩ đến, tu thành Vô Tưởng Định, tu đến Tứ Thiền Ngoại Đạo Thiên. Bốn loại trời này đều là phàm phu, vẫn chưa phải là thánh nhân. Trừ bốn loại ra, còn có loại thứ năm, gọi là Ngũ Bất Hoàn Thiên, đây là chỗ tu hành của bậc Tam Quả Tiểu Thừa, trong kinh Phật gọi là Tịnh Cư Thiên (Śuddhāvāsa), Tịnh Cư thiên tử tu hành ở nơi ấy. Kẻ căn tánh nhạy bén trực tiếp chứng A La Hán, vượt thoát tam giới; kẻ độn căn phải trải qua Tứ Không Thiên mới thoát tam giới. Đấy là Tịnh Thiên. “Tứ Quả Chi Phật”: Tam Quả sẽ chứng Tứ Quả ở nơi ấy. “Chi Phật” là Bích Chi Phật, hai hạng người ấy ở nơi đó.
(Sao) Tứ, Nghĩa Thiên, Thập Trụ Bồ Tát thị.
(鈔) 四、義天,十住菩薩是。
(Sao: Bốn là Nghĩa Thiên tức Thập Trụ Bồ Tát).
Từ trời Đao Lợi trong Dục Giới lên đến trời Tứ Thiền, quá nửa các vị Thập Trụ Bồ Tát hóa thân trong ấy làm Thiên Vương, dùng thân phận thiên vương hóa độ chúng sanh, đấy là Nghĩa Thiên. Thập Trụ ở đây là Thập Trụ trong Viên Giáo, mà cũng là Thập Địa Bồ Tát trong Biệt Giáo.
(Sao) Phật tịnh siêu chi, thị thiên nhi hựu thiên dã.
(鈔) 佛並超之,是天而又天也。
(Sao: Phật đều vượt trỗi họ, lại là bậc trời của chư thiên).
“Phật tịnh siêu chi” : Đối với bốn loại trời vừa nêu trên đây, Phật đều vượt trỗi họ, nên được gọi là Thiên Trung Thiên. Đây là tôn xưng đức Phật, Phật vượt trỗi toàn bộ. Ngày hôm nay tôi giảng tới đây.
— o0o —
Tập 95
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm bảy mươi ba.
(Sao) Thánh trung thánh giả, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, nhập thánh vực nhi vị ưu, duy Phật cư cực quả, thị thánh nhi hựu thánh dã.
(鈔)聖中聖者,聲聞緣覺菩薩,入聖域而未優,惟佛居極果,是聖而又聖也。
(Sao: “Thánh trung thánh”: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát đã dự vào bậc thánh, nhưng chưa đạt tới mức ưu việt, chỉ có Phật thuộc quả vị tột cùng, nên là bậc thánh của chư thánh).
Trong sự giáo học của đức Phật, trước hết, chúng ta phải hiểu rõ Phật giáo là nền giáo dục của đức Phật, có khá nhiều chỗ hết sức tương tự với cách giáo học hiện thời trong nền giáo dục của chúng ta, chỉ là danh xưng khác nhau, trên thực tế chẳng có gì khác biệt. Trong Phật pháp, chia ra Đại Thừa và Tiểu Thừa, giống như trong giáo dục hiện tại chia ra Tiểu Học, Trung Học, và Đại Học. Thanh Văn là Tiểu Học, Duyên Giác như Trung Học, Bồ Tát như Đại Học, chia thành ba giai đoạn, nhưng tốt nghiệp “Tiểu Học” trong Phật pháp có trình độ khá cao!
Cái được Phật pháp truy cầu là trí huệ tối cao, tối viên mãn, trong kinh Phật gọi [trí huệ ấy] là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề (Anuttara-samyak-sambodhi). Đây là tiếng Phạn dịch âm, có nghĩa là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Trong câu này cũng chia thành ba giai đoạn. Thứ nhất là Chánh Giác. Người đạt Chánh Giác đã tu học xong Tiểu Thừa, được gọi là chứng đắc địa vị A La Hán. A La Hán có một ý nghĩa là Vô Học. Vô Học nghĩa là vị ấy đã học xong hết những thứ cần học, chẳng còn học nữa, đã tốt nghiệp chương trình học, nên vô học. Phật pháp có ba giai đoạn, giai đoạn thứ nhất, chứng đắc Chánh Giác là A La Hán. Phật pháp thừa nhận chúng sanh trong thế gian có giác, chẳng thể nói là không giác ngộ. Trong thế gian hiện thời, những khoa học gia, triết học gia, nhà tôn giáo, đối với vũ trụ và nhân sinh đã có sự giác ngộ kha khá, tuy đã giác, nhưng chẳng thể coi là Chánh, chưa thể coi là Chánh Giác được! Trong tiêu chuẩn Chánh Giác của Phật pháp, điều kiện thứ nhất là phải có sự giác ngộ kha khá đối với vũ trụ và nhân sinh. Điều kiện thứ hai là phải đoạn phiền não, quý vị quả thật có thể đoạn các duyên tham, sân, si, mạn, thật sự phù hợp tiêu chuẩn “giác, chánh, tịnh” mới gọi là Chánh Giác. Do vậy, A La Hán đã đạt tới mục tiêu này.
Đức Phật giảng nhiều hiện tượng trong vũ trụ, chúng ta có thể lý giải, nhưng còn có nhiều hiện tượng mà với năng lực hiện thời, chúng ta vẫn chưa thể đạt được, thậm chí tư tưởng, học thuật, khoa học kỹ thuật của chúng ta đều chẳng đạt được, nhưng chẳng thể nói là chúng không tồn tại. Thí dụ như người Ấn Độ nói lục đạo luân hồi, lục đạo luân hồi chẳng phải là quan niệm riêng của Phật giáo. Tại Ấn Độ vào thời cổ, Bà La Môn giáo, Số Luận (Sānkhyā), Du Già (Yoga)[25], ngoại đạo đều nói tới chuyện việc này. Nói cách khác, trước Thích Ca Mâu Ni Phật, người Ấn Độ đã nói tới lục đạo luân hồi. Hơn nữa, còn có nhiều nhà tôn giáo, năng lực tu hành thật sự có thể đạt tới Sắc Giới Thiên và Vô Sắc Giới Thiên. Những tôn giáo cao cấp Ấn Độ có thể lý giải tình hình trong lục đạo rất rõ ràng, họ biết những sự thật ấy rất rõ ràng, nhưng rốt cuộc vì sao sanh ra chuyện ấy? Con người có thể vượt thoát lục đạo hay chăng? Họ chẳng có cách nào! Đó gọi là “biết chuyện đương nhiên, nhưng chẳng biết nguồn cội”, [chỉ có] Thích Ca Mâu Ni Phật mới giải quyết vấn đề này cho chúng ta!
Nguyên nhân căn bản của lục đạo luân hồi là do mê mất chính mình nên mới có hiện tượng ấy. Mê gì? Mê mất Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của chính mình. Đức Phật cho chúng ta biết: Hết thảy chúng sanh ai nấy đều có Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác! Nói cách khác, trí huệ viên mãn, đức năng viên mãn, tài nghệ viên mãn, hết thảy chúng sanh đều bình đẳng. Vì sao nay quý vị bị mất? Do quý vị mê mất chính mình. Phật pháp chẳng nói quý vị mê bên ngoài, mà là mê mất tự tánh của chính mình, nên hiện tượng này biến thành hiện tượng lục đạo luân hồi. Nếu quý vị thật sự giác ngộ, tìm luân hồi trọn chẳng thể được, còn có lục đạo ở đâu nữa? Đây là vấn đề mê hay giác. Mê thì giống như chúng ta nằm mộng, cổ nhân cũng nói: “Mộng lý minh minh hữu lục thú, giác hậu không không vô đại thiên” (Trong mộng rành rành phô sáu nẻo, giác rồi ba cõi rỗng toang hoang). Quý vị tỉnh giấc, còn có mộng ở chỗ nào? Tìm cũng tìm chẳng được! Khi chúng ta mê bèn như nằm mộng, có lục đạo luân hồi, có chuyện này, chẳng phải là không có, thật sự có; tuy có, nó chẳng phải là thật, giống như chúng ta nằm mộng, nhưng trong mộng, quý vị chẳng biết là đang nằm mộng, cứ ngỡ mộng cảnh là thật, chẳng biết đó là giả, là hư vọng. Tới khi tỉnh giấc, mới biết [những mộng cảnh ấy] đều là giả. Nếu trong mộng hiểu được chính mình đang nằm mộng, giấc mộng ấy nhất định rất thú vị, nhất định rất tự tại. Do vậy, Phật pháp nói Phật, Bồ Tát du hý thần thông trên thế gian, vì sao? Các Ngài biết chính mình đang nằm mộng. Chúng ta nằm mộng mà chẳng biết mình đang nằm mộng, các Ngài biết chính mình đang nằm mộng; vì thế, tâm tình và cảnh giới của chúng ta hoàn toàn khác hẳn!
Đó là nói về giai đoạn thứ nhất, tức Chánh Giác. Có thể nói A La Hán là một danh xưng học vị của bậc Chánh Giác giống như hiện thời chúng ta nói tới Học Sĩ (Cử Nhân), Thạc Sĩ, Tiến Sĩ. Bồ Tát giống như Thạc Sĩ, Phật giống như Tiến Sĩ, học vị tối cao. Chánh Đẳng Chánh Giác là Bồ Tát, Đẳng là bằng Phật, nhưng vẫn chưa phải là Phật; nói cách khác, rất gần với viên mãn, nhưng vẫn chưa đạt tới viên mãn thật sự. Đạt tới rốt ráo viên mãn sẽ là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, hoàn toàn chẳng mê, đấy là Phật. Ba danh hiệu này giống như ba danh hiệu học vị (degree).
Vì thế, đức Phật dạy chúng ta: Ai nấy đều có thể thành Phật. Ngài lại còn nói rất minh bạch như trong Hoa Nghiêm và Viên Giác đã nói: “Hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật”, vốn là Phật, vốn đích xác là Phật; chỉ cần quý vị chẳng mê, quý vị là Phật! Quý vị tuy mê, nhưng mê vẫn là Phật. Vì mê là giả, chẳng phải là thật, giác là thật. Nếu là thật, sẽ vĩnh viễn chẳng mất đi; giả thì chắc chắn có thể bỏ đi. Vì thế, trước hết, chúng ta phải kiến lập tín tâm nơi đây: Chính mình chắc chắn có thể thành tựu! Chỗ khác nhau giữa Phật pháp và các tôn giáo khác là Phật pháp nói đến Tín thì thứ nhất là tin vào chính mình, kiến lập lòng tự tin kiên cường, tín tâm theo Lý tánh; đã tự tin rồi thì sẽ tin tưởng Phật, tin tưởng Bồ Tát, tin tưởng thầy có thể giúp đỡ mình. Nếu chúng ta đánh mất lòng tin vào chính mình, dẫu Phật, Bồ Tát thần thông lớn tới đâu, trí huệ cao tới đâu đi nữa, vẫn chẳng thể giúp đỡ! Phật, Bồ Tát có thể giúp đỡ ai? Giúp kẻ có lòng tự tin, người ấy thật sự tin tưởng chính mình có thể thành Phật, tin tưởng chính mình có thể tiêu nghiệp chướng. Do vậy, đầu tiên, nhất định là chính mình phải kiến lập tín tâm.
Chúng ta gọi A La Hán là thánh nhân, Bồ Tát cao hơn A La Hán một cấp, đương nhiên càng là thánh nhân, Phật là tối cao, được xưng tụng là “thánh trung chi thánh” do ý nghĩa này. Trong phần trên, đã tán thán Ngài là “thiên trung chi thiên” (vị trời của chư thiên); ở đây, tán thán Phật là bậc thánh của các thánh. Tuy chúng ta gọi Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát là thánh nhân, các Ngài chưa hoàn toàn đạt đến địa vị viên mãn rốt ráo, chỉ có Phật mới viên mãn rốt ráo. Vì thế, “thị thánh chi hựu thánh” (lại là bậc thánh của các thánh). Những lời khen ngợi này đều dành cho Thích Ca Mâu Ni Phật, nhằm để xưng hô với Ngài.
(Sao) Tức Thích Ca giả, quá khứ, vị lai, tu tiêu mỗ Phật.
(鈔) 即釋迦者,過去未來,須標某佛。
(Sao: “Tức là Phật Thích Ca”: Nếu là Phật quá khứ và vị lai, cần phải nêu rõ là vị Phật nào).
Trong kinh Phật, nếu nói tới đức Phật khác, nhất định là nói về quá khứ Phật, hoặc vị lai Phật. Chẳng hạn như chúng ta nói tới Di Lặc Bồ Tát, bèn gọi Ngài là Đương Lai Hạ Sanh Phật, Ngài là vị lai Phật, hiện nay vẫn còn là Bồ Tát, vẫn chưa thành Phật. Nếu trong kinh chẳng nói “quá khứ, vị lai” thì [hễ chỉ nói “Phật” thì tức] là nói Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật là vị thầy căn bản của chúng ta, vì nền giáo dục và sự giáo học [Phật pháp] lúc thoạt đầu do Ngài khởi xướng, Ngài là người khởi xướng, sáng lập Phật giáo.
(Sao) Thích Ca kiến tọa đạo tràng, nhất độ chi trung, vô nhị Phật cố. Dụ như tiền triều đế chủ, tu xưng quốc hiệu, đương kim thiên tử, trực viết Chí Tôn, diệc dĩ nhất quốc chi trung vô nhị chủ cố. Thị tri đơn ngôn Phật giả, tức Tất Đạt sở thành Hiền Kiếp đệ tứ Phật dã.
(鈔)釋迦見坐道場,一土之中,無二佛故。喻如前朝帝主,須稱國號,當今天子,直曰至尊,亦以一國之中無二主故。是知單言佛者,即悉達所成賢劫第四佛也。
(Sao: Đức Thích Ca ngồi nơi đạo tràng. Trong một cõi nước, chẳng có hai vị Phật. Giống như [nói tới] vua chúa trong triều đại trước, cần phải gọi rõ quốc hiệu, [còn nói tới] vị thiên tử hiện tại, bèn gọi thẳng là đấng Chí Tôn. Cũng như trong một nước chẳng có hai chủ. Do vậy, chỉ nói “Phật” thì chính là nói tới vị Phật thứ tư trong Hiền Kiếp do Thái Tử Tất Đạt Đa tu thành).
Ý nghĩa này rất rõ ràng, đại sư dùng tỷ dụ để giảng rõ. Nhờ vào công cụ khoa học, chúng ta biết vũ trụ to lớn phi thường, nhưng vẫn chẳng rộng lớn, viên mãn như trong kinh Phật đã nói. Khoa học đã chứng thực đích xác một phần, tối thiểu là đối với tam thiên đại thiên thế giới như đức Phật đã dạy, các nhà khoa học đã đồng ý. Nói “vô lượng vô biên thế giới” thì các nhà khoa học còn chưa chứng thực được! Địa bàn giáo hóa của một vị Phật là một đại vũ trụ, đấy chẳng phải là quả địa cầu này, địa cầu chỉ là một cứ điểm (foothold, stronghold) trong khu vực giáo hóa của đức Phật mà thôi. Trong Phật pháp, khu vực giáo hóa to lớn ấy được gọi là “đại thiên thế giới”, một đại thiên thế giới có mười ức Ngân Hà Hệ. Một Ngân Hà Hệ là một đơn vị thế giới, một ngàn đơn vị thế giới là một tiểu thiên thế giới, một ngàn tiểu thiên thế giới là một trung thiên thế giới, một ngàn trung thiên thế giới là một đại thiên thế giới. Do đại thiên thế giới có ba thứ “thiên”, tức là tiểu thiên, trung thiên, và đại thiên, nên trong Phật pháp thường nói là “tam thiên đại thiên thế giới”.
Trí huệ và năng lực của Phật vô cùng lớn, chúng ta chẳng thể nào tưởng tượng được. Chúng ta nói “thần thông” thì thần thông là năng lực. “Thông” (通) là thông đạt chẳng chướng ngại, bất luận trí huệ, đức năng, hay tài nghệ đều chẳng bị chướng ngại. Nói cách khác, Phật đa tài, đa nghệ, điều gì cũng biết, điều gì cũng đều có thể. “Thần” (神) là vượt khỏi sự hiểu biết thông thường của chúng ta. Những gì chúng ta không thể tưởng tượng, Ngài đều biết, đều có thể làm được, nên gọi là “thần thông”. Khu vực giáo hóa của Phật là một đại thiên thế giới. Chúng sanh nơi này cơ duyên chín muồi, Ngài bèn đến nơi đây. Chúng ta trong cõi này chẳng chịu tiếp nhận, nghe lời, thầy bèn bỏ đi, sang dạy bên thế giới khác. Thân Phật không chỉ là một thân, Ngài có thể phân thân. Phân thân, nói theo khoa học, cũng là một chuyện có thể được, nhưng hiện thời chúng ta chẳng biết cách làm. Những năng lực này của Phật do đâu mà có? Do định công (công phu định lực) mà có. Trong phẩm Như Lai Xuất Hiện của kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã dạy: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”. Nói cách khác, hết thảy chúng sanh vốn đều là Phật, nay vì sao biến thành chúng sanh? Vì sao trí huệ, đức tướng, năng lực của quý vị thảy đều bị mất? “Đản dĩ vọng tưởng, chấp trước, nhi bất năng chứng đắc” (chỉ vì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên chẳng thể chứng đắc). Đức Phật chỉ nói tới một nhân tố quan trọng, đó là “vọng tưởng, chấp trước”. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là gốc bệnh của chúng sanh. Nếu hoàn toàn không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tâm của quý vị và toàn thể vũ trụ hợp thành một, không có giới hạn.
Năng lực trí huệ vốn sẵn có, chẳng do học được từ bên ngoài. Một đời đức Phật dạy học bốn mươi chín năm, giảng Bát Nhã hai mươi hai năm. Bát Nhã là trí huệ. Trong toàn bộ giáo học, Bát Nhã là khoa mục trung tâm trong sự giáo học của Phật pháp, giảng lâu nhất. Trong kinh Bát Nhã có hai câu danh ngôn: “Bát Nhã vô tri, không gì chẳng biết”. Nếu quý vị đạt được tâm thanh tịnh, lìa khỏi hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; lúc đó, trong cái tâm thanh tịnh ấy, cái gì cũng đều chẳng có. Lục Tổ bảo: “Vốn chẳng có một vật”, đấy là Bát Nhã vô tri. Khi nó khởi tác dụng, không gì chẳng biết. Vì sao nó có thể không gì chẳng biết? Vì trong cảnh giới vô tri ấy, tâm tĩnh lặng, giống như nước lắng trong, chẳng dấy lên sóng mòi, khi nước hết sức tĩnh lặng sẽ soi bóng hết thảy cảnh giới bên ngoài giống như một tấm gương soi, soi rõ ràng, không có gì chẳng biết! Vì thế, “vô tri” là trí huệ thật sự, hễ “có biết” là hỏng rồi! Có biết, quý vị sẽ có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, giống như nước dậy sóng, soi bóng cảnh giới bên ngoài sẽ vỡ thành từng mảnh nhỏ, chẳng thể soi rất hoàn chỉnh. Quý vị nói “có biết”, tức là sẽ có điều chẳng biết, còn vô tri thì không gì chẳng biết. Vì thế, đức Phật mong chúng ta hãy học vô tri, chẳng mong chúng ta học hữu tri. Vô tri chẳng phải là si ngốc, vô tri là trí huệ thật sự, là tâm địa thanh tịnh. Trong tâm chẳng thể có thứ gì, thường giữ gìn cái tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh là giác tâm, tâm thanh tịnh là chánh tâm.
Phật pháp tuy có rất nhiều tông phái, pháp môn, nhưng trên thực tế, cuối cùng là ba môn “giác, chánh, tịnh”. Bất luận quý vị từ môn nào tiến nhập đều được, đều như nhau. Thiền Tông theo Giác môn, nên chẳng lập văn tự, khởi sự bằng Thiền Định, đó gọi là “giáo ngoại biệt truyền” (truyền riêng ngoài Giáo). Giáo Hạ, bao gồm bảy tông phái, theo Chánh môn. Chánh môn là kiến giải chính xác, tư tưởng chính xác, đương nhiên môn này tương đối chậm hơn một chút. Vì Giác môn là toàn bộ thân, tâm, thế giới, hết thảy buông xuống, cho nên ngay cả kinh điển cũng không cần, pháp thế gian lẫn Phật pháp thảy đều buông xuống, khôi phục cái tâm thanh tịnh, đi theo lộ trình ấy. Lộ trình ấy nhanh chóng, là đốn siêu. Giáo Hạ giống như chúng ta đi học, từ Tiểu Học, Trung Học, tới Đại Học tuần tự thong thả tiến từng bước, bồi dưỡng tư tưởng và kiến giải đều chính xác, cuối cùng vẫn đạt tới mục tiêu giống hệt!
Đi theo Tịnh môn có hai tông phái: Tịnh Độ Tông và Mật Tông; nhưng nói theo hiện thời, Mật chẳng bằng Tịnh Độ, vì sao? Hiện tại yêu ma quỷ quái đều vào trong Mật. Hiện thời, Mật chẳng phải là Phật Mật, mà là Ma Mật, Yêu Mật, Quỷ Mật, Quái Mật, chuyện này phiền lắm! Vì thế, có người học Mật, học chẳng bao lâu, học mấy tháng thường biến thành bệnh thần kinh, bệnh tật gì cũng đều phát sanh. Thật ra, Mật Tông đích xác là rất hay, chỉ vì hiện thời yêu ma quỷ quái xâm nhập, nguyên nhân vì đâu? Mật dễ dàng xâm nhập nhất! Mật qua lại với quỷ thần hết sức mật thiết, nên rất dễ biến chất. Tịnh Độ Tông chuyên niệm A Di Đà Phật, chẳng dễ dàng biến chất, yêu ma quỷ quái vào trong Tịnh Độ Tông cũng niệm A Di Đà Phật; do vậy, biến thành chánh pháp, ma cũng biến thành chánh, nên Tịnh Độ chẳng bị biến thành tà pháp. Sở dĩ Mật rất dễ biến thành tà, chẳng phải vì Mật chẳng tốt đẹp, mà do hiện tại Mật bị yêu ma quỷ quái xâm nhập, chúng ta chẳng có cách nào phân biệt nó là thật hay giả. Như tôi thấy, tại Trung Quốc và ngoại quốc tôi đã thấy rất nhiều, chín mươi phần trăm là giả, chẳng thật! Mật thật sự tôi cũng đã từng gặp rồi. Lúc tôi mới học Phật, Chương Gia đại sư là Mật thật sự, chắc chắn chẳng phải là Tà Mật. Hiện thời, Mật có rất nhiều vấn đề, mà lại còn là những vấn đề vô cùng nghiêm trọng, chúng ta phải nhận biết chuyện này! Chúng ta chọn lựa pháp môn Tịnh Độ, theo ngõ Tịnh, chuyên môn bồi dưỡng cái tâm thanh tịnh; bởi lẽ, trong tất cả các pháp môn, học pháp môn này đơn giản nhất, dễ dàng nhất.
Chư vị phải nhớ, pháp môn thù thắng nhất là pháp môn đơn giản nhất. Nếu có ai nói: “Pháp này quá đơn giản, đâu có dễ dàng như vậy?” Kẻ ấy chẳng tin tưởng, tức là hắn thiếu phước báo, nghiệp chướng sâu nặng! Nếu pháp môn này phức tạp, chẳng thể coi là một pháp môn thật sự hay. Pháp thật sự hay nhất định phải đơn giản, nhất định phải rất dễ dàng, ai nấy đều có thể tu, ai nấy đều tu thành công, khi ấy mới là pháp môn bậc nhất. Do vậy, pháp môn Tịnh Độ là pháp môn thù thắng nhất trong toàn bộ Phật pháp, trong vô lượng vô biên pháp môn; vì thế, được mười phương chư Phật tán thán.
Nói tới cuối cùng là ba môn “giác, chánh, tịnh” này; trong ba môn ấy, chúng ta chọn một môn để nhập đạo là được, đây là một mà ba, tuy ba mà một. Thí dụ như quý vị từ Tịnh môn mà vào, quý vị chẳng hề không chánh, chẳng hề không giác, Giác lẫn Chánh đều đạt được. Giống như giảng đường này có ba cửa, quý vị theo bất luận cửa nào để tiến vào, đều giống như nhau, toàn bộ đều đạt được. Chẳng thể nói là ta theo Tịnh môn tiến vào, tới khi đó, ta vẫn còn có vấn đề nơi Chánh và Giác, ta còn phải tu học thêm, chẳng có đạo lý này. Giác nhất định là Chánh, nhất định là Tịnh, Chánh nhất định là Giác, nhất định là Tịnh, Tịnh nhất định là Giác, nhất định là Chánh, là một mà ba, tuy ba mà một; nhưng ba môn này khó dễ khác nhau, chúng ta phải khéo chọn lựa!
Trong một khu vực giáo hóa, chỉ có thể có một vị Phật, Phật giống như hiệu trưởng. Một trường học chỉ có thể có một hiệu trưởng, chẳng thể có hai hiệu trưởng. Tuy có người đạo đức, học vấn, trí huệ, thần thông hoàn toàn bình đẳng giống hệt như Phật, nhưng trong khu vực giáo hóa ấy, vẫn phải chọn ra một vị làm hiệu trưởng, chẳng thể nào hết thảy mọi người đều làm hiệu trưởng. Chúng ta gọi những người ấy là Đẳng Giác Bồ Tát, hoàn toàn bình đẳng với Phật. Trong nhà trường ấy, các Ngài làm giáo sư, hoặc đảm nhiệm giáo vụ, nhưng hiệu trưởng luôn luôn chỉ có một người. Trên danh phận tuy là như thế, nhưng địa vị của họ nhất định bình đẳng. Không chỉ hiệu trưởng và giáo viên bình đẳng, mà [ngay cả] địa vị học trò cũng bình đẳng. Do vậy, Phật và chúng sanh cũng là bình đẳng, trong Phật pháp quả thật không có cao thấp. Căn nguyên của thuật ngữ “bình đẳng” là do kinh Phật mà có, thanh tịnh, bình đẳng.
Mỗi cõi Phật là một đại thiên thế giới. Quả địa cầu này là một phần tử của đại thiên thế giới, là một tinh cầu nhỏ bé mà thôi! Giáo khu (khu vực giáo hóa) của Thích Ca Mâu Ni Phật là một đại thiên thế giới. Do vậy, chúng ta nói Phật giáng sanh hay nhập diệt là nhìn theo mặt hình tích, [tức là] nhìn từ hình tướng bên ngoài, trên thực tế là chẳng sanh, chẳng diệt. Không riêng gì đức Phật chẳng sanh, chẳng diệt, mà mỗi cá nhân chúng ta đều là chẳng sanh, chẳng diệt, những gì đức Phật có, chúng ta thảy đều có. Do vậy, kinh điển toàn nói những chuyện thuộc bổn phận của chính chúng ta. Như kinh Hoa Nghiêm toàn là giảng về chính mình, chắc chắn chẳng có một câu nào nói đến chuyện ngoài chính mình ra! Không có! Chúng ta đọc kinh Phật, nhất định phải hiểu được ý nghĩa này!
Đức Phật dạy, trong “đại thời gian” hiện tại, cái “đại thời gian” ấy cũng rất dài, chẳng thể dùng một hai năm để tính toán, chỉ dùng Kiếp để tính toán, [Kiếp ở đây] là đại kiếp. “Kiếp” (Kalpa) là đơn vị thời gian, có tiểu kiếp, trung kiếp, và đại kiếp, ở đây nói tới đại kiếp. Thông thường chúng ta nói tiểu kiếp là “tăng giảm kiếp” (Antah-kalpa). Theo kinh dạy, khi thọ mạng con người dài nhất là tám vạn bốn ngàn năm, đây là tuổi thọ dài cực hạn của con người. Từ tám vạn bốn ngàn năm, cứ mỗi một trăm năm lại giảm một tuổi, giảm như vậy tới mười tuổi, mười tuổi là cực hạn thấp nhất của tuổi thọ con người; sau đấy, cứ mỗi một trăm năm lại tăng thêm một tuổi, tăng thêm cho đến tám vạn bốn ngàn tuổi, chu kỳ một tăng một giảm này được gọi là một “tiểu kiếp”. Phật giáo tính toán đơn vị thời gian theo cách tính như thế. Hai mươi tiểu kiếp là một trung kiếp (Asankya-kalpa), bốn trung kiếp là một đại kiếp (Maha-kalpa).
Trong một đại kiếp này, đức Phật dạy: Trong thế giới này, có một ngàn vị Phật xuất thế, Thích Ca Mâu Ni Phật là vị Phật thứ tư trong đại kiếp này. Kiếp này có tên là Hiền Kiếp (Bhadra-kalpa) vì hiền nhân rất nhiều, [tức là] Phật, Bồ Tát thành tựu con người rất nhiều, do có nhiều người hiền nên gọi là Hiền Kiếp. Thích Ca Mâu Ni Phật là vị Phật thứ tư trong Hiền Kiếp, vị Phật thứ năm là Di Lặc Phật, ngài Di Lặc hiện đang là Bồ Tát. Di Lặc Bồ Tát giáng thế vào năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm sau. Tới chỗ này, chúng ta đã giới thiệu xong chữ Phật trong tựa đề “Phật Thuyết A Di Đà Kinh”. Tiếp theo đây là giảng chữ “Thuyết” .
(Sớ) Thuyết giả, duyệt dã.
(疏) 說者,悅也。
(Sớ: Thuyết là hoan hỷ).
Vào thời cổ, chữ Duyệt (悅) trong Hỷ Duyệt (hoan hỷ) viết cùng
một mặt chữ với chữ Thuyết (說: nói) trong hiện tại. Nói thì đương nhiên hoan hỷ mới nói, chẳng hoan hỷ sẽ chẳng thể nói. Nhất là nói kinh Di Đà, đức Phật hoan hỷ tới tột bậc, vì sao? Tất cả hết thảy các pháp môn đều phải đi đường vòng rồi mới thành tựu, đều khiến cho chúng sanh phải chịu đựng những nỗi khổ sở, đi theo rất nhiều chặng đường oan uổng rồi mới có thể thành tựu, chỉ riêng pháp môn này là thành tựu trong một đời, trực tiếp thành tựu. Có thể đem pháp môn này giới thiệu với chúng sanh, lẽ nào đức Phật chẳng vui sướng? Đức Phật mang tâm nguyện mong cho mọi người đều thành tựu trí huệ viên mãn, mọi người đều thành Phật. Quý vị phải nhớ: “Thành Phật”, chẳng phải là thành thần! Thành thần hay thành tiên đều chẳng thể giải quyết vấn đề, vì sao? Thần tiên còn có mê hoặc, điên đảo. Phật, Bồ Tát chẳng mê hoặc, chẳng điên đảo. Đức Phật mong chúng ta thành tựu trí huệ, khôi phục năng lực vốn có của chính mình, đức Phật giáo học nhằm mục đích này! Luôn mong chúng ta thành tựu sớm một chút, giống như cha mẹ quan tâm, yêu thương con cái, luôn mong muốn con học hành sớm ngày thành tựu, sự nghiệp sớm có ngày viên mãn. Đức Phật nói bộ kinh này lợi ích chúng sanh chẳng gì có thể sánh bằng, mà mọi người cũng phải chịu tiếp nhận, chịu tin tưởng thì mới có thể nói! Nói ra mà không ai tin tưởng, nói uổng công rồi! Đức Phật quan sát thấy học trò có thể tiếp nhận, cho nên Ngài vô cùng hoan hỷ diễn nói. Bộ kinh này và kinh Vô Lượng Thọ là đồng bộ, kinh Di Đà là giới thiệu đơn giản, kinh Vô Lượng Thọ là thuyết minh tỉ mỉ. Hai bộ kinh này có nội dung hoàn toàn tương đồng.
(Sớ) Duyệt sở hoài cố.
(疏) 悅所懷故。
(Sớ: Do thỏa thích điều ấp ủ trong lòng).
“Hoài” (懷) là “hoài bão” (điều ôm ấp, kỳ vọng trong lòng); nói thật ra là nguyện vọng. Nguyện vọng thật sự có thể đạt được, thật sự hoan hỷ, thật sự hỷ duyệt.
(Sớ) Tứ Biện tuyên diễn cố, thập nhị bộ đẳng, chí Tứ Tất Đàn, giai thị Thuyết nghĩa.
(疏) 四辯宣演故,十二部等,至四悉檀,皆是說義。
(Sớ: Từ dùng Tứ Biện Tài tuyên diễn mười hai bộ v.v… cho tới Tứ Tất Đàn đều là ý nghĩa của chữ Thuyết).
Đối với mỗi câu đều được giảng rõ tỉ mỉ trong lời chú giải tiếp theo đây, nay chúng ta coi lời chú giải, xin hãy xem lời Sao.
(Sao) Duyệt sở hoài giả.
(鈔) 悅所懷者。
(Sao: Do thỏa thích điều ấp ủ trong lòng).
Vì sao đức Phật hoan hỷ dường ấy?
(Sao) Bổn nguyện độ sanh, đắc cơ nhi thuyết, sở hoài sướng duyệt.
(鈔) 本願度生,得機而說,所懷暢悅。
(Sao: Bổn nguyện độ sanh có cơ hội để nói, thỏa thích nỗi niềm hằng ấp ủ).
Nói thật ra, đức Phật chỉ có một nguyện vọng là giúp đỡ chúng sanh, giúp cho chúng sanh khôi phục năng lực sẵn có, khôi phục trí huệ vốn có, khôi phục thì gọi là “thành Phật”; chỉ có một mục đích rất đơn thuần như vậy. Đức Phật quả thật có năng lực giúp đỡ chúng ta, nhưng chúng ta không chịu tiếp nhận, không tin, nên đức Phật chẳng có cách nào cả! Vì thế, chẳng phải là Phật thiếu từ bi, chẳng phải là Ngài không chịu giúp đỡ chúng ta, mà do chúng ta bài xích, cự tuyệt, chẳng tin, Ngài chẳng có cách gì hết! Chúng ta chịu tin tưởng, chịu tiếp nhận, đức Phật liền hoan hỷ; kinh nói người ấy có thiện căn, có phước đức. Thiện căn và phước đức trọn đủ, nhất định đức Phật chẳng bỏ lỡ cơ hội ấy, nhất định tới giúp đỡ người ấy. Nếu người ấy thiện căn và phước đức trọn đủ, chịu tin, chịu phát nguyện, chịu nỗ lực tu tập, mà nếu người ấy cả đời chẳng gặp gỡ Phật pháp, Phật sẽ có lỗi với kẻ ấy. “Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân” (trong cửa nhà Phật, chẳng bỏ một ai), Phật có lỗi với người ấy. Nếu kẻ ấy không tin, không chịu phát nguyện, không chịu khéo học, mà nếu Phật tới độ kẻ ấy sẽ là chuyện thừa thãi, vô dụng! Cơ cảm tương ứng, Phật bèn đến. Nhất là nói bộ kinh này, sung sướng quá, thẳng thừng giúp đỡ quý vị thành tựu, thành tựu ấy là thành tựu rốt ráo viên mãn. Việc này hoàn toàn tương ứng với bổn nguyện giúp đỡ chúng sanh, Ngài có thể tìm được những người chịu tin, chịu học, bèn nói với họ pháp môn này.
Tiếp đó, đại sư trích dẫn kinh Đại Bổn, Đại Bổn chính là kinh Vô Lượng Thọ, Ngài trích dẫn kinh văn từ kinh Vô Lượng Thọ.
(Sao) Như Đại Bổn, Thế Tôn dục thuyết thử kinh.
(鈔) 如大本世尊欲說此經。
(Sao: Như trong kinh Đại Bổn, lúc đức Thế Tôn sắp nói kinh ấy).
“Thử kinh” là kinh Vô Lượng Thọ. Hai bộ kinh Di Đà và Vô Lượng Thọ có ý nghĩa hoàn toàn tương đồng, có thể dùng chung cho nhau.
(Sao) Tiên thả chư căn duyệt dự, nhan sắc dị thường.
(鈔) 先且諸根悅豫,顏色異常。
(Sao: Trước hết, các căn lộ vẻ vui sướng, vẻ mặt khác với bình thường).
Trước khi giảng kinh, trông đức Phật dung mạo rạng ngời, hết sức vui sướng, hết sức hoan hỷ; khi ấy, ngài A Nan thấy vậy, tự nhủ trước nay ta chưa hề thấy đức Phật hoan hỷ, rạng rỡ giống như hôm nay. “Nhan sắc dị thường”: Chẳng giống lúc bình thường, hoan hỷ phi thường! Trước khi nói kinh, đức Phật hiện vẻ hỷ duyệt như vậy, chính là vì Ngài sắp giới thiệu pháp môn giúp đỡ chúng sanh bậc nhất trong vô lượng vô biên pháp môn. Trong giảng đường này, chúng tôi giảng kinh đã giảng thật lâu, thấu hiểu sâu đậm pháp môn này là pháp môn bậc nhất trong vô lượng pháp môn.
(Sao) Huống kim trì danh niệm Phật, đắc cơ nhi thuyết, duyệt khả tri hĩ.
(鈔) 況今持名念佛,得機而說,悅可知矣。
(Sao: Huống chi nay pháp trì danh niệm Phật gặp được căn cơ để nói, có thể biết là đức Phật vui sướng [dường nào]).
Phương pháp tu hành trong Tịnh Độ cũng rất nhiều, Trì Danh là bậc nhất, đơn giản nhất, dễ dàng nhất, thẳng chóng nhất, ổn thỏa nhất. Nói thật ra, pháp này tương ứng với Thiền, mà cũng tương ứng với Mật. Niệm một câu A Di Đà Phật là Thiền Tịnh Mật Tam Tu. Quý vị đang tam tu mà chẳng biết! Vừa mở đầu, kinh Vô Lượng Thọ đã biểu thị pháp, ba ý nghĩa này hết sức rõ rệt, cho nên chẳng cần tu pháp nào khác! Quý vị nói: “Cách tu như thế nào?” Một câu A Di Đà Phật niệm đến cùng là được rồi, tới lúc đó, sẽ tự nhiên hiểu rõ, tự nhiên tâm khai ý giải, niệm tới mức cái tâm thanh tịnh, niệm tới nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn là “minh tâm kiến tánh” trong Thiền Tông, là “tam mật tương ứng” trong Mật Tông, nhưng phương pháp [trì danh] này dễ hơn Thiền, mà cũng dễ hơn Mật, thành tựu hoàn toàn giống như Thiền và Mật. Vì thế, nó thật sự là một pháp môn chẳng thể nghĩ bàn.
“Đắc cơ”: Cơ (機) là kẻ có căn khí, ở đây là kẻ có thể tín, có thể nguyện, chịu niệm Phật, gặp được người như vậy, đức Phật bèn hoan hỷ. Gặp được người như vậy, người ấy nhất định đắc độ trong một đời, nhất định thành Phật trong một đời. Lẽ đâu đức Phật chẳng hoan hỷ? Đương nhiên là hoan hỷ phi thường. Đây là nói chữ “duyệt” có ý nghĩa thỏa thích bổn hoài. Cũng chính vì như vậy, nay chúng ta muốn giới thiệu Phật pháp với người khác, kinh điển nhiều lắm, kinh điển Phật giáo nổi tiếng là nhiều, phương pháp, đường lối cũng quá nhiều, chúng ta giới thiệu với người khác điều gì đây? Chúng ta chỉ giới thiệu pháp môn này. Vì vậy, tôi giảng kinh trong ngoài nước, luôn giới thiệu pháp môn này với mọi người, người chịu tin sẽ đắc độ. Do đó, chúng ta chẳng cần làm chuyện náo nhiệt, đừng phô trương ầm ĩ, [khoe khoang] thính chúng của tôi đến mấy trăm người, mấy ngàn người, không nên làm chuyện ấy! Mấy ngàn người hay mấy trăm người sau khi nghe, chẳng có một người nào tin tưởng, chẳng có một ai chịu hành, vẫn chẳng phải là uổng công giảng ư?
Chúng ta tới một nơi nào có một người chịu tin tưởng, một người phát nguyện, thật sự chịu tu hành, người ấy sanh về thế giới Tây Phương, thấy Phật, thành Phật, đấy là có ý nghĩa. Tới một nơi độ được một người, giúp đỡ người ấy thành Phật, nơi ấy là nơi chúng ta phải đến. Nếu chẳng ai tin tưởng, không ai bằng lòng tu thì mười vạn người, trăm vạn người, chúng ta tới đó [giảng kinh, thuyết pháp] cũng chẳng có ý nghĩa gì hết! Vì thế, chúng ta chẳng cần phô trương, đừng nên chuộng sĩ diện hão, mà phải thật sự giúp đỡ người khác. Tôi mỗi khi tới một nơi nào, nói chung có được một hai người, thậm chí chỉ có một người [chịu thật sự tu tập], tôi đều rất hoan hỷ, vì sao? Người ấy thật sự tin tưởng, thật sự phát nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, nói chung, kể như tôi đã giúp đỡ người khác, chẳng uổng công tới! Thật sự hoan hỷ, giúp đỡ một người thành Phật, đúng là nhân duyên rất hiếm có, hết thảy các chuyện tốt đẹp đều chẳng thể sánh bằng chuyện này. Người ấy thành Phật, trong tương lai độ bao nhiêu chúng sanh! Chúng ta phải chú trọng thực chất.
(Sao) Tứ Biện giả.
(鈔) 四辯者。
(Sao: Tứ Biện là…)
“Biện” là biện tài, trong kinh Phật thường nói có bốn thứ, [gọi chung là] Tứ Vô Ngại Biện Tài, thứ nhất là:
(Sao) Viết Nghĩa.
(鈔) 曰義。
(Sao: Là Nghĩa Biện Tài).
“Nghĩa” là nghĩa lý, là lý luận. [Nghĩa Vô Ngại Biện Tài là] thông đạt lý luận chẳng chướng ngại; nói thông tục là hiểu rành rẽ đạo lý, chẳng bị chướng ngại. Thứ hai là…
(Sao) Viết Pháp.
(鈔)曰法。
(Sao: Pháp Biện Tài).
“Pháp” là phương pháp. Đức Phật giảng tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, phương pháp vô ngại. Nếu Ngài có chướng ngại, làm sao có thể nói nhiều dường ấy được? Phương pháp này không được, bèn đổi sang phương pháp khác. Phương pháp, đường lối rất nhiều, nói chung nhằm dẫn dụ quý vị bước vào chánh đạo. Đây là biện tài của Phật. Thứ ba là…
(Sao) Viết Từ.
(鈔) 曰詞。
(Sao: Từ Biện Tài).
“Từ” là ngôn ngữ, [Từ Vô Ngại Biện Tài là] ngôn ngữ chẳng bị chướng ngại. Kinh thường nói: “Phật dĩ nhất âm nhi thuyết pháp, chúng sanh tùy loại các đắc giải” (đức Phật dùng một âm thanh để thuyết pháp, chúng sanh tùy theo mỗi loài đều hiểu). Đức Phật thuyết pháp tại nơi đó, bất luận là người nào đến nghe, đều nghe rất rõ ràng, đều nghe rất minh bạch, ngôn ngữ quá xảo diệu. Nếu đức Phật ngự trên giảng đài, người Hoa nghe [sẽ cảm thấy]: “Đức Phật nói bằng tiếng Hoa, Ngài nói bằng tiếng quê hương của chúng ta!” Người Nhật Bản nghe [sẽ thấy] đức Phật giảng bằng tiếng Nhật. Đức Phật cũng chẳng cần phiên dịch. Một âm thanh thốt ra, người ở mỗi nơi nghe thành tiếng địa phương của họ. Điều này tuyệt diệu chẳng thể nói nổi, đức Phật có năng lực ấy. Gần đây, các khoa học gia nghiên cứu, trong tương lai có thể phát minh một loại computer có thể tự động phiên dịch các thứ ngôn ngữ bất đồng, mọi người đều có thể nghe hiểu! Trong quá khứ, chúng ta rất khó tin tưởng [chuyện này], các khoa học gia hiện thời chứng tỏ: Đó là chuyện có thể làm được. Vì thế, chư thiên đến nghe, [sẽ thấy Phật nói] bằng ngôn ngữ của chư thiên. Từ quỷ đạo đến nghe, [sẽ thấy đức Phật nói] bằng ngôn ngữ của quỷ đạo. Súc sanh tới nghe, [sẽ thấy đức Phật nói] bằng ngôn ngữ súc sanh. Quá kỳ diệu! Đấy là Từ Vô Ngại. Thứ tư là:
(Sao) Viết Nhạo Thuyết dã.
(鈔) 曰樂說也。
(Sao: Nhạo Thuyết Vô Ngại).
Có ba thứ Biện Tài trên đây, nhưng chẳng thích giảng, sẽ chẳng có cách nào hết! “Nhạo Thuyết” là người ấy thích giảng, chẳng ngại phiền, không nề hà mệt mỏi. Chỉ cần gặp phải đối tượng, bèn hết sức vui lòng giúp đỡ, dắt dìu người khác, giúp đỡ người khác vô điều kiện. Chúng ta phải học tập điều này.
(Sao) Tứ giai vô ngại, danh chi viết Thuyết.
(鈔) 四皆無礙,名之曰說。
(Sao: Bốn điều ấy đều vô ngại, nên gọi là Thuyết).
Ở đây, Thuyết bao gồm bốn ý nghĩa vô ngại. Trong kinh điển có [nói tới] rất nhiều vị Phật, Bồ Tát, [đối với] trí huệ, thần thông, đức năng của các Ngài, có những điều chúng ta chẳng thể học theo, nhưng cũng có những điều chúng ta có thể học tập. Có thể học tập thì chúng ta phải tận hết khả năng học tập. Như ở nơi đây, bản thân chúng ta hiểu được Phật pháp bao nhiêu, phải giới thiệu với mọi người bấy nhiêu! Có người nói: “Nói sai Phật pháp, phải chịu trách nhiệm nhân quả!” Gánh trách nhiệm nhân quả giống như chỉ sai đường, báo hại người ta phải đi bao nhiêu con đường oan uổng! Đây là chuyện quý vị có lỗi với người ta. Phật pháp là chỉ đường! Chúng ta tuân thủ nguyên tắc do Khổng lão phu tử đã dạy: “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri” (biết thì nói là biết, không biết bèn nói không biết), sẽ không chỉ sai đường! Phàm kẻ chỉ sai đường đều là phường ham cao xa, hiếu thắng, không biết mà cứ nhận bừa là biết, nên mới phạm lỗi! Tôi hiểu ý nghĩa này bèn giảng cho quý vị nghe, chỗ kia không hiểu, không hiểu thì tôi chẳng giảng, đừng sợ tẽn tò, đừng sợ mất mặt, chắc chắn quý vị sẽ chẳng giảng trật.
Từ xưa tới nay đều là như vậy, người ta chuộng thể diện! Học Phật chớ nên có chuyện này, phải thật thà! Ta hiểu đoạn này ta có thể giảng, đoạn kia ta không hiểu, ta đọc lướt qua, đọc lướt qua chẳng bị khuyết điểm! Chúng tôi đọc rất nhiều bản chú giải của cổ nhân, phát hiện rất nhiều trường hợp kinh văn có rất nhiều ý nghĩa trong ấy, nhưng vì sao lời chú giải chẳng giảng? Viết mấy câu đơn giản, sơ sài cho xong, cớ sao chẳng chú giải cặn kẽ? Về sau, chúng tôi hiểu: Đoạn ấy, Ngài cũng không hiểu, nhưng chẳng mắc khuyết điểm! Nếu Ngài dùng ý tưởng của chính mình để giải, sẽ có thể giảng sai. Vì thế, Ngài dè dặt, cẩn thận, chính mình không biết, chưa lãnh ngộ được, quyết định không dám tùy tiện nói lung tung! Chư vị thuyết pháp cho hết thảy chúng sanh, tuân thủ nguyên tắc này, bất cứ lúc nào, bất luận nơi đâu, đều chẳng có khuyết điểm, chỉ có công đức, không mắc khuyết điểm, phải ghi nhớ điều này!
(Sao) Trung Luận vân.
(鈔) 中論云。
(Sao: Trung Quán Luận nói:)
Trích dẫn một đoạn từ Trung Quán Luận.
(Sao) Chư Phật y Nhị Đế, vị chúng sanh thuyết pháp.
(鈔) 諸佛依二諦,為眾生說法。
(Sao: Chư Phật nương vào Nhị Đế để thuyết pháp cho chúng sanh).
Nhị Đế là Chân Đế và Tục Đế, Chân Tục nhị đế. Chân Đế là chân thật, Lý chân thật, Sự chân thật, nhưng chúng sanh chẳng thấy, Phật, Bồ Tát thấy được, đó là thật. Tục Đế là thế tục, tức kiến giải và hiểu biết thông thường của người thế tục; chúng ta tùy thuận thế tục để nói, mọi người sẽ rất dễ hiểu. Vì sao? Vì thường thức và kiến giải của quý vị có thể đạt đến. Do đó, đức Phật thuyết pháp luôn chẳng rời khỏi hai nguyên tắc sau đây:
– Một là cảnh giới do đích thân Ngài chứng đắc.
– Hai là nói theo hoàn cảnh sống hiện thực của chúng ta.
Chân và Tục có thể viên dung, chúng ta sẽ sống rất hạnh phúc, rất mỹ mãn.
Đức Phật giáo hóa các chúng sanh tuân theo tiêu chuẩn: Nương vào Chân Tục nhị đế. Trình độ [của thính chúng] càng cao thì thành phần thuộc Chân Đế [trong lời giảng] càng nhiều. Càng là kẻ mới học, thành phần Tục Đế [trong lời Phật giảng] càng nhiều, phương diện Chân Đế ít hơn. Dạy hàng đại Bồ Tát thì Chân nhiều, Tục ít. Nói theo Ngũ Thừa Phật pháp thì đức Phật dạy người, dạy trời, Tục Đế chiếm phần hết sức quan trọng, Chân chẳng qua là điểm thêm đôi chút mà thôi! Lên cao hơn là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Chân sẽ dần dần chiếm đa số, thành phần Tục chiếm ít hơn. Đó là y Chân Tục nhị đế để thuyết pháp.
Nhưng phải hiểu: Chân và Tục chẳng hai. Trong cái nhìn của Phật mới có thể thấy như vậy. Chân và Tục quả thật là một, chẳng hai. Chẳng hạn như chúng ta nêu thí dụ, kinh thường dạy: “Phiền não tức Bồ Đề”, Bồ Đề là Chân, phiền não là Tục, chúng là một, không hai. Trên thực tế, vì sao trở thành có phiền não và Bồ Đề? Do mê hay ngộ! Mê thì quý vị mê gì? Mê Bồ Đề. Bồ Đề bị mê thì sẽ không gọi là Bồ Đề, thay đổi danh xưng thành phiền não. Quý vị ngộ là ngộ gì? Ngộ phiền não. Nếu giác ngộ phiền não, chẳng còn gọi nó là phiền não nữa, mà sửa tên thành Bồ Đề, chuyện là như vậy đó. Do vậy, mê thì có phiền não, ngộ là Bồ Đề, chỉ đổi danh xưng, chẳng thay đổi Sự, trên mặt Sự là như nhau.
Nếu chúng ta hỏi: Người giác ngộ còn có phiền não hay không? Người giác ngộ thật sự chẳng có phiền não. Thích Ca Mâu Ni Phật còn có tâm hoan hỷ, tâm hỷ duyệt, đấy chẳng phải là phiền não ư? Nơi Phật chẳng gọi là phiền não, mà gọi là Bồ Đề. Mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, ham muốn đều là Bồ Đề; đối với chúng ta, mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, ham muốn là phiền não. Vì sao có sự sai biệt ấy? Chúng ta bị mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, ham muốn ô nhiễm, tâm chúng ta chẳng thanh tịnh. Thích Ca Mâu Ni Phật mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, ham muốn bày ra trước mặt, tâm địa Ngài chẳng nhiễm, mà thanh tịnh; sai biệt ở chỗ này! Nếu trong cuộc sống hằng ngày, trong đãi người, tiếp vật, mừng, giận, buồn, vui, mà chúng ta có thể giữ được tâm địa thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần thì mừng, giận, buồn, vui là Bồ Đề.
Có người chẳng hiểu, nghĩ học Phật là chuyện rất đáng kinh sợ. Vì sao? Học Phật không có Ái nữa. Không có Ái thì làm sao được? Đáng sợ vô cùng! Thật ra, học Phật thì Phật là thật sự yêu thương, chẳng giả! Người thế gian tuy cảm thấy Ái rất đáng quý, nhưng đều là giả, hư tình giả ý, chẳng phải là chân ái, mà là giả ái. Khi yêu nhau bèn kết hôn, hai hôm sau nghe nói lại ly hôn, đó chẳng phải là chân ái, vì lòng ái ấy bị biến đổi! Không giống như Phật, Bồ Tát! Lòng ái của Phật, Bồ Tát vĩnh viễn bất biến. Quý vị tôn kính các Ngài, các Ngài yêu thương, che chở quý vị; quý vị hủy báng, hãm hại các Ngài, các Ngài vẫn yêu thương, che chở quý vị, chẳng hề đổi dạ, đấy gọi là Bồ Đề, là thật! Vì thế, lòng Ái thật sự ở trong Phật pháp, trong thế gian không có! Thế gian hư tình giả ý, nhất định phải hiểu rõ ràng, chớ bị lừa. Vì thế, bảo quý vị phải dùng lý trí, chớ nên dễ dãi xử sự theo cảm tình. Cảm tình là mê, lý trí là giác, phải lấy lý trí làm chủ. Tuy có cảm tình, nhưng tình sanh từ lý trí, chẳng sanh từ mê hoặc, điên đảo, chẳng sanh từ mê chấp, mà sanh từ lý trí, Phật pháp nói tới chuyện này. Thông thường, chúng ta chẳng nói Ái, mà thay đổi danh xưng thành “từ bi”, từ bi là Ái. Nói cách khác, lý tánh ái (lòng yêu thương dựa trên lý tánh) là từ bi, còn [lòng yêu thương] sanh từ phân biệt, chấp trước, tình thức thì gọi là Ái. Một đằng là danh xưng khi mê, một đằng là danh xưng lúc giác ngộ, khác nhau ở chỗ này!
Giáo học Phật pháp là một nghệ thuật cao độ, ở đây nói là “y Nhị Đế”. Kiến trúc Phật giáo thể hiện ý nghĩa này. Đại điện của Phật, tức Đại Hùng Bảo Điện, là một kiến trúc chủ yếu nhất trong tự viện, giống như một hội đường (tòa nhà dùng để nhóm họp)[26], hết thảy những cuộc nhóm họp trọng yếu phải được cử hành tại đó. Chúng ta thấy kiến trúc ấy bên ngoài là hai tầng, bên trong là một tầng, vì sao xây cất theo cách ấy? Hai tầng tượng trưng Nhị Đế, một tầng bên trong tượng trưng Nhất Như. Chân Tục nhất như, Nhị Đế bất nhị. Ngay cả kiến trúc cũng đều biểu thị pháp, thể hiện dụng ý này, chẳng phải là xây cất tùy tiện. Đây là nói thêm cho quý vị hiểu!
(Sao) Từ Vô Ngại Trí, dĩ thế trí sai biệt thuyết.
(鈔) 詞無礙智,以世智差別說。
(Sao: Từ Vô Ngại Trí, dựa trên trí thế gian mà nói khác biệt [tùy theo hoàn cảnh, thời điểm]).
Trong “Từ Vô Ngại” có rất nhiều ý nghĩa, chúng ta vừa mới nói một ý nghĩa là “Phật dùng một âm thanh để thuyết pháp, chúng sanh tùy theo từng loài đều hiểu”, đấy là Từ Vô Ngại. Từ Vô Ngại kiểu này chúng ta không thể học được, nhưng Từ Vô Ngại theo nghĩa thứ hai, chúng ta có thể học được. Học gì vậy? Nguyên lý, nguyên tắc, và tinh thần của Phật pháp vĩnh viễn bất biến, nhưng thuyết pháp có thể do tùy lúc, tùy chỗ mà nói khác nhau. Chẳng hạn như người nghe giảng chúng ta đều là đồng tu đang học Tịnh Độ, chúng tôi có cách nói theo kiểu tu Tịnh Độ. Nếu tôi đến Thiền Đường bèn giảng Thiền. Tôi có một người bạn thân là pháp sư Thánh Nhất, Ngài tham Thiền, trong chùa của Ngài có tới bốn mươi người hằng ngày đều ngồi tham Thiền. Tôi tới Hương Cảng, Ngài cũng mời tôi giảng khai thị; nói chung, tôi chẳng thể giảng Tịnh Độ, chỉ đành giảng Thiền, khế hợp căn cơ của bọn họ, giảng Đàn Kinh, giảng kinh Kim Cang, lấy những tài liệu trong ấy để nói với họ. Nếu thính chúng là người kinh doanh, mua bán, tôi giảng kinh nhất định phải dạy họ làm thế nào để phát tài, họ mới hoan hỷ, đó là “vô ngại”. Nếu thính chúng là dân biểu, đại biểu Quốc Hội, và ủy viên Lập Pháp, nội dung ý nghĩa lời tôi nói phải là tham chánh như thế nào, làm thế nào để thực hiện tốt việc chính trị trong đất nước, làm sao khiến cho dân chúng sống cuộc đời giàu có, khỏe mạnh, an ổn, vui sướng, mà chẳng khuyên họ niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, giảng theo cách ấy họ chẳng thể tiếp nhận. Vì thế, trong lúc nào, đối với hạng người nào, quyết định sẽ nói khác nhau!
Cùng là một bộ kinh, cùng một câu kinh, sẽ có nhiều cách giảng khác nhau. Tuy khác nhau, nhưng tông chỉ quyết định chẳng thay đổi, phương hướng, mục tiêu, tinh thần quyết định chẳng thay đổi; do vậy, quyết định chẳng giảng sai lệch Phật pháp. Phật pháp sống động, chẳng chết cứng, khô khan, chẳng phải là chỉ có thể giảng một cách, đấy là chỗ khó khăn trong kinh Phật. Không riêng gì kinh là như vậy, mà chú giải cũng đều là như vậy; do vậy, [giảng kinh, giảng chú giải] chẳng dễ dàng! Chú giải của cổ nhân câu nào cũng đều là sống động, quý vị nói sao cũng hợp lý, chẳng chết cứng, chẳng phải là câu này có ý nghĩa [nhất định] như thế này, phải giảng theo cách này, đó là văn chương chết ngắc! Phật pháp sống động, không chỉ là kinh sống động, mà chú giải cũng đều sống động, hết sức chẳng dễ dàng! Nếu chính mình chẳng thật sự chứng đến cảnh giới ấy, sẽ nói không được, mà viết cũng chẳng thành. Viết văn chương thì ý nghĩa chỉ có một, chẳng có ý nghĩa thứ hai. Viết một bài văn hay thì ai cũng có thể viết được; nhưng nếu viết một bài văn làm sao cho “người nhân thấy là nhân, người trí thấy là trí”, văn chương ấy chẳng dễ viết. Đây là Từ Vô Ngại loại thứ hai, đích xác là chúng ta có thể học được, chúng ta nỗ lực sẽ có thể học được, đấy là “dĩ thế trí sai biệt thuyết”.
(Sao) Nhạo Thuyết Vô Ngại Trí.
(鈔) 樂說無礙智。
(Sao: Nhạo Thuyết Vô Ngại Trí).
Chữ 樂 phải đọc là Yào (âm Hán Việt tương ứng là Nhạo), nghĩa là ưa thích, yêu chuộng. “Nhạo Thuyết”: Nay chúng ta bảo là “thích nói”, không ngại phiền, chẳng sợ mệt nhọc. Thích nói với người khác là Nhạo Thuyết Vô Ngại Trí.
(Sao) Dĩ Đệ Nhất Nghĩa Trí thiện xảo thuyết, bất ngôn Nghĩa Pháp giả, hậu hậu kiêm ư tiền tiền, Từ cập Nhạo Thuyết, nhiếp Nghĩa, Pháp cố.
(鈔)以第一義智善巧說,不言義法者,後後兼於前前,詞及樂說,攝義法故。
(Sao: Dùng Đệ Nhất Nghĩa Trí để khéo léo nói, chẳng nói tới Nghĩa Vô Ngại Biện Tài và Pháp Vô Ngại Biện Tài, vì những điều sau bao gồm điều trước. Từ Vô Ngại Biện Tài và Nhạo Thuyết Vô Ngại Biện Tài bao trùm Nghĩa Vô Ngại Biện Tài và Pháp Vô Ngại Biện Tài).
Thứ tự của bốn chữ “nghĩa, pháp, từ, nhạo” này chẳng thể điên đảo, vì sao? Chữ sau có thể bao gồm chữ trước, nhưng chữ trước chưa chắc đã bao gồm chữ sau. Đến phần Nhạo Thuyết, đương nhiên toàn bộ ý nghĩa của ba loại trước đều được bao gồm trong ấy. Đệ Nhất Nghĩa Trí là trí huệ chân thật, mà cũng chính là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác như chúng ta đã nói trong phần trước. Đấy mới là Đệ Nhất Nghĩa Trí. “Thiện xảo” là ứng dụng vào hành vi, ứng dụng trong xử sự, đãi người, tiếp vật, trong giáo hóa chúng sanh vô cùng xảo diệu! Chẳng dùng từ ngữ “xảo diệu” mà dùng từ ngữ “thiện xảo”, hay quá! “Thiện” là tốt, phương thức xảo diệu vô cùng tốt đẹp, có thể khiến cho người ta tiếp nhận rất dễ dàng, rất dễ hiểu rõ, rất dễ đạt tới hiệu quả giáo học, đấy mới gọi là “thiện xảo”.
(Sao) Thập nhị bộ đẳng, chỉ sở thuyết dã.
(鈔) 十二部等,指所說也。
(Sao: “Mười hai bộ v.v…” chỉ những kinh điển đã được nói).
Nói theo cách bây giờ, “thập nhị bộ” là đức Phật thuyết pháp có mười hai phương thức khác nhau; nói theo văn chương hiện thời là “thể tài” (genre). [Kinh Phật] có mười hai loại thể tài khác nhau. Có thể là dùng thể tài văn xuôi, hoặc dùng thể tài thi ca. Chúng ta mở bản kinh ra, trong kinh văn có Trường Hàng, Trường Hàng là văn xuôi, như trong kinh Di Đà hoàn toàn là văn xuôi. Có những kinh trong đó có kệ tụng, kệ tụng là thi ca. Sau phần văn xuôi có thi ca. Lại còn có những kinh điển phía sau có chú ngữ, đều là vận dụng thể tài khác nhau. Thể tài có tất cả mười hai loại, nhưng cũng không phải là mỗi bộ kinh đều có mười hai loại này. Mười hai loại đều có đủ thì chỉ có một bộ kinh là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Bộ kinh này lớn nên có đủ mười hai loại thể tài. Kinh Pháp Hoa cũng là kinh lớn, nhưng chỉ có chín loại thể tài. Kinh Di Đà có hai loại: Một là văn xuôi, loại kia là Vô Vấn Tự Thuyết, kinh này từ đầu đến cuối không có ai khải thỉnh, do Thích Ca Mâu Ni Phật tự nói ra. Trong mười hai loại, loại này khá đặc biệt, Vô Vấn Tự Thuyết là không ai hỏi, tự mình nói.
“Thập nhị bộ” là toàn bộ Phật pháp. “Bộ” là bộ phận, chẳng có nghĩa là kinh Phật chỉ có mười hai bộ! Về sau, cổ nhân sợ người ta thấy danh từ này nẩy sanh hiểu lầm, ngỡ là [kinh Phật chỉ có] mười hai bộ kinh, nên đổi thành “thập nhị phần giáo”. “Thập nhị phần giáo” và “thập nhị bộ kinh” ý nghĩa hoàn toàn tương đồng, đều nhằm nói rõ đức Phật thuyết pháp theo các thể lệ khác nhau. Mười hai loại thể tài này, kinh Đại Tiểu Thừa đều có, nhưng kinh Tiểu Thừa chỉ có chín loại thể tài. Cũng có người nói Tiểu Thừa cũng có mười hai loại thể tài này. Đấy là cổ nhân mỗi vị có cách nói riêng biệt.
(Sao) Tất Đàn giả.
(鈔) 悉檀者。
(Sao: Tất Đàn là…)
Nương theo Tứ Tất Đàn, Tứ Tất Đàn cũng nhằm nói rõ: Có thể
nói thiện xảo. Nói cách khác, đây là một phương thức tiếp dẫn chúng sanh. Tất Đàn (Siddhānta) là tiếng Phạn, dịch nghĩa sang tiếng Hán là Biến Thí (bố thí trọn khắp).
(Sao) Hợp Hoa Phạm vân Biến Thí.
(鈔) 合華梵云遍施。
(Sao: Ghép tiếng Hán và tiếng Phạn lại [thành từ ngữ này], có nghĩa là Thí Trọn Khắp).
“Tất” là chữ Hán, “Đàn” là tiếng Ấn Độ. Danh từ này gồm một chữ Hán và một âm tiếng Phạn gộp lại, Hoa Phạm hợp dịch thành Tất Đàn. “Tất” có nghĩa là phổ biến, “đàn” (Dāna) là bố thí. [Tất Đàn] có nghĩa là bố thí trọn khắp. Gồm có tất cả bốn loại.
(Sao) Dĩ Thế Giới, Vị Nhân, Đối Trị, Đệ Nhất Nghĩa, tứ môn.
(鈔) 以世界、為人、對治、第一義,四門。
(Sao: Dùng bốn môn Thế Giới, Vị Nhân, Đối Trị, Đệ Nhất Nghĩa).
Đây là danh xưng của Tứ Tất Đàn: Thế Giới Tất Đàn, Vị Nhân Tất Đàn, Đối Trị Tất Đàn, Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn.
(Sao) Tác hoan hỷ, sanh thiện, diệt ác, nhập đạo, tứ ích.
(鈔) 作歡喜、生善、滅惡、入道,四益。
(Sao: Để tạo bốn món lợi ích: Hoan hỷ, sanh thiện, diệt ác, nhập đạo).
Đây là nội dung của Tứ Tất Đàn. Thế Giới Tất Đàn nghĩa là gì? Hoan hỷ. Điều cốt yếu trong Phật pháp là khiến cho hết thảy chúng sanh sanh tâm hoan hỷ, đây là điều kiện thứ nhất. Người ta chẳng hoan hỷ thì làm thế nào? Chẳng hoan hỷ, chúng ta hãy nhanh chóng rời khỏi; rời khỏi họ sẽ hoan hỷ. Bất luận thế nào, phải làm cho người ta hoan hỷ. Người ta rất thích chúng ta ở với họ, chúng ta bèn ở cùng một chỗ với họ. Họ chán ghét chúng ta, muốn chúng ta rời khỏi, chúng ta mau mắn rời khỏi. Đây là điều thứ nhất phải tuân thủ; bởi lẽ, Phật pháp luôn khiến cho người khác sanh tâm hoan hỷ. Chúng ta bước vào một ngôi chùa xây đúng quy củ, tức là chùa theo đúng quy củ kiến trúc trong Phật pháp, vừa bước vào sẽ thấy kiến trúc đầu tiên là Thiên Vương Điện. Thiên Vương Điện đối diện đại môn, đầu tiên quý vị thấy Di Lặc Phật, Di Lặc Phật khiến cho quý vị hoan hỷ: Mập mạp, cười hì hì, đấy là ý nghĩa Thế Giới Tất Đàn. Do vậy, người nào mới có tư cách học Phật? Phải hoan hỷ đối với người khác, trong bất luận thuận cảnh hay nghịch cảnh, đều khiến cho người khác sanh tâm hoan hỷ, người như vậy mới có thể học Phật, người như vậy mới có thể nhập Phật môn. Di Lặc Phật bụng rất lớn, biểu thị chuyện gì cũng đều có thể bao dung, chẳng so đo, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, có thể sanh tâm hoan hỷ. Do vậy, Ngài biểu thị pháp; đây cũng là nhằm bảo chúng ta phải học tập.
Thứ hai là Vị Nhân Tất Đàn, mang ý nghĩa “sanh thiện”. Chúng ta đối đãi với người khác, nhất định phải khơi gợi giác tánh của người ta, phải giúp đỡ kẻ ấy sanh khởi thiện tâm, trước hết, thực hiện từ chỗ này. Thật ra, giáo học của cổ nhân Trung Quốc cũng là như vậy, “ẩn ác, dương thiện” (ẩn giấu điều ác, tuyên dương điều lành). Chẳng hạn như trông thấy người ta, tuy kẻ ấy chẳng phải người tốt, lắm phen làm ác, nhưng hắn cũng có điểm tốt, quý vị gặp mặt hắn bèn tán dương chuyện tốt lành của hắn, chớ nên nhắc tới điều ác. Kẻ ấy được cổ vũ, khích lệ sẽ quay đầu, học theo điều tốt. Trong xã hội hiện thời, nói thật ra, dư luận phải chịu trách nhiệm rất lớn, vì sao? Người tốt, chuyện tốt chẳng nói tới, đối với kẻ ác bèn thêm muối, thêm dấm, khiến cho kẻ ác nghĩ: “Ta làm người tốt có ích gì, ai biết? Ta làm ác, người nào cũng biết ta”. Nói cách khác, cổ vũ, khích lệ con người hướng theo điều ác, dư luận nhất định phải chịu trách nhiệm chuyện này. Nếu chúng ta ca ngợi mặt thiện, về căn bản là chẳng nhắc tới mặt ác, dẫu là kẻ làm ác cũng sẽ sanh tâm hổ thẹn: “Ta làm chuyện ác nhiều ngần ấy, người ta trọn chẳng nhắc tới, người ta tha thứ cho ta”. Trong tâm hắn khổ sở: “Làm một tí chuyện tốt lành nhỏ xíu, người khác tán thán ta, cổ vũ khích lệ ta, đối với ta tốt đẹp như thế đấy!” Hắn sẽ quay đầu. Phật môn rất coi trọng giáo học, đầu tiên là phải giúp cho kẻ khác sanh thiện, cổ vũ, khích lệ người khác hướng thiện.
Thứ ba là Đối Trị Tất Đàn, đấy là “diệt ác”. Diệt ác, chủ yếu là đối với chính mình mà nói. Giống như giới luật của nhà Phật, giới luật nhằm răn dè chính mình, chẳng phải để ngăn cấm người khác. Vì thế, giới luật trong Phật pháp thật sự đáng tán thán. Phật khuyên chúng ta hãy tự tuân thủ giới luật, đừng quan tâm đến người khác. Kẻ khác tuân thủ hay không chẳng liên quan đến ta! Chính mình giữ giới là đúng, giới luật nhằm ngăn giữ chính mình! Đối trị là đối trị chính mình, đối trị phân biệt, chấp trước, vọng tưởng của chính mình. Đối trị chính mình, tức là những thứ như ghen ghét, sân khuể, chúng ta đều phải sửa đổi. Sửa đổi là sám hối chân thật. Trong sám trừ nghiệp chướng của Phật pháp, điều được coi trọng là sửa lỗi, đổi mới. Thực hiện những nghi thức [sám hối] chẳng phải là điều trọng yếu; nghi thức là làm cho người khác xem, giống như diễn tuồng, diễn cho kẻ khác xem, nhằm dụng ý nào? Nhằm dụng ý khuyên người khác quay đầu, khuyên người khác hãy sửa lỗi, đổi mới, mang ý nghĩa này. Bản thân quý vị thật sự hối cải, cần gì phải làm những hình thức ấy? Không cần thiết! Chúng ta phải biết điều này. Chúng ta lạy Lương Hoàng Sám, lễ Thủy Sám nhằm khuyên người khác. Do vậy, những chuyện như thế chớ nên không biết! Sau khi đã biết, quý vị mới hiểu giáo học Phật pháp thiện xảo, ứng dụng những phương pháp vô cùng cao minh, dùng rất xảo diệu.
Thứ tư là Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn, đây là nói về Nhập Đạo. Đệ Nhất Nghĩa là trí huệ rốt ráo viên mãn; trong bốn món Tất Đàn, điều này là mục tiêu chủ yếu. Những điều trước đều là “dụ đạo” (誘導: khuyên dụ, hướng dẫn), “dụ đạo” tới cuối cùng thì phải giúp cho người ấy thành Phật, phải cổ vũ, khích lệ người ấy. Thứ nhất, phải khơi gợi lòng tin nơi người ấy, vì sao chúng sanh chẳng thể thành Phật? Do không tin chính mình có thể thành Phật. Thậm chí tôi đã gặp những đồng tu học Phật nhiều năm, tự cảm thấy chính mình nghiệp chướng quá nặng, tội nghiệp quá sâu, đời sau ta chỉ cần có thể lại được làm người là tốt rồi, thế giới Tây Phương ta chẳng dám mong mỏi! Quan niệm ấy sai lầm! Do vậy, chúng ta nhất định phải giúp họ kiến lập lòng tin, tạo tội nghiệp dẫu lớn đến mấy đều có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Quý vị thấy Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh đã dạy: Ngũ Nghịch, Thập Ác gặp nhân duyên tốt đẹp, gặp thiện tri thức chân thật giảng giải lý luận, phương pháp, quý vị thật sự hiểu rõ, giác ngộ, tuân theo phương pháp ấy để tu hành, nhất định có thể vãng sanh. Chúng ta vẫn chưa tạo tội nghiệp nặng nề dường ấy, vì sao chẳng thể [vãng sanh]? Chắc chắn có thể! Tội nghiệp từ vô thỉ kiếp dẫu nặng đến mấy, không có tội nào chẳng thể hối cải, đều là trong một niệm hồi tâm chuyển ý, phá mê khai ngộ, nghiệp chướng bèn có thể tiêu trừ, phước huệ hiện tiền. Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn là môn chánh yếu nhất, thật sự giới thiệu Đại Thừa Phật pháp cho người khác, khuyên lơn, cổ vũ họ tu học, vì thế là Nhập Đạo. Đó là bốn thứ lợi ích.
(Sao) Thập nhị bộ kinh, nhất thiết chư pháp, tùy nghi nhi thuyết, vô lượng phương tiện, yếu quy tác Thế Giới đẳng tứ thuyết, sử nhân đắc hoan hỷ đẳng tứ ích nhi dĩ. Giám cơ thọ pháp, kỳ văn phồn quảng, lược cử bất tất.
(鈔)十二部經一切諸法,隨宜而說,無量方便,要歸作世界等四說,使人得歡喜等四益而已。鑒機授法,其文繁廣,略舉不悉。
(Sao: Mười hai bộ kinh, hết thảy các pháp, tùy nghi mà nói, vô lượng phương tiện đều phải quy về bốn món Tất Đàn như Thế Giới v.v… nhằm khiến cho người ta đạt được bốn thứ lợi ích như hoan hỷ v.v… mà thôi. Xét căn cơ để trao truyền giáo pháp. Lời văn rườm rà, quá rộng, nên nêu đại lược, chẳng trình bày trọn hết).
Nói cặn kẽ, sẽ quá nhiều, nên ở đây chỉ dùng phương pháp đơn giản nhất hòng giới thiệu. Pháp môn rất nhiều, kinh điển rất nhiều, bất luận nói theo cách nào, đều phải làm cho thính chúng đạt được bốn món lợi ích. Bất luận giảng một bộ kinh nào, bất luận giảng một bộ luận nào, quý vị đều phải khiến cho người khác sanh tâm hoan hỷ, sanh thiện, đoạn ác, nhập đạo. Đức Phật thuyết pháp có nhiều nguyên tắc, nhưng những nguyên tắc này chúng ta đều phải biết thì thuyết pháp mới chẳng luống uổng, thật sự hữu ích cho chúng sanh. Hôm nay chúng tôi giảng tới đây!
— o0o —
Tập 96
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm bảy mươi bảy:
(Sớ) Phật thuyết giả, thuyết giản ngũ nhân cố.
(疏) 佛說者,說揀五人故。
(Sớ: “Phật thuyết”: Nhằm phân định rõ [trong] năm hạng người có thể nói kinh, [kinh này do chính đức Phật nói]).
Trong đoạn trước đã giới thiệu sơ lược những ý nghĩa sâu xa được bao hàm trong chữ Thuyết. Đoạn này nói về những bộ kinh Phật [có tựa đề] được bắt đầu bằng hai chữ Phật Thuyết. Cũng có nhiều kinh điển hoàn toàn không có hai chữ này, [chẳng hạn như trong các tựa đề] Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh đều không có chữ “Phật Thuyết”. Vì sao có kinh điển ghi [tựa đề] là Phật Thuyết? Có kinh điển chẳng ghi Phật Thuyết? Thật ra, đều là kinh do đức Phật nói, vì sao có sai biệt như vậy? Có thói quen như sau: Hễ là kinh Vô Vấn Tự Thuyết, như kinh Di Đà này, tên kinh phải bắt đầu bằng Phật Thuyết. Một loại khác là trong phần Chánh Tông, câu đầu tiên do đức Phật nói thì tựa đề kinh cũng bắt đầu bằng Phật Thuyết. Do phân định [kinh này] chẳng phải do năm loại người [nói ra], trong năm loại người này có cả Phật trong ấy. Bởi lẽ, kinh điển không nhất định đều do đức Phật nói, mà năm loại người đều có thể giảng kinh.
(Sao) Ngũ nhân giả, nhất Phật, nhị Bồ Tát, tam thiên nhân, tứ tiên, ngũ hóa nhân, thử ngũ giai năng thuyết kinh.
(鈔)五人者,一佛,二菩薩,三天人,四仙,五化人,此五皆能說經。
(Sao: Năm loại người là: Một là Phật, hai là Bồ Tát, ba là chư thiên, bốn là tiên, năm là hóa nhân. Năm loại này đều có thể nói kinh).
Thứ nhất là Phật, thứ hai là Bồ Tát, thứ ba là “thiên nhân” (chư thiên), thứ tư là “tiên nhân”, thứ năm là “biến hóa nhân”, năm loại này đều có thể nói kinh. Trừ Phật ra, bốn loại kia đều phải được Phật ấn chứng thì mới có thể gọi là Kinh. Nếu chưa được Phật ấn chứng, chẳng thể là kinh, quý vị phải ghi nhớ điều này!
(Sao) Kim hiển thử kinh thị Chí Thánh lập ngôn.
(鈔) 今顯此經是至聖立言。
(Sao: Nay chỉ rõ kinh này là lời dạy của đấng Chí Thánh).
Kinh Di Đà từ đầu đến cuối do một mình Thích Ca Mâu Ni Phật nói. Tuy đức Phật gọi Xá Lợi Phất để nói, nhưng trong kinh này, ngài Xá Lợi Phất chẳng nói lời nào, chỉ có nghe mà thôi, chẳng nêu ra câu hỏi nào. Từ đầu tới cuối do một mình Thích Ca Mâu Ni Phật nói, có thể nói là chẳng có kinh nào khác thuần hơn [kinh này].
(Sao) Kim khẩu thân xuất, bất đồng Bồ Tát tại nhân, thiên thuộc phàm loại.
(鈔) 金口親出,不同菩薩在因,天屬凡類。
(Sao: Miệng vàng đích thân nói ra, chẳng giống như hàng Bồ Tát còn đang tu nhân, chư thiên thuộc về phàm phu).
Bồ Tát tu nhân chưa viên mãn, Bồ Tát chưa thành Phật. Chư thiên vẫn là phàm phu y như cũ, chẳng phải là thánh nhân.
(Sao) Tiên tạp ngoại đạo, hóa nhân phi chân dã.
(鈔) 仙雜外道,化人非真也。
(Sao: Tiên xen tạp ngoại đạo, hóa nhân chẳng phải là người thật).
Họ biến hóa, chẳng phải là người thật sự.
(Sao) Như thiên tử chiếu, bất đồng bách quan, tể tướng, chư vương đẳng ngữ dã.
(鈔) 如天子詔,不同百官宰相諸王等語也。
(Sao: Giống như chiếu chỉ của hoàng đế, chẳng giống lời lẽ của trăm quan, tể tướng, các vương gia v.v…)
Đây là dùng một tỷ dụ, lời Phật nói giống như chiếu thư của hoàng đế, chúng ta thường gọi là “thánh chỉ”, hơn hẳn mệnh lệnh của tể tướng, trăm quan, vượt trỗi quá nhiều! Đây là kiến thức thông thường, chúng ta biết có năm loại người nói kinh.
(Sớ) A Di Đà giả, thị tiêu hiển bỉ Phật.
(疏) 阿彌陀者,是標顯彼佛。
(Sớ: “A Di Đà”: Nêu rõ đức Phật ấy).
“Tiêu” là tiêu minh (標明: nêu rõ, chỉ rõ), “bỉ” là giáo chủ Tây Phương Cực Lạc thế giới, là vị Phật trong thế giới kia.
(Sớ) Phạm ngữ A, thử vân Vô.
(疏) 梵語阿,此云無。
(Sớ: A là tiếng Phạn, được cõi này dịch là Vô).
A là âm tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Vô.
(Sớ) Phạm ngữ Di Đà, thử vân Lượng.
(疏) 梵語彌陀,此云量。
(Sớ: Tiếng Phạn Di Đà, cõi này dịch là Lượng).
“Thử” là Trung Quốc, [Di Đà dịch sang tiếng Hán] có nghĩa là Lượng. A Di Đà nghĩa là “vô lượng”.
(Sớ) Ngôn Phật công đức bất khả cùng tận, cố vân Vô Lượng.
(疏) 言佛功德不可窮盡,故云無量。
(Sớ: Ý nói công đức của Phật chẳng thể cùng tận, nên nói là Vô Lượng).
“Vô lượng” hàm nghĩa rộng bao la, chẳng thể nói trọn. Tiếp đó là chữ Phật, Phật là giác, [A Di Đà Phật] là Vô Lượng Giác. Thân, tâm, thế giới, vạn sự vạn pháp vô lượng vô biên, Phật không có gì chẳng giác, thứ gì cũng đều giác, giác mà chẳng mê, lúc ấy mới gọi là A Di Đà Phật. Những ý nghĩa được bao hàm trong danh hiệu này rất nhiều, nên bảo là “bất khả cùng tận”.
(Sớ) Như kinh thọ mạng, quang minh, thị vô lượng trung cô cử nhị sự, nhiếp dư công đức dã.
(疏) 如經壽命光明,是無量中姑舉二事,攝餘功德也。
(Sớ: Như trong kinh nói đến thọ mạng và quang minh, chỉ là nêu lên hai chuyện nhằm gồm thâu những công đức khác).
Trong kinh Di Đà, đức Phật nói về “vô lượng” đã nêu đại lược hai thứ là vô lượng thọ và vô lượng quang. Trên thực tế, Thọ tượng trưng thời gian, quá khứ, hiện tại, vị lai; Quang tượng trưng không gian, quang minh chiếu khắp, mang ý nghĩa này. Nói theo cách bây giờ là “thời không” (thời gian và không gian), những thứ được bao hàm trong “thời không” đúng là vô lượng vô biên, mang ý nghĩa này. Đức Phật chẳng nói “thời không”, mà nói “quang thọ”, ý nghĩa này càng thân thiết, sống động hơn! Vì sao? Nói “thời không” thì thời gian và không gian là thứ chết cứng; nói “quang thọ” thì quang thọ là sống động, ý nghĩa này hết sức sâu mầu! Quang và thọ vô lượng vô biên, chẳng thể cùng tận, hết thảy công đức đều được bao gồm!
(Sao) Vô lượng giả, hữu nhị nghĩa, nhất giả chúng đa vô hữu số lượng.
(鈔) 無量者,有二義,一者眾多無有數量。
(Sao: “Vô lượng”: Có hai nghĩa, một là rất nhiều, chẳng có số lượng).
Quá nhiều! “Chúng đa vô hữu số lượng”: Đây là nói theo phương diện sự vật. Giống như sâm la vạn tượng trong vũ trụ, những vật hữu hình có số lượng quá nhiều, không thể đếm được, nên gọi là “vô lượng”.
(Sao) Nhị giả, quảng đại vô hữu hạn lượng.
(鈔) 二者廣大無有限量。
(Sao: Hai là rộng lớn chẳng có hạn lượng).
Giống như hư không, hư không quá lớn, ai có thể biết được bờ mé của nó? Chẳng ai có thể biết! Chúng ta gọi nó là “vô lượng”, đấy là nói theo phía hư không.
(Sao) Phục hữu nhị nghĩa.
(鈔) 復有二義。
(Sao: Lại còn có hai nghĩa).
Trong kinh Phật còn có hai ý nghĩa nữa, tức là nói theo cách khác.
(Sao) Nhất giả, thập đại số trung chi vô lượng.
(鈔) 一者十大數中之無量。
(Sao: Một, “vô lượng” chính là con số Vô Lượng trong mười con số lớn [theo cách tính toán của cổ Ấn Độ]).
“Vô lượng” là tên gọi của một con số, chẳng phải thật sự là vô lượng. Đơn vị tính toán của Trung Quốc chỉ có hai mươi mấy thứ, thông thường chúng ta nói một, mười, trăm, ngàn, vạn, mười vạn, trăm vạn, ngàn vạn, ức, triệu… Những con số của Ấn Độ tính từ một, mười, trăm, ngàn, tổng cộng có hơn năm mươi đơn vị, những con số càng lên cao đúng là con số thiên văn. “Thập đại số” là mười con số lớn cuối cùng [trong cách tính ấy].
Mười con số lớn cuối cùng, thứ nhất là A-tăng-kỳ (Asamkhya), thứ hai là Vô Lượng (Amita, Ananta), thứ ba là Vô Biên (Aprameya)[27]. Do vậy, Vô Lượng và Vô Biên danh xưng của những con số. Bao nhiêu A-tăng-kỳ là một Vô Lượng? A-tăng-kỳ lần A-tăng-kỳ là một Vô Lượng; Vô Lượng lần Vô Lượng là một Vô Biên, tính toán như vậy. Con số A-tăng-kỳ hết sức to. Nếu quý vị muốn biết chuyện này, trong kinh Hoa Nghiêm có chương Căn Tự Tại Đồng Tử, đã giảng những tên gọi con số này rất nhiều. Trong quá khứ, chúng ta đọc chương này, chỉ có thể đọc theo văn tự, chứ không có biện pháp tính toán, con số ấy quá lớn. Dẫu lớn đến mấy thì Vô Lượng vẫn là có hạn lượng.
Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật thọ mạng là vô lượng, chúng ta phải hỏi: Rốt cuộc là vô lượng nào? Có phải là Vô Lượng trong mười con số lớn hay chăng? Chuyện này chúng ta chẳng cần phải chia chẻ tận căn tơ kẽ tóc, dù là Vô Lượng trong mười con số lớn, vẫn đủ dùng! Vì sao? Chẳng phải là nói để thành Phật phải mất ba A-tăng-kỳ kiếp đó sao? Như vậy thì thọ mạng của quý vị là Vô Lượng, tức là A-tăng-kỳ kiếp lần A-tăng-kỳ kiếp, ba A-tăng-kỳ kiếp thấm vào đâu? Nói cách khác, vãng sanh tới Tây Phương Cực Lạc thế giới quyết định thành Phật, không một ai chẳng thành Phật, thời gian ấy đủ dùng rồi! Huống chi trong Tây Phương Cực Lạc thế giới lại chẳng thoái chuyển, chỉ có tiến lên, từ rày về sau chẳng thoái chuyển nữa. Nói cách khác, mọi người tới đó tu hành, quý vị dụng công, sẽ thành Phật nhanh hơn một chút; quý vị chẳng siêng năng dụng công, thành Phật chậm hơn một tí, chỉ có tốc độ khác nhau, quyết định chẳng thoái chuyển. Cho dù là Vô Lượng có hạn lượng, đối với chúng ta cũng đủ rồi! Nhưng sau khi thành Phật, thọ mạng thật sự là vô lượng, chẳng phải là con số Vô Lượng. Do vậy, chúng ta sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, thọ mạng của chúng ta là vô lượng có hạn lượng. Cho đến khi quý vị tới Tây Phương Cực Lạc thế giới thành Phật, thọ mạng sẽ thật sự là vô lượng, chẳng phải là vô lượng có hạn lượng.
Niệm Phật, chúng ta nhất định phải sốt sắng. Đại chuyên giảng tòa trong dịp nghỉ mùa Đông năm nay, chúng tôi muốn giảng Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, nên hôm nay tôi mở Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh ra xem, tôi còn giữ một quyển do pháp sư Đế Nhàn viết lần đầu vào thời ấy, là bản được khâu gáy bằng chỉ[28]. Chúng tôi đọc lời tựa bản ấy. Pháp sư Đế Nhàn là một đại pháp sư lỗi lạc thời cận đại, là người bậc nhất sống vào cuối đời Thanh, đầu thời Dân Quốc, chẳng một pháp sư nào có thể sánh bằng Ngài, Ngài là tổ sư của tông Thiên Thai thời cận đại. Trong lời tựa, Ngài đã viết: Chính mình là kẻ hạ hạ căn, chỉ có niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Theo lời tựa ấy, cả đời Ngài chẳng có ngày nào không niệm Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, nhưng Ngài tu hành bằng phương pháp trì danh niệm Phật, và cũng là một vị vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới trong thời cận đại. Do vậy, đối với những vị đại đức giống như Ngài, chúng ta thấy Ngẫu Ích đại sư, Ngẫu Ích đại sư viết Yếu Giải nhằm chú giải kinh Di Đà được Ấn Quang đại sư tán thán đến tột bậc: “Dù cổ Phật tái lai chú giải kinh Di Đà, cũng chẳng có cách nào hay hơn được!” Quý vị xem lời tán thán ấy, còn gì để nói nữa, nhưng chính Ngẫu Ích đại sư tự nói về mình như thế nào? Hạ hạ phẩm vãng sanh. Ngài viết thư cho bạn bè, trong [Ngẫu Ích Đại Sư] Toàn Tập có lá thư ấy: “Hạ hạ phẩm vãng sanh là kết cục đã định của đệ”. Ngài đoan quyết chính mình quyết định vãng sanh, nhưng phẩm vị là Hạ Hạ Phẩm.
Sau khi đọc [lời ấy], chúng ta phải khéo ngẫm lại mình, chúng ta sanh trong đời loạn này, đúng vậy, đọc những tác phẩm của cổ đại đức, [nhận thấy] quả thật chúng ta nghiệp chướng sâu nặng, chẳng tu pháp môn này, sẽ chẳng có cách nào cứu cả! Lời này do pháp sư Đế Nhàn đã nói: “Chẳng tu pháp môn này, chẳng có cách nào cứu cả!” Chúng tôi nói tới chỗ này, quả thật lời ấy đã khiến chúng ta rất phấn chấn: Sanh về nơi ấy là quyết định thành tựu; sau khi thành tựu, sẽ thật sự là vô lượng.
(Sao) Nhị giả, cánh vô cùng tận chi vô lượng.
(鈔) 二者更無窮盡之無量。
(Sao: Hai là vô lượng chẳng có cùng tận).
Thật sự vô lượng, chẳng có cùng tận.
(Sao) “Cô cử nhị sự” giả, dĩ vô lượng bất chỉ thọ mạng quang minh dã, tường như hậu văn trung biện.
(鈔)姑舉二事者,以無量不止壽命光明也,詳如後文中辯。
(Sao: “Chỉ nêu lên hai sự”: Do chẳng phải chỉ có thọ mạng và quang minh là vô lượng, trong phần kinh văn ở phía sau sẽ biện định cặn kẽ).
Đến phần kinh văn ở phía sau sẽ giảng rất tỉ mỉ.
(Sớ) Kinh giả, Phạm ngữ Tu Đa La, thử vân Khế Kinh.
(疏) 經者,梵語脩多羅,此云契經。
(Sớ: “Kinh”: Tiếng Phạn là Tu Đa La, cõi này dịch là Khế Kinh).
Tiếng Phạn của Ấn Độ gọi Kinh là Tu Đa La (Sūtra), dịch sang nghĩa tiếng Hán là Khế Kinh.
(Sớ) Hữu thông biệt nhị nghĩa, Khế phục nhị nghĩa, Kinh phục đa nghĩa. Kinh tuy đa nghĩa, bất xuất “quán, nhiếp, thường, pháp” tứ nghĩa.
(疏) 有通別二義,契復二義,經復多義,經雖多義,不出貫攝常法四義。
(Sớ: Có hai nghĩa Thông và Biệt. Chữ Khế lại có hai nghĩa. Kinh lại có nhiều nghĩa. Chữ Kinh tuy có nhiều nghĩa, nhưng chẳng ngoài bốn nghĩa Quán, Nhiếp, Thường, Pháp).
“Thông” là chung với những thứ khác, đều gọi là Kinh. Như chúng ta thường niệm kinh Địa Tạng, đó là kinh, kinh Kim Cang cũng là kinh, kinh Pháp Hoa cũng là kinh, đều gọi là Kinh. Chữ Kinh này là Thông Đề (tên gọi chung, tựa đề chung của các bản kinh Phật). Phàm [những lời giảng dạy] do đức Phật đã nói, hoặc do Bồ Tát, các vị tiên nhân đã nói, được Phật ấn chứng, đều có thể gọi là Kinh. Vì thế, Kinh là Thông Đề.
(Sao) Thông biệt giả, Phật sở thuyết giáo, tổng danh Tu Đa La, thị chi vị Thông.
(鈔) 通別者,佛所說教,總名脩多羅,是之謂通。
(Sao: “Thông biệt”: Phàm những giáo pháp do đức Phật đã nói, đều gọi là Tu Đa La. Đấy là Thông).
“Thị chi vị Thông”: Đây là gọi chung.
(Sao) Tích chi tắc Kinh danh Tu Đa La, Luật danh Tỳ Nại Da, Luận danh A Tỳ Đàm (A Tỳ Đạt Ma), thị chi vị Biệt.
(鈔) 析之則經名修多羅 ,律名毘奈耶 ,論名阿毘曇(阿毘達摩),是之謂別。
(Sao: Chia chẻ ra thì Kinh gọi là Tu Đa La, Luật gọi là Tỳ Nại Da, Luận gọi là A Tỳ Đàm (A Tỳ Đạt Ma), đó là Biệt).
Ba thứ này đều do đức Phật nói. Thuở ấy, đức Phật giảng kinh thuyết pháp chẳng hề chia thành lớp để dạy học, đều là do các đệ tử xuất gia hay tại gia có nghi vấn, hướng về đức Phật thỉnh giáo, một hỏi một đáp như vậy; về sau, kết tập lại, ghi chép xuống, bèn gọi là Kinh. Mỗi lần đức Phật giảng, bất luận nội dung cạn, sâu, ngắn, dài, nói chung cả ba ý nghĩa ấy đều có. Kinh quá nửa giảng về Định, nói cách khác, dạy quý vị tu tâm thanh tịnh, loại này được kết tập lại bèn gọi là Kinh. Dạy chúng ta đãi người, tiếp vật, vâng giữ khuôn phép, đặt chính mình vào khuôn khổ như thế nào, loại này thuộc về Giới Luật. Làm thế nào để có thể khơi gợi, phát khởi trí huệ của chính mình, loại này thuộc về Luận. Về sau, chúng ta quy nạp chúng trở thành Tam Tạng kinh điển, tức là Kinh, Luật, Luận. Tu Đa La là Kinh Tạng, Tỳ Nại Da là Luật Tạng, A Tỳ Đàm là Luận Tạng.
Mỗi lần đức Phật giảng kinh, thuyết pháp, trong nội dung đều có ba phương diện này. Về sau, phân loại kinh điển, bèn xét xem, trong bộ kinh này, phần nào trong ba thứ ấy được giảng nhiều nhất? Dựa trên phân lượng nhiều nhất để quy nạp, phân loại. Chẳng hạn như đối với bộ kinh này, hoàn toàn dạy chúng ta “nhất tâm bất loạn, tâm chẳng điên đảo”, chẳng hề nói tới Luật, cho nên vô cùng thuần! Kinh Lăng Nghiêm, nửa sau quyển thứ sáu là “tứ chủng thanh tịnh minh hối” (bốn thứ giáo huấn thanh tịnh, trong sáng) giảng giới luật, giảng căn bản giới. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật và các vị Bồ Tát thảo luận, nên có luận. Trong mười quyển kinh văn, hầu như bảy quyển giảng về Xa Ma Tha, Tam Ma và Thiền Na, giảng về Định nhiều nhất, nên Lăng Nghiêm được quy về Kinh Tạng. Như trong kinh Hoa Nghiêm có luận, cũng có chỗ thảo luận, mà cũng có chỗ nói về giới luật như phẩm Tịnh Hạnh và phẩm Phạm Hạnh, đó là giới luật, nhưng chiếm phần lớn vẫn là giảng Định, nên vẫn y như cũ, quy nạp vào Kinh Tạng. Trong giới kinh cũng có giảng Định, cũng có giảng Huệ, nhưng giảng Giới khá nhiều, bèn quy nạp vào Luật Tạng. Những điều này đều là Phật học thường thức.
(Sao) “Khế phục nhị nghĩa” giả, nhất giả khế lý, tắc hợp đạo chi ngôn; nhị giả, khế cơ, tắc đậu căn chi giáo.
(鈔)契復二義者,一者契理,則合道之言;二者契機,則逗根之教。
(Sao: “Khế lại có hai nghĩa”: Một là khế lý, tức là nói lời hợp đạo; hai là khế cơ, tức giáo pháp phù hợp căn cơ).
“Khế” (契) chứa đựng hai ý nghĩa, hai ý nghĩa ấy chẳng thể thiếu, thường nói là: “Thượng khế chư Phật sở chứng chi Lý, hạ khế chúng sanh khả độ chi cơ” (trên khế hợp với Lý được chứng bởi chư Phật, dưới khế hợp căn cơ của chúng sanh đáng độ). Nói đơn giản, đức Phật nói sâu hay cạn, nói dài hay ngắn, nhất định chẳng thể trái nghịch chân lý, đó là Khế Lý. Chân lý là Thật Tướng của các pháp, là chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Do Khế Lý, nên lời nói chân thật, chẳng dối gạt người khác, nhất định phải đúng Lý. Hết thảy chư Phật chứng cùng một Lý, cho nên chân lý chỉ có một, sở chứng của hết thảy chư Phật nhất định phải tương ứng, khế hợp điều này. Đồng thời, nhất định phải thích hợp căn tánh tức là trình độ của chúng sanh trong hiện đại thì họ sẽ có thể tiếp nhận. Nếu họ chẳng thể tiếp nhận, chẳng phải là quý vị đã uổng công nói hay sao? Do vậy, nhất định phải Khế Cơ.
Nhưng chư vị phải nhớ, nay chúng ta chẳng gặp Phật. Nếu quý vị gặp Phật, nhất định Phật sẽ chẳng giảng kinh Hoa Nghiêm cho quý vị, mà cũng chẳng giảng kinh Pháp Hoa, Đại Trí Độ Luận, Đại Thừa Khởi Tín Luận, vì sao? Chẳng khế cơ, giảng [những thứ kinh luận ấy] cho quý vị sẽ vô ích, quý vị làm không được. Hiện thời, nếu quý vị gặp Thích Ca Mâu Ni Phật, đại khái ngay cả kinh Di Đà, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng chẳng nói với quý vị, mà chỉ nói một câu: “Hãy thật thà, trở về nhà niệm A Di Đà Phật”. Như thế là được, quý vị có thể thành công, thật đấy, chẳng giả tí nào! Trong thời kỳ Mạt Pháp hiện thời, chúng ta là kẻ nghiệp chướng sâu nặng, ngoài một câu A Di Đà Phật ra, chẳng có cách nào cứu được! Nhưng một câu A Di Đà Phật này: “Trên khế hợp với Lý được chứng bởi chư Phật, dưới khế hợp căn cơ của chúng sanh đáng độ”, quyết định có thể thành tựu.
Ngày hôm qua có bốn vị cư sĩ từ Cao Hùng tới, đại khái họ đã nghe băng thâu âm rất lâu, đến đây tìm tôi. Tôi kể với họ chuyện bà cụ ở làng Tướng Quân mười năm trước, niệm Phật ba năm bèn đứng vãng sanh, mấy người họ hiểu được! Vì thế, một câu Phật hiệu hãy khéo niệm, thành tựu chẳng thể nghĩ bàn! Chúng ta nghe băng thâu âm lời khai thị lão pháp sư Đàm Hư trong Phật Thất, Ngài có nói về một vị pháp sư đồ đệ của ngài Đế Nhàn, coi như đồng học [của pháp sư Đàm Hư], cũng niệm Phật ba năm, đứng vãng sanh, biết trước lúc mất, chẳng bị bệnh khổ, đấy là gương tốt cho chúng ta. Do vậy, một câu Phật hiệu thật sự khế cơ, khế lý!
(Sao) Kim lược Khế tự, đản danh viết Kinh giả, tỉnh văn dã.
(鈔) 今略契字,但名曰經者,省文也。
(Sao: Nay lược bớt chữ Khế, chỉ nói là Kinh, tức là tỉnh lược vậy).
Người Trung Quốc có thói quen thích đơn giản, không thích rườm rà, chẳng thích rắc rối; vì thế, tỉnh lược chữ Khế, chỉ gọi là Kinh.
(Sao) Kinh phục đa nghĩa giả.
(鈔) 經復多義者。
(Sao: Kinh lại có nhiều nghĩa).
Trong một chữ Kinh, hàm chứa nhiều nghĩa.
(Sao) Hoa Nghiêm Sớ dẫn Tạp Tâm ngũ nghĩa.
(鈔) 華嚴疏引雜心五義。
(Sao: Sách Hoa Nghiêm dẫn năm ý nghĩa [của chữ Kinh] từ Tạp Tâm Luận).
Trong Hoa Nghiêm Kinh Sớ, Thanh Lương đại sư giảng chữ Kinh này có tất cả mười ý nghĩa, có mười cách giải thích. Trong Tạp Tâm Luận[29] giảng chữ Kinh có năm ý nghĩa.
(Sao) Vị: Nhất, xuất sanh.
(鈔) 謂:一、出生。
(Sao: Nghĩa là: Một, sanh ra).
“Xuất sanh” là sanh khởi, dùng ý nghĩa này để giảng.
(Sao) Nhị, hiển thị.
(鈔) 二、顯示。
(Sao: Hai là chỉ bày rõ ràng).
“Hiển” là rõ ràng, “thị” phô bày. Nói cách khác, Như Lai giảng hết thảy Pháp Tướng, nói rõ ràng, rành rẽ, giống như trong phòng triển lãm, bày cho chúng ta thấy các món đồ, mang ý nghĩa này.
(Sao) Tam, dũng tuyền.
(鈔) 三、涌泉。
(Sao: Ba là suối phun).
Ý nghĩa này khá dễ hiểu, giống như nước suối phun lên, dùng ý nghĩa này để diễn tả: Những ý nghĩa được bao hàm trong kinh chẳng có cùng tận! Chẳng hạn như bộ kinh này, quả thật chẳng giống sách vở thế gian; quý vị đọc sách vở thế gian một lần đã hiểu ý nghĩa, quý vị đọc lần thứ hai vẫn thấy ý nghĩa ấy, đọc lần thứ ba, vẫn là ý nghĩa đó. Do vậy, đọc đôi ba lượt chẳng muốn đọc nữa, vì sao? Chẳng có ý nghĩa mới mẻ nào nữa! Đó là gì? Nước tù đọng. Kinh Phật khác hẳn, kinh Phật quý vị đọc mỗi lần đều có ý nghĩa [mới mẻ của] mỗi lần, đọc lần sau lại có ý nghĩa mới, ý nghĩa vĩnh viễn chẳng cùng tận. Sơ phát tâm học một bộ kinh, trong tương lai học tới khi thành Phật, vẫn có thể học một bộ kinh ấy, ý nghĩa vẫn chẳng cùng tận. Do vậy, trong kinh chứa đựng vô lượng nghĩa! Các đồng tu sơ học, có những người thấy kinh văn quá sâu, đọc không hiểu, chẳng muốn đọc nữa, trật rồi! Đọc không hiểu bèn chẳng muốn niệm, giống như nước suối ngầm ở dưới đất, chẳng được đào bới. Quý vị bỏ chút công phu đào ra, sau khi đã thấy nước, nguồn nước vĩnh viễn chẳng khô cạn, lấy mãi chẳng hết, dùng mãi chẳng hết, “Kinh” là như vậy. Vì thế, cổ nhân nói: “Độc thư thiên biến, kỳ nghĩa tự kiến” (đọc sách ngàn lần, tự thấy được ý nghĩa).
Hiện tại học thứ này thứ nọ khó lắm, không giống như thời cổ, thời cổ thật sự có thiện tri thức, hiện tại không có. Vì thế, chúng ta hiện thời chẳng có phước báo lớn như cổ nhân, hiện tại không có thiện tri thức chân chánh. Không có thiện tri thức, chúng ta học với ai? Chúng ta chỉ còn cách học với cổ nhân, chắc chắn sẽ không đi sai đường, chắc chắn sẽ không lạc vào tà đạo. Nói cách khác, học với cổ nhân nhất định đáng tin cậy. Nay chúng ta mở Sớ Sao ra, học với Liên Trì đại sư; đọc Sớ Sao là nghe Liên Trì đại sư khai thị cho chúng ta. Ngài khai thị, chúng ta nghe không hiểu, nghe không hiểu chẳng sao cả, lại nghe lần thứ hai, lần thứ hai nghe vẫn không hiểu, lại nghe lần thứ ba. Chỉ cần quý vị không ngừng tiếp tục xem mãi như vậy, nghiêm túc đọc bộ Sớ Sao này từ đầu đến cuối, chẳng cần nhiều, mỗi ngày đọc một giờ, đọc ba năm hay năm năm, quý vị chắc chắn khai ngộ. Quý vị không chịu làm thì chẳng có cách nào hết!
“Ta dùng thời gian ba năm để đọc Đại Tạng Kinh”, [làm như vậy] chắc chắn quý vị chẳng thể khai ngộ, vì sao? Xem phần trước, chẳng biết phần sau, xem phần sau, quên sạch phần trước, làm sao quý vị có thể khai ngộ được? Không thể nào có chuyện ấy được! Đấy đúng là như ngài Thanh Lương đã nói: “Chẳng tăng trưởng vô minh, bèn tăng trưởng tà kiến”, điều này hết sức đáng sợ. Chúng ta muốn học đạo, rốt cuộc đến cuối cùng đạt được hậu quả trái ngược, chúng ta đi ngược đường, sai lầm quá đỗi to lớn! Do vậy, tôi mong mỏi các đồng tu, chúng ta đã phát đạo tâm mong thật sự thành tựu, hãy dùng theo cách của cổ nhân, dồn công sức nơi một bộ kinh thì mới có thể thành tựu. Kinh có ý nghĩa vĩnh viễn chẳng cùng tận, đó là ý nghĩa của chữ “dũng tuyền”.
(Sao) Tứ, thằng mặc.
(鈔) 四、繩墨。
(Sao: Bốn là dây mực).
“Thằng mặc”: Xưa kia, nếu thợ mộc cưa gỗ, sẽ dùng “mặc đẩu”[30] để kéo căng sợi dây, kéo thẳng sợi dây [đã nhúng mực, rồi nắm sợi dây búng nhẹ] để in một đường [nhằm đánh dấu chỗ sẽ cưa trên gỗ], đấy là “thằng mặc”. Đã vạch một đường thẳng, cưa theo đó, cứ chiếu theo đường thẳng ấy mà cưa. Hiện thời khoa học kỹ thuật tiến bộ, không cần đến thứ này. “Thằng mặc” có thể vạch một đường thẳng, nên cứ cưa theo đó sẽ chẳng bị cong quẹo. Dùng ý nghĩa này nhằm nói [kinh Phật là tiêu chuẩn để] phân biệt tà, chánh. Lý luận, phương pháp và cảnh giới trong kinh đều là chính xác, chẳng tà vạy, cho nên kinh có ý nghĩa “thằng mặc”. Chúng ta tu hành phải có tiêu chuẩn, lấy gì làm tiêu chuẩn? Lấy kinh điển làm tiêu chuẩn. Giống như thợ mộc, ta phải cưa theo đường thẳng, đường thẳng ấy dùng gì để làm chuẩn? Dùng dây mực để vạch tiêu chuẩn, dùng ý nghĩa này.
(Sao) Ngũ, kết man.
(鈔) 五、結鬘。
(Sao: Năm là kết tràng hoa).
“Man” (鬘) là vòng hoa, dùng nhiều hoa xâu lại thành vòng khoác trên cổ. Người Ấn Độ rất thích trang sức theo kiểu này. Đức Phật cũng thường dùng chuyện này làm tỷ dụ. Tràng hoa do [các thứ hoa] xâu kết lại, dùng ý nghĩa này, giữ cho hoa chẳng đến nỗi rơi mất. [Kinh Phật có thể] liên kết các pháp, dùng ý nghĩa này.
(Sao) Phật Địa nhị nghĩa, vị nhất quán xuyên, vị nhất nhiếp trì.
(鈔) 佛地二義,謂一貫穿,謂一攝持。
(Sao: Theo Phật Địa Luận, Kinh có hai nghĩa, một là xuyên suốt, hai là tóm giữ).
Phật Địa Luận giải thích chữ Kinh bằng hai ý nghĩa Quán và Nhiếp. Chữ “quán xuyên” giống với ý nghĩa “kết man” trong phần trên. “Nhiếp trì”: Các tác phẩm văn chương thế gian không có sức [lôi cuốn], nắm giữ tâm hồn con người. Văn chương thế gian hay nhất, quý vị đọc một lần xong, hãy còn muốn xem, xem hai lượt vẫn còn muốn xem, giống như nam châm có thể thu hút quý vị. Tuy nó có thể thu hút, nhưng sức mạnh hữu hạn, vì sao? Quý vị xem liên tục hai mươi lượt, ba mươi lượt, chẳng muốn đọc nữa, có thể thấy sức mạnh của nó cũng không mạnh mẽ lắm! Văn chương chẳng hay, đương nhiên đọc một lần còn chưa được, đọc mấy dòng đầu đã chẳng muốn xem tiếp. Văn chương hay có thể đọc từ đầu tới cuối, rất tán thưởng, còn có thể đọc lần thứ hai, lần thứ ba, đọc thêm vài lần, sẽ chẳng muốn coi nữa. Nhưng kinh Phật khác hẳn, quý vị càng đọc càng ưa thích, sau khi xem đúng là chẳng thể buông xuống, thật đúng như người ta thường nói: Quý vị đắc “cá trung tam muội” (đạt được ý nghĩa tinh ròng và bí quyết). Thường nếm được ý vị ấy, ý nghĩa ào ạt xuất hiện, thật sự được thụ dụng, kinh có sức [ảnh hưởng] ấy khiến quý vị đọc suốt cả đời cả kiếp vẫn chẳng chán. Dẫu là một bộ kinh, nhưng quý vị thật sự thâm nhập, nó sẽ có sức mạnh ấy! Quý vị có thể cả ngày không ăn cơm, có thể suốt ngày chẳng ngủ, nhưng một ngày chẳng thể không đọc kinh, sức mạnh ấy được gọi là “nhiếp trì”. Kinh Phật có sức mạnh ấy!
(Sao) Thử phương tứ nghĩa.
(鈔) 此方四義。
(Sao: Phương này, dùng bốn nghĩa).
“Thử phương” là Trung Quốc. Đối với kinh điển của cổ nhân cũng có bốn ý nghĩa, giống như chúng ta tôn xưng sách vở do cổ thánh tiên hiền lưu lại là “kinh”. Nho gia Trung Quốc có mười ba kinh, sách Trang Tử của Đạo Gia được tôn xưng là Nam Hoa Kinh[31], sách của Lão Tử được tôn xưng là Đạo Đức Kinh, những kinh ấy đều có bốn ý nghĩa.
(Sao) Vị nhất thường, nhị pháp, tam kính, tứ điển, cố vân “đa nghĩa”. “Bất xuất tứ nghĩa” giả, chỉ “quán, nhiếp, thường, pháp” tứ tự dã.
(鈔)謂一常,二法,三逕,四典,故云多義。不出四義者,指貫攝常法四字也。
(Sao: Tức là một là thường, hai là pháp, ba là đường lối, bốn là khuôn mẫu, nên nói là “nhiều nghĩa”. “Chẳng ra ngoài bốn nghĩa” tức là nói về bốn chữ “quán, nhiếp, thường, pháp” vậy).
Thứ nhất là Thường, siêu việt thời gian và không gian. Bộ Luận Ngữ của Khổng lão phu tử được chúng ta gọi là Kinh, do Ngài đã nói từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước, nay chúng ta mở ra đọc, vẫn sử dụng được. Đó là vượt thời gian, vượt không gian. Người Trung Quốc đọc sách ấy, thích hợp, vẫn có thể sử dụng được. Người Nhật đọc Luận Ngữ cũng có thể sử dụng được! Hiện thời, người Nhật có nhiều ưu điểm hơn người Hoa, nay người Hoa coi sách ấy như đồ bỏ, nhưng người Nhật vẫn dùng. Do vậy, tuy Nhật Bản bại trận trong Đệ Nhị Thế Chiến, hiện nay họ là nước bậc nhất trên thế giới. Quý vị muốn tìm nguyên nhân ư? Họ chọn lựa giữ lấy tinh thần Nho gia, tận lực phát triển khoa học kỹ thuật Tây Phương, cho nên hiện thời trên thế giới không ai có thể sánh bằng họ, đạo lý ở chỗ này. Cơ sở và cội nguồn văn hóa của người Nhật đều là những thứ của Trung Quốc, họ học từ Trung Quốc. Dân tộc họ có tánh chất bảo tồn truyền thống rất mạnh, đó là ưu điểm lớn nhất của họ. Họ học từ Trung Quốc, mãi cho đến ngày nay vẫn còn duy trì được. Người Nhật mặc Hòa phục, đấy là trang phục của người Hoa thời cổ, người Nhật chế ra y phục từ đâu? Lấy cách thức từ Trung Hoa, chiếu theo kiểu đó mà may cắt. Hòa phục (Wafuku) còn gọi là Ngô phục (Gofuku), học ở đâu ra? Từ nước Ngô thời Xuân Thu, tức tỉnh Giang Tô [hiện tại]. Họ sống trong nhà lót nền bằng chiếu tatami là cách thức kiến trúc của Trung Quốc vào thời Xuân Thu, sau khi học được mãi cho đến hiện tại chẳng biến đổi, vẫn giữ như thế.
Nay chúng ta đọc cổ thư, nhất là đọc Lễ Ký, đúng là đọc sách mà chẳng biết sách nói gì? Nhưng đến thăm Nhật Bản, thấy giống hệt như trong Lễ Ký đã nói. Chẳng hạn như trong Lễ Ký nói: Nếu quý vị bước vào cổng nhà người ta, thấy ở cửa đặt hai đôi giầy, chớ nên tùy tiện bước vào. Nay chúng ta bước vào cửa, trong phòng khách đâu có đặt hai đôi giầy? Mới hiểu [bên Nhật, nền nhà lót bằng thảm] tatami, đi trên tatami thì phải đặt giầy bên ngoài. Có lẽ hai người họ đang bàn chuyện gì cơ mật, quý vị bước vào sẽ khiến người ta rất ngượng ngùng, đó là thất lễ. [Sách Lễ Ký nói] khách quý đến, “trùng tịch” (chồng chiếu) để ngồi, nay chúng ta chẳng hiểu “trùng tịch” là gì? Chúng ta đều ngồi trên ghế. Hóa ra, trên thảm tatami, có đặt cái đệm để ngồi. Đối với khách quý, nhằm đặc biệt tiếp đãi, xếp hai cái đệm [chồng lên nhau], hai cái đệm thể hiện sự tôn kính nhất. Vì thế, đến chỗ người ta, vừa nhìn liền biết cách sống của họ hoàn toàn tuân theo Lễ Ký. Người Nhật bắt đầu học những thứ của Trung Quốc từ thời Xuân Thu, mỗi triều đại đều cử du học sinh sang Trung Hoa du học. Vì thế, văn hóa Trung Quốc quả thật đều [được bảo tồn] tại Nhật Bản. Tới Nhật Bản, thấy những phong tục, tập quán, văn vật thuộc thời đại Xuân Thu của Trung Hoa, chúng tôi rất khâm phục họ, họ có thể bảo tồn. “Thường” là vượt thời gian, vượt không gian. Hiện thời, tư tưởng Nho gia được truyền bá sang Mỹ, Âu Châu, điều gì có thể sử dụng, điều gì được họ ưa thích, họ sẽ tiếp nhận rất dễ dàng. Đây là ý nghĩa của chữ Thường, tức là vượt thời gian, vượt không gian.
Thứ hai là Pháp, tức là nguyên lý, nguyên tắc, phép tắc. Phép tắc ấy bất biến, chiếu theo phương pháp ấy để làm, nhất định sẽ thông suốt, đó là Pháp. Do vậy, Pháp có nghĩa là “quỹ tắc” (軌則: khuôn khổ, đường lối).
Thứ ba là Kính (逕), tức con đường nhỏ, đường gần, là đường của thánh hiền đi. Quý vị noi theo con đường ấy để đi, sẽ thành thánh, thành hiền.
Thứ tư là Điển (典), tức là điều được xưa lẫn nay đề cao, hết thảy mọi người bằng lòng tuân thủ, tôn trọng, tôn sùng.
(Sao) Lương dĩ Kinh tự, Tây Vực chánh phiên vi Tuyến. Tuyến hữu Quán Trì nghĩa, Quán tắc quán xuyên sở thuyết chi lý, Trì tắc nhiếp trì sở hóa chi sanh. Thử nhị túc cai xuất sanh ngũ nghĩa.
(鈔)良以經字,西域正翻為線,線有貫持義,貫則貫穿所說之理,持則攝持所化之生,此二足該出生五義。
(Sao: Ấy là vì chữ Kinh trong tiếng Tây Vực dịch sát nghĩa là Tuyến (sợi dây), vì Tuyến có ý nghĩa Quán Trì: Quán là xuyên suốt, liên kết Lý đã nói, Trì là giữ gìn những chúng sanh được hóa độ. Hai nghĩa này đủ để bao gồm năm nghĩa như xuất sanh v.v…)
Kế đó, giải thích hai ý nghĩa Quán và Nhiếp. Hai ý nghĩa Quán và
Nhiếp ấy có thể bao quát năm ý nghĩa được giảng trong Tạp Tâm Luận.
Nói cách khác, hai ý nghĩa Quán và Nhiếp này có thể bao quát trọn vẹn rất nhiều cách cổ nhân giải thích ý nghĩa của chữ Kinh. Ở đây, rất rõ rệt là đại sư chỉ dùng hai chữ này để bao gồm các ý nghĩa khác. Vì thế, hai chữ này được đặc biệt coi trọng!
(Sao) Nhi thử phương kinh điển, diệc danh viết Kinh.
(鈔) 而此方經典,亦名曰經。
(Sao: Nhưng kinh điển ở phương này cũng được gọi là Kinh).
Kinh điển của Trung Quốc cũng gọi là Kinh. Chúng ta cũng tôn xưng trước thuật của cổ thánh tiên hiền là Kinh; nhưng trong kinh điển của Trung Hoa không có ý nghĩa Tuyến, còn Tu Đa La của nhà Phật có ý nghĩa Tuyến, Tuyến là xuyên suốt.
(Sao) Kinh thị Tuyến nghĩa.
(鈔) 經是線義。
(Sao: Kinh có nghĩa là Tuyến).
Khế Kinh có nghĩa gốc là Tuyến.
(Sao) Thử phương bất quý Tuyến.
(鈔) 此方不貴線。
(Sao: Cõi này không coi trọng Tuyến).
Người Hoa đối với chữ Tuyến chẳng coi trọng lắm, cho nên lược bỏ chữ Khế [trong Khế Kinh].
(Sao) Cố trực thủ Kinh tự, nhi gia dĩ Khế.
(鈔) 故直取經字,而加以契。
(Sao: Nên lấy ngay chữ Kinh, thêm vào chữ Khế).
Khi phiên dịch thì đối với chữ Tu Đa La mới dịch thành Khế Kinh.
(Sao) Cổ xưng tối vi doãn đáng.
(鈔) 古稱最為允當。
(Sao: Cách gọi theo lối cổ là thích đáng nhất).
Thời cổ dùng danh xưng Khế Kinh để dịch chữ Tu Đa La, mọi người công nhận cách dịch ấy hết sức thích đáng.
(Sao) Hựu, Thường giả, cổ kim bất dịch. Pháp giả, cận viễn đồng tôn.
(鈔) 又常者,古今不易。法者,近遠同尊。
(Sao: Lại nữa, Thường là xưa nay chẳng thay đổi. Pháp là xa gần cùng tôn trọng).
Đây là giải thích hai ý nghĩa Thường và Pháp. Dùng hai chữ Thường và Pháp có thể bao quát bốn ý nghĩa của [kinh điển] Trung Quốc (tức là Thường, Pháp, Kính, Điển), Kính và Điển có thể gộp trong hai chữ này. Thường là xưa nay chẳng đổi, đó là Thường, đó là “thường đạo” (đạo thường hằng). Căn bản của văn hóa Trung Quốc luân thường, Luân (倫) là tổ chức luân lý. [Do có] Ngũ Luân nên quan hệ giữa con người với nhau vô cùng mật thiết. Ngũ Luân bắt đầu từ vợ chồng, vợ chồng sống chung một nhà, tối thiểu là chung một phòng, ngoài phòng là gia đình. Trong gia đình có cha con, anh em. Bên ngoài nhà là xã hội, quốc gia và xã hội. Trong quốc gia có vua tôi, bằng hữu. Nói “quân thần” thì “quân” (君) là người lãnh đạo, “thần” (臣) là người bị lãnh đạo. Chúng ta làm mọi chuyện trong xã hội, thì cấp trên của quý vị là Quân, quý vị là Thần. Nếu quý vị làm một ông chủ nhỏ thì quý vị là Quân, nhân viên của quý vị là Thần. Do vậy, chữ Quân không nhất định chỉ đế vương, trong xã hội có mối quan hệ giữa trưởng quan (cấp trên) và bộ thuộc (nhân viên, thuộc hạ); “bình bối” (bằng vai phải lứa) là quan hệ bạn bè. Tổ chức xã hội Trung Quốc là xã hội Ngũ Luân. Thời cổ, Trung Quốc không có hai chữ “đoàn kết” vì bản thân Ngũ Luân đã là đoàn kết. “Tứ hải chi nội giai huynh đệ” (trong bốn biển đều là anh em). Bạn của bạn bè, hàng xóm của xóm giềng, mở rộng ra là một quốc gia; quốc gia dân tộc đích xác là một chỉnh thể.
Ngũ Luân là tổ chức, duy trì Ngũ Luân bằng Ngũ Thường, đấy là thường đạo. “Thường” là một tiêu chuẩn làm người của người Hoa, tức tiêu chuẩn đạo đức, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Nhân Từ là từ mình bèn nghĩ đến người, hễ nghĩ đến ta bèn cũng nghĩ tới người khác. Do vậy, chữ Nhân là chữ Hội Ý[32]. Nhân (仁) là hai người, tức là khi quý vị nghĩ đến mình thì cũng phải nghĩ tới người khác, suy từ mình mà nghĩ đến người khác, đó là Nhân. Nghĩa (義) là trọn hết nghĩa vụ, chẳng bàn tới quyền lợi. Chúng ta là địa vị gì, mang thân phận gì, nên làm chuyện gì, đều phải tận tâm tận lực thực hiện tốt đẹp, trọn hết nghĩa vụ. Lễ (禮) là có chừng mực, chẳng quá lố, mà cũng chớ nên dễ dãi, xã hội sẽ có trật tự, mọi người đều yên tâm, Lễ có thể an tâm. Trí (智) là lý trí, hoàn toàn tương đồng với chủ trương của Phật pháp, xử sự, đãi người, tiếp vật phải dùng lý trí. Tín (信) là đáng tin cậy, đấy là đạo đức cơ bản. Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín là Ngũ Thường, là thường đạo! Xưa nay, trong ngoài nước, vĩnh viễn chẳng thể thay đổi, ai nấy đều phải tuân thủ.
Sách Lễ Ký ghi: “Nhân khí thường, tắc yêu hưng” (con người vứt bỏ lẽ thường, ắt yêu quái dấy lên). Thường là gì? Chính là năm điều ấy, tức Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, chúng ta thảy đều từ bỏ, cũng không nói tới, yêu ma quỷ quái trên thế giới này thảy đều xuất hiện, vì sao? Vì yêu ma quỷ quái chẳng bàn tới Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Con người nhất định phải nói tới Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, nay chúng ta gọi [năm điều này là] “nhân cách”. Nhân cách là tư cách làm người, tư cách làm người là gì? Chính là năm điều ấy. Nếu không có năm điều ấy, sẽ thiếu tư cách làm người! Thiếu tư cách làm người, hiện thời vẫn mang hình dáng con người, nhưng quý vị một hơi thở ra không hít vào được sẽ đi vào tam ác đạo, chẳng thể được làm thân người nữa! Nếu quý vị muốn đời sau còn được làm thân người, quý vị hãy khéo giữ gìn nhân cách, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Muốn sanh lên trời, phải tăng cường năm điều kiện ấy, phải tu Thập Thiện Nghiệp Đạo mới có thể sanh thiên, tư cách của thiên phải cao hơn con người.
“Pháp giả, cận viễn đồng tôn” (Pháp là xa gần cùng tôn trọng), “tôn” là tôn trọng, mà cũng có thể hiểu là tuân thủ, đó là Pháp, tức phép tắc, giống như pháp luật của quốc gia, trên cả nước phải cùng nhau tuân thủ. Pháp do cổ thánh tiên hiền đã lập, đích xác chẳng hạn chế trong một nước, một dân tộc, mà có thể nói: Đối với các phép tắc do tổ tiên đã lập, hết thảy các quốc gia, dân tộc đều phải tuân thủ, vì sao? Quý vị tuân thủ thì quốc gia của quý vị sẽ ổn định lâu dài, thiên hạ thái bình. Hiện thời, chính phủ đang nói tới chuyện an hòa lợi lạc. Nếu thật sự muốn đạt tới an hòa lợi lạc, nhất định phải tuân thủ. Quý vị giữ đúng pháp của các bậc thánh hiền, sẽ thành công. Phật pháp có phạm vi càng lớn hơn nữa, đối tượng của nó là trọn hết hư không khắp pháp giới, chẳng hạn chế trong quả địa cầu này! Quý vị giữ vững những phép tắc ấy của Phật thì sẽ có thể thành Phật, có thể thành Bồ Tát, lợi ích ấy các pháp thế gian trọn chẳng thể sánh được.
(Sao) Thường tắc cửu nhi hành chi.
(鈔) 常則久而行之。
(Sao: Thường là đã được thực hành từ lâu).
“Thường” là vượt thời gian. Thánh nhân lập pháp quả thật rất lỗi
lạc. Trong quá khứ, tiên sinh Phương Đông Mỹ đã bảo tôi rất nhiều lần, cụ nói suốt một đời cụ, đọc sách cụ bội phục Châu Lễ nhất. Khi ấy, cụ khuyên tôi xem, nhưng tôi chẳng xem. Hiến pháp đời Châu do Châu Công[33] chế định. Tại Trung Quốc, triều đại nhà Châu có lịch sử dài nhất, tám trăm năm! Bất luận triều đại nào của Trung Quốc, chẳng có triều đại nào lâu dài như vậy. Đáng tiếc là con cháu đời sau của triều đình nhà Châu chẳng làm đúng với hiến pháp. Nếu làm đúng hiến pháp, thật sự là ngàn năm vạn đời chẳng thể vong quốc! Phương tiên sinh bảo tôi: Xưa nay, trong ngoài nước, hiến pháp của mỗi quốc gia, dân tộc đều chẳng hoàn thiện bằng Châu Lễ, quả thật là tuyệt diệu! Về sau, tôi học Phật, chẳng học những chuyện ấy, cho nên cũng chẳng đọc [Châu Lễ], nhưng lời thầy nói với tôi đã tạo thành ấn tượng vô cùng sâu đậm, cụ nói: “Tác phẩm ấy của Châu Công đúng là một bộ hiến pháp vô cùng hoàn mỹ”. Đó là Thường, có thể thật sự vượt thoát thời gian lẫn không gian.
(Sao) Hữu cộng diêu nghĩa, tức danh vi Kính.
(鈔) 有共繇義,即名為逕。
(Sao: Lại còn có ý nghĩa là đường lối, duyên do chung, nên gọi là Kính).
Kính (逕) là con đường, là nơi mọi người cùng đi. Diêu (繇) là “do” trong “căn do” (根由). Đức Phật thành đạo, Bồ Tát thành đạo đều vì nhân duyên và nguyên nhân ấy. Chúng ta tu học nếu dùng nguyên nhân này, đương nhiên cũng có thể thành tựu. Nếu hiểu [Kính] có nghĩa là đường nẻo thì cũng hợp lý, người ta đi theo con đường ấy có thể thành Phật, có thể thành Bồ Tát, nay chúng ta cũng đi theo đường này, nhất định cũng có thể thành Phật, thành Bồ Tát, mang ý nghĩa này. Chúng ta thuộc thời cận đại, thời cổ lại càng chẳng cần phải nói. Quý vị xem Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Vãng Sanh Truyện, nhìn vào những người vãng sanh trong thời cận đại, hãy nên giác ngộ. Do con đường Niệm Phật thật sự có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng phải là giả. Những người đó dùng phương pháp này, họ thành công; nay chúng ta noi theo con đường này để đi, nhất định cũng có thể thành công, quyết định đừng nên hoài nghi.
Gần đây nhất, chúng tôi in ba thứ bản dịch của kinh Di Đà, chư vị hãy nên nghiên cứu kỹ càng, chắc chắn sẽ chẳng hoài nghi kinh A Di Đà. Quý vị đọc bản dịch của Huyền Trang đại sư, đọc bản hội tập của cư sĩ Hạ Liên Cư, ý nghĩa hết sức rõ ràng, sẽ hiểu chúng ta phải biết cách đọc như thế nào, cách tu ra sao? Vì bản chúng ta thường niệm là bản dịch của Cưu Ma La Thập đại sư, Ngài dịch đơn giản, có khá nhiều ý nghĩa trong ấy, nhưng do văn tự giản lược, chúng ta nhìn không ra. Thí dụ như “A Di Đà Phật thành Phật dĩ lai, ư kim thập kiếp” (từ khi A Di Đà Phật thành Phật đến nay là mười kiếp), kiếp có đại kiếp, trung kiếp, tiểu kiếp, rốt cuộc là kiếp nào? Bản dịch của Huyền Trang đại sư nói rõ là mười đại kiếp, chẳng phải tiểu kiếp. Bản của La Thập đại sư ghi “nhất tâm bất loạn”, chúng ta cảm thấy rất khó khăn. Bản của Huyền Trang đại sư không viết như vậy, Ngài bảo chúng ta hãy “chuyên tâm hệ niệm”, tức là quý vị chuyên tâm niệm Phật, tới lúc lâm chung, Phật đến tiếp dẫn, Phật lực gia trì, khiến quý vị đắc nhất tâm bất loạn, điều này dễ dàng, ngay lập tức chúng ta an tâm, đúng là tuyệt diệu chẳng thể diễn tả được!
Bản dịch của La Thập đại sư văn phong rất lưu loát, chúng ta đọc bản dịch ấy rất thoải mái, giống như đọc Quốc Văn của Trung Quốc. Bản dịch của Huyền Trang đại sư đọc rất trúc trắc, vì Ngài chiếu theo văn bản Ấn Độ để dịch thẳng ra, rất nhiều cách hành văn, cú pháp chúng ta không quen thuộc lắm, đọc lên chẳng cảm thấy trôi chảy, thông suốt, nhưng ý nghĩa vô cùng hoàn chỉnh. Ngài chiếu theo nguyên văn dịch từng câu một, chẳng sót một ý nghĩa nào! Xét theo ý nghĩa, pháp sư Huyền Trang dịch rất hay, nhưng xét theo văn tự trôi chảy, thông suốt, bản dịch của pháp sư La Thập hay hơn. Cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập hai bản ấy, vừa muốn văn chương tốt đẹp, vừa muốn ý nghĩa hoàn chỉnh. Lần này, tôi mang bản ấy từ Mỹ về, chúng tôi in lại để lưu thông, cúng dường mọi người, mong mọi người tăng trưởng tín tâm, mọi người đều có thể vãng sanh trong một đời này. Nay ở trong hội này, tương lai tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, chúng ta lại mở đại hội, thường ở cùng một chỗ.
(Sao) Pháp tắc quỹ nhi chánh chi. Hữu định cứ nghĩa, tức danh vi Điển.
(鈔) 法則軌而正之。有定據義,即名為典。
(Sao: Pháp là đường lối chánh đáng. Do [Kinh] mang ý nghĩa “là chứng cứ nhất định” nên gọi là Điển).
“Hữu định cứ nghĩa” là có [chứng cứ] xác định, có thể lấy nó làm bằng chứng. Giống như pháp luật trong hiện thời, mọi người có tranh chấp, bèn dùng điều gì làm tiêu chuẩn để so sánh ai phải, ai trái? Có pháp luật để làm tiêu chuẩn, pháp luật còn gọi là “pháp điển”.
(Sao) Diệc nhị túc cai tứ.
(鈔) 亦二足該四。
(Sao: Cho nên hai chữ đủ để gồm trọn bốn ý nghĩa).
Dùng hai chữ Thường và Pháp có thể gồm trọn Kính và Điển.
(Sao) Tắc bỉ phương Quán Nhiếp, thử phương Thường Pháp,
hợp nhi ngôn chi, tứ tự chi trung, tận Kinh nghĩa hĩ.
(鈔)則彼方貫攝,此方常法,合而言之,四字之中,盡經義矣。
(Sao: Cho nên hai chữ Quán và Nhiếp của phương kia và Thường Pháp của phương này, hợp lại để nói thì bốn chữ sẽ [bao gồm] trọn hết ý nghĩa của chữ Kinh).
Từ xưa tới nay, các vị đại đức chú kinh, giảng kinh, hễ giải thích chữ Kinh này, thông thường đều dùng bốn chữ Quán, Nhiếp, Thường, Pháp để giải thích. Ở đây, giảng khá tỉ mỉ, nêu ra nguồn gốc của bốn chữ này. Quán Nhiếp là cách người Ấn Độ [dùng để] bao quát khá nhiều ý nghĩa của chữ Kinh trong hai chữ này. Bốn ý nghĩa [kinh điển] của Trung Quốc cũng có thể được khái quát bởi Thường Pháp. Vì thế, dùng Quán, Nhiếp, Thường, Pháp để bao gồm trọn hết.
(Sớ) Hựu Kinh phục hữu thông biệt nhị nghĩa, Kinh chi nhất tự, thị vi thông danh, Phật Thuyết A Di Đà ngũ tự, thị vi biệt danh.
(疏) 又經復有通別二義,經之一字,是為通名;佛說阿彌陀五字,是為別名。
(Sớ: Lại nữa, kinh lại có hai nghĩa Thông và Biệt, một chữ Kinh là tên chung (thông danh), năm chữ Phật Thuyết A Di Đà là tên riêng).
Biệt là chẳng giống với bộ [kinh luận] khác, đó là Biệt. Thông là cùng chung với các bộ khác, đó là Thông. Kinh là Thông Danh (tên chung). Hễ là kinh tạng đều gọi là Kinh, như kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa, kinh Kim Cang, sau mỗi danh xưng đều có chữ Kinh; nhưng [phần danh xưng riêng biệt] như Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, kinh khác chẳng dùng danh xưng ấy, chỉ có một bộ này! Phật Thuyết A Di Đà cũng chỉ có bộ kinh này dùng danh xưng này, bộ khác không có, nên gọi là Biệt Đề (đề mục riêng). Nhưng kinh dùng danh hiệu A Di Đà [để đặt tên] thì trừ bộ này ra còn có kinh Vô Lượng Thọ cổ nhân cũng dịch là A Di Đà Kinh. [Thành ra] kinh A Di Đà có hai loại, bất đắc dĩ thêm chữ Đại [để phân biệt], Đại A Di Đà Kinh chính là kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ và kinh này cùng bộ. Nói rõ tỉ mỉ là kinh Vô Lượng Thọ; nói đơn giản, tóm tắt, giới thiệu đơn giản là bộ kinh này. Hai bộ kinh này có nội dung hoàn toàn tương đồng, đều có thể gọi là A Di Đà Kinh, mà cũng đều có thể gọi là Vô Lượng Thọ Kinh.
(Sớ) Như giáo, hành, lý, thông, biệt diệc nhĩ.
(疏) 如教行理通別亦爾。
(Sớ: Đối với Giáo, Hành, Lý cũng có Thông và Biệt giống như vậy).
Kinh có Giáo kinh, có Hành kinh, có Lý kinh; trong Giáo, Hành, Lý cũng có Thông và Biệt. Thông là chung với những bộ khác, thông với các pháp môn khác, Biệt là chẳng giống những pháp môn khác. Giáo là sự giáo học của Phật, Hành là tu hành, Lý là căn cứ lý luận của giáo học tu hành. Những kinh này cũng có Thông và Biệt.
(Sớ) Thử tam tức phối tam đức, viên dung cụ túc.
(疏) 此三即配三德,圓融具足。
(Sớ: Ba điều này (Giáo, Hành, Lý) chính là phối hợp với Tam Đức, viên dung trọn đủ).
Tam Đức là Pháp Thân, Bát Nhã, và Giải Thoát, được gọi là Tam Đức Bí Tạng.
(Sớ) Như Thiên Thai sở xưng, văn thủ đề danh, công đức vô lượng.
(疏) 如天台所稱,聞首題名,功德無量。
(Sớ: Như ngài Thiên Thai đã ca ngợi: Nghe tựa đề của kinh, công đức vô lượng).
“Thủ đề danh” chính là tên của bộ kinh. Nghe tên kinh có vô lượng vô biên công đức, tông Thiên Thai nói như vậy. Chính vì tông Thiên Thai nói như vậy, cho nên người Nhật chẳng niệm Phật, mà niệm “Nam-mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” tức là niệm tựa đề kinh[34], hễ nghe tựa đề kinh, công đức bèn vô lượng vô biên. Nhưng nếu chẳng hiểu ý nghĩa của tựa đề kinh, sẽ chẳng có công đức; lấy đâu ra công đức? Chẳng sanh ra được! Do vậy, nhất định phải hiểu rành rẽ tựa đề kinh thì tựa đề kinh sẽ có vô lượng công đức. Người Nhật niệm “Nam-mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” tức là niệm uổng công. Cách niệm ấy chẳng phải là không có công đức, thật sự có công đức; nhưng họ niệm không có công đức, ta niệm có công đức. Vì sao? Họ chẳng hiểu được ý nghĩa trong tựa đề. Họ niệm, tâm và miệng chẳng tương ứng. Tâm, miệng, hạnh tương ứng sẽ có vô lượng vô biên công đức. Do vậy, chẳng bằng niệm một câu A Di Đà Phật. Vì quý vị chẳng liễu giải A Di Đà Phật, nhưng thành tâm thành ý niệm sẽ có công đức; niệm “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” phải thông đạt ý nghĩa trong tựa đề mới có công đức.
Trong quá khứ, tôi đã giảng đại ý kinh Pháp Hoa ở chỗ này, giảng “Quyền Thật thập diệu”, chữ “Diệu” có hai mươi ý nghĩa: Quyền Diệu có mười ý nghĩa, Thật Diệu có mười ý nghĩa; chúng tôi tốn rất nhiều thời gian giảng tựa đề kinh Diệu Pháp Liên Hoa mà vẫn là nói đại lược! Nếu nói tỉ mỉ thì Thiên Thai đại sư “cửu tuần đàm diệu”, tức là mỗi ngày giảng tám tiếng đồng hồ, giảng suốt chín mươi ngày mới giảng xong chữ Diệu! Bộ sách Pháp Hoa Huyền Nghĩa Thích Thiêm in bìa cứng dày như thế, gồm ba cuốn to. Ba cuốn sách to vốn để giảng điều gì? Chính là Thiên Thai đại sư thuở trước đã bỏ ra chín mươi ngày giảng chữ “Diệu” thành ba cuốn sách to như thế đó! Nếu chúng tôi chiếu theo ba cuốn sách to ấy để giảng, giảng ba năm vẫn chưa xong, đương nhiên là vô lượng công đức; nhưng người Nhật chẳng hiểu, coi [tựa đề kinh] như thần chú để niệm, vô ích, miệng có, tâm không, chẳng có tí hữu dụng nào!
(Sớ) Nhược phối Tam Đại, tắc Phật thị Thể Đại, Vô Lượng Thọ thị Tướng Đại, Vô Lượng Quang thị Dụng Đại, như giáo trung thuyết.
(疏) 若配三大,則佛是體大,無量壽是相大,無量光是用大,如教中說。
(Sớ: Nếu phối hợp với Tam Đại thì Phật là Thể Đại, Vô Lượng Thọ là Tướng Đại, Vô Lượng Quang là Dụng Đại, như trong giáo đã nói).
Đoạn này được giải thích tỉ mỉ trong lời Sao, nhưng ngày hôm nay đã hết thời gian rồi, lần sau chúng ta sẽ thảo luận cặn kẽ: Phối hợp với Tam Đại ra sao? Phối hợp với Tam Đức như thế nào? Vì nếu hiểu rõ ý nghĩa tựa đề kinh, sau này, quý vị niệm một câu A Di Đà Phật, công đức sẽ vô lượng; so với quý vị niệm A Di Đà Phật trước đây, ý nghĩa khác nhau. Nếu quý vị hiểu ý nghĩa của Nam-mô A Di Đà Phật, quý vị sẽ niệm chẳng mệt mỏi, sẽ niệm đầy hứng thú, sẽ niệm phấn chấn tinh thần. Tinh thần chẳng khá, niệm mấy câu Phật hiệu, tinh thần bèn phấn chấn, thật sự có đại tác dụng như thế. A! Chúng ta niệm Phật hồi hướng.
— o0o —
Tập 97
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm tám mươi mốt:
(Sao) Giáo Hành Lý giả, bổn Lý lập Giáo, y Giáo tu Hành, tùng Hành hiển Lý, chư kinh giai cụ Giáo Hành Lý tam, cố danh vi Thông.
(鈔)教行理者,本理立教,依教修行,從行顯理,諸經皆具教行理三,故名為通。
(Sao: “Giáo, Hành, Lý”: Vốn dựa trên Lý để lập Giáo, nương theo Giáo để tu hành, từ tu hành mà hiển Lý. Các kinh đều trọn đủ ba món Giáo, Hành, Lý, nên gọi là Thông).
Những điều được nói trong mấy câu này cũng là những ý nghĩa trọng yếu trong tựa đề kinh. Hết thảy các kinh Phật, bất luận Đại Thừa hay Tiểu Thừa, nhất định trọn đủ ba ý nghĩa “Giáo, Hành, Lý”. Có ba điều ấy thì mới thấy rõ chỗ khác biệt giữa kinh Phật và sách vở thế gian. Nay chúng ta gọi Giáo là sách giáo khoa. Thuở Phật tại thế không có sách, cũng chẳng có giảng nghĩa, đó gọi là “dĩ âm thanh vi Phật sự” (dùng âm thanh để làm Phật sự), lời Phật giảng diễn là Giáo. Đời sau kết tập kinh điển, bèn gọi [kinh điển] là Giáo, giống như đức Phật nói bộ kinh A Di Đà này chính là Giáo, những điều do đức Phật đã nói là Giáo. Trong ấy, nhất định có đạo Lý, lý luận trong kinh ấy là gì? Những gì là cách tu hành trong kinh ấy? Tựa đề bản kinh này do La Thập đại sư dùng thiện xảo phương tiện nhất để chọn lựa, lấy danh hiệu của A Di Đà Phật làm đề mục. Thật ra, tựa đề gốc của kinh này là Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh, đó là tên gốc của kinh; nhưng danh hiệu A Di Đà Phật đúng là hết sức kỳ diệu, bốn chữ ấy trọn đủ cả ba món Giáo, Hành, Lý, thật sự tuyệt diệu chẳng thể diễn tả được!
“Bổn Lý lập Giáo, y Giáo tu Hành”: Giáo nhất định phải kiến lập từ Lý. Lý là gì? Lý là Chân Như Thật Tướng. Hết thảy các kinh Đại Thừa đều lấy Thật Tướng làm Thể, trong phần trước, chúng ta đã thảo luận [điều này]. Trong phần đầu bộ Sớ Sao, Liên Trì đại sư sử dụng Thập Môn Khai Khải [để thảo luận thể tánh của kinh này], giảng hết sức tỉ mỉ. Phật từ Chân Như bổn tánh lưu lộ giáo học, mà cũng từ chân tánh lưu lộ hết thảy các kinh. Hết thảy các kinh lưu lộ từ chân tánh. Chân tánh là Lý, Chân Như bổn tánh là Lý, nương vào Lý ấy để kiến lập giáo học. “Y giáo tu hành”, nói theo ý nghĩa thông thường sẽ là nương theo Văn Tự Bát Nhã, kinh điển là văn tự, là sách giáo khoa, chúng ta phải nương theo lý luận và phương pháp trong sách giáo khoa để tu hành, tu gì vậy? Khôi phục tự tánh của chúng ta, tu điều này, chẳng phải điều nào khác, khôi phục tự tánh mà thôi! Trong tự tánh có Pháp Thân, Giải Thoát, Bát Nhã. Giáo Hạ thiên trọng Bát Nhã, tức là nương vào Văn Tự Bát Nhã để tu Quán Chiếu Bát Nhã, nương theo lý luận và phương pháp ấy để tu hành.
Tu hành phải có mục tiêu, mục tiêu ấy là gì? Là “tùng Hành hiển Lý” (do Hành mà hiển Lý), Hành là tu hành. Nói thật ra, Hiển là hiển lộ Chân Như bổn tánh, Thiền gia nói là “minh tâm kiến tánh”. Minh tâm kiến tánh là hiển lộ Lý. Thiền nhằm mục đích minh tâm kiến tánh, Giáo Hạ vẫn nhằm mục đích minh tâm kiến tánh, chúng ta niệm Phật cũng không ngoài minh tâm kiến tánh. Niệm tới Lý nhất tâm bất loạn bèn minh tâm kiến tánh. Có thể thấy bất luận tông nào, phái nào, tuy phương pháp, kỹ xảo khác biệt, có các cách [tu tập] sai khác, nhưng mục tiêu là nhất trí, chỗ để đạt tới hoàn toàn tương đồng. Vì thế mới nói pháp môn vô nhị, pháp môn bình đẳng, mới nói ra ý nghĩa này. “Chư kinh giai cụ Giáo, Hành, Lý tam” (các kinh đều đủ ba món Giáo, Hành, Lý), hết thảy các kinh đều đầy đủ ba yếu tố này. Đó là Thông Đề, hết thảy các kinh phải trọn đủ ba ý nghĩa này. Tiếp đó, [chuyên] nói về kinh [A Di Đà] này:
(Sao) Chuyên chỉ thử kinh, tắc Phật Thuyết thị Giáo.
(鈔) 專指此經,則佛說是教。
(Sao: Chuyên nói về kinh này, thì Phật Thuyết là Giáo).
Trong tựa đề kinh thì Phật Thuyết là Giáo.
(Sao) Chấp trì danh hiệu thị Hành, A Di Đà thị Lý.
(鈔) 執持名號是行,阿彌陀是理。
(Sao: Chấp trì danh hiệu là Hành, A Di Đà là Lý).
Giáo là A Di Đà, chấp trì danh hiệu (Hành) vẫn là A Di Đà, Lý được chứng đắc vẫn là A Di Đà; do vậy, A Di Đà Phật chẳng thể nghĩ bàn. Trong những kinh điển khác, mỗi chuyện đều có thể phân biệt, nhưng kinh này rất lạ lùng: Một câu A Di Đà Phật có đủ các ý nghĩa ấy (Giáo, Hành, Lý), thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Trong kinh Vô Lượng Thọ, mỗi chuyện đều [tách bạch] rõ rệt; nhưng kinh này hết sức lạ lùng, đặc biệt, A Di Đà Phật dịch sang nghĩa tiếng Hán là Vô Lượng Giác. Vô Lượng Giác là tự tánh của chúng ta. Nói cách khác, [A Di Đà Phật] là danh hiệu của tự tánh. Danh hiệu Phật đồng thời cũng là danh hiệu của tự tánh; do vậy, nó là Lý, chúng ta niệm Phật phải chứng, chứng gì? Phải đích thân chứng đắc A Di Đà.
(Sao) Cục thử dị dư, cố danh vi Biệt.
(鈔) 局此異餘,故名為別。
(Sao: Hạn cuộc trong kinh này thì [trong tựa đề kinh] có chỗ khác biệt với những với kinh khác, nên gọi là Biệt).
“Cục thử”: Chữ “thử” (此) chỉ kinh này, bộ kinh này không giống những kinh khác, những kinh khác chẳng lấy A Di Đà làm tên kinh.
(Sao) Phối Tam Đức giả, Lý tức Pháp Thân, Giáo tức Bát Nhã, Hành tức Giải Thoát.
(鈔) 配三德者,理即法身,教即般若,行即解脫。
(Sao: Phối hợp với Tam Đức thì Lý là Pháp Thân, Giáo tức Bát Nhã, Hành tức Giải Thoát).
Lý là Pháp Thân, điều này dễ hiểu. Lý là Chân Như Lý Thể, là Thanh Tịnh Pháp Thân của chính chúng ta. Giáo là Bát Nhã; chữ “Bát Nhã” chỉ hết thảy các kinh điển do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói, thường gọi là Văn Tự Bát Nhã. Từ Văn Tự cho tới Quán Chiếu Bát Nhã vẫn thuộc về Giáo. Trong mùa Đông năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức đại chuyên giảng tòa, giảng kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, trong ấy sẽ đặc biệt giảng về quán chiếu, [giảng theo] chú giải của Thiên Thai đại sư, phải từ Lục Tức Phật để giảng, từ Danh Tự Tức, Quán Hạnh Tức, Tướng Tự Tức, Phần Chứng Tức cho đến Cứu Cánh Phật, chúng ta sẽ lại thảo luận cặn kẽ vấn đề này.
Hành là Giải Thoát. Nói thật ra, Hành là hành vi sinh hoạt. Hiện thời, hành vi sinh hoạt của chúng ta chẳng tự tại, thường nói là “chẳng tự do”, chính mình không thể làm chủ, chỗ nào cũng bị bó buộc! Vì sao không thể làm chủ? Vì thiếu trí huệ, hễ có trí huệ sẽ làm chủ được. Hiện thời, chúng ta thiếu trí huệ, bị phiền não khống chế, cho nên chúng ta cảm thấy chỗ nào cũng chẳng tự tại! Học Phật phải cầu trí huệ, Phật pháp chẳng cầu chi khác, quý vị nhất định phải nhớ điều này! Phật pháp nhằm cầu trí huệ, có trí huệ thì vấn đề gì cũng đều có thể giải quyết. Do vậy, Phật pháp là phương pháp trí huệ, Phật học là học vấn trí huệ. Các đồng tu phải lưu ý điều này!
Ngày hôm qua, chúng ta có hội giảng diễn; giảng diễn xong, có một người đến hỏi tôi nhiều vấn đề. Nghe nói ông ta là một giáo sư đại học có tiếng, nhưng những vấn đề ông ta hỏi đều thiếu trí huệ. Chẳng hạn như ông ta nêu ra câu hỏi thứ nhất là: “Nếu người trên thế giới này đều xuất gia hết, chẳng phải là người trên thế giới này đều bị diệt chủng ư?” Tôi hỏi ngược lại ông ta: “Nếu người trên cả thế giới đều làm giáo sư đại học thì vẫn bị diệt chủng, đúng không?” Đều là giáo sư đại học, cũng không có ai cày ruộng, cũng không có ai dệt vải, chẳng phải vẫn là một con đường chết hay sao? Quý vị hãy suy nghĩ thử xem, người trên thế giới này đều có thể xuất gia hết hay chăng? Có thể đều làm giáo sư đại học hay không? Không thể nào có chuyện ấy! Đấy là thiếu trí huệ! Do vậy, trí huệ có thể giải quyết hết thảy vấn đề, trí huệ có thể đem đến cuộc sống tự tại mỹ mãn; đấy là giải thoát. Vì thế, hành vi sinh hoạt của người học Phật quả thật là giải thoát tự tại, vì người ấy có Quán Huệ.
(Sao) Hựu Lý thông Hành, Giáo, Pháp Thân tức Bát Nhã, Giải Thoát, nãi chí Hành thông Lý, Giáo, Giáo thông Lý, Hành. Cử nhất tức tam, lệ thượng khả tri.
(鈔)又理通行教,法身即般若解脫,乃至行通理教,教通理行,舉一即三,例上可知。
(Sao: Lại nữa, Lý thông với Hành và Giáo. Pháp Thân tức là Bát Nhã và Giải Thoát; cho đến Hành thông với Lý và Giáo, Giáo thông với Lý và Hành. Nêu một điều sẽ chính là ba, cứ dựa theo trên đây sẽ biết).
Đây là một mà ba, tuy ba mà một, quả thật là như vậy. Pháp Thân là Bát Nhã và Giải Thoát, đó gọi là “toàn tánh khởi tu”, cho nên Lý thông với Hành. “Tánh” là Chân Như bổn tánh. Điều này tuy là nói đến Phật pháp cao cấp, tu trì cao cấp, nhưng khi mỗi cá nhân chúng ta tu tập, nhất là pháp môn Niệm Phật, hễ quý vị tu tập sẽ là toàn tánh khởi tu. Tuy toàn tánh khởi tu, nhưng chính quý vị không biết! Người thấu hiểu sẽ biết rõ điều này, nhưng chính quý vị chẳng biết chính mình đang toàn tánh khởi tu. Ở đây, có một điều phải nhận thức rõ ràng: Hiện thời, trước hết, chúng tôi buông cái Tánh ấy xuống, chẳng bàn đến, mà luận về tâm, mọi người sẽ dễ hiểu. Trong tâm suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ loạn xạ, khởi tâm vọng tưởng.
Chúng ta vọng niệm gì cũng chẳng có, toàn tâm toàn ý niệm một câu Phật hiệu này, có phải là toàn tâm khởi tu hay không? Trọn chẳng biết tâm là tánh! Nhất là quý vị toàn tâm toàn ý niệm một câu Phật hiệu này, nếu chẳng phải là tánh thì là gì vậy? A Di Đà Phật là đức hiệu lưu lộ từ tự tánh của Như Lai; nay quý vị dốc toàn bộ cái tâm để niệm Phật hiệu, nếu chẳng phải là toàn tánh khởi tu thì là gì vậy? Vừa niệm Phật, vừa dấy vọng tưởng, sẽ chẳng phải là [toàn tánh khởi tu]. Nếu vọng tưởng gì cũng đều buông xuống, toàn tâm toàn ý niệm Phật, thưa quý vị, đấy là toàn tánh khởi tu. Các pháp môn khác chưa chắc là như vậy, nhưng pháp môn Niệm Phật chắc chắn là như vậy, vì sao? Vì một câu Phật hiệu chính là đức hiệu của tự tánh. Vì vậy, quý vị tham thiền, trì chú, không nhất định có thể đạt tới cảnh giới này, nhưng niệm Phật quyết định tương ứng, quyết định là cảnh giới này. Vì thế, pháp này chẳng thể nghĩ bàn. Cái hay của niệm Phật thật sự chẳng thể nói trọn! Thật sự thông đạt, quả thật điều gì cũng đều buông xuống, chúng ta thấy bậc cổ đại đức thông Tông thông Giáo, thuở trẻ học rộng nghe nhiều; về sau, đã học thông suốt, bèn phát hiện thật sự có những thứ tốt đẹp trong pháp môn này, đối với những thứ kém tốt đẹp khác đều chẳng cần nữa, đều gạt bỏ! Vì vậy, tới cuối cùng [các Ngài] nhất tâm nhất ý niệm A Di Đà Phật, biết pháp môn niệm A Di Đà Phật mới là pháp môn bậc nhất trong ngàn kinh vạn luận, những pháp môn khác đều chẳng cần tới nữa!
Nếu chúng ta nhận biết “toàn tánh khởi tu”, tuy là sơ học niệm Phật, nói thật ra, công phu ấy đúng là công phu thượng thừa, là cách tu của các vị đại Bồ Tát. Trong bản chú giải kinh Vô Lượng Thọ, cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã trích dẫn cách nói ấy của cổ nhân, chúng tôi càng nghĩ càng thấy có lý! Pháp môn Niệm Phật này nhằm tiếp dẫn bậc thượng thượng căn; chúng ta vừa nghe [nói như vậy, bèn tự nhủ]: Bậc thượng thượng căn thì chúng ta chẳng có phần, chúng ta là kẻ hạ căn, chính mình cũng chẳng dám gánh vác, rất khiêm hư, rất khách sáo. Tiếp đó, người ta đã nói rất rõ ràng, chỉ cần có thể tin tưởng pháp môn này, chịu phát nguyện vãng sanh, kẻ ấy là bậc thượng thượng căn. Chúng ta nghe lời ấy lại [cảm thấy] như thế nào? Chúng ta nghe xong, suy nghĩ, tin tưởng, thật sự phát nguyện, đó chính là bậc thượng thượng căn. Kẻ căn cơ trung hạ nghe xong sẽ hoài nghi, chẳng tin tưởng, chẳng chịu cầu sanh Tịnh Độ, chẳng chịu niệm Phật. Đó là kẻ căn cơ trung hạ!
Do vậy, “thượng thượng căn” tuyệt đối chẳng phải là nói về kẻ thông minh tài trí, mà là nói tới người trọn đủ Tín, Nguyện, Hạnh; chỉ cần quý vị trọn đủ ba điều kiện ấy, sẽ là bậc thượng thượng căn. Thượng thượng căn như vậy được mười phương chư Phật, Bồ Tát thừa nhận là hạng thượng thượng căn; [cách nói ấy] rất có lý, vì sao? Vì người ấy sẽ vãng sanh trong một đời này, vãng sanh là thành Phật. Nếu người này chẳng gọi là thượng thượng căn, ai mới xứng là thượng thượng căn? Kẻ thông Tông thông Giáo vẫn phải luân hồi trong sáu nẻo, vẫn chẳng thể thoát khỏi tam giới trong một đời này, làm sao coi là thượng thượng căn cho được? Vì thế, nghĩ ra, lời cổ đức nói có lý lắm, chẳng phải là vô lý! Sau đấy, chúng ta suy nghĩ: Có nhiều bà cụ niệm Phật vãng sanh trong một đời, đúng là bậc thượng thượng căn. Chúng ta tự nghĩ mình thông minh tài trí ghê gớm lắm; so ra, thua kém những người ấy! Người ta có thể thành Phật, còn chúng ta sống cả đời rồi vẫn luân hồi trong lục đạo. Đấy là nói “Pháp Thân chính là Bát Nhã và Giải Thoát”. Chiếu theo Lý này để suy luận, Bát Nhã cũng là Pháp Thân và Giải Thoát, Giải Thoát cũng là Pháp Thân và Bát Nhã; một chính là ba, ba chính là một!
“Nãi chí Hành thông Lý, Giáo, Giáo thông Lý, Hành” (cho đến Hành thông với Lý và Giáo, Giáo thông với Lý và Hành): Giáo là văn tự, văn tự tánh Không, đó là Thật Tướng, giống như kinh Kim Cang đã nói: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Quý vị biết nó là hư vọng, đó chính là Thật Tướng. Tới khi ấy, có thể bảo quý vị: Thật Tướng và hư vọng là một, không hai, quý vị thật sự giác ngộ. Đó gọi là “dùng vàng chế các vật, món nào cũng đều là vàng”, chúng tôi dùng tỷ dụ này cho mọi người dễ hiểu. Các món vật là hư vọng, vàng là chân thật, đồ vật có phải là vàng hay không? Đồ vật là vàng; đồ vật hư vọng và vàng chân thật là một, không hai. Hết thảy vạn vật trong vũ trụ là đồ vật, có hình, có tướng. Những thứ có hình có tướng sẽ là tướng hư vọng, Thể của tướng hư vọng là Chân Không. Chân Không là tên gọi khác của bổn tánh; nói Chân Không hay nói bổn tánh đều là nói về cùng một thứ. Do vậy, văn tự tánh Không là Thật Tướng, là Chân Như bổn tánh. Do vậy, “Giáo thông Lý”.
Chính vì Giáo và Lý là một, không hai; do vậy, chúng ta chớ nên chấp trước tướng văn tự, đừng nên chấp trước nó. Hễ quý vị chấp trước là trật mất rồi! Chẳng chấp trước nó, quý vị sẽ thông đạt, đắc tự tại đối với văn tự, đắc Bát Nhã, đắc giải thoát. Nếu quý vị chấp trước nó, sẽ mê, mê nơi văn tự, Giáo cũng chẳng thông, trí huệ cũng chẳng có, Giải Thoát cũng không có, tự tại lẫn trí huệ đều không có. Đó là chết cứng nơi câu văn, chẳng biết văn tự tánh Không, chẳng biết văn tự là Thật Tướng. Mọi người phải chú tâm lãnh hội ý nghĩa này, chớ nên suy tưởng; nếu suy tưởng sẽ nghĩ không ra. Nếu quý vị suy xét, càng nghĩ càng hỏng bét, chớ nên suy tưởng, mà phải lãnh hội. Không thể lãnh hội thì cũng chẳng sao! Niệm A Di Đà Phật là được rồi; quý vị niệm ba năm, sẽ tự nhiên hiểu. Chuyện này rất kỳ diệu, niệm ba năm bèn hiểu. Đúng như [lời Sao] đã viết: “Cử nhất tức tam, lệ thượng khả tri” (Nêu lên một điều chính là ba điều, dựa theo những điều trên đây sẽ có thể suy ra).
(Sao) Thể Tướng Dụng giả.
(鈔) 體相用者。
(Sao: Thể, Tướng, Dụng).
Đây là dùng Tam Đại để xét.
(Sao) Thể giả, tổng thể, ngôn Phật tiện châu, cố Phật vi Thể. Tướng giả, Thể trung sở cụ chi Tướng. Thể vô tận, Tướng diệc vô tận, cố Vô Lượng Thọ vi Tướng. Dụng giả, Thể trung sở phát chi Dụng. Thể vô bất chiếu, Dụng diệc vô bất chiếu, cố Vô Lượng Quang vi Dụng. Nhược thông, nhược biệt đẳng, diệc như thượng lệ.
(鈔)體者,總體,言佛便周,故佛為體;相者,體中所具之相,體無盡,相亦無盡,故無量壽為相;用者,體中所發之用,體無不照,用亦無不照,故無量光為用。若通若別等,亦如上例。
(Sao: Thể là tổng thể, nói Phật liền trọn đủ. Vì thế, Phật là Thể. Tướng là tướng sẵn đủ trong Thể. Thể vô tận, nên Tướng cũng vô tận. Vì thế, Vô Lượng Thọ là Tướng. Dụng là tác dụng do Thể phát ra. Thể không gì chẳng chiếu, nên Dụng cũng không gì chẳng chiếu. Vì thế, Vô Lượng Quang là Dụng. [Các nghĩa] dù thông, hay biệt cũng đều theo lệ trên đây).
Thể là bản thể. Nói “Phật”, bản thể bèn trọn đủ viên mãn, chẳng khuyết thiếu mảy may. “Phật” ở đây, tự nhiên là nói về Pháp Thân Phật. Chúng ta nghe nói Pháp Thân Phật, [chẳng cảm thấy] có vấn đề gì, nhưng Báo Thân và Ứng Thân lại như thế nào? Cũng như vậy ư? Cũng thế! Nhưng ý nghĩa này chẳng dễ hiểu cho lắm, giống như kinh Hoa Nghiêm đã dạy: “Phá nhất vi trần, xuất đại thiên kinh quyển” (phá một vi trần, hiện ra quyển kinh to bằng tam thiên đại thiên), lại nói: “Giới tử nạp Tu Di” (núi Tu Di nhét vào hạt cải), tức là nói một và nhiều chẳng hai, lớn nhỏ như nhau. Nếu hiểu rõ đạo lý này, lẽ đâu Ứng Thân chẳng phải là Pháp Thân? Kinh Hoa Nghiêm nói như vậy. Cuối chương Truyền Hương Sám Hối của Đàn Kinh, Lục Tổ đại sư đã giảng “nhất thể tam thân”, cũng là giảng rõ ràng, minh bạch ý nghĩa “một tức là ba, ba chính là một” trong kinh Hoa Nghiêm.
Vì thế, đối với chữ “Phật” ở đây, quý vị nói là Pháp Thân, Báo Thân, hay Ứng Thân đều được. Nói “Phật” liền “châu”, “châu” (周) là viên mãn. Nếu nói cái thân này của phàm phu chúng ta [cũng viên mãn] thì có được hay không? Giống hệt! Không hề chẳng trọn khắp! Thánh phàm chẳng hai, chúng sanh và Phật chẳng hai! Do vậy, trong các kinh Hoa Nghiêm, Viên Giác, Niết Bàn cũng có ý nghĩa này: “Hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật”. Phật và chúng sanh khác biệt ở chỗ mê hay ngộ, nhưng tự tánh chẳng có mê hay ngộ, Phật Tánh chẳng có mê hay ngộ! Nói thật ra, Thể và Tướng đều không có mê hay ngộ, trong Thể chẳng có mê hay ngộ, trong Tướng cũng chẳng có mê hay ngộ. Mê và ngộ do đâu mà có? Trong Dụng có mê hay ngộ! Thể, Tướng và Dụng là Tam Đại, hai thứ đầu đều chẳng có tướng mê hay ngộ; Phật ngộ, ngộ gì vậy? Ngộ Thể, ngộ Tướng. Lũ chúng sanh chúng ta mê, mê gì vậy? Mê Thể, mê Tướng. Bản thân Thể và Tướng không có mê hay ngộ, cho nên chúng sanh và Phật chẳng hai. Hễ nói tới Phật liền trọn vẹn, tùy tiện nêu ra một pháp nào, nêu ra một pháp sẽ trọn khắp, cho đến nêu ra một vi trần cũng trọn khắp, nhất định phải hiểu ý nghĩa này, đấy là nói về bản thể.
Tướng là hiện tướng, Thể nhất định hiện Tướng, chẳng thể nói Thể không có Tướng, quyết định là có Tướng. Hư không cũng có Tướng, hư không cũng là Tướng Phần của Chân Như bổn tánh. Có hình sắc thì chúng ta gọi nó là Tướng; nhưng không có hình sắc vẫn là Tướng, tức là “hư không tướng”. Nói có hình sắc, mọi người dễ hiểu tướng ấy, nhưng nói đến [điều gì] không có hình sắc, chúng ta chẳng hiểu cho lắm. Cớ sao không có hình sắc mà gọi là Tướng? Nó cũng do tự tánh biến hiện, cũng chẳng rời khỏi tự tánh. Chúng tôi nêu tỷ dụ để nói thì ban đêm quý vị nằm mộng, trong giấc mộng có hư không hay chăng? Nếu trong mộng chẳng có hư không, quý vị sẽ chẳng thể chuyển động; quý vị muốn hoạt động thì luôn luôn phải có hư không. Hư không trong giấc mộng do đâu mà có? Có phải là do cái tâm của quý vị biến hiện hay không? Có thể thấy hư không cũng do tự tánh biến hiện; hết thảy vạn pháp trong hư không cũng do tự tánh biến hiện. Vì thế, hư không là một thứ thuộc về Tướng Phần của tự tánh. Nó vẫn là Tướng Phần, chẳng thể nào không có tướng, giống như chúng ta nói tới vàng, vàng nhất định có tướng. Quý vị làm thành một cái nhẫn, sẽ có tướng nhẫn; làm thành vòng đeo tay, sẽ có tướng vòng đeo tay. Hết thảy đều chẳng cần tới nữa, ta ép cho những thứ ấy dẹp lép, nó bèn có tướng dẹp lép, kéo dài ra bèn có tướng dài ngoằng. Quý vị nói: “Tôi chẳng cần tướng”, không cần tướng thì vàng cũng chẳng có. Đã có vàng, nhất định có tướng. Điều này cho thấy: Hễ có Thể, nhất định có Tướng. Quý vị phải hiểu: Kiến tánh chẳng phải là diệt Tướng rồi quý vị mới kiến tánh. Diệt Tướng, chẳng thấy Tánh; giống như vàng, tướng gì cũng chẳng cần tới nữa thì vàng cũng không có, quý vị cũng không có được vàng!
Do vậy, nói “lìa hết thảy tướng” nghĩa là trong tâm, lìa [ý niệm] chấp trước tướng, chẳng phải là lìa tướng bên ngoài. Ví như kinh Kim Cang có dạy: “Nếu Bồ Tát có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, bèn chẳng phải là Bồ Tát”, Bồ Tát nhất định phải lìa bốn tướng ấy. Nhân tướng và ngã tướng chúng ta đều chẳng cần, đâu có đạo lý ấy! Lìa gì vậy? Trong tâm lìa rời [ý niệm] “tôi chấp trước có người, có ta, có kẻ khác”. Quý vị lìa cái tướng phân biệt, chấp trước ấy, chứ không phải là bên ngoài chẳng có [tướng]. Tướng Phần bên ngoài chắc chắn tồn tại. Hiện thời, căn bệnh nặng của chúng ta là gì? Căn bệnh nặng là trong tâm quý vị có tướng chấp trước, có tướng phân biệt! Những thứ ấy phiền lắm, chúng khiến cho quý vị chẳng thể kiến tánh. Kinh Hoa Nghiêm giảng rất hay: Lìa khỏi hết thảy vọng tưởng, chấp trước, Tướng là Tánh, Tánh là Tướng. Khi ấy, minh tâm kiến tánh, Tánh ở nơi đâu? Tướng là Tánh; giống như nói: “Vàng ở nơi đâu? Đồ vật là vàng”. Thuận tay cầm lấy [bất cứ vật nào], không có gì chẳng phải là vàng; đấy cũng là kiến tánh.
Ngày nay, sở dĩ chúng ta không có cách nào thực hiện “Tánh – Tướng như một”, chẳng thể kiến tánh, là vì trong tâm chính mình có một thứ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Vọng tưởng ấy gọi là tướng hư vọng. Rời khỏi tướng hư vọng này, tất cả hết thảy cảnh giới bên ngoài đều là tướng chân thật, gọi là “Thật Tướng của các pháp”. Do vậy, đạt đến cảnh giới ấy, đức Phật lại nói theo một cách khác: “Phàm những gì có hình tướng, đều là Thật Tướng”. Đối với câu đã nói trong phần trước “phàm những gì có hình tướng, đều là hư vọng”, hai câu này có mâu thuẫn hay không? Chẳng mâu thuẫn! Chúng có cùng một ý nghĩa, tướng hư vọng là Thật Tướng, Thật Tướng là tướng hư vọng, chẳng mâu thuẫn tí nào! Quý vị mới hiểu chân, vọng chẳng hai, phàm thánh giống như nhau; nhưng nếu tâm quý vị chẳng thanh tịnh, sẽ chẳng thấy được. Ắt cần phải tâm thanh tịnh hiện tiền thì chân tướng ấy mới có thể hiện tiền.
Đây là nói về Tướng, tức là Tướng được hiện bởi Thể. “Thể vô tận”, đương nhiên Tướng vô tận. Vì vậy, kinh này lấy Vô Lượng Thọ làm đại diện. Tác dụng là mê hay ngộ. Dụng của phàm phu là mê, Dụng của Phật, Bồ Tát là ngộ, khác nhau ở chỗ này, những điều khác giống hệt như nhau! “Thể vô bất chiếu, Dụng diệc vô bất chiếu” (Thể không gì chẳng chiếu, Dụng cũng không gì chẳng chiếu). Do vậy, Vô Lượng Quang là đại dụng của chư Phật, Bồ Tát. Các Ngài có trí chiếu, giác ngộ, chẳng mê. Nay [những điều] chúng ta phải học, nói thật ra là học điều này. Vì vậy, toàn thể giáo học trong Phật pháp, quả thật lấy Bát Nhã làm chủ.
Trong sự giáo hóa cả một đời đức Phật, kinh Hoa Nghiêm chỉ nói trong mười bốn ngày, cũng có người bảo là hai mươi mốt ngày; nếu tính là ba thất, thì cũng chẳng hơn hai mươi mốt ngày. Kinh Hoa Nghiêm do đức Phật giảng trong Định, phàm phu chúng ta chẳng thể hiểu cảnh giới ấy. Giảng A Hàm mười hai năm, [A Hàm] giống như Tiểu Học; Phương Đẳng tám năm; Bát Nhã hai mươi hai năm, dài nhất. Đức Phật giảng kinh tổng cộng bốn mươi chín năm, Bát Nhã chiếm hai mươi hai năm, gần như là chiếm phân nửa [thời gian], quý vị mới biết Phật pháp lấy trí huệ Bát Nhã làm chủ. Chúng ta nhất định phải biết điều này.
Nếu Bát Nhã trọng yếu như vậy, nay chúng ta có phải học kinh Bát Nhã hay không? Học cũng được, mà không học càng tốt hơn, vì sao? Niệm một câu A Di Đà Phật này, [chính là] phước huệ song tu. Một câu A Di Đà Phật bao gồm vô lượng Bát Nhã. Niệm một câu Phật hiệu này cho tới khi tâm thanh tịnh, Bát Nhã trong bổn tánh sẽ hiện tiền. Cách này tuyệt diệu lắm, tuyệt diệu ở chỗ này! Phương cách của Thiền Tông rất đặc biệt, Thiền Tông là “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền”, “giáo” là giáo học. Họ chẳng dốc sức nơi giáo học; nói cách khác, chẳng đổ công nơi kinh điển, chẳng dốc sức nơi giảng kinh, thuyết pháp; họ dồn sức chỗ nào? Trực tiếp bảo quý vị tu Định. Thuở đầu, khi Đạt Ma Tổ Sư đến [Trung Hoa], đã dạy người khác phương pháp quán tâm, dùng phương pháp ấy. Sau đấy, do chúng sanh nghiệp chướng tập khí nặng nề, dùng phương pháp ấy công phu chẳng đắc lực. Vì thế, tổ sư mới đổi sang một phương pháp gọi là “tham thoại đầu”, nhằm mục đích cầu đắc tâm thanh tịnh. Tâm địa thanh tịnh, trí huệ Bát Nhã khai, khi ấy, lại đọc kinh. Do vậy, chẳng phải là họ không cần đến kinh điển, họ cần kinh điển, nhưng đặt kinh điển vào nửa giai đoạn sau, trước hết, cầu đắc Thiền Định, đắc Thiền Định rồi mới đọc kinh, mở quyển kinh ra bèn hiểu rõ ý nghĩa. Do vậy, tốc độ [lãnh hội kinh điển] của họ vô cùng nhanh chóng!
Vì thế, chẳng phải là Thiền gia không cần kinh, họ cần! Những tổ sư đại đức trong Thiền Tông có vị nào chẳng thông đạt hết thảy các kinh? Quý vị thấy ngữ lục, trước tác của các Ngài dẫn kinh điển làm chứng, chẳng có pháp thế gian hay xuất thế gian nào các Ngài không biết. Không chỉ thông thạo kinh Phật, mà bá gia chư tử của Trung Quốc, các Ngài đều thông hiểu. Các Ngài sau khi ngộ mới xem sách; trước khi khai ngộ, quyết định chẳng đọc sách, quyết định chẳng nghe kẻ khác giảng diễn, dùng phương pháp ấy. Nhưng niệm Phật càng thuận tiện hơn tham thoại đầu của Thiền Tông. Nói thật thà, hiện thời, tham thoại đầu của nhà Thiền cũng chẳng dễ dàng. Hiện thời, nói thật ra, tham thoại đầu là dấy vọng tưởng, đâu có gì là tham thoại đầu? Làm ra vẻ, chứ chẳng khai ngộ! Tham thoại đầu tâm phải rất vi tế, quý vị chẳng có cách nào thực hiện công phu này!
Thoại đầu là gì? Nếu khi câu nói ấy khởi lên, nó đã trở thành thoại vĩ mất rồi, chẳng phải là thoại đầu! Thoại đầu không có ý nghĩa, chẳng hạn như nhà Thiền thường nói: “Tham phụ mẫu vị sanh tiền bổn lai diện mục” (tham cứu diện mạo vốn có trước khi được cha mẹ sanh ra), quý vị bèn nghĩ: Khi cha mẹ chưa sanh ra ta, ta vốn là như thế nào? Đó gọi là khởi vọng tưởng, có gì là tham thoại đầu? Quý vị có thể tìm ra câu trả lời ở nơi ấy hay chăng? Nó chẳng có ý nghĩa, mà cũng chẳng có câu trả lời! Nhằm dạy quý vị dùng một phương pháp, [câu tham thoại đầu ấy khiến cho quý vị khởi nghi, mối nghi ấy] gọi là “nghi tình”. Khi ý niệm dấy lên, quý vị bèn bí mật tìm tòi, niệm ấy do đâu mà có? Đó gọi là “thoại đầu”. Quý vị tìm nguồn gốc, cội nguồn của nó, quan sát nó, tâm sẽ đắc Định. Cách này đòi hỏi tâm hành nhân phải rất vi tế, kẻ hời hợt sẽ không hành được, chẳng có cách nào! Nếu quý vị muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi ấy, đó là khởi vọng tưởng, chẳng gọi là tham thoại đầu. Nhưng quý vị truy ngược lại coi ý niệm ấy do đâu mà có? Tất nhiên ý niệm ấy không có, khi nó không có, quý vị bèn chú ý, niệm ấy đi đâu rồi? Quý vị dõi theo câu ấy, tìm kiếm nó, chỉ quan sát nó, tâm sẽ đắc Định. Thiền giả dùng phương pháp này thì gọi là “tham thoại đầu”.
Vận dụng công phu đắc lực, sẽ chẳng trở ngại công việc; đi, đứng, nằm, ngồi đều tham Thiền. Trong Thiền Tông, Thiền hòa tử[35] mỗi ngày làm lụng, gánh nước, bửa củi, luôn làm những việc cực nhọc ấy, nhưng tham cứu quyết định chẳng gián đoạn. Nhưng quý vị hãy suy nghĩ: Phương pháp ấy chẳng đơn giản, thuận tiện như niệm Phật. Nếu nói về sự thành tựu thì niệm Phật cao hơn. Nếu họ (hành giả nhà Thiền) chẳng đại triệt đại ngộ, sẽ chẳng có một tí tác dụng gì! Sau khi đại triệt đại ngộ, chưa chắc đã có thể vượt thoát tam giới, vì sao? Nếu chẳng đoạn Kiến Tư phiền não, dẫu là đại triệt đại ngộ, quả báo bất quá là Tứ Thiền Thiên mà thôi!
Ở đây, chúng tôi có một cuốn băng thâu âm lời khai thị của lão pháp sư Đàm Hư, quý vị có thể thỉnh về nhà nghe nhiều lần. Có những đồng tu nói: “Sư là người phương Bắc, chúng tôi nghe không hiểu giọng địa phương của Ngài!” Cuốn băng ấy là bảo bối, không nghe không được! Quý vị nghe tới hai mươi lần, ba mươi lần, sẽ nghe hiểu, phải kiên trì nghe. Tôi nghe lời giảng của Ngài có thể hiểu tám, chín phần, tôi còn nghe ba mươi mấy lần. Do cuốn băng của Ngài dài một tiếng rưỡi, gần như tôi có thể nhớ nằm lòng, tôi nghe quá nhiều lượt! Thật là hay, Sư giảng khai thị, giảng về tham Thiền. Bởi lẽ, quả báo tham Thiền là Tứ Thiền Thiên, chẳng thể thoát tam giới, công phu ấy kể như rất khá, khi người ấy đến được Tứ Thiền Thiên, đã đạt công phu là khuất phục phiền não. Nếu chưa thể khuất phục phiền não, chẳng thể đến Tứ Thiền Thiên. Tuy có thể chế phục phiền não, [nhưng vì] tập khí phiền não chưa đoạn, nên chẳng ra khỏi tam giới. Nếu chúng ta niệm Phật, niệm tới mức vừa mới có thể khuất phục phiền não đôi chút thì đã có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Hễ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, bèn viên chứng ba thứ Bất Thoái, một đời thành Phật; tham Thiền làm sao có thể sánh bằng niệm Phật? Chẳng sánh bằng! Nếu có công phu định lực của Thiền Tông, thưa quý vị, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, phẩm vị sẽ rất cao.
Quán Kinh và kinh Vô Lượng Thọ giảng hết sức thấu triệt. Đối với pháp môn Tịnh Độ, hai lời nguyện, tức nguyện mười tám và nguyện mười chín trong bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật là tinh túy của đại nguyện. Nguyện mười tám nói gì? Kẻ Ngũ Nghịch Thập Ác lúc lâm chung mười niệm vãng sanh; [đối với hạng người này] Thiền chẳng có một tí ti biện pháp nào cả! Kẻ Ngũ Nghịch Thập Ác lâm chung gặp thiện tri thức, khuyên kẻ ấy niệm Phật bèn có thể vãng sanh. Quý vị hãy nghĩ xem, còn có ai chẳng thể vãng sanh? Không có ai chẳng thể vãng sanh! Nguyện mười chín bảo [hành nhân] hãy phát Bồ Đề tâm. Chúng ta nghe nói tới Bồ Đề tâm cũng ngán, chúng ta chẳng thể phát nổi tâm ấy! Nhưng Ngẫu Ích đại sư đã nói một câu huỵch toẹt: Chỉ cần quý vị thật sự chịu phát nguyện cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đó là Vô Thượng Bồ Đề tâm. Chúng ta nghe Ngài nói câu ấy, tảng đá [đè trĩu trong lòng] rơi phịch xuống đất, chúng ta dấy lên Vô Thượng Bồ Đề tâm, vì sao? Tâm cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là tâm Vô Thượng Bồ Đề. Chúng tôi càng nghĩ càng thấy có lý, thật vậy! Vì người ấy vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thành Phật trong một đời, tâm ấy chẳng phải là Vô Thượng Bồ Đề tâm, thì tâm gì mới là Vô Thượng Bồ Đề tâm? Đấy là chỗ chẳng thể nghĩ bàn của Tịnh Độ, trong hết thảy các kinh khác không có, trong các thế giới của mười phương chư Phật cũng không có. Vì thế, quý vị phải thật thà nắm chắc nhân duyên đúng là khó thể gặp gỡ từ vô lượng kiếp tới nay, thế mà chúng ta được gặp gỡ trong một đời này!
Người bên ngoại quốc mời tôi đi giảng kinh, tôi chẳng thể không đi, đấy là nhân duyên trong vô lượng kiếp, tôi phải nói với họ. Người nào tin sẽ thành Phật, chỉ cần vãng sanh sẽ thành Phật. Đối với người không tin, cũng gieo chủng tử cho họ. Vì thế, nhất định phải đi. Chúng tôi ra nước ngoài giảng kinh, các đồng tu ở đây phải niệm Phật, chớ nên gián đoạn. Tôi lại kính khuyên quý vị, hy vọng các đồng tu phải thật sự nỗ lực, để làm gì? Đọc kinh. Điều trọng yếu nhất trong Quán Kinh là ba phước. Quán hạnh có ba thứ: Quán Tưởng Niệm Phật, Quán Tượng Niệm Phật, và Trì Danh Niệm Phật, [Quán Kinh] giảng ba phương pháp ấy. Từ phép Quán thứ nhất tới phép Quán thứ mười hai là Quán Tưởng Niệm Phật, phép Quán thứ mười ba trở đi là Quán Tượng Niệm Phật, phép Quán thứ mười sáu là Trì Danh Niệm Phật. Quán Kinh chủ yếu giảng về phương pháp niệm Phật và tam phước. Đối với tam phước, chúng ta nhất định phải nhớ kỹ, nói thật ra, tam phước là ba tầng lớp:
1) Thứ nhất, chúng ta phải tu phước báo nhân thiên. Phước thứ nhất là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết”. Nếu quý vị chưa thể ăn chay, ăn thịt cũng không sao, nhưng đừng sát sanh, mua ngoài chợ những thứ đã bị giết rồi, mua về ăn, đừng mua thứ còn sống đem về nhà giết, hãy từ tâm chẳng giết! “Tu Thập Thiện Nghiệp Đạo”, đấy là phước thứ nhất, nhân thiên phước.
2) Phước thứ hai là phước báo Tiểu Thừa, đấy là [phước tu] trong
nhà Phật: “Thọ trì Tam Quy, trọn đủ các giới, chẳng phạm oai nghi”, Tam Quy, Ngũ Giới, oai nghi là nghi biểu, nói theo cách bây giờ là lễ nghi, chúng ta phải giữ lễ tiết.
3) Phước thứ ba là phước Đại Thừa, tức phước của Đại Thừa Bồ Tát. Câu đầu tiên là “phát Bồ Đề tâm”, chúng ta phát tâm vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới tức là phát Bồ Đề tâm. “Tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa”, câu tiếp theo là “khuyến tấn hành giả”, khuyến tấn là gì? Phải giảng cho người khác nghe, khuyên người khác tu pháp môn Tịnh Độ.
Vì vậy, đọc tụng rất quan trọng, đọc tụng giống như nghe đức Phật răn dạy. Chúng ta đọc bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư, sẽ giống như nghe Liên Trì đại sư khai thị. Quý vị thấy cổ đức, chúng ta đọc kinh luận, ngữ lục thường thấy các Ngài nghe giảng kinh, nghe chưa xong bộ kinh, đã khai ngộ, chứng quả. Quý vị đồng tu từ lúc học Phật, nghe cho tới nay vẫn chẳng khai ngộ, vì sao chẳng khai ngộ? Vì bình thường, quý vị chẳng đọc tụng, nguyên nhân đơn giản như thế đó! Trong Lục Tổ Đàn Kinh, quý vị thấy: Nếu thiền sư Pháp Đạt chẳng niệm ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa, Lục Tổ giảng giải như thế, Sư có thể khai ngộ hay chăng? Chẳng thể ngộ! Vì sao Sư khai ngộ? Vì Sư niệm ba ngàn bộ. Kinh Pháp Hoa có bảy quyển, mỗi ngày niệm một biến, niệm ba ngàn bộ gần như là niệm mười năm. Sư có căn cơ mười năm đọc tụng Đại Thừa; vì thế, Lục Tổ vừa giảng một tí, Sư đã hoảng nhiên đại ngộ.
Nếu hiện thời quý vị cũng niệm Di Đà Kinh Sớ Sao ba ngàn biến, nghe tôi giảng kinh ở nơi đây, sẽ khai ngộ hay không? Nhất định có người khai ngộ. Vì vậy, cổ nhân nghe kinh khai ngộ, chẳng phải là không có đạo lý. Người ta căn tánh nhạy bén, vì sao nhạy bén? Niệm nhiều nên nhạy bén! So với họ, quý vị còn thông minh hơn, nhưng không chịu làm, còn có cách nào nữa? Trong nhà bị trở ngại, chẳng thể đọc tụng thì đến đây, tới chỗ này để làm. Nếu chẳng ngừng niệm mãi như vậy, đối với quý vị sẽ rất có lợi. Quý vị niệm nhuần nhuyễn, giảng phần trước, quý vị biết phần sau, giảng tới phần sau, quý vị nghĩ đến phần trước, sẽ xuyên suốt ý nghĩa của cả bộ kinh. Tâm địa thanh tịnh, đích xác sẽ có ngộ xứ. Do vậy, đọc tụng Đại Thừa vô cùng trọng yếu.
Chúng ta có thể thường xuyên niệm, thường xuyên nghe, thường xuyên giảng cho người khác, nhất định phải giảng cho người khác, thật sự là một ngày khó gặp gỡ trong vô lượng kiếp. Bản thân chúng ta đạt được lợi ích này, nếu chẳng lần lượt bảo với người khác, chúng ta sẽ có lỗi với Phật, có lỗi với tổ sư. Chúng ta nói cho họ biết, họ chẳng tin, chẳng tiếp nhận, đó là vì chính kẻ ấy nghiệp chướng nặng nề, chúng ta đã tận hết tâm lực rồi! Chính kẻ ấy không chịu tu, đó là chuyện của kẻ ấy, chúng ta xét lòng chẳng thẹn, tâm địa thản nhiên. Tuyệt đối chẳng phải là chúng ta đã đạt được, nhưng chẳng bảo với kẻ khác, [như vậy là] không được!
Bản thân tôi đã học Phật hơn ba mươi năm, nay tôi hiểu thật sâu pháp môn này, nên tôi dám khuyên người khác hãy đều buông xuống tất cả các pháp môn khác! Quý vị chỉ cần học một môn này, chắc chắn sẽ thành công. Quý vị tu thêm những thứ khác, chắc chắn bị chướng ngại. Hiện thời, chúng ta hãy toàn tâm toàn lực đi theo pháp môn này, chắc chắn sẽ đi thông suốt. Nếu quý vị thông đạt môn này, bất luận trong tương lai quý vị học pháp môn nào, hết thảy pháp môn đều đạt được. “Một kinh thông, hết thảy các kinh đều thông”. Một pháp môn thành tựu, hết thảy các pháp môn thành tựu, đúng là Thiền, Giáo, Mật, Luật, không có môn nào quý vị chẳng thành tựu. Do vậy, đây là pháp môn đơn giản nhất, dễ dàng nhất, ổn thỏa nhất, đáng tin cậy nhất; nếu chúng ta chẳng tu pháp môn này, quả thật quá đáng tiếc!
(Sớ) Chư kinh lập danh, giai dĩ Nhân, Pháp, Dụ, hoặc đơn, hoặc phức. Thử kinh đơn Nhân, Nhân phục hữu nhị, lưỡng độ quả nhân cố, thật tắc tam giai dung thông cố.
(疏) 諸經立名,皆以人法喻,或單或複。此經單人,人復有二,兩土果人故,實則三皆融通故。
(Sớ: Đặt tên cho các kinh đều dùng Nhân, Pháp, Dụ, hoặc đơn, hoặc phức. Kinh này chỉ dùng Nhân. Nhân lại có hai, tức là bậc đã chứng quả trong hai cõi. Quả thật là ba thứ này (Nhân, Pháp, Dụ) đều dung thông).
Đây là nói về cách đặt tên trong kinh Phật có một nguyên tắc, đề mục (tên kinh) chẳng phải là tùy tiện thành lập, mà dùng Nhân, Pháp, và Tỷ Dụ. Tất cả các kinh đều chẳng tách rời ba nguyên tắc này. Ba loại đơn là chỉ dùng Nhân làm đề mục, hoặc chỉ dùng Pháp, hay chỉ dùng Dụ (tỷ dụ), đó là ba loại. Ngoài ba loại này, còn có hai loại trùng điệp, tức là “Nhân Pháp, Nhân Dụ, Pháp Dụ”, biến thành ba thứ trùng phức, gọi [gộp chung] là “tam đơn tam phức”; còn có một loại gọi đủ là “cụ túc”, tức là trong tựa đề ấy, Nhân, Pháp, Dụ đều có. Vì thế, có tất cả bảy thứ. Kiến lập đề mục của hết thảy các kinh Phật đều chẳng ra ngoài phạm vi của bảy loại này. Vì thế, gọi là “thất lập tuyển đề” (bảy cách chọn lựa để đặt tựa đề một bản kinh).
Trong bảy cách chọn lựa để đặt tên kinh, kinh này thuộc loại nào? Đơn nhân, Phật Thuyết A Di Đà Kinh. Trong tên kinh này, chỉ có Nhân, không có Pháp, mà cũng không có tỷ dụ (Dụ), hoàn toàn dùng Nhân để đặt tên. Nhân lại có hai người: “Phật Thuyết” thì Phật là Thích Ca Mâu Ni Phật, là vị thuộc thế giới Sa Bà, vị được nói đến là “A Di Đà” thuộc về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do vậy, trong nhân có cõi này và cõi kia. “Quả nhân” là người chứng đắc Phật rốt ráo. Kinh này thuộc loại “đơn nhân lập đề”.
(Sao) Đơn phức giả, như Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, cụ túc Nhân, Pháp, Dụ tam.
(鈔) 單複者,如大方廣佛華嚴經,具足人法喻三。
(Sao: “Đơn phức”: Như Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh trọn đủ ba thứ Nhân, Pháp, Dụ).
Trong đề mục của kinh Hoa Nghiêm, ba thứ Nhân, Pháp, Dụ đều có. Đại Phương Quảng là Pháp, Phật là Nhân, Hoa Nghiêm là tỷ dụ, Hoa là đóa hoa, Nghiêm là trang nghiêm, giống như trong vườn hoa, các thứ hoa đều có, hoa nở hết sức tươi thắm, dùng điều này làm tỷ dụ. Vì thế, gọi là Hoa Nghiêm, đó là tỷ dụ.
(Sao) Đại Phương Tiện Phật Báo Ân Kinh, Nhân Pháp vô Dụ.
(鈔) 大方便佛報恩經,人法無喻。
(Sao: Tựa đề của Đại Phương Tiện Phật Báo Ân Kinh có Nhân và Pháp, không có Dụ).
Trong đề mục này, có Nhân và Pháp, không có tỷ dụ. Đại Phương Tiện là Pháp, Báo Ân cũng là Pháp, Phật là Nhân. Trong đề mục này, không có tỷ dụ. Đề mục này thuộc loại “Nhân Pháp lập đề”.
(Sao) Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Pháp Dụ vô Nhân.
(鈔) 妙法蓮華經,法喻無人。
(Sao: Diệu Pháp Liên Hoa Kinh có Pháp và Dụ, không có Nhân).
Diệu Pháp là Pháp, Liên Hoa là tỷ dụ. Trong đây, không có Nhân, vì thế, là Pháp Dụ Vô Nhân, dùng Pháp và Dụ để đặt tên kinh.
(Sao) Bồ Tát Anh Lạc Kinh, Nhân Dụ, vô Pháp.
(鈔) 菩薩瓔珞經,人喻無法。
(Sao: Bồ Tát Anh Lạc Kinh, có Nhân và Dụ, không có Pháp).
Bồ Tát là Nhân, Anh Lạc là tỷ dụ. Anh Lạc là những thứ trang sức đeo trên người, do châu ngọc hoặc các thứ hoa kết thành. Chúng ta thấy trước ngực của tượng Phật, Bồ Tát đeo rất nhiều, đầy ắp, đó là anh lạc. Bồ Tát Anh Lạc Kinh không có Pháp, tên kinh thuộc loại “Nhân Dụ vô Pháp”.
(Sao) Đại Bát Nhã Kinh, đơn Pháp, vô Nhân Dụ.
(鈔) 大般若經,單法無人喻。
(Sao: Đại Bát Nhã Kinh, chỉ có Pháp, không có Nhân và Dụ).
Đại Bát Nhã là Pháp, không có tỷ dụ, cũng không có Nhân, đây là “đơn Pháp lập đề”.
(Sao) Phạm Võng Kinh, đơn Dụ, vô Nhân Pháp.
(鈔) 梵網經,單喻無人法。
(Sao: Phạm Võng Kinh, chỉ có Dụ, không có Nhân và Pháp).
Phạm Võng là tỷ dụ, tức là cái lưới của Đại Phạm Thiên, trong đề mục này không có Nhân, mà cũng chẳng có Pháp, dùng tỷ dụ để đặt tên kinh.
(Sao) Kim thử kinh giả, đơn Nhân, vô Pháp Dụ, tha giai lệ thử.
(鈔) 今此經者,單人無法喻,他皆例此。
(Sao: Nay kinh này chỉ có Nhân, không có Pháp và Dụ, đối với tên gọi của những bộ kinh khác, cứ dựa theo những điều đã trình bày ở đây để biết).
“Tha” (他) là hết thảy những kinh khác. [Tựa đề của] hết thảy các kinh Phật khác cũng chẳng ngoài bảy cách đặt tên này!
(Sao) Lưỡng độ quả nhân giả, Bồ Tát tại nhân, Như Lai tại quả, cố Phật hiệu “quả nhân”.
(鈔)兩土果人者,菩薩在因,如來在果,故佛號果人。
(Sao: “Quả nhân thuộc hai cõi”: Bồ Tát đang tu nhân, Như Lai đã chứng quả, nên Phật được gọi là “quả nhân”).
“Hiệu” (號) là danh hiệu, chúng ta gọi Ngài là “quả nhân”. Bồ Tát còn đang tu nhân, vẫn đang tu hành, vẫn chưa viên mãn; viên mãn gọi là kết quả.
(Sao) Kim thị thử phương chi Phật.
(鈔) 今是此方之佛。
(Sao: Nay là vị Phật ở phương này).
“Thử phương chi Phật” là Thích Ca Mâu Ni Phật.
(Sao) Thuyết bỉ phương Phật cố.
(鈔) 說彼方佛故。
(Sao: Nói tới vị Phật ở phương kia).
“Bỉ phương Phật” là Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật. Do vậy, trong tựa đề kinh là “lưỡng độ quả nhân” (bậc đã chứng đắc Phật quả ở hai cõi).
(Sao) Dung thông giả, cử nhất tức tam cố.
(鈔) 融通者,舉一即三故。
(Sao: “Dung thông”: Nêu lên một chính là ba).
Nói thật ra, ý nghĩa này phát xuất từ kinh Hoa Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm quả thật chẳng thể nghĩ bàn. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Hàng bố chẳng trở ngại viên dung, viên dung chẳng trở ngại hàng bố”, “hàng bố” là theo thứ tự, còn “viên dung” là không có thứ tự, “một tức là nhiều, nhiều tức là một”. Chiếu theo Lý ấy trong kinh Hoa Nghiêm để nhìn, chẳng có một pháp nào không viên dung, đó gọi là “viên nhân thuyết pháp, chẳng pháp nào không viên”, viên nhân quán pháp, cũng chẳng pháp nào không viên! Có thể thấy: Đối với viên và chẳng viên, pháp không có viên hay chẳng viên, tùy thuộc vào tầm nhìn của người ấy là viên hay chẳng viên, vấn đề ở chỗ này! Viên là như vậy, mà nhiễm, tịnh, cấu, uế, không pháp nào chẳng phải là như vậy. Do vậy, tâm tịnh thì hết thảy các pháp đều tịnh; tâm ô nhiễm, hết thảy các pháp bị ô nhiễm. Pháp có tịnh hoặc uế hay không? Chẳng có! Nhiễm hay tịnh là do tâm, chẳng do pháp. Đấy là nguyên lý chân thật được giảng trong kinh Hoa Nghiêm.
Liên Trì đại sư chú giải kinh Di Đà, chọn dùng phương thức [chú giải kinh điển] của tông Hoa Nghiêm; vì thế, mở đầu Ngài dùng Thập Môn Khai Khải. Lại còn khắp mọi chỗ đều trích dẫn kinh Hoa Nghiêm để giải thích kinh Di Đà, Ngài dụng tâm rất nhọc nhằn, dụng ý rất sâu, nhằm mục đích bảo chúng ta kinh Di Đà và kinh Hoa Nghiêm là một, không hai, dụng ý ở chỗ này. Vì thế, cổ đức nói: Kinh Di Đà là kết luận của kinh Hoa Nghiêm, là chỗ quy túc của Hoa Nghiêm và Pháp Hoa. Trong bản chú giải kinh Vô Lượng Thọ của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, chúng ta cũng thấy cụ trích dẫn lời cổ đức, chứ chẳng phải do chính cụ nói, [cổ đức] nói Hoa Nghiêm và Pháp Hoa bất quá nhằm dẫn khởi kinh Di Đà mà thôi, nhằm hướng dẫn quý vị. [Có thể sánh ví kinh Hoa Nghiêm và Pháp Hoa] giống như lời tựa cho một cuốn sách mà thôi! Từ những kinh ấy, [đức Phật] dẫn dắt chúng ta vào kinh Di Đà. Lời ấy càng nghĩ càng thấy có lý! Do vậy, quý vị phải nghĩ kinh này quan trọng lắm. Hoa Nghiêm và Pháp Hoa được mọi người trong thiên hạ công nhận là vua trong các kinh, nhưng vua các kinh lại dẫn về Cực Lạc. Điều này đáng để chúng ta suy nghĩ sâu xa!
(Sao) Như kim kinh tuy thuộc đơn nhân, nhi Pháp tùng Nhân thuyết, Dụ dĩ Nhân cử.
(鈔) 如今經雖屬單人,而法從人說,喻以人舉。
(Sao: Như [tựa đề] kinh này tuy thuộc loại đơn Nhân, nhưng Pháp do người nói, tỷ dụ do người nêu ra).
Nói đến Nhân thì đương nhiên Pháp và Dụ cũng được bao gồm trong ấy!
(Sao) Ngôn thiên, nghĩa viên, thông dung giao triệt, Lý cố nhiên dã.
(鈔) 言偏義圓,通融交徹,理固然也。
(Sao: Lời nói có thiên lệch, nhưng nghĩa viên dung, dung thông thấu triệt, Lý vốn là như vậy).
Nói tới Pháp Thân thì Pháp Thân, Bát Nhã và Giải Thoát là ba đức, hễ nói tới Phật liền trọn khắp. Ba món ấy cũng giống như vậy, bất luận nói tới Nhân, nói tới Pháp, hay nói tới Dụ, nhất định sẽ là “một mà ba, tuy ba mà một”. Nói tới Nhân, thì Pháp là do Nhân nói, Dụ do Nhân nêu ra; đương nhiên Nhân bao gồm Pháp và Dụ. Nếu chỉ nói tới Dụ, Dụ do Nhân tỷ dụ, Nhân có thể thuyết pháp, cho nên trong Dụ cũng bao gồm Nhân và Pháp. Pháp cũng như vậy, Pháp do Nhân nói, đương nhiên chẳng lìa Nhân, Nhân lại nêu tỷ dụ để hiển thị pháp, Dụ cũng được bao gồm bên trong, quả thật là một mà ba, ba mà một. Nếu chúng ta hiểu, tách ra thì nói như thế nào, viên dung thì như thế nào, khi đáng chia thì chia, khi nên viên dung thì nên viên dung. Khi đáng chia là nhằm khiến cho người khác dễ lãnh ngộ, dễ hiểu. Khi viên dung là nhằm khiến cho người khác đừng chấp trước; chẳng chấp trước thì mới có thể hiểu được ý nghĩa viên dung. Nếu quý vị có phân biệt, chấp trước, quý vị chỉ có thể hiểu ý nghĩa một bên, ý nghĩa ấy chẳng viên; ắt phải đạt đến đừng chấp trước, ý nghĩa sẽ viên mãn. Do vậy, phải dùng hai cách nói khiến cho quý vị có thể thật sự thấu hiểu! Ngày hôm nay chúng tôi giảng tới đây.