Thị Hành Thất Bộ

Khi đức Phật sanh ra đời, đức Phật thị hành thất bộ (đi bảy bước). Khi bước đến bước thứ bảy, ngài chỉ tay lên trời và nói:

“Thiên thượng thiên hạ
Duy ngã độc tôn”.

Bài viết hôm nay chúng ta sẽ luận về ý nghiã của câu nói trên và ý nghiã của bảy bước đi.

1. “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn.

Tất cả chúng sinh luân hồi trong 6 cõi. Còn các vị đắc đạo thì thoát ra sáu nẽo luân hồi và an vị trong 4 cõi còn lại  6 cõi + 4 cõi = 10 cõi.  Mười cõi đó là cõi:

  Phật, Bồ Tát, Độc Giác, Thanh Văn, Trời, A Tu La, Người, Súc Sanh, Ngạ quỹ và Địa ngục.

Thiên thượng” – Đức Phật giơ tay phải lên trời có nghĩa là tức cả chúng sanh cư ngụ ở trên cõi người. Sáu cõi nằm phía trên cõi người là cõi Phật, Bồ Tát, Độc Giác, Thanh Văn, Trời, A Tu La. 

Thiên hạ” – Cánh tay trái của đức Phật chỉ xuống dưới đất có nghĩa là tức cả chúng sanh cư ngụ ở phần dưới cõi thiên. Bốn cõi nằm phía dưới cõi thiên là cõi Người, Súc Sanh, Ngạ quỹ và Địa ngục. 

Duy ngã” – dịch là chỉ có cái ngã . Chữ “ngã” có rất nhiều ý nghĩa, tùy theo người sử dụng.

– Đối với những người trong sáu nẽo luân hồi, chữ “ngã” nầy dịch là “tôi”. Chúng sanh đầy tham sân si, cho nên mọi thứ đều muốn dành riêng cho mình, cho nên lấy cái tôi làm trọng. Suốt ngày âu yếm và trang hoàng cái thân hôi hám. Duy ngã đối với họ là chỉ một mình tôi thôi, không còn ai nữa.

– Đối với các bậc Thanh Văn, Độc Giác. Họ đã tu hành, đắc đạo, có thể biến hóa một cái thân khác khi già. Họ không còn bám liếu cái thân ô nhiễm này nữa. Đối với các bậc trong hai cõi này, chữ ngã đã trở thành vô ngã. Duy ngã dịch là Vô ngã

– Còn các bậc tu hành theo đại thừa, những bậc trong cõi Bồ Tát. Họ không chấp vào cái tôi, và cũng không chấp và không phải của tôi. Họ sống với cái tâm chân thật. Đối với những bậc tu hành nầy, chữ “duy ngã” có nghĩa là chỉ có cái chân tâm thường trụ không sanh không diệt

Độc tôn” – dịch là tôn quý nhất

Nếu quý vị sống với cái ngã, cái tôi, lòng tham không đái. Câu “duy ngã độc tôn” sẽ trở thành chỉ một mình tôi thôi, chẳng lẻ trên thế gian có ai lại tôn quý hơn tôi. Không có ai hết, cho nên tôi muốn có mọi thứ: tiền tài, nhan sắc, phú quý.  Nếu quý vị tu hành theo tiểu thừa, cái ngã đã trở thành vô ngã. Cho nên câu “duy ngã độc tôn” sẽ trở thành vô ngã. Mà vô ngã thì đâu có đi với chữ độc tôn. Cho nên các vị sẽ cho rằng trên thế gian nầy không có cái gì tôn quý hết. Những vị đó sẽ không hiểu được trong cái không lại có cái bất không. Trong cái vô ngã lại có cái chân ngã.

Thiên thượng thiên hạ, Duy ngã độc tôn” có nghĩa là tất cả chúng sanh trong mười cõi đều có cái tâm thường trụ không sanh không diệt, cái tâm Phật. Và cái tâm Phật đó là cái tôn quý nhất. Mười phương chư Phật, Phật Phật đồng nhau, bình đẳng. Chẳng phải nói ta là độc nhất vô nhị, cũng chẳng chuyên chế độc đoán. Ai ai cũng có thể thành Phật. Chẳng riêng gì một mình Ðức Phật Thích Ca là Phật, còn những chúng sinh khác thì chẳng cho thành Phật.  Hiện tại, chẳng phải chỉ có Phật mới có tri kiến của Phật. Mà tất cả chúng sinh đều có tri kiến của Phật. Chỉ tạm thời chúng sinh chẳng minh bạch đạo lý nầy, chẳng đắc được sức lực nầy. Cho nên, Phật vì chỉ thị cho tất cả chúng sinh tri kiến của Phật, mà giáng sanh tại thế giới Ta Bà nầy.

Đức Phật nói ra vì muốn khiến cho chúng sinh ngộ tri kiến của Phật. Nói về lý thì tức nhiên minh bạch, nhưng chính mình cũng phải giác ngộ. Mình chẳng giác ngộ, chỉ cầu nghe thì trong tâm chẳng lãnh thọ chân chánh. Phật muốn khiến cho tất cả chúng sinh giác ngộ tri kiến Phật mà mình vốn có, cho nên hiện ra nơi đời. Đức Phật muốn chúng sinh hiểu được ai ai  cũng chân chánh giác ngộ, nhưng chưa chứng đắc cho nên hiện tại Phật khiến cho tất cả chúng sinh vào tri kiến của Phật. Vào tức là chứng quả, chứng được cảnh giới của Phật, do đó đại sự nhân duyên của Phật, tức là muốn khiến cho chúng sinh: khai, thị, ngộ, nhập, tri kiến của Phật, liễu sinh thoát tử, một khi liễu sinh tử, thì đại sự sẽ hoàn tất. Ðại sự hoàn tất, thì chẳng còn việc làm. Cho nên Phật nói đạo lý nầy xong rồi thì muốn vào Niết Bàn.

Như Lai chỉ dùng một Phật thừa. Mười phương chư Phật Như Lai cũng chỉ dùng một Phật thừa duy nhất, để giáo hóa chúng sinh. Vì chúng sinh mà nói pháp, chẳng có đại thừa hoặc tiểu thừa. Hai hoặc ba tức là đại thừa, tiểu thừa, Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa và Bồ Tát thừa. Chẳng có các thừa ấy, cũng chẳng có thừa nào khác. Chẳng có đại thừa, chẳng có tiểu thừa, cũng chẳng có Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát thừa vậy. Những thừa đó chỉ là phương tiện dẫn dắt chúng sanh đi tới con đường giác ngộ. Vậy đó là thừa nào? Tức là duy nhất một, Phật thừa.

 

2. “Thị hành thất bộ – có nghiã là thị hiện đi bảy bước. Tất cả các vị Bồ Tát Ma Ha Tát ở trời Ðâu Suất khi giáng trần để tu hành thành Phật quả, đều thị hiện bảy bước lúc sơ sinh. Trong tương lai, đức Di Lặc Bồ Tát cũng thị hiện như vậy. Tại sao các ngài thị hiện như vậy. Trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Ly Thế Gian, Bồ Tát Phổ Hiền trả lời Bồ Tát Phổ Huệ về các pháp quả dụng viên mãn, bậc diệu giác. Trong những câu hỏi, có một câu mà Bồ Tát Phổ Huệ hỏi Bồ Tát Phổ Hiền:

 Kinh Văn:  “Hà cố thị hành thất bộ?”

  Nghiã là: Cớ gì hiện đi bảy bước ?

 

Bồ Tát Phổ Hiền trả lời như sau:

 

Kinh Văn: “Phật tử! Bồ-Tát Ma-ha-tát dĩ thập sự cố, thị hành thất bộ. Hà đẳng vi thập? sở vị:

Giảng: Các vị đệ tử của Phật ! Đại Bồ Tát do mười việc, mà thị hiện đi bảy bước. Một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, nói rằng : Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn. Đó là thị hiện cảnh giới lúc Bồ Tát sơ sinh. Những gì là mười ? Đó là :

 

Kinh Văn: Hiện Bồ Tát lực cố, thị hành thất bộ

Giảng: 1. Vì hiện sức lực của Bồ Tát, mà thị hiện đi bảy bước.

 

Kinh Văn: Hiện thí thất tài cố, thị hành thất bộ

Giảng: 2. Vì hiện bố thí bảy Thánh tài, mà thị hiện đi bảy bước. Bảy Thánh tài là :

  1. Tín tài
  2. Tấn tài
  3. Giới tài
  4. Tàm tài
  5. Văn tài
  6. Xả tài
  7. Định tài.

 

Kinh Văn: Mãn địa thần nguyện cố, thị hành thất bộ

Giảng: 3. Vì viên mãn nguyện của địa thần, mà thị hiện đi bảy bước.

 

Kinh Văn: Hiện siêu tam giới tướng cố, thị hành thất bộ

Giảng: 4. Vì hiện vượt khỏi ba cõi mà thị hiện đi bảy bước. Ba cõi đó là cõi dục, cõi sắc & cõi vô sắc

 

Kinh Văn: Hiện Bồ Tát tối thắng hành siêu quá Tượng Vương, ngưu vương, Sư tử Vương hành cố, thị hành thất bộ

Giảng: 5. Vì hiện hạnh tối thù thắng của Bồ Tát, vượt qua hạnh voi chúa, trâu chúa, sư tử chúa, mà thị hiện đi bảy bước.

 

Kinh Văn: Hiện Kim cương địa tướng cố, thị hành thất bộ

Giảng: 6. Vì hiện tướng bậc kim cang, mà thị hiện đi bảy bước.

 

Kinh Văn: Hiện dục dữ chúng sanh dũng mãnh lực cố, thị hành thất bộ

Giảng: 7. Vì hiện muốn ban cho chúng sinh sức dũng mãnh, mà thị hiện đi bảy bước.

 

Kinh Văn: Hiện tu hành thất giác bảo cố, thị hành thất bộ

Giảng: 8. Vì hiện tu hành đạo bảy giác bảo, mà thị hiện đi bảy bước. Bảy giác bảo đó là Trạch pháp giác, Niệm giác, Tinh tấn giác, Hỷ giác, Khinh an giác, Ðịnh giác và Xả giác.

 

Kinh Văn: Hiện sở đắc Pháp bất do tha giáo cố, thị hành thất bộ

Giảng: 9. Vì hiện đắc pháp không do người khác dạy, mà thị hiện đi bảy bước.

 

Kinh Văn: Hiện ư thế gian tối thắng vô bỉ cố, thị hành thất bộ.

Giảng: 10. Vì hiện nơi thế gian tối thắng không ai sánh bằng, mà thị hiện đi bảy bước.

 

Kinh Văn: Thị vi thập. Phật tử! Bồ Tát vi điều phục chúng sanh cố, như thị thị hiện.

Giảng: Đó là mười pháp đi bảy bước của Bồ Tát. Các vị Phật tử ! Bồ Tát vì điều phục tất cả chúng sinh, nên mới thị hiện cảnh giới đi bảy bước như vậy.