A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa – Quyển 8 – Tập 249-252

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

QUYỂN 8 – Tập 225-232

Liên Trì đại sư chùa Vân Thê soạn sớ sao
Pháp sư Cổ Đức diễn nghĩa
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Minh Tiến – Huệ Trang – Đức Phong

— o0o —

Tập 249

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm tám mươi chín. Đoạn này bàn luận xứng tánh, đương nhiên là kinh nghĩa sâu hơn đôi chút, có thể hiểu thì càng tốt, chẳng hiểu cũng không sao! Điều khẩn yếu là phải thật thà niệm Phật, đấy mới là điều quan trọng nhất.

 

(Sao) Vọng tâm vị tận, u u miên miên, thị vi mạng căn vị đoạn, Hoặc đoạn, chấp Không, tình tiêu, kiến tạ, nhân vong, gia phá, yên diệt, hôi phi, mạng chung chi vị dã. Chư vọng tận trừ, bất trực chân hà đãi? Cầu Phật bất hiện tiền, bất khả đắc dã.

()妄心未盡,幽幽綿綿,是為命根未斷,惑斷執空,情消見謝,人亡家破,煙滅灰飛,命終之謂也。諸妄盡除,不直真何待,求佛不現前,不可得也。

(Sao: Vọng tâm chưa hết, mờ mờ mịt mịt, đó là “mạng căn chưa đoạn”. Hoặc đã đoạn, nhưng chấp trước nơi Không, tình chấp tiêu trừ, kiến chấp rơi rụng, người chết, nhà tan, khói tắt, tro bay, chính là ý nghĩa “mạng chung”. Trừ sạch các vọng, há còn chẳng phải là chân ư? [Khi ấy], cầu Phật chẳng hiện tiền, trọn chẳng thể được).

Trong hai chữ “vọng tâm” còn có [mức độ] cạn hay sâu sai khác rất lớn. Trong lục đạo, đối với những vọng tâm thô hay tế, phàm phu thảy đều trọn đủ. Đức Phật dạy có hai loại sanh tử:

– Một loại rất thô, được gọi là Phần Đoạn sanh tử.

– Loại kia vi tế hơn, gọi là Biến Dịch sanh tử.

Đối với Phần Đoạn sanh tử, chỉ cần đoạn cái vọng tâm Kiến Tư (chúng ta thường nói là Kiến Tư phiền não, hoặc nói là Kiến Tư Hoặc), Phần Đoạn sanh tử sẽ chẳng còn nữa, nhưng Biến Dịch sanh tử hãy còn. Biến Dịch (變易: biến đổi) là như chúng ta mỗi năm tuổi một cao hơn, mỗi năm sẽ từ trẻ trung biến thành già nua hơn, đó là Biến Dịch. Biến (變) là biến hóa, Dịch (易) là thay đổi, chẳng giống như trước. Sự biến dịch ấy tuyệt đối chẳng phải là mỗi năm một thay đổi; nói thật ra, nó biến đổi trong từng sát-na. Nay chúng ta hai thứ sanh tử ấy đều có. Đoạn hết vọng tâm thô thì gọi là Tận. Phần Đoạn sanh tử trong tam giới lục đạo là từng giai đoạn [sanh tử] một; đối với mỗi giai đoạn, [hãy xét như sau để hiểu]: Giống như cả một đời này của chúng ta là một đoạn lớn. Nếu chia nhỏ hơn và cũng chia rất vi tế, mỗi ngày là một giai đoạn, mỗi giờ cũng là một giai đoạn. Vì thế, phân biệt thành thô hay tế sẽ là rất nhiều, [mỗi giai đoạn ấy đều là Phần Đoạn sanh tử]. Sau khi đã giải quyết xong Phần Đoạn sanh tử trong tam giới, người ấy vẫn có Biến Dịch sanh tử. Từ Tiểu Thừa A La Hán cho đến Đẳng Giác Bồ Tát đều có Biến Dịch sanh tử[85]. Đại Thừa Viên Giáo Bồ Tát có năm mươi mốt địa vị, cứ mỗi địa vị biến hóa bèn gọi là một lần biến dịch. Biến Dịch, nói thật ra là “chẳng có sanh tử”. “Sanh tử” là hình dung từ, [chứ chẳng phải là sanh tử thật sự], [dùng chữ] “sanh tử” [nhằm hình dung] nỗi khổ sở [trong mỗi lần biến dịch]! Mỗi lần thay đổi là một lần khổ nạn, giống như chúng ta học hành trong nhà trường, học từ lớp Một rất vất vả, sau đấy phải trải qua thi cử, sang năm lên lớp Hai. Từ lớp Một biến thành lớp Hai được gọi là Biến Dịch sanh tử. Lớp Một đã “chết”, lớp Hai “sanh” ra, có ý nghĩa này. Quả vị của Bồ Tát cũng giống như thế, từ địa vị Thập Tín Bồ Tát biến thành Thập Trụ, từ Thập Trụ biến thành Thập Hạnh, từ Thập Hạnh biến thành Thập Hồi Hướng, lại biến thành Thập Địa, đó gọi là Biến Dịch. Sự biến dịch này xác thực chẳng phải là thân thể này có sanh tử, mà là trải qua một phen nỗ lực, nỗ lực cũng rất vất vả để tiến lên một tầng cấp cao hơn, có ý nghĩa này. Những điều này đều gọi là “vọng tâm vị tận” (vọng tâm chưa hết sạch). Do vậy có thể biết: Nếu vọng thật sự đã hết, sẽ là hạng người nào? Là Phật. Phật chẳng có Biến Dịch, đương nhiên là đã chẳng có Phần Đoạn từ lâu. Đó mới là “liễu sanh tử”, thật sự thoát ly, vĩnh viễn thoát khỏi sanh tử. Hai thứ sanh tử thảy đều giải quyết xong xuôi! “Vọng tâm vị tận” (Vọng tâm chưa hết) có phạm vi bao hàm rất lớn, hai loại sanh tử đều được bao hàm trong đó.

“U u miên miên, thị vi mạng căn vị đoạn” (Mờ mờ mịt mịt, đó là mạng căn chưa đoạn), hai câu này là cách nói hình dung, cũng là nói phàm phu không ngừng sanh tử trong lục đạo! Sau khi đã chết, theo như kinh Địa Tạng đã dạy, đa số là trong vòng bốn mươi chín ngày, lại đầu thai thọ sanh, luân hồi trong lục đạo. “Mạng căn chưa đoạn” là nói tới tình hình trong tam giới lục đạo, tuyệt đối chẳng phải là nói tới thân thể này. Mạng căn chẳng phải là thân thể, nó chẳng đoạn, nó phải luân hồi trong lục đạo, xả thân, thọ thân từ vô lượng kiếp tới nay vẫn chẳng xong! Trong kinh, đức Phật thường cảm thán: “Sanh tử bì lao” (Sanh tử nhọc nhằn). Xác thực là hiện tượng này, bản thân chúng ta chịu đựng nỗi khổ này, chính mình chẳng giác ngộ, chính mình chẳng hiểu biết! Đó là tướng trạng “mạng căn chưa đoạn”. Ở đây nói: Nếu mạng căn đã đoạn, sẽ bất sanh bất diệt, [tức là] đã giải quyết xong sanh tử thì mạng căn mới được gọi là đoạn. Do vậy, “mạng căn” (命根) chẳng phải là nói tới thọ mạng, chẳng phải là nói tới điều ấy!

“Hoặc đoạn, chấp Không” (Đã đoạn Hoặc, chấp trước Không), Hoặc (惑) là nói tới Kiến Tư phiền não. Hàng Tiểu Thừa đã đoạn Kiến Tư phiền não, chẳng còn sanh tử trong tam giới lục đạo, [tức là] chẳng còn Phần Đoạn sanh tử, nhưng họ chấp trước cái Không. Chấp trước nơi Không thì người Tiểu Thừa gọi là Thiên Chân Niết Bàn. Đó là “chấp Không”. Trong kinh luận Đại Thừa, đức Phật thường quở trách họ là “tiêu nha bại chủng” (mầm hư, hạt lép). Phàm phu chấp trước Hữu, người Tiểu Thừa chấp trước Không, đều là chấp trước hai bên. Đương nhiên là Tiểu Thừa cao minh hơn phàm phu chúng ta nhiều! Phàm phu chấp Hữu, nên có nỗi khổ luân hồi trong lục đạo; Tiểu Thừa chấp Không, nên có nỗi khổ “chẳng thể kiến tánh”. Họ chẳng có nỗi khổ luân hồi trong lục đạo, nhưng do chẳng thể kiến tánh, vô lượng trí huệ và vô lượng đức năng trong bản tánh chẳng thể hiện tiền, chẳng thể hưởng thụ, đó là nỗi khổ của người Tiểu Thừa. Nỗi khổ của người Tiểu Thừa chẳng giống bọn phàm phu. “Tình tiêu kiến tạ”: “Tình” (情) là phiền não, [“tình tiêu”] là đã đoạn Kiến Tư phiền não, “kiến” là Kiến Hoặc, cũng chẳng có. Tình và Kiến đều thuộc loại vọng tưởng, chấp trước, hai thứ ấy đều chẳng có. “Nhân vong, gia phá, yên diệt, hôi phi” (Người mất, nhà tan, khói tắt, tro bay), đây là nói theo thời cổ. Người xuất gia học Phật tại Ấn Độ, sau khi mạng chung đều được hỏa táng. Khi hỏa táng, khói đã tắt, [tức là] đã hỏa thiêu xong, tro cũng được rải rắc, tỷ dụ sự mạng chung.

Người ấy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng thảy đều chẳng có, giống như khói tắt, tro bay, chẳng có, đều đoạn sạch. “Chư vọng tận trừ, bất chân hà đãi” (Các vọng đã trừ sạch, há còn gì chẳng phải là chân), chân tâm hiển lộ. Cảnh giới này, mức độ thấp nhất sẽ là Sự nhất tâm bất loạn. Nếu nói nghiêm ngặt, sẽ thuộc về Lý nhất tâm bất loạn. Vì sao? Xứng Lý, xứng tánh. Tánh Đức chẳng hiển lộ, làm sao có thể gọi là xứng tánh? Do vậy, đây là cảnh giới Lý nhất tâm bất loạn, cao hơn A La Hán quá nhiều, chân tâm hiển lộ. “Cầu Phật bất hiện tiền, bất khả đắc dã” (Cầu Phật chẳng hiện tiền, trọn chẳng thể được). Nếu chúng ta hỏi vì sao ư? Nhà Thiền nói hay lắm: “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, chính là cảnh giới này, kiến tánh thành Phật. Thành Phật đương nhiên là thấy Phật, thấy Phật nhất định thành Phật. Khi ấy, sẽ thấy hết thảy chúng sanh trong đại địa cùng thành Phật đạo, kinh Hoa Nghiêm nói như vậy. Khi nào cảnh giới này hiện tiền? Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo bèn thấy, tức là kiến tánh. Vì thế, những điều đang nói ở đây chính là cảnh giới của bậc Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo.

 

(Sao) Nhiên nhi Phật từ vô hạn, khởi tất lâm chung.

()然而佛慈無限,豈必臨終。

(Sao: Nhưng lòng Từ của Phật là vô hạn, há cứ phải là khi lâm chung [mới thấy Phật]).

Câu này nói hết sức hay, chư Phật Như Lai đại từ đại bi, xác thực là có năng lực giúp chúng ta chứng thực cảnh giới ấy tồn tại, chứng thực cảnh giới ấy là chân thật. “Hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật”: “Hiện tiền thấy” bao gồm thấy trong Định, hoặc thấy trong mộng, hoặc lâm chung Phật đến tiếp dẫn. “Thấy trong tương lai” là khi đã sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, hoặc là sau khi đã lìa khỏi lục đạo luân hồi bèn trông thấy. Đức Phật từ bi vô hạn, không nhất định là khi lâm chung thấy Phật. Trong khi chúng ta tu học bình thường, nếu duyên đã chín muồi thì cũng có thể thấy Phật. Dưới đây là nêu một thí dụ:

 

(Sao) Thị cố, thời thời thị thời nhân, thời nhân tự bất thức.

()是故時時示時人,時人自不識。

(Sao: Vì thế, “luôn luôn hiện trước người đời, người đời nào có biết hay chút gì”).

“Thời thời” (時時) là thời thời khắc khắc, nơi nơi chốn chốn cũng không chừng Phật luôn ở trước mặt chúng ta, nhưng chúng ta chẳng nhận biết. Ở ngay trước mặt mà bỏ lỡ, tình hình ấy xác thực là rất nhiều. Hai câu này do Bố Đại hòa thượng nói. Trong lịch sử, Bố Đại hòa thượng được ghi chép rất chi tiết, nhưng chẳng ai biết tên họ của Ngài, cũng chẳng biết Ngài quê quán nơi đâu. Điểm đặc trưng của Ngài là thân thể mập mạp, mặt luôn tươi cười, mỗi ngày quảy một cái túi vải to đi khắp nơi hóa duyên. Người ta cho thứ gì, Ngài bỏ ngay vào túi, bước đi, là một người xuất gia như thế. Ngài xuất hiện vào triều đại Nam Tống đời vua Cao Tông[86], cùng thời đại với Nhạc Phi, xuất hiện tại vùng Phụng Hóa, tỉnh Chiết Giang. Theo ghi chép trong gia phả của lão tổng thống (Tưởng Giới Thạch), vào triều đại Nam Tống, họ (tổ tiên của Tưởng Giới Thạch) từng thỉnh Bố Đại hòa thượng về nhà cúng dường hai tháng. Khi Bố Đại hòa thượng sắp tịch, đương nhiên là Ngài biết trước lúc mất, ngồi mất, nói một bài kệ rồi mới mất. Bài kệ ấy là: “Di Lặc, chân Di Lặc. Hóa thân thiên bách ức, thời thời thị thời nhân, thời nhân tự bất thức” (Di Lặc, thật Di Lặc. Hóa thân trăm ngàn ức. Luôn hiện trước người đời, người đời nào hay biết). Tức là bảo cho mọi người biết: Ngài thật sự là Di Lặc Bồ Tát. Nói xong bài kệ ấy, Ngài tọa hóa. Về sau, người Hoa tạo tượng Di Lặc Bồ Tát, đều tạc tượng Bố Đại hòa thượng. Một vị khác là Phó Đại Sĩ đời Đường, mang thân phận cư sĩ, cũng là hóa thân của Di Lặc Bồ Tát. Vì thế, Phật, Bồ Tát hóa thân trong thế gian này, thường ở cùng một chỗ với chúng ta, nhưng chúng ta chẳng nhận biết. Điều này nói rõ: Chư Phật, Bồ Tát luôn luôn thị hiện, cũng là nêu rõ một thí dụ về thấy Phật trong hiện tiền và tương lai.

 

(Kinh) Thị nhân chung thời, tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sanh A Di Đà Phật Cực Lạc quốc độ.

()是人終時。心不顛倒。即得往生阿彌陀佛極樂國土。

(Kinh: Người ấy lúc mất, tâm chẳng điên đảo, bèn được sanh về cõi nước Cực Lạc của A Di Đà Phật).

Chúng ta không chỉ phải thuộc kinh văn, mà còn phải chú tâm thấu hiểu. Trong đoạn kinh văn trước đó, có nói: Người niệm Phật khi lâm chung, Phật, Bồ Tát đến tiếp dẫn, tức là nói Phật lực chẳng thể nghĩ bàn; đoạn này nói về tự lực. Nếu chẳng có tự lực, Phật lực cũng chẳng gia trì được, pháp môn này được gọi là pháp môn Nhị Lực. Chính mình ắt cần phải có nhất tâm bất loạn như đã nói trong phần trước, đó là khi bình thường; ở đây nói tới “tâm chẳng điên đảo” [là nói về] lúc lâm chung. Đọc kỹ các phần kinh văn trước và sau, quý vị sẽ hiểu rõ: Điều kiện quan trọng nhất trong khi lâm chung là “tâm chẳng điên đảo”. Dẫu lúc bình thời chưa thể “nhất tâm bất loạn”, chẳng sao cả, hễ lâm chung tâm chẳng điên đảo, nhất định được vãng sanh. Chúng ta xem phần Hạ Bối Vãng Sanh trong Quán Kinh, tức là phần quán ba phẩm Hạ trong mười sáu phép Quán, gồm hạ thượng phẩm, hạ trung phẩm, hạ hạ phẩm, [sẽ thấy những người vãng sanh trong ba phẩm Hạ] đều là chúng sanh làm ác.

Quán Kinh nói chín phẩm rất cặn kẽ. Ba phẩm thượng là phàm phu đại tâm, [tức là những người] phát tâm Đại Thừa. Ba phẩm trung là phàm phu trì giới, tu thiện. Có thể thấy: Trong Phật pháp, đại tâm là bậc nhất. “Đại tâm” là phát Bồ Đề tâm, trì giới tu thiện là bậc trung. Ba phẩm hạ là chúng sanh tạo tội nghiệp. Hạ thượng phẩm tạo tội nghiệp nhẹ một chút, hạ hạ phẩm tạo tội nghiệp cực nặng. Tạo tội nghiệp cực nặng, suốt một đời chưa hề nghe Phật pháp, lâm chung gặp gỡ thiện tri thức, khuyên người ấy niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ. Nếu thần trí người ấy chẳng sáng suốt, sẽ chẳng có cách nào, khuyên người ấy, người ấy chẳng thể tiếp nhận, nghe mà chẳng hiểu! Nếu thần trí tỉnh táo, tâm chẳng điên đảo, sáng suốt, phân minh, người ấy sẽ tiếp nhận lời khuyên bảo; khi ấy bèn nhất tâm niệm Phật, cầu nguyện vãng sanh, Phật cũng đến tiếp dẫn, người ấy cũng có thể vãng sanh. Do vậy có thể biết: Lâm chung tâm chẳng điên đảo chính là nhân tố quyết định vãng sanh. Vì sao chúng ta cần phải cầu nhất tâm trong lúc bình thường? Hễ lúc thường ngày đã đắc nhất tâm, khi lâm chung, tâm không điên đảo sẽ nắm rất chắc, đó là điều nhất định. Trong thường nhật mà chẳng thể đắc nhất tâm, sẽ chẳng chắc chắn khi lâm chung tâm chẳng điên đảo! Chúng ta ắt cần phải biết điều này. Nếu chúng ta mong trong tương lai, khi lâm chung, tâm thật sự chẳng điên đảo, Phật đến tiếp dẫn, tự tại vãng sanh, hiện thời chúng ta phải thực hiện công tác thứ nhất là tự mình tu nhất tâm bất loạn. Đó là đối với chính mình. Nhất tâm bất loạn là Định Huệ. Trong cuộc sống hằng ngày, nếu chúng ta còn có sức, bèn tu phước tích đức, như vậy là phước huệ song tu! Phù hợp với “nhiều thiện căn, nhiều phước đức” như kinh đã dạy. Đối với nhân duyên, chúng ta đã gặp gỡ, không cần phải bận lòng về nhân duyên. Nói thật ra, nhân duyên rất thù thắng, ba điều kiện ấy trọn đủ, nhất định vãng sanh! Chúng ta hãy xem phần chú giải:

 

(Sớ) Thượng ngôn lâm giả, thị tương dục mạng chung.

()上言臨者,是將欲命終。

(Sớ: Chữ “lâm” nói [trong phần chánh kinh] trên đây chính là khi mạng sắp hết).

Trong phần trên, [kinh văn đã nói tới tình hình] khi Phật đến tiếp dẫn. Quý vị xem xét những lời lẽ ấy ở đây, chúng ta càng hiểu rõ ràng, minh bạch hơn, Phật đến tiếp dẫn là hiện tiền. Vì sao? Người ấy chưa chết, hãy còn sống, “tương dục mạng chung” (mạng sắp chấm dứt), [nghĩa là] còn chưa chết, bèn thấy Phật đến tiếp dẫn.

 

(Sớ) Kim ngôn “chung thời”, chánh noãn tận, thức khứ.

()今言終時,正煖盡識去。

(Sớ: Nay nói là “chung thời” tức là khi hơi ấm đã hết, thần thức đã rời đi).

 Ở đây nói là “chung thời” (終時), tương ứng với chúng ta nói “khi tắt hơi”. Thần thức của người ấy rời khỏi thân thể, tâm chẳng điên đảo, hiểu biết rành mạch, phân minh.

 

(Sớ) Tâm bất điên đảo giả, dĩ nhất tâm bất loạn, cố bất điên đảo. Dĩ bất điên đảo, cố bất sanh tha xứ.

()心不顛倒者,以一心不亂,故不顛倒。以不顛倒,故不生他處。

(Sớ: “Tâm chẳng điên đảo”: Do nhất tâm bất loạn, nên chẳng điên đảo. Do chẳng điên đảo, nên chẳng sanh vào nơi khác).

Người ấy niệm Phật suốt đời, niệm nào cũng hướng đến Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nay đã thấy Phật, mục đích hướng tới trong cả một đời đã đạt được, quý vị nói xem: Khi ấy có hoan hỷ lắm không? May mắn lắm thay! Đã đạt được mục đích, theo Phật ra đi, nói tới khi ấy. Vì thế, sợ nhất là khi lâm chung thần trí chẳng sáng suốt, đó là điều đáng sợ nhất. Bất luận tu học pháp môn nào, nếu lúc lâm chung thần trí chẳng sáng suốt, mê hoặc, điên đảo, chúng tôi thấy tình hình ấy rất nhiều, có thể nói là khá nhiều người gặp phải tình hình ấy. Chẳng cần nói tới lúc lâm chung, khi bệnh nặng, thậm chí người nhà, quyến thuộc, kẻ ấy đều chẳng nhận biết. Trong quá khứ, chúng tôi đã gặp một vị lão cư sĩ, cụ bị bệnh mất trí lúc tuổi già, đã bị bệnh bảy, tám năm. Vào hai năm cuối, chỉ nhận biết người trong nhà, chẳng biết đến người khác. Nửa năm trước khi lâm chung, chẳng nhận ra một ai. Chắc chắn là hạng người ấy lưu chuyển theo nghiệp, chính mình chẳng thể làm chủ. Đó là sự thật. Chúng ta trông thấy tình hình ấy rất nhiều, đấy chính là điều cảnh cáo thật sự: Trong tương lai, có thể nào chúng ta sẽ giống như họ hay chăng?

Nếu chúng ta hy vọng khi mất sẽ tỉnh táo, sáng suốt, hãy nên nghiêm túc nỗ lực tu học ngay từ hiện thời. Phật, Bồ Tát là những người đã tu thành, lục đạo cũng do con người biến hiện, vấn đề là tùy thuộc chúng ta ra đi như thế nào. Mười pháp giới là mười con đường, chúng ta đi như thế nào? Muốn đi đến nơi đâu? Như thế nào thì mới có thể khiến cho chúng ta thật sự đạt tới mục tiêu ấy? Suốt một đời này, coi như là chúng ta có thành tích rất tốt đẹp, hãy lắng lòng quan sát kỹ càng, những người thành tựu từ xưa đến nay đã thành tựu như thế nào? Những người tu hành thất bại thì đã thất bại như thế nào? Từ đó, hấp thu những giáo huấn, hấp thu các kinh nghiệm, đó là trí huệ. Phàm hễ thành công, đều là do hai chữ “chuyên ròng” mà đắc lực. Phàm là kẻ thất bại, nói thật ra, cũng do hai chữ “tán loạn” đã thâu gồm trọn hết. Tán loạn đáng sợ thay! Vì thế, sau khi Phật pháp được truyền đến Trung Hoa, các vị tổ sư đại đức các tông Trung Hoa, người đời sau gọi họ là “tổ sư”, những vị ấy nói thật ra đều là bậc hữu tu, hữu chứng, trọn đủ trí huệ chân thật, đều đề xướng “chuyên ròng”. Mỗi một tông phái là do các Ngài đã từ kinh điển Đại Thừa lấy ra một phần có tánh chất giống nhau để kiến lập một phương hướng tu hành nhằm hướng tới một mục tiêu tu hành. Vì thế, phân tông chia phái, đó là “chuyên ròng”. Căn tánh nhạy bén gần như là [bất luận chuyên ròng hay tán loạn] đều có thể thành tựu, chứ căn tánh chậm lụt mà lại còn tán loạn, ít có kẻ thành tựu! Cổ đại đức thường nói, pháp môn Tịnh Tông là “thích hợp khắp ba căn, gồm thâu lợi căn lẫn độn căn” (tam căn phổ bị, lợi độn toàn thâu) chỉ rõ [để hành] Thiền phải là bậc thượng thượng căn. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ Huệ Năng đại sư đã dặn dò rất minh bạch: Ngài tiếp dẫn bậc thượng thượng căn. Cao hơn Đại Thừa thì mới có tư cách để thành tựu trong pháp môn của Ngài. Thông thường, Giáo Hạ tiếp dẫn kẻ trung thượng căn. Kẻ trung căn học Giáo phát phẫn, nỗ lực vất vả học tập bèn có thể thành tựu; người thượng căn chính là bậc lợi căn học Giáo, đương nhiên chẳng cần phải nói nữa. “Đại khai viên giải” tương đương “minh tâm kiến tánh” của Thiền Tông. Từ [hành trạng của] lịch đại cao tăng, chúng ta cũng thấy không ít. Còn như kẻ hạ căn, hoặc kẻ độn căn tu học các pháp môn khác thì thành tựu ít ỏi, rất ít thấy; nhưng người thuộc loại căn tánh này hễ niệm Phật, thành tựu thường là phi phàm, có thành tựu đặc biệt thù thắng.

Trong Niệm Phật Luận, pháp sư Đàm Hư đã nêu ra tấm gương của thầy Tu Vô, mọi người đều thấy. Chuyện này xảy ra tại chùa Cực Lạc ở Cáp Nhĩ Tân[87]. Sư Tu Vô xuất thân là thợ nề, chẳng biết chữ. Nếu quý vị hỏi Sư kinh giáo, Sư chẳng biết chút gì, chỉ biết niệm Phật, tức là niệm một câu “nam-mô A Di Đà Phật”. Quý vị thấy Sư vãng sanh tự tại lắm! Biết trước lúc mất, chẳng ngã bệnh. Khi ấy, chùa Cực Lạc [tổ chức lễ] truyền giới, Giới Hòa Thượng là lão pháp sư Đế Nhàn. Lão pháp sư Đế Nhàn thấy chuyện ấy bội phục cực điểm, công nhận đấy mới là tấm gương tốt nhất cho người xuất gia tu hành. Sư thành tựu nhờ vào đâu? Chuyên ròng. “Chuyên” là chuyên nhất, “ròng” là tinh thuần, trọn chẳng xen tạp, Sư bèn thành công. Cụ Đàm Hư còn kể: Thuở trước, pháp sư Đế Nhàn còn có một đồ đệ làm thợ vá nồi. Người ấy căn khí càng kém cỏi hơn, cũng là niệm một câu A Di Đà Phật suốt ba năm, người ta đứng vãng sanh, là một tấm gương tốt nhất cho chúng ta. Do vậy, kinh giáo chẳng thông không sao cả, chẳng phải là điều sỉ nhục! Chẳng thể vãng sanh mới là nỗi sỉ nhục thật sự. Ngàn muôn phần đừng nên làm cho đẹp mặt bề ngoài, chúng ta bị những hình tượng hư giả ấy lừa gạt chính mình. Chúng ta biết chính mình thuộc căn tánh như thế nào, biết căn tánh chẳng nhạy bén, bèn tu pháp môn này. Pháp môn này thường bị nói là pháp môn hạ hạ, nhưng nó có thành tựu thượng thượng; vì thế nói là chẳng thể nghĩ bàn, là pháp khó tin, đúng là thành tựu thượng thượng. [Đã là] thành tựu thượng thượng thì thượng thượng quả đương nhiên là có thượng thượng nhân. Vì thế, pháp môn Niệm Phật là pháp môn bậc nhất để mười phương ba đời hết thảy chư Phật, Bồ Tát độ chúng sanh thành Phật đạo. Những kẻ vô tri thấy pháp môn này là pháp môn hạ hạ, dùng để độ những bà cụ già chẳng hiểu biết gì cả. Đó là [pháp môn này đã] bị họ hiểu lầm. Nếu quý vị nói đây là pháp để độ những bà cụ già chẳng hiểu biết gì, [vậy thì] trong hội Hoa Nghiêm, Văn Thù và Phổ Hiền cũng là những bà lão chẳng hiểu biết gì hết hay sao? Các Ngài cũng phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, cũng là mỗi vị đều thực hiện viên mãn [chí nguyện thành Phật độ sanh].

Do đó, trong Tứ Thiếp Sớ, đúng là Thiện Đạo đại sư đã rát miệng buốt lòng khuyên dạy chúng ta phải tin Phật, tin lời A Di Đà Phật đã nói, tin Thích Ca Mâu Ni Phật đã vì chúng ta giới thiệu [pháp môn này], tin mười phương hết thảy chư Phật Như Lai đã vì chúng ta mà đề cao. Nếu thật sự tin sâu đậm, nguyện thiết tha, chẳng cần nói đến đại lợi ích được vãng sanh trong tương lai, ngay trong hiện tại đã đạt được lợi ích! Đạt được lợi ích gì? Tâm trong sạch, ít ham muốn, sống cuộc đời hạnh phúc mỹ mãn tự tại, thật đấy, chẳng giả đâu nhé! Người chẳng học Phật mỗi năm một già suy hơn, người niệm Phật mỗi năm một trẻ trung hơn. Vì sao? Do tâm địa thanh tịnh. Tâm địa thanh tịnh bèn chuyên ròng một môn. Tâm địa quý vị thanh tịnh, sẽ chẳng thể xen tạp, chẳng thể tạp loạn. Trong một đời này, chúng ta chẳng có nhiều thời gian cho mấy, dẫu quý vị sống tới trăm tuổi, tính ra cũng chẳng quá ba vạn sáu ngàn ngày. Cuốn nhật lịch ấy có ba vạn sáu ngàn tờ, đảo qua đảo lại bèn chẳng còn nữa! Hai năm nữa, tôi bảy mươi tuổi, ba vạn sáu ngàn ngày đã trôi qua quá nửa. Chúng ta mới biết pháp môn này thù thắng, mới biết pháp môn này tốt đẹp! Căn tánh của tôi hết sức thích hợp pháp môn này, tu rất sung sướng, rất được thọ dụng. Có người hỏi tôi: “Khai ngộ là gì? Chứng quả là gì?” Tôi giải đáp rất đơn giản, họ nghe xong cũng thấy rất dễ hiểu. Đã thật sự hiểu rõ chân tướng sự thật thì gọi là khai ngộ. Chúng ta nương theo phương pháp ấy để tu hành, thật sự đạt được lợi ích, đó là chứng quả. Quả trong Phật pháp là lìa khổ được vui. Ta thật sự lìa khổ được vui. “Phá mê khai ngộ” là khai ngộ, “lìa khổ được vui” là chứng quả. Hoa báo trước mắt thù thắng, quả báo vãng sanh trong tương lai tất nhiên là thù thắng, đó là đạo lý nhất định! Do vậy, mọi người phải ghi nhớ: Chuyên ròng, quyết định chẳng tạp!

Hôm nay có đồng tu đến tìm tôi, bảo là bị ma chướng hiện tiền, có oán quỷ bám theo, tinh thần hoảng hốt, đứng ngồi không yên, đến cầu tôi. Trước khi cầu tôi, ông ta đã từng cầu cạnh rất nhiều pháp sư, đến rất nhiều đạo tràng, mỗi vị pháp sư dạy ông ta một phương pháp, phương pháp rất loạn. Có nhiều pháp sư dạy ông ta niệm kinh Địa Tạng, dạy ông ta lạy Lương Hoàng Sám, dạy ông ta làm pháp hội Thủy Lục, dạy ông ta siêu độ oán thân trái chủ, lại dạy ông ta niệm kinh Kim Cang, niệm chú Lăng Nghiêm, niệm chú Đại Bi, ông ta choáng váng luôn! Ông ta đến kể với tôi tình hình ấy. Tôi nói: “Tôi đã biết”. Tôi bảo: “Ông vĩnh viễn chẳng thể lành bệnh được, bệnh sẽ mỗi ngày một nghiêm trọng hơn, đến cuối cùng chẳng có thuốc gì chữa được. Do nguyên nhân gì? Tán loạn quá mức!” Ông ta hỏi: “Có cứu được hay không?” Tôi nói: “Có cách cứu, nhưng ông có nghe theo hay không?” Ông ta hỏi: “Phương pháp gì vậy?” Tôi nói: “Từ nay trở đi, ông hãy thật thà niệm một câu nam-mô A Di Đà Phật, tất cả hết thảy kinh chú đều chẳng cần niệm. Tất cả hết thảy đạo tràng chẳng cần phải tới. Ông hãy về nhà thật thà niệm Phật”. Ông ta hỏi: “Tôi có cần phải đến đạo tràng này hay không?” Tôi nói: “Ông chẳng cần tới đạo tràng này”. Ông ta nói: “Tôi phải bỏ ra một chút công đức”. Tôi nói: “Tôi cũng chẳng cần ông đến, cũng chẳng cần ông bỏ ra chút tiền làm công đức. Ông hãy quay về thật thà niệm Phật nửa năm, bệnh sẽ lành”. Ông ta lại băn khoăn: “Vị pháp sư nọ bảo tôi niệm kinh Địa Tạng, tôi không niệm có được hay không? Vị khác lại bảo tôi niệm kinh Kim Cang, chẳng niệm không phải là lại mắc tội ư?” Tôi nói: “Thôi rồi! Chẳng có cách nào giải quyết xong!” Vì thế, phải hiểu chuyên ròng đáng quý, tán loạn là hỏng, là sai lầm!

Lấy chuyện học kinh để nói, quý vị bỏ thời gian mười năm học mười bộ kinh, bình quân là mỗi năm học một bộ, thành tích của quý vị tầm thường, rất khó ngoi cao hơn kẻ khác được! Mười năm chuyên nhất, học một bộ kinh, quý vị bèn vượt trỗi người khác. Vì sao? Hãy nhìn vào thế giới hiện thời, người chuyên học một bộ kinh chẳng có mấy! Quý vị là chuyên gia của bộ kinh ấy! Quý vị đem một bộ kinh ấy [đi giảng] khắp thế giới, nhất định sẽ được người ta hoan nghênh. Vì sao? Chuyên gia mà. Cả đời chuyên đổ công dốc sức nơi kinh A Di Đà, chuyên hoằng dương kinh A Di Đà, làm suốt mười năm, người ta trông thấy quý vị sẽ chắp tay: “Quý vị là A Di Đà Phật tái lai!” Người trên cả thế giới muốn nghe kinh A Di Đà, nhất định là đầu tiên sẽ nghĩ tới quý vị, chẳng tìm người khác. Vì sao? Người khác chẳng phải là chuyên gia. Hiện thời, thông tin phát triển, giao thông nhanh chóng, tiện lợi, mời quý vị đến giảng kinh chẳng khó! Trước kia, từ Trung Hoa sang Mỹ ngồi thuyền phải mất một, hai tháng, đích xác là chẳng dễ dàng! Nay thì mười tiếng đồng hồ đã đến nơi, hết sức dễ dàng. Vì vậy, học một bộ kinh, hoằng dương khắp toàn thể thế giới. Chuyên ròng, không chỉ là có thể lợi tha, mà chắc chắn là tự lợi, chính mình đắc nhất tâm, chính mình đắc nhất tâm bất loạn. Cùng học rất nhiều thứ như vậy, nói thật ra, chẳng thể đắc nhất tâm! Tâm quý vị vẫn là tán loạn; nói cách khác, khi vãng sanh, tâm không điên đảo rất khó! Người tâm chẳng điên đảo nhất định là có phước, có huệ; chẳng có phước huệ sẽ không làm được! Vì chẳng điên đảo, cho nên người ấy sẽ chắc chắn chẳng thể sanh về nơi khác, sẽ thuận theo nguyện vọng của chính mình mà vãng sanh, mong thấy A Di Đà Phật bèn chắc chắn thấy Phật, mong sanh về Tịnh Độ, quyết định được sanh.

 

(Sớ) “Tức đắc” giả, ngôn kỳ tốc dã.

()即得者,言其速也。

(Sớ: “Liền được” ý nói: Nhanh chóng).

Ý nói rất nhanh chóng.

 

(Sao) Điên đảo giả, diêu kỳ bình nhật tùy thuận vọng tưởng, bất tu chánh niệm, tâm đa tán loạn. Như tiền sở vị tương xả noãn xúc, nhất sanh sở tác, câu thời hiện tiền, tâm thần hoàng bố, động chỉ huy hoắc.

()顛倒者,繇其平日隨順妄想,不修正念,心多散亂。如前所謂將捨煖觸,一生所作,俱時現前,心神惶怖,動止揮霍。

(Sao: “Điên đảo”: Do thường ngày tùy thuận vọng tưởng, chẳng tu chánh niệm, tâm lắm nỗi tán loạn. Như trong phần trên đã nói: Lúc hơi nóng [trong thân thể] sắp mất đi, những việc đã làm trong suốt một đời đều cùng hiện tiền, tâm thần hoảng sợ, động tác quýnh quíu).

Giảng rõ “điên đảo” là gì, chúng ta phải hiểu rõ những Lý và Sự này. Bộ kinh này, từng câu từng chữ trong kinh văn có mối liên quan mật thiết với cuộc sống hạnh phúc trong cả một đời này, cũng như liên quan mật thiết đến mục tiêu viên mãn mà chúng ta mong đạt được trong tương lai. Bộ Sớ Sao của ngài Liên Trì và bộ Yếu Giải của ngài Ngẫu Ích giống như người hướng dẫn du lịch. Chúng ta ra đi mà rất lơ mơ, chẳng nhận biết [phương hướng, lộ trình], hai vị đại sư là hướng dẫn viên du lịch, nói rõ cặn kẽ từng thứ một, giới thiệu trạng huống trong Tây Phương Cực Lạc, cũng như trạng huống trong cuộc sống hiện tại của một người tu Tịnh Độ, hết sức khó có. Từ đây, chúng ta lãnh hội, học tập, đó là thật sự tu hành. Vì thế, trước hết phải nhận biết điên đảo là gì, sau đấy mới nghiêm túc phản tỉnh đối với cuộc sống hằng ngày của chính chúng ta [xét coi chính mình] có phạm phải những lỗi lầm ấy hay không? [Như thế thì] chẳng uổng công niệm kinh này, chẳng phí công nghe kinh này.

“Diêu kỳ bình nhật tùy thuận vọng tưởng, bất tu chánh niệm” (Là do thường ngày tùy thuận vọng tưởng, chẳng tu chánh niệm), hai câu này quan trọng nhất. Thường nhật, có phải là chúng ta tùy thuận vọng tưởng hay không? Tùy thuận vọng tưởng, [là do] chẳng biết tùy thuận vọng tưởng đáng sợ, chẳng biết kết quả do tùy thuận vọng tưởng. Đó gọi là mê hoặc. Phật pháp thường nói tới mê và ngộ, mê là gì? Ngộ là gì? Vọng tưởng hiện tiền bèn có thể lập tức nhận biết, đó là Ngộ. Do vậy, Tông Môn thường nói: “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Niệm là gì? Vọng tưởng. Nếu bất giác, sẽ tùy thuận vọng tưởng. Một niệm giác, sẽ chẳng tùy thuận. Vì thế, một niệm giác thì sự giác ấy chính là “chánh niệm”, điều này rất khẩn yếu. Trong các tông khác, định nghĩa của “chánh niệm” có tầng cấp cạn hay sâu khác nhau. Người sơ học như chúng ta, người căn tánh trung hạ rất khó nắm vững [định nghĩa ấy]. Chánh niệm trong Tịnh Tông hết sức dễ nắm vững. Chánh niệm là gì? Chính là sáu chữ hồng danh. Giác của chúng ta chính là “Nam-mô A Di Đà Phật”, đã giác. Vọng niệm vừa dấy lên, vọng niệm thứ nhất khởi lên, niệm thứ hai bèn là Nam-mô A Di Đà Phật, dùng một câu Phật hiệu để trừ bỏ vọng niệm. Giữ sao cho một câu A Di Đà Phật niệm niệm liên tục, đó là gìn giữ chánh niệm. Đó là chỗ tu học dễ dàng của Tịnh Tông so với các tông khác. Vì thế, nó đơn giản, dễ dàng, ổn thỏa, thích đáng, nhanh chóng. Người dẫu ngu si đến mấy, hoặc là kẻ hạ hạ căn, dạy họ niệm một câu A Di Đà Phật, họ đều làm được! “Đề khởi chánh niệm” chính là dấy lên một câu Phật hiệu. Chúng ta là người niệm Phật, Phật hiệu là chánh niệm. Chánh niệm duy nhất, quyết định chẳng có niệm thứ hai nào khác, tâm chúng ta sẽ chẳng tán loạn, tâm lực bèn tập trung.

Chư vị phải hiểu: Tập trung ý chí tinh thần, nói theo người hiện thời, cái được coi là hợp mode nhất, lưu hành nhất, được hướng tới nhiều nhất, chính là biến hóa thể chất! Chúng ta tuổi già, làm thế nào để có thể biến hóa thể chất giống như kẻ trẻ tuổi, có phương pháp nào hay chăng? Có chứ! Phương pháp gì vậy? A Di Đà Phật. Nhưng có người hỏi tôi: “Có hay không?” Tôi nói có! Phương pháp gì vậy? Tôi nói niệm A Di Đà Phật. Người ấy hoàn toàn không hiểu, chẳng lãnh hội được! Chính là nhất tâm niệm A Di Đà Phật, trong tâm thứ gì cũng đều chẳng có, chỉ cần nửa năm, thể chất quý vị liền biến hóa, chẳng giả tí nào! Trên thân vốn có rất nhiều bệnh tật; sau nửa năm, tâm đã thanh tịnh. Kinh giáo Đại Thừa thường nói: “Y báo chuyển theo chánh báo”. Tâm niệm là chánh báo. Niệm đã thanh tịnh, tâm bèn thanh tịnh; về phương diện sinh lý, các cấu trúc tế bào tự nhiên điều chỉnh, khôi phục bình thường. Hiện thời, các nhà khoa học vẫn chưa thể quan sát sự thật này. Không đi khám bác sĩ, chẳng cần uống thuốc. Thuốc chẳng phải là thứ tốt đẹp, thuốc có tác dụng phụ, chẳng lợi ích! Tốt nhất là điều phục cái tâm! Tôi thuốc gì cũng chẳng uống. Tôi giảng kinh ở Tân Gia Ba, hằng năm tôi đều sang Tân Gia Ba, các đồng tu bên ấy gặp tôi, bèn hỏi: “Thưa pháp sư! Làm sao mà mỗi năm thầy một trẻ trung, chẳng già. Thầy dùng phương pháp bảo dưỡng nào vậy?” Tôi bảo họ: “Có chứ!” Họ nói: “Thầy uống thuốc bổ gì vậy?” Tôi nói: “Nước máy từ công ty nước máy của Đài Loan”. Tôi chẳng dùng thuốc gì khác. Quý vị thấy tôi rửa mặt, cả năm chưa dùng hết một bánh xà-bông. Bánh xà-bông ấy dùng để rửa mặt lẫn tắm rửa, cả năm chưa xài hết một bánh. Tâm thanh tịnh, đó là điều trọng yếu!

Do vậy, tán loạn không chỉ là đại chướng ngại cho tu đạo, mà còn là đại chướng ngại không gì lớn bằng đối với sức khỏe, phải hiểu điều này. Do đó, học Phật, bất luận học tông nào, bất luận học theo pháp môn nào, chỉ là phương pháp và cách thức khác nhau, phương hướng và mục tiêu đều như nhau, bí quyết là chuyên ròng. Nếu quý vị tham Thiền, hãy chuyên ròng tham cứu. Nếu quý vị trì chú, hãy chuyên ròng niệm chú. Quý vị muốn học Giáo, hãy chuyên ròng học kinh. Chẳng có gì khác, chuyên ròng bèn thành công. Vì lẽ đó, chúng ta niệm Phật, phương pháp niệm Phật đơn giản, so với tham Thiền, trì chú, hoặc niệm kinh đều đơn giản hơn, dễ dàng hơn! Người thông minh chọn lựa phương pháp đơn giản nhất, nhẹ nhàng, thoải mái, chẳng tốn sức! Cổ nhân nói: “Niệm kinh chẳng bằng niệm chú”, do nguyên nhân gì? Chú ngắn, kinh dài. Lại nói: “Niệm chú chẳng bằng niệm Phật”, Phật hiệu càng ngắn hơn, càng đơn giản hơn. Càng lúc càng đơn giản hơn, càng đơn giản thì càng thù thắng hơn, càng đơn giản thì càng là bậc nhất, phải biết điều này. Do vậy, ngàn muôn phần phải ghi nhớ, trong cuộc sống hằng ngày, quyết định chớ nên tùy thuận vọng tưởng. Nói cách khác, niệm dấy lên, bất luận là thiện niệm hay ác niệm, chẳng cần quan tâm tới, thiện niệm cũng là vọng tưởng. Hễ ý niệm dấy lên, bèn niệm A Di Đà Phật, chuyển càng nhanh càng hay, chớ nên tùy thuận vọng tưởng. Đó là nói kẻ bình phàm “tùy thuận vọng tưởng, chẳng tu chánh niệm”.

“Tâm đa tán loạn”  (Tâm nhiều tán loạn), rất khổ!  Tất cả hết thảy

phiền não đều do tán loạn lưu xuất. Người đang lúc lâm chung; khi ấy, sức mạnh của tinh thần ý chí bạc nhược nhất, chẳng thể khống chế tâm niệm được. Nói cách khác, khi ấy, chủng tử của nghiệp chướng tập khí chứa đựng trong A Lại Da thảy đều dấy lên. Vì thế, trước khi lâm chung, thấy thần, thấy quỷ; chúng ta tới bệnh viện coi sẽ biết ngay. Do đó, bác sĩ và y tá trong nhà thương đều tin có quỷ, họ đã thấy quá nhiều. Những người bệnh nhìn thấy người nhà, quyến thuộc, đều là những người đã chết, còn có người thấy rất nhiều ác tướng, những tướng hết sức khó coi, đúng như kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện đã nói. Có đúng là người nhà quyến thuộc của họ hay không? Chẳng phải, đều là oán gia trái chủ biến hiện hình dạng người nhà quyến thuộc, giả mạo hòng lôi kéo người ấy. Nếu người bệnh đi theo họ, sẽ mắc lừa. Họ đến báo thù, chuyện là như vậy đó. Khi ấy, nghiệp thiện hoặc ác đã làm trong một đời thảy đều hiện tiền.

“Tâm thần hoàng bố, động chỉ huy hoắc” (Tâm thần hoảng sợ, động tác quýnh quíu). Chúng ta thường nói là kinh hãi, tâm thần bất an, tiền đồ mờ mịt, đó là người khổ sở nhất. Trong một đời này, người như thế nào hạnh phúc nhất? Người như thế nào sung sướng nhất? Trong một đời này, người ấy có phương hướng nhất định, có mục tiêu nhất định, người ấy hạnh phúc, sung sướng nhất. Giả sử người ấy chỉ có một đời, đến khi người ấy chết là xong, là thôi. Trong sát-na sắp chết, người ấy cảm thấy tiền đồ mờ mịt. Nếu trong một đời này, người ấy có phương hướng, có mục tiêu, có sự nghiệp, suốt một đời thực hiện hoan hỷ, vui thích, sung sướng, đạt được [kết quả] mỹ mãn. Nếu người ấy có thể niệm Phật, lại lấy cầu sanh Tịnh Độ làm mục tiêu nối tiếp cho mai sau, sẽ thật sự sung sướng, thật sự tự tại, trong một đời này sẽ sống rất vui sướng, rất hạnh phúc. Đời sau sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới càng sung sướng, càng mỹ mãn hơn. Đó gọi là hạnh phúc thật sự. Đúng vậy! Quả thật là nếu chẳng cầu sanh Tịnh Độ, đới nghiệp vãng sanh, tu học các pháp môn khác cậy vào tự lực, quá ư là khó khăn! Đây là một con đường lớn quang minh, mười phương hết thảy chư Phật đều tán thán. Nếu chẳng tu pháp môn này, hoặc chẳng chuyên ròng tu học pháp môn này, chẳng tu thành công pháp môn này, đời sau tất nhiên là theo nghiệp thọ báo.

 

(Sao) Ưng nhập địa ngục giả, đao sơn, kiếm thụ, thị tác viên lâm.

()應入地獄者,刀山劍樹,視作園林。

(Sao: Kẻ đáng vào địa ngục, sẽ thấy núi đao, rừng gươm là vườn rừng).

 Thấy hoa viên rất xinh đẹp, tiến vào dạo chơi. Sau khi đã bước vào mới biết là địa ngục, là núi đao, rừng gươm. Quý vị đã nhìn trật rồi, đã thấy sai mất rồi!

 

(Sao) Ưng đọa súc sanh giả, mã phúc, lư thai, nhận vi đường vũ.

()應墮畜生者,馬腹驢胎,認為堂宇。

(Sao: Kẻ đáng đọa súc sanh, sẽ ngỡ bụng ngựa, thai lừa là nhà to, điện lớn).

Đây là kẻ đến đầu thai trong loài súc sanh, thấy hiện tượng gì? Thấy cung điện hoa lệ, chỗ ở rất hào nhoáng, xa hoa. Đã trông thấy bèn hết sức yêu thích, tiến vào đó để ngắm nghía. Hễ tiến vào bèn nhập thai, biến thành súc sanh. Chuyện này trong bút ký hoặc tiểu thuyết của cổ nhân, hoặc trong những ghi chép về nhân quả báo ứng cũng có nói rất nhiều. Chúng ta hãy dành thời gian để đọc, xác thực là có tác dụng cảnh giác rất lớn đối với chính mình.

 

(Sao) Tựu linh tác thiện, hợp sanh nhân thiên, vị miễn tăng ái phụ mẫu.

()就令作善,合生人天,未免憎愛父母。

(Sao: Dẫu cho người làm lành, đáng sanh vào cõi trời, người, chưa khỏi yêu ghét cha mẹ).

Trong kinh Lăng Nghiêm đã nói chuyện này rất rõ ràng. Cha mẹ và con có bốn loại duyên phận: Báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Bốn thứ ân oán ấy nặng nhất bèn biến thành người một nhà, hơi kém hơn một chút bèn biến thành thân thích, bằng hữu. Cổ nhân thường nói: “Một hớp uống, một miếng ăn, không gì chẳng định sẵn”. Do vậy, tôi khuyên các đồng tu hãy đọc Liễu Phàm Tứ Huấn cho nhiều, nhằm dạy quý vị biết chuyện gì? Dạy quý vị biết nhân duyên quả báo là nhất định. Một hớp uống, một miếng ăn, không gì chẳng được định sẵn. Chúng ta đi đường, gặp kẻ hoàn toàn xa lạ, có người thấy quý vị bèn gật đầu cười, có người thấy quý vị rất ngứa mắt, chúng ta thường gặp chuyện này. Trong đời quá khứ, chúng ta có duyên với họ. Họ gật đầu cười với ta, tức là trong quá khứ, chúng ta cũng có chút thiện duyên, hảo duyên. Họ nhìn ta bèn thấy ta ngứa mắt, tức là đại khái trong đời quá khứ, ta đã làm một hai chuyện có lỗi với họ. Nhân quả ba đời, trong cuộc sống hằng ngày, xử sự, đãi người, tiếp vật, những sự thật bày ra ngay trước mặt chính là chứng minh, người nhà quyến thuộc cũng chẳng phải là ngoại lệ.

Cũng có nghĩa là dẫu chúng ta suốt đời hành thiện (Thiện nói theo kinh Phật sẽ là Ngũ Giới, Thập Thiện. Nói theo Nho gia sẽ là luân lý đạo đức), chúng ta sanh trong cõi trời, người, cũng chẳng tránh khỏi vẫn có tâm yêu ghét đối với thân nhân. Huống hồ còn có phiền não tập khí từ vô thỉ kiếp đến nay! Có nghĩa là người thật sự thông minh, kẻ thật sự giác ngộ, chẳng còn tu tiểu quả nhân thiên, chẳng tu tập nữa! Nhất định sẽ cầu sanh Tịnh Độ. Nhất định là phải biết ưu điểm và lợi ích của việc cầu sanh Tịnh Độ, quý vị mới có thể phát tâm khẩn thiết.

Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới thành tựu cực nhanh chóng, các thế giới phương khác đều chẳng sánh bằng. Chúng ta xem phần chín phẩm vãng sanh trong Quán Kinh, nhìn từ phần Hạ Hạ Phẩm, hạ hạ phẩm sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Hạ hạ phẩm làm gì? Ngũ Nghịch, Thập Ác, người tạo tội nặng nề dường ấy, lúc lâm chung, một niệm hay mười niệm vãng sanh. Đương nhiên chúng ta vãng sanh, quyết định chẳng thuộc vào hạ hạ phẩm. Vì sao? Chúng ta chẳng tạo tội nghiệp nặng nề ngần ấy. Tuy tạo tội nghiệp không ít, nhưng chẳng nặng ngần ấy, có lẽ sẽ thuộc trong hạ phẩm trung sanh. Hạ phẩm trung sanh, sau sáu kiếp hoa nở thấy Phật. Hoa nở thấy Phật là địa vị gì? Sơ Địa Bồ Tát trong Biệt Giáo. Quý vị phải ghi nhớ: Sáu kiếp bèn thành Sơ Địa! Nếu ở trong thế giới Sa Bà, phải tu trong thời gian bao lâu thì mới có thể đạt đến Sơ Địa? Hai A-tăng-kỳ kiếp mới đạt đến Sơ Địa. Trong thế giới này, tu hai A-tăng-kỳ kiếp; đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, sáu kiếp! Làm sao có thể so sánh cho được? Nếu chúng ta làm lành, chẳng phải là làm ác, chúng ta tu thiện pháp vãng sanh, chiếu theo điều kiện của chín phẩm, ắt phải nên thuộc vào trung phẩm thượng sanh, hoặc là trung phẩm trung sanh. Sanh vào Tây Phương Cực Lạc thế giới, thời gian bao lâu hoa sẽ nở? Bảy lần bảy tức bốn mươi chín ngày. Ở cõi này phải tu hai A-tăng-kỳ kiếp, đến thế giới Tây Phương, chỉ cần bốn mươi chín ngày! Bốn mươi chín ngày là tính theo thời gian ở bên này. Trong thế giới Tây Phương chẳng có năm, tháng, ngày, giờ, mọi người hãy hiểu điều này! Do vậy, hễ đức Phật nói đến đơn vị thời gian đều là tính theo thời gian của chúng ta ở nơi đây. Bốn mươi chín ngày, chưa đến hai tháng, quý vị đã thành Sơ Địa Bồ Tát trong Biệt Giáo.

Nếu quý vị hỏi, trong hội Hoa Nghiêm, vì sao Văn Thù, Phổ Hiền phải cầu nguyện vãng sanh ư? Văn Thù và Phổ Hiền là Đẳng Giác Bồ Tát trong thế giới Hoa Tạng. Các Ngài thành Phật trong thế giới Hoa Tạng, phá một phẩm sanh tướng vô minh cuối cùng, vẫn phải mất thời gian khá lâu. Tu hành càng đến địa vị cao hơn càng khó khăn. Trong A-tăng-kỳ kiếp thứ nhất, đây là nói theo Biệt Giáo, chẳng nói theo Viên Giáo, A-tăng-kỳ kiếp thứ nhất bèn tu viên mãn địa vị Tam Hiền, tức là Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng. A-tăng-kỳ kiếp thứ hai, từ Sơ Địa cho đến Thất Địa. A-tăng-kỳ kiếp thứ ba là Bát Địa, Cửu Địa và Thập Địa, ba địa vị. Nói cách khác, Đẳng Giác Bồ Tát phải phá một phẩm sanh tướng vô minh cuối cùng, quý vị nghĩ xem, Ngài phải tốn bao nhiêu thời gian? Chuyện khó khăn dường ấy! Sanh vào Tây Phương Cực Lạc thế giới, vừa đến Tây Phương liền hoa nở thấy Phật, đoạn ngay một phẩm sanh tướng vô minh, bèn thành Phật. Có vị Đẳng Giác Bồ Tát nào chẳng hy vọng đến thế giới Cực Lạc? Chẳng cần phải lãng phí thời gian nhiều như vậy, chẳng cần hứng chịu vất vả ngần ấy, hễ thấy A Di Đà Phật bèn thành tựu. Nếu chúng ta thảy đều hiểu rõ, thông hiểu những đạo lý và chân tướng sự thật này, thì mới hoảng nhiên đại ngộ vì sao mười phương ba đời hết thảy Như Lai cứ đặc biệt ca ngợi Tịnh Độ, đạo lý ở ngay chỗ này. Vì thế, pháp môn này nhằm tiếp dẫn chúng sanh căn cơ thuần thục. Nói “căn cơ thuần thục” tức là thiện căn, phước đức đã gieo từ vô lượng kiếp, đến nay đã chín muồi. Đã chín muồi thì vừa tiếp xúc, người ấy bèn hoan hỷ, tin tưởng, chịu phát tâm, chịu niệm Phật, đó là tướng trạng chín muồi! Chẳng chín muồi, sau khi tiếp xúc, chẳng thể sanh khởi tâm hoan hỷ, chẳng thể tin nhận, phụng hành. Chẳng chín muồi, đức Phật bèn dạy họ hết thảy các pháp môn Đại Tiểu Thừa, giúp cho họ chín muồi. Do vậy, phải biết: Pháp môn này chuyên nhằm tiếp độ chúng sanh căn cơ đã chín muồi. Nói theo cách hiện thời, chúng sanh căn cơ chín muồi là “trong một đời này, cơ hội thành Phật của người ấy đã đến”, nhằm tiếp dẫn loại này. Nếu cơ hội thành Phật của người ấy chưa đến, pháp môn này chẳng có tác dụng gì đối với họ. Nếu đời này họ muốn thành Bồ Tát, thành A La Hán, đó là do các pháp môn khác tiếp dẫn. Pháp môn này chuyên tiếp dẫn kẻ thành Phật; vì thế, gọi là “pháp môn thành Phật trong một đời”, pháp môn thành tựu trong một đời!

 

(Sao) Nãi chí tiểu thánh sơ tâm.

()乃至小聖初心。

(Sao: Cho đến hàng tiểu thánh, sơ tâm).

 “Tiểu thánh” chỉ A La Hán, “sơ tâm” là Quyền Giáo Bồ Tát.

 

(Sao) Do bất năng chánh tri xuất nhập.

()猶不能正知出入。

(Sao: Còn chưa thể biết xuất thai, nhập thai đúng thật).

“Chánh tri xuất nhập” là nói tới chuyện nhập thai và xuất thai. A La Hán và Quyền Giáo Bồ Tát đều bị mê khi cách ấm. Họ đến đầu thai rất rõ ràng, dùng Ứng Hóa Thân đến thế gian này để độ chúng sanh hữu duyên. Họ nhập thai, ở trong bào thai chẳng chịu khổ, giống như ở trong cung điện, rất thoải mái. Ra khỏi thai bèn mê, chuyện quá khứ lại quên tuốt. Bất quá những vị thánh nhân ấy, dẫu sao cũng có căn bản công phu sâu dày, chỉ mê muội nhất thời, chẳng bị mê suốt đời. Do vậy, trong kinh Kim Cang, đức Thế Tôn dặn dò các đại Bồ Tát phải hộ niệm các vị Bồ Tát, tức là hộ niệm những vị tiểu Bồ Tát, tức là nói đến hàng tiểu thánh và sơ tâm, tới lúc đó phải đến nhắc nhở họ. Được cảnh tỉnh, họ ngay lập tức giác ngộ, khôi phục. Vì vậy, La Hán và Quyền Giáo Bồ Tát đều bị mê khi cách ấm, chẳng thể biết xuất thai, nhập thai đúng thật.

 

(Sao) Giai sở vị điên đảo dã.

()皆所謂顛倒也。

(Sao: Đều gọi là điên đảo vậy).

Có thể thấy điên đảo không chỉ là phàm phu, mà cả thánh nhân trong tam thừa vẫn chẳng tránh khỏi!

 

(Sao) Thừa thử điên đảo, tam giới thất thú.

()乘此顛倒,三界七趣。

(Sao: Do sự điên đảo ấy mà sanh vào bảy đường trong ba cõi).

“Thất thú” là nói theo kinh Lăng Nghiêm. Thông thường, chúng ta nói “lục thú” (sáu đường), tức là lục đạo. Bảy đường là [lục đạo] cộng thêm tiên đạo, tức những vị thần tiên[88].

 

(Sao) Tùy nghiệp thọ sanh.

()隨業受生。

(Sao: Theo nghiệp thọ sanh).

Đây là luân hồi trong lục đạo, thuận theo nghiệp lực của chính mình mà đi đầu thai, thọ sanh. Đại khái là chúng ta quan sát, [sẽ thấy] thông thường là kẻ theo nghiệp thọ sanh, đa số là ở trong ba ác đạo, [sanh vào] ba thiện đạo là thiểu số. Chư vị nhất định phải biết điều này. Đối với nghiệp lực, bản thân chúng ta phải lắng lòng phản tỉnh, đừng nhòm ngó kẻ khác, hãy tự mình phản tỉnh: Chúng ta từ sáng đến tối, từ mồng Một Tết cho đến Ba Mươi tháng Chạp, khởi tâm động niệm là ác niệm nhiều hay thiện niệm nhiều? Sẽ biết trong tương lai, chính mình phải theo nghiệp lưu chuyển đến chỗ nào! Thiện niệm là gì? Niệm nào cũng đều mong lợi ích hết thảy chúng sanh, đó là thiện niệm. Phải tạo lợi ích chân thật cho hết thảy chúng sanh; đó là thiện niệm. Niệm nào cũng đều suy tính vì chính mình, đó là ác niệm. Có ai chẳng vì chính mình? Vì chính mình, chẳng có ai không đọa trong ba ác đạo. Vì người khác thì mới có thể được làm trời, người. Người tu hành rất khá, giới luật tinh nghiêm, tâm địa thanh tịnh, nếu chẳng cầu sanh Tịnh Độ, đại đa số đều ở trong Dục Giới. Sắc Giới rất thưa thớt, vì sao? Điều kiện của Sắc Giới Thiên là đoạn hết Ngũ Dục, tức là đối với tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, xác thực là chẳng động tâm thì mới có thể sanh vào Sắc Giới. Nếu đối với tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, ta đã lìa khỏi về mặt Sự, nhưng tâm vẫn còn có lúc dấy động, sẽ sanh trong Dục Giới, chẳng thể đạt đến Sắc Giới. Vì sao? Dục niệm chưa đoạn, thật đấy! Vì thế, những chuyện này chẳng cần hỏi ai khác, chính mình niệm kinh cho nhiều sẽ biết ngay! So sánh, đối chiếu, tiêu chuẩn của ta là ở nơi đâu? Ta đối với ngũ dục, lục trần vẫn còn khởi tâm động niệm; nói cách khác, chẳng có phần trong Sơ Thiền! Tu cao tới mấy đi nữa, cũng bất quá là sanh lên Tha Hóa Tự Tại Thiên, chẳng thể  thoát  khỏi  tam  giới. Do vậy, theo nghiệp thọ sanh là chuyện rất đáng sợ!

 

(Sao) Kim ký nhất tâm bất loạn.

()今既一心不亂。

(Sao: Nay đã là nhất tâm bất loạn).

Nói tới công phu của người niệm Phật bình phàm, chúng ta tu tâm thanh tịnh. “Bất loạn” là quyết định chẳng bị cảnh giới bên ngoài dao động. Trước hết, chúng ta cầu “bất loạn”.

 

(Sao) Tắc nội ngưng chánh niệm.

()內凝正念。

(Sao: Tức là bên trong chánh niệm ngưng đọng).

 “Chánh niệm” là một câu Phật hiệu. Một câu Phật hiệu niệm đến cùng, trong tâm xác thực có A Di Đà Phật, đấy là chánh niệm. Niệm (念) là “kim tâm” (今心), tức là trong tâm quý vị thật sự có, đó là niệm, chẳng phải là nói leo lẻo đằng mồm! Miệng chúng ta niệm “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”, đó là xưng danh. Trong Thập Lục Quán Kinh, pháp Niệm Phật được nói cuối cùng: Người bệnh ấy nghiệp chướng rất nặng, khi lâm chung chẳng thể ức niệm, bèn bảo người ấy xưng danh. Có thể thấy là xưng danh và niệm Phật khác nhau. Ức niệm chẳng nhất định là xưng danh. Tuy chúng ta chẳng niệm A Di Đà Phật ngoài miệng, trong tâm thời thời khắc khắc ghim A Di Đà Phật trong lòng, đó là “niệm”, tức là trong tâm quý vị thật sự có A Di Đà Phật, quyết định vãng sanh, cảm ứng đạo giao.

 

(Sao) Ngoại cảm Phật nghênh.

()外感佛迎。

(Sao: Bên ngoài cảm Phật đón tiếp).

Bên ngoài cảm ứng A Di Đà Phật khi lâm chung đến tiếp dẫn.

 

(Sao) Xả thử báo thân, kính sanh bỉ quốc, như Phật ngôn, tùy kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh.

()捨此報身 ,徑生彼國 ,如佛言,隨其心淨則佛土淨。

(Sao: Bỏ báo thân này, nhanh chóng sanh về nước kia, như đức Phật nói: “Do cái tâm tịnh mà cõi nước Phật thanh tịnh”).

 Thế giới Tây Phương có bốn cõi, ba bậc, chín phẩm, mức độ thanh tịnh khác nhau. Tùy thuộc mức độ thanh tịnh nơi tâm địa của chúng ta mà vãng sanh. Thanh tịnh tột bậc là thượng phẩm thượng sanh. Mới được một hai phần thanh tịnh thì là hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, đạo lý là như vậy đó. Vì thế, Ngẫu Ích đại sư nói phẩm vị cao hay thấp là do công phu niệm Phật của chúng ta cạn hay sâu. Công phu là gì? Là mức độ thanh tịnh trong tâm. Công phu là nói tới điều này, chẳng phải là nói mỗi ngày ta niệm Phật bao nhiêu câu Phật hiệu mà gọi là công phu, chẳng phải là nói tới điều ấy! Nếu một ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu mà tâm chẳng thanh tịnh, sẽ như cổ nhân đã nói: Quý vị gào toạc cổ họng cũng uổng công! Tuy mỗi ngày tôi niệm Phật hiệu rất ít, nhưng tâm xác thực là thanh tịnh, công phu liền sâu. Vì thế, nói tới công phu cạn hay sâu, chứ không phải là niệm Phật hiệu nhiều hay ít. Thế nhưng cổ đức thường khuyên chúng ta phải niệm Phật hiệu cho nhiều, niệm nhiều sẽ có lợi, vì chúng ta là phàm phu, tập khí rất nặng, chẳng niệm Phật bèn dấy vọng tưởng. Vì thế, niệm Phật nhằm thay thế vọng tưởng [bằng Phật hiệu], dụng ý ở chỗ này. Thật sự nói đến công phu là nói tới cái tâm thanh tịnh. A! Chúng ta niệm Phật hồi hướng!

 

 

Tập 250

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm chín mươi mốt.

 

(Sao) Hựu ngôn “nhất thiết quốc độ, duy tưởng sở trì”. Tịnh tưởng thành tựu, tất đắc vãng sanh; cố vô nghi dã.

()又言一切國土,唯想所持,淨想成就,必得往生,固無疑也。

(Sao: Lại nói “hết thảy các cõi nước chỉ do tưởng mà được duy trì”. Tịnh tưởng thành tựu, ắt được vãng sanh, cho nên chẳng nghi ngờ).

Câu này do đức Phật dạy trong kinh. Chúng ta hãy đọc nguyên văn lời chú giải một lượt.

 

(Diễn) Nhất thiết quốc độ duy tưởng sở trì giả, Khởi Tín Luận vân: “Nhất thiết chư pháp, duy y vô minh vọng tâm nhi đắc trụ trì. Nhược ly vọng tâm, tắc vô nhất thiết chư pháp tự tướng khả đắc”. Lăng Nghiêm kinh vân: “Tưởng trừng thành quốc độ, tri giác nãi chúng sanh” đẳng.

()一切國土唯想所持者,起信論云:一切諸法,唯依無明妄心而得住持,若離妄心,則無一切諸法自相可得。楞嚴經云:想澄成國土,知覺乃眾生等。

(Diễn: “Hết thảy các cõi nước chỉ do tưởng mà duy trì”: Khởi Tín Luận ghi: “Hết thảy các pháp chỉ nương vào vô minh vọng tâm mà tồn tại. Nếu lìa vọng tâm thì chẳng có tự tướng của hết thảy các pháp để có thể được”. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Tưởng lắng đọng thành cõi nước, do tri giác mà có chúng sanh” v.v…).

Hai câu này đã nêu ra đơn giản nhưng minh bạch chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Đấy mới là tướng chân thật. Những điều Mã Minh Bồ Tát đã nói trong Đại Thừa Khởi Tín Luận đều căn cứ trên các lời dạy trong kinh điển nhà Phật, tổng hợp cách giảng của đức Phật. “Nhất thiết chư pháp” (Hết thảy các pháp), trong Phật pháp thường nói “y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới”, đó là hết thảy các pháp. Nếu nói theo cách hiện thời, [sẽ là] “vạn hữu trong vũ trụ”, bao gồm không gian vô hạn, bao gồm vô lượng tinh cầu, cùng với tất cả hết thảy sinh vật, thực vật, khoáng vật, đất đai trong các tinh cầu, thảy đều được bao gồm trong ấy. Những thứ ấy rốt ráo là do đâu mà có? Chúng “có” như thế nào? Từ xưa tới nay, khá nhiều nhà khoa học Trung Hoa và ngoại quốc đã thăm dò, nghiên cứu. Cận đại, có thuyết được gọi là Tiến Hóa Luận. Thật ra, Tiến Hóa Luận là do chẳng có cách nào giải thích viên mãn, cũng có nghĩa là trong thuyết ấy có rất nhiều lỗ hổng. Nói cách khác, đấy chỉ là sự phỏng đoán, tưởng tượng của một số người mà thôi, có phải là chân tướng sự thật hay không? Chẳng phải! Những điều đức Phật đã dạy trong kinh mới là chân tướng sự thật. Đối với chân tướng sự thật ấy, trong kinh luận thường nói là “bất khả tư nghị”. “Tư” (思) là gì? Tư duy, tưởng tượng. Vì sao nói là chẳng thể tư duy, tưởng tượng? Tư duy, tưởng tượng chẳng đạt được, quyết định là chẳng thể hiểu rõ. Chẳng thể dùng tư duy, tưởng tượng để có thể hiểu rõ chân tướng này, mà cũng chẳng có cách nào dùng ngôn ngữ để nói rành rẽ, hoặc dùng văn tự để viết ra, đều là chẳng có cách nào! Vì thế, gọi là “bất khả tư nghị”. Như thế nào thì mới có thể chứng đắc, mới có thể hiểu rõ? Đức Phật dạy: Chỉ có tâm thanh tịnh. Khi tâm đạt đến thanh tịnh, thường nói là “tâm như nước lặng”, một niệm chẳng sanh; khi ấy, tác dụng của tâm hết sức rộng lớn. Bát Nhã Tâm Kinh nói “chiếu kiến”, tâm thanh tịnh khởi tác dụng là chiếu kiến. Quý vị đã trông thấy, hoàn toàn hiểu rõ chân tướng. Quý vị hiểu rõ chân tướng ấy hoàn toàn giống hệt như đức Phật đã dạy trong kinh. Đức Phật thấy chân tướng ấy, quý vị cũng thấy chân tướng ấy, đối chiếu những điều đức Phật đã thấy với những điều quý vị thấy, có thể thấy là những điều [bản thân chúng ta] trông thấy quyết định chẳng có sai lầm. Hễ có sai lầm, sẽ chẳng phải là chân tướng. Chân tướng thì nhất định là ai nấy đều thấy như nhau, đó chính là chân tướng. Tôi thấy khác với quý vị, đó chẳng phải là chân tướng. Tức là như trong câu tôi vừa mới nói, hết thảy vạn hữu trong thế gian này chẳng phải là chân tướng. Vì sao? Tôi thấy khác với quý vị, quý vị lại chẳng thấy giống như kẻ khác! Sự thật bày ra trước mắt chúng ta, mỗi người nhìn rồi cảm nhận khác nhau, đó chẳng phải là chân tướng.

Những hiện tượng ấy phát sanh như thế nào? “Duy y vô minh vọng tâm” (Chỉ nương vào vô minh vọng tâm). Pháp Tướng Duy Thức Tông đã nói về chuyện này rất rõ ràng, rất thấu triệt, rất minh bạch, chỉ rõ chân tướng của vạn hữu trong vũ trụ, nhưng bộ phận kinh luận ấy hết sức phức tạp, rắc rối. Vì sao? Muôn vàn hình tượng trong vũ trụ quá phức tạp, quý vị muốn nói rõ ràng, nói minh bạch, đương nhiên là phức tạp, chẳng thể nào bằng mấy câu đơn giản mà có thể trao đổi rành rẽ được! Vì thế, [Duy Thức] phân tích từng chuyện một hết sức chi ly. Nói tổng quát, [vạn tượng trong vũ trụ] do vọng tưởng biến hiện. Ở đây, [sách Diễn Nghĩa] gọi vọng tưởng, chấp trước là “vô minh vọng tâm”. Vọng tâm có thể biến, cảnh giới được biến hiện giống hệt như nằm mộng. Cảnh giới trong mộng rất ngắn, vừa tỉnh giấc bèn biết là mới vừa nằm mộng, suy nghĩ chuyện trong mộng vẫn nhớ rất rành rẽ. [Thế nhưng, phàm nhân] trọn chẳng biết cảnh giới hiện thực của chúng ta chính là mộng cảnh! Lại còn nằm mộng trong mộng, quý vị có kinh nghiệm này hay không? Khi nằm mộng, trong giấc mộng lại nằm mộng. Hoàn cảnh hiện tiền của chúng ta là ở trong mộng. Vì thế, cổ đức thường nói: “Đại tác mộng trung Phật sự, kiến lập thủy nguyệt đạo tràng” (Làm Phật sự to lớn trong mộng, tạo dựng đạo tràng như bóng trăng trong nước); làm Phật sự to lớn trong giấc mộng, xác thực là một mộng cảnh. Biết đấy là mộng cảnh, bèn giác ngộ. Biết mộng cảnh là gì? Nguyên lai, hết thảy đều chẳng thật. Tuy là có, nhưng cái Có ấy được gọi là Huyễn Hữu, hoặc được gọi là Giả Hữu, trong Phật pháp thường nói tới Diệu Hữu. Diệu Hữu là chẳng thật, rất kỳ diệu, tuy chẳng phải thật sự, nhưng nó có! Tuy có, nó chẳng phải là thật, chẳng thật sự tồn tại, nên cái Có ấy được gọi là Diệu Hữu. Vì vậy, thức có thể biến, biến hiện y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới. Thức có thể trì, Trì (持) là gìn giữ, gìn giữ cho nó tồn tại trong một giai đoạn. Trong Duy Thức Học, sự gìn giữ ấy được gọi là Tương Tục Tướng (相續相: tướng liên tục), sanh diệt trong từng sát-na. [Tướng ấy sanh và diệt] trong từng sát-na một, [tướng trong sát-na trước không phải là tướng trong sát-na sau], nhưng chúng có hình trạng rất gần gũi, thuộc loại Tương Tự Tương Tục Tướng (gần như là tướng liên tục. Do sanh diệt rất nhanh, nên có cảm giác là liên tục), chuyện là như vậy đó. Do vậy, chính là “vô minh vọng tâm nhi đắc trụ trì” (do vô minh vọng tâm mà tồn tại).

“Nhược ly vọng tâm” (Nếu lìa vọng tâm), quý vị vừa giác ngộ, vọng tâm bèn chẳng còn! Vọng tâm chẳng có, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, hết thảy vạn hữu trong vũ trụ cũng chẳng có, giống như tỉnh mộng. Sau khi tỉnh giấc, mộng cảnh chẳng còn! Nay chúng ta tu hành phải đoạn vọng tưởng. Nếu thật sự đoạn hết vọng tưởng, thế giới này chẳng có, hết thảy đều chẳng có. Vì sao? Đã tỉnh mộng. Do vậy, Vĩnh Gia đại sư nói: “Giác hậu, không không vô đại thiên” (Giác rồi ba cõi rỗng toang hoang). “Đại thiên” (大千) là một [tam thiên] đại thiên thế giới, tức là y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới chẳng có. Vì thế nói: “Mộng lý minh minh hữu lục thú” (Trong mộng rành rành phô sáu nẻo), “lục thú” (六趣: sáu đường) là tam thiên đại thiên thế giới. Tam thiên đại thiên thế giới là lục đạo luân hồi. Nói theo nhà Phật, tam thiên đại thiên thế giới là vũ trụ quan, lục đạo luân hồi là nhân sinh quan. Chúng sanh luân hồi trong lục đạo, phạm vi nương tựa của lục đạo là tam thiên đại thiên thế giới. Do vậy, chẳng có vọng tưởng bèn chẳng có lục đạo. Người nào chứng đắc? A La Hán chứng đắc. A La Hán chẳng có vọng tưởng, chẳng có Kiến Hoặc và Tư Hoặc, đã đoạn hết. Vì thế, A La Hán chứng thực “giác rồi ba cõi rỗng toang hoang”. Nhưng Ngài chẳng có lục đạo, vẫn còn có tứ thánh pháp giới, tức Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật. Cũng có thể nói là Ngài chẳng có vọng tưởng lục đạo, chẳng có nhân, mà cũng chẳng có quả. Do đâu mà có tứ thánh pháp giới? Từ căn bản vô minh mà có. Đẳng Giác Bồ Tát còn sót lại một phẩm sanh tướng vô minh cuối cùng, nó vi tế nhất. Những hiện tượng thuộc vạn hữu trong vũ trụ sanh từ vô minh. “Vô minh vọng tâm” được nói ở đây chính là hai chuyện. Vô minh là tứ thánh pháp giới; vọng tâm là lục phàm pháp giới. Có tứ thánh và lục phàm là do như vậy đó.

Trong vọng tâm có vô minh, trong vô minh chẳng nhất định có vọng tâm. Đẳng Giác Bồ Tát thì một phẩm sanh tướng vô minh cũng đoạn hết, ngay cả Phật pháp cũng chẳng có. Không chỉ là chẳng có lục phàm, mà tứ thánh cũng chẳng có, rốt cuộc là tình trạng nào? Trong kinh, đức Phật lại bất đắc dĩ đặt ra một danh từ mới là Nhất Chân pháp giới. Chư vị phải biết, Nhất chẳng phải là một con số. Nhất chẳng phải là đối ứng với mười pháp giới mà nói Nhất. Nếu quý vị hiểu theo kiểu đó, sẽ chẳng có cách nào khế nhập Nhất Chân. Nhất Chân là bất đắc dĩ nói ra một danh từ như thế, quyết định chớ nên chấp trước. Lời này chỉ có thể hiểu ý, chứ không thể diễn tả, truyền đạt được. Quý vị phải thấu hiểu: Nó là chân thật, là cảnh giới nơi quả địa Như Lai, là “diện mạo vốn có của hết thảy chúng sanh trước khi được cha mẹ sanh ra” (nhất thiết chúng sanh phụ mẫu vị sanh tiền bản lai diện mục) như Thiền Tông đã nói, chính là như vậy đó. Trong ấy, chẳng có mười, lấy đâu ra một? Một cũng chẳng có thì mới gọi là Nhất Chân. Hễ có ý niệm Nhất Chân, sẽ chẳng phải là Nhất Chân. Trong Nhất Chân mà vẫn còn xen tạp vọng niệm “có một cái Nhất Chân” trong ấy thì sai mất rồi! Đấy chính là nguyên nhân thật sự vì sao chúng ta chẳng thể chứng nhập pháp giới của Phật.

Cũng có nghĩa là: Nói chung, chúng ta chẳng thể đoạn trừ vọng tưởng, chấp trước. Nghe đức Phật thuyết pháp mà chẳng biết nghe, nghe thành một đống vọng tưởng, chấp trước, biến những lời Phật dạy thành vọng tưởng, chấp trước, đó là chẳng biết nghe! Do vậy, trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát đã dạy chúng ta ba nguyên tắc lớn để nghe pháp, ắt cần phải tuân thủ, quý vị mới có thể hiểu nghĩa chân thật của Như Lai. Ba nguyên tắc lớn là:

1) [Thứ nhất là] “lìa tướng ngôn thuyết”. Đức Phật giảng kinh, thuyết pháp sử dụng ngôn ngữ. Ngôn ngữ được ghi chép lại thành văn tự. Kinh điển là văn tự, chớ nên chấp trước tướng ấy. Chúng ta phải nghe ra ý nghĩa trong ấy, chớ nên chấp trước nơi tướng (ngôn ngữ, văn tự). Vì quý vị chấp tướng, Phật pháp lại biến thành vọng tưởng, chấp trước. Đúng là Phật rất oan uổng. Vốn là Phật muốn cứu quý vị, quý vị thấy đó, [do quý vị chấp trước], lại tăng thêm nhiều nỗi phiền toái cho quý vị. Quý vị vọng tưởng, chấp trước đã nhiều, nay lại cho thêm, lại tăng thêm, Phật chẳng nhẫn tâm! Do vậy, quý vị phải biết nghe, chớ nên phân biệt, chớ nên chấp trước.

2) Thứ hai là “lìa tướng danh tự”. Đức Phật thuyết pháp, nhằm thuận tiện thuyết pháp, đã giả lập rất nhiều danh từ, thuật ngữ. Danh từ, thuật ngữ đã giảm bớt rất nhiều chuyện trong việc biểu đạt bằng ngôn thuyết. Những danh từ, thuật ngữ ấy cũng là giả lập. Rất đáng tiếc là Lão Trang của Trung Hoa chưa được nghe đức Phật thuyết pháp. Nếu họ nghe đức Phật thuyết pháp, nhất định sẽ ngay lập tức đại triệt đại ngộ, cũng thành Phật, thành Bồ Tát. Vì sao? Thái độ của Lão Tử hoàn toàn tương ứng với những gì đức Phật đã dạy. Lão Tử nói: “Đạo khả đạo, phi thường đạo. Danh khả danh, phi thường danh” (Cái đạo có thể nói thì chẳng phải là đạo thường hằng. Cái tên có thể gọi được thì chẳng phải là cái tên thường hằng). Cái gì có thể nói được thì đều chẳng chân thật. Tất cả các danh tướng đều là giả lập, đều chớ nên chấp trước. Hễ chấp trước chúng, sẽ biến thành sai lầm to lớn.

3) Thứ ba là “lìa tướng tâm duyên”, quyết định chớ nên suy lường. Chớ nên nói “ta suy nghĩ chuyện này”, hễ suy nghĩ bèn trật rồi! Suy nghĩ là gì? Rớt vào thức thứ sáu, tức ý thức, đấy chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Căn bản là chẳng rớt vào tâm ý thức, đấy là khai ngộ, là trí huệ chân thật.

Do vậy, nghe kinh phải biết nghe. Biết nghe là gì? Chẳng chấp trước văn tự, chẳng chấp trước ngôn thuyết, chẳng chấp trước danh từ. Chẳng khởi tâm, không động niệm, đó là “biết nghe”, mới có thể thật sự hiểu nghĩa chân thật do đức Như Lai đã nói.

Tuy vậy, kinh Lăng Nghiêm chỉ có hai câu nói hoàn toàn giống như Đại Thừa Khởi Tín Luận. “Tưởng trừng thành quốc độ” (Tưởng lắng đọng bèn thành cõi nước): “Tưởng” (想) là vọng tưởng, “trừng” (澄) [ở đây phải hiểu] là chấp trước kiên cố, “quốc độ” nay được gọi là “vạn hữu trong vũ trụ”. Vạn hữu trong vũ trụ do như thế mà có. Hết thảy động vật do đâu mà có? Động vật là “tri giác nãi chúng sanh” (do có tri giác bèn là chúng sanh). Chính mình cảm thấy “có biết, có cảm nhận”, đó là chúng sanh. Có biết, có cảm nhận thì chẳng phải là chân tri, chân giác, chẳng phải là chánh tri, chánh giác. Trong kinh Bát Nhã, đức Phật đã nói “Bát Nhã vô tri”. Chư Phật Như Lai, Bồ Tát, La Hán, hết thảy thánh nhân đều như nhau, vô tri! Tâm các Ngài thanh tịnh, chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, đó là vô tri. Vô tri là trí huệ thật sự. Quý vị hỏi các Ngài, thứ gì các Ngài cũng đều biết, chẳng có gì không biết. [Khi] quý vị hỏi, các Ngài khởi tác dụng; hễ khởi tác dụng thì không gì chẳng biết. Khởi tác dụng bèn không gì chẳng biết; khi chẳng khởi tác dụng bèn vô tri. Tâm vĩnh viễn thanh tịnh, vĩnh viễn là định. Tuy khởi tác dụng, vẫn là định, vẫn là tĩnh, Dụng chẳng ngại Thể, Thể chẳng ngại Dụng. Phải biết: Nay chúng ta Thể lẫn Dụng đều chẳng có. Đó là bị vô minh phiền não chướng ngại tự tánh, khởi lên tác dụng hư huyễn, chẳng thật, biến thành luân hồi trong lục đạo. Đã hiểu đạo lý này, đã hiểu rõ sự thật này, đương nhiên là chúng ta chẳng hoài nghi chuyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Thế giới Tây Phương do đâu mà có? Cũng từ Tưởng của chính chúng ta lắng đọng mà thành tựu, cũng do vô minh vọng tâm của chính chúng ta duy trì. Vì thế, Tịnh Tông nói: “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”. A Di Đà Phật là tri giác, thế giới Cực Lạc chính là “tưởng trừng”.

Hằng ngày chúng ta tưởng thế giới Cực Lạc, hằng ngày tưởng A Di Đà Phật, vô minh vọng tưởng của chúng ta bèn biến hiện Tây Phương Cực Lạc thế giới, biến hiện A Di Đà Phật, tưởng gì biến nấy. Hết thảy vạn pháp do từ tưởng tượng mà biến hiện, chẳng có pháp nào là ngoại lệ, pháp nào cũng đều là như vậy. Chúng ta tưởng thiện bèn biến hiện cảnh giới thiện. Tịnh Độ của chư Phật, cõi vui sướng của chư thiên, [đều do] thiện niệm biến hiện. Chúng ta tưởng ác, ác là tham, sân, si, mạn, tổn người, lợi mình. Tưởng ác bèn biến hiện cõi nước ác, ba ác đạo. Vì vậy, lục đạo luân hồi, Tịnh Độ của chư Phật, quyết định là chẳng có ai làm chủ tể, chẳng có! Đều do chính mình biến hiện, [tùy thuộc] quý vị dùng cái tâm gì mà biến đổi thành cảnh giới ấy. Chư Phật, Bồ Tát tâm địa thanh tịnh, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều chẳng có, cho nên hiện ra cõi nước thanh tịnh tột bậc, xác thực là các Ngài chẳng có vọng niệm. Mười pháp giới đều còn kèm theo vọng. Tứ thánh pháp giới tuy thanh tịnh, vẫn chưa đoạn sạch vọng, vẫn kèm theo vọng biến hiện. Nay chúng ta nói “đới nghiệp vãng sanh”, đấy chẳng phải là biến hiện Tịnh Độ còn kèm theo vọng ư? Bản thân chúng ta chẳng thể biến, chẳng thể biến là vì tâm lực còn chưa đạt tới, có khá nhiều chướng ngại chưa thể đột phá, chẳng thể khắc phục, tâm chẳng thể coi là thanh tịnh; nhưng chúng ta kết hợp cùng tâm của A Di Đà Phật, cậy vào phước của Ngài, do Ngài thanh tịnh, tuy chúng ta chẳng thanh tịnh, nhưng hưởng ké sự thanh tịnh của Ngài, mà sanh vào cõi nước của Phật Di Đà, là chuyện như thế đó. Quý vị hiểu rõ sự thật và đạo lý này, sẽ chẳng hoài nghi chuyện vãng sanh Tịnh Độ!

“Tịnh tưởng thành tựu, tất đắc vãng sanh” (Tịnh tưởng thành tựu, ắt được vãng sanh), há còn có nghi hoặc ư? Hễ có nghi, tức là chưa liễu giải đạo lý và sự thật này. Nói thật ra, người chẳng liễu giải thật sự chiếm đa số! Người niệm Phật hiểu rõ ràng đạo lý này cũng chẳng nhiều! Tuy chẳng nhiều, chỉ cần người ấy có chân tâm, cũng có thể vãng sanh, chỗ thù thắng của pháp môn này là ở ngay chỗ này. Quý vị hiểu rõ ràng, hiểu minh bạch, quý vị niệm câu A Di Đà Phật sẽ là Lý niệm. Quý vị không hiểu rõ ràng, chẳng hiểu minh bạch, thứ gì cũng đều chẳng biết, thế nhưng nghe nói tới A Di Đà Phật, nghe nói thế giới Cực Lạc tốt đẹp lắm, bèn nhất tâm niệm, nhất tâm hướng tới, quyết định được vãng sanh. Đó là Sự niệm. Sự niệm và Lý niệm, một đằng là hiểu rõ chân tướng sự thật, một đằng là chẳng hiểu rõ, chuyện là như vậy đó, niệm đều như nhau.

Bất luận là Sự niệm hay Lý niệm, niệm đến mức đoạn Kiến Tư phiền não, đều gọi là Sự nhất tâm. Lý niệm mà niệm đến mức đoạn Kiến Tư phiền não vẫn gọi là Sự nhất tâm. Do Sự niệm mà phá một phẩm vô minh thì cũng gọi là Lý nhất tâm, chẳng phải là Sự niệm, niệm đến cuối cùng vẫn là Sự nhất tâm, chẳng phải là như vậy. Sự niệm và Lý niệm là nói đến sự dụng công trong lúc thường nhật, hai loại cảnh giới khác nhau, công phu là như nhau. Điều đáng quý là đoạn nghi sanh tín. Người Lý niệm đoạn nghi sanh tín, quá nửa là do có trí huệ, hiểu rõ ràng, minh bạch chân tướng sự thật này, chẳng hoài nghi, tín tâm thanh tịnh. Sự niệm thì đổ công dốc sức, tuy chẳng hiểu rõ đạo lý này, chẳng hiểu rành chân tướng, nhưng người ấy có thiện căn, có đại phước đức; đại phước đức là người ấy chẳng hoài nghi, thật sự tin tưởng, thật sự chịu niệm. Tuy là Sự niệm vẫn có thể đắc Lý nhất tâm, rất chẳng thể nghĩ bàn!

 

(Sao) Tha xứ giả hữu tam: Nhất giả, Sa Bà thế giới, nhị giả, dư Phật quốc độ, tam giả, bỉ quốc Biên Địa. Kim giai giản chi.

()他處者有三:一者娑婆世界,二者餘佛國土,三者彼國邊地。今皆揀之。

(Sao: “Nơi khác” có ba chỗ: Một là thế giới Sa Bà; hai là các cõi Phật khác; ba là Biên Địa của cõi ấy (Biên Địa của Cực Lạc). Nay [do tâm chẳng điên đảo lúc lâm chung nên] đều loại trừ [người mất sẽ sanh vào những nơi đó]).

Giải thích câu “dĩ bất điên đảo, cố bất sanh tha xứ” (do chẳng điên đảo, nên chẳng sanh vào nơi khác) trong lời Sớ. Do vậy có thể biết:

1) Nếu lâm chung mà điên đảo, đương nhiên khả năng lớn nhất, gần như một trăm phần trăm, là sanh trong thế giới Sa Bà, lại còn phải luân hồi trong lục đạo của thế giới Sa Bà. Đấy là nói tới “tha xứ”.

2) Còn có một loại khác, tức là người tu hành thật sự có công phu, người ấy tu học các pháp môn khác, chẳng phải là pháp môn Tịnh Độ, bèn vãng sanh trong Tịnh Độ của các vị Phật khác, chẳng sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nhưng chư vị nhất định phải hiểu: Sanh về thế giới chư Phật ở phương khác, trong tương lai tiếp tục tu hành thành Phật, thì cũng như kinh Hoa Nghiêm đã nói, phải trải qua vô lượng kiếp, nói chung là chẳng nhanh chóng như Tây Phương. Sanh “dư Phật quốc độ” (các cõi Phật khác) là chuyện tốt, nhưng còn có một chút đáng tiếc là phải mất một thời gian rất dài, tu hành còn phải hứng chịu rất nhiều nỗi khổ sở.

3) Loại thứ ba trong ba loại, kể ra còn may mắn, sanh vào Biên Địa của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vì sao có thể sanh vào Biên Địa? Kinh Vô Lượng Thọ đã nói rất rõ ràng. Vì sao nói là sanh vào Biên Địa tốt đẹp hơn hai loại trước, vẫn tốt hơn các cõi Phật ở phương khác? Sanh vào Biên Địa bất quá là lỡ làng năm trăm năm mà thôi! Cổ đại đức đã nói rất rõ ràng, “năm trăm năm” chính là năm trăm năm trong thế gian này! Sanh vào Biên Địa cũng là vô lượng thọ, năm trăm năm ấy thấm vào đâu! Sau năm trăm năm, người ấy vẫn có thể hồi tâm chuyển ý, vẫn có thể thấy Phật, dự vào phẩm vị vãng sanh. Vì thế, xác thực là thù thắng hơn vãng sanh Tịnh Độ của các vị Phật khác rất nhiều!

 

(Sao) Tốc giả, bất kinh Trung Ấm, bất cách thời nhật, Quán Kinh sở vị “như đàn chỉ khoảnh, sanh Cực Lạc quốc dã”.

()速者,不經中陰,不隔時日,觀經所謂如彈指頃,生極樂國也。

(Sao: “Nhanh chóng” là chẳng trải qua Trung Ấm, chẳng cách biệt ngày giờ. Quán Kinh nói là “như trong khoảng khảy ngón tay bèn sanh vào cõi Cực Lạc”).

Đây là nói rõ vãng sanh thành tựu rất nhanh chóng. Kẻ bình phàm sau khi đã chết, nói thông tục là “linh hồn lìa khỏi thân thể”, sẽ theo nghiệp lưu chuyển, lại đi đầu thai, phần lớn là đều trong vòng bốn mươi chín ngày, đức Phật đã nói như vậy trong kinh Địa Tạng. Nhưng cũng có một số ít là ngoại lệ, đợi đến vài năm, vài chục năm chẳng đầu thai. Trong bốn mươi chín ngày ấy, gọi là Trung Ấm (Antarābhava). Do linh hồn rời khỏi thân thể này, hễ đầu thai sẽ lại có được một thân thể khác, ở trong trạng huống [lưng chừng] chưa có được [một thân thể mới, mà thân thể cũ đã hư hoại] thì gọi là Trung Ấm. Người Hoa gọi là “linh hồn” (靈魂), Phật môn gọi là “thần thức” (神識), còn Khổng Tử nói là “du hồn” (游魂). Trong phần Hệ Từ Truyện của kinh Dịch, Khổng Tử giảng giải về cội nguồn của thế giới này, đã nói rất gần với cách nói trong Phật pháp: “Tinh khí vi vật, du hồn vi biến” (Tinh khí[89] tạo thành vật chất, cái hồn bềnh bồng biến hóa). “Vật” (物) là vạn hữu trong vũ trụ. Vạn hữu trong vũ trụ vì sao mà có? Do tinh khí biến hiện. Phật pháp nói là do vô minh vọng tưởng biến hiện. “Du hồn vi biến”: Thần thức có tốc độ hết sức lớn, gần như đối với tam giới trong một đại thiên thế giới này, vừa dấy một niệm, bèn có thể đạt đến [trọn khắp]. Nó là một hiện tượng động (chẳng phải là tĩnh), có tốc độ chuyển động rất lớn, giống như làn sóng điện được nói trong hiện thời. Thật ra, tốc độ của nó còn cao hơn sóng điện nhiều lắm thì nó mới có thể đi đầu thai, xả thân, thọ thân để luân hồi trong lục đạo của tam giới. Người thế gian gọi nó là “linh hồn”, trên thực tế, nó đúng là chẳng linh. Nếu nó thật sự linh, làm sao có thể đầu thai trong ba ác đạo? Chẳng thể nào! Linh thì nó sẽ biết chọn lựa, sẽ chẳng chọn lấy hoàn cảnh rất tệ hại. Vì thế, nó rất hồ đồ, đáng gọi là “mê hồn” (cái hồn mê muội), thật sự mê. Phu Tử gọi nó là “du hồn” cũng rất đúng, vì nó không ổn định, tốc độ rất lớn. Do vậy, nó được gọi là Trung Ấm. Niệm Phật vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, “bất kinh Trung Ấm”, [nghĩa là] chẳng có Trung Ấm, Phật đến tiếp dẫn, theo Phật ra đi. Trong khi ấy, đúng là chẳng chậm trễ một phút, một giây nào. Do vậy, người ấy chẳng có Trung Ấm. “Bất cách thời nhật” nghĩa là chẳng cách biệt mấy giờ hoặc cách biệt mấy ngày. Chúng ta nói “thời nhật” thông thường là bảy lần bảy, bốn mươi chín ngày. Đó là nói theo lẽ thông thường, người niệm Phật chẳng có chuyện ấy. Tiếp đó, trích dẫn Quán Kinh để tỷ dụ: “Quán Kinh sở vị như đàn chỉ khoảnh, sanh Cực Lạc quốc dã” (Quán Kinh nói là “như trong khoảng khảy ngón tay sanh về cõi Cực Lạc”), “đàn chỉ” (彈指) là thời gian ngắn ngủi, trong một cái khảy ngón tay đã đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, hình dung rất nhanh chóng!

 

(Sao) Hựu Trí Giả vân.

()又智者云。

(Sao: Ngài Trí Giả lại nói).

Dưới đây lại dẫn lời Trí Giả đại sư, vị này là tổ sư của tông Thiên Thai.

 

(Sao) Lâm chung tại Định chi tâm, tức thị Tịnh Độ.

()臨終在定之心,即是淨土。

(Sao: Lâm chung, tâm ở trong Định thì chính là Tịnh Độ).

Câu này nói hết sức hay, nêu rõ cái nhân thật sự của Tịnh Độ, thường nói là “tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh”. Đặc biệt là khi lâm chung, tâm địa hết sức thanh tịnh, một niệm cầu sanh, Phật bèn hiện tiền, quyết định được vãng sanh. Bản thân chúng ta nhất định phải chú ý câu này. Công phu tốt nhất là phải dưỡng thành ngay trong thường ngày, thời thời khắc khắc gìn giữ cái tâm thanh tịnh. Nói cách khác, giữ lấy Tịnh Độ nói thật ra là dễ như trở bàn tay, chẳng khó! Làm thế nào để gìn giữ cái tâm thanh tịnh? Ắt cần phải buông xuống vạn duyên, đó là đúng.

Nhất định phải biết Liên Trì, Ngẫu Ích đại sư đều là bậc tái lai, chẳng phải là phàm nhân! Trí Giả đại sư là Thích Ca Mâu Ni Phật tái lai, hóa thân đến. Tuy các vị Liên Trì và Ngẫu Ích chẳng bộc lộ thân phận, quyết định phải là những nhân vật từ Đẳng Giác trở lên. Ấn Quang đại sư khi đến tuổi già, bị người khác biết đến thân phận, Ngài là Đại Thế Chí Bồ Tát tái lai. Ngài tán thán bộ Di Đà Kinh Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư như sau: “Dẫu cổ Phật tái lai viết chú giải cho kinh Di Đà, cũng chẳng thể hay hơn tác phẩm này được!” Lời ấy do Đại Thế Chí Bồ Tát nói. Như thế thì Ngẫu Ích đại sư soạn bản chú giải Di Đà Yếu Giải là người nào vậy? Nếu chẳng phải là A Di Đà Phật, quyết định là Quán Thế Âm Bồ Tát. Nếu không, làm sao có thể được Đại Thế Chí Bồ Tát tán thán như vậy? Chúng ta phải hiểu điều này. Trong tâm mục, Ngẫu Ích đại sư coi Liên Trì đại sư là thần tượng, là người được Ngài tôn kính nhất đời. Liên Trì là người nào? Liên Trì là vị đã viết bộ Sớ Sao này! Ngài là nhân vật như thế nào? Từ những lời dạy của các vị đại đức ấy, Tịnh Tông chúng ta biết Thiện Đạo đại sư và Vĩnh Minh Diên Thọ đều là A Di Đà Phật tái lai. Chúng ta đọc Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ Sao, tức Tứ Thiếp Sớ, chính là học trực tiếp với A Di Đà Phật. Những vị đại đức ấy dạy chúng ta nguyên tắc và cương lãnh đều là tâm thanh tịnh. Lại còn hết sức đơn giản là “dùng một câu Phật hiệu để đạt tới thân tâm thanh tịnh”. Trong các lời khai thị về pháp Niệm Phật của Ngẫu Ích đại sư, thật sự là tổng hợp pháp ngữ của Liên Trì đại sư rồi qua một phen chỉnh lý, quy nạp, cuối cùng tổng kết thành “nhất cú A Di Đà Phật, cai la bát giáo, viên nhiếp ngũ tông” (một câu A Di Đà Phật, bao trùm tám giáo, nhiếp trọn năm tông), còn gì để bàn cãi nữa đây? “Tám giáo”: Tông Thiên Thai nói “năm thời, tám giáo”, tức là hết thảy các pháp môn do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong bốn mươi chín năm đều gộp trong một câu danh hiệu Di Đà, thảy đều bao gồm. “Năm tông” là [năm tông phái của] Thiền Tông. Từ sau Lục Tổ đại sư, Thiền Tông chia thành năm phái, tức Tào Động, Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Vân Môn, và Pháp Nhãn. “Bao trùm tám giáo, nhiếp trọn năm tông” nghĩa là bao gồm trọn vẹn hết thảy các pháp môn do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong bốn mươi chín năm. Phật hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn! Người biết học nắm được cương lãnh ấy, niệm một câu Phật hiệu đến cùng, chẳng cần phải tìm cành vặt lá nữa! Một câu Phật hiệu là căn bản của căn bản, thật sự tu từ căn bản.

Chúng ta chẳng cần nhìn vào thời cổ, hãy xem trong thời cận đại. Cận đại, những người vãng sanh chúng ta đã nghe đến nỗi hết sức nhàm tai: Đứng mất, ngồi mất, gần như đều là chẳng biết chữ, đều chưa từng đi học, Tông Môn lẫn Giáo Hạ đều chẳng hiểu, thứ gì cũng chẳng biết. Người đồ đệ làm thợ vá nồi của pháp sư Đế Nhàn, được Ngài cho quy y xuất gia, chẳng thọ giới nào hết, điều gì cũng chẳng hiểu. Sư dạy ông ta một câu Nam-mô A Di Đà Phật, người ta niệm ba năm, đứng vãng sanh! Ông ta là Sự trì, chẳng hiểu Lý, nhưng có tín tâm, có nguyện tâm, tinh tấn chẳng biếng nhác, trọn chẳng thoái chuyển. Lão pháp sư dạy ông ta một phương thức tuyệt diệu, chẳng khó, mỗi người trong chúng ta đều có thể làm được! Ngài dạy ông ta thật thà niệm một câu Phật hiệu, niệm đã mệt bèn nghỉ ngơi, nghỉ khỏe khoắn rồi lại niệm tiếp. Quý vị thấy [cách niệm ấy] có sống động, tự tại lắm hay không? Chẳng bảo quý vị mỗi ngày phải nhất định niệm trong thời gian bao lâu, chẳng có! Niệm Phật, bất luận ở nơi đâu, bất luận khi nào, bất luận công việc bận rộn như thế nào, đều có thể dùng; hễ mệt liền nghỉ ngơi, nghỉ khỏe khoắn xong, lại niệm tiếp! Nghiệp chướng gì cũng đều tiêu mất, tội nghiệp gì cũng đều bị niệm mất sạch. Vãng sanh có thụy tướng thù thắng như vậy. Sư Tu Vô vãng sanh tại chùa Cực Lạc, lão pháp sư Đàm Hư chính mắt trông thấy. Trước khi xuất gia, sư Tu Vô làm thợ nề, cũng chưa hề học hành, quý vị hỏi Sư điều gì, Sư đều chẳng biết. Tuy đã thọ giới, nhưng giới là gì Sư cũng chẳng nói được, mà cũng chẳng biết. Một câu A Di Đà Phật, tâm địa thanh tịnh, đó gọi là Định Cộng Giới. Trong tâm thanh tịnh, chẳng có một niệm đúng sai, giới ấy bèn thanh tịnh. Giới luật tuy nhiều như vậy, tinh thần của giới là hai câu: “Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện”. Một người thật sự chẳng hề có một ý niệm ác nào, niệm nào cũng đều mong giúp đỡ người khác, khuyên người khác niệm Phật vãng sanh, chính là “vâng làm các điều thiện”. Trong các điều thiện, đại thiện bậc nhất là khuyên người khác niệm Phật vãng sanh, chẳng có gì thiện hơn. Thật vậy, hết thảy các giới luật Đại Thừa, Tiểu Thừa, một câu Phật hiệu, một tâm thanh tịnh thảy đều trọn đủ, thọ trì viên mãn, há cần phải phiền phức thọ từng điều một! Đó là sự thù thắng trong pháp môn Đại Thừa, pháp môn Tịnh Tông chẳng thể nghĩ bàn nhất, chúng ta phải hiểu rõ! Sau khi đã hiểu rõ, sẽ biết chính mình có phương pháp tu học chánh xác.

Trong cuộc sống hằng ngày, chẳng có gì khác, [chỉ là] vun bồi cái tâm thanh tịnh. Hình trạng của tâm thanh tịnh là gì? Lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần chẳng phân biệt, không chấp trước, không khởi tâm, không động niệm, tâm tự nhiên thanh tịnh. Đó là “tại Định chi tâm, tức thị Tịnh Độ” (cái tâm ở trong Định chính là Tịnh Độ), lập tức tương ứng với Tây Phương Tịnh Độ, quý vị sẽ đạt được pháp hỷ, ngay lập tức tương ứng với A Di Đà Phật. Tuy vẫn chẳng thấy Phật, cũng là đã trao đổi tin tức, có cảm ứng với Phật. Quý vị có tín tâm vẹn mười, thật sự đắc pháp hỷ sung mãn, tâm thanh tịnh. Đối với hết thảy mọi chuyện, nhất định là thông đạt, hiểu rõ. Thông đạt, hiểu rõ là Huệ. Tuy thông đạt, hiểu rõ, quyết định chẳng có phân biệt, chấp trước, đó là Định, là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. Kinh nói thông đạt, hiểu rõ hết thảy là “thanh tịnh, bình đẳng, giác”. Hiểu rõ hết thảy là giác, trong giác tâm là thanh tịnh, là bình đẳng. Do vậy, chẳng sanh phiền não. Đối với thế giới này, đối với cõi đời đại loạn này, quý vị ứng phó ung dung, thanh tịnh, sung sướng, đương nhiên là sanh về Tịnh Độ.

 

(Sao) Động niệm, tắc vãng sanh Tịnh Độ thời. Sở vân “tại Định” giả, kim tâm bất điên đảo thị. Sở vân “động niệm” giả, hậu nguyện sanh bỉ quốc thị.

()動念,則往生淨土時。所云在定者,今心不顛倒是;所云動念者,後願生彼國是。

(Sao: “Hễ động niệm thì là lúc vãng sanh”. Nói “ở trong Định” chính là “hiện thời cái tâm chẳng điên đảo”. Nói “động niệm” tức là sau đó, nguyện sanh về cõi ấy).

 “Động niệm” như đang nói ở đây chính là ý niệm dấy động, có ý niệm cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Tại Định chi tâm” (Cái tâm trong Định) là căn bản, từ cái căn bản ấy bèn dấy động một niệm, cảnh giới ấy nhất định hiện tiền. Khi ấy, đáng quý nhất là nhất niệm, nhất niệm đầy ắp trí huệ là cầu sanh Tịnh Độ. Do cái tâm ở trong Định, mà có thể thuận theo ý niệm vãng sanh các cõi Phật trong mười phương. Quý vị mong sanh về Đông Phương Lưu Ly thế giới bèn được sanh. Quý vị mong sanh về Di Lặc Tịnh Độ cũng được sanh. Quý vị mong đạt được phước báo nhân, thiên thì cũng đạt được. Chẳng có gì không như ý! Vì quý vị đã hội đủ điều kiện. Điều kiện là “tại Định chi tâm” (cái tâm ở trong Định), quý vị trọn đủ điều kiện ấy. Một niệm trong khi lâm chung của chúng ta là Tây Phương Cực Lạc thế giới, cho nên hễ động niệm, “tắc vãng sanh Tịnh Độ thời” (chính là lúc vãng sanh Tịnh Độ), vừa động niệm bèn vãng sanh. Mau chóng, vừa niệm bèn vãng sanh. “Sở vân tại Định giả, kim tâm bất điên đảo thị. Sở vân động niệm giả, hậu nguyện sanh bỉ quốc thị” (Nói “ở trong Định” chính là “hiện thời, tâm chẳng điên đảo”. Nói “động niệm” tức là sau đó nguyện vãng sanh cõi kia). Từ đoạn khai thị này, chúng ta có thể thật sự thấu hiểu: Quý vị biết lúc bình thời phải nên dụng công như thế nào, hiểu rõ công phu niệm Phật cạn hay sâu là như thế nào? Ngẫu Ích đại sư nói: Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, phẩm vị cao hay thấp là do công phu niệm Phật sâu hay cạn. Đấy chính là công phu Niệm Phật.

 

(Sớ) Đại Bổn vân: Kỳ thân thể phi thế nhân chi thân thể, diệc phi thiên thượng nhân chi thân thể dã. Giai tích chúng thiện chi đức, tự nhiên hư vô chi thể, liên hoa trung hóa sanh, diệc vô nhũ dưỡng chi giả.

()大本云:其身體非世人之身體,亦非天上人之身體也。皆積眾善之德,自然虛無之體,蓮華中化生,亦無乳養之者。

(Sớ: Kinh Đại Bổn nói: Thân thể ấy chẳng phải là thân thể của người trong cõi đời, cũng chẳng phải là thân thể của người trong cõi trời, mà là [cái thân] có phẩm đức đều [được tạo thành bởi] các điều thiện tích tập, có bản thể tự nhiên hư vô, hóa sanh trong hoa sen, mà cũng chẳng do bú mớm, nuôi nấng).

Mọi người niệm kinh Vô Lượng Thọ rất thuần thục, [đều biết] sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ là “thanh hư chi thể, Kim Cang Na La Diên thân” (bản thể thanh hư, thân như Kim Cang Na La Diên). Chẳng phải là thân thể trong nhân gian do các tế bào hợp thành, yếu ớt, mong manh khôn cùng, hễ vướng một tí gió máy, lạnh lẽo, bèn sanh bệnh cảm mạo. Cũng chẳng phải là thân thể chư thiên, tuy thân tướng chư thiên thù thắng hơn thân loài người. Có lẽ sẽ có người hỏi: “Vì sao thân thể con người chẳng giống chư thiên?” Tâm chư thiên thanh tịnh hơn chúng ta, [cái tâm của] chúng ta phức tạp hơn chư thiên. Hết thảy các pháp đều do tâm biến hiện. Thế giới Tây Phương là do tâm thanh tịnh tột bậc [cảm vời], đương nhiên hiện ra cảnh giới khác hẳn, do có mức độ thuần khiết thanh tịnh khác nhau. Hết thảy các cõi Phật chẳng tinh thuần bằng cảnh giới Tây Phương; thế giới Tây Phương tinh thuần đến tột cùng! Huống hồ, phàm những người vãng sanh thế giới Tây Phương đều là “tích chúng thiện chi đức” (có phẩm đức tích tập các điều thiện), chúng ta thường nói là “đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức”. Đối với hai câu ấy, chúng ta thời thời khắc khắc chớ nên rời lìa, đoạn hết thảy ác, tu hết thảy thiện. Tiêu chuẩn thiện ác tuy rất nhiều, người niệm Phật chúng ta chỉ cần nắm vững một nguyên tắc lớn là đủ rồi. Nguyên tắc ấy chính là: “Phàm là ý niệm, tâm lý, hay hành vi mà tự tư tự lợi thì đều là ác, chúng ta nhất định phải đoạn. Phàm là tư tưởng, kiến giải, ngôn ngữ, tạo tác mà gây lợi ích cho hết thảy chúng sanh thì đều là thiện”. Như trong Liễu Phàm Tứ Huấn đã nói, trong thiện có đại, có tiểu, có chân, có giả, có thiên lệch, có viên mãn, có chẳng trọn vẹn, có trọn vẹn, chớ nên không biết! Đại thiện rốt ráo viên mãn chân thật là gì? Khuyên người khác niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thường ghim chuyện này trong lòng, những ý niệm khác thảy đều bỏ hết. Niệm nào cũng nghĩ giúp đỡ người khác, khơi gợi cho người ta tin tưởng Tịnh Độ, cầu nguyện vãng sanh. Cái tâm ấy cực thiện, là chân thiện, là viên thiện. Giới thiệu các pháp môn khác, đó là bán thiện (tốt lành chẳng trọn vẹn), chẳng rốt ráo, chẳng viên mãn. Trong các điều thiện ấy đều có khiếm khuyết, vì sao? Chẳng thể khiến cho người ta thành Phật rất nhanh chóng ngay trong một đời. Có người hỏi tôi: “Vì sao nhất định phải nhấn mạnh Tịnh Độ?” Kẻ ấy chẳng biết! Kẻ ấy nghe chúng tôi nói theo kiểu này, bèn chê chúng tôi ăn nói quá lố, dường như chúng tôi luôn có thiên kiến, có chấp trước. Nói thông tục sẽ là “lão Vương bán dưa, tự bán, tự khoe”. Kẻ ấy chẳng biết chúng tôi nói lời chân thật, câu nào cũng chân thật, chẳng quá lố tí nào! Chúng ta có được pháp môn này chẳng dễ dàng! Thật sự hiểu rõ, minh bạch, thì chúng ta mới tiếp nhận được. Nhất định phải là thời thời khắc khắc giữ cái tâm khuyên dạy người khác, đó là tu hết thảy thiện, đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức.

Công đức phải do chính mình tu, công đức là gì? Đối với Công (功), chúng tôi dùng ngay tựa đề kinh Vô Lượng Thọ để nói, mọi người sẽ rất dễ hiểu. Công là “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, là công phu này! Tâm chúng ta xác thực là mỗi năm một thanh tịnh hơn, mỗi năm một bình đẳng hơn, mỗi năm một minh bạch hơn. Giác là minh bạch, chẳng mê, đó là Công. Đức (德) là gì? Trước đó, tựa đề kinh có ghi Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm. Chúng ta sẽ đạt được. Đức và Đắc (得: đạt được) có cùng một ý nghĩa. Chư vị phải hiểu: Công đức chẳng thể dùng tiền bạc để mua được. Trong đạo tràng, chùa chiền, chúng ta bỏ ra một chút tiền [cúng dường], đó chẳng phải là công đức, mà là phước đức. Công là chính quý vị phải tu hành, tâm địa một phần thanh tịnh bèn có một phần thâu hoạch. Mười phần thanh tịnh bèn có thâu hoạch mười phần, thâu hoạch chính là Đức.

Đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức, cảm được cái thân thanh tịnh, hư vô, thân tướng mầu nhiệm tột bậc. Đối với hoàn cảnh y báo, kinh Vô Lượng Thọ nói hết sức rõ ràng: Hóa sanh trong hoa sen là chỗ sanh về trong thế giới Tây Phương. Thế giới Tây Phương là hóa sanh, chẳng phải là thai sanh. Tới thế giới Tây Phương, thân tướng của chúng ta giống như Phật, hoàn toàn giống nhau. Chẳng thể nói là kẻ vừa mới sanh vào thế giới Tây Phương sẽ như đứa trẻ từ từ trưởng thành, [nếu vậy] thế giới Tây Phương còn có tướng sanh diệt, chẳng phải là như vậy! Vì thế, hễ đến thế giới Tây Phương, sẽ hiện tướng hoàn toàn giống như Phật. Tướng ấy cũng sanh từ tâm tưởng. Trong thế gian này, người hiện thời nói là “di truyền”, tướng mạo của con cái hơi giống cha mẹ. Thật ra, có phải là di truyền hay chăng? Chẳng phải vậy, mà là do khi thần thức đầu thai, do có duyên với cha mẹ, nên con mới đến đầu thai. Chẳng có duyên, sẽ không đến! Có duyên bèn sanh tâm hoan hỷ, thấy tướng ấy bèn ưa thích; khi ấy, ý niệm bèn phân biệt, bèn chấp trước, sẽ biến thành tướng ấy, tướng chuyển theo tâm mà! Trong sát-na đầu thai, tướng ấy do tâm của chính mình biến hiện, thấy tướng của cha mẹ bèn hoan hỷ, kẻ ấy bèn suy tưởng tướng ấy, biến thành tướng ấy, nguyên do là như vậy đó. Sau khi chúng ta được sanh ra, khôn lớn trong một đời này, tướng mạo sẽ biến đổi, vì sao biến đổi? Vì tâm của chúng ta biến, đó là [lý do vì sao] kẻ xem tướng thường nói là “tướng chuyển theo tâm”. Chúng ta tiếp nhận sự giáo dục tốt đẹp, tâm địa thiện lương, thuần hậu, tướng mạo ngày càng đoan nghiêm, phước tướng, có phước! Phước ấy cố nhiên có những điều do tu tập từ đời trước, có rất nhiều điều tu trong đời này. Quý vị đọc Liễu Phàm Tứ Huấn sẽ hiểu: Có rất nhiều người đời trước khiếm khuyết, đời này đã hiểu rõ, bèn đặc biệt nghiêm túc tu học, có thể bổ cứu! Đời trước chẳng có phước báo, hãy tu nhiều, đến tuổi già, phước báo cũng rất lớn. Đời trước đoản mạng, [đời này do] tích lũy công đức sẽ có thể kéo dài, tăng thêm tuổi thọ, thảy đều dấy lên sự biến hóa. Có thể thấy chủ tể của hết thảy chính là cái tâm của chúng ta, chẳng phải do sức mạnh bên ngoài. Tâm là chúa tể thật sự. Thân thể khỏe mạnh, trường thọ, hạnh phúc hay không đều do tâm làm chủ. Đó là chân lý, đấy là sự thật, nhất định phải tin tưởng, nhất định phải hiểu rõ: Tu hành là tu từ tâm địa.

Người trong thế giới Tây Phương vâng theo giáo huấn của đức Phật để tu hành. Giáo huấn của đức Phật ở ngay trong ba kinh. Trong ba kinh, đặc biệt là kinh Vô Lượng Thọ và kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, hai bản kinh ấy quan trọng nhất. Kinh Di Đà khuyến Tín, khuyến Nguyện, khuyên niệm Phật, trọng điểm ở chỗ này. Do vậy, kinh Di Đà là kinh được nói cuối cùng trong ba kinh. Đối với Tây Phương Cực Lạc thế giới đã được giới thiệu trước đó [trong hai kinh Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ Phật], do đã hiểu rõ, nay lại khuyên lơn quý vị. Nếu chẳng giảng hai kinh trước đó, chỉ giảng kinh này, khó giảng lắm! Quý vị bảo người ta tin, người ta điều gì cũng chẳng biết, làm sao tin cho được? Tín Căn sanh từ chỗ nào? Do vậy, thứ tự giảng ba kinh của đức Phật là trước hết giảng kinh Vô Lượng Thọ, thứ hai là giảng kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, [tức là] giảng phương pháp vãng sanh. Cuối cùng, giảng kinh Di Đà nhằm khuyên lơn chúng ta, khuyên hãy tu tập.

Do trong thế giới Tây Phương là hóa sanh, tình hình hoàn toàn khác hẳn chúng ta bên này: Y báo và chánh báo đều từ tự tánh biến hiện. Vì thế, chúng là chân thật, chẳng phải là hư vọng. Thế giới này của chúng ta là hư vọng, [vì] biến hiện từ tình thức, vô minh, vọng tưởng, còn nơi kia chẳng phải là vô minh, vọng tưởng. Tuy chúng ta đến đó, chúng ta là đới nghiệp, [tức là] mang theo vô minh, vọng tưởng, nhưng vô minh và vọng tưởng đem sang bên kia chẳng khởi tác dụng. Nguyện lực của A Di Đà Phật quá mạnh mẽ; vì thế, Ngài khởi tác dụng, chúng ta chẳng khởi tác dụng. Ví như chúng ta cầm theo một ngọn đèn nhỏ mà thôi, cũng rất sáng! Bổn nguyện của A Di Đà Phật giống như mặt trời. Ngọn đèn của chúng ta dưới ánh mặt trời chẳng tỏa sáng chút nào, hoàn toàn nương cậy vào Ngài, có ý nghĩa như vậy đó. Vì vậy, đừng sợ mang theo nghiệp vãng sanh! Nghiệp của chúng ta chẳng khởi tác dụng. Khởi tác dụng là bổn nguyện công đức của A Di Đà Phật. “Diệc vô nhũ dưỡng chi giả” (Cũng chẳng có bú mớm, nuôi nấng). “Nhũ dưỡng” (乳養) là trẻ thơ phải bú sữa để lớn lên từ từ. Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có hiện tượng này!

 

(Sao) Tích thiện giả, tức thị thiện căn phước đức thành tựu chi thân.

()積善者,即是善根福德成就之身。

(Sao: “Tích thiện” là cái thân được thành tựu bởi thiện căn, phước đức).

Thiện căn và phước đức của A Di Đà Phật thành tựu cái thân của chúng ta, mà cũng là do một chút thiện căn phước đức nhỏ nhoi do chính chúng ta tu tập, được đại thiện căn và đại phước đức của A Di Đà Phật [gia trì]. Thân Kim Cang Na La Diên, bản thể thanh hư bất hoại do vậy mà có!

 

(Sao) Phi dĩ dục ái vi nhân, Tứ Đại vi Thể, cố bất diêu thai ngục, thác chất hoa trì dã.

()非以欲愛為因,四大為體,故不繇胎獄,託質華池也。

(Sao: Chẳng phải là do dục ái làm nhân, Tứ Đại làm Thể, nên chẳng do thai ngục sanh thành, gởi thể chất nơi ao hoa vậy).

Thân của lục đạo phàm phu đều do dục ái làm nhân. Lời tiểu chú có nói:

 

(Diễn) Kinh vân: Nhất thiết chúng sanh giai dĩ dâm dục nhi chánh tánh mạng.

()經云:一切眾生皆以婬欲而正 性命。

(Diễn: Kinh dạy: “Hết thảy chúng sanh đều do dâm dục mà có tánh mạng”).

Lục đạo phàm phu nói chung chẳng lìa khỏi dâm dục. Kinh Lăng Nghiêm có nói: “Nếu dâm tâm đã đoạn, tánh đoạn cũng không”. “Tánh đoạn cũng không” có nghĩa là chẳng có ý niệm [dâm dục] ấy. Chúc mừng quý vị, không chỉ quý vị chẳng còn luân chuyển trong lục đạo luân hồi, mà lục đạo luân hồi cũng chẳng có. Quý vị đã tỉnh mộng trong lục đạo, lục đạo luân hồi bèn chẳng có. Do vậy có thể biết: Đã đoạn sự dâm dục, mà còn có ý niệm, quý vị vẫn phải sanh tử luân hồi trong lục đạo. Dục Giới càng lên cao, ý niệm ấy càng nhạt mỏng, đến tầng trời thứ sáu trong Dục Giới, tức là Tha Hóa Tự Tại Thiên, ý niệm dâm dục hết sức nhạt mỏng. Lên cao hơn một tầng nữa, ý niệm ấy chẳng có, sanh vào Sắc Giới Thiên. Tham Thiền, thật sự đắc Thiền Định, sẽ chẳng có dục. Hễ còn dục tức là chẳng đắc Thiền Định. Nói cách khác, dẫu công phu định lực sâu đến mấy, mỗi lần ngồi xếp bằng nhìn vách, có thể nửa năm chẳng xuất Định, tương lai sẽ đến nơi đâu? Dục Giới Thiên, vì Định chưa thành tựu! Định đã thành tựu, chẳng sanh vọng niệm, tham, sân, si, mạn, phân biệt, chấp trước đều chẳng có, tâm địa thật sự thanh tịnh, bình đẳng thì mới có thể sanh vào Sắc Giới. Công phu định lực cao hơn, sanh trong Vô Sắc Giới. Quý vị bèn biết chuyện này khó lắm! Tham Thiền, há dễ dàng ư? Công phu chẳng cần phải hỏi ai khác, hãy hỏi chính mình. Tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, đã đoạn được niệm nào, thật sự là một niệm chẳng sanh hay chưa? Tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, ngũ dục, lục trần, hễ có một điều nào tham ái, còn chưa buông xuống được, thì chẳng được rồi! Nói cách khác, trong những người tu hành, quý vị chẳng thể vượt thoát Dục Giới, quý vị còn có dục vọng, dục vọng nặng nhất là dâm dục.

Tham ái là dục vọng, tham tài là dục vọng, tham danh cũng là dục vọng, tham quyền lực cũng là dục vọng. Người niệm Phật khi dâng hương, ta muốn được dâng nén hương đầu tiên, đấy cũng là dục vọng, cũng không được rồi! Tham cầu Phật pháp, tham cầu công đức, quý vị ngẫm xem: Chính là thay đổi đối tượng tham, chứ tham, sân, si, mạn chẳng biến đổi mảy may! Vậy thì có tác dụng gì chăng? Học Phật kiểu đó, trong tương lai vẫn phải luân hồi trong lục đạo. Kẻ ấy tu tập phước báo, tức là phước báo hữu lậu trong lục đạo. “Phước báo hữu lậu” chính là thuật ngữ trong Phật môn, thuật ngữ thế gian cũng nói như vậy. Người thế gian nói là “phước khí”, “phước” (福) là phước báo, “khí” (氣) là hữu lậu, [ý nói] hưởng phước vẫn bị vận khí (vận may, vận số) chi phối. Vì thế, nói gộp lại, phước ấy chẳng viên mãn, chẳng thanh tịnh, trong ấy còn kèm theo rất nhiều phiền não. Những thuật ngữ sử dụng trong cuộc sống hằng ngày, có ý nghĩa rất sâu! Hễ nghe nói, người thông minh bèn giác ngộ. Những thuật ngữ, văn tự ấy đầy ắp trí huệ, khiến cho quý vị thấy sắc nghe tiếng thường nhắc nhở chính mình hãy cảnh giác. Vì vậy, khác hẳn lục đạo, trong lục đạo chẳng lìa khỏi dục. Công phu định lực sâu bèn chẳng có dục. [Tuy thế], họ là phục đoạn, chẳng phải là diệt đoạn, chỉ là do công phu định lực sâu xa, dục chẳng khởi tác dụng, người ấy sanh lên Sắc Giới Thiên, hoặc Vô Sắc Giới Thiên. Sau một thời gian lâu dài, dục lại phát tác, chẳng thể khống chế được, lại dấy lên ý niệm dục vọng. Hễ động niệm, công phu định lực mất đi, lại đọa xuống. Vì thế, thọ mạng trong Sắc Giới và Vô Sắc Giới Thiên do công phu định lực duy trì; hễ Định mất đi, ngay lập tức bị đọa lạc, chẳng thoát khỏi tam giới, chẳng thoát khỏi luân hồi, đạo lý ở chỗ này.

Tây Phương Cực Lạc thế giới hoàn toàn là do tịnh niệm mà vãng sanh, Phật lực giúp đỡ, tiếp dẫn chúng ta, “cố bất diêu thai ngục” (nên chẳng do thai ngục), ở bên kia là hóa sanh trong hoa sen, chẳng phải là thai sanh. Thai sanh khổ lắm! Vào trong thai mẹ, chờ đợi mười tháng ở trong ấy. Mười tháng ấy đúng là “sống một ngày bằng cả năm”. Mười tháng trong nhân gian, đối với cảm nhận của người ấy, chỉ sợ là như mấy ngàn năm, mấy vạn năm. Ở trong ấy, bị đày đọa, chịu đau khổ, nên gọi là “thai ngục”. Ở trong thai, chẳng khác chịu tội trong địa ngục cho mấy. Mẹ uống một chén nước lạnh, con như ở trong hàn băng địa ngục. Mẹ
uống một chén trà nóng, con như đang trong hỏa thiêu địa ngục. Mẹ tâm tình chẳng thoải mái, con ở trong bụng khó chịu. Tâm tình của mẹ có ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với thai nhi. Cổ nhân biết đạo lý này, nên coi trọng thai giáo. Vì thế, trong mười tháng mang thai, phải giữ cho tâm bình khí hòa, cử chỉ an tường, hy vọng đứa nhỏ sẽ được ảnh hưởng tốt đẹp. Người hiện thời chẳng hiểu! Nay chúng ta thường nghe nói “trẻ nhỏ khó dạy”, tôi nghe toàn là những nỗi lo âu về con cái, khó dạy bảo! Do nguyên nhân nào? Quý vị chẳng biết thai giáo! Huống hồ xã hội hiện thời là một cái vò nhuộm lớn, bỏ vào đó mà chẳng bị nhuốm bẩn, sẽ chính là Phật, Bồ Tát tái lai, tuyệt đối chẳng phải là phàm nhân. Những nỗi khó khăn ấy cứ suy ra sẽ biết. Hôm nay, chúng tôi giảng tới chỗ này!

 

Tập 251

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm chín mươi hai:

 

(Sao) Diệc vô nhũ dưỡng giả, minh tự nhiên tăng trưởng, phi như Bắc Châu, do đãi chỉ đoan xuất nhũ nhi vi dưỡng dã.

()亦無乳養者,明自然增長,非如北洲,猶待指端出乳而為養也。

(Sao: “Cũng chẳng có bú mớm, nuôi nấng”, nói rõ [trong cõi Cực Lạc] tăng trưởng tự nhiên, chẳng như Bắc Câu Lô Châu còn phải đợi đầu ngón tay tiết ra sữa nuôi dưỡng[90]).

 Đây là nói rõ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, ở bên ấy là hóa sanh trong hoa sen, quả báo hết sức thù thắng. Trong thế giới này, đức Phật nói có bốn đại bộ châu[91]. Bắc Châu có phước báo lớn nhất. Ở đây, nêu thí dụ để thuyết minh. [Phước báo của] người trong Bắc Câu Lô Châu (Uttarakuru) tuyệt đối chẳng thể sánh bằng phước báo trong thế giới Tây Phương.

 

(Sớ) Kỳ vãng sanh giả, diêu thượng nhất tâm bất loạn, tác tam cửu nhân. Cánh tế phân chi, diệc ưng vô lượng.

(Sao) Tam cửu giả, Đại Bổn tam bối, Quán Kinh cửu phẩm dã.

()其往生者,繇上一心不亂,作三九因;更細分之,亦應無量。

()三九者,大本三輩,觀經九品也。

(Sớ: Người vãng sanh do nhất tâm bất loạn như đã nói trong phần trên mà chia thành ba hoặc chín cái nhân. Nếu chia tỉ mỉ, cũng phải là vô lượng.

Sao: “Ba, chín”: Ba bậc trong kinh Đại Bổn, chín phẩm trong Quán Kinh).

“Ba, chín” chính là “tam bối” (ba bậc) được nói trong kinh Vô Lượng Thọ, Quán Kinh nói là “chín phẩm”. Ba bậc hoặc chín phẩm đều là phân chia đại lược; trên thực tế, vãng sanh thế giới Tây Phương, do trình độ của mỗi người khác nhau, sai biệt hết sức to lớn.

 

(Sao) Dĩ nhất tâm phân Sự Lý, Sự Lý diệc phục các phân thắng liệt, hậu đắc vãng sanh, như kỳ bổn nhân nhi vi phẩm vị dã.

()以一心分事理,事理亦復各分勝劣,後得往生,如其本因而為品位也。

(Sao: Do nhất tâm được chia thành Sự và Lý, Sự và Lý [nhất tâm] cũng đều chia thành thù thắng và kém cỏi, cho nên sau khi được vãng sanh cũng tùy thuộc cái nhân ấy mà chia thành phẩm vị [khác biệt]).

Đây là nói đại lược nguyên do của phẩm vị. Trên thực tế, chuyện phẩm vị xác thực là có, nhưng xét theo cái tâm của người trong thế giới Tây Phương thì thưa cùng chư vị, xác thực là chẳng có! Vì sao? Người ta tâm địa thanh tịnh, trước nay chưa từng nghĩ ta là thượng phẩm hay trung phẩm, chẳng có ý niệm ấy. Nếu có ý niệm ấy, người ấy đã xen tạp, tâm chẳng thanh tịnh. Do vậy, người trong thế giới Tây Phương xác thực là chẳng có quan niệm này. Hạ hạ phẩm vãng sanh cũng chẳng có ý niệm ấy, mà thượng thượng phẩm vãng sanh cũng chẳng có ý niệm ấy. Thế giới Tây Phương là một thế giới bình đẳng. Thật ra là có, nhưng họ chẳng khởi ý niệm ấy; xét theo mức độ thì thật sự có, giống như học trò đi học. Chúng ta mở một khóa giảng về Phật học, người tham dự khóa giảng ấy có kẻ trình độ Tiểu Học, có người trình độ Trung Học, có kẻ trình độ Đại Học, có người thuộc trình độ nghiên cứu sinh, nhưng trong khóa giảng ấy, mọi người quên khuấy các cấp độ trong nhà trường, cùng nhau học Phật ở nơi đây. Thế giới Tây Phương có tình hình giống như vậy, nhất định phải biết điều này. Do trình độ bất đồng, cho nên đến thế giới Tây Phương tu hành thành Phật có sớm hay muộn khác nhau. Có người đến đó, chẳng bao lâu đã thành Phật, có kẻ phải mất một thời gian rất dài mới có thể thành Phật. Từ chỗ này, chứng tỏ thật sự là có trình độ khác nhau. Từ chỗ thành Phật sớm hay muộn mà chia rõ ràng thành ba bậc hoặc chín phẩm. Nếu chẳng nhìn từ chỗ này, thế giới Tây Phương xác thực là bình đẳng.

“Nhất tâm phân Sự Lý” (Nhất tâm chia thành Sự và Lý) cũng là chia đại lược. Nếu chia tỉ mỉ, chẳng hạn như đối với Lý nhất tâm bất loạn, bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, đó là Lý nhất tâm. Đấy là người thuộc về Lý nhất tâm ở mức độ nông cạn. Đẳng Giác Bồ Tát vẫn là Lý nhất tâm, nhưng là Lý nhất tâm cao nhất. Thập Trụ Bồ Tát, Thập Hạnh Bồ Tát, Thập Hồi Hướng Bồ Tát, Thập Địa Bồ Tát, Đẳng Giác Bồ Tát, có thể thấy là trong Lý nhất tâm bất loạn chia thành bốn mươi mốt đẳng cấp, đó là thù thắng và kém cỏi khác nhau. Sự nhất tâm đương nhiên cũng chẳng phải là ngoại lệ. Sự nhất tâm khởi đầu từ phá Kiến Hoặc, mãi cho đến khi đoạn Tư Hoặc, dùng quả vị Tiểu Thừa để tỷ dụ thì Tứ Quả Tứ Hướng cũng có tám tầng cấp bất đồng. Chúng ta niệm Phật rốt ráo có thể niệm đến trình độ gì? Nói thật thà, chúng ta chẳng đạt được Sơ Quả, Sơ Quả Hướng (Srota-āpatti-phala-pratipannaka) thì được! Phương hướng rất chánh xác, hướng tới Sơ Quả, nhưng vẫn chưa đạt đến, công phu của chúng ta bất quá chỉ như thế mà thôi! Chúng ta thường nói Sơ Quả Hướng là công phu thành phiến, chưa chứng đắc Sơ Quả. Công phu thành phiến là người đắc Sự nhất tâm ở mức độ nông cạn. Sự nhất tâm sâu chính là Tứ Quả La Hán, Kiến Tư phiền não thảy đều đoạn hết. Đấy là sự thù thắng hay kém cỏi bất đồng xét theo Sự nhất tâm. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhất định là căn cứ trên thành tích tu hành mà có phẩm vị sai biệt. Ba bậc chín phẩm là do chính đức Phật nói, ở bên ấy (cõi Cực Lạc) thật sự có, nhưng ở bên ấy chẳng nói tới, vì mọi người chẳng có khái niệm ấy. Trong cõi này, do con người tâm phân biệt nặng nề, tâm chấp trước nặng nề; vì thế, khái niệm ba bậc chín phẩm hết sức mạnh mẽ.

 

(Sao) Tam bối giả, như Đại Bổn.

()三輩者,如大本。

(Sao: “Ba bậc” là như Đại Bổn).

Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ.

 

(Sao) Vị thượng bối giả, phát Bồ Đề tâm, chuyên niệm A Di Đà Phật, tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc.

()謂上輩者,發菩提心,專念阿彌陀佛,修諸功德,願生彼國。

(Sao: Có nói: Bậc thượng là phát Bồ Đề tâm, chuyên niệm A Di Đà Phật, tu các công đức, nguyện sanh về cõi ấy).

Đoạn này nói tới cái nhân vãng sanh của “thượng bối”. Trong chú giải Quán Kinh, Thiện Đạo đại sư đã đặc biệt nói rõ ràng: Do vì chín phẩm, ba phẩm thượng là “thượng bối” của kinh Đại Bổn, ba phẩm trung là trung bối trong Đại Bổn, ba phẩm hạ là hạ bối của kinh Đại Bổn, chúng ta phải ghi nhớ khai thị của Thiện Đạo đại sư. Thiện Đạo đại sư bảo ba phẩm thượng vãng sanh là phàm phu có đại tâm, tức là nói chúng ta đều có phần. Chúng ta là phàm phu, xét xem tâm lượng của chúng ta có lớn hay không? Nếu tâm lượng của chúng ta rất lớn, chúng ta vãng sanh sẽ thuộc vào ba phẩm thượng. Trung phẩm thượng sanh và trung phẩm trung sanh là trì giới; trung phẩm hạ sanh còn chưa phải là trì giới, tu thiện pháp thế gian, khi lâm chung nghe pháp môn này, người ấy trọn chẳng phải là học Phật, nhưng là thiện nhân trong thế gian, lâm chung gặp thiện tri thức chỉ dạy bèn phát nguyện vãng sanh, người ấy có thể đạt đến trung phẩm hạ sanh. Ba phẩm hạ là phàm phu tạo tác tội nghiệp. Cũng có nghĩa là: Ba phẩm thượng là đại tâm phàm phu, ba phẩm trung là phàm phu trì giới tu thiện, ba phẩm hạ là phàm phu không điều ác nào chẳng làm. Chín phẩm xác thực là “thích hợp khắp ba căn, gồm thâu lợi căn lẫn độn căn”, đúng là độ hết thảy chúng sanh, điều này rất chẳng thể nghĩ bàn!

Cực Lạc thù thắng, thù thắng bậc nhất, đặc biệt thù thắng, nói thật ra là do ba phẩm hạ, vì các pháp môn khác chẳng thể độ [người thuộc ba phẩm hạ], họ quyết định đọa ác đạo. Chúng sanh [đáng phải] đọa ác đạo mà còn có thể vãng sanh, những kẻ khác vãng sanh há còn có vấn đề gì nữa ư? Dẫu là kẻ tạo Ngũ Nghịch, Thập Ác, trong một đời này quyết định sẽ đọa vào địa ngục A Tỳ, người như vậy nếu có thể thật sự sám hối, thật sự quay đầu niệm Phật thì cũng có thể vãng sanh. Đó là chỗ thù thắng vượt trỗi của Tịnh Độ, hết thảy các pháp môn khác đều chẳng thể sánh bằng, đạo lý ở chỗ này! Do đó, chúng ta phải ghi nhớ lời Thiện Đạo đại sư; sau đấy, đọc đoạn văn này, sẽ chẳng có vấn đề gì!

Theo Đại Bổn, người vãng sanh thuộc thượng bối “phát Bồ Đề tâm, chuyên niệm A Di Đà Phật”. “Bồ Đề tâm” chỉ đại tâm, tâm lượng rộng lớn, Phật môn chúng ta thường nói là “chúng sanh có căn tánh Đại Thừa”. Phát Bồ Đề tâm thì Bồ Đề tâm là tâm giác ngộ chân thật, tâm triệt để giác ngộ. Giác ngộ là gì? Thật sự hiểu rõ đời người khổ sở, lục đạo khổ sở. Đó là đã thật sự giác ngộ. Nghe tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, bèn thật sự tin tưởng, thật sự mong sanh về đó, đó là giác ngộ triệt để. Bất luận nam, nữ, già, trẻ, cũng chẳng cần biết trình độ học thuật, giáo dục của quý vị cao hay thấp, đều không quan tâm tới, chỉ cần quý vị biết tam giới lục đạo khổ sở, Tây Phương Cực Lạc tốt đẹp, ta thật sự mong đến đó, thế là được rồi. Vì thế, trong phát Bồ Đề tâm, bao gồm tin sâu, nguyện thiết, căn bản là nhất tâm “chuyên niệm A Di Đà Phật”, vậy là được rồi! “Tu chư công đức” là nói tới tín nguyện trì danh. Trong quá khứ, chúng ta chẳng hiểu, trước nay chẳng hề làm như vậy, khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác đều là tội nghiệp, giống như kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện đã nói: “Chúng sanh trong Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm không gì chẳng phải là tội”, đều đang tạo tội nghiệp. Nay chúng ta xoay chuyển tội nghiệp, niệm A Di Đà Phật, khởi tâm động niệm đều niệm A Di Đà Phật. Đấy là chúng ta uốn nắn, sửa đổi cái tâm, ngôn ngữ lẫn hành trì đều xoay chuyển toàn bộ, niệm niệm tiếp nối, giống như Phổ Hiền Bồ Tát đã nói: “Vô hữu bì quyện” (Chẳng có chán nản, mệt mỏi). Đó là tu các công đức, thật sự hành! “Nguyện sanh bỉ quốc” (Nguyện sanh về cõi ấy): Có một nguyện vọng hết sức mạnh mẽ, hy vọng sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới.

Trong xã hội hiện tại, trên toàn thể địa cầu, quý vị ngẫm xem có nơi nào an toàn? Nơi nào có thể yên ổn? Chẳng có! Trên thế giới này chẳng có chỗ an ổn, đó là do cộng nghiệp của chúng sanh trên toàn thế giới cảm vời. Mấy năm gần đây, nếu chư vị lắng lòng quan sát, [sẽ thấy] chúng sanh tạo tội nghiệp, hiện thời có thể nói là chẳng kiêng dè mảy may, hoàn toàn chẳng thể tiếp nhận nhân quả báo ứng, vì lòng ham muốn chi phối mà hành động, còn thế nào được nữa! Xã hội này bất bình thường một trăm tám mươi độ, chuyện này quá đáng sợ! Trong quá khứ, tuy có những chuyện trái nghịch lẽ thường, nhưng mức độ rất nhỏ, thỉnh thoảng trông thấy một, hai chuyện, hiện thời là phổ biến. Nói thật ra, hiện tượng này là điềm báo trước đại tai nạn. Chúng ta hãy tỉnh táo đôi chút, chú tâm quan sát, sẽ thấy điềm báo trước ấy chẳng phải là một chuyện tốt lành. Làm thế nào thì mới có thể may mắn tránh khỏi? Nhất định là phải thật thà niệm Phật, tu các công đức, thì trong đại kiếp nạn, chúng ta mới có thể bảo toàn. Cổ nhân có một câu nói cũ mèm: Chúng ta sanh trong thế giới này, nếu do “ứng kiếp mà sanh”, sẽ khó trốn khỏi kiếp số. [Nghĩa là] quý vị sanh đến [thế giới này] là để gặp phải kiếp nạn. Nếu là “ứng vận mà sanh” thì nhất định có thể miễn trừ kiếp nạn ấy, vì sao? Sau khi đã qua cơn kiếp nạn, thế giới này sẽ khôi phục trật tự bình thường, quý vị vẫn phải trọn hết một phần tâm lực. Quý vị có trách nhiệm ấy, có nghĩa vụ ấy, nhất định sẽ có thể may mắn tránh khỏi kiếp nạn ấy. Chúng ta rốt cuộc có thể làm những chuyện gì? Tư tưởng, kiến giải, và ngôn hạnh của chúng ta có thể nêu gương tốt cho xã hội; đó là “ứng vận mà đến”. Nếu thuận theo sự nhiễu loạn mà gây rối ren thêm, quý vị chính là “ứng kiếp mà đến”, khi kiếp nạn xảy ra, quý vị sẽ chẳng thể trốn thoát được!

Nếu chúng ta muốn tránh khỏi kiếp nạn này, nếu mong còn có thể giúp đỡ chúng sanh khổ nạn trong cơn kiếp nạn ấy, còn có thể khôi phục trật tự tốt đẹp lần nữa, quý vị thực hiện ba câu sau đây là được rồi. [Tức là] “phát Bồ Đề tâm, chuyên niệm A Di Đà Phật, tu các công đức”. Công: Trì giới là Công, trì giới là vâng giữ pháp tắc. Người khác chẳng tuân thủ pháp tắc, ta tuân thủ pháp tắc. Kẻ khác chẳng trì giới, ta trì giới. Quý vị chớ nên thấy kẻ khác không làm, ta cũng không làm; nếu vậy, quý vị là ứng kiếp mà đến, quyết định chẳng tránh khỏi kiếp nạn, phải thật sự hành! Vâng giữ pháp tắc, vâng giữ lễ, trì giới; đó là Công, cái quý vị đạt được là Định. Để tu Định thì người niệm Phật chúng ta tu nhất tâm bất loạn. Tu Định là Công, khai trí huệ là Đức. Giới, Định, Huệ là từng tầng một [nối tiếp nhau], điều trước là tu công phu, [điều sau là kết quả của việc tu tập công phu ấy]. Trì giới là Công, Thiền Định là Đức; Thiền Định là Công, trí huệ là Đức. Quý vị tu công, nhất định sẽ có thu hoạch; đó gọi là “tu chư công đức”. Vì thế, Công rất nhiều, Đức cũng rất nhiều. Tu thiện, đắc thiện quả; tu thiện là Công, thiện quả là Đức. Tạo ác, nhất định đắc ác báo. Nhân duyên quả báo chẳng sai sót mảy may! Đặc biệt là trong thời đại tai nạn dồn dập này, chúng ta phải nắm lấy cơ hội “đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức”. Bỏ lỡ cơ hội, chúng ta mong tu, tâm có thừa mà chẳng có sức, tu chẳng được! Phải nắm lấy cơ hội, phải có trí huệ cao độ. Trong Phật pháp thường nói “gieo phước điền”, quý vị có phải là thật sự gieo phước điền hay chăng? Quý vị phải nhận thức đâu là phước điền thật sự, đâu là phước điền giả trất, chính quý vị phải dùng trí huệ để phân biệt, biện định. Đạo tràng của chúng ta tín chúng rất ít, phàm những đồng tu đến nghe kinh đều là tài lực rất hữu hạn. Thời đại này kỳ quái thay! Đúng là những kẻ quyền cao chức trọng, lắm tiền nhiều của, chẳng cần nghe kinh. Họ học Phật theo kiểu đối trước Phật thắp một nén hương, họ đã đạt được đại phú đại quý rồi, chẳng giống như chúng ta, chúng ta phải tích lũy công đức thì mới có được một chút quả báo nhỏ nhoi, khác hẳn! Ở đây, điều gì rốt cuộc là chân, giả, tà, chánh? Chúng ta phải có năng lực phân biệt. Vì thế, tu các công đức mà nếu chẳng có trí huệ thật sự, chẳng có phước báo, mong tu vẫn chẳng thể tu được! Những gì đã tu tập đều sai trật, những phước đã gieo về sau đều trở thành phí công, đúng là đáng tiếc quá! “Nguyện sanh bỉ quốc” (Nguyện sanh về cõi ấy), đó là trí huệ rốt ráo viên mãn. Vì sao? Đấy mới là thật sự giải quyết vấn đề. Nếu chẳng sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, hết thảy công đức do chúng ta đã tu đều biến thành phước báo hữu lậu, hưởng phước trong lục đạo. Đó là chẳng rốt ráo, chẳng viên mãn, nhất định phải cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đấy là nói đến chuyện tu nhân. Có nhân, đương nhiên là có quả. Quả báo là…

 

(Sao) Mạng dục chung thời, Phật dữ thánh chúng, hiện kỳ nhân tiền.

()命欲終時,佛與聖眾,現其人前。

(Sao: Khi mạng sắp chấm dứt, Phật và thánh chúng hiện ra trước người ấy).

Câu này nói tới lúc lâm chung, Phật đến tiếp dẫn. Phật nhất định đến, vì Phật đã từng phát nguyện ấy. Từ bốn mươi tám nguyện, chúng ta thấy [điều ấy]. Hư không to dường ấy, nói ở Tây Phương thì Tây Phương cũng quá to, rốt cuộc cõi nào là thế giới Cực Lạc, chúng ta cũng chẳng hiểu rõ cho lắm! Quý vị hãy yên tâm, phàm là người niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, khi lâm chung, A Di Đà Phật sẽ tới dẫn chúng ta đi.

 

(Sao) Tiện ư thất bảo trì nội, liên hoa hóa sanh.

()便於七寶池內,蓮華化生。

(Sao: Liền hóa sanh trong hoa sen nơi ao bảy báu).

Câu này nói đến chỗ sanh, tới thế giới Tây Phương bèn hóa sanh trong hoa sen. Kinh đã nói rất rõ ràng, nói rất rành rẽ: Nay chúng ta thật sự phát một niệm tâm cầu sanh Tịnh Độ, trong ao bảy báu trước giảng đường của A Di Đà Phật bèn trổ một đóa sen. Hoa sen ấy còn rất kỳ quái, có tên chúng ta ghi trên đó, tuyệt đối chẳng sai lầm! Ở đây, chúng ta niệm Phật rất siêng năng, công phu niệm đắc lực, hoa sen ấy càng tăng trưởng to hơn, quang minh và màu sắc càng ngày càng đẹp đẽ. Khi chúng ta lâm chung, A Di Đà Phật cầm hoa ấy đến tiếp dẫn chúng ta, quyết định chẳng sai lầm. Đấy là chuyện chân thật, ngàn muôn phần đừng nghĩ đó là chuyện cổ tích dành cho trẻ con nghe. Nếu nghĩ như vậy, quý vị sẽ lầm lỡ đại sự.

 

(Sao) Trụ bất thoái chuyển, trí huệ dũng mãnh, thần thông tự tại.

()住不退轉,智慧勇猛,神通自在。

(Sao: Trụ bất thoái chuyển, trí huệ dũng mãnh, thần thông tự tại).

 Nói tới trạng huống khi đã sanh vào Tây Phương Cực Lạc thế giới, kinh nói rất cặn kẽ. “Bất thoái chuyển” là ba món Bất Thoái đều đồng thời đạt được, chẳng thể nghĩ bàn! Hạ hạ phẩm vãng sanh cũng là viên chứng ba món Bất Thoái. Ở đây, phải đặc biệt chú ý “viên chứng”: “Viên” (圓) là chứng đắc viên mãn, chẳng phải là chứng đắc đôi chút, hoặc chứng đắc một phần. Người ấy thảy đều chứng đắc viên mãn Vị Bất Thoái, Hạnh Bất Thoái và Niệm Bất Thoái. Viên chứng ba món Bất Thoái, nói thông thường, phải là Bát Địa Bồ Tát thì mới thật sự viên chứng ba món Bất Thoái. Chúng ta là hạ hạ phẩm vãng sanh, tức là đới nghiệp vãng sanh, nhất tâm bất loạn chỉ bằng với một vị đắc Sơ Quả Hướng, còn chưa đắc Sơ Quả, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, chúng ta có thể thọ dụng giống như Bát Địa Bồ Tát. Điều này chẳng thể nghĩ bàn, rốt cuộc là chuyện như thế nào? Đó là do bổn nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì, chứ cậy vào chính mình, chắc chắn sẽ chẳng làm được. Dựa vào bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì, bốn mươi tám nguyện sẽ khiến cho chúng ta tới Tây Phương Cực Lạc bằng với Bát Địa Bồ Tát, chúng ta đều có trí huệ, thần thông và năng lực của Bát Địa Bồ Tát. Đương nhiên là trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, vẫn phải tu hành chẳng gián đoạn. Khi tu đến một thời gian kha khá, bản năng (năng lực sẵn có) của chúng ta sẽ thấu lộ, chẳng cần A Di Đà Phật gia trì nữa. Trước khi bản năng của chúng ta thấu lộ, bèn cậy vào Phật lực gia trì; do đó, ngay lập tức được thọ dụng. Tình hình này ví như là đối với nhà cửa tráng lệ, quý vị chỉ cần đóng một chút tiền [đặt cọc] liền mua được, bèn sống ở đó để hưởng thụ. Sau đấy, mỗi tháng trả góp, trả tới ba mươi năm bèn sạch nợ, biến thành [nhà cửa] của chính mình. Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng giống như vậy, chúng ta vừa đến đó bèn ngay lập tức có căn nhà tráng lệ ấy, từ từ trả góp mỗi tháng. Đó là do được A Di Đà Phật ban cho, chờ chúng ta tu hành bên đó một khoảng thời gian, chính mình chứng đắc Lý nhất tâm bất loạn, thật sự biến thành của chính mình, sẽ thuộc về Tự Lực. Sức của chính mình chưa đạt được, Phật lực bèn gia trì chúng ta. Vì thế, vừa đến nơi đó bèn hưởng thụ như Bát Địa Bồ Tát, thuộc về cảnh giới của Bát Địa, chẳng thể nghĩ bàn! Trụ bất thoái chuyển, viên chứng ba món Bất Thoái, trí huệ dũng mãnh, thần thông tự tại.

 

(Sao) Sở cư thất bảo cung vũ.

()所居七寶宮宇。

(Sao: Chỗ ở là cung điện bảy báu).

“Cung vũ” (宮宇) là cung điện, do bảy báu hợp thành.

 

(Sao) Tại hư không trung, khứ Phật vi cận.

()虛空中,去佛為近。

(Sao: Ở trong hư không, rất gần với Phật).

Ở gần A Di Đà Phật giống như láng giềng, rất gần. Cung điện trên không trung, đấy là quả báo hết sức thù thắng. Có những cung điện ở trên mặt đất; nói thật ra, những nơi ấy chính là thuận theo lòng mong muốn. Thích ở trên không trung, cung điện ở ngay trên không trung. Thích ở trên mặt đất, cung điện ở ngay trên mặt đất, thứ gì cũng đều vừa lòng xứng ý. Người đông ngần ấy, làm như thế nào để ai nấy đều tiếp cận A Di Đà Phật, làm xóm giềng của A Di Đà Phật? Trong thế giới Tây Phương, Ứng Hóa Thân của Tam Thánh vô lượng vô biên. Vì thế, ai nấy mỗi ngày đều gặp mặt A Di Đà Phật, đều chẳng lìa khỏi Tây Phương Tam Thánh. Đức Phật có thể phân thân vô lượng, phân thân và chân thân của Phật hoàn toàn giống hệt như nhau, quý vị thời thời khắc khắc chẳng lìa khỏi Phật.

 

(Sao) Thị danh thượng bối sanh giả. Phối tiền, tắc song đắc Sự Lý nhất tâm giả dã.

()是名上輩生者,配前,則雙得事理一心者也。

(Sao: Đó gọi là người sanh trong bậc thượng, phối hợp với [những điều đã nói] trong phần trước thì là người đã cùng đắc Sự nhất tâm và Lý nhất tâm).

Tương ứng với những điều đã nói trong phần trước, người này đồng thời tu được Sự nhất tâm và Lý nhất tâm. Đại Kinh nói như vậy, đối chiếu với Quán Kinh để xem, ý nghĩa càng rõ rệt.

 

(Sao) Trung bối giả, bất năng đại tu công đức.

()中輩者,不能大修功德。

(Sao: Trung bối là chẳng thể tu công đức to lớn).

Hoặc là người ấy có chướng duyên, hoàn cảnh chẳng cho phép, chẳng thể toàn tâm toàn lực tu công đức to tát.

 

(Sao) Nhi diệc phát Bồ Đề tâm, chuyên niệm hồi hướng.

()而亦發菩提心,專念迴向。

(Sao: Nhưng cũng phát Bồ Đề tâm, chuyên niệm hồi hướng).

 Ở đây, phải ghi nhớ: Chẳng thể tu hạnh lớn lao thì cũng tu hạnh nhỏ. Ngàn muôn phần đừng nói: “Chẳng thể tu hạnh to lớn thì hạnh nhỏ cũng không tu”. Như vậy là sai mất rồi! Vẫn là phải tận tâm tận lực tu tập. Bất quá người ấy nghiệp chướng rất nặng, chẳng thể tu học xứng tâm vừa ý, cho nên kém hơn một bậc. Nhưng người ấy vẫn phát Bồ Đề tâm y hệt, chuyên niệm A Di Đà Phật, hồi hướng cầu sanh Tây Phương, gần như chẳng sai khác bậc thượng cho mấy, đều là tín nguyện trì danh.

 

(Sao) Mạng chung sanh bỉ.

()命終生彼。

(Sao: Mạng chung sanh về cõi kia).

Mạng chung, Phật cũng đến tiếp dẫn.

 

(Sao) Công đức trí huệ, thứ ư thượng bối.

()功德智慧,次於上輩。

(Sao: Công đức, trí huệ, kém hơn bậc thượng).

Cũng giống hệt như vậy, người ấy có công đức và trí huệ, cũng đều là được Phật lực gia trì, tuy hơi kém hơn bậc thượng đôi chút, nhưng nếu nói theo phương diện Phật lực gia trì thì chẳng kém bậc thượng. Giống như chúng ta đến ngân hàng vay tiền mua nhà, người bậc thượng công đức thù thắng hơn một chút, khoản nợ vay tiền mua nhà mười năm đã trả xong. Bậc trung, thâu nhập kém hơn, ắt cần phải hai mươi năm mới có thể trả hết nợ. Bậc hạ phải mất ba mươi năm mới có thể trả xong nợ, nhưng xét theo sự hưởng thụ, chẳng có sai khác. Xét theo chuyện trả nợ thì có sai biệt, từa tựa như ý nghĩa này. Do vậy, phải hiểu: Thế giới Tây Phương là một thế giới bình đẳng, trong bình đẳng có sai biệt. Ba bậc chín phẩm là một pháp sai biệt như thế đó.

 

(Sao) Phối tiền, tắc đắc Sự hữu dư, đắc Lý bất túc giả dã.

()配前,則得事有餘,得理不足者也。

(Sao: Phối hợp với điều trên, thì đạt được Sự nhất tâm có dư, nhưng với Lý nhất tâm thì chưa đạt đủ).

Đối với Sự nhất tâm, người ấy rất viên mãn, nhưng Lý nhất tâm vẫn chưa đủ, đó là nói theo công phu tu hành. Chúng ta thường nói phẩm vị cao hay thấp là do công phu niệm Phật sâu hay cạn.

 

(Sao) Hạ bối sanh giả, bất năng tác chư công đức.

()下輩生者,不能作諸功德。

(Sao: Kẻ sanh trong bậc hạ, chẳng thể làm các công đức).

 “Hạ bối” (Bậc hạ) là nói tới ba phẩm hạ trong chín phẩm, là chúng sanh tạo ác nghiệp. Do tạo nhiều ác nghiệp, đương nhiên là chẳng có công đức. Vì thế nói là “bất năng tác chư công đức” (chẳng thể làm các công đức). Người hạ phẩm vãng sanh, quá nửa là trong khi lâm chung, hoặc trước khi lâm chung chẳng bao lâu, mới gặp gỡ thiện tri thức, nghe tới Phật pháp. Đây cũng chẳng phải là ngẫu nhiên, mà cũng chẳng phải là may mắn. Vì sao? Khá nhiều người chúng ta khuyên họ, họ đều chẳng tiếp nhận. Khi lâm chung khuyên họ, họ vẫn lắc đầu, vẫn chẳng tiếp nhận. Kinh có nói [những người lúc lâm chung tiếp nhận pháp môn Tịnh Độ] là do thiện căn và phước đức đã tu tập, tích lũy trong vô lượng kiếp trước, vào lúc lâm chung mới chín muồi, gặp nhân duyên bèn có thể tin, có thể nguyện, có thể hành. Ba điều kiện Tín, Nguyện, Hạnh người ấy đồng thời trọn đủ, đương nhiên là vãng sanh. Do vậy, người ấy chẳng phải là may mắn, chẳng phải là ngẫu nhiên. Vì sao người ấy suốt đời tạo tác ác nghiệp? Do sanh trong thế gian này chẳng gặp thiện duyên, kẻ ấy thuộc loại chúng sanh có căn tánh bất định. Đó gọi là “gần son thì đỏ, gần mực thì đen”, bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh. Sanh trong hoàn cảnh tốt đẹp, người ấy bèn học theo điều tốt. Sanh trong hoàn cảnh chẳng tốt đẹp, người ấy sẽ học theo thói xấu. Suốt một đời tạo tác tội nghiệp, may mắn là trong đời quá khứ thiện căn phước đức sâu dầy, lâm chung gặp gỡ thiện tri thức.  Niệm Phật vãng sanh như vậy  chính  là ba phẩm hạ.

 

(Sao) Nhi diệc phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm, nãi chí thập niệm.

()而亦發菩提心,一向專念,乃至十念。

(Sao: Nhưng cũng phát Bồ Đề tâm, một mực chuyên niệm, cho đến mười niệm).

Điều kiện vãng sanh của người ấy hoàn toàn giống như những người trước. “Phát Bồ Đề tâm, một mực chuyên niệm A Di Đà Phật”, đấy chính là ba tư lương Tín, Nguyện, Hạnh được nói trong kinh Di Đà, ba điều kiện ấy. Khi người ấy lâm chung, tuy thời gian rất ngắn, ba điều kiện ấy đều trọn đủ, vãng sanh như vậy đó. Nguyện thứ mười tám trong bốn mươi tám nguyện đã cho chúng ta biết: Khi lâm chung, gặp thiện tri thức mà có thể tin, có thể nguyện thì mười niệm hay một niệm đều có thể vãng sanh, lâm chung niệm mười câu Phật hiệu đều có thể vãng sanh.

 

(Sao) Sanh bỉ cung vũ, duy tại ư địa.

()生彼宮宇,惟在於地。

(Sao: Sanh trong cung điện ấy, chỉ ở trên mặt đất).

Hạ hạ phẩm vãng sanh sống trong cung điện hoàn toàn giống như thượng phẩm và trung phẩm, nhưng cung điện của thượng phẩm vãng sanh có thể bay lên. Cung điện của người vãng sanh trong ba phẩm hạ tuy hoa lệ y hệt, nhưng chẳng thể bay lên được, ở ngay trên mặt đất. Sai biệt một chút như vậy đó.

 

(Sao) Hựu thứ trung bối, thị danh hạ bối sanh giả.

()又次中輩,是名下輩生者。

(Sao: Lại kém bậc trung, gọi là người sanh trong bậc hạ).

Trí huệ và đức năng kém hơn bậc trung là thua kém về thực chất, nhưng xét theo phương diện hưởng thụ thực tế thì là bình đẳng. Đó là do oai thần của A Di Đà Phật gia trì, cho nên bình đẳng.

 

(Sao) Phối tiền, tắc cẩn đắc hồ Sự, vị đắc hồ Lý giả dã.

()配前,則僅得乎事,未得乎理者也。

(Sao: So với những điều đã nói trong phần trước, thì [hạng người vãng sanh này] chỉ đắc Sự nhất tâm, chưa đắc Lý nhất tâm).

Đương nhiên chẳng thể nói tới Lý nhất tâm! Người ấy do thời gian ngắn ngủi, thời gian gấp rút, bèn chuyên đổ công dốc sức nơi Sự. Đấy là giới thiệu đơn giản ba bậc vãng sanh trong Đại Kinh.

 

(Sao) Cửu phẩm giả, Quán Kinh sở vân thượng chi tam phẩm, hữu sanh bỉ, tức đắc bách thiên đà-la-ni môn giả, hữu kinh nhất tiểu kiếp, đắc Vô Sanh Nhẫn giả, hữu kinh tam tiểu kiếp, đắc Bách Pháp Minh Môn, trụ Hoan Hỷ Địa giả. Phối tiền, tắc song đắc Sự Lý nhất tâm, nhi hữu thâm thiển, cố thành tam phẩm, lệ thượng bối dã.

()九品者,觀經所云上之三品,有生彼即得百千陀羅尼門者,有經一小劫,得無生忍者;有經三小劫,得百法明門,住歡喜地者。配前,則雙得事理一心,而有深淺,故成三品,例上輩也。

(Sao: “Chín phẩm”: Quán Kinh nói ba phẩm thượng, có người sanh về cõi đó bèn đắc trăm ngàn môn đà-la-ni, có người trải qua một tiểu kiếp bèn đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, có người trải qua ba tiểu kiếp bèn đắc Bách Pháp Minh Môn, trụ Hoan Hỷ Địa. Phối ứng với những điều đã nói trong phần trước thì tuy cùng đắc Sự nhất tâm và Lý nhất tâm [như nhau], nhưng do có sâu hay cạn mà thành ba phẩm, cũng giống như trong phần nói về bậc thượng [vãng sanh trong kinh Vô Lượng Thọ]).

Nói về ba phẩm thượng vãng sanh, [tức là] thượng thượng phẩm, thượng trung phẩm, thượng hạ phẩm. Mỗi cõi trong bốn cõi [Tịnh Độ] đều có ba bậc, chín phẩm, trình độ cao thấp chênh lệch chẳng đều, chúng ta phải hiểu rõ, phải nghiêm túc nỗ lực niệm Phật. Nếu chúng ta có ý niệm nhất định tranh thủ sao cho đạt được thượng thượng phẩm vãng sanh, như thế thì có được hay không? Vậy thì quý vị hãy suy nghĩ kỹ càng, cái tâm ấy là tâm gì vậy? Tâm hiếu thắng. Hiếu thắng là phiền não, kiêu căng, ngã mạn. Do cái tâm ấy, không chỉ là chẳng thể giành được phẩm vị cao, chỉ sợ là còn chướng ngại vãng sanh! Vì lẽ này, chư vị nhất định phải hiểu: Nói là “Sự hay Lý nhất tâm” thì bất luận là cạn hay sâu đều là tâm thanh tịnh, [chỉ là] mức độ tinh thuần thanh tịnh khác nhau. Hễ có một niệm “ta phải tranh lấy thượng thượng phẩm”, có ý niệm ấy là thôi rồi, chỉ sợ sẽ chẳng thể vãng sanh. Dẫu vãng sanh, rất có thể sanh vào Biên Địa, vì sao? Tri kiến bất chánh. Trong thế gian, có thể tranh giành cùng kẻ khác, chứ đối với Tây Phương Cực Lạc, ý niệm ấy chớ nên có! Vì thế, nhất tâm nhất ý thật thà niệm Phật, như vậy thì tâm quý vị càng thanh tịnh, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới phẩm vị càng cao, đó là đạo lý nhất định. Phẩm vị không cao cũng chẳng sao cả, vì sao? Tới nơi đó, hưởng thụ giống hệt. Trí huệ và đức năng của chính mình chưa thể hiện tiền, nhưng hưởng thụ so với A Di Đà Phật, có khác nhau chăng? Có gì đáng để tranh giành? Hiểu rõ đạo lý này, tâm quý vị mới có thể thanh tịnh. Nếu không, sẽ nẩy sanh hiểu lầm, biến thành trở ngại rất lớn.

“Hữu kinh nhất tiểu kiếp, đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Hữu kinh tam tiểu kiếp, đắc Bách Pháp Minh Môn, trụ Hoan Hỷ Địa giả” (Có người qua một tiểu kiếp đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Có người qua ba tiểu kiếp, đắc Bách Pháp Minh Môn, trụ Hoan Hỷ Địa). Đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn và đắc Bách Pháp Minh Môn, cảnh giới tương đồng, địa vị như thế nào? Chính là Sơ Địa Bồ Tát, tức Hoan Hỷ Địa (Pramuditā-bhūmiḥ). Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói theo Biệt Giáo, chẳng phải là Viên Giáo. Sơ Địa của Biệt Giáo bằng với Sơ Trụ trong Viên Giáo. Nói cách khác, Lý nhất tâm bất loạn được nói trong kinh thuộc về tầng cấp này. Đối với hàng Bồ Tát thuộc tầng cấp này, nếu tu hành trong thế giới Sa Bà, đức Phật bảo người ấy phải tu trọn một A-tăng-kỳ kiếp, đến A-tăng-kỳ kiếp thứ hai mới có thể đạt tới Hoan Hỷ Địa. Ba đại A-tăng-kỳ là nói tương ứng với Biệt Giáo, chẳng phải là Viên Giáo. Trong A-tăng-kỳ kiếp thứ nhất, chứng đắc quả vị Tam Hiền, tức Thập Trụ, Thập Hạnh, và Thập Hồi Hướng gồm ba mươi địa vị. Trong A-tăng-kỳ kiếp thứ hai, chứng bảy địa vị, từ Sơ Địa cho đến Thất Địa. Trong A-tăng-kỳ kiếp thứ ba, chứng ba địa vị, tức Bát Địa, Cửu Địa, Thập Địa. Tu mãn ba đại A-tăng-kỳ kiếp sẽ là địa vị nào? Là Pháp Vân Địa (Dharma-meghā bhūmiḥ) Bồ Tát, chúng ta thường nói là Thập Địa Bồ Tát. Từ Thập Địa trở lên là Đẳng Giác, Đẳng Giác là Hậu Bổ Phật, vẫn còn phải tiến cao hơn một bậc nữa. Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, trong một tiểu kiếp hoặc ba tiểu kiếp bèn đạt tới địa vị ấy, trong cõi [Sa Bà] này, phải tu một A-tăng-kỳ kiếp. Tây Phương Cực Lạc thế giới, thượng phẩm hạ sanh cũng chẳng quá ba tiểu kiếp! Quý vị thấy thời gian rút ngắn bao nhiêu! Đó là ba phẩm thượng được nói trong Quán Kinh.

 

(Sao) Trung chi tam phẩm, hữu sanh bỉ quốc, tức đắc A La Hán giả, hữu sanh bỉ bán kiếp, đắc A La Hán giả, hữu sanh bỉ nhất kiếp, đắc A La Hán giả.

()中之三品,有生彼國,即得阿羅漢者;有生彼半劫,得阿羅漢者;有生彼一劫,得阿羅漢者。

(Sao: Đối với ba phẩm trung, có người sanh về cõi ấy, liền đắc A La Hán. Có người sanh về đó nửa kiếp, đắc A La Hán. Có người sanh về đó một kiếp mới đắc A La Hán).

Đối với “kiếp”, nếu chẳng nói [tách bạch] là tiểu kiếp, thông thường đều là tính bằng đại kiếp. Người thuộc ba phẩm trung quá nửa là người trì giới tu thiện. Người trì giới rất cố chấp; do vậy, chẳng thể sánh bằng thượng phẩm. Thượng phẩm là đại tâm phàm phu. Nói theo cách hiện thời, đại tâm phàm phu là phóng khoáng, tự do. Tiểu Thừa phàm phu bảo thủ, rất cố chấp. Vì thế, họ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, tình kết chẳng cởi gỡ được, tập khí rất nặng, sanh về bên ấy bèn ở trong cõi Phương Tiện Hữu Dư, rất chấp trước. Trung phẩm thượng sanh, sanh về cõi ấy, liền đắc A La Hán. Trung phẩm trung sanh, tới đó nửa kiếp bèn chứng A La Hán. Trung phẩm hạ sanh, tới đó một kiếp bèn chứng A La Hán. Chứng A La Hán là đã đoạn Kiến Tư phiền não, nhưng chẳng phá vô minh, chẳng kiến tánh!

 

(Sao) Phối tiền, tắc Sự doanh Lý khiếm, diệc dĩ thâm thiển, cố thành tam phẩm, lệ trung bối dã.

()配前,則事盈理歉,亦以深淺,故成三品,例中輩也。

(Sao: Phối ứng với phần trên, thì [ba phẩm trung] Sự nhất tâm trọn đủ, Lý nhất tâm thiếu khuyết, cũng do sâu hay cạn mà thành ba phẩm, giống như bậc trung [nói trong kinh Vô Lượng Thọ]).

Trung phẩm thượng sanh là người đắc Sự nhất tâm bất loạn ở mức độ sâu, đến cõi ấy bèn chứng quả A La Hán, xác thực là tiết kiệm thời gian rất nhiều.

 

(Sao) Hạ chi tam phẩm, hữu vãng sanh bỉ quốc, kinh thập tiểu kiếp, đắc nhập Sơ Địa giả.

()下之三品,有往生彼國,經十小劫,得入初地者。

(Sao: Ba phẩm hạ: Có người vãng sanh cõi ấy, trải qua mười tiểu kiếp được nhập Sơ Địa).

Có lẽ chúng ta xem tới chỗ này cũng sẽ nẩy sanh nghi vấn. Hạ phẩm thượng sanh qua mười tiểu kiếp bèn dự vào ngôi Sơ Địa trong Biệt Giáo (tức Sơ Trụ trong Viên Giáo), hoa nở, thấy Phật. Trung phẩm hạ sanh phải mất một đại kiếp, thời gian mười tiểu kiếp ngắn hơn một đại kiếp. Vì sao hạ phẩm vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới lại ngược ngạo có thành tựu nhanh chóng hơn trung phẩm? Sách Diễn Nghĩa chú giải: “Vấn: Hà trung tam phẩm sanh, giai thị tiểu thánh, hạ tam phẩm sanh, nãi vân đắc nhập Sơ Địa? Phát Vô Thượng Đạo Tâm, phát Bồ Đề tâm giả, khởi trung phẩm nãi giai liệt khí, hạ phẩm phản giai đại căn da?” (Hỏi: Cớ sao ba phẩm trung vãng sanh đều là tiểu thánh, [thế mà] ba phẩm hạ vãng sanh bèn nói là nhập Sơ Địa? Phát Vô Thượng Đạo Tâm, chính là phát Bồ Đề tâm. Há chẳng phải là trung phẩm thuộc hạng căn khí kém cỏi, đâm ra hạ phẩm đều là bậc đại căn ư?). Nghi vấn ở chỗ này, vì sao hạ phẩm vãng sanh có thành tựu vượt trỗi trung phẩm? Phần chú giải trả lời rất hay, chư vị hãy tự xem[92]. [Sách Diễn Nghĩa] nói đến “thừa giới”, Thừa (乘) là nói tới kiến giải, Giới (戒) là nói tới tu trì. Người Tiểu Thừa coi trọng tu trì, trì giới rất nghiêm, đối với việc suy xét lý luận hoàn toàn chẳng bận lòng, thường là coi nhẹ chuyện này. Vì thế, họ có thành kiến rất sâu. Về căn bản, họ chẳng xem kinh điển Đại Thừa, chê “Đại Thừa chẳng phải do đức Phật nói”. Người Tiểu Thừa chẳng thừa nhận trong các thế giới phương khác có Phật tồn tại, họ thừa nhận trong vũ trụ chỉ có mình Thích Ca Mâu Ni Phật. Trừ Thích Ca Mâu Ni Phật ra, trọn chẳng có vị Phật thứ hai. Đó là “thừa hoãn” (乘緩: lơi lỏng giáo pháp), tức là đối với việc nghiên cứu giáo lý, tìm tòi chân lý, họ chẳng chú trọng cho mấy, mà chú trọng nơi Giới và Định. Giới Định Huệ của Tiểu Thừa chẳng giống Giới Định Huệ của Đại Thừa, tâm lượng họ nhỏ hẹp, thành kiến rất sâu, cho nên đến Tây Phương Cực Lạc thế giới tu hành, thành tựu chẳng nhanh chóng như ba bậc hạ. Ba bậc hạ tuy tạo tội nghiệp, nhưng tâm lượng lớn hơn họ, chẳng chấp trước giống như họ. Vì thế, đến bên ấy, tiến bộ lại đâm ra vượt trỗi Tiểu Thừa. Hiểu chân tướng sự thật này, không chỉ là chẳng hoài nghi, mà cũng biết chính mình phải nên tu học như thế nào.

 

(Sao) Tế phân giả, như tiền giai phẩm trung, phân chi hựu phân, tắc bách thiên vạn ức vô tận bối phẩm, giai dĩ Sự Lý sở đắc thâm thiển, nhi vi thứ đệ dã.

()細分者,如前階品中,分之又分,則百千萬億無盡輩品,皆以事理所得深淺,而為次第也。

(Sao: Phân chia nhỏ ra thì như đối với các tầng cấp, phẩm vị đã nói trên đây, nếu lại chia nhỏ ra, sẽ là trăm ngàn vạn ức vô tận cấp bậc, phẩm vị, đều là dựa trên sự chứng đắc Sự nhất tâm hay Lý nhất tâm sâu hay cạn mà phân định thứ tự).

Thật sự chia tỉ mỉ thì trình độ của mỗi người đều khác nhau, há có bình đẳng! Chia đại lược, giống như hiện thời chúng ta học hành, chia thành Tiểu Học, Trung Học, Đại Học, giống như ba loại ấy. Lại chia nhỏ thì mỗi một lớp trong bậc Tiểu Học từ lớp Một đến lớp Sáu, đó là chia cặn kẽ. Lại chia cặn kẽ hơn nữa, thi cử trong mỗi lớp từ đứa học trò đứng hạng nhất đến đứa đội sổ đều khác nhau! Tình hình trong thế giới Tây Phương cũng là như vậy. Chia cặn kẽ nhất, thì mỗi cá nhân đều khác nhau. Vì thế, đức Phật giảng kinh, thuyết pháp, luôn dùng cách quy nạp, dùng cách phân chia đại lược để tiện giải nói.

 

(Sớ) Như Quán Kinh dĩ thượng phẩm thượng sanh vi đắc Vô Sanh Nhẫn, Thiên Thai phán thuộc Sơ Địa, nhi Hoa Nghiêm minh Vô Sanh Nhẫn, tự hữu thiển thâm, tắc thượng thượng phẩm trung, tín hữu đa phẩm, huống phục dư phẩm.

()如觀經以上品上生為得無生忍,天台判屬初地;而華嚴明無生忍 ,自有淺深,則上上品中 ,信有多品,況復餘品。

(Sớ: Như Quán Kinh nói thượng phẩm thượng sanh đã đắc Vô Sanh Nhẫn, ngài Thiên Thai phán định địa vị ấy thuộc về Sơ Địa; nhưng kinh Hoa Nghiêm nói rõ Vô Sanh Nhẫn có mức độ sâu hay cạn [khác nhau], như vậy thì trong thượng thượng phẩm, chắc chắn là bao gồm nhiều phẩm, huống hồ là các phẩm khác). 

Từ kinh điển, chúng ta đã tìm ra một chứng cớ có sức thuyết phục mạnh mẽ, chứng tỏ phẩm vị trong Tây Phương Cực Lạc thế giới nếu chia cặn kẽ, sẽ quá ư là nhiều, xác thực là có nói cũng chẳng trọn hết, cho nên chỉ dùng Đại Kinh để nói [tổng quát]. Ngài Thiên Thai căn cứ trên kinh Pháp Hoa để phán định. Hiền Thủ đại sư phán định dựa trên kinh Hoa Nghiêm. Hai cách phán định của hai Ngài cũng rất hiển nhiên là có thứ lớp cạn hay sâu khác biệt.

 

(Sao) Thiển thâm giả, Bát Địa Tịnh Nhẫn phần trung sớ vân: “Vô Sanh Nhẫn, lược hựu nhị chủng: Nhất ước pháp, nhị ước hạnh”.

()淺深者,八地淨忍分中疏云:無生忍,略有二種:一約法,二約行。

(Sao: “[Kinh Hoa Nghiêm nói Vô Sanh Nhẫn có mức độ] cạn, hay sâu”: Trong phần sớ giải về Tịnh Nhẫn của Bát Địa, đã nói: Vô Sanh Nhẫn đại lược lại có hai loại, một là xét theo pháp, hai là xét theo hạnh).

“Pháp” là tiêu chuẩn nói theo kinh điển. “Hạnh” là tiêu chuẩn nói theo sự thành tựu trong tu hành.

 

(Sao) Ước pháp, tắc chư vô khởi tác chi Lý, giai viết Vô Sanh. Huệ tâm an thử, cố danh vi Nhẫn.

()約法,則諸無起作之理,皆曰無生;慧心安此,故名為忍。

(Sao: Xét theo pháp, thì hễ chẳng có các Lý để phát khởi tạo tác, đều gọi là Vô Sanh. Huệ tâm an trụ nơi ấy, nên gọi là Nhẫn).

“Vô Sanh”: Sanh là sanh diệt. Vô Sanh là nói bất sanh, bất diệt. Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật dạy chúng ta: “Pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ” (Pháp trụ nơi pháp vị, tướng thế gian thường trụ). “Thường trụ” là chẳng có sanh diệt. Nay chúng ta quan sát thấy vạn pháp vô thường, nhưng trong kinh Pháp Hoa, ý nghĩa này được đức Phật nói là: “Vạn pháp đều là thường, bất sanh, bất diệt”. Chúng ta có cách nhìn hoàn toàn khác đức Phật. Rốt cuộc cách nhìn của chúng ta có chánh xác hay không? Hay là cách nhìn của đức Phật là chánh xác? Đức Phật dạy chúng ta: Ngài trông thấy chân tướng, chúng ta thấy huyễn tướng. Cũng có nghĩa là: Chúng ta trông thấy vọng tướng, giả tướng. Trong giả tướng có sanh, có diệt. Đức Phật thấy Thật Tướng, tướng chân thật. Tướng chân thật bất sanh, bất diệt. Vì sao? “Pháp trụ pháp vị”. Chúng tôi nói theo tỷ dụ. Phàm là tỷ dụ, đều chẳng có cách nào so sánh thật khít khao, chỉ có thể sánh ví phảng phất, nhưng từ sự phảng phất ấy, quý vị chú tâm lãnh hội, sẽ có thể nắm được ý nghĩa ấy. Ví như chúng ta dùng gạch xây nhà, coi gạch như là Pháp thì “pháp trụ pháp vị” nghĩa là: Nó là một viên gạch, đặt trên mặt đất, nó là một viên gạch, nhưng lắp vào tường, nó vẫn là một viên gạch, trọn chẳng biến thành gì khác. Trong tương lai, dỡ bỏ, phá sập nhà đi, nó vẫn là một viên gạch. Trong viên gạch ấy, có sanh diệt hay chăng? Chẳng có! Từ đầu đến cuối là một viên gạch, bất luận quý vị đặt ở nơi đâu, nó vẫn là một viên gạch! Quý vị hãy nhìn cặn kẽ từ chỗ này để lãnh hội. Hết thảy các pháp có bổn vị của chính mình, bổn vị ấy trước nay chẳng biến đổi. Do vậy, đối với căn nhà, chúng ta thấy căn nhà có sanh, có diệt. Dỡ căn nhà đi, phá sập nó, [nhà bị tiêu diệt], viên gạch ấy chẳng có sanh diệt. Tất cả vật liệu để xây nhà cũng đều chẳng có sanh diệt, [đấy là] “pháp trụ pháp vị”.

Cùng một đạo lý giống y hệt, các nhà khoa học đã phát hiện, đã hiểu rõ. Vì thế nói là “vật chất chẳng sanh diệt”, hết sức gần với ý nghĩa được nói trong kinh Pháp Hoa. Nhất là kinh Kim Cang đã nói chân tướng của hết thảy vạn vật trong vũ trụ và thế giới này chính là gì? Là “nhất hợp tướng”. “Hợp” (合) là tổ hợp. “Nhất” (一): Pháp được nói trong kinh Pháp Hoa chính là nói tới cái Nhất ấy. Cái Nhất ấy từ đầu đến cuối chẳng biến đổi. “Nhất” là gì? Các nhà khoa học hiện thời đã phát hiện vật chất cơ bản. Hiện thời, người ta hiểu từ vật chất cơ bản mà kết hợp thành điện tử, điện tử lại kết hợp thành nguyên tử, nguyên tử lại kết hợp thành phân tử. Công thức cấu tạo khác nhau, cách thức xếp đặt, hình thức khác nhau, nhưng từ phân tử mà kết hợp thành động vật, thực vật, khoáng vật, đều là những thứ ấy. Tất cả hết thảy các cách kết hợp biến hóa trong ấy, giống như một căn nhà, chúng ta xây cất bèn thành căn nhà, phá dỡ thì nó chẳng còn, nhưng những thứ vật chất trong ấy về căn bản là chẳng biến đổi. Vì thế, hết thảy các pháp là nhất hợp tướng; do cùng một loại vật chất được kết hợp khác nhau mà hiện ra những hiện tượng ấy. Quý vị đã hiểu rõ đạo lý này, mới biết trong kinh đức Phật đã dạy chân tướng sự thật. Vì thế, nói là “hết thảy các pháp bất sanh, bất diệt”. Loài người chúng ta có sanh tử hay không? Chẳng có! “Sanh” là duyên tụ hội, duyên gì vậy? Chính là các phần tử và điện tử kết hợp, tụ tập kết hợp lại. Giống như căn nhà này, chúng ta đã xây xong, nó hiện ra tướng nhà. Chẳng thích căn nhà ấy, phá đi, nhà chẳng còn nữa. Chúng ta nhìn theo tướng thì có sanh diệt, thực chất là chẳng có sanh diệt. Quý vị hãy thấu hiểu ý nghĩa này.

Vật chất chẳng có sanh diệt, tinh thần càng chẳng có sanh diệt. Quý vị thấy rõ sự thật này: Hết thảy các pháp bất sanh, hết thảy các pháp bất diệt. Ta đồng ý, đức Phật nói chẳng sai, ta khẳng định, ta có thể tiếp nhận. Đấy gọi là Nhẫn. “Nhẫn” (忍) là thừa nhận, ta thừa nhận điều đức Phật dạy. Nếu quý vị có thể thừa nhận, chúc mừng quý vị, quý vị đã đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Hết thảy chúng sanh đều nghĩ vạn pháp vô thường. “Vạn pháp vô thường” là đức Phật đã tùy thuận chúng sanh mà nói. [Thật ra], hết thảy vạn pháp bất sanh, bất diệt, đức Phật đích thân thấy điều ấy, điều ấy chẳng phải là tùy thuận chúng sanh. Vì thế, đức Phật thuyết pháp bèn nương vào Nhị Đế để nói:

1) Nương vào Tục Đế nhằm tùy thuận chúng sanh; nói ra quý vị sẽ dễ hiểu, quý vị sẽ gật đầu.

2) Nương vào Chân Đế. Chân Đế do chính đức Phật đích thân chứng đắc, chẳng dễ khiến cho quý vị gật đầu cho lắm. Nói ra, quý vị chẳng tin tưởng, nhưng đó là thật, chẳng giả! Đạt đến Vô Sanh Pháp Nhẫn (Anutpattika-dharma-kṣānti), thuộc vào các địa cao là Thất Địa, Bát Địa, Cửu Địa như kinh Nhân Vương đã nói, họ đã thấy sự thật này, đức Phật nói, họ sẽ chẳng phản đối, mà hoàn toàn thừa nhận. Nếu chúng ta hạ thấp tiêu chuẩn một chút, vậy thì cũng thuộc vào địa vị Sơ Trụ Bồ Tát, Ngài cũng đã thấy. Đương nhiên là Ngài thấy chẳng rõ ràng, minh bạch như hàng Địa Thượng Bồ Tát[93], nhưng Ngài cũng thấy. Vì vậy, nghe đức Phật nói, Ngài cũng chẳng phản đối, cũng có thể tiếp nhận.

Chư pháp “vô khởi tác chi Lý” (chẳng có Lý để phát khởi, tạo tác), nhưng phải biết là có Sự phát khởi, tạo tác. Chẳng có Lý phát khởi, tạo tác, “giai viết Vô Sanh” (đều gọi là Vô Sanh), vạn pháp bất sanh, bất diệt. “Huệ tâm an thử” (Huệ tâm an trụ nơi đây), “thử” (此) là cách nói này, đạo lý này, sự thật này. Quý vị có trí huệ, khi đức Phật nói, quý vị có thể an trụ trong cơ sở lý luận ấy, có thể khẳng định, có thể đồng ý, bèn gọi là Nhẫn. Đấy là nói theo Pháp. Xét theo Pháp, chúng ta cũng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Vô Sanh Pháp Nhẫn mà chúng ta đã đắc, nói theo Lục Tức của tông Thiên Thai, sẽ là Danh Tự Tức. Thật sự dụng công quan sát nơi ấy thì là Quán Hạnh Tức, vẫn chưa đạt đến Tương Tự Tức. Vì thế, hiện thời, nói hết mức thì chúng ta thuộc địa vị Quán Hạnh Tức, đang còn tu học, nói theo Lý thì thông suốt, nhưng xét theo Sự thì hãy còn chênh lệch rất lớn, chúng ta còn chưa kiến đạo!

 

(Sao) Ước Hạnh, tắc báo hành thuần thục, trí minh ư Lý, vô tướng, vô công, khoáng nhược hư không, trạm như đình hải, tâm thức vọng hoặc tịch nhiên bất khởi, phương viết Vô Sanh.

()約行,則報行純熟,智冥於理,無相無功,曠若虛空,湛如渟海,心識妄惑寂然不起,方曰無生。

(Sao: Xét theo Hạnh thì báo hành thuần thục, trí ngầm hợp Lý, chẳng có hình tướng, chẳng có công năng, thênh thang như hư không, êm ả như biển lặng, vọng hoặc trong tâm thức lặng yên chẳng dấy lên thì mới gọi là Vô Sanh).

 Trong hai đoạn này, điều rất hiển nhiên là phần trước thuộc về “giải ngộ”, phần sau là “chứng ngộ”. Chúng ta cũng có thể hiểu, [cái hiểu ấy] có thể coi là giải ngộ hay không? Chẳng thể. Vì sao chẳng thể coi là [giải ngộ]? “Giải” của chúng ta là dường như hiểu, chứ chẳng hiểu, quan niệm ấy lúc có, lúc không! Nếu thật sự đã hiểu rõ, lý giải, quý vị sẽ có cách nhìn khác hẳn đối với nhân sinh và vũ trụ, hoàn toàn chẳng tương đồng, biết hết thảy các pháp chẳng có sanh diệt. Nói cách khác, trong hết thảy các pháp, quyết định chẳng có được hay mất. Chẳng có được mất, quý vị sẽ chẳng có phiền não! Nay quý vị còn lo được, lo mất, còn có tham, sân, si, mạn, cho nên nói đến chuyện này, quý vị thật sự chẳng hiểu! Thật sự đã hiểu, nó sẽ khởi tác dụng. Vì thế, tôi vừa mới nói: [Chúng ta] ngừng nơi Danh Tự Đạo, hữu danh vô thực, chẳng đạt đến Quán Hạnh Đạo. [Đã là] Quán Hạnh thì quan niệm của chúng ta bèn khởi biến hóa, chẳng có sanh diệt, chẳng có được mất, sẽ hữu ích rất lớn đối với công phu niệm Phật hòng đắc nhất tâm bất loạn. Vì sao chúng ta niệm Phật chẳng thể đắc nhất tâm? Chẳng biết chân tướng sự thật này; cứ ngỡ hết thảy các pháp có sanh, có diệt, ngỡ ta có thể đạt được hết thảy các pháp. Vì thế, ở trong hết thảy các pháp, bèn dấy lên vô minh, dấy lên tham, sân, si, mạn, chướng ngại cái tâm thanh tịnh. Nhất tâm bất loạn là tâm thanh tịnh. Do vậy, bất luận niệm Phật như thế nào, tâm chẳng đạt được thanh tịnh, chẳng thể hiện tiền, đạo lý ở ngay chỗ này.

Do vậy có thể biết: Sau khi đã hiểu rõ lý luận, nhất định là công phu phải tương ứng với lý luận. Ở đây nói là “báo hành thuần thục”. Đối với báo hành, Báo (報) là quả báo. Chẳng nói tu hành mà nói là “báo hành”, ý nghĩa này rất sâu! Tu hành là chúng ta hữu tâm thực hiện, còn báo hành là đạt được quả báo, nhưng chẳng có tâm thực hiện. Tôi vừa mới nói với mọi người: Hễ có tâm cầu nhất tâm bất loạn, hoặc cầu thượng phẩm thượng sanh, hỏng bét! Vô tâm, nghiêm túc nỗ lực tu, nỗ lực niệm, chẳng có tâm mong cầu. Đó gọi là “chỉ vấn canh vân, bất vấn thâu hoạch” (chỉ quan tâm cày bừa, chẳng màng tới thâu hoạch), sẽ có đôi chút tương ứng cùng báo hành. Ở đây nói “thuần thục”, chẳng phải là “tiểu thục” (chín muồi đôi chút), đã thuần thục! Kiến tánh bèn được coi là thuần thục; chẳng kiến tánh sẽ không coi là thuần thục. Công phu của A La Hán không tính là thuần thục, ắt phải là Sơ Địa trong Biệt Giáo hay Sơ Trụ trong Viên Giáo thì mới có thể nói là “đã thuần thục”. Khi ấy, “trí minh ư Lý” (trí ngầm hợp Lý), Lý là chân lý, là sự thật. Trí huệ, tư tưởng và kiến giải của người ấy hoàn toàn tương ứng với chân tướng sự thật.

“Vô tướng, vô công”: Có dụng công hay không? Có dụng công! Vì sao nói là “vô công”? Chẳng chấp tướng! Giống như chúng ta niệm Phật thường nói: “Niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm”, đã đạt tới cảnh giới ấy. Ngàn muôn phần chớ nên hiểu lầm, [nghe nói] “vô niệm là niệm”, vậy thì ta suốt ngày từ sáng đến tối chẳng niệm, [cứ nghĩ] ta chẳng niệm chính là niệm. Thế thì quý vị đã lầm mất rồi, sai lầm đặc biệt to tát! Người vô niệm là suốt ngày từ sáng đến tối Phật hiệu chẳng hề gián đoạn. Cớ sao nói là vô niệm? Giống như kinh Bát Nhã đã nói “tam luân thể không”, người ấy chẳng chấp Ngã Tướng, chẳng chấp Phật Tướng, mà cũng chẳng chấp tướng danh tự nơi Phật hiệu được niệm. Đó gọi là “tam luân thể không”, thế nhưng Phật hiệu chưa hề gián đoạn; chẳng như chúng ta trong hiện thời, “niệm mà có niệm”. Hôm nay ta niệm mấy ngàn câu, mấy vạn câu bèn nhớ rành rành. Nhưng niệm Phật thật sự phải là từ hữu niệm đạt tới vô niệm, công phu mới là thực tiễn. Vừa bắt đầu bèn học đòi vô niệm, sẽ vướng phải phiền phức rất lớn,
thường là sẽ bị thất bại. Do vậy, người mới niệm Phật, nhất định phải là niệm từ hữu niệm, niệm cho đến khi công phu thành thục. Nói là “thành thục” nghĩa là trong tâm quý vị thật sự có Phật, tâm thật sự có. Cho đến khi ấy, tính số hay không, chẳng quan trọng!

“Trong tâm thật sự có” là cảnh giới gì vậy? Thông thường, trong tâm hết sức ưa thích chuyện gì, hết sức ưa chuộng ai, tuyệt đối sẽ chẳng quên mất, bất luận khi nào, [ngay cả] đêm nằm mộng cũng mộng thấy, trong tâm phải thật sự có! Có thể đem điều ấy đổi thành A Di Đà Phật, vậy là được rồi! A Di Đà Phật thật sự biến thành một niệm duy nhất trong tâm chúng ta, bèn thành công, quyết định được vãng sanh. Bất luận khi nào, bất luận trong hoàn cảnh nào, niệm nào cũng đều chẳng quên điều ấy, đó chính là trong tâm quý vị thật sự có. Đó gọi là “vô tướng, vô công”.

“Khoáng nhược hư không, trạm như đình hải” (Thênh thang như hư không, êm ả như biển lặng): Hai câu này là tỷ dụ, sánh ví tâm địa thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần. “Tâm thức vọng hoặc” là vọng tưởng, chấp trước. “Vọng” (妄) là vọng tưởng, “Hoặc” (惑) bao gồm vô minh và phiền não. Chúng đều chẳng có, đó là thật sự đắc Vô Sanh. Tâm thanh tịnh, “tâm tịnh, tắc quốc độ tịnh” (tâm thanh tịnh ắt cõi nước thanh tịnh), tâm tịnh ắt vạn pháp đều tịnh. Quý vị thật sự chứng đắc điều đức Phật đã nói trong kinh: “Hết thảy các pháp bất sanh, bất diệt”. Hôm nay, chúng tôi nói tới đây!

 

Tập 252

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm chín mươi sáu:

 

(Sao) Ước Hạnh, tắc báo hành thuần thục, trí minh ư Lý, vô tướng, vô công, khoáng nhược hư không, trạm như đình hải, tâm thức vọng hoặc tịch nhiên bất khởi, phương viết Vô Sanh.

()約行,則報行純熟,智冥於理,無相無功,曠若虛空,湛如渟海,心識妄惑寂然不起,方曰無生。

(Sao: Xét theo Hạnh thì báo hành thuần thục, trí ngầm hợp Lý, chẳng có hình tướng, chẳng có công năng, thênh thang như hư không, êm ả như biển lặng, vọng hoặc trong tâm thức lặng yên chẳng dấy lên thì mới gọi là Vô Sanh).

Lần trước, chúng tôi đã giảng đến chỗ này. Trong đoạn này, chúng ta hãy nên chú ý “báo hành thuần thục”. Đó là cảnh giới của Bát Địa Bồ Tát, chẳng phải là cảnh giới của bọn phàm phu chúng ta. Không chỉ là minh tâm kiến tánh, mà còn là kiến tánh ở mức độ khá sâu. Theo kinh Nhân Vương, đó là Vô Sanh Nhẫn Bồ Tát, ở đây nói đến cảnh giới của các Ngài. Chúng ta lại xem phần kinh văn tiếp theo:

 

(Sao) Tiền thuyết do thông chư địa.

()說猶通諸地。

(Sao: Những điều nói trong phần trước còn áp dụng cho các địa).

“Tiền thuyết” là [luận định Vô Sanh Pháp Nhẫn] xét theo Pháp. Xét theo Pháp thì có thể nói từ Sơ Địa trở lên. Những điều được nói ở đây cũng đều là cảnh giới của hàng Bồ Tát thuộc các địa.

 

(Sao) Hậu duy Bát Địa sở chuyên.

()後唯八地所專。

 (Sao: Những điều nói trong loại sau chuyên về Bát Địa).

Xét theo Hạnh, báo hành thuần thục là từ Bát Địa trở lên, từ Thất Địa trở xuống đều chẳng đạt tới cảnh giới này. Có thể thấy là cảnh giới này khá cao.

 

(Sao) Dư như tiền Tự trung biện, cố tri Vô Sanh Nhẫn vị, tự hữu thiển thâm, tắc thượng thượng phẩm trung, tùng Nhất Địa dĩ thượng chí Bát Địa, dĩ dung đa phẩm, dư khả tri hỹ. Cố tế phân chi, diệc ưng vô lượng.

()餘如前序中辨,故知無生忍位,自有淺深,則上上品中,從一地以上至八地,已容多品,餘可知矣。故細分之,亦應無量。

(Sao: Những điều khác thì như đã biện định trong phần Tựa nơi các đoạn trước. Vì thế, biết là đối với địa vị Vô Sanh Pháp Nhẫn, sẽ có các [địa vị] sâu hay cạn. Cho nên trong thượng thượng phẩm, từ Sơ Địa cho đến Bát Địa đã bao gồm nhiều phẩm, [do vậy], đối với những phẩm khác, có thể suy ra mà biết. Vì thế, nếu phân chia tỉ mỉ, cũng phải là vô lượng).

Đây là nói rõ [chia phẩm vị vãng sanh] thành ba bậc hoặc chín phẩm là phân chia đại lược, chẳng phải là chia cặn kẽ. Nếu chia cặn kẽ, thật sự là nói chẳng trọn hết. Chúng ta biết tình hình này là được rồi.

 

(Sớ) Hựu tam bối, cửu phẩm, nhị kinh tương phối, chư thuyết sảo dị, như Phụ Chánh sở giải dung chi.

()又三輩九品,二經相配,諸說稍異,如輔正所解融之。

(Sớ: Lại nữa, phối hợp giữa ba bậc và chín phẩm của hai kinh thì các thuyết sai khác đôi chút, như trong tác phẩm Phụ Chánh[94] đã giải thích dung thông).

 Kinh Vô Lượng Thọ nói “tam bối”, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói “cửu phẩm”. Chúng ta hợp hai kinh lại để xem, rồi lại coi những lời giải thích của cổ đức. Trong ấy, đúng là “người nhân thấy là nhân, kẻ trí thấy là trí”, có rất nhiều cách nhìn khác nhau. Sau khi Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ xuất hiện, đối với cách nhìn của cổ đức, xác thực là có khá nhiều biện định, chứng minh. Vì cổ đức thường cho rằng: Ba phẩm thượng vãng sanh là thánh nhân, là Bồ Tát vãng sanh. Vãng sanh trong ba phẩm trung là Tiểu Thừa Tứ Quả La Hán vãng sanh. Ba phẩm hạ mới là bọn phàm phu chúng ta. Nói cách khác, phàm phu chẳng có phần trong ba phẩm thượng. Đối với chuyện này, Thiện Đạo đại sư đã giải thích rất cặn kẽ, nêu ra khá nhiều chứng minh nhằm chứng tỏ chín phẩm đều là phàm phu vãng sanh. Lão nhân gia nói hết sức hay, vì sao phàm phu vãng sanh có nhiều phẩm vị ngần ấy? Lão nhân gia đã quy kết triệt để bằng một câu: “Do gặp duyên khác nhau mà có chín phẩm sai biệt”. Câu nói này hết sức hay, nêu ra sự thật chân chánh. Theo cách nói ấy, phàm phu chúng ta cũng có phần trong thượng thượng phẩm vãng sanh, chẳng nhất định là phải chứng đắc Tứ Quả, hoặc chứng đắc quả vị Bồ Tát, quả vị Bồ Tát ấy còn chẳng phải là Bồ Tát bình phàm, mà là từ Sơ Trụ Bồ Tát trở lên trong Viên Giáo! Chúng ta thấy ở đây, Liên Trì đại sư cũng nêu ra [ý kiến của] vài vị. Đó là xét theo cách nhìn bất đồng:

 

(Sao) Quán Kinh Sớ vân: “Thử kinh cửu phẩm, vị linh thức vị cao hạ, tức Đại Bổn tam bối dã”.

()觀經疏云:此經九品,為令識位高下,即大本三輩也。

(Sao: Quán Kinh Sớ nói: “Chín phẩm trong kinh này là để biết địa vị cao hay thấp, đấy chính là ba bậc trong Đại Bổn”).

Chín phẩm nhằm dạy chúng ta hiểu rõ phẩm vị cao hay thấp sau khi vãng sanh Tây Phương, hoàn toàn giống như ba bậc được nói trong kinh Vô Lượng Thọ, chỉ là nói cặn kẽ hơn đôi chút. Trong ba bậc, mỗi bậc đều có ba phẩm. Nếu suy luận tương tự như vậy, trong chín phẩm, mỗi phẩm lại có chín phẩm, sẽ là chín lần chín thành tám mươi mốt phẩm. Tám mươi mốt phẩm lại chia nhỏ ra nữa, sẽ là mỗi phẩm lại có tám mươi mốt phẩm. Với tình hình như vậy, quý vị có thể suy ra phẩm vị vô cùng nhiều, đó là chân tướng sự thật.

 

(Sao) Cô Sơn vị Đại Bổn tam bối, chỉ tề Quán Kinh lục phẩm, dĩ tam bối thuần minh thiện hạnh, bất cập ác nhân dã.

()孤山謂大本三輩,止齊觀經六品,以三輩純明善行,不及惡人也。

(Sao: Ngài Cô Sơn cho rằng ba bậc của Đại Bổn chỉ bằng với sáu phẩm trong Quán Kinh, vì ba bậc thuần nói về thiện hạnh, chẳng nhắc đến kẻ ác).

 Đó là cách nhìn của pháp sư  Cô  Sơn. Cũng  chẳng  thể  bảo  cách nhìn của Ngài vô lý. Vì trong chín phẩm của Quán Kinh, ba phẩm hạ là phàm phu tạo ác nghiệp, còn trong ba bậc của Đại Bổn chẳng nói “tạo ác nghiệp”. Nói cách khác, đã là chẳng nói “tạo ác nghiệp”, mà trong Quán Kinh từ thượng thượng phẩm cho đến trung hạ phẩm đều là tu thiện, chẳng nói là tạo nghiệp, hãy nên coi những phẩm ấy tương đương [với ba bậc trong Đại Bổn], nói đến chuyện này.

 

(Sao) Linh Chi phán tam bối chỉ đối thượng phẩm.

()靈芝判三輩止對上品。

(Sao: Ngài Linh Chi phán định ba bậc [trong kinh Vô Lượng Thọ] chỉ ứng với thượng phẩm [trong Quán Kinh]).

Linh Chi thiền sư lão nhân gia có cách nhìn còn nghiêm ngặt hơn ngài Cô Sơn. Ngài nói ba bậc đem so với Quán Kinh, trên thực tế là ba phẩm thượng trong chín phẩm. Đây là cách nói khác nhau. Vì sao ngài Linh Chi chỉ coi ba bậc [trong Đại Kinh] là ba phẩm thượng [trong Quán Kinh]? Lời tiểu chú [trong sách Diễn Nghĩa] đã nói rất rõ ràng: Vì ba bậc của kinh Vô Lượng Thọ đều nói “phát Bồ Đề tâm, một mực chuyên niệm”, Ngài nhìn từ chỗ ấy. Sáu phẩm cuối trong chín phẩm của Quán Kinh chẳng nói “phát Bồ Đề tâm”. Có thể thấy người ta nói cách này cũng có căn cứ! Một đằng là xét theo thiện ác, bèn có thể thấy [ba bậc trong Đại Kinh] chính là sáu phẩm [trong Quán Kinh]; một đằng do chỉ nói tới Bồ Đề tâm, nên chỉ thấy ba phẩm thượng phát Bồ Đề tâm. Rốt cuộc, cách nói nào chánh xác? Nói thật ra, người hiện thời còn có nhiều nghi vấn hơn cổ nhân! Hỏi toàn những chuyện kỳ quái! Có những đồng tu tới hỏi tôi: “Người niệm Phật chúng ta gặp những lời vấn nạn ấy thì làm sao?” Nói thật ra, gặp những kẻ đến cật vấn chuyện này, bất luận là kẻ ấy cố tình đến hỏi, hay là vô tình mà hỏi, hoặc thành tâm mong hiểu rõ chân tướng sự thật, hay là cố ý bắt nọn, tới làm khó dễ, những tình huống ấy đều có, chúng ta đều có thể gặp phải. Hễ gặp phải thì làm thế nào? Hễ gặp phải, hãy chắp tay “A Di Đà Phật”. Câu nói ấy đã gạt sạch [những kiểu bắt bẻ ấy]. Người ấy cứ hỏi riết, [bèn thưa]: “Nay chúng ta đến Tây Phương Cực Lạc thế giới là khẩn yếu. Vấn đề ấy hãy đem qua Tây Phương Cực Lạc thế giới thỉnh giáo A Di Đà Phật”. Chúng ta trút sạch câu trả lời qua A Di Đà Phật. Đã thấy A Di Đà Phật thì sẽ như cổ đức thường nói: “Chỉ thấy Phật Di Đà, lo gì chẳng khai ngộ”. Chẳng phải là hết thảy vấn đề đều được giải quyết ư? Nay khởi tâm động niệm, chắc chắn sẽ chướng ngại nhất tâm bất loạn. Nay chúng tôi luôn nói thật thà, hiện thời, đối với chúng ta, nhất tâm bất loạn là khẩn yếu, chớ nên lại đâm quàng chuyện khác. Hễ đâm quàng ngõ rẽ quá nhiều, sẽ chẳng thể vãng sanh được! Hiện thời phải tới Tây Phương; đấy mới là đại sự bậc nhất trong một đời này. Chúng tôi chẳng có nghi vấn, quý vị có nghi vấn, hãy đến thế giới Cực Lạc hỏi A Di Đà Phật, chẳng cần phải hỏi tôi. Tôi có nói, quý vị cũng chẳng tin tưởng, cần gì phải dây cà dây muống để làm chi nữa? Phương pháp [trả lời những câu vấn nạn] này đơn giản, minh bạch nhất, thảy đều cắt đứt hết. Nói thật ra, những kiểu biện luận ấy đều là lời lẽ thừa thãi!

 

(Sao) Thảo Am Phụ Chánh Giải viết.

()草庵輔正解曰。

(Sao: Trong sách Phụ Chánh Giải của ngài Thảo Am có nói).

Cách nói của thiền sư Thảo Am khá viên dung.

 

(Sao) Thiên Thai dĩ cửu phẩm đồng tam bối giả, nãi ước vị thứ tương đồng, bất ước hạnh nhân nhi ngôn.

()天台以九品同三輩者,乃約位次相同,不約行因而言。

(Sao: Ngài Thiên Thai coi ba bậc tương đồng chín phẩm chính là xét theo địa vị giống nhau, chứ không xét theo nhân hạnh để nói).

“Ba bậc, chín phẩm” xác thực là nói theo địa vị. Bậc thượng [trong Đại Bổn] tương ứng với ba phẩm thượng trong Quán Kinh; bậc trung tương ứng với ba phẩm trung trong Quán Kinh; bậc hạ tương ứng với ba phẩm hạ trong Quán Kinh. Thiên Thai đại sư đối chiếu tương xứng hai kinh là nói theo địa vị, chẳng chú trọng nhân hạnh trong sự tu hành. Cô Sơn và Linh Chi chẳng xét theo địa vị, mà xét theo cái nhân tu hành, một vị xét theo chuyện phát Bồ Đề tâm, vị kia xét theo chuyện tu thiện, đều là xét theo sự tu nhân để nói.

 

(Sao) Tắc Cô Sơn, Linh Chi giai bất vi Thiên Thai.

()則孤山、靈芝,皆不違天台。

(Sao: Cho nên Cô Sơn và Linh Chi đều chẳng mâu thuẫn với ngài Thiên Thai).

Đây là nói dung hòa, hai đằng trọn chẳng mâu thuẫn lẫn nhau cho mấy!

 

(Sao) Sở dĩ nhiên giả? Dĩ Thiên Thai đản ước vị thứ, tắc bối phẩm chánh đồng. Nhị sư duy ước hành nhân, tắc chỉ tề trung thượng. Các hữu sở cứ, thủ nghĩa bất đồng, cố bất vi dã.

()所以然者,以天台但約位次,則輩品正同;二師唯約行因,則止齊中上。各有所據,取義不同,故不違也。

(Sao: Vì cớ sao vậy? Do ngài Thiên Thai chỉ xét theo địa vị, nên bậc và phẩm đúng là tương đồng. Hai vị kia (Cô Sơn và Linh Chi) chỉ xét theo nhân hạnh, nên [ba bậc trong Đại Kinh] chỉ tương ứng với trung phẩm và thượng phẩm. Mỗi vị đều có căn cứ để quyết đoán nghĩa lý khác nhau. Do vậy, chẳng mâu thuẫn).

Cách nói này rất viên dung, chẳng mích lòng đôi bên. Dưới đây là quyết đoán.

 

(Sao) Khắc thật nhi luận.

()剋實而論。

(Sao: Luận định theo sự thật).

Nói lời chân thật.

 

(Sao) Tắc phiền não bất dị Bồ Đề, thỉ ác hà phương chung thiện?

()則煩惱不異菩提,始惡何妨終善。

(Sao: Phiền não chẳng khác Bồ Đề, thoạt đầu là ác, há trở ngại cuối cùng là lành?)

“Phiền não” “Bồ Đề” có cùng một tự tánh, là cùng một chuyện. Đã giác ngộ bèn gọi là Bồ Đề, đã mê bèn gọi là phiền não. Chỉ là tên gọi giác hay mê khác nhau, chứ thể tánh hoàn toàn giống nhau. Thể là gì? Thể là chân tâm của chính mình. Mê mất chân tâm bèn thành phiền não, đã giác ngộ bèn gọi là Bồ Đề. Vì thế mê và ngộ chẳng hai! Mê là chuyện này, ngộ vẫn là chuyện này. Tâm tánh chẳng có mê hay ngộ, phải biết điều này. Nơi chân tâm bản tánh chẳng có mê hay ngộ. Mê, ngộ là gì? “Mê, ngộ” là vọng chấp, là hư vọng, chẳng phải là thật. Trong vọng tâm có mê hay ngộ, trong chân tâm chẳng có mê hay ngộ. Do vậy, nói: “Thỉ ác hà phương chung thiện” (Sự ác ban đầu, nào trở ngại điều thiện cuối cùng). Khi mê tạo ác, lúc ngộ bèn biến thành thuần thiện, hễ ngộ bèn thiện. Khi ngộ, chúng ta thường nói là “sám hối rốt ráo triệt để”. Sám hối có phải là một phen nước mắt, nước mũi ròng ròng hay không? Chẳng cần thiết! Nước mắt, nước mũi ròng ròng chưa chắc đã là thật sự sám hối. Thật sự sám hối, phá vô minh, đoạn phiền não, đó là thật sự sám hối, thật sự giác ngộ. Đó là ác có thể biến thành thiện.

 

(Sao) Ác nhân ký dĩ thành thiện, khởi bất hiền thánh đồng khoa?

()惡人既已成善,豈不賢聖同科。

(Sao: Kẻ ác đã trở thành thiện, há chẳng phải là cùng một loại với bậc thánh hiền?)

Nếu kẻ ác đã sám hối, trở thành thiện nhân, lẽ đâu người ấy chẳng thể thượng phẩm thượng sanh? Vẫn có thể là thượng phẩm thượng sanh! Trong phần sau của kinh này sẽ lại nói đến chuyện này. Phần sau [của lời Sao trong đoạn này] nhắc đến vua A Xà Thế. Đó là kẻ đại nghịch bất đạo, người ta khi lâm chung sám hối, sám hối có sức mạnh thù thắng, vãng sanh Tây Phương với phẩm vị là thượng phẩm trung sanh. Quý vị xem đó: Tạo tác tội nghiệp Ngũ Nghịch, Thập Ác, khi lâm chung vãng sanh vẫn là thượng phẩm trung sanh. Chuyện này phù hợp với ý nghĩa trong câu “thỉ ác hà phương chung thiện” (thoạt đầu là ác, há trở ngại cuối cùng là lành). Hễ quay đầu bèn là đại thiện nhân, kẻ tiểu thiện bình phàm chẳng thể bằng được ông ta.

Tục ngữ Trung Hoa cũng thường nói: “Lãng tử hồi đầu kim bất hoán” (Lãng tử quay đầu, vàng chẳng đổi được). Hễ quay đầu sẽ là người tốt, những kẻ tốt đẹp bình phàm chẳng thể sánh bằng người ấy, thật sự quay đầu mà! Chính là đạo lý này! Do đó, [kẻ ác hồi đầu có] cùng một cấp bậc với thánh hiền.

 

(Sao) Tam bối cửu phẩm, chánh tương phối hợp, hựu hà nghi yên?

()三輩九品,正相配合,又何疑焉。

(Sao: Ba bậc, chín phẩm, đúng là phù hợp khít khao, còn nghi chi nữa?)

Hiểu đạo lý này, đối với cách nói coi ba bậc tương ứng với chín phẩm của ngài Thiên Thai, quý vị bèn đồng ý, trong ấy quyết định chẳng có vấn đề gì. Còn như nói đến chuyện “phát tâm” thì kinh văn có nói chi tiết hay đại lược, có khi tỉnh lược, văn tự chẳng nhắc đến, nhưng xét theo ý nghĩa thì có. Đối với những chỗ giống như vậy, chúng ta đọc kinh chớ nên không lưu ý. Dưới đây, đại sư lại dẫn kinh Hoa Nghiêm để làm chứng:

 

(Sớ) Hựu Hoa Nghiêm minh niệm Phật giả, số dữ tâm đẳng, tức thị tam bối cửu phẩm tùy nhân bất đồng nghĩa.

()又華嚴明念佛者,數與心等,即是三輩九品隨因不同義。

(Sớ: Lại nữa, kinh Hoa Nghiêm giảng về niệm Phật, [có nói] “số và tâm bằng nhau” chính là ý nghĩa ba bậc, chín phẩm là do cái nhân mà khác nhau vậy).

Cách nói trong phần trước là suy luận theo Lý. Nếu chẳng có kinh điển để chứng minh, vẫn chưa thể khiến cho kẻ khác tâm phục, khẩu phục. Trong hết thảy các kinh, kinh lớn nhất, được đại chúng tôn kính nhất, không gì hơn Hoa Nghiêm. Do đó, trong phần chú giải, hễ trích dẫn kinh điển, đích xác là Liên Trì đại sư trích dẫn kinh Hoa Nghiêm nhiều nhất. Đấy là chứng cứ có sức thuyết phục mạnh mẽ nhất.

 

(Sao) Số tâm đẳng giả, Hoa Nghiêm nhị thập tam kinh.

()數心等者,華嚴二十三經。

(Sao: “Số, tâm bằng nhau” là như trong quyển hai mươi ba kinh Hoa Nghiêm).

“Số tâm đẳng giả”: Câu này trích từ quyển hai mươi ba trong bộ Bát Thập Hoa Nghiêm.

 

(Sao) Ly Cấu Tràng Bồ Tát kệ vân: “Dĩ Phật vi cảnh giới, chuyên niệm nhi bất xả, thử nhân đắc kiến Phật, kỳ số dữ tâm đẳng”.

()離垢幢菩薩偈云:以佛為境界,專念而不捨,此人得見佛,其數與心等。

(Sao: Bài kệ của Ly Cấu Tràng Bồ Tát[95] có câu: “Dùng Phật làm cảnh giới, chuyên niệm, chẳng buông xả. Người ấy được thấy Phật, số và tâm tương ứng”).

Đấy là kinh văn của kinh Hoa Nghiêm. Lời giải thích dưới đây là chú giải của Thanh Lương đại sư.

 

(Sao) Thích văn: Số dữ tâm đẳng giả, vị tùy niệm tùy hiện.

()釋云:數與心等者,謂隨念隨現。

(Sao: Giải thích: “Số và tâm tương ứng”, nghĩa là thuận theo ý niệm mà hiện).

Lời này là thật, chẳng giả tí nào! Vì sao chúng ta niệm Phật, Phật chẳng hiện tiền? Chúng ta từng nghe nói Thiện Đạo đại sư niệm Phật, niệm Phật một tiếng, trong miệng phóng ra một tia sáng, trong ánh sáng có một vị Hóa Phật. Bài kệ này trong kinh Hoa Nghiêm nếu áp dụng vào Thiện Đạo đại sư rất thích hợp. Trên thực tế, chư vị phải hiểu, [điều này] áp dụng vào bản thân mỗi người chúng ta cũng rất thích hợp. Từng tiếng Phật hiệu của Thiện Đạo đại sư là từng tiếng Phật rõ ràng, rành rẽ dường như thấy được. Từng câu Phật hiệu của chúng ta [cũng là] từng tiếng Phật, chính mình chẳng thấy, mà người khác cũng chẳng thấy, thế nhưng thật sự có. Vì sao nói là thật sự có? Quán Kinh đã có dạy: “Khi tâm tưởng Phật, tâm ấy chính là ba mươi hai tướng và tám mươi vẻ đẹp”. Người có Thiên Nhãn, khi chúng ta đêm ngủ nằm mộng, người ấy có thể trông thấy, [nghĩa là] trong mộng, quý vị mơ làm chuyện gì, người ấy thấy rõ ràng, rành mạch. Có thể thấy là: Trong mộng thật sự có hình tướng. Người bình phàm chúng ta chẳng thấy, nhưng người có công phu định lực, người có Thiên Nhãn trông thấy, biết quý vị làm chuyện gì trong mộng. Trong mộng có tướng, nay chúng ta đang cùng ngồi ở đây, tuy là đang nghe kinh ở đây, trong đầu nghĩ gì chẳng biết, nhưng quý vị nghĩ điều gì đều có một tướng. Quý vị nghĩ đến ai, nghĩ đến chuyện gì, nghĩ ta hôm nay đi chơi ngắm phong cảnh; hễ trong tâm quý vị vừa tưởng bèn có tướng, người có Thiên Nhãn thấy quý vị chẳng thật thà, lại rong chơi đến nơi nào rồi! Do vậy có thể biết: Trong tâm chúng ta niệm Phật, trong tâm tưởng Phật, lẽ nào chẳng có Phật tướng xuất hiện? “Số dữ tâm đẳng” (Số và tâm tương ứng), chẳng sai tí nào! Khi quý vị tưởng hình tướng đức Phật, tưởng A Di Đà Phật, cứ một niệm là một vị Phật. Người ta nói lời chân thật, chẳng giả tí nào, xác thực là như thế. Vì sao hình tướng Phật của Thiện Đạo đại sư rõ rệt dường ấy? Nói thật ra, là do tâm Ngài thanh tịnh, chẳng có ô nhiễm; vì thế, hiện quang, hiện tướng, mọi người thấy. Trong tâm chúng ta có quá nhiều vọng tưởng, quá nhiều tạp niệm, đục ngầu, dơ bẩn chẳng kham, dẫu hiện tướng, tướng chẳng hiện rõ ràng cho mấy, mọi người chẳng thấy được! Ắt cần phải là người có tâm thanh tịnh thì mới thấy được, đạo lý là như vậy. “Tùy niệm tùy hiện”, chư vị phải ghi nhớ điều này, niệm Phật hiện Phật, niệm Bồ Tát hiện Bồ Tát, niệm gì hiện nấy.

 

(Sao) Tùy niệm hữu nhị: Nhất tùy niệm đa thiểu, Phật diệc như chi,  như niệm Phật nhất thanh,  hữu nhất hóa Phật tùng  khẩu  trung xuất đẳng.

()隨念有二:一隨念多少,佛亦如之,如念佛一聲,有一化佛從口中出等。

(Sao: “Tùy niệm” có hai [ý nghĩa]: Một là tùy theo niệm nhiều hay ít, mà Phật [hóa hiện] cũng như thế. Như niệm Phật một tiếng, có một Hóa Phật từ trong miệng bay ra v.v…)

Tùy theo niệm nhiều hay ít, mỗi tiếng Phật hiệu là một vị Phật, đó là “số và tâm tương ứng” [theo ý nghĩa thứ nhất]. Ý nghĩa thứ hai là…

 

(Sao) Nhị tùy niệm thiển thâm, Phật ưng xứng chi, như lâm chung kiến Phật hữu thắng, hữu liệt đẳng. Đa, thiểu, thiển, thâm, tức bối phẩm phân biệt dã.

()二隨念淺深,佛應稱之,如臨終見佛有勝有劣等。多少淺深,即輩品分別也。

(Sao: Hai là tùy theo niệm cạn hay sâu, Phật sẽ ứng hiện tương xứng, như lâm chung thấy [hình tướng của] Phật có thù thắng hay kém cỏi v.v… [Do có cảnh tượng] nhiều, ít, cạn, sâu, cho nên có bậc và phẩm phân biệt).

Nói kiểu này rất thông suốt.

 

(Sao) Thử nhân đắc kiến Phật giả, tức A Di Đà Phật hiện tại kỳ tiền dã. Chuyên niệm giả, tức nhất tâm bất loạn dã.

()此人得見佛者,即阿彌陀佛現在其前也。專念者,即一心不亂也。

(Sao: “Người ấy được thấy Phật” tức là A Di Đà Phật hiện trước mặt người ấy. “Chuyên niệm” chính là nhất tâm bất loạn).

 Khai thị trong đoạn này hết sức quan trọng, bảo cho chúng ta biết sự thù thắng chân thật của niệm Phật. Niệm Phật, Phật liền hiện tiền! Thông thường, chúng ta giải thích sự gia trì của Phật có hai loại: Một loại là hiển gia (顯加), loại kia là minh gia (冥加). Hiển (顯) là rõ rệt, chính quý vị có thể cảm nhận, nhận biết sự gia trì này. Minh gia là gia trì ngấm ngầm, tuy bản thân quý vị chẳng thấy, chẳng nghe, mà cũng chẳng cảm thấy, nhưng Phật xác thực là ở trước mặt quý vị. Nếu quý vị thật sự hiểu đoạn khai thị này, sẽ tin tưởng. Trong khi chúng ta niệm Phật, tâm tưởng Phật, Phật bèn hiện tiền, cảm ứng đạo giao rất nhanh chóng chẳng thể nghĩ bàn!

“Chuyên niệm” là nhất tâm niệm, nhất tâm niệm có sức cảm ứng đặc biệt mạnh mẽ, to tát; vì thế, ở đây nói là “nhiều, ít, cạn, sâu”. Tâm càng thanh tịnh, cảm ứng càng sâu. Do vậy có thể biết, tâm tư chúng ta tạp loạn, cảm ứng sẽ nông cạn. Tâm thanh tịnh, cảm ứng sâu xa.

 

(Sớ) Hựu Chí Nhãn nhị chủng Tịnh nghiệp, diệc tam bối cửu phẩm nghĩa.

()又志眼二種淨業,亦三輩九品義。

(Sớ: Lại nữa, hai thứ Tịnh nghiệp như ngài Chí Nhãn đã nói cũng là ý nghĩa ba bậc, chín phẩm).

Pháp sư Chí Nhãn nói điều này.

 

(Sao) Chí Nhãn pháp sư vân: “Vãng sanh nhất môn, hữu nhị Tịnh nghiệp, nhất viết chánh quán, mặc chiếu bổn tâm dã. Nhị viết trợ hạnh, bị tu vạn thiện dã. Nhị sự câu đắc, tắc liễu đạt tứ Tịnh Độ hỹ”.

()志眼法師云:往生一門,有二淨業,一曰正觀,默照本心也;二曰助行,備修萬善也。二事俱得,則了達四淨土矣。

(Sao: Pháp sư Chí Nhãn nói: “Một môn vãng sanh có hai thứ Tịnh nghiệp. Một là chánh quán, thầm chiếu soi bổn tâm. Hai là trợ hạnh, tu trọn muôn điều thiện. Cả hai điều đều đạt được, sẽ thông đạt rành rẽ bốn cõi Tịnh Độ”).

Thuyết của pháp sư Chí Nhãn vẫn dựa trên giáo nghĩa Thiên Thai, phương pháp dụng công của tông Thiên Thai là dùng Chỉ Quán. Chỉ Quán có hai loại: Loại thứ nhất là Thứ Đệ Tam Quán, loại thứ hai là Nhất Tâm Tam Quán. Ở đây là nói…

 

(Diễn) Dĩ Nhất Tâm Tam Quán, chiếu Tam Đế Nhất Cảnh.

()以一心三觀,照三諦一境。

(Diễn: Dùng Nhất Tâm Tam Quán để quán chiếu Tam Đế Nhất Cảnh).

Tam Quán là Không, Giả, Trung, Không Quán, Giả Quán, Trung Quán. “Không” là quán thể tánh của hết thảy các pháp, vạn pháp đều không. “Giả” là quán hiện tướng (tướng biến hiện) của chúng, diệu hữu. “Trung” là quán tác dụng của chúng, dụng là Trung. Thể là Không, tướng là Hữu, tác dụng là Trung; do vậy, dùng Trung. Năng quán (chủ thể tác quán) có Không, Giả, Trung. Sở quán (đối tượng được quán) là cảnh giới bên ngoài. Trong cảnh giới có Thể, Tướng, Dụng, gọi là Tam Đế. Thể là Chân Đế, Tướng là Tục Đế, Dụng là Trung Đế. Nhất Tâm Tam Quán đối ứng với Tam Đế Nhất Cảnh, là một mà ba, tuy ba mà một, là một chuyện được quan sát từ ba phương diện thì mới thật sự hiểu rõ chân tướng, chẳng đến nỗi phạm sai lầm.

 

(Diễn) Như Trí tương ứng.

()如智相應。

(Diễn: Như Trí tương ứng).

“Trí” là năng quán, là Tam Quán. “Như” là Tam Đế, là cảnh giới. Vì sao gọi cảnh giới là Như? Tướng giống như tánh của nó; tánh giống như tướng của nó. Vì thế, Thiên Thai đại sư nói “bách giới thiên như”, chẳng có pháp nào không Như. Đức Phật nói kinh, câu đầu tiên là “như thị ngã văn”. Ngài Thiên Thai gọi cái Như ấy là Như và Trí. Trí là có thể hiểu rõ, trí huệ ấy chính là chân trí Bát Nhã, “Như” là vạn cảnh như như.

 

(Diễn) Tùy lưu thức tánh dã.

()隨流識性也。

(Diễn: Tùy lưu thức tánh).

“Tùy lưu” (隨流) là tùy duyên, thuận theo duyên của mười pháp giới. Trong tùy duyên, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, vì sao? Ngài đã nhận biết tánh, chẳng mê. Đấy là cảnh giới của hàng đại Bồ Tát. Trong Viên Giáo sẽ là Sơ Trụ Bồ Tát trở lên, đó gọi là “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, kiến tánh bèn chẳng mê. Vì thế, Sơ Trụ Bồ Tát có năng lực giáo hóa chúng sanh trong mười pháp giới: “Đáng nên dùng thân Phật để độ, bèn hiện thân Phật để thuyết pháp. Đáng nên dùng thân tỳ-kheo để độ, bèn hiện thân tỳ-kheo để thuyết pháp. Đáng nên dùng thân bé trai, bé gái để độ, bèn hiện thân bé trai, bé gái để thuyết pháp”. Pháp Thân đại sĩ có thân tướng hay không? Chẳng có thân tướng, tùy loại hiện thân, thuận theo tâm của chúng sanh mà ứng với khả năng tiếp nhận của họ, [đó là] “tùy lưu thức tánh”. Do vậy, Ngài có thể làm được! Phàm phu lục đạo chúng ta rất đáng thương, tùy lưu (tùy duyên) nhưng quên tánh, chẳng nhận biết tánh, phiền phức to lớn, ở trong lục đạo mà chính mình chẳng thể làm chủ tể. Trong lục đạo, đại Bồ Tát có thể tự làm chủ tể, nên tuy ở trong lục đạo, thưa cùng chư vị, cảnh giới của chính Ngài tuyệt đối chẳng bị hạ thấp. Ngài vào trong lục đạo để độ chúng sanh, đúng là đại từ đại bi. Chúng ta ca ngợi Ngài, thật ra Ngài căn bản là như như bất động, chẳng đến mà đến, thuận theo tâm của chúng sanh mà biến hiện. Cổ nhân có nói Tịnh Độ là “sanh thì quyết định sanh, đi thì thật sự chẳng đi”. Ngài thật sự hiện tướng, Ngài hiện đến, nhưng có đến, đi hay không? Chẳng có! Vì sao chẳng có đến đi? Vì tự tánh tận hư không khắp pháp giới, Ngài đến bằng cách nào? Do là tận hư không khắp pháp giới, nên chẳng có đến, đi! Đó đều là chân tướng sự thật. Tâm và cảnh như một, Trí là tâm, Như là cảnh, ở đây nói là “Như Trí tương ứng”.

 

(Diễn) Cổ vân: “Tâm tùy vạn cảnh chuyển, chuyển xứ thật năng u, tùy lưu nhận đắc tánh, vô hỷ diệc vô ưu”.

()古云:心隨萬境轉,轉處實能幽,隨流認得性,無喜亦無憂。

(Diễn: Cổ nhân nói: “Tâm chuyển theo vạn cảnh, tĩnh lặng trước cảnh chuyển, nhận biết tánh tùy lưu, buồn vui đều chẳng có”).

Tâm phàm phu chuyển theo vạn cảnh. “Chuyển xứ thật năng u”: “U” (幽) là u tĩnh (幽靜), thường nói là Định. [Câu ấy có nghĩa là] đối với chỗ lưu chuyển, nếu tâm quý vị có thể Định, sẽ có thể tùy chuyển (tiếp xúc) vạn cảnh, chỉ cần tâm bất động là được. Do vậy, tu trì Phật pháp chẳng có gì khác, từ đầu đến cuối đều là tu Định. Tám vạn bốn ngàn pháp môn là tám vạn bốn ngàn loại phương pháp và phương thức bất đồng, đều nhằm tu Định. Phật pháp tới cuối cùng quy nạp thành Tam Học Giới, Định, Huệ, chẳng có gì khác. Trì giới là biện pháp giúp quý vị đắc Định; đã đắc Định, Định khởi tác dụng là Huệ, bèn khai trí huệ, ở đây nói là Trí. Định là then chốt trong tu hành, là mấu chốt trong tu hành. Bất luận trong cảnh giới nào, tâm như như bất động, bèn thành công. Trong Tịnh Độ Tông, chúng ta gọi nó là “nhất tâm bất loạn”, đó là Định, quý vị phải thật sự có thể học được. Sau đấy, “tùy lưu nhận biết tánh, không vui cũng chẳng buồn”. Vui hay buồn là phiền não, là khởi tâm động niệm. Trong lục đạo, hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, tâm người ấy vĩnh viễn bất động. Ba ngàn năm trước, Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện trong thế gian này, giảng kinh thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm, Ngài có nói gì hay chăng? Chúng ta nói Ngài có thuyết, đức Phật chẳng thừa nhận, đức Phật phủ nhận. Chúng ta nói Ngài chẳng giảng, đức Phật cũng lắc đầu, cũng phủ nhận. Rốt cuộc là có giảng hay không? Xét theo Sự là giảng; xét theo Lý, chẳng giảng! Xét theo tướng là giảng, tâm Ngài thật sự chẳng giảng. Cho tới nay, tâm Ngài chưa hề động một niệm. Chẳng động niệm, vì sao có thể giảng? Nay chúng ta là phàm phu, động niệm thì mới có thể nói, chẳng động niệm sẽ không thể nói. Động niệm bèn có thể nói, đó là tạo nghiệp; chẳng động niệm mà có thể nói, chẳng tạo nghiệp. Nếu quý vị hỏi: “Chẳng động niệm? Vì sao có thể nói” ư? Cái chuông chẳng động niệm, quý vị gõ thử xem, nó có ngân vang hay không? Quý vị vừa gõ, nó liền ngân lên. Gõ mạnh, nó ngân to. Gõ nhẹ, nó ngân nhẹ. Tâm Bồ Tát giống như chuông, trống, bên trong rỗng tuếch như thế, chưa hề khởi tâm động niệm. Chúng sanh có cảm, Ngài tự nhiên có ứng, giống như chúng ta đánh trống, bên trong lòng trống cũng chẳng có gì cả, rỗng tuếch, hễ gõ nó bèn ứng. Đức Phật nói bụng lũ phàm phu chúng ta chứa đặc nghẹt, chẳng rỗng không. Trong tâm thánh nhân chẳng có thứ gì. Lục Tổ nói “vốn chẳng có một vật”. Do vậy, Ngài có thể cảm ứng đạo giao cùng hết thảy chúng sanh. Vì sao chúng ta chẳng thể dấy lên cảm ứng được? Là vì bên trong đã đầy ắp, có gõ cũng chẳng kêu được, chứa đặc nghẹt mất rồi. Chứa đặc nghẹt thứ gì vậy? Chứa đầy ắp vọng tưởng, chứa đầy tràn chấp trước. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Chỉ vì vọng tưởng, chấp trước, nên chẳng thể chứng đắc”. Vì thế, trong tâm chúng ta đã bị vọng tưởng, phiền não chướng ngại, lấp đầy, bị thua thiệt ở chỗ này. Do vậy, làm sao Ngài có thể vui hay buồn cho được? Ngài chẳng khởi tâm động niệm.

Đây là nói tới “chánh quán, mặc chiếu bổn tâm” (chánh quán, thầm chiếu cái tâm của chính mình), xét theo phía người niệm Phật, nói thật ra, sẽ là nhất tâm bất loạn. Luôn luôn gìn giữ nhất tâm bất loạn chính là “mặc chiếu bổn tâm”. Điều thứ hai chính là “trợ hạnh”, điều trước là chánh hạnh, Quán là tu hành, còn trợ hạnh là “bị tu vạn thiện” (tu trọn muôn điều thiện). Tự tâm thanh tịnh, vốn chẳng có một vật, cần gì phải tu thiện? Vốn chẳng tạo ác, lấy đâu ra thiện để có thể nói? Có thiện, có ác, Lục Tổ nghe như vậy, nhất định sẽ bảo chúng ta: “Thiện và ác là hai pháp, hai pháp chẳng phải là Phật pháp”; nhưng chẳng ngại đoạn ác, tu thiện, đó là đại từ đại bi, đó cũng là do chúng sanh cảm ứng mà hiện. Giống như trong xã hội hiện tại, kẻ tạo ác quá đông; cái tâm tạo ác ấy bèn cảm động chư Phật, Bồ Tát thị hiện biểu diễn cho chúng ta thấy: Chúng ta đang tạo ác, các Ngài đoạn ác. Chúng ta chẳng chịu tu thiện, các Ngài tu thiện cho chúng ta thấy, khiến cho chúng ta từ đó dần dần tỉnh giác. Bồ Tát thị hiện là do chúng sanh cảm ứng, người thế gian chúng ta nói điều này là “tiềm di mặc hóa” (潛移默化: ngấm ngầm thay đổi, lặng lẽ chuyển hóa). Các Ngài chẳng cần nói câu nào, suốt đời yên lặng làm như vậy, làm rất lâu, bị người khác phát hiện, được mọi người tuyên truyền: “Người ấy là người tốt. Người ấy là khuôn mẫu cho chúng ta, chúng ta hãy nên học tập theo”. Không gì chẳng phải là do cảm ứng mà hiện! Chẳng phải do cảm ứng mà hiện, sẽ là do nghiệp báo mà hiện. Tất cả hết thảy hữu tình chúng sanh trong thế gian này, nhà Phật nói là “mười pháp giới hữu tình chúng sanh”, nếu chẳng phải là do nghiệp báo mà hiện, thì sẽ là do cảm ứng mà hiện. Bốn thánh pháp giới là cảm ứng, lục phàm là nghiệp báo. Trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, phàm phu là nghiệp báo, thánh nhân là cảm ứng. Đấy là lý do vì sao phải tu thiện, tu thiện là phương pháp để độ chúng sanh, là phương thức để độ chúng sanh, đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức. “Nhị sự câu đắc” (Hai chuyện đều cùng đạt được), “hai sự” chính là hai thứ chánh hạnh và trợ hạnh quý vị đều đạt được, chúng ta thường nói là “chánh trợ song tu”, sẽ “liễu đạt”, “liễu” (了) là hiểu rõ, “đạt” (達) là thông đạt, quý vị bèn hiểu rõ, thông đạt bốn loại Tịnh Độ của Tây Phương. Kể từ trên xuống dưới: Cõi Thường Tịch Quang, cõi Thật Báo Trang Nghiêm, cõi Phương Tiện Hữu Dư, cõi Phàm Thánh Đồng Cư, trạng huống của bốn loại Tịnh Độ ấy, quý vị đều hiểu rõ.

 

(Sao) Như chỉ đắc Sự thiện giả, cận sanh Đồng Cư, viễn tác tam độ nhân nhĩ.

()如止得事善者,近生同居,遠作三土因耳。

(Sao: Nếu như chỉ đạt được điều thiện về mặt Sự thì gần là sanh trong cõi Đồng Cư, xa thì sẽ là cái nhân để sanh trong ba cõi kia vậy).

 Quý vị chẳng có cách nào tu chánh quán, chỉ tu nơi mặt Sự. Xưng danh là Sự, chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối lần tràng hạt niệm “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”, đó là Sự. Vì sao? Có người niệm suốt cả đời, vẫn chẳng đắc nhất tâm bất loạn, nhưng người ấy thật sự vãng sanh, có thể thấy: Không thể nói Sự tu là chẳng có công đức, chẳng thể nói như vậy được! Nhưng người ấy chẳng đắc nhất tâm, cho nên sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư thì Đại Kinh đã nói rất rõ ràng: Viên chứng ba món Bất Thoái, cho nên chẳng mất thời gian bao lâu, cõi Phương Tiện, cõi Thật Báo, cõi Tịch Quang, người ấy đều chứng đắc. Vì vậy, sẽ là “viễn tác tam độ chi nhân” (xa thì là cái nhân của ba cõi Tịnh Độ). Do vậy có thể biết, quyết định phải cầu sanh về Tịnh Độ, hạ hạ phẩm vãng sanh cũng là thù thắng tột bậc, là chân thật. Vì sao? Vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, công đức so với A La Hán hoặc Quyền Giáo Bồ Tát chỉ có hơn chứ không thể nào kém được, phải hiểu điều này! Dưới đây là kết luận:

 

(Sao) Cố tri Tịnh Độ, chánh cứu lý Bồ Tát sở đăng cảnh giới, nhi kiêm dung du du chúng sanh nhĩ.

()故知淨土,正究理菩薩所登境界,而兼容悠悠眾生耳。

(Sao: Vì thế biết Tịnh Độ chính là cảnh giới để đạt lên của bậc Bồ Tát thấu hiểu rốt ráo Lý, kèm thêm hàng chúng sanh ngu ngơ vậy).

Liên Trì đại sư nêu ra kết luận này, có cách nói khác với Thiện Đạo đại sư. Dụng ý của đại sư trong lời lẽ này đã được sách Diễn Nghĩa giảng giải minh bạch hơn.

 

(Diễn) “Cố tri Tịnh Độ” hạ, tầm thường dĩ Tịnh Độ nhất môn, duy nhiếp độn căn phàm phu.

()故知淨土下,尋常以淨土一門,唯攝鈍根凡夫。

(Diễn: Từ câu “vì thế biết Tịnh Độ” trở đi, [ý nói]: Thông thường người ta nghĩ pháp môn Tịnh Độ chỉ để nhiếp thọ hàng phàm phu độn căn).

Kẻ bình phàm có cách nhìn như vậy.

 

(Diễn) Thiền Tông viên đốn pháp môn, nãi cứu lý Bồ Tát cảnh giới.

()禪宗圓頓法門,乃究理菩薩境界。

(Diễn: Pháp môn Thiền Tông viên đốn chính là cảnh giới của bậc Bồ Tát thấu hiểu rốt ráo Lý).

Mọi người luôn thấy Tịnh Độ thấp chủn, thấy Thiền cao, cao ngất ngưởng, Tịnh Độ thấp lè tè ở dưới, kẻ bình phàm luôn có cách nhìn như vậy. Thuận theo kiến giải của phàm phu, Liên Trì đại sư nói pháp môn Thiền Tông viên đốn “nãi cứu lý Bồ Tát cảnh giới” (là cảnh giới của bậc Bồ Tát thấu hiểu rốt ráo Lý), “cứu” (究) là thấu hiểu tột cùng, [tức là Thiền Tông] là cảnh giới của những vị đại Bồ Tát nghiên cứu Lý đến mức thấu hiểu triệt để tâm tánh.

 

(Diễn) Nhược như thượng luận, tắc Tịnh Độ chánh cứu lý Bồ Tát cảnh giới, du du chúng sanh nãi kiêm dung nhĩ.   

()若如上論,則淨土正究理菩薩境界,悠悠眾生乃兼容耳。

(Diễn: Nếu luận định như trên thì Tịnh Độ chính là cảnh giới của hàng Bồ Tát thấu hiểu Lý rốt ráo, hàng chúng sanh ngu ngơ chỉ là được hóa độ kèm thêm mà thôi).

Như trong phần trước đã nói, Tịnh Độ có Chánh Quán, có thầm chiếu soi bổn tâm, chẳng khác gì Thiền, đó là cảnh giới của bậc Bồ Tát đã thấu hiểu rốt ráo Lý. Tiếp đó, nó lại có “trợ hạnh, bị tu vạn thiện” (trợ hạnh tu trọn muôn điều thiện), ngay cả kẻ căn tánh hạ hạ cũng được bao gồm, cũng được hàm nhiếp trong ấy, chẳng bỏ sót họ. Chúng ta nghĩ tới những điều Thiện Đạo đại sư đã nói trong Quán Kinh, Ngài chẳng nói theo cách này. Thiện Đạo đại sư bảo: Thượng thượng phẩm cũng là phàm phu vãng sanh, chỉ là do gặp duyên khác nhau [mà có phẩm vị vãng sanh sai khác. Nói cách ấy đã] nâng Tịnh Độ Tông lên địa vị so với bất cứ pháp môn nào cũng đều cao hơn, đều thù thắng hơn. Chư vị phải hiểu: Cả hai vị này đều là tổ sư của Tịnh Độ Tông, nhưng sanh vào các thời đại có bối cảnh khác nhau, cho nên phương tiện thiện xảo để tiếp dẫn đại chúng khác nhau. Từ chỗ này, chúng ta thấy trí huệ và thủ pháp (cách thức, kỹ xảo) để tiếp dẫn chúng sanh của các Ngài hết sức cao minh. Thời đại của Liên Trì đại sư gần giống như thời đại của Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư, tức là nhằm thời đại Thiền Tông vô cùng hưng vượng, Tịnh Độ Tông bị kẻ bình phàm khinh dễ. Vì [người đời thường nghĩ] Tịnh Độ Tông chỉ biết niệm Phật, ít suy khảo, giảng rõ giáo lý; xã hội có sự hiểu lầm rất lớn đối với Tịnh Tông [như thế đó]. Do vậy, cách nói của các Ngài (Vĩnh Minh, Liên Trì) là vừa đề cao Thiền, vừa nâng cao Tịnh Độ, dùng phương thức ấy. Tình hình trong thời đại Thiện Đạo đại sư khác hẳn, Thiện Đạo đại sư là người đời Đường. Các tông phái được kiến lập còn chưa lâu lắm, vẫn chưa hình thành một thế lực rất lớn. Do vậy, thời Ngài chẳng có trạng huống Thiền Tông cường thịnh như sau này, Ngài nói toàn lời chân thật. Ngài bảo chúng ta: Không chỉ là phàm phu, mà còn là phàm phu tạo tác ác nghiệp, nếu thật sự triệt để sám hối, cũng có thể vãng sanh trong bậc thượng. Từ kinh điển, thật sự tìm được chứng cứ cho lời Ngài nói; trong kinh điển có [những chứng cứ ấy]. Có thể thấy là Thiện Đạo đại sư chẳng xử sự bộp chộp, chẳng nói tùy tiện, mà xác thực là có kinh luận để làm căn cứ. Chúng ta phải biết lưu ý những chỗ như thế này, hãy nên học tập.

 

(Sao) Hựu vân: Viên cơ thể đạo, thị tối thượng tịnh nghiệp. Cẩu gia nguyện dĩ đạo chi, tức dự ưu phẩm.

()又云:圓機體道,是最上淨業,茍加願以導之,即預優品。

(Sao: Lại nói: Căn tánh Viên Giáo thấu hiểu đạo chính là tịnh nghiệp tối thượng. Nếu dùng thêm nguyện để hướng dẫn, sẽ dự vào phẩm vị thù thắng).

“Ưu” (優) có nghĩa là ưu việt (優越). Phẩm vị ưu việt là nói tới thượng phẩm thượng sanh. “Viên cơ” (圓機) là căn cơ Viên Giáo, người ấy hết sức thông minh; nói theo Thiền Tông thì là bậc lợi căn, thượng căn lợi trí, vừa nghe Phật pháp bèn có thể ngộ nhập. “Thể” (體) là thấu hiểu, chúng ta thường nói là “khai ngộ”. Người ấy vừa nghe liền khai ngộ, người như vậy niệm Phật vãng sanh đương nhiên là thượng thượng phẩm vãng sanh. Tịnh nghiệp tối thượng, lại còn thêm nguyện, tin thì đương nhiên là người ấy có thể tin. Đã hiểu, lẽ đâu chẳng tin? Nếu người ấy phát nguyện vãng sanh, nhất định sẽ là thượng phẩm thượng sanh, lập tức đạt tới phẩm vị rất cao.

 

(Sao) Ngu phác chi bối, đản xưng Phật phát nguyện giả diệc sanh.

()愚朴之輩,但稱佛發願者亦生。

(Sao: Kẻ ngu độn, chất phác, chỉ xưng danh hiệu Phật, phát nguyện, cũng được vãng sanh).

“Ngu” (愚) là ngu si, chẳng có thông minh và trí huệ. Không chỉ là nghe pháp chẳng thể khai ngộ, dẫu quý vị giảng kinh cho kẻ ấy tỉ mỉ đến mấy đi nữa, kẻ ấy vẫn chẳng thể khai ngộ. Con người có hai loại căn tánh:

1) Bậc thượng căn dễ dạy; nghe một, ngộ cả ngàn, hết sức dễ dạy, người ấy có thể thành tựu. Kẻ hạ căn cũng rất dễ dạy, vì sao? Chẳng cần nói rườm rà, chẳng cần nói chi hết, cứ dạy kẻ ấy thật thà niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, người ấy bèn thật sự làm, trong tương lai cũng nhất định vãng sanh. “Duy thượng trí dữ hạ ngu bất di” (Chỉ có kẻ thượng trí và hạ ngu là chẳng lay chuyển ý chí). Hai hạng người ấy là căn khí, đều rất dễ thành tựu.

2) Còn ở giữa là hạng lơ lửng, thượng chẳng phải là thượng, hạ chẳng phải là hạ, loại người này phiền phức lắm! Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm chính là vì những kẻ nửa vời ấy (thượng căn và hạ ngu chẳng cần [phải giảng dạy nhiều], rất đơn giản, do mấy câu bèn hiểu rõ, đều đắc độ). Những kẻ [lơ lửng nửa vời] ấy hết sức rắc rối, lắm vọng tưởng, tri kiến phức tạp, phiền não, chấp trước, làm cho họ nghe rõ ràng, nghe xong thấu hiểu đều rất khó khăn. Phật còn cảm thấy [hóa độ những kẻ đó] khó khăn, huống hồ là những kẻ kém hơn Phật! Phàm phu chúng ta chẳng có cách nào đối với những kẻ ấy, muốn cho họ tin tưởng là chuyện quá khó thể xảy ra. Làm như thế nào? Quý vị cũng không cần phải lo lắng, cũng chớ nên xử sự theo cảm tình, từ bi quá lố.

Nhất định là phải dùng lòng nhẫn nại để độ chính mình trước, chính mình đã tới Tây Phương Cực Lạc thế giới trước, sau khi đã đến đó mới quay lại, trở lại độ họ. Trở lại sẽ khác hẳn! Trí huệ của quý vị khác hẳn, phương tiện độ chúng sanh thiện xảo hơn nhiều. Vì sao? Học từ chỗ A Di Đà Phật. Hết thảy chúng sanh, bất luận luân hồi trong đường nào, quý vị đều nhận biết, chỉ cần chính mình có trí huệ, có năng lực, quý vị thời thời khắc khắc đều có thể giúp đỡ họ. Vì vậy, độ chúng sanh không vội vã [phải độ ngay] trong một thời, phải nhận biết thời tiết nhân duyên. Thời tiết nhân duyên chưa chín muồi, [cứ khăng khăng độ họ] sẽ chẳng có tí ti hữu dụng nào. Ắt cần phải đến khi duyên đã chín muồi, họ mới có thể tiếp nhận.

 

(Sao) Quán Tịnh Độ nhất môn, tắc thánh nhân vô khí vật dã.

()觀淨土一門,則聖人無棄物也。

(Sao: Nhìn vào pháp môn Tịnh Độ, biết là thánh nhân chẳng bỏ một chúng sanh nào).

Chỉ rõ pháp môn Tịnh Độ rộng lớn, pháp môn Tịnh Độ thù thắng. Đối tượng chúng sanh được độ bởi pháp môn này, trên bao gồm bậc Đẳng Giác Bồ Tát, Văn Thù, Phổ Hiền đều phải phát nguyện vãng sanh, dưới là cho đến chúng sanh trong địa ngục, hoặc ba ác đạo. Trong ba ác đạo, khổ nhất là địa ngục, chỉ cần họ một niệm hồi tâm, bằng lòng cầu sanh Tịnh Độ, lâm chung mười niệm hoặc một niệm cũng nhất định được vãng sanh. Đó là nguyện thứ mười tám của A Di Đà Phật. Cổ đại đức tán thán A Di Đà Phật vĩ đại nhất là do nguyện thứ mười tám, mười phương hết thảy chư Phật Như Lai tôn kính A Di Đà Phật nhất cũng vì nguyện thứ mười tám. Vì sao? Vì có nguyện ấy mà hết thảy chúng sanh đều đắc độ, có thể nói là “chẳng sót một ai!” Chỉ cần quý vị chịu vãng sanh, chẳng chịu vãng sanh thì chẳng có cách nào cả! Chỉ cần chịu vãng sanh, sẽ [được vãng sanh] chẳng sót một ai. Cổ đức bảo: “Vạn người tu, vạn người đến”.

 

(Sao) Án sở vân chánh quán, thông hồ thượng trung.

()按所云正觀,通乎上中。

(Sao: Xét ra, Chánh Quán như đã nói chính là áp dụng cho bậc thượng và bậc trung).

Đối với bậc thượng và bậc trung thì phương pháp tu hành là Chánh Quán.

 

(Sao) Sở vân trợ hạnh, thông hồ trung hạ.

()所云助行,通乎中下。

(Sao: Trợ hạnh như đã nói thích hợp cho bậc trung và bậc hạ).

Từ kinh điển chúng ta đọc thấy, bậc thượng do Lý nhất tâm bất loạn mà sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm, bậc trung đoạn Kiến Tư phiền não sanh vào cõi Phương Tiện Hữu Dư, bậc hạ đới nghiệp vãng sanh, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Tuy có bốn cõi và chín phẩm sai biệt, nhưng quý vị nhất định phải hiểu rõ: Bốn cõi của thế giới Tây Phương xếp hàng ngang, dung hợp cùng một chỗ. Vì thế, xác thực là bản thân người trong thế giới Tây Phương chẳng cảm nhận có sự tồn tại của phẩm vị trong bốn cõi, chẳng có ý niệm ấy. Trên sự thật, xác thực là có bốn cõi chín phẩm tồn tại, nhưng chẳng có giới hạn.

 

(Sao) Hữu pháp sư thử luận cực thiện, quán giả vô hốt.

()有法師此論極善,觀者毋忽。

(Sao: Có luận định tốt lành tột bậc của vị pháp sư ấy, người xem [sách này] chớ nên sơ sót).

Pháp sư Chí Nhãn nói như vậy, lời khai thị ấy hết sức trọng yếu, có thể giúp chúng ta đoạn nghi sanh tín, tăng trưởng tín tâm.

 

(Sớ) Hữu ngôn cửu phẩm, bát tùng liên sanh, dĩ đệ nhất phẩm vân kim cang đài cố. Kim tham hợp kinh luận, nhưng dĩ cửu phẩm giai thuộc liên sanh.

()有言九品,八從蓮生,以第一品云金剛臺故。今參合經論,仍以九品皆屬蓮生。

(Sớ: Có kẻ nói trong chín phẩm, có tám phẩm là sanh trong hoa sen, vì [Quán Kinh] nói phẩm thứ nhất là đài kim cang. Nay tham chiếu, phối hợp các kinh luận, vẫn nói là chín phẩm đều sanh trong hoa sen).

Điều khó khăn nhất [trong việc lãnh hội] kinh Phật là chấp trước văn tự. Kinh Phật chẳng thể lìa khỏi văn tự, nhưng cũng chớ nên chấp trước văn tự. Lìa khỏi văn tự, chính là ma thuyết; chấp trước văn tự sẽ hiểu lệch lạc ý kinh, hiểu sai be bét ý nghĩa của Phật. Do vậy, trước khi nhập diệt, đức Thế Tôn dạy người đời sau Tứ Y Pháp. Đấy là dạy chúng ta: Đức Phật chẳng còn tại thế, chúng ta học Phật nương cậy kinh điển, phải dùng tâm thái như thế nào thì mới chẳng hiểu sai ý Phật. Đức Phật dạy chúng ta Tứ Y (四依: bốn chỗ nương tựa):

1) Câu đầu tiên là “y pháp, bất y nhân”, Pháp là kinh điển, nói tách bạch: Kinh điển mới là chỗ quy y thật sự, là chỗ để chúng ta nương tựa tu hành trong suốt một đời. Trong Tứ Thiếp Sớ, Thiện Đạo đại sư cũng đặc biệt nhấn mạnh quan điểm này! Dẫu là La Hán, Bồ Tát hoặc Đẳng Giác Bồ Tát giảng giải cho chúng ta mà mâu thuẫn, chẳng giống với ý nghĩa trong kinh Phật, chúng ta đều chớ nên tuân thủ, đều chớ nên nghe theo! Nhất định là phải lấy kinh làm căn cứ. Trong bản chú giải này, đại sư đặc biệt nhấn mạnh, chúng ta phải biết “y pháp, bất y nhân”.

2) Thứ hai, đức Phật dạy chúng ta “y nghĩa, bất y ngữ”, “nghĩa” là ý nghĩa do đức Phật đã giảng, quý vị phải hiểu rõ, còn ngôn từ Phật sử dụng chẳng quan trọng. “Ngữ” được ghi chép lại thành văn tự, nay ta gọi là “kinh điển”. Văn tự bất quá là phù hiệu ngôn ngữ mà thôi, dùng phù hiệu để biểu thị, dùng ngôn ngữ ghi chép xuống. Vì thế, chúng ta phải y nghĩa, “ngữ” chẳng quan trọng! Nhiều thêm mấy câu, hay ít đi mấy câu, chẳng sao hết! Chỉ cần đúng ý nghĩa là được rồi, đấy là một tiêu chuẩn trọng yếu!

3) Điều thứ ba, càng quan trọng hơn nữa. So trong bốn câu, mỗi câu sau càng quan trọng hơn câu trước: “Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa”. Như thế nào thì mới là “liễu nghĩa”? Có thể giúp chúng ta thật sự vượt thoát luân hồi, vĩnh viễn đoạn sanh tử, thành Phật, làm Tổ ngay trong một đời này, thì cách thức hoặc khai thị ấy được gọi là “liễu nghĩa”. Hết thảy các kinh Đại Thừa do đức Phật đã giảng đều nhằm vào mục tiêu này. Lý chẳng sai, nhưng bản thân ta có đủ trình độ hay không? Kinh liễu nghĩa rất nhiều, chúng ta hãy quan sát cặn kẽ một phen, kinh liễu nghĩa nào có thể phù hợp căn tánh của chúng ta? Đối với người khác, kinh này là liễu nghĩa, nhưng đối với căn tánh của chúng ta thì là bất liễu nghĩa, chẳng có tác dụng. [Nếu ta] học pháp môn khác mà chẳng thể liễu sanh tử, cũng chẳng thể thoát tam giới, đối với ta mà nói thì pháp môn ấy chẳng liễu nghĩa! Vì thế, vào thời kỳ Mạt Pháp, trong hết thảy các kinh, thật sự có thể giúp chúng ta liễu sanh tử, thoát tam giới ngay trong một đời này chính là ba kinh Tịnh Độ. Trừ ba kinh ấy ra, quý vị mong liễu sanh tử, thoát tam giới, sẽ chẳng đơn giản như vậy, chắc chắn là kẻ bình phàm chẳng thể làm được! Trừ phi quý vị là thiên tài, là bậc thượng thượng căn, hoặc là bậc tái lai thì chẳng cần phải nói năng chi nữa, có thể thành tựu! Kẻ căn tánh trung hạ căn chẳng có cách nào liễu sanh tử, chỉ còn cách niệm Phật đới nghiệp vãng sanh. Vì thế, kinh điển này là liễu nghĩa rốt ráo, là liễu nghĩa viên mãn. Vì sao gọi nó là viên mãn rốt ráo? Trong hội Hoa Nghiêm, Văn Thù, Phổ Hiền, bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ đều niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, đó là những vị thượng thượng căn, các Ngài cũng học pháp môn này. Kẻ hạ hạ căn, ác đạo chúng sanh, không điều ác nào chẳng tạo, lâm chung gặp thiện tri thức, chí tâm sám hối, mười niệm cũng có thể vãng sanh, thích hợp khắp ba căn, gồm thâu trọn vẹn lợi căn và độn căn. Do đó, pháp môn này là liễu nghĩa rốt ráo, là liễu nghĩa viên mãn. Chúng ta nhất định phải nhận thức rõ ràng: Chúng ta phải học kinh liễu nghĩa, chớ nên học kinh bất liễu nghĩa. Trong một đời này, chúng ta được làm thân người, thọ mạng chẳng dài! Đừng thấy thời gian mấy chục năm, hoặc thời gian một trăm năm [là lâu dài], khảy ngón tay một cái đã trôi qua! Tôi đã gần bảy mươi tuổi, ngẫm lại khi mười mấy tuổi, giống như chuyện mới [xảy ra trong] ngày hôm qua. Quý vị thấy [thời gian trôi qua] nhanh chóng lắm! Chẳng thể nào lại có bảy mươi năm nữa. Dẫu lại có bảy mươi năm nữa, cũng là khảy ngón tay một cái đã trôi qua! Thọ mạng của chúng ta quá ngắn, thời gian quá quý báu, lãng phí nơi kinh điển chẳng liễu nghĩa thì đáng tiếc quá! Vì thế, phải tập trung thời gian và tinh thần, chuyên tu, chuyên hoằng. Chuyên hoằng là chuyên tu, chuyên tu là chuyên hoằng, tự lợi và lợi tha là một, không hai. Đó là đúng. Vì thế nói: Y kinh liễu nghĩa, đừng y theo kinh chẳng liễu nghĩa.

4) Điều cuối cùng, đương nhiên càng quan trọng hơn. Đức Phật dạy chúng ta “y trí, bất y thức”. Đây là ban cho chúng ta một sự cảnh giác rất lớn, vì sao? Phàm phu cảm tình rất nặng, thường bị cảm tình lôi kéo! Biết rành rành chỗ này chẳng liễu nghĩa, nhưng vì mấy người bạn thân của quý vị tin tưởng, họ đã tin tưởng, hôm nay người này đến khuyên quý vị, ngày mai người kia đến chèo kéo, vì nể mặt, nể tình, chẳng thể nào không đi, hỏng bét! Do vậy, đức Phật dạy chúng ta phải y trí, bất y thức. “Trí” là lý trí, “Thức” là cảm tình. Nương theo cảm tình, chẳng có ai không bị đọa lạc; nương theo trí thì mới có thể vượt thoát. Do vậy, chúng ta phải lấy lý tánh làm chủ tể, chớ nên xử sự theo cảm tình, đó là đúng, quý vị sẽ đi theo con đường chánh xác.

Đấy chính là trước khi nhập Niết Bàn, đức Phật đã dặn dò chúng ta là lũ người đời sau bốn câu, gọi là Tứ Y Pháp. Bốn câu khai thị ấy, chúng ta thật sự hiểu rõ, xác thực là tuân thủ, sẽ chẳng khác gì có Phật bên cạnh, chẳng khác gì suốt ngày từ sáng đến tối theo sát bên Phật. Có thể thấy Thích Ca Mâu Ni Phật suy nghĩ rất chu đáo, đối với các thứ hoàn cảnh tao ngộ của bọn học sinh trong ngàn vạn năm sau, Ngài đều liễu giải, đều dạy cho chúng ta phương pháp và nguyên tắc rất tốt đẹp, có thể ở trong hết thảy cảnh duyên mà đạo hạnh chẳng bị chướng ngại, chúng ta luôn có thể thành tựu. Đây là nguyên tắc rất cao, nhất định phải nắm vững; sau đó xem nhiều vấn đề chi tiết, tự nhiên sẽ hiểu rõ.

Ở đây, Liên Trì đại sư viết nhiều như thế, cho thấy: Cảnh duyên trong thế gian này hết sức phức tạp. Hoàn cảnh hiện thời so với những năm cuối triều Minh chỉ có [phức tạp, tệ hại] hơn, chứ chẳng có kém. Tuân thủ giáo huấn của tổ sư, tuân thủ nguyên tắc của Phật, Tổ, nay chúng ta vẫn có thể đột phá hoàn cảnh y như cũ. Đấy cũng là lý do vì sao chúng ta phải đọc Sớ Sao, vì sao phải giảng Sớ Sao? Tông chỉ và mục đích ở ngay chỗ này. Trong đoạn này, trước hết nêu ra một vấn đề, vấn đề này phát xuất từ Quán Kinh. Đối với chín phẩm trong Quán Kinh, thượng phẩm nói là “kim cang đài”, chẳng nói hoa sen. Từ thượng phẩm trung sanh xuống đến hạ hạ phẩm đều nói là “hóa sanh trong hoa sen”. Người ấy (kẻ nêu ra thắc mắc đó) chấp trước văn tự. Trong tám phẩm có hoa sen, thượng thượng phẩm chẳng có hoa sen, thắc mắc nẩy sanh từ chỗ này. “Kim tham hợp kinh luận” (Nay tham chiếu và phối hợp kinh luận), ở đây, hễ tổ sư nói Luận [mà chẳng nói là bộ luận nào] thì đều là nhắc tới Vãng Sanh Luận. Chúng ta hợp ba kinh và một luận để xem, quý vị bèn hiểu rõ: Thượng thượng phẩm vãng sanh cũng có hoa sen, chẳng phải là kinh không nói, bèn chẳng có! Vì thế, đức Phật dạy chúng ta “y nghĩa, bất y ngữ”, câu này trọng yếu lắm. Đoạn văn kế tiếp rất dài, đều là gộp kinh và luận lại để xem xét, nhằm chỉ rõ chín phẩm đều là hóa sanh trong hoa sen. Hôm nay chúng tôi giảng tới chỗ này.

 

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa

Quyển VIII hết

 

[1] Câu chuyện này trích từ kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Thánh Hạnh. Thuở ấy, đức Phật làm Bà-la-môn, tu hạnh Bồ Tát, nên kinh gọi Ngài là “tiên nhân”. Ngài chẳng được nghe kinh điển Đại Thừa, thậm chí tên gọi Phương Đẳng cũng chẳng được nghe. Do tu hành tinh tấn, nên Ngài mong được nghe biết kinh điển Đại Thừa. Chư thiên trông thấy, tán thán, khen ngợi. Đế Thích hóa thành La Sát, nói nửa bài kệ: “Các hành vô thường, là pháp sanh diệt”. Tiên nhân vì nửa bài kệ còn lại mà xả thân cúng dường, quỷ La Sát bèn nói tiếp: “Sanh diệt diệt xong, là vui tịch tịnh”.

[2] Sa mạc Gobi (người Hoa còn gọi nó là Hàn Hải) rất lớn, diện tích đến 1.295.000 km2, nằm giữa miền Bắc Trung Hoa và Nam Mông Cổ, được bao bọc bởi rặng núi Altai và thảo nguyên Mông Cổ ở phía Bắc, tiếp giáp sa mạc Taklamakan ở phía Tây và hành lang Hà Tây cùng với cao nguyên Tây Tạng. Sa mạc Gobi mỗi năm lớn dần với tốc độ đáng ngại do các hoạt động tàn phá như đốt rừng, chăn nuôi, tàn phá nguồn nước, khai thác quặng vô kế hoạch v.v… của Trung Cộng.

[3] Nguyên văn là “thiên đơn” (遷單). Đơn (單) là một tấm ván có bề ngang đủ rộng cho đúng một người nằm, dùng thay cho giường trong tăng phòng. Hễ trở mình không khéo sẽ rơi xuống đất. Khi xin nhập chúng, nếu thường trụ chấp nhận, sẽ cho kê đơn trong tăng đường cho ở, gọi là “quải đơn” (掛單). Khi vị khách tăng ấy, xin giã từ ra đi, bèn gọi là “trừu đơn” (抽單: rút đơn). Còn “thiên đơn” là dẹp bỏ đơn của người ấy, tỏ thái độ thẳng thừng không cho người ấy ở nữa.

[4] “Bất khả thuyết” có thể hiểu theo hai ý nghĩa:

1) Chẳng thể diễn tả được, đây là cách nói và hiểu thông thường. Chẳng hạn theo Du Già Sư Địa Luận, “bất khả thuyết” lại có bốn nghĩa:

– Vô cố bất khả thuyết: Do chẳng thể nào nói rạch ròi nên chẳng thể nói, vì vượt ngoài khả năng diễn tả của ngôn ngữ, do không chấp trước vào hai bên, nên chẳng thể nói.

– Thậm thâm bất khả thuyết: Nghĩa lý quá sâu nên chẳng thể nói được. Chẳng hạn Pháp Thân của Như Lai chẳng thể nghĩ bàn, cảnh giới của chư Phật chẳng thể nghĩ bàn v.v… nên nói là bất khả thuyết.

– Năng dẫn vô nghĩa cố bất khả thuyết: Nếu điều gì chẳng thể dẫn khởi lợi ích nơi pháp, chư Phật Như Lai chẳng nói.

– Pháp tướng pháp nhĩ chi sở an lập cố bất khả thuyết: Pháp tướng về bản chất vốn được an lập như vậy, nên chẳng thể nói. Chẳng hạn cảnh giới Hoa Nghiêm là “trong một đầu lông, vô biên chư Phật chuyển pháp luân”, trùng trùng duyên khởi, chẳng có cách nào nói trọn hết được.

2) Bất khả thuyết (不可說) là một con số rất lớn trong cách đếm của cổ Ấn Độ. Như trong phẩm A Tăng Kỳ của Bát Thập Hoa Nghiêm đã nói: “Một trăm lạc-xoa là một câu chi, câu chi lần câu chi là một a dữu đa. A dữu đa lần a dữu đa là một na do tha. Na do tha lần na do tha là một tần bà la. Tần bà la lần tần bà la là một căng yết la. Căng yết la lần căng yết la là một a già la. A già la lần a già la là một tối thắng. Tối thắng lần tối thắng là một ma bà la. Ma bà la lần ma bà la là một a bà la… A tăng kỳ lần a tăng kỳ là một a tăng kỳ chuyển. A tăng kỳ chuyển lần a tăng kỳ chuyển là một vô lượng. Vô lượng lần vô lượng là một vô lượng chuyển. Vô lượng chuyển lần vô lượng chuyển là một vô biên. Vô biên lần vô biên là một vô biên chuyển. Vô biên chuyển lần vô biên chuyển là một vô đẳng. Vô đẳng lần vô đẳng là một vô đẳng chuyển. Vô đẳng chuyển lần vô đẳng chuyển là một bất khả số. Bất khả số lần bất khả số là một bất khả số chuyển. Bất khả số chuyển lần bất khả số chuyển là một bất khả xưng. Bất khả xưng lần bất khả xưng là một bất khả xưng chuyển. Bất khả xưng chuyển lần bất khả xưng chuyển là một bất khả tư. Bất khả tư lần bất khả tư là một bất khả tư chuyển. Bất khả tư chuyển lần bất khả tư chuyển là một bất khả lượng. Bất khả lượng lần bất khả lượng là một bất khả lượng chuyển. Bất khả lượng chuyển lần bất khả lượng chuyển là một bất khả thuyết”. Một lạc-xoa là một trăm ngàn.

“Vi trần số” (微塵數) là số lượng vi trần trong một tam thiên đại thiên thế giới.

[5] Đây chính là cơ sở Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội, chính là một tổ chức bất vụ lợi chuyên ấn hành để biếu tặng kinh sách, băng giảng, tranh tượng Phật miễn phí đặt cơ sở tại Đài Bắc. Cơ sở này do ông Giản Phong Văn và các đạo hữu cùng chí hướng sáng lập.

[6] Bát Thập Bát Phật nói ở đây chính là nghi thức sám hối Hồng Danh Bảo Sám. Danh hiệu của tám mươi tám vị Phật ấy bao gồm danh hiệu ba mươi lăm vị Phật trích từ kinh Quyết Định Tỳ Ni (từ Thích Ca Mâu Ni Phật cho đến Bảo Liên Hoa Thiện Trụ Sa La Thụ Vương Phật) và năm mươi ba vị Phật trích từ kinh Quán Dược Vương Dược Thượng Nhị Bồ Tát (từ Phổ Quang Phật cho đến Nhất Thiết Pháp Thường Trụ Mãn Vương Phật).

[7] Tiên thiên (先天) và hậu thiên (後天) ở đây là hai khái niệm được dùng trong y học cổ, với ý nghĩa: Tiên thiên là điều kiện bẩm sinh, còn hậu thiên là những điều kiện do bồi dưỡng, vun bồi, tập luyện mà có. Chữ “tiên thiên” ở đây chỉ thiện căn, phước đức và nhân duyên của hành nhân đã tích tập trong đời trước.

[8] Tiểu tòa phức giảng (小座複講): các đồng học tụ lại với nhau giảng lại những điều thầy đã giảng, câu chữ có thể khác, lời giảng dài ngắn không nhất định, nhưng người giảng không tự tiện thêm vào ý của chính mình, chẳng thêm vào những ý nào thầy không nói, nên gọi là “phức giảng” (lặp lại ý tưởng của thầy). Chúng tôi không dịch chữ “phức giảng” thành “trùng tuyên” vì trùng tuyên là lặp lại y hệt từng chữ, từng câu của thầy đã nói, chẳng khác gì chính thầy đang nói. Do đối tượng nghe giảng chính là đồng học, thường là một ít người. Người nghe giảng đóng vai trò khuyến khích, tán trợ, đồng thời góp ý phê bình để người tập giảng có thể cải tiến tốt đẹp hơn, nên gọi là “tiểu tòa”.

[9] Học pháp nữ (còn gọi là Thức-xoa-ma-na, Sikkhamānā) là giai đoạn tu tập chuyển tiếp giữa sa-di-ni và tỳ-kheo-ni. Trước khi thọ Cụ Túc Giới, sa-di-ni phải trải qua giai đoạn này hòng tập quen với cuộc sống và giới luật của hàng tỳ-kheo-ni. Luật Tứ Phần quy định Học Pháp Nữ ngoài mười giới Sa Di phải tuân thủ, còn thọ thêm sáu giới nữa (chẳng đụng chạm thân thể của nam nhân, chẳng được ăn trộm của người khác dù vật ấy giá trị chưa đến bốn đồng, chẳng được cố ý dứt mạng sống của súc sanh, chẳng được nói dối dù những điều nhỏ nhặt, chẳng ăn phi thời, chẳng uống rượu). Nhưng Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Bật Sô Ni Tỳ Nại Da quy định Học Pháp Nữ ngoài mười giới có sáu pháp (chẳng được đi đường một mình, chẳng được vượt sông một mình, chẳng được đụng chạm thân chồng (điều này dành cho những người đã từng kết hôn trước khi xuất gia), chẳng được ngủ chung một nơi với đàn ông, chẳng được làm mai mối, chẳng được giấu diếm những trọng tội của tỳ-kheo-ni khác) và sáu tùy pháp (chẳng được cầm giữ tiền bạc, chẳng được cạo lông ở chỗ kín, chẳng được khai khẩn vỡ đất để trồng cấy, chẳng được cố ý giết chết cây cối đang sống, chẳng được ăn những thứ không được mời, chẳng được ăn những thứ đã từng bị đụng chạm làm dơ). Nói chung, những giới ấy đều nhằm ngăn ngừa phạm giới, tránh tai tiếng, thị phi, cũng như để bảo vệ các nữ tu không bị ác nhân xâm phạm.

[10] A Dật Đa có nghĩa là “không ai thắng được”. Do đó, người Hoa thường dịch danh hiệu này thành Vô Năng Thắng. A Dật Đa là tên, còn Di Lặc (Maitreya, Từ) là họ. Vì thế, đôi khi kinh điển ghi tên họ của Bồ Tát là Từ Thị Vô Năng Thắng.

[11] Bộ Lý (埔里), còn đọc là Phố Lý là một trấn thuộc huyện Nam Đầu ở miền trung Đài Loan, khá nổi tiếng về phong cảnh ngoạn mục. Tên gọi Bộ Lý phát xuất từ chữ Purisia trong thổ ngữ Kaxabu của thổ dân Đài Loan.

[12] Câu này đã được Vương Bật (226-249), tự là Phụ Tự, một nhà kinh học (chuyên nghiên cứu kinh điển Nho gia) nổi tiếng thời Tấn – Ngụy, giảng như sau: “Khả đạo chi đạo, khả danh chi danh, chỉ sự tạo hình, phi kỳ thường dã” (Cái đạo mà có thể diễn tả, cái tên mà có thể gọi thì toàn là những điều thuộc về sự vật, có hình tướng, chẳng phải là thường hằng). Điều này có thể tạm hiểu thô thiển là ngôn ngữ, danh xưng có hạn cuộc, chẳng thể diễn tả đạo lý chân thật và chân tánh được!

[13] Huyền học (玄學): Huyền học là một học phái hình thành từ thời Ngụy – Tấn, chú trọng giải thích, đàm luận những khái niệm u huyền, siêu thế của Lão Tử, Trang Tử và Châu Dịch. Những ngôn từ được dùng trong luận đàm thường cao sâu, uyên áo, xa lìa thực tế, chuyên môn chú trọng đàm luận những thứ được coi là “siêu ngôn tuyệt tướng”, trở thành một thứ học thuật nặng tính huyền bí, thậm chí mông lung, đôi khi trở thành lý luận suông, huyền hoặc, không tưởng. Những đại biểu nổi tiếng của trường phái này là Hà Án, Vương Bật, Nguyễn Tịch, Kê Khang, Hướng Tú, Quách Tượng v.v… Về sau, khi đạo Phật truyền vào Trung Quốc, một số danh sĩ vẫn quen thói diễn giải những giáo nghĩa của Phật giáo theo cách huyền học, nên thường bị chư tổ quở trách. Do không hiểu thấu đáo các khái niệm huyền học, bọn đạo sĩ hoặc thuật sĩ nửa mùa bèn vận dụng những danh từ ấy vào các cách tu luyện, bói toán, hoặc ma thuật mê tín. Từ đó hình thành các môn Bát Tự, Mạng Lý, Nạp Âm, Tính Danh Học, Trạch Nhật (chọn ngày), Địa Lý, bùa chú, trừ tà, ếm đối, triệu thần, tróc quỷ v.v…

[14] Thủ Tọa (首座) là một chức vụ rất lớn trong tùng lâm, chỉ dưới Trụ Trì. Theo Bách Trượng Thanh Quy, vị này thường là một vị Tăng đức hạnh kiêm ưu, giữ vai trò phụ tá Trụ Trì, quản sự mọi việc trong chùa, thống lãnh các chức sự trong tùng lâm, an bài ổn thỏa hoàn cảnh tu học cho đại chúng, cắt đặt mọi việc trong tự viện, đôn đốc, kiểm tra các chức sự, cũng như có quyền dựa theo giới luật, thanh quy, tự quy để trừng phạt những vị tăng không giữ oai nghi, kể cả quở phạt các chức sự cao cấp như Điển Tọa, Duy Na, Tri Khách, Điển Khố v.v… Đồng thời, vị này cũng xếp đặt việc chăm sóc những vị tăng già bệnh, sắp xếp người lo hậu sự tống táng cho những người đã khuất. Đồng thời còn đảm nhiệm việc chỉ dạy đàn em, đồ tử, đồ tôn trong tu học.

 

[15] Phương Đẳng Bộ (方等部) là một bộ (thể loại lớn) trong cách phân chia kinh điển Đại Thừa. Đây là cách phán giáo do ngài Ngẫu Ích đưa ra trong tác phẩm Duyệt Tạng Tri Tân, dựa theo ngũ thời phán giáo của tổ Thiên Thai Trí Giả. Ngài Thiên Thai chia kinh điển nhà Phật thành năm thời (Hoa Nghiêm, A Hàm, Bát Nhã, Phương Đẳng, Pháp Hoa). Trước đó, đa số các tông tuân theo cách phán định của Khai Nguyên Thích Giáo Lục, chia kinh điển Đại Thừa thành năm bộ là Bát Nhã, Bảo Tích, Đại Tập, Hoa Nghiêm và Niết Bàn. Ngài Ngẫu Ích đã gộp các kinh được xếp vào hai bộ Bảo Tích và Đại Tập thành Phương Đẳng, đồng thời kèm thêm những kinh trước đó không thuộc vào bộ Pháp Hoa, tạo thành Phương Đẳng Bộ. Trong Phương Đẳng Bộ, lại chia làm hai loại Phương Đẳng hiển thuyết và Phương Đẳng mật thuyết (các kinh chuyên dạy về Đà La Ni, Nghi Quỹ, Quán Đảnh v.v…), nhưng cũng có những kinh tuy thuộc Phương Đẳng hiển thuyết lại kèm thêm nhiều bài chú như kinh Địa Tạng Thập Luân, kinh A Sai Mạt Bồ Tát v.v…

[16] Trong tập 215, Hòa Thượng đã giảng chữ Thể Cứu như sau: “Thể là ‘thể hội’ (thấu hiểu, lãnh hội), Cứu là tham cứu”.

[17] Hoàng Giáo là cách người Hoa gọi tông phái Cách Lỗ Ba (Gelugpa) của Tây Tạng. Tông phái này do đại sư Tsong Khapa (Tông Khách Ba) sáng lập, và được coi là hậu duệ của dòng Phật giáo Ca Đương Ba (Kadampa) truyền thừa bởi đại sư A Để Sa (Atisha). Gelug có nghĩa là Quy Củ Tốt Lành, do phái này coi trọng giới luật, tăng sĩ bắt buộc phải sống độc thân, tuân thủ giới luật, không được phép kết hôn như các lạt-ma thuộc các dòng Nyingma, Kargyu và Sakya, cũng như không được phép tu pháp “song tu thành tựu”. Do phái Gelugpa thường đội mũ vàng, trong khi các phái cổ hơn thường đội mũ đỏ, nên người Hoa thường gọi Gelugpa là Hoàng Mạo Phái (phái mũ vàng), hoặc gọi tắt là Hoàng Giáo (trong khi các phái cổ hơn được gọi là Hồng Giáo. Tuy nhiên, có khi Hồng Giáo chỉ dùng để gọi riêng tông Cổ Mật Nyingmapa). Phái này cũng chú trọng nhiều đến giáo nghĩa Duy Thức hơn các tông phái khác, đặc biệt là học thuyết Trung Quán. Tăng sĩ thuộc Hoàng Giáo bắt buộc phải học Nhân Minh, Bát Nhã Trung Quán, Luật Học, Câu Xá Luận, nhất là Hiện Quán Trang Nghiêm Luận và Trung Quán Luận, đặc biệt là Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Luận.

[18] Đạt Lại Lạt Ma (thông thường gọi là Đạt Lai Lạt Ma hoặc Đại Lại Lạt Ma), danh xưng này phát nguồn từ tiếng Mông Cổ Dalai (biển lớn), một danh xưng được ban tặng bởi thủ lãnh Mông Cổ tại Thanh Hải là Altan Khan cho vị tăng Sonam Gatso. Theo truyền thống, Sonam Gatso được coi là hóa thân của Gendun Drup (đại đệ tử của TsongKhapa). Do đó, Gendun Drup được tôn là Đạt Lại Lạt Ma đời thứ nhất, và được coi là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát (vì Đạt Lai Lạt Ma đời thứ năm tự xưng như thế), trong khi đại sư Tsong Khapa được coi là hóa thân của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.

Ban Thiền (Panchen Erdeni), có nghĩa là đại học giả. Danh xưng này do Đại Lai Lạt Ma đời thứ năm (Ngawang Lobsang) đã tôn xưng thầy mình là Lobsang Choekyi, và do Đại Lai Lạt Ma thứ năm đã tự xưng là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát, đương nhiên thầy ông ta được tôn xưng là hóa thân của A Di Đà Phật. Đồng thời, ông ta cũng tôn xưng ba đời trước của tu viện trưởng tu viện Tashilungpo đều là các vị Ban Thiền Lạt Ma. Do vậy, Lobsang Choekyi trở thành Ban Thiền đời thứ tư. Do vị Ban Thiền thứ nhất là Khedrup Je cũng là một đại đệ tử của đại sư Tsong Khapa, nên các vị Ban Thiền đời đời là được coi là đồ đệ của Tsong Khapa. Tuy có quan hệ thầy trò, nhưng giữa Ban Thiền và Đạt Lai thường xảy ra xung đột về quyền bính. Ban Thiền Lạt Ma đời thứ chín (Thubten Choekyi Nyima) do tranh chấp quyền bính và thuế má với Đại Lai Lạt Ma đời thứ mười ba đã phải trốn chạy sang Mông Cổ vào năm 1924 và chết tại thành phố Gyêgu thuộc vùng tự trị Ngọc Thụ của Trung Hoa. Ban Thiền Lạt Ma thứ mười đã từng nhờ tướng lãnh quân phiệt Mã Bộ Phương đem quân đánh nhau với chính quyền Lhasa để giành quyền cai trị vùng Gyaltsen của Tây Tạng. Sau đó, ông ta cộng tác chặt chẽ với chính quyền Mao Trạch Đông trong việc sát nhập Tây Tạng vào Trung Hoa. Khi Đại Lai Lạt Ma lưu vong, Ban Thiền Lạt Ma đã trở thành chủ tịch bù nhìn ủy ban lâm thời tự trị Tây Tạng. Sau khi đi thăm khắp Tây Tạng với sự cho phép của Bắc Kinh vào năm 1962, Ban Thiền Lạt Ma vỡ mộng, viết thư phản đối gởi lên Mao Trạch Đông và chính quyền Trung Cộng, nên bị chính quyền Bắc Kinh giam cầm mãi cho đến năm 1977 mới được thả, nhưng vẫn tiếp tục bị giam lỏng tại nhà cho đến năm 1982. Từ năm 1978, ông ta đã hoàn tục, cưới vợ và có một người con gái. Tuy thế, người Tây Tạng vẫn tôn sùng Ban Thiền và dòng hóa thân này vẫn có Ban Thiền đời thứ mười một. Hiện thời người Tây Tạng vẫn đang tranh đấu để Trung Cộng phóng thích Ban Thiền Lạt Ma đời thứ mười một và coi Ban Thiền Lạt Ma đương nhiệm là bù nhìn giả mạo của chính quyền Bắc Kinh.

Chương Gia (lCang skya, Changkya) được coi là hóa thân của A La Hán Tôn Đạt (Chandaka, tức Xa Nặc, người giữ ngựa của thái tử Tất Đạt Đa). Vị Chương Gia Hô Đồ Khắc Đồ đời thứ ba được tôn làm quốc sư của vua Càn Long, và từ đó, Ngài trở thành lãnh tụ Phật giáo của Mông Cổ cũng như cố vấn tôn giáo quan trọng của nhà Thanh. Thầy của hòa thượng Tịnh Không là Chương Gia đại sư đời thứ bảy, có tên gọi đầy đủ là Lobsang Pelden Tenpe Dronme (1890-1951, người Hoa thường phiên âm là La Tang Ban Điện Đan Tất Dung Mai). Khi mới lên chín tuổi, vị này đã được vua Quang Tự phong mỹ hiệu là Quán Đảnh Phổ Thiện Quảng Từ Chương Gia Hô Đồ Khắc Đồ. Năm 1947, được phong thêm mỹ hiệu Hộ Quốc Tịnh Giác Phụ Giáo Đại Sư. Sư là chủ tịch hội Phật Giáo Trung Quốc tại Đài Loan cho đến khi tịch.

Triết Bất Tôn Đan Ba (Jebtsundamba, còn phiên âm là Triết Bố Tôn Đan Ba, Javzandamba, Tối Thắng, Cao Vị Quang Minh Giả, hoặc Thánh Quang Minh Giả) là một lạt-ma cao cấp của vùng Mông Cổ, chỉ thua Chương Gia. Theo truyền thuyết, vị này vốn là một trong năm trăm vị La Hán thời Thích Ca Mâu Ni Phật, về sau chuyển thế thành học giả Đa La Na Tha (Taranatha, 1557-1634). Vị này đã nhận lời thỉnh cầu của Khả Hãn (Khan) bộ tộc Kalka người Mông Cổ đến Kuriye để truyền giáo suốt hai mươi năm, nên được dân chúng tôn sùng bằng danh xưng Triết Bố Tôn Đan Ba, nhưng dòng truyền thừa này chỉ tính từ đời thứ nhất khi các học trò tôn xưng Zanabazar là hóa thân của Taranatha. Vị Jebtsundamba cuối cùng là đời thứ chín, sinh năm 1932 và mất năm 2012.

[19] Tứ Phần Luật là một bộ luật trong Luật Tạng theo truyền thống của Đàm Vô Đức Bộ (Pháp Tạng Bộ, Dharmagupta). Bộ luật này do bốn phần hợp thành, phần thứ nhất là giới Tỳ Kheo, phần thứ hai là giới Tỳ Kheo Ni, phần thứ ba là các pháp an cư, tự tứ v.v… phần thứ tư là các quy định về phòng ở, các oai nghi v.v… Tương truyền sau khi đức Phật diệt độ, tôn giả Ưu Bà Ly trùng tuyên giới luật, định ra giới luật căn bản, truyền cho các vị Ca Diếp, A Nan; sau đó, các vị Thương Na Hòa Tu, Mạt Điền Địa, Ưu Ba Quật Đa… truyền thừa. Sau khi đức Phật diệt độ một trăm năm, tôn giả Chánh Pháp chọn lựa những giới luật được lưu truyền trong Thượng Tọa Bộ, kết tập thành văn bản, trước sau trải qua bốn lần kết tập, chia thành bốn bộ phận, nên bộ luật này có danh xưng là Tứ Phần Luật. Bộ luật này được hai vị Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm dịch sang tiếng Hán tại Trường An. Đây là bộ luật có ảnh hưởng lớn nhất trong giới luật tại Trung Hoa và tác động sâu xa đến các nước theo Phật giáo Đại Thừa. Tác phẩm nổi tiếng nhất để chú giải bộ luật này chính là bộ Tứ Phần Luật San Phồn Bổ Khuyết Hành Sự Sao của ngài Đạo Tuyên.

[20] Kinh này có tên gọi đầy đủ là Văn Thù Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh, do ngài Thích Mạn Đà La Tiên xứ Phù Nam dịch vào đời Lương. Kinh này chính là bản dịch khác của hội thứ bảy trong bộ Đại Bát Nhã Ba La Mật Kinh sáu trăm quyển do ngài Huyền Trang dịch. Về sau, kinh này được xếp thành một hội trong kinh Đại Bảo Tích. Cổ đức phán định kinh này chủ yếu dạy về Thật Tướng Niệm Phật, kiêm Trì Danh Niệm Phật. Phật môn Trung Hoa thường ghép kinh này và kinh Như Lai Bất Tư Nghị Cảnh Giới cùng Đại Tập Hiền Hộ Phẩm (còn gọi là Bát Châu Tam Muội Kinh) thành Niệm Phật Viên Đốn Tam Kinh. Cả ba kinh này đã được sa-môn Thích Minh Lễ dịch ra tiếng Việt vào khoảng năm 1968.

[21] Tức là Thiên Phật Danh Kinh gồm ba bản kinh ghép lại, tức là Quá Khứ Trang Nghiêm Kiếp Thiên Phật Danh Kinh, Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh Kinh, và Vị Lai Tinh Tú Kiếp Thiên Phật Danh Kinh. Ba kinh ấy ghi chép tên các vị Phật trong ba kiếp quá khứ, hiện tại và vị lai. Không rõ tên người dịch. Chỉ biết kinh được dịch vào đời Lương (502-557). Phật môn Trung Hoa thường lạy Tam Thiên Phật hoặc kinh Vạn Phật vào dịp Tết.

[22] Pháp sư Sám Vân (1915-2009), họ Tào, pháp danh Thành Không, người xứ Đông Bắc, sanh quán gần sông Áp Lục (tức biên giới Trung Hoa và Đại Hàn). Sư tinh chuyên giới luật, có chí nguyện tuyên dương Tịnh Tông, sáng lập chùa Liên Nhân. Sư từng du học tại Nhật Bản, theo học ngành mỹ thuật. Đến năm 24 tuổi, bắt đầu học Phật, 26 tuổi thọ Ngũ Giới. Năm 30 tuổi, Sư xuất gia tại chùa Quảng Tế ở Bắc Kinh, theo học tại Trung Quốc Phật Giáo Học Viện suốt bốn năm. Năm 1948, Sư xuống Phước Châu y chỉ pháp sư Từ Châu học Duy Thức. Năm 1949, sang Đài Loan. Sư tạo dựng Ấn Hoằng Mao Bồng tại núi Quán Âm, trấn Bộ Lý. Do ngôi chùa này bị nạn lụt tàn phá, nên năm 1963, Sư cùng đệ tử là pháp sư Tánh Nhân dựng chùa Liên Nhân tại làng Thủy Lý cũng thuộc huyện Nam Đầu và trụ tại đó cho tới khi tịch. Năm 1966, Sư sáng lập Đại Chuyên Thanh Niên Trai Giới Học Hội nhằm đề xướng, hướng dẫn thanh niên tu Bát Quan Trai Giới, tổ chức các khóa tu Bát Quan Trai Giới tại nhiều nơi. Chùa Liên Nhân quy củ rất nghiêm, sau bốn giờ chiều, nữ giới không được lưu lại chùa. Trong các khóa tu, Sư chuyên giảng Tịnh Độ, đề xướng Niệm Phật và dùng lễ Phật như một phương tiện sách tấn tu hành, vun bồi công đức.

[23] Kinh này có tên gọi đầy đủ Phật Thuyết Vạn Phật Danh Kinh, gồm mười hai quyển,

do ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch sang tiếng Hán dưới đời Nguyên Ngụy. Do trong kinh này nêu danh hiệu của một vạn một ngàn chín trăm lẻ ba vị Phật, Bồ Tát và Bích Chi Phật, nên thường gọi là kinh Vạn Phật. Đôi khi còn gọi là Vạn Phật Hồng Danh Bảo Sám vì trong kinh có một phẩm trần thuật lời sám hối.

 

[24] Bản kinh này còn gọi là Phật Thùy Niết Bàn Lược Thuyết Di Giáo Kinh (kinh đức Phật sắp nhập Niết Bàn nói đại lược di giáo), do ngài Cưu Ma La Thập dịch sang Hán văn. Đây là những lời dạy cuối cùng của đức Phật. Kinh văn khá ngắn, nhưng ý nghĩa rất hàm súc, nên có khá nhiều bản chú sớ. Nổi tiếng nhất là các bộ Phật Di Giáo Kinh Luận Sớ Tiết Yếu (trích yếu những đoạn chú giải kinh Di Giáo từ các bộ luận của Thiên Thân Bồ Tát, Trí Giả đại sư, Tịnh Nguyên và Liên Trì Châu Hoằng đại sư), Di Giáo Kinh Luận Trụ Pháp Ký (do ngài Nguyên Chiếu soạn vào đời Tống), Di Giáo Kinh Luận Ký (do ngài Quán Phục soạn vào đời Tống), Phật Di Giáo Kinh Bổ Chú (do ngài Thủ Toại chú giải, ngài Liễu Đồng chú thích thêm), Phật Di Giáo Kinh Giải (do Ngẫu Ích đại sư soạn), Di Giáo Kinh Chỉ Nam (do ngài Đạo Bái soạn vào đời Minh)…

[25] “Thất miếu” là tuân theo quy định của Lễ Ký, mang ý nghĩa tôn thờ bảy đời tổ tiên của hoàng đế. Miếu thờ tổ tiên của nhà vua bao gồm bảy ngôi điện thờ, ngôi chính giữa gọi là Thái Miếu (太廟: thờ tổ phụ, vua khai sáng vương triều và các đời vua nối tiếp), ba miếu thờ bên trái gọi là Tam Chiêu (三昭), ba miếu thờ bên phải gọi là Tam Mục (三穆). Chiêu miếu và Mục miếu dành để thờ các vị chú bác, anh em bên nội của nhà vua.

[26] Đây là nói theo ý nghĩa của một câu trong thiên Tử Lộ của sách Luận Ngữ: “Thiện nhân giáo dân thất niên, diệc khả tức nhung hỹ” (Người tốt lành dạy dân suốt bảy năm, cũng có thể chấm dứt binh đao).

[27] Sách Kinh Luật Dị Tướng gồm năm mươi quyển do ngài Bảo Xướng soạn, sách được hoàn thành vào năm Thiên Giám 15 (516) đời Lương. Sách này thâu thập những chuyện hy hữu, những tướng trạng lạ lùng trong Tam Tạng kinh điển, nên thuộc loại Bách Khoa Toàn Thư. Sách thoạt đầu do Lương Vũ Đế sai ngài Tăng Mân biên soạn, rồi giao cho ngài Bảo Xướng chủ trì. Về sau, sách được các vị Tăng Hào, Pháp Sanh v.v… bổ sung và nhuận văn.

[28] Bộ kinh này có tên gọi đầy đủ là Đại Phương Đẳng Đại Tập Kinh (Mahāvaipulya Mahāsamghāta Sūtra), gồm sáu mươi quyển. Thật ra, đây không phải là một bản kinh riêng biệt mà là tập hợp của nhiều bản kinh giảng về các pháp môn liên hệ. Trong sáu mươi quyển ấy, hai mươi lăm quyển đầu, cũng như từ quyển thứ ba mươi mốt cho đến quyển ba mươi ba do ngài Đàm Vô Sấm dịch vào đời Bắc Lương, các quyển còn lại do các vị Trí Nghiêm Bảo Vân, Na Liên Da Xá, Na Liên Đề Da Xá, An Thế Cao v.v… dịch.

[29] Sáu kinh là kinh Hoa Nghiêm, kinh Giải Thâm Mật, kinh Như Lai Xuất Hiện Công Đức Trang Nghiêm, kinh Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma, kinh Lăng Già, kinh Đại Thừa Mật Nghiêm. Mười một luận là Du Già Sư Địa Luận, Hiển Dương Thánh Giáo Luận, Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận, Tập Lượng Luận, Nhiếp Đại Thừa Luận, Thập Địa Kinh Luận, Quán Sở Duyên Duyên Luận, A Tỳ Đạt Ma Tập Luận, Nhị Thập Duy Thức Luận, Thập Biện Trung Biên Luận, Phân Biệt Du Già Luận. Tuy vậy, trên thực tế, tại Trung Hoa, hai bộ luận chủ yếu để nghiên cứu Duy Thức Pháp Tướng lại là Thành Duy Thức Luận và Du Già Sư Địa Luận.

[30] Lục Quần Tỳ Kheo (ṣaḍ-vargiṇīyo bhikṣuṇīyaḥ) là từ ngữ chỉ sáu vị tỳ-kheo kết bè đảng, gây rối Tăng đoàn thời đức Phật tại thế. Họ không giữ giới luật, làm nhiều chuyện ác, nhằm tạo cơ hội cho đức Phật chế giới. Theo luật Tứ Phần, các vị đó là Nan Đà (Nanda, đôi khi còn phiên âm là Nạn Đồ), Bạt Nan Đà (Upananda), Ca Lưu Đà Di (Kālodāyin), Xiển Na (Chanda, tức Xa Nặc), A Thuyết Ca (Aśvaka, còn dịch nghĩa là Mã Túc hoặc Mã Sư), và Phất Na Bạt (Punarvasu, Mãn Túc).

[31] Phèn chua (Potassium Alum) là muối sulfate kép ngậm nước của kalium và nhôm, có công thức hóa học là KAl(SO4)2·12H2O. Chất này còn được gọi là minh phàn (明礬), giáp phàn (鉀礬), giáp lữ phàn (鉀鋁礬), bạch phàn (白礬), sanh phàn (生礬), vũ niết (羽涅), vân mẫu phàn (雲母礬) v.v… Ngoài tác dụng làm trong nước do làm kết tủa các tạp chất, nó còn dùng để thuộc da, nhuộm màu và chế tạo bột nổi làm bánh (baking powder), cũng như dùng để chế các thuốc khử mùi hôi nơi thân thể. Nó cũng được dùng làm chất cầm máu tạm thời khi cấp cứu.

[32] Nguyên văn là “phản lưu” (反流). “Phản lưu” là nói tương phản với “nhập lưu”  (入流). Nhập Lưu là khi căn tiếp xúc trần, nẩy sanh thức, mê muội chấp trước, phân biệt, đuổi theo trần cảnh, hoàn toàn bị cảnh bên ngoài chi phối. “Phản lưu” là hễ căn tiếp xúc trần cảnh, bèn truy ngược lại để hiểu thấu suốt tánh của căn và trần là một, không hai, tìm lại tự tâm.

[33] Ngũ Câu Ý Thức (五俱意識): Khi năm thức trước sanh khởi, Ý Thức sẽ luôn sanh khởi tác dụng, nên Ý Thức khi đó được gọi là Ngũ Câu Ý Thức.

[34] Kháng Chiến là gọi tắt của từ ngữ Kháng Nhật Chiến Tranh, là giai đoạn chiến tranh giữa Trung Hoa và Nhật Bản từ ngày 18 tháng Chín năm 1937 cho đến ngày 9 tháng Chín năm 1945.

[35] “Đoạt” (奪) ở đây có nghĩa là làm cho mất đi.

[36] Mục Ngưu Đồ Tụng (牧牛圖頌) là một hình thức chỉ bày phương pháp tu hành điều tâm trong Thiền Tông, sánh ví cái tâm như con trâu, Thiền giả như người chăn trâu. Đúng như tên gọi, tác phẩm này có nhiều bức vẽ, mỗi bức bao gồm hình vẽ và một bài kệ tụng. Mục Ngưu Đồ Tụng có nhiều loại, nói chung, ba loại được người đời chú trọng nhất là Mục Ngưu Đồ Tụng của Thanh Cư (năm bức vẽ), Khuếch Am (mười bức) và Tự Đắc (sáu bức). Trong các bản này, phổ biến nhất là bản của ngài Khuếch Am từ đời Tống. Hiện thời, hầu như chỉ còn hai bản được lưu hành là bản của thiền sư Khuếch Am và thiền sư Phổ Minh.

[37] Vua Ưu Điền, còn phiên âm là Ốt Đà Diễn Na, Ô Đà Diễn Na, hoặc còn gọi đầy đủ là Ốt Đà Diễn Na Phạt Tha (Udayana-vatsa), dịch nghĩa là Nhật Tử Vương hoặc Xuất Ái Vương. Vị này là quốc vương xứ Kiều Thưởng Di (Kausambi), là một trong các vị đại quốc vương hộ pháp mạnh mẽ thời đức Phật. Nhân duyên tin Phật của nhà vua cũng rất đặc sắc. Hoàng hậu là tín đồ Phật giáo thuần thành, đã chứng Tu Đà Hoàn, nhưng nhà vua chẳng tin Phật. Khi ấy, vương phi Vô Tỷ dung mạo có một không hai, thường tự phụ chính mình là người đẹp nhất trong cả xứ Ấn. Khi thái tử Tất Đạt Đa vừa mới xuất gia, phụ thân Vô Tỷ là trưởng giả Thệ Tâm nhất quyết gả Vô Tỷ cho thái tử, nhưng Ngài cự tuyệt để nhất tâm tu đạo. Vô Tỷ ôm hận, thề quyết trả thù. Về sau, trưởng giả Thệ Tâm gả Vô Tỷ cho vua Ưu Điền. Tuy đã là vương phi, Vô Tỷ vẫn không nguôi mối hận, thề chẳng hại được Phật, sẽ sát hại đệ tử Phật. Vì vậy, Vô Tỷ đặt điều vu khống hoàng hậu tin tưởng tà ma ngoại đạo, xúi giục hoàng đế hãy dùng loạn tiễn để sát hại hoàng hậu hòng trừ hậu hoạn. Bị sắc dục làm mờ mắt, vua cho xạ thủ vây quanh hoàng hậu bắn tên. Hoàng hậu đối trước nguy nan vẫn ung dung, chẳng tức giận hay kinh sợ. Bà quỳ trước mặt nhà vua, nhất tâm niệm Phật, tưởng lòng đại từ bi của Phật. Kỳ diệu thay! Các mũi tên bắn tới đều xoay quanh hoàng hậu ba vòng, rồi bay ngược lại, rơi lả tả gãy vụn trước mặt nhà vua. Vua kinh sợ, nghĩ đức Phật là bậc đại thánh nhân, vì một đệ tử bạch y mà còn có thần lực như thế, bèn tìm đến Phật để nghe pháp, rồi trở thành một vị đại hộ pháp. Khi đức Phật lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp, vua Ưu Điền mong nhớ đến nỗi ngã bệnh. Các vị đại thần bèn cậy tôn giả Đại Mục Kiền Liên dùng thần thông đem thợ khéo lên cõi trời tạc tượng đức Phật cho vua chiêm ngưỡng đỡ nhớ. Khi đức Phật từ cõi trời trở xuống, mọi người hoan hỷ tranh nhau đến đón tiếp, tượng Chiên Đàn ấy cũng đến đón tiếp. Đức Phật tán thán và nói kệ tụng: “Kẻ tạo hình tượng Phật, nay ta nói sơ lược: Trước, Nhãn Căn chẳng hoại, sau đắc Thiên Nhãn Thông. Tròng đen trắng phân minh. Do công đức tạo tượng, hình thể thường hoàn chỉnh, ý chánh, chẳng mê hoặc, thế lực vượt mọi người. Kẻ tạo hình tượng Phật, trọn chẳng đọa đường ác, phước chẳng thể nghĩ bàn”.

[38] Chiên Đàn (Candana, tên khoa học là Sirium Myrtufolium), là một loại cây thân mộc, có mùi thơm, mọc nhiều tại Ấn Độ, tương ứng với gỗ Đàn Hương tại Trung Hoa.

[39] Tạo Tượng Độ Lượng Kinh là kinh dạy về cách thức tạo tượng Phật, do tôn giả Xá Lợi Phất thỉnh vấn, đức Phật bèn dạy tỷ lệ cần phải có trong khi tạc tượng cũng như cách tạo tác sao cho đúng pháp. Kinh này do lạt-ma Công Bố Tra Bố dịch từ tiếng Tây Tạng sang Hán văn vào năm Càn Long thứ bảy (1742) tại Bắc Kinh.

[40] Sáu vị xuất gia thiện tri thức là tỳ-kheo Đức Vân (Cát Tường Vân), tỳ-kheo Hải Vân, tỳ-kheo Thiện Trụ, tỳ-kheo Hải Tràng, tỳ-kheo Thiện Kiến, và tỳ-kheo-ni Sư Tử Tần Thân.

[41] Trinh Quán Chánh Yếu (貞觀政要) là tác phẩm được biên soạn bởi Ngô Căng Sở (吳兢所) vào đời Đường Huyền Tông. Sách ghi lại những luận định về chánh trị (chủ yếu là các phương thức, sách lược, kế hoạch, biện pháp v.v… để chánh quyền hoạt động hữu hiệu) giữa Đường Thái Tông và các đại thần cố vấn trọng yếu như Ngụy Trưng, Vương Khuê, Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối, Ngu Thế Nam, Chử Toại Lương, Ôn Ngạn Bác, Lưu Tự, Mã Châu, Đới Trụ, Khổng Dĩnh Đạt, Sầm Văn Bổn, Diêu Tư Liêm v.v…

[42] Tư Trị Thông Giám (資治通鑑) là một bộ sử viết theo thể loại biên niên do sử gia Tư Mã Quang biên soạn suốt mười chín năm, gồm 294 quyển, chép lịch sử Trung Hoa từ năm thứ hai mươi ba đời Châu Oai Liệt Vương (403 trước Công Nguyên) cho đến năm Hiển Đức thứ sáu (959) đời vua Thế Tông nhà Hậu Châu, bao gồm các sự kiện lịch sử trải qua mười sáu triều đại từ thời Chiến Quốc cho đến thời Ngũ Đại. Thực Lục (實錄) là những sách ghi chép các sự kiện lịch sử trong một giai đoạn nào đó.

[43] Người Hoa thường gọi Công Giáo (Roman Catholic Church) và đôi khi gọi Chánh Thống giáo (Eastern Orthodox Catholic Church, Eastern Church, Orthodoxy) là Thiên Chúa giáo. Họ gọi các giáo phái khác tin vào Chúa Jesus là Cơ Đốc giáo, tuy cách gọi này không chánh xác, vì Cơ Đốc giáo là chữ dùng để dịch từ ngữ Christianity (Christianity bao gồm tất cả những tông phái tin vào Jesus Christ). Do đó, trong các văn bản chánh thức, người Hoa gọi ba tông phái lớn của Cơ Đốc giáo là Thánh Công Hội (Công giáo), Đông Chánh giáo (Chánh Thống giáo) và Cơ Đốc Tân giáo (các giáo hội Tin Lành, Phúc Âm, Cải Cách, Phản Thệ (Protestant), các giáo hội Cơ Đốc độc lập như Methodism (Tuần Đạo giáo), Unitarist (Nhất Vị Luận), Anh giáo (Anglican Church) và các giáo hội nhỏ hơn phát sinh từ Anh giáo như Espicopal (Mỹ Quốc Thánh Công Hội) v.v…).

[44] Bản Kiều (板橋) là biệt hiệu của Trịnh Tiếp (鄭燮,1693-1766). Ông Trịnh có tên tự là Khắc Như, biệt hiệu là Bản Kiều đạo nhân, người trấn Đại Đóa, huyện Hưng Hóa, tỉnh Giang Tô, quê ở Tô Châu. Trịnh Bản Kiều là một vị quan vào đời Thanh, đồng thời là một học giả và thư pháp gia lỗi lạc dưới thời Càn Long. Ông đỗ Tiến Sĩ vào năm đầu Càn Long, làm quan có tiếng nhân đức, thương dân. Những trước tác còn lưu lại là Bản Kiều Thi Sao, Bản Kiều Từ Sao, Bản Kiều Thư Gia, Bản Kiều Đề Họa, Bản Kiều Tiên Sinh Ấn Sách v.v… Ông nổi tiếng về tài thư họa, được người đương thời coi là một trong Dương Châu Bát Thánh. Điểm đặc biệt là ông giỏi cả bốn lối chữ Triện, Lệ, Thảo, Hành, lại còn sáng tạo kiểu viết Lục Phân Bán Thư, rất được vua Càn Long và người đương thời tán thưởng.

[45] “Lều tranh” ở đây thật ra là một ngôi chùa của pháp sư Sám Vân. Pháp sư Sám Vân lập chùa Ấn Hoằng Mao Bồng (lều tranh Ấn Hoằng) tại núi Quán Âm ở làng Bộ Lý thuộc huyện Nam Đầu. Hòa thượng Tịnh Không sống ở nơi này một năm. Về sau, trận lũ ngày Bảy tháng Tám năm 1949 đã hủy hoại ngôi chùa này hoàn toàn, pháp sư Sám Vân bèn lập một ngôi chùa mới có tên là Liên Nhân tại làng Thủy Lý cũng thuộc huyện Nam Đầu.

[46] Candela là đơn vị đo lường độ sáng. Định nghĩa của Candela khá phức tạp, nói chung là cường độ sáng tính theo một hướng nhất định. Hiểu theo cách đơn giản nhất, một Candela tương ứng với độ sáng của một ngọn nến. Tại Trung Hoa vào thời đầu, họ đã đồng nhất một Watt với một Candela. Do vậy, hòa thượng nói bóng đèn hai nến ở đây có thể là bóng đèn 2 Watt.

[47] Tức là hai mươi câu trong phẩm Nhập Pháp Giới của kinh Bát Thập Hoa Nghiêm (hoặc chương Cát Tường Vân của kinh Tứ Thập Hoa Nghiêm) nói về hai mươi môn Niệm Phật do tỳ-kheo Đức Vân dạy cho Thiện Tài.

[48] Theo lời tương truyền trong Mật Tông, Mật pháp do Đại Nhật Như Lai (Tỳ Lô Giá Na Như Lai) truyền cho Kim Cang Tát Đỏa, các kinh điển Mật Tông được Kim Cang Tát Đỏa cất giữ trong một cái tháp bằng sắt ở Nam Ấn Độ, nhưng không ai mở được. Về sau, khi Long Thọ Bồ Tát xuất hiện, Ngài được Tỳ Lô Giá Na Phật hiện thân trao truyền chú Đại Tỳ Lô Giá Na chân ngôn, bèn nghiêm túc hành trì. Sau đó, tuân theo lời truyền dạy của Đại Nhật Như Lai, Ngài tìm đến cái tháp sắt ở Nam Ấn Độ, nhiễu quanh tháp sắt suốt bảy ngày, tụng chú Đại Tỳ Lô Giá Na vào bảy hạt cải trắng, ném vào cửa tháp. Tháp liền mở ra, Kim Cang Tát Đỏa Bồ Tát xuất hiện, truyền dạy Mật pháp và trao truyền toàn bộ Mật điển.

[49] Đại Trí Độ Luận (Mahāprajñāpāramitāśāstra), thường được gọi tắt là Trí Luận, Trí Độ Luận, Đại Luận là chú giải của kinh Ma Ha Bát Nhã (bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập, gồm ba mươi quyển, không phải là kinh Đại Bát Nhã sáu trăm quyển do ngài Huyền Trang dịch sau này). Bộ luận này do Long Thọ Bồ Tát biên soạn, gồm một trăm quyển. Ngài Cưu Ma La Thập dịch sang Hán văn, nhưng chỉ dịch phẩm đầu cặn kẽ, còn những phần sau chỉ trích yếu.

[50] Địa Tiền Bồ Tát bao gồm các địa vị Pháp Thân Bồ Tát chưa chứng đắc Sơ Địa, tức là ba mươi địa vị thuộc Thập Trụ, Thập Hạnh và Thập Hồi Hướng. Từ Sơ Địa trở lên thì gọi là Địa Thượng Bồ Tát.

[51] Kinh này được ngài Tăng Già Bà La xứ Phù Nam dịch vào đời Lương, gồm một quyển. Đức Phật nói kinh này ba tháng trước khi nhập Niết Bàn. Vâng lời đức Phật dạy, hai vị Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên dùng thần lực triệu tập chư Tăng về Đại Lâm Tinh Xá, ngài Xá Lợi Phất nhân đấy thưa hỏi phương pháp để có thể đắc vô ngại nhạo thuyết trí huệ, làm thế nào để nghe hằng sa chư Phật thuyết pháp không chướng ngại, cũng như cách thức để nhập các môn tổng trì như vô tận thọ trì đà la ni môn, nhập chúng sanh chư căn phương tiện đà la ni môn v.v… Đức Phật bèn lần lượt dạy cách thức thọ trì.

[52] Nguyên văn “出家非世間將相之所能為”, chữ Tướng (將) thứ nhất chỉ vị tướng cầm quân, chữ Tướng (相) thứ hai chỉ chức vụ thừa tướng, đứng đầu bá quan.

[53] Nói đầy đủ, đây là phẩm Thập Vô Tận Tạng của kinh Hoa Nghiêm (Bát Thập Hoa Nghiêm). Gọi là Vô Tận Tạng vì mười loại pháp này giống như cái kho chứa vô tận công đức. Đúng như tên gọi, trong phẩm kinh đó, Công Đức Lâm Bồ Tát đã giảng về mười vô tận tạng của Bồ Tát là Tín Tạng, Giới Tạng, Tàm Tạng, Quý Tạng, Văn Tạng, Thí Tạng, Huệ Tạng, Niệm Tạng, Trì Tạng, và Biện Tạng. Trong Niệm Tạng, Công Đức Lâm Bồ Tát lại giảng mười loại niệm, nên gọi là Thập Niệm Tạng.

[54] Nhân-ba-thiết là cách người Hoa phiên âm chữ Rinpoche trong tiếng Tây Tạng. Rinpoche (còn viết là Rimboche hoặc Rinboqê) có nghĩa là “quý báu”. Đây là một danh xưng tôn kính để gọi các vị lạt-ma hóa thân, hoặc các trưởng lão, có thành tựu, giới đức kiêm ưu, hoặc các tu viện trưởng, nhưng về sau, chữ này bị lạm dụng, hầu như các lạt-ma đều được tín đồ gọi là Rinpoche hết.

[55] Hoạt Phật (Phật sống) là cách gọi sai lầm của người Hoa đối với những vị được coi là hóa thân (Tulku) trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Chữ Tulku đôi khi được phiên âm thành Châu Cổ, Tổ Cố, hoặc còn gọi là Hô Đồ Khắc Đồ (qutukhutu, hutukhtu theo tiếng Mông Cổ). Người Tây Tạng tin các vị hành giả, tu viện trưởng, tổ sư tông phái sau khi xả mạng, sẽ có năng lực tái sanh trở lại nhân gian để tiếp tục hoằng pháp độ sanh. Mỗi khi vị ấy mất, dựa trên những lời tiên đoán do vị ấy để lại (thường là dưới hình thức sấm ký), các đệ tử sẽ đi tìm xem hóa thân kế tiếp ở đâu. Đứa trẻ tìm được thường gọi là “linh đồng” (xubilgan). Các vị đệ tử cao cấp sẽ tiến hành những xét nghiệm cần thiết rồi tấn phong đứa trẻ ấy thừa kế ngôi vị. Đôi khi tìm được nhiều đứa trẻ, có sự tranh chấp giữa nội bộ thì phải bắt thăm để chọn lựa.

[56] Trinh Nguyên là niên hiệu của Đường Đức Tông (từ năm 785 cho đến tháng Tám năm 805). Đường Đức Tông sử dụng ba niên hiệu là Kiến Trung (780-783), Hưng Nguyên (784), và Trinh Nguyên.

[57] Do hòa thượng Tịnh Không lược đi không giảng phần này, chúng tôi sao lục từ sách Diễn Nghĩa lời chú giải về hai mươi mốt môn Niệm Phật của tỳ-kheo Đức Vân như sau:

“Ta đắc pháp môn Ức Niệm Nhất Thiết Chư Phật Cảnh Giới Trí Huệ Quang Minh Phổ Kiến”: ‘Chư Phật cảnh giới’ là cảnh được quán. Nói ‘nhất thiết’ nghĩa là trọn khắp chiều ngang, cùng tột theo chiều dọc. Trí huệ quang minh là cái trí năng quán. Phổ Kiến pháp môn gồm thâu hai môn trước (tức Chư Phật Cảnh Giới và Trí Huệ Quang Minh) để tổng kết tên gọi [của pháp môn này], ý nói: Dùng trí huệ để quán cảnh giới của chư Phật nên gọi là Phổ Kiến.

Hai mươi mốt môn niệm Phật là: Một, trí quang phổ chiếu, hai là ‘khiến cho hết thảy chúng sanh [niệm Phật]’, ba là ‘khiến cho an trụ nơi lực’, bốn là ‘khiến cho an trụ nơi pháp’. năm là ‘sáng ngời các phương’, sáu là ‘vào chỗ chẳng thể thấy’, bảy là ‘trụ trong các kiếp’, tám là ‘trụ trong hết thảy thời’, chín là ‘trụ trong hết thảy cõi’, mười là ‘trụ trong hết thảy đời’, mười một là ‘trụ trong hết thảy cảnh’, mười hai là ‘trụ tịch diệt’, mười ba là ‘trụ nơi viễn ly’, mười bốn là ‘trụ rộng lớn’, mười lăm là ‘trụ vi tế’, mười sáu là ‘trụ trang nghiêm’, mười bảy là ‘trụ năng sự’, mười tám là ‘trụ nơi tâm tự tại’, mười chín là ‘trụ trong nghiệp của chính mình’, hai mươi là ‘trụ nơi thần biến’, hai mươi mốt là ‘trụ hư không’. Trí quang phổ chiếu là thường thấy hết thảy các cõi Phật, các thứ cung điện thảy đều trang nghiêm, thanh tịnh. Trụ hư không là quan sát thân Như Lai nhiều như mây, trang nghiêm pháp giới hư không”. Nếu muốn tìm hiểu chi tiết hơn về hai mươi mốt môn Niệm Phật này, xin hãy tham khảo bài giảng về Tứ Thập Hoa Nghiêm Cát Tường Vân Tỳ Kheo Chương của hòa thượng Tịnh Không.

[58] Kinh này còn có tên là Di  Lan  Đà  Vương  Vấn  Kinh, gồm hai quyển, thường gọi

 

tắt là Na Tiên Kinh, được dịch sang tiếng Hán dưới thời Đông Tấn, đã mất tên người dịch. Kinh này ghi lại cuộc vấn đáp giữa tỳ-kheo Na Tiên (Nāgasena, còn phiên âm là Na Già Thê Na, Na Già Tư Na, dịch nghĩa là Long Quân, hoặc Tượng Quân) và vua Di Lan Đà (Milinda hoặc Menandros), quốc vương xứ Đại Hạ (Bactria) ở Tây Bắc Ấn Độ. Qua cuộc vấn đáp ấy, ngài Na Tiên đã hóa độ nhà vua quy kính Phật pháp. Nội dung cuộc vấn đáp này xoay quanh những giáo nghĩa duyên khởi, vô ngã, nghiệp báo, luân hồi v.v…

 

[59] Kinh này gồm sáu quyển do ngài Công Đức Trực xứ Thiên Trúc cùng với ngài Huyền Sướng dịch ra tiếng Hán vào đời Lưu Tống (tức nhà Nam Tống thời Nam Bắc Triều, do Lưu Dụ sáng lập). Kinh chủ yếu dạy về cách tu Thật Tướng Niệm Phật tam-muội. Kinh này còn có một bản dịch khác mang tên là Phật Thuyết Đại Phương Đẳng Đại Tập Bồ Tát Niệm Phật Tam Muội Kinh gồm mười quyển do ngài Tam Tạng Đạt Ma Cấp Đa xứ Thiên Trúc dịch vào đời Tùy.

[60] Thần Hội (681-758), thụy hiệu là Chân Tông đại sư, là đệ tử trứ danh của Lục Tổ Huệ Năng, quê ở Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc. Năm mười bốn tuổi, Sư tham yết Lục Tổ, hữu ngộ, dần dần nổi tiếng. Năm Khai Nguyên 18 (730) đời Đường Huyền Tông, Sư biện luận khiến cho môn đệ của ngài Thần Tú thua thê thảm, bèn trở thành nổi danh lừng lẫy, đồng thời xác lập địa vị của Thiền Đốn Ngộ phương Nam, khiến cho pháp Thiền của ngài Huệ Năng được coi là chánh thống. Năm Khai Nguyên 20 (732), trong cuộc biện luận tại Hoạt Đài, Sư đánh bại danh tăng Sùng Viễn, chính thức xác lập tông chỉ của Nam Tông, phê phán Bắc Tông Thiền của Thần Tú là “tiệm căn, tiệm tu”. Năm Thiên Bảo thứ tư (745), Sư viết Hiển Tông Ký đề cao Nam Tông Thiền, danh xưng Đốn Tông (thiền Huệ Năng) và Tiệm Tông (thiền Thần Tú) được chính thức hình thành từ đó. Do tận lực quyên góp, hô hào Phật tử đóng góp quân phí giúp nhà Đường bình định loạn An Lộc Sơn, sau khi đẹp tan loạn lạc, Đường Túc Tông đã xuống chiếu vời Thần Hội vào cung để cúng dường, đồng thời lập chùa Hà Trạch trong cung để thuận tiện cho Sư tu tập và giảng pháp. Vì thế, người đương thời bèn gọi Sư là Hà Trạch Thần Hội. Pháp Thiền do Sư truyền bá được gọi là Hà Trạch Tông. Do dòng Thiền này lưu truyền tại kinh đô Lạc Dương và các vùng lân cận, nên còn gọi là Bắc Tông của Tào Khê Tông (thiền Huệ Năng). Do các đời sau thiếu nhân tài, nên tông này suy vi dần. Sau ngài Khuê Phong Tông Mật thì hầu như Tông này chẳng còn ai biết đến nữa. Nhất là khi đường lối Thiền của các vị Thanh Nguyên Hành Tư và Nam Nhạc Hoài Nhượng được coi là chánh thống của thiền Đốn Ngộ phương Nam thì Hà Trạch Tông hoàn toàn biến mất.

[61] Thiền Tông Trung Hoa thường cho rằng bài kệ này là lời huyền ký của Tổ cho biết Thiền Tông về sau sẽ chia thành năm phái lớn là Vân Môn, Tào Động, Pháp Nhãn, Quy Ngưỡng và Lâm Tế.

[62] Năm thứ Biến Hành Tâm Sở là Tác Ý, Xúc, Thọ, Tưởng, Tư. Nếu nói theo Tâm Lý Học hiện thời, có thể hiểu thô thiển là tương ứng với sự chú ý, cảm giác, tri giác, tình cảm, và ý chí.

[63] Tam tế tướng của A Lại Da là:

1) Vô Minh Nghiệp Tướng, còn gọi tắt là Nghiệp Tướng. Do bất giác mà động tâm. Hễ động, bèn có khổ. Do quả chẳng lìa nhân nên gọi là Nghiệp. Đây là tướng đầu tiên từ chân khởi vọng.

2) Năng Kiến Tướng, còn gọi là Kiến Tướng, hoặc Chuyển Tướng, tức là do tâm đã động, bèn có cái thấy, khởi lên tâm nhận thức đối tượng được thấy bởi Căn một cách chủ quan.

3) Cảnh Giới Tướng: Do có cái thấy (năng kiến) của vọng tâm mà có phân biệt cảnh giới hư vọng.

[64] Tam Luận Tông có danh xưng như vậy vì chuyên nghiên cứu yếu chỉ của ba bộ Trung Luận (Mūlamadhyamakakārikā), Thập Nhị Môn Luận (Dvādaśanikāyaśāstra) và Bách Luận (Śatakaśāstra). Thật ra, theo các nhà nghiên cứu, tại Trung Hoa, Tam Luận Tông không phải là một tông phái độc lập mà là một trường phái nghiên cứu, chứ không hình thành tông phái cụ thể như những tông khác. Theo họ, những ai đổ công dốc sức nghiên cứu ba bộ luận trên đây đều có thể coi là thuộc về Tam Luận Tông. Những vị được coi là đặt nền móng cho tông này là Tăng Triệu, Liêu Đông Tăng Lãng, Hưng Hoàng Pháp Lãng và Gia Tường Cát Tạng. Tông này có thể coi là kế thừa tư tưởng của Trung Quán học phái tại Ấn Độ, đồng thời chịu ảnh hưởng của những tông phái trước đó như Địa Luận Tông, Nhiếp Luận Tông, Niết Bàn Tông v.v… Khi cao tăng xứ Cao Ly là Huệ Quán (Hyegwan) truyền học thuyết này vào Nhật Bản, nó trở thành một tông phái riêng biệt. Danh xưng Tam Luận Tông do pháp sư Ngưng Nhiên (Gyōnen) của Nhật Bản đặt ra khi viết bộ Bát Tông Cương Yếu Sao, tôn Văn Thù Bồ Tát là sơ tổ, Mã Minh là nhị tổ, Long Thọ làm tam tổ. Do ngài Long Thọ có hai đệ tử, nên lại chia thành hai chi phái: Chi phái thứ nhất là do Long Thọ truyền cho Long Trí, rồi lần lượt truyền thừa qua các đời như Thanh Biện, Sư Tử Quang… Phái kia do ngài Long Thọ truyền cho ngài Đề Bà (tác giả của bộ Bách Luận), truyền thừa qua các đời như La Hầu La Đa, Sa Xa Vương Tử, Cưu Ma La Thập, sau đó truyền qua lịch đại pháp sư tại Trung Hoa như Tăng Triệu, Pháp Dung, Tăng Duệ, Đàm Vân, Đạo Hằng, Đàm Tế v.v… Đàm Tế truyền cho ngài Cát Tạng. Ngài Huệ Quán học Tam Luận với ngài Cát Tạng. Do ngài Huệ Quán truyền Tam Luận vào Nhật, Tam Luận Tông Nhật Bản (Sanron Shū) tôn ngài Huệ Quán làm sơ tổ. Người Nhật lại cho rằng tư tưởng Tam Luận Tông trước thời ngài Gia Tường Cát Tạng là Cổ Tam Luận, từ sau ngài Gia Tường trở đi là Tân Tam Luận. Tuy thế, tại Nhật Bản, tông phái này cuối cùng cũng bị hòa nhập vào tông Thiên Thai.

[65] Lý Trưởng Giả là danh xưng tôn trọng đối với Lý Thông Huyền (635-730). Lý Thông Huyền tên thật là Lý Hoằng (Thông Huyền là mỹ hiệu do Võ Tắc Thiên ban tặng). Lý Thông Huyền sở dĩ được gọi là Lý Trưởng Giả là vì sau này, Tống Huy Tông đã truy tặng mỹ hiệu Hiển Giáo Diệu Nghiêm Trưởng Giả. Ông còn được gọi là Táo Bá Đại Sĩ, xuất thân thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Đường, quê ở Luân Châu (nay là Luân Huyện thuộc tỉnh Hà Bắc. Có thuyết nói ông quê ở Thương Châu). Ông bẩm tánh thông duệ, tính tình phóng khoáng, tinh thông Dịch Lý, đến lúc ngoài bốn mươi tuổi bèn chuyên nghiên cứu kinh Phật, đặc biệt hâm mộ kinh Hoa Nghiêm. Khi Bát Thập Hoa Nghiêm được dịch xong, vào năm Khai Nguyên thứ bảy (719), ông mang kinh đến vùng núi sâu thuộc thôn Đại Hiền, làng Đồng Dĩnh, Vu Huyện, tỉnh Thái Nguyên, để chuyên viết luận sớ chú giải. Suốt ba năm không rời khỏi chỗ ở, mỗi ngày chỉ ăn mười trái táo và một tấm bánh bé tí làm bằng bột nhào với lá cây bách nghiền, nên người đời gọi ông là Táo Bá Đại Sĩ (có thuyết nói ông chỉ ăn táo và nhai lá cây bách cho khỏi đói). Sau đó, ông mang bản thảo chuyển sang hang đất (có thuyết nói hang đất ấy do cọp nhường cho ông) trong núi Thọ Dương cũng thuộc Thái Nguyên để tiếp tục biên soạn suốt năm năm mới hoàn thành. Đó chính là bộ Tân Hoa Nghiêm Kinh Luận gồm bốn mươi quyển, sau đó lại tiếp tục viết Lược Thích Tân Hoa Nghiêm Kinh Tu Hành Thứ Đệ Quyết Nghi Luận gồm bốn quyển. Ngoài hai bộ luận quan trọng trên đây, ông còn viết khá nhiều chú giải về kinh Hoa Nghiêm như bộ Hội Thích (bảy quyển), Lược Thích (Hoa Nghiêm Kinh Trung Quyển Đại Ý Lược Tự), Giải Mê Hiển Trí Thành Bi Thập Minh Luận, Thập Huyền Lục Tướng, Bách Môn Nghĩa Hải, Phổ Hiền Hạnh Môn, Hoa Nghiêm Quán, Thập Môn Huyền Nghĩa Bài Khoa Lược Thích, Nhãn Minh Luận v.v… Sau khi Lý Trưởng Giả đã mất bốn năm, bộ Tân Hoa Nghiêm Kinh Luận mới được một nhóm tỳ-kheo do Quảng Siêu cầm đầu giảo chánh, hoằng truyền. Tới năm Đại Trung đời Đường Tuyên Tông, do tỳ-kheo Chí Ninh ghép chánh kinh vào lời luận để hành giả tiện theo dõi, đồng thời biên tập, chỉnh lý, nên có bộ luận này mới có tên gọi là Hoa Nghiêm Kinh Hợp Luận gồm một trăm quyển. Do bộ này quá lớn, nên đến đời Minh, Lý Chí bèn soạn bộ Hoa Nghiêm Kinh Hợp Luận Giản Yếu để học nhân tiện nghiên cứu bộ luận này. Về sau, Phương Trạch lại soạn bộ Hoa Nghiêm Kinh Hợp Luận Toản Yếu gồm ba quyển.

[66] Tứ Thập Hoa Nghiêm do ngài Bát Nhã dịch vào đời Đường Đức Tông trong niên hiệu Trinh Nguyên (785-805), trong khi Bát Thập Hoa Nghiêm được dịch vào thời Võ Tắc Thiên nhiếp chánh. Lý Trưởng Giả mất năm 730, như vậy là tối thiểu Ngài đã mất ba mươi lăm năm trước khi Tứ Thập Hoa Nghiêm được dịch ra tiếng Hán. Thanh Lương Trừng Quán đại sư sinh năm 737, mất năm 838, nên có cơ duyên đọc kinh Hoa Nghiêm hoàn chỉnh. Tứ Thập Hoa Nghiêm tức là phẩm Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện thường được lưu hành thật ra chỉ là quyển bốn mươi của bộ kinh này.

[67] Vĩnh Minh đại sư, húy Diên Thọ, hiệu Xung Nguyên, do trụ tại chùa Vĩnh Minh nên gọi là Vĩnh Minh Diên Thọ. Khi mới xuất gia, Ngài y chỉ thiền sư Thúy Nham Lệnh Tham, đã từng nhập Thiền suốt chín mươi ngày tại đỉnh Thiên Trụ trong rặng Thiên Thai, nhưng phải đến khi tham yết Thiên Thai Sơn Đức Thiều quốc sư mới phát minh tâm địa, được quốc sư ấn khả làm pháp tự của tông Pháp Nhãn. Năm 961, Sư dời sang chùa Vĩnh Minh ở núi Huệ Nhật, có đến hơn hai ngàn người theo học, cho nên người đương thời thường gọi Ngài là Vĩnh Minh Diên Thọ. Khi vua xứ Cao Ly đọc bộ Tông Kính Lục của Ngài đã hết sức khâm ngưỡng, sai sứ sang Trung Hoa ban tặng Sư một bộ ca-sa quý.

[68] Ngô Việt là một quốc gia ở miền Nam Trung Hoa vào thời Ngũ Đại Thập Quốc, được kiến lập vào năm 907 bởi Tiền Liêu, có kinh đô là Tiền Đường (nay là thành phố Hàng Châu), có địa bàn bao gồm toàn bộ tỉnh Chiết Giang hiện thời, phía Đông Nam tỉnh Giang Tô và phần Đông Bắc tỉnh Phước Kiến. Do vào thời Chiến Quốc, những nơi này là lãnh thổ của hai nước Ngô và Việt, nên Tiền Liêu đặt tên cho quốc gia của mình là Ngô Việt Quốc để phân biệt với nước Ngô (còn gọi là Dương Ngô, Nam Ngô, hoặc Hoài Nam, do Dương Hành Mật sáng lập, đóng đô ở Dương Châu, bao gồm tỉnh Giang Tô, An Huy, Giang Tây, một phần tỉnh Hồ Bắc). Tiền Thục có tên gọi đầy đủ là Tiền Hoằng Thục, là vua cuối cùng của nước này.

[69] Thật ra, ngài Vĩnh Minh Diên Thọ làm quan dưới đời Ngô Việt Văn Mục Vương (Tiền Nguyên Quán), và chính nhà vua đã giới thiệu ngài Vĩnh Minh đến y chỉ thiền sư Thúy Nham Lệnh Tham tại núi Tứ Minh. Mãi cho đến năm 952, Ngô Việt Trung Ý Vương Tiền Thục (Tiền Hoằng Thục) ngưỡng mộ đức hạnh của Ngài mới tôn Ngài làm quốc sư. Tiền Hoằng Thục là con thứ chín của Tiền Nguyên Quán. Tiền Hoằng Thục được tôn lên làm vua kế nghiệp hai anh là Trung Hiến Vương (Tiền Hoằng Tá) và Trung Tốn Vương (Tiền Hoằng Tông, ông này chỉ làm vua được một năm thì bị truất phế).

[70] Câu này được sách Diễn Nghĩa giảng tường tận hơn như sau: “Tiểu Giáo chẳng biết đến tám thức. Do sáu thức tạo tác các nghiệp thiện ác, cảm thành các cảnh khổ vui trong ba cõi, sáu đường. Vì thế nói là nhất tâm. Đấy là giả danh nhất tâm, chẳng phải là nhất tâm thật sự, do chẳng thấu đạt lý duy tâm, [nên cho rằng] ngoài tâm thật sự có tiền cảnh”. Xin nói thêm “tiền cảnh” (前境) là thuật ngữ để chỉ cảnh được nhận biết bởi tâm thức.

[71] Sách Diễn Nghĩa giảng đoạn này như sau:

“Thỉ Giáo biết có tám thức, nhưng chẳng biết tám thức chính là Chân Như. Bởi họ thấy Chân Như là ngưng lặng, bất biến, chẳng tùy duyên, còn tám thức là sanh diệt, chứa đựng các thứ được biến hiện hữu lậu và vô lậu; như nói: ‘Các cõi từ vô thỉ mà có, là chỗ nương tựa bình đẳng của hết thảy các pháp, do vậy mà có các đường (lục đạo) và chứng đắc Niết Bàn…’ Đấy là coi tám thức sanh diệt là nhất tâm.

Chung Giáo thấu hiểu tám thức, tức Chân Như tùy duyên chính là A Lại Da Thức. Thức như huyễn mộng, chỉ là một Chân Như. Đấy chính là coi Như Lai Tạng là nhất tâm vậy.

Đốn Giáo coi ‘nhiễm và tịnh cùng mất’ là nhất tâm: Nhiễm chính là sáu thức, và tám thức sanh diệt v.v… Tịnh chính là Như Lai Tạng. Do Chung Giáo đã quy [tất cả các thức] vào Như Lai Tạng, tuy nói là ‘tịnh đến tột cùng’, nhưng vẫn thấy có Như Lai Tạng tồn tại, vẫn là chưa ly niệm. Trong giáo này (Đốn Giáo), năm pháp, ba tự tánh đều Không, tám thức, hai vô ngã cùng mất, một niệm chẳng sanh thì mới là nhất tâm.

Viên Giáo coi ‘bao trùm trọn khắp vạn hữu là nhất tâm’: Trong bốn giáo trước thì giáo trước nông cạn, giáo sau sâu xa, nhưng chẳng dung nhiếp lẫn nhau, nay Viên Giáo dung thông, chứa đựng trọn khắp, trùng trùng vô tận, tùy tiện nêu ra một trần, phô bày trọn vẹn pháp giới. Do đó, bao trùm trọn khắp vạn hữu là nhất tâm vậy”.

[72] Nam Bắc Triều là một giai đoạn rối ren nhất trong lịch sử Trung Hoa kéo dài từ năm 420 đến năm 589, và chỉ kết thúc khi Dương Kiên (tức Tùy Văn Đế, vua sáng lập nhà Tùy) diệt các nước, thống nhất Trung Hoa. Trong giai đoạn này, các lãnh chúa quân phiệt, tướng lãnh nổi lên chiếm đất xưng đế, chia nhỏ Trung Hoa thành nhiều quốc gia, chiến tranh liên miên. Gọi là Nam Bắc Triều vì Nam và Bắc Trung Hoa lần lượt thuộc những triều đại khác nhau, thường xuyên tấn công lẫn nhau. Bắc Triều gồm Bắc Ngụy, Đông Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Tề và Bắc Châu. Nam Triều gồm Tống, Tề, Lương và Trần. Thật ra, nhà Diêu Tần thuộc thời kỳ Ngũ Hồ Thập Lục Quốc (304-439), tức giai đoạn các sắc dân du mục tràn vào Trung Hoa thành lập các vương triều khi nhà Đông Tấn suy vi. Sở dĩ nói nhà Hậu Tần thuộc vào giai đoạn Thập Lục Quốc vì nhà Hậu Tần (Diêu Tần) thành lập vào năm 384 và bị nhà Đông Tấn tiêu diệt năm 417 (tức là ba năm trước khi giai đoạn Nam Bắc Triều bắt đầu). Nói là Thập Lục Quốc, tức là chỉ kể những nước chánh yếu trong giai đoạn đó, gồm mười sáu nước. Để dễ nhớ, người ta hay nói như thế này: “Ngũ Lương, Tứ Yên, Tam Tần, Nhị Triệu, Thành Hán, Hồ Hạ, cộng vi thập lục” (Năm nước Lương, bốn nước Yên, ba nước Tần, hai nước Triệu, nhà Thành Hán và Hồ Hạ cộng thành mười sáu). Năm nước Lương là Tiền Lương (do Trương Thật người Hán sáng lập), Hậu Lương (do Lữ Quang thuộc sắc dân Đê sáng lập), Nam Lương (do Thốc Phát Ô Cô sắc dân Tiên Ty sáng lập), Tây Lương (do Lý Cảo sắc dân Hán sáng lập) và Bắc Lương (do Đoàn Nghiệp thuộc sắc dân Lô Thủy Hồ sáng lập). Tứ Yên là Tiền Yên (do Mộ Dung Hoảng sắc dân Tiên Ty sáng lập), Hậu Yên (do Mộ Dung Thùy sắc dân Tiên Ty sáng lập), Nam Yên (do Mộ Dung Đức sắc dân Tiên Ty sáng lập), và Bắc Yên (do Mộ Dung Vân sáng lập). Tam Tần là Tiền Tần (còn gọi là Phù Tần, do Phù Kiên thuộc sắc dân Đê sáng lập), Hậu Tần (còn gọi là Diêu Tần, do Diêu Trành thuộc sắc dân Khương sáng lập), và Tây Tần (do Khất Phục Quốc Nhân thuộc sắc dân Tiên Ty sáng lập). Nhị Triệu là Tiền Triệu (của sắc dân Hung Nô, do Lưu Uyên sáng lập) và Hậu Triệu (do Thạch Lặc thuộc sắc dân Yết sáng lập). Thành Hán (do Lý Hùng, sắc dân Đê sáng lập), Hồ Hạ (do Hách Liên Bột Bột thuộc sắc dân Hung Nô sáng lập). Đó là chưa kể nhà Đông Tấn và các vương triều nhỏ hơn của các sắc dân khác (không gây ảnh hưởng to lớn trong lịch sử Trung Hoa) như Tiền Cừu Trì, Hậu Cừu Trì, Đãng Xương, Đặng Chí, Nhiễm Ngụy, Tiều Thục, Hoàn Sở, Trác Ngụy, Đại, Tây Yên, Vũ Văn Bộ, Đoàn Bộ v.v…

[73] Thiền sư Không Cốc Cảnh Long, húy Cảnh Long, tự Tổ Đình, hiệu Không Cốc, họ

ngoài đời là Trần, quê ở Nguyên Sơn, Động Đình, Cô Tô. Từ bé, Sư đã ăn chay, thích ngồi xếp bằng tĩnh tọa. Về sau, Sư y chỉ hòa thượng Bạch Liên Lãn Vân để học Thiền. Tuy chưa xuất gia, Ngài đã thông đạt thâm sâu lẽ Thiền. Sau đó, Ngài xuất gia tại núi Hổ Khâu. Về sau, Sư thọ đại giới tại chùa Chiêu Khánh, Hàng Châu, chuyên tu Thiền. Sau đó, có ngộ, trình lên ngài Lãn Vân, được ấn khả, được phó pháp đời thứ hai mươi bốn của tông Lâm Tế. Sư có trước tác bộ Không Cốc Tập gồm ba mươi quyển.

 

[74] Vị này quá thật thà đến nỗi ngốc nghếch. Tại miền Bắc Trung Hoa, khi chuyển từ mùa Đông sang mùa Xuân, hoặc từ Xuân sang Hạ, đồ đạc dễ bị ẩm mốc; do đó người ta thường đem mền, đệm, quần áo, màn cửa ra phơi nắng cho khỏi bị mốc. Có người đùa bỡn bảo Sư: “Nến không phơi cũng bị mốc”. Sư tưởng thật, đem nến ra phơi, sáp bị chảy hết, chỉ còn tim đèn!

[75] Bản khắc kinh này đã có rất lâu đời, được khắc trên bia đá tại chùa Long Hưng, do Triêu Tán Lang Trần Nhân Lăng viết vào đời Tùy, nét chữ cực đẹp, ai nấy đều ưa thích. Ngài Linh Chi Nguyên Hiểu khi có được bản rập của bản kinh này, hết sức trân quý, nhờ người khắc vào đá dựng trong chùa Linh Chi Sùng Phước tại Tiền Đường, nhưng tấm bia ấy đã bị hủy hoại trong chiến tranh. Tương Dương là một địa danh nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa, nằm ở phía Nam sông Tương (chi lưu chính của sông Dương Tử) là nơi hợp lưu của Hán Thủy, Đan Giang và Tích Thủy. Đây là nơi đã xảy ra cuộc chiến lớn giữa Tôn Kiên và Lưu Biểu thời Tam Quốc. Do vị trí chiến lược, nơi này đã xảy ra cuộc tấn công dữ dội của quân Mông Cổ kéo dài suốt sáu năm (1267-1273) trong nỗ lực tiêu diệt nhà Nam Tống.

[76] Lục Thư: Sáu cách cấu tạo chữ Hán, tức tượng hình, chỉ sự, hội ý, hình thanh, chuyển chú và giả tá.

[77] Ý nói đang lúc rất may mắn.

[78] Bốn câu là “có, không, cũng có cũng không, chẳng phải có chẳng phải không”. Bốn câu này chính là sự khái quát các quan niệm chấp trước, tương đối của con người.

[79] Đoạn này trích từ phẩm Phật Bất Tư Nghị Pháp (các pháp chẳng thể nghĩ bàn của Phật) trong Bát Thập Hoa Nghiêm. Khi ấy, các vị Bồ Tát dự hội chợt nghĩ về các điều chẳng thể nghĩ bàn nơi Phật quốc độ, Phật bổn nguyện, Phật chủng tánh, Phật xuất hiện, Phật thân, Phật âm thanh v.v… Do được thần lực của Tỳ Lô Giá Na Phật gia trì, Thanh Liên Hoa Tạng Bồ Tát trụ trong sự vô úy của Phật, nhập Phật pháp giới, được hưởng oai đức của Phật, thần thông tự tại, đắc sự quán sát quảng đại vô ngại của Phật, bèn giảng giải các pháp chẳng thể nghĩ bàn của đức Phật cho các vị Bồ Tát trong thế giới Hoa Tạng. Xin trích đoạn nói về mười thứ Phật sự như sau: “Các Phật tử! Chư Phật Thế Tôn trong hết thảy thế giới, hết thảy thời, có mười thứ Phật sự. Những gì là mười? Một là nếu có chúng sanh chuyên tâm ức niệm bèn hiện trước người ấy. Hai là nếu có chúng sanh tâm chẳng điều thuận, bèn vì kẻ ấy thuyết pháp. Ba là nếu có chúng sanh có thể sanh lòng tin thanh tịnh, ắt khiến cho người ấy có được vô lượng thiện căn. Bốn là nếu có chúng sanh có thể nhập pháp vị, thảy đều làm cho người ấy chứng nhập trong hiện tại, không gì chẳng hiểu rõ. Năm là giáo hóa chúng sanh chẳng mỏi mệt. Sáu là dạo các cõi Phật, qua lại vô ngại. Bảy là đại bi chẳng bỏ hết thảy chúng sanh. Tám là hiện thân biến hóa, hằng chẳng đoạn tuyệt. Chín là thần thông tự tại, chưa từng ngơi nghỉ. Mười là an trụ pháp giới, có thể quan sát trọn khắp”.

[80] Nhiếp Đại Thừa Luận (Mahāyāna-samgraha) thường được gọi tắt là Nhiếp Luận, do Vô Trước Bồ Tát biên soạn nhằm giải thích phẩm  Nhiếp  Đại  Thừa  trong  A  Tỳ

Đạt Ma Đại Thừa Kinh. Khi truyền sang Trung Hoa, bộ luận này được phiên dịch ba lần bởi các vị Phật Đà Phiến Đa (thời Bắc Ngụy), Chân Đế (thời Trần), và Huyền Trang (đời Đường). Bản dịch của ngài Huyền Trang được sử dụng phổ biến nhất. Hiện thời còn có một bản dịch nữa do Lữ Trừng dịch từ tiếng Tây Tạng sang tiếng Hán có nhan đề là Tây Tạng Truyền Bổn Nhiếp Đại Thừa Luận. Nội dung của luận này rất phức tạp, luận định về bản thể của danh tướng, A Lại Da, Tướng Phần, Kiến Phần, Vô Phân Biệt Trí, Duy Thức Tánh v.v… nhưng đều lấy A Lại Da làm khởi điểm.

 

[81] Minh Vương (Vidyā-rāja), còn gọi là Kim Cang Minh Vương, Trì Minh Vương, Phẫn Nộ Tôn, hoặc Phẫn Nộ Vương, là thần hộ pháp của Phật giáo trong Mật Tông. Những vị này thường là hóa thân của Phật, Bồ Tát, có hình dạng phẫn nộ, hung ác, mang ý nghĩa chuyển hóa tam độc thành từ bi, trí huệ. Kinh điển Mật Tông thường gọi những vị này là Giáo Lệnh Luân Thân (敎令輪身) chủ yếu nhằm hóa độ chúng sanh căn tánh ương ngạnh. Các Ngài khéo sử dụng oai lực và phẫn nộ khiến cho chúng sanh kính sợ, hàng phục, quy y Phật pháp. Tương ứng với các vị Minh Vương là Minh Phi, thông thường là phối ngẫu của Minh Vương. Các vị Heruka (Hách Lỗ Ca, Đại Lực Kim Cang Thần) trong Phật Giáo Tây Tạng cũng là một dạng Minh Vương. Theo truyền thống Đông Mật có ba mươi bốn vị Minh Vương, nhưng năm vị sau đây quan trọng nhất (do các ngài là hóa thân của Ngũ Trí Như Lai): Bất Động Minh Vương (Acalanātha, hóa thân của Tỳ Lô Giá Na Như Lai), Hàng Tam Thế Minh Vương (Trailokya-vijaya-rāja, hóa thân của Bất Động Như Lai), Quân Trà Lợi Minh Vương (Kuṇḍali Vidyārāja, hóa thân của Bảo Sanh Như Lai), Đại Oai Đức Minh Vương (Yamāntaka Vajrabhairava, Diễm Man Đắc Ca, hóa thân của A Di Đà Như Lai. Tạng Truyền Phật giáo lại coi vị này là hóa thân của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát), và Kim Cang Dạ Xoa Minh Vương (Vajra Krodha Mahābala Ucchuṣma, còn gọi là Hỏa Thủ Kim Cang, Trừ Uế Kim Cang, Uế Tích Kim Cang, hoặc Ô Sô Sắt Ma, hóa thân của Bất Không Thành Tựu Như Lai). Ngoài ra, những vị sau đây cũng thường được Đông Mật thờ phụng, hành trì nghi quỹ khá phổ biến là Ái Nhiễm Minh Vương (Rāgarāja), Khổng Tước Minh Vương (Mahamayuri), Mã Đầu Minh Vương (Hayagrīva, hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát), Đại Luân Minh Vương (Mahā-cakra), Đại Nguyên Soái Minh Vương (Āṭavaka) v.v…

[82] Hoàng Cực Kinh có tên gọi đầy đủ là Hoàng Cực Kinh Thế (皇極經世) do Thiệu Ung (Thiệu Khang Tiết) soạn vào đời Bắc Tống. Những suy luận và dự đoán dựa trên thuật Hà Lạc (Hà Đồ, Lạc Thư) và Tượng Số. Sách gồm mười hai quyển, sáu mươi bốn thiên, chia thành các phần Nguyên Hội Vận Thế, Thanh Âm Luật Phẩm, Quán Vật Nội Thiên, và Quán Vật Ngoại Thiên. Nổi tiếng nhất là phần Nguyên Hội Vận Thế gồm rất nhiều lời luận đoán về các triều đại. Ông là người đầu tiên đã đưa ra khái niệm chu kỳ diễn biến lịch sử như sau: Cứ hết một Nguyên, mọi việc sẽ lặp lại từ đầu. Một Nguyên gồm mười hai Hội, một Hội gồm ba mươi Vận, một Vận là mười hai Thế. Mỗi Thế là ba mươi năm. Do vậy, một Nguyên là mười hai vạn chín ngàn sáu trăm năm.

Thiệu Ung (1011-1077), tự là Nghiêu Phu, tự xưng là An Lạc Tiên Sinh, hoặc Bách Nguyên Tiên Sinh, thụy hiệu là Khang Tiết, là một nhà Dịch Học và tư tưởng nổi tiếng sống vào thời Bắc Tống. Ông giao du thân thiết với Tư Mã Quang, Châu Đôn Di và Trương Tải, Trình Hạo và Trình Di (là những nhà Lý Học nổi tiếng thời ấy), nên người đời thường gọi gộp chung là Bắc Tống Ngũ Tử. Ông viết rất nhiều, nhưng chỉ có bộ Hoàng Cực Kinh Thế là nổi tiếng nhất.

[83] Phục đoạn: Chế phục, chế ngự, hàng phục, chẳng cho phiền não dấy lên hiện hành, hoàn toàn chưa đoạn trừ.

[84] Đối với phần này, sách Diễn Nghĩa chú giải rất sơ sài: “Từ chữ ‘thần du đại phương’ trở đi nhằm giải thích sự chẳng trở ngại. Bài tụng trong kinh Hoa Nghiêm như sau: ‘Hựu phóng quang minh danh kiến Phật, thử quang giác ngộ tương một giả, linh bỉ tùy niệm kiến Như Lai, mạng chung đắc sanh kỳ tịnh quốc’ (Lại phóng quang minh tên thấy Phật, quang ấy giác ngộ kẻ sắp chết, khiến cho tùy niệm thấy Như Lai, mạng hết được sanh cõi tịnh ấy)”.

[85] Do lời giải thích trong đoạn này dường như không rõ ràng cho lắm, chúng tôi mạn phép nói thêm như sau: Đối với người chưa đoạn Kiến Tư Hoặc, Phần Đoạn sanh tử chính là thọ mạng. Chúng ta có thọ mạng nhất định, tức là có một khoảng thời gian tồn tại nhất định từ lúc sanh ra cho đến khi chết. Do có một khoảng thời hạn nhất định, nên gọi là Phần Đoạn. Thật sự có sanh tử để khởi đầu và chấm dứt một giai đoạn thọ mạng. Khi đã đoạn Kiến Tư Hoặc, không còn sanh tử, sanh tử chỉ là tùy nguyện tái lai, không phải là sanh tử do nghiệp lực quyết định nữa, nên bảo là “không còn Phần Đoạn sanh tử”. Chẳng hạn các vị Phật, Bồ Tát khi thân phận bại lộ hoặc chúng sanh hữu duyên đáng được hóa độ đã hết, các Ngài bèn xả thân, muốn đi lúc nào bèn đi lúc ấy. Do vì thọ mạng bất định nên gọi là chẳng còn Phần Đoạn sanh tử.

Trừ phi đạt đến Phật Quả viên mãn rốt ráo, cảnh giới của chúng ta thay đổi liên tục, đó là Biến Dịch. Chẳng hạn phàm nhân có sanh, già, bệnh, chết, ba khổ, tám khổ, quả báo hiện hành, vận mạng có thịnh hay suy, có thăng lên, đọa xuống trong lục đạo. Đó là Biến Dịch hiển nhiên. Đối với thánh nhân từ Tiểu Thừa trở lên, vẫn có thể bị thoái đọa (chỉ từ Bát Địa trở lên là không thoái đọa), hoặc cảnh giới tăng tấn do tu tập, nên luôn có sự Biến Dịch. Nhưng để đạt đến cảnh giới cao hơn, phải siêng khổ dụng công, cho nên sự vất vả nhọc nhằn ấy được gọi là “sanh tử”, nhằm sánh ví cảnh giới cũ mất đi (tử), cảnh giới mới hiện ra (sanh).

[86] Tống Cao Tông (Triệu Cấu) làm vua từ năm 1127 đến năm 1279. Ông là con của Tống Huy Tông (Triệu Cát). Khi cha và anh (Tống Khâm Tông, tức Triệu Đản) bị quân Kim cầm tù, giải về kinh đô nhà Kim, ông được quần thần tôn lên làm vua. Thoạt đầu, ông tỏ ra có bản lãnh, trọng dụng hiền tài, áp dụng một loạt cải cách, thế nhưng vẫn do dự, chẳng dứt khoát loại trừ bọn đại thần cấu kết với quân Kim bán nước cầu vinh như Trương Bang Xương, Vương Thời Ung v.v… Càng về sau, ông càng trở thành nhu nhược đến nỗi bị Miêu Phó và Lưu Chánh Ngạn ép thoái vị nhường ngôi cho thái tử Phu mới ba tuổi. May mà được các vị trung thần như Trương Tuấn, Hàn Thế Trung phù tá mới được khôi phục ngôi vua. Càng ngày ông càng nhu nhược, tối tăm đến nỗi chủ động cầu hòa với quân Kim khi chiến sự bất lợi, tuy vẫn có những dũng tướng lỗi lạc như Nhạc Phi, Hàn Thế Trung, Trương Tuấn xả thân chống giữ nhà Nam Tống. Vết nhơ lớn nhất là ông nghe lời xu nịnh, trọng dụng Tần Cối đến nỗi hại chết Nhạc Phi, tuy trước đó Nhạc Phi đã giành thắng lợi vẻ vang khiến tướng Ngột Truật của quân Kim phải tháo chạy nhục nhã. Cái chết của Nhạc Phi là giọt nước đầy ly dẫn đến sự diệt vong tất yếu của nhà Nam Tống.

[87] Cáp Nhĩ Tân (Harbin) là thành phố đóng vai trò tỉnh lỵ của tỉnh Hắc Long Giang, được coi là trung tâm văn hóa, kinh tế, và giao thông của vùng Đông Bắc Trung Hoa. Mùa Đông lạnh và rất dài, mùa Hạ ngắn ngủi, nên còn có tên gọi là Băng Thành. Thành phố này đã có từ rất lâu, từng là trọng trấn của những quốc gia cổ của như Phù Dư (Buyeo), Bột Hải. Nơi này cũng từng là một phần của cố đô Thượng Kinh Hội Ninh Phủ của nhà Kim, trước khi Kim Hải Lăng Vương (Hoàn Nhan Lượng) thiên đô về Yên Kinh (Bắc Kinh hiện thời), và hạ lệnh phá hủy Cáp Nhĩ Tân. Theo nguyên nghĩa, Harbin là tiếng Mãn Châu, có nghĩa là “nơi phơi lưới đánh cá”. Cáp Nhĩ Tân trở thành thịnh vượng khi công ty đường sắt Đông Hoa ra đời với sự tài trợ của đế quốc Nga, nhất là khi tuyến đường sắt được phát triển thành tuyến đường xuyên Tây Bá Lợi Á, nối liền thành phố Đại Liên và hải cảng Lữ Thuận (nơi hải quân Nga đóng quân). Chùa Cực Lạc được xây dựng tại khu vực Nam Cương của Cáp Nhĩ Tân, xây dựng từ năm 1921 đến năm 1924 mới xong, diện tích toàn chùa lên đến 27.186 m2. Theo tự chí, chùa đã có từ đời Đường, nhưng đã bị hủy hoại qua nhiều lần chiến tranh. Năm 1921, chùa được trùng kiến bởi hội trưởng hội Phật Giáo Trung Quốc thời ấy là pháp sư Viên Anh với sự phụ tá của cư sĩ Hồ Chấn.

[88] Ở đây, không có nghĩa là thần tiên ở ngoài lục đạo. Do thần tiên của Đạo Giáo vẫn thuộc về Dục Giới, hoặc cao nhất là thuộc về Sắc Giới (do thần tiên Đạo Giáo có sắc thân, vẫn mong hưởng lạc trong tiên cảnh), nên họ chẳng thể thoát khỏi tam giới. Thông thường, nói lục đạo tức là đã gộp thần tiên vào các đường thiên đạo, A Tu La đạo và ngạ quỷ đạo (tùy theo phước báo của thần tiên nhiều hay ít).

[89] “Tinh khí” (精氣) là một khái niệm trừu tượng trong cổ Triết Học Trung Hoa. Khổng Dĩnh Đạt chú giải: “Có nghĩa là khí tinh túy, linh thông của Âm Dương, do được hun đúc, tích tụ mà thành vạn vật”. Sách Quản Tử lại giảng: “Dưới là sanh thành ngũ cốc, trên là trở thành các tinh tú”. Nói cách khác, cái được gọi là “tinh khí” chính là động lực tự nhiên cội nguồn của vạn vật trong vũ trụ. Từ điển Bách Độ giảng: “Tinh khí hiểu theo nghĩa hẹp là cơ sở vật chất cấu tạo thành thân thể con người, là cơ sở của các công năng sanh trưởng, phát dục, và hoạt động của con người. Lại còn chia thành tiên thiên chi tinh và hậu thiên chi tinh. Tiên thiên chi tinh là vật chất cơ bản của thân thể, là tinh khí được bẩm thụ từ tinh khí của cha mẹ, tạo thành vật chất nguyên thủy hình thành bào thai, có công năng sanh trưởng, quyết định thể chất của mỗi cá nhân, cũng như các hoạt động tâm sinh lý, thọ mạng, tàng trữ tại thận tạng. Hậu thiên chi tinh là tinh khí được hấp thụ từ hoàn cảnh chung quanh qua ẩm thực, hoạt động, tập luyện, bồi dưỡng…”.

[90] Sách Diễn Nghĩa giảng điều này như sau: “Nam nữ ở Bắc Câu Lô Châu phân ra bên trái và bên phải đi riêng rẽ. Người nam và kẻ nữ có duyên với nhau từ trước, cây bên đường bèn rủ bóng xuống che khuất để họ làm chuyện vợ chồng. Xong chuyện, cây lại đứng thẳng lên, bèn chia tay nhau, chẳng còn nhận biết nhau nữa. Vợ bèn có thai, sanh con, đặt bên đường, chẳng nhìn tới nữa, bỏ đi. Người qua kẻ lại, đặt đầu ngón tay vào miệng đứa bé, đầu ngón tay bèn tiết sữa, trong khoảnh khắc đứa bé bèn trưởng thành”.

[91] Tứ đại bộ châu, gọi chung là Tứ Thiên Hạ, tức nhân gian, do ở dưới tầng trời của Tứ Vương Thiên nên gọi là Tứ Thiên Hạ. Theo kinh A Hàm, trong biển nước mặn vây quanh núi Tu Di, có bốn châu lục lớn. Quả địa cầu của chúng ta thuộc về Nam Diêm Phù Đề. Bốn đại châu ấy là:

1) Đông Thắng Thần Châu (Pūrvavideha, còn phiên là Phất Vu Lệ, Phất Bà Đề), dịch nghĩa là Thắng Thân (thân thù thắng), ở phía Đông núi Tu Di. Châu lục này phía Đông hẹp, phía Tây rộng, hình như nửa vầng trăng, kích thước là chín ngàn do-tuần. Con người thọ hai trăm năm mươi tuổi.

2) Nam Diêm Phù Đề (Jambudvīpa, còn gọi là Nam Thiệm Bộ Châu, Diêm Phù), dịch nghĩa là Thắng Hoàng Kim. Danh xưng này do đặt theo cây Diêm Phù. Châu lục nằm ở phía Nam núi Tu Di, Nam hẹp Bắc rộng, hình như cái kho, kích thước là bảy ngàn do-tuần. Tuổi thọ bình quân là một trăm năm, người chết yểu rất nhiều.

3) Tây Cù Gia Ni (Aparagodaniya, còn gọi là Tây Ngưu Hóa Châu). Có sách giải thích vì cõi ấy có nhiều trâu bò, thường dùng làm hàng hóa, nên gọi như vậy. Châu lục này ở phía Tây núi Tu Di, hình dáng như trăng rằm, rộng tám ngàn do-tuần. Con người thọ năm trăm năm.

4) Bắc Câu Lô Châu (Uttarakuru, còn phiên âm là Uất Đan Việt), dịch nghĩa là Thắng Xứ, ở phía Bắc núi Tu Di. Hình dáng châu lục như cái ao, rộng một vạn do-tuần. Con người thọ đến một ngàn năm, không có ai chết yểu, cuộc sống sung sướng, không phải lo lắng ăn mặc. Sinh con đẻ cái không cần nuôi dưỡng, mẹ chỉ mang thai bảy ngày.

[92] Sách Diễn Nghĩa viết: “Hành nhân trung phẩm vãng sanh đức lẫn hạnh có thừa, trí lực chẳng đủ, đều là do ở trong cõi này siêng tu Giới, Định, chẳng phát đại tâm, chỉ riêng trong lúc lâm chung do phát tâm Đại Thừa, bèn được vãng sanh. Vì thế, thuận theo sự tu tập trước đó, chỉ chứng Tiểu Quả. Còn như hành nhân thuộc hạ phẩm, chính là phàm phu Ngũ Nghịch, Thập Ác, thừa cấp, giới hoãn, đặc biệt vì trong lúc lâm chung, được bạn lành khai phát, bèn được vãng sanh. Do giới hoãn nên sanh vào hạ phẩm. Do thừa cấp, nên sau đó đều chẳng trải qua Tiểu Quả, tiến thẳng vào Đại Thừa. Như long nữ tám tuổi thành Phật, hoặc người đồ tể tên Quảng Ngạch buông dao mổ xuống, trở thành một vị trong một ngàn vị Phật”.

[93] Địa Thượng Bồ Tát, còn gọi là Đăng Địa Bồ Tát, tức là các vị Bồ Tát đã chứng đắc tối thiểu từ Sơ Địa trở lên.

[94] Đây chính là tác phẩm Quán Kinh Phụ Chánh Giải của ngài Thảo Am Đạo Nhân. Theo sách Thích Môn Chánh Thống, ngài Thảo Am Đạo Nhân là đệ tử của ngài Minh Trí Trung Lập (1064-1114) thuộc tông Thiên Thai. Ngài Thảo Am theo học Thiên Thai Quán Tâm với ngài Minh Trí, thâm đạt giáo tướng. Do đọc sách Thập Bất Nhị Môn Chỉ Yếu Sao của ngài Tứ Minh Tri Lễ bèn thâm nhập. Sư còn tinh thông Thiền học. Do thấy Thiền giả đương thời chấp trước, phế bỏ kinh luận, bèn viết bộ Quan Chánh Luận (luận định liên quan đến những điều chánh đáng) để phê phán, cảnh tỉnh. Cũng giống như ngài Tứ Minh, tuy thông hiểu Thiền và Giáo, ngài Đạo Nhân vẫn đặc biệt ngưỡng mộ Tịnh Độ. Trong Lạc Bang Văn Loại có ghi lại một số tác phẩm của Ngài về Tịnh Độ như Tịnh Độ Dư Thuyết, Khánh Sám Lễ Phật Hội Sớ, Niệm Phật Tâm Yếu Luận… Do Ngài rất tâm đắc bộ Quán Kinh Sớ Diệu Tông Sao của ngài Tri Lễ, nên đã viết bộ Quán Kinh Phụ Chánh Giải để giải thích thêm, đồng thời phê phán những điều Ngài cho là sai lầm trong bộ Quán Kinh Tân Sớ (tức bộ Quán Kinh Nghĩa Sớ) của ngài Linh Chi Nguyên Chiếu. Tác phẩm này thường được gọi tắt là Phụ Chánh Giải. Về sau, ngài Chuyết Am Giới Độ lại viết bộ Quán Kinh Phù Tân Luận nhằm bênh vực ngài Nguyên Chiếu, công kích luận điểm của ngài Thảo Am Đạo Nhân.

[95] Ly Cấu Tràng Bồ Tát là một trong mười vị Bồ Tát thượng thủ hiện diện khi đức Thế Tôn chẳng lìa cội Bồ Đề nơi Bồ Đề Tràng, đỉnh Tu Di, và cung trời Dạ Ma, mà thăng lên cung trời Đâu Suất, triệu tập chư vị Bồ Tát trong mười phương. Mười vị Bồ Tát thượng thủ khi ấy chính là Kim Cang Tràng Bồ Tát, Kiên Cố Tràng Bồ Tát, Dũng Mãnh Tràng Bồ Tát, Quang Minh Tràng Bồ Tát, Trí Tràng Bồ Tát, Bảo Tràng Bồ Tát, Tinh Tấn Tràng Bồ Tát, Ly Cấu Tràng Bồ Tát, Tinh Tú Tràng Bồ Tát, và Pháp Tràng Bồ Tát. Sau khi đức Phật từ hai đầu gối phóng ra trăm ngàn vạn ức na-do-tha quang minh chiếu khắp mười phương pháp giới, hiện các thần biến, khiến cho các chúng sanh đều được pháp ích, mười vị Bồ Tát ấy lần lượt nói kệ tán dương đức Phật. Để dễ hiểu bài kệ này hơn, chúng tôi mạn phép trích thêm vài đoạn trước và sau bốn câu đã được trích dẫn trong lời Sao: “Như Lai đại trí quang, phổ tịnh chư thế gian, thế gian ký tịnh dĩ, khai thị chư Phật pháp, thiết hữu nhân dục kiến, chúng sanh số đẳng Phật, mị bất ứng kỳ tâm, nhi thật vô lai xứ, dĩ Phật vi cảnh giới, chuyên niệm nhi bất tức, thử nhân đắc kiến Phật, kỳ số dữ tâm đẳng, thành tựu bạch tịnh pháp, cụ túc chư công đức, ư bỉ Nhất Thiết Trí, chuyên niệm tâm bất xả, đạo sư vị chúng sanh, như ứng diễn thuyết pháp”. Hòa Thượng Trí Tịnh dịch là: “Như Lai đại trí quang, thanh tịnh khắp thế gian. Thế gian đã thanh tịnh, khai thị các Phật pháp. Như có người muốn thấy, Phật đồng số chúng sanh, đều ứng như tâm kia, mà thật không chỗ đến. Dùng Phật làm cảnh giới, chuyên niệm mà chẳng dứt, người này được thấy Phật, số đó cùng tâm đồng. Thành tựu pháp lành trong, đầy đủ các công đức. Đối với Nhất Thiết Trí, chuyên niệm tâm chẳng bỏ. Đạo Sư vì chúng sanh, tùy nghi mà thuyết pháp”. Chư Bồ Tát nói kệ xong, Kim Cang Tràng Bồ Tát nương vào oai lực của Phật diễn nói cảnh giới và phương pháp tu hành của các địa vị Bồ Tát thuộc Thập Hồi Hướng. Theo đó, câu “kỳ số dữ tâm đẳng” phải hiểu là “người niệm Phật, dùng Phật làm cảnh giới để niệm, chuyên tâm nhất niệm, sẽ thấy số lượng chư Phật tương ứng với cái tâm mong cầu của chính mình”. Hoặc nói rộng hơn, tâm niệm như thế nào, sẽ thấy Phật như thế đó. Tùy thuộc vào mức độ thanh tịnh và tâm lượng mà thấy Phật như thế đó. Đó chính là ý nghĩa “tùy niệm tùy hiện” trong lời giải thích của Thanh Lương đại sư, hay nói theo kinh Lăng Nghiêm sẽ là “ứng sở tri lượng”.