Phát Tâm Vô Thượng Bồ Đề

Trong kinh Lăng Nghiêm, tâm này được gọi là tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác hay A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ-Đề tâm. Nói tóm tắc là Tâm Bồ Đề. Tại sao quý vị phải phát tâm Bồ Đề? Bởi vì nếu không pháp tâm Bồ Đề thì chúng ta sẽ bị nhiều thứ trên trần gian cám dỗ, và quý vị sẽ bị những tiền tài sắc đẹp trói buộc quý vị. Tất cả phàm phu vì ức tưởng phân biệt điên đảo chấp tướng nên có trói buộc. Vì động niệm hí luận nên có trói buộc. Vì thấy, nghe, hay, biết nên có trói buộc.

Khi đức Phật thuyết kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, các ma, ma dân và những người khác mang tâm ác, do vì sức oai thần của Thủ-lăng-nghiêm tam-muội nên đều bị trói buộc năm chỗ (2 tay, 2 chân và đầu). Lúc đó có một vị Bồ Tát tên Ma Giới Hạnh Bất Ô vì muốn độ các ma quỹ nên hiện thân tại cung ma và khuyên các ma hãy nên phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì sẽ được giải thoát sự trói buộc này.

Làm sao phát được Bồ Đề tâm? Tâm như thế nào mới gọi là Bồ Đề tâm?

Nói “phát Bồ Đề tâm” là nói tổng quát. Nếu nói tỉ mĩ ra thì gồm có mười thứ tâm. Mười thứ tâm nói ra ở đây đều là sự tướng cụ thể của Bồ Đề tâm.

 

Nhất giả: Ư chư chúng sanh, khởi ư đại từ, vô tổn hại tâm.

(Một là đối với các chúng sanh, khởi tâm đại từ, không có tâm tổn hại)

Tâm từ bi được nêu lên đầu tiên. Phật pháp lấy từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa. Hết thảy chư Phật, Bồ Tát tâm đều đại từ, đại bi, chẳng có tâm từ bi sẽ chẳng tương ứng. Vì thế, nhất định phải bồi dưỡng tâm từ bi của chính mình. Trong từ bi, tối trọng yếu là đối với hết thảy chúng sanh, nhất định chẳng có tâm tổn hại, chẳng được có ý niệm ấy. Nếu muốn làm tổn thương một chúng sanh thì lợi ích chân thật đối với chúng sanh ấy bị tổn hủy, chẳng còn có tâm từ bi nữa.

 

Nhị giả: Ư chư chúng sanh, khởi ư đại bi, vô bức não tâm.

(Hai là đối với các chúng sanh, khởi lòng đại bi, không có tâm bức bách, làm khổ họ)

Chẳng nên áp bức chúng sanh, chẳng thể vì phân biệt ta người mà khởi lên phiền não. Nếu không, tâm bi của quý vị chẳng còn nữa. “Từ” là ban vui, “bi” là dẹp khổ. Phải giống như chư Phật Như Lai, thương xót hết thảy chúng sanh, thời thời khắc khắc, ở bất cứ nơi đâu, luôn mang lòng giúp đỡ chúng sanh phá mê, khai ngộ, lìa khổ, được vui! Những khổ gì? Khổ tam giới, khổ luân hồi. Thật sự giúp đỡ họ đoạn phiền não, mở mang trí huệ, niệm Phật vãng sanh, đó là cách thật sự thoát lìa luân hồi trong một đời này!

 

Tam giả: Ư Phật chánh pháp, bất tích thân mạng, nhạo thủ hộ tâm.

(Ba là đối với chánh pháp của Phật, chẳng tiếc thân mạng, tâm thích gìn giữ)

Đối với chánh pháp của đức Phật, hiện tại nếu quý vị tu học pháp môn Tịnh Độ, thì chánh pháp là năm kinh một luận, nhất định phải y giáo tu hành. Dẫu gặp bất cứ tai nạn nào, thậm chí tổn thất sanh mạng cũng chẳng hề tiếc, ta vẫn quyết định chẳng quay đầu, chẳng canh cải, vẫn giữ lòng tin kiên định như thế, cứ giữ chặt pháp môn này. Đối với người khác, cũng đem pháp môn này khuyên lơn, khích lệ, tự hành, dạy người sống trong chánh pháp.

 

Tứ giả: Ư nhất thiết pháp, phát sanh thắng nhẫn, vô chấp trước tâm.

(Bốn là đối với hết thảy pháp, phát sanh tâm nhẫn thù thắng, không lòng chấp trước)

Tâm thứ ba trong phần trên là đối với sự chọn lựa tu tập của quý vị, giống như quý vị tu theo pháp môn Tịnh Độ thì tin tưởng vào pháp môn ấy, quyết định chẳng thay đổi. Nhưng đối với những bạn đồng học chẳng cùng một khoa hệ, tức là những người chẳng theo cùng một pháp môn, chẳng cùng tông phái, quý vị phải tôn kính, chẳng được phỉ báng đó nghe! Bởi thế, phải “phát sanh thắng nhẫn”. Thắng là thù thắng, Nhẫn là thừa nhận, chấp nhận, đồng ý. Pháp môn của họ cũng là pháp môn vô thượng, chẳng được ôm lòng chấp trước. Chấp pháp môn của mình là số một, pháp môn của người ta là số hai; mình thù thắng, người ta chẳng bằng mình, như vậy là quý vị “khen mình, chê người”.

 

Ngũ giả: Bất tham lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tịnh ý lạc tâm.

(Năm là chẳng tham lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tâm giữ ý lạc thanh tịnh)

Chẳng tham lợi dưỡng là là một khuôn phép lớn lao đức Phật dạy răn chúng ta. Vừa nhiễm lợi dưỡng, tiền đồ bị hủy hoại ngay. Lợi dưỡng có vô lượng vô biên lỗi hại, chẳng được nhiễm. Bởi thế, người tu hành đời sống càng thanh bần càng tốt. Sống thanh bần sẽ chẳng lưu luyến thế giới này, tâm xuất ly thường sanh khởi.  Điều ấy rất tốt, đạo tâm tăng trưởng. Nếu tham chấp lợi dưỡng, A Di Đà Phật đến đón quý vị, quý vị vẫn chẳng bỏ được đâu! Ở đây, kinh dạy quý vị phải buông bỏ lợi dưỡng, phiền lắm! Cũng đừng tham chấp sự cung kính, tôn trọng tham chấp, quyết định chẳng được mong cầu, dù người khác rất cung kính, rất tôn trọng. Nếu quý vị có thể lìa bỏ lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, thủy chung gìn giữ pháp hỷ thanh tịnh, cái “ý lạc” hay sự vui thích nơi , ấy gọi là “pháp hỷ sung mãn”.

 

Lục giả: Cầu Phật chủng trí, ư nhất thiết thời, vô vong thất tâm.

(Sáu là cầu Phật chủng trí, trong hết thảy thời, tâm chẳng quên mất)

Đây đúng thực là mục tiêu, phương hướng học Phật của chúng ta, mỗi thời, mỗi khắc đều chẳng sai lệch. Mục tiêu gì? “Cầu Phật chủng trí”. “Chủng trí” là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề (Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác). Chúng ta học Phật vì lẽ gì? Chính là vì điều này, chứ chẳng vì cái gì khác. Chúng ta đạt đến Chánh Giác, tức là ngang với A La Hán; đạt đến Chánh Đẳng Chánh Giác chính là Bồ Tát, đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là viên mãn thành Phật. Đấy là mục tiêu, phương hướng học Phật chánh xác, chẳng được sai lệch mảy may. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng vì lẽ này. Bởi lẽ, trong thế giới này chướng ngại quá nhiều, hoàn cảnh tu học chẳng tốt, chẳng dễ gì thành tựu, nên đến Tây Phương Cực Lạc thế giới để thay đổi hoàn cảnh, vẫn chỉ vì việc này.

 

Thất giả: Ư chư chúng sanh, tôn trọng tu kính, vô hạ liệt tâm.

(Bảy là đối với các chúng sanh tôn trọng, cung kính, không có tâm hèn kém)

Chúng ta dùng tâm tư, thái độ nào để đối xử với người khác, để đối đãi hết thảy chúng sanh? Chẳng phân biệt, phải dùng tâm thanh tịnh, bình đẳng để tu.

“Tôn trọng”: Dối với hết thảy chúng sanh đều tôn trọng, cung kính, đều chẳng được có “tâm hèn kém”. “Hèn kém” là khinh mạn, coi rẻ.

“Tu kính” thì kính là gì? Kính là tánh đức, quý vị thấy trong mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát, nguyện thứ nhất là “lễ kính chư Phật”, đó là tu lễ kính chư Phật, tức là lễ kính chúng sanh hiểu theo nghĩa rộng. Hết thảy pháp đều do các duyên hòa hợp mà sanh. Thân thể của động vật và thân thể của chúng ta đều do các duyên hòa hợp mà sanh, thực vật cũng do các duyên hòa hợp mà sanh. Bàn, ghế tựa, ghế dài vẫn là các duyên hòa hợp mà sanh. Cho thấy: Đối với người, đối với vật, đối với sự đều phải tôn trọng, cung kính, đấy là học Phật!

Tâm ấy là tâm Bồ Đề, tâm giác ngộ. Tâm giác ngộ nhất định phải làm như thế, chẳng làm được như thế thì chính là mê hoặc, điên đảo, chưa giác ngộ. Người giác ngộ nhất định phải tôn trọng, cung kính người khác.

 

Bát giả: Bất trước thế luận, ư Bồ Đề phần, sanh quyết định tâm.

(Tám là chẳng dính mắc thế luận, sanh tâm quyết định nơi Bồ Đề phần)

“Thế luận” là học thuật, ngôn luận thế gian. Ở đây, kinh dạy “chẳng dính mắc”, chẳng có nghĩa là chẳng được tiếp xúc, chẳng được xem đọc những thứ ấy; mà chỉ có nghĩa là “chớ có tham chấp”. Nếu tham chấp sẽ sanh lòng yêu thích những thứ ấy, rất phiền! Chẳng nên yêu thích, chỉ nên tùy duyên. Nếu tâm yêu thích, tham chấp thì gọi là “phan duyên”, phan duyên là hỏng rồi. Tùy duyên là tốt vì là tùy hỷ công đức vậy.

“Với Bồ Đề phần”, Bồ Đề là giác, chẳng mê! “Trước” là mê, tham trước là mê. Chẳng được mê đó nghe! Giác chẳng mê, đó là “sanh tâm quyết định”.

 

Cửu giả: Chủng chư thiện căn, vô hữu tạp nhiễm, thanh tịnh chi tâm.

(Chín là trồng các căn lành, tâm thanh tịnh chẳng có tạp nhiễm)

“Thiện căn” theo pháp thế gian gồm có ba điều: vô tham, vô sân, vô si, đó gọi là ba thiện căn. Hết thảy thiện pháp thế gian xuất sanh từ đấy, bởi thế gọi là “ba thiện căn”. Đại pháp xuất thế gian, ta thường gọi là thiện căn của Bồ Tát. Thiện căn của Bồ Tát chỉ gồm một điều: Tinh Tấn. Các vị nhất định phải nhớ kỹ chữ “tinh tấn”: Tinh là thuần nhất không tạp. Chúng ta học Phật, tu Tịnh Độ, đối với năm kinh một luận, đọc tụng, thọ trì, vì người khác diễn nói là tinh tấn.

“Vô hữu tạp nhiễm” là chẳng có xen tạp những thứ thuộc tông phái khác vào để siêng tu,đó gọi là loạn tấn, tạp tấn, chứ chẳng phải là tinh tấn. Bởi lẽ, tinh tấn là thiện căn của Bồ Tát, nên nhất định có thành tựu. Điều này cho thấy thâm nhập một môn rất trọng yếu, thâm nhập một môn gọi là tinh tấn

 

Thập giả: Ư chư Như Lai xả ly chư tướng, khởi tùy niệm tâm.

(Mười là đối với các Như Lai bỏ lìa các tướng, khởi tâm tùy niệm)

Câu cuối cùng này là đạt đến cứu cánh viên mãn. Chẳng những phải xa lìa các tướng, mà ngay cả Phật tướng cũng phải lìa thì tâm mới rỗng sạch. Lúc quý vị làm được như thế, quý vị mới có thể niệm đến Lý Nhất Tâm Bất Loạn; chẳng làm được điều này, chỉ có chín điều trước, thì quý vị có thể niệm đến Sự Nhất Tâm Bất Loạn. Điều này chính là như kinh Kim Cang nói:

“Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”
(Phàm cái gì có tướng đều là hư vọng).

Tướng của Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng là hư vọng, cũng chớ nên chấp trước.

“Pháp còn nên xả, huống hồ là phi pháp”.

Chữ “xả” có nghĩa là bỏ ý niệm chấp trước, bỏ cái tâm chấp trước. Đừng nói chúng ta phải ly pháp, ngay cả Đẳng Giác Bồ Tát vẫn còn y pháp cơ mà! Lià tướng là nói tâm lià tướng, không có chấp vào tướng

=======

Nay quý vị đã hiểu rõ ý nghiã của “Tâm Bồ Đề”, hãy pháp tâm bồ đề, vì tâm Bồ Đề là việc đầu tiên cho việc tu hành Bồ Tát đạo. Trong kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Vào Pháp Giới, khi Thiện tài đồng tử đi đến gặp 53 vị Bồ Tát, câu đầu tiên ngài bạch rằng: “Bạch đức Thánh ! Con đã phát tâm Vô thượng Bồ Đề, mà chưa biết Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, thế nào tu Bồ Tát đạo ?”

Đó cho chúng ta thấy, muốn tu hành Bồ Tát đạo, thì việc đầu tiên là phát tâm Vô thượng Bồ Đề. Cho nên chúng tôi vì trăm vạn A tăng kỳ hạnh phương tiện như vậy, mà phát tâm đại bồ đề. Bồ Tát hạnh vào khắp tất cả pháp, vì đều chứng đắc thật tướng các pháp. Bồ Tát hạnh vào khắp tất cả cõi, vì nghiêm tịnh cõi nước chư Phật thanh tịnh. Nghiêm tịnh hết tất cả thế giới, thì nguyện của chúng tôi mới hết, cho đến diệt trừ hết phiền não tập khí của tất cả chúng sinh, thì nguyện của chúng tôi mới viên mãn. Đó là pháp môn chẳng thối tâm bồ đề, cũng là bất thối trụ, trong thập trụ