Tam Nhu Thuận Nhẫn

Bồ-tát muốn học Thủ-lăng-nghiêm tam-muội trước hết phải học ái nhạo tâm; học ái nhạo tâm rồi phải học thâm tâm; học thâm tâm rồi phải học đại từ; học đại từ rồi phải học đại bi; học đại bi rồi phải học phạm hạnh của tứ thánh, đó là từ, bi, hỷ, xả; học phạm hạnh của tứ thánh rồi phải học quả báo được ngũ thông tối thượng thường tự tùy thân. Học ngũ thông rồi, lúc ấy mới có thể thành tựu sáu ba-la-mật; thành tựu sáu ba-la-mật rồi mới có thể thông đạt phương tiện; thông đạt phương tiện rồi được trụ đệ Tam Nhu Thuận Nhẫn, trụ Nhu thuận nhẫn rồi thì đắc Vô sinh pháp nhẫn, đắc Vô sinh pháp nhẫn rồi thì được chư Phật thọ ký

Tam nhu thuận nhẫn là ba nhẫn gì?  Ba thứ nhẫn đó là:

  1. Âm hưởng nhẫn
  2. Nhu thuận pháp nhẫn,
  3. Vô sanh pháp nhẫn.

 

Thế nào là Âm hưởng nhẫn? – Tất cả chúng sanh hoặc chửi, hoặc đánh, hoặc giết, mọi việc ác mà tâm không động chuyển, không giận, không ghét. Chẳng những nhẫn chịu sự đau khổ đó, mà lại khởi lòng thương xót các chúng sanh này, cầu việc tốt, mong cho họ được tất cả, tâm không bỏ họ. Khi ấy dần dần được hiểu rõ thật tướng của các pháp, như hơi xông thấm. Ví như mẹ hiền thương con đỏ, cho bú xú nuôi nấng, mọi sự nhơ nhớp không nhờm gớm, càng thêm thương xót muốn cho con được vui vẻ. Hành giả cũng như vậy, tất cả chúng sanh làm mọi việc ác, làm tịnh, làm bất tịnh, tâm cũng không chán ghét, không thối, không chuyển. Lại nữa, chúng sanh khắp mười phương một mình ta phải độ hết khiến cả thảy đều được Phật đạo. Tâm nhẫn không thối, không hối, không bỏ, không lười, không chán, không sợ, không thấy khó. Trong pháp sanh nhẫn này nhất tâm buộc niệm suy nghĩ ba việc trên, không cho tâm nghĩ gì khác, có nghĩ các việc khác liền thu nhiếp trở về.

Bất cứ là âm thanh tốt, hoặc âm thanh không tốt; âm thanh chánh đáng, hoặc âm thanh không chánh đáng; âm thanh thanh tịnh, hoặc âm thanh không thanh tịnh. Phàm là thuộc về tất cả âm thanh, đều phải nhẫn thọ, thậm chí khiến cho bạn thọ không được cũng phải nhẫn. Nhẫn không được mới phải nhẫn, thọ không được mới phải thọ. Nếu thọ được, hà tất phải nhẫn ? Giống như ở chợ náo nhiệt, tất cả tiếng nói khiến cho bạn tâm phiền ý loạn, lúc đó, bạn nghe mà không nghe, không bị chi phối, thì mới có định lực. Do đó: “Giữa chợ náo nhiệt mà tu hành”, trải qua sự khảo nghiệm, mới có thể tăng tấn đạo nghiệp.

Âm hưởng nhẫn còn được gọi là Âm Thanh Nhẫn. Đó là nghe pháp của chư Phật nói, chẳng kinh, chẳng sợ, chẳng hãi. Tin sâu ngộ hiểu, ưa thích hướng đến, chuyên tâm nghĩ nhớ, tu tập an trụ. Tức là nghe được pháp của mười phương chư Phật nói, không kinh hãi, không sợ sệt. Tin sâu pháp của chư Phật nói, giác ngộ thấu hiểu pháp của chư Phật nói. Ưa thích Phật pháp, hướng về Phật pháp, chuyên tâm nhất chí để nghĩ nhớ.

 

Thế nào là Nhu thuận pháp nhẫn? Đó là đối với các pháp, tư duy quán sát, bình đẳng không trái, tuỳ thuận biết rõ, khiến cho tâm thanh tịnh, chánh trụ tu tập, hướng nhập thành tựu. Tức là nói đối với tất cả các pháp, phải tư duy, phải quán sát. Phải bình đẳng để tư duy và quán sát, không thể trái với tất cả Phật pháp, phải tuỳ thuận tất cả Phật pháp, phải biết rõ tất cả Phật pháp. Bất cứ học Phật pháp gì, đều phải khiến cho tâm thanh tịnh, không tạp nhiễm, không có ý niệm không chánh đáng. Chánh trụ nơi Phật pháp, tu tập Phật pháp. Như vậy thì sẽ hướng nhập Phật pháp, thành tựu Phật pháp.

Như thế, không sanh, không diệt, không phải không sanh, không phải không diệt, không phải có, không phải không, không thọ, không trước, bặt sự nói năng, dứt đường tâm nghĩ, như pháp Niết-bàn là pháp thật tướng. Ở trong pháp này tín tâm thanh tịnh, không ngăn, không ngại, hiểu biết mềm dẻo, lòng tin mềm dẻo, tinh tấn mềm dẻo, ấy gọi là Nhu thuận pháp nhẫn.

 

Thế nào là Vô sanh pháp nhẫn? Đó là chẳng thấy có chút pháp sanh ra, cũng chẳng thấy có chút pháp tiêu diệt đi. Không sanh không diệt, nhẫn thọ nơi tâm. Lý do tại sao?

  • Vì nếu như không có sanh thì không có diệt,
  • Nếu không có diệt thì không cùng tận.
  • Nếu không cùng tận thì lìa khỏi tất cả nhiễm ô cấu bẩn.
  • Nếu lìa khỏi tất cả trần cấu thì không có sự phân biệt.
  • Nếu không có sự phân biệt, thì không có một xứ sở nào.
  • Nếu không có một xứ sở nào thì rốt ráo tịch tĩnh.
  • Nếu rốt ráo tịch tĩnh thì lìa khỏi tài, sắc, danh, ăn, ngủ, năm dục niệm.
  • Nếu lìa khỏi tất cả dục niệm thì chẳng có tạo tác.
  • Nếu chẳng có tạo tác thì chẳng có nguyện.
  • Nếu chẳng có nguyện thì chẳng có chỗ trụ.
  • Nếu không có chỗ trụ thì không đến không đi.

 

Tam Nhu Thuận Nhẫn cũng là một trong 48 đại nguyện của đức Phật A Di Đà