Bà già phạm tát đát đa bác đát ra
Không Như Lai Tạng diệu vô cùng
Bất không tạng tánh siêu hoá công
Không bất không tạng ly ngôn thuyết
Trung đạo liễu nghĩa tổng viên dung.
Trong chú Lăng Nghiêm, đây là câu đầu tiên Hội Thứ Tư, Hội Kim Cang Tạng Triết Nhiếp.
Bà già phạm nghiã là Như Lai. Câu Chú nầy có hai chữ “Đát”, chữ trước đọc “đãn”, chữ sau đọc “đáp”.
“Tát” là “Không”
“Bác” là “Bất không”
“Đát Ra” tức là “tạng tánh”
Câu Bà già phạm tát đát đa bác đát ra nầy bao hàm “Không Như Lai tạng, Bất không Như Lai tạng, không bất không Như Lai tạng”. Thế nào gọi là không Như Lai tạng? Tức là tất cả đều không. Bất không Như Lai tạng tức là có, không bất không Như Lai tạng, tức là trung đạo, tức cũng là không rơi về không, không chấp vào có, trung đạo liễu nghĩa.
“Không Như Lai tạng diệu vô cùng”: Diệu nghĩa trong không Như Lai tạng vô cùng vô tận, không cách gì có thể nói hết được.
“Bất không tạng tánh vượt hoá công”: Bất không Như Lai tạng tánh vượt thoát công năng của tạo hoá không thể nghĩ bàn.
“Không bất không tạng lìa lời nói”: Trung đạo liễu nghĩa lìa lời nói, chẳng có gì để nói.
“Trung đạo liễu nghĩa tổng viên dung”: Đây là nơi cứu kính trung đạo liễu nghĩa. Tóm lại, đây là tổng trì pháp lớn, là linh văn viên dung vô ngại, thường thường niệm câu Chú nầy, thì sẽ minh tâm, sẽ thấy tánh, cũng hàng phục được thiên ma, chế các ngoại đạo, xem bạn có dùng được hay không!
Trong Như Lai tạng, lục độ cũng không. Ở đây chúng ta đang nói về cái không của Như Lai tạng. Để diễn tả tính không của Như Lai tạng, phải dùng đến chữ không, nhưng đó không phải là hoàn toàn phủ định. Trong đó, vẫn có cái đang hiện hữu, đó là bổn diệu viên tâm. Nhưng tâm ấy không được gọi bằng tên ấy. Thế là ở đây đã mô tả không Như Lai tạng rồi.
Như thế cho đến có nghĩa là các mức độ của giác ngộ, từ lục độ cho đến thập trụ, thập tín, thập hạnh, thập hồi hướng và thập địa; cho đến cả quả vị Phật, đều được bao gồm trong không Như Lai tạng. Từ các giai vị của hàng Bồ-tát đến quả vị Phật phải cần rất nhiều thời gian, và cần rất nhiều công hạnh tu tập, nhưng tất cả đều là không, quả vị Phật cũng là không.
Chẳng phải Như Lai. Ngay cả danh hiệu Như Lai cũng không. Chẳng phải A-la-hán, chẳng phải Chánh biến tri. Ngay cả danh hiệu Ứng cúng, Chánh biến tri cũng không. Chánh tri là biết tâm bao trùm vạn pháp. Biết vạn pháp chỉ là tâm, tức biến tri. Chánh tri tức là thật trí hiển bày rõ phần lý. Biến tri là quyền trí làm sáng tỏ phần sự. Chẳng phải đại niết-bàn. Ngay cả ý niệm bất sanh bất diệt cũng không.
Chẳng có thường lạc ngã tịnh . “Thường” tức là không lay động, không thay đổi. “Lạc” là tràn đầy niềm vui diệu pháp. “Ngã” là đã đạt được chân ngã. “Tỉnh” là tính chất đặc trưng vốn có trong pháp niết-bàn. Những tên gọi nầy cũng chẳng có. Nó hoàn toàn là không.
Thế thì, quý vị có thể hỏi rằng, cái gì có trong Như Lai tạng? Tôi đã nói với quý vị rằng vạn pháp vẫn hiện hữu ở đó. Quý vị hỏi cái gì không hiện hữu trong đó, thì chẳng có gì hiện hữu trong đó cả. Mọi thứ thảy đều do tâm. Như Lai tạng là không, là bất không, là không và là bất không, cái vi diệu của nó là bất tận. Quý vị có thể nói vạn pháp là có, rồi quý vị có thể nói vạn pháp là không, và rồi quý vị có thể nói vạn pháp vừa không vừa là bất không. Sau khi thâm nhập Phật pháp một thời gian dài, quý vị mới hiểu được điều nầy. Đó chính là không Như Lai tạng. Do đó đều chẳng phải là các pháp thế gian và xuất thế gian. Như Lai tạng là không. Trong đó chẳng có pháp nào.
Như Lai tạng chính là bổn diệu viên tâm, chẳng phải là tâm thức của quý vị, chẳng phải là không. Tức là đất nước gió lửa. Tức là mắt tai mũi lưỡi thân ý. Tức là sắc thanh hương vị xúc pháp. Tức là nhãn thức giới, cho đến tức là ý thức giới. Thế nên không Như Lai tạng cũng chính là bất không Như Lai tạng, Như Lai tạng chẳng hề không. Như vậy, trong Như Lai tạng, vốn là không vừa là bất không, chính là nguyên minh tâm diệu. Đó chính là năm uẩn, là sáu nhập, là mười hai xứ, là mười tám giới.
Trước đây, không Như Lai tạng đã được trình bày. Bây giờ nói Như Lai tạng bất không. Nếu Như Lai tạng vốn đã là không, tại sao bây giờ lại nói là bất không? Khi nó đã là không rồi, thì nó không thể là bất không được. Nếu Như Lai tạng là không, hoặc là nếu tất cả mọi thứ đều có trong đó, thì chẳng có gì là vi diệu cả. Mà bởi vì chính từ chân không lại xuất sinh diệu hữu, và từ diệu hữu phát sinh chân không. Thế nên Như Lai tạng vốn là không lại xuất sinh diệu hữu. Do vậy, năm uẩn, sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới, tứ đế, mười hai nhân duyên… chẳng có thứ nào không cả. Chúng có thể không và bất không, vì chúng là bất định pháp.
Nếu quý vị chưa nắm rõ ý nghiã của Như Lai Tạng Tánh, bởi vì quý vị đang bị vướng mắc vào các pháp, và nếu như vậy, quý vị là kẻ chấp pháp. Nếu quý vị là người bị pháp trói buộc, cũng giống như quý vị chưa thông hiểu được pháp. Vốn quý vị là người chấp ngã, nhưng khi quý vị tu học Phật pháp thì quý vị trở thành người chấp pháp. Thế nên trong đạo Phật, quý vị không nên mang trong mình một thứ chấp trước nào cả. Nếu không chấp vào điều gì, cái bất không chính là cái không. Nếu quý vị còn chấp, thì cái không trở thành cái có.
Rời các nghĩa “tức,” rời cái , và “phi,” không có, chẳng phải. Không phải là nó có, và chẳng phải là nó không có. Đó là chân không và diệu hữu. Thế nên, đạo lý của Như Lai tạng là không mà vừa là bất không, là vượt lên trên cái không và bất không, và cũng chẳng tách rời cái không và bất không.