A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
QUYỂN 7 – Tập 195-201
Liên Trì đại sư chùa Vân Thê soạn sớ sao
Pháp sư Cổ Đức diễn nghĩa
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Minh Tiến – Huệ Trang – Đức Phong
— o0o —
Tập 195
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm chín mươi sáu:
(Sớ) Nhược khảo A Di Đà Phật, thành Phật dĩ tiền nhân địa, bất
đản Pháp Tạng nhất nhân, hữu đa chủng nhân, như chư kinh trung thuyết.
(疏)若考阿彌陀佛,成佛以前因地,不但法藏一因,有多種因,如諸經中說。
(Sớ: Nếu khảo sát về nhân địa của A Di Đà Phật trước khi Ngài thành Phật thì không chỉ là một thời kỳ tu nhân của tỳ-kheo Pháp Tạng, mà còn có nhiều nhân như trong các kinh đã nói).
Đoạn này nói rõ về những sự tích (dấu tích ứng hiện nơi mặt Sự) của A Di Đà Phật trước khi Ngài thành Phật, còn đang tu nhân. Thông thường, chúng ta giới thiệu [nhân địa của A Di Đà Phật] chỉ dựa theo kinh Vô Lượng Thọ. Thật ra, trong nhiều kinh điển Đại Thừa, đức Phật đã từng nói đến chuyện tu nhân chứng quả của A Di Đà Phật. Nếu chúng ta gộp chung các kinh luận ấy để xem, sẽ biết: Lần này, A Di Đà Phật thị hiện thành Phật trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng phải là lần đầu tiên thành Phật, mà là thị hiện thành Phật giống như Thích Ca Mâu Ni Phật đã thị hiện trong thế gian này. Chúng ta đọc kinh điển Đại Thừa, như kinh Phạm Võng có nói: “Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành Phật trong thế giới Sa Bà lần này là lần thứ tám ngàn”. Vì thế, chẳng phải là Ngài ba mươi tuổi thành đạo dưới cội Bồ Đề, trong đêm thấy sao Mai bèn hoảng nhiên đại ngộ. Đó là diễn tuồng cho chúng ta xem, diễn tuồng giống như vậy lần này là lần thứ tám ngàn, chẳng phải là Ngài thành Phật trong một đời này, mà là đã thành Phật nhiều đời nhiều kiếp. Do vậy có thể biết, A Di Đà Phật thị hiện trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng khác đức Bổn Sư cho mấy. Thật ra, Ngài cũng đã sớm thành Phật từ kiếp lâu xa!
(Sao) Pháp Tạng nhân giả.
(鈔)法藏因者。
(Sao: Cái nhân của ngài Pháp Tạng).
Kinh Vô Lượng Thọ nói nhân địa của A Di Đà Phật là tỳ-kheo Pháp Tạng, chúng ta vẫn dùng danh xưng này.
(Sao) Đại Bổn vân: Định Quang Phật tiền ngũ thập tam Phật, danh Thế Tự Tại Vương, Pháp Tạng thời vi quốc vương, xả vị xuất gia, phát tứ thập bát nguyện, kim A Di Đà Phật thị Pháp Tạng sở thành chi Phật dã.
(鈔)大本云:定光佛前五十三佛,名世自在王,法藏時為國王,捨位出家,發四十八願,今阿彌陀佛,是法藏所成之佛也。
(Sao: Kinh Đại Bổn chép: Trước Định Quang Phật năm mươi ba vị Phật, có một vị tên là Thế Tự Tại Vương. Khi ấy, ngài Pháp Tạng làm quốc vương, bỏ ngôi, xuất gia, phát ra bốn mươi tám nguyện, A Di Đà Phật hiện nay chính là vị Phật do Pháp Tạng tu thành).
Đây là nói Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật trong hiện tại chính là do tỳ-kheo Pháp Tạng tu thành. Sự tu thành này giống như Thái Tử Tất Đạt Đa tu thành Thích Ca Mâu Ni Phật, chư vị phải hiểu sự thật này. Từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta đều đã đọc thấy những chuyện này, rất quen thuộc! Chuyện này đáng để nhắc tới, cũng là nhắc nhở bản thân chúng ta, đánh thức chính mình. Đối với các pháp thế gian như tiếng tăm, lợi dưỡng, người thế gian tham luyến, chẳng nỡ buông xuống, tỳ-kheo Pháp Tạng đã nêu gương, Ngài thảy đều buông xuống. Nếu chẳng thể buông xuống, nói thật ra, sẽ là lục đạo luân hồi! Đã luân hồi trong lục đạo thì quan hệ với hết thảy chúng sanh trong thế gian sẽ là quan hệ ân oán. Nói thật ra, kết ân huệ với chúng sanh cực ít, kết cừu oán với chúng sanh chiếm đại đa số, bản thân chúng ta khéo phản tỉnh đôi chút sẽ biết ngay. Kết thù oán nhiều ngần ấy, càng kết càng sâu, mai sau giải quyết bằng cách nào? Vì thế, người thật sự có trí huệ nêu gương cho chúng ta thấy, mong chúng ta thảy đều buông xuống.
Người thế gian tranh danh trục lợi! Thuở ấy, ngài Pháp Tạng mang thân phận là quốc vương. Nói theo phương diện danh vọng, lợi dưỡng, Ngài phú quý tột bậc, thường nói là “quý vi thiên tử, phú hữu tứ hải” (thiên tử sang quý, giàu có khắp bốn biển), ngũ dục, lục trần trong thế gian này Ngài đều đạt được. Vì sao lại bỏ sạch để đi xuất gia? Đạt được danh lợi thế gian là một đời này, quý vị có thể hưởng thụ trong một thời gian hết sức ngắn ngủi, tạm bợ! Trong khi hưởng thụ, sẽ tạo vô lượng tội nghiệp; trong tương lai, nhất định sẽ phải đền trả những việc đã làm, tuyệt đối chẳng có chuyện may mắn [tránh né, khỏi phải trả nợ]. Sát nghiệp càng nặng, giết chết chúng sanh, đó là thiếu nợ mạng. Thiếu mạng thì phải đền mạng, thiếu nợ thì phải đền tiền, chẳng có kẻ nào may mắn thoát khỏi! Nếu chúng ta thật sự nhìn vào nhân trước, quả sau, sẽ chẳng dám dấy khởi một vọng niệm, chẳng dám khởi một ác niệm, chẳng dám làm chuyện xấu, nhân quả thông suốt ba đời mà! Kẻ mê hoặc điên đảo chỉ nhìn chuyện trước mắt, chẳng biết quả báo tương lai đáng sợ. Ngài (Pháp Tạng) thấy nhân quả mai sau, quốc vương cũng chẳng muốn làm, biết pháp thế gian chẳng có gì không rỗng tuếch, đúng là “tay trắng đến, tay trắng ra đi”. Đó gọi là “muôn thứ chẳng mang được, chỉ có nghiệp theo thân!” Tạo một thân đầy tội nghiệp, vô cùng đáng sợ! Do đó, người ta làm quốc vương, ngôi vua cũng bỏ phứt, theo Phật xuất gia. Đấy là sự thị hiện của A Di Đà Phật trong giai đoạn này nhằm cảnh tỉnh, răn nhắc chúng ta. Tiếp theo đây, [đại sư] giới thiệu các kinh, dẫn ra tám bộ kinh luận:
(Sao) Đa chủng nhân giả, nhất, Pháp Hoa kinh, Đại Thông Trí Thắng Như Lai thời, thập lục vương tử, xuất gia tịnh tu phạm hạnh, cầu Vô Thượng Bồ Đề, Phật diệt độ hậu, thường nhạo thuyết thị Diệu Pháp Hoa kinh, hậu tất thành Phật. Đệ cửu vương tử ư Tây Phương thành Phật. Bỉ vương tử giả, kim A Di Đà Phật thị.
(鈔)多種因者,一、法華經,大通智勝如來時,十六王子,出家淨修梵行,求無上菩提,佛滅度後,常樂說是妙法華經,後悉成佛,第九王子於西方成佛,彼王子者,今阿彌陀佛是。
(Sao: “Có nhiều nhân”: Một là như trong kinh Pháp Hoa, vào thời Đại Thông Trí Thắng Như Lai, mười sáu vương tử xuất gia tịnh tu phạm hạnh, cầu Vô Thượng Bồ Đề. Sau khi đức Phật đã diệt độ, họ thường thích nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa, về sau, đều thành Phật. Vương tử thứ chín thành Phật ở phương Tây, vương tử ấy nay là A Di Đà Phật).
Đây là chuyện trong kiếp xa xưa của đức Phật được nói trong phẩm Thọ Lượng của kinh Pháp Hoa, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng là một trong mười sáu vương tử. Vào thời Đại Thông Trí Thắng Như Lai (Mahābhijñā Jñānābhibhū), Thích Ca Mâu Ni Phật và A Di Đà Phật là anh em. Mười sáu người anh em các Ngài thảy đều xuất gia, sau này đều thành Phật. Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật trong hiện tại chính là vị vương tử thứ chín thuở ấy. Đây là nói đến nhân địa xưa kia, rất lâu xa, chẳng phải là chuyện trong khoảng mười kiếp, mà là chuyện từ nhiều kiếp lâu xa về trước!
(Sao) Nhị, Bi Hoa kinh vân: “Vô lượng kiếp tiền, hữu Chuyển Luân Vương, danh Vô Tránh Niệm, cúng dường Bảo Tạng Như Lai. Thời vương phát nguyện, nguyện thành Phật thời, quốc trung chủng chủng thanh tịnh trang nghiêm. Phật dữ thọ ký, quá Hằng hà sa kiếp, Tây Phương thế giới tác Phật, quốc danh An Lạc. Bỉ quốc vương giả, kim A Di Đà Phật thị”.
(鈔)二、悲華經云:無量劫前,有轉輪王,名無諍念,供養寶藏如來。時王發願,願成佛時,國中種種清淨莊嚴,佛與授記,過恆河沙劫,西方世界作佛,國名安樂,彼國王者,今阿彌陀佛是。
(Sao: Hai là kinh Bi Hoa chép: Vô lượng kiếp trước, có Chuyển Luân Vương tên là Vô Tránh Niệm, cúng dường Bảo Tạng Như Lai. Khi ấy, nhà vua phát nguyện, nguyện khi thành Phật, trong nước các thứ thanh tịnh trang nghiêm, Phật bèn thọ ký cho vua: Sau Hằng hà sa kiếp, sẽ làm Phật trong thế giới Tây Phương, cõi nước tên An Lạc. Quốc vương ấy chính là A Di Đà Phật hiện thời).
Kinh Bi Hoa nói nhân địa của Phật Di Đà vượt quá Hằng hà sa số đại kiếp, đúng là vô lượng kiếp, đâu phải chỉ là mười kiếp! Kinh Vô Lượng Thọ nói “mười kiếp”; do vậy có thể biết, A Di Đà Phật trong thế giới Tây Phương là thị hiện, được gọi là “nhất kỳ thị hiện” (thị hiện trong một giai đoạn), giống như mở trường học, là một khóa học mà thôi. Trước khóa ấy, còn có rất nhiều khóa khác. Đây là nói rõ: Đức Phật đã thành Phật từ nhiều kiếp xa xôi trước.
(Sao) Tam, Đại Thừa Phương Đẳng Tổng Trì Kinh vân: Vô Cấu Diễm Xưng Khởi Vương Như Lai thời, hữu Tịnh Mạng tỳ-kheo, tổng trì chư kinh thập tứ ức bộ, tùy chúng sanh nguyện nhạo, quảng vị thuyết pháp. Bỉ tỳ-kheo giả, kim A Di Đà Phật thị.
(鈔)三、大乘方等總持經云:無垢燄稱起王如來時,有淨命比丘,總持諸經十四億部,隨眾生願樂,廣為說法,彼比丘者,今阿彌陀佛是。
(Sao: Ba là Đại Thừa Phương Đẳng Tổng Trì Kinh[40] nói: Thời Vô
Cấu Diễm Xưng Khởi Vương Như Lai, có tỳ-kheo Tịnh Mạng tổng trì các kinh số đến mười bốn ức bộ, tùy theo lòng ưa muốn của chúng sanh mà rộng vì họ thuyết pháp. Vị tỳ-kheo ấy nay là A Di Đà Phật).
Bộ kinh này tuy chẳng nói rõ thời kiếp, chẳng nói thời gian dài hay ngắn, nhưng từ chuyện Ngài tổng trì các kinh mười bốn ức bộ, [ta biết ngay] đấy chẳng phải là thời kiếp thông thường. Nay kinh luận do Thích Ca Mâu Ni Phật lưu lại, dịch sang tiếng Hán bất quá là hơn ba ngàn bộ! Mười bốn ức bộ, dẫu theo cách tính của Ấn Độ coi “mười vạn là một ức”, thì cũng là một trăm bốn mươi vạn bộ! Đấy là chúng ta nói tối thiểu, tính theo cách tối thiểu, tuyệt đối chẳng phải là người bình phàm có thể thọ trì. Nếu chẳng có thọ mạng rất dài, làm sao có thể thọ trì kinh điển nhiều ngần ấy? Lại còn rộng vì chúng sanh tuyên thuyết, cho nên nhất định là sự tu học nơi nhân địa từ nhiều kiếp lâu xa trước.
(Sao) Tứ, Hiền Kiếp kinh vân: Vân Lôi Hống Như Lai thời, hữu vương tử danh Tịnh Phước Báo Chúng Âm, cúng dường bỉ Phật. Bỉ vương tử giả, kim A Di Đà Phật thị.
(鈔)四、賢劫經云:雲雷吼如來時,有王子名淨福報眾音,供養彼佛,彼王子者,今阿彌陀佛是。
(Sao: Bốn là kinh Hiền Kiếp nói: Vào thời Vân Lôi Hống Như Lai, có một vương tử tên là Tịnh Phước Báo Chúng Âm cúng dường đức Phật ấy. Vị vương tử ấy nay là A Di Đà Phật).
Kinh Hiền Kiếp do đức Phật nói. Xét theo kinh văn, trong vô lượng kiếp quá khứ, Phật Di Đà đã phước huệ song tu, nên lần này Ngài gặp Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai, tu thành Tây Phương Cực Lạc thế giới, chỉ dùng thời gian năm kiếp, kinh Vô Lượng Thọ đã nói rất rõ ràng! Đức Phật thuyết pháp cho Ngài ngàn ức năm, ngàn ức năm cũng chẳng coi như rất dài; vì khi ấy, đức Phật trụ thế bốn mươi hai kiếp, trong năm kiếp Ngài (Phật Di Đà) đã tạo thành thế giới Cực Lạc. [Thoạt nhìn sẽ thấy sao mà] thực hiện dễ dàng quá! Chẳng biết Ngài đã tích lũy công đức từ vô lượng kiếp trước, đã sớm thành Phật.
Giống như Thích Ca Mâu Ni Phật kiến lập Phật pháp trong thế gian này là lần thứ tám ngàn. Thoạt nhìn, Ngài kiến lập rất dễ dàng, từ năm vị tỳ-kheo tại Lộc Dã Uyển, chẳng bao lâu sau đã có một tăng đoàn khổng lồ!
(Sao) Ngũ, bỉ kinh hựu vân: Kim Long Quyết Quang Phật thời, hữu pháp sư danh Vô Hạn Lượng Bảo Âm Hạnh, lực hoằng kinh pháp. Bỉ pháp sư giả, kim A Di Đà Phật thị.
(鈔)五、彼經又云:金龍決光佛時,有法師名無限量寶音行,力弘經法。彼法師者,今阿彌陀佛是。
(Sao: Năm, kinh ấy lại nói: Vào thời Kim Long Quyết Quang Phật, có pháp sư tên Vô Hạn Lượng Bảo Âm Hạnh, tận lực hoằng dương kinh pháp. Vị pháp sư ấy nay là A Di Đà Phật).
Trong nhân địa (khi tu nhân), thân phận nào A Di Đà Phật cũng đều từng trải qua.
(Sao) Lục, Quán Phật Tam Muội đệ cửu kinh vân.
(鈔)六、觀佛三昧第九經云。
(Sao: Sáu là quyển chín kinh Quán Phật Tam Muội[41] có nói).
Kinh Quán Phật Tam Muội, quyển thứ chín.
(Sao) Không Vương Phật thời, hữu tứ tỳ-kheo, phiền não phú tâm, không trung giáo linh quán Phật, toại đắc Niệm Phật tam-muội, bỉ đệ tam tỳ-kheo, kim A Di Đà Phật thị.
(鈔)空王佛時,有四比丘,煩惱覆心,空中教令觀佛,遂得念佛三昧,彼第三比丘,今阿彌陀佛是。
(Sao: Vào thời Không Vương Phật có bốn vị tỳ-kheo, phiền não
che lấp tâm, [nghe] trong hư không [có tiếng] truyền dạy hãy nên quán Phật, bèn đắc Niệm Phật tam-muội. Vị tỳ-kheo thứ ba khi ấy nay là A Di Đà Phật).
Sau khi chúng ta đọc đoạn kinh văn này, có thể đạt được đôi chút lợi ích chân thật. Vì sao? Phiền não che lấp tâm, đây là trạng huống của chúng ta trong hiện thời. Nay trong tâm chúng ta toàn là phiền não. Ngoài phiền não ra, chẳng có thứ gì khác, học đầy ắp một bụng Phật pháp vẫn là phiền não! Trong kinh thường có tỷ dụ, [dùng] các đồ đựng [để tỷ dụ]: Như cái chén trà này, trước kia đã từng đựng thuốc độc; nay đã đổ hết thuốc độc đi, nhưng vẫn chưa rửa sạch sẽ. Lại đổ đề-hồ vào, đề-hồ cũng biến thành thuốc độc! Huống chi chúng ta vẫn chưa trừ hết phiền não, phiền não đầy dẫy, lại bỏ thêm đề-hồ Phật pháp vào, toàn thể đề-hồ đều biến thành thuốc độc! Do phiền não che lấp tâm đó mà!
Vì lẽ này, chư Phật, Bồ Tát truyền pháp, nhất định phải tìm người như thế nào? Tìm pháp khí, thật sự là pháp khí. Pháp khí là gì? Cái chén này sạch sẽ, tuy trước kia từng đựng thuốc độc, nhưng đã rửa sạch sẽ, một tí cặn cũng chẳng sót lại. Như vậy thì mới được, đấy mới là pháp khí, đựng đề-hồ sẽ không bị biến chất! Còn có một chút phiền não chưa đoạn, sẽ bị biến chất. Chư vị hãy nghĩ xem, đoạn phiền não quan trọng như thế đó! Phiền não chẳng đoạn, không thể nào đạt được thành tựu. Chúng ta ngàn muôn phần phải ghi nhớ điều này, tuyệt đối chẳng thể đùa bỡn. Vì sao? Có mối quan hệ chặt chẽ với sự vãng sanh Tịnh Độ trong tương lai của chúng ta. Tâm thanh tịnh thì mới có thể sanh về Tịnh Độ, đới nghiệp chỉ là mang theo nghiệp cũ, chẳng mang theo nghiệp mới.
Nghiệp cũ và nghiệp mới tính từ ngày nào? Tôi nói cho quý vị biết, quý vị có thể rất yên lòng: Tính từ ngày quý vị vãng sanh. Khi vãng sanh mà nghiệp còn hiện tiền, sẽ chẳng thể vãng sanh. Vì sao biết là tính từ lúc vãng sanh? Kinh có nói: Khi lâm chung, [kẻ trót tạo tội] Ngũ Nghịch, Thập Ác gặp thiện tri thức, một niệm hay mười niệm đều có thể vãng sanh. Có thể thấy là nghiệp cũ và nghiệp mới được tính từ lúc vãng sanh. Nhưng quý vị phải hiểu, tuy tính từ lúc ấy, chúng ta phải chuẩn bị từ hiện thời. Hiện thời không chuẩn bị, đến khi vãng sanh, đối với một niệm lúc lâm chung, quý vị có thể bảo đảm khi đó sẽ có thể chế phục cựu nghiệp, khiến cho nó chẳng dấy lên hiện hành hay chăng? Quý vị chẳng nắm chắc! Chẳng nắm chắc, nói cách khác, sanh tử chẳng nắm chắc, sẽ chẳng đảm bảo vãng sanh! Vì thế từ ngay trong hiện thời phải nghiêm túc nỗ lực, phải thấy thấu suốt, phải buông xuống.
Đương nhiên chuyện này cũng cần phải có phương pháp. Kinh dạy chúng ta phương pháp rất hay. “Không trung giáo lệnh” (Tiếng truyền dạy trong hư không), “không trung” [là tiếng truyền dạy] của Không Vương Phật (Dharmagahanābhyudgata-rāja), dạy họ hãy dùng phương pháp Quán Phật. Quán Phật là niệm Phật, “toại đắc Niệm Phật tam-muội” (bèn đắc Niệm Phật tam-muội), thành tựu Niệm Phật tam-muội. Phương pháp này thật sự hay lắm! A Di Đà Phật dùng phương pháp gì để thành Phật? Ngài cũng do niệm Phật mà thành Phật. Chúng ta hãy nên biết chân tướng sự thật này. Từ nay trở đi, tâm chúng ta trong mỗi niệm đều niệm Phật, trong mỗi niệm đều tưởng Phật, hết thảy những thứ khác đều chẳng nghĩ tới, chẳng vương vấn. Mọi người chớ nghĩ: Nếu như vậy thì có phải là chúng ta quá lạnh nhạt đối với người nhà quyến thuộc hay không? Nếu quý vị chẳng lạnh nhạt mà rất nhiệt tình, hễ nhiệt tình sẽ phải luân hồi trong lục đạo! Luân hồi trong lục đạo thì kết quả, nói thật ra, bất quá cũng là ngắn ngủi, tạm bợ mấy chục mùa nóng lạnh, sau khi đã chết, ai nấy đều bươn bả theo tương lai riêng, muốn gặp lại khó lắm, rất ư là khó! Phải thật sự hiểu rõ điều này!
Nếu có thể thật sự buông xuống, niệm Phật vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chính mình niệm Phật sanh về Tịnh Độ, đối với người nhà quyến thuộc đều có thể khuyên họ vãng sanh Tịnh Độ. Do thọ mạng trong Tây Phương Cực Lạc thế giới dài lâu, như vậy thì mới có thể thật sự ở cùng một chỗ. Vì thế, người niệm Phật thoạt nhìn dường như rất lạnh nhạt, tiêu cực, thật ra là hành vi tích cực nhất, chẳng có gì tích cực hơn! Người thế gian nhìn bề ngoài là tích cực, nói thật ra, thật sự là tiêu cực, thật sự xem nhẹ hiện thực! Vì thế, ngàn muôn phần đừng coi rẻ pháp môn Niệm Phật này! Những lo nghĩ, vướng mắc thảy đều phải buông xuống, biến đổi tất cả phiền não trong tâm thành A Di Đà Phật thì sẽ thành công.
(Sao) Thất, Như Huyễn Tam Ma Địa Vô Lượng Ấn Pháp Môn Kinh vân: Sư Tử Du Hý Kim Quang Như Lai thời, hữu quốc vương danh Thắng Oai, tôn trọng cúng dường bỉ Phật, tu Thiền Định hạnh, bỉ quốc vương giả, kim A Di Đà Phật thị.
(鈔)七、如幻三摩地無量印法門經云:獅子遊戲金光如來時,有國王名勝威,尊重供養彼佛,修禪定行,彼國王者,今阿彌陀佛是。
(Sao: Bảy là kinh Như Huyễn Tam Ma Địa Vô Lượng Ấn Pháp
Môn[42] nói: Vào thời Sư Tử Du Hý Kim Quang Như Lai, có quốc vương tên Thắng Oai tôn trọng cúng dường đức Phật ấy, tu Thiền Định hạnh. Vị quốc vương ấy nay là A Di Đà Phật).
Từ chỗ này chúng ta cũng biết, khi tu nhân, Phật Di Đà không chỉ tu pháp môn Niệm Phật, mà là trong đời quá khứ, pháp môn gì Ngài cũng đều đã tu. Trong thời kỳ này, Ngài tu Thiền Định, đúng là “vô lượng pháp môn thệ nguyện học”, Ngài thảy đều đã tham học. Chỉ có như thế thì ngày nay Ngài dạy chúng ta pháp môn Niệm Phật, chúng ta mới có thể tin tưởng! A Di Đà Phật không chỉ biết một pháp môn này, mà pháp môn nào Ngài cũng đều biết, pháp môn nào Ngài cũng đều đã từng học. So trong hết thảy các pháp môn, pháp môn này thù thắng, rốt ráo, thuận tiện bậc nhất, đáng gọi là “đơn giản, dễ dàng, thẳng chóng, ổn thỏa, thích đáng”. Trong hết thảy các pháp môn, không có pháp nào vượt hơn pháp môn này! Trong vô lượng kiếp, [pháp môn nào] Ngài cũng đều đã từng tu, điều này đáng để cho chúng ta nghiêm túc phản tỉnh.
(Sao) Bát, Nhất Hướng Xuất Sanh Bồ Tát Kinh vân: A Di Đà Phật, tích vi Thái Tử, văn thử vi diệu pháp môn, phụng trì tinh tấn, thất thiên tuế trung, hiếp bất chí tịch.
(鈔)八、一向出生菩薩經云:阿彌陀佛,昔為太子,聞此微妙法門,奉持精進,七千歲中,脅不至席。
(Sao: Tám là kinh Nhất Hướng Xuất Sanh Bồ Tát[43]: A Di Đà Phật xưa kia làm Thái Tử, nghe pháp môn vi diệu này, phụng trì tinh tấn, trong bảy ngàn năm, chẳng ngả lưng xuống chiếu).
“Pháp môn vi diệu” là nói về bộ kinh điển Nhất Hướng Xuất Sanh Bồ Tát. Ngài tu học [bộ kinh ấy] trong thời hạn bảy ngàn năm; do vậy có thể biết: Thọ mạng thuở ấy cũng là dùng kiếp số để luận. “Hiếp bất chí tịch” (Hông chẳng chạm chiếu) là không nằm xuống giường, ngồi suốt, chẳng nằm! Không nằm xuống chẳng phải là ngồi ngủ, ngồi ngủ thì chẳng thà nằm xuống ngủ, thoải mái hơn! Có rất nhiều người học đòi hạnh “không nằm xuống đơn” (giường của tăng sĩ), sai lầm mất rồi, họ học cách ngủ ngồi! Người ta không nằm xuống ngủ để tu Thiền Định. Trong Định, ý thức sáng suốt, còn ngủ nghê là hôn trầm. Hôn trầm chẳng phải là Định! Chúng ta thường thấy có kẻ ngồi đó ngủ khì, lại còn ngáy ầm ầm, chứng tỏ kẻ ấy tuyệt đối chẳng phải là đang nhập Định, mà đang học ngủ ngồi! Ngồi lâu, ngồi ngủ tại đó thì đương nhiên tinh thần chẳng thể phấn chấn được, đầu cũng ngoẹo đi, đầu và chân [gần như] chạm nhau, lưng cũng khòm xuống. Quý vị thấy tượng Phật tĩnh tọa, ngực vị nào cũng vươn thẳng, tinh thần luôn luôn sung mãn, chẳng có vị nào ngoẹo đầu, khòm lưng!
Lão hòa thượng Hư Vân là người thật sự có công phu hiếm có trong Thiền Tông cận đại, Ngài chưa hề khòm lưng, nghiêng hông, bất luận đứng hay ngồi, ngực luôn vươn thẳng. Chúng ta đọc Niên Phổ thấy chép: Có lúc Ngài tĩnh tọa mấy chục ngày, tuyệt đối chẳng phải là đang ngủ, mà là thật sự nhập Định. Sau khi xuất Định, Ngài thường kể cùng mọi người cảnh giới trong Định. Có một dịp Tết, Ngài nhập Định hơn nửa tháng, lên trời Đâu Suất nghe Di Lặc Bồ Tát giảng kinh, nghe hết một hội mới xuất Định. Trước khi nhập Định, Ngài nấu một nồi khoai; sau khi xuất Định tìm khoai để ăn thì kết quả là [khoai] trong nồi đều nổi mốc hết! Chính Ngài cảm thấy thời gian [nhập Định] khoảng chừng hai mươi phút, đâu biết là trong thế gian này đã hơn nửa tháng [trôi qua]!
(Sao) Bất niệm ái dục tài bảo, bất vấn tha sự, thường độc xử chỉ, ý bất khuynh động.
(鈔)不念愛欲財寶,不問他事,常獨處止,意不傾 動。
(Sao: Chẳng nghĩ tới ái dục, của cải, không hỏi đến chuyện khác, thường ở riêng một chỗ, ý chẳng khuynh động).
Thưa cùng chư vị, bốn câu này chính là đại định chân chánh. Câu “hiếp bất chí tịch” (hông chẳng chạm chiếu) trong đoạn trước là nhập Định hình thức, bốn câu sau này chính là đi, đứng, nằm, ngồi đều ở trong Định. Đó gọi là “Na Già thường tại Định, chẳng lúc nào không Định”, Định là tâm bất động! Kinh Kim Cang dạy: “Bất thủ ư tướng, như như bất động” (Chẳng chấp lấy tướng, như như bất động), “bất thủ tướng” là chẳng chấp tướng. “Bất niệm ái dục, tài bảo, bất vấn tha sự” (Chẳng nghĩ tới ái dục, của cải, chẳng hỏi đến chuyện khác) chính là không chấp tướng. “Thường độc xử chỉ, ý bất khuynh động” (Thường ở riêng một chỗ, ý chẳng khuynh động) là như như bất động. Đây là nói tâm bất động, chẳng phải là nói thân bất động. Vì sao? Đoạn kế tiếp nói:
(Sao) Phục giáo hóa bát thiên ức vạn na-do-tha nhân, đắc bất thoái chuyển.
(鈔)復教化八千億萬那由他人,得不退轉。
(Sao: Lại còn giáo hóa tám ngàn ức vạn na-do-tha người đắc bất thoái chuyển).
Ngài giáo hóa chúng sanh, giáo hóa chúng sanh là động. Tuy hằng ngày giáo hóa chúng sanh, tuy cùng đại chúng ở chung một chỗ, nhưng Ngài chẳng chấp tướng, chẳng động tâm, thời thời khắc khắc đều ở trong Định, chúng ta phải nên học điều này. Bồ Tát chẳng giống phàm phu ở chỗ này. Sáu căn của phàm phu tiếp xúc cảnh giới sáu trần bèn khởi tâm động niệm, chấp tướng, tham đắm sắc tướng, khởi lên những ý niệm tham, sân, si, mạn. Bồ Tát chẳng khởi tâm, không động niệm, khác nhau ở ngay chỗ này. Nếu chúng ta muốn siêu phàm nhập thánh, phải học ở chỗ này.
Hiện thời, trong Phật môn, thực hiện sự nghiệp từ thiện là chuyện rất phổ biến. Đấy là chuyện tốt, nhưng đó là pháp thế gian, chẳng phải là Phật pháp. Phật pháp là tu tâm thanh tịnh, liễu sanh tử, thoát tam giới. Nếu làm sự nghiệp từ thiện thế gian, tâm địa thanh tịnh, ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng động tâm thì được! Đó là hành Bồ Tát đạo. Nếu làm những chuyện ấy mà chúng ta khởi tâm động niệm, khởi tham, sân, si, mạn, chớ nên làm những chuyện ấy! Hễ làm thì sẽ như thế nào? Chính mình đọa lạc luân hồi, những gì đã tu đều là phước báo hữu lậu. Đối với phước báo hữu lậu ấy, tôi trọn chẳng thêm vào hai chữ “nhân thiên”. Vì sao? Chưa chắc đã hưởng trong nhân thiên! Chuyện này rất đáng sợ, chúng ta hãy nên cảnh giác.
Không thoát khỏi tam giới, không thể vãng sanh, nói thật thà, đáng ngại lắm! Vấn đề này rất nghiêm trọng. Trong một đời này, hễ gặp gỡ Phật pháp thì quyết định phải vãng sanh, quyết định phải thấy Phật. Chúng ta chỉ có một mục tiêu này, chỉ có một phương hướng này, chỉ có một mong cầu này, những thứ khác thảy đều chẳng có. Do đó, chúng ta làm việc là hoằng pháp lợi sanh, vẫn chẳng phải là sự nghiệp từ thiện thông thường, cũng phải tùy duyên, chớ nên phan duyên. Hơi phan duyên đôi chút, tâm chúng ta chẳng thanh tịnh. Đánh mất tâm thanh tịnh thì tệ lắm! Dẫu hoằng pháp lợi sanh, vẫn là thiện pháp hữu lậu, cũng là phước báo hữu lậu trong thế gian. Nhất định phải nhận thức rõ ràng điểm này!
Nhận thức rõ ràng là “giác chứ không mê”, tuyệt đối chẳng mê nơi sự tướng. Nhất tâm nhất ý niệm câu A Di Đà Phật, trong mười hai thời chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp, đó là “chánh chứ không tà”. Trong tâm Phật hiệu chẳng gián đoạn bèn chẳng có phiền não, đó là “tịnh chứ chẳng nhiễm”. Chúng ta tu gì? Chúng ta dùng câu A Di Đà Phật, dùng bộ kinh Vô Lượng Thọ và kinh Di Đà để tu giác, chánh, tịnh. Giác, chánh, tịnh viên mãn bèn thành Phật. Chẳng viên mãn bèn là Bồ Tát, thật sự phát Bồ Đề tâm tu Bồ Tát đạo.
(Sao) Bỉ Thái Tử giả, kim A Di Đà Phật thị. Dĩ thượng lược cử sổ đoan, nhược kỳ đa kiếp đa nhân, diệc ưng vô lượng.
(鈔)彼太子者,今阿彌陀佛是。以上略舉數端,若其多劫多因,亦應無量。
(Sao: Vị Thái Tử ấy nay là A Di Đà Phật. Trên đây đã nêu đại lược vài chi tiết. Nếu [A Di Đà Phật] đã là nhiều lượt tu nhân trong nhiều kiếp thì cũng phải là vô lượng).
Nếu nói rộng ra, sẽ nói chẳng tận! Đây là nói đại lược nhân địa của A Di Đà Phật nhằm chứng tỏ từ nhiều kiếp lâu xa trước, Ngài đã sớm thành Phật. Lần này, ở Tây Phương Cực Lạc thế giới là một kỳ ứng hiện. Tuy ứng hiện, cũng thật sự là chẳng thể nghĩ bàn, thọ mạng chẳng thể nghĩ bàn, thế giới chẳng thể nghĩ bàn, trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn, người vãng sanh chẳng thể nghĩ bàn, đại chúng thành tựu chẳng thể nghĩ bàn! Thế giới ấy thù thắng hơn hết thảy một thời kỳ thị hiện của hết thảy chư Phật Như Lai quá nhiều!
(Diễn) Đa chủng nhân giả, nhất nhạo thuyết, nhị phát nguyện, tam tổng trì, tứ cúng dường, ngũ hoằng kinh, lục niệm Phật, thất tu Thiền, bát hành độ.
(演)多種因者,一樂說,二發願,三總持,四供養,五弘經,六念佛,七修禪,八行度。
(Diễn: “Nhiều thứ nhân”: Một là thích nói, hai là phát nguyện, ba là tổng trì, bốn là cúng dường, năm là hoằng kinh, sáu là niệm Phật, bảy là tu Thiền, tám là hành Lục Độ).
Đương nhiên tám loại này là nêu đại lược, chúng ta cũng phải nên học tập những điều này. Học tập, phải đừng chấp tướng, đừng kể công: “Ta làm bao nhiêu chuyện tốt, ta làm bao nhiêu công đức”, [nếu kể công] tâm địa sẽ chẳng thanh tịnh, [những công đức đã làm đều] biến thành phước báo hữu lậu. Quý vị tu tập tích lũy hết thảy thiện pháp, tâm thanh tịnh, chẳng nhiễm trước, đó là công đức vô lậu. Ghi công, ta làm bao nhiêu chuyện tốt, bao nhiêu việc thiện, niệm niệm chẳng quên, đấy là hữu lậu, bèn biến thành phước báo thế gian. Làm giống hệt như vậy, nhưng tâm khác hẳn, kết quả sẽ khác hẳn. Quả báo của tịnh nghiệp là ở trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nghiệp chẳng tịnh, sẽ luân hồi ngay trong lục đạo của thế giới Sa Bà, quả báo chênh lệch quá lớn! Sai sót hào ly, lạc đi ngàn dặm!
Thứ nhất là Nhạo Thuyết. Chữ Nhạo (樂) đọc giọng Khứ Thanh, nên hiểu như động từ, nghĩa là yêu chuộng, ưa thích, thích nói. Thích nói gì vậy? Chẳng phải là bảo quý vị lắm mồm, ham nói, [nếu hiểu “nhạo thuyết” là lắm mồm, ham nói] thì sai mất rồi! Thích nói ở đây là dùng pháp môn A Di Đà Phật để khuyên bảo, hướng dẫn kẻ khác, cũng tức là khuyên người khác niệm Phật, thích nói cho người khác nghe, nói bộ kinh này, nói công đức của danh hiệu Di Đà, nói y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới, ưa thích nói những chuyện này.
Thứ hai là Phát Nguyện. Nguyện này chẳng phải là nguyện nào khác, chỉ có một nguyện: Nguyện sanh Tịnh Độ. Thông thường, Đại Thừa Phật pháp hễ nói tới phát nguyện đều nêu lên Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Tứ Hoằng Thệ Nguyện thảy đều bao gồm trong “nguyện sanh Tịnh Độ” của Tịnh Tông. Tứ Hoằng Thệ Nguyện là nguyện chung của mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai, bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật là biệt nguyện. Biệt nguyện chẳng ra ngoài bốn loại lớn ấy, nên Tứ Hoằng Thệ Nguyện thảy đều được bao gồm. Một niệm cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới của chúng ta là để độ chúng sanh. Bởi lẽ, chẳng sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, chúng ta chẳng có năng lực độ chúng sanh, nên điều thứ nhất [trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện] đã được bao gồm. Nhất tâm xưng niệm A Di Đà Phật, phiền não trong tâm đều biến thành A Di Đà Phật, phiền não liền đoạn. “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, dùng phương pháp gì để đoạn? Một câu A Di Đà Phật. Hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước trong tâm quý vị thảy đều dùng một câu A Di Đà Phật để thay thế, thay đổi chúng, phiền não chẳng còn nữa, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn!
Đại Thế Chí Bồ Tát bảo chúng ta, Ngài và những người cùng chí hướng, “ngũ thập nhị đồng luân”, “đồng luân” (同倫) là cùng chí hướng. “Năm mươi hai” là kể từ địa vị Sơ Tín cho đến thành Phật, [tức là] Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác, năm mươi hai [cấp bậc] cùng chí hướng. Cùng chí hướng gì vậy? Thảy đều niệm A Di Đà Phật. Từ sơ phát tâm mãi cho đến thành Phật, chẳng dùng phương pháp thứ hai, mà dùng một câu A Di Đà Phật, nêu rõ: Dùng câu A Di Đà Phật để đoạn Kiến Tư phiền não, đoạn Trần Sa phiền não, đoạn Vô Minh phiền não, ngay cả đối với một phẩm sanh tướng vô minh cuối cùng vẫn dùng câu Phật hiệu này để đoạn, chẳng dùng phương pháp khác. Vì thế, những người thuộc nhóm của Đại Thế Chí Bồ Tát là loại người “một bộ kinh, một câu danh hiệu”. Trong Tịnh Tu Tiệp Yếu, lão cư sĩ Hạ Liên Cư đã nói Tịnh Tông Sơ Tổ là Đại Thế Chí Bồ Tát, nói chẳng sai tí nào, Ngài mới thật sự là Sơ Tổ của Tịnh Độ Tông. Một bộ kinh, một câu danh hiệu, từ sơ phát tâm mãi cho đến khi thành Phật, chẳng dùng phương pháp thứ hai, đúng là “chẳng nhờ vào phương tiện, mà tự được tâm khai”, chẳng cần dùng tới phương pháp thứ hai! Do đó, Đại Thế Chí Bồ Tát mới là thật thà niệm Phật đúng tiêu chuẩn. Lũ bình phàm chúng ta chẳng thật thà, vì sao? Vẫn muốn đọc kinh này, xem luận nọ, đấy là chẳng thật thà! Nhóm người Đại Thế Chí Bồ Tát, những người cùng chí hướng ấy mới thật sự là thật thà niệm Phật. Đó là đoạn hết phiền não.
Niệm một câu A Di Đà Phật đến mức tâm khai ý giải. Đại Thế Chí Viên Thông Chương có nói “tự đắc tâm khai”. Hễ tâm khai thì vô lượng pháp môn thành tựu. “Vô lượng pháp môn thệ nguyện học”, chẳng học mà thành tựu, đều thông suốt, vì sao? Đã kiến tánh, nên vô lượng pháp môn thảy đều thông đạt, Sơ Trụ Bồ Tát bèn thông đạt. Sơ Trụ Bồ Tát phá một phẩm vô minh, thấy một phần chân tánh, chính là Phần Chứng Tức Phật trong Lục Tức Phật của tông Thiên Thai. Vị ấy là Phật thật sự, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, trong Tịnh Độ Tông là Lý nhất tâm bất loạn. Chỉ cần niệm Phật niệm đến mức Lý nhất tâm bất loạn, đối với hết thảy các pháp môn, chẳng có một pháp môn nào không thông đạt. Một câu A Di Đà Phật, “pháp môn vô lượng thệ nguyện học” ở ngay trong một câu A Di Đà Phật. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Vì vậy, chỉ phát tâm cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, Tứ Hoằng Thệ Nguyện bèn viên mãn, bèn trọn đủ. Phát nguyện [là như vậy đấy]!
Thứ ba là Tổng Trì. Tổng Trì có nghĩa là “tổng nhất thiết pháp, trì nhất thiết nghĩa” (bao gồm hết thảy các pháp, nắm giữ hết thảy các nghĩa). Nói theo cách hiện thời, sẽ là “nắm vững cương lãnh”. Chỉ cần nắm được cương lãnh, quý vị sẽ đạt được hết thảy. Chúng ta biết: Không riêng gì hết thảy các kinh do Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng, mà hết thảy kinh do mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai đã nói, cương lãnh là gì? Chính là kinh này! Hai bản kinh Đại Bổn và Tiểu Bổn, Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ, Tiểu Bổn là kinh A Di Đà. Đại Bổn và Tiểu Bổn là tổng cương lãnh của hết thảy các pháp môn do mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai đã nói. Đến tuổi xế bóng, Liên Trì đại sư triệt để giác ngộ, đã nói: “Tam Tạng mười hai bộ, nhường cho kẻ khác ngộ”, chẳng cần nữa! Nếu chẳng triệt để giác ngộ, Ngài chẳng nắm được cương lãnh này. Nắm được cương lãnh này, chẳng cần đến những thứ khác, những thứ khác do kẻ khác ngộ, là chuyện của họ. Họ học bộ kinh nào, bộ luận nào đó, chúng ta trông thấy đều chắp tay, hết sức hoan hỷ, hết sức cung kính. Chúng ta tán thán, lễ kính họ, nhưng vẫn niệm kinh Di Đà của chính mình, niệm A Di Đà Phật của chính mình. Bởi lẽ, một câu A Di Đà Phật là cương lãnh của các cương lãnh, là pháp môn đại tổng trì.
Thứ tư là Cúng Dường. Chúng ta cúng dường Phật, cúng dường Pháp, cúng dường Tăng, cúng dường hết thảy chúng sanh, dùng gì để cúng dường? Tôi thưa cùng chư vị đồng tu, cúng dường vô thượng, cúng dường bậc nhất là một câu Nam-mô A Di Đà Phật. Chúng ta dùng một câu Phật hiệu này để cúng dường hết thảy chư Phật Như Lai, dùng một câu Phật hiệu này để cúng dường hết thảy Pháp Bảo, dùng một câu Phật hiệu này để cúng dường Tăng Bảo, dùng một câu Phật hiệu này để cúng dường chúng sanh trong chín pháp giới. Đây là cúng dường bậc nhất, cúng dường vô thượng. Chúng sanh trong chín pháp giới “một phen thoảng qua tai, vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo”. Trong tương lai, gặp duyên, [hạt giống ấy] bèn chín muồi, họ sẽ có thể niệm Phật cầu sanh về thế giới Tây Phương. Đó là sự cúng dường tốt nhất, có mấy ai hiểu? Chúng ta vừa thấy “cúng dường” liền nghĩ tới tiền tài; đó là loại cúng dường vặt vãnh, sự cúng dường ấy có lợi ích quá ít ỏi, mỏng manh. Phẩm [Phổ Hiền] Hạnh Nguyện có nói: “Nhất thiết cúng dường trung, pháp cúng dường tối” (Trong hết thảy các thứ cúng dường, pháp cúng dường bậc nhất). Trong hết thảy các pháp cúng dường, một câu Nam-mô A Di Đà Phật là bậc nhất! Hiểu rõ đạo lý này, quý vị sẽ biết tu cúng dường, những gì quý vị tu tập sẽ là cúng dường bậc nhất, là vô thượng cúng dường.
Thứ năm là Hoằng Kinh: Tùy phần, tùy sức giải nói với người khác chính là hoằng kinh. In tặng kinh sách cũng là hoằng kinh. Làm băng ghi hình, đĩa cũng là hoằng kinh. Giới thiệu lợi ích thù thắng do bản thân chúng ta đạt được từ Phật pháp cùng chúng sanh hữu duyên. Được gọi là “hữu duyên” tức là sau khi họ tiếp xúc, sẽ có thể sanh tâm hoan hỷ, có thể tin tưởng, có thể phụng hành. Đó là chúng sanh hữu duyên, chúng ta phải tận tâm tận lực thực hiện, sự nghiệp hoằng kinh. Trừ những phương pháp này ra, chúng ta đem Đại Tạng Kinh làm thành đĩa, dùng phương thức này để truyền bá thì sẽ tiện lợi hơn, ít tốn công hơn in kinh. Khi cần dùng, cần phải in ra bao nhiêu phần thì máy in sẽ in ra bấy nhiêu phần, thuận tiện lắm!
Sáu là Niệm Phật, bảy là tu Thiền, tám là hành Lục Độ: Ba hạng mục này nói về sự tu trì. Trong tất cả hết thảy các pháp môn tu trì, niệm Phật thù thắng nhất. Niệm vị Phật nào? Trong quá khứ, Văn Thù Bồ Tát dạy thiền sư Pháp Chiếu niệm A Di Đà Phật. A Di Đà Phật đặc biệt có duyên với thế giới Sa Bà, Văn Thù Bồ Tát dạy đấy nhé! Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật cũng dạy chúng ta điều này. Không chỉ là đức Bổn Sư dạy chúng ta, mà trong đoạn sáu phương Phật ở phần sau kinh này, sáu phương chính là mười phương, mười phương tất cả chư Phật chẳng có vị nào không tán thán kinh này. Tán thán là gì? Tán thán là tuyên giảng. Nói cách khác, hết thảy chư Phật chẳng có vị nào không giảng kinh A Di Đà, chẳng có vị nào không khuyên người ta niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Điều này nêu rõ: Niệm A Di Đà Phật là lời khuyên chân thật của hết thảy chư Phật đối với chúng ta, có lợi ích tuyệt đối.
Tu Thiền chẳng phải là bảo quý vị hằng ngày xếp bằng tĩnh tọa.
Thiền Định như Lục Tổ đại sư đã giảng trong Đàn Kinh chẳng phải là kiểu Thiền Định tĩnh tọa nhìn vách. Lão nhân gia giảng Thiền Định là “ngoài chẳng chấp tướng là Thiền, trong chẳng động tâm là Định”. Ngoài chẳng chấp tướng là “bất thủ ư tướng” như kinh Kim Cang đã dạy. Trong chẳng động tâm là “như như bất động” như kinh Kim Cang đã nói. Lão nhân gia do kinh Kim Cang mà khai ngộ. Do lẽ đó, chẳng chấp tướng, không động tâm chính là tu Thiền Định.
“Hành độ”: Độ (度) là Lục Độ (六度). Lục Độ là cương lãnh trọng yếu trong cuộc sống của chúng ta, là nguyên tắc sống phải tuân thủ. Trong cuộc sống hằng ngày, một người học Phật căn cứ vào đâu? Căn cứ vào Lục Độ. Bố Thí là buông xuống. Trì Giới là vâng giữ quy củ, tuân theo khuôn pháp. Nhẫn Nhục là có tâm nhẫn nại, có tâm thường hằng, có tâm dài lâu. Tinh Tấn là cầu tiến bộ, đổi mới mỗi ngày! Thiền Định là tâm địa thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần. Bát Nhã là chánh tri chánh kiến, giác chứ không mê. Sáu cương lãnh tu học của Bồ Tát thảy đều nằm trong cuộc sống, tu hành ngay ở chỗ xử sự, đãi người, tiếp vật, chẳng lìa khỏi thế gian này, chẳng rời khỏi xã hội.
(Diễn) “A Di Đà Phật tích vi Thái Tử” hạ nhất tiết, cụ túc Lục Độ.
(演)阿彌陀佛昔為太子下一節,具足六度。
(Diễn: Từ sau đoạn “A Di Đà Phật xưa kia làm Thái Tử” trở đi là trọn đủ Lục Độ).
Đoạn này trọn đủ ý nghĩa Lục Độ.
(Diễn) Thất thiên tuế trung, hiếp bất chí tịch, Tinh Tấn Độ.
(演)七千歲中脇不至席,精進度。
(Diễn: Trong bảy ngàn năm, hông chẳng chạm chiếu là Tinh Tấn Độ).
Vì sao nói Ngài tinh tấn? Người bình phàm đêm ngủ, công phu bị gián đoạn. Chẳng ngủ nghê, công phu của Ngài chẳng gián đoạn, đó là chân tinh tấn. Ngài nhập Định có thể khôi phục tinh thần và thể lực, cảnh giới trong Định rõ rệt, phân minh, quyết định chẳng có hôn trầm.
Hôn trầm là thoái chuyển, gián đoạn. Ngài chẳng bị hôn trầm, thật sự tinh tấn.
(Diễn) Bất niệm ái dục, Giới Độ.
(演)不念愛欲,戒度。
(Diễn: Chẳng nghĩ tới ái dục là Giới Độ).
Đây là Trì Giới Ba La Mật, là đoạn phiền não.
(Diễn) Bất niệm tài bảo, Thí Độ.
(演)不念財寶,施度。
(Diễn: Chẳng nghĩ tới của cải là Thí Độ).
Đây là Bố Thí. Ngài thật sự buông tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần xuống, trong tâm chẳng có những thứ ấy, thảy đều buông xuống, thân tâm thanh tịnh. Chúng ta phải học những điều này. Nay chúng ta tuy tu Tịnh Độ, mong tu tâm thanh tịnh, nhưng nói chung, tâm chẳng thanh tịnh, do nguyên nhân nào? Không buông xuống, làm sao có thể thanh tịnh cho được? Những thứ ấy nhiễm ô tâm tánh nghiêm trọng; chẳng thể triệt để trừ bỏ những thứ ấy, khi nào thì tâm mới có thể thanh tịnh? Chẳng thể nào có chuyện đó! Tâm thanh tịnh là Niệm Phật tam-muội. Tam-muội là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Chánh Thọ, [nghĩa là] một loại hưởng thụ đúng mực, bình thường. Tâm địa thanh tịnh là sự hưởng thụ đúng mực, chánh đáng; chẳng thanh tịnh thì là bất bình thường. Phàm phu bất bình thường, Phật, Bồ Tát mới là bình thường.
(Diễn) Bất vấn tha sự, thường độc xử chỉ, Thiền Độ.
(演)不問他事,常獨處止,禪度。
(Diễn: Chẳng hỏi đến chuyện khác, thường ở riêng một mình, chính là Thiền Độ).
Chuyện chẳng thuộc về bổn phận của chúng ta, chớ nên bận lòng. Cớ gì rỗi hơi lo chuyện bao đồng? Càng bận tâm lắm chuyện, phiền não càng nhiều, thị phi càng lắm, những thứ ấy đều chướng ngại cái tâm thanh tịnh. Vì thế, trong thiên hạ, người như thế nào là có phước? Người chẳng cần quan tâm chuyện gì hết là người có phước! Thân tâm thanh tịnh, trong tâm vô sự, thân cũng vô sự, đó là đại phước báo bậc nhất! Đích xác là chẳng dễ dàng đạt được. Người thật sự thông minh bèn đối với cơm áo có thể miễn cưỡng sống qua ngày, chẳng hề lo lắng gì. Người thông minh hãy nên bỏ sạch hết thảy mọi chuyện.
Người Hoa vào thời cổ, như Vương Long Thư có thể sống cho qua ngày, đỗ Tiến Sĩ, nhưng chẳng làm quan, suốt ngày từ sáng đến tối ở trong nhà niệm A Di Đà Phật. Ông ta có phước, đấy mới thật sự là người thông minh. Giống như Bành Tế Thanh, giác ngộ rất nhanh chóng, [giác ngộ khi còn] rất trẻ tuổi, hai mươi mấy tuổi đã giác ngộ. Ông Bành lúc mười mấy tuổi, chưa đến hai mươi tuổi, đã đỗ Tiến Sĩ. Cha ông làm Binh Bộ Thượng Thư thời hoàng đế Càn Long[44], tương đương với Bộ Trưởng Quốc Phòng hiện thời. Ông Bành xuất thân là vương tôn, công tử, mười mấy tuổi đã đỗ Tiến Sĩ, đích xác là hết sức có tài, rất khó có một người như thế. Ông chỉ làm quan một thời gian rất ngắn, sau đó chẳng làm quan nữa. Do hoàn cảnh gia đình khá giả, nên chuyện gì ông ta cũng chẳng làm, mọi chuyện thảy đều buông xuống, cũng là thật thà niệm Phật. Ông viết không ít tác phẩm, thảy đều là trước tác về Phật giáo. Trong các trước tác, trọng yếu nhất là Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận và Hoa Nghiêm Niệm Phật Tam Muội Luận, người thông minh lắm!
Bàng cư sĩ (Bàng Long Uẩn) càng thông minh hơn. Ông ta cũng rất giàu có, tài sản trong nhà thảy đều chẳng cần tới! Ông chất hết vàng, bạc, của cải, vật báu trong nhà lên một chiếc thuyền lớn, chèo chiếc thuyền ấy ra giữa dòng Trường Giang, đục lỗ cho thuyền chìm lỉm. Cách làm ấy khiến cho người khác chất vấn, người ta nhất định hỏi ông ta: “Ông Bàng ơi! Tài sản to tát như vậy, ông chẳng cần đến thì hãy đem làm một chút sự nghiệp từ thiện hoặc làm đôi chút chuyện tốt cho xã hội chớ?” Ông ta dẫn dụ kẻ khác hỏi câu ấy để giải đáp: “Chuyện tốt chẳng bằng vô sự”. Câu nói ấy trở thành danh ngôn. Vô sự, tâm thanh tịnh. Sau đó, cả nhà ông ta sinh sống bằng cách nào? Bện giày cỏ. Mỗi ngày bện mấy đôi giày cỏ, bán được mấy đồng để sống qua ngày, tự tại, sung sướng! Nói thật ra là do ông ta đã đắc đạo, sanh tử tự tại, nên chẳng quan tâm tới! Lúc ông sắp mất, bảo con gái ra ngoài xem [tiết trời]. Khi đó, chẳng có đồng hồ, nhìn ánh nắng mặt trời bên ngoài để biết là lúc nào. Con gái ông biết ông sắp mất, kết quả là ở bên ngoài, nói dối: “Còn chưa đến lúc”. Cha cô ta đành phải đợi một lát nữa, đâu biết cô con gái đã đứng vãng sanh ở ngoài, đã ra đi rồi. Người cha nói: “Ta tưởng ta đi rồi, nó sẽ lo liệu hậu sự cho ta. Kết quả là nó đi trước, ta còn phải lo hậu sự cho nó, bị trễ tràng bảy ngày”. Quý vị thấy đó, người nhà ấy ai nấy đều có bản lãnh. Vì sao người ta có bản lãnh ấy? Tâm thanh tịnh, chẳng tham nhiễm, nên người ta đắc đại tự tại, đến đi tự tại.
(Diễn) Ý bất khuynh động, Nhẫn Độ. Phục giáo hóa tha nhân, Trí Độ.
(演)意不傾動,忍度。復教化他人,智度。
(Diễn: Ý chẳng khuynh động là Nhẫn Độ. Lại còn giáo hóa người khác là Trí Độ).
Ý nghĩa Lục Độ viên mãn.
(Diễn) Như thượng sở dẫn chư nhân, hoặc vi quốc vương, vương tử, hoặc vi Luân Vương, hoặc vi tỳ-kheo, hoặc vi pháp sư, hoặc cúng dường Phật, hoặc thuyết pháp lợi nhân, hoặc phát Tứ Hoằng Thệ, hoặc hành Lục Độ, sở vị căn thâm quả mậu, nguyên viễn lưu trường, đạo bất lãng giai, tùy công thiệp vị nhĩ.
(演)如上所引諸因,或為國王王子,或為輪王、或為比丘,或為法師,或供養佛,或說法利人,或發四宏誓,或行六度,所謂根深果茂,源遠流長,道不浪階,隨功涉位耳。
(Diễn: “Các nhân đã dẫn như trên đây”: Hoặc làm quốc vương, vương tử, hoặc làm Luân Vương, hoặc làm tỳ-kheo, hoặc làm pháp sư, hoặc cúng dường Phật, hoặc thuyết pháp lợi người, hoặc phát Tứ Hoằng Thệ, hoặc hành Lục Độ. Đó gọi là “rễ sâu, quả xum xuê, do nguồn xa, dòng chảy sẽ dài”, đạo chẳng vượt cấp, tùy theo công hạnh mà đạt quả vị vậy).
Tán thán Phật Di Đà tu hành nơi nhân địa, thật sự là nhiều kiếp lâu xa lại càng lâu xa hơn, nên nay Ngài mới có thành tựu chẳng thể nghĩ bàn. Hôm nay tôi giảng tới chỗ này.
Tập 196
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm chín mươi tám:
(Diễn) Như thượng sở dẫn chư nhân, hoặc vi quốc vương, vương tử, hoặc vi Luân Vương, hoặc vi tỳ-kheo, hoặc vi pháp sư, hoặc cúng dường Phật, hoặc thuyết pháp lợi nhân, hoặc phát Tứ Hoằng Thệ, hoặc hành Lục Độ, sở vị căn thâm quả mậu, nguyên viễn lưu trường, đạo bất lãng giai, tùy công thiệp vị nhĩ.
(演)如上所引諸因,或為國王王子,或為輪王、或為比丘,或為法師,或供養佛,或說法利人,或發四宏誓,或行六度,所謂根深果茂,源遠流長,道不浪階,隨功涉位耳。
(Diễn: “Các nhân đã dẫn như trên đây”: Hoặc làm quốc vương, vương tử, hoặc làm Luân Vương, hoặc làm tỳ-kheo, hoặc làm pháp sư, hoặc cúng dường Phật, hoặc thuyết pháp lợi người, hoặc phát Tứ Hoằng Thệ, hoặc hành Lục Độ. Đó gọi là “rễ sâu, quả xum xuê, do nguồn xa, dòng chảy sẽ dài”, đạo chẳng vượt cấp, tùy theo công hạnh mà đạt quả vị vậy).
Đoạn này vẫn là giải thích chuyện tu hành nơi nhân địa của A Di Đà Phật đã được nhắc đến trong lời Sao. Trong lời Sao đã dẫn một đoạn kinh văn trong kinh Nhất Hướng Xuất Sanh Bồ Tát; ở đây, nêu ra một tổng kết. Lời tổng kết ấy có ý nghĩa hết sức rộng rãi: A Di Đà Phật không chỉ tu hành nhân địa trong một đời, mà Ngài đã đời đời kiếp kiếp tu hành nhân địa. Bồ Tát ứng thế do thuận theo cơ duyên của chúng sanh, như trong phẩm Phổ Môn đã nói: “Đáng nên dùng thân gì để đắc độ, bèn thị hiện thân phận như thế ấy”. Ở đây đã nêu ra [các thân phận] quốc vương, vương tử, Luân Vương, đều là sự thị hiện của Bồ Tát. Do vậy có thể biết, trong quá trình Ngài thị hiện, đời đời kiếp kiếp đều phát Bồ Đề tâm, phát Tứ Hoằng Thệ Nguyện, tu Lục Độ, vạn hạnh. Kế đó là lời tổng kết: “Căn thâm, quả mậu” (Rễ sâu, quả xum xuê). Những chuyện này chúng ta đều phải làm theo, phải học tập. Người ta đời đời kiếp kiếp tu hành, chẳng phải là thành tựu trong một đời một kiếp, tùy theo công phu mà quả vị tăng tấn, mãi cho đến khi viên mãn thành Phật.
(Diễn) Kim nhân nhất hạnh bất tu, dục hy thắng quả, kỳ do quyền thạch vị biện, dục lũy thất tằng bảo tháp, kỳ khả đắc hồ?
(演)今人一行不修,欲希勝果,其猶拳石未辦,欲累七層寶塔,其可得乎。
(Diễn: Người đời nay chẳng tu một hạnh nào cả, cứ mong muốn quả thù thắng, ví như một hòn đá bé tí còn chưa lo liệu mà đã toan dựng tháp báu bảy tầng, há có được chăng?)
Nói tới chúng ta trong hiện tại; đây cũng là răn nhắc chúng ta rất sâu! Đương nhiên, trong quá khứ, chúng ta cũng là đời đời kiếp kiếp tu hành cái nhân, nhưng bản thân chúng ta phản tỉnh bèn biết: Đời đời kiếp kiếp tu hành, nay vẫn là phàm phu, vẫn là nghiệp chướng, phiền não trùng trùng, chẳng được giải thoát, tuyệt đối chẳng phải là Bồ Tát thừa nguyện tái lai. Nếu là Bồ Tát thừa nguyện tái lai, tâm địa sẽ thanh lương tự tại, biết quá khứ, hiện tại, vị lai, chúng ta chẳng có năng lực ấy. Chúng ta phải ghi nhớ lời giáo huấn ở chỗ này. Chúng ta tu hằng ngày, nhưng trọn chẳng có gì là tu tập nghiêm túc, tu tập thật thà. Nếu muốn cầu đạt được quả báo thù thắng, sẽ là chuyện khó khăn. Kế đó là một tỷ dụ: “Quyền thạch” (拳石) là hòn đá nhỏ chừng bằng nắm tay. Một hòn đá bé tẹo như vậy mà còn chẳng có, làm sao quý vị có thể dựng tháp báu bảy tầng cho được? Tỷ dụ này ngụ ý: Quả địa Phật, Bồ Tát là phải do tích công lũy đức thì mới có thể tu thành, tuyệt đối chẳng phải là do chụp giật, lươn lẹo mà hòng đạt được!
(Diễn) Vi diệu pháp môn giả, vị tâm pháp diệu, Phật pháp diệu, chúng sanh pháp diệu.
(演)微妙法門者,謂心法妙,佛法妙,眾生法妙。
(Diễn: “Vi diệu pháp môn” là tâm pháp diệu, Phật pháp diệu, và chúng sanh pháp diệu).
Kinh Pháp Hoa giảng ba thứ diệu này rõ ràng nhất. Quy nạp lại, “diệu” chẳng ngoài ba pháp:
1) Thứ nhất là “tâm pháp diệu”. Tâm có thể hiện hết thảy vạn pháp, nhưng chẳng nhiễm hết thảy vạn pháp. Nó diệu là diệu ở chỗ này! Nếu hiện hết thảy vạn pháp, lại nhiễm hết thảy vạn pháp, tâm ấy chẳng diệu! Tâm phàm phu chẳng diệu, vì sao? Suốt ngày từ sáng đến tối khởi tâm động niệm toàn là dấy vọng tưởng. Tuy giống chư Phật, Bồ Tát biến hiện y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, nhưng bị nhuốm bẩn, bị trói buộc bởi hết thảy các pháp, nên chẳng diệu! Họ chẳng biết muôn pháp không có tự tánh, hết thảy vạn pháp vốn không tịch, chẳng hiểu chân tướng sự thật này, nên nhiễm trước hết thảy vạn pháp, đánh mất diệu tâm, mê mất diệu tâm.
2) Thứ hai là “Phật pháp diệu”. Phật pháp là giác, Phật pháp là không mê. Đối với diệu tâm và diệu cảnh (“diệu cảnh” chính là “chúng sanh pháp” sẽ được nói trong đoạn kế tiếp), thông đạt rành rành chân tướng sự thật này, tự tại vô ngại. Đó là Phật pháp diệu.
3) Thứ ba là “chúng sanh pháp diệu”. “Chúng sanh pháp” là nói về tướng.
Ba câu này nếu nói theo thuật ngữ triết học hiện đại thì “tâm pháp diệu” là bản thể diệu, “Phật pháp diệu” là nhận thức diệu, trong triết học gọi là Nhận Thức Luận (Epistemology), “chúng sanh pháp diệu” là hiện tượng diệu. Trong triết học [ba điều này được gọi] là bản thể, hiện tượng, và nhận thức. Phật pháp là nhận thức, có thể nhận thức chánh xác hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, kinh điển thường gọi sự nhận thức ấy là “chư pháp Thật Tướng”, người ấy hiểu rõ chân tướng của hết thảy các pháp. “Chúng sanh pháp diệu” là hết thảy các tướng đã hiện. “Chúng sanh” ở đây không chỉ là nói về hữu tình mà còn bao gồm vô tình. Tất cả hết thảy các hiện tượng, thường gọi là y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, thảy đều là vật được biến hiện bởi tự tâm, xác thực là ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp chẳng có tâm. Vạn pháp do tâm biến hiện; tâm có một niệm thiện liền biến ra tứ thánh pháp giới, một niệm ác liền biến thành lục phàm pháp giới.
Pháp giới trọn đủ viên mãn, đúng như Lục Tổ đã nói: “Nào ngờ tự tánh, vốn sẵn trọn đủ”, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới vốn trọn đủ trong tự tánh. Vốn trọn đủ, khi biến hiện bèn là: “Một pháp giới hiện, chín pháp giới ẩn”. “Hiện” thì nó chỉ có thể hiện một cảnh giới, một pháp giới, còn chín pháp giới kia tạm thời chẳng hiện. Nay chúng ta gọi những pháp giới ấy là “không gian nhiều chiều”. Nhân pháp giới (pháp giới loài người) của chúng ta là không gian ba chiều, súc sanh pháp giới là ba chiều và hai chiều, pháp giới của quỷ thần là bốn chiều hoặc năm chiều. Con người chết rồi đầu thai, nói thật ra là chuyển biến không gian, từ một chiều không gian này chuyển sang một chiều không gian khác, chuyện là như thế đó. Nói kiểu này, những người học khoa học có thể thấu hiểu, cũng sẽ thừa nhận, nói theo lý luận sẽ suông sẻ. Hết thảy các pháp giới là “duy tâm sở hiện”: Tâm thanh tịnh hiện Tịnh Độ, tâm chẳng thanh tịnh hiện uế độ; hết thảy đều biến hiện từ tâm. Vì thế, tu hành chẳng phải là tu nơi cảnh giới, mà phải tu từ nơi tâm địa. Tâm là căn bản, tâm là cái có thể biến, cảnh là cái được biến, nhất định phải hiểu rõ chuyện này!
(Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh bổn lai thành Phật, thị thập kiếp nghĩa.
(疏)稱理,則自性本來成佛,是十劫義。
(Sớ: Xứng Lý, tự tánh vốn sẵn thành Phật là ý nghĩa của “mười kiếp”).
Chúng ta xem phần giải thích cho câu này trong lời Sao. Đừng hiểu “mười” ở đây là một con số cố định, nó được dùng với ý nghĩa biểu thị pháp. Dưới đây, [đại sư] đã dẫn một thí dụ trong kinh Hoa Nghiêm.
(Sao) Hoa Nghiêm cử thập, thị biểu vô tận. Tức kim tự tánh thành Phật dĩ lai, hà chỉ Oai Âm na biên cánh na biên, trần sa kiếp hựu trần sa kiếp dã.
(鈔)華嚴舉十,是表無盡。即今自性成佛以來,何止威音那邊更那邊,塵沙劫又塵沙劫也。
(Sao: Kinh Hoa Nghiêm nêu ra “mười” nhằm biểu thị sự vô tận. Tức là [“mười kiếp” trong kinh này phải hiểu là] kể từ khi tự tánh thành Phật đến nay, há có phải chỉ là trước thời Oai Âm Vương Phật, mà lại còn là trước thời đó nữa, là trần sa kiếp trước trần sa kiếp vậy).
Đây là nói lời thật cùng chúng ta. Sách Diễn Nghĩa có chú thích mấy câu này.
(Diễn) Hoa Nghiêm cử thập biểu vô tận giả, nhất giả số chi thỉ, thập giả số chi chung.
(演)華嚴舉十表無盡者,一者數之始,十者數之終。
(Diễn: “Hoa Nghiêm nêu ra Mười nhằm biểu thị vô tận”: Một là con số khởi đầu, mười là con số kết thúc).
Nêu ra số Mười là nói tới sự kết thúc, dùng theo ý nghĩa viên mãn.
(Diễn) Thiên vi thập bách, vạn vi thập thiên, kinh trung sổ sự, tất cử thập giả, biểu vô tận dã.
(演)千為十百,萬為十千,經中數事,必舉十者,表無盡也。
(Diễn: Ngàn là mười lần một trăm, vạn là mười ngàn, trong kinh hễ nói tới nhiều sự đều dùng Mười để biểu thị sự vô tận).
Chúng ta thấy điều này từ kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm bất luận nói tới pháp nào, đều kể ra mười pháp, nhằm biểu thị các pháp vô tận, các pháp viên dung, pháp pháp vô ngại, hiển thị cảnh giới được gọi là Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại của kinh Hoa Nghiêm. Ở đây cũng có ý nghĩa này, vì cổ đức gọi kinh này là Tiểu Bổn Hoa Nghiêm. Do đó, nghĩa thú trong kinh này và nghĩa thú của Hoa Nghiêm chẳng khác gì nhau! Hoa Nghiêm nói bốn vô ngại pháp giới, kinh này cũng trọn đủ bốn món vô ngại. Hoa Nghiêm nói Thập Huyền Môn, kinh này cũng trọn đủ Thập Huyền Môn, các kinh khác chẳng có những điều này. Vì thế, cổ nhân gọi kinh Vô Lượng Thọ là Trung Bổn Hoa Nghiêm, gọi kinh A Di Đà là Tiểu Bổn Hoa Nghiêm, đích xác là có căn cứ. Điều này đã nêu rõ ý nghĩa: Tự tánh vốn đã thành Phật là vô tận, chẳng có ngằn mé. Trong kinh Hoa Nghiêm và Viên Giác, đức Phật đã tuyên bố minh bạch: “Hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật”, do Ngài nhìn từ chỗ này. Vì thế, chẳng nói tới thời gian. “Mười kiếp” ở nơi đây nhằm biểu thị [ý nghĩa] chẳng có khởi đầu, không có kết thúc, biểu thị ý nghĩa này, vốn đã thành Phật!
“Hà chỉ Oai Âm na biên” (Đâu phải chỉ là thời Oai Âm Vương Phật), “Oai Âm” là nói về Oai Âm Vương Phật (Bhīşma-garjitasvara-rāja). Trong kinh điển, đức Thế Tôn có nói trong vô lượng kiếp trước, con số này hết sức to lớn, có một vị Phật xuất thế hiệu là Oai Âm [Vương]. Kinh thường nói: “Trước thời Oai Âm Vương, chẳng có thầy, chính mình có thể ngộ đạo. Sau Oai Âm Vương Phật, nếu chẳng có sư thừa [mà tự mình ngộ đạo] thì đều là thiên nhiên ngoại đạo”. Do đó, sau thời Oai Âm Vương ắt phải có sư thừa. Chúng ta đọc Đàn Kinh, sẽ thấy đoạn này trong phần chép về thiền sư Huyền Giác.
(Sao) Nhược định chấp thập kiếp, tích nhân đạo, do thị Vương lão sư nhi tôn.
(鈔)若定執十劫,昔人道,猶是王老師兒孫。
(Sao: Nếu chấp khăng khăng [thật sự là chỉ đúng] mười kiếp, cổ nhân bảo [kẻ chấp trước như vậy] vẫn là con cháu của Vương lão sư).
Có những người xem kinh văn bèn chấp trước. Kinh nói “mười kiếp”, họ bèn chấp trước thật sự có mười kiếp. [Hiểu] thật sự là mười kiếp thì có sai lầm hay không? Chẳng sai, nhưng tầm nhìn quá nông cạn! Nếu có thể thấy A Di Đà Phật vốn đã thành Phật, cách nhìn ấy là sâu xa, ý nghĩa viên mãn. Nói theo sự tướng là mười kiếp, tức là nhìn theo dấu tích thị hiện, đấy chính là A Di Đà Phật thị hiện trong giai đoạn hiện tại ở Tây Phương Cực Lạc thế giới.
Liên Trì đại sư hy vọng chúng ta đọc kinh và nghe giáo đều có thể tiêu quy tự tánh. Trong ấy có vô lượng công đức, chẳng mong chúng ta chỉ chấp trước nơi tướng ngôn ngữ, văn tự. [Chấp trước] như vậy tuy có thể vãng sanh, nhưng phẩm vị rất thấp, sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Nếu đối với kinh, chỗ nào cũng đều có thể kiến tánh, xứng lý là kiến tánh, là tiêu quy tự tánh, trong tương lai vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, sẽ là thượng thượng phẩm vãng sanh, sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Từ chỗ này, ta có thể thấy đại sư rát miệng buốt lòng khuyên bảo người đời sau. “Do thị Vương lão sư nhi tôn” (Vẫn là con cháu của Vương lão sư), đây là một công án trong Thiền Tông.
(Diễn) Do thị Vương lão sư nhi tôn giả, Nam Tuyền tánh Vương, thường tự xưng Vương lão sư.
(演)猶是王老師兒孫者,南泉姓王,常自稱王老師。
(Diễn: “Vẫn là con cháu của Vương lão sư”: Ngài Nam Tuyền họ Vương, thường tự xưng là “Vương lão sư”).
Tổ sư Nam Tuyền[45] của Thiền Tông cũng là một người rất lỗi lạc. Họ ngoài đời của Ngài là Vương, nên thường tự xưng là Vương lão sư.
(Diễn) Hoàng Bá chí Nam Tuyền.
(演)黃檗至南泉。
(Diễn: Ngài Hoàng Bá tới chỗ ngài Nam Tuyền).
Trong Thiền Tông, thiền sư Hoàng Bá cũng rất nổi tiếng, đều là những vị đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Ngài Hoàng Bá là vãn bối, thuở trẻ tham học, đến chỗ ngài Nam Tuyền thỉnh giáo.
(Diễn) Nhất nhật trai thời.
(演)一日齋時。
(Diễn: Một hôm, trong lúc thọ trai).
Có một ngày, trong lúc thọ trai vào giữa trưa.
(Diễn) Phủng bát hướng Nam Tuyền vị thượng tọa.
(演)捧缽向南泉位上坐。
(Diễn: Bưng bát tiến đến ngồi ở chỗ của ngài Nam Tuyền).
Cảnh giới của ngài Hoàng Bá cũng khá cao. Trong lúc thọ trai, Ngài cầm bát đến chỗ của phương trượng Nam Tuyền ngồi xuống. Thuở ấy, ngài Nam Tuyền là phương trượng hòa thượng, Hoàng Bá là thanh chúng.
(Diễn) Nam Tuyền lai kiến tiện vấn.
(演)南泉來見便問。
(Diễn: Ngài Nam Tuyền thấy Sư tiến đến liền hỏi).
Ngài Nam Tuyền trông thấy liền hỏi Sư.
(Diễn) Trưởng lão thậm ma niên trung hành đạo.
(演)長老什麼年中行道。
(Diễn: Trưởng lão đã hành đạo bao nhiêu năm?)
Người thật sự có đạo hạnh trong Thiền Tông, bất luận là người học đã lâu hoặc mới học, trong mắt họ luôn bình đẳng cung kính đối với người đã tu lâu hay mới học. Giống như thuở trước Lục Tổ đại sư ở núi Hoàng Mai, Ngài đã minh tâm kiến tánh, hễ thấy người trẻ mới mười mấy tuổi còn để tóc tu hành trong tự viện đều gọi là “thượng nhân”. Cách xưng hô ấy hết sức cung kính, vô cùng khách sáo. Tự mình khiêm hư, Tổ gọi Sư là trưởng lão: “Trưởng lão, thậm ma niên trung hành đạo?” “Hành đạo” là tu hành. Câu này có nghĩa là thầy tu hành đã bao lâu?
(Diễn) Bá vân Oai Âm na bạn.
(演)檗云威音那畔。
(Diễn: Ngài Hoàng Bá đáp: “Trước thời Oai Âm Vương Phật”).
Sư trả lời cũng rất tuyệt diệu! Thầy hỏi tôi bắt đầu từ khi nào, tôi nói là trước cả thời Oai Âm Vương Phật, [đó là ý nghĩa của từ ngữ] “Oai Âm na bạn”.
(Diễn) Tuyền vân: “Do thị Vương lão sư nhi tôn”.
(演)泉云猶是王老師兒孫。
(Diễn: Ngài Nam Tuyền bảo: “Vẫn là con cháu của Vương lão sư”).
Ngài Nam Tuyền nói: “Vậy thì thầy vẫn chẳng bằng tôi, vẫn là vãn bối của tôi!” Quý vị nghe lời này có hiểu hay không? Hai người họ một hỏi, một đáp, ngụ ý gì vậy? “Oai Âm na biên cánh na biên” (Vào trước thời của trước thời Oai Âm Vương Phật), đáng nể quá! Vì sao vẫn chẳng bằng ngài Nam Tuyền? Ý nghĩa thật sự ở đây là ngài Hoàng Bá còn chấp tướng, ngài Nam Tuyền đã chẳng chấp tướng. [Ngài Nam Tuyền bảo] tuy thầy (Hoàng Bá) nói là “Oai Âm Vương na biên cánh na biên”, vẫn là chấp tướng! Vẫn y như cũ rớt vào trong số lượng, vẫn chưa hoàn toàn trừ sạch vọng tưởng, chấp trước. Ngài Nam Tuyền chẳng có vọng tưởng, chấp trước; đã chẳng có thì còn nói đến niên đại chi nữa! Một đằng chấp tướng, một đằng ly tướng, chẳng thể sánh bằng! Ý nghĩa là [hễ chấp tướng thì] vẫn là vãn bối, vẫn chẳng thể ngồi ngang hàng với ta!
Ở đây, [Liên Trì đại sư] dùng một tỷ dụ trong Thiền Tông để giảng rõ: Chấp chặt “A Di Đà Phật thành Phật tới nay là mười kiếp” tức là chấp tướng. Hễ chấp tướng, chắc chắn chẳng thể kiến tánh. Lìa tướng thì mới biết vốn đã thành Phật. A Di Đà Phật vốn đã thành Phật, bản thân chúng ta lẽ nào chẳng vốn đã thành Phật? Tự và Tha chẳng hai. Ý nghĩa thật sự của Liên Trì đại sư là ở chỗ này.
Đoạn nói về hóa chủ A Di Đà Phật đã giới thiệu xong, đoạn kế tiếp sẽ giới thiệu các đại chúng từ mười phương thế giới vãng sanh. Đoạn trước nói A Di Đà Phật là vị thầy trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, nay chúng ta xem đến [phần nói về] các đồng học bên ấy.
Nhị, hóa bạn. Sơ kiến tại, nhị vãng sanh.
二化伴。初見在,二往生。
(Hai là hóa bạn. Một là các đại chúng đang ở bên ấy, hai là người vãng sanh).
Đoạn kinh văn này được chia thành hai khoa nhỏ. Tiểu khoa thứ nhất là Kiến Tại, tiểu khoa thứ hai là nói về chuyện vãng sanh. Chúng ta xem đoạn thứ nhất:
Sơ, kiến tại. Sơ, Thanh Văn, nhị, Bồ Tát, tam, tổng kết.
初見在。初聲聞,二菩薩,三總結。
([Tiểu khoa] thứ nhất nói về đại chúng đang ở bên ấy. [Tiểu khoa này được chia thành ba mục nhỏ]: Một là Thanh Văn, hai là Bồ Tát, ba là tổng kết).
Trong đoạn thứ nhất có Thanh Văn chúng và Bồ Tát chúng, sau đó còn có tổng kết.
(Kinh) Hựu Xá Lợi Phất! Bỉ Phật hữu vô lượng vô biên Thanh Văn đệ tử, giai A La Hán, phi thị toán số chi sở năng tri.
(Sớ) Chủ tất hữu bạn, tiên Thanh Văn, thứ Bồ Tát.
(經)又舍利弗。彼佛有無量無邊聲聞弟子。皆阿羅漢。非是算數之所能知。
(疏)主必有伴,先聲聞,次菩薩。
(Kinh: Lại này Xá Lợi Phất! Đức Phật ấy vô lượng vô biên Thanh Văn đệ tử, đều là bậc A La Hán, chẳng thể nào tính toán để biết được.
Sớ: Chủ ắt có bạn, trước là Thanh Văn, sau là Bồ Tát).
Thầy nhất định có trò. Nếu chẳng có học trò, làm sao có thể gọi vị ấy là thầy cho được? Trong hàng học trò [của A Di Đà Phật] có Thanh Văn và Bồ Tát.
(Sớ) Minh giai hiền thánh chi lữ dã.
(疏)明皆賢聖之侶也。
(Sớ: Nói rõ bạn lữ đều là bậc hiền thánh).
Nói rõ Tây Phương Cực Lạc thế giới toàn là bậc thánh hiền, chẳng có phàm phu. Chư vị nhất định phải biết điều này. Từ đại kinh, chúng ta thấy thế giới Tây Phương là một thế giới thuần nhất Bồ Tát. Nói “trời, người” hoặc nói Thanh Văn là nhằm vào ý nghĩa khác, chẳng phải là thật sự có trời, người, Thanh Văn. Gọi họ là Thanh Văn là do hai ý nghĩa:
1) Ý nghĩa thứ nhất: Trước khi đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, ở thế giới phương khác, những người ấy đã chứng quả Thanh Văn, từ Sơ Quả cho đến Tứ Quả đều có. Họ nghe pháp môn này, hoan hỷ tin nhận, phát nguyện vãng sanh. Sanh đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, vì trước kia họ là Thanh Văn, nên vẫn gọi là Thanh Văn. Đây là một ý nghĩa.
2) Ý nghĩa thứ hai: Tuy thế giới Tây Phương là một thế giới bình đẳng, nhưng đoạn Hoặc chẳng bình đẳng. Nếu ở trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đã đoạn Kiến Tư phiền não, nhưng Trần Sa và Vô Minh vẫn chưa đoạn, người ấy bèn được gọi là Thanh Văn, vì quả vị đoạn chứng của người ấy bằng với quả vị Tiểu Thừa trong mười phương thế giới. Trong mười phương thế giới, đoạn Kiến Tư phiền não bèn chứng quả Thanh Văn. Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, giống như chúng ta là đới nghiệp vãng sanh, sang bên ấy, đương nhiên là trước hết đoạn Kiến Tư. Đoạn Kiến Tư phiền não sẽ bằng với Thanh Văn ở các thế giới phương khác.
Ngàn vạn phần phải ghi nhớ, trong thế giới Tây Phương, ngay cả Thanh Văn và Duyên Giác đều chẳng có, lấy đâu ra nhân thiên?
(Sớ) Kim sơ Thanh Văn. Thanh Văn giả, văn Tứ Đế thanh giáo nhi đắc chứng quả. A La Hán giả, giản phi tiền tam dã. Bất ngôn Duyên Giác, nhiếp Thanh Văn trung cố. Phi toán số giả, thậm ngôn kỳ đa dã.
(疏)今初聲聞。聲聞者,聞四諦聲教而得證果。阿羅漢者,揀非前三也。不言緣覺,攝聲聞中故。非算數者,甚言其多也。
(Sớ: Nay trước hết nói về Thanh Văn. Thanh Văn là người nghe thanh giáo Tứ Đế bèn được chứng quả. [Nói là] A La Hán nhằm chỉ rõ chẳng phải là ba quả vị trước đó. Chẳng nhắc tới Duyên Giác vì đã được gộp trong Thanh Văn. “Chẳng thể tính toán”, ý nói hết sức nhiều).
Những chuyện này chẳng cần phải nói chi tiết. Chúng ta xem đoạn Diễn Nghĩa kế tiếp, có thể nói đoạn này là thường thức trong Phật học.
(Diễn) Tứ Đế thanh giáo giả.
(演)四諦聲教者。
(Diễn: Thanh giáo[46] Tứ Đế).
Là nói tới Khổ, Tập, Diệt, Đạo.
(Diễn) Nhất, Khổ Đế.
(演)一、苦諦。
(Diễn: Một là Khổ Đế).
“Đế” (Satyāni) có nghĩa là chân thật, người ta thường nói là “chân lý”, tức là chuyện chân thật. Khổ là nói tới quả báo. Lục đạo khổ sở, đó là sự thật. Phàm nhân sống trong đau khổ mà chẳng biết khổ, đó là ngu si. Nói “giác ngộ” nghĩa là đã biết con người rất khổ, biết lục đạo rất khổ, có mức độ tự giác khá sâu. Biết lục đạo khổ, người ấy mới chịu phát tâm rời lìa lục đạo. Nếu ở trong lục đạo mà vẫn chẳng cảm nhận nỗi khổ, làm sao có thể lìa khỏi lục đạo cho được? Mê và giác phân định từ chỗ này. Biết đời người là khổ, biết lục đạo là khổ, người ấy đã giác ngộ, đã khai ngộ.
(Diễn) Nhị thập ngũ Hữu, y chánh nhị báo thị.
(演)二十五有,依正二報是。
(Diễn: Hai mươi lăm Hữu là y báo và chánh báo).
Sách Giáo Thừa Pháp Số và Phật Học Từ Điển đều giải thích hai mươi lăm Hữu[47]. Hữu (有) là có quả báo sanh tử. Có nhân thì đương nhiên có quả. Đức Phật chia nhân và quả của lục đạo luân hồi thành hai mươi lăm loại, gọi là Nhị Thập Ngũ Hữu. Hai mươi lăm Hữu tương ứng với tam giới lục đạo. “Y chánh nhị báo” là nói tổng quát.
(Diễn) Biệt tắc nhị thập ngũ Hữu, tổng tắc lục đạo sanh tử.
(演)別則二十五有,總則六道生死。
(Diễn: Nói riêng biệt thì có hai mươi lăm Hữu, nói tổng quát thì có sanh tử trong lục đạo).
Hai mươi lăm Hữu chẳng thường được nhắc tới vì rất phiền phức, quá nhiều! Chúng ta thường quy nạp, nói đến cương lãnh của chúng. Cương lãnh chính là y báo và chánh báo trong lục đạo.
(Diễn) Nhất, địa ngục đạo, tác thượng phẩm Ngũ Nghịch, Thập Ác giả, cảm thử đạo thân.
(演)一、地獄道,作上品五逆十惡者,感此道身。
(Diễn: Một là địa ngục đạo, kẻ tạo Ngũ Nghịch, Thập Ác thượng phẩm sẽ cảm vời thân trong đường này).
Tạo nghiệp nặng hay nhẹ là do tâm! Ví như tạo ác nghiệp, tâm kẻ ấy rất hung hăng, quyết liệt, sẽ tạo nghiệp nặng. Chẳng hạn như sát sanh, do cái tâm oán hận, tâm cừu hận cực sâu, thủ đoạn vô cùng tàn khốc, tội ấy sẽ nặng nề, kết tội thuộc loại thượng phẩm. Ngũ Nghịch là giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, phá hòa hợp Tăng, làm thân Phật chảy máu. Nếu kẻ ấy dùng ác tâm, ác ý, tội ấy cũng rất nặng. Thập Ác: Thân tạo giết, trộm, dâm; miệng nói dối, nói đôi chiều, nói thêu dệt, nói lời thô ác; trong tâm tham, sân, si. Bất luận là đối với pháp thế gian hay xuất thế gian pháp, chỉ cần có Thập Ác hiện diện, thảy đều là chướng đạo! Vì sao chúng ta niệm Phật chẳng thể đắc nhất tâm bất loạn? Vì sao tham Thiền chẳng thể khai ngộ? Đừng nói là khai ngộ, ngay cả Thiền Định còn chẳng đạt được, do nguyên nhân nào? Tập khí Thập Ác quá nặng, chướng ngại chúng ta tu hành, chướng ngại công phu, chớ nên không biết chuyện này! Nếu cứ tiếp tục làm mãi, sẽ tạo [thành quả báo] địa ngục. Địa ngục do đâu mà có? Chính mình tạo ra, tự làm, tự chịu, ai cũng chẳng có cách nào cứu quý vị. Ngàn muôn phần đừng nghĩ Địa Tạng Bồ Tát là U Minh giáo chủ, trong tương lai ta đọa địa ngục, Địa Tạng Bồ Tát sẽ đến cứu quý vị. Có tâm như vậy thì sai mất rồi, Địa Tạng Bồ Tát cũng không thể nào cứu quý vị được! Địa Tạng Bồ Tát có thể cứu kẻ nào đã giác ngộ. Bản thân người ấy đã giác ngộ thì Ngài có thể giúp đỡ. Chính quý vị chẳng giác ngộ, Phật, Bồ Tát chẳng thể giúp được, tuyệt đối chẳng phải là các Ngài thiếu từ bi!
(Diễn) Nhị, súc sanh đạo, tác trung phẩm Ác Nghịch giả, cảm thử đạo thân.
(演)二、畜生道,作中品惡逆者,感此道身。
(Diễn: Hai là súc sanh đạo. Kẻ tạo Ác Nghịch trung phẩm sẽ cảm vời thân trong đường này).
Ác là Thập Ác, Nghịch là Ngũ Nghịch. Tâm tạo Ngũ Nghịch, Thập Ác nhẹ hơn địa ngục đôi chút, chẳng độc địa dường ấy, sẽ sanh trong súc sanh đạo.
(Diễn) Tam, ngạ quỷ đạo, tác hạ phẩm Ác Nghịch giả, cảm thử đạo thân.
(演)三、餓鬼道,作下品惡逆者,感此道身。
(Diễn: Ba là ngạ quỷ đạo, kẻ tạo Ác Nghịch hạ phẩm, sẽ cảm thân trong đường này).
Hạ phẩm, tâm tạo tác Ngũ Nghịch, Thập Ác càng nhẹ hơn. Trong đoạn này, sách Diễn Nghĩa sử dụng Thập Thiện và Thập Ác để giải thích lục đạo luân hồi.
(Diễn) Tứ, Tu La đạo, tác hạ phẩm Thập Thiện, cảm thử đạo thân.
(演)四、修羅道,作下品十善,感此道身。
(Diễn: Bốn là Tu La đạo, tạo hạ phẩm Thập Thiện, cảm thân trong đường này).
Người ấy có tu Thập Thiện hay không? Tu Thập Thiện. Vì sao tu Thập Thiện được gọi là hạ phẩm? Khi tu Thập Thiện, trong tâm chen lẫn ngạo mạn, thường gọi là “cống cao ngã mạn”. Người như vậy chúng ta thường thấy trong hiện thời. Họ thật sự làm chuyện tốt; tuy làm chuyện tốt, nhưng luôn nghĩ chính mình đã làm rất nhiều chuyện tốt. Trong chùa chiền, họ ganh nhau làm chuyện tốt. Ví như đối với chuyện xuất tiền làm công đức, người khác bỏ ra một vạn, ta bỏ ra hai vạn, ta phải vượt trội kẻ khác. Đó là tâm ngạo mạn, tâm kiêu căng, đều là hạ phẩm thiện, tương lai hưởng phước trong A Tu La đạo. Điều này rất đau khổ! A Tu La là đấu tranh kiên cố. Không chỉ là đấu đá với người ngoài, mà đối với chính mình cũng muốn đấu đá!
(Diễn) Ngũ, nhân đạo, tứ châu bất đồng, giai khổ lạc tương gián. Tại nhân chi thời, hành Ngũ Thường, Ngũ Giới, cập trung phẩm Thập Thiện, cảm thử đạo thân.
(演)五、人道,四洲不同,皆苦樂相間。在因之時,行五常五戒,及中品十善,感此道身。
(Diễn: Năm là nhân đạo, [tuy có] bốn châu khác nhau, đều là khổ và vui chen lẫn. Trong lúc tu nhân, đã hành Ngũ Thường, Ngũ Giới và trung phẩm Thập Thiện, nên cảm thân trong đường này).
Tứ Châu là nói tới tứ đại bộ châu ở bốn phía núi Tu Di. Loài người trong mỗi châu khác nhau, nhưng nhân quả chẳng sai biệt cho mấy. “Giai khổ lạc tương gián” (Đều là khổ và vui chen lẫn), có khổ và vui. Trong quá khứ, tu nhân là hành Ngũ Thường, Ngũ Giới. Ngũ Thường do Nho gia chế định. Giáo dục Nho gia lấy luân thường làm chủ yếu, đó là tông chỉ giáo học. “Luân” (倫) là luân lý, “Thường” (常) là khuôn phép đạo đức. Nói cách khác, [luân thường là] điều kiện cơ bản để làm người: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín là Ngũ Thường. “Thường” là vĩnh hằng, quyết định chẳng thể biến đổi, quyết định chẳng thể khuyết thiếu, giống như loài người chúng ta sống trong thế gian nhất định phải ăn uống. Chẳng ăn, chẳng uống, con người sẽ chẳng thể nào sống sót. Sách Tả Truyện viết: “Nhân khí thường, tắc yêu hưng” (Con người vứt bỏ lẽ thường, ắt yêu quái dấy lên). Nếu người nào chẳng có Ngũ Thường, kẻ ấy chính là yêu ma quỷ quái. Yêu ma quỷ quái chẳng phải là mặt xanh nanh chĩa. Yêu ma quỷ quái mặt xanh nanh chĩa chẳng thể hại người. Vì sao? Chúng ta vừa trông thấy đã kinh hãi, đã sớm ẩn núp rồi, họ chẳng hại được loài người. Yêu ma quỷ quái thật sự hại người, quý vị trông thấy chúng sẽ rất hoan hỷ! Năm thứ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín thảy đều chẳng có, chính là yêu ma quỷ quái hiện tiền.
Ngũ Thường và Ngũ Giới nhà Phật giống nhau. “Nhân” (仁) là nhân từ, là không sát sanh; Nghĩa (義) là những điều phải nên có, là bổn phận. Một người có thể vâng giữ bổn phận sẽ chẳng thể trộm cắp, Nghĩa là chẳng trộm cắp. Lễ (禮) là chẳng tà dâm; Trí (禮) là chẳng uống rượu. Uống rượu say khướt bèn hồ đồ. Tín (信) là chẳng nói dối. Ngũ Giới tương đương Ngũ Thường, là điều kiện cơ bản để làm người. Nếu chẳng làm được năm điều này, đời sau chẳng được làm thân người, mà vào trong tam đồ. Những điều chúng ta tạo tác, thực hiện trong hiện thời đương nhiên chẳng ra ngoài lục đạo. Trong lục đạo, chúng ta tạo tác ba thiện đạo hay là ba ác đạo? Chẳng cần phải hỏi ai khác, chính mình biết rành rành! Nếu khởi tâm động niệm trái nghịch Ngũ Giới Thập Thiện, ắt đọa trong tam đồ. Đức Phật rất từ bi, dạy chúng ta sự thật này, chúng ta chẳng nghe theo, vẫn cứ muốn tiếp tục tạo tác. Chuyện này chẳng thể trách Phật, hãy tự trách mình! Chính mình phải gánh chịu trách nhiệm!
“Cập trung phẩm Thập Thiện” (Và trung phẩm Thập Thiện), một người có thể vâng giữ Ngũ Thường, trì Ngũ Giới, tu trung phẩm Thập Thiện, đời sau mới có thể được làm thân người. Thân người khó được, dễ mất! Nay chúng ta được làm thân người là do trong đời quá khứ “hành Ngũ Thường, Ngũ Giới, tu trung phẩm Thập Thiện”, đời này cảm được quả báo. Nếu đời này chẳng tiếp tục nỗ lực hành trì, đời người rất ngắn, sau khi đã mất [thân người], mong được làm người lần nữa cũng chẳng được! Trong kinh Đại Thừa, đức Phật đã dạy: “Thân người khó được mà dễ mất”. Vì sao khó được? Chính chúng ta hãy lắng lòng suy nghĩ: Chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối, từ đầu năm đến cuối năm, khởi ác niệm nhiều, hay là thiện niệm nhiều? Bèn hiểu rõ ngay! Nếu ác niệm nhiều, niệm niệm trái nghịch Ngũ Thường, Ngũ Giới, Thập Thiện, đương nhiên sẽ vào trong tam đồ, há còn có thể sanh vào nhân đạo? Vì thế, hễ suy nghĩ, [sẽ thấy] được làm thân người lần nữa đích xác là chẳng dễ dàng.
(Diễn) Lục, thiên đạo, nhị thập bát thiên bất đồng.
(演)六、天道,二十八天不同。
(Diễn: Sáu là thiên đạo, hai mươi tám tầng trời khác nhau).
Cõi trời có hai mươi tám loại, gồm hai mươi tám tầng. Quả báo trong mỗi tầng trời khác nhau, đương nhiên nhân hạnh của họ cũng khác nhau.
(Diễn) Tu thượng phẩm Thập Thiện, cập Thiền Định vi nhân, cảm thử đạo thân.
(演)修上品十善,及禪定為因,感此道身。
(Diễn: Do tu thượng phẩm Thập Thiện và Thiền Định làm nhân mà cảm thân trong đường này).
Chỉ tu thượng phẩm Thập Thiện thì cao nhất là chỉ có thể sanh về trời Đao Lợi. Từ Dạ Ma Thiên trở lên đều phải tu Thiền Định, chẳng có Thiền Định sẽ chẳng đến đó được! Trong Dục Giới, bốn tầng trời Dạ Ma Thiên, Đâu Suất Thiên, Hóa Lạc Thiên và Tha Hóa Tự Tại Thiên đều chưa đắc Định. Chẳng tu Thiền Định thành công, họ có công phu Thiền Định, nhưng chẳng có thành tựu nơi Thiền Định. Nếu Thiền Định thành tựu, họ sẽ thoát khỏi Dục Giới, sanh về Sắc Giới. [Sanh lên] Sắc Giới và Vô Sắc Giới [phải cậy vào] Tứ Thiền Bát Định. Thành tựu thấp nhất trong Thiền Định là gì? Trong Thiền Định chẳng có dục, dục vọng gì vậy? Tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê, tiếng tăm, lợi dưỡng, quý vị còn có những ý niệm ấy hay không? Nếu có những ý niệm ấy, quý vị chẳng thể đến Sơ Thiền Thiên được. Dẫu quý vị tu Thiền Định tốt đẹp cách mấy, vẫn sanh trong bốn tầng trời Dục Giới, thọ quả báo trong ấy. Thật sự tu Thiền Định thành công, đoạn hết Ngũ Dục, đối với năm thứ tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê đều có thể đoạn hết, có thể chẳng cần ăn uống, Thiền duyệt làm thức ăn. Nay chúng ta vì cơm áo mà bươn chải, khổ khôn kể xiết! Thiền Định thành công, chẳng cần tới ăn uống nữa! Vì thế, người có công phu Thiền Định càng sâu, ăn uống càng ít, vì sao? Tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh bèn tiêu hao năng lượng ít.
Ăn uống nhằm bổ sung năng lượng, [thức ăn] là cội nguồn của năng lượng. Thân là một cỗ máy, cỗ máy hoạt động cần phải có năng lượng thúc đẩy. Ăn uống là [nạp thêm] năng lượng, bổ sung hằng ngày. Ăn thứ gì đó, trong bụng bèn có các phản ứng hóa học, biến chúng thành năng lượng để hấp thâu, chúng ta gọi là dinh dưỡng, thật ra là năng lượng. Các năng lượng bị tiêu hao vào đâu? Chín mươi lăm phần trăm trở lên bị tiêu hao bởi vọng niệm. Vọng niệm càng nhiều, quý vị ăn càng nhiều. Vọng niệm ít, quý vị ăn ít đi. Có những người muốn học kiểu “giữa trưa ăn một bữa”, muốn trì ngọ, nhưng vọng niệm rất nhiều, vọng niệm chẳng đoạn được, lại muốn học, học để làm gì? Vẫn là vì tiếng tăm, lợi dưỡng, muốn nở mày rạng mặt: “Ta giữa trưa ăn một bữa, các ngươi đều chẳng làm được!” Họ tiêu hao nhiều như vậy, bổ sung năng lượng chẳng đủ, kết quả nhất định là ngã bệnh, chẳng bình thường mà! Người ta tu Định thật sự có công phu, tâm địa thanh tịnh, vọng niệm ít, tự nhiên cần [bổ sung năng lượng] ít. Do đó, đấy là chuyện tự nhiên, chẳng có tí ti miễn cưỡng nào!
Thuở Phật tại thế, những vị xuất gia hằng ngày theo Phật ra ngoài thác bát (khất thực), mỗi ngày ăn một bữa. Trong kinh, đức Phật có nói A La Hán bảy ngày ăn một bữa, Bích Chi Phật nửa tháng ăn một bữa. Công phu định lực của Bích Chi Phật sâu hơn A La Hán, tâm địa càng thanh tịnh, tiêu hao càng ít, nửa tháng ăn một bữa là đủ. Đó là gì? Vì Ngài có thân thể. Nếu chẳng cần đến thân, cũng chẳng cần ăn uống nữa. Vì thế, trong hai mươi tám tầng trời, sáu tầng trời phía dưới thuộc Dục Giới Thiên có ăn uống, từ Sơ Thiền trở lên bèn chẳng có ăn uống. Đoạn hết ăn uống, ngủ nghê cũng đoạn trừ. Người thật sự có Thiền Định chẳng ngủ. Người có ngủ nghê chứng tỏ là người ấy chẳng có Định. Ngồi ngủ ở đó tức là chẳng Định, người có Thiền Định chẳng ngồi ngủ ở đó mà đang nhập Định, khác hẳn kẻ [ngồi] ngủ. Cũng có thể nói là người ấy tỉnh táo, chẳng hôn trầm. Ngủ nghê là hôn trầm.
Nhưng từ Sắc Giới trở lên, [tức là trong] Sắc Giới và Vô Sắc Giới, từ Sơ Thiền trở lên, ngoài việc tu Thiền Định (Tứ Thiền Bát Định) ra, còn phải tu Tứ Vô Lượng Tâm (Tứ Vô Lượng Tâm là từ, bi, hỷ, xả), đó gọi là thượng thượng phẩm Thập Thiện. Vì lẽ đó, người từ Sơ Thiền trở lên, quyết định chẳng có sân khuể, ghen tỵ, quyết định chẳng có điều gì khiến cho tâm bực bội. Nếu có những hiện tượng ấy, sẽ thuộc về Dục Giới, chứ chư thiên Sắc Giới chẳng có [những hiện tượng ấy]. Chúng ta cần phải biết những điều này, có thể chú tâm quan sát xem chính mình đã đạt đến cảnh giới gì. Tâm địa hơi đạt được đôi chút thanh tịnh, bèn tưởng lầm là chính mình đã đắc nhất tâm bất loạn, đã đắc Thiền Định, đó gọi là Tăng Thượng Mạn, là hiểu lầm, chẳng phải là thành tựu thật sự.
(Diễn) Thượng lai sở thích.
(演)上來所釋。
(Diễn: Những điều đã giải thích trên đây).
Những điều vừa được giải thích trên đây.
(Diễn) Tùng địa ngục chí Phi Tưởng Thiên.
(演)從地獄至非想天。
(Diễn: Từ địa ngục tới trời Phi Tưởng).
Phi Tưởng Thiên là tầng thứ hai mươi tám, là tầng cao nhất trong Tứ Không Thiên.
(Diễn) Tuy khổ lạc bất đồng, vị miễn tử nhi phục sanh, sanh nhi phục tử.
(演)雖苦樂不同,未免死而復生,生而復死。
(Diễn: Tuy khổ vui khác nhau, chẳng tránh khỏi tử rồi lại sanh, sanh rồi lại tử).
Nói về lục đạo, dẫu tu đạt đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên, thọ mạng tám vạn đại kiếp, tám vạn đại kiếp là có hạn lượng, khi đã đến hạn thì vẫn phải luân hồi, vẫn phải đọa lạc, lại còn đọa rất nặng. Nguyên nhân đọa lạc nặng nề là do lúc gần bị đọa lạc, họ hủy báng Tam Bảo, tưởng là Phật đã lừa gạt, chẳng biết cảnh giới của chính mình là chưa thoát khỏi tam giới, cứ ngỡ cảnh giới của chính mình là đã nhập Vô Dư Niết Bàn, đã thành Phật, [nên ấm ức]: “Cớ sao đã thành Phật mà còn bị thoái chuyển? Cớ sao bị đọa lạc? Những gì chư Phật đã nói trước kia đều là lừa người!” Vì báng Phật, báng Pháp, hủy báng Tam Bảo, nên quyết định đọa địa ngục; đó gọi là “trèo cao ngã nặng”. Hễ té nhào liền rớt xuống địa ngục. Trong địa ngục, quá nửa là những chúng sanh như vậy!
(Diễn) Thử thị Tạng Giáo thật hữu Khổ Đế.
(演)此是藏教實有苦諦。
(Diễn: Đây là Tạng Giáo thật sự có Khổ Đế).
Tứ Đế phối hợp với tứ giáo Tạng, Thông, Biệt, Viên. Lục đạo phàm phu chúng ta nhận thức Tạng Giáo. Trong quan niệm cảm xúc lâu dài của chúng ta, xác thực là có lục đạo luân hồi. Những điều được giảng trong đoạn này đều là nói về quả báo.
(Diễn) Nhị, Tập Đế giả.
(演)二、集諦者。
(Diễn: Hai là Tập Đế).
“Tập Đế” là nói tới cái nhân. Quý vị hứng chịu quả báo, có quả ắt có nhân. Vì sao đức Phật chẳng nói tới nhân trước, mà phải nói quả báo trước? Đây là thuyết pháp thiện xảo, vì nói tới quả báo, đó chính là những điều quý vị đang phải hứng chịu, quý vị sẽ cảm nhận dễ dàng, có thể thấu hiểu. Sau đấy mới lại giải thích do nguyên nhân nào mà nay chúng ta sống khổ sở dường ấy, quý vị sẽ lưu ý nghe dạy.
(Diễn) Tức Kiến Tư Hoặc, hựu vân Tứ Trụ, hựu vân Chi Mạt Vô Minh, hựu vân Thông Hoặc, hựu vân Giới Nội Hoặc, tuy danh bất đồng, đản Kiến Tư nhĩ.
(演)即見思惑,又云四住,又云枝末無明,又云通惑,又云界內惑,雖名不同,但見思耳。
(Diễn: Chính là Kiến Tư Hoặc, còn gọi là Tứ Trụ, lại gọi là Chi Mạt Vô Minh, lại gọi là Thông Hoặc, lại gọi là Giới Nội Hoặc. Tuy tên gọi khác nhau, nhưng chỉ là Kiến và Tư mà thôi).
Đối với Kiến Tư phiền não, trong kinh, đức Phật đã nói rất nhiều danh từ. Danh từ khác nhau, ý nghĩa như nhau. Vì sao cùng là một chuyện mà đức Phật nói ra lắm tên gọi như vậy? Điều này là có dụng ý, đức Phật dạy chúng ta chớ nên chấp trước tướng danh tự, đừng nên chấp trước tướng ngôn thuyết. Đó gọi là “y nghĩa, bất y ngữ”. Tên gọi nói tùy tiện như thế nào cũng được, chỉ cần hiểu đúng ý nghĩa là được rồi, đừng nên chấp trước danh tướng rồi tranh luận! Vì lẽ đó, cách nói này vẫn là nhằm mục đích phá chấp trước. Trong các danh từ, chúng ta thường dùng nhất là Kiến Tư phiền não. Quý vị hiểu Kiến Tư phiền não là gì. Tiếp đó, [các danh từ] Tứ Trụ Phiền Não, Chi Mạt Vô Minh, Thông Hoặc, Giới Nội Hoặc như sách đã nêu ra đều là những thứ mê hoặc trong tam giới, quý vị đều hiểu rõ. Biết một điều, hết thảy đều hiểu.
(Diễn) Kiến Hoặc hữu bát thập bát Sử.
(演)見惑有八十八使。
(Diễn: Kiến Hoặc có tám mươi tám Sử).
Kiến Hoặc có tám mươi tám Sử[48], còn gọi là tám mươi tám phẩm. Tư Hoặc có tám mươi mốt phẩm[49], tức là tam giới có chín địa, trong mỗi địa có chín phẩm, tổng cộng là chín lần chín thành tám mươi mốt. Chúng được gọi là Kiến Tư phiền não. Tập Đế là Kiến Tư phiền não.
(Diễn) Dĩ Ngũ Độn, Ngũ Lợi, Thập Sử.
(演)以五鈍五利十使。
(Diễn: Do Ngũ Độn và Ngũ Lợi mà hợp thành Thập Sử).
“Sử” (使) là tỷ dụ. Trước kia, có kẻ phạm tội, chánh quyền bèn phái công sai đi bắt người. “Sử” là bắt người, giống như đội cảnh sát hình sự hiện thời. Chư vị hãy suy nghĩ, “đội cảnh sát hình sự” Kiến Hoặc gồm tám mươi tám “người”, Tư Hoặc có tám mươi mốt. Cảnh sát hình sự đông ngần ấy, hằng ngày chầu chực quanh quý vị, muốn bắt quý vị, quý vị còn có thể chạy đi đâu nữa? Chẳng có cách nào, chạy chẳng thoát! Nhằm thuận tiện thuyết pháp, chúng ta quy nạp những món ấy thành Ngũ Độn Sử và Ngũ Lợi Sử. Chỉ cần hiểu rõ mười điều ấy, đại khái có thể liễu giải tám mươi tám phẩm [Kiến Hoặc] và tám mươi mốt phẩm [Tư Hoặc].
Ngũ Lợi: Lợi (利) là nhạy bén, mạnh mẽ. Tuy mạnh mẽ, nhạy bén, nhưng nếu đoạn trừ chúng thì thật sự vẫn là khá dễ dàng, đó là nói về Kiến Hoặc. Món thứ nhất trong Kiến Hoặc là Thân Kiến, món thứ hai là Biên Kiến, món thứ ba là Giới Thủ Kiến, món thứ tư là Kiến Thủ Kiến, món thứ năm là Tà Kiến. Nói chung, nay chúng ta gọi năm loại lớn này là kiến giải sai lầm. Kiến (見) là kiến giải, Hoặc (惑) là mê hoặc. Kiến giải của quý vị sai lầm, kiến giải đã mê. Có năm loại lớn như vậy.
Tư Hoặc: Tư (思) là tư tưởng, quý vị nghĩ sai lầm, tư tưởng đã mê hoặc. Mê hoặc về tư tưởng cũng có năm thứ: Tham, sân, si, mạn, nghi. Gộp chung lại thành mười loại, tức là Ngũ Độn và Ngũ Lợi hợp thành Thập Sử. Ngũ Độn là Tư Hoặc, Ngũ Lợi là Kiến Hoặc.
Lũ phàm nhân chúng ta luôn ngỡ thân thể này là chính mình, đó gọi là Thân Kiến (身見), nó là cội nguồn tội ác của hết thảy họa hoạn. Tiêu chuẩn thiện ác ở chỗ nào? Đức Phật dạy: Phàm những gì tự lợi đều là ác, phàm những gì lợi tha đều là thiện. Chúng ta thường nghe chẳng hiểu, chuyện tốt đẹp cho chính mình, có lợi ích cho chính mình, cớ sao nói là ác? Chư vị hãy suy nghĩ, sẽ hiểu rõ Kiến Tư phiền não, sẽ có thể cảm nhận: Hễ là tự lợi, sẽ tăng trưởng Ngã Kiến, ta phải phá trừ! Phải phá Thân Kiến, phá Ngã Chấp. Hằng ngày quý vị tăng trưởng Ngã Chấp và Thân Kiến, ý niệm hễ dấy lên bèn nghĩ đến ta. Nói thật thà, hết thảy các sự tu học của chúng ta đều chẳng tăng trưởng nhanh chóng dường ấy, kiên cố ngần ấy! Khởi tâm động niệm chẳng có gì khác, đầu tiên là Ngã. Quý vị nói Ngã Chấp kiên cố quá, làm sao có thể thoát khỏi tam giới? Nếu quý vị muốn thoát khỏi tam giới, phải phá Ngã Chấp. Đức Phật đã nói Nhân Ngã Chấp và Pháp Ngã Chấp. Phá Nhân Ngã Chấp bèn chứng quả La Hán và Bích Chi Phật. Phá Pháp Ngã Chấp bèn chứng Bồ Tát, thành Phật. Vì thế, chẳng dễ gì phá tan Ngã Chấp. Hễ khởi tâm động thì niệm đầu tiên là nghĩ đến chính mình, có mấy ai quên đi cái Ta? Do đó, trong pháp Bồ Tát, điều thứ nhất là tu bố thí, bố thí nhằm dụng ý gì? Hy vọng sẽ quên mất cái Ta. Bố thí là niệm niệm nghĩ tới người khác, chẳng nghĩ tới mình! Lợi ích ấy vô lượng vô biên, có thể khiến cho quý vị vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, thật sự liễu sanh tử, thoát tam giới! Há có phải là bố thí một chút tài vật để đạt được một tí phước báo nhân thiên hữu lậu! Chẳng phải là ý nghĩa ấy! Bố thí nhằm mục đích phá trừ Ngã Kiến, trừ bỏ Ngã Chấp. Đức Phật dạy Bồ Tát niệm niệm đừng nghĩ tới chính mình, niệm niệm hãy nghĩ tới chúng sanh. Phương pháp này đích xác là cao hơn, khéo hơn Tiểu Thừa. Tiểu Thừa phá Ngã Chấp vô cùng khó khăn, phương pháp của họ rất vụng về! Phương pháp của hàng Đại Thừa Bồ Tát thiện xảo, khởi tâm động niệm đều chẳng nghĩ tới chính mình, niệm niệm mong làm thế nào để lợi ích hết thảy chúng sanh. Hết thảy chúng sanh được lợi ích thì chính mình là một chúng sanh, đương nhiên cũng sẽ được lợi ích. Vì vậy, Ngài chẳng nghĩ cho chính mình. Đó là phương tiện tu học thiện xảo của Đại Thừa Bồ Tát. Vì thế, đầu tiên là phá Thân Kiến. Thân Kiến họa hoạn vô cùng! Không chỉ là đối với chuyện liễu sanh tử, mà đối với niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ, nó cũng là chướng ngại to lớn bậc nhất. Chỉ cần có thứ này tồn tại, rất khó vãng sanh.
Thứ hai là Biên Kiến (邊見). Biên Kiến là kiến giải sai lầm. Biên Kiến là gì? Lục đạo phàm phu ai nấy đều có, các khoa học gia hiện thời gọi [Biên Kiến] là “quan niệm tương đối”. Tương đối là hai bên. Chúng ta nói đến ta, thì đối lập với ta là người khác, đều là do tương đối mà kiến lập. Có dài thì đối lập với dài là ngắn. Có lớn thì đối lập với lớn là nhỏ. Đối lập với thiện là ác. Đấy là Nhị Biên. Quý vị có kiến giải nhị biên, kiến giải nhị biên chẳng thật. Kiến giải nhị biên là mê, chẳng ngộ! Trong Đàn Kinh, Lục Tổ đã nói: Nhị biên là hai pháp, hai pháp chẳng phải là Phật pháp, Phật pháp là pháp bất nhị. Có nhị biên, tâm quý vị làm sao thanh tịnh cho được? Nói cách khác, quyết định chẳng đắc Thiền Định. Nếu quý vị muốn thật sự đắc Thiền Định, người niệm Phật chúng ta muốn thật sự đắc tâm thanh tịnh, đắc công phu thành phiến, ắt phải vứt bỏ Nhị Biên.
Chúng ta thấy Đàn Kinh có chép Huệ Minh truy đuổi Lục Tổ để đoạt lại y bát. Cuối cùng, Tổ bị Sư đuổi kịp, y bát thật sự có thần hộ pháp hộ trì. Sư vốn là tứ phẩm tướng quân, nghiễm nhiên chẳng thể lay động y bát, nên mới thật sự sanh tâm hổ thẹn, hiểu là sức người chẳng thể đoạt lấy vật ấy được. Sư hướng về Huệ Năng cầu pháp, Huệ Năng dạy Sư: “Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác”. Thiện và ác là Nhị Biên, Biên Kiến đấy! Quý vị buông Nhị Biên xuống, hai bên đều vứt bỏ. Khi ấy, Tổ chỉ điểm một câu: “Chính ngay khi ấy, diện mạo vốn có của thượng tọa Huệ Minh là gì?” Do câu nói ấy, Sư liền khai ngộ. Vì sao chúng ta không thể khai ngộ? Chẳng bỏ Nhị Biên. Khi đó, Sư chí thành, cung kính, tâm thật sự sám hối, do tâm cung kính, thầy dạy như thế nào, Sư liền làm như thế ấy. Sau khi đã bỏ hai bên, được chỉ điểm bằng một câu nói liền tỉnh ngộ. Nói thật ra, mê và ngộ là trong một niệm! Vì sao hiện thời chúng ta được chỉ điểm cách nào cũng đều chẳng tỉnh, chẳng thể khai ngộ? Là do quý vị chưa từng có sát-na nào lìa khỏi hai bên! Các khoa học gia Tây phương nói chúng ta sống trong thế giới tương đối. Phật pháp gọi thế giới tương đối là Biên Kiến.
Người Hoa gọi hai thứ Kiến Thủ Kiến và Giới Thủ Kiến là thành kiến, [ta thường nói] “người nào đó có thành kiến rất sâu”, đó là chấp trước! Giới Thủ Kiến (戒取見) là thành kiến nơi nhân, Kiến Thủ Kiến (見取見) là thành kiến nơi quả. Thành kiến đều là sai lầm, trọn chẳng hiểu rõ sự thật. Trong Phật pháp giải thích bằng hai câu: “Phi nhân kế nhân”, [nghĩa là] chẳng phải là nhân mà người ấy tưởng lầm là nhân, đó là Giới Thủ Kiến. “Phi quả kế quả”, chẳng phải là quả báo, lầm tưởng là quả báo; đó là Kiến Thủ Kiến.
Thí dụ như sanh thiên. Sanh thiên là quả báo, phải như thế nào thì mới có thể sanh lên trời? Ở Ấn Độ, có kẻ trì ngưu giới. “Trì ngưu giới” là học theo trâu bò: Trâu bò ăn cỏ, kẻ ấy cũng đi ăn cỏ. Trâu bò cày ruộng cho con người, người ấy cũng đến thay trâu cày ruộng, hằng ngày ăn cỏ. Cứ ngỡ làm theo kiểu ấy sẽ có thể sanh thiên. Người nào tu kiểu đó? Đương nhiên chẳng phải là kẻ thông thường, mà là kẻ có công phu kha khá, tu Thiền Định. Trong khi Thiền Định, thấy trâu sau khi chết được sanh lên trời, bèn hiểu lầm: “Vốn là trâu sau khi chết bèn được sanh lên trời”. Thấy con người chết đi đều đọa địa ngục, hoặc biến thành ngạ quỷ, người ấy [nẩy sanh quan niệm] phải học theo trâu. Đó là do người ấy chỉ thấy sự thật, chẳng hiểu nhân duyên thật sự. Sanh thiên là do tu thượng phẩm Thập Thiện, cớ sao trâu có thể sanh lên trời? Đó gọi là “quả báo thông ba đời”. Chẳng phải là do trong cuộc đời làm trâu có công đức gì nên có thể sanh thiên, [mà là do] trong đời quá khứ, người ấy từng tu thượng phẩm Thập Thiện, tới lúc này, cái nhân ấy chín muồi. Người tu Định trông thấy [chuyện đó], nhưng chẳng biết chuyện trong quá khứ, hiểu lầm, cứ tưởng làm như vậy sẽ có thể sanh thiên. Đó gọi là Giới Thủ Kiến.
Kiến Thủ Kiến là [hiểu lầm] đối với quả báo, có rất nhiều người ngỡ là hễ sanh thiên thì cõi trời sẽ là sống đời đời, vì [họ tưởng lầm] sanh lên cõi trời bèn bất sanh bất tử, sẽ sống đời đời, đó là quan niệm sai lầm. Dẫu sanh đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên, thọ mạng tám vạn đại kiếp, vẫn phải luân hồi trong lục đạo, huống chi Dục Giới Thiên? Do đó, đấy chẳng phải là quả báo chân thật. Chẳng phải là quả báo chân thật, mà tưởng là quả báo chân thật, chấp trước kiên cố, đó gọi là Kiến Thủ Kiến, là sai lầm. Hai loại này, một là thành kiến nơi nhân, một là thành kiến nơi quả, đều thuộc loại vọng tưởng, chấp trước.
Loại thứ năm là Tà Kiến (邪見), chẳng thuộc vào bốn loại trước. Hết thảy các tri kiến sai lầm được quy nạp vào cùng một chỗ, gọi là Tà Kiến. Phối hợp Tứ Đế với tam giới, tổng cộng gồm tám mươi tám phẩm, [tức là] tám mươi tám loại. Tư Hoặc có tám mươi mốt phẩm, quy nạp thành Ngũ Độn Sử. Độn (鈍) là rất chậm chạp, chẳng dễ đoạn. Quý vị mong đoạn nó thì như thường nói là “dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng”. Ngũ Lợi Sử là Thân Kiến, Biên Kiến, Giới Thủ Kiến, Kiến Thủ Kiến, và Tà Kiến. Hễ giác ngộ thì chúng thật sự dễ đoạn. Ngũ Độn Sử là tham, sân, si, mạn, nghi, rất khó đoạn!
Tham là tham ái, đây là căn bản sanh tử. Cổ đức thường nói: “Ái chẳng nặng, chẳng sanh Sa Bà”, tức là luân hồi trong lục đạo. Luân hồi trong lục đạo là do sức mạnh nào thúc đẩy? Do ái dục thúc đẩy. “Niệm chẳng nhất, chẳng sanh Tịnh Độ”, phải như thế nào thì mới có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới? Niệm phải chuyên nhất. Nói là Một thì quyết định chẳng thể xen tạp, quyết định chẳng thể gián đoạn. Thật sự làm được chẳng hoài nghi, chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp, niệm ấy là Nhất. “Một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”, đấy là pháp môn Bất Nhị để thoát tam giới, liễu sanh tử, thoát luân hồi, thành Phật đạo. Do vậy, nhất định phải đoạn tham ái, nó nhất định chẳng phải là thứ tốt đẹp, đời đời kiếp kiếp chúng ta đã bị thứ này hại thê thảm. Sân khuể là nghiệp nhân của địa ngục. Ngu si là nghiệp nhân của súc sanh đạo. Ngạo mạn, hoài nghi là nghiệp nhân của đoạn thiện căn. Vì sao thiện căn của chúng ta chẳng thể hiện tiền? Ngạo mạn, hoài nghi thánh giáo, nói với quý vị, quý vị sẽ không tin, khó lắm! Cổ thánh tiên hiền vô lượng kiếp khổ tu đã đạt được kinh nghiệm, đạt được giáo huấn quý báu, trao truyền cho chúng ta, chúng ta chẳng tin, chẳng muốn tiếp nhận. Như đối với pháp môn Niệm Phật là kết luận đạt được do sự tu hành trong vô lượng kiếp của vô lượng chư Phật, các Ngài truyền cho chúng ta pháp môn vi diệu nhất, chúng ta hoài nghi pháp ấy, pháp khó tin đó mà!
Cớ sao có tám mươi tám phẩm và tám mươi mốt phẩm? Trong sách Giáo Thừa Pháp Số có biểu giải[50], điều này thuộc loại Phật học thường thức, nên ở đây tôi chẳng rườm lời. Hôm nay chúng tôi giảng tới chỗ này.
— o0o —
Tập 197
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm chín mươi chín:
(Diễn) Kiến Hoặc hữu bát thập bát Sử, dĩ Ngũ Độn Ngũ Lợi Thập Sử, lịch tam giới Tứ Đế hạ, tăng giảm bất đồng, thành bát thập bát. Tư Hoặc hữu bát thập nhất phẩm, vị tam giới phân vi cửu địa, Dục Giới hợp vi nhất địa, Tứ Thiền, Tứ Không vi bát, cộng vi cửu địa. Dục Giới nhất địa trung, hữu cửu phẩm tham, sân, si, mạn, thượng bát địa các hữu cửu phẩm, trừ Sân Sử, cố thành bát thập nhất dã. Thượng lai Kiến Tư bất đồng, tổng thị Tạng Giáo, thật hữu Tập Đế.
(演)見惑有八十八使,以五鈍五利十使,歷三界四諦下,增減不同,成八十八;思惑有八十一品,謂三界分為九地,欲界合為一地,四禪四空為八,共為九地。欲界一地中,有九品貪瞋痴慢,上八地各有九品,除瞋使,故成八十一也。上來見思不同,總是藏教,實有集諦。
(Diễn: Kiến Hoặc có tám mươi tám Sử, do mười Sử gồm Ngũ Độn và Ngũ Lợi trải khắp Tứ Đế trong tam giới, do tăng giảm khác nhau mà thành tám mươi tám phẩm. Tư Hoặc có tám mươi mốt phẩm, tức là tam giới chia thành chín địa: Dục Giới hợp thành một địa, Tứ Thiền Thiên và Tứ Không Thiên là tám địa, cộng thành chín địa. Trong một địa của Dục Giới có chín phẩm tham, sân, si, mạn. Đối với tám địa trên đó (tám địa của Tứ Không Thiên và Tứ Thiền Thiên), mỗi địa có chín phẩm, ngoại trừ Sân Sử, nên thành tám mươi mốt phẩm. Kiến Tư [được phân định] sai khác như trên đây nói chung là Tạng Giáo, [theo cách nhìn của họ] thật sự có Tập Đế).
Những điều giải thích ở chỗ này đều dựa theo Tạng Giáo, chúng ta cũng thường nói là Tiểu Thừa. Phần trước nói về Khổ Đế của Tạng Giáo, đoạn này giảng về Tập Đế của Tạng Giáo. Trong lần trước, tôi đã giảng đại lược ý nghĩa.
(Diễn) Tam, Diệt Đế giả.
(演)三、滅諦者。
(Diễn: Ba, Diệt Đế là…).
“Tập” (集) là nói đến cái nhân. Đã tạo nhân, bèn có quả báo, bèn có lục đạo luân hồi. Hai Đế sau nói tới pháp xuất thế gian. Pháp xuất thế gian Tiểu Thừa cũng là nói quả trước rồi mới nói tới nhân. Trước hết là nói về Diệt Đế:
(Diễn) Diệt tiền Khổ Tập.
(演)滅前苦集。
(Diễn: Diệt Khổ và Tập trước đó).
Diệt gì? Diệt sanh tử, diệt luân hồi, diệt phiền não.
(Diễn) Hiển Thiên Chân lý, nhân Diệt hội Chân, Diệt phi Chân Đế.
(演)顯偏真理,因滅會真,滅非真諦。
(Diễn: Hiển lộ lý Thiên Chân, do Diệt mà thấu hiểu Chân, Diệt [trong Tạng Giáo] chưa phải là Chân Đế).
Đây là Thiên Chân Niết Bàn do hàng Tiểu Thừa chứng đắc. Chân (真) là chẳng sai lầm. Vì sao gọi là Thiên Chân? Thiên (偏: lệch lạc) là chẳng viên, tức là chẳng viên mãn, lệch về một bên. Phàm phu lệch về Hữu, Tiểu Thừa lệch về Không, tức Chân Không; Hữu là huyễn hữu. Luôn chấp trước, ngỡ [điều mình thiên chấp] là chân thật, nên gọi là Thiên. Do sự thiên chấp này, phàm phu chịu khổ rất lớn, ngỡ huyễn hữu là chân hữu; do đó, tạo thành lục đạo luân hồi, khổ khôn kể xiết! Hàng Tiểu Thừa cũng ngỡ Không là chân thật, nhưng bị hại nhẹ hơn chúng ta nhiều, họ bị hại là “bản tánh bị chướng ngại”. Vì lẽ đó, hàng Tiểu Thừa chẳng thể kiến tánh là do họ chấp trước Chân Không, tưởng cái Không ấy là thật, [cứ ngỡ là] thật sự có chuyện như vậy. Vì hai thứ chấp trước ấy nên đều chẳng thể kiến tánh. “Diệt” còn gọi là Niết Bàn, cũng gọi là Viên Tịch, có rất nhiều tên gọi khác nhau, nhưng thực tế đều là nói đến một chuyện. Nói là Viên Tịch thì Viên (圓) là nói đến sự viên mãn, Tịch (寂) là tịch diệt. Các danh xưng Niết Bàn và Viên Tịch đều dùng chung cho cả Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa. Tứ Đế và Diệt Đế cũng được sử dụng chung cho cả Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa; ở đây là nói đến Diệt Đế của Tạng Giáo. Quả báo đang được nói đến ở đây đương nhiên là điều mong cầu, hy vọng đạt được của mỗi người học Phật chúng ta. Hy vọng liễu sanh tử, hy vọng vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, vượt thoát tam giới, phải như thế nào thì mới có thể thực hiện được? Dưới đây bèn nói tới phương pháp, tức là nói tới Đạo.
(Diễn) Tứ, Đạo Đế giả, lược tắc Giới, Định, Huệ, quảng tắc tam thập thất Đạo Phẩm.
(演)四、道諦者,略則戒定慧,廣則三十七道品。
(Diễn: Bốn là Đạo Đế, đại lược thì là Giới, Định, Huệ, nói rộng thì là ba mươi bảy Đạo Phẩm).
Ba mươi bảy Đạo Phẩm sẽ được nói đến trong kinh này.
(Diễn) Thử tam thập thất hợp vi thất khoa.
(演)此三十七合為七科。
(Diễn: Ba mươi bảy phẩm ấy hợp thành bảy khoa).
“Khoa” là khoa loại (科類: chia thành từng loại tổng quát), ba mươi bảy phẩm có thể chia thành bảy loại lớn. Bảy loại lớn [chính là]…
(Diễn) Nhất, Tứ Niệm Xứ, nhị, Tứ Chánh Cần, tam, Tứ Như Ý Túc, tứ, Ngũ Căn, ngũ, Ngũ Lực, lục, Thất Giác Chi, thất, Bát Chánh Đạo.
(演)一、四念處,二、四正勤,三、四如意足,四、五根,五、五力,六、七覺支,七、八正道。
(Diễn: Một là Tứ Niệm Xứ, hai là Tứ Chánh Cần, ba là Tứ Như Ý Túc, bốn là Ngũ Căn, năm là Ngũ Lực, sáu là Thất Giác Chi, bảy là Bát Chánh Đạo).
Tới phần sau sẽ nói cặn kẽ, trong kinh văn có nói.
(Diễn) Dĩ thượng thất khoa, tức thị Tạng Giáo Sanh Diệt Đạo Đế, nhiên Tứ Đế chi trung, phân thế xuất thế.
(演)已上七科,即是藏教生滅道諦,然四諦之中分世出世。
(Diễn: Bảy khoa trên đây, chính là Sanh Diệt Đạo Đế của Tạng Giáo, nhưng trong Tứ Đế có chia thành thế gian và xuất thế gian).
“Thế” là thế gian, “xuất thế” là xuất thế gian.
(Diễn) Tiền nhị Đế vi thế gian nhân quả.
(演)前二諦為世間因果。
(Diễn: Hai Đế trước là nhân quả thế gian).
Tức là Khổ và Tập.
(Diễn) Hậu nhị Đế vi xuất thế gian nhân quả, giai tiền quả hậu nhân giả, linh tri Khổ, đoạn Tập, mộ Diệt, tu Đạo dã.
(演)後二諦為出世間因果。皆前果後因者,令知苦斷集慕滅修道也。
(Diễn: Hai Đế sau là nhân quả xuất thế gian, đều là quả trước, nhân sau, ngõ hầu [người nghe] sẽ biết Khổ, đoạn Tập, hâm mộ Diệt, tu Đạo).
Đây là sự thiện xảo trong cách thuyết pháp của đức Phật, đều là nói đến cái quả trước, nói cái nhân sau, khiến cho chúng ta thật sự biết khổ, biết tam giới khổ sở thì mới chịu đoạn phiền não. Người thế gian, kẻ bình phàm thì chẳng nói, chứ nói về phía kẻ tu đạo, đặc biệt là kẻ học Phật đạo, cớ sao kẻ đã học Phật đạo chẳng chịu đoạn phiền não? Nói thật ra, [nguyên nhân là vì kẻ ấy] vẫn chưa nhận biết rõ ràng nỗi khổ trong thế gian! Thật sự nhận biết nỗi khổ trong thế gian, đạo tâm của người ấy sẽ khác hẳn. Phàm là những kẻ chẳng phát đạo tâm là do chẳng nhận thức rõ ràng nỗi khổ trong thế gian, sống trong sự khổ sở mà chẳng biết khổ. Chúng ta thường nói là “chai lì, bất nhân”, chẳng biết thế gian khổ sở, chẳng biết luân hồi đáng sợ. Cõi trời và cõi người còn hơi tốt đẹp một chút, chứ ba ác đạo đáng kinh hãi lắm! Trong ba ác đạo, địa ngục đạo và ngạ quỷ đạo thì chúng ta chẳng thấy, chứ súc sanh đạo thì thường xuyên trông thấy. Nghĩ tới tình cảnh của súc sanh, chúng ta có bằng lòng làm súc sanh hay chăng? Quỷ đạo còn thua súc sanh, địa ngục đạo còn chẳng bằng ngạ quỷ đạo. Trong lục đạo, khổ nhất là địa ngục đạo. Chúng ta mong làm súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ ư? Đương nhiên là chẳng có ai muốn làm! Tuy chẳng muốn làm, nhưng hằng ngày chúng ta đang tạo cái nhân, vậy thì chẳng được rồi! Nếu quý vị đã tạo nhân, lẽ đâu chẳng hứng chịu quả báo? Đoạn này vừa mở đầu liền nói: Quý vị phải biết khổ, biết khổ thì mới chịu đoạn phiền não. Thật sự nhận biết, thật sự lý giải Phật đạo thì mới có thể sanh tâm ngưỡng mộ, mới chịu nghiêm túc tu đạo.
“Đạo” là gì? “Lược tắc Giới, Định, Huệ” nghĩa là nói đơn giản: Đạo là Tam Vô Lậu Học Giới, Định, Huệ, trì Giới, tu Định, khai Huệ. Tam Học Giới, Định, Huệ là tổng cương lãnh của Phật pháp, thực hiện từ chỗ nào? Tiểu Thừa giáo (Thanh Văn giáo) thực hiện từ Tứ Niệm Xứ và Tứ Chánh Cần. Tứ Niệm Xứ là Quán Huệ, là trí huệ, là giác ngộ. Điều thứ nhất là “quán thân bất tịnh”, thân là cội khổ. Không chỉ là Phật, Bồ Tát biết, mà người thế gian chúng ta cũng hiểu. Lão Tử nói: “Ta có nỗi họa hoạn to lớn là do ta có thân”; đó là khi Phật pháp chưa truyền đến Trung Hoa, Đạo gia đã giác ngộ cái thân là cội khổ! Hàng phàm phu bậc cao trong lục đạo chẳng cần đến thân thể, họ sanh trong Vô Sắc Giới. Sắc Giới tuy đã đoạn Ngũ Dục, vẫn còn có thân thể. Vì thế, hàng phàm phu thông minh nhất bèn chẳng cần thân thể nữa, đó là hạng phàm phu bậc cao. Đó là trí huệ! Có trí huệ quan sát, thật sự giác ngộ thì mới chịu nghiêm túc tu học. Tu học bắt đầu từ chỗ nào? Từ Tứ Chánh Cần. Tứ Chánh Cần thì một đằng là thiện, một đằng là ác. Ác thì phải nghiêm túc đoạn, thiện thì phải phát tâm tu tập.
Đề mục của ba mươi bảy phẩm như nhau, nhưng ý nghĩa trong Đại Thừa và Tiểu Thừa khác nhau. Đối với Tam Học và ba mươi bảy Đạo Phẩm, tông Thiên Thai nói có Tạng, Thông, Biệt, Viên. Những điều được nói ở đây thuộc về Tạng Giáo, thuộc về Tiểu Thừa, chỉ là vượt thoát sự luân hồi trong tam giới mà thôi. Đấy là bậc A La Hán trong Tiểu Thừa. Kinh nói trong các đệ tử đức Phật, có nhiều vị là A La Hán.
(Diễn) A La Hán giản phi tiền tam giả.
(演)阿羅漢揀非前三者。
(Diễn: [Nói] A La Hán nhằm chỉ rõ: Chẳng thuộc về ba quả vị trước).
Ba địa vị trước đó là Tu Đà Hoàn (Srotāpanna), Tư Đà Hàm (Sakridāgāmi), và A Na Hàm (Anāgāmi), đều là quả vị Tiểu Thừa, chúng ta gọi [các quả vị ấy] là Sơ Quả, Nhị Quả, và Tam Quả. Kinh nói đến Tứ Quả, tức là A La Hán (Arhat), chẳng phải là ba loại trước.
(Diễn) Nhất, Tu Đà Hoàn, thử vân Dự Lưu.
(演)一、須陀洹,此云預流。
(Diễn: Một là Tu Đà Hoàn, cõi này dịch là Dự Lưu).
Dự Lưu (預流) là nhập lưu (入流), tức là dự vào hàng thánh nhân, vì Ngài đã chứng đắc Vị Bất Thoái. Vị Bất Thoái sẽ tuyệt đối chẳng lui sụt xuống phàm phu, tuyệt đối chẳng đọa trong ba ác đạo. Ngài có tiến, có lùi, bảy phen sanh tử trong nhân gian hay cõi trời. Tuy có tiến, lùi như vậy, Ngài vẫn thuộc vào hàng thánh nhân, cho nên Ngài thoái chuyển có chừng hạn. Nếu chẳng chứng đắc Tu Đà Hoàn, trước khi đạt đến Tứ Gia Hạnh[51] thì mới có thể lui sụt xuống địa ngục, mức độ thấp nhất là A Tỳ địa ngục. Chứng đắc Tiểu Thừa Sơ Quả, ngằn hạn [lui sụt đến mức] thấp nhất sẽ là Sơ Quả, chẳng thể lùi xuống phàm phu, lại càng chẳng thể đọa lạc ba ác đạo. Nhất định phải hiểu điều này! Đối với sự tiến, lùi, chúng ta thường nói “Thất Địa Bồ Tát còn có thoái chuyển”, Thất Địa Bồ Tát lui sụt đến chỗ nào? Chúng ta nói theo Viên Giáo thì Ngài sẽ lui sụt đến Sơ Trụ. Sơ Trụ là phá một phẩm vô minh, thấy một phần chân tánh, tiến tiến lùi lùi đến mức độ thấp nhất là Sơ Trụ Bồ Tát của Viên Giáo, chẳng lui sụt đến Tiểu Thừa, chẳng thể lui sụt đến A La Hán, Bích Chi Phật, mà cũng chẳng thể lui sụt đến Quyền Giáo Bồ Tát. Vì thế, mỗi lần lui sụt, Ngài đều có chừng hạn. Đạt đến Bát Địa, sẽ là Bất Thoái. Bát Địa thật sự viên mãn ba thứ Bất Thoái.
(Diễn) Thử vị.
(演)此位。
(Diễn: Địa vị này).
Địa vị này là Tu Đà Hoàn, tức Tiểu Thừa Sơ Quả.
(Diễn) Đoạn tam giới bát thập bát Sử Kiến Hoặc, kiến Chân Đế, cố danh vi Kiến Đạo.
(演)斷三界八十八使見惑,見真諦,故名為見道。
(Diễn: Đoạn tám mươi tám Sử thuộc Kiến Hoặc trong tam giới, thấy Chân Đế, nên gọi là Kiến Đạo).
Đây là Kiến Đạo trong Tiểu Thừa: Đoạn sạch tám mươi tám Sử thuộc Kiến Hoặc, chứng đắc Tiểu Thừa Sơ Quả. Nếu người ấy là căn tánh viên đốn thì phải là hàng Bồ Tát thuộc địa vị Sơ Tín trong Viên Giáo. Sơ Tín của Viên Giáo bằng với Sơ Quả của Tiểu Thừa. Nói theo phương diện đoạn chứng, sẽ bằng với Tu Đà Hoàn của Tiểu Thừa, đều là đoạn tám mươi tám Sử; nhưng nói theo phương diện trí huệ và công đức, A La Hán chẳng sánh bằng. Do vậy có thể biết, căn cơ viên đốn đáng quý.
(Diễn) Nhị, Tư Đà Hàm, thử vân Nhất Lai.
(演)二、斯陀含,此云一來。
(Diễn: Hai là Tư Đà Hàm, cõi này dịch là Nhất Lai).
Đây là Nhị Quả trong Tiểu Thừa, Nhất Lai nghĩa là gì? Ngài còn phải sanh trong nhân gian một lần, sau đấy có thể chẳng cần sanh trong nhân gian nữa.
(Diễn) Thử vị đoạn Dục Giới cửu phẩm Tư trung, đoạn tiền lục phẩm tận, hậu tam phẩm do tại, cố cánh nhất lai.
(演)此位斷欲界九品思中,斷前六品盡,後三品猶在,故更一來。
(Diễn: Địa vị này đã đoạn sáu phẩm trước trong chín phẩm Tư Hoặc thuộc Dục Giới, do hãy còn ba phẩm sau [chưa đoạn] nên phải trở lại lần nữa).
Dục Giới có tất cả chín phẩm Tư Hoặc, Ngài đã đoạn sạch sáu phẩm trước, còn sót lại ba phẩm, nên vẫn phải trở lại một lần nữa; do đó gọi là Nhất Lai quả. Nhị Quả còn phải sanh trong nhân gian một lần, Tam Quả chẳng tái sanh nữa.
(Diễn) Tam, A Na Hàm, thử vân Bất Lai.
(演)三、阿那含,此云不來。
(Diễn: Ba là A Na Hàm, cõi này dịch là Bất Lai).
A là Vô, Na Hàm là Lai. Vô Lai chính là Bất Lai, [ý nói] chẳng đến (chẳng sanh trong) Dục Giới nữa!
(Diễn) Thử vị đoạn dục tàn Tư tận.
(演)此位斷欲殘思盡。
(Diễn: Địa vị này đoạn sạch mọi Tư Hoặc còn sót lại trong Dục Giới).
“Tàn” (殘) là tàn dư. Ngài đoạn sạch ba phẩm còn thừa sót, chẳng trở lại [nhân gian] nữa. Trong chín địa của tam giới, Dục Giới là một địa, trong mỗi địa có chín phẩm, Ngài đã đoạn hết chín phẩm Hoặc. Ngài đến nơi đâu để tu hành? Ngài tiến tiến lùi lùi trong Sắc Giới từ Sơ Thiền cho đến Tứ Thiền, nếu đọa lạc thì cũng bất quá đọa xuống Sơ Thiền [là hết mức], chẳng thể đọa xuống các cõi thấp hơn cõi Sơ Thiền. Tiến lên trên là Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, tiến tiến lùi lùi trong các chỗ ấy, chẳng thể đọa xuống Dục Giới. Vì thế, gọi là Bất Lai, còn gọi là Bất Hoàn Quả.
(Diễn) Tấn đoạn thượng bát địa Tư.
(演)進斷上八地思。
(Diễn: Tiến cao hơn là đoạn Tư Hoặc trong tám địa phía trên).
“Tư” là Tư Hoặc. Phía trên đó còn tám địa, tức là [các phẩm Tư Hoặc] thuộc về Tứ Thiền Thiên và Tứ Không Thiên.
(Diễn) Tứ, A La Hán, thử vân Vô Học.
(演)四、阿羅漢,此云無學。
(Diễn: Bốn là A La Hán, cõi này dịch là Vô Học).
A La Hán là Vô Học. A là Vô, La Hán là Học. Vô Học là đã tốt nghiệp.
(Diễn) Hựu vân Vô Sanh.
(演)又云無生。
(Diễn: Lại dịch là Vô Sanh).
Vô Sanh là gì? Ngài chẳng còn đến thọ sanh trong tam giới lục đạo, đã thoát khỏi tam giới.
(Diễn) Hựu vân Sát Tặc.
(演)又云殺賊。
(Diễn: Lại còn dịch là Sát Tặc).
Có rất nhiều người chẳng hiểu rõ Phật giáo cho lắm, thấy A La Hán còn gọi là Sát Tặc, [bèn dè bỉu]: “Nhà Phật chẳng sát sanh! Quý vị thấy [La Hán] còn giết giặc, đã khai sát giới rồi!” Đó là hiểu lầm! Chữ “tặc” (賊) chỉ Kiến Tư phiền não. Đoạn sạch Kiến Tư phiền não, giống như đã giết sạch giặc Kiến Tư phiền não, có ý nghĩa này, chẳng phải là thật sự sát sanh, mà nhằm tỷ dụ sự đoạn trừ phiền não. Ở đây là giặc phiền não, chẳng phải là giặc nào khác!
(Diễn) Hựu vân Ứng Cúng.
(演)又云應供。
(Diễn: Còn dịch là Ứng Cúng).
A La Hán có công đức chân thật, đoạn sạch Kiến Tư phiền não là công đức chân chánh. Trời, người cúng dường A La Hán, phước báo ấy rất lớn. Ngài xứng đáng tiếp nhận sự cúng dường của trời, người, nên được gọi là bậc Ứng Cúng.
(Diễn) Thử vị đoạn Kiến Tư câu tận.
(演)此位斷見思俱盡。
(Diễn: Địa vị này, Kiến Hoặc và Tư Hoặc đều đoạn hết sạch).
Tám mươi tám sử Kiến Hoặc và tám mươi mốt phẩm Tư Hoặc thảy đều đoạn sạch.
(Diễn) Tử phược dĩ đoạn, quả phược do tồn, danh Hữu Dư Niết Bàn.
(演)子縛已斷,果縛猶存,名有餘涅槃。
(Diễn: Triền phược thô đã đoạn, triền phược vi tế hãy còn, nên gọi là Hữu Dư Niết Bàn).
“Tử phược” (子縛) là phiền não thô. Đoạn sạch phiền não thô, hãy còn phiền não vi tế chưa đoạn. Phiền não vi tế là Quả Phược, Phược (縛) là trói buộc. Ba loại phiền não lớn là Kiến Tư phiền não, Trần Sa phiền não, và Vô Minh phiền não. A La Hán chỉ đoạn Kiến Tư, chứ Trần Sa và Vô Minh đều chưa đoạn, nên Niết Bàn do Ngài đã chứng được gọi là Hữu Dư Niết Bàn (Sa-upādisesa-nibbānadhātu), vì còn thừa sót Trần Sa, còn sót lại Vô Minh. Hai loại này vẫn còn, nhưng Ngài đã thoát khỏi tam giới. Trần Sa Hoặc và Vô Minh Hoặc sẽ đoạn sau khi thoát khỏi tam giới. Đấy là giải thích về A La Hán.
(Sao) Văn Tứ Đế giả, Thế Tôn vị Kiều Trần Như đẳng ngũ nhân, chuyển Khổ, Tập, Diệt, Đạo pháp luân, sơ thị, nhị khuyến, chí tam tắc chứng. Chư lậu dĩ tận, thành A La Hán. Nhân văn thanh giáo dĩ đắc khai minh, cố danh Thanh Văn. Thanh Văn chi hiệu, thông tiền tam quả, kim Tứ Quả dã.
(鈔)聞四諦者,世尊為憍陳如等五人,轉苦集滅道法輪,初示、二勸,至三則證。諸漏已盡,成阿羅漢。因聞聲教以得開明,故名聲聞。聲聞之號,通前三果,今四果也。
(Sao: “Nghe Tứ Đế”: Đức Thế Tôn vì nhóm năm người của ngài Kiều Trần Như chuyển pháp luân Khổ Tập Diệt Đạo, đầu tiên là chỉ bày, hai là khuyên lơn, cho đến điều thứ ba là chứng nhập. Các lậu đã hết, thành A La Hán. Do nghe thanh giáo bèn được khai minh, nên gọi là Thanh Văn. Danh hiệu Thanh Văn bao gồm cả ba quả trước, ở đây là Tứ Quả).
Thanh Văn (Śrāvaka) là hiệu chung của Tiểu Thừa. Từ Sơ Quả đến Tứ Quả A La Hán đều gọi là Thanh Văn. Các Ngài do nghe đức Phật thuyết pháp mà ngộ đạo, nên được gọi là Thanh Văn. Chúng ta xem phần chú giải dưới đây.
(Diễn) Thế Tôn vị Kiều Trần Như đẳng ngũ nhân giả.
(演)世尊為憍陳如等五人者。
(Diễn: Đức Thế Tôn vì nhóm năm người Kiều Trần Như).
Đây là nói đến một đoạn nhân duyên Phật thuyết pháp độ chúng sanh đầu tiên. Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện trong thế gian này, sau khi thành đạo, trong mười bốn ngày tuyên nói kinh Hoa Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm được đức Phật giảng trong Định. Đức Phật ngồi dưới cội Bồ Đề, ban đêm thấy sao Hôm, bèn hoát nhiên đại ngộ. Sau khi đã ngộ, Ngài vẫn ngồi dưới cội Bồ Đề. Lũ phàm phu chúng ta thấy Phật tĩnh tọa tại đó, chẳng biết Ngài đang giảng kinh Hoa Nghiêm trong Định. Pháp hội náo nhiệt dường ấy, nhưng bọn phàm phu chúng ta đâu có biết! Chờ đến sau khi Ngài xuất Định, gặp năm người ấy tại Lộc Dã Uyển, vì năm người ấy thuyết pháp, năm người ấy khai ngộ. Lũ phàm phu chúng ta thấy thoạt tiên Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp gì? Thuyết pháp Tứ Đế, thuyết cho năm người ấy. Vì lẽ đó, người Tiểu Thừa chẳng thừa nhận kinh Hoa Nghiêm do đức Phật nói. Vì sao? Chẳng thấy! Hiện tại, người phương Tây nói đến khảo cứu, nói đến lịch sử, cũng chẳng thừa nhận Đại Thừa, cho rằng kinh Hoa Nghiêm đại khái do chính Long Thọ Bồ Tát (Nāgārjuna) tự soạn, mạo danh Thích Ca Mâu Ni Phật. Đây chính là dùng tâm lượng phàm phu để suy lường thánh nhân! Nhưng người Hoa có cách nhìn chẳng giống như vậy, người Hoa thừa nhận [kinh Hoa Nghiêm và Đại Thừa]. Đây là chỗ khác biệt giữa Đại Thừa và Tiểu Thừa. Hiện thời nói đến Phật giáo nguyên thủy là nói tới Tứ A Hàm, tức là những pháp do Thích Ca Mâu Ni Phật giảng cho các vị thuộc nhóm Kiều Trần Như. Chúng ta cũng phải hiểu chuyện này, nhưng quyết định đừng bị mê hoặc bởi các luận thuyết rối ren! [Hễ bị mê hoặc] thì là sai lầm mất rồi! Trong pháp Đại Thừa có nói “đức Phật không có pháp nhất định để có thể nói”, đức Phật chẳng có pháp nào để có thể nói. Đức Phật lại chưa hề nói một câu pháp nào! Năm người ấy do đâu mà có? Ở đây, [sách Diễn Nghĩa] giới thiệu đơn giản.
(Diễn) Phật sơ xuất gia nhập sơn tu đạo, phụ vương tư niệm, mạng Trần Như, Mã Thắng đẳng ngũ nhân tùy thị.
(演)佛初出家入山修道,父王思念,命陳如馬勝等五人隨侍。
(Diễn: Lúc đức Phật mới xuất gia, vào núi tu đạo, phụ vương lo nghĩ, bèn sai nhóm năm người như Trần Như, Mã Thắng v.v… theo hầu).
Năm người ấy[52] vốn là do phụ thân của Thích Ca Mâu Ni Phật sai đến chăm sóc Ngài. Đức Phật vào núi tu đạo, cha Ngài chẳng an lòng, sai năm người đi theo chăm sóc Ngài. [Sở dĩ] có năm người ấy là như vậy đó.
(Diễn) Ngũ nhân bất thắng kỳ khổ, thoái cư Lộc Uyển.
(演)五人不勝其苦,退居鹿苑。
(Diễn: Năm người không chịu khổ nổi, bèn lui về ở trong Lộc Uyển).
Năm người ấy cũng rất có đạo tâm, nhưng họ thật sự chẳng kham nổi sự khổ hạnh của Thích Ca Mâu Ni Phật, thật sự chịu không nổi, bèn bỏ đi, chẳng ở cùng một chỗ với Ngài. Năm người ấy đến Lộc Dã Uyển, là một nơi nuôi nai, đến ở chỗ đó để tự tu hành.
(Diễn) Phật thành đạo dĩ, quán ngũ nhân nghi tối tiên đắc độ, cố Phật chí Lộc Uyển, thuyết pháp độ chi.
(演)佛成道已,觀五人宜最先得度,故佛至鹿苑,說法度之。
(Diễn: Đức Phật đã thành đạo, quán thấy năm người ấy đáng nên đắc độ trước tiên, nên đức Phật đến Lộc Uyển thuyết pháp độ họ).
Thích Ca Mâu Ni thị hiện thành đạo, quán xem người nào khế cơ nhất, người nào đắc độ đầu tiên? Đến Lộc Dã Uyển, Ngài nhìn thấy năm người ấy, thấy Kiều Trần Như cơ duyên đã chín muồi, liền thuyết pháp cho các vị ấy. Vừa thuyết pháp, tôn giả Kiều Trần Như khai ngộ đầu tiên, chứng quả A La Hán, nên Ngài là đệ tử thứ nhất. Chúng ta đọc kinh Vô Lượng Thọ, thấy Ngài được nêu tên đầu tiên, vì Ngài là người đầu tiên đắc độ khi Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành Phật độ chúng sanh. Kinh Kim Cang nói: Đời trước, vị này chính là vua Ca Lợi (Kaliṅga-rāja), còn Thích Ca Mâu Ni Phật là tiên nhân Nhẫn Nhục (Kṣānti-ṛṣi). Đời trước các Ngài có sự hiểu lầm rất lớn. Tiên nhân Nhẫn Nhục bị vua Ca Lợi cắt chặt thân thể, trọn chẳng sanh tâm sân khuể, lại còn phát nguyện trong tương lai thành Phật, sẽ độ nhà vua đầu tiên. Vì thế, Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật, quả nhiên người được độ đầu tiên là tôn giả.
Do vậy có thể biết, đức Phật độ hết thảy chúng sanh đều có nhân duyên rất sâu. Chẳng có nhân duyên, chẳng thể đắc độ. Giống như nay chúng ta ở trong thời kỳ Mạt Pháp của đức Phật, có nhân duyên nghe bộ kinh điển này, từ bộ kinh điển này sanh khởi tín tâm, phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, thật thà niệm Phật, đó cũng là có nhân duyên rất sâu. Nếu chẳng có duyên với A Di Đà Phật, chẳng có duyên với Thích Ca Mâu Ni Phật, suốt một đời này, quý vị chẳng nghe pháp môn này, dẫu có nghe cũng chẳng tin tưởng. Vì thế, phàm là người có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ giống như nhóm các vị Kiều Trần Như, thiện căn, phước đức, nhân duyên đã gieo trong nhiều đời nhiều kiếp đến lúc ấy bèn chín muồi đó thôi!
Khi Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành Phật, [nhân duyên của] nhóm người Kiều Trần Như đã chín muồi, bèn đắc độ đầu tiên. Đức Phật giảng cho các Ngài nghe pháp Khổ Tập Diệt Đạo. Phương pháp giảng giải của đức Phật gồm có chỉ dạy, khuyên lơn, làm chứng; đó gọi là “tam chuyển pháp luân”, là kỹ xảo thuyết pháp. Chúng ta xem chú giải.
(Diễn) Tam chuyển pháp luân giả, nhất, thị tướng chuyển.
(演)三轉法輪者,一、示相轉。
(Diễn: Tam chuyển pháp luân: Một là chuyển bằng cách chỉ bày các tướng).
Dưới đây là nêu ra ví dụ để nói.
(Diễn) Thử thị khổ, bức bách tánh.
(演)此是苦,逼迫性。
(Diễn: Đây là khổ vì có tánh chất bức bách).
Phạm vi của chữ “thử” (này) hết sức rộng rãi, bảo quý vị: Đây là khổ! Sanh là khổ, già cũng khổ, bệnh cũng khổ, chết cũng khổ, cầu chẳng được cũng khổ, yêu thương phải chia lìa cũng khổ, oán ghét mà cứ phải gặp gỡ cũng khổ. Thường nói là ba khổ hoặc tám khổ, những điều ấy là khổ. Đó gọi là “thị tướng chuyển”. Vì sao khổ? “Bức bách tánh”, [nghĩa là] chúng nó có tánh chất bức ép khiến cho quý vị thân tâm chẳng thể yên ổn, đó là khổ! Khổ đang ép bức quý vị, nên dạy con người hãy giác ngộ các nỗi khổ trong thế gian. Đối với Khổ Đế, nêu lên một thí dụ để nói. Tiếp theo đây là nói tới Tập Đế, [nhằm giải thích] Khổ do đâu mà có?
(Diễn) Thử thị Tập, chiêu cảm tánh.
(演)此是集,招感性。
(Diễn: Đây là Tập, có tánh chất chiêu cảm).
Nếu quý vị hỏi những sự khổ ấy do đâu mà có ư? Khổ do chính quý vị chuốc lấy, chiêu tập nó. Nếu quý vị chẳng tìm kiếm nó, lấy đâu ra khổ? Chẳng có khổ! Chèo kéo khổ bằng cách nào? Khởi Hoặc, tạo nghiệp! Cái nhân là mê hoặc, chẳng hiểu rõ chân tướng sự thật, mê mất rồi! Duyên là tạo nghiệp, tạo đủ thứ nghiệp. Vì sao tạo nghiệp? Vì mê hoặc. Do mê hoặc tạo nghiệp nên mới chịu báo. Quả báo là Khổ, [là kết quả của] những điều trước; nên nói là Hoặc, Nghiệp, Khổ. Đó là Tập, Tập là “chiêu cảm tánh”. Tạo nghiệp: Tạo thiện nghiệp sẽ thọ báo trong ba thiện đạo. Tạo ác nghiệp, thọ báo trong ba ác đạo. Lục đạo phàm phu chẳng có ai không tạo nghiệp. Luân hồi: Chúng ta tạo nghiệp rất nhiều, có thể nói là mỗi cá nhân đều đang tạo nghiệp trong mười pháp giới. Tạo nghiệp phức tạp như vậy, sẽ thọ báo của nghiệp nhân nào trước? Tùy thuộc nghiệp lực nào lớn mạnh, nghiệp lực nào mạnh mẽ! Nghiệp mạnh sẽ lôi trước, lôi đi trước thì sẽ “ưu tiên” thọ báo [của nghiệp ấy]. Hiểu sự thật này, chúng ta sẽ giác ngộ. Suốt ngày từ sáng đến tối, vọng niệm nào của chúng ta có sức mạnh lớn nhất, phải giác ngộ điều này! Nếu ý niệm tham ái mạnh nhất, chắc chắn sẽ vào ngạ quỷ đạo, đời sau làm quỷ. Tham là tham gì? Tham danh, tham lợi, tham tài, tham sắc, tham Phật pháp, đều là tham. Tham Phật pháp cũng phải đi vào ngạ quỷ đạo, vì quý vị chịu báo do cái tâm tham, chẳng cần biết quý vị tham điều gì! Nếu đoạn sạch tâm tham, chẳng tham ái hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, quý vị sẽ chẳng đọa làm ngạ quỷ.
Lại thưa cùng quý vị, ngoại lệ duy nhất là quý vị có thể yêu mến A Di Đà Phật, điều này chẳng sao hết! [Do yêu mến A Di Đà Phật], sẽ đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, chứ [tham ái những điều khác] chẳng được đâu nhé! [Tham ái] những điều khác thì đều vào trong ngạ quỷ đạo! Nói thật thà, quý vị yêu mến Thích Ca Mâu Ni Phật cũng không được, vẫn phải vào trong ngạ quỷ đạo, chẳng có cách nào thành tựu. Niệm A Di Đà Phật là một pháp môn đặc biệt, quý vị chỉ cần đặt A Di Đà Phật trong tâm, sẽ thành công, những điều khác đều buông xuống hết, như vậy thì mới có thể vãng sanh! Do đó, một mực chuyên niệm A Di Đà Phật. Nếu quý vị hỏi “do nguyên nhân nào” ư? Kinh này và kinh Vô Lượng Thọ đã nói rành mạch, vì sao niệm đức Phật khác không được, nhưng niệm Ngài (A Di Đà Phật) thì được? Niệm Ngài là đới nghiệp vãng sanh. Mang theo nghiệp gì vậy? [Chính là] nghiệp yêu mến A Di Đà Phật, có thể mang theo nghiệp ấy vãng sanh, [mang theo] những nghiệp khác thì không được. Trong hết thảy các Tịnh Độ khác của chư Phật, chẳng có đới nghiệp vãng sanh, chỉ riêng pháp môn này là có thể đới nghiệp vãng sanh.
Trong mỗi niệm đều là nóng giận, ganh ghét, nhất định phải đọa địa ngục, chúng ta thường có cái tâm ấy hay không? Có ý niệm ấy hay không? Ngạo mạn, kiêu căng, ngã mạn là A Tu La. Thị phi, thiện ác chẳng hiểu rõ ràng, mê hoặc, điên đảo, sẽ là súc sanh đạo. Nói thật thà, chúng ta mỗi ngày tạo nghiệp gì? Tạo ba ác đạo, quá đáng sợ, thật sự là khổ! Khởi Hoặc, tạo nghiệp, đấy là Tập Đế. Hai câu trên đây nói về nhân quả thế gian; hai câu sau sẽ nói đến nhân quả xuất thế gian.
(Diễn) Thử thị Diệt, khả chứng tánh.
(演)此是滅,可證性。
(Diễn: Đây là Diệt, tánh có thể chứng).
Tánh chất của nó là có thể chứng đắc. Diệt là diệt hết thảy khổ, diệt hết thảy mê hoặc tạo tác, có thể diệt những điều ấy. Nói cách khác, nó có thể diệt sanh tử, có thể diệt luân hồi, có thể diệt phiền não; những thứ ấy hư vọng, chẳng chân thật, quyết định có thể diệt trừ. Cách diệt như thế nào? Phải nói đến Đạo.
(Diễn) Thử thị Đạo, khả tu tánh.
(演)此是道,可修性。
(Diễn: Đây là Đạo, tánh có thể tu).
Có thể tu học. Đối với Đạo, Tiểu Thừa nói ba mươi bảy Đạo Phẩm, còn đối với Đại Thừa sẽ là lục độ vạn hạnh. Lục độ vạn hạnh cũng chẳng ra ngoài ba mươi bảy Đạo Phẩm. Ba mươi bảy khoa mục ấy quy nạp lại sẽ là Tam Học Giới, Định, Huệ. Vô lượng vô biên pháp môn đều chẳng lìa khỏi Tam Học, dùng Tam Học sẽ bao gồm toàn bộ.
Nói theo kiểu này, Thị Tướng chính là khai thị. Nói theo phía người căn cơ nhạy bén, hễ vừa nói, họ liền giác ngộ. Căn tánh con người có ba hạng, đối với người bậc thượng, đức Phật chỉ cần nêu ra, chỉ bày, họ liền giác ngộ, quay đầu. Đối với người căn tánh bậc trung, tuy chỉ bày, họ vẫn luôn cảm thấy chẳng liên quan gì tới mình cho lắm, chẳng thấu hiểu sâu đậm như vậy. Đức Phật lại dùng phương pháp khuyên dạy, “khuyên” là trực tiếp nói với quý vị.
(Diễn) Nhị, khuyến tu chuyển. Thử thị Khổ nhữ ưng tri, thử thị Tập nhữ ưng đoạn, thử thị Diệt nhữ ưng chứng, thử thị Đạo nhữ ưng tu.
(演)二、勸修轉。此是苦汝應知,此是集汝應斷,此是滅汝應證,此是道汝應修。
(Diễn: Hai là khuyến tu chuyển. Đây là Khổ ngươi nên biết. Đây là Tập ngươi nên đoạn. Đây là Diệt ngươi nên chứng. Đây là Đạo ngươi nên tu).
Đây là nói thẳng, chỉ dạy quý vị, còn trong trường hợp trước, chẳng chỉ dạy quý vị trực tiếp, mà nói với đại chúng. Quý vị hãy nên thấu hiểu, đây là chỉ dạy thẳng thừng, quý vị hãy nên biết điều này! “Khuyến” [có nghĩa là] quý vị phải nên làm theo cách nào! Sau khi đã được khuyên, căn tánh bậc trung sẽ giác ngộ. Kẻ căn tánh bậc hạ sau khi được khuyên vẫn chưa tin tưởng: “Quý vị nói những lời này là thật ư?” Nửa tin nửa ngờ! Bất đắc dĩ, lại làm chứng cho kẻ đó. Nói theo cách hiện thời là phải “nêu ra chứng cớ”. Đức Phật lấy ngay chính mình làm thí dụ.
(Diễn) Tam, tác chứng chuyển, thử thị Khổ, ngã dĩ tri.
(演)三、作證轉,此是苦我已知。
(Diễn: Ba là tác chứng chuyển, đây là Khổ, ta đã biết).
Ta có thể chứng minh cho quý vị, ta đã biết.
(Diễn) Thử thị Tập, ngã dĩ đoạn.
(演)此是集我已斷。
(Diễn: Đây là Tập, ta đã đoạn).
Quý vị có mê hoặc, có tạo nghiệp, ta chẳng mê hoặc, cũng chẳng tạo nghiệp. Ta chẳng mê hoặc, tức là duyên đã đoạn. Ta chẳng tạo nghiệp, nhân đã đoạn. Nhân và duyên đều đã đoạn, đương nhiên quả báo sẽ đoạn.
(Diễn) Thử thị Diệt, ngã dĩ chứng. Thử thị Đạo, ngã dĩ tu.
(演)此是滅我已證,此是道我已修。
(Diễn: Đây là Diệt, ta đã chứng. Đây là Đạo, ta đã tu).
“Tôi nói với quý vị, câu nào cũng đều là lời chân thật”, đây là đức Phật hiện thân thuyết pháp, vì mọi người làm chứng. Đó gọi là Tác Chứng Chuyển. Đấy là Tam Chuyển Pháp Luân. Câu văn Tam Chuyển Pháp Luân này giống như công thức toán học, chúng ta hãy nên học tập điều này. Nhất là hoằng pháp, luôn luôn chẳng rời khỏi nguyên tắc này, bất luận ở chỗ nào, gặp kẻ nào hỏi pháp, quý vị giữ vững nguyên tắc này, chắc chắn sẽ không phạm sai lầm. Thị chuyển, khuyến chuyển, tác chứng chuyển! Lại xem đoạn kế tiếp:
(Sao) Duyên Giác nhiếp giả.
(鈔)緣覺攝者。
(Sao: [Nói Thanh Văn] là đã bao gồm Duyên Giác).
Kinh này chẳng nhắc tới Duyên Giác, Duyên Giác được bao gồm trong Thanh Văn, tỉnh lược!
(Sao) Duyên Giác quán Thập Nhị Nhân Duyên nhi đắc khai ngộ, tuy thập nhị chi, nhi thúc chi bất xuất Tứ Đế.
(鈔)緣覺觀十二因緣而得開悟,雖十二支,而束之不出四諦。
(Sao: Duyên Giác quán Thập Nhị Nhân Duyên nên khai ngộ. Tuy gồm mười hai chi, nhưng tóm lại, chẳng ra ngoài Tứ Đế).
“Thập nhị chi” cũng là mười hai khoa mục. “Thúc” (束) là quy nạp. Quy nạp lại thì [Thập Nhị Nhân Duyên] cũng chẳng ra ngoài Tứ Đế. Vì thế, trong pháp Tiểu Thừa, Tứ Đế được gọi là căn bản pháp luân. Thập Nhị Nhân Duyên bất quá là triển khai Tứ Đế để nói tỉ mỉ, rõ ràng mà thôi!
(Sao) Tuy hữu lợi sanh chi tâm, nhi diệc vị quảng, cố nhiếp Thanh Văn trung dã.
(鈔)雖有利生之心,而亦未廣,故攝聲聞中也。
(Sao: Tuy có tâm lợi sanh, nhưng cũng chưa rộng, nên gom vào hàng Thanh Văn).
Tiếng Phạn là Bích Chi Phật (Pratyeka-buddha), dịch sang tiếng Hán là Duyên Giác; Ngài từ Thập Nhị Nhân Duyên (Dvādaśāga-pratītya Samutpāda Aṅga) mà khai ngộ. Hạng người này tuy cũng độ chúng sanh, nhưng không chủ động, giống như A La Hán. Quý vị đến tìm Ngài, Ngài thấy quý vị rất có duyên phận với Ngài trong đời quá khứ, bèn độ quý vị. Ngài có thể nhập Định quán sát, [nếu thấy] trong đời quá khứ chẳng có duyên với chính Ngài, bèn chẳng độ quý vị, vì sao? Nói ra, quý vị sẽ không tin tưởng, mà cũng chẳng bằng lòng nghe. Ta cũng đỡ tốn công nói, mà quý vị cũng ít phiền não. Ngài bảo quý vị hãy đi đi. Bồ Tát tâm từ bi sâu nặng, chủ động giáo hóa chúng sanh; A La Hán và Bích Chi Phật chẳng chủ động dạy người khác; vì thế, các Ngài thuộc về Tiểu Thừa. Lời chú giải đơn giản dưới đây giảng rõ Thập Nhị Nhân Duyên là gì. Điều này cũng là thường thức trong Phật học.
(Diễn) Duyên Giác quán Thập Nhị Nhân Duyên giả, nhất Vô Minh, vị Phiền Não Chướng, Phiền Não Đạo.
(演)緣覺觀十二因緣者,一、無明,謂煩惱障煩惱道。
(Diễn: Duyên Giác quán Thập Nhị Nhân Duyên: Một là Vô Minh, nghĩa là Phiền Não Chướng, Phiền Não Đạo).
Vô Minh đang nói ở đây chính là Chi Mạt Vô Minh, chẳng phải là Căn Bản Vô Minh (Mūlāvidyā). Phá một phẩm Căn Bản Vô Minh sẽ là Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát, là Pháp Thân đại sĩ. A La Hán và Bích Chi Phật cũng phá vô minh, nhưng phá Chi Mạt Vô Minh. Chi Mạt Vô Minh là gì? Là Kiến Tư phiền não. Trong Tứ Đế, nó được gọi là Kiến Tư phiền não, còn trong Thập Nhị Nhân Duyên thì là Vô Minh (Vidyā), Vô Minh là Kiến Tư phiền não, là mê hoặc, “Phiền Não Chướng, Phiền Não Đạo” là như thế đó. Phiền Não Chướng là Kiến Hoặc, Phiền Não Đạo là Tư Hoặc, đó gọi là Kiến Tư phiền não, đấy là vô minh.
(Diễn) Nhị, Hành.
(演)二、行。
(Diễn: Hai là Hành).
Quý vị có Phiền Não Chướng, có Phiền Não Đạo, tức là quý vị có Kiến Tư Vô Minh, nhất định sẽ vọng động. Hành (Saṅkhāra) là tạo nghiệp.
(Diễn) Nghiệp chướng, nghiệp đạo.
(演)業障業道。
(Diễn: Nghiệp chướng, nghiệp đạo).
Đây là tạo tác. Vô Minh là duyên, Hành là nhân. Vô Minh xa hơn, nghiệp thì gần hơn. Nếu lấy quan hệ ông cháu ba đời để nói thì Vô Minh là ông nội, Hành là cha, sanh ra con là Thức trong phần kế tiếp. Thức là quả báo, năm điều tiếp theo đây đều là quả báo. Quan hệ hơi xa so với quả thì gọi là duyên, quan hệ mật thiết thì là nhân. Do đó, Vô Minh là duyên, Hành là nhân; có nhân, có duyên, sau đó là kết quả. Đó là “nghiệp chướng, nghiệp đạo”, nay chúng ta thảy đều đang tạo tác.
(Diễn) Thử nhị chi thuộc quá khứ.
(演)此二支屬過去。
(Diễn: Hai chi này thuộc về quá khứ).
Hai điều này đều nói về quá khứ, vì trong đời quá khứ, quý vị mê hoặc, điên đảo, tạo nghiệp, một đời này thọ báo, trở thành quả báo của quý vị. Cách thức thọ báo như thế nào? Trước hết là đến đầu thai. Trong lục đạo, chúng ta nói đến nhân đạo, tuy nói một đường này, nhưng năm đường kia đều chẳng ra ngoài lệ ấy, đều giống như nhau.
(Diễn) Tam, Thức, thác thai nhất phần khí tức.
(演)三、識,托胎一分氣息。
(Diễn: Ba là Thức, tức là một phần khí tức nương gá nơi thai).
“Thức” (Vijñāna) là thần thức, tục ngữ gọi nó là “linh hồn”. Linh hồn đến đầu thai. Thần thức có tốc độ vô cùng lớn, vượt thoát thời gian và không gian. Tuy Khổng lão phu tử chẳng nói rõ, nhưng từ văn chương của Ngài cũng thấu lộ đôi chút tin tức. Trong phần Hệ Từ Truyện của kinh Dịch, Ngài nói: “Du hồn vi biến” (Cái hồn phiêu du biến hóa); thần thức chính là “du hồn” (遊魂), Khổng lão phu tử gọi nó là “du hồn”. Nói là “du hồn” thì tuyệt đối chánh xác. Vì sao? Tốc độ chuyển động của nó quá nhanh.
“Du hồn vi biến, tinh khí vi vật” (Cái hồn phiêu du biến hóa, tinh khí hóa thành vật), hai câu này hoàn toàn giống với vũ trụ quan và nhân sinh quan trong Phật pháp. “Vật” (物) là vật chất, vật chất từ đâu mà có? Do Tinh Khí biến thành vật. Có thể thấy Khổng lão phu tử hoàn toàn chẳng thừa nhận thật sự có vật chất tồn tại, vật chất là tinh khí mà thôi! Các khoa học gia hiện thời chẳng thừa nhận có vật chất, [họ nói] vật chất là chấn động, là huyễn tướng do ánh sáng chấn động, chẳng phải là thật sự có vật chất. Kinh Dịch từ hai ngàn năm trăm năm trước của Khổng lão phu tử có thể tương ứng với khoa học hiện đại. Các khoa học gia chẳng đọc sách của Khổng Tử. Họ đọc sách của Khổng Tử sẽ càng thông minh hơn, trong Phật pháp càng nói cặn kẽ hơn nữa. Tinh Khí như Khổng lão phu tử đã nói chính là gì? Trong Duy Thức gọi chúng là Kiến Phần. Vật là gì? Vật là Tướng Phần. Kiến Phần và Tướng Phần có cùng cội nguồn, Kiến Phần và Tướng Phần chẳng hai! Phật pháp nói như vậy đó!
Có rất nhiều người kết hôn nhưng suốt đời chẳng có con, vì sao? Chẳng có duyên! Con cái phải có duyên với quý vị thì chúng mới đầu thai vào nhà quý vị. Chúng nó chẳng có duyên với quý vị, sẽ chẳng đầu thai vào nhà quý vị. Nói cách khác, chúng nó đi đầu thai, phải tìm đối tượng. Quý vị mong cầu chúng nó, chưa chắc chúng nó đã để ý tới quý vị! Tìm đối tượng nào? Có mối quan hệ trong đời quá khứ. Trong kinh, đức Phật đã nói bốn loại nhân duyên:
1) Loại thứ nhất là báo ân. Trong đời quá khứ, đôi bên có ân huệ với nhau, lần này chúng nó lại thấy quý vị, bèn đầu thai vào nhà quý vị, sẽ trở thành con hiếu, cháu hiền, đến để báo ân.
2) Loại thứ hai là báo oán. Trong đời quá khứ, quý vị kết cừu hận với họ. Gặp gỡ lần này, họ đến làm con cái quý vị, mai sau lớn lên sẽ thành đứa con khiến cho gia đình suy bại, khiến cho quý vị nhà tan, người chết, nó đến để báo thù quý vị! Vì thế, chớ nên kết oán cừu cùng kẻ khác. Kẻ oán cừu bên ngoài có thể đề phòng, chứ họ đến đầu thai trong nhà quý vị, làm cách nào đây? Quý vị hại chết kẻ đó, thần thức kẻ ấy sẽ đến làm con cháu trong nhà quý vị. Đó gọi là “con cháu ngỗ nghịch” khiến cho nhà tan, người chết!
3) Loại thứ ba là đòi nợ. Đời quá khứ, cha mẹ thiếu nợ chúng nó, chúng nó đến đòi nợ. Nếu thiếu nợ ít, nuôi hai, ba năm, con bèn chết. Nếu thiếu nợ nhiều, đại khái là nuôi đến khi tốt nghiệp đại học, sắp có thể làm việc bèn chết mất. Nợ đã đòi xong, nó bèn ra đi.
4) Loại thứ tư là trả nợ. Con cái thiếu nợ cha mẹ, đời này gặp gỡ, nó phải trả nợ. Nó phải nỗ lực làm lụng để nuôi nấng cha mẹ. Nếu nó thiếu nợ cha mẹ rất nhiều, nó cung phụng cha mẹ vật chất rất trọng hậu. Nếu thiếu nợ rất ít, nó lo cho cuộc sống cha mẹ rất tệ bạc, miễn sao quý vị chẳng chết đói là được rồi. Hạng người này tuy có thể phụng dưỡng cha mẹ, nhưng thiếu lòng cung kính, chẳng có tâm hiếu thuận. Báo ân bèn có tâm hiếu thuận, chứ trả nợ chẳng có tâm hiếu thuận. Thậm chí trong lòng chúng nó còn ghét bỏ, chán ngán cha mẹ, nhưng vẫn cho quý vị tiền để sống, nhiều hay ít là do xưa kia chúng nó thiếu quý vị nhiều hay ít.
Đức Phật dạy rõ chân tướng sự thật, người một nhà là do bốn loại quan hệ ấy mà tụ hợp. Gia đình là như thế, mà người trong một họ cũng là như thế. Ân, oán, nợ nần nhiều, bèn biến thành cha con, anh em một nhà. Ân, oán, nợ nần ít hơn thì biến thành thân thích, bầu bạn. Do đó, giữa người và người với nhau đều có duyên phận. Quý vị đi đường, một kẻ xa lạ gật đầu mỉm cười với quý vị cũng là do duyên phận xưa kia. Thấy một kẻ xa lạ, vừa thấy kẻ ấy liền cảm thấy gai mắt cũng là do duyên phận trong quá khứ.
Phải hiểu rõ chân tướng sự thật, chúng ta khởi tâm động niệm chớ nên không cẩn thận, ngàn muôn phần đừng kết oán cừu với hết thảy chúng sanh, đừng nên có quan hệ nợ nần với hết thảy chúng sanh. Thiếu nợ phải trả cho sạch nợ, để đời sau khỏi phải đền trả nữa. Chuyện này rất phiền toái! Giáo huấn của thánh hiền Nho và Phật đều dạy chúng ta phải hóa giải ân, oán. [Hóa giải] sẽ là phương pháp tốt lành nhất và viên mãn nhất. Chỉ có Nho và Phật mới có thể làm được, những thứ giáo dục khác trong thế gian chẳng thể thực hiện được! Điều này nhằm nói rõ đầu thai chẳng phải là tùy tiện bèn trở thành người một nhà, chẳng phải như vậy, mà là đã có quan hệ trong đời quá khứ .
Khi vừa đầu thai thì lúc đó bèn gọi là Thức, do chẳng thể đặt tên gọi cho nó, nó mới vừa đầu thai mà! Mẹ hoài thai, tức là thần thức đến đầu thai.
(Diễn) Tứ, Danh Sắc.
(演)四、名色。
(Diễn: Bốn là Danh Sắc).
Danh Sắc (Nāmarūpa) là thai nhi còn chưa phát triển thành hình dạng [con người], đại khái là trong mười bốn ngày, chưa phát triển thành hình thể rõ rệt, thứ gì cũng chẳng nhận ra được, chỉ là một khối thịt, nhưng trong khối thịt ấy có thần thức, nên gọi là Danh Sắc. Danh là tâm, sống động, chẳng chết cứng, Sắc là vật chất. [Vì thế], gọi [gộp chung] là Danh Sắc.
(Diễn) Ngũ, Lục Nhập.
(演)五、六入。
(Diễn: Năm là Lục Nhập).
Lục Nhập (Ṣaḍāyatana) là thai nhi thành hình, mang dáng vẻ con người, sáu căn đã mọc ra, khi đó sẽ gọi là Lục Nhập. Khi sáu căn chưa lộ ra thì gọi là Danh Sắc.
(Diễn) Lục căn thành, thử thai trung.
(演)六根成,此胎中。
(Diễn: Sáu căn hình thành, những giai đoạn này đều ở trong thai).
Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, ba chi này đều ở trong thai.
(Diễn) Lục, Xúc.
(演)六、觸。
(Diễn: Sáu là Xúc).
Xúc (Sparśa) là xuất thai, tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, tức là được sanh ra. Có thể nói là từ sanh ra cho đến khi già, chết, luôn tiếp xúc cảnh giới bên ngoài. Vì thế, sau khi rời khỏi thân mẹ đều gọi là Xúc, thời gian này hết sức dài. Vì sao xếp nó vào chỗ này? Xếp nó vào [chỗ này] là có đạo lý. Ví như đứa trẻ vừa mới được sanh ra, tuy tiếp xúc [cảnh giới] bên ngoài, nó vẫn chưa có cảm nhận, vẫn chưa thể phân biệt.
(Diễn) Thất, Thọ, lãnh nạp tiền cảnh hảo ác đẳng sự.
(演)七、受,領納前境好惡等事。
(Diễn: Bảy là Thọ, lãnh nhận những chuyện ưa ghét thuộc tiền cảnh).
Trẻ thơ [chưa đầy năm] vẫn chưa có yêu ghét, chẳng có gì ham thích, chẳng có gì chán ghét, mà cũng chẳng sợ hãi, ngay cả phân của chính nó, nó cũng ăn. Lúc đó, nó điều gì cũng chưa hiểu, tức là có Xúc, nhưng chẳng có Thọ (Vedanā). Đợi cho nó dần dần lớn lên, bèn có tâm yêu ghét. Trước khi có Thọ, người Hoa thường nói là “thiên chân” (ngây thơ, ngờ nghệch). Trong tâm nó thanh tịnh, hết sức vui sướng, chẳng lo lắng, chẳng ưa ghét. Người thuở trước, thời gian ngây thơ rất lâu, thông thường là từ mười tuổi trở đi mới biết đến ưa ghét, có ưa thích, có chán ghét, trước khi mười tuổi thì chẳng biết. Tuổi thơ hạnh phúc quá! Trẻ nhỏ hiện thời đáng thương lắm, một hai tuổi đã có ưa, ghét, thời gian thơ ngây bị rút ngắn! Nó phải chịu khổ, chịu vui trước tuổi, cớ sao biết trước tuổi? Hằng ngày xem TV, TV dạy nó mỗi ngày! Vì thế, trẻ hai ba tuổi đã biết nhìn sắc mặt, nhận biết giọng điệu, biết người lớn đang vui thích hay chán ghét, trong tâm nó bèn toan tính, vận dụng tâm cơ! Trước kia, trong xã hội nông thôn, trẻ mười một, mười hai tuổi, chuyện gì cũng không biết, trừ chơi đùa ra, nó chẳng hiểu chuyện, thời gian ngây thơ dài lâu, hiện thời đã bị rút ngắn.
Đừng sanh làm người hiện thời! Đến đầu thai làm người, tôi không làm! Con người quá khổ! Chẳng sung sướng như người thuở trước, người hiện thời khổ hơn tiền nhân. Tuy hiện thời khoa học kỹ thuật phát triển, thật ra chẳng có ý vị như xưa kia. Ví dụ như đèn điện soi rất sáng, rất nhanh chóng, tiện lợi, bất quá chẳng có thi vị và tình điệu như đèn nến. Hiện thời, chúng ta đến Mỹ, ngồi máy bay khoảnh khắc bèn đến. Trước kia, ngồi thuyền buồm, phải mất mấy tháng, hoặc nửa năm, ý vị cũng khác hẳn! Cuộc sống của người xưa quả thật là tình thơ ý họa, hiện thời chẳng còn nữa. Người hiện thời sống như một cỗ máy, hết sức đáng thương! Ý vị làm người chẳng có, ý nghĩa giá trị con người bị chôn vùi. Tôi thấy nhân gian hiện thời chẳng thể coi là thiện đạo, mà A Tu La cũng chẳng thể coi là thiện đạo. Vì lẽ đó, Thọ là lãnh nạp cảnh giới ưa hay ghét.
Năm loại quả báo này là quả báo trong đời này, Vô Minh và Hành trong kiếp trước là duyên, là nhân. Có nhân duyên ấy thì mới có quả báo trong một đời này. Nếu chư vị thật sự hiểu đạo lý trong Phật pháp, nói “hiểu đạo lý trong Phật pháp” nghĩa là nhận thức chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Đời này chúng ta chịu khổ, hưởng vui, chớ nên oán trời hờn người. Vì sao? Tự làm, tự chịu. Khổ nạn chẳng phải do người khác ban cho chúng ta, mà do chính mình tạo tác! Làm sao có thể trách móc kẻ khác cho được? Có thể nào oán trách ông trời chẳng công bằng? Chẳng thể! Dấy lên ý niệm ấy chính là lại tạo tội, tạo tội càng nặng hơn! Phát tài hay trúng số đều do mạng. Chẳng có vận mạng ấy, bèn hủy phá tượng Bồ Tát, quỷ, thần, tạo tội nghiệp càng lớn hơn nữa. Tôi nghe nói có kẻ chơi vé số Lục Hợp Thái[53], lạy lục Phật, Bồ Tát, cầu các Ngài phù hộ họ trúng số. Không trúng số, hôm sau bèn chặt đầu tượng Phật, Bồ Tát, đốt rụi, đó là tạo nghiệp! Tội nghiệp oán trời hờn người càng nặng! Thọ là có nhân quả. Ba điều tiếp theo lại là sự tạo tác trong đời hiện tại.
(Diễn) Bát, Ái.
(演)八、愛。
(Diễn: Tám là Ái).
Ái (Tṛṣṇā) là tham ái.
(Diễn) Ái nam, nữ, kim, ngân đẳng sự.
(演)愛男女金銀等事。
(Diễn: Yêu mến những thứ như nam, nữ, vàng, bạc v.v…).
Phạm vi của Ái quá nhiều, có chữ Đẳng (vân vân) là đủ [diễn tả ý quá nhiều]. Ái là vô minh, là mê hoặc. Đã ái, kẻ ấy còn có hành động, tạo tác; sau khi đã có tạo tác bèn Thủ.
(Diễn) Cửu, Thủ, phàm kiến nhất thiết cảnh giới sanh thủ trước tâm.
(演)九、取,凡見一切境界生取著心。
(Diễn: Chín là Thủ, hễ trông thấy hết thảy cảnh giới bèn sanh tâm chấp giữ).
Tự mình yêu thích, đó là Ái. Muốn chiếm hữu nó, đó là Thủ (Upādāna). Không ưa thích nó, muốn lìa khỏi nó, cũng là Thủ, đều là chấp giữ, là tạo nghiệp, tạo tác. Khởi tâm động niệm tạo tác đều bao gồm trong chữ [Thủ] này. Sau tạo tác bèn Hữu.
(Diễn) Thử nhị vị lai nhân, giai thuộc phiền não, như quá khứ vô minh.
(演)此二未來因,皆屬煩惱,如過去無明。
(Diễn: Hai điều này đều là cái nhân của vị lai, đều thuộc về phiền não, giống như vô minh trong quá khứ).
Đây là mê hoặc, mê hoặc tạo nghiệp! Còn có nghiệp tập chủng tử.
(Diễn) Thập, Hữu. Nghiệp dĩ thành tựu, thị vị lai nhân thuộc nghiệp đạo, như quá khứ Hành.
(演)十、有。業已成就,是未來因屬業道,如過去行。
(Diễn: Mười là Hữu, nghiệp đã thành tựu, là cái nhân của vị lai, thuộc về nghiệp đạo, giống như Hành trong quá khứ).
Hữu (Bhava) là gieo chủng tử thiện ác trong A Lại Da Thức. Hữu là có chủng tử. Có chủng tử thì đời sau lại phải thọ báo. Sự tạo tác của chúng ta trong đời này là Ái, Thủ, Hữu.
(Diễn) Thập nhất, Sanh, vị lai thọ sanh sự.
(演)十一、生,未來受生事。
(Diễn: Mười một là Sanh, tức là chuyện thọ sanh trong tương lai).
Đời sau còn phải luân hồi, phải đi đầu thai.
(Diễn) Thập nhị, lão tử.
(演)十二、老死。
(Diễn: Mười hai là già chết).
Sau khi đầu thai, lại phải làm những chuyện này, vĩnh viễn luân chuyển, đó là luân hồi. Vì sao có luân hồi? Hiện tượng luân hồi là gì? Thập Nhị Nhân Duyên đã giải đáp vấn đề này cho quý vị. Luân hồi do chính mình tạo ra! Hiện tượng luân hồi đáng sợ dường ấy, chúng ta phải giác ngộ điều này. Sau khi giác ngộ, phải như thế nào thì mới có thể lìa khỏi luân hồi? Lìa khỏi luân hồi, chẳng thể lìa khỏi [luân hồi từ nơi] quả báo được! Có người sống rất đau khổ, cảm thấy cuộc đời chẳng có ý nghĩa gì, bèn tự sát. Tự sát có thể giải quyết vấn đề hay chăng? Chẳng thể giải quyết vấn đề, [vì] chẳng thể giải quyết vấn đề nơi quả báo! Để giải quyết vấn đề thì phải giải quyết từ nhân và duyên, đoạn sạch nhân và duyên. Chúng ta biết Ái là duyên, quý vị có thể chẳng yêu thích hết thảy, sanh tử luân hồi sẽ bị đoạn. Đó là một phương pháp rất thông minh. Nếu chưa thể, [hãy thực hiện] từ Thủ, đoạn sạch Thủ cũng được, cũng lìa thoát luân hồi. Từ Quyền Giáo trở xuống, tức là Quyền Giáo Bồ Tát, Duyên Giác, và Thanh Văn đều thực hiện đoạn trừ [luân hồi] từ hai điều này. Hàng Bồ Tát lợi căn, Đại Thừa Bồ Tát, Thật Giáo Bồ Tát thực hiện từ Hữu, đó là công phu thật sự. Hữu là gì? Các Ngài chẳng đoạn Ái và Thủ, nhưng trong tâm chẳng giữ ấn tượng, đó là cao minh nhất. Mật Tông đoạn từ chỗ này, chúng ta có bản lãnh ấy hay chăng? Ái và Thủ chẳng đoạn, tâm địa thanh tịnh chẳng giữ lại ấn tượng, kẻ bình phàm sẽ chẳng thể làm được chuyện ấy! Đối với kẻ bình phàm, hai chữ trước sẽ dễ dàng, chữ sau hết sức khó khăn! Vì lẽ đó, [người đoạn trừ được Hữu] sẽ là Đại Thừa Bồ Tát. Hễ làm được, bèn dạo chơi trong nhân gian, thật sự đắc đại tự tại. Người có Ái và Thủ, nhưng chẳng có Hữu, sẽ chẳng đọa lạc luân hồi.
Chúng ta chẳng làm được, chỉ đành niệm A Di Đà Phật. Niệm A Di Đà Phật, chúng ta cũng có Hữu. Ái, Thủ và Hữu đều có, chúng ta ái A Di Đà Phật, thủ A Di Đà Phật, trong tâm có A Di Đà Phật, như vậy là đới nghiệp vãng sanh. Vì trong lục đạo luân hồi chẳng tìm thấy A Di Đà Phật, trong ba ác đạo chẳng có A Di Đà Phật, trong Tu La cũng chẳng có A Di Đà Phật, trong cõi người cũng chẳng có A Di Đà Phật, trong cõi trời cũng chẳng có A Di Đà Phật. Vì thế, quý vị ái, thủ, hữu A Di Đà Phật, sẽ chẳng có cách nào thọ báo trong lục đạo, đành phải đến Tây Phương Cực Lạc thế giới để thọ báo, tuyệt diệu thay! Do vậy, tám vạn bốn ngàn pháp môn, chẳng có pháp môn nào diệu bằng pháp môn này! Nay chúng ta đối với ba thứ Ái, Thủ, Hữu đều chẳng đoạn trừ, chỉ có cách thay đổi ý niệm, đổi thành A Di Đà Phật. Vì vậy, tôi bảo các vị đồng tu hằng ngày hãy nhìn ngắm tượng Phật, mỗi ngày niệm A Di Đà Phật, mỗi ngày niệm kinh Vô Lượng Thọ, niệm kinh A Di Đà, chớ nên gián đoạn ngày nào, thật sự phải làm được “phát Bồ Đề tâm, một mực chuyên niệm”, như vậy là tốt đẹp!
(Diễn) Thử tức thị Tứ Đế, sở dĩ trùng khai giả.
(演)此即是四諦,所以重開者。
(Diễn: Đấy chính là Tứ Đế được mở rộng ra).
Đây chính là triển khai Tứ Đế thành Thập Nhị Nhân Duyên.
(Diễn) Dĩ Duyên Giác chi nhân, tiên quán Tập Đế.
(演)以緣覺之人,先觀集諦。
(Diễn: Vì hàng Duyên Giác trước là quán Tập Đế).
Họ chẳng giống Thanh Văn. Thanh Văn tu tập từ Khổ Đế, còn Duyên Giác tu tập từ Tập Đế.
(Diễn) Sở vị Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức, nãi chí Sanh duyên Lão Tử, thử tắc sanh khởi.
(演)所謂無明緣行,行緣識,乃至生緣老死,此則生起。
(Diễn: Thường nói là Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức, cho đến Sanh duyên Lão Tử. Đấy chính là sanh khởi).
Tùy thuận Thập Nhị Nhân Duyên là sanh tử luân hồi. Nếu muốn vượt thoát lục đạo luân hồi, đi ngược lại Thập Nhị Nhân Duyên là được.
(Diễn) Nhược Diệt quán giả, Vô Minh diệt, tắc Hành diệt, nãi chí Sanh diệt, tắc Lão Tử diệt.
(演)若滅觀者,無明滅,則行滅,乃至生滅,則老死滅。
(Diễn: Nếu quán Diệt thì Vô Minh diệt ắt Hành diệt, cho đến Sanh diệt thì Lão và Tử đều diệt).
Quý vị xem ngược trở lại thì chính là trí huệ, sẽ thấy thấu suốt vũ trụ và nhân sinh.
(Diễn) Nhân quán Thập Nhị Nhân Duyên, giác Chân Đế lý, cố ngôn Duyên Giác. Thử nhân đoạn tam giới Kiến Tư, dữ Thanh Văn đồng.
(演)因觀十二因緣,覺真諦理,故言緣覺。此人斷三界見思,與聲聞同。
(Diễn: Do quán Thập Nhị Nhân Duyên, giác ngộ lý Chân Đế; vì thế nói là Duyên Giác. Người này đoạn Kiến Tư Hoặc trong tam giới, giống như Thanh Văn).
Đoạn chứng của Duyên Giác giống như Thanh Văn, nhưng thông minh hơn Thanh Văn.
(Diễn) Cánh xâm tập khí, cố cư Thanh Văn thượng.
(演)更侵習氣,故居聲聞上。
(Diễn: Do đã đoạn trừ tập khí, nên cao hơn Thanh Văn).
Thanh Văn đoạn Kiến Tư phiền não, chẳng đoạn tập khí, còn Duyên Giác tập khí đoạn sạch, nên công phu cao hơn A La Hán. Tập khí là gì? Kinh Phật có một tỷ dụ: Ví như bình rượu dùng để đựng rượu, nay quý vị đổ sạch rượu đi, trong ấy xác thực là chẳng có rượu nữa. Quý vị lại dùng khăn khô lau chùi sạch sẽ, nhưng vẫn ngửi thấy mùi rượu, đó gọi là tập khí. Trong các vị đệ tử của đức Phật, có rất nhiều vị là con em nhà phú quý theo Phật xuất gia. Người phú quý luôn có tập khí ngạo mạn, các Ngài đã chứng quả A La Hán, xác thực đã đoạn trừ ngạo mạn, thật sự chẳng có nữa, nhưng đôi khi vẫn còn thái độ cao ngạo, đó là tập khí. Có phải là thật sự có hay chăng? Thật sự chẳng có, các Ngài cung kính người khác, nhưng tập khí hãy còn! Phiền não đoạn dễ dàng, tập khí khó trừ! Tập khí thường khiến cho kẻ khác hiểu lầm, chẳng chướng ngại sự tu hành của chính mình, nhưng gây trở ngại cho việc giáo hóa chúng sanh; do đó, phải đặc biệt chú ý tập khí. Làm người nhất định phải học khiêm hư, cung kính, lễ độ, nhường nhịn, học tập đoạn trừ những tập khí ấy. Hôm nay, chúng tôi giảng tới chỗ này.
Tập 198
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm lẻ một, phần này nói về Thập Nhị Nhân Duyên, tức là sự tu chứng của bậc Duyên Giác.
(Diễn) Thúc chi bất xuất Tứ Đế giả, nhược Lưu Chuyển Môn, Vô Minh, Ái, Thủ tam chi thị Phiền Não Đạo, Hành, Hữu nhị chi thị Nghiệp Đạo, thử ngũ chi vi Tập Đế, Thức, Danh Sắc đẳng thất chi vi Khổ Đế.
(演)束之不出四諦者,若流轉門,無明愛取三支是煩惱道,行有二支是業道,此五支為集諦,識名色等七支為苦諦。
(Diễn: “Tóm lại, chẳng ra ngoài Tứ Đế”: Nếu xét theo Lưu Chuyển Môn, ba chi Vô Minh, Ái, Thủ là Phiền Não Đạo, hai chi Hành và Hữu là Nghiệp Đạo. Năm chi này là Tập Đế, bảy chi Thức, Danh Sắc v.v… là Khổ Đế).
Tuy Thập Nhị Nhân Duyên nói khá tỉ mỉ, nhưng quy nạp lại, vẫn chẳng ra ngoài Tứ Đế. Tứ Đế là nói tới Khổ, Tập, Diệt, Đạo, trong Tập Đế là khởi Hoặc, tạo nghiệp. Vô Minh là phiền não trong quá khứ, Ái và Thủ là phiền não trong hiện tại. Ba chi này đều thuộc về phiền não, nên quy nạp vào Hoặc, Nghiệp, Khổ thì [ba chi ấy] là mê hoặc. Do mê hoặc nên mới có [quả báo là Khổ]. Ở đây, chúng ta phải đặc biệt ghi nhớ, Vô Minh là chuyện thuộc đời quá khứ, chẳng thể làm gì được! Hiện thời, nếu sanh lòng tham ái hết thảy các pháp, nếu mong tưởng chấp trước, giữ lấy, thì chấp trước, giữ lấy là chiếm hữu, phải giác ngộ! Những điều ấy đều là mê hoặc, điên đảo.
Hành là tạo nghiệp trong đời quá khứ, Hữu là hiện tại, tức là tạo nghiệp trong một đời này. Đã có nghiệp, đương nhiên sẽ có quả báo. Hai chi Hành và Hữu là tạo nghiệp. Do vậy có thể biết, chúng ta có dục vọng chiếm hữu, Phật môn nói là tạo nghiệp. Thiện nghiệp có thiện báo, ác nghiệp có ác báo, ác báo là trong ba ác đạo, thiện nghiệp ở trong ba thiện đạo. Nói chung, chẳng thoát khỏi lục đạo luân hồi; do đó, chớ nên tạo nghiệp. Không tạo nghiệp, câu này nói dễ dàng quá, thực hiện rất khó! Vì sao? Khởi tâm động niệm đều đang tạo nghiệp, làm thế nào được nữa!
Hết thảy các pháp môn đều nhằm giúp chúng ta đoạn Hoặc, tiêu nghiệp, xuất ly lục đạo luân hồi. Trong hết thảy các pháp môn, đơn giản nhất, dễ dàng nhất, nhanh chóng nhất, ổn thỏa, thích đáng nhất, không gì hơn pháp môn Niệm Phật. Trong mười hai thời, chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối, trong tâm tưởng Phật, niệm Phật, hết thảy thời, hết thảy chỗ đều chẳng quên mất câu Phật hiệu này, đấy cũng là đang tạo nghiệp, tạo nghiệp gì vậy? Tạo tịnh nghiệp, tạo nghiệp niệm A Di Đà Phật, kể ra nghiệp ấy cũng khá lắm, vì sao? Trong tam giới lục đạo chẳng có, [tức là] trong ba thiện đạo chẳng có A Di Đà Phật, trong ba ác đạo cũng chẳng có A Di Đà Phật, đó là tịnh nghiệp. Tạo tịnh nghiệp, tương lai vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Trừ con đường này ra, thưa thật cùng quý vị, chúng ta chẳng tìm thấy con đường thứ hai nào dễ đi! Chúng ta phải tạo tịnh nghiệp, nghiệp thiện và ác đều chớ nên tạo. Không chỉ là chớ nên tạo ác nghiệp, mà thiện nghiệp cũng chẳng làm; như vậy thì mới có thể xuất ly.
Vô Minh, Ái, Thủ, Hành, Hữu, năm điều này là Tập Đế. Trừ năm điều ấy ra, bảy điều kia là Khổ Đế. Từ Thức đến Thọ đều là quả báo trong một đời này. Quá khứ tạo nhân, hiện tại lãnh chịu quả. Ái, Thủ, Hữu là tạo nhân hiện tại. Sanh, Lão, Tử là quả báo trong đời sau. Nếu quý vị hỏi lục đạo luân hồi do đâu mà có, thì Thập Nhị Nhân Duyên đã giảng rành mạch, rõ ràng. Điều này được gọi là Lưu Chuyển Môn. Lưu Chuyển là đi theo thứ tự thuận, đó là tạo tác lục đạo luân hồi. Nếu ngược lại thì…
(Diễn) Nhược Hoàn Diệt Môn, diệt tiền Thập Nhị Nhân Duyên chi trí vi Đạo Đế, chứng tịch diệt lý vi Diệt Đế.
(演)若還滅門,滅前十二因緣之智為道諦,證寂滅理為滅諦。
(Diễn: Nếu là Hoàn Diệt Môn, cái trí diệt mười hai nhân duyên trên đây là Đạo Đế, chứng lý tịch diệt là Diệt Đế).
Quý vị hãy giác ngộ trong chốc lát, vì sao con người có già, chết? Vì có sanh. Chẳng có sanh, sẽ chẳng có già, chết. Sanh có tốt đẹp gì? Hậu quả của sanh là già, chết. Vì sao có sanh? Vì có Thủ. Vì sao có Thủ? Vì có Ái! Quý vị truy ngược lại để tìm nguyên nhân của chúng, đó là trí huệ. Đối với Thập Nhị Nhân Duyên, chỉ cần đoạn một điều trong mười hai điều, lục đạo luân hồi chẳng còn nữa. Đoạn từ chỗ nào? Thưa cùng chư vị, phải đoạn từ nhân và duyên, chứ đoạn nơi quả chẳng được! Có những kẻ ngu si, cảm thấy cuộc sống rất đau khổ liền tự sát. Tự sát là đoạn nơi quả, chẳng đoạn được. Đã tự sát, chẳng đầy mấy ngày lại đầu thai, lại sanh ra, vẫn phải luân hồi trong lục đạo! Vì vậy, tự sát chẳng phải là hết chuyện, chẳng thể giải quyết vấn đề. Không chỉ chẳng thể giải quyết vấn đề, mà chỉ càng làm cho vấn đề tệ hại hơn, đời sau chẳng biết sẽ khổ hơn đời này bao nhiêu lần, đừng làm như thế! Phải đoạn từ nơi nhân, [đoạn] từ nơi nhân là đoạn nơi Tập Đế, chứ Khổ Đế chẳng có cách nào đoạn được, [bởi lẽ], Khổ là quả! Đối với Tập, chúng ta biết Vô Minh và Hành thuộc về đời quá khứ, đời quá khứ thì làm sao quý vị có thể đoạn được? Chỉ trong đời hiện tại thì xét trong Thập Nhị Nhân Duyên, đời hiện tại chỉ có ba chi là Ái, Thủ, Hữu. Trong ba chi Ái, Thủ, Hữu, có thể đoạn một chi. Hoặc là quý vị đoạn trừ Ái, đoạn trừ Thủ, đoạn trừ Hữu, đoạn một chi trong ba chi ấy là được, sẽ thoát lìa lục đạo luân hồi. Đó gọi là Hoàn Diệt Môn. Quý vị có trí huệ, biết chân tướng sự thật, biết thực hiện từ chỗ nào, đó là Đạo Đế. Đạo là phương pháp, cửa nẻo, quý vị đã tìm được. Thật sự vượt thoát luân hồi, liễu sanh tử, đó chính là Diệt Đế. Chứng lý tịch diệt là Diệt Đế. Đây là nói rõ Thập Nhị Nhân Duyên chẳng ra ngoài Tứ Đế.
Duyên Giác tuy độ chúng sanh, nói thật ra, chẳng khác A La Hán cho mấy! Ngài chẳng chủ động hóa độ chúng sanh, vẫn là chúng sanh đến cầu Ngài, Ngài mới chịu dạy. Chúng sanh chẳng cầu Ngài, Ngài sẽ chẳng tìm người khác [để dạy bảo], chẳng giống như Bồ Tát là “bạn chẳng thỉnh”. Vì thế, Ngài độ chúng sanh chẳng nhiều, mà cũng chẳng rộng. Duyên Giác và Thanh Văn được gọi là Tiểu Thừa. Nếu nói thành ba thừa thì Thanh Văn là Tiểu Thừa, Duyên Giác là Trung Thừa, Bồ Tát là Đại Thừa.
(Sao) Toán số giả.
(鈔)算數者。
(Sao: Tính toán…).
Đoạn này nhằm giải thích câu kinh “phi thị toán số chi sở năng
tri” (chẳng thể tính toán để biết được). “Toán số” ở đây là một danh từ, được giải thích đơn giản [như sau].
(Sao) Thế gian toán số, tận ư Cửu Chương.
(鈔)世間算數,盡於九章。
(Sao: Phép tính toán trong thế gian đều xuất phát từ Cửu Chương).
Cửu Chương[54] là Toán Học cổ đại của Trung Hoa. Toán Học hiện thời tiến bộ hơn xưa kia rất nhiều.
(Sao) Phật thuyết toán số, như A Tăng Kỳ phẩm, tắc phi thế nhân tâm lực sở kế.
(鈔)佛說算數,如阿僧祇品,則非世人心力所計。
(Sao: Cách tính toán số lượng như đức Phật đã nói phẩm A Tăng Kỳ thì tâm lực của người đời chẳng thể tính toán được).
“A Tăng Kỳ phẩm” là một phẩm của kinh Hoa Nghiêm. Phẩm kinh này giảng về Toán Học, [nói ra] những con số quá lớn, phàm phu chúng ta chẳng có cách nào tính toán.
(Sao) Kim vân toán số, thông thế xuất thế gian nhi ngôn dã. Dĩ kỳ đa đa vô tận, siêu xuất toán số chi ngoại, tuy Lạc Hoằng, Nhất Hạnh, vô sở thi kỳ xảo giả dã.
(鈔)今云算數,通世出世間而言也。以其多多無盡,超出算數之外,雖洛閎一行,無所施其巧者也。
(Sao: Nay nói đến “toán số” là nói gồm trọn [các phương pháp tính toán trong] thế gian và xuất thế gian. Do con số ấy nhiều vô tận, vượt ngoài khả năng tính toán. Dẫu là Lạc Hoằng hoặc Nhất Hạnh, cũng chẳng có cách nào thi thố tài khéo được).
Ở đây, kinh nói “toán số” đã bao gồm tất cả những cách tính toán trong thế gian và xuất thế gian. Nhưng những con số ấy hết sức lớn, nếu chẳng phải là nhà Toán Học rất cao minh, tuyệt đối chẳng phải là kẻ tầm thường có thể tính toán nổi! “Lạc Hoằng, Nhất Hạnh” là những nhà Toán Học vào thời xưa của Trung Hoa. Liên Trì đại sư là người đời Minh; đương nhiên là từ sau nhà Minh, do giao thông phát triển, nhiều nhà toán học thuộc các quốc gia khác trên thế giới vượt trỗi Trung Quốc. Vào thời cổ, người Hoa vượt trội người ngoại quốc, hiện thời có rất nhiều người ngoại quốc chuyên tinh, suốt đời dốc sức nơi một môn, thâm nhập một môn, nên xuất hiện chẳng ít nhà Toán Học [lỗi lạc]. Những nhà Toán Học này cũng chẳng có cách nào biết rõ những con số được nói trong kinh Phật.
(Diễn) Toán số Cửu Chương giả.
(演)算數九章者。
(Diễn: Toán số Cửu Chương…).
Cửu Chương là gì? Ở đây là giải thích danh từ Cửu Chương, nội dung chẳng thể nói chi tiết được. Nói thật ra, [các thuật toán trong Cửu Chương] cũng rất gần với Toán Học hiện đại. Toán Học cận đại tiến bộ hơn Toán Học Trung Hoa vào thời cổ rất nhiều.
(Diễn) Nhất Phương Điền, nhị Túc Bố, tam Sai Phân, tứ Thiếu Quảng, ngũ Thương Công, lục Quân Thâu, thất Phương Trình, bát Doanh Nục, cửu Câu Cổ.
(演)一方田,二粟布,三差分,四少廣,五商功,六 均輸,七方程,八盈朒,九勾股。
(Diễn: Một là Phương Điền, hai là Túc Bố, ba là Tu Phân, bốn là Thiếu Quảng, năm là Thương Công, sáu là Quân Thâu, bảy là Phương Trình, tám là Doanh Nục, chín là Câu Cổ).
Nay chúng ta gọi “phương trình” là phương trình[55], “câu cổ” nay được gọi là rút căn bậc hai. Đây là những danh từ toán học Trung Hoa từ xưa[56].
(Diễn) “Lạc Hoằng, Nhất Hạnh” giả, Lạc Hoằng Hán Vũ Đế thời nhân, tinh ư lịch số, Hán thời cải Chánh Sóc kỳ sở định dã, toán châu thiên số vân: “Hậu kỷ bách niên, đương hữu sai ngoa, tất hữu thánh nhân xuất nhi chánh chi”.
(演)洛閎一行者,洛閎漢武帝時人,精於曆數,漢時改正朔,其所定也。算周天數云:後幾百年,當有差訛,必有聖人出而正之。
(Diễn: “Lạc Hoằng[57], Nhất Hạnh”: Lạc Hoằng là người sống vào thời Hán Vũ Đế, tinh thông lịch số. Việc sửa đổi ngày mồng Một tháng Giêng vào thời Hán là do ông ấn định. Khi ông tính toán số châu thiên đã nói: “Mấy trăm năm sau, sẽ bị sai ngoa, ắt có thánh nhân ra đời sửa đổi cho đúng”).
Lạc Hoằng là một nhà Toán Học. Toán Học là mẹ của khoa học! Số Lý[58] có thể suy diễn vận mạng suốt đời của mỗi cá nhân, mở rộng ra là quốc gia, thế giới, ngay cả sự vận chuyển của các tinh cầu trong vũ trụ cũng đều có thể tính toán. Rất nhiều tinh cầu trong Thiên Văn Học, trước hết là do suy luận Toán Học mà tìm ra, biết ở chỗ nào đó phải có tinh cầu. Sau đấy lại tìm tòi, quả nhiên tìm được. Đó là nhìn vào sự vận hành của tinh cầu, vì sự vận hành của nó bị ảnh hưởng bởi sức hấp dẫn giữa các vật thể, từ đó suy diễn ra [kết quả]. Tuy chưa phát hiện, nhưng biết là phải có [một thiên thể ở nơi đó], nên mới có hiện tượng ấy. Thiên Vương Tinh (Uranus) và Minh Vương Tinh (Diêm Vương Tinh, sao Pluto) đều là trước hết suy luận từ Số Lý, sau đấy mới tìm được những tinh cầu ấy. Có rất nhiều dự ngôn (lời tiên đoán) cũng được diễn dịch dựa trên suy luận Số Lý, nhưng có khi phạm sai sót, rất khó tránh khỏi, không nhất thiết là hoàn toàn chánh xác! Nếu thấy trong Định, sẽ có thể thấy chuyện thuộc ngàn vạn năm sau trong cõi này hay phương khác. Đó là cảnh giới Hiện Lượng, chẳng sai lầm tí nào! Ở đây, [sách Diễn Nghĩa nói] ông ta tính toán con số châu thiên, nói theo thiên văn hiện thời, [số châu thiên] chính là [tính toán] sự vận hành của tinh cầu. Mấy trăm năm sau, tốc độ vận hành và góc độ của các tinh cầu sẽ bị sai lệch lớn hơn đôi chút, nên lịch pháp cần phải tu chỉnh.
(Diễn) Đường Huyền Tông thời, tăng Nhất Hạnh quả xuất, phục định lịch số.
(演)唐玄宗時,僧一行果出,復定曆數。
(Diễn: Vào thời Đường Huyền Tông, quả nhiên sư Nhất Hạnh[59] xuất hiện, lại ấn định lịch số).
Thời Đường Huyền Tông (Đường Minh Hoàng), có một vị xuất gia là pháp sư Nhất Hạnh tinh thông Thiên Văn và Toán Học, Ngài cũng thông hiểu những điều này. “Phục định lịch số” là tu chỉnh lịch số một lần nữa. Đó là Nông Lịch được sử dụng tại Trung Hoa hiện thời, dựa trên tiêu chuẩn mặt trăng xoay quanh địa cầu, còn gọi là Âm Lịch. Lịch của người Tây Dương gọi là Dương Lịch, dựa theo tiêu chuẩn trái đất xoay quanh mặt trời để tính toán. Những nhà đại toán học đối với các số lượng đã nói trong kinh Phật cũng chẳng có cách nào suy luận!
(Sao) Thượng ngôn vô lượng vô biên, thập đại số trung, đương kỳ nhị tam.
(鈔)上言無量無邊,十大數中當其二三。
(Sao: Vô lượng và vô biên như đã nói trên đây đứng vào hàng thứ hai và thứ ba trong mười con số lớn).
Mười con số lớn được nói trong phẩm A Tăng Kỳ. Đơn vị số đếm
của cổ Ấn Độ tính từ những số căn bản đến con số cuối cùng gồm có hơn một trăm năm mươi đơn vị (đơn vị số đếm của Trung Hoa chỉ có hai mươi mấy loại), những số về sau lại là nhân gấp bội của chính nó, chẳng phải là tăng gấp mười. Mười con số lớn sau cùng, chúng ta thường gọi là Thập Đại Số. Đầu tiên là A-tăng-kỳ, thứ hai là Vô Lượng. A-tăng-kỳ lần A-tăng-kỳ là một Vô Lượng, nên Vô Lượng là danh từ chỉ số đếm. Vô Lượng lần Vô Lượng là một Vô Biên. Trong mười con số lớn, Vô Lượng là thứ hai, Vô Biên là thứ ba, nên nói: “Thập đại số trung, đương kỳ nhị tam”.
(Sao) Thị hữu toán số, nhi kim ngôn “phi thị toán số sở tri”.
(鈔)是有算數,而今言非是算數所知。
(Sao: [Những con số ấy tuy lớn nhưng vẫn] là có thể tính toán được, nhưng nay kinh nói “chẳng thể tính toán để biết được”).
Nói thật ra, Vô Lượng là vô lượng trong hữu lượng, chẳng phải là vô lượng thật sự. Vô Lượng là một đơn vị số đếm. Kinh nói đến chữ này, rốt cuộc có phải là vô lượng có hạn lượng hay là vô lượng theo nghĩa vô lượng? Kinh Di Đà chẳng nói tỉ mỉ, nhưng kinh Vô Lượng Thọ giảng rất cặn kẽ. Quý vị nói nó là vô lượng có hạn lượng, vậy thì đức Phật đã nói: Giả sử mười phương thế giới chúng sanh thảy đều chứng quả Bích Chi Phật, thần thông đều giống như Mục Kiền Liên, cùng nhau tính toán xem trong thế giới Tây Phương có bao nhiêu người, họ tính chẳng ra! Thọ mạng của A Di Đà Phật họ cũng tính chẳng ra. Do vậy có thể biết, tuyệt đối chẳng phải là vô lượng có hạn lượng như đang nói ở đây. Vì sao? Đối với các con số Vô Lượng và Vô Biên của Ấn Độ, người khá Toán một chút trong bọn chúng ta vẫn có thể tính toán được! Hiện thời, chúng ta chẳng khá Toán cho lắm, nhưng lợi dụng máy tính điện tử thì vẫn có thể tính ra. Dùng kinh Vô Lượng Thọ để quan sát, đức Thế Tôn giới thiệu sự vô lượng trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, có thể nói đó là vô lượng thật sự. Dẫu là có hạn lượng, đối với cảnh giới của bọn phàm phu chúng ta, vẫn thật sự là vô lượng, vẫn chẳng thể nào tính toán để biết được!
(Sao) Cố tri vô lượng, nãi tán thán cực đa chi ngữ, vị khả dĩ thường số nệ dã.
(鈔)故知無量,乃讚歎極多之語,未可以常數泥也。
(Sao: Cho nên biết “vô lượng” chính là từ ngữ tán thán số lượng cực nhiều, chớ nên câu nệ hiểu là những con số thông thường).
Đặc biệt nhắc nhở chúng ta, tuyệt đối chẳng thể dùng những con số Ấn Độ để suy lường, [chấp chặt vô lượng vô biên là các con số đếm] thì chúng ta sai lầm mất rồi!
(Sao) Như Đại Bổn vân.
(鈔)如大本云。
(Sao: Như kinh Đại Bổn có nói).
Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ. Trong Sớ Sao, Liên Trì đại sư trích dẫn Đại Bổn, đại đa số đều dựa theo kinh văn trong bản hội tập của ông Vương Long Thư, tức là Đại A Di Đà Kinh.
(Sao) Giả sử tỳ-kheo mãn ức na-do-tha bách thiên số lượng, giai như Mục Liên thần thông, dục cộng kế toán bỉ Phật sơ hội Thanh Văn, tận kỳ thần lực, bách phần trung bất năng tri nhất, nãi chí Ổ-ba-nê-sát-đàm phần, diệc bất năng tri nhất.
(鈔)假使比丘滿億那由他百千數量,皆如目連神通,欲共計算彼佛初會聲聞,盡其神力,百分中不能知一,乃 至鄔波尼殺曇分,亦不能知一。
(Sao: Giả sử tỳ-kheo số lượng nhiều đến ức na-do-tha trăm ngàn, đều có thần thông như ngài Mục Liên, muốn cùng nhau tính toán số lượng Thanh Văn trong hội đầu tiên của đức Phật ấy, trọn hết thần lực của họ, vẫn chẳng biết được một phần trăm, cho đến một phần Ổ-ba-nê-sát-đàm cũng chẳng biết được).
“Ổ-ba-nê-sát-đàm” (Upaniṣad)[60], kinh Lăng Nghiêm nói (phiên âm) là Ưu-ba-ni-sa-đà, âm đọc rất gần gũi, vì là dịch âm tiếng Phạn [nên tùy theo dịch giả mà phiên âm sai khác đôi chút], dịch sang nghĩa tiếng Hán là Vi Tế Phần. Một phần của Vi Tế mà còn chẳng thể biết, huống hồ toàn thể!
(Sao) Hựu vân, Phật cáo A Nan: “Giả sử hữu nhân, xuất nhất thân mao, toái vi vi trần, dĩ nhất nhất trần, đầu hải xuất thủy, mao trần thủy đa? Hải trung thủy đa?” A Nan đáp ngôn: “Mao trần thủy đa, bất cập bán cáp, hải thủy vô lượng”.
(鈔)又云,佛告阿難:假使有人,出一身毛,碎為微 塵,以一一塵,投海出水,毛塵水多,海中水多?阿難答言:毛塵水多,不及半合,海水無量。
(Sao: Kinh lại chép: Đức Phật bảo A Nan: “Giả sử có người nhổ một sợi lông trên thân, nghiền nát thành vi trần, dùng mỗi một vi trần ấy để nhúng xuống biển lấy nước thì nước dính trên hạt bụi của sợi lông ấy là nhiều hay nước trong biển là nhiều?” A Nan đáp rằng: “Nước dính trên hạt bụi của sợi lông nhiều lắm là chưa đầy nửa lẻ[61], nước biển vô lượng).
Một hạt bụi của sợi lông chẻ ra chính là một phần trăm. Sợi lông đã rất nhỏ, đem chẻ theo chiều dọc, chẻ thành một trăm phần, quý vị nghĩ xem một phần trăm của nó sẽ nhỏ đến mức nào! Dùng nó để chấm một giọt nước trong biển, đức Phật hỏi: “Nước dính nơi hạt bụi từ sợi lông ấy là nhiều, hay nước trong biển là nhiều?” Đây là sánh ví giống như vừa mới nói [trong đoạn trước], chúng sanh trong mười pháp giới đều chứng quả Bích Chi Phật, thần thông đều giống như Mục Kiền Liên, số lượng trong thế giới Cực Lạc mà họ có thể biết được, chẳng qua là lượng nước dính trên hạt bụi của sợi lông mà thôi, chẳng biết lượng nước trong biển cả. Điều này nhằm hình dung số lượng tột bậc chẳng thể nghĩ bàn. Thế giới Tây Phương chỉ có Phật và Phật mới có thể thấu hiểu rốt ráo, Ngẫu Ích đại sư nói như thế này: “Nếu chẳng do Phật lực gia trì, chúng sanh trong chín pháp giới tuyệt đối chẳng thể nào cậy vào sức mình mà hòng lý giải được!”.
(Sớ) Luận ngôn “Nhị Thừa bất sanh”, kim ngôn Thanh Văn giả,
dĩ quán tập Tiểu, bất cửu chứng Đại, chung vô Tiểu cố. Như Quán Sớ thuyết: “Nhược cứ biến hóa, Tiểu diệc vô ngại”.
(疏) 論言二乘不生,今言聲聞者,以慣習小,不久證
大,終無小故。如觀疏說:若據變化,小亦無礙。
(Sớ: Luận nói “Nhị Thừa chẳng sanh”, nay [chánh kinh] nói đến Thanh Văn, là do họ đã quen tu pháp Tiểu Thừa, chẳng lâu sau sẽ chứng quả Đại Thừa, trọn chẳng có quả Tiểu Thừa. Như Quán Kinh Sớ đã nói: “Nếu xét theo sự biến hóa thì Tiểu Thừa cũng chẳng trở ngại gì”).
Vãng Sanh Luận nói: “Nhị Thừa chủng bất sanh”, [nghĩa là] chủng tánh Nhị Thừa chắc chắn chẳng thể vãng sanh Tịnh Độ. Tây Phương Tịnh Độ thuần nhất chủng tánh Đại Thừa, là chủng tánh Bồ Tát, chẳng có chủng tánh Nhị Thừa. Nay kinh nói Tây Phương Cực Lạc thế giới có Thanh Văn, đó là chuyện như thế nào? Ở đây, đại sư giải thích, “dĩ quán tập Tiểu” (do quen tu tập pháp Tiểu Thừa), “quán” (慣) là thói quen. Trước khi sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, giống như trong thế giới này của chúng ta, họ đã tu pháp Tiểu Thừa rất lâu, nay nghe nói thế giới Tây Phương, bèn hồi Tiểu hướng Đại, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, nên cũng có thể vãng sanh. Tuy vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, tập khí Tiểu Thừa rất nặng, tập khí Tiểu Thừa vẫn chưa đoạn, chúng ta gọi họ là Tiểu Thừa, tức là nói đến thân phận Tiểu Thừa của họ trước khi vãng sanh. Trong kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta cũng thấy điều này. Lời giải thích của Liên Trì đại sư chẳng phải là thiên kiến của chính Ngài, mà là căn cứ trên Đại Kinh. “Chung vô tiểu cố” (Trọn chẳng có Tiểu Thừa): Thế giới Cực Lạc tuyệt đối chẳng có Tiểu Thừa.
(Sao) Chung vô Tiểu giả, Quán Kinh Sớ vị tập Tiểu chi nhân, bổn bất đắc sanh.
(鈔)終無小者,觀經疏謂習小之人,本不得生。
(Sao: “Trọn chẳng có Tiểu Thừa”: Quán Kinh Sớ nói người tu tập pháp Tiểu Thừa vốn chẳng được vãng sanh).
Người Tiểu Thừa quả thật chẳng thể vãng sanh Tịnh Độ.
(Sao) Diêu bỉ lâm chung, phát Đại Thừa tâm, diệc nãi đắc sanh.
(鈔)繇彼臨終,發大乘心,亦乃得生。
(Sao: Do khi người ấy lâm chung, phát tâm Đại Thừa, nên cũng được vãng sanh).
Duyên phận Tịnh Độ của người ấy trước khi mạng chung mới chín muồi, lúc sắp mạng chung, gặp thiện tri thức bảo ban sự thù thắng của Tây Phương Cực Lạc thế giới, nghe xong, đương nhiên là người ấy nhất định đã có thiện căn trong đời quá khứ, do thiện căn chín muồi nên có thể tin tưởng, có thể phát nguyện, có thể niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ, quyết định vãng sanh.
(Sao) Dĩ quán tập Tiểu.
(鈔)以慣習小。
(Sao: Do quen tu tập pháp Tiểu Thừa).
Vì người ấy tu Tiểu Thừa đã lâu, cũng là do sức lực của chủng tử pháp Tứ Đế rất mạnh, nên đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, nghe A Di Đà Phật [thuyết pháp] cũng như nghe các pháp môn do y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tịnh Độ đã nói, [sẽ nghe thành] toàn là giảng giải pháp môn Tiểu Thừa. Nói thật thà, Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật có bao giờ [cố ý] thuyết pháp? Tuy Phật chẳng thuyết pháp, nhưng ở bên ấy, từ đầu đến cuối thuyết pháp chẳng gián đoạn. Thuyết pháp là do chúng sanh có cảm, Phật bèn có ứng. Quý vị mong nghe kinh gì, nghe pháp gì, quý vị sẽ nghe âm thanh nói kinh pháp ấy. Những người ấy tập khí Tiểu Thừa rất sâu, đương nhiên là nghĩ tới kinh Tiểu Thừa, vì họ chưa từng tiếp xúc kinh Đại Thừa. Đừng nói là chẳng hiểu ý nghĩa trong kinh, ngay cả tựa đề kinh cũng chẳng hiểu. Trong tâm họ luôn nghĩ tới kinh Tiểu Thừa, nên họ nghe A Di Đà Phật giảng giải, hướng dẫn cũng là pháp Tiểu Thừa.
(Sao) Tài văn khổ, không, vô thường đẳng pháp, thuận kỳ tiên tập, toại chứng tiểu quả.
(鈔)纔聞苦空無常等法,順其先習,遂證小果。
(Sao: Mới nghe các pháp như khổ, không, vô thường v.v… hợp với những gì đã tu tập trước kia bèn chứng tiểu quả).
Sau khi người ấy nghe những pháp đó, bèn đoạn Kiến Tư phiền não. Đoạn Kiến Tư phiền não, sẽ bằng với chứng quả A La Hán. Thật ra, trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, người ấy là Bồ Tát, tuyệt đối chẳng phải là A La Hán. Chúng ta biết trong quả vị Bồ Tát của Viên Giáo, đoạn hết Kiến Tư phiền não là địa vị Thất Tín, Thất Tín vị Bồ Tát. Nhưng xét theo Đại Thừa Phật pháp, sự huân tu đoạn chứng của người ấy bằng với Tiểu Thừa. Trừ sự đoạn chứng ra, đối với trí huệ, thần thông, đạo lực của người ấy, chắc chắn là Thanh Văn và Duyên Giác chẳng thể sánh bằng!
(Sao) Nhi hướng Đại chi tâm dĩ thành, huống đắc cận Phật, tự đương bất cửu chứng Đại, an tại kỳ vi Thanh Văn hồ?
(鈔)而向大之心已成,況得近佛,自當不久證大,安在其為聲聞乎?
(Sao: Nhưng cái tâm hướng về Đại Thừa đã thành lập, huống hồ được thân cận Phật, không lâu sau sẽ tự chứng quả Đại Thừa, há thuộc vào địa vị Thanh Văn ư?)
Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng xa lìa A Di Đà Phật, thường thân cận A Di Đà Phật. Có lẽ quý vị hoài nghi: Thế giới Tây Phương to dường ấy, người đông như vậy, làm sao ta có thể hằng ngày ở cùng một chỗ với A Di Đà Phật? Đó là quan niệm của người thế gian chúng ta. Thế gian này xác thực đúng là như vậy. Chẳng cần nói quá to, chúng ta ở thành phố Đài Bắc là một nơi rất nhỏ, mỗi người chúng ta hằng ngày có trông thấy Lý Tổng Thống[62] hay không? Bắt tay ông ta, cùng ông ta trò chuyện được chăng? Chẳng thể nào! Vì sao chẳng thể? Ông ta chỉ có một thân! A Di Đà Phật có vô lượng vô biên hóa thân, nên mỗi người đều hằng ngày thấy Phật, hằng ngày ở cùng một chỗ với Phật. Nếu Lý tổng thống có hóa thân, thành phố Đài Bắc có hai trăm vạn người, ông ta có hai trăm vạn hóa thân, mỗi hóa thân bồi tiếp một người, chẳng phải là hằng ngày ở cùng một chỗ ư? Phật có hóa thân, Quán Âm Bồ Tát cũng có hóa thân, Đại Thế Chí Bồ Tát cũng có hóa thân, chúng ta xem Quán Kinh Sớ Sao sẽ biết. Không chỉ là Phật, Bồ Tát có hóa thân; tới cõi ấy, chính chúng ta cũng có thể hóa thân, tuyệt diệu chẳng thể nói nổi! Chính mình cũng hóa thân giống như Phật, hóa thân vô lượng vô biên, hóa thân nhiều như thế để làm gì? Hằng ngày đến thăm viếng mười phương chư Phật, không chỉ là thân cận A Di Đà Phật, mà mười phương ba đời hết thảy chư Phật quý vị đều có thể thân cận hằng ngày, quý vị nói xem thế giới Cực Lạc có tốt đẹp hay không? Nếu quý vị chẳng sanh về thế giới Tây Phương, sẽ chẳng đạt được điều tốt đẹp ấy. Nếu Bồ Tát muốn đạt được lợi ích như vậy, phải là bậc đã đắc từ Thất Địa trở lên! Khi nào quý vị có thể tu đến Thất Địa của Viên Giáo trở lên thì quý vị mới có năng lực thân cận mười phương Như Lai. Chỉ cần vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, hạ hạ phẩm vãng sanh đều đạt được điều tốt đẹp này, là do thần lực của A Di Đà Phật gia trì. Từ Quán Kinh và kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta đều nhìn thấy điều này, thời thời khắc khắc đều có thể thân cận Phật Di Đà. Vì lẽ đó, há có thể nói họ là Thanh Văn ư?
(Sao) Thị tắc kinh cử Thanh Văn, dĩ tạm hữu cố. Luận minh Nhị Thừa bất sanh giả, dĩ chung vô cố.
(鈔)是則經舉聲聞,以暫有故。論明二乘不生者,以 終無故。
(Sao: Do vậy, kinh nêu ra Thanh Văn là vì tạm thời có. Vãng Sanh Luận bảo Nhị Thừa chẳng thể vãng sanh là nói “rốt cục, chẳng có Thanh Văn”).
Kinh nói tới Thanh Văn là vì có hai ý nghĩa, chúng ta đọc được điều này từ kinh Vô Lượng Thọ:
1) Ý nghĩa thứ nhất là nói Thanh Văn hoặc nói trời, người, chính là nói đến thân phận của họ trước khi vãng sanh: Họ từ Tiểu Thừa vãng sanh, hoặc do thân phận trời, người mà vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, nên gọi theo thân phận trước đó.
2) Một cách nói khác là xét theo sự đoạn Hoặc, đoạn phiền não của họ. Nếu quý vị vẫn chưa đoạn Kiến Tư phiền não, sẽ bằng với trời, người trong các thế giới khác. Đã đoạn Kiến Tư phiền não, nhưng Trần Sa và Vô Minh chưa đoạn, sẽ bằng với Thanh Văn trong các thế giới phương khác. Nói theo kiểu này!
Chỉ cần sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, dẫu là hạ hạ phẩm vãng sanh, thảy đều là Bồ Tát. Thế giới ấy là một pháp giới thuần nhất Bồ Tát. Chúng ta lại còn đọc từ rất nhiều kinh, hiểu sâu xa, họ đều là Phổ Hiền Bồ Tát, chẳng phải là hàng Bồ Tát bình phàm. Chúng ta đọc kinh Hoa Nghiêm, [sẽ thấy] chỉ có Phổ Hiền Bồ Tát mới có thể thành Phật, các Bồ Tát khác chẳng thể thành Phật. Nếu Bồ Tát nào muốn thành Phật, nhất định phải tu Phổ Hiền hạnh, nhất định phải biến chính mình
thành Phổ Hiền Bồ Tát thì mới có thể viên thành Phật đạo.
Kinh Vô Lượng Thọ và kinh Hoa Nghiêm “mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc” có mối quan hệ vô cùng mật thiết. Đoạn kế tiếp nói càng hay hơn:
(Sao) Tiểu diệc vô ngại giả.
(鈔)小亦無礙者。
(Sao: Tiểu Thừa thì cũng chẳng trở ngại).
Câu này nói viên mãn, đích xác là cảnh giới Hoa Nghiêm, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại.
(Sao) Tịnh Độ thượng dung chúng điểu, Thanh Văn khởi bất điểu như?
(鈔)淨土尚容眾鳥,聲聞豈不鳥如?
(Sao: Tịnh Độ còn dung nạp các loài chim, Thanh Văn há chẳng bằng chim ư?)
Lẽ đâu Thanh Văn chẳng bằng các loài chim? Còn thua kém chúng ư?
(Sao) Điểu ký biến hóa sở thành, Thanh Văn ninh độc thật hữu?
(鈔)鳥既變化所成,聲聞寧獨實有?
(Sao: Chim đã là do biến hóa tạo thành, há riêng Thanh Văn là thật sự có?)
Mấy câu này nói quá hay, đích xác là viên dung đến tột bậc. Há Tây Phương Cực Lạc thế giới có chim? Chim là do A Di Đà Phật biến hóa tạo ra. Trời, người, Thanh Văn trong Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng có thể là do A Di Đà Phật biến hóa tạo tác. Nói theo cảnh giới Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại của Hoa Nghiêm, xác thật là viên dung vô ngại. Chúng ta chẳng cần hoài nghi chuyện này!
(Sao) Túng sử bỉ quốc cửu hữu Thanh Văn, diệc phục hà ngại?
(鈔)縱使彼國久有聲聞,亦復何礙。
(Sao: Hơn nữa, dẫu cõi ấy có Thanh Văn lâu ngày, cũng có trở ngại gì?)
Nếu thế giới ấy thật sự có người, trời, có Thanh Văn, cũng có thể là do A Di Đà Phật biến hóa tạo ra. Thần thông, đạo lực của Phật Di Đà chẳng thể nghĩ bàn, chúng ta chẳng cần phải hoài nghi. Kinh điển của Tịnh Độ Tông để chúng ta y cứ là năm kinh, năm kinh quy nạp lại sẽ là kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ là kinh bậc nhất trong Tịnh Tông. Kinh Vô Lượng Thọ lại quy nạp sẽ thành bốn mươi tám nguyện, bốn mươi tám nguyện do chính miệng A Di Đà Phật nói ra, Thích Ca Mâu Ni Phật thuật lại cho chúng ta biết. Đức Phật [Thích Ca Mâu Ni] kể lại và chính A Di Đà Phật nói ra, chẳng khác gì nhau! Chúng ta phải lấy điều gì làm căn cứ? Lấy bốn mươi tám nguyện làm căn cứ. Bốn mươi tám nguyện giống như hiến pháp, bất cứ pháp nào trong hết thảy các pháp hễ mâu thuẫn với nó thì đều chẳng có hiệu quả! Vì lẽ đó, lấy bốn mươi tám nguyện làm chủ.
Tôi thường khuyên các đồng tu; nếu chẳng có thời gian đọc trọn bộ kinh, người thật sự tu Tịnh Độ trong khóa sáng hãy niệm chương thứ sáu tức là bốn mươi tám nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ, chuyên tu Tịnh Độ, nhất tâm nhất ý cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, khóa tối niệm năm chương là ba mươi ba, ba mươi bốn, ba mươi lăm, ba mươi sáu, và ba mươi bảy, năm chương ấy là trì giới niệm Phật. Dùng kinh văn của năm chương ấy để phản tỉnh, sám hối, sửa lỗi đổi mới. Chẳng thể đọc trọn bộ kinh thì đọc theo cách như vậy. Niệm xong, lại niệm thêm kệ Hồi Hướng, Tam Quy Y, như vậy thì khóa sáng và khóa tối đều hết sức viên mãn, đó là chuyên tu Tịnh Tông. Thanh Văn chúng được giới thiệu tới đây, kế tiếp là giới thiệu Bồ Tát chúng.
Nhị, Bồ Tát.
(Kinh) Chư Bồ Tát chúng, diệc phục như thị.
二菩薩。
(經)諸菩薩眾。亦復如是。
(Hai là Bồ Tát.
Kinh: Các vị Bồ Tát cũng giống như thế).
Thanh Văn chúng nói cặn kẽ, đối với Bồ Tát chúng, ngôn ngữ tỉnh lược khá nhiều, nhưng chúng ta phải nhớ trong phần kinh văn trước đó, đức Phật đã nói: “Bỉ Phật hữu vô lượng vô biên Thanh Văn đệ tử” (Đức Phật ấy có vô lượng vô biên Thanh Văn đệ tử), ở đây, chiếu theo thể lệ trong phần trước, sẽ là “bỉ Phật hữu vô lượng vô biên Bồ Tát đệ tử, phi thị toán số chi sở năng tri” (Đức Phật có vô lượng vô biên Bồ Tát đệ tử, chẳng thể tính toán để biết được số lượng).
(Sớ) Thừa thượng, bất độc Tiểu Thừa.
(疏)承上不獨小乘。
(Sớ: Nói tiếp ý kinh văn trong phần trên, không riêng gì Tiểu Thừa).
Số lượng trời, người và Thanh Văn trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng thể nghĩ bàn.
(Sớ) Chư Đại Thừa Bồ Tát vô bất sanh cố.
(疏)諸大乘菩薩無不生故。
(Sớ: Các vị Đại Thừa Bồ Tát, không vị nào chẳng vãng sanh).
Vì từ kinh Hoa Nghiêm, chúng ta đã thấy, Thập Địa Bồ Tát từ đầu đến cuối chẳng lìa niệm Phật. Bồ Tát tu hành đến mức đăng địa (chứng Sơ Địa), sẽ biết pháp môn này thù thắng. Nói cách khác, địa tiền Bồ Tát (Bồ Tát chưa chứng Sơ Địa) chẳng biết pháp môn này, không nhận biết pháp môn này. Sau khi đã đăng địa, mới hiểu pháp môn này thù thắng, mới biết chỗ tốt đẹp của pháp môn này, biết sự lợi ích chân thật của pháp môn này, nên chẳng có vị nào không tin. Vì lẽ đó, số lượng các vị đại Bồ Tát trong thế giới Tây Phương không chỉ chẳng thể ít hơn trời, người, Thanh Văn, mà còn vượt trỗi quá nhiều. Hàng đại Bồ Tát trong cõi kia đông lắm!
(Sớ) Diệc phục giả, diệc vô lượng vô biên bất khả toán số dã. Hựu phục cụ vô lượng vô biên công đức, như Đại Bổn trung thuyết.
(疏)亦復者,亦無量無邊不可算數也。又復具無量無邊功德,如大本中說。
(Sớ: “Cũng lại [giống như thế]”: Cũng là vô lượng vô biên chẳng thể tính toán. Lại còn có đủ vô lượng vô biên công đức như trong kinh Đại Bổn đã nói).
Kinh Vô Lượng Thọ nói các vị đại Bồ Tát trong Tây Phương Cực Lạc thế giới công đức vòi vọi, chư Phật chẳng thể tán thán trọn hết!
(Sao) Bồ Tát giả, tự sơ tâm dĩ chí địa tận, tiền như giáo khởi trung biện, hậu như Bổ Xứ văn trung sở dẫn, thậm đa vô lượng, hà khả sổ kế.
(鈔)菩薩者,自初心以至地盡,前如教起中辯,後如補處文中所引,甚多無量,何可數計。
(Sao: Bồ Tát là từ sơ tâm cho đến hết các địa vị thuộc Thập Địa, trước thì như trong phần Giáo Khởi Nhân Duyên đã biện định, sau thì như trong phần kinh văn nói về Nhất Sanh Bổ Xứ sẽ dẫn chứng, thật nhiều vô lượng, làm sao có thể tính đếm cho được).
Trước hết nói về số lượng, từ sơ phát tâm, sơ phát tâm chính là lũ phàm phu chúng ta đới nghiệp vãng sanh. Trong một đời, chúng ta đến Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ là địa vị Sơ Tín Bồ Tát trong Viên Giáo, chẳng dễ dàng! Bồ Tát thuộc địa vị Sơ Tín trong Viên Giáo là hạng người nào? Kinh Di Đà nói là nhất tâm bất loạn. Vì thế, La Thập đại sư dịch là “nhất tâm bất loạn”, dịch hay quá! Nhất tâm bất loạn cũng có ba bậc chín phẩm, chúng ta là hạ hạ phẩm nhất tâm bất loạn. Hạ hạ phẩm nhất tâm bất loạn là mức độ nào? Đoạn Ngũ Lợi Sử, tức là đoạn sạch tám mươi tám Sử thuộc Kiến Hoặc trong tam giới. Nay chúng ta một phẩm cũng chẳng đoạn, hễ vãng sanh bèn đoạn, khi vãng sanh bèn được A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, Phật quang vừa chiếu thì Thân Kiến, Biên Kiến, Giới Thủ Kiến, Kiến Thủ Kiến, Tà Kiến đều bị Phật quang chiếu rơi rụng, chẳng còn nữa, vãng sanh như vậy đó! Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, bèn là địa vị Sơ Tín Bồ Tát trong Viên Giáo, địa vị này bằng với quả vị Tu Đà Hoàn trong Tiểu Thừa.
Pháp môn này được gọi là pháp môn Nhị Lực, bản thân chúng ta niệm Phật, niệm đến mức công phu thành phiến, niệm đến mức dùng câu Phật hiệu trừ sạch vọng tưởng, chấp trước. [Nói là] “niệm trừ sạch” chẳng phải là thật sự đoạn hết mà là [niệm đến mức khiến cho] vọng tưởng, chấp trước chẳng thể khởi tác dụng. Ta niệm A Di Đà Phật, câu nọ gối lên câu kia, vọng tưởng, chấp trước chẳng xen vào được, đó là chẳng xen tạp. Vì thế, công phu phải là chẳng xen tạp, chẳng gián đoạn. Phiền não có đoạn hay không, chẳng cần quan tâm đến, không khẩn yếu, chỉ cần chúng ta đạt được công phu chẳng gián đoạn, không xen tạp là được rồi, những món phiền não như vậy chẳng thể khởi lên hiện hành, khi vãng sanh thì mới nắm chắc. Phật đến tiếp dẫn, Phật quang chiếu gội, đó là Phật lực gia trì, nâng công phu chúng ta lên tới địa vị Sơ Tín. Ba tư lương, thứ nhất là Tín, [tức là Tín trong] Tín, Nguyện, Hạnh! Chẳng phải là hàng Bồ Tát thuộc địa vị Sơ Tín, làm sao có thể vãng sanh cho được? Do đó, tín tâm phải thanh tịnh, tín tâm phải kiên cố!
Tu hành trong thế gian này, nhất là trong giai đoạn hiện thời, rất khó khăn! Chính mình nhất định phải có chủ tể, phải nắm vững. Chủ tể là gì? Chẳng bị kẻ khác lừa gạt! Hiện thời, trong thế gian này, kẻ lừa gạt rất nhiều; đúng là người hiện thời nghe lừa, chẳng nghe khuyên, khuyên họ hãy siêng năng niệm Phật, họ chẳng nghe. Lừa họ làm gì đó, họ lập tức làm ngay! Đó là mê hoặc, điên đảo! Trong kinh luận, đức Phật đã buốt lòng rát miệng khuyên bảo chúng ta, chúng ta chẳng nghe, cứ thích nghe những lời đồn thổi bên ngoài, bó tay! Đó là nghiệp chướng sâu nặng! Học Phật thì phải ghi nhớ, hãy “y pháp, bất y nhân”! Pháp là gì? Kinh điển. Trong hết thảy các pháp, chúng ta chọn lựa kinh Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà, kinh Di Đà có Sớ Sao và Yếu Giải, ba bộ ấy là chỗ quy y chân thật của chúng ta. Một đời này có thể dựa vào ba bộ ấy, chẳng có ai không liễu sanh tử, chẳng có ai không vãng sanh, chẳng cần phải làm gì khác. Đó mới là thật sự trọn đủ tín tâm, tín tâm thanh tịnh. Kinh Kim Cang nói: “Tín tâm thanh tịnh, tắc sanh Thật Tướng” (Tín tâm thanh tịnh, bèn sanh Thật Tướng). Thật Tướng là bản tánh, “tắc sanh Thật Tướng” là kiến tánh. Tín tâm thanh tịnh bèn kiến tánh. Do vậy, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới thảy đều chứng quả. Tiểu Thừa là Sơ Quả, còn trong pháp Đại Thừa sẽ là địa vị Sơ Tín Bồ Tát trong Viên Giáo.
“Dĩ chí địa tận” (Cho đến hết các địa vị thuộc về Thập Địa Bồ Tát), Địa (地) là Địa Thượng Bồ Tát (đã chứng từ Sơ Địa trở lên). Đến hết các địa vị thuộc Địa Thượng Bồ Tát, sẽ là Đẳng Giác Bồ Tát. “Tùng sơ tâm dĩ chí địa tận” chính là như Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói trong kinh Lăng Nghiêm: “Dữ ngũ thập nhị đồng luân” (Cùng với những người thuộc năm mươi hai địa vị cùng hàng), “đồng luân” (同倫) là đồng chí, [tức là] chí đồng đạo hợp. “Năm mươi hai” ở đây là từ sơ tâm cho đến hết Thập Địa, đạt đến Đẳng Giác là năm mươi mốt địa vị, lại lên cao hơn là Diệu Giác, Diệu Giác bèn thành Phật, gồm năm mươi hai địa vị. “Năm mươi hai người ấy” chẳng phải là chỉ có năm mươi hai người, mà là năm mươi hai loại, đều nương theo kinh Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà, đều niệm một câu A Di Đà Phật mà thành tựu. “Bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai”, nghĩa là các Ngài chẳng cần đến những pháp môn khác, chỉ trơ trọi một câu A Di Đà Phật, từ sơ phát tâm cho đến viên thành Phật đạo, chẳng cần dùng phương pháp thứ hai, nên Ngài là tổ sư đời thứ nhất của Tịnh Độ Tông! Chư vị phải ghi nhớ: Đại Thế Chí Bồ Tát là tổ sư đời thứ nhất của Tịnh Độ Tông là nói theo phương diện nào? Nói theo toàn thể pháp giới. Tận hư không khắp pháp giới, đối với pháp môn Niệm Phật, Ngài là bậc nhất, chẳng ai vượt trội Ngài. Trong thế giới Sa Bà, vị tổ sư đầu tiên đề xướng pháp môn Niệm Phật là ai? Phổ Hiền Bồ Tát. Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh, bộ kinh được giảng đầu tiên là Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm đến cuối cùng, Phổ Hiền Bồ Tát dùng mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Vì thế, đề xướng pháp môn Niệm Phật [trong thế giới Sa Bà] là Phổ Hiền Bồ Tát. Tổ sư đời thứ nhất của Tịnh Độ Tông trong thế giới Sa Bà là Phổ Hiền Bồ Tát. Tại Trung Hoa, tổ sư đời thứ nhất đề xướng niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ là Huệ Viễn đại sư. Đối với tổ sư đời thứ nhất, cả ba vị đều là đời thứ nhất, một là đời thứ nhất trong pháp giới, vị kia là đời thứ nhất trong Sa Bà, vị cuối cùng là đời thứ nhất tại Trung Hoa.
Số lượng nhiều đến nỗi chẳng có cách nào tính toán, “tiền như giáo khởi trung biện” [nghĩa là] trong phần Giáo Khởi Nhân Duyên trước kia đã nói rất cặn kẽ, trong phần sau đến đoạn Bổ Xứ Bồ Tát sẽ lại giảng, sẽ lại thuật bày, giới thiệu những vị Bồ Tát đó. “Thậm đa vô lượng, hà khả sổ kế” (Rất nhiều vô lượng, làm sao có thể tính đếm cho được). Số lượng Bồ Tát nhiều quá, chẳng có cách nào tính toán!
(Sao) Công đức giả, Đại Bổn Phật tán bỉ quốc Bồ Tát chủng chủng công đức, vi nhị thập tam dụ.
(鈔)功德者,大本佛讚彼國菩薩種種功德,為二十三喻。
(Sao: “Công đức” là như trong kinh Đại Bổn, để tán thán các thứ công đức của hàng Bồ Tát cõi ấy, đức Phật đã dùng hai mươi ba tỷ dụ).
Ở đây nói là “hai mươi ba tỷ dụ”, nhưng chương Chân Thật Công Đức trong bản hội tập của lão cư sĩ Hạ Liên Cư chẳng có hai mươi ba tỷ dụ, chỉ có mười mấy tỷ dụ. Hai mươi ba tỷ dụ ở chỗ nào? Trong Đại A Di Đà Kinh của ông Vương Long Thư! Xác thực là Liên Trì đại sư đã trích dẫn từ bản của Vương Long Thư. Trong chú giải kinh Vô Lượng Thọ, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói: Trong Sớ Sao, [khi dẫn kinh Đại Bổn], quá nửa là Liên Trì đại sư đã trích dẫn từ bản của ông Vương Long Thư, cụ nêu ra sự thật này cũng nhằm chứng tỏ việc hội tập rất quan trọng. Vì có những người có thành kiến đối với chuyện hội tập, Liên Trì đại sư là bậc tổ sư của cả một thế hệ, trước tác Sớ Sao đã trích dẫn [bản hội tập của Vương Long Thư] rất nhiều, có thể thấy là Ngài hoàn toàn chẳng phản đối bản hội tập. Ở đây, nêu đại lược mấy thứ, chẳng hoàn toàn nêu trọn, nhằm tán thán công đức của Bồ Tát. Thứ nhất…
(Sao) Nhất, kiên cố bất động, như Tu Di sơn.
(鈔) 一、堅固不動,如須彌山。
(Sao: Một là kiên cố bất động như núi Tu Di).
Nói thật ra, các công đức do những vị Bồ Tát trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đã thành tựu cũng là thành tựu trong tương lai của chúng ta. Chúng ta muốn tương lai đạt thành tựu, mà nếu hiện tại chẳng tu, lấy đâu ra thành tựu? Hiện tại phải tu, chẳng thể hoàn toàn dựa vào sự gia trì của A Di Đà Phật. Nếu bản thân quý vị chẳng có chút gì, A Di Đà Phật có muốn gia trì cũng chẳng gia trì được! Quý vị phải có đôi chút, A Di Đà Phật mới có thể gia trì. Trong phần trước, chúng tôi cũng thường nhắc nhở ý nghĩa này, Phật Di Đà gia trì là gia trì tương đối, [nghĩa là] chúng ta có một phần sức mạnh thì Ngài gia trì cho chúng ta một phần, chúng ta có hai phần sức mạnh thì sẽ được Ngài gia trì hai phần. Ví như chúng ta niệm Phật đến mức công phu thành phiến, nếu chưa đến mức ấy, A Di Đà Phật chẳng gia trì được, chẳng gia trì sẽ không thể vãng sanh. Vì lẽ đó, người niệm Phật rất nhiều, một vạn người niệm Phật, khó được dăm ba kẻ vãng sanh, do nguyên nhân nào? Do chính quý vị niệm Phật chẳng đủ công phu, Phật lực chẳng thể gia trì được! Ắt là quý vị phải đạt tới một tiêu chuẩn thì Ngài mới có thể gia trì. Bản thân chúng ta niệm đến mức công phu thành phiến, tức là một câu Phật hiệu thật sự có thể chế phục phiền não, khi Ngài đến tiếp dẫn, do Phật lực gia trì, sẽ khiến cho công phu thành phiến được nâng cao lên thành nhất tâm bất loạn.
La Thập đại sư dịch kinh Di Đà chẳng sai! Quả thật là “nhất tâm bất loạn”, nhưng chẳng phải là chúng ta chứng đắc nhất tâm bất loạn trong một đời này, mà là do thần lực của Phật Di Đà gia trì, khi vãng sanh xác thực là nhất tâm bất loạn. Nếu không, làm sao có thể dự vào địa vị Bồ Tát? Vì quý vị đến nơi đó, nhất định là địa vị Sơ Tín Bồ Tát trong Viên Giáo. Chẳng thể nào không đạt đến địa vị Sơ Tín! [Nếu chẳng đạt], sẽ chẳng có tư cách đến Tây Phương Cực Lạc thế giới. Sơ Tín vị Bồ Tát là hạ phẩm nhất tâm bất loạn, vì Tín vị có tất cả mười địa vị, từ Sơ Tín, Nhị Tín, Tam Tín cho đến địa vị Thất Tín là Sự nhất tâm viên mãn. Lên cao hơn, Sơ Trụ là Lý nhất tâm bất loạn.
Do vậy có thể biết, chúng ta niệm Phật, trong tâm chớ nên dễ ngươi. Chẳng đạt đến công phu thành phiến, chẳng thể vãng sanh. Nhất định phải đoạn phiền não, nhất định phải tu tập tích lũy công đức. Công đức là gì? Công đức khác với phước đức. Nay chúng ta bỏ ra tiền bạc đến khắp nơi bố thí, làm chuyện tốt đẹp. Đó là tu phước, tu phước chẳng thể vãng sanh. Vãng sanh cần đến công đức, công đức là gì? Tâm thanh tịnh. Có phải là phiền não thật sự giảm bớt hay không? Vọng niệm có ít đi hay không? Phiền não vọng niệm mỗi ngày ít hơn, đó là công đức. Nhớ Phật, niệm Phật chẳng gián đoạn, đó là công đức. Vì thế, “chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp” trọng yếu hơn bất cứ điều gì khác. Gián đoạn và xen tạp thì lại phải luân hồi trong lục đạo, quý vị nói còn làm sao được nữa!
Chúng ta liễu giải chân tướng sự thật này, phải học theo Bồ Tát “kiên cố bất động”. Tín tâm kiên cố, nguyện tâm kiên cố, sẽ quyết định có thể vãng sanh. Không chỉ là pháp thế gian phải buông xuống, mà pháp xuất thế gian cũng phải buông xuống. Ngàn kinh vạn luận đều phải buông xuống. Các kinh điển có tác dụng khiến cho kẻ chẳng tin sẽ sanh khởi lòng tin, nên họ dùng các kinh ấy. Chúng ta là những kẻ đã tin, chẳng cần đến nữa! Hiện thời, tại đạo tràng do chúng tôi đã lập ở bên Mỹ, gần đây nhất tôi mua bốn bộ Đại Tạng Kinh; ở bên đó, chúng tôi đã có hai bộ. Ở giảng đường bên đó, chính chúng tôi có in một bộ Đại Tạng Kinh, cho nên có tất cả bảy bộ Đại Tạng Kinh, phiên bản khác nhau, tôi vẫn đang tiếp tục thâu thập. Không chỉ thâu thập Đại Tạng Kinh, tôi còn thâu thập Tứ Khố Toàn Thư, mua cả đống sách, rốt cuộc để làm gì? Để làm cho kẻ khác giác ngộ, chẳng phải là để cho chính mình sử dụng! Nhường cho người khác, nhưng họ lại chẳng ngộ được, cho nên chúng ta vẫn phải giúp họ khai ngộ, phải giới thiệu cặn kẽ những thứ ấy với người ngoại quốc.
Chúng tôi làm công tác này, trước hết là khiến cho người ngoại quốc ngộ, khiến cho người ngoại quốc hoan hỷ, sau đấy mới dần dần đem những tài liệu giáo dục ấy chuyển đến Đại Lục để độ người Trung Quốc, đi một vòng lớn như vậy, dạy người ngoại quốc trước! Vì thế, toàn tâm toàn lực làm công tác này. Công tác này là bỏ mình vì người, kinh Địa Tạng có nói: “Ta chẳng vào địa ngục, ai sẽ vào địa ngục?” Hy sinh phẩm vị vãng sanh của chính mình để giúp đỡ người khác, nhưng sự hy sinh ấy có hạn độ, tức là hạ hạ phẩm vãng sanh, là Sơ Tín, chúng ta nhất định phải làm được điều này. Chớ nên làm đến nỗi chính mình chẳng thể vãng sanh, vậy là không được rồi, chớ nên!
Trí Giả đại sư suốt đời hoằng pháp lợi sanh, Ngài là tổ sư của tông Thiên Thai. Khi vãng sanh, học trò hỏi Ngài thuộc phẩm vị nào, Ngài đáp: “Nếu ta chẳng lãnh chúng, cũng chẳng giảng kinh, thuyết pháp, chẳng làm những chuyện phụ thuộc, xen tạp, sẽ là thượng thượng phẩm vãng sanh. Vì lãnh chúng, hoằng pháp lợi sanh, nên chỉ vãng sanh trong địa vị Ngũ Phẩm”. Đấy là hy sinh phẩm vị vãng sanh của chính mình! Đáng giá lắm! Vì sao? Hy sinh phẩm vị vãng sanh của chính mình để giúp nhiều người vãng sanh. Do vậy, Bồ Tát phát tâm lợi ích chúng sanh, chẳng nhằm cầu lợi ích cho chính mình, chỉ cần chính mình có thể vãng sanh, hạ hạ phẩm là được rồi! Vì lẽ đó, tín tâm, nguyện tâm và sự chấp trì danh hiệu của chúng ta phải là kiên cố bất động như núi Tu Di!
(Sao) Nhị, trí huệ minh liễu, như minh nhật nguyệt.
(鈔) 二、智慧明了,如明日月。
(Sao: Hai là trí huệ sáng tỏ, như mặt trời, mặt trăng chiếu sáng).
Pháp môn có thể nói là trí huệ bậc nhất. Cớ sao nói là trí huệ bậc nhất? Trong hết thảy các vị Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát trí huệ bậc nhất, Ngài tuyển chọn pháp môn này. Phổ Hiền Bồ Tát đại hạnh bậc nhất, nguyện hạnh bậc nhất, Ngài cũng tuyển chọn pháp môn này. Đối với pháp môn được chọn lựa bởi đại trí, đại nguyện, đại hạnh, nay chúng ta cũng khăng khăng một dạ chọn lựa pháp môn này, quý vị chẳng phải là đại trí huệ, đại nguyện, đại hạnh thì là gì? Quý vị là những nhân vật bậc nhất như Văn Thù, Phổ Hiền, tuyệt vời thay! Thật sự chẳng thể nghĩ bàn! Nếu chẳng phải là đại trí huệ, sẽ chẳng thể tin tưởng pháp môn này. Vì vậy, pháp môn này được gọi là pháp khó tin. Trong sự biểu thị pháp của kinh này, Tiểu Thừa là Xá Lợi Phất, Đại Thừa là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, đều là trí huệ bậc nhất thì mới chọn lựa pháp môn này.
(Sao) Tam, quảng đại như hải, xuất công đức bảo cố.
(鈔) 三、廣大如海,出功德寶故。
(Sao: Ba là rộng lớn như biển vì sanh ra của báu công đức).
Trí huệ tỷ dụ Văn Thù, “quảng đại như hải” là tỷ dụ Phổ Hiền. Phổ Hiền Bồ Tát đại nguyện đại hạnh, “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”, chúng ta phải học điều này. Tâm lượng phải rộng lớn, phải biết thời gian chúng ta ở trong thế gian này rất ngắn ngủi, tạm bợ, phải biết trong thế gian này thứ gì cũng đều là giả, thứ gì cũng chẳng mang theo được! Người thật sự niệm Phật, tùy duyên sống qua ngày trong thế gian này là được rồi, chớ nên so đo, chớ nên tranh chấp, nhất tâm nhất ý niệm Phật, vài hôm nữa chúng ta đến thế giới Cực Lạc. Chẳng có tâm lượng như vậy thì cũng là chướng ngại rất lớn. Trong thế gian này, trong tâm bỏ sạch hết thảy các pháp. Hết thảy các pháp nhằm lợi ích chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh, giúp họ học Phật, giúp họ niệm Phật, chúng ta có thể tận tâm tận lực công đức viên mãn.
Hiện thời, đạo tràng của chúng ta tuy nhỏ, nhưng công đức xác thực là niệm niệm viên mãn, vì sao? Tâm và lực đều dốc trọn hết. Chúng ta có mười phần năng lực, chỉ dùng chín phần, đó là chẳng viên mãn; nay chúng ta tâm lẫn lực thảy đều trọn hết. Đó là đúng pháp, tâm địa thanh tịnh. Có đồng tu nói với tôi, những đạo tràng khác đều cậy tín đồ đi hóa duyên, đi quyên mộ, làm đủ thứ chuyện tốt. Thưa cùng chư vị, công đức ấy chẳng viên mãn, vì sao? Quý vị hãy nghĩ tới Bàng cư sĩ thuở trước. Bàng cư sĩ là bậc Bồ Tát tái lai, chẳng phải là phàm nhân. Trong Lục Tổ Đàn Kinh có lời thọ ký, nói sau này sẽ có hai vị đại Bồ Tát xuất hiện trong thế gian này để chấn hưng Tông Môn một lần nữa. Bàng cư sĩ là một trong hai vị đại Bồ Tát ấy, Ngài dạy chúng ta một câu: “Chuyện tốt chẳng bằng vô sự”. Vì sao thế giới hiện thời loạn như thế? Người tốt quá nhiều, chuyện tốt quá nhiều! Mỗi một người tốt đều làm chuyện tốt, khiến cho thiên hạ đại loạn. Vì thế, chuyện gì là chuyện tốt thật sự? Vô sự là chuyện tốt. Có những đồng tu đưa tiền đến đây, chúng ta chẳng có cách nào khác, phải thay họ làm chuyện tốt. Nếu họ không đưa tới, chúng ta chẳng làm, chẳng phải là càng tốt hơn ư? Hai đạo tràng của chúng ta đều tuân theo nguyên tắc này, Giản cư sĩ ở bên đó đã một đôi lần nói chuyện thật lâu với tôi, tôi bảo ông ta hãy vĩnh viễn giữ gìn một nguyên tắc: Mỗi tháng thâu vào nhiều liền làm nhiều, thâu ít làm ít, không ai tặng tiền thì không làm, tự tại lắm! Tuyệt đối đừng nên đi hóa duyên, tuyệt đối đừng hỏi xin tiền người khác, đó là phan duyên, chẳng phải là tùy duyên. Có người tặng tiền nhiều, chúng ta làm nhiều chuyện tốt, chúng sanh có phước, chúng ta nhọc nhằn. Không ai tặng tiền, chúng sanh chẳng có phước, chúng ta tự tại thanh tịnh, chúng ta chẳng có chuyện gì! Vì thế, tùy duyên, đừng phan duyên, thân tâm chẳng có gánh nặng, sung sướng lắm! Thân tâm chẳng có vướng mắc!
Ở đây là xuất sanh vô lượng vô biên công đức bảo, công đức bảo tạng sanh từ nơi đây. Vì thế, tâm lượng phải rộng lớn, chớ nên có giới hạn, chớ nên có phân biệt, chớ nên có chấp trước, thanh tịnh, bình đẳng, giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh mà chẳng nhiễm, giác, chánh, tịnh, đó là Tam Bảo! Đấy là “xuất công đức bảo”, Tam Bảo xuất sanh. Có Tam Bảo chính là sanh ra vô lượng vô biên công đức bảo tạng. Của báu thật sự chính là điều này, chư vị phải ghi nhớ. Trong tựa đề kinh Vô Lượng Thọ có nói “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, đó là Tam Bảo! Trong cuộc sống, chúng ta xử sự, đãi người, tiếp vật, tu gì? Tu Tam Bảo. Nhưng tâm lượng nhỏ hẹp thì Tam Bảo chẳng thể xuất hiện; dẫu có, chẳng thể hiển lộ! Ắt phải là tâm lượng quảng đại, bỏ sạch vọng tưởng, chấp trước, Tự Tánh Tam Bảo sẽ hiển lộ. Hôm nay chúng tôi giảng tới chỗ này.
Tập 199
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm lẻ ba:
(Sao) Đại Bổn Phật tán bỉ quốc Bồ Tát chủng chủng công đức, vi nhị thập tam dụ. Nhất, kiên cố bất động như Tu Di sơn. Nhị, trí huệ minh liễu như minh nhật nguyệt. Tam, quảng đại như hải, xuất công đức bảo cố. Tứ, xí thịnh như hỏa, thiêu phiền não tân cố. Ngũ, nhẫn nhục như địa, nhất thiết bình đẳng cố. Lục, thanh tịnh như thủy, tẩy chư trần cấu cố. Nãi chí nhị thập tam, như Từ Thị quán, đẳng pháp giới cố. Mạt phục kết vân: “Kim vị nhữ đẳng cử yếu ngôn chi, nhược quảng thuyết giả, nhất kiếp bất tận”. Tắc tri Bồ Tát chi số vô lượng vô biên, Bồ Tát công đức diệc vô lượng vô biên dã.
(鈔)大本佛讚彼國菩薩種種功德,為二十三喻,一、堅固不動如須彌山,二、智慧明了如明日月,三、廣大如海出功德寶故,四、熾盛如火燒煩惱薪故,五、忍辱如地一切平等故,六、清淨如水洗諸塵垢故。乃至二十三,如慈氏觀,等法界故。末復結云:今為汝等舉要言之,若廣說者一劫不盡 。則知菩薩之數無量無邊 ,菩薩功德亦無量
無邊也。
(Sao: Trong kinh Đại Bổn, đức Phật tán thán các thứ công đức của hàng Bồ Tát trong cõi ấy, đã dùng hai mươi ba tỷ dụ. Một là kiên cố bất động như núi Tu Di. Hai là trí huệ sáng suốt như mặt trời, mặt trăng sáng ngời. Ba là rộng lớn như biển, sanh ra của báu công đức. Bốn là hừng hực như lửa đốt sạch củi phiền não. Năm là nhẫn nhục như đất vì hết thảy bình đẳng. Sáu là thanh tịnh như nước, rửa các bụi nhơ. Cho đến tỷ dụ thứ hai mươi ba là như ngài Từ Thị quán tưởng pháp giới bình đẳng. Cuối cùng lại kết luận: “Nay ta vì các ông nói những điều chánh yếu. Nếu nói rộng rãi, thì [nói suốt] một kiếp chẳng hết”. Do vậy biết số lượng của Bồ Tát là vô lượng vô biên, công đức của Bồ Tát cũng vô lượng vô biên).
Hai mươi ba tỷ dụ được Liên Trì đại sư trích dẫn vốn là chương thứ ba mươi mốt, tức chương Chân Thật Công Đức trong bản hội tập của cụ Hạ Liên Cư, nhưng trong chương đó, cụ Hạ chẳng hoàn toàn trích lục hai mươi ba tỷ dụ ấy. Trong hội [Vô Lượng Thọ] Như Lai của kinh Đại Bảo Tích, tức là nơi trang hai trăm bảy mươi bốn của bộ Ngũ Kinh Độc Bổn có đoạn kinh văn ấy. Kế đó, trong bản hội tập của cư sĩ Vương Long Thư, hai mươi ba tỷ dụ đều trọn đủ. Ấn Quang đại sư, cụ Hạ Liên Cư và lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đều công nhận: Hễ Sớ Sao trích dẫn kinh Đại Bổn, đại đa số là dùng bản hội tập của cư sĩ Vương Long Thư, tức là Đại A Di Đà Kinh. Nay chúng tôi in chương ấy, chương ấy có đầy đủ hai mươi ba tỷ dụ. Chương ấy có tên là Bồ Tát Công Đức Phần Đệ Tam Thập Tứ (phần ba mươi bốn, Công Đức Của Các Bồ Tát). Chương ấy trích từ bản của cư sĩ Vương Long Thư, chúng tôi cho sao chụp in lại để cúng dường chư vị đồng tu. Trong một chương kinh văn ấy, đức Phật tán thán các thứ công đức của hàng Bồ Tát trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Chương ấy rất đáng cho chúng ta đọc kỹ, vì có quan hệ rất lớn đối với sự tu học của chúng ta. Chúng tôi lợi dụng cơ hội này để giới thiệu đơn giản cùng các đồng học một chương kinh văn ấy.
Phật ngôn: A Di Đà Phật sát trung chư Bồ Tát chúng.
佛言:阿彌陀佛剎中諸菩薩眾。
(Đức Phật nói: “Các vị Bồ Tát trong cõi của A Di Đà Phật”).
“Chư” (諸) là bao gồm toàn bộ [các vị Bồ Tát] từ hạ hạ phẩm cho
đến thượng thượng phẩm trong cõi Thật Báo. Tây Phương Cực Lạc thế giới chỉ có Bồ Tát pháp giới, chẳng có các pháp giới khác. “Chư” là như chúng ta nói từ địa vị Sơ Tín cho đến Đẳng Giác Bồ Tát.
Dung mạo nhu hòa, tướng hảo cụ túc.
容貌柔和相好具足。
(Dung mạo mềm mỏng, ôn hòa, tướng hảo trọn đủ).
Từ Đại Kinh, chúng ta thấy điều này rất rõ ràng: Dung mạo và tướng hảo đều giống như A Di Đà Phật. Vì vậy, thế giới ấy là một thế giới bình đẳng, thật sự bình đẳng. Mười phương thế giới đều chẳng bình đẳng, chỉ riêng Tây Phương Cực Lạc thế giới là bình đẳng. Mọi người đều giống như nhau, màu da cũng như nhau, vóc dáng cũng như nhau. Thế giới Tây Phương đích xác là chẳng thể nghĩ bàn.
Thiền Định trí huệ thông đạt vô ngại, thần thông oai đức vô bất mãn túc.
禪定智慧通達無礙,神通威德無不滿足。
(Thiền Định, trí huệ thông đạt vô ngại, thần thông, oai đức, không gì chẳng trọn vẹn).
Đây cũng là sự thật. Từ bốn mươi tám nguyện, chúng ta từng đọc thấy điều này. Tuy là đới nghiệp vãng sanh, sanh trong hạ hạ phẩm, thậm chí Ngũ Nghịch, Thập Ác lâm chung sám hối vãng sanh, hễ tới thế giới Tây Phương, trí huệ, thần thông và đạo lực cũng đều chẳng sai khác A Di Đà Phật cho mấy. Pháp môn Tịnh Độ được gọi là “pháp khó tin”, khó ở chỗ nào? Ở ngay chỗ này. Đó là sự thật. Không chỉ là lũ phàm phu chúng ta khó tin, mà hàng Bồ Tát cũng [cảm thấy] khó tin. Chúng ta thấy kinh Hoa Nghiêm nói “phải đạt tới Đăng Địa Bồ Tát thì mới chẳng hoài nghi pháp môn này”. Do vậy có thể biết, các vị Bồ Tát thuộc địa vị Tam Hiền (Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng) trong hội Hoa Tạng đều rất khó tin tưởng pháp môn này! Đạt đến Đăng Địa (từ Sơ Địa trở lên) thì mới từ đầu đến cuối chẳng lìa niệm Phật, mới thật sự phát nguyện tu học pháp môn này. Có phải là Địa Thượng Bồ Tát và Đẳng Giác Bồ Tát đã hoàn toàn hiểu rõ hay không? Cũng chưa chắc! Vẫn còn cậy vào Phật gia trì. Nếu chẳng được Phật lực gia trì, Đẳng Giác Bồ Tát cũng chẳng có cách nào lý giải. Pháp môn này khó tin ở chỗ này, vì nó là cảnh giới thuộc về quả địa của Như Lai.
Pháp môn này chẳng tu từ nơi nhân, tám vạn bốn ngàn pháp môn đều là tu nhân chứng quả, pháp môn này tu từ nơi quả, chẳng tu từ nơi nhân, nên ngay cả Đẳng Giác Bồ Tát đều chẳng hiểu rõ ràng. Chúng ta đọc đến đây, [thấy kinh nói] tướng mạo [của mọi người trong cõi Cực Lạc] giống hệt như Phật, có lẽ còn miễn cưỡng tin tưởng, chứ Thiền Định, trí huệ, thần thông và oai đức ngay lập tức đều chẳng sai khác đức Phật cho mấy, khó tin quá! Nhưng điều ấy xác thực là sự thật, hạ hạ phẩm vãng sanh cũng là Thiên Nhãn thấy thấu suốt, Thiên Nhĩ nghe thấu suốt, Tha Tâm biết trọn khắp, xác thực là thần thông và đạo lực chẳng cách xa quả địa của đức Phật cho mấy!
Thâm nhập pháp môn, đắc Vô Sanh nhẫn.
深入法門得無生忍。
(Thâm nhập pháp môn, đắc Vô Sanh Nhẫn).
Kinh Nhân Vương nói địa vị nào mới chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn? Vô Sanh Pháp Nhẫn có ba phẩm: Hạ phẩm là Thất Địa Bồ Tát, trung phẩm là Bát Địa Bồ Tát, thượng phẩm là Cửu Địa Bồ Tát. Thập Địa Bồ Tát chứng Tịch Diệt Nhẫn, cao hơn Vô Sanh Pháp Nhẫn một cấp. Dẫu là hạ phẩm, công phu Thiền Định rất sâu, cũng là từ Thất Địa trở lên. Cụ Lý Bỉnh Nam chú thích “A Bệ Bạt Trí là từ Thất Địa trở lên” do dựa trên câu này. Từ Thất Địa trở lên đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. “Thâm nhập pháp môn” là thật sự thâm nhập. Đã nhập pháp môn này, bèn chẳng có pháp nào không thông đạt, chư vị đồng tu nhất định phải biết điều này!
Chúng tôi tu học trong quá khứ, đã đi lầm đường. Vì thế, mọi người nghe tôi giảng kinh, tốt nhất là nghe những gì tôi đã giảng trong hai năm nay, những gì đã giảng trước hai năm gần đây đừng nên nghe. Vì sao? Trong ấy, có chẳng ít sai lầm! Hai năm nay ít sai lầm hơn, chính mình đã có tín tâm, chẳng đi lạc đường, nhất định phải tu tập từ tâm thanh tịnh. Vì lẽ đó, cái hay của kinh Vô Lượng Thọ là từ tựa đề đã nói rõ, phải thực hiện từ tâm “thanh tịnh, bình đẳng”, hãy tu tập nơi “thanh tịnh, bình đẳng, giác”. Vì thế, tôi đặc biệt nhấn mạnh tánh trọng yếu của việc đọc kinh, niệm Phật, chẳng cần mong hiểu nghĩa. Vì sao chẳng cần mong hiểu? Chúng ta chưa đoạn phiền não tập khí, chưa đoạn vọng tưởng, chấp trước, tất cả hết thảy lý giải đều là tà tri, tà kiến, chẳng phải là chánh tri chánh kiến. Khi nào tâm chúng ta đạt được thanh tịnh, tâm đạt được bình đẳng, sự lý giải khi ấy sẽ là trí huệ. Do đó, tâm thanh tịnh vô cùng khẩn yếu. Đó là “thâm nhập pháp môn”. Chỉ có tâm thanh tịnh thì mới có thể thâm nhập. Tâm càng thanh tịnh, nhập càng sâu.
Nếu quý vị hỏi pháp môn này là pháp môn nào ư? Nếu nói theo kinh Di Đà, sẽ là pháp môn “nhất tâm bất loạn”, nói theo kinh Vô Lượng Thọ sẽ là pháp môn “phát Bồ Đề tâm, một mực chuyên niệm”. Quý vị càng thâm nhập, tâm càng thanh tịnh, tâm càng bình đẳng. Độ sâu được đo lường bằng tâm địa thanh tịnh, bình đẳng; vì thế, các Ngài mới có thể thấy hết thảy các pháp bất sanh, bất diệt. “Vô Sanh” là hết thảy các pháp bất sanh, bất diệt, quý vị đồng ý, chấp nhận, khẳng định. Nếu tâm chẳng thanh tịnh, quý vị chẳng thể nào có sự nhận thức ấy. Dẫu thấy đức Phật dạy như vậy, cũng là miễn cưỡng tiếp nhận, có thật sự nhập cảnh giới ấy hay không? Chẳng có! Chỉ là nghe nói mà thôi, chẳng thể thấy cảnh giới trên thực tế. Ắt phải là tâm địa có mức độ thanh tịnh kha khá thì mới nhận biết rõ ràng căn bản của nhân sinh và vũ trụ.
Tri thức và trí huệ trong thế gian này, nói thật thà thì là từ Đệ Nhị Nghĩa trở xuống, chẳng phải là Đệ Nhất Nghĩa. Nhà Phật nói Đệ Nhất Nghĩa, Đệ Nhất Nghĩa là nói tới ý nghĩa căn bản. Các nhà triết học, khoa học, tôn giáo hiện thời chẳng tìm thấy bản thể của vũ trụ, cũng có nghĩa là tuy họ rất thông minh, nhưng đối với vũ trụ và nhân sinh, đối với khởi nguyên của vũ trụ, đối với ý nghĩa và giá trị của nhân sinh, họ luôn nghiên cứu, thăm dò suốt mấy trăm năm, vẫn chẳng có kết luận, nguyên nhân ở chỗ nào? Chẳng kiến tánh! Do tìm tòi, khảo sát, họ đạt được những kết luận, toàn là tà tri, tà kiến. Trong Phật pháp, chánh tri chánh kiến được nói bởi đức Phật chính là ở chỗ nào? Ở ngay nơi tâm! Trong tâm chẳng có một vọng tưởng nào, tâm sẽ chánh. Tâm chánh thì kiến giải bèn chân chánh. Tâm bất chánh, kiến giải làm sao có thể chân chánh cho được? Toàn là vọng tưởng. Trong Phật pháp, những vọng tưởng ấy được gọi chung là Tục Đế. Chúng ta gọi tri kiến của Như Lai là Chân Đế.
Chư Phật mật tạng cứu cánh minh liễu.
諸佛密藏究竟明了。
(Hiểu rõ rốt ráo tạng bí mật của chư Phật).
“Chư Phật” không chỉ là một mình Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, cũng chẳng phải là riêng mình A Di Đà Phật, mà là mười phương ba đời hết thảy chư Phật. Hễ đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ thảy đều hiểu rõ sự chứng đắc bí mật của các Ngài. Chúng ta đọc câu kinh văn này, hãy nên giác ngộ: Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới là khẩn yếu! Trong cõi này, đừng nói là chư Phật, suốt một đời [chúng ta] vẫn chẳng hiểu rõ mật tạng của một đức Phật, chẳng có cách nào hiểu rõ. Đừng nói là một đức Phật, ngay như ý nghĩa uyên áo của một bộ kinh còn chẳng thể thông đạt, huống hồ hết thảy các kinh! Đó là lý do vì sao phải cầu sanh thế giới Tây Phương. Ở đây, tôi lại muốn nói cho quý vị biết bí mật thật sự của câu này. Mật tạng thật sự của chư Phật là một câu A Di Đà Phật. Nay chúng ta có thể niệm câu A Di Đà Phật. Chưa hiểu rõ ý nghĩa được bao hàm [trong danh hiệu] A Di Đà Phật, mật tạng của A Di Đà Phật xác thực là mật tạng của hết thảy chư Phật. A Di Đà Phật có nghĩa là gì? Một bộ kinh Vô Lượng Thọ nhằm giải thích bốn chữ A Di Đà Phật. Kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ là lược thích, tức là giải thích khái lược. Nếu giải thích cặn kẽ thì phải là Đại Tạng Kinh. Một bộ Đại Tạng Kinh là để giải thích cặn kẽ [ý nghĩa của] A Di Đà Phật. Có phải là cặn kẽ nhất hay không? Chẳng phải! Chúng ta vẫn chưa biết cặn kẽ nhất là gì? Chúng ta nghe kể Long Thọ Bồ Tát trong cung rồng thấy Đại Bổn Hoa Nghiêm Kinh, phân lượng là mười tam thiên đại thiên thế giới vi trần kệ, một tứ thiên hạ vi trần phẩm. Đừng nói là địa cầu, cả hệ Ngân Hà đều chứa không nổi, đó là giải thích bốn chữ A Di Đà Phật khá tỉ mỉ. Vì vậy, bốn chữ ấy nghĩa lý sâu không đáy, rộng vô biên, nhiếp trọn hết thảy các pháp môn, tổng trì diệu pháp của chư Phật, chẳng phải là mật tạng của chư Phật thì là gì? Bởi lẽ đó, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới thì mới có thể hiểu rõ rốt ráo.
Điều phục chư căn, thân tâm nhu nhuyễn.
調伏諸根身心柔軟。
(Điều phục các căn, thân tâm nhu nhuyễn).
Nay chúng ta “điều phục” chính là dùng Giới để rèn thân, dùng Định để rèn tâm, bèn biết tầm trọng yếu của Giới và Định! Nhất tâm hệ niệm là điều tâm, trì giới niệm Phật là điều thân. “Thân tâm nhu nhuyễn” là thân tâm tự tại! Chúng ta thua kém Bồ Tát là do nguyên nhân nào? Chúng ta chẳng biết Thật Tướng của các pháp. Nói cách khác, chẳng nhận thức chính mình, mà cũng chẳng liễu giải hoàn cảnh. Vì thế, dẫu chúng ta rất nghiêm túc điều phục, kết quả đạt được vẫn là khá hữu hạn, chẳng bằng Bồ Tát đã thật sự thông đạt, hiểu rõ chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Thật ra, đức Phật trọn chẳng giữ bí mật, chẳng giấu diếm những chân tướng ấy, Ngài đã nói ra. Do Ngài đã nói ra, chúng ta cũng biết nói, nhưng chẳng thấu hiểu ý nghĩa ấy. Kinh Kim Cang nói: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Đức Phật đã nói toạc ra: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương, cũng như chớp, hãy nên quán như thế”. Câu sau chính là đức Phật khuyên chúng ta hãy coi nhân sinh và vũ trụ trước mắt như mộng cảnh, huyễn ảnh. Coi chúng như mộng cảnh, huyễn ảnh, chúng ta sẽ không chấp trước. Không chấp trước thì vọng tưởng ấy cũng chẳng còn nữa, đó là tu học Đại Thừa. Đây là một phương pháp rất xảo diệu.
Tất cả đau khổ, điên đảo của chúng ta trong hiện thời là do đã coi nhân sinh và vũ trụ là thật, hỏng bét ở chỗ này! Vì lẽ đó, cứ lo được, lo mất trong đó. Nếu thấy cảnh giới trước mắt đều là mộng, là ảnh, cái tâm được mất của quý vị sẽ chẳng còn nữa. Chẳng có tâm được mất, tối thiểu là phiền não giảm bớt tám mươi phần trăm, lẽ nào quý vị chẳng tự tại? Hiện thời, các nhà khoa học phát hiện: Chẳng có vật chất. Hết thảy vật chất là cảm nhận sai lầm của con người. Họ nói: Trên sự thật, [vật chất] là chấn động của sóng ánh sáng. Trong Đàn Kinh, câu này đã được Lục Tổ đại sư diễn tả là “do tâm nhân giả động”. Các nhà khoa học biết hết thảy hiện tượng vật chất sanh từ dao động, nhưng sự dao động ấy do đâu mà có, họ chẳng biết! Vì lẽ đó, sự nhận thức của họ là Đệ Nhị Nghĩa, chẳng phải là Đệ Nhất Nghĩa. Sóng [dao động] do đâu mà có? Sóng từ Chân Như bản tánh mà có. Lục Tổ nói: “Do tâm nhân giả động”. Kiến tánh, đó là Đệ Nhất Nghĩa. Phải nhận biết Đệ Nhất Nghĩa thì mới có thể thực hiện viên mãn “điều phục chư căn, thân tâm nhu nhuyễn” (điều phục các căn, thân tâm nhu nhuyễn).
An trụ tịch tĩnh tận Bát Niết Bàn.
安住寂靜盡般涅槃。
(An trụ tịch tĩnh trọn hết Bát Niết Bàn).
“Tận” (盡) có nghĩa là viên mãn, “Bát Niết Bàn” là thanh tịnh tịch diệt. Tâm chúng ta phải an trụ nơi đâu? Phải trụ tại chỗ nào? Dựa theo tựa đề kinh Vô Lượng Thọ, quý vị an trụ nơi “thanh tịnh, bình đẳng, giác” là đúng. Ở đây, thanh tịnh bình đẳng giác được gọi là “tận Bát Niết Bàn”.
Thâm nhập chánh huệ, vô phục dư tập.
深入正慧無復餘習。
(Thâm nhập chánh huệ, chẳng còn thừa sót các tập khí).
“Tập” (習) là tập khí, “chánh huệ” là trí huệ Bát Nhã, là trí huệ vốn sẵn có trong bản tánh. Hiện thời, trí huệ của chúng ta chẳng thấu lộ, chẳng thể khởi tác dụng, đức Phật bảo là do phàm phu chúng ta có hai thứ ngăn chướng trí huệ. Hai chướng là Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng. Phiền Não Chướng là những thứ như Thân Kiến, Biên Kiến, tham, sân, si, mạn, nghi. Sở Tri Chướng là quý vị biết chuyện thế gian và xuất thế gian chẳng ít. Chúng đều là chướng ngại.
Giáo học Phật pháp dạy chúng ta thực hiện từ chỗ nào? Dạy chúng ta hãy thực hiện từ vô tri. Từ vô tri nghĩa là sao? Phá trừ Sở Tri Chướng, sau khi đã đoạn trừ Sở Tri Chướng, sẽ là không gì chẳng biết. Nay vì chúng ta có Sở Tri Chướng, nên sẽ có những điều chẳng biết! Những thứ không biết quá nhiều. Vì lẽ đó, sau khi đoạn Phiền Não Chướng, chứng Đại Niết Bàn, tâm địa thanh tịnh tự tại, sung sướng khôn sánh. Phá Sở Tri Chướng, hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian không gì chẳng biết. Nhưng phá Sở Tri Chướng phải thực hiện từ vô tri, Bát Nhã vô tri thì mới là không gì chẳng biết. Vì thế, biết nhiều thứ chẳng có lợi gì, Thanh Lương đại sư bảo là “tăng trưởng tà kiến”. Hiện thời, chúng tôi thể nghiệm câu nói ấy thật sâu! Thật sự khai trí huệ, tuyệt đối chẳng phải là có thể thành công trong một thời gian ngắn ngủi. Vì vậy, Bồ Tát tu hành phải trải qua bao kiếp dài lâu, phải tu học trong một thời gian dài, phải có lòng kiên nhẫn. Kiên nhẫn là cơ sở của nhất tâm và tâm thanh tịnh. Quý vị là người thiếu kiên nhẫn, hãy ngẫm xem, làm sao có thể thành tựu Định cho được? Nhẫn nhục là tiền phương tiện của Thiền Định; chẳng thể nhẫn, kẻ ấy quyết định chẳng đắc Định. Chẳng có Định thì nói cách khác, quyết định chẳng thể phá Phiền Não Chướng. Chẳng có Định, quyết định là trí huệ Bát Nhã chẳng thể thấu lộ.
Tu học không tuân theo thứ tự có được hay không? Không được! Lục Độ là cương lãnh tu hành, mà cũng là thứ tự tu hành của Bồ Tát. Điều thứ nhất là bảo quý vị buông xuống, bố thí là buông xuống. Buông vọng tưởng xuống, buông chấp trước xuống, buông tham, sân, si, mạn xuống, buông hết thảy tri kiến xuống, trí huệ chân chánh bèn hiện tiền, tức là Bát Nhã vô tri. Vô tri là Căn Bản Trí mới có thể hiện tiền. Căn Bản Trí khởi tác dụng là Hậu Đắc Trí, không gì chẳng biết! “Thâm nhập chánh huệ” ở đây là nói tới Căn Bản Trí. “An trụ tịch tĩnh tận Bát Niết Bàn” trong phần trước là đoạn Phiền Não Chướng. “Thâm nhập chánh huệ vô phục dư tập” (Thâm nhập chánh huệ, chẳng còn tập khí thừa sót) là Sở Tri Chướng cũng phá. Chúng ta đã thật sự hiểu rõ: Học Phật thì thực hiện từ nơi đâu? Học từ nơi đâu? Trong hai năm nay, tôi giảng điều gì cũng đều đề xướng, khuyên lơn mọi người cứ đọc, chẳng cần mong hiểu nghĩa, rất nhiều người hiểu lầm, chê tôi nói nhăng nói cuội. Họ rất khó tin tưởng, rất khó lãnh hội điều ấy. Trong quá khứ, tôi đã đi sai đường. Đối với các kinh đã giảng trước kia, họ nghe rất hoan hỷ, có thể tiếp nhận, vì sao? Nói nhăng nói cuội mà! Đầu óc họ đầy ắp tà tri, tà kiến, nên [đối với họ, những thứ tri kiến tạp loạn ấy] rất tương ứng. Nay tôi đã quay đầu, họ cảm thấy kỳ quái, đại khái là cảm thấy tôi có vấn đề! Nay tôi đã thật sự tìm được đường, thật sự hiểu rõ ràng!
Y Phật sở hành Thất Giác Thánh Đạo.
依佛所行七覺聖道。
(Nương theo Thất Giác Thánh Đạo đức Phật đã hành).
“Hành” là hành vi trong cuộc sống. Hành vi trong cuộc sống lấy Thất Giác Chi và Bát Thánh Đạo làm tiêu chuẩn.
Tu hành Ngũ Nhãn chiếu Chân đạt Tục, biện tài tổng trì tự tại vô ngại.
修行五眼照真達俗。辯才總持自在無礙。
(Tu hành Ngũ Nhãn, chiếu soi lẽ Chân, thông đạt lẽ Tục, biện tài tổng trì tự tại vô ngại).
Ngũ Nhãn là Phật nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn, thiên nhãn, và nhục nhãn. Người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới ai nấy đều là “Ngũ Nhãn viên minh”, nên có thể Thiên Nhãn thấy thấu suốt. “Chiếu Chân đạt Tục”: Chân là căn nguyên hoặc bản thể của vũ trụ và nhân sinh, Tục (俗) là thế tục. Tư tưởng, kiến giải, và hành vi của đông đảo chúng sanh trong mười pháp giới các Ngài đều biết, đó là “đạt Tục”. Do “biện tài tổng trì tự tại vô ngại” thì các Ngài mới có thể giáo hóa chúng sanh, thành tựu biện tài.
Thiện giải thế gian vô biên phương tiện.
善解世間無邊方便。
(Khéo hiểu vô biên phương tiện của thế gian).
Phật, Bồ Tát giáo hóa chúng sanh chẳng lìa khỏi phương tiện, vì
sao? Vì chân thật thì nói chẳng được, ngôn ngữ dứt bặt, tâm hành xứ diệt, hễ có thể nói thì hoàn toàn là phương tiện! Vì lẽ đó, Thích Ca Mâu Ni Phật nói: Trong suốt bốn mươi chín năm, Ngài chẳng thuyết pháp một câu nào! Vì sao? Vì những gì đã nói trong bốn mươi chín năm đều là nói pháp phương tiện, cũng chẳng nói một câu pháp chân thật nào! Những pháp phương tiện được nói ra đều nhằm mục đích dạy cho người ta từ phương tiện bèn thấu hiểu chân thật. Xét theo ý nghĩa này, chúng ta cũng có thể nói: Những câu do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong bốn mươi chín năm đều là nói pháp chân thật, phương tiện chính là chân thật! Đó gọi là thiện xảo, là quyền biến.
Sở ngôn thành đế, thâm nhập nghĩa vị.
所言誠諦深入義味。
(Lời nói chân thành, xác thực, thâm nhập nghĩa vị).
Đối với lời đức Phật nói, nhất định phải hiểu nghĩa thú thuyết pháp của Ngài; bởi lẽ, những lời đức Phật nói, ý ở ngoài lời! Quý vị phải lãnh hội, quyết định chớ nên chấp trước. Chấp trước ngôn ngữ của Phật, chấp trước văn tự trong kinh điển thì sai bét mất rồi! Trong kinh, đức Phật đã nói: “Y văn giải nghĩa, tam thế Phật oan”, ba đời chư Phật đều kêu oan uổng! Quý vị phải từ ngôn ngữ và văn tự mà lãnh hội, thấu hiểu nghĩa thú, như vậy thì mới có thể đắc đạo.
Phu diễn Chánh Pháp, quảng độ hữu tình.
敷演正法廣度有情。
(Phô diễn Chánh Pháp, rộng độ hữu tình).
“Phu” (敷) là khai triển. Triển khai giáo học rộng rãi nhằm rộng độ chúng sanh. Nên nói Chánh Pháp là như thế nào? Chánh pháp là chánh tri chánh kiến. Dẫu đức Phật nói ra phương tiện quyền xảo, Ngài vẫn dẫn dắt, khuyên dụ chúng ta nhập chánh tri chánh kiến, đó là Chánh Pháp. Chánh tri chánh kiến nói chung là phải có tiêu chuẩn, tiêu chuẩn là “giác, chánh, tịnh” được nói trong Tam Quy Y. Nói đơn giản về “giác, chánh, tịnh” thì thứ nhất là chẳng mê. Đối với chính mình, nhân sinh, vũ trụ, lý sự, nhân quả, đều có thể giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh chứ chẳng nhiễm, đó là Chánh Pháp. Chúng ta phải luôn kiểm điểm điều này. Vì sao khóa tụng sáng tối nhất định phải có Tam Quy Y? Khóa tụng sáng tối, thứ gì khác cũng có thể chẳng niệm, nhưng nhất định phải niệm Tam Quy Y. Tam Quy Y nhằm dạy chúng ta sáng tối kiểm điểm, phản tỉnh, kiểm tra chính mình, ngày hôm nay ta có mê hay không? Có tà hay không? Có nhiễm ô hay không? Nếu là mê, tà, nhiễm, sai mất rồi, đó là tà pháp, chẳng phải là Chánh Pháp. Chúng ta tiếp người, đãi vật, những nhân vật ấy đều có thể giúp cho chúng ta giác, chánh, tịnh. Đó là Chánh Pháp.
“Phu diễn chánh pháp, quảng độ hữu tình” thì Phật, Bồ Tát là đương nhiên [làm chuyện này]. Trừ Phật, Bồ Tát ra, trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, sáu trần thuyết pháp. Sáu trần trong thế gian này cũng đều thuyết pháp. Tuy sáu trần thuyết pháp, chúng ta chẳng hiểu. Vì sao không hiểu? Vì chúng ta mê quá sâu. Sáu trần thuyết pháp, chúng ta không có cách nào lãnh hội. Tâm địa ắt phải đạt đến mức độ thanh tịnh kha khá thì mới có thể thấu hiểu! Bậc đại đức trong Thiền Tông nghe tiếng mảnh ngói văng vào thân trúc bèn khai ngộ; thấy nước chảy bèn khai ngộ, nghe chim hót trên cành bèn khai ngộ. Đó chính là sáu trần thuyết pháp. Do vậy có thể biết, tâm địa của người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới thanh tịnh, nên đối với sáu trần, họ đều có thể cảm xúc rất sâu; do từ chỗ này mà họ có thể lãnh ngộ Chân Đế. Chúng ta tâm ý thô tháp, hời hợt, giảng cách nào cũng chẳng ngộ! Chẳng phải là sáu trần trong thế giới này không thuyết pháp, hằng ngày sáu trần đều thuyết pháp, nhưng họ chẳng khai ngộ! Thắp nến mỗi ngày, mỗi ngày [nến] đều thuyết pháp, có mấy ai thấy nến mà khai ngộ hay chăng? Phạm vi của câu này hết sức rộng lớn. Đó là rộng độ hữu tình.
Trừ bỉ nhất thiết phiền não chi hoạn.
除彼一切煩惱之患。
(Trừ nỗi lo về hết thảy các phiền não cho họ).
Kiến Tư, Trần Sa, Vô Minh dần dần đoạn sạch.
Đẳng quán tam giới không vô sở hữu.
等觀三界空無所有。
(Quán tam giới bình đẳng, rỗng không, vô sở hữu).
Đây là thấy Thật Tướng của các pháp. “Đẳng” (等) là bình đẳng, “tam giới” là lục đạo. Lục đạo là chuyện như thế nào? Lục đạo “không, vô sở hữu”, đây là nói thật với quý vị. Tâm Kinh đã dạy: “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc. Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”, rỗng không, chẳng có gì hết. “Thọ, Tưởng, Hành, Thức, diệc phục như thị”. Nếu nghe những lời này không hiểu thì Bách Pháp Minh Môn là chú giải của Tâm Kinh. Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức triển khai thành một trăm pháp. Thọ, Tưởng, Hành, Thức là Tâm Vương và Tâm Sở, tức là tám thức và năm mươi mốt Tâm Sở. Sắc là mười một sắc pháp, [gồm] năm căn và sáu trần, những pháp này đều là pháp hữu vi. Kinh Kim Cang nói: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, rỗng không, chẳng có gì hết! Quý vị coi những thứ đó là thật, chẳng phải là tự chuốc khổ ư? Đó là mê, là tà. Ở trong ấy, phân biệt, chấp trước, có lấy, có bỏ thì gọi là nhiễm, tức là mê, tà, nhiễm! Biết hết thảy các pháp rỗng không, chẳng có gì, đó là trí huệ, là giác. Trong hết thảy các pháp, chẳng lấy, chẳng bỏ, đó là tịnh, là thanh tịnh. Quý vị cố ý bỏ đi thì cũng là nhiễm ô, vì thế, hết thảy tùy duyên, đừng phan duyên. Phàm phu “giữ lấy”, đã lệch về một bên. Người Tiểu Thừa trừ bỏ, cũng lệch sang một bên. Người Tiểu Thừa rớt trong Thiên Chân Niết Bàn, thứ gì cũng đều chẳng cần. Còn phàm phu thì thứ gì cũng muốn, người Tiểu Thừa thì thứ gì ta cũng chẳng cần, đều sai! Vì sao? Rỗng không, chẳng có gì, cần cũng là mê, mà không cần cũng là mê. Hai bên lấy và bỏ đều trừ sạch, Bồ Tát hành Trung Đạo thì mới là thật sự hiểu rõ chuyện này. Do đó, đối với cảnh giới, chúng ta chẳng lấy, chẳng bỏ, hết thảy tùy duyên.
Bồ Tát du hý thần thông, chẳng coi nó là thật, nó chẳng có thật. Gì là thật? Tâm thanh tịnh là thật; giác, chánh, tịnh là thật. Hết thảy thời, hết thảy chỗ, trong hết thảy cảnh giới, giữ vững những thứ này, quyết định chẳng để mất đi. Giác, chánh, tịnh là thật. Thật ra, chúng ta chẳng làm được [những điều vừa nói] thì một câu A Di Đà Phật là thật. Trong mười hai thời, một câu A Di Đà Phật chẳng bỏ, ức niệm không quên! Ức Phật, niệm Phật, hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật. Đó là thật, chẳng bỏ điều này, hết thảy các pháp khác tùy duyên là được rồi. Đó gọi là “đẳng quán tam giới không vô sở hữu”.
Tri nhất thiết pháp tất giai tịch diệt, vô tướng, vô vi, vô nhân, vô
quả, vô thủ, vô xả, vô phược, vô thoát.
知一切法悉皆寂滅,無相無為無因無果,無取無捨無縛無脫。
(Biết hết thảy các pháp đều là tịch diệt, vô tướng, vô vi, vô nhân,
vô quả, không lấy, không bỏ, không trói buộc, không giải thoát).
Mấy câu này là cảnh giới của Pháp Thân đại sĩ. Đã gọi là “cảnh giới của Pháp Thân đại sĩ” thì quý vị chưa thấy Pháp Thân, sẽ chẳng thể có được. Hễ thấy Pháp Thân, hết thảy sẽ tự nhiên trọn đủ. Thấu lộ một ít tin chính là trong tâm người ấy không hề vướng mắc mảy may. Chẳng có vướng mắc, ưu lự, chẳng có chấp trước, vọng tưởng, đương nhiên là chẳng có phiền não. Những thứ ấy đều chẳng có, thưa cùng chư vị, sanh tử luân hồi cũng chẳng có. Vì sanh tử luân hồi là quả báo, còn những thứ này đều là nhân; nhân đã chẳng có, lấy đâu ra quả? Vì thế, sanh tử cũng chẳng có, luân hồi cũng chẳng có; không chỉ chẳng có những thứ ấy, mà tam giới cũng chẳng có, mười pháp giới cũng chẳng có. Rốt cuộc Ngài trụ nơi đâu? Bất đắc dĩ nói là Ngài trụ trong Nhất Chân pháp giới. Tự tại lắm!
Nếu chúng ta muốn nhập cảnh giới này, hãy khéo niệm A Di Đà Phật, niệm đến cảnh giới công phu thành phiến, quý vị sẽ lãnh hội đôi chút. Sự lãnh hội ấy chẳng phải là chứng đắc thật sự, trong Tứ Gia Hạnh, [sự lãnh hội ấy] được gọi là Noãn Vị (煖位)[63], [hàm nghĩa] chẳng thấy lửa, nhưng có nhiệt độ, có độ ấm, quý vị đã lãnh hội. Đạt đến nhất tâm bất loạn, sẽ nhập cảnh giới này. Đạt đến tâm địa thanh tịnh, tức là khi công phu đã thành phiến, dần dần tiếp cận cảnh giới này, quý vị có thể lãnh hội, rất tin tưởng, công phu là như thế đó! Nghiên cứu kinh [hòng mong đạt đến cảnh giới ấy] sẽ không được! Đọc trọn khắp Đại Tạng Kinh, nghiên cứu hết thảy các chú giải, chẳng liên quan gì đến chuyện này, chạm đến ngoài rìa còn chẳng được! Càng tiếp xúc, càng rét run, chẳng ấm áp, càng rét cóng, chẳng tiếp xúc được! Vì thế, hôm nay tôi nói lời thật cùng mọi người.
Tuy tôi mua sách, thâu thập Đại Tạng Kinh, đó là vì giúp đỡ chúng sanh, tiếp dẫn chúng sanh, dùng làm tài liệu. Vì chúng tôi nói với người khác, câu nào cũng đều phải có căn cứ, chẳng thể bịa chuyện, đơm đặt, nhằm tiếp dẫn mọi người nhập môn. Sau khi đã nhập môn, phải chuyên tu Tịnh Độ, chuyên niệm A Di Đà Phật, quý vị mới có thể đạt thành tựu, quyết định chớ nên coi nhẹ chuyện này! Chính mình tu hành là thâm nhập một môn, để rộng độ hữu tình thì nhất định phải là phương tiện thiện xảo, phải phô diễn chánh pháp. Chánh pháp có phạm vi vô lượng vô biên, nguyên tắc của nó là giác, chánh, tịnh, khuyên dụ, hướng dẫn lòng người hướng về giác, hướng về chánh, hướng về thanh tịnh; đó là chánh pháp. Vì vậy, tà và chánh, nói thật ra, rất dễ phân biệt.
Biết hết thảy vạn pháp, pháp thế gian và xuất thế gian, “vô tướng, vô vi, vô nhân, vô quả”, tuyệt đối chẳng phải là bài bác “không có nhân quả”. Phải đạt tới mức độ nào? Phải cho tới khi trong tâm quý vị thật sự thanh tịnh, chẳng khởi một niệm thì mới là vô nhân, vô quả, chẳng lấy, chẳng bỏ. Trong tâm quý vị hãy còn khởi một niệm, nói cho quý vị biết, [vẫn là] có nhân, có quả. Vô nhân, vô quả là hạng người nào? Nơi quả địa của Như Lai. Bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ vẫn chẳng lìa nhân quả. Kinh Hoa Nghiêm nói ngũ châu nhân quả (năm tầng nhân quả), kinh Pháp Hoa nói Nhất Thừa nhân quả, chẳng rời lìa [nhân quả]! Nơi quả địa Như Lai mới là không nhân, không quả, vô tướng, vô vi, triệt để liễu giải chân tướng y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới thế gian và xuất thế gian.
Khử chư phân biệt, viễn ly điên đảo.
去諸分別遠離顛倒。
(Trừ các phân biệt, xa lìa điên đảo).
Đây là chứng đắc cực quả, chỉ riêng thế giới Tây Phương là thành tựu chuyện này trong một đời. Trong các thế giới phương khác, sẽ là đời đời kiếp kiếp, phải trải qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp, hoặc vô lượng kiếp, chẳng biết là đã bỏ thân, thọ thân, thay đổi bao nhiêu thân thì mới có thể hoàn tất! Tây Phương Cực Lạc thế giới làm xong trong một đời. Điều này cũng chỉ rõ lý do vì sao hết thảy chư Phật đều khuyên mọi người cầu sanh Tịnh Độ, vì chúng ta sẽ thành tựu viên mãn ngay trong một đời ở bên ấy.
Dưới đây là hai mươi ba tỷ dụ được Liên Trì đại sư trích dẫn, hôm nay, chúng tôi đặc biệt rút ra chương kinh này [để giảng giải], tỷ dụ thứ nhất là:
Kiên cố bất động như Tu Di sơn.
堅固不動如須彌山。
(Kiên cố, chẳng lay động như núi Tu Di).
Ý nghĩa này vô cùng sâu rộng! Chúng ta không cần hiểu mức độ sâu rộng dường ấy, [vì có cố gắng hiểu] cũng chẳng thể thấu hiểu nổi, chúng ta chỉ dựa vào đoạn kinh văn này để nghĩ xem chính mình phải ứng dụng trong sự tu học hiện tiền như thế nào hòng đạt được lợi ích cho bản thân. “Kiên cố bất động” là nói tới tín tâm, chúng ta đối với bộ kinh điển này, đối với pháp môn này, đối với y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, đối với sự phát tâm vãng sanh cầu sanh Tịnh Độ của chính mình, có tín tâm kiên cố bất động. Tín tâm ấy quyết định chẳng bị dao động “như núi Tu Di”.
Trí huệ minh liễu như nhật nguyệt lãng.
智慧明了如日月朗。
(Trí huệ sáng tỏ như mặt trời, mặt trăng rạng ngời).
Để thấy rõ ràng, minh bạch chuyện này, chúng ta nhìn từ chỗ nào? Nhìn từ Sự, quá khứ, hiện tiền có bao nhiêu người vãng sanh, đó là Sự. Trong những người vãng sanh ấy, nếu quan sát cặn kẽ, [sẽ thấy] hàng tại gia rất đông. Lại còn có nhiều người chẳng biết chữ, chẳng hiểu giáo lý, họ nhất tâm niệm Phật đều có thể vãng sanh. Người chuyên tâm niệm Phật, có nhiều vị còn đứng hay ngồi vãng sanh, biết trước lúc mất, chẳng ngã bệnh, quý vị có thể thấy những trường hợp ấy bèn sanh trí huệ. Đó là thật, chẳng giả. Đối với kẻ chỉ biết nói suông, quý vị hãy xem họ trong tương lai khi chết sẽ chết như thế nào? Nếu [quý vị thấy họ] khi chết, vẫn nằm trên giường bệnh mà chết, quý vị sẽ nói: “Những lời lẽ ấy của họ nói chưa chắc đã đáng tin”. Như thầy Tu Vô đã nói, khi pháp sư Đàm Hư mở giới đàn tại chùa Cực Lạc ở Trường Xuân (Harbin), thầy Tu Vô đến giúp chăm sóc người bệnh. Được một vài ngày, Sư liền xin nghỉ vì Sư phải về Tây Phương Cực Lạc thế giới, người ta biết trước lúc mất, lại chẳng ngã bệnh. Cuối cùng, người ta hỏi Sư: “Thầy Tu Vô! Thầy sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, cũng nên làm mấy bài kệ, lưu lại mấy bài thơ để làm kỷ niệm cho chúng tôi”. Sư nói: “Tôi xuất thân quê mùa, chưa từng học hành, không biết chữ, cũng chẳng hiểu kinh giáo chi cả”. Cuối cùng, Sư nói: “Tôi có lời thật thà thưa cùng quý vị, có thể dùng làm kỷ niệm: Nói được, chẳng làm được; chẳng phải trí huệ chân thật!”. Nói xong, Sư bèn tịch. “Nói được, chẳng làm được” là những pháp sư giảng kinh, chẳng phải là trí huệ chân thật. Trong Cận Đại Vãng Sanh Truyện và Niệm Phật Luận có chép chuyện này. Chuyện này do đích thân lão pháp sư Đàm Hư chứng kiến.
Chư vị đọc những sách ấy có thể khai trí huệ! Đọc sách khác, chưa chắc đã khai trí huệ. Đời Tống, pháp sư Oánh Kha niệm Phật ba ngày cảm được A Di Đà Phật hiện đến. Sư khai trí huệ bằng cách nào? Đọc Vãng Sanh Truyện. Bản thân Sư là người xuất gia, không tuân thủ Thanh Quy, thường phạm giới, nhưng còn có một điểm đáng tán thán là tin tưởng nhân quả. Chính Sư tự phản tỉnh, nói: “Trong tương lai, ta nhất định đọa địa ngục. Đáng sợ quá! Làm thế nào đây?” Liền thỉnh giáo đồng học. Các đồng học tìm một quyển Vãng Sanh Truyện đưa cho Sư đọc. Sư đọc bèn hết sức cảm động, xem chuyện vãng sanh của mỗi người đều xúc động ứa nước mắt. Sau khi xem xong Vãng Sanh Truyện, Sư đóng chặt cửa phòng, phát tâm niệm Phật, cũng không ăn cơm, mà cũng chẳng uống nước, cũng chẳng ngủ nghê, niệm một câu Phật hiệu suốt ba ngày ba đêm, cảm A Di Đà Phật hiện tới. A Di Đà Phật bảo Sư: “Ông hãy còn mười năm thọ mạng, hãy khéo tu hành trong mười năm. Tới khi đó, ta lại đến tiếp dẫn ông”. Sư suy nghĩ, bạch Phật: “Con chẳng cần mười năm thọ mạng, vì sao? Căn tánh kém hèn rất nặng, không chống nổi sự dụ dỗ, mê hoặc. Hễ bị bên ngoài dụ dỗ, mê hoặc, con sẽ lại phạm giới, sẽ lại tạo tội nghiệp, chẳng biết trong mười năm ấy sẽ tạo bao nhiêu tội nghiệp. Con chẳng cần mười năm thọ mạng, nay con đi theo Phật”. A Di Đà Phật gật đầu, chấp thuận: “Được rồi, ba hôm nữa ta sẽ đón ông”. Ba ngày sau, Sư cũng chẳng bị bệnh, mọi người niệm Phật cho Sư, Sư tự tại vãng sanh. Vị này lỗi lạc thay!
Vì lẽ đó, đọc Vãng Sanh Truyện có thể khai trí huệ nhanh hơn đọc các bộ đại kinh, đại luận rất nhiều. Đại kinh, đại luận khai trí huệ rất chậm, đã thế, người đọc còn nửa tin, nửa ngờ, đôi khi còn biến thành Sở Tri Chướng, há nhanh chóng, lẹ làng như đọc Vãng Sanh Truyện? Thấy gương của những vị ấy, họ là thầy của chúng ta, nêu khuôn mẫu cho chúng ta noi theo. Đó là trí huệ thật sự hiểu rõ. Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Vãng Sanh Truyện, và bộ Thiện Nữ Nhân Truyện trong Đại Tạng Kinh là những tác phẩm hay, đáng nên đề xướng. Thậm chí trong một thời gian ngắn ngủi, người ta thỉnh chúng ta giảng khai thị, bèn giảng ba bốn mẫu chuyện cũng rất hợp, xác thực là có thể giúp đỡ người khác. Bởi lẽ đó, sách Niệm Phật Luận của Đàm Hư nói thật ra là tam chuyển pháp luân, phần đầu là thị thuyết (giảng giải chỉ dạy), phần giữa là khuyến thuyết (khuyên bảo), cuối cùng nêu ra chuyện của ba người để chứng minh, đó là chứng thuyết. Ngài kể chuyện thầy Tu Vô là người xuất gia, ông Trịnh Tích Tân là một nam cư sĩ tại gia, còn có bà Trương là nữ cư sĩ, nêu gương ba người để chứng minh. Ba người ấy Sư đều đích thân chính mắt trông thấy. Ông Trịnh Tích Tân và bà Trương đều là đệ tử quy y của Ngài.
Quảng đại như hải, xuất công đức bảo.
廣大如海出功德寶。
(Rộng lớn như biển, xuất sanh của báu công đức).
“Quảng đại” là tâm lượng rộng lớn. Tâm lượng rộng lớn, vô lượng công đức sẵn có trong bản tánh bèn hiện tiền. Tâm lượng nhỏ nhoi, tối đa là tu được một chút phước đức, chẳng có công đức. Lương Vũ Đế là một vị đại hộ pháp trong Phật môn Trung Hoa, dựng hơn bốn trăm tám mươi ngôi chùa, thành tựu người xuất gia mấy chục vạn người. Đạt Ma tổ sư đến Trung Hoa, vua hướng về Đạt Ma tổ sư thỉnh giáo: “Công đức của trẫm có lớn hay không?” Trên thực tế, Đạt Ma tổ sư cũng chẳng nhạy bén cho lắm. Nếu Đạt Ma tổ sư phương tiện vọng ngữ, vua có sức mạnh hộ pháp rất lớn, nhất định sẽ hộ trì. Do Đạt Ma tổ sư nói thẳng thừng, ý kiến không hợp nhau, vua chẳng hộ pháp cho Tổ. Đạt Ma tổ sư nói: “Trọn chẳng có công đức gì!” Vì sao nói nhà vua chẳng có công đức? Tâm lượng nhỏ hẹp, chỗ nào cũng chấp tướng! Vì thế, hoàng đế không ngó ngàng tới Tổ, mà cũng chẳng giúp đỡ Ngài. Tổ đành phải tới chùa Thiếu Lâm nhìn vào vách, đợi một người là Huệ Khả suốt chín năm. Vì vậy, tâm lượng phải rộng lớn, chớ nên chấp trước, chớ nên so đo, sẽ thành tựu công đức chân thật.
Xí thịnh như hỏa thiêu phiền não tân.
熾盛如火燒煩惱薪。
(Hừng hực như lửa đốt củi phiền não).
“Xí thịnh” (熾盛) là trí huệ tinh tấn, cũng có thể nói là Định Huệ tinh tấn, giống như lửa cháy rất dữ dội. Lửa Định và Huệ mới có thể đoạn phiền não. Có Định thì mới có thể phá Kiến Tư phiền não, có Huệ thì mới có thể phá Trần Sa và Vô Minh. Một là phá Sở Tri Chướng, hai là phá Phiền Não Chướng, phải hừng hực tinh tấn thì mới được! Quý vị nhìn vào Lục Độ, Nhẫn Nhục cộng thêm Tinh Tấn sẽ là xí thịnh thì mới có thể đắc Thiền Định, mới có thể đắc Bát Nhã, phá Phiền Não Chướng, phá Sở Tri Chướng.
Nhẫn nhục như địa, nhất thiết bình đẳng.
忍辱如地一切平等。
(Nhẫn nhục như đất, hết thảy bình đẳng).
Tâm giống như đại địa, thứ gì cũng đều có thể nhẫn. Nói thật ra, học Phật thì đầu tiên phải là học nhẫn nhục. Vì thế, trong tứ đại Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát được xếp đầu tiên. Địa biểu thị đại địa. Tâm chúng ta phải giống như đại địa, có thể nhẫn, có thể hứng chịu, tốt cũng hứng chịu, xấu cũng hứng chịu, lại còn hứng chịu bình đẳng, học những điều này. Học những điều ấy thì sau đó mới có thể đắc Định, mới có thể đắc tâm thanh tịnh. Chẳng thể nhẫn nhục thì người ấy tu học Phật pháp, tối đa là trong tương lai làm một nhà Phật học mà thôi, có thể nói đến nỗi hoa trời rơi tán loạn, nhưng trong tương lai đáng nên luân hồi như thế nào thì vẫn luân hồi đúng như thế ấy, chẳng có tác dụng gì cả. Đúng như sư Tu Vô đã nói: “Nói được, chẳng làm được; chẳng phải trí huệ chân thật”. Căn bản là chẳng có trí huệ chân thật. Vì vậy, phải tu nhẫn nhục, biết nhẫn nhục hết sức trọng yếu. Trong kinh Kim Cang, đức Phật giảng về Lục Độ đã nêu ra hai trọng điểm: Một là Bố Thí, hai là Nhẫn Nhục. Bố Thí nhằm bảo quý vị hãy buông xuống, tu tập, tích lũy công đức. Nhẫn Nhục là thành tựu công đức, giữ vững công đức, chẳng để mất đi.
Thanh tịnh như thủy, tẩy chư trần cấu.
清淨如水洗諸塵垢。
(Thanh tịnh như nước, rửa các bụi nhơ).
Vì có nhẫn nhục thì tâm mới có thể thanh tịnh. Tâm thanh tịnh sẽ rửa sạch phiền não nghiệp tập (nghiệp chướng, tập khí) từ vô thỉ kiếp tới nay. Đó là sám hối thật sự. Vì thế, chúng ta vọng tưởng ít đi, phân biệt giảm bớt, tức là sám hối có hiệu quả, thật sự đạt được lợi ích. Nếu tuy tu pháp sám hối ấy, mà phiền não tập khí chẳng đoạn, tức là đã uổng công tu pháp sám hối ấy! Cũng có đồng tu kể với tôi: Khi tu thì [phiền não] ít hơn, được hai ngày rồi lại có. Tu bao nhiêu năm, phiền não tập khí vẫn chẳng đoạn, do nguyên nhân nào? Không đúng pháp, kẻ ấy tu nơi Sự, chẳng tu nơi tâm địa! Pháp môn này phải tu từ tâm địa; không chỉ là phải tu, mà còn phải nghiêm túc gìn giữ nó. Nói cách khác, chớ nên đánh mất cái tâm thanh tịnh. Trong hết thảy mọi lúc, hết thảy mọi chỗ, phải gìn giữ cái tâm thanh tịnh, gìn giữ cái tâm bình đẳng. Quý vị có thể gìn giữ cái tâm bình đẳng, tức là thành tựu Nhẫn Nhục Ba La Mật. Có thể giữ vững cái tâm thanh tịnh, tức là thành tựu Thiền Định Ba La Mật. Có công phu như vậy, chúng ta niệm Phật mới có thể niệm đến nhất tâm bất loạn, mới có thể niệm đến công phu thành phiến. Dẫu chẳng thể chứng đắc nhất tâm bất loạn, nhưng công phu thành phiến quyết định có thể chứng đắc. Đạt đến công phu thành phiến thì cũng là Niệm Phật tam-muội. Hạ phẩm Niệm Phật tam-muội chắc chắn nắm chắc vãng sanh. Chính mình có nắm chắc thì chính mình sẽ có tín tâm!
Như hư không vô biên, bất chướng nhất thiết cố.
如虛空無邊不障一切故。
(Như hư không vô biên vì chẳng ngăn trở hết thảy).
Câu này diễn tả tâm lượng rộng lớn, có thể bao dung hết thảy. “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”, phải mở rộng tâm lượng. Vì sao? Đây là chân tâm, tâm lượng vốn là như thế! Hiện thời, tâm lượng của chúng ta rất nhỏ, chẳng thể bao dung, chịu đựng. Vì sao xã hội động loạn ngần ấy? Vì đôi bên chẳng thể bao dung nhau. Do chẳng bao dung, nên mới có tranh chấp, mới có đấu tranh. Tâm lượng của mỗi cá nhân đều rất lớn, đều có thể bao dung, xã hội liền tốt đẹp, an tường, hòa hợp, hài hòa, chẳng thể có tranh chấp. Vì lẽ đó, tâm lượng phải rộng lớn. “Bất chướng nhất thiết” (Chẳng ngăn trở hết thảy), biết hết thảy các pháp tất nhiên có đạo lý và phương pháp dung hòa. Chẳng thể dung hòa thì chỉ là xung đột nhất thời. Sự xung đột ấy nhất định phải có nguyên nhân. Tìm ra nguyên nhân, tiêu trừ nguyên nhân ấy thì sẽ dung hòa. Sở dĩ Phật pháp vĩ đại là do vĩ đại ở chỗ này: Chẳng có pháp nào không viên dung, Lý Sự viên dung, Sự Sự viên dung, hết thảy vô ngại!
Như liên hoa xuất thủy, ly nhất thiết nhiễm cố.
如蓮華出水離一切染故。
(Như hoa sen ngoi khỏi mặt nước, lìa hết thảy nhiễm).
Đây là tỷ dụ. Vì vậy, chúng ta phải hiểu lẽ thiện xảo trong sự thuyết pháp của đức Phật, chớ nên chấp tướng. Chớ nên nghĩ là mỗi vị Phật, Bồ Tát đều ngồi hoặc đứng trên hoa sen, trong tương lai quý vị thành Phật hoặc thành Bồ Tát có phải là cũng cần tạo ra hoa sen hay không? [Nghĩ như vậy] là sai mất rồi! Vì sao? Chấp tướng! Hoa sen biểu thị chẳng nhiễm trước, mang ý nghĩa này. Chẳng phải là mỗi người đều phải tạo một cái hoa sen để ngồi lên đó. [Nghĩ như vậy thì] sai lầm mất rồi. Đó là biểu thị pháp, hy vọng các vị đồng tu nhất định phải ghi nhớ điểm này!
Hoa sen mọc từ bùn lầy, nhưng chẳng nhuốm bẩn. Bùn lầy biểu thị lục đạo, biểu thị lục phàm. Phía trên bùn là nước trong; chẳng có nước, hoa sen sẽ chết khô! Nó có nước trong, nước sạch hơn bùn, tượng trưng tứ thánh, tức là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật. Hoa nở phía trên mặt nước biểu thị lục phàm lẫn tứ thánh đều chẳng nhiễm. Hoa sen vượt khỏi mặt nước, không chỉ chẳng bị thế gian pháp nhuốm bẩn, mà pháp xuất thế gian cũng chẳng nhuốm bẩn, cũng chẳng nhiễm Phật pháp! Như vậy thì mới thành công! Nếu quý vị chẳng hiểu ý nghĩa này, vẫn nhất định chấp trước có tướng ấy, có hoa sen, tức là hoàn toàn bị nhiễm trước. Dẫu quý vị chẳng bị pháp thế gian nhiễm trước, nhất định bị Phật pháp nhiễm trước. Chư Phật thấy nông nỗi này, lẽ nào chẳng ứa lệ? Quý vị đã hoàn toàn hiểu sai ý nghĩa của các Ngài. Bởi lẽ, hoa sen biểu thị sự bất nhiễm. Chúng ta thấy chư Phật, Bồ Tát đứng hoặc ngồi trên hoa sen, phải hiểu ý nghĩa của các Ngài, phải học theo các Ngài: Pháp thế gian và xuất thế gian pháp đều chẳng nhiễm trước, đều chẳng chấp trước. Cái tâm như vậy thì mới khôi phục sự thanh tịnh thật sự.
Có chẳng ít kẻ học Phật chẳng nhiễm pháp thế gian, nhưng bị Phật pháp nhiễm, vẫn tưởng đó là chân thật, tưởng đó là Phật pháp. Vì thế, họ chẳng thể đoạn phiền não, chẳng thể phá vô minh. Nguyên nhân ở chỗ nào? Họ bị Phật pháp nhiễm ô! Vì thế, kẻ khéo dùng Phật pháp, sẽ đạt được giải thoát nơi Phật pháp. Kẻ chẳng biết dùng Phật pháp, sẽ bị Phật pháp ràng buộc. Vì lẽ đó, người biết dùng Phật pháp, sẽ đạt được công đức và lợi ích thù thắng khôn sánh trong Phật pháp. Kẻ chẳng biết sử dụng, sẽ bị Phật pháp hại chết, hại thê thảm! Phật pháp có thể hại người! Chính là vì quý vị chẳng thật sự hiểu rõ Phật pháp, chẳng thật sự biết sử dụng. Điều này có mối quan hệ hết sức to lớn; do vậy, nhất định phải hiểu vì sao đức Phật phải trụ trong thế gian? Cớ sao đức Phật phải vì chúng ta thuyết pháp? Đức Phật thuyết pháp có dụng ý thật sự là gì? Đức
Phật dùng phương pháp nào để giúp đỡ chúng ta? Có thể giúp chúng ta đến mức độ nào? Chư vị phải hiểu rành mạch, rõ ràng!
Tôi muốn giới thiệu chương kinh văn này cùng chư vị vì nó hữu ích rất lớn đối với sự tu hành của chúng ta. Nay đã hết thời gian rồi!
Tập 200
Chư vị đồng tu, chúng ta mở xem trang giấy in lại [chương kinh có tựa đề] là Bồ Tát Công Đức Phần Đệ Tam Thập Tứ trong bản hội tập kinh Đại Bổn của ông Vương Long Thư. Liên Trì đại sư trích dẫn hai mươi ba tỷ dụ trong chương kinh này; lần trước, chúng tôi đã giảng tám tỷ dụ, hôm nay bắt đầu từ tỷ dụ thứ chín:
Như lôi âm chấn hưởng xuất pháp âm cố.
如雷音震響出法音故。
(Thốt ra pháp âm như tiếng sấm vang rền).
Tiếng sấm nghe vang xa, tỷ dụ âm thanh thuyết pháp của đức Phật như sấm dội vào tai, mang ý nghĩa này. Sấm có thể khiến cho vạn vật kinh động, cũng nhằm tỷ dụ âm thanh thuyết pháp của đức Phật có thể chấn động những kẻ đang hôn mê, thường nói là “phá mê, khai ngộ”, có thể kinh động, đánh thức hết thảy chúng sanh trong đêm dài vô minh. Tỷ dụ thứ mười là…
Như vân ái đãi, giáng pháp vũ cố.
如雲靉靆降法雨故。
(Như mây đen dầy, tuôn xuống mưa pháp).
Tỷ dụ đức Phật thuyết pháp như tuôn mưa móc, nhuần thấm hết thảy chúng sanh. Đổ mưa thì chúng ta biết nhất định là có mây rất dầy, chứa rất nhiều hơi nước thì mới có thể tuôn mưa lai láng. Đức Phật dùng chuyện này để tỷ dụ việc thuyết pháp.
Như phong động thụ, trưởng Bồ Đề nha cố.
如風動樹長菩提芽故。
(Như gió lay cây, tăng trưởng mầm Bồ Đề).
Đối với gió, chúng ta thường nói tới gió Xuân. Đến mùa Xuân, tất cả thực vật đều nẩy mầm, có ý nghĩa này. “Như phong động thụ”, “phong” là nói tới Xuân phong hoặc gió nhẹ thổi hây hẩy. Khi ấy, vạn vật bắt đầu sanh trưởng, tỷ dụ đức Phật thuyết pháp giống như gió nhẹ thổi hây hẩy, đó gọi là “như mộc xuân phong” (如沐春風: như được tưới gội bởi gió Xuân). Trước kia, để ca ngợi thầy, [bèn nói] học trò dưới tòa của thầy “như mộc xuân phong”, tăng trưởng trí huệ, có ý nghĩa này.
Như ngưu vương thanh dị chúng ngưu cố.
如牛王聲異眾牛故。
(Như tiếng trâu chúa, chẳng giống tiếng của các con trâu khác).
Hiện thời, tạp âm quá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tình cảm trong cuộc sống của con người. Trước kia, hoàn cảnh rất yên tĩnh, vì sao? Những thứ máy móc chưa được phát minh. Tạp âm lớn nhất là tiếng trâu kêu, vì trong gia đình luôn nuôi các loài gia súc. Trong các loài gia súc, tiếng trâu kêu to nhất. Xưa kia, người xuất gia tu hành trụ tại A Lan Nhã (Araṇya). A Lan Nhã là tiếng Ấn Độ, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Tịch Tĩnh Chi Xứ Sở (nơi chốn vắng lặng). A là Vô, Lan Nhã là âm thanh. Nơi ấy rất an tĩnh, chẳng nghe âm thanh ồn ào. Lấy gì làm tiêu chuẩn? Chẳng nghe thấy tiếng trâu kêu bên ngoài, nơi ấy rất an tĩnh. Hiện thời, tiếng xe cộ còn nghiêm trọng hơn tiếng trâu kêu rất nhiều, hiện nay tìm một hoàn cảnh an tĩnh chẳng dễ dàng. Đây là tỷ dụ âm thanh lớn nhất, “dị chúng ngưu cố” (chẳng giống các con trâu khác), vua của loài trâu mà!
Như long tượng oai nan khả trắc cố.
如龍象威難可測故。
(Như long tượng oai thế khó thể suy lường).
“Long tượng” có oai đức. Chúng ta chưa thấy rồng, nhưng đã thấy voi. Quý vị thấy voi dáng dấp rất an tường, giống như nó luôn ở trong Định, tỏ lộ oai đức của nó. Trong kinh, đức Phật thường dùng điều này để tỷ dụ Thiền Định, như câu nói: “Na Già thường nhập Định, không lúc nào chẳng định”. Thiền Định thật sự là đi, đứng, nằm, ngồi đều ở trong Định. Na Già là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là “long tượng”. Chúng ta nhất định phải giống như voi, không lúc nào, không chỗ nào, đi, đứng, nằm, ngồi mà chẳng an tường, chẳng an định, có ý nghĩa này. “Nan khả trắc cố” (Khó thể suy lường): Như Lai và các vị đại Bồ Tát nhập Thiền Định rất sâu, xác thực là chúng ta chẳng thể tưởng tượng được!
Như lương mã hành thừa vô thất cố.
如良馬行乘無失故。
(Như ngựa giỏi kéo xe chẳng sai sót).
Thời cổ, phương tiện giao thông tốt nhất là xe ngựa. Ngựa giỏi kéo xe có thể khiến cho quý vị đến mục tiêu bình yên, an ổn. Vì thế, coi chuyện đức Phật thuyết pháp hướng dẫn hết thảy chúng sanh hướng đến đại đạo Vô Thượng Bồ Đề giống như ngựa giỏi. So với các pháp môn khác, pháp môn Tịnh Tông thù thắng nhất. Nương theo môn này tu học thì mới có thể viên mãn Bồ Đề trong một đời.
Như sư tử tòa ly bố úy cố.
如師子座離怖畏故。
(Như tòa sư tử, lìa sợ hãi).
Đây cũng là tỷ dụ đức Phật thuyết pháp. Kinh thường tỷ dụ đức Phật như sư tử rống. Sư tử rống là tỷ dụ pháp âm, “sư tử tòa” là tỷ dụ oai đức của Phật. Sư tử là vua của trăm loài thú, hết thảy các dã thú đều sợ sư tử, nhưng sư tử chẳng sợ hãi gì cả! Sư tử chẳng sợ điều gì, nên nói là “ly bố úy” (lìa sự sợ hãi). Thân cận chư Phật, Bồ Tát tu học Phật pháp có thể lìa hết thảy sợ hãi. Nỗi sợ hãi lớn nhất là sanh tử. Có thể liễu sanh tử, thoát tam giới, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, nói thật ra, Phật pháp là đường lối duy nhất.
Pháp môn trong Phật pháp tuy nhiều, mỗi pháp môn đều có thể đạt đến mục tiêu này; vì thế nói: “Pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp”. Pháp môn tuy nhiều, căn tánh của chúng sanh khác nhau, có những pháp môn chúng ta có thể tu, có các pháp môn chúng ta tu học sẽ cảm thấy khó khăn. Người khéo học phải thuận theo căn tánh của chính mình, đối với hết thảy các pháp môn có sự lấy hoặc bỏ thích đáng. Lấy hoặc bỏ thích đáng thì có thể nói là tu học rất nhiều thuận tiện, trong một thời gian ngắn có thể thu được hiệu quả thù thắng. Nếu lấy bỏ chẳng thích đáng, tất nhiên là tốn công mà đạt được hiệu quả ít ỏi. Làm nhiều mà hiệu quả ít ỏi thì hãy còn may, sợ là đi lạc lối, hậu quả chẳng thể nào tưởng tượng được!
Đặc biệt là trong thời đại này, giống như kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”. Phân biệt và lấy bỏ như thế nào, thật sự chẳng phải là chuyện dễ! Trong khi chúng ta chẳng có trí huệ phân biệt, chẳng có năng lực lấy bỏ, thì niệm A Di Đà Phật là ổn thỏa, thích đáng nhất. Pháp môn này được gọi là “thích hợp khắp ba căn, thâu tóm trọn vẹn phàm lẫn thánh”, chỉ có lợi lạc, chẳng có tác dụng phản diện. Như Thiền và Mật rất dễ bị ma dựa, Giáo Hạ dễ tăng trưởng Sở Tri Chướng, chỉ riêng pháp môn Niệm Phật ổn định, thỏa đáng. Thật thà niệm một câu Phật hiệu, niệm tới khi công phu đắc lực, tự nhiên đoạn phiền não, phá vô minh. Trong hết thảy các pháp môn, nói đến tánh chất ổn thỏa, thích đáng thì chẳng có pháp môn nào trỗi vượt pháp môn Tịnh Độ. Pháp môn này xác thực có thể khiến cho chúng ta lìa hết thảy sợ hãi.
Như Ni Câu Đà thụ phú ấm đại chúng cố.
如尼拘陀樹覆蔭大眾故。
(Như cây Ni Câu Đà che rợp đại chúng).
Cây Ni Câu Đà (Nyagrodha) là một loài thực vật của Ấn Độ, dịch nghĩa là Vô Tiết Thụ (cây không có lóng đốt). Lá cây ấy rất to rộng, bóng râm rất lớn, rất mát mẻ. Vào mùa Hè, tất cả mọi người đều thích đến hóng mát dưới cây này.
Như Ưu Đàm Bát hoa nan trị ngộ cố.
如優曇缽花難值遇故。
(Như hoa Ưu Đàm Bát khó gặp gỡ).
Tại Đài Loan, chúng ta gọi hoa Ưu Đàm Bát (Uḍumbara) là Đàm Hoa. Hoa này chỉ nơi vùng á nhiệt đới[64] mới có. Thời gian nở hoa lại rất ngắn, thường nói là “hoa Đàm thoáng hiện”. Từ khi hoa nở đến lúc hoa tàn chỉ hơn một tiếng đồng hồ, nên hết sức khó thấy. Tại Đại Lục chẳng có loài hoa này. Trong quá khứ, chúng tôi chỉ nghe nói “hoa Đàm thoáng hiện”, đến Đài Loan mới thấy. Lại còn phải ngắm vào nửa đêm. Hoa nở vào lúc nửa đêm, sáng ra hoa đã tàn rụng. Dùng chuyện này để tỷ dụ Phật pháp “nan trị ngộ cố” (khó thể gặp gỡ), giống như hoa Đàm không dễ gì gặp được. Đấy chính là như câu nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Chúng ta phải quý tiếc nhân duyên vô cùng thù thắng này!
Như Kim Cang Xử phá tà sơn cố.
如金剛杵破邪山故。
(Như chày Kim Cang[65] đập nát núi tà).
Trong các thứ binh khí thời cổ, chày Kim Cang sắc bén nhất. Các binh khí khác đụng phải nó, nó sẽ cắt đứt rời những món binh khí khác, mà chính nó chẳng bị đứt gãy. Đó là nói tới loại vũ khí kiên cố và sắc bén nhất. “Phá tà sơn”, tà sơn là núi cao tà kiến. Kinh Phật thường dùng Kim Cang để tỷ dụ trí huệ. Trong kinh Bát Nhã, có kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật (Vájracchedikā-prajñā-pāramitā-sūtra), dùng chày Kim Cang làm tỷ dụ, nhằm sánh ví trí huệ dũng mãnh có thể trừ dẹp tà tri, tà kiến. Núi cao tà kiến chỉ có mình Phật pháp là có thể dẹp trừ.
Như Phạm Vương thân sanh Phạm chúng cố.
如梵王身生梵眾故。
(Như thân Phạm Vương sanh ra các thiên chúng trong cõi Phạm Thiên).
“Phạm” (梵) có nghĩa là thanh tịnh. Ở đây, dùng Đại Phạm Thiên Vương làm tỷ dụ. Thế giới của Đại Phạm Thiên là một thế giới hết sức thanh tịnh. “Năng sanh Phạm chúng” (Có thể sanh ra Phạm chúng) là tỷ dụ Phật pháp có thể tịnh hóa lòng người, có thể tịnh hóa cõi nước. Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng là một thế giới thanh tịnh.
Như kim xí điểu thắng độc long cố.
如金翅鳥勝毒龍故。
(Như chim cánh vàng chiến thắng rồng độc).
“Độc long” tỷ dụ ba độc tham, sân, si. Khắc tinh của rồng là Kim Xí Điểu (Garuḍa). Kim Xí Điểu ăn rồng, nên rồng sợ Kim Xí Điểu nhất. Chúng ta chưa thấy Kim Xí Điểu, nhưng thấy trong kinh Phật có nói: Loài chim này rất to, cánh giang ra rộng đến mấy ngàn dặm, mấy vạn dặm. Trong kinh, đức Phật nói như vậy, chúng ta cũng chẳng cần phải khảo chứng, mà cũng chớ nên hoài nghi, nhưng giảng kinh phải có phương tiện thiện xảo. Đối với người hiện thời, khi nói đến Kim Xí Điểu, chớ nên dùng cách hình dung tỉ mỉ dường ấy như trong chú giải của cổ nhân kẻo khiến cho đại chúng nghe rồi dấy lên cảm giác khó chịu. Nói chung, hiện thời chẳng có rồng, mà cũng chẳng có Kim Xí Điểu, chỉ có sách cổ ghi chép. Ý nghĩa thật sự là đức Phật dùng Kim Xí Điểu để tỷ dụ Định Huệ có thể đoạn phiền não.
Như không trung cầm vô trụ tích cố.
如空中禽無住跡故。
(Như chim chẳng lưu lại dấu vết trong hư không).
Câu này nói về tâm hạnh của Phật, Bồ Tát, cũng là nói tới Thiền Định rất sâu: “Ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng động tâm”. Kinh Kim Cang dạy: “Hãy nên chẳng trụ vào đâu để sanh tâm”. Câu này chính là “Ưng vô sở trụ” (Chẳng nên trụ vào đâu), tâm quý vị mới có thể thanh tịnh. Vô trụ vô niệm là cảnh giới của Bát Địa Bồ Tát trở lên, thánh nhân còn khó thể làm được, huống hồ bọn phàm phu chúng ta? Nhưng chúng ta phải biết: Chỗ thù thắng trong tông này chính là chỉ phương lập tướng, chẳng phải là “vô trụ tích cố” (chẳng có dấu vết). Tông này là có trụ, tâm trụ nơi A Di Đà Phật, tu dễ dàng! Vì thế, câu này là cảnh giới trong kinh Kim Cang, mức độ thấp nhất là Sơ Trụ trong Viên Giáo. Các vị Bồ Tát phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân thì mới là cảnh giới này. Do lẽ đó, chúng ta phải tinh tấn hướng đến mục tiêu này. Nói cách khác, quý vị có thể buông pháp thế gian và xuất thế gian xuống càng nhiều càng hay, phải buông chúng xuống, chớ nên chấp trước, đừng ghim trong lòng, cũng có nghĩa là phải học đến mức tâm không vương vấn. Tâm không vương vấn, sẽ chẳng trụ vào đâu! Vì thế, “trụ” là trong tâm quý vị còn có vướng mắc thì trong tâm còn có trụ; trong tâm chẳng có vướng mắc, tâm sẽ chẳng trụ vào đâu. Chẳng trụ vào đâu để sanh tâm, sanh cái tâm gì vậy? Sanh cái tâm phổ độ chúng sanh, đó là đúng.
Như Tuyết Sơn chiếu công đức tịnh cố.
如雪山照功德淨故。
(Như núi Tuyết chiếu công đức thanh tịnh).
Trong kinh, đức Phật thường dùng Tuyết Sơn làm tỷ dụ, vì thuở ấy, Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện tại Nê Bạc Nhĩ (Nepal) hiện thời, rất gần núi Tuyết. Tuyết Sơn nay là núi Hỷ Mã Lạp Nhã, quanh năm tuyết đọng chẳng tan chảy, tuyết có màu trắng, thấy rất thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần. Đức Phật thường dùng Tuyết Sơn để tỷ dụ thân tâm thanh tịnh. Thân tâm thanh tịnh thì gọi là công đức, chư vị phải ghi nhớ điều này. Công đức và phước đức khác nhau. Trong công đức, nhất định có phước đức, vì sao có phước đức? Vì công đức là kiến tánh, vốn trọn đủ trong chân tánh. Phước đức cũng là vốn trọn đủ. Do đó, trong công đức có phước đức; trong phước đức chẳng nhất định có công đức. Có thể nói là trong phước đức chẳng có công đức! Một người tu phước báo rất lớn, tâm chẳng thanh tịnh, còn có mê hoặc, điên đảo. Do đó, đức Phật dạy chúng ta phải tu công tích đức, chớ nên chấp tướng tu phước. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ đại sư đã nói rất hay: “Chấp tướng tu phước, đến khi lâm chung, phước chẳng cứu được”. Phước chẳng có cách nào cứu quý vị vượt thoát luân hồi. Công đức có thể giúp quý vị vượt thoát luân hồi, phước đức chẳng được. Vì thế, phải biết tu tập, tích lũy công đức đáng quý! Cách tu như thế nào? Tựa đề Đại Kinh nói “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm giác ngộ, những điều ấy đều là công đức.
Như Từ Thị quán pháp giới đẳng cố.
如慈氏觀法界等故。
(Như ngài Từ Thị quán pháp giới bình đẳng).
“Từ Thị” là Di Lặc Bồ Tát. Di Lặc Bồ Tát từ bi bình đẳng. “Di Lặc” (Maitreya)[66] là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Từ Bi, dịch ý bèn gọi là Từ Thị, tiếng Phạn là Di Lặc. Người Hoa tạo tượng Di Lặc Bồ Tát toàn là tạo tượng Bố Đại hòa thượng. Bố Đại hòa thượng xuất hiện tại Trung Quốc vào triều đại Nam Tống, nên tượng Di Lặc Bồ Tát tại Trung Hoa chẳng giống tượng ở Ấn Độ và Tây Tạng. Tượng Di Lặc Bồ Tát của Tây Tạng hơi giống như tượng Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, chẳng mập mạp, mà dong dỏng. Người Hoa tạo tượng [Di Lặc Bồ Tát là tượng] Bố Đại hòa thượng. Khi Bố Đại hòa thượng viên tịch, tự mình nói ra thân phận, Ngài bảo với mọi người Ngài là Di Lặc Bồ Tát tái lai. Nói xong liền viên tịch, đó là thật. Hiện thời, có rất nhiều kẻ nói họ là Phật, Bồ Tát chi đó tái lai, nói xong vẫn chẳng tịch. Nếu nói ra bèn tịch, chúng ta sẽ tin tưởng là thật. Nói rồi vẫn sống nhăn, chẳng đáng tin cậy! Các đại đức vào thời cổ tại Trung Hoa, đích xác là có không ít vị là Phật, Bồ Tát tái lai, hễ thân phân bộc lộ, chỉ cần có người khác biết đến, các Ngài chắc chắn chẳng trụ thế mà liền đi ngay. Đó là quy củ trong Phật môn. Nói xong, chẳng ra đi, chẳng thể được! Chúng ta tạc tượng Ngài với ý nghĩa từ bi, bình đẳng. Đó gọi là “sanh bình đẳng tâm, thành hỷ duyệt tướng” (sanh tâm bình đẳng, tạo thành tướng vui vẻ). Di Lặc Bồ Tát biểu thị pháp môn này. “Pháp giới đẳng cố”, “đẳng” (等) là bình đẳng, Di Lặc Bồ Tát thật sự đại từ đại bi. Ngài thấy mười pháp giới đều là bình đẳng.
Đến chỗ này, đã nói xong hai mươi ba tỷ dụ. Hai mươi ba tỷ dụ đều nhằm tán thán công đức thù thắng của tất cả hết thảy các vị Bồ Tát trong thế giới Tây Phương, có thể nói là viên mãn trọn đủ. Chúng ta cũng đọc luôn đoạn kinh văn kế tiếp.
Chuyên nhạo cầu pháp tâm vô yếm túc, thường dục quảng thuyết chí vô bì quyện.
專樂求法心無厭足,常欲廣說志無疲倦。
(Chuyên thích cầu pháp, tâm chẳng chán nhàm; thường muốn rộng nói, chí chẳng mệt mỏi).
Câu trước là hạnh tự lợi của Bồ Tát, câu sau là hạnh lợi tha, tự lợi lợi tha. Nhưng chư vị nhất định phải biết, nếu muốn lợi tha, nhất định phải tự lợi trước. Chính mình chẳng đạt được lợi ích chân thật, làm thế nào để có thể giúp đỡ người khác? Chính mình tâm chẳng thanh tịnh, làm sao có thể giúp người khác đạt tới thanh tịnh cho được? Chính mình chẳng thể liễu sanh tử, thoát tam giới, cũng chẳng có cách nào giúp người khác liễu sanh tử, thoát tam giới. Đó là đạo lý nhất định. Vì thế, phát Bồ Đề tâm, nhất định phải là tu chính mình trước. Hai câu này rất quan trọng!
“Chuyên nhạo cầu pháp”, nhạo (樂) là ưa thích, tâm chẳng chán nhàm. Phải cầu pháp từ chỗ nào? Chư vị nhất định phải ghi nhớ, pháp tuyệt đối chẳng phải là ở trong Tam Tạng kinh điển. Trong Tam Tạng kinh điển chẳng có pháp; nhưng pháp cũng chẳng lìa khỏi Tam Tạng kinh điển. Nếu quý vị thật sự cầu pháp, phải thâm nhập một môn. Nói rõ “trong Tam Tạng kinh điển chẳng có pháp” nhằm bảo quý vị đừng nên mê tín kinh điển, chớ nên thứ gì cũng đều học. [Thứ gì cũng học] thì hỏng bét, bảo đảm quý vị suốt một đời này, cầu gì cũng đều chẳng cầu được! Vì thế nói là “chẳng có pháp!” Nếu quý vị chọn lấy một bộ kinh trong Tam Tạng kinh điển để thâm nhập thì pháp ở ngay trong kinh điển. Nếu quý vị học nhiều thì trong sự học nhiều ấy chẳng có pháp! Học một thứ thì trong thứ ấy có pháp. Điều này rất lạ lùng, mọi người hãy khéo suy nghĩ, thật đấy, chẳng giả đâu! Chỉ có một môn thì mới có thể thành tựu “thanh tịnh, bình đẳng, giác”. Học nhiều sẽ chẳng thể thành tựu, [mà là] tăng trưởng tà tri, tà kiến.
“Thường dục quảng thuyết chí vô bì quyện” (Thường muốn rộng nói, chí chẳng mệt mỏi). Đây là nói đến chuyện giúp đỡ hết thảy chúng sanh, chính là như nhà Phật có nói: “Trong cửa nhà Phật, chẳng bỏ một ai”. Một người phát khởi đạo ý chân thật, Bồ Tát có phải đến dạy người ấy hay không? Phải đến! Bồ Tát thuyết pháp, giáo học, tuyệt đối chẳng chú trọng thính chúng phải đông đúc. Đông nhiều thì thuyết pháp rất hoan hỷ, số người nghe ít ỏi bèn thuyết pháp ỉu xìu, sai mất rồi! Đó là tâm chẳng thanh tịnh, tâm bất bình đẳng. Thuyết pháp nhằm mục đích dạy họ khai ngộ, dạy họ thành tựu. Một người có thể ngộ, một người có thể vãng sanh, tuyệt diệu thay! Một đại pháp hội, mấy ngàn người nghe hoặc mấy vạn người nghe; nghe xong chẳng có người nào khai ngộ, chẳng có một ai vãng sanh, tức là nói phí công, chẳng có ý nghĩa gì cả! Vì lẽ đó, thuyết pháp phải chú trọng thành quả, có mấy người khai ngộ? Có mấy người y giáo tu hành thật sự vãng sanh? Nhìn vào thành quả ở chỗ này, chẳng phải là coi xem thính chúng bao nhiêu, cũng chẳng phải là xét coi cúng dường bao nhiêu! Những thứ đó đều vô dụng, giả trất! Vì thế, thuyết pháp chẳng mệt mỏi, chẳng ngăn ngại, chẳng bỏ một ai!
Kích pháp cổ, kiến pháp tràng.
擊法鼓建法幢。
(Đánh trống pháp, dựng pháp tràng).
“Kích pháp cổ” là tỷ dụ tuyên truyền. Hiện thời nói là “tuyên truyền”. Trong quá khứ, Phật môn có thuật ngữ là “chủng thiện căn”, tiếp dẫn chúng sanh, vì hết thảy chúng sanh mà gieo thiện căn. “Kiến pháp tràng” là thành lập đạo tràng, tức đạo tràng giảng kinh, thuyết pháp. Đạo tràng có hữu hình, và vô hình. Hữu hình là thành lập tự, viện, am, đường. Chư vị phải ghi nhớ: Miếu là nơi thờ phụng thần thánh của Đạo Giáo. Nơi quỷ thần hoặc thiên thần trụ là miếu. Chư Phật, Bồ Tát chẳng có trụ miếu. Miếu và đền thờ đều là nơi thờ phụng quỷ thần. Đó là kiến lập đạo tràng hữu hình. Vô hình là pháp hội giảng kinh. Một ngày cũng là đạo tràng, hai ngày cũng là đạo tràng; một giờ cũng là đạo tràng, nửa giờ vẫn là đạo tràng. Tùy thời, tùy chốn, quý vị giảng Phật pháp cho người khác, khuyên kẻ khác niệm Phật. Đó là đạo tràng vô hình, đều gọi là “kiến pháp tràng”.
Diệu huệ nhật trừ si ám.
曜慧日除痴暗。
(Mặt trời trí huệ rạng rỡ trừ tối tăm ngu si).
Đây là nói về hoằng pháp, vì người khác thuyết pháp. Phật pháp là trí huệ, bất luận dùng phương thức nào. Đó là nói tới phương tiện thiện xảo. Vô lượng pháp môn, ý nghĩa chỉ có một, đều nhằm giúp người khác phá mê khai ngộ. “Diệu huệ nhật” (Mặt trời trí huệ rực rỡ), huệ ấy chính là tự tánh trí huệ của mỗi người. “Trừ si ám”, si ám là vô minh. Tạo tăng thượng duyên, giúp họ phá trừ vô minh, khơi mở trí huệ, tông chỉ thuyết pháp là ở chỗ này. Sau khi phá mê khai ngộ, tiếp đó là phải tu hành, tu hành là tu gì? Phá trừ tập khí. Cổ đức thường nói: “Lý có thể đốn ngộ, Sự cần phải trừ dần dần”. “Đốn ngộ” là hoảng nhiên khai ngộ, hiểu rõ. Sau khi đã hiểu rõ, chẳng trừ hết tập khí, tập khí khó trừ, cho nên:
Tu Lục Hòa Kính.
修六和敬。
(Tu Lục Hòa Kính).
“Lục Hòa Kính” là pháp căn bản trong Phật pháp, nhất định phải tu học. Đối với người tu Tịnh Tông chúng ta, điều thứ nhất trong Lục Hòa Kính là Kiến Hòa Đồng Giải. Kiến giải của chúng ta nhất định phải dựa trên kinh Vô Lượng Thọ, hoặc là dựa trên Tịnh Độ Ngũ Kinh. Mọi người đều dùng kiến giải trong kinh, tức là lấy cách nghĩ, cách làm [được dạy trong kinh] làm cách nghĩ, cách nhìn của chính mình, tư tưởng và kiến giải liền nhất trí, liền giống nhau. Giới luật cũng ở trong kinh Vô Lượng Thọ. Từ chương ba mươi ba đến chương ba mươi bảy trong bản hội tập của Hạ lão cư sĩ chính là giới luật, Giới Hòa Đồng Tu.
Thường vi đạo sư.
常為導師。
(Thường làm đạo sư).
“Ðạo sư” là thân phận Phật, trên thế gian chỉ có đức Phật được mọi người tôn xưng là Ðạo Sư, hoặc gọi là Đại Sư. Ở đây, kinh tán thán chư Bồ Tát trong Tây Phương Cực Lạc đến các thế giới ở phương khác giúp đỡ chúng sanh, đáng nên dùng thân Phật để độ bèn thị hiện thân Phật để xuất hiện. Thường dùng thân phận Phật để xuất hiện trong hết thảy các thế giới.
Vi thế đăng minh tối thắng phước điền.
為世燈明最勝福田。
(Làm đèn soi sáng và ruộng phước tối thắng cho thế gian).
“Đăng minh” giống như tháp hải đăng giữa biển trong hàng hải vào ban đêm, chỉ cho hết thảy chúng sanh đang mê hoặc một con đường sáng sủa. Phật, Bồ Tát muốn làm mắt sáng cho hết thảy chúng sanh, và cũng là ruộng phước chân thật của hết thảy chúng sanh. Nếu chúng sanh muốn tu phước, nói thật ra, phước báo thù thắng nhất là nơi Tam Bảo. Vì vậy, cúng dường Tam Bảo là vô thượng phước điền. Chỉ tu phước, chẳng thể giải quyết vấn đề. Do đó, gieo phước, chúng ta nói là phước điền. So sánh giữa các phước điền, phước điền thù thắng nhất theo như phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm đã dạy, chính là pháp bố thí. Pháp bố thí vượt trỗi tài bố thí! Trong pháp bố thí, thù thắng nhất là “y giáo tu hành bố thí”. Chúng ta có thể thật sự y giáo tu hành, không chỉ là phước điền trọn đủ, mà công đức cũng trọn đủ. Do vậy, đây là phước điền tối thắng.
Phải biết cách tu như thế nào? Kinh Vô Lượng Thọ đã dạy chúng ta rất rõ ràng: “Giả linh cúng dường Hằng sa thánh” (Giả sử cúng dường các vị thánh nhân nhiều như cát sông Hằng), “thánh” là thánh nhân, chư Phật, Bồ Tát, cúng dường bao nhiêu? Nhiều đến Hằng hà sa số, đức Phật bảo: “Bất như kiên dũng cầu Chánh Giác” (Chẳng bằng dũng mãnh, kiên cố cầu Chánh Giác). Cầu Chánh Giác là y giáo tu hành cúng dường. Trước đó là tài cúng dường, cúng dường các vị thánh nhân số nhiều như cát sông Hằng đều chẳng bằng y giáo tu hành cúng dường. Do vậy, tu phước điền tối thắng, chẳng cần đến tiền! Có những kẻ nói: “Nhà tôi rất nghèo, chẳng có tiền! Tôi thấy kinh dạy phải tu phước điền tối thắng, tôi thấy vậy chỉ đành hâm mộ, chính mình chẳng có cách nào tu”. Trọn chẳng biết phước điền tối thắng chẳng phải tốn tiền, ai nấy đều có thể tu. Người có tiền có thể còn bị chướng ngại, chẳng thể tu phước điền này, họ chỉ có thể tu một chút phước vụn vặt, đến cúng dường thánh chúng số nhiều như cát sông Hằng đó thôi [vẫn là phước báo chẳng đáng kể]!
Bạt chư dục thích, dĩ an quần sanh.
拔諸欲刺以安群生。
(Dẹp các gai dục để an ổn quần sanh).
Câu này nói đến công đức trì giới, vô úy bố thí. “Dục” là dục vọng, là căn bản của phiền não, nhất định phải giác ngộ, phải trừ dẹp nó tận gốc. Cổ thánh tiên hiền cũng biết điều này, bảo là “vô dục tắc cương” (không có lòng ham muốn, chí khí sẽ cứng cỏi), “hữu dung nãi đại” (có lòng bao dung thì mới thành tựu việc lớn). Những điều này đều do người Hoa đã nói trước khi Phật pháp truyền đến Trung Hoa. Chữ Dục là căn bản của sanh tử luân hồi. Nếu chúng ta chẳng muốn sanh tử luân hồi trong đời sau, đích xác là phải trừ dẹp nó. Quý vị chẳng dẹp trừ, chắc chắn chẳng thể vượt thoát luân hồi. Dẫu tu hành Phật pháp tốt đẹp cách mấy, đời sau vẫn phải luân hồi, biến sự tu học của chính mình thành phước báo trong cõi trời, người, nói theo cổ nhân thì chính là “độc dược”. Chúng ta học Phật, Phật pháp là đề-hồ. Trong cái bát còn có một tí độc dược, sau khi đề-hồ được rót vào, cả thảy đều biến thành độc dược. Đây chính là nói rõ, chúng ta có tham, sân, si, mạn, có dục, hễ còn có [những phiền não ấy] tồn tại tí ti, vô lượng công đức đã tu tập, tích lũy đều biến thành phước báo hữu lậu nhân thiên, bị biến chất, hết sức đáng tiếc!
Do đó, thứ tự tu hành trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện đã xếp đặt rất rõ ràng, nhất định là trước hết đoạn phiền não, sau đấy là học pháp môn. Sự tu học trong pháp môn chính là trí huệ chân thật. Chẳng đoạn sạch phiền não, vô lượng vô biên pháp môn đã tu đến cuối cùng đều biến thành phước báo trời, người, chẳng phải là trí huệ chân thật.
Công đức thù thắng mạc bất tôn trọng.
功德殊勝莫不尊重。
(Công đức thù thắng, không ai chẳng tôn trọng).
Đây là tán thán các vị Bồ Tát ấy, công đức thù thắng như đã nói trong hai mươi ba tỷ dụ trên đây. Các vị Bồ Tát ấy ở trong thế giới Cực Lạc, trong các thế giới phương khác, trên là từ chư Phật, dưới là đến hết thảy chúng sanh, chẳng có ai không tôn trọng các vị Bồ Tát ấy. Giống như trong thế gian này, chẳng có ai không tôn trọng Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Thế Chí.
Cung kính cúng dường vô lượng chư Phật, thường vị chư Phật sở cộng tán thán.
恭敬供養無量諸佛,常為諸佛所共讚歎。
(Cung kính cúng dường vô lượng chư Phật, thường được chư Phật cùng tán thán).
Bồ Tát hằng ngày tự tu, hằng ngày giáo hóa chúng sanh, giúp chư Phật tiếp dẫn hết thảy chúng sanh vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Tâm hạnh của các Ngài chính là bổn nguyện của hết thảy chư Phật; vì vậy, có vị Phật nào chẳng tán thán. Tiếp dẫn hết thảy chúng sanh vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là bổn nguyện của A Di Đà Phật, là bổn nguyện của Thích Ca Mâu Ni Phật, mà cũng là bổn nguyện của mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai. Hết thảy các pháp môn khác chẳng phải là bổn nguyện của chư Phật, vì bổn nguyện của chư Phật là hy vọng quý vị thành Phật trong một đời này. Kết quả là quý vị chẳng thành Phật, mà thành Bồ Tát, hoặc thành A La Hán, được lắm, cũng là khá lắm, nhưng chẳng phải là bổn nguyện của các Ngài! Bổn nguyện là dạy quý vị thành Phật, chúng sanh trong chín pháp giới chỉ có niệm Phật vãng sanh thì mới thành Phật trong một đời. Vì vậy, đấy là bổn nguyện của Như Lai. Chúng ta tu học pháp môn này, dùng pháp môn này để khuyên người khác tu học, đều là phù hợp bổn nguyện của Như Lai, người như vậy nhất định được hết thảy chư Phật cùng tán thán. Ở đây, chúng ta đã được chứng minh, được ấn chứng. Quý vị học pháp môn khác, khuyên người khác tu học, chẳng được chư Phật tán thán.
Cứu cánh Bồ Tát chư Ba La Mật.
究竟菩薩諸波羅蜜。
(Rốt ráo các Ba La Mật của hàng Bồ Tát).
Câu này nêu rõ lý do vì sao chư Phật tán thán. Vì sao Phật tán thán?
Vì những gì quý vị tu, đã truyền, đã dạy cho người khác đều là thực hiện rốt ráo các Ba La Mật của hàng Bồ Tát. Câu này xác thực nói lên điều gì? Thưa cùng chư vị, xác thực là nói về một câu Nam-mô A Di Đà Phật, sáu chữ hồng danh. Sáu chữ hồng danh chính là “rốt ráo Bồ Tát chư Ba La Mật”. Ba La Mật (Pāramitā) là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Đáo Bỉ Ngạn (đến bờ bên kia). Đấy là dịch sát theo văn tự, ý nghĩa thật sự là “rốt ráo viên mãn”. Bồ Tát hạnh rốt ráo viên mãn, rốt ráo viên mãn là Vô Thượng Bồ Đề, mà cũng là một câu sáu chữ hồng danh Nam-mô A Di Đà Phật.
Tu không, vô tướng, vô nguyện tam-muội, cập bất sanh, bất diệt chư tam-muội môn.
修空無相無願三昧,及不生不滅諸三昧門。
(Tu không, vô tướng, vô nguyện tam-muội, và các môn tam-muội bất sanh bất diệt).
Tiếp đó, lại tán công đức chân thật của các vị Bồ Tát. Câu trước là tổng thuyết (nói tổng quát), còn câu tiếp theo này là biệt thuyết (nói riêng biệt, nói chi tiết về một khía cạnh nào đó). “Không” là nói Chân Như bản tánh. Tánh là không tịch. Bản tánh là chân tâm, chân tâm không tịch. “Vô tướng” là chẳng chấp tướng. Tướng là Có, nhưng tướng là Giả Hữu, là Tương Tục Hữu, chẳng phải là Chân Hữu. Vì thế, đối với hết thảy các tướng đều chẳng chấp trước. “Không” là tâm địa thanh tịnh, vốn chẳng có một vật; đối với tướng của hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều chẳng chấp trước. “Vô nguyện” là chẳng có vọng tưởng, chẳng có chấp giữ. Đó là Vô Nguyện. Những vị Bồ Tát này trụ nơi tâm địa thanh tịnh, chẳng chấp tướng, chẳng có vọng tưởng, chấp trước, đó là Vô Nguyện. Tam-muội là Chánh Thọ, tức là sự hưởng thụ bình thường, chúng ta phải học tập điều này.
Nay chúng ta tu hành, nói thật ra, chướng ngại quá nhiều, nghiệp chướng sâu nặng! “Không, vô tướng, vô nguyện”, năm chữ ấy chính là linh đơn để tiêu trừ hết thảy nghiệp chướng, trong Phật môn cái được gọi là Đại Tam Không tam-muội chính là một câu này. Nay chúng ta hoàn toàn tương phản với năm chữ ấy. Thứ nhất, trong tâm chúng ta là có, chẳng thể “không” được! Không chỉ là có, mà còn có quá nhiều, vô lượng vô biên, có tính đếm cũng chẳng thể tính đếm rõ ràng được, có vô số điều vướng mắc. Đó là Có, chẳng phải là Không! Đối với bên ngoài bèn chấp tướng. Trong hết thảy muôn hình tượng, [luôn cảm thấy] có cái ưa thích, có cái đáng ghét, chấp trước đấy nhé! Do trái nghịch điều này (Không), nên có nguyện, có cầu [tức là trái nghịch Vô Tướng, Vô Nguyện]. Hoàn toàn trái nghịch năm chữ ấy nên khổ sở!
Chư Phật, Bồ Tát hoàn toàn tương phản với chúng ta. Tâm địa các Ngài thanh tịnh, chẳng có vướng mắc, đối với tướng của hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều chẳng chấp trước. Các Ngài cũng chẳng có nguyện, mà cũng chẳng có cầu. Độ chúng sanh chẳng phải là có mong cầu độ chúng sanh, tưởng độ chúng sanh, [nếu có mong cầu, nghĩ tưởng] thì sai mất rồi! Có thể độ chúng sanh bằng cách nào? Cảm ứng đạo giao! Ví như thân chúng ta có chỗ nào bị đau, bị ngứa, tay liền sờ gãi ngay, tay có thường nghĩ “ta phải giúp nó” hay không? Chẳng hề nghĩ! Khi có chút đau ngứa thì mới sờ. Chúng sanh có cảm, Phật tự nhiên có ứng. Phật có nguyện hay không? Chẳng có! Phật có tưởng hay không? Chẳng có. Chỉ có vô nguyện, vô cầu thì mới có thể cảm ứng đạo giao, chẳng sót một chúng sanh nào. Hai tay chúng ta đối với bất cứ bộ phận nào trên thân thể đều chẳng có tưởng, chẳng có nguyện, chẳng có cầu, hễ bộ phận nào ngứa thì nó bèn gãi, giúp đỡ một chút, có cùng một đạo lý như vậy. Lỗi lầm đặc biệt to lớn của chúng ta hiện thời là nghĩ phải phổ độ chúng sanh! Các khuyết điểm đều nẩy sanh từ chỗ này. Quý vị nói: “Ta vô nguyện, vô cầu”, kẻ khác nhất định sẽ nói: “Ngươi là kẻ thật sự tiêu cực, một tí tâm từ bi cũng chẳng có!” Nói thật ra, [kẻ nói như vậy] hoàn toàn chẳng hiểu nghĩa do đức Như Lai đã nói, chẳng lãnh hội được! Đích xác là phải rất lắng lòng suy tưởng, chú tâm thấu hiểu điều này.
Vì sao kinh thường nói tới pháp môn Đại Tam Không tam-muội “không, vô tướng, vô nguyện”? Nói thật ra, nếu muốn khế nhập Thật Tướng, chứng đắc Lý nhất tâm bất loạn, minh tâm kiến tánh thì phải có đầy đủ ba điều kiện này. Ba điều kiện của Tịnh Độ Tông thấp hơn ba điều kiện này rất nhiều, ba điều kiện trong Tịnh Độ Tông là Tín, Nguyện, Hạnh bảo đảm quý vị vãng sanh, còn ba điều kiện này (không, vô tướng, vô nguyện) bảo đảm quý vị đắc Lý nhất tâm bất loạn, bảo đảm quý vị minh tâm kiến tánh. Vì thế, khó lắm! Tuy khó, nhưng phải biết công đức và lợi ích của chúng, phải phát tâm nghiêm túc tu học. Muốn đạt tới mức có thể không vướng mắc, hãy nên buông xuống. Còn người nào chẳng thể không vướng mắc, chư vị đồng tu xem bộ Ảnh Trần Hồi Ức Lục của pháp sư Đàm Hư, hãy khéo thấu hiểu. Khi đó, pháp sư Đàm Hư vượt qua cửa ải ấy cũng khó khăn lắm, cũng phải mất rất nhiều năm. Cuối cùng, Sư nghĩ: “Vợ con, gia đình, lỡ ta chết đi, chẳng phải là họ vẫn phải sống ư?” Sau khi nghĩ tới lúc [chính mình] phải chết, mới hạ quyết tâm xuất gia. Vốn là [tính] xuất gia mà vẫn còn bị vướng mắc [chuyện vợ con], bèn nghĩ: “Coi như ta đã chết”. Sau khi Sư xuất gia, vợ con đều xuất gia, lại còn đều có thành tựu. Đây là một vị pháp sư hiếm có trong các vị cao tăng cận đại. Nếu quý vị nghĩ đến cái chết, còn có gì chẳng thể không buông xuống? Không buông xuống được cũng phải buông, [vì] không buông xuống thì cũng chẳng thể đem theo! Nếu lại thâm nhập, quan sát, không buông xuống sẽ có “sanh, già, chết” trong đời sau, vẫn phải noi theo khuôn khổ đó. Nếu hết thảy đều buông xuống, Hữu trong Thập Nhị Nhân Duyên chẳng còn nữa. Trong Thập Nhị Nhân Duyên, có thể ra sức đoạn trừ là Ái, Thủ và Hữu. Có thể đoạn Hữu thì Thập Nhị Nhân Duyên bèn đoạn, vượt thoát lục đạo luân hồi. Đó là công phu thật sự.
Bồ Tát chẳng giống lũ phàm phu chúng ta. Có lúc, Bồ Tát thị hiện giống như phàm phu chúng ta, hòa quang đồng trần, chúng ta chẳng nhìn ra. Điểm thật sự khác biệt là chúng ta có vướng mắc, các Ngài chẳng có vướng mắc. Nói cách khác, chúng ta hữu tình, Bồ Tát vô tình, các Ngài đã biến tình cảm thành trí huệ. Các Ngài là lý trí, chúng ta là phàm phu dấy động cảm tình. Phàm phu chuyển biến lý trí thành cảm tình, lý trí đã mê bèn gọi là cảm tình. Cảm tình sau khi giác ngộ sẽ là trí huệ. Trong kinh Đại Thừa, đức Phật thường nói “phiền não chính là Bồ Đề”, nó là một, không hai, là mê và ngộ. Ngộ thì cảm tình phiền não bèn biến thành Bồ Đề; mê thì Bồ Đề liền biến thành phiền não, biến thành cảm tình, là do một niệm giác hay mê. Một niệm giác sẽ vượt thoát lục đạo luân hồi; một niệm mê, chỉ sợ là phải nhiều đời nhiều kiếp đọa lạc trong tam đồ. Sự lợi hại, được mất quá to!
Chúng ta phải nhớ kỹ năm chữ này trong tâm. Đối với Phật pháp, người học Phật ở trong thế gian này, hết thảy tùy duyên, đừng phan duyên, ngàn muôn phần phải ghi nhớ, xuất gia hay tại gia đều như nhau, vì mục tiêu của chúng ta đều nhất trí là cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Tâm không thanh tịnh, chấp tướng, có nguyện, có cầu, đều chướng ngại quý vị vãng sanh, chướng ngại cái tâm thanh tịnh. Nói cách khác, vì sao công phu niệm Phật chẳng thể thành phiến? Vì sao chẳng thể đắc nhất tâm? Quý vị truy tìm nguyên nhân thì nguyên nhân chẳng ngoài “không, vô tướng, vô nguyện”. Quý vị hiểu tầm quan trọng của năm chữ này, cho nên phải dốc trọn hết thảy khả năng để thực hiện.
Có thể nghiêm túc tu học như vậy, sẽ đạt được quả báo [nói] kế đó: “Cập bất sanh, bất diệt chư tam-muội môn” (Và các môn tam-muội bất sanh, bất diệt). Thọ dụng bất sanh, bất diệt là từ không, vô nguyện, vô tướng mà có. Ở đây, tôi báo cáo cụ thể cùng các đồng tu, bất sanh, bất diệt là nói về một niệm, một vọng niệm cũng chẳng sanh. Do chẳng sanh, nên chẳng có diệt. Kinh luận đã dạy: “Tâm sanh thì đủ mọi pháp sanh, tâm diệt ắt đủ mọi pháp diệt”. Cái tâm quý vị cũng chẳng sanh, mà pháp cũng chẳng diệt, vạn tướng đều như như, đó là cảnh giới gì? Là Nhất Chân pháp giới. Nói thật ra, Nhất Chân pháp giới ở ngay trong hiện tiền! Chẳng có một pháp nào không chân thật. Phàm tất cả tướng đều là Thật Tướng, đó gọi là “bất sanh, bất diệt chư tam-muội môn”, là đắc đại tự tại. Tâm Kinh nói “Quán Tự Tại Bồ Tát”, cảnh giới này giống như Quán Tự Tại Bồ Tát, chẳng khác gì nhau!
Viễn ly Thanh Văn, Duyên Giác chi địa.
遠離聲聞緣覺之地。
(Xa lìa các địa vị Thanh Văn, Duyên Giác).
Thanh Văn và Duyên Giác là Nhị Thừa. Nhị Thừa là “tự liễu hán” (自了漢: kẻ chỉ lo giải thoát cho riêng mình), còn có bệnh thái rất nghiêm trọng, nên các Ngài chẳng độ chúng sanh. Tuy các Ngài đã thấu hiểu phần nào Tánh Không, vẫn chấp tướng, còn có chấp giữ, nên Thanh Văn và Duyên Giác đoạn Kiến Tư phiền não, chưa phá Trần Sa và Vô Minh. Trong ba đức, tức là Pháp Thân, Bát Nhã và Giải Thoát, các Ngài chỉ đạt được ít phần Giải Thoát, chẳng có Bát Nhã, mà cũng chẳng chứng đắc Pháp Thân, chẳng thể sánh bằng Bồ Tát. Những vị Bồ Tát này vượt xa Thanh Văn và Duyên Giác, Thanh Văn và Duyên Giác chẳng thể nào sánh bằng! Đoạn cuối cùng là tổng kết. Đức Phật gọi ngài A Nan, bảo:
A Nan, bỉ chư Bồ Tát, thành tựu như thị vô lượng công đức.
阿難,彼諸菩薩,成就如是無量功德。
(Này A Nan! Các vị Bồ Tát ấy thành tựu vô lượng công đức như thế).
Chữ “như thị” chỉ những điều đã nói trên đây, “bỉ” là Tây Phương Cực Lạc thế giới. Câu này cũng hết sức quan trọng, quyết định chớ nên coi thường xem lướt qua. Vì sao? Bản thân chúng ta có một phần trong ấy. Trong phần trên đã nói các vị Bồ Tát có công đức nhiều ngần ấy, quý vị có mong [chính mình cũng được] trọn đủ [giống như vậy] hay không? Nếu quý vị mong trọn đủ, hãy niệm Phật cầu sanh Tây Phương, sẽ thảy đều trọn đủ. Rất mong được trọn đủ, mà lại chẳng chịu niệm Phật vãng sanh Tây Phương thì có muốn cũng như không, vẫn là vọng tưởng, chính mình chẳng có phần!
“Bỉ chư Bồ Tát” (Các vị Bồ Tát ấy) thuộc trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nếu chúng ta thật sự phát tâm, nhất tâm nhất ý mong mỏi Tây Phương, tuy nay chúng ta còn chưa đến, những công đức ẩn mật ấy chúng ta cũng trọn đủ. Tuy dường như chưa thấy công đức ấy, nhưng đối với khí phận của những công đức ấy chúng ta đã rất nồng đậm, còn chưa thấy lửa, đã tiếp xúc với hơi ấm, đúng là như thế đó. Tín nguyện chẳng mạnh mẽ, sẽ chẳng có khí phận này, chẳng có cảm xúc này. Nếu tín tâm kiên cố, nguyện thiết tha, mỗi lần quý vị đọc đoạn kinh văn này, sẽ có niềm cảm xúc ấy, giống như mỗi điều đều rất gần gũi với chính mình, dần dần tiến nhập cảnh giới này. Bất quá, đức Phật nói đại lược mấy thứ mà thôi; nói thật ra, nếu nói chi tiết, mỗi thứ đều là vô lượng vô biên.
Ngã đản vị nhữ cử yếu ngôn chi.
我但為汝舉要言之。
(Ta chỉ vì ông nói những điều trọng yếu).
Thích Ca Mâu Ni Phật nói những điều đã được nêu trên đây bất quá là trần thuật đại lược mấy điều trọng yếu đó thôi!
Nhược quảng thuyết giả, tuy lịch nhất kiếp bất năng cùng tận.
若廣說者雖歷一劫不能窮盡。
(Nếu nói rộng thì dẫu trải cả một kiếp cũng chẳng thể nói cùng tận).
“Quảng thuyết” là nói cặn kẽ. Nếu nói tỉ mỉ trọn đủ công đức của các vị Bồ Tát trong thế giới Tây Phương, nói hết một kiếp cũng nói không hết. Những kẻ chẳng liễu giải Phật pháp thấy những lời này, sẽ chẳng cho là đúng, sẽ nghĩ Thích Ca Mâu Ni Phật thổi phồng sự thật quá đáng. Lúc tôi mới học Phật, có quen một vị giáo sư đại học ở Đài Loan. Ông ta xem một số kinh Phật, bèn nói: “Trên thế giới này, người bốc phét nhất, khoác lác nhất chính là Thích Ca Mâu Ni Phật”. Ông ta nói những câu mà ngay cả chúng tôi bình thường cũng chẳng nghĩ tới. Đó là hàng học giả xem kinh Phật, đích xác là khó thể hiểu ý nghĩa do Như Lai đã nói. Kinh Kim Cang thịnh hành tại Trung Hoa như vậy, ông ta nói chính mình đã từng xem. Tôi nói: “Ông thấy như thế nào?” “Giống như hai cái thùng nước đổ qua, đổ lại, chẳng có ý nghĩa gì cả”. Học giả là học giả, hễ khác nghề bèn giống như cách nhau cả một quả núi! Ông ta nghĩ kinh Kim Cang trùng lặp quá nhiều. Thật ra, kinh Kim Cang từ đầu đến cuối chẳng có một câu nào trùng lặp, ông ta đâu có thấy! Chư vị đọc bộ Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của cư sĩ Giang Vị Nông, sẽ biết mỗi một chữ, tuy chữ trước và sau giống nhau, câu văn giống nhau, nhưng trong ấy có một chữ khác nhau, ý nghĩa sẽ hoàn toàn khác hẳn. Đúng như kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Phật pháp không có người nói, dẫu có trí vẫn chẳng thể hiểu”. Người thế gian dẫu thông minh, dẫu có trí huệ đến mấy đi nữa, nếu chẳng có ai giảng kinh cho người ấy, người ấy cũng chẳng hiểu, cậy sức chính mình để xem thì dẫu có xem vẫn chẳng hiểu!
Phật pháp cần phải do hạng người nào nói? Có tu, có chứng. Nếu chư vị hiểu rõ ý nghĩa của câu này, quý vị sẽ biết: Nếu chúng ta cậy vào chú giải kinh luận để nghiên cứu thì kết quả của sự nghiên cứu ấy sẽ giống như ông giáo sư nọ, hiểu sai bét ý nghĩa! Vì thế, người nói Phật pháp phải là không, vô tướng, vô nguyện, mức độ thấp nhất là phiền não nhẹ, trí huệ tăng trưởng. Do đó, điều thứ nhất là phải đoạn phiền não, phải phá Ngã và Ngã Sở, sau đấy tri kiến mới chánh đáng, hễ tiếp xúc Phật pháp, liễu giải sẽ là chánh tri chánh kiến, là ý nghĩa chân thật của Như Lai. Nay chúng ta có Ngã, Ngã Sở, có tham, sân, si, mạn, tà tri, tà kiến, chúng ta nghe, đọc, nghiên cứu đều chẳng phải là nghĩa chân thật của Như Lai. Chính mình nhất định phải biết, phải giác ngộ điều này. Đừng coi những điều chúng ta suy nghĩ lung tung là nghĩa chân thật của Như Lai, [dùng ý mình để ức đoán nghĩa chân thật của Phật] chính là báng Phật, báng pháp, lỗi lầm to lớn!
Giảng đến đoạn kinh văn này, do đại sư trích dẫn hai mươi ba tỷ dụ, chúng tôi bèn giới thiệu chương này trong bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ của cư sĩ Vương Long Thư. Nhân duyên này cũng hết sức hiếm có. Nếu không, chúng tôi chẳng thể giảng bản hội tập của ông Long Thư. Qua chương này, chúng ta cũng có được rất nhiều điều khơi gợi, chỉ dạy.
Hôm nay chúng tôi giảng đến chỗ này!
Tập 201
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm lẻ bốn:
(Sớ) Như Hoa Nghiêm vân: “Như Lai sở đô, chư thanh tịnh chúng, ư trung chỉ trụ”, chánh đồng thử nghĩa.
(疏)如華嚴云:如來所都,諸清淨眾,於中止住,正同此義。
(Sớ: Như kinh Hoa Nghiêm nói: “Chỗ trụ của Như Lai, các vị thanh tịnh trụ ở trong đó” chính là có cùng một ý nghĩa này).
Liên Trì đại sư lại trích dẫn kinh văn từ kinh Hoa Nghiêm để chứng minh. Trong các phần trước, tôi đã thưa trình cùng quý vị ý nghĩa của việc trích dẫn kinh Hoa Nghiêm. Thuở Liên Trì đại sư tại thế, Tịnh Độ Tông hết sức suy vi, phong khí Thiền Tông trong Phật môn vô cùng hưng thịnh. Tuy rất hưng thịnh, nói thật ra, rất ít người thành tựu! Học Thiền mà học chẳng đúng pháp, rất dễ đọa vào cuồng huệ, bèn kiêu căng, ngã mạn, đặc biệt khinh rẻ Tịnh Độ, coi thường pháp môn Tịnh Độ. Liên Trì đại sư cũng từng học Thiền, và cũng từng học Giáo, môn gì Ngài cũng đều thông, đến cuối cùng, Ngài phát hiện Tịnh Độ Tông xác thực là vô cùng thù thắng, nhưng muốn hoằng dương Tịnh Tông thì phải bài trừ thành kiến của nhiều kẻ như vậy, nói thật ra là chuyện khá khó khăn. Vì thế, giảng kinh A Di Đà, chú giải kinh A Di Đà, Ngài bèn tận hết sức vận dụng kinh văn trong kinh Hoa Nghiêm để giải thích. Bởi lẽ, đối với kinh Hoa Nghiêm, bất luận là Tông Môn hay Giáo Hạ, mọi người đều hết sức tôn sùng kính trọng kinh ấy là “căn bản pháp luân” của Như Lai.
Dùng kinh Hoa Nghiêm để giải thích kinh A Di Đà, chính là đề cao thân phận của kinh A Di Đà. Đấy là một phen khổ tâm của lão nhân gia. Có miễn cưỡng hay không? Ở đây, chúng ta thấy đích xác là chẳng miễn cưỡng, xác thực là giáo nghĩa Tịnh Tông và Hoa Nghiêm tương đồng. Do đó, cổ nhân gọi kinh Vô Lượng Thọ là Trung Bổn Hoa Nghiêm, gọi kinh A Di Đà là Tiểu Bổn Hoa Nghiêm là có đạo lý. Ta thấy trong Sớ Sao của Liên Trì đại sư, kinh Hoa Nghiêm được trích dẫn với một số lượng lớn, ta cảm thấy cổ nhân nói lời ấy là hữu lý, xác thực là có căn cứ.
Đối với đoạn kinh văn của kinh Hoa Nghiêm này, chúng tôi có ghi chú bằng chữ cỡ nhỏ bên dưới: “Thập Hồi Hướng phẩm, Vô Tận Công Đức Tạng, cập Thiện Căn Hồi Hướng sơ phần pháp môn” (Phẩm Thập Hồi Hướng, phần đầu của pháp môn Vô Tận Công Đức Tạng và Thiện Căn Hồi Hướng), Liên Trì đại sư trích dẫn đoạn này. Lời Sao đã chép bổ sung nguyên văn.
(Sao) Hoa Nghiêm nhị thập ngũ kinh vân.
(鈔)華嚴二十五經云。
(Sao: Kinh Hoa Nghiêm, quyển thứ hai mươi lăm nói).
Kinh Hoa Nghiêm gồm tám mươi quyển, phần này trích từ quyển thứ hai mươi lăm.
(Sao) Nhất thiết chư Phật quốc độ trang nghiêm, Như Lai sở đô, bất khả tư nghị, đồng hạnh túc duyên chư thanh tịnh chúng, ư trung chỉ trụ, vị lai thế trung, đương thành Chánh Giác.
(鈔)一切諸佛國土莊嚴,如來所都,不可思議,同行宿緣諸清淨眾,於中止住,未來世中,當成正覺。
(Sao: Các cõi nước trang nghiêm của hết thảy chư Phật là chỗ trụ của Như Lai, chẳng thể nghĩ bàn, chúng thanh tịnh cùng hạnh, hữu duyên trong đời trước bèn trụ nơi đó, trong đời vị lai sẽ thành Chánh Giác).
Cho đến chỗ này [là nguyên văn trích dẫn] từ kinh Hoa Nghiêm. Trong chín câu kinh văn này, có ba món viên mãn.
(Diễn) Nhất thiết chư Phật quốc độ trang nghiêm, chỉ sở y công đức, y báo viên mãn dã.
(演)一切諸佛國土莊嚴,指所依功德,依報圓滿也。
(Diễn: “Các cõi nước trang nghiêm của hết thảy chư Phật” là nói do nương tựa vào công đức mà y báo được viên mãn).
“Sở y công đức” là nhân, “y báo viên mãn” là quả. Công đức của ai? Từ Đại Kinh, chúng ta đọc thấy A Di Đà Phật trong khi tu nhân đã tu hành năm kiếp, thành tựu vô lượng công đức, công đức ấy do chính A Di Đà Phật tự tu. Trừ chính mình ra, mười phương thế giới chư Phật, Bồ Tát xưng dương, tán thán, đó là công đức do chư Phật, Bồ Tát đã tu. Những chúng sanh tiếp nhận sự giáo huấn của Phật, Bồ Tát, ai nấy niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Cầu sanh Tịnh Độ thì tâm địa phải thanh tịnh, tâm tịnh thì cõi nước tịnh. Đó là công đức được thành tựu bởi người vãng sanh. Có thể thấy nhân duyên của người trong cõi ấy cũng là vô lượng vô biên, chẳng phải là [một nhân duyên] đơn thuần. A Di Đà Phật là chánh nhân, chư Phật, Bồ Tát và hết thảy đại chúng vãng sanh là trợ nhân. Do nhân duyên như vậy mà thành tựu y báo trang nghiêm trong thế giới Cực Lạc chẳng thể nghĩ bàn, tức là “quốc độ trang nghiêm”. “Trang nghiêm” là tốt đẹp, đẹp đẽ tột bậc! Đối với chúng sanh trong mười phương thế giới, kinh thường nói là “chúng hữu tình trong chín pháp giới” cũng chẳng thể nghĩ bàn. Đó là nói tới vẻ đẹp nơi hình tướng của Tây Phương Cực Lạc thế giới.
(Diễn) Như Lai sở đô, chủ viên mãn dã.
(演)如來所都,主圓滿也。
(Diễn: Chỗ ngự của Như Lai là nói về sự viên mãn của Giáo Chủ vậy).
Nói tới chánh báo. Câu đầu tiên trong đoạn trước nói về y báo, hoàn cảnh mỹ mãn; câu này nói về Như Lai, Như Lai là người. A Di Đà Phật là giáo chủ của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Giáo chủ viên mãn; đây là chủ viên mãn.
“Sở đô”: “Đô” (都) là nơi đô hội, giống như nơi thiết lập chánh phủ trung ương của một quốc gia trong hiện thời được gọi là Thủ Đô. Toàn thể thế giới trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là “Như Lai sở đô” (chỗ ngự chủ yếu của Như Lai). Không như Đài Loan có thủ đô là thành phố Đài Bắc, các nơi khác chẳng phải là thủ đô. Tây Phương Cực Lạc thế giới tuyệt diệu! Cõi nước vô cùng lớn, toàn thể cõi nước là một thủ đô, là một đô thành. Vì sao? Nơi nơi chốn chốn đều có thể thấy A Di Đà Phật, A Di Đà Phật không chỗ nào chẳng tồn tại, A Di Đà Phật không lúc nào chẳng hiện hữu, đó là diệu. Từ kinh điển, đặc biệt là kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, chúng ta đọc thấy đức Phật có vô lượng vô biên hóa thân, đó gọi là “không chỗ nào chẳng hiện thân”. Người trong thế gian này đều là phàm phu, chẳng có bản lãnh này, không thể hiện thân ở bất cứ nơi đâu, chỉ có một thân. [Người trong] Tây Phương Cực Lạc thế giới có vô lượng vô biên thân. Phật là như thế, mà bất cứ người nào vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng đều có năng lực này. Phật có thể hóa thân, chúng ta tới đó đều có thể hóa thân, vô cùng tự tại. Thân được tự tại thường gọi là Thần Túc Thông, còn gọi là Như Ý Thông, có thể biến hóa thuận theo lòng mong muốn. Điều này được gọi là chánh báo, là sự viên mãn của đấng Giáo Chủ.
Mấy câu tiếp theo đó nói về sự viên mãn của đại chúng. Hàng Bồ Tát trong thế giới Cực Lạc viên mãn, “bất khả tư nghị, đồng hạnh túc duyên chư thanh tịnh chúng” (chẳng thể nghĩ bàn, đại chúng thanh tịnh cùng hạnh, hữu duyên trong đời trước), chẳng thể nghĩ bàn! Câu này nói theo lối song quan (câu có ý nghĩa kép). Thứ nhất là số lượng chẳng thể nghĩ bàn, công đức chẳng thể nghĩ bàn, cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Vì vậy, câu này bao hàm ý nghĩa rất sâu, bao hàm rất nhiều [ý nghĩa]! “Đồng hạnh” là có cùng nguyện và hạnh với A Di Đà Phật, hai chữ này hết sức quan trọng. Chúng ta muốn đạt được lợi ích chân thật nơi Phật pháp, giống như kinh Vô Lượng Thọ đã nói là “huệ dĩ chúng sanh chân thật chi lợi” (ban cho chúng sanh lợi ích chân thật), “trụ chân thật huệ” (trụ trong huệ chân thật), nhất định phải lấy nguyện của Phật làm nguyện của chính mình. Tâm nguyện của chúng ta và Phật giống nhau, tâm đồng Phật tâm, nguyện đồng Phật nguyện, hạnh đồng Phật hạnh, quyết định vãng sanh! Không chỉ là vãng sanh, mà còn chẳng sai khác Phật cho mấy; tuy chưa thành Phật, dáng vẻ đã có chút giống Phật. Vì thế, đồng hạnh rất trọng yếu!
“Túc duyên” (宿緣) là [duyên trong] đời trước. Nhiều đời, nhiều kiếp có duyên với A Di Đà Phật. Nói “có duyên” nghĩa là quý vị từng niệm danh hiệu A Di Đà Phật, hoặc từng đọc kinh Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà, kết thành duyên phận với A Di Đà Phật. Duyên ấy đã kết từ nhiều đời nhiều kiếp trước, hoặc là kết trong đời quá khứ, hoặc là kết trong một đời này, điều ấy chẳng quan trọng. Điểm then chốt là ở chỗ nào? Then chốt là duyên ấy đã chín muồi. Tuy đã kết duyên cùng Phật từ kiếp xa xôi, nhưng duyên ấy chưa chín muồi thì vẫn vô dụng! Trong một đời này, chúng ta mới vừa nghe danh hiệu, mới đọc kinh điển này, duyên ấy dường như nông cạn một chút. Tuy cạn cũng có thể chín muồi, hễ chín muồi bèn ngay lập tức khởi tác dụng.
Chín muồi là gì? Chẳng chín muồi là gì? Nếu trọn đủ hai chữ “thanh tịnh”, duyên ấy đã chín muồi. Tuy có duyên với Phật, tâm ta vẫn chẳng thanh tịnh, duyên ấy chẳng chín muồi. Chẳng thanh tịnh là do quý vị chẳng thể chuyên tâm, niệm Phật thì tuy là niệm A Di Đà Phật mà vẫn đồng thời suy nghĩ loạn xạ, nên tâm chẳng thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là nhất tâm xưng niệm. “Nhất” bèn thanh tịnh, “nhị” sẽ chẳng thanh tịnh. “Nhị” thuộc về tam tâm nhị ý, chẳng thanh tịnh. Vì thế, Đại Kinh dạy chúng ta phương pháp tu hành: “Phát Bồ Đề tâm, một mực chuyên niệm”. Kinh này dạy chúng ta “nhất tâm bất loạn”; trong bản dịch của Huyền Trang đại sư ghi là “nhất tâm hệ niệm”, đều có “nhất”, “nhất” là trọng yếu.
Chúng ta nhất định phải giác ngộ, giác ngộ đời người khổ sở, ngắn ngủi. Đời người quá khổ, đời người quá ngắn ngủi, tạm bợ. Tuổi càng cao, càng dễ cảm nhận. Nhất là trong xã hội hiện thời, toàn thể xã hội bất bình thường. Bất bình thường là trái nghịch tự tánh, đó là nói theo nhà Phật. Nếu nói theo pháp thế gian, sẽ là trái nghịch luân thường, luân thường bị vùi lấp gần như tận diệt, đó là cội nguồn của hết thảy các nỗi khổ. Do đó, phải hiểu thế gian này là khổ, đau khổ còn nhiều hơn xã hội xưa kia. Tuy sự hưởng thụ vật chất ngày càng phong phú, dồi dào, nhưng tinh thần đọa lạc, phiền não, tà kiến tăng trưởng vượt xa mức độ tiến bộ của khoa học kỹ thuật, chúng ta phải giác ngộ điều này. Thật sự giác ngộ thì mới có tâm xuất ly, mới thật sự phát tâm “ta phải vượt thoát sanh tử luân hồi, nghiêm túc học Phật”, mới chịu khăng khăng một mực thâm nhập một môn.
Học Phật thì quan trọng nhất là tu tâm thanh tịnh, tâm tịnh ắt cõi nước tịnh. Chúng ta hiểu tâm chư Phật, tâm Bồ Tát đều là thanh tịnh. Tâm chúng ta chẳng thanh tịnh, chẳng giống như các Ngài. Chẳng giống như các Ngài, sẽ chẳng thể chung sống với nhau. Tây Phương Cực Lạc thế giới ai nấy tâm địa thanh tịnh. Tâm chúng ta chẳng thanh tịnh mà sang bên đó, không đầy mấy bữa, họ chẳng đuổi chúng ta, bản thân chúng ta cũng tự cảm thấy chẳng quen sống ở chỗ họ, cũng bỏ đi ngay! Vì thế, điều kiện vãng sanh ở chỗ này, chẳng phải là Phật không từ bi, mà là chính mình chẳng thể ở chung với đại chúng, nhất định phải tu tâm thanh tịnh. Do đó, tâm địa thanh tịnh cho thấy cơ duyên lìa thoát tam giới, vãng sanh thành Phật của quý vị trong một đời này đã chín muồi. Chín muồi là ở ngay chỗ này, thật sự chín muồi! Chúng tôi thường nói: Người tiếp nhận pháp môn này liền tin tưởng, phát nguyện, chịu niệm Phật, kể như là duyên. Duyên ấy cũng coi như đã chín muồi, nhưng có thể vãng sanh hay không, vẫn chẳng nhất định! Vì sao? Người ấy tuy trọn đủ ba điều kiện Tín, Nguyện, Hạnh, nhưng tâm chẳng thanh tịnh thì vẫn chưa được, vẫn chẳng thể vãng sanh. Vì lẽ đó, người niệm Phật đông đảo, người vãng sanh ít ỏi, mọi người phải chú ý. Niệm Phật xác thực là phải buông hết thảy thân, tâm, thế giới xuống, suốt ngày từ sáng đến tối chỉ đau đáu nhớ đến A Di Đà Phật, chỉ tưởng A Di Đà Phật, trong tâm chớ nên vương vấn những thứ khác; đó gọi là “nhất tâm hệ niệm”, tâm chúng ta mới có thể thanh tịnh. Nếu còn nghĩ điều gì khác, thưa cùng chư vị, đó là “ma chướng”. Niệm Phật mà còn nghĩ tới người khác, còn nghĩ tới chuyện khác, hỏng be bét mất rồi! Đó là ma chướng, chướng ngại chúng ta thành tựu trong một đời này, [bởi lẽ] cái tâm chẳng thanh tịnh! Vì thế, câu này nói ra cái hạnh nhân thật sự của những vị Bồ Tát vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới “đồng hạnh, túc duyên, thanh tịnh”, ba điều kiện này.
“Ư trung chỉ trụ” (Trụ ở trong ấy), “trung” (中) là [ở trong] thế giới Cực Lạc. Tây Phương Cực Lạc thế giới có bốn cõi, ba bậc, chín phẩm. Bất luận phẩm vị gì, dẫu là hạ hạ phẩm vãng sanh, hễ sanh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ chẳng có ngày nào rời khỏi A Di Đà Phật. Hằng ngày A Di Đà Phật bầu bạn với quý vị, há quý vị còn chẳng thể thành Phật ư? Trong thế gian này, chúng ta mong thân cận một vị thầy tốt chẳng dễ dàng, tìm không ra! A Di Đà Phật là vị thầy tốt nhất trong các thế giới của mười phương chư Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật tán thán A Di Đà Phật, khen Ngài là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương” (quang minh tôn quý nhất, vua trong chư Phật), tán thán A Di Đà Phật tột bậc. Một người như vậy mà quý vị chẳng thân cận Ngài thì sẽ thân cận ai đây? Chúng ta nhất định phải biết điều này! Lại bảo quý vị, quý vị phải thật sự thân cận A Di Đà Phật. Chỉ có chuyện này là chân thật, vĩnh hằng. Quý vị thân cận người khác sẽ chẳng đáng tin cậy, vì sao? Có sanh tử, luân hồi! Sau khi đã chết, cũng chẳng gặp lại nữa. Gặp lại lần nữa, chẳng biết là chuyện thuộc về đời nào, kiếp nào? Dẫu gặp gỡ, cũng chẳng nhận biết.
Vì thế, người thế gian chúng ta ở chung với nhau, duyên phận này rất ngắn ngủi, tạm bợ. Có duyên tụ hội thì hãy nên quý tiếc, biết chúng ta sau khi đã chia tay vĩnh viễn chẳng gặp lại, cớ gì khi tụ hội một chỗ bèn kèn cựa, đấu đá lẫn nhau, vẫn có những chỗ không thể chấp nhận lẫn nhau? Đúng là chẳng có ý nghĩa gì! Thời gian quá ngắn ngủi! Thời gian quý vị ở cùng Phật lâu dài, đúng là vô lượng kiếp của vô lượng kiếp, chỉ có điều này là chân thật. Tây Phương Cực Lạc thế giới thọ mạng lâu dài, thật sự là vô lượng thọ.
“Vị lai thế trung, đương thành Chánh Giác” (Trong đời vị lai, sẽ
thành Chánh Giác), nói tới đại chúng viên mãn. Nếu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới mà chẳng thể thành Phật, sẽ chẳng thể coi là viên mãn. Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, trong tương lai nhất định thành Phật, thành Phật mới là viên mãn. Thành Phật, thành tựu trí huệ viên mãn rốt ráo, đạt được phước đức rốt ráo viên mãn, trí huệ viên mãn, phước báo viên mãn, chính là thành Phật. Dưới đây, Liên Trì đại sư lại chỉ quy Tây Phương Tịnh Độ.
(Sao) Như Lai sở đô, tức A Di Đà Phật Cực Lạc quốc độ.
(鈔)如來所都,即阿彌陀佛極樂國土。
(Sao: Chỗ chánh yếu để chư Phật ngự chính là cõi Cực Lạc của A Di Đà Phật).
Chỉ quy Tịnh Độ.
(Sao) Thanh tịnh chúng giả, tức chư Bồ Tát.
(鈔)清淨眾者,即諸菩薩。
(Sao: “Thanh tịnh chúng” chính là các vị Bồ Tát).
Các vị Bồ Tát thuộc Liên Trì hải hội trong thế giới Cực Lạc được kinh Hoa Nghiêm gọi là “thanh tịnh chúng”.
(Sao) Vị lai thành Phật, tức hạ văn Nhất Sanh Bổ Xứ.
(鈔)未來成佛,即下文一生補處。
(Sao: Thành Phật trong đời tương lai, tức là các vị Nhất Sanh Bổ Xứ [sẽ được nói tới] trong phần kinh văn ở phía sau).
[Đại chúng trong] Tây Phương Cực Lạc thế giới trong tương lai đều là Nhất Sanh Bổ Xứ. Xem đối chiếu kinh Hoa Nghiêm với kinh này, sẽ biết kinh này và kinh Hoa Nghiêm đích xác là giáo nghĩa chẳng hai, chẳng khác.
Lại xem đoạn kế tiếp, đây là đoạn cuối, tức Xứng Lý trong chương này. Đoạn này khá sâu, trong Phật môn thường nói “tiêu quy tự tánh”, người hiện thời nói là “đọc sách có tâm đắc”. Tâm đắc là sau khi nghe đoạn kinh văn này bèn có ngộ xứ, ngộ xứ là tâm đắc chân chánh, chẳng phải là quý vị ghi chép. Ghi chép chính là bút ký, ghi lại những cách nghĩ nẩy sanh liên quan đến những điều [đọc được từ trong sách], đó là cảm tưởng, [chẳng phải là tâm đắc].
(Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh tức Không, tức Giả, thị “Phật hữu Thanh Văn, Bồ Tát” nghĩa.
(疏)稱理,則自性即空即假,是佛有聲聞菩薩義。
(Sớ: Xứng Lý, tự tánh chính là Không, chính là Giả, đó là ý nghĩa “Phật có Thanh Văn, Bồ Tát”).
Câu này là tổng thuyết. Lý là tự tánh, học thuyết hiện thời gọi [Lý] là bản thể của vũ trụ và nhân sinh. Muôn tướng trong vũ trụ thuộc về Sự, Sự do đâu mà có? Nhất định là có đạo lý, lý ấy là cội nguồn của hết thảy sự tướng. Trong Triết Học, Lý ấy được gọi là bản thể của vạn hữu trong vũ trụ. Chúng ta quan sát từ chỗ này, thấu hiểu từ chỗ này thì mới hoảng nhiên đại ngộ.
(Diễn) Tự tánh tức Không, tức Giả, thị Phật hữu Bồ Tát nghĩa giả. Thanh Văn đọa Không, Bồ Tát xuất Giả, Phật tức tự tánh Pháp Thân bất đọa nhị biên, nhi song tức nhị biên dã.
(演)自性即空即假,是佛有菩薩義者,聲聞墮空,菩薩出假,佛即自性法身不墮二邊,而雙即二邊也。
(Diễn: “Tự tánh chính là Không, chính là Giả, đó là ý nghĩa Phật có Bồ Tát”: Thanh Văn đọa Không, Bồ Tát xuất Giả, Phật chính là Tự Tánh Pháp Thân chẳng đọa vào hai bên, mà đồng thời cũng chính là hai bên).
Hết thảy chúng sanh được chia làm ba loại lớn: Một loại là Thanh Văn, loại thứ hai là Bồ Tát, và loại thứ ba là thường được gọi là chúng sanh, giống như chúng ta. Ba loại này cũng là chín pháp giới. Chúng ta là chúng sanh trong lục đạo, ngoài lục đạo có Thanh Văn (bao gồm Duyên Giác), lại lên cao hơn nữa thì là Bồ Tát. Lục đạo chúng sanh mê hoặc, điên đảo, đối với chân tướng của vũ trụ và nhân sinh hoàn toàn mê hoặc, hoàn toàn không thể chánh tri (hiểu biết đúng đắn). Những gì họ biết toàn là sai lầm, hoặc phiến diện, chẳng hoàn chỉnh, chẳng hoàn toàn lý giải chân tướng của vũ trụ và nhân sinh; đó là lục đạo phàm phu. Người Tiểu Thừa thông minh hơn chúng ta, họ biết hết thảy vạn pháp là rỗng không, vạn pháp đều là Không. Được rồi! Họ liền rút vào trong Không, chẳng ra nữa, đó gọi là “nhập Thiên Chân Niết Bàn”. Chân là Chân Không, đọa trong Chân Không, chẳng thoát ra, chẳng khởi tác dụng; đó là hàng Nhị Thừa. Vì thế Phật cũng chẳng tán thành. Chúng ta thường gọi họ là Nhị Thừa, tức là còn rất tôn kính họ, chứ kinh Lăng Nghiêm chẳng tôn kính hàng Nhị Thừa cho lắm, gọi hàng Nhị Thừa là gì? Coi họ như một loài ma, nhưng tốt hơn ma đôi chút. Chẳng phải là ác ma, nhưng họ vẫn là ma. Trong hội Lăng Nghiêm, ngay cả A La Hán và Bích Chi Phật đều bị gọi là ma. Gọi họ là ma thì cũng có lý, vì chuẩn mực của kinh Lăng Nghiêm cao, những kẻ thấp hơn chuẩn mực thì không được rồi! Chúng ta thường tán thán họ, vì chuẩn mực của chúng ta thấp, nên thấy họ kể ra vẫn còn khá lắm; nhìn theo chuẩn mực cao thì [sẽ thấy] họ không được! Lăng Nghiêm cũng là cảnh giới của Pháp Thân đại sĩ, đương nhiên là thấy Thanh Văn và Duyên Giác quá thấp.
Bồ Tát càng thông minh hơn. “Bồ Tát xuất Giả”, từ Không thoát ra. Sau khi đã thoát ra, bèn đắc đại tự tại, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại. A La Hán và Bích Chi Phật là Lý Sự vô ngại, nhưng Sự Sự bèn có ngại. Phàm phu chúng ta không chỉ là Sự Sự có ngại, mà Lý Sự cũng có ngại, khởi tâm động niệm thảy đều có chướng ngại. Bồ Tát là Sự Sự vô ngại, đã xuất Giả!
Phật là tự tánh, là Pháp Thân, là bản thể, cũng là chân tánh hoặc bản giác của chính chúng ta. Trong bản giác chẳng có Không và Hữu, Không và Hữu là hai bên, Chân và Giả cũng là hai bên. Bất luận nói Chân hay nói Giả, chẳng ra ngoài bản thể, chẳng rời lìa pháp giới này. Phật là điều gì cũng đều bao dung, thảy đều hàm nhiếp, nên “Phật có Thanh Văn, Bồ Tát” cũng có nghĩa là “có hết thảy chúng sanh”. Câu này nếu nói rõ hơn một chút sẽ là: Đối với những tướng được hiện bởi Thể, những sự tướng ấy quyết định là bình đẳng. Bình đẳng là Chánh Giác, bình đẳng là thành Phật. Trong kinh Hoa Nghiêm và Viên Giác, đức Phật đã thật thà bảo chúng ta, hoàn toàn là lời chân thật: “Hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật”, thật đấy, chẳng dối gạt ai! Nay vì sao quý vị chẳng phải là Phật, mà biến thành phàm phu? Chính quý vị tự mê mất chính mình. Bị mê mất chính mình thì mê có sâu hay cạn khác nhau. Mê nặng nhất là lục đạo phàm phu, nhẹ hơn một tí là Thanh Văn và Duyên Giác. Mê nhẹ nhất là Bồ Tát, hoàn toàn chẳng mê bèn gọi là thành Phật. Từ chỗ này, quý vị nhận biết hết thảy muôn hình tượng do bản thể hiện ra, quyết định chẳng bị sai lầm.
Giáo học Phật giáo nhằm phá mê khai ngộ, chẳng có gì khác. Khai ngộ là khôi phục tự tánh, khôi phục vô lượng trí huệ và đức năng trong Tánh Đức của chính mình. Chúng ta cậy vào năng lực của chính mình, sẽ chẳng có cách nào khôi phục! Tuy Phật giúp chúng ta, dạy chúng ta khá nhiều phương pháp, nhưng các phương pháp ấy đều phải cậy vào sự tu học của chính mình thì mới có thể khôi phục. Chính mình tu học rất khó, cũng chẳng dễ gì thành tựu. Trì danh niệm Phật của Tịnh Tông là pháp môn đặc biệt, chỉ cần quý vị sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, A Di Đà Phật sẽ giúp quý vị khôi phục. So với các pháp môn khác chỉ dựa vào sức của chính mình thì [pháp môn Tịnh Độ] đúng là thuận tiện quá nhiều! Do đó, pháp môn này được gọi là pháp môn Nhị Lực. Pháp môn này được hết thảy chư Phật, Bồ Tát tán thán là do đạo lý này. Do vậy, hết thảy muôn hình tượng do Tánh Đức của chúng ta lưu hiện, tức là cảnh giới được lưu xuất và biến hiện từ Tánh Đức.
(Sao) Tánh Không, tắc Nhất Chân ngưng tịch. Tánh Giả, tắc vạn dụng Hằng sa. Ngưng tịch, tắc yểu mạc biên nhai. Hằng sa, tắc quảng vô tế hạn, tằng hà toán số khả đắc bình lượng giả tai!
(鈔)性空,則一真凝寂。性假,則萬用恆沙。凝寂,則杳莫邊涯。恆沙,則廣無際限。曾何算數可得評量者哉。
(Sao: Tánh Không là Nhất Chân ngưng lặng. Tánh Giả chính là muôn diệu dụng nhiều như cát sông Hằng. Ngưng lặng thì mênh mông không bờ bến. “Cát sông Hằng” [ý nói] rộng lớn không ngằn hạn, há có thể tính toán để suy lường được ư?)
Mấy câu này hoàn toàn nói về bản tánh, nói về chân tâm và chân tánh vốn sẵn có của chúng ta. Bản thể của Tánh Không là không tịch. Hết thảy chúng sanh đều có chân tánh. Thực vật và khoáng vật cũng có pháp tánh. Tánh chính là bản thể của nó, bản thể của nó là không tịch, vì sao? Bản thể chẳng phải là vật chất, vật chất do bản thể biến hiện. Hiện thời, khoa học tiến bộ đã nhận thức chuyện này ngày càng rõ ràng hơn, ngày càng gần với những điều được nói trong kinh Phật. Đây là một chuyện tốt. Khoa học có thể dần dần chứng minh kinh Phật, các tiến bộ và phát triển trong khoa học có lợi cho việc giải nói Phật pháp.
Đối với Không được nói ở đây, chư vị phải ghi nhớ: Chớ nên hiểu Không là “chẳng có gì”, Không là có, đã có, cớ sao nói là Không? Vì nó chẳng có hình tướng, mắt chúng ta chẳng thấy, tai cũng chẳng nghe, tay cũng chẳng sờ được. Không chỉ là ta chẳng sờ được, mà trong tâm cũng chẳng nghĩ được, nhưng nó xác thực là có, xác thực là tồn tại; chúng ta bất đắc dĩ bảo nó là Không. Dùng danh từ này [để diễn tả những ý trên đây, tuy gọi là Không], nó không đâu chẳng tồn tại. Vì thế, Không chẳng phải là không có gì. Nếu Không là chẳng có gì thì dễ hiểu quá, đứa trẻ hai ba tuổi cũng đều hiểu. Không là Có, điều này khó hiểu, chẳng dễ gì hiểu được! Chúng tôi dùng một tỷ dụ để nói. Ví như sóng vô tuyến điện, bất luận khi nào, bất luận chỗ nào, nó thảy đều có. Điện đài ở mỗi nơi trên thế giới phát sóng, ở đây chúng ta đều có. Nếu quý vị không tin, chúng ta lấy radio mở lên ở đây, sẽ lập tức thu được sóng của mỗi đài truyền thanh, vô tuyến, nó thật sự có! Tuy có, chúng ta không dùng máy móc sẽ chẳng thấy được, chẳng có cách nào cảm nhận. Chúng ta nói sóng vô tuyến điện là không; nhưng nó tồn tại, không phải là chẳng có gì! Nói thật ra, sóng vô tuyến điện vẫn là có hình tướng, chúng ta vẫn có thể dùng dụng cụ khoa học để đo lường. Cái Không trong chân tánh chẳng có bất cứ máy móc nào có thể đo lường được, nhưng nó tồn tại, còn vi tế hơn sóng vô tuyến điện. Sóng vô tuyến điện có chấn động, có độ dao động rất lớn, dễ dàng đo lường được. Đối với sóng vi tế trong tâm chúng ta, không dễ gì cảm nhận sự dao động ấy.
Các nhà khoa hiện thời đã chứng minh: Tất cả hết thảy các hiện tượng vật chất bất quá chỉ là hiện tượng dao động mà thôi. Cuối bản chú giải kinh Vô Lượng Thọ, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ viết thêm một chương, dùng khoa học cận đại để dẫn chứng. Cụ nói rất rõ ràng: “Về căn bản là chẳng có vật chất tồn tại”, cách nói này hết sức gần với cách nói trong Phật pháp. Vật chất từ đâu mà có? Các nhà nghiên cứu Duy Thức nói Tướng Phần do từ Kiến Phần biến hiện. Kiến Phần và Tướng Phần đều cậy vào Tự Chứng Phần làm bản thể. Tự Chứng Phần là Không, là Tánh Không. Kinh điển Đại Thừa nói là Tánh Không, kinh luận Duy Thức gọi [Tánh Không] là Tự Chứng Phần. Quý vị biết tới cái Tánh Không ấy thì gọi là Chứng Tự Chứng Phần, dùng phương pháp gì để biết? Chính là nhất tâm. Nhất tâm là tâm ta bất động, bất động thì mới có thể đo lường cái động.
Vì lẽ này, tu hành trong Phật pháp coi trọng tu Thiền Định. Tâm thanh tịnh là Thiền Định, Thiền Định là tâm thanh tịnh. Nói “Thiền” nghĩa là “ngoài chẳng chấp tướng”, đối với hết thảy tướng cảnh giới, đều dùng cái tâm bình đẳng để quan sát, tiếp đãi. Dùng cái tâm thanh tịnh để đối diện với chúng, “ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng khởi niệm”, không động tâm. Đó gọi là Thiền Định, là tâm thanh tịnh. Thanh tịnh đến một mức độ kha khá, quý vị sẽ thấy sự dao động ấy, thấy nguồn gốc của vật chất, mới hoảng nhiên đại ngộ, quý vị đã thấy chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Cảnh giới do đức Phật đã nói là cảnh giới Hiện Lượng, Ngài đích thân trông thấy, chính mắt trông thấy, chính tai nghe thấy, chẳng phải là suy lường theo lý luận, chẳng từ Toán Học mà tính toán ra! Nó do đâu mà có? Hình thành ra sao? Diễn biến như thế nào? Trở về tự tánh như thế nào? Nói thật ra, kinh Lăng Nghiêm đã giảng cặn kẽ. Trong quá khứ, tuy tôi đã giảng kinh Lăng Nghiêm rất nhiều lần, nhưng nói thật thà thì tôi chẳng nhập cảnh giới ấy. Hiện thời, nếu tôi giảng kinh Lăng Nghiêm một lần nữa, cảnh giới sẽ hoàn toàn khác hẳn, tôi có thể giảng rất vi tế, đích xác là thú vị vô cùng, kết hợp với khoa học hiện đại thành một thể. Kinh Lăng Nghiêm là sách gì vậy? Chính là vật lý học vũ trụ. Những điều đức Phật đã nói từ ba ngàn năm trước, cho đến hiện thời, vật lý học vũ trụ vẫn chưa thể ấn chứng hoàn toàn, chỉ có thể chứng minh một phần mà thôi! Thật sự lỗi lạc, vật lý học vũ trụ đấy nhé!
Như thế nào thì mới có thể lý giải? Chính là [bằng] cái tâm thanh tịnh, chẳng có pháp môn nào khác! Vì vậy, học Phật là học gì? Phải tu Định, phải tu cái tâm thanh tịnh. Chuyện gì có thể chẳng cần nghĩ tới thì tốt nhất là đừng nghĩ. Chuyện gì có thể chẳng vấn vương thì tốt nhất là đừng vướng bận. Tận hết khả năng khiến cho tâm địa thanh tịnh, đó là bí quyết nhập Phật [môn]. Tuyệt đối chẳng phải là đọc rất nhiều kinh văn, đọc thật nhiều chú giải, dụng tâm nghiên cứu. Xưa kia, tôi giảng kinh đã sử dụng phương pháp ấy, đều là nói nhăng nói cuội! [Tuy vậy, người đời] nghe lừa, chẳng nghe khuyên. Phật pháp do tôi giảng trước kia là lừa người, các vị nghe theo. Nay nói lời thật với quý vị, quý vị đều chẳng tin tưởng. Nay tôi khuyên quý vị, quý vị chẳng tin tưởng. Phương pháp xưa kia là gạt người, quý vị lại tin tưởng, quái lạ thay! Trong quá khứ, cũng chẳng phải là tôi cố ý lừa gạt quý vị, mà là do trình độ của chính mình chưa tới. Trình độ ấy, sự tiến bộ ấy, tuyệt đối chẳng phải là do đọc nhiều thứ. Nói thật thà, hiện thời, tôi đọc những thứ này nọ ngày càng ít đi, càng đọc tinh chuyên hơn, càng đọc đơn giản hơn. Nói cách khác, tâm càng niệm càng thanh tịnh, từ chỗ này mà đạt được. Do đó mới biết cách dạy học của cổ nhân tuyệt đối là chánh xác. Quyết định chớ nên vứt bỏ phương pháp [dạy học] được lưu truyền từ thời cổ. Vứt bỏ phương pháp của cổ nhân, những gì quý vị đạt được từ Phật pháp sẽ là Phật học thường thức. Vì sao? Chẳng dính dáng gì tới cái tâm thanh tịnh của quý vị. Quý vị vẫn chẳng có cách nào đoạn phiền não, vẫn chẳng có cách nào minh tâm kiến tánh! Quý vị có thể giành mấy học vị tiến sĩ Phật học, mấy danh vị trên thế giới, có thể đạt được tiếng tăm, lợi dưỡng trong thế gian, nhưng chẳng có chút nào liên quan đến chuyện liễu sanh tử, thoát tam giới. Đó là lầm lẫn quá đỗi!
Chư vị nhất định phải lưu ý “Nhất Chân”, chỉ có Nhất mới là thật, Nhị là giả, chẳng thật. Do đó, pháp giới được gọi là Nhất Chân pháp giới. Tây Phương Cực Lạc thế giới là Nhất Chân pháp giới; thế giới Hoa Tạng cũng là Nhất Chân pháp giới. Phải tiến nhập Nhất Chân pháp giới như thế nào? Phương pháp của Tịnh Độ Tông đơn giản, thẳng chóng: Nhất tâm. Nhất tâm là có thể nhập (năng nhập), Nhất Chân là cái được nhập (sở nhập). Trong Nhất (một) thì chẳng có Năng và Sở. Năng và Sở là một, chẳng hai, đấy mới là “ngôn ngữ dứt bặt, tâm hành xứ diệt”. Vì sao? Nếu có Năng và Sở thì vẫn là hai, Năng và Sở chẳng hai! Nói cách khác, chỉ cần công phu của chúng ta đạt tới nhất tâm, Nhất Chân lập tức hiện tiền, chẳng cần lại đi tìm Nhất Chân, Nhất Chân bèn hiện tiền. Nay chúng ta khởi tâm động niệm, tam tâm, nhị ý, bèn lập tức đánh mất Nhất Chân. “Đánh mất” là bị mê mất, trọn chẳng phải là thật sự đánh mất Nhất Chân. Đã mê mất, tuy nó ở trước mắt, quý vị chẳng nhận biết. Do vậy có thể biết, tâm địa thanh tịnh trọng yếu ngần ấy!
Nếu đạo nghiệp của chúng ta có tiến bộ, nhìn thấy tiến bộ từ chỗ nào? Tâm ngày càng thanh tịnh hơn, vướng mắc càng ngày ít hơn; đó là tiến bộ. Lão Tử nói: “Vi đạo nhật tổn” (Vì đạo mà ngày một hao tổn). “Tổn” (損) là buông xuống, trừ bỏ. Phật pháp là vì đạo, chẳng phải là vì học. Chúng ta học Phật, chẳng phải là Phật học. Phật học thì chẳng phải là học Phật. Người hiện thời coi Phật học là học Phật, sai mất rồi! Sai từ quan niệm, lầm lẫn bước này chính là lầm lẫn từ nền tảng, vĩnh viễn sai lầm! Do đó, phải biết bản thể, chân tâm, bổn tánh là như Lục Tổ đã nói: “Nào ngờ tự tánh, vốn sẵn trọn đủ”. Chỉ cần quý vị kiến tánh, hết thảy vạn pháp chẳng có pháp nào không trọn đủ.
“Nhất Chân ngưng tịch”: “Ngưng tịch” (凝寂) là [từ ngữ diễn tả] tướng, tức là hình dạng của nó. “Tánh Giả”: Giả (假) là khởi tác dụng, “tắc vạn dụng Hằng sa” (muôn vạn công dụng nhiều như cát sông Hằng). Sau khi khai ngộ, Lục Tổ đã nói “nào ngờ tự tánh có thể sanh ra vạn pháp”, có thể sanh vạn pháp là tánh Giả. “Giả” là nói theo tướng, sâm la vạn tượng trong vũ trụ được biến hiện từ Chân Không ngưng lặng. Chân và Giả chẳng hai, Tánh và Tướng như một, đấy mới là thật sự thấy Thật Tướng của các pháp. Thấy như vậy sẽ được thọ dụng to tát, thật sự đạt được đại tự tại.
“Ngưng tịch”: Tướng của Tánh Thể là ngưng lặng, “tắc yểu mạc biên nhai” (mênh mông không bờ bến). Nói cách khác là chẳng có giới hạn, rộng lớn chẳng có giới hạn. Hết thảy giới hạn sanh từ đâu? Sanh từ khởi tâm động niệm. Chỉ cần khởi tâm động niệm, bèn có giới hạn. Trong chân tâm chẳng có giới hạn, chính mình vạch ra giới hạn, rắc rối liền xảy ra. Đừng nói chi to tát, chúng ta nói đến địa cầu nho nhỏ này, hiện thời địa cầu quả thật rất nhỏ, ngồi máy bay có thể bay vòng quanh địa cầu trong một ngày, đúng là khá nhỏ bé. Trên địa cầu há từng có ranh giới ư? Con người ngu si cứ muốn vạch ra ranh giới. Hễ vạch ra ranh giới, sẽ có chiến tranh vì ranh giới. Chiến tranh dấy lên như thế nào? Dấy lên từ ranh giới. Chẳng có ranh giới, sẽ chẳng có chiến tranh. Nước này với nước kia chẳng có ranh giới, ranh giới [là do con người] vạch ra. Tỉnh này và tỉnh kia chẳng có giới hạn, ranh giới [cũng do con người] vạch ra. Huyện này và huyện kia chẳng có ranh giới, họ cũng vạch ra ranh giới ấy. Ranh giới là cội nguồn của tranh chấp. Đối với nhà ở, giữa láng giềng với nhau bèn vạch ra ranh giới, họ vẫn tranh chấp, từng tấc, từng thước đều muốn tranh chấp, chẳng khi nào xong!
Vốn chẳng có giới hạn, [đặt ra giới hạn] chính là quan niệm sai lầm. Quý vị đến đâu để tìm? Tìm chẳng thấy! Đây là nói tới phân biệt, chấp trước; phân biệt, chấp trước chẳng phải là sự thật, mà là một quan niệm trừu tượng sai lầm. Bao nhiêu phiền não, bao nhiêu tranh chấp, bao nhiêu tội nghiệp đã sanh từ quan niệm hư vọng, sai lầm này, quá oan uổng! Vì thế, đức Phật dạy chúng ta hãy bỏ hết thảy phân biệt, chấp trước, tâm chúng ta to như hư không pháp giới. Pháp giới là chân tâm, chân tâm là pháp giới. Trong hết thảy các pháp đều không chấp trước, chẳng chấp trước pháp thế gian, mà Phật pháp cũng chẳng chấp trước. Người hiện thời học Phật, còn có người nhất định chấp trước Tây Phương thế giới A Di Đà Phật, Đông Phương Lưu Ly thế giới Dược Sư Phật, vẫn còn có chấp trước, học Phật mà vẫn chia ra giới hạn! Nếu quý vị chú tâm phản tỉnh, suy nghĩ đôi chút, [hãy xét xem] giới hạn giữa A Di Đà Phật và Dược Sư Như Lai ở chỗ nào, quý vị có thể nói rõ ràng hay không? Nói chẳng nên lời! Không chỉ là nói chẳng nên lời! Trong lời Khai Thị tại Phật Thất, pháp sư Đàm Hư đã nêu một trường hợp. Trước kia, Ngài mở một trường học ở vùng Đông Bắc, hiệu trưởng [ngôi trường ấy] học Phật, từng hỏi Sư một vấn đề: “Giới hạn giữa Tây Phương Cực Lạc thế giới và thế giới Sa Bà là ở chỗ nào?” Lão hòa thượng có trí huệ, bảo ông ta hãy tự hồi quang phản chiếu, hãy tự mình quan sát. Vị hiệu trưởng ấy cũng rất thông minh, suy đi nghĩ lại, dường như chẳng tìm được giới hạn ấy. Vì sao? Tâm tánh là một, là một Thể; trong một Thể làm sao có thể tìm ra, vạch ra giới hạn cho được? Lão hòa thượng ấn chứng: “Đúng như vậy, xác thực là chẳng có giới hạn”.
Không chỉ là thế giới Tây Phương của A Di Đà Phật và thế giới Sa Bà chẳng có giới hạn, cùng một đạo lý như nhau, tất cả hết thảy sát-độ (cõi nước) của mười phương chư Phật đều chẳng có giới hạn. Sát-độ tồn tại hay không? Có, quyết định là có. Giới hạn thì sao? Chẳng tìm thấy giới hạn, kỳ quái! Giống như trong giảng đường này, chúng ta có nhiều đèn như vậy, vị trí của từng ngọn đèn xác thực là có, quý vị có thể tìm được giới hạn giữa ánh sáng của ngọn đèn này và ngọn đèn kia hay không? Chẳng tìm thấy! Cõi nước của chư Phật cũng lại giống như vậy. Cõi nước của chư Phật là như thế, mà tâm địa quang minh của chính chúng ta cũng lại giống như thế. Quang minh nơi tâm địa của mỗi người chúng ta chính là trí huệ và đức năng trong bản tánh, chẳng có giới hạn đối với tất cả chư Phật, Bồ Tát và hết thảy chúng sanh trong mười phương hết thảy các cõi Phật. Chẳng có giới hạn mà chính quý vị vạch ra giới hạn, đó là sai lầm. Đấy là lý do vì sao chúng ta mê hoặc, điên đảo, hằng ngày suy tưởng loạn xạ trong ấy, đó là vô minh!
Vô minh khởi lên như thế nào? Vô minh là do quý vị suy nghĩ lung tung mà có, khi nào có vô minh? Khi quý vị suy nghĩ loạn xạ, khi ấy bèn có vô minh. Khi nào quý vị điều gì cũng chẳng tưởng, sẽ chẳng có vô minh. Do vậy, đức Phật nói lời thật thà cùng quý vị: Vô minh là vô thỉ, tức là chẳng có khởi đầu. Quý vị dấy vọng tưởng bèn có vô minh; chẳng dấy vọng tưởng, nó bèn chẳng có. Chẳng có khởi đầu, cũng là chẳng có kết thúc. Ắt phải đạt đến nhất tâm bất loạn thì mới hiểu rõ ràng, rành rẽ chân tướng sự thật này, tất cả hết thảy nghi lự đều tiêu tan. Đây là nói tới tầm trọng yếu của việc tu nhất tâm.
Vì vậy, nói thật thà, có nhiều kẻ thông minh tài trí chẳng bằng một bà cụ thật thà niệm Phật, người ta thật sự có thể niệm đến mức nhất tâm bất loạn, thật sự hiểu rành rẽ, rõ ràng hết thảy các pháp. Bà ta cũng chẳng nói với quý vị, vì sao? Có nói với quý vị, quý vị cũng chẳng tin tưởng. Nói với quý vị, đầu óc quý vị chứa đầy ắp Phật pháp, quý vị vẫn chê bà cụ nói trật lất. Người ta chứng thật sự, [cảnh giới của người ta chứng] là cảnh giới Hiện Lượng. Quý vị suy nghĩ loạn xạ, bụng đầy ắp Phật học, nói thật ra, thua bà cụ ấy xa lắc, người ta đã đắc nhất tâm. Tục ngữ có câu “thông minh đâm ra bị lầm lẫn bởi thông minh”. Người thông minh đáng thương, kinh thường nói là “kẻ đáng thương xót”. Người đáng được thương xót chẳng phải là những ông già, bà cả ấy, mà là kẻ tự cho mình là thông minh, trí huệ, hạng người ấy đáng thương! Kẻ hằng ngày nghiên cứu kinh luận, dùi mài nơi đống giấy cũ, đức Phật nói kẻ ấy là kẻ đáng thương!
Ở đây nói: Thể là ngưng lặng; có Thể thì mới có Dụng. Vì thế, cầu trí huệ ắt cần phải cầu Căn Bản Trí thì mới có Hậu Đắc Trí. Căn Bản Trí là vô tri, vô tri thì tâm mới thanh tịnh, tâm bèn định. Do đó, trí huệ Bát Nhã, trí huệ căn bản là tâm thanh tịnh, là như Lục Tổ đã nói “vốn chẳng có một vật”, đó là “Bát Nhã vô tri”. Khi khởi tác dụng thì “không gì chẳng biết”, khi chẳng khởi tác dụng thì là vô tri. Chư Phật, Bồ Tát suốt ngày từ sáng đến tối “vô tri”, quý vị hỏi gì, các Ngài đáp nấy. Đó gọi là “không gì chẳng biết”. Tuy trả lời quý vị, các Ngài vẫn là vô tri, chẳng phải là suy nghĩ: “Đối với câu hỏi này của quý vị, tôi phải suy nghĩ, nghiên cứu để trả lời quý vị như thế nào”. Nếu như vậy thì thôi rồi, đã là “có biết” mất rồi! Các Ngài vô tri để trả lời hữu tri, trả lời hết sức xảo diệu, hết sức thích đáng, chẳng có vấn đề nào không thể giải quyết. Vì vậy, vô tri là trí huệ chân thật.
Vô tri là gì? Tâm thanh tịnh chiếu rành rẽ hết thảy vạn sự vạn vật trong vũ trụ, giống như một tấm gương, [đó là] Đại Viên Kính Trí. Đại Viên Kính Trí là vô tri, còn Bình Đẳng Tánh Trí, Diệu Quán Sát Trí và Thành Sở Tác Trí là có biết, “không gì chẳng biết”. Chẳng có Đại Viên Kính, làm sao có ba thứ trí huệ trên đây? Trong tâm khởi một niệm sẽ chẳng là viên kính, gương ấy liền bẩn thỉu vì dính bụi trần, bị chướng ngại, giống như nước cuộn sóng, đánh mất tác dụng. Tâm phải thanh tịnh, phải trong sạch, đừng nổi sóng. Không cuộn sóng thì được gọi là “như như bất động”, trong sạch là “chẳng nhiễm mảy trần”, mang ý nghĩa thanh tịnh. Dùng tựa đề kinh Vô Lượng Thọ để nói, bất động có nghĩa là bình đẳng, chẳng nhiễm nghĩa là thanh tịnh. Tựa đề kinh [Vô Lượng Thọ] có nói “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, Giác là Căn Bản Trí. Từ Căn Bản Trí khởi lên Hậu Đắc Trí, mới có Bình Đẳng Tánh Trí, Diệu Quán Sát Trí, và Thành Sở Tác Trí. Bình Đẳng Tánh Trí là tác dụng của Đại Viên Kính Trí, biết hết thảy đạo lý của vũ trụ và nhân sinh, biết Lý. Diệu Quán Sát Trí là biết hết thảy vạn sự vạn pháp, biết hết thảy sự. Thành Sở Tác Trí là năng lực, kỹ xảo, nó có thể làm hết thảy sự, có thể thành tựu hết thảy sự. Do vậy có thể biết, then chốt là Đại Viên Kính. Hiển lộ Đại Viên Kính của chính mình bằng cách nào? Thật thà niệm Phật. Pháp môn này mầu nhiệm, còn các pháp môn khác nói ra [sẽ cảm thấy] rất phức tạp, chưa chắc đã nghe hiểu! Dẫu có hiểu, cũng rất khó tu. [Bí quyết tu tập trong pháp môn Tịnh Độ là] bốn chữ “thật thà niệm Phật”, chỉ cần quý vị chịu thật thà, niệm đến mức công phu thành phiến, thọ dụng sẽ khá khả quan. Niệm đến mức nhất tâm bất loạn, sẽ nhập cảnh giới của Phật, Bồ Tát. Quý ở hai chữ “thật thà”, thật thà niệm. Thật thà là trong tâm chẳng có tạp niệm; hễ có niệm, sẽ chẳng thật thà.
“Hằng sa” là nói tới Dụng, vạn dụng hằng sa. Hằng sa (cát sông Hằng) là tỷ dụ [vật gì có số lượng rất] nhiều, Hằng (恆) là sông Hằng (Ganges). Thuở Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế giảng kinh, thuyết pháp, phần lớn thời gian ở lưu vực sông Hằng. Hễ nói đến số lượng nhiều, lão nhân gia thường dùng chữ “Hằng hà sa” (cát sông Hằng) để tỷ dụ. Sông Hằng rất dài, còn dài hơn Trường Giang và Hoàng Hà của Trung Quốc. Cát sông Hằng như bột mì, rất mịn. Trong sông Hằng, biết bao nhiêu là cát! Đây là tỷ dụ tác dụng vô lượng vô biên. “Quảng vô tế hạn”, “tế” (際) là biên tế (ranh giới), “hạn” (限) là hạn lượng, [“vô tế hạn” là] chẳng có ngằn mé, chẳng có hạn lượng, tác dụng của nó quá lớn. Thế giới Sa Bà do Chân Như bản tánh biến hiện, Tây Phương Cực Lạc thế giới vẫn do Chân Như bản tánh biến hiện. Kinh Hoa Nghiêm nói vô lượng vô biên hằng sa thế giới, nói nhiều cách mấy đi nữa, vẫn do Chân Như bản tánh biến hiện ra, chẳng thể vượt ra ngoài tự tánh, quý vị bèn hiểu công đức của tự tánh đúng là vô lượng vô biên. Tự tánh là con người thật sự của chính mình, Thiền Tông gọi là “phụ mẫu vị sanh tiền bản lai diện mục” (diện mạo trước khi được cha mẹ sanh ra), là diện mục sẵn có, là con người thật sự của chính mình. Giáo học Phật pháp chẳng có gì khác, nhằm khôi phục diện mạo của chính mình mà thôi. Nói cách khác, tìm lại chính mình. Chúng sanh mê mất chính mình, đức Phật dạy chúng ta cách tìm lại chính mình, đó là Phật pháp.
Do vậy có thể biết, Phật pháp và chúng ta có mối quan hệ mật thiết như vậy, chẳng phải là tìm những thứ ở bên ngoài, mà là tìm lại chính mình. Do vậy, cầu pháp ngoài tâm đều gọi là ngoại đạo. Hằng ngày, chúng ta tìm Phật pháp trong kinh điển, chuyện này là như thế nào? Vẫn coi là ngoại đạo! Vì từ trong kinh điển, quý vị tìm được này nọ, đó là pháp do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói, chẳng phải là của chính quý vị, nên đó là ngoại đạo. Quý vị tìm trong Sớ Sao, Sớ Sao do Liên Trì đại sư trước tác, Diễn Nghĩa do pháp sư Cổ Đức soạn, là những thứ của các Ngài. Quý vị tìm trong ấy, cũng là cầu pháp ngoài tâm. Như thế nào thì mới được coi là Phật pháp? Nương theo những thứ của Thích Ca Mâu Ni Phật và tổ sư đại đức để dẫn phát tự tánh của chính mình, đó là Phật pháp. Giống như hai ngọn nến này, một ngọn nến đã được thắp sáng, ngọn kia chẳng được thắp. Chẳng thắp sáng, vĩnh viễn không đốt lên, cứ đi theo ngọn [đã được thắp sáng] kia, đó gọi là “cầu pháp ngoài tâm”, chẳng phải là của chính mình. Quý vị ắt phải mượn ánh sáng của ngọn nến kia để thắp sáng chính mình, đó là đúng. Đó là Phật pháp. Chúng ta phải mượn quang minh của Thích Ca Mâu Ni Phật, văn tự trong kinh điển là quang minh, mượn quang minh của Liên Trì đại sư và pháp sư Cổ Đức để thắp sáng quang minh trong tự tánh, khôi phục tự tánh quang minh, đó là Phật pháp, mới là chẳng cô phụ Phật, Bồ Tát, tổ sư đại đức hoằng pháp lợi sanh. Nếu quý vị chẳng hiểu, cứ coi những thứ của các Ngài là Phật pháp, vĩnh viễn đi theo người khác, tam thế chư Phật đều ứa lệ, kêu oan uổng! Sai mất rồi! Phật pháp là khai phát tự tánh quang minh, chẳng phải là ỷ lại kẻ khác.
Do vậy, chúng ta mở kinh A Di Đà ra, kinh A Di Đà là kinh A Di Đà của ai? Là kinh A Di Đà trong tự tánh. Tuy kinh này do Thích Ca Mâu Ni Phật nói, nhưng bày ra trước mặt chúng ta, khiến cho kinh A Di Đà trong tự tánh của chúng ta cũng được dẫn phát. Kinh A Di Đà của chúng ta và kinh A Di Đà do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói chẳng hai, chẳng khác. Giống như hai ngọn nến được thắp sáng, hai ánh sáng ấy chẳng hai, chẳng khác. Ánh sáng chiếu rọi lẫn nhau, chẳng thể tách rời ánh sáng nào là của ngọn nến nào, chẳng tách được! Chúng hoàn toàn dung hợp thành một Thể, đó gọi là học Phật. Học Phật phải học từ chỗ này, quý vị mới có thể đạt được thọ dụng chân thật, mới có thể đạt được pháp hỷ sung mãn, mới có thể thật sự hưởng thụ. Kinh Vô Lượng Thọ nói ba thứ chân thật, quý vị thảy đều đạt được. “Chân thật chi tế” là Tánh Không, “trụ chân thật huệ” và “chân thật chi lợi”, quý vị đều đạt được toàn bộ.
“Tằng hà toán số khả đắc bình lượng giả tai” (Há có thể dùng tính toán để suy lường được ư?), có thể thấy là đã vượt ngoài số lượng. Số lượng chẳng thể hạn cuộc nó, còn có tính toán chi nữa, chẳng cần! Do vậy có thể biết, những số lượng đã nói đều là đức Phật nói phương tiện, đều là Phật nói theo Tục Đế. Từ Tục Đế bèn quay ngược lại để lãnh hội Chân Đế. Trong kinh Hoa Nghiêm có ý nghĩa này. Bài “Phật pháp dùng thế tục để giảng giải lẽ chân” của cư sĩ Âu Dương Cánh Vô đã giảng về đạo lý này, nêu rõ sự thiện xảo và nghĩa thú trong việc thuyết pháp của đức Phật. Quý vị phải hiểu thì mới có thể lãnh hội nghĩa chân thật do đức Phật đã nói. Nếu quý vị chẳng thấu hiểu, chỉ là [thấy được] ý nghĩa hời hợt bề ngoài nơi văn tự, sai mất rồi! [Những gì quý vị] đạt được sẽ là Phật học thường thức.
(Sao) Thị tắc hiền thánh tam thừa, cộng tông nhất Phật.
(鈔)是則賢聖三乘,共宗一佛。
(Sao: Do vậy, hiền, thánh, tam thừa cùng tôn sùng một vị Phật).
“Hiền” (賢) là các Bồ Tát thuộc địa vị Tam Hiền (Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng), “thánh” là các vị Địa Thượng Bồ Tát (từ Sơ Địa trở lên), “tam thừa” là nói tới Quyền Giáo Bồ Tát, Thanh Văn và đại chúng trời, người. Đó là bao gồm trọn hết ba bậc chín phẩm đại chúng vãng sanh thế giới Cực Lạc, bất luận là cõi Thật Báo, cõi Phương Tiện, hay cõi Đồng Cư. Nói chung, “cộng tông nhất Phật” (đều cùng tôn sùng một vị Phật), [“nhất Phật” là] A Di Đà Phật, đều tôn A Di Đà Phật làm thầy, đều tiếp nhận A Di Đà Phật đích thân giáo dục.
(Sao) Chân Tục nhị đế, đồng xuất nhất tâm.
(鈔)真俗二諦,同出一心。
(Sao: Chân Đế và Tục Đế đều phát xuất từ nhất tâm).
Chư vị có thể hiểu rõ những điều tôi đã nói trên đây, sẽ liễu giải Nhị Đế đều từ nhất tâm lưu xuất.
(Sao) Nhất tâm liễu nhiên, phước túc, huệ túc.
(鈔)一心了然,福足慧足。
(Sao: Đã liễu đạt nhất tâm, thì phước lẫn huệ đều trọn đủ).
Chúng ta mong cầu trí huệ và phước đức thật sự, hãy tu từ nơi đâu? Nhất tâm. Phước trong nhất tâm là phước báo xứng tánh! Không thể tu nhất tâm, làm nhiều chuyện tốt, thì phước báo ấy là phước báo do tu được, sẽ hưởng hết, [vì nó] có hạn lượng. Tánh Đức chẳng có hạn lượng, cho nên phước báo của chư Phật, Bồ Tát to tát, chúng ta chẳng có cách nào tưởng tượng. Vì sao? [Phước báo của] các Ngài là Tánh Đức, vốn trọn đủ trong Chân Như bản tánh, chẳng phải là do tu được. Vì thế, người biết tu sẽ tu từ căn bản, căn bản là gì? Nhất tâm bất loạn, căn bản là cái tâm thanh tịnh của chính mình. Tâm thanh tịnh có thể sanh ra trí huệ, lại còn có thể sanh ra phước báo, kỳ diệu thay! Trong quá khứ, chỉ nghe nói có thể sanh trí huệ, chẳng nghe nói có thể sanh ra phước báo; nhưng có thể sanh ra phước báo là thật, chẳng giả. Ở đây, Liên Trì đại sư nói rõ, trong Đàn Kinh Lục Tổ đại sư cũng đã nói rõ, có thể thấy là tâm thanh tịnh trọn đủ phước báo viên mãn, điều này chẳng giả. Phước và huệ đều cầu từ tâm thanh tịnh. Hôm nay, chúng tôi giảng tới chỗ này.