A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa – Quyển 8 – Tập 217-224

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

QUYỂN 8 – Tập 217-224

Liên Trì đại sư chùa Vân Thê soạn sớ sao
Pháp sư Cổ Đức diễn nghĩa
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Minh Tiến – Huệ Trang – Đức Phong

— o0o —

Tập 217 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm ba mươi mốt:

 

(Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh xuất sanh nhất thiết pháp, thị thiện căn nghĩa. Tự tánh phú hữu nhất thiết pháp, thị phước đức nghĩa.

()稱理,則自性出生一切法,是善根義;自性富有一切法,是福德義。

(Sớ: Xứng Lý thì tự tánh sanh ra hết thảy các pháp là ý nghĩa của thiện căn, tự tánh phong phú hết thảy các pháp là ý nghĩa của phước đức).

 Trong đoạn văn thuộc phần trước, đối với đoạn kinh văn “bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc” (chẳng thể do ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy), Liên Trì đại sư đã nói thiện căn là gì, phước đức là gì, “nhiều thiện căn, nhiều phước đức” là gì, Ngài đã giải thích rất cặn kẽ. Ở đây, trong đoạn này, lời chỉ dạy của Ngài mang tính cách hướng dẫn tiêu quy tự tánh, cũng chính là “tâm đắc tu học” như người thế gian chúng ta thường nói. Trong Phật pháp, [tâm đắc ấy] được gọi là “tiêu quy tự tánh”.

 

(Diễn) Tự tánh xuất sanh nhất thiết pháp, thị thiện căn nghĩa giả, Căn hữu xuất sanh nghĩa.

()自性出生一切法,是善根義者,根有出生義。

(Diễn: Tự tánh xuất sanh hết thảy các pháp là ý nghĩa của thiện căn. “Căn” lại có nghĩa là “xuất sanh”).

Kinh nói Căn (根) thì Căn có nghĩa là căn bản. Thực vật có gốc, có rễ, thì nó có thể đơm hoa, kết trái. Vì thế, Căn có ý nghĩa sanh trưởng. Ở đây nói “Căn có nghĩa là xuất sanh” tức là nói theo ý nghĩa “sanh trưởng”.

 

(Diễn) Kim tứ thánh lục phàm, sắc tâm y chánh, tùng tự tánh sanh.

()今四聖六凡,色心依正,從自性生。

(Diễn: Nay tứ thánh, lục phàm, sắc, tâm, y báo, chánh báo đều sanh từ tự tánh).

“Tứ thánh, lục phàm” là nói tới mười pháp giới. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới do đâu mà có? Thực tại là tìm đến căn bản thật sự, nó cũng chính là “bản thể của vạn hữu trong vũ trụ” như triết học đã nói. “Thánh” là thánh nhân, “tứ thánh” (四聖) là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, và Phật. “Lục phàm” (六凡) là nói tới lục đạo. Mười pháp giới đều được bao gồm trọn vẹn [trong từ ngữ “tứ thánh lục phàm”]. Chánh báo là như vậy, y báo cũng chẳng ra ngoài lệ ấy. Y báo là hoàn cảnh sống của chúng ta, núi, sông, đại địa, cho đến hư không, đều là hoàn cảnh sống của chúng ta, những thứ ấy do đâu mà có? Từ trong tự tánh biến hiện. Do vậy, điều được mong cầu trong Phật pháp chính là cầu minh tâm kiến tánh. Tâm tánh là cái mà mỗi chúng sanh đều trọn đủ viên mãn, thường nói là “tại thánh chẳng tăng, nơi phàm chẳng giảm”. Tự tánh của lũ phàm phu chúng ta xác thực là chẳng bị giảm thiểu chút nào; tự tánh của chư Phật cũng chẳng thể nhiều hơn chúng ta chút nào! Nói theo tự tánh, hoàn toàn là bình đẳng: Thể bình đẳng, tướng bình đẳng, tác dụng bình đẳng, chẳng có gì bất bình đẳng. Tuy bình đẳng, trong ấy có mê hay ngộ sai khác. Trừ mê và ngộ ra, chẳng có gì khác nhau. Vì chư Phật, Bồ Tát cũng ở trong mười pháp giới, phàm phu chúng ta cho đến các loài ngọ ngoạy, bay, bò, ngạ quỷ, địa ngục, vẫn sống trong mười pháp giới. Đã ngộ thì sẽ tự tại, vui sướng; hễ mê bèn tạo nghiệp chịu báo, vấn đề xuất hiện từ mê hay ngộ. Giáo học Phật pháp nhằm dạy chúng ta phá mê khai ngộ. Mê chính là cái nhân của hết thảy phiền não, khổ nạn; ngộ là cái nhân của hết thảy vui sướng. Chỉ cần phá mê khai ngộ bèn lìa khổ được vui. “Lìa khổ được vui” là nói về quả báo; phá mê khai ngộ là nói đến nhân duyên, phải thực hiện từ nhân duyên. Vì vậy, chúng ta biết chân tướng sự thật là [hết thảy các pháp] sanh từ tự tánh.

Chư Phật, Bồ Tát đã ngộ, ngộ gì vậy? Ngộ tự tánh. Hết thảy phàm phu mê thì cũng là mê tự tánh. Trong tự tánh, chẳng có mê hay ngộ; mê hay ngộ do con người! Chúng ta phải hỏi: “Mê là như thế nào? Chư Phật, Bồ Tát ngộ như thế nào?” Đó là điều then chốt. Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật dạy chúng ta: “Hết thảy chúng sanh đều do vọng tưởng, chấp trước, mà chẳng thể chứng đắc”. Vọng tưởng, chấp trước là mê. Chư Phật, Bồ Tát chẳng có vọng tưởng, mà cũng chẳng có chấp trước. Đại Thừa Khởi Tín Luận nói: “Một niệm bất giác, bèn có vô minh”. Kinh Lăng Nghiêm đã giảng rất rõ về hiện tượng mê: “Một niệm bất giác”. Do vậy có thể biết, một niệm bất giác còn có trước vô minh. Do một niệm bất giác, nên mới thành vô minh. Do vô minh, nên mới sanh ra ba tế tướng. Từ ba tế tướng mới biến hiện sáu thô tướng. Tam tế và lục thô mới diễn biến thành y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới do vậy mà có. Nếu nay chúng ta truy cứu: Cớ sao có một niệm bất giác? Nói thật ra, bất giác là “có” một niệm. Hễ có một niệm thì gọi là bất giác. Nói kiểu này rất minh bạch, trong chân tâm bản tánh quyết định chẳng có một niệm. Quý vị khởi một niệm là bất giác, bèn mê. Chúng ta từ sáng đến tối niệm này nối tiếp niệm kia, chẳng biết là có bao nhiêu vọng niệm? [Muốn] ngưng dứt niệm cũng chẳng thể ngưng được, chuyện này rất rắc rối! Vì sao biến thành nông nỗi này? Ấy là vì một niệm bất giác trong quá khứ cho đến nay đã dưỡng thành thói quen. Nếu nói khó nghe hơn thì là đã “dưỡng thành thói quen dấy vọng tưởng”. Do vậy, vọng tưởng vĩnh viễn có muốn ngưng dứt cũng chẳng thể ngưng được, rắc rối xuất hiện từ chỗ này!

Đức Phật dạy: Nếu  quý  vị  muốn  khôi  phục  bản  lai  diện  mục, muốn thật sự triệt để giác ngộ, ắt phải đoạn sạch vọng niệm. Trong các vọng niệm, vọng niệm vi tế nhất được gọi là Vô Minh, vọng niệm thô hơn một chút bèn gọi là Trần Sa, lại thô hơn chút nữa, bèn gọi là Kiến Tư phiền não. Kiến Tư phiền não, Trần Sa phiền não, và Vô Minh phiền não được gọi chung là “vọng niệm”, còn gọi là “vọng tưởng”. Vọng tưởng dấy lên, từ vi tế nhất dần dần cho đến cái thô nhất. Nay đức Phật dạy chúng ta muốn đoạn vọng niệm thì chỉ có thể [dốc sức đoạn trừ] từ cái thô nhất, [rồi đến] cái ít thô hơn, [kế đó là cái] vi tế rồi đến cái vi tế nhất. Đoạn trừ như vậy đó. Giống như chúng ta mặc quần áo: Mặc lớp quần áo thứ nhất ở bên trong, lại mặc lớp khác ra ngoài; khi cởi thì cũng phải cởi từ lớp ngoài cùng, cởi từng lớp một cho đến lớp trong cùng, chẳng thể cởi ngay từ lớp bên trong. Có cùng một đạo lý!

Do đó, trước hết là phải đoạn Kiến Tư phiền não. Nếu chư vị chẳng đổ công dốc sức nơi đây, niệm kinh sẽ là niệm uổng công, niệm Phật cũng chẳng thể vãng sanh, cũng chẳng thu được hiệu quả. Trong vô lượng vô biên pháp môn của Phật pháp, các phương pháp và đường lối là để làm gì? Nhằm giúp chúng ta đoạn phiền não, phá trừ vọng tưởng và chấp trước. Bởi lẽ, Kiến Tư phiền não là thô nhất, đoạn được Kiến phiền não, sẽ chứng quả Tu Đà Hoàn trong Tiểu Thừa. Do quý vị đã phá phiền não, nên dự vào dòng Thánh. Quả Tu Đà Hoàn, nói thông thường theo Giáo Hạ, sẽ là Vị Bất Thoái. Tuy chẳng ra khỏi tam giới, nhưng từ nay trở đi, người ấy quyết định chẳng đọa trong ba đường ác, hạn mực thấp nhất sẽ là nhân đạo, qua lại trong cõi trời hay chốn nhân gian. Kiến phiền não là gì? Tư phiền não là gì? Nói theo kiểu hiện thời, Kiến (見) là kiến giải. Quý vị có cách nhìn sai, đã thấy sai bét. Đó gọi là Kiến Hoặc. Tư Hoặc (思惑) là [sai lầm nơi] tư tưởng, quý vị đã suy nghĩ sai bét. Do vậy có thể biết, đã đoạn Kiến Tư phiền não, đối với vũ trụ và nhân sinh, quý vị sẽ có cách nhìn và cách nghĩ rất chánh xác, chẳng sai lầm. Đoạn Tư Hoặc bèn chứng quả A La Hán. Trong pháp môn Niệm Phật, đoạn sạch Kiến Hoặc bèn chứng Sự nhất tâm bất loạn, đó là hạ phẩm. Nếu đoạn Tư Hoặc, phẩm vị bèn cao, chứng thượng phẩm Sự nhất tâm bất loạn.

Nếu chúng ta chia Sự nhất tâm thành ba phẩm thượng, trung, hạ; Tiểu Thừa Tu Đà Hoàn là hạ phẩm, Tiểu Thừa Nhị Quả và Tam Quả là trung phẩm, Tứ Quả A La Hán là thượng phẩm. Nhưng pháp môn [Niệm Phật] này hết sức đặc thù, xét theo phương diện đoạn chứng, tức là xét theo tầng cấp đoạn phiền não, sẽ giống như người Tiểu Thừa, nhưng xét theo thiện căn, phước đức, trí huệ và đức năng thì hàng Tiểu Thừa chẳng mong hít bụi kịp! Chẳng thể sánh bằng được! Vì lẽ đó, pháp môn này thù thắng, vượt trỗi hàng Nhị Thừa quá nhiều. Nếu tiến hơn bước nữa, Trần Sa phiền não cũng đoạn hết, lại phá một phẩm vô minh, chứng đắc Lý nhất tâm bất loạn. Lý nhất tâm cũng có ba phẩm thượng, trung, hạ. Hạ phẩm là Sơ Trụ Bồ Tát, thượng phẩm là Đẳng Giác Bồ Tát. Kinh Hoa Nghiêm nói bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ, còn nói theo Tịnh Độ sẽ đều là [những vị đã] chứng đắc Lý nhất tâm bất loạn. Do vậy có thể biết, bất luận là Sự nhất tâm hay Lý nhất tâm, đối với người thật sự chứng đắc, công phu của mỗi người cạn hay sâu vẫn khác nhau! Nói theo Đại Thừa Phật pháp, Lý nhất tâm có bốn mươi mốt tầng cấp, thứ tự cạn hay sâu khác biệt. Lý nhất tâm là như thế, mà Sự nhất tâm cũng chẳng phải là ngoại lệ. Do vậy có thể biết, chúng ta nói “công phu thành phiến” tức là chưa thể phá một phẩm phiền não. Thật sự đắc nhất tâm, tối thiểu là đoạn hết Kiến Hoặc, [tức là đoạn hết] tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong tam giới, mới thật sự thuộc về Sự nhất tâm bất loạn.

Chúng ta biết chân tướng sự thật này, phải nghiêm túc tự kiểm điểm bản thân: Chúng ta niệm Phật, niệm kinh, tu hành, cớ sao công phu chẳng đắc lực? Phải tìm cho ra nguyên nhân ấy. Chuyện này giống như chữa bệnh, tìm cho ra nguyên nhân gây bệnh, sau đó mới có thể cắt thuốc đúng theo chứng bệnh, mới có thể đạt công hiệu! Chúng ta xem Cao Tăng Truyện, hoặc xem Cư Sĩ Truyện trong Đại Tạng Kinh, [sẽ thấy] xưa kia, tại gia, xuất gia, nam chúng, nữ chúng tu hành, người căn tánh nhạy bén, dăm ba năm bèn khai ngộ, cũng có người chứng quả. Người căn tánh kém hơn đôi chút thì mười năm hay tám năm cũng có thành tựu. Vì sao chúng ta tu suốt đời mà chẳng thể thành tựu? Nguyên nhân ở chỗ nào? Tìm ra nguyên nhân ấy chẳng khó! Tuyệt đại đa số người tu hành chúng ta trong hiện thời nhắm đến mục đích là cầu phước báo nhân thiên, cầu điều này. Cổ nhân tu hành nhằm mục đích đoạn Kiến Tư phiền não, họ có mục đích khác hẳn! Cùng niệm Phật như nhau, nhưng họ niệm Phật nhằm niệm cho hết vọng tưởng, chấp trước, hoặc chế ngự chúng, mục đích của người ta là ở chỗ này! Nay chúng ta niệm Phật, mong mỏi sẽ được Phật, Bồ Tát phù hộ chúng ta thăng quan phát tài, khác hẳn! Vì vậy, thành tựu của chúng ta chẳng bằng cổ nhân.

Niệm Phật, Bồ Tát có thể thật sự thăng quan phát tài hay chăng? Nếu thật sự linh như vậy, cứ niệm Phật, Bồ Tát sẽ thăng quan phát tài, quý vị còn phải đến trường học hành để làm gì nữa? Chẳng cần thiết! Còn phải làm lụng vất vả để làm gì? Niệm Phật, Bồ Tát bèn có thể phát tài, quý vị còn phải đi làm vất vả chi nữa? Do đó, phải hiểu: Bất quá chỉ là một chút an ủi về mặt tinh thần mà thôi! Giống như chích thuốc tê vậy, hễ tan thuốc rồi thì có hữu dụng gì hay không? Một tí tác dụng cũng chẳng có! Nhưng những điều đức Phật đã dạy trong kinh đều là lời thật, đức Phật chẳng nói dối. “Trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng”. Đáng tiếc là chúng ta nghe câu này chỉ hiểu bề ngoài, chẳng lãnh hội nội dung chân thật. “Trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng” thì cách cầu như thế nào? Vì sao có cầu ắt ứng? Vì tự tánh có thể sanh ra vạn pháp, cho nên cầu nơi cửa Phật là cầu ở nơi đâu? Cầu từ ngay trong tự tánh. Chẳng phải là cầu từ bên ngoài, cầu từ bên ngoài sẽ chẳng đạt được. Quý vị cầu nơi Phật, Bồ Tát, Phật bên ngoài, tượng Phật, Bồ Tát bằng đất nặn, gỗ khắc, bản thân [những tượng ấy] khó thể giữ vững, làm sao có thể phù hộ quý vị cho được? Phải cầu từ trong tự tánh, sẽ đích xác là “có cầu ắt ứng”, chẳng phải là giả! Vì thế, cổ nhân tu hành thật sự đổ công dốc sức nơi tự tánh, còn người học Phật chúng ta trong hiện thời chuyên môn đổ công dốc sức bề ngoài, dụng công nơi hình thức, chẳng hướng đến tự tánh để cầu. Đấy là nguyên nhân căn bản.

Trong các buổi giảng, tôi thường kính khuyên các đồng tu, nhất định phải hiểu rõ chân tướng sự thật này, phải trừ sạch chướng ngại trên đường Bồ Đề. Đối với chướng ngại, chúng tôi không nói tới chướng ngại vi tế. Vì sao? Chúng ta chẳng làm được. Chúng tôi nói những thứ trước mắt, những thứ nặng nề, thô thiển nhất! Trong là phải đoạn phiền não, ngoài là chẳng bị dụ dỗ, mê hoặc, công phu của chúng ta mới có thể đắc lực. Phiền não bên trong gọi là Tam Độc, [kể cả mạn và nghi sẽ là] tham, sân, si, mạn, nghi. Tham, sân, si là Tam Độc, phải trừ khử những thứ ấy. Dụ dỗ, mê hoặc bên ngoài lớn nhất là tài, sắc, danh, lợi. Tài, sắc, danh, lợi là tứ đại ma vương. Hằng ngày quý vị ở trong lòng bàn tay của ma vương, trốn chẳng khỏi lòng bàn tay của hắn, há còn có thành tựu gì nữa ư? Quý vị làm sao có thể thoát khỏi lục đạo luân hồi? Làm sao có thể vãng sanh cho được? Do đó, ngàn muôn phần phải ghi nhớ: Ngoài là chẳng bị dụ dỗ, mê hoặc, trong là phải diệt trừ tham, sân, si; sau đấy mới khôi phục tự tánh, tự tánh có thể sanh ra vạn pháp.

Thù thắng nhất trong vạn pháp, đó cũng là điều chúng ta hằng ngày mong cầu, có thể sanh trí huệ, có thể sanh thiện căn, có thể sanh phước đức, đấy đều là những điều chúng ta mong cầu. Những điều ấy đều phải cầu từ cái tâm thanh tịnh thì mới có thể cầu được. Lìa khỏi tâm thanh tịnh, quý vị ngẫm xem, tâm độc địa dường ấy, những thứ do nó sanh ra toàn là có chất độc, lẽ đâu có thể sanh ra những thứ tốt lành cho được? Những thứ được sanh ra là Thập Ác, Ngũ Nghịch, sanh ra những thứ đó. Nếu dẹp trừ Tam Độc, sẽ sanh ra Thập Thiện, khác hẳn!

 

(Diễn) Dĩ tùng Lý cụ khởi Sự tạo cố.

()以從理具起事造故。

(Diễn: Vì từ Lý sẵn đủ mà dấy lên sự tạo tác nơi Sự).

 “Lý” (理) là lý luận, phàm hết thảy mọi sự đều nương theo Lý mà sanh. Rời lìa đạo lý, chẳng thể nào có sự tướng. Mỗi sự tướng đều có một đạo lý tồn tại [trong ấy]. Khoa học hiện thời nói “vật lý”, [tức là]: Hễ là vật thì vật chất luôn có đạo lý, luôn có một cái Lý. Nhưng các nhà Vật Lý Học trên thế giới hiện thời nghiên cứu lý của hết thảy các vật, chỉ là nghiên cứu hời hợt bề ngoài, chỉ thấy tầng bên ngoài, chứ họ vẫn chưa phát hiện cái lý tinh vi, sâu xa thật sự! Bất quá chúng ta nhìn vào sự thành tựu của họ, cũng chẳng thể không bội phục, họ cũng có thành tựu khá khả quan, nhưng vẫn chưa thể tìm được căn bản thật sự. Nếu họ tìm được căn bản thật sự, họ sẽ thành Phật, thành Bồ Tát, sẽ khác hẳn, sẽ mới có thể thật sự giải quyết vấn đề.

 

(Diễn) Tự tánh phú hữu nhất thiết pháp, thị phước đức giả. Phước đức hữu phú hữu nghĩa. Kim tứ thánh, lục phàm, y, chánh, sắc, tâm, tự tánh bổn cụ, dĩ bỉ Sự tạo do Lý cụ cố.

()自性富有一切法,是福德者,福德有富有義,今四聖六凡,依正色心,自性本具,以彼事造由理具故。

(Diễn: “Tự tánh giàu có hết thảy các pháp là phước đức”: Phước đức có ý nghĩa “giàu có”. Nay tứ thánh, lục phàm, y báo, chánh báo, sắc, tâm, tự tánh vốn trọn đủ, tạo tác nơi mặt Sự là do Lý sẵn trọn đủ vậy).

Hai cách nói đều cùng diễn tả một đạo lý. Một là nói theo phương diện “có thể sanh” (năng sanh), nên gọi là thiện căn. Một đằng là nói theo phương diện “vốn sẵn trọn đủ” (bổn lai cụ túc). Câu cuối cùng hay lắm. Cuối cùng, Ngài trích dẫn hai câu nói từ trong Lục Tổ Đàn Kinh.

 

(Sao) Hà kỳ tự tánh, năng sanh vạn pháp; hà kỳ tự tánh, bổn tự cụ túc.

()何期自性,能生萬法;何期自性,本自具足。

(Sao: Nào ngờ tự tánh có thể sanh ra vạn pháp, nào ngờ tự tánh vốn tự trọn đủ).

 Lục Tổ đại sư nói như vậy. Ý nghĩa “có thể sanh” chính là ý nghĩa thiện căn. Ý nghĩa “trọn đủ” là ý nghĩa phước đức. Tự tánh chẳng có gì không trọn đủ. Trí huệ trọn đủ, đức năng trọn đủ, tài nghệ trọn đủ. Lại thưa cùng quý vị, các thứ thọ dụng vật chất cũng trọn đủ. Mọi người cầu tài, tài cũng trọn đủ, chẳng có gì không trọn đủ. Nếu quý vị tu từ nơi tự tánh, chẳng có gì không trọn đủ! Thứ gì cũng đều trọn đủ. Vì sao? Hết thảy vật chất đều do tự tánh biến hiện, tự tánh là bản thể của vạn pháp. Vì vậy, từ nơi tâm tánh mà nói đến thiện căn và phước đức. Do vậy có thể biết, thiện căn và phước đức của mỗi người chúng ta chẳng hai, chẳng khác với chư Phật, quyết định chẳng thể nói “chính mình chẳng có thiện căn, chẳng có phước đức”. Chúng ta tuy có, [không những có mà còn] bình đẳng, chẳng hai với đức Phật, vấn đề hiện thời là thiện căn và phước đức của chúng ta chẳng thấu lộ, tuy có mà chẳng khởi tác dụng! Trong kinh luận, đức Phật đã dạy: Chúng ta tuy trọn đủ Tánh Đức, nhưng khuyết thiếu Tu Đức. Ắt cần phải dùng Tu Đức để hiển lộ, khiến cho Tánh Đức khai hiển thì chúng ta sẽ có thể thọ dụng. “Tu” là tu chỉnh, sửa chữa, sửa đổi hết thảy những chỗ trái nghịch Tánh Đức, khiến cho tư tưởng, kiến giải, và hành vi của chúng ta đều có thể tương ứng với Tánh Đức; như thế thì Tánh Đức sẽ dần dần có thể khai hiển.

Tu Đức có tiêu chuẩn hay không? Chẳng có tiêu chuẩn. Chúng ta tu theo cách nào? Có tiêu chuẩn! Kinh luận của đức Phật là tiêu chuẩn tốt nhất. Trong hết thảy các kinh, nhất là kinh này và kinh Vô Lượng Thọ, tức là Tiểu Bổn và Đại Bổn, kinh Vô Lượng Thọ là Đại Bổn, kinh A Di Đà là Tiểu Bổn. Đại Bổn và Tiểu Bổn là tiêu chuẩn thù thắng nhất trong Phật pháp. Nương theo tiêu chuẩn ấy để tu, quyết định thành tựu trong một đời. Cách tu như thế nào? [Điều ấy sẽ được trình bày] trong khoa tiếp theo.

 

Nhị, thị chánh hạnh.

二、示正行。

(Hai, nêu bày chánh hạnh).

Dạy chúng ta phương pháp tu hành, chương này hết sức quan trọng. Đoạn lớn này giảng về cách tu hành; phần trước giảng về trợ hạnh, nay bèn giảng về chánh hạnh. Chánh hạnh là nhân, trợ hạnh là duyên. Trước hết, ắt phải hội đủ các điều kiện tu hành, [tức là] thiện căn, phước đức, nhân duyên. “Chẳng thể do chút thiện căn, phước đức, nhân duyên” [mà được sanh về cõi ấy], những điều kiện này quý vị đều hội đủ, bèn có thể bắt đầu tu. Tu chứng chẳng dễ dàng! Chúng ta chẳng hội đủ điều kiện tu hành, mà đã toan bắt đầu thực hiện, tu kiểu nào cũng đều chẳng đạt được kết quả chi hết, công phu dự bị chưa được thực hiện tốt đẹp mà! Những điều đã nói trong phần trước toàn là công phu dự bị, nay nói đến chánh hạnh. Chúng ta hãy xem kinh văn:

 

(Kinh) Xá Lợi Phất! Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, văn thuyết A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu, nhược nhất nhật, nhược nhị nhật, nhược tam nhật, nhược tứ nhật, nhược ngũ nhật, nhược lục nhật, nhược thất nhật, nhất tâm bất loạn.

()舍利弗。若有善男子。善女人。聞說阿彌陀佛。執持名號。若一日。若二日。若三日。若四日。若五日。若六日。若七日。一心不亂。

(Kinh: Xá Lợi Phất. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, nghe nói A Di Đà Phật, bèn chấp trì danh hiệu hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, nhất tâm bất loạn).

Đoạn kinh văn này dạy chúng ta cách tu hành, [nói đến] chánh hạnh. Chánh hạnh là gì? “Chấp trì danh hiệu”, danh hiệu là “A Di Đà Phật”. Liên Trì đại sư niệm Phật bèn niệm bốn chữ, chỉ niệm A Di Đà Phật, không niệm Nam-mô. Ngài dạy kẻ khác niệm Phật niệm sáu chữ, Nam-mô A Di Đà Phật. Người khác hỏi Ngài “do lý do nào?”, Ngài bảo: “Ta quyết định cầu sanh Tịnh Độ trong một đời này, cho nên chẳng cần tới những lời lẽ khách sáo!” Nam-mô là từ ngữ khách sáo! Chẳng cần phải khách sáo, niệm ngay A Di Đà Phật. Vì kinh nói “chấp trì danh hiệu”, “danh hiệu” là bốn chữ A Di Đà Phật. Vì sao dạy người khác niệm sáu chữ? Họ chẳng mong vãng sanh thế giới Cực Lạc, thêm vào chữ Nam-mô, khách sáo một chút. Nam-mô có nghĩa là Quy Y, [nam-mô A Di Đà Phật] là “quy y A Di Đà Phật”. Nam-mô còn có nghĩa là Cung Kính, mang ý nghĩa lễ kính. Lễ kính A Di Đà Phật, kết thiện duyên với A Di Đà Phật. Đời này chẳng thể vãng sanh, đợi tới nhiều đời, nhiều kiếp sau, cũng có lẽ [chờ tới khi] duyên ấy đã chín muồi, lại dùng cái nhân ấy để làm chánh nhân vãng sanh.

 

(Sớ) Thừa thượng “đa thiện, đa phước, nãi sanh bỉ quốc”.

()承上多善多福,乃生彼國。

(Sớ: Nối tiếp ý “nhiều thiện, nhiều phước thì mới sanh về cõi ấy” trong phần trước).

Trong phần trên đã nói “nhiều thiện căn, nhiều phước đức”, đó là duyên. Hội đủ những điều kiện ấy thì mới có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.

 

(Sớ) Nhi thiện căn nan thực, phước đức nan tu, huống phục vân đa, lũy kiếp cù lao, mạc chi năng biện, như Bảo Tích thập tâm, Hoa Nghiêm thập nguyện đẳng.

()而善根難植,福德難修,況復云多,累劫劬勞,莫之能辦,如寶積十心,華嚴十願等。

(Sớ: Nhưng thiện căn khó gieo, phước đức khó tu, huống lại còn là nhiều! Trải bao kiếp nhọc nhằn mà chẳng thể làm được, như mười tâm trong kinh Bảo Tích, mười nguyện trong kinh Hoa Nghiêm v.v…).

Nói lên thiện căn và phước đức xác thực là khó tu.

 

(Sớ) Kim hữu nhất pháp, trực tiệp giản dị, tức vi đa thiện, đa phước, cố hiển trì danh công đức thù thắng.

()今有一法,直捷簡易,即為多善多福,故顯持名功德殊勝。

(Sớ: Nay có một pháp thẳng chóng, đơn giản, dễ dàng để đạt được nhiều thiện, nhiều phước, tỏ rõ pháp trì danh có công đức thù thắng).

 Hiện thời có một phương pháp để tu nhiều thiện căn, nhiều phước đức rất dễ dàng. Pháp dễ dàng là như thế nào? Niệm A Di Đà Phật, thiện căn và phước đức của quý vị thảy đều đầy đủ. Nếu chẳng niệm A Di Đà Phật, tu thiện căn và phước đức hết sức khó khăn, tỏ rõ công đức thù thắng chẳng thể nghĩ bàn của câu Phật hiệu. Nói thật thà, câu Phật hiệu này tuy rất dễ niệm, [chỉ là] “Nam-mô A Di Đà Phật”, có mấy ai chịu niệm? Không chịu niệm! Người thật sự chịu niệm câu Phật hiệu sẽ như kinh Vô Lượng Thọ đã nói: Nhất định là từ đời quá khứ trong vô lượng kiếp cho tới nay, thiện căn do người ấy tu tập, tích lũy nay đã chín muồi, tức là: Thiện căn và phước đức đã chín muồi, nay lại được mười phương chư Phật Như Lai âm thầm gia trì, che chở, đó là nhân duyên. Mười phương hết thảy chư Phật Như Lai gia trì, nhiều nhân duyên đấy nhé! Do trong đời quá khứ có nhiều thiện căn, nhiều phước đức, người ấy mới nghe một câu A Di Đà Phật bèn sanh tâm hoan hỷ, khăng khăng một mực thật thà niệm mãi, chẳng phải là chuyện đơn giản! Vì thế, phàm là người niệm Phật vãng sanh, tuyệt đối chẳng phải là tu trong một đời, mà là đã tu tập, tích lũy nhiều đời, nhiều kiếp, tới đời này chín muồi.

 

(Sao) Thiện căn nan thực giả, như tiền Thân Tử phát Đại Thừa tâm, nhân Bà-la-môn khất nhãn thoái thất đẳng.

()善根難植者,如前身子發大乘心,因婆羅門乞眼退失等。

(Sao: “Thiện căn khó gieo”: Như trước kia, ngài Thân Tử phát tâm Đại Thừa, do bị Bà-la-môn xin mắt mà thoái thất v.v…).

 Thân Tử là tôn giả Xá Lợi Phất, [câu chuyện của Ngài] nói rõ: Tu hành chẳng dễ dàng! Tôn giả Xá Lợi Phất thị hiện làm một vị Tăng Tiểu Thừa. Ngài nghe Đại Thừa Phật pháp bèn hết sức hâm mộ, phát tâm muốn học theo Bồ Tát, muốn hành Bồ Tát đạo. Bồ Tát đạo là “có thể bỏ điều khó bỏ”, Ngài phát tâm bằng lòng bố thí, bằng lòng thí xả. Khi ấy, người cõi trời biến hóa đến khảo nghiệm Ngài, biến thành một người mắc bệnh, bệnh tình rất đáng thương, khóc lóc trên đường. Ngài Xá Lợi Phất gặp kẻ ấy, bèn nói: “Ngươi gặp khó khăn gì? Ta hành Bồ Tát đạo, có thể giúp đỡ ngươi”. Người bệnh ấy nghe nói, rất hoan hỷ, thưa: “Nay tôi đang mắc bệnh nặng, tuy có thuốc, nhưng chẳng có thứ để dẫn thuốc”. Tôn giả hỏi: “Ngươi cần vật dẫn thuốc như thế nào?” Người ấy nói: “Phải dùng một con mắt của người đã chứng quả A La Hán để dẫn thuốc”. Tôn giả nói: “Ta đã chứng A La Hán, ta sẽ thí xả một con mắt cho ngươi”. Ngài liền móc một con mắt ra cho. Sau khi [tôn giả] móc xong, kẻ ấy nói: “Sai rồi! Ta cần con mắt trái, ông móc con mắt phải”. Ngài Xá Lợi Phất nói: “Sao ngươi không nói sớm? Ngươi nói sớm thì ta còn giữ được một con mắt, nay thì đến nỗi cả hai con mắt đều chẳng còn”. Do muốn hành Bồ Tát đạo, bất đắc dĩ, lại móc con mắt kia ra cho kẻ ấy. Bệnh nhân ngửi rồi nói: “Mùi vị rất khó ngửi, chẳng thể dùng làm đồ dẫn thuốc được, thôi đi!” Vứt đi, chẳng cần nữa! Ngài Xá Lợi Phất nghe vậy, rất tức giận: “Thôi đi! Ta vẫn hành Tiểu Thừa, chẳng hành Bồ Tát đạo”. Câu chuyện là như thế, vì bị xin mắt mà ngã lòng, vẫn là làm A La Hán hay hơn, chẳng làm Bồ Tát nữa! Chuyện này nói rõ tu tập, tích lũy thiện căn khó khăn, thật sự chẳng dễ dàng! Đây gọi là “nội tài bố thí”. Nay chúng ta vật ngoài thân còn chưa buông xuống được, còn có thể dùng nội tài bố thí được ư? Quý vị hãy nghĩ thử xem, há dễ dàng ư? Chẳng phải là chuyện đơn giản! Nói thì rất dễ nghe, xác thực là chẳng dễ gì thực hiện!

Chư vị nhất định phải biết, đức hạnh của chính mình chưa thật sự kiến lập thì phát tâm luôn luôn là chẳng chân thật. Ngỡ chính mình đã phát đại tâm, thật ra là “lộ thủy đạo tâm” (露水道心: Đạo tâm mong manh như sương sớm), gặp phải cảnh duyên [trái nghịch] bèn lui mất. Nếu còn xen tạp tiếng tăm, lợi dưỡng, sẽ chẳng phải là thiện tâm, mà là ác tâm. Đấy chẳng phải là hoằng pháp lợi sanh, mà là buôn bán Như Lai, mượn chiêu bài nhà Phật để cầu tiếng tăm, lợi dưỡng, coi Phật pháp như công cụ để cầu danh lợi, tội nghiệp hết sức to lớn, quả báo chắc chắn là trong tam đồ. Quý vị bèn hiểu: Tu hành thật sự không dễ dàng. Bởi lẽ, tu hành trong hiện tại, nói thật thà, người xuất gia chẳng bằng kẻ tại gia. Người tại gia dùng Phật pháp để đạt danh lợi còn ít, chẳng dễ dàng cho lắm! Hàng xuất gia dùng Phật pháp làm công cụ cầu danh lợi dễ dàng, cũng đông lắm! Thời cổ, người ta xuất gia bèn thật sự tu hành, họ vì liễu sanh tử, thoát tam giới. Người thời nay có quan niệm khác hẳn! Sanh tử là chuyện lớn, vô thường nhanh chóng, nếu kẻ xuất gia chẳng giữ bổn phận, còn muốn làm những thứ ngoài bổn phận, lầm lẫn đặc biệt to tát, cớ gì cứ phải xuất gia?

Học Phật phải học theo những chuyện thuộc về bổn phận trong Phật pháp. Khổng lão phu tử nói: “Quân tử vụ bổn, bổn lập nhi đạo sanh” (Người quân tử chú trọng cái gốc, sau khi gốc đã lập, đạo bèn sanh). Bổn phận của người xuất gia là tu hành, trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh, đó là căn bản của người xuất gia. Từ xưa tới nay, Phật môn chưa từng lập Phật Học Viện. Hiện thời có rất nhiều Phật Học Viện mà chẳng xuất hiện nhân tài! Xưa kia, chẳng lập Phật Học Viện, nhân tài liên tục xuất hiện! Nhân tài chẳng xuất thân từ Phật Học Viện, mà xuất hiện ra sao? Do họ ngộ được cái gốc bèn xuất hiện. Bản thân họ tu hành là “trước đoạn phiền não, sau học pháp môn”. Cổ đức bồi dưỡng nhân tài sử dụng phương thức khác với chúng ta trong hiện thời. Nhân tài do thầy chọn lựa từ học trò. Cách chỉ dạy phổ biến là dạy quý vị hãy đoạn phiền não. Nghiêm túc đoạn phiền não, đã đoạn có hiệu quả kha khá, thầy sẽ chọn kẻ ấy ra và bảo: “Ngươi có thể học pháp môn”. [Đối với kẻ] phiền não tập khí còn rất nặng, [thầy sẽ răn dạy]: “Nay ngươi còn chưa thể học. Vì sao? Chẳng phải là pháp khí!” Chẳng phải là thầy có lòng thiên vị!

Trong Phật môn thường có một tỷ dụ: Ở đây, thầy có đề-hồ, đó là một món ngon nhất được luyện từ sữa, [thầy bảo]: “Nay ta cho các con, các con phải mang đồ đến đựng”. Tôi đem bát đến đựng, trước kia bát ấy đựng thuốc độc, thầy thấy cái bát ấy chẳng sạch, chẳng cho: “Hãy rửa đi! Rửa sạch thuốc độc thì thầy mới cho con”. Vì sao? Trong bát có chất độc, đựng đề-hồ trong bát, đề-hồ liền biến thành thuốc độc. Quý vị có hiểu ý nghĩa này hay không? Ý nghĩa rất sâu! Chẳng gột sạch sẽ Tam Độc phiền não trong tâm mà quý vị học Phật pháp, Phật pháp đều biến thành độc tố. Độc tố gì vậy? Sở Tri Chướng. Trong bộ Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao, khi giảng về tựa đề kinh, Thanh Lương đại sư đã nói: “Chẳng đoạn phiền não mà tu học pháp môn, cái đạt được sẽ là tà tri tà kiến”. Cớ sao là tà tri tà kiến? Trong tâm quý vị có tham, sân, si. Tham, sân, si biến Phật pháp thành tà tri tà kiến. Sau khi dẹp trừ tham, sân, si, Phật pháp sẽ là chánh tri, chánh kiến, Phật tri, Phật kiến. Quý vị bèn hiểu đoạn phiền não có tầm mức trọng yếu dường ấy! Chẳng đoạn phiền não, chẳng có tư cách học pháp môn.

Tứ Hoằng Thệ Nguyện có thứ tự, trước hết bảo quý vị hãy phát tâm. Sau khi đã phát tâm bèn tu hành; phát tâm là phát nguyện, nguyện để hướng dẫn, giống như kẻ dẫn đường. Phát ra nguyện ấy “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, đồng tâm đồng nguyện với Phật. Nếu muốn độ chúng sanh thì thực hiện từ nơi đâu? Trước hết là phải đoạn phiền não. “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Sau khi đã đoạn phiền não rồi mới học pháp môn, sẽ chẳng sai! Người hiện thời học Phật chắc chắn là chưa đoạn phiền não, đã ngay lập tức toan học pháp môn. Càng học nhiều pháp môn, càng kiêu căng, ngã mạn, tham, sân, si tăng trưởng giống hệt [như sự tăng trưởng tri kiến về] pháp môn. Thanh Lương đại sư nói chẳng sai tí nào. Vì sao? Kẻ ấy chẳng có bản lãnh trong Phật pháp thì còn tạo nghiệp ít; đã hiểu đôi chút Phật pháp bèn tạo nghiệp to đùng. Nói cách khác, trong tương lai, người ấy đọa địa ngục cũng sâu!

Chúng ta học Phật phải lấy cổ đại đức làm gương, chớ nên nhìn theo người hiện thời. Thấy người hiện thời học như thế nào, chúng ta học theo họ, họ vào địa ngục, ta cũng theo họ đọa địa ngục. Đó là ngu si! Học theo cổ nhân sẽ chẳng sai. Thật sự phát tâm muốn tiếp nối huệ mạng của Phật, hoằng pháp lợi sanh, nhất định phải thực hiện từ đoạn phiền não, phải xa lìa phiền não (tức là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước). Đoạn càng sạch càng hay, quyết định chớ nên tăng trưởng. Những thứ này mỗi năm một ít hơn, mỗi tháng một ít hơn, tức là quý vị công phu đắc lực. Tuyệt đối chẳng phải là quý vị nghiên cứu kinh luận mỗi ngày một nhiều hơn, giảng diễn ngày càng hay hơn. Đó là giả, là gạt người, chẳng thật! “Thật” là phiền não tập khí mỗi ngày một giảm thiểu, trí huệ và đức năng ngày càng tăng trưởng. Bồ Tát có Ngũ Đức và Lục Hòa. Lục Hòa là Lục Hòa Kính, Ngũ Đức là như trong Nho gia, các môn đệ đã tán thán Khổng lão phu tử là “ôn, lương, cung, kiệm, nhượng”, đó là Ngũ Đức! [Tức là tán thán Khổng Tử có các phẩm đức] ôn hậu (溫厚: ôn hòa, đôn hậu), thiện lương, khiêm cung (謙恭: khiêm hư, cung kính), nhường nhịn, tiết kiệm, đấy là các đức của Bồ Tát. Chúng ta phải thực hiện từ chỗ này, phải nghiêm túc tu học từ chỗ này.

 

(Sao) Phước đức nan tu giả.

()福德難修者。

(Sao: Phước đức khó tu).

Thiện căn chẳng dễ dàng, khó tu. Phước đức cũng chẳng dễ dàng.

 

(Sao) Như Niết Bàn tam thập tứ kinh vân.

()如涅槃三十四經云。

(Sao: Như kinh Niết Bàn, quyển ba mươi tư có nói).

Kinh Niết Bàn, quyển ba mươi bốn…

 

(Sao) Ngũ phẩm tâm tu Thập Thiện, vị hạ, trung, thượng, thượng trung, thượng thượng, các thập thiện nhi thành ngũ thập, thỉ tu, chung tu, phương thành bách phước.

()五品心修十善 ,謂下 、中、上、上中、上上,各

十善而成五十,始修終修,方成百福。

(Sao: Cái tâm tu Thập Thiện chia thành năm phẩm, tức là hạ, trung, thượng, thượng trung, thượng thượng. Mỗi điều trong Thập Thiện [ứng hợp với năm tâm ấy] bèn thành năm mươi, [năm mươi điều ấy lại ứng với] tu lúc ban đầu và tu lúc rốt cục nên mới trở thành trăm phước).

Hiện thời Tết đến, chúng ta đều chúc kẻ khác trăm phước. Trăm phước do đâu mà có? Trăm phước phát xuất từ Phật pháp. Do đâu mà có trăm phước, kinh Niết Bàn đã nói rất rõ ràng.

 

(Sao) Tắc phước chi bất dị tu, minh hỹ.

()則福之不易修明矣。

(Sao: Rõ ràng là phước chẳng dễ tu!)

Tu phước cũng khó! Nhưng chỗ tinh yếu của phước đức là Thập Thiện, tức là quý vị đã dùng cái tâm như thế nào để tu Thập Thiện? Tâm chia thành năm bậc: Thượng thượng, thượng trung, thượng, trung, hạ. Quý vị dùng tâm loại nào để tu Thập Thiện Nghiệp Đạo? Chúng ta là tâm gì, phải hiểu điều này. Tâm thanh tịnh hoàn toàn nhằm lợi ích chúng sanh, đó là thượng thượng tâm. Theo Liễu Phàm Tứ Huấn, cư sĩ Viên Liễu Phàm cầu công danh phú quý cho chính mình, nên tu Thập Thiện, đó là hạ tâm. Vì thế, phước cũng chẳng phải là dễ tu! Thoạt đầu, cư sĩ Liễu Phàm phát tâm làm ba ngàn chuyện lành, mười năm mới làm viên mãn, quý vị thấy khó lắm! Sau khi đã viên mãn, lại phát tâm làm ba ngàn việc thiện, ba năm mới làm viên mãn. Phải có cái tâm thường hằng, phải có nghị lực, phải nghiêm túc đoạn ác tu thiện.

“Bảo Tích thập tâm” (Mười tâm theo kinh Bảo Tích): Câu này nhằm giải thích “huống phục vân đa” (huống hồ nói là “nhiều”). Thiện căn và phước đức khó tu, kinh lại còn nói là “nhiều”! Ít là không được rồi! “Lũy kiếp cù lao, mạc chi năng biện” (Nhọc nhằn trải bao kiếp, chẳng thể thực hiện). Câu này là thật, tu chẳng thành công! Trong đời này, chúng ta thấy người thật sự tiếp nhận A Di Đà Phật, niệm Phật vãng sanh, đó là do thiện căn và phước đức đã tu tập, tích lũy từ vô lượng kiếp, “lũy kiếp” hãy còn quá ít! Nhìn từ kinh Vô Lượng Thọ, kinh nói vương tử A Xà Thế và năm trăm đại trưởng giả trong đời quá khứ trụ Bồ Tát đạo, cúng dường bốn trăm ức Phật. [Cúng dường] bốn trăm ức Phật là [tu tập trong] bao nhiêu kiếp? Thiện căn như vậy, vẫn chẳng thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Thiện căn và phước đức của họ như vậy chưa đáng coi là nhiều! Vì từ kinh ấy, chúng ta đã thấy rất minh bạch: Họ nghe đức Phật giảng kinh Vô Lượng Thọ, nghe rất hoan hỷ, tâm dấy lên ý niệm “trong tương lai, ta thành Phật, sẽ giống như A Di Đà Phật”, chẳng dấy khởi ý niệm “ta quyết định cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới”. Có thể thấy là họ dấy lên ý niệm trong tương lai thành Phật thì phải giống như A Di Đà Phật, chứ đời này chẳng vãng sanh, chẳng thể vãng sanh. Điều này chứng tỏ thiện căn và phước đức của họ vẫn chưa đủ nhiều, khó quá!

Nay chúng ta nghe kinh này, có thể tiếp nhận Phật hiệu, khăng khăng một mực y theo pháp này để tu học, hết thảy đều có thể bỏ sạch, buông xuống, [tức là] thiện căn và phước đức do chúng ta tu tập và tích lũy trong quá khứ đã vượt trỗi họ quá nhiều, họ chẳng thể sánh bằng chúng ta! Từ kinh ấy, chúng ta thấy: Tôn giả A Nan thấy A Di Đà Phật, liền phát nguyện cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Từ kinh Vô Lượng Thọ ta thấy, ngài A Nan cầu vãng sanh, nhóm vương tử A Xà Thế chẳng cầu vãng sanh. Ở đây, kinh dạy: “Chẳng thể do chút thiện căn, phước đức, nhân duyên để được sanh về cõi ấy”. Đúng là chẳng dễ! Quý vị gộp chung những kinh luận ấy để xem, sẽ liễu giải chân tướng sự thật.

 

(Sao) Bảo Tích thập tâm giả. Nhất, ư chúng sanh khởi đại từ, vô tổn hại tâm. Nhị, ư chúng sanh khởi đại bi, vô bức não tâm. Tam, ư Phật pháp, bất tích thân mạng, nhạo thủ hộ tâm. Nãi chí thập, ư chư Phật, xả ly chư tướng, khởi tùy niệm tâm. Cụ thử thập tâm, vãng sanh Tịnh Độ.

()寶積十心者。一、於眾生起大慈,無損害心。二、於眾生起大悲,無逼惱心。三、於佛法不惜身命,樂守護心。乃至十,於諸佛捨離諸相,起隨念心。具此十心,往生淨土。

(Sao: “Mười tâm theo kinh Bảo Tích”: Một là dấy lòng đại từ đối với chúng sanh, chẳng có tâm tổn hại. Hai là dấy lòng đại bi đối với chúng sanh, chẳng có tâm bức não. Ba là đối với Phật pháp, chẳng tiếc thân mạng, tâm thích bảo vệ, gìn giữ. Cho đến cái tâm thứ mười là đối với chư Phật, xả lìa các tướng, khởi tâm tùy niệm. Trọn đủ mười tâm ấy, bèn vãng sanh Tịnh Độ).

Đây là những điều được nói trong kinh Đại Bảo Tích. Tuy chẳng trích lục hoàn toàn mười điều, nhưng bốn điều này cũng khá trọng yếu. Chúng ta xem chú giải:

 

(Diễn) Khởi đại từ, vô tổn hại tâm giả, vị ư pháp giới chúng sanh, dữ tự tánh chúng sanh, hàm dục dữ Vô Thượng Bồ Đề Giác pháp lạc, Vô Thượng Niết Bàn tịch tĩnh lạc, thị vô tổn hại tâm.

()起大慈無損害心者,謂於法界眾生,與自性眾生,咸欲與無上菩提覺法樂,無上涅槃寂靜樂,是無損害心。

(Diễn: “Dấy lòng đại từ, chẳng có tâm tổn hại” nghĩa là đối với chúng sanh trong pháp giới và tự tánh chúng sanh, đều muốn cho họ được hưởng pháp lạc giác ngộ nơi Vô Thượng Bồ Đề và niềm vui tịch tĩnh nơi Vô Thượng Niết Bàn. Đấy là chẳng có tâm tổn hại).

 Tiêu chuẩn này khá cao. “Pháp giới chúng sanh” là hết thảy chúng sanh. “Tự tánh chúng sanh” là nói chính mình. Nói theo cách hiện thời, sẽ là đối với người khác và đối với chính mình, nói theo kiểu này. Đối với người khác phải từ bi, đối với chính mình cũng chớ nên gây tổn thương. Kẻ ngu si hằng ngày hại chính mình. Hằng ngày hại chính mình như thế nào? Quý vị tăng trưởng vô minh là hại chính mình, tăng trưởng tà kiến là hại chính mình, tăng trưởng tham, sân, si là hại chính mình. [Nói cách khác], hằng ngày hại tự tánh chúng sanh, có lỗi với chính mình! Mỗi ngày giác ngộ, mỗi ngày ta bớt mê hoặc, điên đảo, giác ngộ nhiều hơn, đó là dấy lòng đại từ đối với tự tánh chúng sanh. Như vậy thì mới chẳng có lỗi với chính mình. Tâm chính mình mỗi ngày một thanh tịnh hơn, diệt tham lạc, lìa khổ, ban vui. Tâm chúng ta có phải là ngày càng thanh tịnh hơn hay không? Trí huệ của chúng ta có phải là ngày càng tăng trưởng hơn không? Nếu đúng là như thế, thì là dấy lòng đại từ đối với tự tánh chúng sanh, chẳng có tâm tổn hại. Trước hết là có thể độ chính mình; sau đấy, giúp đỡ người khác, tự lợi, lợi tha, lại giúp pháp giới chúng sanh lìa khổ được vui, phá mê khai ngộ. Đó là hạnh tu tập của Bồ Tát, chẳng phải là hạnh tu của phàm phu. Do vậy biết: Thiện căn khó gieo, phước đức khó tu!

 

(Diễn) Khởi đại bi vô bức não tâm giả, vị ư hữu tình thế gian cập  Ngũ Ấm thế gian,  giai dục bạt cảnh giới bức bách chi khổ,  phiền não triền phược chi khổ, thị vô bức não tâm.

()起大悲無逼惱心者,謂於有情世間及五陰世間,皆欲拔境界逼迫之苦、煩惱纏縛之苦,是無逼惱心。

(Diễn: “Dấy lòng đại bi, chẳng có tâm bức não” nghĩa là đối với hữu tình thế gian và Ngũ Ấm thế gian, đều muốn dẹp trừ nỗi khổ bị cảnh giới bức bách, nỗi khổ phiền não trói buộc. Đó là “tâm chẳng bức não”).

“Hữu tình thế gian” là pháp giới chúng sanh, “Ngũ Ấm thế gian” là tự tánh chúng sanh. Bản thân chúng ta có phiền não, vướng mắc, lo âu, pháp giới chúng sanh cũng có. Cùng một đạo lý như vậy, trước hết là phải dẹp trừ nỗi khổ của chính mình, sau đấy mới có thể giúp đỡ người khác lìa khổ được vui. Nói thật ra, [cả hai điều] đều khó, bất luận tu học pháp môn nào, đạt tới mục đích này đều chẳng dễ dàng. Kinh văn nói đến cuối cùng bèn kết quy Tịnh Độ, pháp môn này chẳng khó, ai nấy đều có thể làm được. Tuy nói là chẳng khó, cũng đừng nên nghĩ nó quá dễ dàng, chẳng khó. [Nói dễ dàng] là vì so sánh với các pháp môn khác, nó chẳng khó khăn như trong các pháp môn khác. “Không dễ dàng” tùy thuộc quý vị đã thật sự giác ngộ hay chưa! Nếu thật sự giác ngộ, sẽ dễ dàng. Thật sự giác ngộ, bèn hiểu sanh tử là chuyện lớn, vô thường nhanh chóng. Chúng ta ở trong thế gian này, cổ nhân sánh ví “thạch hỏa, điển quang” (石火電光: tia lửa xẹt ra do đá đập vào nhau, ánh sáng của tia chớp). “Điển” (電) là tia chớp. “Mạng người vô thường”, thật sự giác ngộ, mười năm hay hai mươi năm đúng là khảy ngón tay một cái đã trôi qua. Người từ lứa tuổi trung niên trở đi, nghĩ lại thuở trẻ trung, giống như mới ngày hôm qua, thời gian trôi qua quá nhanh! Từ nay về sau còn có được thời gian dài như thế hay chăng? Chẳng có. Dẫu có thời gian dài ngần ấy, cũng là sát-na đã qua, quý vị nghĩ đến đây, đáng sợ thay! Một hơi thở ra chẳng hít vào được nữa, làm thế nào đây? Những chúng sanh trong thế gian làm chuyện gì? Sanh tử luân hồi! Phật pháp nói “sanh tử bì lao” (生死疲勞: sanh tử nhọc nhằn), sanh rồi tử, tử rồi sanh, từ vô thỉ kiếp tới nay sanh sanh tử tử, luôn làm chuyện này, đúng là đáng thương, đáng xót! Thật sự giác ngộ chân tướng sự thật này, phát tâm dũng mãnh, từ nay trở đi, ta chẳng muốn luân hồi sanh tử nữa, quý vị gặp gỡ pháp môn này sẽ thấy là dễ dàng, nhất định thành tựu trong một đời này.

Người thế gian đừng nói là chưa học Phật, [ngay cả] những đồng tu đã học Phật, có thể nói đại đa số là “sống say, chết mộng!” Có mấy ai từ trong sanh tử luân hồi mà giác ngộ, thức tỉnh? Quá ít! Trong một vạn người học Phật, kẻ suốt ngày từ sáng đến tối “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”, thật sự tỉnh thức, tôi thấy có được dăm ba người là đã ghê gớm lắm rồi! Đúng là rất thưa thớt, rất ít thấy! Tuy niệm Phật, vẫn ở trong mộng, vẫn đang nằm mộng, vẫn đang mê hoặc, điên đảo, làm sao có thể thành tựu cho được? Vẫn tiếp tục ngày ngày sanh tử luân hồi chẳng ngừng! Đấy là tổn hại chính mình, tổn hại chúng sanh, chính là ngu si trong Tam Độc, hoàn toàn chẳng liễu giải chân tướng sự thật, mà cũng chẳng nhận thức Phật pháp.

 

(Diễn) Bất tích thân mạng nhạo thủ hộ giả, ước Lý, tắc bị Tu Đức nhi viên Tánh Đức. Ước Sự, tắc cầu bán kệ nhi xả toàn thân. Tự lợi, tắc như Thiện Tài bất tỵ hỏa khanh; lợi tha, tắc như Bất Khinh cam thọ đả trịch.

()不惜身命樂守護者,約理則備修德而圓性德,約事則求半偈而捨全身,自利則如善財不避火坑,利他則如不輕甘受打擲。

(Diễn: “Chẳng tiếc thân mạng, thích bảo vệ, gìn giữ”: Xét theo Lý, sẽ là đầy đủ Tu Đức bèn viên mãn Tánh Đức. Xét theo Sự, sẽ là vì cầu nửa bài kệ mà xả toàn thân. Tự lợi thì như Thiện Tài chẳng tránh hố lửa, lợi tha thì như Thường Bất Khinh cam chịu bị đánh đập).

Thật sự nhận thức Phật pháp, thật sự hiểu rõ Phật pháp thì người ấy mới chịu phát tâm hộ trì, hộ pháp chẳng tiếc thân mạng. Vì sao người ấy làm như vậy? Hiểu Phật pháp thật sự quý báu, không chỉ là độ chính mình, mà có thể độ hết thảy chúng sanh. Trên thế gian hiện thời, chúng ta nói sự nghiệp gì có giá trị nhất? Hộ trì Phật pháp có giá trị nhất. Đấy là công đức và lợi ích chân thật, những thứ khác đều là giả, chết rồi sẽ chẳng mang theo được. “Vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân” (Muôn thứ chẳng mang được, chỉ có nghiệp theo thân), công đức hộ trì Phật pháp có thể đem theo được. Vì thế, nó là chuyện có giá trị nhất, có ý nghĩa nhất.

Nói theo lý luận, “bị Tu Đức nhi viên Tánh Đức” (đầy đủ Tu Đức bèn viên mãn Tánh Đức), đây là thật sự hộ pháp. Nói cách khác, chúng ta nói theo niệm Phật thì niệm đến nhất tâm bất loạn mới là “hộ pháp”. Niệm đạt đến Lý nhất tâm, sẽ minh tâm kiến tánh. Chẳng có công phu cao như thế, niệm Phật đạt đến Sự nhất tâm, hoặc niệm đến mức công phu thành phiến, sẽ quyết định vãng sanh Tịnh Độ, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, hạ hạ phẩm vãng sanh cũng là thật sự hộ trì Phật pháp. Phật pháp ở đây là Phật pháp của chính mình, Phật pháp của chính mình cũng là Phật pháp của pháp giới chúng sanh. Quý vị vãng sanh thành Phật, sau khi thành Phật, tất nhiên sẽ phổ độ chúng sanh. Do đó, chính mình đã thành tựu, nhất định là có thể thành tựu người khác. Đó là từ Tu Đức mà viên mãn Tánh Đức; đấy là hộ pháp.

Nói theo sự tướng, “tắc cầu bán kệ nhi xả toàn thân” (vì cầu nửa bài kệ mà bỏ toàn thân). Đây là chuyện xảy ra khi Thích Ca Mâu Ni Phật còn đang tu nhân. Thời Ngài cầu học, Phật pháp khó được nghe, rất khó khăn! Đế Thích Thiên (tức chúa trời Đao Lợi) biến hóa thành một La Sát đến thử thách Ngài. Thấy người tu hành bèn đến khảo nghiệm, bảo: “Ta là quỷ La Sát, bụng rất đói. Ta có Phật pháp, nhưng ta phải ăn no trước đã rồi mới nói cho ngươi được”. Ngài hỏi: “Ông ăn gì vậy?” Quỷ đáp: “Ta ăn thịt người”. Tiên nhân nói: “Chỉ cần ông chịu thuyết pháp cho tôi, tôi bằng lòng đem thân thể này cúng dường ông”. La Sát nói cho Ngài bốn câu kệ, nói thật ra, đối với bốn câu kệ, quỷ chỉ nói hai câu[1], Ngài có thể chẳng tiếc thân mạng cầu pháp. Đó là nói theo Sự, thật sự hành Bồ Tát đạo!

Nay chúng ta cầu pháp, nói thật ra, có được Phật pháp dễ dàng hơn thuở ấy nhiều lắm; hiện thời, kỹ thuật ấn loát phát triển, có được kinh điển chẳng khó khăn chút nào. Vì có được quá dễ dàng, đâm ra đánh mất tấm lòng cung kính và tôn trọng. Hiện thời tại Đài Loan, Đại Tạng Kinh bị tùy tiện bỏ lăn, bỏ lóc, chẳng có ai quý trọng. Trái lại, ở Đại Lục [tình hình] khác hẳn! Ở Đại Lục, kinh điển hết sức khó có. Chúng tôi đưa [Đại Tạng Kinh] sang Đại Lục, người đến nghênh tiếp đều quỳ mọp dưới đất, mỗi người đầu đội một cuốn, đảnh đới (頂戴: đội trên đầu), cung kính dường ấy. Chúng ta thấy vậy, trong tâm có cảm tưởng gì? Chúng ta tùy tiện bỏ lăn, bỏ lóc. Họ hết sức khó có được, cho nên có lòng cung kính, tôn trọng như vậy, chính là có phước! Bất luận họ có cơ hội đọc hay không, tâm cung kính ấy chính là gieo phước. Xưa kia, có được kinh luận chẳng dễ dàng, tâm thái cung kính và tôn trọng [của cổ nhân] khác hẳn tâm thái của chúng ta trong hiện thời.

“Tự lợi, tắc như Thiện Tài bất tỵ hỏa khanh” (Tự lợi thì như Thiện Tài chẳng tránh hầm lửa): Thiện Tài tới tham phỏng Bà-la-môn Thắng Nhiệt. [Bà-la-môn bảo]: “Ngươi muốn cầu pháp, hãy nhảy vào hầm lửa”. Thiện Tài đồng tử vì cầu pháp, đành phải nghe lời, nhảy xuống hầm lửa. Kết quả là hầm lửa ấy rất mát mẻ, rất tự tại, Ngài trọn chẳng bị thương tổn. Chư vị đọc kinh Hoa Nghiêm có thể thấy chuyện này.

“Lợi tha, tắc như Thường Bất Khinh Bồ Tát” (Lợi lạc người khác thì như Thường Bất Khinh Bồ Tát). Kinh Pháp Hoa có nói: Thường Bất Khinh Bồ Tát thấy bất cứ ai cũng đều đảnh lễ, vái lạy, chẳng dám coi thường bất cứ chúng sanh nào! Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật, chẳng dám khinh mạn một người nào.

Đây là nói đối với Phật pháp, chẳng tiếc thân mạng để thủ hộ, nêu lên mấy trường hợp đều là nói đến người thuở trước. Nay chúng ta phải biết thủ hộ như thế nào? Đối với ý nghĩa chân thật trong [từ ngữ] “thủ hộ” (守護), nghĩa thứ nhất là “y giáo tu hành”, bắt đầu làm từ chỗ này, sau đấy cùng nhau tu học: Tu học Phật pháp, hoằng dương Phật pháp, lợi ích chúng sanh, đó là “thủ hộ”. Đồng tu tại gia có trách nhiệm này, các đồng tu xuất gia lại còn phải gánh vác cái được gọi là “gia nghiệp của Như Lai”. Sự nghiệp của Phật là gì? Là hoằng pháp lợi sanh. Vì thế, đạo tràng danh phù hợp sự thật, đạo tràng ấy có đạo! Đạo gì vậy? Đạo thành Phật. Đạo tràng ấy xác thực có “đạo thành Phật”, mới đáng gọi là đạo tràng. Nay chúng ta có tràng mà chẳng có đạo. Không chỉ là nói hộ pháp [chẳng được], mà ngay cả pháp, pháp cũng chẳng có! Chẳng có pháp, hộ gì đây? Cũng chẳng thể nói đến chuyện hộ được. Điều này đáng để cho chúng ta phản tỉnh sâu xa!

Đạo chẳng ở trong kinh điển, đạo ở trong tâm tánh, trong hành vi sinh hoạt, đạo ở nơi ấy. Đạo là xử sự, đãi người, tiếp vật trong cuộc sống hằng ngày, thường nói là “người có thể hoằng đạo, chẳng phải là đạo có thể hoằng người”. Chữ Đạo trong câu trên đây là nói tới kinh điển, phải nương vào lý luận, giáo huấn và cảnh giới trong kinh điển để thực hiện. Có như vậy thì mới có thể hoằng dương rạng rỡ Phật pháp, lợi ích chúng sanh. Nay chúng ta in rất nhiều kinh, đem kinh điển tặng cho kẻ khác, người ta đọc cũng không hiểu, dẫu đọc mấy lượt cảm thấy [kinh điển] hay quá, họ cũng chẳng thể làm, vậy thì có tác dụng gì? Do đó, chúng ta in rất nhiều kinh điển, đưa đến khắp nơi trên thế giới, tôi lại còn phải tới những nơi đó biểu diễn, còn phải giảng giải. Chẳng giảng giải, họ sẽ không hiểu.

Dịp Tết âm lịch này, ngày mồng Bảy, tôi phải sang Tân Gia Ba để giảng A Di Đà Kinh Yếu Giải. Không giảng cho họ, họ chẳng hiểu, chẳng biết tu như thế nào! Đi khắp nơi giảng giải, khiến cho các kinh điển đã gởi đi có thể dấy lên đôi chút tác dụng. Vì vậy, các đồng tu phải phát tâm, nhất là những người trẻ tuổi, phải nghiêm túc, phải nỗ lực sốt sắng tu hành, thành tựu đức hạnh, sau đó là thành tựu học vấn của chính mình. Đấy mới là “nhạo thủ hộ tâm”. Vì pháp quên mình, chẳng tiếc thân mạng, nỗi khổ nào cũng đều bằng lòng hứng chịu, đấy mới là tự lợi lợi tha thật sự. Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng tôi giảng tới chỗ này.

 

Tập 218

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm ba mươi hai.

 

(Sao) Bảo Tích thập tâm giả. Nhất, ư chúng sanh khởi đại từ, vô tổn hại tâm. Nhị, ư chúng sanh khởi đại bi, vô bức não tâm. Tam, ư Phật pháp bất tích thân mạng, nhạo thủ hộ tâm.

()寶積十心者。一、於眾生起大慈,無損害心。二、於眾生起大悲,無逼惱心。三、於佛法不惜身命,樂守護心。

(Sao: “Mười tâm theo kinh Bảo Tích”: Một là dấy lòng đại từ đối với chúng sanh, chẳng có tâm tổn hại. Hai là dấy lòng đại bi đối với chúng sanh, chẳng có tâm bức não. Ba là đối với Phật pháp, chẳng tiếc thân mạng, tâm thích bảo vệ, gìn giữ).

Từ đoạn này trở đi của sách Sớ Sao Diễn Nghĩa, [chúng ta] tiến nhập một bộ phận trọng yếu nhất trong toàn bộ bản kinh, chúng ta tu hành gần như dựa theo một đoạn lớn này. Phần sau của đoạn lớn này sẽ giảng về nhất tâm bất loạn. Đoạn chú giải này của Liên Trì đại sư chiếm hết một phần bảy toàn bộ Sớ Sao, nên nó là một bộ phận hết sức trọng yếu. “Bảo Tích thập tâm” [là mười loại tâm] được nói trong kinh Đại Bảo Tích.

 

(Diễn) Khởi đại từ vô tổn hại tâm giả, vị ư pháp giới chúng sanh, dữ tự tánh chúng sanh, hàm dục dữ Vô Thượng Bồ Đề Giác pháp lạc, Vô Thượng Niết Bàn tịch tĩnh lạc, thị vô tổn hại tâm.

()起大慈無損害心者,謂於法界眾生,與自性眾生,咸欲與無上菩提覺法樂,無上涅槃寂靜樂,是無損害心。

(Diễn: “Dấy lòng đại từ, chẳng có tâm tổn hại” nghĩa là đối với chúng sanh trong pháp giới và tự tánh chúng sanh, đều muốn cho họ được hưởng pháp lạc giác ngộ nơi Vô Thượng Bồ Đề, niềm vui tịch tĩnh nơi Vô Thượng Niết Bàn. Đấy là chẳng có tâm tổn hại).

Xem từ lời chú giải, [sẽ thấy] tiêu chuẩn “đại từ vô tổn hại” là tiêu chuẩn tuyệt đối, chẳng phải là tiêu chuẩn thông thường. “Pháp giới chúng sanh” là nói tới người khác, “tự tánh chúng sanh” là nói tới chính mình. Nói cách khác, đối với chính mình và đối với người khác đều phải có Từ tâm, đều chớ nên tổn hại. Có lẽ chúng ta nghe nói như vậy bèn cảm thấy lạ lùng, người ta còn có thể tự hại chính mình ư? Há có kẻ nào ngu si dường ấy? Nói thật ra, kẻ tự hại chính mình quá đông, không chừng chính quý vị là một kẻ trong số đó. Do vậy, sau đó, Ngài đề ra một tiêu chuẩn tuyệt đối: Nếu chính quý vị là mê, chẳng giác, há chẳng phải là hại chính mình ư? Bản thân quý vị vẫn còn là phàm phu sanh tử trong lục đạo, tức là chính quý vị hại mình. Đại Niết Bàn bất sanh, bất diệt, [thế mà] chúng ta vẫn luân hồi trong lục đạo, tức là tự hại chính mình. Từ vô thỉ kiếp tới nay, đời đời kiếp kiếp chính mình tạo nghiệp chịu báo, há chẳng phải là tự hại chính mình ư? Ai chẳng hại chính mình? Thưa cùng quý vị, từ A La Hán trở lên, đã thật sự giác ngộ, sẽ chẳng hại chính mình. Lục đạo phàm phu và Quyền Giáo Bồ Tát quá nửa là hại người, hại mình, ai biết chân tướng sự thật này?

Nay chúng ta muốn đạt tới mục tiêu như vậy, hãy dùng Từ tâm giúp đỡ hết thảy chúng sanh, phải làm cho chúng sanh đắc Vô Thượng Bồ Đề, phải khiến cho chúng sanh vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, bất thoái thành Phật, chúng ta có thể làm được hay không? Nói thật thà, đối với chuyện này, Đẳng Giác Bồ Tát còn cảm thấy khó khăn, [vậy thì] chúng ta có thể làm được hay không? Thật ra, xác thực là chúng ta có thể làm được. Dùng phương pháp gì để thực hiện? Niệm một câu Di Đà đến cùng, chính mình có thể thật thà niệm Phật. Giáo huấn ở trong kinh điển. Vì vậy, tôi đặc biệt nhắc nhở các đồng tu, bắt đầu chỗ này, liên tiếp cho đến phần sau, nói chung là cả một đoạn kinh văn khá dài này, từng câu, từng chữ đều đáng cho chúng ta học tập. Tiêu chuẩn để bản thân chúng ta tu hành là: Dùng phương pháp Niệm Phật để cứu chính mình, dùng phương pháp Niệm Phật để cứu độ hết thảy chúng sanh. Vì lẽ đó, mười phương hết thảy chư Phật, chẳng có vị nào không tán thán, không tuyên dương pháp môn này. Đạo lý ở ngay chỗ này. Đấy mới là thật sự đại từ, thật sự chẳng tổn hại. Người thật thà niệm Phật thì mới có thể thành tựu. Nếu vừa niệm Phật, vừa dấy vọng tưởng; nói cách khác, vẫn chẳng tránh khỏi “tự hại, hại người!” Có rất nhiều đồng học than thở: “Niệm Phật công phu chẳng đắc lực”. [Đó là] chẳng khéo niệm Phật! Vì sao chẳng khéo niệm Phật? Có nguyên nhân cả đấy!

Điều thứ hai là “ư chúng sanh khởi đại bi” (dấy lòng đại bi đối với chúng sanh), Từ là ban vui, Bi là dẹp khổ.

 

(Diễn) Khởi đại bi vô bức não tâm giả, vị ư hữu tình thế gian cập Ngũ Ấm thế gian.

()起大悲無逼惱心者,謂於有情世間及五陰世間。

(Diễn: “Dấy lòng đại bi, chẳng có tâm bức não” nghĩa là đối với hữu tình thế gian và Ngũ Ấm thế gian…).

“Hữu tình thế gian” là nói tới người khác. “Ngũ Ấm thế gian” là nói về chính mình, nói theo phía chính mình. “Ngũ Ấm thế gian” là tự tánh chúng sanh, “hữu tình thế gian” là pháp giới chúng sanh.

 

(Diễn) Giai dục bạt cảnh giới bức bách chi khổ, phiền não triền phược chi khổ, thị vô bức não tâm.

()皆欲拔境界逼迫之苦、煩惱纏縛之苦,是無逼惱心。

(Diễn: Đều muốn dẹp trừ nỗi khổ bị cảnh giới bức bách, nỗi khổ phiền não trói buộc. Đó là tâm chẳng bức não).

Câu này là nguyện thứ hai, tức là “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn” trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Chúng ta biết chính mình có phiền não, có nghiệp chướng, có tập khí, vì sao chẳng chịu dẹp trừ? Chẳng chịu dẹp trừ chính là thiếu bi tâm. Phật pháp, chúng ta nói quy nạp lại, sẽ chẳng ngoài “thanh tịnh, bình đẳng, từ bi”, ba câu ấy bao gồm trọn hết toàn thể Phật pháp. Chúng ta chẳng từ bi, không chỉ là thiếu từ bi đối với pháp giới chúng sanh, mà đối với chính mình cũng chẳng có từ bi. Nếu mọi người hỏi phải đối xử với chính mình như thế nào thì mới là từ bi? Vẫn là một câu cũ mèm: “Thật thà niệm Phật”. Quý vị có thể thật thà niệm Phật thì là từ bi đối với chính mình, từ bi đối với hết thảy chúng sanh trong pháp giới, công đức niệm Phật chẳng thể nghĩ bàn! Niệm Phật nhất định phải niệm đến mức “thanh tịnh, bình đẳng, giác”. Mục đích của niệm Phật là ở chỗ nào? Niệm đến mức cái tâm của chính mình thanh tịnh, bình đẳng, tự nhiên sẽ là “giác chứ không mê”. Nếu nói theo Tam Vô Lậu Học thì thanh tịnh là Giới, bình đẳng là Định, giác là Huệ. Tam Vô Lậu Học Giới, Định, Huệ, câu Phật hiệu là phương tiện, niệm nào cũng đều tương ứng với Tam Học. Niệm Phật như vậy, công phu mới có thể đắc lực. Niệm Phật như vậy, từng tiếng Phật hiệu trọn đủ “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, tự nhiên là đại từ đại bi.

Người chẳng chịu tự độ, còn có thể độ kẻ khác ư? Chẳng từ bi đối với chính mình, làm sao có thể từ bi đối với người khác cho được? Chẳng có lẽ ấy! Nay nói [kẻ chẳng chịu tự độ] là “hại người” thì chẳng có gì đáng để ngạc nhiên hết cả. Vì sao? Kẻ ấy đã hại chính mình, làm sao không thể hại người khác? Đồng tu học Phật nhất định phải hiểu minh bạch, rõ ràng chân tướng sự thật của bản thân và hoàn cảnh. Học Phật là đối trị, sửa đổi cách nghĩ, cách nhìn và cách làm sai lầm, đó gọi là tu hành. Trước kia, chẳng từ bi đối với chính mình, từ nay khởi tâm từ bi đối với chính mình. Trong quá khứ đã thiếu từ bi đối với người khác, từ nay trở đi, phải từ bi đối với kẻ khác. Nghiêm túc niệm Phật, nhất tâm nhất ý niệm Phật, thật thà niệm Phật, thảy đều làm được.

Nói thật ra, trong đoạn này, đại sư đã nêu lên khá nhiều kinh luận. Ở đây là nói đến các thứ pháp môn thuộc về hạnh nguyện Bồ Tát, một câu A Di Đà Phật đã bao gồm toàn bộ. Quả thật là chẳng thể nghĩ bàn. Quý vị mới biết công đức thù thắng của danh hiệu này. Điều thứ ba:

 

(Diễn) Bất tích thân mạng, nhạo thủ hộ giả.

()不惜身命樂守護者。

(Diễn: Chẳng tiếc thân mạng, thích bảo vệ, gìn giữ).

 Chúng ta nói tới chuyện hộ pháp, nói thật ra, trước hết phải hộ trì pháp chính mình, sau đó mới có thể hộ trì pháp của chư Phật, mới có thể hộ trì pháp của chúng sanh trong pháp giới. Trong ấy có sự luận định dựa theo Lý hay theo Sự.

 

(Diễn) Ước Lý tắc bị Tu Đức nhi viên Tánh Đức.

()約理則備修德而圓性德。

(Diễn: Xét theo Lý thì trọn đủ Tu Đức để viên mãn Tánh Đức).

Đây là nói theo Lý, “Bị” (備) là đầy đủ. Lục Tổ đại sư nói: “Nào ngờ tự tánh vốn trọn đủ”. “Vốn trọn đủ” là Tánh Đức; chẳng có Tu Đức thì Tánh Đức chẳng thể hiện tiền.

Ví như trong tựa đề của Đại Kinh, Vô Lượng Thọ là Tánh Đức, là điều chúng ta mong cầu, chúng ta hy vọng đạt được. Tánh Đức là vô lượng vô biên. Trong vô lượng vô biên Tánh Đức, Vô Lượng Thọ là chủ yếu, [bởi lẽ], chẳng có thọ mạng, những thứ khác đều như không! Vì thế, thọ mạng là phẩm đức bậc nhất. Ngoại giáo nói vô lượng thọ là “sống đời đời”. “Sống đời đời” của họ là giả, [sống đời đời của] chúng ta là thật.

Trang Nghiêm: Trang Nghiêm là Tánh Đức khởi tác dụng. Nay chúng ta nói Trang Nghiêm là tốt đẹp đến tột bậc, chẳng tìm được mảy may khiếm khuyết nào. Trong mười phương cõi Phật, chẳng có các thứ trang nghiêm như trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Cõi nước của bất cứ vị Phật nào cũng đều còn có những chỗ khuyết hãm, chỉ riêng Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng bị khuyết hãm; [đó là] Trang Nghiêm.

“Thanh tịnh, bình đẳng, giác” thuộc về Tu Đức, chúng ta tu gì? Tu tâm thanh tịnh, tu tâm bình đẳng, đó là Tu Đức. Hằng ngày niệm một câu Phật hiệu, tuyệt đối chẳng phải là niệm cho A Di Đà Phật nghe! Ngàn muôn phần đừng nghĩ “ta nay niệm ba vạn câu hoặc năm vạn câu, nhất định A Di Đà Phật sẽ rất hoan hỷ”, [nghĩ như vậy là] sai bét mất rồi! Vừa niệm Phật, vừa nghĩ “Phật ưa thích ta, Phật chẳng ưa kẻ nọ!” Vừa niệm Phật vừa dấy vọng tưởng, làm sao có thể thành tựu cho được? Do đó, câu Phật hiệu phải khôi phục tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng của chính mình. Phật hiệu chỉ là phương tiện mà thôi, phải nghiêm túc niệm. Nói “nghiêm túc” tức là quyết định chẳng hoài nghi, chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp. Niệm Phật hay niệm kinh đều phải căn cứ trên nguyên tắc này, đó mới là “đầy đủ Tu Đức để viên mãn Tánh Đức”. Tánh Đức là giác, nhà Thiền gọi giác là “đại triệt đại ngộ”. Tâm địa thanh tịnh, bình đẳng, sẽ triệt ngộ. Đã đại triệt đại ngộ, vô lượng trí huệ và vô lượng đức năng thảy đều hiện tiền. Đó là nói theo Lý.

Xét theo Sự thì thực hiện từ chỗ nào? Nay ta đã biết phải tu thanh tịnh, bình đẳng, giác, nhưng thực hiện từ chỗ nào?

 

(Diễn) Ước Sự tắc cầu bán kệ nhi xả toàn thân.

()約事則求半偈而捨全身。

(Diễn: Xét theo Sự thì do cầu nửa bài kệ mà bỏ toàn thân).

Ở đây, đại sư nêu tỷ dụ để nói với chúng ta, giống như tinh thần của những vị Bồ Tát đã xả thân vì pháp trong quá khứ, hy sinh thân mạng chẳng tiếc nuối. Phật pháp là trọng yếu, Pháp Thân huệ mạng chắc chắn là quan trọng hơn thân mạng; người hiện thời biết sự thật này chẳng nhiều! Mất đi Pháp Thân huệ mạng, không chỉ là chính mình khổ sở, mà chúng sanh cũng khổ. Vì sao chúng sanh khổ? Chúng sanh nhất định là càng mê càng sâu hơn, do mê hoặc bèn tạo nghiệp, do tạo nghiệp bèn hứng chịu quả báo. Càng mê sâu hơn, tạo nghiệp càng nặng, quả báo ngày càng tàn khốc! Pháp Thân huệ mạng trọng yếu dường ấy!

Nói theo sự tướng, Pháp Thân huệ mạng của đức Thế Tôn chính là Tam Tạng kinh điển. Ở Trung Hoa vào thời cổ, các vị cao tăng sang Ấn Độ chẳng tiếc thân mạng để thỉnh kinh, cầu pháp. Thuở ấy, giao thông chẳng thuận tiện. Từ Trung Hoa sang Ấn Độ đi đường bộ phải mất ba năm, trên đường đi phải vượt qua sa mạc Đại Qua Bích (Gobi)[2]. Đối với sách vở thế gian thì Tứ Khố Toàn Thư là Pháp Thân huệ mạng, phải nghiêm túc cầu pháp. Tứ Khố Toàn Thư có phân lượng bằng mười lăm bộ Đại Tạng Kinh. Chúng ta phát tâm nối tiếp huệ mạng của Phật, hoằng pháp lợi sanh thì phải đọc những sách ấy. Mênh mông như khói trên biển cả, thực hiện từ chỗ nào? Có phương pháp, phương pháp ở chỗ nào? Chính là thanh tịnh, bình đẳng, giác. Học Phật thì học khởi đầu từ đâu? Học khởi đầu từ cái tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. Tâm địa thật sự thanh tịnh, bình đẳng, chỉ cần đọc lướt những sách ấy liền thông đạt ngay lập tức. Một quyển kinh thư, xem mấy dòng đầu, mấy dòng sau chẳng cần phải xem nữa, đều biết, còn có bản lãnh này. Quý vị đọc Lục Tổ Đàn Kinh, [sẽ thấy] Lục Tổ chưa hề đọc kinh Pháp Hoa. Thiền sư Pháp Đạt thỉnh giáo Tổ, Ngài nói: “Ông hãy niệm kinh cho ta nghe”. Pháp Đạt là người đã niệm ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa. Kinh Pháp Hoa gồm hai mươi tám phẩm, Sư chỉ đọc đến phẩm thứ hai là phẩm Phương Tiện, Lục Tổ đã nói: “Được rồi! Chẳng cần niệm nữa, ta biết cả rồi”. Lục Tổ có năng lực ấy. Khi chư vị thật sự đạt đến thanh tịnh, bình đẳng, trí huệ mở mang, quý vị mỗi ngày xem một quyển trong Đại Tạng Kinh chắc chắn là chẳng có vấn đề gì. Thông đạt toàn bộ! Toàn bộ Đại Tạng Kinh sẽ xem xong trong vòng một trăm ngày, tốt nghiệp! Đâu phải tốn phí tinh thần to tát như vậy! Một bộ Tứ Khố Toàn Thư, tuy gồm một ngàn năm trăm tập, mỗi ngày xem năm sáu tập, chưa đầy một năm đã xem xong xuôi!

Nay chúng ta mê mà bất giác, cho nên gặp khó khăn. Đức Phật nói hết thảy các kinh, chắc chắn là chúng sanh trong cõi Nam Diêm Phù Đề có năng lực thọ trì. Chẳng có năng lực thọ trì, chắc chắn là đức Phật sẽ chẳng nói. Đức Phật thuyết pháp thí giáo ứng theo căn cơ. Nói cách khác, chúng ta nhất định phải khôi phục căn tánh của chính mình, phải tuân theo nguyên tắc tu học do đức Phật đã chỉ dạy. Nguyên tắc ấy chính là Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Điều thứ nhất là phải phát tâm, ở đây là “Bảo Tích thập tâm”, [cũng như] “Hoa Nghiêm thập nguyện” trong phần sau đều dạy chúng ta phát tâm. Sau khi đã phát tâm, sẽ thực hiện từ chỗ nào? “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, trước là đoạn phiền não. Đoạn hết phiền não rồi mới học pháp môn. Thật sự học pháp môn là khi nào? Bắt đầu từ địa vị Sơ Trụ của Viên Giáo. Trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử đã nêu gương cho chúng ta. Ngài ở chỗ Văn Thù Bồ Tát, Văn Thù là thầy Ngài. Trong hội Văn Thù, Ngài tu “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Đoạn hết phiền não, khai trí huệ rồi mới đi tham học. Tham học, tức năm mươi ba lần tham học, chính là “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Chính mình đã đích thân chứng đắc Sơ Trụ trong Viên Giáo. Nói cách khác, Kiến Tư phiền não đã đoạn hết, tâm thanh tịnh. Đoạn hết Trần Sa phiền não, tâm bình đẳng, phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, đã giác rồi thì mới có tư cách “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Quý vị chẳng thực hiện hoàn tất công phu phía trước, bắt đầu bằng học ngay vào pháp môn, chẳng có lẽ ấy! Thanh Lương đại sư nói: “Có giải, thiếu hành, tăng trưởng tà kiến”. Những thứ quý vị đã học chính là tà tri tà kiến, chẳng phải là trí huệ, lấy đâu ra Phật pháp! Coi tà tri tà kiến như Phật pháp, quý vị nói xem có hỏng bét hay là không? Đó là chính mình hại chính mình, lại còn hại chúng sanh, hằng ngày đều tạo nghiệp, cứ ngỡ chính mình có vô lượng công đức, chẳng phải là điên đảo hay sao? Do vậy, các đồng học chớ nên không biết, chớ nên không dụng công, dụng công gì vậy? Đoạn phiền não, sửa trừ tập khí, phải đổ công dốc sức ở chỗ này, thật thà niệm Phật. Đó là nói về chuyện “xả thân cầu pháp”. Tiếp theo đây lại nói theo phương diện tự lợi lợi tha.

 

(Diễn) Tự lợi tắc như Thiện Tài bất tỵ hỏa khanh.

()自利則如善財不避火坑。

(Diễn: Tự lợi thì như Thiện Tài chẳng tránh né hầm lửa).

 Thiện Tài đồng tử tham phỏng bà-la-môn Thắng Nhiệt. Bà-la-môn Thắng Nhiệt bảo Ngài nhảy vào hầm lửa, [giống như vào] hầm lửa, [lên] núi đao. [Thắng Nhiệt] bảo Thiện Tài: “Ngươi muốn hướng về ta cầu pháp ư? Hãy nhảy vào hầm lửa!” Thiện Tài suy nghĩ rồi vẫn nhảy, vì cầu pháp mà! Nào ngờ, sau khi đã nhảy xuống đó, toàn thân mát mẻ, tự tại. Thấy là một vùng biển lửa, nhảy xuống đó bèn mát mẻ, tự tại. Ngài thật sự đạt được pháp ích (lợi ích nơi pháp). Nếu chúng ta nhảy xuống hầm lửa đó, chắc chắn sẽ bị thiêu chết. Vì sao Ngài nhảy vào hầm lửa mà mát mẻ? Trong tâm Ngài chẳng có ý niệm sân hận, ganh tỵ, nên lửa chẳng thể đốt được! Đối với chuyện này, chư vị niệm phẩm Phổ Môn cho nhiều sẽ biết: Vì sao lửa bên ngoài có thể đốt chúng ta? Chúng ta có những thứ lửa từ tâm sân khuể, tâm ganh tỵ, lửa bên ngoài dẫn khởi lửa bên trong bùng cháy. Chuyện này phiền toái to lớn. Bên ngoài có, nhưng bên trong chẳng có, sẽ chẳng thiêu được, chắc chắn là an toàn. Đây là nêu một thí dụ về chuyện bỏ thân cầu pháp.

 

(Diễn) Lợi tha tắc như Bất Khinh cam thọ đả trịch.

()利他則如不輕甘受打擲。

(Diễn: Lợi tha thì như ngài Thường Bất Khinh cam chịu bị đánh đập).

 Bất Khinh chính là Thường Bất Khinh Bồ Tát. Khi Bồ Tát hành Bồ Tát đạo, tu Phổ Hiền hạnh, tâm lượng Phổ Hiền hạnh rộng lớn khôn sánh, đối với bất cứ chúng sanh nào trong pháp giới đều giữ tấm lòng cung kính, quyết định chẳng ngạo mạn. Thường Bất Khinh Bồ Tát đối với bất cứ ai cũng đều đảnh lễ, đều khen ngợi, đoạn sạch sành sanh thói kiêu căng ngã mạn từ vô thỉ kiếp tới nay. Thường Bất Khinh Bồ Tát thường bị đánh đập, Ngài có tâm oán hận hay không? Mảy may tâm oán hận cũng chẳng có. Người hiện thời chẳng chịu nổi, hễ có đôi chút thái độ nào không đúng cho lắm bèn ngã lòng, người như vậy làm sao có thể thành công cho được? Chẳng thể nhẫn! Trong nguyên tắc tu hành của Bồ Tát có Nhẫn Nhục Ba La Mật. Kinh Kim Cang dạy: “Nhất thiết pháp đắc thành ư Nhẫn” (Hết thảy các pháp do Nhẫn mà thành tựu). Quý vị chẳng thể nhẫn, há còn có thành tựu chi nữa? Chúng ta đọc Thiền Lâm Bảo Huấn, xem gương của cổ nhân, [hễ thấy] trong một đạo tràng nào thật sự có pháp, bèn cam tâm chịu đựng hết thảy nhục mạ, khinh thường, ta cũng nhất quyết chẳng bỏ đi, ta đến đây để học pháp! Có như vậy thì mới có thể thành tựu.

Trong Thiền Lâm Bảo Huấn có chuyện một vị lão hòa thượng nhìn trúng một người học trò. Người học trò ấy là pháp khí, nhưng phải rèn luyện người ấy, xem thử người ấy rốt cuộc có đúng [là pháp khí] hay không? Đối trước công chúng, Sư chưa hề lộ vẻ mặt tử tế với người ấy, luôn kiếm chuyện gây khó dễ, muốn tống cổ người ấy đi. Đại chúng và đồng học thấy sư phụ chẳng có ấn tượng tốt đối với người ấy, nên họ cũng lăng nhục, khinh nhờn người ấy gấp bội. Người ấy đều chịu đựng được. Có lần, lão hòa thượng đem nước rửa chân hắt lên thân người ấy, tạt lên đầu, người ấy vẫn có thể chịu đựng, vẫn chẳng bỏ đi. Chẳng bỏ đi thì lão hòa thượng chẳng khách sáo nữa, dời đơn[3], đuổi người ấy đi. Đơn đã bị dời thì chẳng thể không đi, đi đến nơi đâu? Bỏ ra ngoài cửa. Lão hòa thượng giảng kinh, thuyết pháp, người ấy núp ngoài cửa sổ nghe, vẫn chẳng đi. Lão hòa thượng có biết hay không? Biết chứ! Biết người ấy có thành tựu. Có một ngày, lão hòa thượng muốn truyền pháp, mọi người đều chẳng biết lão hòa thượng sẽ truyền cho ai. Lão hòa thượng nói: “Kẻ ở ngoài cửa còn chưa đi, hãy tìm nó đến đây!” Nguyên lai là truyền cho người ấy! Mới biết lão hòa thượng dụng tâm, thành tựu Nhẫn Nhục Ba La Mật cho người ấy. Sau khi đã có Nhẫn thì mới có Định, có Định rồi mới có Huệ, đấy mới là pháp khí thật sự, là vật báu của đất nước. Gây đôi chút khó chịu, bèn bỏ đi, [người như vậy] chẳng thể thành tài, giữ kẻ ấy lại sẽ vô dụng! Đúng như vậy đó, người như vậy thêm hay bớt một kẻ cũng chẳng sao cả!

Tông Thiên Thai nói: “Nói được, chẳng làm được, chính là bậc quốc sư”. Có thể làm bậc thầy của đất nước, chỉ dạy mọi người. Những gì người ấy nói chính là Chánh Pháp, kiến giải chẳng sai, người ấy chẳng làm được [những gì đã nói] lại là chuyện khác nữa. Người ấy nói chẳng sai, Phật môn nói là “phá giới, chẳng phá kiến” bèn là quốc sư. “Nói được, lại làm được, vật báu của đất nước. Làm được, chẳng nói được, hiền nhân của đất nước”. Nhất định là phải tu Nhẫn Nhục Ba La Mật! Pháp thế gian chẳng thể nhẫn thì còn chưa thể thành tựu, huống hồ Phật pháp? Phật pháp là vô thượng đại pháp trong thế gian và xuất thế gian, chẳng nhẫn thì làm sao thành tựu cho được?

[Tổ Liên Trì] nêu ra ba điều, pháp sư Cổ Đức đã chú giải cho chúng ta. Những điều khác, đại sư chẳng trích dẫn, chúng tôi cũng muốn nói. Thứ tư là…

 

Tứ, ư nhất thiết pháp, phát sanh thắng nhẫn, vô chấp trước tâm.

四、於一切法發生勝忍無執著心。

(Bốn là trong hết thảy các pháp, phát sanh nhẫn thù thắng, chẳng có tâm chấp trước).

Đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, phải phát khởi lòng kiên nhẫn thù thắng nhất, có lòng kiên nhẫn khôn sánh để tu học. Tuy tu học, chẳng chấp trước hết thảy các pháp thì mới có thể thật sự thông đạt hết thảy các pháp. Vì sao? Hễ chấp trước pháp, sẽ là phạm lỗi, chấp trước biến thành gì? Biến thành thành kiến, chẳng phải là Kiến Thủ Kiến thì sẽ là Giới Thủ Kiến, biến thành tà kiến. Bất luận là đối với pháp thế gian hay pháp xuất thế gian, bất luận Lý hay Sự, nhân hay quả, điều gì ta cũng đều thông đạt, chẳng chấp trước điều gì. Vì sao không chấp trước? Vì “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, chẳng chấp trước là huệ, chấp trước là phạm sai lầm. Người khéo học, đối với những chỗ sáu căn tiếp xúc đều là trí huệ, đều là trí huệ hiện tiền. Người chẳng biết học, những chỗ sáu căn tiếp xúc sẽ đều là chướng ngại! Học Phật pháp bèn chết cứng nơi kinh Phật. Cổ đức bảo: “Y văn giải nghĩa, tam thế Phật oan”, Phật phải than oan uổng! Chẳng phải là đức Phật nói như vậy, những điều đức Phật giảng “ý ở ngoài lời”, quý vị ngỡ là thật, luôn chấp trước, nên Phật bị oan uổng! Khéo sao trong kinh Kim Cang, đức Phật đã nói rất hay: “Phật vô hữu định pháp khả thuyết” (Phật chẳng có pháp nhất định nào để có thể nói), cuối cùng là “Phật vô pháp khả thuyết” (Phật chẳng có pháp nào để có thể nói). Khi nào quý vị nghe Phật pháp? Nếu ai nói đức Phật thuyết pháp, đó là báng Phật, Phật chẳng hề thuyết pháp! Những lời này nói rất hay! Hết thảy các pháp đã nói trong bốn mươi chín năm bị phủ định hoàn toàn, đức Phật chẳng nói một câu nào, chẳng nói một chữ nào. Nếu quý vị nói ta đã nói năng gì đó tức là báng Phật. Hay lắm! Điều này có ý nghĩa nhằm bảo quý vị đừng nên chấp trước hết thảy. Chớ nên chấp trước thì hết thảy các pháp do đức Phật đã nói bèn tương ứng với tự tánh của chúng ta. Mở kinh Phật ra, nghe đức Phật giảng kinh, thuyết pháp, hoàn toàn là do tự tánh lưu lộ; đó là đúng, đó mới là nghĩa chân thật của Phật. Bài kệ Khai Kinh có câu “nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, có như vậy thì mới là ý nghĩa chân thật của Phật.

Đấy chính là phải “thắng nhẫn”, đặc biệt là trong giai đoạn thứ nhất. Điều được mong cầu trong giai đoạn thứ nhất là Căn Bản Trí, tức là “Bát Nhã vô tri” như kinh Bát Nhã đã nói. Trước hết, phải có lòng nhẫn nại để cầu vô tri, đã vô tri rồi thì mới có thể cầu “vô sở bất tri” (không gì chẳng biết). Giống như Thiện Tài đồng tử trong pháp hội thuộc phẩm Nhập Pháp Giới của kinh Hoa Nghiêm, hội ấy chính là hội của Văn Thù Bồ Tát, sở học của Thiện Tài là vô tri. Nói cách khác, chính là tu tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tu những tâm ấy. Chẳng cầu hiểu biết nhằm thành tựu Căn Bản Trí, thành tựu vô tri mà! Sau đấy mới đi tham học, từ tỳ-kheo Đức Vân mãi cho đến Phổ Hiền Bồ Tát, [tham học với] năm mươi ba vị thiện tri thức, đó là “không gì chẳng biết”, được gọi là Hậu Đắc Trí. Do đó, kinh Bát Nhã nói: “Bát Nhã vô tri, không gì chẳng biết”. Do vậy, [quá trình] tu học của Ngài gồm hai giai đoạn, trong giai đoạn thứ nhất, phải có lòng kiên nhẫn, phải nhẫn nại. Hiện thời, chúng ta phạm phải khuyết điểm là điên đảo, vừa khởi đầu bèn mong “không gì chẳng biết”, học đến cuối cùng sẽ là “thứ gì cũng đều không biết”, phạm phải khuyết điểm to lớn, hoàn toàn trái nghịch lời dạy bảo của đức Phật, học thứ này, thứ nọ, nhưng chẳng biết học từ căn bản.

Học theo căn bản, kinh Phật thường dùng cây cối để tỷ dụ. Quý vị muốn trồng cây, trước hết phải gieo hạt của cây ấy xuống đất. [Thoạt đầu] thứ gì cũng đều chẳng thấy, rất lâu sau mới nẩy mầm thành một chồi cây nhỏ. Phải mất vài năm, cây mới có thể mọc lớn, đơm hoa, kết quả. Người hiện thời chẳng cần rễ cây lẫn mầm cây, cứ mong hoa quả! Có thể đạt được hoa quả hay không? Có thể đạt được! Hoa quả ở trong bình rất nhiều, thiếu rễ, sẽ chết rụi! Từ vô tri đến “không gì chẳng biết” thì sống. Vừa bắt đầu liền học “không gì chẳng biết”, thứ gì cũng đều học thì chết cứng! Chết cứng là sao? Chẳng có trí huệ. Xác thực hoàn toàn là vô minh, là vọng tưởng, là tà kiến, chẳng phải là sống động. Sống động là trí huệ. Ở đây, chúng ta nhất định phải nhận biết rõ ràng giáo pháp cao minh của đức Phật. Từ mấy ngàn năm qua, tại Trung Hoa, tại ngoại quốc, những vị đại đức thuộc hàng xuất gia hay tại gia đã nương theo phương pháp này để tu học đều thành tựu. Trong thời đại của chúng ta, vì sao chẳng có cao tăng đại đức xuất hiện? Phương pháp sai lầm. Tuyệt đối chẳng phải là do sự thông minh và trí huệ của chúng ta không bằng cổ nhân, mà là do phương pháp sai lầm, bày vẽ kiểu mới, lập ra phương cách khác lạ, chẳng biết tuân thủ các phương pháp trong quá khứ, chính mình sáng chế một kiểu cọ mới mẻ, vấn đề bèn to đùng!

 

Ngũ, bất tham lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tịnh ý nhạo tâm.

五、不貪利養恭敬尊重淨意樂心。

(Năm, chẳng tham lợi dưỡng, tâm cung kính, tôn trọng, ý ưa thích thanh tịnh).

Đây cũng là chướng ngại rất lớn trong việc học Phật: Danh vọng, lợi dưỡng! Nhất là trong thời đại hiện tại, đủ mọi thứ! Những gì lục căn tiếp xúc có thể nói đều là sự dụ dỗ, mê hoặc ở mức độ cao nhất. Thời cổ chẳng có nhiều dụ dỗ, mê hoặc ngần ấy, còn hiện thời, nói thật ra, dụ dỗ, mê hoặc quá nhiều. Gần như là những gì quý vị mắt thấy, tai nghe toàn là dụ dỗ, mê hoặc, há quý vị có thể chẳng động tâm ư? Trong các buổi giảng, chúng tôi cũng thường khuyên lơn, khích lệ các đồng học, tôi nói: Nay chúng ta học Phật, chúng ta nằm trong lòng bàn tay của ma. Tứ đại ma vương xòe rộng tay, chúng ta chẳng có cách nào vượt khỏi bàn tay của họ, còn có thể thành tựu gì chăng? Tôi chẳng nói tới tứ đại ma vương như kinh Bát Đại Nhân Giác đã giảng, mà là nói đến “tài, sắc, danh, lợi”, tứ đại ma vương ấy, mấy ai có thể nhảy ra khỏi lòng bàn tay của chúng nó? Quý vị chẳng nhảy thoát khỏi lòng bàn tay của chúng nó, còn nói tới thành tựu chi nữa? Chẳng vãng sanh được! Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới thì tâm phải thanh tịnh mới hòng vãng sanh. Tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh. Trong tâm còn có những thứ ấy, bên ngoài là tài, sắc, danh, lợi, trong là tham, sân, si, mạn, chẳng đọa vào địa ngục A Tỳ là đã may mắn quá rồi, còn có thành tựu chi nữa? Do vậy, các đồng tu học Phật phải có tâm cảnh giác cao độ, thời thời khắc khắc cảnh giác.

Đầu tập sách kỷ niệm pháp sư Ấn Quang có đề mấy chữ Sanh, Tử, tôi phóng to chữ ấy ra, in thành rất nhiều bản, hy vọng các đồng tu thỉnh về, dán ở chỗ thường trông thấy nhất trong nhà của chính mình để tự nhắc nhở, trọng yếu lắm! Thường nghĩ đời người sống trên thế gian rỗng tuếch, giống như nằm mộng, cũng giống như diễn tuồng, giả trất, chẳng thật! Gì là thật? Tạo nghiệp là thật. Phật môn thường nói “muôn thứ chẳng mang được, chỉ có nghiệp theo thân”. “Chẳng mang theo được” tức là quý vị chẳng đạt được gì, thứ gì cũng chẳng cầm theo được. Thứ quý vị có thể cầm theo được là gì? Nghiệp. Nghiệp chướng là thứ quý vị có thể cầm theo. Trừ thứ ấy ra, bất luận là quá khứ, hiện tại, vị lai, thứ gì quý vị cũng đều chẳng đạt được, toàn là giả. Trong thế gian này, có gì đáng cho quý vị tranh giành? Khởi tâm động niệm tranh danh, đoạt lợi, tạo nghiệp đấy nhé! Người sáng mắt thấy rõ, [những kẻ tranh danh đoạt lợi] đáng thương thay! Hạng người ấy đáng thương nhất. Thứ gì cũng đều chẳng cần, suốt ngày từ sáng đến tối thật thà niệm A Di Đà Phật, người ấy có phước, thật sự rất lỗi lạc! Nhưng người thế gian coi kẻ ấy là vô dụng, tiêu cực! Người thế gian thấy hạng người như vậy tiêu cực, nhưng Phật, Bồ Tát thấy hạng người ấy thật sự có phước. [Những kẻ] hằng ngày tranh danh đoạt lợi, người thế gian thấy: Người ấy rất tài ba, có rất nhiều biện pháp. Phật thấy kẻ ấy quá sức đáng thương! Hiện tại tạo nghiệp, trải qua mấy năm bèn chịu báo, quả báo liền xảy tới. Đó là sự thật, nhất định phải nhận biết rõ ràng thì chúng ta mới có thể thật sự hờ hững đối với tài, sắc, danh, lợi, biết những thứ ấy là có hại, chẳng có lợi ích gì! Nói thật ra, chúng có trăm điều hại, chẳng có lợi một điều nào, chẳng có tí ti lợi ích nào! Chúng ta đời đời kiếp kiếp học Phật mà đều chẳng có thành tựu là do bị những thứ ấy làm hại. Đời này vẫn bị chúng nó hãm hại, lại lỡ làng mất rồi, phải cảnh tỉnh chính mình!

 

Lục, cầu Phật Chủng Trí, ư nhất thiết thời, vô vong thất tâm.

六、求佛種智於一切時無忘失心。

(Sáu, cầu Chủng Trí của Phật, trong hết thảy các thời, tâm chẳng quên mất).

 Phần trước là nói về chuyện đoạn phiền não. Phiền não đoạn sạch, bèn cầu trí huệ. Phật pháp là pháp trí huệ, Phật giáo là giáo dục trí huệ. Chỉ có trí huệ thì mới có thể thấy rõ ràng chân tướng của hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian. Chỉ có trí huệ thì mới biết: Trong thế gian và xuất thế gian, bản thân chúng ta phải nên làm theo cách nào, mới hòng có thể thật sự lìa khổ, được vui! Phá mê khai ngộ, sẽ lìa khổ, được vui. Khổ là do mê hoặc, điên đảo mà có, lạc là do khai ngộ mà đạt được. Từ nay trở đi, chẳng còn tạo nghiệp nữa. Không chỉ là chẳng tạo ác nghiệp, mà thiện nghiệp cũng chẳng tạo. Nhưng chư vị phải hiểu rõ: Chẳng phải là Phật pháp thường dạy chúng ta tu Thập Thiện Nghiệp Đạo đó ư? Cớ sao thiện nghiệp cũng chẳng tạo? Đoạn hết thảy ác, tu hết thảy thiện, mà nếu quý vị chấp tướng, sẽ là quả báo hữu lậu trong thế gian. Đoạn ác tu thiện chẳng chấp tướng thì chẳng gọi là thiện hay ác nghiệp, mà gọi là tịnh nghiệp. Chư vị nghĩ xem: Danh từ “tịnh nghiệp” danh phù hợp thực, mục tiêu của nó là “tu tâm thanh tịnh, đoạn ác”. Ta tu tâm thanh tịnh, tu thiện, vẫn là tu tâm thanh tịnh, mục đích chỉ là tu “thanh tịnh, bình đẳng” mà thôi, đó là tịnh nghiệp. Tây Phương Tịnh Độ cần phải có tịnh nghiệp thì mới có thể thành tựu, chớ nên quên điều này!

 

Thất, ư chư chúng sanh, tôn trọng, cung kính, vô hạ liệt tâm.

七、於諸眾生尊重恭敬無下劣心。

(Bảy, đối với các chúng sanh tôn trọng, cung kính, chẳng có tâm kém hèn).

Nói thật ra, câu này là điều được tu tập bởi Thường Bất Khinh Bồ Tát: Quyết định chớ nên khinh dễ hết thảy chúng sanh. Khinh dễ hết thảy chúng sanh, sai mất rồi! Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật, làm sao có thể khinh dễ họ cho được? Thường Bất Khinh Bồ Tát biết chân tướng sự thật này, nên Ngài mới thật sự triệt để làm được “lễ kính chư Phật”.

 

Bát, bất trước thế luận, ư Bồ Đề phần, sanh quyết định tâm.

八、不著世論於菩提分生決定心。

(Tám, chẳng chấp trước những luận định thế gian, sanh tâm quyết định đối với Bồ Đề phần).

“Trước” (著) là chấp trước. [“Trước thế luận”] là chấp trước những ngôn luận phê bình hoặc cách nhìn của người thế gian. Nếu quý vị chấp trước những điều ấy, sẽ chẳng thể tu Phật pháp. Trong kinh Bảo Tích, đức Phật dạy chúng ta: Bất luận người thế gian bình luận như thế nào, chẳng cần phải bận tâm. Vì sao? Người thế gian là Thế Trí Biện Thông, nói thật thà, năng lực của họ còn thua cả A La Hán. A La Hán đã đoạn Kiến Tư phiền não, còn các triết gia, nhà khoa học, nhà tôn giáo trong thế gian đều chưa đoạn Kiến Tư phiền não, hãy còn thị phi, nhân ngã, tham, sân, si, mạn. Không chỉ người đời là như vậy, chư thiên cũng chẳng phải là ngoại lệ, dẫu đạt đến Sắc Giới Thiên hay Vô Sắc Giới Thiên, phiền não vẫn chẳng đoạn. Chẳng đoạn phiền não thì tri kiến của kẻ ấy là tình kiến, [tức là] tri kiến phát xuất từ cảm tình, chẳng phải là chánh tri chánh kiến. Họ phê bình, lẽ nào chúng ta có thể quan tâm? Nhưng trong thế gian này, họ đông người, chúng ta ít người, chúng ta nói chẳng lại họ. Chúng ta nói một câu, họ nói mười câu! Trong tình huống ấy, họ nói cứ nói, ta làm chuyện của ta. Dẫu họ nói nhiều cách mấy, cũng chẳng ảnh hưởng đến ta, ta vẫn là một câu A Di Đà Phật. Quý vị nói ta tiêu cực, ta cũng A Di Đà Phật; quý vị quở ta mê tín, ta vẫn một câu A Di Đà Phật, trọn chẳng lay động!

Nhất là trong thời kỳ Mạt Pháp, kinh Lăng Nghiêm nói thời đại này “tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”, chúng ta rốt cuộc nghe lời ai? Nói ngay trong Phật môn, pháp sư này nói pháp môn này hay, bộ kinh này hay, pháp sư kia nói bộ kinh kia hay, pháp môn kia hay. Tiếp xúc mấy vị pháp sư bèn chẳng biết học môn nào thì mới nên! Tôi thường gặp lắm! Gặp người đến nói với tôi họ thân cận vị pháp sư nào đó, dạy họ pháp môn gì đó, pháp sư nọ cũng có pháp môn [hay lắm]. Tôi nói: “A Di Đà Phật! Quý vị thấy pháp sư nào là tốt, tốt nhất là hãy theo học với pháp sư đó thì mới có thể thành tựu. Môn nào cũng đều hay, chẳng có môn nào không hay, nhưng chỉ cần học một môn là được rồi. Học hai ba môn sẽ không hay! Giống như giảng đường này có rất nhiều cửa, theo mỗi cửa để tiến vào đều được. Quý vị muốn đồng thời bước vào bằng hai cửa hoặc ba cửa sẽ không bước vào được. Vì sao? Quý vị chẳng bước vào được! Nhất định phải là một môn thâm nhập”.

Một môn thâm nhập, vì sao chúng ta chọn lựa pháp môn Tịnh Độ? Ấy là vì bản thân chúng ta chẳng có trí huệ, chẳng có năng lực, chính mình chẳng biết căn tánh của chính mình, chẳng biết phải nên chọn lựa như thế nào! Pháp môn này do Thích Ca Mâu Ni Phật và hết thảy chư Phật chọn lựa cho bọn hồ đồ chúng ta. Ta thừa nhận chính mình chẳng [chọn lựa] được, Phật thay ta chọn lựa, ta bèn y giáo phụng hành, đó là đúng. Chính mình có năng lực, sẽ chẳng cần đức Phật chọn lựa giùm ta, mà là chính mình chọn lấy. Bản thân ta chẳng có năng lực, Phật thay ta chọn lựa, ta đương nhiên tiếp nhận. Đấy là nên quyết trạch (chọn lựa nhất quyết) pháp môn như thế nào. Sau khi đã quyết định, chẳng thay đổi ý niệm, nhất tâm nhất ý tu học, quyết định có thành tựu.

 

Cửu, chủng chư thiện căn, vô hữu tạp nhiễm, thanh tịnh chi tâm.

九、種諸善根無有雜染清淨之心。

(Chín, gieo các thiện căn chẳng có tạp nhiễm, tâm thanh tịnh).

“Thiện căn”: Kinh Vô Lượng Thọ nói đến thiện căn bèn chỉ thẳng: “Một mực chuyên niệm”. Gieo thiện căn là gì? Quý vị niệm một câu “Nam-mô A Di Đà Phật” là gieo thiện căn. Chúng ta đã thấy điều này trong kinh Vô Lượng Thọ. Xưa nay, các vị tổ sư đại đức khác miệng cùng lời bảo chúng ta: “Câu Phật hiệu này là tốt lành nhất trong các điều lành, tổng trì vô lượng pháp môn. Hết thảy chư Phật đều do niệm Phật mà thành Phật, chẳng có gì tốt lành hơn điều này”. Vì thế, tín nguyện trì danh là gieo thiện căn viên mãn tối thắng bậc nhất, chẳng giả tí nào!

 

Thập, ư chư Phật xả ly chư tướng, khởi tùy niệm tâm.

十、於諸佛捨離諸相起隨念心。

(Mười, đối với chư Phật bỏ lìa các tướng, khởi tâm tùy niệm).

Chúng ta hãy xem sách Diễn Nghĩa chú giải:

 

(Diễn) Xả ly chư tướng giả, thị niệm chư Phật Thật Tướng thân, tức sở vị: Sắc thân phi thị Phật, âm thanh diệc phục nhiên. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai dã.

()捨離諸相者,是念諸佛實相身,即所謂色身非是佛,音聲亦復然,若見諸相非相,即見如來也。

(Diễn: “Bỏ lìa các tướng” là niệm thân Thật Tướng của chư Phật, nghĩa là nói: “Sắc thân chẳng là Phật, âm thanh cũng như vậy”. Nếu thấy các tướng chẳng phải là tướng, chính là thấy Như Lai vậy).

 “Ư chư Phật xả ly chư tướng”: Niệm Phật như vậy, thưa cùng quý vị, chính là Thật Tướng Niệm Phật trong bốn cách niệm Phật, bọn sơ học chúng ta chẳng làm được! Kẻ sơ học phải chấp tướng niệm Phật, phải từ hữu tướng niệm đến vô tướng. Nếu chúng ta niệm theo kiểu chấp tướng niệm Phật mà niệm còn không nên hồn, mong học cách ly tướng niệm Phật, chắc chắn chẳng làm được! Nhưng phải biết sự thật này xác thực là có, nó thuộc về pháp môn Niệm Phật bậc cao. Từ “sắc thân phi thị Phật” (sắc thân chẳng phải là Phật) cho đến “nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai” (nếu thấy các tướng chẳng phải là tướng chính là thấy Như Lai) chính là kinh văn trích từ kinh Kim Cang. Mấy câu kinh văn ấy có ý nghĩa rất sâu. Khi nào thì mới có thể thấy? Phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, sẽ là cảnh giới này. Khi ấy, sẽ vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, sanh trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm, chẳng phải là cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Tâm địa thật sự đạt đến thanh tịnh, bình đẳng, giác, sáu căn tiếp xúc cảnh giới bên ngoài đều nhất loạt bình đẳng, vì sao? Người ấy chẳng có hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng. Phân biệt, chấp trước, vọng tưởng đều đoạn sạch, vạn pháp như một, tánh tướng bất nhị, nhập cảnh giới này, Thiền Tông gọi là “minh tâm kiến tánh”. Tánh là gì? Tánh là pháp bình đẳng, tánh là “các tướng chẳng phải là tướng”. Đó là kiến tánh. “Khởi tùy niệm tâm”, phải hiểu tùy niệm tâm như thế nào? “Tùy” (隨) là tùy thuận, nói thật ra chính là “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức” trong mười nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát. Có thể thấy: Để hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, phải phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, bậc Pháp Thân đại sĩ mới có thể làm đạt được, chúng ta chẳng làm được.

 

(Diễn) Tùy, thuận dã, vị thuận lý chi niệm, tức Thiên Thai sở vị “an trụ Trung Đạo, bất vị nhị biên sở động”, danh chi vi niệm dã.

()隨,順也,謂順理之念,即天台所謂安住中道,不為二邊所動,名之為念也。

(Diễn: Tùy là thuận, ý nói: Niệm thuận theo Lý, tức là như tông Thiên Thai đã nói: “Trụ yên nơi Trung Đạo, không bị lay động bởi hai bên” nên gọi là Niệm).

Tông Thiên Thai nói rất chánh xác, nhưng chúng ta không dễ thấu hiểu ý nghĩa của họ. Tôi vừa mới nêu ra hai nguyện trong Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, chắc là dễ hiểu hơn đôi chút, đó là ý nghĩa của Thiên Thai đại sư. Thật sự có thể đạt đến thần thông du hý, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, thật sự đắc đại tự tại, bèn gọi là “khởi tùy niệm tâm”. Đó cũng chính là như kinh Kim Cang đã dạy: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (Hãy nên không trụ vào đâu mà sanh tâm). “Ư chư Phật xả ly chư tướng” (Xả lìa các tướng nơi chư Phật) chính là “ưng vô sở trụ”. “Khởi tùy niệm tâm” chính là “nhi sanh kỳ tâm”. Cách nói khác nhau, nhưng cảnh giới hoàn toàn giống nhau.

 

(Sao) Cụ thử thập tâm, vãng sanh Tịnh Độ.

()具此十心,往生淨土。

(Sao: Đầy đủ mười tâm ấy sẽ vãng sanh Tịnh Độ).

Vãng sanh Tịnh Độ cũng chẳng đơn giản. Tôi đã giới thiệu đại lược “mười tâm” cùng quý vị, điều sau sâu hơn điều trước, điều trước cạn, điều sau sâu. Vãng sanh như thế nào? Nói thật ra, khái quát là bốn cõi, ba bậc, chín phẩm. Điều cuối cùng nói tới chuyện sanh trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Điều thứ nhất và thứ hai nói về cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Xét như vậy, tâm chúng ta lại thêm thực tế hơn một chút, điều sau làm không được, nhưng hai điều trước có lẽ là có thể làm được. Cõi Thật Báo chẳng có phần, nhưng cõi Đồng Cư vẫn có phần. Mọi người phải đặc biệt chú ý ba điều trước, vì sao? Đó là điều kiện để sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Tuy suốt ngày từ sáng đến tối niệm Phật, nhưng chẳng hội đủ [những điều kiện ấy], sẽ không được! Nhưng tôi thưa cùng quý vị, quả nhiên là thật thà niệm Phật thì một câu Phật hiệu thảy đều trọn đủ những điều ấy, quyết định được vãng sanh, chúng ta chớ nên hoài nghi! Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, xử sự, đãi người, tiếp vật phải biết nguyên tắc ấy, phải ghi nhớ những lời khai thị này của đức Phật. Thật ra, đối với những lý luận, phương pháp, và giáo huấn do đức Phật đã giảng, có thể nói là trong kinh Vô Lượng Thọ đều có đầy đủ, xác thực là “một chính là hết thảy, hết thảy chính là một”.

 

(Sao) Hoa Nghiêm thập nguyện giả, nhất giả lễ kính chư Phật, nãi chí thập, phổ giai hồi hướng, diệc dĩ thử thập, sanh bỉ quốc độ.

()華嚴十願者,一者禮敬諸佛,乃至十普皆迴向,亦以此十生彼國土。

(Sao: “Mười nguyện Hoa Nghiêm”: Một là lễ kính chư Phật, cho đến mười là hồi hướng khắp cả, cũng dùng mười điều này để sanh vào cõi nước ấy).

Kinh Hoa Nghiêm đến cuối cùng, Phổ Hiền Bồ Tát dùng mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc, các đồng tu chúng ta đều biết điều này. Trong ấy, có ý nghĩa sâu rộng, chẳng có mấy người biết! Mọi người đều biết kinh Hoa Nghiêm, trong toàn thể Phật pháp, nó đại diện cho pháp luân viên mãn, trong hết thảy các kinh, [kinh Hoa Nghiêm] được gọi là “vua của các kinh”, thường nói “hết thảy các kinh đều là quyến thuộc của Hoa Nghiêm”. Hoa Nghiêm giống như một cái cây, nó là cội gốc, hết thảy các kinh đều là cành lá, quý vị mới hiểu tầm trọng yếu của kinh Hoa Nghiêm.

Đức Thế Tôn nói “thành Phật trong một đời”, chỉ có mình kinh Hoa Nghiêm là nói viên mãn rốt ráo chuyện “thành Phật trong một đời”. Nhưng thật sự đạt tới viên mãn rốt ráo thì chính là đến cuối cùng, mười đại nguyện vương của Phổ Hiền dẫn về Cực Lạc. Nói cách khác, nếu không cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ chẳng thể viên mãn! Cổ đức thấy điều này, mới nói “Hoa Nghiêm và Pháp Hoa dẫn đường cho kinh Vô Lượng Thọ”. Thật sự thâm nhập Đại Thừa, quý vị sẽ tin tưởng và có thể tiếp nhận cách nói này của cổ đức. Sau đó mới hiểu giá trị và địa vị chiếm lãnh trong toàn thể Phật pháp của kinh Vô Lượng Thọ.

Kinh Hoa Nghiêm dẫn đường là dẫn về đâu? Dẫn về kinh Vô Lượng Thọ. Kinh này (kinh Di Đà) là Tiểu Bổn của kinh Vô Lượng Thọ, kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ cùng bộ, chỉ là nói rộng rãi hay nói đại lược mà thôi. Tuy kinh A Di Đà nói đại lược, nhưng do có thêm bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư và sách Diễn Nghĩa, nên lại còn nói rộng rãi, rõ ràng, minh bạch hơn kinh Vô Lượng Thọ. Nếu thấy Sớ Sao Diễn Nghĩa là một bộ sách to như thế, niệm sẽ rất khó khăn, quý vị hãy niệm kinh Vô Lượng Thọ, niệm bản đơn giản ấy. [Niệm Sớ Sao Diễn Nghĩa] sẽ biến thành phức tạp, Tiểu Bổn biến thành Đại Bổn, Đại Bổn [so với Sớ Sao Diễn Nghĩa] lại biến thành Tiểu Bổn. Có thể thấy là lớn hay nhỏ chẳng có nhất định, nó có thể biến hóa. Nhận thức rõ ràng kinh Vô Lượng Thọ, nhận thức rõ ràng pháp môn này, chúng ta mới có thể hạ quyết tâm, đời này chẳng còn thay đổi nữa, nghiêm túc tu học, chính mình tràn trề tín tâm, quyết định thành tựu trong một đời này, công đức lợi ích thù thắng khôn sánh!

Nhìn thì dễ dàng, thật ra chẳng dễ dàng, chúng ta đọc kinh Đại Thừa nhiều, sẽ hiểu: Nếu chẳng phải là thiện căn, phước đức, và nhân duyên trong đời quá khứ đã chín muồi trong một đời này thì trong kiếp sống này, sẽ chẳng làm được! Quý vị chẳng gặp kinh điển này! Dẫu có gặp, cũng chẳng tin tưởng. Có tin tưởng thì quý vị cũng không chịu nghiêm túc tu hành. Một người có thể tín, có thể nguyện, có thể hành, phải là do thiện căn trong vô lượng kiếp quá khứ tới nay đã chín muồi, đồng thời được mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai âm thầm gia trì. Đó là nhân duyên tụ hội, khiến cho chúng ta trong một đời này có thể vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, vãng sanh bất thoái thành Phật. Chẳng gặp được nhân duyên này! Ông Bành Tế Thanh nói: “Một ngày hiếm có khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay”. Lời ấy là thật, chẳng giả tí nào! Hiếm có, khó gặp, nay chúng ta đã gặp gỡ. Đã gặp gỡ, há nên khinh thường, vứt bỏ? Nhất định là phải trân trọng. Hôm nay đã hết thời gian rồi!

 

Tập 219

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm ba mươi ba:

 

(Sao) Hoa Nghiêm thập nguyện giả, nhất giả lễ kính chư Phật, nãi chí thập, phổ giai hồi hướng, diệc dĩ thử thập sanh bỉ quốc độ.

()華嚴十願者,一者禮敬諸佛,乃至十普皆迴向,亦以此十生彼國土。

(Sao: “Mười nguyện trong Hoa Nghiêm”: Một là “lễ kính chư Phật”, cho đến mười là “hồi hướng trọn khắp”, cũng dùng mười điều này để sanh về cõi kia).

Đây là điều kiện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới của bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong hội Hoa Nghiêm. Những vị Bồ Tát ấy chẳng phải là Bồ Tát bình phàm, mà đều là bậc Bồ Tát đã minh tâm kiến tánh. Các Ngài sanh về Tây Phương Tịnh Độ đều là sanh trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Do vậy có thể biết, mười điều kiện ấy là các điều kiện của cõi Thật Báo Trang Nghiêm, chẳng giống với mười điều kiện của kinh Bảo Tích đã được nói trong phần trước. Kinh Bảo Tích bao gồm bốn cõi, chín phẩm, từ cạn đến sâu. Trong hội Hoa Nghiêm, thật ra là cạn và sâu một vị! Đấy là điều kiện để thượng thượng phẩm vãng sanh; tuy chúng ta chẳng làm được, nhưng nhất định phải hiểu. Nếu có thể nỗ lực tu học theo tiêu chuẩn ấy, tất nhiên sẽ nâng cao phẩm vị vãng sanh của chính mình. Điều thứ nhất là “lễ kính chư Phật”:

 

(Diễn) Lễ kính chư Phật giả, sở hữu tận pháp giới hư không giới, thập phương tam thế nhất thiết chư Phật, ngã tất dĩ thanh tịnh tam nghiệp, thường tu lễ kính, nhất nhất Phật sở giai hiện bất khả thuyết vi trần số thân, nhất nhất thân biến lễ bất khả thuyết vi trần số Phật.

()禮敬諸佛者,所有盡法界虛空界,十方三世一切諸佛,我悉以清淨三業,常修禮敬,一一佛所皆現不可說微塵數身,一一身遍禮不可說微塵數佛。

(Diễn: “Lễ kính chư Phật”: Đối với tất cả tận pháp giới hư không giới, mười phương ba đời hết thảy chư Phật, tôi đều dùng ba nghiệp thanh tịnh để thường tu lễ kính. Nơi mỗi đức Phật đều hiện bất khả thuyết vi trần số[4] thân, mỗi thân lễ khắp bất khả thuyết vi trần số Phật).

Trong lời chú giải có cả Sự lẫn Lý. Nửa trước nói về Lý, cảnh giới của Ngài (bậc Pháp Thân đại sĩ) là tận hư không khắp pháp giới. Tất cả hết thảy “thập phương tam thế chư Phật”, đối với tam thế, Phật trong đời quá khứ thì đức Thế Tôn đã từng nói, chúng ta cũng từng nghe nói về chư Phật trong đời hiện tại, còn chư Phật trong đời vị lai là những ai? Chữ “tam thế” (三世) bao gồm đời vị lai; chư Phật trong đời vị lai chính là hết thảy chúng sanh. Hết thảy chúng sanh vốn sẵn thành Phật, [bởi lẽ], hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh. Đã có Phật Tánh, ắt sẽ thành Phật. Đó là Phật trong tương lai. Bao gồm toàn bộ phạm vi của lễ kính; hễ chẳng tôn trọng một chúng sanh nào, tức là công đức lễ kính chư Phật của quý vị chẳng viên mãn, bị khiếm khuyết. Do vậy, chẳng dễ sanh về cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Tìm chẳng ra mảy may khuyết điểm nào nơi đại chúng trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Công đức của cõi ấy đích xác là viên mãn rốt ráo. Nay chúng ta thấy người khác có rất nhiều kẻ chẳng thuận mắt, thấy có rất nhiều chuyện chẳng vừa lòng, vậy thì làm sao được nữa? Đó chẳng phải là Phổ Hiền hạnh; dẫu tu tốt đẹp cách mấy đi nữa, vẫn chẳng phải là Phổ Hiền hạnh! Do vậy có thể biết, Phổ Hiền hạnh chính là dùng cái tâm thanh tịnh và cái tâm bình đẳng để tu.

“Thanh tịnh tam nghiệp”: Thanh tịnh thân, thanh tịnh ngữ, thanh tịnh ý; ba nghiệp thân – khẩu – ý thanh tịnh thì mới có thể tu Phổ Hiền hạnh. Nói cách khác, đối với hết thảy các loài chúng sanh trong hư không pháp giới, quyết định chẳng có phân biệt, chấp trước; khi ấy, sự lễ kính do quý vị tu sẽ chính là Phổ Hiền hạnh. Quý vị đối trước tượng Phật lạy Phật một lạy, sẽ là lạy khắp tận hư không khắp pháp giới mười phương ba đời hết thảy chư Phật. Vì sao? Vì trong tâm quý vị chẳng có giới hạn. Tâm chẳng có giới hạn, cái tâm ấy sẽ to như hư không pháp giới; do đó, lễ một vị Phật bèn là lễ hết thảy chư Phật. Do cái tâm của bọn phàm phu chúng ta có phân biệt, có chấp trước, cho nên tâm lượng hết sức nhỏ bé, công đức đã tu tập cũng là chút ít, thuận theo tâm lượng, chẳng có cách nào mở rộng ra ngoài! Tu kiểu nào cũng không được, tâm lượng vẫn rất nhỏ hẹp. Đây là nói theo cảnh giới. Nói theo Lý, ắt phải do ba nghiệp thanh tịnh.

“Thường tu lễ kính”: Hãy chú trọng chữ Thường (常). “Thường” là chẳng gián đoạn, suốt ngày từ sáng đến tối trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ chưa hề gián đoạn. Đó là tâm cung kính. Nói thô thiển một chút, sẽ là đối với người, đối với sự, đối với vật, từ đầu đến cuối một lòng cung kính. Nếu nói theo cảnh giới của mười tâm trong kinh Bảo Tích thì là đối với pháp giới chúng sanh và tự tánh chúng sanh, đối với người, đối với sự, đối với vật mà cung kính, đấy chính là cung kính tự tánh của chính mình. Đối với người, đối với sự, đối với vật mà chẳng cung kính, tức là phạm lỗi đối với tự tánh chúng sanh, có lỗi với chính mình! Vì sao? Lễ kính là Tánh Đức, [thiếu lễ kính tức là] Tánh Đức của quý vị chẳng thể lưu lộ, Tánh Đức bị chướng ngại; đó là lầm lỗi, là nghiệp chướng! Phải trừ khử nghiệp chướng, giống như chư Phật và các vị đại Bồ Tát, Tánh Đức của các Ngài chẳng bị chướng ngại. Vì thế, các Ngài đối với người, đối với sự, đối với vật đều là bình đẳng cung kính. Mỗi vị Bồ Tát thuộc bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong hội Hoa Nghiêm đều tu theo cách này.

Hai câu tiếp theo chính là nói theo mặt Sự. Sự chẳng thể nghĩ bàn, Sự là cảnh giới Hoa Nghiêm, là cảnh giới Sự Sự vô ngại. “Nhất nhất Phật sở” (Ở nơi mỗi đức Phật), ở nơi mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai, đối trước các Ngài, “giai hiện bất khả thuyết vi trần số thân” (đều hiện bất khả thuyết vi trần số thân). Người trong thế giới Tây Phương có thể hóa thân bao nhiêu? Kinh Phạm Võng nói “trăm ngàn ức hóa thân Thích Ca Mâu Ni Phật”, con số trăm ngàn ức ấy rất nhỏ, hễ tính toán là tính được liền. Nói thật ra, mỗi cá nhân trong Tây Phương Cực Lạc thế giới có năng lực hóa thân giống như kinh Hoa Nghiêm [đã nói] “vô lượng vô biên hóa thân”. Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, ai nấy đều chứng đắc [năng lực hóa thân ấy].

Chiều nay, pháp sư Ngộ Không đến chỗ tôi. Ở bên ngoài, ông ta làm rất nhiều chuyện náo nhiệt. Tôi bảo ông ta: “Thứ gì cũng đều là giả! Rỗng tuếch”. Kinh Kim Cang dạy chẳng sai: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Điều gì là thật? Vãng sanh thế giới Cực Lạc là thật, tâm địa thanh tịnh là thật. Ngày hôm nay, ông ta nói với tôi muốn tổ chức Phật Thất, đại khái là quy mô rất đáng nể. Tôi bảo ông ta: – Tốt nhất là Phật Thất đừng vượt quá mười người. Nếu mười người ấy vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới làm Phật, mười vị Phật! Tuyệt diệu thay! Quý vị mấy ngàn, mấy vạn người [đả Phật Thất xong, đời sau] là ngạ quỷ, súc sanh, hay đọa địa ngục thì chẳng có ý nghĩa gì hết! Bảy ngày bảy đêm một câu Phật hiệu không gián đoạn, không xen tạp, đó gọi là Phật Thất. Nói chung là đối với người mới học, bảy ngày sẽ chịu không nổi; trước hết, hãy bắt đầu bằng một ngày một đêm, sau đó lại tăng thành hai ngày hai đêm, ba ngày ba đêm, tăng lên dần dần. Vẫn là mười người ấy, đừng nên thay người khác, đấy gọi là người thật sự thành tựu. Thời kỳ Mạt Pháp, “tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”, người xuất gia phải chú tâm cẩn thận, hôm nay tôi nhắc nhở thầy ấy. Pháp sư Tường Vân kể với tôi: “Người xuất gia tướng trạng khi mất cũng chẳng tốt lành, chẳng tốt đẹp như người tại gia!” Nhất định phải chú ý, cẩn thận, phải thật sự phát đạo tâm, đừng làm chuyện thuộc về tiếng tăm, lợi dưỡng, dính dáng đến chúng cũng không được.

Chỉ có mình Tây Phương là chân thật! Tây Phương Cực Lạc thế giới thọ mạng vô lượng, đó là thật, chẳng giả. Vì sao trong thế gian này, hết thảy đều là giả? Vì thọ mạng quá ngắn, sau khi đã chết, thứ gì cũng chẳng mang theo được! Chẳng có gì là của chính quý vị. Sanh mạng rất mong manh, mất đi bất cứ lúc nào! Đừng tưởng là trong tương lai ta còn sống được bao nhiêu năm, chẳng có chuyện đó đâu nhé! Trong kinh, đức Phật thường cảnh tỉnh chúng ta: “Nhân mạng tại hô hấp chi gian” (Mạng người trong hơi thở). Một hơi thở ra, chẳng hít vào được nữa, bèn sang đời thứ hai. Do đó, chẳng có gì là thật, chẳng có thứ gì để chính mình có thể đạt được! Quý vị bèn hiểu vô lượng thọ là chân thật.

Danh hiệu của đức Di Đà trong thế giới Tây Phương là vô lượng, trong vô lượng [ý nghĩa và đức năng], vì sao chỉ dịch thành Vô Lượng Thọ? Thọ mạng là phẩm đức bậc nhất. Chẳng có thọ mạng, vô lượng gì đi nữa cũng đều uổng phí, đều là rỗng tuếch. Chỉ riêng thọ mạng là vô lượng thì hết thảy những thứ vô lượng khác bèn biến thành chân thật. Vì lẽ đó, thọ mạng được xếp hàng đầu, là phẩm đức bậc nhất. Kế đó là vô lượng quang, “quang” là trí huệ. Tuy có thọ mạng, nhưng hồ đồ, mơ màng, thì cũng chẳng có ý nghĩa gì cả, vẫn phải tạo nghiệp chịu báo. Có thọ mạng, còn phải có trí huệ, quyết định là chẳng mê hoặc, điên đảo, thì mới là phước báo thật sự. Chẳng có trí huệ, lấy đâu ra phước báo? Do vậy, trong vô lượng, chỉ dùng thọ mạng và quang minh để đại diện là được rồi!

Ở đây, [phần kinh văn trích dẫn từ kinh Hoa Nghiêm] đã hiển thị vô lượng thần thông, trong thần thông nêu ra một loại là “hóa thân”. Người ấy có thể biến hóa vô lượng vô biên thân. Vì thế, trước vô lượng vô biên chư Phật Như Lai, đều có bản thân người ấy, tức là hóa thân [của người ấy] đến lễ bái, cung kính, cúng dường, nghe pháp. Đấy là hiển thị nhiều thân. “Nhất nhất thân biến lễ bất khả thuyết vi trần số Phật” (Mỗi một thân lễ khắp bất khả thuyết vi trần số Phật), nói về một hóa thân, hóa thân lại có thần thông to lớn ngần ấy. Mỗi hóa thân có thể lễ khắp vô lượng vô biên hết thảy chư Phật. Nếu chư vị suy nghĩ, hiểu rõ sự thật này, có muốn đến thế giới Tây Phương hay không? Chẳng bàn tới những điều tốt đẹp khác, chỉ riêng một điều này, chúng ta đã muốn đến đó rồi! Chẳng đến thế giới Tây Phương, sẽ chẳng thể đạt được loại năng lực ấy. Kinh Hoa Nghiêm nói Bát Địa Bồ Tát mới có năng lực này. Sự thù thắng của thế giới Tây Phương chính là bọn phàm phu lè tè sát đất như chúng ta hễ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, năng lực sẽ bằng với bậc Bát Địa Bồ Tát trở lên! Đây là pháp khó tin, thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Liên Trì đại sư tỉnh lược những nguyện giữa, nhưng chúng tôi vẫn phải giảng.

Nguyện thứ hai là “xưng tán Như Lai”. Cảnh giới của mỗi nguyện trong mười nguyện đều giống nhau, đều là tất cả tận pháp giới hư không giới mười phương ba đời hết thảy chư Phật. Cảnh giới giống nhau, tâm thái cũng giống nhau, đều là dùng ba nghiệp thanh tịnh. Nguyện thứ nhất là thường tu lễ kính, nguyện thứ hai là thường tu xưng tán, tâm thái giống nhau. Ở đây, xưng tán không dùng “chư Phật” mà đổi thành “Như Lai”. Như Lai và chư Phật có gì sai biệt? Kinh Kim Cang có lúc nói “chư Phật”, có khi nói Như Lai. Hễ nói “chư Phật” tức là nói theo sự tướng. Hễ nói Như Lai thì là nói theo Tánh Đức; đó là chỗ khác biệt. Lễ kính thì phải nhất loạt bình đẳng, thật sự bình đẳng đối với hết thảy chúng sanh, chẳng có thân, sơ, xa, gần, thiện, ác, tà, chánh. Dùng cái tâm thanh tịnh tột bậc của chính mình để tu lễ kính, quyết định chẳng có phân biệt, chấp trước. Xưng tán chẳng giống như vậy, trong ấy có phân biệt: Tương ứng với Tánh Đức thì xưng tán; trái phạm Tánh Đức bèn chẳng xưng tán.

Khổng lão phu tử gọi “lễ kính chứ không xưng tán” là “kính nhi viễn chi” (敬而遠之). Viễn (遠) là gì? Chẳng phải là lánh thật xa kẻ ấy, mà là chẳng tán thán, [vẫn] kính trọng, nhưng chẳng thân cận. Trong Tứ Thập Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử tham học năm mươi ba lần, có ba người (ba vị thiện tri thức) tượng trưng cho sự trái nghịch Tánh Đức:

1) Người thứ nhất là Bà-la-môn Thắng Nhiệt, đại diện cho ngu si trong Tam Độc phiền  não. Thiện  Tài  đến  tham  phỏng, lễ  kính, nhưng chẳng tán thán.

2) Vị thứ hai là Cam Lộ Hỏa Vương, tượng trưng cho sân khuể. Vua cảm thấy chẳng vừa ý, ngay lập tức dùng hình phạt hết sức tàn khốc để đối trị. Thiện Tài đồng tử tham phỏng nhà vua, có lễ kính, nhưng chẳng tán thán.

3) Vị thứ ba là cô gái Phạt Tô Mật Đa, tượng trưng cho tham ái. Thiện Tài đồng tử đến tham phỏng [cô ta] cũng là lễ kính, chẳng tán thán.

Tương ứng với tham, sân, si bèn chẳng tán thán, nhưng có lễ kính. Ở đây, [kinh văn] không dùng chữ “chư Phật”, mà đổi thành Như Lai, đấy là đại từ đại bi, rát miệng buốt lòng [khuyên bảo]! Trong thế gian, Bồ Tát nêu tấm gương tốt lành cho mỗi chúng sanh, niệm niệm thành tựu hết thảy chúng sanh. Đó là từ bi. Thành tựu chúng sanh chính là thành tựu chính mình. Có thể suy nghĩ vì người khác, đó là Phật pháp; suy tưởng vì chính mình, đó là mê hoặc, điên đảo, nhất định là khởi Hoặc, tạo nghiệp. Do đó, xưng tán thì có thể xưng tán người nào? Nhất định là phải xưng tán người nào chẳng khởi tác dụng phiền não, người như vậy bèn có thể xưng tán.

Thuở ấy, tôi cầu học nơi thầy Lý, mới thân cận thầy được một tuần, thầy bảo tôi: “Đừng nên hủy báng người khác”, tôi hiểu điều này. “Đừng ca ngợi kẻ khác”, tôi chẳng hiểu điều này! Ca ngợi là chuyện tốt, người Hoa có nói “ẩn ác, dương thiện” (ẩn giấu điều ác, tuyên dương chuyện lành). Thầy lại chẳng giải thích cho tôi. Tôi nghĩ suốt một hai tuần mà vẫn nghĩ chẳng thông. Vì sao thầy chẳng cho phép chúng tôi khen ngợi kẻ khác? Có một hôm, thầy bảo tôi: “Khen ngợi người ta còn gây hại cho người ta dữ dội hơn hủy báng họ”. Vì sao? Quý vị vừa khen, kẻ ấy sẽ cảm thấy chính mình ghê gớm lắm, vừa mới có một tí thành tựu bèn chẳng còn tinh tấn nữa, [cứ nghĩ] “đến đây là đủ rồi, được rồi”, [như vậy là ca ngợi không đúng chỗ] đã chặt đứt con đường tiến lên của người ta! Tôi mới hiểu rõ: Đúng là hại người! Nhất là khen ngợi quá lố, càng hại người ta, khiến cho kẻ ấy đắc ý, vênh váo, lui sụt Bồ Tát đạo, dấy Hoặc, tạo nghiệp.

Khi nào thì có thể tán thán? Phải là [khi người được tán thán đã đạt đến mức] “tám gió thổi chẳng động”. Quý vị hủy báng người ấy, người ấy chẳng tức giận. Khen ngợi người ấy, người ấy trọn chẳng hoan hỷ, như như bất động. Người như vậy thì có thể tán thán. Nói cách khác, hễ được khen mà còn có tâm hoan hỷ, chớ nên khen ngợi! Thỉnh thoảng khen ngợi đúng mức như một hình thức cổ vũ, khích lệ thì được, đó là một biện pháp. Đệ tử Phật tán thán Phật, Bồ Tát nhằm mục đích khuyên lơn, hướng dẫn những chúng sanh chưa nhận biết Phật pháp, khiến cho họ sanh tâm cung kính, dẫn dụ họ thân cận Phật, Bồ Tát, mang ý nghĩa này, trọn chẳng phải là Phật, Bồ Tát ham chuộng tán thán. Tán thán nhằm tiếp dẫn chúng sanh, mục đích ở chỗ này, dụng tâm ấy hết sức tốt đẹp. Do vậy, trong “xưng tán Như Lai” có trí huệ cao độ.

Nguyện thứ ba là “quảng tu cúng dường”. Chư vị phải ghi nhớ, cảnh giới và tâm thái hoàn toàn giống nhau. Cảnh giới của việc cúng dường cũng là tận hư không khắp pháp giới, hữu tình và vô tình thảy đều được bao gồm trong ấy. Đối với hữu tình chúng sanh, chúng ta tận tâm tận lực cúng dường, mà đối với vô tình [chúng sanh] thì cũng tận tâm tận lực cúng dường. Lau bàn sạch sẽ, sắp xếp ngay ngắn, đó là cúng dường và lễ kính nó. Chúng ta tùy tiện quăng đồ đạc loạn xạ, không được rồi! Đó là đại bất kính! Hễ còn có những hành vi ấy, chúng ta biết người ấy dẫu niệm Phật tốt đẹp cách mấy, vãng sanh tuyệt đối chẳng phải là trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Phàm là người vãng sanh trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm, nhất cử nhất động nhất định tương ứng với mười đại nguyện vương. Mười đại nguyện vương là điều kiện để sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Bản thân chúng ta niệm Phật có niệm đến mức Lý nhất tâm hay không? Mười đại nguyện vương thảy đều làm được, [sẽ là] Lý nhất tâm bất loạn. Người đã đạt Sự nhất tâm bất loạn chưa làm được, còn [người đã chứng đắc] Lý nhất tâm sẽ tự nhiên làm được. Vì sao? Hoàn toàn do Tánh Đức tự nhiên lưu lộ.

Đối với chuyện cúng dường, đích xác là đệ tử Phật tại Đài Loan tu cúng dường bậc nhất thế giới, có phước hay không? Chưa chắc! Cuộc đất Đài Loan giàu có, nhưng chẳng có phước. Hoàn cảnh cư trú chẳng bằng người ngoại quốc, ăn mặc cũng rất lôi thôi, cũng chẳng bằng người ngoại quốc. Ăn uống thì ba bữa đều là nuốt chất độc, cũng chẳng bằng người ngoại quốc! Có một đồng tu bảo tôi, chỉ có lá khoai lang là không có thuốc sát trùng, những loại rau xanh khác đều dính thuốc sát trùng, đều chẳng nên ăn! Người học Phật tuy rất đông, nhưng mê chứ không giác, họ mê tín, chẳng phải là chánh tín, rất đáng thương! Do vậy có thể biết, cúng dường thì cũng phải có trí huệ, cũng phải có phước báo. Người chẳng có phước thì mong tu phước cũng chẳng tu nổi! Người thiếu trí huệ thì mong tu phước cũng tu chẳng được! Người thật sự tu phước bèn có phước, có huệ, đương nhiên là có mối quan hệ đối với thiện căn, phước đức, và  nhân  duyên  trong  đời  quá  khứ. Vì  thế, cúng dường tuyệt đối chẳng phải là chuyện dễ dàng!

Rốt cuộc phải tu cúng dường như thế nào thì mới là phước điền thật sự? Thật ra, muốn phân biệt chẳng khó, nhìn vào kết quả sẽ biết ngay. Chúng ta cúng dường để tạo dựng một tự viện đạo tràng. Sau khi tự viện đạo tràng ấy dựng xong, hằng ngày hoằng pháp, lợi sanh, giảng kinh, thuyết pháp, lãnh chúng tu hành, sẽ đúng là phước điền. Sau khi đạo tràng xây dựng xong, chúng thường trụ trong ấy tranh danh, đoạt lợi, hằng ngày cãi cọ, tranh đoạt tài sản nhà chùa, đấy là tạo tội nghiệp. Chẳng cúng dường sẽ chẳng có tội nghiệp; hễ cúng dường, tội nghiệp đều có. Cúng dường người xuất gia, người xuất gia ấy thật sự tinh tấn dụng công, sự cúng dường ấy có phước. Cúng dường người xuất gia, người xuất gia có tiền, cất trong ngân hàng mấy trăm vạn, mấy ngàn vạn, vênh váo đắc ý, tội lỗi của quý vị bèn to kềnh. Vì sao? Kẻ ấy chẳng có đạo tâm. Khi chẳng có tiền thì có đạo tâm, chẳng suy nghĩ gì, chỉ nghĩ đến Phật, Bồ Tát. Đã có tiền, hằng ngày nghĩ tới tiền, quên bẵng Phật, Bồ Tát, đáng ngại quá! Vì vậy, trước khi diệt độ, Thích Ca Mâu Ni Phật đã khuyên lơn, khích lệ chúng ta hãy “lấy khổ làm thầy”. Người tu đạo lấy khổ làm thầy, khổ một chút cũng được! Khổ sở đôi chút, sẽ chẳng lưu luyến thế giới này. Quá giàu có, quá sung sướng, chẳng tốt! Sẽ dấy tâm tham đối với thế giới này, chẳng nỡ rời khỏi thế giới này, có cầu vãng sanh cũng chẳng cầu nổi! Chỉ cần miễn cưỡng có thể sống được, chẳng cần tranh chấp với kẻ khác. Có thể ăn no, mặc ấm, có căn nhà nhỏ để che mưa tránh gió, đủ rồi! Thân, tâm, thế giới, hết thảy đều buông xuống, thật thà niệm Phật, người như vậy có phước báo bậc nhất, thật sự có phước báo. Cúng dường người như vậy thì mới thật sự có phước, đấy mới là phước điền chân thật.

Hiện thời, chỗ chúng ta rất nhỏ, vì sao chẳng dựng cho to hơn chút nữa? Nếu dựng to hơn, sẽ chẳng có phước! Mấy người sống ở nơi đây, vừa khít. Nếu to hơn nữa, to mà chẳng có đông người như vậy, “phước địa, phước nhân cư”, chẳng có lắm người có phước như vậy đến ở, chẳng phải là phiền phức ư? Đạo tràng chẳng quan trọng ở chỗ lớn hay nhỏ, quan trọng là có đạo hay không? Có người tu đạo hay không? Cơ sở nhỏ, ít người, chi tiêu ít, cuộc sống đơn giản, dễ dàng, tâm mọi người đều đặt nơi đạo. Nơi chốn nhỏ, trụ nơi này bèn chẳng tranh giành, chẳng có gì đáng để tranh giành! Chùa chiền to, trong ấy liền chia bè kết đảng giành quyền, tranh danh, đoạt lợi, tạo nghiệp mất rồi! Vì thế, phải rất lắng lòng quan sát rõ ràng: Tu cúng dường như thế nào?

Kể từ khi học Phật tới nay, tôi chưa hề khuyên người khác kiến lập đạo tràng, mà khuyên kẻ khác in kinh, phóng sanh, cứu giúp người nghèo khổ, tôi cảm thấy những chuyện ấy là công đức chân thật. Tôi muốn lập đạo tràng thì cũng chẳng có tiền, đó là nhân quả báo ứng. Tôi cũng chẳng dám hóa duyên, vì sao? Tôi biết mình có hóa duyên thì cũng không được. Vì tôi chẳng tán thành tạo dựng đạo tràng, lấy đâu ra duyên? Chẳng có duyên! Vì thế, đạo tràng là do Phật, Bồ Tát tạo dựng, chẳng liên can gì đến tôi! Vì sao Phật, Bồ Tát tạo dựng? Đại khái là do thấy có mấy người thật sự muốn tu đạo. Do vì có người mà phải có nơi chốn, nên Phật, Bồ Tát sẽ đưa cơ sở đến. Không có người, thì cũng chẳng có cơ sở. Điều này tốt lắm! Đỡ lo, bớt việc, hễ đến lúc [cần phải có đạo tràng] thì sẽ có đạo tràng đưa đến. Trước mắt, thấy đạo tràng này thành tựu rất thuận lợi, xem ra chúng sanh thuộc thế hệ sau có phước, bèn có một nhóm người thật sự phát khởi đạo tâm, siêng năng tu học ở nơi đây, trong tương lai hoằng pháp lợi sanh, giáo hóa chúng sanh trong thế hệ tiếp theo. Họ có phước, chúng tôi thấy vậy rất hoan hỷ. Cư sĩ Giản Phong Văn nói với tôi, ông ta nói: “Thật sự có phước”. Tôi nói: “Chúng ta tạo phước, họ hưởng phước”. Chúng tôi mua một bộ Tứ Khố Toàn Thư, có thể sẽ được chuyển đến Mỹ rất nhanh; trong tương lai, thư viện tại Mỹ sẽ hết sức hoàn bị. Tôi nói với Giản cư sĩ: “Những thứ thuộc Tam Tạng mười hai bộ nhường cho họ ngộ; chúng ta tuổi già, cũng trao quyền lại, thật thà niệm Phật. Những kẻ trẻ tuổi thuộc thế hệ sau có phước, họ phải gánh vác sứ mạng phục hưng Phật giáo. Chúng ta tận tâm tận lực chuẩn bị tư lương cho họ, tạo cho họ một hoàn cảnh tu học, chúng ta có thể làm được điều này”. Quảng tu cúng dường!

Đừng nghĩ đạo tràng này có chút xíu, [diện tích] là một trăm năm mươi Bình, quảng tu cúng dường như thế nào? Tôi bồi dưỡng nhân tài ở nơi đây để trong tương lai họ hoằng pháp khắp nơi trên thế giới, làm sao không rộng cho được? Đương nhiên là rộng rãi. Học trò xuất thân từ nơi đây trong tương lai đều sẽ hoằng pháp trên khắp thế giới. Vì thế, tôi yêu cầu mọi người ở chung một chỗ phải thật sự tu Tam Phước và Lục Hòa. Chẳng tu Tam Phước và Lục Hòa, sẽ chẳng ở trong đạo tràng được. Vì sao? Phật, Bồ Tát, thần hộ pháp ở trong đạo tràng ấy, quý vị chẳng phải là người tu hành thật sự, thần hộ pháp sẽ khuấy phá bên cạnh, đuổi quý vị đi. Không đi thì cũng ngã bệnh, khiến cho quý vị sống không được, mà chết cũng không xong, khiến cho quý vị phải chịu tội. Do vậy, phải thật sự phát đạo tâm, mọi người ở chung với nhau cộng tu. Vì đây là đạo tràng chân thật, chẳng phải trò đùa bỡn của trẻ con, người chẳng thật sự có đạo tâm sẽ chẳng ở được, nhất định sẽ nẩy sanh phiền phức, sẽ sanh ra rối loạn. Đối với bất cứ ai, chúng ta đều cung kính, lễ bái. Nếu hành vi của kẻ ấy chẳng đoan chánh, chúng ta cũng chẳng cần phải đuổi kẻ ấy đi, Phật, Bồ Tát sẽ đuổi họ đi. Chúng ta đuổi thì sẽ mắc tội với người ta, đôi bên kết thành mối oán cừu; Phật, Bồ Tát, thần hộ pháp đuổi kẻ ấy, chứ chúng ta không đuổi. Tôi dạy Giản cư sĩ như vậy. Trước kia, có mấy người sau khi gia nhập Cơ Kim Hội[5] đã khiến cho Giản cư sĩ rất đau đầu, đến nói với tôi, tôi bảo: “Không sao đâu! Đạo tràng này do Phật, Bồ Tát dựng, Phật, Bồ Tát sẽ chịu trách nhiệm. Chúng ta cứ mắt nhắm, mắt mở”. Không lâu sau, kẻ ấy xuất hiện vấn đề, tự hắn bỏ đi. Tốt hơn nhiều! Gặp lại nhau, chúng ta đều rất hoan hỷ, khẽ gật đầu, tốt lắm! Phật, Bồ Tát chịu trách nhiệm, chúng ta chẳng cần làm mất lòng kẻ khác, chẳng cần bận lòng chuyện tầm phào ấy! Tâm thanh tịnh là được rồi. Quý vị thấy rõ ràng, rành rẽ hết thảy sự lý này, xử sự sẽ rất đúng pháp, thích đáng!

Điều thứ tư là “sám hối nghiệp chướng”. Hai chữ Sám Hối tuân theo thể lệ “Phạn Hoa hợp dịch” trong việc phiên dịch kinh Phật. Sám là phiên âm tiếng Phạn, Hối là chữ Hán. Chữ Sám Ma (Kṣamā) trong tiếng Phạn và Hối Cải (悔改) của tiếng Hán có ý nghĩa rất gần gũi, nên ghép cả hai lại, [đó là thể lệ] Phạn Hoa hợp dịch! Đối với nghiệp chướng, mỗi người chúng ta đều biết: “Tôi nghiệp chướng rất nặng”. Lại hỏi quý vị “nghiệp chướng là gì?” Chẳng biết! Chẳng hiểu rõ nghiệp chướng, lại còn là nghiệp chướng rất nặng, rất kỳ quái! Nghiệp chướng là gì? Nếu chẳng hiểu rõ nghiệp chướng, chư vị ngẫm xem, làm sao có thể sám trừ cho được? Giống như bắt thằng trộm vặt, quý vị phải biết nó là thằng trộm vặt thì mới có thể bắt được. Bắt thằng trộm vặt, mà thằng trộm vặt là đứa nào? Chẳng biết! Đến đâu để bắt nó? Chịu hết mọi nỗi khổ, tốn sạch công sức, vẫn chẳng bắt được. Trước hết, quý vị phải hiểu điều này! Tại Đài Loan, người bái sám rất nhiều! Hằng ngày cầu sám hối, nhưng nghiệp chướng chẳng sám trừ được. Vì sao chẳng sám trừ được? Chẳng biết nghiệp chướng là gì, sám kiểu nào cũng chẳng sám được! Nếu hiểu nghiệp chướng là gì, sám hối sẽ chẳng khó, sẽ thật sự có hiệu quả!

“Nghiệp” là hoạt động, hoạt động ấy đủ để tạo thành chướng ngại, chướng ngại trí huệ và đức năng trong tự tánh. Nghiệp ấy sanh ra chướng ngại bèn gọi là nghiệp chướng. Đương nhiên là phạm vi của hoạt động hết sức rộng lớn, quy nạp lại thì không ngoài ba loại lớn là thân, ngữ, ý; do vậy, gọi là tam nghiệp, tức ba loại hoạt động lớn. Thân thể tạo tác, nhất cử nhất động là tạo tác. Ngữ nghiệp là ngôn ngữ. Ý nghiệp là tư tưởng, ý niệm, kiến giải. Chỉ cần có động tác bèn gọi là Nghiệp. Nghiệp chia thành ba loại lớn là thiện nghiệp, ác nghiệp và vô ký nghiệp (không thiện, không ác). Thiện nghiệp có lợi ích cho hết thảy chúng sanh. Ác nghiệp có lợi cho chính mình, bất lợi cho chúng sanh. Vô ký nghiệp là chẳng nói tới thiện hay ác, loại này chẳng thiện, chẳng ác.

Ba loại này đều sanh ra chướng ngại. Thiện nghiệp và ác nghiệp sanh ra chướng ngại gì? Phiền Não Chướng, tất cả hết thảy phiền não phát sanh từ chỗ này. Vô ký nghiệp sanh ra chướng ngại gì? Vô minh chướng ngại, thứ gì cũng đều chẳng hiểu rõ, đó chính là ngu si trong Tam Độc. Do vậy, Tam Độc sanh từ nghiệp chướng. Thiện nghiệp khởi tham ái, ác nghiệp là sân khuể, vô ký nghiệp là ngu si. Suốt ngày từ sáng đến tối luôn tạo tác, hằng ngày tạo tác tham, sân, si, làm sao có thể tiêu nghiệp chướng cho được? Thậm chí tôi còn nghe nói, niệm Phật mà luôn dấy lên tham, sân, si. Niệm Phật mà dấy lên tham, sân, si là như thế nào? Kẻ khác mỗi ngày niệm một vạn câu, ta niệm hai vạn câu, phải vượt trội hắn! Đó là tâm tham, tâm ngạo mạn, tâm ganh tỵ. Niệm Phật kiểu đó có thể vãng sanh Tây Phương được không? Thắp hương trong chùa miếu cũng phải giành thắp nén hương đầu tiên! Pháp sư cũng cao minh, đòi tín đồ phải giao ra mười vạn đồng để thắp nén hương đầu tiên! Nộp tám vạn đồng cho nén thứ hai, mọi người giành nhau, ngu si đấy nhé! Nói thật ra, những điều đã làm đều tăng trưởng tham, sân, si, làm sao có thể tiêu trừ nghiệp chướng cho được?

Nếu hiểu rõ nghiệp chướng, tâm chúng ta thanh tịnh. Hiểu rõ rệt, minh bạch hết thảy cảnh giới, đó là Huệ. Trong hết thảy các cảnh giới, như như bất động, chẳng phân biệt, không chấp trước, đấy là Định. Có Định, có Huệ, nghiệp chướng bèn chẳng còn! Niệm Phật và tụng kinh là biện pháp, biện pháp ấy nhằm sanh ra hiệu quả Giới, Định, Huệ. Trì giới là vâng giữ pháp tắc, Tam Phước và Lục Hòa là pháp căn bản. Niệm câu Phật hiệu này, Tam Học Giới, Định, Huệ được hoàn thành cùng một lượt. Đó là thật sự tiêu trừ nghiệp chướng, thật sự sám hối nghiệp chướng. Do vậy, niệm kinh Vô Lượng Thọ, tôi khuyên đồng tu niệm kinh, số lần niệm mỗi ngày càng nhiều càng tốt. Mỗi ngày phải niệm đủ số lượt, chớ nên gián đoạn, dần dần nghiệp chướng sẽ tiêu trừ. Hằng ngày [do niệm kinh], chánh niệm nhiều, vọng niệm ít đi, [nghiệp chướng] tiêu trừ. Vọng niệm là nghiệp chướng, niệm kinh là chánh niệm. Thời gian chánh niệm càng dài, thời gian vọng niệm càng ngắn, đó gọi là “tiêu nghiệp chướng”. Vì thế, hết thảy đều phải quan sát từ hiệu quả thì mới biết có phải thật sự là hữu hiệu hay không? Có phải là thật sự đạt tới mục tiêu tu học hay không? Tuyệt đối chẳng phải là nói hôm nay tôi đã lạy Bát Thập Bát Phật[6], hoặc hôm nay tôi đã lạy Lương Hoàng Sám, đã cử hành nghi thức Thủy Lục, nghiệp chướng của tôi bèn tiêu trừ, chẳng có chuyện ấy! Tôi là kẻ bàng quan, tỉnh táo quan sát, [nhận thấy] không chỉ là [nghiệp chướng] chẳng tiêu trừ, mà còn tăng thêm chẳng ít! Vì sao chẳng tiêu trừ? Tăng trưởng tham, sân, si, mạn, tăng trưởng những thứ ấy.

Nguyện thứ năm là “tùy hỷ công đức”. Đây là nói các vị đại Bồ Tát, Pháp Thân đại sĩ phát nguyện, chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, độ như thế nào? Tùy hỷ công đức. Tùy hỷ là gì? Chẳng phan duyên thì gọi là tùy hỷ. Hữu tâm để làm thì chẳng phải là tùy hỷ. Hữu tâm thực hiện, tâm sẽ chẳng thanh tịnh. Vô tâm thực hiện thì tâm mới thanh tịnh, hết thảy mọi sự thuận theo tự nhiên. Vì sao thế giới loạn như vậy? Vì sao chúng sanh khổ sở ngần ấy? Chư vị hãy ngẫm xem, căn nguyên từ đâu ra? Do có những kẻ thông minh quyết đoán chủ ý thay cho chúng ta: Phải nên làm như thế này! Kẻ khác lại nói làm như thế nọ! Người đề ra chủ ý quá đông, kẻ muốn thực hiện quá đông, bèn [nẩy sanh] tranh cãi. Ai chịu tội? Dân chúng chịu tội!

Đối với chư Phật, Bồ Tát, chư vị hãy xét kỹ năm mươi ba lần tham học [của Thiện Tài đồng tử]. Năm mươi ba vị thiện tri thức các nghề nghiệp đều có, chẳng có vị nào là chủ động “ta phải làm những chuyện gì”. Chẳng hề có! Đều là tùy hỷ. Các vị thích làm như thế nào, chuộng làm như thế nào, tôi biết quý vị chẳng làm chuyện xấu, tôi bèn tận tâm tận lực giúp quý vị làm, tùy hỷ công đức! Nói cách khác, tùy hỷ công đức không chỉ chẳng ngăn ngại Tam Học Giới, Định, Huệ, mà trái lại còn có thể tăng trưởng sự tu dưỡng Giới, Định, Huệ; đó là đúng! Nếu phá hoại Tam Học, trái nghịch Tam Học, sẽ là lầm lỗi đặc biệt to lớn! Đấy là lý do vì sao chư Phật, Bồ Tát, lịch đại tổ sư bất cứ lúc nào cũng đều răn dạy chúng ta “tùy duyên, chớ nên phan duyên”. Phan duyên là rất miễn cưỡng, không tốt! Chuyện tốt chẳng bằng không có chuyện gì! Vô sự thì thiên hạ thái bình, dân chúng mới có thể sống cuộc đời thật sự hạnh phúc. Có một ngày, thầy Lý dạy chúng tôi học, thầy viết bốn chữ to trên bảng đen: “Hảo nhân háo sự” (好人好事: Người tốt ham bới ra chuyện). Thầy bảo chúng tôi: Đang trong lúc bầu cử, bầu cử để chọn lựa người tốt, việc tốt, thầy khoanh tròn bên cạnh câu “hảo nhân háo sự”, người tốt háo sự (ưa bới ra chuyện bày vẽ rườm rà thêm). Lắm người hiếu sự (háo sự) sẽ hay tranh cãi, các vấn đề xã hội đều xuất hiện! Trong Phật pháp, quyết định chẳng chấp nhận chuyện này! Chớ nên đa sự, hãy tùy duyên, đừng phan duyên. Tùy duyên thì sẽ pháp hỷ sung mãn, công đức là gì? Là Tam Học Giới, Định, Huệ tăng thượng, đấy là công đức. Không chỉ là chẳng phá hoại Giới, Định, Huệ, mà ngược lại còn tăng trưởng Giới, Định, Huệ. “Tùy” (隨) là tùy duyên, “hỷ” (喜) là pháp hỷ. Chỉ có tùy duyên thì mới có thể đạt được pháp hỷ, mới có thể tăng thượng Tam Học Giới, Định, Huệ.

Thứ sáu là “thỉnh chuyển pháp luân”. Nói thật ra, thỉnh chuyển pháp luân là thỉnh Phật, Bồ Tát giảng kinh, thuyết pháp. Chúng sanh bình phàm chẳng biết tới trí huệ và đức năng của Phật, Bồ Tát, mà cũng chẳng biết khải thỉnh. Người đã biết, người có cơ duyên ấy, hãy nên thay cho hết thảy đại chúng thỉnh Phật thuyết pháp. “Chuyển pháp luân” chính là thuyết pháp. Chỉ có Phật pháp là có thể giác ngộ hết thảy chúng sanh, chẳng phải là mê hoặc hết thảy chúng sanh.

Phật pháp là phá mê khai ngộ; hiện thời, lắm kẻ học Phật chúng ta mê chứ chẳng ngộ. Chúng ta thấy chuyện này rất đau lòng, cảm thấy rất khó chịu. Hãy gấp rút tuyên dương Chánh Pháp. Thật sự phát tâm, phát khởi tâm thanh tịnh và tâm vô thượng để theo đuổi công tác này, mười phương chư Phật hộ niệm, long thiên hộ pháp ủng hộ, điều này chẳng giả tí nào! Do đó, chúng ta tu cúng dường, trao cho họ một hoàn cảnh tu học thuận lợi dường ấy. Sự thuận lợi không thể tưởng tượng ấy là do Phật, Bồ Tát, hộ pháp long thiên âm thầm gia trì, và do những người ấy thật sự phát đạo tâm. Trong mười người, chỉ cần có một hai người thật sự phát đạo tâm, Phật, Bồ Tát liền chiếu cố, những người khác đều được hưởng lây, đều có phước.

Thỉnh Phật, Bồ Tát thì nay Phật, Bồ Tát chẳng trụ thế, hễ có thiện tri thức thật sự, có bậc hữu tu hữu học, hãy thỉnh họ giảng kinh, thuyết pháp hòng lợi ích chúng sanh. Hôm trước, bên Mỹ gọi điện thoại cho tôi, nói có mấy trường đại học gần đó yêu cầu chúng ta phái người đến giảng kinh, họ hỏi tôi có nên hay không? Tôi nói: “Được chứ!” Các đồng học chúng ta đến trường để luyện giảng, đến dạy họ.

Nhân duyên đúng là hết sức thù thắng, chúng ta gặp gỡ bậc đại đức thật sự hữu tu hữu học thì phải thỉnh pháp. Trong thế giới hiện thời, do thông tin phát triển, giao thông nhanh chóng và tiện lợi, chẳng còn giới hạn trong một khu vực nào nữa, có thể nói là đã phổ biến trên toàn thể thế giới, khắp nơi đến thỉnh thì sẽ chẳng có cách nào phân thân. Vì thế, thiện tri thức thật sự thì chưa chắc là đã nhất định có thể thỉnh được; nhưng có một biện pháp: Hiện thời có băng thâu âm, chúng ta thỉnh băng thâu âm về, mọi người cùng nhau nghe, cùng nhau học, được lắm! Lần trước, ở Hương Cảng tôi đã gặp hai vị tỳ-kheo-ni từ phương Bắc, kể với tôi: Họ có một bộ băng thâu âm lời giảng kinh Vô Lượng Thọ của tôi tại chùa Bát Nhã ở Cáp Nhĩ Tân ([chùa ấy là] đạo tràng của lão pháp sư Đàm Hư). Ni sư nói: – Có hơn hai trăm người đến nghe, người đến nghe giống như thấy pháp sư vậy. Máy thâu âm đặt trên giảng đài, mọi người ngồi ở dưới nghe. Hơn hai trăm người cung kính, vô cùng thù thắng trang nghiêm.

Nay chúng ta đọc đến “thỉnh chuyển pháp luân” thì cũng chớ nên chấp chết cứng nơi câu chữ, phải nên liên tưởng: Hễ là những gì có thể khiến cho chúng sanh có cơ duyên nghe pháp thì đều được gộp trong một điều này, chúng ta hãy nên tận tâm tận lực hiệp trợ.

Thứ bảy là “thỉnh Phật trụ thế”. Căn tánh của chúng sanh đều kém hèn, há có chúng sanh nào nghe kinh một lần, hoặc nghe giảng một bộ kinh liền khai ngộ chứng quả? Tuyệt đại đa số những người có thành tựu đều là do không ngừng huân tập: Hằng ngày đều nghe, mỗi ngày đều học, không ngừng huân tập thì mới có thể thành tựu. Thỉnh thoảng mời một vị pháp sư đến giảng kinh, giảng xong, [pháp sư] ra đi, vô ích, chỉ có thể thu được hiệu quả tuyên truyền Phật giáo, chắc chắn là chẳng thu được hiệu quả thành tựu chúng sanh! Nếu muốn chúng sanh thật sự thành tựu, chỉ có một phương pháp: Thỉnh thiện tri thức ở lâu dài nơi chỗ chúng ta, đừng rời đi, phải thỉnh Phật trụ thế. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam nếu chẳng trụ tại Đài Trung Liên Xã suốt bốn mươi năm, Ngài chẳng thể nào có thành tựu. Giống như tôi giảng kinh suốt ba mươi ba năm mà chẳng có thành tựu, vì sao? Chẳng thể ở tại nơi này, cứ đi khắp nơi! Đối với chính mình thì có một chút thành tựu, nhưng đối với mọi người chẳng có thành tựu chi cả! Chính mình huân tập chẳng gián đoạn, nhưng các đồng tu huân tập bị gián đoạn, đấy gọi là “một ngày nóng, mười ngày lạnh”, khó lắm!

Nói thật ra, mười nguyện Phổ Hiền chỉ có bảy thệ nguyện, từ “lễ kính” cho đến “thỉnh Phật trụ thế” là bảy điều, ba điều sau thuộc loại hồi hướng. Điều hồi hướng thứ nhất là “thường tùy Phật học”, điều này là hồi hướng Bồ Đề. “Hằng thuận chúng sanh” là hồi hướng chúng sanh. “Phổ giai hồi hướng” là hồi hướng Thật Tế. Thật Tế là pháp giới, là Chân Như bản tánh.

Học Phật thì đức Phật là gương mẫu, điển hình, khuôn phép cho chúng ta, chúng ta phải học giống như Phật. Chúng ta học giống như một vị Phật như thế nào? Ở đây, mọi người đừng lầm lẫn, chớ nên hiểu là giống như tượng Phật suốt ngày từ sáng đến tối ngồi ì ra cho người khác lễ bái, học Phật kiểu ấy có tác dụng chi đâu? [Làm như vậy] là sai mất rồi! Đối với vũ trụ, nhân sinh, hết thảy vạn pháp, đức Phật có cách nhìn ra sao? Phật có cách nghĩ ra sao? Phật có cách làm ra sao? Chúng ta học những điều ấy! Trong hết thảy các kinh, giảng cặn kẽ và hoàn bị nhất là kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm quá to, niệm phần trước chẳng hiểu phần sau, niệm đến phần sau, quên sạch phần trước, chẳng có tác dụng! Rất khó có là chúng ta tìm được một bản kinh Hoa Nghiêm đại lược, tức là kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ là Trung Bổn Hoa Nghiêm, kinh Di Đà là Tiểu Bổn Hoa Nghiêm. Trung Bổn Hoa Nghiêm có phân lượng rất thích đáng, vừa phải. Tiểu Bổn Hoa Nghiêm quá đơn giản, [nên người đọc và học] chẳng thể thọ dụng. Chúng ta niệm kinh Di Đà rất khó được thọ dụng. Kinh Vô Lượng Thọ phân lượng vừa khéo, chẳng nhiều mà cũng chẳng ít, hãy y giáo phụng hành. Quý vị hãy xem A Di Đà Phật có cách nhìn ra sao đối với vũ trụ và nhân sinh? Cách nghĩ ra sao? Thực hiện như thế nào?

Đọc kinh thì phải biến những giáo huấn trong kinh điển thành tư tưởng, kiến giải và hành vi trong cuộc sống của chính mình, ta và A Di Đà Phật chẳng khác nhau. Đó là học Phật. Chẳng phải là mỗi ngày niệm bao nhiêu kinh, lễ bao nhiêu lạy, niệm bao nhiêu câu A Di Đà Phật thì gọi là học Phật. Kẻ ấy hoàn toàn chẳng học Phật! Học là làm theo, phải học sao cho giống hệt như Phật, đó gọi là “học Phật”. Vì lẽ này, quý vị đọc kinh, hoặc nghiên cứu kinh điển, mỗi ngày học một câu, mỗi ngày học một chuyện, một năm học được ba trăm sáu mươi điều, ba năm sẽ giống Phật. Tuy chưa thành Phật, nhưng là tương tự Phật, chẳng kém Phật cho mấy. Học Phật có gì khó khăn? Thật sự làm! Thực hiện từng điều một, quý vị có thể làm trọn hết kinh Vô Lượng Thọ, sẽ là A Di Đà Phật.

“Hằng thuận chúng sanh”: Chỉ có hằng thuận chúng sanh, trong tâm mới chẳng dấy lên phiền não, tâm mới có thể bình lặng. Đối với chúng sanh ác, hãy uyển chuyển dẫn dụ họ; nếu thật sự chẳng thể [dẫn dụ], đành để mặc họ! Khi nào họ hồi tâm chuyển ý, khi ấy sẽ lại tới độ họ. Độ chúng sanh chẳng phải là trong một đời này, mà là đời đời kiếp kiếp. Đời này chẳng quay đầu, đời sau hoặc kiếp sau, người ấy có thể quay đầu. Đời sau, kiếp sau chẳng quay đầu thì lại qua một kiếp, hai kiếp, vô lượng A-tăng-kỳ kiếp sau, người ấy vẫn có thể quay đầu, chẳng cần lo lắng! Chư Phật, Bồ Tát đều chẳng lo lắng, chúng ta nóng lòng, không chỉ chẳng thể độ chúng sanh, mà chính mình cũng bị vạ lây, vấn đề bèn nghiêm trọng. Do vậy, nếu hằng thuận chúng sanh mà tâm địa của chính mình thanh lương tự tại, sẽ chẳng bị quấy nhiễu chút nào!

Trong cuộc sống, trong gia đình, đối với xóm giềng, làng nước, thân thích, bạn bè, phải hằng thuận. Hằng thuận là có trí huệ, có phương tiện thiện xảo, thật sự tự lợi, lợi tha, khiến cho hết thảy chúng sanh giác ngộ Phật pháp, chẳng đến nỗi hiểu lầm Phật pháp. Có những kẻ chẳng tin Phật pháp, tưởng lầm [Phật pháp] là mê tín, chúng ta bảo họ: “Phật pháp chẳng mê tín”. Có những kẻ nói “Phật pháp có chấp trước”, chúng ta bảo họ: “Phật pháp không chấp trước”. Đối với người nào bèn dùng phương pháp nấy, người học Phật viên dung tự tại, thấy người bèn nói tiếng người, thấy quỷ bèn nói tiếng quỷ. Nói chung, người cũng vậy, mà quỷ cũng vậy, họ đều tin tưởng Phật pháp, đều tán thán Phật pháp, mục đích liền đạt được, đó là chánh pháp, phá mê khai ngộ. Phải hằng thuận chúng sanh!

Có nhiều đồng tu thông thường chẳng tụ hội với người già trong nhà, khi sum họp vào dịp Tết, ăn chay trường, người nhà trông thấy bèn chán ngán, chê là mê tín. Người già rất yêu thương con trẻ, [cứ nghĩ] “ăn chay trường chẳng đủ dinh dưỡng”. Trong tình huống ấy, họ muốn quý vị ăn thịt, quý vị cũng có thể ăn vài miếng. [Họ thắc mắc]: “Nhà ngươi học Phật ăn chay trường, cũng có thể ăn thịt à?” “Có thể ăn, cớ sao không thể ăn?” Quý vị giảng đạo lý cho họ một bài, [họ sẽ nói]: “Học Phật như vậy thì chẳng khó, ta cũng có thể học”, họ liền học Phật. Nếu dứt khoát bắt ăn chay, khá nhiều kẻ sẽ chẳng dám học Phật, đó là sai lầm! Khuyên người khác ăn ba thứ tịnh nhục, đừng nên sát sanh thì họ có thể tiếp nhận! Nhất định nói “chẳng thể không ăn chay”, tra duyệt khắp Đại Tạng Kinh cũng chẳng [thấy] có [lời dạy ấy]. Trên toàn thế giới, chỉ có người Hoa ăn chay, người xuất gia ngoại quốc thấy người Hoa ăn chay rất lấy làm lạ, người Hoa thấy người xuất gia ngoại quốc không ăn chay cũng rất lạ lùng. Trong giới kinh, đức Phật bảo các tỳ-kheo ăn ba thứ tịnh nhục, [tức là thịt của các con vật] chẳng thấy chúng bị giết, chẳng nghe tiếng chúng bị giết, chẳng vì ta mà giết. Do đức Phật chế định [tăng sĩ nuôi thân bằng cách] khất thực, trong nhà người ta ăn món gì bèn cúng dường món đó, chẳng cần phải nấu riêng những món dành cho người xuất gia. Đó là từ bi, chẳng muốn làm phiền người khác! Ăn chay đương nhiên là tốt, đặc biệt là người trung niên hoặc lão niên, ăn chay chắc chắn có lợi cho sức khỏe, giảm bớt khá nhiều bệnh tật. Quý vị có thể giảng đạo lý một phen, họ sẽ nói: “Phật giáo có lý”, sẽ tin tưởng, tiếp nhận. Do vậy, Phật pháp hưng suy, mỗi cá nhân chúng ta có trách nhiệm, do sự tạo tác nơi ba nghiệp mà chúng ta phải gánh lấy trách nhiệm trọng đại.

Thứ mười là “phổ giai hồi hướng”, tâm lượng mở rộng như hư không pháp giới, công đức như vậy mới là công đức viên mãn. [Đoạn kinh văn này nhằm] nói rõ các vị Pháp Thân đại sĩ trong hội Hoa Nghiêm niệm Phật vãng sanh phải tu mười thứ tâm này, đó là điều kiện [để vãng sanh trong] cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Hôm nay tôi giảng tới đây.

 

Tập 220

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm ba mươi ba.

 

(Sao) Hoa Nghiêm thập nguyện giả, nhất giả lễ kính chư Phật, nãi chí thập, phổ giai hồi hướng, diệc dĩ thử thập sanh bỉ quốc độ. Dĩ thượng giai Bồ Tát quảng đại trí hạnh, phi khả dị thực, dị tu. Kim trì danh công đức, tựu sử thập tâm vị bị, thập nguyện vị tề, tịnh nghiệp nhất thành, tiện sanh bỉ quốc. Ký đắc vãng sanh, thử tâm, thử nguyện, tự nhiên thành tựu, khởi phi đa thiện căn phước đức hồ? Bất kinh vu khúc, thị vị trực tiệp; vô chư phiền tỏa, thị vị giản dị. Trực tiệp nhi thâm tạo, giản dị nhi quảng hoạch, chư dư pháp môn chi sở bất cập, thị vị thù thắng.

()華嚴十願者,一者禮敬諸佛,乃至十普皆迴向,亦以此十生彼國土。以上皆菩薩廣大智行,非可易植易修。今持名功德,就使十心未備,十願未齊,淨業一成,便生彼國。既得往生,此心此願,自然成就,豈非多善根福德乎。不經迂曲,是謂直捷;無諸煩瑣,是謂簡易。直捷而深造,簡易而廣獲,諸餘法門之所不及,是謂殊勝。

(Sao: “Mười nguyện Hoa Nghiêm”: Một là lễ kính chư Phật, cho đến mười là hồi hướng trọn khắp, cũng dùng mười nguyện này để sanh về cõi nước ấy. Những điều trên đây đều là trí hạnh rộng lớn của Bồ Tát, chẳng thể dễ gieo, dễ tu. Nay do công đức của trì danh bèn khiến cho [hành nhân tuy] mười tâm chưa đầy đủ, mười nguyện chưa bằng [với Phổ Hiền Bồ Tát], nhưng hễ tịnh nghiệp đã thành, liền sanh về cõi ấy. Đã được vãng sanh thì tâm ấy và nguyện ấy tự nhiên thành tựu, há chẳng phải là nhiều thiện căn, lắm phước đức hay chăng? Chẳng phải quanh co, nên nói là “thẳng chóng”. Không có các nỗi rắc rối, nên nói là “đơn giản, dễ dàng”. Thẳng chóng mà thành tựu sâu xa; đơn giản, dễ dàng mà thu hoạch rộng lớn, các pháp môn khác chẳng sánh bằng, nên nói là “thù thắng”).

 Mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát chính là pháp được tu học bởi các vị Pháp Thân đại sĩ thuộc bốn mươi mốt địa vị trong hội Hoa Nghiêm, dùng công đức tu hành ấy để vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ. Từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy các vị Bồ Tát trong thế giới Tây Phương từ hạ hạ phẩm cho đến thượng thượng phẩm, chẳng có vị nào không tu mười nguyện Phổ Hiền. Cư sĩ Bành Tế Thanh nói kinh Vô Lượng Thọ là Trung Bổn Hoa Nghiêm, kinh A Di Đà là Tiểu Bổn Hoa Nghiêm. Kinh văn của ba bộ kinh ấy có giản lược [hay chi tiết] khác nhau, nhưng có thể nói là nghĩa lý và cảnh giới chẳng có mảy may sai biệt. Chúng ta có thể tin tưởng điều này, ông ta chẳng tùy tiện thốt ra lời ấy. Nhất là nay chúng ta xem đoạn khai thị này của Liên Trì đại sư, càng đáng cho chúng ta cảnh giác sâu xa!

“Bồ Tát quảng đại trí hạnh, phi khả dị thực, dị tu” (Trí hạnh rộng lớn của Bồ Tát chẳng phải là dễ gieo, dễ tu): “Thực” (植) là gieo trồng, vun bồi, cũng là gặp gỡ, chẳng dễ gì gặp gỡ. Chẳng dễ gì gieo trồng, vun bồi, chẳng dễ gì tu học! Nay chúng ta có được phương pháp kỳ diệu nhất trong Đại Kinh là trì danh niệm Phật. Công đức trì danh “tựu sử thập tâm vị bị” (khiến cho mười tâm chưa đầy đủ), “thập tâm” chính là mười thứ tâm vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới được nói trong kinh Bảo Tích, đó là pháp tu của Bồ Tát, chúng ta chưa tu, chưa có đủ mười tâm ấy. “Thập nguyện vị tề” nghĩa là chúng ta cũng chẳng tu mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát giống như Ngài. Chẳng cần nói tới Phổ Hiền Bồ Tát, ngay cả địa vị Bồ Tát thấp nhất trong hội Hoa Nghiêm là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, chúng ta cũng chẳng bằng người ta, thế nhưng “tịnh nghiệp nhất thành, tiện sanh bỉ quốc” (tịnh nghiệp vừa thành, liền sanh về cõi ấy).

Điều then chốt trong hiện thời chính là tịnh nghiệp. Nghiệp là gì? Trước hết, phải hiểu rõ ràng, minh bạch hai chữ ấy. Hiện thời gọi Nghiệp là “hoạt động”, cổ nhân nói là “tạo tác”. Động tác nơi thân chúng ta gọi là “thân nghiệp”, ngôn ngữ nơi miệng gọi là “khẩu nghiệp”. Trong tâm, khởi tâm động niệm được gọi là “ý nghiệp”. Ba nghiệp có thanh tịnh hay không? Nay chúng ta lại phải hỏi: Ba nghiệp thanh tịnh là gì? Chẳng thanh tịnh là gì? Thanh tịnh và không thanh tịnh có một tiêu chuẩn: Bị nhuốm bẩn thì chẳng thanh tịnh, chẳng bị nhuốm bẩn bèn là thanh tịnh. Nhuốm bẩn là gì? Trong là vọng tưởng, chấp trước; ngoài là sáu trần dụ dỗ, mê hoặc. Tướng cảnh giới bên ngoài dụ dỗ, mê hoặc, nội tâm quý vị có bị nhuốm bẩn hay không? Bên ngoài dụ dỗ, mê hoặc, thuận với ý nghĩ của quý vị bèn dấy lòng tham ái. Tham ái là nhuốm bẩn, nghiệp bất tịnh. Hễ trái ý [tâm bèn nẩy sanh ý niệm] chán ghét, ganh tỵ, oán hận, thì cũng là nhuốm bẩn. Nói cách khác, thất tình ngũ dục là nhuốm bẩn. Nếu ba nghiệp của quý vị còn có nhuốm bẩn, sẽ chẳng thành công, chẳng thể vãng sanh. Vãng sanh thì ba nghiệp phải thanh tịnh. Nói thật ra, công phu ấy cũng chẳng khác với tiêu chuẩn đã nói trong kinh Kim Cang cho mấy: “Ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng động tâm”. Bất luận thuận cảnh hay nghịch cảnh, thiện duyên hay ác duyên, đều phải đạt tới “chẳng chấp tướng, như như bất động”. Đó là tu tịnh nghiệp; muốn vãng sanh trong một đời này thì nhất định phải ghi nhớ điều này.

Bồ Tát cậy vào mười tâm và mười nguyện để có thể thanh tịnh ba nghiệp, chúng ta cậy vào gì? Chúng ta cậy vào một câu A Di Đà Phật. Trong tâm mới khởi tâm động niệm, ngay lập tức chuyển [niệm ấy] thành A Di Đà Phật, A Di Đà Phật là tịnh nghiệp. Nói cách khác, nơi tâm và miệng chẳng có A Di Đà Phật thì là nhiễm nghiệp, nghiệp chẳng thanh tịnh. Nhiễm nghiệp thì chẳng thể vãng sanh, tịnh nghiệp mới có thể vãng sanh. Hễ tịnh nghiệp đã thành, một mai đã thành tựu, bèn sanh vào cõi ấy, người ấy liền vãng sanh. Do vậy, pháp môn này không cần phải tu mười tâm, chẳng cần phải tu mười đại nguyện vương, biết có mười tâm và mười nguyện là được rồi, có thể làm được thì đương nhiên là rất tốt; chẳng thể làm cũng không sao. Quý vị suốt ngày từ sáng đến tối trong mười hai thời, trong tâm đừng quên A Di Đà Phật, niệm niệm đều khởi lên A Di Đà Phật, đó là tịnh nghiệp. Trong tâm có A Di Đà Phật, tâm thanh tịnh; nơi miệng có A Di Đà Phật, miệng thanh tịnh; thân thể lễ bái A Di Đà Phật, thân thanh tịnh. Ba nghiệp thanh tịnh chính là điều kiện để vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị thấy điều kiện này đơn giản, dễ dàng nhiều lắm!

“Ký đắc vãng sanh” (Đã được vãng sanh), đã sanh sang Tây Phương Cực Lạc thế giới, “thử tâm, thử nguyện” (tâm ấy, nguyện ấy), tức là mười tâm Bồ Tát được nói trong kinh Bảo Tích và mười đại nguyện của Bồ Tát trong kinh Hoa Nghiêm, chỉ cần sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ tự nhiên viên mãn, sẽ thành tựu, chẳng tu mà đạt được! Nếu quý vị hỏi: Vì sao có thể đạt được ư? Họ tu mười tâm và mười nguyện bèn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, ta dùng một câu A Di Đà Phật cũng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đã tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, còn có gì khác nhau nữa? Thế giới ấy là một thế giới bình đẳng, mọi thứ thảy đều đạt được! Vì thế, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới đừng nói là mười tâm hay mười nguyện, [mà là] vô lượng vô biên pháp môn thảy đều đạt được. Do vậy, pháp môn này đúng là thù thắng khôn sánh!

“Khởi phi đa thiện căn phước đức hồ?” (Há chẳng phải là nhiều thiện căn, nhiều phước đức ư?) Thiện căn và phước đức ít ỏi, sẽ không được nghe pháp môn này, chẳng gặp pháp môn này. [Dẫu có] gặp gỡ, nghe thấy, kẻ ấy cũng chẳng nghe hiểu pháp môn này, cũng chẳng tin tưởng pháp môn này. Phàm là kẻ nghe, đọc kinh này mà đọc không được, nghiệp chướng hết sức nặng nề. Phàm là ai niệm kinh này mà rất hoan hỷ, tức là nghiệp chướng nhẹ nhàng, là người nhiều thiện căn và nhiều phước đức. Một số đồng tu từ Hương Cảng sang Đại Lục thăm viếng cụ Hoàng Niệm Tổ, cụ Hoàng Niệm Tổ đã khai thị cho họ: “Đọc tụng kinh Vô Lượng Thọ, y giáo phụng hành, khẳng định là đại thiện căn và đại phước đức”.

“Bất kinh vu khúc” (Chẳng quanh co). “Vu” (迂) là quanh co, “khúc” (曲) là uốn lượn. Chẳng cần phải vòng vèo, cũng chẳng cần uyển chuyển uốn lượn, nên gọi là “trực tiệp” (直捷). “Trực tiệp” là nhanh chóng. Quý vị nghĩ xem: Bảo Tích và Hoa Nghiêm đều là quanh co, ngoắt ngoéo, phải tu nhiều kiếp mới có thể đạt được, trì danh niệm Phật thành tựu ngay trong một đời, há còn có gì nhanh chóng hơn pháp này? “Vô chư phiền tỏa, thị vị giản dị” (Chẳng có các nỗi rắc rối, nên gọi là đơn giản, dễ dàng). Không rắc rối, mà cũng không phiền toái, [nên gọi là] đơn giản, dễ dàng. “Trực tiệp nhi thâm tạo” (Thẳng chóng mà thành tựu sâu xa), thành tựu sâu rất quan trọng! Nếu thẳng chóng mà chúng ta đạt được [thành tựu] rất nông cạn, rất ít ỏi, sự thẳng chóng ấy cũng trọn chẳng đáng quý. Do pháp môn thẳng chóng này mà đạt đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, những gì quý vị đạt được gần như bằng với Đẳng Giác Bồ Tát, chẳng dễ dàng! Đấy mới là thật sự hy hữu, thật sự đáng quý. “Giản dị nhi quảng hoạch” (Đơn giản, dễ dàng, mà thu hoạch rộng lớn): Đơn giản, dễ dàng mà [những gì] quý vị đạt được đều là hữu hạn thì sự đơn giản, dễ dàng ấy chẳng đáng coi là quý. Do sự đơn giản, dễ dàng này mà sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, trong kinh, đức Phật thường bảo, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới giống như sanh về các thế giới của hết thảy chư Phật, thấy A Di Đà Phật sẽ giống như thấy hết thảy chư Phật Như Lai, thảy đều đạt được. Đơn giản, dễ dàng, mà thu hoạch chẳng thể nghĩ bàn! “Chư dư pháp môn chi sở bất cập” (Các pháp môn khác chẳng thể sánh bằng): Trừ pháp môn Trì Danh Niệm Phật ra, tất cả hết thảy các pháp môn khác, chẳng có pháp môn nào có thể sánh bằng. Chẳng phải là thật sự có đại thiện căn, đại phước đức, đại nhân duyên, làm sao quý vị có thể gặp gỡ? Đừng nói là hiện thời trong thế gian này, ngay tại thành phố Đài Bắc, người học Phật chẳng ít, có mấy ai nghe bộ kinh này? Mấy ai sau khi đã nghe, trong tâm thật sự giác ngộ, thật sự hiểu rõ, khăng khăng một mực tu học? Chẳng có mấy ai! “Thị vị thù thắng” (Nên gọi là thù thắng). Đúng là thù thắng khôn sánh!

 

(Sớ) Thiện nam tử nữ nhân giả.

()善男子女人者。

(Sớ: Thiện nam tử, thiện nữ nhân là…).

Kinh nói “thiện nam tử, thiện nữ nhân” thì “thiện” là gì? Bất thiện là gì? Trong kinh, đức Phật thường gọi “thiện nam tử, thiện nữ nhân”, có gọi ta hay không? Gọi người khác chẳng quan trọng, có gọi ta hay không? Ta có phải là một trong số những người được đức Phật gọi là “thiện nam tử, thiện nữ nhân” hay không? Điều này rất trọng yếu. Ở đây, đại sư đã giải thích, thiện có hai loại:

 

(Sớ) Thiện hữu nhị nghĩa: Nhất thị túc sanh thiện nhân, nhất thị kim sanh thiện loại. Nam nữ giả, thông chỉ truy tố lợi độn, cập lục đạo nhất thiết hữu duyên chúng sanh dã.

()善有二義:一是宿生善因,一是今生善類。男女者,通指緇素利鈍,及六道一切有緣眾生也。

(Sớ: Thiện có hai nghĩa: Một là cái nhân lành trong đời trước, hai là những điều thiện trong đời này. “Nam nữ” chỉ chung tăng, tục, lợi căn, độn căn và hết thảy chúng sanh hữu duyên trong lục đạo).

Hai câu này bao quát hết sức rộng rãi. Trừ Bồ Tát và thánh nhân ra, phàm phu trong lục đạo đều được bao gồm, nhưng những người ấy phải hội đủ hai điều kiện: Một là có nhân lành trong nhiều đời nhiều kiếp, hai là thiện duyên trong kiếp này. Nhiều đời nhiều kiếp có thiện căn, nhưng đời này chẳng gặp duyên thì cũng không được. Trong các điều thiện, đặc biệt chú trọng nơi duyên. Chúng ta xem lời giải thích dưới đây của đại sư.

 

(Sao) Túc thế thiện nhân giả, Đại Bổn vân: “Thế gian nhân dân, tiền thế vi thiện, nãi đắc văn A Di Đà Phật danh hiệu công đức” .

()宿世善因者,大本云:世間人民,前世為善,乃得聞阿彌陀佛名號功德。

(Sao: “Nhân lành đời trước”: Kinh Đại Bổn nói: “Nhân dân trong thế gian, đời trước làm lành, bèn được nghe công đức nơi danh hiệu A Di Đà Phật”).

Nói rõ ràng: Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ. Trong kinh ấy, đức Phật đã dạy: “Thế gian nhân dân”, nhân dân bao gồm lục đạo chúng sanh. “Tiền thế vi thiện” (Đời trước làm lành), “đời trước” chẳng phải là một đời, hai đời, ba đời, chẳng phải vậy! Vì mọi người niệm kinh Vô Lượng Thọ rất thuần thục đều biết: Đó chính là cái nhân lành đã tu trong nhiều đời nhiều kiếp từ vô lượng kiếp trong quá khứ cho đến nay. Do cái nhân lành ấy quá dầy, quý vị mới gặp gỡ [pháp môn này]. Do thiện căn sâu dầy như vậy, người ấy mới có cơ hội, có cơ duyên nghe đến công đức của danh hiệu A Di Đà Phật. Hãy đặc biệt chú ý tới công đức. Vì sao? Người nghe danh hiệu quá đông. Tại Đài Loan, có ai mà chẳng từng nghe danh hiệu A Di Đà Phật? Có thể là chẳng tìm được một ai, ngay cả tín đồ Cơ Đốc giáo hoặc tín đồ Thiên Chúa giáo cũng biết có một vị A Di Đà Phật. Nhưng, công đức của danh hiệu ấy thì có mấy ai biết. Vì sao? Nếu chẳng nghe kinh Vô Lượng Thọ, chẳng nghe Sớ Sao và Yếu Giải, làm sao họ có thể biết công đức của danh hiệu ấy cho được? Chư vị hãy ngẫm xem, trước khi chúng ta nghe kinh này, chúng ta cũng chẳng biết công đức của danh hiệu ấy. Do đó, tuy niệm, nhưng chẳng thấm vào lòng, tuy niệm mà chẳng khởi tác dụng.

Nếu quý vị hỏi vì sao niệm Phật mà chẳng khởi tác dụng ư? Do chẳng biết công đức của danh hiệu, đó gọi là “tâm chẳng chân thành”. Khi niệm bèn nửa tin nửa ngờ, luôn luôn gián đoạn, luôn luôn xen tạp; vì vậy, chẳng có tác dụng. Chúng ta thấy niệm Phật công phu rất đắc lực thì niệm dăm ba năm bèn nghiễm nhiên vãng sanh. Niệm dăm ba năm, thân thể chẳng đau bệnh, cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn. Vì sao? Do người ấy biết công đức của danh hiệu, khác hẳn! Dưới đây là những điều được nói trong kinh Vô Lượng Thọ.

 

(Sao) Nhất văn Phật danh, Từ tâm hỷ duyệt, chí ý thanh tịnh, mao phát tủng nhiên, lệ tức xuất giả, hoặc túc thế tằng hành Phật đạo, hoặc tha phương Phật sở Bồ Tát, cố phi phàm nhân, tắc tín tâm niệm Phật giả, giai túc tu thiện bổn giả dã.

()一聞佛名,慈心喜悅,志意清淨,毛髮聳然,淚即出者,或宿世曾行佛道,或他方佛所菩薩,固非凡人,則信心念佛者,皆宿修善本者也。

(Sao: Vừa nghe danh hiệu Phật, tâm sanh lòng Từ, vui sướng, chí ý thanh tịnh, lông tóc dựng lên, liền ứa lệ, thì hoặc là do trong đời trước đã từng hành Phật đạo, hoặc là Bồ Tát từ nơi các đức Phật ở những phương khác, chẳng phải là phàm nhân. Vì vậy, người tín tâm niệm Phật đều là do gốc lành đã tu trong đời trước).

Đây là thiện căn trong đời quá khứ phát hiện. Thích Ca Mâu Ni Phật dạy như vậy: Người ấy chẳng phải là phàm nhân, mà là người như thế nào? Nói thật ra, người ấy là Bồ Tát trong thế giới Cực Lạc, nay tuy chưa đến thế giới Cực Lạc, nhưng đã ghi danh, nhập sổ bộ trong thế giới Cực Lạc, có thể ra đi bất cứ lúc nào. Họ là Bồ Tát trong thế giới Cực Lạc, chẳng phải là phàm nhân.

 

(Diễn) “Nhất văn Phật danh, Từ tâm hỷ duyệt” ngũ cú.

()一聞佛名慈心喜悅五句。

(Diễn: Năm câu [kể từ] “vừa nghe danh hiệu Phật, tâm sanh lòng Từ, vui sướng” trở đi…).

 Năm câu ấy cho đến “lệ tức xuất giả” (liền ứa lệ), nói lên sự cảm động. Sự cảm động ấy rất tự nhiên. Đời đời kiếp kiếp trong quá khứ niệm Phật mà chưa thể vãng sanh, [là do] một niệm sai lầm! Nay lại gặp gỡ, trong tâm cảm động.

 

(Diễn) Dĩ Phật nãi khoáng kiếp tu Từ vi Thể cố, Phật nãi đoạn tận vô minh tối thanh tịnh cố, Phật nãi huýnh xuất thường lưu, vạn kiếp nan văn cố.

()以佛乃曠劫修慈為體故,佛乃斷盡無明最清淨故,佛乃迥出常流,萬劫難聞故。

(Diễn: Do từ nhiều kiếp lâu xa, đức Phật đã dùng “tu lòng Từ” để làm Thể, Phật đã đoạn hết vô minh, thanh tịnh bậc nhất, Phật đã vượt xa những hạng bậc thông thường, muôn kiếp khó được nghe [danh hiệu Ngài]).

Ba đạo lý, ba lý do này hết sức thù thắng. Đức Phật được nói ở đây là A Di Đà Phật. Nói thật ra, trong vô lượng kiếp, A Di Đà Phật đã tu trì đại từ đại bi. Vì thế, nguyện của Ngài khác với những lời nguyện thông thường của các vị Phật. Lời nguyện thông thường của Phật là độ chúng sanh có phạm vi, có hạn lượng. Chỉ riêng A Di Đà Phật phát nguyện độ chúng sanh chẳng có số lượng, chẳng có phạm vi. Vì thế, khu vực giáo hóa của A Di Đà Phật cũng đặc biệt. Từ kinh điển, chúng ta thường đọc thấy đức Thế Tôn dạy: Khu vực giáo hóa của một đức Phật là một đại thiên thế giới. Cũng có những vị Phật đặc biệt thệ nguyện rộng lớn, khu vực giáo hóa của Ngài là hai đại thiên thế giới, ba đại thiên thế giới, hoặc mười, hoặc hai mươi [đại thiên thế giới], vẫn là có phạm vi, có hạn lượng. Chỉ riêng đại nguyện của A Di Đà Phật lão nhân gia là tận hư không khắp pháp giới. Chúng sanh thuộc chín pháp giới trong tất cả hết thảy các cõi Phật chỉ cần trọn đủ tín nguyện trì danh, phát nguyện vãng sanh, lão nhân gia thảy đều tiếp dẫn, bình đẳng nhiếp thọ. Đó là chỗ hết thảy chư Phật chẳng thể sánh bằng!

Lần này, tôi ở Tân Gia Ba, có đồng học đến hỏi tôi: “Có những kinh dạy còn có những thế giới Phật trang nghiêm thù thắng hơn thế giới Cực Lạc. Không phải chỉ là một cõi, mà là rất nhiều. Tây Phương Cực Lạc thế giới trọn chẳng phải là trang nghiêm bậc nhất, vì sao thầy nói cõi Cực Lạc thù thắng bậc nhất?” Tôi nói: – Quý vị đã xem, tôi cũng đã xem, những thế giới ấy thù thắng hơn thế giới Cực Lạc, chẳng sai! Nhưng những vị Phật ấy có phát nguyện “tín nguyện trì danh bèn vãng sanh” hay chăng? Chẳng có! Chẳng phát ra nguyện ấy, tức là chẳng sánh bằng thế giới Cực Lạc. Thế giới Cực Lạc dễ đến, các thế giới khác chẳng dễ đến được! Huống chi trong kinh đức Phật lại còn dạy: Quý vị sanh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ giống như sanh trong những thế giới thù thắng hơn Tây Phương Cực Lạc thế giới, thảy đều sanh về. Sanh về một cõi là sanh trong hết thảy các cõi! Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh, trọn chẳng nói “ngoại trừ những cõi Phật nào”. Ngài đã chẳng nói câu ấy, vậy thì “sanh về một là sanh về hết thảy”. Mười phương vô lượng vô biên các cõi Phật tốt đẹp hơn hoặc chẳng bằng thế giới Cực Lạc, quý vị đều có thể tới. [Vậy thì] thế giới Cực Lạc vẫn là thù thắng bậc nhất, A Di Đà Phật vẫn là bậc nhất, chẳng tìm thấy [cõi nước hay vị Phật nào] thứ hai [mà có những điều thù thắng như vậy được]! Do đó, đối với pháp môn này, mọi người quyết định chớ nên hoài nghi.

Câu đầu tiên nói về Tu Đức chẳng thể nghĩ bàn của A Di Đà Phật. Câu thứ hai nói về Đoạn Đức của A Di Đà Phật, Kiến Tư, Trần Sa, bốn mươi mốt phẩm vô minh đều đoạn hết, thanh tịnh tột bậc. Vì thế, nghe danh hiệu này, lẽ nào chẳng cảm động? Câu thứ ba là tán thán: Trong hết thảy chư Phật, A Di Đà Phật thù thắng khôn sánh. “Phật nãi huýnh xuất thường lưu” (Phật vượt xa những hạng bậc thông thường), “thường lưu” (常流): Những vị cùng hàng với Ngài đều là Phật, Ngài đã vượt trỗi hết thảy chư Phật! Trong hết thảy chư Phật, A Di Đà Phật bậc nhất. “Vạn kiếp nan văn cố” (Do muôn kiếp khó được nghe), chẳng có cơ hội nghe danh hiệu này. Hiện thời, trên quả địa cầu này, người được nghe danh hiệu A Di Đà Phật chẳng nhiều! Có người suốt một đời chẳng có cơ hội nghe, suốt cả đời chẳng có duyên phận trông thấy tượng Phật, hoặc nghe danh hiệu Phật. Có thể đọc hoặc nghe bộ kinh này, chẳng thể nghĩ bàn! Đây chính là “thân người khó được, Phật pháp khó nghe”.  Danh hiệu A Di Đà Phật càng khó nghe hơn, khó nhất trong những điều khó!

 

(Diễn) Kim văn Phật danh tức sanh Từ tâm.

()今聞佛名即生慈心。

(Diễn: Nay nghe danh hiệu Phật bèn sanh lòng Từ).

Đây là trong đời quá khứ đã có thiện căn chân thật, nghe danh hiệu A Di Đà Phật, tâm từ bi liền hiện tiền.

 

(Diễn) Nãi chí lệ tức xuất giả.

()乃至淚即出者。

(Diễn: Cho đến “liền ứa lệ”).

Đó là cảm động.

 

(Diễn) Nhĩ văn Phật danh, tâm khế Phật tâm.

()耳聞佛名,心契佛心。

(Diễn: Tai nghe danh hiệu Phật, tâm khế hợp tâm Phật).

Nghe danh hiệu Phật, sanh khởi tâm từ bi, cảm động đến nỗi ứa lệ. Do lòng đại từ, đức Phật đời đời kiếp kiếp hộ niệm chúng ta, thời thời khắc khắc duỗi tay tiếp dẫn chúng ta. Bản thân chúng ta chẳng tốt, tự mình tạo nghiệp, tự mình chướng ngại chính mình, cô phụ đức Phật một dạ từ bi, [do nghĩ đến điều này] bèn cảm động ứa lệ. “Nhĩ văn Phật danh, tâm khế Phật tâm” (Tai nghe danh hiệu Phật, tâm khế hợp tâm Phật), chư vị phải ghi nhớ: Quý vị chẳng biết công đức của danh hiệu thì nghe danh hiệu Phật, tâm cũng chẳng phải là tâm Phật. [Bởi lẽ], tâm địa của quý vị chẳng sanh khởi từ bi. Nay tôi bảo mọi người đọc kinh Vô Lượng Thọ, quý vị niệm càng nhiều càng tốt, đạo lý ở chỗ nào? Nếu nhân lành trong đời quá khứ hơi kém, dùng phương pháp này có thể bổ túc, có thể vãng sanh sớm hơn trong một đời này. Nói cách khác, quý vị vốn chẳng thể nào vãng sanh trong một đời này, do gặp duyên thù thắng này, tiên thiên bất túc, nhưng hậu thiên[7] có thể bù đắp. Nếu tiên thiên bất túc, mà hậu thiên lại chẳng có nhân duyên thù thắng để  bù  đắp, đời  này  chỉ  có thể kết thiện duyên, gieo thiện căn, chẳng thể vãng sanh!

Đọc nhiều, nghe nhiều, giảng nhiều, mọi người cùng tu với nhau, nghiên cứu thảo luận. Do giảng nhiều, sự xác nhận đối với công đức của danh hiệu sẽ ngày càng sâu thêm, quyết định sẽ đoạn nghi sanh tín. Sau đấy, quý vị tín nguyện trì danh mới thật sự đạt đến “chẳng hoài nghi, không gián đoạn, không xen tạp”, quyết định vãng sanh trong một đời này. Do đó, trong công khóa sáng tối, chúng tôi bảo mọi người [khóa sáng] niệm bốn mươi tám nguyện, [khóa tối] niệm từ chương ba mươi hai cho đến chương ba mươi bảy, nhằm khiến cho cái tâm của chính mình giống như tâm Phật, nguyện giống như Phật nguyện, kiến giải giống như kiến giải của Phật, hạnh đồng hạnh Phật, ba nghiệp thanh tịnh.

 

(Diễn) Như Tu Đạt trưởng giả, nhân văn Phật tự, thông thân mao thụ, thị dã.

()如須達長者,因聞佛字,通身毛豎是也。

(Diễn: Như trưởng giả Tu Đạt Đa do nghe chữ Phật mà lông trên khắp thân dựng hết lên, chính là vì lẽ này).

Nói về bậc đại hộ pháp Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên thuở ấy, tức trưởng lão Tu Đạt Đa (Sudatta). Thoạt đầu, ông ta vừa nghe một chữ Phật, lông trên thân dựng hết cả lên!

 

(Diễn) Kim nhân văn Phật danh, phiếm nhĩ tầm thường giả, bất tri Phật nghĩa, thiện căn thiển cố.

()今人聞佛名,泛爾尋常者,不知佛義,善根淺故。

(Diễn: Người thời này nghe danh hiệu Phật, nói chung là cảm thấy tầm thường, do chẳng biết đến ý nghĩa của chữ Phật, là vì thiện căn nông cạn vậy).

 Nay chúng ta nghe danh hiệu Phật, thấy tượng Phật, chẳng cảm thấy gì hết, rất bình thường, chính là vì thiện căn nông cạn, chẳng biết đến công đức của danh hiệu Phật. Biết công đức của danh hiệu, ắt sẽ cảm động. Do vậy, thiện căn của chính mình nông cạn thì phải đặc biệt cảnh tỉnh, răn nhắc: Nhất là trong đời loạn này, chỉ có tu phước, tích lũy công đức thì mới là thật sự bảo đảm. Trừ chuyện này ra, muốn tìm một chỗ nào bình an, há có được chăng? Trên thế giới này, chẳng có nơi nào an toàn! Người có phước bất luận ở nơi đâu cũng đều an toàn, đều có phước. Quý vị bèn hiểu tích lũy công đức trọng yếu dường ấy! Tích lũy công đức phải bắt đầu bằng việc đọc sách thánh hiền. Đọc sách thánh hiền, quý vị sẽ giác ngộ. Giác ngộ, sẽ chẳng mê hoặc. Chẳng mê hoặc, sẽ không tạo tội nghiệp. Như vậy thì mới có thể tích lũy công đức. Phát tâm đi khắp nơi bỏ tiền bố thí, nếu chẳng hiểu rõ, quý vị bố thí tiền, người ta cầm tiền tạo tội nghiệp. Tiền ít, họ tạo tội nghiệp nhỏ; tiền nhiều, họ tạo tội nghiệp to. Nói cách khác, quý vị giúp họ tạo tội nghiệp. Bố thí kiểu đó, họ đọa địa ngục, quý vị theo chân họ! Họ là kẻ đầu sỏ làm ác, quý vị giúp họ làm ác, lẽ nào chẳng đọa địa ngục? Tùy thời gieo phước, còn phải là [chọn đúng] người có phước thì mới thật sự gieo được phước. [Gieo phước] nơi kẻ chẳng có phước, gieo trật mất rồi!

Quý vị mong có thể phân biệt chân, vọng, tà, chánh, đúng, sai, mà nếu chẳng đọc sách thánh hiền, tìm đâu ra tiêu chuẩn? Do vậy, chúng tôi đề xướng các đồng tu hãy đọc kinh. Hiện thời, đọc nhiều nhất là Tịnh Độ Ngũ Kinh. Đọc Ngũ Kinh mà còn ngại nhiều thì mức độ thấp nhất là kinh Vô Lượng Thọ, Di Đà Kinh Yếu Giải, đương nhiên là có thể đọc Sớ Sao thì tốt nhất, và Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm. Tôi kể ra bảy bộ sách mà các đồng tu Tịnh Độ chúng ta bắt buộc phải đọc. Trong bảy bộ sách, bốn bộ là kinh Phật, tức là ba thứ trên đây (kinh Vô Lượng Thọ, kinh Di Đà, Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm), cộng thêm A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung Kinh, ba thứ khác là Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, Liễu Phàm Tứ Huấn và Tứ Thư.

Các đồng tu trong đạo tràng này xác thực là có thiện căn, có phước đức, hy vọng mọi người phải trân trọng, y giáo phụng hành, chẳng cô phụ Phật, Tổ, chẳng cô phụ đời này được làm thân người, quyết định phải thành tựu trong một đời này. Đoạn này nhằm giải thích cái nhân lành trong đời trước.

 

(Sao) Kim sanh thiện loại giả.

()今生善類者。

(Sao: Những điều lành trong đời này).

 “Thiện loại” nói thật ra là nói về nhân duyên.

 

(Sao) Như Hoa Nghiêm vân: “Ninh tại chư ác thú, hằng đắc văn Phật danh. Bất dục sanh thiện đạo, tạm thời bất văn Phật”.

()如華嚴云:寧在諸惡趣,恆得聞佛名。不欲生善道,暫時不聞佛。

(Sao: Như kinh Hoa Nghiêm nói: “Thà trong các đường ác, luôn được nghe tên Phật. Chẳng muốn sanh đường lành, tạm thời chẳng nghe Phật”).

 Chư vị thấy bài kệ này trong kinh Hoa Nghiêm, bèn hiểu tiêu chuẩn của “thiện loại” là gì. Tôi vừa mới nói với các đồng tu, cốt yếu là duyên phận, chẳng phải là do [ở trong] ba thiện đạo hay ba ác đạo, chẳng nói tới điều ấy. Chúng ta nếu sanh vào nơi có cơ hội nghe danh hiệu và công đức của Phật Di Đà; đó là “thiện loại”. Nhất là còn thuộc loại tối thiện, đó là gì? Hằng ngày cùng nhau nghiên cứu, thảo luận, niệm Phật cộng tu, tốt lành tột bậc, chẳng có điều gì tốt lành hơn được nữa! Thuở tổ Ấn Quang đại sư tại thế, Niệm Phật Đường ở núi Linh Nham ngày đêm Phật hiệu chẳng gián đoạn, đó là thiện khôn sánh! Do vậy, nay chúng tôi cũng hy vọng như vậy, nhưng Phật hiệu trong giảng đường của chúng ta vẫn bị gián đoạn, nguyên nhân gây gián đoạn ở chỗ nào? Do mọi người chẳng biết công đức của Phật hiệu. Tuy đã giảng nhiều năm ngần ấy, chẳng có ai tin tưởng, cho nên Phật hiệu mới bị gián đoạn.

Nếu quý vị thật sự tin tưởng, hiện thời có máy niệm Phật rất tốt, có thể dùng nó. Phật đường trong mười hai thời, từ đầu năm đến cuối năm, Phật hiệu quyết định chẳng gián đoạn. Khi chúng ta giảng kinh, mở [máy sao cho tiếng] Phật hiệu nhỏ nhất, Phật hiệu vẫn chẳng gián đoạn. Khi không giảng kinh, mở Phật hiệu hơi to một chút, ngày đêm đều chẳng gián đoạn. Máy niệm Phật hư cái này thì thay tiếp bằng cái khác, huống hồ một cái máy niệm Phật dùng mấy tháng cũng chẳng hư. Vì sao Phật hiệu bị gián đoạn? Do chẳng biết công đức của danh hiệu! Quý vị thấy chúng tôi đã giảng ở đây nhiều năm như vậy, đừng nói là quý vị nghe, người trong nhà chẳng biết, có cách gì đây? Tôi cũng chẳng tiện nói với họ, nhân duyên của mỗi người mỗi khác. Quý vị gián đoạn là chuyện của quý vị, tôi nhất định chẳng gián đoạn là được rồi, hết sức khó khăn!

“Ninh tại chư ác thú, hằng đắc văn Phật danh” (Thà ở trong đường ác, thường được nghe danh hiệu Phật), “hằng” (恆) là chẳng gián đoạn, [“hằng đắc văn Phật danh” là] có thể nghe danh hiệu Phật chẳng gián đoạn. “Bất dục sanh thiện đạo” (Chẳng muốn sanh trong đường lành), Dục Giới Thiên, Sắc Giới Thiên, phước trời to lớn, thọ mạng lâu dài, nhưng chẳng được nghe Phật hiệu. Đối với chỗ chẳng được nghe Phật hiệu, dẫu hoàn cảnh tốt đẹp, ta cũng chẳng muốn đến đó. Nơi có thể nghe Phật hiệu, dẫu hoàn cảnh xấu hèn, ta cũng chẳng muốn lìa khỏi.

 

(Sao) Phù bất dĩ nhân thiên vi thiện, nhi dĩ đắc văn Phật danh vi thiện, tắc tín tâm niệm Phật giả, giai thiện nhân chi trù loại dã.

()夫不以人天為善,而以得聞佛名為善,則信心念佛者,皆善人之儔類也。

(Sao: Chẳng coi nhân thiên là lành, mà coi chuyện được nghe danh hiệu Phật là lành. Do vậy, người tín tâm niệm Phật đều thuộc loại người lành).

Trong quá khứ, ở Đài Trung, các đồng học chúng tôi cùng nhau nghiên cứu thảo luận, mỗi tuần một lần, mười năm như một ngày, chúng tôi cùng tu với nhau mười năm, đó là chuyện rất khó có trong đời mỗi người, hết sức hiếm có! Hiện thời, chúng thường trụ tại Đồ Thư Quán mới giác ngộ, rất khó có, tôi thấy vậy rất hoan hỷ, [những người ấy] mới giác ngộ, mới quay đầu. Mỗi ngày cũng có tiểu tòa phức giảng[8], sáng sớm đến dụng công, mọi người thảy đều tụ tập cùng một chỗ, chẳng dễ dàng! Nếu quý vị thật sự liễu giải rõ ràng, duyên sẽ càng thù thắng hơn tôi trong quá khứ. Vì sao? Quý vị mỗi tuần năm lần, còn tôi thuở đó mỗi tuần một lần, nhân duyên này thù thắng lắm!

Tại Bắc Kinh, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã bảo tôi rất nhiều lượt, khi viết thư, cụ cũng thường nhắc tới. Cụ khuyên tôi đừng giảng kinh nữa, cụ nói: “Thầy đã giảng kinh hơn ba mươi năm rồi, chẳng cần phải giảng nữa. Phật môn chúng ta chẳng có người kế tục, đó là đại sự!” Cụ khuyên tôi hãy viết sách, bồi dưỡng học trò. Đối với tiêu chuẩn dành cho học trò, lão nhân gia đặc biệt nhấn mạnh: Pháp sư Tịnh Tông “tông lẫn thuyết đều thông” thì mới có thể thật sự đạt tới mục tiêu “nối tiếp huệ mạng của Phật, hoằng pháp lợi sanh”. “Tông lẫn thuyết đều thông” là gì? Thuyết (說) là có thể giảng. Hiện thời, người có thể giảng rất nhiều, thuyết thông, nhưng tông chẳng thông! Tông (宗) là gì? Tâm địa thanh tịnh, tương ứng với Phật tâm và Phật nguyện, tôi thường nói là “tín nguyện giải hạnh tương ứng với Phật”. Tâm đồng Phật, nguyện đồng Phật, giải đồng Phật, hạnh đồng Phật thì gọi là “tông thông”. Hạng nhân tài ấy khó có, chứ “nói được, mà chẳng làm được” thì chẳng đáng quý. Phải là “thật sự làm được”, tâm thật sự thanh tịnh, đắc nhất tâm bất loạn, giảng kinh thuyết pháp sẽ như Phật, không hai! Khác hẳn!

Cụ Hoàng Niệm Tổ một lòng mong mỏi có nhân tài như vậy xuất hiện. Chẳng phải là tôi không có tâm, tôi đã có nguyện vọng ấy từ lâu, nhưng chẳng có cơ duyên, tìm đâu ra học trò? Giống như thầy Lý thuở còn tại thế, tôi khuyên thầy Lý hãy thu thêm mấy học trò, cụ bảo: “Anh hãy tìm học trò giùm tôi đi!” Sau đó, tôi không dám nói năng chi nữa, tìm không ra! Nay nhân duyên chín muồi, có mấy đồng tu ở cùng một chỗ với tôi để cộng tu, tốt lắm! Cơ duyên này khó có! Đã có đồng học có thể cộng tu cùng một chỗ với tôi, số người chẳng câu nệ bao nhiêu, dăm ba người đã là rất nhiều, chẳng coi là ít. Vì thế, từ nay về sau, thời gian giảng kinh bên ngoài sẽ giảm thiểu khá lớn, chẳng đi giảng kinh bên ngoài, tôi cũng dành ra thời gian để hướng dẫn các đồng tu cùng nhau nghiên cứu, thảo luận. Chúng tôi giảng tiểu tòa nhằm giúp đỡ mọi người, thật sự tu hành thì phải hiểu rõ kinh nghĩa (ý nghĩa trong kinh điển). Kinh nghĩa là Phật nghĩa; trong bài kệ Khai Kinh có câu: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”. Sau khi đã hiểu nghĩa, điều đáng quý là dâng hiến, y giáo tu hành. Điều này trọng yếu, có giải và có hạnh, sẽ tự nhiên biết giảng.

Do vậy, tôi hy vọng thế hệ sau phải vượt trỗi thế hệ chúng tôi thì Phật pháp mới có thể hưng long, chúng sanh mới có phước. Nếu chẳng thể vượt trỗi, chúng sanh sẽ khổ sở, đáng thương. Đối với các sản phẩm khoa học kỹ thuật, hiện thời họ cũng nói [sản phẩm thuộc] thế hệ thứ nhất, thế hệ thứ hai. Thế hệ thứ hai nhất định tiến bộ hơn thế hệ thứ nhất, thế hệ thứ ba nhất định tiến bộ hơn thế hệ thứ hai. Chẳng tiến bộ hơn sẽ chẳng có ai thèm, công xưởng cũng bị đóng cửa, công nhân cũng bị thất nghiệp. Hằng ngày đều  nghiên  cứu, không  ngừng  tiến  bộ, cải  tiến; hễ thay đổi liền tiến bộ hơn, Phật pháp cũng là như vậy.

Hôm nay, tôi nói những lời này, nhằm tạo cơ sở cho mọi người. Quý vị cải tiến thì dùng những điều cơ sở này để cải tiến. Hễ quý vị sửa đổi, đương nhiên là nhất định sẽ vượt trội tôi; nhưng nay quý vị sửa kiểu nào vẫn chẳng có cách nào vượt trỗi tôi, nguyên nhân ở chỗ nào? Do Tu Đức của quý vị chẳng đủ; do vậy, quý vị phải thật sự tu. Tâm quý vị phải thật sự thanh tịnh, bình đẳng, từ bi. Quý vị có công phu thật sự, dùng những điều tôi nói để sửa, chắc chắn sẽ vượt trỗi tôi. Tôi đem bí mật này nói với quý vị, hy vọng quý vị sẽ gánh vác trách nhiệm hoằng pháp lợi sanh của thế hệ kế tục. Nói rất trọng yếu, nhưng hành quan trọng hơn, nhất định phải thực hiện được những giáo huấn trong kinh Phật.

 

(Diễn) Ninh tại chư ác thú tứ cú, ác thú nhiệt não, thiện thú thanh lương.

()寧在諸惡趣四句,惡趣熱惱,善趣清涼。

(Diễn: Bốn câu “thà ở trong các đường ác”: Đường ác nóng bức, khổ não, đường lành mát mẻ).

Dùng tám chữ này để cân nhắc thiện, ác. Nay chúng ta được làm thân người, cũng là đường ác. Vì sao? Phiền não quá nhiều, chẳng dễ sống, thân tâm chẳng thanh lương. Tuy được làm thân người, thân người chẳng dễ chịu đựng. Đây là nói về ba thiện đạo và ba ác đạo, hai đường thiện ác.

 

(Diễn) Kim ninh thọ nhiệt não, bất dục thanh lương giả.

()今寧受熱惱,不欲清涼者。

(Diễn: Nay thà thọ nhiệt não, chẳng muốn thanh lương).

Đây là nói tỷ dụ, nguyện thà ở trong ba đường ác chịu khổ. Chẳng hy vọng được hưởng phước báo nhân thiên, vì sao?

 

(Diễn) Dĩ hữu văn Phật, bất văn Phật chi đắc thất, nhi phân tổn ích cố.

()以有聞佛不聞佛之得失,而分損益故。

(Diễn: Dùng lẽ được, mất do được nghe danh hiệu Phật hay không để phân định tổn hại hay lợi ích).

Trong ác đạo mà giả sử có thể được nghe danh hiệu Phật thì ta nguyện thà ở trong ác đạo, chẳng mong ở trong thiện đạo, tiêu chuẩn ở chỗ này. Nếu dùng tiêu chuẩn này, chúng ta có phước sanh lên trời, trên cõi trời chẳng được nghe danh hiệu Phật, nhưng trong nhân gian có thể nghe danh hiệu Phật, ta chẳng mong hưởng phước trời, chẳng mong hưởng thọ cõi trời, ta sẽ vào nhân gian để chịu khổ, chịu nạn, [ngõ hầu] hằng ngày được nghe danh hiệu Phật. Nay danh hiệu Phật được nghe trọn khắp, nhưng mọi người chẳng hiểu công đức của danh hiệu, [vậy thì có khác gì] nghe cũng như chẳng nghe. Do vậy có thể biết: Vì sao mọi người chẳng hiểu công đức của danh hiệu? Người tuyên dương quá ít, chẳng có ai phổ biến, giới thiệu. Tuy kinh điển rất hay, hiện thời, mọi người công việc bận bịu, đó là một nguyên nhân. Thời đại biến đổi, văn chương Văn Ngôn chẳng có ai đọc. Dẫu có gặp gỡ, họ xem cũng chẳng hiểu. Hiện thời, nếu muốn Phật pháp được phổ cập, thuận tiện nhất vẫn là dùng băng thâu âm, họ nghe băng sẽ hiểu! Sau khi đã nghe, họ có thể đọc [các sách vở giảng giải] bèn hiểu. Họ chẳng nghe, sẽ đọc mà không hiểu. Chúng ta phải nghiêm túc nỗ lực thực hiện những công tác ấy.

 

(Diễn) Ác đạo văn Phật, như nhân thiệp khanh khảm hiểm đạo, đắc đổ nhật nguyệt quang minh.

()惡道聞佛,如人涉坑坎險道,得睹日月光明。

(Diễn: Trong ác đạo được nghe [danh hiệu] Phật, như người đi trên đường hiểm trở đầy hầm hố, được trông thấy quang minh của mặt trời và mặt trăng).

Đây là tỷ dụ, giống như người đang ở trong đường hầm hố hay đường hiểm trở, tuy rất nguy hiểm, nhưng có quang minh của mặt trời và mặt trăng [soi đường].

 

(Diễn) Thiện thú bất văn Phật, như nhân lý bình thản, khang trang, bất kiến nhật nguyệt chi quang.

()善趣不聞佛,如人履平坦康莊,不見日月之光。

(Diễn: Trong đường lành chẳng nghe [danh hiệu] Phật, như người đi trên đường bằng phẳng, khang trang, mà chẳng thấy ánh sáng của mặt trời hay mặt trăng).

Đây là tỷ dụ.  Do vậy có thể biết,  được nghe danh hiệu hay không, xác thực là có thể biết là thiện căn dầy hay mỏng, duyên phận cạn hay sâu.

 

(Sao) Truy tố lợi độn giả, Tịnh Độ pháp môn, nhất thiết thâu nhiếp.

()緇素利鈍者,淨土法門,一切收攝。

(Sao: “Tăng, tục, lợi căn, độn căn”: Pháp môn Tịnh Độ thâu nhiếp hết thảy).

Pháp môn này hết sức rộng lớn, chẳng thể nghĩ bàn, trên là đến bậc Đẳng Giác Bồ Tát, dưới là cho tới A Tỳ địa ngục, đều là đối tượng được nhiếp thọ của A Di Đà Phật. Chỉ cần có thể tin tưởng, có thể nguyện, có thể niệm câu danh hiệu này, A Di Đà Phật thảy đều tiếp dẫn. Pháp môn này là pháp môn bình đẳng thành Phật, là phương pháp để hữu tình thuộc chín pháp giới bình đẳng thành Phật, chẳng thể nghĩ bàn!

 

(Sao) Như Đại Bổn vân.

()如大本云。

(Sao: Như kinh Đại Bổn nói).

Kinh Vô Lượng Thọ nói…

 

(Sao) Kỳ thượng bối giả, xả gia ly tục nhi tác sa-môn, diệc hữu bất xả gia ly tục giả, tức xuất gia ngũ chúng, tại gia nhị chúng dã.

()其上輩者,捨家離俗而作沙門,亦有不捨家離俗者,即出家五眾、在家二眾也。

(Sao: Bậc thượng là những người bỏ nhà lìa tục, làm sa-môn, mà cũng có người chẳng bỏ nhà lìa tục, tức là [bao gồm] năm chúng xuất gia và hai chúng tại gia).

Nói tới “truy”“tố”, “truy” (緇) là người xuất gia, Truy là gì? Quần áo nhuộm màu [hoại sắc]. Người xuất gia mặc y nhuộm hoại sắc [nên còn gọi là “truy y”, hay “truy”]. “Tố” (素) là áo trắng, tức là tại gia cư sĩ. Trên đây đã trích dẫn đại ý của đoạn kinh văn trong chương Tam Bối Vãng Sanh của kinh Vô Lượng Thọ. Thượng bối vãng sanh là những người bỏ nhà lìa tục làm sa-môn, mà cũng có người chẳng bỏ nhà lìa tục, trung bối vãng sanh và hạ bối vãng sanh. Nói thật ra, xuất gia và chẳng xuất gia không do hình thức, khi giảng kinh Vô Lượng Thọ, chúng tôi đã nói rất rõ ràng. Xuất gia trên hình thức, tâm chẳng xuất gia, làm kiểu đó sẽ chẳng thể vãng sanh. Tâm xuất gia, chẳng xuất gia nơi hình thức, đó là thượng phẩm thượng sanh. Nhóm Hiền Hộ mười sáu vị Chánh Sĩ trong kinh Vô Lượng Thọ đều là tại gia Đẳng Giác Bồ Tát, địa vị của các Ngài chẳng khác Di Lặc, Quán Âm, Phổ Hiền. Do vậy, người xuất gia chú trọng tâm xuất gia, chẳng coi trọng thân xuất gia.

Nếu chư vị phát nguyện báo ơn Phật, trên đền bốn trọng ân, dưới cứu khổ tam đồ, quý vị phát nguyện trong tương lai đi hoằng kinh, tôi khuyên quý vị tốt nhất là vẫn phải xuất gia nơi hình thức. Vì sao? Người tại gia và người xuất gia cùng ra ngoài giảng kinh như nhau, do thính chúng có phân biệt, có vọng tưởng, họ sẽ có cảm nhận khác nhau. Quý vị mặc y phục của người xuất gia, có giảng sai, họ vẫn tin tưởng, [vì họ] chấp trước: “Đó là sư phụ, chắc chắn là [thuyết pháp] không sai!” Người tại gia giảng đúng, họ cũng chẳng tin tưởng. Vì sao? Thấy quý vị nói chung là kẻ tại gia, chẳng có gì nổi trội cả, chẳng khác ta cho mấy, [lý do] là như vậy đó. Vì thế, nếu thật sự mong phát tâm hoằng pháp lợi sanh, quý vị phải thọ hình thức ấy sẽ tốt hơn. Nếu quý vị chẳng phát tâm giảng kinh trong tự viện, làm kẻ hộ trì thì tại gia cũng được. Người hộ trì chẳng cần lên đài giảng kinh, nên có thể [giữ hình thức tại gia], chẳng sao cả. Nếu phát tâm lên đài giảng kinh, nhất định phải xuất gia. Đó cũng là hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức! Xuất gia năm chúng là tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, sa-di, sa-di-ni, học pháp nữ (thức-xoa-ma-na)[9], tại gia gồm ưu-bà-tắc (cận sự nam) và ưu-bà-di (cận sự nữ).

 

(Sao) Đản niệm Phật giả, câu đắc vãng sanh, thị thông truy tố.

()但念佛者,俱得往生,是通緇素。

(Sao: Chỉ cần là người niệm Phật, sẽ đều được vãng sanh, tăng lẫn tục đều là như vậy).

Chỉ cần tu học đúng pháp, tín nguyện trì danh, chẳng có ai không vãng sanh. Do vậy, pháp môn này rộng lớn khôn sánh.

 

(Sao) Hựu liên phân cửu phẩm.

()又蓮分九品。

(Sao: Lại chia thành chín phẩm sen).

Đây là nói sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, phẩm vị sai biệt.

 

(Sao) Thượng cai thịnh đức Bồ Tát, hạ cập du du phàm phu, nãi chí ác nhân đẳng.

()上該盛德菩薩。下及悠悠凡夫。乃至惡人等。

(Sao: Trên bao gồm bậc Bồ Tát đức dầy, dưới là đến hàng phàm phu chểnh mảng, cho đến những kẻ ác v.v…).

Nói đến căn tánh lợi hay độn.

 

(Diễn) Thượng cai thịnh đức Bồ Tát, hạ cập du du phàm phu giả, Quán Kinh Sớ vân: “Thượng phẩm chi nhân, thỉ tùng Tập Chủng, chung chí Giải Hạnh Bồ Tát. Trung phẩm giả, tùng ngoại phàm Thập Tín dĩ hạ. Hạ phẩm tức thị kim thời du du phàm phu”.

()上該盛德菩薩,下及悠悠凡夫者,觀經疏云:上品之人,始從習種,終至解行菩薩;中品者,從外凡十信以下;下品,即是今時悠悠凡夫。

(Diễn: “Trên bao gồm bậc Bồ Tát đức dầy, dưới là đến hàng phàm phu chểnh mảng”. Quán Kinh Sớ giảng: “Thượng phẩm, khởi đầu từ hàng Tập Chủng (Thập Trụ) cho đến cuối cùng là bậc Giải Hạnh Bồ Tát. Trung phẩm là từ hạng ngoại phàm Thập Tín trở xuống. Hạ phẩm chính là hạng phàm phu chểnh mảng trong hiện thời”).

[Quán Kinh Sớ ở đây chính là bộ] Quán Vô Lượng Thọ Kinh Sớ Sao, lời Sớ do Thiên Thai Trí Giả đại sư chú giải, lời Sao do tôn giả Tứ Minh soạn.

 

(Sao) Thích vân: Thập Trụ danh Tập Chủng Tánh, Thập Hạnh danh Tánh Chủng Tánh, Thập Hồi Hướng danh Đạo Chủng Tánh. Thử tam thập vị tổng danh Giải Hạnh, thị Biệt Giáo nội phàm, Thập Tín tức thị ngoại phàm.

()釋云:十住名習種性,十行名性種性,十回向名道種性,此三十位總名解行。是別教內凡,十信即是外凡。

(Sao: Giải thích: Thập Trụ gọi là Tập Chủng Tánh, Thập Hạnh gọi là Tánh Chủng Tánh, Thập Hồi Hướng gọi là Đạo Chủng Tánh. Ba mươi địa vị này được gọi chung là Giải Hạnh, thuộc về nội phàm trong Biệt Giáo, Thập Tín chính là ngoại phàm).

Đây là cách giảng của Thiên Thai đại sư, nói theo Duy Thức Luận. “Tập” (習) là thói quen. Tục ngữ thường nói: “Thiểu thành nhược thiên tánh, tập quán thành tự nhiên” (Do đã hình thành từ nhỏ nên giống như là bẩm sinh, do thói quen mà thành tự nhiên). Đây là địa vị thấp nhất trong hàng Bồ Tát, huân tập thành chủng tánh. “Tánh” (性) là không thay đổi, có ý nghĩa “chẳng thay đổi”. Nói cách khác, đây chính là Sự nhất tâm bất loạn như kinh Di Đà đã nói, phẩm vị vãng sanh đương nhiên là cao. Thượng phẩm vãng sanh gồm nhiều thứ bậc, cho đến Đẳng Giác Bồ Tát gồm bốn mươi mốt cấp bậc. Đây là công phu thấp nhất trong thượng phẩm vãng sanh. Hiểu đạo lý này, chúng ta bèn biết tầm trọng yếu của việc niệm Phật. Chúng ta niệm Phật có còn cần phải tạp tu hay không? Tạp tu thì khi nào quý vị mới có thể tu đạt đến Tập Chủng Tánh? Tập Chủng Tánh chẳng thể đạt tới thì Tánh Chủng Tánh càng khó hơn nữa, Đạo Chủng Tánh khỏi phải trông mong! Mỗi tầng một cao hơn, chúng ta nhất định phải nhớ kỹ điều này, cảnh giác rất sâu!

Trong Tây Phương Xác  Chỉ, Giác  Minh  Diệu  Hạnh  Bồ  Tát  đã cảnh tỉnh chúng ta: “Người niệm Phật kỵ nhất là xen tạp”. Xen tạp là gì?

Có khi đọc kinh hoặc tụng kinh, tụng kinh là xen tạp. Đương nhiên là chẳng phải tụng kinh Di Đà hay kinh Vô Lượng Thọ. Nếu tụng những kinh này [mà là xen tạp], Ngài đã không chủ trương niệm Phật trong một cây hương, niệm một quyển kinh A Di Đà, niệm ba biến Vãng Sanh Chú, niệm một ngàn câu Phật hiệu. Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát dạy chúng ta như thế. Nếu niệm kinh Vô Lượng Thọ cũng là xen tạp, chẳng phải là chính Ngài đã ăn nói điên đảo ư? Kinh Vô Lượng Thọ và kinh Di Đà đồng bộ, những gì chẳng đồng bộ thì đều là xen tạp. Nói cách khác, chẳng cần niệm những kinh khác [ngoài kinh Tịnh Độ]! Đối với Tịnh Độ Ngũ Kinh, niệm Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm hoặc niệm Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, theo tiêu chuẩn của Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát, đều là xen tạp, huống hồ những kinh điển ở ngoài Tịnh Tông! Vì sao hạn chế nghiêm ngặt như vậy? Khiến cho quý vị thành tựu Tập Chủng Tánh, đạo lý ở chỗ này! Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, vô lượng vô biên pháp môn không cần học mà thảy đều đạt được, thảy đều thành tựu, điều này chẳng thể nghĩ bàn, chúng ta nhất định phải ghi nhớ chuyện này!

Tam Hiền Bồ Tát “tổng danh giải hạnh” (gọi chung là giải hạnh), địa vị Tam Hiền (trên Tam Hiền là địa vị Thập Thánh), thuộc về nội phàm trong Biệt Giáo. Địa vị Thập Tín là ngoại phàm. Thập Tín vị Bồ Tát đắc Sự nhất tâm bất loạn, chúng ta cũng thường nói là “công phu thành phiến”. Trong công phu thành phiến, cũng có cạn hay sâu khác nhau, các Ngài tương đối sâu hơn một chút.

 

(Diễn) Du du phàm phu thị danh tự nhân, thượng vị phục Hoặc, tu hành bất tinh tấn giả.

()悠悠凡夫是名字人,尚未伏惑,修行不精進者。

(Diễn: “Phàm phu chểnh mảng” là người thuộc địa vị Danh Tự, còn chưa chế phục phiền não, tu hành chẳng tinh tấn).

Nói hàng “phàm phu chểnh mảng”, [tức là những kẻ] giống như phàm phu, ắt phải niệm đến mức công phu thành phiến, tịnh nghiệp hễ thành sẽ được vãng sanh. Quý vị phải thành tựu tịnh nghiệp thì mới được! Ba nghiệp thân, miệng, ý đã thanh tịnh, phiền não sẽ như thế nào? Còn chưa đoạn phiền não, thậm chí còn chưa chế phục. Nhưng ba nghiệp thanh tịnh, nói thật ra, phiền não bị khuất phục, mới bị khuất phục, vừa mới chế ngự, điều phục nó. Vừa chế phục, bèn có thể vãng sanh, hạ hạ phẩm vãng sanh! [Phiền não] vừa mới có thể chế phục mà còn có hiệu quả to tát ngần ấy. Chế phục phiền não do một câu Phật hiệu. Trong tâm chúng ta vừa khởi tâm động niệm, ngay lập tức đổi nó thành Phật hiệu, tuyệt đối đừng để vọng niệm tiếp tục dấy lên; đó chính là chỗ chúng ta trông cậy để vãng sanh. Trong kinh, đức Phật dạy chúng ta: Chúng ta có thể làm được điều này, kinh điển là giấy bảo chứng, bảo đảm và chứng thực quý vị vãng sanh.

“Nãi chí ác nhân” (Cho đến kẻ ác), suốt đời mê hoặc, điên đảo, tạo tác khá nhiều tội ác; một ngày nào đó, người ấy nghe tới công đức của danh hiệu bèn giác ngộ, thật sự sám hối. Sám hối có phải là đối trước Phật, Bồ Tát, dập đầu đảnh lễ, gào to khóc rống, kể lể tội lỗi của chính mình hay không? Chẳng cần phải vậy. Vì sao? Quý vị ở nơi Phật, Bồ Tát nghĩ tưởng tội lỗi một lần, nhắc lại một lần, tức là lại tạo tác hai lần. Sám hối là gì? Một câu A Di Đà Phật là sám hối. Những thứ trước kia đều đoạn hết, thảy đều chẳng màng tới chúng, thảy đều vứt bỏ, từ nay trở đi, sẽ là một câu A Di Đà Phật, đấy chính là thật sự sám hối. Những tội ác trong quá khứ còn nghĩ tới để làm gì? Nghĩ một lần là trong tâm tạo một lần, đáng sợ thay! Định nghĩa của sám hối là “hậu bất tái tạo” (về sau chẳng còn tạo nữa), từ nay trở đi, ta chẳng còn tạo nữa! Niệm A Di Đà Phật sẽ chẳng tạo; chẳng niệm A Di Đà Phật sẽ còn tiếp tục tạo. Chẳng niệm A Di Đà Phật bèn tạo nghiệp. Vì lẽ đó, người niệm Phật suốt ngày từ sáng đến tối Phật chẳng lìa tâm, phải như vậy thì mới được.

Hoàn cảnh trong nhà khiến ta chẳng thể giữ cho Phật hiệu không gián đoạn suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ thì chúng ta mang theo máy nghe cá nhân, thứ này rất hợp mode. Người khác nghe lục đạo luân hồi, chúng ta nghe A Di Đà Phật, nghe Tây Phương Cực Lạc thế giới, do chúng ta tạo tịnh nghiệp nên thành tựu tịnh nghiệp, dùng phương pháp này. Cả nhà niệm Phật là tốt nhất. Âm thanh của Phật hiệu suốt hai mươi bốn giờ từ đầu năm cho đến cuối năm đều chẳng gián đoạn, đạo tràng ấy chẳng thể nghĩ bàn.

 

(Sao) Đản niệm Phật giả, diệc đắc vãng sanh, thị thông lợi độn.

()但念佛者,亦得往生,是通利鈍。

(Sao: Chỉ cần niệm Phật cũng được vãng sanh, lợi căn và độn căn đều là như vậy).

Bồ Tát lợi căn, chúng sanh chểnh mảng là độn căn.

 

(Sao) Hựu quỷ, súc, địa ngục, thư, hùng, tẫn, mẫu, diệc khả quân danh nam nữ.

()又鬼畜地獄,雌雄牝牡,亦可均名男女。

(Sao: Lại nữa, quỷ, súc sanh, địa ngục, trống, mái, đực, cái, cũng đều có thể gọi là nam nữ).

Lục đạo chúng sanh thảy đều được bao gồm.

 

(Sao) Đản niệm Phật giả, câu đắc vãng sanh, thị thông nhất thiết chúng sanh dã.

()但念佛者,俱得往生,是通一切眾生也。

(Sao: Chỉ cần niệm Phật sẽ đều được vãng sanh, hết thảy chúng sanh đều là như vậy).

Quý vị ngẫm xem, pháp môn này có phạm vi nhiếp thọ rộng lớn dường ấy! Không chỉ là thế giới này, mà mười phương vô lượng vô biên các cõi Phật, A Di Đà Phật đều bình đẳng nhiếp thọ.

 

(Sao) Kê cổ nghiệm kim, phả tải nhất, nhị, nguyện tường lãm yên.

()稽古驗今,頗載一二,願詳覽焉。

(Sao: Dẫn chuyện xưa để suy nghiệm chuyện nay, [những điều được chép trong truyện ký] chỉ là ghi chép một hai điều, mong hãy xem kỹ).

 Bảo chúng ta hãy quan sát cặn kẽ, chứng nghiệm. Từ xưa đến nay đã có các ghi chép, đúng là trong ngàn vạn chỉ ghi chép một, hai [trường hợp]. Người được chép trong Vãng Sanh Truyện chẳng nhiều. Đó là những người vãng sanh được mọi người hay biết, còn có nhiều người vãng sanh nhưng không ai biết, nên chẳng ghi chép. Chúng sanh trong ác đạo, quỷ đạo, địa ngục đạo, chúng ta đâu có biết. Bộ sách Vật Do Như Thử chuyên ghi chép chuyện súc sanh vãng sanh. Sau khi quý vị đọc sách ấy, liền biết danh hiệu Di Đà có công đức chẳng thể nghĩ bàn.

Phàm là người tin nhận, nhất tâm xưng niệm, chẳng có ai không vãng sanh. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, công đức học Phật của chúng ta mới coi như viên mãn, đại công cáo thành. Phải biết rằng đây chẳng phải là chuyện một đời, mà là do nhiều đời nhiều kiếp tích lũy, nên mới có thành tựu như ngày nay. Do vậy, phải quý trọng đời này, phải nỗ lực, phải tinh tấn, quyết định chớ nên bỏ lỡ. Hết thảy chuyện thuộc về nhân sự trong thế gian hãy để mặc nó, phải chịu đựng, chỉ cần chẳng trở ngại chúng ta niệm Phật thì chuyện gì cũng đều hứng chịu được, hòng thành tựu đạo nghiệp của chính mình. Đây là chuyện lớn bậc nhất trong một đời này. Hôm nay, chúng tôi giảng tới đây!

 

Tập 221

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm ba mươi lăm:

 

(Sớ) Thứ văn hữu tam: Vị Di Đà danh hiệu, thị tiêu niệm cảnh; chấp trì nhất tâm, thị minh niệm pháp; nhất nhật, thất nhật, thị khắc niệm kỳ.

()次文有三:謂彌陀名號,是標念境;執持一心,是明念法;一日七日,是剋念期。

(Sớ: Đoạn kinh văn kế tiếp gồm có ba phần: Nói đến danh hiệu Di Đà nhằm nêu ra niệm cảnh. Chấp trì và nhất tâm là nêu rõ cách niệm. Một ngày [cho đến] bảy ngày là ấn định kỳ hạn niệm Phật).

“Cảnh” (境) là nói tới cảnh giới.

 

(Diễn) Niệm cảnh giả, tức sở quán chi lý; niệm pháp, tức năng quán chi trí.

()念境者,即所觀之理;念法,即能觀之智。

(Diễn: Niệm cảnh là cái lý được quán, niệm pháp là cái trí để quán [cái lý ấy]).

Đều dùng cách giải thích của tông Thiên Thai. Một câu A Di Đà Phật là đức hiệu của tự tánh lý thể. Từ kinh Đại Bổn và kinh này, đối với tầng ý nghĩa này, có thể nói là chúng ta đều có mức độ thấu hiểu kha khá. Ý nghĩa được bao hàm trong danh hiệu này xác thực là sâu rộng, chẳng có ngằn mé, xác thực là toàn thể của chân tâm trong tự tánh. Theo Đàn Kinh, khi khai ngộ, Lục Tổ đại sư đã nói ra năm câu, chẳng có câu nào ra ngoài những ý nghĩa được bao hàm trong một câu danh hiệu [A Di Đà Phật] này. Do vậy có thể biết, câu danh hiệu này chẳng có pháp thế gian hay xuất thế gian nào là chẳng bao trùm.

“Chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn”, câu này là phương pháp. Ở đây, đại sư đã chỉ ra “năng quán chi trí”. Câu này hết sức hay. Vì có những người hiểu lầm “do niệm Phật thì nhiều nhất là có thể đắc Định, niệm đến mức tâm thanh tịnh, chứ người niệm Phật chẳng có trí huệ Bát Nhã”. Khá nhiều kẻ có sự nhận biết sai lầm ấy, trọn chẳng biết “chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn” là trí huệ tối thượng thừa. Trong hội Hoa Nghiêm, Văn Thù và Phổ Hiền chọn lựa pháp môn này. Trong Đại Kinh, chúng ta thấy Di Lặc Bồ Tát cũng chọn lựa pháp môn này. Di Lặc Bồ Tát không chỉ chọn lựa trong kinh Vô Lượng Thọ, trong kinh Di Đà cũng nêu tên Ngài. A Dật Đa (Ajita)[10] chính là tên của Ngài. Có thể thấy là những vị Đẳng Giác Bồ Tát đều chọn lựa pháp môn này, chẳng thể nói các Ngài không có trí huệ.

 

(Sao) Phi cảnh, tắc pháp vô sở thi.

()非境,則法無所施。

(Sao: Chẳng có cảnh, sẽ chẳng có pháp nào để thực hiện).

Cảnh giới là phương hướng và mục tiêu, cũng là điều chúng ta mong cầu. Nếu chẳng có điều này, tất cả hết thảy các phương pháp rốt cuộc đều dẫu có mà như không. Dẫu phương pháp tốt đẹp đến mấy mà chẳng có mục tiêu thì cũng trở thành rỗng tuếch.

 

(Sao) Phi pháp, tắc cảnh vi hư lập.

()非法,則境為虛立。

(Sao: Chẳng có pháp thì cảnh chỉ được kiến lập suông).

 Chẳng có phương pháp tốt đẹp, A Di Đà là Chân Như bản tánh của chúng ta, vĩnh viễn chẳng thể chứng đắc Chân Như bản tánh ấy.

 

(Sao) Phi kỳ, tắc tuy cảnh thắng, pháp cường, giải đãi, nhân tuần, công bất tốc kiến.

()非期,則雖境勝法強,懈怠因循,功不速建。

(Sao: Chẳng có kỳ hạn thì tuy cảnh thù thắng, pháp mạnh mẽ, nhưng vì biếng nhác, chần chừ, công phu chẳng được kiến lập nhanh chóng).

 Nếu chẳng có kỳ hạn nhất định để đạt tới, sự tu hành sẽ xa vời vợi, khi nào thì mới có thể thành tựu? Hễ thời gian lâu dài, người ta sẽ giải đãi, lười nhác. Nói cách khác, tinh thần chẳng thể phấn chấn được! Nhất định là phải ấn định một kỳ hạn, định ra một thời khóa biểu hằng ngày, trong một thời gian bao lâu đó, chúng ta nhất định phải hoàn thành đại sự này. Do vậy, ba điều kiện “cảnh, pháp, kỳ hạn” thiếu một cũng không được!

 

(Sao) Tam sự cụ cố, năng linh tịnh nghiệp quyết định thành tựu.

() 三事具故,能令淨業決定成就。

(Sao: Do ba chuyện ấy đầy đủ, có thể khiến cho tịnh nghiệp quyết định thành tựu).

Ở đây, Liên Trì đại sư dùng lời lẽ hết sức khẳng định, khiến cho chúng ta xem xong, chẳng còn có mảy may hoài nghi nào nữa! Tiếp đó, Ngài giải thích tỉ mỉ ba điều kiện “cảnh, pháp, ấn định kỳ hạn”.

 

(Sớ) Tiêu niệm cảnh giả.

()標念境者。

(Sớ: Nêu ra cảnh để niệm).

“Tiêu” (標) là nêu bày.

 

(Sớ) Bỉ Phật vạn đức thành tựu Tịnh Độ nhiếp sanh, cố dĩ A Di Đà Phật tứ tự hồng danh, vi sở niệm chi cảnh. Y chi tu hành, hữu sở nghệ cố.

()彼佛萬德成就淨土攝生,故以阿彌陀佛四字洪名,為所念之境,依之修行,有所詣故。

(Sớ:  Đức  Phật ấy do vạn đức mà thành tựu cõi Tịnh Độ để nhiếp hóa chúng sanh, nên dùng hồng danh bốn chữ A Di Đà Phật làm cảnh để niệm. Nương theo đó tu hành thì sẽ có chỗ để đạt đến).

“Nghệ” (詣: đạt đến) là [nói tới] phương hướng, mục tiêu. “Bỉ Phật” là Tây Phương giáo chủ A Di Đà Phật. Từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy một đoạn lịch sử từ lúc Ngài thoạt ban sơ phát tâm tu hành, phát nguyện kiến lập thế giới Cực Lạc.

 

(Diễn) Vạn đức thành giáo Tịnh Độ nhiếp sanh giả, nhân tu vạn hạnh, quả thành vạn đức, gia dĩ tứ thập bát nguyện, trang nghiêm Tịnh Độ, nhiếp hóa chúng sanh, bất đồng dư cố.

()萬德成教淨土攝生者,因修萬行,果成萬德,加以四十八願,莊嚴淨土,攝化眾生,不同餘故。

(Diễn: “Vạn đức tạo thành cõi Tịnh Độ để nhiếp hóa chúng sanh”: Cái nhân là tu vạn hạnh, nên quả là thành tựu vạn đức, lại thêm bốn mươi tám nguyện, trang nghiêm Tịnh Độ, nhiếp hóa chúng sanh, chẳng giống [các vị Phật] khác).

“Dư” (餘) [ở đây] là nói tới những vị Phật Như Lai khác. Nếu chúng ta nói hết thảy chư Phật “cái nhân là tu vạn hạnh, thành tựu cái quả là vạn đức”, thì có thể nói là hết thảy chư Phật đều như nhau, chẳng có vị Phật nào không phải là như vậy; nhưng “bốn mươi tám nguyện, trang nghiêm Tịnh Độ, nhiếp hóa chúng sanh” thì những vị Phật khác chẳng có. Trong hết thảy chư Phật, bi nguyện của Phật Di Đà chẳng thể nghĩ bàn, phương tiện thiện xảo chẳng thể nghĩ bàn, những vị Phật khác đều chẳng có những điều này. Ngài (A Di Đà Phật) dùng một câu danh hiệu để nhiếp thọ hết thảy chúng sanh. Lý trong ấy hết sức sâu xa, đó gọi là “chỉ có Phật và Phật mới có thể thấu hiểu rốt ráo”. Phương pháp hết sức đơn giản, dễ dàng, lý quá sâu, ngay cả Bồ Tát cũng đều chẳng hiểu rõ ràng. Vì vậy, [phàm nhân] vừa thấy phương pháp dễ dàng ngần ấy, chẳng khỏi hoài nghi, [phương pháp này] có xài được hay chăng? Có thể thành tựu hay chăng? Vì lẽ đó, pháp môn này được gọi là “pháp khó tin”. Lý quá sâu, chẳng có cách nào thực hiện, chẳng phải là cảnh giới chính mình hòng đạt được. Phương pháp quá dễ dàng, chẳng dám tin tưởng, đó đều là chướng ngại.

Thật ra, tại giảng tòa ở nơi đây, đã nhiều năm ngần ấy, chúng tôi không ngừng lật đi lật lại, nghiên cứu thảo luận, ít nhiều thì [quý vị] cũng hiểu rõ đôi chút; do vậy, cũng có thể miễn cưỡng tin tưởng. Người tin tưởng, nương theo phương pháp này để tu học, ít nhiều thì cũng đều đạt được đôi chút lợi ích. Sau khi đã đạt được lợi ích, tín tâm càng thêm mạnh mẽ, thật sự có hiệu quả. Trước kia, tu các pháp môn khác, tu bao nhiêu năm chẳng thấy có hiệu quả, tu pháp môn này mấy tháng, quả nhiên thân tâm có biến hóa, khác hẳn. Như vậy thì mới có thể đạt được pháp hỷ, mới có thể chứng thực phương pháp này đáng để học tập, chẳng lừa gạt chúng ta.

 

(Diễn) Y chi tu hành giả, chúng sanh vị năng liễu ngộ tự tâm.

()依之修行者,眾生未能了悟自心。

(Diễn: Người nương theo pháp ấy tu hành chính là chúng sanh chưa thể liễu ngộ tự tâm).

Nói rõ vì sao A Di Đà Phật dùng phương pháp thiện xảo như vậy có thể phổ độ lục đạo chúng sanh. Ở đây, đã vì chúng ta nói ra sự thật này, chúng sanh chưa khai ngộ!

 

(Diễn) Vị đắc thoát thể vô y.

()未得脫體無依。

(Diễn: Chưa thể thoát khỏi thể, không nương cậy).

 Chưa khai ngộ thì phải tìm nơi nương tựa, phải tìm chỗ nương dựa vững chắc. Đã ngộ thì chẳng cần, lúc đó mới thật sự là đội trời đạp đất, là bậc vô y đạo nhân. Vô y đạo nhân thì mức độ thấp nhất là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, mới là thật sự đội trời đạp đất. Trước khi đạt đến Sơ Trụ, tức là trước khi kiến tánh, kể cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác, và Quyền Giáo Bồ Tát, trước khi minh tâm kiến tánh thì đều phải có nơi nương tựa.

 

(Diễn) Tất tu y cảnh phát tâm thú hướng hữu địa.

()必須依境發心趣向有地。

(Diễn: Ắt phải nương vào cảnh để phát tâm, thì sẽ có mục đích để hướng về).

Phải cậy vào những điều này. Ở đây, tôi khuyên khắp các vị đồng tu, chúng ta dựa vào kinh Vô Lượng Thọ, dựa vào Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa, chúng ta phải dựa vào những thứ ấy, nương tựa câu vạn đức hồng danh này. Dựa vào kinh nhằm giúp chúng ta đoạn nghi sanh tín. Tín tâm chẳng thể kiến lập thì nguyện hạnh chẳng cần bàn tới nữa. Do vậy, quan trọng nhất là kiến lập tín tâm. “Tín tâm thanh tịnh, tắc sanh Thật Tướng” (Tín tâm thanh tịnh, bèn sanh Thật Tướng), trong kinh Kim Cang, đức Phật nói như vậy. Thật Tướng là chân lý, tín tâm thanh tịnh thì quý vị có thể thấy chân lý, chân lý là gì? Xác thực là một câu danh hiệu này. “Thú hướng hữu địa” (趣向有地), “địa” (地) là mục đích.

 

(Diễn) Kim y Phật danh, như long đắc thủy, như hổ kháo sơn, hữu sở nghệ cố.

()今依佛名,如龍得水,如虎靠山,有所詣故。

(Diễn: Nay nương vào danh hiệu Phật, sẽ như rồng được nước, như cọp dựa vào núi, nên có chỗ để hướng về).

Nay chúng ta nương vào câu vạn đức hồng danh này, chúng ta biết chỉ cần thật thà niệm Phật chẳng gián đoạn, quyết định vãng sanh Tịnh Độ, sanh vào thế giới Tây Phương bèn quyết định thành Phật trong một đời. Đúng là “như long đắc thủy, như hổ kháo sơn” (như rồng được nước, như cọp dựa vào núi), mới biết pháp môn này thù thắng khôn sánh! Có thể nghe pháp môn này tức là chư vị có phước, có duyên phận được nghe. Nhưng sau khi đã nghe, chính mình có chịu nghiêm túc thực hiện hay không, đó là phước phận của chư vị! Đã có duyên mà thiếu phước, thiếu phước tức là chẳng chịu nghiêm túc tu. Chẳng có huệ, tức là chẳng lý giải lý luận này. Chẳng có huệ cũng không sao cả! Hễ có phước thì đều có thể thành tựu. Ta không hiểu, không hiểu đừng sợ, ta cứ thật thà niệm, sẽ vãng sanh y hệt, thành công y hệt. Phước còn trọng yếu hơn huệ! Người chẳng có phước thật đáng thương, có huệ [mà thiếu phước] sẽ vô dụng! Có huệ [mà thiếu phước] chính là cuồng huệ; tuy hiểu, chẳng chịu hành! Dưới đây là hiển thị công đức của danh hiệu.

 

(Sao) Cực Lạc y chánh, ngôn Phật tiện châu. Phật công đức hải, diệc ngôn danh tiện châu. Cố dĩ tứ tự danh hiệu vi cảnh.

()極樂依正,言佛便周,佛功德海亦言名便周,故以四字名號為境。

(Sao: Đối với  y  báo  và  chánh  báo  trong  cõi  Cực  Lạc, hễ  nói

“Phật” liền trọn đủ. Đối với biển công đức của Phật, cũng nói đến danh hiệu liền trọn đủ. Vì thế, dùng danh hiệu gồm bốn chữ để làm cảnh).

Chẳng ai có thể nói trọn hết về y báo và chánh báo trang nghiêm trong thế giới Cực Lạc. Kinh Vô Lượng Thọ có nói: Dẫu tất cả hết thảy chúng sanh trong mười phương thế giới đều chứng quả Bích Chi Phật, trí huệ và thần thông đều giống như Đại Mục Kiền Liên, cùng nhau tính toán, vẫn tính chẳng ra, thật sự chẳng thể nghĩ bàn! Nhưng câu A Di Đà Phật bốn chữ này có thể nói là hết thảy trang nghiêm đều được bao gồm. “Ngôn Phật tiện châu” (Nói Phật liền trọn hết), Châu (周) có nghĩa là viên mãn, một câu Phật hiệu bèn viên mãn. “Phật công đức hải” (Biển công đức của Phật), [nói đến] công đức của A Di Đà Phật. “Hải” (海) là tỷ dụ sự rộng lớn, công đức sâu rộng chẳng thể nghĩ bàn, cũng là một câu danh hiệu này bao trùm trọn hết. Danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn! Trong vô lượng vô biên pháp môn, chẳng có pháp môn nào có thể sánh cùng danh hiệu này để luận định. Chúng ta phải nhận biết rõ ràng chuyện này; sau đó, quý vị mới có thể khăng khăng một mực chấp trì danh hiệu.

Chiều hôm nay, có một vị lão cư sĩ đến đây thọ Tam Quy, có kể với tôi là năm mươi năm trước cụ đã được một vị Thượng Sư bên Mật Tông quán đảnh, dạy cụ trì ba bài chú: “Ba bài chú ấy đã niệm hơn năm mươi năm, tôi chẳng thể buông bỏ được. Dẫu quy y ở nơi đây, tôi vẫn tiếp tục trì chú”. À! Ông cứ tiếp tục trì chú cũng được thôi! Chẳng biết công đức của danh hiệu. Danh hiệu có công đức vượt trỗi thần chú quá nhiều, [công đức của thần chú] chẳng thể sánh bằng! Niệm chú văn hơn năm mươi năm mà vẫn là tình cảnh như vậy. Nếu khăng khăng một mực niệm danh hiệu này, niệm ba năm, quý vị sẽ khác hẳn! Thật sự nghiêm túc niệm ba năm, quý vị sẽ đạt được kết quả như thế nào? Sanh tử tự tại, quý vị muốn vãng sanh lúc nào bèn vãng sanh lúc ấy. Mong ở lại thêm mấy năm nữa, cũng chẳng trở ngại, công đức của danh hiệu có thể khiến cho quý vị đạt tới cảnh giới ấy.

Theo Vãng Sanh Truyện và Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, bao nhiêu người niệm Phật ba năm bèn vãng sanh, có phải là thọ mạng của những người ấy còn đúng ba năm? Chẳng phải vậy! Công phu của họ đã đạt đúng mức, có thể tùy ý vãng sanh. Do họ chẳng muốn ở trong thế giới này lâu hơn nữa, họ đi trước, chẳng phải là thọ mạng đã hết mới ra đi, mà là đi trước. Nếu không, rất nhiều người ba năm vãng sanh, há có chuyện khéo trùng hợp như vậy ư? Chẳng phải vậy, công phu niệm Phật của người ta đã đạt mức, so sánh giữa hai thế giới, ở đây quá khổ, bên đó quá thoải mái, ai mà chẳng muốn ra đi? Họ có bản lãnh ấy. Còn có những người chưa đi là vì có chuyện còn vướng mắc ở nơi đây. Chuyện gì vậy? Tuyệt đối chẳng phải là chuyện vướng mắc trong gia đình, mà là chuyện hoằng pháp lợi sanh: Còn có những chúng sanh hữu duyên với họ, có thể giúp họ vãng sanh. Để giải quyết mối duyên ấy, họ phải chậm trễ mấy hôm, khuyên lơn người nhà, quyến thuộc, đồng tham đạo hữu, giúp đỡ họ tu tịnh nghiệp. Chỉ có lý do này mà họ bằng lòng ở lại lâu dài trong thế gian. Những bài chú kia chẳng có năng lực ấy, nhưng pháp môn này có năng lực ấy! Nếu quý vị chẳng chịu làm, hết cách!

Quý vị niệm Phật đứt đứt nối nối, dường có, dường không, khi niệm lại xen tạp vọng tưởng, niệm kiểu đó thì ba mươi năm, ba trăm năm vẫn chẳng đắc lực. Thật sự niệm đến mức “tịnh niệm tương kế” (tịnh niệm liên tục), chỉ cần đạt tới tiêu chuẩn bốn chữ ấy. “Tịnh niệm tương kế” là chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp, chẳng hoài nghi. Có hoài nghi, tâm quý vị chẳng thanh tịnh, tâm xen tạp chẳng thanh tịnh. Hai chữ “tịnh niệm” (淨念) bao gồm [các ý nghĩa] chẳng hoài nghi, không xen tạp. “Tương kế” (相繼: tiếp nối) là không gián đoạn. Nếu nói theo kinh, bảy ngày bèn thành tựu; nhưng do chúng ta nghiệp chướng quá nặng, bảy ngày chẳng đạt được, tuyệt đại đa số là ba năm. Người ta ba năm thành tựu, chẳng thể kể xiết! Họ ba năm bèn có thể thành tựu, cớ sao chúng ta ba năm mà vẫn chẳng thể thành tựu? Quyết định là có thể thành tựu. Vì sao không nghiêm túc hành ba năm hòng giải quyết cho xong đại sự sanh tử của chính mình? Đây là nhân duyên hy hữu khó gặp từ vô thỉ kiếp tới nay. Trong một đời này, vì sao hằng ngày chúng ta cứ vận dụng hết mưu mẹo để đấu đá cùng kẻ khác, tranh luận đúng sai với người ta? Chẳng có ý nghĩa chi hết! Suy nghĩ về những khởi tâm động niệm, hết thảy những gì đã làm trong cuộc sống hằng ngày, [sẽ thấy] toàn là tạo nghiệp luân hồi. Trong nghiệp luân hồi, lại còn tạo nghiệp của ba ác đạo, đáng sợ quá! Vì sao chẳng buông hết những thứ ấy xuống để thật thà niệm Phật?

Trịnh cư sĩ bảo tôi: Ở chỗ pháp sư Diệu Liên tại Bộ Lý[11] thường đả Phật Thất, có những bà cụ tham gia mấy chục Phật Thất. Tôi nói: “Có hữu dụng hay không?” Người nào hữu dụng? Ở đó, có những bà cụ rất thật thà, chuyện gì cũng chẳng biết, suốt ngày từ sáng đến tối chỉ biết “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”, quý vị chửi họ, họ cũng không biết là đang chửi họ! Người như vậy sẽ thành công, vì sao? Họ chẳng có vọng niệm. Quý vị chửi họ, châm chọc họ, lăng nhục họ, họ chẳng hiểu là đang chửi họ. Hạng người ấy trong tương lai quyết định vãng sanh. Vì sao? Người ta thật sự làm được bốn chữ “tịnh niệm tương kế”. Người Hoa thường nói “thông minh đâm ra bị thông minh làm cho lầm lẫn”. Thông minh chẳng phải chuyện tốt, vì chính mình quá thông minh, nên mới tạo tác ba ác đạo. Kẻ chẳng thông minh, sẽ chẳng tạo tác ba ác đạo.

 

(Diễn) Ngôn danh tiện châu giả, dĩ thế gian chi danh, danh vô đắc vật chi công, vật vô đương danh chi thật, danh thật bất năng tương xứng.

()言名便周者,以世間之名,名無得物之功,物無當名之實,名實不能相稱。

(Diễn: Nói tới danh hiệu liền trọn đủ, bởi đối với danh từ trong cõi đời thì danh xưng chẳng có công năng của vật, mà vật chẳng phải là thực chất xứng với tên gọi. Danh xưng và sự thật chẳng thể tương xứng).

 Nói tới thế giới của chúng ta, danh là giả. Lão Tử nói: “Danh khả danh, phi thường danh; đạo khả đạo, phi thường đạo”[12]. Trong Bách Pháp của tông Duy Thức, Danh được xếp vào loại Bất Tương Ứng Hành Pháp. Đó là danh và thực chẳng tương xứng.

 

(Diễn) Kim Phật danh giả.

()今佛名者。

(Diễn: Nay danh hiệu Phật).

Giải thích danh hiệu A Di Đà Phật khác hẳn. Quý vị coi Phật hiệu như danh hiệu trong thế gian sẽ là sai lầm đặc biệt to tát.

 

(Diễn) Danh ngoại vô thật, thật ngoại vô danh, danh thật bất nhị, cố ngôn danh tiện châu.

()名外無實,實外無名,名實不二,故言名便周。

(Diễn: Ngoài danh chẳng có thật, ngoài thật chẳng có danh, danh và sự thật chẳng hai, nên nói đến danh bèn trọn đủ).

 Danh hiệu ấy chân thật, chẳng giả! “Danh khả danh, phi thường danh” như Lão Tử đã nói chẳng thể áp dụng vào A Di Đà Phật được. A Di Đà Phật đích xác là “thường danh” (danh hiệu thường hằng)! Thế giới này có thành, trụ, hoại, không, danh hiệu A Di Đà Phật chẳng có thành, trụ, hoại, không. Tận hư không khắp pháp giới, mười phương ba đời hết thảy chư Phật, Bồ Tát đều tuyên dương [danh hiệu A Di Đà Phật], vượt trỗi thời gian và không gian! Vì thế, danh hiệu A Di Đà Phật là thường danh, thường đạo, tuyệt đối chẳng phải là cái danh chẳng thường hằng, hoặc đạo chẳng thường hằng. Rất khó nhận biết điều này! Người bình phàm trong cõi đời, nói thật ra, ngay cả Quyền Giáo và Tiểu Thừa cũng bao gồm trong ấy (trong số những kẻ không nhận biết), từ vô lượng kiếp tới nay, do tập khí hư vọng giở trò quấy phá, [ai nấy] cũng đều coi danh hiệu [A Di Đà Phật] này như giả danh. Coi như giả danh, sẽ chẳng thọ trì nghiêm túc, chẳng dễ gì đạt được nhất tâm.

 

(Sao) Y ư thử cảnh, nhi gia chấp trì, nhiên hậu hướng vãng hữu địa. Nghệ, chí dã, vị chí ư bỉ quốc dã.

()依於此境,而加執持,然後向往有地。詣,至也,謂至於彼國也。

(Sao: Nương theo cảnh ấy, lại còn chấp trì, sau đấy sẽ có chỗ để hướng về. “Nghệ” là đến, ý nói: Đạt tới cõi ấy).

Đối với thế gian, [thật ra] đừng nói là thế gian, kể cả xuất thế gian, ngay cả bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong thế giới Hoa Tạng đều chẳng thể vượt khỏi phạm vi này. Phạm vi gì vậy? Phạm vi hạnh phúc. Người nào hạnh phúc nhất? Người niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ hạnh phúc bậc nhất, ngay cả Văn Thù, Phổ Hiền đều thuộc trong số ấy. Các Ngài niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, hạnh phúc bậc nhất! Nay chúng ta phước báo đích xác là ở ngay trước mặt, nhưng chính mình chẳng muốn hưởng thụ, vứt bỏ nó, suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ lung tung, chẳng chịu thật thà niệm Phật. Đáng tiếc lắm! Có những người thật sự dụng công, nhưng chẳng gặp được duyên phận này, chẳng biết pháp môn này, rất đáng thương, chẳng có cách nào cả! Có duyên phận gặp gỡ, mà chẳng chịu nghiêm túc tu tập, đó là “kẻ đáng thương xót” như kinh điển đã nói, thật sự đáng thương! Người khác nghĩ [muốn biết pháp môn này] còn chẳng được, quý vị gặp gỡ mà chẳng biết dùng! Đã gặp gỡ mà chẳng thể nắm chặt lấy, quý vị nói xem: Đáng tiếc lắm phải không? Do đó, nhất định phải nương theo bộ kinh điển này và nương theo Phật hiệu này. Người hủy báng bộ kinh điển này, chướng ngại nó, mắc tội bậc nhất trong hết thảy các tội báng pháp. Quý vị hủy báng Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh cũng chẳng nặng bằng hủy báng kinh này. Vì sao? Đối với Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, chưa chắc quý vị đã có thể thành tựu trong một đời! Gặp gỡ bộ kinh này, nhất định sẽ thành Phật trong một đời; do đó, nó có công đức bậc nhất. [Vì thế], hủy báng [kinh này] cũng mắc tội báo bậc nhất, nhất định sẽ đọa vào địa ngục A Tỳ.

Bản thân chúng ta chẳng học, [lại còn] chướng ngại người khác học, do tội lỗi ấy sẽ đọa địa ngục. Bản thân chúng ta không học, tán thán người khác học, hoan hỷ người khác học, người ta thành Phật, tương lai còn có thể lôi kéo chúng ta, ta còn được hưởng ké. Nếu ta hủy báng, chướng ngại họ, họ chẳng thể vãng sanh, trong tương lai, ta đọa địa ngục càng sâu. Những chân tướng sự thật này đều phải hiểu rõ ràng, sau đấy, quý vị mới biết “trong kiếp này, ta tu phước như thế nào”. Tu phước, chính mình nghiệp chướng sâu dầy, niệm chẳng được! Khuyên người khác niệm, tốt lắm, đó là tu đại phước báo. Nhất là bản hội tập của Hạ lão cư sĩ thật sự rất tuyệt diệu, bản hội tập ấy là bản tổng hợp hoàn thiện của năm bản dịch gốc, thật sự là kinh bậc nhất “danh xứng với thực” trong hết thảy các kinh. Quý vị niệm kinh này một lần cũng giống như niệm cả năm bản dịch một lượt, quá khó có!

Nương theo bộ kinh này, nương theo danh hiệu này, “nhi gia chấp trì” (lại còn chấp trì), kiên định chấp trì, quyết định chớ nên lơi lỏng, “nhiên hậu hướng vãng hữu địa” (sau đấy mới có chỗ để hướng về). “Hướng” (向) là phương hướng. Đời này, quý vị có phương hướng, có một mục tiêu. Trong đời người có phương hướng, có mục tiêu, thì đời này mới thật sự có ý nghĩa, thật sự có giá trị, biết ta vì sao mà sống. Có bao nhiêu người sống say chết mộng, chẳng biết vì sao mà sống, đáng thương quá! Suốt một đời nỗ lực, vì ai nỗ lực, cũng chẳng hiểu rõ ràng. Do vậy, mỗi người, nhất là người thuộc lứa tuổi trung niên, hãy khéo phản tỉnh, ta sống trong thế gian này để làm gì? Ta mỗi ngày bận bịu như thế là vì ai mà bận bịu? Bận bịu như vậy có đáng hay chăng? Bận bịu suốt cả một đời, chẳng thành tựu được gì, chẳng biết là đang làm gì? Đó mới là đáng thương, đó là mê hoặc, điên đảo!

Người học Phật đến hỏi tôi, tôi hỏi ngược lại kẻ đó: “Quý vị học Phật gì vậy? Học Phật như thế nào?” Người ấy đáp: “Tôi tu hành”. “Tu hành gì vậy?” Đều đáp chẳng được! [Nếu đáp] “tôi niệm kinh gì” hoặc “niệm chú gì”, đó là đáp chẳng đúng với câu hỏi! Học Phật kiểu đó, sẽ đạt được kết quả gì? Đó là mê tín thật sự. Nói thật ra, chẳng bằng một bà lão! Hỏi bà lão: “Bà cầu gì?” “Tôi cầu Tây Phương Cực Lạc thế giới, tôi mong gặp A Di Đà Phật”. Mục tiêu ấy thật sự vĩ đại! Bà cụ có phương hướng, có mục tiêu, chẳng sống uổng phí một đời này. Mục tiêu và phương hướng đã xác định, thân, tâm, thế giới hết thảy đều buông xuống! Buông xuống hết thảy, quý vị hướng đến mục tiêu ấy chẳng bị chướng ngại. Nếu không thể buông xuống thì “buông xuống chẳng được” chính là chướng ngại. Tuy quý vị có phương hướng và mục tiêu, chưa chắc đã có thể đạt tới. Vì sao? Chướng ngại trùng trùng!

Vị thầy Chủ Thất trong Niệm Phật Đường thời thời khắc khắc nhắc nhở quý vị: “Buông thân, tâm, thế giới xuống, dấy khởi chánh niệm”. “Chánh niệm” là chấp trì danh hiệu. Chỉ có một niệm ấy là chánh niệm. Nói cách khác, trừ một niệm ấy ra, [những niệm khác] thảy đều là tà niệm, phải ghi nhớ điều này. Chỉ có một niệm này là Chánh Tư Duy; ngoài niệm này ra, toàn là vọng tưởng, có mấy ai biết? Lão cư sĩ Hạ Liên Cư nói: “Trong ức vạn người, một, hai kẻ biết”. Đúng là chẳng có mấy kẻ biết! Do đó, người học Phật chớ nên làm những chuyện khác nữa, phải chuyên nhất. Hoằng pháp lợi sanh, trước hết là phải nắm vững sao cho chính mình bất cứ lúc nào cũng đều có thể vãng sanh. Ta quyết định đã nắm chắc; sau đấy, ta mới lại hoằng pháp lợi sanh. Vì sao? Chẳng ngăn ngại sự vãng sanh của ta, có thể ra đi bất cứ lúc nào, như vậy thì mới được! Chính mình còn chưa nắm chắc liễu sanh tử, [đã toan] hoằng pháp lợi sanh thì độ sanh chẳng độ được, mà chính mình cũng hỏng bét! Tôi khuyên chư vị đồng tu, không chỉ riêng là tôi khuyên lơn quý vị [như thế], mà trong sự truyền thừa từ đời này sang đời khác của Phật pháp, có vị thầy nào chẳng dặn dò học trò như vậy? Trước hết, hãy thành tựu chính mình. Thiền Tông thì nhất định là đại triệt đại ngộ rồi mới hoằng pháp lợi sanh, Giáo Hạ là đã đại khai viên giải rồi mới ra ngoài giảng kinh, thuyết pháp. Bậc đại đức trong Tịnh Tông cũng nhất định là chính mình đã nắm vững vãng sanh rồi mới suất lãnh mọi người niệm Phật. Đó là tiêu chuẩn xưa kia. Nay thì chính mình điều gì cũng chẳng hiểu, vẫn cứ muốn hoằng pháp lợi sanh, cổ nhân bảo là “dĩ manh dẫn manh”, [nghĩa là] mắt chính mình đã đui, còn dẫn dắt một đám người mù, đi đường nguy hiểm lắm! “Tương khiên nhập hỏa khanh” (Sẽ dắt nhau vào hố lửa), kẻ nọ dẫn kẻ kia vào địa ngục A Tỳ!

Thành tựu chính mình như thế nào? Vẫn là một câu nói: “Thâm nhập một môn”. Một bộ kinh, một câu Phật hiệu, từ ba năm đến năm năm, quyết định thành tựu. Đến khi chính mình đã thành tựu, sau đấy, quý vị mới có thể học rộng nghe nhiều. Học rộng nghe nhiều chẳng phải vì chính mình, mà nhằm ứng phó với đông đảo chúng sanh. Học rộng nghe nhiều là giai đoạn thứ hai, chẳng phải là giai đoạn thứ nhất, chẳng phải là trong hiện tiền. Hiện tiền phải tu Giới, Định, Huệ, phải tu Căn Bản Trí, phải thành tựu chính mình. Tam Học Giới, Định, Huệ, nói thật ra chính là cuộc sống của chính mình, từ sáng đến tối xử sự, đãi người, tiếp vật là Giới, Định, Huệ. Giới là học gì? Là vâng giữ pháp tắc, tuân thủ quy củ. Xét theo nguyên tắc thì pháp thế gian và Phật pháp chẳng khác gì nhau. Giới học là “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” (đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành). Ta ghi nhớ điều này, ta tuân thủ. Cụ thể là tổ sư đại đức đã dạy chúng ta bên trong phải tu năm đức: Ôn, lương, cung, kiệm, nhượng (溫,良,恭,儉,讓), tức là tự tu sao cho chính mình ôn hòa, trung hậu, thiện lương, cung thận (恭慎: cung kính, thận trọng, bất luận làm chuyện gì cũng chú ý cẩn thận, đó là cung kính), tiết kiệm (quyết định chẳng lãng phí), nhường nhịn. Chính mình trong tu năm đức, ngoài tu Lục Hòa. Đó là vâng giữ pháp, vâng giữ pháp căn bản, đấy chính là trì giới. Đó là căn cội to lớn của giới hạnh. Năm đức là đối với chính mình, Lục Hòa là đối với người khác, cư xử cùng người khác.

“Định” là trong tâm có chủ tể, chẳng tán loạn, nhất tâm hướng tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, hòng thấy A Di Đà Phật, tâm ta có Định. “Huệ” là gì? Huệ là hiểu rõ [cảnh giới] bên ngoài, chẳng bị nó dụ dỗ, mê hoặc. Đấy là “ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng động tâm”. Ngoài chẳng chấp tướng là Huệ, chẳng có gì ta không minh bạch, chẳng có gì ta không hiểu rõ, tuyệt đối chẳng bị ngoại cảnh ảnh hưởng. Ngoại cảnh thiện cũng vậy, mà ác cũng vậy, thuận cũng thế, mà nghịch cũng thế, thảy đều chẳng liên quan gì đến ta. Trong cảnh giới, ta chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, không chấp trước, một câu A Di Đà Phật niệm đến cùng. Do đó, Giới, Định, Huệ là hành vi trong cuộc sống, từ sáng đến tối mặc quần áo, ăn cơm đều là Giới, Định, Huệ, nói năng, cử chỉ, tất cả đều là Giới, Định, Huệ. Quý vị mới biết Phật pháp chẳng phải là nói suông, chẳng phải là huyền học[13]. Phật pháp là cuộc sống, cuộc sống là Phật pháp. Chư Phật, Bồ Tát xuất hiện trên thế gian như vậy đó, sống cuộc đời như vậy, làm người như vậy, xử thế như vậy. Chúng ta học được bản lãnh ấy, sẽ chẳng khác chư Phật, Bồ Tát.

Quý vị bèn hiểu phương hướng và mục tiêu [có tánh chất] trọng yếu dường ấy. Kiến Hòa Đồng Giải trong Lục Hòa, [có nghĩa là] chúng ta có kiến giải giống nhau, có cùng nhận thức, đều hướng theo phương hướng ấy để nỗ lực, mọi người ở chung với nhau, đương nhiên là một bầu hòa khí, cùng hội cùng thuyền sẽ giúp đỡ lẫn nhau, đôi bên giúp đỡ lẫn nhau, tuyệt đối chẳng thể nào còn có ý kiến tranh chấp, vẫn muốn gây chuyện thị phi. Tranh chấp ý kiến, gây chuyện thị phi, đó chẳng phải là đạo tràng. Nếu nói đó là đạo tràng, sẽ là đạo tràng của địa ngục đạo, chẳng phải là đạo tràng của Phật đạo, mọi người cùng nhau chuẩn bị đọa địa ngục, muốn làm chuyện này. Chúng ta thảy đều phải thấy rõ điều này. Thấy rõ ràng thì hiện thời trong thế gian này, họ vào địa ngục, ta không vào. Ta chính mắt thấy họ đọa địa ngục, mà cũng chẳng có cách nào, chẳng phải là thiếu từ bi, mà vì níu kéo chẳng được! Quý vị khuyên họ, họ đâu có nghe! Nói với họ, họ chẳng hiểu! Đấy là nghiệp chướng quá nặng. Thấy rõ ràng, minh bạch kẻ ấy sẽ đọa lạc, chẳng có cách nào cứu kẻ ấy. Nếu quý vị nói lời thật với họ, họ còn hủy báng thêm. Do lẽ đó, Phật, Bồ Tát chẳng thể xuất hiện trên thế gian, [vì nếu các Ngài] xuất hiện trên thế gian, họ sẽ báng Phật, báng Pháp, tội càng nặng hơn! Phật, Bồ Tát thấy kẻ ấy đọa địa ngục, tuyệt đối sẽ không giúp cho kẻ ấy bị đọa sâu thêm, [nếu khiến cho kẻ ấy đọa sâu hơn], Phật sẽ chẳng từ bi. Vì lẽ đó, khi quý vị chẳng thể tiếp nhận, Phật, Bồ Tát chẳng xuất hiện, quý vị chẳng có cơ duyên hủy báng, có bị đọa thì sẽ đọa nông cạn đôi chút, chẳng đến nỗi đọa quá sâu. Do đó, quý vị hãy ngẫm xem, Phật, Bồ Tát xuất hiện là đại từ đại bi, mà không xuất hiện vẫn là đại từ đại bi. Xuất hiện hay không xuất hiện, chẳng do phía Phật, Bồ Tát, mà do duyên của chúng sanh. Chúng sanh có thể tiếp nhận, Phật, Bồ Tát sẽ xuất hiện. Chẳng thể tiếp nhận, Phật, Bồ Tát chẳng xuất hiện. Đúng là một dạ từ bi!

“Nghệ” (詣) là tới, là đạt tới. Trong một đời này, chúng ta quyết định có thể đạt đến mục tiêu, quyết định có thể thỏa mãn nguyện vọng của chúng ta.

 

(Sao) Hoặc vị tâm ngoại vô cảnh, quán tâm tức túc, hà dĩ cảnh vi?

()或謂心外無境,觀心即足,何以境為。

(Sao: Chắc là có kẻ sẽ nói “ngoài tâm chẳng có cảnh, quán tâm là đủ”, sao lại có cảnh để làm gì?)

 Xác thực là có không ít kẻ học Phật chưa thể thông đạt rốt ráo câu này! Đó gọi là “hiểu biết nửa vời” cho nên mới hiểu lầm lời Phật nói. “Tâm ngoại vô cảnh, ngoại cảnh vô tâm”, xác thực là do đức Phật đã nói. Nếu chẳng thật sự hiểu rõ ý nghĩa này, sẽ nẩy sanh nghi hoặc, sẽ lầm lẫn to lớn. Do vậy, ở đây, Liên Trì đại sư đặc biệt nhắc nhở chúng ta. Những điều dưới đây đều là vấn nạn.

 

(Diễn) “Hoặc vị” hạ nạn vân.

()或謂下難云。

(Diễn: Từ chữ “hoặc nói” trở đi là lời cật vấn).

“Hoặc vị” chính là câu “hoặc vị tâm ngoại vô cảnh” (hoặc có kẻ nói “ngoài tâm chẳng có cảnh”).

 

(Diễn) Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức, tâm ngoại vô cảnh, nhiên tắc hành nhân chỉ ưng quán tâm, hà vi quán cảnh hồ?

()三界唯心  ,萬法唯識  ,心外無境  ,然則行人止

應觀心,何為觀境乎。

(Diễn: Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức, ngoài tâm chẳng có cảnh, vậy thì người tu hành chỉ nên quán tâm, sao lại quán cảnh?)

Lời hỏi có ý nghĩa này. Điều này đích xác là đã căn cứ trên kinh văn do đức Phật nói, thoạt nhìn, [lời hỏi] rất hữu lý. Nhà Thiền dùng đạo lý này: Nhà Thiền chủ trương quán tâm, có thể thành công hay không? Có thể thành công, nhưng chẳng phải là người bình phàm có thể thành công! Quý vị xem Đàn Kinh, [sẽ thấy] đối tượng tiếp dẫn của Lục Tổ đại sư là bậc thượng thượng thừa, [người như vậy] mới có cách để quán tâm. Người căn cơ Đại Thừa chẳng làm được, huống hồ trung hạ căn? Huống chi chúng ta ngay cả tư cách trung hạ còn chưa có? Do vậy, phải biết quán tâm là một biện pháp tốt đẹp, là một con đường tắt trong pháp môn Đại Thừa, nhưng kẻ bình phàm chẳng thể làm được! Thiền do Đạt Ma tổ sư truyền sang Trung Hoa là quán tâm. Về sau, cũng chẳng có cách nào quán tâm, căn tánh [của học nhân] ngày càng kém cỏi, tổ sư bèn đổi sang dùng tham thoại đầu. Nói thật ra, tham thoại đầu rất gần với niệm Phật, chẳng sai khác cho mấy! Nhưng tham thoại đầu có thể đắc Định, chẳng thể khai ngộ; quán tâm thì có thể khai ngộ. Đắc định thì quả báo là sanh vào Tứ Thiền Thiên, chẳng ra khỏi tam giới. Huống chi đắc Định vẫn là khá khó khăn! Đạt được công phu định lực mà tâm địa có đôi chút chẳng thanh tịnh thì vẫn phải đọa lạc.

Lão pháp sư Đàm Hư có kể một đồng học của Ngài, tức là một đồ đệ của lão hòa thượng Đế Nhàn, tham Thiền ở chùa Giang Thiên thuộc Trấn Giang hai mươi mấy năm. Về sau, vị ấy làm đến chức Thủ Tọa[14] chùa Giang Thiên, tâm ngạo mạn dấy lên, cảm thấy chính mình lỗi lạc lắm, ma chướng hiện tiền, nhảy xuống sông tự sát, trở thành Thổ Địa Công (ông Địa). Công tu Thiền hai mươi mấy năm để đổi lấy chức vị Thổ Địa Công. Thổ Địa Công là địa vị gì? Là chức lý trưởng trong ngạ quỷ đạo! Trong tâm có đôi chút ngăn ngại, chẳng thanh tịnh, kiêu căng, ngã mạn, oan gia trái chủ bèn tìm được ông ta. Oan gia chính là bà vợ của ông ta. Vì khi ông xuất gia, bà vợ không cam lòng bèn tự sát, hồn ma của bà vợ luôn quanh quẩn bên ông ta. Do bản thân ông ta có công phu tu hành, có thần hộ pháp bảo vệ, nên hồn ma chẳng có cách nào tiếp cận. Đến khi ông ta dấy lên ý niệm kiêu căng, ngã mạn, đánh mất đạo tâm, thần hộ pháp bỏ đi, oan hồn của bà vợ liền dựa thân, ông ta trở thành điên điên khùng khùng. Do bà vợ nhảy sông tự vận, trở thành quỷ dưới nước dẫn dụ ông ta, khiến cho ông nhảy xuống sông tự sát!

Sau khi đã thật sự liễu giải, quý vị mới biết danh hiệu này có công đức chẳng thể nghĩ bàn! Quý vị thật sự chấp trì danh hiệu, sẽ chẳng bị ma dựa! Nhưng chư vị phải ghi nhớ, cũng có kẻ niệm Phật mà bị ma dựa. Chúng tôi cũng có khi nghe nói, mà cũng đã từng thấy. Vì sao bị ma dựa? Tâm chẳng thanh tịnh. Do đó, ma chướng, nói chung đều do tâm chẳng thanh tịnh. Tham, sân, si, mạn là nội ma! Kinh Bát Đại Nhân Giác nói tới bốn loại ma, [trong đó] phiền não ma là nội ma. Nội ma làm nội gian (內奸: kẻ gian nằm vùng) kết hợp với ngoại ma, chẳng có cách nào cả! Quý vị trong là đoạn tham, sân, si, mạn, do bên trong chẳng có ma, dẫu ma bên ngoài có sức mạnh to đến mấy, bên trong chẳng có gì làm nội ứng cho nó, ma đành bó tay, hết đường xoay sở đối với quý vị. Sợ là trong tâm có nội gian, trong ngoài phối hợp, quý vị xong đời!

 

(Diễn) Đáp vân: Nhữ đản tri tâm ngoại vô cảnh, bất tri cảnh ngoại vô tâm.

()答云:汝但知心外無境,不知境外無心。

(Diễn: Đáp rằng: – Ông chỉ biết ngoài tâm không có cảnh, chẳng biết ngoài cảnh chẳng có tâm).

 Đức Phật nói hai câu này, cớ sao quý vị [chỉ] nói một câu, hãy còn một nửa sau nữa, ngoài cảnh cũng chẳng có tâm!

 

(Diễn) Tâm giả toàn cảnh chi tâm, cảnh giả toàn tâm chi cảnh.

()心者全境之心,境者全心之境。

(Diễn: Tâm là cái tâm nơi toàn thể cảnh, cảnh là cái cảnh trong toàn bộ cái tâm).

Sau khi quý vị đã hiểu rõ điều này, niệm cảnh và niệm tâm có gì khác nhau? Chẳng khác nhau, tâm và cảnh như nhau, tâm cảnh bất nhị. Pháp niệm tâm chẳng dễ thành tựu, chúng ta bèn niệm cảnh, cảnh là tâm, có gì mà chẳng thể? Tôi vừa mới nói, kẻ ấy chỉ hiểu một nửa, chưa hiểu rõ ràng, thuộc loại gà mờ nên mới xuất hiện vấn đề! Thật sự hiểu rõ Phật pháp, sẽ chẳng có vấn đề! Biết tám vạn bốn ngàn pháp môn, môn nào cũng đều chánh xác, đều chẳng sai lầm. Môn nào cũng đều chẳng mâu thuẫn nhau, chẳng bị xung đột; do vậy, “pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp”, thật vậy! Chẳng thể nói pháp môn này hay, pháp môn kia chẳng hay, chẳng thể nói như vậy được! Chỉ có thể nói là pháp môn này khế hợp căn cơ của loại người nào đó, pháp môn kia khế hợp căn cơ của hạng người khác, chỉ có thể nói theo kiểu như vậy. Căn tánh giống như chúng ta, tu pháp môn nào cũng đều chẳng thể thành tựu, đều chẳng có cách nào, thật đấy, chẳng giả đâu nhé! Bao nhiêu người tu mãi cho đến già mới quay đầu!

Lần trước, tôi đến giảng kinh tại Bình Đông, gặp Chung lão cư sĩ. Cụ học Phật lâu hơn tôi, đã từng học Mật, học Thiền, học khá nhiều pháp môn. Ngày đó, tôi gặp cụ tại chùa Đông Sơn, [cụ bảo]: “Pháp sư à! Tuổi tôi đã cao rồi, những điều đã học trong quá khứ thảy đều chẳng đắc lực, nay tôi thật thà niệm Phật!” Tôi chúc mừng cụ, khó có! Thật thà niệm Phật, mỗi ngày niệm Phật hiệu ba vạn câu. Cụ đã tám mươi mấy tuổi, sắc mặt hồng hào, âm thanh sang sảng. Cụ vận động cũng nhiều, cụ niệm Phật bằng cách vừa đi vừa niệm. Cụ tản bộ ngoài đồng trong vùng làng quê, cứ niệm một tiếng Phật hiệu bèn bước một bước. Nói cách khác, ba vạn câu Phật hiệu là ba vạn bước. Sự vận động ấy tốt đẹp, hữu ích cho sức khỏe. Do vậy, quán tâm và niệm cảnh giống nhau!

 

(Diễn) Ký vô tâm ngoại chi cảnh, vi tâm sở chiếu, diệc vô cảnh ngoại chi tâm, năng chiếu ư cảnh.

()既無心外之境,為心所照,亦無境外之心,能照於境。

(Diễn: Đã không có cảnh ở ngoài tâm để được chiếu bởi tâm, thì cũng chẳng có cái tâm ở ngoài cảnh để có thể chiếu cảnh).

 Những lời ấy đều nhằm đạt đến kết luận sau đây.

 

(Diễn) Tâm cảnh nhất như dã.

()心境一如也。

(Diễn: Tâm và cảnh như một).

Bảo cho chúng ta biết chân tướng sự thật này: Tâm và cảnh như một.

 

(Diễn) Bất độc tâm cảnh nhất như, diệc phục tâm cảnh hỗ phát.

()不獨心境一如,亦復心境互發。

(Diễn: Không chỉ là tâm và cảnh như nhau, mà còn là tâm và cảnh phát khởi lẫn nhau).

Ý nghĩa này hết sức trọng yếu. Tâm và cảnh không chỉ là như nhau, mà đích xác là tâm và cảnh phát khởi lẫn nhau. Do chúng phát khởi lẫn nhau, Thiền Tông sau khi ngộ tánh, đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều thông đạt vô ngại. Hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian là cảnh, nơi cảnh bèn thông đạt. Nói cách khác, thông đạt nơi cảnh, nhất định phải ngộ tâm tánh, cùng một đạo lý như nhau. Vì thế, đối với niệm Phật, quý vị ngàn muôn phần đừng nghĩ các bà cụ chỉ niệm một câu Phật hiệu, thấy bà cụ đứng vãng sanh hoặc ngồi mất, quý vị chẳng biết là khi ấy, bà cụ đã thông đạt hết thảy. Vì sao? Khi niệm đến nhất tâm bất loạn, tâm và cảnh như nhau, trí huệ mở mang, chính là như trong Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương đã chép: “Chẳng nhờ vào phương tiện mà tâm được tự khai”. Trong cảnh giới đó, bà cụ đã thông đạt hết thảy.

Đọc kinh cũng là như thế, chúng tôi thường nói: “Một kinh thông, hết thảy các kinh đều thông”. Vì sao? Kinh là cảnh giới, quý vị chỉ cần thật sự tiến nhập cảnh giới này, tâm và cảnh như một. Vì thế, hết thảy các kinh đều thông đạt. Nói thật ra, “hết thảy các kinh đều thông đạt” chẳng có nghĩa là quý vị thứ gì cũng đều chẳng học mà hiểu rõ. Chẳng phải là như vậy, quý vị không tiếp xúc sẽ chẳng biết, hễ tiếp xúc liền biết. Giống như Lục Tổ đại sư chẳng tiếp xúc kinh Pháp Hoa, Ngài không biết; bèn bảo thiền sư Pháp Đạt: “Ông hãy niệm kinh Pháp Hoa cho ta nghe”. Sư vừa niệm, Ngài liền biết trọn vẹn. Người niệm chẳng biết, Ngài là người nghe bèn biết, lại còn chẳng cần phải niệm xong. Kinh Pháp Hoa có hai mươi tám phẩm, niệm đến phẩm thứ hai là phẩm Phương Tiện, Lục Tổ bảo Sư: “Dừng lại, không cần niệm nữa! Ta đã biết toàn bộ kinh này”. Vì sao? Tâm và cảnh như nhau. Lục Tổ đã ngộ tâm, vừa tiếp xúc cảnh bèn thông đạt. Trừ phi lục căn chẳng tiếp xúc, chứ vừa tiếp xúc bèn thông đạt. Người niệm Phật niệm đến mức nhất tâm bất loạn là như vậy đó, hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, chẳng có pháp nào người ấy không hiểu. Hết thảy chúng sanh khởi tâm động niệm, người ấy cũng biết. Công phu cạn thì chẳng tác ý sẽ không biết; hễ tác ý sẽ biết. Tác ý (作意) là gì? Nay chúng ta nói là “chú ý”. Người ấy chú ý tới quý vị bèn hiểu rõ; chẳng chú ý, sẽ không biết. Người công phu sâu, không cần tác ý vẫn biết. Kẻ công phu cạn phải tác ý, giống như Tiểu Thừa A La Hán, muốn biết tình hình trong đời một người thì phải nhập Định. Nhập Định quan sát, người ấy sẽ biết. Nếu chẳng nhập Định, vị ấy sẽ không biết. Hễ nhập Định quan sát, vị ấy có thể thấy đời quá khứ của quý vị, có thể thấy tới năm trăm đời. Bồ Tát thuộc địa vị sâu, hàng kiến tánh Bồ Tát không cần tác ý, vì công phu của các Ngài sâu xa.

Tổ sư đại đức thường khuyên lơn, khích lệ chúng ta, học Phật thì mở đầu là “thâm nhập một môn”, đây là pháp tu học phương tiện để thông đạt hết thảy, người hiện thời chẳng biết chuyện này! Người hiện thời vừa bắt đầu bèn “thứ gì cũng đều phải học”, vừa bắt đầu bèn học rộng nghe nhiều, học suốt một đời, thứ gì cũng chẳng biết, thứ gì cũng chẳng thông, đáng tiếc lắm! Chẳng biết tu từ căn bản, căn bản chính là tâm tánh. Vì tâm và cảnh có thể phát khởi lẫn nhau, chỉ cần quý vị chuyên chú một thứ, chuyên nhất nơi tâm cũng được, mà chuyên nhất nơi cảnh cũng được. Vấn đề là quý vị chuyên hay không chuyên, chỉ cần là chuyên thì đều được. Quý vị chẳng muốn chuyên tu, cứ mong tu mấy thứ. Sai mất rồi, mê hoặc, điên đảo mất rồi!

 

(Diễn) Tiên tá Tây Phương giả tưởng chi cảnh, phát ngã linh minh diệu tâm, dĩ ngã linh minh diệu tâm, phục phát Tây Phương chân cảnh.

()先借西方假想之境,發我靈明妙心,以我靈明妙心,復發西方真境。

(Diễn: Trước hết, mượn cảnh giả tưởng của Tây Phương để phát khởi cái tâm mầu nhiệm linh minh của ta, [sau đó], dùng cái tâm mầu nhiệm linh minh của ta để lại phát khởi cảnh Tây Phương chân thật).

Mấy câu này hay lắm! Chúng ta chưa tận mắt thấy cảnh giới Tây Phương, chỉ là thấy những điều kinh dạy. Cảnh giới ấy là cảnh giới tương tự, là giả cảnh, chẳng phải là chân cảnh. Nhưng giả cảnh ấy rất hữu dụng, khiến cho cái tâm của chúng ta chuyên chú nơi cảnh ấy, tâm thật sự chuyên nhất, sẽ biến thành nhất tâm, Tây Phương chân cảnh bèn hiện tiền. Đó chẳng phải là cảnh giới tương tự, đã thấy chân cảnh, thấy trọn hết những điều kinh đã nói. Trong quá khứ, Huệ Viễn đại sư trong một đời đã thấy ba lần, Ngài bảo với người khác: “Cảnh giới hoàn toàn giống hệt như kinh Vô Lượng Thọ đã nói”. Trong xã hội hiện thời, kẻ bịa đặt đồn thổi rất nhiều. Có người nói [chính mình] đã đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, còn đưa ra báo cáo, viết thành một quyển sách nhỏ. Kết quả là xem quyển sách nhỏ ấy, tôi thấy hoàn toàn khác hẳn những điều kinh đã dạy, chẳng thể tin tưởng được! Trong thế gian hiện thời, những thứ giả dối quá nhiều, nhất định phải nhận thức rõ ràng, đừng mắc lừa! Đúng là còn chẳng ít kẻ bị lừa! Còn có rất nhiều người phát tâm bỏ rất nhiều tiền để ấn hành [quyển sách ấy]. Kinh Phật họ không tin, tin vào những thứ do gã ấy viết, rất đáng thương! Quên sạch sành sanh Tứ Y Pháp của Phật! Điều thứ nhất trong Tứ Y Pháp là dạy chúng ta “y pháp, bất y nhân”. Người hiện thời y nhân, chẳng y pháp, hỏng mất rồi! “Người” là phàm phu, mê hoặc, điên đảo, làm sao có thể “y” (nương tựa, vâng theo) cho được? Pháp là kinh điển do đức Phật đã giảng, từ Ấn Độ truyền sang Trung Hoa, được phiên dịch tại Trung Hoa, xác thực là có người phiên dịch, xác thực là có nơi chốn phiên dịch, có căn cứ ấy, chẳng phải là những lời lẽ bịa đặt!

 

(Diễn) Dĩ cảnh phát tâm, dĩ tâm phát cảnh, trùng trùng hỗ phát, hỗ hiển, dụ như ma kính, dũ ma dũ tịnh, dũ tịnh dũ ma dã.

()以境發心,以心發境,重重互發互顯,喻如磨鏡,愈磨愈淨,愈淨愈磨也。

(Diễn: Dùng cảnh để phát khởi tâm, dùng tâm để phát khởi cảnh, phát khởi, hiển lộ lẫn nhau tầng tầng giao xen, ví như mài gương, càng mài càng sạch, càng sạch bèn càng mài).

 Tâm phát khởi cảnh, cảnh phát khởi tâm, đích xác là trùng trùng vô tận. Mấy chữ này cũng thuộc về thế giới Hoa Nghiêm, thế giới trùng trùng vô tận. “Ma kính” (磨鏡: mài gương), xưa kia là gương đồng, chẳng mài [cho sạch những vết teng rỉ], sẽ không thể soi. Vì thế, kính phải thường xuyên mài, càng mài càng sáng. Chuyện này tỷ dụ tâm và cảnh phát khởi lẫn nhau!

 

(Sao) Bất tri tâm cảnh nhất như, diệc phục hỗ phát. Tiên đức vị “hữu tam-muội trực quán tam đạo, hiển bổn tánh Phật”.

()不知心境一如,亦復互發。先德謂有三昧直觀三道,顯本性佛。

(Sao: Chẳng biết tâm và cảnh như một, chúng cũng lại phát khởi lẫn nhau. Bậc cổ đức nói: “Có khi dùng tam-muội để quán thẳng vào tam đạo hòng hiển thị vị Phật trong bản tánh”).

 Chúng ta xem trước câu này, trong mỗi câu đều chứa đựng ý nghĩa rất sâu.

 

(Diễn) Hựu hỗ phát giả, tức Diệu Tông sở vị “cứ hồ tâm tánh, quán bỉ y chánh, y chánh khả chương. Thác bỉ y chánh, quán ư tâm tánh, tâm tánh dị phát dã”.

()又互發者,即妙宗所謂據乎心性,觀彼依正,依正可彰,託彼依正,觀於心性,心性易發也。

(Diễn: “Lại phát khởi lẫn nhau” chính là như Diệu Tông Sao đã nói: “Dựa trên tâm tánh để quán y báo và chánh báo thì y báo và chánh báo có thể hiển lộ. Nương vào y báo và chánh báo để quán tâm tánh, tâm tánh sẽ dễ phát khởi”).

Trích dẫn một đoạn trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Diệu Tông Sao để giải thích lý luận và sự thật của “tâm và cảnh phát khởi lẫn nhau”, nhằm chứng minh cho chúng ta.

 

(Diễn) Trực quán tam đạo hiển bổn tánh Phật giả, tam đạo tức chúng sanh Hoặc, Nghiệp, Khổ dã.

()直觀三道顯本性佛者,三道即眾生惑業苦也。

(Diễn: “Quán thẳng vào tam đạo nhằm hiển lộ vị Phật trong bản tánh”: Tam đạo chính là Hoặc, Nghiệp, Khổ của chúng sanh).

Hoặc, Nghiệp, Khổ là cảnh.

 

(Diễn) Bổn tánh nãi Tam Đức bí tạng, tức Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát.

()本性乃三德秘藏,即法身、般若、解脫。

(Diễn: Bản tánh chính là Tam Đức bí tạng, tức là Pháp Thân, Bát Nhã và Giải Thoát).

Mê thì Tam Đức biến thành Hoặc, Nghiệp, Khổ. Giác ngộ thì Hoặc, Nghiệp, Khổ biến thành Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát, là một, không hai! Đến khi thật sự thành Phật, Lục Tổ đại sư nói rất hay: “Chỉ thay đổi tên gọi, chẳng chuyển cảnh”. Khai ngộ, thành Phật, thay đổi danh từ, chẳng phải là hiện thời quý vị gọi chúng là Hoặc, Nghiệp, Khổ ư? Đến lúc quý vị giác ngộ, đổi thành Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát, thay đổi danh từ. Cảnh có thay đổi hay không? Chẳng thay đổi! Ví như một người đang theo học trong nhà trường, đạt được học vị Tiến Sĩ, khi ấy, quý vị có thêm danh vị tiến sĩ, nhưng người thì vẫn vậy, trọn chẳng dấy lên biến hóa, chỉ thêm tước hiệu vào tên gọi mà thôi! Quý vị mới biết cảnh giới của chư Phật, Bồ Tát chẳng hai, chẳng khác chúng ta, nhưng thọ dụng khác nhau! Chúng ta thật sự có khổ não, thật sự chịu tội, các Ngài thật sự vui sướng, thật sự chẳng có khổ não! Trong cảnh giới giống hệt nhau, do tâm tình khác nhau, hưởng thụ khổ lạc khác nhau, gốc bệnh là do chúng ta ở trong cảnh giới nẩy sanh khá nhiều quan niệm sai lầm, khá nhiều phân biệt, chấp trước, chẳng khổ mà tự mình chuốc khổ, tự tìm nỗi khổ, chính mình mê hoặc, điên đảo, chính mình tạo nghiệp, chính mình chịu khổ báo, làm chuyện này. Giống như người nằm mộng, mỗi đêm gặp ác mộng, khổ chẳng thể nói nổi, ai khiến kẻ ấy chịu khổ? Chính mình gây cho chính mình, tuyệt đối chẳng phải là bên ngoài có người tạo khổ cho quý vị hứng chịu. Chẳng hề có, tự làm tự chịu!

 

(Diễn) Chúng sanh mê Tam Đức bí tạng, vi Hoặc, Nghiệp, Khổ tam đạo.

()眾生迷三德秘藏,為惑業苦三道。

(Diễn: Chúng sanh do mê tam đức bí tạng nên là tam đạo Hoặc, Nghiệp, Khổ).

 Hoặc, Nghiệp, Khổ là lục đạo luân hồi. “Hoặc” (惑) là mê hoặc, tà tri tà kiến; “Nghiệp” (業) là tạo tác, tạo mười ác nghiệp; “Báo” (報) là quả báo trong lục đạo. Do vậy, luân hồi là Hoặc, Nghiệp, Khổ biến hiện. Hoặc, Nghiệp, Khổ là nói tới lý luận của sự luân hồi trong lục đạo. Luân hồi trong lục đạo là hiện tượng, vì quý vị mê hoặc tạo nghiệp nên mới chịu báo, mới có lục đạo quả báo. Quý vị thật sự giác ngộ, lục đạo chẳng còn nữa! Chứng Đạo Ca của Vĩnh Gia đại sư có câu: “Giác hậu không không vô đại thiên” (Giác rồi ba cõi rỗng toang hoang), đại thiên thế giới là lục đạo. “Vô đại thiên” là chẳng có lục đạo. Chẳng có lục đạo luân hồi, khi ấy sẽ là Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát.

 

(Diễn) Chư Phật ngộ Hoặc, Nghiệp, Khổ tam đạo, vi Tam Đức bí tạng.

()諸佛悟惑業苦三道,為三德秘藏。

(Diễn: Chư Phật đã ngộ tam đạo Hoặc, Nghiệp, Khổ, [chúng bèn] trở thành tam đức bí tạng).

Giác ngộ là Tam Đức, đã mê bèn là tam đạo.

 

(Diễn) Cố viên đốn hành nhân, bất tất ly thử tam đạo, biệt quán Tam Đức.

()故圓頓行人,不必離此三道,別觀三德。

(Diễn: Vì thế, hành nhân viên đốn chẳng cần phải lìa khỏi tam đạo để quán riêng Tam Đức).

Đây là nói tới người căn tánh viên đốn, họ tu hành có cần phải lìa Hoặc, Nghiệp, Khổ hay không? Chẳng cần!

 

(Diễn) Quán Khổ đạo tức Pháp Thân.

()觀苦道即法身。

(Diễn: Quán Khổ đạo chính là Pháp Thân).

 Khổ là gì? Những gì chúng ta đang hứng chịu trong hiện tiền, muôn hình muôn vẻ, nguyên lai chính là Pháp Thân thanh tịnh của chính mình.

 

(Diễn) Huyễn hóa không thân tức Pháp Thân cố. Quán Hoặc đạo tức Bát Nhã.

()幻化空身即法身故,觀惑道即般若。

(Diễn: Thân huyễn hóa, rỗng rang chính là Pháp Thân. Quán Hoặc đạo chính là Bát Nhã).

Đã giác ngộ thì mê hoặc là Bát Nhã; đã mê thì Bát Nhã là vô minh, vọng tưởng.

 

(Diễn) Tham, sân, si tức chư Phật bất động trí cố.

()貪瞋痴即諸佛不動智故。

(Diễn: Tham, sân, si chính là trí bất động của chư Phật).

 Tâm hễ động thì còn có tham, sân, si, tâm bất động là Bát Nhã. Pháp môn Niệm Phật cầu gì? Cầu tâm thanh tịnh. Tam Học Giới, Định, Huệ là cuộc sống hằng ngày, trong chẳng động tâm, ngoài chẳng chấp tướng, ngay lập tức là Tam Đức bí tạng, là Tam Học Giới, Định, Huệ, chính là cuộc sống, chẳng phải là gì khác.

 

(Diễn) Quán nghiệp đạo tức giải thoát, thân khẩu sở tác tức pháp tánh chi đại dụng cố.

()觀業道即解脫,身口所作即法性之大用故。

(Diễn: Quán nghiệp đạo chính là giải thoát, những điều tạo tác bởi thân và miệng chính là tác dụng to lớn của pháp tánh).

 Ba nghiệp thân, khẩu, ý tạo tác là tự lợi, lợi tha, vô lượng công đức. Đấy là đức dụng của tự tánh, đức dụng là giải thoát. Có thể thấy chúng sanh và Phật [khác biệt] chỉ trong một niệm, có thể chuyển ý niệm ấy hay không? Ý niệm ấy là mê hay ngộ. Một niệm mê bèn là chúng sanh pháp giới, một niệm giác là Phật, Bồ Tát pháp giới; tùy thuộc quý vị có thể chuyển niệm ấy hay không. Chuyển chẳng được, hãy thật thà niệm Phật. Chuyển được thì phải là người thượng thượng căn như trong Thiền Tông đã nói, lập tức chuyển biến. Lục Tổ chuyển nhanh chóng, Ngài nghe kinh Kim Cang, nghe người ta niệm chưa đến một phần ba, Ngài đã chuyển được. Nếu quý vị hỏi, vì sao Ngài chuyển nhanh như vậy ư? Nói thật thà, tuy trong Lục Tổ Đàn Kinh chẳng ghi chép cặn kẽ, nhưng người học Phật chúng ta có thể suy nghĩ để thấy Ngài là một người hết sức thật thà, tâm địa thành khẩn, chân thật, vọng tưởng ít, chẳng có tâm tham. Tâm tham, sân, si, mạn đều chẳng có. Do vậy, Ngài vừa tiếp xúc bèn khai ngộ. Nay chúng ta tiếp xúc, cớ sao không khai ngộ? Vọng niệm quá nhiều, tham, sân, si, mạn quá nặng, đó gọi là nghiệp chướng, đóng lấp và chướng ngại ngộ môn của chính mình, nên chẳng khai ngộ, đó là căn tánh trung hạ. Căn tánh như vậy, chỉ nên thật thà niệm Phật, niệm Phật tiêu nghiệp chướng. Tiệm tu (漸修: tu tập dần dần),
thong thả dùng câu Phật hiệu để chế phục những tập khí phiền não ấy. Chế phục lâu ngày, sẽ tự nhiên đoạn hết. Sau khi đã đoạn, chẳng khác gì cảnh giới ngộ nhập của Thiền Tông. Đấy là do quán cảnh bèn có thể thấu đạt tâm tánh, dùng phương pháp này. Hôm nay, chúng tôi giảng tới đây.

 

Tập 222

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm ba mươi sáu:

 

(Sao) Hữu tam-muội kiêm trì chú, hữu tam-muội kiêm tụng kinh, hữu tam-muội kiêm niệm Phật đẳng. Kim tiêu niệm cảnh, tức thị kiêm Niệm Phật tam-muội, giai trợ hiển bổn tánh chi Phật dã, hoặc trực hiển, hoặc trợ hiển, kỳ trí nhất dã. Huống sơ học phàm phu, chướng nhiễm nùng hậu, toàn tư thắng cảnh, phát ngã diệu tâm, thật vi tu hành yếu thuật, bất khả hốt dã.

()有三昧兼持咒,有三昧兼誦經,有三昧兼念佛等。今標念境,即是兼念佛三昧,皆助顯本性之佛也。或直顯,或助顯,其致一也。況初學凡夫,障染濃厚,全資勝境,發我妙心,實為修行要術,不可忽也。

(Sao: Có tam-muội kiêm trì chú, có tam-muội kiêm tụng kinh, có tam-muội kiêm niệm Phật v.v… Nay nêu lên niệm cảnh, tức là kiêm thêm Niệm Phật tam-muội, đều nhằm giúp hiển lộ vị Phật nơi bản tánh. Hoặc là trực hiển (hiển lộ trực tiếp), hoặc là trợ hiển (phụ trợ hiển lộ), nhưng đạt đến mục tiêu thì là một. Huống hồ phàm phu sơ học chướng nhiễm nồng đậm, hoàn toàn cậy vào cảnh thù thắng để phát khởi diệu tâm của chính mình, thật sự là cách thức trọng yếu trong tu hành, chớ nên sơ sểnh vậy).

Đoạn khai thị trong phần sau này hết sức khẩn thiết, có mối quan hệ chặt chẽ hết sức trọng yếu đối với sự thành tựu trong tu học của chúng ta. Trong phần trước đã nói: “Trực quán tam đạo, hiển bổn tánh Phật” (Quán thẳng vào tam đạo để hiển lộ vị Phật trong bản tánh); đó là nói theo Lý. Tiếp theo đây, hoàn toàn nói về sự tu học.

 

(Diễn) Hữu tam-muội kiêm trì chú  giả, vị  bất  năng  trực  quán bổn tánh giả, cánh dĩ dị phương tiện, trợ hiển Đệ Nhất Nghĩa, như Phương Đẳng tam-muội kiêm trì chú.

()有三昧兼持咒者,謂不能直觀本性者,更以異方便,助顯第一義,如方等三昧兼持咒。

(Diễn: “Có tam-muội kiêm trì chú” nghĩa là đối với người chưa thể quán trực tiếp bản tánh, bèn dùng phương tiện lạ lùng để giúp hiển lộ Đệ Nhất Nghĩa, như Phương Đẳng tam-muội có kèm thêm trì chú).

Do vậy có thể biết, để trực tiếp hiển lộ tâm tánh, pháp môn theo đường lối thông thường là Thiền Quán. Thiền Tông dùng phương pháp Quán Tâm, tham thoại đầu kém hơn, [phương pháp] trực tiếp là quán tâm. Tuy quán tâm là trực tiếp, kẻ bình phàm tuyệt đối chẳng thể làm được. Vì sao? Tâm người bình phàm rất thô tháp, thường nói là “thô tâm đại ý”, chẳng thể sử dụng pháp môn này. Về sau, Thiền Tông đổi sang tham thoại đầu, người căn tánh trung hạ cũng có thể sử dụng, nhưng người đắc Định thì có, rất ít thấy ai khai ngộ! Khai ngộ do tham thoại đầu chẳng dễ dàng, đặc biệt là trong thời cận đại, gần như chẳng thấy có người nào khai ngộ! Giống như lão pháp sư Đàm Hư đã nói, thời đại của Ngài xác thực thù thắng hơn thời đại hiện thời nhiều lắm, tức là trong bốn mươi, năm mươi năm trước, lòng người trong xã hội nồng hậu hơn hiện thời rất nhiều, hoàn cảnh cũng an định hơn rất nhiều, [thế mà] tham Thiền đã không dễ dàng, huống hồ hiện thời!

Chẳng thể dùng công phu này, lại cầu pháp phương tiện, pháp phương tiện là trì chú. Sự tu học trong Phương Đẳng kiêm trì chú rất nhiều. Kinh Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà đều được xếp vào Phương Đẳng Bộ[15]. “Phương Đẳng kiêm trì chú”, người niệm Phật trì kèm thêm Vãng Sanh Chú, có người dùng phương pháp này. Nhưng trì chú có thể đắc lực hay không, xét theo lý luận, sẽ tương đồng với đọc tụng và niệm Phật, quyết định là chẳng xen tạp, không gián đoạn, không hoài nghi, công phu mới có thể đắc lực. Hoài nghi, xen tạp, sẽ hoàn toàn chẳng đắc lực. Trong Tây Phương Xác Chỉ, Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát dạy: “Niệm Phật kỵ nhất là xen tạp”. Nói thật ra, trong hết thảy các pháp môn, Niệm Phật thù thắng nhất, mà nó còn kỵ xen tạp, thì những công phu khác đương nhiên càng kỵ xen tạp, xen tạp sẽ chẳng thể thành tựu. Các đồng tu bình phàm trong hiện thời chẳng biết chân tướng sự thật này, thích xen tạp, cứ nghĩ “chẳng xen tạp sẽ không thể đạt thành tựu”. Quan niệm ấy là cái gốc bệnh. Nhất định muốn đồng thời học nhiều pháp môn, trọn chẳng biết khá nhiều pháp môn tương khắc. Pháp môn Không Tông và pháp môn Hữu Tông tương khắc. Ví như niệm Phật là từ Hữu Môn mà vào, lại đồng thời học những thứ thuộc về Không Môn, sẽ bị tương khắc. Nhà Thiền niệm Phật một tiếng, phải súc miệng ba ngày. Thiền nói Không, Tịnh nói Hữu, phải biết điều này. Do vậy, bất luận tu học pháp môn nào, đều quý ở chỗ thâm nhập một môn. Từ Không để tiến nhập cũng được, mà từ Hữu để tiến nhập cũng được, quý vị hành theo một môn thì mới hòng thành tựu. Hành đồng thời hai môn, lại là hai môn Không và Hữu bất đồng, hết sức khó thành tựu!

 

(Diễn) Pháp Hoa tam-muội kiêm tụng kinh, Thập Lục Quán, Bát Châu Tam Muội cập dữ thử kinh tắc kiêm niệm Phật. Vị chi kiêm giả, dĩ lý quán vi chánh, sự hành vi trợ cố.

()法華三昧兼誦經,十六觀、般舟三昧及與此經則兼念佛。謂之兼者,以理觀為正,事行為助故。

(Diễn: Pháp Hoa tam-muội kiêm tụng kinh. Kinh Thập Lục Quán, Bát Châu Tam Muội và kinh này thì kiêm niệm Phật. Nói là “kiêm” vì dùng lý quán là chánh yếu, dùng sự hành (thực hành nơi mặt Sự) để giúp thêm).

Thập Lục Quán Kinh, kinh Bát Châu Tam Muội, kinh Di Đà, những pháp môn này đều nói tới Niệm Phật tam-muội. Có [tam-muội] kiêm tụng kinh, từ đọc tụng có thể đạt được tam-muội. Nói thật ra, Giáo Hạ sử dụng phương pháp đọc tụng hết sức phổ biến, mà cũng hết sức có hiệu quả. Nay có nhiều đồng tu chúng ta niệm kinh Vô Lượng Thọ, đấy chính là “đọc tụng Đại Thừa” trong Tam Phước như Quán Kinh đã nói. Quý vị đạt được lợi ích nhờ đọc tụng, lợi ích gì vậy? Vọng tưởng ít, tâm địa thanh tịnh, trí huệ tăng trưởng; đấy là tiêu nghiệp chướng, tăng phước huệ, từ chỗ này mà đạt được! Chư vị nhất định phải hiểu, chẳng tu hành thật sự sẽ chẳng tiêu nghiệp chướng được. Nghiệp chướng là gì, nhất định phải hiểu rõ ràng, rành rẽ. Nghiệp chướng là vọng tưởng. Công phu được thấy từ nơi đâu? Vọng tưởng của ta thật sự ít hơn trước kia, chánh niệm càng ngày càng nhiều. Chánh niệm là gì? Phật niệm. Nay thời gian ta tưởng Phật, thời gian niệm Phật nhiều, nhiều hơn vọng tưởng, thì đó là thật sự tiêu nghiệp chướng, là thành tích diệt tội nghiệp. Nếu quý vị đọc tụng hằng ngày, niệm Phật mỗi ngày, mà vọng niệm vẫn nhiều như vậy, [tức là] quý vị đọc tụng hoặc niệm Phật chẳng đạt được hiệu quả. Vì sao chẳng thu được hiệu quả? Tất nhiên là do hoài nghi, xen tạp, gián đoạn; khuyết điểm nẩy sanh từ ba phương diện ấy. Thật sự chẳng hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, công phu nhất định đắc lực. Thời gian tu học ngắn, hiệu quả còn kém một chút. Nếu muốn đạt được hiệu quả rõ rệt, nhất định là thời gian tu học phải dài hơn. Nếu mỗi ngày có thời gian tu hành như vậy từ sáu giờ trở lên, đó gọi là “tu hành đúng lý, đúng pháp”. Đại khái là từ ba tháng đến nửa năm, sẽ có hiệu quả rất rõ rệt, cũng là vọng tưởng, tạp niệm ít đi, trong xử sự, đãi người, tiếp vật thấy rõ ràng hơn trước kia, chẳng hồ đồ, mờ mịt như trước. Đó là hiệu quả tu học, tu học có thành tích. “Tâm tịnh, cõi nước tịnh”, vãng sanh mới thật sự nắm chắc. Pháp môn này là “kiêm niệm Phật, kiêm trì chú”. Pháp môn này trì chú Vãng Sanh. Chú Vãng Sanh là mật thuyết của đức Phật. Nếu quý vị hỏi nội dung của bài chú ấy là gì ư? Nội dung là kinh Vô Lượng Thọ, là kinh A Di Đà, được mật thuyết (nói bí mật). Liên Trì đại sư soạn Di Đà Kinh Sớ Sao, đã xếp chú Vãng Sanh vào cuối kinh, nhằm hiển thị “Hiển Mật viên dung, Tịnh và Mật bất nhị”, có thâm ý trong ấy.

Tiếp đó, giải thích chữ Kiêm (兼) là “dĩ lý quán vi chánh, sự hành vi trợ” (dùng Lý để quán là chánh yếu, thực hành nơi mặt Sự làm phụ trợ). “Lý quán” là tu tâm, là ý nghiệp; “Sự hành” là khẩu nghiệp và thân nghiệp. Nói cách khác, tu hành thì trước hết là phải sửa đổi quan niệm sai lầm, điều này vô cùng quan trọng. Vì sao cần phải có Sự tu (tu hành nơi mặt Sự)? Sự giúp cho quý vị nhập Lý, đạo lý ở chỗ này. Lý và Sự có liên quan, đương nhiên nếu phép Quán ấy thành tựu, Cũng có thể nói là tư tưởng và kiến giải của quý vị đã hoàn toàn chánh xác, sẽ không bắt buộc phải tu ngữ và thân. Chúng sẽ tự nhiên đúng pháp, sẽ chẳng tạo nghiệp, do ý đã chánh! Tạo tác nơi thân thể và ngôn ngữ nơi miệng chúng ta do ai chỉ huy? Ý thức chỉ huy. Ý thức đã thuần chánh, làm sao thân và miệng có lầm lỗi cho được? Chẳng thể có lầm lỗi. Có thể thấy tu hành trọng yếu ở chỗ tu tâm, phải sửa đổi cách nghĩ và cách nhìn sai lầm!

Nói tới tà chánh tuyệt đối, chỉ có tưởng A Di Đà Phật, niệm A Di Đà Phật thì cách nghĩ và cách nhìn sẽ chánh xác. Trừ pháp này ra, bất luận quý vị nghĩ gì, thấy gì, đều chẳng chánh xác, đều là sai lệch. Ta muốn hoằng pháp lợi sanh, mong phổ độ chúng sanh, vẫn là sai lầm, vẫn là dấy vọng tưởng! Tứ Hoằng Thệ Nguyện đã nói rõ ràng “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, cớ sao lại bảo [tâm mong hoằng pháp lợi sanh, phổ độ chúng sanh] sẽ là “dấy vọng tưởng”? Trong kinh, đức Phật chẳng nói sai lầm! Do nay quý vị đều chẳng thể độ chính mình, há còn có thể độ chúng sanh ư? Vì lẽ đó, quý vị phát nguyện độ chúng sanh bèn gọi là “dấy vọng tưởng”. Vì sao? Chính mình chưa đắc độ. Ắt phải là sau khi chính mình đã đắc độ, quý vị đã thành Phật, thành Bồ Tát, khi ấy, quý vị khởi tâm động niệm phổ độ chúng sanh bèn gọi là chánh niệm, chẳng phải là vọng tưởng. Hãy ngẫm xem, nay chúng ta là thân phận gì? Người khác tán thán một tiếng, lòng tràn trề vui sướng. Người khác chửi mấy câu, sẽ tức tối mấy ngày! Không được rồi! Đó là phàm phu. Nguyện của người ta là Bồ Tát nguyện! Do đó, đối với việc học Phật, độ chính mình trước chính là điều quan trọng. Để độ chính mình, hãy thật thà niệm Phật, phải thật thà! Quý vị đọc kinh, niệm Phật, đó là chánh niệm thật sự hiện tiền. Tiếng niệm kinh và Phật hiệu vừa buông xuống, vọng niệm liền dấy lên, rất đáng sợ! Chánh là gì, Kiêm là gì, quý vị bèn hiểu rõ.

 

(Sao) Kim tiêu niệm cảnh.

()今標念境。

(Sao: Nay nêu ra niệm cảnh).

 Câu Phật hiệu là cảnh giới được niệm bởi chúng ta. Bộ kinh Di Đà này hoặc kinh Vô Lượng Thọ là cảnh giới được niệm bởi chúng ta.

 

(Sao) Tức thị kiêm Niệm Phật tam-muội, giai trợ hiển bổn tánh chi Phật dã.

()即是兼念佛三昧,皆助顯本性之佛也。

(Sao: Tức là kèm thêm Niệm Phật tam-muội, đều nhằm giúp hiển lộ vị Phật trong bản tánh).

“Bản tánh Phật” là gì? Lìa khỏi vọng tưởng, chấp trước, chính là bản tánh Phật. Mục đích niệm Phật của chúng ta trong hiện thời là niệm sao cho hết vọng tưởng, chấp trước. Niệm đến mức trừ sạch vọng tưởng, chấp trước, bản tánh Phật bèn hiện tiền. Bản tánh Phật là Chân Như bản tánh đã hiện tiền. Đây là pháp môn phương tiện hết sức thù thắng.

 

(Sao) Hoặc trực hiển, hoặc trợ hiển, kỳ trí nhất dã.

(Diễn) “Hoặc trực hiển” hạ, hoặc vấn vân: Trực quán, trợ hiển công hạnh bất đồng, chứng quả chi thời, đắc vô thâm thiển.

()或直顯,或助顯,其致一也。()或直顯下,或問云:直觀助顯功行不同,證果之時得無深淺。

(Sao: Hoặc là trực hiển, hoặc là trợ hiển, nhưng đạt đến mục tiêu đều là một.

Diễn: Từ câu “hoặc là trực hiển” trở đi, có lẽ có người hỏi: “Trực quán và trợ hiển công hạnh khác nhau, khi chứng quả, há chẳng có sâu hay cạn ư?”)

 Đây là lời vấn đáp giả thiết, nhằm nói rõ sự thật này. Có lẽ sẽ có người đưa ra câu hỏi như thế. “Trực quán” là công phu của nhà Thiền. “Trợ hiển”: Nay chúng ta trì danh, đọc kinh, trì chú đều là trợ hiển, chẳng phải là trực tiếp, đó là công phu khác nhau, chẳng giống nhau, chứng quả tự nhiên sẽ có sâu hay cạn. Trực quán thì công phu chứng quả sâu xa, trợ hiển thì công phu tương đối cạn hơn.

 

(Diễn) Cố vân trực quán, trợ hiển, tuy vân bất đồng, trực chí thành công, vô nhị, vô biệt, phương tiện đa môn, quy nguyên vô nhị cố.

()故云直觀助顯,雖云不同,直至成功無二無別,方便多門,歸元無二故。

(Diễn: Vì thế nói: Trực quán và trợ hiển tuy khác nhau, nhưng đạt đến thành công bèn chẳng hai, chẳng khác, do phương tiện có nhiều môn, nhưng trở về nguồn thì chẳng hai).

Đặc biệt là trong pháp môn Tịnh Tông, do có lắm kẻ hiểu lầm câu danh hiệu [A Di Đà Phật] thuộc về trợ hạnh. Trong các đồng học chúng ta, những người mấy năm qua mỗi ngày đều đọc tụng Đại Kinh, nghe giảng về Tịnh Độ, ít nhiều cũng đã hiểu rõ vấn đề ấy phần nào; nhưng còn có rất nhiều người chưa thể thật sự hiểu rõ. Câu Phật hiệu này là đức hiệu của Chân Như bản tánh; do vậy, cổ nhân nói: “Tâm năng niệm là Thỉ Giác, đức Phật được niệm là Bổn Giác”. Bổn Giác là tự tánh. Nếu nhìn theo câu nói ấy, niệm câu A Di Đà Phật là trực hiển, chẳng phải là trợ hiển, chẳng khác gì quán tâm của Thiền Tông. Quán tâm là “trực”, niệm Phật cũng là “trực” y hệt như vậy. [Coi] “quán tâm là trực”, mọi người dễ dàng thừa nhận, nhưng mọi người dường như chẳng dám thừa nhận “niệm Phật là trực”, vì họ chẳng hiểu câu Phật hiệu A Di Đà Phật là tự tánh. Thiền Tông dùng phương pháp quán tâm để hiển lộ tự tánh, Tịnh Tông dùng phương pháp “niệm tự tánh” để niệm cho ra tự tánh. Theo cái nhìn của nhà Thiền, phương pháp này của chúng ta là trợ hiển; thật ra, nếu chúng ta thật sự triệt để hiểu rõ chân tướng của tông này, [sẽ thấy] niệm Phật là trực hiển, chẳng phải là trợ hiển. Huống chi pháp môn này được oai thần của chư Phật gia trì, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới quả báo thù thắng, tuyệt đối chẳng phải là sự thành tựu do tham thẳng vào công án của Thiền Tông có thể sánh bằng! Họ đâu có biết chuyện này!

Chúng ta tu Tịnh Độ, đối với kinh Vô Lượng Thọ, Sớ Sao Diễn Nghĩa, và Yếu Giải, sau khi đã thâm nhập nghiên cứu, nếu còn có hoài nghi, vẫn ngỡ niệm câu A Di Đà Phật và niệm kinh Vô Lượng Thọ là gián tiếp, chẳng phải là trực tiếp, tức là quý vị chưa thật sự hiểu! Thật sự thông hiểu, [sẽ biết] niệm kinh Vô Lượng Thọ, niệm kinh Di Đà, niệm câu Phật hiệu đều là trực tiếp, chẳng phải là gián tiếp. Người khác nói pháp môn này là gián tiếp là vì họ chẳng lý giải, chẳng biết chân tướng sự thật. Pháp này được gọi là pháp khó tin!

 

(Sao) Huống sơ học phàm phu, chướng nhiễm nùng hậu, toàn tư thắng cảnh, phát ngã diệu tâm.

()況初學凡夫,障染濃厚,全資勝境,發我妙心。

(Sao: Huống hồ kẻ phàm phu mới học, chướng nhiễm sâu đậm, hoàn toàn cậy vào cảnh thù thắng để phát khởi cái diệu tâm của ta).

 Nói thẳng thừng nhằm đối trị [những kiến chấp] của chúng ta.

 

(Diễn) Huống sơ học hạ, vị sở vân trợ hiển giai cửu tu thượng sĩ, lý quán tinh thuần, đản giả sự vi trợ. Nhược sơ học phàm phu chướng nhiễm nùng hậu, lý quán hoang vu, toàn tư Di Đà thắng cảnh, phát ngã linh minh diệu tâm, tu ư tứ tự hồng danh, toàn thân trước đảo. Cố tri trì danh thật vi tu hành yếu thuật, bất khả hốt dã.

()況初學下,謂所云助顯皆久修上士,理觀精純,但假事為助。若初學凡夫障染濃厚,理觀荒蕪,全資彌陀勝境,發我靈明妙心,須於四字洪名,全身著倒。故知持名實為修行要術,不可忽也。

(Diễn: Từ câu “huống hồ hàng sơ học” trở đi, ý nói: Bảo là “trợ hiển” thì đều là bậc thượng sĩ tu tập đã lâu, Lý quán tinh thuần, chỉ mượn Sự để phụ trợ. Nếu là kẻ phàm phu sơ học, chướng nhiễm nồng đậm, lý quán mù mịt, thì phải hoàn toàn nương nhờ cảnh thù thắng của Phật Di Đà hòng phát khởi cái tâm mầu nhiệm linh minh của ta. Hãy nên toàn thân dốc sức nơi bốn chữ hồng danh. Vì thế biết trì danh thật sự là một thuật trọng yếu trong tu hành, chớ nên sơ sểnh).

 Đoạn này nói hết sức viên mãn. Nửa đoạn đầu nói về những bậc Pháp Thân đại sĩ như Văn Thù, Phổ Hiền, các Ngài đích xác là “Lý quán tinh thuần”, [thế mà] vẫn phải tín nguyện trì danh niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới thì mới có thể thành Phật viên mãn. Từ kinh Hoa Nghiêm, chúng ta đã thấy chuyện này, trong kinh Vô Lượng Thọ cũng thấy. Pháp môn này nhiếp thọ chúng sanh viên mãn rốt ráo, trên là cho đến bậc Đẳng Giác Bồ Tát, dưới là đến chúng sanh trong ác đạo, đều được gộp vào trong. Lại xét tới bọn chúng ta, đây là điều chúng ta quan tâm nhất, chúng ta là “sơ học phàm phu, chướng nhiễm nùng hậu” (phàm phu mới học, nghiệp chướng, ô nhiễm nồng đậm, sâu dầy), “chướng” (障) là nghiệp chướng, “nhiễm” (染) là ô nhiễm, đặc biệt là trong thời đại hiện tại. Nói thật thà, đối với hết thảy sự vật thuộc thế gian và xuất thế gian ở ngay trước mắt, rốt ráo gì là thật,  gì là vọng, gì là chánh, gì là tà, gì là đúng, gì là sai, đều chẳng hiểu rõ! Thị phi, tà chánh điên đảo lẫn lộn, [kẻ như vậy] chiếm tuyệt đại đa số, điều này đáng sợ đến cùng cực! Chính mình tạo một thân tội nghiệp mà chẳng biết, cứ ngỡ những hành vi của chính mình đều là chánh đáng. Vì sao? Quan niệm điên đảo. Cái tâm, tư tưởng, và kiến giải của quý vị từ ngày được sanh ra đã bắt đầu ô nhiễm, một mực ô nhiễm cho đến hiện thời, càng nhiễm càng nồng, càng nhiễm càng dầy, làm sao quý vị hiểu tà chánh, đúng sai cho được? Chẳng thể nào!

Cổ đức có ưu điểm là từ bé đã đọc sách thánh hiền, các giáo huấn trong sách thánh hiền nhằm gột rửa những thứ ô nhiễm ấy mà thôi! Đối với những thứ quý vị bị ô nhiễm trong xã hội, các sách ấy sẽ dần dần gột sạch. Tuy gột trừ, nhưng chưa sạch hết, chỉ là bị nhuốm bẩn ít hơn một chút. Nay ta nhuốm bẩn mười phần, gột rửa bảy tám phần, cho nên đối với việc cân nhắc hết thảy lý sự, hãy còn có đôi chút tiêu chuẩn. Chẳng giống như hiện thời, sách thánh hiền đều không đọc, cả khuôn mặt đen thui, chẳng có gương soi, vẫn cứ tưởng mặt mũi của chính mình rất rạng rỡ! Sách thánh hiền là gương soi, khiến cho quý vị soi vào, ối chao! Ta vốn xấu xí dường ấy! Hiện thời đã đánh mất gương. Xưa kia, đọc sách thánh hiền, họ (cổ nhân) còn có một tấm gương để thường soi rọi, chính mình còn phản tỉnh đôi chút. Nay chẳng cần đến những thứ ấy, trong tương lai đọa vào địa ngục A Tỳ, vẫn chẳng biết vì sao bị đọa. Vua Diêm La đến thẩm vấn quý vị, [quý vị vẫn khăng khăng]: “Tôi làm bao nhiêu công đức”. Vẫn tranh biện cùng ông ta, vẫn cãi lẫy với vua Diêm La. Vua Diêm La đâu có ngán, khởi tâm động niệm, nhất cử nhất động [của quý vị] đều được ghi chép ở nơi ấy (trong địa ngục). Đem sổ sách mở ra, cho quý vị tự xem, quý vị mới giác ngộ, đến khi đó, hối hận chẳng kịp, đã bị định tội rồi. Vì thế, chẳng đọc sách thánh hiền sẽ không xong!

Xưa kia, tại Trung Hoa, người đọc sách tối thiểu là có thể đọc thuộc lòng Tứ Thư, đó là mức độ thấp nhất. Chư vị ngẫm xem, quan trọng lắm! Không chỉ là phải đọc thuộc lòng, lại còn phải giảng giải. Không chỉ là phải giảng giải, các đồng học rèn giũa, giồi mài lẫn nhau, nghiên cứu, thảo luận. Qua nghiên cứu, thảo luận, lý sự ngày càng minh bạch, càng ngày càng rõ rệt, cách nhìn, cách nghĩ, và cách làm của chính mình đối với hết thảy các pháp tự nhiên có tiêu chuẩn. Cổ nhân nói “độc thư chí tại thánh hiền” (đọc sách noi theo chí của thánh hiền), học Phật lại càng chẳng cần phải nói nữa. Người học Phật chúng ta có chí muốn làm Phật, Phật là bậc đại thánh! Chúng ta cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là đến làm Phật. Chư vị nhất định phải biết điều này.

Cách nghĩ, cách nhìn, và cách làm của chúng ta đối với hết thảy sự vật có giống Phật hay không? Phật có cách nghĩ như vậy hay không? Phật có cách nhìn như vậy hay không? Phật có cách làm như vậy hay không? Chư vị có thể thường nghĩ tưởng như vậy, đó là hồi quang phản chiếu, có thể quay đầu. Nhà Phật thường nói: “Quay đầu là bờ”, quay đầu như thế nào? Thường quay đầu, thường nghĩ tưởng, kiểm điểm, chúng ta mới có thể tỉnh táo, gột trừ đôi chút ô nhiễm. Đó gọi là quay đầu. Quay lại một lần, ô nhiễm bèn nhẹ nhàng mấy phần. Khi tạo tác hết thảy các nghiệp, khởi tâm động niệm, hết thảy tạo tác sẽ tự nhiên thâu liễm đôi chút, chẳng dám buông lung. Đây là nói về phàm phu.

“Lý quán hoang vu”, do tâm tánh đã mê quá sâu, tư tưởng lẫn kiến giải đều thuộc loại tà tri tà kiến, lấy đâu ra lý để quán? Quán (觀) là quán chiếu. Mất sạch quán chiếu, chẳng có, nay chúng ta dựa vào đâu để tu hành? Nếu quý vị biết sự thật này, mới biết những vị tổ sư đại đức trong thời cận đại đã dạy: Trong Phật môn, quý vị tu học bất cứ pháp môn gì, cũng đều chẳng thể thành tựu, nguyên nhân là vì chẳng có lý quán. Nếu lý quán trọn đủ, bất luận tu học pháp môn nào cũng đều có thể thành tựu; nay quý vị chẳng có! “Lý” là lý trí. [Người hiện thời] thuần là dựa vào tình cảm để xử sự, chẳng có lý tánh, chẳng có trí huệ! Quý vị khởi tâm động niệm, hết thảy tạo tác đều do tình thức chi phối, điều này quá đáng sợ! Trong trạng huống ấy, nếu quý vị chẳng học pháp môn này, sẽ chẳng cứu được! Pháp môn này có nơi nương tựa, hoàn toàn cậy vào cảnh giới Di Đà, dựa vào một câu A Di Đà Phật. Quý vị đọc tụng, bèn dựa vào một bộ kinh Di Đà hoặc kinh Vô Lượng Thọ. Dựa vào một bộ kinh này, đầu tiên là phải thuộc. Tôi dạy cho quý vị một phương pháp: Trước hết là phải niệm thuộc, đó là giai đoạn thứ nhất. Sau khi đã thông thuộc, phải nương theo kinh điển để tu hành; đó là giai đoạn thứ hai. Quý vị không thông thuộc, sẽ chẳng có tiêu chuẩn để tu tập. Sau khi đã thông thuộc, quý vị thời thời khắc khắc nghĩ tới những giáo huấn trong kinh Phật. Ta động một niệm, đức Phật nói một niệm như thế ấy hay không? Nếu đức Phật chẳng nói như thế, [tức là] một niệm này của ta trái nghịch giáo huấn của đức Phật, hãy ngay lập tức dứt trừ. Niệm ấy phù hợp với giáo huấn của đức Phật, đó là thiện niệm, chúng ta có thể làm, có thể tích lũy công đức, đoạn ác, tu thiện.

Kinh điển, đặc biệt là kinh Vô Lượng Thọ, giảng rất tỉ mỉ, giảng rất nhiều! Chúng ta khởi tâm động niệm đối với hết thảy chúng sanh thì niệm ấy có giống bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật hay không? Bốn mươi tám nguyện là nguyện tâm của đức Di Đà, nguyện tâm của chúng ta có giống như Ngài hay chăng? Nương theo nguyện của Ngài để sửa đổi những ý niệm sai lầm của chúng ta. Do vậy, kinh chẳng thể không thuộc, phải thuộc làu! Trước hết, khuyên chư vị niệm thuộc, sau đấy bèn dùng các giáo huấn trong kinh điển để uốn nắn tư tưởng, kiến giải và hành vi của chúng ta, như vậy thì mới có thể đạt được lợi ích chân thật do đọc tụng. Quý vị chẳng đọc tụng, sẽ chẳng thông thuộc. Nói cách khác, quý vị vĩnh viễn chẳng có tấm gương ấy. Đã thông thuộc, tức là đã nắm được tấm gương trong tay, thường soi chiếu chính mình hòng uốn nắn! Ở chỗ nào có dơ bẩn, bèn gột rửa, lau sạch, có một tấm gương để làm tiêu chuẩn. Chẳng có tấm gương ấy, chắc chắn quý vị chẳng biết tâm hạnh xấu xí của chính mình, chẳng có gì để căn cứ hòng sửa chữa!

Trong kinh, đức Phật có nói: Quả báo của việc chướng ngại [người khác] đọc tụng là trong A Tỳ địa ngục. Chướng ngại đọc tụng tức là quý vị xóa bỏ tấm gương của người khác. Bản thân quý vị chẳng cần gương, vậy thì quý vị tự làm, tự chịu, [thế mà] quý vị còn cắt đứt một tia hy vọng của người khác, quả báo chẳng ở trong địa ngục thì ai đọa địa ngục? Trong bản chú giải [kinh Vô Lượng Thọ], Hoàng lão cư sĩ đã chép ra những phần trích dẫn từ kinh điển, [khẳng định] trong hết thảy các kinh, đặc biệt là bộ kinh này, trong thời kỳ Mạt Pháp, bộ kinh này thật sự có thể cứu người. Nếu quý vị chướng ngại, nói cách khác, quý vị đã đoạn đứt Pháp Thân huệ mạng của chúng sanh. Nói thật thà, quý vị tiêu diệt toàn thể Phật giáo, tội ấy còn chẳng lớn hơn tội trở ngại người khác đọc tụng kinh này, chẳng có! Kinh này trực tiếp dạy người ta thành Phật. Đoạn mất nhân duyên thành Phật của người khác, còn khiến cho người ấy bị luân hồi trong lục đạo, đáng sợ lắm! Vì thế, chính mình chẳng đọc, quyết định chớ nên chướng ngại người khác, chư vị đồng tu nhất định phải nhớ kỹ điều này. Tôi đã nói rõ ràng! Nếu trong tương lai, quý vị chướng ngại [kẻ khác], bị đọa địa ngục, về sau sẽ chẳng thể chửi tôi, chẳng thể trách: “Chuyện nghiêm trọng như thế mà sao thuở ấy thầy không bảo cho tôi biết?” Tôi đã bảo quý vị, mà quý vị vẫn cứ làm, chẳng có cách nào hết! Tôi đã nói rõ ràng, quý vị vẫn cứ làm, tự làm tự chịu mà!

Chúng ta là chúng sanh đời Mạt Pháp, hoàn toàn dựa vào bộ kinh này, hoàn toàn nương tựa câu danh hiệu này, toàn thân nương tựa, sẽ khởi tác dụng. Tác dụng ấy chính là niệm đến mức thân tâm thanh tịnh. Thân tâm thanh tịnh là “phát ngã linh minh diệu tâm” (phát khởi cái tâm mầu nhiệm linh minh của chính mình), niệm cho phiền não, vọng tưởng, tri kiến (tri (知) là tri thức, kiến (見) là kiến giải) thảy đều đoạn hết. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ đã nói: Chân tâm là gì? Chân tâm là “vốn chẳng có một vật”. Trong tâm quý vị có một vật, đó là vọng tâm, chẳng phải là chân tâm. Niệm cho hết sạch những thứ tạp nhạp trong tâm, khiến cho trong tâm chỉ có một Phật hiệu, đó là đúng. “Cố tri trì danh thật vi tu hành yếu thuật” (Cho nên biết trì danh thật sự là phương cách trọng yếu trong tu hành), “thật” (實) là chân thật, quyết định chẳng giả. Cổ nhân nói pháp môn này chân thật nhất trong các thứ chân thật, viên mãn nhất trong các pháp viên, chuyên nhất trong các pháp chuyên, đốn nhất trong các pháp đốn, tán thán đến tột cùng! “Tu hành yếu thuật”, “yếu” (要) là trọng yếu, tinh yếu, “thuật” (術) là phương pháp, [“yếu thuật”] là phương pháp trọng yếu nhất. “Bất khả hốt dã” (Chớ nên sơ sểnh), quyết định chớ nên chểnh mảng. Đoạn kế tiếp nói về cách niệm:

 

(Sớ) Minh niệm pháp giả.

()明念法者。

(Sớ: Nói rõ về cách niệm).

Phần trên giảng về cảnh giới, nhằm dạy chúng ta có nhận thức chánh xác đối với lý luận của pháp môn này. Sau khi đã nhận rõ, sẽ chẳng còn hoài nghi, kiến lập tín tâm và nguyện tâm. Đoạn này sẽ giảng về phương pháp tu hành.

 

(Sớ) Vị ký văn thánh hiệu, yếu tại chấp trì. Chấp giả, văn tư thọ chi, dũng mãnh, quả quyết, bất dao đoạt cố.

()謂既聞聖號,要在執持。執者,聞斯受之,勇猛果決,不搖奪故。

(Sớ: Nghĩa là đã nghe thánh hiệu, cốt yếu là chấp trì. “Chấp” là nghe điều ấy (bộ kinh này và danh hiệu đức Phật) rồi tiếp nhận, dũng mãnh, quả quyết, chẳng bị lay chuyển, chẳng bị đoạt mất ý nguyện).

Cách niệm ở ngay trong [câu kinh văn] “chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn”, phương pháp tu hành được giảng trong kinh Di Đà là tám chữ ấy, đặc biệt khẩn yếu là chấp trì danh hiệu. Danh hiệu thì mọi người đều biết, [chính là] bốn chữ A Di Đà Phật, đương nhiên khẩn yếu là hai chữ “chấp trì”. Chấp (執) là gì? Trì (持) là gì? Trước tiên, giải thích cho chúng ta biết: Chấp là gì? “Văn tư, thọ chi, dũng mãnh, quả quyết, bất dao đoạt cố” (Nghe điều ấy rồi tiếp nhận, dũng mãnh, quả quyết, chẳng bị lay chuyển, đoạt mất ý nguyện) chính là ý nghĩa của Chấp.

 

(Diễn) Văn tư thọ chi giả.

()聞斯受之者。

(Diễn: Nghe điều ấy rồi tiếp nhận).

Chữ “tư” (斯) nhằm chỉ bộ kinh này. Quý vị nghe những điều được giảng trong bộ kinh này phải hoàn toàn tiếp nhận.

 

(Diễn) Vị văn tư thù thắng pháp môn, thông thân lãnh hà, trực hạ thừa đương.

()謂聞斯殊勝法門,通身領荷,直下承當。

(Diễn: Nghĩa là: Nghe pháp môn thù thắng này, toàn thân tiếp nhận, gánh vác, ngay lập tức đảm đương).

Đó là “chấp”. Đức Phật giảng bộ kinh này, chúng ta nghe xong, hoàn toàn chấp nhận, suốt cả một đời hành đúng theo giáo huấn của đức Phật. Đó là Chấp. Chẳng thể hành đúng theo kinh này, sẽ chẳng gọi là Chấp. Có kẻ hiểu lầm, cứ ngỡ mỗi ngày niệm bộ kinh này một lần thì là thọ trì. Niệm một lần, hoặc niệm mười lần cũng vô dụng, [vì] chẳng làm theo! Miệng niệm mà tâm và hạnh đều chẳng tương ứng, sẽ như cổ nhân đã nói: “Hãm phá hầu lung dã uổng nhiên” (Gào toác cuống họng cũng uổng công). “Hãm” (喊) là lớn tiếng niệm, niệm rách toang cổ họng vẫn vô dụng. Mỗi ngày niệm một trăm bộ cũng vô dụng, phải làm được! Tôi nói với các đồng tu: Giai đoạn thứ nhất là thuộc, giai đoạn thứ hai là “phải làm được”. Không thuộc, sẽ chẳng làm được. Trong cuộc sống, từ sáng đến tối xử sự, đãi người, tiếp vật luôn khởi tâm động niệm. Dấy lên ý niệm, bèn hiểu: Trong kinh đức Phật đã nói như thế nào, ta có nên khởi ý niệm này hay chăng? Ta có nên làm hành vi này hay không? Đó gọi là tu hành. Kinh chẳng thuộc, quý vị sẽ chẳng có tiêu chuẩn, quý vị tu bằng cách nào? Quý vị chẳng có cách nào tu được! Đó gọi là “thông thân lãnh hà” (toàn thân nhận lãnh, gánh vác), “lãnh” (領) là lãnh nạp, là tiếp nhận, hoàn toàn tiếp nhận, “hà” (荷) là gánh vác. Tiếp nhận là tự lợi, gánh vác là hoằng pháp lợi sanh. Không chỉ là bản thân ta phải làm như vậy, mà ta còn phải khuyên người khác làm như thế. Tự hành, hóa độ người khác, nay chúng ta nói là “chuyên tu, chuyên hoằng”. “Chuyên tu” có nghĩa là lãnh nạp, “chuyên hoằng” có nghĩa là gánh vác, chúng ta phải đảm nhận trọng trách ấy. “Trực hạ thừa đương” (Ngay lập tức đảm đương): Chính mình phải đảm đương, chẳng thể đùn đẩy cho người khác!

 

(Diễn) Dũng vãng trực tiền, bất vị tha kỳ sở động.

()勇往直前,不為他岐所動。

(Diễn: Mạnh mẽ tiến thẳng lên trước, chẳng bị lay động bởi những đường rẽ khác).

“Tha kỳ” (他岐) là lối rẽ, đường nhánh. Quyết chẳng bị dao động! Không chỉ chẳng bị pháp thế gian dao dộng, pháp thế gian là tiếng tăm, lợi dưỡng, tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, ngũ dục, lục trần, tuyệt đối chẳng động tâm. Vì sao? Gánh vác gia nghiệp của Như Lai và trọng trách hoằng pháp lợi sanh, há còn rỗi hơi dính dáng đến những chuyện ấy nữa ư? Không chỉ là pháp thế gian chẳng động tâm, mà trong Phật pháp gặp gỡ những tông phái khác hoặc những pháp môn khác cũng chẳng động tâm, như vậy thì mới được. Chớ nên nói: Gặp Thiền thì Thiền hay lắm, ta cũng tham Thiền vài hôm. Gặp Mật, Mật cũng khá lắm, ta cũng theo họ niệm chú vài ngày. Vậy là hỏng bét, chẳng có Chấp (chấp trì)! Chấp trì chẳng dễ dàng đâu nhé! Hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian bày ra trước mặt mà như như bất động, chẳng lấy, chẳng bỏ, đó gọi là Chấp.

 

(Sớ) Trì giả, thọ tư, thủ chi, thường vĩnh trinh cố, bất di vọng cố. ()持者,受斯守之,常永貞固,不遺妄故。

(Sớ: Trì là đã tiếp nhận pháp ấy bèn gìn giữ cho thường hằng, bền chắc, chẳng để sơ sót, quên mất).

 Đó là Trì. “Trì” là gìn giữ. “Chấp” là tiếp nhận. Sau khi đã tiếp nhận thì phải gìn giữ.

 

(Diễn) Vị lãnh tư thù thắng pháp môn.

()謂領斯殊勝法門。

(Diễn: Ý nói đã lãnh nhận pháp môn thù thắng này).

“Lãnh” (領) có ý nghĩa Chấp, cũng là tiếp nhận. Ta tiếp nhận pháp môn thù thắng như vậy.

 

(Diễn) Chung thân y phó, niệm niệm bất ly, dữ sanh câu sanh, bất chí trung đạo nhi phế dã.

()終身依付,念念不離,與生俱生,不至中道而廢也。

(Diễn: Suốt đời nương tựa, trông cậy [pháp môn] ấy, niệm niệm chẳng lìa, luôn gắn liền với cuộc đời, chẳng đến nỗi phế trừ giữa chừng).

Do đó, quý vị nhất định phải nhận biết sự thù thắng của pháp môn này. Vì sao đối với pháp môn này, người ta hoặc có, hoặc không, có lúc niệm, có lúc dứt? Do quý vị chẳng biết công đức chân thật của danh hiệu. Nếu quý vị biết công đức chân thật, lẽ nào có thể vứt bỏ cho được? Chẳng chịu vứt bỏ! Mọi người chẳng biết công đức chân thật của danh hiệu, có tin tưởng thì tín tâm cũng là lúc có, lúc không, một hồi tin tưởng, một hồi không tin, nguyện lẫn hạnh đều chẳng tha thiết. Như thế thì công phu của quý vị chẳng đắc lực. Công phu chẳng đắc lực, càng ngày càng hoài nghi, nguyện càng ngày càng thoái chuyển, khuyết điểm phát sanh từ chỗ này.

Do đó, vì quý vị giảng giải, nghiên cứu, thảo luận, nói rõ cặn kẽ, nhằm kiến lập tín tâm, [giúp quý vị] nhận biết rõ rệt chuyện này. Có như vậy thì quý vị mới hiểu: Đây mới là đại sự duy nhất trong một đời này, là chuyện có giá trị nhất trong mạng sống của chúng ta, là chuyện có ý nghĩa nhất, chẳng có gì thù thắng hơn! Quý vị thật sự nhận biết thì mới lý giải, cuộc sống mới đầy đủ, chính quý vị sẽ thật sự cảm nhận: Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây của ta đều chẳng phí uổng, cuộc sống của ta hết sức thực tiễn, đời người mới thật sự sung sướng! Trước kia, khi chưa hiểu rõ ràng, cuộc đời là sống say chết mộng, chẳng biết “Vì sao mà sống? Sống rốt cuộc để làm gì?” đều chẳng biết, là chuyện rất đáng thương. Trong cuộc sống, kẻ ấy làm sao có thể đạt đến sung sướng cho được?

Mấy câu kế tiếp đã nói rõ ý nghĩa viên mãn của thọ trì. “Niệm niệm bất ly” (Niệm niệm chẳng lìa) là chẳng gián đoạn. “Dữ sanh câu sanh, bất chí trung đạo nhi phế dã” (Luôn gắn liền với cuộc đời, chẳng đến nỗi phế trừ giữa chừng). Niệm niệm chẳng gián đoạn. Chẳng gián đoạn thì chắc chắn là không xen tạp; hễ xen tạp, nhất định bị gián đoạn. Quý vị dấy lên vọng tưởng, sẽ bị gián đoạn một chốc, xen lẫn vọng tưởng vào. Nếu Phật hiệu mà thật sự niệm niệm chẳng gián đoạn, vọng niệm làm sao có thể chen vào được? Vì vậy, chấp trì danh hiệu, “chấp” có nghĩa là chẳng hoài nghi, “trì” có nghĩa là không gián đoạn, không xen tạp.  Đấy mới thật sự là chấp trì danh hiệu, đó chính là bí quyết niệm Phật.

 

(Sao) Chấp trì phân thích như thượng.

()執持分釋如上。

(Sao: Chấp trì được tách ra để giải thích như trên).

Tách hai chữ này ra để giảng, giống như đã nói trong phần trước: Chấp là gì, Trì là gì?

 

(Sao) Đơn ngôn Trì, tắc nhiếp Chấp.

()單言持,則攝執。

(Sao: Chỉ nói là Trì thì đã bao gồm Chấp).

Tách hai chữ này ra để nói thì cũng được, mà nói gộp lại cũng được. Chỉ nói một chữ, bất luận nói chữ nào: Nói là Chấp thì trong Chấp đã bao gồm Trì. Nói là Trì thì trong Trì đã bao gồm Chấp. Do vậy, bất luận nói theo kiểu nào, ý nghĩa đều viên mãn.

 

(Sao) Tổng chi vi chuyên niệm bất vong ý dã.

()總之為專念不忘意也。

(Sao: Nói chung, sẽ là ý nghĩa “chuyên niệm chẳng quên”).

Có ý nghĩa “chuyên niệm chẳng quên”.

 

(Sao) Hựu trì phục hữu sổ chủng.

()又持復有數種。

(Sao: Lại nữa, trì lại có mấy loại).

 Trì có đến mấy loại. Có rất nhiều đồng tu chẳng liễu giải, thường hỏi: “Chúng ta niệm Phật, rốt cuộc là niệm ra tiếng mới nên? Hay là chẳng niệm ra tiếng mới nên? Không niệm ra tiếng có được hay không?” Có người bảo: “Niệm Phật ra tiếng mới có thể vãng sanh, chẳng niệm Phật ra tiếng sẽ không thể vãng sanh”. Còn có những cách nói kiểu đó, đấy chính là những quan niệm sai lầm! Niệm ra tiếng phải tốn hơi sức, suốt ngày niệm từ sáng đến tối, hơi sức chẳng đủ thì làm thế nào được? Ở đây,  đại sư đã giảng rất rõ ràng, minh  bạch. Niệm  Phật  có  rất  nhiều phương pháp.

 

(Sao) Nhất giả, minh trì, vị xuất thanh xưng niệm.

()一者明持,謂出聲稱念。

(Sao: Một là minh trì, tức là xưng niệm ra tiếng).

 Niệm ra tiếng thì lớn tiếng hay nhỏ tiếng đều chẳng sao cả! Cổ nhân nói: “Tiếng lớn thấy Phật lớn, tiếng nhỏ thấy Phật nhỏ”. A! Vậy thì không có âm thanh, sẽ chẳng thấy Phật! Cách nói này xác thực là do cổ đức nói, nhưng kinh chẳng nói, nên quý vị phải ghi nhớ “y pháp, bất y nhân”. Vì sao tổ sư đại đức nói kiểu đó? Các Ngài nhằm ứng cơ thuyết pháp. Các Ngài nói lời này là nói với người nào? Chuyên đối với người ấy mà nói, chẳng phải là nói với mọi người. Có những kẻ vọng tưởng, hôn trầm đặc biệt nặng nề, liền bảo họ hãy lớn tiếng niệm, vọng tưởng sẽ mất. Niệm nhỏ tiếng thì vọng niệm của họ sẽ ồ ạt xuất hiện, chẳng thể đoạn, cho nên bảo họ niệm lớn tiếng. Hiện thời, nói thật thà, niệm lớn tiếng sẽ làm phiền người khác, người ta sẽ đến can thiệp, nhưng chẳng niệm lớn tiếng, đích xác là chẳng đuổi vọng tưởng được. Càng niệm, vọng tưởng càng nhiều! Đây cũng là chuyện phiền phức. Vì thế, tôi dạy các đồng tu, quý vị hãy dùng máy nghe nhạc cá nhân. Máy nghe nhạc có thể mở đến mức âm thanh lớn nhất, dùng ống nghe (headset). [Do nghe] âm thanh ấy, thật sự là vọng tưởng gì cũng đều chẳng có, hoàn toàn nghe Phật hiệu, người khác cũng chẳng nghe thấy, cũng chẳng làm phiền người khác. Âm thanh ấy chấn động quý vị, âm thanh nào khác cũng đều chẳng nghe thấy, chỉ là một Phật hiệu, nên vọng niệm cũng chẳng dấy lên được. Phương pháp này tốt lắm! Tiếng lớn hay tiếng nhỏ đều nhằm chữa bệnh, khi quý vị cần tiếng lớn thì dùng tiếng lớn, khi cần tiếng nhỏ thì dùng tiếng nhỏ.

 

(Sao) Nhị giả, mặc trì, vị vô thanh mật niệm.

()二者默持,謂無聲密念。

(Sao: Hai là mặc trì, ý nói không có âm thanh, niệm thầm).

 “Mặc trì” (默持) là không phát ra âm thanh, chúng ta nói là “mặc niệm” (niệm thầm), miệng cũng chẳng động. Nói cách khác, trong tâm niệm Phật, nhìn theo hình tướng thì chẳng thấy [người ấy đang niệm Phật]. Có những đồng tu, người nhà phản đối họ học Phật, nên trong nhà chẳng dám bày kinh sách, tôi dạy họ niệm thầm, không cần phát ra tiếng. Ở trong hoàn cảnh nào, dùng phương pháp nấy để tu hành, sẽ chẳng có chướng ngại. “Mặc trì, vị vô thanh mật niệm” (Mặc trì là không có âm thanh, niệm thầm). Người khác không biết, phương pháp này áp dụng trong gia đình không học Phật, áp dụng khi quý vị đi làm. Khi đi làm, hễ có chút thời gian rảnh rỗi bèn niệm thầm, không trở ngại người khác, người khác cũng chẳng thể trở ngại quý vị.

 

(Sao) Tam giả, bán minh bán mặc trì, vị vi động thần thiệt niệm, chú gia danh Kim Cang Trì thị dã.

()三者半明半默持,謂微動脣舌念,咒家名金剛持是也。

(Sao: Ba là bán minh bán mặc trì, nghĩa là khẽ động môi lưỡi để niệm, người trì chú gọi cách này là Kim Cang Trì).

Người niệm Phật gọi cách này là Kim Cang Trì (金剛持), trong Mật Tông cũng gọi [cách niệm này] là Kim Cang Trì, tức là miệng mấp máy, nhưng không phát ra âm thanh. Phương pháp này hết sức hay, vì sao? Có thể trì lâu dài. Niệm ra tiếng thì chẳng thể niệm lâu dài, tốn hao thể lực! Chẳng phát ra tiếng, niệm lâu dễ bị hôn trầm, niệm đến nỗi Phật hiệu cũng chẳng có, không biết đi đâu mất rồi! Kim Cang Trì là một phương pháp rất tốt, miệng động, thậm chí trên tay lần chuỗi, tuy động mà chẳng có âm thanh, có thể trì lâu dài.

Đây là nói có ba cách niệm như vậy, ba cách ấy có hiệu quả hoàn toàn giống nhau, chẳng có cao hay thấp. Công phu sâu hay cạn là do khi quý vị niệm Phật có vọng niệm hay không! Vọng niệm nhiều, công phu cạn. Vọng niệm ít, công phu sâu. Đương nhiên, khi bắt đầu niệm, nhất định là có vọng niệm. [Chứ nếu] vừa bắt đầu niệm đã chẳng có vọng niệm, quý vị là Phật, Bồ Tát tái lai, chẳng phải là phàm nhân! Nếu là phàm nhân, nhất định sẽ có vọng niệm. Vọng niệm dấy lên, đừng sợ, quý vị phải giống như tham Thiền, lo chú ý câu thoại đầu, phải dồn sức chú ý tập trung nơi Phật hiệu, khiến cho câu Phật hiệu rành mạch, rõ ràng, chẳng cần quan tâm tới vọng niệm. Mặc cho vọng niệm dấy lên, về căn bản là chẳng cần ngó ngàng tới nó, như thế thì vọng niệm sẽ dần dần ít đi, Phật hiệu dần dần đắc lực. Có những kẻ khi vọng niệm dấy lên bèn sợ hãi, càng mong chế phục vọng niệm, càng nghĩ tới thì vọng niệm càng  nhiều, chắc  chắn  là  chẳng  thể  chế  phục  được, đã  phạm  sai  lầm  nơi phương pháp!

 

(Sao) Hựu hoặc ký số trì, hoặc bất ký số trì, cụ như Mật giáo trung thuyết, tùy tiện giai khả.

()又或記數持,或不記數持,具如密教中說,隨便皆可。

(Sao: Lại còn hoặc là trì bằng cách nhớ số, hoặc trì không nhớ số, cụ thể là như trong Mật giáo có nói, tùy thuộc phép nào thuận tiện [mà sử dụng] đều được).

Nhớ số hay không nhớ số chẳng quan trọng. Có người chủ trương nhớ số, có người chẳng chủ trương nhớ số. Thật ra, nhớ số hay không là vì mỗi người mỗi khác, vì công phu này nhằm để nhiếp tâm. Ta nhớ số bèn có thể nhiếp tâm thì phương pháp ấy cũng rất thực dụng đối với ta. Không nhớ số vẫn có thể nhiếp tâm thì ta chẳng cần nhớ số, khiến cho ta tu học càng hoạt bát, sống động, càng thâm nhập. Nói chung, tu hành phải áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, sống động, hoạt bát thì quý vị mới có thể đạt được pháp hỷ. Công phu và cuộc sống chẳng thể tương ứng, sẽ không đạt được pháp hỷ, sẽ cảm thấy tu hành rất khổ. Có thể hòa quyện thành một khối với cuộc sống, quý vị sẽ cảm thấy tu hành rất vui sướng. Vì thế, đối với những chỗ giống như thế này, chớ nên chấp trước. Cầm tràng hạt (xâu chuỗi) để lần, nó có hai thứ tác dụng: Một là tác dụng nhớ số, hai là tác dụng nhắc nhở. Người ấy không nhớ số, cớ sao lần tràng hạt? Nhắc nhở chính mình, sợ chính mình quên bẵng Phật hiệu. Trông thấy tràng hạt, bèn nghĩ “ta phải niệm Phật”. Có người nhớ số, có người chẳng nhớ số, mỗi người có phương pháp riêng, cốt sao công phu đắc lực là được rồi.

 

(Sao) Nhi các phân Sự Lý.

()而各分事理。

(Sao: Nhưng mỗi pháp đều có chia thành Sự và Lý).

Cầm tràng hạt thì hoặc là niệm ra tiếng hay niệm thầm, trong ấy đều có Sự và Lý.

 

(Sao) Ức niệm vô gián, thị vị Sự Trì.

()憶念無間,是謂事持。

(Sao: Nhớ nghĩ chẳng gián đoạn thì là Sự Trì).

Về mặt Sự, chẳng bị gián đoạn, đó là Sự Trì. Câu Phật hiệu của ta chẳng bị gián đoạn.

 

(Sao) Thể cứu vô gián, thị vị Lý Trì.

()體究無間,是謂理持。

(Sao: Thể cứu[16] chẳng gián đoạn thì gọi là Lý Trì).

Trong phần trước, Lý Trì được gọi là trực quán, chẳng phải là Sự niệm (niệm theo mặt Sự). Xét theo Sự, người ấy chẳng niệm, nhưng tâm người ấy giống như tâm A Di Đà Phật, nguyện của người ấy giống như nguyện của A Di Đà Phật. Tư tưởng và kiến giải của người ấy tương ứng với tư tưởng và kiến giải của A Di Đà Phật. Đó là Lý Trì, điều này được gọi là “thể cứu”. Xét theo Sự, tuy chẳng niệm câu A Di Đà Phật, nhưng tâm nguyện giải hạnh nhất trí với A Di Đà Phật, chẳng khác biệt, thì gọi là Lý Trì.

 

(Sao) Hạ đương tường biện.

()下當詳辯。

(Sao: Trong phần sau sẽ biện định cặn kẽ).

Đối với Sự Trì và Lý Trì, trong phần tiếp theo còn được nói rõ tường tận trong đoạn giảng về Nhất Tâm Bất Loạn. Phần giải thích câu “nhất tâm bất loạn” của Liên Trì đại sư chiếm đến một phần tám toàn bộ tác phẩm Sớ Sao, vì điều này là chuyện trọng yếu nhất trong công phu [tu tập].

 

(Sao) Dĩ thị vi nhân.

()以是為因。

(Sao: Lấy đó làm cái nhân).

Đây là tu nhân, là sự tu hành trong Tịnh Tông.

 

(Sao) Hậu nhất tâm bất loạn.

()後一心不亂。

(Sao: Sau đó là nhất tâm bất loạn).

“Nhất tâm bất loạn” là quý vị đạt được kết quả, mà cũng là thành tích tu học của quý vị. Trong nhất tâm bất loạn, có Sự nhất tâm và Lý nhất tâm. Sự nhất tâm và Lý nhất tâm cũng đều có thứ tự cạn hay sâu khác nhau.

 

(Sao) Diệc hữu Sự Lý, kỳ bất giải thử ý giả, dĩ niệm Phật thị bị độn căn, tham Thiền nãi năng ngộ đạo. Sơ cơ văn thử, mạc năng tự quyết, bất tri thể cứu niệm Phật, dữ tiền đại tôn túc giáo nhân cử thoại đầu, hạ nghi tình, ý cực tương tự. Cố vị “tham Thiền bất tu biệt cử thoại đầu, chỉ tiêu hướng nhất cú A Di Đà Phật thượng trước đảo”, diệu tai ngôn hồ!

()亦有事理,其不解此意者,以念佛是被鈍根,參禪乃能悟道。初機聞此,莫能自決,不知體究念佛,與前代尊宿教人舉話頭、下疑情,意極相似。故謂參禪不須別舉話頭,只消向一句阿彌陀佛上著倒,妙哉言乎。

(Sao: “Cũng có Sự và Lý”: Kẻ chẳng hiểu ý này, cho rằng niệm Phật là để thích ứng kẻ độn căn, tham Thiền mới có thể ngộ đạo. Kẻ sơ cơ nghe như vậy, chẳng thể tự quyết, chẳng biết thể cứu niệm Phật có ý nghĩa hết sức tương tự với chuyện các bậc cổ tôn túc dạy người ta đề khởi thoại đầu, dấy lên nghi tình. Vì thế nói “tham Thiền chẳng cần đề khởi câu thoại đầu nào khác, chỉ cần quy hết về một câu A Di Đà Phật để nghiền ngẫm”, lời ấy mầu nhiệm thay!)

 Ý nghĩa này cũng nhằm trực tiếp bảo chúng ta: Niệm Phật là cách tham Thiền cao minh nhất, nhưng Thiền Tông không thừa nhận. Vì sao họ chẳng thừa nhận? Họ chẳng hiểu rõ! Sau khi đã hiểu rõ, mới thật sự liễu giải: Nguyên lai niệm một câu A Di Đà Phật là công phu rất sâu vi diệu trong Thiền Tông. “Kỳ bất giải thử ý giả” (Kẻ chẳng hiểu ý này), do chẳng hiểu rõ, chẳng liễu giải nghĩa lý và chân tướng sự thật này, họ có quan niệm sai lầm, ngỡ niệm Phật là pháp để Thích Ca Mâu Ni Phật độ kẻ độn căn, tham Thiền nhằm độ hàng lợi căn, đều ngỡ căn tánh của chính mình rất nhạy bén, chẳng cam lòng làm kẻ độn căn. Thật ra, căn cơ [của chính mình] độn nhất! Thông thường, chúng ta nghe cách nói này bèn hoài nghi. Rất nhiều đồng tu niệm Phật nghe kẻ tham Thiền nói mấy câu, bèn chẳng niệm Phật nữa mà hành tham Thiền. Gặp phải Thượng Sư Mật Tông nói vài câu, chẳng niệm Phật nữa mà đi niệm chú. Đấy là kẻ chẳng hiểu rõ, chẳng gặp gỡ một vị thiện tri thức thật sự! Quý vị gặp gỡ thiện tri thức thật sự, vị ấy sẽ chẳng dạy theo kiểu đó!

Khi tôi mới học Phật, gặp gỡ Chương Gia đại sư, Ngài là Mật Tông Thượng Sư, là một trong tứ đại lạt-ma của Mật Giáo Trung Hoa, thuộc Hoàng Giáo[17]. Đệ tử của đại sư Tông Khách Ba là Đạt Lại (Dalai Lama), Ban Thiền (Panchen), Chương Gia (Changkya) và Triết Bất Tôn Đan Ba (Jebtsundampa)[18], là bốn đại lãnh tụ Phật giáo ở biên cương Trung Hoa. Chúng tôi may mắn gặp được Ngài, Ngài chẳng dạy tôi trì chú, mà dạy tôi học Giáo, đổ công dốc sức nơi kinh điển. Đó là chánh xác. Chẳng giống những vị Kim Cang Thượng Sư bình phàm, vừa thấy quý vị bèn lập tức quán đảnh, truyền dạy [Mật pháp] cho quý vị, dạy quý vị một pháp môn [trong Mật Tông]. Quý vị tu học, tu suốt một đời chẳng thể thành tựu. Thiện tri thức thật sự sẽ quan sát căn cơ, sẽ vạch ra một con đường cho quý vị đi, mong mỏi quý vị trong tương lai có thể đạt được kết quả, chẳng hại quý vị, chẳng gạt gẫm quý vị. Đó là thiện tri thức thật sự. Ngày hôm qua, có một tỳ-kheo-ni đến tìm tôi, bà ta xuất gia tại chùa Thừa Thiên đã hai năm. Nay đã rời khỏi nơi đó, muốn tìm chỗ để trụ. Tôi hỏi bà: “Vì sao bà xuất gia?” Bà ta đáp không được! Hồ đồ, mơ màng xuất gia, làm sao được nữa! Gần đây thường có người muốn đến xuất gia với tôi, tôi liền hỏi họ: “Động cơ (motivation) xuất gia của quý vị là gì? Vì sao quý vị muốn xuất gia?” Họ nói rất nhiều lý lẽ, tôi nghe xong, [cảm thấy] đều chẳng phải là lý do [chánh đáng] để xuất gia. Tôi nói: “Những điều đó tại gia vẫn có thể làm được, không cần phải xuất gia”. Xuất gia khó khăn, chẳng dễ dàng! Tôi phân tích cho bà ta nghe, cuối cùng bà ta khai ngộ, hoàn tục.

Mục đích phải thuần chánh, Tăng đoàn có cùng một mục tiêu, một phương hướng, mọi người ở chung với nhau, nỗ lực hướng đến một mục tiêu, một phương hướng chung thì mọi người ở chung với nhau mới rất vui sướng. Nếu chẳng có mục tiêu và phương hướng chung, mỗi người ấp ủ một mưu tính riêng, ở chung với nhau, cuộc sống sẽ khó sống lắm! Do đó, phải hiểu người và người đối xử với nhau chẳng đơn giản. Một gia đình mấy người còn có mối quan hệ máu mủ mà còn đối xử với nhau chẳng tốt đẹp, huống hồ một đoàn thể đông người như thế, trong quá khứ cũng chẳng có quan hệ gì, lại còn mỗi ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ ở chung với nhau. Trong nhà quý vị, đi làm mất tám tiếng đồng hồ, khi trở về, mỗi ngày chỉ tụ họp có mấy giờ, mà còn càm ràm, cãi cọ. Những người xuất gia chẳng đi làm, lại chẳng cần phải đi ra ngoài, mỗi ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ ở chung với nhau, không càm ràm, cãi cọ, chẳng dễ dàng! Đối với chùa miếu, đoàn thể, pháp sư nào đi nữa, chúng ta chớ nên hủy báng, chớ nên phê bình. Tôi chỉ có thể nêu ra ý kiến này để chính quý vị suy nghĩ cho kỹ. Quý vị đến Tăng đoàn có lắm kẻ xa lạ ngần ấy, có thể ở chung với họ hay không? Có thể ở yên ổn, không xảy ra chuyện gì, chẳng cãi lẫy hay không? Chẳng dễ dàng.

Xã hội hiện thời đúng như kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”, nghe lắm kẻ giảng, sẽ chẳng có cách nào quyết định trong một đời này ta muốn học gì, muốn hành theo pháp môn nào, hỏng bét! Suốt một đời, quý vị theo cố định một vị thầy thì còn có một con đường để đi! Thầy phải chịu trách nhiệm về kết quả. Nếu quý vị có mấy vị thầy chỉ dạy, nghe theo mấy vị thầy, sẽ chẳng có con đường nào để theo, điều này rất trọng yếu! Vì thế, thiện tri thức thật sự sẽ thời thời khắc khắc cảnh tỉnh chúng ta.

“Bất tri thể cứu niệm Phật” (Chẳng biết thể cứu niệm Phật), “thể cứu” (體究) là công phu, cũng là Lý niệm. Lý niệm và Thiền Tông hoàn toàn giống nhau. Trong quá khứ, bậc từng trải thật sự sẽ dạy người ta khác hẳn, ở đây nói là “tiền đại”, tiền đại (前代) là thời cổ. “Tôn túc”, “tôn” (尊) là nói tới những vị đại đức thông thường, bậc đại đức Thiền Tông “giáo nhân cử thoại đầu, hạ nghi tình, ý cực tương tự” (dạy người khác đề khởi thoại đầu, dấy lên nghi tình, ý hết sức tương tự). Xét theo lý luận và phương pháp, thể cứu niệm Phật và tham cứu trong Thiền Tông đều giống nhau. Vì thế, thẳng thừng dạy người tham Thiền chẳng cần tham câu thoại đầu nào khác, cứ tham câu “người niệm Phật là ai” là được rồi, có niệm hay không? Niệm! Suốt ngày từ sáng đến tối niệm A Di Đà Phật. Niệm A Di Đà Phật xong bèn nghĩ “niệm Phật là ai?”, “ai đang niệm Phật?” Khởi lên mối nghi tình ấy, chỉ cần hướng đến một câu A Di Đà Phật để nghiền ngẫm là được rồi!

 

(Diễn) Cổ vân: “Nam-mô A Di Đà Phật, Tông Môn đầu tắc công án đẳng”, thị dã.

()古云:南無阿彌陀佛,宗門頭則公案等,是也。

(Diễn: Cổ nhân nói: “Nam-mô A Di Đà Phật chính là công án trong Tông Môn” v.v… là nói về ý này).

Những câu ấy đều xuất phát từ miệng các vị đại đức trong Thiền Tông. Bậc từng trải mới biết niệm Phật chẳng khác tham Thiền, công đức còn to hơn tham Thiền, quả báo còn thù thắng hơn tham Thiền. Chớ nên không biết điều này! Đã biết thì trong tương lai, khi tiếp xúc Thiền Tông, sẽ chẳng bị nó lay động. Cũng giống như vậy, tiếp xúc bất cứ tông phái hay pháp môn nào, chính mình đều có thể như như bất động, hiểu rõ ràng, đó là Huệ. Quý vị thấy thấu suốt, hiểu rõ ràng, rành mạch pháp thế gian và xuất thế gian, trong tâm như như bất động, đó là nhất tâm bất loạn. Hôm nay chúng tôi giảng tới đây.

 

Tập 223

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm ba mươi chín:

(Sớ) Hựu chấp trì, tức quy mạng nghĩa.

()又執持,即歸命義。

(Sớ: Chấp trì lại có nghĩa là quy mạng).

“Quy mạng”“quy y” có ý nghĩa giống nhau.

 

(Sao) Quy mạng giả, Phạn ngữ Nam-mô.

()歸命者,梵語南無。

(Sao: Quy mạng: Tiếng Phạn là Nam-mô).

“Nam-mô”, thời cổ hai chữ này được đọc là Nam-mô (ná-móu), hiện thời đọc thành nam-vô (nán-wú), chúng ta phải đọc theo âm thời cổ.

 

(Sao) Giải kiến tiền tự.

()解見前序。

(Sao: Xem [lời giải thích chữ Nam-mô] trong phần Tự ở trước).

 Trong phần trước đã giải thích, ở đây tỉnh lược.

 

(Sao) Nhược bất ủy thân quy mạng, yên năng nhất tâm chấp trì, cố nghĩa đồng dã.

()若不委身歸命,焉能一心執持,故義同也。

(Sao: Nếu chẳng toàn thân quy mạng, làm sao có thể nhất tâm chấp trì cho được? Vì thế, có ý nghĩa giống nhau).

[Nam-mô và “quy mạng”] có ý nghĩa giống nhau.

 

(Diễn) Nhược bất ủy thân nhị cú, vị nhược triệt kiến niệm Phật chi diệu, tắc tự nhiên bất tích hình hài, bất cố thân mạng. Thiểu hữu ái luyến chi tâm, tắc bất năng nhất tâm chấp trì dã.

()若不委身二句,謂若徹見念佛之妙,則自然不惜形骸,不顧身命。少有愛戀之心,則不能一心執持也。

(Diễn: Hai câu “nếu chẳng toàn thân…” ý nói: Nếu đã thấy thấu suốt sự mầu nhiệm của niệm Phật, sẽ tự nhiên chẳng tiếc hình hài, chẳng đoái hoài thân mạng. Nếu có chút tâm yêu luyến, sẽ chẳng thể nhất tâm chấp trì).

Nói kiểu này là nói theo cảnh giới, mà cũng là nói đến công phu. Người biết đến ưu điểm của niệm Phật thật sự chẳng nhiều, nguyên nhân là do công phu vẫn chưa đủ; [do đó], người niệm Phật vẫn chưa thể nếm trải lợi ích chân thật. Thật sự đạt được lợi ích do niệm Phật, sẽ hiểu được ưu điểm của việc niệm Phật. Trong phần trước, chúng tôi đã từng trình bày công đức của danh hiệu cùng chư vị. Có biết công đức của danh hiệu, mới biết sự mầu nhiệm do niệm Phật. Kẻ biết sự mầu nhiệm do niệm Phật, sẽ chẳng yêu tiếc thân thể. Niệm mệt bèn nghỉ ngơi, nghỉ đã khỏe khoắn lại niệm tiếp. Sau khi đã nhập cảnh giới, thời gian nghỉ ngơi ngày càng ít, thời gian niệm Phật ngày càng dài. Đó là đạo lý nhất định. Kẻ bình phàm chưa nhập cảnh giới, [thường cảm nhận] giống như họ đang phải liều hết tánh mạng, cho rằng niệm Phật rất vất vả. Người đã nhập cảnh giới, không chỉ chẳng [cảm thấy] nhọc nhằn, mà còn biết niệm Phật có lạc thú trong ấy. Đối với thân thể của chính mình, hễ còn có “ái luyến chi tâm” (cái tâm yêu luyến), sẽ chẳng để cho mình quá sức vất vả, [sẽ cảm thấy] niệm Phật quá nhọc nhằn. Như vậy thì muốn đạt tới công phu thành phiến, đắc nhất tâm bất loạn sẽ rất khó khăn, khó khăn ở chỗ nào? Rất hiển nhiên, chúng ta có thể cảm nhận: Chính là vì đã xen tạp vọng tưởng. Vọng tưởng gì vậy? Sợ quá vất vả, sợ quá mệt mỏi. Có vọng niệm ấy xen tạp vào đó, sẽ chẳng có cách nào niệm đến mức tâm địa thanh tịnh. Sau khi đã thật sự đoạn trừ vọng tưởng thì mới thật sự có thể một mực xưng niệm, nhất tâm chuyên niệm.

 

(Diễn) Cổ vân: “Giả sử cân đoạn cốt khô, ngã thử công phu quyết bất thoái chuyển”.

()古云:假使筋斷骨枯,我此工夫決不退轉。

(Diễn: Cổ nhân nói: “Giả sử gân đứt, xương khô, công phu này của ta quyết chẳng thoái chuyển”).

Cổ đức nói như vậy, hàm ý: Tín tâm kiên cố, công phu tinh tấn. Vất vả đến đâu đi nữa, họ cũng chẳng bị thoái chuyển. Dụng công như thế thì công phu mới đắc lực. Khi công phu đã đắc lực, tinh thần tự nhiên phấn chấn. Vì thế, khi người ta đang giải đãi, mệt mỏi, vừa dụng công bèn ngay lập tức có thể xua tan mệt mỏi. Do vậy, người tham Thiền chẳng cần ngủ nghê. Chúng ta nói: “Lẽ nào chẳng ngủ cho được? Mệt mỏi, vất vả lắm!” Trên thực tế, khi họ mệt mỏi, nhọc nhằn, bèn tĩnh tọa nhập Định, trong một thời gian rất ngắn bèn có thể khôi phục. Công phu trong Niệm Phật Đường cũng là như vậy, khi niệm đến lúc thân thể rất mệt mỏi, rất nhọc nhằn, bèn niệm mấy câu Phật hiệu trong Niệm Phật Đường, tinh thần lại khôi phục. Thoạt nghe, chúng ta [cảm thấy] dường như là chuyện thần thoại, trên thực tế, đấy là sự thật. Nếu quý vị hỏi vì sao người ta mệt mỏi ư? Thân thể này có thể bị mệt nhọc ư? Thân thể là một cỗ máy. Quý vị thấy máy móc trong công xưởng vận hành suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ, nó có kêu mệt mỏi hay chăng? Có đòi phải nghỉ ngơi một lát hay chăng? Thân thể là một cỗ máy, cỗ máy ấy vận hành; nói thật ra, chẳng khác gì máy móc trong công xưởng, rốt cuộc vì sao bị mệt nhọc? Do vọng niệm nên nói là “mệt mỏi”, tức là vọng niệm “làm lụng lâu như thế, phải nên nghỉ chốc lát”. Tới khi đó, kẻ ấy bèn mệt mỏi, chẳng nghỉ ngơi đôi chút sẽ chẳng thể chịu nổi. Hoàn toàn là vọng tưởng!

Vì thế, khi tâm đã đạt đến thanh tịnh, không chỉ là có thể chẳng cần ngủ, mà cũng có thể chẳng cần ăn uống! Tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ được gọi là Ngũ Dục. Dục Giới mới có [Ngũ Dục]. Càng lên cao hơn, nhu cầu càng ít hơn, Ngũ Dục càng nhạt mỏng hơn. Đến Sơ Thiền, hoàn toàn chẳng cần nữa! Sơ Thiền Thiên chẳng có ngủ nghỉ và ăn uống, trong Dục Giới Thiên mới có ăn uống và ngủ nghê. Vì sao đạt đến Sơ Thiền bèn chẳng cần ăn uống và ngủ nghê nữa? Tâm họ thanh tịnh, Thiền Định đắc lực, đắc lực gì vậy? Sức mạnh chế phục phiền não, đã chế phục vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, hoàn toàn chưa đoạn; họ có năng lực ấy. Đáng tiếc là họ chẳng biết niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Nếu họ niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, họ sẽ đến [Cực Lạc] ngay lập tức. Chúng ta niệm Phật, phải niệm đến mức độ ấy, chắc chắn vãng sanh, [trình độ] ấy được gọi là “công phu thành phiến”, phải đạt tới tiêu chuẩn ấy. Các đồng tu niệm Phật chớ nên không biết chuyện này, đấy chính là công phu.

 

(Diễn) Hựu vân: “Giả sử nhiệt thiết luân, tại ngã đảnh thượng tuyền, chung bất dĩ thử khổ, thoái thất Bồ Đề tâm”.

()又云:假使熱鐵輪,在我頂上旋,終不以此苦,退失菩提心。

(Diễn: Lại nói: “Ví bánh xe sắt nóng, xoay trên đỉnh đầu tôi, trọn chẳng do khổ ấy, thoái thất tâm Bồ Đề”).

Đây là một tỷ dụ do đức Phật đã nói trong kinh điển. “Nhiệt thiết luân” (熱鐵輪) là hỏa luân (火輪: bánh xe bốc lửa, cháy rừng rực, hoặc bánh xe nung đỏ). Hỏa luân đè xuống đỉnh đầu, rất đau khổ. Đó chính là “nhiệt thiết” (sắt nung), tức là bánh xe bằng sắt nung đỏ rực, người ấy vẫn chẳng thoái thất tâm Bồ Đề. Tỷ dụ này hình dung Bồ Tát phát tâm kiên cố, bất luận trong nghịch cảnh hay ác duyên nào cũng đều chẳng bị thoái chuyển.

Chẳng giống như bọn phàm phu chúng ta, tu hành hễ hơi gặp phải đôi chút thử thách liền thoái chuyển. Do đó, rất khó thành tựu. Những điều này nhằm giải thích câu “nhược bất ủy thân quy mạng” (nếu chẳng toàn thân quy mạng), “ủy thân” (委身) là toàn thân. Nếu chẳng gieo trọn toàn thân nương tựa, làm sao có thể đạt đến nhất tâm? “Nhất tâm” được nói ở đây hoàn toàn là nói về Sự nhất tâm.

 

(Sao) Quy phục nhị nghĩa.

()歸復二義。

(Sao: Quy lại có hai nghĩa).

“Quy” (歸) lại có hai ý nghĩa.

 

(Sao) Diệc như tiền Tự trung thuyết.

()亦如前序中說。

(Sao: Cũng như trong phần [giải thích] lời Tựa ở trước đã nói).

 Trong phần Tự trước đó đã từng giải thích cặn kẽ, dưới đây, vẫn nêu đại lược.

 

(Sao) Nhất giả quy đầu nghĩa, chấp trì danh hiệu, nhất tâm hướng vãng, tức Sự nhất tâm. Nhị giả quy nguyên nghĩa, chấp trì danh hiệu, hoàn quy nhất tâm, tức Lý nhất tâm dã.

()一者歸投義,執持名號,一心向往,即事一心。二者歸元義,執持名號,還歸一心,即理一心也。

(Sao: Một là ý nghĩa “quay về, gieo vào”. Chấp trì danh hiệu, nhất tâm hướng về, tức là Sự nhất tâm. Hai là ý nghĩa “quy nguyên”. Chấp trì danh hiệu, trở về nhất tâm, tức là Lý nhất tâm).

 “Quy đầu”“quy nguyên” có ý nghĩa cạn và sâu khác biệt, chúng ta hãy xem lời chú giải:

 

(Diễn) “Nhất giả quy đầu nghĩa” hạ, vị tiền quy mạng hữu đầu nghĩa.

()一者歸投義下,謂前皈命有投義。

(Diễn: Từ câu “một là ý nghĩa quay về, gieo vào” trở đi, ý nói: Trong sự quy mạng trên đây, có ý nghĩa “gieo vào”).

 Tức là có ý nghĩa “tiến nhập, nương cậy”.

 

(Diễn) Kim chấp trì danh hiệu, nhất tâm hướng vãng, như điểu đầu lâm, như khách đầu chủ, như du tử linh đinh, duy hữu tư quy nhất niệm. Thử đản sự tướng tinh cần, do vị minh Lý, tức Sự nhất tâm.

()今執持名號,一心向往,如鳥投林,如客投主,如游子伶仃,唯有思歸一念。此但事相精勤,猶未明理,即事一心。

(Diễn: Nay chấp trì danh hiệu, nhất tâm hướng đến, như chim quay về rừng, như khách nương tựa chủ, như kẻ lưu lạc lênh đênh, chỉ có một niệm mong quay về. Loại này chỉ chuyên tinh, siêng gắng nơi sự tướng, còn chưa hiểu Lý, chính là Sự nhất tâm).

Niệm Phật có Sự Trì và Lý Trì. Lý Trì hay Sự Trì là do cảnh giới khác nhau, chứ công phu y hệt! Nhất định phải niệm đến mức đoạn Kiến Tư phiền não thì mới đắc Sự nhất tâm bất loạn. Niệm đến mức phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân thì mới là Lý nhất tâm bất loạn. Do vậy, hai loại Lý niệm Phật và Sự niệm Phật đều chẳng quan trọng, điều khẩn yếu là công phu. Do Sự Trì có thể niệm đến mức Lý nhất tâm bất loạn, Lý Trì vẫn phải trải qua Sự nhất tâm bất loạn rồi mới có thể chứng đắc Lý nhất tâm bất loạn. Do vậy có thể biết: Đoạn phiền não và đoạn tập khí hết sức khẩn yếu, ngàn muôn phần đừng nên coi nhẹ! Dẫu mỗi ngày niệm Phật hiệu nhiều đến mấy đi nữa, nhưng chẳng đoạn vọng tưởng, chấp trước, tập khí phiền não, sẽ là vô dụng. Mỗi ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, vẫn chẳng thể vãng sanh. Vãng sanh nhất định phải là tâm địa thanh tịnh, nhất định là phải chế phục phiền não. Chẳng đoạn phiền não, không sao cả! Chế phục là như thế nào? Phiền não chẳng khởi tác dụng, đó là chế phục. [Có thể chế phục phiền não] thì niệm câu Phật hiệu mới được gọi là “có công phu, có sức mạnh”, có thể đè nén phiền não; tham, sân, si, mạn chẳng thể phát tác. Hễ chúng còn có thể phát tác; nói cách khác, câu Phật hiệu của chúng ta vẫn chưa thể đè nén phiền não, phải cảnh giác điều này! Nói thật ra, cuộc sống hằng ngày đang khảo nghiệm chúng ta. Đối với khởi tâm động niệm trong cuộc sống thường nhật, [hãy xét xem] Phật hiệu có thể chèn ép phiền não hay chăng?

“Quy đầu” thì mỗi người chúng ta đều có thể làm được. “Quy” (歸) là trở về, quay lại. “Đầu” (投) là dựa vào. “Đầu” còn có nghĩa là “có chỗ nương tựa”, tức là ý nghĩa Quy Y. Nay chúng ta từ hết thảy cảnh duyên quay về, “cảnh” là hoàn cảnh vật chất, “duyên” là hoàn cảnh nhân sự. Từ hết thảy người, hết thảy sự quay lại, chẳng còn phan duyên (nắm níu) những thứ đó. Từ nay trở đi, nhất tâm nhất ý nương cậy A Di Đà Phật. Đó là ý nghĩa “quy đầu”. A Di Đà Phật ở nơi đâu? A Di Đà Phật ở ngay trong kinh này. Chỗ có kinh điển chính là nơi A Di Đà Phật ngự. Nương cậy bằng cách nào? Đọc tụng, thọ trì. Đọc tụng kinh điển, chấp trì danh hiệu, câu hồng danh sáu chữ niệm niệm chẳng lìa tự tâm. Đó là “nương tựa”. Vì sao? Trong tâm chẳng có A Di Đà Phật, chắc chắn sẽ lại dấy vọng tưởng. Nếu chẳng dấy vọng tưởng, sẽ rớt vào vô minh. Vô minh và vọng tưởng đều là nghiệp nhân của ba ác đạo. Vô minh đọa súc sanh đạo, súc sanh hồ đồ, mờ mịt. Do vọng tưởng, bèn đọa trong ngạ quỷ đạo hoặc địa ngục đạo. Vọng tưởng tốt là ba thiện đạo, vọng tưởng xấu là ba ác đạo, đều phải luân hồi trong lục đạo. Do vậy, chúng ta hiểu rõ chỉ có một câu Phật hiệu này là có thể giúp chúng ta vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, liễu sanh tử, thoát tam giới ngay trong một đời này. Không chỉ là có công đức ấy, công đức thù thắng nhất là nó giúp chúng ta thành Phật viên mãn ngay trong một đời này. Do vậy, kinh này và pháp môn này thật sự chẳng thể nghĩ bàn.

Trong lời chú giải đã nêu ra mấy tỷ dụ, những tỷ dụ ấy rất dễ hiểu, nhưng chẳng dễ thấu hiểu cho mấy. Vì sao? Mỗi cá nhân, nhất là trong xã hội hiện thời, xã hội hiện thời chẳng giống xã hội thuở trước. Chú giải do cổ nhân viết, cổ nhân chỉ có thể viết theo bối cảnh xã hội, tâm thái và hình thái ý thức trong thời đại của họ, chẳng giống [bối cảnh sống của] người hiện thời. Người hiện thời lìa nhà, chẳng nhớ nhà cho mấy. Thời cổ, rời khỏi nhà, người nhớ nhà rất nhiều. Hiện thời, nói thật thà, người vừa mới rời khỏi cửa, ra khỏi nhà, đại khái là một hai tháng còn nhớ nhà, một thời gian lâu sau cũng chẳng nhớ nhà nữa, quên bẵng quê nhà! Người thuở trước biết quay về, đặc biệt là người đã rời nhà lâu ngày, ở bên ngoài khi chẳng đắc ý, càng nhớ nhà.  Khi đắc ý, sẽ  quên  bẵng  nhà cửa!

Ý nghĩa trong đoạn thứ nhất là tinh tấn, siêng gắng tu học nơi Sự, chẳng hiểu rõ Lý. Vì thế, [ý nghĩa thứ nhất] thuộc về Sự nhất tâm. Ý nghĩa thứ hai là nói đến quy nguyên. “Nguyên” (元) là Lý, chẳng phải là Sự.

 

(Diễn) Nhị giả, quy nguyên nghĩa, vị chấp trì danh hiệu, hoàn quy nhất tâm, tắc bối trần hợp giác, phản bổn hoàn nguyên, niệm niệm hoàn quy tự tâm, tức danh “quy nguyên”. Thử tắc bất duy Sự hành, kiêm tu Lý quán, vi Lý nhất tâm.

()二者歸元義,謂執持名號,還歸一心,則背塵合覺,返本還源,念念還歸自心,即名歸元。此則不唯事行,兼修理觀,為理一心。

(Diễn: Hai là ý nghĩa quy nguyên, nghĩa là chấp trì danh hiệu, trở về nhất tâm, tức là trái nghịch trần lao, xuôi theo tánh giác, quay về nguồn cội, niệm niệm trở về tự tâm, nên gọi là “quy nguyên”. Đây chẳng phải chỉ là hành theo Sự, mà còn kiêm tu Lý quán, là Lý nhất tâm).

Quy nguyên, “nguyên” (元) là Chân Như bản tánh. Chân Như bản tánh là cội nguồn của vũ trụ và nhân sinh. “Nhân sinh” là nói về bản thân chúng ta, là chính bản thân ta. “Vũ trụ” là nói theo không gian hoạt động, hoặc hoàn cảnh hoạt động của chúng ta. [Nhân sinh và vũ trụ là] chính mình và hoàn cảnh. Hoàn cảnh rất lớn, tận hư không khắp pháp giới đều là hoàn cảnh sinh tồn của chúng ta. Ví như không gian hoạt động của chúng ta hiện thời thuộc phạm vi của tỉnh Đài Loan, hòn đảo này ở trên địa cầu, địa cầu là hoàn cảnh sinh tồn của chúng ta. Địa cầu là một tinh cầu trong thái dương hệ; thái dương hệ là hoàn cảnh sống của chúng ta. Thái dương hệ là một tiểu tập đoàn [các thiên thể] trong hệ Ngân Hà, hệ Ngân Hà là hoàn cảnh sống của chúng ta. Quý vị tiếp tục mở rộng, [sẽ thấy] tận hư không khắp pháp giới đều là hoàn cảnh sống của chúng ta. Hoàn cảnh sống rất lớn, do đâu mà có? Từ tự tánh biến hiện, xác thực là “ngoài tâm chẳng có pháp, ngoài pháp chẳng có tâm”. Hư không pháp giới do tự tánh của chúng ta biến hiện. Ai biết? Thưa cùng chư vị, chỉ có chư Phật, Bồ Tát biết, từ Quyền Giáo và Nhị Thừa trở xuống đều chẳng biết. Tuy trong kinh, đức Phật đã nói đến sự thật này, chúng ta nghe xong vẫn chẳng biết. Vì sao nghe mà vẫn chẳng biết? Người thật sự biết, thái độ xử thế làm người sẽ thay đổi. Thái độ xử thế làm người chẳng biến đổi, ta biết kẻ ấy chẳng biết! Bất quá, chúng ta nghe đức Phật nói như thế mà thôi, chẳng thể đích thân chứng nhập. Đích thân chứng nhập cảnh giới này, quý vị chẳng gọi là phàm phu nữa, mà thay đổi danh từ, gọi là Phật, hoặc Bồ Tát. Đây là tướng chân thật của hết thảy các pháp, tức là “chư pháp Thật Tướng” như kinh Bát Nhã đã nói, còn gọi là Đệ Nhất Nghĩa Đế, cũng gọi là minh tâm kiến tánh. Danh xưng khác nhau, ý nghĩa hoàn toàn tương đồng.

Từ mấy câu này, chúng ta thấu hiểu thật sâu: Pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn. Người dùng phương pháp chấp trì danh hiệu này có thể “hoàn quy nhất tâm”. Nhà Thiền gọi “hoàn quy nhất tâm” là minh tâm kiến tánh, cũng là như trong kinh Lăng Nghiêm, Đại Thế Chí Bồ Tát đã dạy chúng ta: “Chẳng nhờ vào phương tiện, tâm được tự khai”, mới biết sự xảo diệu của phương pháp này. Quý vị thấy [phương pháp này] đơn giản ngần ấy, dễ dàng ngần ấy, mà có công đức thù thắng dường ấy. Thật sự niệm đến mức nhất tâm bất loạn thì cái nhất tâm bất loạn ấy sẽ được gọi là Lý nhất tâm bất loạn. “Lý” (理) là tánh, [do đã] kiến tánh, nên gọi là Lý nhất tâm bất loạn. Nó là Huệ, chẳng phải là Định. Trong Huệ đương nhiên có Định. Sự nhất tâm bất loạn là Định, chẳng phải là Huệ. Nếu nói đến Huệ thì là đã kiến tánh. Vì nó (Sự nhất tâm bất loạn) là Định, chẳng có Huệ, chẳng kiến tánh, nên gọi là Sự nhất tâm. Định có thể đoạn Kiến Tư phiền não, chẳng thể phá vô minh. Huệ chính là trí huệ Bát Nhã hiện tiền, mới có năng lực phá vô minh, chứng Pháp Thân.

“Bối trần hợp giác” (Trái nghịch trần lao, hợp với tánh giác) là công phu chúng ta phải làm trong hiện tại. Trần là gì? Trần (塵: bụi bặm) là tỷ dụ, Trần có nghĩa là “ô nhiễm”. Giống như cái bàn này, quý vị một ngày chẳng lau nó, trên bàn sẽ đóng bụi. Vì thế, phải lau chùi hằng ngày. Trần là ô nhiễm, tỷ dụ cái tâm thanh tịnh của chúng ta bị nhuốm bẩn. Thứ gì nhuốm bẩn? Phiền não nhuốm bẩn, tà kiến nhuốm bẩn, vô minh nhuốm bẩn, phải vĩnh viễn rời lìa những thứ ấy. Nói cách khác, chúng ta khởi tâm động niệm đều là ô nhiễm. Ác niệm ô nhiễm, mà thiện niệm vẫn là ô nhiễm. Chẳng khởi tâm, không động niệm, khi trong tâm điều gì cũng không biết, nó vẫn ô nhiễm, tức là bị ô nhiễm bởi vô minh. Phải như thế nào thì mới chẳng bị ô nhiễm? Chẳng ô nhiễm là giác, giác là bản năng trong bản tánh. Tự tánh vốn là giác, chẳng phải là vô minh, cũng chẳng phải là vọng tưởng, nó vốn là giác. “Giác” là hết thảy đều hiểu rõ. Đối với chúng ta, trong giai đoạn sơ học này, một câu “nam-mô A Di Đà Phật” là giác, vì trong tâm quý vị có câu Phật hiệu này, chẳng có hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tức là chẳng có vọng niệm, cũng chẳng phải là vô minh. Niệm câu Phật này rành mạch, rõ ràng, đó là giác. Vì lẽ đó, “một niệm tương ứng một niệm giác, niệm niệm tương ứng niệm niệm giác”. Tương ứng là gì? Chẳng có phiền não bèn tương ứng, chẳng có vọng tưởng bèn tương ứng.

Người thật sự niệm Phật, trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, bất luận là thuận cảnh, hay nghịch cảnh, chỉ cần nhất tâm nhất ý nương cậy một câu Phật hiệu sẽ thành công, cảnh giới gì cũng chẳng thể nhiễu loạn quý vị. Khi cảnh giới chẳng nhiễu loạn, thưa cùng chư vị, cảnh giới ấy được gọi là “cảnh giới Phật”, là cảnh giới tốt đẹp. Nếu cảnh giới nhiễu loạn quý vị thì gọi là “cảnh giới ma”, phá sạch công phu của quý vị. Vì thế, cảnh giới bên ngoài hiện tiền, tâm địa của ta thanh tịnh, một câu Phật hiệu miên mật bất đoạn, cảnh giới bên ngoài sẽ là cảnh giới tốt đẹp. Dẫu là nghịch cảnh ác duyên, vẫn là cảnh giới tốt đẹp, nó chính là để xét nghiệm công phu của ta có tiến bộ hay không. Vì lẽ đó, bên ngoài là Phật hay là ma là do một niệm tâm của chính quý vị chuyển biến. Cảnh giới bên ngoài chẳng phải là Phật, mà cũng chẳng phải là ma. Nói cách khác, bên ngoài chẳng có người tốt, mà cũng chẳng có kẻ xấu. Con người là trung lập, chẳng có tốt hay xấu. Người tốt hay kẻ xấu là do trong tâm chính quý vị dấy phiền não. Quý vị thấy người này sanh tâm hoan hỷ, người ấy là người tốt. Quý vị thấy kẻ kia bèn sanh tâm sân ác, người ấy là kẻ xấu. Thật ra, kẻ ấy há có tốt hay xấu? Chính quý vị dấy động tâm tốt, tâm xấu, chẳng phải là cảnh giới bên ngoài có tốt hay xấu, mà là do tâm quý vị có tốt hay xấu, then chốt ở chỗ này.

Ngẫu Ích đại sư nói: “Cảnh duyên vô hảo xú, hảo xú khởi ư tâm” (Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu dấy nơi tâm), ở trong tâm của chính mình, phải biết điều này! Nếu cảnh giới bên ngoài thật sự có tốt xấu, cảnh giới làm sao có thể bình đẳng cho được? Chẳng thể bình đẳng! Bên ngoài xác thực là chẳng có tốt, xấu, do tâm của chính mình biến hiện cảnh giới. Vì vậy, cảnh giới là thanh tịnh, cảnh giới vĩnh viễn là bình đẳng. Chỉ cần quý vị dùng giác tâm để đối ứng cảnh giới, cảnh giới nhất định sẽ là thanh tịnh, bình đẳng. Nhà Phật thường nói: “Tâm thanh tịnh, thân bèn thanh tịnh”. Thân tâm thanh tịnh, cảnh giới bèn thanh tịnh. Đây là chân tướng sự thật. Chúng ta thấy cảnh giới bên ngoài có tốt, xấu, chính mình phải giác ngộ: [Bản thân ta] phiền não tập khí còn hiện hành, câu Phật hiệu chẳng đắc lực. Phải thật sự có tâm sám hối, có tâm hổ thẹn, sửa lỗi đổi mới: Vì sao ta còn có những ác niệm này? Hãy còn có vọng tưởng hiện tiền? Khi nào lục căn trong lúc đối đãi cảnh giới mà chẳng có vọng niệm, chẳng có vọng tưởng, chúc mừng quý vị, tối thiểu là quý vị đã đắc Sự nhất tâm bất loạn, đó là mức tối thiểu! Người đắc Sự nhất tâm bất loạn, chẳng có lẽ nào không vãng sanh. Bản thân chúng ta hãy suy nghĩ đôi chút, có nắm chắc vãng sanh hay không? Hãy suy nghĩ, ta suốt ngày từ sáng đến tối, thấy người, thấy sự, thấy vật, còn có phiền não hay không? Còn có mừng, giận, buồn, vui hay chăng? Nếu còn có những thứ ấy, vãng sanh chẳng đáng trông cậy, chẳng trông mong được! Thật sự niệm Phật đến mức “hết thảy cảnh giới hiện tiền, ta chẳng khởi tâm, không động niệm, đối với bất cứ ai, cũng đều là một tâm, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi”, quý vị quyết định vãng sanh! Vì thế, có thể vãng sanh hay không, chẳng cần phải hỏi ai khác, cũng chẳng cần hỏi Phật, Bồ Tát, hãy hỏi chính mình! Chính mình biết rõ hơn ai hết, điều này trọng yếu lắm! Đó là cách tu trái nghịch trần lao, hợp với tánh giác. Câu Phật hiệu là giác, lìa khỏi Phật hiệu là mê. Quý vị nghĩ xem: Câu Phật hiệu trọng yếu dường ấy, một thời một khắc đều chớ nên buông bỏ.

“Phản bổn hoàn nguyên” (trở về nguồn cội): Niệm cho đến khi công phu thuần thục, thấu suốt, sẽ phản bổn hoàn nguyên. Nhà Thiền gọi “phản bổn hoàn nguyên”“minh tâm kiến tánh”, cũng chính là “đại khai viên giải”, hoặc “đại triệt đại ngộ” như Giáo Hạ đã nói. Khi ấy, “niệm niệm hoàn quy tự tâm” (niệm nào cũng trở về tự tâm), câu này nói về cảnh giới. Tận hư không khắp pháp giới là tự tâm, hư không pháp giới biến hiện từ tự tâm, trở về tự tâm, đó là “quy nguyên”.

“Thử tắc bất duy Sự hành, kiêm tu Lý quán” (Đây chẳng phải chỉ là hành theo mặt Sự mà còn kiêm tu Lý Quán). Lý Quán chẳng phải là dấy vọng tưởng, chẳng phải là suy nghĩ loạn xạ. Nay chúng ta thường coi suy xét là Lý Quán, sai mất rồi! Quán và vọng tưởng sai khác ở chỗ: Một đằng dùng tâm ý thức, một đằng chẳng dùng tâm ý thức. Chẳng dùng tâm ý thức thì gọi là Quán, dùng tâm ý thức thì gọi là Tưởng. Ý thức là gì? Phân biệt. Thức thứ sáu là Ý Thức [có công năng] phân biệt, thức thứ bảy chấp trước, thức thứ tám ghi giữ ấn tượng. Nói cách khác, chẳng phân biệt, không chấp trước, không ghi giữ ấn tượng, đó mới là Quán. Công phu được nói trong Phật môn là “quán chiếu”, tuyệt đối chẳng phải là suy xét. Hễ dùng suy xét, sẽ rơi vào thức thứ sáu, tức Ý Thức, đó là vọng tưởng. Nay chúng ta nói là “nghiên cứu”, hoặc “suy nghĩ”, thảy đều là vọng tưởng. Vọng tưởng thì làm sao có thể đạt đến chân tướng cho được? Bài kệ Khai Kinh có câu: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”. Quý vị dùng vọng tưởng, làm sao biết nghĩa chân thật của Như Lai cho được? Nếu muốn biết nghĩa chân thật của Như Lai, quyết định chớ nên dấy vọng tưởng, chớ nên suy tưởng, chớ nên phân biệt, chớ nên chấp trước, chớ nên dùng tâm ý thức, hãy bỏ sạch những thứ ấy! Lìa tâm ý thức, Thiền gia dạy tham Thiền phải lìa tâm ý thức để tham, [hay nói cách khác là] “tham cứu”, chẳng phải là nghiên cứu. Trong Giáo Hạ, lìa tâm ý thức thì mới có thể đại khai viên giải, người niệm Phật lìa tâm ý thức thì mới là Lý nhất tâm bất loạn. Dùng tâm ý thức sẽ là Sự nhất tâm bất loạn; chẳng dùng tâm ý thức là Lý nhất tâm bất loạn, đương nhiên chuyện này chẳng dễ dàng cho lắm!

Xét theo sự dụng công trong Thiền gia, “quán chiếu” là công phu mới vừa đắc lực, giống như “công phu thành phiến” trong pháp môn Niệm Phật, là cảnh giới ấy, có năng lực chế phục phiền não, vẫn chưa có năng lực đoạn trừ. Nếu công phu tiến cao hơn một bậc, sẽ gọi là Chiếu Trụ (照住). Chiếu Trụ là đắc Định, trong pháp môn Niệm Phật sẽ là “đắc Niệm Phật tam-muội”, đoạn Kiến Tư phiền não, chưa phá vô minh, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới bèn sanh trong cõi Phương Tiện Hữu Dư. Lại lên cao hơn nữa, sẽ là Chiếu Kiến (照見), Tâm Kinh nói “Quán Tự Tại Bồ Tát chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không”, đó là công phu bậc cao. Chiếu Kiến tương đương với Lý nhất tâm bất loạn trong pháp môn Niệm Phật. Chiếu Kiến là kiến (thấy) gì? Thấy bản tánh, thấy tự tâm, trở về tự tâm. Từ đoạn chú giải này, chúng ta có thể thông hiểu: Công đức và sự thành tựu của pháp môn Niệm Phật chẳng thể nghĩ bàn. Đã thật sự thấu hiểu, chúng ta mới thật thà niệm câu Phật hiệu này, sẽ chẳng thấy những pháp môn khác liền mong học tập, như vậy là lại bị xen tạp mất rồi!

 

(Sớ) Dĩ thượng cảnh pháp nhị trung, phục hữu tam nghĩa.

()以上境法二中,復有三義。

(Sớ: Đối với hai thứ cảnh và pháp trên đây, lại có ba nghĩa).

 Trên đây đã nói tới cảnh giới và phương pháp, trong hai điều ấy còn có các ý nghĩa; ở đây, đại sư lại nêu ra.

 

(Sớ) Nhất giả, văn thuyết Phật danh, thị vi Văn Huệ; nhị giả, chấp thọ tại hoài, thị vi Tư Huệ; tam giả, trì thủ bất vong, thị vi Tu Huệ.

()一者聞說佛名,是為聞慧;二者執受在懷,是為思慧;三者持守不忘,是為修慧。

(Sớ: Một là nghe nói danh hiệu Phật, đó là Văn Huệ. Hai là tiếp nhận, gìn giữ trong tâm, đó là Tư Huệ. Ba là gìn giữ chẳng mất, đó là Tu Huệ).

Đối với hai pháp ấy (cảnh giới và phương pháp), nêu ra ba đại cương lãnh tu học của Bồ Tát là Văn, Tư, Tu. Nêu ra điều này rất hay. Nếu không nêu ra, có lẽ chúng ta cũng hiểu lầm niệm Phật là Tiểu Thừa, lẽ nào niệm Phật là pháp Bồ Tát cho được? Bồ Tát tu Tam Huệ Văn, Tư, Tu, niệm Phật có phải là Tam Huệ Văn, Tư, Tu hay không? Quý vị có biết niệm Phật là Tam Huệ Văn, Tư, Tu thì mới biết chấp trì danh hiệu chính là Bồ Tát hạnh.

 

(Sao) Văn Huệ giả, A Di Đà Phật tuy hữu vô lượng công đức, nhi thử công đức, phi văn bất tri, phi thuyết bất văn. Cố Hoa Nghiêm vân: “Đắc vô sanh huệ, tiên lại đa văn”. Hựu vân: “Phật pháp vô nhân thuyết, tuy huệ bất năng liễu”. Hoặc văn kinh luận chi sở tuyên dương, hoặc văn tri thức chi sở khai thị, nhất lịch nhĩ căn, vĩnh vi đạo chủng, thị chi vị Văn.

()聞慧者,阿彌陀佛,雖有無量功德,而此功德,非聞不知,非說不聞。故華嚴云:得無生慧,先賴多聞。又云:佛法無人說,雖慧不能了。或聞經論之所宣揚,或聞知識之所開示,一歷耳根,永為道種,是之謂聞。

(Sao: Văn Huệ: Tuy A Di Đà Phật có vô lượng công đức, nhưng công đức ấy nếu chẳng được nghe, sẽ không biết, nếu chẳng nói, sẽ không nghe. Vì thế, kinh Hoa Nghiêm nói: “Đắc vô sanh huệ thì trước hết phải cậy vào đa văn”. Lại nói: “Phật pháp không có ai nói thì tuy có trí huệ vẫn chẳng thể hiểu”. Hoặc nghe kinh luận tuyên dương, hoặc nghe tri thức khai thị, hễ thoảng qua tai, vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo. Đó gọi là Văn).

Đoạn này giải thích chữ Văn.

 

(Sao) Nhi ngôn Huệ giả, Văn tức thị Huệ. Đối mộc thạch thuyết, ngoan bất văn cố.  Đối ngu nhân thuyết, văn bất xan thái, như bất văn cố. Cố viết Văn Huệ.

()而言慧者,聞即是慧。對木石說,頑不聞故;對愚人說,聞不餐采,如不聞故。故曰聞慧。

(Sao: Nói là Huệ vì Văn chính là Huệ. Do nói với gỗ, đá, chúng trơ trơ chẳng nghe. Vì nói với kẻ ngu, họ tuy nghe mà chẳng thể tiêu hóa được, [cho nên] cũng như chẳng nghe. Vì thế, nói đến Văn Huệ).

Đại sư giải thích ý nghĩa này rất rõ ràng, đơn giản, rất dễ hiểu. Nói thật ra, ý nghĩa trong ấy hết sức tinh tường, sâu xa. Đoạn văn tự này cũng chỉ rõ một câu danh hiệu A Di Đà Phật có vô lượng vô biên công đức, chỉ có Phật và Phật mới có thể thấu hiểu rốt ráo, Đẳng Giác Bồ Tát cũng chẳng có cách nào nói trọn vẹn, [vì] trí huệ của bậc Đẳng Giác vẫn chưa đủ! Công đức như vậy “phi văn bất tri” (chẳng nghe sẽ không biết). Nếu chúng ta chẳng nghe nhiều, làm sao có thể hiểu cho được? Chẳng biết. “Phi thuyết bất văn” (Chẳng nói sẽ không được nghe), nếu không có ai nói với quý vị, làm sao quý vị có thể biết? Ai nói? Chính là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật nói. Chỉ có đức Phật mới biết thấu triệt, mới có thể nói rõ ràng. Trong phần trước đã có nói, Đẳng Giác Bồ Tát chẳng biết triệt để, vẫn chưa thể diễn tả rõ ràng. Chúng sanh trong chín pháp giới, “chín pháp giới” bao gồm Đẳng Giác Bồ Tát, nếu chẳng do oai thần của chư Phật Như Lai gia trì, họ sẽ chẳng thể hiểu, mà cũng chẳng thể nói. Bọn phàm phu lục đạo chúng ta nếu chẳng được oai thần của chư Phật gia trì, [cộng với] thiện căn từ nhiều đời nhiều kiếp của chính mình; nói thật thà, Phật, Bồ Tát có giảng cho chúng ta nghe, chúng ta nghe xong cũng chẳng hiểu!

Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Đắc vô sanh huệ, tiên lại đa văn” (Đắc trí huệ vô sanh thì trước hết phải cậy vào đa văn). “Vô sanh” là trí huệ của chư Phật, Bồ Tát, là trí huệ chân thật, [muốn đạt được trí huệ ấy], trước hết, phải cậy vào đa văn. “Đa văn” có hai ý nghĩa: Một là học rộng nghe nhiều, ý nghĩa khác là “nghe nhiều lần, lặp đi lặp lại không gián đoạn”. Đối với hai ý nghĩa ấy, tùy thuộc thiện căn, phước đức và nhân duyên của mỗi người mà khác nhau. Kẻ nghiệp chướng tập khí sâu nặng, phải không ngừng huân tu một môn, dùng phương pháp đa văn theo kiểu này: Nghe từ lần này sang lần khác, nghe xong bèn nghe lại lần nữa. Sau đấy, nghiệp chướng mới có thể tiêu trừ. Nghiệp chướng tiêu trừ, tín tâm của quý vị bèn thanh tịnh. Kinh Kim Cang nói: “Tín tâm thanh tịnh bèn sanh ra Thật Tướng”. Kẻ tập khí nghiệp chướng nặng nề, chúng ta thường nói là “nghiệp chướng rất nặng”, sử dụng phương pháp này!

Chúng ta thấy các vị tổ sư đại đức của Trung Hoa trong quá khứ, khá nhiều vị sử dụng phương pháp này. Thanh Lương đại sư suốt đời niệm kinh Hoa Nghiêm, chúng ta chẳng biết Ngài đã niệm bao nhiêu lượt. Ngài giảng kinh ấy đến năm mươi lần, quý vị có biết Ngài đã niệm bao nhiêu lần? Một bộ kinh thôi nhé! Từ Đàn Kinh, chúng ta thấy thiền sư Pháp Đạt niệm ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa. Mỗi ngày niệm một bộ, [niệm] ba ngàn bộ cũng phải mất ba ngàn ngày, cũng phải là gần mười năm. Quý vị bèn hiểu đa văn là một bộ kinh được nghe nhiều lần lặp đi lặp lại không ngừng! Đời Đường, tổ sư đời thứ nhất của Luật Tông Trung Hoa là Chung Nam Sơn Đạo Tuyên luật sư, nghe [các vị đại đức giảng] luật Tứ Phần[19] hơn hai mươi lượt, truyện ký có chép điều này. Thời đầu Dân Quốc, cư sĩ Giang Vị Nông suốt đời tu học kinh Kim Cang, dùng thời gian suốt bốn mươi năm để viết một quyển Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa. Cũng giống như vậy, cư sĩ Châu Chỉ Am cũng dùng thời gian bốn mươi năm để viết quyển Tâm Kinh Thuyên Chú. Trong lời tựa của bộ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa, lão pháp sư Viên Anh có nói từ lúc hai mươi lăm tuổi, Ngài đã chú ý kinh Lăng Nghiêm, suốt cả một đời chẳng gián đoạn. Sư sáng lập Viên Minh Giảng Đường tại Thượng Hải, mở Lăng Nghiêm Chuyên Tông Học Viện, dùng thời gian cả đời để đổ công dốc sức nơi một bộ kinh Lăng Nghiêm, mãi cho đến lúc xế bóng, bảy mươi mấy tuổi mới hoàn thành một bộ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa. Những vị ấy đều là những tấm gương, những khuôn mẫu cho chúng ta. Do đó, đa văn là một bộ kinh nghe đi nghe lại, đọc đi đọc lại, nghiên cứu chẳng ngừng, thâm nhập một môn.

Thứ hai là “quảng học đa văn”. Đối với quảng học đa văn, tôi thường khuyên các đồng tu, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới chúng ta sẽ lại làm chuyện này. Vì sao? Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, điều bậc nhất là thọ mạng của chúng ta lâu dài, [học vô lượng vô biên kinh điển đi nữa] vẫn kịp, chẳng sợ! Nói thêm, thầy giỏi, bạn học tốt, học rộng nghe nhiều sẽ chẳng tốn công sức cho mấy, dễ thực hiện! Mong học rộng nghe nhiều trong cõi này, chẳng tìm thấy thầy giỏi, mà cũng chẳng tìm thấy đồng tham đạo hữu, hễ có nghi nan, chẳng có chỗ nào để hỏi, có khổ lắm hay không? Do đó, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ lại thực hiện. Nay chúng ta đa văn một môn, chọn lựa kinh thì đương nhiên thù thắng nhất là chọn kinh Vô Lượng Thọ, Sớ Sao Diễn Nghĩa, hoặc Di Đà Kinh Yếu Giải, đó đều là những chọn lựa tối thượng, chắc chắn có lợi cho việc cầu sanh Tịnh Độ.

“Phật pháp vô nhân thuyết, tuy huệ bất năng liễu” (Phật pháp không có ai nói, dẫu có trí huệ vẫn chẳng thể hiểu): Hai câu này cũng là lời kệ trong kinh Hoa Nghiêm. Phật pháp phải do ai nói? Nhất định là phải do một vị hữu tu hữu chứng nói, lại còn phải là đã chứng đắc quả vị viên mãn rốt ráo thì mới có thể nói. Chứng đắc quả vị viên mãn rốt ráo tức là thành Phật. Vì lẽ đó, “Phật pháp vô nhân thuyết”, phải do người nào nói? Phải do đức Phật nói, chẳng phải là Phật sẽ chẳng thể nói! Tuy kinh dạy: “Kinh do năm loại người [khác nhau] nói”, nhưng trừ kinh do đức Phật đã nói ra, những gì do bốn loại người kia nói đều phải được đức Phật ấn chứng thì mới có thể xem như kinh Phật. Chẳng được đức Phật ấn chứng, chẳng thể coi [là kinh Phật]. Có thể thấy là vẫn lấy những gì do đức Phật đã nói làm tiêu chuẩn bậc nhất. Người thông minh trí huệ trong thế gian chẳng thể liễu giải, chẳng thể hiểu rõ. Nếu mở rộng tiêu chuẩn này một chút, người nói kinh phải có mức độ thấp nhất là đã phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân. Người như vậy tiếp xúc kinh điển, dẫu chẳng nói viên mãn, cũng sẽ không nói sai. Vì sao? Dụng tâm của người ấy và dụng tâm của Phật như nhau, đều là dùng chân tâm, chẳng dùng vọng tâm. Từ Quyền Giáo, Tiểu Thừa trở xuống, toàn là dùng tám thức và năm mươi mốt Tâm Sở, đó là vọng tâm, chẳng phải là chân tâm. Từ Sơ Trụ của Viên Giáo trở lên, các Ngài chuyển A Lại Da thành Đại Viên Kính Trí, sử dụng Tứ Trí Bồ Đề tâm, chẳng dùng tám thức và năm mươi mốt Tâm Sở, quyết định chẳng thể nói sai!

Tại Trung Hoa, trong quá khứ, những vị cao tăng đại đức phiên dịch kinh điển, những vị tổ sư của các tông, phần nhiều đều là Phật, Bồ Tát tái lai, đấy là người Hoa có phước! Cận đại, Ấn Quang đại sư là hóa thân của Tây Phương thế giới Đại Thế Chí Bồ Tát. Đại Thế Chí là Đẳng Giác Bồ Tát, chẳng phải là phàm nhân! Trong các vị cao tăng đại đức, có vị hé lộ thân phận nên chúng ta biết, còn có rất nhiều vị chẳng bộc lộ [thân phận], chúng ta hoàn toàn không biết. Có thể thấy [những vị ấy] chẳng phải là phàm nhân, phàm nhân còn chưa thể hiểu rõ, làm sao có thể nói cho được? Chú sớ của lịch đại tổ sư quyết định chẳng có vấn đề. Nếu có vấn đề, chắc chắn sẽ chẳng thể lưu truyền hậu thế. Trước kia, kỹ thuật ấn loát chẳng phát triển. Tại Trung Hoa, đến đời Tống mới phát minh kỹ thuật ấn loát, dùng ván gỗ khắc thành bản in, in từng trang một [bằng cách ép giấy lên bản gỗ khắc đã bôi mực], giá thành quá cao. Nếu chẳng phải là thứ thật sự tốt đẹp, ai chịu bỏ tiền, bỏ công sức lưu thông? Chẳng như hiện thời, hiện nay kỹ thuật ấn loát phát triển, in thứ này thứ nọ quá thuận tiện, trước kia khó khăn! Vì thế, những thứ của cổ nhân được lưu truyền cho tới hiện thời, có thể nói là đã được khảo nghiệm bởi thời đại và lịch sử, chịu được khảo nghiệm, đã vượt qua sự phê bình của đại chúng, là thứ thật sự tốt đẹp được truyền lại cho đời sau.

Do vậy, tôi khuyên các đồng tu xem chú giải thì phải đọc chú giải của cổ nhân, đừng xem những bản chú giải của người hiện thời. Vì sao? [Quan điểm được trình bày trong các bản chú giải của] người hiện thời rốt cuộc là thật hay là giả, chúng ta chẳng có năng lực phân biệt. Thật đấy, điều này hữu ích cho chúng ta. Lỡ không may xem nhằm thứ giả, chúng ta sẽ bị mắc lừa, thua thiệt! Chẳng có năng lực phân biệt, hãy đọc những thứ của cổ nhân vẫn tốt hơn, đáng tin cậy! Giống như bộ sách này, Liên Trì đại sư cách chúng ta hơn năm trăm năm, [từ đó đến nay] đã trải qua những năm cuối đời Minh, suốt cả một triều đại nhà Thanh, từ Dân Quốc [thành lập] cho tới nay cũng là đã tám mươi năm, [tác phẩm này] đã được bao nhiêu cao tăng đại đức ngó tới, chẳng có vị nào không tán thán, nên chúng ta có thể yên tâm đọc tác phẩm này. Vì lẽ đó, tôi chẳng đọc những thứ của người hiện thời, rất nhiều người biết điều này. Tuyệt đối chẳng phải là tôi coi thường người hiện thời, mà là do bản thân tôi chẳng có con mắt sáng suốt, chẳng phân biệt được hiền hay ngu, [vì chính mình] là kẻ ngu! Vì thế, nghĩ tưởng cổ nhân đã được mọi người thừa nhận, đáng tin cậy hơn, nên tôi mới đọc những tác phẩm của cổ nhân. Những trước tác hiện thời, nếu trải qua năm trăm năm mà còn có người lưu truyền, tức là đã chịu được sự khảo nghiệm, tự nhiên là thứ tốt đẹp. Đấy là một tiêu chuẩn để chọn lựa cho chúng ta.

Đối với trước tác của cổ nhân, văn chương Văn Ngôn tương đối khó đọc. Thật ra, đây là tác dụng tâm lý, đọc nhiều lần sẽ [cảm thấy] chẳng còn khó nữa! Tôi xem những bài luận của học trò Tiểu Học thời đầu Dân Quốc. Đối với những bài văn do những đứa trẻ mười một, mười hai tuổi viết ấy, chỉ sợ sinh viên đại học ngành Hán văn [hiện thời] đọc đến vẫn phải tra tự điển, còn có khá nhiều điều họ không hiểu! Vì sao người thời đó có thể, mà người hiện thời chẳng thể? Chẳng phải là do người hiện thời không thể, mà là do người hiện thời chẳng chịu đọc văn chương Văn Ngôn. Bí quyết để đọc được Văn Ngôn chẳng có gì khác: Hãy đọc, hãy học thuộc lòng. Trước kia, tại Đài Trung, thầy Lý dạy chúng tôi: Có thể học thuộc lòng năm mươi bài cổ văn, sẽ có thể xem đọc [Văn Ngôn], sẽ chẳng bị chướng ngại, quý vị đọc Văn Ngôn sẽ hiểu. Quý vị có thể học thuộc lòng một trăm bài cổ văn, bèn có thể viết theo lối Văn Ngôn. Thầy khích lệ chúng tôi học thuộc lòng, cho nên hiện thời tôi khuyên các đồng học thuộc lòng kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ gồm bốn mươi tám chương, còn kém quy định năm mươi bài của thầy Lý hai bài, chẳng sai biệt cho mấy! Có thể đọc thuộc lòng kinh Vô Lượng Thọ, khả năng đọc kinh Phật của quý vị quyết định chẳng có vấn đề gì, chẳng còn bị văn tự chướng ngại nữa! Do lẽ đó, phải nên đổ công dốc sức nơi chuyện này. Chẳng cần cố ý học thuộc lòng; cố ý học thuộc lòng sẽ tăng thêm áp lực. Mỗi ngày tối thiểu đọc ba lần, chẳng thiếu ngày nào; niệm suốt một năm sẽ có thể đọc thuộc lòng. Chẳng cần thuộc lòng mà tự nhiên có thể thuộc làu làu! Có không ít đồng tu chúng ta niệm [kinh Vô Lượng Thọ] ba tháng bèn có thể đọc thuộc lòng. Do vậy có thể biết: Đây chẳng phải là một chuyện khó, chính mình phải đổ công dốc sức!

Phàm phu cũng phải phát tâm tuyên dương pháp môn này, vì đại chúng giải nói, làm như thế nào? Chính mình chưa khai ngộ, chưa kiến tánh, thầy Lý dạy chúng ta một phương pháp, chúng ta chẳng thể giảng kinh bèn giảng chú giải. Giống như ở đây chúng tôi giảng Sớ Sao là bản chú giải của Liên Trì đại sư, giảng Diễn Nghĩa là [giảng] bản chú giải của pháp sư Cổ Đức.

“Hoặc văn kinh luận chi sở tuyên dương” (Hoặc nghe kinh luận tuyên dương), đây là đọc kinh và nghe kinh. Đọc tụng, lợi ích hết sức nhiều! Nếu có mấy vị đồng tu cộng tu với nhau, đọc tụng thì tốt nhất là một người đọc, những người kia chuyên tâm lắng nghe. Thân, tâm, thế giới hết thảy vạn duyên thảy đều buông xuống, mắt nhìn vào kinh văn, tai lắng nghe, đọc kinh cũng có thể khai ngộ. Mọi người thay phiên nhau đọc, thay phiên nghe, lợi ích hết sức to lớn. “Hoặc văn tri thức chi sở khai thị” (Hoặc nghe tri thức khai thị), [nghe] “khai thị” là nghe giảng giải, giống như các khóa giảng của chúng tôi trong hiện tại là giảng giải. “Nhất lịch nhĩ căn, vĩnh vi đạo chủng” (Một phen thoảng qua tai, vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo), bất luận là nghe kinh hay nghe giảng, chủng tử của thế giới Tây Phương nhất định đã gieo vào A Lại Da Thức. “Thị chi vị văn”, [có nghĩa là] đấy là Văn.

Vì sao gọi Văn là Huệ? “Văn tức thị Huệ” (Văn chính là Huệ). Đối với Tam Huệ của Bồ Tát, Huệ nói ở đây chính là Huệ trong Giới, Định, Huệ. Do đó, pháp Bồ Tát là pháp Đại Thừa, cao hơn pháp Tiểu Thừa. Chẳng có cơ sở Tiểu Thừa, làm sao có Đại Thừa cho được? Khó khăn trong hiện thời của chúng ta là ở chỗ này: Chẳng có cơ sở Tiểu Thừa mà trực tiếp học Đại Thừa, đây là chuyện hết sức khó khăn. Tại Trung Hoa, vào thời Tùy – Đường, Tiểu Thừa từng hưng vượng trong một thời gian rất ngắn, sau đấy bị suy vi. Vì sao bị suy vi? Do bị Nho gia và Đạo gia của Trung Hoa thay thế. Trong quá khứ, người Hoa hầu như hễ là người học Phật thì đều là người đã từng đọc sách Khổng Tử. Vì thế, người học Phật xưa kia, nói thật ra là giai cấp sĩ đại phu, là người đọc sách. Quý vị chẳng có tu dưỡng học thuật kha khá, chẳng dễ gì lý giải kinh Phật. Đã đọc sách của Nho gia và Đạo gia, nếu đọc tới kinh Tiểu Thừa, sẽ cảm thấy chẳng cần đọc, không cần phải đọc nữa. Do vậy, Tiểu Thừa suy vi, chẳng còn tồn tại ở Trung Hoa.

Kinh Tiểu Thừa được phiên dịch hết sức đầy đủ. Nay chúng ta so sánh giữa kinh A Hàm và kinh điển Tiểu Thừa bằng tiếng Ba Lợi (Pāḷi), nghe nói họ chỉ nhiều hơn chúng ta năm mươi mấy bộ. Kinh Tiểu Thừa có gần hai ba ngàn thứ, họ chỉ nhiều hơn chúng ta năm mươi bộ. Người hiện thời học Tiểu Thừa rất ít, thế hệ chúng ta vứt bỏ những trước tác của Nho gia và Đạo gia, cũng chẳng đọc nữa. Kinh Tiểu Thừa cũng chẳng cam tâm đọc, ngay lập tức mong học Đại Thừa, giống như xây nhà chẳng có nền móng. Người thành tựu trong thời đại này quá ít, nguyên nhân chủ yếu là ở chỗ này! Vì lẽ đó, các đồng tu nếu muốn học Phật, đặc biệt là những đồng tu phát tâm muốn hoằng pháp trong tương lai, chẳng đọc sách Nho sẽ không được! Thập Tam Kinh quá nhiều, mức độ thấp nhất là Tứ Thư và Ngũ Kinh nhất định phải đọc. Phải đọc Tứ Thư cho nhuần, Ngũ Kinh cũng phải xem mấy lượt, phải có cơ sở này thì mới có thể nhập Đại Thừa.

Tiểu Thừa là tu Giới, tu Định, từ Định khai Huệ. Sau khi đã khai Huệ, những cái gọi là Văn, Tư, Tu đều là Huệ. Văn Huệ, Tư Huệ, Tu Huệ chính là Huệ trong Giới, Định, Huệ. Văn là gì? Văn là tiếp xúc, tai nghe âm thanh bên ngoài; đó là Văn (聞), tức là tiếp xúc. Mắt thấy sắc tướng bên ngoài cũng là Văn, dùng một chữ [Văn] này để biểu thị. Sáu căn tiếp xúc cảnh giới bên ngoài thì gọi là Văn. Hễ tiếp xúc bèn hiểu rõ, chẳng cần thông qua suy lường bèn hiểu rõ, “hiểu rõ” được hiểu theo ý nghĩa này, chúng ta gọi đó là Tư Huệ. Trên thực tế, [sự hiểu rõ ấy] chẳng cần thông qua suy xét. Tư (思) biểu thị hiểu rõ, Tu (修) biểu thị quyết định chẳng sai lầm. Chẳng có sai lầm chính là Tu. Đó là sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần bèn khởi tác dụng, đấy chính là điều tu tập của Đại Thừa Bồ Tát. Từ tiếp xúc bèn gọi là Văn, từ hiểu rõ bèn gọi là Tư, từ quyết định chẳng phạm sai lầm thì gọi là Tu. Đó là Tam Huệ. Tam Huệ chính là Huệ trong Giới, Định, Huệ. Nay chúng ta chẳng đắc Định, lấy đâu ra Huệ? Do đó, ở đây, Tổ nêu ra ý nghĩa ở mức độ khá cạn.

“Đối mộc thạch thuyết, ngoan bất văn cố” (Do nói với gỗ, đá, chúng trơ trơ chẳng nghe). Quý vị nói với khúc gỗ hay tảng đá, chúng nó sẽ chẳng thể nghe, chẳng nghe được! “Đối ngu nhân thuyết, văn bất xan thái” [nghĩa là] nói với kẻ ngu, hắn nghe xong chẳng hiểu, chẳng thể tiếp nhận. Chẳng thể hấp thụ, cũng như chẳng nghe, chẳng khác gì không nghe! Nói thật ra, ý nghĩa này đã bao gồm cả ý nghĩa tôi vừa mới nói: Nay chúng ta nghe, tuy nghe cũng như chẳng nghe. Vì sao? Nghe chẳng hiểu, chẳng hiểu rõ. Vừa nghe liền hiểu rõ thì mới là Văn Huệ. Do vậy, hiểu rõ Tam Huệ là một, tuy một mà ba, tuy ba mà một, đồng thời, chẳng phải là có giai đoạn. Vừa nghe thì sự nghe ấy gọi là Văn, hiểu rõ là Tư, chẳng sai lầm là Tu. Vì thế, Tam Huệ đồng thời viên mãn trong một sát-na. Đó là phương pháp tu học của Bồ Tát.

 

(Sao) Tư Huệ giả, ký nhập hồ nhĩ, tu tồn hồ tâm, đế thẩm, đế quán, thị hà pháp môn, thị hà nghĩa lý, thị chi vị Tư.

()思慧者,既入乎耳,須存乎心,諦審諦觀,是何法門,是何義理,是之謂思。

(Sao: Tư Huệ: Đã lọt vào tai, cần giữ mãi trong tâm, suy nghĩ, quan sát kỹ lưỡng “là pháp môn nào, là nghĩa lý như thế nào”, đó gọi là Tư).

Giải thích chữ Tư. Người bình phàm sẽ nói là “suy xét”.  Chúng ta nghe ngôn luận của kẻ khác, nhất định sẽ suy nghĩ đạo lý trong ấy; đó là Tư.

 

(Sao) Nhi ngôn Huệ giả, Tư tức thị Huệ.

()而言慧者,思即是慧。

(Sao: Nhưng nói là Huệ, Tư chính là Huệ).

Vừa tiếp xúc bèn hiểu rõ thì mới được.

 

(Sao) Cầm súc tuy văn, bất giải tư cố. Ngu nhân tuy văn, nhập nhĩ xuất khẩu, bất ức tưởng cố. Cố viết Tư Huệ.

()禽畜雖聞,不解思故;愚人雖聞,入耳出口,不憶想故。故曰思慧。

(Sao: Do chim, thú tuy nghe, nhưng chẳng suy nghĩ, hiểu biết. Do kẻ ngu tuy nghe, lọt vào tai, bèn tuôn ra miệng, chẳng nhớ nghĩ. Vì thế, nói là Tư Huệ).

Kẻ ngu nghe xong chẳng thâm nhập, liễu giải nghĩa lý, chẳng thể gọi là Tư Huệ, gọi là Tư thì được!

 

(Sao) Tu Huệ giả, ký thâm tư chi, nghi lực hành chi, thị chi vị Tu.

()修慧者,既深思之,宜力行之,是之謂修。

(Sao: Tu Huệ là đã suy nghĩ sâu xa, hãy nên tận lực hành, đó gọi là Tu).

Chỉ nói tới Văn, Tư, Tu, chưa nói tới Huệ. Có nhiều người tách Tam Huệ Văn, Tư, Tu của Bồ Tát thành từng phần để nói. Nói kiểu ấy chẳng sai, nhưng chỉ có thể gọi là Văn, Tư, Tu, chẳng thể gọi là Văn Huệ, Tư Huệ, Tu Huệ, chẳng thể gọi chúng là Huệ được! Lũ bình phàm chúng ta đều có Văn, Tư, Tu, kẻ ngu cũng có, người đọc sách càng chẳng cần phải nói nữa. Người đời có Văn, Tư, Tu, nhưng chẳng có Tam Huệ. Đây là Tu.

 

(Sao) Nhi viết Huệ giả, Tu tức thị Huệ. Cuồng nhân tuy tư, tế tinh dịch thần, bất thực tiễn cố.

()而言慧者,修即是慧。狂人雖思,敝精役神,不實踐故。

(Sao: “Mà nói là Huệ”: Tu chính là Huệ. Do kẻ cuồng tuy suy nghĩ, nhọc nhằn tinh thần, nhưng chẳng thể biến thành thực tiễn).

Kẻ cuồng tuy suy nghĩ, suy xét, cũng rất dụng tâm, cũng rất mệt óc, nhưng chẳng thể làm được, chẳng thể thực hiện triệt để, chẳng thể viên mãn. Do đó, kẻ ấy chỉ có thể gọi là Văn, Tư, Tu, chẳng thể gọi là Tam Huệ. Chư vị ghi nhớ ý nghĩa Tam Huệ như tôi vừa mới nói, sẽ liễu giải: Quả thật Tam Huệ chẳng giống Tam Học. Do có Tam Học, nên mới có Tam Huệ. Dưới đây là một đoạn vấn đáp giả thiết:

 

(Sao) Vấn: Thử chỉ Tam Huệ, hữu hà chứng cứ?

()問:此指三慧,有何證據?

(Sao: Hỏi: Tam Huệ như vừa được nêu ra đó, có chứng cớ gì hay không?).

 “Thử chỉ”, “thử” (此) là nói tới niệm Phật. Niệm câu A Di Đà Phật, chính là Tam Huệ, có chứng cứ gì hay không? Niệm Phật đích xác là Tam Huệ, xác thực là Tam Huệ Văn, Tư, Tu được bao gồm trong ấy. Một câu Phật hiệu, khi tiếp xúc là Văn; tiếp xúc liền hiểu rõ, câu Phật hiệu trọn đủ vô lượng vô biên công đức, chẳng cần thông qua suy tưởng bèn lập tức biết ngay. Lại còn lập tức thật thà niệm. Nghe niệm Phật thì chẳng có ai không thật thà niệm theo; niệm chính là Tu.

 

(Sao) Phật Địa Luận vân.

()佛地論云。

(Sao: Phật Địa Luận nói).

Liên Trì đại sư trích dẫn kinh điển. Phật Địa Luận nói:

 

(Sao) Bồ Tát lý tam diệu huệ, Tịnh Độ vãng hoàn.

()菩薩履三妙慧,淨土往還。

(Sao: Bồ Tát [do] thực hành ba diệu huệ mà qua lại Tịnh Độ).

 Nêu lên chứng cứ này quá hay! Nêu trường hợp Bồ Tát tu Tịnh Độ, tức Bồ Tát trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Lý” (履: đạp lên, bước đi) là thực hiện, thực hành. Thực hành “tam diệu huệ” nghĩa là gì? Là niệm câu A Di Đà Phật. Niệm câu A Di Đà Phật, thường qua lại Tây Phương Cực Lạc thế giới và các thế giới phương khác, tới lui qua lại! Bồ Tát trong thế giới Tây Phương hằng ngày đều đến các thế giới ở phương khác để “thượng cúng chư Phật, hạ hóa chúng sanh” (trên là cúng dường chư Phật, dưới là hóa độ chúng sanh). Dùng phương pháp gì? Dùng một câu A Di Đà Phật để phổ độ hết thảy các chúng sanh có duyên đã chín muồi trong pháp giới. Duyên chưa chín muồi, họ sẽ chẳng tiếp nhận. Nếu duyên đã chín muồi, họ vừa nghe bèn tiếp nhận, độ những chúng sanh ấy, [đó chính là] “Tịnh Độ vãng hoàn” (qua lại Tịnh Độ). Đấy là nguyên văn lời luận; kế đó, còn có lời giải thích.

 

(Sao) Dĩ Văn Tư Tu, đắc nhập Tịnh Độ, cố tri niệm Phật tất hữu tam huệ.

()以聞思修,得入淨土,故知念佛必有三慧。

(Sao: Do Văn, Tư, Tu được vào Tịnh Độ; vì thế biết niệm Phật ắt có ba thứ huệ).

Nói thật ra, đây là vì khá nhiều kẻ nẩy sanh hiểu lầm đối với pháp môn Niệm Phật, cho rằng “niệm Phật nếu nói miễn cưỡng sẽ là đắc Định đôi chút” thì họ còn có thể tiếp nhận. [Họ nghĩ] niệm Phật đạt đến nhất tâm bất loạn là Định, chứ người niệm Phật chẳng có trí huệ. Kẻ bình phàm nói như vậy; thật ra, họ chẳng liễu giải pháp môn này, nghe lỏm nói mò, kẻ khác bảo thế nào bèn lặp y hệt như vậy, nẩy sanh khá nhiều quan niệm sai lầm. Lũ sơ học chúng ta tiếp xúc kinh luận Tịnh Tông cũng nông cạn, ít ỏi, nghe kẻ khác nói như vậy, chẳng đành lòng, thôi đi! Ta không học pháp môn này nữa, ta theo học pháp môn có trí huệ, kết quả là lầm lỡ tương lai! Đoạn vấn đáp này của Liên Trì đại sư hết sức hay, giúp chúng ta phá nghi sanh tín, hiểu pháp môn Niệm Phật thật sự đạt  viên mãn rốt ráo, vượt trỗi thù thắng hết thảy các pháp môn khác, nay chúng ta gặp được mới thật sự là đáng vui mừng. Hôm nay, tôi giảng tới chỗ này!

 

Tập 224

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm bốn mươi mốt.

(Sớ) Phục hữu tam nghĩa, văn thuyết Phật danh, tâm bất nghi nhị, thị chi vị Tín. Tín dĩ nhi chấp, tâm khởi nhạo dục, thị chi vị Nguyện. Nguyện dĩ nhi trì, tâm cần tinh tấn, thị chi vị Hạnh.

()復有三義,聞說佛名,心不疑貳,是之謂信;信已而執,心起樂欲,是之謂願;願已而持,心勤精進,是之謂行。

(Sớ: Lại có ba nghĩa: Nghe nói danh hiệu Phật, tâm chẳng nghi ngờ, đó gọi là Tín. Tin rồi giữ lấy, dấy lòng ưa thích, đó gọi là Nguyện. Nguyện rồi vâng giữ, tâm siêng năng, tinh tấn, đó gọi là Hạnh).

Trong Tịnh Tông, Tín Nguyện Hạnh vô cùng trọng yếu. Đấy chính là ba điều kiện tu học trong Tịnh Tông, thiếu khuyết một điều sẽ chẳng thể vãng sanh. Câu Phật hiệu trọn đủ Tín Nguyện Hạnh. “Văn thuyết Phật danh” (Nghe nói danh hiệu Phật), nghe danh hiệu thì một là [nghe] Phật hiệu, hai là [nghe] kinh A Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ, [cùng với] kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Ba kinh ấy đều dạy chúng ta chuyên tu Tịnh nghiệp. Sau khi đã nghe, trong tâm quyết định chẳng ngờ vực, đó mới là Tín.

Tín hết sức khó, rất chẳng dễ dàng. Chúng tôi tu học pháp môn này, học rất nhiều năm, thậm chí tín tâm vẫn chưa kiến lập. Tôi xuất gia năm Dân Quốc 48 (1959), năm Dân Quốc 50 (1961) thọ giới. Sau khi thọ giới, đến Đài Trung bái tạ thầy Lý, gặp mặt, câu đầu tiên thầy bảo tôi “phải tin Phật”. Tôi học Phật đã nhiều năm như vậy, vừa xuất gia bèn dạy tại Phật học viện, lại đã thọ đại giới, cớ sao thầy còn bảo tôi “phải tin Phật”? Lão nhân gia giải thích: “Tin Phật hết sức khó khăn, có nhiều kẻ xuất gia suốt một đời mãi cho đến khi già chết vẫn chẳng tin Phật. Nếu tin Phật, cớ sao bị đọa trong ba ác đạo? Đã tin Phật, lẽ nào tạo ác nghiệp? Chỉ có kẻ không tin Phật mới đọa trong tam đồ, mới tạo ác nghiệp!” Do vậy, tin Phật hết sức khó khăn!

“Tâm bất nghi nhị” (Tâm chẳng nghi ngờ, tán loạn). “Nhị” (貳) là tam tâm nhị ý, tâm chẳng chuyên nhất. “Nghi” (疑) là có lòng hoài nghi, tín tâm chẳng thanh tịnh, đều chẳng gọi là Tín. Vì thế, nhất định phải đạt được “chẳng nghi ngờ, chẳng xen tạp”. Nói thật ra, “bất nhị” (不貳) là không xen tạp. Không hoài nghi, không gián đoạn, không xen tạp thì mới thật sự là Tín. Không chỉ xen tạp pháp thế gian bèn chẳng phải là Tín, tức là xen tạp danh vọng, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, thị phi, nhân ngã trong pháp thế gian, quý vị xen tạp những thứ ấy sẽ chẳng gọi là Tín. Xen tạp Phật pháp cũng chẳng phải là Tín. Ta niệm Phật lại muốn tham Thiền, lại toan trì chú, lại muốn nghiên cứu kinh giáo, đều chẳng gọi là Tín, mà là tạp loạn! Do vậy có thể biết, phải chuyên ròng thì mới là Tín. Chẳng chuyên ròng, chẳng thể gọi là Tín được! Chúng tôi giảng kinh, giảng rất nhiều năm tại đạo tràng này, người nghe đông ngần ấy, tin tưởng có mấy ai? Nói thật ra, mười người hoặc tám người là đã khá quá rồi! Người đã tin chẳng có ai không nghiêm túc tu hành, người đã tin không ai chẳng vãng sanh. Nhất định phải biết: Đại đa số là “một phen thoảng nghe qua tai, vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo” mà thôi, chẳng thể thành tựu trong một đời này. Kẻ nghe xong chẳng tin tưởng, dẫu chẳng tin tưởng cũng đến nghe giảng hằng ngày, ít nhiều cũng có đôi chút thiện căn, nhưng thiện căn chưa chín muồi!

“Tín dĩ nhi chấp” (Đã tin tưởng bèn giữ lấy), sau khi đã tin bèn giữ lấy. “Chấp” (執) là nắm thật chặt, chẳng khinh thường bỏ qua. “Tâm khởi nhạo dục” nghĩa là thật sự sanh khởi tâm hoan hỷ. “Nhạo” (樂) là yêu thích, “dục” (欲) là mong cầu. Ta hết sức hoan hỷ cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nếu đối với thế giới Tây Phương, thế giới Sa Bà và các thế giới của mười phương chư Phật đều chưa hiểu rõ ràng, làm sao có thể sanh tâm hoan hỷ đối với thế giới Tây Phương? Do đó, tâm nguyện “nguyện sanh Tây Phương” chẳng dễ dàng sanh khởi. Làm thế nào thì mới có thể hiểu rõ nó? Nói chung là có hai loại, trong quá khứ đã gieo thiện căn rất lớn chính là nhân, hai thứ duyên bất đồng:

1) Một loại duyên là trong lúc phải hứng chịu những nỗi khổ sở to lớn trong đời người, hoặc lúc gặp phải kiếp nạn to lớn, nghe nói có một nơi như thế, điều gì cũng chẳng nghĩ tới, thật thà nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.

2) Loại kia là người thông Tông thông Giáo, thấu triệt nhuần nhuyễn kinh luận, hiểu rõ các nhân quả trong thế giới Sa Bà, đối với các thế giới của mười phương chư Phật và thế giới Tây Phương cũng hiểu rõ, chẳng phải là chọn lựa tùy tiện, mà là dùng trí huệ để chọn lựa dứt khoát.

Chúng ta đọc kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, thấy phu nhân Vi Đề Hy chọn lựa Tây Phương Cực Lạc thế giới khi gặp đại nạn, con cái bất hiếu, giết cha, giết mẹ, gặp nạn như vậy. Thích Ca Mâu Ni Phật triển hiện mười phương thế giới chư Phật trước mặt bà ta, để bà ta tự xem. Sau khi xem trọn khắp, bà chọn lựa Tây Phương Cực Lạc thế giới. Có thể thấy là nguyện này chẳng dễ phát!

Một số người thường nói, phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, nguyện ấy là đạo tâm [mong manh] như sương buổi sáng, vô dụng, chẳng phải là chân tâm thành ý, mà là giả tâm, nói suông ngoài miệng mà thôi. Thành tâm thành ý, thái độ xử sự làm người sẽ hoàn toàn khác hẳn, chẳng có tâm so đo hết thảy thị phi nhân ngã trong thế gian. Người ấy nhất tâm nhất ý chuyên cầu Tịnh Độ, luôn sợ chẳng kịp thời gian, chẳng đủ dùng, còn có thời gian nào để lo chuyện thị phi nhân ngã chi nữa! Đối với hết thảy sự, hết thảy người, hết thảy vật trong thế gian, người ấy đều chẳng quan tâm cho mấy. Hằng ngày mặc ấm, ăn no, có thời gian niệm Phật, đủ rồi! Vui sướng khôn sánh! Hễ còn toan làm chuyện thị phi nhân ngã, tiếng tăm, lợi dưỡng, nguyện ấy giả trất. Nói cách khác, chưa nhận thức rõ rệt! Do vậy có thể biết, giảng kinh thuyết pháp là Tăng Thượng Duyên rất trọng yếu. Khá nhiều người giác ngộ nhờ kinh giáo nên mới thật sự phát nguyện. Đã thật sự phát nguyện, không chỉ là bỏ sạch pháp thế gian, mà còn cư xử tốt đẹp đối với đại chúng trong thế gian. Chúng ta ở chung với nhau, nếu cư xử không tốt, tôi liền tránh đi. Tôi cũng chẳng để quý vị xua đuổi, tự mình bỏ đi, vì sao? Đối với hết thảy người, hết thảy sự, hết thảy vật, quyết định chẳng lưu luyến, đó là nguyện sanh Tịnh Độ chân chánh. Vì lẽ này, nghiên cứu giáo lý thật sự thấu triệt, nhất định là “vạn duyên buông xuống” ngay cả Phật pháp cũng buông xuống. Giống như Liên Trì đại sư hoặc Ngẫu Ích đại sư đến tuổi xế chiều, đã triệt để giác ngộ, chỉ có một bộ kinh A Di Đà, một câu Phật hiệu. Kinh Kim Cang nói: “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (Pháp còn nên bỏ, huống gì phi pháp).

Một người thật sự tu hành, phải nhớ kỹ những giáo huấn trong kinh. Người khác tán thán chúng ta, ắt cũng chẳng hoan hỷ. Giả trất! Kẻ khác hủy báng, lăng nhục chúng ta, cũng chẳng cần tức giận. Giả trất! Thảy đều là giả trất, chẳng có gì là thật. Nếu quý vị coi đó là thật, sẽ bị thua thiệt, mắc lừa, sai lầm đặc biệt to lớn! Chỉ có một câu Phật hiệu là thật, trong mười hai thời, niệm niệm chẳng quên! Thế gian này chẳng có gì đáng để tranh giành, thứ gì cũng đều chẳng mang theo được. Hơi chẳng cẩn thận, tội nghiệp đầy thân! Vì sao một người suốt cả một đời cứ phải tạo tội nghiệp? Do những tội nghiệp ấy, ắt đọa tam đồ, người ấy tu tam ác đạo. Hạng người như vậy ngu si, đáng thương. Bậc thiện nhân quân tử trong thế gian chú trọng quan niệm đạo đức, đó là tu ba thiện đạo. Người niệm Phật chúng ta nếu chẳng cầu sanh Tịnh Độ, dẫu giới luật tinh nghiêm, trọn đủ Ngũ Đức và Lục Hòa, vẫn là ba thiện đạo, chẳng thể thoát khỏi tam giới. Do vậy có thể biết: Trong một đời này, nếu muốn thoát khỏi tam giới, liễu sanh tử, thành tựu trong một đời, trừ pháp môn này ra, chẳng có pháp môn thứ hai!

Đối với kinh Di Đà, ắt cần phải có Sớ Sao và Yếu Giải thì chúng ta mới thật sự hiểu sự bác đại tinh thâm (rộng lớn, tinh vi, sâu xa) của kinh. Kinh văn của kinh Vô Lượng Thọ nói rất rõ ràng, chẳng cần đọc chú giải, vẫn có thể chiếu kiến để xét coi khởi tâm động niệm của chính mình có giống như trong kinh hay không. Vì thế, tôi khuyên các đồng học, trong giai đoạn thứ nhất, trước hết là phải niệm thuộc lòng. Kinh chẳng niệm thuộc làu, chẳng thể nói tới chuyện tu hành được! Nếu kinh đã thuộc làu, trong tâm chúng ta dấy một niệm, sẽ nghĩ trong kinh có [chấp nhận] niệm ấy hay không? Ta có nên dấy lên niệm ấy hay không? Giáo huấn trong kinh điển là tiêu chuẩn để tu hành. Kinh chẳng thuộc, quý vị khởi tâm động niệm bèn chẳng có tiêu chuẩn. Chẳng có tiêu chuẩn thì tu bằng cách nào? Chẳng tu được! Đấy là lý do vì sao tôi dạy quý vị phải niệm kinh cho thuần thục. Nói cách khác, quý vị có mong vãng sanh Tịnh Độ hay không? Chẳng mong thì quý vị không niệm cũng chẳng sao! Vì sao? Chẳng mong [vãng sanh Tịnh Độ], vẫn mong luân hồi trong lục đạo. Thật sự mong vãng sanh Tịnh Độ trong một đời này mà kinh chẳng thuộc thì làm sao được? Vì thế, trong tâm khởi tâm động niệm đều phải dùng kinh điển để đối chiếu: Niệm nào chẳng nên dấy lên, chớ nên dấy lên; niệm nào đáng nên dấy lên, hãy khéo dấy. “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” (Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện), trong kinh điển, đức Phật đã dạy chúng ta như vậy. Vì thế, quý vị phải hiểu rõ thì mới có thể nắm được, nắm thật chắc!

So sánh giữa hai kinh, kinh Vô Lượng Thọ hay hơn kinh A Di Đà, [bởi lẽ], kinh văn là rốt ráo, [còn những điều được trình bày ở đây] là chú giải của tổ sư. Đức Phật dạy chúng ta, “y pháp, bất y nhân”, kinh là pháp, chú giải là do người [đời sau] nói. Chú giải chỉ để chúng ta tham khảo, khiến cho chúng ta càng thâm nhập, thấu hiểu những ý nghĩa được bao hàm trong kinh văn, uốn nắn cách nghĩ, cách nhìn, và cách làm của chúng ta đối với người, sự, vật. “Tu” (修) là tu sửa, chúng ta có rất nhiều cách nghĩ, cách nhìn, cách làm sai lầm đối với người, sự, vật. Nương theo giáo huấn của đức Phật trong kinh điển để uốn nắn những sai lầm ấy thì gọi là “tu hành”. Do vậy, tu hành là tu ở chỗ nào? Tu nơi khởi tâm động niệm. Phàm phu chẳng thể không đọc kinh mỗi ngày. Ba ngày chẳng đọc kinh, đạo tâm thảy đều chẳng còn. Đối với phàm phu chúng ta, sức mạnh do niệm kinh tối đa chỉ có thể giữ được ba ngày, ba ngày chẳng niệm thì thôi rồi, phiền não tập khí, tà tri tà kiến thảy đều hiện hành. Do vậy, tu hành khó khăn, đó gọi là “một ngày nóng, mười ngày lạnh”.

Vì sao trong đạo tràng xưa kia, người ta thành tựu dễ dàng? Người trong đạo tràng hiện thời chẳng dễ thành tựu? Đạo tràng xưa kia buộc quý vị mỗi ngày nghe kinh trong giảng đường tám tiếng đồng hồ, mọi người cùng nhau cộng tu cũng là tám tiếng đồng hồ. Mỗi ngày mất đứt mười sáu giờ [để tu tập], dẫu có muốn dấy vọng tưởng cũng chẳng có thời gian, [tu tập xong] vội vã tìm thời gian để nghỉ ngơi, ngủ nghê, dưỡng thần, chẳng có hơi sức đâu để trò chuyện. Tu hành ba năm như vậy, có hiệu quả không chỉ bằng chúng ta tu hành suốt ba mươi năm. Thông thường, tu hành chẳng ngoài một là tham Thiền, hai là niệm Phật. [Tĩnh tọa] trong Thiền Đường tám tiếng đồng hồ, hoặc niệm Phật suốt tám tiếng đồng hồ trong Niệm Phật Đường, nghe kinh suốt tám giờ nữa, còn nghiêm ngặt hơn các môn học trong nhà trường. Được hun đúc trong một thời gian dài như vậy, tập khí của mỗi người tự nhiên biến đổi. Hiện thời, chẳng có đạo tràng như vậy, chẳng có cơ hội như vậy, nhưng người thật sự dụng công vẫn có cơ hội ấy. Nay chúng ta dùng máy nghe nhạc cá nhân để mỗi ngày nghe kinh suốt tám tiếng đồng hồ cũng được! Thật sự chịu nỗ lực, không cần phải nghe tám tiếng đồng hồ, mỗi ngày có thể nghe từ bốn giờ đến sáu giờ cũng rất tốt. Niệm Phật sáu tiếng đồng hồ thì cũng dùng máy nghe nhạc cá nhân để niệm theo, có khác gì đạo tràng thời cổ? Chúng ta lợi dụng những công cụ khoa học ấy, chuyển đạo tràng về nhà của chính mình, người thuở trước chẳng có cách nào tưởng tượng chuyện này!

Nghe kinh thì nghe một bộ kinh càng nhiều lần càng hay! Năm xưa, tại Lạc Sam Cơ (Los Angeles) có một vị cư sĩ tên là Triệu Lập Bổn nghe tôi giảng Lục Tổ Đàn Kinh và kinh Kim Cang, chỉ nghe hai bộ kinh ấy. Tôi ghé qua Los Angeles, ông ta kể với tôi đã nghe [những băng giảng ấy] hai mươi sáu lần. Tôi khuyên ông ta: “Ông hãy tiếp tục nghe không ngừng cho tới một trăm lượt”. Nay tôi nghe những đồng tu bên Los Angeles kể ông ta giảng hai bộ kinh ấy rất hay, thường có người mời ông ta giảng kinh, đã thuần thục rồi! Ông ta nói: “Suốt đời tôi chẳng học thứ gì khác, chỉ học hai bộ kinh này, thật thà niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ”. Ông này là giáo sư đại học tại Mỹ, nay đã về hưu, thật sự có thành tựu! Cổ nhân thường nói: “Thiên hạ vô nan sự, chỉ phạ hữu tâm nhân” (Thiên hạ chẳng có chuyện gì khó, chỉ sợ thiếu người có tâm). Người có lòng thì trong thiên hạ chẳng có chuyện gì là khó. Tín nguyện chuyên chú, chuyên ròng sẽ thành công. Do vậy, cớ sao chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối cứ làm những chuyện thị phi, nhân ngã, danh vọng, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, chẳng thể giống như cư sĩ Triệu Lập Bổn chuyên nhất nơi một bộ kinh? Tốn thời gian tám năm, ông ta đã giảng hai bộ kinh ấy rất khá. Tiếp tục nỗ lực không ngừng, trong tương lai, ông ta sẽ là người có đầy uy tín về kinh Kim Cang và Lục Tổ Đàn Kinh. Vì thế, nguyện thì phải có chánh nguyện, mong cầu chánh đáng, yêu mến chánh đáng, có thể mong cầu Tịnh Độ, nguyện sanh Tây Phương, đó là thuần chánh bậc nhất.

“Nguyện dĩ nhi trì” (Đã nguyện bèn gìn giữ), “trì” (持) là bảo trì (保持: gìn giữ). Sau khi đã phát nguyện, phải có hằng tâm (tâm thường hằng), kiên nhẫn, nghị lực để gìn giữ không bị mất đi. “Tâm cần tinh tấn” (Tâm siêng năng, tinh tấn), một mục tiêu, một phương hướng để nỗ lực, đó là Hạnh. Ví như mỗi ngày nghe kinh này tám tiếng đồng hồ, niệm Phật tám tiếng đồng hồ, đó là Hạnh. Kinh Vô Lượng Thọ là kinh bậc nhất để mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai độ chúng sanh thành Phật đạo. Từ hàng Bồ Tát trở xuống, giảng kinh thuyết pháp đều cần phải được Phật lực gia trì. Bản thân đức Phật giảng kinh thuyết pháp tất nhiên chẳng cần được gia trì. Nhưng từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy đức Thế Tôn giảng kinh Vô Lượng Thọ được A Di Đà Phật gia trì, được mười phương chư Phật Như Lai gia trì. Vì thế, Ngài dấy lên ý niệm muốn giảng bộ kinh này, thụy tướng (tướng trang nghiêm tốt lành) đặc biệt đẹp đẽ. Ngài A Nan làm thị giả của đức Phật, suốt đời chưa từng thấy tướng hảo như vậy, đó là gì? Mười phương chư Phật gia trì. Đức Phật giảng những kinh khác có hiện tượng này hay không? Quý vị hãy tra duyệt Đại Tạng Kinh, chẳng có! Quý vị bèn hiểu bộ kinh này có công đức và lợi ích chẳng thể nghĩ bàn. Đức Phật giảng bộ kinh này, mười phương chư Phật đều gia trì. Vì thế, đọc và thọ trì bộ kinh này, cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn! Hiện thời có chẳng ít đồng tu mỗi ngày niệm mười lượt, đó là Hạnh.

Thâm nhập một môn, càng chuyên càng hay, càng ròng càng hay. Vì hoằng pháp lợi sanh, nhằm ứng phó các loại căn tánh bất đồng của chúng sanh, chúng ta phải tham khảo, xem đọc các kinh luận, đó là chuyện tất yếu. Nếu chẳng phát nguyện giảng kinh, thuyết pháp, một bộ kinh này là đủ rồi, thật sự thấu triệt một bộ kinh là được rồi! Ta vì người khác giảng kinh thuyết pháp, ta giảng bộ kinh này, nhưng người căn tánh khác biệt mong học kinh khác, ta bèn giới thiệu pháp sư khác. Vị pháp sư ấy biết giảng, thỉnh vị ấy giảng, ta chỉ biết giảng một bộ kinh này. Năm mươi ba vị thiện tri thức trong kinh Hoa Nghiêm có thái độ hoằng pháp lợi sanh như thế. Thiện Tài đến tham phỏng, các Ngài nói: “Ta chỉ học một môn này. Nếu ngươi muốn học rộng nghe nhiều, lại giới thiệu ngươi đến tham phỏng một vị thiện tri thức khác”.

 

(Sao) Tín Nguyện Hạnh, hạ văn trung đương biện.

()信願行,下文中當辯。

(Sao: Tín Nguyện Hạnh sẽ được biện định trong phần kinh văn ở phía sau).

Ý nghĩa này hết sức sâu rộng, trong phần sau sẽ còn nói cặn kẽ, ở đây chỉ nêu đại lược mà thôi.

 

(Sớ) Danh hiệu giả, A Di Đà Phật tứ tự hồng danh, bất kiêm sắc tượng đẳng. Như Văn Thù Bát Nhã, cập Tỳ Bà Sa Luận trung thuyết, dĩ sắc tượng đẳng nhiếp danh trung cố.

()名號者,阿彌陀佛四字洪名,不兼色像等。如文殊般若,及毗婆沙論中說,以色像等攝名中故。

(Sớ: Danh hiệu là hồng danh bốn chữ A Di Đà Phật, [pháp tu trong kinh này là chuyên chấp trì danh hiệu] chẳng kèm thêm hình sắc v.v… Như trong kinh Văn Thù Bát Nhã và luận Tỳ Bà Sa đã nói, những thứ như hình sắc v.v… đã đều được bao gồm trong danh hiệu).

 Pháp môn này chuyên chú trọng trì danh, chẳng cần kèm thêm quán tưởng, niệm một câu Phật hiệu đến cùng là được rồi. Nay vì sao lại khuyên quý vị niệm kinh? Vì sao đặc biệt nhấn mạnh chuyện niệm kinh? Quý vị chẳng đủ tín tâm, nguyện tâm chẳng tha thiết; do đó mới bảo quý vị niệm kinh. Niệm kinh nhằm giúp quý vị đoạn nghi sanh tín. Còn có một ý nghĩa nữa: Nghiệp chướng quá nặng, làm thế nào để sửa lỗi đổi mới? Vì nguyên nhân này mà khuyên mọi người hãy niệm kinh. Bản thân chúng ta trong cuộc sống hằng ngày đâu biết cách nghĩ và cách làm của chính mình đều sai lầm, luôn ngỡ là rất chánh xác: “Cách nghĩ, cách nhìn, và cách làm của ta luôn đúng, còn các ngươi sai be bét”, luôn có cách nghĩ như vậy. Đúng sai có tiêu chuẩn, tiêu chuẩn ở chỗ nào? Những điều được giảng trong kinh điển là tiêu chuẩn. Quý vị niệm nhiều, niệm thuần thục, bèn có tiêu chuẩn. Dùng tiêu chuẩn ấy để kiểm điểm hành vi trong cuộc sống của chính mình thì mới có thể phát hiện những lầm lỗi nơi bản thân. Phát hiện lầm lỗi nơi bản thân, đó là trí huệ, là người tự giác, tự mình đã giác ngộ. Kẻ chẳng biết lầm lỗi của chính mình thì là ngu mê, ngu si, mê hoặc, điên đảo, kẻ ấy rất đáng thương! Tạo tác cái nhân trong ba ác đạo, tạo nghiệp luân hồi trong lục đạo, thế mà chính mình vẫn chẳng biết, cứ ngỡ chính mình đang học Phật, đang tu hành. Kẻ ấy hết sức đáng thương! Người thật sự niệm Phật có so đo cùng kẻ đáng thương hay chăng? Chẳng thể nào! Chỉ có lòng thương xót kẻ ấy. Kẻ đó chấp trước kiên cố, quý vị giải thích cho kẻ đó, kẻ ấy chẳng thể tiếp nhận. Kẻ ấy vọng tưởng, chấp trước kiên cố, luôn nghĩ mình chánh xác, người khác sai lầm, thậm chí những điều đức Phật đã dạy trong kinh cũng sai tuốt luốt, chỉ có hắn là đúng! Chúng ta thấy kẻ đó tạo cái nhân trong ba ác đạo, chẳng có cách nào cứu! Vì thế, đọc kinh, niệm thuần thục, chính mình mới có tiêu chuẩn chân thật. Tiêu chuẩn này do đức Thế Tôn và A Di Đà Phật kiến lập cho chúng ta, quyết định chẳng sai lầm. Đây là khuyên mọi người hãy đọc kinh nhằm tiêu nghiệp chướng. Đọc kinh, phải làm theo kinh thì mới có thể tiêu nghiệp chướng. Chỉ đọc suông, chẳng làm, nghiệp chướng chẳng tiêu được, chư vị phải biết điều này. Đọc kinh là dạy quý vị y giáo phụng hành. Y giáo phụng hành sẽ tiêu nghiệp chướng. Nghiệp chướng tiêu trừ, công phu đi vào nề nếp, công phu sẽ đắc lực.

 

(Sao) Bất kiêm sắc tượng đẳng giả, chánh minh thử kinh chuyên chủ chấp trì danh hiệu dã. Văn Thù Bát Nhã kinh vân: “Phật cáo Văn Thù, dục nhập Nhất Hạnh tam-muội giả, ưng xử không nhàn, xả chư loạn ý, bất thủ tướng mạo, hệ tâm nhất Phật, chuyên xưng danh tự, tùy Phật phương sở, đoan thân chánh hướng, năng ư nhất Phật niệm niệm tương tục, tức thị niệm trung, năng kiến quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật. Niệm nhất Phật công đức, dữ niệm vô lượng Phật công đức vô nhị.

()不兼色像等者,正明此經專主執持名號也。文殊般若經云:佛告文殊,欲入一行三昧者,應處空閒,捨諸亂意,不取相貌,繫心一佛,專稱名字,隨佛方所,端身正向 能於一佛念念相續  ,即是念中 能見過去未來現在諸佛。念一佛功德,與念無量佛功德無二。

(Sao: “Chẳng kèm thêm hình sắc v.v…” chỉ rõ kinh này chuyên chú trọng chấp trì danh hiệu. Kinh Văn Thù Bát Nhã chép: “Đức Phật bảo ngài Văn Thù: – Người muốn nhập Nhất Hạnh tam-muội, hãy nên ở chốn thanh vắng, bỏ các ý niệm loạn động, chẳng chấp tướng mạo, chú tâm nơi một đức Phật, chuyên xưng danh hiệu Ngài. Tùy theo nơi chốn của đức Phật [ở phương nào], mà thân hình đoan chánh hướng thẳng về đó. Có thể đối với một đức Phật niệm niệm tiếp nối thì chính ngay trong một niệm ấy, có thể thấy chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại. Công đức niệm một vị Phật và công đức niệm vô lượng chư Phật chẳng hai”).

Đây là một đoạn khai thị của đức Phật trong kinh Văn Thù Bát Nhã[20]. “Nhất Hạnh tam-muội”: Niệm Phật tam-muội còn gọi là Nhất Hạnh tam-muội.

 

(Diễn) Nhất Hạnh tam-muội giả, kinh vân “pháp giới nhất tướng”.

()一行三昧者,經云法界一相。

(Diễn: Nhất Hạnh tam-muội: Kinh nói “pháp giới một tướng”).

 Tướng pháp giới là tướng bình đẳng.

 

(Diễn) Hệ duyên pháp giới, thị danh Nhất Hạnh tam-muội. Luận vân: “Vị nhất thiết chư Phật Pháp Thân dữ chúng sanh thân bình đẳng vô nhị, tức danh Nhất Hạnh tam-muội”.

()緣法界,是名一行三昧。論云:謂一切諸佛法身與眾生身平等無二,即名一行三昧。

(Diễn: Duyên chặt chẽ nơi một pháp giới thì gọi là Nhất Hạnh tam-muội. Luận chép: “Ý nói Pháp Thân của hết thảy chư Phật và thân chúng sanh bình đẳng, chẳng hai, nên gọi là Nhất Hạnh tam-muội”).

 Trước hết, giải thích ý nghĩa của Nhất Hạnh tam-muội. Ý nghĩa được bao hàm trong danh từ này cũng là định nghĩa của danh từ. Hạnh (行) là hành vi, cũng là hoạt động. Tam-muội (Samādhi) là Chánh Thọ (正受), tức sự hưởng thụ chánh đáng. Chư vị hãy ngẫm xem, Nhất Hạnh là chú trọng nơi một. “Một” có nghĩa là trong tâm quyết định chẳng khởi một niệm, tâm ấy mới là một. Khởi một niệm, sẽ chẳng phải là một. Vì sao? Hữu niệm và vô niệm là hai. Thật sự là một niệm bất sanh, rõ ràng, minh bạch. Vì thế, Nhất chính là Nhất Chân pháp giới. “Nhất thiết chư Phật Pháp Thân” (Pháp Thân của hết thảy chư Phật) tức là bản thể của vũ trụ và nhân sinh, “dữ chúng sanh thân bình đẳng vô nhị” (và thân của chúng sanh bình đẳng chẳng hai), Pháp Thân là Lý Thể, “chúng sanh thân” là hiện tượng. Sâm la vạn tượng trong mười pháp giới sanh khởi từ nơi nào? Từ Pháp Thân Lý Thể biến hiện. Vì thế, hết thảy vạn pháp, chẳng có pháp nào không bình đẳng. Sự bình đẳng này là chân tướng, sự bình đẳng này là bình thường. Trong hết thảy các pháp, dấy lên bất bình đẳng thì gọi là vọng niệm, là mê. Kinh thường nói: “Do một niệm bất giác mà có vô minh”. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đã giải thích cặn kẽ vấn đề này. Vì sao có một niệm bất giác? Trong Nhất Chân pháp giới, quý vị khởi tâm động niệm, đó là bất giác, là mê. Giác tâm bất động, giác tâm thanh tịnh, giác tâm ly niệm, bất động. Ly niệm là giác, tâm động là mê.

Mê ở chỗ nào? Tìm không thấy, chỗ nào có mê! Khi nào có mê? Do nguyên nhân nào mà có mê? Chẳng có nguyên nhân, cũng chẳng nói được khi nào sẽ mê. Quý vị tìm lúc [bị mê] đó, sẽ chẳng tìm thấy! Vì sao? Nó là hư vọng. Quý vị một niệm giác bèn thành Phật, một niệm mê thì là chúng sanh khổ não. Phật và chúng sanh sai biệt ở chỗ mê hay ngộ. Nay chúng ta muốn giác, chẳng giác được, vì sao chẳng giác được? Tập khí quá nặng, chẳng thể dùng cái tâm thanh tịnh để đối ứng với hoàn cảnh sống, tâm địa luôn ô nhiễm, dơ bẩn. Khởi tâm động niệm là thị phi, nhân ngã, lợi hại, được mất, luôn làm những chuyện ấy. Trong kinh Kim Cang, đức Phật đã nói về những thứ ấy rất rõ ràng: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Họ muốn làm những chuyện ấy, quý vị nói xem có đáng thương hay không? Thật sự chịu tiếp nhận, thật sự chịu sửa lỗi đổi mới, Phật và thiện tri thức sẽ bằng lòng dạy họ. Vì sao? Người ấy có thể cứu, cứu được! Chẳng thể sửa lỗi, chẳng thể đổi mới, chư Phật, Bồ Tát chẳng dạy kẻ ấy. Vì sao? Dạy uổng công! Chẳng khởi tác dụng, oan uổng! Hao phí tinh thần lẫn công sức, cho nên chẳng dạy! Tuyệt đối chẳng phải là Phật, Bồ Tát, thiện tri thức bất công, chẳng phải vậy! Vì sao [các Ngài] chịu dạy kẻ này, chẳng dạy kẻ kia? Người ta thấy rất rõ rệt, kẻ này sau khi được dạy, sẽ có thể sửa lỗi đổi mới. Kẻ kia có dạy thì vẫn chẳng thể sửa lỗi đổi mới! Vì lẽ này, duyên ở nơi chúng sanh, chẳng phải do phía Phật, Bồ Tát. Phật, Bồ Tát vô tâm, Phật, Bồ Tát thanh tịnh, bình đẳng. Chúng ta thường nói “có duyên với Phật” hay không là ở chỗ này. Hoan hỷ tiếp nhận, nghe xong thật sự chịu làm, đó là hữu duyên. Nghe xong chẳng chịu sửa lỗi, đó là vô duyên. Vì thế, “Phật chẳng độ kẻ vô duyên”, Phật chẳng thể độ được! Đã hiểu rõ ý nghĩa của Nhất Hạnh tam-muội, làm thế nào để đạt được?

 

(Diễn) Dục nhập thị tam-muội giả.

()欲入是三昧者。

(Diễn: Người muốn nhập tam-muội ấy).

Nhập Nhất Hạnh tam-muội, mức độ thấp nhất là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo. Nhập Nhất Hạnh tam-muội là nhập pháp giới, nói cách khác, phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân. Năng lực của hàng Bồ Tát ấy giống như kinh đã nói: “Ưng dĩ Phật thân nhi đắc độ giả, tức hiện Phật thân nhi vị thuyết pháp” (Nên dùng thân Phật để đắc độ, bèn hiện thân Phật để thuyết pháp). Ngài có năng lực thị hiện tám tướng thành đạo, có năng lực tùy loại hóa thân, trí huệ và thần thông đều tương tự như Phật. Ở đây, Ngài dạy một phương pháp rất đặc biệt để nhập Nhất Hạnh tam-muội.

 

(Diễn) Ưng hệ tâm nhất Phật, chuyên xưng danh tự dã.

()應繫心一佛,專稱名字也。

(Diễn: Hãy nên chuyên tâm nơi một đức Phật, chuyên xưng danh hiệu Ngài).

Dạy chúng ta, “phát Bồ Đề tâm, một mực chuyên niệm” như kinh Vô Lượng Thọ của Tịnh Tông đã nói, chính là Nhất Hạnh tam-muội. Đây là Niệm Phật tam-muội, vua trong các thứ tam-muội, là phương pháp tu hành thù thắng nhất, chuyên xưng danh hiệu.

 

(Diễn) Tức thị niệm trung, năng kiến quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật giả.

()即是念中,能見過去未來現在諸佛者。

(Diễn: Tức là ngay trong niệm ấy, có thể thấy quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật).

Trì danh niệm Phật, niệm đến mức nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn chính là như trong chương Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông của kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Chẳng cậy vào phương tiện, tâm được tự khai”. “Tâm khai” chính là “đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh” trong Thiền Tông. Đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh của Thiền Tông chẳng thể thấy mười phương hết thảy chư Phật, chẳng thấy Phật nhiều ngần ấy. Nhưng quý vị niệm A Di Đà Phật, [tu tập] pháp môn Di Đà, sẽ thấy vô lượng vô biên chư Phật. Đó là chỗ thù thắng của pháp môn này. Pháp môn này được hết thảy chư Phật Như Lai tán thán là do chỗ này. Đấy là chính mình nhập Nhất Hạnh tam-muội, lại được oai thần của A Di Đà Phật gia trì. Vì thế, pháp giới do người ấy duyên đến sẽ chẳng hai, chẳng khác với Phật, chẳng thể nghĩ bàn!

 

(Diễn) Tận tri Hằng sa chư Phật pháp giới vô sai biệt tướng dã. Chư Phật Pháp Thân dữ chúng sanh tâm đồng thể vô nhị.

()盡知恆沙諸佛法界無差別相也。諸佛法身與眾生心同體無二。

(Diễn: Biết trọn tướng chẳng sai biệt của chư Phật pháp giới nhiều như cát sông Hằng, Pháp Thân của chư Phật và tâm chúng sanh đồng thể, chẳng hai).

 Thấy tướng bình đẳng của mười pháp giới, thật sự bình đẳng, thấy pháp giới đồng thể. Do pháp giới bình đẳng, nên thái độ xử sự, đãi người liền biến đổi, có thể sử dụng tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm đại từ bi để đối đãi hết thảy chúng sanh, người ấy đã thành Phật. Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, tuy chẳng phải là một vị Phật viên mãn rốt ráo, nhưng đã thuộc loại Phần Chứng Phật. Đối với Lục Tức Phật được nói trong tông Thiên Thai, người ấy thuộc địa vị Phần Chứng Phật, chẳng phải là địa vị Tương Tự, chẳng phải là Quán Hạnh hay Tương Tự, mà là Phần Chứng. Đây là vị Phật chân thật, chẳng phải là giả Phật. Do đó, có thể thị hiện tám tướng thành đạo.

 

(Diễn) Kim đản kiến chúng sanh tâm, bất kiến Phật Pháp Thân giả, dĩ vị năng ly niệm cố.

()今但見眾生心,不見佛法身者,以未能離念故。

(Diễn: Nay chỉ thấy tâm chúng sanh, chẳng thấy Pháp Thân của Phật, vì chưa thể lìa niệm).

Nói tới cảnh giới hiện tiền của chúng ta, chúng ta chỉ thấy tâm chúng sanh, chẳng thấy Pháp Thân của Phật (tức là chẳng thấy cảnh giới bình đẳng), nguyên nhân ở chỗ nào? Chúng ta chẳng lìa khỏi vọng niệm. “Niệm” ở đây là vọng tưởng và chấp trước như kinh Hoa Nghiêm đã nói. Chúng ta chẳng thể lìa khỏi vọng tưởng, lìa khỏi chấp trước, nên quý vị là phàm phu, chẳng thấy Pháp Thân. Chẳng thấy Pháp Thân, nói cách khác, quý vị chẳng đạt được Nhất Hạnh tam-muội.

Chúng ta là phàm phu, nghiệp chướng rất nặng, nếu chẳng được Phật pháp hun đúc trong một thời gian dài, sẽ chẳng có cách nào! Thật sự chú trọng sao cho sự hun đúc có sức mạnh, hữu hiệu, từ kinh nghiệm giảng kinh trên giảng đài của bản thân tôi, đó là sự hun đúc có sức mạnh to tát nhất. Vì quý vị muốn lên giảng đài giảng kinh, phải chuẩn bị rất chu đáo. Chúng tôi chưa khai ngộ, đã từng kể với các đồng tu: Thuở đầu, khi tôi học giảng kinh, để lên giảng đài giảng một tiếng đồng hồ, phải chuẩn bị hai mươi tiếng đồng hồ, chẳng dám giải đãi tí nào. Hễ giải đãi thì lên giảng đài sẽ bị mất mặt. Vì vậy, phương pháp này có hiệu quả hơn so với thầy giáo dạy học. Thầy có thể nói qua quít [cho xong buổi giảng], gạt được học trò.

Giảng kinh, dưới tòa có mấy chục, mấy trăm người nghe, chẳng lừa được ai! Nhiều cặp mắt nhìn vào quý vị ngần ấy, quý vị giảng sai cũng chẳng thể được. Vì thế, phải chuẩn bị rất chu đáo. Gần như là đối với người mới học giảng kinh, quý vị bảo họ giảng mỗi tuần một tiếng rưỡi, gần như họ dành thời gian trọn cả tuần để bận bịu lo toan việc ấy. Ngay cả đêm ngủ cũng mơ thấy đang sửa chữa bài giảng. Chuyên tâm đến mức độ ấy thì gọi là “hun đúc”. Quý vị có thể giảng chẳng gián đoạn, sẽ có lợi cho bản thân không chi lớn bằng, nghiệp chướng tập khí từ vô thỉ kiếp sẽ dần dần bất tri bất giác tiêu mất.

[Để đạt đến mức] trên giảng đài có thể vận dụng tùy theo lòng muốn, mọi việc thuận lợi, theo kinh nghiệm của chính tôi, phải mất mười năm. Cho tới nay, tôi đã giảng ba mươi ba năm; do đó, mọi người thấy tôi giảng kinh cũng chẳng cần phải chuẩn bị sẵn, cũng chẳng cần phải đọc tài liệu. Mười năm đầu rất khổ! Năm đầu tiên khổ nhất, đến năm thứ hai, tôi giảng một giờ thì ước chừng mất thời gian chuẩn bị mười giờ là đủ rồi. Đến năm thứ ba, hai giờ là đủ rồi, đến năm thứ tư, thứ năm, tôi chuẩn bị một giờ có thể giảng hai, ba giờ, càng giảng càng thoải mái. Năm Dân Quốc 60 (1971), khi tôi giảng kinh Lăng Nghiêm và Hoa Nghiêm, chuẩn bị một ngày bèn có thể giảng bảy ngày. Hiện thời giảng kinh chẳng cần phải chuẩn bị. Chẳng chịu khổ sẽ không được! Mở đầu khổ nhất, sau khi đã vượt cái ải ấy, sẽ ngày càng dễ dàng, càng ngày càng hoan hỷ. Nghiệp chướng ngày càng ít, tâm ngày càng thanh tịnh, trí huệ ngày càng tăng trưởng. Tu học như vậy thì mới vui sướng, lìa khổ được vui, thật sự đạt được lợi ích nơi Phật pháp. Đối với hết thảy người, hết thảy sự, hết thảy vật, trước mắt, phương khác, quá khứ, vị lai đều có thể biết đôi chút. Đó chẳng phải là thần thông, mà giống như là trực giác, tự nhiên có thể biết đôi chút. Người đọc sách thời cổ biết cảnh giới này!

Do vậy, nếu chúng ta muốn gạt gẫm một kẻ bình phàm sẽ dễ dàng. Lừa một kẻ có học thật sự sẽ chẳng dễ dàng, chẳng thể lừa nổi họ. Vì sao? Người ta nhìn vào ánh mắt, nhìn cách quý vị ăn nói, nhìn vào động tác, cát hung họa phước của cả đời quý vị đều bị người ta nhìn thấy tuốt luốt, quý vị còn chỗ nào để phỉnh phờ họ được nữa? Chẳng phỉnh phờ được ai! Một người có học vấn trong thế gian mà còn như thế, huống hồ một người thật sự tu hành trong Phật pháp, muốn gạt họ, lẽ nào họ bị mắc lừa? Thật sự là chính mình gạt gẫm chính mình mà thôi! Những bậc cao nhân biết hết, cớ sao chẳng nói? Mỗi người có nhân duyên, quả báo riêng; vì thế, chẳng cần nói, nhìn kẻ đó tạo tác, nhìn thấy hắn hứng chịu quả báo. Chỉ có khi nào thấy kẻ đó có thể thật sự quay đầu, bèn nhẹ nhàng chỉ điểm cảnh tỉnh. Chỉ điểm mà vẫn chẳng tỉnh, sẽ chẳng nói nữa. Kẻ ấy chẳng ngộ, là người ngu mà! Nguyên nhân là do phiền não chưa đoạn. Chúng ta mong cầu học Phật thì trước hết phải đoạn phiền não, đặc biệt là kẻ phát tâm học giảng kinh, nhất định là trước hết đoạn phiền não, sau đó sẽ học pháp môn. Nếu chẳng đoạn phiền não, sẽ chẳng học pháp môn nên hồn được! Học chẳng tới nơi, những thứ học được toàn là tri kiến dựa trên sự hiểu biết văn tự bề ngoài mà thôi, chẳng đạt được những thứ chân thật trong Phật pháp.

 

(Diễn) Tu Nhất Hạnh tam-muội giả, niệm Không chân niệm, hoạch tự bổn tâm.

()修一行三昧者,念空真念,獲自本心。

(Diễn: Người tu Nhất Hạnh tam-muội, niệm Không chính là chân niệm, đạt được bổn tâm của chính mình).

Nói tới cảnh giới. “Niệm Không chân niệm” là câu nói phát xuất từ kinh Lăng Nghiêm. “Bổn tâm” là tự tánh, là minh tâm kiến tánh, là Nhất Hạnh tam-muội. Trong tông này, phương pháp được sử dụng là “một mực xưng niệm”, chuyên niệm một câu A Di Đà Phật. Nhưng khi quý vị niệm, nhất định là buông xuống vạn duyên, như vậy thì mới có thể thành công. Suốt ngày từ sáng đến tối niệm Phật, mà suốt ngày từ sáng đến tối vẫn làm chuyện thị phi, nhân ngã, vẫn chẳng buông xuống được, vô dụng! Đây chính là như cổ đức đã nói: “Hét toạc cuống họng vẫn uổng công”. Do vậy, trong khi chúng ta niệm Phật, khi dấy khởi một câu Phật hiệu này, buông xuống vạn duyên, tâm địa thanh tịnh, chỉ có một câu Phật hiệu này thì gọi là “công phu”, là niệm Phật chân chánh. Khi niệm Phật, quyết định chớ nên xen tạp. Người niệm Phật còn nghĩ Đông tưởng Tây thì là xen tạp, chẳng thể thành công. Niệm mấy câu Phật hiệu là gieo thiện căn mà thôi. Đời này chẳng đạt được lợi ích. Thầy Lý thường nói: “Đáng nên sanh tử như thế nào thì vẫn phải sanh tử như thế đó!” Chẳng có cách nào! Chẳng chuyển nổi nghiệp của quý vị. Vì lẽ này, nhất định phải khởi đầu từ nội tâm. Tu hành là sửa đổi cái tâm, đổi cái tâm hư vọng thành cái tâm chân thành, đổi cái tâm ô nhiễm thành tâm thanh tịnh, đổi cái tâm bất bình đẳng thành tâm bình đẳng. Đó là tu hành. Phải niệm Phật hiệu theo cách như vậy thì mới có thể đạt được hiệu quả, niệm đến mức công phu thành phiến, Sự nhất tâm bất loạn, hoặc Lý nhất tâm bất loạn. Nhất Hạnh tam-muội là Lý nhất tâm bất loạn.

 

(Diễn) Tắc chư Phật Pháp Thân ư trung hiển hiện, như kính trung tượng.

()則諸佛法身於中顯現,如鏡中像。

(Diễn: Nên Pháp Thân của chư Phật hiển hiện trong ấy, như hình bóng trong gương).

 Khi ấy, tự nhiên quý vị hiểu rõ ràng minh bạch hết thảy Sự, Lý trong tận hư không khắp pháp giới. Vì sao? Tâm quý vị giống như một tấm gương, chiếu kiến đấy! Chẳng phải là quý vị mong thấy, mà tự nhiên thấy, chẳng cần mong thấy, không cần tác ý để thấy, tự nhiên thấy.

Gần đây, có một vị đồng tu đến Bắc Kinh ở nửa năm, thân cận lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, đích xác là lão cư sĩ có duyên phận với ông ta. Duyên phận là người ấy có thể tiếp nhận, thật sự hiếu học. Lão cư sĩ dạy người ấy nửa năm, mỗi ngày đều lên lớp, dạy người ấy như học trò. Lão cư sĩ dặn dò người ấy trở về Đài Loan kiếm tôi, người ấy nhắn lại: “Lão cư sĩ nói Đài Loan chẳng có Phật giáo. Phật giáo thật sự ở Đại Lục. Tại Đại Lục, người tu hành thật sự ở trong núi sâu, quý vị chẳng tìm thấy. Phật giáo Đài Loan chỉ có bề ngoài, chẳng có người thật sự tu hành”. Điều này đáng cho chúng ta cảnh giác thật sâu! Học Phật chẳng thể giả vờ được! Pháp thế gian mà giả tạo còn chẳng đáng một đồng; toan giả trá Phật pháp, tội lỗi oan nghiệt nặng nề! Tục ngữ thường nói: “Địa ngục môn tiền tăng đạo đa” (Trước cửa địa ngục, tăng đạo đông). Vì sao tăng nhân, đạo sĩ đọa địa ngục? Do họ giả vờ, chẳng tu hành thật sự. Người ấy nói: “Tuy lão cư sĩ không ra khỏi cửa, đối với mỗi đạo tràng tại Đài Loan, thậm chí hễ nhắc tới mỗi vị pháp sư, cụ đều biết”. Quý vị ngẫm xem, có thể nào là có người nói cho cụ biết hay không? Chẳng thể nào có chuyện ấy! Ai có thể đến trước mặt cụ để nói kẻ này hay, kẻ kia dở? [Chuyện gì cũng] đều hiểu rõ ràng, đều biết, đó là tâm địa thanh tịnh tự nhiên chiếu kiến. Vị đồng tu ấy quay về kể với tôi, ông ta bội phục lão cư sĩ năm vóc sát đất. Năm nay, lão cư sĩ bảy mươi chín tuổi, đã từng chịu tai nạn rất lớn, chịu đựng rất nhiều nỗi khổ. Tuổi tác cao như thế, chúng tôi vốn tưởng là có người chăm sóc cụ, chẳng có! Nấu cơm, giặt quần áo do chính mình tự làm, chẳng có ai hầu hạ. Thấy vậy, trong tâm tôi thật sự hổ thẹn. Chúng tôi tuổi trẻ mà còn phải có người hầu hạ. Cuộc sống hằng ngày của bậc đại đức như vậy hoàn toàn cậy vào chính mình, chẳng có người nào hầu hạ, rất lỗi lạc!

Chúng ta ở Đài Loan, tôi biết trong quá khứ lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam chín mươi bảy tuổi vãng sanh. Trước lúc chín mươi lăm tuổi, cuộc sống của cụ vẫn là tự mình lo liệu, cơm ăn cũng do tự mình nấu. Chỉ đến hai năm cuối cùng, do thể lực đã suy mới cho phép học trò chăm sóc, rất khó có! Nay chúng ta mới chịu khổ một tí đã chẳng muốn học Phật, lấy đâu ra thành công? Học Phật là hưởng phước ư? Vì vậy, thật sự học Phật thì phải học theo hành trạng của những bậc đại đức ấy.

 

(Diễn) Cổ vân: Chư Phật do như tịnh minh kính.

()古云:諸佛猶如淨明鏡。

(Diễn: Cổ nhân nói: – Chư Phật như gương sáng sạch).

 Ý nói tâm Phật giống như một tấm gương sáng ngời rất thanh tịnh.

 

(Diễn) Ngã tâm diệc tự ma-ni châu.

()我心亦似摩尼珠。

(Diễn: Tâm ta cũng giống như Ma-ni châu).

 “Ma-ni châu” (Cintāmaṇi) tỷ dụ cái tâm thanh tịnh. Tâm Phật thanh tịnh, tâm ta thanh tịnh, chẳng có chướng ngại. Tâm Phật thanh tịnh, nơi Phật chẳng có chướng ngại. Tâm ta chẳng thanh tịnh, ta có chướng ngại, chẳng thể cảm ứng đạo giao. Tâm ta thanh tịnh bèn cùng Phật cảm ứng đạo giao.

 

(Diễn) Chư Phật thường lai nhập ngã thân.

()諸佛常來入我身。

(Diễn: Chư Phật thường vào trong thân ta).

Tấm gương sáng này và tấm gương kia soi rọi lẫn nhau, trong tâm ta có Phật, trong tâm Phật có ta.

 

(Diễn) Ngã thân biến nhập chư Phật khu, thị dã.

()我身遍入諸佛軀,是也。

(Diễn: Thân ta nhập khắp thân chư Phật, là nói lên ý nghĩa này).

 Thân thể của Phật xác thực là như thế. Đây chính là lý do vì sao quý vị có thể thấy hết thảy chư Phật. Cái thấy ấy chẳng phải là mong thấy, chẳng phải là hy vọng được thấy, mà là tự nhiên thấy, đó là “pháp vốn là như thế đó”. Đoạn này nhằm giải thích Nhất Hạnh tam-muội.

 

(Sao) Dục nhập Nhất Hạnh tam-muội giả.

()欲入一行三昧者。

(Sao: Người muốn nhập Nhất Hạnh tam-muội).

 Nếu quý vị muốn niệm Phật đến mức  Lý  nhất  tâm  bất  loạn  (Lý nhất tâm bất loạn là Nhất Hạnh tam-muội).

 

(Sao) Ưng xử không nhàn, xả chư loạn ý.

()應處空閒,捨諸亂意。

(Sao: Hãy nên ở chỗ thanh vắng, bỏ các ý niệm loạn động).

 Hoàn cảnh tu hành rất trọng yếu, nhất định phải có một hoàn cảnh thanh tịnh. Hoàn cảnh thanh tịnh chẳng bị ai quấy nhiễu. Cổ nhân thường nói: “Ninh động thiên giang thủy, bất động đạo nhân tâm” (Thà khuấy nước ngàn sông, chẳng động tâm người tu hành). Một người đang tu hành, nếu chúng ta nhiễu loạn, phá hoại người ấy, tội lỗi là đọa địa ngục, tạo tội nghiệp địa ngục. Đối với người tu hành, quyết định chẳng nhiễu loạn họ, quyết định chẳng phá hoại hoàn cảnh tu học của họ, điều này rất trọng yếu. Vì sao? Thường là bản thân chúng ta tạo tội nghiệp địa ngục mà chính mình chẳng biết. Một người đang dụng công, chúng ta liều mạng làm khó dễ họ. Trừ phi thật sự bất đắc dĩ, hãy để cho người ấy khéo dụng công, hoặc là đối với công việc, ta bằng lòng làm nhiều hơn một chút thay cho người ấy. Đấy chính là tự mình tu đại phước báo, vì sao? Quý vị thành tựu người khác dụng công, đó là tu đại phước báo. Phá hoại thì chính mình tạo tội rất nặng, nhất định phải biết điều này. Vì thế, hại người thật ra là hại chính mình, chẳng hại ai khác. Người khác bị tổn thương ít, chính mình bị tổn hại to lớn, chẳng tương xứng! Chính mình tạo cái nhân địa ngục, còn làm sao được nữa! Một người thật sự tu đạo, thấy kẻ khác dụng công, sẽ chắp tay hoan hỷ tán thán, tu tùy hỷ công đức. Hoàn cảnh thanh tịnh là một nhân duyên trợ đạo thù thắng. “Xả chư loạn ý”: Tâm phải thanh tịnh, phải buông xuống vạn duyên, phải chuyên tâm tinh tấn.

 

(Sao) Bất thủ tướng mạo, hệ tâm nhất Phật, chuyên xưng danh tự.

()不取相貌,繫心一佛,專稱名字。

(Sao: Chẳng giữ lấy tướng mạo, chuyên tâm nơi một đức Phật, chuyên xưng danh hiệu Ngài).

 Chuyên môn niệm Phật hiệu, chẳng cần thêm quán tưởng, đấy là chánh tu. Nhưng có những kẻ nghiệp chướng tập khí rất nặng, niệm câu Phật hiệu mà tâm vẫn chẳng thể định, bèn thêm vào đôi chút quán tưởng, hoặc là tưởng hoa sen, hoặc tưởng nhục kế của Phật, hay tưởng tướng hảo của Phật. Quán tưởng như vậy, vọng niệm của người ấy ít hơn thì được. Đó là trợ tu, dùng để phụ trợ thì được. Đợi cho đến khi tâm thanh tịnh, chẳng cần quán tưởng nữa.

“Chuyên xưng danh hiệu”, đó là đúng. Dùng quán tưởng để tạm thời đối trị thì có thể sử dụng; nếu tâm địa đã thanh tịnh, chẳng cần phải kèm thêm quán tưởng.

 

(Sao) Tùy Phật phương sở, đoan thân chánh hướng.

()隨佛方所,端身正向。

(Sao: Tùy theo nơi chốn của đức Phật mà thân đoan chánh, hướng thẳng về đó).

Kinh đã giảng rất rõ ràng: A Di Đà Phật ở phương Tây của thế giới này. Vì thế, người niệm Phật chúng ta, bất luận ngồi hay đứng, đều hướng về phương Tây, như vậy thì cảm ứng sẽ nhanh chóng. Nói chung, khiến cho quý vị niệm niệm chẳng quên Tây Phương. “Tùy Phật phương sở”: Niệm Dược Sư Như Lai liền xoay mặt về phương Đông, ngồi hay đứng đều hướng về phương Đông thì mới đạt được cảm ứng. Niệm A Di Đà Phật liền ngoảnh mặt về phương Tây.

 

(Sao) Năng ư nhất Phật niệm niệm tương tục.

()能於一佛念念相續。

(Sao: Có thể đối với một đức Phật niệm niệm liên tục).

“Niệm niệm liên tục” là chẳng gián đoạn, “bất thủ tướng mạo” (chẳng giữ lấy tướng mạo) là không xen tạp. Thật sự có thể chẳng xen tạp, không gián đoạn, há lẽ nào chẳng thành công?

 

(Sao) Tức thị niệm trung, năng kiến quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật.

()即是念中,能見過去未來現在諸佛。

(Sao: Ở ngay trong niệm ấy, có thể thấy quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật).

Sách Diễn Nghĩa đã giảng điều này.

 

(Sao) Niệm nhất Phật công đức, dữ niệm vô lượng Phật công đức vô nhị.

()念一佛功德,與念無量佛功德無二。

(Sao: Công đức niệm một đức Phật và công đức niệm vô lượng chư Phật chẳng hai).

Biết sự thật này, nỗi nghi hoặc của chúng ta sẽ đoạn trừ. Tết đến, Phật đường vẫn phải lạy ba ngàn vị Phật[21], các vị thích lạy cứ lạy! Tôi cũng chẳng nói câu nào! Đã thật sự hiểu rõ, ba ngày ấy chuyên lễ A Di Đà Phật. Đây là một đạo tràng chuyên tu Tịnh Tông, mỗi ngày lễ sáu trăm lạy, lễ cả sáu trăm lạy đều là lạy A Di Đà Phật. Tôi nghe nói pháp hội Thanh Minh năm nay, quý vị niệm kinh Vô Lượng Thọ, đó là đúng. Mọi người đã kiến lập nhận thức chung, có thể đề xướng. Vẫn phải niệm kinh Địa Tạng, vẫn phải lạy Lương Hoàng Sám, hoặc Thủy Sám, tức là mọi người chưa nhận thức rõ ràng. Giảng kinh ấy đã lâu như thế, mọi người hiểu rõ, giác ngộ, pháp hội này chúng ta niệm kinh Vô Lượng Thọ. Hy vọng thật sự giác ngộ, minh bạch, đến Tết năm tới, chẳng phải là lạy một ngàn vị Phật hay một vạn vị Phật, mà là lạy A Di Đà Phật, mỗi ngày lễ sáu trăm lạy. Lạy năm ngày bèn lễ được ba ngàn lạy.

Thật ra, sáu trăm lạy chẳng nhiều. Thuở tôi vừa mới học Phật ở Bộ Lý, mỗi ngày tôi lễ tám trăm lạy. Tôi còn rất nhiều việc phải làm, sống trong núi Bộ Lý, tám giờ tối đi ngủ, hai giờ rưỡi sáng thức dậy, ba giờ sáng là khóa sáng. Khóa sáng tôi lễ Phật ba trăm lạy. Sau khi lạy xong, bèn nấu cơm sáng. Tôi ở trên núi với pháp sư Sám Vân[22], công việc trong bếp do mình tôi làm. Ăn cơm sáng xong, dọn dẹp chung quanh xong xuôi bèn tụng kinh. Giữa trưa, sau khi ăn trưa xong, bèn lạy hai trăm lạy, sau buổi cơm chiều bèn lạy ba trăm lạy, một ngày lễ tám trăm lạy. Người chẳng đi làm thông thường mỗi ngày lễ ba ngàn lạy, đó là chuyên tu lễ Phật. Lễ Phật cũng là một pháp môn tu hành. Vì thế, học Phật đừng sợ vất vả, sợ vất vả là sai lầm. Do vậy, công đức niệm một vị Phật và công đức niệm vô lượng chư Phật chẳng hai, chẳng khác.

 

(Sao) A Nan sở văn Phật pháp, do trụ lượng số.

()阿難所聞佛法,猶住量數。

(Sao: Phật pháp do ngài A Nan đã được nghe vẫn còn hạn cuộc trong số lượng).

Tôn giả A Nan làm thị giả của Thích Ca Mâu Ni Phật, một mực hầu hạ cho đến khi Thích Ca Mâu Ni Phật nhập diệt. Có thể nói Phật pháp do Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng trong suốt một đời, tôn giả thảy đều nghe, nhưng vẫn là có số lượng.

 

(Sao) Nhược đắc Nhất Hạnh tam-muội, chư kinh pháp môn, nhất nhất phân biệt, giai tất liễu tri, trú dạ tuyên thuyết, trí huệ biện tài, chung bất đoạn tuyệt.

()若得一行三昧,諸經法門,一一分別,皆悉了知,晝夜宣說,智慧辯才。終不斷絕。

(Sao: Nếu đắc Nhất Hạnh tam-muội, pháp môn trong các kinh mỗi mỗi đều phân biệt, thảy đều biết trọn vẹn, ngày đêm tuyên nói, trí huệ, biện tài trọn chẳng ngưng dứt).

Nếu quý vị thật sự đắc Niệm Phật tam-muội, sẽ khác hẳn, tâm khai ý giải, trong Giáo Hạ gọi là “đại khai viên giải”, hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều thông đạt, đều hiểu rõ.

 

(Sao) A Nan đa văn biện tài, bách thiên đẳng phần, bất cập kỳ nhất.

()阿難多聞辯才,百千等分不及其一。

(Sao: Sự đa văn và biện tài của ngài A Nan chẳng sánh bằng một phần trăm, một phần ngàn v.v…).

 Chẳng thể so sánh! Quý vị mới biết công đức thâm nhập chuyên tu một môn là bậc nhất. Thật vậy đó!

 

(Sao) Long Thọ.

()龍樹。

(Sao: Ngài Long Thọ).

 Tức Long Thọ Bồ Tát.

 

(Sao) Tỳ Bà Sa Luận vân: “Phật pháp hữu vô lượng môn, như thế gian đạo, hữu nan, hữu dị, dị hành tật chí”.

()毗婆沙論云:佛法有無量門,如世間道,有難有易,易行疾至。

(Sao: [Đã viết] trong Tỳ Bà Sa Luận như sau: “Phật pháp có vô lượng môn, giống như đường nẻo trong thế gian, có dễ, có khó, [có con đường đi] dễ dàng mà tới nơi nhanh chóng”).

Pháp môn Niệm Phật là “dị hành đạo” (đạo dễ hành), có thể thành tựu rất nhanh.

 

(Sao) Ưng đương niệm Phật, xưng kỳ danh hiệu, A Di Đà Phật bổn nguyện như thị.

()應當念佛,稱其名號,阿彌陀佛本願如是。

(Sao: Hãy nên niệm Phật, xưng danh hiệu Ngài, bổn nguyện của A Di Đà Phật là như vậy đó).

Từ ba kinh, chúng ta thấy bổn nguyện của Phật Di Đà, đặc biệt là phần bốn mươi tám nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ, có thể y giáo phụng hành, đấy chính là thiện căn và phước đức thật sự chín muồi. Hôm nay chúng tôi giảng tới chỗ này.